Chương III Thông tư 200/2014/TT-BTC: Báo cáo tài chính
Số hiệu: | 200/2014/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: | 22/12/2014 | Ngày hiệu lực: | 05/02/2015 |
Ngày công báo: | 28/02/2015 | Số công báo: | Từ số 279 đến số 280 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Kế toán - Kiểm toán | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thông tư 200/2014/TT-BTC về Chế độ kế toán doanh nghiệp
Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
Ngoài ra, còn có nhiều quy định mới về sổ sách, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính cũng như một số tài khoản kế toán.
Thông tư này có hiệu lực áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2015.
Thông tư 200 thay thế Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, Thông tư 244/2009/TT-BTC.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Báo cáo tài chính dùng để cung cấp thông tin về tình hình tài chính, tình hình kinh doanh và các luồng tiền của một doanh nghiệp, đáp ứng yêu cầu quản lý của chủ doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước và nhu cầu hữu ích của những người sử dụng trong việc đưa ra các quyết định kinh tế. Báo cáo tài chính phải cung cấp những thông tin của một doanh nghiệp về:
a) Tài sản;
b) Nợ phải trả;
c) Vốn chủ sở hữu;
d) Doanh thu, thu nhập khác, chi phí sản xuất kinh doanh và chi phí khác;
đ) Lãi, lỗ và phân chia kết quả kinh doanh;
e) Các luồng tiền.
2. Ngoài các thông tin này, doanh nghiệp còn phải cung cấp các thông tin khác trong “Bản thuyết minh Báo cáo tài chính” nhằm giải trình thêm về các chỉ tiêu đã phản ánh trên các Báo cáo tài chính tổng hợp và các chính sách kế toán đã áp dụng để ghi nhận các nghiệp vụ kinh tế phát sinh, lập và trình bày Báo cáo tài chính.
1. Kỳ lập Báo cáo tài chính năm: Các doanh nghiệp phải lập Báo cáo tài chính năm theo quy định của Luật kế toán.
2. Kỳ lập Báo cáo tài chính giữa niên độ: Báo cáo tài chính giữa niên độ gồm Báo cáo tài chính quý (bao gồm cả quý IV) và Báo cáo tài chính bán niên.
3. Kỳ lập Báo cáo tài chính khác
a) Các doanh nghiệp có thể lập Báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác (như tuần, tháng, 6 tháng, 9 tháng...) theo yêu cầu của pháp luật, của công ty mẹ hoặc của chủ sở hữu.
b) Đơn vị kế toán bị chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản phải lập Báo cáo tài chính tại thời điểm chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi hình thức sở hữu, giải thể, chấm dứt hoạt động, phá sản.
4. Xác định niên độ tổng hợp Báo cáo tài chính của cơ quan tài chính, thống kê
Khi tổng hợp thống kê, trường hợp nhận được Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp có năm tài chính khác năm dương lịch, cơ quan quản lý Nhà nước thực hiện theo nguyên tắc:
a) Trường hợp Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp bắt đầu từ 1/4, kết thúc vào 31/3 hàng năm thì số liệu trên Báo cáo tài chính được tổng hợp thống kê vào số liệu của năm trước liền kề;
b) Trường hợp Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp bắt đầu tư 1/7, kết thúc vào 30/6 hàng năm, Báo cáo tài chính dùng để tổng hợp thống kê là Báo cáo tài chính bán niên;
c) Trường hợp Báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp bắt đầu từ 1/10, kết thúc vào 30/9 hàng năm thì số liệu trên Báo cáo tài chính được tổng hợp thống kê vào số liệu của năm sau.
1. Đối tượng lập Báo cáo tài chính năm:
Hệ thống Báo cáo tài chính năm được áp dụng cho tất cả các loại hình doanh nghiệp thuộc các ngành và các thành phần kinh tế. Báo cáo tài chính năm phải lập theo dạng đầy đủ.
2. Đối tượng lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (Báo cáo tài chính quý và Báo cáo tài chính bán niên):
a) Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ hoặc nắm giữ cổ phần chi phối, đơn vị có lợi ích công chúng phải lập Báo cáo tài chính giữa niên độ;
b) Các doanh nghiệp khác không thuộc đối tượng tại điểm a nêu trên được khuyến khích lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (nhưng không bắt buộc).
c) Báo cáo tài chính giữa niên độ được lập dưới dạng đầy đủ hoặc tóm lược. Chủ sở hữu đơn vị quyết định việc lựa chọn dạng đầy đủ hoặc tóm lược đối với Báo cáo tài chính giữa niên độ của đơn vị mình nếu không trái với quy định của pháp luật mà đơn vị thuộc đối tượng bị điều chỉnh.
3. Doanh nghiệp cấp trên có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của riêng đơn vị mình và Báo cáo tài chính tổng hợp. Báo cáo tài chính tổng hợp được lập trên cơ sở đã bao gồm số liệu của toàn bộ các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân và đảm bảo đã loại trừ tất cả số liệu phát sinh từ các giao dịch nội bộ giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.
Các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân phải lập Báo cáo tài chính của mình phù hợp với kỳ báo cáo của đơn vị cấp trên để phục vụ cho việc tổng hợp Báo cáo tài chính của đơn vị cấp trên và kiểm tra của cơ quan quản lý Nhà nước.
4. Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp ngành đặc thủ tuân thủ theo quy định tại chế độ kế toán do Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận cho ngành ban hành.
5. Việc lập, trình bày và công khai Báo cáo tài chính hợp nhất năm và Báo cáo tài chính hợp nhất giữa niên độ thực hiện theo quy định của pháp luật về Báo cáo tài chính hợp nhất.
6. Việc ký Báo cáo tài chính phải thực hiện theo Luật kế toán. Đối với đơn vị không tự lập Báo cáo tài chính mà thuê dịch vụ kế toán lập Báo cáo tài chính, người hành nghề thuộc các đơn vị dịch vụ kế toán phải ký và ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề, tên và địa chỉ Đơn vị cung cấp dịch vụ kế toán. Người hành nghề cá nhân phải ghi rõ Số chứng chỉ hành nghề.
Hệ thống Báo cáo tài chính gồm Báo cáo tài chính năm và Báo cáo tài chính giữa niên độ. Biểu mẫu Báo cáo tài chính kèm theo tại Phụ lục 2 Thông tư này. Những chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Báo cáo tài chính, doanh nghiệp chủ động đánh lại số thứ tự các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.
1. Báo cáo tài chính năm gồm:
- Bảng cân đối kế toán |
|
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh |
|
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ |
|
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính |
2. Báo cáo tài chính giữa niên độ:
a) Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng đầy đủ, gồm:
- Bảng cân đối kế toán giữa niên độ |
|
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ |
|
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ |
|
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc |
b) Báo cáo tài chính giữa niên độ dạng tóm lược, gồm:
- Bảng cân đối kế toán giữa niên độ |
|
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh giữa niên độ |
|
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ giữa niên độ |
|
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc |
1. Thông tin trình bày trên Báo cáo tài chính phải phản ánh trung thực, hợp lý tình hình tài chính, tình hình và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Để đảm bảo sự trung thực, thông tin phải có 3 tính chất là đầy đủ, khách quan, không có sai sót.
- Thông tin được coi là đầy đủ khi bao gồm tất cả các thông tin cần thiết để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính hiểu được bản chất, hình thức và rủi ro của các giao dịch và sự kiện. Đối với một số khoản mục, việc trình bày đầy đủ còn phải mô tả thêm các thông tin về chất lượng, các yếu tố và tình huống có thể ảnh hưởng tới chất lượng và bản chất của khoản mục.
- Trình bày khách quan là không thiên vị khi lựa chọn hoặc mô tả các thông tin tài chính. Trình bày khách quan phải đảm bảo tính trung lập, không chú trọng, nhấn mạnh hoặc giảm nhẹ cũng như có các thao tác khác làm thay đổi mức độ ảnh hưởng của thông tin tài chính là có lợi hoặc không có lợi cho người sử dụng Báo cáo tài chính.
- Không sai sót có nghĩa là không có sự bỏ sót trong việc mô tả hiện tượng và không có sai sót trong quá trình cung cấp các thông tin báo cáo được lựa chọn và áp dụng. Không sai sót không có nghĩa là hoàn toàn chính xác trong tất cả các khía cạnh, ví dụ, việc ước tính các loại giá cả và giá trị không quan sát được khó xác định là chính xác hay không chính xác. Việc trình bày một ước tính được coi là trung thực nếu giá trị ước tính được mô tả rõ ràng, bản chất và các hạn chế của quá trình ước tính được giải thích và không có sai sót trong việc lựa chọn số liệu phù hợp trong quá trình ước tính.
2. Thông tin tài chính phải thích hợp để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính dự đoán, phân tích và đưa ra các quyết định kinh tế.
3. Thông tin tài chính phải được trình bày đầy đủ trên mọi khía cạnh trọng yếu. Thông tin được coi là trọng yếu trong trường hợp nếu thiếu thông tin hoặc thông tin thiếu chính xác có thể làm ảnh hưởng tới quyết định của người sử dụng thông tin tài chính của đơn vị báo cáo. Tính trọng yếu dựa vào bản chất và độ lớn, hoặc cả hai, của các khoản mục có liên quan được trình bày trên báo cáo tài chính của một đơn vị cụ thể.
4. Thông tin phải đảm bảo có thể kiểm chứng, kịp thời và dễ hiểu.
5. Thông tin tài chính phải được trình bày nhất quán và có thể so sánh giữa các kỳ kế toán; So sánh được giữa các doanh nghiệp với nhau.
1. Việc lập và trình bày Báo cáo tài chính phải tuân thủ các quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và các chuẩn mực kế toán khác có liên quan. Các thông tin trọng yếu phải được giải trình để giúp người đọc hiểu đúng thực trạng tình hình tài chính của doanh nghiệp.
2. Báo cáo tài chính phải phản ánh đúng bản chất kinh tế của các giao dịch và sự kiện hơn là hình thức pháp lý của các giao dịch và sự kiện đó (tôn trọng bản chất hơn hình thức).
3. Tài sản không được ghi nhận cao hơn giá trị có thể thu hồi; Nợ phải trả không được ghi nhận thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán.
4. Phân loại tài sản và nợ phải trả: Tài sản và nợ phải trả trên Bảng cân đối kế toán phải được trình bày thành ngắn hạn và dài hạn; Trong từng phần ngắn hạn và dài hạn, các chỉ tiêu được sắp xếp theo tính thanh khoản giảm dần.
a) Tài sản hoặc nợ phải trả có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo được phân loại là ngắn hạn;
b) Những tài sản và nợ phải trả không được phân loại là ngắn hạn thì được phân loại là dài hạn.
c) Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải thực hiện tái phân loại tài sản và nợ phải trả được phân loại là dài hạn trong kỳ trước nhưng có thời gian đáo hạn còn lại không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường kể từ thời điểm báo cáo thành ngắn hạn.
5. Tài sản và nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt. Chỉ thực hiện bù trừ khi tài sản và nợ phải trả liên quan đến cùng một đối tượng, có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn, phát sinh từ các giao dịch và sự kiện cùng loại.
6. Các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí phải được trình bày theo nguyên tắc phù hợp và đảm bảo nguyên tắc thận trọng. Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ phản ánh các khoản mục doanh thu, thu nhập, chi phí và luồng tiền của kỳ báo cáo. Các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí của các kỳ trước có sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh và lưu chuyển tiền phải được điều chỉnh hồi tố, không điều chỉnh vào kỳ báo cáo.
7. Khi lập Báo cáo tài chính tổng hợp giữa doanh nghiệp và các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, số dư các khoản mục nội bộ của Bảng cân đối kế toán, các khoản doanh thu, chi phí, lãi, lỗ được coi là chưa thực hiện phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải được loại trừ.
Khi thay đổi kỳ kế toán, ví dụ đổi kỳ kế toán từ năm dương lịch sang kỳ kế toán khác năm dương lịch, doanh nghiệp phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
1. Việc thay đổi kỳ kế toán phải tuân thủ theo quy định của Luật kế toán. Khi thay đổi kỳ kế toán năm, kế toán phải lập riêng Báo cáo tài chính cho giai đoạn giữa 2 kỳ kế toán của năm tài chính cũ và năm tài chính mới, ví dụ:
Doanh nghiệp có kỳ kế toán năm 2014 theo năm dương lịch. Năm 2015, doanh nghiệp chuyển sang áp dụng kỳ kế toán năm bắt đầu từ 1/4 năm trước đến 31/3 năm sau. Trường hợp này, doanh nghiệp phải lập Báo cáo tài chính riêng cho giai đoạn từ 1/1/2015 đến 31/3/2015.
2. Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của kỳ kế toán trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của kỳ kế toán mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.
3. Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Số liệu kể từ thời điểm thay đổi kỳ kế toán đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”. Cột “kỳ trước” trình bày số liệu của 12 tháng trước tương đương với kỳ kế toán năm hiện tại.
Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, khi trình bày cột “Kỳ trước” trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bắt đầu từ ngày 1/4/2015 và kết thúc ngày 31/3/2016, doanh nghiệp phải trình bày số liệu của giai đoạn từ 1/4/2014 đến 31/3/2015.
Khi chuyển đổi hình thức sở hữu, doanh nghiệp phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chuyển đổi, doanh nghiệp phải ghi sổ kế toán và trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
1. Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới.
2. Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số dư đầu kỳ của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số đầu năm”.
3. Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ: Số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên được trình bày trong cột “Kỳ này”. Cột “kỳ trước” trình bày số liệu luỹ kế kể từ đầu năm báo cáo đến thời điểm chuyển đổi hình thức sở hữu.
Khi chia tách một doanh nghiệp thành nhiều doanh nghiệp mới có tư cách pháp nhân hoặc khi sáp nhập nhiều doanh nghiệp thành một doanh nghiệp khác, doanh nghiệp bị chia tách hoặc bị sáp nhập phải tiến hành khoá sổ kế toán, lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Trong kỳ kế toán đầu tiên sau khi chia tách, sáp nhập, doanh nghiệp mới phải ghi sổ kế toán và trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
1. Đối với sổ kế toán phản ánh tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu trên sổ kế toán của doanh nghiệp cũ được ghi nhận là số phát sinh trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới. Dòng số dư đầu kỳ trên sổ kế toán của doanh nghiệp mới không có số liệu.
2. Đối với Bảng Cân đối kế toán: Toàn bộ số dư tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu kế thừa của doanh nghiệp cũ trước khi chuyển đổi được ghi nhận là số phát sinh của doanh nghiệp mới và được trình bày trong cột “Số cuối năm”. Cột “Số đầu năm” không có số liệu.
3. Đối với Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo Lưu chuyển tiền tệ: Chỉ trình bày số liệu kể từ thời điểm chuyển đổi đến cuối kỳ báo cáo đầu tiên trong cột “Kỳ này”. Cột “Kỳ trước” không có số liệu.
1. Khi lập và trình bày Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xem xét giả định về sự hoạt động liên tục. Doanh nghiệp bị coi là không hoạt động liên tục nếu hết thời hạn hoạt động mà không có hồ sơ xin gia hạn hoạt động, dự kiến chấm dứt hoạt động (phải có văn bản cụ thể gửi cơ quan có thẩm quyền) hoặc bị cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động trong vòng không quá 12 tháng kể từ ngày lập Báo cáo tài chính. Đối với doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường hơn 12 tháng thì không quá một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường.
2. Trong một số trường hợp sau đơn vị vẫn được coi là hoạt động liên tục:
- Việc cổ phần hóa một doanh nghiệp Nhà nước thành công ty cổ phần. Việc xử lý tài chính khi cổ phần hóa là trường hợp đặc biệt, mặc dù phải tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp, đánh giá lại tài sản và nợ phải trả nhưng về bản chất doanh nghiệp vẫn duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh như bình thường;
- Việc thay đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp, ví dụ chuyển một công ty TNHH thành công ty cổ phần hoặc ngược lại;
- Việc chuyển một đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập thành một đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc hoặc ngược lại (ví dụ chuyển một công ty con thành một chi nhánh hoặc ngược lại) vẫn được coi là hoạt động liên tục.
3. Khi không đáp ứng giả định hoạt động liên tục, doanh nghiệp vẫn phải trình bày đủ các Báo cáo tài chính và ghi rõ là:
- Bảng cân đối kế toán áp dụng cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục – Mẫu B01/CDHĐ – DNKLT và được trình bày theo mẫu riêng;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh áp dụng cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục – Mẫu B02/CDHĐ – DNKLT và được trình bày theo mẫu chung tương tự doanh nghiệp hoạt động bình thường;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ áp dụng cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục – Mẫu B03/CDHĐ – DNKLT và được trình bày theo mẫu chung tương tự doanh nghiệp hoạt động bình thường;
- Thuyết minh Báo cáo tài chính áp dụng cho doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục – Mẫu B09/CDHĐ – DNKLT và được trình bày theo mẫu riêng.
4. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải tái phân loại tài sản dài hạn và nợ phải trả dài hạn thành tài sản ngắn hạn và nợ phải trả ngắn hạn.
5. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải đánh giá lại toàn bộ tài sản và nợ phải trả trừ trường hợp có một bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả theo giá trị sổ sách. Doanh nghiệp phải ghi nhận vào sổ kế toán theo giá đánh giá lại trước khi lập Bảng Cân đối kế toán.
5.1. Không phải đánh giá lại tài sản, nợ phải trả nếu bên thứ ba kế thừa quyền đối với tài sản hoặc nghĩa vụ đối với nợ phải trả trong một số trường hợp cụ thể như sau:
a) Trường hợp một đơn vị giải thể để sáp nhập vào đơn vị khác, nếu đơn vị nhận sáp nhập cam kết kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của đơn vị bị giải thể theo giá trị sổ sách;
b) Trường hợp một đơn vị giải thể để chia tách thành các đơn vị khác, nếu đơn vị sau khi chia tách cam kết kế thừa mọi quyền và nghĩa vụ của đơn vị bị giải thể theo giá trị sổ sách;
c) Từng khoản mục tài sản cụ thể được một bên khác cam kết, bảo lãnh thu hồi cho đơn vị bị giải thể theo giá trị sổ sách và việc thu hồi diễn ra trước thời điểm đơn vị chính thức ngừng hoạt động;
d) Từng khoản mục nợ phải trả cụ thể được một bên thứ ba cam kết, bảo lãnh thanh toán cho đơn vị bị giải thể và đơn vị bị giải thể chỉ có nghĩa vụ thanh toán lại cho bên thứ ba đó theo giá trị sổ sách;
5.2. Việc đánh giá lại được thực hiện đối với từng loại tài sản và nợ phải trả theo nguyên tắc:
(a) Đối với tài sản:
- Hàng tồn kho, chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn, thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn được đánh giá thấp hơn giữa giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được tại thời điểm báo cáo;
- TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, bất động sản đầu tư được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá trị còn lại và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (là giá thanh lý trừ các chi phí thanh lý ước tính). Đối với TSCĐ thuê tài chính nếu có điều khoản bắt buộc phải mua lại thì đánh giá lại tương tự như TSCĐ của doanh nghiệp, nếu được trả lại cho bên cho thuê thì đánh giá lại theo số nợ thuê tài chính còn phải trả cho bên cho thuê;
- Chi phí xây dựng cơ bản dở dang được đánh giá theo giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (là giá thanh lý trừ chi phí thanh lý ước tính);
- Chứng khoán kinh doanh được đánh giá theo giá trị hợp lý. Giá trị hợp lý của chứng khoán niêm yết hoặc chứng khoán trên sàn UPCOM được xác định là giá đóng cửa của phiên giao dịch tại ngày báo cáo (hoặc phiên trước liền kề nếu thị trường không giao dịch vào ngày báo cáo);
- Các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết và đơn vị khác được ghi nhận theo giá thấp hơn giữa giá trị ghi sổ và giá trị có thể thu hồi tại thời điểm báo cáo (giá có thể bán trừ chi phí bán ước tính);
- Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, các khoản phải thu được đánh giá theo số thực tế có thể thu hồi.
b) Đối với nợ phải trả: Trường hợp có sự thỏa thuận giữa các bên bằng văn bản về số phải trả thì đánh giá lại theo số thỏa thuận. Trường hợp không có thỏa thuận cụ thể thực hiện như sau:
- Nợ phải trả bằng tiền được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ khoản nợ phải trả và giá trị khoản nợ trả trước thời hạn theo quy định của hợp đồng;
- Nợ phải trả bằng tài sản tài chính được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả và giá trị hợp lý của tài sản tài chính đó tại thời điểm báo cáo;
- Nợ phải trả bằng hàng tồn kho được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ khoản nợ phải trả và giá mua (cộng các chi phí liên quan trực tiếp) hoặc giá thành sản xuất hàng tồn kho tại thời điểm báo cáo;
- Nợ phải trả bằng TSCĐ được đánh giá lại theo giá cao hơn giữa giá trị ghi sổ nợ phải trả và giá mua (cộng các chi phí liên quan trực tiếp) hoặc giá trị còn lại của TSCĐ tại thời điểm báo cáo.
c) Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được đánh giá lại theo tỷ giá thực tế tại thời điểm báo cáo như bình thường.
6. Phương pháp kế toán một số khoản mục tài sản khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục:
a) Việc trích lập dự phòng hoặc đánh giá tổn thất tài sản được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của tài sản, không thực hiện trích lập dự phòng trên TK 229 – “Dự phòng tổn thất tài sản”;
b) Việc tính khấu hao hoặc ghi nhận tổn thất của TSCĐ, Bất động sản đầu tư được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của tài sản, không sử dụng TK 214 để phản ánh hao mòn lũy kế.
7. Khi giả định hoạt động liên tục không còn phù hợp, doanh nghiệp phải xử lý một số vấn đề tài chính sau:
- Thực hiện trích trước vào chi phí để xác định kết quả kinh doanh đối với các khoản lỗ dự kiến phát sinh trong tương lai nếu khả năng phát sinh khoản lỗ là tương đối chắc chắn và giá trị khoản lỗ được ước tính một cách đáng tin cậy; Ghi nhận nghĩa vụ hiện tại đối với các khoản phải trả kể cả trong trường hợp chưa có đầy đủ hồ sơ tài liệu (như biên bản nghiệm thu khối lượng của nhà thầu..) nhưng chắc chắn phải thanh toán;
- Đối với khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản luỹ kế thuộc phần vốn chủ sở hữu, sau khi xử lý TSCĐ hữu hình, vô hình, BĐSĐT, phần còn lại được kết chuyển vào thu nhập khác (nếu lãi) hoặc chi phí khác (nếu lỗ);
- Đối với khoản chênh lệch tỷ giá đang phản ánh luỹ kế trên Bảng cân đối kế toán (như chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc chuyển đổi báo cáo tài chính), doanh nghiệp kết chuyển toàn bộ vào doanh thu tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ);
- Các khoản chi phí trả trước chưa phân bổ hết như lợi thế thương mại phát sinh từ hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ cong ty mẹ-công ty con, lợi thế kinh doanh khi cổ phần hóa, công cụ dụng cụ xuất dùng, chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí trong giai đoạn triển khai… được ghi giảm toàn bộ để tính vào chi phí trong kỳ. Riêng chi phí trả trước liên quan đến việc thuê tài sản, trả trước lãi vay được tính toán và phân bổ để phù hợp với thời gian trả trước thực tế còn lại cho đến khi chính thức dừng hoạt động;
- Công ty mẹ dừng ghi nhận lợi thế thương mại trên Báo cáo tài chính hợp nhất, phần lợi thế thương mại chưa phân bổ hết được tính ngay vào chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Các khoản chênh lệch lãi, lỗ khi đánh giá lại tài sản và nợ phải trả sau khi bù trừ với số dự phòng đã trích lập (nếu có) được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác hoặc chi phí tài chính, chi phí khác tùy từng khoản mục cụ thể tương tự như việc ghi nhận của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục.
8. Trường hợp giả định về sự hoạt động liên tục không còn phù hợp tại thời điểm báo cáo, doanh nghiệp phải thuyết minh chi tiết về khả năng tạo tiền và thanh toán nợ phải trả, vốn chủ sở hữu cho các cổ đông và giải thích lý do về sự không so sánh được giữa thông tin của kỳ báo cáo và thông tin kỳ so sánh, cụ thể:
- Số tiền có khả năng thu hồi từ việc thanh lý, nhượng bán tài sản, thu hồi nợ phải thu;
- Khả năng thanh toán nợ phải trả theo thứ tự ưu tiên, như khả năng trả nợ ngân sách Nhà nước, trả nợ người lao động, trả nợ vay, nợ nhà cung cấp;
- Khả năng thanh toán cho chủ sở hữu, đối với công ty cổ phần cần công bố rõ khả năng mỗi cổ phiếu sẽ nhận được bao nhiều tiền;
- Thời gian tiến hành thanh toán các khoản nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
- Lý do không so sánh được thông tin kỳ báo cáo và kỳ so sánh: Do kỳ trước doanh nghiệp trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc của doanh nghiệp hoạt động liên tục; Kỳ báo cáo vì doanh nghiệp chuẩn bị giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền (ghi rõ tên cơ quan, số quyết định) hoặc do Ban giám đốc có dự định theo văn bản (số, ngày, tháng, năm) nên trình bày Báo cáo tài chính theo nguyên tắc khác.
1. Báo cáo tài chính được sử dụng để công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam phải được trình bày bằng Đồng Việt Nam.Trường hợp doanh nghiệp lập Báo cáo tài chính bằng đồng ngoại tệ thì phải chuyển đổi Báo cáo tài chính ra Đồng Việt Nam khi công bố ra công chúng và nộp các cơ quan chức năng quản lý Nhà nước tại Việt Nam.
2. Phương pháp chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam để công bố thông tin ra công chúng và nộp các cơ quan quản lý Nhà nước:
a) Khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Đồng Việt Nam, kế toán phải quy đổi các chỉ tiêu của Báo cáo tài chính theo nguyên tắc sau:
- Tài sản và nợ phải trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ (là tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm báo cáo);
- Vốn chủ sở hữu (vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác, quyền chọn chuyển đổi trái phiếu) được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày góp vốn;
- Chênh lệch tỷ giá và chênh lệch đánh giá lại tài sản được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày đánh giá;
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối phát sinh sau ngày đầu tư được quy đổi ra Đồng Việt Nam bằng cách tính toán theo các khoản mục của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Lợi nhuận, cổ tức đã trả được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày trả lợi tức, cổ tức;
- Các khoản mục thuộc Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch. Trường hợp tỷ giá bình quân kỳ kế toán xấp xỉ với tỷ giá thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch (chênh lệch không vượt quá 3%) thì có thể áp dụng theo tỷ giá bình quân (nếu lựa chọn).
b) Phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá do chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra ĐồngViệt Nam.
Chênh lệch tỷ giá phát sinh khi chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng đồng ngoại tệ ra Việt Nam Đồng được ghi nhận trên chỉ tiêu “Chênh lệch tỷ giá hối đoái” – Mã số 417 thuộc phần vốn chủ sở hữu của Bảng cân đối kế toán.
1. Khi thay đổi đơn vị tiền tệ kế toán, tại kỳ đầu tiên kể từ khi thay đổi, kế toán thực hiện chuyển đổi số dư sổ kế toán sang đơn vị tiền tệ trong kế toán mới theo tỷ giá chuyển khoản của một ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại ngày thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
2. Tỷ giá áp dụng đối với thông tin so sánh (cột kỳ trước) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ:
Khi trình bày thông tin so sánh trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và báo cáo lưu chuyển tiền tệ của kỳ có sự thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, đơn vị áp dụng tỷ giá chuyển khoản bình quân kỳ trước liền kề với kỳ thay đổi (nếu tỷ giá bình quân xấp xỉ tỷ giá thực tế).
3. Khi thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán, doanh nghiệp phải trình bày rõ trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính lý do thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán và những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính do việc thay đổi đơn vị tiền tệ trong kế toán.
1. Đối với doanh nghiệp nhà nước
a) Thời hạn nộp Báo cáo tài chính quý:
- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính quý chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán quý; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty Nhà nước chậm nhất là 45 ngày;
- Đơn vị kế toán trực thuộc doanh nghiệp, Tổng công ty Nhà nước nộp Báo cáo tài chính quý cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
b) Thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm:
- Đơn vị kế toán phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; Đối với công ty mẹ, Tổng công ty nhà nước chậm nhất là 90 ngày;
- Đơn vị kế toán trực thuộc Tổng công ty nhà nước nộp Báo cáo tài chính năm cho công ty mẹ, Tổng công ty theo thời hạn do công ty mẹ, Tổng công ty quy định.
2. Đối với các loại doanh nghiệp khác
a) Đơn vị kế toán là doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh phải nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 30 ngày, kể từ ngày kết thúc kỳ kế toán năm; đối với các đơn vị kế toán khác, thời hạn nộp Báo cáo tài chính năm chậm nhất là 90 ngày;
b) Đơn vị kế toán trực thuộc nộp Báo cáo tài chính năm cho đơn vị kế toán cấp trên theo thời hạn do đơn vị kế toán cấp trên quy định.
Nơi nhận báo cáo |
||||||
CÁC LOẠI DOANH NGHIỆ (4) |
Kỳ lập báo cáo |
Cơ quan tài chính (1) |
Cơ quan Thuế (2) |
Cơ quan Thống kê |
DN cấp trên (3) |
Cơ quan đăng ký kinh doanh |
1. Doanh nghiệp Nhà nước |
Quý, Năm |
x |
x |
x |
x |
x |
2. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài |
Năm |
x |
x |
x |
x |
x |
3. Các loại doanh nghiệp khác |
Năm |
|
x |
x |
x |
x |
1. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước đóng trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải lập và nộp Báo cáo tài chính cho Sở Tài chính tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đối với doanh nghiệp Nhà nước Trung ương còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp).
- Đối với các loại doanh nghiệp Nhà nước như: Ngân hàng thương mại, công ty xổ số kiến thiết, tổ chức tín dụng, doanh nghiệp bảo hiểm, công ty kinh doanh chứng khoán phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Vụ Tài chính ngân hàng hoặc Cục Quản lý giám sát bảo hiểm).
- Các công ty kinh doanh chứng khoán và công ty đại chúng phải nộp Báo cáo tài chính cho Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán.
2. Các doanh nghiệp phải gửi Báo cáo tài chính cho cơ quan thuế trực tiếp quản lý thuế tại địa phương. Đối với các Tổng công ty Nhà nước còn phải nộp Báo cáo tài chính cho Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế).
3. Doanh nghiệp có đơn vị kế toán cấp trên phải nộp Báo cáo tài chính cho đơn vị kế toán cấp trên theo quy định của đơn vị kế toán cấp trên.
4. Đối với các doanh nghiệp mà pháp luật quy định phải kiểm toán Báo cáo tài chính thì phải kiểm toán trước khi nộp Báo cáo tài chính theo quy định. Báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đã thực hiện kiểm toán phải đính kèm báo cáo kiểm toán vào Báo cáo tài chính khi nộp cho các cơ quan quản lý Nhà nước và doanh nghiệp cấp trên.
5. Cơ quan tài chính mà doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phải nộp Báo cáo tài chính là Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi doanh nghiệp đăng ký trụ sở kinh doanh chính.
6. Đối với các doanh nghiệp Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ, ngoài các cơ quan nơi doanh nghiệp phải nộp Báo cáo tài chính theo quy định trên, doanh nghiệp còn phải nộp Báo cáo tài chính cho các cơ quan, tổ chức được phân công, phân cấp thực hiện quyền của chủ sở hữu theo Nghị định số 99/2012/NĐ-CP và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
7. Các doanh nghiệp (kể cả các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài) có trụ sở nằm trong khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao còn phải nộp Báo cáo tài chính năm cho Ban quản lý khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao nếu được yêu cầu.
Trong Báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phải trình bày các thông tin chung sau:
- Tên và địa chỉ của doanh nghiệp báo cáo;
- Nêu rõ Báo cáo tài chính này là Báo cáo tài chính riêng của doanh nghiệp, Báo cáo tài chính tổng hợp hay Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ, tập đoàn;
- Ngày kết thúc kỳ kế toán;
- Ngày lập Báo cáo tài chính;
- Đơn vị tiền tệ dùng để ghi sổ kế toán;
- Đơn vị tiền tệ dùng để lập và trình bày Báo cáo tài chính.
1. Lập và trình Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
1.1. Mục đích của Bảng cân đối kế toán
Bảng cân đối kế toán là Báo cáo tài chính tổng hợp, phản ánh tổng quát toàn bộ giá trị tài sản hiện có và nguồn hình thành tài sản đó của doanh nghiệp tại một thời điểm nhất định. Số liệu trên Bảng cân đối kế toán cho biết toàn bộ giá trị tài sản hiện có của doanh nghiệp theo cơ cấu của tài sản và cơ cấu nguồn vốn hình thành các tài sản đó. Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán có thể nhận xét, đánh giá khái quát tình hình tài chính của doanh nghiệp.
1.2. Nguyên tắc lập và trình bày Bảng cân đối kế toán
1.2.1. Theo quy định tại Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” khi lập và trình bày Bảng cân đối kế toán phải tuân thủ các nguyên tắc chung về lập và trình bày Báo cáo tài chính. Ngoài ra, trên Bảng cân đối kế toán, các khoản mục Tài sản và Nợ phải trả phải được trình bày riêng biệt thành ngắn hạn và dài hạn, tuỳ theo thời hạn của chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp, cụ thể như sau:
a) Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường trong vòng 12 tháng, thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo nguyên tắc sau:
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng không quá 12 tháng tới kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại ngắn hạn;
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo được xếp vào loại dài hạn.
b) Đối với doanh nghiệp có chu kỳ kinh doanh bình thường dài hơn 12 tháng, thì Tài sản và Nợ phải trả được phân thành ngắn hạn và dài hạn theo điều kiện sau:
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong vòng một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại ngắn hạn;
- Tài sản và Nợ phải trả được thu hồi hay thanh toán trong thời gian dài hơn một chu kỳ kinh doanh bình thường được xếp vào loại dài hạn.
Trường hợp này, doanh nghiệp phải thuyết minh rõ đặc điểm xác định chu kỳ kinh doanh thông thường, thời gian bình quân của chu kỳ kinh doanh thông thường, các bằng chứng về chu kỳ sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cũng như của ngành, lĩnh vực doanh nghiệp hoạt động.
c) Đối với các doanh nghiệp do tính chất hoạt động không thể dựa vào chu kỳ kinh doanh để phân biệt giữa ngắn hạn và dài hạn, thì các Tài sản và Nợ phải trả được trình bày theo tính thanh khoản giảm dần.
1.2.2. Khi lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp giữa các đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân, đơn vị cấp trên phải thực hiện loại trừ tất cả số dư của các khoản mục phát sinh từ các giao dịch nội bộ, như các khoản phải thu, phải trả, cho vay nội bộ.... giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới, giữa các đơn vị cấp dưới với nhau.
Kỹ thuật loại trừ các khoản mục nội bộ khi tổng hợp Báo cáo giữa đơn vị cấp trên và cấp dưới hạch toán phụ thuộc được thực hiện tương tự như kỹ thuật hợp nhất Báo cáo tài chính.
1.2.3. Các chỉ tiêu không có số liệu được miễn trình bày trên Bảng cân đối kế toán. Doanh nghiệp chủ động đánh lại số thứ tự của các chỉ tiêu theo nguyên tắc liên tục trong mỗi phần.
1.3. Cơ sở lập Bảng cân đối kế toán
- Căn cứ vào sổ kế toán tổng hợp;
- Căn cứ vào sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết;
- Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán năm trước (để trình bày cột đầu năm).
1.4. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Mẫu B01-DN)
a) Tài sản ngắn hạn (Mã số 100)
Tài sản ngắn hạn phản ánh tổng giá trị tiền, các khoản tương đương tiền và các tài sản ngắn hạn khác có thể chuyển đổi thành tiền, có thể bán hay sử dụng trong vòng không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ kinh doanh bình thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền, các khoản tương đương tiền, các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn, các khoản phải thu ngắn hạn, hàng tồn kho và tài sản ngắn hạn khác.
Mã số 100 = Mã số 110 + Mã số 120 + Mã số 130 + Mã số 140 + Mã số 150.
- Tiền và các khoản tương đương tiền (Mã số 110)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số tiền và các khoản tương đương tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ, tiền gửi ngân hàng (không kỳ hạn), tiền đang chuyển và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp. Mã số 110 = Mã số 111 + Mã số 112.
+ Tiền (Mã số 111)
Là chỉ tiêu phản ánh toàn bộ số tiền hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, gồm: Tiền mặt tại quỹ của doanh nghiệp, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn và tiền đang chuyển. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Tiền” là tổng số dư Nợ của các Tài khoản 111 “Tiền mặt”, 112 “Tiền gửi ngân hàng” và 113 “Tiền đang chuyển”.
+ Các khoản tương đương tiền (Mã số 112)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi không quá 3 tháng kể từ ngày đầu tư có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền tại thời điểm báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ chủ yếu vào số dư Nợ chi tiết của tài khoản 1281 “Tiền gửi có kỳ hạn” (chi tiết các khoản tiền gửi có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng) và tài khoản 1288 “Các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn” (chi tiết các khoản đủ tiêu chuẩn phân loại là tương đương tiền). Ngoài ra, trong quá trình lập báo cáo, nếu nhận thấy các khoản được phản ánh ở các tài khoản khác thỏa mãn định nghĩa tương tương tiền thì kế toán được phép trình bày trong chỉ tiêu này. Các khoản tương đương tiền có thể bao gồm: Kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn gốc không quá 3 tháng…
Các khoản trước đây được phân loại là tương đương tiền nhưng quá hạn chưa thu hồi được phải chuyển sang trình bày tại các chỉ tiêu khác, phù hợp với nội dung của từng khoản mục.
Khi phân tích các chỉ tiêu tài chính, ngoài các khoản tương đương tiền trình bày trong chỉ tiêu này, kế toán có thể coi tương đương tiền bao gồm cả các khoản có thời hạn thu hồi còn lại dưới 3 tháng kể từ ngày báo cáo (nhưng có kỳ hạn gốc trên 3 tháng) có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong việc chuyển đổi thành tiền.
- Đầu tư tài chính ngắn hạn (Mã số 120)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị của các khoản đầu tư ngắn hạn (sau khi đã trừ đi dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh), bao gồm: Chứng khoán nắm giữ vì mục đích kinh doanh, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn và các khoản đầu tư khác có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo.
Các khoản đầu tư ngắn hạn được phản ánh trong chỉ tiêu này không bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn đã được trình bày trong chỉ tiêu “Các khoản tương đương tiền”, chỉ tiêu “Phải thu về cho vay ngắn hạn”.
Mã số 120 = Mã số 121+ Mã số 122 + Mã số 123.
+ Chứng khoán kinh doanh (Mã số 121)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản chứng khoán và các công cụ tài chính khác nắm giữ vì mục đích kinh doanh tại thời điểm báo cáo (nắm giữ với mục đích chờ tăng giá để bán ra kiếm lời). Chỉ tiêu này có thể bao gồm cả các công cụ tài chính không được chứng khoán hóa, ví dụ như thương phiếu, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng hoán đổi… nắm giữ vì mục đích kinh doanh. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của tài khoản 121 – “Chứng khoán kinh doanh”.
+ Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh (Mã số 122)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng giảm giá của các khoản chứng khoán kinh doanh tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2291 “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (Mã số 123)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo, như tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu, thương phiếu và các loại chứng khoán nợ khác. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn đã được trình bày trong chỉ tiêu “Các khoản tương đương tiền”, chỉ tiêu “Phải thu về cho vay ngắn hạn”. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của TK 1281, TK 1282, 1288 (chi tiết các khoản có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng và không được phân loại là tương đương tiền).
- Các khoản phải thu ngắn hạn (Mã số 130)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu ngắn hạn có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi), như: Phải thu của khách hàng, trả trước cho người bán, phải thu nội bộ, phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng, phải thu về cho vay và phải thu ngắn hạn khác. Mã số 130 = Mã số 131 + Mã số 132 + Mã số 133 + Mã số 134 + Mã số 135 + Mã số 136 + Mã số 137 + Mã số 139.
+ Phải thu ngắn hạn của khách hàng (Mã số 131)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải thu của khách hàng có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” mở theo từng khách hàng.
+ Trả trước cho người bán ngắn hạn (Mã số 132)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã trả trước cho người bán không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường để mua tài sản nhưng chưa nhận được tài sản tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số phát sinh Nợ chi tiết của Tài khoản 331 “Phải trả cho người bán” mở theo từng người bán.
+ Phải thu nội bộ ngắn hạn (Mã số 133)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên và các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc với nhau trong các quan hệ thanh toán ngoài quan hệ giao vốn, có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của các Tài khoản 1362, 1363, 1368 trên Sổ kế toán chi tiết Tài khoản 136. Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải trả nội bộ ngắn hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
+ Phải thu theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (Mã số 134)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa tổng số doanh thu đã ghi nhận luỹ kế tương ứng với phần công việc đã hoàn thành lớn hơn tổng số tiền luỹ kế khách hàng phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch đến cuối kỳ báo cáo của các hợp đồng xây dựng dở dang. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ TK 337 “Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”.
+ Phải thu về cho vay ngắn hạn (Mã số 135)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản cho vay (không bao gồm các nội dung được phản ánh ở chỉ tiêu “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”) có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, như cho các khoản vay bằng khế ước, hợp đồng vay giữa 2 bên. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của TK 1283 – Cho vay.
+ Phải thu ngắn hạn khác (Mã số 136)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu khác có kỳ hạn thu hồi còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, như: Phải thu về các khoản đã chi hộ, tiền lãi, cổ tức được chia, các khoản tạm ứng, cầm cố, ký cược, ký quỹ, cho mượn tạm thời…mà doanh nghiệp được quyền thu hồi không quá 12 tháng. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của các Tài khoản: TK 1385, TK1388, TK334, TK338, TK 141, TK 244.
+ Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi (Mã số 137)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của Tài khoản 2293 “Dự phòng phải thu khó đòi”, chi tiết dự phòng cho các khoản phải thu ngắn hạn khó đòi và đuợc ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Tài sản thiếu chờ xử lý (mã số 139)
Chỉ tiêu này phản ánh các tài sản thiếu hụt, mất mát chưa rõ nguyên nhân đang chờ xử lý tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ TK 1381 – “Tài sản thiếu chờ xử lý”.
- Hàng tồn kho (Mã số 140)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị hiện có các loại hàng tồn kho dự trữ cho quá trình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp (sau khi trừ đi dự phòng giảm giá hàng tồn kho) đến thời điểm báo cáo. Mã số 140 = Mã số 141 + Mã số 149.
+ Hàng tồn kho (Mã số 141)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị của hàng tồn kho thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, được luân chuyển trong một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm giá trị chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn và giá trị thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các tài khoản 151 – “Hàng mua đang đi đường”, tài khoản 152 – “Nguyên liệu, vật liệu”, tài khoản 153 – “Công cụ, dụng cụ”, tài khoản 154 – “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”, tài khoản 155 – “Thành phẩm”, tài khoản 156 – “Hàng hoá”, tài khoản 157 – “Hàng gửi đi bán”, tài khoản 158 – “Hàng hoá kho bảo thuế”.
Khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường không thỏa mãn định nghĩa về hàng tồn kho theo Chuẩn mực kế toán thì không được trình bày trong chỉ tiêu này mà trình bày tại chỉ tiêu “Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn” – Mã số 241.
Khoản thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế trên 12 tháng hoặc vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường không thỏa mãn định nghĩa về hàng tồn kho theo Chuẩn mực kế toán thì không được trình bày trong chỉ tiêu này mà trình bày tại chỉ tiêu “Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn” – Mã số 263.
+ Dự phòng giảm giá hàng tồn kho (Mã số 149)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng giảm giá của các loại hàng tồn kho tại thời điểm báo cáo sau khi trừ số dự phòng giảm giá đã lập cho các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2294 “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”, chi tiết dự phòng cho các khoản mục được trình bày là hàng tồn kho trong chỉ tiêu Mã số 141 và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn: (...).
Chỉ tiêu này không bao gồm số dự phòng giảm giá của chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn và thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn.
- Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 150)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản ngắn hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như chi phí trả trước ngắn hạn, thuế GTGT còn được khấu trừ, các khoản thuế phải thu, giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và tài sản ngắn hạn khác tại thời điểm báo cáo. Mã số 150 = Mã số 151 + Mã số 152 + Mã số 153 + Mã số 154 + Mã số 155.
+ Chi phí trả trước ngắn hạn (Mã số 151)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền trả trước để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong khoảng thời gian không quá 12 tháng hoặc một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường kể từ thời điểm trả trước. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước ngắn hạn” là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 242 “Chi phí trả trước”.
+ Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ (Mã số 152)
Chỉ tiêu này phản ánh số thuế GTGT còn được khấu trừ và số thuế GTGT còn được hoàn lại đến cuối năm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ” căn cứ vào số dư Nợ của Tài khoản 133 “Thuế giá trị gia tăng được khấu trừ”.
+ Thuế và các khoản khác phải thu nhà nước (Mã số 153)
Chỉ tiêu này phản ánh thuế và các khoản khác nộp thừa cho Nhà nước tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Thuế và các khoản khác phải thu nhà nước” căn cứ vào số dư Nợ chi tiết Tài khoản 333 “Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước” trên Sổ kế toán chi tiết TK 333.
+ Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (Mã số 154)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên mua khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ” là số dư Nợ của Tài khoản 171 – “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ”.
+ Tài sản ngắn hạn khác (Mã số 155)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị tài sản ngắn hạn khác, như: Kim khí quý, đá quý (không được phân loại là hàng tồn kho), các khoản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá để bán kiếm lời không được phân loại là bất động sản đầu tư, như tranh, ảnh, vật phẩm khác có giá trị. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của TK 2288 – “Đầu tư khác”.
b) Tài sản dài hạn (Mã số 200)
Chỉ tiêu này phản ánh trị giá các loại tài sản không được phản ánh trong chỉ tiêu tài sản ngắn hạn. Tài sản dài hạn là các tài sản có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như: Các khoản phải thu dài hạn, tài sản cố định, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính dài hạn và tài sản dài hạn khác. Mã số 200 = Mã số 210 + Mã số 220 + Mã số 230 + Mã số 240 + Mã số 250 + Mã số 260.
- Các khoản phải thu dài hạn (Mã số 210)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị của các khoản phải thu có kỳ hạn thu hồi trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh tại thời điểm báo cáo, như: Phải thu của khách hàng, vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc, phải thu nội bộ, phải thu về cho vay, phải thu khác (sau khi trừ đi dự phòng phải thu dài hạn khó đòi). Mã số 210 = Mã số 211 + Mã số 212 + Mã số 213 + Mã số 214 + Mã số 215 + Mã số 216 + Mã số 219.
+ Phải thu dài hạn của khách hàng (Mã số 211)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải thu của khách hàng có kỳ hạn thu hồi trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào chi tiết số dư Nợ của Tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng”, mở chi tiết theo từng khách hàng.
+ Trả trước cho người bán dài hạn (Mã số 212)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã trả trước cho người bán trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường để mua tài sản nhưng chưa nhận được tài sản tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số phát sinh Nợ chi tiết của Tài khoản 331 “Phải trả cho người bán” mở theo từng người bán.
+ Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc (Mã số 213)
Chỉ tiêu này chỉ ghi trên Bảng cân đối kế toán của đơn vị cấp trên phản ánh số vốn kinh doanh đã giao cho các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc. Khi lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp của toàn doanh nghiệp, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh” (Mã số 333) hoặc chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu” (Mã số 411) trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc, chi tiết phần vốn nhận của đơn vị cấp trên. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ của tài khoản 1361 “Vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc”.
+ Phải thu nội bộ dài hạn (Mã số 214)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên và các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc với nhau trong các quan hệ thanh toán ngoài quan hệ giao vốn, có kỳ hạn thu hồi còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của các Tài khoản 1362, 1363, 1368 trên Sổ kế toán chi tiết Tài khoản 136. Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải trả nội bộ dài hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
+ Phải thu về cho vay dài hạn (Mã số 215)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản cho vay bằng khế ước, hợp đồng, thỏa thuận vay giữa 2 bên (không bao gồm các nội dung được phản ánh ở chỉ tiêu “Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn”) có kỳ hạn thu hồi còn lại hơn 12 tháng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết TK 1283 – “Cho vay”.
+ Phải thu dài hạn khác (Mã số 216)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải thu khác có kỳ hạn thu hồi còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, như: Phải thu về các khoản đã chi hộ, tiền lãi, cổ tức được chia; Các khoản tạm ứng, cầm cố, ký cược, ký quỹ, cho mượn…mà doanh nghiệp được quyền thu hồi. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của các tài khoản: TK 1385, TK1388, TK334, TK338, TK 141, TK 244.
+ Dự phòng phải thu dài hạn khó đòi (Mã số 219)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của Tài khoản 2293 “Dự phòng phải thu khó đòi”, chi tiết dự phòng cho các khoản phải thu dài hạn khó đòi và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Tài sản cố định ( Mã số 220)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại (Nguyên giá trừ giá trị hao mòn lũy kế) của các loại tài sản cố định tại thời điểm báo cáo. Mã số 220 = Mã số 221 + Mã số 224 + Mã số 227.
- Tài sản cố định hữu hình (Mã số 221)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định hữu hình tại thời điểm báo cáo. Mã số 221 = Mã số 222 + Mã số 223.
+ Nguyên giá (Mã số 222)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định hữu hình tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 211 “Tài sản cố định hữu hình”.
+ Giá trị hao mòn luỹ kế (Mã số 223)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định hữu hình luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2141 “Hao mòn TSCĐ hữu hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Tài sản cố định thuê tài chính (Mã số 224)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định thuê tài chính tại thời điểm báo cáo. Mã số 224 = Mã số 225 + Mã số 226.
+ Nguyên giá (Mã số 225)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định thuê tài chính tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 212 “Tài sản cố định thuê tài chính”.
+ Giá trị hao mòn luỹ kế (Mã số 226)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định thuê tài chính luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2142 “Hao mòn tài sản cố định thuê tài chính” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Tài sản cố định vô hình (Mã số 227)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại tài sản cố định vô hình tại thời điểm báo cáo. Mã số 227 = Mã số 228 + Mã số 229.
+ Nguyên giá (Mã số 228)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá các loại tài sản cố định vô hình tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 213 “Tài sản cố định vô hình”.
+ Giá trị hao mòn luỹ kế (Mã số 229)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị đã hao mòn của các loại tài sản cố định vô hình luỹ kế tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2143 “Hao mòn TSCĐ vô hình” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (... ).
- Bất động sản đầu tư (Mã số 230)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ giá trị còn lại của các loại bất động sản đầu tư tại thời điểm báo cáo. Mã số 230 = Mã số 231 + Mã số 232.
+ Nguyên giá (Mã số 231)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ nguyên giá của các loại bất động sản đầu tư tại thời điểm báo cáo sau khi đã trừ số tổn thất do suy giảm giá trị của bất động sản đầu tư nắm giữ chờ tăng giá. Số liệu để phản ánh vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 217 “Bất động sản đầu tư”.
+ Giá trị hao mòn luỹ kế (Mã số 232)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ giá trị hao mòn lũy kế của bất động sản đầu tư dùng để cho thuê tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2147 “Hao mòn bất động sản đầu tư” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Tài sản dở dang dài hạn (Mã số 240)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh giá trị chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang dài hạn tại thời điểm báo cáo. Mã số 240 = Mã số 241 + Mã số 242.
+ Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn (Mã số 241)
Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang dài hạn là các chi phí dự định để sản xuất hàng tồn kho nhưng việc sản xuất bị chậm trễ, gián đoạn, tạm ngừng, vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Chỉ tiêu này thường dùng để trình bày các dự án dở dang của các chủ đầu tư xây dựng bất động sản để bán nhưng chậm triển khai, chậm tiến độ.
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị thuần có thể thực hiện được (là giá gốc trừ đi số dự phòng giảm giá đã trích lập riêng cho khoản này) của chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang vượt quá một chu kỳ kinh doanh, không thỏa mãn định nghĩa về hàng tồn kho theo Chuẩn mực kế toán. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Nợ chi tiết của tài khoản 154 – “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” và số dư Có chi tiết của tài khoản 2294 – “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”.
+ Chi phí xây dựng cơ bản dở dang (Mã số 242)
Chỉ tiêu này phản ánh toàn bộ trị giá tài sản cố định đang mua sắm, chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, chi phí sửa chữa lớn tài sản cố định dở dang hoặc đã hoàn thành chưa bàn giao hoặc chưa đưa vào sử dụng. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 241 “Xây dựng cơ bản dở dang”.
- Đầu tư tài chính dài hạn (Mã số 250)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản đầu tư tài chính dài hạn tại thời điểm báo cáo (sau khi trừ đi khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác), như: Đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên kết, liên doanh, đầu tư góp vốn vào đơn vị khác, đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Mã số 250 = Mã số 251 + Mã số 252 + Mã số 253 + Mã số 254 + Mã số 255.
+ Đầu tư vào công ty con (Mã số 251)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản đầu tư vào công ty con và các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập về bản chất là công ty con (không phụ thuộc vào tên gọi hoặc hình thức của đơn vị) tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 221 “Đầu tư vào công ty con”.
+ Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (Mã số 252)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng số dư Nợ của Tài khoản 222 “Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết”.
+ Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (Mã số 253)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư vào vốn chủ sở hữu của đơn vị khác nhưng doanh nghiệp không có quyền kiểm soát, đồng kiểm soát, ảnh hưởng đáng kể (ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết). Số liệu để trình bày vào chỉ tiêu này là số dư Nợ chi tiết của tài khoản 2281 – “Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác”.
+ Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn (Mã số 254)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác do đơn vị được đầu tư bị lỗ và nhà đầu tư có khả năng mất vốn tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 2292 “Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (Mã số 255)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có kỳ hạn còn lại trên 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo, như tiền gửi có kỳ hạn, trái phiếu, thương phiếu và các loại chứng khoán nợ khác. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản cho vay được trình bày trong chỉ tiêu “Phải thu về cho vay dài hạn”. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của các TK 1281, TK 1282, 1288.
- Tài sản dài hạn khác (Mã số 260)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các tài sản dài hạn khác có thời hạn thu hồi hoặc sử dụng trên 12 tháng tại thời điểm báo cáo, như: Chi phí trả trước dài hạn, tài sản thuế thu nhập hoãn lại và tài sản dài hạn chưa được trình bày ở các chỉ tiêu khác tại thời điểm báo cáo. Mã số 260 = Mã số 261 + Mã số 262 + Mã số 268.
+ Chi phí trả trước dài hạn (Mã số 261)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền trả trước để được cung cấp hàng hóa, dịch vụ có thời hạn trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường kể từ thời điểm trả trước; Lợi thế thương mại và lợi thế kinh doanh còn chưa phân bổ vào chi phí tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào vào chỉ tiêu “Chi phí trả trước dài hạn” là số dư Nợ chi tiết của Tài khoản 242 “Chi phí trả trước”. Doanh nghiệp không phải tái phân loại chi phí trả trước dài hạn thành chi phí trả trước ngắn hạn.
+ Tài sản thuế thu nhập hoãn lại (Mã số 262)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị tài sản thuế thu nhâp hoãn lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại” được căn cứ vào số dư Nợ Tài khoản 243 “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại”.
Nếu các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan đến cùng một đối tượng nộp thuế và được quyết toán với cùng một cơ quan thuế thì thuế hoãn lại phải trả được bù trừ với tài sản thuế hoãn lại. Trường hợp này, chỉ tiêu “Tài sản thuế thu nhập hoãn lại” phản ánh số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
+ Thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế dài hạn (Mã số 263)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị thuần (sau khi đã trừ dự phòng giảm giá) của thiết bị, vật tư, phụ tùng dùng để dự trữ, thay thế, phòng ngừa hư hỏng của tài sản nhưng không đủ tiêu chuẩn để phân loại là tài sản cố định và có thời gian dự trữ trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất kinh doanh thông thường nên không được phân loại là hàng tồn kho. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào số dư chi tiết tài khoản 1534 – “Thiết bị, phụ tùng thay thế” (chi tiết số phụ tùng, thiết bị thay thế dự trữ dài hạn) và số dư Có chi tiết của tài khoản 2294 – “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho”.
+ Tài sản dài hạn khác (Mã số 268)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị tài sản dài hạn khác ngoài các tài sản dài hạn đã nêu trên, như các vật phẩm có giá trị để trưng bày, bảo tàng, giới thiệu truyền thống, lịch sử… nhưng không được phân loại là TSCĐ và không dự định bán trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào số dư chi tiết tài khoản 2288.
c) Tổng cộng tài sản (Mã số 270)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng trị giá tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo, bao gồm tài sản ngắn hạn và tài sản dài hạn.
Mã số 270 = Mã số 100 + Mã số 200.
d) Nợ phải trả (Mã số 300)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh toàn bộ số nợ phải trả tại thời điểm báo cáo, gồm: Nợ ngắn hạn và nợ dài hạn. Mã số 300 = Mã số 310 + Mã số 330.
e) Nợ ngắn hạn (Mã số 310)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ còn phải trả có thời hạn thanh toán không quá 12 tháng hoặc dưới một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường, như: Các khoản vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn, phải trả người bán, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, phải trả người lao động, chi phí phải trả, phải trả nội bộ, doanh thu chưa thực hiện, dự phòng phải trả… tại thời điểm báo cáo. Mã số 310 = Mã số 311 + Mã số 312 + Mã số 313 + Mã số 314 + Mã số 315 + Mã số 316 + Mã số 317 + Mã số 318 + Mã số 319 + Mã số 320 + Mã số 321 + Mã số 322 + Mã số 323 + Mã số 324.
+ Phải trả người bán ngắn hạn (Mã số 311)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải trả cho người bán có thời hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 331 “Phải trả cho người bán” mở chi tiết cho từng người bán.
+ Người mua trả tiền trước ngắn hạn (Mã số 312)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền người mua ứng trước để mua sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư và doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (không bao gồm các khoản doanh thu nhận trước). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số phát sinh Có chi tiết của tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” mở chi tiết cho từng khách hàng.
+ Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (Mã số 313)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số các khoản doanh nghiệp còn phải nộp cho Nhà nước tại thời điểm báo cáo, bao gồm cả các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 333 “Thuế và các khoản phải nộp nhà nước”.
+ Phải trả người lao động (Mã số 314)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh nghiệp còn phải trả cho người lao động tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 334 “Phải trả người lao động”.
+ Chi phí phải trả ngắn hạn (Mã số 315)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản nợ còn phải trả do đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn hoặc các khoản chi phí của kỳ báo cáo chưa có đủ hồ sơ, tài liệu nhưng chắc chắn sẽ phát sinh cần phải được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh và sẽ phải thanh toán trong vòng 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như trích trước tiền lương nghỉ phép, lãi vay phải trả… Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 335 “Chi phí phải trả”.
+ Phải trả nội bộ ngắn hạn (Mã số 316)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải trả nội bộ có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (ngoài phải trả về vốn kinh doanh) giữa đơn vị cấp trên và đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản 3362, 3363, 3368. Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải thu nội bộ ngắn hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
+ Phải trả theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng (Mã số 317)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa tổng số tiền luỹ kế khách hàng phải thanh toán theo tiến độ kế hoạch lớn hơn tổng số doanh thu đã ghi nhận luỹ kế tương ứng với phần công việc đã hoàn thành đến cuối kỳ báo cáo của các hợp đồng xây dựng dở dang. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có của Tài khoản 337 “Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng”.
+ Doanh thu chưa thực hiện ngắn hạn (Mã số 318)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trong vòng 12 tháng tiếp theo hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện”.
+ Phải trả ngắn hạn khác (Mã số 319)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải trả khác có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng hoặc trong một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác, như: Giá trị tài sản phát hiện thừa chưa rõ nguyên nhân, phải nộp cho cơ quan BHXH, KPCĐ, các khoản nhận ký cược, ký quỹ ngắn hạn… Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản: TK 338, 138, 344.
+ Vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn (Mã số 320)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá trị các khoản doanh nghiệp đi vay, còn nợ các ngân hàng, tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác có kỳ hạn thanh toán còn lại không quá 12 tháng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của TK 341 và 34311 (chi tiết phần đến hạn thanh toán trong 12 tháng tiếp theo).
+ Dự phòng phải trả ngắn hạn (Mã số 321)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng cho các khoản dự kiến phải trả không quá 12 tháng hoặc trong chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng, dự phòng tái cơ cấu, các khoản chi phí trích trước để sửa chữa TSCĐ định kỳ, chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước… Các khoản dự phòng phải trả thường được ước tính, chưa chắc chắn về thời gian phải trả, giá trị phải trả và doanh nghiệp chưa nhận được hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 352 “Dự phòng phải trả”.
+ Quỹ khen thưởng, phúc lợi (Mã số 322)
Chỉ tiêu này phản ánh Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi, Quỹ thưởng ban quản lý điều hành chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 353 “Quỹ khen thưởng, phúc lợi”.
+ Quỹ bình ổn giá (Mã số 323)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị Quỹ bình ổn giá hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 357 - Quỹ bình ổn giá.
+ Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (Mã số 324)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 171 “Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ”.
g) Nợ dài hạn (Mã số 330)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng giá trị các khoản nợ dài hạn của doanh nghiệp bao gồm những khoản nợ có thời hạn thanh toán còn lại từ 12 tháng trở lên hoặc trên một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, như: Khoản phải trả người bán, phải trả nội bộ, các khoản phải trả dài hạn khác, vay và nợ thuê tài chính dài hạn… tại thời điểm báo cáo. Mã số 330 = Mã số 331 + Mã số 332 + Mã số 333 + Mã số 334 + Mã số 335 + Mã số 336 + Mã số 337 + Mã số 338 + Mã số 339 + Mã số 340 + Mã số 341 + Mã số 342 + Mã số 343.
+ Phải trả người bán dài hạn (Mã số 331)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền còn phải trả cho người bán có thời hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của tài khoản 331 “Phải trả cho người bán”, mở cho từng người bán.
+ Người mua trả tiền trước dài hạn (Mã số 332)
Chỉ tiêu này phản ánh số tiền người mua ứng trước để mua sản phầm, hàng hóa, dịch vụ, tài sản cố định, bất động sản đầu tư và doanh nghiệp có nghĩa vụ cung cấp trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (không bao gồm các khoản doanh thu nhận trước). Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số phát sinh Có chi tiết của tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” mở chi tiết cho từng khách hàng.
+ Chi phí phải trả dài hạn (Mã số 333)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản nợ còn phải trả do đã nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng chưa có hóa đơn hoặc các khoản chi phí của kỳ báo cáo chưa có đủ hồ sơ, tài liệu nhưng chắc chắn sẽ phát sinh cần phải được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh và chỉ phải thanh toán sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như lãi vay phải trả của kỳ báo cáo nhưng chi phải thanh toán khi hợp đồng vay dài hạn đáo hạn. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 335 “Chi phí phải trả”.
+ Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh (Mã số 334)
Tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và mô hình quản lý của từng đơn vị, doanh nghiệp thực hiện phân cấp và quy định cho đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn do doanh nghiệp cấp vào chỉ tiêu này hoặc chỉ tiêu “Vốn góp của chủ sở hữu” – Mã số 411.
Chỉ tiêu chỉ ghi ở Bảng cân đối kế toán đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, phản ánh các khoản đơn vị cấp dưới phải trả cho đơn vị cấp trên về vốn kinh doanh.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào chi tiết số dư Có Tài khoản 3361 “Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh”. Khi đơn vị cấp trên lập Bảng cân đối kế toán tổng hợp toàn doanh nghiệp, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc” trên Bảng cân đối kế toán của đơn vị cấp trên.
+ Phải trả nội bộ dài hạn (Mã số 335)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải trả nội bộ có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo (ngoài phải trả về vốn kinh doanh) giữa đơn vị cấp trên và đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc và giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong một doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản 3362, 3363, 3368. Khi đơn vị cấp trên lập Báo cáo tài chính tổng hợp với các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này được bù trừ với chỉ tiêu “Phải thu nội bộ dài hạn” trên Bảng cân đối kế toán của các đơn vị hạch toán phụ thuộc.
+ Doanh thu chưa thực hiện dài hạn (Mã số 336)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với phần nghĩa vụ mà doanh nghiệp sẽ phải thực hiện trong sau 12 tháng hoặc sau một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 3387 – “Doanh thu chưa thực hiện”.
+ Phải trả dài hạn khác (Mã số 337)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản phải trả khác có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tại thời điểm báo cáo, ngoài các khoản nợ phải trả đã được phản ánh trong các chỉ tiêu khác, như: Các khoản nhận ký cược, ký quỹ dài hạn, cho mượn dài hạn, khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay dài hạn… Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của các tài khoản: TK 338, 344.
+ Vay và nợ thuê tài chính dài hạn (Mã số 338)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản doanh nghiệp vay, nợ của các ngân hàng, tổ chức, công ty tài chính và các đối tượng khác, có kỳ hạn thanh toán còn lại trên 12 tại thời điểm báo cáo, như: Số tiền Vay ngân hàng, khoản phải trả về tài sản cố định thuê tài chính, tiền thu phát hành trái phiếu thường... Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết các tài khoản: TK 341 và kết quả tìm được của số dư Có TK 34311 trừ (-) dư Nợ TK 34312 cộng (+) dư Có TK 34313.
+ Trái phiếu chuyển đổi (Mã số 339)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp phát hành tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 3432 – “Trái phiếu chuyển đổi”.
+ Cổ phiếu ưu đãi (Mã số 340)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị cổ phiếu ưu đãi theo mệnh giá mà bắt buộc người phát hành phải mua lại tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết TK 41112 – Cổ phiếu ưu đãi (chi tiết loại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả).
+ Thuế thu nhập hoãn lại phải trả (Mã số 341)
Chỉ tiêu này phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có Tài khoản 347 “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả”.
Nếu các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế và chênh lệch tạm thời được khấu trừ liên quan đến cùng một đối tượng nộp thuế và được quyết toán với cùng một cơ quan thuế thì thuế thu nhập hoãn lại phải trả được bù trừ với tài sản thuế hoãn lại. Trường hợp này chỉ tiêu “Thuế thu nhập hoãn lại phải trả” phản ánh số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả lớn hơn tài sản thuế hoãn lại.
+ Dự phòng phải trả dài hạn (Mã số 342)
Chỉ tiêu này phản ánh khoản dự phòng cho các khoản dự kiến phải trả sau 12 tháng hoặc sau chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường tiếp theo tại thời điểm báo cáo, như dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng, dự phòng tái cơ cấu, các khoản chi phí trích trước để sửa chữa TSCĐ định kỳ, chi phí hoàn nguyên môi trường trích trước… Các khoản dự phòng phải trả thường được ước tính, chưa chắc chắn về thời gian phải trả, giá trị phải trả và doanh nghiệp chưa nhận được hàng hóa, dịch vụ từ nhà cung cấp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết của Tài khoản 352 “Dự phòng phải trả”.
+ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (Mã số 343)
Chỉ tiêu này phản ánh số Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 356 “Quỹ phát triển khoa học và công nghệ”.
h) Vốn chủ sở hữu (Mã số 400 = Mã số 410 + Mã số 430)
- Vốn chủ sở hữu (Mã số 410)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh các khoản vốn kinh doanh thuộc sở hữu của cổ đông, thành viên góp vốn, như: Vốn đầu tư của chủ sở hữu, các quỹ trích từ lợi nhuận sau thuế và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, chênh lệch đánh giá lại tài sản, chênh lệch tỷ giá…
Mã số 410 = Mã số 411 + Mã số 412 + Mã số 413 + Mã số 414 + Mã số 415 + Mã số 416 + Mã số 417 + Mã số 418 + Mã số 419 + Mã số 420 + Mã số 421 + Mã số 422.
- Vốn góp của chủ sở hữu (Mã số 411)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số vốn đã thực góp của các chủ sở hữu vào doanh nghiệp (đối với công ty cổ phần phản ánh vốn góp của các cổ đông theo mệnh giá cổ phiếu) tại thời điểm báo cáo. Tại đơn vị hạch toán phụ thuộc, chỉ tiêu này có thể phản ánh số vốn được cấp nếu doanh nghiệp quy định đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận vào TK 411. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 4111 “Vốn góp của chủ sở hữu”. Đối với công ty cổ phần, Mã số 411 = Mã số 411a + Mã số 411b
+ Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết (Mã số 411a)
Chỉ tiêu này chỉ sử dụng tại công ty cổ phần, phản ánh mệnh giá của cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có TK 41111 – Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết.
+ Cổ phiếu ưu đãi (Mã số 411b)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị cổ phiếu ưu đãi theo mệnh giá nhưng người phát hành không có nghĩa vụ phải mua lại. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này căn cứ vào số dư Có chi tiết TK 41112 – Cổ phiếu ưu đãi (chi tiết loại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu).
- Thặng dư vốn cổ phần (Mã số 412)
Chỉ tiêu này phản ánh thặng dư vốn cổ phần ở thời điểm báo cáo của công ty cổ phần. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 4112 “Thặng dư vốn cổ phần”. Nếu TK 4112 có số dư Nợ thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu (Mã số 413)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi do doanh nghiệp phát hành tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có chi tiết của tài khoản 4113 – “Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu ”.
- Vốn khác của chủ sở hữu (Mã số 414)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị các khoản vốn khác của chủ sở hữu tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có Tài khoản 4118 “Vốn khác”.
- Cổ phiếu quỹ (Mã số 415)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị cổ phiếu quỹ hiện có ở thời điểm báo cáo của công ty cổ phần. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Nợ của Tài khoản 419 “Cổ phiếu quỹ” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản (Mã số 416)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số chênh lệch do đánh giá lại tài sản được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của Tài khoản 412 “Chênh lệch đánh giá lại tài sản”. Trường hợp tài khoản 412 có số dư Nợ thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái (Mã số 417)
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô chưa được xử lý tại thời điểm báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 413 “Chênh lệch tỷ giá hối đoái”. Trường hợp TK 413 có số dư Nợ thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Trường hợp đơn vị sử dụng ngoại tệ làm đơn vị tiền tệ trong kế toán, chỉ tiêu này còn phản ánh khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam.
- Quỹ đầu tư phát triển (Mã số 418)
Chỉ tiêu này phản ánh số Quỹ đầu tư phát triển chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 414 “Quỹ đầu tư phát triển”.
- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp (Mã số 419)
Chỉ tiêu này phản ánh số Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp chưa sử dụng tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 417 – “Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp”.
- Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu (Mã số 420)
Chỉ tiêu này phản ánh số quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu doanh nghiệp trích lập từ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có tài khoản 418 “Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu”.
- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (Mã số 421)
Chỉ tiêu này phản ánh số lãi (hoặc lỗ) sau thuế chưa được quyết toán hoặc chưa phân phối tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 421 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối”. Trường hợp tài khoản 421 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...). Mã số 421 = Mã số 421a + Mã số 421b
+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước (Mã số 421a)
Chỉ tiêu này phản ánh số lãi (hoặc lỗ) chưa được quyết toán hoặc chưa phân phối lũy kế đến thời điểm cuối kỳ trước (đầu kỳ báo cáo).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối kỳ trước” trên Bảng cân đối kế toán quý là số dư Có của tài khoản 4211 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước” cộng với số dư Có chi tiết của Tài khoản 4212 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay”, chi tiết số lợi nhuận lũy kế từ đầu năm đến đầu kỳ báo cáo. Trường hợp tài khoản 4211, 4212 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối đến cuối kỳ trước” trên Bảng cân đối kế toán năm là số dư Có của tài khoản 4211 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước”. Trường hợp tài khoản 4211, 4212 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này (Mã số 421b)
Chỉ tiêu này phản ánh số lãi (hoặc lỗ) chưa được quyết toán hoặc chưa phân phối phát sinh trong kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” trên Bảng cân đối kế toán quý là số dư Có của tài khoản 4212 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay”, chi tiết số lợi nhuận phát sinh trong quý báo cáo. Trường hợp tài khoản 4212 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối kỳ này” trên Bảng cân đối kế toán năm là số dư Có của tài khoản 4212 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay”. Trường hợp tài khoản 4212 có số dư Nợ thì số liệu chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản (Mã số 422)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 441 “Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản”.
i) Nguồn kinh phí và quỹ khác (Mã số 430)
Là chỉ tiêu tổng hợp phản ánh tổng số kinh phí sự nghiệp, dự án được cấp để chi tiêu cho hoạt động sự nghiệp, dự án (sau khi trừ đi các khoản chi sự nghiệp, dự án); Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ tại thời điểm báo cáo. Mã số 430 = Mã số 431 + Mã số 432.
+ Nguồn kinh phí (Mã số 431)
Chỉ tiêu này phản ánh nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án được cấp nhưng chưa sử dụng hết, hoặc số chi sự nghiệp, dự án lớn hơn nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số chênh lệch giữa số dư Có của tài khoản 461 “Nguồn kinh phí sự nghiệp” với số dư Nợ tài khoản 161 “Chi sự nghiệp”. Trường hợp số dư Nợ TK 161 lớn hơn số dư Có TK 461 thì chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
+ Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (Mã số 432)
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ hiện có tại thời điểm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là số dư Có của tài khoản 466 “Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ”.
k) Tổng cộng nguồn vốn (Mã số 440)
Phản ánh tổng số các nguồn vốn hình thành tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm báo cáo. Mã số 440 = Mã số 300 + Mã số 400.
Chỉ tiêu “Tổng cộng Tài sản Mã số 270” |
= |
Chỉ tiêu “Tổng cộng Nguồn vốn Mã số 440” |
2. Lập và trình Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục (Mẫu số B 01/CDHĐ – DNKLT)
2.1. Việc trình bày các chỉ tiêu của Bảng cân đối kế toán khi doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục được thực hiện tương tự như Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp khi đang hoạt động ngoại trừ một số điều chỉnh sau:
(a) Không phân biệt ngắn hạn và dài hạn: Các chỉ tiêu được lập không căn cứ vào thời hạn còn lại kể từ ngày lập báo cáo là trên 12 tháng hay không quá 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ kinh doanh thông thường hay trong một chu kỳ kinh doanh thông thường;
(b) Không trình bày các chỉ tiêu dự phòng do toàn bộ tài sản, nợ phải trả đã được đánh giá lại theo giá trị thuần có thể thực hiện được, giá trị có thể thu hồi hoặc giá trị hợp lý;
2.2. Một số chỉ tiêu có phương pháp lập khác với Bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục như sau:
a) Chỉ tiêu “Chứng khoán kinh doanh” (Mã số 121)
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị ghi sổ của chứng khoán kinh doanh sau khi đã đánh giá lại. Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh” do số dự phòng giảm giá được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của chứng khoán kinh doanh.
b) Các chỉ tiêu liên quan đến các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, góp vốn đầu tư vào đơn vị khác phản ánh theo giá trị ghi sổ sau khi đã đánh giá lại các khoản đầu tư trên. Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng đầu tư tài chính dài hạn” do số dự phòng được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của các khoản đầu tư.
c) Các chỉ tiêu liên quan đến các khoản phải thu phản ánh theo giá trị ghi sổ sau khi đã đánh giá lại các khoản phải thu. Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng phải thu khó đòi” do số dự phòng được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của các khoản phải thu.
d) Chỉ tiêu “Hàng tồn kho” Mã số 140:
Chỉ tiêu này phản ánh giá trị ghi sổ của hàng tồn kho sau khi đã đánh giá lại. Số liệu chỉ tiêu này bao gồm cả các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và thiết bị, vật tư, phụ tùng thay thế được phân loại là dài hạn trên Bảng Cân đối kế toán của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục. Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho” do số dự phòng giảm giá được ghi giảm trực tiếp vào giá trị ghi sổ của hàng tồn kho.
e) Các chỉ tiêu liên quan đến TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, TSCĐ thuê tài chính, Bất động sản đầu tư phản ánh theo giá trị ghi sổ sau khi đã đánh giá lại các tài sản trên. Doanh nghiệp không phải trình bày chỉ tiêu “Nguyên giá” do giá trị sổ sách là giá đánh giá lại, không trình bày chỉ tiêu “Hao mòn lũy kế” do số khấu hao đã được ghi giảm trực tiếp vào giá trị sổ sách của tài sản.
2.3. Các chỉ tiêu khác được lập trình bày bằng cách gộp nội dung và số liệu của các chỉ tiêu tương ứng ở phần dài hạn và ngắn hạn của doanh nghiệp đang hoạt động liên tục.
1. Nội dung và kết cấu báo cáo:
a) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phản ánh tình hình và kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, bao gồm kết quả từ hoạt động kinh doanh chính và kết quả từ các hoạt động tài chính và hoạt động khác của doanh nghiệp.
Khi lập Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh tổng hợp giữa doanh nghiệp và đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, doanh nghiệp phải loại trừ toàn bộ các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
b) Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh gồm có 5 cột:
- Cột số 1: Các chỉ tiêu báo cáo;
- Cột số 2: Mã số của các chỉ tiêu tương ứng;
- Cột số 3: Số hiệu tương ứng với các chỉ tiêu của báo cáo này được thể hiện chỉ tiêu trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính;
- Cột số 4: Tổng số phát sinh trong kỳ báo cáo năm;
- Cột số 5: Số liệu của năm trước (để so sánh).
2. Cơ sở lập báo cáo
- Căn cứ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm trước.
- Căn cứ vào sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết trong kỳ dùng cho các tài khoản từ loại 5 đến loại 9.
3. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu trong Báo cáo Kết quả hoạt động kinh doanh
3.1. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 01):
- Chỉ tiêu này phản ánh tổng doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, bất động sản đầu tư, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác trong năm báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” trong kỳ báo cáo.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.
- Chỉ tiêu này không bao gồm các loại thuế gián thu, như thuế GTGT (kể cả thuế GTGT nộp theo phương pháp trực tiếp), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế, phí gián thu khác.
3.2. Các khoản giảm trừ doanh thu (Mã số 02):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng hợp các khoản được ghi giảm trừ vào tổng doanh thu trong năm, bao gồm: Các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Nợ TK 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” đối ứng với bên Có các TK 521 “Các khoản giảm trừ doanh thu” trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản thuế gián thu, phí mà doanh nghiệp không được hưởng phải nộp NSNN (được kế toán ghi giảm doanh thu trên sổ kế toán TK 511) do các khoản này về bản chất là các khoản thu hộ Nhà nước, không nằm trong cơ cấu doanh thu và không được coi là khoản giảm trừ doanh thu.
3.3. Doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 10):
Chỉ tiêu này phản ánh số doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, BĐS đầu tư, doanh thu cung cấp dịch vụ và doanh thu khác đã trừ các khoản giảm trừ (chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại) trong kỳ báo cáo, làm căn cứ tính kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Mã số 10 = Mã số 01 - Mã số 02.
3.4. Giá vốn hàng bán (Mã số 11):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng giá vốn của hàng hóa, BĐS đầu tư, giá thành sản xuất của thành phẩm đã bán, chi phí trực tiếp của khối lượng dịch vụ hoàn thành đã cung cấp, chi phí khác được tính vào giá vốn hoặc ghi giảm giá vốn hàng bán trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có của Tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán” trong kỳ báo cáo đối ứng bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản giá vốn hàng bán phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.
3.5. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ (Mã số 20):
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa doanh thu thuần về bán hàng hoá, thành phẩm, BĐS đầu tư và cung cấp dịch vụ với giá vốn hàng bán phát sinh trong kỳ báo cáo. Mã số 20 = Mã số 10 - Mã số 11.
3.6. Doanh thu hoạt động tài chính (Mã số 21):
Chỉ tiêu này phản ánh doanh thu hoạt động tài chính thuần phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 515 “Doanh thu hoạt động tài chính” đối ứng với bên Có TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản doanh thu hoạt động tài chính phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.
3.7. Chi phí tài chính (Mã số 22):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí tài chính, gồm tiền lãi vay phải trả, chi phí bản quyền, chi phí hoạt động liên doanh,... phát sinh trong kỳ báo cáo của doanh nghiệp. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là luỹ kế số phát sinh bên Có TK 635 “Chi phí tài chính” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản chi phí tài chính phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.
3.8. Chi phí lãi vay (Mã số 23):
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí lãi vay phải trả được tính vào chi phí tài chính trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào Sổ kế toán chi tiết Tài khoản 635.
3.9. Chi phí bán hàng (Mã số 25):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí bán hàng hóa, thành phẩm đã bán, dịch vụ đã cung cấp phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng cộng số phát sinh bên Có của Tài khoản 641 “Chi phí bán hàng”, đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
3.10. Chi phí quản lý doanh nghiệp (Mã số 26):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là tổng cộng số phát sinh bên Có của Tài khoản 642 “Chi phí quản lý doanh nghiệp”, đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
3.11. Lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 30):
Chỉ tiêu này phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính toán trên cơ sở lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ cộng (+) Doanh thu hoạt động tài chính trừ (-) Chi phí tài chính, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ báo cáo. Mã số 30 = Mã số 20 + (Mã số 21 - Mã số 22) - Mã số 25 - Mã số 26.
3.12. Thu nhập khác (Mã số 31):
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản thu nhập khác, phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Nợ của Tài khoản 711 “Thu nhập khác” đối ứng với bên Có của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
Riêng đối với giao dịch thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, thì số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT và chi phí thanh lý.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản thu nhập khác phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.
3.13. Chi phí khác (Mã số 32):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Có của Tài khoản 811 “Chi phí khác” đối ứng với bên Nợ của Tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
Riêng đối với giao dịch thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, thì số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là phần chênh lệch giữa khoản thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT và chi phí thanh lý.
Khi đơn vị cấp trên lập báo cáo tổng hợp với các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân, các khoản chi phí khác phát sinh từ các giao dịch nội bộ đều phải loại trừ.
3.14. Lợi nhuận khác (Mã số 40):
Chỉ tiêu này phản ánh số chênh lệch giữa thu nhập khác (sau khi đã trừ thuế GTGT phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp) với chi phí khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Mã số 40 = Mã số 31 - Mã số 32.
3.15. Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lợi nhuận kế toán thực hiện trong năm báo cáo của doanh nghiệp trước khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp từ hoạt động kinh doanh, hoạt động khác phát sinh trong kỳ báo cáo. Mã số 50 = Mã số 30 + Mã số 40.
3.16. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (Mã số 51):
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Có Tài khoản 8211 “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trên sổ kế toán chi tiết TK 8211, hoặc căn cứ vào số phát sinh bên Nợ TK 8211 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo, (trường hợp này số liệu được ghi vào chỉ tiêu này bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...) trên sổ kế toán chi tiết TK 8211).
3.17. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (Mã số 52):
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại hoặc thu nhập thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được căn cứ vào tổng số phát sinh bên Có Tài khoản 8212 “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” đối ứng với bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh” trên sổ kế toán chi tiết TK 8212, hoặc căn cứ vào số phát sinh bên Nợ TK 8212 đối ứng với bên Có TK 911 trong kỳ báo cáo, (trường hợp này số liệu được ghi vào chỉ tiêu này bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...) trên sổ kế toán chi tiết TK 8212).
3.18. Lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp (Mã số 60):
Chỉ tiêu này phản ánh tổng số lợi nhuận thuần (hoặc lỗ) sau thuế từ các hoạt động của doanh nghiệp (sau khi trừ chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp) phát sinh trong năm báo cáo. Mã số 60 = Mã số 50 – (Mã số 51+ Mã số 52).
3.19. Lãi cơ bản trên cổ phiếu (Mã số 70):
Chỉ tiêu này phản ánh lãi cơ bản trên cổ phiếu, chưa tính đến các công cụ được phát hành trong tương lai có khả năng pha loãng giá trị cổ phiếu. Chỉ tiêu này được trình bày trên Báo cáo tài chính của công ty cổ phần là doanh nghiệp độc lập. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ được trình bày trên Báo cáo tài chính hợp nhất, không trình bày trên Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
Trường hợp Quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế, lãi cơ bản trên cổ phiếu được xác định theo công thức sau:
Lãi cơ bản trên cổ phiếu |
= |
Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông |
- |
Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi |
Số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ |
Việc xác định lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông và số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung thay thế.
3.20. Lãi suy giảm trên cổ phiếu (Mã số 71)
3.20.1. Chỉ tiêu này phản ánh lãi suy giảm trên cổ phiếu, có tính đến sự tác động của các công cụ trong tương lai có thể được chuyển đổi thành cổ phiếu và pha loãng giá trị cổ phiếu.
Chỉ tiêu này được trình bày trên Báo cáo tài chính của công ty cổ phần là doanh nghiệp độc lập. Đối với công ty mẹ là công ty cổ phần, chỉ tiêu này chỉ được trình bày trên Báo cáo tài chính hợp nhất, không trình bày trên Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ.
3.20.2. Lãi suy giảm trên cổ phiếu được xác định như sau
Lãi suy giảm trên cổ phiếu |
= |
Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông |
- |
Số trích quỹ khen thưởng, phúc lợi |
Số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ |
+ |
Số lượng cổ phiếu phổ thông dự kiến được phát hành thêm |
3.20.3. Xác định lợi nhuận (hoặc lỗ) phân bổ cho cổ đông sở hữu cổ phiếu phổ thông để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu
Lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ phiếu phổ thông |
= |
Lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế TNDN |
- |
Các khoản điều chỉnh giảm |
+ |
Các khoản điều chỉnh tăng |
Trường hợp công ty trình bày lãi cơ bản trên cổ phiếu trên Báo cáo tài chính hợp nhất thì lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ là lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp được tính trên cơ sở thông tin hợp nhất. Trường hợp công ty trình bày trên Báo cáo tài chính riêng thì lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ là lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế của riêng công ty.
a. Các khoản điều chỉnh giảm lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp để tính lợi nhuận hoặc lỗ phân bổ cho cổ phiếu phổ thông khi xác định lãi suy giảm trên cổ phiếu
a1. Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi: Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi bao gồm: Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi không lũy kế được thông báo trong kỳ báo cáo và cổ tức của cổ phiếu ưu đãi luỹ kế phát sinh trong kỳ báo cáo. Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi được tính như sau:
Cổ tức của cổ phiếu ưu đãi |
= |
Tỷ lệ cổ tức của cổ phiếu ưu đãi |
x |
Mệnh giá cổ phiếu ưu đãi |
- Khoản chênh lệch lớn hơn giữa giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho người sở hữu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu ưu đãi khi công ty cổ phần mua lại cổ phiếu ưu đãi của người sở hữu.
- Khoản chênh lệch lớn hơn giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu phổ thông hoặc các khoản thanh toán khác thực hiện theo điều kiện chuyển đổi có lợi tại thời điểm thanh toán với giá trị hợp lý của cổ phiếu phổ thông được phát hành theo điều kiện chuyển đổi gốc.
- Các khoản cổ tức hoặc các khoản khác liên quan tới cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm;
- Các khoản lãi được ghi nhận trong kỳ liên quan tới cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm; và
- Các yếu tố khác làm giảm lợi nhuận sau thuế nếu chuyển đổi cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm thành cổ phiếu phổ thông.Ví dụ, các khoản chi phí để chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông làm giảm lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.
b. Xác định các khoản điều chỉnh tăng lợi nhuận hoặc lỗ sau thuế thu nhập doanh nghiệp:
- Khoản chênh lệch lớn hơn giữa giá trị hợp lý của khoản thanh toán cho người sở hữu với giá trị ghi sổ của cổ phiếu ưu đãi khi công ty cổ phần mua lại cổ phiếu ưu đãi của người sở hữu.
- Các yếu tố làm tăng lợi nhuận sau thuế nếu chuyển đổi cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm thành cổ phiếu phổ thông.Ví dụ, khi chuyển đổi trái phiếu chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông thì doanh nghiệp sẽ được giảm chi phí lãi vay liên quan tới trái phiếu chuyển đổi và việc làm tăng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp trong kỳ.
3.20.4. Số lượng cổ phiếu để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu
Số lượng cổ phiếu để tính lãi suy giảm trên cổ phiếu được xác định là số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông lưu hành trong kỳ cộng (+) với số bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong trường hợp tất cả các cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động suy giảm đều được chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông.
a. Việc xác định số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông đang lưu hành trong kỳ được thực hiện theo hướng dẫn của Thông tư số 21/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ Tài chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b. Xác định số lượng bình quân gia quyền của cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong kỳ
Cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong kỳ được coi là cổ phiếu phổ thông tiềm năng có tác động làm suy giảm lãi trên cổ phiếu; gồm:
- Quyền chọn mua chứng quyền và các công cụ tương đương;
- Công cụ tài chính có thể chuyển đổi;
- Cổ phiếu phổ thông phát hành có điều kiện;
- Hợp đồng được thanh toán bằng cổ phiếu phổ thông hoặc bằng tiền;
- Các quyền chọn đã được mua;
- Quyền chọn bán đã phát hành.
Việc xác định số lượng cổ phiếu phổ thông sẽ được phát hành thêm trong kỳ được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Lãi trên cổ phiếu”.
1. Nguyên tắc lập và trình bày Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
1.1. Việc lập và trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ hàng năm và các kỳ kế toán giữa niên độ phải tuân thủ các quy định của Chuẩn mực kế toán “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” và Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính giữa niên độ”. Phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được hướng dẫn cho các giao dịch phổ biến nhất, doanh nghiệp căn cứ bản chất từng giao dịch để trình bày các luồng tiền một cách phù hợp nếu chưa có hướng dẫn cụ thể trong Thông tư này. Các chỉ tiêu không có số liệu thì không phải trình bày, doanh nghiệp được đánh lại số thứ tự nhưng không được thay đổi mã số của các chỉ tiêu.
1.2. Các khoản đầu tư ngắn hạn được coi là tương đương tiền trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ chỉ bao gồm các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng có khả năng chuyển đổi dễ dàng thành một lượng tiền xác định và không có rủi ro trong chuyển đổi thành tiền kể từ ngày mua khoản đầu tư đó tại thời điểm báo cáo. Ví dụ kỳ phiếu ngân hàng, tín phiếu kho bạc, chứng chỉ tiền gửi… có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng kể từ ngày mua.
1.3. Doanh nghiệp phải trình bày các luồng tiền trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo ba loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo quy định của chuẩn mực "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ":
- Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động tạo ra doanh thu chủ yếu của doanh nghiệp và các hoạt động khác không phải là các hoạt động đầu tư hay hoạt động tài chính;
- Luồng tiền từ hoạt động đầu tư là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động mua sắm, xây dựng, thanh lý, nhượng bán các tài sản dài hạn và các khoản đầu tư khác không được phân loại là các khoản tương đương tiền;
- Luồng tiền từ hoạt động tài chính là luồng tiền phát sinh từ các hoạt động tạo ra các thay đổi về quy mô và kết cấu của vốn chủ sở hữu và vốn vay của doanh nghiệp.
1.4. Doanh nghiệp được trình bày luồng tiền từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc điểm kinh doanh của doanh nghiệp.
1.5. Các luồng tiền phát sinh từ các hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính sau đây được báo cáo trên cơ sở thuần:
- Thu tiền và chi trả tiền hộ khách hàng như tiền thuê thu hộ, chi hộ và trả lại cho chủ sở hữu tài sản;
- Thu tiền và chi tiền đối với các khoản có vòng quay nhanh, thời gian đáo hạn ngắn như: Mua, bán ngoại tệ; Mua, bán các khoản đầu tư; Các khoản đi vay hoặc cho vay ngắn hạn khác có thời hạn thanh toán không quá 3 tháng.
1.6. Các luồng tiền phát sinh từ các giao dịch bằng ngoại tệ phải được quy đổi ra đồng tiền chính thức sử dụng trong ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính theo tỷ giá hối đoái tại thời điểm phát sinh giao dịch.
1.7. Các giao dịch về đầu tư và tài chính không trực tiếp sử dụng tiền hay các khoản tương đương tiền không được trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, Ví dụ:
- Việc mua tài sản bằng cách nhận các khoản nợ liên quan trực tiếp hoặc thông qua nghiệp vụ cho thuê tài chính;
- Việc mua một doanh nghiệp thông qua phát hành cổ phiếu;
- Việc chuyển nợ thành vốn chủ sở hữu.
1.8. Các khoản mục tiền và tương đương tiền đầu kỳ và cuối kỳ, ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ hiện có cuối kỳ phải được trình bày thành các chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để đối chiếu số liệu với các khoản mục tương ứng trên Bảng Cân đối kế toán.
1.9. Doanh nghiệp phải trình bày giá trị và lý do của các khoản tiền và tương đương tiền có số dư cuối kỳ lớn do doanh nghiệp nắm giữ nhưng không được sử dụng do có sự hạn chế của pháp luật hoặc các ràng buộc khác mà doanh nghiệp phải thực hiện.
1.10. Trường hợp doanh nghiệp đi vay để thanh toán thẳng cho nhà thầu, người cung cấp hàng hoá, dịch vụ (tiền vay được chuyển thẳng từ bên cho vay sang nhà thầu, người cung cấp mà không chuyển qua tài khoản của doanh nghiệp) thì doanh nghiệp vẫn phải trình bày trên báo cáo lưu chuyển tiền tệ, cụ thể:
- Số tiền đi vay được trình bày là luồng tiền vào của hoạt động tài chính;
- Số tiền trả cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ hoặc trả cho nhà thầu được trình bày là luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh hoặc hoạt động đầu tư tùy thuộc vào từng giao dịch.
1.11. Trường hợp doanh nghiệp phát sinh khoản thanh toán bù trừ với cùng một đối tượng, việc trình bày báo cáo lưu chuyển tiền tệ được thực hiện theo nguyên tắc:
- Nếu việc thanh toán bù trừ liên quan đến các giao dịch được phân loại trong cùng một luồng tiền thì được trình bày trên cơ sở thuần (ví dụ trong giao dịch hàng đổi hàng không tương tự…);
- Nếu việc thanh toán bù trừ liên quan đến các giao dịch được phân loại trong các luồng tiền khác nhau thì doanh nghiệp không được trình bày trên cơ sở thuần mà phải trình bày riêng rẽ giá trị của từng giao dịch (Ví dụ bù trừ tiền bán hàng phải thu với khoản đi vay…).
12. Đối với luồng tiền từ giao dịch mua, bán lại trái phiếu chính phủ và các giao dịch REPO chứng khoán: Bên bán trình bày là luồng tiền từ hoạt động tài chính; Bên mua trình bày là luồng tiền từ hoạt động đầu tư.
2. Cơ sở lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
Việc lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ được căn cứ vào:
- Bảng Cân đối kế toán;
- Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh;
- Bản thuyết minh Báo cáo tài chính;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ kỳ trước;
- Các tài liệu kế toán khác, như: Sổ kế toán tổng hợp, sổ kế toán chi tiết các tài khoản “Tiền mặt”, “Tiền gửi Ngân hàng”, “Tiền đang chuyển”; Sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết của các tài khoản liên quan khác, bảng tính và phân bổ khấu hao TSCĐ và các tài liệu kế toán chi tiết khác...
3. Yêu cầu về mở và ghi sổ kế toán phục vụ lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Sổ kế toán chi tiết các tài khoản phải thu, phải trả, hàng tồn kho phải được theo dõi chi tiết cho từng giao dịch để có thể trình bày luồng tiền thu hồi hoặc thanh toán theo 3 loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính. Ví dụ: Khoản tiền trả nợ cho nhà thầu liên quan đến hoạt động XDCB được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư, khoản trả tiền nợ người bán cung cấp hàng hóa dịch vụ cho sản xuất, kinh doanh được phân loại là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.
- Đối với sổ kế toán chi tiết các tài khoản phản ánh tiền phải được chi tiết để theo dõi các luồng tiền thu và chi liên quan đến 3 loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính làm căn cứ tổng hợp khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Ví dụ, đối với khoản tiền trả ngân hàng về gốc và lãi vay, kế toán phải phản ánh riêng số tiền trả lãi vay là luồng tiền từ hoạt động kinh doanh hoặc đầu tư và số tiền trả gốc vay là luồng tiền từ hoạt động tài chính.
- Tại thời điểm cuối niên độ kế toán, khi lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ, doanh nghiệp phải xác định các khoản đầu tư ngắn hạn có thời hạn thu hồi hoặc đáo hạn không quá 3 tháng kể từ ngày mua thoả mãn định nghĩa được coi là tương đương tiền phù hợp với quy định của Chuẩn mực “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” để loại trừ ra khỏi luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Giá trị của các khoản tương đương tiền được cộng (+) vào chỉ tiêu “Tiền và các khoản tương đương tiền cuối kỳ” trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ.
4. Phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm
4.1. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh:
Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh phản ánh các luồng tiền vào và luồng tiền ra liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ, bao gồm cả luồng tiền liên quan đến chứng khoán nắm giữ vì mục đích kinh doanh.
Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh được lập theo một trong hai phương pháp: Phương pháp trực tiếp hoặc phương pháp gián tiếp.
4.1.1. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh theo phương pháp trực tiếp (Xem Mẫu số B 03-DN)
a. Nguyên tắc lập:
Theo phương pháp trực tiếp, các luồng tiền vào và luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh được xác định và trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các sổ kế toán tổng hợp và chi tiết của doanh nghiệp.
b. Phương pháp lập các chỉ tiêu cụ thể
- Tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác (Mã số 01)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu (tổng giá thanh toán) trong kỳ do bán hàng hóa, thành phẩm, cung cấp dịch vụ, tiền bản quyền, phí, hoa hồng và các khoản doanh thu khác (như bán chứng khoán kinh doanh), kể cả các khoản tiền đã thu từ các khoản nợ phải thu liên quan đến các giao dịch bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ và doanh thu khác phát sinh từ các kỳ trước nhưng kỳ này mới thu được tiền và số tiền ứng trước của người mua hàng hoá, dịch vụ.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản tiền thu từ thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, tiền thu hồi các khoản cho vay, góp vốn đầu tư vào đơn vị khác, cổ tức và lợi nhuận được chia và các khoản tiền thu khác được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư; Các khoản tiền thu được do đi vay, nhận vốn góp của chủ sở hữu được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (phần thu tiền), sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền thu từ bán hàng, cung cấp dịch vụ chuyển trả ngay các khoản nợ phải trả), sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 511, 131 (chi tiết các khoản doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ thu tiền ngay, số tiền thu hồi các khoản phải thu hoặc thu tiền ứng trước trong kỳ) hoặc các TK 515, 121 (chi tiết số tiền thu từ bán chứng khoán kinh doanh).
- Tiền chi trả cho người cung cấp hàng hoá, dịch vụ (Mã số 02)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả trong kỳ do mua hàng hóa, dịch vụ, thanh toán các khoản chi phí phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, kể cả số tiền chi mua chứng khoán kinh doanh và số tiền đã thanh toán các khoản nợ phải trả hoặc ứng trước cho người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản tiền chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, XDCB (kể cả chi mua NVL để sử dụng cho XDCB), tiền chi cho vay, góp vốn đầu tư vào đơn vị khác, và các khoản tiền chi khác được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư; Các khoản tiền chi trả nợ gốc vay, trả lại vốn góp cho chủ sở hữu, cổ tức và lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu được phân loại là luồng tiền từ hoạt động tài chính.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (phần chi tiền), sổ kế toán các tài khoản phải thu và đi vay (chi tiết tiền đi vay nhận được hoặc thu nợ phải thu chuyển trả ngay các khoản nợ phải trả), sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 331, các TK phản ánh hàng tồn kho. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn ( …).
- Tiền chi trả cho người lao động (Mã số 03)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả cho người lao động trong kỳ báo cáo về tiền lương, tiền công, phụ cấp, tiền thưởng... do doanh nghiệp đã thanh toán hoặc tạm ứng.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 (chi tiết tiền trả cho người lao động), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 334 (chi tiết số đã trả bằng tiền) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền lãi vay đã trả (Mã số 04)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền lãi vay đã trả trong kỳ báo cáo, bao gồm tiền lãi vay phát sinh trong kỳ và trả ngay kỳ này, tiền lãi vay phải trả của các kỳ trước đã trả trong kỳ này, lãi tiền vay trả trước trong kỳ này.
Chỉ tiêu này không bao gồm số tiền lãi vay đã trả trong kỳ được vốn hóa vào giá trị các tài sản dở dang được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Trường hợp số lãi vay đã trả trong kỳ vừa được vốn hóa, vừa được tính vào chi phí tài chính thì kế toán căn cứ tỷ lệ vốn hóa lãi vay áp dụng cho kỳ báo cáo theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay” để xác định số lãi vay đã trả của luồng tiền từ hoạt động kinh doanh và luồng tiền hoạt động đầu tư.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền chi trả lãi tiền vay); sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền trả lãi vay từ tiền thu các khoản phải thu) trong kỳ báo cáo, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 335, 635, 242 và các Tài khoản liên quan khác. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Thuế TNDN đã nộp (Mã số 05)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã nộp thuế TNDN cho Nhà nước trong kỳ báo cáo, bao gồm số tiền thuế TNDN đã nộp của kỳ này, số thuế TNDN còn nợ từ các kỳ trước đã nộp trong kỳ này và số thuế TNDN nộp trước (nếu có).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền nộp thuế TNDN), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 3334. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn ( …).
- Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh (Mã số 06)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu từ các khoản khác từ hoạt động kinh doanh, ngoài khoản tiền thu được phản ánh ở Mã số 01, như: Tiền thu từ khoản thu nhập khác (tiền thu về được bồi thường, được phạt, tiền thưởng và các khoản tiền thu khác...); Tiền đã thu do được hoàn thuế; Tiền thu được do nhận ký quỹ, ký cược; Tiền thu hồi các khoản đưa đi ký cược, ký quỹ; Tiền thu từ nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án (nếu có); Tiền được các tổ chức, cá nhân bên ngoài thưởng, hỗ trợ; Tiền nhận được ghi tăng các quỹ do cấp trên cấp hoặc cấp dưới nộp...
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112 sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 711, 133, 141, 244 và sổ kế toán các tài khoản khác có liên quan trong kỳ báo cáo.
- Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh (Mã số 07)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã chi cho các khoản khác, ngoài các khoản tiền chi liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong kỳ báo cáo được phản ánh ở Mã số 02, 03, 04, 05, như: Tiền chi bồi thường, bị phạt và các khoản chi phí khác; Tiền nộp các loại thuế (không bao gồm thuế TNDN); Tiền nộp các loại phí, lệ phí, tiền thuê đất; Tiền nộp các khoản BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ; Tiền chi đưa đi ký cược, ký quỹ; Tiền trả lại các khoản nhận ký cược, ký quỹ, tiền chi trực tiếp bằng nguồn dự phòng phải trả; Tiền chi trực tiếp từ quỹ khen thưởng, phúc lợi; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; Tiền chi trực tiếp từ các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu; Tiền chi trực tiếp từ nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án,…
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 trong kỳ báo cáo, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 811, 161, 244, 333, 338, 344, 352, 353, 356 và các Tài khoản liên quan khác. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 20)
Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo. Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu từ Mã số 01 đến Mã số 07. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).
Mã số 20 = Mã số 01 + Mã số 02 + Mã số 03 + Mã số 04 + Mã số 05 + Mã số 06 + Mã số 07
4.1.2. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động kinh doanh theo phương pháp gián tiếp (Xem Mẫu số B03-DN)
a. Nguyên tắc lập:
Theo phương pháp gián tiếp, các luồng tiền vào và các luồng tiền ra từ hoạt động kinh doanh được tính và xác định trước hết bằng cách điều chỉnh lợi nhuận trước thuế TNDN của hoạt động kinh doanh khỏi ảnh hưởng của các khoản mục không phải bằng tiền, các thay đổi trong kỳ của hàng tồn kho, các khoản phải thu, phải trả từ hoạt động kinh doanh và các khoản mà ảnh hưởng về tiền của chúng là luồng tiền từ hoạt động đầu tư, gồm:
- Các khoản chi phí không bằng tiền, như: Khấu hao TSCĐ, dự phòng...
- Các khoản lãi, lỗ không bằng tiền, như lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái, góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ;
- Các khoản lãi, lỗ được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư, như: Lãi, lỗ về thanh lý, nhượng bán TSCĐ và bất động sản đầu tư, tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia...;
- Chi phí lãi vay đã ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ.
- Luồng tiền từ hoạt động kinh doanh được điều chỉnh tiếp tục với sự thay đổi vốn lưu động, chi phí trả trước dài hạn và các khoản thu, chi khác từ hoạt động kinh doanh, như:
+ Các thay đổi trong kỳ báo cáo của khoản mục hàng tồn kho, các khoản phải thu, các khoản phải trả từ hoạt động kinh doanh;
+ Các thay đổi của chi phí trả trước;
+ Lãi tiền vay đã trả;
+ Thuế TNDN đã nộp;
+ Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh;
+ Tiền chi khác từ hoạt động kinh doanh.
b. Phương pháp lập các chỉ tiêu cụ thể
- Lợi nhuận trước thuế (Mã số 01)
Chỉ tiêu này được lấy từ chỉ tiêu Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế (Mã số 50) trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo. Nếu số liệu này là số âm (trường hợp lỗ), thì ghi trong ngoặc đơn (…).
- Khấu hao TSCĐ và BĐSĐT (Mã số 02)
+ Trường hợp doanh nghiệp bóc tách riêng được số khấu hao còn nằm trong hàng tồn kho và số khấu hao đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ: Chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ và BĐSĐT” chỉ bao gồm số khấu hao đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ; Chỉ tiêu “Tăng, giảm hàng tồn kho” không bao gồm số khấu hao nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ);
+ Trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách riêng được số khấu hao còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ thì thực hiện theo nguyên tắc: Chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ và BĐSĐT” bao gồm số khấu hao đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng với số khấu hao liên quan đến hàng tồn kho chưa tiêu thụ; Chỉ tiêu “Tăng, giảm hàng tồn kho” bao gồm cả số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ).
Trong mọi trường hợp, doanh nghiệp đều phải loại trừ khỏi Báo cáo lưu chuyển tiền tệ số khấu hao nằm trong giá trị xây dựng cơ bản dở dang, số hao mòn đã ghi giảm nguồn kinh phí, quỹ khen thưởng phúc lợi đã hình thành TSCĐ, giảm Quỹ phát triển KH&CN đã hình thành TSCĐ phát sinh trong kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu "Lợi nhuận trước thuế".
- Các khoản dự phòng (Mã số 03)
Chỉ tiêu này phản ánh ảnh hưởng của việc trích lập, hoàn nhập và sử dụng các khoản dự phòng đến các luồng tiền trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số chênh lệch giữa số dư đầu kỳ và số dư cuối kỳ của các khoản dự phòng tổn thất tài sản (dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư tài chính, dự phòng giảm giá hàng tồn kho, dự phòng nợ phải thu khó đòi) và dự phòng phải trả trên Bảng cân đối kế toán.
Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu tổng số dư cuối kỳ của các khoản dự phòng lớn hơn tổng số dư đầu kỳ hoặc được trừ vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu tổng số dư cuối kỳ của các khoản dự phòng nhỏ hơn tổng số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Lãi/lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (Mã số 04)
Chỉ tiêu này phản ánh lãi (hoặc lỗ) chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ đã được phản ánh vào lợi nhuận trước thuế trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào chênh lệch số phát sinh Có và phát sinh Nợ TK 4131 đối chiếu sổ kế toán TK 515 (chi tiết lãi do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ) hoặc TK 635 (chi tiết lỗ do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ).
Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”, nếu có lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái, hoặc được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”, nếu có lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Lãi/lỗ từ hoạt động đầu tư (Mã số 05)
Chỉ tiêu này căn cứ vào tổng số lãi, lỗ phát sinh trong kỳ đã được phản ánh vào lợi nhuận trước thuế nhưng được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư, gồm:
+ Lãi, lỗ từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT;
+ Lãi, lỗ từ việc đánh giá lại tài sản phi tiền tệ mang đi góp vốn, đầu tư vào đơn vị khác
+ Lãi, lỗ từ việc bán, thu hồi các khoản đầu tư tài chính (không bao gồm lãi, lỗ mua bán chứng khoán kinh doanh), như: Các khoản đầu tư vào công ty con, liên doanh, liên kết; Các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;
+ Khoản tổn thất hoặc hoàn nhập tổn thất của các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn;
+ Lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia.
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào sổ kế toán các TK 5117, 515, 711, 632, 635, 811 và các tài khoản khác có liên quan (chi tiết phần lãi, lỗ được xác định là luồng tiền từ hoạt động đầu tư) trong kỳ báo cáo.
Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu hoạt động đầu tư có lãi thuần và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…); hoặc được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”, nếu hoạt động đầu tư có lỗ thuần.
- Chi phí lãi vay (Mã số 06)
Chỉ tiêu này phản ánh chi phí lãi vay đã ghi nhận vào Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo, kể cả chi phí phát hành trái phiếu của trái phiếu thường và trái phiếu chuyển đổi; Số chi phí lãi vay hàng kỳ tính theo lãi suất thực tế được ghi tăng cấu phần nợ của trái phiếu chuyển đổi. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào sổ kế toán TK 635 (chi tiết chi phí lãi vay kỳ báo cáo) sau khi đối chiếu với chỉ tiêu “Chi phí lãi vay” trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
Số liệu chỉ tiêu này được cộng vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế”.
- Các khoản điều chỉnh khác (Mã số 07)
Chỉ tiêu này phản ánh số trích lập hoặc hoàn nhập Quỹ Bình ổn giá hoặc Quỹ phát triển khoa học và công nghệ trong kỳ. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào sổ kế toán các TK 356, 357.
Số liệu chỉ tiêu này được cộng vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu trong kỳ trích lập thêm các Quỹ hoặc được trừ khỏi chỉ tiêu “Lợi nhuận trước thuế” nếu trong kỳ hoàn nhập các quỹ.
- Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động (Mã số 08)
Chỉ tiêu này phản ánh luồng tiền được tạo ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của các khoản mục thu nhập và chi phí không phải bằng tiền. Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào lợi nhuận trước thuế TNDN cộng (+) các khoản điều chỉnh. Mã số 08 = Mã số 01 + Mã số 02 + Mã số 03 + Mã số 04 + Mã số 05 + Mã số 06 + Mã số 07. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tăng, giảm các khoản phải thu (Mã số 09)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các tài khoản phải thu (chi tiết phần liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh), như: TK 131, 136, 138, 133, 141, 244, 331 (chi tiết số trả trước cho người bán) trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản phải thu liên quan đến hoạt động đầu tư, như: Số tiền ứng trước cho nhà thầu XDCB; Phải thu về cho vay (cả gốc và lãi); Phải thu về lãi tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia; Phải thu về thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư tài chính; Giá trị TSCĐ mang đi cầm cố, thế chấp…
Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tăng, giảm hàng tồn kho (Mã số 10)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các tài khoản hàng tồn kho (không bao gồm số dư của tài khoản “Dự phòng giảm giá hàng tồn kho” trên cơ sở đã loại trừ: Giá trị hàng tồn kho dùng cho hoạt động đầu tư XDCB hoặc hàng tồn kho dùng để trao đổi lấy TSCĐ, BĐSĐT; Chi phí sản xuất thử được tính vào nguyên giá TSCĐ hình thành từ XDCB. Trường hợp trong kỳ mua hàng tồn kho nhưng chưa xác định được mục đích sử dụng (cho hoạt động kinh doanh hay đầu tư XDCB) thì giá trị hàng tồn kho được tính trong chỉ tiêu này.
Trường hợp doanh nghiệp bóc tách riêng được số khấu hao TSCĐ còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ” - mã số 02 chỉ bao gồm số khấu hao TSCĐ đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ) thì chỉ tiêu này không bao gồm số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ);
Trường hợp doanh nghiệp không thể bóc tách riêng được số khấu hao TSCĐ còn nằm trong hàng tồn kho và khấu hao số đã được tính vào báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ (chỉ tiêu “Khấu hao TSCĐ” - mã số 02 bao gồm cả số khấu hao TSCĐ liên quan đến hàng tồn kho chưa tiêu thụ) thì chỉ tiêu này bao gồm cả số khấu hao TSCĐ nằm trong giá trị hàng tồn kho cuối kỳ (chưa được xác định là tiêu thụ trong kỳ).
Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tăng, giảm các khoản phải trả (Mã số 11)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng các chênh lệch giữa số dư cuối kỳ với số dư đầu kỳ của các tài khoản nợ phải trả (chi tiết phần liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh), như: TK 331, 333, 334, 335, 336, 337, 338, 344, 131 (chi tiết người mua trả tiền trước).
Chỉ tiêu này không bao gồm số thuế TNDN phải nộp (phát sinh Có TK 3334), lãi tiền vay phải trả (phát sinh Có TK 335, chi tiết lãi vay phải trả).
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản phải trả liên quan đến hoạt động đầu tư, như: Số tiền người mua trả trước liên quan đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT; Các khoản phải trả liên quan đến hoạt động mua sắm, xây dựng TSCĐ, BĐSĐT; Các khoản phải trả mua các công cụ vốn và công cụ nợ..; và các khoản phải trả liên quan đến hoạt động tài chính, như: Phải trả gốc vay, gốc trái phiếu, nợ thuê tài chính; Cổ tức, lợi nhuận phải trả.
Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ lớn hơn tổng số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu tổng các số dư cuối kỳ nhỏ hơn tổng các số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tăng, giảm chi phí trả trước (Mã số 12)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của TK 242 “Chi phí trả trước” trong kỳ báo cáo trên cơ sở đã loại trừ khoản chi phí trả trước liên quan đến luồng tiền từ hoạt động đầu tư, như: Tiền thuê đất đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình và khoản trả trước lãi vay được vốn hóa.
Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ nhỏ hơn số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ lớn hơn số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tăng, giảm chứng khoán kinh doanh (Mã số 13)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của TK 121 “Chứng khoán kinh doanh” trong kỳ báo cáo.
Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ nhỏ hơn số dư đầu kỳ. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” nếu số dư cuối kỳ lớn hơn số dư đầu kỳ và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền lãi vay đã trả (Mã số 14)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền lãi vay đã trả trong kỳ báo cáo, bao gồm tiền lãi vay phát sinh trong kỳ và trả ngay kỳ này, tiền lãi vay phải trả của các kỳ trước đã trả trong kỳ này, lãi tiền vay trả trước trong kỳ này.
Chỉ tiêu này không bao gồm số tiền lãi vay đã trả trong kỳ được vốn hóa vào giá trị các tài sản dở dang được phân loại là luồng tiền từ hoạt động đầu tư. Trường hợp số lãi vay đã trả trong kỳ vừa được vốn hóa, vừa được tính vào chi phí tài chính thì kế toán căn cứ tỷ lệ vốn hóa lãi vay áp dụng cho kỳ báo cáo theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay” để xác định số lãi vay đã trả của luồng tiền từ hoạt động kinh doanh và luồng tiền hoạt động đầu tư.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền chi trả lãi tiền vay); sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền trả lãi vay từ tiền thu các khoản phải thu) trong kỳ báo cáo, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 335, 635, 242 và các Tài khoản liên quan khác.
Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Thuế TNDN đã nộp (Mã số 15)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã nộp thuế TNDN cho Nhà nước trong kỳ báo cáo, bao gồm số tiền thuế TNDN đã nộp của kỳ này, số thuế TNDN còn nợ từ các kỳ trước đã nộp trong kỳ này và số thuế TNDN nộp trước (nếu có).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (chi tiết tiền nộp thuế TNDN), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 3334. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động” và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền thu khác từ hoạt động kinh doanh (Mã số 16)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản tiền thu khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh ngoài các khoản đã nêu ở các Mã số từ 01 đến 14, như: Tiền thu từ nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án (nếu có); Tiền được các tổ chức, cá nhân bên ngoài thưởng, hỗ trợ ghi tăng các quỹ của doanh nghiệp; Tiền nhận được ghi tăng các quỹ do cấp trên cấp hoặc cấp dưới nộp; Lãi tiền gửi của Quỹ bình ổn giá (nếu không được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính mà ghi tăng Quỹ trực tiếp); Tiền thu từ cổ phần hóa tại các doanh nghiệp được cổ phần hóa... trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào sổ kế toán các TK 111, 112, 113 sau khi đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản có liên quan trong kỳ báo cáo. Số liệu chỉ tiêu này được cộng (+) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.
- Tiền chi khác cho hoạt động kinh doanh (Mã số 17)
Chỉ tiêu này phản ánh các khoản tiền chi khác phát sinh từ hoạt động kinh doanh ngoài các khoản đã nêu ở các Mã số từ 01 đến 14, như: Tiền chi từ Quỹ khen thưởng, phúc lợi, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ; Tiền chi trực tiếp bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, dự án; Tiền chi trực tiếp từ tiền thu cổ phần hóa nộp lên cấp trên, nộp cho chủ sở hữu; Tiền chi phí cổ phần hóa, tiền hỗ trợ người lao động theo chính sách...
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào sổ kế toán các TK 111, 112, 113 sau khi đối chiếu với sổ kế toán các tài khoản có liên quan trong kỳ báo cáo. Số liệu chỉ tiêu này được trừ (-) vào số liệu chỉ tiêu “Lợi nhuận kinh doanh trước những thay đổi vốn lưu động”.
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh (Mã số 20)
Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh trong kỳ báo cáo. Số liệu chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 08 đến Mã số 16. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì sẽ được ghi dưới hình thức trong ngoặc đơn (…).
Mã số 20 = Mã số 08 + Mã số 09 + Mã số 10 + Mã số 11 + Mã số 12 + Mã số 13 + Mã số 14 + Mã số 15 + Mã số 16 + Mã số 17
4.2. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động đầu tư
a) Nguyên tắc lập:
- Luồng tiền từ hoạt động đầu tư được lập và trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ một cách riêng biệt các luồng tiền vào và các luồng tiền ra, trừ trường hợp các luồng tiền được báo cáo trên cơ sở thuần đề cập trong đoạn 18 của Chuẩn mực “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ”.
- Luồng tiền từ hoạt động đầu tư được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh.
+ Theo phương pháp trực tiếp, các luồng tiền vào, ra trong kỳ từ hoạt động đầu tư được xác định bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép kế toán của doanh nghiệp.
+ Theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, các luồng tiền vào và ra trong kỳ được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán có liên quan sau đó điều chỉnh cho ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ.
+ Thông tư này hướng dẫn lập luồng tiền từ hoạt động đầu tư theo phương pháp trực tiếp. Trường hợp lập theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, doanh nghiệp vận dụng phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được quy định tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b) Phương pháp lập các chỉ tiêu cụ thể theo phương pháp trực tiếp (Xem Mẫu số B03-DN)
- Tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác (Mã số 21)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thực chi để mua sắm, xây dựng TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình, tiền chi cho giai đoạn triển khai đã được vốn hoá thành TSCĐ vô hình, tiền chi cho hoạt động đầu tư xây dựng dở dang, đầu tư bất động sản trong kỳ báo cáo. Chi phí sản xuất thử sau khi bù trừ với số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử của TSCĐ hình thành từ hoạt động XDCB được cộng vào chỉ tiêu này (nếu chi lớn hơn thu) hoặc trừ vào chỉ tiêu này (nếu thu lớn hơn chi).
Chỉ tiêu này phản ánh cả số tiền đã thực trả để mua nguyên vật liệu, tài sản, sử dụng cho XDCB nhưng đến cuối kỳ chưa xuất dùng cho hoạt động đầu tư XDCB; Số tiền đã ứng trước cho nhà thầu XDCB nhưng chưa nghiệm thu khối lượng; Số tiền đã trả để trả nợ người bán trong kỳ liên quan trực tiếp tới việc mua sắm, đầu tư XDCB.
Trường hợp mua nguyên vật liệu, tài sản sử dụng chung cho cả mục đích sản xuất, kinh doanh và đầu tư XDCB nhưng cuối kỳ chưa xác định được giá trị nguyên vật liệu, tài sản sẽ sử dụng cho hoạt động đầu tư XDCB hay hoạt động sản xuất, kinh doanh thì số tiền đã trả không phản ánh vào chỉ tiêu này mà phản ánh ở luồng tiền từ hoạt động kinh doanh.
Chỉ tiêu này không bao gồm số nhận nợ thuê tài chính, giá trị tài sản phi tiền tệ khác dùng để thanh toán khi mua sắm TSCĐ, BĐSDT, XDCB hoặc giá trị TSCĐ, BĐSĐT, XDCB tăng trong kỳ nhưng chưa được trả bằng tiền.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 (chi tiết số tiền chi mua sắm, xây dựng TSCĐ và các tài sản dài hạn khác, kể cả số tiền lãi vay đã trả được vốn hóa), sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền thu nợ chuyển trả ngay cho hoạt động mua sắm, XDCB), sổ kế toán TK 3411 (chi tiết số tiền vay nhận được chuyển trả ngay cho người bán), sổ kế toán TK 331 (chi tiết khoản ứng trước hoặc trả nợ cho nhà thầu XDCB, trả nợ cho người bán TSCĐ, BĐSĐT), sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 211, 213, 217, 241 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ và các tài sản dài hạn khác (Mã số 22)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số tiền thuần đã thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình và bất động sản đầu tư trong kỳ báo cáo, kể cả số tiền thu hồi các khoản nợ phải thu liên quan trực tiếp tới việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ và tài sản dài hạn khác.
Chỉ tiêu này không bao gồm số thu bằng tài sản phi tiền tệ hoặc số tiền phải thu nhưng chưa thu được trong kỳ báo cáo từ việc thanh lý nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và tài sản dài hạn khác; Không bao gồm các khoản chi phí phi tiền tệ liên quan đến hoạt động thanh lý nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và giá trị còn lại của TSCĐ, BĐSĐT do đem đi góp vốn liên doanh, liên kết hoặc các khoản tổn thất.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này là chênh lệch giữa số tiền thu và số tiền chi cho việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT và các tài sản dài hạn khác. Số tiền thu được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 711, 5117, 131 (chi tiết tiền thu thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐS đầu tư và các tài sản dài hạn khác) trong kỳ báo cáo. Số tiền chi được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 632, 811 (Chi tiết chi về thanh lý, nhượng bán TSCĐ, BĐS đầu tư) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…) nếu số tiền thực thu nhỏ hơn số tiền thực chi.
- Tiền chi cho vay và mua các công cụ nợ của đơn vị khác (Mã số 23)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã gửi vào ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng, tiền đã chi cho bên khác vay, tiền chi của bên mua trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và REPO chứng khoán, chi mua các công cụ nợ của đơn vị khác (trái phiếu, thương phiếu, cổ phiếu ưu đãi phân loại là nợ phải trả…) vì mục đích đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này không bao gồm tiền chi mua các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và mua các công cụ nợ nắm giữ vì mục đích kinh doanh (kiếm lời từ chênh lệch giá mua, bán); Các khoản cho vay, mua các công cụ nợ đã trả bằng tài sản phi tiền tệ hoặc đảo nợ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 128, 171 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền thu hồi cho vay, bán lại công cụ nợ của đơn vị khác (Mã số 24)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu từ việc rút tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn trên 3 tháng; Tiền thu của bên mua trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và REPO chứng khoán; Tiền thu hồi lại gốc đã cho vay, gốc trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả và các công cụ nợ của đơn vị khác trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này không bao gồm tiền thu từ bán các công cụ nợ được coi là các khoản tương đương tiền và bán các công cụ nợ được phân loại là chứng khoán kinh doanh; Không bao gồm các khoản thu hồi bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển công cụ nợ thành công cụ vốn của đơn vị khác.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 128, 171 trong kỳ báo cáo.
- Tiền chi đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (Mã số 25)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã chi để đầu tư vào công cụ vốn của đơn vị khác trong kỳ báo cáo (kể cả tiền chi trả nợ để mua công cụ vốn từ kỳ trước), bao gồm tiền chi đầu tư vốn dưới hình thức mua cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết, mua cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu, góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết,…
Chỉ tiêu này không bao gồm tiền chi mua cổ phiếu nắm giữ vì mục đích kinh doanh; Chi mua cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, Đầu tư vào đơn vị khác bằng tài sản phi tiền tệ; đầu tư dưới hình thức phát hành cổ phiếu hoặc trái phiếu; Chuyển công cụ nợ thành vốn góp hoặc còn nợ chưa thanh toán.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 221, 222, 2281, 331 trong kỳ báo cáo và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
- Tiền thu hồi đầu tư vốn vào đơn vị khác (Mã số 26)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu hồi do bán lại hoặc thanh lý các khoản vốn đã đầu tư vào đơn vị khác trong kỳ báo cáo (kể cả tiền thu nợ phải thu bán công cụ vốn từ kỳ trước).
Chỉ tiêu này không bao gồm tiền thu do bán cổ phiếu nắm giữ vì mục đích kinh doanh; Giá trị khoản đầu tư được thu hồi bằng tài sản phi tiền tệ, bằng công cụ nợ hoặc công cụ vốn của đơn vị khác; Hoặc chưa được thanh toán bằng tiền.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 221, 222, 2281, 131 trong kỳ báo cáo.
- Thu lãi tiền cho vay, cổ tức và lợi nhuận được chia (Mã số 27)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số tiền thu về các khoản tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, lãi trái phiếu, cổ tức và lợi nhuận nhận được từ đầu tư vốn vào các đơn vị khác trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản lãi, cổ tức nhận được bằng cổ phiếu hoặc bằng tài sản phi tiền tệ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 515.
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư (Mã số 30)
Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động đầu tư trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 21 đến Mã số 27. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì được ghi dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…).
Mã số 30 = Mã số 21 + Mã số 22 + Mã số 23 + Mã số 24 + Mã số 25 + Mã số 26 + Mã số 27
4.3. Lập báo cáo các chỉ tiêu luồng tiền từ hoạt động tài chính
a. Nguyên tắc lập:
- Luồng tiền từ hoạt động tài chính được lập và trình bày trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ một cách riêng biệt các luồng tiền vào và các luồng tiền ra, trừ trường hợp các luồng tiền được báo cáo trên cơ sở thuần được đề cập trong Chuẩn mực "Báo cáo lưu chuyển tiền tệ".
- Luồng tiền từ hoạt động tài chính được lập theo phương pháp trực tiếp hoặc trực tiếp có điều chỉnh.
+ Theo phương pháp trực tiếp, các luồng tiền vào và ra trong kỳ từ hoạt động tài chính được xác định bằng cách phân tích và tổng hợp trực tiếp các khoản tiền thu vào và chi ra theo từng nội dung thu, chi từ các ghi chép kế toán của doanh nghiệp.
+ Theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, các luồng tiền vào và ra trong kỳ được xác định bằng số chênh lệch giữa số dư cuối kỳ và số dư đầu kỳ của các khoản mục trên Bảng cân đối kế toán có liên quan sau đó điều chỉnh cho ảnh hưởng của các khoản mục phi tiền tệ.
+ Thông tư này hướng dẫn lập luồng tiền từ hoạt động tài chính theo phương pháp trực tiếp. Trường hợp lập theo phương pháp trực tiếp có điều chỉnh, doanh nghiệp vận dụng phương pháp lập Báo cáo lưu chuyển tiền tệ hợp nhất được quy định tại Thông tư số 202/2014/TT-BTC ngày 22/12/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn phương pháp lập và trình bày Báo cáo tài chính hợp nhất và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.
b. Phương pháp lập các chỉ tiêu cụ thể theo phương pháp trực tiếp (Xem Mẫu số B03-DN)
- Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu (Mã số 31)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã thu do các chủ sở hữu của doanh nghiệp góp vốn trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản vay và nợ được chuyển thành vốn, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối chuyển thành vốn góp (kể cả trả cổ tức bằng cổ phiếu) hoặc nhận vốn góp của chủ sở hữu bằng tài sản phi tiền tệ.
Đối với công ty cổ phần, chỉ tiêu này phản ánh số tiền đã thu do phát hành cổ phiếu phổ thông theo giá thực tế phát hành, kể cả tiền thu từ phát hành cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu và phần quyền chọn của trái phiếu chuyển đổi nhưng không bao gồm số tiền đã thu do phát hành cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113 sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 411 trong kỳ báo cáo.
- Tiền trả lại vốn góp cho các chủ sở hữu, mua lại cổ phiếu đã phát hành (Mã số 32)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả do hoàn lại vốn góp cho các chủ sở hữu của doanh nghiệp dưới các hình thức hoàn trả bằng tiền hoặc mua lại cổ phiếu của doanh nghiệp đã phát hành bằng tiền để huỷ bỏ hoặc sử dụng làm cổ phiếu quỹ trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản trả lại cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, vốn góp của chủ sở hữu bằng tài sản phi tiền tệ hoặc sử dụng vốn góp để bù lỗ kinh doanh.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 411, 419 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Tiền thu từ đi vay (Mã số 33)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã nhận được trong kỳ do doanh nghiệp đi vay các tổ chức tài chính, tín dụng và các đối tượng khác trong kỳ báo cáo, kể cả vay dưới hình thức phát hành trái phiếu thông thường hoặc trái phiếu chuyển đổi hoặc phát hành cổ phiếu ưu đãi có điều khoản bắt buộc người phát hành phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai (được phân loại là nợ phải trả). Chỉ tiêu này cũng bao gồm số tiền bên bán nhận được trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch Repo chứng khoán khác. Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản đi vay bằng tài sản phi tiền tệ hoặc nợ thuê tài chính.
Trường hợp vay dưới hình thức phát hành trái phiếu thường, chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã nhận được trong kỳ (bằng mệnh giá trái phiếu điều chỉnh với các khoản chiết khấu, phụ trội trái phiếu hoặc lãi trái phiếu trả trước - nếu có);
Trường hợp vay dưới hình thức phát hành trái phiếu chuyển đổi, chỉ tiêu này phản ánh số tiền tương ứng với phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi;
Trường hợp vay dưới hình thức phát hành cổ phiếu ưu đãi, chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã nhận được trong kỳ do doanh nghiệp phát hành cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả do kèm theo điều kiện người phát hành phải mua lại cổ phiếu tại một thời điểm nhất định trong tương lai. Trường hợp điều khoản quy định người phát hành chỉ có nghĩa vụ mua lại cổ phiếu từ người nắm giữ theo mệnh giá, chỉ tiêu này chỉ phản ánh số tiền thu được theo mệnh giá cổ phiếu ưu đãi (số tiền thu được cao hơn mệnh giá đã được kế toán là thặng dư vốn cổ phần được trình bày ở chỉ tiêu “Tiền thu từ phát hành cổ phiếu, nhận vốn góp của chủ sở hữu” (Mã số 31));
Trường hợp vay dưới trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ, chỉ tiêu này phản ánh tổng số tiền đã nhận được trong kỳ tại bên bán trong giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ và REPO chứng khoán.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, các tài khoản phải trả (chi tiết tiền vay nhận được chuyển trả ngay các khoản nợ phải trả) sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 171, 3411, 3431, 3432, 41112 và các tài khoản khác có liên quan trong kỳ báo cáo.
- Tiền trả nợ gốc vay (Mã số 34)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả về khoản nợ gốc vay, kể cả tiền trả nợ gốc trái phiếu thông thường, trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu ưu đãi có điều khoản bắt buộc người phát hành phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai (được phân loại là nợ phải trả) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này cũng bao gồm số tiền bên bán đã trả lại cho bên mua trong giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ và các giao dịch Repo chứng khoán khác.
Chỉ tiêu này không bao gồm các khoản trả gốc vay bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển nợ vay thành vốn góp.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, sổ kế toán các tài khoản phải thu (phần tiền trả nợ vay từ tiền thu các khoản phải thu), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 171, 3411, 3431, 3432, 41112 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 171 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Tiền trả nợ gốc thuê tài chính (Mã số 35)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền đã trả về khoản nợ thuê tài chính trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu không bao gồm khoản trả nợ thuê tài chính bằng tài sản phi tiền tệ hoặc chuyển nợ thuê tài chính thành vốn góp.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sổ kế toán các tài khoản phải thu (chi tiết tiền trả nợ thuê tài chính từ tiền thu các khoản phải thu), sau khi đối chiếu với sổ kế toán TK 3412 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Cổ tức, lợi nhuận đã trả cho chủ sở hữu (Mã số 36)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số tiền cổ tức và lợi nhuận đã trả cho các chủ sở hữu của doanh nghiệp (kể cả số thuế thu nhập cá nhân đã nộp thay cho chủ sở hữu) trong kỳ báo cáo.
Chỉ tiêu này không bao gồm khoản lợi nhuận được chuyển thành vốn góp của chủ sở hữu, trả cổ tức bằng cổ phiếu hoặc trả bằng tài sản phi tiền tệ và các khoản lợi nhuận đã dùng để trích lập các quỹ.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, sau khi đối chiếu với sổ kế toán các TK 421, 338 (chi tiết số tiền đã trả về cổ tức và lợi nhuận) trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (...).
- Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính (Mã số 40)
Chỉ tiêu lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ hoạt động tài chính trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được tính bằng tổng cộng số liệu các chỉ tiêu có mã số từ Mã số 31 đến Mã số 36. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (...). Mã số 40 = Mã số 31 + Mã số 32 + Mã số 33 + Mã số 34 + Mã số 35 + Mã số 36.
4.4. Tổng hợp các luồng tiền trong kỳ (Xem Mẫu số B03-DN)
- Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ (Mã số 50)
Chỉ tiêu “Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ” phản ánh chênh lệch giữa tổng số tiền thu vào với tổng số tiền chi ra từ ba loại hoạt động: Hoạt động kinh doanh, hoạt động đầu tư và hoạt động tài chính của doanh nghiệp trong kỳ báo cáo. Mã số 50 = Mã số 20 + Mã số 30 + Mã số 40. Nếu số liệu chỉ tiêu này là số âm thì ghi trong ngoặc đơn (...).
- Tiền và tương đương tiền đầu kỳ (Mã số 60)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số liệu chỉ tiêu “Tiền và tương đương tiền” đầu kỳ báo cáo (Mã số 110, cột “Số đầu kỳ” trên Bảng Cân đối kế toán).
- Ảnh hưởng của thay đổi tỷ giá hối đoái quy đổi ngoại tệ (Mã số 61)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào tổng số chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư cuối kỳ của tiền và các khoản tương đương tiền bằng ngoại tệ (Mã số 110 của Bảng cân đối kế toán) tại thời điểm cuối kỳ báo cáo.
Số liệu để ghi vào chỉ tiêu này được lấy từ sổ kế toán các TK 111, 112, 113, 128 và các tài khoản liên quan (chi tiết các khoản thoả mãn định nghĩa là tương đương tiền), sau khi đối chiếu với sổ kế toán chi tiết TK 4131 trong kỳ báo cáo. Chỉ tiêu này được ghi bằng số dương nếu có lãi tỷ giá và được ghi bằng số âm dưới hình thức ghi trong ngoặc đơn (…) nếu phát sinh lỗ tỷ giá.
- Tiền và tương đương tiền cuối kỳ (Mã số 70)
Chỉ tiêu này được lập căn cứ vào số liệu chỉ tiêu “Tiền và tương đương tiền” cuối kỳ báo cáo (Mã số 110, cột “Số cuối kỳ” trên Bảng Cân đối kế toán).
Chỉ tiêu này bằng số “Tổng cộng” của các chỉ tiêu Mã số 50, 60 và 61 và bằng chỉ tiêu Mã số 110 trên Bảng cân đối kế toán kỳ đó. Mã số 70 = Mã số 50 + Mã số 60 + Mã số 61.
1. Mục đích của Bản thuyết minh Báo cáo tài chính:
a) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính là một bộ phận hợp thành không thể tách rời của Báo cáo tài chính doanh nghiệp dùng để mô tả mang tính tường thuật hoặc phân tích chi tiết các thông tin số liệu đã được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cũng như các thông tin cần thiết khác theo yêu cầu của các chuẩn mực kế toán cụ thể.
b) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính cũng có thể trình bày những thông tin khác nếu doanh nghiệp xét thấy cần thiết cho việc trình bày trung thực, hợp lý Báo cáo tài chính.
2. Nguyên tắc lập và trình bày Bản thuyết minh Báo cáo tài chính
a) Khi lập Báo cáo tài chính năm, doanh nghiệp phải lập Bản thuyết minh Báo cáo tài chính theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán “Trình bày Báo cáo tài chính” và hướng dẫn tại Chế độ Báo cáo tài chính này.
b) Khi lập Báo cáo tài chính giữa niên độ (kể cả dạng đầy đủ và dạng tóm lược) doanh nghiệp phải lập Bản thuyết minh Báo cáo tài chính chọn lọc theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Báo cáo tài chính giữa niên độ” và Thông tư hướng dẫn chuẩn mực.
c) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính của doanh nghiệp phải trình bày những nội dung dưới đây:
- Các thông tin về cơ sở lập và trình bày Báo cáo tài chính và các chính sách kế toán cụ thể được chọn và áp dụng đối với các giao dịch và các sự kiện quan trọng;
- Trình bày các thông tin theo quy định của các chuẩn mực kế toán chưa được trình bày trong các Báo cáo tài chính khác (Các thông tin trọng yếu);
- Cung cấp thông tin bổ sung chưa được trình bày trong các Báo cáo tài chính khác, nhưng lại cần thiết cho việc trình bày trung thực và hợp lý tình hình tài chính của doanh nghiệp.
d) Bản thuyết minh Báo cáo tài chính phải được trình bày một cách có hệ thống. Doanh nghiệp được chủ động sắp xếp số thứ tự trong thuyết minh Báo cáo tài chính theo cách thức phù hợp nhất với đặc thù của mình theo nguyên tắc mỗi khoản mục trong Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ cần được đánh dấu dẫn tới các thông tin liên quan trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
3. Cơ sở lập Bản thuyết minh Báo cáo tài chính
- Căn cứ vào Bảng cân đối kế toán, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm báo cáo;
- Căn cứ vào sổ kế toán tổng hợp; Sổ, thẻ kế toán chi tiết hoặc bảng tổng hợp chi tiết có liên quan;
- Căn cứ vào Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước;
- Căn cứ vào tình hình thực tế của doanh nghiệp và các tài liệu liên quan.
4. Nội dung và phương pháp lập các chỉ tiêu
4.1. Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp
Trong phần này doanh nghiệp nêu rõ:
a) Hình thức sở hữu vốn: Là công ty Nhà nước, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh hay doanh nghiệp tư nhân. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phải thuyết minh rõ: Tên quốc gia và vùng lãnh thổ của từng nhà đầu tư trong doanh nghiệp (bao gồm chủ đầu tư có quốc tịch VN và quốc tịch nước ngoài) và biến động về cơ cấu vốn chủ sở hữu giữa các nhà đầu tư (tỷ lệ % góp vốn) tại thời điểm kết thúc năm tài chính.
b) Lĩnh vực kinh doanh: Nêu rõ là sản xuất công nghiệp, kinh doanh thương mại, dịch vụ, xây lắp hoặc tổng hợp nhiều lĩnh vực kinh doanh.
c) Ngành nghề kinh doanh: Nêu rõ hoạt động kinh doanh chính (Nội dung thuyết minh về hoạt động kinh doanh chính dẫn chiếu theo quy định về hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam) và đặc điểm sản phẩm sản xuất hoặc dịch vụ cung cấp của doanh nghiệp.
d) Chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường: Trường hợp chu kỳ kéo dài hơn 12 tháng thì thuyết minh thêm chu kỳ sản xuất kinh doanh bình quân của ngành, lĩnh vực.
đ) Đặc điểm hoạt động của doanh nghiệp trong năm tài chính có ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính: Nêu rõ những sự kiện về môi trường pháp lý, diễn biến thị trường, đặc điểm hoạt động kinh doanh, quản lý, tài chính, các sự kiện sáp nhập, chia, tách, thay đổi quy mô... có ảnh hưởng đến Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
e) Cấu trúc doanh nghiệp
- Danh sách các công ty con: Trình bày chi tiết tên, địa chỉ, tỷ lệ quyền biểu quyết, tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ lợi ích của công ty mẹ tại từng công ty con;
- Danh sách các công ty liên doanh, liên kết: Trình bày chi tiết tên, địa chỉ, tỷ lệ quyền biểu quyết, tỷ lệ vốn góp, tỷ lệ lợi ích của doanh nghiệp tại từng công ty liên doanh, liên kết;
- Danh sách các đơn vị trực thuộc hạch toán phụ thuộc: Trình bày chi tiết tên, địa chỉ từng đơn vị
4.2. Kỳ kế toán, đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán
a) Kỳ kế toán năm ghi rõ kỳ kế toán năm theo năm dương lịch bắt đầu từ ngày 01/01/... đến 31/12/... Nếu doanh nghiệp có năm tài chính khác với năm dương lịch thì ghi rõ ngày bắt đầu và ngày kết thúc kỳ kế toán năm.
b) Đơn vị tiền tệ sử dụng trong kế toán: ghi rõ là Đồng Việt Nam, hoặc một đơn vị tiền tệ khác được lựa chọn theo quy định của Luật Kế toán.
4.3. Chuẩn mực và Chế độ kế toán áp dụng
a) Chế độ kế toán áp dụng: Nêu rõ doanh nghiệp áp dụng chế độ kế toán nào: Chế độ kế toán doanh nghiệp, Chế độ kế toán doanh nghiệp đặc thù được Bộ Tài chính chấp thuận bằng văn bản, Chế độ kế toán doanh nghiệp xây lắp hoặc Chế độ kế toán doanh nghiệp vừa và nhỏ.
b) Tuyên bố về việc tuân thủ Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán: Nêu rõ Báo cáo tài chính có được lập và trình bày phù hợp với các Chuẩn mực và Chế độ kế toán Việt Nam hay không? Báo cáo tài chính được coi là lập và trình bày phù hợp với Chuẩn mực và Chế độ kế toán Việt Nam nếu Báo cáo tài chính tuân thủ mọi quy định của từng chuẩn mực, thông tư hướng dẫn thực hiện Chuẩn mực kế toán và Chế độ kế toán hiện hành mà doanh nghiệp đang áp dụng. Trường hợp không áp dụng chuẩn mực kế toán nào thì phải ghi rõ.
4.4. Các chính sách kế toán áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp đáp ứng giả định hoạt động liên tục
(1) Nguyên tắc chuyển đổi Báo cáo tài chính lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam: Việc áp dụng tỷ giá khi chuyển đổi Báo cáo tài chính có tuân thủ theo đúng hướng dẫn của Chế độ kế toán doanh nghiệp không (tài sản và nợ phải trả theo tỷ giá cuối kỳ, vốn đầu tư của chủ sở hữu theo tỷ giá tại ngày góp vốn, Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và Báo cáo lưu chuyển tiền tệ theo tỷ giá thực tế hay tỷ giá bình quân).
(2). Các loại tỷ giá hối đoái áp dụng trong kế toán
- Ngân hàng lựa chọn tỷ giá để áp dụng trong kế toán;
- Tỷ giá áp dụng khi ghi nhận và đánh giá lại tài sản;
- Tỷ giá áp dụng khi ghi nhận và đánh giá lại nợ phải trả;
- Các loại tỷ giá áp dụng trong giao dịch khác.
(3) Nguyên tắc xác định lãi suất thực tế (hay còn gọi là lãi suất hiệu lực) dùng để chiết khấu dòng tiền đối với các khoản mục được ghi nhận theo giá trị hiện tại, giá trị phân bổ, giá trị thu hồi... (Mục thuyết minh này chỉ cần thực hiện khi doanh nghiệp đã áp dụng các loại lãi suất để chiết khấu dòng tiền):
- Căn cứ xác định lãi suất thực tế (là lãi suất thị trường hay lãi suất ngân hàng thương mại hay lãi suất áp dụng đối với các khoản doanh nghiệp đi vay hoặc căn cứ khác);
- Lý do lựa chọn lãi suất thực tế.
(4) Nguyên tắc ghi nhận các khoản tiền và các khoản tương đương tiền:
- Nêu rõ tiền gửi ngân hàng là có kỳ hạn hay không kỳ hạn;
- Nêu rõ vàng tiền tệ gồm những loại nào, có sử dụng như hàng tồn kho hay không;
- Nêu rõ các khoản tương đương tiền được xác định trên cở sở nào? Có phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán “Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” hay không?
(5) Nguyên tắc kế toán các khoản đầu tư tài chính
a) Đối với chứng khoán kinh doanh:
- Thời điểm ghi nhận (đối với chứng khoán niêm yết thuyết minh rõ là T+0 hay thời điểm khác)
- Giá trị ghi sổ được xác định là giá trị hợp lý hay giá gốc;
- Căn cứ trích lập dự phòng giảm giá.
b) Đối với các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn:
- Giá trị ghi sổ được xác định là giá trị hợp lý hay giá gốc;
- Căn cứ xác định khoản tổn thất không thu hồi được;
- Có đánh giá lại các khoản thỏa mãn định nghĩa các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ không?
c) Đối với các khoản cho vay:
- Giá trị ghi sổ được xác định là giá gốc hay giá trị phân bổ;
- Có đánh giá lại các khoản thỏa mãn định nghĩa các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ không?
- Căn cứ lập dự phòng phải thu khó đòi đối với các khoản cho vay.
d) Đối với các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết:
- Đối với các công ty con, công ty liên doanh, liên kết được mua trong kỳ, thời điểm ghi nhận ban đầu là thời điểm nào? Có tuân thủ CMKT Hợp nhất kinh doanh đối với công ty con được mua trong kỳ không? Có tuân thủ CMKT Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết không?
- Nguyên tắc xác định công ty con, công ty liên doanh, liên kết (dựa theo tỷ lệ quyền biểu quyết, tỷ lệ vốn góp hay tỷ lệ lợi ích);
- Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư vào công ty con được xác định theo giá gốc, giá trị hợp lý hay giá trị khác? Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được xác định theo giá gốc, phương pháp vốn chủ sở hữu hay phương pháp khác?
- Căn cứ lập dự phòng tổn thất đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết; Báo cáo tài chính để xác định tổn thất (Báo cáo tài chính hợp nhất hay Báo cáo tài chính riêng của công ty con, công ty liên doanh, liên kết);
đ) Đối với các khoản đầu tư vào công cụ vốn của đơn vị khác:
- Giá trị ghi sổ của khoản đầu tư vào đơn vị khác được xác định theo giá gốc hay phương pháp khác?
- Căn cứ lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác; Báo cáo tài chính để xác định tổn thất (Báo cáo tài chính hợp nhất hay Báo cáo tài chính riêng của đơn vị được đầu tư);
e) Các phương pháp kế toán đối với các giao dịch khác liên quan đến đầu tư tài chính:
- Giao dịch hoán đổi cổ phiếu;
- Giao dịch đầu tư dưới hình thức góp vốn;
- Giao dịch dưới hình thức mua lại phần vốn góp;
- Phương pháp kế toán đối với khoản cổ tức được chia bằng cổ phiếu;
(6) Nguyên tắc kế toán nợ phải thu
- Tiêu chí phân loại các khoản nợ phải thu (phải thu khách hàng, phải thu khác, phải thu nội bộ)
- Có được theo dõi chi tiết theo kỳ hạn gốc, kỳ hạn còn lại tại thời điểm báo cáo, theo nguyên tệ và theo từng đối tượng không?
- Có đánh giá lại các khoản thỏa mãn định nghĩa của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ không? Tỷ giá dùng để đánh giá lại là gì?
- Có ghi nhận nợ phải thu không vượt quá giá trị có thể thu hồi không?
- Phương pháp lập dự phòng phải thu khó đòi.
(7) Nguyên tắc ghi nhận hàng tồn kho
- Nguyên tắc ghi nhận hàng tồn kho: Nêu rõ hàng tồn kho được ghi nhận theo giá gốc hoặc theo giá trị thuần có thể thực hiện được.
- Phương pháp tính giá trị hàng tồn kho: Nêu rõ doanh nghiệp áp dụng phương pháp nào (Bình quân gia quyền; nhập trước, xuất trước; hay tính theo giá đích danh, phương pháp giá bán lẻ).
- Phương pháp hạch toán hàng tồn kho: Nêu rõ doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên hay phương pháp kiểm kê định kỳ.
- Phương pháp lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Nêu rõ doanh nghiệp lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho trên cơ sở chênh lệch lớn hơn của giá gốc và giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho. Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho có được xác định theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” hay không? Phương pháp lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho là lập theo số chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay với số dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết dẫn đến năm nay phải lập thêm hay hoàn nhập.
(8) Nguyên tắc kế toán và khấu hao TSCĐ, TSCĐ thuê tài chính, Bất động sản đầu tư
a) Nguyên tắc kế toán TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình:
- Nêu rõ giá trị ghi sổ của TSCĐ là theo nguyên giá hay giá đánh giá lại.
- Nguyên tắc kế toán các khoản chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu (chi phí nâng cấp, cải tạo, duy tu, sửa chữa) được ghi nhận vào giá trị ghi sổ hay chi phí sản xuất, kinh doanh;
- Nêu rõ các phương pháp khấu hao TSCĐ; Số phải khấu hao tính theo nguyên giá hay bằng nguyên giá trừ giá trị có thể thu hồi ước tính từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ;
- Các quy định khác về quản lý, sử dụng, khấu hao TSCĐ có được tuân thủ không?
b) Nguyên tắc kế toán TSCĐ thuê tài chính:
- Nêu rõ giá trị ghi sổ được xác định như thế nào;
- Nêu rõ các phương pháp khấu hao TSCĐ thuê tài chính.
c) Nguyên tắc kế toán Bất động sản đầu tư.
- Giá trị ghi sổ BĐS đầu tư được ghi nhận theo phương pháp nào?
- Nêu rõ các phương pháp khấu hao BĐS đầu tư.
(9) Nguyên tắc kế toán các hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC)
a) Đối với bên góp vốn
- Các khoản vốn (bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ) góp vào BCC được ghi nhận như thế nào;
- Ghi nhận doanh thu, chi phí liên quan đến hợp đồng được ghi nhận như thế nào?
b) Đối với bên nhận vốn góp (bên thực hiện việc điều hành, phát sinh chi phí chung)
- Nguyên tắc ghi nhận vốn góp của các bên khác
- Nguyên tắc phân chia doanh thu, chi phí, sản phẩm của hợp đồng.
(10) Nguyên tắc kế toán thuế TNDN hoãn lại
a) Nguyên tắc kế toán tài sản thuế thu nhập hoãn lại
- Căn cứ ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại (chênh lệch tạm thời được khấu trừ, lỗ tính thuế hay ưu đãi thuế chưa sử dụng);
- Thuế suất (%) được sử dụng để xác định giá trị tài sản thuế thu nhập hoãn lại;
- Có bù trừ với thuế thu nhập hoãn lại phải trả không?
- Có xác định khả năng có thu nhập chịu thuế trong tương lai khi ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại không? Có đánh giá lại tài sản thuế thu nhập hoãn lại chưa được ghi nhận không?
b) Nguyên tắc kế toán thuế TNDN hoãn lại phải trả
- Căn cứ ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (chênh lệch tạm thời chịu thuế);
- Thuế suất (%) được sử dụng để xác định giá trị thuế thu nhập hoãn lại phải trả;
- Có bù trừ với tài sản thuế thu nhập hoãn lại không?
(11) Nguyên tắc kế toán chi phí trả trước
- Nêu rõ chi phí trả trước được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh bao gồm những khoản chi phí nào.
- Phương pháp và thời gian phân bổ chi phí trả trước;
- Phương pháp và thời gian phân bổ lợi thế thương mại, lợi thế kinh doanh phát sinh khi cổ phần hóa;
- Có theo dõi chi tiết chi phí trả trước theo kỳ hạn không?
(12) Nguyên tắc kế toán nợ phải trả
- Phân loại nợ phải trả như thế nào?
- Có theo dõi nợ phải trả theo từng đối tượng, kỳ hạn gốc, kỳ hạn còn lại tại thời điểm báo cáo, theo nguyên tệ không?
- Có đánh giá lại nợ phải trả thỏa mãn định nghĩa các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ không?
- Có ghi nhận nợ phải trả không thấp hơn nghĩa vụ phải thanh toán không?
- Có lập dự phòng nợ phải trả không?
(13) Nguyên tắc ghi nhận vay và nợ phải trả thuê tài chính
- Giá trị khoản vay và nợ thuê tài chính được ghi nhận như thế nào?
- Có theo dõi theo từng đối tượng, kỳ hạn, nguyên tệ không?
- Có đánh giá lại các khoản vay và nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ không? (14) Nguyên tắc ghi nhận và vốn hoá các khoản chi phí đi vay:
- Nguyên tắc ghi nhận chi phí đi vay: Nêu rõ chi phí đi vay được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ khi phát sinh, trừ khi được vốn hoá theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”.
- Tỷ lệ vốn hoá được sử dụng để xác định chi phí đi vay được vốn hoá trong kỳ: Nêu rõ tỷ lệ vốn hoá này là bao nhiêu (Tỷ lệ vốn hoá này được xác định theo công thức tính quy định trong Thông tư hướng dẫn kế toán Chuẩn mực số “Chi phí đi vay”.
(15) Nguyên tắc ghi nhận chi phí phải trả: Nêu rõ các khoản chi phí chưa chi nhưng được ước tính để ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ là những khoản chi phí nào? Cơ sở xác định giá trị của những khoản chi phí đó.
(16) Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận các khoản dự phòng phải trả:
- Nguyên tắc ghi nhận dự phòng phải trả: Nêu rõ các khoản dự phòng phải trả đã ghi nhận có thoả mãn các điều kiện quy định trong Chuẩn mực kế toán “Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng” không?.
- Phương pháp ghi nhận dự phòng phải trả: Nêu rõ các khoản dự phòng phải trả được lập thêm (hoặc hoàn nhập) theo số chênh lệch lớn hơn (hoặc nhỏ hơn) giữa số dự phòng phải trả phải lập năm nay so với số dự phòng phải trả đã lập năm trước chưa sử dụng đang ghi trên sổ kế toán.
(17) Nguyên tắc ghi nhận doanh thu chưa thực hiện
- Doanh thu chưa thực hiện được ghi nhận trên cơ sở nào?
- Phương pháp phân bổ doanh thu chưa thực hiện.
(18) Nguyên tắc ghi nhận trái phiếu chuyển đổi
- Có được ghi nhận riêng cấu phần nợ và cấu phần vốn không?
- Lãi suất sử dụng để chiết khấu dòng tiền có tin cậy không?
(19) Nguyên tắc ghi nhận vốn chủ sở hữu:
- Vốn góp của chủ sở hữu có được ghi nhận theo số vốn thực góp không; Thặng dư vốn cổ phần được ghi nhận như thế nào? Khoản quyền chọn trái phiếu chuyển đổi được xác định như thế nào?
- Lý do ghi nhận khoản chênh lệch đánh giá lại tài sản và chênh lệch tỷ giá hối đoái?
- Lợi nhuận chưa phân phối được xác định như thế nào? Nguyên tắc phân phối lợi nhuận, cổ tức.
(20) Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận doanh thu, thu nhập khác:
- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ: Có tuân thủ đầy đủ các điều kiện ghi nhận doanh thu quy định tại Chuẩn mực kế toán “Doanh thu và thu nhập khác” hay không? Các phương pháp nào được sử dụng để ghi nhận doanh thu.
- Doanh thu hợp đồng xây dựng: Có tuân thủ Chuẩn mực kế toán “Hợp đồng xây dựng” không? Các phương pháp nào được sử dụng để ghi nhận doanh thu hợp đồng xây dựng).
- Các phương pháp ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính.
- Các nguyên tắc ghi nhận thu nhập khác.
(21) Nguyên tắc kế toán các khoản giảm trừ doanh thu
- Các khoản giảm trừ doanh thu gồm những gì?
- Có tuân thủ Chuẩn mực kế toán “Các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán năm” để điều chỉnh doanh thu không?
(22) Nguyên tắc kế toán giá vốn hàng bán
- Có đảm bảo nguyên tắc phù hợp với doanh thu không?
- Có đảm bảo nguyên tắc thận trọng, ghi nhận ngay các chi phí vượt trên mức bình thường của hàng tồn kho không?
- Các khoản ghi giảm giá vốn hàng bán là gì?
(23) Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận chi phí tài chính: Có ghi nhận đầy đủ chi phí lãi vay (kể cả số trích trước), lỗ chênh lệch tỷ giá của kỳ báo cáo không?
(24) Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp
- Có ghi nhận đầy đủ chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ không?
- Các khoản điều chỉnh giảm chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp là gì?
(25) Nguyên tắc và phương pháp ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại: Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành được xác định trên cơ sở thu nhập chịu thuế và thuế suất thuế TNDN trong năm hiện hành. Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại được xác định trên cơ sở số chênh lệch tạm thời được khấu trừ, số chênh lệch tạm thời chịu thuế và thuế suất thuế TNDN. Không bù trừ chi phí thuế TNDN hiện hành với chi phí thuế TNDN hoãn lại.
(26) Các nguyên tắc và phương pháp kế toán khác: Nêu rõ các nguyên tắc và phương pháp kế toán khác với mục đích giúp cho người sử dụng hiểu được là Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được trình bày trên cơ sở tuân thủ hệ thống chuẩn mực kế toán Việt Nam do Bộ Tài chính ban hành.
4.5. Các chính sách kế toán áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp không đáp ứng giả định hoạt động liên tục
a) Chính sách tái phân loại tài sản và nợ phải trả dài hạn thành ngắn hạn
b) Nguyên tắc xác định giá trị
- Các khoản đầu tư tài chính;
- Các khản phải thu;
- Các khoản phải trả;
- Hàng tồn kho;
- TSCĐ, Bất động sản đầu tư;
- Các tài sản và nợ phải trả khác.
4.6. Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Bảng Cân đối kế toán
- Trong phần này, doanh nghiệp phải trình bày và phân tích chi tiết các số liệu đã được trình bày trong Bảng Cân đối kế toán để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính hiểu rõ hơn nội dung các khoản mục tài sản, nợ phải trả và vốn chủ sở hữu.
- Đơn vị tính giá trị trình bày trong phần “Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Bảng Cân đối kế toán” là đơn vị tính được sử dụng trong Bảng Cân đối kế toán. Số liệu ghi vào cột “Đầu năm” được lấy từ cột “Cuối năm” trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước. Số liệu ghi vào cột “Cuối năm” được lập trên cơ sở số liệu lấy từ:
+ Bảng Cân đối kế toán năm nay;
+ Sổ kế toán tổng hợp;
+ Sổ và thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết có liên quan.
- Doanh nghiệp được chủ động đánh số thứ tự của thông tin chi tiết được trình bày trong phần này theo nguyên tắc phù hợp với số dẫn từ Bảng Cân đối kế toán và đảm bảo dễ đối chiếu và có thể so sánh giữa các kỳ.
- Trường hợp doanh nghiệp có áp dụng hồi tố thay đổi chính sách kế toán hoặc điều chỉnh hồi tố sai sót trọng yếu của các năm trước thì phải điều chỉnh số liệu so sánh (số liệu ở cột “Đầu năm”) để đảm bảo nguyên tắc có thể so sánh và giải trình rõ điều này. Trường hợp vì lý do nào đó dẫn đến số liệu ở cột “Đầu năm” không có khả năng so sánh được với số liệu ở cột “Cuối năm” thì điều này phải được nêu rõ trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Đối với các khoản mục yêu cầu thuyết minh theo giá trị hợp lý, trường hợp không xác định được giá trị hợp lý thì phải ghi rõ lý do.
4.7. Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.
- Trong phần này, doanh nghiệp phải trình bày và phân tích chi tiết các số liệu đã được thể hiện trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh để giúp người sử dụng Báo cáo tài chính hiểu rõ hơn nội dung của các khoản mục doanh thu, chi phí.
- Đơn vị tính giá trị trình bày trong phần “Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh” là đơn vị tính được sử dụng trong Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh. Số liệu ghi vào cột “Năm trước” được lấy từ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước. Số liệu ghi vào cột “Năm nay” được lập trên cơ sở số liệu lấy từ:
+ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh năm nay;
+ Sổ kế toán tổng hợp;
+ Sổ và thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết có liên quan.
- Doanh nghiệp được chủ động đánh số thứ tự của thông tin chi tiết được trình bày trong phần này theo nguyên tắc phù hợp với số dẫn từ Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh và đảm bảo dễ đối chiếu và có thể so sánh giữa các kỳ.
- Trường hợp vì lý do nào đó dẫn đến số liệu ở cột “Đầu năm” không có khả năng so sánh được với số liệu ở cột “Cuối năm” thì điều này phải được nêu rõ trong Bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
4.8. Thông tin bổ sung cho Báo cáo lưu chuyển tiền tệ
- Trong phần này, doanh nghiệp phải trình bày và phân tích các số liệu đã được thể hiện trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ để giúp người sử dụng hiểu rõ hơn về các yếu tố ảnh hưởng đến lưu chuyển tiền trong kỳ của doanh nghiệp.
- Trường hợp trong kỳ doanh nghiệp có mua hoặc thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác thì những luồng tiền này phải được trình bày thành những chỉ tiêu riêng biệt trên Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Trong phần này phải cung cấp những thông tin chi tiết liên quan đến việc mua hoặc thanh lý các khoản đầu tư vào công ty con hoặc đơn vị kinh doanh khác.
- Đơn vị tính giá trị trình bày trong phần “Thông tin bổ sung cho các khoản mục trình bày trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ” là đơn vị tính được sử dụng trong Báo cáo lưu chuyển tiền tệ. Số liệu ghi vào cột “Năm trước” được lấy từ Bản thuyết minh Báo cáo tài chính năm trước; Số liệu ghi vào cột “Năm nay” được lập trên cơ sở số liệu lấy từ:
+ Báo cáo lưu chuyển tiền tệ năm nay
+ Sổ kế toán tổng hợp;
+ Sổ và thẻ kế toán chi tiết hoặc Bảng tổng hợp chi tiết có liên quan.
4.9. Những thông tin khác
- Trong phần này, doanh nghiệp phải trình bày những thông tin quan trọng khác (Nếu có) ngoài những thông tin đã trình bày trong các phần trên nhằm cung cấp thông tin mô tả bằng lời hoặc số liệu theo quy định của các chuẩn mực kế toán cụ thể nhằm giúp cho người sử dụng hiểu Báo cáo tài chính của doanh nghiệp đã được trình bày trung thực, hợp lý.
- Khi trình bày thông tin thuyết minh ở phần này, tuỳ theo yêu cầu và đặc điểm thông tin theo quy định từ điểm 1 đến điểm 7 của phần này, doanh nghiệp có thể đưa ra biểu mẫu chi tiết, cụ thể một cách phù hợp và những thông tin so sánh cần thiết.
- Ngoài những thông tin phải trình bày theo quy định từ phần 4.1 đến phần 4.8, doanh nghiệp được trình bày thêm các thông tin khác nếu xét thấy cần thiết cho người sử dụng Báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Article 97. Purposes of financial statement
1. Financial statements are used to provide information about financial situations, trading performance and cash flows of enterprises, meet the requirements for management of employers, regulatory agencies and useful demands of users in making economic decisions. Financial statements must provide information about an enterprise about :
a) Assets;
b) Liabilities;
c) Equity;
d) Revenue, other income, production and business costs and other expenses;
dd) Profit, loss and allocation of income ;
e) The cash flows.
2. In addition to this information, an enterprise must also provide other information in the "Notes to the Financial Statements" for further explanation of standards recorded in general financial statements and accounting policies applied to record the economic transactions arising, preparation and presentation of financial statements.
Article 98. Periods of financial statement
1. Periods of annual financial statements: Enterprises must prepare annual financial statements in accordance with the Law on Accounting.
2. Periods of interim financial statements: Interim financial statement shall include quarter financial statements (including quarter IV) and semi-annual financial statements.
3. Periods of other financial statements:
a) Enterprises may establish financial statements in accordance with other accounting periods (such as week, month, 6 months, 9 months ...) as required by law, parent companies or owners.
b) Accounting units divided, splited, amalgamated or conversed their ownership, dissolved, terminated their operation, bankrupt must prepare financial statements at the time of division, split, amalgamation or conversion of ownership, dissolution, termination of activities, bankruptcy.
4. Determination of sum year of financial statements of financial and statistic agencies.
When summarizing statistics, in case of receipt of financial statements of enterprises whose fiscal year is different from calendar year, State management agencies shall comply with the following principles:
a) In case the financial statements of the enterprises begin on April 1 and end on March 31 annually, the figures on financial statements shall be summarized statistics on figures of the preceding year;
b) In case the annual financial statements of enterprises begin on July 1 and end on June 30 annually, financial statements used to summarize statistics are semi-annual financial statements;
c) In case financial statements of the enterprises begin on October 1 and end on September 30 annually, the figures on financial statements shall be summarized statistics on figures of the following year;
Article 99. Regulated entities , preparation responsibilities and signature on financial statements
1. Entities of annual financial statements:
Annual financial statement system is applied to all types of enterprises in all sectors and economic sectors. Financial statements must be prepared fully.
2. Entities of interim financial statement (quarterly financial statements and semi-annual financial statements)
a) Enterprises of which 100% charter capital or controlling shares is held by the State, units of the public interest must prepare interim financial statements;
b) Other enterprises which are not subject at point an above are recommended to prepare interim financial statements (optional).
c) Interim financial statements are prepared fully or summarily. Unit owners decide to choose the full or summary form for interim financial statements of their units if it is not contrary to the provisions of law that the units are subject to adjustment.
3. Superior enterprises whose subordinate units have no legal status must prepare their own financial statements and summarized financial statements. The summarized financial statements are prepared on the basic of including figures from all subordinate units without legal status and must exclude all figures arising from internal transactions between superior and subordinate units, among subordinate units.
Subordinate units without legal status must establish their financial statements in accordance with the reporting period of superior units to serve summarizing financial statements of superior units and inspection of state management agencies.
4. The preparation and presentation of financial statements of enterprises of special branches must be complied with provisions in accounting policy issued or approved to be issued by the Ministry of Finance.
5. The preparation, presentation and publicity of annual consolidated financial statements and interim consolidated financial statements shall comply with the legislation on consolidated financial statements.
6. Signing financial statements must comply with the Law on Accounting. Units which do not prepare financial statement by themselves but hire accounting services to prepare financial statements, practitioners of units of accounting services must sign and write clearly the number of practice certificate, name and address of Unit provide accounting services. Individual practitioners must clearly record the number of practicing certificate.
Article 100. Financial reporting system of enterprises
Financial statement system includes annual financial statements and interim financial statements. Forms of financial statement are enclosed in Appendix 2 of this Circular. Items without figures shall not be presented in financial statement, enterprises actively re-number items of financial statements in accordance with the principle of continuity in each section.
1. Annual financial statements include:
- the Balance sheet |
Form No B 01-DN |
- income statement |
Form No B 02-DN |
- cash flow statement |
Form No B 03-DN |
- Notes to the Financial Statements |
Form No B 09-DN |
2. Interim financial statements include:
Full interim financial statements, including:
- Interim the Balance sheet |
Form No B 01a - DN |
- Interim income statement |
Form No B 02a - DN |
- Interim cash flow statement |
Form No B 03a - DN |
- Selected notes to the Financial Statements |
Form No B 09a - DN |
b) Summary interim financial statement, including:
- Interim the Balance sheet |
Form No B 01b - DN |
- Interim income statement |
Form No B 02b - DN |
- Interim cash flow statement |
Form No B 03b - DN |
- Selected notes to the Financial Statements |
Form No B 09a - DN |
Article 101. Requirements for information presented in financial statements
1. Information presented in the financial statements must be recorded honestly and reasonably the financial situation, trading situation and income of enterprises. To ensure honesty, the information must be complete, objective, unmistaken.
- Information is only complete when including all the necessary information to help users of financial statements to understand the nature, forms and risks of transactions and events. For some items, the full presentation must also describe more information about the quality, the factors and circumstances that may affect the quality and nature of the items.
- Objective presentation is unbiased selection or description on financial information. Objective presentation must ensure neutrality which do not focus, emphasis or reduce as well as perform other acts to alter the impact of the financial information to become beneficial or unbeneficial for users of financial statements.
- No errors mean no omissions in the description of the phenomenon and no errors in the process of providing reporting information selected and applied. No errors do not mean complete accuracy in all respects, for example, estimating unobservable cost and value is difficult to determine to be correct or incorrect. The presentation of an estimate is considered to be honest, if the estimated value is described clearly, and the nature and limitation of the estimating process is explained and there is no error in the selection of appropriate figures in the estimate.
2. Financial information must be appropriate to help users of financial statements to predict, analyze and make economic decisions.
3. Financial information must be presented fully in all important respects. Information is considered to be important in case information is not sufficient or inaccurate information may affect the decisions of users of financial information of the reporting unit. Materiality shall be based on the nature and magnitude, or both, of the relevant items presented in the financial statements of a particular unit.
4. Information must be verifiable, timely and understandable.
5. Financial information must be presented consistently and must be comparable among the accounting periods and enterprises.
Article 102. Principles of preparation and presentation of financial statements of enterprises meeting assumption of continuous operation
1. The preparation and presentation of financial statements must comply with the provisions of Accounting Standards, "Presentation of financial statements" and other accounting standards related. The important information must be explained to help users understand the true financial situation of enterprises.
2. Financial statements must record exactly the economic substance of transactions and events, rather than the legal form of such transactions and events (respecting nature rather than form).
3. Assets are not recorded higher than the recoverable value; Liabilities are not recorded lower than payment obligations.
4. Classification of assets and liabilities: Assets and liabilities in the Balance sheet must be presented in short and long term; In short-term and long-term parts, items are sorted under decreasing liquidity.
a) Assets or liabilities whose maturity is within 12 months or a production cycle, the ordinary business from the time the report is classified as short-term;
b) Assets and liabilities which are not classified as short term are classified as long-term.
c) When preparing financial statements, accountants must reclassify assets and liabilities classified as long-term in the previous period whose maturity is within 12 months or a production cycle, the ordinary business from the time the report is classified as short-term.
5. Assets and liabilities must be presented separately. Offsetting when assets and liabilities relating to the same entities, with fast turnarounds, short maturities, arising from transactions and events of the same type.
6. The items of revenue, income, expenses must be presented in a consistent principle and ensure the precautionary principle. Income statement and cash flow statement shall record revenues, income, expenses and cash flows of the reporting period. Revenues, income, cost of previous period which have errors affecting income and cash flows must be adjusted retroactively, not be adjusted in the reporting period.
7. When preparing the consolidated financial statements between enterprises and the subordinate units which have no legal status in dependent cost-accounting, balance the internal items of the Balance sheet, revenues, expenses, profits and losses considered to be unearned arising from internal transactions must be excluded.
Article 103. Principles of preparation and presentation of financial statements when changing the accounting period.
When changing the accounting period, for example, change the accounting period from the calendar year into accounting period other than calendar year, enterprises must close accounting books, prepare financial statements in accordance with the following principles:
1. The change in the accounting period must comply with the provisions of the Law on Accounting. When changing the annual accounting period, accountants must prepare a separate financial statements for the period between the two accounting periods of the previous financial year and the new financial year, for example:
Enterprises with the accounting period in 2014 under calendar year. In 2015, enterprises switch to the annual accounting year starting from April 1 of previous year to March 31 of the next year. In this case, enterprises must establish separate financial statements for the period from January 01, 2015 to March 31,2015.
2. For the Balance Sheet: All balances of assets, liabilities and equity of the accounting period prior to switch are recorded the opening balance of the new accounting period and are presented in the "Beginning".
3. For income statements and cash flow statements: Figures from the time of change of the accounting period to the end of the first reporting period are shown in column "This time". Figures of previous 12 months equivalent to the accounting period of current year are presented in the "previous"
Example: Following the example above, when presenting column "Previous" in income statement starting on April 01, 2015 and ending on March 31, 2016, enterprises must present figures from April 01, 2014 to March 31, 2015.
Article 104. Principles of preparation and presentation of financial statements in transformation of enterprise ownership.
When transforming their ownership, enterprises must close accounting books, prepare financial statements in accordance with law. In the first accounting period after the transformation, enterprises must record accounting books and present financial statement in accordance with the following principles:
1. For accounting books recording assets, liabilities and equity: All balances of assets, liabilities and equity in the accounting books of the old enterprises are recorded opening balances in accounting books of the new enterprises.
2. For the Balance Sheet: All balances of assets, liabilities and equity of the old enterprises prior to transformation are recorded in the opening balance of the new enterprises and are presented in the "Beginning".
3. For income statements and cash flow statements: Figures from the time of transformation to the end of the first reporting period are shown in column "This time". Cumulative figures from the beginning of reporting year to the time of transformation of ownership are presented in the "previous"
Article 105. Principles of preparation and presentation of financial statements in division, acquisition of enterprises
When partially dividing an enterprise into many new enterprises which have legal status or when acquisiting many enterprises into another enterprise, the divided or acqquisited enterprises must close accounting books, prepare financial statement as prescribed by law. In the first accounting period after division or acquisition, new enterprises must record accounting books and present financial statement in accordance with the following principles:
1. For accounting books recording assets, liabilities and equity: All balances of assets, liabilities and equity in the accounting books of the old enterprises are recorded an incurred balance in accounting books of the new enterprises. The "Opening balance” in accounting books of new enterprises has no figures.
2. For the Balance Sheet: All balances of assets, liabilities and equity of the old enterprises prior to transformation are recorded an incurred balance of the new enterprises and are presented in the "Ending". The "Beginning" has no figures.
3. For income statements and cash flow statements: Figures from the time of transformation to the end of the first reporting period are shown in column "This time". The "previous" has no figures.
Article 106. Principles of preparation and presentation of financial statements of enterprises not meeting assumption of continuous operation
1. When preparing and presenting financial statements, enterprises must consider the assumption of continuous operation. Enterprises shall be considered as discontinuous operation if at the expiry of operation, they do not have applications for extension their operation, schedule of termination of operations (specific documents submitted to the competent agencies) or they are requested for dissolution, bankruptcy or termination of operations within 12 months from the date of the financial statements by competent agencies. For enterprises with ordinary trading and production cycle for more than 12 months, it shall be within a production cycle of ordinary trading and production.
2. In following cases, units are still considered as continuous operation:
- Equitization of a state-owned enterprise to a joint-stock company. The financial settlement upon equitization is a special case, in spite of revaluation of enterprises, revaluation of assets and liabilities, enterprises essentially maintain their production and trading as usual;
- Transformation of enterprise ownership, eg. a limited company is transformed into a joint stock company or vice versa;
- Transformation of a unit with the legal status of independent cost-accounting into a unit without legal status of dependent cost-accounting or vice versa (for example, a subsidiary is transformed into a branch or vice versa)
3. In case of not meeting assumption of continuous operation, enterprises still must present fully financial statements and record clearly:
- The Balance Sheet applied to enterprises not meeting the assumption of continuous operation -Form B01 / CDHDD - DNKLT presented in a separate form;
- Income statement applied to enterprises not meeting the assumption of continuous operation - Form B02 / CDHDD - DNKLT presented in a general form similar to enterprises with normal operations;
- cash flow statement applied to enterprises not meeting the assumption of continuous operation - Form B03 / CDHDD - DNKLT presented in a general form similar to enterprises with normal operations;
- Note to the financial statements applied to enterprises not meeting the assumption of continuous operation -Form B09 / CDHDD - DNKLT presented in a separate form;
4. If the assumption of continuous operation is no longer appropriate at the time of reporting, enterprises must reclassify long-term assets and long-term liabilities into short-term assets and short- term liabilities.
5. If the assumption of continuous operation is no longer appropriate at the time of reporting, enterprises must re-evaluate the entire assets and liabilities except where third parties have a right to inherit asset or the obligation to the liabilities according to the book value. Enterprises must record in the accounting books at re-evaluated prices prior to the Balance Sheet.
Assets and liabilities shall not be revaluated if a third party has the right to inherit assets or obligations to liabilities in some specific cases as follows:
a) In case a unit is dissolved to acquire into another unit, if the acquired unit commits to inherit all rights and obligations of the dissolved unit under book value;
b) In case a unit is dissolved to divide into another unit, if the unit after division commits to inherit all rights and obligations of the dissolved unit under book value;
c) Any specific asset committed, guaranteed to recovery for dissolved unit under the book value by another party and the recovery takes place before the unit officially terminates its operation;
d) Each specific liability committed, guaranteed to pay for the dissolved unit by a third party and the dissolved unit must only pay for such third party under book value books;
Re-evaluation is carried out for each type of asset and liability on the principle:
(a) For assets;
- Inventory, long-term work in progress, long-term equipment, materials, spare parts are evaluated lower than the cost price and net realizable value at the time of reports;
- Tangible fixed assets, intangible fixed assets, investment real property are evaluated lower than the net book value and the recoverable value at the time of reporting (liquidation price minuses the estimated liquidation expenses). Finance lease fixed assets, if there is a term requiring to repurchase, shall be revalued similarly to fixed assets of enterprises, if they are returned to the lessor, shall be revalued according to the finance lease liabilities payable to the lessor;
- The cost of fundamental construction in progress is valued lower between book value and the recoverable value at the time of reporting (liquidation price minuses the estimated liquidation expenses);
- Trading securities are evaluated according to the fair values. The fair value of listed securities or securities on UPCOM is defined as the closing price of the session at the reporting date (or the preceding session if the market does work on the reporting date);
- Investments in subsidiaries, joint ventures, associates and other units are recorded at the lower price of book value and recoverable value at the time of reporting (selling price minuses the estimated selling costs);
- Investments held to maturity, receivables are valued according to the actual recoverable amount.
b) For liabilities: In case there is agreement between the parties in writing of the amount payable, revaluation shall be depended on the agreed amount. If there is no specific written agreement, it shall be as follows:
- Debts payable in cash are revalued at a higher price between the book value of debts payable and debts paid before the deadline as stipulated by the contract;
- Debts payable in financial assets are revalued at a higher price between the book value of debts payable and the fair value of such financial assets at the time of the report;
- Debts payable in inventories are revalued at a higher price between the book value of liabilities and the purchase price (are plus directly related costs) or production cost of inventories at the same time of the report;
- Debts payable in fixed assets are revalued at a higher price between the book value of liabilities and the purchase price (are plus directly related costs) or the net book value of fixed assets at the time of the report;
c) Accounts derived from foreign currencies are revalued at the actual exchange rate at the time of reporting as usual.
6. Accounting method of some assets when enterprises do not meet the assumption of continuous operation:
a) Setting up provision or evaluating asset loss is recorded a decrease directly in the book value of assets, provision in account 229 - "Provision for asset losses" shall not be made;
b) The calculation of depreciation or recording losses of fixed assets, investment real property is recorded a decrease in the book value of assets, account 214 shall not be used to record accumulated depreciation .
7. When assumption of continuous operation is no longer appropriate, enterprises must handle several following financial problems:
- Advancing costs to determine income for the expected losses arising in the future if the possibility of arising loss is probable and the value of the losses are estimated reliably; Recording current obligations for the liabilities, including cases of insufficient documents (such as volume acceptance records of contractors ..) which are surely paid;
- For differences upon accumulated asset revaluation of equity, after handling tangible, intangible fixed assets, investment real property, the rest is transferred to other income (if profit) or other expenses (if loss);
- For exchange differences recorded a accumulation in the balance sheet (such as exchange differences arising from the conversion of financial statements), enterprises shall transfer all to financial income (if profit) or financial expense (if loss);
- Unallocated prepaid expenses such as goodwill arising from business acquisition which does not lead to the parent-subsidiary relationship, goodwill in equitization, tools and instruments delivered for use, cost of enterprise establishment, cost of commence stage ... are all recorded a decrease to include in cost during the period. Prepaid expenses related to the lease of assets, prepaying interest are calculated and allocated to match the remaining actual prepaid time until official termination;
- The parent company stopped recording goodwill in the consolidated financial statements, the unallocated goodwill is included in enterprise management expenses;
- The differences of profit or loss upon revaluation of assets and liabilities after offsetting the provision set up (if any) are recorded in financial income, other income or financial expense and other expenses, depending on the specific items similar to recording of operating enterprises.
8. In case the assumption of continuous operation is no longer appropriate at the time of the report, enterprises must explain in detail the ability to pay cash and liabilities, equity for shareholders and explain the reasons for not being comparable between information of reporting period and information of comparison period, namely:
- The recoverable amount from the liquidation or sale of assets, recovery of liabilities;
- Ability to pay liabilities in order of priority, such as the ability to pay to the State budget, workers, loan, providers;
- Ability to pay to owners, for joint-stock companies, the ability of how much that each stock will receive shall be announced clearly;
- The time for payment of liabilities and equity.
- Reasons for incomparable information of reporting period and comparative period: Due to previous period, enterprises present financial statements in accordance with the principle of continuous operating enterprises; in reporting periods when enterprises are going to dissolve, bankrupt or terminate their operations under decisions of competent agencies (specify the name of the agency, the number of the decision) or the Board of Directors have plans under the documents( number, date) financial statements shall be presented in accordance with other principles.
Article 107. Currency used for the financial statements as publicized and submitted to state management agencies in State management in Vietnam
1. Financial statements used to publicize and submit to state management agencies in State management in Vietnam must be presented in Vietnam Dong. In case enterprises make financial statements in foreign currency, they must convert financial statements into Vietnam dong when they are publicized and submitted to state management agencies in State management in Vietnam.
2. The method of converting financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam dong to publicize information and submit to State management agencies shall be as follows:
a) When converting financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam dong, accountants must convert the norms of financial statements in accordance with the following principles:
- Assets and liabilities shall be converted into Vietnam dong at the actual exchange rate at the end of period (the transfer rate of a commercial bank where enterprises regularly trade at the time of the report);
- Equity (capital contributed by the owners, share premium, other capital, bond conversion option) shall be converted into Vietnam dong at the actual exchange rate on the date of capital contribution;
- Foreign exchange differences and differences upon asset revaluation are converted into Vietnam dong at the actual exchange rate at the date of valuation;
- Undistributed post-tax profits, funds deducted from undistributed post-tax profits the arising after the investment are converted into Vietnam dong by calculating according to items of income statements;
- Profits, dividends payable shall be converted into Vietnam dong at the actual exchange rate at the date of payment of income, dividends;
- Items of income statements and cash flow statements shall be converted into Vietnam dong at the actual exchange rate at the time of the transaction. In case the average exchange rates of the accounting period approximates the actual rate at the time of the transaction (the difference does not exceed 3%), the average exchange rate can be applied.
b) Accounting method of exchange differences due to conversion of financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam Dong.
Foreign exchange differences arising when converting financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam Dong under the item "exchange rate differences" - No. 417 of the equity of the Balance sheet.
Article 108. Principles of preparation of financial statements upon change of currency in accounting.
1. When changing the accounting currency, in the first period after the change, accountants convert the balances of accounting books into the currency of the new accounting at the transfer rate of a commercial bank where enterprises frequently trade at the date of conversion of currency in accounting.
2. The rate applied to comparative information (previous column) in income statements and cash flow statements:
When presenting comparative information in income statements and cash flow statements of the period of conversion of currency in accounting, units apply the average transfer rate of the period preceding the change period (if the average exchange rate is approximate the actual cost).
3. When changing the currency in accounting, enterprises must present clearly in the notes to financial statements reasons of change of the currency in the accounting and impacts (if any) for financial statement due to changes in currency in accounting.
Article 109. Deadline for submission of financial statements
1. For state-owned enterprises
a) Deadline for submission of quarterly financial statements:
- Accounting unit must submit quarter financial statements at the latest 20 days from the end of the quarterly accounting period; It is at the latest 45 days for the parent companies, state-owned general companies;
- accounting unit affiliated enterprises, state-owned general companies submit quarter financial statements to parent companies, general companies under the time limit set by parent companies, general companies.
b) Deadline for submission of annual financial statements:
- Accounting unit must submit annual financial statements at the latest 30 days from the end of the annual accounting period; It is at the latest 90 days for the parent companies, state-owned general companies;
- Accounting unit affiliated state-owned general companies submit annual financial statements to parent companies, general companies under the time limit set by parent companies, general companies.
2. For other types of enterprises
accounting unit being private enterprises and partnership must submit annual financial statements at the latest 30 days from the end of annual accounting period; for other accounting units, the deadline for submission of annual financial statements is within 90 days;
b) Subordinate accounting unit affiliated submit annual financial statements to superior accounting unit within the time limit given by the superior accounting units
Article 110. Recipients of financial statements
|
|
Recipients of financial statements |
||||
TYPES OF ENTERPRISES |
Period of reports |
Financial agencies |
Tax agencies |
Statistics agencies |
Superior enterprises |
Business registration agencies |
1. State-owned enterprises |
Quarterly, yearly |
x
|
x |
x |
x |
x |
2. Foreign-invested enterprises |
Yearly |
x |
x |
x |
x |
x |
3. Other types of enterprises |
Yearly |
|
x |
x |
x |
x |
1. State-owned enterprises in central-affiliated cities and provinces must prepare and submit financial statement to the Service of Finance in central-affiliated cities and provinces. Central state-owned enterprises must submit financial statements to the Ministry of Finance (Department of Corporate Finance).
- State-owned enterprises such as commercial banks, lottery companies, credit institutions, insurers, securities trading companies must submit financial statements to the Ministry of Finance (Department of Banking and Finance or Administration of Insurance Supervision).
- Securities trading companies and public companies must submit financial statements to the State Securities Commission and the Stock Exchange.
2. Enterprises must submit financial statements to supervisory tax authority in local. State-owned general companies must submit financial statements to the Ministry of Finance (General Department of Taxation).
3. Enterprises having superior accounting units must submit financial statements to the superior accounting unit in accordance with the provisions of the superior accounting units.
4. Enterprises required for financial audit by law must be audited prior to submission of financial statements in accordance with regulations. The financial statements of enterprises audited must be enclosed with the audit report when being submitted to State management agencies superior enterprises.
5. The financial agency to which enterprises have foreign direct investment (FDI) must submit financial statements is the Service of Finance in central-affiliated cities and provinces where the enterprises register their main business office .
6. state-owned enterprises owning 100% of the charter capital, in addition to the agencies where enterprises must submit financial statements as defined above, they must also submit financial statements to the agencies, organizations assigned, decentralized to exercise rights of owners under Decree No. 99/2012 / ND-CP and documents amending, supplementing, replacing.
7. Enterprises (including domestic enterprises and foreign-invested enterprises ) whose headquarters are in processing and exporting zones, industrial zones, hi-tech zones must also submit annual financial statements to the management board of processing and exporting zones , industrial zones , hi-tech zones if required.
SECTION 2. CONTENT AND METHOD OF PREPARATION OF FINANCIAL STATEMENTS
Article 111. General information about enterprises
In annual financial statements, enterprises must present the following general information:
- Name and address of the reporting enterprise;
- Specification of separate financial statements of the business, combined financial statements or consolidated financial statements of the parent company, corporation;
- Ending date of the accounting period ;
- Date of the financial statements:
- Currency used in accounting books;
- Currency used for preparation and presentation of financial statements.
Article 112. Guidelines on preparation and presentation of annual Balance sheet
1. Preparation and presentation of Balance sheet of enterprises meeting the assumption of continuous operation.
Purposes of the Balance sheet
The Balance sheet is a combined financial statements, recording generally all value of the current assets and sources that set up assets of enterprises at a certain time. Figures on the balance sheet show the full value of current assets of enterprises according to the structure of assets and of capital setting up such assets. Based on the Balance Sheet, the financial situation of enterprises may be considered, assessed generally.
Principles of preparation and presentation of the Balance Sheet
Under the provisions of Accounting Standards, "Presentation of financial statements" when the balance sheet is prepared and presented, the general principles of preparation and presentation of financial statements must be complied with. Also, on the balance sheet, the assets and liabilities should be presented separately as short-term and long-term, depending on the duration of the normal operating cycle of enterprises, namely as follows:
a) For enterprises with normal operating cycle within 12 months, the assets and liabilities are classified as short-term and long-term according to the following principles:
- Assets and liabilities are recovered or paid within 12 months from the time the balance sheet is classified as short-term;
- Assets and liabilities are recovered or paid for 12 months or more from the time the balance sheet date are classified as long-term.
a) For enterprises with normal operating cycle longer than 12 months, assets and liabilities are classified as short-term and long-term according to the following principles:
- Assets and liabilities are recovered or paid within a normal operating cycle are classified as short-term;
- Assets and liabilities are recovered or paid in a time that is longer than a normal operating cycle are classified as long-term.
In this case, enterprises must clearly explain the characteristics to determine the normal operating cycle, the average duration of a normal operating cycle, the evidence of the production and trading cycle of enterprises as well as of operation sectors of enterprises.
c) For enterprises which due to the nature of operations cannot rely on the operating cycle to distinguish between short term and long term, the assets and liabilities are presented under decreasing liquidity.
When preparing the combined balance sheet between the superior unit and subordinate unit which have no legal status, the superior unit must eliminate all balances of items arising from the internal transactions, such as amounts receivable and payable, internal loans...between the superior unit and the subordinate unit, among the subordinate units.
The technique of elimination internal items in summarizing Reports between superior units and dependent cost-accounting subordinate units is similar to the technique of consolidated financial statements.
Items without figures are exempted from presentation on the Balance sheet. Enterprises actively re-number of the items under the continuity principle in each section.
Basis for preparation of the Balance Sheet
- Based on the general accounting books;
- Based on detailed accounting books, cards on detailed summary sheet;
- Based on the balance sheet of previous accounting year (to present the first column).
Content and methods of setting up items in balance sheet of enterprises to meet the assumption of continuous operation (Form B01-DN)
a) Short-term assets (Code 100)
Short-term assets records the total value of cash, cash equivalents and other short-term assets that can be converted into cash, can be sold or used within 12 months or a normal operating cycle of enterprises at the time of the report, including: cash, cash equivalents, short-term financial investments, short-term receivables, inventories and other short-term assets.
Code 100 = Code 110 + code 120 + Code 130 + code 140 + code 150.
- Cash and cash equivalents (Code 110)
They are general items to record the total current cash and cash equivalents of enterprises at the time of reporting, including: cash in hand, deposits (demand deposits), cash in transit and the cash equivalents of enterprises. Code 110 = code 111 + Code112.
Cash (Code 111)
It is a general item to record the total current cash of enterprises at the time of reporting, including: cash in hand, demand deposits and cash in transit. Figures recorded in item “Cash” are the total debit balance of account 111 “Cash”, 112 “ deposits” and 113 “ Cash in transit”
Cash equivalents (Code 112)
This item records the short-term investments with maturity less than 3 months from the date investment can be converted easily into a certain amount of cash and there is no risk in conversion into cash at the time of reporting.
Figures recorded in this item shall mainly base on the detailed debit balance of account details Debt 1281 "term deposits" (details of deposits with maturity of 3 months) and accounts 1288 " Other investments held to maturity "(details of eligible items classified as cash equivalents). In addition, the reporting process, if the items recorded in other accounts are found to meet the definition of cash equivalents, accountants shall be permitted to present in this item. Cash equivalents may include: Bank exchange bills, treasury bills, bank deposits with an original maturity of 3 months ...
These amounts previously classified as cash equivalents but unrecovered over maturity are presented in other items in accordance with the contents of each item.
When analyzing the financial indicators, in addition to the cash equivalents presented in this item, accountants can consider cash equivalents including amounts with the remaining maturity of less than 3 months from the date of the report (but with an original maturity of more than 3 months) which can be converted easily into a certain amount and there is no risk of conversion into cash.
- Short-term financial investments (Code 120)
It is a general item records the total value of short-term investments (after deduction of provision for decrease in value of trading securities ), including: Securities held for trading purposes, investments held-to-maturity and other investments with the remaining term within 12 months from the time of reporting.
Short-term investments recorded in this item excluding short-term investments presented in the item "cash equivalents" and item "receivables from short-term loans".
Code 120 = Code 121 + code 122 + Code 123.
Trading securities (Code 121)
This item records the value of securities and other financial instruments held for trading purposes at the time of reporting (held for the purpose of waiting for increase in price to sell for profit). This item may include unsecuritized financial instruments, such as commercial papers, forward contracts, swap contracts ... held for trading purposes. Figures recorded in this item are debit balance of the account 121 - "trading securities".
Provision for decrease in value of trading securities (Code 122)
This item records the provision for decrease in value of trading securities at the time of reporting. Figures recorded in this item is credit balance of account 2291 " provision for decrease in value of trading securities” and is recorded in negative number under the form of parentheses (...).
Investments held to maturity (Code 123)
This item records the investments held to maturity with the remaining term within 12 months from the time of reporting, such as term deposits, bonds, commercial papers and other debt securities . This item does not include investments held to maturity presented in the item "cash equivalents", item "receivables for short-term loans". Figures recorded in this item are debit balances accounts 1281, 1282, 1288 (details of amounts with remaining maturity within 12 months which are not classified as cash equivalents).
- Short-term receivables (Code 130)
It is a general item recording the total value of short-term receivables with recovery term within 12 months or within a normal operating cycle at the time of the report (after subtracting the provisions for bad short-term receivables), such as: receivables of customer, prepayments to suppliers, internal receivables, receivables according to the progress of construction contracts, receivables for loans and other short-time receivables. Code 130 = Code 131 + Code 132 + Code 133 + Code 134 + Code 135 + Code 136 + Code 137 + Code 139
Short-term receivables from customers (Code 131)
This item records the amounts receivable from customer with the remaining recovery term within 12 months or within a normal operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item shall be based on the total debit balance of account 131 "receivables from customer " opened for each customer.
Prepayments to sellers in short-term (Code 132)
This item records the amount prepaid to the seller within 12 months or within a normal operating cycle to purchase assets but assets have not been delivered at time of reporting. Figures recorded in this item are based on total amounts arising detailed debts of Account 331 "Payables to suppliers" opened according to each seller.
Short-term intercompany receivables (Code 133)
This item records the receivables between the superior unit and the subordinate unit which has no legal status in dependent cost-accounting and between subordinate units which have no legal status in dependent cost-accounting in payment relationship besides capital allocation relationship, with the remaining recovery term within 12 months, or in a normal operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item are the debit balance accounts 1362, 1363, 1368 in accounting books detailing Account 136. When the superior units prepare combined financial statement with subordinate units in dependent cost-accounting, this item is offset with the item "short-term intercompany payables" in the balance sheet of dependent cost-accounting units.
Receivables according to the progress of construction contracts (Code 134)
This item records the difference between total revenue recorded accumulatively in proportion to the completed work which is greater than the accumulative total amount customer must pay according to the progress of the plan by the end of the reporting period of construction contracts in progress. Figures recorded in this item shall be based on the Debit Balance of account 337 " Payments under the progress of plan of construction contracts"
Short-term loan receivables (Code 135)
This item records the loans (not including the content recorded in the item "Investments held to maturity") which have recovery term within 12 months or in a normal operating cycle at the time of reporting, such as loans by agreements, contracts between the two parties. Figures recorded in this item are the debit balance of accounts 1283 - Loans
Other short-term receivables (Code 136)
This item records other receivables with the remaining recovery term within 12 months or within a normal operating cycle at the time of reporting, such as receivables of expenditures, interest, dividends, advances, pledge, deposit, temporary loan ... that enterprises are entitled to recover within 12 months. Figures recorded in this item are the detailed debit balance of accounts : 1385, TK1388, TK334, TK338, TK 141 TK 244. Figures recorded in this item are the detailed debit balance of accounts : 1385, 1388, 334, 338, 141, 244.
Provision for uncollectible short-term receivables (Code 137)
This item records the provision for uncollectible short-term receivables at the time of reporting. Figures recorded in this item are detailed credit balance in account 2293, "Provision for bad debts", detailed provisions for uncollectible short-term receivable and are recorded in negative number under the form of parentheses (...).
Shortage of assets awaiting resolution (code 139)
This item records the shortage and loss of assets of which reasons are unknown awaiting resolution at the time of reporting. Figures recorded in this item are Debit balance of account 1381- Shortage of assets awaiting resolution
- Inventories (Code 140)
It is a general item recording the total current value of inventories for the production and trading of enterprises (net of provision against devaluation of goods in stock) until the time of reporting. Code 141 = Code 141 + Code 149.
Inventories (Code 141)
This item records the total value of inventories owned by the enterprises, rotated in a normal operating cycle at the time of reporting. This item does not include the value of costs of long-term work in progress and the value of equipment, materials, long-term spare parts. Figures recorded in this item are the debit balance of account 151 - "Goods in transit", account 152 - "Raw materials, materials", account 153 - "tools and instruments" account 154 - "The cost of work in progress", account 155 - "finished products ", account 156 - "Goods", account 157 - "Goods sent for sale", account 158 - " goods in tax-suspension warehouse "
Costs of work in progress beyond a normal operating cycle which do not meet the definition of inventory in accordance with Accounting Standards are not presented in this item but are presented in item "costs of long-term work in progress "- Code 241.
Equipment, supplies, spare parts over 12 months or beyond a normal operating cycle do not meet the definition of inventory under Accounting Standards are not presented in this item but are presented in item " long-term equipment, supplies, spare parts "- Code 263.
Provision against devaluation of goods in stock (149)
This item records the provision for devaluation of goods in stock at the time of reporting, after deduction of provision for devaluation set up for costs of long-term work in progress. Figures recorded in this item are the credit balance of account 2294 "Provision for devaluation of goods in stock", details of provisions for the items are presented as inventory in item code 141 and recorded in negative under the form of parentheses: (...).This item does not include provision for devaluation of costs of long-term work in progress and long term equipment, materials, spare parts.
- Other short-term assets (Code 150)
It is a general item recording the total value of other short-term assets with recovery or use term within 12 months at the time of reporting, such as short-term prepaid expenses, deductible VAT, taxes receivable, purchase and resale of government bonds and other short-term assets at the time of reporting. Code 150 = Code 151 + code 152 + Code 153 + code 154 + code 155.
Short-term prepaid expenses (code 151)
This item records the prepaid amount for the provision of goods or services within 12 months or a normal operating cycle from the time of prepayment. Figures recorded in the item "short-term prepaid expenses" are detailed Debit balance of Account 242 "prepaid expenses".
Deductible VAT (Code 152)
This item records the deductible VAT and refunded VAT by the end of the reporting year. Figures recorded in the item " deductible VAT" are based on the Debit balance of Account 133 " deductible VAT."
Taxes and other revenues to the state (Code 153)
This item records tax and other amounts overpaid to the State at the time of reporting. Figures recorded in the item "Taxes and other revenues to the state" are based on detailed Debit balance of Account 333 "Tax and other payables to the State" on the detailed accounting books of account 333.
Purchase and resale of government bonds (Code 154)
This item records the value of government bonds of the purchaser before the expiration of the contract of resale at the time of reporting. Figures recorded in the item "Purchase and resale of government bonds," are the Debit balance of Account 171 - "purchase and resale of government bonds."
Other short-term assets (Code 155)
This item records the value of short-term assets, such as precious metals, jewels (not classified as inventories), investments held awaiting increase in price to sell for profit are not classified as investment real properties such as paintings, photographs, and other valuable articles. Figures recorded in this item are in the debit balance of account 2288 - "Other Investments”
b) Long-term assets (Code 200)
This item records the value of assets which are not recorded in the item of short-term assets. Long-term assets are assets with maturity of more than 12 months or at the time of reporting, such as long-term receivable, fixed assets, investment real property, long-term financial investment and long-term assets. Code 200 = Code 210 + Code 220 + Code 230 + Code 240 + Code 250 + Code 260.
- Long-term receivables (Code 210)
It is a general item recording the total value of the receivables with recovery term of more than 12 months or more than a operating and trading cycle at the time of reporting, such as: receivables from customer, business capital in subordinate units, internal receivables, loan receivables, other receivables (net of provision for uncollectible long-term receivables). Code 210 = Code 211 + Code 212 + Code 213 + Code 214 + Code 215 + Code 216 + Code 219.
Long-term receivables from customers (Code 211)
This item records the amounts receivable from customer with the recovery term of more than 12 months or more than one normal operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item shall be based on the details of debit balance of account 131 "receivables from customer " opened for each customer.
Prepayments to suppliers in long-term (Code 212)
This item records the amount prepaid to the seller for more than 12 months or more than one normal operating cycle to purchase assets but assets have not been delivered at time of reporting. Figures recorded in this item are based on total amounts arising detailed debts of Account 331 "Payables to suppliers" opened according to each seller.
Working capital provided to subordinate units (Code 213)
This item only recorded in the balance sheet of superior units records the working capital allocated to subordinate units which have no legal status in dependent cost-accounting. When setting up the general balance sheet total of the whole enterprise, this item is offset with the item "intercompany payables on working capital" (Code 333) or item "Contributions from owners' ( Code 411) in the Balance Sheet of the dependent cost-accounting units, details of the capital received from the superior units. Figures recorded in this item shall be based on the debit balances of account 1361 "Working capital provided to subordinate units".
Long-term intercompany receivables (Code 214)
This item records the receivables between the superior unit and the subordinate unit which has no legal status in dependent cost-accounting and between subordinate units which have no legal status in dependent cost-accounting in payment relationship besides capital allocation relationship, with the remaining recovery term of more than 12 months, or more than a normal operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item are based on the debit balance accounts 1362, 1363, 1368 in accounting books detailing Account 136. When the superior units prepare combined financial statement with subordinate units in dependent cost-accounting, this item is offset with the item "long-term intercompany payables" in the balance sheet of dependent cost-accounting units.
Receivables on long-term loans (Code 215)
This item records the loans by agreements, contracts between two parties (including the content recorded in the item "Investments held to maturity") which have recovery term of more than 12 months at the time of reporting. Figures recorded in this item are based on the debit balance of accounts 1283 - Loans
Other long-term receivables (Code 216)
This item records other receivables with the remaining recovery term of more than 12 months or more than a normal operating cycle at the time of reporting, such as receivables of expenditures, interest, dividends, advances, pledge, deposit, loan ... that enterprises are entitled to recover. Figures recorded in this item are based on the detailed debit balance of accounts :1385, 1388, 334, 338, 141, 244.Provision for doubtful long-term receivables (Code 219)
This item records the provision for doubtful long-term receivables at the time of reporting. Figures recorded in this item are detailed credit balance in account 2293, "Provision for doubtful debts", detailing provisions for doubtful long-term receivables and are recorded in negative number under the form of parentheses (...).
- Fixed assets ( code 220)
It is a general item recording the net book value (Costs minus the value of accumulated depreciation) of fixed assets at the time of reporting. Code 220 = Code 221+ Code 224 + Code 227.
- Tangible fixed assets (code 221)
It is a general item recording the net book value of tangible fixed assets at the time of reporting. Code 221 = Code 221+ Code 223.
Costs (Code 222)
This item records the total costs of tangible fixed assets at the time of reporting. Figures recorded in this item are the debit balance of Account 211 "tangible fixed assets".
Value of accumulated depreciation (Code 223)
This item records the total depreciation value of tangible fixed assets accumulated at the time of reporting. Figures recorded in this item are the credit balances of account 2141 " depreciation of tangible fixed assets” and are recorded in negative number under the form of parentheses (...).
- Finance lease fixed asset (Code 224)
It is a general item recording the total net book value of finance lease fixed assets at the time of reporting. Code 224 = Code 225+ Code 226.
Costs (Code 225)
This item records the total costs of finance lease fixed assets at the time of reporting. Figures recorded in this item are the debit balance of Account 212 " Finance lease fixed assets".
Value of accumulated depreciation (Code 226)
This item records the total depreciation value of finance lease fixed assets accumulated at the time of reporting. Figures recorded in this item are the credit balances of account 2142 " depreciation of finance lease fixed assets” and are recorded in negative number under the form of parentheses (...).
- Intangible fixed assets (code 227)
It is a general item recording the total net book value of intangible fixed assets at the time of reporting. Code 227 = Code 228+ Code 229.
Costs (Code 228)
This item records the total costs of intangible fixed assets at the time of reporting. Figures recorded in this item are the debit balance of Account 213 "intangible fixed assets".
Value of accumulated depreciation (Code 229)
This item records the total depreciation value of intangible fixed assets accumulated at the time of reporting. Figures recorded in this item are the credit balances of account 2143 " depreciation of intangible fixed assets” and are recorded in negative number under the form of parentheses (...). Investment real property (Code 230)
It is a general item recording the total net book value of investment real property at the time of reporting. Code 230 = Code 231+ Code 232.
Costs (Code 231)
This item records the total cost of investment real property at the time of reporting after deduction of losses due to devaluation of investment real property held for increase in price. Figures recorded in this item are the debit balance of Account 217 " Investment real property".
Value of accumulated depreciation (Code 232)
This item records the total depreciation value of investment real property used for lease at the time of reporting. Figures recorded in this item are the credit balances of account 2147 " depreciation of investment real property” and are recorded in negative number under the form of parentheses (...).
Long-term unfinished assets (Code 240)
It is a general item recording the value of cost of long-term work in progress and cost of long-term construction in progress at the time of reporting. Code 240 = Code 241 + Code 242.
Cost of long-term work in progress ( Code 241)
Costs of long-term works in progress are expected costs to produce inventory but production is delayed, interrupted or temporarily suspended for more than one normal operating cycle of the enterprises at the time of reporting. This item is often used to present projects in progress of investors of real properties for sale which have slow commencement, slow progress.
This item records the net realizable value (cost price minuses the provision for devaluation set up for this amount ) of the cost of work in progress for more than one operating cycle, which do meet the definition of inventory according to accounting standards. Figures recorded in this item are based on the debit balance of account 154 - " work in progress" and the credit balance of account 2294 - "Provision against devaluation of goods in stock ".
Cost of construction in progress (Code 242)
This item records the total value of fixed assets that are being purchased, the cost of capital investment, the costs of great repair of fixed assets in progress or completed but not yet transferred or put in use. Figures recorded in this item are the debit balance of Account Debit 241 "Construction in progress"
- Long-term financial investments (Code 250)
It is a general indicator recording the total value of long-term financial investments at the time of reporting (after deducting provision for investment losses in other units), such as: Investments in subsidiaries, Investments in associates and joint ventures, investments in other units, investments held to maturity with remaining maturity of more than 12 months or more than one operating cycle. Code 250 = Code 251 + Code 252 + Code 253 + Code 254 + Code 255.
Investments in subsidiaries (Code 251)
This item records the value of investments in subsidiaries and subordinate units which have legal status in independent accounting which is essential subsidiaries (irrespective of the name or form of unit ) at the time of reporting. Figures recorded in this item are the debit balance of Account 221 "Investments in subsidiaries".
Investments in associated companies and joint-ventures (Code 252)
This item records the value of investments in associated companies and joint ventures at the time of reporting. Figures recorded in this item are the total debit balance of Account 222 "Investments in associated companies and joint ventures".
Investments in other units (Code 253)
This item records the investments in equity of other units, but enterprises have no rights in control, joint control, significant influence (other than investments in subsidiaries, associated companies, joint ventures). Figures presented in this item are the debit balance of account 2281 - "Investments in other units."
Provisions for long-term financial investments (Code 254)
This item records the provision for investment losses in other units because invested units suffer losses and investors may loss their capital at the time of reporting. Figures recorded in this item are the credit balance of account 2292 "Provision for investment losses in other units" and are recorded in negative number under the form of parentheses (...).
Investments held to maturity (Code 255)
This item records the investments held to maturity with the remaining term of more than 12 months from the time of reporting, such as term deposits, bonds, commercial papers and other debt securities. This item does not include loans recorded in item "receivables on long-term loans". Figures recorded in this item are debit balances of accounts 1281, 1282, 1288.
- Other long-term assets (Code 260)
It is a general item recording the total value of other long-term assets with maturity of more than 12 months at the time of reporting, such as long-term prepaid expenses, deferred income tax assets and long-term assets which are not presented in other items at the time of reporting. Code 260 = Code 261 + Code 262 + Code 268.
Long-term prepaid expenses (code 261)
This item records the amount prepaid for the provision of goods and services with a term of more than 12 months or more than one normal operating cycle since the time of prepayment; Goodwill and business advantage unallocated to expense at the time of reporting. Figures recorded in item "long-term prepaid expenses" are the Debit balance of Account 242 "prepaid expenses". Enterprises do not reclassify long-term prepaid expenses as short-term prepaid expenses.
Deferred income tax assets (Code 262)
This item records the value of deferred income tax assets at the time of reporting. Figures recorded in item "deferred income tax assets " are based on the Debit balance of Account 243 " Deferred income tax assets ".
If the taxable temporary differences and deductible temporary differences are related to the same taxpayer and are settled at the same tax authority, deferred tax payable is offset to deferred tax assets. In this case, the item "Deferred income tax assets" records the difference between the deferred income tax assets which is greater than the deferred income tax payable.
Long term equipment, supplies and spare parts (Code 263)
This item records the net value (after deducting provision for devaluation) of equipment, materials and spare parts used for storage, replacement, preventing damage of assets but are not qualify for classification as fixed assets and are not classified as inventory due to having storage time of more than 12 months, or more than one normal operating cycle. Figures recorded in this item are based on detailed balance of account 1534 - "equipment, spare parts" (details of parts and equipment replacement stored for long-term) and detailed credit balance of account 2294 - "Provision for devaluation of inventories".
Other long-term assets (Code 268)
This item records the value of long-term assets other than the long-term assets mentioned above, such as valuable articles for display, museum, traditional introduction, history ... which are not classified as fixed assets and are not intended for sale within 12 months from the time of reporting. Figures recorded in this item are based on detailed balance of account 2288.
c) Total assets (Code 270)
It is a general indicator recording the total value of current assets of enterprises at the time of reporting, including short-term assets and long-term assets.
Code 270 = Code 100 + Code 200.
d) Liabilities (Code 300)
It is a general item recording the total liabilities at the time of reporting, including short-term debt and long-term debt. Code 300 = Code 310 + Code 330.
e) Short-term debt (Code 310)
It is a general item recording the total value of the debts payable with payment term of within 12 months or less than one normal operating, such as loans and short-term finance lease liabilities or supplier payables, taxes and payables to the State and employees, payable costs, inter-company payables, unearned revenue, provisions payable... at the time of reporting. Code 310 = Code 311 + Code 312 + Code 313 + Code 314 + Code 315 + Code 316 + Code 317 + Code 318 + Code 319 + Code 320 + Code 321 + Code 322 + Code 323 + Code 324.
Short-term supplier payables (Code 311)
This item records the amount payable to the seller with payment term of within 12 months or within one operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item are based on the credit balance of account 331 "supplier payable” open in detail for each seller.
Short-term deferred revenues (Code 312)
This item records the amount advanced by the purchaser to buy products, goods, services, fixed assets, investment real property and enterprises must provide services within 12 months or within one normal operating cycle at the time of the report (not including the revenue received in advance). Figures recorded in this item are based on the arising credit amount in detail of account 131 "receivables from customers " opened in details for each customer.
Taxes and other payables to State (Code 313)
This item records the total amounts that enterprises must pay to the State at the time of reporting, including taxes, fees, charges and other payables. Figures recorded in this item are based on detailed credit balance of account 333 "Tax and other payables to the State".
Payables to employees (Code 314)
This item records the amounts that enterprises must pay to employees at the time of reporting. Figures recorded in this item are based on the credit balance of account 334 "Payables to employees".
Short-term expenses payable (code 315)
This item records the value of debts payable due to receipt of goods and services without invoice or expenses of the reporting period which have not had sufficient records and documents but shall definitely arise must be calculated into the cost of production, business and shall be paid within 12 months or within the next one normal operating cycle at the time of reporting, such as vacation pay accruals, interest payable ... Figures recorded in this item are based on detailed credit balance of account 335 "Accrued expenses".
Short-term intercompany payables (Code 316)
This item records the intercompany payables with the remaining recovery term within 12 months, or in a normal operating cycle at the time of reporting ( besides payable to business capital) between the superior unit and the subordinate unit which has no legal status in dependent cost-accounting and between subordinate units in an enterprise. Figures recorded in this item are based on the detailed credit balance accounts 1362, 1363, 1368. When the superior units prepare combined financial statement with subordinate units in dependent cost-accounting, this item is offset with the item "short-term intercompany receivables" in the balance sheet of dependent cost-accounting units.
Payables according to the progress of construction contracts (Code 317)
This item records the difference between total cumulative amount customers must pay according to the progress which is greater than the recorded accumulative revenue in proportion to the completed work by the end of the reporting period of construction contracts in progress. Figures recorded in this item shall be based on the credit Balance of account 337 " Payments under the progress of plan of construction contracts"
Short-term unearned revenue (Code 318)
This item records the unearned revenues corresponding to the obligations which enterprises shall fulfill within the next 12 months or one normal operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item are detailed credit balance of account 3387 - "Unearned revenue".
Other short-term payables (Code 319)
This item records other payables with payment term of within 12 months or within one operating cycle at the time of the report, in addition to the liabilities recorded in other items, such as the value of assets detected surplus of unknown cause, payables to social insurance agencies, trade union fee, amounts received from short-term deposits... Figures recorded in this item are based on the detailed Credit balance of accounts: 338, 138, 344
Short-term loans and finance lease liabilities (Code 320)
This item records the total value of amounts that enterprises borrow and owe to banks, institutions, finance companies and other entities with maturities of within 12 months at the time of reporting. Figures recorded in this item are based on the detailed credit balance of accounts 341 and 34311 (details of payments which due in the next 12 months)
Provision for short term payables (Code 321)
This item records the provision for amounts expected to be paid within 12 months, or within one next normal operating cycle at the time of reporting, such as provisions for warranty for products, goods, construction, provisions for restructuring, accrued expense for periodic repair of fixed assets, costs for environmental reconstitution... The provisions payable are often estimated which are not sure about the right time of payment, value payable and enterprises have not received goods and services from suppliers. Figures recorded in this item are based on the credit balance of account 352 "Provisions payable".
Bonus and bonus and welfare fund ( Code 322)
This item records bonus funds, bonus and welfare funds, reward fund of the executive management board unused at the time of reporting. Figures recorded in this item are the credit balance of account 353 "Bonus and bonus and welfare funds".
Price stabilization fund ( Code 323)
This item records the value of current price stabilization Fund at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of account 357 - Price Stabilization Fund.
Purchase and resale of government bonds (Code 324)
This item records the value of government bonds of the purchaser before the expiration of the contract of resale at the time of reporting. Figures recorded in the item are the Credit balance of Account 171 - "purchase and resale of government bonds."
g) Long-term liabilities (Code 330)
It is a general item recording the total value of long-term debt of enterprises including debt with the remaining payment term of 12 months or one normal operating cycle or more at the time of reporting, such as: payables to suppliers, internal payables and other long-term liabilities, long-term loans and finance lease liabilities... at the time of reporting. Code 330 = Code 331 + Code 332 + Code 333 + Code 334 + Code 335 + Code 336 + Code 337 + Code 338 + Code 339 + Code 340 + Code 341 + Code 342 + Code 343.
Long-term supplier payables (Code 331)
This item records the amount payable to the seller with payment term of more than 12 months or more than one operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item are based on the Credit balance of account 331 "supplier payables” opened in detail for each seller.
Long-term deferred revenues (Code 332)
This item records the amount advanced by the purchaser to buy products, goods, services, fixed assets, investment real property and enterprises must provide services for more than 12 months or more than one normal operating cycle at the time of the report (not including the revenue received in advance). Figures recorded in this item are based on the credit arising amount in detail of account 131 "receivables from customers " opened in details for each customer.
Long-term expenses payable (code 333)
This item records the value of debts payable due to receipt of goods and services without invoice or expenses of the reporting period which have not had sufficient records and documents but shall be definitely arisen must be calculated into the cost of production, business and shall be paid after 12 months or after the next one normal operating cycle at the time of reporting, such interest payable of reporting period which is paid at the maturity of the long –term loan contract. Figures recorded in this item are based on detailed credit balance of account 335 "Accrued expenses".
Intercompany payables on working capital (Code 334)
Depending on the operating characteristics and management models of each unit, enterprises decentralize and prescribe dependent cost-accounting units to record capital allocated in this item or item "Contributions of owners " Code 411 by enterprises.
Items are only recorded in the balance Sheet of subordinate units without legal status in dependent accounting, recording the amounts that subordinate units must pay to their superior units the working capital.
Figures recorded in this item shall be based on the credit balances of account 3361 "Intercompany payables on working capital ". When superior units set up the general balance sheet total of the whole enterprise, this item is offset with the item " working capital provided to subordinate units” in the Balance sheet of superior units.
Long-term intercompany payables (Code 335)
This item records the intercompany payables with the remaining payment term of more than 12 months, or more than one normal operating cycle at the time of reporting (besides payable on working capital) between the superior unit and the subordinate unit which has no legal status in dependent cost-accounting and between subordinate units in an enterprise. Figures recorded in this item are based on the detailed credit balance accounts 3362, 3363, 3368. When the superior units prepare combined financial statement with subordinate units in dependent cost-accounting, this item is offset with the item "long-term intercompany receivables" in the balance sheet of dependent cost-accounting units.
Long-term unearned revenue (Code 336)
This item records the unearned revenues corresponding to the obligations which enterprises shall fulfill after 12 months or after the next one normal operating cycle at the time of reporting. Figures recorded in this item are detailed credit balance of account 3387 - "Unearned revenue".
Other long-term payables (Code 337)
This item records other payables with payment term of more than 12 months or more than one operating cycle at the time of the report, in addition to the liabilities recorded in other items, such as: long-term deposits, long-term loans, differences between the deferred, installment sale price committed and long-term price in cash... Figures recorded in this item are based on the detailed Credit balance of accounts: 338, 344
Long-term loans and finance lease liabilities (Code 338)
This item records amounts that enterprises borrow and owe to banks, institutions, finance companies and other entities with maturities of more than 12 months at the time of reporting such as: Loans from banks, payables on finance lease fixed assets, sum received from normal bond issuance.. Figures recorded in this item are detailed Credit balance of accounts 341 and results of the credit balance of account 34311 subtracting (-) the Debit balance of account 34312 adding (+) the Credit balance of Account 34313
Convertible bonds ( Code 339)
This item records the value of principals of convertible bonds issued by the enterprises at the time of reporting. Figures recorded in this item are detailed Credit balance of account 3432 - "Convertible Bonds".
preference shares (Code 340)
This item records the value of preference shares under par value which require the issuer to repurchase at an indentified time in the future. Figures recorded in this item are based on the detailed Credit balance of accounts 41112 - Preference shares (details of type of preference shares classified as liabilities).
Deferred income tax (Code 341)
This item records the deferred enterprise income tax payable at the time of reporting. Figures recorded in this item shall be the Credit balance of account 347 " Deferred income taxes payable".
If the taxable temporary differences and deductible temporary differences are related to the same taxpayer and are settled at the same tax authority, deferred income tax payable is offset to deferred tax assets. In this case, the item "Deferred income tax assets" records the difference between the deferred income tax payable greater than the deferred tax assets.
Provision for long term payables (Code 342)
This item records the provision for amounts expected to be paid after 12 months, or after one next normal operating cycle at the time of reporting, such as provisions for warranty for products, goods, construction, provisions for restructuring, accrued expense for periodic repair of fixed assets, accrued expense for environmental reconstitution... The provisions payable are often estimated which are not sure about the right time of payment, value payable and enterprises have not received goods and services from suppliers. Figures recorded in this item are based on the credit balance of account 352 "Provisions payable".
Scientific and technological development fund (Code 343)
This item records the unspent scientific and technological development fund at the time of reporting. Figures recorded in this item are in the Credit balance of Account 356 "scientific and technological development fund."
h) Equity (Code 400 = Code 410 + Code 430)
- Equity (Code 410)
It is a general item recording the working capital owned by shareholders, members, such as investment capital of owners, funds deducted from post-tax profits and undistributed post-tax profits, differences upon asset revaluation, exchange rate differences ...
Code 410 = Code 411 + Code 412 + Code 413 + Code 414 + Code 415 + Code 416 + Code 417 + Code 418 + Code 419 + Code 420 + Code 421 + Code 422.
- Contributions from owners (Code 411)
This item records the total capital actually contributed by owners in enterprises (for joint-stock companies, contributions of shareholders at par value of shares are recorded) at the time of reporting. In dependent cost-accounting units, this item may record the capital allocated if enterprises prescribe dependent cost-accounting units for recording in Account 411. Figures recorded in this item are the Credit balance of account 411 "Contributions from owners". For joint stock companies, Code 411 = Code 411a + Code 411b
Ordinary shares with voting rights (No. 411a)
This item is only used in joint-stock companies, recording the par value of ordinary shares with voting rights. Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 41111 - Ordinary shares with voting rights.
Preference shares (Code 411b)
This item records the value of preference shares under par value which the issuer is not obliged to repurchase. Figures recorded in this item are based on the detailed Credit balance of accounts 41112 - Preference shares (details of type of preference shares classified as equity).
- Share premium (Code 412)
This item records the share premium at the time of reporting of joint-stock companies. Figures recorded in this item are the Credit balance of account 4112 "Share premium". If account 4112 has Debit balance, this item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Conversion options on bond ( Code 413)
This item records the value of capital component of convertible bonds issued by enterprises at the time of reporting. Figures recorded in this item are detailed Credit balance of account 4113 - "Conversion options on bonds".
- Other capital of owners (Code 414)
This item records the value of other capital of owners at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of account 4118 – “Other capital”.
- Treasury shares ( Code 415)
This item records the value of current treasury shares at the time of reporting of joint-stock companies. Figures recorded in this item are the Debit balance of account 419 " Treasury share are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Differences upon asset revaluation (Code 416)
This item records the total differences upon asset revaluation recorded directly in current equity at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of the account 412 "Differences upon asset revaluation ". If account 412 has the Debit balance, the item is recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Exchange differences (Code 417)
This item records the exchange differences arising in the period prior to operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State performing the tasks of security, national defense, macroeconomic stability which are handled at the time of reporting.
Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 413 "exchange rate differences". If account 413 has the Debit balance, this item shall be recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
In case foreign currencies are used as currency unit in accounting, this item records the difference exchange rate due to conversion from financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam dong.
- Development investment funds (Code 418)
This item records the unspent development investment funds at the time of reporting. Figures recorded in this item are in the Credit balance of Account 414 "development investment funds."
- Enterprise reorganization assistance fund (Code 419)
This item records the unspent enterprise reorganization assistance fund at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 417 - "Enterprise reorganization assistance fund."
- Other equity fund (Code 420)
This item records the other equity funds of enterprises set up from current undistributed post-tax profits at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 418 "Other equity funds".
- Undistributed post-tax profits (Code 421)
This item records the profit (or loss) after tax unsettled or undistributed at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 421 "Undistributed post-tax profits." If account 421 has Debit balance, the figures in this item are written in negative numbers under the form of parentheses (...). Code 421 = Code 421a + Code 421b
Undistributed post-tax profits accumulated by the end of the previous period (Code 421a)
This item records the profit (or loss) unsettled or undistributed accumulated by the end of the previous period (beginning of the reporting period).
Figures recorded in the item "undistributed post-tax profits accumulated by the end of the previous period" on the Balance Sheet are the Credit balance of account 4211 "undistributed post-tax profits of previous year" are plus the Credit balance of Account 4212 "undistributed post-tax profits of current year," detailing the cumulative profit from the beginning of the year to the beginning of the reporting period. If accounts 4211, 4212 have the Debit balance, figures in this item shall be recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
Figures recorded in the item “undistributed post-tax profits by the end of previous period” on the annual Balance sheet are the Credit balance of Account 4211 "Undistributed post-tax profits of previous year." If accounts 4211, 4212 have Debit balance, the figures in this item are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
Undistributed post-tax profits of current period (Code 421b)
This item records the profit (or loss) unsettled or undistributed accumulated arising in the reporting period.
Figures recorded in the item "undistributed post-tax profits of current period" on the quarterly Balance Sheet are the Credit balance of account 4212 "undistributed post-tax profits of current year", detailing the profit arising in reporting quarter. In case account 4212 has the Debit balance, figures in this item are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
Figures recorded in the item "undistributed post-tax profits of current period" on the annual balance Sheet are the Credit balance of account 4212 "undistributed post-tax profits of current year" In case account 4212 has the Debit balance, figures in this item are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Capital expenditure fund ( Code 422)
This item records the total current capital expenditure fund at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 441 "Capital expenditure fund".
Funding and other funds ( Code 430)
It is a general item recording the total non-business and project funding allocated to non-business activities, projects (after deducting non-business, project expenditures); Funding that forms fixed assets at the time of reporting. Code 430 = Code 431 + Code 432.
Funding (Code 431)
This item records the non-business, project funding allocated but unused, or non-business, project expenditures greater than non-business, project findings. Figures recorded in this item are the differences between the Credit balance of Account 461 "Non-business funds” and the Debit balance of account 161 "Non-business expenditures". In case the Debit balance of account 161 is greater than the Credit balance of Account 461, this item is recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
Funds that form fixed assets (Code 432)
This item records the total current funds that forms fixed assets at the time of reporting. Figures recorded in this item are the Credit balance of Account 466 "Funds that form fixed assets".
k) Total capital (Code 440)
It records the total capitals that are used for asset acquisition of enterprises at the time of reporting. Code 440 = Code 300 + Code 400.
Item “ total assets” Code 270” |
= |
Item “ Total capital Code 440” |
2. Preparation and presentation of the balance sheet of enterprises which do not meet the assumption of continuous operation (Form B 01 / CDHDD - DNKLT)
Presentation in the Balance sheet of enterprises which Table do not meet the assumption of continuous operation is made the same with the balance sheets of enterprises which are operating except a number of adjustments:
Short-term and long-term shall not be distinguished: The items set are not based on the remaining period from the reporting date which is over 12 months or within 12 months or more than one normal operating cycle or within one normal operating cycle;
(b) Items of provisions for assets, liabilities revalued under net realizable value, recoverable value or fair value shall not be presented;
Some items have setting method which is different from the Balance sheet of enterprises which are operating continuously as follows:
a) Item "trading securities" (Code 121)
This item records the book value of trading securities after revaluation. Enterprises shall not present the item "provisions for devaluation of trading securities" because the provisions for devaluation are recorded directly a decrease in the book value of trading securities.
b) Items relating to investments in subsidiaries, associated companies and joint ventures, investments in other units are recorded in the book value after revaluation of investments above. Enterprises shall not present the item "Provision for long-term financial investments" because the provisions are recorded a decrease directly in the book value of the investments.
c) Items relating to receivables are recorded under the book value after revaluation of receivables. Enterprises shall not present the item "Provision for doubtful receivables" because the provisions are recorded a decrease directly in the book value of receivables.
d) Item "Inventories" (Code 140):
This item records the book value of inventories after revaluation. Figures in this item include costs of work in progress and equipment, materials and spare parts classified as long-term on the Balance Sheet of enterprises which are operating continuously . Enterprises shall not present the item "provision against devaluation of goods in stock " because the provisions for devaluation are recorded a decrease directly in the book value of inventory.
e) Items relating to tangible assets, intangible assets, finance lease assets, investment real properties are recorded at book value after revaluation of such assets . Enterprises shall not present the item "Cost" because the book value is revalued price, shall not present the item "accumulated depreciation " because the depreciation has been recorded a decrease directly in the book value of assets.
Other items are set and presented by combining contents and figures of corresponding in the long-term and short-term parts of enterprises which are operating continuously.
Article 113. Guidelines on preparation and presentation of income statement (Form B02-DN)
1. Content and structure of reports:
a) Income statement records situations and results of operations and business of enterprises, including the results of operations and the results from financial operations and other operations of enterprises.
When preparing consolidated income statement between enterprises and subordinate units which have no legal status in dependent accounting, enterprises must eliminate all of the revenues, income, expenses incurred from intra-company transactions.
b) Income statements shall include 5 columns:
- Column 1: Report items;
- Column 2: Code of the relevant items;
- Column 3: Number corresponding to items of this report is shown in the notes to the financial statement;
- Column 4: Total incurred during the annual reporting period;
- Column 5: Figures from previous years (for comparison).
2. Basis of reporting
- Based on income statement of previous year.
- Based on general accounting books and detailed accounting books in period used for accounts from 5 to 9.
3. Contents and methods of preparation of item in income statement
Revenues from sales and service provisions (Code 01):
- This item records the total revenues from sales of goods and finished products, investment real property, revenues from service provision and other revenues in the reporting year of enterprises. Figures recorded in this item are arising accumulation of the Credit Side of Account 511 "Revenue from sales and service provisions" in the reporting period.
When superior units make general reports with subordinate units without legal status, revenues from sales and service provisions arising from intra-group transactions are all excluded.
- This item does not include indirect taxes, such as VAT (including VAT paid under subtraction method), excise tax, export taxes, environmental protection taxes and other indirect taxes and fees.
Revenue deductions (Code 02):
This item records the total amounts recorded a decrease in the total revenue in year, including: trade discounts, sales allowances, sales returns in the reporting period. Figures recorded in this item are accumulation the arising sum in the Debit side of Account 511 "Revenue from sales and service provisions" corresponding to the Credit side of Account 521 "revenue deductions" during the reporting period.
This item does not include indirect taxes and fees that enterprises are not entitled to enjoy payable to the state budget (to be recorded a decrease in accounting books of account 511) because these amounts are essential collections of the State, not in the revenue structure and are not considered revenue deductions.
Net revenues from sales and service provisions (Code 10):
This item records the revenues from sales of goods, finished goods, investment real property, revenues from service provision and other deducted revenues (trade discounts, sales allowances, sales returns) during the reporting period, which is the basis of calculation of income of enterprises’ operations. Code 10 = Code 01 - Code 02.
Costs of goods sold ( Code 11):
This item records the total cost of goods, investment real property, the production cost of finished goods sold, direct costs of completed service volume provided, other costs included in cost or recorded a decrease in cost of goods sold during the reporting period. Figures recorded in this item are arising accumulated amounts of Credit side of Account 632 "Cost of goods sold" in the reporting period corresponding to the Debit side of Account 911 "income summary".
When superior units make general reports with subordinate units without legal status, revenues costs of goods sold arising from intra-group transactions are all excluded.
Gross revenues from sales and service provisions (Code 20):
This indicator records the difference between the net revenue from sales of goods, finished products, investment real property and service provision and the cost of goods sold incurred during the reporting period. Code 20 = Code 10 - Code 11.
Financial income ( Code 21):
This item records the net financial income incurred during the reporting period of enterprises. Figures recorded in this item are the arising accumulated amounts of the Debit side of Account 515 " Financial income " corresponding to the Credit side of Account 911 "income summary" during the reporting period.
When superior units make general reports with subordinate units without legal status, financial income arising from intra-group transactions are all excluded.
Financial expense ( Code 22):
This item records the total financial income, including loan interest payable, copyright expenditures, joint-venture expenditures, ... incurred during the reporting period of enterprises. Figures recorded in this item are the arising accumulated amounts of the Credit side of Account 635 " Financial expense" corresponding to the Debit side of Account 911 "income summary" during the reporting period.
When superior units make general reports with subordinate units without legal status, financial expenses arising from intra-group transactions are all excluded.
Interest expense (Code 23):
This item records the cost of accrued interest included in financial expenses during the reporting period. Figures recorded in this item are based on detailed accounting books of Account 635.
Selling expense ( Code 25):
This item records the total selling expense of goods, finished goods sold, provided services incurred in the period. Figures recorded in this item are the total numbers of arising amounts of Credit side of Account 641 "Selling expense" corresponding to the Debit side of Account 911 "Income summary".
Enterprise administrative expense ( Code 26):
This item records the total enterprise administrative expenses incurred in the period. Figures recorded in this item are the total numbers of arising amounts of Credit side of Account 642 "Enterprise administrative expense" corresponding to the Debit side of Account 911 "Income summary" in reporting period.
Net profit from operations (Code 30):
This item records the income of enterprises during the reporting period. This item is calculated on the basis of gross profit on sales and service provisions are plus (+) financial income minus (-) financial expenses, selling expense and enterprise administrative expense incurred during the reporting period. Code 30 = Code 20 + (Code 21 - Code 22) - Code 25 - Code 26.
Other income (Code 31):
This item records other income incurred in the period. Figures recorded in this item are based on the total arising amounts of Debit side of Account 711 "Other income" corresponding to the Credit side of Account 911 "Income summary" in reporting period.
For liquidation or sale of fixed assets, investment real property, figures recorded in this item are the differences between sums received from the liquidation or sale of fixed assets, investment real property higher than the net book value of fixed assets, investment real property and liquidation expenses.
When superior units make general reports with subordinate units without legal status, other income arising from intra-group transactions are all excluded.
Other expenses (Code 32):
This item records the total other expenses incurred in the period. Figures recorded in this item are based on the total arising amounts of Credit side of Account 811 "Other income" corresponding to the Debit side of Account 911 "Income summary" in reporting period.
For liquidation or sale of fixed assets, investment real property, figures recorded in this item are the differences between sums received from the liquidation or sale of fixed assets, investment real property less than the net book value of fixed assets, investment real property and liquidation expenses.
When superior units make general reports with subordinate units without legal status, other expenses arising from intra-group transactions are all excluded.
Other profit (Code 40):
This item records the difference between other income (after deduction of VAT payable under subtraction method) and other expenses incurred during the reporting period. Code 40 = Code 31 - Code 32.
Total pre-tax profit (Code 50):
This item records the total profit earned in reporting year of enterprises before deducting expenses on enterprise income tax from trading, other operations incurred during the reporting period. Code 50 = Code 30 + Code 40.
Current enterprise income tax expense (Code 51):
This item records the current enterprise income tax expenses incurred in reporting year. Figures recorded in this item are based on the total arising number of Credit side of Accounts 8211, " Current enterprise income tax expense" corresponding to the Debit side of Account 911 "income summary" in the detailed accounting books of Account 8211, or based on the arising numbers of the Debit side of Account 8211 corresponding to the Credit side of Account 911 in the reporting period (in this case figures are written in this item in negative numbers under the form of parentheses (...) in accounting books detailing account 8211).
Deferred enterprise income tax expense (Code 52):
This item records the deferred enterprise income tax expenses or the deferred enterprise income tax income incurred in reporting year. Figures recorded in this item are based on the total arising number of Credit side of Accounts 8212 " Deferred enterprise income tax expense" corresponding to the Debit side of Account 911 "income summary" in the detailed accounting books of Account 8212, or based on the arising numbers of the Debit side of Account 8212 corresponding to the Credit side of Account 911 in the reporting period (in this case figures are written in this item in negative numbers under the form of parentheses (...) in accounting books detailing account 8212).
Profits after enterprise income tax ( Code 60):
This item records the total net profit (or loss) after tax from operations of enterprises (after deducting enterprise income tax expenses) incurred during the reporting year. Code 60 = Code 50 – (Code 51 + Code 52).
Earnings per Share (Code 70):
This item records the earnings per share, excluding instruments released in the future, potentially diluting the share value. This item is presented in the financial statements of joint-stock companies being independent enterprises. For parent companies being joint-stock companies, this item is presented in the consolidated financial statements, not presented in the separate financial statements of parent companies.
In case bonus and bonus and welfare funds are deducted from post-tax profits, earnings per share are determined by the following formula:
Earnings per share |
= |
Profit or loss allocated to shareholders holding common shares |
- |
Deductions from Bonus and Bonus and welfare fund |
Number of weighted mean of common shares circulated in period |
The determination of the profit or loss allocated to shareholders holding common shares and the number of weighted mean of common shares circulated in the period is done under the guidance of Circular No. 21/2006 / TT BTC dated March 20, 2006 of the Ministry of Finance and documents amending, supplementing, replacing.
Diluted earnings per share (Code 71):
This item records the diluted earnings per share, taking into account the impact of instruments in the future that may be converted into shares and may dilute the value of shares.
This item is presented in the financial statements of joint-stock companies being independent enterprises. For parent companies being joint-stock companies, this item is presented in the consolidated financial statements, not presented in the separate financial statements of parent companies.
Diluted earnings per share are defined as follows
Diluted earnings per share |
= |
Profit or loss allocated to shareholders holding common shares |
- |
Deductions from Bonus and Bonus and welfare fund |
Number of weighted mean of common shares circulated in period |
+ |
Number of common shares expected to be released more |
Determination of profit (or loss) allocated to shareholders holding common shares used to calculate diluted earnings per share
Profit or loss allocated to common shares |
= |
Profit or loss after enterprise income tax |
- |
Amounts adjusted a decrease |
+ |
Amounts adjusted an in crease |
If the Company presents earnings per share in the consolidated financial statements, the profit or loss after enterprise income tax in period is the profit or loss after enterprise income tax calculated on the basis of consolidated information. In case the company presents in the separate financial statements, the profit or loss after enterprise income tax in period is the profit or loss after tax of the company.
Amounts adjusted a decrease in profit or loss after enterprise income tax to calculate the profit or loss allocated to common shares when determining diluted earnings per share
a1. Dividends of preference shares: Dividends of preference share include: Dividends of non-cumulative preference shares which are not cumulative notified during the reporting period and dividends of cumulative preference shares arising during the reporting period. Dividends of preference shares are calculated as follows:
Dividend of preference shares |
= |
Rate of dividend of preference shares |
x
|
face value of preference shares |
- The positive difference between the fair value of payments to the owner and the book value of preference shares when joint-stock companies repurchase the preference shares of owners.
- The positive difference between the fair value of common shares or other payments made under conditions for beneficial conversion at the time of payment and the fair value of the common shares issued under original converting condition.
- Dividends or other items related to dilutive potential common shares;
- Gains are recorded in the period related to dilutive potential common shares; and
- Other factors reduce post-tax profits if converting dilutive potential common shares into common shares. For example, the cost to convert the convertible bonds into common shares reducing the profits after enterprise income tax in period.
Determination of adjustments of an increase in profits or losses after enterprise income tax:
- The positive difference between the fair value of payments to the owner and the book value of preference shares when joint-stock companies repurchase the preference shares of owners.
- Factors increase post-tax profits if converting dilutive potential common shares into common shares. For example, the cost to convert the convertible bonds into common shares, enterprises shall be reduced loan interest expense related to the convertible bond and the increase in profit after enterprise income in period.
Number of shares used to calculate diluted earnings per share
Number of shares used to calculate diluted earnings per share is defined as the weighted average of common shares circulated in period are plus (+) the weighted average of common shares which shall be issued more in case all dilutive potential common shares are converted into common shares.
The determination of the number of weighted mean of common shares circulated in the period is done under the guidance of Circular No. 21/2006 / TT BTC dated March 20, 2006 of the Ministry of Finance and documents amending, supplementing, replacing.
b. Determination of number of weighted mean of common shares issued more in period
Common shares that shall be issued in the period considered potential common shares reducing interest of shares; including:
- call option of purchase the warrants and equivalent instruments;
- Convertible financial instruments;
- Common shares issued with conditions;
- Contracts settled in common shares or in cash;
- Purchased option;
- Issued put option.
The determination of the number of common shares that shall be issued in period shall be complied with the provisions of Accounting Standards, "Earnings per Share".
Article 114. Guidelines on preparation and presentation of cash flow statement (Form B03 - DN)
1. Principles of preparing and presenting cash flow statement
The preparation and presentation of cash flow statement yearly and in interim accounting periods must comply with the provisions of Accounting Standard "Cash flow statement" and Accounting Standards "interim financial statement ". Method for preparation of cash flow statements is guided for the most common transactions, enterprises base on the nature of each transaction to present cash flows accordingly if there is no specific guidance in this Circular. Items without figures are not presented, enterprises may renumber but must not change codes of items.
Short-term investments considered cash equivalents presented in cash flow statements only including short-term investments with recovery term or maturity of within three months may be converted easily into a certain amount and there is no risk of conversion into money from the date of buying such investments at the time of reporting. For example, bank exchange bills, treasury bills, deposit certificates ... with recovery term or maturity of less than 3 months from date of purchase.
Enterprises must present the cash flows in the cash flow Statement in three types of activities: trading, investment and financing activities as prescribed by the standards of "Cash flow statement":
- Cash flows from trading are cash flows arising from activities generating main revenues of enterprises and activities other than investing or financing activities;
- Cash flows from investment are cash flows arising from purchase, construction, liquidation or sale of long-term assets and other investments which are not classified as cash equivalents;
- Cash flows from financial activities are cash flows arising from operations generating changes in the size and structure of equity and borrowing capital of enterprises.
Enterprises may present cash flows from trading, investing and financial activities in a manner that best suits to the characteristics of the enterprises.
The following cash flows arising from trading, investing and financial activities are reported on a net basis:
- Collecting money and paying of customers such as rental collected, paid and repaid to the owner of the property;
- Collecting money and paying for items with fast turnarounds, short maturities such as: Buying, selling foreign currencies; buying and selling investments; loans or other short-term loans with payment term of within 3 months.
Cash flows arising from transactions in foreign currency must be converted into the official currency used in accounting books and financial statements under the exchange rate at the arising time of transactions.
Transactions in investments and finance which do not directly use cash or cash equivalents are not presented in the Cash flow statement, for example:
- The purchase of assets by receipt of debts related directly or through finance lease operations;
- The purchase of an enterprise through the issuance of shares;
- The transfer of debt into equity.
The cash and cash equivalents at the beginning and end of the period, the effect of changing exchange rates in currency conversion and current cash equivalents in foreign currencies at the end of period must be presented in separate items in Cash flow statements for comparison of figures with the corresponding items in the Balance Sheet.
Enterprises must present values and reasons of cash and cash equivalents which have the great balance at end of period held by enterprises but unused due to the limitation of legislation or other constraints imposed on enterprises.
If enterprises borrow to make payments directly to contractors, suppliers of goods and services (loans are transferred directly from the lender to the contractors and suppliers without being transferred through the accounts of enterprises), enterprises must still present on the cash flow statement, namely:
- The amount borrowed is presented as cash inflows from financing activities;
- The amount paid to suppliers of goods, services or to contractors is presented as cash outflows from trading or investments, depending on each transaction.
In case enterprises incur the offsetting payment for the same object, the presentation in cash flow statement shall comply with the following principles:
- If the offsetting relates to transactions classified in the same cash flows, enterprises shall present on a net basis (in dissimilar barter transactions...);
- If the offsetting relates to transactions classified in different cash flows, enterprises shall not present on a net basis but must present separately the value of each transaction (for example offsetting the selling money receivable with borrowings ...).
12. For the cash flow from repurchases and resale of government bonds and securities REPO transactions: The seller presents it as the cash flow from financial activities; The buyer presents it as the cash flow from investing activities.
2. Basis of preparation of cash flow statement
The preparation of cash flow statement is based on:
- the Balance sheet;
- The income statement;
- The notes to the financial statements;
- The cash flow statement of previous period;
- The other accounting documents, such as: General accounting books, detailed accounting books of accounts "Cash", "Cash in bank", "Cash in transit"; General accounting books and detailed accounting books of the relevant accounts, spreadsheets and allocation of depreciation of fixed assets and other detailed accounting documents...
3. Requirements for opening and recording accounting books served for preparation of cash flow statement
- Accounting book detailing the amounts receivable and payable, inventory must be monitored in detail for each transaction so that it is able to be presented cash flows recovered or paid in three types of activities: Trading, investment and financial activities. For example: Amounts paid to contractors related to fundamental construction are classified as cash flows from investment, amounts paid to suppliers of goods and services for the production and trading are classified as Cash flows from trading.
- Accounting books detailing accounts recording the money must be detailed to monitor the cash flows collected and paid related to three types of activities: trading, investment and financial activities as a general basis in preparation of cash flow statement. For example, for the payment to banks of loan principal and interest, accountants must record separately the amount paid for loan interest as cash flows from trading or investments and the amount paid for loan principal as cash flows from financial activities.
- At the end of the accounting year, when preparing cash flow statements, enterprises must identify short-term investments with recovery term or maturity of less than 3 months from date of purchase which meets the definition of cash equivalents in consistence with the provisions of the Standards "Cash flow statement" to exclude from the cash flows from investment. The value of the cash equivalents are plus (+) to the item "Cash and cash equivalents at end of period" in the cash flow statement.
4. Methods of preparing annual Cash flow statements
Reporting on items of cash flows from trading:
Cash flows from trading record the cash inflows and cash outflows related to production, trading in the period, including cash flows related to securities held for trading purposes.
Cash flows from trading are reported in either methods: direct or indirect method.
Reporting on items of cash flows from trading under direct method (see Form B 03-DN)
Principles of report:
Under the direct method, the cash inflows and cash outflows from trading are determined and presented in the Cash flow statement by analyzing and summarizing directly sums received and paid according to each content of revenues and expenditures from the general accounting books and the details of enterprises.
Method of setting up specific items
- Revenues from sales and service provisions and other revenues (Code 01)
This item is set up based on the total amount collected (total payments) in the period from the sale of goods, finished goods, service provisions, copyright fees, fees, commissions and other revenues (such as sale of trading securities), including amounts collected from the debts receivable related to the sale of goods or provision of services and other revenues arising from the previous period, but received money in current period and the advanced amount of purchasers of goods and services.
This item does not include sums received from liquidation, sales of fixed assets, investment real property, sums received from loans, investment contribution in other units, shared dividends and profits and other revenues classified as cash flows from investment; Sums received from borrowings and capital contributed by the owners classified as cash flows from financial activities.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112 (money received), accounting books of accounts receivable (details of sums received from sales, service provision immediately paid for liabilities), after comparing with the accounting books of accounts 511, 131 (details of revenues from sales, service provision of which money is paid immediate, the amount of recovery of receivables or advances in period) or Accounts 515, 121 (details of sums received from the sale of trading securities).
- Cash paid to suppliers of goods and services (Code 02)
This item is set up based on the total amount paid in the period due to the purchase of goods and services, payment of service charges for manufacturing, trading, including the amounts spent on buying trading securities and amounts paid for debts payable or advanced to suppliers of goods or services related to production and trading.
This item does not include the amounts spent to purchase of fixed assets, investment real property, construction (including the purchase of raw material used for construction), money spent on lending and investment contribution in other units, and other expenses classified as cash flows from investment; Amounts paid the principal, returned to the owners, dividends and interest paid to owners classified as cash flows from financial activities.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112 (money paid), accounting books of accounts receivable (details of loans received or debts collected immediately paid for liabilities), after comparing with the accounting books of accounts 331, accounts recording inventories. This item is recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Amounts paid to employees (Code 03)
This item is set up based on the total amount paid to employees during the period of salary, wages, allowances, bonuses ... paid or advanced by enterprises.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112 (detailing payments to employees), after comparing with the accounting books of Account 334 (details of sums paid in cash) in reporting period. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Interest paid (Code 04)
This item is set up based on the total amount of interest paid during the reporting period, including interest incurred in period and paid in current period, interest payable of previous period paid in current period, interest prepaid in current period.
This item does not include the amount of interest paid during the period capitalized into the value of assets in progress classified as cash flows from investment. In case the interest paid in the period has been capitalized and included in the financial cost, accountants shall base on interest capitalizing rate applied to the reporting period in accordance with the provisions of Accounting Standards “ Borrowing cost " to determine the interest payable of cash flows from trading and cash flows from investments.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 (details of loan interest payments); accounting books of accounts receivable (details of interest payments from sums received from receivables) in the reporting period, after comparing with the accounting books of Account 335, 635, 242 and other related accounts. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Enterprise income tax paid ( Code 05)
This item is set up based on the total amount paid for enterprise income tax to the State during the reporting period, including the enterprise income tax paid in current period, enterprise income tax owed from previous period paid in current period and enterprise income tax prepaid (if any).
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 (detailing payments of enterprise income tax), after comparing with the accounting books of Account 3334. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Other receipts from trading ( Code 06)
This item is set up based on the total amounts received from other sums of trading, in addition to sums recorded in Code 01, such as: Receipts from other income (amounts received from indemnity, fine, bonuses and other revenues ...); Sum received from tax refund; Sum received from receipt of deposits; Sum recovered of deposits; Sum received from non-business, project funding (if any); Sum rewarded, supported by outside organizations or individuals; Sum received recorded an increase in funds paid by the superior or inferior units...
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112 after comparing with the accounting books of accounts 711, 133, 141, 244 and the accounting books of accounts related in the reporting period .
- Other expenditures on trading ( Code 07)
This item is set up based on the total amount spent for other items, in addition to the amounts spent related to production, trading in the reporting period recorded in Code 02, 03, 04, 05 such as: Payments for compensation, penalty and other expenses; Payments of taxes (excluding enterprise income tax); Payments of fees and charges, land rent; Payment of social insurance, health insurance, unemployment insurance, unions fees; Payments for deposits; Refund of receipt of deposits, direct expenditure by provisions payable; direct expenditure from bonus and bonus and welfare fund; science and technology fund; Direct expenditures from other funds of equity; direct expenditures from non-business, project funding ...
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 in the reporting period, after comparing with the accounting books of Account 811, 161, 244, 333, 338, 344, 352, 353, 356 and other related accounts. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Net cash flow from trading ( Code 20)
Item "Net cash flow from trading " records the difference between the total amount received and the total amount paid from trading during the reporting period. Figures recorded in this item are calculated on the total figures of items from Code 01 to Code 07. If the figures in this item are negative numbers, they shall be shown in parentheses (...).
Code 20 = Code 01 + Code 02 + Code 03 + Code 04 + Code 05 + Code 06 + Code 07.
Reporting on items of cash flows from trading under indirect method (see Form B 03-DN)
Principles of report:
Under the indirect method, cash inflows and cash outflows from trading are calculated and determined primarily by adjusting the profit before enterprise income tax of trading out of impact of non-cash items, changes in the period of inventory, receivables and payables from trading and amounts of which cash impact is the cash flows trading, including:
- The non-cash expenses such as: depreciation of fixed assets, provisions ...
- Non-cash profits and losses such as profit and loss of exchange rate differences, capital contributions by non-monetary assets;
- Profits and losses classified as cash flows from trading, such as: Profits or losses in liquidation, sales of fixed assets and investment real property, interest from loans, interest from deposits, shared dividends and profits...; Interest expenses recorded in income statements in the period.
- Cash flows from trading adjusted continuously to the change in working capital, long-term prepaid expenses and other revenues and expenses from trading, such as:
Changes in the reporting period of inventory item, receivables, payables from trading;
Changes in prepaid expenses;
Interest paid;
Paid enterprise income tax;
Other receipts from trading;
Other expenses from trading.
Method of setting up specific items
- Pre-tax profits ( Code 01)
This item is from the item the total pre-tax accounting profit (Code 50) in the income statements in the reporting period. If this figure is negative (loss), it is recorded in parentheses (...).
- Depreciation of fixed assets and investment real property (Code 02)
In case enterprises separate the depreciation in inventory and the depreciation counted in the income statements in the period: Item "Depreciation of fixed assets and investment real property" only includes the depreciation counted in the income statements in the period; Item "Increase or decrease in inventory" does not include the depreciation in the value of inventories at the end of the period (undetermined to be consumed in period);
In case enterprises cannot separate the depreciation in inventory and the depreciation counted in the income statements in the period: Item "Depreciation of fixed assets and investment real property" includes the depreciation counted in the income statements in the period are plus the depreciation related to inventories unconsumed; Item "Increase or decrease in inventory" includes the depreciation of fixed assets in the value of inventories at the end of the period (undetermined to be consumed in period);
In all cases, enterprises must exclude the depreciation in the value of construction in progress, the depreciation recorded a decrease in funding, bonus and bonus and welfare fund that forms fixed assets, decrease in science and technology development fund that forms fixed assets in the period from the Cash flow statement. This figure is plus (+) to the figure of the item "Pre-tax profit ".
- Provisions (Code 03)
This item records the influence of the setting, refund and use of provisions to the cash flows of the reporting period. This item is set up based on the difference between the beginning balance and the ending balance of provisions for asset losses (provisions for devaluation of trading securities, provision for loss of financial investment, provisions for devaluation of inventories, provisions for bad debts) and provisions payable in the balance sheet.
Figures of this item are plus (+) to the figures of "Pre-tax profit " if the total ending balance of the provision is greater than the total beginning balance or is subtracted from the figures of item "Pre-tax profit " if the total ending balance of the provision is less than the total beginning balances and recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Profits / losses of exchange rate differences from revaluation of accounts derived from foreign currencies (Code 04)
This item records the interests (or losses) of exchange rate differences from revaluation of accounts derived from foreign currencies recorded in pre-tax profit in the reporting period. This item is set up based on the difference of Credit arising numbers and Debit arising numbers of Account 4131 compared with the accounting books of Account 515 (details of interest from revaluation of accounts derived from foreign currencies) or Account 635 (details of losses from revaluation of accounts derived from foreign currencies).
Figures in this item are subtracted (-) from the figures of the item "Pre-tax profit ", if there are interests in exchange differences, or are plus (+) to the item "Pre-tax profit ", if there are losses in exchange differences.
- Profits / losses from investment (Code 05)
This item is based on the total profit or loss arising in the period recorded in pre-tax profit, but classified as cash flows from investment, including:
Gains and losses from liquidation, sales of fixed assets, investment real property;
Gains and losses from the revaluation of non-monetary assets contributed as capital, investment in other units
Gains and losses from the sale or recovery of financial investments (excluding profit or loss of buying and selling trading securities), such as: investments in subsidiaries, joint ventures and associates; Investments held to maturity;
Losses or refund of losses of investments held to maturity;
Loan interest, deposit interest, dividends and profits shared.
This item is set up based on the accounting books of Accounts 5117, 515, 711, 632, 635, 811 and other related accounts (details of profit and loss defined as cash flows from investment) during the reporting period.
Figures in this item are subtracted (-) from the figures of item "Pre-tax profits" if investment has net profits recorded in negative numbers under the form of parentheses (...); or are plus (+) to item "Pre-tax profit ", if investment has net losses.
- Interest expense (Code 06)
This item records interest expense recorded in income statements in the reporting period, including the costs of bond issuance of common bonds and convertible bonds; The interest expense every period according to the actual interest rate recorded an increase in the debt component of convertible bonds. This item is set up based on the accounting books of account 635 (details of interest expense in reporting period) after comparing with the item "Interest expense" in the report on income.
Figures in this item are added to the figures of item "Pre-tax profit "
- Other adjustments (Code 07)
This item records the deduction or refund the Price Stabilization Fund or the scientific and technological development Fund in the period. This item is set up based on the accounting books of accounts 356, 357.
Figures of this item are added to the figures of item "Pr—tax profits" if during the period, more funds are set up or are subtracted from the item "Pre-tax profit " if during the period, funds are refunded.
- Operating profit before changes in working capital (Code 08)
This item records the cash flows generated from operating activities during the reporting period after excluding the impact of items of non-cash income and expense. This item is set up based on the profit before enterprise income tax are plus (+) adjustments. Code 08 = Code 01+ Code 02 + Code 03 + Code 04 + Code 05 + Code 06 + Code 07. If the figures in this item are negative number, they shall be shown in parentheses (...).
- Increase or decrease in amounts receivable (Code 09)
This item is set up based on the total difference between the ending balance and the beginning balance of accounts receivable (details related to manufacturing, business), such as: Accounts 131, 136 , 138, 133, 141, 244, 331 (details of prepaid amounts to the sellers) during the reporting period.
This item does not include amounts receivable related to investment, such as: The amount advanced for construction contractors; Receivables on loans (principal and interest); Receivables on deposit interest, dividends and profit shared; Receivables on liquidation, sales of fixed assets, investment real property, financial investments; Value of fixed assets pledged or mortgaged ...
Figures in this item are plus (+) to the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are less than the total opening balances. Figures of this item are subtracted (-) from figures of the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are greater than the total beginning balances and recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Increase or decrease in inventories (Code 10)
This item is set up based on the total difference between the ending balance and the beginning balance of the inventory accounts (excluding the balance of the account "Provision against devaluation of goods in stock "on the basis of having excluded: Value of inventory used for investment for construction or inventory used in exchange for fixed assets, investment real property; trial production costs counted on the cost of fixed assets formed from construction. In case of any purchase inventory in period which is not identified use purposes (for trading or investment in construction), the value of inventories is included in this item.
In case enterprises separate the depreciation of fixed assets in inventory and the depreciation counted in the income statements in the period (item "Depreciation of fixed assets”- code 02 only includes the depreciation counted in the income statements in the period), this item does not include the depreciation of fixed assets in the value of inventories (undetermined to be consumed in period);
In case enterprises cannot separate the depreciation of fixed assets in inventory and the depreciation counted in the income statements in the period (item "Depreciation of fixed assets”- code 02 include the depreciation of fixed assets related to unconsumed inventories), this item does not include the depreciation of fixed assets in the value of inventories at the end of period (undetermined to be consumed in period);
Figures in this item are plus (+) the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are less than the total beginning balances. Figures of this item are subtracted (-) from the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are greater than the total beginning balances and recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Increase or decrease in amounts payable (Code 11)
This item is set up based on the total difference between the ending balance and the beginning balance of debts payable (details related to manufacturing, business), such as: Accounts 331, 333, 334, 335, 336, 337, 338, 344, 131 (details of prepaid amounts of the sellers)
This item does not include enterprise income tax (arising Credit 3334), loan interest payable (arising Credit 335, details of loan interest payable).
This item does not include amounts payable related to investment, such as amounts prepaid by purchasers related to the liquidation or sale of fixed assets, investment real property; Payables related to purchasing, construction of fixed assets, investment real property; Payables to buy the capital and debt instruments ..; and payables related to financial activities, such as: principal payables, bond principal, finance lease liabilities; Dividends, profits payable.
Figures in this item are plus (+) the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are greater than the total opening balances. Figures of this item are subtracted (-) from figures of the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are less than the total beginning balances and recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Increase or decrease in prepaid expenses (Code 12)
This item is set up based on the total difference between the ending balance and the beginning balance of Account 242 "prepaid expenses" in the reporting period on the basis of having excluded prepaid expenses related to cash flow from investment, such as: land rents qualified for being recorded as intangible assets and prepayments of interest capitalized.
Figures in this item are plus (+) the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are less than the total opening balances. Figures of this item are subtracted (-) from figures of the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are greater than the total beginning balances and recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Increase or decrease in trading securities (Code 13)
This item is set up based on the total difference between the ending balance and the beginning balance of Account 121 "trading securities" in the reporting period.
Figures in this item are plus (+) the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are less than the total opening balances. Figures of this item are subtracted (-) from figures of the item "Operating profit before changes in working capital" if the total ending balances are greater than the total beginning balances and recorded in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Interest paid (Code 14)
This item is set up based on the total amount of interest paid during the reporting period, including interest incurred in period and paid in current period, interest payable of previous period paid in current period, interest prepaid in current period.
This item does not include the amount of interest paid during the period capitalized into the value of assets in progress classified as cash flows from investment. In case the interest paid in the period has been capitalized and included in the financial cost, accountants shall base on interest capitalizing rate applied to the reporting period in accordance with the provisions of Accounting Standards “ Borrowing cost " to determine the interest payable of cash flows from trading and cash flows from investments.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 (details of loan interest payments); accounting books of accounts receivable (details of interest payments from sums received from receivables) in the reporting period, after comparing with the accounting books of Account 335, 635, 242 and other related accounts.
Figures in this item are subtracted (-) from the item "Operating profit before changes in working capital" and are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Enterprise income tax paid ( Code 15)
This item is set up based on the total amount paid for enterprise income tax to the State during the reporting period, including the enterprise income tax paid in current period, enterprise income tax owed from previous period paid in current period and enterprise income tax prepaid (if any).
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 (detailing payments of enterprise income tax), after comparing with the accounting books of Account 3334. Figures of this item are subtracted (-) from the item "Operating profit before changes in working capital" and are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Other receipts from trading ( Code 16)
This item records receipts arising from trading other than those stated in the Code from 01 to 14, such as: receipts from non-business, project funding (if any); Funds rewarded or supported by outside organizations and individuals recorded an increase in funds of enterprises; Sum received recorded an increase in funds paid by superior or subordinate units; Interest on deposits of price stabilization Fund (if it not recorded in revenue from financial activities but recorded an increase in Fund directly); Sum received from equitization in equitized enterprises... during the reporting period.
This item is set up based on the accounting books of Accounts 111, 112, 113 after comparing with accounts related in the reporting period. Figures in this item are plus (+) figures in item "Operating profit before changes in working capital".
- Other expenditures on trading ( Code 17)
This item records expenses arising from trading other than those stated in the Code from 01 to 14, such as: expenses from Bonus and bonus and welfare fund, science and technology development Fund; Direct expenses from non-business, project funding; Direct expenses from sums received from equitization paid to superiors, owners; Equitization expenses, subsidy to employees under policies ...
This item is set up based on the accounting books of Accounts 111, 112, 113 after comparing with accounts related in the reporting period. Figures in this item are subtracted (-) from figures in item "Operating profit before changes in working capital".
- Net cash flow from trading ( Code 20)
Item "Net cash flow from trading " records the difference between the total amount received and the total amount paid from trading during the reporting period. Figures recorded in this item are calculated on the total figures of items from Code 08 to Code 16. If the figures in this item are negative numbers, they shall be shown in parentheses (...).
Code 20 = Code 08 + Code 09 + Code 10 + Code 11 + Code 12 + Code 13 + Code 14 + Code 15 + Code 16 + Code 17
Making reports on items of cash flows from trading:
Principles of report:
- Cash flow from investment is prepared and presented in the Cash flow statement separately the cash inflows and cash outflows, except where cash flows are reported on a net basis mentioned in paragraph 18 of the Standard "Cash flow statement"
- Cash flows from investment are established under the direct or adjusted direct methods.
Under the direct method, the cash inflows and cash outflows from investment are determined by analyzing and summarizing directly sums received and paid according to each content of revenues and expenditures from accounting recordings of enterprises.
Under the adjusted direct method, cash inflows and outflows in the period are determined by the difference between the ending balances and opening balances of items in the balance sheet related, then adjusted for the effects of non-monetary items.
This Circular provides guidelines on establishment of cash flows from investment under the direct method. In case of establishing under the adjusted direct method, enterprises may apply the method of preparation of the consolidated cash flow statements prescribed in Circular No. 202/2014 / TT-BTC dated December 22, 2014 of the Ministry of Finance providing guidance on the preparation and presentation methods of consolidated financial statements and documents amending, supplementing or replacing.
b) Method of setting specific items under the direct method (See Form No. B03-DN)
- Expenditures for purchase, construction of fixed assets and other long-term assets (Code 21)
This item is set up based on the total amount actually spent on purchase, construction of tangible fixed assets, intangible fixed assets, amounts spent on the commence stage that has been capitalized as intangible fixed assets, amounts spent on investment, construction in progress, investment real property in the reporting period. Cost of trial production after offsetting with the amounts received from the sale of test products of fixed assets formed from construction activities added to this item (if expenditures are greater than revenues) or subtracted from this item (if revenues are greater than expenditures).
This item records the amount actually paid for the purchase of materials, properties, used for construction which have not delivered for use for capital investment until the end of the period; Amounts advanced for contractors of construction of which volume has not been accepted; Amounts paid to the seller in period related directly to purchase, investment of construction.
In case of buying raw materials, assets used for both purposes of production, trading and investment in construction of which value is not determined to be used for capital investment or production, trading at the end of period, the amount paid is not recorded in this item but in cash flows from trading .
This item does not include amounts received from finance lease liabilities, the value of other non-monetary assets used for payment for the purchase of fixed assets, investment real property, construction or the value of fixed assets, investment real property, construction increased in the period but not yet paid in cash.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 (detailing amounts spent on purchase, construction of fixed assets and other long-term assets, including the interest paid capitalized ), accounting books of accounts receivable (detailing amounts received from debts transferred immediately to pay for purchase, construction), accounting books of Account 3411 (details of the loan paid immediately to the seller), accounting books of Account 331 (details of advances or payments to construction contractors, payments to the sellers of fixed assets, investment real property), after comparing with the accounting books of accounts 211, 213, 217, 241 during the reporting period . This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Sums received from liquidation, sale of fixed assets and other long-term assets (Code 22)
This item is set up based on the net amount received from the liquidation or sale of tangible fixed assets, intangible fixed assets and investment real property in the reporting period, including the amount recovered of debts receivable related directly to the liquidation or sale of fixed assets and other long-term assets.
This item does not include receipts in non-monetary assets or amounts receivable which have not yet received in the reporting period from the liquidation, sale of fixed assets, investment real property and other long-term assets; Non-cash expenses related to the liquidation or sale of fixed assets, investment real property and the net book value of fixed assets, investment real property contributed in joint venture, association or losses.
Figures recorded in this item are the difference between amounts received and paid for liquidation, sale of fixed assets, investment real property and other long-term assets. Sum received from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of accounts 711, 5117, 131 (details of sum received from liquidation or sale of fixed assets, investment real property and other long-term assets) during the reporting period. The amount paid is from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of accounts 632, 811 (Details on liquidation or sale of fixed assets, investment real property) in the reporting period . This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...) if the amount actually received is less than the amount actually paid.
- Expenditures on borrowing and purchase of debt instruments of other units (Code 23)
This item is set up based on the total amount deposited in banks with a term of more than 3 months, the amount paid for the other loans, the money paid by the buyer in the repurchase of government bonds and securities REPO, amount paid for purchase debt instruments of other units (bonds, commercial paper, preference shares classified as liabilities ...) for the purpose of investment held to maturity during the reporting period.
This item does not include amounts spent on purchase of debt instruments considered as cash equivalents and purchase of debt instruments held for trading purposes (profit from the difference in market prices); Loans, purchase of debt instruments paid by non-monetary assets or refinance.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of Account 128, 171 in the reporting period. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Amounts recovered on borrowing and repurchase of debt instruments of other units (Code 24)
This item is set up based on the total amount received from withdrawal of bank deposits of which term is more than 3 months, the money received from the buyer in the repurchase of government bonds and securities REPO, amounts recovered from principal lent, bond principal, preference shares classified as liabilities and debts instruments of other units during the reporting period.
This item does not include sums received from the sale of debt instruments considered cash equivalents and sale of debt instruments classified as trading securities; Sums recovered in non-monetary assets or transfer of debt instruments into equity instruments of other units.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112 after comparing with the accounting books of accounts 711, 133, 141, 244 in the reporting period.
- Expenditures on investments in other units (Code 25)
This item is set up based on the total amount paid to invest in equity instruments of other units in the reporting period (including debt payments to buy capital instruments from the previous capital), including expenditures on capital investment under the form of common shares with voting right, buying preference shares classified as equity, contribution to the subsidiaries, joint ventures, associated companies, ...
This item does not include sums spent on buying shares held for trading purposes; sums paid to buy preference shares classified as liabilities, Investments in other units in non-monetary assets; investment under the form of issuing shares or bonds; Transfer of debt instruments into contributions or unpaid debts.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of Accounts 221, 222, 2281, 331 in the reporting period and are written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Sums recovered from capital investments in other units (Code 26)
This item is set up based on the total amount recovered by resale or liquidation of capitals invested in other units in the reporting period (including the sums receivable from sale of equity instruments in previous period) .
This item does not include sums received from the sale of shares held for business purposes; The value of the investment recovered by non-monetary assets, debt or equity instruments of other units; Or sums that have not been paid in cash.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 after comparing with the accounting books of accounts 221, 222, 2281, 131 in the reporting period .
- Sums received from loan interest, dividends and profits shared (Code 27)
This item is set up based on sums received from loan interest, deposit interest, bond interest, dividends and profits received from capital investments in other units in the reporting period. This item does not include the interest, dividends received by shares or by non-monetary assets.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, after comparing with the accounting book of Account 515 .
- Net cash flow from investment ( Code 30)
Item "Net cash flow from investment " records the difference between the total amount received and the total amount paid from investment during the reporting period. This item is calculated on the total figures of items from Code 21 to Code 27. If the figures in this item are negative numbers, they shall be shown in parentheses (...).
Code 30 = Code 21 + Code 22 + Code 23 + Code 24 + Code 25 + Code 26 + Code 27.
Making reports on items of cash flows from financial activities:
Principles of report:
- Cash flow from financial activities is prepared and presented in the Cash flow statement separately the cash inflows and cash outflows, except where cash flows are reported on a net basis mentioned in paragraph 18 of the Standard "Cash flow statement"
- Cash flows from financial activities are established under the direct or adjusted direct methods.
Under the direct method, the cash inflows and cash outflows from financial activities are determined by analyzing and summarizing directly sums received and paid according to each content of revenues and expenditures from accounting recordings of enterprises.
Under the adjusted direct method, cash inflows and outflows in the period are determined by the difference between the ending balances and opening balances of items in the balance sheet related, then adjusted for the effects of non-monetary items.
This Circular provides guidelines on establishment of cash flows from financial activities under the direct method. In case of establishing under the adjusted direct method, enterprises may apply the method of preparation of the consolidated cash flow statements prescribed in Circular No. 202/2014 / TT-BTC dated December 22, 2014 of the Ministry of Finance providing guidance on the preparation and presentation methods of consolidated financial statements and documents amending, supplementing or replacing.
b. Method of setting specific items under the direct method (See Form No. B03-DN)
- Sums received from issuance of shares and receipt from contributions of the owners (Code 31)
This item is set up based on the total amounts received from contributions of owners of enterprises during the reporting period. This item does not include loans and debt converted into capital, undistributed post-tax profits profit converted into contributions (including payment of dividends by shares) or receipts contribution of owners in non-monetary assets.
For joint stock companies, this item records the amount received from the issuance of common shares issued at issued actual prices, including sums received from the issuance of preference shares classified as equity and options of convertible bonds but excluding amounts received from issuing preference shares classified as liabilities.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 after comparation with the accounting book of account 411 in the reporting period .
- Repayment of contributions to owners, repurchase of stock issued (Code 32)
This item is set up based on the total amount paid due to refund of contributions to the owners of enterprises under the forms of cash repayment or repurchase of stocks of enterprises issued in cash to cancel or use as treasury shares during the reporting period.
This item does not include refund of preference shares classified as liabilities, owner’s contributions in non-monetary assets or contributions used for business offsetting.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of Account 411, 419 in the reporting period. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Sums received from borrowings (Code 33)
This item is set up based on the total amount received during the period because enterprises borrow from financial institutions and credit institutions and other objects in the reporting period, including loans under the form of common bond issuance or convertible bonds or preference shares which require the issuer to repurchase at a certain time in the future (classified as liabilities). This item also includes the amount received by sellers in repurchase of government bonds and other securities Repo transactions. This item does not include borrowings in non-monetary assets or financial lease liabilities.
In case of borrowing under the form of issuance common bonds, this item records the total amount received during the period (in face value of bonds adjusted for discounts, additional bonds or bond interest prepaid - if any);
In case of borrowing under the form of issuance of convertible bonds, this item records the amount corresponding to the principals of the convertible bonds;
In case of borrowing under the form of preference shares, this item records the total amount received during the period because enterprises issue preference shares classified as liabilities due to the conditions requiring issuers to repurchase shares at a certain time in the future. In case of the provisions requiring issuers to only repurchase shares from holders at par value, this item only records the amount received at par value of preference shares (sums received higher than par value accounted share premium presented in item "Sums received from issuance of shares and receipts of contribution of owners" (No. 31));
In case of borrowing under the repurchase of government bonds, this item records the total amount received during the period in the seller in repurchase of government bonds and securities REPO.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, accounts payable ( details of loans received paid immediately for debts payable) after comparing with the accounting books of accounts 171, 3411, 3431, 3432, 41112 and other related accounts in the reporting period .
- Payment of loan principal (Code 34)
This item is set up based on the total amount paid for the loan principal, including payment of principal of common bonds, convertible bonds or preference shares with terms requiring issuers to repurchase at a certain time in the future (classified as liabilities) during the reporting period. This item also includes the amount paid to the seller by the buyer in the repurchase of government bonds and other securities Repo transactions.
This item does not include payments of loan principal in non-cash asset or transfer the debt to contribution.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, accounts receivable( sums paid for loan from sums received from receivable) after comparing with the accounting books of Account 171, 3411, 3431, 3432, 41112 in the reporting period . This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of Account 171 in the reporting period. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Payments of finance lease principal (Code 35)
This item is set up based on the total amount paid on finance lease liabilities during the reporting period. This item does not include finance lease liabilities in non-monetary assets or transfer of finance lease liabilities into contribution.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113 accounts receivable (details of sums paid for finance lease liabilities from sums received from receivables) after comparing with the accounting books of Account 3412 in the reporting period. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Dividends and interest paid to owners (Code 36)
This item is set up based on the total dividends and interest paid to owners of enterprises (including personal income tax paid on behalf of owners) in the reporting period.
This item does not include profits converted into contributions of the owners, payment dividends by shares or by non-monetary assets and profits used to set up funds.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, after comparing with the accounting books of Account 421, 338 ( details of sums paid for dividends and profits) in the reporting period. This item is written in negative numbers under the form of parentheses (...).
- Net cash flow from financial activities ( Code 40)
Item "Net cash flow from financial activities " records the difference between the total amount received and the total amount paid from financial activities during the reporting period. This item is calculated on the total figures of items from Code 31 to Code 36. If the figures in this item are negative numbers, they shall be shown in parentheses (...). Code 40 = Code 31 + Code 32 + Code 33 + Code 34 + Code 35 + Code 36.
Summary of cash flows in the period (See Form No. B03-DN)
- Net cash flows in the period (Code 50)
Item "Net cash flows in the period" records the difference between the total amount received and the total amount paid in three types of activities: trading, investment and financial activities of enterprises in reporting period. Code 50 = Code 20 + Code 30 + Code 40. If figures in this item are negative numbers, they are shown in parentheses (...).
- Cash and cash equivalents at beginning of period (Code 60)
This item is set up based on the figures of item "Cash and cash equivalents" at the beginning of the reporting period (Code 110, column "The Beginning" n the Balance Sheet).
- Influence of exchange rate changes in foreign currency conversion (Code 61)
This item is set up based on the total exchange differences due to revaluation the ending balance of cash and cash equivalents in foreign currencies (Code 110 of the Balance Sheet) at the end of reporting period.
Figures recorded in this item are from the accounting books of Accounts 111, 112, 113, 118 and related accounts (details of items satisfying the definitions of cash equivalents ), after comparing with the accounting books of Account 4131 in reporting period. This item is recorded in positive numbers if there is gain on forex and in negative numbers under the form of parentheses (...) if there is loss on forex.
- Cash and cash equivalents at end of period (Code 70)
This item is set up based on the figures of item "Cash and cash equivalents" at the end reporting period (Code 110, column "The end" in the Balance Sheet).
This item is equal to the "Total" of the items Code 50, 60 and 61 and the item Code 110 in the Balance Sheet at that period. Code 70 = Code 50 + Code 60 + Code 61.
Article 115. Methods of preparing and presenting Notes to financial statements (Form B09 - DN)
1. Purposes of notes to financial statements:
a) The note to the financial statement is an inseparable part of the financial statement used to describe the narrative or analyze in detail of the information and figures presented in the balance Sheet, income statement, cash flows statement as well as other necessary information as required by the specific accounting standards by enterprises.
b) The note to the financial statement may also present other information if the enterprise deems it necessary to present honestly and reasonablely the financial statement.
2. Principles of preparation and presentation of the notes to financial statements
a) When preparing the annual financial statements, enterprises must make the notes to the financial statements in accordance with the provisions of Accounting Standards, "Presentation of financial statements" and guidance in this policy of financial statements.
b) When preparing the interim financial statements (including full form and short form), enterprises must make the notes to the selective financial statements in accordance with the provisions of the accounting standard, "Interim financial statement “and the Circular guiding the standards.
c) Notes to the financial statements of an enterprise must be presented the following contents:
- Information on the basis of preparation and presentation of financial statements and the specific accounting policies selected and applied to transactions and important events;
- Information under the provisions of the accounting standards that has not been presented in other financial statements (key information);
- Additional information that has not been presented in the financial statements, but is necessary for a true and fair presentation of the financial situation of the enterprises.
d) Notes to the financial statements must be presented in a systematic way. Enterprises shall actively sort in the order in the notes to financial statements in a manner that best suits their particular on the principle that each item in the balance sheet, income Statement and cash flow Statement should be marked to lead to relevant information in the notes to financial statements
3. Basis of preparation of Notes to financial Statements
- Based on the balance Sheet, income statements, cash flow statements of the reporting year;
- Based on the general accounting books; Books, detailed accounting cards or summary of the relevant details;
- Based on the Notes to the financial statements of previous year;
- Based on the actual situation of enterprises and the related documents.
4. Contents and methods of setting up items
Characteristics of operation of enterprises
In this part, enterprises clearly state:
a) Form of capital ownership: A state-owned companies, joint-stock company, limited liability companies, partnership or private enterprises. For foreign-invested enterprises: Names of nations and territories of each investor in enterprises (including investors with Vietnamese and foreign nationalities) and changes in structure of equity among investors (percentage of contribution) at the end of the fiscal year.
b)Trading: industrial manufacturing, trading, service, construction or summary of many trading fields.
c) Business lines: the main business activity (Contents describing the main business activities referenced under the provisions of system of economics of Vietnam) and the characteristics of products or services of enterprises.
d) Normal business and production cycle: If the cycle is longer than 12 months, notes to the average business and production cycle of branches, sectors are added.
e) Characteristics of operation of enterprises in the fiscal year that affect the financial statements: the events of legal environment, market happenings, characteristics of business, management, finance, the event of acquisition, division, change the size ... that affect the financial statements of enterprises.
e) Structure of enterprises
- List of subsidiaries: name, address, rate of voting rights, contribution ratio, the ratio of the parent company's interests in each of its subsidiary must be presented in detail;
- List of associated companies and joint ventures: name, address, rate of voting rights, contribution ratio, the interest ratio of enterprises in each associated company and joint venture must be presented in detail;
- List of subordinate units of dependent cost-accounting: name and address of each unit must be presented
Accounting period, currency used in accounting
a) Annual accounting period: the annual accounting period must be specified in the calendar year starting on January 01 / ...to December 31/ ... If enterprises have the financial year other than the calendar year, then starting date and ending date of the annual accounting period must be clearly stated.
b) Currency used in accounting: Vietnam Dong, or other currencies selected according to the provisions of the Law on Accounting must be specified.
Standards and applicable accounting policy
a) Applicable accounting policy: the accounting policy that enterprises are applying such as : enterprise accounting policy, peculiar enterprise accounting policy approved in writing by the Finance Ministry, construction enterprise accounting policy or accounting policy for small and medium enterprises must be specified.
b) Declaration of compliance with accounting standards and accounting policy: those financial statements have been prepared and presented in accordance with Accounting Standards and Accounting policy of Vietnam or not must be specified. The financial statements are considered to be prepared and presented in accordance with Accounting Standards and Accounting policy of Vietnam if the financial statements comply with all provisions of each standard, circular guiding the implementation of current accounting standards and policy that enterprises are applying. If the accounting standards are not applied, it must be clearly stated.
The accounting policies applied when enterprises meet the assumption of continuous operation
(1) The principle of converting financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam Dong: The application of exchange rates in converting the financial statements complies with the guidelines of enterprise accounting policy or not (assets and liabilities at the exchange rate at the end of period, owner’s investments at the exchange rate at the date of contribution, income statements and cash flows statements in accordance with the actual exchange rate or the average exchange rate ).
(2).Types of foreign exchange rate applied in accounting
- The exchange rate selected by the bank to apply in accounting;
- The exchange rate applied to record and evaluate assets;
- The exchange rate applied to record and evaluate liabilities;
- The types of exchange rate applied in other transactions.
(3) The principles for determining the actual interest rate (also called the effective interest rate) used to discount cash flows for items are recorded at present value, allocated cost, recovery value ... (This note is just made when enterprises have applied interest rates to discount cash flows):
- Base of determination of the actual interest rate (the market interest rates or commercial bank interest rates or interest rates applied to loans of enterprises or other bases);
- Reasons for the selection of actual interest.
(4) Principles for recording cash and cash equivalents:
- Specification of bank deposits that are demand or term;
- Specification of monetary gold that includes types, are used as inventory or not;
- Specification of the base of determination of the cash equivalents? Consistence with the provisions of Accounting Standard "Cash flow statement" or not?
(5) Accounting Principles for financial investments
a) For trading securities:
- The time recorded (for listed securities, T + 0 or another time is clearly explained)
- The book value determined as the fair value or historical cost;
- Base of setting up provisions for devaluation.
b) For investments held to maturity:
- The book value determined as the fair value or historical cost;
- Base of determination unrecoverable losses;
- Revaluation amounts meeting the definition of accounts derived from foreign currencies or not?
c) For loans:
- The book value determined as the historical cost or allocated value;
- Revaluation amounts meeting the definition of accounts derived from foreign currencies or not?
- Base of making provisions for doubtful loans.
d) For investments in subsidiaries, associated companies and joint ventures:
- For the subsidiaries, joint ventures and associated companies purchased during the period, the time of initial recording, compliance with consolidated business accounting Standard for subsidiaries bought in the period or not? Compliance with accounting Standard in investments in associated companies and joint ventures or not?
- Principles for determining subsidiaries, associated companies and joint ventures (based on the proportion of the voting rights, the proportion of contributed capital or benefits);
- The book value of investments in subsidiaries determined at historical cost, fair value and other values? The book value of investments in joint ventures and associated companies determined at historical cost, equity method or other methods?
- Base of making the provision for investment losses in subsidiaries, associated companies and joint ventures; The financial statements to determine losses (consolidated financial statements and separate financial statements of subsidiaries, associated companies and joint ventures);
dd) For investments in capital instruments of other units:
- The book value of investments in other units determined at historical cost or other methods?
- Base of making the provision for investment losses in other units; The financial statements to determine losses (consolidated financial statements and separate financial statements of the invested units);
e) Accounting methods for other transactions relating to financial investments:
- Shares swaps ;
- Investment under the form of capital contribution;
- Transactions under the form of repurchase of contributed capital;
- Accounting method for dividends divided by shares;
(6) Accounting principles for debts receivable
- Criteria for the classification of debts receivable (receivables from customers, other receivables, internal receivables)
- Being monitored in detail under the original terms, the remaining term at the time of reporting, original currencies and each object or not?
- Revaluation of amounts meeting the definition of accounts derived from foreign currencies or not ? The exchange rates used to revalue?
- Recording debts receivable which do not exceed the recoverable value or not?
- Method of making the provision for bad debts.
(7) Principle for recording inventory
- (7) Principle for recording inventory: Specify inventory that is recorded at the historical cost or net realizable value.
- The method of calculating the value of inventory: Specify the method that enterprises apply (Weighted average; first in, first out, specification price or retail price).
- Method of inventory accounting: Specify that enterprises are applying perpetual inventory method and periodic inventory method.
- Methods for making provision against devaluation of goods in stock: Specify that enterprises make provision against devaluation of goods in stock on the basis of the positive difference of historical cost and net realizable value of inventories. The net realizable value of inventories is determined in accordance with the provisions of Accounting Standard "Inventories" or not? Method for making provision against devaluation of goods in stock is according to the difference between the provision that must be made in current year and the provision that have been made in previous year unused made additionally or refunded in current year.
(8)Principles of accounting and depreciation fixed assets, financial lease fixed assets, investment real property
a) Accounting principles of tangible fixed assets, intangible fixed assets:
- Specification of the book value of fixed assets which are at historical cost or revalued cost.
- Accounting principles of expenses incurred after the initial recording (cost of upgrading, improvement, maintenance, repair) recorded in the book value or the cost of production and business;
- Specification of methods of depreciation of fixed assets; Depreciation at historical cost or historical cost minuses recoverable value estimated from the liquidation or sale of fixed assets;
- Other provisions on the management, use, depreciation of fixed assets complied with or not?
b) Accounting principles of finance lease fixed assets:
- Specification of methods of determination the book value;
- Specification of method of depreciation of finance lease fixed assets.
c) Accounting principles for investment real property.
- The method of recording book value of investment real property
- Specification of methods of depreciation of investment real property.
(9) Accounting principles for Business Cooperation Contract (BCC)
a) For the capital contributors
- The recording capital (cash or non-cash assets) contributed to the BCC;
- The recording revenues and expenditures related to the contract
b) For capital recipients (executive party, incurring general expenses)
- Principles of recording capital contributed by other parties
- Principles of division of revenue, expenses and products of the contract.
(10) Accounting principles of deferred enterprise income tax
a) Accounting principles of deferred income tax assets
- Basis of recording the deferred income tax assets (deductible temporary differences, tax loss or unused tax incentives);
- Tax rate (%) used to determine the value of deferred income tax assets;
- Offsetting with deferred income tax or not?
- Determination of ability of taxable income in future when the deferred income tax assets are recorded, revaluation of deferred income tax assets unrecorded
b) Accounting principles of deferred enterprise income tax payable
- Basis of recording deferred income taxes payable (taxable temporary differences);
- Tax rate (%) used to determine the value of deferred income tax payable;
- Offsetting with deferred income tax assets or not?
(11) Accounting Principles for prepaid expenses
- Specification of prepaid costs allocated gradually into cost of production and business.
- Method and time of allocation of prepaid costs;
- Methods and time of allocation of goodwill arising in equitization;
- Monitoring in detail prepaid expenses by maturity or not?
(12) Accounting principles for liabilities
- Classification of liabilities
- Monitoring in detail under each object, original terms, the remaining term at the time of reporting, original currencies
- Revaluation of amounts meeting the definition of accounts derived from foreign currencies
- Recording liabilities which are not less than payment obligations
- Making provision for liabilities
(13) Principle for recording loans and finance lease liabilities
- Recording the value of loans and finance lease liabilities
- Monitoring each object, term, original currency
- Revaluation of loans and finance lease liabilities in foreign currencies? (14) Principle for recording and capitalizing borrowing costs:
- Principle for recording borrowing costs: Specification borrowing costs recorded in cost of production, sales in the period incurred, unless they are capitalized in accordance with the provisions of Accounting Standards "borrowing costs ".
- The capitalization rate used to determine the borrowing costs capitalized during the period: Specification of the capitalization rate (Capitalization rate is determined by the formula set out in the Circular providing guidance on Accounting Standard No. "Borrowing Costs".
(15) Principles of recording expenses payable: Specification of the expenses unpaid, but estimated to be recorded in the cost of production, sales in the period and the basis for determining the value of such expenses.
(16) Principles and methods of recording provisions payable :
- Principles for recording provisions payable: Specification of provisions payable recorded satisfying or not the conditions prescribed in Accounting Standard "Provisions, assets and potential liabilities "
- Method of recording provisions payable: Specification of the provisions payable made more (or refunded) under the positive difference (or negative) between the provision payable that must be made in this year and the provision payable made in previous year unused in the accounting books.
(17) Principles for recording unearned revenues
- The basis of recording unearned revenue
- Allocation method of unearned revenue.
(18) Principle of recording convertible bonds
- Ability of recording separately debt component and capital component
- Trust of interest rate used to discount cash flows
(19) Principle for recording equity:
- Contributions from owners are recorded at capital actually contributed not; Method of recording the share premium, method of determining options of convertible bonds
- The reason for recording the differences upon asset revaluation and the exchange differences
- Method of determining undistributed profits, the principle of distribution of profits, dividends.
(20) The principle and method of recording revenues and other income:
- Revenues from goods and service provision: Compliance fully with the conditions of recording revenues specified in Accounting Standard "Revenue and other income", The methods used to record revenues.
- Revenues from construction contracts: Compliance with the Accounting Standard "construction contract", The methods used to record revenue of construction contracts).
- Methods of recording revenues from financial activities.
- Principles of recording other income
(21) Accounting principles of revenue deductions
- Inclusion of the revenue deductions
- Compliance with the accounting Standard "The events arising after the end of the annual accounting period" to adjust the revenue
(22) Accounting Principles for the cost price of goods sold
- Guarantee of conformity principle with revenues
- Guarantee of precautionary principle, recording immediately the costs that exceed the normal level of inventories
- Items recorded a decrease in cost price of goods sold
(23) Principle and method of recording financial costs: full recording or not the interest expense (including advanced amounts), loss on forex of the reporting period
(24) selling expense and enterprise administrative expense
- Full recording or not the selling expense and enterprise administrative expense incurred in period
- Adjustments in selling expense and enterprise administrative expense
(25) The principle and method of recording current enterprise income tax, deferred enterprise income tax expense: Current enterprise income tax expense is determined on the basis of taxable income and tax rate of enterprise income tax in the current year. Deferred enterprise income tax is determined on the basis of deductible temporary differences, taxable temporary differences and tax rate of enterprise income tax. Current enterprise income tax expense is not offset with deferred enterprise income tax expense.
(26) The principles and other accounting methods: Specification the principles and other accounting methods for the purpose of helping users understand the financial statements of the enterprise presented on the basis of compliance with the system of Vietnamese accounting standards issued by the Ministry of Finance.
The accounting policies applied in case enterprises do not meet the assumption of continuous operation
a) Policy on reclassification of long-term assets and liabilities into short-term ones
b) Principles of valuation
- Financial investments;
- Receivables;
- Payables;
- Inventories;
- Fixed assets, investment real property;
- Other assets and liabilities.
Additional information for the items shown in the Balance Sheet
- In this section, enterprises must present and analyze in detail the figures presented in the Balance Sheet to help users of financial statements understand better the contents of the assets, liabilities and equity.
- The unit of values presented in the section "Additional information for the items shown in the Balance Sheet" is the unit used in the Balance Sheet. Figures recorded in the column "Beginning" are taken from the column "ending" in the notes to financial statements of previous year. Figures recorded in the column "ending" are set up on the basis of figures taken from:
The Balance sheet of current year;
The general accounting books;
Detailed accounting books and cards or summary of the relevant details.
- Enterprises actively number information presented in this section under the principle of conformity with leading numbers from the Balance Sheet and guarantee of easy reference and comparison among periods.
- If the enterprise has applied retroactively changes in accounting policies or retroactive adjustment of important errors of the previous year, they must adjust comparative figures (figures in column "beginning") to ensure principles of comparing and explain this clearly. In case of any reasons which lead the figures in column "beginning" to inability to compare with figures in column "Ending", this must be indicated in the notes to financial statements.
- For the items required the notes under the fair value, if the fair value is not identifiable, the reasons must be specified.
Additional information for items presented in income statements.
- In this section, enterprises must present and analyze in detail the figures shown in income statements to help users of financial statements to better understand the content of the items of revenues and expenditures.
- The unit of values presented in the section "Additional information for the items shown in the income statement " is the unit used in the income statement. Figures recorded in the column "Previous year" are taken from the notes to financial statements of previous year. Figures recorded in the column "Current year" are set up on the basis of figures taken from:
Income statement of current year;
The general accounting books;
Detailed accounting books and cards or summary of the relevant details.
- Enterprises actively number detailed information presented in this section under the principle of conformity with leading numbers from the income statement and guarantee of easy reference and comparison among periods.
- In case of any reason which leads to inability to compare the figures in column "Beginning" with the figures in column "Ending", this must be indicated in the notes to financial statements.
Additional information for the Cash flow statement
- In this section, enterprises must present and analyze the figures presented in the Cash flow statement in order to help users better understand the factors affecting cash flows during the period of the enterprises .
- In case in the period, enterprises purchase or liquidate investments in subsidiaries or other business units, the cash flows must be presented as separate items in the Cash flow statement. This section must provide detailed information relating to the purchase or liquidation of investments in subsidiaries or other business units.
- The unit of values presented in the section "Additional information for the items shown in the cash flow statement " is the unit used in the cash flow statement. Figures recorded in the column "Previous year" are taken from the notes to financial statements of previous year. Figures recorded in the column "Current year" are set up on the basis of figures taken from:
Cash flow statement of current year
The general accounting books;
Detailed accounting books and cards or summary of the relevant details.
Other information
- In this section, enterprises must present other important information (if any) in addition to the information presented in the section above to provide information to describe in words or in figures under the provisions of the specific accounting Standards to help users understand the financial statements of the enterprises presented honestly and reasonably.
- When presenting information in this section, depending on the requirements and characteristics of information as prescribed from point 1 to point 7 of this section, enterprises can give detailed and suitable forms, and the necessary comparable information.
- In addition to the information presented under the provisions of section 4.1 to section 4.8, enterprises shall present additional information if they deems necessary for the users of financial statements of the enterprises.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực