SBT Ngữ Văn 11 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 21, 22 - Kết nối tri thức

Với giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 21, 22 sách Kết nối tri thức hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 246 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Đọc hiểu và thực hành Tiếng Việt trang 21, 22 - Kết nối tri thức

Bài tập 1 trang 21, 22 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Bài ca ngất ngưởng trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr.95 – 96 và trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tra từ điển, giải thích nghĩa của từ“vũ trụ”. Theo bạn, trong số các phương án sau đây, phương án nào phù hợp nhất với nghĩa của từ”vũ trụ” được tác giả sử dụng trong câu thơ đầu tiên?

A. Bầu trời rộng lớn, khoảng không bao la

B. Không gian và thời gian vô tận

C. Cõi trời, tiên giới, chốn bồng lai tiên cảnh

D. Thiên hạ, thế gian, cuộc đời

Trả lời:

- Nghĩa cơ bản của từ “vũ trụ”:

+ Không gian (bốn phương trên dưới) và thời gian (quá khứ, hiện tại và tương lai), chỉ thế giới.

+ Tổng thể thế giới vật chất (xét theo khoa học tự nhiên).

+ Chỉ chung khoảng trời đất, thiên hạ, thế gian (nghĩa văn chương).

=> Phương án phù hợp nhất là D.

Câu 2 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Từ “lược thao” trong cụm từ “sách lược thao” ở bài Bình Ngô đại cáo (đọc lại cước chú số 2 – Ngữ văn 10, tập hai, tr. 14) và từ “thao lược” trong cụm từ “gồm thao lược” ở câu thơ thứ tư của bài thơ Bài ca ngất ngưởng có ý nghĩa, cách dùng giống và khác nhau như thế nào?

Trả lời:

– “Lược thao” và ”thao lược” đều là từ ghép đẳng lập. Tuy trật tự các yếu tố khác nhau nhưng cùng xuất phát từ nghĩa gốc (rút gọn của “Tam lược” và “Lục thao”, tên những cuốn sách binh pháp thời xưa), có nghĩa chung là nói chuyện quân sự, dùng binh.

– Trong Bình Ngô đại cáo, từ “lược thao” nằm trong cụm từ “sách lược thao, được dùng theo nghĩa danh từ, chỉ binh thư. Trong bài thơ của Nguyễn Công Trứ, từ này nằm trong cụm từ “gồm thao lược”, thiên về nghĩa tính từ, chỉ tài năng quân sự.

Câu 3 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập bảng để thống kê các sự kiện chính trong cuộc đời; chức vụ, công việc, hành động của tác giả và nêu nhận xét.

Sự kiện chính trong cuộc đời

Chức vụ, công việc, hành động

Nhận xét

Trả lời:

Sự kiện chính trong cuộc đời

Chức vụ, công việc, hành động

Nhận xét

Khi làm quan

- Đỗ thủ khoa kì thi Hương

- Tham tán quân vụ

- Tổng đốc Hải An

- Tả Đô Ngự sử Viện Đô Sát, Tham tri bộ Binh, Tán lí cơ vụ

- Phủ doãn phủ Thừa Thiên

Làm quan trải nhiều lĩnh vực, ở mỗi lĩnh vực đều đạt tới đỉnh cao,...

Khi cáo quan

“Đạc ngựa bò vàng đeo ngất ngưởng”

- “Ngông”, ngạo thể; không tham luyến danh vị, coi thường phú quý,...

Lúc nghỉ hưu

- Về quê, du ngoạn thiên nhiên

- Đi chơi chùa nhưng vẫn mang theo các cô hầu

Phóng túng, tự do tự tại phong tình, khác người...

Câu 4 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả có nói đến việc “vào lồng” ở câu thơ thứ hai, vậy ý thơ nào cho biết việc tác giả “ra khỏi lồng”? Qua việc đọc bài thơ và từ những hiểu biết về Nguyễn Công Trứ, hãy bình luận về tâm thế, cách ứng xử của tác giả ở từng thời điểm và trước các sự kiện mang tính dấu mốc trong cuộc đời mình.

Trả lời:

– “Vào lồng” tức tham gia vào bộ máy chính trị, làm quan. Ý thơ cho biết việc tác giả “ra khỏi lồng”: “Đô môn giải tổ chi niên” (Tại kinh đô, tác giả cởi dây đeo ấn, tức từ quan để về quê).

- Cả sự kiện “vào lồng” và “giải tổ” đều thể hiện sự chủ động, mạnh mẽ của tác giả. Khi “nhập thế”, làm quan, thi thố tài năng thì dấn thân, hết sức thực thi bổn phận, trách nhiệm; luôn tận tuỵ cống hiến. Khi rời chốn quan trường thì dứt khoát, không luyến tiếc vinh hoa phú quý; sống hết mình, tự do tự tại,...

Câu 5 trang 21 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phong cách “ngông” “ngất ngưởng” thể hiện thái độ sống, ý thức sống của tác giả như thế nào ở hai chặng: khi làm quan và lúc về hưu? Khái quát về sự thống nhất của phong cách ấy.

Trả lời:

- Phong cách “ngông”; “ngất ngưởng” của tác giả không phải là sự coi thường cuộc đời, bất chấp các chuẩn mực; càng không phải là sự ngông cuồng, ngạo mạn. Phong cách ấy thể hiện thái độ sống tích cực, chủ động, luôn có ý thức và khát vọng khẳng định cá tính của mình một cách mạnh mẽ.

- Sự thống nhất của phong cách sống “ngông”, “ngất ngưởng” ở cả hai chặng: Con người đầy cá tính, dám sống hết mình. Khi làm quan thì nỗ lực đạt đến đỉnh cao sự nghiệp, bằng chính tài năng của mình; khẳng định mình bằng nội lực chứ không chịu luồn cúi, xu nịnh. Lúc về hưu thì thoả sức phong lưu, bản lĩnh vượt qua mọi rào cản, bỏ ngoài tai chuyện được mất, khen chê theo thói thường.

Câu 6 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau của Nguyễn Công Trứ và cho biết những điểm tương đồng về tư tưởng, phong cách sống của tác giả so với Bài ca ngất ngưởng:

ĐI THI TỰ VỊNH

Đi không há lẽ trở về không,

Cái nợ cầm thư phải trả xong.

Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt,

Dở đem thân thế hẹn tang bồng.

Đã mang tiếng ở trong trời đất,

Phải có danh gì với núi sông.

Trong cuộc trần ai ai dễ biết,

Rồi ra mới biết mặt anh hùng.

(Thơ văn Nguyễn Công Trứ, NXB Văn học, Hà Nội, 1983, tr. 84)

Trả lời:

Những điểm tương đồng giữa văn bản Đi thi tự vịnh với Bài ca ngất ngưởng:

- Tư tưởng lập thân, lập nghiệp: quyết trả xong “nợ cầm thư”, tự hào về bản thân khi đỗ thủ khoa kì thi Hương.

- Tâm hồn phóng khoáng, ý thức về giá trị cá nhân: luôn mong muốn cuộc sống điền viên thanh thản (“Không Phật, không tiên, không vướng tục”; “Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt”;...); làm quan nhưng khảng khái tự tại, không chịu lu quan trường.

- Phong cách sống mạnh mẽ, thực thi bổn phận với non sông: xứng danh kẻ anh hùng, sống có trách nhiệm, sẵn sàng vì đời thế mà hành động (“Gồm thao lược đã nên tay ngất ngưởng”; “Phải có danh gì với núi sông”..).

Bài tập 2 trang 22, 23 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại nội dung giới thiệu về tác giả, tác phẩm trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 104 – 105); chín câu đầu văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 99 – 100) và trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 trang 22 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Cho biết nội dung các câu văn dưới đây là đúng hay sai (kẻ bảng vào vở để đánh dấu):

STT

NỘI DUNG

ĐÁNH GIÁ

1

“Văn tế” là một thể văn hành chính, được viết theo lối văn biền ngẫu.

Đúng

Sai

2

“Một trận nghĩa đánh Tây” của người nghĩa binh nông dân có khi khiến họ nổi danh hơn “mười năm công vỡ ruộng”.

3

Nguyễn Đình Chiểu đọc bài văn tế tại lễ truy điệu các nghĩa sĩ Cần Giuộc.

4

Nghĩa sĩ Cần Giuộc tham gia trận đánh công đồn theo lời kêu gọi của Tuần phủ Gia Định.

5

Những từ ngữ, câu chữ mang tính chất khuôn mẫu, công thức trong bài văn tế (như “Hỡi ôi!”; “Nhớ linh xưa”; “Khá thương thay!”;...) không có giá trị biểu đạt nội dung của tác phẩm.

Trả lời:

STT

NỘI DUNG

ĐÁNH GIÁ

Đúng

Sai

1

“Văn tế” là một thể văn hành chính, được viết theo lối văn biền ngẫu.

x

2

“Một trận nghĩa đánh Tây” của người nghĩa binh nông dân có khi khiến họ nổi danh hơn “mười năm công vỡ ruộng”

x

3

Nguyễn Đình Chiểu đọc bài văn tế tại lễ truy điệu các nghĩa sĩ Cần Giuộc.

x

4

Nghĩa sĩ Cần Giuộc tham gia trận đánh công đồn theo lời kêu gọi của Tuần phủ Gia Định.

x

5

Những từ ngữ, câu chữ mang tính chất khuôn mẫu, công thức trong bài văn tế (như“Hỡi ôi!”, “Nhớ linh xưa”; “Khá thương thay!”;...) không có giá trị biểu đạt nội dung của tác phẩm.

x

Câu 2 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Những từ ngữ, hình ảnh nào cho thấy hoàn cảnh xuất thân nghèo khó và cuộc sống cơ cực của người nghĩa sĩ?

Trả lời:

– Từ ngữ, hình ảnh thể hiện hoàn cảnh xuất thân nghèo khó, cuộc sống cơ cực của người nghĩa sĩ: người nông dân cả đời “cui cút làm ăn” trong “làng bộ”; chỉ biết đến “ruộng trâu” để “toan lo” cho cuộc sống; công việc quanh năm chỉ là “cuốc” “cày” “bừa” “cấy”.

=> Thủ pháp nghệ thuật liệt kê được tác giả sử dụng hiệu quả, có tác dụng nhấn mạnh, đặc tả sự lam lũ, nghèo khó của người nghĩa sĩ nông dân. Những từ ngữ, hình ảnh rất cụ thể, được dùng theo nghĩa đen, không hề trau chuốt; vì thế, tính chân thực của hình ảnh người nghĩa sĩ nông dân càng được bộc lộ rõ nét.

Câu 3 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Thống kê các câu văn có hai vế thể hiện quan hệ đối lập về nghĩa. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ đối được tác giả sử dụng ở các câu văn đó.

Trả lời:

- Các câu văn có hai vế thể hiện quan hệ đối lập về nghĩa:

+ Câu 2: có vế đối về việc người nông dân 10 năm vất vả, sống ở đời chẳng mấy ai biết đến; vế sau nói đến việc họ anh dũng chiến đấu, dẫu có hi sinh cũng được tiếng vang danh muôn đời. → Nhấn mạnh sự hi sinh cao cả, ẩn chứa nỗi xót xa sâu sắc trước sự hi sinh anh dũng, hiên ngang của người nông dân.

+ Câu 4: có vế đối miêu tả các nơi xa xỉ của giới thượng lưu (cung ngựa, trường nhung); vế sau miêu tả những nơi quen thuộc của người nông dân vất vả (ruộng trâu, làng bộ). → Nhấn mạnh sự vất vả vốn có từ bao đời nay của người nông dân.

+ Câu 5: có vế trước miêu tả công việc của người nông dân, vế sau miêu tả nhiệm vụ của binh lính. → nhấn mạnh hành động anh hùng trượng nghĩa khác thường của những người vốn chân lấm tay bùn.

Câu 4 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Giải thích nghĩa của ba trong số các thành ngữ có trong đoạn văn. Việc sử dụng các thành ngữ ấy (trong từng câu văn) có ý nghĩa cụ thể như thế nào?

Trả lời:

- “Vang như mõ”: tiếng vang xa, rộng, dồn dập, liên tục như tiếng mõ trong chùa.

=> Ý nghĩa trong câu văn: thể hiện tiếng danh vang dội của nghĩa quân, những con người chân lấm tay bùn đứng lên đánh đuổi quân giặc, dẫu đã hi sinh những công lao của họ được ghi nhớ muôn đời.

- “chém rắn đuổi hươu”: mượn ý tứ thành ngữ tiếng Hán “trảm xà trục lộc” (Hán Cao Tổ Lưu Bang chém rắn lúc khởi nghiệp để giành lấy ngôi vị của nhà Tần”.

=> Ý nghĩa trong câu văn: Nhấn mạnh tinh thần quyết tâm đánh đuổi giặc Pháp của dân ta.

- “treo dê bán chó”: mượn ý của thành ngữ “treo đầu dê, bán thịt chó”, chỉ sự gian trá lừa lọc, không trung thực trong cư xử.

=> Ý nghĩa trong câu văn: vạch trần bản chất lừa lọc, gian giảo của kẻ thù xâm lược, ở đây là thực dân Pháp viện các cớ khác nhau để xâm lược nước ta.

Câu 5 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích giá trị biểu đạt của điển cố “xa thư” (“một mối xa thư đồ sộ”) và hình ảnh “hai vầng nhật nguyệt chói loà” trong việc thể hiện quan niệm của người nghĩa binh về chủ quyền quốc gia.

Trả lời:

- “Xa thư” là điển cố xuất phát từ sách Trung Dung (thuộc bộ Tứ thư – bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa) để nói việc thống nhất quốc gia. Điển cố này được tác giả sử dụng ở đây để nêu bật vấn đề hệ trọng liên quan đến vận mệnh đất nước, mà mỗi người đều phải có ý thức đặt lên trên hết.

- Hình ảnh “hai vầng nhật nguyệt chói loà”: theo kinh nghiệm và quan sát của người xưa, mặt trời và mặt trăng là hai thiên thể sáng nhất trên bầu trời. Từ đó, mặt trời được lấy làm biểu trưng cho khí dương, mặt trăng biểu trưng cho khí âm; mặt trời, mặt trăng vận hành đã chi phối cuộc sống ở thế gian, vì thế cũng tượng trưng cho quy luật tất yếu, chân lí khách quan, sáng tỏ. Trong câu văn, hình ảnh này thể hiện ý niệm về ánh sáng chân lí, nhân dân không thể chấp nhận những điều dối trá, ngang trái; chủ quyền quốc gia là chân lí, cần phải được thực hiện;...

Câu 6 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo bạn, ý thức về vận mệnh đất nước và tinh thần tự nguyện dấn thân của người nghĩa sĩ nông dân có mâu thuẫn với thân phận nhỏ bé và cuộc đời cơ cực của họ hay không? Vì sao?

Trả lời:

- Tuy sống cuộc đời cơ cực lam lũ, nhưng người nghĩa binh nông dân Cần Giuộc luôn sẵn có ý thức sâu sắc về vận mệnh đất nước; sẵn sàng xả thân vì nghĩa với tinh thần tự nguyện dấn thân, chẳng đợi “ai đòi ai bất”. Ý thức và tinh thần ấy của người nghĩa sĩ nông dân không hề mâu thuẫn với thân phận nhỏ bé và cuộc đời cơ cực của họ.

- Mỗi công dân đều gắn với quê hương, với mảnh đất chôn rau cắt rốn cuộc đời mỗi người đều gắn bó máu thịt với truyền thống lịch sử và đạo lí tốt đẹp của dân tộc. Với mỗi cá nhân, quốc gia – dân tộc hết sức cụ thể và chân thực độc lập dân tộc là giá trị thiêng liêng được đề cao, đã trở thành lẽ sống cao đẹp của con người Việt Nam.

Bài tập 3 trang 23, 24 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 100 — 103), từ câu 10 đến câu 25 và trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Cho biết nội dung các câu văn dưới đây là đúng hay sai (kẻ bảng vào vở để đánh dấu):

STT

NỘI DUNG

ĐÁNH GIÁ

1

Người nghĩa sĩ không phải “quân cơ quân vệ” mà chỉ có dòng dõi là “lính diễn binh”

Đúng

Sai

2

Người nghĩa sĩ trong trận công đồn “đạp rào lướt tới” theo hiệu lệnh “trống kì trống giục” của tướng lĩnh triều đình.

3

Người nghĩa sĩ không được rèn tập võ nghệ và binh thư, chỉ vì “mền nghĩa” mà sẵn sàng đứng trong đội ngũ tình nguyện chiến đấu.

4

Hi sinh trong trận chiến, người nghĩa binh được bọc xác trong da ngựa.

5

Người nghĩa binh “thà thác mà đặng câu địch khái” chứ không chịu “đầu Tây”.

Trả lời:

STT

NỘI DUNG

ĐÁNH GIÁ

Đúng

Sai

1

Người nghĩa sĩ không phải “quân cơ quân vệ” mà chỉ có dòng dõi là “lính diễn binh”

x

2

Người nghĩa sĩ trong trận công đồn “đạp rào lướt tới” theo hiệu lệnh “trống kì trống giục” của tướng lĩnh triều đình.

x

3

Người nghĩa sĩ không được rèn tập võ nghệ và binh thư, chỉ vì “mến nghĩa” mà sẵn sàng đứng trong đội ngũ tình nguyện chiến đấu.

x

4

Hi sinh trong trận chiến, người nghĩa binh được bọc xác trong da ngựa.

x

5

Người nghĩa binh “thà thác mà đặng câu địch khái” chứ không chịu “đầu Tây”.

x

Câu 2 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Liệt kê và chỉ ra tác dụng của các cặp quan hệ từ biểu thị quan hệ đối lập giữa hoàn cảnh, điều kiện trang bị với tinh thần chiến đấu của người nghĩa binh.

Trả lời:

– Các cặp quan hệ từ thể hiện quan hệ đối lập giữa hoàn cảnh, điều kiện trang bị với tinh thần chiến đấu của người nghĩa binh: “vốn chẳng phải” – “chẳng qua là..”;“nào” (đâu có) –“chi” (chẳng);“bằng” –“cũng”;

– Tác dụng: Quan hệ đối lập về ngữ nghĩa của đoạn văn được thể hiện cụ thể, sinh động, xác thực qua các cặp quan hệ từ. Các cặp quan hệ từ được sử dụng nhiều lần, liên tục; thể hiện sự nhấn mạnh và ngày một tăng cường cấp độ; qua đó góp phần khẳng định ý chí tự lực tự cường và lòng quả cảm vô song của người nghĩa sĩ Cần Giuộc.

Câu 3 trang 23 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: "Không khi chiến trận" được tác giả miêu tả trong đoạn văn như thế nào?

Trả lời:

- Để thể hiện chân dung người nghĩa sĩ nông dân Cần Giuộc, đồng thời ngợi ca tinh thần chiến đấu dũng cảm của nghĩa binh, tác giả đã dành nhiều câu văn miêu tả không khí của trận công đồn trong tình thể không cân sức.

- “Không khí chiến trận” trong đoạn văn được thể hiện bằng những câu có nhịp điệu dồn dập, liên tục. Khí thế trận đánh vô cùng quyết liệt, mạnh mẽ. Tác giả đã miêu tả sinh động, cụ thể tính chất căng thẳng cũng như khí phách hào hùng của những người nghĩa binh thông qua những từ ngữ biểu thị hành động dứt khoát, ý chí sôi sục.

Câu 4 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Câu 20 đã phản ánh suy nghĩ của người nghĩa sĩ nông dân về quốc gia, dân tộc như thế nào?

Trả lời:

Câu 20 đã phản ánh suy nghĩ hết sức đơn giản nhưng sâu sắc của người nghĩa sĩ nông dân về quốc gia, dân tộc thông qua quan niệm của Nguyễn Đình Chiều:

- Quan niệm về quốc gia, dân tộc gắn với ý thức hệ tư tưởng Nho giáo truyền thống: Quốc gia gắn với chế độ quân chủ, vua (chúa) nhận mệnh trời để thực thi quyền cai trị thiên hạ, lo lắng cho muôn dân. “Nước nhà ta” vì thể có chủ quyền bất khả xâm phạm; dân giữ lòng trung với vua, ơn vua cũng chính là trung với xã tắc, ơn đất nước.

- “Tấc đất ngọn rau”, “bát cơm manh áo” mà dân chúng được hưởng ở đời là lẽ tự nhiên, hợp với chân lí, đạo nghĩa. Kẻ vi phạm chân lí đó chính là bạo tặc phi nghĩa, nhân dân sẽ lên án và sẵn sàng xả thân bảo vệ đất nước, cũng là bảo vệ cuộc sống của mình.

Câu 5 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích giá trị biểu cảm của hệ thống từ ngữ, hình ảnh được tác giả sử dụng để nói về nỗi đau thương, mất mát sau trận công đồn.

Trả lời:

- Nỗi đau thương, mất mát mà người nghĩa binh và nhân dân phải gánh chịu được tác giả thể hiện qua hệ thống các từ ngữ, hình ảnh:

+ Các từ ngữ biểu cảm trực tiếp: “đau đớn bấy”, “não nùng thay”...

+ Hàng loạt hình ảnh đặc tả sự tang tóc, nỗi đau bao trùm thiên nhiên và con người: “cỏ cây mấy dặm sầu giăng” “già trẻ hai hàng luy nhỏ”, “chùa Tông Thạnh năm canh ưng đóng lạnh”, “tủi phận bạc trôi theo dòng nước đổ”, “mẹ già ngồi khóc trẻ”, “ngọn đèn khuya leo lét” “vợ yếu chạy tìm chồng”, “cơn bóng xế dật dờ”,...

- Từ ngữ biểu thị nỗi đau, sự mất mát có nét nghĩa cụ thể, trực tiếp; hình ảnh đau thương bao trùm thiên nhiên và cuộc đời những người còn sống, được miêu tả chân thực, xúc động. Thủ pháp liệt kê, đặc tả được tác giả sử dụng đạt hiệu quả cao.

Câu 6 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Âm hưởng bi tráng của tác phẩm được thể hiện cụ thể trong phần này như thế nào?

Trả lời:

- Âm hưởng bi tráng (bi thương mà hùng tráng) của tác phẩm được thể hiện cụ thể, tập trung nhất trong phần 2 (từ câu 10 đến câu 15) của văn bản.

+ Âm hưởng bị thương thể hiện qua nỗi đau hi sinh, mất mát mà người nghĩa binh, nhân dân, đất nước phải chịu đựng: phân tích, bình luận qua các dẫn chứng (từ ngữ, hình ảnh,...) xác thực.

+ Âm hưởng hùng tráng thể hiện ở khí phách kiên cường, tinh thần chiến đấu quả cảm quyết trả mối nợ nước thù nhà của những con người bình dị nhưng trượng nghĩa: phân tích, bình luận qua các dẫn chứng (từ ngữ, hình ảnh,...) cụ thể.

- Bi tráng là âm hưởng chủ đạo, làm nên sức sống của tác phẩm; góp phần tạo nên sự lay động sâu xa và niềm xúc động tri ân của người đọc nhiều thế hệ

Bài tập 4 trang 24 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc trong SGK Ngữ văn 17, tập hai (tr. 103 – 104), từ câu 26 đến hết và trả lời câu hỏi hoặc thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Kết hợp thông tin ở cột A với thông tin ở cột B để tạo nên năm cầu hoàn chỉnh thể hiện đúng ý nghĩa của đoạn văn (viết các câu vào vở, chú ý bổ sung hoặc thay đổi các từ ngữ liên kết và sửa chính tả cho phù hợp).

STT

A

B

1

tác giả đã sử dụng liên tiếp các cặp từ lặp “thác mà”, “thác cũng”

thể hiện rõ sự đánh giá và ngợi ca sự hi sinh của người nghĩa sĩ

2

gắn cuộc đời nhỏ bé của mình với bổn phận, trách nhiệm lớn lao

nhằm nhấn mạnh tinh thần bất tử, ý nguyện dâng hiến trọn vẹn cho non sông của người nghĩa sĩ

3

cặp từ đối “sống – thác” trong câu văn được lặp lại, không biểu thị quan hệ đối lập

qua một loạt từ ngữ có sắc thái biểu cảm và hình ảnh có tính biểu tượng

Trả lời:

+ 1A − 2B: Tác giả đã sử dụng liên tiếp các cặp từ lặp “thác mà” “thác cũng” nhằm nhấn mạnh tinh thần bất tử, ý nguyện dâng hiến trọn vẹn cho non sông của người nghĩa sĩ.

+ 3A – 2B: Cặp từ đối “sống – thác” trong câu văn được lặp lại, không biểu thị quan hệ đối lập nhằm nhấn mạnh tinh thần bất tử, ý nguyện dâng hiến trọn vẹn cho non sông của người nghĩa sĩ.

Câu 2 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Giải thích nghĩa của các từ ngữ “danh thơm”, “tiếng ngay” trong câu 28. Tìm thêm các từ ngữ được sử dụng trong đoạn văn để thể hiện rõ sự đánh giá, ngợi ca của tác giả và nhân dân đối với sự hi sinh của người nghĩa sĩ.

Trả lời:

- “Danh thơm”: danh tiếng tốt đẹp (của người nghĩa sĩ) còn lưu lại (sau khi họ đã hi sinh vì nghĩa lớn). Từ“danh thơm” trong tiếng Việt do chữ “phương danh” trong Hán ngữ; cũng biểu đạt ý này, tiếng Việt còn có các từ ngữ khác như: “tiếng thơm”, “tiếng tốt”, “tiếng lành”...

- “Tiếng ngay”: danh tiếng ngay thẳng, chính trực (của người nghĩa sĩ) còn lưu lại (sau khi họ đã hi sinh vì nghĩa lớn). Cụm từ “tiếng ngay” là một sáng tạo rất riêng của Nguyễn Đình Chiểu, không (hoặc ít) thấy trong các tác phẩm trước đó.

- Một số từ ngữ, hình ảnh được tác giả sử dụng trong đoạn văn thể hiện rõ sự đánh giá, ngợi ca của tác giả và nhân dân đối với sự hi sinh của người nghĩa sĩ “khen, mộ, “cây hương nghĩa sĩ thắp thêm thơm....

Câu 3 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu ấn tượng của bạn về nội dung và đặc điểm nghệ thuật của câu văn “Một trận khói tan, nghìn năm tiết rỡ.

Trả lời:

– “Một trận khói tan”: Ý nói trận công đồn của nghĩa sĩ Cần Giuộc diễn ra chóng vánh, chịu nhiều tổn thất. Sự kiện công đồn giặc của nghĩa binh chỉ là một trong vô số các hành động anh hùng của nhân dân quyết đứng lên bảo vệ đất nước.

– “Nghìn năm tiết rỡ: (Tuy thế), danh tiếng, khí tiết, phẩm giá của người nghĩa sĩ sẽ còn lưu lại muôn đời. Sự hi sinh của người nghĩa binh nông dân vì đạo lí và chính nghĩa là hết sức đáng giá, để lại trong lòng nhân dân sự kính trọng, khâm phục và thương tiếc vô hạn.

– Câu văn ngắn, có hình thức tiểu đối; khác với phần lớn các câu biến ngẫu trong bài (thường có hai vế câu, mỗi vế có nhiều mệnh đề). Logic nghĩa của câu văn này có thể được giải thích như sau: Tuy chỉ là một trận đánh chớp nhoáng, nhưng khí tiết anh hùng của người nghĩa sĩ còn rạng rỡ nghìn năm.

Câu 4 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Suy nghĩ và hành động “vì nghĩa quên thân” của người nghĩa sĩ được tác giả thể hiện như thế nào qua câu 29?

Trả lời:

- Câu văn thể hiện rõ sự khái quát hoá sâu sắc của Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời thể hiện cảm hứng ngợi ca người anh hùng nghĩa sĩ bất tử trong lòng nhân dân. Về ngôn từ và lập luận, hai cụm từ “đánh giặc” và “thờ vua” được lặp lại trong cấu trúc lặp “sống... thác cũng..” mang hàm ý nhấn mạnh.

- Suy nghĩ và hành động xả thân vì nghĩa lớn của người nghĩa sĩ gắn liền với ý thức quyết tâm đánh giặc giữ nước. Đánh giặc giữ nước chính là thể hiện lòng trung thành với Tổ quốc, là biểu hiện cao nhất của quan niệm “ái quốc”; “thờ vua”, theo lí tưởng Nho giáo, chính là yêu nước. Người nghĩa sĩ dẫu đã hi sinh, nhưng linh hồn của họ vẫn phù trợ sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc của nhân dân, vẫn một lòng thờ vua, với ý nguyện “muôn kiếp nguyện được trả thù”. Có nghĩa là họ vẫn đồng hành với những lớp người sau và sẽ sống mãi trong sự nghiệp bảo vệ đất nước.

Câu 5 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hình ảnh người nghĩa sĩ bất tử trong lòng nhân dân được tác giả nhấn mạnh trong phần kết gợi cho bạn suy nghĩ gì về lựa chọn và hành động của những con người bình thường nhưng biết xả thân vì Tổ quốc?

Trả lời:

Suy nghĩ về lựa chọn và hành động của những con người bình thường nhưng biết xả thân vì Tổ quốc: Con người cần phải có trách nhiệm và bổn phận với cộng đồng. Ý nghĩa của cuộc sống cá nhân luôn gắn với số phận của nhân dân, đã nước. Ý thức sống đúng đắn sẽ hình thành và nuôi dưỡng khát vọng thực hiện các giá trị chân chính.

Câu 6 trang 24 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trình bày quan điểm của bạn về ý kiến sau: Trong phần kết tác phẩm, Nguyễn Đình Chiểu đã khách quan hoá đánh giá của mình về sự hi sinh của người nghĩa sĩ Cần Giuộc bằng quan điểm của nhân dân.

Trả lời:

- Trong cả bài văn và đặc biệt là ở phần kết, không hề xuất hiện các đại từ xưng hô ngôi thứ nhất hay các từ tự xưng của tác giả. Ngay cả ở những câu văn thể hiện sự đau đớn, xót xa tột cùng của mình về sự hi sinh của người nghĩa sĩ Cần Giuộc, Nguyễn Đình Chiểu cũng không trực tiếp thể hiện cảm xúc cá nhân; thay vào đó, ông thường sử dụng các câu ẩn chủ thể phát ngôn.

- Nguyễn Đình Chiểu đã khách quan hoá đánh giá của mình về sự hi sinh của người nghĩa sĩ thông qua việc sử dụng những từ ngữ biểu thị sự nhìn nhận của quần chúng nhân dân; gắn người nghĩa sĩ với đồng bào và đất nước: “danh thơm đồn sáu tỉnh chúng đều khen”, “tiếng ngay trải muôn đời ai cũng mộ”, “hai chữ thiên dân”, “một câu vương thổ”,... Như vậy, ông đã xuất phát từ quan điểm của nhân dân để ngợi ca và bất tử hoá hình tượng người anh hùng.

Bài tập 5 trang 25 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản Cộng đồng và cá thể trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 107 – 109) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhan đề của văn bản là Cộng đồng và cá thể. Theo bạn, có thể đảo trật tự hai khái niệm chứa đựng trong đó để có nhan đề mới là Có thể và cộng đồng được không? Vì sao?

Trả lời:

- Nhan đề văn bản nghị luận phải luôn gắn với nội dung sẽ được tác giả triển khai sau đó và trình tự sắp xếp hệ thống luận điểm, bằng chứng. Trong văn bản, hai khái niệm cộng đồng và cá thể được đặt trong quan hệ đẳng lập nên việc đặt tên văn bản là Cá thể và cộng đồng hoàn toàn có thể chấp nhận được.

Câu 2 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trong văn bản, khái niệm “cộng đồng lành mạnh” đã được tác giả giải thích như thế nào? Bạn suy nghĩ gì về đặc điểm của một cộng đồng đối lập với “cộng đồng lành mạnh”?

Trả lời:

- Trong văn bản, khái niệm “cộng đồng lành mạnh” đã được tác giả giải thích là: “một cộng đồng gắn với tính độc lập của những cá thể cũng như với sự liên kết bên trong của xã hội”.

=> Từ đây, đặc điểm của một “cộng đồng không lành mạnh” là:

- Không tôn trọng tính độc lập của cá nhân.

- Không ý thức được đầy đủ về mối quan hệ hai chiều giữa cá nhân và cộng đồng.

Câu 3 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả thể hiện mối bận tâm gì khi nêu nhận xét về “thời đại chúng ta đang sống”: “Ở một chừng mực nhất định, tổ chức đã thay thế thủ lĩnh, nhất là trong lĩnh vực kĩ thuật, song cũng đã có thể cảm thấy điều tương tự trong khoa học?”

Trả lời:

- Tác giả nêu nhận xét trên khi ông nói đến mặt bất cập của “thời đại chúng ta đang sống”. Theo ông, “tổ chức đã thay thế thủ lĩnh” là hiện tượng tiêu cực, làm hạn chế vai trò soi đường của những cá nhân xuất chúng, lại đặt những sáng tạo cá nhân bên dưới sự “lãnh đạo” của tập thể. Chính điều đó dẫn đến việc triệt tiêu những nỗ lực cá nhân nhằm thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Câu 4 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo tác giả, yếu tố giúp cộng đồng “khoẻ mạnh trở lại” là gì? Về vấn đề này, bạn có thể bổ sung ý kiến gì?

Trả lời:

- Theo tác giả, yếu tố giúp cộng đồng “khoẻ mạnh trở lại” là:

+ Việc phân công lao động có kế hoạch là một đòi hỏi cấp thiết, đem lại sự đảm bảo về vật chất cho từng cá thể. Từ đó, có lợi cho sự phát triển nhân cách.

- Bổ sung ý kiến về vấn đề: Cộng đồng cần hỗ trợ nhiều hơn cho các tài năng, tạo điều kiện cho mỗi người có thể đóng góp được nhiều nhất cho xã hội bằng việc phát huy năng lực và sở trường của mình.

Câu 5 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dựa vào kiến thức về đời sống của mình và vào những điều được gợi mở từ văn bản, hãy nêu một số điều mà bạn cho là cần khắc phục trong mối quan hệ giữa cộng đồng và cá thể ở xã hội hiện nay.

Trả lời:

Một số điều mà bạn cho là cần khắc phục trong mối quan hệ giữa cộng đồng và cá thể ở xã hội hiện nay:

- Học cách độc lập xử lý các tình huống, không quá dựa dẫm vào các mối quan hệ xung quanh.

- Học cách phân tích các thông tin tiếp nhận được để nhận biết được hai mặt xấu và tốt của vấn đề.

- Học cách kiên nhẫn, lắng nghe trong các hoạt động chung, đoàn thể.

- Không chạy theo xu thế, nên học cách phát triển bản thân qua các kĩ năng mềm, những điều tích cực trong cuộc sống.

Bài tập 6 trang 25 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc lại văn bản “Làm việc” cũng là “làm người”! trong SGK Ngữ văn 11, tập hai (tr. 120 – 121) và trả lời các câu hỏi:

Câu 1 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Bạn suy nghĩ như thế nào về nhan đề của văn bản? Nhan đề ấy có thể làm nảy sinh những câu hỏi gì ở người đọc?

Trả lời:

- Nhan đề vừa giống một lời thúc giục, vừa giống một lời thách thức đến người đọc về nhận định “làm việc cũng chính là làm người”. Người đọc sẽ có thắc mắc: Cần hiểu như thế nào về các khái niệm “làm việc”, “làm người” mà tác giả sử dụng ở đây? Tại sao lại đánh đồng “làm việc” với “làm người”? Cách hiểu về khái niệm “làm người” như vậy có hạn hẹp quá không?

Câu 2 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu các luận điểm chính của văn bản. Theo bạn, luận điểm nào đáng chú ý nhất? Vì sao?

Trả lời:

Các luận điểm chính:

- Ai cũng gắn với một nghề nghiệp hay công việc nào đó, vì vậy, nếu “đạo sống” và ”đạo nghề” không hoà hợp thì chúng ta không thể có cuộc đời trọn vẹn.

- “Làm người” thì không thể không “làm việc”, do đó, qua công việc, con người bộc lộ rõ phẩm chất của mình.

- “Đạo nghề” sẽ giúp mỗi người hiện thực hoá “đạo sống” của bản thân.

- Hành trình “tìm thấy chính mình” thực chất là hành trình tìm kiếm con người văn hoá và chuyên môn của bản thân.

- Làm việc mà không có lí tưởng nghề nghiệp thì cũng giống như sống mà không có mục đích.

=> Luận điểm đáng chú ý nhất: “Ai cũng gắn với một nghề nghiệp hay công việc nào đó, vì vậy, nếu “đạo sống” và ”đạo nghề” không hoà hợp thì chúng ta không thể có cuộc đời trọn vẹn.”

Câu 3 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tác giả đã có lời đáp cho câu hỏi được nêu ở đầu văn bản: “Làm thế nào để cân bằng giữa cuộc sống và công việc?”. Về phần bạn, lời đáp đó là gì? Hãy làm sáng tỏ lí do khiến bạn nghĩ như vậy.

Trả lời:

Đối với bản thân, lời đáp của em về câu hỏi nêu ở đầu bài sẽ là “Nếu giải nghĩa được thế nào là cân bằng, chúng ta sẽ tự có cách cân bằng cuộc sống và công việc” Công việc và cuộc sống nên tách bạch rõ ràng, chúng có sự ràng buộc với nhau nhưng công việc không có nghĩa là tất cả cuộc sống. Công việc cần đem lại nguồn thu nhập và những trải nghiệm có ích dựa trên tiền đề chuyên môn cá nhân. Và chắc chắn đã là một người bình thường, ai cũng cần gắn với một nghề nghiệp hay công việc nào đó, Chính bởi vậy, tìm một công việc phù hợp với “đạo sống” là vô cùng quan trọng. Chỉ khi chúng ta yêu công việc của mình, chúng ta mới xây dựng và có đủ sức mạnh trên con đường “làm việc” của mình. Khi đó, công việc cũng sẽ là một phần của cuộc sống, chúng ta vui vẻ đón nhận và chấp nhận những mệt mỏi, thử thách. Đó là lúc chúng ta biết cân bằng giữa cuộc sống và công việc.

Câu 4 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dựa vào trải nghiệm của bản thân, bạn hãy nêu một số bằng chứng có thể làm sáng tỏ nhận xét sau của tác giả: “Dường như còn quá ít người (trong đó có thể bao gồm chính chúng ta) là làm “đúng việc” của mình!

Trả lời:

- Hiện trạng SV ra trường thất nghiệp giữa bão sa thải, phải làm công việc trái ngành, trái nghề để kiếm sống.

- Nhiều cá nhân không định hướng được mình muốn làm gì, để gia đình sắp xếp công việc mà đối với họ là phù hợp với cá nhân đó.

- Những người làm một công việc lâu năm, bỗng cảm thấy mất phương hướng, ghét bỏ, bài xích công việc mình đang làm vì không tìm được lí tưởng.

Câu 5 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu tác dụng của việc tác giả trích dẫn một đoạn trong sách Những ngày thứ ba với thầy Mô-ri (Morrie). Từ đây, bạn có suy nghĩ gì về việc trích dẫn khi thực hiện một văn bản nghị luận?

Trả lời:

- Tác dụng của việc tác giả trích dẫn một đoạn trong sách Những ngày thứ ba với thầy Mô-ri (Morrie) là lấy đó làm một dẫn chứng để khẳng định, nhấn mạnh luận điểm về hành trình “tìm thấy chính mình” thực chất là hành trình tìm kiếm con người văn hoá và chuyên môn của bản thân. Trích dẫn đó sẽ giúp tác giả thuyết phục người đọc về luận điểm của mình.

Câu 6 trang 25 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích mạch lạc và liên kết của văn bản.

Trả lời:

* Sự mạch lạc:

- Văn bản đã có sự nhất quán từ chủ đề ““Làm nghề” cũng là “làm người”” đến mối liên hệ logic của các luận điểm (Từ việc hiểu định nghĩa và tầm quan trọng của “đạo sống” và “đạo nghề” → Tìm được chính mình là một hành trình dài gian nan → Làm việc phải có lí tưởng, mục đích) và sự tương thích, hợp lí giữa các luận điểm và bằng chứng.

* Sự liên kết:

- Những cụm từ được lặp lại “ta phải”,...

- Sử dụng kết từ nối các câu, các đoạn “Nhưng”, “Như vậy”, “Hay nói cách khác”, “Khi đó”,...

Bài tập 7 trang 25, 26 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc đoạn thơ sau và trả lời các câu hỏi:

ngày chúng tôi đi

các toa tàu mở toang cửa

không có gì phải che giấu nữa

những thằng lính trẻ măng

tinh nghịch lỗ đầu qua cửa sổ

những thằng lính trẻ măng

quân phục xùng xình

chen bám ở bậc toa như chồi như nụ

con tàu nổi hiệu còi rung hết cỡ

và dài muốn đứt hơi

hệt tiếng gã con trai ồm ồm mới vỡ

thế hệ chúng tôi

hiệu còi ấy là một lời tuyên bố

một thế hệ mỗi ngày đều đụng trận

mà trách nhiệm nặng hơn nòng cối 82

vẫn thường vác trên vai

một thế hệ thức nhiều hơn ngủ

xoay trần đào công sự

xoay trần trong ý nghĩ

đi con đường người trước đã đi

bằng rất nhiều lối mới

(Thanh Thảo, Một người lính nói về thế hệ mình, in trong 123, NXB Hội Nhà văn, Hà Nội, 2007, tr. 63 – 64)

Câu 1 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo hiểu biết của bạn về lịch sử, đại từ “chúng tôi” trong đoạn thơ chỉ thế hệ nào?

Trả lời:

- Bối cảnh xuất hiện của những người lính trẻ trong đoạn thơ: thời đất nước có chiến tranh, có những chuyến tàu chở bộ đội ra tiền tuyến. Vì vậy, đại từ “chúng tôi” ở đây chỉ thế hệ những người bộ đội trong kháng chiến chống Mĩ.

Câu 2 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hoàn cảnh đời sống được khắc hoạ trong đoạn thơ có những đặc trưng gì?

Trả lời:

Hoàn cảnh đời sống được khắc hoạ trong đoạn thơ có những đặc trưng:

- Đó là giai đoạn “mỗi ngày đều đụng trận”, gánh trên vai trách nhiệm và nhiệm vụ để bảo vệ đất nước.

- Những con người “thức nhiều hơn ngủ”, trải qua gian khó, thiếu thốn không cách nào cải thiện được.

- Những con người liên tục phải đào hầm trú ẩn, “đào công sự”, gian nan, vất vả là vậy nhưng luôn không ngừng hi vọng được tiếp bước những thế hệ anh dũng đi trước, hi sinh hết mình cho quê hương.

Câu 3 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo những điều được thể hiện trong đoạn thơ, “thế hệ chúng tôi” đã nhập cuộc và đáp ứng yêu cầu của thời đại với tinh thần, thái độ như thế nào? Bạn suy nghĩ gì về tinh thần, thái độ đó?

Trả lời:

- Đoạn tái hiện cảnh người lính lên tàu ra trận: Họ ra đi ở lứa tuổi đôi mươi đẹp nhất, trong họ vẫn mang lửa nhiệt huyết cháy bỏng và tinh thần vui tươi của tuổi trẻ, vẫn đùa nghịch, cười nói “các toa tàu mở toang cửa.../Những thằng lính trẻ măng/Tinh nghịch ló đầu qua cửa sổ”.

- Nhưng dù họ còn trẻ, họ vẫn có suy tư về trách nhiệm và sự cống hiến: Họ hiểu thế hệ của họ là thế hệ đất nước đang rất cần, thế hệ sinh ra để chiến đấu hết mình để giữ lấy nền độc lập cho Tổ quốc. Họ biết những khó khăn, gian khổ sắp tới, biết “mỗi ngày đều đụng trận”, “thức nhiều hơn ngủ”, liên tục “đào công sự” và nghĩ về trách nhiệm của mình, đó là “đi con đường người trước đã đi/ bằng rất nhiều lối mới”.

=> Đó là một tinh thần hiên ngang, bất khuất, thái độ lạc quan của những người thuộc thế hệ cha anh. Qua đó, ta đồng cảm và với hiểu biết sâu sắc về giá trị của những hi sinh vì cộng đồng.

Câu 4 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Hãy phân tích sự kết hợp giữa tính tả thực và tính tượng trưng của những hình ảnh miêu tả đoàn lính trẻ ra trận.

Trả lời:

- Tính tả thực trong các hình ảnh: Thông qua hàng loạt chi tiết cụ thể miêu tả những hình khối, đường nét, thanh âm, tác giả đã tái hiện sống động con đường bước ra mặt trận trên chuyến tàu và về cảnh ra trận của một thời đã qua.

- Tính tượng trưng trong các hình ảnh: Nhà thơ đã lột tả tinh thần thời đại và bản chất của một thế hệ. Đó là thời đại sống vì phẩm giá, luôn khơi dậy ý thức công dân tích cực của mỗi người; một thế hệ dám xả thân, sống chân thật với mình, có tinh thần trách nhiệm rất cao trước cộng đồng, lịch sử.

Câu 5 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Làm rõ nét độc đáo của một trong các biện pháp tu từ được nhà thơ sử dụng mà bạn có ấn tượng nhất.

Trả lời:

- Biện pháp tu từ so sánh “những thằng lính trẻ măng

quân phục xùng xình

chen bám ở bậc toa như chồi như nụ

- Tác dụng: tái hiện lại hình ảnh những anh lính “trẻ măng”, mặc trên người bộ quân phục xanh áo lính “xùng xình” - màu xanh quân phục tựa như màu lá xanh, chồi nụ tươi mới, tinh khôi. Họ trên con tàu với tâm thế bước đi hiên ngang, vẫn còn nét tếu táo, lạc quan của tuổi trẻ. Họ đứng chen chúc trên tàu như một rừng những búp trồi xanh đang đợi ngày xòe thành tán lá, rực rỡ, thanh thuần. Tuổi trẻ của những người lính cũng tinh khôi, đẹp đẽ như chồi lộc sớm mai.

Câu 6 trang 26 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu nhận xét của bạn về việc lựa chọn thể thơ của tác giả ở đoạn thơ này.

Trả lời:

- Thể thơ tự do.

- Nhận xét: đây là thể thơ giúp nhà thơ có thể linh hoạt trong ngắt nhịp, phóng túng trong gieo vần, viết thường tất cả các chữ đầu dòng. Điều đó khiến người đọc có cảm giác đây là những dòng nhật kí viết vội, là lúc cảm xúc dâng lên bất chợt, những cảm nghĩ và lí tưởng của những anh lính tuổi đôi mươi.

Bài tập 8 trang 27 SBT Ngữ văn 11 Tập 2: Đọc văn bản sau và trả lời các câu hỏi:

Một bức tranh sơn mài đề cập đến vấn đề sản xuất nông nghiệp mà lại mang được chất thơ. Tác giả diễn tả có một người nhưng người xem có cảm giác là một sức mạnh lớn. Con người hai chân dẫm đất đứng sấp bóng với ánh sáng của buổi sớm mai, mình vươn lên tới trời và hai tay đang làm động tác gieo mạ, vậy mà ta tưởng như một hành động để chế ngự thiên nhiên. Và ta cảm thấy như ta được truyền sức mạnh (ở toàn bộ thân thể và động tác) của nhân vật trong tranh.

Bố cục tranh rất táo bạo, một nửa tranh bên trái là một người đàn ông nhìn đồng lưng, diễn tả có sức mạnh ở các cơ bắp. Tuy là đứng sấp bóng mà những chi tiết của tấm lưng trần, hai cánh tay được tác giả tập trung diễn tả với sức rung cảm kì diệu, ta cảm thấy đấy là da thịt. Ánh sáng chỉ hắt vào rất nhẹ trên má, còn tất cả sừng sững như một sức sống thật. Nửa bên kia là cánh đồng mênh mông và nếu ta cắt đôi tranh theo bề ngang thì trời chiếm một nửa và đất một nửa. Chỉ có một cây chuối bên phải đang bị gió sớm thổi. Cái giỏi của tác giả, để phá vỡ thế chia tư của bức tranh, là ảnh sáng của những làn mây sớm khi mặt trời chưa mọc, trên cao còn mây sẫm. Ánh sáng chiếu vào ruộng chưa bao nhiêu. Màu vàng của những đợt mây sớm kéo đi hết, làm người xem đột ngột như vừa mới ngủ dậy, ra ngoài trời lúc sáng sớm, chúng ta bị vẻ đẹp của bình minh thu hút, gợi cho ta hi vọng và niềm yêu đời (mảng bên trái). Và khi ta gặp thân hình của người lao động (mảng bên phải), ta lại rung cảm với sức sống toát ra từ tấm lưng ấy, bàn tay ấy. Bàn tay phải là một động tác thật vừa độ, quá lên cao hay xuống thấp đều không đắt. Như bàn tay tiếp lấy ánh sáng ban mai mà gieo vãi lên cuộc sống. Một bức sơn mài đẹp.

(Sỹ Ngọc, Tranh sơn mài “Bình minh trên đồng ruộng” của Nguyễn Đức Nùng, báo Văn nghệ, số 35 (668), ngày 21/8/1976)

Câu 1 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Bài viết thuộc loại văn bản gì? Nội dung văn bản nói về đối tượng nào?

Trả lời:

- Bài viết thuộc loại văn bản nghị luận. Nội dung văn bản nói về bức tranh sơn mài “Bình minh trên đồng ruộng”.

Câu 2 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhận xét về bố cục của văn bản.

Trả lời:

- Đây là một văn bản ngắn, chỉ có hai đoạn (xét về mặt hình thức). Có thể chia bố cục như sau:

+ Phần 1 (Câu văn đầu tiên): Giới thiệu về nội dung bức tranh.

+ Phần 2 (Tiếp...của nhân vật trong tranh): Phân tích nội dung bức tranh.

+ Phần 3 (Tiếp...gieo vãi lên cuộc sống): Phân tích nghệ thuật bức tranh.

+ Phần 4 (Câu văn cuối): Khẳng định lại nhận xét về bức tranh.

=> Nhận xét: Mặc dù văn bản khá ngắn nhưng đã đầy đủ bố cục và thể hiện được bao quát nội dung cần có khi nghị luận về một tác phẩm nghệ thuật.

Câu 3 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Tính khách quan của đối tượng được đề cập như thế nào trong văn bản? Bạn có nhận xét gì về khả năng của phương tiện ngôn ngữ khi tái hiện một hình tượng hội hoạ?

Trả lời:

- Tính khách quan của đối tượng được đề cập:

+ Đề tài tác phẩm: Sản xuất nông nghiệp

+ Chất liệu sáng tác: Sơn mài

+ Hình tượng được khắc họa: Người nông dân gieo mạ trong buổi bình minh.

+ Bố cục tác phẩm: Như câu 2 đã phân tích

=> Các yếu tố được phân tích trong văn bản đã giúp người đọc “nhìn thấy” được sự tồn tại khách quan của nó

- Nhận xét về khả năng của phương tiện ngôn ngữ khi tái hiện một hình tượng hội hoạ: Hình tượng hội hoạ tác động vào người xem trước hết qua kênh thị giác. Ở đây, hình tượng đó đã được miêu tả lại bằng ngôn ngữ. Nhưng bằng cảm nhận và phân tích chi tiết, sâu sắc, sử dụng ngôn từ có tính hình tượng và cảm xúc, qua lời tác giả Sỹ Ngọc, người đọc như thực sự “thấy được” bức tranh Bình minh trên đồng ruộng của hoạ sĩ Nguyễn Đức Nùng.

Câu 4 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Người viết đã nhận định như thế nào về giá trị của đối tượng được đề cập?

Trả lời:

- Nhận định của người viết về giá trị của đối tượng được đề cập:

+ Một bức tranh mang được chất thơ”.

+ta cảm thấy như ta được truyền sức mạnh (ở toàn bộ thân thể và động tác) của nhân vật trong tranh”.

+ “gợi cho ta hi vọng và niềm yêu đời (mảng bên trái)...gặp thân hình của người lao động (mảng bên phải), ta lại rung cảm với sức sống toát ra từ tấm lưng ấy, bàn tay ấy

Câu 5 trang 27 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nêu cảm nhận của bạn về sự khác nhau giữa một bài viết về hội hoạ và một bài viết về văn học.

Trả lời:

- Muốn viết về một tác phẩm nghệ thuật, nghĩa là phải hiểu biết kiến thức về nghệ thuật đó. Vì vậy muốn viết bài viết về hội họa, người viết cần có kiến thức về chất liệu, phối màu, đường khối, ánh sáng, ý niệm,...; còn viết về văn học, người viết cần có kiến thức về thể loại, ngôn từ, hình tượng, cấu trúc, cảm hứng sáng tác,...)

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Viết trang 28

Nói và Nghe trang 28

1 246 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: