Chương II Thông tư 200/2014/TT-BTC: Tài khoản kế toán
Số hiệu: | 200/2014/TT-BTC | Loại văn bản: | Thông tư |
Nơi ban hành: | Bộ Tài chính | Người ký: | Trần Xuân Hà |
Ngày ban hành: | 22/12/2014 | Ngày hiệu lực: | 05/02/2015 |
Ngày công báo: | 28/02/2015 | Số công báo: | Từ số 279 đến số 280 |
Lĩnh vực: | Doanh nghiệp, Kế toán - Kiểm toán | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Thông tư 200/2014/TT-BTC về Chế độ kế toán doanh nghiệp
Thông tư hướng dẫn kế toán áp dụng đối với các doanh nghiệp thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế.
Ngoài ra, còn có nhiều quy định mới về sổ sách, chứng từ kế toán, báo cáo tài chính cũng như một số tài khoản kế toán.
Thông tư này có hiệu lực áp dụng sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và áp dụng cho năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/01/2015.
Thông tư 200 thay thế Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành kèm theo Quyết định 15/2006/QĐ-BTC, Thông tư 244/2009/TT-BTC.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Kế toán phải mở sổ kế toán ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập tiền, ngoại tệ và tính ra số tồn tại quỹ và từng tài khoản ở Ngân hàng tại mọi thời điểm để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.
2. Các khoản tiền do doanh nghiệp khác và cá nhân ký cược, ký quỹ tại doanh nghiệp được quản lý và hạch toán như tiền của doanh nghiệp.
3. Khi thu, chi phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký theo quy định của chế độ chứng từ kế toán.
4. Kế toán phải theo dõi chi tiết tiền theo nguyên tệ. Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo nguyên tắc:
- Bên Nợ các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế;
- Bên Có các tài khoản tiền áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền.
5. Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư ngoại tệ và vàng tiền tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ tại quỹ doanh nghiệp bao gồm: Tiền Việt Nam, ngoại tệ và vàng tiền tệ. Chỉ phản ánh vào TK 111 “Tiền mặt” số tiền mặt, ngoại tệ, vàng tiền tệ thực tế nhập, xuất, tồn quỹ. Đối với khoản tiền thu được chuyển nộp ngay vào Ngân hàng (không qua quỹ tiền mặt của doanh nghiệp) thì không ghi vào bên Nợ TK 111 “Tiền mặt” mà ghi vào bên Nợ TK 113 “Tiền đang chuyển”.
b) Các khoản tiền mặt do doanh nghiệp khác và cá nhân ký cược, ký quỹ tại doanh nghiệp được quản lý và hạch toán như các loại tài sản bằng tiền của doanh nghiệp.
c) Khi tiến hành nhập, xuất quỹ tiền mặt phải có phiếu thu, phiếu chi và có đủ chữ ký của người nhận, người giao, người có thẩm quyền cho phép nhập, xuất quỹ theo quy định của chế độ chứng từ kế toán. Một số trường hợp đặc biệt phải có lệnh nhập quỹ, xuất quỹ đính kèm.
d) Kế toán quỹ tiền mặt phải có trách nhiệm mở sổ kế toán quỹ tiền mặt, ghi chép hàng ngày liên tục theo trình tự phát sinh các khoản thu, chi, xuất, nhập quỹ tiền mặt, ngoại tệ và tính ra số tồn quỹ tại mọi thời điểm.
đ) Thủ quỹ chịu trách nhiệm quản lý và nhập, xuất quỹ tiền mặt. Hàng ngày thủ quỹ phải kiểm kê số tồn quỹ tiền mặt thực tế, đối chiếu số liệu sổ quỹ tiền mặt và sổ kế toán tiền mặt. Nếu có chênh lệch, kế toán và thủ quỹ phải kiểm tra lại để xác định nguyên nhân và kiến nghị biện pháp xử lý chênh lệch.
e) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo nguyên tắc:
- Bên Nợ TK 1112 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế. Riêng trường hợp rút ngoại tệ từ ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt thì áp dụng tỷ giá ghi sổ kế toán của TK 1122;
- Bên Có TK 1112 áp dụng tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền.
Việc xác định tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định tại phần hướng dẫn tài khoản 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái và các tài khoản có liên quan.
g) Vàng tiền tệ được phản ánh trong tài khoản này là vàng được sử dụng với các chức năng cất trữ giá trị, không bao gồm các loại vàng được phân loại là hàng tồn kho sử dụng với mục đích là nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm hoặc hàng hoá để bán. Việc quản lý và sử dụng vàng tiền tệ phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
h) Tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư ngoại tệ và vàng tiền tệ theo nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế áp dụng khi đánh giá lại số dư tiền mặt bằng ngoại tệ là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch (do doanh nghiệp tự lựa chọn) tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.
- Vàng tiền tệ được đánh giá lại theo giá mua trên thị trường trong nước tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Giá mua trên thị trường trong nước là giá mua được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không công bố giá mua vàng thì tính theo giá mua công bố bởi các đơn vị được phép kinh doanh vàng theo luật định.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 111 - Tiền mặt
Bên Nợ:
- Các khoản tiền mặt, ngoại tệ, vàng tiền tệ nhập quỹ;
- Số tiền mặt, ngoại tệ, vàng tiền tệ thừa ở quỹ phát hiện khi kiểm kê;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam);
- Chênh lệch đánh giá lại vàng tiền tệ tăng tại thời điểm báo cáo.
Bên Có:
- Các khoản tiền mặt, ngoại tệ, vàng tiền tệ xuất quỹ;
- Số tiền mặt, ngoại tệ, vàng tiền tệ thiếu hụt quỹ phát hiện khi kiểm kê;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam);
- Chênh lệch đánh giá lại vàng tiền tệ giảm tại thời điểm báo cáo.
Số dư bên Nợ:
Các khoản tiền mặt, ngoại tệ, vàng tiền tệ còn tồn quỹ tiền mặt tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 111 - Tiền mặt, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1111 - Tiền Việt Nam: Phản ánh tình hình thu, chi, tồn quỹ tiền Việt Nam tại quỹ tiền mặt.
- Tài khoản 1112 - Ngoại tệ: Phản ánh tình hình thu, chi, chênh lệch tỷ giá và số dư ngoại tệ tại quỹ tiền mặt theo giá trị quy đổi ra Đồng Việt Nam.
- Tài khoản 1113 - Vàng tiền tệ: Phản ánh tình hình biến động và giá trị vàng tiền tệ tại quỹ của doanh nghiệp.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ thu ngay bằng tiền mặt, kế toán ghi nhận doanh thu, ghi:
a) Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế (gián thu) phải nộp này được tách riêng theo từng loại ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Khi nhận được tiền của Ngân sách Nhà nước thanh toán về khoản trợ cấp, trợ giá bằng tiền mặt, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
3.3. Khi phát sinh các khoản doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác bằng tiền mặt, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (tổng giá thanh toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
3.4. Rút tiền gửi Ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt; vay dài hạn, ngắn hạn bằng tiền mặt (tiền Việt Nam hoặc ngoại tệ ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế), ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)
Có TK 341 – Vay và nợ thuê tài chính (3411).
3.5. Thu hồi các khoản nợ phải thu, cho vay, ký cược, ký quỹ bằng tiền mặt; Nhận ký quỹ, ký cược của các doanh nghiệp khác bằng tiền mặt, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112)
Có các TK 128, 131, 136, 138, 141, 244, 344.
3.6. Khi bán các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn thu bằng tiền mặt, kế toán ghi nhận chênh lệch giữa số tiền thu được và giá vốn khoản đầu tư (được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền) vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá vốn)
Có các TK 221, 222, 228 (giá vốn)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
3.7. Khi nhận được vốn góp của chủ sở hữu bằng tiền mặt, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.8. Khi nhận tiền của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân để trang trải cho các hoạt động chung, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
3.9. Xuất quỹ tiền mặt gửi vào tài khoản tại Ngân hàng, ký quỹ, ký cược, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
Có TK 111 - Tiền mặt.
3.10. Xuất quỹ tiền mặt mua chứng khoán, cho vay hoặc đầu tư vào công ty con, đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết..., ghi:
Nợ TK 121, 128, 221, 222, 228
Có TK 111 - Tiền mặt.
3.11. Xuất quỹ tiền mặt mua hàng tồn kho (theo phương pháp kê khai thường xuyên), mua TSCĐ, chi cho hoạt động đầu tư XDCB:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua không bao gồm thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 241
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 111 - Tiền mặt.
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm cả thuế GTGT.
3.12. Xuất quỹ tiền mặt mua hàng tồn kho (theo phương pháp kiểm kê định kỳ), nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (6111, 6112)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 111 - Tiền mặt.
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm cả thuế GTGT.
3.13. Khi mua nguyên vật liệu thanh toán bằng tiền mặt sử dụng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642,...
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 111 - Tiền mặt.
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh chi phí bao gồm cả thuế GTGT.
3.14. Xuất quỹ tiền mặt thanh toán các khoản vay, nợ phải trả, ghi:
Nợ các TK 331, 333, 334, 335, 336, 338, 341
Có TK 111 - Tiền mặt.
3.15. Xuất quỹ tiền mặt sử dụng cho hoạt động tài chính, hoạt động khác, ghi:
Nợ các TK 635, 811,…
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 111 - Tiền mặt.
3.16. Các khoản thiếu quỹ tiền mặt phát hiện khi kiểm kê chưa xác định rõ nguyên nhân, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)
Có TK 111 - Tiền mặt.
3.17. Các khoản thừa quỹ tiền mặt phát hiện khi kiểm kê chưa xác định rõ nguyên nhân, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381).
3.18. Kế toán hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ: Thực hiện theo quy định tại phần hướng dẫn TK 171 - Giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ.
3.19. Các giao dịch liên quan đến ngoại tệ là tiền mặt.
a) Khi mua hàng hóa, dịch vụ thanh toán bằng tiền mặt là ngoại tệ.
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ các TK 151,152,153,156,157,211,213,241, 623, 627, 641,642,133,… (theo tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có TK 111 (1112) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán).
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153,156,157,211,213,241,623, 627, 641, 642,133,… (theo tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
Có TK 111 (1112) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
b) Khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ:
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái , ghi:
Nợ các TK 331, 335, 336, 338, 341,… (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có TK 111 (1112) (tỷ giá ghi sổ kế toán).
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ các TK 331, 336, 341,… (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái)
Có TK 111 (1112) (tỷ giá ghi sổ kế toán).
- Trường hợp trả trước tiền bằng ngoại tệ cho người bán, bên Nợ tài khoản phải trả áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế thời điểm trả trước)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có TK 111 (1112) (tỷ giá ghi sổ kế toán).
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
c) Khi phát sinh doanh thu, thu nhập khác bằng ngoại tệ là tiền mặt, ghi:
Nợ TK 111 (1112) (tỷ giá giao dịch thực tế)
Có các TK 511, 515, 711,... (tỷ giá giao dịch thực tế).
d) Khi thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ, ghi:
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 111 (1112) (tỷ giá hối đoái giao dich thực tế tại ngày giao dịch)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 131, 136, 138,... (tỷ giá ghi sổ kế toán).
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 111 (1112) (tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái)
Có các TK 131, 136, 138,… (tỷ giá ghi sổ kế toán).
- Trường hợp nhận trước tiền của người mua, bên Có tài khoản phải thu áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:
Nợ TK 111 (1112) (tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước)
Có TK 131 (tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước).
3.20. Kế toán sử dụng tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế (là tỷ giá mua của ngân hàng) để đánh giá lại các khoản ngoại tệ là tiền mặt tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, ghi:
- Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam, kế toán ghi nhận lãi tỷ giá:
Nợ TK 111 (1112)
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam, kế toán ghi nhận lỗ tỷ giá:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 111 (1112).
- Sau khi bù trừ lãi, lỗ tỷ giá phát sinh do đánh giá lại, kế toán kết chuyển phần chênh lệch lãi, lỗ tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi lớn hơn lỗ) hoặc chi phí tài chính (nếu lãi nhỏ hơn lỗ).
3.21. Kế toán đánh giá lại vàng tiền tệ
- Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ phát sinh lãi, kế toán ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, ghi:
Nợ TK 1113 - Vàng tiền tệ (theo giá mua trong nước)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ phát sinh lỗ, kế toán ghi nhận chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 1113 - Vàng tiền tệ (theo giá mua trong nước).
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các khoản tiền gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng của doanh nghiệp. Căn cứ để hạch toán trên tài khoản 112 “tiền gửi Ngân hàng” là các giấy báo Có, báo Nợ hoặc bản sao kê của Ngân hàng kèm theo các chứng từ gốc (uỷ nhiệm chi, uỷ nhiệm thu, séc chuyển khoản, séc bảo chi,…).
a) Khi nhận được chứng từ của Ngân hàng gửi đến, kế toán phải kiểm tra, đối chiếu với chứng từ gốc kèm theo. Nếu có sự chênh lệch giữa số liệu trên sổ kế toán của doanh nghiệp, số liệu ở chứng từ gốc với số liệu trên chứng từ của Ngân hàng thì doanh nghiệp phải thông báo cho Ngân hàng để cùng đối chiếu, xác minh và xử lý kịp thời. Cuối tháng, chưa xác định được nguyên nhân chênh lệch thì kế toán ghi sổ theo số liệu của Ngân hàng trên giấy báo Nợ, báo Có hoặc bản sao kê. Số chênh lệch (nếu có) ghi vào bên Nợ TK 138 “Phải thu khác” (1388) (nếu số liệu của kế toán lớn hơn số liệu của Ngân hàng) hoặc ghi vào bên Có TK 338 “Phải trả, phải nộp khác” (3388) (nếu số liệu của kế toán nhỏ hơn số liệu của Ngân hàng). Sang tháng sau, tiếp tục kiểm tra, đối chiếu, xác định nguyên nhân để điều chỉnh số liệu ghi sổ.
b) Ở những doanh nghiệp có các tổ chức, bộ phận phụ thuộc không tổ chức kế toán riêng, có thể mở tài khoản chuyên thu, chuyên chi hoặc mở tài khoản thanh toán phù hợp để thuận tiện cho việc giao dịch, thanh toán. Kế toán phải mở sổ chi tiết theo từng loại tiền gửi (Đồng Việt Nam, ngoại tệ các loại).
c) Phải tổ chức hạch toán chi tiết số tiền gửi theo từng tài khoản ở Ngân hàng để tiện cho việc kiểm tra, đối chiếu.
d) Khoản thấu chi ngân hàng không được ghi âm trên tài khoản tiền gửi ngân hàng mà được phản ánh tương tự như khoản vay ngân hàng.
đ) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ngoại tệ ra Đồng Việt Nam theo nguyên tắc:
- Bên Nợ TK 1122 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế. Riêng trường hợp rút quỹ tiền mặt bằng ngoại tệ gửi vào Ngân hàng thì phải được quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ kế toán của tài khoản 1112.
- Bên Có TK 1122 áp dụng tỷ giá ghi sổ Bình quân gia quyền.
Việc xác định tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế được thực hiện theo quy định tại phần hướng dẫn tài khoản 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái và các tài khoản có liên quan.
e) Vàng tiền tệ được phản ánh trong tài khoản này là vàng được sử dụng với các chức năng cất trữ giá trị, không bao gồm các loại vàng được phân loại là hàng tồn kho sử dụng với mục đích là nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm hoặc hàng hoá để bán. Việc quản lý và sử dụng vàng tiền tệ phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
g) Tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp phải đánh giá lại số dư ngoại tệ và vàng tiền tệ theo nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế áp dụng khi đánh giá lại số dư tiền gửi ngân hàng bằng ngoại tệ là tỷ giá mua ngoại tệ của chính ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều tài khoản ngoại tệ ở nhiều ngân hàng khác nhau và tỷ giá mua của các ngân hàng không có chênh lệch đáng kể thì có thể lựa chọn tỷ giá mua của một trong số các ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ làm căn cứ đánh giá lại.
- Vàng tiền tệ được đánh giá lại theo giá mua trên thị trường trong nước tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Giá mua trên thị trường trong nước là giá mua được công bố bởi Ngân hàng Nhà nước. Trường hợp Ngân hàng Nhà nước không công bố giá mua vàng thì tính theo giá mua công bố bởi các đơn vị được phép kinh doanh vàng theo luật định.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 112 - Tiền gửi ngân hàng
Bên Nợ:
- Các khoản tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng tiền tệ gửi vào Ngân hàng;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
- Chênh lệch đánh giá lại vàng tiền tệ tăng tại thời điểm báo cáo
Bên Có:
- Các khoản tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng tiền tệ rút ra từ Ngân hàng;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ cuối kỳ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
- Chênh lệch đánh giá lại vàng tiền tệ giảm tại thời điểm báo cáo
Số dư bên Nợ:
Số tiền Việt Nam, ngoại tệ, vàng tiền tệ hiện còn gửi tại Ngân hàng tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 112 - Tiền gửi Ngân hàng, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1121 - Tiền Việt Nam: Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện đang gửi tại Ngân hàng bằng Đồng Việt Nam.
- Tài khoản 1122 - Ngoại tệ: Phản ánh số tiền gửi vào, rút ra và hiện đang gửi tại Ngân hàng bằng ngoại tệ các loại đã quy đổi ra Đồng Việt Nam.
- Tài khoản 1123 - Vàng tiền tệ: Phản ánh tình hình biến động và giá trị vàng tiền tệ của doanh nghiệp đang gửi tại Ngân hàng tại thời điểm báo cáo.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ thu ngay bằng tiền gửi ngân hàng, kế toán ghi nhận doanh thu, ghi:
a) Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế gián thu (thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường), kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp được tách riêng theo từng loại thuế ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Khi nhận được tiền của Ngân sách Nhà nước thanh toán về khoản trợ cấp, trợ giá bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
3.3. Khi phát sinh các khoản doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
3.4. Xuất quỹ tiền mặt gửi vào tài khoản tại Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 111 - Tiền mặt.
3.5. Nhận được tiền ứng trước hoặc khi khách hàng trả nợ bằng chuyển khoản, căn cứ giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 113 - Tiền đang chuyển.
3.6. Thu hồi các khoản nợ phải thu, cho vay, ký cược, ký quỹ bằng tiền gửi ngân hàng; Nhận ký quỹ, ký cược của các doanh nghiệp khác bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)
Có các TK 128, 131, 136, 141, 244, 344.
3.7. Khi bán các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn thu bằng tiền gửi ngân hàng, kế toán ghi nhận chênh lệch giữa số tiền thu được và giá vốn khoản đầu tư (được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền) vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá vốn)
Có các TK 221, 222, 228 (giá vốn)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
3.8. Khi nhận được vốn góp của chủ sở hữu bằng tiền mặt, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.9. Khi nhận tiền của các bên trong hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân để trang trải cho các hoạt động chung, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
3.10. Rút tiền gửi Ngân hàng về nhập quỹ tiền mặt, chuyển tiền gửi Ngân hàng đi ký quỹ, ký cược, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
3.11. Mua chứng khoán, cho vay hoặc đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết... bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ các TK 121, 128, 221, 222, 228
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
3.12. Mua hàng tồn kho (theo phương pháp kê khai thường xuyên), mua TSCĐ, chi cho hoạt động đầu tư XDCB bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua không bao gồm thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 241
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm cả thuế GTGT.
3.13. Mua hàng tồn kho bằng tiền gửi ngân hàng (theo phương pháp kiểm kê định kỳ), nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (6111, 6112)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh giá mua bao gồm cả thuế GTGT.
3.14. Khi mua nguyên vật liệu thanh toán bằng tiền gửi ngân hàng sử dụng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642,...
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, kế toán phản ánh chi phí bao gồm cả thuế GTGT.
3.15. Thanh toán các khoản nợ phải trả bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ các TK 331, 333, 334, 335, 336, 338, 341
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
3.16. Chi phí tài chính, chi phí khác bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ các TK 635, 811,…
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
3.17. Trả vốn góp hoặc trả cổ tức, lợi nhuận cho các bên góp vốn, chi các quỹ khen thưởng, phúc lợi bằng tiền gửi Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
3.18. Thanh toán các khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại bằng tiền gửi ngân hàng, ghi:
Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu
Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng.
3.19. Kế toán hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ: Thực hiện theo quy định tại phần hướng dẫn tài khoản 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
3.20. Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến ngoại tệ: Phương pháp kế toán các giao dịch liên quan đến ngoại tệ là tiền gửi ngân hàng thực hiện tương tự như ngoại tệ là tiền mặt (xem tài khoản 111).
3.21. Kế toán đánh giá lại vàng tiền tệ
- Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ phát sinh lãi, kế toán ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, ghi:
Nợ TK 1123 - Vàng tiền tệ (theo giá mua trong nước)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ phát sinh lỗ, kế toán ghi nhận chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 1123 - Vàng tiền tệ (theo giá mua trong nước).
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tiền của doanh nghiệp đã nộp vào Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, đã gửi bưu điện để chuyển cho Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có, đã trả cho doanh nghiệp khác hay đã làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản tại Ngân hàng để trả cho doanh nghiệp khác nhưng chưa nhận được giấy báo Nợ hay bản sao kê của Ngân hàng.
Tiền đang chuyển gồm tiền Việt Nam và ngoại tệ đang chuyển trong các trường hợp sau:
- Thu tiền mặt hoặc séc nộp thẳng vào Ngân hàng;
- Chuyển tiền qua bưu điện để trả cho doanh nghiệp khác;
- Thu tiền bán hàng chuyển thẳng vào Kho bạc để nộp thuế (giao tiền tay ba giữa doanh nghiệp với người mua hàng và Kho bạc Nhà nước).
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 113 - Tiền đang chuyển
Bên Nợ:
- Các khoản tiền mặt hoặc séc bằng tiền Việt Nam, ngoại tệ đã nộp vào Ngân hàng hoặc đã gửi bưu điện để chuyển vào Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền đang chuyển tại thời điểm báo cáo.
Bên Có:
- Số tiền kết chuyển vào tài khoản 112 - Tiền gửi Ngân hàng, hoặc tài khoản có liên quan;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền đang chuyển tại thời điểm báo cáo.
Số dư bên Nợ:
Các khoản tiền còn đang chuyển tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 113 - Tiền đang chuyển, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1131 - Tiền Việt Nam: Phản ánh số tiền Việt Nam đang chuyển.
- Tài khoản 1132 - Ngoại tệ: Phản ánh số ngoại tệ đang chuyển.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Thu tiền bán hàng, tiền nợ của khách hàng hoặc các khoản thu nhập khác bằng tiền mặt hoặc séc nộp thẳng vào Ngân hàng (không qua quỹ) nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (thu nợ của khách hàng)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính
Có TK 711 - Thu nhập khác
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
b) Xuất quỹ tiền mặt gửi vào Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)
Có TK 111 - Tiền mặt (1111, 1112).
c) Làm thủ tục chuyển tiền từ tài khoản ở Ngân hàng để trả cho chủ nợ nhưng chưa nhận được giấy báo Nợ của Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122).
d) Khách hàng trả trước tiền mua hàng bằng séc, doanh nghiệp đã nộp séc vào Ngân hàng nhưng chưa nhận được giấy báo Có của Ngân hàng, ghi:
Nợ TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
đ) Ngân hàng báo Có các khoản tiền đang chuyển đã vào tài khoản tiền gửi của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121, 1122)
Có TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132).
e) Ngân hàng báo Nợ các khoản tiền đang chuyển đã chuyển cho người bán, người cung cấp dịch vụ, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 113 - Tiền đang chuyển (1131, 1132).
g) Việc đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền đang chuyển được thực hiện tương tự phương pháp kế toán đánh giá lại số dư ngoại tệ là tiền mặt (xem tài khoản 111)
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại chứng khoán theo quy định của pháp luật nắm giữ vì mục đích kinh doanh (kể cả chứng khoán có thời gian đáo hạn trên 12 tháng mua vào, bán ra để kiếm lời). Chứng khoán kinh doanh bao gồm:
- Cổ phiếu, trái phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán;
- Các loại chứng khoán và công cụ tài chính khác.
Tài khoản này không phản ánh các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, như: Các khoản cho vay theo khế ước giữa 2 bên, tiền gửi ngân hàng, trái phiếu, thương phiếu, tín phiếu, kỳ phiếu,...nắm giữ đến ngày đáo hạn .
b) Chứng khoán kinh doanh phải được ghi sổ kế toán theo giá gốc, bao gồm: Giá mua cộng (+) các chi phí mua (nếu có) như chi phí môi giới, giao dịch, cung cấp thông tin, thuế, lệ phí và phí ngân hàng. Giá gốc của chứng khoán kinh doanh được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh. Thời điểm ghi nhận các khoản chứng khoán kinh doanh là thời điểm nhà đầu tư có quyền sở hữu, cụ thể như sau:
- Chứng khoán niêm yết được ghi nhận tại thời điểm khớp lệnh (T+0);
- Chứng khoán chưa niêm yết được ghi nhận tại thời điểm chính thức có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
c) Cuối niên độ kế toán, nếu giá trị thị trường của chứng khoán kinh doanh bị giảm xuống thấp hơn giá gốc, kế toán được lập dự phòng giảm giá.
d) Doanh nghiệp phải hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản thu nhập từ hoạt động đầu tư chứng khoán kinh doanh. Khoản cổ tức được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư được ghi giảm giá trị khoản đầu tư. Khi nhà đầu tư nhận được thêm cổ phiếu mà không phải trả tiền do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu và lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (chia cổ tức bằng cổ phiếu) để phát hành thêm cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh Báo cáo tài chính, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính và không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty cổ phần.
Riêng các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, việc kế toán khoản cổ tức được chia bằng cổ phiếu thực hiện theo các quy định của pháp luật áp dụng cho loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.
đ) Mọi trường hợp hoán đổi cổ phiếu đều phải xác định giá trị cổ phiếu theo giá trị hợp lý tại ngày trao đổi. Việc xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu được thực hiện như sau:
- Đối với cổ phiếu của công ty niêm yết, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa niêm yết trên thị trường chứng khoán tại ngày trao đổi. Trường hợp tại ngày trao đổi thị trường chứng khoán không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu chưa niêm yết được giao dịch trên sàn UPCOM, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá giao dịch đóng cửa trên sàn UPCOM tại ngày trao đổi. Trường hợp ngày trao đổi sàn UPCOM không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu chưa niêm yết khác, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá do các bên thỏa thuận theo hợp đồng hoặc giá trị sổ sách tại thời điểm trao đổi.
e) Kế toán phải mở sổ chi tiết để theo dõi chi tiết từng loại chứng khoán kinh doanh mà doanh nghiệp đang nắm giữ (theo từng loại chứng khoán; theo từng đối tượng, mệnh giá, giá mua thực tế, từng loại nguyên tệ sử dụng để đầu tư…).
g) Khi thanh lý, nhượng bán chứng khoán kinh doanh (tính theo từng loại chứng khoán), giá vốn được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền di động (bình quân gia quyền theo từng lần mua).
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 121 - Chứng khoán kinh doanh
Bên Nợ: Giá trị chứng khoán kinh doanh mua vào.
Bên Có: Giá trị ghi sổ chứng khoán kinh doanh khi bán.
Số dư bên Nợ: Giá trị chứng khoán kinh doanh tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 121 - Chứng khoán kinh doanh, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1211 - Cổ phiếu: Phản ánh tình hình mua, bán cổ phiếu với mục đích nắm giữ để bán kiếm lời.
- Tài khoản 1212 - Trái phiếu: Phản ánh tình hình mua, bán và thanh toán các loại trái phiếu nắm giữ để bán kiếm lời.
- Tài khoản 1218 - Chứng khoán và công cụ tài chính khác: Phản ánh tình hình mua, bán các loại chứng khoán và công cụ tài chính khác theo quy định của pháp luật để kiếm lời, như chứng chỉ quỹ, quyền mua cổ phần, chứng quyền, quyền chọn mua, quyền chọn bán, hợp đồng tương lai, thương phiếu… Tài khoản này còn phản ánh cả tình hình mua, bán các loại giấy tờ có giá khác như thương phiếu, hối phiếu để bán kiếm lời.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi mua chứng khoán kinh doanh, căn cứ vào chi phí thực tế mua (giá mua cộng (+) chi phí môi giới, giao dịch, chi phí thông tin, lệ phí, phí ngân hàng…), ghi:
Nợ TK 121 - Chứng khoán kinh doanh
Có các TK 111, 112, 331
Có TK 141 - Tạm ứng
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
b) Định kỳ thu lãi trái phiếu và các chứng khoán khác:
- Trường hợp nhận tiền lãi và sử dụng tiền lãi tiếp tục mua bổ sung trái phiếu, tín phiếu (không mang tiền về doanh nghiệp mà sử dụng tiền lãi mua ngay trái phiếu), ghi:
Nợ TK 121 - Chứng khoán kinh doanh
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp nhận lãi bằng tiền, ghi;
Nợ các TK 111, 112, 138....
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp nhận lãi đầu tư bao gồm cả khoản lãi đầu tư dồn tích trước khi mua lại khoản đầu tư đó thì phải phân bổ số tiền lãi này. Chỉ ghi nhận là doanh thu hoạt động tài chính phần tiền lãi của các kỳ mà doanh nghiệp mua khoản đầu tư này; Khoản tiền lãi dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư được ghi giảm giá trị của chính khoản đầu tư đó, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138... (tổng tiền lãi thu được)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (phần tiền lãi đầu tư dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (phần tiền lãi của các kỳ sau khi doanh nghiệp mua khoản đầu tư).
c) Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia:
- Trường hợp nhận cổ tức cho giai đoạn sau ngày đầu tư, ghi:
Nợ các TK 111, 112...
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chưa thu được tiền ngay)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp nhận cổ tức của giai đoạn trước ngày đầu tư, ghi
Nợ các TK 111, 112, 138... (tổng tiền lãi thu được)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (phần tiền lãi đầu tư dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư).
- Trường hợp nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã được dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư tài chính, ghi:
Nợ các TK 112, 138
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh.
d) Khi chuyển nhượng chứng khoán kinh doanh, căn cứ vào giá bán chứng khoán:
- Trường hợp có lãi, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131... (tổng giá thanh toán)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá vốn bình quân gia quyền)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá vốn).
- Trường hợp bị lỗ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (chênh lệch giữa giá bán nhỏ hơn giá vốn)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá vốn bình quân gia quyền).
- Các chi phí về bán chứng khoán, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112, 331...
đ) Thu hồi hoặc thanh toán chứng khoán kinh doanh đã đáo hạn, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
e) Trường hợp doanh nghiệp nhượng bán chứng khoán kinh doanh dưới hình thức hoán đổi cổ phiếu, doanh nghiệp phải xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về tại thời điểm trao đổi. Phần chênh lệch (nếu có) giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về và giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi được kế toán là doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).
- Trường hợp hoán đổi cổ phiếu có lãi, ghi:
Nợ TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi tính theo phương pháp bình quân gia quyền)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về cao hơn giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi)
- Trường hợp hoán đổi cổ phiếu bị lỗ, ghi:
Nợ TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về thấp hơn giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi tính theo phương pháp bình quân gia quyền).
g) Đánh giá lại số dư các loại chứng khoán thỏa mãn định nghĩa các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (như trái phiếu, thương phiếu bằng ngoại tệ…).
- Trường hợp lãi, ghi:
Nợ TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (1212,1218 )
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Trường hợp lỗ, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (1212,1218 ).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (ngoài các khoản chứng khoán kinh doanh) như: Các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn (bao gồm cả các loại tín phiếu, kỳ phiếu), trái phiếu, cổ phiếu ưu đãi bên phát hành bắt buộc phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai và các khoản cho vay nắm giữ đến ngày đáo hạn với mục đích thu lãi hàng kỳ và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác.
Tài khoản này không phản ánh các loại trái phiếu và công cụ nợ nắm giữ vì mục đích mua bán để kiếm lời (phản ánh trong tài khoản 121 - Chứng khoán kinh doanh)
b) Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn theo từng kỳ hạn, từng đối tượng, từng loại nguyên tệ, từng số lượng...Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán căn cứ vào kỳ hạn còn lại (dưới 12 tháng hay từ 12 tháng trở lên kể từ thời điểm báo cáo) để trình bày là tài sản ngắn hạn hoặc dài hạn.
c) Doanh nghiệp phải hạch toán đầy đủ, kịp thời doanh thu hoạt động tài chính phát sinh từ các khoản đầu tư như lãi tiền gửi, lãi cho vay, lãi, lỗ khi thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
d) Đối với các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, nếu chưa được lập dự phòng phải thu khó đòi theo quy định của pháp luật, kế toán phải đánh giá khả năng thu hồi. Trường hợp có bằng chứng chắc chắn cho thấy một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư có thể không thu hồi được, kế toán phải ghi nhận số tổn thất vào chi phí tài chính trong kỳ. Trường hợp số tổn thất không thể xác định được một cách đáng tin cậy, kế toán có thể không ghi giảm khoản đầu tư nhưng phải thuyết minh trên Báo cáo tài chính về khả năng thu hồi của khoản đầu tư.
đ) Tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, kế toán phải đánh giá lại tất cả các khoản đầu tư được phân loại là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ:
- Tỷ giá áp dụng đối với các khoản tiền gửi bằng ngoại tệ là tỷ giá mua của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản tiền gửi;
- Tỷ giá áp dụng đối với các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác là tỷ giá mua của ngân hàng nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch (do doanh nghiệp tự lựa chọn).
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
Bên Nợ:
Giá trị các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng.
Bên Có:
Giá trị các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn giảm.
Số dư bên Nợ:
Giá trị các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn hiện có tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1281 - Tiền gửi có kỳ hạn: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của tiền gửi có kỳ hạn.
- Tài khoản 1282 - Trái phiếu: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của các loại trái phiếu mà doanh nghiệp có khả năng và có ý định nắm giữ đến ngày đáo hạn.
- Tài khoản 1283 - Cho vay: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của các khoản cho vay theo khế ước giữa các bên nhưng không được giao dịch mua, bán trên thị trường như chứng khoán. Tùy theo từng hợp đồng, các khoản cho vay theo khế ước có thể được thu hồi một lần tại thời điểm đáo hạn hoặc thu hồi dần từng kỳ.
- Tài khoản 1288 - Các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn: Phản ánh tình hình tăng, giảm và số hiện có của các khoản đầu tư khác nắm giữ đến ngày đáo hạn (ngoài các khoản tiền gửi ngân hàng, trái phiếu và cho vay), như cổ phiếu ưu đãi bắt buộc bên phát hành phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai, thương phiếu.
3. Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
3.1. Khi gửi tiền có kỳ hạn, cho vay, mua các khoản đầu tư để nắm giữ đến ngày đáo hạn bằng tiền, ghi:
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
Có các TK 111, 112.
3.2. Định kỳ kế toán ghi nhận khoản phải thu về lãi tiền gửi, lãi trái phiếu, lãi cho vay, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (lãi nhập gốc)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
3.3. Khi thu hồi các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, 152, 156, 211,....(theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ)
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (giá trị ghi sổ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).
3.4. Chuyển các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn thành đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ)
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (giá trị ghi sổ)
Có các TK liên quan (nếu phải đầu tư thêm)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).
3.5. Kế toán các giao dịch liên quan đến trái phiếu nắm giữ đến ngày đáo hạn:
a) Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi trước:
- Khi trả tiền mua trái phiếu nhận lãi trước, ghi:
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1282)
Có các TK 111, 112,… (số tiền thực chi)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (phần lãi nhận trước).
- Định kỳ, tính và kết chuyển lãi của kỳ kế toán theo số lãi phải thu từng kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Thu hồi giá gốc trái phiếu khi đến hạn thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1282).
b) Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi định kỳ:
- Khi trả tiền mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1282)
Có các TK 111, 112,...
- Định kỳ ghi nhận tiền lãi trái phiếu:
Nợ các TK 111, 112, 138
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Thu hồi giá gốc trái phiếu khi đến hạn thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1282).
c) Trường hợp mua trái phiếu nhận lãi sau:
- Khi trả tiền mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1282)
Có các TK 111, 112,...
- Định kỳ tính lãi trái phiếu và ghi nhận doanh thu theo số lãi phải thu từng kỳ, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Khi đến hạn thanh toán trái phiếu, thu hồi gốc và lãi trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1282)
Có TK 138 - Phải thu khác (1388) (số lãi của các kỳ trước)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi kỳ đáo hạn).
3.6. Kế toán khoản tổn thất do không thu hồi được các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn chưa được lập dự phòng phải thu khó đòi:
Khi có các bằng chứng cho thấy một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư có thể không thu hồi được (như bên phát hành công cụ mất khả năng thanh toán, phá sản…), kế toán phải đánh giá khả năng, xác định giá trị khoản đầu tư có thể thu hồi được. Nếu khoản tổn thất được xác định một cách đáng tin cậy, kế toán phải ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị có thể thu hồi nhỏ hơn giá trị ghi sổ khoản đầu tư vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1281, 1282, 1288).
- Trường hợp sau khi ghi nhận khoản tổn thất, nếu có bằng chứng chắc chắn cho thấy khoản tổn thất có thể thu hồi lại được, kế toán ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị có thể thu hồi cao hơn giá trị ghi sổ khoản đầu tư, ghi:
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn (1281, 1282, 1288)
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
3.7. Đánh giá lại số dư các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn được phân loại là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ:
- Trường hợp lãi, ghi:
Nợ TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Trường hợp lỗ, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 128 - Đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn.
1. Các khoản phải thu được theo dõi chi tiết theo kỳ hạn phải thu, đối tượng phải thu, loại nguyên tệ phải thu và các yếu tố khác theo nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.
2. Việc phân loại các khoản phải thu là phải thu khách hàng, phải thu nội bộ, phải thu khác được thực hiện theo nguyên tắc:
a) Phải thu của khách hàng gồm các khoản phải thu mang tính chất thương mại phát sinh từ giao dịch có tính chất mua – bán, như: Phải thu về bán hàng, cung cấp dịch vụ, thanh lý, nhượng bán tài sản (TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư tài chính) giữa doanh nghiệp và người mua (là đơn vị độc lập với người bán, gồm cả các khoản phải thu giữa công ty mẹ và công ty con, liên doanh, liên kết). Khoản phải thu này gồm cả các khoản phải thu về tiền bán hàng xuất khẩu của bên giao ủy thác thông qua bên nhận ủy thác;
b) Phải thu nội bộ gồm các khoản phải thu giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc;
c) Phải thu khác gồm các khoản phải thu không có tính thương mại, không liên quan đến giao dịch mua - bán, như:
- Các khoản phải thu tạo ra doanh thu hoạt động tài chính, như: khoản phải thu về lãi cho vay, tiền gửi, cổ tức và lợi nhuận được chia;
- Các khoản chi hộ bên thứ ba được quyền nhận lại; Các khoản bên nhận ủy thác xuất khẩu phải thu hộ cho bên giao ủy thác;
- Các khoản phải thu không mang tính thương mại như cho mượn tài sản, phải thu về tiền phạt, bồi thường, tài sản thiếu chờ xử lý…
3. Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán căn cứ kỳ hạn còn lại của các khoản phải thu để phân loại là dài hạn hoặc ngắn hạn. Các chỉ tiêu phải thu của Bảng cân đối kế toán có thể bao gồm cả các khoản được phản ánh ở các tài khoản khác ngoài các tài khoản phải thu, như: Khoản cho vay được phản ánh ở TK 1283; Khoản ký quỹ, ký cược phản ánh ở TK 244, khoản tạm ứng ở TK 141… Việc xác định các khoản cần lập dự phòng phải thu khó đòi được căn cứ vào các khoản mục được phân loại là phải thu ngắn hạn, dài hạn của Bảng cân đối kế toán.
4. Kế toán phải xác định các khoản phải thu thỏa mãn định nghĩa của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (được hướng dẫn chi tiết ở tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái) để đánh giá lại cuối kỳ khi lập Báo cáo tài chính.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với khách hàng về tiền bán sản phẩm, hàng hóa, BĐS đầu tư, TSCĐ, các khoản đầu tư tài chính, cung cấp dịch vụ. Tài khoản này còn dùng để phản ánh các khoản phải thu của người nhận thầu XDCB với người giao thầu về khối lượng công tác XDCB đã hoàn thành. Không phản ánh vào tài khoản này các nghiệp vụ thu tiền ngay.
b) Khoản phải thu của khách hàng cần được hạch toán chi tiết cho từng đối tượng, từng nội dung phải thu, theo dõi chi tiết kỳ hạn thu hồi (trên 12 tháng hay không quá 12 tháng kể từ thời điểm báo cáo) và ghi chép theo từng lần thanh toán. Đối tượng phải thu là các khách hàng có quan hệ kinh tế với doanh nghiệp về mua sản phẩm, hàng hoá, nhận cung cấp dịch vụ, kể cả TSCĐ, bất động sản đầu tư, các khoản đầu tư tài chính.
c) Bên giao ủy thác xuất khẩu ghi nhận trong tài khoản này đối với các khoản phải thu từ bên nhận ủy thác xuất khẩu về tiền bán hàng xuất khẩu như các giao dịch bán hàng, cung cấp dịch vụ thông thường.
d) Trong hạch toán chi tiết tài khoản này, kế toán phải tiến hành phân loại các khoản nợ, loại nợ có thể trả đúng hạn, khoản nợ khó đòi hoặc có khả năng không thu hồi được, để có căn cứ xác định số trích lập dự phòng phải thu khó đòi hoặc có biện pháp xử lý đối với khoản nợ phải thu không đòi được.
đ) Trong quan hệ bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ theo thoả thuận giữa doanh nghiệp với khách hàng, nếu sản phẩm, hàng hoá, BĐS đầu tư đã giao, dịch vụ đã cung cấp không đúng theo thoả thuận trong hợp đồng kinh tế thì người mua có thể yêu cầu doanh nghiệp giảm giá hàng bán hoặc trả lại số hàng đã giao.
e) Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết các khoản nợ phải thu của khách hàng theo từng loại nguyên tệ. Đối với các khoản phải thu bằng ngoại tệ thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Khi phát sinh các khoản nợ phải thu của khách hàng (bên Nợ tài khoản 131), kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi chỉ định khách hàng thanh toán). Riêng trường hợp nhận trước của người mua, khi đủ điều kiện ghi nhận doanh thu thì bên Nợ tài khoản 131 áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền đã nhận trước;
- Khi thu hồi nợ phải thu của khách hàng (bên Có tài khoản 131) kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng khách nợ (Trường hợp khách nợ có nhiều giao dịch thì tỷ giá thực tế đích danh được xác định là tỷ giá bình quân gia quyền di động các giao dịch của khách nợ đó). Riêng trường hợp phát sinh giao dịch nhận trước tiền của người mua thì bên Có tài khoản 131 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế (là tỷ giá ghi vào bên Nợ tài khoản tiền) tại thời điểm nhận trước;
- Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản phải thu của khách hàng có gốc ngoại tệ tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại khoản phải thu của khách hàng là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Trường hợp doanh nghiệp có nhiều khoản phải thu và giao dịch tại nhiều ngân hàng thì được chủ động lựa chọn tỷ giá mua của một trong những ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch. Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản phải thu của khách hàng có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 131 - Phải thu của khách hàng
Bên Nợ:
- Số tiền phải thu của khách hàng phát sinh trong kỳ khi bán sản phẩm, hàng hóa, BĐS đầu tư, TSCĐ, dịch vụ, các khoản đầu tư tài chính ;
- Số tiền thừa trả lại cho khách hàng.
- Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
Bên Có:
- Số tiền khách hàng đã trả nợ;
- Số tiền đã nhận ứng trước, trả trước của khách hàng;
- Khoản giảm giá hàng bán cho khách hàng sau khi đã giao hàng và khách hàng có khiếu nại;
- Doanh thu của số hàng đã bán bị người mua trả lại (có thuế GTGT hoặc không có thuế GTGT);
- Số tiền chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại cho người mua.
- Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
Số dư bên Nợ:
Số tiền còn phải thu của khách hàng.
Tài khoản này có thể có số dư bên Có. Số dư bên Có phản ánh số tiền nhận trước, hoặc số đã thu nhiều hơn số phải thu của khách hàng chi tiết theo từng đối tượng cụ thể. Khi lập Bảng Cân đối kế toán, phải lấy số dư chi tiết theo từng đối tượng phải thu của tài khoản này để ghi cả hai chỉ tiêu bên "Tài sản" và bên "Nguồn vốn".
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ chưa thu được ngay bằng tiền (kể các khoản phải thu về tiền bán hàng xuất khẩu của bên giao ủy thác), kế toán ghi nhận doanh thu, ghi:
a) Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Kế toán hàng bán bị khách hàng trả lại:
Nợ TK 5213 - Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế)
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, chi tiết cho từng loại thuế)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3.3. Kế toán chiết khấu thương mại và giảm giá hàng bán
a) Trường hợp số tiền chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán đã ghi ngay trên hóa đơn bán hàng, kế toán phản ánh doanh thu theo giá đã trừ chiết khấu, giảm giá (ghi nhận theo doanh thu thuần) và không phản ánh riêng số chiết khấu, giảm giá;
b) Trường hợp trên hóa đơn bán hàng chưa thể hiện số tiền chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán do khách hàng chưa đủ điều kiện để được hưởng hoặc chưa xác định được số phải chiết khấu, giảm giá thì doanh thu ghi nhận theo giá chưa trừ chiết khấu (doanh thu gộp). Sau thời điểm ghi nhận doanh thu, nếu khách hàng đủ điều kiện được hưởng chiết khấu, giảm giá thì kế toán phải ghi nhận riêng khoản chiết khấu giảm giá để định kỳ điều chỉnh giảm doanh thu gộp, ghi:
Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5212)(giá chưa có thuế)
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (số thuế của hàng giảm giá, chiết khấu thương mại)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng số tiền giảm giá).
3.4. Số chiết khấu thanh toán phải trả cho người mua do người mua thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn quy định, trừ vào khoản nợ phải thu của khách hàng, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (Số tiền chiết khấu thanh toán)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3.5. Nhận được tiền do khách hàng trả (kể cả tiền lãi của số nợ - nếu có), nhận tiền ứng trước của khách hàng theo hợp đồng bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,....
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (phần tiền lãi).
Trường hợp nhận ứng trước bằng ngoại tệ thì bên Có TK 131 ghi theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận tiền ứng trước (tỷ giá mua của ngân hàng nơi thực hiện giao dịch)
3.6. Phương pháp kế toán các khoản phải thu của nhà thầu đối với khách hàng liên quan đến hợp đồng xây dựng:
a) Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch:
- Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, kế toán căn cứ vào chứng từ phản ánh doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành (không phải hóa đơn) do nhà thầu tự xác định, ghi:
Nợ TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
- Căn cứ vào hóa đơn được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch đã ghi trong hợp đồng, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
b) Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, kế toán phải lập hóa đơn trên cơ sở phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận, căn cứ vào hóa đơn, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
c) Khoản tiền thưởng thu được từ khách hàng trả phụ thêm cho nhà thầu khi thực hiện hợp đồng đạt hoặc vượt một số chỉ tiêu cụ thể đã được ghi trong hợp đồng, ghi:
Nợ TK 131- Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
d) Khoản bồi thường thu được từ khách hàng hay các bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá trị hợp đồng (như sự chậm trễ, sai sót của khách hàng và các tranh chấp về các thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng), ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
đ) Khi nhận được tiền thanh toán khối lượng công trình hoàn thành hoặc khoản ứng trước từ khách hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3.7. Trường hợp khách hàng không thanh toán bằng tiền mà thanh toán bằng hàng (theo phương thức hàng đổi hàng), căn cứ vào giá trị vật tư, hàng hoá nhận trao đổi (tính theo giá trị hợp lý ghi trong Hoá đơn GTGT hoặc Hoá đơn bán hàng của khách hàng) trừ vào số nợ phải thu của khách hàng, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Nợ TK 611- Mua hàng (hàng tồn kho kế toán theo phương pháp KKĐK)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3.8. Trường hợp phát sinh khoản nợ phải thu khó đòi thực sự không thể thu nợ được phải xử lý xoá sổ, căn cứ vào biên bản xử lý xóa nợ, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (số đã lập dự phòng)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (số chưa lập dự phòng)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3.9. Kế toán khoản phải thu về phí ủy thác tại bên nhận ủy thác xuất nhập khẩu:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
3.10. Khi lập Báo cáo tài chính, số dư nợ phải thu của khách hàng bằng ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:
- Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, đã khấu trừ và còn được khấu trừ của doanh nghiệp.
b) Kế toán phải hạch toán riêng thuế GTGT đầu vào được khấu trừ và thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ. Trường hợp không thể hạch toán riêng được thì số thuế GTGT đầu vào được hạch toán vào tài khoản 133. Cuối kỳ, kế toán phải xác định số thuế GTGT được khấu trừ và không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT.
c) Số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được tính vào giá trị tài sản được mua, giá vốn của hàng bán ra hoặc chi phí sản xuất, kinh doanh tuỳ theo từng trường hợp cụ thể.
d) Việc xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, kê khai, quyết toán, nộp thuế phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về thuế GTGT.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Bên Nợ:
Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Bên Có:
- Số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ;
- Kết chuyển số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ;
- Thuế GTGT đầu vào của hàng hóa mua vào nhưng đã trả lại, được giảm giá;
- Số thuế GTGT đầu vào đã được hoàn lại.
Số dư bên Nợ:
Số thuế GTGT đầu vào còn được khấu trừ, số thuế GTGT đầu vào được hoàn lại nhưng NSNN chưa hoàn trả.
Tài khoản 133 - Thuế GTGT được khấu trừ, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1331 - Thuế GTGT được khấu trừ của hàng hóa, dịch vụ: Phản ánh thuế GTGT đầu vào được khấu trừ của vật tư, hàng hoá, dịch vụ mua ngoài dùng vào sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế.
- Tài khoản 1332 - Thuế GTGT được khấu trừ của tài sản cố định: Phản ánh thuế GTGT đầu vào của quá trình đầu tư, mua sắm tài sản cố định dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế, của quá trình mua sắm bất động sản đầu tư.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi mua hàng tồn kho, TSCĐ, BĐSĐT, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213, 217, 611 (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)
Có các TK 111, 112, 331,... (tổng giá thanh toán).
3.2. Khi mua vật tư, hàng hoá, công cụ, dịch vụ dùng ngay vào sản xuất, kinh doanh, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241, 242,... (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 331,... (tổng giá thanh toán).
3.3. Khi mua hàng hoá giao bán ngay cho khách hàng (không qua nhập kho), nếu thuế GTGT được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 331,... (tổng giá thanh toán).
3.4. Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ:
- Kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu bao gồm tổng số tiền phải thanh toán cho người bán (theo tỷ giá giao dịch thực tế), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển, ghi:
Nợ TK 152, 153, 156, 211
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)
Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 33381 - Thuế Bảo vệ môi trường
Có các TK 111, 112, ...
- Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).
3.5. Trường hợp hàng đã mua và đã trả lại hoặc hàng đã mua được giảm giá do kém, mất phẩm chất: Căn cứ vào chứng từ xuất hàng trả lại cho bên bán và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh giá trị hàng đã mua và đã trả lại người bán hoặc hàng đã mua được giảm giá, thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 331 (tổng giá thanh toán)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào của hàng mua trả lại hoặc được giảm giá)
Có các TK 152, 153, 156, 211,... (giá mua chưa có thuế GTGT).
3.6. Trường hợp không hạch toán riêng được thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:
a) Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (thuế GTGT đầu vào)
Có các TK 111, 112, 331,...
b) Cuối kỳ, kế toán tính và xác định thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, không được khấu trừ theo quy định của pháp luật về thuế GTGT. Đối với số thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
3.7. Vật tư, hàng hóa, TSCĐ mua vào bị tổn thất do thiên tai, hoả hoạn, bị mất, xác định do trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân phải bồi thường, nếu thuế GTGT đầu vào của số hàng hóa này không được khấu trừ:
- Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).
- Trường hợp thuế GTGT của vật tư, hàng hoá, TSCĐ mua vào bị tổn thất khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền về số thu bồi thường của các tổ chức, cá nhân, ghi:
Nợ các TK 111, 334,... (số thu bồi thường)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu được tính vào chi phí)
Có TK 138 - Phải thu khác (1381)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu xác định được nguyên nhân và có quyết định xử lý ngay).
3.8. Cuối tháng, kế toán xác định số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ vào số thuế GTGT đầu ra khi xác định số thuế GTGT phải nộp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
3.9. Khi được hoàn thuế GTGT đầu vào của hàng hoá, dịch vụ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,....
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331).
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu của doanh nghiệp với đơn vị cấp dưới hoặc giữa các đơn vị cấp dưới trực thuộc doanh nghiệp độc lập. Các đơn vị cấp dưới trực thuộc trong trường hợp này là các đơn vị không có tư cách pháp nhân, hạch toán phụ thuộc nhưng có tổ chức công tác kế toán, như các chi nhánh, xí nghiệp, Ban quản lý dự án... hạch toán phụ thuộc doanh nghiệp.
b) Quan hệ thanh toán giữa doanh nghiệp với các công ty thành viên, xí nghiệp... là đơn vị có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập không phản ánh trong tài khoản này mà phản ánh như đối với các công ty con.
c) Nội dung các khoản phải thu nội bộ phản ánh vào tài khoản 136 bao gồm:
- Ở doanh nghiệp cấp trên :
+ Vốn, quỹ hoặc kinh phí đã giao, đã cấp cho cấp dưới;
+ Các khoản cấp dưới phải nộp lên cấp trên theo quy định;
+ Các khoản nhờ cấp dưới thu hộ;
+ Các khoản đã chi, đã trả hộ cấp dưới;
+ Các khoản đã giao cho đơn vị trực thuộc để thực hiện khối lượng giao khoán nội bộ và nhận lại giá trị giao khoán nội bộ;
+ Các khoản phải thu vãng lai khác.
- Ở đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc:
+ Các khoản được doanh nghiệp cấp trên cấp nhưng chưa nhận được;
+ Giá trị sản phẩm, hàng hóa dịch vụ chuyển cho đơn vị cấp trên hoặc các đơn vị nội bộ khác để bán; Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị nội bộ;
+ Các khoản nhờ doanh nghiệp cấp trên hoặc đơn vị nội bộ khác thu hộ;
+ Các khoản đã chi, đã trả hộ doanh nghiệp cấp trên và đơn vị nội bộ khác;
+ Các khoản phải thu nội bộ vãng lai khác.
d) Tài khoản 136 phải hạch toán chi tiết theo từng đơn vị cấp dưới có quan hệ thanh toán và theo dõi riêng từng khoản phải thu nội bộ. Doanh nghiệp cần có biện pháp đôn đốc giải quyết dứt điểm các khoản nợ phải thu nội bộ trong kỳ kế toán.
đ) Cuối kỳ kế toán, phải kiểm tra, đối chiếu và xác nhận số phát sinh, số dư tài khoản 136 "Phải thu nội bộ", tài khoản 336 "Phải trả nội bộ" với các đơn vị cấp dưới có quan hệ theo từng nội dung thanh toán. Tiến hành thanh toán bù trừ theo từng khoản của từng đơn vị cấp dưới có quan hệ, đồng thời hạch toán bù trừ trên 2 tài khoản 136 “Phải thu nội bộ" và tài khoản 336 "Phải trả nội bộ" (theo chi tiết từng đối tượng). Khi đối chiếu, nếu có chênh lệch, phải tìm nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 136 - Phải thu nội bộ
Bên Nợ:
- Số vốn kinh doanh đã giao cho đơn vị cấp dưới;
- Kinh phí chủ đầu tư giao cho BQLDA; Các khoản khác được ghi tăng số phải thu của chủ đầu tư đối với BQLDA;
- Các khoản đã chi hộ, trả hộ doanh nghiệp cấp trên hoặc các đơn vị nội bộ;
- Số tiền doanh nghiệp cấp trên phải thu về, các khoản đơn vị cấp dưới phải nộp;
- Số tiền đơn vị cấp dưới phải thu về, các khoản cấp trên phải giao xuống;
- Số tiền phải thu về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ giữa các đơn vị nội bộ với nhau.
- Các khoản phải thu nội bộ khác.
Bên Có:
- Thu hồi vốn, quỹ ở đơn vị cấp dưới;
- Quyết toán với đơn vị cấp dưới về kinh phí sự nghiệp đã cấp, đã sử dụng;
- Giá trị TSCĐ hoàn thành chuyển lên từ BQLDA; Các khoản khác được ghi giảm số phải thu của chủ đầu tư đối với BQLDA;
- Số tiền đã thu về các khoản phải thu trong nội bộ;
- Bù trừ phải thu với phải trả trong nội bộ của cùng một đối tượng.
Số dư bên Nợ: Số nợ còn phải thu ở các đơn vị nội bộ.
Tài khoản 136 - Phải thu nội bộ, có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1361 - Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc: Tài khoản này chỉ mở ở doanh nghiệp cấp trên để phản ánh số vốn kinh doanh hiện có ở các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc do doanh nghiệp cấp trên giao.
Tài khoản này không phản ánh số vốn công ty mẹ đầu tư vào các công ty con hoặc số vốn doanh nghiệp đầu tư các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập. Vốn đầu tư vào các đơn vị trên trong trường hợp này phản ánh trên tài khoản 221 “Đầu tư vào công ty con”.
- Tài khoản 1362 - Phải thu nội bộ về chênh lệch tỷ giá: Tài khoản này chỉ mở ở các doanh nghiệp là Chủ đầu tư có thành lập BQLDA, dùng để phản ánh khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh ở các BQLDA chuyển lên.
- Tài khoản 1363 - Phải thu nội bộ về chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá: Tài khoản này chỉ mở ở các doanh nghiệp là Chủ đầu tư có thành lập BQLDA, dùng để phản ánh khoản chi phí đi vay được vốn hóa phát sinh tại BQLDA.
- Tài khoản 1368 - Phải thu nội bộ khác: Phản ánh tất cả các khoản phải thu khác giữa các đơn vị nội bộ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Tại đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc
a) Khi chi hộ, trả hộ doanh nghiệp cấp trên và các đơn vị nội bộ khác:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có các TK 111, 112.
b) Căn cứ vào thông báo của doanh nghiệp cấp trên về số quỹ khen thưởng, phúc lợi được cấp, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có 353 - Quỹ khen thưởng phúc lợi.
c) Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và phân cấp của từng đơn vị:
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp ghi nhận doanh thu, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Đồng thời ghi nhận giá vốn, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 154, 155, 156.
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp ghi nhận doanh thu, giá trị sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cung cấp nội bộ được phản ánh là khoản phải thu nội bộ, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có các TK 154, 155, 156
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
đ) Khi nhận được tiền hoặc vật tư, tài sản của cấp trên hoặc doanh nghiệp nội bộ khác thanh toán về các khoản phải thu, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153,...
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1368).
e) Bù trừ các khoản phải thu nội bộ với các khoản phải trả nội bộ của cùng một đối tượng, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ (3368)
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1368).
3.2. Hạch toán ở doanh nghiệp cấp trên
a) Khi doanh nghiệp cấp trên giao vốn kinh doanh cho đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc:
- Trường hợp giao vốn bằng tiền, ghi:
Nợ TK 1361 - Vốn kinh doanh ở các đơn vị trực thuộc
Có các TK 111, 112.
- Trường hợp giao vốn bằng TSCĐ, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (giá trị còn lại của TSCĐ) (1361)
Nợ TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn của TSCĐ)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
b) Trường hợp các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc nhận vốn kinh doanh trực tiếp từ Ngân sách Nhà nước theo sự uỷ quyền của doanh nghiệp cấp trên, khi đơn vị cấp dưới thực nhận vốn, doanh nghiệp cấp trên ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1361)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
c) Khi doanh nghiệp cấp trên cấp kinh phí sự nghiệp, dự án cho đơn vị cấp dưới, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có các TK 111, 112, 461,...
d) Trường hợp đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc phải hoàn lại vốn kinh doanh cho doanh nghiệp cấp trên, khi nhận được tiền do đơn vị hạch toán phụ thuộc nộp lên, ghi:
Nợ các TK 111, 112,....
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1361).
đ) Căn cứ vào báo cáo của đơn vị hạch toán phụ thuộc về số vốn kinh doanh đơn vị hạch toán phụ thuộc đã nộp Ngân sách Nhà nước theo sự uỷ quyền của cấp trên, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1361).
e) Khi bán sản phẩm, hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, tùy thuộc vào đặc điểm hoạt động và phân cấp của từng đơn vị, doanh nghiệp có thể ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa dịch vụ cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc hoặc tại thời điểm khi đơn vị hạch toán phụ thuộc bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ ra bên ngoài:
- Trường hợp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị hạch toán phụ thuộc, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Trường hợp doanh nghiệp không ghi nhận doanh thu tại thời điểm chuyển giao hàng hóa, dịch vụ cho đơn vị hạch toán phụ thuộc:
+ Khi chuyển giao hàng hóa, dịch vụ, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có các TK 154, 155, 156
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (nếu có).
+ Khi đơn vị hạch toán phụ thuộc thông báo đã tiêu thụ được sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cho bên thứ ba bên ngoài doanh nghiệp, kế toán ghi doanh thu, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ.
Đồng thời ghi nhận giá vốn, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1368).
g) Khoản phải thu về lãi của hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoạt động khác ở các đơn vị cấp dưới, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có TK 421 - Lợi nhuận chưa phân phối.
h) Khi chi hộ, trả hộ các đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có các TK 111, 112,....
i) Khi nhận được tiền do đơn vị cấp dưới nộp lên về tiền lãi kinh doanh, thanh toán các khoản đã chi hộ, trả hộ đơn vị cấp dưới, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1368).
k) Bù trừ các khoản phải thu nội bộ với các khoản phải trả nội bộ của cùng một đối tượng, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ (3368)
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1368).
3.3. Kế toán tại Chủ đầu tư có thành lập BQLDAĐT
a) Khi chủ đầu tư có quyết định giao vốn đầu tư bằng tiền, vật tư, TSCĐ cho BQLDAĐT, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1361)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có các TK 111, 112, 152
Có TK 211 - Tài sản cố định hữu hình.
b) Lãi tiền gửi ngân hàng do tạm thời chưa sử dụng vốn đầu tư do các BQLDA đầu tư chuyển lên cho Chủ đầu tư, kế toán chủ đầu tư ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1368)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
c) Chủ đầu tư kết chuyển chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá vào giá trị công trình cho BQLDAĐT tính vào chi phí đầu tư xây dựng, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1363)
Có các TK 111, 112, 242, 335.
d) Khi nhận doanh thu, doanh thu hoạt động tài chính, thu nhập khác do các BQLDAĐT nộp lên, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (1362, 1368)
Có các TK 515, 711.
đ) Khi các BQLDAĐT chuyển số thuế GTGT đầu vào khi mua NVL, CCDC, TSCĐ, dịch vụ để thực hiện dự án đầu tư cho Chủ đầu tư để khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1368).
e) Khi nhận giá vốn cung cấp dịch vụ, chi phí tài chính, chi phí khác do các BQLDAĐT chuyển lên, kế toán ghi:
Nợ các TK 632, 635, 811
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1362, 1368).
g) Khi dự án hoàn thành, nhận bàn giao công trình, kế toán chủ đầu tư ghi:
- Trường hợp nhận bàn giao công trình đã được quyết toán, chủ đầu tư ghi nhận giá trị công trình là giá đã được quyết toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 211, 213, 217, 1557
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 136 - Phải thu nội bộ (1361)
Có các TK 331, 333, … (nhận nợ phải trả nếu có).
- Trường hợp nhận bàn giao công trình chưa được quyết toán, chủ đầu tư ghi nhận giá trị công trình là giá tạm tính. Khi quyết toán phải điều chỉnh giá trị công trình theo giá được quyết toán, ghi:
+ Nếu giá được quyết toán lớn hơn giá tạm tính, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217, 1557
Có các TK liên quan.
+ Nếu giá được quyết toán nhỏ hơn giá tạm tính, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có các TK 211, 213, 217, 1557.
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản nợ phải thu ngoài phạm vi đã phản ánh ở các tài khoản phải thu (TK 131, 136) và tình hình thanh toán các khoản nợ phải thu này, gồm những nội dung chủ yếu sau:
- Giá trị tài sản thiếu đã được phát hiện nhưng chưa xác định được nguyên nhân, phải chờ xử lý;
- Các khoản phải thu về bồi thường vật chất do cá nhân, tập thể (trong và ngoài doanh nghiệp) gây ra như mất mát, hư hỏng vật tư, hàng hóa, tiền vốn,... đã được xử lý bắt bồi thường;
- Các khoản cho bên khác mượn bằng tài sản phi tiền tệ (nếu cho mượn bằng tiền thì phải kế toán là cho vay trên TK 1283);
- Các khoản đã chi cho hoạt động sự nghiệp, chi dự án, chi đầu tư XDCB, chi phí sản xuất, kinh doanh nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thu hồi;
- Các khoản chi hộ phải thu hồi, như các khoản bên nhận uỷ thác xuất nhập khẩu chi hộ, cho bên giao uỷ thác xuất khẩu về phí ngân hàng, phí giám định hải quan, phí vận chuyển, bốc vác, các khoản thuế, ...
- Các khoản phải thu phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, như: Chi phí cổ phần hoá, trợ cấp cho lao động thôi việc, mất việc, hỗ trợ đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá,...
- Tiền lãi cho vay, cổ tức, lợi nhuận phải thu từ các hoạt động đầu tư tài chính;
- Các khoản phải thu khác ngoài các khoản trên.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 138 - Phải thu khác
Bên Nợ:
- Giá trị tài sản thiếu chờ giải quyết;
- Phải thu của cá nhân, tập thể (trong và ngoài doanh nghiệp) đối với tài sản thiếu đã xác định rõ nguyên nhân và có biên bản xử lý ngay;
- Số tiền phải thu về các khoản phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
- Phải thu về tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức, lợi nhuận được chia từ các hoạt động đầu tư tài chính;
- Các khoản chi hộ bên thứ ba phải thu hồi, các khoản nợ phải thu khác;
- Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam)
Bên Có:
- Kết chuyển giá trị tài sản thiếu vào các tài khoản liên quan theo quyết định ghi trong biên bản xử lý;
- Kết chuyển các khoản phải thu về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước;
- Số tiền đã thu được về các khoản nợ phải thu khác.
- Đánh giá lại các khoản phải thu bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam)
Số dư bên Nợ:
Các khoản nợ phải thu khác chưa thu được.
Tài khoản này có thể có số dư bên Có. Số dư bên Có phản ánh số đã thu nhiều hơn số phải thu (trường hợp cá biệt và trong chi tiết của từng đối tượng cụ thể).
Tài khoản 138 - Phải thu khác, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý: Phản ánh giá trị tài sản thiếu chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý.
Về nguyên tắc trong mọi trường hợp phát hiện thiếu tài sản, phải truy tìm nguyên nhân và người phạm lỗi để có biện pháp xử lý cụ thể. Chỉ hạch toán vào tài khoản 1381 trường hợp chưa xác định được nguyên nhân về thiếu, mất mát, hư hỏng tài sản của doanh nghiệp phải chờ xử lý. Trường hợp tài sản thiếu đã xác định được nguyên nhân và đã có biên bản xử lý ngay trong kỳ thì ghi vào các tài khoản liên quan, không hạch toán qua tài khoản 1381.
- Tài khoản 1385 - Phải thu về cổ phần hóa: Phản ánh số phải thu về cổ phần hóa mà doanh nghiệp đã chi ra, như: Chi phí cổ phần hoá, trợ cấp cho lao động thôi việc, mất việc, hỗ trợ đào tạo lại lao động trong doanh nghiệp cổ phần hoá,...
- Tài khoản 1388 - Phải thu khác: Phản ánh các khoản phải thu của doanh nghiệp ngoài phạm vi các khoản phải thu phản ánh ở các TK 131, 133, 136 và TK 1381, 1385, như: Phải thu các khoản cổ tức, lợi nhuận, tiền lãi; Phải thu các khoản phải bồi thường do làm mất tiền, tài sản;...
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Tài sản cố định hữu hình dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phát hiện thiếu, chưa xác định rõ nguyên nhân, chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381) (giá trị còn lại của TSCĐ)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (nguyên giá).
3.2. TSCĐ hữu hình dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án hoặc hoạt động phúc lợi phát hiện thiếu, chưa xác định rõ nguyên nhân, chờ xử lý, ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại) (TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án)
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại) (TSCĐ dùng cho hoạt động phúc lợi)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đồng thời phản ánh phần giá trị còn lại của tài sản thiếu chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có TK 338- Phải trả, phải nộp khác (TSCĐ dùng cho sự nghiệp, DA).
3.3. Trường hợp tiền mặt tồn quỹ, vật tư, hàng hóa ,... phát hiện thiếu khi kiểm kê:
a) Khi chưa xác định rõ nguyên nhân, chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)
Có các TK 111, 152, 153, 155, 156.
b) Khi có biên bản xử lý của cấp có thẩm quyền đối với tài sản thiếu, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (cá nhân, tổ chức nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 1388 - Phải thu khác (cá nhân, tổ chức phải nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị hao hụt mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ số thu bồi thường theo quyết định xử lý)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu qua kiểm kê phải tính vào tổn thất của doanh nghiệp)
Có TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý.
c) Trường hợp tài sản phát hiện thiếu đã xác định được ngay nguyên nhân và người chịu trách nhiệm thì căn cứ nguyên nhân hoặc người chịu trách nhiệm bồi thường, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388 - Phải thu khác) (số phải bồi thường)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ số thu bồi thường theo quyết định xử lý)
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có các TK 152, 153, 155, 156
Có các TK 111, 112.
3.4. Các khoản cho mượn tài sản tạm thời, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có các TK 152, 153, 155, 156,...
3.5. Các khoản chi hộ bên thứ ba phải thu hồi, các khoản phải thu khác, ghi
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có các TK liên quan.
3.6. Kế toán giao dịch ủy thác xuất - nhập khẩu tại bên nhận ủy thác:
a) Khi bên nhận uỷ thác chi hộ cho bên giao uỷ thác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388) (nếu bên giao ủy thác chưa ứng tiền)
Nợ TK 3388- Phải trả phải nộp khác(trừ vào tiền nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112,…
b) Khi được doanh nghiệp uỷ thác xuất khẩu thanh toán bù trừ với các khoản đã chi hộ, kế toán doanh nghiệp nhận uỷ thác xuất khẩu ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả khác (3388)
Có TK 138 - Phải thu khác (1388).
c) Kế toán chi tiết các giao dịch thanh toán xuất - nhập khẩu ủy thác được thực hiện theo hướng dẫn của tài khoản 338 - Phải trả khác; Kế toán các khoản thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế nhập khẩu tại bên giao và nhận ủy thác thực hiện theo hướng dẫn của tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.7. Định kỳ khi xác định tiền lãi cho vay, lãi tiền gửi, cổ tức, lợi nhuận được chia phải thu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,.... (số đã thu được tiền)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
3.8. Khi thu được tiền của các khoản nợ phải thu khác, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 138 - Phải thu khác (1388).
3.9. Khi có quyết định xử lý nợ phải thu khác không có khả năng thu hồi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (số bồi thường của cá nhân, tập thể có liên quan)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (số bồi thường trừ vào lương)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (nếu được bù đắp bằng khoản dự phòng phải thu khó đòi)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (số hạch toán vào chi phí)
Có TK 138 - Phải thu khác (1388 - Phải thu khác).
3.10. Khi các doanh nghiệp hoàn thành thủ tục bán các khoản phải thu khác (đang được phản ánh trên Bảng Cân đối kế toán) cho công ty mua bán nợ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,.... (số tiền thu được từ việc bán khoản nợ phải thu)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (số chênh lệch được bù đắp bằng khoản dự phòng phải thu khó đòi)
Nợ các TK liên quan (số chênh lệch giữa giá gốc khoản nợ phải thu khó đòi với số tiền thu được từ bán khoản nợ và số đã được bù đắp bằng khoản dự phòng nợ phải thu khó đòi)
Có TK 138 - Phải thu khác (1388).
3.11. Khi phát sinh chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, ghi:
Nợ TK 1385 - Phải thu về cổ phần hóa (chi tiết chi phí cổ phần hóa)
Có các TK 111, 112, 152, 331,…
3.12. Khi kết thúc quá trình cổ phần hóa, doanh nghiệp phải báo cáo và thực hiện quyết toán các khoản chi về cổ phần hóa với cơ quan quyết định cổ phần hóa. Tổng số chi phí cổ phần hóa, chi trợ cấp cho lao động thôi việc, mất việc, chi hỗ trợ đào tạo lại lao động,... được trừ (-) vào số tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước thu được từ cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa (tiền thu bán cổ phần thuộc vốn NN)
Có TK 1385 - Phải thu về cổ phần hóa.
3.13. Các khoản chi cho hoạt động sự nghiệp, dự án, chi đầu tư XDCB, chi phí SXKD nhưng không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải thu hồi, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có các TK 161, 241, 641, 642,...
3.14. Khi lập Báo cáo tài chính, số dư nợ phải thu khác có gốc ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:
- Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 138 - Phải thu khác
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tạm ứng của doanh nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp và tình hình thanh toán các khoản tạm ứng đó.
b) Khoản tạm ứng là một khoản tiền hoặc vật tư do doanh nghiệp giao cho người nhận tạm ứng để thực hiện nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh hoặc giải quyết một công việc nào đó được phê duyệt. Người nhận tạm ứng phải là người lao động làm việc tại doanh nghiệp. Đối với người nhận tạm ứng thường xuyên (thuộc các bộ phận cung ứng vật tư, quản trị, hành chính) phải được Giám đốc chỉ định bằng văn bản.
c) Người nhận tạm ứng (có tư cách cá nhân hay tập thể) phải chịu trách nhiệm với doanh nghiệp về số đã nhận tạm ứng và chỉ được sử dụng tạm ứng theo đúng mục đích và nội dung công việc đã được phê duyệt. Nếu số tiền nhận tạm ứng không sử dụng hoặc không sử dụng hết phải nộp lại quỹ. Người nhận tạm ứng không được chuyển số tiền tạm ứng cho người khác sử dụng.
Khi hoàn thành, kết thúc công việc được giao, người nhận tạm ứng phải lập bảng thanh toán tạm ứng (kèm theo chứng từ gốc) để thanh toán toàn bộ, dứt điểm (theo từng lần, từng khoản) số tạm ứng đã nhận, số tạm ứng đã sử dụng và khoản chênh lệch giữa số đã nhận tạm ứng với số đã sử dụng (nếu có). Khoản tạm ứng sử dụng không hết nếu không nộp lại quỹ thì phải tính trừ vào lương của người nhận tạm ứng. Trường hợp chi quá số nhận tạm ứng thì doanh nghiệp sẽ chi bổ sung số còn thiếu.
d) Phải thanh toán dứt điểm khoản tạm ứng kỳ trước mới được nhận tạm ứng kỳ sau. Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết theo dõi cho từng người nhận tạm ứng và ghi chép đầy đủ tình hình nhận, thanh toán tạm ứng theo từng lần tạm ứng.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 141 - Tạm ứng
Bên Nợ:
Các khoản tiền, vật tư đã tạm ứng cho người lao động của doanh nghiệp.
Bên Có:
- Các khoản tạm ứng đã được thanh toán;
- Số tiền tạm ứng dùng không hết nhập lại quỹ hoặc tính trừ vào lương;
- Các khoản vật tư sử dụng không hết nhập lại kho.
Số dư bên Nợ:
Số tạm ứng chưa thanh toán.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi tạm ứng tiền hoặc vật tư cho người lao động trong doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 141 - Tạm ứng
Có các TK 111, 112, 152,...
b) Khi thực hiện xong công việc được giao, người nhận tạm ứng lập Bảng thanh toán tạm ứng kèm theo các chứng từ gốc đã được ký duyệt để quyết toán khoản tạm ứng, ghi:
Nợ các TK 152,153, 156, 241, 331, 621,623, 627, 642, ...
Có TK 141 - Tạm ứng.
c) Các khoản tạm ứng chi (hoặc sử dụng) không hết, phải nhập lại quỹ, nhập lại kho hoặc trừ vào lương của người nhận tạm ứng, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 152- Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có TK 141 - Tạm ứng.
d) Trường hợp số thực chi đã được duyệt lớn hơn số đã nhận tạm ứng, kế toán lập phiếu chi để thanh toán thêm cho người nhận tạm ứng, ghi:
Nợ các TK 152, 153,156, 241, 621, 622, 627,...
Có TK 111 - Tiền mặt.
1. Nhóm tài khoản hàng tồn kho được dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động hàng tồn kho của doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên) hoặc được dùng để phản ánh giá trị hàng tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ kế toán của doanh nghiệp (nếu doanh nghiệp thực hiện kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
2. Hàng tồn kho của doanh nghiệp là những tài sản được mua vào để sản xuất hoặc để bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường, gồm:
- Hàng mua đang đi trên đường;
- Nguyên liệu, vật liệu; Công cụ, dụng cụ;
- Sản phẩm dở dang;
- Thành phẩm, hàng hoá; hàng gửi bán;
- Hàng hoá được lưu giữ tại kho bảo thuế của doanh nghiệp.
Đối với sản phẩm dở dang, nếu thời gian sản xuất, luân chuyển vượt quá một chu kỳ kinh doanh thông thường thì không được trình bày là hàng tồn kho trên Bảng cấn đối kế toán mà trình bày là tài sản dài hạn.
Đối với vật tư, thiết bị, phụ tùng thay thế có thời gian dự trữ trên 12 tháng hoặc hơn một chu kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường thì không được trình bày là hàng tồn kho trên Bảng cấn đối kế toán mà trình bày là tài sản dài hạn.
3. Các loại sản phẩm, hàng hóa, vật tư, tài sản nhận giữ hộ, nhận ký gửi, nhận ủy thác xuất nhập khẩu, nhận gia công... không thuộc quyền sở hữu và kiểm soát của doanh nghiệp thì không được phản ánh là hàng tồn kho.
4. Kế toán hàng tồn kho phải được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” khi xác định giá gốc hàng tồn kho, phương pháp tính giá trị hàng tồn kho, xác định giá trị thuần có thể thực hiện được, lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho và ghi nhận chi phí.
5. Nguyên tắc xác định giá gốc hàng tồn kho được quy định cụ thể cho từng loại vật tư, hàng hoá, theo nguồn hình thành và thời điểm tính giá.
6. Các khoản thuế không được hoàn lại được tính vào giá trị hàng tồn kho như: Thuế GTGT đầu vào của hàng tồn kho không được khấu trừ, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường phải nộp khi mua hàng tồn kho.
7. Khi mua hàng tồn kho nếu được nhận kèm thêm sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, phụ tùng thay thế (phòng ngừa trường hợp hỏng hóc) thì kế toán phải xác định và ghi nhận riêng sản phẩm, phụ tùng thiết bị thay thế theo giá trị hợp lý. Giá trị sản phẩm, hàng mua được xác định bằng tổng giá trị của hàng được mua trừ đi giá trị sản phẩm, thiết bị, phụ tùng thay thế.
8. Khi bán hàng tồn kho, giá gốc của hàng tồn kho đã bán được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với doanh thu liên quan đến chúng được ghi nhận và phù hợp với bản chất giao dịch. Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo thì thực hiện theo nguyên tắc:
a) Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa...., kế toán ghi nhận giá trị hàng tồn kho vào chi phí bán hàng (chi tiết hàng khuyến mại, quảng cáo);
b) Trường hợp xuất hàng tồn kho để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm....) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).
9. Khi xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ, doanh nghiệp áp dụng theo một trong các phương pháp sau:
a) Phương pháp tính theo giá đích danh: Phương pháp tính theo giá đích danh được áp dụng dựa trên giá trị thực tế của từng thứ hàng hoá mua vào, từng thứ sản phẩm sản xuất ra nên chỉ áp dụng cho các doanh nghiệp có ít mặt hàng hoặc mặt hàng ổn định và nhận diện được.
b) Phương pháp bình quân gia quyền: Theo phương pháp bình quân gia quyền, giá trị của từng loại hàng tồn kho được tính theo giá trị trung bình của từng loại hàng tồn kho đầu kỳ và giá trị từng loại hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất trong kỳ. Giá trị trung bình có thể được tính theo từng kỳ hoặc sau từng lô hàng nhập về, phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi doanh nghiệp.
c) Phương pháp nhập trước, xuất trước (FIFO): Phương pháp nhập trước, xuất trước áp dụng dựa trên giả định là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc được sản xuất trước thì được xuất trước, và giá trị hàng tồn kho còn lại cuối kỳ là giá trị hàng tồn kho được mua hoặc sản xuất gần thời điểm cuối kỳ. Theo phương pháp này thì giá trị hàng xuất kho được tính theo giá của lô hàng nhập kho ở thời điểm đầu kỳ hoặc gần đầu kỳ, giá trị của hàng tồn kho cuối kỳ được tính theo giá của hàng nhập kho ở thời điểm cuối kỳ hoặc gần cuối kỳ còn tồn kho.
Mỗi phương pháp tính giá trị hàng tồn kho đều có những ưu, nhược điểm nhất định. Mức độ chính xác và độ tin cậy của mỗi phương pháp tuỳ thuộc vào yêu cầu quản lý, trình độ, năng lực nghiệp vụ và trình độ trang bị công cụ tính toán, phương tiện xử lý thông tin của doanh nghiệp. Đồng thời cũng tuỳ thuộc vào yêu cầu bảo quản, tính phức tạp về chủng loại, quy cách và sự biến động của vật tư, hàng hóa ở doanh nghiệp.
10. Đối với hàng tồn kho mua vào bằng ngoại tệ, phần giá mua phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh để ghi giá trị hàng tồn kho đã nhập kho (trừ trường hợp có ứng trước tiền cho người bán thì giá trị hàng tồn kho tương ứng với số tiền ứng trước được ghi nhận theo tỷ giá tại thời điểm ứng trước). Phần thuế nhập khẩu phải nộp được xác định theo tỷ giá tính thuế nhập khẩu của cơ quan Hải quan theo quy định của pháp luật. Chi tiết về kế toán chênh lệch tỷ giá được thực hiện theo quy định tại Điều 69 – hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
11. Đến cuối niên độ kế toán, nếu xét thấy giá trị hàng tồn kho không thu hồi đủ do bị hư hỏng, lỗi thời, giá bán bị giảm hoặc chi phí hoàn thiện, chi phí bán hàng tăng lên thì phải ghi giảm giá gốc hàng tồn kho cho bằng giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho. Giá trị thuần có thể thực hiện được là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thiện sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc tiêu thụ chúng.
Việc ghi giảm giá gốc hàng tồn kho cho bằng giá trị thuần có thể thực hiện được được thực hiện bằng cách lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho. Số dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập là số chênh lệch giữa giá gốc của hàng tồn kho lớn hơn giá trị thuần có thể thực hiện được của chúng.
Tất cả các khoản chênh lệch giữa khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối kỳ kế toán trước, các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho, sau khi đã trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, và chi phí sản xuất chung không phân bổ, được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đã lập ở cuối kỳ kế toán trước, thì số chênh lệch nhỏ hơn phải được hoàn nhập ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh.
12. Kế toán hàng tồn kho phải đồng thời kế toán chi tiết cả về giá trị và hiện vật theo từng thứ, từng loại, quy cách vật tư, hàng hóa theo từng địa điểm quản lý và sử dụng, luôn phải đảm bảo sự khớp, đúng cả về giá trị và hiện vật giữa thực tế về vật tư, hàng hóa với sổ kế toán tổng hợp và sổ kế toán chi tiết.
13. Trong một doanh nghiệp (một đơn vị kế toán) chỉ được áp dụng một trong hai phương pháp kế toán hàng tồn kho: Phương pháp kê khai thường xuyên, hoặc phương pháp kiểm kê định kỳ. Việc lựa chọn phương pháp kế toán hàng tồn kho áp dụng tại doanh nghiệp phải căn cứ vào đặc điểm, tính chất, số lượng, chủng loại vật tư, hàng hóa và yêu cầu quản lý để có sự vận dụng thích hợp và phải được thực hiện nhất quán trong niên độ kế toán.
Các phương pháp kế toán hàng tồn kho.
a) Phương pháp kê khai thường xuyên: Phương pháp kê khai thường xuyên là phương pháp theo dõi và phản ánh thường xuyên, liên tục, có hệ thống tình hình nhập, xuất, tồn vật tư, hàng hóa trên sổ kế toán. Trong trường hợp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên, các tài khoản kế toán hàng tồn kho được dùng để phản ánh số hiện có, tình hình biến động tăng, giảm của vật tư, hàng hóa. Vì vậy, giá trị hàng tồn kho trên sổ kế toán có thể được xác định ở bất kỳ thời điểm nào trong kỳ kế toán.
Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào số liệu kiểm kê thực tế hàng tồn kho, so sánh, đối chiếu với số liệu hàng tồn kho trên sổ kế toán. Về nguyên tắc số tồn kho thực tế phải luôn phù hợp với số tồn kho trên sổ kế toán. Nếu có chênh lệch phải truy tìm nguyên nhân và có giải pháp xử lý kịp thời. Phương pháp kê khai thường xuyên thường áp dụng cho các doanh nghiệp sản xuất (công nghiệp, xây lắp...) và các doanh nghiệp thương nghiệp kinh doanh các mặt hàng có giá trị lớn như máy móc, thiết bị, hàng có kỹ thuật, chất lượng cao...
b) Phương pháp kiểm kê định kỳ:
- Phương pháp kiểm kê định kỳ là phương pháp hạch toán căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế để phản ánh giá trị tồn kho cuối kỳ vật tư, hàng hóa trên sổ kế toán tổng hợp và từ đó tính giá trị của hàng hóa, vật tư đã xuất trong kỳ theo công thức:
Trị giá hàng xuất kho trong kỳ |
= |
Trị giá hàng tồn kho đầu kỳ |
+ |
Tổng trị giá hàng nhập kho trong kỳ |
- |
Trị giá hàng tồn kho cuối kỳ |
- Theo phương pháp kiểm kê định kỳ, mọi biến động của vật tư, hàng hóa (nhập kho, xuất kho) không theo dõi, phản ánh trên các tài khoản kế toán hàng tồn kho. Giá trị của vật tư, hàng hóa mua và nhập kho trong kỳ được theo dõi, phản ánh trên một tài khoản kế toán riêng (tài khoản 611 “Mua hàng”).
- Công tác kiểm kê vật tư, hàng hóa được tiến hành cuối mỗi kỳ kế toán để xác định trị giá vật tư, hàng hóa tồn kho thực tế, trị giá vật tư, hàng hóa xuất kho trong kỳ (tiêu dùng cho sản xuất hoặc xuất bán) làm căn cứ ghi sổ kế toán của tài khoản 611 “Mua hàng”. Như vậy, khi áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ, các tài khoản kế toán hàng tồn kho chỉ sử dụng ở đầu kỳ kế toán (để kết chuyển số dư đầu kỳ) và cuối kỳ kế toán (để phản ánh giá trị thực tế hàng tồn kho cuối kỳ).
- Phương pháp kiểm kê định kỳ thường áp dụng ở các doanh nghiệp có nhiều chủng loại hàng hóa, vật tư với quy cách, mẫu mã rất khác nhau, giá trị thấp, hàng hóa, vật tư xuất dùng hoặc xuất bán thường xuyên (cửa hàng bán lẻ...). Phương pháp kiểm kê định kỳ hàng tồn kho có ưu điểm là đơn giản, giảm nhẹ khối lượng công việc hạch toán. Nhưng độ chính xác về giá trị vật tư, hàng hóa xuất dùng, xuất bán bị ảnh hưởng của chất lượng công tác quản lý tại kho, quầy, bến bãi.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá của các loại hàng hóa, vật tư (nguyên liệu, vật liệu; công cụ, dụng cụ; hàng hóa) mua ngoài đã thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp còn đang trên đường vận chuyển, ở bến cảng, bến bãi, kho ngoại quan hoặc đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ kiểm nhận nhập kho.
b) Hàng hóa, vật tư được coi là thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng chưa nhập kho, bao gồm:
- Hàng hóa, vật tư mua ngoài đã thanh toán tiền hoặc đã chấp nhận thanh toán nhưng còn để ở kho người bán, ở bến cảng, bến bãi hoặc đang trên đường vận chuyển;
- Hàng hóa, vật tư mua ngoài đã về đến doanh nghiệp nhưng đang chờ kiểm nghiệm, kiểm nhận nhập kho.
c) Kế toán hàng mua đang đi đường được ghi nhận trên tài khoản 151 theo nguyên tắc giá gốc quy định trong Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”.
d) Hàng ngày, khi nhận được hóa đơn mua hàng, nhưng hàng chưa về nhập kho, kế toán chưa ghi sổ mà tiến hành đối chiếu với hợp đồng kinh tế và lưu hóa đơn vào tập hồ sơ riêng: “Hàng mua đang đi đường”.
Trong tháng, nếu hàng về nhập kho, kế toán căn cứ vào phiếu nhập kho và hóa đơn mua hàng ghi sổ trực tiếp vào các tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”, tài khoản 153 “Công cụ, dụng cụ”, tài khoản 156 “Hàng hóa”, tài khoản 158 “Hàng hoá kho bảo thuế”.
đ) Nếu cuối tháng hàng vẫn chưa về thì căn cứ hóa đơn mua hàng ghi vào tài khoản 151 “Hàng mua đang đi đường”. Kế toán phải mở chi tiết để theo dõi hàng mua đang đi đường theo từng chủng loại hàng hóa, vật tư, từng lô hàng, từng hợp đồng kinh tế.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 151 - Hàng mua đang đi đường
Bên Nợ:
- Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường;
- Kết chuyển trị giá thực tế của hàng vật tư mua đang đi đường cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường đã về nhập kho hoặc đã chuyển giao thẳng cho khách hàng;
- Kết chuyển trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá hàng hóa, vật tư đã mua nhưng còn đang đi đường (chưa về nhập kho doanh nghiệp).
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
- Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào hóa đơn mua hàng của các loại hàng mua chưa về nhập kho, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 151 - Hàng mua đang đi đường (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 331 - Phải trả cho người bán; hoặc
Có các TK 111, 112, 141,...
- Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị hàng mua bao gồm cả thuế GTGT
- Sang tháng sau, khi hàng về nhập kho, căn cứ hóa đơn và phiếu nhập kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
- Trường hợp sang tháng sau hàng hóa, vật tư đã mua đang đi đường không nhập kho mà giao thẳng cho khách hàng theo hợp đồng kinh tế tại phương tiện, tại kho người bán, tại bến cảng, bến bãi, hoặc gửi thẳng cho khách hàng, gửi bán đại lý, ký gửi, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán; hoặc
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
- Trường hợp hàng mua đang đi đường bị hao hụt, mất mát phát hiện ngay khi phát sinh hoặc khi kiểm kê cuối kỳ, căn cứ vào biên bản về mất mát, hao hụt, kế toán phản ánh giá trị hàng tồn kho bị mất mát, hao hụt, ghi:
Nợ TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
b) Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
- Đầu kỳ, kế toán căn cứ trị giá thực tế hàng hoá, vật tư đang đi đường đã kết chuyển cuối kỳ trước kết chuyển trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đang đi đường đầu kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
- Cuối kỳ, kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định trị giá thực tế của hàng hóa, vật tư đã mua nhưng chưa về nhập kho (còn đang đi đường cuối kỳ), ghi:
Nợ TK 151 - Hàng mua đang đi đường
Có TK 611 - Mua hàng.
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của các loại nguyên liệu, vật liệu trong kho của doanh nghiệp. Nguyên liệu, vật liệu của doanh nghiệp là những đối tượng lao động mua ngoài hoặc tự chế biến dùng cho mục đích sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Nguyên liệu, vật liệu phản ánh vào tài khoản này được phân loại như sau:
- Nguyên liệu, vật liệu chính: Là những loại nguyên liệu và vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất thì cấu thành thực thể vật chất, thực thể chính của sản phẩm. Vì vậy khái niệm nguyên liệu, vật liệu chính gắn liền với từng doanh nghiệp sản xuất cụ thể. Trong các doanh nghiệp kinh doanh thương mại, dịch vụ... không đặt ra khái niệm vật liệu chính, vật liệu phụ. Nguyên liệu, vật liệu chính cũng bao gồm cả nửa thành phẩm mua ngoài với mục đích tiếp tục quá trình sản xuất, chế tạo ra thành phẩm.
- Vật liệu phụ: Là những loại vật liệu khi tham gia vào quá trình sản xuất, không cấu thành thực thể chính của sản phẩm nhưng có thể kết hợp với vật liệu chính làm thay đổi màu sắc, mùi vị, hình dáng bề ngoài, tăng thêm chất lượng của sản phẩm hoặc tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm được thực hiện bình thường, hoặc phục vụ cho nhu cầu công nghệ, kỹ thuật, bảo quản đóng gói; phục vụ cho quá trình lao động.
- Nhiên liệu: Là những thứ có tác dụng cung cấp nhiệt lượng trong quá trình sản xuất, kinh doanh tạo điều kiện cho quá trình chế tạo sản phẩm diễn ra bình thường. Nhiên liệu có thể tồn tại ở thể lỏng, thể rắn và thể khí.
- Vật tư thay thế: Là những vật tư dùng để thay thế, sửa chữa máy móc thiết bị, phương tiện vận tải, công cụ, dụng cụ sản xuất...
- Vật liệu và thiết bị xây dựng cơ bản: Là những loại vật liệu và thiết bị được sử dụng cho công việc xây dựng cơ bản. Đối với thiết bị xây dựng cơ bản bao gồm cả thiết bị cần lắp, không cần lắp, công cụ, khí cụ và vật kết cấu dùng để lắp đặt vào công trình xây dựng cơ bản.
b) Kế toán nhập, xuất, tồn kho nguyên liệu, vật liệu trên tài khoản 152 phải được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc quy định trong chuẩn mực “Hàng tồn kho”. Nội dung giá gốc của nguyên liệu, vật liệu được xác định tuỳ theo từng nguồn nhập.
- Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu mua ngoài, bao gồm: Giá mua ghi trên hóa đơn, thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường phải nộp (nếu có), chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản, phân loại, bảo hiểm,... nguyên liệu, vật liệu từ nơi mua về đến kho của doanh nghiệp, công tác phí của cán bộ thu mua, chi phí của bộ phận thu mua độc lập, các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến việc thu mua nguyên vật liệu và số hao hụt tự nhiên trong định mức (nếu có):
+ Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu được khấu trừ thì giá trị của nguyên liệu, vật liệu mua vào được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT. Nếu thuế GTGT hàng nhập khẩu không được khấu trừ thì giá trị của nguyên liệu, vật liệu mua vào bao gồm cả thuế GTGT.
+ Đối với nguyên liệu, vật liệu mua bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 69 – hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu tự chế biến, bao gồm: Giá thực tế của nguyên liệu xuất chế biến và chi phí chế biến.
- Giá gốc của nguyên liệu, vật liệu thuê ngoài gia công chế biến, bao gồm: Giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công chế biến, chi phí vận chuyển vật liệu đến nơi chế biến và từ nơi chế biến về doanh nghiệp, tiền thuê ngoài gia công chế biến.
- Giá gốc của nguyên liệu nhận góp vốn liên doanh, cổ phần là giá trị được các bên tham gia góp vốn liên doanh thống nhất đánh giá chấp thuận.
c) Việc tính trị giá của nguyên liệu, vật liệu tồn kho, được thực hiện theo một trong các phương pháp sau:
- Phương pháp giá đích danh;
- Phương pháp bình quân gia quyền sau mỗi lần nhập hoặc cuối kỳ;
- Phương pháp nhập trước, xuất trước.
Doanh nghiệp lựa chọn phương pháp tính giá nào thì phải đảm bảo tính nhất quán trong cả niên độ kế toán.
d) Kế toán chi tiết nguyên liệu, vật liệu phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, thứ nguyên liệu, vật liệu. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng giá hạch toán trong kế toán chi tiết nhập, xuất nguyên liệu, vật liệu, thì cuối kỳ kế toán phải tính hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán của nguyên liệu, vật liệu để tính giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất dùng trong kỳ theo công thức:
Hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán của NVL (1) |
= |
Giá thực tế của NVL tồn kho đầu kỳ |
+ |
Giá thực tế của NVL nhập kho trong kỳ |
Giá hạch toán của NVL tồn kho đầu kỳ |
+ |
Giá hạch toán của NVL nhập kho trong kỳ |
Giá thực tế của NVL xuất dùng trong kỳ |
= |
Giá hạch toán của NVL xuất dùng trong kỳ |
x |
Hệ số chênh lệch giữa giá thực tế và giá hạch toán của NVL (1) |
đ) Không phản ánh vào tài khoản này đối với nguyên vật liệu không thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp như nguyên vật liệu nhận giữ hộ, nguyên vật liệu nhận để gia công, nguyên vật liệu nhận từ bên giao ủy thác xuất-nhập khẩu...
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Bên Nợ:
- Trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công, chế biến, nhận góp vốn hoặc từ các nguồn khác;
- Trị giá nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện khi kiểm kê;
- Kết chuyển trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu xuất kho dùng vào sản xuất, kinh doanh, để bán, thuê ngoài gia công chế biến, hoặc đưa đi góp vốn;
- Trị giá nguyên liệu, vật liệu trả lại người bán hoặc được giảm giá hàng mua;
- Chiết khấu thương mại nguyên liệu, vật liệu khi mua được hưởng;
- Trị giá nguyên liệu, vật liệu hao hụt, mất mát phát hiện khi kiểm kê;
- Kết chuyển trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ:
Trị giá thực tế của nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
a) Khi mua nguyên liệu, vật liệu về nhập kho, căn cứ hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan phản ánh giá trị nguyên liệu, vật liệu nhập kho:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 141, 331,... (tổng giá thanh toán).
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị nguyên vật liệu bao gồm cả thuế GTGT.
b) Kế toán nguyên vật liệu trả lại cho người bán, khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được khi mua nguyên vật liệu:
- Trường hợp trả lại nguyên vật liệu cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
- Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua nguyên, vật liệu (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của nguyên vật liệu để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số nguyên vật liệu còn tồn kho, số đã xuất dùng cho sản xuất sản phẩm hoặc cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:
Nợ các TK 111, 112, 331,....
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (nếu NVL còn tồn kho)
Có các TK 621, 623, 627, 154 (nếu NVL đã xuất dùng cho sản xuất)
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (nếu NVL đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do NVL đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)
Có các TK 641, 642 (NVL dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
c) Trường hợp doanh nghiệp đã nhận được hóa đơn mua hàng nhưng nguyên liệu, vật liệu chưa về nhập kho doanh nghiệp thì kế toán lưu hóa đơn vào một tập hồ sơ riêng “Hàng mua đang đi đường”.
- Nếu trong tháng hàng về thì căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho để ghi vào tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”.
- Nếu đến cuối tháng nguyên liệu, vật liệu vẫn chưa về thì căn cứ vào hóa đơn, kế toán ghi nhận theo giá tạm tính:
Nợ TK 151 - Hàng mua đang đi đường
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán; hoặc
Có các TK 111, 112, 141,...
- Sang tháng sau, khi nguyên liệu, vật liệu về nhập kho, căn cứ vào hóa đơn và phiếu nhập kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
d) Khi trả tiền cho người bán, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán, thì khoản chiết khấu thanh toán thực tế được hưởng được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán).
đ) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu:
- Khi nhập khẩu nguyên vật liệu, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)
Có TK 3332- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
- Trường hợp mua nguyên vật liệu có trả trước cho người bán một phần bằng ngoại tệ thì phần giá trị nguyên vật liệu tương ứng với số tiền trả trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị nguyên vật liệu bằng ngoại tệ chưa trả được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm mua nguyên vật liệu.
e) Các chi phí về thu mua, bốc xếp, vận chuyển nguyên liệu, vật liệu từ nơi mua về kho doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 141, 331,...
g) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập kho do thuê ngoài gia công, chế biến:
- Khi xuất nguyên liệu, vật liệu đưa đi gia công, chế biến, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
- Khi phát sinh chi phí thuê ngoài gia công, chế biến, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 131, 141,...
- Khi nhập lại kho số nguyên liệu, vật liệu thuê ngoài gia công, chế biến xong, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
h) Đối với nguyên liệu, vật liệu nhập kho do tự chế:
- Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu để tự chế biến, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
- Khi nhập kho nguyên liệu, vật liệu đã tự chế, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
i) Đối với nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện khi kiểm kê đã xác định được nguyên nhân thì căn cứ nguyên nhân thừa để ghi sổ, nếu chưa xác định được nguyên nhân thì căn cứ vào giá trị nguyên liệu, vật liệu thừa, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381).
- Khi có quyết định xử lý nguyên liệu, vật liệu thừa phát hiện trong kiểm kê, căn cứ vào quyết định xử lý, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381)
Có các tài khoản có liên quan.
- Nếu xác định ngay khi kiểm kê số nguyên liệu, vật liệu thừa là của các doanh nghiệp khác khi nhập kho chưa ghi tăng TK 152 thì không ghi vào bên Có tài khoản 338 (3381) mà doanh nghiệp chủ động ghi chép và theo dõi trong hệ thống quản trị và trình bày trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
k) Khi xuất kho nguyên liệu, vật liệu sử dụng vào sản xuất, kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642,...
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
l) Xuất nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho hoạt động đầu tư xây dựng cơ bản hoặc sửa chữa lớn TSCĐ, ghi:
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
m) Đối với nguyên liệu, vật liệu đưa đi góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết: Khi xuất nguyên liệu, vật liệu, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (theo giá trị ghi sổ)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ).
n) Khi xuất nguyên liệu, vật liệu dùng để mua lại phần vốn góp tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
- Ghi nhận doanh thu bán nguyên vật liệu và khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá trị hợp lý)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT đầu ra phải nộp.
- Ghi nhận giá vốn nguyên vật liệu dùng để mua lại phần vốn góp tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
o) Đối với nguyên liệu, vật liệu thiếu hụt phát hiện khi kiểm kê:
Mọi trường hợp thiếu hụt nguyên liệu, vật liệu trong kho hoặc tại nơi quản lý, bảo quản phát hiện khi kiểm kê phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân, xác định người phạm lỗi. Căn cứ vào biên bản kiểm kê và quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền để ghi sổ kế toán:
- Nếu do nhầm lẫn hoặc chưa ghi sổ phải tiến hành ghi bổ sung hoặc điều chỉnh lại số liệu trên sổ kế toán;
- Nếu giá trị nguyên liệu, vật liệu hao hụt nằm trong phạm vi hao hụt cho phép (hao hụt vật liệu trong định mức), ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
- Nếu số hao hụt, mất mát chưa xác định rõ nguyên nhân phải chờ xử lý, căn cứ vào giá trị hao hụt, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
- Khi có quyết định xử lý, căn cứ vào quyết định, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (người phạm lỗi nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388) (tiền bồi thường của người phạm lỗi)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (trừ tiền lương của người phạm lỗi)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần giá trị hao hụt, mất mát nguyên liệu, vật liệu còn lại phải tính vào giá vốn hàng bán)
Có TK 138 - Phải thu khác (1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý).
p) Đối với nguyên vật liệu, phế liệu ứ đọng, không cần dùng:
- Khi thanh lý, nhượng bán nguyên vật liệu, phế liệu, kế toán phản ánh giá vốn ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
- Kế toán phản ánh doanh thu bán nguyên vật liệu, phế liệu, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
a) Đầu kỳ, kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu tồn kho đầu kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
b) Cuối kỳ, căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định giá trị nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 611 - Mua hàng.
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại công cụ, dụng cụ của doanh nghiệp. Công cụ, dụng cụ là những tư liệu lao động không có đủ các tiêu chuẩn về giá trị và thời gian sử dụng quy định đối với TSCĐ. Vì vậy công cụ, dụng cụ được quản lý và hạch toán như nguyên liệu, vật liệu. Theo quy định hiện hành, những tư liệu lao động sau đây nếu không đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ thì được ghi nhận là công cụ, dụng cụ:
- Các đà giáo, ván khuôn, công cụ, dụng cụ gá lắp chuyên dùng cho sản xuất xây lắp;
- Các loại bao bì bán kèm theo hàng hóa có tính tiền riêng, nhưng trong quá trình bảo quản hàng hóa vận chuyển trên đường và dự trữ trong kho có tính giá trị hao mòn để trừ dần giá trị của bao bì;
- Những dụng cụ, đồ nghề bằng thuỷ tinh, sành, sứ;
- Phương tiện quản lý, đồ dùng văn phòng;
- Quần áo, giày dép chuyên dùng để làm việc,...
b) Kế toán nhập, xuất, tồn kho công cụ, dụng cụ trên tài khoản 153 được thực hiện theo giá gốc. Nguyên tắc xác định giá gốc nhập kho công cụ, dụng cụ được thực hiện như quy định đối với nguyên liệu, vật liệu (xem giải thích ở TK 152).
c) Việc tính giá trị công cụ, dụng cụ tồn kho cũng được thực hiện theo một trong ba phương pháp sau:
- Nhập trước - Xuất trước;
- Thực tế đích danh;
- Bình quân gia quyền.
d) Kế toán chi tiết công cụ, dụng cụ phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm, từng thứ công cụ, dụng cụ. Công cụ, dụng cụ xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê phải được theo dõi về hiện vật và giá trị trên sổ kế toán chi tiết theo nơi sử dụng, theo đối tượng thuê và người chịu trách nhiệm vật chất. Đối với công cụ, dụng cụ có giá trị lớn, quý hiếm phải có thể thức bảo quản đặc biệt.
đ) Đối với các công cụ, dụng cụ có giá trị nhỏ khi xuất dùng cho sản xuất, kinh doanh phải ghi nhận toàn bộ một lần vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
e) Trường hợp công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê xuất dùng hoặc cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán thì được ghi nhận vào tài khoản 242 “Chi phí trả trước” và phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
g) Công cụ, dụng cụ liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 69 – hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 153 - Công cụ, dụng cụ
Bên Nợ:
- Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ nhập kho do mua ngoài, tự chế, thuê ngoài gia công chế biến, nhận góp vốn;
- Trị giá công cụ, dụng cụ cho thuê nhập lại kho;
- Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ thừa phát hiện khi kiểm kê;
- Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ xuất kho sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, cho thuê hoặc góp vốn;
- Chiết khấu thương mại khi mua công cụ, dụng cụ được hưởng;
- Trị giá công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán hoặc được người bán giảm giá;
- Trị giá công cụ, dụng cụ thiếu phát hiện trong kiểm kê;
- Kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho.
Tài khoản 153 - Công cụ, dụng cụ, có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1531 - Công cụ, dụng cụ: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động các loại công cụ, dụng cụ.
- Tài khoản 1532 - Bao bì luân chuyển: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động các loại bao bì luân chuyển sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Bao bì luân chuyển là các loại bao bì sử dụng nhiều lần, cho nhiều chu kỳ sản xuất, kinh doanh. Trị giá của bao bì luân chuyển khi xuất dùng được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh của nhiều kỳ hạch toán.
- Tài khoản 1533 - Đồ dùng cho thuê : Phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động các loại công cụ, dụng cụ doanh nghiệp chuyên dùng để cho thuê. Chỉ hạch toán vào tài khoản này những công cụ, dụng cụ doanh nghiệp mua vào với mục đích cho thuê, trường hợp không phân biệt được thì hạch toán vào tài khoản 1531. Trường hợp cho thuê công cụ, dụng cụ dùng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thì ngoài việc hạch toán trên tài khoản cấp 1 còn phải hạch toán chuyển công cụ, dụng cụ trên tài khoản cấp 2.
- Tài khoản 1534 - Thiết bị, phụ tùng thay thế: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động các loại thiết bị, phụ tùng thay thế không đủ tiêu chuẩn của TSCĐ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Trị giá của thiết bị, phụ tùng thay thế khi xuất dùng được ngay một lần vào chi phí sản xuất kinh doanh hoặc phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh nếu được sử dụng như công cụ, dụng cụ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
a) Mua công cụ, dụng cụ nhập kho, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì giá trị của công cụ, dụng cụ được phản ánh theo giá mua chưa có thuế GTGT, căn cứ vào hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan, ghi:
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ (giá chưa có thuế GTGT )
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (số thuế GTGT đầu vào) (1331)
Có các TK 111, 112, 141, 331,... (tổng giá thanh toán).
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị công cụ, dụng cụ mua vào bao gồm cả thuế GTGT.
b) Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua công cụ, dụng cụ (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của công cụ, dụng cụ để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số công cụ, dụng cụ còn tồn kho hoặc số đã xuất dùng cho hoạt động sản xuất kinh doanh:
Nợ các TK 111, 112, 331,....
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ (nếu công cụ, dụng cụ còn tồn kho)
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (nếu công cụ, dụng cụ đã xuất
dùng cho sản xuất kinh doanh) Có các TK 641, 642 (nếu công cụ, dụng cụ đã xuất dùng cho hoạt động bán hàng, quản lý doanh nghiệp)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (nếu được phân bổ dần)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu sản phẩm do công cụ, dụng cụ đó cấu thành đã được xác định là tiêu thụ trong kỳ)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
c) Trả lại công cụ, dụng cụ đã mua cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ (giá trị công cụ, dụng cụ trả lại)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có) (thuế GTGT đầu vào của công cụ, dụng cụ trả lại cho người bán).
d) Phản ánh chiết khấu thanh toán được hưởng (nếu có), ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
đ) Xuất công cụ, dụng cụ sử dụng cho sản xuất, kinh doanh:
- Nếu giá trị công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến một kỳ kế toán được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh một lần, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ (1531, 1532).
- Nếu giá trị công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến nhiều kỳ kế toán được phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:
+ Khi xuất công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
+ Khi phân bổ vào chi phí sản xuất, kinh doanh cho từng kỳ kế toán, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641,642,...
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
- Ghi nhận doanh thu về cho thuê công cụ, dụng cụ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
- Nhận lại công cụ, dụng cụ cho thuê, ghi:
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ (1533)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (giá trị còn lại chưa tính vào chi phí).
g) Đối với công cụ, dụng cụ nhập khẩu:
- Khi nhập khẩu công cụ, dụng cụ, ghi:
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)
Có TK 3332- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có).
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
- Trường hợp mua công cụ, dụng cụ có trả trước cho người bán một phần bằng ngoại tệ thì phần giá trị công cụ, dụng cụ tương ứng với số tiền trả trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị công cụ, dụng cụ bằng ngoại tệ chưa trả được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm mua công cụ, dụng cụ.
h) Khi kiểm kê phát hiện công cụ, dụng cụ thừa, thiếu, mất, hư hỏng, kế toán xử lý tương tự như đối với nguyên vật liệu (xem TK 152).
i) Đối với công cụ, dụng cụ không cần dùng:
- Khi thanh lý, nhượng bán công cụ, dụng cụ kế toán phản ánh giá vốn ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
- Kế toán phản ánh doanh thu bán công cụ, dụng cụ ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5118)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
a) Đầu kỳ kế toán, kết chuyển trị giá thực tế của công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
b) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê xác định trị giá công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ
Có TK 611 - Mua hàng.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất, kinh doanh phục vụ cho việc tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên trong hạch toán hàng tồn kho. Ở những doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ trong hạch toán hàng tồn kho, tài khoản 154 chỉ phản ánh giá trị thực tế của sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ.
b) Tài khoản 154 "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh phát sinh trong kỳ; chi phí sản xuất, kinh doanh của khối lượng sản phẩm, dịch vụ hoàn thành trong kỳ; chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ, cuối kỳ của các hoạt động sản xuất, kinh doanh chính, phụ và thuê ngoài gia công chế biến ở các doanh nghiệp sản xuất hoặc ở các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ. Tài khoản 154 cũng phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh của các hoạt động sản xuất, gia công chế biến, hoặc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp thương mại, nếu có tổ chức các loại hình hoạt động này.
c) Chi phí sản xuất, kinh doanh hạch toán trên tài khoản 154 phải được chi tiết theo địa điểm phát sinh chi phí (phân xưởng, bộ phận sản xuất, đội sản xuất, công trường,...); theo loại, nhóm sản phẩm, hoặc chi tiết, bộ phận sản phẩm; theo từng loại dịch vụ hoặc theo từng công đoạn dịch vụ.
d) Chi phí sản xuất, kinh doanh phản ánh trên tài khoản 154 gồm những chi phí sau:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp;
- Chi phí nhân công trực tiếp;
- Chi phí sử dụng máy thi công (đối với hoạt động xây lắp);
- Chi phí sản xuất chung.
đ) Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá trị hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.
e) Cuối kỳ, phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường (Có TK 627, Nợ TK 154). Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ (Có TK 627, Nợ TK 632). Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.
g) Không hạch toán vào tài khoản 154 những chi phí sau:
- Chi phí bán hàng;
- Chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Chi phí tài chính;
- Chi phí khác;
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Chi sự nghiệp, chi dự án;
- Chi đầu tư xây dựng cơ bản;
- Các khoản chi được trang trải bằng nguồn khác.
2. Phương pháp vận dụng tài khoản 154 trong ngành công nghiệp
a) Tài khoản 154 - “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" áp dụng trong ngành công nghiệp dùng để tập hợp, tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của các phân xưởng, hoặc bộ phận sản xuất, chế tạo sản phẩm. Đối với các doanh nghiệp sản xuất có thuê ngoài gia công, chế biến, cung cấp lao vụ, dịch vụ cho bên ngoài hoặc phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm thì chi phí của những hoạt động này cũng được tập hợp vào tài khoản 154.
b) Chỉ được phản ánh vào tài khoản 154 những nội dung chi phí sau:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp cho việc sản xuất, chế tạo sản phẩm;
- Chi phí nhân công trực tiếp cho việc sản xuất, chế tạo sản phẩm;
- Chi phí sản xuất chung phục vụ trực tiếp cho việc sản xuất, chế tạo sản phẩm.
c) Tài khoản 154 ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp được hạch toán chi tiết theo địa điểm phát sinh chi phí (phân xưởng, bộ phận sản xuất), theo loại, nhóm sản phẩm, sản phẩm, hoặc chi tiết bộ phận sản phẩm.
d) Đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có hoạt động thuê ngoài gia công chế biến, cung cấp lao vụ, dịch vụ ra bên ngoài hoặc phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm thì những chi phí của hoạt động này cũng được tập hợp vào tài khoản 154.
3. Phương pháp vận dụng tài khoản 154 trong ngành nông nghiệp
a) Tài khoản 154 "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" áp dụng trong ngành nông nghiệp dùng để tập hợp tổng chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm của các hoạt động nuôi trồng, chế biến sản phẩm hoặc dịch vụ nông nghiệp. tài khoản này phải được hạch toán chi tiết theo ngành kinh doanh nông nghiệp (trồng trọt, chăn nuôi, chế biến,...), theo địa điểm phát sinh chi phí (phân xưởng, đội sản xuất,...), chi tiết theo từng loại cây con và từng loại sản phẩm, từng sản phẩm hoặc dịch vụ.
b) Giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm nông nghiệp được xác định vào cuối vụ thu hoạch, hoặc cuối năm. Sản phẩm thu hoạch năm nào thì tính giá thành trong năm đó nghĩa là chi phí chi ra trong năm nay nhưng năm sau mới thu hoạch sản phẩm thì năm sau mới tính giá thành.
c) Đối với ngành trồng trọt, chi phí phải được hạch toán chi tiết theo 3 loại cây:
- Cây ngắn ngày (lúa, khoai, sắn,...);
- Cây trồng một lần thu hoạch nhiều lần (dứa, chuối,...);
- Cây lâu năm (chè, cà phê, cao su, hồ tiêu, cây ăn quả,...).
Đối với các loại cây trồng 2, 3 vụ trong một năm, hoặc trồng năm nay, năm sau mới thu hoạch, hoặc loại cây vừa có diện tích trồng mới, vừa có diện tích chăm sóc thu hoạch trong cùng một năm,... thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để ghi chép, phản ánh rõ ràng chi phí của vụ này với vụ khác, của diện tích này với diện tích khác, của năm trước với năm nay và năm sau,...
d) Không phản ánh vào tài khoản này chi phí khai hoang, trồng mới và chăm sóc cây lâu năm đang trong thời kỳ XDCB, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí hoạt động tài chính, chi phí khác.
đ) Về nguyên tắc, chi phí sản xuất ngành trồng trọt được hạch toán chi tiết vào bên Nợ tài khoản 154 "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" theo từng đối tượng tập hợp chi phí. Đối với một số loại chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng hạch toán, hoặc liên quan đến nhiều vụ, nhiều thời kỳ thì phải phản ánh trên các tài khoản riêng, sau đó phân bổ vào giá thành của các loại sản phẩm liên quan như: Chi phí tưới tiêu nước, chi phí chuẩn bị đất và trồng mới năm đầu của những cây trồng một lần, thu hoạch nhiều lần (chi phí này không thuộc vốn đầu tư XDCB),...
e) Trên cùng một diện tích canh tác, nếu trồng xen từ hai loại cây nông nghiệp ngắn ngày trở lên thì những chi phí phát sinh có liên quan trực tiếp đến loại cây nào thì tập hợp riêng cho loại cây đó (như: Hạt giống, chi phí gieo trồng, thu hoạch,...), chi phí phát sinh chung cho nhiều loại cây (chi phí cày bừa, tưới tiêu nước,...) thì được tập hợp riêng và phân bổ cho từng loại cây theo diện tích gieo trồng, hoặc theo một tiêu thức phù hợp.
g) Đối với cây lâu năm, quá trình từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi bắt đầu có sản phẩm (thu, bói) thì được hạch toán như quá trình đầu tư XDCB để hình thành nên TSCĐ được tập hợp chi phí ở TK 241 “XDCB dở dang". Chi phí cho vườn cây lâu năm trong quá trình sản xuất, kinh doanh bao gồm các chi phí cho khâu chăm sóc, khâu thu hoạch.
h) Khi hạch toán chi phí ngành chăn nuôi trên tài khoản 154 cần chú ý một số điểm sau:
- Hạch toán chi phí chăn nuôi phải chi tiết cho từng loại hoạt động chăn nuôi (như chăn nuôi trâu bò, chăn nuôi lợn,...), theo từng nhóm hoặc từng loại gia súc, gia cầm;
- Súc vật con của đàn súc vật cơ bản hay nuôi béo đẻ ra sau khi tách mẹ được mở sổ chi tiết theo dõi riêng theo giá thành thực tế;
- Đối với súc vật cơ bản khi đào thải chuyển thành súc vật nuôi lớn, nuôi béo được hạch toán vào tài khoản 154 theo giá trị còn lại của súc vật cơ bản;
- Đối tượng tính giá thành trong ngành chăn nuôi là: 1 kg sữa tươi, 1 con bò con tiêu chuẩn, giá thành 1 kg thịt tăng, giá thành 1 kg thịt hơi, giá thành 1 ngày/con chăn nuôi,...
i) Phần chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường, chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá thành sản phẩm mà được hạch toán vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.
4. Phương pháp vận dụng tài khoản 154 trong ngành dịch vụ
a) Tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" áp dụng trong các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ như: Giao thông vận tải, bưu điện, du lịch, dịch vụ,... Tài khoản này dùng để tập hợp tổng chi phí (nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung) và tính giá thành của khối lượng dịch vụ đã thực hiện.
b) Đối với ngành giao thông vận tải, tài khoản này dùng để tập hợp chi phí và tính giá thành về vận tải đường bộ (ô tô, tàu điện, vận tải bằng phương tiện thô sơ khác...) vận tải đường sắt, đường thuỷ, đường hàng không, vận tải đường ống,... Tài khoản 154 áp dụng cho ngành giao thông vận tải phải được mở chi tiết cho từng loại hoạt động (vận tải hành khách, vận tải hàng hoá,...) theo từng doanh nghiệp hoặc bộ phận kinh doanh dịch vụ.
c) Trong quá trình vận tải, săm lốp bị hao mòn với mức độ nhanh hơn mức khấu hao đầu xe nên thường phải thay thế nhiều lần nhưng giá trị săm lốp thay thế không tính vào giá thành vận tải ngay một lúc khi xuất dùng thay thế, mà phải chuyển dần từng tháng. Vì vậy, hàng tháng các doanh nghiệp vận tải ôtô được trích trước chi phí săm lốp vào giá thành vận tải (chi phí phải trả) theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.
d) Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường và phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá thành sản phẩm mà được hạch toán vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.
đ) Đối với hoạt động kinh doanh du lịch, tài khoản này được mở chi tiết theo từng loại hoạt động như: Hướng dẫn du lịch, kinh doanh khách sạn, kinh doanh vận tải du lịch,...
e) Trong hoạt động kinh doanh khách sạn, tài khoản 154 phải mở chi tiết theo từng loại dịch vụ như: Hoạt động ăn, uống, dịch vụ buồng nghỉ, dịch vụ vui chơi giải trí, phục vụ khác (giặt, là, cắt tóc, điện tín, thể thao,...).
5. Phương pháp vận dụng tài khoản 154 trong ngành xây dựng
a) Đối với hoạt động kinh doanh xây lắp quy định chỉ áp dụng phương pháp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, không áp dụng phương pháp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ nên tài khoản 154 dùng để tập hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, phục vụ cho việc tính giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp công nghiệp, dịch vụ của doanh nghiệp xây lắp.
b) Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường và phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào giá thành công trình xây lắp mà được hạch toán vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán.
c) Tài khoản này trong ngành Xây lắp có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1541 - Xây lắp: Dùng để tập hợp chi phí, tính giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp và phản ánh giá trị sản phẩm xây lắp dở dang cuối kỳ;
- Tài khoản 1542 - Sản phẩm khác: Dùng để tập hợp chi phí, tính giá thành sản xuất sản phẩm khác và phản ánh giá trị sản phẩm khác dở dang cuối kỳ (thành phẩm, cấu kiện xây lắp,...);
- Tài khoản 1543 - Dịch vụ: Dùng để tập hợp chi phí, tính giá thành dịch vụ và phản ánh chi phí dịch vụ dở dang cuối kỳ;
- Tài khoản 1544 - Chi phí bảo hành xây lắp: Dùng để tập hợp chi phí bảo hành công trình xây dựng, lắp đặt thực tế phát sinh trong kỳ và giá trị công trình bảo hành xây lắp còn dở dang cuối kỳ.
d) Việc tập hợp chi phí sản xuất, tính giá thành sản phẩm xây lắp phải theo từng công trình, hạng mục công trình và theo khoản mục giá thành quy định trong giá trị dự toán xây lắp, gồm:
- Chi phí vật liệu;
- Chi phí nhân công;
- Chi phí sử dụng máy thi công;
- Chí phí chung.
Riêng chi phí chung được tập hợp bên Nợ tài khoản 1541 "Xây lắp": Chỉ bao gồm chi phí chung phát sinh ở đội nhận thầu hoặc công trường xây lắp. Còn chi phí quản lý doanh nghiệp xây lắp (là một bộ phận của chi phí chung) được tập hợp bên Nợ tài khoản 642 "Chi phí quản lý doanh nghiệp". Chi phí này sẽ được kết chuyển vào bên Nợ tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh" tham gia vào giá thành toàn bộ sản phẩm xây lắp hoàn thành và bán ra trong kỳ.
đ) Chủ đầu tư xây dựng bất động sản sử dụng tài khoản này để tập hợp chi phí xây dựng thành phẩm bất động sản. Trường hợp bất động sản xây dựng sử dụng cho nhiều mục đích (làm văn phòng, cho thuê hoặc để bán, ví dụ như tòa nhà chung cư hỗn hợp) thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Nếu đủ căn cứ để hạch toán riêng hoặc xác định được tỷ trọng của phần chi phí xây dựng bất động sản để bán (thành phẩm bất động sản) và phần chi phí xây dựng bất động sản để cho thuê hoặc làm văn phòng (TSCĐ hoặc bất động sản đầu tư) thì phải hạch toán riêng trên TK 154 phần chi phí xây dựng thành phẩm bất động sản. Phần chi phí xây dựng TSCĐ hoặc bất động sản đầu tư được phản ánh riêng trên TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
- Trường hợp không hạch toán riêng hoặc xác định được tỷ trọng chi phí xây dựng cho các cấu phần thành phẩm bất động sản, TSCĐ hoặc bất động sản đầu tư thì kế toán tập hợp chi phí phát sinh liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng trên TK 241. Khi công trình, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kế toán căn cứ cách thức sử dụng tài sản trong thực tế để kết chuyển chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với bản chất của từng loại tài sản.
6. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Bên Nợ:
- Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến sản xuất sản phẩm và chi phí thực hiện dịch vụ;
- Các chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ liên quan đến giá thành sản phẩm xây lắp công trình hoặc giá thành xây lắp theo giá khoán nội bộ;
- Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Giá thành sản xuất thực tế của sản phẩm đã chế tạo xong nhập kho, chuyển đi bán, tiêu dùng nội bộ ngay hoặc sử dụng ngay vào hoạt động XDCB;
- Giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp hoàn thành bàn giao từng phần, hoặc toàn bộ tiêu thụ trong kỳ; hoặc bàn giao cho doanh nghiệp nhận thầu chính xây lắp (cấp trên hoặc nội bộ); hoặc giá thành sản phẩm xây lắp hoàn thành chờ tiêu thụ;
- Chi phí thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành cung cấp cho khách hàng;
- Trị giá phế liệu thu hồi, giá trị sản phẩm hỏng không sửa chữa được;
- Trị giá nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá gia công xong nhập lại kho;
- Phản ánh chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán. Đối với doanh nghiệp sản xuất theo đơn đặt hàng, hoặc doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất sản phẩm dài mà hàng kỳ kế toán đã kết chuyển chi phí sản xuất chung cố định vào TK 154 đến khi sản phẩm hoàn thành mới xác định được chi phí sản xuất chung cố định không được tính vào trị giá hàng tồn kho mà phải hạch toán vào giá vốn hàng bán (Có TK 154, Nợ TK 632);
- Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Chi phí sản xuất, kinh doanh còn dở dang cuối kỳ.
7. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong ngành Công nghiệp
7.1. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
a) Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chi phí NVL trên mức bình thường)
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
b) Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi phí nhân công trên mức bình thường)
Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp.
c) Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn hoặc bằng công suất bình thường thì cuối kỳ, kế toán thực hiện việc tính toán, phân bổ và kết chuyển toàn bộ chi phí sản xuất chung (chi phí sản xuất chung biến đổi và chi phí sản xuất chung cố định) cho từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
d) Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá thành sản phẩm)
Có TK 627- Chi phí sản xuất chung.
đ) Trị giá nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công nhập lại kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
e) Trị giá sản phẩm hỏng không sửa chữa được, người gây ra thiệt hại sản phẩm hỏng phải bồi thường, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
g) Đối với doanh nghiệp có chu kỳ sản xuất, kinh doanh dài mà trong kỳ kế toán đã kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp và chi phí sản xuất chung sang TK 154, khi xác định được chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không tính vào giá thành sản phẩm, kế toán phản ánh chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không được tính vào trị giá hàng tồn kho) mà phải tính vào giá vốn hàng bán của kỳ kế toán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (trường hợp đã kết chuyển chi phí từ TK 621, 622, 627 sang TK 154).
h) Giá thành sản phẩm thực tế nhập kho trong kỳ, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
i) Trường hợp sản phẩm sản xuất ra được sử dụng tiêu dùng nội bộ ngay hoặc tiếp tục xuất dùng cho hoạt động XDCB không qua nhập kho, ghi:
Nợ các TK 641, 642, 241
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
k) Trường hợp sau khi đã xuất kho nguyên vật liệu đưa vào sản xuất, nếu nhận được khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) liên quan đến nguyên vật liệu đó, kế toán ghi giảm chi phí sản xuất kinh doanh dở dang đối với phần chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng tương ứng với số NVL đã xuất dùng để sản xuất sản phẩm dở dang:
Nợ các TK 111, 112, 331,....
Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang (phần chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng tương ứng với số NVL đã xuất dùng để sản xuất sản phẩm dở dang)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
l) Kế toán sản phẩm sản xuất thử:
- Các chi phí sản xuất sản phẩm thử được tập hợp trên TK 154 như đối với các sản phẩm khác. Khi thu hồi (bán, thanh lý) sản phẩm sản xuất thử, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Kết chuyển phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu hồi từ việc bán, thanh lý sản phẩm sản xuất thử:
+ Nếu chi phí sản xuất thử cao hơn số thu hồi từ việc bán, thanh lý sản phẩm sản xuất thử, kế toán ghi tăng giá trị tài sản đầu tư xây dựng, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
+ Nếu chi phí sản xuất thử nhỏ hơn số thu hồi từ việc bán, thanh lý sản phẩm sản xuất thử, kế toán ghi giảm giá trị tài sản đầu tư xây dựng, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
Có TK 241 - XDCB dở dang.
m) Trường hợp sản phẩm sản xuất xong, không tiến hành nhập kho mà chuyển giao thẳng cho người mua hàng (sản phẩm điện, nước...), ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
7.2. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
a) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế, xác định trị giá thực tế chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang và thực hiện việc kết chuyển, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 631 - Giá thành sản xuất.
b) Đầu kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thực tế sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
8. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong ngành Nông nghiệp
8.1. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên
a) Cuối kỳ, kế toán tính và kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp theo đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chi phí NVL trên mức bình thường)
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
b) Cuối kỳ, kế toán tính và kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp theo từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi phí nhân công trên mức bình thường)
Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp.
c) Cuối kỳ, kế toán thực hiện việc tính toán, phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cho từng đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá thành sản phẩm)
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
d) Trị giá sản phẩm phụ thu hồi, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
đ) Trị giá phế liệu thu hồi, nguyên liệu, vật liệu xuất thuê ngoài gia công xong nhập lại kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
e) Trị giá súc vật con và súc vật nuôi béo chuyển sang súc vật làm việc, hoặc súc vật sinh sản, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (2116 )
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
g) Giá thành sản xuất thực tế sản phẩm sản xuất xong nhập kho hoặc tiêu thụ ngay, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
h)Trường hợp sản phẩm sản xuất ra được sử dụng tiêu dùng nội bộ ngay không qua nhập kho, ghi:
Nợ các TK 641, 642, 241
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
8.2. Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
Phương pháp hạch toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu ở tài khoản 154 trong ngành Nông nghiệp tương tự như đối với ngành Công nghiệp.
9. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong ngành kinh doanh dịch vụ
Phương pháp kế toán một số hoạt động kinh tế chủ yếu ở tài khoản 154 ở các doanh nghiệp thuộc ngành kinh doanh dịch vụ tương tự như đối với ngành công nghiệp. Ngoài ra cần chú ý:
a) Nghiệp vụ kết chuyển giá thành thực tế của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành và đã chuyển giao cho người mua và được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
b) Khi sử dụng dịch vụ tiêu dùng nội bộ, ghi:
Nợ các TK 641, 642
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
10. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu trong ngành xây dựng
10.1. Phương pháp hạch toán tập hợp chi phí xây lắp (bên Nợ tài khoản 1541 “Xây lắp”):
a) Hạch toán khoản mục nguyên liệu, vật liệu trực tiếp:
- Khoản mục chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp bao gồm: Giá trị thực tế của vật liệu chính, vật liệu phụ, các cấu kiện hoặc các bộ phận rời, vật liệu luân chuyển tham gia cấu thành thực thể sản phẩm xây, lắp hoặc giúp cho việc thực hiện và hoàn thành khối lượng xây, lắp (không kể vật liệu phụ cho máy móc, phương tiện thi công và những vật liệu tính trong chi phí chung).
- Nguyên tắc hạch toán khoản mục nguyên liệu, vật liệu trực tiếp: Nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho xây dựng hạng mục công trình nào phải tính trực tiếp cho sản phẩm hạng mục công trình đó trên cơ sở chứng từ gốc theo số lượng thực tế đã sử dụng và theo giá thực tế xuất kho (giá bình quân gia quyền; Giá nhập trước, xuất trước, thực tế đích danh).
- Cuối kỳ hạch toán hoặc khi công trình hoàn thành, tiến hành kiểm kê số vật liệu còn lại tại nơi sản xuất (nếu có) để ghi giảm trừ chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp xuất sử dụng cho công trình.
- Trong điều kiện thực tế sản xuất xây lắp không cho phép tính chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp cho từng công trình, hạng mục công trình thì doanh nghiệp có thể áp dụng phương pháp phân bổ vật liệu cho đối tượng sử dụng theo tiêu thức hợp lý (tỷ lệ với định mức tiêu hao nguyên liệu, vật liệu,...).
- Căn cứ vào Bảng phân bổ vật liệu cho từng công trình, hạng mục công trình, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (chi phí vật liệu)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi phí NVL trực tiếp trên mức bình thường)
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
b) Hạch toán khoản mục chi phí nhân công trực tiếp: Hạch toán tương tự như ngành công nghiệp
c) Hạch toán khoản mục chi phí sử dụng máy thi công:
- Khoản mục chi phí sử dụng máy thi công bao gồm: Chi phí cho các máy thi công nhằm thực hiện khối lượng công tác xây lắp bằng máy. Máy móc thi công là loại máy trực tiếp phục vụ xây lắp công trình. Đó là những máy móc chuyển động bằng động cơ hơi nước, diezen, xăng, điện,... (kể cả loại máy phục vụ xây, lắp).
- Chi phí sử dụng máy thi công bao gồm: Chi phí thường xuyên và chi phí tạm thời. Chi phí thường xuyên cho hoạt động của máy thi công, gồm: Chi phí nhân công điều khiển máy, phục vụ máy,...; Chi phí vật liệu; Chi phí công cụ, dụng cụ; Chi phí khấu hao TSCĐ; Chi phí dịch vụ mua ngoài (chi phí sửa chữa nhỏ, điện, nước, bảo hiểm xe, máy,...); Chi phí khác bằng tiền.
- Chi phí tạm thời cho hoạt động của máy thi công, gồm: Chi phí sửa chữa lớn máy thi công (đại tu, trung tu,...) không đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá máy thi công; Chi phí công trình tạm thời cho máy thi công (lều, lán, bệ, đường ray chạy máy,...). Chi phí tạm thời của máy có thể phát sinh trước (được hạch toán vào bên Nợ tài khoản 242) sau đó sẽ phân bổ dần vào Nợ tài khoản 623 "Chi phí sử dụng máy thi công"; Hoặc phát sinh sau, nhưng phải tính trước vào chi phí sản xuất xây lắp trong kỳ (do liên quan tới việc sử dụng thực tế máy móc thi công trong kỳ). Trường hợp này phải tiến hành trích trước chi phí, ghi Có tài khoản 352 "Dự phòng phải trả", Nợ tài khoản 623 "Chi phí sử dụng máy thi công".
- Việc tập hợp chi phí và tính giá thành về chi phí sử dụng máy thi công phải được hạch toán riêng biệt theo từng máy thi công (xem hướng dẫn ở phần Tài khoản 623 "Chi phí sử dụng máy thi công").
- Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sử dụng máy thi công (chi phí thực tế ca máy) tính cho từng công trình, hạng mục công trình, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (số chi phí trên mức bình thường)
Có TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công.
d) Hạch toán khoản mục chi phí sản xuất chung:
- Chi phí sản xuất chung phản ánh chi phí sản xuất của đội, công trường xây dựng gồm: Lương nhân viên quản lý phân xưởng, tổ, đội xây dựng; Khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn được tính theo tỉ lệ quy định trên tiền lương phải trả công nhân trực tiếp xây lắp, nhân viên sử dụng máy thi công và nhân viên quản lý phân xưởng, tổ, đội; Khấu hao tài sản cố định dùng chung cho hoạt động của đội và những chi phí khác liên quan đến hoạt động của đội,... Khi các chi phí này phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 214, 242, 334, 338,...
- Khi xác định số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có TK 352 - Dự phòng phải trả.
- Khi phát sinh chi phí sửa chữa và bảo hành công trình, như chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung, kế toán phản ánh vào các tài khoản chi phí có liên quan, ghi:
Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 112, 152, 153, 214, 331, 334, 338,...
- Cuối kỳ, kết chuyển chi phí thực tế phát sinh trong kỳ về nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, nhân công trực tiếp, chi phí sử dụng máy thi công, chi phí sản xuất chung liên quan đến hoạt động sửa chữa và bảo hành công trình xây lắp để tổng hợp chi phí sửa chữa và bảo hành và tính giá thành bảo hành, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
- Khi công việc sửa chữa bảo hành công trình xây lắp hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Hết thời hạn bảo hành công trình xây lắp, nếu công trình không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số chênh lệch phải hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Cuối kỳ hạch toán, căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sản xuất chung để phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung cho các công trình, hạng mục công trình có liên quan (tỷ lệ với chi phí nhân công), ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ không tính vào giá thành công trình xây lắp)
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
10.2. Phương pháp hạch toán và kết chuyển chi phí xây lắp (bên Có TK 1541 "Xây lắp"):
a) Các chi phí của hợp đồng không thể thu hồi (ví dụ: Không đủ tính thực thi về mặt pháp lý như có sự nghi ngờ về hiệu lực của nó, hoặc hợp đồng mà khách hàng không thể thực thi nghĩa vụ của mình...) phải được ghi nhận ngay là chi phí trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
b) Chi phí liên quan trực tiếp đến từng hợp đồng có thể được giảm nếu có các khoản thu khác không bao gồm trong doanh thu của hợp đồng. Ví dụ: Các khoản thu từ việc bán nguyên liệu, vật liệu thừa và thanh lý máy móc, thiết bị thi công khi kết thúc hợp đồng xây dựng:
- Nhập kho nguyên liệu, vật liệu thừa khi kết thúc hợp đồng xây dựng, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (theo giá gốc)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Phế liệu thu hồi nhập kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (theo giá có thể thu hồi)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Trường hợp vật liệu thừa và phế liệu thu hồi không qua nhập kho mà bán ngay, kế toán phản ánh các khoản thu bán vật liệu thừa và phế liệu, ghi giảm chi phí:
Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Kế toán thanh lý máy móc, thiết bị thi công chuyên dùng cho một hợp đồng xây dựng và TSCĐ này đã trích khấu hao đủ theo nguyên giá khi kết thúc hợp đồng xây dựng:
+ Phản ánh số thu về thanh lý máy móc, thiết bị thi công, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
+ Phản ánh chi phí thanh lý máy móc, thiết bị (nếu có), ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112,…
+ Ghi giảm TSCĐ đã khấu hao hết là máy móc, thiết bị thi công chuyên dùng đã thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
c) Cuối kỳ hạch toán, căn cứ vào giá thành sản xuất sản phẩm xây lắp thực tế hoàn thành được xác định là đã bán (bàn giao từng phần hoặc toàn bộ cho Ban quản lý công trình - bên A); hoặc bàn giao cho doanh nghiệp nhận thầu chính nội bộ:
- Trường hợp bàn giao cho Bên A (kể cả bàn giao khối lượng xây lắp hoàn thành theo hợp đồng khoán nội bộ, cho doanh nghiệp nhận khoán có tổ chức kế toán riêng), ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chí phí sản xuất, kinh doanh dở dang (1541).
- Trường hợp sản phẩm xây lắp hoàn thành chờ bán (xây dựng nhà để bán,...) hoặc sản phẩm xây lắp hoàn thành nhưng chưa bàn giao, căn cứ vào giá thành sản phẩm xây lắp hoàn thành chờ bán, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (1541).
- Trường hợp bàn giao sản phẩm xây lắp hoàn thành cho doanh nghiệp nhận thầu chính xây lắp (cấp trên, đơn vị nội bộ - do thực hiện hợp đồng khoán xây lắp nội bộ, đơn vị nhận khoán có tổ chức kế toán riêng nhưng chỉ hạch toán đến giá thành sản xuất xây lắp), ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ (3368)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (1541).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của các loại thành phẩm của doanh nghiệp. Thành phẩm là những sản phẩm đã kết thúc quá trình chế biến do các bộ phận sản xuất của doanh nghiệp sản xuất hoặc thuê ngoài gia công xong đã được kiểm nghiệm phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và nhập kho.
Trong giao dịch xuất khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác, không sử dụng tại bên nhận ủy thác (bên nhận giữ hộ).
b) Thành phẩm do các bộ phận sản xuất chính và sản xuất phụ của doanh nghiệp sản xuất ra phải được đánh giá theo giá thành sản xuất (giá gốc), bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí sản xuất chung và những chi phí có liên quan trực tiếp khác đến việc sản xuất sản phẩm.
- Đối với chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh trong kỳ.
- Đối với chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm dựa trên công suất bình thường của máy móc thiết bị sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường.
- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.
- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn mức công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận là chi phí để xác định kết quả hoạt động kinh doanh (ghi nhận vào giá vốn hàng bán) trong kỳ.
c) Không được tính vào giá gốc thành phẩm các chi phí sau:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công và các chi phí sản xuất, kinh doanh khác phát sinh trên mức bình thường;
- Chi phí bảo quản hàng tồn kho trừ các khoản chi phí bảo quản hàng tồn kho cần thiết cho quá trình sản xuất tiếp theo và chi phí bảo quản quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”;
- Chi phí bán hàng;
- Chi phí quản lý doanh nghiệp.
d) Thành phẩm thuê ngoài gia công chế biến được đánh giá theo giá thành thực tế gia công chế biến bao gồm: Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp, chi phí thuê gia công và các chi phí khác có liên quan trực tiếp đến quá trình gia công.
đ) Việc tính giá trị thành phẩm tồn kho được thực hiện theo một trong ba phương pháp: Phương pháp giá thực tế đích danh; Phương pháp bình quân gia quyền; Phương pháp Nhập trước - Xuất trước.
e) Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, nếu kế toán chi tiết nhập, xuất kho thành phẩm hàng ngày được ghi sổ theo giá hạch toán (có thể là giá thành kế hoạch hoặc giá nhập kho thống nhất quy định). Cuối tháng, kế toán phải tính giá thành thực tế của thành phẩm nhập kho và xác định hệ số chênh lệch giữa giá thành thực tế và giá hạch toán của thành phẩm (tính cả số chênh lệch của thành phẩm đầu kỳ) làm cơ sở xác định giá thành thực tế của thành phẩm nhập, xuất kho trong kỳ (sử dụng công thức tính đã nêu ở phần giải thích tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”).
g) Kế toán chi tiết thành phẩm phải thực hiện theo từng kho, từng loại, nhóm, thứ thành phẩm.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 155 - Thành phẩm
Bên Nợ:
- Trị giá của thành phẩm nhập kho;
- Trị giá của thành phẩm thừa khi kiểm kê;
- Kết chuyển giá trị của thành phẩm tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá thực tế của thành phẩm xuất kho;
- Trị giá của thành phẩm thiếu hụt khi kiểm kê;
- Kết chuyển trị giá thực tế của thành phẩm tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế của thành phẩm tồn kho cuối kỳ.
Tài khoản 155 - Thành phẩm, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1551 - Thành phẩm nhập kho: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động của các loại thành phẩm đã nhập kho (ngoại trừ thành phẩm là bất động sản);
- Tài khoản 1557 - Thành phẩm bất động sản: Phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của thành phẩm bất động sản của doanh nghiệp. Thành phẩm bất động sản gồm: Quyền sử dụng đất; nhà; hoặc nhà và quyền sử dụng đất; cơ sở hạ tầng do doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán trong kỳ hoạt động kinh doanh bình thường.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
3.1.1. Nhập kho thành phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra hoặc thuê ngoài gia công, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
3.1.2. Xuất kho thành phẩm để bán cho khách hàng, kế toán phản ánh giá vốn của thành phẩm xuất bán, ghi:
a) Đối với thành phẩm không phải là bất động sản
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
b) Đối với thành phẩm bất động sản (đối với các công trình doanh nghiệp là chủ đầu tư)
b1) Giá gốc thành phẩm bất động sản bao gồm toàn bộ các chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản (kể cả các chi phí đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng gắn liền với bất động sản) để đưa bất động sản vào trạng thái sẵn sàng để bán.
b2) Chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản phải đảm bảo là các chi phí thực tế đã phát sinh, các chi phí đã có biên bản nghiệm thu khối lượng.
b3) Trường hợp doanh nghiệp chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ về các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản nhưng đã phát sinh doanh thu bán bất động sản, doanh nghiệp được trích trước một phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán. Khi tập hợp đủ hồ sơ, chứng từ hoặc khi bất động sản hoàn thành toàn bộ, doanh nghiệp phải quyết toán số chi phí đã trích trước vào giá vốn hàng bán. Phần chênh lệch giữa số chi phí đã trích trước cao hơn số chi phí thực tế phát sinh được điều chỉnh giảm giá vốn hàng bán của kỳ thực hiện quyết toán.
b4) Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn thành phẩm bất động sản phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.
-Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu theo quy định tại Thông tư này.
- Số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).
b5) Phương pháp kế toán giá vốn thành phẩm bất động sản được xác định là đã bán.
- Đối với phần giá trị thành phẩm đã hoàn thành, khi xuất bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn thành phẩm bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
- Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu được tập hợp để tính chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các tài khoản liên quan.
- Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành, kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại (nếu có), ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
3.1.3. Xuất kho thành phẩm gửi đi bán, xuất kho cho các cơ sở nhận bán hàng đại lý, ký gửi, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán (gửi bán đại lý)
Có TK 155 - Thành phẩm.
3.1.4. Khi người mua trả lại số thành phẩm đã bán: Trường hợp thành phẩm đã bán bị trả lại thuộc đối tượng chịu thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, kế toán phản ánh doanh thu hàng bán bị trả lại theo giá bán chưa có thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5213)
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có các TK 111, 112, 131,... (tổng giá trị của hàng bán bị trả lại).
Đồng thời phản ánh giá vốn của thành phẩm đã bán nhập lại kho, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
3.1.5. Kế toán sản phẩm tiêu dùng nội bộ:
Nợ các TK 641, 642, 241, 211
Có TK 155 - Thành phẩm.
3.1.6. Xuất kho thành phẩm chuyển cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp:
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp ghi nhận doanh thu, giá vốn, kế toán ghi nhận giá vốn thành phẩm xuất bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp ghi nhận doanh thu, giá vốn, kế toán ghi nhận giá trị sản phẩm luân chuyển giữa các khâu trong nội bộ doanh nghiệp là khoản phải thu nội bộ, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ
Có TK 155 - Thành phẩm
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (chi tiết từng loại thuế).
3.1.7 Xuất kho thành phẩm đưa đi góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ của thành phẩm)
Có TK 155 - Thành phẩm
Có TK 711 - Thu nhập khác (chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của thành phẩm).
3.1.8 Khi xuất kho thành phẩm dùng để mua lại phần vốn góp tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
- Ghi nhận doanh thu bán thành phẩm và khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá trị hợp lý)
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT đầu ra phải nộp.
- Ghi nhận giá vốn thành phẩm dùng để mua lại phần vốn góp tại công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155- Thành phẩm.
3.1.9. Mọi trường hợp phát hiện thừa, thiếu thành phẩm khi kiểm kê đều phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân xác định người phạm lỗi. Căn cứ vào biên bản kiểm kê và quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền để ghi sổ kế toán:
- Nếu thừa, thiếu thành phẩm do nhầm lẫn hoặc chưa ghi sổ kế toán phải tiến hành ghi bổ sung hoặc điều chỉnh lại số liệu trên sổ kế toán;
- Trường hợp chưa xác định được nguyên nhân thừa, thiếu phải chờ xử lý:
+ Nếu thừa, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm (theo giá trị hợp lý)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381).
Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
Có các tài khoản liên quan.
+ Nếu thiếu, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý)
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, kế toán ghi:
Nợ các TK 111, 112,.... (nếu cá nhân phạm lỗi bồi thường bằng tiền)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (trừ vào lương của cá nhân phạm lỗi )
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388) (phải thu bồi thường của người phạm lỗi)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần giá trị hao hụt, mất mát còn lại sau khi trừ số thu bồi thường)
Có TK 138 - Phải thu khác (1381).
3.1.10. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng sản phẩm sản xuất ra để biếu tặng, khuyến mại, quảng cáo (theo pháp luật về thương mại), khi xuất sản phẩm cho mục đích khuyến mại, quảng cáo:
a) Trường hợp xuất sản phẩm để biếu tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa...., kế toán ghi nhận giá trị sản phẩm vào chi phí bán hàng (chi tiết hàng khuyến mại, quảng cáo), ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 155 - Thành phẩm (chi phí sản xuất sản phẩm).
b) Trường hợp xuất sản phẩm để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm....) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).
- Khi xuất hàng khuyến mại, kế toán ghi nhận giá trị hàng khuyến mại vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá thành sản xuất)
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Ghi nhận doanh thu của hàng khuyến mại trên cơ sở phân bổ số tiền thu được cho cả sản phẩm được bán và sản phẩm khuyến mại, quảng cáo, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131…
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
c) Nếu biếu tặng cho cán bộ công nhân viên được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi, kế toán phải ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường, ghi:
- Ghi nhận giá vốn hàng bán đối với giá trị sản phẩm dùng để biếu, tặng công nhân viên và người lao động:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Ghi nhận doanh thu của sản phẩm được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
3.1.11. Kế toán trả lương cho người lao động bằng sản phẩm
- Doanh thu của sản phẩm dùng để trả lương cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân (nếu có).
- Ghi nhận giá vốn hàng bán đối với giá trị sản phẩm dùng để trả lương cho công nhân viên và người lao động:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
3.1.12. Phản ánh giá vốn thành phẩm ứ đọng, không cần dùng khi thanh lý, nhượng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
a) Đầu kỳ, kế toán căn cứ kết quả kiểm kê thành phẩm đã kết chuyển cuối kỳ trước để kết chuyển giá trị thành phẩm tồn kho đầu kỳ vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
b) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thành phẩm tồn kho, kết chuyển giá trị thành phẩm tồn kho cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại hàng hóa của doanh nghiệp bao gồm hàng hóa tại các kho hàng, quầy hàng, hàng hoá bất động sản. Hàng hóa là các loại vật tư, sản phẩm do doanh nghiệp mua về với mục đích để bán (bán buôn và bán lẻ). Trường hợp hàng hóa mua về vừa dùng để bán, vừa dùng để sản xuất, kinh doanh không phân biệt rõ ràng giữa hai mục đích bán lại hay để sử dụng thì vẫn phản ánh vào tài khoản 156 “Hàng hóa”.
Trong giao dịch xuất nhập - khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác, không sử dụng tại bên nhận ủy thác (bên nhận giữ hộ). Mua, bán hàng hóa liên quan đến các giao dịch bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 69 – hướng dẫn kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
b) Những trường hợp sau đây không phản ánh vào tài khoản 156 “Hàng hóa”:
- Hàng hóa nhận bán hộ, nhận giữ hộ cho các doanh nghiệp khác;
- Hàng hóa mua về dùng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh (ghi vào các tài khoản 152 “Nguyên liệu, vật liệu”, hoặc tài khoản 153 “Công cụ, dụng cụ”,...).
c) Kế toán nhập, xuất, tồn kho hàng hóa trên tài khoản 156 được phản ánh theo nguyên tắc giá gốc quy định trong Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho”. Giá gốc hàng hóa mua vào, bao gồm: Giá mua, chi phí thu mua (vận chuyển, bốc xếp, bảo quản hàng từ nơi mua về kho doanh nghiệp, chi phí bảo hiểm,...), thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường (nếu có), thuế GTGT hàng nhập khẩu (nếu không được khấu trừ). Trường hợp doanh nghiệp mua hàng hóa về để bán lại nhưng vì lý do nào đó cần phải gia công, sơ chế, tân trang, phân loại chọn lọc để làm tăng thêm giá trị hoặc khả năng bán của hàng hóa thì trị giá hàng mua gồm cả chi phí gia công, sơ chế.
- Giá gốc của hàng hóa mua vào được tính theo từng nguồn nhập và phải theo dõi, phản ánh riêng biệt trị giá mua và chi phí thu mua hàng hóa.
- Để tính giá trị hàng hóa tồn kho, kế toán có thể áp dụng một trong các phương pháp sau:
+ Phương pháp nhập trước - xuất trước;
+ Phương pháp thực tế đích danh;
+ Phương pháp bình quân gia quyền;
- Một số đơn vị có đặc thù (ví dụ như các đơn vị kinh doanh siêu thị hoặc tương tự) có thể áp dụng kỹ thuật xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ theo phương pháp Giá bán lẻ. Phương pháp này thường được dùng trong ngành bán lẻ để tính giá trị của hàng tồn kho với số lượng lớn các mặt hàng thay đổi nhanh chóng và có lợi nhuận biên tương tự mà không thể sử dụng các phương pháp tính giá gốc khác. Giá gốc hàng tồn kho được xác định bằng cách lấy giá bán của hàng tồn kho trừ đi lợi nhuận biên theo tỷ lệ phần trăm hợp lý. Tỷ lệ được sử dụng có tính đến các mặt hàng đó bị hạ giá xuống thấp hơn giá bán ban đầu của nó. Thông thường mỗi bộ phận bán lẻ sẽ sử dụng một tỷ lệ phần trăm bình quân riêng.
- Chi phí thu mua hàng hóa trong kỳ được tính cho hàng hóa tiêu thụ trong kỳ và hàng hóa tồn kho cuối kỳ. Việc lựa chọn tiêu thức phân bổ chi phí thu mua hàng hóa tuỳ thuộc tình hình cụ thể của từng doanh nghiệp nhưng phải thực hiện theo nguyên tắc nhất quán.
d) Trường hợp mua hàng hóa được nhận kèm theo sản phẩm, hàng hóa, phụ tùng thay thế (đề phòng hỏng hóc), kế toán phải xác định và ghi nhận riêng sản phẩm, hàng hóa, phụ tùng thay thế theo giá trị hợp lý. Giá trị hàng hóa nhập kho là giá đã trừ giá trị sản phẩm, hàng hóa, thiết bị, phụ tùng thay thế.
đ) Kế toán chi tiết hàng hóa phải thực hiện theo từng kho, từng loại, từng nhóm hàng hóa.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 156 - Hàng hóa
Bên Nợ:
- Trị giá mua vào của hàng hóa theo hóa đơn mua hàng (bao gồm các loại thuế không được hoàn lại);
- Chi phí thu mua hàng hóa;
- Trị giá của hàng hóa thuê ngoài gia công (gồm giá mua vào và chi phí gia công);
- Trị giá hàng hóa đã bán bị người mua trả lại;
- Trị giá hàng hóa phát hiện thừa khi kiểm kê;
- Kết chuyển giá trị hàng hóa tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ);
- Trị giá hàng hoá bất động sản mua vào hoặc chuyển từ bất động sản đầu tư.
Bên Có:
- Trị giá của hàng hóa xuất kho để bán, giao đại lý, giao cho doanh nghiệp phụ thuộc; thuê ngoài gia công, hoặc sử dụng cho sản xuất, kinh doanh;
- Chi phí thu mua phân bổ cho hàng hóa đã bán trong kỳ;
- Chiết khấu thương mại hàng mua được hưởng;
- Các khoản giảm giá hàng mua được hưởng;
- Trị giá hàng hóa trả lại cho người bán;
- Trị giá hàng hóa phát hiện thiếu khi kiểm kê;
- Kết chuyển giá trị hàng hóa tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ);
- Trị giá hàng hoá bất động sản đã bán hoặc chuyển thành bất động sản đầu tư, bất động sản chủ sở hữu sử dụng hoặc tài sản cố định.
Số dư bên Nợ:
- Trị giá mua vào của hàng hóa tồn kho;
- Chi phí thu mua của hàng hóa tồn kho.
Tài khoản 156 - Hàng hóa, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1561 - Giá mua hàng hóa: Phản ánh trị giá hiện có và tình hình biến động của hàng hóa mua vào và đã nhập kho (tính theo trị giá mua vào);
- Tài khoản 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa: Phản ánh chi phí thu mua hàng hóa phát sinh liên quan đến số hàng hóa đã nhập kho trong kỳ và tình hình phân bổ chi phí thu mua hàng hóa hiện có trong kỳ cho khối lượng hàng hóa đã bán trong kỳ và tồn kho thực tế cuối kỳ (kể cả tồn trong kho và hàng gửi đi bán, hàng gửi đại lý, ký gửi chưa bán được). Chi phí thu mua hàng hóa hạch toán vào tài khoản này chỉ bao gồm các chi phí liên quan trực tiếp đến quá trình thu mua hàng hóa như: Chi phí bảo hiểm hàng hóa, tiền thuê kho, thuê bến bãi,... chi phí vận chuyển, bốc xếp, bảo quản đưa hàng hóa từ nơi mua về đến kho doanh nghiệp; các khoản hao hụt tự nhiên trong định mức phát sinh trong quá trình thu mua hàng hóa.
- Tài khoản 1567 - Hàng hóa bất động sản: Phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động của các loại hàng hoá bất động sản của doanh nghiệp. Hàng hoá bất động sản gồm: Quyền sử dụng đất; nhà; hoặc nhà và quyền sử dụng đất; cơ sở hạ tầng mua để bán trong kỳ hoạt động kinh doanh bình thường; Bất động sản đầu tư chuyển thành hàng tồn kho khi chủ sở hữu bắt đầu triển khai cho mục đích bán.
a) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 1561 - Giá mua hàng hóa
Bên Nợ:
- Trị giá hàng hóa mua vào đã nhập kho theo hóa đơn mua hàng;
- Thuế nhập khẩu hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt của hàng nhập khẩu hoặc thuế GTGT hàng nhập khẩu, thuế GTGT đầu vào - nếu không được khấu trừ, tính cho số hàng hóa mua ngoài đã nhập kho;
- Trị giá của hàng hóa giao gia công, chế biến xong nhập kho, gồm: Giá mua vào và chi phí gia công chế biến;
- Trị giá hàng hóa nhận vốn góp;
- Trị giá hàng hóa đã bán bị trả lại nhập kho;
- Trị giá hàng hóa phát hiện thừa khi kiểm kê;
- Kết chuyển trị giá hàng hóa tồn kho cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá thực tế của hàng hóa xuất kho trong kỳ (xuất bán, trao đổi, biếu tặng, xuất giao đại lý, đơn vị hạch toán phụ thuộc, xuất sử dụng nội bộ, xuất góp vốn liên doanh, liên kết);
- Chiết khấu thương mại hàng mua được hưởng;
- Các khoản giảm giá hàng mua được hưởng;
- Trị giá hàng hóa trả lại cho người bán;
- Trị giá hàng hóa hao hụt, mất mát;
- Kết chuyển trị giá hàng hóa tồn kho đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ: Trị giá hàng hóa thực tế tồn kho cuối kỳ.
b) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 1562 - Chi phí thu mua hàng hóa
Bên Nợ: Chi phí thu mua hàng hóa thực tế phát sinh liên quan tới khối lượng hàng hóa mua vào, đã nhập kho trong kỳ.
Bên Có: Chi phí thu mua hàng hóa tính cho khối lượng hàng hóa đã tiêu thụ trong kỳ.
Số dư bên Nợ: Chi phí thu mua hàng hóa còn lại cuối kỳ.
c) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 1567 - Hàng hóa bất động sản
Bên Nợ:
- Trị giá thực tế hàng hoá bất động sản mua về để bán;
- Giá trị còn lại của bất động sản đầu tư chuyển thành hàng tồn kho;
- Chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán ghi tăng giá gốc hàng hoá bất động sản chờ bán.
Bên Có:
- Trị giá thực tế hàng hoá bất động sản bán trong kỳ;
- Trị giá thực tế hàng hoá bất động sản chuyển thành bất động sản đầu tư hoặc chuyển thành tài sản cố định.
Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế hàng hoá bất động sản còn lại cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng hóa tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
3.1.1 Hàng hóa mua ngoài nhập kho doanh nghiệp, căn cứ hóa đơn, phiếu nhập kho và các chứng từ có liên quan:
a) Khi mua hàng hóa, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (1561) (chi tiết hàng hóa mua vào và hàng hóa sử dụng như hàng thay thế đề phòng hư hỏng)
Nợ TK 1534 - Thiết bị, phụ tùng thay thế (giá trị hợp lý)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (thuế GTGT đầu vào)
Có các TK 111, 112, 141, 331,... (tổng giá thanh toán).
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì trị giá hàng hóa mua vào bao gồm cả thuế GTGT.
b) Khi nhập khẩu hàng hóa:
- Khi nhập khẩu hàng hóa, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312) (nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu không được khấu trừ)
Có TK 3332- Thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có)
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Nếu thuế GTGT đầu vào của hàng nhập khẩu được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
- Trường hợp mua hàng hóa có trả trước cho người bán một phần bằng ngoại tệ thì phần giá trị hàng mua tương ứng với số tiền trả trước được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị hàng mua bằng ngoại tệ chưa trả được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm mua hàng.
- Mua hàng dưới hình thức uỷ thác nhập khẩu thực hiện theo quy định ở tài khoản 331 - Phải trả cho người bán.
3.1.2 Trường hợp đã nhận được hóa đơn của người bán nhưng đến cuối kỳ kế toán, hàng hóa chưa về nhập kho thì căn cứ vào hóa đơn, ghi:
Nợ TK 151 - Hàng mua đang đi đường
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
- Sang kỳ kế toán sau, khi hàng mua đang đi đường về nhập kho, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (1561)
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
3.1.3 Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được (kể cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng kinh tế về bản chất làm giảm giá trị bên mua phải thanh toán) sau khi mua hàng thì kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của hàng hóa để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số hàng còn tồn kho, số đã xuất bán trong kỳ:
Nợ các TK 111, 112, 331,....
Có TK 156 - Hàng hóa (nếu hàng còn tồn kho)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu đã tiêu thụ trong kỳ)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
3.1.4 Giá trị của hàng hóa mua ngoài không đúng quy cách, phẩm chất theo hợp đồng kinh tế phải trả lại cho người bán, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 156 - Hàng hóa (1561)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
3.1.5 Phản ánh chi phí thu mua hàng hoá, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (1562)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141, 331,...
3.1.6. Khi mua hàng hóa theo phương thức trả chậm, trả góp, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (theo giá mua trả tiền ngay)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước {phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) Giá mua trả tiền ngay trừ thuế GTGT (nếu được khấu trừ)}
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
Định kỳ, tính vào chi phí tài chính số lãi mua hàng trả chậm, trả góp phải trả, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
3.1.7. Khi mua hàng hoá bất động sản về để bán, kế toán phản ánh giá mua và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua hàng hóa BĐS, ghi:
Nợ TK 1567 - Hàng hoá bất động sản (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112, 331,...
3.1.8. Trường hợp bất động sản đầu tư chuyển thành hàng tồn kho khi chủ sở hữu có quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp để bán:
- Khi có quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp bất động sản đầu tư để bán, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (TK 1567) (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ ((2147) - Số hao mòn lũy kế)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá).
- Khi phát sinh các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 152, 334, 331,...
- Khi kết thúc giai đoạn sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán, kết chuyển toàn bộ chi phí ghi tăng giá trị hàng hóa bất động sản, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (1567)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
3.1.9. Trị giá hàng hóa xuất bán được xác định là tiêu thụ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa (1561).
Đồng thời kế toán phản ánh doanh thu bán hàng:
- Nếu tách ngay được các loại thuế gián thu tại thời điểm ghi nhận doanh thu, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Nếu không tách ngay được thuế, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế. Định kỳ kế toán xác định số thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ(tổng giá thanh toán)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.1.10. Trường hợp thuê ngoài gia công, chế biến hàng hóa:
- Khi xuất kho hàng hóa đưa đi gia công, chế biến, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 156 - Hàng hóa (1561).
- Chi phí gia công, chế biến hàng hóa, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
- Khi gia công xong nhập lại kho hàng hóa, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (1561)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
3.1.11. Khi xuất kho hàng hóa gửi cho khách hàng hoặc xuất kho cho các đại lý, doanh nghiệp nhận hàng ký gửi,..., ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 156 - Hàng hóa (1561).
3.1.12. Khi xuất kho hàng hóa cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp để bán:
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp ghi nhận doanh thu, giá vốn, kế toán ghi nhận giá vốn hàng hóa xuất bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa.
Đồng thời kế toán ghi nhận doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp ghi nhận doanh thu, giá vốn, kế toán ghi nhận giá trị hàng hóa luân chuyển giữa các khâu trong nội bộ doanh nghiệp là khoản phải thu nội bộ, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ
Có TK 156 - Hàng hóa
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.1.13. Khi xuất hàng hóa tiêu dùng nội bộ, ghi:
Nợ các TK 641, 642, 241, 211
Có TK 156 - Hàng hóa.
3.1.14. Trường hợp doanh nghiệp sử dụng hàng hóa để biếu tặng, khuyến mại, quảng cáo (theo pháp luật về thương mại), khi xuất hàng hóa cho mục đích khuyến mại, quảng cáo:
a) Trường hợp xuất hàng hóa để biếu tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa...., kế toán ghi nhận giá trị hàng hóa vào chi phí bán hàng (chi tiết hàng khuyến mại, quảng cáo), ghi:
Nợ TK 641- Chi phí bán hàng
Có TK 156 - Hàng hóa (giá vốn).
b) Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm....) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).
- Khi xuất hàng hóa khuyến mại, kế toán ghi nhận giá trị hàng khuyến mại vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá thành sản xuất)
Có TK 156 - Hàng hóa.
- Ghi nhận doanh thu của hàng khuyến mại trên cơ sở phân bổ số tiền thu được cho cả sản phẩm, hàng hóa được bán và hàng hóa khuyến mại, quảng cáo, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131…
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
c) Nếu hàng hóa biếu tặng cho cán bộ công nhân viên được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi, kế toán phải ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường, ghi:
- Ghi nhận giá vốn hàng bán đối với giá trị hàng hóa dùng để biếu, tặng công nhân viên và người lao động:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa.
- Ghi nhận doanh thu của hàng hóa được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
d) Trường hợp doanh nghiệp là nhà phân phối hoạt động thương mại được nhận hàng hoá (không phải trả tiền) từ nhà sản xuất để quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối
- Khi nhận hàng của nhà sản xuất (không phải trả tiền) dùng để khuyến mại, quảng cáo cho khách hàng, nhà phân phối phải theo dõi chi tiết số lượng hàng trong hệ thống quản trị nội bộ của mình và thuyết minh trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính đối với hàng nhận được và số hàng đã dùng để khuyến mại cho người mua.
- Khi hết chương trình khuyến mại, nếu không phải trả lại nhà sản xuất số hàng khuyến mại chưa sử dụng hết, kế toán ghi nhận thu nhập khác là giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hoá (theo giá trị hợp lý)
Có TK 711 - Thu nhập khác.
3.1.15. Kế toán trả lương cho người lao động bằng hàng hóa
- Kế toán ghi nhận doanh thu, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân.
- Ghi nhận giá vốn hàng bán đối với giá trị hàng hoá dùng để trả lương cho công nhân viên và người lao động:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa.
3.1.16. Hàng hoá đưa đi góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá đánh giá lại)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ của hàng hoá)
Có TK 156 - Hàng hoá
Có TK 711 - Thu nhập khác (chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của hàng hoá).
3.1.17. Cuối kỳ, khi phân bổ chi phí thu mua cho hàng hóa được xác định là bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa (1562).
3.1.18. Mọi trường hợp phát hiện thừa hàng hóa bất kỳ ở khâu nào trong kinh doanh phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân. Kế toán căn cứ vào nguyên nhân đã được xác định để xử lý và hạch toán:
- Nếu do nhầm lẫn, cân, đo, đong, đếm, quên ghi sổ,... thì điều chỉnh lại sổ kế toán.
- Nếu hàng hoá thừa là thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp khác, thì giá trị hàng hoá thừa doanh nghiệp chủ động theo dõi trong hệ thống quản trị và ghi chép thông tin trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Nếu chưa xác định được nguyên nhân phải chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381).
- Khi có quyết định của cấp có thẩm quyền về xử lý hàng hoá thừa, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381)
Có các tài khoản liên quan.
3.1.19. Mọi trường hợp phát hiện thiếu hụt, mất mát hàng hoá ở bất kỳ khâu nào trong kinh doanh phải lập biên bản và truy tìm nguyên nhân. Kế toán căn cứ vào quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền theo từng nguyên nhân gây ra để xử lý và ghi sổ kế toán:
- Phản ánh giá trị hàng hóa thiếu chưa xác định được nguyên nhân, chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (TK 1381- Tài sản thiếu chờ xử lý)
Có TK 156 - Hàng hoá.
- Khi có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (nếu do cá nhân gây ra phải bồi thường bằng tiền)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (do cá nhân gây ra phải trừ vào lương)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388) (phải thu bồi thường của người phạm lỗi)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần giá trị hao hụt, mất mát còn lại)
Có TK 138 - Phải thu khác (1381).
3.1.20. Trị giá hàng hóa bất động sản được xác định là bán trong kỳ, căn cứ Hóa đơn GTGT hoặc Hóa đơn bán hàng, biên bản bàn giao hàng hóa BĐS, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa (1567 - Hàng hóa BĐS).
Đồng thời kế toán phản ánh doanh thu bán hàng hóa BĐS:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5117)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
3.1.21. Phản ánh giá vốn hàng hóa ứ đọng không cần dùng khi nhượng bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 156 - Hàng hóa.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
a) Đầu kỳ, kế toán căn cứ giá trị hàng hoá đã kết chuyển cuối kỳ trước kết chuyển trị giá hàng hóa tồn kho đầu kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng
Có TK 156 - Hàng hóa.
b) Cuối kỳ kế toán:
- Tiến hành kiểm kê xác định số lượng và giá trị hàng hóa tồn kho cuối kỳ. Căn cứ vào tổng trị giá hàng hóa tồn kho cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Có TK 611 - Mua hàng.
- Căn cứ vào kết quả xác định tổng trị giá hàng hóa đã xuất bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 611 - Mua hàng.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Hàng gửi đi bán phản ánh trên tài khoản 157 được thực hiện theo nguyên tắc giá gốc quy định trong Chuẩn mực kế toán Hàng tồn kho. Chỉ phản ánh vào tài khoản 157 “Hàng gửi đi bán” trị giá của hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi cho khách hàng, gửi bán đại lý, ký gửi, dịch vụ đã hoàn thành bàn giao cho khách hàng theo hợp đồng kinh tế hoặc đơn đặt hàng, nhưng chưa được xác định là đã bán (chưa được tính là doanh thu bán hàng trong kỳ đối với số hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi, dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng).
b) Hàng hóa, thành phẩm phản ánh trên tài khoản này vẫn thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp, kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng loại hàng hoá, thành phẩm, từng lần gửi hàng từ khi gửi đi cho đến khi được xác định là đã bán.
c) Không phản ánh vào tài khoản này chi phí vận chuyển, bốc xếp,... chi hộ khách hàng. Tài khoản 157 có thể mở chi tiết để theo dõi từng loại hàng hoá, thành phẩm gửi đi bán, dịch vụ đã cung cấp cho từng khách hàng, cho từng cơ sở nhận đại lý.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 157 - Hàng gửi đi bán
Bên Nợ:
- Trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi cho khách hàng, hoặc gửi bán đại lý, ký gửi; gửi cho các đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc;
- Trị giá dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng, nhưng chưa được xác định là đã bán;
- Cuối kỳ kết chuyển trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi bán chưa được xác định là đã bán cuối kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Bên Có:
- Trị giá hàng hóa, thành phẩm gửi đi bán, dich vụ đã cung cấp được xác định là đã bán;
- Trị giá hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ đã gửi đi bị khách hàng trả lại;
- Đầu kỳ kết chuyển trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi bán, dịch vụ đã cung cấp chưa được xác định là đã bán đầu kỳ (trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ).
Số dư bên Nợ:
Trị giá hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi, dịch vụ đã cung cấp chưa được xác định là đã bán trong kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
a) Khi gửi hàng hóa, thành phẩm cho khách hàng, xuất hàng hóa, thành phẩm cho doanh nghiệp nhận bán đại lý, ký gửi theo hợp đồng kinh tế, căn cứ phiếu xuất kho, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 156 - Hàng hóa
Có TK 155 - Thành phẩm.
b) Dịch vụ đã hoàn thành bàn giao cho khách hàng nhưng chưa xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
c) Khi hàng gửi đi bán và dịch vụ đã hoàn thành bàn giao cho khách hàng được xác định là đã bán trong kỳ:
- Nếu tách ngay được thuế gián thu tại thời điểm ghi nhận doanh thu, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng hóa, thành phẩm, cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Nếu không tách ngay được thuế gián thu, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế. Định kỳ kế toán ghi giảm doanh thu đối với số thuế gián thu phải nộp, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Đồng thời phản ánh trị giá vốn của số hàng hóa, thành phẩm, dịch vụ đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
d) Trường hợp hàng hóa, thành phẩm đã gửi đi bán nhưng bị khách hàng trả lại:
- Nếu hàng hóa, thành phẩm vẫn có thể bán được hoặc có thể sửa chữa được, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa; hoặc
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
- Nếu hàng hóa, thành phẩm bị hư hỏng không thể bán được và không thể sửa chữa được, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
3.2. Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
a) Đầu kỳ kế toán, kết chuyển giá trị hàng hóa, thành phẩm đã gửi cho khách hàng nhưng chưa được xác định là đã bán trong kỳ, hàng hóa gửi bán đại lý, ký gửi (chưa được coi là đã bán trong kỳ), giá trị dịch vụ đã bàn giao cho người đặt hàng nhưng chưa được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (đối với hàng hóa)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (đối với thành phẩm, dịch vụ)
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
b) Cuối kỳ kế toán, căn cứ kết quả kiểm kê hàng tồn kho, xác định trị giá hàng hóa, sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm), dịch vụ cung cấp cho khách hàng; nhờ bán đại lý, ký gửi chưa được coi là đã bán cuối kỳ:
- Giá trị hàng hóa gửi khách hàng nhưng chưa được chấp nhận thanh toán; hàng hóa gửi bán đại lý, ký gửi; gửi cho đơn vị cấp dưới hạch toán phụ thuộc chưa được coi là đã bán cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 611 - Mua hàng.
- Cuối kỳ, kế toán kết chuyển giá trị thành phẩm cung cấp cho khách hàng hoặc nhờ bán đại lý, ký gửi; giá trị dịch vụ cung cấp cho người đặt hàng nhưng chưa được xác định là đã bán cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh sự biến động tăng, giảm và số hiện có của hàng hoá đưa vào Kho bảo thuế. Kho bảo thuế chỉ áp dụng cho doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài phục vụ cho sản xuất hàng xuất khẩu, được áp dụng chế độ quản lý hải quan đặc biệt, theo đó nguyên liệu, vật tư nhập khẩu để phục vụ cho sản xuất của doanh nghiệp được đưa vào lưu giữ tại Kho bảo thuế chưa phải tính và nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế liên quan khác.
b) Nguyên liệu, vật tư nhập khẩu và sản phẩm lưu giữ tại Kho bảo thuế chỉ bao gồm nguyên liệu, vật tư dùng để cung ứng cho sản xuất và sản phẩm sản xuất ra của chính doanh nghiệp đó.
c) Doanh nghiệp phải mở sổ chi tiết để phản ánh số lượng và giá trị của từng thứ nguyên liệu, vật tư và hàng hoá theo từng lần nhập, xuất kho.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 158 - Hàng hóa kho bảo thuế
Bên Nợ: Trị giá nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm, hàng hoá nhập Kho bảo thuế trong kỳ.
Bên Có: Trị giá nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm, hàng hoá xuất Kho bảo thuế trong kỳ.
Số dư bên Nợ: Trị giá nguyên liệu, vật liệu, thành phẩm, hàng hoá còn lại cuối kỳ tại Kho bảo thuế.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi nhập khẩu nguyên liệu, vật liệu để sản xuất sản phẩm xuất khẩu, hoặc gia công hàng xuất khẩu nếu được đưa vào Kho bảo thuế thì doanh nghiệp chưa phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
b) Khi xuất nguyên liệu, vật liệu nhập khẩu ở Kho bảo thuế ra để sản xuất sản phẩm, hoặc gia công hàng xuất khẩu, ghi:
Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 158 - Hàng hoá kho bảo thuế.
c) Khi xuất kho thành phẩm hoặc hàng hoá xuất khẩu, hàng gia công xuất khẩu đưa vào Kho bảo thuế (nếu có), ghi:
Nợ TK 158 - Hàng hoá kho bảo thuế
Có các TK 156, 155,...
d) Khi xuất khẩu hàng hoá của Kho bảo thuế (nếu có):
- Phản ánh giá vốn của hàng hoá xuất khẩu thuộc Kho bảo thuế, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế.
- Phản ánh doanh thu của hàng hoá xuất khẩu thuộc Kho bảo thuế, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
đ) Nếu tỷ lệ xuất khẩu thấp hơn tỷ lệ được bảo thuế tại doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu (nếu có) cho phần chênh lệch giữa số lượng sản phẩm phải xuất khẩu và số lượng sản phẩm thực tế xuất khẩu doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu (nếu có):
- Khi xác định thuế nhập khẩu phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3333).
- Khi xác định thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).
- Khi thực nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu (nếu có), ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3333, 33312)
Có các TK 111, 112,....
e) Trường hợp doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cho phép bán hàng hoá thuộc Kho bảo thuế tại thị trường Việt Nam, doanh nghiệp phải nộp thuế nhập khẩu và các loại thuế khác theo quy định.
- Khi được phép sử dụng hàng hoá thuộc Kho bảo thuế, doanh nghiệp phải làm thủ tục xuất hàng hoá ra khỏi Kho bảo thuế, nhập lại kho sản phẩm, hàng hoá của doanh nghiệp và nộp thuế đối với số hàng hoá này, ghi:
Nợ các TK 155, 156
Có TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế.
- Khi xác định thuế nhập khẩu phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ các TK 155, 156
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3333).
- Khi xác định thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp (nếu có), ghi:
Nợ các TK 155, 156 (nếu không được khấu trừ)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312).
- Khi thực nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312, 3333)
Có các TK 111, 112,....
g) Trường hợp xuất bán hàng hoá lưu giữ tại kho bảo thuế tại thị trường nội địa:
- Phản ánh trị giá vốn của hàng hoá Kho bảo thuế xuất bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế.
Đồng thời, kế toán phải xác định và ghi nhận số thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu của số sản phẩm, hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu này.
- Phản ánh doanh thu của số hàng hoá kho bảo thuế xuất bán tại thị trường nội địa, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311).
h) Trường hợp vật liệu, hàng hóa đưa vào Kho bảo thuế, nếu bị hư hỏng, kém mất phẩm chất không đáp ứng yêu cầu xuất khẩu thì phải tái nhập khẩu, hoặc tiêu huỷ:
- Trường hợp tái nhập khẩu, ghi:
Nợ các TK 155, 156,....
Có TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế.
- Đồng thời, phải nộp thuế nhập khẩu và thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp của số hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu này, xác định số thuế phải nộp ghi như bút toán (e); Khi thực nộp thuế, ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33312, 3333)
Có các TK 111, 112,....
- Trường hợp tái xuất khẩu (trả lại cho người bán), ghi:
Nợ TK 331- Phải trả cho người bán
Có TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế.
- Trường hợp tiêu huỷ hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu lưu giữ tại Kho bảo thuế, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (hàng hoá, nguyên vật liệu bị tiêu huỷ)
Có TK 158 - Hàng hoá Kho bảo thuế.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này phản ánh các khoản chi sự nghiệp, chi dự án để thực hiện các nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội do Nhà nước hoặc cấp trên giao cho doanh nghiệp ngoài nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và không vì mục đích lợi nhuận của doanh nghiệp. Các khoản chi sự nghiệp, dự án được trang trải bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án do Ngân sách Nhà nước cấp hoặc doanh nghiệp cấp trên cấp, hoặc được viện trợ, tài trợ không hoàn lại. Tài khoản này chỉ sử dụng ở những doanh nghiệp có các hoạt động sự nghiệp, hoạt động dự án được Ngân sách Nhà nước hoặc cấp trên cấp kinh phí hoặc được viện trợ, tài trợ không hoàn lại, hoặc được thu các khoản thu sự nghiệp để trang trải các khoản chi.
b) Phải mở sổ kế toán chi tiết chi sự nghiệp, chi dự án theo từng nguồn kinh phí, theo niên độ kế toán, niên khóa Ngân sách và theo phân loại của mục lục Ngân sách Nhà nước.
c) Hạch toán chi sự nghiệp, chi dự án phải đảm bảo thống nhất với công tác lập dự toán và phải đảm bảo sự khớp đúng, thống nhất giữa sổ kế toán với chứng từ và Báo cáo tài chính.
d) Hạch toán vào tài khoản này những khoản chi thuộc kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án hàng năm của doanh nghiệp, bao gồm cả những khoản chi thường xuyên và những khoản chi không thường xuyên theo chế độ tài chính hiện hành.
đ) Cuối niên độ kế toán, nếu quyết toán chưa được duyệt thì toàn bộ số chi sự nghiệp, chi dự án trong năm được chuyển từ bên Có tài khoản 1612 "Chi sự nghiệp năm nay" sang bên Nợ tài khoản 1611 "Chi sự nghiệp năm trước" để theo dõi cho đến khi báo cáo quyết toán được duyệt.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 161 - Chi sự nghiệp
Bên Nợ: Các khoản chi sự nghiệp, chi dự án thực tế phát sinh.
Bên Có:
- Các khoản chi sự nghiệp, chi dự án sai quy định không được phê duyệt, phải xuất toán thu hồi;
- Số chi sự nghiệp, chi dự án được duyệt quyết toán với nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án.
Số dư bên Nợ: Các khoản chi sự nghiệp, chi dự án chưa được quyết toán hoặc quyết toán chưa được duyệt y.
Tài khoản 161 - Chi sự nghiệp, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 1611 - Chi sự nghiệp năm trước: Phản ánh các khoản chi sự nghiệp, chi dự án thuộc kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án năm trước chưa được quyết toán.
- Tài khoản 1612 - Chi sự nghiệp năm nay: Phản ánh các khoản chi sự nghiệp, chi dự án năm nay.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi xuất tiền chi cho hoạt động sự nghiệp, chương trình, dự án thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có các TK 111,112,...
b) Tiền lương và các khoản khác phải trả cho người lao động của doanh nghiệp, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ tính vào chi sự nghiệp, chi dự án, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 334 - Phải trả người lao động
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
c) Khi xuất kho vật tư, công cụ, dụng cụ sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
d) Khi nhận được các khoản kinh phí của cấp trên hoặc khi rút dự toán chi sự nghiệp, dự án để chi trực tiếp cho hoạt động sự nghiệp, hoạt động dự án, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp.
Nếu rút dự toán chi sự nghiệp, dự án ra sử dụng, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép cho phù hợp với đặc điểm của doanh nghiệp..
đ) Khi kết chuyển chi phí sửa chữa lớn TSCĐ hoàn thành để sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, hoạt động dự án, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 241 - XDCB dở dang (2413 - Sửa chữa lớn TSCĐ).
e) Trường hợp mua sắm TSCĐ hoặc đầu tư xây dựng cơ bản cho các hoạt động sự nghiệp, dự án bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án:
- Khi mua sắm TSCĐ, xây dựng công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có các TK 111, 112, 331, 241, 461,...
- Đồng thời ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
Nếu rút dự toán chi sự nghiệp, dự án để mua sắm TSCĐ, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép cho phù hợp.
g) Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ của người lao động tham gia hoạt động sự nghiệp, dự án của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).
h) Cuối năm tài chính, nếu quyết toán chưa được duyệt, kế toán tiến hành chuyển số dư Nợ TK 1612 "Chi sự nghiệp năm nay" sang TK 1611 "Chi sự nghiệp năm trước", ghi:
Nợ TK 1611 - Chi sự nghiệp năm trước
Có TK 1612 - Chi sự nghiệp năm nay.
i) Khi báo cáo quyết toán được duyệt, số chi sự nghiệp, chi dự án được quyết toán với nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án, ghi:
Nợ TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4611- Nguồn kinh phí sự nghiệp năm trước)
Có TK 161 - Chi sự nghiệp (1611- Chi sự nghiệp năm trước).
k) Các khoản chi sai quy định không được cấp có thẩm quyền phê duyệt phải xuất toán thu hồi, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 161 - Chi sự nghiệp (1611- Chi sự nghiệp năm trước).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ phát sinh trong kỳ. Tài khoản này chỉ ghi nhận giá trị của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, không ghi nhận khoản coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng.
b) Doanh nghiệp phải chấp hành đúng các qui định về hình thức giao dịch, thời hạn giao dịch và thu nhập từ trái phiếu Chính phủ trong giao dịch mua bán lại được qui định tại các cơ chế tài chính hiện hành về giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
c) Bên mua trái phiếu theo hợp đồng mua bán lại không được ghi nhận là khoản doanh thu khi nhận khoản coupon trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn của giao dịch mua bán lại mà ghi nhận là khoản phải trả, phải nộp khác.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 171 - Giao dịch mua, bán lại trái phiếu Chính phủ
Bên Nợ:
- Giá trị trái phiếu Chính phủ mua lại của bên bán khi hết hạn hợp đồng;
- Giá trị trái phiếu khi mua của bên mua khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực;
- Phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ đối với bên mua.
Bên Có:
- Giá trị trái phiếu Chính phủ khi bán theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ của bên mua khi hết hạn hợp đồng;
- Giá trị trái phiếu khi bán của bên bán khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực;
- Phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua lại trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ đối với bên bán.
Số dư bên Nợ: Giá trị trái phiếu Chính phủ của bên mua khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại.
Số dư bên Có: Giá trị trái phiếu Chính phủ của bên bán khi chưa kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Kế toán đối với bên bán trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (Repo)
a) Khi hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ có hiệu lực, ghi:
Nợ TK 111,112 (số tiền theo giá bán)
Có TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
b) Định kỳ, bên bán phân bổ số chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào chi phí, ghi:
Nợ TK 635- Chi phí tài chính (đơn vị khác công ty chứng khoán)
Có TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ (thời gian phân bổ phù hợp với thời gian của hợp đồng).
c) Khi kết thúc thời hạn hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, công ty nhận lại chứng khoán và thanh toán tiền ghi trong hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ, ghi:
Nợ TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 111,112 (theo giá mua lại ghi trong hợp đồng).
d) Khi bên mua thanh toán cho bên bán số coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, bên bán ghi:
Nợ các TK 111,112,138
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (đơn vị khác công ty chứng khoán) (số coupon của trái phiếu).
3.2. Kế toán đối với bên mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (Repo)
a) Khi hợp đồng có hiệu lực, căn cứ vào chứng từ xuất tiền và các chứng từ khác, ghi:
Nợ TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 111, 112 (số tiền phải trả theo giá mua).
b) Định kỳ, bên mua phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại và giá mua trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào doanh thu, ghi:
Nợ TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (đơn vị khác công ty chứng khoán) (phân bổ theo thời gian của hợp đồng).
c) Khi nhận được coupon của trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, ghi:
Nợ TK 111,112, ...
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388).
d) Khi kết thúc thời hạn của hợp đồng ghi:
Nợ các TK 111,112,138
Có TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
Đồng thời thực hiện các thủ tục thanh toán lại số coupon của trái phiếu của bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng mà bên mua nhận hộ, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 111,112...
1. Tài sản cố định, bất động sản đầu tư và chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang phải được theo dõi, quyết toán, quản lý và sử dụng theo đúng quy định của pháp luật hiện hành.
2. Kế toán phải theo dõi chi tiết nguồn hình thành TSCĐ để phân bổ hao mòn một cách phù hợp theo nguyên tắc:
- Đối với TSCĐ hình thành từ nguồn vốn vay hoặc vốn chủ sở hữu phục vụ cho sản xuất, kinh doanh thì hao mòn được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh;
- Đối với TSCĐ hình thành từ các Quỹ phúc lợi, Quỹ phát triển khoa học và công nghệ hoặc nguồn kinh phí thì hao mòn được ghi giảm các quỹ, nguồn kinh phí hình thành TSCĐ đó.
3. Kế toán phân loại TSCĐ và BĐSĐT theo mục đích sử dụng. Trường hợp một tài sản được sử dụng cho nhiều mục đích, ví dụ một tòa nhà hỗn hợp vừa dùng để làm văn phòng làm việc, vừa để cho thuê và một phần để bán thì kế toán phải thực hiện ước tính giá trị hợp lý của từng bộ phận để ghi nhận một cách phù hợp với mục đích sử dụng.
- Trường hợp một bộ phận trọng yếu của tài sản được sử dụng cho một mục đích cụ thể nào đó khác với mục đích sử dụng của các bộ phận còn lại thì kế toán căn cứ vào mức độ trọng yếu có thể phân loại toàn bộ tài sản theo bộ phận trọng yếu đó;
- Trường hợp có sự thay đổi về chức năng sử dụng của các bộ phận của tài sản thì kế toán được tái phân loại tài sản theo mục đích sử dụng theo quy định của các Chuẩn mực kế toán có liên quan.
4. Khi mua TSCĐ nếu được nhận kèm thêm thiết bị, phụ tùng thay thế (phòng ngừa trường hợp hỏng hóc) thì kế toán phải xác định và ghi nhận riêng sản phẩm, phụ tùng thiết bị thay thế theo giá trị hợp lý. Nếu thiết bị, phụ tùng thay thế đủ tiêu chuẩn là TSCĐ thì được ghi nhận là TSCĐ, nếu không đủ tiêu chuẩn của TSCĐ thì ghi nhận là hàng tồn kho. Nguyên giá TSCĐ mua được xác định bằng tổng giá trị của tài sản được mua trừ đi giá trị sản phẩm, thiết bị, phụ tùng thay thế.
5. Kế toán TSCĐ, BĐSĐT và chi phí đầu tư XDCB liên quan đến ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 69 – hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm toàn bộ tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp theo nguyên giá.
b) Tài sản cố định hữu hình là những tài sản có hình thái vật chất do doanh nghiệp nắm giữ để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình.
c) Những tài sản hữu hình có kết cấu độc lập, hoặc nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau thành một hệ thống để cùng thực hiện một hay một số chức năng nhất định, nếu thiếu bất kỳ một bộ phận nào trong đó thì cả hệ thống không thể hoạt động được, nếu thoả mãn đồng thời cả bốn tiêu chuẩn dưới đây thì được coi là tài sản cố định:
- Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai từ việc sử dụng tài sản đó;
- Nguyên giá tài sản phải được xác định một cách tin cậy;
- Có thời gian sử dụng từ 1 năm trở lên;
- Có giá trị theo quy định hiện hành.
Trường hợp một hệ thống gồm nhiều bộ phận tài sản riêng lẻ liên kết với nhau, trong đó mỗi bộ phận cấu thành có thời gian sử dụng khác nhau và nếu thiếu một bộ phận nào đó mà cả hệ thống vẫn thực hiện được chức năng hoạt động chính của nó nhưng do yêu cầu quản lý, sử dụng tài sản cố định đòi hỏi phải quản lý riêng từng bộ phận tài sản và mỗi bộ phận tài sản đó nếu cùng thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì được coi là một tài sản cố định hữu hình độc lập.
Đối với súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, nếu từng con súc vật thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định đều được coi là một tài sản cố định hữu hình.
Đối với vườn cây lâu năm, nếu từng mảnh vườn cây, hoặc cây thoả mãn đồng thời bốn tiêu chuẩn của tài sản cố định thì cũng được coi là một tài sản cố định hữu hình.
d) Giá trị TSCĐ hữu hình được phản ánh trên TK 211 theo nguyên giá. Kế toán phải theo dõi chi tiết nguyên giá của từng TSCĐ. Tuỳ thuộc vào nguồn hình thành, nguyên giá TSCĐ hữu hình được xác định như sau:
d1) Nguyên giá TSCĐ hữu hình do mua sắm bao gồm: Giá mua (trừ các khoản được chiết khấu thương mại, giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như chi phí chuẩn bị mặt bằng, chi phí vận chuyển và bốc xếp ban đầu, chi phí lắp đặt, chạy thử (trừ (-) các khoản thu hồi về sản phẩm, phế liệu do chạy thử), chi phí chuyên gia và các chi phí liên quan trực tiếp khác. Chi phí lãi vay phát sinh khi mua sắm TSCĐ đã hoàn thiện (TSCĐ sử dụng được ngay mà không cần qua quá trình đầu tư xây dựng) không được vốn hóa vào nguyên giá TSCĐ.
- Trường hợp mua TSCĐ được kèm thêm thiết bị, phụ tùng thay thế thì phải xác định và ghi nhận riêng thiết bị, phụ tùng thay thế theo giá trị hợp lý. Nguyên giá TSCĐ được mua là tổng các chi phí liên quan trực tiếp tới việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng trừ đi giá trị thiết bị, phụ tùng thay thế.
- Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm: Là giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua cộng các chi phí liên quan trực tiếp tính đến thời điểm đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại). Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo kỳ hạn thanh toán.
- Nguyên giá TSCĐ là bất động sản: Khi mua sắm bất động sản, đơn vị phải tách riêng giá trị quyền sử dụng đất và tài sản trên đất theo quy định của pháp luật. Phần giá trị tài sản trên đất được ghi nhận là TSCĐ hữu hình; Giá trị quyền sử dụng đất được hạch toán là TSCĐ vô hình hoặc chi phí trả trước tùy từng trường hợp theo quy định của pháp luật.
d2) Nguyên giá TSCĐ hữu hình hình thành do đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành
- Nguyên giá TSCĐ theo phương thức giao thầu: Là giá quyết toán công trình xây dựng theo quy định tại Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng hiện hành, các chi phí khác có liên quan trực tiếp và lệ phí trước bạ (nếu có). Đối với tài sản cố định là con súc vật làm việc hoặc cho sản phẩm, vườn cây lâu năm thì nguyên giá là toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra cho con súc vật, vườn cây đó từ lúc hình thành cho tới khi đưa vào khai thác, sử dụng và các chi phí khác trực tiếp có liên quan.
- TSCĐ hữu hình tự xây dựng hoặc tự sản xuất:
Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng là giá trị quyết toán công trình khi đưa vào sử dụng. Trường hợp TSCĐ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa thực hiện quyết toán thì doanh nghiệp hạch toán nguyên giá theo giá tạm tính và điều chỉnh sau khi quyết toán công trình hoàn thành.
Nguyên giá TSCĐ hữu hình tự sản xuất là giá thành thực tế của TSCĐ hữu hình cộng (+) các chi phí trực tiếp liên quan đến việc đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
- Trong cả hai trường hợp trên, nguyên giá TSCĐ bao gồm cả chi phí lắp đặt, chạy thử trừ giá trị sản phẩm thu hồi trong quá trình chạy thử, sản xuất thử. Doanh nghiệp không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình các khoản lãi nội bộ và các khoản chi phí không hợp lý như nguyên liệu, vật liệu lãng phí, lao động hoặc các khoản chi phí khác sử dụng vượt quá mức bình thường trong quá trình tự xây dựng hoặc tự sản xuất.
d3) Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình không tương tự hoặc tài sản khác, được xác định theo giá trị hợp lý của TSCĐ hữu hình nhận về, hoặc giá trị hợp lý của tài sản đem trao đổi, sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về cộng các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào trạng thái sẵn sàng sử dụng (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại).
Nguyên giá TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ hữu hình tương tự, hoặc có thể hình thành do được bán để đổi lấy quyền sở hữu một tài sản tương tự (tài sản tương tự là tài sản có công dụng tương tự, trong cùng lĩnh vực kinh doanh và có giá trị tương đương). Trong trường hợp này có bất kỳ khoản lãi hay lỗ nào được ghi nhận trong quá trình trao đổi. Nguyên giá TSCĐ nhận về được tính bằng giá trị còn lại của TSCĐ đem trao đổi.
d4) Nguyên giá TSCĐ hữu hình được cấp, được điều chuyển đến bao gồm: Giá trị còn lại trên sổ kế toán của tài sản cố định ở doanh nghiệp cấp, doanh nghiệp điều chuyển hoặc giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật và các chi phí liên quan trực tiếp như vận chuyển, bốc dỡ, chi phí nâng cấp, lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ (nếu có)... mà bên nhận tài sản phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng.
Riêng nguyên giá TSCĐ hữu hình điều chuyển giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc trong cùng doanh nghiệp là nguyên giá phản ánh ở doanh nghiệp bị điều chuyển phù hợp với bộ hồ sơ của tài sản cố định đó. Đơn vị nhận tài sản cố định căn cứ vào nguyên giá, số khấu hao luỹ kế, giá trị còn lại trên sổ kế toán và bộ hồ sơ của tài sản cố định đó để phản ánh vào sổ kế toán. Các chi phí có liên quan tới việc điều chuyển tài sản cố định giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc không được hạch toán tăng nguyên giá tài sản cố định mà hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
d5) Nguyên giá tài sản cố định hữu hình nhận góp vốn, nhận lại vốn góp là giá trị do các thành viên, cổ đông sáng lập định giá nhất trí hoặc doanh nghiệp và người góp vốn thỏa thuận hoặc do tổ chức chuyên nghiệp định giá theo quy định của pháp luật và được các thành viên, cổ đông sáng lập chấp thuận.
d6) Nguyên giá tài sản cố định do phát hiện thừa, được tài trợ, biếu, tặng: Là giá trị theo đánh giá thực tế của Hội đồng giao nhận hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp; Các chi phí mà bên nhận phải chi ra tính đến thời điểm đưa TSCĐ vào trạng thái sẵn sàng sử dụng như: Chi phí vận chuyển, bốc dỡ, lắp đặt, chạy thử, lệ phí trước bạ (nếu có).
d7. Nguyên giá TSCĐ mua bằng ngoại tệ được thực hiện theo quy định tại Điều 69 – hướng dẫn phương pháp kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái.
đ) Chỉ được thay đổi nguyên giá TSCĐ hữu hình trong các trường hợp:
- Đánh giá lại TSCĐ theo quyết định của Nhà nước;
- Xây lắp, trang bị thêm cho TSCĐ;
- Thay đổi bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng thời gian sử dụng hữu ích, hoặc làm tăng công suất sử dụng của chúng;
- Cải tiến bộ phận của TSCĐ hữu hình làm tăng đáng kể chất lượng sản phẩm sản xuất ra;
- Áp dụng quy trình công nghệ sản xuất mới làm giảm chi phí hoạt động của tài sản so với trước;
- Tháo dỡ một hoặc một số bộ phận của TSCĐ.
Mọi trường hợp tăng, giảm TSCĐ hữu hình đều phải lập biên bản giao nhận, biên bản thanh lý TSCĐ và phải thực hiện các thủ tục quy định. Kế toán có nhiệm vụ lập và hoàn chỉnh hồ sơ TSCĐ về mặt kế toán.
e) Các chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường không được tính vào giá trị TSCĐ mà được ghi nhận vào chi phí phát sinh trong kỳ. Các TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải được bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ (như tua bin nhà máy điện, động cơ máy bay...) thì kế toán được trích lập khoản dự phòng phải trả và tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh hàng kỳ để có nguồn trang trải khi phát sinh việc bảo dưỡng, sửa chữa.
g) TSCĐ hữu hình cho thuê hoạt động vẫn phải trích khấu hao theo quy định của chuẩn mực kế toán và chính sách tài chính hiện hành.
h) TSCĐ hữu hình phải được theo dõi chi tiết cho từng đối tượng ghi TSCĐ, theo từng loại TSCĐ và địa điểm bảo quản, sử dụng, quản lý TSCĐ.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 211 - Tài sản cố định hữu hình
Bên Nợ:
- Nguyên giá của TSCĐ hữu hình tăng do XDCB hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, do mua sắm, do nhận vốn góp, do được cấp, do được tặng biếu, tài trợ, phát hiện thừa;
- Điều chỉnh tăng nguyên giá của TSCĐ do xây lắp, trang bị thêm hoặc do cải tạo nâng cấp;
- Điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ do đánh giá lại.
Bên Có:
- Nguyên giá của TSCĐ hữu hình giảm do điều chuyển cho doanh nghiệp khác, do nhượng bán, thanh lý hoặc đem đi góp vốn liên doanh,...
- Nguyên giá của TSCĐ giảm do tháo bớt một hoặc một số bộ phận;
- Điều chỉnh giảm nguyên giá TSCĐ do đánh giá lại.
Số dư bên Nợ: Nguyên giá TSCĐ hữu hình hiện có ở doanh nghiệp.
Tài khoản 211 - Tài sản cố định hữu hình có 6 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 2111 - Nhà cửa, vật kiến trúc: Phản ánh giá trị các công trình XDCB như nhà cửa, vật kiến trúc, hàng rào, bể, tháp nước, sân bãi, các công trình trang trí thiết kế cho nhà cửa, các công trình cơ sở hạ tầng như đường sá, cầu cống, đường sắt, cầu tàu, cầu cảng...
- Tài khoản 2112 - Máy móc thiết bị: Phản ánh giá trị các loại máy móc, thiết bị dùng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm những máy móc chuyên dùng, máy móc, thiết bị công tác, dây chuyền công nghệ và những máy móc đơn lẻ.
- Tài khoản 2113 - Phương tiện vận tải, truyền dẫn: Phản ánh giá trị các loại phương tiện vận tải, gồm phương tiện vận tải đường bộ, sắt, thuỷ, sông, hàng không, đường ống và các thiết bị truyền dẫn.
- Tài khoản 2114 - Thiết bị, dụng cụ quản lý: Phản ánh giá trị các loại thiết bị, dụng cụ sử dụng trong quản lý, kinh doanh, quản lý hành chính.
- Tài khoản 2115 - Cây lâu năm, súc vật làm việc và cho sản phẩm: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ là các loại cây lâu năm, súc vật làm việc, súc vật nuôi để lấy sản phẩm.
- Tài khoản 2118 - TSCĐ khác: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ khác chưa phản ánh ở các tài khoản nêu trên.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Kế toán tăng TSCĐ hữu hình
a) Trường hợp nhận vốn góp của chủ sở hữu hoặc nhận vốn cấp bằng TSCĐ hữu hình, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (theo giá thỏa thuận)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
b) Trường hợp TSCĐ được mua sắm:
- Trường hợp mua sắm TSCĐ hữu hình, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, căn cứ các chứng từ có liên quan đến việc mua TSCĐ, kế toán xác định nguyên giá của TSCĐ, lập hồ sơ kế toán, lập Biên bản giao nhận TSCĐ, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112,...
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
- Trường hợp mua sắm TSCĐ hữu hình được nhận kèm thiết bị phụ tùng thay thế, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (chi tiết TSCĐ được mua, chi tiết thiết bị phụ tùng, thay thế đủ tiêu chuẩn của TSCĐ)
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ (1534) (thiết bị, phụ tùng thay thế)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112,...
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT.
- Nếu TSCĐ được mua sắm bằng nguồn vốn đầu tư XDCB của doanh nghiệp dùng vào SXKD, theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải ghi tăng nguồn vốn kinh doanh và giảm nguồn vốn XDCB, khi quyết toán được duyệt, ghi:
Nợ TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
c) Trường hợp mua TSCĐ hữu hình theo phương thức trả chậm, trả góp:
- Khi mua TSCĐ hữu hình theo phương thức trả chậm, trả góp và đưa về sử dụng ngay cho SXKD, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá - ghi theo giá mua trả tiền ngay)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (nếu có)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước [(Phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ giá mua trả tiền ngay và thuế GTGT (nếu có)]
Có các TK 111, 112, 331.
- Định kỳ, thanh toán tiền cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112 (số phải trả định kỳ bao gồm cả giá gốc và lãi trả chậm, trả góp phải trả định kỳ).
- Định kỳ, tính vào chi phí theo số lãi trả chậm, trả góp phải trả của từng kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
d) Trường hợp doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ hữu hình đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 711 - Thu nhập khác.
Các chi phí khác liên quan trực tiếp đến TSCĐ hữu hình được tài trợ, biếu, tặng tính vào nguyên giá, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có các TK 111, 112, 331,...
đ) Trường hợp TSCĐ hữu hình tự sản xuất:
Khi sử dụng sản phẩm do doanh nghiệp tự sản xuất để chuyển thành TSCĐ hữu hình, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 155 - Thành phẩm (nếu xuất kho ra sử dụng)
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (đưa vào sử dụng ngay).
e) Trường hợp TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi:
- TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình tương tự: Khi nhận TSCĐ hữu hình tương tự do trao đổi và đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ hữu hình nhận về ghi theo giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (số đã khấu hao của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ đưa đi trao đổi).
- TSCĐ hữu hình mua dưới hình thức trao đổi với TSCĐ hữu hình không tương tự:
+ Khi giao TSCĐ hữu hình cho bên trao đổi, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị đã khấu hao)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
+ Đồng thời ghi tăng thu nhập do trao đổi TSCĐ:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (nếu có).
+ Khi nhận được TSCĐ hữu hình do trao đổi, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (Nếu có)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).
+ Trường hợp phải thu thêm tiền do giá trị của TSCĐ đưa đi trao đổi lớn hơn giá trị của TSCĐ nhận được do trao đổi, khi nhận được tiền của bên có TSCĐ trao đổi, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (số tiền đã thu thêm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
+ Trường hợp phải trả thêm tiền do giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi nhỏ hơn giá trị hợp lý của TSCĐ nhận được do trao đổi, khi trả tiền cho bên có TSCĐ trao đổi, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có các TK 111, 112,...
g) Trường hợp mua TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc gắn liền với quyền sử dụng đất, đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá - chi tiết nhà cửa, vật kiến trúc)
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá - chi tiết quyền sử dụng đất)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
h) Trường hợp TSCĐ hữu hình tăng do đầu tư XDCB hoàn thành: Trường hợp công trình hoặc hạng mục công trình XDCB hoàn thành đã bàn giao đưa vào sử dụng, nhưng chưa được duyệt quyết toán vốn đầu tư, thì doanh nghiệp căn cứ vào chi phí đầu tư XDCB thực tế, tạm tính nguyên giá để hạch toán tăng, giảm TSCĐ (để có cơ sở tính và trích khấu hao TSCĐ đưa vào sử dụng). Sau khi quyết toán vốn đầu tư XDCB được duyệt, nếu có chênh lệch so với giá trị TSCĐ đã tạm tính thì kế toán thực hiện điều chỉnh tăng, giảm số chênh lệch.
- Trường hợp quá trình đầu tư XDCB được hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của doanh nghiệp:
+ Khi công tác XDCB hoàn thành nghiệm thu, bàn giao đưa tài sản vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi nhận TSCĐ, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
+ Nếu tài sản hình thành qua đầu tư không thoả mãn các tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ hữu hình theo quy định của chuẩn mực kế toán TSCĐ hữu hình, ghi:
Nợ các TK 152, 153 (nếu là vật liệu, công cụ, dụng cụ nhập kho)
Có TK 241 - XDCB dở dang.
- Trường hợp quá trình đầu tư XDCB không hạch toán trên cùng hệ thống sổ kế toán của doanh nghiệp (doanh nghiệp chủ đầu tư có BQLDA tổ chức kế toán riêng để theo dõi quá trình đầu tư XDCB): Khi nhận bàn giao công trình, chủ đầu tư, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 211, 213
Có TK 136 - Phải thu nội bộ
Có các TK 331, 333, … (nhận nợ phải trả nếu có).
- Nếu TSCĐ được đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư XDCB, khi quyết toán được duyệt có quyết định của cơ quan có thẩm quyền phải ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
- Trường hợp sau khi quyết toán, nếu có chênh lệch giữa giá quyết toán và giá tạm tính, kế toán điều chỉnh nguyên giá TSCĐ, ghi:
+ Trường hợp điều chỉnh giảm nguyên giá, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (số phải thu hồi không được quyết toán)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
+ Trường hợp điều chỉnh tăng nguyên giá TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217, 1557
Có các TK liên quan.
i) TSCĐ nhận được do điều động nội bộ Tổng công ty (không phải thanh toán tiền), ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình ( nguyên giá)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có các TK 336, 411 (giá trị còn lại).
k) Trường hợp dùng kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án để đầu tư, mua sắm TSCĐ, khi TSCĐ mua sắm, đầu tư hoàn thành đưa vào sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có các TK 111, 112
Có TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612).
Đồng thời ghi tăng nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Có TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
Nếu rút dự toán mua TSCĐ, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính..
l) Trường hợp đầu tư, mua sắm TSCĐ bằng quỹ phúc lợi, khi hoàn thành đưa vào sử dụng cho hoạt động văn hóa, phúc lợi, ghi:
Nợ TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (tổng giá thanh toán)
Có các TK 111, 112, 331, 3411,...
- Đồng thời, ghi:
Nợ TK 3532 - Quỹ phúc lợi
Có TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.
m) Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu liên quan đến TSCĐ hữu hình như sửa chữa, cải tạo, nâng cấp:
- Khi phát sinh chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp TSCĐ hữu hình sau khi ghi nhận ban đầu, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 112, 152, 331, 334,...
- Khi công việc sửa chữa, cải tạo, nâng cấp TSCĐ hoàn thành đưa vào sử dụng:
+ Nếu thoả mãn các điều kiện được ghi tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
+ Nếu không thoả mãn các điều kiện ghi tăng nguyên giá TSCĐ hữu hình:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642 (nếu giá trị nhỏ)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (nếu giá trị lớn phải phân bổ dần)
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
3.2. Kế toán giảm TSCĐ hữu hình
Tài sản cố định hữu hình của doanh nghiệp giảm, do nhượng bán, thanh lý, mất mát, phát hiện thiếu khi kiểm kê, đem góp vốn liên doanh, điều chuyển cho doanh nghiệp khác, tháo dỡ một hoặc một số bộ phận... Trong mọi trường hợp giảm TSCĐ hữu hình, kế toán phải làm đầy đủ thủ tục, xác định đúng những khoản thiệt hại và thu nhập (nếu có). Căn cứ các chứng từ liên quan, kế toán ghi sổ theo từng trường hợp cụ thể như sau:
3.2.1 Trường hợp nhượng bán TSCĐ dùng vào sản xuất, kinh doanh, dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án: TSCĐ nhượng bán thường là những TSCĐ không cần dùng hoặc xét thấy sử dụng không có hiệu quả. Khi nhượng bán TSCĐ hữu hình phải làm đầy đủ các thủ tục cần thiết theo quy định của pháp luật. Căn cứ vào biên bản giao nhận TSCĐ và các chứng từ liên quan đến nhượng bán TSCĐ:
a) Trường hợp nhượng bán TSCĐ dùng vào sản xuất, kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá bán chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế giá trị gia tăng phải nộp (33311).
Nếu không tách ngay được thuế GTGT thì thu nhập khác bao gồm cả thuế GTGT. Định kỳ kế toán ghi giảm thu nhập khác đối với số thuế GTGT phải nộp.
- Căn cứ Biên bản giao nhận TSCĐ để ghi giảm TSCĐ đã nhượng bán:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2141) (giá trị đã hao mòn)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
- Các chi phí phát sinh liên quan đến nhượng bán TSCĐ được phản ánh vào bên Nợ TK 811 "Chi phí khác".
b) Trường hợp nhượng bán TSCĐ hữu hình dùng vào hoạt động sự nghiệp, dự án:
- Căn cứ Biên bản giao nhận TSCĐ để ghi giảm TSCĐ đã nhượng bán:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị đã hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
-Số tiền thu, chi liên quan đến nhượng bán TSCĐ hữu hình ghi vào các tài khoản liên quan theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.
c)Trường hợp nhượng bán TSCĐ hữu hình dùng vào hoạt động văn hóa, phúc lợi:
- Căn cứ Biên bản giao nhận TSCĐ để ghi giảm TSCĐ nhượng bán, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3533) (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị đã hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
- Đồng thời phản ánh số thu về nhượng bán TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,…
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331) (nếu có).
- Phản ánh số chi về nhượng bán TSCĐ, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có các TK 111, 112,…
3.2.2. Trường hợp thanh lý TSCĐ: TSCĐ thanh lý là những TSCĐ hư hỏng không thể tiếp tục sử dụng được, những TSCĐ lạc hậu về kỹ thuật hoặc không phù hợp với yêu cầu sản xuất, kinh doanh. Khi có TSCĐ thanh lý, doanh nghiệp phải ra quyết định thanh lý, thành lập Hội đồng thanh lý TSCĐ. Hội đồng thanh lý TSCĐ có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc thanh lý TSCĐ theo đúng trình tự, thủ tục quy định trong chế độ quản lý tài chính và lập “Biên bản thanh lý TSCĐ" theo mẫu quy định. Biên bản được lập thành 2 bản, 1 bản chuyển cho phòng kế toán để theo dõi ghi sổ, 1 bản giao cho bộ phận quản lý, sử dụng TSCĐ.
Căn cứ vào Biên bản thanh lý và các chứng từ có liên quan đến các khoản thu, chi thanh lý TSCĐ,... kế toán ghi sổ như trường hợp nhượng bán TSCĐ.
3.2.3 Khi góp vốn vào công ty con, liên doanh, liên kết bằng TSCĐ hữu hình, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá trị đánh giá lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (số khấu hao đã trích)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 711 - Thu nhập khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ).
3.2.4 Kế toán TSCĐ hữu hình phát hiện thừa, thiếu: Mọi trường hợp phát hiện thừa hoặc thiếu TSCĐ đều phải truy tìm nguyên nhân. Căn cứ vào "Biên bản kiểm kê TSCĐ" và kết luận của Hội đồng kiểm kê để hạch toán chính xác, kịp thời, theo từng nguyên nhân cụ thể:
a) TSCĐ phát hiện thừa:
- Nếu TSCĐ phát hiện thừa do để ngoài sổ sách (chưa ghi sổ), kế toán phải căn cứ vào hồ sơ TSCĐ để ghi tăng TSCĐ theo từng trường hợp cụ thể, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có các TK 241, 331, 338, 411,…
- Nếu TSCĐ thừa đang sử dụng thì ngoài nghiệp vụ ghi tăng TSCĐ hữu hình, phải căn cứ vào nguyên giá và tỷ lệ khấu hao để xác định giá trị hao mòn làm căn cứ tính, trích bổ sung khấu hao TSCĐ hoặc trích bổ sung hao mòn đối với TSCĐ dùng cho hoạt động phúc lợi, sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ các TK Chi phí sản xuất, kinh doanh (TSCĐ dùng cho SXKD)
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (dùng cho phúc lợi)
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (dùng cho SN, DA)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2141).
- Nếu TSCĐ phát hiện thừa được xác định là TSCĐ của doanh nghiệp khác thì phải báo ngay cho doanh nghiệp chủ tài sản đó biết. Nếu không xác định được doanh nghiệp chủ tài sản thì phải báo ngay cho cơ quan cấp trên và cơ quan tài chính cùng cấp (nếu là DNNN) biết để xử lý. Trong thời gian chờ xử lý, kế toán phải căn cứ vào tài liệu kiểm kê, tạm thời theo dõi và giữ hộ.
b) TSCĐ phát hiện thiếu phải được truy cứu nguyên nhân, xác định người chịu trách nhiệm và xử lý theo chế độ tài chính hiện hành.
- Trường hợp có quyết định xử lý ngay: Căn cứ "Biên bản xử lý TSCĐ thiếu" đã được duyệt và hồ sơ TSCĐ, kế toán phải xác định chính xác nguyên giá, giá trị hao mòn của TSCĐ đó làm căn cứ ghi giảm TSCĐ và xử lý vật chất phần giá trị còn lại của TSCĐ. Tuỳ thuộc vào quyết định xử lý, ghi:
+ Đối với TSCĐ thiếu dùng vào sản xuất, kinh doanh, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ các TK 111, 112, 334, 138 (1388) (nếu người có lỗi phải bồi thường)
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu(nếu được phép ghi giảm vốn )
Nợ TK 811 - Chi phí khác (nếu doanh nghiệp chịu tổn thất)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
+ Đối với TSCĐ thiếu dùng vào hoạt động sự nghiệp, dự án:
Phản ánh giảm TSCĐ, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đối với phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu phải thu hồi theo quyết định xử lý, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu tiền)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (trừ vào lương của người lao động)
Có các TK liên quan (tuỳ theo quyết định xử lý).
+ Đối với TSCĐ thiếu dùng vào hoạt động văn hóa, phúc lợi:
Phản ánh giảm TSCĐ, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đối với phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu phải thu hồi theo quyết định xử lý, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu tiền)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (trừ vào lương của người lao động)
Có TK 3532 - Quỹ phúc lợi.
- Trường hợp TSCĐ thiếu chưa xác định được nguyên nhân chờ xử lý:
+ Đối với TSCĐ thiếu dùng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh:
Phản ánh giảm TSCĐ đối với phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2141) (giá trị hao mòn)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381) (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Khi có quyết định xử lý giá trị còn lại của TSCĐ thiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (tiền bồi thường)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388) (nếu người có lỗi phải bồi thường)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (trừ vào lương của người lao động)
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (nếu được phép ghi giảm vốn)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (nếu doanh nghiệp chịu tổn thất)
Có TK 138 - Phải thu khác (1381).
+ Đối với TSCĐ thiếu dùng vào hoạt động sự nghiệp, dự án:
Phản ánh giảm TSCĐ, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đồng thời phản ánh phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu vào TK 1381 "Tài sản thiếu chờ xử lý", ghi:
Nợ TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
Khi có quyết định xử lý thu bồi thường phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 334,...
Có TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý.
Đồng thời phản ánh số thu bồi thường phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu vào các tài khoản liên quan theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có các TK liên quan (TK 333, 461,...).
+ Đối với TSCĐ thiếu dùng vào hoạt động văn hóa, phúc lợi:
Phản ánh giảm TSCĐ, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đồng thời phản ánh phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu vào TK 1381 "Tài sản thiếu chờ xử lý", ghi:
Nợ TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý
Có TK 3532 - Quỹ phúc lợi.
Khi có quyết định xử lý thu bồi thường phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 334,...
Có TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý.
3.2.5. Đối với TSCĐ hữu hình dùng cho sản xuất, kinh doanh, nếu không đủ tiêu chuẩn ghi nhận theo quy định phải chuyển thành công cụ, dụng cụ ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642 (nếu giá trị còn lại nhỏ)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (nếu giá trị còn lại lớn phải phân bổ dần)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
3.2.6 Kế toán giao dịch bán và thuê lại TSCĐ hữu hình là thuê hoạt động (xem quy định ở TK 811 hoặc 711).
3.3. Kế toán xử lý TSCĐ hữu hình khi kiểm kê tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
a) Kế toán kết quả kiểm kê tài sản: Khi nhận được thông báo hoặc quyết định cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm kiểm kê, phân loại TSCĐ hữu hình doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
- Trường hợp thiếu TSCĐ hữu hình, ghi:
Nợ TK 1381 -Tài sản thiếu chờ xử lý (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn luỹ kế)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
- Trường hợp phát sinh thừa TSCĐ: Doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính các tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê. Sau đó, ghi vào các tài khoản có liên quan trong Bảng Cân đối kế toán sau khi tìm hiểu nguyên nhân và có quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền.
b) Kế toán xử lý TSCĐ hữu hình thừa, thiếu trong kiểm kê: Doanh nghiệp phải phân tích làm rõ nguyên nhân của tài sản thừa, thiếu và xác định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xử lý bồi thường trách nhiệm vật chất theo qui định hiện hành. Giá trị TSCĐ hữu hình thiếu sau khi trừ đi các khoản bồi thường được ghi nhận vào chi phí khác.
- Đối với tài sản phát hiện thiếu qua kiểm kê, căn cứ vào “Biên bản xử lý tài sản thừa, thiếu qua kiểm kê”, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (cá nhân, tổ chức nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 1388 - Phải thu khác (cá nhân, tổ chức phải nộp tiền bồi thường)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (nếu trừ lương của người lao động phạm lỗi)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (phần giá trị còn lại của TSCĐ thiếu qua kiểm kê phải tính vào tổn thất của doanh nghiệp)
Có TK 1381 - Tài sản thiếu chờ xử lý.
- Đối với TSCĐ hữu hình phát hiện thừa qua kiểm kê, căn cứ vào “ Biên bản xử lý tài sản thừa, thiếu qua kiểm kê”, ghi:
Nợ TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (nếu tài sản thừa của người bán)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (đối với TSCĐ hữu hình thừa không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu).
c) Kế toán nhượng bán, thanh lý tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, chờ thanh lý: Sau khi được chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quyết định cổ phần hóa, doanh nghiệp tổ chức, nhượng bán, thanh lý theo qui định hiện hành. Kế toán phải theo dõi, hạch toán số thu, chi phí và ghi giảm tài sản, cụ thể như sau:
- Phản ánh số thu về nhượng bán, thanh lý TSCĐ không cần dùng, TSCĐ chờ thanh lý, ghi:
Nợ TK 111,112,131
Có TK 711 - Thu nhập khác
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Phản ánh chi phí về nhượng bán, thanh lý TSCĐ không cần dùng, TSCĐ chờ thanh lý, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111,112, 331.
- Phản ánh giảm TSCĐ đã nhượng bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
d) Trường hợp doanh nghiệp chuyển giao TSCĐ hữu hình không cần dùng, chờ thanh lý theo quy định của pháp luật, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
đ) Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi
- Trường hợp chuyển giao nhà ở cán bộ, công nhân viên đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cho cơ quan nhà đất của địa phương để quản lý, kế toán, ghi:
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
- Đối với tài sản là công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa sử dụng cho mục đích kinh doanh thì kế toán ghi như sau:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
e) Kế toán giá trị TSCĐ hữu hình được đánh giá lại khi xác định giá trị doanh nghiệp
Căn cứ vào hồ sơ xác định lại giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp điều chỉnh lại giá trị TSCĐ hữu hình theo nguyên tắc sau: Chênh lệch tăng giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản; Chênh lệch giảm giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Nợ của TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản và phải chi tiết khoản chênh lệch này theo từng TSCĐ. Cụ thể cho từng trường hợp ghi sổ như sau:
- Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị cao hơn giá trị ghi sổ kế toán và nguyên giá TSCĐ, hao mòn luỹ kế đánh giá lại tăng so với giá trị ghi sổ, kế toán ghi:
Nợ TK 211 - Nguyên giá TSCĐ (phần đánh giá tăng)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đánh giá tăng)
Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị TSCĐ tăng thêm).
- Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ kế toán và nguyên giá TSCĐ, hao mòn luỹ kế đánh giá lại giảm so với giá trị ghi sổ, kế toán ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đánh giá giảm)
Nợ TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản (phần giá trị TSCĐ giảm đi)
Có TK 211 - Nguyên giá TSCĐ (phần đánh giá giảm).
Doanh nghiệp trích khấu hao TSCĐ theo nguyên giá mới sau khi đã điều chỉnh giá trị do đánh giá lại.
g) Bàn giao TSCĐ cho công ty cổ phần
- Trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp độc lập
Trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp độc lập, kế toán thực hiện các thủ tục bàn giao theo đúng qui định hiện hành về bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn cho công ty cổ phần. Toàn bộ chứng từ kế toán, sổ kế toán và Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc diện phải lưu trữ được chuyển giao cho công ty cổ phần để lưu trữ tiếp tục.
- Trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp hạch toán phụ thuộc của Công ty Nhà nước độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ, Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng Công ty.
Khi bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn cho công ty cổ phần, căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản, các phụ lục chi tiết về tài sản bàn giao cho công ty cổ phần và các chứng từ, sổ kế toán có liên quan, kế toán phản ánh giá trị TSCĐ hữu hình bàn giao cho công ty cổ phần, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đã hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của toàn bộ TSCĐ thuê tài chính của doanh nghiệp. Tài khoản này dùng cho doanh nghiệp là bên đi thuê hạch toán nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính (là những TSCĐ chưa thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nhưng doanh nghiệp có nghĩa vụ và trách nhiệm pháp lý quản lý và sử dụng như tài sản của doanh nghiệp).
b) Thuê tài chính: Là thuê tài sản mà bên cho thuê có sự chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản cho bên thuê. Quyền sở hữu tài sản có thể chuyển giao vào cuối thời hạn thuê.
c) Điều kiện phân loại thuê tài sản là thuê tài chính: Một hợp đồng thuê tài chính phải thoả mãn 1 trong năm (5) điều kiện sau:
- Bên cho thuê chuyển giao quyền sở hữu tài sản cho bên thuê khi hết thời hạn thuê;
- Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, bên thuê có quyền lựa chọn mua lại tài sản thuê với mức giá ước tính thấp hơn giá trị hợp lý vào cuối thời hạn thuê;
- Thời hạn thuê tài sản tối thiểu phải chiếm phần lớn thời gian sử dụng kinh tế của tài sản cho dù không có sự chuyển giao quyền sở hữu;
- Tại thời điểm khởi đầu thuê tài sản, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu chiếm phần lớn (tương đương) giá trị hợp lý của tài sản thuê;
- Tài sản thuê thuộc loại chuyên dùng mà chỉ có bên thuê có khả năng sử dụng không cần có sự thay đổi, sửa chữa lớn nào.
d) Hợp đồng thuê tài sản được coi là hợp đồng thuê tài chính nếu thoả mãn ít nhất một trong ba (3) điều kiện sau:
- Nếu bên thuê huỷ hợp đồng và đền bù tổn thất phát sinh liên quan đến việc huỷ hợp đồng cho bên cho thuê;
- Thu nhập hoặc tổn thất do sự thay đổi giá trị hợp lý của giá trị còn lại của tài sản thuê gắn với bên thuê;
- Bên thuê có khả năng tiếp tục thuê lại tài sản sau khi hết hạn hợp đồng thuê với tiền thuê thấp hơn giá thuê thị trường. Riêng trường hợp thuê tài sản là quyền sử dụng đất thì thường được phân loại là thuê hoạt động.
đ) Nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính được ghi nhận bằng giá trị hợp lý của tài sản thuê hoặc là giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu (trường hợp giá trị hợp lý cao hơn giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu) cộng với các chi phí trực tiếp phát sinh ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính. Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu không bao gồm số thuế GTGT phải trả cho bên cho thuê.
Khi tính giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu cho việc thuê tài sản, doanh nghiệp có thể sử dụng tỷ lệ lãi suất ngầm định, tỷ lệ lãi suất được ghi trong hợp đồng thuê hoặc tỷ lệ lãi suất biên đi vay của bên thuê.
e) Số thuế GTGT đầu vào của tài sản thuê tài chính không được khấu trừ bên đi thuê phải trả cho bên cho thuê được hạch toán như sau:
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được thanh toán một lần ngay tại thời điểm ghi nhận tài sản thuê thì nguyên giá tài sản thuê bao gồm cả thuế GTGT;
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ được thanh toán từng kỳ thì được ghi vào chi phí SXKD trong kỳ phù hợp với khoản mục chi phí khấu hao của tài sản thuê tài chính.
g) Không phản ánh vào tài khoản này giá trị của TSCĐ thuê hoạt động.
h) Bên thuê có trách nhiệm tính, trích khấu hao tài sản cố định vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo định kỳ trên cơ sở áp dụng chính sách khấu hao nhất quán với chính sách khấu hao của tài sản cùng loại thuộc sở hữu của mình. Nếu không chắc chắn là bên thuê sẽ có quyền sở hữu tài sản thuê khi hết hạn hợp đồng thuê thì tài sản thuê sẽ được khấu hao theo thời hạn thuê nếu thời hạn thuê ngắn hơn thời gian sử dụng hữu ích của tài sản thuê.
i) Tài khoản 212 được mở chi tiết để theo dõi từng loại, từng TSCĐ đi thuê.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 212 - TSCĐ thuê tài chính
Bên Nợ: Nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính tăng.
Bên Có: Nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính giảm do chuyển trả lại cho bên cho thuê khi hết hạn hợp đồng hoặc mua lại thành TSCĐ của doanh nghiệp.
Số dư bên Nợ: Nguyên giá của TSCĐ thuê tài chính hiện có.
Tài khoản 212 - TSCĐ thuê tài chính có 2 tài khoản cấp 2
- TK 2121 - TSCĐ hữu hình thuê tài chính: Dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của toàn bộ TSCĐ hữu hình thuê tài chính của doanh nghiệp;
- TK 2122 - TSCĐ vô hình thuê tài chính: Dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của toàn bộ TSCĐ vô hình thuê tài chính của doanh nghiệp.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi phát sinh chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến tài sản thuê tài chính trước khi nhận tài sản thuê như: Chi phí đàm phán, ký kết hợp đồng..., ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có các TK 111, 112,...
3.2. Khi chi tiền ứng trước khoản tiền thuê tài chính hoặc ký quỹ đảm bảo việc thuê tài sản, ghi:
Nợ TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3412) (số tiền thuê trả trước)
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
Có các TK 111, 112,...
3.3. Khi nhận TSCĐ thuê tài chính, kế toán căn cứ vào hợp đồng thuê tài sản và các chứng từ có liên quan phản ánh giá trị TSCĐ thuê tài chính theo giá chưa có thuế GTGT đầu vào, ghi:
Nợ TK 212 - TSCĐ thuê tài chính (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính(3412)(giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu hoặc giá trị hợp lý của tài sản thuê không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại).
Chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến hoạt động thuê tài chính được ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ thuê tài chính, ghi:
Nợ TK 212 - TSCĐ thuê tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước, hoặc
Có các TK 111, 112,... (số chi phí trực tiếp liên quan đến hoạt động thuê phát sinh khi nhận tài sản thuê tài chính).
3.4. Định kỳ, nhận được hoá đơn thanh toán tiền thuê tài chính:
Khi trả nợ gốc, trả tiền lãi thuê cho bên cho thuê, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (tiền lãi thuê trả kỳ này)
Nợ TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3412) (nợ gốc trả kỳ này)
Có các TK 111, 112,...
3.5. Khi nhận được hóa đơn của bên cho thuê yêu cầu thanh toán khoản thuế GTGT đầu vào:
a) Nếu thuế GTGT được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (nếu trả tiền ngay)
Có TK 338 - Phải trả khác (thuế GTGT đầu vào phải trả bên cho thuê).
b) Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 212 - TSCĐ thuê tài chính (nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ và việc thanh toán thuế GTGT được thực hiện một lần ngay tại thời điểm ghi nhận TSCĐ thuê tài chính)
Nợ các TK 627, 641, 642 (nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thanh toán theo định kỳ nhận hóa đơn)
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (nếu trả tiền ngay)
Có TK 338 - Phải trả khác (thuế GTGT đầu vào phải trả bên cho thuê).
3.6. Khi trả phí cam kết sử dụng vốn phải trả cho bên cho thuê tài sản, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính.
Có các TK 111, 112,...
3.7. Khi trả lại TSCĐ thuê tài chính theo quy định của hợp đồng thuê cho bên cho thuê, kế toán ghi giảm giá trị TSCĐ thuê tài chính, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2142)
Có TK 212 - TSCĐ thuê tài chính.
3.8. Trường hợp trong hợp đồng thuê tài sản quy định bên đi thuê chỉ thuê hết một phần giá trị tài sản, sau đó mua lại thì khi nhận chuyển giao quyền sở hữu tài sản, kế toán ghi giảm TSCĐ thuê tài chính và ghi tăng TSCĐ hữu hình thuộc sở hữu của doanh nghiệp. Khi chuyển từ tài sản thuê tài chính sang tài sản thuộc sở hữu của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 212 - TSCĐ thuê tài chính (GT còn lại TSCĐ thuê tài chính)
Có các TK 111, 112,... (số tiền phải trả thêm).
Đồng thời chuyển giá trị hao mòn, ghi:
Nợ TK 2142 - Hao mòn TSCĐ thuê tài chính
Có TK 2141 - Hao mòn TSCĐ hữu hình.
3.9. Kế toán giao dịch bán và thuê lại tài sản là thuê tài chính:
a) Trường hợp giao dịch bán và thuê lại với giá bán tài sản cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ:
- Kế toán giao dịch bán (xem tài khoản 711)
- Các bút toán ghi nhận tài sản thuê và nợ phải trả về thuê tài chính, trả tiền thuê từng kỳ thực hiện theo quy định từ điểm 3.1 đến 3.6 Điều này.
- Định kỳ, kế toán tính, trích khấu hao TSCĐ thuê tài chính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642,...
Có TK 2142 - Hao mòn TSCĐ thuê tài chính.
- Định kỳ, kết chuyển chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với thời gian thuê tài sản, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có các TK 623, 627, 641, 642,...
b) Trường hợp giao dịch bán và thuê lại với giá thấp hơn giá trị còn lại của TSCĐ:
- Kế toán giao dịch bán (xem tài khoản 711)
- Các bút toán ghi nhận tài sản thuê và nợ phải trả về thuê tài chính, trả tiền thuê từng kỳ thực hiện theo quy định từ điểm 3.1 đến 3.6 Điều này.
- Định kỳ, kết chuyển số chênh lệch nhỏ hơn (lỗ) giữa giá bán và giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại ghi tăng chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642,...
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm TSCĐ vô hình của doanh nghiệp. TSCĐ vô hình là tài sản không có hình thái vật chất, nhưng xác định được giá trị và do doanh nghiệp nắm giữ, sử dụng trong SXKD, cung cấp dịch vụ hoặc cho các đối tượng khác thuê, phù hợp với tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình.
b) Nguyên giá của TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí mà doanh nghiệp phải bỏ ra để có được TSCĐ vô hình tính đến thời điểm đưa tài sản đó vào sử dụng theo dự kiến.
- Nguyên giá TSCĐ vô hình mua riêng biệt, bao gồm giá mua (trừ (-) các khoản được chiết khấu thương mại hoặc giảm giá), các khoản thuế (không bao gồm các khoản thuế được hoàn lại) và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính;
- Trường hợp TSCĐ vô hình mua sắm được thanh toán theo phương thức trả chậm, trả góp, nguyên giá của TSCĐ vô hình được phản ánh theo giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí SXKD theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá TSCĐ vô hình (vốn hóa) theo quy định của chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”;
- TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi với một TSCĐ vô hình không tương tự được xác định theo giá trị hợp lý của tài sản nhận về hoặc bằng giá trị hợp lý của tài sản đem đi trao đổi sau khi điều chỉnh các khoản tiền hoặc tương đương tiền trả thêm hoặc thu về. Nếu việc trao đổi, thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của doanh nghiệp, thì nguyên giá là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn của doanh nghiệp;
- Nguyên giá TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất là số tiền đã trả để có được quyền sử dụng đất hợp pháp (gồm chi phí đã trả cho tổ chức, cá nhân chuyển nhượng hoặc chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng, lệ phí trước bạ...) hoặc theo thỏa thuận của các bên khi góp vốn. Việc xác định TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất phải tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan.
- Nguyên giá TSCĐ vô hình được Nhà nước cấp hoặc được tặng, biếu được xác định theo giá trị hợp lý ban đầu cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đưa tài sản vào sử dụng theo dự tính.
- Nguyên giá TSCĐ vô hình được điều chuyển đến là nguyên giá ghi trên sổ sách kế toán của đơn vị có tài sản điều chuyển.
c) Toàn bộ chi phí thực tế phát sinh liên quan đến giai đoạn triển khai không đủ điều kiện ghi nhận là TSCĐ vô hình được tập hợp vào chi phí SXKD trong kỳ. Trường hợp xét thấy kết quả triển khai thoả mãn được định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình quy định tại Chuẩn mực kế toán “TSCĐ vô hình” thì các chi phí giai đoạn triển khai được tập hợp vào TK 241 "Xây dựng cơ bản dở dang" (2412). Khi kết thúc giai đoạn triển khai các chi phí hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình trong giai đoạn triển khai phải được kết chuyển vào bên Nợ tài khoản 213 “TSCĐ vô hình".
d) Trong quá trình sử dụng phải tiến hành trích khấu hao TSCĐ vô hình vào chi phí SXKD theo quy định của Chuẩn mực kế toán TSCĐ vô hình. Riêng đối với TSCĐ là quyền sử dụng đất thì chỉ tính khấu hao đối với những TSCĐ vô hình là quyền sử dụng có thời hạn.
đ) Chi phí liên quan đến TSCĐ vô hình phát sinh sau khi ghi nhận ban đầu phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi thoả mãn đồng thời 2 điều kiện sau thì được ghi tăng nguyên giá TSCĐ vô hình:
- Chi phí phát sinh có khả năng làm cho TSCĐ vô hình tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhiều hơn mức hoạt động được đánh giá ban đầu;
- Chi phí được xác định một cách chắc chắn và gắn liền với TSCĐ vô hình cụ thể.
e) Chi phí phát sinh đem lại lợi ích kinh tế trong tương lai cho doanh nghiệp gồm: chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo nhân viên, chi phí quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp mới thành lập, chi phí cho giai đoạn nghiên cứu, chi phí chuyển dịch địa điểm được ghi nhận là chi phí SXKD trong kỳ hoặc được phân bổ dần vào chi phí SXKD trong thời gian tối đa không quá 3 năm.
g) Chi phí liên quan đến tài sản vô hình đã được doanh nghiệp ghi nhận là chi phí để xác định kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ trước đó thì không được tái ghi nhận vào nguyên giá TSCĐ vô hình.
h) Các nhãn hiệu, tên thương mại, quyền phát hành, danh sách khách hàng và các khoản mục tương tự được hình thành trong nội bộ doanh nghiệp không được ghi nhận là TSCĐ vô hình.
i) TSCĐ vô hình được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng ghi TSCĐ trong “Sổ tài sản cố định”.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 213 - TSCĐ vô hình
Bên Nợ: Nguyên giá TSCĐ vô hình tăng.
Bên Có: Nguyên giá TSCĐ vô hình giảm.
Số dư bên Nợ: Nguyên giá TSCĐ vô hình hiện có ở doanh nghiệp.
Tài khoản 213 - TSCĐ vô hình, có 7 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 2131 - Quyền sử dụng đất: Chỉ phản ánh vào tài khoản này quyền sử dụng đất được coi là tài sản cố định vô hình theo quy định của pháp luật.
Giá trị TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất gồm toàn bộ các chi phí thực tế đã chi ra liên quan trực tiếp tới quyền sử dụng đất, như: Tiền chi ra để có quyền sử dụng đất, chi phí cho đền bù, giải phóng mặt bằng, san lấp mặt bằng (trường hợp quyền sử dụng đất riêng biệt đối với giai đoạn đầu tư nhà cửa, vật kiến trúc trên đất), lệ phí trước bạ (nếu có)... Tài khoản này không bao gồm các chi phí chi ra để xây dựng các công trình trên đất.
- Tài khoản 2132 - Quyền phát hành: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có quyền phát hành.
- Tài khoản 2133 - Bản quyền, bằng sáng chế: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các chi phí thực tế chi ra để có bản quyền tác giả, bằng sáng chế.
- Tài khoản 2134 - Nhãn hiệu, tên thương mại: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các chi phí thực tế liên quan trực tiếp tới việc mua nhãn hiệu hàng hoá.
- Tài khoản 2135 - Chương trình phần mềm: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là toàn bộ các chi phí thực tế doanh nghiệp đã chi ra để có chương trình phần mềm.
- Tài khoản 2136 - Giấy phép và giấy phép nhượng quyền: Phản ánh giá trị TSCĐ vô hình là các khoản chi ra để doanh nghiệp có được giấy phép hoặc giấy phép nhượng quyền thực hiện công việc đó, như: Giấy phép khai thác, giấy phép sản xuất loại sản phẩm mới,...
- Tài khoản 2138 - TSCĐ vô hình khác: Phản ánh giá trị các loại TSCĐ vô hình khác chưa quy định phản ánh ở các tài khoản trên.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Mua TSCĐ vô hình:
- Trường hợp mua TSCĐ vô hình dùng vào SXKD hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng
Có TK 141 - Tạm ứng
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Trường hợp mua TSCĐ vô hình dùng vào SXKD hàng hóa, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (tổng giá thanh toán)
Có TK 112, 331,...(tổng giá thanh toán).
3.2. Trường hợp mua TSCĐ vô hình theo phương thức trả chậm, trả góp:
- Khi mua TSCĐ vô hình dùng vào SXKD hàng hoá, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (giá mua trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (phần lãi trả chậm, trả góp tính bằng số
chênh lệch giữa Tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) Giá mua trả tiền ngay và thuế GTGT đầu vào (nếu có))
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Khi mua TSCĐ vô hình dùng vào SXKD hàng hoá, dịch vụ không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (theo giá mua trả tiền ngay đã có thuế GTGT)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (lãi trả chậm, trả góp tính bằng số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) Giá mua trả tiền ngay)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Hàng kỳ tính số lãi phải trả về mua TSCĐ vô hình theo phương thức trả chậm, trả góp, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
- Khi thanh toán tiền cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,...
3.3. TSCĐ vô hình mua dưới hình thức trao đổi.
a) Trường hợp trao đổi hai TSCĐ vô hình tương tự: Khi nhận TSCĐ vô hình tương tự do trao đổi với một TSCĐ vô hình tương tự và đưa vào sử dụng ngay cho SXKD, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá TSCĐ vô hình nhận về ghi theo giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2143) (số đã khấu hao TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá của TSCĐ đưa đi trao đổi).
b) Trường hợp trao đổi hai TSCĐ vô hình không tương tự:
- Ghi giảm TSCĐ vô hình đưa đi trao đổi, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị đã khấu hao)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
- Đồng thời phản ánh số thu nhập do trao đổi TSCĐ, ghi:
Nợ TK 131- Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá trị hợp lý TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
- Ghi tăng TSCĐ vô hình nhận trao đổi về, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (giá trị hợp lý của TSCĐ nhận về)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (nếu có)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).
3.4. Giá trị TSCĐ vô hình được hình thành từ nội bộ doanh nghiệp trong giai đoạn triển khai:
a) Khi phát sinh chi phí trong giai đoạn triển khai xét thấy kết quả triển khai không thoả mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình thì tập hợp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ hoặc tập hợp vào chi phí trả trước, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (trường hợp giá trị lớn) hoặc
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có các TK 111, 112, 152, 153, 331,...
b) Khi xét thấy kết quả triển khai thoả mãn định nghĩa và tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình thì:
- Tập hợp chi phí thực tế phát sinh ở giai đoạn triển khai để hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi:
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332 - nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 331,...
- Khi kết thúc giai đoạn triển khai, kế toán phải xác định tổng chi phí thực tế phát sinh hình thành nguyên giá TSCĐ vô hình, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
3.5. Khi mua TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất cùng với mua nhà cửa, vật kiến trúc trên đất thì phải xác định riêng biệt giá trị TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất, TSCĐ hữu hình là nhà cửa, vật kiến trúc, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá nhà cửa, vật kiến trúc)
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá quyền sử dụng đất)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332 - nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
3.6. Khi TSCĐ vô hình hình thành từ việc trao đổi thanh toán bằng chứng từ liên quan đến quyền sở hữu vốn của các công ty cổ phần, nguyên giá TSCĐ vô hình là giá trị hợp lý của các chứng từ được phát hành liên quan đến quyền sở hữu vốn, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.7. Khi doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng TSCĐ vô hình đưa vào sử dụng ngay cho hoạt động SXKD:
- Khi nhận TSCĐ vô hình được tài trợ, biếu, tặng, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Chi phí phát sinh liên quan đến TSCĐ vô hình nhận tài trợ, biếu, tặng, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 111, 112,...
3.8. Khi doanh nghiệp nhận vốn góp bằng quyền sử dụng đất, căn cứ vào hồ sơ giao quyền sử dụng đất, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.9. Khi có quyết định chuyển mục đích sử dụng của BĐS đầu tư là quyền sử dụng đất sang TSCĐ vô hình, ghi:
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (2131)
Có TK 217 - BĐS đầu tư.
Đồng thời kết chuyển số hao mòn luỹ kế của BĐS đầu tư sang số hao mòn luỹ kế của TSCĐ vô hình, ghi:
Nợ TK 2147 - Hao mòn BĐS đầu tư
Có TK 2143 - Hao mòn TSCĐ vô hình.
3.10. Khi đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết dưới hình thức góp vốn bằng TSCĐ vô hình, căn cứ vào giá đánh giá lại của TSCĐ vô hình:
a) Trường hợp giá đánh giá lại xác định là vốn góp nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đem đi góp vốn, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá trị đánh giá lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2143) (số khấu hao đã trích)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ vô hình)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
b) Trường hợp giá đánh giá lại xác định là vốn góp lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ vô hình đem đi góp vốn, ghi:
Nợ các TK 221, 222 (theo giá trị đánh giá lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2143) (số khấu hao đã trích)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá)
Có TK 711 - Thu nhập khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ vô hình).
3.11. Hạch toán việc nhượng bán, thanh lý TSCĐ vô hình được quy định như hạch toán nhượng bán, thanh lý TSCĐ hữu hình (xem hướng dẫn ở TK 211).
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình tăng, giảm giá trị hao mòn và giá trị hao mòn luỹ kế của các loại TSCĐ và bất động sản đầu tư (BĐSĐT) trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ, BĐSĐT và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ, BĐSĐT.
b) Về nguyên tắc, mọi TSCĐ, BĐSĐT dùng để cho thuê của doanh nghiệp có liên quan đến sản xuất, kinh doanh (gồm cả tài sản chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý) đều phải trích khấu hao theo quy định hiện hành. Khấu hao TSCĐ dùng trong sản xuất, kinh doanh và khấu hao BĐSĐT hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ; khấu hao TSCĐ chưa dùng, không cần dùng, chờ thanh lý hạch toán vào chi phí khác. Các trường hợp đặc biệt không phải trích khấu hao (như TSCĐ dự trữ, TSCĐ dùng chung cho xã hội...), doanh nghiệp phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành. Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án hoặc dùng vào mục đích phúc lợi thì không phải trích khấu hao tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh mà chỉ tính hao mòn TSCĐ và hạch toán giảm nguồn hình thành TSCĐ đó.
c) Căn cứ vào quy định của pháp luật và yêu cầu quản lý của doanh nghiệp để lựa chọn 1 trong các phương pháp tính, trích khấu hao theo quy định của pháp luật phù hợp cho từng TSCĐ, BĐSĐT nhằm kích thích sự phát triển sản xuất, kinh doanh, đảm bảo việc thu hồi vốn nhanh, đầy đủ và phù hợp với khả năng trang trải chi phí của doanh nghiệp.
Phương pháp khấu hao được áp dụng cho từng TSCĐ, BĐSĐT phải được thực hiện nhất quán và có thể được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức thu hồi lợi ích kinh tế của TSCĐ và BĐSĐT.
d) Thời gian khấu hao và phương pháp khấu hao TSCĐ phải được xem xét lại ít nhất là vào cuối mỗi năm tài chính. Nếu thời gian sử dụng hữu ích ước tính của tài sản khác biệt lớn so với các ước tính trước đó thì thời gian khấu hao phải được thay đổi tương ứng. Phương pháp khấu hao TSCĐ được thay đổi khi có sự thay đổi đáng kể cách thức ước tính thu hồi lợi ích kinh tế của TSCĐ. Trường hợp này, phải điều chỉnh chi phí khấu hao cho năm hiện hành và các năm tiếp theo, và được thuyết minh trong Báo cáo tài chính.
đ) Đối với các TSCĐ đã khấu hao hết (đã thu hồi đủ vốn), nhưng vẫn còn sử dụng vào hoạt động sản xuất, kinh doanh thì không được tiếp tục trích khấu hao. Các TSCĐ chưa tính đủ khấu hao (chưa thu hồi đủ vốn) mà đã hư hỏng, cần thanh lý, thì phải xác định nguyên nhân, trách nhiệm của tập thể, cá nhân để xử lý bồi thường và phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, không được bồi thường phải được bù đắp bằng số thu do thanh lý của chính TSCĐ đó, số tiền bồi thường do lãnh đạo doanh nghiệp quyết định. Nếu số thu thanh lý và số thu bồi thường không đủ bù đắp phần giá trị còn lại của TSCĐ chưa thu hồi, hoặc giá trị TSCĐ bị mất thì chênh lệch còn lại được coi là lỗ về thanh lý TSCĐ và kế toán vào chi phí khác. Riêng doanh nghiệp Nhà nước được xử lý theo chính sách tài chính hiện hành của Nhà nước.
e) Đối với TSCĐ vô hình, phải tuỳ thời gian phát huy hiệu quả để trích khấu hao tính từ khi TSCĐ được đưa vào sử dụng (theo hợp đồng, cam kết hoặc theo quyết định của cấp có thẩm quyền). Riêng đối với TSCĐ vô hình là quyền sử dụng đất thì chỉ trích khấu hao đối với quyền sử dụng đất xác định được thời hạn sử dụng. Nếu không xác định được thời gian sử dụng thì không trích khấu hao.
g) Đối với TSCĐ thuê tài chính, trong quá trình sử dụng bên đi thuê phải trích khấu hao trong thời gian thuê theo hợp đồng tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh, đảm bảo thu hồi đủ vốn.
h) Đối với BĐSĐT cho thuê hoạt động phải trích khấu hao và ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Doanh nghiệp có thể dựa vào các BĐS chủ sở hữu sử dụng (TSCĐ) cùng loại để ước tính thời gian trích khấu hao và xác định phương pháp khấu hao BĐSĐT. Trường hợp BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá, doanh nghiệp không trích khấu hao mà xác định tổn thất do giảm giá trị.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 214 - Hao mòn TSCĐ
Bên Nợ: Giá trị hao mòn TSCĐ, BĐS đầu tư giảm do TSCĐ, BĐSĐT thanh lý, nhượng bán, điều động cho doanh nghiệp khác, góp vốn đầu tư vào đơn vị khác.
Bên Có: Giá trị hao mòn TSCĐ, BĐSĐT tăng do trích khấu hao TSCĐ, BĐS đầu tư.
Số dư bên Có: Giá trị hao mòn luỹ kế của TSCĐ, BĐS đầu tư hiện có ở doanh nghiệp.
Tài khoản 214 - Hao mòn TSCĐ, có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 2141 - Hao mòn TSCĐ hữu hình: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ hữu hình trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ hữu hình.
- Tài khoản 2142 - Hao mòn TSCĐ thuê tài chính: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ thuê tài chính trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ thuê tài chính và những khoản tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ thuê tài chính.
- Tài khoản 2143 - Hao mòn TSCĐ vô hình: Phản ánh giá trị hao mòn của TSCĐ vô hình trong quá trình sử dụng do trích khấu hao TSCĐ vô hình và những khoản làm tăng, giảm hao mòn khác của TSCĐ vô hình.
- Tài khoản 2147 - Hao mòn BĐSĐT: Tài khoản này phản ánh giá trị hao mòn BĐSĐT dùng để cho thuê hoạt động của doanh nghiệp.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Định kỳ tính, trích khấu hao TSCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí khác, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642, 811
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp).
b) TSCĐ đã sử dụng, nhận được do điều chuyển trong nội bộ doanh nghiệp giữa các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có các TK 336, 411 (giá trị còn lại)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2141) (giá trị hao mòn).
c) Định kỳ tính, trích khấu hao BĐSĐT đang cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147).
d) Trường hợp giảm TSCĐ, BĐS đầu tư thì đồng thời với việc ghi giảm nguyên giá TSCĐ phải ghi giảm giá trị đã hao mòn của TSCĐ, BĐSĐT (xem hướng dẫn hạch toán các TK 211, 213, 217).
đ) Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, khi tính hao mòn vào thời điểm cuối năm tài chính, ghi:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
e) Đối với TSCĐ dùng cho hoạt động văn hoá, phúc lợi, khi tính hao mòn vào thời điểm cuối năm tài chính, ghi:
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
g) Trường hợp vào cuối năm tài chính doanh nghiệp xem xét lại thời gian trích khấu hao và phương pháp khấu hao TSCĐ, nếu có sự thay đổi mức khấu hao cần phải điều chỉnh số khấu hao ghi trên sổ kế toán như sau:
- Nếu do thay đổi phương pháp khấu hao và thời gian trích khấu hao TSCĐ, mà mức khấu hao TSCĐ tăng lên so với số đã trích trong năm, số chênh lệch khấu hao tăng, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642 (số chênh lệch khấu hao tăng)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp).
- Nếu do thay đổi phương pháp khấu hao và thời gian trích khấu hao TSCĐ, mà mức khấu hao TSCĐ giảm so với số đã trích trong năm, số chênh lệch khấu hao giảm, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (TK cấp 2 phù hợp)
Có các TK 623, 627, 641, 642 (số chênh lệch khấu hao giảm).
h) Kế toán giá trị TSCĐ hữu hình được đánh giá lại khi xác định giá trị doanh nghiệp: Căn cứ vào hồ sơ xác định lại giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp điều chỉnh lại giá trị TSCĐ hữu hình theo nguyên tắc sau: Chênh lệch tăng giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản; Chênh lệch giảm giá trị còn lại của TSCĐ được ghi nhận vào bên Nợ của TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản và phải chi tiết khoản chênh lệch này theo từng TSCĐ. Cụ thể cho từng trường hợp ghi sổ như sau:
- Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị cao hơn giá trị ghi sổ kế toán và nguyên giá TSCĐ, hao mòn luỹ kế đánh giá tăng so với giá trị ghi sổ, kế toán ghi:
Nợ TK 211 - Nguyên giá TSCĐ (phần đánh giá tăng)
Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị tài sản tăng thêm)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đánh giá tăng).
- Trường hợp TSCĐ đánh giá lại có giá trị thấp hơn giá trị ghi sổ kế toán và nguyên giá TSCĐ, hao mòn luỹ kế đánh giá lại giảm so với giá trị ghi sổ, kế toán ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đánh giá giảm)
Nợ TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản (phần giá trị tài sản giảm)
Có TK 211 - Nguyên giá TSCĐ (phần đánh giá giảm).
Doanh nghiệp trích khấu hao TSCĐ theo nguyên giá mới sau khi đã điều chỉnh giá trị do đánh giá lại. Thời điểm trích khấu hao của TSCĐ được đánh giá lại khi xác định giá trị doanh nghiệp của công ty cổ phần là thời điểm doanh nghiệp cổ phần hóa được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thành công ty cổ phần.
i) Trường hợp cổ phần hóa đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Nhà nước độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty:
Khi bàn giao TSCĐ cho công ty cổ phần, căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản, các phụ lục chi tiết về tài sản bàn giao cho công ty cổ phần và các chứng từ, sổ kế toán có liên quan, kế toán phản ánh giảm giá trị tài sản bàn giao cho công ty cổ phần, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đã hao mòn)
Có các TK 211,213 (nguyên giá).
1. Nguyên tắc kế toán
1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm bất động sản đầu tư (BĐSĐT) của doanh nghiệp theo nguyên giá, được theo dõi chi tiết theo từng đối tượng tương tự như TSCĐ. BĐSĐT gồm: Quyền sử dụng đất, nhà, hoặc một phần của nhà hoặc cả nhà và đất, cơ sở hạ tầng do người chủ sở hữu hoặc người đi thuê tài sản theo hợp đồng thuê tài chính nắm giữ nhằm mục đích thu lợi từ việc cho thuê hoặc chờ tăng giá mà không phải để:
- Sử dụng trong sản xuất, cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc sử dụng cho các mục đích quản lý; hoặc
- Bán trong kỳ sản xuất, kinh doanh thông thường.
1.2. Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị BĐSĐT đủ tiêu chuẩn ghi nhận là BĐSĐT. Không phản ánh vào tài khoản này giá trị bất động sản mua về để bán trong kỳ hoạt động kinh doanh bình thường hoặc xây dựng để bán trong tương lai gần, bất động sản chủ sở hữu sử dụng, bất động sản trong quá trình xây dựng chưa hoàn thành với mục đích để sử dụng trong tương lai dưới dạng BĐSĐT.
Bất động sản đầu tư được ghi nhận là tài sản phải thỏa mãn đồng thời hai điều kiện sau:
- Chắc chắn thu được lợi ích kinh tế trong tương lai; và
- Nguyên giá phải được xác định một cách đáng tin cậy.
1.3. Bất động sản đầu tư được ghi nhận trên tài khoản này theo nguyên giá. Nguyên giá của BĐSĐT là toàn bộ các chi phí (tiền hoặc tương đương tiền) mà doanh nghiệp bỏ ra hoặc giá trị hợp lý của các khoản khác đưa ra trao đổi để có được BĐSĐT tính đến thời điểm mua hoặc xây dựng hoàn thành BĐSĐT đó.
- Tuỳ thuộc vào từng trường hợp, nguyên giá của BĐSĐT được xác định như sau:
+ Nguyên giá của BĐSĐT được mua bao gồm giá mua và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua, như: Phí dịch vụ tư vấn, lệ phí trước bạ và chi phí giao dịch liên quan khác,...
+ Trường hợp mua BĐSĐT thanh toán theo phương thức trả chậm, nguyên giá của BĐS đầu tư được phản ánh theo giá mua trả tiền ngay tại thời điểm mua. Khoản chênh lệch giữa giá mua trả chậm và giá mua trả tiền ngay được hạch toán vào chi phí tài chính theo kỳ hạn thanh toán, trừ khi số chênh lệch đó được tính vào nguyên giá BĐSĐT theo quy định của Chuẩn mực kế toán "Chi phí đi vay";
+ Nguyên giá của BĐSĐT tự xây dựng là giá thành thực tế và các chi phí liên quan trực tiếp của BĐSĐT tính đến ngày hoàn thành công việc xây dựng;
+ Trường hợp bất đọng sản thuê tài chính với mục đích để cho thuê hoạt động thoả mãn tiêu chuẩn ghi nhận là BĐSĐT thì nguyên giá của BĐSĐT đó tại thời điểm khởi đầu thuê được thực hiện theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Thuê tài sản”.
- Các chi phí sau không được tính vào nguyên giá của BĐSĐT:
+ Chi phí phát sinh ban đầu (trừ trường hợp các chi phí này là cần thiết để đưa BĐSĐT vào trạng thái sẵn sàng sử dụng);
+ Các chi phí khi mới đưa BĐSĐT vào hoạt động lần đầu trước khi BĐSĐT đạt tới trạng thái hoạt động bình thường theo dự kiến;
+ Các chi phí không bình thường về nguyên liệu, vật liệu, lao động hoặc các nguồn lực khác trong quá trình xây dựng BĐSĐT.
1.4. Các chi phí liên quan đến BĐSĐT phát sinh sau ghi nhận ban đầu phải được ghi nhận là chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, trừ khi chi phí này có khả năng chắc chắn làm cho BĐSĐT tạo ra lợi ích kinh tế trong tương lai nhiều hơn mức hoạt động được đánh giá ban đầu thì được ghi tăng nguyên giá BĐSĐT.
1.5 Trong quá trình cho thuê hoạt động phải tiến hành trích khấu hao BĐSĐT và ghi nhận vào chi phí kinh doanh trong kỳ (kể cả trong thời gian ngừng cho thuê). Doanh nghiệp có thể dựa vào các bất động sản chủ sở hữu sử dụng cùng loại để ước tính thời gian trích khấu hao và xác định phương pháp khấu hao của BĐSĐT.
- Trường hợp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu đối với toàn bộ số tiền nhận trước từ việc cho thuê BĐSĐT, kế toán phải ước tính đầy đủ giá vốn tương ứng với doanh thu được ghi nhận (bao gồm cả số khấu hao được tính trước).
- Giá vốn của BĐSĐT cho thuê bao gồm: Chi phí khấu hao BĐSĐT và các chi phí liên quan trực tiếp khác tới việc cho thuê, như: Chi phí dịch vụ mua ngoài, chi phí tiền lương nhân viên trực tiếp quản lý bất động sản cho thuê, chi phí khấu hao các công trình phụ trợ phục vụ việc cho thuê BĐSĐT.
1.6. Doanh nghiệp không trích khấu hao đối với BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá. Trường hợp có bằng chứng chắc chắn cho thấy BĐSĐT bị giảm giá so với giá trị thị trường và khoản giảm giá được xác định một cách đáng tin cậy thì doanh nghiệp được đánh giá giảm nguyên giá BĐSĐT và ghi nhận khoản tổn thất vào giá vốn hàng bán (tương tự như việc lập dự phòng đối với hàng hóa bất động sản).
1.7. Đối với những BĐSĐT được mua vào nhưng phải tiến hành xây dựng, cải tạo, nâng cấp trước khi sử dụng cho mục đích đầu tư thì giá trị bất động sản, chi phí mua sắm và chi phí cho quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp BĐSĐT được phản ánh trên TK 241 “Xây dựng cơ bản dở dang”. Khi quá trình xây dựng, cải tạo, nâng cấp hoàn thành phải xác định nguyên giá BĐSĐT hoàn thành để kết chuyển vào TK 217 “Bất động sản đầu tư”.
1.8. Việc chuyển từ bất động sản chủ sở hữu sử dụng thành BĐSĐT hoặc từ BĐSĐT sang bất động sản chủ sở hữu sử dụng hay hàng tồn kho chỉ khi có sự thay đổi về mục đích sử dụng như các trường hợp sau:
- BĐSĐT chuyển thành bất động sản chủ sở hữu sử dụng khi chủ sở hữu bắt đầu sử dụng tài sản này;
- BĐSĐT chuyển thành hàng tồn kho khi chủ sở hữu bắt đầu triển khai cho mục đích bán;
- Bất động sản chủ sở hữu sử dụng chuyển thành BĐSĐT khi chủ sở hữu kết thúc sử dụng tài sản đó và khi bên khác thuê hoạt động;
- Hàng tồn kho chuyển thành BĐSĐT khi chủ sở hữu bắt đầu cho bên khác thuê hoạt động;
- Bất động sản xây dựng chuyển thành BĐSĐT khi kết thúc giai đoạn xây dựng, bàn giao đưa vào đầu tư (trong giai đoạn xây dựng phải kế toán theo Chuẩn mực kế toán “Tài sản cố định hữu hình”).
Việc chuyển đổi mục đích sử dụng giữa BĐSĐT với bất động sản chủ sở hữu sử dụng hoặc hàng tồn kho không làm thay đổi giá trị ghi sổ của tài sản được chuyển đổi và không làm thay đổi nguyên giá của bất động sản trong việc xác định giá trị hay để lập Báo cáo tài chính.
1.9. Khi doanh nghiệp quyết định bán một BĐSĐT mà không có giai đoạn sửa chữa, cải tạo nâng cấp thì doanh nghiệp vẫn tiếp tục ghi nhận là BĐSĐT trên TK 217 "Bất động sản đầu tư" cho đến khi BĐSĐT đó được bán mà không chuyển thành hàng tồn kho.
1.10. Doanh thu từ việc bán BĐSĐT được ghi nhận là toàn bộ giá bán (giá bán chưa có thuế GTGT đối với trường hợp doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế). Trường hợp bán theo phương thức trả chậm, thì doanh thu được xác định ban đầu theo giá bán trả tiền ngay (giá bán chưa có thuế GTGT đối với doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ thuế). Khoản chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán và giá bán trả tiền ngay được ghi nhận là doanh thu tiền lãi chưa thực hiện.
1.11. Ghi giảm BĐSĐT trong các trường hợp:
- Chuyển đổi mục đích sử dụng từ BĐSĐT sang hàng tồn kho hoặc bất động sản chủ sở hữu sử dụng;
- Bán, thanh lý BĐSĐT;
- Hết thời hạn thuê tài chính trả lại BĐSĐT cho người cho thuê.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 217 - Bất động sản đầu tư
Bên Nợ: Nguyên giá BĐSĐT tăng trong kỳ.
Bên Có: Nguyên giá BĐSĐT giảm trong kỳ.
Số dư bên Nợ: Nguyên giá BĐSĐT hiện có.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi mua Bất động sản đầu tư:
a) Trường hợp mua trả tiền ngay, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112.
Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá BĐSĐT bao gồm cả thuế GTGT.
b) Mua BĐSĐT theo phương thức trả chậm:
- Ghi nhận BĐSĐT được mua, nếu thuế GTGT đầu vào được pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 217 - BĐS đầu tư (theo giá mua trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (phần lãi trả chậm tính bằng số chênh lệch giữa Tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) Giá mua trả tiền ngay và thuế GTGT đầu vào)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá BĐSĐT bao gồm cả thuế GTGT.
- Hàng kỳ, tính và phân bổ số lãi phải trả về việc mua BĐSĐT theo phương thức trả chậm, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
- Khi thanh toán tiền cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (phần chiết khấu thanh toán được hưởng do thanh toán trước thời hạn - Nếu có)
Có các TK 111, 112,…
3.2. Trường hợp BĐS đầu tư hình thành do xây dựng cơ bản hoàn thành bàn giao:
- Khi phát sinh chi phí xây dựng BĐSĐT, căn cứ vào các tài liệu và chứng từ có liên quan, kế toán tập hợp chi phí vào bên Nợ TK 241 “XDCB dở dang” (tương tự như xây dựng TSCĐ hữu hình, xem giải thích tài khoản 211 “TSCĐ hữu hình”).
- Khi giai đoạn đầu tư XDCB hoàn thành bàn giao chuyển tài sản đầu tư thành BĐS đầu tư, kế toán căn cứ vào hồ sơ bàn giao, ghi:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có TK 241 - XDCB dở dang.
3.3. Khi chuyển từ bất động sản chủ sở hữu sử dụng hoặc hàng tồn kho thành BĐSĐT, căn cứ vào hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, ghi:
a) Trường hợp chuyển đổi TSCĐ thành BĐSĐT:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình, hoặc
Có TK 213 - TSCĐ vô hình.
Đồng thời kết chuyển số hao mòn luỹ kế, ghi:
Nợ các TK 2141, 2143
Có TK 2147 - Hao mòn BĐSĐT (nếu BĐSĐT để cho thuê)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư(nếu BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá).
b) Khi chuyển từ hàng tồn kho thành BĐSĐT, căn cứ vào hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng, ghi:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có các TK 1557, 1567.
Nếu BĐSĐT dùng để cho thuê, kế toán tiến hành trích khấu hao theo quy định. Nếu nắm giữ chờ tăng giá, kế toán không trích khấu hao mà xác định số giảm giá trị của BĐSĐT. Nếu số tổn thất do giảm giá trị được xác định tin cậy, kế toán ghi nhận khoản tổn thất vào giá vốn hàng bán và ghi giảm nguyên giá BĐSĐT.
3.4. Khi đi thuê tài chính với mục đích để cho thuê theo một hoặc nhiều hợp đồng thuê hoạt động, nếu tài sản thuê đó thoả mãn tiêu chuẩn là BĐSĐT:
a) Căn cứ vào hợp đồng thuê tài chính và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có các TK 111, 112, 3412.
(Kế toán thanh toán tiền thuê khi nhận Hoá đơn thuê tài chính được thực hiện theo quy định tại tài khoản 212 “TSCĐ thuê tài chính”).
b) Khi hết hạn thuê tài sản tài chính
- Nếu trả lại BĐSĐT thuê tài chính đang phân loại là BĐSĐT, ghi:
Nợ TK 2147 - Hao mòn BĐSĐT
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (số chênh lệch giữa nguyên giá BĐS đầu tư thuê và giá trị hao mòn luỹ kế)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá).
- Nếu mua lại BĐSĐT thuê tài chính đang phân loại là BĐSĐT để tiếp tục đầu tư, ghi tăng nguyên giá BĐSĐT số tiền phải trả thêm, ghi:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có các TK 111, 112,…
- Nếu mua lại bất động sản thuê tài chính đang phân loại là BĐSĐT để sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh hoặc quản lý của doanh nghiệp thì phải phân loại lại thành bất động sản chủ sở hữu sử dụng, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình, hoặc
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có các TK 111, 112 (số tiền phải trả thêm).
Đồng thời kết chuyển số hao mòn luỹ kế, ghi:
Nợ TK 2147 - Hao mòn BĐSĐT
Có các TK 2141, 2143.
3.5. Khi phát sinh chi phí sau ghi nhận ban đầu của BĐSĐT, nếu thoả mãn các điều kiện được vốn hoá hoặc bao gồm trong nghĩa vụ của doanh nghiệp phải chịu các chi phí cần thiết sẽ phát sinh để đưa BĐSĐT tới trạng thái sẵn sàng hoạt động thì được ghi tăng nguyên giá BĐSĐT:
- Tập hợp chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu (nâng cấp, cải tạo BĐSĐT) thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112, 152, 331,...
- Khi kết thúc hoạt động nâng cấp, cải tạo,... BĐSĐT, bàn giao ghi tăng nguyên giá BĐSĐT, ghi:
Nợ TK 217 - Bất động sản đầu tư
Có TK 241 - XDCB dở dang.
3.6. Kế toán bán, thanh lý BĐSĐT
a) Ghi nhận doanh thu bán, thanh lý BĐSĐT:
- Trường hợp tách ngay được thuế GTGT đầu ra phải nộp tại thời điểm bán, thanh lý BĐSĐT, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5117) (giá bán thanh lý chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
- Trường hợp không tách ngay được thuế GTGT đầu ra phải nộp tại thời điểm bán, thanh lý BĐSĐT, doanh thu bao gồm cả thuế GTGT đầu ra phải nộp. Định kỳ, kế toán xác định số thuế GTGT phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
b) Kế toán ghi giảm nguyên giá và giá trị còn lại của BĐSĐT đã được bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147 - Hao mòn BĐS đầu tư – nếu có)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá của BĐS đầu tư).
3.7. Kế toán cho thuê Bất động sản đầu tư
a) Ghi nhận doanh thu từ việc cho thuê Bất động sản đầu tư:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ (5117).
b) Ghi nhận giá vốn Bất động sản đầu tư cho thuê
- Trường hợp đã tập hợp đủ giá vốn Bất động sản đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 214 - Giá trị hao mòn lũy kế (2147)
Có các TK 111, 112, 331...
- Trường hợp chưa tập hợp đủ giá vốn của Bất động sản đầu tư do một phần dự án chưa hoàn thành (cho thuê cuốn chiếu), kế toán phải ước tính giá vốn cho thuê tương tự như phương pháp ước tính giá vốn khi bán thành phẩm bất động sản.
3.7. Kế toán chuyển BĐSĐT thành hàng tồn kho hoặc thành bất động sản chủ sở hữu sử dụng:
a) Trường hợp BĐSĐT chuyển thành hàng tồn kho khi chủ sở hữu có quyết định sửa chữa, cải tạo nâng cấp để bán:
- Khi có quyết định sửa chữa, cải tạo, nâng cấp BĐSĐT để bán, kế toán tiến hành kết chuyển giá trị còn lại của BĐSĐT vào TK 156 “Hàng hoá”, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hoá (TK 1567 - Giá trị còn lại của BĐSĐT)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147) (số hao mòn luỹ kế - nếu có)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá).
- Khi phát sinh các chi phí sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 334, 331,…
- Khi kết thúc giai đoạn sửa chữa, cải tạo, nâng cấp triển khai cho mục đích bán, kết chuyển toàn bộ chi phí ghi tăng giá gốc hàng hoá bất động sản chờ bán, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hoá (1567)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
b) Trường hợp chuyển BĐSĐT thành bất động sản chủ sở hữu sử dụng, ghi:
Nợ các TK 211, 213
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư.
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 2147 - Hao mòn BĐSĐT (nếu có)
Có các TK 2141, 2143.
3.8. Đối với BĐSĐT nắm giữ chờ tăng giá, kế toán không trích khấu hao mà thực hiện xác định tổn thất do giảm giá trị (tương tự như việc xác định dự phòng giảm giá của hàng hóa bất động sản). Nếu khoản tổn thất được xác định đáng tin cậy, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư.
1. Các khoản đầu tư vào đơn vị khác gồm các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết và các khoản đầu tư góp vốn khác với mục đích nắm giữ lâu dài. Việc đầu tư có thể thực hiện dưới các hình thức:
a) Đầu tư dưới hình thức góp vốn vào đơn vị khác (do bên được đầu tư huy động vốn): Theo hình thức này, tài sản của bên góp vốn được ghi nhận vào Bảng cân đối kế toán của bên nhận vốn góp;
b) Đầu tư dưới hình thức mua lại phần vốn góp tại đơn vị khác (mua lại phần vốn của chủ sở hữu): Theo hình thức này, tài sản của bên mua (bên đầu tư, nhận chuyển nhượng vốn góp) được chuyển cho bên bán (bên chuyển nhượng vốn góp) mà không được ghi nhận vào Bảng cân đối kế toán của đơn vị phát hành công cụ vốn (bên được đầu tư).
2. Khi thực hiện đầu tư bằng tài sản phi tiền tệ, nhà đầu tư phải căn cứ vào hình thức đầu tư để áp dụng phương pháp kế toán một cách phù hợp, cụ thể:
a) Nếu đầu tư dưới hình thức góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ, nhà đầu tư phải đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn trên cơ sở thỏa thuận. Phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại và giá trị đánh giá lại của tài sản mang đi góp vốn được kế toán là thu nhập khác hoặc chi phí khác;
b) Nếu đầu tư dưới hình thức mua lại phần vốn góp của đơn vị khác và thanh toán cho bên chuyển nhượng vốn bằng tài sản phi tiền tệ:
- Nếu tài sản phi tiền tệ dùng để thanh toán là hàng tồn kho, nhà đầu tư phải kế toán như giao dịch bán hàng tồn kho dưới hình thức hàng đổi hàng (ghi nhận doanh thu, giá vốn của hàng tồn kho mang đi trao đổi lấy phần vốn được mua);
- Nếu tài sản phi tiền tệ dùng để thanh toán là TSCĐ, BĐSĐT, nhà đầu tư phải kế toán như giao dịch nhượng bán TSCĐ, BĐSĐT (ghi nhận doanh thu, thu nhập khác, chi phí khác....);
- Nếu tài sản phi tiền tệ dùng để thanh toán là các công cụ vốn (cổ phiếu) hoặc công cụ nợ (trái phiếu, các khoản phải thu...), nhà đầu tư phải kế toán như giao dịch thanh lý nhượng bán các khoản đầu tư (ghi nhận lãi, lỗ vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính).
3. Giá phí các khoản đầu tư được phản ánh theo giá gốc, bao gồm giá mua cộng (+) các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư (nếu có), như: Chi phí giao dịch, môi giới, tư vấn, kiểm toán, lệ phí, thuế và phí ngân hàng...Trường hợp đầu tư bằng tài sản phi tiền tệ, giá phí khoản đầu tư được ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ tại thời điểm phát sinh.
4. Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi khoản đầu tư vào từng công ty con, công ty liên doanh, liên kết và từng khoản đầu tư vào đơn vị khác. Thời điểm ghi nhận các khoản đầu tư tài chính dài hạn là thời điểm chính thức có quyền sở hữu, cụ thể như sau:
- Chứng khoán niêm yết được ghi nhận tại thời điểm khớp lệnh (T+0);
- Chứng khoán chưa niêm yết, các khoản đầu tư dưới hình thức khác được ghi nhận tại thời điểm chính thức có quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.
5. Phải hạch toán đầy đủ, kịp thời các khoản cổ tức, lợi nhuận được chia vào Báo cáo tài chính riêng của công ty mẹ tại thời điểm được quyền nhận. Cổ tức, lợi nhuận được chia trong một số trường hợp được hạch toán như sau:
a) Cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ cho giai đoạn sau ngày đầu tư được hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính theo giá trị hợp lý tại ngày được quyền nhận;
b) Cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ cho giai đoạn trước ngày đầu tư không hạch toán vào doanh thu hoạt động tài chính mà hạch toán giảm giá trị khoản đầu tư.
c) Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, nếu các khoản đầu tư vào đơn vị khác đã được đánh giá tăng tương ứng với phần sở hữu của doanh nghiệp cổ phần hoá trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của công ty con, công ty liên doanh, liên kết, doanh nghiệp cổ phần hoá phải ghi tăng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Sau đó, khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư.
d) Trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Các đơn vị không do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu được nhận trên thuyết minh Báo cáo tài chính, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư và doanh thu hoạt động tài chính.
- Doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện theo quy định của pháp luật áp dụng cho loại hình doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ.
6. Giá vốn các khoản đầu tư tài chính khi thanh lý, nhượng bán được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền di động (bình quân gia quyền theo từng lần mua).
7. Doanh nghiệp không được phân loại lại khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết thành chứng khoán kinh doanh trừ khi đã thực sự thanh lý, nhượng bán khoản đầu tư, dẫn đến mất quyền kiểm soát đối với công ty con, mất quyền đồng kiểm soát đối với công ty liên doanh, và không còn ảnh hưởng đáng kể đối với công ty liên kết.
8. Việc xác định quyền kiểm soát, đồng kiểm soát, ảnh hưởng đáng kể là tạm thời được thực hiện tại thời điểm ghi nhận ban đầu khoản đầu tư. Trong trường hợp này, kế toán ghi nhận khoản đầu tư là đầu tư góp vốn vào đơn vị khác hoặc chứng khoán kinh doanh, không ghi nhận khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết.
9. Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định giá trị khoản đầu tư bị tổn thất để trích lập dự phòng tổn thất đầu tư.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm khoản đầu tư vốn trực tiếp vào công ty con. Công ty con là đơn vị có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, chịu sự kiểm soát của một đơn vị khác (gọi là công ty mẹ), (kể cả công ty thành viên của Tổng công ty và các đơn vị khác có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập).
b) Chỉ hạch toán vào TK 221 "Đầu tư vào công ty con" khi nhà đầu tư nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết (ngoại trừ trường hợp tại điểm c dưới đây) và có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động của đơn vị khác nhằm thu được lợi ích kinh tế từ các hoạt động của doanh nghiệp đó. Khi công ty mẹ không còn quyền kiểm soát công ty con thì ghi giảm khoản đầu tư vào công ty con. Trường hợp nhà đầu tư tạm thời nắm giữ trên 50% quyền biểu quyết tại đơn vị nhưng không dự định thực thi quyền biểu quyết do mục đích đầu tư là mua – bán công cụ vốn để kiếm lời (nắm giữ khoản đầu tư vì mục đích thương mại và quyền kiểm soát chỉ là tạm thời) thì không hạch toán khoản đầu tư vào tài khoản này mà hạch toán là đầu tư ngắn hạn.
c) Các trường hợp sau khoản đầu tư vẫn được hạch toán vào TK 221 "Đầu tư vào công ty con" khi doanh nghiệp đầu tư nắm giữ ít hơn 50% quyền biểu quyết tại công ty con, nhưng có thỏa thuận khác:
- Các nhà đầu tư khác thoả thuận dành cho công ty mẹ hơn 50% quyền biểu quyết;
- Công ty mẹ có quyền chi phối các chính sách tài chính và hoạt động theo quy chế thoả thuận;
- Công ty mẹ có quyền bổ nhiệm hoặc bãi miễn đa số các thành viên Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương;
- Công ty mẹ có quyền bỏ đa số phiếu tại các cuộc họp của Hội đồng quản trị hoặc cấp quản lý tương đương.
d) Trường hợp mua khoản đầu tư vào công ty con trong giao dịch hợp nhất kinh doanh, bên mua phải xác định ngày mua, giá phí khoản đầu tư và thực hiện các thủ tục kế toán theo đúng quy định của Chuẩn mực kế toán “Hợp nhất kinh doanh”.
đ) Kế toán khoản đầu tư vào công ty con phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 Thông tư này.
e) Trường hợp công ty mẹ giải thể công ty con và sáp nhập toàn bộ tài sản và nợ phải trả của công ty con vào công ty mẹ (công ty mẹ kế thừa toàn bộ quyền lợi và nghĩa vụ của công ty con), kế toán thực hiện theo nguyên tắc:
- Công ty mẹ ghi giảm giá trị ghi sổ khoản đầu tư vào công ty con;
- Ghi nhận toàn bộ tài sản, nợ phải trả của công ty con bị giải thể vào Bảng cân đối kế toán của công ty mẹ theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập;
- Phần chênh lệch giữa giá phí khoản đầu tư vào công ty con và giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính.
g) Việc phân phối lợi nhuận cho chủ sở hữu tại công ty mẹ được căn cứ vào mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thuộc sở hữu của công ty mẹ trên Báo cáo tài chính hợp nhất. Khi phân phối lợi nhuận bằng tiền, doanh nghiệp phải cân nhắc đến các vấn đề sau:
- Có đủ luồng tiền để thực hiện việc phân phối;
- Không phân phối khoản lợi nhuận phát sinh từ các giao dịch mua rẻ (bất lợi thương mại) cho đến khi thanh lý công ty con;
- Không phân phối lợi nhuận phát sinh từ các giao dịch mang tính chất đánh giá lại (như chênh lệch đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn, công cụ tài chính) cho đến khi thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư;
- Không phân phối lợi nhuận phát sinh từ việc áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu cho đến khi thực sự nhận được khoản lợi nhuận đó bằng tiền hoặc các tài sản khác từ các công ty liên doanh, liên kết.
h) Doanh nghiệp không được chuyển khoản đầu tư vào công ty con thành chứng khoán kinh doanh hoặc khoản đầu tư dưới hình thức khác trừ khi đã thực sự thanh lý khoản đầu tư dẫn đến mất quyền kiểm soát. Việc có ý định thanh lý công ty con trong tương lai không được coi là quyền kiểm soát đối với công ty con chỉ là tạm thời.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 221 - Đầu tư vào công ty con
Bên Nợ: Giá trị thực tế các khoản đầu tư vào công ty con tăng.
Bên Có: Giá trị thực tế các khoản đầu tư vào công ty con giảm.
Số dư bên Nợ: Giá trị thực tế các khoản đầu tư vào công ty con hiện có của công ty mẹ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp công ty mẹ đầu tư vào công ty con dưới hình thức góp vốn
a) Khi công ty mẹ đầu tư vào công ty con bằng tiền, căn cứ số tiền đầu tư và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư vào công ty con, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có các TK 111, 112, 3411,...
Đồng thời mở sổ chi tiết để theo dõi từng loại cổ phiếu theo mệnh giá (nếu đầu tư vào công ty con dưới hình thức mua cổ phiếu).
b) Trường hợp công ty mẹ góp vốn vào công ty con bằng tài sản phi tiền tệ:
Khi công ty mẹ đầu tư góp vốn vào công ty con bằng hàng tồn kho hoặc TSCĐ (không phải là việc thanh toán khi mua doanh nghiệp trong giao dịch hợp nhất kinh doanh), công ty mẹ phải ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ (đối với vật tư, hàng hóa) hoặc giá trị còn lại (đối với TSCĐ) và giá trị đánh giá lại của tài sản đem đi góp vốn do các bên đánh giá vào thu nhập khác hoặc chi phí khác; Công ty con khi nhận tài sản của công ty mẹ góp phải ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu và tài sản nhận được theo giá thoả thuận giữa các bên.
- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh khoản lãi là phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 211, 213, 217 (nếu góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)
Có TK 711 - Thu nhập khác (phần chênh lệch đánh giá tăng).
- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh khoản lỗ là phần chênh lệch đánh giá giảm tài sản vào chi phí khác, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Nợ TK 811 - Chi phí khác (phần chênh lệch đánh giá giảm)
Có các TK 211, 213, 217(nếu góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho).
3.2. Trường hợp công ty mẹ đầu tư vào công ty con dưới hình thức mua lại phần vốn góp:
Trường hợp này, kế toán xác định giá phí khoản đầu tư phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán hợp nhất kinh doanh. Tại ngày mua, bên mua sẽ xác định và phản ánh giá phí hợp nhất kinh doanh bao gồm: Giá trị hợp lý tại ngày diễn ra trao đổi của các tài sản đem trao đổi, các khoản nợ phải trả đã phát sinh hoặc đã thừa nhận và các công cụ vốn do bên mua phát hành để đổi lấy quyền kiểm soát bên bị mua, cộng (+) Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc hợp nhất kinh doanh. Đồng thời bên mua là công ty mẹ sẽ ghi nhận phần sở hữu của mình trong công ty con như một khoản đầu tư vào công ty con.
a) Nếu việc mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được bên mua thanh toán bằng tiền, hoặc các khoản tương đương tiền, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có các TK 111, 112, 121,...
b) Nếu việc mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được thực hiện bằng việc bên mua phát hành cổ phiếu:
- Nếu giá phát hành (theo giá trị hợp lý) của cổ phiếu tại ngày diễn ra trao đổi lớn hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con (theo giá trị hợp lý)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá trị hợp lý lớn hơn mệnh giá cổ phiếu).
- Nếu giá phát hành (theo giá trị hợp lý) của cổ phiếu tại ngày diễn ra trao đổi nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con (theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá trị hợp lý nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá).
- Chi phí phát hành cổ phiếu thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần
Có các TK 111, 112,...
c) Nếu việc mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được bên mua thanh toán bằng cách trao đổi các tài sản của mình với bên bị mua:
- Trường hợp trao đổi bằng TSCĐ, khi đưa TSCĐ đem trao đổi, kế toán ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đồng thời ghi tăng thu nhập khác và tăng khoản đầu tư vào công ty con do trao đổi TSCĐ:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (nếu có).
- Trường hợp trao đổi bằng sản phẩm, hàng hoá, khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá đưa đi trao đổi, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 155, 156,...
Đồng thời phản ánh doanh thu bán hàng và ghi tăng khoản đầu tư vào công ty con:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311).
d) Nếu việc mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được bên mua thanh toán bằng việc phát hành trái phiếu:
- Trường hợp thanh toán bằng trái phiếu theo mệnh giá, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con (theo giá trị hợp lý)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
- Trường hợp thanh toán bằng trái phiếu có chiết khấu, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con (theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (phần chiết khấu)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu (theo mệnh giá trái phiếu).
- Trường hợp thanh toán bằng trái phiếu có phụ trội, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con (theo giá trị hợp lý)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Có TK 34313 - Phụ trội trái phiếu (phần phụ trội).
đ) Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc hợp nhất kinh doanh như chi phí tư vấn pháp lý, thẩm định giá..., kế toán bên mua ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có các TK 111, 112, 331,...
3.3. Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ (ngoại trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu):
a) Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn sau ngày đầu tư từ công ty con, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
Khi nhận được cổ tức, lợi nhuận được chia, ghi:
Nợ các TK liên quan (theo giá trị hợp lý)
Có TK 138 - Phải thu khác (1388).
b) Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư từ công ty con, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 221 - Đầu tư vào công ty con.
c) Trường hợp nhận được khoản cổ tức, lợi nhuận mà khoản cổ tức, lợi nhuận đó đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào công ty con khi xác định giá trị doanh nghiệp (công ty mẹ) để cổ phần hoá và ghi tăng vốn Nhà nước:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 221 - Đầu tư vào công ty con.
3.4. Trường hợp đầu tư thêm để các khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, công cụ tài chính trở thành khoản đầu tư vào công ty con, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có các TK 121, 128, 222, 228
Có các TK liên quan (giá trị hợp lý của số phải đầu tư bổ sung).
3.5. Khi thanh lý một phần hoặc toàn bộ khoản đầu tư vào công ty con:
Nợ các TK liên quan (giá trị hợp lý của số thu được từ việc thanh lý)
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (công ty con trở thành công ty liên doanh, liên kết)
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (công ty con trở thành đầu tư thường)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (Nếu lỗ)
Có TK 221 - Đầu tư vào công ty con (giá trị ghi sổ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).
3.6. Khi giải thể công ty con để sáp nhập toàn bộ tài sản và nợ phải trả vào công ty mẹ, kế toán ghi giảm giá trị khoản đầu tư vào công ty con và ghi nhận tài sản, nợ phải trả của công ty con theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập, ghi:
Nợ các TK phản ánh tài sản (theo giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản đầu tư lớn hơn giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả nhận sáp nhập)
Có các TK phản ánh nợ phải trả (giá trị hợp lý tại ngày sáp nhập)
Có TK 221 - Đầu tư vào công ty con (giá trị ghi sổ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của khoản đầu tư nhỏ hơn giá trị hợp lý của tài sản và nợ phải trả nhận sáp nhập).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh toàn bộ vốn góp vào công ty liên doanh và công ty liên kết; tình hình thu hồi vốn đầu tư liên doanh, liên kết; các khoản lãi, lỗ phát sinh từ hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết. Tài khoản này không phản ánh các giao dịch dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân.
- Công ty liên doanh được thành lập bởi các bên góp vốn liên doanh có quyền đồng kiểm soát các chính sách tài chính và hoạt động, là đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập. Công ty liên doanh phải tổ chức thực hiện công tác kế toán riêng theo quy định của pháp luật hiện hành về kế toán, chịu trách nhiệm kiểm soát tài sản, các khoản nợ phải trả, doanh thu, thu nhập khác và chi phí phát sinh tại đơn vị mình. Mỗi bên góp vốn liên doanh được hưởng một phần kết quả hoạt động của công ty liên doanh theo thỏa thuận của hợp đồng liên doanh.
- Khoản đầu tư được phân loại là đầu tư vào công ty liên kết khi nhà đầu tư nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 20% đến dưới 50% quyền biểu quyết của bên nhận đầu tư mà không có thoả thuận khác.
b) Kế toán khoản đầu tư vào công ty liên doanh phải tuân thủ các nguyên tắc quy định tại Điều 40 Thông tư này.
c) Khi nhà đầu tư không còn quyền đồng kiểm soát thì phải ghi giảm khoản đầu tư vào công ty liên doanh; Khi không còn ảnh hưởng đáng kể thì phải ghi giảm khoản đầu tư vào công ty liên kết.
d) Các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới hoạt động đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được ghi nhận là chi phí tài chính trong kỳ phát sinh.
đ) Khi thanh lý, nhượng bán, thu hồi vốn góp liên doanh, liên kết, căn cứ vào giá trị tài sản thu hồi được kế toán ghi giảm số vốn đã góp. Phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý của khoản thu hồi được so với giá trị ghi sổ của khoản đầu tư được ghi nhận là doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ).
e) Kế toán phải mở sổ kế toán chi tiết theo dõi các khoản vốn đầu tư vào từng công ty liên doanh, liên kết, từng lần đầu tư, từng lần thanh lý, nhượng bán.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Bên Nợ: Số vốn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết tăng.
Bên Có: Số vốn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết giảm do đã thanh lý, nhượng bán, thu hồi.
Số dư bên Nợ: Số vốn đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết hiện còn cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi góp vốn liên doanh bằng tiền vào công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết Có các TK 111, 112.
3.2. Các chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (chi phí thông tin, môi giới, giao dịch trong quá trình thực hiện đầu tư), ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Có các TK 111, 112.
3.3. Trường hợp bên tham gia liên doanh góp vốn vào công ty liên doanh, liên kết bằng tài sản phi tiền tệ:
Khi đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết bằng hàng tồn kho hoặc TSCĐ, kế toán phải ghi nhận phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ (đối với vật tư, hàng hóa) hoặc giá trị còn lại (đối với TSCĐ) và giá trị đánh giá lại của tài sản đem đi góp vốn do các bên đánh giá vào thu nhập khác hoặc chi phí khác; Công ty liên doanh, liên kết khi nhận tài sản của nhà đầu tư phải ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu và tài sản nhận được theo giá thoả thuận giữa các bên.
- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn nhỏ hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá tăng tài sản vào thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho)
Có TK 711 - Thu nhập khác (phần chênh lệch đánh giá tăng).
- Trường hợp giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản đem đi góp vốn lớn hơn giá trị do các bên đánh giá lại, kế toán phản ánh phần chênh lệch đánh giá giảm tài sản vào chi phí khác, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Nợ TK 811 - Chi phí khác (phần chênh lệch đánh giá giảm)
Có các TK 211, 213, 217 (góp vốn bằng TSCĐ hoặc BĐS đầu tư)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (nếu góp vốn bằng hàng tồn kho).
3.4. Trường hợp nhà đầu tư mua lại phần vốn góp tại công ty liên doanh, liên kết:
Tại ngày mua, nhà đầu tư xác định và phản ánh giá phí khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết bao gồm: Giá trị hợp lý tại ngày diễn ra trao đổi của các tài sản đem trao đổi, các khoản nợ phải trả đã phát sinh hoặc đã thừa nhận và các công cụ vốn do bên mua phát hành để đổi lấy quyền đồng kiểm soát tại công ty liên doanh, liên kết cộng (+) Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua lại phần vốn góp tại công ty liên doanh, liên kết.
- Nếu việc đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được thanh toán bằng tiền, hoặc các khoản tương đương tiền, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Có các TK 111, 112, 121,...
- Nếu việc đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được thực hiện bằng cách phát hành cổ phiếu:
+ Nếu giá phát hành (theo giá trị hợp lý) của cổ phiếu tại ngày diễn ra trao đổi lớn hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo giá trị hợp lý)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá trị hợp lý lớn hơn mệnh giá cổ phiếu).
+ Nếu giá phát hành (theo giá trị hợp lý) của cổ phiếu tại ngày diễn ra trao đổi nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá trị hợp lý nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá).
+ Chi phí phát hành cổ phiếu thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần
Có các TK 111, 112,...
- Nếu việc đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết được thanh toán bằng tài sản phi tiền tệ:
+ Trường hợp trao đổi bằng TSCĐ, khi đưa TSCĐ đem trao đổi, kế toán ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
Đồng thời ghi tăng thu nhập khác và tăng khoản đầu tư vào công ty liên doanh do trao đổi TSCĐ:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá trị hợp lý của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (nếu có).
+ Trường hợp trao đổi bằng sản phẩm, hàng hoá, khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá đưa đi trao đổi, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 155, 156,...
Đồng thời phản ánh doanh thu bán hàng và ghi tăng khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311).
- Nếu việc đầu tư vào công ty liên doanh được bên mua thanh toán bằng việc phát hành trái phiếu:
+ Trường hợp thanh toán bằng trái phiếu theo mệnh giá, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo giá trị hợp lý)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
+ Trường hợp thanh toán bằng trái phiếu có chiết khấu, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (phần chiết khấu)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
+ Trường hợp thanh toán bằng trái phiếu có phụ trội, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết (theo giá trị hợp lý)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Có TK 34313 - Phụ trội trái phiếu (phần phụ trội).
+ Các chi phí liên quan trực tiếp đến việc đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết như chi phí tư vấn pháp lý, thẩm định giá..., ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Có các TK 111, 112, 331,...
3.5. Các khoản chi phí liên quan đến hoạt động góp vốn liên doanh, liên kết phát sinh trong kỳ như lãi tiền vay để góp vốn, các chi phí khác, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152,…
3.6. Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia:
- Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền từ công ty liên doanh, liên kết cho giai đoạn sau ngày đầu tư, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Khi nhận được cổ tức, lợi nhuận của giai đoạn trước khi đầu tư hoặc cổ tức, lợi nhuận được chia (bằng tiền) đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, ghi:
Nợ các TK 112, 138
Có TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
3.7. Kế toán thanh lý, nhượng bán khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết:
Nợ các TK 111, 112, 131, 152, 153, 156, 211, 213,...
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (nếu không còn ảnh hưởng đáng kể)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ)
Có TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).
3.8. Chi phí thanh lý, nhượng bán khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 331...
3.9. Trường hợp đầu tư thêm để công ty liên doanh, liên kết trở thành công ty con và nắm giữ quyền kiểm soát, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có các TK 111, 112…
Có TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
3.10. Kế toán khoản vốn góp liên doanh bằng quyền sử dụng đất do Nhà nước giao:
- Khi doanh nghiệp Việt Nam được Nhà nước giao đất để góp vốn liên doanh với các công ty nước ngoài bằng giá trị quyền sử dụng đất, mặt nước, mặt biển, thì sau khi có quyết định của Nhà nước giao đất và làm xong thủ tục giao cho liên doanh, ghi:
Nợ TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (chi tiết vốn Nhà nước).
- Trường hợp bên Việt Nam được Nhà nước giao đất để tham gia liên doanh, khi chuyển nhượng vốn góp thì thực hiện như sau:
+ Khi chuyển nhượng vốn góp vào công ty liên doanh cho bên nước ngoài và trả lại quyền sử dụng đất cho Nhà nước, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 222 - Đầu tư vào công ty liên doanh.
+ Nếu bên đối tác thanh toán cho bên Việt Nam tài sản ngoài quyền sử dụng đất (trong trường hợp này công ty liên doanh chuyển sang thuê đất), ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp bên Việt Nam chuyển nhượng phần vốn góp cho bên nước ngoài trong công ty liên doanh và trả lại quyền sử dụng đất và chuyển sang hình thức thuê đất. Công ty liên doanh phải ghi giảm quyền sử dụng đất và ghi giảm nguồn vốn kinh doanh tương ứng với quyền sử dụng đất. Việc giữ nguyên hoặc ghi tăng vốn phụ thuộc vào việc đầu tư tiếp theo của chủ sở hữu. Tiền thuê đất do cơ sở này thanh toán không tính vào vốn chủ sở hữu mà hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo các kỳ tương ứng.
3.11. Kế toán giao dịch mua, bán giữa bên tham gia liên doanh và công ty liên doanh: Kế toán phản ánh như giao dịch đối với các giao dịch mua, bán với khách hàng thông thường (trừ khi áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các loại đầu tư khác (ngoài các khoản đầu tư vào công ty con, vốn góp vào công ty liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết), như:
- Các khoản đầu tư vào công cụ vốn của đơn vị khác nhưng không có quyền kiểm soát hoặc đồng kiểm soát, không có ảnh hưởng đáng kể đối với bên được đầu tư;
- Các khoản kim loại quý, đá quý không sử dụng như nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm hoặc mua vào – bán ra như hàng hóa; Tranh, ảnh, tài liệu, vật phẩm có giá trị không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường.
- Các khoản đầu tư khác.
Doanh nghiệp không phản ánh các hoạt động đầu tư, góp vốn liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân trong tài khoản này.
b) Kế toán phải theo dõi chi tiết từng khoản đầu tư khác theo số lượng, đối tượng được đầu tư.
c) Kế toán tuân thủ các nguyên tắc chung đối với các khoản đầu tư vào đơn vị khác theo quy định tại Điều 40 Thông tư này.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 228 - Đầu tư khác
Bên Nợ: Giá trị các khoản đầu tư khác tăng.
Bên Có: Giá trị các khoản đầu tư khác giảm.
Số dư bên Nợ: Giá trị khoản đầu tư khác hiện có tại thời điểm báo cáo.
Tài khoản 228 "Đầu tư khác" có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 2281 - Đầu tư góp vốn vào đơn vị khác: Phản ánh các khoản đầu tư công cụ vốn nhưng doanh nghiệp không có quyền kiểm soát, đồng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể đối với bên được đầu tư.
- Tài khoản 2288 - Đầu tư khác: Phản ánh các khoản đầu tư vào tài sản phi tài chính ngoài bất động sản đầu tư và các khoản đã được phản ánh trong các tài khoản khác liên quan đến hoạt động đầu tư. Các khoản đầu tư khác có thể gồm kim loại quý, đá quý (không sử dụng như hàng tồn kho), tranh, ảnh, tài liệu, vật phẩm khác có giá trị (ngoài những khoản được phân loại là TSCĐ)... không tham gia vào hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường nhưng được mua với mục đích nắm giữ chờ tăng giá.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi doanh nghiệp đầu tư mua cổ phiếu hoặc góp vốn dài hạn nhưng không có quyền kiểm soát, đồng kiểm soát hoặc ảnh hưởng đáng kể đối với bên được đầu tư:
a) Trường hợp đầu tư bằng tiền
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (2281) (theo giá gốc khoản đầu tư + Chi phí trực tiếp liên quan đến hoạt động đầu tư, như chi phí môi giới,...)
Có các TK 111, 112.
b) Trường hợp đầu tư bằng tài sản phi tiền tệ:
- Trường hợp góp vốn bằng tài sản phi tiền tệ, căn cứ vào giá đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ, ghi:
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (2281)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại nhỏ hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ)
Có các TK 152, 153, 156, 211, 213,...
Có TK 711 - Thu nhập khác (số chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, giá trị còn lại của TSCĐ).
- Trường hợp mua lại phần vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ:
+ Trường hợp trao đổi bằng TSCĐ:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ đưa đi trao đổi)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có các TK 211, 213 (nguyên giá).
Đồng thời ghi nhận thu nhập khác và tăng khoản đầu tư dài hạn khác do trao đổi TSCĐ:
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (2281) (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá trị hợp lý khoản đầu tư nhận được)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (TK 33311) (nếu có).
+ Trường hợp trao đổi bằng sản phẩm, hàng hoá, khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá đưa đi trao đổi, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 155, 156,...
Đồng thời phản ánh doanh thu bán hàng và ghi tăng khoản đầu tư khác:
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (2281) (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá trị hợp lý của khoản đầu tư nhận được)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311).
3.2. Kế toán cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền hoặc tài sản phi tiền tệ (ngoại trừ trường hợp nhận cổ tức bằng cổ phiếu):
- Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn sau ngày đầu tư, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Khi nhận được thông báo về cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn trước ngày đầu tư, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 228 - Đầu tư khác (2281).
- Trường hợp nhận được khoản cổ tức, lợi nhuận mà khoản cổ tức, lợi nhuận đó đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá và ghi tăng vốn Nhà nước, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 228 - Đầu tư khác (2281).
3.3. Khi nhà đầu tư bán một phần khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết dẫn đến không còn quyền kiểm soát hoặc không còn quyền đồng kiểm soát hoặc không còn ảnh hưởng đáng kể, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131…
Nợ TK 228 - Đầu tư khác (2281)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ)
Có các TK 221, 222
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi).
3.4. Thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư khác:
- Trường hợp bán, thanh lý có lãi, ghi:
Nợ các TK 111, 112,131...
Có TK 228 - Đầu tư khác (giá trị ghi sổ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (giá bán lớn hơn GTGS).
- Trường hợp bán, thanh lý bị lỗ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,131...
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (giá bán nhỏ hơn giá trị ghi sổ)
Có TK 228 - Đầu tư khác (giá trị ghi sổ).
3.5. Khi nhà đầu tư góp thêm vốn và trở thành công ty mẹ, bên có quyền đồng kiểm soát hoặc có ảnh hưởng đáng kể, ghi:
Nợ các TK 221, 222
Có các TK 111, 112 (số tiền đầu tư thêm)
Có TK 228 - Đầu tư khác.
1. Nguyên tắc kế toán
1.1. Hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) là thỏa thuận bằng hợp đồng của hai hoặc nhiều bên để cùng thực hiện hoạt động kinh tế nhưng không hình thành pháp nhân độc lập. Hoạt động này có thể được đồng kiểm soát bởi các bên góp vốn theo thỏa thuận liên doanh hoặc kiểm soát bởi một trong số các bên tham gia.
1.2. BCC có thể được thực hiện dưới hình thức cùng nhau xây dựng tài sản hoặc hợp tác trong một số hoạt động kinh doanh. Các bên tham gia trong BCC có thể thỏa thuận chia doanh thu, chia sản phẩm hoặc chia lợi nhuận sau thuế.
1.3. Trong mọi trường hợp, khi nhận tiền, tài sản của các các bên khác đóng góp cho hoạt động BCC, bên nhận phải kế toán là nợ phải trả, không được ghi nhận vào vốn chủ sở hữu.
1.4. Đối với BCC theo hình thức tài sản đồng kiểm soát
a) Tài sản đồng kiểm soát bởi các bên tham gia liên doanh là tài sản được các bên tham gia liên doanh mua, xây dựng, được sử dụng cho mục đích của liên doanh và mang lại lợi ích cho các bên tham gia liên doanh theo quy định của Hợp đồng liên doanh. Các bên tham gia liên doanh được ghi nhận phần giá trị tài sản đồng kiểm soát mà mình được hưởng là tài sản trên Báo cáo tài chính của mình
b) Mỗi bên tham gia liên doanh được nhận sản phẩm hoặc doanh thu từ việc sử dụng và khai thác tài sản đồng kiểm soát và chịu một phần chi phí phát sinh theo thỏa thuận trong hợp đồng.
c) Các bên tham gia liên doanh phải mở sổ kế toán chi tiết trên cùng hệ thống sổ kế toán của mình để ghi chép và phản ánh trong Báo cáo tài chính của mình những nội dung sau đây:
- Phần vốn góp vào tài sản đồng kiểm soát, được phân loại theo tính chất của tài sản;
- Các khoản nợ phải trả phát sinh riêng của mỗi bên tham gia góp vốn liên doanh;
- Phần nợ phải trả phát sinh chung phải gánh chịu cùng với các bên tham gia góp vốn liên doanh khác từ hoạt động của liên doanh;
- Các khoản thu nhập từ việc bán hoặc sử dụng phần sản phẩm được chia từ liên doanh cùng với phần chi phí phát sinh được phân chia từ hoạt động của liên doanh;
- Các khoản chi phí phát sinh liên quan đến việc góp vốn liên doanh.
Đối với TSCĐ, BĐSĐT khi mang đi góp vốn vào BCC và không chuyển quyền sở hữu từ bên góp vốn thành sở hữu chung của các bên thì bên nhận tài sản theo dõi như tài sản nhận giữ hộ, không hạch toán tăng tài sản và nguồn vốn kinh doanh; Bên góp tài sản không ghi giảm tài sản trên sổ kế toán mà chỉ theo dõi chi tiết địa điểm, vị trí, nơi đặt tài sản.
Đối với TSCĐ, BĐSĐT mang đi góp vốn có sự chuyển quyền sở hữu từ bên góp vốn thành quyền sở hữu chung, trong quá trình đang xây dựng tài sản đồng kiểm soát, bên mang tài sản đi góp phải ghi giảm tài sản trên sổ kế toán và ghi nhận giá trị tài sản vào chi phí xây dựng cơ bản dở dang. Sau khi tài sản đồng kiểm soát hoàn thành, bàn giao, đưa vào sử dụng, căn cứ vào giá trị tài sản được chia, các bên ghi nhận tăng tài sản của mình phù hợp với mục đích sử dụng.
1.5. Đối với BCC dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát
a) Hợp đồng hợp tác kinh doanh dưới hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát là hoạt động liên doanh không thành lập một cơ sở kinh doanh mới. Các bên liên doanh có nghĩa vụ và được hưởng quyền lợi theo thỏa thuận trong hợp đồng. Hoạt động của hợp đồng liên doanh được các bên góp vốn thực hiện cùng với các hoạt động kinh doanh thông thường khác của từng bên.
b) Hợp đồng hợp tác kinh doanh quy định các khoản chi phí phát sinh riêng cho hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát do mỗi bên liên doanh bỏ ra thì bên đó phải gánh chịu. Đối với các khoản chi phí chung (nếu có) thì căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng để phân chia cho các bên góp vốn.
c) Các bên tham gia liên doanh phải mở sổ kế toán để ghi chép và phản ánh trong Báo cáo tài chính của mình các nội dung sau đây:
- Tài sản góp vốn liên doanh và chịu sự kiểm soát của bên góp vốn liên doanh;
- Các khoản nợ phải trả phải gánh chịu;
- Doanh thu được chia từ việc bán hàng hoặc cung cấp dịch vụ của liên doanh;
- Chi phí phải gánh chịu.
d) Khi bên liên doanh có phát sinh chi phí chung phải mở sổ kế toán để ghi chép, tập hợp toàn bộ các chi phí chung đó. Định kỳ căn cứ vào các thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh về việc phân bổ các chi phí chung, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung, được các bên liên doanh xác nhận, giao cho mỗi bên giữ một bản (bản chính). Bảng phân bổ chi phí chung kèm theo các chứng từ gốc hợp pháp là căn cứ để mỗi bên liên doanh kế toán chi phí chung được phân bổ từ hợp đồng.
e) Trường hợp hợp đồng liên doanh quy định chia sản phẩm, định kỳ theo thỏa thuận trong hợp đồng liên doanh, các bên liên doanh phải lập Bảng phân chia sản phẩm cho các bên góp vốn và được các bên xác nhận số lượng, quy cách sản phẩm được chia từ hợp đồng, giao cho mỗi bên giữ một bản (bản chính). Mỗi khi thực giao sản phẩm, các bên liên doanh phải lập Phiếu giao nhận sản phẩm (hoặc phiếu xuất kho) làm 2 bản, giao cho mỗi bên giữ một bản. Phiếu giao nhận sản phẩm là căn cứ để các bên liên doanh ghi sổ kế toán, theo dõi và là căn cứ thanh lý hợp đồng.
d) Trường hợp BCC phát sinh các chi phí, doanh thu chung mà các bên tham gia hợp đồng phải gánh chịu hoặc được hưởng thì các bên tham gia liên doanh phải thực hiện các quy định về kế toán như đối với trường hợp hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát.
1.6.. Trường hợp BCC chia lợi nhuận sau thuế
a) BCC chia lợi nhuận sau thuế thường là BCC dưới hình thức hoạt động đồng kiểm soát hoặc do một bên kiểm soát. Trường hợp BCC chia lợi nhuận sau thuế, các bên phải cử ra một bên để kế toán toàn bộ các giao dịch của BCC, ghi nhận doanh thu, chi phí, theo dõi riêng kết quả kinh doanh của BCC và quyết toán thuế. Khi quyết định ký kết BCC theo hình thức này, các bên phải cân nhắc về rủi ro có thể phải gánh chịu do:
- Một số khoản chi phí không được tính đầy đủ là chi phí tính thuế do không có sự chuyển giao tài sản giữa các bên, ví dụ:
+ Chi phí khấu hao của một số TSCĐ sẽ không được cơ quan thuế chấp nhận do bên tham gia BCC không làm thủ tục chuyển quyền sở hữu cho bên thực hiện kế toán và quyết toán thuế cho BCC;
+ Một số khoản chi phí của các bên tham gia không được cơ quan thuế chấp nhận do hóa đơn đầu vào không mang tên bên kế toán và quyết toán thuế của BCC;
+ Một số chi phí phát sinh tại bên tham gia BCC không thể chuyển cho bên kế toán và quyết toán thuế do các rào cản của pháp luật, ví dụ bên tham gia BCC có hóa đơn nộp tiền sử dụng đất nhưng pháp luật không cho phép bên phát sinh chi phí tiền sử dụng đất cho bên kế toán và quyết toán thuế thuê lại đất nên chi phí thuê đất không được tính vào chi phí của BCC.
- Rủi ro về chính sách:
+ Bên kế toán và quyết toán thuế cho BCC có thể phát sinh lỗ lũy kế, tuy nhiên riêng kết quả của hoạt động BCC thì có lãi. Trường hợp này thay vì được bù trừ số lãi từ BCC với số lỗ các hoạt động khác, doanh nghiệp vẫn phải nộp thuế TNDN đối với BCC; Nếu BCC lỗ nhưng các hoạt động khác có lãi, doanh nghiệp có thể chỉ được bù trừ một phần lỗ tương ứng với phần được chia trong BCC;
+ Đối với các bên khác nếu đưa TSCĐ vào dùng cho hoạt động của BCC thì có thể sẽ không được tính chi phí khấu hao là chi phí được trừ tại doanh nghiệp do không sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (không phù hợp với doanh thu của các hoạt động khác).
b) Trường hợp BCC quy định chia lợi nhuận sau thuế, bên thực hiện kế toán và quyết toán thuế phải căn cứ vào bản chất của hợp đồng để kế toán một cách phù hợp theo nguyên tắc:
- Nếu BCC quy định các bên khác tham gia BCC được hưởng một khoản lợi nhuận cố định mà không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của hợp đồng, trường hợp này mặc dù hình thức pháp lý của hợp đồng là BCC nhưng bản chất của hợp đồng là thuê tài sản. Trường hợp này, bên kế toán và quyết toán thuế thực chất là bên có quyền điều hành và chi phối hoạt động của BCC, phải áp dụng phương pháp kế toán thuê tài sản cho hợp đồng, ghi nhận khoản phải trả cho các bên khác là chi phí để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, cụ thể:
+ Ghi nhận toàn bộ doanh thu, chi phí và lợi nhuận sau thuế của BCC trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của mình; Lãi trên cổ phiếu và các chỉ tiêu phân tích tài chính được tính đối với toàn bộ doanh thu, chi phí và lợi nhuận của BCC;
+ Ghi nhận toàn bộ Lợi nhuận sau thuế của BCC vào chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” của Bảng cân đối kế toán, các chỉ tiêu tài chính liên quan đến tỷ suất lợi nhuận sau thuế được xác định bao gồm toàn bộ kết quả của BCC.
+ Các bên khác ghi nhận doanh thu cho thuê tài sản đối với khoản được chia từ BCC.
- Nếu BCC quy định các bên khác trong BCC chỉ được phân chia lợi nhuận nếu kết quả hoạt động của BCC có lãi, đồng thời phải gánh chịu lỗ, trường hợp này mặc dù hình thức pháp lý của BCC là chia lợi nhuận sau thuế nhưng bản chất của BCC là chia doanh thu, chi phí, các bên thường phải có quyền, điều kiện, khả năng để đồng kiểm soát hoạt động cũng như dòng tiền của BCC. Bên kế toán và quyết toán thuế phải áp dụng phương pháp kế toán BCC chia doanh thu để ghi nhận doanh thu, chi phí và kết quả kinh doanh trong kỳ, đồng thời cung cấp bằng chứng về việc quyết toán thuế cho các bên khác, cụ thể:
+ Ghi nhận trên Báo cáo kết quả kinh doanh phần doanh thu, chi phí và lợi nhuận tương ứng với phần được chia theo thỏa thuận của BCC; Lãi trên cổ phiếu và các chỉ tiêu phân tích tài chính chỉ được tính đối phần doanh thu, chi phí và lợi nhuận được trình bày trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; Bên quyết toán thuế cung cấp bản sao các hồ sơ, tài liệu về việc đã thực hiện nghĩa vụ với NSNN của BCC cho các bên trong BCC để phục vụ việc quyết toán thuế của các bên khác trong BCC;
+ Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của Bảng cân đối kế toán chỉ bao gồm phần lợi nhuận sau thuế tương ứng của từng bên được hưởng.
+ Các bên khác được ghi nhận trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh phần doanh thu, chi phí tương ứng với phần mình được chia từ BCC, báo cáo cơ quan thuế về việc khoản doanh thu, chi phi này đã được thực hiện nghĩa vụ thuế làm căn cứ điều chỉnh số thuế TNDN phải nộp.
2. Phương pháp kế toán BCC theo hình thức tài sản đồng kiểm soát
2.1. Trường hợp các bên tham gia BCC góp tiền mua tài sản đồng kiểm soát, mỗi bên căn cứ vào số tiền thực góp để mua tài sản, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112,331, 341.
2.2. Trường hợp các bên tham gia BCC tự thực hiện hoặc phối hợp với đối tác khác tiến hành đầu tư xây dựng để có được tài sản đồng kiểm soát, căn cứ vào chi phí thực tế bỏ ra của bên tham gia BCC, ghi:
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (chi tiết tài sản đồng kiểm soát)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 155, 156,211, 213...
Có các TK 331, 3411,…
2.3. Khi công trình đầu tư XDCB hoàn thành, đưa vào sử dụng, các bên phải quyết toán và phân chia giá trị tài sản đồng kiểm soát. Căn cứ biên bản chia tài sản đồng kiểm soát, các bên phải xác định giá trị hợp lý của từng tài sản để ghi nhận phù hợp với quy định của pháp luật, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217 (chi tiết phần tài sản đồng kiểm soát theo giá trị hợp lý của từng phần tài sản được chia)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi phí không được duyệt, phải thu hồi- nếu có)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (nếu giá trị hợp lý của tài sản được chia nhỏ hơn chi phí đầu tư xây dựng)
Có TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 711 - Thu nhập khác (nếu giá trị hợp lý của tài sản được chia lớn hơn chi phí đầu tư xây dựng).
2.4. Phương pháp ghi chép các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến kế toán chi phí, doanh thu mà các bên tham gia liên doanh tài sản đồng kiểm soát phải gánh chịu hoặc được hưởng khi tài sản đi vào hoạt động và BCC chuyển sang hình thức hoạt động đồng kiểm soát thực hiện như quy định đối với trường hợp hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát.
3. Phương pháp kế toán BCC theo hình thức hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát
3.1. Kế toán góp vốn và nhận vốn góp hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát
a) Tại bên nhận vốn góp
- Căn cứ biên bản góp vốn của các bên tham gia hợp đồng liên doanh đồng kiểm soát, bên nhận vốn góp ghi:
Nợ các TK 111,112, 152, 155, 156...
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
Khi trả lại vốn góp cho các bên, kế toán ghi đảo bút toán trên. Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản trả lại và giá trị khoản nhận góp của các bên, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
- Nếu nhận vốn góp bằng TSCĐ mà không có sự chuyển giao quyền sở hữu, bên nhận vốn góp chỉ theo dõi chi tiết trên hệ thống quản trị và thuyết minh như tài sản nhận giữ hộ.
b) Tại bên góp vốn
- Căn cứ biên bản góp vốn của các bên tham gia hợp đồng liên doanh đồng kiểm soát, bên nhận góp vốn ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có các TK 111,112, 152, 155, 156...
Khi nhận lại vốn góp, kế toán ghi đảo bút toán trên. Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về và giá trị khoản vốn góp, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
- Nếu góp vốn bằng TSCĐ mà không có sự chuyển giao quyền sở hữu, bên góp vốn không ghi giảm TSCĐ mà chỉ theo dõi chi tiết trên hệ thống quản trị và thuyết minh về địa điểm đặt tài sản.
3.2. Kế toán chi phí phát sinh riêng tại mỗi bên liên doanh
- Căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ liên quan, tập hợp chi phí phát sinh riêng mà bên liên doanh phải gánh chịu khi tham gia hoạt động kinh doanh đồng kiểm soát, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627, 641, 642 (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,…
- Cuối kỳ, kết chuyển chi phí phát sinh riêng để tổng hợp chi phí SXKD của hợp đồng liên doanh, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Có các TK 621, 622, 627 (chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
3.3. Kế toán chi phí phát sinh chung do mỗi bên tham gia liên doanh gánh chịu:
a) Kế toán tại bên tham gia liên doanh có phát sinh chi phí chung:
- Khi phát sinh chi phí chung do mỗi bên liên doanh phải gánh chịu, căn cứ vào các hóa đơn, chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627, 641, 642 (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
- Nếu hợp đồng liên doanh quy định phải phân chia chi phí chung, cuối kỳ căn cứ vào quy định của hợp đồng, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung cho các bên góp vốn liên doanh và sau khi được các bên liên doanh chấp nhận, căn cứ vào chí phí được phân bổ cho các bên góp vốn liên doanh khác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi tiết cho từng đối tác)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu chia thuế đầu vào)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu thuế đầu vào của chi phí chung đã khấu trừ hết, phải ghi tăng số thuế đầu ra phải nộp)
Có các TK 621, 622, 627, 641, 642.
b) Kế toán tại bên liên doanh không hạch toán chi phí chung cho hợp đồng liên doanh:
Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí chung của hợp đồng liên doanh đã được các bên góp vốn liên doanh chấp nhận (do bên tham gia liên doanh có phát sinh chi phí chung thông báo), ghi:
Nợ các TK 621, 622, 623, 641, 642 (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 338 - Phải trả khác (chi tiết cho bên tham gia liên doanh có phát sinh chi phí chung).
3.4. Kế toán trong trường hợp hợp đồng chia sản phẩm:
- Khi nhận sản phẩm được chia từ hợp đồng liên doanh nhập kho, căn cứ vào phiếu giao nhận sản phẩm từ hợp đồng, phiếu nhập kho và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (nếu sản phẩm được chia chưa phải là thành phẩm cuối cùng)
Nợ TK 155 - Thành phẩm (nếu sản phẩm được chia là thành phẩm)
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán (nếu gửi sản phẩm được chia đem đi bán ngay không qua kho)
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (gồm chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu) (chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
- Khi nhận sản phẩm được chia từ hợp đồng và đưa vào sử dụng ngay cho sản xuất sản phẩm khác, căn cứ vào phiếu giao nhận sản phẩm từ hợp đồng và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (gồm chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu) (chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
- Trường hợp hợp đồng liên doanh quy định không chia sản phẩm mà giao cho một bên bán ra ngoài, sau khi phát hành hóa đơn cho bên bán sản phẩm, kết chuyển chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (gồm chi phí phát sinh riêng và chi phí chung mà mỗi bên tham gia liên doanh phải gánh chịu) (chi tiết cho hợp đồng liên doanh).
3.5. Kế toán doanh thu bán sản phẩm trong trường hợp một bên tham gia liên doanh bán hộ hàng hóa và chia doanh thu cho các đối tác khác:
a) Kế toán ở bên bán sản phẩm:
- Khi bán sản phẩm theo quy định của hợp đồng, bên bán phải phát hành hóa đơn cho toàn bộ sản phẩm bán ra, đồng thời phản ánh tổng số tiền bán sản phẩm của hoạt động liên doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (chi tiết hợp đồng liên doanh)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Căn cứ vào quy định của hợp đồng liên doanh và Bảng phân bổ doanh thu, phản ánh doanh thu tương ứng với lợi ích của bên tham gia liên doanh được hưởng, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (lợi ích mà bên bán được hưởng theo thỏa thuận trong hợp đồng).
- Sau khi đối chiếu chi phí phát sinh chung mỗi bên phải gánh chịu và doanh thu chia cho các bên theo hợp đồng, kế toán bù trừ khoản phải thu khác và phải trả khác (chi tiết cho từng bên tham gia BCC), ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 138 - Phải thu khác.
- Khi thanh toán tiền bán sản phẩm do bên đối tác tham gia liên doanh không bán sản phẩm được hưởng, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (từng đối tác tham gia liên doanh)
Có các TK 111, 112,...
b) Kế toán ở bên không bán sản phẩm:
- Bên liên doanh không tham gia bán sản phẩm của liên doanh, căn cứ vào bảng phân bổ doanh thu đã được các bên tham gia liên doanh xác nhận và chứng từ có liên quan do bên bán sản phẩm cung cấp, lập hóa đơn cho bên bán sản phẩm theo số doanh thu mà mình được hưởng, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (bao gồm cả thuế GTGT nếu chia cả thuế GTGT đầu ra, chi tiết cho đối tác tham gia liên doanh bán sản phẩm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết cho hợp đồng liên doanh và theo số tiền được chia)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu chia thuế GTGT đầu ra).
- Khi bên đối tác tham gia liên doanh thanh toán tiền bán sản phẩm, căn cứ vào số tiền thực nhận, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (số tiền do đối tác trong hợp đồng chuyển trả)
Có TK 138 - Phải thu khác (chi tiết từng bên bán sản phẩm).
4. Phương pháp kế toán BCC chia lợi nhuận sau thuế
4.1. Trường hợp các bên được chia một khoản cố định không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của BCC (Bên kế toán và quyết toán thuế kiểm soát BCC),:
a) Tại bên thực hiện kế toán và quyết toán thuế cho BCC
- Trường hợp nhận tiền, vật tư, hàng hóa của các bên góp vốn, ghi:
Nợ các TK 112, 152, 156…
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
- Khi phát sinh các khoản doanh thu, chi phí cho BCC, kế toán nhận toàn bộ doanh thu, chi phí như đối với các giao dịch của chính mình theo quy định của pháp luật.
- Khi xác định số tiền phải trả định kỳ cho các bên khác theo hợp đồng, ghi:
Nợ TK 627, 641, 642
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
- Trả lại cho các bên số tiền, vật tư đã nhận góp vốn, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có các TK 112, 152, 156…
Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản trả lại và giá trị khoản vốn nhận góp của các bên, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
b) Tại bên không thực hiện kế toán và không quyết toán thuế cho BCC
- Khi góp vốn vào BCC, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có các TK 112, 152, 156…
- Khi nhận được thông báo về số lãi được chia từ BCC, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ (5113).
- Khi nhận lại vốn góp, ghi:
Nợ các TK 112, 152, 156…
Có TK 138 - Phải thu khác.
Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về và giá trị khoản vốn góp, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
4.2. Trường hợp các bên được chia lợi nhuận phụ thuộc vào kết quả kinh doanh của BCC (các bên có quyền đồng kiểm soát BCC):
a) Tại bên kế toán và quyết toán thuế
a1) Việc ghi nhận vốn góp và trả lại vốn góp cho các bên thực hiện tương tự điểm 4.1 nêu trên.
a2) Khi ghi nhận doanh thu của BCC, kế toán ghi nhận toàn bộ doanh thu phát sinh trên sổ kế toán TK 511 để làm căn cứ đối chiếu, giải trình và xác định doanh thu tính thuế cho BCC:
- Ghi nhận doanh thu của BCC, ghi:
Nợ các TK 112, 131
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
Trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ khoản doanh thu tương ứng với phần được hưởng mới được trình bày trong chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”
- Định kỳ, kế ghi giảm doanh thu của BCC tương ứng với phần các bên được hưởng, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu chia cả thuế GTGT)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
a3) Khi ghi nhận chi phí của BCC, kế toán ghi nhận toàn bộ chi phí trên sổ kế toán các tài khoản chi phí liên quan để làm căn cứ đối chiếu, xác định chi phí tính thuế của BCC:
- Khi phát sinh chi phí của BCC, ghi:
Nợ các TK 632, 641, 642…
Có các TK 112, 331, 154, 155…
Trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, chỉ các khoản chi phí tương ứng với phần phải gánh chịu mới được trình bày trong các chỉ tiêu về chi phí.
- Định kỳ, kế toán ghi giảm chi phí của BCC tương ứng với phần các bên khác phải gánh chịu, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có các TK 632, 641, 642.
- Khi xác định số thuế TNDN phải nộp cho BCC, bên quyết toán thuế thông báo cho các bên khác về nghĩa vụ đối với số thuế phải nộp của từng bên, ghi:
Nợ TK 8211 - Chi phí thuế TNDN (số phải nộp của bên quyết toán thuế)
Nợ TK 138 - Phải thu khác (số nộp hộ các bên khác trong BCC)
Có TK 3334 - Thuế TNDN (tổng số thuế TNDN phải nộp).
- Sau khi đối chiếu chi phí phát sinh chung mỗi bên phải gánh chịu và doanh thu chia cho các bên theo hợp đồng, kế toán bù trừ khoản phải thu khác và phải trả khác (chi tiết cho từng bên tham gia BCC), ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 138 - Phải thu khác.
b) Tại bên không kế toán và không quyết toán thuế
- Khi góp vốn vào BCC, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có các TK 112, 152, 156…
- Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí của hợp đồng liên doanh đã được các bên góp vốn liên doanh chấp nhận (do bên kế toán và quyết toán thuế thông báo), ghi:
Nợ các TK 621, 622, 623, 641, 642 (chi tiết cho hợp đồng liên doanh)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
- Căn cứ số thuế TNDN phải nộp được bên quyết toán thuế thông báo, ghi:
Nợ TK 821 - Chi phí thuế TNDN hiện hành
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
- Căn cứ vào bảng phân bổ doanh thu đã được các bên tham gia liên doanh xác nhận và chứng từ có liên quan do bên bán sản phẩm cung cấp, lập hóa đơn cho bên bán sản phẩm theo số doanh thu mà mình được hưởng, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (bao gồm cả thuế GTGT nếu chia cả thuế GTGT đầu ra, chi tiết cho đối tác tham gia liên doanh bán sản phẩm)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết cho hợp đồng liên doanh và theo số tiền được chia)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu chia thuế GTGT đầu ra).
- Sau khi đối chiếu chi phí phát sinh chung mỗi bên phải gánh chịu và doanh thu chia cho các bên theo hợp đồng, kế toán bù trừ khoản phải thu khác và phải trả khác (chi tiết cho từng bên tham gia BCC), ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 138 - Phải thu khác.
- Khi bên đối tác tham gia liên doanh thanh toán tiền bán sản phẩm, căn cứ vào số tiền thực nhận, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (số tiền do đối tác trong hợp đồng chuyển trả)
Có TK 138 - Phải thu khác (chi tiết từng bên bán sản phẩm).
- Khi nhận lại vốn góp, ghi:
Nợ các TK 112, 152, 156…
Có TK 138 - Phải thu khác
Nếu có chênh lệch giữa giá trị hợp lý của tài sản nhận về và giá trị khoản vốn góp, kế toán phản ánh thu nhập khác hoặc chi phí khác.
1. Nguyên tắc kế toán
1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm các khoản dự phòng tổn thất tài sản, gồm:
a) Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh: Là dự phòng phần giá trị bị tổn thất có thể xảy ra do giảm giá các loại chứng khoán doanh nghiệp đang nắm giữ vì mục đích kinh doanh;
b) Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác: Là khoản dự phòng tổn thất do doanh nghiệp nhận vốn góp đầu tư (công ty con, liên doanh, liên kết) bị lỗ dẫn đến nhà đầu tư có khả năng mất vốn hoặc khoản dự phòng do suy giảm giá trị các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết.
- Đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết, nhà đầu tư chỉ trích lập khoản dự phòng do công ty liên doanh, liên kết bị lỗ nếu Báo cáo tài chính không áp dụng phương pháp vốn chủ sở hữu đối với khoản đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết.
- Riêng khoản đầu tư mà nhà đầu tư nắm giữ lâu dài (không phân loại là chứng khoán kinh doanh) và không có ảnh hưởng đáng kể đối với bên được đầu tư, việc lập dự phòng được thực hiện như sau:
+ Đối với khoản đầu tư vào cổ phiếu niêm yết hoặc giá trị hợp lý khoản đầu tư được xác định tin cậy, việc lập dự phòng dựa trên giá trị thị trường của cổ phiếu (tương tự như dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh);
+ Đối với khoản đầu tư không xác định được giá trị hợp lý tại thời điểm báo cáo, việc lập dự phòng được thực hiện căn cứ vào khoản lỗ của bên được đầu tư (dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác)
c) Dự phòng phải thu khó đòi: Là khoản dự phòng phần giá trị các khoản nợ phải thu và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khác có bản chất tương tự các khoản phải thu khó có khả năng thu hồi.
d) Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Là khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho khi có sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được so với giá gốc của hàng tồn kho.
1.2. Nguyên tắc kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh
a) Doanh nghiệp được trích lập dự phòng đối với phần giá trị bị tổn thất có thể xảy ra khi có bằng chứng chắc chắn cho thấy giá trị thị trường của các loại chứng khoán doanh nghiệp đang nắm giữ vì mục đích kinh doanh bị giảm so với giá trị ghi sổ.
b) Điều kiện, căn cứ và mức trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng thực hiện theo các quy định của pháp luật.
c) Việc trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh được thực hiện ở thời điểm lập Báo cáo tài chính:
- Nếu số dự phòng phải lập năm nay cao hơn số dư dự phòng đang ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp trích lập bổ sung số chênh lệch đó và ghi nhận vào chi phí tài chính trong kỳ.
- Nếu số dự phòng phải lập năm nay thấp hơn số dư dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì doanh nghiệp hoàn nhập số chênh lệch đó và ghi giảm chi phí tài chính.
1.3. Nguyên tắc kế toán dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác
a) Đối với các đơn vị được đầu tư là công ty mẹ, căn cứ để nhà đầu tư trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác là Báo cáo tài chính hợp nhất của công ty mẹ đó. Đối với các đơn vị được đầu tư là doanh nghiệp độc lập không có công ty con, căn cứ để nhà đầu tư trích lập dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác là Báo cáo tài chính của bên được đầu tư đó.
b) Việc trích lập và hoàn nhập khoản dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác được thực hiện ở thời điểm lập Báo cáo tài chính cho từng khoản đầu tư theo nguyên tắc:
- Nếu số dự phòng phải lập năm nay cao hơn số dư dự phòng đang ghi trên sổ kế toán thì doanh nghiệp trích lập bổ sung số chênh lệch đó và ghi nhận vào chi phí tài chính trong kỳ.
- Nếu số dự phòng phải lập năm nay thấp hơn số dư dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết thì doanh nghiệp hoàn nhập số chênh lệch đó và ghi giảm chi phí tài chính.
1.4. Nguyên tắc kế toán dự phòng nợ phải thu khó đòi
a) Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp xác định các khoản nợ phải thu khó đòi và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn có bản chất tương tự có khả năng không đòi được để trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi.
b) Doanh nghiệp trích lập dự phòng phải thu khó đòi khi:
- Nợ phải thu quá hạn thanh toán ghi trong hợp đồng kinh tế, các khế ước vay nợ, bản cam kết hợp đồng hoặc cam kết nợ, doanh nghiệp đã đòi nhiều lần nhưng vẫn chưa thu được. Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên;
- Nợ phải thu chưa đến thời hạn thanh toán nhưng khách nợ đã lâm vào tình trạng phá sản hoặc đang làm thủ tục giải thể, mất tích, bỏ trốn;
c) Điều kiện, căn cứ trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi
- Phải có chứng từ gốc hoặc giấy xác nhận của khách nợ về số tiền còn nợ chưa trả bao gồm: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, bản thanh lý hợp đồng, cam kết nợ, đối chiếu công nợ...
- Mức trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu khó đòi thực hiện theo quy định hiện hành.
- Các điều kiện khác theo quy định của pháp luật.
d) Việc trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng phải thu khó đòi được thực hiện ở thời điểm lập Báo cáo tài chính.
- Trường hợp khoản dự phòng phải thu khó đòi phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn số dư khoản dự phòng phải thu khó đòi đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch lớn hơn được ghi tăng dự phòng và ghi tăng chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Trường hợp khoản dự phòng phải thu khó đòi phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn số dư khoản dự phòng phải thu khó đòi đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn nhập ghi giảm dự phòng và ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp.
e) Đối với những khoản phải thu khó đòi kéo dài trong nhiều năm, doanh nghiệp đã cố gắng dùng mọi biện pháp để thu nợ nhưng vẫn không thu được nợ và xác định khách nợ thực sự không có khả năng thanh toán thì doanh nghiệp có thể phải làm các thủ tục bán nợ cho Công ty mua, bán nợ hoặc xoá những khoản nợ phải thu khó đòi trên sổ kế toán. Việc xoá các khoản nợ phải thu khó đòi phải thực hiện theo quy định của pháp luật và điều lệ doanh nghiệp. Số nợ này được theo dõi trong hệ thống quản trị của doanh nghiệp và trình bày trong thuyết minh Báo cáo tài chính. Nếu sau khi đã xoá nợ, doanh nghiệp lại đòi được nợ đã xử lý thì số nợ thu được sẽ hạch toán vào tài khoản 711 "Thu nhập khác".
1.5. Nguyên tắc kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho
a) Doanh nghiệp trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập khi có những bằng chứng tin cậy về sự suy giảm của giá trị thuần có thể thực hiện được so với giá gốc của hàng tồn kho. Dự phòng là khoản dự tính trước để đưa vào chi phí sản xuất, kinh doanh phần giá trị bị giảm xuống thấp hơn giá trị đã ghi sổ kế toán của hàng tồn kho và nhằm bù đắp các khoản thiệt hại thực tế xảy ra do vật tư, sản phẩm, hàng hóa tồn kho bị giảm giá.
b) Dự phòng giảm giá hàng tồn kho được lập vào thời điểm lập Báo cáo tài chính. Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được thực hiện theo đúng các quy định của Chuẩn mực kế toán “Hàng tồn kho” và quy định của chế độ tài chính hiện hành.
c) Việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải tính theo từng loại vật tư, hàng hóa, sản phẩm tồn kho. Đối với dịch vụ cung cấp dở dang, việc lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải được tính theo từng loại dịch vụ có mức giá riêng biệt.
d) Giá trị thuần có thể thực hiện được của hàng tồn kho là giá bán ước tính của hàng tồn kho trong kỳ sản xuất, kinh doanh bình thường trừ (-) chi phí ước tính để hoàn thành sản phẩm và chi phí ước tính cần thiết cho việc bán chúng.
đ) Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào số lượng, giá gốc, giá trị thuần có thể thực hiện được của từng loại vật tư, hàng hoá, từng loại dịch vụ cung cấp dở dang, xác định khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập:
- Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này lớn hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch lớn hơn được ghi tăng dự phòng và ghi tăng giá vốn hàng bán.
- Trường hợp khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đang ghi trên sổ kế toán thì số chênh lệch nhỏ hơn được hoàn nhập ghi giảm dự phòng và ghi giảm giá vốn hàng bán.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản
Bên Nợ:
- Hoàn nhập chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập kỳ trước chưa sử dụng hết;
- Bù đắp giá trị khoản đầu tư vào đơn vị khác khi có quyết định dùng số dự phòng đã lập để bù đắp số tổn thất xảy ra.
- Bù đắp phần giá trị đã được lập dự phòng của khoản nợ không thể thu hồi được phải xóa sổ.
Bên Có:
Trích lập các khoản dự phòng tổn thất tài sản tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.
Số dư bên Có: Số dự phòng tổn thất tài sản hiện có cuối kỳ.
Tài khoản 229 - Dự phòng tổn thất tài sản có 4 tài khoản cấp 2
Tài khoản 2291 - Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh.
Tài khoản 2292 - Dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng do doanh nghiệp nhận vốn góp đầu tư bị lỗ dẫn đến nhà đầu tư có khả năng mất vốn.
Tài khoản 2293 - Dự phòng phải thu khó đòi: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập khoản dự phòng các khoản phải thu và các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn khó đòi.
Tài khoản 2294 - Dự phòng giảm giá hàng tồn kho: Tài khoản này phản ánh tình hình trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Phương pháp kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh
a) Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của các khoản chứng khoán kinh doanh, nếu số phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291).
b) Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ vào biến động giá trị thị trường của các khoản chứng khoán kinh doanh, nếu số phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291)
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
c) Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh trước khi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần: Khoản dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh sau khi bù đắp tổn thất, nếu còn được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (số chưa được dự phòng)
Có TK 121 - Chứng khoán kinh doanh (số được ghi giảm khi xác định giá trị doanh nghiệp)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (số dự phòng đã lập cao hơn số tổn thất).
3.2. Phương pháp kế toán dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác
a) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu số phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292).
b) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu số phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập từ kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292)
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
c) Khi tổn thất thực sự xảy ra, các khoản đầu tư thực sự không có khả năng thu hồi hoặc thu hồi thấp hơn giá gốc ban đầu, doanh nghiệp có quyết định dùng khoản dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn đã lập để bù đắp tổn thất khoản đầu tư dài hạn, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (nếu có)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292) (số đã lập dự phòng)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (số chưa lập dự phòng)
Có các TK 221, 222, 228 (giá gốc khoản đầu tư bị tổn thất).
d) Khoản dự phòng giảm giá đầu tư dài hạn sau khi bù đắp tổn thất, nếu còn được hạch toán tăng vốn Nhà nước, khi doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2292)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.3. Phương pháp kế toán dự phòng phải thu khó đòi
a) Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ các khoản nợ phải thu được phân loại là nợ phải thu khó đòi, nếu số dự phòng nợ phải thu khó đòi cần trích lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293).
b) Khi lập Báo cáo tài chính, căn cứ các khoản nợ phải thu được phân loại là nợ phải thu khó đòi, nếu số dự phòng nợ phải thu khó đòi cần trích lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng nợ phải thu khó đòi đã trích lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293)
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.
c) Đối với các khoản nợ phải thu khó đòi khi xác định là không thể thu hồi được, kế toán thực hiện xoá nợ theo quy định của pháp luật hiện hành. Căn cứ vào quyết định xoá nợ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 331, 334....(phần tổ chức cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293)(phần đã lập dự phòng)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (phần được tính vào chi phí)
Có các TK 131, 138, 128, 244...
d) Đối với những khoản nợ phải thu khó đòi đã được xử lý xoá nợ, nếu sau đó lại thu hồi được nợ, kế toán căn cứ vào giá trị thực tế của khoản nợ đã thu hồi được, ghi:
Nợ các TK 111, 112,....
Có TK 711 - Thu nhập khác.
đ) Đối với các khoản nợ phải thu quá hạn được bán theo giá thoả thuận, tuỳ từng trường hợp thực tế, kế toán ghi nhận như sau:
- Trường hợp khoản phải thu quá hạn chưa lập dự phòng phải thu khó đòi, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (theo giá bán thỏa thuận)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (số tổn thất từ việc bán nợ)
Có các TK 131, 138,128, 244...
- Trường hợp khoản phải thu quá hạn đã lập dự phòng phải thu khó đòi nhưng số đã lập dự phòng không đủ bù đắp tổn thất khi bán nợ thì số tổn thất còn lại được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (theo giá bán thỏa thuận)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (số đã lập dự phòng)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (số tổn thất từ việc bán nợ)
Có các TK 131, 138,128, 244...
e) Kế toán xử lý các khoản dự phòng phải thu khó đòi trước khi doanh nghiệp Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần: Khoản dự phòng phải thu khó đòi sau khi bù đắp tổn thất, nếu được hạch toán tăng vốn Nhà nước, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
3.4. Phương pháp kế toán dự phòng giảm giá hàng tồn kho
a) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294).
b) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã trích lập từ các kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
c) Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho đối với vật tư, hàng hóa bị hủy bỏ do hết hạn sử dụng, mất phẩm chất, hư hỏng, không còn giá trị sử dụng, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (số được bù đắp bằng dự phòng)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu số tổn thất cao hơn số đã lập dự phòng)
Có các TK 152, 153, 155, 156.
d) Kế toán xử lý khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho trước khi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước chuyển thành công ty cổ phần: Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho sau khi bù đắp tổn thất, nếu được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
a) Tài khoản này chỉ dùng ở đơn vị không thành lập ban quản lý dự án để phản ánh chi phí thực hiện các dự án đầu tư XDCB (bao gồm chi phí mua sắm mới TSCĐ, xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình) và tình hình quyết toán dự án đầu tư XDCB ở các doanh nghiệp có tiến hành công tác mua sắm TSCĐ, đầu tư XDCB, sửa chữa lớn TSCĐ.
Công tác đầu tư XDCB và sửa chữa lớn TSCĐ của doanh nghiệp có thể được thực hiện theo phương thức giao thầu hoặc tự làm. Ở các doanh nghiệp tiến hành đầu tư XDCB theo phương thức tự làm thì tài khoản này phản ánh cả chi phí phát sinh trong quá trình xây lắp, sửa chữa.
Các đơn vị có thành lập ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và tổ chức bộ máy kế toán riêng thì thực hiện theo quy định của Thông tư số 195/2012/TT-BTC hướng dẫn Chế độ kế toán đơn vị chủ đầu tư.
b) Chi phí thực hiện các dự án đầu tư XDCB là toàn bộ chi phí cần thiết để xây dựng mới hoặc sửa chữa, cải tạo, mở rộng hay trang bị lại kỹ thuật công trình. Chi phí đầu tư XDCB được xác định trên cơ sở khối lượng công việc, hệ thống định mức, chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật và các chế độ chính sách của Nhà nước, đồng thời phải phù hợp những yếu tố khách quan của thị trường trong từng thời kỳ và được thực hiện theo quy chế về quản lý đầu tư XDCB. Chi phí đầu tư XDCB, bao gồm:
- Chi phí xây dựng;
- Chi phí thiết bị;
- Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
- Chi phí quản lý dự án;
- Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng
- Chi phí khác.
Tài khoản 241 được mở chi tiết theo từng công trình, hạng mục công trình và ở mỗi hạng mục công trình phải được hạch toán chi tiết từng nội dung chi phí đầu tư XDCB và được theo dõi lũy kế kể từ khi khởi công đến khi công trình, hạng mục công trình hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng.
c) Khi đầu tư XDCB các chi phí xây lắp, chi phí thiết bị thường tính trực tiếp cho từng công trình; Các chi phí quản lý dự án và chi phí khác thường được chi chung. Chủ đầu tư phải tiến hành tính toán, phân bổ chi phí quản lý dự án và chi phí khác cho từng công trình theo nguyên tắc:
- Nếu xác định được riêng các chi phí quản lý dự án và chi phí khác liên quan trực tiếp đến từng công trình thì tính trực tiếp cho công trình đó;
- Các chi phí quản lý dự án và chi phí khác chi chung có liên quan đến nhiều công trình mà không tính trực tiếp được cho từng công trình thì đơn vị được quyền phân bổ theo những tiêu thức phù hợp nhất với từng công trình.
d) Trường hợp dự án đã hoàn thành đưa vào sử dụng nhưng quyết toán dự án chưa được duyệt thì doanh nghiệp ghi tăng nguyên giá TSCĐ theo giá tạm tính (giá tạm tính phải căn cứ vào chi phí thực tế đã bỏ ra để có được TSCĐ) để trích khấu hao, nhưng sau đó phải điều chỉnh theo giá quyết toán được phê duyệt.
đ) Chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, duy trì cho TSCĐ hoạt động bình thường được hạch toán trực tiếp vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ. Đối với các TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải sửa chữa, bảo trì, duy tu định kỳ, kế toán được trích lập dự phòng phải trả và tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh để có nguồn trang trải khi việc sửa chữa, bảo trì phát sinh.
e) Chủ đầu tư xây dựng bất động sản sử dụng tài khoản này để tập hợp chi phí xây dựng TSCĐ hoặc bất động sản đầu tư. Trường hợp bất động sản xây dựng sử dụng cho nhiều mục đích (làm văn phòng, cho thuê hoặc để bán, ví dụ như tòa nhà chung cư hỗn hợp) thì kế toán vẫn tập hợp chi phí phát sinh liên quan trực tiếp tới việc đầu tư xây dựng trên TK 241. Khi công trình, dự án hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng, kế toán căn cứ cách thức sử dụng tài sản trong thực tế để kết chuyển chi phí đầu tư xây dựng phù hợp với bản chất của từng loại tài sản.
g) Chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh từ quá trình đầu tư xây dựng cơ bản được thực hiện theo nguyên tắc:
- Đối với chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động:
+ Đối với các doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô, các khoản chênh lệch tỷ giá liên quan đến giai đoạn trước hoạt động chưa đi vào sản xuất kinh doanh được phản ánh lũy kế trên TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái. Khi đi vào hoạt động, kế toán được phân bổ dần khoản chênh lệch tỷ giá trực tiếp từ TK 413 sang TK 515 – Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ). Việc phân bổ không vượt quá thời gian theo pháp luật quy định, mức phân bổ lỗ tỷ giá phải đảm bảo nguyên tắc nếu còn phản ánh lỗ tỷ giá tại bên Nợ TK 413 thì báo cáo kết quả kinh doanh có lợi nhuận bằng không (doanh nghiệp không được vừa phản ánh lỗ tỷ giá trên chỉ tiêu – Chênh lệch tỷ giá thuộc bảng cân đối kế toán, vừa trình bày có lợi nhuận sau thuế trên Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh).
+ Đối với tất cả các loại doanh nghiệp khác, chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động được tính ngay vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh, không được treo lại chênh lệch tỷ giá trên TK 413.
- Đối với chênh lệch tỷ giá liên quan đến hoạt động đầu tư XDCB khi doanh nghiệp đã đi vào hoạt động (kể cả việc đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng):
Tất cả các loại hình doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ án ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô, đều phải tính ngay khoản chênh lệch tỷ giá liên quan đến hoạt động đầu tư XDCB (kể cả việc đầu tư mới hoặc đầu tư mở rộng) vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh, không được phản ánh chênh lệch tỷ giá trên TK 413.
h) Trường hợp dự án đầu tư bị hủy bỏ, doanh nghiệp phải tiến hành thanh lý và thu hồi các chi phí đã phát sinh của dự án. Phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư thực tế phát sinh và số thu từ việc thanh lý được ghi nhận vào chi phí khác hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân để thu hồi.
Tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang, có 3 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 2411 - Mua sắm TSCĐ: Phản ánh chi phí mua sắm TSCĐ và tình hình quyết toán chi phí mua sắm TSCĐ trong trường hợp phải qua lắp đặt, chạy thử trước khi đưa vào sử dụng (kể cả mua TSCĐ mới hoặc đã qua sử dụng). Nếu mua sắm TSCĐ về phải đầu tư, trang bị thêm mới sử dụng được thì mọi chi phí mua sắm, trang bị thêm cũng được phản ánh vào tài khoản này.
- Tài khoản 2412 - Xây dựng cơ bản: Phản ánh chi phí đầu tư XDCB và tình hình quyết toán vốn đầu tư XDCB. Tài khoản này được mở chi tiết cho từng công trình, hạng mục công trình (theo từng đối tượng tài sản hình thành qua đầu tư) và ở mỗi đối tượng tài sản phải theo dõi chi tiết từng nội dung chi phí đầu tư XDCB.
- Tài khoản 2413 - Sửa chữa lớn TSCĐ: Phản ánh chi phí sửa chữa lớn TSCĐ và tình hình quyết toán chi phí sửa chữa lớn TSCĐ. Trường hợp sửa chữa thường xuyên TSCĐ thì không hạch toán vào tài khoản này mà tính thẳng vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 241 - Xây dựng cơ bản dở dang
Bên Nợ:
- Chi phí đầu tư XDCB, mua sắm, sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh (TSCĐ hữu hình và TSCĐ vô hình);
- Chi phí cải tạo, nâng cấp TSCĐ;
- Chi phí mua sắm bất động sản đầu tư (trường hợp cần có giai đoạn đầu tư xây dựng);
- Chi phí đầu tư XDCB bất động sản đầu tư;
- Chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ, bất động sản đầu tư.
Bên Có:
- Giá trị TSCĐ hình thành qua đầu tư XDCB, mua sắm đã hoàn thành đưa vào sử dụng;
- Giá trị công trình bị loại bỏ và các khoản chi phí duyệt bỏ khác kết chuyển khi quyết toán được duyệt;
- Giá trị công trình sửa chữa lớn TSCĐ hoàn thành, kết chuyển khi quyết toán được duyệt;
- Giá trị bất động sản đầu tư hình thành qua đầu tư XDCB đã hoàn thành;
- Kết chuyển chi phí phát sinh sau ghi nhận ban đầu TSCĐ, bất động sản đầu tư vào các tài khoản có liên quan.
Số dư Nợ:
- Chi phí dự án đầu tư xây dựng và sửa chữa lớn TSCĐ dở dang;
- Giá trị công trình xây dựng và sửa chữa lớn TSCĐ đã hoàn thành nhưng chưa bàn giao đưa vào sử dụng hoặc quyết toán chưa được duyệt;
- Giá trị bất động sản đầu tư đang đầu tư xây dựng dở dang.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Kế toán chi phí đầu tư XDCB
3.1.1. Trường hợp ứng trước tiền cho nhà thầu
a) Trường hợp ứng trước bằng Đồng Việt Nam:
- Ghi nhận số tiền ứng trước cho nhà thầu bằng Đồng Việt Nam, ghi;
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (1122) (tỷ giá ghi sổ BQGQ).
- Khi nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành, kế toán ghi nhận chi phí XDCB dở dang đối với số tiền đã ứng trước, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
b) Trường hợp ứng trước bằng ngoại tệ:
- Ghi nhận số tiền ứng trước cho nhà thầu bằng ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi;
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá giao dịch thực tế)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu phát sinh lỗ tỷ giá)
Có TK 112 - Tiền gửi ngân hàng (1122) (tỷ giá ghi sổ BQGQ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu phát sinh lãi tỷ giá).
- Khi nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành, kế toán ghi nhận chi phí XDCB dở dang đối với số tiền đã ứng trước bằng ngoại tệ theo tỷ giá ghi sổ (tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước), ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3.1.2. Nhận khối lượng XDCB, khối lượng sửa chữa TSCĐ hoàn thành do bên nhận thầu bàn giao, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, căn cứ hợp đồng giao thầu, biên bản nghiệm thu khối lượng XDCB hoàn thành, hóa đơn bán hàng, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (2412, 2413)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị chi phí đầu tư xây dựng cơ bản dở dang bao gồm cả thuế GTGT.
- Trường hợp hợp đồng quy định thanh toán cho nhà thầu bằng ngoại tệ, kế toán ghi nhận số tiền phải trả (sau khi đã trừ số tiền ứng trước) theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nghiệm thu (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch).
3.1.3. Khi mua thiết bị đầu tư XDCB, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, căn cứ hóa đơn, phiếu nhập kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
Trường hợp chuyển thẳng thiết bị không cần lắp đến địa điểm thi công giao cho bên nhận thầu, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 151 - Hàng mua đang đi đường.
3.1.4. Trả tiền cho người nhận thầu, người cung cấp vật tư, hàng hóa, dịch vụ có liên quan đến đầu tư XDCB, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,...
3.1.5. Xuất thiết bị đầu tư XDCB giao cho bên nhận thầu:
a) Đối với thiết bị không cần lắp, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
b) Đối với thiết bị cần lắp:
- Khi xuất thiết bị giao cho bên nhận thầu, kế toán chỉ theo dõi chi tiết thiết bị đưa đi lắp.
- Khi có khối lượng lắp đặt hoàn thành của bên B bàn giao, được nghiệm thu và chấp nhận thanh toán, thì giá trị thiết bị đưa đi lắp mới được tính vào chi phí đầu tư XDCB, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (2412)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
3.1.6. Khi phát sinh các chi phí khác, như chi phí lãi vay, chi phí phát hành trái phiếu được vốn hóa, chi phí đấu thầu, (sau khi bù trừ với số tiền thu từ việc bán hồ sơ thầu), chi phí tháo dỡ hoàn trả mặt bằng (sau khi bù trừ với số phế liệu có thể thu hồi)... ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (2412)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331, 335, 3411,343...
Số tiền bán hồ sơ thầu sau khi bù trừ với chi phí đấu thầu, nếu còn thừa được kế toán giảm chi phí đầu tư xây dựng (ghi vào bên Có TK 241).
3.1.7. Khoản tiền phạt nhà thầu thu được về bản chất làm giảm số phải thanh toán cho nhà thầu, ghi:
Nợ các TK 112, 331
Có TK 241 - XDCB dở dang.
3.1.8. Các khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh trong quá trình đầu tư XDCB (kể cả giai đoạn trước hoạt động) được ghi nhận vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh (trừ các doanh nghiệp được quy định tại điểm 3.1.9 dưới đây):
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK liên quan.
3.1.9. Đối với chủ đầu tư là doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thực hiện nhiệm vụ an ninh, quốc phòng, ổn định kinh tế vĩ mô, nếu phát sinh chênh lệch tỷ giá trong hoạt động đầu tư xây dựng ở giai đoạn trước hoạt động (chưa tiến hành sản xuất, kinh doanh):
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có các TK liên quan.
- Khi đi vào hoạt động, kế toán kết chuyển chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính, ghi:
+ Kết chuyển lãi tỷ giá ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
+ Kết chuyển lỗ tỷ giá ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
3.1.10. Đối với chi phí chạy thử và số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử thì thực hiện như sau:
a) Đối với chi phí chạy thử không sản xuất ra sản phẩm thử:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có các TK liên quan.
b) Đối với chi phí sản xuất thử và số thu từ bán sản phẩm sản xuất thử:
- Khi phát sinh chi phí chạy thử có tải để sản xuất ra sản phẩm thử, kế toán tập hợp toàn bộ chi phí, ghi
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang
Có các TK liên quan.
- Khi nhập kho sản phẩm sản xuất thử, ghi:
Nợ TK 1551 - Thành phẩm nhập kho
Có TK 154 - Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang.
- Khi xuất bán sản phẩm sản xuất thử:
Nợ các TK 112, 131
Có TK 1551 - Thành phẩm nhập kho
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang (bán ngay không qua nhập kho)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Kết chuyển phần chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử:
+ Trường hợp chi phí sản xuất thử cao hơn số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử, kế toán kết chuyển phần chênh lệch để ghi tăng chi phí đầu tư XDCB dở dang, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang.
+ Trường hợp chi phí sản xuất thử nhỏ hơn số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử, kế toán kết chuyển phần chênh lệch để ghi giảm chi phí đầu tư XDCB dở dang, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí SXKD dở dang
Có TK 241 - XDCB dở dang.
3.1.1l. Khi công trình hoàn thành, việc nghiệm thu tổng thể đã được thực hiện xong, tài sản được bàn giao và đưa vào sử dụng: Nếu quyết toán được duyệt ngay thì căn cứ vào giá trị tài sản hình thành qua đầu tư được duyệt để ghi sổ. Nếu quyết toán chưa được phê duyệt thì ghi tăng giá trị của tài sản hình thành qua đầu tư theo giá tạm tính (giá tạm tính là chi phí thực tế đã bỏ ra để có được tài sản, căn cứ vào TK 241 để xác định giá tạm tính). Cả 2 trường hợp đều ghi như sau:
Nợ các TK 211, 213, 217
Nợ TK 1557 - Thành phẩm Bất động sản (sau khi hoàn thành có một phần BĐS dùng để bán mà trước đây chưa hạch toán riêng được trên TK 154)
Có TK 241 - XDCB dở dang (giá được duyệt hoặc giá tạm tính).
Trường hợp công trình đã hoàn thành, nhưng chưa làm thủ tục bàn giao tài sản để đưa vào sử dụng, đang chờ lập hoặc duyệt quyết toán thì kế toán phải mở sổ chi tiết tài khoản 241 "XDCB dở dang" theo dõi riêng công trình hoàn thành chờ bàn giao và duyệt quyết toán.
3.1.12. Khi quyết toán vốn đầu tư XDCB hoàn thành được duyệt thì kế toán điều chỉnh lại giá tạm tính theo giá trị tài sản được duyệt, ghi;
- Nếu giá trị tài sản hình thành qua đầu tư XDCB được duyệt có giá trị thấp hơn giá tạm tính:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi phí duyệt bỏ phải thu hồi)
Có các TK 211, 213, 217, 1557.
- Nếu giá trị tài sản hình thành qua đầu tư XDCB được duyệt có giá trị cao hơn giá tạm tính:
Nợ các TK 211, 213, 217, 1557
Có các TK liên quan.
- Nếu TSCĐ đầu tư bằng nguồn vốn đầu tư XDCB và được cấp có thẩm quyền cho phép tăng nguồn vốn kinh doanh thì đồng thời ghi:
Nợ TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có TK 241 - XDCB dở dang (các khoản thiệt hại được duyệt bỏ)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (giá trị tài sản được duyệt).
- Nếu TSCĐ hình thành bằng quỹ phúc lợi và dùng vào mục đích phúc lợi, khi chủ đầu tư duyệt quyết toán vốn đầu tư, kế toán ghi tăng quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ:
Nợ TK 3532 - Quỹ phúc lợi
Có TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.
3.1.13. Trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư có thành lập Ban quản lý dự án để kế toán riêng quá trình đầu tư XDCB:
a) Kế toán tại chủ đầu tư:
- Trường hợp nhận bàn giao công trình đã được quyết toán, chủ đầu tư ghi nhận giá trị công trình là giá đã được quyết toán, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217, 1557
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Nợ các TK 111, 112, 152, 153
Có TK 136 - Phải thu nội bộ
Có các TK 331, 333, … (nhận nợ phải trả nếu có).
- Trường hợp nhận bàn giao công trình chưa được quyết toán, chủ đầu tư ghi nhận giá trị công trình là giá tạm tính. Khi quyết toán phải điều chỉnh giá trị công trình theo giá được quyết toán, ghi:
+ Nếu giá được quyết toán lớn hơn giá tạm tính, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217, 1557
Có các TK liên quan.
+ Nếu giá được quyết toán nhỏ hơn giá tạm tính, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có các TK 211, 213, 217, 1557.
b) Kế toán tại Ban quản lý dự án: Thực hiện theo quy định tại Thông tư số 195/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính hướng dẫn kế toán áp dụng cho đơn vị chủ đầu tư và các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế (nếu có).
3.1.14. Trường hợp dự án đầu tư bị hủy bỏ hoặc thu hồi, kế toán thanh lý dự án và thu hồi chi phí đầu tư. Phần chênh lệch giữa chi phí đầu tư và số thu từ việc thanh lý được phản ánh vào chi phí khác hoặc xác định trách nhiệm bồi thường của tổ chức, cá nhân, ghi:
Nợ các TK 111, 112 - Số thu từ việc thanh lý dự án
Nợ TK 138 - Phải thu khác (Số tổ chức, cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (Số được tính vào chi phí)
Có TK 241 - XDCB dở dang.
3.2. Kế toán sửa chữa TSCĐ
Công tác sửa chữa TSCĐ của doanh nghiệp cũng có thể tiến hành theo phương thức tự làm hoặc giao thầu.
a) Khi chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh được tập hợp vào bên Nợ TK 241 "XDCB dở dang" (2413) và được chi tiết cho từng công trình, công việc sửa chữa TSCĐ. Căn cứ chứng từ phát sinh chi phí để hạch toán:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (2413) (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có các TK 111, 112, 152, 214,... (tổng giá thanh toán).
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì chi phí sửa chữa TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (2413) (tổng giá thanh toán)
Có các 111, 112, 152, 214, 334,... (tổng giá thanh toán).
b) Khi công trình sửa chữa hoàn thành, nếu không đủ điều kiện ghi tăng nguyên giá TSCĐ:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (nếu phát sinh lớn được phân bổ dần)
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (nếu trích trước chi phí sửa chữa định kỳ)
Có TK 241 - XDCB dở dang (2413).
- Trường hợp sửa chữa cải tạo, nâng cấp thỏa mãn điều kiện ghi tăng nguyên giá TSCĐ, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 241 - XDCB dở dang (2413).
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các chi phí thực tế đã phát sinh nhưng có liên quan đến kết quả hoạt động SXKD của nhiều kỳ kế toán và việc kết chuyển các khoản chi phí này vào chi phí SXKD của các kỳ kế toán sau.
b) Các nội dung được phản ánh là chi phí trả trước, gồm:
- Chi phí trả trước về thuê cơ sở hạ tầng, thuê hoạt động TSCĐ (quyền sử dụng đất, nhà xưởng, kho bãi, văn phòng làm việc, cửa hàng và TSCĐ khác) phục vụ cho sản xuất, kinh doanh nhiều kỳ kế toán.
- Chi phí thành lập doanh nghiệp, chi phí đào tạo, quảng cáo phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ tối đa không quá 3 năm;
- Chi phí mua bảo hiểm (bảo hiểm cháy, nổ, bảo hiểm trách nhiệm dân sự chủ phương tiện vận tải, bảo hiểm thân xe, bảo hiểm tài sản,...) và các loại lệ phí mà doanh nghiệp mua và trả một lần cho nhiều kỳ kế toán;
- Công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến hoạt động kinh doanh trong nhiều kỳ kế toán;
- Chi phí đi vay trả trước về lãi tiền vay hoặc lãi trái phiếu ngay khi phát hành;
- Chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, phân bổ tối đa không quá 3 năm;
- Số chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê tài chính;
- Số chênh lệch giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê hoạt động;
- Trường hợp hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ công ty mẹ - công ty con có phát sinh lợi thế thương mại hoặc khi cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có phát sinh lợi thế kinh doanh;
- Các khoản chi phí trả trước khác phục vụ cho hoạt động kinh doanh của nhiều kỳ kế toán.
Chi phí nghiên cứu và chi phí cho giai đoạn triển khai không đủ tiêu chuẩn ghi nhận là TSCĐ vô hình được ghi nhận ngay là chi phí sản xuất kinh doanh, không ghi nhận là chi phí trả trước.
c) Việc tính và phân bổ chi phí trả trước vào chi phí SXKD từng kỳ kế toán phải căn cứ vào tính chất, mức độ từng loại chi phí để lựa chọn phương pháp và tiêu thức hợp lý.
d) Kế toán phải theo dõi chi tiết từng khoản chi phí trả trước theo từng kỳ hạn trả trước đã phát sinh, đã phân bổ vào các đối tượng chịu chi phí của từng kỳ kế toán và số còn lại chưa phân bổ vào chi phí.
đ) Đối với các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ, trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp sẽ chắc chắn nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ và phải đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm báo cáo (là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch).
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 242 - Chi phí trả trước
Bên Nợ: Các khoản chi phí trả trước phát sinh trong kỳ.
Bên Có: Các khoản chi phí trả trước đã tính vào chi phí SXKD trong kỳ.
Số dư bên Nợ: Các khoản chi phí trả trước chưa tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi phát sinh các khoản chi phí trả trước phải phân bổ dần vào chi phí SXKD của nhiều kỳ, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 153, 331, 334, 338,...
Định kỳ tiến hành phân bổ chi phí trả trước vào chi phí SXKD, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 635, 641, 642
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
b) Khi trả trước tiền thuê TSCĐ, thuê cơ sở hạ tầng theo phương thức thuê hoạt động và phục vụ hoạt động kinh doanh cho nhiều kỳ, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112,...
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, chi phí trả trước bao gồm cả thuế GTGT.
c) Đối với công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh trong nhiều kỳ, khi xuất dùng, cho thuê, ghi:
- Khi xuất dùng hoặc cho thuê, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
- Định kỳ tiến hành phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê đã xuất kho theo tiêu thức hợp lý. Căn cứ để xác định mức chi phí phải phân bổ mỗi kỳ có thể là thời gian sử dụng hoặc khối lượng sản phẩm, dịch vụ mà công cụ, dụng cụ, bao bì luân chuyển, đồ dùng cho thuê tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong từng kỳ kế toán. Khi phân bổ, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642,...
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
d) Trường hợp mua TSCĐ và bất động sản đầu tư theo phương thức trả chậm, trả góp:
- Khi mua TSCĐ hữu hình, TSCĐ vô hình hoặc mua bất động sản đầu tư theo phương thức trả chậm, trả góp và đưa về sử dụng ngay cho SXKD, hoặc để nắm giữ chờ tăng giá hoặc cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217 (nguyên giá - ghi theo giá mua trả tiền ngay)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa Tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) Giá mua trả tiền ngay trừ (-) Thuế GTGT (nếu có))
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Định kỳ, thanh toán tiền cho người bán, kế toán ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112 (số phải trả định kỳ bao gồm cả giá gốc và lãi trả chậm, trả góp phải trả định kỳ).
- Định kỳ, tính vào chi phí theo số lãi trả chậm, trả góp phải trả, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
đ) Trường hợp chi phí sửa chữa TSCĐ phát sinh lớn, doanh nghiệp không thực hiện trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ, phải phân bổ chi phí vào nhiều kỳ kế toán, khi công việc sửa chữa hoàn thành:
- Kết chuyển chi phí sửa chữa TSCĐ vào tài khoản chi phí trả trước, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước.
Có TK 241 - XDCB dở dang (2413).
- Định kỳ, tính và phân bổ chi phí sửa chữa TSCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642,...
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
e) Trường hợp doanh nghiệp trả trước lãi tiền vay cho bên cho vay:
- Khi trả trước lãi tiền vay, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có các TK 111, 112.
- Định kỳ, khi phân bổ lãi tiền vay theo số phải trả từng kỳ vào chi phí tài chính hoặc vốn hoá tính vào giá trị tài sản dở dang, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (chi phí đi vay ghi vào chi phí SXKD trong kỳ)
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (nếu chi phí đi vay được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (nếu chi phí đi vay được vốn hoá vào giá trị tài sản sản xuất dở dang)
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
g) Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo mệnh giá để huy động vốn vay, nếu doanh nghiệp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng chịu chi phí.
- Tại thời điểm phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (chi tiết lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
- Định kỳ, phân bổ lãi trái phiếu trả trước vào chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản đầu tư xây dựng dở dang)
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (vốn hoá vào tài sản sản xuất dở dang)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (chi tiết lãi trái phiếu trả trước) (số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ).
h) Trường hợp hợp nhất kinh doanh không dẫn đến quan hệ công ty mẹ - công ty con (mua tài sản thuần), tại ngày mua nếu phát sinh lợi thế thương mại:
- Nếu việc mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được bên mua thanh toán bằng tiền, hoặc các khoản tương đương tiền, ghi:
Nợ các TK 131, 138, 152, 153, 155, 156, 211, 213, 217.… (theo giá trị hợp lý của các tài sản đã mua)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (chi tiết lợi thế thương mại)
Có các TK 331, 3411, … (theo giá trị hợp lý của các khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng phải gánh chịu)
Có các TK 111, 112, 121 (số tiền hoặc các khoản tương đương tiền bên mua đã thanh toán).
- Nếu việc mua, bán khi hợp nhất kinh doanh được thực hiện bằng việc bên mua phát hành cổ phiếu, ghi:
Nợ các TK 131, 138, 152, 153, 155, 156, 211, 213, 217,… (theo giá trị hợp lý của các tài sản đã mua)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (chi tiết lợi thế thương mại)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có các TK 331, 3411… (theo giá trị hợp lý của các khoản nợ phải trả và nợ tiềm tàng phải gánh chịu)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần(giá phát hành lớn hơn mệnh giá).
i) Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết lỗ chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động phải kết chuyển toàn bộ số lỗ lũy kế đang theo dõi trên TK 242 sang TK 635 - Chi phí tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
k) Khi kiểm kê tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nếu khoản tiền thuê đất trả trước không đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ vô hình, được đánh giá tăng vốn Nhà nước, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
l) Khi kiểm kê tài sản tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, nếu giá trị thực tế của vốn Nhà nước lớn hơn giá trị ghi sổ của vốn Nhà nước, kế toán ghi tăng vốn Nhà nước và ghi nhận phần chênh lệch là lợi thế kinh doanh, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
m) Lợi thế kinh doanh phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được phản ánh trên TK 242 và phân bổ dần tối đa không quá 3 năm, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
Tài sản thuế thu nhập hoãn lại |
= |
Chênh lệch tạm thời được khấu trừ |
+ |
Giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng |
x |
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (%) |
Trường hợp tại thời điểm ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã biết trước có sự thay đổi về thuế suất thuế TNDN trong tương lai, nếu việc hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại nằm trong thời gian thuế suất mới đã có hiệu lực thì thuế suất áp dụng để ghi nhận tài sản thuế được tính theo thuế suất mới.
b) Cơ sở tính thuế của tài sản hoặc nợ phải trả và Chênh lệch tạm thời:
- Cơ sở tính thuế của tài sản là giá trị sẽ được trừ khỏi thu nhập chịu thuế khi thu hồi giá trị ghi sổ của tài sản. Nếu thu nhập không phải chịu thuế thì cơ sở tính thuế của tài sản bằng giá trị ghi sổ của tài sản đó. Cơ sở tính thuế thu nhập của nợ phải trả là giá trị ghi sổ của nó trừ đi (-) giá trị sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế khi thanh toán nợ phải trả trong các kỳ tương lai. Đối với doanh thu nhận trước, cơ sở tính thuế là giá trị ghi sổ của nó, trừ đi phần giá trị của doanh thu không phải chịu thuế trong tương lai.
- Chênh lệch tạm thời là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản hoặc nợ phải trả trong Bảng Cân đối kế toán và cơ sở tính thuế của tài sản hoặc nợ phải trả đó. Chênh lệch tạm thời gồm 2 loại: Chênh lệch tạm thời được khấu trừ và chênh lệch tạm thời chịu thuế. Chênh lệch tạm thời được khấu trừ là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh các khoản được khấu trừ khi xác định thu nhập chịu thuế trong tương lai khi giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản được thu hồi hoặc nợ phải trả được thanh toán.
+ Chênh lệch tạm thời về thời gian chỉ là một trong các trường hợp chênh lệch tạm thời, ví dụ: Nếu lợi nhuận kế toán được ghi nhận trong kỳ này nhưng thu nhập chịu thuế được tính trong kỳ khác.
+ Các khoản chênh lệch tạm thời giữa giá trị ghi sổ của tài sản hoặc nợ phải trả so với cơ sở tính thuế của tài sản hoặc nợ phải trả đó có thể không phải là chênh lệch tạm thời về mặt thời gian, ví dụ: Khi đánh giá lại một tài sản thì giá trị ghi sổ của tài sản thay đổi nhưng nếu cơ sở tính thuế không thay đổi thì phát sinh chênh lệch tạm thời. Tuy nhiên thời gian thu hồi giá trị ghi sổ và cơ sở tính thuế không thay đổi nên chênh lệch tạm thời này không phải là chênh lệch tạm thời về thời gian.
+ Kế toán không tiếp tục sử dụng khái niệm “Chênh lệch vĩnh viễn” để phân biệt với chênh lệch tạm thời khi xác định thuế thu nhập hoãn lại do thời gian thu hồi tài sản hoặc thanh toán nợ phải trả cũng như thời gian để khấu trừ tài sản và nợ phải trả đó vào thu nhập chịu thuế là hữu hạn.
c) Nếu doanh nghiệp dự tính chắc chắn có được lợi nhuận tính thuế thu nhập trong tương lai để sử dụng các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ, các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng, kế toán được ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại đối với:
- Tất cả các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ (ngoại trừ chênh lệch tạm thời phát sinh từ việc ghi nhận ban đầu của tài sản hoặc nợ phải trả từ một giao dịch mà không phải là giao dịch hợp nhất kinh doanh; và không có ảnh hưởng đến cả lợi nhuận kế toán và thu nhập chịu thuế (hoặc lỗ tính thuế) tại thời điểm giao dịch).
- Giá trị còn được khấu trừ của khoản lỗ tính thuế và ưu đãi về thuế chưa sử dụng chuyển sang năm sau.
d) Cuối năm, doanh nghiệp phải lập “Bảng xác định chênh lệch tạm thời được khấu trừ”, “Bảng theo dõi chênh lệch tạm thời được khấu trừ chưa sử dụng”, giá trị được khấu trừ chuyển sang năm sau của các khoản lỗ tính thuế và ưu đãi thuế chưa sử dụng làm căn cứ lập “Bảng xác định tài sản thuế thu nhập hoãn lại” để xác định giá trị tài sản thuế thu nhập hoãn lại được ghi nhận hoặc hoàn nhập trong năm.
đ) Việc ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong năm được thực hiện theo nguyên tắc bù trừ giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm nay với tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp đã ghi nhận từ các năm trước nhưng năm nay được hoàn nhập lại, theo nguyên tắc:
- Nếu tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm, thì số chênh lệch được ghi nhận là tài sản thuế thu nhập hoãn lại và ghi giảm chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
- Nếu tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm nhỏ hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm, thì số chênh lệch được ghi giảm tài sản thuế thu nhập hoãn lại và ghi tăng chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
e) Kế toán phải hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại khi các khoản chênh lệch tạm thời được khấu trừ không còn ảnh hưởng tới lợi nhuận tính thuế (khi tài sản được thu hồi hoặc nợ phải trả được thanh toán một phần hoặc toàn bộ), khi lỗ tính thuế hoặc ưu đãi thuế đã được sử dụng.
g) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu dự tính chắc chắn có được lợi nhuận tính thuế thu nhập trong tương lai, tài sản thuế thu nhập hoãn lại chưa được ghi nhận từ các năm trước được ghi nhận bổ sung làm giảm chi phí thuế hoãn lại.
h) Việc bù trừ tài sản thuế thu nhập hoãn lại và thuế thu nhập hoãn lại phải trả chỉ thực hiện khi lập Bảng cân đối kế toán, không thực hiện khi ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại trên sổ kế toán.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Bên Nợ: Giá trị tài sản thuế thu nhập hoãn lại tăng.
Bên Có: Giá trị tài sản thuế thu nhập hoãn lại giảm .
Số dư bên Nợ: Giá trị tài sản thuế thu nhập hoãn lại còn lại cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Nếu tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm, kế toán ghi nhận giá trị tài sản thuế thu nhập hoãn lại là số chênh lệch giữa số tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh lớn hơn số được hoàn nhập trong năm, ghi:
Nợ TK 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
b) Nếu tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm nhỏ hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm, kế toán ghi giảm tài sản thuế thu nhập hoãn lại là số chênh lệch giữa số tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh nhỏ hơn số được hoàn nhập trong năm, ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền hoặc giá trị tài sản mà doanh nghiệp đem đi cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược tại các doanh nghiệp, tổ chức khác trong các quan hệ kinh tế theo quy định của pháp luật.
b) Các khoản tiền, tài sản đem cầm cố, thế chấp ký quỹ, ký cược phải được theo dõi chặt chẽ và kịp thời thu hồi khi hết thời hạn cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược. Trường hợp các khoản ký quỹ, ký cược doanh nghiệp được quyền nhận lại nhưng quá hạn thu hồi thì doanh nghiệp được trích lập dự phòng như đối với các khoản nợ phải thu khó đòi.
c) Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết các khoản cầm cố, thế chấp ký cược, ký quỹ theo từng loại, từng đối tượng, kỳ hạn, nguyên tệ. Khi lập Báo cáo tài chính, những khoản có kỳ hạn còn lại dưới 12 tháng được phân loại là tài sản ngắn hạn; Những khoản có kỳ hạn còn lại từ 12 tháng trở lên được phân loại là tài sản dài hạn.
d) Đối với tài sản đưa đi cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược được phản ánh theo giá đã ghi sổ kế toán của doanh nghiệp. Khi xuất tài sản phi tiền tệ mang đi cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược ghi theo giá nào thì khi thu về ghi theo giá đó. Trường hợp có các khoản ký cược, ký quỹ bằng tiền hoặc tương đương tiền được quyền nhận lại bằng ngoại tệ thì phải đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính (là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch). Các tài sản thế chấp bằng giấy chứng nhận quyền sở hữu (ví dụ như bất động sản) thì không ghi giảm tài sản mà theo dõi chi tiết trên sổ kế toán (chi tiết tài sản đang thế chấp) và thuyết minh trên Báo cáo tài chính.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
Bên Nợ:
- Giá trị tài sản mang đi cầm cố, thế chấp hoặc số tiền đã ký quỹ, ký cược.
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư các khoản ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
Bên Có:
- Giá trị tài sản cầm cố hoặc số tiền ký quỹ, ký cược đã nhận lại hoặc đã thanh toán;
- Khoản khấu trừ (phạt) vào tiền ký quỹ, ký cược tính vào chi phí khác;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư các khoản ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ tại thời điểm báo cáo (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
Số dư bên Nợ: Giá trị tài sản còn đang cầm cố, thế chấp hoặc số tiền còn đang ký quỹ, ký cược.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Dùng tiền mặt, hoặc tiền gửi ngân hàng để ký cược, ký quỹ, ghi:
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
Có các TK 111, 112.
b) Trường hợp dùng tài sản cố định để cầm cố, ghi:
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn)
Có các TK 211, 213 (nguyên giá).
Trường hợp thế chấp bằng giấy tờ (giấy chứng nhận sở hữu nhà đất, tài sản) thì không phản ánh trên tài khoản này mà chỉ theo dõi trên sổ chi tiết.
c) Khi mang tài sản khác đi cầm cố, thế chấp, ghi:
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (chi tiết theo từng khoản)
Có các TK 152, 155, 156,...
d) Khi nhận lại tài sản cầm cố hoặc tiền ký quỹ, ký cược:
- Nhận lại số tiền ký quỹ, ký cược, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
- Nhận lại tài sản cố định cầm cố, thế chấp, ghi:
Nợ các TK 211, 213 (nguyên giá khi đưa đi cầm cố)
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (giá trị còn lại)
Có TK 214 - Hao mòn tài sản cố định (giá trị hao mòn).
- Khi nhận lại tài sản khác mang đi cầm cố, thế chấp, ghi:
Nợ các TK 152, 155, 156,...
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược (chi tiết từng khoản).
đ) Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng những cam kết, bị phạt vi phạm hợp đồng trừ vào tiền ký quỹ, ký cược, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (số tiền bị trừ)
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
e) Trường hợp sử dụng khoản ký cược, ký quỹ thanh toán cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
g) Khi lập Báo cáo tài chính, nếu các khoản ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại có gốc ngoại tệ, kế toán phải đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:
- Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với tỷ giá Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký quỹ, ký cược.
1. Các khoản nợ phải trả được theo dõi chi tiết theo kỳ hạn phải trả, đối tượng phải trả, loại nguyên tệ phải trả và các yếu tố khác theo nhu cầu quản lý của doanh nghiệp.
2. Việc phân loại các khoản phải trả là phải trả người bán, phải trả nội bộ, phải trả khác được thực hiện theo nguyên tắc:
a) Phải trả người bán gồm các khoản phải trả mang tính chất thương mại phát sinh từ giao dịch mua hàng hóa, dịch vụ, tài sản và người bán (là đơn vị độc lập với người mua, gồm cả các khoản phải trả giữa công ty mẹ và công ty con, công ty liên doanh, liên kết). Khoản phải trả này gồm cả các khoản phải trả khi nhập khẩu thông qua người nhận ủy thác (trong giao dịch nhập khẩu ủy thác);
b) Phải trả nội bộ gồm các khoản phải trả giữa đơn vị cấp trên và đơn vị cấp dưới trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc;
c) Phải trả khác gồm các khoản phải trả không có tính thương mại, không liên quan đến giao dịch mua, bán, cung cấp hàng hóa dịch vụ:
- Các khoản phải trả liên quan đến chi phí tài chính, như: khoản phải trả về lãi vay, cổ tức và lợi nhuận phải trả, chi phí hoạt động đầu tư tài chính phải trả;
- Các khoản phải trả do bên thứ ba chi hộ; Các khoản tiền bên nhận ủy thác nhận của các bên liên quan để thanh toán theo chỉ định trong giao dịch ủy thác xuất nhập khẩu;
- Các khoản phải trả không mang tính thương mại như phải trả do mượn tài sản, phải trả về tiền phạt, bồi thường, tài sản thừa chờ xử lý, phải trả về các khoản BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ…
3. Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán căn cứ kỳ hạn còn lại của các khoản phải trả để phân loại là dài hạn hoặc ngắn hạn.
4. Khi có các bằng chứng cho thấy một khoản tổn thất có khả năng chắc chắn xảy ra, kế toán phải ghi nhận ngay một khoản phải trả theo nguyên tắc thận trọng.
5. Kế toán phải xác định các khoản phải trả thỏa mãn định nghĩa của các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (được hướng dẫn chi tiết ở Tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái) để đánh giá lại cuối kỳ khi lập Báo cáo tài chính.
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản nợ phải trả của doanh nghiệp cho người bán vật tư, hàng hóa, người cung cấp dịch vụ, người bán TSCĐ, BĐSĐT, các khoản đầu tư tài chính theo hợp đồng kinh tế đã ký kết. Tài khoản này cũng được dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản nợ phải trả cho người nhận thầu xây lắp chính, phụ. Không phản ánh vào tài khoản này các nghiệp vụ mua trả tiền ngay.
b) Nợ phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu xây lắp cần được hạch toán chi tiết cho từng đối tượng phải trả. Trong chi tiết từng đối tượng phải trả, tài khoản này phản ánh cả số tiền đã ứng trước cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu xây lắp nhưng chưa nhận được sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, khối lượng xây lắp hoàn thành bàn giao.
c) Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết các khoản nợ phải trả cho người bán theo từng loại nguyên tệ. Đối với các khoản phải trả bằng ngoại tệ thì thực hiện theo nguyên tắc:
- Khi phát sinh các khoản nợ phải trả cho người bán (bên có tài khoản 331) bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch). Riêng trường hợp ứng trước cho nhà thầu hoặc người bán, khi đủ điều kiện ghi nhận tài sản hoặc chi phí thì bên Có tài khoản 331 áp dụng tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh đối với số tiền đã ứng trước.
- Khi thanh toán nợ phải trả cho người bán (bên Nợ tài khoản 331) bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra đồng Việt Nam theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng chủ nợ (Trường hợp chủ nợ có nhiều giao dịch thì tỷ giá thực tế đích danh được xác định trên cơ sở bình quân gia quyền di động các giao dịch của chủ nợ đó). Riêng trường hợp phát sinh giao dịch ứng trước tiền cho nhà thầu hoặc người bán thì bên Nợ tài khoản 331 áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế (là tỷ giá bán của ngân hàng nơi thường xuyên có giao dịch) tại thời điểm ứng trước;
- Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản phải trả cho người bán có gốc ngoại tệ tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại khoản phải trả cho người bán là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản phải trả cho người bán có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch trong nội bộ tập đoàn.
d) Bên giao nhập khẩu ủy thác ghi nhận trên tài khoản này số tiền phải trả người bán về hàng nhập khẩu thông qua bên nhận nhập khẩu ủy thác như khoản phải trả người bán thông thường.
đ) Những vật tư, hàng hóa, dịch vụ đã nhận, nhập kho nhưng đến cuối tháng vẫn chưa có hóa đơn thì sử dụng giá tạm tính để ghi sổ và phải điều chỉnh về giá thực tế khi nhận được hóa đơn hoặc thông báo giá chính thức của người bán.
e) Khi hạch toán chi tiết các khoản này, kế toán phải hạch toán rõ ràng, rành mạch các khoản chiết khấu thanh toán, chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán của người bán, người cung cấp nếu chưa được phản ánh trong hóa đơn mua hàng.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 331 – Phải trả cho người bán
Bên Nợ:
- Số tiền đã trả cho người bán vật tư, hàng hóa, người cung cấp dịch vụ, người nhận thầu xây lắp;
- Số tiền ứng trước cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu xây lắp nhưng chưa nhận được vật tư, hàng hóa, dịch vụ, khối lượng sản phẩm xây lắp hoàn thành bàn giao;
- Số tiền người bán chấp thuận giảm giá hàng hóa hoặc dịch vụ đã giao theo hợp đồng;
- Chiết khấu thanh toán và chiết khấu thương mại được người bán chấp thuận cho doanh nghiệp giảm trừ vào khoản nợ phải trả cho người bán;
- Giá trị vật tư, hàng hóa thiếu hụt, kém phẩm chất khi kiểm nhận và trả lại người bán.
- Đánh giá lại các khoản phải trả cho người bán bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
Bên Có:
- Số tiền phải trả cho người bán vật tư, hàng hoá, người cung cấp dịch vụ và người nhận thầu xây lắp;
- Điều chỉnh số chênh lệch giữa giá tạm tính nhỏ hơn giá thực tế của số vật tư, hàng hoá, dịch vụ đã nhận, khi có hoá đơn hoặc thông báo giá chính thức;
- Đánh giá lại các khoản phải trả cho người bán bằng ngoại tệ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
Số dư bên Có: Số tiền còn phải trả cho người bán, người cung cấp, người nhận thầu xây lắp.
Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ. Số dư bên Nợ (nếu có) phản ánh số tiền đã ứng trước cho người bán hoặc số tiền đã trả nhiều hơn số phải trả cho người bán theo chi tiết của từng đối tượng cụ thể. Khi lập Bảng Cân đối kế toán, phải lấy số dư chi tiết của từng đối tượng phản ánh ở tài khoản này để ghi 2 chỉ tiêu bên “Tài sản” và bên “Nguồn vốn”.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Mua vật tư, hàng hóa chưa trả tiền người bán về nhập kho trong trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên hoặc khi mua TSCĐ:
a) Trường hợp mua trong nội địa, ghi:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 157, 211, 213 (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán).
b) Trường hợp nhập khẩu, ghi:
- Phản ánh giá trị hàng nhập khẩu bao gồm cả thuế TTĐB, thuế XK, thuế BVMT (nếu có), ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 157, 211, 213
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3332 - Thuế TTĐB (nếu có)
Có TK 3333 - Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu, nếu có)
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
3.2. Mua vật tư, hàng hoá chưa trả tiền người bán về nhập kho trong trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ:
a. Trường hợp mua trong nội địa:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị vật tư, hàng hóa bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán)
b. Trường hợp nhập khẩu, ghi:
- Phản ánh giá trị hàng nhập khẩu bao gồm cả thuế TTĐB, thuế XK, thuế BVMT (nếu có), ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng.
Có TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 3332 - Thuế TTĐB (nếu có)
Có TK 3333 - Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu, nếu có)
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
3.3. Trường hợp đơn vị có thực hiện đầu tư XDCB theo phương thức giao thầu, khi nhận khối lượng xây lắp hoàn thành bàn giao của bên nhận thầu xây lắp, căn cứ hợp đồng giao thầu và biên bản bàn giao khối lượng xây lắp, hoá đơn khối lượng xây lắp hoàn thành:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 241 - XDCB dở dang (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị đầu tư XDCB bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán).
3.4. Khi ứng trước tiền hoặc thanh toán số tiền phải trả cho người bán vật tư, hàng hoá, người cung cấp dịch vụ, người nhận thầu xây lắp, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112, 341,...
- Trường hợp phải thanh toán cho nhà thầu bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch).
- Trường hợp đã ứng trước tiền cho nhà thầu bằng ngoại tệ, kế toán ghi nhận giá trị đầu tư XDCB tương ứng với số tiền đã ứng trước theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước. Phần giá trị đầu tư XDCB còn phải thanh toán (sau khi đã trừ đi số tiền ứng trước) được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh.
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá giao dịch thực tế)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tỷ giá giao dịch thực tế thấp hơn tỷ giá ghi sổ kế toán của TK tiền)
Có các TK 111, 112,... (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu tỷ giá giao dịch thực tế cao hơn tỷ giá ghi sổ kế toán của TK tiền).
3.5. Khi nhận lại tiền do người bán hoàn lại số tiền đã ứng trước vì không cung cấp được hàng hóa, dịch vụ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
3.6. Nhận dịch vụ cung cấp (chi phí vận chuyển hàng hoá, điện, nước, điện thoại, kiểm toán, tư vấn, quảng cáo, dịch vụ khác) của người bán:
- Nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hóa (1562)
Nợ TK 241 - XDCB dở dang
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Nợ các TK 623, 627, 641, 642, 635, 811
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Trường hợp thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì giá trị dịch vụ bao gồm cả thuế GTGT (tổng giá thanh toán).
3.7. Chiết khấu thanh toán mua vật tư, hàng hoá doanh nghiệp được hưởng do thanh toán trước thời hạn phải thanh toán và tính trừ vào khoản nợ phải trả người bán, người cung cấp, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
3.8. Trường hợp vật tư, hàng hoá mua vào phải trả lại hoặc được người bán chấp thuận giảm giá do không đúng quy cách, phẩm chất được tính trừ vào khoản nợ phải trả cho người bán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có các TK 152, 153, 156, 611,...
3.9. Trường hợp các khoản nợ phải trả cho người bán không tìm ra chủ nợ hoặc chủ nợ không đòi và được xử lý ghi tăng thu nhập khác của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 711 - Thu nhập khác.
3.10. Đối với nhà thầu chính, khi xác định giá trị khối lượng xây lắp phải trả cho nhà thầu phụ theo hợp đồng kinh tế đã ký kết, căn cứ vào hóa đơn, phiếu giá công trình, biên bản nghiệm thu khối lượng xây lắp hoàn thành và hợp đồng giao thầu phụ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng số tiền phải trả cho nhà thầu phụ gồm cả thuế GTGT đầu vào).
3.11. Trường hợp doanh nghiệp nhận bán hàng đại lý, bán đúng giá, hưởng hoa hồng.
- Khi nhận hàng bán đại lý, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về hàng nhận bán đại lý trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Khi bán hàng nhận đại lý, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (giá giao bán đại lý + thuế).
Đồng thời doanh nghiệp theo dõi và ghi chép thông tin về hàng nhận bán đại lý đã xuất bán trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Khi xác định hoa hồng đại lý được hưởng, tính vào doanh thu hoa hồng về bán hàng đại lý, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Khi thanh toán tiền cho bên giao hàng đại lý, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (giá bán trừ (-) hoa hồng đại lý)
Có các TK 111, 112,...
3.12. Kế toán phải trả cho người bán tại đơn vị giao uỷ thác nhập khẩu:
- Khi trả trước một khoản tiền uỷ thác mua hàng theo hợp đồng uỷ thác nhập khẩu cho đơn vị nhận uỷ thác nhập khẩu mở LC... căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (chi tiết cho từng đơn vị nhận uỷ thác)
Có các TK 111, 112,...
- Khi nhận hàng ủy thác nhập khẩu do bên nhận ủy thác giao trả, kế toán thực hiện như đối với hàng nhập khẩu thông thường.
- Khi trả tiền cho đơn vị nhận uỷ thác nhập khẩu về số tiền hàng nhập khẩu và các chi phí liên quan trực tiếp đến hàng nhập khẩu, căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (chi tiết cho từng đơn vị nhận uỷ thác)
Có các TK 111, 112,...
- Phí uỷ thác nhập khẩu phải trả đơn vị nhận uỷ thác được tính vào giá trị hàng nhập khẩu, căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 156, 211,...
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 331- Phải trả cho người bán(chi tiết từng đơn vị nhận uỷ thác).
- Việc thanh toán nghĩa vụ thuế đối với hàng nhập khẩu thực hiện theo quy định của TK 333 - Thuế và khoản phải nộp Nhà nước.
- Đơn vị nhận uỷ thác không sử dụng tài khoản này để phản ánh các nghiệp vụ thanh toán ủy thác mà phản ánh qua các TK 138 và 338.
3.13. Khi lập Báo cáo tài chính, số dư nợ phải trả cho người bán bằng ngoại tệ được đánh giá theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính:
- Nếu tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán.
a) Tài khoản này dùng để phản ánh quan hệ giữa doanh nghiệp với Nhà nước về các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước trong kỳ kế toán năm.
b) Doanh nghiệp chủ động tính, xác định và kê khai số thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp cho Nhà nước theo luật định; Kịp thời phản ánh vào sổ kế toán số thuế phải nộp, đã nộp, được khấu trừ, được hoàn...
c. Các khoản thuế gián thu như thuế GTGT (kể cả theo phương pháp khấu trừ hay phương pháp trực tiếp), thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế gián thu khác về bản chất là khoản thu hộ bên thứ ba. Vì vậy các khoản thuế gián thu được loại trừ ra khỏi số liệu về doanh thu gộp trên Báo cáo tài chính hoặc các báo cáo khác.
Doanh nghiệp có thể lựa chọn việc ghi nhận doanh thu và số thuế gián thu phải nộp trên sổ kế toán bằng một trong 2 phương pháp:
- Tách và ghi nhận riêng số thuế gián thu phải nộp (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp) ngay tại thời điểm ghi nhận doanh thu. Theo phương pháp này doanh thu ghi trên sổ kế toán không bao gồm số thuế gián thu phải nộp, phù hợp với số liệu về doanh thu gộp trên Báo cáo tài chính và phản ánh đúng bản chất giao dịch;
- Ghi nhận số thuế gián thu phải nộp bằng cách ghi giảm số doanh thu đã ghi chép trên sổ kế toán. Theo phương pháp này, định kỳ mới ghi giảm doanh thu đối với số thuế gián thu phải nộp, số liệu về doanh thu trên sổ kế toán có sự khác biệt so với doanh thu gộp trên Báo cáo tài chính.
Trong mọi trường hợp, chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ” và chỉ tiêu “Các khoản giảm trừ doanh thu” của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đều không bao gồm các khoản thuế gián thu phải nộp.
d) Đối với các khoản thuế được hoàn, được giảm, kế toán phải phân biệt rõ số thuế được hoàn, được giảm là thuế đã nộp ở khâu mua hay phải nộp ở khâu bán và thực hiện theo nguyên tắc:
- Đối với số thuế đã nộp ở khâu mua được hoàn lại (ví dụ trong giao dịch tạm nhập – tái xuất, các khoản thuế TTĐB, thuế NK, thuế BVMT đã nộp được hoàn lại khi tái xuất...), kế toán ghi giảm giá trị hàng mua hoặc giảm giá vốn hàng bán, giảm chi phí khác tùy theo từng trường hợp cụ thể. Riêng thuế GTGT đầu vào được hoàn ghi giảm số thuế GTGT được khấu trừ;
- Đối với số thuế đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng nhập khẩu không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, khi tái xuất được hoàn thì kế toán ghi giảm khoản phải thu khác (ví dụ thuế nhập khẩu đã nộp của hàng nhận gia công được hoàn lại khi tái xuất...);
- Đối với số thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn, kế toán ghi nhận vào thu nhập khác (ví dụ hoàn thuế xuất khẩu, giảm số thuế TTĐB, GTGT, BVMT phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ).
đ) Nghĩa vụ đối với NSNN trong giao dịch ủy thác xuất - nhập khẩu:
- Trong giao dịch ủy thác xuất nhập khẩu (hoặc các giao dịch tương tự), nghĩa vụ đối với NSNN được xác định là của bên giao ủy thác
- Bên nhận ủy thác được xác định là bên cung cấp dịch vụ cho bên giao ủy thác trong việc chuẩn bị hồ sơ, kê khai, thanh quyết toán với NSNN (người nộp thuế hộ cho bên giao ủy thác).
- TK 333 chỉ sử dụng tại bên giao ủy thác, không sử dụng tại bên nhận ủy thác. Bên nhận ủy thác với vai trò trung gian chỉ phản ánh số thuế phải nộp vào NSNN là khoản chi hộ, trả hộ trên TK 3388 và phản ánh quyền được nhận lại số tiền đã chi hộ, trả hộ cho bên giao ủy thác trên TK 138. Căn cứ để phản ánh tình hình thực hiện nghĩa vụ với NSNN của bên giao ủy thác như sau:
+ Khi nhận được thông báo về số thuế phải nộp, bên nhận ủy thác bàn giao lại cho bên giao ủy thác toàn bộ hồ sơ, tài liệu, thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế phải nộp làm căn cứ ghi nhận số thuế phải nộp trên TK 333.
+ Căn cứ chứng từ nộp tiền vào NSNN của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm số phải nộp NSNN.
e) Kế toán phải mở sổ chi tiết theo dõi từng khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp, đã nộp và còn phải nộp.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 333 – Thuế và các khoản phải nộp nhà nước
Bên Nợ:
- Số thuế GTGT đã được khấu trừ trong kỳ;
- Số thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp, đã nộp vào Ngân sách Nhà nước;
- Số thuế được giảm trừ vào số thuế phải nộp;
- Số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá.
Bên Có:
- Số thuế GTGT đầu ra và số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp;
- Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Số dư bên Có:
Số thuế, phí, lệ phí và các khoản khác còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Trong trường hợp cá biệt, TK 333 có thể có số dư bên Nợ. Số dư bên Nợ (nếu có) của TK 333 phản ánh số thuế và các khoản đã nộp lớn hơn số thuế và các khoản phải nộp cho Nhà nước, hoặc có thể phản ánh số thuế đã nộp được xét miễn, giảm hoặc cho thoái thu nhưng chưa thực hiện việc thoái thu.
Tài khoản 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước, có 9 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3331 - Thuế giá trị gia tăng phải nộp: Phản ánh số thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT của hàng nhập khẩu phải nộp, số thuế GTGT đã được khấu trừ, số thuế GTGT đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
Tài khoản 3331 có 2 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 33311 - Thuế giá trị gia tăng đầu ra: Dùng để phản ánh số thuế GTGT đầu ra, số thuế GTGT đầu vào đã khấu trừ, số thuế GTGT của hàng bán bị trả lại, bị giảm giá, số thuế GTGT phải nộp, đã nộp, còn phải nộp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ tiêu thụ trong kỳ.
+ Tài khoản 33312 - Thuế GTGT hàng nhập khẩu: Dùng để phản ánh số thuế GTGT của hàng nhập khẩu phải nộp, đã nộp, còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt: Phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước
- Tài khoản 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu: Phản ánh số thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp: Phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản 3335 - Thuế thu nhập cá nhân: Phản ánh số thuế thu nhập cá nhân phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản 3336 - Thuế tài nguyên: Phản ánh số thuế tài nguyên phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất: Phản ánh số thuế nhà đất, tiền thuê đất phải nộp, đã nộp và còn phải nộp vào Ngân sách Nhà nước.
- Tài khoản 3338- Thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp về thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác, như: Thuế môn bài, thuế nộp thay cho các tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam...
+ TK 33381: Thuế bảo vệ môi trường: Phản ánh số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, đã nộp và còn phải nộp;
+ TK 33382: Các loại thuế khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp, còn phải nộp các loại thuế khác. Doanh nghiệp được chủ động mở các TK cấp 4 chi tiết cho từng loại thuế phù hợp với yêu cầu quản lý.
- Tài khoản 3339 - Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác: Phản ánh số phải nộp, đã nộp và còn phải nộp về các khoản phí, lệ phí, các khoản phải nộp khác cho Nhà nước ngoài các khoản đã ghi vào các tài khoản từ 3331 đến 3338. Tài khoản này còn phản ánh các khoản Nhà nước trợ cấp cho doanh nghiệp (nếu có) như các khoản trợ cấp, trợ giá.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Thuế GTGT phải nộp (3331)
3.1.1. Kế toán thuế GTGT đầu ra (TK 33311)
a) Kế toán thuế GTGT đầu ra phải nộp theo phương pháp khấu trừ:
Khi xuất hóa đơn GTGT theo phương pháp khấu trừ và doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, kế toán phản ánh doanh thu, thu nhập theo giá bán chưa có thuế GTGT, thuế GTGT phải nộp được tách riêng tại thời điểm xuất hóa đơn, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có các TK 511, 515, 711 (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
b) Kế toán thuế GTGT đầu ra phải nộp theo phương pháp trực tiếp
Kế toán được lựa chọn một trong 2 phương pháp ghi sổ sau:
- Phương pháp 1: Tách riêng ngay số thuế GTGT phải nộp khi xuất hóa đơn, thực hiện như điểm a nêu trên;
- Phương pháp 2: Ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp, định kỳ khi xác định số thuế GTGT phải nộp kế toán ghi giảm doanh thu, thu nhập tương ứng:
Nợ các TK 511, 515, 711
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
c) Khi nộp thuế GTGT vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp
Có các TK 111, 112.
3.1.2. Kế toán thuế GTGT của hàng nhập khẩu (TK 33312)
a) Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ kế toán phản ánh số thuế nhập khẩu phải nộp, tổng số tiền phải thanh toán và giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu (chưa bao gồm thuế GTGT hàng nhập khẩu), ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 611,...
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3333)
Có các TK 111, 112, 331,...
b) Phản ánh số thuế GTGT phải nộp của hàng nhập khẩu:
- Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
- Trường hợp thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp không được khấu trừ phải tính vào giá trị vật tư, hàng hoá,TSCĐ nhập khẩu, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 611,...
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
c) Khi thực nộp thuế GTGT của hàng nhập khẩu vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312)
Có các TK 111, 112,...
d) Trường hợp nhập khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác)
- Khi nhận được thông báo về nghĩa vụ nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu từ bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác ghi nhận số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312).
- Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào NSNN của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với NSNN về thuế GTGT hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33312)
Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác)
Có TK 3388 - Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế
GTGT hàng nhập khẩu cho bên nhận ủy thác)
Có TK 138 - Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế GTGT hàng nhập khẩu)
- Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế GTGT hàng nhập khẩu phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền đã nộp thuế hộ bên giao ủy thác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112.
3.1.3. Kế toán thuế GTGT được khấu trừ
- Định kỳ, kế toán tính, xác định số thuế GTGT được khấu trừ với số thuế GTGT đầu ra phải nộp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
- Trường hợp tại thời điểm giao dịch phát sinh chưa xác định được thuế GTGT đầu vào của hàng hóa, dịch vụ có được khấu trừ hay không, kế toán ghi nhận toàn bộ số thuế GTGT đầu vào trên TK 133. Định kỳ, khi xác định số thuế GTGT không được khấu trừ với thuế GTGT đầu ra, kế toán phản ánh vào chi phí có liên quan, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ của hàng tồn kho đã bán)
Nợ các TK 641, 642 (thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ của các khoản chi phí bán hàng, chi phí QLDN)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
3.1.4. Kế toán thuế GTGT phải nộp được giảm
Trường hợp doanh nghiệp được giảm số thuế GTGT phải nộp, kế toán ghi nhận số thuế GTGT được giảm vào thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 33311 - Thuế GTGT phải nộp (nếu được trừ vào số thuế phải nộp)
Nợ các TK 111, 112 - Nếu số được giảm được nhận lại bằng tiền
Có TK 711 - Thu nhập khác.
3.1.5. Kế toán thuế GTGT đầu vào được hoàn
Trường hợp doanh nghiệp được hoàn thuế GTGT theo luật định do thuế đầu vào lớn hơn thuế đầu ra, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
3.2. Thuế tiêu thụ đặc biệt (TK 3332)
3.2.1. Nguyên tắc kế toán
- Tài khoản này sử dụng cho người có nghĩa vụ nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật. Trong giao dịch xuất nhập khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng cho bên giao ủy thác, không áp dụng cho bên nhận ủy thác.
- Các doanh nghiệp bán sản phẩm, hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ghi nhận doanh thu không bao gồm thuế TTĐB. Trường hợp không tách ngay được số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp tại thời điểm ghi nhận doanh thu thì được ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế nhưng định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp. Trong mọi trường hợp, chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và chỉ tiêu “Các khoản giảm trừ doanh thu” của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đều không bao gồm số thuế TTĐB phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
- Các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua nội địa hàng hoá, TSCĐ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt được ghi nhận số thuế phải nộp vào giá gốc hàng nhập kho. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hộ nhưng không có quyền sở hữu hàng hóa, ví dụ giao dịch tạm nhập - tái xuất hộ bên thứ ba thì số thuế nhập khẩu phải nộp không được ghi nhận vào giá trị hàng hóa mà được ghi nhận là khoản phải thu khác.
- Kế toán số thuế TTĐB được hoàn, được giảm thực hiện theo nguyên tắc:
+ Thuế TTĐB đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nếu được hoàn ghi giảm giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán) hoặc giảm giá trị hàng hóa (nếu xuất trả lại do vay, mượn…);
+ Thuế TTĐB đã nộp khi nhập khẩu TSCĐ, nếu được hoàn ghi giảm chi phí khác (nếu bán TSCĐ) hoặc giảm nguyên giá TSCĐ (nếu xuất trả lại);
+ Thuế TTĐB đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, TSCĐ nhưng đơn vị không có quyền sở hữu, khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác.
+ Thuế TTĐB phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.
3.2.2. Phương pháp kế toán thuế tiêu đặc biệt
a) Kế toán thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ:
- Trường hợp tách ngay được thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Trường hợp không tách ngay được thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế tiêu thụ đặc biệt. Định kỳ khi xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, kế toán ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
b) Khi nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, kế toán căn cứ vào hoá đơn mua hàng nhập khẩu và thông báo nộp thuế của cơ quan có thẩm quyền, xác định số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ các TK 152, 156, 211, 611,...
Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đối với hàng tạm nhập – tái xuất không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, ví dụ như hàng quá cảnh được tái xuất ngay tại kho ngoại quan, khi nộp thuế TTĐB của hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
c) Khi nộp tiền thuế tiêu thụ đặc biệt vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt
Có các TK 111, 112.
d) Kế toán hoàn thuế tiêu thụ đặc biệt đã nộp ở khâu nhập khẩu:
- Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:
Nợ TK 3332 - Thuế TTĐB
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)
Có các TK 152, 153, 156 (nếu xuất hàng trả lại).
- Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất TSCĐ, ghi:
Nợ TK 3332 - Thuế TTĐB
Có TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ)
Có TK 811 - Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).
- Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất, ghi:
Nợ TK 3332 - Thuế TTĐB
Có TK 138 - Phải thu khác.
đ) Kế toán thuế TTĐB phải nộp khi bán hàng hóa, TSCĐ, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn: Khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế ở khâu bán được giảm, được hoàn, ghi:
Nợ TK 3332 - Thuế TTĐB
Có TK 711 - Thu nhập khác.
e) Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, ghi:
Nợ các TK 641, 642
Có các TK 154, 155
Có TK 3332 - Thuế TTĐB.
g) Trường hợp nhập khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác)
- Khi nhận được thông báo về nghĩa vụ nộp thuế TTĐB từ bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác ghi nhận số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp, ghi:
Nợ các TK 152, 156, 211, 611,...
Có TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt.
- Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào NSNN của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với NSNN về thuế tiêu thụ đặc biệt, ghi:
Nợ TK 3332 - Thuế tiêu thụ đặc biệt
Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác)
Có TK 3388 - Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế
TTĐB cho bên nhận ủy thác)
Có TK 138 - Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế TTĐB).
- Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền đã nộp thuế hộ bên giao ủy thác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112.
3.3. Thuế xuất khẩu (TK 3333)
3.3.1. Nguyên tắc kế toán
- Tài khoản này sử dụng cho người có nghĩa vụ nộp thuế xuất khẩu theo quy định của pháp luật. Trong giao dịch xuất khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng cho bên giao ủy thác, không áp dụng cho bên nhận ủy thác.
- Thuế xuất khẩu là thuế gián thu, không nằm trong cơ cấu doanh thu của doanh nghiệp. Khi xuất khẩu hàng hóa, kế toán phải tách riêng số thuế xuất khẩu phải nộp ra khỏi doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ. Trường hợp không tách ngay được số thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm ghi nhận doanh thu thì được ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế nhưng định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế xuất khẩu phải nộp. Trong mọi trường hợp, chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” và chỉ tiêu “Các khoản giảm trừ doanh thu” của Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh đều không bao gồm số thuế xuất khẩu phải nộp khi xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ.
- Thuế xuất khẩu phải nộp khi xuất khẩu nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.
3.3.2. Phương pháp kế toán
a) Kế toán thuế xuất khẩu phải nộp khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ:
- Trường hợp tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không bao gồm thuế xuất khẩu, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3333 - Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế XK).
- Trường hợp không tách ngay được thuế xuất khẩu phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bao gồm cả thuế xuất khẩu. Định kỳ khi xác định số thuế xuất khẩu phải nộp, kế toán ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3333 - Thuế xuất nhập khẩu (chi tiết thuế XK).
b) Khi nộp tiền thuế xuất khẩu vào NSNN, ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu)
Có các TK 111, 112,...
c) Thuế xuất khẩu được hoàn hoặc được giảm (nếu có), ghi:
Nợ các TK 111, 112, 3333
Có TK 711 - Thu nhập khác.
d) Trường hợp xuất khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác)
- Khi bán hàng hoá, dịch vụ chịu thuế xuất khẩu, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ và số thuế xuất khẩu phải nộp như trường hợp xuất khẩu thông thường quy định tại điểm a mục này.
- Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào NSNN của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với NSNN về thuế xuất khẩu, ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế xuất khẩu)
Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác)
Có TK 3388 - Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế xuất khẩu cho bên nhận ủy thác)
Có TK 138 - Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế xuất khẩu).
- Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế xuất khẩu phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền đã nộp thuế hộ bên giao ủy thác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112.
3.4. Thuế nhập khẩu (TK 3333)
3.4.1. Nguyên tắc kế toán
- Tài khoản này sử dụng cho người có nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu theo quy định của pháp luật. Trong giao dịch nhập khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng cho bên giao ủy thác, không áp dụng cho bên nhận ủy thác.
- Các doanh nghiệp nhập khẩu hàng hoá, TSCĐ được ghi nhận số thuế nhập khẩu phải nộp vào giá gốc hàng mua. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu hàng hộ nhưng không có quyền sở hữu hàng hóa, ví dụ giao dịch tạm nhập - tái xuất hộ bên thứ ba thì số thuế nhập khẩu phải nộp không được ghi nhận vào giá trị hàng hóa mà được ghi nhận là khoản phải thu khác.
- Kế toán số thuế nhập khẩu được hoàn, được giảm thực hiện theo nguyên tắc:
+ Thuế nhập khẩu đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nếu được hoàn ghi giảm giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán) hoặc giảm giá trị hàng hóa (nếu xuất trả lại do vay, mượn…);
+ Thuế nhập khẩu đã nộp khi nhập khẩu TSCĐ, nếu được hoàn ghi giảm chi phí khác (nếu bán TSCĐ) hoặc giảm nguyên giá TSCĐ (nếu xuất trả lại);
+ Thuế nhập khẩu đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, TSCĐ nhưng đơn vị không có quyền sở hữu, khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác (ví dụ hàng tạm nhập – tái xuất để gia công, chế biến…) thì khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác.
3.4.2. Phương pháp kế toán thuế nhập khẩu
a) Khi nhập khẩu vật tư, hàng hoá, TSCĐ, kế toán phản ánh số thuế nhập khẩu phải nộp, tổng số tiền phải trả, hoặc đã thanh toán cho người bán và giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhập khẩu (giá có thuế nhập khẩu), ghi:
Nợ các TK 152, 156, 211, 611,... (giá có thuế nhập khẩu)
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có các TK 111, 112, 331,...
Đối với hàng tạm nhập – tái xuất không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, ví dụ như hàng quá cảnh được tái xuất ngay tại kho ngoại quan, khi nộp thuế nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).
b) Khi nộp thuế nhập khẩu vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có các TK 111, 112,...
c) Kế toán hoàn thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu
- Thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)
Có các TK 152, 153, 156 - Hàng hóa (nếu xuất hàng trả lại).
- Thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất TSCĐ, ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ)
Có TK 811 - Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).
- Thuế nhập khẩu đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất (ví dụ thuế nhập khẩu đã nộp khi nhập khẩu hàng phục vụ gia công, chế biến), ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có TK 138 - Phải thu khác.
- Khi nhận được tiền từ NSNN, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).
d) Trường hợp nhập khẩu ủy thác (áp dụng tại bên giao ủy thác)
- Khi nhận được thông báo về nghĩa vụ nộp thuế nhập khẩu từ bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác ghi nhận số thuế nhập khẩu phải nộp, ghi:
Nợ các TK 152, 156, 211, 611,... (giá có thuế nhập khẩu)
Có TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu).
- Khi nhận được chứng từ nộp thuế vào NSNN của bên nhận ủy thác, bên giao ủy thác phản ánh giảm nghĩa vụ với NSNN về thuế nhập khẩu, ghi:
Nợ TK 3333 - Thuế xuất, nhập khẩu (chi tiết thuế nhập khẩu)
Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay cho bên nhận ủy thác)
Có TK 3388 - Phải trả khác (nếu chưa thanh toán ngay tiền thuế nhập khẩu cho bên nhận ủy thác)
Có TK 138 - Phải thu khác (ghi giảm số tiền đã ứng cho bên nhận ủy thác để nộp thuế nhập khẩu).
- Bên nhận ủy thác không phản ánh số thuế nhập khẩu phải nộp như bên giao ủy thác mà chỉ ghi nhận số tiền đã nộp thuế hộ bên giao ủy thác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112.
3.5. Thuế thu nhập doanh nghiệp (TK 3334)
a) Căn cứ số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp vào Ngân sách Nhà nước hàng quý theo quy định, ghi:
Nợ TK 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (8211)
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
b) Khi nộp tiền thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có các TK 111, 112.
c) Cuối năm, khi xác định số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm tài chính:
- Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (8211).
- Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm nộp hàng quý trong năm, thì số chênh lệch phải nộp thiếu, ghi:
Nợ TK 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp (8211)
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
3.6. Thuế thu nhập cá nhân (TK 3335)
Khi xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp khấu trừ tại nguồn tính trên thu nhập chịu thuế của công nhân viên và người lao động khác, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3335).
- Khi chi trả thu nhập cho các cá nhân bên ngoài, doanh nghiệp phải xác định số thuế thu nhập cá nhân phải nộp tính trên thu nhập không thường xuyên chịu thuế theo từng lần phát sinh thu nhập, ghi:
+ Trường hợp chi trả tiền thù lao, dịch vụ thuê ngoài... ngay cho các cá nhân bên ngoài, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642, 635 (tổng số phải thanh toán); hoặc
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (tổng số tiền phải thanh toán); hoặc
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng tiền phải thanh toán) (3531)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3335) (số thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ)
Có các TK 111, 112 (số tiền thực trả).
+ Khi chi trả các khoản nợ phải trả cho các cá nhân bên ngoài có thu nhập, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng số tiền phải trả)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (số thuế thu nhập cá nhân phải khấu trừ)
Có các TK 111, 112 (số tiền thực trả).
- Khi nộp thuế thu nhập cá nhân vào Ngân sách Nhà nước thay cho người có thu nhập, ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3335)
Có các TK 111, 112,...
3.7. Thuế tài nguyên (TK 3336)
- Xác định số thuế tài nguyên phải nộp tính vào chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6278)
Có TK 3336 - Thuế tài nguyên.
- Khi thực nộp thuế tài nguyên vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3336 - Thuế tài nguyên
Có các TK 111, 112,...
3.8. Thuế nhà đất, tiền thuê đất (TK 3337)
- Xác định số thuế nhà đất, tiền thuê đất phải nộp tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6425)
Có TK 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất.
- Khi nộp tiền thuế nhà đất, tiền thuê đất vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 3337 - Thuế nhà đất, tiền thuê đất
Có các TK 111, 112,...
3.9. Thuế bảo vệ môi trường
3.9.1 Nguyên tắc kế toán:
- Tài khoản này sử dụng cho người nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật. Trong giao dịch nhập khẩu ủy thác, tài khoản này chỉ sử dụng cho bên giao ủy thác, không áp dụng cho bên nhận ủy thác.
- Các doanh nghiệp bán sản phẩm, hàng hoá chịu thuế bảo vệ môi trường ghi nhận doanh thu không bao gồm số thuế bảo vệ môi trường phải nộp. Trường hợp không tách ngay được số thuế phải nộp tại thời điểm phát sinh thì được ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế bảo vệ môi trường nhưng định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế bảo vệ môi trường phải nộp.
- Các doanh nghiệp nhập khẩu hoặc mua trong nội địa hàng hoá thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường được ghi nhận số thuế bảo vệ môi trường phải nộp vào giá gốc hàng nhập kho.
- Kế toán số thuế BVMT được hoàn, được giảm thực hiện theo nguyên tắc:
+ Thuế BVMT đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ, nếu được hoàn ghi giảm giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán) hoặc giảm giá trị hàng hóa (nếu xuất trả lại do vay, mượn…);
+ Thuế BVMT đã nộp khi nhập khẩu TSCĐ, nếu được hoàn ghi giảm chi phí khác (nếu bán TSCĐ) hoặc giảm nguyên giá TSCĐ (nếu xuất trả lại);
+ Thuế BVMT đã nộp khi nhập khẩu hàng hóa, TSCĐ nhưng đơn vị không có quyền sở hữu, khi được hoàn ghi giảm khoản phải thu khác.
+ Thuế BVMT phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm thì kế toán ghi nhận vào thu nhập khác.
3.9.2. Phương pháp kế toán thuế bảo vệ môi trường
a) Khi bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường đồng thời chịu thuế GTGT, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ không bao gồm thuế bảo vệ môi trường và không có thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá bán không có thuế bảo vệ môi trường và thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311)
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
Trường hợp không xác định được ngay số thuế phải nộp tại thời điểm giao dịch phát sinh, doanh thu được ghi nhận bao gồm cả thuế nhưng định kỳ khi xác định số thuế phải nộp thì phải ghi giảm doanh thu:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp (chi tiết từng loại thuế).
b) Khi nhập khẩu hàng hoá thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, kế toán căn cứ vào hoá đơn mua hàng nhập khẩu và thông báo nộp thuế về số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, xác định số thuế bảo vệ môi trường phải nộp của hàng nhập khẩu, ghi:
Nợ các TK 152, 156, 211, 611,...
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ chịu thuế bảo vệ môi trường để tiêu dùng nội bộ, cho, biếu, tặng, khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, ghi:
Nợ các TK 641, 642
Có các TK 152, 154, 155
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
c) Trường hợp doanh nghiệp là bên nhận uỷ thác nhập khẩu phải nộp thuế bảo vệ môi trường hộ bên giao uỷ thác nhập khẩu, khi xác định số thuế bảo vệ môi trường phải nộp, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường.
- Khi nộp tiền thuế bảo vệ môi trường vào Ngân sách Nhà nước, ghi:
Nợ TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường
Có các TK 111, 112,...
d) Kế toán hoàn thuế bảo vệ môi trường đã nộp ở khâu nhập khẩu
- Thuế BVMT đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất hàng hóa, ghi:
Nợ TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (nếu xuất hàng để bán)
Có các TK 152, 153, 156 (nếu xuất hàng trả lại).
- Thuế TTĐB đã nộp ở khâu nhập khẩu, được hoàn khi tái xuất TSCĐ, ghi:
Nợ TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường
Có TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (nếu xuất trả lại TSCĐ)
Có TK 811 - Chi phí khác (nếu bán TSCĐ).
- Thuế BVMT đã nộp ở khâu nhập khẩu nhưng hàng hóa không thuộc quyền sở hữu của đơn vị, được hoàn khi tái xuất, ghi:
Nợ TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường
Có TK 138 - Phải thu khác.
đ) Kế toán thuế BVMT phải nộp khi bán hàng hóa, TSCĐ, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn: Khi nhận được thông báo của cơ quan có thẩm quyền về số thuế ở khâu bán được giảm, được hoàn, ghi:
Nợ TK 33381 - Thuế bảo vệ môi trường
Có TK 711 - Thu nhập khác.
3.10. Các loại thuế khác (33382), Phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác (3339)
- Khi xác định số lệ phí trước bạ tính trên giá trị tài sản mua về (khi đăng ký quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng), ghi:
Nợ TK 211 - Tài sản cố định hữu hình
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
- Khi thực nộp các loại thuế khác (như thuế nhà thầu), phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác, ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33382, 3339)
Có các TK 111, 112.
3.11. Kế toán các khoản trợ cấp, trợ giá của Nhà nước cho doanh nghiệp
- Khi nhận được quyết định về khoản trợ cấp, trợ giá của Nhà nước trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ cung cấp hàng hoá, dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước, kế toán phản ánh doanh thu trợ cấp, trợ giá được Nhà nước cấp, ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5114).
- Khi nhận được tiền trợ cấp, trợ giá của Nhà nước, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho người lao động của doanh nghiệp về tiền lương, tiền công, tiền thưởng, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của người lao động.
2. Kết cấu và nội dung phản ảnh của tài khoản 334 – Phải trả người lao động
Bên Nợ:
- Các khoản tiền lương, tiền công, tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản khác đã trả, đã chi, đã ứng trước cho người lao động;
- Các khoản khấu trừ vào tiền lương, tiền công của người lao động.
Bên Có: Các khoản tiền lương, tiền công, tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản khác phải trả, phải chi cho người lao động;
Số dư bên Có: Các khoản tiền lương, tiền công, tiền thưởng có tính chất lương và các khoản khác còn phải trả cho người lao động.
Tài khoản 334 có thể có số dư bên Nợ. Số dư bên Nợ tài khoản 334 rất cá biệt - nếu có phản ánh số tiền đã trả lớn hơn số phải trả về tiền lương, tiền công, tiền thưởng và các khoản khác cho người lao động.
Tài khoản 334 phải hạch toán chi tiết theo 2 nội dung: Thanh toán lương và thanh toán các khoản khác.
Tài khoản 334 - Phải trả người lao động, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3341 - Phải trả công nhân viên: Phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho công nhân viên của doanh nghiệp về tiền lương, tiền thưởng có tính chất lương, bảo hiểm xã hội và các khoản phải trả khác thuộc về thu nhập của công nhân viên.
- Tài khoản 3348 - Phải trả người lao động khác: Phản ánh các khoản phải trả và tình hình thanh toán các khoản phải trả cho người lao động khác ngoài công nhân viên của doanh nghiệp về tiền công, tiền thưởng (nếu có) có tính chất về tiền công và các khoản khác thuộc về thu nhập của người lao động.
3. Phương pháp kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
a) Tính tiền lương, các khoản phụ cấp theo quy định phải trả cho người lao động, ghi:
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang
Nợ các TK 622, 623, 627, 641, 642
Có TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348).
b) Tiền thưởng trả cho công nhân viên:
- Khi xác định số tiền thưởng trả công nhân viên từ quỹ khen thưởng, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531)
Có TK 334 - Phải trả người lao động (3341).
- Khi xuất quỹ chi trả tiền thưởng, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341)
Có các TK 111, 112,...
c) Tính tiền bảo hiểm xã hội (ốm đau, thai sản, tai nạn,...) phải trả cho công nhân viên, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)
Có TK 334 - Phải trả người lao động (3341).
d) Tính tiền lương nghỉ phép thực tế phải trả cho công nhân viên, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (đơn vị có trích trước tiền lương nghỉ phép)
Có TK 334 - Phải trả người lao động (3341).
đ) Các khoản phải khấu trừ vào lương và thu nhập của công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp như tiền tạm ứng chưa chi hết, bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tiền thu bồi thường về tài sản thiếu theo quyết định xử lý.... ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348)
Có TK 141 - Tạm ứng
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 138 - Phải thu khác.
e) Tính tiền thuế thu nhập cá nhân của công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp phải nộp Nhà nước, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3335).
g) Khi ứng trước hoặc thực trả tiền lương, tiền công cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348)
Có các TK 111, 112,...
h) Thanh toán các khoản phải trả cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348)
Có các TK 111, 112,...
i) Trường hợp trả lương hoặc thưởng cho công nhân viên và người lao động khác của doanh nghiệp bằng sản phẩm, hàng hoá, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng không bao gồm thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
k) Xác định và thanh toán các khoản khác phải trả cho công nhân viên và người lao động của doanh nghiệp như tiền ăn ca, tiền nhà, tiền điện thoại, học phí, thẻ hội viên...:
- Khi xác định được số phải trả cho công nhân viên và người lao động của doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 622, 623, 627, 641, 642
Có TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348).
- Khi chi trả cho công nhân viên và người lao động của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (3341, 3348)
Có các TK 111, 112,...
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản phải trả cho hàng hóa, dịch vụ đã nhận được từ người bán hoặc đã cung cấp cho người mua trong kỳ báo cáo nhưng thực tế chưa chi trả do chưa có hóa đơn hoặc chưa đủ hồ sơ, tài liệu kế toán, được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ báo cáo.
Tài khoản này còn phản ánh cả các khoản phải trả cho người lao động trong kỳ như phải trả về tiền lương nghỉ phép và các khoản chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ báo cáo phải trích trước, như:
- Chi phí trong thời gian doanh nghiệp ngừng sản xuất theo mùa, vụ có thể xây dựng được kế hoạch ngừng sản xuất. Kế toán tiến hành tính trước và hạch toán vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ những chi phí sẽ phải chi trong thời gian ngừng sản xuất, kinh doanh.
- Trích trước chi phí lãi tiền vay phải trả trong trường hợp vay trả lãi sau, lãi trái phiếu trả sau (khi trái phiếu đáo hạn).
- Trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa, thành phẩm bất động sản đã bán.
b) Kế toán phải phân biệt các khoản chi phí phải trả (hay còn được gọi là chi phí trích trước hoặc chi phí dồn tích) với các khoản dự phòng phải trả được phản ánh trên tài khoản 352 để ghi nhận và trình bày Báo cáo tài chính phù hợp với bản chất của từng khoản mục, cụ thể:
- Các khoản dự phòng phải trả là nghĩa vụ nợ hiện tại nhưng thường chưa xác định được thời gian thanh toán cụ thể; Các khoản chi phí phải trả là nghĩa vụ nợ hiện tại chắc chắn về thời gian phải thanh toán;
- Các khoản dự phòng phải trả thường được ước tính và có thể chưa xác định được chắc chắn số sẽ phải trả (ví dụ khoản chi phí dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng); Các khoản chi phí phải trả xác định được chắc chắn số sẽ phải trả;
- Trên Báo cáo tài chính, các khoản dự phòng phải trả được trình bày tách biệt với các khoản phải trả thương mại và phải trả khác trong khi chi phí phải trả là một phần của các khoản phải trả thương mại hoặc phải trả khác.
- Việc hạch toán các khoản chi phí phải trả vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phải thực hiện theo nguyên tắc phù hợp giữa doanh thu và chi phí phát sinh trong kỳ. Các khoản phải trả chưa phát sinh do chưa nhận hàng hóa, dịch vụ nhưng được tính trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh kỳ này để đảm bảo khi phát sinh thực tế không gây đột biến cho chi phí sản xuất, kinh doanh được phản ánh là dự phòng phải trả.
c) Các khoản trích trước không được phản ánh vào tài khoản 335 mà được phản ánh là dự phòng phải trả, như:
- Chi phí sửa chữa lớn của những TSCĐ đặc thù do việc sửa chữa lớn có tính chu kỳ, doanh nghiệp được phép trích trước chi phí sửa chữa cho năm kế hoạch hoặc một số năm tiếp theo;
- Dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây dựng, tái cơ cấu;
- Các khoản dự phòng phải trả khác (quy định trong TK 352).
d) Việc trích trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phải được tính toán một cách chặt chẽ (lập dự toán chi phí và được cấp có thẩm quyền phê duyệt) và phải có bằng chứng hợp lý, tin cậy về các khoản chi phí phải trích trước trong kỳ, để đảm bảo số chi phí phải trả hạch toán vào tài khoản này phù hợp với số chi phí thực tế phát sinh. Nghiêm cấm việc trích trước vào chi phí những nội dung không được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
đ) Về nguyên tắc, các khoản chi phí phải trả phải được quyết toán với số chi phí thực tế phát sinh. Số chênh lệch giữa số trích trước và chi phí thực tế phải được hoàn nhập.
e) Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn sản phẩm, hàng hoá bất động sản còn phải tuân thủ thêm các nguyên tắc sau:
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần hàng hoá bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.
- Số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hoá bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).
g) Việc xác định chi phí lãi vay được vốn hóa phải tuần thủ Chuẩn mực kế toán “Chi phí đi vay”. Việc vốn hóa lãi vay trong một số trường hợp cụ thể như sau:
- Đối với khoản vay riêng phục vụ việc xây dựng TSCĐ, BĐSĐT, lãi vay được vốn hóa kể cả khi thời gian xây dựng dưới 12 tháng;
- Nhà thầu không vốn hóa lãi vay khi đi vay để phục vụ việc thi công, xây dựng công trình, tài sản cho khách hàng, kể cả trường hợp đối với khoản vay riêng, vi dụ: Nhà thầy xây lắp vay tiền để thi công xây dựng công trình cho khách hàng, công ty đóng tàu theo hợp đòng cho chủ tàu...
h) Những khoản chi phí trích trước chưa sử dụng cuối năm phải giải trình trong bản thuyết minh Báo cáo tài chính.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 335 – Chi phí phải trả
Bên Nợ:
- Các khoản chi trả thực tế phát sinh đã được tính vào chi phí phải trả;
- Số chênh lệch về chi phí phải trả lớn hơn số chi phí thực tế được ghi giảm chi phí.
Bên Có: Chi phí phải trả dự tính trước và ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh.
Số dư bên Có: Chi phí phải trả đã tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh nhưng thực tế chưa phát sinh.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trích trước vào chi phí về tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất, ghi:
Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
b) Khi tính tiền lương nghỉ phép thực tế phải trả cho công nhân sản xuất, nếu số trích trước lớn hơn số thực tế phải trả, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (số đã trích trước)
Có TK 622- Chi phí nhân công trực tiếp.
c) Trích trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh số chi sửa chữa TSCĐ phát sinh trong kỳ mà nhà thầu đã thực hiện nhưng chưa nghiệm thu, xuất hóa đơn, ghi:
Nợ các TK 241, 623, 627, 641, 642
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
d) Khi công việc sửa chữa TSCĐ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, nếu số trích trước cao hơn chi phí thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (số đã trích trước lớn hơn chi phí phát sinh)
Có các TK 241, 623, 627, 641, 642.
đ) Trích trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh những chi phí dự tính phải chi trong thời gian ngừng việc theo thời vụ, hoặc ngừng việc theo kế hoạch, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
e) Chi phí thực tế phát sinh liên quan đến các khoản chi phí trích trước, ghi:
Nợ các TK 623, 627 (nếu số phát sinh lớn hơn số trích trước)
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (số đã trích trước)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 331, 334
Có các TK 623, 627 (nếu số phát sinh nhỏ hơn số trích trước).
g) Trường hợp lãi vay trả sau, cuối kỳ tính lãi tiền vay phải trả trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lãi tiền vay vốn sản xuất, kinh doanh)
Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
h) Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu theo mệnh giá, nếu trả lãi sau (khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lãi vay tính vào chi phí tài chính)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).
Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá
Có các TK 111, 112,…
i) Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu có chiết khấu, nếu trả lãi sau (khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lãi vay tính vào chi phí tài chính)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ)
Có TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (số phân bổ trong kỳ).
Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá
Có các TK 111, 112,…
k) Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu có phụ trội, nếu trả lãi sau (khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ các TK 627, 241 (lãi vay được vốn hóa)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lãi vay tính vào chi phí tài chính)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).
Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá
Có các TK 111, 112,…
l) Đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần:
- Đối với các khoản nợ vay Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã quá hạn nhưng do doanh nghiệp bị lỗ, không còn vốn nhà nước, không thanh toán được, doanh nghiệp cổ phần hóa phải làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi vay ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi có quyết định xoá nợ lãi vay, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (lãi vay được xoá)
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí các kỳ trước nay được xoá)
Có TK 635 - Chi phí tài chính (phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí tài chính trong kỳ này).
- Trong trường hợp thời gian tính từ ngày hết hạn nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần đến thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trên 3 tháng thì doanh nghiệp được tính lãi vay để trả cho các nhà đầu tư:
+ Ghi nhận lãi vay phải trả, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
+ Khi trả tiền cho các nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có các TK 111, 112.
m) Kế toán khoản chi phí trích trước để tạm tính giá vốn sản phẩm, hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán.
- Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
- Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu được tập hợp để tính chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các tài khoản liên quan.
- Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:
Nợ TK 335- Chi phí phải trả
Có TK 154- Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành, kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại, ghi:
Nợ TK 335- Chi phí phải trả
Có TK 154- Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 632- Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích
trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thanh toán các khoản phải trả giữa doanh nghiệp với các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc có tổ chức công tác kế toán (sau đây gọi là đơn vị hạch toán phụ thuộc); Giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc của cùng một doanh nghiệp với nhau.
Trong doanh nghiệp, việc phân loại các đơn vị cấp dưới trực thuộc cho mục đích kế toán được căn cứ vào bản chất của đơn vị (hạch toán độc lập hay hạch toán phụ thuộc, có tư cách pháp nhân hay không, có người đại diện trước pháp luật hay không) mà không phụ thuộc vào tên gọi của đơn vị đó (đơn vị thành viên, chi nhánh, xí nghiệp, tổ, đội...).
b) Không phản ánh vào tài khoản 336 các giao dịch thanh toán giữa công ty mẹ với các công ty con và giữa các công ty con với nhau (giữa các đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập).
c) Các khoản phải trả nội bộ phản ánh trên tài khoản 336 "Phải trả nội bộ" bao gồm khoản phải trả về vốn kinh doanh và các khoản đơn vị hạch toán phụ thuộc phải nộp doanh nghiệp, phải trả đơn vị hạch toán phụ thuộc khác; Các khoản doanh nghiệp phải cấp cho đơn vị hạch toán phụ thuộc. Các khoản phải trả, phải nộp có thể là quan hệ nhận tài sản, vốn, kinh phí, thanh toán vãng lai, chi hộ trả hộ, lãi vay, chênh lệch tỷ giá...;
d) Tùy theo việc phân cấp quản lý và đặc điểm hoạt động, doanh nghiệp quyết định đơn vị hạch toán phụ thuộc ghi nhận khoản vốn kinh doanh được doanh nghiệp cấp vào TK 3361 – Vốn kinh doanh tại các đơn vị trực thuộc hoặc TK 411 – Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
đ) Tài khoản 336 "Phải trả nội bộ" được hạch toán chi tiết cho từng đơn vị có quan hệ thanh toán, trong đó được theo dõi theo từng khoản phải nộp, phải trả.
e) Cuối kỳ, kế toán tiến hành kiểm tra, đối chiếu tài khoản 136, tài khoản 336 giữa các đơn vị theo từng nội dung thanh toán nội bộ để lập biên bản thanh toán bù trừ theo từng đơn vị làm căn cứ hạch toán bù trừ trên 2 tài khoản này. Khi đối chiếu, nếu có chênh lệch, phải tìm nguyên nhân và điều chỉnh kịp thời.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 336 – Phải trả nội bộ
Bên Nợ:
- Số tiền đã trả cho đơn vị hạch toán phụ thuộc;
- Số tiền đơn vị hạch toán phụ thuộc đã nộp doanh nghiệp;
- Số tiền đã trả các khoản mà các đơn vị nội bộ chi hộ, hoặc thu hộ đơn vị nội bộ;
- Bù trừ các khoản phải thu với các khoản phải trả của cùng một đơn vị có quan hệ thanh toán.
Bên Có:
- Số vốn kinh doanh của đơn vị hạch toán phụ thuộc được doanh nghiệp cấp
- Số tiền đơn vị hạch toán phụ thuộc phải nộp doanh nghiệp;
- Số tiền phải trả cho đơn vị hạch toán phụ thuộc;
- Số tiền phải trả cho các đơn vị khác trong nội bộ về các khoản đã được đơn vị khác chi hộ và các khoản thu hộ đơn vị khác.
Số dư bên Có: Số tiền còn phải trả, phải nộp cho doanh nghiệp và các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp.
Tài khoản 336 - Phải trả nội bộ, có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3361 - Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh: Tài khoản này chỉ mở ở đơn vị cấp dưới không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc để phản ánh số vốn kinh doanh được doanh nghiệp cấp trên giao.
Tài khoản này không phản ánh số vốn của các công ty con hoặc đơn vị có bản chất là công ty con (các đơn vị trực thuộc có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập) nhận góp từ công ty mẹ.
- Tài khoản 3362 - Phải trả nội bộ về chênh lệch tỷ giá: Tài khoản này chỉ mở ở BQLDA trực thuộc doanh nghiệp là Chủ đầu tư, dùng để phản ánh khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh phải trả doanh nghiệp.
- Tài khoản 3363 - Phải trả nội bộ về chi phí đi vay đủ điều kiện được vốn hoá: Tài khoản này chỉ mở ở BQLDA trực thuộc doanh nghiệp là Chủ đầu tư, dùng để phản ánh khoản chi phí đi vay được vốn hóa phát sinh phải chuyển cho doanh nghiệp .
- Tài khoản 3368 - Phải trả nội bộ khác: Phản ánh tất cả các khoản phải trả khác giữa các đơn vị nội bộ trong cùng một doanh nghiệp.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Tại đơn vị hạch toán phụ thuộc
a) Khi đơn vị hạch toán phụ thuộc như chi nhánh, cửa hàng, ban quản lý dự án… nhận vốn được cấp bởi doanh nghiệp, đơn vị cấp trên, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 155, 156, 211, 213, 217.....
Có TK 336 - Phải trả nội bộ (3361).
b) Số tiền phải trả cho các đơn vị nội bộ khác về các khoản đã được chi hộ, trả hộ, hoặc khi nhận sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ từ các đơn vị nội bộ chuyển đến, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Nợ TK 133 - Thuế GTGT dược khấu trừ
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
c) Khi thu tiền hộ hoặc vay các đơn vị nội bộ khác, ghi:
Nợ các TK 111,112,...
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
d) Khi trả tiền cho doanh nghiệp và các đơn vị nội bộ về các khoản phải trả, phải nộp, chi hộ, thu hộ, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có các TK 111,112,...
đ) Khi có quyết định điều chuyển tài sản cho các đơn vị khác trong nội bộ và có quyết định giảm vốn kinh doanh, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ (3361)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (nếu điều chuyển TSCĐ, BĐSĐT)
Có các TK 152, 155, 156, 211, 213, 217.....
e) Bù trừ giữa các khoản phải thu và phải trả phát sinh từ giao dịch với các đơn vị nội bộ, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có TK 136 - Phải thu nội bộ.
g) Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp kế toán đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (TK 421), định kỳ đơn vị hạch toán phụ thuộc kết chuyển các khoản doanh thu, thu nhập, chi phí trực tiếp qua TK 336 – Phải trả nội bộ hoặc qua TK 911 – Xác định kết quả kinh doanh, ghi:
- Kết chuyển doanh thu, thu nhập, ghi:
Nợ các TK 511, 711
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh (nếu đơn vị hạch toán phụ thuộc theo dõi kết quả kinh doanh trong kỳ)
Có TK 336 - Phải trả nội bộ (nếu đơn vị hạch toán phụ thuộc không theo dõi kết quả kinh doanh).
Định kỳ, đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh trong kỳ kết chuyển kết quả kinh doanh (lãi) lên đơn vị cấp trên, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
- Kết chuyển các khoản chi phí, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ (nếu đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh)
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh (nếu đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh riêng)
Có các TK 632, 635, 641, 642.
Định kỳ, đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh trong kỳ kết chuyển kết quả kinh doanh (lỗ) chuyển lên đơn vị cấp trên, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
h) Trường hợp được phân cấp hạch toán đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, định kỳ đơn vị hạch toán phụ thuộc kết chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối cho đơn vị cấp trên, ghi:
- Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
- Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
3.2. Hạch toán tại doanh nghiệp có đơn vị hạch toán phụ thuộc (đơn vị cấp trên)
a) Số quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi phải cấp cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
b) Các khoản phải trả cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Nợ TK 641- Chi phí bán hàng
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
c) Khi thanh toán các khoản phải trả cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có các TK 111, 112, ...
d) Bù trừ các khoản phải thu, phải trả nội bộ, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có TK 136 - Phải thu nội bộ.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch và số tiền phải thu theo doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định của hợp đồng xây dựng dở dang.
b) Tài khoản 337 “ Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng” chỉ áp dụng đối với trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch. Tài khoản này không áp dụng đối với trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện được khách hàng xác nhận.
c) Căn cứ để ghi vào bên Nợ TK 337 là chứng từ xác định doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành trong kỳ (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự lập, không phải chờ khách hàng xác nhận. Nhà thầu phải lựa chọn phương pháp xác định phần công việc đã hoàn thành và giao trách nhiệm cho các bộ phận liên quan xác định giá trị phần công việc đã hoàn thành và lập chứng từ phản ánh doanh thu hợp đồng xây dựng trong kỳ.
Căn cứ để ghi vào bên Có TK 337 là hoá đơn được lập trên cơ sở tiến độ thanh toán theo kế hoạch đã được quy định trong hợp đồng. Số tiền ghi trên hoá đơn là căn cứ để ghi nhận số tiền nhà thầu phải thu của khách hàng, không là căn cứ để ghi nhận doanh thu trong kỳ kế toán.
d) Tài khoản 337 phải được theo dõi chi tiết theo từng hợp đồng xây dựng.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 337 – Thanh toán theo tiến độ hợp đồng xây dựng
Bên Nợ: Phản ánh số tiền phải thu theo doanh thu đã ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành của hợp đồng xây dựng dở dang.
Bên Có: Phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch của hợp đồng xây dựng dở dang.
Số dư bên Nợ: Phản ánh số tiền chênh lệch giữa doanh thu đã ghi nhận của hợp đồng lớn hơn số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch của hợp đồng xây dựng dở dang.
Số dư bên Có: Phản ánh số tiền chênh lệch giữa doanh thu đã ghi nhận của hợp đồng nhỏ hơn số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch của hợp đồng xây dựng dở dang.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì kế toán căn cứ vào chứng từ phản ánh doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự xác định, ghi:
Nợ TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
b) Căn cứ vào hoá đơn được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền phải thu theo tiến độ kế hoạch đã ghi trong hợp đồng, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
c) Khi nhà thầu nhận được tiền của khách hàng thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình thanh toán về các khoản phải trả, phải nộp ngoài nội dung đã phản ánh ở các tài khoản khác thuộc nhóm TK 33 (từ TK 331 đến TK 337). Tài khoản này cũng được dùng để hạch toán doanh thu nhận trước về các dịch vụ đã cung cấp cho khách hàng và các khoản chênh lệch giá phát sinh trong giao dịch bán thuê lại tài sản là thuê tài chính hoặc thuê hoạt động.
b) Nội dung và phạm vi phản ánh của tài khoản này gồm các nghiệp vụ chủ yếu sau:
- Giá trị tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền; Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tập thể (trong và ngoài đơn vị) theo quyết định của cấp có thẩm quyền ghi trong biên bản xử lý, nếu đã xác định được nguyên nhân;
- Số tiền trích và thanh toán bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn;
- Các khoản khấu trừ vào tiền lương của công nhân viên theo quyết định của toà án;
- Các khoản lợi nhuận, cổ tức, phải trả cho các chủ sở hữu;
- Vật tư, hàng hóa vay, mượn có tính chất tạm thời, các khoản nhận vốn góp hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) không hình thành pháp nhân mới.
- Các khoản thu hộ bên thứ ba phải trả lại, các khoản tiền bên nhận ủy thác nhận từ bên giao uỷ thác để nộp các loại thuế xuất, nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu và để thanh toán hộ cho bên giao ủy thác;
- Số tiền thu trước của khách hàng trong nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản, cơ sở hạ tầng, khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ (gọi là doanh thu nhận trước); Các khoản doanh thu, thu nhập chưa thực hiện.
- Khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay.
- Số phải trả về tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước, khi cổ phần hoá doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước.
- Khoản chênh lệch giá bán cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê tài chính; Khoản chênh lệch giá bán cao hơn giá trị hợp lý của TSCĐ bán và thuê lại là thuê hoạt động.
- Các khoản phải trả, phải nộp khác, như phải trả để mua bảo hiểm hưu trí tự nguyện, bảo hiểm nhân thọ và các khoản hỗ trợ khác (ngoài lương) cho người lao động...
c) Các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ hoặc việc thanh toán các khoản phải trả, phải nộp khác đó phải theo dõi chi tiết gốc ngoại tệ riêng và quy đổi ngoại tệ ra đơn vị tiền tệ kế toán theo nguyên tắc:
- Khi phát sinh các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh: (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch);
- Khi thanh toán các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh;
- Cuối kỳ, kế toán phải đánh giá lại số dư các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập báo cáo (là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi thường xuyên có giao dịch) và được ghi nhận ngay vào chi phí tài chính, hoặc doanh thu hoạt động tài chính. Riêng khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ, nếu không có bằng chứng chắc chắn cho thấy doanh nghiệp sẽ phải trả lại khoản tiền nhận trước của khách hàng bằng ngoại tệ thì không được đánh giá lại.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 338 - Phải trả, phải nộp khác
Bên Nợ:
- Kết chuyển giá trị tài sản thừa vào các tài khoản liên quan theo quyết định ghi trong biên bản xử lý;
- Kinh phí công đoàn chi tại đơn vị;
- Số BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ đã nộp cho cơ quan quản lý quỹ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và kinh phí công đoàn;
- Doanh thu chưa thực hiện tính cho từng kỳ kế toán; trả lại tiền nhận trước cho khách hàng khi không tiếp tục thực hiện việc cho thuê tài sản;
- Số phân bổ khoản chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay (lãi trả chậm) vào chi phí tài chính;
- Kết chuyển chênh lệch giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại là thuê tài chính ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh;
- Kết chuyển chênh lệch giá bán lớn hơn giá trị hợp lý của TSCĐ bán và thuê lại là thuê hoạt động ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh;
- Nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp số tiền thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước;
- Kết chuyển chi phí cổ phần hoá trừ (-) vào số tiền Nhà nước thu được từ cổ phần hoá công ty Nhà nước;
- Các khoản đã trả và đã nộp khác.
Bên Có:
- Giá trị tài sản thừa chờ xử lý (chưa xác định rõ nguyên nhân); Giá trị tài sản thừa phải trả cho cá nhân, tập thể (trong và ngoài đơn vị) theo quyết định ghi trong biên bản xử lý do xác định ngay được nguyên nhân;
- Trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc khấu trừ vào lương của công nhân viên;
- Các khoản thanh toán với công nhân viên về tiền nhà, điện, nước ở tập thể;
- Kinh phí công đoàn vượt chi được cấp bù;
- Số BHXH đã chi trả công nhân viên khi được cơ quan BHXH thanh toán;
- Doanh thu chưa thực hiện phát sinh trong kỳ;
- Số chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả ngay;
- Số chênh lệch giữa giá bán cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại của giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính;
- Số chênh lệch giữa giá bán cao hơn giá trị hợp lý của TSCĐ bán và thuê lại của giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê hoạt động;
- Phản ánh tổng số tiền thu từ bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước; Khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp;
- Vật tư, hàng hóa vay, mượn tạm thời, các khoản nhận vốn góp hợp đồng hợp tác kinh doanh không thành lập pháp nhân;
- Các khoản thu hộ đơn vị khác phải trả lại;
- Các khoản phải trả khác.
Số dư bên Có:
- BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ đã trích chưa nộp cho cơ quan quản lý hoặc kinh phí công đoàn được để lại cho đơn vị chưa chi hết;
- Giá trị tài sản phát hiện thừa còn chờ giải quyết;
- Doanh thu chưa thực hiện ở thời điểm cuối kỳ kế toán;
- Số chênh lệch giá bán cao hơn giá trị hợp lý hoặc giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại chưa kết chuyển;
- Phản ánh số tiền thu về bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước hoặc khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp còn phải trả đến cuối kỳ kế toán;
- Các khoản còn phải trả, còn phải nộp khác.
Tài khoản này có thể có số dư bên Nợ: Số dư bên Nợ phản ánh số đã trả, đã nộp nhiều hơn số phải trả, phải nộp hoặc số bảo hiểm xã hội đã chi trả công nhân viên chưa được thanh toán và kinh phí công đoàn vượt chi chưa được cấp bù.
Tài khoản 338 - Phải trả, phải nộp khác, có 8 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết: Phản ánh giá trị tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân, còn chờ quyết định xử lý của cấp có thẩm quyền. Trường hợp giá trị tài sản thừa đã xác định được nguyên nhân và có biên bản xử lý thì được ghi ngay vào các tài khoản liên quan, không hạch toán qua tài khoản 338 (3381).
- Tài khoản 3382 - Kinh phí công đoàn: Phản ánh tình hình trích và thanh toán kinh phí công đoàn ở đơn vị.
- Tài khoản 3383 - Bảo hiểm xã hội: Phản ánh tình hình trích và thanh toán bảo hiểm xã hội ở đơn vị.
- Tài khoản 3384 - Bảo hiểm y tế: Phản ánh tình hình trích và thanh toán bảo hiểm y tế ở đơn vị.
- Tài khoản 3385 - Phải trả về cổ phần hoá: Phản ánh số phải trả về tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước, Khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước chuyển thành công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp;
- Tài khoản 3386 - Bảo hiểm thất nghiệp: Phản ánh tình hình trích và thanh toán bảo hiểm thất nghiệp ở đơn vị.
- Tài khoản 3387 - Doanh thu chưa thực hiện: Phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm doanh thu chưa thực hiện của doanh nghiệp trong kỳ kế toán. Doanh thu chưa thực hiện gồm doanh thu nhận trước như: Số tiền của khách hàng đã trả trước cho một hoặc nhiều kỳ kế toán về cho thuê tài sản; Khoản lãi nhận trước khi cho vay vốn hoặc mua các công cụ nợ; Và các khoản doanh thu chưa thực hiện khác như: Khoản chênh lệch giữa giá bán hàng trả chậm, trả góp theo cam kết với giá bán trả tiền ngay, khoản doanh thu tương ứng với giá trị hàng hóa, dịch vụ hoặc số phải chiết khấu giảm giá cho khách hàng trong chương trình khách hàng truyền thống... Không hạch toán vào tài khoản này các khoản:
+ Tiền nhận trước của người mua mà doanh nghiệp chưa cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ;
+ Doanh thu chưa thu được tiền của hoạt động cho thuê tài sản, cung cấp dịch vụ nhiều kỳ (doanh thu nhận trước chỉ được ghi nhận khi đã thực thu được tiền, không được ghi đối ứng với TK 131 – Phải thu của khách hàng).
- Tài khoản 3388 - Phải trả, phải nộp khác: Phản ánh các khoản phải trả khác của đơn vị ngoài nội dung các khoản phải trả đã phản ánh trên các tài khoản khác từ TK 3381 đến TK 3387.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Trường hợp phát hiện tài sản thừa chưa xác định rõ nguyên nhân phải chờ giải quyết:
a) Kế toán phản ánh giá trị tài sản thừa theo giá trị hợp lý tại thời điểm phát hiện để ghi sổ kế toán, ghi:
Nợ các TK 111, 152, 153, 156, 211 (Theo giá trị hợp lý)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381).
b) Khi có biên bản xử lý của cấp có thẩm quyền về số tài sản thừa, kế toán căn cứ vào quyết định xử lý ghi vào các tài khoản liên quan, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3381)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu; hoặc
Có TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB;
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388);
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 711 - Thu nhập khác.
3.2. Kế toán tài sản thừa khi cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước
- Khi nhận được thông báo hoặc quyết định cổ phần hoá của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm kiểm kê, phân loại tài sản doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp. Căn cứ vào Báo cáo kết quả kiểm kê tiền tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, kế toán phản ánh giá trị tiền thừa qua kiểm kê, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết.
Trường hợp thừa tài sản: Doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Kế toán xử lý tài sản thừa, thiếu trong kiểm kê: Đối với tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê, căn cứ vào “Biên bản xử lý tài sản thừa, thiếu qua kiểm kê”, ghi:
Nợ TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (nếu tài sản thừa của người bán)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác(3388)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (đối với tài sản thừa không xác định được nguyên nhân hoặc không tìm được chủ sở hữu).
3.3 Kế toán BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ
- Khi trích BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, ghi:
Nợ các TK 622, 623,627, 641, 642 (số tính vào chi phí SXKD)
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (số trừ vào lương người lao động)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).
- Khi nộp BHXH, BHYT, BHTN, KPCĐ, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386)
Có các TK 111, 112,...
- BHXH phải trả cho công nhân viên khi nghỉ ốm đau, thai sản..., ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3383)
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
- Chi tiêu kinh phí công đoàn tại đơn vị, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382)
Có các TK 111, 112,...
- Kinh phí công đoàn chi vượt được cấp bù, khi nhận được tiền, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382).
3.4. Khi vay, mượn vật tư, hàng hóa, nhận góp vốn hợp đồng hợp tác kinh doanh không hình thành pháp nhân, ghi
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156...
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
3.5. Hạch toán doanh thu chưa thực hiện về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động, doanh thu của kỳ kế toán được xác định bằng tổng số tiền cho thuê hoạt động TSCĐ, BĐS đầu tư đã thu chia cho số kỳ thu tiền trước cho thuê hoạt động TSCĐ, BĐS đầu tư (trừ trường hợp được ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền nhận trước):
- Khi nhận tiền của khách hàng trả trước về cho thuê TSCĐ, BĐS đầu tư trong nhiều năm, kế toán phản ánh doanh thu chưa thực hiện theo giá chưa có thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (tổng số tiền nhận trước)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
- Khi tính và ghi nhận doanh thu của từng kỳ kế toán, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5117).
- Trường hợp hợp đồng cho thuê tài sản không được thực hiện phải trả lại tiền cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (giá cho thuê chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho người đi thuê về thuế GTGT của hoạt động cho thuê TSCĐ không thực hiện được)
Có các TK 111, 112,...(số tiền trả lại).
3.6. Hạch toán trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp:
- Khi bán hàng trả chậm, trả góp thì ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của kỳ kế toán theo giá bán trả tiền ngay, phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay ghi vào tài khoản 3387 "Doanh thu chưa thực hiện", ghi:
Nợ các TK 111, 112,131,...
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331).
- Hàng kỳ, tính, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Khi thực thu tiền bán hàng trả chậm, trả góp trong đó gồm cả phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả tiền ngay, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
- Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng bán:
+ Nếu bán sản phẩm, hàng hoá, ghi:
Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán
Có các TK 154 (631), 155, 156, 157,...
+ Nếu thanh lý, bán BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632- Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147) (số hao mòn luỹ kế - nếu có)
Có TK 217- BĐS đầu tư.
3.7. Trường hợp bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính có giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại:
- Khi hoàn tất thủ tục bán tài sản, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 711- Thu nhập khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn) (nếu có)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
- Định kỳ, kết chuyển chênh lệch lớn hơn (lãi) giữa giá bán và giá trị còn lại của tài sản cố định bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với thời gian thuê tài sản, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có các TK 623, 627, 641, 642,...
3.8. Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lãi chênh lệch tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang phản ánh trên tài khoản 3387 – Doanh thu chưa thực hiện) phải kết chuyển toàn bộ số lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
3.9. Kế toán các khoản phải trả về cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Khi thu tiền từ bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa.
- Kế toán các khoản chính sách đối với người lao động dôi dư tại doanh nghiệp: Căn cứ quyết định của cơ quan có thẩm quyền về xác định khoản tiền phải sử dụng từ tiền thu bán cổ phần để hỗ trợ cho doanh nghiệp thực hiện chính sách đối với người lao động dôi dư tại thời điểm quyết định cổ phần hoá, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hoá
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
Khi thực tế trả tiền cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có các TK 111, 112.
- Quyết toán chi phí cổ phần hoá: Khi kết thúc quá trình cổ phần hoá, doanh nghiệp phải báo cáo và thực hiện quyết toán chi phí cổ phần hoá với cơ quan quyết định cổ phần hoá. Chi phí cổ phần hoá được trừ vào tiền thu từ cổ phần hoá doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có TK 1385 - Phải thu về cổ phần hóa (chi tiết chi phí cổ phần hoá).
Khi nộp tiền thu từ cổ phần hóa (sau khi trừ số chi phí cổ phần hoá) về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước giữ, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có các TK 111, 112.
- Trường hợp nếu tiền thu bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước, đơn vị không được sử dụng tiền thu bán cổ phần thì khoản lãi phải trả này phải trừ vào số phải nộp về thu cổ phần hoá mà không ghi nhận vào chi phí tài chính, kế toán ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
Khi trả tiền cho các nhà đầu tư, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có các TK 111, 112.
- Kế toán khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm DNNN chuyển sang Công ty cổ phần so với giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
+ Trường hợp giá trị thực tế phấn vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển thành Công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì số chênh lệch tăng (lãi) phải nộp vào Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước giữ, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa.
Khi nộp tiền thu từ cổ phần hóa (sau khi trừ số chi phí cổ phần hoá) về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế, tổng công ty Nhà nước, công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con hoặc Quỹ Hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước giữ, ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có các TK 111, 112.
+ Trường hợp giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang Công ty cổ phần nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp, thì số chênh lệch giảm (lỗ), phản ánh như sau:
Trường hợp tập thể, cá nhân phải bồi thường, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
Khi nhận tiền của tập thể, cá nhân nộp tiền bồi thuờng, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 138 - Phải thu khác (1388).
Trường hợp chênh lệch giảm do nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan nhưng vì lý do bất khả kháng mà người có trách nhiệm bồi thuờng không có khả năng thực hiện việc bồi thường và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sử dụng số tiền thu từ bán cổ phần này để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi phần được bảo hiểm bồi thường (nếu có) ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
3.10. Kế toán các nghiệp vụ ở bên nhận uỷ thác nhập khẩu
a) Khi nhận của doanh nghiệp giao uỷ thác nhập khẩu tiền để mua hàng nhập khẩu, căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 111, 112,....
Có TK 338 - Phải trả khác (3388).
b) Khi chuyển tiền để ký quỹ mở LC (nếu thanh toán bằng thư tín dụng), căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 244 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược
Có các TK 111, 112.
c) Khi nhập khẩu vật tư, thiết bị, hàng hóa cho bên giao ủy thác, kế toán theo dõi hàng nhận ủy thác nhập khẩu trên hệ thống quản trị của mình và thuyết minh trên Báo cáo tài chính về số lượng, chủng loại, quy cách, phẩm chất của hàng nhập khẩu ủy thác, thời hạn nhập khẩu, đối tượng thanh toán..., không ghi nhận giá trị hàng nhận ủy thác nhập khẩu trên Bảng cân đối kế toán.
d) Kế toán các nghiệp vụ thanh toán ủy thác nhập khẩu:
- Khi chuyển khoản ký quỹ mở L/C trả cho người bán ở nước ngoài như một phần của khoản thanh toán hàng nhập khẩu ủy thác, ghi:
Nợ 138 - Phải thu khác
Có TK 244 - Cầm cố, ký quỹ, ký cược.
- Khi thanh toán cho người bán ở nước ngoài về số tiền phải trả cho hàng nhập khẩu ủy thác, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (nếu bên giao ủy thác chưa ứng tiền mua hàng nhập khẩu)
Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112, 3388,.....
- Thuế nhập khẩu, thuế GTGT hàng nhập khẩu, Thuế TTĐB phải nộp hộ cho doanh nghiệp uỷ thác nhập khẩu: Trong giao dịch xuất - nhập khẩu ủy thác (phải có hợp đồng xuất-nhập khẩu ủy thác), bên nhận ủy thác được xác định là người đại diện bên giao ủy thác để thực hiện các nghĩa vụ với NSNN (người nộp thuế hộ cho bên giao ủy thác), nghĩa vụ nộp thuế được xác định là của bên giao ủy thác. Trường hợp này, bên nhận ủy thác chỉ phản ánh số tiền thuế đã nộp vào NSNN là khoản chi hộ, trả hộ cho bên giao ủy thác. Khi nộp tiền vào NSNN, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (phải thu lại số tiền đã nộp hộ)
Nợ TK 3388 - Phải trả khác (trừ vào số tiền đã nhận của bên giao ủy thác)
Có các TK 111, 112.
đ) Đối với phí uỷ thác nhập khẩu và thuế GTGT tính trên phí uỷ thác nhập khẩu, căn cứ vào Hoá đơn GTGT và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh doanh thu phí uỷ thác nhập khẩu, ghi:
Nợ các TK 131, 111, 112,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
e) Các khoản chi hộ khác cho doanh nghiệp uỷ thác nhập khẩu liên quan đến hoạt động nhận uỷ thác nhập khẩu (phí ngân hàng, phí giám định hải quan, chi thuê kho, thuê bãi chi bốc xếp, vận chuyển hàng...), căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi tiết cho từng doanh nghiệp uỷ thác NK)
Có TK 111, 112,...
g) Bù trừ các khoản phải thu và phải trả khác khi kết thúc giao dịch, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả khác
Có TK 138 - Phải thu khác.
3.11. Kế toán các nghiệp vụ ở bên nhận uỷ thác xuất khẩu
a) Khi nhận ủy thác xuất khẩu vật tư, thiết bị, hàng hóa cho bên giao ủy thác, kế toán theo dõi hàng nhận để xuất khẩu trên hệ thống quản trị của mình và thuyết minh trên Báo cáo tài chính về số lượng, chủng loại, quy cách, phẩm chất của hàng nhận xuất khẩu ủy thác, thời hạn xuất khẩu, đối tượng thanh toán..., không ghi nhận giá trị hàng nhận ủy thác xuất khẩu trên Bảng cân đối kế toán. Thuế xuất khẩu phải nộp (nếu có) thực hiện theo quy định của TK 333 – Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Các khoản chi hộ bên giao ủy thác xuất khẩu, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có các TK 111, 112.
c) Khi nhận được tiền hàng của người mua ở nước ngoài, kế toán phản ánh là khoản phải trả cho bên giao ủy thác, ghi:
Nợ TK 112 - Tiền gửi ngân hàng
Có TK 338 - Phải trả khác (3388).
d) Bù trừ các khoản phải thu phải trả khác, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả khác
Có TK 138 - Phải thu khác.
3.12. Xác định số lợi nhuận, cổ tức phải trả cho các chủ sở hữu, ghi:
- Khi xác định số phải trả, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388).
- Khi trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388)
Có các TK 111, 112 (số tiền trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu)
Có TK 3335 - Thuế thu nhập cá nhân (nếu khấu trừ tại nguồn số thuế TNCN của chủ sở hữu).
3.13. Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán đánh giá lại số dư các khoản phải trả, phải nộp khác bằng ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế:
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tiền vay, nợ thuê tài chính và tình hình thanh toán các khoản tiền vay, nợ thuê tài chính của doanh nghiệp. Không phản ánh vào tài khoản này các khoản vay dưới hình thức phát hành trái phiếu hoặc phát hành cổ phiếu ưu đãi có điều khoản bắt buộc bên phát hành phải mua lại tại một thời điểm nhất định trong tương lai.
b) Doanh nghiệp phải theo dõi chi tiết kỳ hạn phải trả của các khoản vay, nợ thuê tài chính. Các khoản có thời gian trả nợ hơn 12 tháng kể từ thời điểm lập Báo cáo tài chính, kế toán trình bày là vay và nợ thuê tài chính dài hạn. Các khoản đến hạn trả trong vòng 12 tháng tiếp theo kể từ thời điểm lập Báo cáo tài chính, kế toán trình bày là vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn để có kế hoạch chi trả.
c) Các chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến khoản vay (ngoài lãi vay phải trả), như chi phí thẩm định, kiểm toán, lập hồ sơ vay vốn... được hạch toán vào chi phí tài chính. Trường hợp các chi phí này phát sinh từ khoản vay riêng cho mục đích đầu tư, xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang thì được vốn hóa.
d) Đối với khoản nợ thuê tài chính, tổng số nợ thuê phản ánh vào bên Có của tài khoản 341 là tổng số tiền phải trả được tính bằng giá trị hiện tại của khoản thanh toán tiền thuê tối thiểu hoặc giá trị hợp lý của tài sản thuê.
e) Doanh nghiệp phải hạch toán chi tiết và theo dõi từng đối tượng cho vay, cho nợ, từng khế ước vay nợ và từng loại tài sản vay nợ. Trường hợp vay, nợ bằng ngoại tệ, kế toán phải theo dõi chi tiết nguyên tệ và thực hiện theo nguyên tắc:
- Các khoản vay, nợ bằng ngoại tệ phải quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh;
- Khi trả nợ, vay bằng ngoại tệ, bên Nợ tài khoản 341 được quy đổi theo tỷ giá ghi sổ kế toán thực tế đích danh cho từng đối tượng;
- Khi lập Báo cáo tài chính, số dư các khoản vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ phải được đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm lập Báo cáo tài chính.
- Các khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh từ việc thanh toán và đánh giá lại cuối kỳ khoản vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ được hạch toán vào doanh thu hoặc chi phí hoạt động tài chính.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 341 – Vay và nợ thuê tài chính
Bên Nợ:
- Số tiền đã trả nợ của các khoản vay, nợ thuê tài chính;
- Số tiền vay, nợ được giảm do được bên cho vay, chủ nợ chấp thuận;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ cuối kỳ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ giảm so với Đồng Việt Nam).
Bên Có:
- Số tiền vay, nợ thuê tài chính phát sinh trong kỳ;
- Chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư vay, nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ cuối kỳ (trường hợp tỷ giá ngoại tệ tăng so với Đồng Việt Nam).
Số dư bên Có: Số dư vay, nợ thuê tài chính chưa đến hạn trả.
Tài khoản 341 - Vay và nợ thuê tài chính có 2 tài khoản cấp 2
Tài khoản 3411 - Các khoản đi vay: Tài khoản này phản ánh giá trị các khoản tiền đi vay và tình hình thanh toán các khoản tiền vay của doanh nghiệp (tài khoản này không phản ánh các khoản vay dưới hình thức phát hành trái phiếu).
Tài khoản 3412 - Nợ thuê tài chính: Tài khoản này phản ánh giá trị khoản nợ thuê tài chính và tình hình thanh toán nợ thuê tài chính của doanh nghiệp.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
(a) Vay bằng tiền
- Trường hợp vay bằng Đồng Việt Nam (nhập về quỹ hoặc gửi vào Ngân hàng), ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (1111)
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1121)
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
- Trường hợp vay bằng ngoại tệ phải quy đổi ra Đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch thực tế, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt (1112) (vay nhập quỹ)
Nợ TK 112 - Tiền gửi Ngân hàng (1122) (vay gửi vào ngân hàng)
Nợ các TK 221, 222 (vay đầu tư vào công ty con, liên kết, liên doanh)
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (vay thanh toán thẳng cho người bán)
Nợ TK 211 - Tài sản cố định hữu hình (vay mua TSCĐ)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
- Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến khoản vay (ngoài lãi vay phải trả) như chi phí kiểm toán, lập hồ sơ thẩm định... ghi:
Nợ các TK 241, 635
Có các TK 111, 112, 331.
b) Vay chyển thẳng cho người bán để mua sắm hàng tồn kho, TSCĐ, để thanh toán về đầu tư XDCB, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213, 241 (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1332)
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
- Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ, giá trị TSCĐ mua sắm, xây dựng được ghi nhận bao gồm cả thuế GTGT. Chi phí đi vay liên quan trực tiếp đến khoản vay (ngoài lãi vay phải trả) như chi phí kiểm toán, lập hồ sơ thẩm định kế toán tương tự bút toán ở mục a.
c) Vay thanh toán hoặc ứng vốn (trả trước) cho người bán, người nhận thầu về XDCB, để thanh toán các khoản chi phí, ghi:
Nợ các TK 331, 641, 642, 811
Có TK 341 - Vay và thuê tài chính (3411).
d) Vay để đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết, đầu tư cổ phiếu, trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 221, 222, 228
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
đ) Trường hợp lãi vay phải trả được nhập gốc, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Nợ các TK 154, 241 (nếu lãi vay được vốn hóa)
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411).
e) Khi trả nợ vay bằng Đồng Việt Nam hoặc bằng tiền thu nợ của khách hàng, ghi:
Nợ TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411)
Có các TK 111, 112, 131.
g) Khi trả nợ vay bằng ngoại tệ:
Nợ TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (theo tỷ giá ghi sổ của TK 3411)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá)
Có các TK 111, 112 (theo tỷ giá trên sổ kế toán của TK 111, 112)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá).
h) Kế toán các nghiệp vụ liên quan đến hoạt động thuê tài chính: Thực hiện theo quy định của TK 212 – TSCĐ thuê tài chính.
i) Khi lập Báo cáo tài chính, số dư vay và nợ thuê tài chính bằng ngoại tệ được đánh giá lại theo tỷ giá giao dịch thực tế cuối kỳ:
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính.
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
1. Nguyên tắc kế toán
1.1 Tài khoản 343 chỉ áp dụng ở doanh nghiệp có vay vốn bằng phương thức phát hành trái phiếu. Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình phát hành trái phiếu, bao gồm cả trái phiếu chuyển đổi và tình hình thanh toán trái phiếu của doanh nghiệp. Tài khoản này cũng dùng để phản ánh các khoản chiết khấu, phụ trội trái phiếu phát sinh khi phát hành trái phiếu và tình hình phân bổ các khoản chiết khấu, phụ trội khi xác định chi phí đi vay tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hóa theo từng kỳ.
1.2. Lãi suất thực tế (hay còn gọi là lãi suất hiệu lực) được xác định như sau:
a) Là lãi suất ngân hàng thương mại cho vay đang áp dụng phổ biến trên thị trường tại thời điểm giao dịch;
b) Trường hợp không xác định được lãi suất theo điểm a nêu trên thì lãi suất thực tế là lãi suất doanh nghiệp có thể đi vay dưới hình thức phát hành công cụ nợ không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu (như phát hành trái phiếu thường không có quyền chuyển đổi hoặc vay bằng khế ước thông thường) trong điều kiện sản xuất, kinh doanh đang diễn ra bình thường.
1.3. Nguyên tắc kế toán trái phiếu thường (trái phiếu không có quyền chuyển đổi)
a) Khi doanh nghiệp vay vốn bằng phát hành trái phiếu có thể xảy ra 3 trường hợp:
- Phát hành trái phiếu ngang giá (giá phát hành bằng mệnh giá): Là phát hành trái phiếu với giá đúng bằng mệnh giá của trái phiếu. Trường hợp này thường xảy ra khi lãi suất thị trường bằng lãi suất danh nghĩa của trái phiếu phát hành;
- Phát hành trái phiếu có chiết khấu (giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá): Là phát hành trái phiếu với giá nhỏ hơn mệnh giá của trái phiếu. Phần chênh lệch giữa giá phát hành trái phiếu nhỏ hơn mệnh giá của trái phiếu gọi là chiết khấu trái phiếu. Trường hợp này thường xảy ra khi lãi suất thị trường lớn hơn lãi suất danh nghĩa của trái phiếu phát hành;
- Phát hành trái phiếu có phụ trội (giá phát hành lớn hơn mệnh giá): Là phát hành trái phiếu với giá lớn hơn mệnh giá của trái phiếu. Phần chênh lệch giữa giá phát hành trái phiếu lớn hơn mệnh giá của trái phiếu gọi là phụ trội trái phiếu. Trường hợp này thường xảy ra khi lãi suất thị trường nhỏ hơn lãi suất danh nghĩa của trái phiếu phát hành.
b) Chiết khấu và phụ trội trái phiếu chỉ phát sinh khi doanh nghiệp đi vay bằng hình thức phát hành trái phiếu và tại thời điểm phát hành có sự chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất danh nghĩa được các nhà đầu tư mua trái phiếu chấp nhận. Chiết khấu và phụ trội trái phiếu được xác định và ghi nhận ngay tại thời điểm phát hành trái phiếu. Sự chênh lệch giữa lãi suất thị trường và lãi suất danh nghĩa sau thời điểm phát hành trái phiếu không ảnh hưởng đến giá trị khoản phụ trội hay chiết khấu đã ghi nhận.
c) Doanh nghiệp sử dụng TK 3431 – Trái phiếu thường để phản ánh chi tiết các nội dung có liên quan đến trái phiếu phát hành, gồm:
- Mệnh giá trái phiếu;
- Chiết khấu trái phiếu;
- Phụ trội trái phiếu.
Đồng thời theo dõi chi tiết theo thời hạn phát hành trái phiếu.
d) Doanh nghiệp phải theo dõi chiết khấu và phụ trội cho từng loại trái phiếu phát hành và tình hình phân bổ từng khoản chiết khấu, phụ trội khi xác định chi phí đi vay tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá theo từng kỳ, cụ thể:
- Chiết khấu trái phiếu được phân bổ dần để tính vào chi phí đi vay từng kỳ trong suốt thời hạn của trái phiếu;
- Phụ trội trái phiếu được phân bổ dần để giảm trừ chi phí đi vay từng kỳ trong suốt thời hạn của trái phiếu;
- Trường hợp chi phí lãi vay của trái phiếu đủ điều kiện vốn hoá, các khoản lãi tiền vay và khoản phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội được vốn hoá trong từng kỳ không được vượt quá số lãi vay thực tế phát sinh và số phân bổ chiết khấu hoặc phụ trội trong kỳ đó;
- Việc phân bổ khoản chiết khấu hoặc phụ trội có thể sử dụng phương pháp lãi suất thực tế hoặc phương pháp đường thẳng:
Theo phương pháp lãi suất thực tế: Khoản chiết khấu hoặc phụ trội phân bổ vào mỗi kỳ được tính bằng chênh lệch giữa chi phí lãi vay phải trả cho mỗi kỳ trả lãi (được tính bằng giá trị ghi sổ đầu kỳ của trái phiếu nhân (x) với tỷ lệ lãi thực tế trên thị trường) với số tiền phải trả từng kỳ.
Theo phương pháp đường thẳng: Khoản chiết khấu hoặc phụ trội phân bổ đều trong suốt kỳ hạn của trái phiếu.
e) Trường hợp trả lãi khi đáo hạn trái phiếu thì định kỳ doanh nghiệp phải tính lãi trái phiếu phải trả từng kỳ để ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh hoặc vốn hoá vào giá trị của tài sản dở dang.
g) Khi lập Báo cáo tài chính, trên Bảng cân đối kế toán trong phần nợ phải trả thì chỉ tiêu trái phiếu phát hành được phản ánh trên cơ sở thuần (xác định bằng trị giá trái phiếu theo mệnh giá trừ (-) Chiết khấu trái phiếu cộng (+) Phụ trội trái phiếu).
h) Chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ dần phù hợp với kỳ hạn trái phiếu theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa. Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, chi phí phát hành trái phiếu được ghi giảm mệnh giá của trái phiếu. Định kỳ, kế toán phân bổ chi phí phát hành trái phiếu bằng cách ghi tăng giá trị mệnh giá trái phiếu và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa phù hợp với việc ghi nhận lãi vay phải trả của trái phiếu.
1.4. Nguyên tắc kế toán trái phiếu chuyển đổi
a) Trái phiếu chuyển đổi là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành cổ phiếu phổ thông của cùng một tổ chức phát hành theo các điều kiện đã được xác định trong phương án phát hành. Doanh nghiệp phát hành trái phiếu chuyển đổi phải thực hiện các thủ tục và đáp ứng được các điều kiện phát hành trái phiếu chuyển đổi theo quy định của pháp luật.
b) Doanh nghiệp (bên phát hành trái phiếu chuyển đổi) sử dụng tài khoản 3432 – Trái phiếu chuyển đổi để phản ánh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo. Doanh nghiệp phải mở sổ kế toán chi tiết để theo dõi từng loại trái phiếu chuyển đổi theo từng loại kỳ hạn, lãi suất và mệnh giá.
c) Trái phiếu chuyển đổi phản ánh trên tài khoản 3432 là loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu xác định được quy định sẵn trong phương án phát hành. Loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một lượng cổ phiếu không xác định tại ngày đáo hạn (do phụ thuộc vào giá trị thị trường của cổ phiếu tại ngày đáo hạn) được kế toán như trái phiếu thường.
d) Chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi được phân bổ dần phù hợp với kỳ hạn trái phiếu theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa. Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi được ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu. Định kỳ, kế toán phân bổ chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi bằng cách ghi tăng giá trị nợ gốc và ghi nhận vào chi phí tài chính hoặc vốn hóa phù hợp với việc ghi nhận lãi vay phải trả của trái phiếu.
e) Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, khi phát hành trái phiếu chuyển đổi, doanh nghiệp phải tính toán và xác định riêng biệt giá trị cấu phần nợ (nợ gốc) và cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi. Phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi được ghi nhận là nợ phải trả; cấu phần vốn (quyền chọn cổ phiếu) của trái phiếu chuyển đổi được ghi nhận là vốn chủ sở hữu. Việc xác định giá trị các cấu phần của trái phiếu chuyển đổi được thực hiện như sau:
- Xác định giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm phát hành
Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi được xác định bằng cách chiết khấu giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai (gồm cả gốc và lãi trái phiếu) về giá trị hiện tại theo lãi suất của trái phiếu tương tự trên thị trường nhưng không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu và trừ đi chi phí phát hành trái phiếu chuyển đổi. Trường hợp không xác định được lãi suất của trái phiếu tương tự, doanh nghiệp được sử dụng lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường tại thời điểm phát hành trái phiếu để xác định giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai.
Lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường là lãi suất đi vay được sử dụng trong phần lớn các giao dịch trên thị trường. Doanh nghiệp được chủ động xác định mức lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường một cách phù hợp nhất với đặc điểm sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không trái với quy định của Ngân hàng Nhà nước.
Ví dụ xác định giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm phát hành: Ngày 1/1/20X2, công ty cổ phần Thăng Long phát hành 1 triệu trái phiếu chuyển đổi mệnh giá 10.000 đồng kỳ hạn 3 năm, lãi suất danh nghĩa 10%/năm, trả lãi mỗi năm 1 lần vào thời điểm cuối năm. Lãi suất của trái phiếu tương tự không được chuyển đổi là 15%/năm. Tại thời điểm đáo hạn, mỗi trái phiếu được chuyển đổi thành một cổ phiếu. Biết rằng trái phiếu chuyển đổi được phát hành để huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường (lãi vay được tính vào chi phí tài chính). Việc xác định giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm ghi nhận ban đầu được thực hiện (bỏ qua chi phí phát hành trái phiếu) như sau:
Đơn vị: Đồng
|
Giá trị danh nghĩa khoản phải trả trong tương lai |
|
Tỷ lệ chiết khấu |
|
Giá trị hiện tại khoản phải trả trong tương lai |
Năm 1: |
1.000.000.000 (lãi vay phải trả) |
x |
[1/1.15] |
= |
869.565.000 |
Năm 2: |
1.000.000,000 (lãi vay phải trả) |
x |
[1/1.15^2] |
= |
756.144.000 |
Năm 3: |
1.000.000,000 (lãi vay phải trả) |
x |
[1/1.15^3] |
= |
657.516.000 |
Năm 3: |
10.000.000.000 (gốc vay phải trả) |
x |
[1/1.15^3] |
= |
6.575.160.000 |
Cộng |
|
|
|
|
8.858.385.000 |
Theo ví dụ này, tổng số tiền thu từ phát hành trái phiếu là 10.000.000.000đ, trong đó tổng giá trị hiện tại của khoản thanh toán trong tương lai bao gồm cả gốc và lãi trái phiếu là 8.858.385.000đ. Giá trị này được xác định là giá trị của phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm ghi nhận ban đầu và được ghi nhận là nợ phải trả từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi.
- Xác định giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi (quyền chọn chuyển đổi trái phiếu)
Giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi được xác định là phần chênh lệch giữa tổng số tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi và giá trị cấu phần nợ của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm phát hành.
Theo ví dụ nêu trên, giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi được xác định là: 10.000.000.000 - 8.858.385.000 = 1.141.615.000 đồng. Giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi được ghi nhận là quyền chọn cổ phiếu thuộc phần vốn chủ sở hữu.
g) Sau ghi nhận ban đầu, kế toán phải điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển như sau:
- Ghi tăng giá trị phần nợ gốc của trái phiếu đối với chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ định kỳ;
- Ghi tăng giá trị phần nợ gốc của trái phiếu đối với phần chênh lệch giữa số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương không có quyền chuyển đổi hoặc lãi suất thực tế cao hơn số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa.
Ví dụ: Tiếp theo ví dụ trên, việc xác định chi phí tài chính trong kỳ và điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm cuối kỳ như sau:
Đơn vị tính: Nghìn đồng
|
Giá trị phần nợ gốc trái phiếu chuyển đổi đầu kỳ |
Chi phí tài chính được ghi nhận trong kỳ (lãi suất 15%/năm) |
Lãi vay phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa 10%/năm |
Giá trị được điều chỉnh tăng phần nợ gốc trái phiếu chuyển đổi trong kỳ |
Giá trị phần nợ gốc trái phiếu chuyển đổi cuối kỳ |
Năm 1 |
8.858.385 |
1.328.760 [8.858.385 x 15%] |
1.000.000 |
328.760 |
9.187.150 |
Năm 2 |
9.187.150 |
1.378.070 [9.187.150 x 15%] |
1.000.000 |
378.070 |
9.565.220 |
Năm 3 |
9.565.220 |
1.434.780 [9.565.220 x 15%] |
1.000.000 |
434.780 |
10.000.000 |
h) Khi đáo hạn trái phiếu chuyển đổi:
- Giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi đang phản ánh trong phần vốn chủ sở hữu được chuyển sang ghi nhận là thặng dư vốn cổ phần mà không phụ thuộc vào việc người nắm giữ trái phiếu có thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu hay không.
- Trường hợp người nắm giữ trái phiếu không thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi tương ứng với số tiền hoàn trả gốc trái phiếu.
- Trường hợp người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, kế toán ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi và ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu tương ứng với mệnh giá số cổ phiếu phát hành thêm. Phần chênh lệch giữa giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi lớn hơn giá trị cổ phiếu phát hành thêm tính theo mệnh giá được ghi nhận là khoản thặng dư vốn cổ phần.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 343 – Trái phiếu phát hành
a) Tài khoản 343 “Trái phiếu phát hành” có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3431 “Trái phiếu thường. Tài khoản này có 3 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 34311 - Mệnh giá trái phiếu
+ Tài khoản 34312 - Chiết khấu trái phiếu
+ Tài khoản 34313 - Phụ trội trái phiếu.
- Tài khoản 3432 “Trái phiếu chuyển đổi”
b) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 3431 “Trái phiếu thường”
Bên Nợ:
- Thanh toán trái phiếu khi đáo hạn;
- Chiết khấu trái phiếu phát sinh trong kỳ;
- Phân bổ phụ trội trái phiếu trong kỳ.
Bên Có:
- Trị giá trái phiếu phát hành theo mệnh giá trong kỳ;
- Phân bổ chiết khấu trái phiếu trong kỳ;
- Phụ trội trái phiếu phát sinh trong kỳ.
Số dư bên Có: Trị giá khoản nợ vay do phát hành trái phiếu đến thời điểm cuối kỳ.
c) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 3432 “Trái phiếu chuyển đổi”
Bên Nợ:
- Thanh toán nợ gốc trái phiếu khi đáo hạn nếu người nắm giữ trái phiếu không thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu;
- Kết chuyển nợ gốc trái phiếu để ghi tăng vốn chủ sở hữu nếu người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi thành cổ phiếu.
Bên Có:
- Trị giá phần nợ gốc trái phiếu ghi nhận tại thời điểm phát hành;
- Giá trị được điều chỉnh tăng phần nợ gốc trái phiếu trong kỳ.
Số dư bên Có: Giá trị phần nợ gốc trái phiếu tại thời điểm báo cáo.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Kế toán phát hành trái phiếu thường
a) Kế toán phát hành trái phiếu theo mệnh giá
- Phản ánh số tiền thu về phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (số tiền thu về bán trái phiếu)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
- Nếu trả lãi trái phiếu định kỳ, khi trả lãi tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 627, 241 (nếu được vốn hoá)
Có các TK 111, 112,... (số tiền trả lãi trái phiếu trong kỳ).
- Nếu trả lãi trái phiếu sau (khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải tính trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).
Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu (tiền gốc)
Có các TK 111, 112,...
- Trường hợp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng chịu chi phí.
+ Tại thời điểm phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (chi tiết lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
+ Định kỳ, phân bổ lãi trái phiếu trả trước vào chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (chi tiết lãi trái phiếu trả trước) (số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ).
- Chi phí phát hành trái phiếu:
+ Khi phát sinh chi phí phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,...
+ Định kỳ, phân bổ chi phí phát hành trái phiếu theo phương pháp đường thẳng hoặc phương pháp lãi suất thực tế, ghi:
Nợ các TK 635, 241, 627 (số phân bổ chi phí phát hành trái phiếu trong kỳ)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
- Thanh toán trái phiếu khi đáo hạn, ghi:
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,...
b) Kế toán phát hành trái phiếu có chiết khấu
- Phản ánh số tiền thực thu về phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (số tiền thu về bán trái phiếu)
Nợ TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (chênh lệch giữa số tiền thu về bán trái phiếu nhỏ hơn mệnh giá trái phiếu)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
- Trường hợp trả lãi định kỳ, khi trả lãi vay tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hóa, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có các TK 111, 112,... (số tiền trả lãi trái phiếu trong kỳ)
Có TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (số phân bổ chiết khấu từng kỳ).
- Trường hợp trả lãi sau (khi trái phiếu đáo hạn):
+ Từng kỳ doanh nghiệp phải tính chi phí lãi vay phải trả trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hóa vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ)
Có TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (số phân bổ trong kỳ).
+ Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp phải thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người mua trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,...
- Trường hợp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng ghi nhận chi phí.
+ Khi phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (số tiền lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
+ Định kỳ tính chi phí lãi vay vào chi phí SXKD trong kỳ, hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ)
Có TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (số phân bổ chiết khấu từng kỳ).
+ Thanh toán trái phiếu khi đáo hạn, ghi:
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Có các TK 111, 112,...
c) Kế toán phát hành trái phiếu có phụ trội
- Phản ánh số tiền thực thu về phát hành trái phiếu:
Nợ các TK 111, 112 (số tiền thu về bán trái phiếu)
Có TK 34313 - Phụ trội trái phiếu (chênh lệch giữa số tiền thực thu về bán trái phiếu lớn hơn mệnh giá trái phiếu)
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
- Trường hợp trả lãi định kỳ:
+ Khi trả lãi tính vào chi phí SXKD hoặc vốn hoá, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có các TK 111, 112,... (số tiền trả lãi trái phiếu trong kỳ).
+ Đồng thời phân bổ dần phụ trội trái phiếu để ghi giảm chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 34313 - Phụ trội trái phiếu (số phân bổ dần từng kỳ)
Có các TK 635, 241, 627.
- Trường hợp trả lãi sau (khi trái phiếu đáo hạn), từng kỳ doanh nghiệp phải ghi nhận trước chi phí lãi vay phải trả trong kỳ.
+ Khi tính chi phí lãi vay cho các đối tượng ghi nhận chi phí đi vay trong kỳ, ghi:
Nợ các TK 635, 241, 627
Có TK 335 - Chi phí phải trả (phần lãi trái phiếu phải trả trong kỳ).
+ Đồng thời phân bổ dần phụ trội trái phiếu để ghi giảm chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 34313 - Phụ trội trái phiếu
Có các TK 635, 241, 627.
+ Cuối thời hạn của trái phiếu, doanh nghiệp phải thanh toán gốc và lãi trái phiếu cho người có trái phiếu, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (tổng số tiền lãi trái phiếu)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu (tiền gốc)
Có các TK 111, 112,...
- Trường hợp trả trước lãi trái phiếu ngay khi phát hành, chi phí lãi vay được phản ánh vào bên Nợ TK 242 (chi tiết lãi trái phiếu trả trước), sau đó phân bổ dần vào các đối tượng chịu chi phí.
+ Khi phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (tổng số tiền thực thu)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (số tiền lãi trái phiếu trả trước)
Có TK 34313 - Phụ trội trái phiếu
Có TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu.
+ Định kỳ, tính phân bổ chi phí lãi vay cho các đối tượng ghi nhận chi phí đi vay trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu tính vào chi phí tài chính trong kỳ)
Nợ các TK 241, 627 (nếu được vốn hoá vào giá trị tài sản dở dang)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (số lãi trái phiếu phân bổ trong kỳ).
+ Đồng thời phân bổ dần phụ trội trái phiếu ghi giảm chi phí đi vay từng kỳ, ghi:
Nợ TK 34313 - Phụ trội trái phiếu (số phân bổ phụ trội trái phiếu từng kỳ)
Có các TK 635, 241, 627.
3.2. Kế toán phát hành trái phiếu chuyển đổi
a) Tại thời điểm phát hành, kế toán xác định giá trị phần nợ gốc và quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi bằng cách chiết khấu giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai về giá trị hiện tại, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (tổng số thu từ phát hành trái phiếu chuyển đổi)
Có TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi (phần nợ gốc)
Có TK 4113 - Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu (chênh lệch giữa số tiền thu được và nợ gốc trái phiếu chuyển đổi).
b) Chi phí phát hành trái phiếu phát sinh được phân bổ dần phù hợp với kỳ hạn trái phiếu:
- Khi phát sinh chi phí phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi
Có các TK 111, 112, 338…
- Định kỳ phân bổ chi phí phát hành trái phiếu vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ các TK 635, 241, 627
Có TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi.
c) Định kỳ, kế toán ghi nhận chi phí tài chính hoặc vốn hoá đối với số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương tự không có quyền chuyển đổi hoặc tính theo lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường đồng thời điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Nợ các TK 241, 627 (nếu vốn hoá)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa)
Có TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi (phần chênh lệch giữa số lãi trái phiếu tính theo lãi suất thực tế hoặc lãi suất trái phiếu tương đương không có quyền chuyển đổi cao hơn số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa).
d) Khi đáo hạn trái phiếu, trường hợp người nắm giữ trái phiếu không thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, doanh nghiệp hoàn trả gốc trái phiếu, ghi:
Nợ TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi
Có các TK 111, 112.
Đồng thời kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi vào thặng dư vốn cổ phần, ghi:
Nợ TK 4113 - Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần.
e) Khi đáo hạn trái phiếu, trường hợp người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, kế toán ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi và ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh lệch giữa giá trị cổ phiếu phát hành thêm tính theo mệnh giá và giá trị nợ gốc trái phiếu chuyển đổi).
Đồng thời kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi vào thặng dư vốn cổ phần, ghi:
Nợ TK 4113 - Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản tiền mà doanh nghiệp nhận ký quỹ, ký cược của các đơn vị, cá nhân bên ngoài để đảm bảo cho các dịch vụ liên quan đến sản xuất, kinh doanh được thực hiện đúng hợp đồng kinh tế đã ký kết, như nhận tiền ký cược, ký quỹ để đảm bảo việc thực hiện hợp đồng kinh tế, hợp đồng đại lý,...
b) Kế toán nhận ký quỹ, ký cược phải theo dõi chi tiết từng khoản tiền nhận ký quỹ, ký cược của từng khách hàng theo kỳ hạn và theo từng loại nguyên tệ. Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải trả có kỳ hạn còn lại không quá 12 tháng được trình bày là nợ ngắn hạn, các khoản có kỳ hạn trên 12 tháng được trình bày là nợ dài hạn.
c) Trường hợp nhận thế chấp, cầm cố bằng hiện vật thì không phản ánh ở tài khoản này mà được theo dõi trên thuyết minh Báo cáo tài chính.
d) Trường hợp nhận ký cược, ký quỹ bằng ngoại tệ, kế toán phải theo dõi chi tiết gốc ngoại tệ riêng và quy đổi ngoại tệ ra đơn vị tiền tệ kế toán theo nguyên tắc:
- Tại thời điểm nhận ký cược, ký quỹ bằng ngoại tệ, kế toán quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh;
- Khi trả lại các khoản ký cược, ký quỹ bằng ngoại tệ, kế toán phải quy đổi theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh;
- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán đánh giá lại khoản tiền nhận ký cược, ký quỹ phải trả lại bằng ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm báo cáo. Các khoản chênh lệch tỷ giá phát sinh được ghi nhận ngay vào chi phí tài chính hoặc doanh thu hoạt động tài chính.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 344 - Nhận ký quỹ, ký cược
Bên Nợ: Hoàn trả tiền nhận ký quỹ, ký cược.
Bên Có: Nhận ký quỹ, ký cược bằng tiền.
Số dư bên Có: Số tiền nhận ký quỹ, ký cược chưa trả.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi nhận tiền ký quỹ, ký cược của đơn vị, cá nhân bên ngoài, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược (chi tiết cho từng khách hàng).
b) Khi hoàn trả tiền ký quỹ, ký cược cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược
Có các TK 111, 112.
Trường hợp hoàn trả tiền ký quỹ, ký cược bằng ngoại tệ, ghi:
Nợ TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược (theo tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh của từng đối tượng)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá)
Có các TK 111, 112 (theo tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền TK tiền)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá).
c) Trường hợp đơn vị ký quỹ, ký cược vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết với doanh nghiệp, bị phạt theo thỏa thuận trong hợp đồng kinh tế:
- Khi nhận được khoản tiền phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế đã ký kết: Nếu khấu trừ vào tiền nhận ký quỹ, ký cược, ghi:
Nợ TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Khi thực trả khoản ký quỹ, ký cược còn lại, ghi:
Nợ TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược (đã khấu trừ tiền phạt)
Có các TK 111, 112.
d) Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán đánh giá lại khoản tiền nhận ký cược, ký quỹ có nghĩa vụ phải trả lại bằng ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm báo cáo:
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược
Có TK 413- Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 344 - Nhận ký quỹ, ký cược
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng, giảm của thuế thu nhập hoãn lại phải trả. Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được xác định trên cơ sở các khoản chênh lệch tạm thời phải chịu thuế phát sinh trong năm và thuế suất thuế thu nhập hiện hành theo công thức sau:
Thuế thu nhập hoãn lại phải trả |
= |
Chênh lệch tạm thời chịu thuế |
x |
Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành (%) |
Trường hợp tại thời điểm ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả đã biết trước có sự thay đổi về thuế suất thuế TNDN trong tương lai, nếu việc hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả nằm trong thời gian thuế suất mới đã có hiệu lực thì thuế suất áp dụng để ghi nhận thuế hoãn lại phải trả được tính theo thuế suất mới.
b) Cơ sở tính thuế của tài sản hoặc nợ phải trả và Chênh lệch tạm thời:
- Cơ sở tính thuế của tài sản là giá trị sẽ được trừ khỏi thu nhập chịu thuế khi thu hồi giá trị ghi sổ của tài sản. Nếu thu nhập không phải chịu thuế thì cơ sở tính thuế của tài sản bằng giá trị ghi sổ của tài sản đó. Cơ sở tính thuế thu nhập của nợ phải trả là giá trị ghi sổ của nó trừ đi (-) giá trị sẽ được khấu trừ vào thu nhập chịu thuế khi thanh toán nợ phải trả trong các kỳ tương lai. Đối với doanh thu nhận trước, cơ sở tính thuế là giá trị ghi sổ của nó, trừ đi phần giá trị của doanh thu không phải chịu thuế trong tương lai.
- Chênh lệch tạm thời là khoản chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản hoặc nợ phải trả trong Bảng Cân đối kế toán và cơ sở tính thuế của tài sản hoặc nợ phải trả đó. Chênh lệch tạm thời gồm 2 loại: Chênh lệch tạm thời được khấu trừ và chênh lệch tạm thời chịu thuế. Chênh lệch tạm thời chịu thuế là các khoản chênh lệch tạm thời làm phát sinh khoản thuế thu nhập phải trả khi xác định thu nhập chịu thuế trong tương lai khi giá trị ghi sổ của các khoản mục tài sản được thu hồi hoặc nợ phải trả được thanh toán.
+ Chênh lệch tạm thời về thời gian chỉ là một trong các trường hợp chênh lệch tạm thời, ví dụ: Nếu lợi nhuận kế toán được ghi nhận trong kỳ này nhưng thu nhập chịu thuế được tính trong kỳ khác.
+ Các khoản chênh lệch tạm thời giữa giá trị ghi sổ của tài sản hoặc nợ phải trả so với cơ sở tính thuế của tài sản hoặc nợ phải trả đó có thể không phải là chênh lệch tạm thời về mặt thời gian, ví dụ: Khi đánh giá lại một tài sản thì giá trị ghi sổ của tài sản thay đổi nhưng nếu cơ sở tính thuế không thay đổi thì phát sinh chênh lệch tạm thời. Tuy nhiên thời gian thu hồi giá trị ghi sổ và cơ sở tính thuế không thay đổi nên chênh lệch tạm thời này không phải là chênh lệch tạm thời về thời gian.
+ Kế toán không tiếp tục sử dụng khái niệm “Chênh lệch vĩnh viễn” để phân biệt với chênh lệch tạm thời khi xác định thuế thu nhập hoãn lại do thời gian thu hồi tài sản hoặc thanh toán nợ phải trả cũng như thời gian để khấu trừ tài sản và nợ phải trả đó vào thu nhập chịu thuế là hữu hạn.
c) Thuế thu nhập hoãn lại phải trả phải được ghi nhận cho tất cả các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế, trừ khi thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ ghi nhận ban đầu của một tài sản hay nợ phải trả của một giao dịch mà giao dịch này không có ảnh hưởng đến lợi nhuận kế toán hoặc lợi nhuận tính thuế thu nhập (hoặc lỗ tính thuế) tại thời điểm phát sinh giao dịch.
d) Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải xác định các khoản chênh lệch tạm thời chịu thuế phát sinh trong năm hiện tại làm căn cứ xác định số thuế thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận trong năm.
đ) Việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm được thực hiện theo nguyên tắc bù trừ giữa số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm nay với số thuế thu nhập hoãn lại phải trả đã ghi nhận từ các năm trước nhưng năm nay được ghi giảm (hoàn nhập), theo nguyên tắc:
- Nếu số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn số thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm, kế toán chỉ ghi nhận bổ sung số thuế thu nhập hoãn lại phải trả là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh lớn hơn số được hoàn nhập trong năm;
- Nếu số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm, kế toán chỉ ghi giảm (hoàn nhập) số thuế thu nhập hoãn lại phải trả là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh nhỏ hơn số được hoàn nhập trong năm.
e) Thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm không liên quan đến các khoản mục được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu phải được ghi nhận là chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm.
g) Kế toán phải ghi giảm thuế thu nhập hoãn lại phải trả khi các khoản chênh lệch tạm thời phải chịu thuế không còn ảnh hưởng tới lợi nhuận tính thuế (khi tài sản được thu hồi hoặc nợ phải trả được thanh toán).
h) Việc bù trừ thuế thu nhập hoãn lại phải trả và tài sản thuế thu nhập hoãn lại chỉ thực hiện khi lập Bảng cân đối kế toán, không thực hiện khi ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trên sổ kế toán.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 347 – Thuế thu nhập hoãn lại phải trả
Bên Nợ: Thuế thu nhập hoãn lại phải trả giảm (được hoàn nhập) trong kỳ.
Bên Có: Thuế thu nhập hoãn lại phải trả được ghi nhận trong kỳ.
Số dư bên Có: Thuế thu nhập hoãn lại phải trả còn lại cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
Cuối năm, kế toán căn cứ “Bảng xác định thuế thu nhập hoãn lại phải trả” để ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ các giao dịch trong năm vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:
a) Nếu số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn số thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm, kế toán chỉ ghi nhận bổ sung số thuế thu nhập hoãn lại phải trả là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh lớn hơn số được hoàn nhập trong năm, ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 347 - Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
b) Nếu số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm, kế toán chỉ ghi giảm (hoàn nhập) số thuế thu nhập hoãn lại phải trả là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh nhỏ hơn số được hoàn nhập trong năm, ghi:
Nợ TK 347 - Thuế thu nhập hoãn lại phải trả
Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản dự phòng phải trả hiện có, tình hình trích lập và sử dụng dự phòng phải trả của doanh nghiệp.
b) Dự phòng phải trả chỉ được ghi nhận khi thoả mãn các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp có nghĩa vụ nợ hiện tại (nghĩa vụ pháp lý hoặc nghĩa vụ liên đới) do kết quả từ một sự kiện đã xảy ra;
- Sự giảm sút về những lợi ích kinh tế có thể xảy ra dẫn đến việc yêu cầu phải thanh toán nghĩa vụ nợ; và
- Đưa ra được một ước tính đáng tin cậy về giá trị của nghĩa vụ nợ đó.
c) Giá trị được ghi nhận của một khoản dự phòng phải trả là giá trị được ước tính hợp lý nhất về khoản tiền sẽ phải chi để thanh toán nghĩa vụ nợ hiện tại tại ngày kết thúc kỳ kế toán năm hoặc tại ngày kết thúc kỳ kế toán giữa niên độ.
d) Khoản dự phòng phải trả được lập tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch được ghi nhận vào chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ kế toán đó. Trường hợp số dự phòng phải trả lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch phải được hoàn nhập ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh của kỳ kế toán đó.
Đối với dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp được lập cho từng công trình xây lắp và được lập vào cuối kỳ kế toán năm hoặc cuối kỳ kế toán giữa niên độ. Trường hợp số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp đã lập lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số chênh lệch được hoàn nhập ghi vào TK 711 “Thu nhập khác”.
đ) Chỉ những khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả đã lập ban đầu mới được bù đắp bằng khoản dự phòng phải trả đó.
e) Không được ghi nhận khoản dự phòng cho các khoản lỗ hoạt động trong tương lai, trừ khi chúng liên quan đến một hợp đồng có rủi ro lớn và thoả mãn điều kiện ghi nhận khoản dự phòng. Nếu doanh nghiệp có hợp đồng có rủi ro lớn, thì nghĩa vụ nợ hiện tại theo hợp đồng phải được ghi nhận và đánh giá như một khoản dự phòng và khoản dự phòng được lập riêng biệt cho từng hợp đồng có rủi ro lớn.
g) Một khoản dự phòng cho các khoản chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp chỉ được ghi nhận khi có đủ các điều kiện ghi nhận đối với các khoản dự phòng theo quy định tại đoạn Chuẩn mực kế toán “Các khoản dự phòng, tài sản và nợ tiềm tàng”. Khi tiến hành tái cơ cấu doanh nghiệp thì nghĩa vụ liên đới chỉ phát sinh khi doanh nghiệp:
- Có kế hoạch chính thức cụ thể để xác định rõ việc tái cơ cấu doanh nghiệp, trong đó phải có ít nhất 5 nội dung sau:
+ Toàn bộ hoặc một phần của việc kinh doanh có liên quan;
+ Các vị trí quan trọng bị ảnh hưởng;
+ Vị trí, nhiệm vụ và số lượng nhân viên ước tính sẽ được nhận bồi thường khi họ buộc phải thôi việc;
+ Các khoản chi phí sẽ phải chi trả; và
+ Khi nào kế hoạch được thực hiện.
- Đưa ra được một dự tính chắc chắn về những chủ thể bị ảnh hưởng và tiến hành quá trình tái cơ cấu bằng việc bắt đầu thực hiện kế hoạch đó hoặc thông báo những vấn đề quan trọng đến những chủ thể bị ảnh hưởng của việc tái cơ cấu.
h) Một khoản dự phòng cho việc tái cơ cấu chỉ được dự tính cho những chi phí trực tiếp phát sinh từ hoạt động tái cơ cấu, đó là những chi phí thoả mãn cả hai điều kiện:
- Cần phải có cho hoạt động tái cơ cấu;
- Không liên quan đến các hoạt động thường xuyên của doanh nghiệp.
Khoản dự phòng cho việc tái cơ cấu không bao gồm các chi phí như:
- Đào tạo lại hoặc thuyên chuyển nhân viên hiện có;
- Tiếp thị;
- Đầu tư vào những hệ thống mới và các mạng lưới phân phối.
i) Các khoản dự phòng phải trả thường bao gồm:
- Dự phòng phải trả tái cơ cấu doanh nghiệp;
- Dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm;
- Dự phòng bảo hành công trình xây dựng;
- Dự phòng phải trả khác, bao gồm cả khoản dự phòng trợ cấp thôi việc theo quy định của pháp luật, khoản dự phòng cho việc sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ định kỳ (theo yêu cầu kỹ thuật), khoản dự phòng phải trả đối với hợp đồng có rủi ro lớn mà trong đó những chi phí bắt buộc phải trả cho các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng vượt quá những lợi ích kinh tế dự tính thu được từ hợp đồng đó;
k) Khi lập dự phòng phải trả, doanh nghiệp được ghi nhận vào chi phí quản lý doanh nghiệp, riêng đối với khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá được ghi nhận vào chi phí bán hàng, khoản dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây lắp được ghi nhận vào chi phí sản xuất chung.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 352 – Dự phòng phải trả
Bên Nợ:
- Ghi giảm dự phòng phải trả khi phát sinh khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng đã được lập ban đầu;
- Ghi giảm (hoàn nhập) dự phòng phải trả khi doanh nghiệp chắc chắn không còn phải chịu sự giảm sút về kinh tế do không phải chi trả cho nghĩa vụ nợ;
- Ghi giảm dự phòng phải trả về số chênh lệch giữa số dự phòng phải trả phải lập năm nay nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập năm trước chưa sử dụng hết.
Bên Có: Phản ánh số dự phòng phải trả trích lập tính vào chi phí.
Số dư bên Có: Phản ánh số dự phòng phải trả hiện có cuối kỳ.
Tài khoản 352 có 4 tài khoản cấp 2
- Tài khoản 3521 - Dự phòng bảo hành sản phẩm hàng hóa: Tài khoản này dùng để phản ánh số dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa cho số lượng sản phẩm, hàng hóa đã xác định là tiêu thụ trong kỳ;
- Tài khoản 3522 - Dự phòng bảo hành công trình xây dựng: Tài khoản này dùng để phản ánh số dự phòng bảo hành công trình xây dựng đối với các công trình, hạng mục công trình hoàn thành, bàn giao trong kỳ;
- Tài khoản 3523 - Dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp: Tài khoản này phản ánh số dự phòng phải trả cho hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp, như chi phí di dời địa điểm kinh doanh, chi phí hỗ trợ người lao động...;
- Tài khoản 3524 - Dự phòng phải trả khác: Tài khoản này phản ánh các khoản dự phòng phải trả khác theo quy định của pháp luật ngoài các khoản dự phòng đã được phản ánh nêu trên, như chi phí hoàn nguyên môi trường, chi phí thu dọn, khôi phục và hoàn trả mặt bằng, dự phòng trợ cấp thôi việc theo quy định của Luật lao động, chi phí sửa chữa, bảo dưỡng, TSCĐ định kỳ...
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Phương pháp kế toán dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa
- Trường hợp doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng có kèm theo giấy bảo hành sửa chữa cho các khoản hỏng hóc do lỗi sản xuất được phát hiện trong thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hoá, doanh nghiệp tự ước tính chi phí bảo hành trên cơ sở số lượng sản phẩm, hàng hóa đã xác định là tiêu thụ trong kỳ. Khi lập dự phòng cho chi phí sửa chữa, bảo hành sản phẩm, hàng hóa đã bán, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3521).
- Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hóa đã lập ban đầu, như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài...,:
+ Trường hợp không có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hoá:
Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc bảo hành sản phẩm, hàng hoá, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627,...
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338,...
Cuối kỳ, kết chuyển chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí SXKD dở dang
Có các TK 621, 622, 627,...
Khi sửa chữa bảo hành sản phẩm, hàng hoá hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3521)
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (phần dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá còn thiếu)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
+ Trường hợp có bộ phận độc lập về bảo hành sản phẩm, hàng hoá, số tiền phải trả cho bộ phận bảo hành về chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá, công trình xây lắp hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3521)
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (chênh lệch nhỏ hơn giữa dự phòng phải trả bảo hành sản phẩm, hàng hoá so với chi phí
thực tế về bảo hành)
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
- Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định số dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hóa cần trích lập:
+ Trường hợp số dự phòng cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hạch toán vào chi phí, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3521).
+ Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hoàn nhập ghi giảm chi phí, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3521)
Có TK 641 - Chi phí bán hàng.
b) Phương pháp kế toán dự phòng bảo hành công trình xây dựng
- Việc trích lập dự phòng bảo hành công trình xây dựng được thực hiện cho từng công trình, hạng mục công trình hoàn thành, bàn giao trong kỳ. Khi xác định số dự phòng phải trả về chi phí bảo hành công trình xây dựng, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3522).
- Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây dựng đã lập ban đầu, như chi phí nguyên vật liệu, chi phí nhân công trực tiếp, chi phí khấu hao TSCĐ, chi phí dịch vụ mua ngoài...,:
+ Trường hợp doanh nghiệp tự thực hiện việc bảo hành công trình xây dựng:
Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến việc bảo hành, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627,...
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338,...
Cuối kỳ, kết chuyển chi phí bảo hành thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí SXKD dở dang
Có các TK 621, 622, 627,...
Khi sửa chữa bảo hành công trình hoàn thành bàn giao cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3522)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chênh lệch giữa số dự phòng đã trích lập nhỏ hơn chi phí thực tế về bảo hành)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
+ Trường hợp giao cho đơn vị trực thuộc hoặc thuê ngoài thực hiện việc bảo hành, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3522)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chênh lệch giữa số dự phòng đã trích lập nhỏ hơn chi phí thực tế về bảo hành)
Có các TK 331, 336...
- Hết thời hạn bảo hành công trình xây dựng, nếu công trình không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây dựng lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số chênh lệch phải hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3522)
Có TK 711 - Thu nhập khác.
c) Phương pháp kế toán dự phòng tái cơ cấu doanh nghiệp và dự phòng phải trả khác
- Khi trích lập dự phòng cho các khoản chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp, dự phòng phải trả khác, dự phòng cho các hợp đồng có rủi ro lớn mà trong đó những chi phí bắt buộc phải trả cho các nghĩa vụ liên quan đến hợp đồng vượt quá những lợi ích kinh tế dự tính thu được từ hợp đồng đó (như khoản bồi thường hoặc đền bù do việc không thực hiện được hợp đồng, các vụ kiện pháp lý...), ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3523, 3524).
- Khi trích lập dự phòng cho các khoản chi phí hoàn nguyên môi trường, chi phí thu dọn, khôi phục và hoàn trả mặt bằng, dự phòng trợ cấp thôi việc theo quy định của Luật lao động..., ghi:
Nợ các TK 627, 641, 642
Có TK 352 - Dự phòng phải trả
- Đối với TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải được tiến hành sửa chữa định kỳ, kế toán phải thực hiện trích trước chi phí sửa chữa TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 627, 641, 642
Có TK 352 - Dự phòng phải trả
- Khi phát sinh các khoản chi phí liên quan đến khoản dự phòng phải trả đã lập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3523, 3524)
Có các TK 111, 112, 241, 331,...
- Khi lập Báo cáo tài chính, doanh nghiệp phải xác định số dự phòng phải trả cần trích lập:
+ Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hạch toán vào chi phí, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (3523, 3524).
+ Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch hoàn nhập ghi giảm chi phí, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả (3523, 3524)
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426).
d) Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể tìm kiếm một bên thứ 3 để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng (ví dụ, thông qua các hợp đồng bảo hiểm, các khoản bồi thường hoặc các giấy bảo hành của nhà cung cấp), bên thứ 3 có thể hoàn trả lại những gì mà doanh nghiệp đã thanh toán. Khi doanh nghiệp nhận được khoản bồi hoàn của một bên thứ 3 để thanh toán một phần hay toàn bộ chi phí cho khoản dự phòng, kế toán ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 711- Thu nhập khác.
đ) Kế toán xử lý các khoản dự phòng phải trả trước khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành Công ty cổ phần
Các khoản dự phòng phải trả sau khi bù đắp tổn thất, đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu còn thì hạch toán tăng vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty của doanh nghiệp. Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi được trích từ lợi nhuận sau thuế TNDN của doanh nghiệp để dùng cho công tác khen thưởng, khuyến khích lợi ích vật chất, phục vụ nhu cầu phúc lợi công cộng, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
b) Việc trích lập và sử dụng quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi và quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty phải theo chính sách tài chính hiện hành.
c) Quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty phải được hạch toán chi tiết theo từng loại quỹ.
d) Đối với TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành dùng vào sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi tăng TSCĐ đồng thời ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu và giảm quỹ phúc lợi.
đ) Đối với TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành dùng cho nhu cầu văn hóa, phúc lợi của doanh nghiệp, kế toán ghi tăng TSCĐ và đồng thời được kết chuyển từ Quỹ phúc lợi (TK 3532) sang Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (TK 3533). Những TSCĐ này hàng tháng không trích khấu hao TSCĐ vào chi phí mà cuối niên độ kế toán tính hao mòn TSCĐ một lần /một năm để ghi giảm Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi
Bên Nợ:
- Các khoản chi tiêu quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty;
- Giảm quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ khi tính hao mòn TSCĐ hoặc do nhượng bán, thanh lý, phát hiện thiếu khi kiểm kê TSCĐ;
- Đầu tư, mua sắm TSCĐ bằng quỹ phúc lợi khi hoàn thành phục vụ nhu cầu văn hóa, phúc lợi;
- Cấp quỹ khen thưởng, phúc lợi cho cấp dưới.
Bên Có
- Trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty từ lợi nhuận sau thuế TNDN;
- Quỹ khen thưởng, phúc lợi được cấp trên cấp;
- Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ tăng do đầu tư, mua sắm TSCĐ bằng quỹ phúc lợi hoàn thành đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh hoặc hoạt động văn hoá, phúc lợi.
Số dư bên Có: Số quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi hiện còn của doanh nghiệp.
Tài khoản 353 – Quỹ khen thưởng, phúc lợi, có 4 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3531 - Quỹ khen thưởng: Phản ánh số hiện có, tình hình trích lập và chi tiêu quỹ khen thưởng của doanh nghiệp.
- Tài khoản 3532 - Quỹ phúc lợi: Phản ánh số hiện có, tình hình trích lập và chi tiêu quỹ phúc lợi của doanh nghiệp.
- Tài khoản 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ: Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ của doanh nghiệp.
- Tài khoản 3534 - Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty: Phản ánh số hiện có, tình hình trích lập và chi tiêu Quỹ thưởng ban quản lý điều hành công ty.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trong năm khi tạm trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).
b) Cuối năm, xác định quỹ khen thưởng, phúc lợi được trích thêm, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).
c) Tính tiền thưởng phải trả cho công nhân viên và người lao động khác trong doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531).
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
d) Dùng quỹ phúc lợi để chi trợ cấp khó khăn, chi cho công nhân viên và người lao động nghỉ mát, chi cho phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có các TK 111, 112.
đ) Khi bán sản phẩm, hàng hóa trang trải bằng quỹ khen thưởng phúc lợi, kế toán phản ánh doanh thu không bao gồm thuế GTGT phải nộp, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
e) Khi cấp trên cấp quỹ khen thưởng, phúc lợi cho đơn vị cấp dưới, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534)
Có các TK 111, 112.
g) Số quỹ khen thưởng, phúc lợi do đơn vị cấp trên cấp xuống, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532).
h) Dùng quỹ phúc lợi ủng hộ các vùng thiên tai, hỏa hoạn, chi từ thiện… ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có các TK 111, 112.
i) Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành bằng quỹ phúc lợi đưa vào sử dụng cho mục đích văn hoá, phúc lợi của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ)
Có các TK 111, 112, 241, 331,…
Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì nguyên giá TSCĐ bao gồm cả thuế GTGT
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 3532 - Quỹ phúc lợi
Có TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ.
k) Định kỳ, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi, sử dụng cho nhu cầu văn hóa, phúc lợi của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
l) Khi nhượng bán, thanh lý TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phúc lợi, dùng vào hoạt động văn hoá, phúc lợi:
- Ghi giảm TSCĐ nhượng bán, thanh lý:
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
- Phản ánh các khoản thu, chi nhượng bán, thanh lý TSCĐ:
+ Đối với các khoản chi, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ)
Có các TK 111, 112, 334,…
+ Đối với các khoản thu, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3532)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
m) Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi: Trường hợp chuyển giao nhà ở cán bộ, công nhân viên đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cho cơ quan nhà đất địa phương để quản lý, ghi:
Nợ TK 3533 - Quỹ phúc lợi đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá).
n) Trường hợp chủ sở hữu doanh nghiệp quyết định thưởng cho Hội đồng quản trị, Ban giám đốc từ Quỹ thưởng ban quản lý, điều hành công ty, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3354)
Có các TK 111, 112...
o) Trường hợp công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu thưởng từ quỹ khen thưởng để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 3531 - Quỹ khen thưởng
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá bán thấp hơn mệnh giá)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá bán cao hơn mệnh giá).
p) Kế toán xử lý số dư quỹ khen thưởng và quỹ phúc lợi trước khi xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hoá doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
- Khi chuyển số dư quỹ khen thưởng và phúc lợi chia cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hoá, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532)
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
- Khi chi tiền từ Quỹ khen thưởng, phúc lợi cho người lao động, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động
Có các TK 111, 112.
- Trường hợp doanh nghiệp đã chi quá Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tài khoản 353 có số dư Nợ) thì xử lý như sau:
+ Đối với khoản đã chi trực tiếp cho người lao động có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm có quyết định cổ phần hoá phải thu hồi trước khi bán cổ phần ưu đãi, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532).
+ Đối với các khoản bị xuất toán, chi biếu tặng, chi cho người lao động đã nghỉ mất việc, thôi việc trước thời điểm quyết định số cổ phần hoá doanh nghiệp và được cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp xử lý như khoản phải thu không có khả năng thu hồi, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 334 ( phần tổ chức, cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có, tình hình tăng giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ (PTKH&CN) của doanh nghiệp. Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp chỉ được sử dụng cho đầu tư khoa học, công nghệ tại Việt Nam.
b) Quỹ PTKH&CN được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ. Việc trích lập và sử dụng Quỹ PTKH&CN của doanh nghiệp phải tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
c) Trường hợp doanh nghiệp sử dụng Quỹ PTKH&CN để tài trợ cho việc nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, số tiền thu được khi bán sản phẩm sản xuất thử được bù trừ với chi phí sản xuất thử theo nguyên tắc:
- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử được ghi tăng Quỹ PTKH&CN;
- Phần chênh lệch giữa số tiền thu từ bán sản phẩm sản xuất thử thấp hơn chi phí sản xuất thử được ghi giảm Quỹ PTKH&CN.
d) Định kỳ, doanh nghiệp lập Báo cáo về mức trích, sử dụng, quyết toán Quỹ PTKH&CN và nộp cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 356 – Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Bên Nợ:
- Các khoản chi tiêu từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành tài sản cố định (TSCĐ) khi tính hao mòn TSCĐ; giá trị còn lại của TSCĐ khi nhượng bán, thanh lý; chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
- Giảm Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ khi TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh.
Bên Có:
- Trích lập Quỹ phát triển khoa học và công nghệ vào chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Số thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ.
Số dư bên Có: Số quỹ phát triển khoa học và công nghệ hiện còn của doanh nghiệp.
Tài khoản 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ: Phản ánh số hiện có và tình hình trích lập, chi tiêu quỹ phát triển khoa học và công nghệ;
- Tài khoản 3562 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ: Phản ánh số hiện có, tình hình tăng, giảm quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ (quỹ phát triển khoa học và công nghệ đã hình thành TSCĐ).
3. Phương pháp hạch toán kế toán một số nghiệp vụ kinh tế chủ yếu
a) Trong năm khi trích lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ.
b) Khi chi tiêu Quỹ PTKH&CN phục vụ cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 356 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331...
c) Khi sử dụng Quỹ PTKH&CN để trang trải cho hoạt động sản xuất thử sản phẩm:
- Kế toán tập hợp chi phí sản xuất thử, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 152, 331...
- Khi bán sản phẩm sản xuất thử, ghi:
Nợ TK 111, 112, 131
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (nếu có)
- Chênh lệch giữa chi phí sản xuất thử và số thu từ bán sản phẩm sản xuất thử được điều chỉnh tăng, giảm Quỹ, ghi:
+ Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử cao hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi tăng Quỹ PTKH&CN, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 356 - Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ
+ Trường hợp số thu từ việc bán sản phẩm sản xuất thử nhỏ hơn chi phí sản xuất thử, kế toán ghi ngược lại bút toán trên.
d) Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ:
- Khi đầu tư, mua sắm TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 211, 213 (nguyên giá)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331...
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Có TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ.
- Cuối kỳ kế toán, tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sử dụng cho mục đích nghiên cứu, phát triển khoa học và công nghệ, ghi:
Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
- Khi thanh lý, nhượng bán TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng quỹ phát triển khoa học và công nghệ:
+ Ghi giảm TSCĐ thanh lý, nhượng bán:
Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có các TK 211, 213.
+ Ghi nhận số tiền thu từ việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
+ Ghi nhận chi phí phát sinh liên quan trực tiếp đến việc thanh lý, nhượng bán TSCĐ:
Nợ TK 3561 - Quỹ phát triển khoa học và công nghệ
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331.
- Khi kết thúc quá trình nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ, chuyển TSCĐ hình thành từ Quỹ phát triển khoa học và công nghệ sang phục vụ cho mục đích sản xuất, kinh doanh, kế toán ghi:
Nợ TK 3562 - Quỹ PTKH&CN đã hình thành TSCĐ (phần giá trị còn lại
của TSCĐ hình thành từ quỹ chưa khấu hao hết)
Có TK 711 - Thu nhập khác.
Kể từ thời điểm TSCĐ chuyển sang phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, hao mòn của TSCĐ được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh theo quy định của chế độ kế toán doanh nghiệp hiện hành.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình biến động và giá trị Quỹ bình ổn giá tại thời điểm báo cáo của doanh nghiệp được phép trích lập Quỹ bình ổn giá tính vào chi phí sản xuất kinh doanh theo quy định của pháp luật. Tuỳ theo từng ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh, doanh nghiệp được chủ động bổ sung thêm vào tên của Quỹ này phù hợp với ngành nghề, lĩnh vực kinh doanh của mình, ví dụ như Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.
b) Doanh nghiệp phải trích lập, sử dụng và quyết toán Quỹ bình ổn giá theo đúng quy định của pháp luật. Doanh nghiệp chỉ sử dụng tài khoản này nếu pháp luật yêu cầu trích lập Quỹ bình ổn giá vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ.
c) Quỹ bình ổn giá khi trích lập được tính vào giá vốn hàng bán, khi sử dụng Quỹ cho mục đích bình ổn giá, doanh nghiệp được ghi giảm giá vốn hàng bán.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 357 – Quỹ Bình ổn giá
Bên Nợ: Số quỹ bình ổn giá đã sử dụng.
Bên Có: Số trích lập quỹ bình ổn giá vào chi phí sản xuất kinh doanh trong kỳ.
Số dư bên Có: Số quỹ bình ổn giá hiện còn của doanh nghiệp cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán Quỹ bình ổn giá
- Khi trích lập Quỹ bình ổn giá, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 357 - Quỹ bình ổn giá.
- Khi sử dụng Quỹ bình ổn giá, ghi:
Nợ TK 357 - Quỹ bình ổn giá
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
1. Vốn chủ sở hữu là phần tài sản thuần của doanh nghiệp còn lại thuộc sở hữu của các cổ đông, thành viên góp vốn (chủ sở hữu). Vốn chủ sở hữu được phản ánh theo từng nguồn hình thành như:
- Vốn góp của chủ sở hữu;
- Lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh;
- Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
2. Kế toán không ghi nhận vốn góp theo vốn điều lệ trên giấy phép đăng ký kinh doanh. Khoản vốn góp huy động, nhận từ các chủ sở hữu luôn được ghi nhận theo số thực góp, tuyệt đối không ghi nhận theo số cam kết sẽ góp của các chủ sở hữu. Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phi tiền tệ thì kế toán phải ghi nhận theo giá trị hợp lý của tài sản phi tiền tệ tại ngày góp vốn.
3. Việc nhận vốn góp bằng các loại tài sản vô hình như bản quyền, quyền khai thác, sử dụng tài sản, thương hiệu, nhãn hiệu… chỉ được thực hiện khi có quy định cụ thể của pháp luật hoặc cơ quan có thẩm quyền cho phép. Khi pháp luật chưa có quy định cụ thể về vấn đề này, các giao dịch góp vốn bằng nhãn hiệu, thương hiệu được kế toán như việc đi thuê tài sản hoặc nhượng quyền thương mại, theo đó:
- Đối với bên góp vốn bằng thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại: Ghi nhận số tiền thu được từ việc cho bên kia sử dụng nhãn hiệu, tên thương mại là doanh thu cho thuê tài sản vô hình, nhượng quyền thương mại, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào đơn vị khác và thu nhập hoặc vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị khoản đầu tư;
- Đối với bên nhận vốn góp bằng thương hiệu, nhãn nhiệu, tên thương mại: Không ghi nhận giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại và ghi tăng vốn chủ sở hữu tương ứng với giá trị thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại nhận vốn góp. Khoản tiền trả cho việc sử dụng nhãn hiệu, thương hiệu, tên thương mại được ghi nhận là chi phí thuê tài sản, chi phí nhượng quyền thương mại.
4. Việc sử dụng vốn đầu tư của chủ sở hữu, chênh lệch đánh giá lại tài sản, quỹ đầu tư phát triển để bù lỗ kinh doanh được thực hiện theo quyết định của chủ sở hữu, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật.
5. Việc phân phối lợi nhuận chỉ thực hiện khi doanh nghiệp có lợi nhuận sau thuế chưa phân phối. Mọi trường hợp trả cổ tức, lợi nhuận cho chủ sở hữu quá mức số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối về bản chất đều là giảm vốn góp, doanh nghiệp phải thực hiện đầy đủ các thủ tục theo quy định của pháp luật và điều chỉnh giấy đăng ký kinh doanh.
a) Tài khoản này dùng để phản ánh vốn do chủ sở hữu đầu tư hiện có và tình hình tăng, giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu. Các công ty con, đơn vị có tư cách pháp nhân hạch toán độc lập phản ánh số vốn được công ty mẹ đầu tư vào tài khoản này.
Tùy theo đặc điểm hoạt động của từng đơn vị, tài khoản này có thể được sử dụng tại các đơn vị không có tư cách pháp nhân hạch toán phụ thuộc để phản ánh số vốn kinh doanh được cấp bởi đơn vị cấp trên (trường hợp không hạch toán vào tài khoản 3361 – Phải trả nội bộ về vốn kinh doanh).
b) Vốn đầu tư của chủ sở hữu bao gồm:
- Vốn góp ban đầu, góp bổ sung của các chủ sở hữu;
- Các khoản được bổ sung từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế của hoạt động kinh doanh;
- Cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi (quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu);
- Các khoản viện trợ không hoàn lại, các khoản nhận được khác được cơ quan có thẩm quyền cho phép ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu.
c) Các doanh nghiệp chỉ hạch toán vào TK 411 - “Vốn đầu tư của chủ sở hữu” theo số vốn thực tế chủ sở hữu đã góp, không được ghi nhận theo số cam kết, số phải thu của các chủ sở hữu.
d) Doanh nghiệp phải tổ chức hạch toán chi tiết vốn đầu tư của chủ sở hữu theo từng nguồn hình thành vốn (như vốn góp của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần, vốn khác) và theo dõi chi tiết cho từng tổ chức, từng cá nhân tham gia góp vốn.
đ) Doanh nghiệp ghi giảm vốn đầu tư của chủ sở hữu khi:
- Doanh nghiệp nộp trả vốn cho Ngân sách Nhà nước hoặc bị điều động vốn cho doanh nghiệp khác theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Trả lại vốn cho các chủ sở hữu, hủy bỏ cổ phiếu quỹ theo quy định của pháp luật;
- Giải thể, chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
e) Xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ
- Khi giấy phép đầu tư quy định vốn điều lệ của doanh nghiệp được xác định bằng ngoại tệ tương đương với một số lượng tiền Việt Nam Đồng, việc xác định phần vốn góp của nhà đầu tư bằng ngoại tệ (thừa, thiếu, đủ so với vốn điều lệ) được căn cứ vào số lượng ngoại tệ đã thực góp, không xem xét tới việc quy đổi ngoại tệ ra Việt Nam Đồng theo giấy phép đầu tư.
- Trường hợp doanh nghiệp ghi sổ kế toán, lập và trình bày Báo cáo tài chính bằng Việt Nam Đồng, khi nhà đầu tư góp vốn bằng ngoại tệ theo tiến độ, kế toán phải áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại từng thời điểm thực góp để quy đổi ra Việt Nam Đồng và ghi nhận vào vốn đầu tư của chủ sở hữu, thặng dư vốn cổ phần (nếu có).
- Trong quá trình hoạt động, không được đánh giá lại số dư Có tài khoản 411 “Vốn đầu tư của chủ sở hữu” có gốc ngoại tệ.
g) Trường hợp nhận vốn góp bằng tài sản phải phản ánh tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo giá đánh giá lại của tài sản được các bên góp vốn chấp nhận. Đối với các tài sản vô hình như thương hiệu, nhãn hiệu, tên thương mại, quyền khai thác, phát triển dự án... chỉ được ghi tăng vốn góp nếu pháp luật có liên quan cho phép.
h) Đối với công ty cổ phần, vốn góp cổ phần của các cổ đông được ghi theo giá thực tế phát hành cổ phiếu, nhưng được phản ánh chi tiết theo hai chỉ tiêu riêng: Vốn góp của chủ sở hữu và thặng dư vốn cổ phần:
- Vốn góp của chủ sở hữu được phản ánh theo mệnh giá của cổ phiếu đồng thời được theo dõi chi tiêt đối với cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết và cổ phiếu ưu đãi. Doanh nghiệp phải kế toán chi tiết riêng 2 loại cổ phiếu ưu đãi:
+ Cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu nếu người phát hành không có nghĩa vụ phải mua lại cổ phiếu ưu đãi đó.
+ Cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả nếu bắt buộc người phát hành phải mua lại cổ phiếu ưu đãi đó tại một thời điểm đã được xác định trong tương lai và nghĩa vụ mua lại cổ phiếu phải được ghi rõ ngay trong hồ sơ phát hành tại thời điểm phát hành cổ phiếu.
- Thặng dư vốn cổ phần phản ánh khoản chênh lệch giữa mệnh giá và giá phát hành cổ phiếu (kể cả các trường hợp tái phát hành cổ phiếu quỹ) và có thể là thặng dư dương (nếu giá phát hành cao hơn mệnh giá) hoặc thặng dư âm (nếu giá phát hành thấp hơn mệnh giá).
i) Nguyên tắc xác định và ghi nhận quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu (cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi):
- Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu phát sinh khi doanh nghiệp phát hành loại trái phiếu có thể chuyển đổi thành một số lượng cổ phiếu xác định được quy định sẵn trong phương án phát hành.
- Giá trị cấu phần vốn của trái phiếu chuyển đổi được xác định là phần chênh lệch giữa tổng số tiền thu về từ việc phát hành trái phiếu chuyển đổi và giá trị cấu phần nợ của trái phiếu chuyển đổi (xem quy định của tài khoản 343 – Trái phiếu phát hành).
- Tại thời điểm ghi nhận ban đầu, giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi được ghi nhận riêng biệt trong phần vốn đầu tư của chủ sở hữu. Khi đáo hạn trái phiếu, kế toán chuyển quyền chọn này sang ghi nhận là thặng dư vốn cổ phần.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Bên Nợ: Vốn đầu tư của chủ sở hữu giảm do:
- Hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu vốn;
- Điều chuyển vốn cho đơn vị khác;
- Phát hành cổ phiếu thấp hơn mệnh giá;
- Giải thể, chấm dứt hoạt động doanh nghiệp;
- Bù lỗ kinh doanh theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Huỷ bỏ cổ phiếu quỹ (đối với công ty cổ phần).
Bên Có: Vốn đầu tư của chủ sở hữu tăng do:
- Các chủ sở hữu góp vốn;
- Bổ sung vốn từ lợi nhuận kinh doanh, từ các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu;
- Phát hành cổ phiếu cao hơn mệnh giá;
- Phát sinh quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu;
- Giá trị quà tặng, biếu, tài trợ (sau khi trừ các khoản thuế phải nộp) được ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
Số dư bên Có: Vốn đầu tư của chủ sở hữu hiện có của doanh nghiệp.
Tài khoản 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu, có 4 tài khoản cấp 2:
- TK 4111- Vốn góp của chủ sở hữu: Tài khoản này phản ánh khoản vốn thực đã đầu tư của chủ sở hữu theo Điều lệ công ty của các chủ sở hữu vốn. Đối với các công ty cổ phần thì vốn góp từ phát hành cổ phiếu được ghi vào tài khoản này theo mệnh giá.
Đối với công ty cổ phần, tài khoản 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu có 2 tài khoản cấp 3:
+ Tài khoản 41111 - Cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết: Tài khoản này phản ánh tổng mệnh giá của cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết;
+ Tài khoản 41112 - Cổ phiếu ưu đãi: Tài khoản này phản ánh tổng mệnh giá của cổ phiếu ưu đãi. Doanh nghiệp phải chi tiết cổ phiếu ưu đãi thành 2 nhóm chính: Nhóm được phân loại và trình bày là vốn chủ sở hữu (tại chỉ tiêu 411a của Bảng cân đối kế toán); Nhóm được phân loại và trình bày là nợ phải trả (tại chỉ tiêu 342 của Bảng cân đối kế toán)
- TK 4112- Thặng dư vốn cổ phần: Tài khoản này phản ánh phần chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu; Chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ và giá tái phát hành cổ phiếu quỹ (đối với các công ty cổ phần). Tài khoản này có thể có số dư Có hoặc số dư Nợ
- TK 4113- Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu: Tài khoản này chỉ sử dụng tại bên phát hành trái phiếu chuyển đổi, dùng để phản ánh cấu phần vốn (quyền chọn cổ phiếu) của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo.
Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 4113 – “Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu”
Bên Nợ: Kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu để ghi tăng thặng dư vốn cổ phần tại thời điểm đáo hạn trái phiếu.
Bên Có: Giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi ghi nhận tại thời điểm phát hành.
Số dư bên Có: Giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi tại thời điểm báo cáo.
- TK 4118- Vốn khác: Tài khoản này phản ánh số vốn kinh doanh được hình thành do bổ sung từ kết quả hoạt động kinh doanh hoặc do được tặng, biếu, tài trợ, đánh giá lại tài sản (nếu các khoản này được phép ghi tăng, giảm Vốn đầu tư của chủ sở hữu).
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi thực nhận vốn góp của các chủ sở hữu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu nhận vốn góp bằng tiền)
Nợ các TK 121, 128, 228 (nếu nhận vốn góp bằng cổ phiếu, trái phiếu, các khoản đầu tư vào doanh nghiệp khác)
Nợ các TK 152, 155, 156 (nếu nhận vốn góp bằng hàng tồn kho)
Nợ các TK 211, 213, 217, 241 (nếu nhận vốn góp bằng TSCĐ, BĐSĐT)
Nợ các TK 331, 338, 341 (nếu chuyển vay, nợ phải trả thành vốn góp)
Nợ các TK 4112, 4118 (chênh lệch giữa giá trị tài sản, nợ phải trả được chuyển thành vốn nhỏ hơn giá trị phần vốn được
tính là vốn góp của chủ sở hữu).
Có TK 4111- Vốn góp của chủ sở hữu
Có các TK 4112, 4118 (chênh lệch giữa giá trị tài sản, nợ phải trả được chuyển thành vốn lớn hơn giá trị phần vốn được tính là vốn góp của chủ sở hữu).
3.2. Trường hợp công ty cổ phần phát hành cổ phiếu huy động vốn từ các cổ đông
a) Khi nhận được tiền mua cổ phiếu của các cổ đông với giá phát hành theo mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (mệnh giá)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá).
Công ty cổ phần ghi nhận chi tiết mệnh giá cổ phiếu phổ thông có quyền biểu quyết trên TK 41111; Mệnh giá cổ phiếu ưu đãi trên TK 41112.
b) Khi nhận được tiền mua cổ phiếu của các cổ đông có chênh lệch giữa giá phát hành và mệnh giá cổ phiếu, ghi:
Nợ các TK 111,112 (giá phát hành)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá phát hành > mệnh giá)
c) Các chi phí trực tiếp liên quan đến việc phát hành cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần
Có các TK 111, 112.
3.3. Trường hợp công ty cổ phần phát hành cổ phiếu từ các nguồn thuộc vốn chủ sở hữu:
a) Trường hợp công ty cổ phần được phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn thặng dư vốn cổ phần, kế toán căn cứ vào hồ sơ, chứng từ kế toán liên quan, ghi:
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
b) Trường hợp công ty cổ phần được phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển, ghi:
Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (nếu có).
c) Trường hợp công ty cổ phần được phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (trả cổ tức bằng cổ phiếu) ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu;
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (nếu có).
3.4. Trường hợp công ty cổ phần phát hành cổ phiếu để đầu tư vào doanh nghiệp khác (kể cả trường hợp hợp nhất kinh doanh dưới hình thức phát hành cổ phiếu)
a) Nếu giá phát hành cổ phiếu lớn hơn mệnh giá, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu;
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (nếu có).
b) Nếu giá phát hành cổ phiếu nhỏ hơn mệnh giá, ghi:
Nợ TK 221 - Đầu tư vào công ty con
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (nếu có)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
3.5. Trường hợp công ty cổ phần được phát hành cổ phiếu thưởng từ quỹ khen thưởng để tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 3531 - Quỹ khen thưởng
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá phát hành thấp hơn mệnh giá)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá phát hành > mệnh giá).
3.6. Kế toán cổ phiếu quỹ
a) Khi mua cổ phiếu quỹ, kế toán phản ánh theo giá thực tế mua, ghi:
Nợ TK 419 - Cổ phiếu quỹ
Có các TK 111, 112.
b) Khi tái phát hành cổ phiếu quỹ, ghi:
Nợ các TK 111,112 (giá tái phát hành)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá tái phát hành nhỏ hơn giá ghi sổ)
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (theo giá ghi sổ)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá tái phát hành lớn hơn giá ghi sổ cổ phiếu quỹ).
c) Khi công ty cổ phần huỷ bỏ cổ phiếu quỹ:
Nợ TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá mua lại lớn hơn mệnh giá)
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (theo giá ghi sổ)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá mua lại nhỏ hơn mệnh giá).
3.7. Khi doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ từ các nguồn vốn hợp pháp khác, doanh nghiệp phải kết chuyển sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ các TK 412, 414, 418, 421, 441
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4111).
3.8 Khi công trình xây dựng cơ bản bằng nguồn vốn đầu tư XDCB đã hoàn thành hoặc công việc mua sắm TSCĐ đã xong đưa vào sử dụng cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, quyết toán vốn đầu tư được duyệt, kế toán ghi tăng nguyên giá TSCĐ, đồng thời ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu:
Nợ TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
3.9. Khi nhận được quà biếu, tặng, tài trợ và cơ quan có thẩm quyền yêu cầu ghi tăng vốn Nhà nước, ghi:
Nợ các TK 111,112,153, 211...
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4118).
Các trường hợp khác mà cơ quan có thẩm quyền không yêu cầu ghi tăng vốn Nhà nước thì phản ánh quà biếu, tặng, tài trợ vào thu nhập khác.
3.10. Khi hoàn trả vốn góp cho các chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4111, 4112)
Có các TK 111,112.
3.11. Khi trả lại vốn góp cho chủ sở hữu, ghi:
- Trả lại vốn góp bằng tiền, hàng tồn kho, tài sản ghi:
Nợ TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu
Có các TK 111, 112,152, 155, 156... (giá trị ghi sổ).
- Trả lại vốn góp bằng TSCĐ, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có các TK 211, 213.
- Phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ của tài sản trả cho chủ sở hữu vốn và số vốn góp của chủ sở hữu được ghi nhận vào làm tăng, giảm vốn khác của chủ sở hữu.
3.12. Kế toán quyền chọn chuyển đổi trái phiếu
- Tại thời điểm phát hành trái phiếu có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu, kế toán xác định giá trị phần nợ gốc và quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi bằng cách chiết khấu giá trị danh nghĩa của khoản thanh toán trong tương lai về giá trị hiện tại, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (tổng số thu từ phát hành trái phiếu chuyển đổi)
Có TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi (phần nợ gốc)
Có TK 4113 - Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu (chênh lệch giữa số tiền thu được và nợ gốc trái phiếu chuyển đổi).
- Khi đáo hạn trái phiếu, trường hợp người nắm giữ trái phiếu thực hiện quyền chọn chuyển đổi trái phiếu thành cổ phiếu, kế toán ghi giảm phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi và ghi tăng vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh lệch giữa giá trị cổ phiếu phát hành thêm tính theo mệnh giá và giá trị nợ gốc trái phiếu chuyển đổi).
- Khi đáo hạn trái phiếu, kế toán kết chuyển giá trị quyền chọn cổ phiếu của trái phiếu chuyển đổi vào thặng dư vốn cổ phần (kể cả trường hợp trái chủ không thực hiện quyền chọn), ghi:
Nợ TK 4113 - Quyền chọn chuyển đổi trái phiếu
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần.
3.13. Hướng dẫn kế toán tăng, giảm vốn Nhà nước tại doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước trước khi chuyển thành công ty cổ phần
a) Đối với tài sản phát hiện thừa qua kiểm kê, căn cứ vào “Biên bản xử lý tài sản thừa, thiếu qua kiểm kê”, ghi:
Nợ TK 3381 - Tài sản thừa chờ giải quyết
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (nếu tài sản thừa của người bán)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác(3388)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (đối với tài sản thừa không xác định được nguyên nhân và không tìm được chủ sở hữu).
b) Kế toán chuyển giao vật tư, tài sản không cần dùng, tài sản ứ đọng, tài sản chờ thanh lý chưa được xử lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập khác:
- Trường hợp doanh nghiệp chuyển giao vật tư, hàng hoá không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý chưa được xử lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập khác, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có các TK 152, 153, 155.
- Trường hợp doanh nghiệp chuyển giao tài sản cố định không cần dùng, chờ thanh lý cho tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập khác, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình.
c) Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi
Đối với tài sản là công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn vốn Nhà nước, nếu doanh nghiệp cổ phần hoá tiếp tục sử dụng cho mục đích kinh doanh thì kế toán ghi như sau:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành tài sản cố định
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
d) Kế toán xử lý các khoản nợ phải trả trước khi chuyển thành Công ty cổ phần: Trước khi chuyển thành công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hoá phải xử lý các khoản nợ phải trả, tuỳ thuộc từng khoản nợ và quyết định xử lý:
- Đối với các khoản nợ phải trả nhưng không phải thanh toán mà được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ các TK 331, 338,...
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
- Đối với các khoản nợ phải trả phải thanh toán bằng tiền, tài sản, ghi:
Nợ các TK 331, 338,...
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần hao mòn lũy kế TSCĐ dùng để trả nợ)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 155, 156, 211, 213…
Phần chênh lệch giữa giá trị ghi sổ hoặc giá trị còn lại của tài sản dùng để trả nợ và giá trị ghi sổ của khoản nợ phải trả được xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
đ) Kế toán xử lý các khoản dự phòng trước khi doanh nghiệp chuyển thành Công ty cổ phần: Các khoản dự phòng sau khi bù đắp tổn thất, nếu còn sẽ được hạch toán tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ các TK 229, 352
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
e) Kế toán xử lý số dư chênh lệch tỷ giá hối đoái (nếu có)
- Nếu lãi tỷ giá được ghi tăng vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
- Nếu lỗ tỷ giá được ghi giảm vốn nhà nước, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái.
Trường hợp cơ quan có thẩm quyền có quyết định khác thì các khoản lãi, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái đang phản ánh trong TK 413 được xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền.
g) Kế toán xử lý vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác
- Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá kế thừa vốn đã đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác thì đơn vị phải xác định lại giá trị vốn đầu tư dài hạn tại thời điểm chuyển giao theo quy định của pháp luật.
- Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá không kế thừa các khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác và chuyển giao cho doanh nghiệp nhà nước khác làm đối tác, căn cứ vào biên bản bàn giao ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có các TK 222, 228...
h) Kế toán khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế và giá trị ghi sổ của vốn Nhà nước: Chênh lệch của vốn Nhà nước giữa giá trị thực tế và giá trị ghi trên sổ kế toán được hạch toán như là một khoản lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp, được ghi nhận như sau:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
i) Kế toán chênh lệch tiền thuê đất trả trước: Trường hợp đơn vị đã nộp tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đất hoặc đã nộp trước tiền thuê đất cho nhiều năm trước ngày 01/07/2004 (ngày Luật đất đai có hiệu lực thi hành) mà có chênh lệch tăng do xác định lại đơn giá thuê đất tại thời điểm định giá đối với thời gian còn lại của Hợp đồng thuê đất hoặc thời gian còn lại đã trả tiền thuê đất thì kế toán ghi nhận như sau:
- Trường hợp tiền thuê đất trả trước đã đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình, số chênh lệch tăng ghi:
Nợ TK 213 - Tài sản cố định vô hình
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
- Trường hợp tiền thuê đất trả trước không đủ tiêu chuẩn ghi nhận tài sản cố định vô hình, số chênh lệch tăng ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
k) Kế toán chuyển các nguồn vốn, quỹ thuộc nguồn vốn chủ sở hữu thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần:
Tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, kế toán chuyển toàn bộ số dư Có Quỹ đầu tư phát triển, Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản, Chênh lệch đánh giá lại tài sản và Chênh lệch tỷ giá hối đoái sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ các TK 412, 413, 414, 418, 421, 441
Có TK 411- Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
l) Kế toán tiền thu từ cổ phần hóa
- Khi thu tiền từ bán cổ phần thuộc vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112...
Có TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa.
- Khi thu tiền từ phát hành thêm cổ phần để tăng vốn kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (giá phát hành)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh lệch giữa giá phát hành nhỏ hơn mệnh giá cổ phiếu)
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh lệch giữa giá phát hành lớn hơn mệnh giá cổ phiếu).
m) Bàn giao tài sản, vốn cho công ty cổ phần
- Trường hợp cổ phần hoá doanh nghiệp độc lập: Trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp độc lập, kế toán thực hiện các thủ tục bàn giao theo đúng quy định hiện hành về bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn cho công ty cổ phần. Toàn bộ chứng từ kế toán, sổ kế toán và Báo cáo tài chính của doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc diện phải lưu trữ được chuyển giao cho Công ty cổ phần để lưu trữ tiếp tục.
- Trường hợp cổ phần hóa đơn vị hạch toán phụ thuộc của Công ty Nhà nước độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ, Công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty: Khi bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn cho Công ty cổ phần, căn cứ vào biên bản bàn giao tài sản, các phụ lục chi tiết về tài sản bàn giao cho Công ty cổ phần và các chứng từ, sổ kế toán có liên quan, kế toán phản ánh giảm giá trị tài sản bàn giao cho Công ty cổ phần, ghi;
Nợ các TK 336, 411
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần đã hao mòn)
Nợ các TK 331, 335, 336, 338, 341...
Có các TK 111,112,121,131,152,153,154,155,156,211,213,221,222,...
n) Kế toán tại công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước.
- Mở sổ kế toán mới: Khi nhận tài sản, nợ phải trả, nguồn vốn và hồ sơ kèm theo, Công ty cổ phần phải mở sổ kế toán mới (bao gồm các sổ kế toán tổng hợp và các sổ kế toán chi tiết) để phản ánh giá trị tài sản và nguồn vốn nhận bàn giao.
- Kế toán nhận bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn, ở công ty cổ phần: Khi nhận bàn giao tài sản, nợ phải trả và nguồn vốn, căn cứ vào hồ sơ, biên bản bàn giao, kế toán ghi:
Nợ các TK 111,112,121,131,138,141,152,153,154,155,156,157,211,221…
Có các TK 331, 333, 334, 335, 338, 341,...
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
- Kế toán tại doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc được cổ phần hóa
+ Kế toán tại công ty mẹ của tập đoàn có công ty con được cổ phần hóa: Khi doanh nghiệp thành viên của Tập đoàn đã được cổ phần hoá, công ty mẹ căn cứ vào giá trị phần vốn nhà nước bán ra ngoài ghi giảm giá trị khoản đầu tư và giảm Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 221 - Đầu tư vào Công ty con.
+ Kế toán tại doanh nghiệp có các đơn vị trực thuộc không có tư cách pháp nhân được cổ phần hoá: Khi đơn vị trực thuộc của Tổng công ty, Công ty đã được cổ phần hóa, Tổng công ty, Công ty căn cứ vào giá trị phần vốn nhà nước bán ra ngoài ghi giảm vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 1361 - Vốn kinh doanh ở đơn vị trực thuộc.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản hiện có và tình hình xử lý số chênh lệch đó ở doanh nghiệp. Tài sản được đánh giá lại chủ yếu là TSCĐ, bất động sản đầu tư, một số trường hợp có thể và cần thiết đánh giá lại vật tư, công cụ, dụng cụ, thành phẩm, hàng hóa, sản phẩm dở dang…
b) Chênh lệch đánh giá lại tài sản được phản ánh vào tài khoản này trong các trường hợp sau:
- Khi có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại tài sản;
- Khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước;
- Các trường hợp khác theo quy định của pháp luật
c) Tài khoản này không phản ánh số chênh lệch đánh giá lại khi đưa tài sản đi góp vốn đầu tư vào đơn vị khác, thay đổi hình thức sở hữu. Khoản chênh lệch đánh giá lại trong các trường hợp này được phản ánh vào TK 711 – Thu nhập khác (nếu là lãi) hoặc TK 811 – Chi phí khác (nếu là lỗ).
d) Giá trị tài sản được xác định lại trên cơ sở bảng giá Nhà nước quy định, Hội đồng định giá tài sản hoặc cơ quan thẩm định giá chuyên nghiệp xác định.
đ) Số chênh lệch giá do đánh giá lại tài sản được hạch toán và xử lý theo pháp luật hiện hành.
2.Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Bên Nợ:
- Số chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản;
- Xử lý số chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản.
Bên Có:
- Số chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản;
- Xử lý số chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản.
Tài khoản 412 – Chênh lệch đánh giá lại tài sản, có thể có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có:
Số dư bên Nợ: Số chênh lệch giảm do đánh giá lại tài sản chưa được xử lý.
Số dư bên Có: Số chênh lệch tăng do đánh giá lại tài sản chưa được xử lý.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi có quyết định của Nhà nước về đánh giá lại tài sản cố định, bất động sản đầu tư, vật tư, hàng hóa… hoặc định giá khi tiến hành cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tiến hành kiểm kê, đánh giá lại tài sản và phản ánh số chênh lệch do đánh giá lại tài sản vào sổ kế toán.
- Đánh giá lại vật tư, hàng hóa:
+ Nếu giá đánh giá lại cao hơn trị giá đã ghi sổ kế toán thì số chênh lệch giá tăng, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 155, 156
Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
+ Nếu giá đánh giá lại thấp hơn trị giá đã ghi sổ kế toán thì số chênh lệch giá giảm, ghi:
Nợ TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có các TK 152, 153, 155, 156.
- Đánh giá lại TSCĐ và bất động sản đầu tư: Căn cứ vào bảng tổng hợp kết quả kiểm kê và đánh giá lại TSCĐ, bất động sản đầu tư:
+ Phần nguyên giá, giá trị còn lại, giá trị hao mòn điều chỉnh tăng, ghi:
Nợ các TK 211, 213, 217 (phần nguyên giá điều chỉnh tăng)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần giá trị hao mòn điều chỉnh tăng)
Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị còn lại tăng).
+ Phần nguyên giá, giá trị còn lại, giá trị hao mòn điều chỉnh giảm, ghi:
Nợ TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản (giá trị còn lại điều chỉnh giảm)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (phần giá trị hao mòn điều chỉnh giảm)
Có các TK 211, 213, 217 (phần nguyên giá điều chỉnh giảm)
b) Cuối năm tài chính xử lý chênh lệch đánh giá lại tài sản theo quyết định của cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền:
- Nếu tài khoản 412 có số dư bên Có, và có quyết định bổ sung Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
- Nếu tài khoản 412 có số dư bên Nợ, và có quyết định ghi giảm Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu
Có TK 412 - Chênh lệch đánh giá lại tài sản.
1. Quy định chung về tỷ giá hối đoái và chênh lệch tỷ giá hối đoái
1.1. Chênh lệch tỷ giá hối đoái là chênh lệch phát sinh từ việc trao đổi thực tế hoặc quy đổi cùng một số lượng ngoại tệ sang đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá hối đoái khác nhau. Chênh lệch tỷ giá hối đoái chủ yếu phát sinh trong các trường hợp:
- Thực tế mua bán, trao đổi, thanh toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ trong kỳ;
- Đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;
- Chuyển đổi Báo cáo tài chính được lập bằng ngoại tệ sang Đồng Việt Nam.
1.2. Các loại tỷ giá hối đoái (sau đây gọi tắt là tỷ giá) sử dụng trong kế toán
Các doanh nghiệp có nghiệp vụ kinh tế phát sinh bằng ngoại tệ phải thực hiện ghi sổ kế toán và lập Báo cáo tài chính theo một đơn vị tiền tệ thống nhất là Đồng Việt Nam, hoặc đơn vị tiền tệ chính thức sử dụng trong kế toán. Việc quy đổi đồng ngoại tệ ra đồng Việt Nam phải căn cứ vào:
- Tỷ giá giao dịch thực tế;
- Tỷ giá ghi sổ kế toán.
Khi xác định nghĩa vụ thuế (kê khai, quyết toán và nộp thuế), doanh nghiệp thực hiện theo các quy định của pháp luật về thuế.
1.3. Nguyên tắc xác định tỷ giá giao dịch thực tế:
a) Tỷ giá giao dịch thực tế đối với các giao dịch bằng ngoại tệ phát sinh trong kỳ:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi mua bán ngoại tệ (hợp đồng mua bán ngoại tệ giao ngay, hợp đồng kỳ hạn, hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn, hợp đồng hoán đổi): Là tỷ giá ký kết trong hợp đồng mua, bán ngoại tệ giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại;
- Trường hợp hợp đồng không quy định tỷ giá thanh toán thì doanh nghiệp ghi sổ kế toán theo nguyên tắc:
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi góp vốn hoặc nhận vốn góp: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản để nhận vốn của nhà đầu tư tại ngày góp vốn;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải thu: Là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp chỉ định khách hàng thanh toán tại thời điểm giao dịch phát sinh;
+ Tỷ giá giao dịch thực tế khi ghi nhận nợ phải trả: Là tỷ giá bán của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp dự kiến giao dịch tại thời điểm giao dịch phát sinh.
+ Đối với các giao dịch mua sắm tài sản hoặc các khoản chi phí được thanh toán ngay bằng ngoại tệ (không qua các tài khoản phải trả), tỷ giá giao dịch thực tế là tỷ giá mua của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thực hiện thanh toán.
b) Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ tại thời điểm lập Báo cáo tài chính: Là tỷ giá công bố của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch (do doanh nghiệp tự lựa chọn) theo nguyên tắc:
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là tài sản: Là tỷ giá mua ngoại tệ của ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp thường xuyên có giao dịch tại thời điểm lập Báo cáo tài chính. Đối với các khoản ngoại tệ gửi ngân hàng thì tỷ giá thực tế khi đánh giá lại là tỷ giá mua của chính ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản ngoại tệ.
- Tỷ giá giao dịch thực tế khi đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ được phân loại là nợ phải trả: Là tỷ giá bán ngoại tệ của ngân hàng thương mại tại thời điểm lập Báo cáo tài chính;
- Các đơn vị trong tập đoàn được áp dụng chung một tỷ giá do Công ty mẹ quy định (phải đảm bảo sát với tỷ giá giao dịch thực tế) để đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ phát sinh từ các giao dịch nội bộ.
1.4. Nguyên tắc xác định tỷ giá ghi sổ: Tỷ giá ghi sổ gồm: Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh hoặc tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động (tỷ giá bình quân gia quyền sau từng lần nhập).
- Tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh: Là tỷ giá khi thu hồi các khoản nợ phải thu, các khoản ký cược, ký quỹ hoặc thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, được xác định theo tỷ giá tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc tại thời điểm đánh giá lại cuối kỳ của từng đối tượng.
- Tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động là tỷ giá được sử dụng tại bên Có tài khoản tiền khi thanh toán tiền bằng ngoại tệ, được xác định trên cơ sở lấy tổng giá trị được phản ánh tại bên Nợ tài khoản tiền chia cho số lượng ngoại tệ thực có tại thời điểm thanh toán.
1.5. Nguyên tắc áp dụng tỷ giá trong kế toán
a) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm giao dịch phát sinh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với:
- Các tài khoản phản ánh doanh thu, thu nhập khác. Riêng trường hợp bán hàng hoá, cung cấp dịch vụ hoặc thu nhập có liên quan đến doanh thu nhận trước hoặc giao dịch nhận trước tiền của người mua thì doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền nhận trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước của người mua (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận doanh thu, thu nhập).
- Các tài khoản phản ánh chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí khác. Riêng trường hợp phân bổ khoản chi phí trả trước vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ thì chi phí được ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận chi phí).
- Các tài khoản phản ánh tài sản. Riêng trường hợp tài sản được mua có liên quan đến giao dịch trả trước cho người bán thì giá trị tài sản tương ứng với số tiền trả trước được áp dụng tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm trả trước cho người bán (không áp dụng theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ghi nhận tài sản).
- Tài khoản loại vốn chủ sở hữu;
- Bên Nợ các TK phải thu; Bên Nợ các TK vốn bằng tiền; Bên Nợ các TK phải trả khi phát sinh giao dịch trả trước tiền cho người bán.
- Bên Có các TK phải trả; Bên Có các TK phải thu khi phát sinh giao dịch nhận trước tiền của người mua;
b) Khi phát sinh các giao dịch bằng ngoại tệ, tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán đối với các loại tài khoản sau:
- Bên Có các TK phải thu (ngoại trừ giao dịch nhận trước tiền của người mua); Bên Nợ TK phải thu khi tất toán khoản tiền nhận trước của người mua do đã chuyển giao sản phẩm, hàng hóa, TSCĐ, cung cấp dịch vụ, khối lượng được nghiệm thu; Bên Có các TK khoản ký cược, ký quỹ, chi phí trả trước;
- Bên Nợ các TK phải trả (ngoại trừ giao dịch trả trước tiền cho người bán); Bên Có TK phải trả khi tất toán khoản tiền ứng trước cho người bán do đã nhận được sản phẩm, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ, nghiệm thu khối lượng.
- Trường hợp trong kỳ phát sinh nhiều khoản phải thu hoặc phải trả bằng ngoại tệ với cùng một đối tượng thì tỷ giá ghi sổ thực tế đích danh cho từng đối tượng được xác định trên cơ sở bình quân gia quyền di động của các giao dịch với đối tượng đó.
c) Khi thực hiện thanh toán bằng ngoại tệ, tỷ giá ghi sổ bình quân gia quyền di động được sử dụng để quy đổi ra đồng tiền ghi sổ kế toán ở bên Có các TK tiền.
1.6. Nguyên tắc xác định các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Là các tài sản được thu hồi bằng ngoại tệ hoặc các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ. Các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ có thể bao gồm:
a) Tiền mặt, các khoản tương đương tiền, tiền gửi có kỳ hạn bằng ngoại tệ;
b) Các khoản nợ phải thu, nợ phải trả có gốc ngoại tệ, ngoại trừ:
- Các khoản trả trước cho người bán và các khoản chi phí trả trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc người bán không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và doanh nghiệp sẽ phải nhận lại các khoản trả trước bằng ngoại tệ thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
- Các khoản người mua trả tiền trước và các khoản doanh thu nhận trước bằng ngoại tệ. Trường hợp tại thời điểm lập báo cáo có bằng chứng chắc chắn về việc doanh nghiệp không thể cung cấp hàng hoá, dịch vụ và sẽ phải trả lại các khoản nhận trước bằng ngoại tệ cho người mua thì các khoản này được coi là các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ.
c) Các khoản đi vay, cho vay dưới mọi hình thức được quyền thu hồi hoặc có nghĩa vụ hoàn trả bằng ngoại tệ.
d) Các khoản đặt cọc, ký cược, ký quỹ được quyền nhận lại bằng ngoại tệ; Các khoản nhận ký cược, ký quỹ phải hoàn trả bằng ngoại tệ.
2. Nguyên tắc kế toán chênh lệch tỷ giá
a) Doanh nghiệp đồng thời phải theo dõi nguyên tệ trên sổ kế toán chi tiết các tài khoản: Tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, tiền đang chuyển, các khoản phải thu, các khoản phải trả.
b) Tất cả các khoản chênh lệch tỷ giá đều được phản ánh ngay vào doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi) hoặc chi phí tài chính (nếu lỗ) tại thời điểm phát sinh.
Riêng khoản chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng được tập hợp, phản ánh trên TK 413 và được phân bổ dần vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính khi doanh nghiệp đi vào hoạt động theo nguyên tắc:
- Khoản lỗ tỷ giá lũy kế trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ trực tiếp từ TK 413 vào chi phí tài chính, không thực hiện kết chuyển thông qua TK 242 - chi phí trả trước;
- Khoản lãi tỷ giá lũy kế trong giai đoạn trước hoạt động được phân bổ trực tiếp từ TK 413 vào doanh thu hoạt động tài chính, không thực hiện kết chuyển thông qua TK 3387 – Doanh thu chưa thực hiện;
- Thời gian phân bổ thực hiện theo quy định của pháp luật đối với loại hình doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Riêng số phân bổ khoản lỗ tỷ giá tối thiểu trong từng kỳ phải đảm bảo không nhỏ hơn mức lợi nhuận trước thuế trước khi phân bổ khoản lỗ tỷ giá (sau khi phân bổ lỗ tỷ giá, lợi nhuận trước thuế của báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh bằng không).
c) Doanh nghiệp phải đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá giao dịch thực tế tại tất cả các thời điểm lập Báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật. Đối với các doanh nghiệp đã sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái thì không được đánh giá lại các khoản vay, nợ phải trả có gốc ngoại tệ đã sử dụng công cụ tài chính để dự phòng rủi ro hối đoái.
d) Doanh nghiệp không được vốn hóa các khoản chênh lệch tỷ giá vào giá trị tài sản dở dang.
3. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 413 – Chênh lệch tỷ giá hối đoái
Bên Nợ:
- Lỗ tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
- Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
- Kết chuyển lãi tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính;
Bên Có:
- Lãi tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
- Lãi tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
- Kết chuyển lỗ tỷ giá vào chi phí tài chính;
Tài khoản 413 có thể có số dư bên Nợ hoặc số dư bên Có.
Số dư bên Nợ: Lỗ tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
Số dư bên Có: Lãi tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
Tài khoản 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 4131 - Chênh lệch tỷ giá đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Phản ánh số chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ (lãi, lỗ tỷ giá) cuối năm tài chính của hoạt động kinh doanh, kể cả hoạt động đầu tư XDCB (doanh nghiệp SXKD có cả hoạt động đầu tư XDCB).
- Tài khoản 4132 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái giai đoạn trước hoạt động: Phản ánh số chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh và chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ trong giai đoạn trước hoạt động. Tài khoản này chỉ áp dụng cho doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng.
4. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
4.1. Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ (kể cả chênh lệch tỷ giá trong giai đoạn trước hoạt động của các doanh nghiệp không do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ):
a) Khi mua vật tư, hàng hoá, TSCĐ, dịch vụ thanh toán bằng ngoại tệ:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán).
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
b) Khi mua vật tư, hàng hoá, TSCĐ, dịch vụ của nhà cung cấp chưa thanh toán tiền, khi vay hoặc nhận nợ nội bộ... bằng ngoại tệ, căn cứ tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 153, 156, 211, 627, 641, 642...
Có các TK 331, 341, 336...
c) Khi ứng trước tiền cho người bán bằng ngoại tệ để mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ:
- Kế toán phản ánh số tiền ứng trước cho người bán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế tại ngày ứng trước)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
- Khi nhận vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ từ người bán, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:
+ Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã ứng trước cho người bán, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm ứng trước, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế ngày ứng trước).
+ Đối với giá trị vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ còn nợ chưa thanh toán tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh (ngày giao dịch), ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (tỷ giá giao dịch thực tế tại ngày giao dịch)
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tỷ giá thực tế ngày giao dịch).
d) Khi thanh toán nợ phải trả bằng ngoại tệ (nợ phải trả người bán, nợ vay, nợ thuê tài chính, nợ nội bộ...), ghi:
Nợ các TK 331, 336, 341,... (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá ghi sổ kế toán).
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
e) Khi phát sinh doanh thu, thu nhập khác bằng ngoại tệ, căn cứ tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại ngày giao dịch, ghi:
Nợ các TK 111(1112), 112(1122), 131... (tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)
Có các TK 511, 711 (tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch).
g) Khi nhận trước tiền của người mua bằng ngoại tệ để cung cấp vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ:
- Kế toán phản ánh số tiền nhận trước của người mua theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:
Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
- Khi chuyển giao vật tư, hàng hóa, TSCĐ, dịch vụ cho người mua, kế toán phản ánh theo nguyên tắc:
+ Đối với phần doanh thu, thu nhập tương ứng với số tiền bằng ngoại tệ đã nhận trước của người mua, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận trước, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tỷ giá thực tế thời điểm nhận trước)
Có các TK 511, 711.
+ Đối với phần doanh thu, thu nhập chưa thu được tiền, kế toán ghi nhận theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có các TK 511, 711.
h) Khi thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ, ghi:
Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 131, 136, 138 (tỷ giá ghi sổ kế toán).
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
i) Khi cho vay, đầu tư bằng ngoại tệ, ghi:
Nợ các TK 121, 128, 221, 222, 228 (tỷ giá thực tế tại ngày giao dịch)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
k) Các khoản ký cược, ký quỹ bằng ngoại tệ
- Khi mang ngoại tệ đi ký cược, ký quỹ, ghi:
Nợ TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký cược, ký quỹ
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá ghi sổ kế toán).
- Khi nhận lại tiền ký cược, ký quỹ, ghi:
Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá giao dịch thực tế khi nhận lại)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá)
Có TK 244 - Cầm cố, thế chấp, ký cược, ký quỹ (tỷ giá ghi sổ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá).
4.2. Kế toán chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ
a) Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ theo tỷ giá hối đoái giao dịch thực tế tại thời điểm báo cáo:
- Nếu phát sinh lãi tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ các TK 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341,..
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
- Nếu phát sinh lỗ tỷ giá hối đoái, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có các TK 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341,...
b) Kế toán xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái phát sinh do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ: Kế toán kết chuyển toàn bộ khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái đánh giá lại (theo số thuần sau khi bù trừ số phát sinh bên Nợ và bên Có của TK 4131) vào chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá hối đoái), hoặc doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá hối đoái) để xác định kết quả hoạt động kinh doanh:
- Kết chuyển lãi tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính vào doanh thu hoạt động tài chính, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu lãi tỷ giá hối đoái).
- Kết chuyển lỗ tỷ giá hối đoái đánh giá lại cuối năm tài chính vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá hối đoái)
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
c) Kế toán chênh lệch tỷ giá phát sinh trong giai đoạn trước hoạt động của doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có thực hiện dự án, công trình trọng điểm quốc gia gắn với nhiệm vụ ổn định kinh tế vĩ mô, an ninh, quốc phòng:
Đơn vị áp dụng tất cả các quy định về tỷ giá và nguyên tắc kế toán như đối với các doanh nghiệp khác, ngoại trừ:
- Việc ghi nhận khoản lãi tỷ giá khi phát sinh được phản ánh vào bên Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái;
- Việc ghi nhận khoản lỗ tỷ giá khi phát sinh được phản ánh vào bên Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái;
Khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, kế toán kết chuyển khoản chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính hoặc chi phí tài chính.
d) Xử lý số chênh lệch tỷ giá còn lại trên TK 242 - Chi phí trả trước và TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện:
- Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang phản ánh trên tài khoản 242 trước thời điểm thông tư này có hiệu lực) phải kết chuyển toàn bộ số lỗ chênh lệch tỷ giá vào chi phí tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
- Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lãi chênh lệch tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang phản ánh trên tài khoản 3387 trước thời điểm thông tư này có hiệu lực) phải kết chuyển toàn bộ số lãi chênh lệch tỷ giá vào doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
b) Quỹ đầu tư phát triển được trích lập từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp và được sử dụng vào việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc đầu tư chiều sâu của doanh nghiệp.
c) Việc trích và sử dụng quỹ đầu tư phát triển phải theo chính sách tài chính hiện hành đối với từng loại doanh nghiệp hoặc quyết định của chủ sở hữu.
d) Doanh nghiệp không tiếp tục trích Quỹ dự phòng tài chính. Chủ sở hữu doanh nghiệp ra quyết định chuyển số dư Quỹ dự phòng tài chính vào Quỹ đầu tư phát triển.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Bên Nợ: Tình hình chi tiêu, sử dụng quỹ đầu tư phát triển của doanh nghiệp.
Bên Có: Quỹ đầu tư phát triển tăng do được trích lập từ lợi nhuận sau thuế.
Số dư bên Có: Số quỹ đầu tư phát triển hiện có.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trong kỳ, khi tạm trích lập quỹ đầu tư phát triển từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
b) Cuối năm, xác định số quỹ đầu tư phát triển được trích, kế toán tính số được trích thêm, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
c) Trường hợp công ty cổ phần phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển, ghi:
Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (theo mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (phần chênh lệch giữa giá phát hành cao hơn mệnh giá, nếu có).
d) Chuyển số dư quỹ dự phòng tài chính: Số dư quỹ dự phòng tài chính hiện có tại doanh nghiệp được kết chuyển sang quỹ đầu tư phát triển, ghi:
Nợ TK 415 - Quỹ dự phòng tài chính
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
đ) Khi doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ từ Quỹ đầu tư phát triển, doanh nghiệp phải kết chuyển sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình trích lập và sử dụng “Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp” tại các công ty TNHH một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ theo quy định của pháp luật.
b) Việc quản lý và sử dụng Quỹ; Báo cáo, quyết toán; Lưu trữ hồ sơ, chứng từ phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật hiện hành. Đơn vị quản lý Quỹ phải mở tài khoản riêng để theo dõi các khoản thu, chi của Quỹ; Mở sổ kế toán để hạch toán rõ ràng, đầy đủ, kịp thời các giao dịch phát sinh.
c) Nguồn thu của Quỹ có thể bao gồm các khoản, như:
- Thu từ cổ phần hóa; Thu từ các hình thức sắp xếp, chuyển đổi doanh nghiệp;
- Kinh phí hỗ trợ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Lãi tiền gửi của Quỹ tại ngân hàng;
- Tiền phạt chậm nộp;
- Các khoản khác theo quy định của pháp luật.
d) Nội dung chi Quỹ
- Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu, giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề tài chính theo quy định của pháp luật;
- Bổ sung vốn điều lệ cho các đơn vị theo quy định của pháp luật;
- Điều chuyển, đầu tư vào doanh nghiệp theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền;
- Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
2. Kết cấu và nội dụng phản ánh của tài khoản 417 - Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Bên Nợ: Các khoản chi từ Quỹ theo quy định của pháp luật.
Bên Có: Các khoản thu của Quỹ
Số dư bên Có: Số dư Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp hiện có cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Kế toán số thu về cổ phần hóa:
Nợ TK 1385 - Phải thu về cổ phần hoá
Có TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
b) Kế toán phản ánh số thu của Quỹ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138
Có TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
c) Căn cứ vào báo cáo quyết toán các khoản chi thực hiện chính sách đối với người lao động tại doanh nghiệp cổ phần hoá và chi phí cổ phần hoá do doanh nghiệp cổ phần hóa lập, kế toán tại Công ty mẹ, Tập đoàn, Tổng Công ty Nhà nước phản ánh số thu từ chênh lệch thu, chi cổ phần hoá doanh nghiệp và phản ánh số đã chi trả cho người lao động, số chi phí cổ phần hoá, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.
Có TK 1385 - Phải thu về cổ phần hoá.
d) Khi điều chuyển Quỹ hoặc chi tiền từ Quỹ theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền, ghi:
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Có các TK 111, 112.
đ) Khi có phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ sung vốn điều lệ cho các Tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, Công ty mẹ, kế toán ghi:
Nợ TK 417 - Quỹ Hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
1. Nguyên tắc kế toán
Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm các quỹ khác thuộc nguồn vốn chủ sở hữu. Các quỹ khác thuộc nguồn vốn chủ sở hữu được hình thành từ lợi nhuận sau thuế. Việc trích và sử dụng quỹ khác thuộc nguồn vốn chủ sở hữu phải theo chính sách tài chính hiện hành đối với từng loại doanh nghiệp hoặc theo quyết định của chủ sở hữu.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 418 – Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu
Bên Nợ: Tình hình chi tiêu, sử dụng các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.
Bên Có: Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu tăng do được trích lập từ lợi nhuận sau thuế.
Số dư bên Có: Số quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu hiện có.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trích lập quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu từ lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 418 - Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.
b) Khi sử dụng quỹ, ghi:
Nợ TK 418 - Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu
Có các TK111, 112.
c) Khi doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ từ các Quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu, doanh nghiệp phải kết chuyển sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 418 - Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4111).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hiện có và tình hình biến động tăng giảm của số cổ phiếu do các công ty cổ phần mua lại trong số cổ phiếu do công ty đó đã phát hành ra công chúng để sau đó sẽ tái phát hành lại (gọi là cổ phiếu quỹ).
Cổ phiếu quỹ là cổ phiếu do công ty phát hành và được mua lại bởi chính công ty phát hành, nhưng nó không bị huỷ bỏ và sẽ được tái phát hành trở lại trong khoảng thời gian theo quy định của pháp luật về chứng khoán. Các cổ phiếu quỹ do công ty nắm giữ không được nhận cổ tức, không có quyền bầu cử hay tham gia chia phần tài sản khi công ty giải thể. Khi chia cổ tức cho các cổ phần, các cổ phiếu quỹ đang do công ty nắm giữ được coi là cổ phiếu chưa bán.
b) Giá trị cổ phiếu quỹ được phản ánh trên tài khoản này theo giá thực tế mua lại bao gồm giá mua lại và các chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua lại cổ phiếu, như chi phí giao dịch, thông tin…
c) Cuối kỳ kế toán, khi lập Báo cáo tài chính, giá trị thực tế của cổ phiếu quỹ được ghi giảm Vốn đầu tư của chủ sở hữu trên Bảng CĐKT bằng cách ghi số âm (...).
d) Tài khoản này không phản ánh trị giá cổ phiếu mà công ty mua của các công ty cổ phần khác vì mục đích nắm giữ đầu tư
đ) Trị giá vốn của cổ phiếu quỹ khi tái phát hành, hoặc khi sử dụng để trả cổ tức, thưởng... được tính theo phương pháp bình quân gia quyền.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 419 – Cổ phiếu quỹ
Bên nợ: Trị giá thực tế cổ phiếu quỹ khi mua vào.
Bên Có: Trị giá thực tế cổ phiếu quỹ được tái phát hành, chia cổ tức hoặc huỷ bỏ.
Số dư bên Nợ: Trị giá thực tế cổ phiếu quỹ hiện đang do công ty nắm giữ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Kế toán mua lại cổ phiếu do chính công ty đã phát hành:
- Khi công ty đã hoàn tất các thủ tục mua lại số cổ phiếu do chính công ty phát hành theo luật định, kế toán thực hiện thủ tục thanh toán tiền cho các cổ đông theo giá thoả thuận mua, bán và nhận cổ phiếu về, ghi:
Nợ TK 419 - Cổ phiếu quỹ (giá mua lại cổ phiếu)
Có các TK 111, 112.
- Trong quá trình mua lại cổ phiếu, khi phát sinh chi phí liên quan trực tiếp đến việc mua lại cổ phiếu, ghi:
Nợ TK 419 - Cổ phiếu quỹ
Có các TK 111, 112.
b) Tái phát hành cổ phiếu quỹ:
- Khi tái phát hành cổ phiếu quỹ với giá cao hơn giá thực tế mua lại, ghi:
Nợ các TK 111,112 (tổng giá thanh toán tái phát hành cổ phiếu)
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu)
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu (4112) (số chênh lệch giữa giá tái phát hành cao hơn giá thực tế mua lại cổ phiếu).
- Khi tái phát hành cổ phiếu quỹ ra thị trường với giá thấp hơn giá thực tế mua vào cổ phiếu, ghi:
Nợ các TK 111,112 (tổng giá thanh toán tái phát hành cổ phiếu)
Nợ TK 4112- Thặng dư vốn cổ phần (giá tái phát hành thấp hơn giá mua lại)
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu).
c) Khi huỷ bỏ số cổ phiếu quỹ, ghi:
Nợ TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá của số cổ phiếu huỷ bỏ);
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (giá mua lại cao hơn mệnh giá)
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (giá thực tế mua lại cổ phiếu).
d) Khi có quyết định của Hội đồng quản trị (đã thông qua Đại hội cổ đông) chia cổ tức bằng cổ phiếu quỹ:
- Trường hợp giá phát hành cổ phiếu quỹ tại ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu cao hơn giá thực tế mua vào của cổ phiếu quỹ, ghi:
Nợ TK 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (giá phát hành cổ phiếu)
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (theo giá thực tế mua lại cổ phiếu quỹ)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ thấp hơn giá phát hành tại ngày trả cổ tức).
- Trường hợp giá phát hành cổ phiếu quỹ tại ngày trả cổ tức bằng cổ phiếu thấp hơn giá thực tế mua vào của cổ phiếu quỹ, ghi:
Nợ TK 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (giá phát hành cổ phiếu)
Nợ TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lệch giữa giá mua lại cổ phiếu quỹ cao hơn giá phát hành tại ngày trả cổ tức).
Có TK 419 - Cổ phiếu quỹ (theo giá thực tế mua cổ phiếu quỹ).
a) Tài khoản này dùng để phản ánh kết quả kinh doanh (lãi, lỗ) sau thuế thu nhập doanh nghiệp và tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ của doanh nghiệp.
b) Việc phân chia lợi nhuận hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp phải đảm bảo rõ ràng, rành mạch và theo đúng chính sách tài chính hiện hành.
c) Phải hạch toán chi tiết kết quả hoạt động kinh doanh của từng năm tài chính (năm trước, năm nay), đồng thời theo dõi chi tiết theo từng nội dung phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp (trích lập các quỹ, bổ sung Vốn đầu tư của chủ sở hữu, chia cổ tức, lợi nhuận cho các cổ đông, cho các nhà đầu tư).
d) Khi áp dụng hồi tố do thay đổi chính sách kế toán và điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của các năm trước nhưng năm nay mới phát hiện dẫn đến phải điều chỉnh số dư đầu năm phần lợi nhuận chưa phân chia thì kế toán phải điều chỉnh tăng hoặc giảm số dư đầu năm của TK 4211 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước” trên sổ kế toán và điều chỉnh tăng hoặc giảm chỉ tiêu “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối” trên Bảng Cân đối kế toán theo quy định tại Chuẩn mực kế toán “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót” và Chuẩn mực kế toán “Thuế thu nhập doanh nghiệp”.
đ) Công ty mẹ được phân phối lợi nhuận cho chủ sở hữu không vượt quá mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất sau khi đã loại trừ ảnh hưởng của các khoản lãi do ghi nhận từ giao dịch mua giá rẻ (bất lợi thương mại hay còn gọi là lợi thế thương mại âm). Trường hợp mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính hợp nhất cao hơn mức lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính của riêng công ty mẹ và nếu số lợi nhuận quyết định phân phối vượt quá số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trên Báo cáo tài chính riêng, công ty mẹ chỉ thực hiện việc phân phối sau khi đã điều chuyển lợi nhuận từ các công ty con về công ty mẹ.
Đối với tất cả các doanh nghiệp, khi phân phối lợi nhuận cần cân nhắc đến các khoản mục phi tiền tệ nằm trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối có thể ảnh hưởng đến luồng tiền và khả năng chi trả cổ tức, lợi nhuận của doanh nghiệp, như:
- Khoản lãi do đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn; do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ; do đánh giá lại các công cụ tài chính;
- Các khoản mục phi tiền tệ khác…
e) Trong hoạt động hợp đồng hợp tác kinh doanh (BCC) chia lợi nhuận sau thuế, doanh nghiệp phải theo dõi riêng kết quả của BCC làm căn cứ để phân phối lợi nhuận hoặc chia lỗ cho các bên. Doanh nghiệp là bên nộp và quyết toán thuế TNDN thay các bên trong BCC chỉ phản ánh phần lợi nhuận tương ứng với phần của mình được hưởng, không được phản ánh toàn bộ kết quả của BCC trên tài khoản này trừ khi có quyền kiểm soát đối với BCC.
g) Đối với cổ tức ưu đãi phải trả: Doanh nghiệp phải loại khoản cổ tức ưu đãi phải trả theo bản chất của cổ phiếu ưu đãi và nguyên tắc:
- Nếu cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, kế toán không ghi nhận cổ tức phải trả từ lợi nhuận sau thuê chưa phân phối;
- Nếu cổ phiếu ưu đãi được phân loại là vốn chủ sở hữu, khoản cổ tức ưu đãi phải trả được kế toán tương tự như việc trả cổ tức của cổ phiếu phổ thông.
h) Doanh nghiệp phải theo dõi trong hệ thống quản trị nội bộ số lỗ tính thuế và số lỗ không tính thuế, trong đó:
- Khoản lỗ tính thuế là khoản lỗ tạo ra bởi các khoản chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;
- Khoản lỗ không tính thuế là khoản lỗ tạo ra bởi các khoản chi phí không được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế.
Khi chuyển lỗ theo quy định của pháp luật, doanh nghiệp chỉ được chuyển phần lỗ tính thuế làm căn cứ giảm trừ số thuế phải nộp trong tương lai.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 421 – Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Bên Nợ:
- Số lỗ về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
- Trích lập các quỹ của doanh nghiệp;
- Chia cổ tức, lợi nhuận cho các chủ sở hữu;
- Bổ sung vốn đầu tư của chủ sở hữu;
Bên Có:
- Số lợi nhuận thực tế của hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong kỳ;
- Số lỗ của cấp dưới được cấp trên cấp bù;
- Xử lý các khoản lỗ về hoạt động kinh doanh.
Tài khoản 421 có thể có số dư Nợ hoặc số dư Có.
Số dư bên Nợ: Số lỗ hoạt động kinh doanh chưa xử lý.
Số dư bên Có: Số lợi nhuận sau thuế chưa phân phối hoặc chưa sử dụng.
Tài khoản 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 4211 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước: Phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh, tình hình phân chia lợi nhuận hoặc xử lý lỗ thuộc các năm trước. Tài khoản 4211 còn dùng để phản ánh số điều chỉnh tăng hoặc giảm số dư đầu năm của TK 4211 khi áp dụng hồi tố do thay đổi chính sách kế toán và điều chỉnh hồi tố các sai sót trọng yếu của năm trước, năm nay mới phát hiện.
Đầu năm sau, kế toán kết chuyển số dư đầu năm từ TK 4212 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay” sang TK 4211 “Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước”.
- Tài khoản 4212 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay: Phản ánh kết quả kinh doanh, tình hình phân chia lợi nhuận và xử lý lỗ của năm nay.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh:
- Trường hợp lãi, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421- Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (4212).
- Trường hợp lỗ, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (4212)
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
b) Khi có quyết định hoặc thông báo trả cổ tức, lợi nhuận được chia cho các chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388).
Khi trả tiền cổ tức, lợi nhuận, ghi:
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388)
Có các TK 111, 112,... (số tiền thực trả).
c) Trường hợp Công ty cổ phần trả cổ tức bằng cổ phiếu (phát hành thêm cổ phiếu từ nguồn Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối) ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 4111- Vốn góp của chủ sở hữu (mệnh giá)
Có TK 4112 - Thặng dư vốn cổ phần (số chênh lêch giữa giá phát hành cao hơn mệnh giá) (nếu có).
d) Các doanh nghiệp không phải là công ty cổ phần khi quyết định bổ sung vốn đầu tư của chủ sở hữu từ lợi nhuận hoạt động kinh doanh (phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp), ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu.
đ) Khi trích quỹ từ kết quả hoạt động kinh doanh (phần lợi nhuận để lại của doanh nghiệp), ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển.
Có TK 418 - Các quỹ khác thuộc vốn chủ sở hữu.
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (3531, 3532, 3534).
e) Đầu năm tài chính, kết chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay sang lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước, ghi:
- Trường hợp TK 4212 có số dư Có (lãi), ghi:
Nợ TK 4212 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay
Có TK 4211 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước.
- Trường hợp TK 4212 có số dư Nợ (lỗ), ghi:
Nợ TK 4211 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm trước
Có TK 4212 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối năm nay.
g) Kế toán xử lý lợi nhuận sau thuế chưa phân phối trước khi chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần
- Kế toán xử lý các khoản nợ phải trả trước khi chuyển thành công ty cổ phần
Đối với các khoản nợ vay Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã quá hạn nhưng do doanh nghiệp bị lỗ, không còn vốn nhà nước, không thanh toán được, doanh nghiệp phải làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi vay ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi có quyết định xoá nợ lãi vay, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (lãi vay được xóa)
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí các kỳ trước nay được xóa)
Có TK 635 - Chi phí tài chính (phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí tài chính trong kỳ này).
- Kế toán khoản chênh lệch giữa giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp 100% Vốn Nhà nước chuyển sang Công ty cổ phần so với giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.
+ Trường hợp giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển thành Công ty cổ phần lớn hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì số chênh lệch tăng (lãi) phải nộp vào quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp theo quy định của pháp luật (như tại Tập đoàn, Tổng công ty, công ty mẹ hoặc quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng Công ty đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước), ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 3385 - Phải trả về cổ phần hoá.
+ Trường hợp giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang Công ty cổ phần nhỏ hơn giá trị thực tế phần vốn Nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thì phản ánh số chênh lệch giảm (lỗ), ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1388)
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
+ Trường hợp chênh lệch giảm do nguyên nhân khách quan, hoặc chủ quan nhưng vì lý do bất khả kháng mà người có trách nhiệm bồi thường không có khả năng thực hiện việc bồi thường và đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định sử dụng số tiền thu từ bán cổ phần này để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi phần được bảo hiểm bồi thường (nếu có) ghi:
Nợ TK 3385 - Phải trả về cổ phần hóa
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
- Kế toán chuyển lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thành vốn nhà nước tại doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần: Tại thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần, kế toán chuyển toàn bộ số dư Có Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình tăng, giảm nguồn vốn đầu tư XDCB của doanh nghiệp. Nguồn vốn đầu tư XDCB của doanh nghiệp được hình thành do Ngân sách cấp hoặc đơn vị cấp trên cấp. Vốn đầu tư XDCB của đơn vị được dùng cho việc đầu tư xây dựng mới, cải tạo, mở rộng cơ sở sản xuất, kinh doanh và mua sắm TSCĐ để đổi mới công nghệ. Công tác đầu tư XDCB ở doanh nghiệp phải chấp hành và tôn trọng các quy định về quản lý đầu tư và xây dựng cơ bản hiện hành.
b) Mỗi khi công tác xây dựng và mua sắm TSCĐ hoàn thành, tài sản được bàn giao đưa vào sử dụng cho sản xuất, kinh doanh, kế toán phải tiến hành các thủ tục quyết toán vốn đầu tư của từng công trình, hạng mục công trình. Khi quyết toán vốn đầu tư được duyệt, kế toán phải ghi giảm nguồn vốn đầu tư XDCB, ghi tăng Vốn đầu tư của chủ sở hữu .
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 441 – Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản
Bên Nợ: Số vốn đầu tư XDCB giảm do:
- Xây dựng mới và mua sắm TSCĐ hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng và quyết toán vốn đầu tư đã được duyệt;
- Nộp lại số vốn đầu tư XDCB sử dụng không hết cho đơn vị cấp trên, cho Nhà nước.
Bên Có: Nguồn vốn đầu tư XDCB tăng do:
- Ngân sách Nhà nước hoặc cấp trên cấp vốn đầu tư XDCB;
- Nhận vốn đầu tư XDCB do được tài trợ, viện trợ;
- Bổ sung từ quỹ đầu tư phát triển.
Số dư bên Có: Số vốn đầu tư XDCB hiện có của doanh nghiệp chưa sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng công tác XDCB chưa hoàn thành hoặc đã hoàn thành nhưng quyết toán chưa được duyệt.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Nhận được vốn đầu tư XDCB bằng tiền mặt, tiền gửi Ngân hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB.
b) Trường hợp nhận vốn đầu tư XDCB do Ngân sách cấp theo dự toán được giao:
- Khi được giao dự toán chi đầu tư XDCB, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về khoản mục này trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Khi rút dự toán chi đầu tư XDCB để sử dụng, căn cứ vào tình hình sử dụng dự toán chi đầu tư xây dựng để hạch toán vào các tài khoản có liên quan, ghi:
Nợ TK 111- Tiền mặt
Nợ các TK 152, 153, 331,...
Nợ TK 133- Thuế GTGT được khấu trừ
Nợ TK 241- XDCB dở dang (rút dự toán chi trực tiếp)
Có TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB.
c) Khi chưa được giao dự toán chi đầu tư XDCB, đơn vị được Kho bạc cho tạm ứng vốn đầu tư, khi nhận được vốn tạm ứng của Kho bạc, ghi:
Nợ các TK 111,112
Có TK 338- Phải trả, phải nộp khác (3388).
d) Khi dự toán chi đầu tư XDCB được giao, đơn vị phải thực hiện các thủ tục thanh toán để hoàn trả Kho bạc khoản vốn đã tạm ứng. Khi được Kho bạc chấp nhận các chứng từ thanh toán, ghi:
Nợ TK 338- Phải trả, phải nộp khác (3388)
Có TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB.
đ) Nhận vốn đầu tư XDCB để trả các khoản vay, nợ ghi:
Nợ các TK 336, 338, 341...
Có TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB.
e) Bổ sung vốn đầu tư XDCB bằng quỹ đầu tư phát triển, ghi:
Nợ TK 414 - Quỹ đầu tư phát triển
Có TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB.
g) Khi công tác xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định bằng nguồn vốn đầu tư XDCB hoàn thành, bàn giao đưa vào sản xuất, kinh doanh: Kế toán ghi tăng giá trị TSCĐ do đầu tư XDCB, mua sắm TSCĐ hoàn thành, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
h) Khi trả lại vốn đầu tư XDCB cho Ngân sách Nhà nước, cho đơn vị cấp trên, ghi:
Nợ TK 441 - Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có các TK 111, 112.
i) Khi doanh nghiệp bổ sung vốn điều lệ từ nguồn vốn đầu tư XDCB, doanh nghiệp phải kết chuyển sang Vốn đầu tư của chủ sở hữu, ghi:
Nợ TK 441- Nguồn vốn đầu tư XDCB
Có TK 4111 - Vốn góp của chủ sở hữu (4111).
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tình hình tiếp nhận, sử dụng và quyết toán số kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án của đơn vị. Tài khoản này chỉ sử dụng ở các đơn vị được Nhà nước hoặc đơn vị cấp trên cấp phát kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án.
Nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án là khoản kinh phí do Ngân sách Nhà nước hoặc cấp trên cấp cho đơn vị, hoặc được Chính phủ, các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài viện trợ, tài trợ trực tiếp thực hiện các chương trình mục tiêu, dự án đã được duyệt, để thực hiện những nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội do Nhà nước hoặc cấp trên giao không vì mục đích lợi nhuận. Việc sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án phải theo đúng dự toán được duyệt và phải quyết toán với cơ quan cấp kinh phí. Nguồn kinh phí sự nghiệp cũng có thể được hình thành từ các khoản thu sự nghiệp phát sinh tại đơn vị, như thu viện phí của công nhân viên chức trong ngành nằm điều trị, điều dưỡng tại bệnh viện của đơn vị, thu học phí, thu lệ phí...
b) Nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án phải được hạch toán chi tiết theo từng nguồn hình thành: Ngân sách Nhà nước cấp, đơn vị cấp trên cấp, nhận viện trợ, tài trợ của tổ chức, cá nhân, từ thu sự nghiệp của đơn vị. Đồng thời, phải hạch toán chi tiết, tách bạch nguồn kinh phí sự nghiệp năm nay và kinh phí sự nghiệp năm trước.
c) Nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án phải được sử dụng đúng mục đích, nội dung hoạt động, đúng tiêu chuẩn, định mức của Nhà nước, của đơn vị cấp trên và trong phạm vi dự toán đã được duyệt.
d) Trường hợp nguồn kinh phí được NSNN cấp thì tùy theo từng phương thức cấp phát kinh phí sự nghiệp của Ngân sách Nhà nước để ghi sổ kế toán:
- Nếu Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí bằng lệnh chi tiền, khi nhận được giấy báo Có, số tiền đã vào tài khoản của đơn vị, kế toán đồng thời ghi tăng tiền gửi và ghi tăng nguồn kinh phí sự nghiệp;
- Nếu Ngân sách Nhà nước cấp kinh phí bằng hình thức giao dự toán chi sự nghiệp, dự án, khi nhận được thông báo hoặc khi rút dự toán chi sự nghiệp, dự án để chi, đơn vị phải thuyết minh trên Báo cáo tài chính, đồng thời ghi Có TK 461 "Nguồn kinh phí sự nghiệp" đối ứng với các TK có liên quan.
đ) Cuối mỗi năm tài chính, đơn vị phải làm thủ tục quyết toán tình hình tiếp nhận và sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp với cơ quan tài chính, cơ quan chủ quản và với từng cơ quan, tổ chức cấp phát kinh phí theo chính sách tài chính hiện hành. Số kinh phí sử dụng chưa hết được xử lý theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Đơn vị chỉ được chuyển sang năm sau số kinh phí sự nghiệp, dự án chưa sử dụng hết khi được cơ quan hoặc cấp có thẩm quyền chấp nhận.
e) Cuối năm tài chính, nếu số chi hoạt động bằng nguồn kinh phí sự nghiệp chưa được duyệt quyết toán, thì kế toán kết chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp năm nay sang nguồn kinh phí sự nghiệp năm trước.
2. Kết cấu và nội dung phải ánh của tài khoản 461 – Nguồn kinh phí sự nghiệp
Bên Nợ:
- Số chi bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án đã được duyệt quyết toán với nguồn kinh phí sự nghiệp, nguồn kinh phí dự án;
- Số kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án sử dụng không hết hoàn lại cho NSNN hoặc nộp trả cấp trên.
Bên Có:
- Số kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án đã thực nhận của Ngân sách hoặc cấp trên;
- Các khoản thu sự nghiệp phát sinh tại đơn vị được bổ sung nguồn kinh phí sự nghiệp.
Số dư bên Có: Số kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án đã nhận của Ngân sách hoặc cấp trên cấp nhưng chưa sử dụng hoặc đã sử dụng nhưng chưa được quyết toán.
Tài khoản 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 4611 - Nguồn kinh phí sự nghiệp năm trước: Phản ánh số kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án thuộc năm trước đã sử dụng nhưng báo cáo quyết toán năm trước chưa được duyệt và số kinh phí sự nghiệp năm trước chưa sử dụng hết. Khi báo cáo quyết toán năm trước được duyệt, số chi bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án năm trước sẽ được chuyển trừ vào tài khoản 461 "Nguồn kinh phí sự nghiệp" (4611- Nguồn kinh phí sự nghiệp năm trước). Còn số kinh phí sự nghiệp năm trước chưa sử dụng hết, tùy theo quyết định của cơ quan tài chính hoặc cấp có thẩm quyền, phải nộp lại ngân sách hoặc chuyển thành nguồn kinh phí năm nay.
- Tài khoản 4612 - Nguồn kinh phí sự nghiệp năm nay: Phản ánh nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án đã được Ngân sách hoặc cấp trên cấp trong năm nay, kể cả các khoản kinh phí sự nghiệp năm trước chưa sử dụng hết khi xét duyệt báo cáo quyết toán được chuyển thành khoản kinh phí của năm nay. Hết niên độ kế toán, sang đầu năm sau số kinh phí thuộc năm nay, nếu chưa được quyết toán sẽ được chuyển từ tài khoản 4612 "Nguồn kinh phí sự nghiệp năm nay" sang tài khoản 4611 "Nguồn kinh phí sự nghiệp năm trước" để theo dõi cho đến khi báo cáo quyết toán năm trước được duyệt.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Nhận kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án do Ngân sách Nhà nước cấp bằng lệnh chi tiền hoặc kinh phí sự nghiệp do cấp trên cấp bằng tiền, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612).
b) Khi rút dự toán chi sự nghiệp, dự án về nhập quỹ hoặc mua vật tư, dụng cụ hoặc thanh toán trực tiếp cho người bán hàng, hoặc chi trực tiếp, ghi:
Nợ TK 111 - Tiền mặt
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp (1612)
Nợ các TK 152, 153, ...
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612).
c) Các khoản thu sự nghiệp phát sinh tại đơn vị (nếu có), ghi:
Nợ các TK 111, 112, ...
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612).
d) Nhận kinh phí sự nghiệp bằng TSCĐ do Ngân sách cấp, đơn vị cấp trên cấp hoặc được viện trợ không hoàn lại bằng TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, hoạt động dự án, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp.
Đồng thời, ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp
Có TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
đ) Cuối kỳ kế toán năm, đơn vị còn có số dư tiền mặt, tiền gửi thuộc nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án nếu phải nộp trả số kinh phí sự nghiệp sử dụng không hết cho Ngân sách Nhà nước hoặc cấp trên, khi nộp trả, ghi:
Nợ TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp
Có các TK 111, 112.
Nếu số kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án sử dụng không hết được giữ lại để chuyển thành nguồn kinh phí năm sau thì không thực hiện bút toán trên.
e) Khi báo cáo quyết toán chi sự nghiệp, chi dự án được duyệt ngay trong năm, ghi:
Nợ TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612)
Có TK 161 - Chi sự nghiệp (1612) (số chi được duyệt).
g) Nếu đến cuối năm báo cáo quyết toán chi sự nghiệp, dự án chưa được duyệt:
- Kết chuyển chi sự nghiệp, chi dự án năm nay thành chi sự nghiệp, chi dự án năm trước, ghi:
Nợ TK 161- Chi sự nghiệp (1611 - Chi sự nghiệp năm trước)
Có TK 161- Chi sự nghiệp (1612 - Chi sự nghiệp năm nay).
- Đồng thời kết chuyển nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án năm nay thành nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án năm trước, ghi:
Nợ TK 461- Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612)
Có TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4611).
h) Khi báo cáo quyết toán chi sự nghiệp, chi dự án năm trước được duyệt, ghi:
Nợ TK 461 - Nguồn kinh phí sự nghiệp (4611)
Có TK 161 - Chi sự nghiệp (1611).
i) Nguồn kinh phí sự nghiệp của năm trước được xác định còn thừa khi xét duyệt báo cáo quyết toán năm, được chuyển thành nguồn kinh phí sự nghiệp năm nay, ghi:
Nợ TK 461- Nguồn kinh phí sự nghiệp (4611)
Có TK 461- Nguồn kinh phí sự nghiệp (4612).
a) Tài khoản này dùng để phản ánh số hiện có và tình hình biến động tăng, giảm nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ. Chỉ ghi tăng nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ khi đơn vị mua sắm TSCĐ, đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp, cải tạo, mở rộng được ghi tăng nguyên giá TSCĐ bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án được cấp từ NSNN hoặc nhận viện trợ, tài trợ, đưa vào sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án.
b) Ghi giảm nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ khi tính hao mòn TSCĐ hoặc nhượng bán, thanh lý, phát hiện thiếu TSCĐ khi kiểm kê, nộp trả Nhà nước hoặc điều chuyển TSCĐ cho đơn vị khác theo lệnh của cấp trên, của Nhà nước.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 466 - Nguồn kinh phí hình thành tài sản cố định
Bên Nợ: Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ giảm, gồm:
- Nộp trả Nhà nước hoặc điều chuyển TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp,hoạt động dự án theo quyết định của cơ quan Nhà nước hoặc cấp có thẩm quyền;
- Tính hao mòn TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án;
- Nhượng bán, thanh lý TSCĐ, phát hiện thiếu TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án;
- Giá trị còn lại của TSCĐ giảm do đánh giá lại.
Bên Có: Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ tăng, gồm:
- Đầu tư, mua sắm TSCĐ hoàn thành đưa vào sử dụng hoạt động sự nghiệp, dự án:
- Được cấp kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án, được viện trợ không hoàn lại bằng TSCĐ;
- Giá trị còn lại của TSCĐ tăng do đánh giá lại.
Số dư bên Có: Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ hiện có ở đơn vị.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Trường hợp được Ngân sách Nhà nước, đơn vị cấp trên cấp kinh phí bằng TSCĐ hoặc dùng kinh phí sự nghiệp, dự án, viện trợ không hoàn lại để mua sắm TSCĐ, đầu tư XDCB, khi việc mua TSCĐ, đầu tư XDCB hoàn thành tài sản được đưa vào sử dụng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Nợ TK 213 - TSCĐ vô hình
Có các TK 111, 112, 241, 331, 461,...
Đồng thời ghi:
Nợ TK 161 - Chi sự nghiệp
Có TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ.
b) Cuối kỳ kế toán năm tính hao mòn TSCĐ đầu tư, mua sắm bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án, ghi:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
c) Khi nhượng bán, thanh lý TSCĐ dùng cho hoạt động sự nghiệp, dự án:
- Ghi giảm TSCĐ nhượng bán, thanh lý:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
- Số thu, các khoản chi và chênh lệch thu, chi về nhượng bán, thanh lý TSCĐ đầu tư bằng nguồn kinh phí sự nghiệp, kinh phí dự án, được xử lý và hạch toán theo quyết định thanh lý, nhượng bán TSCĐ của cấp có thẩm quyền.
d) Kế toán chuyển giao tài sản là các công trình phúc lợi: Đối với tài sản là công trình phúc lợi được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước tiếp tục sử dụng cho mục đích kinh doanh, kế toán ghi:
Nợ TK 466 - Nguồn kinh phí đã hình thành TSCĐ
Có TK 411 - Vốn đầu tư của chủ sở hữu.
1. Doanh thu là lợi ích kinh tế thu được làm tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp ngoại trừ phần đóng góp thêm của các cổ đông. Doanh thu được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh, khi chắc chắn thu được lợi ích kinh tế, được xác định theo giá trị hợp lý của các khoản được quyền nhận, không phân biệt đã thu tiền hay sẽ thu được tiền.
2. Doanh thu và chi phí tạo ra khoản doanh thu đó phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào chất bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.
- Một hợp đồng kinh tế có thể bao gồm nhiều giao dịch. Kế toán phải nhận biết các giao dịch để áp dụng các điều kiện ghi nhận doanh thu phù hợp với quy định của Chuẩn mực kế toán “Doanh thu”.
- Doanh thu phải được ghi nhận phù hợp với bản chất hơn là hình thức hoặc tên gọi của giao dịch và phải được phân bổ theo nghĩa vụ cung ứng hàng hóa, dịch vụ.
+ Ví dụ khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại khi mua sản phẩm hàng hóa của đơn vị (như mua 2 sản phẩm được tặng thêm một sản phẩm) thì bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán, sản phẩm tặng miễn phí cho khách hàng về hình thức được gọi là khuyến mại nhưng về bản chất là bán vì khách hàng sẽ không được hưởng nếu không mua sản phẩm. Trường hợp này giá trị sản phẩm tặng cho khách hàng được phản ánh vào giá vốn và doanh thu tương ứng với giá trị hợp lý của sản phẩm đó phải được ghi nhận.
+ Ví dụ: Trường hợp bán sản phẩm, hàng hóa kèm theo sản phẩm, hàng hóa, thiết bị thay thế (phòng ngừa trong những trường hợp sản phẩm, hàng hóa bị hỏng hóc) thì phải phân bổ doanh thu cho sản phẩm, hàng hóa được bán và sản phẩm hàng hóa, thiết bị giao cho khách hàng để thay thế phòng ngừa hỏng hóc. Giá trị của sản phảm, hàng hóa, thiết bị thay thế được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
- Đối với các giao dịch làm phát sinh nghĩa vụ của người bán ở thời điểm hiện tại và trong tương lai, doanh thu phải được phân bổ theo giá trị hợp lý của từng nghĩa vụ và được ghi nhận khi nghĩa vụ đã được thực hiện.
3. Doanh thu, lãi hoặc lỗ chỉ được coi là chưa thực hiện nếu doanh nghiệp còn có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ trong tương lai (trừ nghĩa vụ bảo hành thông thường) và chưa chắc chắn thu được lợi ích kinh tế; Việc phân loại các khoản lãi, lỗ là thực hiện hoặc chưa thực hiện không phụ thuộc vào việc đã phát sinh dòng tiền hay chưa.
Các khoản lãi, lỗ phát sinh do đánh giá lại tài sản, nợ phải trả không được coi là chưa thực hiện do tại thời điểm đánh giá lại, đơn vị đã có quyền đối với tài sản và đã có nghĩa vụ nợ hiện tại đối với các khoản nợ phải trả, ví dụ: Các khoản lãi, lỗ phát sinh do đánh giá lại tài sản mang đi góp vốn đầu tư vào đơn vị khác, đánh giá lại các tài sản tài chính theo giá trị hợp lý, chênh lệch tỷ giá do đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ… đều được coi là đã thực hiện.
4. Doanh thu không bao gồm các khoản thu hộ bên thứ ba, ví dụ;
- Các loại thuế gián thu (thuế GTGT, thuế xuất khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường) phải nộp;
- Số tiền người bán hàng đại lý thu hộ bên chủ hàng do bán hàng đại lý;
- Các khoản phụ thu và phí thu thêm ngoài giá bán đơn vị không được hưởng;
- Các trường hợp khác.
Trường hợp các khoản thuế gián thu phải nộp mà không tách riêng ngay được tại thời điểm phát sinh giao dịch thì để thuận lợi cho công tác kế toán, có thể ghi nhận doanh thu trên sổ kế toán bao gồm cả số thuế gián thu nhưng định kỳ kế toán phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế gián thu phải nộp. Tuy nhiên, khi lập Báo cáo tài chính kế toán bắt buộc phải xác định và loại bỏ toàn bộ số thuế gián thu phải nộp ra khỏi các chỉ tiêu phản ánh doanh thu gộp.
5. Thời điểm, căn cứ để ghi nhận doanh thu kế toán và doanh thu tính thuế có thể khác nhau tùy vào từng tình huống cụ thể. Doanh thu tính thuế chỉ được sử dụng để xác định số thuế phải nộp theo luật định; Doanh thu ghi nhận trên sổ kế toán để lập Báo cáo tài chính phải tuân thủ các nguyên tắc kế toán và tùy theo từng trường hợp không nhất thiết phải bằng số đã ghi trên hóa đơn bán hàng.
6. Khi luân chuyển sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ giữa các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp, tùy theo đặc điểm hoạt động, phân cấp quản lý của từng đơn vị, doanh nghiệp có thể quyết định việc ghi nhận doanh thu tại các đơn vị nếu có sự gia tăng trong giá trị sản phẩm, hàng hóa giữa các khâu mà không phụ thuộc vào chứng từ kèm theo (xuất hóa đơn hay chứng từ nội bộ). Khi lập Báo cáo tài chính tổng hợp, tất cả các khoản doanh thu giữa các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp đều phải được loại trừ.
7. Doanh thu được ghi nhận chỉ bao gồm doanh thu của kỳ báo cáo. Các tài khoản phản ánh doanh thu không có số dư, cuối kỳ kế toán phải kết chuyển doanh thu để xác định kết quả kinh doanh.
1.1. Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán, bao gồm cả doanh thu bán hàng hoá, sản phẩm và cung cấp dịch vụ cho công ty mẹ, công ty con trong cùng tập đoàn.
1.2. Tài khoản này phản ánh doanh thu của hoạt động sản xuất, kinh doanh từ các giao dịch và các nghiệp vụ sau:
a) Bán hàng: Bán sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra, bán hàng hoá mua vào và bán bất động sản đầu tư;
b) Cung cấp dịch vụ: Thực hiện công việc đã thoả thuận theo hợp đồng trong một kỳ, hoặc nhiều kỳ kế toán, như cung cấp dịch vụ vận tải, du lịch, cho thuê TSCĐ theo phương thức cho thuê hoạt động, doanh thu hợp đồng xây dựng....
c) Doanh thu khác.
1.3. Điều kiện ghi nhận doanh thu
a) Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu bán hàng khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:
- Doanh nghiệp đã chuyển giao phần lớn rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu sản phẩm, hàng hóa cho người mua;
- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý hàng hóa như người sở hữu hoặc quyền kiểm soát hàng hóa;
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá, đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại sản phẩm, hàng hoá (trừ trường hợp khách hàng có quyền trả lại hàng hóa dưới hình thức đổi lại để lấy hàng hóa, dịch vụ khác);
- Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán hàng;
- Xác định được các chi phí liên quan đến giao dịch bán hàng.
b) Doanh nghiệp chỉ ghi nhận doanh thu cung cấp dịch vụ khi đồng thời thỏa mãn các điều kiện sau:
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn. Khi hợp đồng quy định người mua được quyền trả lại dịch vụ đã mua theo những điều kiện cụ thể, doanh nghiệp chỉ được ghi nhận doanh thu khi những điều kiện cụ thể đó không còn tồn tại và người mua không được quyền trả lại dịch vụ đã cung cấp;
- Doanh nghiệp đã hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch cung cấp dịch vụ đó;
- Xác định được phần công việc đã hoàn thành vào thời điểm báo cáo;
- Xác định được chi phí phát sinh cho giao dịch và chi phí để hoàn thành giao dịch cung cấp dịch vụ đó.
1.4. Trường hợp hợp đồng kinh tế bao gồm nhiều giao dịch, doanh nghiệp phải nhận biết các giao dịch để ghi nhận doanh thu phù hợp với Chuẩn mực kế toán, ví dụ:
- Trường hợp hợp đồng kinh tế quy định việc bán hàng và cung cấp dịch vụ sau bán hàng (ngoài điều khoản bảo hành thông thường), doanh nghiệp phải ghi nhận riêng doanh thu bán hàng và doanh thu cung cấp dịch vụ;
- Trường hợp hợp đồng quy định bên bán hàng chịu trách nhiệm lắp đặt sản phẩm, hàng hóa cho người mua thì doanh thu chỉ được ghi nhận sau khi việc lắp đặt được thực hiện xong.
- Trường hợp doanh nghiệp có nghĩa vụ phải cung cấp cho người mua hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá trong giao dịch dành cho khách hàng truyền thống, kế toán chỉ ghi nhận doanh thu đối với hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí đó cho đến khi đã thực hiện nghĩa vụ với người mua.
1.5. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ thuần mà doanh nghiệp thực hiện được trong kỳ kế toán có thể thấp hơn doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ ghi nhận ban đầu do các nguyên nhân: Doanh nghiệp chiết khấu thương mại, giảm giá hàng đã bán cho khách hàng hoặc hàng đã bán bị trả lại (do không đảm bảo điều kiện về quy cách, phẩm chất ghi trong hợp đồng kinh tế);
Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
- Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo.
- Trường hợp Sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh.
1.6. Doanh thu trong một số trường hợp được xác định như sau:
1.6.1. Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ không bao gồm các khoản thuế gián thu phải nộp, như thuế GTGT (kể cả trường hợp nộp thuế GTGT theo phương pháp trực tiếp), thuế TTĐB, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường.
Trường hợp không tách ngay được số thuế gián thu phải nộp tại thời điểm ghi nhận doanh thu, kế toán được ghi nhận doanh thu bao gồm cả số thuế phải nộp và định kỳ phải ghi giảm doanh thu đối với số thuế gián thu phải nộp. Khi lập báo cáo kết quả kinh doanh, chỉ tiêu “Doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ” và chỉ tiêu “Các khoản giảm trừ doanh thu” đều không bao gồm số thuế gián thu phải nộp trong kỳ do về bản chất các khoản thuế gián thu không được coi là một bộ phận của doanh thu.
1.6.2. Trường hợp trong kỳ doanh nghiệp đã viết hoá đơn bán hàng và đã thu tiền bán hàng nhưng đến cuối kỳ vẫn chưa giao hàng cho người mua hàng, thì trị giá số hàng này không được coi là đã bán trong kỳ và không được ghi vào tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” mà chỉ hạch toán vào bên Có tài khoản 131 “Phải thu của khách hàng” về khoản tiền đã thu của khách hàng. Khi thực giao hàng cho người mua sẽ hạch toán vào tài khoản 511“Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” về trị giá hàng đã giao, đã thu trước tiền bán hàng, phù hợp với các điều kiện ghi nhận doanh thu.
1.6.3. Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm....) thì kế toán phải phân bổ số tiền thu được để tính doanh thu cho cả hàng khuyến mại, giá trị hàng khuyến mại được tính vào giá vốn hàng bán (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).
1.6.4. Trường hợp doanh nghiệp có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế. Trường hợp có nhận tiền ứng trước của khách hàng bằng ngoại tệ thì doanh thu tương ứng với số tiền ứng trước được quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận ứng trước.
1.6.5. Doanh thu bán bất động sản của doanh nghiệp là chủ đầu tư phải thực hiện theo nguyên tắc:
a) Đối với các công trình, hạng mục công trình mà doanh nghiệp là chủ đầu tư (kể cả các công trình, hạng mục công trình doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa tự thi công), doanh nghiệp không được ghi nhận doanh thu bán bất động sản theo Chuẩn mực kế toán Hợp đồng xây dựng và không được ghi nhận doanh thu đối với số tiền thu trước của khách hàng theo tiến độ. Việc ghi nhận doanh thu bán bất động sản phải đảm bảo thoả mãn đồng thời 5 điều kiện sau:
- Bất động sản đã hoàn thành toàn bộ và bàn giao cho người mua, doanh nghiệp đã chuyển giao rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu bất động sản cho người mua;
- Doanh nghiệp không còn nắm giữ quyền quản lý bất động sản như người sở hữu bất động sản hoặc quyền kiểm soát bất động sản;
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
- Doanh nghiệp đã thu được hoặc sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán bất động sản;
- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán bất động sản.
b) Đối với các công trình, hạng mục công trình mà doanh nghiệp là chủ đầu tư (kể cả các công trình, hạng mục công trình doanh nghiệp vừa là chủ đầu tư, vừa tự thi công), trường hợp khách hàng có quyền hoàn thiện nội thất của bất động sản và doanh nghiệp thực hiện việc hoàn thiện nội thất của bất động sản theo đúng thiết kế, mẫu mã, yêu cầu của khách hàng thì doanh nghiệp được ghi nhận doanh thu khi hoàn thành, bàn giao phần xây thô cho khách hàng. Trường hợp này, doanh nghiệp phải có hợp đồng hoàn thiện nội thất bất động sản riêng với khách hàng, trong đó quy định rõ yêu cầu của khách hàng về thiết kế, kỹ thuật, mẫu mã, hình thức hoàn thiện nội thất bất động sản và biên bản bàn giao phần xây thô cho khách hàng.
c) Đối với bất động sản phân lô bán nền, nếu đã chuyển giao nền đất cho khách hàng (không phụ thuộc đã làm xong thủ tục pháp lý về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hay chưa) và hợp đồng không hủy ngang, chủ đầu tư được ghi nhận doanh thu đối với nền đất đã bán khi thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
- Đã chuyển giao rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sử dụng đất cho người mua;
- Doanh thu được xác định tương đối chắc chắn;
- Xác định được chi phí liên quan đến giao dịch bán nền đất;
- Doanh nghiệp đã thu được hoặc chắc chắn sẽ thu được lợi ích kinh tế từ giao dịch bán nền đất.
1.6.6. Đối với hàng hoá nhận bán đại lý, ký gửi theo phương thức bán đúng giá hưởng hoa hồng, doanh thu là phần hoa hồng bán hàng mà doanh nghiệp được hưởng.
1.6.7. Đối với hoạt động dịch vụ ủy thác xuất nhập khẩu, doanh thu là phí ủy thác đơn vị được hưởng.
1.6.8. Đối với đơn vị nhận gia công vật tư, hàng hoá, doanh thu là số tiền gia công thực tế được hưởng, không bao gồm giá trị vật tư, hàng hoá nhận gia công.
1.6.9. Trường hợp bán hàng theo phương thức trả chậm, trả góp, doanh thu được xác định theo giá bán trả tiền ngay;
1.6.10. Nguyên tắc ghi nhận doanh thu đối với giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo chương trình dành cho khách hàng truyền thống:
a) Đặc điểm của giao dịch bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ theo chương trình dành cho khách hàng truyền thống: Giao dịch theo chương trình dành cho khách hàng truyền thống phải thỏa mãn đồng thời tất cả các điều kiện sau:
- Khi mua hàng hóa, dịch vụ, khách hàng được tích điểm thưởng để khi đạt đủ số điểm theo quy định sẽ được nhận một lượng hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc được giảm giá chiết khấu;
- Người bán phải xác định được giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ sẽ phải cung cấp miễn phí hoặc số tiền sẽ chiết khấu, giảm giá cho người mua khi người mua đạt được các điều kiện của chương trình (tích đủ điểm thưởng);
- Chương trình phải có giới hạn về thời gian cụ thể, rõ ràng, nếu quá thời hạn theo quy định của chương trình mà khách hàng chưa đáp ứng được các điều kiện đặt ra thì người bán sẽ không còn nghĩa vụ phải cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc giảm giá, chiết khấu cho người mua (số điểm thưởng của người mua tích lũy hết giá trị sử dụng);
- Sau khi nhận hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc được chiết khấu giảm giá, người mua bị trừ số điểm tích lũy theo quy định của chương trình (đổi điểm tích lũy để lấy hàng hóa, dịch vụ hoặc số tiền chiết khấu, giảm giá khi mua hàng).
- Việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá cho người mua khi đạt đủ số điểm thưởng có thể được thực hiện bởi chính người bán hoặc một bên thứ ba theo quy định của chương trình.
b) Nguyên tắc kế toán
- Tại thời điểm bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, người bán phải xác định riêng giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí hoặc số tiền phải chiết khấu, giảm giá cho người mua khi người mua đạt được các điều kiện theo quy định của chương trình.
- Doanh thu được ghi nhận là tổng số tiền phải thu hoặc đã thu trừ đi giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí hoặc số phải chiết khấu, giảm giá cho người mua. Giá trị của hàng hóa, dịch vụ phải cung cấp miễn phí hoặc số phải chiết khấu, giảm giá cho người mua được ghi nhận là doanh thu chưa thực hiện. Nếu hết thời hạn của chương trình mà người mua không đạt đủ điều kiện theo quy định và không được hưởng hàng hóa dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu giảm giá, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển vào doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ.
- Khi người mua đạt được các điều kiện theo quy định của chương trình, việc xử lý khoản doanh thu chưa thực hiện được thực hiện như sau:
+ Trường hợp người bán trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá cho người mua: Khoản doanh thu chưa thực hiện tương ứng với giá trị hợp lý của số hàng hóa, dịch vụ cung cấp miễn phí hoặc số phải giảm giá, chiết khấu cho người mua được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ khi người mua đã nhận được hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc được chiết khấu, giảm giá theo quy định của chương trình.
+ Trường hợp bên thứ ba có nghĩa vụ cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá cho người mua: Nếu hợp đồng giữa người bán và bên thứ ba đó không mang tính chất hợp đồng đại lý, khi bên thứ ba thực hiện việc cung cấp hàng hóa, dịch vụ, chiết khấu giảm giá, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển sang doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ. Nếu hợp đồng mang tính đại lý, chỉ phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải trả cho bên thứ ba mới được ghi nhận là doanh thu. Số tiền thanh toán cho bên thứ ba được coi như việc thanh toán khoản nợ phải trả.
1.6.11. Nguyên tắc ghi nhận và xác định doanh thu của hợp đồng xây dựng
a) Doanh thu của hợp đồng xây dựng bao gồm:
- Doanh thu ban đầu được ghi trong hợp đồng;
- Các khoản tăng, giảm khi thực hiện hợp đồng, các khoản tiền thưởng và các khoản thanh toán khác nếu các khoản này có khả năng làm thay đổi doanh thu, và có thể xác định được một cách đáng tin cậy:
+ Doanh thu của hợp đồng có thể tăng hay giảm ở từng thời kỳ, ví dụ: Nhà thầu và khách hàng có thể đồng ý với nhau về các thay đổi và các yêu cầu làm tăng hoặc giảm doanh thu của hợp đồng trong kỳ tiếp theo so với hợp đồng được chấp thuận lần đầu tiên; Doanh thu đã được thoả thuận trong hợp đồng với giá cố định có thể tăng vì lý do giá cả tăng lên; Doanh thu theo hợp đồng có thể bị giảm do nhà thầu không thực hiện đúng tiến độ hoặc không đảm bảo chất lượng xây dựng theo thoả thuận trong hợp đồng; Khi hợp đồng với giá cố định quy định mức giá cố định cho một đơn vị sản phẩm hoàn thành thì doanh thu theo hợp đồng sẽ tăng hoặc giảm khi khối lượng sản phẩm tăng hoặc giảm.
+ Khoản tiền thưởng là các khoản phụ thêm trả cho nhà thầu nếu nhà thầu thực hiện hợp đồng đạt hay vượt mức yêu cầu. Khoản tiền thưởng được tính vào doanh thu của hợp đồng xây dựng khi có đủ 2 điều kiện: (i) Chắc chắn đạt hoặc vượt mức một số tiêu chuẩn cụ thể đã được ghi trong hợp đồng; (ii) Khoản tiền thưởng được xác định một cách đáng tin cậy.
- Khoản thanh toán khác mà nhà thầu thu được từ khách hàng hay một bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá hợp đồng. Ví dụ: Sự chậm trễ do khách hàng gây nên; Sai sót trong các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc thiết kế và các tranh chấp về các thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng. Việc xác định doanh thu tăng thêm từ các khoản thanh toán trên còn tuỳ thuộc vào rất nhiều yếu tố không chắc chắn và thường phụ thuộc vào kết quả của nhiều cuộc đàm phán. Do đó, các khoản thanh toán khác chỉ được tính vào doanh thu của hợp đồng xây dựng khi:
+ Các cuộc thoả thuận đã đạt được kết quả là khách hàng sẽ chấp thuận bồi thường;
+ Khoản thanh toán khác được khách hàng chấp thuận và có thể xác định được một cách đáng tin cậy.
b) Ghi nhận doanh thu của hợp đồng xây dựng theo 1 trong 2 trường hợp sau:
- Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì doanh thu của hợp đồng xây dựng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành do nhà thầu tự xác định vào ngày lập Báo cáo tài chính mà không phụ thuộc vào hoá đơn thanh toán theo tiến độ kế hoạch đã lập hay chưa và số tiền ghi trên hoá đơn là bao nhiêu;
- Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, thì doanh thu và chi phí liên quan đến hợp đồng được ghi nhận tương ứng với phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận trong kỳ phản ánh trên hoá đơn đã lập.
c) Khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng không thể ước tính được một cách đáng tin cậy, thì:
- Doanh thu chỉ được ghi nhận tương đương với chi phí của hợp đồng đã phát sinh mà việc được hoàn trả là tương đối chắc chắn;
- Chi phí của hợp đồng chỉ được ghi nhận là chi phí trong kỳ khi các chi phí này đã phát sinh.
1.6.12. Đối với trường hợp cho thuê tài sản, có nhận trước tiền cho thuê của nhiều kỳ thì việc ghi nhận doanh thu được thực hiện theo nguyên tắc phân bổ số tiền cho thuê nhận trước phù hợp với thời gian cho thuê.
Trường hợp thời gian cho thuê chiếm trên 90% thời gian sử dụng hữu ích của tài sản, doanh nghiệp có thể lựa chọn phương pháp ghi nhận doanh thu một lần đối với toàn bộ số tiền cho thuê nhận trước nếu thỏa mãn đồng thời các điều kiện sau:
+ Bên đi thuê không có quyền hủy ngang hợp đồng thuê và doanh nghiệp cho thuê không có nghĩa vụ phải trả lại số tiền đã nhận trước trong mọi trường hợp và dưới mọi hình thức;
+ Số tiền nhận trước từ việc cho thuê không nhỏ hơn 90% tổng số tiền cho thuê dự kiến thu được theo hợp đồng trong suốt thời hạn cho thuê và bên đi thuê phải thanh toán toàn bộ số tiền thuê trong vòng 12 tháng kể từ thời điểm khởi đầu thuê tài sản;
+ Hầu như toàn bộ rủi ro và lợi ích gắn liền với quyền sở hữu tài sản thuê đã chuyển giao cho bên đi thuê;
+ Doanh nghiệp cho thuê phải ước tính được tương đối đầy đủ giá vốn của hoạt động cho thuê.
Các doanh nghiệp ghi nhận doanh thu trên tổng số tiền nhận trước trong trường hợp này phải thuyết minh trên Báo cáo tài chính về:
+ Chênh lệch về doanh thu và lợi nhuận nếu ghi nhận theo phương pháp phân bổ dần theo thời gian cho thuê;
+ Ảnh hưởng của việc ghi nhận doanh thu trong kỳ đối với khả năng tạo tiền, rủi ro trong việc suy giảm doanh thu, lợi nhuận của các kỳ trong tương lai.
1.6.13. Đối với doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước, được Nhà nước trợ cấp, trợ giá theo quy định thì doanh thu trợ cấp, trợ giá là số tiền được Nhà nước chính thức thông báo, hoặc thực tế trợ cấp, trợ giá.
1.6.14. Trường hợp bán sản phẩm, hàng hóa kèm theo sản phẩm, hàng hóa, thiết bị thay thế (phòng ngừa trong những trường hợp sản phẩm, hàng hóa bị hỏng hóc) thì phải phân bổ doanh thu cho sản phẩm, hàng hóa được bán và sản phẩm hàng hóa, thiết bị giao cho khách hàng để thay thế phòng ngừa hỏng hóc. Giá trị của sản phẩm, hàng hóa, thiết bị thay thế được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
1.6.15. Đối với khoản phí quản lý đầu tư xây dựng:
- Đối với các doanh nghiệp được giao quản lý các dự án đầu tư, xây dựng sử dụng nguồn vốn NSNN hoặc vốn trái phiếu Chính phủ, trái phiếu địa phương, trường hợp lập dự toán chi phí quản lý dự án theo các quy định của Nhà nước về đầu tư xây dựng sử dụng vốn NSNN thì khoản kinh phí quản lý dự án được NSNN bồi hoàn không được hạch toán là doanh thu mà ghi giảm chi phí quản lý dự án.
- Trường hợp doanh nghiệp làm nhiệm vụ quản lý dự án theo hợp đồng tư vấn thì số thu theo hợp đồng được ghi nhận là doanh thu cung cấp dịch vụ.
1.6.16. Không ghi nhận doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ đối với:
- Trị giá hàng hoá, vật tư, bán thành phẩm xuất giao cho bên ngoài gia công chế biến; Trị giá hàng gửi bán theo phương thức gửi bán đại lý, ký gửi (chưa được xác định là đã bán);
- Số tiền thu được từ việc bán sản phẩm sản xuất thử;
- Các khoản doanh thu hoạt động tài chính;
- Các khoản thu nhập khác.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 511 – Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Bên Nợ:
- Các khoản thuế gián thu phải nộp (GTGT, TTĐB, XK, BVMT);
- Doanh thu hàng bán bị trả lại kết chuyển cuối kỳ;
- Khoản giảm giá hàng bán kết chuyển cuối kỳ;
- Khoản chiết khấu thương mại kết chuyển cuối kỳ;
- Kết chuyển doanh thu thuần vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
Bên Có: Doanh thu bán sản phẩm, hàng hoá, bất động sản đầu tư và cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp thực hiện trong kỳ kế toán.
Tài khoản 511 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ, có 6 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 5111 - Doanh thu bán hàng hoá: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của khối lượng hàng hoá được xác định là đã bán trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp. Tài khoản này chủ yếu dùng cho các ngành kinh doanh hàng hoá, vật tư, lương thực,...
- Tài khoản 5112 - Doanh thu bán các thành phẩm: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của khối lượng sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm) được xác định là đã bán trong một kỳ kế toán của doanh nghiệp. Tài khoản này chủ yếu dùng cho các ngành sản xuất vật chất như: Công nghiệp, nông nghiệp, xây lắp, ngư nghiệp, lâm nghiệp,...
- Tài khoản 5113 - Doanh thu cung cấp dịch vụ: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu và doanh thu thuần của khối lượng dịch vụ đã hoàn thành, đã cung cấp cho khách hàng và được xác định là đã bán trong một kỳ kế toán. Tài khoản này chủ yếu dùng cho các ngành kinh doanh dịch vụ như: Giao thông vận tải, bưu điện, du lịch, dịch vụ công cộng, dịch vụ khoa học, kỹ thuật, dịch vụ kế toán, kiểm toán,...
- Tài khoản 5114 - Doanh thu trợ cấp, trợ giá: Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản doanh thu từ trợ cấp, trợ giá của Nhà nước khi doanh nghiệp thực hiện các nhiệm vụ cung cấp sản phẩm, hàng hoá và dịch vụ theo yêu cầu của Nhà nước.
- Tài khoản 5117 - Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu cho thuê bất động sản đầu tư và doanh thu bán, thanh lý bất động sản đầu tư.
- Tài khoản 5118 - Doanh thu khác: Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản doanh thu ngoài doanh thu bán hàng hoá, doanh thu bán thành phẩm, doanh thu cung cấp dịch vụ, doanh thu được trợ cấp trợ giá và doanh thu kinh doanh bất động sản như: Doanh thu bán vật liệu, phế liệu, nhượng bán công cụ, dụng cụ và các khoản doanh thu khác.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Doanh thu của khối lượng sản phẩm (thành phẩm, bán thành phẩm), hàng hoá, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ kế toán:
a) Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, bất động sản đầu tư thuộc đối tượng chịu thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế xuất khẩu, thuế bảo vệ môi trường, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ theo giá bán chưa có thuế, các khoản thuế gián thu phải nộp (chi tiết từng loại thuế) được tách riêng ngay khi ghi nhận doanh thu (kể cả thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp), ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Trường hợp không tách ngay được các khoản thuế phải nộp, kế toán ghi nhận doanh thu bao gồm cả thuế phải nộp. Định kỳ kế toán xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và ghi giảm doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.2. Trường hợp, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ phát sinh bằng ngoại tệ:
- Ngoài việc ghi sổ kế toán chi tiết số nguyên tệ đã thu hoặc phải thu, kế toán phải căn cứ vào tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh nghiệp vụ kinh tế để quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán để hạch toán vào tài khoản 511 "Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ".
- Trường hợp có nhận tiền ứng trước của khách hàng bằng ngoại tệ thì doanh thu tương ứng với số tiền ứng trước được quy đổi ra đơn vị tiền tệ kế toán theo tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm nhận ứng trước.
3.3. Đối với giao dịch hàng đổi hàng không tương tự:
Khi xuất sản phẩm, hàng hoá đổi lấy vật tư, hàng hoá, TSCĐ không tương tự, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng để đổi lấy vật tư, hàng hoá, TSCĐ khác theo giá trị hợp lý tài sản nhận về sau khi điều chỉnh các khoản tiền thu thêm hoặc trả thêm. Trường hợp không xác định được giá trị hợp lý tài sản nhận về thì doanh thu xác định theo giá trị hợp lý của tài sản mang đi trao đổi sau khi điều chỉnh các khoản tiền thu thêm hoặc trả thêm
- Khi ghi nhận doanh thu, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá chưa có thuế)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng mang đi trao đổi, ghi:
Nợ TK 632 Giá vốn hàng bán
Có các TK 155, 156
- Khi nhận vật tư, hàng hoá, TSCĐ do trao đổi, kế toán phản ánh giá trị vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhận được do trao đổi, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211,... (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng (tổng giá thanh toán).
- Trường hợp được thu thêm tiền do giá trị hợp lý của sản phẩm, hàng hoá đưa đi trao đổi lớn hơn giá trị hợp lý của vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhận được do trao đổi thì khi nhận được tiền của bên có vật tư, hàng hoá, TSCĐ trao đổi, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (số tiền đã thu thêm)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
- Trường hợp phải trả thêm tiền do giá trị hợp lý của sản phẩm, hàng hoá đưa đi trao đổi nhỏ hơn giá trị hợp lý của vật tư, hàng hoá, TSCĐ nhận được do trao đổi thì khi trả tiền cho bên có vật tư, hàng hoá, TSCĐ trao đổi, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có các TK 111, 112, ...
3.4. Khi bán hàng hoá theo phương thức trả chậm, trả góp:
- Khi bán hàng trả chậm, trả góp, kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế, ghi :
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (giá bán trả tiền ngay chưa có thuế)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3331, 3332).
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa tổng số tiền theo giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay).
Định kỳ, ghi nhận doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi trả chậm, trả góp).
3.5. Trường hợp bán sản phẩm, hàng hóa kèm theo sản phẩm, hàng hóa, thiết bị thay thế:
a) Kế toán phản ánh giá vốn hàng bán bao gồm giá trị sản phẩm, hàng hóa được bán và giá trị sản phẩm, hàng hóa, thiết bị phụ tùng thay thế, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 153, 155, 156.
b) Ghi nhận doanh thu bán hàng (vừa bán sản phẩm, hàng hóa, vừa bán sản phẩm, hàng hóa, thiết bị phụ tùng thay thế), ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.6. Doanh thu phát sinh từ chương trình dành cho khách hàng truyền thống
a) Khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong chương trình dành cho khách hàng truyền thống, kế toán ghi nhận doanh thu trên cơ sở tổng số tiền thu được trừ đi phần doanh thu chưa thực hiện là giá trị hợp lý của hàng hóa, dịch vụ cung cấp miễn phí hoặc số tiền chiết khấu, giảm giá cho khách hàng:
Nợ các TK 112, 131
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
b) Khi hết thời hạn quy định của chương trình, nếu khách hàng không đáp ứng được các điều kiện để hưởng các ưu đãi như nhận hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu giảm giá, người bán không phát sinh nghĩa vụ phải thanh toán cho khách hàng, kế toán kết chuyển doanh thu chưa thực hiện thành doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
c) Khi khách hàng đáp ứng đủ các điều kiện của chương trình để được hưởng ưu đãi, khoản doanh thu chưa thực hiện được xử lý như sau:
- Trường hợp người bán trực tiếp cung cấp hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc chiết khấu, giảm giá cho người mua, khoản doanh thu chưa thực hiện được kết chuyển sang ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ tại thời điểm thực hiện xong nghĩa vụ với khách hàng (đã chuyển giao hàng hóa, dịch vụ miễn phí hoặc đã chiết khấu, giảm giá cho khách hàng):
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
- Trường hợp bên thứ ba là người cung cấp hàng hóa, dịch vụ hoặc chiết khấu giảm giá cho khách hàng thì thực hiện như sau:
+ Trường hợp doanh nghiệp đóng vai trò là đại lý của bên thứ ba, phần chênh lệch giữa khoản doanh thu chưa thực hiện và số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba đó được ghi nhận là doanh thu bán hàng cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán với bên thứ ba, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (phần chênh lệch giữa doanh thu chưa thực hiện và số tiền trả cho bên thứ ba được coi như doanh thu hoa hồng đại lý)
Có các TK 111, 112 (số tiền thanh toán cho bên thứ ba).
+ Trường hợp doanh nghiệp không đóng vai trò đại lý của bên thứ ba (giao dịch mua đứt, bán đoạn), toàn bộ khoản doanh thu chưa thực hiện sẽ được ghi nhận là doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ khi phát sinh nghĩa vụ thanh toán cho bên thứ ba, số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba được ghi nhận vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
Đồng thời phản ánh số tiền phải thanh toán cho bên thứ ba là giá vốn hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho khách hàng, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 112, 331.
3.7. Khi cho thuê hoạt động TSCĐ và cho thuê hoạt động bất động sản đầu tư, kế toán phản ánh doanh thu phải phù hợp với dịch vụ cho thuê hoạt động TSCĐ và cho thuê hoạt động bất động sản đầu tư đã hoàn thành từng kỳ. Khi phát hành hoá đơn thanh toán tiền thuê hoạt động TSCĐ và cho thuê hoạt động bất động sản đầu tư, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng (nếu chưa nhận được tiền ngay)
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu được tiền ngay)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
3.8. Trường hợp thu trước tiền nhiều kỳ về cho thuê hoạt động TSCĐ và cho thuê hoạt động bất động sản đầu tư :
- Khi nhận tiền của khách hàng trả trước về cho thuê hoạt động TSCĐ và cho thuê hoạt động bất động sản đầu tư cho nhiều kỳ, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (tổng số tiền nhận trước)
Có TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.
- Định kỳ, tính và kết chuyển doanh thu của kỳ kế toán, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5113, 5117).
- Số tiền phải trả lại cho khách hàng vì hợp đồng cho thuê hoạt động TSCĐ và cho thuê hoạt động bất động sản đầu tư không được thực hiện tiếp hoặc thời gian thực hiện ngắn hơn thời gian đã thu tiền trước (nếu có), ghi:
Nợ TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (giá chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (số tiền trả lại cho bên thuê về thuế
GTGT của hoạt động cho thuê tài sản không được thực hiện)
Có các TK 111, 112,... (tổng số tiền trả lại).
- Trường hợp thỏa mãn các điều kiện theo quy định tại điểm 1.6.12 Điều này thì kế toán được ghi nhận doanh thu đối với toàn bộ số tiền nhận trước.
3.9. Trường hợp bán hàng thông qua đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng
a) Kế toán ở đơn vị giao hàng đại lý:
- Khi xuất kho sản phẩm, hàng hoá giao cho các đại lý phải lập Phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý. Căn cứ vào phiếu xuất kho hàng gửi bán đại lý, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có các TK 155, 156.
- Khi hàng hoá giao cho đại lý đã bán được, căn cứ vào Bảng kê hoá đơn bán ra của hàng hoá đã bán do các bên nhận đại lý hưởng hoa hồng lập gửi về kế toán phản ánh doanh thu bán hàng theo giá bán chưa có thuế GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,... (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
Đồng thời phản ánh giá vốn của hàng bán ra, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
- Số tiền hoa hồng phải trả cho đơn vị nhận bán hàng đại lý hưởng hoa hồng, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (hoa hồng đại lý chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331)
Có các TK 111, 112, 131, …
b) Kế toán ở đơn vị nhận đại lý, bán đúng giá hưởng hoa hồng:
- Khi nhận hàng đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về toàn bộ giá trị hàng hoá nhận bán đại lý trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Khi hàng hoá nhận bán đại lý đã bán được, căn cứ vào Hoá đơn GTGT hoặc Hoá đơn bán hàng và các chứng từ liên quan, kế toán phản ánh số tiền bán hàng đại lý phải trả cho bên giao hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, ...
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
- Định kỳ, khi xác định doanh thu hoa hồng bán hàng đại lý được hưởng, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Khi trả tiền bán hàng đại lý cho bên giao hàng, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112.
3.10. Đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ xuất bán cho các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp.
3.10.1. Trường hợp không ghi nhận doanh thu giữa các khâu trong nội bộ doanh nghiệp, chỉ ghi nhận doanh thu khi thực bán hàng ra bên ngoài:
a) Kế toán tại đơn vị bán
- Khi xuất sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đến các đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp, kế toán lập Phiếu xuất kho kiêm vận chuyển nội bộ hoặc hóa đơn GTGT, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ (giá vốn)
Có các TK 155, 156
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Khi nhận được thông báo từ đơn vị mua là sản phẩm, hàng hóa đã được tiêu thụ ra bên ngoài, đơn vị bán ghi nhận doanh thu, giá vốn:
+ Phản ánh giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có 136 - Phải thu nội bộ.
+ Phản ánh doanh thu, ghi:
Nợ TK 136 - Phải thu nội bộ
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ.
b) Kế toán tại đơn vị mua
- Khi nhận được sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ do đơn vị hạch toán phụ thuộc trong nội bộ doanh nghiệp chuyển đến, kế toán căn cứ vào các chứng từ có liên quan, ghi:
Nợ các TK 155, 156 (giá vốn)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
- Khi bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ ra bên ngoài, kế toán ghi nhận doanh thu, giá vốn như giao dịch bán hàng thông thường.
- Trường hợp đơn vị hạch toán phụ thuộc không được phân cấp hạch toán đến kết quả kinh doanh sau thuế, kế toán phải kết chuyển doanh thu, giá vốn cho đơn vị cấp trên:
+ Kết chuyển giá vốn, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
+ Kết chuyển doanh thu, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
3.10.2. Trường hợp doanh nghiệp ghi nhận doanh thu bán hàng cho các đơn vị trong nội bộ doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 136 - Phải thu nội bộ
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết giao dịch bán hàng nội bộ)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
- Ghi nhận giá vốn hàng bán như giao dịch bán hàng thông thường.
3.11. Đối với hoạt động gia công hàng hoá:
a) Kế toán tại đơn vị giao hàng để gia công:
- Khi xuất kho giao hàng để gia công, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có các TK 152, 156.
- Ghi nhận chi phí gia công hàng hoá và thuế GTGT được khấu trừ:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
- Khi nhận lại hàng gửi gia công chế biến hoàn thành nhập kho, ghi:
Nợ các TK 152, 156
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
b) Kế toán tại đơn vị nhận hàng để gia công:
- Khi nhận hàng để gia công, doanh nghiệp chủ động theo dõi và ghi chép thông tin về toàn bộ giá trị vật tư, hàng hoá nhận gia công trong phần thuyết minh Báo cáo tài chính.
- Khi xác định doanh thu từ số tiền gia công thực tế được hưởng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, ...
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
3.12. Kế toán doanh thu hợp đồng xây dựng.
- Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo tiến độ kế hoạch, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được ước tính một cách đáng tin cậy, thì kế toán căn cứ vào chứng từ phản ánh doanh thu tương ứng với phần công việc đã hoàn thành (không phải hoá đơn) do nhà thầu tự xác định tại thời điểm lập Báo cáo tài chính, ghi:
Nợ TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111).
- Căn cứ vào Hoá đơn GTGT được lập theo tiến độ kế hoạch để phản ánh số tiền khách hàng phải trả theo tiến độ kế hoạch đã ghi trong hợp đồng, ghi:
Nợ TK 131 - Phải thu của khách hàng
Có TK 337 - Thanh toán theo tiến độ kế hoạch hợp đồng xây dựng
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
- Khi nhận được tiền do khách hàng trả, hoặc nhận tiền khách hàng ứng trước, ghi:
Nợ các TK 111, 112, ...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
- Trường hợp hợp đồng xây dựng quy định nhà thầu được thanh toán theo giá trị khối lượng thực hiện, khi kết quả thực hiện hợp đồng xây dựng được xác định một cách đáng tin cậy và được khách hàng xác nhận, thì kế toán phải lập Hoá đơn GTGT trên cơ sở phần công việc đã hoàn thành được khách hàng xác nhận, căn cứ vào Hoá đơn GTGT, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, ...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
- Khoản tiền thưởng thu được từ khách hàng trả phụ thêm cho nhà thầu khi thực hiện hợp đồng đạt hoặc vượt một số chỉ tiêu cụ thể đã được ghi trong hợp đồng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, ...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
- Khoản bồi thường thu được từ khách hàng hay bên khác để bù đắp cho các chi phí không bao gồm trong giá trị hợp đồng (ví dụ: Sự chậm trễ do khách hàng gây nên; sai sót trong các chỉ tiêu kỹ thuật hoặc thiết kế và các tranh chấp về các thay đổi trong việc thực hiện hợp đồng), ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131, ...
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5111)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
- Khi nhận được tiền thanh toán khối lượng công trình hoàn thành hoặc khoản ứng trước từ khách hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112, ...
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
3.13. Kế toán doanh thu từ các khoản trợ cấp, trợ giá của Nhà nước cho doanh nghiệp:
- Khi nhận được thông báo của Nhà nước về trợ cấp, trợ giá, ghi:
Nợ TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (5114).
- Khi nhận được tiền của Ngân sách Nhà nước thanh toán, ghi:
Nợ các TK 111, 112, ...
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339).
3.14. Kế toán bán, thanh lý bất động sản đầu tư
- Ghi nhận doanh thu bán bất động sản đầu tư
Nợ các TK 111, 112, 131, ... (tổng giá thanh toán)
Có TK 5117 - Doanh thu kinh doanh bất động sản đầu tư
Có TK 3331 - Thuế GTGT (33311 - Thuế GTGT đầu ra).
- Ghi nhận giá vốn bất động sản đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn lũy kế (2147) (nếu có)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá).
3.15. Trường hợp trả lương cho công nhân viên và người lao động khác bằng sản phẩm, hàng hoá: Kế toán phải ghi nhận doanh thu đối với sản phẩm, hàng hóa như đối với giao dịch bán hàng thông thường, ghi:
Nợ TK 334 - Phải trả người lao động (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
3.16. Trường hợp sử dụng sản phẩm, hàng hoá để biếu, tặng cho cán bộ công nhân viên được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi: Kế toán phải ghi nhận doanh thu đối với sản phẩm, hàng hóa như đối với giao dịch bán hàng thông thường, ghi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
3.17. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu của hàng bán bị trả lại, khoản giảm giá hàng bán và chiết khấu thương mại phát sinh trong kỳ trừ vào doanh thu thực tế trong kỳ để xác định doanh thu thuần, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu.
3.18. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu thuần sang TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu tiền lãi, tiền bản quyền, cổ tức, lợi nhuận được chia và doanh thu hoạt động tài chính khác của doanh nghiệp, gồm:
- Tiền lãi: Lãi cho vay, lãi tiền gửi Ngân hàng, lãi bán hàng trả chậm, trả góp, lãi đầu tư trái phiếu, tín phiếu, chiết khấu thanh toán được hưởng do mua hàng hoá, dịch vụ;...
- Cổ tức, lợi nhuận được chia cho giai đoạn sau ngày đầu tư;
- Thu nhập về hoạt động đầu tư mua, bán chứng khoán ngắn hạn, dài hạn; Lãi chuyển nhượng vốn khi thanh lý các khoản vốn góp liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư vào công ty con, đầu tư vốn khác;
- Thu nhập về các hoạt động đầu tư khác;
- Lãi tỷ giá hối đoái, gồm cả lãi do bán ngoại tệ;
- Các khoản doanh thu hoạt động tài chính khác.
b) Đối với việc nhượng bán các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, hoạt động mua, bán chứng khoán kinh doanh, doanh thu được ghi nhận là số chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá vốn, trong đó giá vốn là giá trị ghi sổ được xác định theo phương pháp bình quân gia quyền, giá bán được tính theo giá trị hợp lý của khoản nhận được. Trường hợp mua, bán chứng khoán dưới hình thức hoán đổi cổ phiếu (nhà đầu tư hoán đổi cổ phiếu A để lấy cổ phiếu B), kế toán xác định giá trị cổ phiếu nhận về theo giá trị hợp lý tại ngày trao đổi như sau:
- Đối với cổ phiếu nhận về là cổ phiếu niêm yết, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa niêm yết trên thị trường chứng khoán tại ngày trao đổi. Trường hợp tại ngày trao đổi thị trường chứng khoán không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu nhận về là cổ phiếu chưa niêm yết được giao dịch trên sàn UPCOM, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa công bố trên sàn UPCOM tại ngày trao đổi. Trường hợp ngày trao đổi sàn UPCOM không giao dịch thì giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá đóng cửa phiên giao dịch trước liền kề với ngày trao đổi.
- Đối với cổ phiếu nhận về là cổ phiếu chưa niêm yết khác, giá trị hợp lý của cổ phiếu là giá thỏa thuận giữa các bên hoặc giá trị sổ sách tại thời điểm trao đổi hoặc giá trị sổ sách tại thời điểm cuối quý trước liền kề với ngày trao đổi. Việc xác định giá trị sổ sách của cổ phiếu được thực hiện theo công thức:
Giá trị sổ sách của cổ phiếu |
= |
Tổng vốn chủ sở hữu |
Số lượng cổ phiếu hiện có tại thời điểm trao đổi |
c) Đối với khoản doanh thu từ hoạt động mua, bán ngoại tệ, doanh thu được ghi nhận là số chênh lệch lãi giữa giá ngoại tệ bán ra và giá ngoại tệ mua vào.
d) Đối với lãi tiền gửi: Doanh thu không bao gồm khoản lãi tiền gửi phát sinh do hoạt động đầu tư tạm thời của khoản vay sử dụng cho mục đích xây dựng tài sản dở dang theo quy định của Chuẩn mực kế toán chi phí đi vay.
đ) Đối với tiền lãi phải thu từ các khoản cho vay, bán hàng trả chậm, trả góp: Doanh thu chỉ được ghi nhận khi chắc chắn thu được và khoản gốc cho vay, nợ gốc phải thu không bị phân loại là quá hạn cần phải lập dự phòng.
e) Đối với khoản tiền lãi đầu tư nhận được từ khoản đầu tư cổ phiếu, trái phiếu thì chỉ có phần tiền lãi của các kỳ mà doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư này mới được ghi nhận là doanh thu phát sinh trong kỳ, còn khoản lãi đầu tư nhận được từ các khoản lãi đầu tư dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư đó thì ghi giảm giá gốc khoản đầu tư trái phiếu, cổ phiếu đó.
g) Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá: Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, nếu các khoản đầu tư tài chính được đánh giá tăng tương ứng với phần sở hữu của doanh nghiệp cổ phần hoá trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bên được đầu tư, doanh nghiệp cổ phần hoá phải ghi tăng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Sau đó, khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã được dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư tài chính.
h) Khi nhà đầu tư nhận cổ tức bằng cổ phiếu, nhà đầu tư chỉ theo dõi số lượng cổ phiếu tăng thêm trên thuyết minh BCTC, không ghi nhận giá trị cổ phiếu được nhận, không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính, không ghi nhận tăng giá trị khoản đầu tư vào công ty.
Các doanh nghiệp do nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ thì việc kế toán khoản cổ tức nhận được bằng cổ phiếu thực hiện theo quy định của pháp luật dành riêng cho loại hình doanh nghiệp thuộc sở hữu Nhà nước (nếu có).
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 515 - Doanh thu hoạt động tài chính
Bên Nợ:
- Số thuế GTGT phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp (nếu có);
- Kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính thuần sang tài khoản 911- “Xác định kết quả kinh doanh”.
Bên Có: Các khoản doanh thu hoạt động tài chính phát sinh trong kỳ.
Tài khoản 515 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Phản ánh doanh thu cổ tức, lợi nhuận được chia bằng tiền phát sinh trong kỳ từ hoạt động góp vốn đầu tư:
- Khi nhận được thông báo về quyền nhận cổ tức, lợi nhuận từ hoạt động đầu tư, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Trường hợp nếu cổ tức, lợi nhuận được chia bao gồm cả khoản lãi đầu tư dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư đó thì doanh nghiệp phải phân bổ số tiền lãi này, chỉ có phần tiền lãi của các kỳ mà doanh nghiệp mua khoản đầu tư này mới được ghi nhận là doanh thu hoạt động tài chính, còn khoản tiền lãi dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư đó thì ghi giảm giá trị của chính khoản đầu tư trái phiếu, cổ phiếu đó, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (tổng số cổ tức, lợi nhuận thu được)
Có các TK 121, 221, 222, 228 (phần cổ tức, lợi nhuận dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (phần cổ tức, lợi nhuận của các kỳ sau khi doanh nghiệp mua khoản đầu tư này).
- Đối với khoản cổ tức, lợi nhuận được chia đã sử dụng để đánh giá lại giá trị khoản đầu tư khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá: Khi xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hoá, nếu các khoản đầu tư tài chính được đánh giá tăng tương ứng với phần sở hữu của doanh nghiệp cổ phần hoá trong lợi nhuận sau thuế chưa phân phối của bên được đầu tư, doanh nghiệp cổ phần hoá phải ghi tăng vốn Nhà nước theo quy định của pháp luật. Sau đó, khi nhận được phần cổ tức, lợi nhuận đã được dùng để đánh giá tăng vốn Nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hoá không ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính mà ghi giảm giá trị khoản đầu tư tài chính:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (tổng số cổ tức, lợi nhuận thu được)
Có các TK 121, 221, 222, 228 (phần tiền lãi đầu tư dồn tích trước khi doanh nghiệp mua lại khoản đầu tư).
b) Định kỳ, khi có bằng chứng chắc chắn thu được khoản lãi cho vay (bao gồm cả lãi trái phiếu), lãi tiền gửi, lãi trả chậm, trả góp, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác
Nợ các TK 121, 128 (nếu lãi cho vay định kỳ được nhập gốc)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
Bằng chứng chắc chắn thu được các khoản phải thu này bao gồm:
- Khoản phải thu gốc không bị coi là nợ khó đòi thuộc đối tượng phải trích lập dự phòng hoặc nợ không có khả năng thu hồi, không thuộc diện bị khoanh nợ, giãn nợ;
- Có xác nhận nợ và cam kết trả nợ của bên nhận nợ;
- Các bằng chứng khác (nếu có).
c) Khi nhượng bán hoặc thu hồi các khoản đầu tư tài chính, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131…
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu bán bị lỗ)
Có các TK 121, 221, 222, 228
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (nếu bán có lãi).
d) Trường hợp hoán đổi cổ phiếu, kế toán căn cứ giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về và giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi, ghi
Nợ các TK 121, 228 (chi tiết cổ phiếu nhận về theo giá trị hợp lý)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (chênh lệch giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về nhỏ hơn giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi)
Có các TK 121, 228 (cổ phiếu mang đi trao đổi theo giá trị ghi sổ)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (chênh lệch giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về lớn hơn giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi).
đ) Kế toán bán ngoại tệ, ghi:
Nợ các TK 111 (1111), 112 (1121) (tỷ giá thực tế bán)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (số chênh lệch giữa tỷ giá thực tế bán nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán).
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá trên sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (số chênh lệch tỷ giá thực tế bán lớn hơn tỷ giá trên sổ kế toán).
e) Khi mua vật tư, hàng hoá, TSCĐ, dịch vụ, chi trả các khoản chi phí bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh lớn hơn tỷ giá trên sổ kế toán các TK 111, 112, ghi:
Nợ các TK liên quan (Theo tỷ giá giao dịch thực tế)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá ghi sổ kế toán TK 111,112)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái).
g) Khi thanh toán nợ phải trả bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá trên sổ kế toán các TK 111, 112 nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán của các TK Nợ phải trả, ghi:
Nợ các TK 331, 341... (tỷ giá trên sổ kế toán)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá trên sổ TK 111, 112).
h) Khi thu được tiền nợ phải thu bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm thu tiền cao hơn tỷ giá ghi sổ kế toán của các TK phải thu, ghi:
Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá giao dịch thực tế)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (lãi tỷ giá hối đoái)
Có các TK 131, 136, 138... (tỷ giá trên sổ kế toán).
i) Khi bán sản phẩm, hàng hoá theo phương thức trả chậm, trả góp thì ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ của kỳ kế toán theo giá bán trả tiền ngay, phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp với giá bán trả tiền ngay ghi vào tài khoản 3387 "Doanh thu chưa thực hiện", ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 511- Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (theo giá bán trả tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Có TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện (phần chênh lệch giữa giá bán trả chậm, trả góp và giá bán trả
tiền ngay chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
- Định kỳ, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi bán hàng trả chậm, trả góp trong kỳ, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
k) Hàng kỳ, xác định và kết chuyển doanh thu tiền lãi đối với các khoản cho vay hoặc mua trái phiếu nhận lãi trước, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
l) Trường hợp mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (repo):
- Khi bên mua thanh toán cho bên bán số coupon mà bên mua nhận hộ bên bán tại (các) thời điểm nằm trong thời hạn hợp đồng, bên bán ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
- Khi phân bổ số chênh lệch giữa giá bán lại với giá mua trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào doanh thu định kỳ phù hợp với thời gian của hợp đồng, bên mua ghi:
Nợ TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu chính phủ
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
m) Số tiền chiết khấu thanh toán được hưởng do thanh toán tiền mua hàng trước thời hạn được người bán chấp thuận, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
n) Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ phát sinh lãi (giá vàng thị trường trong nước lớn hơn giá trị ghi sổ), kế toán ghi nhận chi phí tài chính, ghi:
Nợ các TK 1113, 1123
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
o) Khi xử lý chênh lệch tỷ giá hối đoái do đánh giá lại số dư các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ, kế toán kết chuyển toàn bộ khoản lãi chênh lệch tỷ giá hối đoái đánh giá lại, ghi:
Nợ TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131)
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
p) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính để xác định kết quả kinh doanh, ghi:
Nợ TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản được điều chỉnh giảm trừ vào doanh thu bán hàng, cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ, gồm: Chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán và hàng bán bị trả lại. Tài khoản này không phản ánh các khoản thuế được giảm trừ vào doanh thu như thuế GTGT đầu ra phải nộp tính theo phương pháp trực tiếp.
b) Việc điều chỉnh giảm doanh thu được thực hiện như sau:
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại phát sinh cùng kỳ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa dịch vụ được điều chỉnh giảm doanh thu của kỳ phát sinh;
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau mới phát sinh chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán hoặc hàng bán bị trả lại thì doanh nghiệp được ghi giảm doanh thu theo nguyên tắc:
+ Nếu sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đã tiêu thụ từ các kỳ trước, đến kỳ sau phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại nhưng phát sinh trước thời điểm phát hành Báo cáo tài chính, kế toán phải coi đây là một sự kiện cần điều chỉnh phát sinh sau ngày lập Bảng cân đối kế toán và ghi giảm doanh thu, trên Báo cáo tài chính của kỳ lập báo cáo (kỳ trước).
+ Trường hợp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ phải giảm giá, phải chiết khấu thương mại, bị trả lại sau thời điểm phát hành Báo cáo tài chính thì doanh nghiệp ghi giảm doanh thu của kỳ phát sinh (kỳ sau).
c) Chiết khấu thương mại phải trả là khoản doanh nghiệp bán giảm giá niêm yết cho khách hàng mua hàng với khối lượng lớn. Bên bán hàng thực hiện kế toán chiết khấu thương mại theo những nguyên tắc sau:
- Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản chiết khấu thương mại cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã trừ chiết khấu thương mại) thì doanh nghiệp (bên bán hàng) không sử dụng tài khoản này, doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã trừ chiết khấu thương mại (doanh thu thuần).
- Kế toán phải theo dõi riêng khoản chiết khấu thương mại mà doanh nghiệp chi trả cho người mua nhưng chưa được phản ánh là khoản giảm trừ số tiền phải thanh toán trên hóa đơn. Trường hợp này, bên bán ghi nhận doanh thu ban đầu theo giá chưa trừ chiết khấu thương mại (doanh thu gộp). Khoản chiết khấu thương mại cần phải theo dõi riêng trên tài khoản này thường phát sinh trong các trường hợp như:
+ Số chiết khấu thương mại người mua được hưởng lớn hơn số tiền bán hàng được ghi trên hoá đơn lần cuối cùng. Trường hợp này có thể phát sinh do người mua hàng nhiều lần mới đạt được lượng hàng mua được hưởng chiết khấu và khoản chiết khấu thương mại chỉ được xác định trong lần mua cuối cùng;
+ Các nhà sản xuất cuối kỳ mới xác định được số lượng hàng mà nhà phân phối (như các siêu thị) đã tiêu thụ và từ đó mới có căn cứ để xác định được số chiết khấu thương mại phải trả dựa trên doanh số bán hoặc số lượng sản phẩm đã tiêu thụ.
d) Giảm giá hàng bán là khoản giảm trừ cho người mua do sản phẩm, hàng hoá kém, mất phẩm chất hay không đúng quy cách theo quy định trong hợp đồng kinh tế. Bên bán hàng thực hiện kế toán giảm giá hàng bán theo những nguyên tắc sau:
- Trường hợp trong hóa đơn GTGT hoặc hóa đơn bán hàng đã thể hiện khoản giảm giá hàng bán cho người mua là khoản giảm trừ vào số tiền người mua phải thanh toán (giá bán phản ánh trên hoá đơn là giá đã giảm) thì doanh nghiệp (bên bán hàng) không sử dụng tài khoản này, doanh thu bán hàng phản ánh theo giá đã giảm (doanh thu thuần).
- Chỉ phản ánh vào tài khoản này các khoản giảm trừ do việc chấp thuận giảm giá sau khi đã bán hàng (đã ghi nhận doanh thu) và phát hành hoá đơn (giảm giá ngoài hoá đơn) do hàng bán kém, mất phẩm chất...
đ) Đối với hàng bán bị trả lại, tài khoản này dùng để phản ánh giá trị của số sản phẩm, hàng hóa bị khách hàng trả lại do các nguyên nhân: Vi phạm cam kết, vi phạm hợp đồng kinh tế, hàng bị kém, mất phẩm chất, không đúng chủng loại, quy cách.
e) Kế toán phải theo dõi chi tiết chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, hàng bán bị trả lại cho từng khách hàng và từng loại hàng bán, như: bán hàng (sản phẩm, hàng hoá), cung cấp dịch vụ. Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ sang tài khoản 511 - "Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ" để xác định doanh thu thuần của khối lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ thực tế thực hiện trong kỳ báo cáo.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu
Bên Nợ:
- Số chiết khấu thương mại đã chấp nhận thanh toán cho khách hàng;
- Số giảm giá hàng bán đã chấp thuận cho người mua hàng;
- Doanh thu của hàng bán bị trả lại, đã trả lại tiền cho người mua hoặc tính trừ vào khoản phải thu khách hàng về số sản phẩm, hàng hóa đã bán
Bên Có: Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán, doanh thu của hàng bán bị trả lại sang tài khoản 511 “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ” để xác định doanh thu thuần của kỳ báo cáo.
Tài khoản 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 521 có 3 tài khoản cấp 2
- Tài khoản 5211 - Chiết khấu thương mại: Tài khoản này dùng để phản ánh khoản chiết khấu thương mại cho người mua do khách hàng mua hàng với khối lượng lớn nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ
- Tài khoản 5212 - Hàng bán bị trả lại: Tài khoản này dùng để phản ánh doanh thu của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ bị người mua trả lại trong kỳ.
- Tài khoản 5213 - Giảm giá hàng bán: Tài khoản này dùng để phản ánh khoản giảm giá hàng bán cho người mua do sản phẩm hàng hóa dịch vụ cung cấp kém quy cách nhưng chưa được phản ánh trên hóa đơn khi bán sản phẩm hàng hóa, cung cấp dịch vụ trong kỳ
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Phản ánh số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán thực tế phát sinh trong kỳ, ghi:
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, và doanh nghiệp tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Nợ TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (thuế GTGT đầu ra được giảm)
Có các TK 111,112,131,...
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá đã bán phải giảm giá, chiết khấu thương mại cho người mua không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp thì khoản giảm giá hàng bán cho người mua, ghi:
Nợ TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu (5211, 5213)
Có các TK 111, 112, 131,...
b) Kế toán hàng bán bị trả lại
- Khi doanh nghiệp nhận lại sản phẩm, hàng hóa bị trả lại, kế toán phản ánh giá vốn của hàng bán bị trả lại:
+ Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Nợ TK 156 - Hàng hóa
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
+ Trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (đối với hàng hóa)
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất (đối với sản phẩm)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Thanh toán với người mua hàng về số tiền của hàng bán bị trả lại:
+ Đối với sản phẩm, hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ và doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp khấu trừ, ghi:
Nợ TK 5212 - Hàng bán bị trả lại (giá bán chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 3331- Thuế GTGT phải nộp (33311) (thuế GTGT hàng bị trả lại)
Có các TK 111, 112, 131,...
+ Đối với sản phẩm, hàng hóa không thuộc đối tượng chịu thuế GTGT hoặc thuộc đối tượng chịu thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp, số tiền thanh toán với người mua về hàng bán bị trả lại, ghi:
Nợ TK 5212 - Hàng bán bị trả lại
Có các TK 111, 112, 131,...
- Các chi phí phát sinh liên quan đến hàng bán bị trả lại (nếu có), ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có các TK 111, 112, 141, 334,...
c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển tổng số giảm trừ doanh thu phát sinh trong kỳ sang tài khoản 511 - “Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ”, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 521 - Các khoản giảm trừ doanh thu.
1. Chi phí là những khoản làm giảm lợi ích kinh tế, được ghi nhận tại thời điểm giao dịch phát sinh hoặc khi có khả năng tương đối chắc chắn sẽ phát sinh trong tương lai không phân biệt đã chi tiền hay chưa.
2. Việc ghi nhận chi phí ngay cả khi chưa đến kỳ hạn thanh toán nhưng có khả năng chắc chắn sẽ phát sinh nhằm đảm bảo nguyên tắc thận trọng và bảo toàn vốn. Chi phí và khoản doanh thu do nó tạo ra phải được ghi nhận đồng thời theo nguyên tắc phù hợp. Tuy nhiên trong một số trường hợp, nguyên tắc phù hợp có thể xung đột với nguyên tắc thận trọng trong kế toán, thì kế toán phải căn cứ vào bản chất và các Chuẩn mực kế toán để phản ánh giao dịch một cách trung thực, hợp lý.
3. Mỗi doanh nghiệp chỉ có thể áp dụng một trong hai phương pháp kế toán hàng tồn kho: Kê khai thường xuyên hoặc kiểm kê định kỳ. Doanh nghiệp khi đã lựa chọn phương pháp kế toán thì phải áp dụng nhất quán trong một năm tài chính. Trường hợp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ, cuối kỳ kế toán phải kiểm kê để xác định giá trị hàng tồn kho cuối kỳ.
4. Kế toán phải theo dõi chi tiết các khoản chi phí phát sinh theo yếu tố, tiền lương, nguyên vật liệu, chi phí mua ngoài, khấu hao TSCĐ...
5. Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
6. Các tài khoản phản ánh chi phí không có số dư, cuối kỳ kế toán phải kết chuyển tất cả các khoản chi phí phát sinh trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào, nhập kho hoặc đưa vào sử dụng trong kỳ. Tài khoản 611 "Mua hàng" chỉ áp dụng đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
b) Giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào phản ánh trên tài khoản 611 "Mua hàng" phải thực hiện theo nguyên tắc giá gốc.
c) Trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ, doanh nghiệp phải tổ chức kiểm kê hàng tồn kho vào cuối kỳ kế toán để xác định số lượng và giá trị của từng nguyên liệu, vật liệu, hàng hoá, sản phẩm, công cụ, dụng cụ tồn kho đến cuối kỳ kế toán để xác định giá trị hàng tồn kho xuất vào sử dụng và xuất bán trong kỳ.
d) Phương pháp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ: Khi mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá, căn cứ vào hoá đơn mua hàng, Hoá đơn vận chuyển, phiếu nhập kho, thông báo thuế nhập khẩu phải nộp (hoặc biên lai thu thuế nhập khẩu,...) để ghi nhận giá gốc hàng mua vào tài khoản 611 "Mua hàng". Khi xuất sử dụng, hoặc xuất bán chỉ ghi một lần vào cuối kỳ kế toán căn cứ vào kết quả kiểm kê.
đ) Kế toán phải mở sổ chi tiết để hạch toán giá gốc hàng tồn kho mua vào theo từng thứ nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá.
2. Kết cấu và nội dụng phản ánh của tài khoản 611 - Mua hàng
Bên Nợ:
- Kết chuyển giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (theo kết quả kiểm kê);
- Giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, mua vào trong kỳ;
Bên Có:
- Kết chuyến giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho cuối kỳ (theo kết quả kiểm kê);
- Giá gốc hàng hoá, nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng trong kỳ, hoặc giá gốc hàng hoá xuất bán (chưa được xác định là đã bán trong kỳ);
- Giá gốc nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, hàng hoá mua vào trả lại cho người bán, hoặc được giảm giá.
Tài khoản 611 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 611 - Mua hàng, có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6111 - Mua nguyên liệu, vật liệu: Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua vào, xuất sử dụng trong kỳ kế toán và kết chuyển giá trị nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ và cuối kỳ kế toán;
- Tài khoản 6112 - Mua hàng hoá: Tài khoản này dùng để phản ánh giá trị hàng hoá mua vào, xuất bán trong kỳ kế toán và kết chuyển giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ, tồn kho cuối kỳ kế toán.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Đối với doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, xây lắp
- Đầu kỳ kế toán, kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ tồn kho đầu kỳ (theo kết quả kiểm kê cuối kỳ trước), ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (6111 - Mua nguyên liệu, vật liệu)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
- Khi mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì giá gốc nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ mua vào được phản ánh vào TK 611 không có thuế GTGT, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (giá mua chưa có thuế GTGT)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (3311).
- Khi thanh toán tiền mua hàng, nếu được hưởng chiết khấu thanh toán, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Có các TK 111, 112,...
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính (chiết khấu thanh toán).
- Trường hợp doanh nghiệp mua nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ không đúng quy cách, chủng loại, phẩm chất ghi trong hợp đồng kinh tế, hoặc cam kết phải trả lại cho người bán, hoặc được giảm giá:
+ Căn cứ vào trị giá hàng mua đã trả lại cho người bán, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (trừ vào số nợ còn phải trả người bán)
Có TK 611 - Mua hàng (6111) (trị giá NVL, công cụ, dụng cụ đã trả lại người bán)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
+ Nếu doanh nghiệp chấp nhận khoản giảm giá hàng của lô hàng đã mua, số tiền được giảm giá, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (trừ vào số nợ còn phải trả người bán)
Có TK 611 - Mua hàng (6111) (khoản giảm giá được chấp thuận)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có).
- Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế, kế toán phải xác định trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu tồn kho cuối kỳ và trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất vào sử dụng hoặc xuất bán.
+ Kết chuyển trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ tồn kho cuối kỳ (theo kết quả kiểm kê), ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Nợ TK 153 - Công cụ, dụng cụ
Có TK 611 - Mua hàng (6111).
+ Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ xuất sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ các TK 621, 623, 627, 641, 642, 241,...
Có TK 611 - Mua hàng (6111).
+ Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu, công cụ, dụng cụ thiếu hụt, mất mát, căn cứ vào biên bản xác định thiếu hụt, mất mát chờ xử lý, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (1381)
Có TK 611 - Mua hàng (6111).
b) Đối với doanh nghiệp kinh doanh hàng hoá
- Đầu kỳ kế toán, kết chuyển giá trị hàng hoá tồn kho đầu kỳ, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (6112)
Có TK 156 - Hàng hoá.
- Trong kỳ kế toán, khi mua hàng hoá nếu được khấu trừ thuế GTGT đầu vào, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ mua hàng:
+ Trị giá thực tế hàng hoá mua vào, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (6112)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141; hoặc
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
+ Chi phí mua hàng thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 611 - Mua hàng (6112)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141, 331,...
+ Khi thanh toán trước hạn, nếu doanh nghiệp được nhận khoản chiết khấu thanh toán trên lô hàng đã mua, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)
Có các TK 111, 112,...
Có TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính.
+ Trị giá hàng hoá trả lại cho người bán, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)
Có TK 611 - Mua hàng (6112) (trị giá hàng hoá trả lại người bán)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
+ Khoản giảm giá hàng mua được người bán chấp thuận do hàng hoá không đúng phẩm chất, quy cách theo hợp đồng, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (nếu thu ngay bằng tiền)
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán (khấu trừ vào nợ phải trả người bán)
Có TK 611 - Mua hàng (6112)
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có).
- Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào kết quả kiểm kê thực tế tính, xác định trị giá hàng tồn kho, trị giá hàng hoá đã gửi bán nhưng chưa xác định là đã bán, trị giá hàng hoá xác định là đã bán:
+ Kết chuyển trị giá hàng hoá tồn kho và hàng gửi đi bán cuối kỳ, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hoá
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 611 - Mua hàng.
+ Kết chuyển giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 611 - Mua hàng (6112).
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh chi phí nguyên liệu, vật liệu sử dụng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ của các ngành công nghiệp, xây lắp, nông, lâm, ngư nghiệp, giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, kinh doanh khách sạn, du lịch, dịch vụ khác.
b) Chỉ hạch toán vào tài khoản 621 những chi phí nguyên liệu, vật liệu (gồm cả nguyên liệu, vật liệu chính và vật liệu phụ) được sử dụng trực tiếp để sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ trong kỳ sản xuất, kinh doanh. Chi phí nguyên liệu, vật liệu phải tính theo giá thực tế khi xuất sử dụng.
c) Trong kỳ kế toán thực hiện việc ghi chép, tập hợp chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vào bên Nợ tài khoản 621 “Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp" theo từng đối tượng sử dụng trực tiếp các nguyên liệu, vật liệu này (nếu khi xuất nguyên liệu, vật liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, xác định được cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng sử dụng); hoặc tập hợp chung cho quá trình sản xuất, chế tạo sản phẩm, thực hiện dịch vụ (nếu khi xuất sử dụng nguyên liệu, vật liệu cho quá trình sản xuất sản phẩm, dịch vụ không thể xác định cụ thể, rõ ràng cho từng đối tượng sử dụng).
d) Cuối kỳ kế toán, thực hiện kết chuyển (nếu nguyên liệu, vật liệu đã được tập hợp riêng biệt cho đối tượng sử dụng), hoặc tiến hành tính phân bổ và kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu (Nếu không tập hợp riêng biệt cho từng đối tượng sử dụng) vào tài khoản 154 phục vụ cho việc tính giá thành thực tế của sản phẩm, dịch vụ trong kỳ kế toán. Khi tiến hành phân bổ trị giá nguyên liệu, vật liệu vào giá thành sản phẩm, doanh nghiệp phải sử dụng các tiêu thức phân bổ hợp lý như tỷ lệ theo định mức sử dụng,...
đ) Khi mua nguyên liệu, vật liệu, nếu thuế GTGT đầu vào được khấu trừ thì trị giá nguyên liệu, vật liệu sẽ không bao gồm thuế GTGT. Nếu thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ thì trị giá nguyên liệu, vật liệu bao gồm cả thuế GTGT.
e) Phần chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường không được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ mà phải kết chuyển ngay vào TK 632 “Giá vốn hàng bán”.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Bên Nợ: Trị giá thực tế nguyên liệu, vật liệu xuất dùng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ trong kỳ hạch toán.
Bên Có:
- Kết chuyển trị giá nguyên liệu, vật liệu thực tế sử dụng cho sản xuất, kinh doanh trong kỳ vào TK 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" hoặc TK 631 “Giá thành sản xuất” và chi tiết cho các đối tượng để tính giá thành sản phẩm, dịch vụ.
- Kết chuyển chi phí nguyên vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường vào TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Trị giá nguyên liệu, vật liệu trực tiếp sử dụng không hết được nhập lại kho.
Tài khoản 621 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi xuất nguyên liệu, vật liệu sử dụng cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ trong kỳ, ghi:
Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
b) Trường hợp mua nguyên liệu, vật liệu sử dụng ngay (không qua nhập kho) cho hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ và thuế GTGT đầu vào được khấu trừ, ghi:
Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 331, 141, 111, 112,...
c) Trường hợp số nguyên liệu, vật liệu xuất ra không sử dụng hết vào hoạt động sản xuất sản phẩm, hoặc thực hiện dịch vụ cuối kỳ nhập lại kho, ghi:
Nợ TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
d) Đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp vượt trên mức bình thường hoặc hao hụt được tính ngay vào giá vốn hàng bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
e) Đối với chi phí nguyên vật liệu sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Khi phát sinh chi phí nguyên vật liệu sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh, căn cứ hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp (chi tiết từng hợp đồng)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 331…
- Định kỳ, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung (có sự xác nhận của các bên) và xuất hoá đơn GTGT để phân bổ chi phí nguyên vật liệu sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các bên, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi tiết cho từng đối tác)
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
Trường hợp khi phân bổ chi phí không phải xuất hóa đơn GTGT, kế toán ghi giảm thuế GTGT đầu vào bằng cách ghi Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
g) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ vật liệu tính cho từng đối tượng sử dụng nguyên liệu, vật liệu (phân xưởng sản xuất sản phẩm, loại sản phẩm, công trình, hạng mục công trình của hoạt động xây lắp, loại dịch vụ,...) theo phương pháp trực tiếp hoặc phân bổ, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất (phương pháp kiểm kê định kỳ)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần vượt trên mức bình thường)
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh chi phí nhân công trực tiếp tham gia vào hoạt động sản xuất, kinh doanh trong các ngành công nghiệp, xây lắp, nông, lâm, ngư nghiệp, dịch vụ (giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, du lịch, khách sạn, tư vấn,...).
Chi phí nhân công trực tiếp bao gồm các khoản phải trả cho người lao động trực tiếp sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ thuộc danh sách quản lý của doanh nghiệp và cho lao động thuê ngoài theo từng loại công việc, như: Tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp, các khoản trích theo lương (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp).
b) Không hạch toán vào tài khoản này những khoản phải trả về tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp... cho nhân viên phân xưởng, nhân viên quản lý, nhân viên của bộ máy quản lý doanh nghiệp, nhân viên bán hàng.
c) Riêng đối với hoạt động xây lắp, không hạch toán vào tài khoản này khoản tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp có tính chất lương trả cho công nhân trực tiếp điều khiển xe, máy thi công, phục vụ máy thi công, khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp tính trên quỹ lương phải trả công nhân trực tiếp của hoạt động xây lắp, điều khiển máy thi công, phục vụ máy thi công, nhân viên phân xưởng.
d) Tài khoản 622 phải mở chi tiết theo đối tượng tập hợp chi phí sản xuất, kinh doanh.
đ) Phần chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường không được tính vào giá thành sản phẩm, dịch vụ mà phải kết chuyển ngay vào TK 632 “Giá vốn hàng bán”.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 622 – Chi phí nhân công trực tiếp
Bên Nợ: Chi phí nhân công trực tiếp tham gia quá trình sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ bao gồm: Tiền lương, tiền công lao động và các khoản trích trên tiền lương, tiền công theo quy định phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
- Kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp vào bên Nợ TK 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" hoặc vào bên Nợ TK 631 “Giá thành sản xuất”;
- Kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp vượt trên mức bình thường vào TK 632.
Tài khoản 622 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Căn cứ vào Bảng phân bổ tiền lương, ghi nhận số tiền lương, tiền công và các khoản khác phải trả cho nhân công trực tiếp sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, ghi:
Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
b) Tính, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện...) của công nhân trực tiếp sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ (phần tính vào chi phí doanh nghiệp phải chịu) trên số tiền lương, tiền công phải trả theo chế độ quy định, ghi:
Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp.
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).
c) Khi trích trước tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất, ghi:
Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
d) Khi công nhân sản xuất thực tế nghỉ phép, kế toán phản ánh số phải trả về tiền lương nghỉ phép của công nhân sản xuất, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
đ) Đối với chi phí nhân công sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Khi phát sinh chi phí nhân công sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh, căn cứ hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp (chi tiết cho từng hợp đồng)
Có các TK 111, 112, 334…
- Định kỳ, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung (có sự xác nhận của các bên) và xuất hoá đơn GTGT để phân bổ chi phí nhân công sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các bên, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi tiết cho từng đối tác)
Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
Trường hợp khi phân bổ chi phí không phải xuất hóa đơn GTGT, kế toán ghi giảm thuế GTGT đầu vào bằng cách ghi Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ.
e) Cuối kỳ kế toán, tính phân bổ và kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp vào bên Nợ TK 154 hoặc bên Nợ TK 631 theo đối tượng tập hợp chi phí, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, hoặc
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất (phương pháp kiểm kê định kỳ)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần vượt trên mức bình thường)
Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để tập hợp và phân bổ chi phí sử dụng xe, máy thi công phục vụ trực tiếp cho hoạt động xây, lắp công trình trong trường hợp doanh nghiệp thực hiện xây, lắp công trình theo phương thức thi công hỗn hợp vừa thủ công vừa kết hợp bằng máy.
b) Trường hợp doanh nghiệp thực hiện xây lắp công trình hoàn toàn theo phương thức bằng máy thì không sử dụng tài khoản 623 "Chi phí sử dụng máy thi công" mà hạch toán toàn bộ chi phí xây lắp trực tiếp vào các TK 621, 622, 627.
c) Không hạch toán vào TK 623 khoản trích về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp tính trên lương phải trả công nhân sử dụng xe, máy thi công. Phần chi phí sử dụng máy thi công vượt trên mức bình thường không tính vào giá thành công trình xây lắp mà được kết chuyển ngay vào TK 632.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 623 - Chi phí sử dụng máy thi công
Bên Nợ: Các chi phí liên quan đến hoạt động của máy thi công (chi phí vật liệu cho máy hoạt động, chi phí tiền lương và các khoản phụ cấp lương, tiền công của công nhân trực tiếp điều khiển máy, chi phí bảo dưỡng, sửa chữa xe, máy thi công...). Chi phí vật liệu, chi phí dịch vụ khác phục vụ cho xe, máy thi công.
Bên Có:
- Kết chuyển chi phí sử dụng xe, máy thi công vào bên Nợ tài khoản 154 "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang".
- Kết chuyển chi phí sử dụng máy thi công vượt trên mức bình thường vào TK 632.
Tài khoản 623 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 623 - Chi phí sử dụng máy thi công, có 6 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6231 - Chi phí nhân công: Dùng để phản ánh lương chính, lương phụ, phụ cấp lương phải trả cho công nhân trực tiếp điều khiển xe, máy thi công, phục vụ máy thi công như: Vận chuyển, cung cấp nhiên liệu, vật liệu... cho xe, máy thi công.
Tài khoản này không phản ánh khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn theo quy định hiện hành được tính trên lương của công nhân sử dụng xe, máy thi công. Các khoản trích này được phản ánh vào tài khoản 627 "Chi phí sản xuất chung".
- Tài khoản 6232 - Chi phí vật liệu: Dùng để phản ánh chi phí nhiên liệu (xăng, dầu, mỡ...), vật liệu khác phục vụ xe, máy thi công.
- Tài khoản 6233 - Chi phí dụng cụ sản xuất: Dùng để phản ánh công cụ, dụng cụ lao động liên quan tới hoạt động của xe, máy thi công.
- Tài khoản 6234 - Chi phí khấu hao máy thi công: Dùng để phản ánh chi phí khấu hao xe, máy thi công sử dụng vào hoạt động xây lắp công trình.
- Tài khoản 6237 - Chi phí dịch vụ mua ngoài: Dùng để phản ánh chi phí dịch vụ mua ngoài như thuê ngoài sửa chữa xe, máy thi công; tiền mua bảo hiểm xe, máy thi công; chi phí điện, nước, tiền thuê TSCĐ, chi phí trả cho nhà thầu phụ,...
- Tài khoản 6238 - Chi phí bằng tiền khác: Dùng để phản ánh các chi phí bằng tiền phục vụ cho hoạt động của xe, máy thi công.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
Hạch toán chi phí sử dụng xe, máy thi công phụ thuộc vào hình thức sử dụng máy thi công: Tổ chức đội máy thi công riêng chuyên thực hiện các khối lượng thi công bằng máy hoặc giao máy thi công cho các đội, xí nghiệp xây lắp:
a) Nếu tổ chức đội xe, máy thi công riêng, được phân cấp hạch toán và có tổ chức kế toán riêng, thì công việc kế toán được tiến hành như sau:
- Hạch toán các chi phí liên quan tới hoạt động của đội xe, máy thi công, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 627
Có các TK 111, 112, 152, 331, 334, 214,...
- Hạch toán chi phí sử dụng xe, máy và tính giá thành ca xe, máy thực hiện trên tài khoản 154 "Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" căn cứ vào giá thành ca máy (theo giá thành thực tế hoặc giá khoán nội bộ) cung cấp cho các đối tượng xây, lắp (công trình, hạng mục công trình); tuỳ theo phương thức tổ chức công tác kế toán và mối quan hệ giữa đội xe máy thi công với đơn vị xây, lắp công trình để ghi sổ:
+ Nếu doanh nghiệp thực hiện theo phương thức cung cấp dịch vụ xe, máy lẫn nhau giữa các bộ phận, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6238 - Chi phí bằng tiền khác)
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
+ Nếu doanh nghiệp thực hiện theo phương thức bán dịch vụ xe, máy lẫn nhau giữa các bộ phận trong nội bộ, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6238 - Chi phí bằng tiền khác)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (33311) (thuế
GTGT phải nộp tính trên giá bán nội bộ về ca xe, máy bán dịch vụ)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ (chi tiết cung cấp dịch vụ trong nội bộ).
b) Nếu không tổ chức Đội xe, máy thi công riêng; hoặc có tổ chức Đội xe, máy thi công riêng nhưng không tổ chức kế toán riêng cho đội thì toàn bộ chi phí sử dụng xe, máy (kể cả chi phí thường xuyên và chi phí tạm thời như: phụ cấp lương, phụ cấp lưu động của xe, máy thi công) sẽ hạch toán như sau:
- Căn cứ vào số tiền lương, tiền công và các khoản khác phải trả cho công nhân điều khiển xe, máy, phục vụ xe, máy, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6231 - Chi phí nhân công)
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
- Khi xuất kho vật liệu, công cụ, dụng cụ sử dụng cho hoạt động của xe, máy thi công trong kỳ, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6232 - Chi phí vật liệu)
Có các TK 152, 153.
- Trường hợp mua vật liệu, công cụ sử dụng ngay (không qua nhập kho) cho hoạt động của xe, máy thi công trong kỳ, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6232)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ thuế)
Có các TK 331, 111, 112,...
- Trích khấu hao xe, máy thi công sử dụng ở Đội xe, máy thi công, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6234 - Chi phí khấu hao máy thi công)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
- Chi phí dịch vụ mua ngoài phát sinh (sửa chữa xe, máy thi công, điện, nước, tiền thuê TSCĐ, chi phí trả cho nhà thầu phụ,...), ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6237)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 111, 112, 331,...
- Chi phí bằng tiền khác phát sinh, ghi:
Nợ TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công (6238 - Chi phí bằng tiền khác)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 111, 112,...
- Căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sử dụng xe, máy (chi phí thực tế ca xe, máy) tính cho từng công trình, hạng mục công trình, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang (khoản mục chi phí sử dụng máy thi công)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chi phí vượt trên mức bình thường)
Có TK 623 - Chi phí sử dụng máy thi công.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh chi phí phục vụ sản xuất, kinh doanh chung phát sinh ở phân xưởng, bộ phận, đội, công trường,...phục vụ sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ, gồm: Chi phí lương nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận, đội; Khầu hao TSCĐ sử dụng trực tiếp để sản xuất, Khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tỷ lệ quy định trên tiền lương phải trả của nhân viên phân xưởng, bộ phận, đội sản xuất và các chi phí có liên quan trực tiếp khác đên phân xưởng;
b) Riêng đối với hoạt động kinh doanh xây lắp, khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp còn tính trên cả lương của công nhân trực tiếp xây, lắp, nhân viên sử dụng máy thi công và nhân viên quản lý đội (thuộc danh sách lao động trong doanh nghiệp); khấu hao TSCĐ dùng cho phân xưởng, bộ phận sản xuất; chi phí đi vay nếu được vốn hoá tính vào giá trị tài sản đang trong quá trình sản xuất dở dang; chi phí sửa chữa và bảo hành công trình xây lắp và những chi phí khác liên quan tới hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
c) Tài khoản 627 chỉ sử dụng ở các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, nông, lâm, ngư nghiệp, XDCB, giao thông, bưu điện, du lịch, dịch vụ.
d) Tài khoản 627 được hạch toán chi tiết cho từng phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất.
đ) Chi phí sản xuất chung phản ánh trên TK 627 phải được hạch toán chi tiết theo 2 loại: Chi phí sản xuất chung cố định và chi phí sản xuất chung biến đổi trong đó:
- Chi phí sản xuất chung cố định là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường không thay đổi theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí bảo dưỡng máy móc thiết bị, nhà xưởng,... và chi phí quản lý hành chính ở các phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất...
+ Chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm được dựa trên công suất bình thường của máy móc sản xuất. Công suất bình thường là số lượng sản phẩm đạt được ở mức trung bình trong các điều kiện sản xuất bình thường;
+ Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra cao hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định được phân bổ cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh;
+ Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì chi phí sản xuất chung cố định chỉ được phân bổ vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung không phân bổ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ.
- Chi phí sản xuất chung biến đổi là những chi phí sản xuất gián tiếp, thường thay đổi trực tiếp hoặc gần như trực tiếp theo số lượng sản phẩm sản xuất, như chi phí nguyên liệu, vật liệu gián tiếp, chi phí nhân công gián tiếp. Chi phí sản xuất chung biến đổi được phân bổ hết vào chi phí chế biến cho mỗi đơn vị sản phẩm theo chi phí thực tế phát sinh.
e) Trường hợp một quy trình sản xuất ra nhiều loại sản phẩm trong cùng một khoảng thời gian mà chi phí sản xuất chung của mỗi loại sản phẩm không được phản ánh một cách tách biệt, thì chi phí sản xuất chung được phân bổ cho các loại sản phẩm theo tiêu thức phù hợp và nhất quán giữa các kỳ kế toán.
g) Cuối kỳ, kế toán tiến hành tính toán, phân bổ kết chuyển chi phí sản xuất chung vào bên Nợ tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang” hoặc vào bên Nợ tài khoản 631 "Giá thành sản xuất".
h) Tài khoản 627 không sử dụng cho hoạt động kinh doanh thương mại.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 627 - Chi phí sản xuất chung
Bên Nợ: Các chi phí sản xuất chung phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
- Các khoản ghi giảm chi phí sản xuất chung;
- Chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ do mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường;
- Kết chuyển chi phí sản xuất chung vào bên Nợ tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang" hoặc vào bên Nợ TK 631 “Giá thành sản xuất”.
Tài khoản 627 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 627 - Chi phí sản xuất chung, có 6 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6271 - Chi phí nhân viên phân xưởng: Phản ánh các khoản tiền lương, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận sản xuất; tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý phân xưởng, phân xưởng, bộ phận sản xuất; khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
- Tài khoản 6272 - Chi phí vật liệu: Phản ánh chi phí vật liệu xuất dùng cho phân xưởng, như vật liệu dùng để sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ, công cụ, dụng cụ thuộc phân xưởng quản lý và sử dụng, chi phí lán trại tạm thời,...
- Tài khoản 6273 - Chi phí dụng cụ sản xuất: Phản ánh chi phí về công cụ, dụng cụ xuất dùng cho hoạt động quản lý của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
- Tài khoản 6274 - Chi phí khấu hao TSCĐ: Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ dùng trực tiếp cho hoạt động sản xuất sản phẩm, thực hiện dịch vụ và TSCĐ dùng chung cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất,...
- Tài khoản 6277 - Chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận sản xuất như: Chi phí sửa chữa, chi phí thuê ngoài, chi phí điện, nước, điện thoại, tiền thuê TSCĐ, chi phí trả cho nhà thầu phụ (đối với doanh nghiệp xây lắp).
- Tài khoản 6278 - Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí bằng tiền ngoài các chi phí đã kể trên phục vụ cho hoạt động của phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Khi tính tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp phải trả cho nhân viên của phân xưởng; tiền ăn giữa ca của nhân viên quản lý phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6271)
Có TK 334 - Phải trả người lao động.
b) Khi trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ người lao động (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện) được tính theo tỷ lệ quy định hiện hành trên tiền lương phải trả cho nhân viên phân xưởng, bộ phận sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6271)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3382, 3383, 3384, 3386).
c) Kế toán chi phí nguyên liệu, vật liệu xuất dùng cho phân xưởng (trường hợp doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên):
- Khi xuất vật liệu dùng chung cho phân xưởng, như sửa chữa, bảo dưỡng TSCĐ dùng cho quản lý điều hành hoạt động của phân xưởng, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6272)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu.
- Khi xuất công cụ, dụng cụ sản xuất có tổng giá trị nhỏ sử dụng cho phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, căn cứ vào phiếu xuất kho, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6273)
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
- Khi xuất công cụ, dụng cụ sản xuất có tổng giá trị lớn sử dụng cho phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, phải phân bổ dần, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Có TK 153 - Công cụ, dụng cụ.
- Khi phân bổ giá trị công cụ, dụng cụ vào chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6273)
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
d) Trích khấu hao máy móc, thiết bị, nhà xưởng sản xuất,... thuộc phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6274)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
đ) Chi phí điện, nước, điện thoại,... thuộc phân xưởng, bộ phận, tổ, đội sản xuất, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6278)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ thuế GTGT)
Có các TK 111, 112, 331,...
e) Trường hợp sử dụng phương pháp trích trước hoặc phân bổ dần số đã chi về chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thuộc phân xưởng, tính vào chi phí sản xuất chung:
- Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thực tế phát sinh, ghi:
Nợ TK 2413 - Sửa chữa lớn TSCĐ
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 331, 111, 112,...
- Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ hoàn thành, ghi:
Nợ các TK 242, 352
Có TK 2413 - Sửa chữa lớn TSCĐ.
- Khi trích trước hoặc phân bổ dần số đã chi về chi phí sửa chữa lớn TSCĐ, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (6273)
Có các TK 352, 242.
g) Trường hợp doanh nghiệp có TSCĐ cho thuê hoạt động, khi phát sinh chi phí liên quan đến TSCĐ cho thuê hoạt động:
- Khi phát sinh các chi phí trực tiếp ban đầu liên quan đến cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
- Định kỳ, tính, trích khấu hao TSCĐ cho thuê hoạt động vào chi phí SXKD, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ (hao mòn TSCĐ cho thuê hoạt động).
h) Ở doanh nghiệp xây lắp, khi xác định số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có TK 352 - Dự phòng phải trả.
- Khi phát sinh chi phí sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ các TK 621, 622, 623, 627
Có các TK 111, 112, 152, 214, 334,...
- Cuối kỳ, kết chuyển chi phí sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có các TK 621, 622, 623, 627.
- Khi sửa chữa, bảo hành công trình xây lắp hoàn thành, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
i) Cuối kỳ kế toán, xác định lãi tiền vay phải trả, đã trả được vốn hoá cho tài sản sản xuất dở dang, khi trả lãi tiền vay, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (tài sản đang sản xuất dở dang)
Có các TK 111, 112
Có TK 242 - Chi phí trả trước (nếu trả trước lãi vay).
Có TK 335 - Chi phí phải trả (lãi tiền vay phải trả)
Có TK 343 - Trái phiếu phát hành (chi phí phát hành trái phiếu và số chênh lệch giữa số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất thực tế cao hơn số lãi phải trả tính theo lãi suất danh nghĩa được ghi tăng gốc trái phiếu).
k) Nếu phát sinh các khoản giảm chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138,...
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
l) Đối với chi phí sản xuất chung sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh
- Khi phát sinh chi phí sản xuất chung sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh, căn cứ hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 627 - Chi phí sản xuất chung (chi tiết cho từng hợp đồng)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 111, 112, 331…
- Định kỳ, kế toán lập Bảng phân bổ chi phí chung (có sự xác nhận của các bên) và xuất hoá đơn GTGT để phân bổ chi phí sản xuất chung sử dụng chung cho hợp đồng hợp tác kinh doanh cho các bên, ghi:
Nợ TK 138 - Phải thu khác (chi tiết cho từng đối tác)
Có các TK 627 - Chi phí sản xuất chung
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
Trường hợp khi phân bổ chi phí không phải xuất hóa đơn GTGT, kế toán ghi giảm thuế GTGT đầu vào bằng cách ghi Có TK 133 – Thuế GTGT được khấu trừ.
m) Cuối kỳ kế toán, căn cứ vào Bảng phân bổ chi phí sản xuất chung để kết chuyển hoặc phân bổ chi phí sản xuất chung vào các tài khoản có liên quan cho từng sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ theo tiêu thức phù hợp:
- Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kê khai thường xuyên, cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi phí SXC cố định không phân bổ)
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
- Đối với doanh nghiệp áp dụng phương pháp kiểm kê định kỳ, cuối kỳ kết chuyển chi phí sản xuất chung, ghi.
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi phí SXC cố định không phân bổ)
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh tổng hợp chi phí sản xuất và tính giá thành sản phẩm, dịch vụ ở các đơn vị sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và các đơn vị kinh doanh dịch vụ vận tải, bưu điện, du lịch, khách sạn,... trong trường hợp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
b) Đối với doanh nghiệp hạch toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên không sử dụng tài khoản này.
c) Chỉ hạch toán vào tài khoản 631 các loại chi phí sản xuất, kinh doanh sau:
- Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp;
- Chi phí nhân công trực tiếp;
- Chi phí sử dụng máy thi công (đối với các doanh nghiệp xây lắp);
- Chi phí sản xuất chung.
d) Không hạch toán vào tài khoản 631 các loại chi phí sau:
- Chi phí bán hàng;
- Chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Chi phí tài chính;
- Chi phí khác;
- Chi sự nghiệp.
đ) Chi phí của bộ phận sản xuất, kinh doanh phục vụ cho sản xuất, kinh doanh, trị giá vốn hàng hóa, nguyên liệu, vật liệu và chi phí thuê ngoài gia công chế biến (thuê ngoài, hay tự gia công, chế biến) cũng được phản ánh trên tài khoản 631.
e) Tài khoản 631 “Giá thành sản xuất” phải được hạch toán chi tiết theo nơi phát sinh chi phí (phân xưởng, tổ, đội sản xuất,...) theo loại, nhóm sản phẩm, dịch vụ…
g) Đối với ngành nông nghiệp, giá thành thực tế của sản phẩm được xác định vào cuối vụ hoặc cuối năm. Sản phẩm thu hoạch năm nào thì tính giá thành trong năm đó, nghĩa là chi phí chi ra trong năm nay nhưng năm sau mới thu hoạch sản phẩm thì năm sau mới tính giá thành.
- Đối với ngành trồng trọt, chi phí phải được hạch toán chi tiết theo 3 loại cây:
+ Cây ngắn ngày;
+ Cây trồng một lần thu hoạch nhiều lần;
+ Cây lâu năm.
Đối với các loại cây trồng 2,3 vụ trong một năm, hoặc trồng năm nay, năm sau mới thu hoạch, hoặc loại cây vừa có diện tích trồng mới, vừa có diện tích chăm sóc thu hoạch trong cùng một năm,... thì phải căn cứ vào tình hình thực tế để ghi chép, phản ánh rõ ràng chi phí của vụ này với vụ khác, của diện tích này với diện tích khác, của năm trước với năm nay và năm sau,...Không phản ánh vào tài khoản 631 “Giá thành sản xuất” chi phí trồng mới và chăm sóc cây lâu năm đang trong thời kỳ XDCB.
Đối với một số loại chi phí có liên quan đến nhiều đối tượng hạch toán hoặc liên quan đến nhiều vụ, nhiều thời kỳ thì phải được theo dõi chi tiết riêng, sau đó phân bổ vào giá thành từng loại sản phẩm có liên quan như: Chi phí tưới tiêu nước, chi phí chuẩn bị đất và trồng mới năm đầu của những cây trồng một lần, thu hoạch nhiều lần (chi phí này không thuộc vốn đầu tư XDCB).
Trên cùng một diện tích canh tác, nếu trồng xen kẽ từ hai loại cây công nghiệp ngắn ngày trở lên thì những chi phí phát sinh có liên quan trực tiếp đến cây nào sẽ tập hợp riêng cho cây đó (như hạt giống, chi phí gieo trồng, thu hoạch) chi phí phát sinh chung cho các loại cây (như chi phí cày, bừa, tưới tiêu nước…) được tập hợp riêng và phân bổ cho từng loại cây theo diện tích gieo trồng.
Đối với cây lâu năm, các công việc từ khi làm đất, gieo trồng, chăm sóc đến khi bắt đầu có sản phẩm được xem như quá trình đầu tư XDCB để hình thành nên TSCĐ được tập hợp chi phí vào TK 241 “XDCB dở dang”.
- Hạch toán chi phí chăn nuôi phải theo dõi chi tiết cho từng ngành chăn nuôi (ngành chăn nuôi trâu bò, ngành chăn nuôi lợn…), theo từng nhóm hoặc theo từng loại gia súc, gia cầm. Đối với súc vật sinh sản khi đào thải chuyển thành súc vật nuôi lớn, nuôi béo được hạch toán vào TK 631 “Giá thành sản xuất” theo giá trị còn lại.
h) Tài khoản 631 “Giá thành sản xuất” áp dụng đối với ngành giao thông vận tải phải được hạch toán chi tiết theo từng loại hoạt động (vận tải hành khách, vận tải hàng hóa…). Trong quá trình vận tải, săm lốp bị hao mòn với mức độ nhanh hơn mức khấu hao đầu xe nên thường phải thay thế nhiều lần nhưng giá trị săm lốp thay thế không tính vào giá thành vận tải ngay một lúc khi xuất dùng thay thế, mà phải trích trước hoặc phân bổ dần vào chi phí sản xuất, kinh doanh hàng kỳ.
i) Trong hoạt động kinh doanh khách sạn, hạch toán tài khoản 631 phải được theo dõi chi tiết theo từng loại hoạt động như: Hoạt động ăn uống, dịch vụ buồng nghỉ, phục vụ vui chơi giải trí, phục vụ khác (giặt, là, cắt tóc, điện tín, massage…).
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 631 - Giá thành sản xuất
Bên Nợ:
- Chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ dở dang đầu kỳ;
- Chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ thực tế phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
- Giá thành sản phẩm nhập kho, dịch vụ hoàn thành kết chuyển vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”.
- Chi phí sản xuất, kinh doanh dịch vụ dở dang cuối kỳ kết chuyển vào tài khoản 154 “Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang”.
Tài khoản 631 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu:
a) Kết chuyển chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí dịch vụ dở dang đầu kỳ vào bên Nợ tài khoản 631 “Giá thành sản xuất”, ghi:
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
b) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp vào tài khoản giá thành sản xuất, ghi:
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất
Có TK 621 - Chi phí nguyên liệu, vật liệu trực tiếp.
c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí nhân công trực tiếp vào tài khoản giá thành sản xuất, ghi:
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất
Có TK 622 - Chi phí nhân công trực tiếp.
d) Cuối kỳ, tính toán phân bổ và kết chuyển chi phí sản xuất chung vào tài khoản giá thành sản xuất theo từng loại sản phẩm, lao vụ, dịch vụ,… ghi:
Nợ TK 631 - Giá thành sản xuất
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi phí SXC cố định không được phân bổ)
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
đ) Cuối kỳ kế toán, tiến hành kiểm kê và xác định giá trị sản phẩm, dịch vụ dở dang cuối kỳ, ghi;
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 631 - Giá thành sản xuất.
e) Giá thành sản phẩm nhập kho, dịch vụ hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 631 - Giá thành sản xuất.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, bất động sản đầu tư; giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp (đối với doanh nghiệp xây lắp) bán trong kỳ. Ngoài ra, tài khoản này còn dùng để phản ánh các chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư như: Chi phí khấu hao; chi phí sửa chữa; chi phí nghiệp vụ cho thuê BĐS đầu tư theo phương thức cho thuê hoạt động (trường hợp phát sinh không lớn); chi phí nhượng bán, thanh lý BĐS đầu tư…
b) Trường hợp doanh nghiệp là chủ đầu tư kinh doanh bất động sản, khi chưa tập hợp được đầy đủ hồ sơ, chứng từ về các khoản chi phí liên quan trực tiếp tới việc đầu tư, xây dựng bất động sản nhưng đã phát sinh doanh thu nhượng bán bất động sản, doanh nghiệp được trích trước một phần chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán. Khi tập hợp đủ hồ sơ, chứng từ hoặc khi bất động sản hoàn thành toàn bộ, doanh nghiệp phải quyết toán số chi phí đã trích trước vào giá vốn hàng bán. Phần chênh lệch giữa số chi phí đã trích trước cao hơn số chi phí thực tế phát sinh được điểu chỉnh giảm giá vốn hàng bán của kỳ thực hiện quyết toán. Việc trích trước chi phí để tạm tính giá vốn bất động sản phải tuân thủ theo các nguyên tắc sau:
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước vào giá vốn hàng bán đối với các khoản chi phí đã có trong dự toán đầu tư, xây dựng nhưng chưa có đủ hồ sơ, tài liệu để nghiệm thu khối lượng và phải thuyết minh chi tiết về lý do, nội dung chi phí trích trước cho từng hạng mục công trình trong kỳ.
- Doanh nghiệp chỉ được trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng bán cho phần bất động sản đã hoàn thành, được xác định là đã bán trong kỳ và đủ tiêu chuẩn ghi nhận doanh thu.
- Số chi phí trích trước được tạm tính và số chi phí thực tế phát sinh được ghi nhận vào giá vốn hàng bán phải đảm bảo tương ứng với định mức giá vốn tính theo tổng chi phí dự toán của phần hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (được xác định theo diện tích).
c) Khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho được tính vào giá vốn hàng bán trên cơ sở số lượng hàng tồn kho và phần chênh lệch giữa giá trị thuần có thể thực hiện được nhỏ hơn giá gốc hàng tồn kho. Khi xác định khối lượng hàng tồn kho bị giảm giá cần phải trích lập dự phòng, kế toán phải loại trừ khối lượng hàng tồn kho đã ký được hợp đồng tiêu thụ (có giá trị thuần có thể thực hiện được không thấp hơn giá trị ghi sổ) nhưng chưa chuyển giao cho khách hàng nếu có bằng chứng chắc chắn về việc khách hàng sẽ không từ bỏ thực hiện hợp đồng.
d) Khi bán sản phẩm, hàng hóa kèm thiết bị, phụ tùng thay thế thì giá trị thiết bị, phụ tùng thay thế được ghi nhận vào giá vốn hàng bán.
đ) Đối với phần giá trị hàng tồn kho hao hụt, mất mát, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có).
e) Đối với chi phí nguyên vật liệu trực tiếp tiêu hao vượt mức bình thường, chi phí nhân công, chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ vào giá trị sản phẩm nhập kho, kế toán phải tính ngay vào giá vốn hàng bán (sau khi trừ đi các khoản bồi thường, nếu có) kể cả khi sản phẩm, hàng hóa chưa được xác định là tiêu thụ.
g) Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại thì được ghi giảm giá vốn hàng bán.
h) Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 632 - Giá vốn hàng bán
2.1. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
Bên Nợ:
- Đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, phản ánh:
+ Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ.
+ Chi phí nguyên liệu, vật liệu, chi phí nhân công vượt trên mức bình thường và chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ được tính vào giá vốn hàng bán trong kỳ;
+ Các khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra;
+ Chi phí xây dựng, tự chế TSCĐ vượt trên mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình tự xây dựng, tự chế hoàn thành;
+ Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập năm nay lớn hơn số dự phòng đã lập năm trước chưa sử dụng hết).
- Đối với hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư, phản ánh:
+ Số khấu hao BĐS đầu tư dùng để cho thuê hoạt động trích trong kỳ;
+ Chi phí sửa chữa, nâng cấp, cải tạo BĐS đầu tư không đủ điều kiện tính vào nguyên giá BĐS đầu tư;
+ Chi phí phát sinh từ nghiệp vụ cho thuê hoạt động BĐS đầu tư trong kỳ;
+ Giá trị còn lại của BĐS đầu tư bán, thanh lý trong kỳ;
+ Chi phí của nghiệp vụ bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ;
+ Chi phí trích trước đối với hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã bán trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”;
- Kết chuyển toàn bộ chi phí kinh doanh BĐS đầu tư phát sinh trong kỳ để xác định kết quả hoạt động kinh doanh;
- Khoản hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã lập năm trước);
- Trị giá hàng bán bị trả lại nhập kho;
- Khoản hoàn nhập chi phí trích trước đối với hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán (chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
- Khoản chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán nhận được sau khi hàng mua đã tiêu thụ.
- Các khoản thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường đã tính vào giá trị hàng mua, nếu khi xuất bán hàng hóa mà các khoản thuế đó được hoàn lại.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
2.2. Trường hợp doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ.
2.2.1. Đối với doanh nghiệp kinh doanh thương mại.
Bên Nợ:
- Trị giá vốn của hàng hóa đã xuất bán trong kỳ.
- Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay lớn hơn số đã lập năm trước chưa sử dụng hết).
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã gửi bán nhưng chưa được xác định là tiêu thụ;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã lập năm trước);
- Kết chuyển giá vốn của hàng hóa đã xuất bán vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
2.2.2. Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ.
Bên Nợ:
- Trị giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ;
- Số trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay lớn hơn số đã lập năm trước chưa sử dụng hết);
- Trị giá vốn của thành phẩm sản xuất xong nhập kho và dịch vụ đã hoàn thành.
Bên Có:
- Kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ TK 155 “Thành phẩm”;
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho cuối năm tài chính (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập năm nay nhỏ hơn số đã lập năm trước chưa sử dụng hết);
- Kết chuyển giá vốn của thành phẩm đã xuất bán, dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ TK 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 632 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kê khai thường xuyên.
a) Khi xuất bán các sản phẩm, hàng hóa (kể cả sản phẩm dùng làm thiết bị, phụ tùng thay thế đi kèm sản phẩm, hàng hóa), dịch vụ hoàn thành được xác định là đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 154, 155, 156, 157,…
b) Phản ánh các khoản chi phí được hạch toán trực tiếp vào giá vốn hàng bán:
- Trường hợp mức sản phẩm thực tế sản xuất ra thấp hơn công suất bình thường thì kế toán phải tính và xác định chi phí sản xuất chung cố định phân bổ vào chi phí chế biến cho một đơn vị sản phẩm theo mức công suất bình thường. Khoản chi phí sản xuất chung cố định không phân bổ (không tính vào giá thành sản phẩm số chênh lệch giữa tổng số chi phí sản xuất chung cố định thực tế phát sinh lớn hơn chi phí sản xuất chung cố định tính vào giá thành sản phẩm) được ghi nhận vào giá vốn hàng bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 154 - Chi phí SXKD dở dang; hoặc
Có TK 627 - Chi phí sản xuất chung.
- Phản ánh khoản hao hụt, mất mát của hàng tồn kho sau khi trừ (-) phần bồi thường do trách nhiệm cá nhân gây ra, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 153, 156, 138 (1381),…
- Phản ánh chi phí tự xây dựng TSCĐ vượt quá mức bình thường không được tính vào nguyên giá TSCĐ hữu hình hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang.
c) Hạch toán khoản trích lập hoặc hoàn nhập dự phòng giảm giá hàng tồn kho
- Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này lớn hơn số đã lập kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294).
- Trường hợp số dự phòng giảm giá hàng tồn kho phải lập kỳ này nhỏ hơn số đã lập kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2294)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
d) Các nghiệp vụ kinh tế liên quan đến hoạt động kinh doanh BĐS đầu tư:
- Định kỳ tính, trích khấu hao BĐS đầu tư đang cho thuê hoạt động, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có TK 2147 - Hao mòn BĐS đầu tư.
- Khi phát sinh chi phí liên quan đến BĐS đầu tư sau ghi nhận ban đầu nếu không thoả mãn điều kiện ghi tăng giá trị BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư) Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (nếu phải phân bổ dần)
Có các TK 111, 112, 152, 153, 334,…
- Các chi phí liên quan đến cho thuê hoạt động BĐS đầu tư, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Có các TK 111, 112, 331, 334,...
- Kế toán giảm nguyên giá và giá trị hao mòn của BĐS đầu tư (nếu có) do bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (2147 - Hao mòn BĐS đầu tư)
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị còn lại của BĐS đầu tư)
Có TK 217 - Bất động sản đầu tư (nguyên giá).
- Các chi phí bán, thanh lý BĐS đầu tư phát sinh, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán (chi tiết chi phí kinh doanh BĐS đầu tư)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331,...
đ) Phương pháp kế toán khoản chi phí trích trước để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản được xác định là đã bán đối với doanh nghiệp là chủ đầu tư:
- Khi trích trước chi phí để tạm tính giá vốn hàng hóa bất động sản đã bán trong kỳ, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
- Các chi phí đầu tư, xây dựng thực tế phát sinh đã có đủ hồ sơ tài liệu và được nghiệm thu tập hợp để tính chi phí đầu tư xây dựng bất động sản, ghi:
Nợ TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các tài khoản liên quan.
- Khi các khoản chi phí trích trước đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh là đã thực tế phát sinh, kế toán ghi giảm khoản chi phí trích trước và ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
- Khi toàn bộ dự án bất động sản hoàn thành, kế toán phải quyết toán và ghi giảm số dư khoản chi phí trích trước còn lại, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (phần chênh lệch giữa số chi phí trích trước còn lại cao hơn chi phí thực tế phát sinh).
e) Trường hợp dùng sản phẩm sản xuất ra chuyển thành TSCĐ để sử dụng, ghi:
Nợ TK 211 - TSCĐ hữu hình
Có TK 154 - Chi phí sản xuất, kinh doanh dở dang.
g) Hàng bán bị trả lại nhập kho, ghi:
Nợ các TK 155,156
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
h) Trường hợp khoản chiết khấu thương mại hoặc giảm giá hàng bán nhận được sau khi mua hàng, kế toán phải căn cứ vào tình hình biến động của hàng tồn kho để phân bổ số chiết khấu thương mại, giảm giá hàng bán được hưởng dựa trên số hàng tồn kho chưa tiêu thụ, số đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng hoặc đã xác định là tiêu thụ trong kỳ:
Nợ các TK 111, 112, 331…
Có các TK 152, 153, 154, , 155, 156 (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho chưa tiêu thụ trong kỳ)
Có TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã xuất dùng cho hoạt động đầu tư xây dựng)
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán (giá trị khoản CKTM, GGHB của số hàng tồn kho đã tiêu thụ trong kỳ).
k) Kết chuyển giá vốn hàng bán của các sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư, dịch vụ được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
3.2) Đối với doanh nghiệp kế toán hàng tồn kho theo phương pháp kiểm kê định kỳ
a) Đối với doanh nghiệp thương mại:
- Cuối kỳ, xác định và kết chuyển trị giá vốn của hàng hóa đã xuất bán, được xác định là đã bán, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán.
Có TK 611 - Mua hàng.
- Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn hàng hóa đã xuất bán được xác định là đã bán vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
b) Đối với doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh dịch vụ :
- Đầu kỳ, kết chuyển trị giá vốn của thành phẩm tồn kho đầu kỳ vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 155 - Thành phẩm.
- Đầu kỳ, kết chuyển trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán vào tài khoản 632 “Giá vốn hàng bán”, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 157 - Hàng gửi đi bán.
- Giá thành của thành phẩm hoàn thành nhập kho, giá thành dịch vụ đã hoàn thành, ghi:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có TK 631 - Giá thành sản phẩm.
- Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm tồn kho cuối kỳ vào bên Nợ tài khoản 155 “Thành phẩm”, ghi:
Nợ TK 155 - Thành phẩm
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Cuối kỳ, xác định trị giá của thành phẩm, dịch vụ đã gửi bán nhưng chưa được xác định là đã bán, ghi:
Nợ TK 157 - Hàng gửi đi bán
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
- Cuối kỳ, kết chuyển giá vốn của thành phẩm, dịch vụ đã được xác định là đã bán trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này phản ánh những khoản chi phí hoạt động tài chính bao gồm các khoản chi phí hoặc các khoản lỗ liên quan đến các hoạt động đầu tư tài chính, chi phí cho vay và đi vay vốn, chi phí góp vốn liên doanh, liên kết, lỗ chuyển nhượng chứng khoán ngắn hạn, chi phí giao dịch bán chứng khoán; Dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác, khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ, lỗ tỷ giá hối đoái...
b) Tài khoản 635 phải được hạch toán chi tiết cho từng nội dung chi phí. Không hạch toán vào tài khoản 635 những nội dung chi phí sau đây:
- Chi phí phục vụ cho việc sản xuất sản phẩm, cung cấp dịch vụ;
- Chi phí bán hàng;
- Chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Chi phí kinh doanh bất động sản;
- Chi phí đầu tư xây dựng cơ bản;
- Các khoản chi phí được trang trải bằng nguồn kinh phí khác;
- Chi phí khác.
c) Chi phí phát hành trái phiếu được phân bổ dần phù hợp với kỳ hạn trái phiếu và được ghi nhận vào chi phí tài chính nếu việc phát hành trái phiếu cho mục đích sản xuất, kinh doanh thông thường.
d) Lãi phải trả của trái phiếu chuyển đổi được tính vào chi phí tài chính trong kỳ được xác định bằng cách lấy giá trị phần nợ gốc đầu kỳ của trái phiếu chuyển đổi nhân (x) với lãi suất của trái phiếu tương tự trên thị trường nhưng không có quyền chuyển đổi thành cổ phiếu hoặc lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường tại thời điểm phát hành trái phiếu chuyển đổi (xem quy định chi tiết tại phần hướng dẫn tài khoản 343 - Trái phiếu phát hành).
đ) Nếu cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, khoản cổ tức ưu đãi đó về bản chất là khoản lãi vay và phải được ghi nhận vào chi phí tài chính.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 635 - Chi phí tài chính
Bên Nợ:
- Chi phí lãi tiền vay, lãi mua hàng trả chậm, lãi thuê tài sản thuê tài chính;
- Lỗ bán ngoại tệ;
- Chiết khấu thanh toán cho người mua;
- Các khoản lỗ do thanh lý, nhượng bán các khoản đầu tư;
- Lỗ tỷ giá hối đoái phát sinh trong kỳ; Lỗ tỷ giá hối đoái do đánh giá lại cuối năm tài chính các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ;
- Số trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác;
- Các khoản chi phí của hoạt động đầu tư tài chính khác.
Bên Có:
- Hoàn nhập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh, dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã trích lập năm trước chưa sử dụng hết);
- Các khoản được ghi giảm chi phí tài chính;
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ chi phí tài chính phát sinh trong kỳ để xác định kết quả hoạt động kinh doanh.
Tài khoản 635 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Khi phát sinh chi phí liên quan đến hoạt động bán chứng khoán, cho vay vốn, mua bán ngoại tệ..., ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112, 141,...
3.2. Khi bán chứng khoán kinh doanh, thanh lý nhượng bán các khoản đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết phát sinh lỗ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,... (giá bán tính theo giá trị hợp lý của tài sản nhận được)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ)
Có các TK 121, 221, 222, 228 (giá trị ghi sổ).
3.3. Khi nhận lại vốn góp vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết mà giá trị hợp lý tài sản được chia nhỏ hơn giá trị vốn góp, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 152, 156, 211,...(giá trị hợp lý tài sản được chia)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (số lỗ)
Có các TK 221, 222.
3.4. Trường hợp doanh nghiệp bán khoản đầu tư vào cổ phiếu của doanh nghiệp khác dưới hình thức hoán đổi cổ phiếu, doanh nghiệp phải xác định giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về tại thời điểm trao đổi. Phần chênh lệch (nếu có) giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về nhỏ hơn giá trị ghi sổ của cổ phiếu mang đi trao đổi được kế toán là chi phí tài chính, ghi:
Nợ các TK 121, 221, 222, 228 (giá trị ghi sổ cổ phiếu nhận về)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (phần chênh lệch giữa giá trị hợp lý của cổ phiếu nhận về thấp hơn giá trị ghi sổ của cổ
phiếu mang đi trao đổi)
Có các TK 121, 221, 222, 228 (giá trị hợp lý cổ phiếu mang trao đổi).
3.5. Kế toán dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh và dự phòng tổn thất đầu tư vào đơn vị khác khi lập Báo cáo tài chính:
- Trường hợp số dự phòng phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291, 2292).
- Trường hợp số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2291, 2292)
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
3.6. Khoản chiết khấu thanh toán cho người mua hàng hoá, dịch vụ được hưởng do thanh toán trước hạn phải thanh toán theo thỏa thuận khi mua, bán hàng, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 131, 111, 112,...
3.7. Chi phí liên quan trực tiếp đến khoản vay (ngoài lãi vay phải trả), như chi phí kiểm toán, thẩm định hồ sơ vay vốn..., nếu được tính vào chi phí tài chính:
- Đối với khoản vay dưới hình thức phát hành trái phiếu, ghi:
Nợ các TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 343 - Trái phiếu phát hành (3431, 3432)
- Đối với khoản vay dưới hình thức vay theo hợp đồng, khế ước thông thường, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112
3.8. Trường hợp đơn vị phải thanh toán định kỳ lãi tiền vay, lãi trái phiếu cho bên cho vay, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112,...
3.9. Trường hợp đơn vị trả trước lãi tiền vay, lãi trái phiếu cho bên cho vay, ghi:
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (nếu trả trước lãi tiền vay)
Có các TK 111, 112,...
Định kỳ, khi phân bổ lãi tiền vay, lãi trái phiếu theo số phải trả từng kỳ vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
3.10. Trường hợp vay trả lãi sau:
- Định kỳ, khi tính lãi tiền vay, lãi trái phiếu phải trả trong kỳ, nếu được tính vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3411) (nếu lãi vay nhập gốc)
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
- Hết thời hạn vay, khi đơn vị trả gốc vay và lãi tiền vay, ghi:
Nợ TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (gốc vay còn phải trả)
Nợ TK 34311 - Mệnh giá trái phiếu
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (lãi tiền vay của các kỳ trước)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lãi tiền vay của kỳ đáo hạn)
Có các TK 111, 112,...
3.11. Trường hợp doanh nghiệp phát hành trái phiếu có chiết khấu hoặc phụ trội để huy động vốn vay dùng vào SXKD, định kỳ khi tính chi phí lãi vay vào chi phí SXKD trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 111, 112,... (nếu trả lãi vay định kỳ)
Có TK 242 - Chi phí trả trước (chi phí đi vay phải trả trong kỳ)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (trích trước chi phí đi vay phải trả trong kỳ - nếu chi phí đi vay trả sau).
- Nếu phát hành trái phiếu có chiết khấu, định kỳ, khi phân bổ chiết khấu trái phiếu từng kỳ ghi vào chi phí đi vay, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 34312 - Chiết khấu trái phiếu (số phân bổ từng kỳ).
- Nếu phát hành trái phiếu có phụ trội, định kỳ khi phân bổ phụ trội trái phiếu từng kỳ ghi giảm chi phí đi vay, ghi:
Nợ TK 34313 - Phụ trội trái phiếu (số phân bổ từng kỳ)
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
3.12. Định kỳ, kế toán ghi nhận chi phí tài chính hoặc vốn hoá đối với số lãi trái phiếu phải trả tính theo lãi suất của trái phiếu tương tự không có quyền chuyển đổi hoặc tính theo lãi suất đi vay phổ biến trên thị trường đồng thời điều chỉnh giá trị phần nợ gốc của trái phiếu chuyển đổi ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Nợ TK 241 - Xây dựng cơ bản dở dang (nếu vốn hoá)
Có TK 335 - Chi phí phải trả (số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa)
Có TK 3432 - Trái phiếu chuyển đổi (phần chênh lệch giữa lãi trái phiếu được ghi nhận vào chi phí tài chính (hoặc vốn hoá) và số lãi trái phiếu phải trả trong kỳ tính theo lãi suất danh nghĩa).
3.13. Trường hợp doanh nghiệp thanh toán định kỳ tiền lãi thuê của TSCĐ thuê tài chính, khi bên thuê nhận được hoá đơn thanh toán của bên cho thuê, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (tiền lãi thuê trả từng kỳ)
Có các TK 111, 112 (nếu trả tiền ngay)
Có TK 341 - Vay và nợ thuê tài chính (3412) (nếu nhận nợ).
3.14. Khi mua vật tư, hàng hóa, TSCĐ theo phương thức trả chậm, trả góp về sử dụng ngay cho hoạt động SXKD, ghi:
Nợ các TK 152, 153, 156, 211, 213 (theo giá mua trả tiền ngay)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước {phần lãi trả chậm là số chênh lệch giữa tổng số tiền phải thanh toán trừ (-) Giá mua trả tiền ngay trừ Thuế GTGT (nếu được khấu trừ)}
Có TK 331 - Phải trả cho người bán (tổng giá thanh toán).
Định kỳ, tính vào chi phí tài chính số lãi mua hàng trả chậm, trả góp phải trả, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
3.15. Kế toán các khoản lỗ tỷ giá
a) Khi mua hàng hoá, dịch vụ, tài sản, chi trả các khoản chi phí... thanh toán bằng ngoại tệ nếu tỷ giá giao dịch thực tế nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán của TK 111, 112, ghi:
Nợ các TK 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642, (theo tỷ giá giao dịch thực tế)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 1112, 1122 (theo tỷ giá trên sổ kế toán).
b) Khi thanh toán các khoản nợ phải trả bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá trên sổ kế toán các tài khoản nợ phải trả nhỏ hơn tỷ giá trên sổ kế toán TK 111, 112, ghi:
Nợ các TK 331, 336, 341,... (tỷ giá ghi sổ kế toán)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 1112, 1122 (theo tỷ giá trên sổ kế toán).
c) Khi thu được tiền Nợ phải thu bằng ngoại tệ, nếu tỷ giá trên sổ kế toán của các TK Nợ phải thu lớn hơn tỷ giá giao dịch thực tế tại thời điểm thu tiền, ghi:
Nợ các TK 111 (1112), 112 (1122) (tỷ giá giao dịch thực tế)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có các TK 131, 136, 138 (tỷ giá trên sổ kế toán).
d) Khoản lỗ phát sinh khi bán ngoại tệ của hoạt động kinh doanh, ghi:
Nợ các TK 111 (1111), 112 (1121) (theo tỷ giá bán)
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (khoản lỗ - Nếu có)
Có các TK 111 (1112), 112 (1122) (theo tỷ giá ghi sổ kế toán).
e) Kết chuyển lỗ tỷ giá hối đoái đánh giá lại các khoản mục tiền tệ có gốc ngoại tệ vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (nếu lỗ tỷ giá hối đoái)
Có TK 413 - Chênh lệch tỷ giá hối đoái (4131).
g) Các trường hợp khác phát sinh lỗ tỷ giá thực hiện theo quy định của các tài khoản liên quan.
3.16. Các doanh nghiệp chưa phân bổ hết khoản lỗ chênh lệch tỷ giá của giai đoạn trước hoạt động (đang phản ánh trên tài khoản 242 – Chi phí trả trước), phải kết chuyển toàn bộ số lỗ chênh lệch tỷ giá vào chi phí tài chính để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính (lỗ tỷ giá hối đoái)
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
3.17. Trường hợp giá đánh giá lại vàng tiền tệ phát sinh lỗ (giá vàng thị trường trong nước nhỏ hơn giá trị ghi sổ), kế toán ghi nhận chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có các TK 1113, 1123.
3.18. Đối với trường hợp bán trái phiếu Chính phủ theo hợp đồng mua bán lại (repo), khi thực hiện phân bổ số chênh lệch giữa giá bán và giá mua lại trái phiếu Chính phủ của hợp đồng mua bán lại trái phiếu Chính phủ vào chí phí định kỳ theo thời gian của hợp đồng , ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 171 - Giao dịch mua bán lại trái phiếu Chính phủ.
3.19. Trường hợp doanh nghiệp nhà nước trước khi chuyển thành công ty cổ phần phải xử lý các khoản nợ phải trả:
- Đối với các khoản nợ vay Ngân hàng thương mại Nhà nước và Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã quá hạn nhưng do doanh nghiệp bị lỗ, không còn vốn nhà nước, không thanh toán được, doanh nghiệp phải làm các thủ tục, hồ sơ đề nghị khoanh nợ, giãn nợ, xoá nợ lãi vay ngân hàng theo quy định của pháp luật hiện hành. Khi có quyết định xoá nợ lãi vay, ghi:
Nợ TK 335 - Chi phí phải trả (lãi vay được xoá)
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối (phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí các kỳ trước nay được xoá)
Có TK 635 - Chi phí tài chính (phần lãi vay đã hạch toán vào chi phí tài chính trong kỳ này).
- Đối với các khoản chi phí lãi vay phải trả cho nhà đầu tư mua cổ phần: Trong trường hợp thời gian tính từ khi nhà đầu tư nộp tiền mua cổ phần đến thời điểm công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trên 3 tháng thì doanh nghiệp được tính lãi vay để trả cho các nhà đầu tư. Trường hợp nếu tiền thu bán cổ phần để huy động thêm vốn thuộc tài khoản của đơn vị và đơn vị được sử dụng, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 335 - Chi phí phải trả.
3.20. Trường hợp cổ phiếu ưu đãi được phân loại là nợ phải trả, doanh nghiệp phải trả cổ tức theo một tỷ lệ nhất định mà không không phụ thuộc vào kết quả kinh doanh trong kỳ là lãi hay lỗ, khoản cổ tức ưu đãi đó về bản chất là khoản lãi vay và phải được ghi nhận vào chi phí tài chính, ghi:
Nợ TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
3.21. Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ chi phí tài chính phát sinh trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 635 - Chi phí tài chính.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các chi phí thực tế phát sinh trong quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ, bao gồm các chi phí chào hàng, giới thiệu sản phẩm, quảng cáo sản phẩm, hoa hồng bán hàng, chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá (trừ hoạt động xây lắp), chi phí bảo quản, đóng gói, vận chuyển,...
b) Các khoản chi phí bán hàng không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
c) Tài khoản 641 được mở chi tiết theo từng nội dung chi phí như: Chi phí nhân viên, vật liệu, bao bì, dụng cụ, đồ dùng, khấu hao TSCĐ; dịch vụ mua ngoài, chi phí bằng tiền khác. Tuỳ theo đặc điểm kinh doanh, yêu cầu quản lý từng ngành, từng doanh nghiệp, tài khoản 641 có thể được mở thêm một số nội dung chi phí. Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí bán hàng vào bên Nợ tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 641 - Chi phí bán hàng
Bên Nợ: Các chi phí phát sinh liên quan đến quá trình bán sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ phát sinh trong kỳ.
Bên Có:
- Khoản được ghi giảm chi phí bán hàng trong kỳ;
- Kết chuyển chi phí bán hàng vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh" để tính kết quả kinh doanh trong kỳ.
Tài khoản 641 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 641 - Chi phí bán hàng, có 7 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6411 - Chi phí nhân viên: Phản ánh các khoản phải trả cho nhân viên bán hàng, nhân viên đóng gói, vận chuyển, bảo quản sản phẩm, hàng hoá,... bao gồm tiền lương, tiền ăn giữa ca, tiền công và các khoản trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp,...
- Tài khoản 6412 - Chi phí vật liệu, bao bì: Phản ánh các chi phí vật liệu, bao bì xuất dùng cho việc giữ gìn, tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, như chi phí vật liệu đóng gói sản phẩm, hàng hoá, chi phí vật liệu, nhiên liệu dùng cho bảo quản, bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hoá trong quá trình tiêu thụ, vật liệu dùng cho sửa chữa, bảo quản TSCĐ,... dùng cho bộ phận bán hàng.
- Tài khoản 6413 - Chi phí dụng cụ, đồ dùng: Phản ánh chi phí về công cụ, dụng cụ phục vụ cho quá trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá như dụng cụ đo lường, phương tiện tính toán, phương tiện làm việc,...
- Tài khoản 6414 - Chi phí khấu hao TSCĐ: Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ ở bộ phận bảo quản, bán hàng, như nhà kho, cửa hàng, bến bãi, phương tiện bốc dỡ, vận chuyển, phương tiện tính toán, đo lường, kiểm nghiệm chất lượng,...
- Tài khoản 6415 - Chi phí bảo hành: Dùng để phản ánh khoản chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hoá. Riêng chi phí sửa chữa và bảo hành công trình xây lắp phản ánh ở TK 627 “Chi phí sản xuất chung” mà không phản ánh ở TK này.
- Tài khoản 6417 - Chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho bán hàng như chi phí thuê ngoài sửa chữa TSCĐ phục vụ trực tiếp cho khâu bán hàng, tiền thuê kho, thuê bãi, tiền thuê bốc vác, vận chuyển sản phẩm, hàng hoá đi bán, tiền trả hoa hồng cho đại lý bán hàng, cho đơn vị nhận uỷ thác xuất khẩu,...
- Tài khoản 6418 - Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí bằng tiền khác phát sinh trong khâu bán hàng ngoài các chi phí đã kể trên như chi phí tiếp khách ở bộ phận bán hàng, chi phí giới thiệu sản phẩm, hàng hoá, quảng cáo, chào hàng, chi phí hội nghị khách hàng...
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Tính tiền lương, phụ cấp, tiền ăn giữa ca và tính, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ khác (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện...) cho nhân viên phục vụ trực tiếp cho quá trình bán các sản phẩm, hàng hoá, cung cấp dịch vụ, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có các TK 334, 338,...
b) Giá trị vật liệu, dụng cụ phục vụ cho quá trình bán hàng, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có các TK 152, 153, 242.
c) Trích khấu hao TSCĐ của bộ phận bán hàng, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
d) Chi phí điện, nước mua ngoài, chi phí thông tin (điện thoại, fax...), chi phí thuê ngoài sửa chữa TSCĐ có giá trị không lớn, được tính trực tiếp vào chi phí bán hàng, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141, 331,...
đ) Đối với chi phí sửa chữa TSCĐ phục vụ cho bán hàng
- Trường hợp sử dụng phương pháp trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ:
+ Khi trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ vào chi phí bán hàng, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 335 - Chi phí phải trả (nếu việc sửa chữa đã thực hiện trong kỳ nhưng chưa nghiệm thu hoặc chưa có hóa đơn).
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (Nếu đơn vị trích trước chi phí sửa chữa cho TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải bảo dưỡng, duy tu định kỳ)
+ Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thực tế phát sinh, ghi:
Nợ các TK 335, 352
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 331, 241, 111, 112, 152,...
- Trường hợp chi phí sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn và liên quan đến việc bán sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ trong nhiều kỳ, định kỳ kế toán tính vào chi phí bán hàng từng phần chi phí sửa chữa lớn đã phát sinh, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
e) Hạch toán chi phí bảo hành sản phẩm, hàng hóa (không bao gồm bảo hành công trình xây lắp):
- Trường hợp doanh nghiệp bán hàng cho khách hàng có kèm theo giấy bảo hành sửa chữa cho các hỏng hóc do lỗi sản xuất được phát hiện trong thời gian bảo hành sản phẩm, hàng hoá, doanh nghiệp phải xác định cho từng mức chi phí sửa chữa cho toàn bộ nghĩa vụ bảo hành. Khi xác định số dự phòng phải trả về chi phí sửa chữa, bảo hành sản phẩm, hàng hoá kế toán ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Có TK 352 - Dự phòng phải trả.
- Cuối kỳ kế toán sau, doanh nghiệp phải tính, xác định số dự phòng phải trả về sửa chữa bảo hành sản phẩm, hàng hoá cần lập:
+ Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này lớn hơn số dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch được trích thêm ghi nhận vào chi phí, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (6415)
Có TK 352 - Dự phòng phải trả.
+ Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hoá đã lập ở kỳ kế toán trước nhưng chưa sử dụng hết thì số chênh lệch được hoàn nhập ghi giảm chi phí:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 641 - Chi phí bán hàng (6415).
g) Đối với sản phẩm, hàng hóa dùng để khuyến mại, quảng cáo
- Đối với hàng hóa mua vào hoặc sản phẩm do doanh nghiệp sản xuất ra dùng để khuyến mại, quảng cáo:
+ Trường hợp xuất sản phẩm, hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo không thu tiền, không kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa, ghi:
Nợ TK 641- Chi phí bán hàng (chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá)
Có các TK 155, 156.
+ Trường hợp xuất hàng hóa để khuyến mại, quảng cáo nhưng khách hàng chỉ được nhận hàng khuyến mại, quảng cáo kèm theo các điều kiện khác như phải mua sản phẩm, hàng hóa (ví dụ như mua 2 sản phẩm được tặng 1 sản phẩm....) thì kế toán phản ánh giá trị hàng khuyến mại, quảng cáo vào giá vốn hàng bán (trường hợp này bản chất giao dịch là giảm giá hàng bán).
- Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động thương mại được nhận hàng hoá (không phải trả tiền) từ nhà sản xuất, nhà phân phối để quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối:
+ Khi nhận hàng của nhà sản xuất (không phải trả tiền) dùng để khuyến mại, quảng cáo cho khách hàng, nhà phân phối phải theo dõi chi tiết số lượng hàng trong hệ thống quản trị nội bộ của mình và thuyết minh trên Bản thuyết minh Báo cáo tài chính đối với hàng nhận được và số hàng đã dùng để khuyến mại cho người mua (như hàng hóa nhận giữ hộ).
+ Khi hết chương trình khuyến mại, nếu không phải trả lại nhà sản xuất số hàng khuyến mại chưa sử dụng hết, kế toán ghi nhận thu nhập khác là giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại, ghi:
Nợ TK 156 - Hàng hoá (theo giá trị hợp lý)
Có TK 711 - Thu nhập khác.
h) Đối với sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng nội bộ cho hoạt động bán hàng, căn cứ vào chứng từ liên quan, kế toán ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (6412, 6413, 6417, 6418)
Có các TK 155, 156 (chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá).
Nếu phải kê khai thuế GTGT cho sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng nội bộ (giá trị kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế), ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
i) Trường hợp sản phẩm, hàng hoá dùng để biếu, tặng
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá dùng để biếu, tặng cho khách hàng bên ngoài doanh nghiệp được tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng (chi phí SX sản phẩm, giá vốn hàng hoá)
Có các TK 152, 153, 155, 156.
Nếu phải kê khai thuế GTGT đầu ra, ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
- Trường hợp sản phẩm, hàng hoá dùng để biếu, tặng cho cán bộ công nhân viên được trang trải bằng quỹ khen thưởng, phúc lợi:
Nợ TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi (tổng giá thanh toán)
Có TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311).
Đồng thời ghi nhận giá vốn hàng bán đối với giá trị sản phẩm, hàng hoá, NVL dùng để biếu, tặng công nhân viên và người lao động:
Nợ TK 632 - Giá vốn hàng bán
Có các TK 152, 153, 155, 156.
k) Số tiền phải trả cho đơn vị nhận uỷ thác xuất khẩu về các khoản đã chi hộ liên quan đến hàng uỷ thác xuất khẩu và phí uỷ thác xuất khẩu, căn cứ các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác (3388).
l) Hoa hồng bán hàng bên giao đại lý phải trả cho bên nhận đại lý, ghi:
Nợ TK 641 - Chi phí bán hàng
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
m) Khi phát sinh các khoản ghi giảm chi phí bán hàng, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 641 - Chi phí bán hàng.
n) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh", ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 641 - Chi phí bán hàng.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các chi phí quản lý chung của doanh nghiệp gồm các chi phí về lương nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp (tiền lương, tiền công, các khoản phụ cấp,...); bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của nhân viên quản lý doanh nghiệp; chi phí vật liệu văn phòng, công cụ lao động, khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý doanh nghiệp; tiền thuê đất, thuế môn bài; khoản lập dự phòng phải thu khó đòi; dịch vụ mua ngoài (điện, nước, điện thoại, fax, bảo hiểm tài sản, cháy nổ...); chi phí bằng tiền khác (tiếp khách, hội nghị khách hàng...) .
b) Các khoản chi phí quản lý doanh nghiệp không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
c) Tài khoản 642 được mở chi tiết theo từng nội dung chi phí theo quy định. Tuỳ theo yêu cầu quản lý của từng ngành, từng doanh nghiệp, tài khoản 642 có thể được mở thêm các tài khoản cấp 2 để phản ánh các nội dung chi phí thuộc chi phí quản lý ở doanh nghiệp. Cuối kỳ, kế toán kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp vào bên Nợ tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Bên Nợ:
- Các chi phí quản lý doanh nghiệp thực tế phát sinh trong kỳ;
- Số dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả (Chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này lớn hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
Bên Có:
- Các khoản được ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Hoàn nhập dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả (chênh lệch giữa số dự phòng phải lập kỳ này nhỏ hơn số dự phòng đã lập kỳ trước chưa sử dụng hết);
- Kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh".
Tài khoản 642 không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp, có 8 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 6421 - Chi phí nhân viên quản lý: Phản ánh các khoản phải trả cho cán bộ nhân viên quản lý doanh nghiệp, như tiền lương, các khoản phụ cấp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp của Ban Giám đốc, nhân viên quản lý ở các phòng, ban của doanh nghiệp.
- Tài khoản 6422 - Chi phí vật liệu quản lý: Phản ánh chi phí vật liệu xuất dùng cho công tác quản lý doanh nghiệp như văn phòng phẩm... vật liệu sử dụng cho việc sửa chữa TSCĐ, công cụ, dụng cụ,... (giá có thuế, hoặc chưa có thuế GTGT).
- Tài khoản 6423 - Chi phí đồ dùng văn phòng: Phản ánh chi phí dụng cụ, đồ dùng văn phòng dùng cho công tác quản lý (giá có thuế, hoặc chưa có thuế GTGT).
- Tài khoản 6424 - Chi phí khấu hao TSCĐ: Phản ánh chi phí khấu hao TSCĐ dùng chung cho doanh nghiệp như: Nhà cửa làm việc của các phòng ban, kho tàng, vật kiến trúc, phương tiện vận tải truyền dẫn, máy móc thiết bị quản lý dùng trên văn phòng,...
- Tài khoản 6425 - Thuế, phí và lệ phí: Phản ánh chi phí về thuế, phí và lệ phí như: thuế môn bài, tiền thuê đất,... và các khoản phí, lệ phí khác.
- Tài khoản 6426 - Chi phí dự phòng: Phản ánh các khoản dự phòng phải thu khó đòi, dự phòng phải trả tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
- Tài khoản 6427 - Chi phí dịch vụ mua ngoài: Phản ánh các chi phí dịch vụ mua ngoài phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp; các khoản chi mua và sử dụng các tài liệu kỹ thuật, bằng sáng chế,... (không đủ tiêu chuẩn ghi nhận TSCĐ) được tính theo phương pháp phân bổ dần vào chi phí quản lý doanh nghiệp; tiền thuê TSCĐ, chi phí trả cho nhà thầu phụ.
- Tài khoản 6428 - Chi phí bằng tiền khác: Phản ánh các chi phí khác thuộc quản lý chung của doanh nghiệp, ngoài các chi phí đã kể trên, như: Chi phí hội nghị, tiếp khách, công tác phí, tàu xe, khoản chi cho lao động nữ,...
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
3.1. Tiền lương, tiền công, phụ cấp và các khoản khác phải trả cho nhân viên bộ phận quản lý doanh nghiệp, trích bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn, bảo hiểm thất nghiệp, các khoản hỗ trợ khác (như bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm hưu trí tự nguyện...) của nhân viên quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6421)
Có các TK 334, 338.
3.2. Giá trị vật liệu xuất dùng, hoặc mua vào sử dụng ngay cho quản lý doanh nghiệp như: xăng, dầu, mỡ để chạy xe, vật liệu dùng cho sửa chữa TSCĐ chung của doanh nghiệp,..., ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6422)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu được khấu trừ)
Có TK 152 - Nguyên liệu, vật liệu
Có các TK 111, 112, 242, 331,...
3.3. Trị giá dụng cụ, đồ dùng văn phòng xuất dùng hoặc mua sử dụng ngay không qua kho cho bộ phận quản lý được tính trực tiếp một lần vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6423)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có TK 153 - Công cụ. dụng cụ
Có các TK 111, 112, 331,...
3.4. Trích khấu hao TSCĐ dùng cho quản lý chung của doanh nghiệp, như: Nhà cửa, vật kiến trúc, kho tàng, thiết bị truyền dẫn,..., ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6424)
Có TK 214 - Hao mòn TSCĐ.
3.5. Thuế môn bài, tiền thuê đất,... phải nộp Nhà nước, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6425)
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước.
3.6. Lệ phí giao thông, lệ phí qua cầu, phà phải nộp, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6425)
Có các TK 111, 112,…
3.7. Kế toán dự phòng các khoản phải thu khó đòi khi lập Báo cáo tài chính:
- Trường hợp số dự phòng phải thu khó đòi phải trích lập kỳ này lớn hơn số đã trích lập từ kỳ trước, kế toán trích lập bổ sung phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426)
Có TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293).
- Trường hợp số dự phòng phải thu khó đòi phải trích lập kỳ này nhỏ hơn số đã trích lập từ kỳ trước, kế toán hoàn nhập phần chênh lệch, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293)
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6426).
- Việc xác định thời gian quá hạn của khoản nợ phải thu được xác định là khó đòi phải trích lập dự phòng được căn cứ vào thời gian trả nợ gốc theo hợp đồng mua, bán ban đầu, không tính đến việc gia hạn nợ giữa các bên.
- Doanh nghiệp trích lập dự phòng đối với khoản cho vay, ký cược, ký quỹ, tạm ứng… được quyền nhận lại tương tự như đối với các khoản phải thu theo quy định của pháp luật.
3.8. Khi trích lập dự phòng phải trả về chi phí tái cơ cấu doanh nghiệp, dự phòng phải trả cần lập cho hợp đồng có rủi ro lớn và dự phòng phải trả khác (trừ dự phòng phải trả về bảo hành sản phẩm, hàng hóa, công trình xây dựng), ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 352 - Dự phòng phải trả.
Trường hợp số dự phòng phải trả cần lập ở cuối kỳ kế toán này nhỏ hơn số dự phòng phải trả đã lập ở cuối kỳ kế toán trước chưa sử dụng hết thì số chênh lệch được hoàn nhập ghi giảm chi phí, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.
3.9. Tiền điện thoại, điện, nước mua ngoài phải trả, chi phí sửa chữa TSCĐ một lần với giá trị nhỏ, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6427)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 331, 335,...
3.10. Đối với chi phí sửa chữa TSCĐ phục vụ cho quản lý
a) Trường hợp sử dụng phương pháp trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ:
- Khi trích trước chi phí sửa chữa lớn TSCĐ vào chi phí bán hàng, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 335 - Chi phí phải trả (nếu việc sửa chữa đã thực hiện trong kỳ nhưng chưa nghiệm thu hoặc chưa có hóa đơn).
Có TK 352 - Dự phòng phải trả (Nếu đơn vị trích trước chi phí sửa chữa cho TSCĐ theo yêu cầu kỹ thuật phải
bảo dưỡng, duy tu định kỳ)
- Khi chi phí sửa chữa lớn TSCĐ thực tế phát sinh, ghi:
Nợ các TK 335, 352
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có các TK 331, 241, 111, 112, 152,...
b) Trường hợp chi phí sửa chữa lớn TSCĐ phát sinh một lần có giá trị lớn và liên quan đến bộ phận quản lý trong nhiều kỳ, định kỳ kế toán tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp từng phần chi phí sửa chữa lớn đã phát sinh, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
3.11. Chi phí phát sinh về hội nghị, tiếp khách, chi cho lao động nữ, chi cho nghiên cứu, đào tạo, chi nộp phí tham gia hiệp hội và chi phí quản lý khác, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (6428)
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu được khấu trừ thuế)
Có các TK 111, 112, 331,...
3.12. Thuế GTGT đầu vào không được khấu trừ phải tính vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331, 1332).
3.13. Đối với sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng nội bộ sử dụng cho mục đích quản lý, ghi:
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có các TK 155, 156 (chi phí sản xuất sản phẩm hoặc giá vốn hàng hoá).
Nếu phải kê khai thuế GTGT cho sản phẩm, hàng hoá tiêu dùng nội bộ (giá trị kê khai thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế), ghi:
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
3.14. Khi phát sinh các khoản ghi giảm chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.
3.15. Đối với các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành công ty cổ phần, kế toán xử lý các khoản nợ phải thu khó đòi khi xác định giá trị doanh nghiệp như sau:
a) Đối với các khoản nợ phải thu đã có đủ căn cứ chứng minh theo quy định là không có khả năng thu hồi được, kế toán căn cứ các chứng từ có liên quan như quyết định xoá nợ, quyết định xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân phải bồi thường, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 331, 334 (phần tổ chức, cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293)(Phần đã lập dự phòng)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (phần được tính vào chi phí)
Có các TK 131, 138,...
b) Đối với các khoản phải thu quá hạn được bán cho Công ty Mua bán nợ của doanh nghiệp theo giá thoả thuận, tuỳ từng trường hợp thực tế, kế toán ghi nhận như sau:
+ Trường hợp khoản phải thu quá hạn chưa được lập dự phòng phải thu khó đòi, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (theo giá bán thoả thuận)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (phần tổn thất còn lại)
Có các TK 131, 138,...
+ Trường hợp khoản phải thu khó đòi đã được lập dự phòng nhưng số dự phòng không đủ bù đắp tổn thất, khi bán nợ phải thu thì số tổn thất còn lại được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, ghi:
Nợ các TK 111, 112 (theo giá bán thoả thuận)
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (phần đã trích lập dự phòng cho các khoản nợ quá hạn này)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (phần tổn thất còn lại)
Có các TK 131, 138...
- Đối với các khoản bị xuất toán, chi biếu tặng, chi cho người lao động đã nghỉ mất việc, thôi việc trước thời điểm quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp và được cơ quan quyết định giá trị doanh nghiệp xử lý như khoản phải thu không có khả năng thu hồi, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 334 (phần tổ chức, cá nhân phải bồi thường)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 353 - Quỹ khen thưởng, phúc lợi.
3.16. Kế toán phân bổ khoản lợi thế kinh doanh phát sinh từ việc cổ phần hóa
Lợi thế kinh doanh phát sinh khi cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được phản ánh trên TK 242 - Chi phí trả trước và phân bổ dần tối đa không quá 3 năm, ghi
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp
Có TK 242 - Chi phí trả trước.
3.17. Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp tính vào tài khoản 911 để xác định kết quả kinh doanh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để phản ánh các khoản thu nhập khác ngoài hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. gồm:
- Thu nhập từ nhượng bán, thanh lý TSCĐ;
- Chênh lệch giữa giá trị hợp lý tài sản được chia từ BCC cao hơn chi phí đầu tư xây dựng tài sản đồng kiểm soát;
- Chênh lệch lãi do đánh giá lại vật tư, hàng hoá, tài sản cố định đưa đi góp vốn liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác;
- Thu nhập từ nghiệp vụ bán và thuê lại tài sản;
- Các khoản thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được giảm, được hoàn (thuế xuất khẩu được hoàn, thuế GTGT, TTĐB, BVMT phải nộp nhưng sau đó được giảm);
- Thu tiền được phạt do khách hàng vi phạm hợp đồng;
- Thu tiền bồi thường của bên thứ ba để bù đắp cho tài sản bị tổn thất (ví dụ thu tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh và các khoản có tính chất tương tự);
- Thu các khoản nợ khó đòi đã xử lý xóa sổ;
- Thu các khoản nợ phải trả không xác định được chủ;
- Các khoản tiền thưởng của khách hàng liên quan đến tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ không tính trong doanh thu (nếu có);
- Thu nhập quà biếu, quà tặng bằng tiền, hiện vật của các tổ chức, cá nhân tặng cho doanh nghiệp;
- Giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại;
- Các khoản thu nhập khác ngoài các khoản nêu trên.
b) Khi có khả năng chắc chắn thu được các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng, kế toán phải xét bản chất của khoản tiền phạt để kế toán phù hợp với từng trường hợp cụ thể theo nguyên tắc:
- Đối với bên bán: Tất cả các khoản tiền phạt vi phạm hợp đồng thu được từ bên mua nằm ngoài giá trị hợp đồng được ghi nhận là thu nhập khác.
- Đối với bên mua:
+ Các khoản tiền phạt về bản chất là khoản giảm giá hàng mua, làm giảm khoản thanh toán cho người bán được hạch toán giảm giá trị tài sản hoặc khoản thanh toán (không hạch toán vào thu nhập khác) trừ khi tài sản có liên quan đã được thanh lý, nhượng bán.
Ví dụ khi nhà thầu thi công chậm tiến độ, chủ đầu tư được phạt nhà thầu theo đó được quyền thu hồi lại một phần số tiền đã thanh toán cho nhà thầu thì số tiền thu hồi lại được ghi giảm giá trị tài sản xây dựng. Tuy nhiên nếu khoản tiền phạt thu được sau khi tài sản đã được thanh lý, nhượng bán thì khoản tiền phạt được ghi vào thu nhập khác.
+ Các khoản tiền phạt khác được ghi nhận là thu nhập khác trong kỳ phát sinh, ví dụ: Người mua được quyền từ chối nhận hàng và được phạt người bán nếu giao hàng không đúng thời hạn quy định trong hợp đồng thì khoản tiền phạt phải thu được ghi nhận là thu nhập khác khi chắc chắn thu được. Trường hợp người mua vẫn nhận hàng và số tiền phạt được giảm trừ vào số tiền phải thanh toán thì giá trị hàng mua được ghi nhận theo số thực phải thanh toán, kế toán không ghi nhận khoản tiền phạt vào thu nhập khác.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 711 - Thu nhập khác
Bên Nợ:
- Số thuế GTGT phải nộp (nếu có) tính theo phương pháp trực tiếp đối với các khoản thu nhập khác ở doanh nghiệp nộp thuế GTGT tính theo phương pháp trực tiếp.
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ sang tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Bên Có: Các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ.
Tài khoản 711 - "Thu nhập khác" không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Kế toán thu nhập khác phát sinh từ nghiệp vụ nhượng bán, thanh lý TSCĐ:
- Phản ánh số thu nhập về thanh lý, nhượng bán TSCĐ:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (số thu nhập chưa có thuế GTGT)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
- Các chi phí phát sinh cho hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141, 331,... (tổng giá thanh toán).
- Đồng thời ghi giảm nguyên giá TSCĐ thanh lý, nhượng bán, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
b) Kế toán thu nhập khác phát sinh khi đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ đưa đi đầu tư vào công ty con, công ty liên kết, góp vốn đầu tư dài hạn khác:
- Khi đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác dưới hình thức góp vốn bằng vật tư, hàng hóa, căn cứ vào giá đánh giá lại vật tư, hàng hoá, được thoả thuận giữa công ty mẹ và công ty con, giữa nhà đầu tư và công ty liên doanh, liên kết, trường hợp giá đánh giá lại của vật tư, hàng hoá lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá, ghi:
Nợ các TK 221, 222, 228 (giá đánh giá lại)
Có các TK 152, 153, 155, 156 (giá trị ghi sổ)
Có TK 711 - Thu nhập khác (chênh lệch giữa giá đánh giá lại lớn hơn giá trị ghi sổ của vật tư, hàng hoá).
- Khi đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết đầu tư dài hạn khác dưới hình thức góp vốn bằng TSCĐ, căn cứ vào giá trị đánh giá lại TSCĐ được thoả thuận giữa công ty mẹ và công ty con, giữa nhà đầu tư và công ty liên kết, trường hợp giá đánh giá lại của TSCĐ lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 221, 222, 228 (giá trị đánh giá lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn luỹ kế)
Có các TK 211, 213 (nguyên giá)
Có TK 711 - Thu nhập khác (chênh lệch giữa giá trị đánh giá lại của
TSCĐ lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ).
c) Kế toán thu nhập khác phát sinh từ giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê tài chính:
- Trường hợp giao dịch bán và thuê lại TSCĐ với giá bán cao hơn giá trị còn lại của TSCĐ, khi hoàn tất thủ tục bán tài sản cố định, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 711- Thu nhập khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
Có TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán lớn hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
Đồng thời, ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại của TSCĐ bán và thuê lại)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (nếu có)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
- Trường hợp giao dịch bán và thuê lại với giá thấp hơn giá trị còn lại của TSCĐ, khi hoàn tất thủ tục bán tài sản, căn cứ vào hoá đơn và các chứng từ liên quan, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131 (tổng giá thanh toán)
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá bán TSCĐ)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đồng thời, ghi giảm TSCĐ:
Nợ TK 811 - Chi phí khác (tính bằng giá bán TSCĐ)
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước (giá bán nhỏ hơn giá trị còn lại của TSCĐ)
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (nếu có)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
Các bút toán ghi nhận tài sản thuê và nợ phải trả về thuê tài chính, trả tiền thuê từng kỳ thực hiện theo quy định tại TK 212 - Tài sản cố định thuê tài chính.
d) Kế toán thu nhập khác phát sinh từ giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê hoạt động: Khi bán TSCĐ và thuê lại, căn cứ vào Hóa đơn GTGT và các chứng từ liên quan đến việc bán TSCĐ, kế toán phản ánh giao dịch bán theo các trường hợp sau:
- Nếu giá bán được thỏa thuận ở mức giá trị hợp lý thì các khoản lỗ hay lãi phải được ghi nhận ngay trong kỳ phát sinh. Phản ánh số thu nhập bán TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá bán TSCĐ)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đồng thời, ghi giảm TSCĐ (như điểm c nêu trên)
- Trường hợp giá bán và thuê lại TSCĐ thấp hơn giá trị hợp lý nhưng mức giá thuê thấp hơn giá thuê thị trường thì khoản lỗ này không được ghi nhận ngay mà phải phân bổ dần phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong thời gian thuê tài sản. Căn cứ vào Hoá đơn GTGT và các chứng từ liên quan đến việc bán TSCĐ, phản ánh thu nhập bán TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 711 - Thu nhập khác (giá bán TSCĐ)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp.
- Đồng thời, ghi giảm TSCĐ như sau:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 242 - Chi phí trả trước
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (nếu có)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá TSCĐ).
- Định kỳ, phân bổ sỗ lỗ về giao dịch bán và thuê lại TSCĐ là thuê hoạt động (chênh lệch giữa giá bán nhỏ hơn giá trị hợp lý) vào chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó dự kiến sử dụng, ghi:
Nợ các TK 623, 627, 641, 642
Có TK 242 – Chi phí trả trước.
- Nếu giá bán và thuê lại tài sản cao hơn giá trị hợp lý thì khoản chênh lệch cao hơn giá trị hợp lý không được ghi nhận ngay là một khoản lãi trong kỳ mà được phân bổ dần trong suốt thời gian mà tài sản đó được dự kiến sử dụng, còn số chênh lệch giữa giá trị hợp lý và giá trị còn lại được ghi nhận ngay là một khoản lãi trong kỳ.
+ Căn cứ vào Hoá đơn GTGT bán TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 711 - Thu nhập khác (tính bằng giá trị hợp lý của TSCĐ)
Có TK 3387- Doanh thu chưa thực hiện (chênh lệch giữa giá bán cao hơn giá trị hợp lý của TSCĐ)
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (nếu có).
Đồng thời, ghi giảm giá trị TSCĐ bán và thuê lại (như điểm c nêu trên)
+ Định kỳ, phân bổ chênh lệch giữa giá bán cao hơn giá trị hợp lý của TSCĐ bán và thuê lại ghi giảm chi phí sản xuất, kinh doanh trong kỳ phù hợp với khoản thanh toán tiền thuê trong suốt thời gian mà tài sản đó dự kiến sử dụng, ghi:
Nợ TK 3387 - Doanh thu chưa thực hiện
Có các TK 623, 627, 641, 642.
đ) Khi hết thời hạn bảo hành công trình xây lắp, nếu công trình không phải bảo hành hoặc số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp lớn hơn chi phí thực tế phát sinh thì số dự phòng phải trả về bảo hành công trình xây lắp không sử dụng hết phải hoàn nhập, ghi:
Nợ TK 352 - Dự phòng phải trả
Có TK 711 - Thu nhập khác.
e) Phản ánh các khoản thu tiền phạt
- Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi giảm giá trị tài sản, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có các TK 151, 153, 154, 156, 241, 211…
- Trường hợp các khoản tiền phạt được ghi nhận vào thu nhập khác, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có TK 711 - thu nhập khác.
g) Phản ánh các khoản được bên thứ ba bồi thường (như tiền bảo hiểm được bồi thường, tiền đền bù di dời cơ sở kinh doanh...), ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Các khoản chi phí liên quan đến xử lý các thiệt hại đối với những trường hợp đã mua bảo hiểm, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (nếu có)
Có các TK 111, 112, 152,...
h) Hạch toán các khoản phải thu khó đòi đã xử lý xóa sổ, nay thu lại được tiền:
- Nếu có khoản nợ phải thu khó đòi thực sự không thể thu nợ được phải xử lý xoá sổ, căn cứ vào biên bản xử lý xoá nợ, ghi:
Nợ TK 229 - Dự phòng tổn thất tài sản (2293) (nếu đã lập dự phòng)
Nợ TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp (nếu chưa lập dự phòng)
Có TK 131 - Phải thu của khách hàng.
- Khi truy thu được khoản nợ khó đòi đã xử lý xoá sổ, ghi:
Nợ các TK 111, 112,...
Có TK 711 - Thu nhập khác.
i) Các khoản nợ phải trả không xác định được chủ nợ, quyết định xoá và tính vào thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 331 - Phải trả cho người bán
Nợ TK 338 - Phải trả, phải nộp khác
Có TK 711 - Thu nhập khác.
k) Kế toán các khoản thuế phải nộp khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ nhưng sau đó được hoàn, được giảm:
- Khi nhận được quyết định của cơ quan có thẩm quyền về số thuế được hoàn, được giảm, ghi:
Nợ các TK 3331, 3332, 3333, 33381
Có TK 711 - Thu nhập khác.
- Khi NSNN trả lại bằng tiền, ghi:
Nợ các TK 111, 112
Có các TK 3331, 3332, 3333, 33381.
l) Trường hợp doanh nghiệp được tài trợ, biếu, tặng vật tư, hàng hoá, TSCĐ ... ghi:
Nợ các TK 152, 156, 211,...
Có TK 711 - Thu nhập khác.
m) Trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần), nếu được phép tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi, đối với các tài sản được đánh giá tăng, ghi:
Nợ các TK liên quan
Có TK 711 - Thu nhập khác.
n) Trường hợp doanh nghiệp có hoạt động thương mại được nhận hàng hoá (không phải trả tiền) từ nhà sản xuất, nhà phân phối để quảng cáo, khuyến mại cho khách hàng mua hàng của nhà sản xuất, nhà phân phối. Khi hết chương trình khuyến mại, nếu không phải trả lại nhà sản xuất số hàng khuyến mại chưa sử dụng hết, kế toán ghi nhận thu nhập khác là giá trị số hàng khuyến mại không phải trả lại, ghi:
Nợ TK 156- Hàng hoá (giá trị tương đương của sản phẩm cùng loại)
Có TK 711 - Thu nhập khác.
o) Cuối kỳ kế toán, tính và phản ánh số thuế GTGT phải nộp theo phương pháp trực tiếp của số thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 711- Thu nhập khác
Có TK 3331- Thuế GTGT phải nộp.
p) Cuối kỳ, kết chuyển các khoản thu nhập khác phát sinh trong kỳ vào tài khoản 911 "Xác định kết quả kinh doanh", ghi:
Nợ TK 711 - Thu nhập khác
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này phản ánh những khoản chi phí phát sinh do các sự kiện hay các nghiệp vụ riêng biệt với hoạt động thông thường của các doanh nghiệp. Chi phí khác của doanh nghiệp có thể gồm:
- Chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ (gồm cả chi phí đấu thầu hoạt động thanh lý). Số tiền thu từ bán hồ sơ thầu hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ được ghi giảm chi phí thanh lý, nhượng bán TSCĐ;
- Chênh lệch giữa giá trị hợp lý tài sản được chia từ BCC nhỏ hơn chi phí đầu tư xây dựng tài sản đồng kiểm soát;
- Giá trị còn lại của TSCĐ bị phá dỡ;
- Giá trị còn lại của TSCĐ thanh lý, nhượng bán TSCĐ (nếu có);
- Chênh lệch lỗ do đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ đưa đi góp vốn vào công ty con, công ty liên doanh, đầu tư vào công ty liên kết, đầu tư dài hạn khác;
- Tiền phạt phải trả do vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt hành chính;
- Các khoản chi phí khác.
b) Các khoản chi phí không được coi là chi phí tính thuế TNDN theo quy định của Luật thuế nhưng có đầy đủ hóa đơn chứng từ và đã hạch toán đúng theo Chế độ kế toán thì không được ghi giảm chi phí kế toán mà chỉ điều chỉnh trong quyết toán thuế TNDN để làm tăng số thuế TNDN phải nộp.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 811 - Chi phí khác
Bên Nợ: Các khoản chi phí khác phát sinh.
Bên Có: Cuối kỳ, kết chuyển toàn bộ các khoản chi phí khác phát sinh trong kỳ vào tài khoản 911 “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 811 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Hạch toán nghiệp vụ nhượng bán, thanh lý TSCĐ:
- Ghi nhận thu nhập khác do nhượng bán, thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 131,...
Có TK 711 - Thu nhập khác
Có TK 3331 - Thuế GTGT phải nộp (33311) (nếu có).
- Ghi giảm TSCĐ dùng vào SXKD đã nhượng bán, thanh lý, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
- Ghi nhận các chi phí phát sinh cho hoạt động nhượng bán, thanh lý TSCĐ, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Nợ TK 133 - Thuế GTGT được khấu trừ (1331) (nếu có)
Có các TK 111, 112, 141,...
- Ghi nhận khoản thu từ bán hồ sơ thầu liên quan đến hoạt động thanh lý, nhượng bán TSCĐ, ghi:
Nợ các TK 111, 112, 138...
Có TK 811 - Chi phí khác.
b) Khi phá dỡ TSCĐ, ghi:
Nợ TK 214 - Hao mòn TSCĐ (giá trị hao mòn)
Nợ TK 811 - Chi phí khác (giá trị còn lại)
Có TK 211 - TSCĐ hữu hình (nguyên giá)
Có TK 213 - TSCĐ vô hình (nguyên giá).
c) Kế toán chi phí khác phát sinh khi đánh giá lại vật tư, hàng hoá, TSCĐ đầu tư vào công ty con, công ty liên doanh, liên kết: Thực hiện theo quy định của các TK 221, 222, 228.
d) Trường hợp chuyển đổi hình thức sở hữu doanh nghiệp (trừ trường hợp chuyển đổi doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần) nếu được phép tiến hành xác định lại giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chuyển đổi, đối với các tài sản được đánh giá giảm ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Có các TK liên quan.
đ) Hạch toán các khoản tiền bị phạt do vi phạm hợp đồng kinh tế, phạt vi phạm hành chính, ghi:
Nợ TK 811 - Chi phí khác
Có các TK 111, 112
Có TK 333 - Thuế và các khoản phải nộp Nhà nước (3339)
Có TK 338 - Phải trả, phải nộp khác.
e) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển toàn bộ chi phí khác phát sinh trong kỳ để xác định kết quả kinh doanh, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 811 - Chi phí khác.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Nguyên tắc chung
- Tài khoản này dùng để phản ánh chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp của doanh nghiệp bao gồm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm làm căn cứ xác định kết quả hoạt động kinh doanh sau thuế của doanh nghiệp trong năm tài chính hiện hành.
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính trên thu nhập chịu thuế trong năm và thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là số thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ phải nộp trong tương lai phát sinh từ việc:
+ Ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả trong năm;
+ Hoàn nhập tài sản thuế thu nhập hoãn lại đã được ghi nhận từ các năm trước.
- Thu nhập thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại là khoản ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh từ việc:
+ Ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại trong năm;
+ Hoàn nhập thuế thu nhập hoãn lại phải trả đã được ghi nhận từ các năm trước.
b) Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Hàng quý, kế toán căn cứ vào tờ khai thuế thu nhập doanh nghiệp để ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Cuối năm tài chính, căn cứ vào tờ khai quyết toán thuế, nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm nhỏ hơn số phải nộp cho năm đó, kế toán ghi nhận số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp thêm vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành. Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp của năm đó, kế toán phải ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành là số chênh lệch giữa số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp trong năm lớn hơn số phải nộp.
- Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu liên quan đến khoản thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm phát hiện sai sót.
- Đối với các sai sót trọng yếu, kế toán điều chỉnh hồi tố theo quy định của Chuẩn mực kế toán – “Thay đổi chính sách kế toán, ước tính kế toán và các sai sót”.
- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh vào tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh” để xác định lợi nhuận sau thuế trong kỳ kế toán.
c) Nguyên tắc kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
- Khi lập Báo cáo tài chính, kế toán phải xác định chi phí thuế thu nhập hoãn lại theo quy định của Chuẩn mực kế toán “Thuế thu nhập doanh nghiệp”.
- Kế toán không được phản ánh vào tài khoản này tài sản thuế thu nhập hoãn lại hoặc thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh từ các giao dịch được ghi nhận trực tiếp vào vốn chủ sở hữu.
- Cuối kỳ, kế toán phải kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” vào tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 821 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp
a) Kết cấu và nội dung phản ánh chung
Bên Nợ:
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại;
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm);
- Ghi nhận chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm);
- Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” lớn hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Có tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.
Bên Có:
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận trong năm;
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại;
- Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại và ghi nhận tài sản thuế thu nhập hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm);
- Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm);
- Kết chuyển số chênh lệch giữa chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm lớn hơn khoản được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm vào tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”;
- Kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ TK 8212 lớn hơn số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 821 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp” không có số dư cuối kỳ.
Tài khoản 821- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp có 2 tài khoản cấp 2:
- Tài khoản 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành;
- Tài khoản 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
b) Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Bên Nợ:
- Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp tính vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành phát sinh trong năm;
- Thuế thu nhập doanh nghiệp của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại.
Bên Có:
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp được giảm trừ vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành đã ghi nhận trong năm;
- Số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại;
- Kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành vào bên Nợ tài khoản 911 - “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 8211 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành” không có số dư cuối kỳ.
c) Kết cầu và nội dung phản ánh của tài khoản 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Bên Nợ:
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm);
- Số hoàn nhập tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước (là số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm);
- Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” lớn hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Có tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.
Bên Có:
- Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm);
- Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm);
- Kết chuyển chênh lệch giữa số phát sinh bên Có TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” nhỏ hơn số phát sinh bên Nợ TK 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” phát sinh trong kỳ vào bên Nợ tài khoản 911 – “Xác định kết quả kinh doanh”.
Tài khoản 8212 - “Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại” không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Phương pháp kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
- Hàng quý, khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp theo quy định của Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, kế toán phản ánh số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành tạm phải nộp vào ngân sách Nhà nước vào chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Khi nộp thuế thu nhập doanh nghiệp vào NSNN, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 111, 112,…
- Cuối năm tài chính, căn cứ vào số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp theo tờ khai quyết toán thuế hoặc số thuế do cơ quan thuế thông báo phải nộp:
+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm lớn hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán phản ánh bổ sung số thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành còn phải nộp, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Nếu số thuế thu nhập doanh nghiệp thực tế phải nộp trong năm nhỏ hơn số thuế thu nhập doanh nghiệp tạm phải nộp, kế toán ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
- Trường hợp phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước, doanh nghiệp được hạch toán tăng (hoặc giảm) số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của các năm trước vào chi phí thuế thu nhập hiện hành của năm phát hiện sai sót.
+ Trường hợp thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của các năm trước phải nộp bổ sung do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi tăng chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành của năm hiện tại, ghi:
Nợ TK 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp.
+ Trường hợp số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp được ghi giảm do phát hiện sai sót không trọng yếu của các năm trước được ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành trong năm hiện tại, ghi:
Nợ TK 3334 - Thuế thu nhập doanh nghiệp
Có TK 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập hiện hành, ghi:
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
+ Nếu TK 8211 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 8211- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
b) Phương pháp kế toán chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc ghi nhận thuế thu nhập hoãn lại phải trả (là số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm), ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 347 - Thuế thu nhập hoãn lại phải trả.
- Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phát sinh trong năm từ việc hoàn nhập tài sản thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại đã ghi nhận từ các năm trước (là số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm), ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại.
- Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa tài sản thuế thu nhập hoãn lại phát sinh trong năm lớn hơn tài sản thuế thu nhập hoãn lại được hoàn nhập trong năm), ghi:
Nợ TK 243 - Tài sản thuế thu nhập hoãn lại
Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
- Ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại (số chênh lệch giữa thuế thu nhập hoãn lại phải trả được hoàn nhập trong năm lớn hơn thuế thu nhập hoãn lại phải trả phát sinh trong năm), ghi:
Nợ TK 347 - Thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại phải trả
Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
- Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại:
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ lớn hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại.
+ Nếu TK 8212 có số phát sinh Nợ nhỏ hơn số phát sinh Có, thì số chênh lệch ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
1. Nguyên tắc kế toán
a) Tài khoản này dùng để xác định và phản ánh kết quả hoạt động kinh doanh và các hoạt động khác của doanh nghiệp trong một kỳ kế toán năm. Kết quả hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp bao gồm: Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, kết quả hoạt động tài chính và kết quả hoạt động khác.
- Kết quả hoạt động sản xuất, kinh doanh là số chênh lệch giữa doanh thu thuần và trị giá vốn hàng bán (gồm cả sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ, giá thành sản xuất của sản phẩm xây lắp, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, như: chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, nâng cấp, chi phí cho thuê hoạt động, chi phí thanh lý, nhượng bán bất động sản đầu tư), chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp.
- Kết quả hoạt động tài chính là số chênh lệch giữa thu nhập của hoạt động tài chính và chi phí hoạt động tài chính.
- Kết quả hoạt động khác là số chênh lệch giữa các khoản thu nhập khác và các khoản chi phí khác và chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp.
b) Tài khoản này phải phản ánh đầy đủ, chính xác kết quả hoạt động kinh doanh của kỳ kế toán. Kết quả hoạt động kinh doanh phải được hạch toán chi tiết theo từng loại hoạt động (hoạt động sản xuất, chế biến, hoạt động kinh doanh thương mại, dịch vụ, hoạt động tài chính...). Trong từng loại hoạt động kinh doanh có thể cần hạch toán chi tiết cho từng loại sản phẩm, từng ngành hàng, từng loại dịch vụ.
c) Các khoản doanh thu và thu nhập được kết chuyển vào tài khoản này là số doanh thu thuần và thu nhập thuần.
2. Kết cấu và nội dung phản ánh của tài khoản 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Bên Nợ:
- Trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán;
- Chi phí hoạt động tài chính, chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp và chi phí khác;
- Chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp;
- Kết chuyển lãi.
Bên Có:
- Doanh thu thuần về số sản phẩm, hàng hóa, bất động sản đầu tư và dịch vụ đã bán trong kỳ;
- Doanh thu hoạt động tài chính, các khoản thu nhập khác và khoản ghi giảm chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp;
- Kết chuyển lỗ.
Tài khoản 911 không có số dư cuối kỳ.
3. Phương pháp kế toán một số giao dịch kinh tế chủ yếu
a) Cuối kỳ kế toán, thực hiện việc kết chuyển số doanh thu bán hàng thuần vào tài khoản Xác định kết quả kinh doanh, ghi:
Nợ TK 511 - Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
b) Kết chuyển trị giá vốn của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã tiêu thụ trong kỳ, chi phí liên quan đến hoạt động kinh doanh bất động sản đầu tư, như chi phí khấu hao, chi phí sửa chữa, nâng cấp, chi phí cho thuê hoạt động, chi phí thanh lý nhượng bán bất động sản đầu tư, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 632 - Giá vốn hàng bán.
c) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển doanh thu hoạt động tài chính và các khoản thu nhập khác, ghi:
Nợ TK 515 - Doanh thu hoạt động tài chính
Nợ TK 711 - Thu nhập khác
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
d) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí hoạt động tài chính và các khoản chi phí khác, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 635 - Chi phí tài chính
Có TK 811 - Chi phí khác.
đ) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8211 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành.
e) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển số chênh lệch giữa số phát sinh bên Nợ và số phát sinh bên Có TK 8212 “Chi phí thuế thu nhập hoãn lại”:
- Nếu TK 8212 có số phát sinh bên Nợ lớn hơn số phát sinh bên Có, thì số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập hoãn lại.
- Nếu số phát sinh Nợ TK 8212 nhỏ hơn số phát sinh Có TK 8212, kế toán kết chuyển số chênh lệch, ghi:
Nợ TK 8212 - Chi phí thuế thu nhập doanh nghiệp hoãn lại
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
g) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí bán hàng phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 641 - Chi phí bán hàng.
h) Cuối kỳ kế toán, kết chuyển chi phí quản lý doanh nghiệp phát sinh trong kỳ, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 642 - Chi phí quản lý doanh nghiệp.
i) Kết chuyển kết quả hoạt động kinh doanh trong kỳ vào lợi nhuận sau thuế chưa phân phối:
- Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.
- Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 421 - Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
k) Định kỳ, đơn vị hạch toán phụ thuộc được phân cấp theo dõi kết quả kinh doanh trong kỳ nhưng không theo dõi đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối thực hiện kết chuyển kết quả kinh doanh trong kỳ lên đơn vị cấp trên:
- Kết chuyển lãi, ghi:
Nợ TK 911- Xác định kết quả kinh doanh
Có TK 336 - Phải trả nội bộ.
- Kết chuyển lỗ, ghi:
Nợ TK 336 - Phải trả nội bộ
Có TK 911 - Xác định kết quả kinh doanh.
Article 11. Rules for cash accounting
1. The accountant must keep records of revenues, expenses, dispatching or receiving of cash funds or foreign currencies in the Journals and then calculate the fund balance and every account in the bank at all times for verification.
2. Deposits made by other enterprises or individuals in the enterprise shall be managed and recorded similarly to money of the enterprise.
3. When obtaining revenues or paying for expenses, the receipt or payment slips with sufficient signatures are required as prescribed in regulations on accounting source documents.
4. The accountant must keep records of cash according to currency in details when generating transactions in foreign currencies, the foreign currencies shall be converted into VND following rules below:
- Debit accounts shall apply actual exchange rates;
- Credit accounts shall apply weight average bookkeeping rates;
5. When preparing financial statements as prescribed, the enterprise must re-evaluate balance of foreign currencies and monetary gold according to actual exchange rates.
Article 12. Account 111 – Cash on hand
1. Rules for accounting
a) This account is used to record revenues, expenses and balance of the enterprise’s fund, including: Vietnamese dong, foreign currencies and monetary gold. Only received, dispatched or inventoried cash, foreign currencies, monetary gold shall be recorded to account 111 “Cash”. If the receipts are transferred immediately to bank (not through enterprise ‘cash fund), these amounts shall not be recorded to Dr 111 “cash”, but recorded to Dr 113 “cash in transit”.
b) Cash deposits made by other enterprises and individuals shall be managed and recorded similarly to monetary assets of the enterprise.
c) When receiving or dispatching cash fund, receipt slips, payment slips with signatures of payees and payers, competent persons are required in accordance with accounting source document. Deposit order and payment order must be attached in special cases.
d) The accountant of cash fund must write a Cash daybook and record all day-to-day financial transactions: revenues, expenses, dispatch or receiving of cash funds, foreign currencies and then calculate the fund balance at all times.
dd) The cashier shall be responsible for management, receiving and dispatch of the cash fund. The cashier must verify the actual cash balance, then collate the figures between cash fund book and cash ledger every day. If there is any difference, the accountant and the cashier must verify them again in order to uncover reasons and propose solutions for the differences.
e) When entering into transactions in foreign currencies, the accountant shall convert the foreign currencies into VND according to the following rules:
- Actual exchange rate shall be applied to Dr 1112. If the foreign currencies are withdrawn from banks to pay in the cash fund, the bookkeeping rate of account 1122 shall be applied;
- Weighted average rate shall be applied to Cr 1112
The actual exchange rate shall be determined as prescribed in guidelines for account 413 - Differences between exchange rates and relevant accounts.
g) Monetary gold recorded in this account is gold used for value storage, not including the gold recorded to inventory account and used as raw materials for production of goods for sale. The management and use of monetary gold shall comply with regulations of law in force.
h) Whenever preparing financial statements as prescribed, the enterprise must re-evaluate the balance of foreign currencies and monetary gold following the rules below:
- The actual exchange rate applied in the re-evaluation of the balance of foreign currencies in cash is the foreign currency-selling rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions (chosen by the enterprise) at the time in which the financial statement is prepared.
- The monetary gold shall be re-evaluated according to the buying prices on the domestic market at the time in which the financial statement is prepared. The buying prices on the domestic market are prices announced by the State bank. In case the State bank fails to announce gold buying-prices, the buying-prices announced by enterprise entitled to trade in gold as prescribed shall be chosen.
2. STRUCTURE AND CONTENTS OF ACCOUNT 111 – CASH
Debit:
- Received cash, foreign currency or monetary gold;
- Cash, foreign currency or monetary gold in excess detected under verification;
- Exchange differences due to re-evaluation of foreign currency balance at the reporting time (if foreign currency rate rises against VND);
- Differences due to re-evaluation of monetary gold at the reporting time.
Credit:
- Dispatched cash, foreign currency or monetary gold;
- Cash, foreign currency or monetary gold in deficit detected under verification;
- Exchange rate differences due to re-evaluation of foreign currency balance at the reporting time (if foreign currency rate falls against VND);
- Differences due to re-evaluation of monetary gold at the reporting time.
Debit balance:
Inventoried cash, foreign currency or monetary gold at the reporting time;
Account 111 – Cash, comprises 3 sub-accounts:
- Account 1111 – VND: reflecting revenues, expenses, balance in VND of the cash fund.
- Account 1112 – Foreign currencies: reflecting revenues, expenses, exchange rate differences and foreign currency balance of cash fund which is converted into VND.
- Account 1113 – Monetary gold reflecting the fluctuation and value of monetary gold of the enterprise’s fund.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. When selling products, goods or providing services for immediate cash, the following accounts shall be recorded:
a) With regard to products, goods, investment property subject to VAT, special excise duty, import duty, environmental protection tax, revenues according to the tax-exclusive selling prices shall be recorded as follows (indirect taxes payable must be separated, including VAT payable using subtraction method:
Dr 111 – Cash (total payment)
Cr 511 – Revenues (tax-exclusive prices)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
b) In case it fails to separate the taxes payable, the taxes payable must be included in the revenues. Tax liabilities and the decrease in revenues shall be recorded as follows:
Dr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.2 When receiving payments of allowance or subsidy in cash from government budget, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3339).
3.3. When generating financial income or other incomes in cash, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (total payment)
Cr 515 – Financial income (prices excluding VAT)
Cr 711 – Other incomes (prices excluding VAT)
Cr 3331 – VAT payable (33311).
3.4. When withdrawing cash in bank to pay in cash fund; applying for long-term or short-term loans in cash (VND or foreign currency according to actual exchange rates), the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (1111, 1112)
Cr 112 – Cash in bank (1121, 1122)
Cr 341 - Financial loan and financial lease liabilities (3411).
3.5. When recovering amounts receivables, granting loans, making deposits in cash; receiving deposits in cash from other enterprises, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (1111, 1112)
Cr 128, 131, 136, 138, 141, 244, 344.
3.6. When selling short-term or long-term investment and collect cash, the accountant shall record the difference between collected amount of money and cost price of investment (according to weighted average method) to financial income or financial expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (1111, 1112)
Dr 635 - Financial expenses
Cr 121 – Trading securities (cost price)
Cr 221, 222, 228 (cost price)
Cr 515 – Financial income.
3.7. When receiving stakes in cash of owners, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Cr 411 – Owner's invested equity.
3.8. When receiving money of contracting parties of Business Cooperation Contract (BCC) without establishment of legal entity to cover general operation, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Cr 338 - Other payables.
3.9. When dispatching cash fund then crediting to bank’s accounts or depositing, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank
Dr 244 – Pledge, mortgage or deposit
Cr 111 – Cash.
3.10. When dispatching cash fund to buy securities, granting loans or investing in subsidiary companies or joint-venture companies, the following accounts shall be recorded:
Dr 121, 128, 221, 222, 228
Cr 111 – Cash.
3.11. When dispatching cash fund to buy inventory (using regularly declared method), buying fixed assets, spending on capital investment, the following accounts shall be recorded:
- If input VAT is eligible for deduction, the buying price excluding VAT shall be recorded as follows:
Dr 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 241
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111 – Cash.
- If input VAT is not eligible for deduction, the buying price including VAT shall be recorded as follow:
3.12. When dispatching cash fund to buy inventory (using periodically declared method), if input VAT is eligible for deduction, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Good purchase (6111, 6112)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111 – Cash.
If input VAT is not eligible for deduction, the buying price including VAT shall be recorded as follows:
3.13. When buying raw materials immediately used in business in cash, if input VAT is eligible for deduction, the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 623, 627, 641, 642, etc.
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111 – Cash.
If input VAT is not eligible for deduction, the costs including VAT shall be recorded.
3.14. When dispatching cash fund to pay amounts payable, the following accounts shall be recorded:
Dr 331, 333, 334, 335, 336, 338, 341
Cr 111 – Cash.
3.15. When dispatching cash fund for financial activities or other activities, the following accounts shall be recorded:
Dr 635, 811, etc.
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111 – Cash.
3.16. If the cash deficit is detected under verification without reasons, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1381)
Cr 111 – Cash.
3.17. If the cash excess is detected under verification without reasons, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Cr 338 - Other payables (3381).
3.18. Accounting contract of resale of Government bonds: in accordance with Account 171 – Trading in Government bonds.
3.19. Foreign currency related-transactions in cash.
a) When buying goods or services in foreign currencies in cash.
- If losses on exchange rates are generated, the following accounts shall be recorded:
Dr 151,152,153,156,157,211,213,241, 623, 627, 641, 642, 133, etc. (according to actual exchange rates on the transaction date)
Dr 635 - Financial expenses (losses on exchange rates)
Cr 111 (1112) (according to bookkeeping rates).
- If profits on exchange rates are generated, the following accounts shall be recorded: 0}
Dr 151,152,153,156,157,211,213,241, 623, 627, 641, 642, 133, etc. (according to actual exchange rates on the transaction date)
Cr 111 (1112) (according to bookkeeping rates).
Cr 515 – Financial income (profits on exchange rates).
b) When paying debts payable in foreign currencies:
- If losses on exchange rates are generated, the following accounts shall be recorded:
Dr 331, 335, 336, 338, 341, etc. (according to bookkeeping rates).
Dr 635 - Financial expenses (loss of exchange rate)
Cr 111 (1112) (according to bookkeeping rates).
- If profits on exchange rates are generated, the following accounts shall be recorded:
Dr 331, 336, 341, etc. (according to bookkeeping rates).
Cr 515 – Financial income (profits on exchange rates).
Cr 111 (1112) (according to bookkeeping rates).
- When paying advances in foreign currencies to sellers, the Debit account – Trade payables shall apply actual exchange rates at the prepayment time, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables (actual exchange rates)
Dr 635 - Financial expenses (losses on exchange rates)
Cr 111 (1112) (according to bookkeeping rates).
Cr 515 – Financial income (profits on exchange rates).
c) When generating revenues or other incomes in foreign currencies in cash, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 (1112) (actual exchange rates)
Cr 511, 515, 711, etc. (actual exchange rates).
d) When collecting debts receivables in foreign currencies:
- If losses on exchange rates are generated, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 (1112) (according to actual exchange rates on the transaction dates)
Dr 635 - Financial expenses (losses on exchange rates)
Cr 131, 136, 138, etc. (according to bookkeeping rates).
- If profits on exchange rates are generated, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 (1112) (according to actual exchange rates on the transaction dates)
Cr 515 – Financial income (profits on exchange rates).
Cr 131, 136, 138, etc. (according to bookkeeping rates).
- When paying advances in foreign currency to sellers, the Credit account – Trade receivables shall apply actual exchange rates at the pre-receipt time, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 (1112) (actual exchange rates at the pre-receipt time)
Cr 111 (1112) (actual exchange rates at the pre-receipt time)
3.20. The actual exchange rates (selling rates of banks) shall be used to re-evaluate foreign currencies in cash at the time in which the financial statements are prepared:
- If the foreign currency rate rises against VND, the profits on exchange rate shall be recorded as follows:
Dr 111 (1112)
Cr 413 - Exchange differences (4131).
- If the foreign currency rate falls against VND, the losses on exchange rates shall be recorded as follows:
Dr 413 - Exchange differences (4131)
Cr 111 (1112).
- After balancing profits or losses on exchange rates generating due to re-verification, the differences in profits or losses shall be transferred to financial income (if profits are larger than losses) or to financial expenses (if profits are smaller than losses).
3.21. Re-evaluation of monetary gold
- If re-evaluated value of monetary gold generates profits, financial income shall be recorded as follows:
Dr 1113 – Monetary gold (according to domestic buying prices)
Cr 515 – Financial income.
- If re-evaluated value of monetary gold generates losses, financial income shall be recorded as follows:
Dr 635 - Financial expenses
Cr 1113 – Monetary gold (according to domestic buying prices)
Article 13. Account 112 – Cash in bank
1. Rules for accounting
This account shall be used to record current amounts and increases and decreases in demand deposits of the enterprise in a bank. Credit notes, debit notes or bank statements enclosed with original documents (payment order, collection order, depository transfer check, certified check, etc) shall be recorded to Account 112 "Cash in bank".
a) When receiving documents sent from the bank, the accountant must collate them with enclosed original documents. If there is any difference between figures in enterprise's ledger, in original documents and in the bank’s documents, the enterprise must notify the bank to collate, verify and promptly handle. At the end of the month, if it fails to uncover the reasons for differences, the accountant shall record according to the bank's figures stated in debit notes, credit notes or bank's statements. The difference (if any) shall be recorded to Dr 138 “Other receivables” (1388) (if the accountant’s figures are larger than the bank’s figures) or recorded to Cr 338 “Other payables” (3388) (if the accountant's figures are smaller than the bank’s figures). In the following month, the reasons shall be kept collating, verifying and uncovering to adjust the figures.
b) With regard to enterprises having dependent accounting organizations or departments, they may open collection-only accounts, payment-only accounts or appropriate payment accounts serving the transactions or payments. The accountant must keep records of every type of deposits in details (VND, foreign currencies).
c) It is required to record particularly the deposits conformable to every account in bank for verification and collation.
d) The bank overdrafts are not recorded as “-“(negative sign) on bank deposit accounts, they shall be recorded similarly to bank loans.
dd) When entering into transactions in foreign currencies, foreign currencies shall be converted into VND according to the following rules:
- Dr 1122 applies actual exchange rate. If the cash fund is withdrawn to send to banks, they must be converted into VND according to bookkeeping rates of account 1112.
- Cr 1122 applies weighted average rates.
The actual exchange rate shall be determined as prescribed in guidelines for account 413 - Differentials between exchange rates and relevant accounts.
e) Monetary gold recorded in this account is the gold used for value storage, not including the gold recorded to inventory account used as raw materials for production of goods for sale. The management and use of monetary gold shall comply with regulations of law in force.
g) Whenever preparing financial statements as prescribed, the enterprise must re-evaluate the balance of foreign currency and monetary gold following the rules below:
- The actual exchange rates applied when re-evaluating the balance of cash in bank in foreign currency is the foreign currency-buying rate of the commercial bank where the enterprise opens foreign currency account at the time in which the financial statement is prepared. In case the enterprise has multiple foreign currency accounts in different banks and their buying rates are not considerately different, a buying rate of any bank may be chosen as the basis for re-valuation.
- The monetary gold shall be re-evaluated according to the buying prices on the domestic market at the time in which the financial statement is prepared. The prices on the domestic market are prices announced by the State bank. In case the State bank fails to announce gold buying-prices, the buying-prices announced by enterprise entitled to trade in gold as prescribed.
2. Structure and contents of account 112 – Cash in bank
Debit:
- Deposited VND, foreign currencies or monetary gold;
- Exchange rate differences due to re-evaluation of foreign currency balance at the reporting time (if foreign currency rate rises against VND).
- Positive differences due to re-evaluation of monetary gold at the reporting time.
Credit:
- Withdrawn VND, foreign currencies or monetary gold;
- Exchange rate differences due to re-evaluation of foreign currency balance at the end of accounting period (if foreign currency rate falls against VND);
- Negative differences due to re-evaluation of monetary gold at the reporting time.
Debit balance:
Actual deposited VND, foreign currencies or monetary gold at the reporting time.
Account 112 – Cash in bank, comprises 3 sub-accounts:
- Account 1121 – VND: reflecting deposits, withdrawals and balance in the bank in VND.
- Account 1122 – Foreign currency: reflecting deposits, withdrawals and balance in the bank in foreign currencies converting into VND.
- Account 1123 – Monetary gold: reflecting the fluctuation and value of monetary gold deposited in the bank of the enterprise at the reporting time.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. When selling products, goods or providing services for immediate cash using cash in bank, the following accounts shall be recorded as follow:
a) With regard to products, goods, investment property subject to indirect taxes (VAT, special excise duty, import duty, environmental protection tax), the revenues according to the tax-exclusive selling prices shall be recorded as follows (indirect taxes payable must be separated, including VAT payable using subtraction method):
Dr 112 – Cash in bank (total payment)
Cr 511 – Revenues (tax-exclusive prices)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
b) In case it fails to separate the taxes payable, the accountant shall record the revenue including the taxes payable.
Tax liabilities and the decrease in revenues shall be recorded as follows:
Dr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.2. When receiving payments of allowance or subsidy by cash in bank from government budget, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3339).
3.3. When generating financial income or other incomes in cash in bank, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank (total payment)
Cr 515 – Financial income (prices excluding VAT)
Cr 711 – Other incomes (prices excluding VAT)
Cr 3331 – VAT payable (33311).
3.4. When dispatching cash fund to deposit in bank’s accounts, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 111 - Cash
3.5. When receiving an advance or any customer pays debts using wire transfer, according to the credit note of the bank, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 131 – Customers receivable
Cr 113 – Cash in transit
3.6. When recovering amounts receivables, granting loans, making deposits by cash in bank; receiving deposits in cash from other enterprises, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank (1121, 1122)
Cr 128, 131, 136, 141, 244, 344.
3.7. When selling short-term or long-term investment by cash in bank, the difference between collected amount of money and cost price of investment (according to weighted average method) shall be recorded to financial income or financial expenses as follows:
Dr 112 – Cash in bank (1121, 1122)
Dr 635 - Financial expenses
Cr 121 - Trading securities (cost price)
Cr 221, 222, 228 (cost price)
Cr 515 – Financial income.
3.8. When receiving stakes in cash of owners, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 411 – Owner's invested equity.
3.9. When receiving money of contracting parties of Business Cooperation Contract (BCC) without establishment of legal entity to cover general operation, the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 338 – Others payable.
3.10. When withdrawing cash in bank to pay in cash fund then crediting to bank’s accounts or depositing, the following accounts shall be recorded:
Cr 111 - Cash
Dr 244 - Pledge, mortgage, deposits.
Cr 112 – Cash in bank.
3.11. When buying securities, granting loans or investing in subsidiary companies or joint-venture companies by cash in bank, the following accounts shall be recorded:
Dr 121, 128, 221, 222, 228
Cr 112 – Cash in bank.
3.12. When buying inventory (using regularly declared method), buying fixed assets, spending on capital investment by cash in bank, the following accounts shall be recorded:
- If input VAT is eligible for deduction, the buying price excluding VAT shall be recorded as follows:
Dr 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 241
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 112 – Cash in bank.
- If input VAT is not eligible for deduction, the buying price including VAT shall be recorded as follow:
3.13. When buying inventory by cash in bank (using periodically declared method), if input VAT is eligible for deduction, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Good purchases (6111, 6112)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 112 – Cash in bank.
If input VAT is not eligible for deduction, the buying price including VAT shall be recorded.
3.14. When buying raw materials immediately used in business by cash in bank, if input VAT is eligible for deduction, the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 623, 627, 641, 642, etc.
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 112 – Cash in bank.
If input VAT is not eligible for deduction, the cost including VAT shall be recorded.
3.15. When paying amounts payable, the following accounts shall be recorded:
Dr 331, 333, 334, 335, 336, 338, 341
Cr 112 – Cash in bank.
3.14. When paying financial expenses or other expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 635, 811, etc.
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 112 – Cash in bank.
3.17. When paying stakes or dividends or profits to contributing partners, paying welfare fund by cash in bank, the following accounts shall be recorded:
Dr 411 - Equity.
Dr 421 - Unallocated post-tax profits
Dr 353 - Welfare fund
Cr 112 – Cash in bank.
3.18. When paying commercial discounts, sales rebates or sales returns accounts, the following accounts shall be recorded:
Dr 521 – Revenue deductions
Dr 3331- – VAT payable (33311).
Cr 112 – Cash in bank.
3.19. Accounting contract of resale of Government bonds: in accordance with Account 171 – Trading in Government bonds.
3.20. Foreign currency related-transactions: the accounting methods applying to foreign currency-related transactions by cash in bank shall be carried out similarly to those in cash (refer to account 111).
3.21. Accounting for re-evaluation of monetary gold
- If the re-evaluation price of monetary gold generates profits, the following accounts shall be recorded:
Dr 1123 – Monetary gold (according to domestic buying prices)
Cr 515 – Financial income.
- If the re-evaluation price of monetary gold generates losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 - Financial expenses
Cr 1123 – Monetary gold (according to domestic buying prices).
Article 14. Account 113 – Cash in transit
1. Rules for accounting
This account shall be used to record amounts of money which an enterprise paid to the State bank, the State Treasury, or transferred by post to a bank, but no credit note or confirmation of payment to other enterprises has been received; or the enterprise made wire transfer from their bank account to other enterprises, but no debit note or bank statement has been received.
Cash in transit includes VND and foreign currencies which are transited in following cases:
- Collecting cash or checks then paying directly in a bank;
- Making postal remittance in order to pay other enterprises;
- Collecting revenues from good sales then transferring to Treasuries to pay taxes (payment collected from purchaser shall be transferred to State Treasury by the enterprise).
2. Structure and contents of account 113 – Cash in transit
Debit:
- Cash or checks in VND, or foreign currencies which are paid to a bank or transferred to a bank by post, but the credit note has not been received;
- Exchange rate differences due to re-evaluation of foreign currency balance at the reporting time.
Credit:
- The amounts of money transferred to account 112 – Cash in bank, or relevant accounts;
- Exchange rate differences due to re-evaluation of foreign currency balance at the reporting time.
Debit balance:
The amounts of money in transit at the reporting time.
Account 113 – Cash in transit, comprises 2 sub-accounts:
- Account 1131 – amounts in VND: recording amounts in VND in transit.
- Account 1132 – Foreign currencies: recording foreign currencies in transit.
3. Accounting methods for several major transactions:
a) When collecting money from good sales or customers' debts or other incomes in cash or check then transferring to the bank (not via the fund), but the credit note of bank has been received, the following accounts shall be recorded:
Dr 113 – Cash in transit (1131, 1132)
Cr 131 – Customers receivable (of customers' debts)
Cr 511 – Revenues
Cr 515 – Financial income.
Cr 711 – Other incomes
Cr 3331 – VAT payable (33311) (if any).
b) When dispatching cash fund to deposit in bank’s accounts but the credit note of bank has not been received, the following accounts shall be recorded:
Dr 113 – Cash in transit (1131, 1132)
Cr 111 – Cash (1111, 1112).
c) Completing wire transfer from bank’s accounts to pay creditors, but the debit note of the bank has not been received; the following accounts shall be recorded:
Dr 113 – Cash in transit (1131, 1132)
Cr 112 – Cash in bank (1121, 1122).
d) When a customer pays an advance of good purchase in check, the enterprise has paid check to a bank, but the credit note of bank has not been received, the following accounts shall be recorded:
Dr 113 – Cash in transit (1131, 1132)
Cr 131 – Customers receivable.
dd) When the cash in transit has been credited in the deposit account of the enterprise and the credit note is received; the following accounts shall be recorded:
Dr 112 – Cash in bank (1121, 1122)
Cr 113 – Cash in transit (1131, 1132).
e) When the cash in transit has been transferred to sellers or service provider and the debit not is received, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 113 – Cash in transit (1131, 1132).
g) The re-evaluation of foreign currency balance in transit shall be carried out similarly to foreign currency balance in cash (refer to account 111)
Article 15. Account 121 - Trading securities
1. Rules for accounting
a) This account is used to record the sales, purchases and payments of securities as prescribed which are held for business purposes (including over-12-month matured securities which are traded for profits). Trading securities include:
- Shares, bonds listed on securities market;
- Securities and other financial instruments.
This account is not used to record the held to maturity investment, such as: loans under agreements, cash in bank, bonds, commercial papers, treasury bills, exchange bills,…held to maturity date.
b) Trading securities must be recorded in the ledger according to original prices: buying prices plus (+) buying costs (if any) (brokerage, transactions, information provision, taxes, bank's fees and charges. The basis price of trading securities shall be determined according to fair value of payments at the time in which the transaction takes place the trading securities shall be recorded when the investors acquire ownership, in particular:
- Listed securities are recorded at the time of matching (T+0);
- Unlisted securities are recorded at the time in which the ownership is acquired as prescribed in regulations of law.
c) At the end of the fiscal year, if the market prices of trading securities devalue against their original prices, the provisions for devaluation shall be made.
d) The enterprise must record incomes from investment in trading securities sufficiently and promptly. The dividends paid in the period before investment date shall be recorded as a decrease in value of investment. When the investor receives additional shares without paying money to joint-stock companies using share premium, the funds belong to equity and unallocated post-tax profits (dividends are allocated by shares) to issue additional shares, the investor only observes the quantity of additional shares according to the presentation of financial statement, not records the received share value, not records financial income and not records the investment value in joint-stock companies.
With regard to enterprises whose charter capital is wholly held by the state, the accounting for dividends allocated by shares shall comply with regulations on wholly-state-owned enterprises.
dd) Before any share is exchanged, its value must be determined according to fair value on the exchanging date. The determination of fair value of shares shall comply with regulations below:
- Regarding shares of listed companies, fair value of their shares are closing prices listed on the securities market on the exchange date. In case the securities market closes transaction on the exchange date, the fair value of shares is closing prices of the session preceding the exchange date.
- Regarding unlisted shares permitted to transact on the UPCOM, the fair value of shares are closing prices of UPCOM on the exchange date. In case the UPCOM closes transactions on the exchange date, the fair value of shares is closing prices of the session preceding the exchange date.
- With regard to other unlisted shares, the fair value of shares is prices dealt by contracting parties or book value at the exchange date.
e) The accountant must keep records of every type of trading securities holding by the enterprise in details (according to every security; every entity, face value, actual buying price or every type of currency used for investment, etc).
g) When liquidating or transferring trading securities (according to every type of security), the cost price shall be determined according to mobile weighted average method (weighted average for every purchase).
2. Structure and contents of account 121 – Trading securities
Debit: Trading security buying-value.
Credit: trading security selling-value.
Debit balance: Trading security value at the reporting time.
Account 121 - Trading securities, comprises 3 sub-accounts:
- Account 1211 – Shares: recording the purchases or sales of shares for profits.
- Account 1212 – Bonds: recording the purchases, sales and payments of bonds for profits.
- Account 1218 – Securities and other financial instruments: recording the purchases or sales of securities and other financial instruments as prescribed for profits, such as fund certificates, stock options, warrants, call options, put options, futures contracts, commercial papers, etc. This account also records the purchases or sales of other valuable papers including commercial papers or bill of exchange for profits.
3. Accounting methods for several major transactions:
a) When buying trading securities, according to buying costs (buying prices plus (+) costs of brokerage, transaction, information, bank fees or charges, etc), the following accounts shall be recorded:
Dr 121 – Trading securities
Cr 111, 112, 331
Cr 141 - Advance
Cr 244 - Pledge, mortgage, deposits.
b) When collecting interests of bonds and other securities periodically:
- If the received interests are used for purchases of additional bonds or treasury bills, the following accounts shall be recorded:
Dr 121 – Trading securities
Cr 515 – Financial income.
- When receiving interests in cash, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 138, etc.
Cr 515 – Financial income.
- When receive investment interests including the investment interests accrued before re-buy that investment, that interests must be allocated. Only the interests of periods in which the enterprise buys that investment shall be recorded to financial income; the interests accrued before the enterprise re-buys that investments shall be recorded to as a decrease in value of such investment as follows:
Dr 111, 112, 138, etc (total collected interests)
Cr 121 – Trading securities (interests accrued before the enterprise re-buys the investment)
Cr 515 – Financial income (interests after the enterprise buys the investment).
c) Accounting for dividends or divided profits:
- If the dividends are received after the investment date, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Dr 138 – Others receivable (deferred payments)
Cr 515 – Financial income.
- If the dividends are received before the investment date, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 138, etc (total collected interests)
Cr 121 – Trading securities (interests accrued before the enterprise re-buys the investment)
- When receiving dividends or profits used for recording of increase in state capital, they shall not be recorded to financial income, but they shall be recorded to devaluation of financial investment, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 138
Cr 121 – Trading securities.
d) When transferring trading securities, according to securities sale prices:
- If the profits generate, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131, etc (total payment price)
Cr 121 - Trading securities (weight average cost price)
Cr 515 – Financial income. (Positive difference between the buying price and the cost price).
- If the losses generate, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131, (total payment prices)
Dr 635 – Financial income. (negative difference between the buying price and the cost price).
Cr 121 - Trading securities (weight average cost price)
- Expenditures on security sales, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 - Financial expenses
Cr 111, 112, 331, etc.
dd) When withdrawing or paying matured trading securities, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131
Cr 121 – Trading securities.
Cr 515 – Financial income.
e) If the enterprise transfers the trading securities in the form of share exchange, the enterprise must determine the fair value of shares received at the exchange time. The difference (if any) between fair value of shares received and book value of shares used for exchange shall be recorded to financial income (in case of profits) or financial expenses (in case of losses).
- If the share exchange generates profits, the following accounts shall be recorded:
Dr 121 – Trading securities (fair value of shares received)
Cr 121 - Trading securities (book value of shares used for exchange according to weight average method)
Cr 515 - Financial income (positive difference between the fair value of shares received and the book value of shares used for exchange)
- If the share exchange generates losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 121 – Trading securities (fair value of shares received)
Dr 635 - Financial income (negative difference between the fair value of shares received and the book value of shares used for exchange)
Cr 121 - Trading securities (book value of shares used for exchange according to weight average method)
g) When re-evaluating balance of securities in conformity with definition of accounts derived from foreign currencies (bonds, commercial papers in foreign currencies, etc).
- If the profits generate, the following accounts shall be recorded:
Dr 121 – Trading securities (1212, 1218)
Cr 413 - Exchange rate differences.
- If the losses generate, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 - Exchange rate differences.
Cr 121 – Trading securities (1212, 1218).
Article 16. Account 128 – Held to maturity investments
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current amounts and increases and decreases in held to maturity investments (other than trading securities), such as: term deposits (including treasury bills, promissory notes), bonds, preference shares which the issuer is required to re-buy them in a certain time in the future and held to maturity loans to earn profits periodically and other held to maturity investments.
This account shall not record bonds and debt securities held for sales (recorded to account 121 – Trading securities)
b) The accountant must keep records of every held to maturity investment in details according to every term, entity, type of currency or quantity, etc. When preparing financial statements, the accountant shall base on remaining term (under 12 months or 12 months and longer from the reporting time) to record those to short-term accounts or long-term accounts.
c) The enterprise must record deposit interests, loan interests, profits or losses on liquidation or transfer of held to maturity investments to financial income sufficiently and promptly.
d) With regard to held to maturity investments, if it fails to make provisions for doubtful debts as prescribed, the accountant must evaluate the recovery. If it is evident that a part or all of investment is unable to recover, the accountant shall record the losses to financial expenses within the fiscal year. In case it is unreliable to determine the losses, the accountant is entitled not to record them to revaluation of investment, but the recovery of investment must be reported on the financial statements.
dd) When the financial statement is prepared, the accountant must re-evaluate investment classified as accounts derived from foreign currencies according to actual exchange rates at the end of the accounting period:
- Exchange rates applying to deposits in foreign currencies are buying-exchange rates of the bank where the enterprise opens its deposit account;
- Exchange rates applying to other held to maturity investments are buying-exchange rates of the bank where the enterprise regularly enters into transactions (chosen by the enterprise).
2. Structure and contents of account 128 – Held to maturity investments
Debit:
Value of held to maturity investments increases.
Credit:
Value of held to maturity investments decreases.
Debit balance:
Value of current held to maturity investments at the reporting time.
Account 128 – Held to maturity investments comprises 3 sub-accounts:
- Account 1281 - Term deposits: recording the increases, decreases and balance of term deposits.
- Account 1282 - Bonds: recording the increases, decreases and balance of bonds which it intends to hold till maturity.
- Account 1283 – Loans: recording the increases, decreases and balance of loans under agreements which are not transacted on the market similarly to securities. According to every contract, loans under agreements may be recovered fully on the maturity date or recovered periodically.
- Account 1288 – Other held to maturity investments: recording the increases, decreases and balance of other held to maturity investments (other than bank deposits, bonds and loans), such as preference shares which the issuer is required to re-buy them in a certain time in the future, commercial papers.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. When making term deposits, granting loans, buying held to maturity investments, the following accounts shall be recorded:
Dr 128 – Held to maturity investments
Cr 111, 112.
3.2. When collecting deposit interests, bond interests or loan interests periodically, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables (1388)
Cr 128 – Held to maturity investments (interest included in principal)
Cr 515 - Financial income.
3.3. When recovering held to maturity investments, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131, 152, 156, 211, etc (according to fair value)
Dr 635 - Financial expenses (in case of losses)
Cr 128 – Held to maturity investments (book value)
Cr 515 - Financial income (in case of profits).
3.4. When investing held to maturity investments in subsidiary companies, joint-venture companies, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222 (according to fair value)
Dr 635 - Financial expenses (in case of losses)
Cr 128 – Held to maturity investments (book value)
Cr relevant accounts (if the additional investment is required)
Cr 515 - Financial income (in case of profits).
3.5. Accounting for transactions of held to maturity bonds:
a) Buying bonds and receiving interests in advance:
- When buying bonds and receiving interests in advance, the following accounts shall be recorded:
Dr 128 – Held to maturity investments (1282)
Cr 111, 112, etc (actual amounts of money)
Cr 3387 – Unearned revenues (interests received in advance).
- When calculating and transferring interests of tax period according to interests receivable periodically, the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 - Unearned revenues
Cr 515 - Financial income.
- When recovering original prices of bonds on the maturity date, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc.
Cr 128 – Held to maturity investments (1282).
b) Buying bonds and receiving interests periodically:
- When buying bonds, the following accounts shall be recorded:
Dr 128 – Held to maturity investments (1282)
Cr 111, 112, etc.
- When receiving bond interests periodically, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 138, etc.
Cr 515 - Financial income.
- When recovering original prices of bonds on the maturity date, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc.
Cr 128 – Held to maturity investments (1282).
c) Buying bonds and receiving deferred interests:
- When buying bonds, the following accounts shall be recorded:
Dr 128 – Held to maturity investments (1282)
Cr 111, 112, etc.
- When calculating interests and recording revenues according to the interests receivable periodically, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables (1388)
Cr 515 - Financial income.
- When recovering principal and interests of bonds on the maturity date, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc.
Cr 128 – Held to maturity investments (1282).
Cr 138 - Other receivables (1388) (interests of previous tax period)
Cr 515 - Financial income (regarding interests on maturity date).
3.6. Accounting for losses due to failure of recovery of held to maturity investments which are not made provisions for doubtful debts;
If it is evident that a part or all of investment are unable to recover (the issuer is insolvent or goes into bankruptcy. If the losses are determined reliably, the negative difference between recoverable value and book value shall be recorded to financial expenses as follows:
Dr 635 - Financial expenses
Cr 128 – Held to maturity investments (1281, 1282, and 1288).
- After recording the losses, if it is evident that the losses are recoverable, the positive difference between recoverable value and book value shall be recorded to financial expenses as follows:
Dr 128 – Held to maturity investments (1281, 1282, and 1288).
Cr 635 - Financial expenses
3.7. When re-evaluating balance of held to maturity investments which are classified accounts derived from foreign currencies, the following accounts shall be recorded:
- In case of profits, the following accounts shall be recorded:
Dr 128 – Held to maturity investments
Cr 413 – Exchange rate differences.
- In case of losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences.
Cr 128 – Held to maturity investments.
Article 17. Rules for accounting for receivables
1. The receivables shall be kept records in details according to period receivables, entities receivables, types of currency receivable and other factors according to requirements for management.
2. The amounts receivable shall be classified into trade receivables, intra-company receivables, and other receivables following rules below:
a) Trade receivables include commercial receivables generating from purchase-sale related transactions, such as: receivables from sales, services, liquidation or transfer of assets (fixed assets, investment property, and financial investments) between enterprises and buyers (independent unit against buyers, including receivables between parent companies and subsidiary companies or joint-venture companies). Those receivables include receivables from sale of exported goods given by the trustor through the trustee;
b) Intra-company receivables include receivables between superior organizations and affiliated organizations having no legal status and dependent cost-accounting.
c) Other receivables include non-commercial or non-trading receivables, such as:
- Receivables generating financial income, such as: receivables from loan interests, deposit interests, dividends and divided profits;
- Payment on behalf of a third party eligible for recovery; receivables on behalf of the trustor which are collected by the trustee
- Non-commercial receivables include borrowed assets, fine receivables, compensation, assets in shortage awaiting resolution, etc.
3. When preparing financial statements, the receivables shall be classified into short-term receivables or long-term receivables according to their remaining terms. Receivables items of balance sheet may include amounts recorded to other than receivables, such as: loans recorded to account 1283; deposits recorded to account 244, advance recorded to account 141, etc. The provisions for doubtful debts shall be determined according to the items which are classified into short-term receivables and long-term receivables of the balance sheet.
4. The receivables conformable to definition of accounts derived from foreign currencies (refer to account 413 – Exchange rate differences) must be re-evaluated at the closing tax period when preparing financial statements.
Article 18. Account 131 – Trade receivables
1. Rules for accounting
a) This account is used to record receivables and payments of receivables of customers from goods, investment properties, fixed assets, financial investment or services. This account is also used to record receivables from contractors and contract awarder related to finished infrastructure development. This account is not used to record immediate cash.
b) The customer receivables must be recorded specifically to every entity, every receivables item and monitor the recovery terms (above 12 months or not exceeding 12 months from the reporting time) and keep record for every payment. Receivable entities are customers entering into transactions in purchase of goods, provisions of services, including fixed assets, investment property or other financial investments with the enterprise.
c) The export trustor shall record receivables for sale of exported goods from export trustee to above account similarly to normal transactions in sales or services.
d) When recording this account, the debts shall be classified into coverable debts, doubtful debts or bad debts to determine provisions for doubtful debts or solutions for bad debts.
dd) If the goods, investment property or services are provided unconformity with agreements between the enterprise and customers, the customers may request the enterprise to discount the goods or they may return the received goods.
e) The enterprise must monitor debts receivable of customers according to every currency. Receivables in foreign currencies shall follow rules below:
- When trade receivables generate (Dr 131), those receivables shall be converted into VND according to actual exchange rates at the generating time (buying rates of the commercial bank where the customers repays the debts). With regard to the advance received from the buyers, when criteria for recognition of revenues are met, the Dr 131 shall apply the specific identification bookkeeping rate.
- When recover trade receivables (Cr 131), the accountant must convert them into VND according to actual bookkeeping rate for every type of debtors (if the debtors enter into multiple transactions, the actual bookkeeping rate shall equal weight average rate applying to those transactions). With regard to advance received from buyers, the Cr 131 shall apply actual exchange rates (the rate recorded to the Debit account - Cash) at the receiving time;
- The enterprise must re-evaluate trade receivables derived from foreign currencies at the times in which the financial statements are prepared as prescribed. The actual exchange rates applying to revaluation of trade receivables are foreign currency-buying rates of the commercial bank where the customers make payment, which is appointed by the enterprise when preparing financial statements. In case the enterprise has multiple receivables and enters into transactions in the multiple banks, they may choose the buying rate of any bank of those commercial banks. Units in a group shall apply a common rate defined by the parent company (provided that it closes to the actual exchange rates) to re-evaluate trade receivables derived from foreign currencies arising from transactions of internal group.
2. Structure and contents of account 131 – Trade receivables
Debit:
- Trade receivables generating within a tax period from sale of goods, investment property, fixed assets, services or financial investments;
- Extra cash payable to customers.
- Revaluation of receivables in foreign currencies (if the foreign currency rates rise against VND).
Credit:
- Customers' repayment;
- Advances received from customers.
- Discounts offered to customers after customers receive goods and lodge complaints;
- Sales of returned goods (with or without VAT).
- Amount of payment discounts and trade discounts offered to buyers.
- Revaluation of receivables in foreign currencies (if the foreign currency rates fall against VND).
Debit balance:
Remaining trade receivables.
This account may have credit balance Credit balance records amounts of advance or collected amounts which are larger than trade receivables according to every specific entity. When preparing balance sheet, it is required to record specific balance according to every receivable of this account to items "Asset" and "Equity".
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. When selling goods or providing services without collecting immediate cash (including receivables from sales of exported goods of trustors), the following accounts shall be recorded:
a) Regarding goods, services, investment property subject to VAT, Special excise duty, import tax or environment protection tax, the revenues from goods and services without taxes shall be recorded as follows (above indirect taxes must be separated when recording, including VAT payable using subtraction method):
Dr 131 – Trade receivables (total payment)
Cr 511 - Revenues (tax-exclusive prices)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
b) In case it fails to separate the taxes payable, the taxes payable must be included in the revenues. Tax liabilities and the decrease in revenues shall be recorded as follows:
Dr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.2. Accounting for returned goods.
Dr 5213 – Returned goods (prices without taxes)
Dr 333 – Taxes and other payables to the State (VAT of returned goods, clarifying each type of taxes)
Cr 131 – Trade receivables.
3.3. Accounting for trade discounts and sales rebates
a) In case the amounts of trade discounts or sales rebates are stated in the invoices, the prices excluding above discounts (recording according to net revenues) and amounts of trade discounts or sales rebates shall not be separately recorded;
b) In case the amounts of trade discounts or sales rebates are not stated in the invoices because the customers are not eligible for those discounts, the revenues shall be recorded the prices including discounts (gross revenues) After recording revenues, if the customers are eligible for above discounts, these discounts shall be recorded separately so that a decrease in revenue shall be recorded periodically as follows:
Dr 521 – Revenue deductions (5211, 5212) (tax-exclusive prices)
Dr 333 – Taxes and other payables to the State (VAT of trade discounts or sales rebates)
Cr 131 – Trade receivables (total amounts of discounts).
3.4. The payment discounts payable to the buyers, excluding debts receivables, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Dr 112 – Cash in bank
Dr 635 - Financial expenses (amounts of payment discounts)
Cr 131 – Trade receivables.
3.5. When receiving payment of customers (including interests of debts – if any) or receiving advance of customers according to agreements on sale of goods or provision of services, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 131 – Trade receivables.
Cr 515 - Financial income (profits).
When receiving advance in foreign currencies, the Cr 131 shall apply actual exchange rates at the receiving time (buying rates of the bank)
3.6. Method of accounting for contractor’s receivables from customers related to construction contract:
a) In case the contractor may make payment following the schedule under the construction contract:
- If the result of performance of construction contract is estimated reliably, the following accounts shall be recorded according to documents on revenues in proportion to finished work (other than invoices) determined by the contractor:
Dr 337 – Payment under schedule of construction contract
Cr 511 – Revenues.
- According to the invoices issued following the schedule, the amounts which are paid by customers shall be recorded as follows:
Cr 131 – Trade receivables.
Dr 337 – Payment under schedule of construction contract
Cr 3331 – VAT payable (33311).
b) In case the construction contract regulates that the contractor shall be paid according to their workload, when the result of performance of construction contract is determined reliably and certified by customers, the finished work must be stated in the invoices and certified, the following accounts shall be recorded:
Cr 131 – Trade receivables.
Cr 511 – Revenues.
Cr 3331 – VAT payable (33311).
c) When collecting the bonus paid to the contractor by customer because the performance of construction contract reaches or overshoots the specific targets mentioned in the contract, the following accounts shall be recorded:
Dr 131- – Trade receivables.
Cr 511 – Revenues.
Cr 3331 – VAT payable (33311).
d) When collecting the compensation paid by customers or other contracting parties to cover the costs not including in the value of contract (the delay or mistakes of customers and disputes about changes in contract performance), the following accounts shall be recorded:
Cr 131 – Trade receivables.
Cr 511 – Revenues.
Cr 3331 – VAT payable (33311).
dd) When collecting payment for finished works or advance from customers, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc.
Cr 131 – Trade receivables.
3.7. In case the customer makes payment in goods instead of cash (in the form of barter), according to the value of materials or exchanged goods (according to fair value stated in the VAT invoice or sales invoice of customers) which is deducted from customers' debt receivables, and the following accounts shall be recorded:
Dr 152 - Materials
Dr 153 - Tools
Dr 156 - Goods
Dr 611 – Good purchases (inventory accounted by periodical verification method)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 131 – Trade receivables.
3.8. When eliminating doubtful debts unable to recover according to the report on debt relief, the following accounts shall be recorded:
Dr 229 – Provision for asset losses (2293) (amounts of provision)
Dr 642 – Enterprise administrative expenses (amounts of non-provision)
Cr 131 – Trade receivables.
3.9. When collecting entrustment fees from the export/import trustees, the following accounts shall be recorded:
Cr 131 – Trade receivables.
Cr 511 – Revenues (5113)
Cr 3331 – VAT payable (33311).
3.10. When preparing financial statements, the outstanding debt in foreign currencies of customers shall be evaluated according to actual exchange rates at the time in which the financial statements are prepared:
- If the foreign currency rates rise against VND rates, the following accounts shall be recorded:
Cr 131 – Trade receivables.
Cr 413 – Exchange rate differences (4131).
- If the foreign currency rates fall against VND rates, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences (4131).
Cr 131 – Trade receivables.
Article 19. Account 133 – Deductible VAT
1. Rules for accounting
a) This account is used to record input VAT which are deductible, deducted and shall be deducted of the enterprise.
b) The deductible input VAT and non-deductible input VAT must be recorded separately. In case they fail to be recorded separately, the input VAT shall be recorded to account 133. At the end of the tax period, the deductible input VAT and non-deductible input VAT shall be determined in accordance with regulations of law on VAT.
c) The non-deductible input VAT shall be recorded to value of assets, costs of goods sold or production or operation costs according to specific cases.
d) The input VAT eligible for deduction, declaration or tax payment shall be determined in accordance with regulations of law on VAT.
2. Structure and contents of account 133 – Deductible VAT
Debit:
Deductible VAT.
Credit:
- Deducted VAT.
- Transfer of non-deductible input VAT.
- Input VAT of goods which are returned or offered discounts;
- Refunded input VAT.
Debit balance:
Remaining deductible input VAT, refundable input VAT which has not been refunded by government budget.
Account 133 – Deductible VAT, comprises 2 sub-accounts:
- Account 1331 – Deductible VAT of goods or services: recording deductible input VAT of materials, goods or services bought to used in production of goods or provision of services subject to VAT using credit-invoice method.
- Account 1332 – Deductible VAT of fixed assets: recording deductible input VAT of fixed assets bought to use in production of goods or provision of services subject to VAT using credit-invoice method, or of the purchase of investment property.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. When buying inventory, fixed assets, investment property, if the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156, 211, 213, 217, 611 (prices excluding VAT)
Dr 133 – Deductible VAT (1331, 1332)
Cr 111, 112, 331, etc. (total payment).
3.2. When buying materials, goods or tools, if the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 623, 627, 641, 642, 241, 241, etc. (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111, 112, 331, etc. (total payment).
3.3. When buying goods and buying them to customers immediately (without inventory), if the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold (prices not excluding VAT)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111, 112, 331, etc. (total payment).
3.4. When importing materials, goods, fixed assets:
- Accounting for value of import materials, goods or fixed assets including total amount payable to sellers (according to actual exchange rates), import tax, special excise duty, environment protection tax payable (if any), transport expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156, 211, etc.
Cr 331 – Trade payables
Cr 3331 – VAT payable (33312) (if the input VAT of imported goods are not deductible)
Cr 3332 - Special excise duty.
Cr 3333 – Export or import tax (specific import tax)
Cr 33381 - Environment protection tax
Cr 111, 112, etc.
- If the input VAT of imported goods is not deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT (1331, 1332)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (33312).
3.5. With regard to returned goods or goods offering discounts due to their degradation: According to documents on sales returns and relevant documents, the value of returned goods or purchased goods eligible for sales rebate and the non-deductible input VAT) shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 331 (total payment).
Cr 133 – Deductible VAT (input VAT of returned goods or discounted goods)
Cr 152, 153, 156, 211, etc. (prices not excluding VAT).
3.6. With regard to deductible input VAT unable to record separately:
a) When buying materials, goods or fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156, 211, 213 (prices excluding VAT)
Dr 133 – Deductible VAT (input VAT)
Cr 111, 112, 331, etc.
b) At the end of the tax period, the deductible input VAT and non-deductible input VAT shall be determined in accordance with regulations of law on VAT. The non-deductible input VAT shall be recorded to costs of goods sold in the accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 133 – Deductible VAT (1331)
3.7. With regard to input materials, goods or fixed assets which are damaged by natural disasters, conflagration, lost and covered by an organization or individual, if the input VAT of those goods are not deductible:
- If it fails to uncover the reason for damages, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables (1381)
Cr 133 – Deductible VAT (1331, 1332)
- If there is decision on compensation issued by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 334, etc. (amounts of compensation)
Dr 632 – Costs of goods sold (if they are recorded to costs)
Cr 138 - Other receivables (1381)
Cr 133 – Deductible VAT (if the reasons are uncovered and there is a resolution decision)
3.8. At the end of the month, when determining the VAT payable in the tax period by deducting the deductible input VAT from output VAT, the following accounts shall be recorded:
Dr 3331 – VAT payable (33311).
Cr 133 – Deductible VAT.
3.9. When the input VAT of goods or services are refunded, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 133 – Deductible VAT (1331)
Article 20. Account 136 – Intra-company receivables
1. Rules for accounting
a) This account is used to record receivables and payments of receivables between the parent company and affiliated units or between affiliated units. The affiliated units are dependent accounting units which have no legal status, but they have accounting divisions, such as branches, plants, or project management board, etc.
b) The transactions between the enterprise and dependent accounting units (members, plants) which have legal status shall not be recorded in this account, but they shall be recorded similarly to subsidiaries.
c) Content of intra-company receivables recorded to account 136:
- In the superior enterprise:
+ Capital, funds or funding allocated to affiliated units;
+ Amounts payable to superior enterprise by affiliated units as prescribed;
+ Amounts collected by affiliated units;
+ Amounts of expenses paid on behalf of affiliated units;
+ Amounts allocated to affiliated units to perform internal fixed works and receive value of fixed works
+ Other current receivables.
- In the dependent accounting units:
+ Amounts allocated by the superior enterprise which have not been received;
+ Value of goods or services transferred to superior enterprise or other affiliated units for sale; revenues from goods or services provided for the affiliated units;
+ Amounts collected by superior enterprise or other affiliated units;
+ Amounts paid for superior enterprise or other affiliated units;
+ Other current receivables.
d) Account 136 must be kept records of every inferior unit in details and every intra-company receivables must be separately monitored. The enterprise must take measure for intra-company receivables within the tax period.
dd) At the end of tax period, it is required to collate and certify incurred amounts or balance of account 136 “Intra-company receivables”, account 336 “Intra-company receivables” with affiliated units in the payment relationship must be verified, collated and certified. Offsetting for every account of each subsidiary in relationship, and offsetting account 136 "Intra-company receivables" against 336 "Internal payable" (for every entity). When comparing, if there is any difference, it is required to uncover reasons and adjust promptly.
2. Structure and contents of account 136 – Intra-company receivables
Debit:
- Operating capital provided for affiliated units;
- Funding allocated to project management board by investor; other amounts shall be recorded as increases in receivables of investor from project management board;
- Amounts paid on behalf of superior enterprise or other affiliated units;
- Amounts receivables collected by superior enterprise or amounts payable made by affiliated units;
- Amounts receivables collected by affiliated units, amounts payable provided by superior enterprise;
- Amounts receivables of goods or services between affiliated units.
- Other intra-company receivables.
Credit:
- Capital or fund recovery of affiliated units;
- Settlement of public funding allocated and used by affiliated units;
- Value of finished fixed assets transferred from project management board; other amounts shall be recorded as decreases in receivables of investor from project management board;
- Collected amounts of intra-company receivables.
- Offsetting intra-company receivables against intra-company payables of an entity.
Debit balance: Outstanding receivables from subsidiaries.
Account 136 – Intra-company receivables, comprises 4 sub-accounts:
- Account 1361 – Operating capital provided for affiliated units: This account is only opened by the superior enterprise to record current business capital of dependent accounting units allocated by the superior enterprise.
This account does not record capital which a parent company invests in their subsidiaries or capital which the enterprise invests in dependent accounting units having legal status. Above investment shall be recorded to account 221 “Investment in subsidiaries”.
- Account 1362 – Intra-company receivables for exchange differences: This account is only opened in enterprises which are investors establishing project management boards, used to record exchange differences transferred by the project management board.
- Account 1363 – Intra-company receivables for cost of loans eligible for capitalization: This account is only opened in enterprises which are investors establishing project management board, used to record capitalized borrowing costs incurring in project management board.
- Account 1368 – Other intra-company receivables: recording other receivables between affiliated units.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. In dependent accounting units:
a) When paying on behalf of the superior enterprise and other affiliated units, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 111, 112.
b) According to notification of welfare fund allocated by superior enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 353 - Welfare fund.
c) When selling goods or providing services for subsidiaries in the enterprise, according to operation and task delegation in every unit:
- In case the dependent accounting unit is in charge of recording revenues, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 511 – Revenues (specific internal sale)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
Concurrently, the cost prices shall be recorded as follow:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 154, 155, 156, etc.
- In case the dependent accounting unit is not in charge of recording revenues, value of goods or services provided for subsidiaries shall be recorded to internal receivables:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 154, 155, 156
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
dd) When receiving money, materials or assets from superior enterprise or other internal enterprises for amounts receivables, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 152, 153, etc.
Cr 136 - Other receivables (1368).
e) When offsetting intra-company receivables against internal payables of the same entity, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 - Other receivables (3368)
Cr 136 - Other receivables (1368).
3.2. In superior enterprise
a) When a superior enterprise provides operating capital for inferior dependent accounting units having no legal status:
- If the business capital is in money, the following accounts shall be recorded:
Dr 1361 – Operating capital in affiliated units
Cr 111, 112.
- If the business capital is fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (residual value of fixed assets) (1361)
Dr 214 - Depreciation of fixed assets (value of depreciation of fixed assets)
Cr 211 – Tangible fixed assets (cost prices).
b) In case the dependent accounting units receive operating capital directly from government budget according to the authorization of superior enterprise, when the affiliated units receive capital, the superior enterprise shall record as follow:
Dr 136 - Other receivables (1361)
Cr 411 - Owner’s invested equity.
c) When the superior enterprise provides public funding or projects to affiliated units, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 111, 112, 461, etc.
d) In case the dependent accounting unit is required to refund the business capital to the superior enterprise, when the superior enterprise receives the refund, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 136 - Other receivables (1361).
dd) According to report on operating capital paid to government budget by the dependent accounting unit under authorization of superior enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 411 - Owner’s invested equity.
Cr 136 - Other receivables (1361).
e) When selling goods or providing services for affiliated units in the enterprise, according to operation and gradation in every unit, the revenue may be recorded either at the time in which the goods or services are transferred to dependent accounting units or at the time in which the dependent accounting units sell goods or services:
- If the revenue is recorded when the goods or services are transferred to dependent accounting units, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 511 – Revenues (specific internal sale)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
- If the revenue is not recorded when the goods or services are transferred to dependent accounting units, the following accounts shall be recorded:
+ When transferring goods or services:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 154, 155, 156
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (if any).
+ When the dependent accounting unit notifies that it has sold their goods or services to a third party outside the enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 511 – Revenues.
Concurrently, the cost prices shall be recorded as follow:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 136 - Other receivables (1368).
g) When collecting interest receivables arising from business or other operation of subsidiaries, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 421 – Unallocated profits.
h) When paying for dependent accounting units, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 111, 112, etc.
I) When receiving the business interests from affiliated units or repayment of amounts paid on behalf of the affiliated units, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc.
Cr 136 - Other receivables (1368).
k) When offsetting intra-company receivables against internal payable of the same entity, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 - Other receivables (3368)
Cr 136 - Other receivables (1368).
3.3. Accounting pertaining to investors establishing project management board
a) When an investor issues a decision on allocation of investment capital in money, materials or fixed assets to project management board, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1361)
Dr 214 - Depreciation of fixed assets
Cr 111, 112, 152
Cr 211 - Tangible fixed assets
b) When project management boards transfer deposit interests from temporarily unused capital, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1368)
Cr 515 - Financial income.
c) When the investor transfers the capitalized borrowings costs to project management board to the construction costs, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1363)
Cr 111, 112, 242, 335.
d) When revenues, financial income or other incomes submitted by project management boards are received, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Other receivables (1361, 1368)
Cr 515, 711.
dd) When project management boards transfer input VAT on purchases of materials, tools, fixed assets or services for project of investment to the investor for deduction, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 136 - Other receivables (1368).
e) When receiving cost prices for services, financial expenses or other expenses transferred by project management boards, the following accounts shall be recorded:
Dr 632, 635, 811, etc.
Cr 136 - Other receivables (1362, 1368).
g) When the project is finished and received, the following accounts shall be recorded:
- When receiving the building work which is settled, the investor shall record the value of the building work to settled price as follows:
Dr 111, 112, 152, 153, 211, 213, 217, 1557
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 136 - Intra-company receivables (1361)
Cr 331, 333, etc. (debts payable, if any).
- When receiving building work which is not settled, the investor shall record the value of the building work to estimated price. When the building work is settled, the value of the building work shall be adjusted to the settled price.
+ If the settled price is greater than the estimated price, the following accounts shall be recorded:
Dr 211, 213, 217, 1557
Cr, relevant accounts.
+ If the settled price is smaller than the estimated price, the following accounts shall be recorded:
Dr, relevant accounts.
Cr 211, 213, 217, 1557.
Article 21. Account 138 – Other receivables
1. Rules for accounting
This account is used to record debt receivables other than account 131, 136 and payment of debts, containing:
- Value of shortage of assets detected, but the reasons are not uncovered awaiting resolution;
- Material compensation for losses or damage to materials, goods or capital, etc caused by individuals or groups (inside or outside enterprise);
- Non-monetary assets borrowed by other entities (if lending in money, the loan shall be recorded to account 1283);
- Expenditures on public activities, projects, investment in capital investment, production or business shall be recovered because they are not approved by competent agency;
- Expenditures on behalf of a third party required recovery, such as banking fees, customs inspection fees, delivery expenses, material handling expenses, taxes, etc
- Receivables arising from equitization of state-owned enterprises, such as: equitization costs, allowance for unemployed, support for re-training provided for employees in the equalized enterprises, etc.
- Loan interests, dividends, profits receivables from financial investment;
- Other receivables.
2. Structure and contents of account 138 – Other receivables
Debit:
- Value of assets in shortage awaiting resolution;
- Receivables from individuals or groups (inside or outside enterprise) for assets in shortage whose reasons are uncovered and there is a resolution report,
- Receivables from equitization of state-owned enterprises;
- Loan interests, deposit interests, dividends or profits receivables from financial investment;
- Expenditures on behalf of a third party subject to recovery, debts receivables;
- Revaluation of receivables in foreign currencies (if the foreign currency rates rise against VND).
Credit:
- Transfer value of assets in shortage to relevant accounts according to resolution decision;
- Transfer receivables to equitization of state-owned enterprises;
- Collected amounts of other debts receivables.
- Revaluation of receivables in foreign currencies (if the foreign currency rates fall against VND).
Debit balance:
Non-collected amounts of other debts receivables.
This account may have balance in Credit side. The balance of Credit side records the positive difference between collected amounts and amounts receivables (in details).
Account 138 – Other receivables, comprises 3 sub-accounts:
- Account 1381 – Assets in shortage awaiting resolution: recording value of assets in shortage awaiting resolution.
In principle, whenever asset deficiency is detected, the reasons and the person in charge must be uncovered. The asset deficiency is only recorded to account 1381 if reasons for deficiency, losses or damage of assets in shortage awaiting resolution are not uncovered. In case the reasons for asset deficiency are uncovered and they are settled within a tax period, they shall be recorded to equivalent accounts, not recorded to account 1381.
- Account 1385 – Equitization receivables: recording equitization receivables which the enterprise spends, such as: equitization costs, unemployment allowances, support for re-training of employees in the equitized enterprises, etc.
- Account 1388 – Other receivables: recording receivables of the enterprise other than amounts receivables recorded to accounts 131, 133, 136 and 1381, 1385, such as: dividends, profits or interests receivables; compensation receivables due to losses of money or assets; etc.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. If the deficiency of tangible fixed assets for business are detected without reasons and pending settlement, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables (1381) (residual value of fixed assets)
Dr 214 - Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost prices).
3.2. If the deficiency of tangible fixed assets for public, projects or welfare are detected without reasons and pending settlement, the decrease in fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 214 - Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Dr 466 – Funding sources forming fixed assets (residual value) (fixed assets used for public or projects)
Dr 3533 – Welfare funds forming fixed assets (residual value) (fixed assets used for welfare)
Cr 211 – Tangible fixed assets (cost prices).
And the residual value of assets in shortage awaiting resolution shall be recorded as follows:
Dr 138 - Other receivables (1381)
Cr 353 - Welfare fund (3532)
Cr 338 – Others payable (fixed assets for public or projects).
3.3. When the deficiency of cash balance, materials, goods, etc is detected:
a) If the reasons for deficiency are not uncovered and pending settlement, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables (1381)
Cr 111, 152, 153, 155, 156.
b) If there is a written settlement of asset deficiency issued by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (individual or organization paying compensation)
Dr 1388 – Others receivables (individual or organization paying compensation)
Dr 334 – Amounts payable to employees (compensation offsetting against salaries)
Dr 632 – Costs of goods sold (value of depreciation of inventory after offsetting against compensation according to the written settlement)
Dr 811 - Other receivables (residual value of deficient fixed assets shall be accounted for losses of the enterprise)
Cr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution.
c) If the reasons and persons in charge of asset deficiency are uncovered, the following accounts shall be recorded according to the reasons or persons in charge:
Dr 1388 – Others receivables (1388 – Others receivables) (amounts of compensation)
Dr 334 – Amounts payable to employees (compensation offsetting against salaries)
Dr 632 – Costs of goods sold (value of depreciation of inventory after offsetting against compensation according to the written settlement)
Cr 621 – Direct material costs
Cr 627 - Factory overhead
Cr 152, 153, 155, 156.
Cr 111, 112.
3.4. Temporary asset borrowings shall be recorded as follows:
Dr 138 - Other receivables (1388)
Cr 152, 153, 155, 156, etc.
3.5. Expenditures on behalf of a third party subject to recovery, other receivables, and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 - Other receivables (1388)
Cr, relevant accounts.
3.6. Accounting for trust transactions in import-export carried out by the trustee:
a) When the trustee pays for the trustor, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables (1388) (if the trustor has not paid advance)
Dr 3388 - Other receivables (offsetting against payment of trustor)
Cr 111, 112, etc.
b) When the export trustor offsets against expenses paid on behalf of a third party, the export trustee shall record as follows:
Dr 338 - Other receivables (3388)
Cr 138 - Other receivables (1388)
c) Transactions in export-import entrustment shall be accounted similarly to account 138 – Others receivables; VAT on imported goods, special excise duty, import duty carried out by the trustee and the trustor shall be accounted similarly to account 333 – Taxes and other payables to the State.
3.7. When determining loan interests, deposit interests, dividends or profits receivables, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc. (collected amounts)
Dr 138 - Other receivables (1388)
Cr 515 - Financial income.
3.8. When collecting other debt receivables, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Dr 112 – Cash in bank
Cr 138 - Other receivables (1388)
3.9. When receiving decision on solutions for other debt receivables unable to recover:
Dr 111 – Cash (compensation paid by individuals or groups)
Dr 334 – Amounts payable to employees (compensation offsetting against salaries)
Dr 229 – Provision for asset losses (2293) (using provision for doubtful debts, if applicable)
Dr 642 - Administrative expenses (recording to costs)
Cr 138 - Other receivables (1388 – Other receivables).
3.10. When enterprises have sold other receivables (recording in balance sheet) to debt trading company, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc. (Collected amounts of sale of debts receivables)
Dr 229 – Provision for asset losses (2293) (using provision for bad debts for the differences)
Debit of relevant accounts (difference between original price of doubtful debt and collected amounts of sale of doubtful debt shall be covered by provision for doubtful debt)
Cr 138 - Other receivables (1388)
3.11. When incurring costs of equitization of state-owned enterprises, the following accounts shall be recorded:
Dr 1385- Equitization receivables (detail costs of equitization)
Cr 111, 112, 152, 331, etc.
3.12. When finishing equitization, the enterprise must send reports and make declaration of expenditures on equitization to agency deciding the equitization. Total costs of equitization, allowances for unemployment, re-training of employees, etc shall be deducted (-) from collected amounts of sale of state-owned stocks collected from equitization of state-owned enterprises, the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Equitization payable (collected amounts of sale of state-owned stocks)
Cr 1385 – Equitization receivables.
3.13. With regard to expenditures on public activities, projects, investment in capital investment or business which is not approved by competent agency and subject to recovery, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables
Cr 161, 241, 641, 642, etc.
3.14. When preparing financial statements, other outstanding debts receivables derived from foreign currencies shall apply actual exchange rates:
- If foreign currency rates rise against VND rates, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 - Other receivables
Cr 413 – Exchange rate differences (4131).
- If foreign currency rates fall against VND rates, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences (4131)
Cr 138 - Other receivables
Article 22. Account 141 – Advances
1. Rules for accounting
a) This account is used to record advances of an enterprise paid to employees in the enterprise and payment of those advances.
b) Advance is an amount or material given to receivers to do business or deal with any approved tasks. The receivers must be employees working at the enterprise. The regular receivers (working in department of material provision, administration) must be appointed by Director in writing.
c) The receiver (individual or group) must take responsibility for received advance and use the advance for proper purposes and approved tasks. If the received advance is unused or remained, it is required to repay to the fund. The receiver shall not transfer the advance to others.
When finishing the tasks, the receiver must make an advance payment sheet (enclose with original documents) to pay fully received advance, used advance or difference between received advance and used advance (if any). If the unused advance is not repaid to the fund, the receiver's salary shall be deducted. If the expenditure is greater than the received advance, the enterprise shall give additional expenditure on the deficiency.
d) The advance of this tax period is only received if the advance of previous tax period is settled. The accountant must keep records of receivers, receiving and payment of advances.
2. Structure and contents of account 141 – Advances
Debit:
Amounts of money or materials advanced to employees of the enterprise.
Credit:
- Paid advances;
- Unused advances which are required to repay to the fund or deducted from salaries;
- Unused materials which are re-stored.
Debit balance:
Unpaid advances;
3. Accounting methods for several major transactions:
a) When advancing amounts of money or materials to employees of the enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 141 - Advances
Cr 111, 112, 152, etc.
b) When finishing assignment, the receiver shall make the advance payment sheet enclosed with approved original documents for settlement of the advance; the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156, 241, 331, 621, 623, 627, 642, etc.
Cr 141 – Advances.
c) Unused advances which are repaid to the fund, re-stored or deducted from the receiver’s salary, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 - Cash
Dr 152 – Raw materials, materials
Dr 334 – Amounts payable to employees
Cr 141 – Advances.
d) If the approved actual expenditure is greater than received advance, the accountant shall make additional payment to the receiver; the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156, 241, 621, 622, 627, etc.
Cr 111 – Cash.
Article 23. Rules for accounting for inventory
1. Group of inventory accounts is used to record existing value and changes in inventory of the enterprise (if the enterprise accounts for inventory using regular declaration method) or record value of inventory in the opening or closing tax period (if the enterprise accounts for inventory using periodical declaration method).
2. Inventory of the enterprise is assets bought for production or sale in an ordinary course of business, including:
- Goods in transit;
- Raw materials, materials; tools;
- Unfinished goods;
- Commercial products, goods; consignments;
- Goods stored in tax-suspension warehouse of the enterprise.
With regard to unfinished goods, if their period of production or circulation exceeding a normal business cycle, they shall not be recorded to inventory in the balance sheet, but shall be recorded to long-term assets.
With regard to equipment and spare parts for replacement whose preserve period is more than 12 months or more than an ordinary course of business, they shall not be recorded to inventory in the balance sheet, but shall be recorded to long-term assets.
3. The goods, materials, assets under agreement on keeping, deposit, import-export trust, processing,...which are not under ownership and control of the enterprise shall not be recorded to inventory.
4. Accounting for inventory must comply with regulations on Vietnamese accounting standard (VAS) “Inventory” when determining original prices of inventory, method for calculation of value of inventory, determination of net realizable value, making provision against devaluation of goods in stock and recording costs.
5. Rules for determination of original prices of inventory are applied specifically to every type of materials, goods, according to sources and time in which the prices are determined
6. Non-refundable taxes which are recorded to value of inventory include: non-deductible input VAT on inventory, Special excise duty, import tax, environmental protection tax payable when buying inventory.
7. When buying inventory, if goods, equipment or spare parts for replacement are attached (provision for breakdown), the changeable goods, equipment or accessories shall be recorded according to fair value. The value of purchased goods shall equal total value of purchases goods minus (-) value of changeable goods, equipment or spare parts for replacement.
8. When selling inventory, the original prices of sold inventory shall be recorded to production cost within a tax period in conformity with relevant revenues which are recorded and in conformity with their nature of transactions. When releasing inventory for promotion or advertisement, the rules below shall be followed:
a) If the inventory are released for promotion or advertisement without collecting money, providing additional conditions (compulsory purchase of goods, etc), the value of inventory shall be recorded to selling expenses (goods for promotion or advertisement for detail);
b) If the inventory are released for promotion or advertisement with additional conditions that the customers are required to buy goods (e.g. buy two, get one free, etc) The collected amounts shall be allocated to revenues from complimentary products, the value of complimentary products shall be included in their cost (nature of transaction is sale rebates).
9. When determining value of closing inventory, the enterprise applies one of following methods:
a) Specific identification method: Specific identification method shall be applied according to actual value of every purchased good or every sold good, so that it is only applied to enterprises having a few items of products or stable and identifiable goods.
b) Weighted average method: value of every inventory item shall equal mean value of each opening inventory item and value of each inventory item sold or produced in current period. Mean value may be calculated in every period or after import consignment, depending on specific conditions of every enterprise.
c) First in, first out method (FIFO): This method assumes that inventory purchased or manufactured first is sold first and newer inventory purchased or manufactured near the end of the accounting period remains unsold. According to this method, value of inventory sold shall apply prices of purchased inventory at or near the beginning of the accounting period; value of closing inventory shall apply prices of purchased inventory at or near the end of accounting period.
Every inventory costing method has their certain advantages and disadvantages. The accuracy and reliability of every method bases on management requirements, standards, professional competence and calculating equipment or means of information processing of the enterprise. And bases on preservation requirements, complexity of types, specifications and fluctuation of materials or goods of the enterprise.
10. Regarding inventory purchased in foreign currencies, value of received inventory shall base on actual exchange rates at the arising time (if the seller is received an advance, the value of received inventory shall be equivalent to the advance exchange rates. Import duty payable shall be determined according to exchange rates for calculation of import duty provided by customs authority as prescribed. Accounting for exchange differences shall comply with regulations of Article 69 – Guidelines for accounting method for exchange rate differences.
11. At the end of the accounting period, if the inventory value is not recovered enough due to damage or out of fashion, decrease in selling prices or increase in cost of improvement or selling expenses, a decrease in original prices of inventory shall be recorded leading the equal between the original cost and net realizable value of inventory. Net realizable value is selling price of inventory estimated in an ordinary course of business minus (-) estimated cost of product improvement or cost of consumption.
The decrease in original prices of inventory leading the equal between the original cost and net realizable value shall be covered by provision against devaluation of inventory. The provision against devaluation of inventory is the positive difference between original cost and net realizable value of inventory.
All differences between provision against devaluation of inventory made at the end of this accounting period must be greater than provision made at the end of previous accounting period, the deficiency or losses of inventory shall be recorded to production cost in the period after minus (-) compensation of individual or unallocated factory overhead. All differences between provision against devaluation of inventory made at the end of this accounting period must be greater than provision made at the end of previous accounting period, the deficiency or losses of inventory shall be recorded to production cost in the period after minus (-) compensation of individual or unallocated factory overhead.
12. Inventory value and inventory in kind must be specifically accounted for every kind, specification of goods or materials, management and use place, ensure the conformity between actual materials or goods and general ledger and ledger.
13. An enterprise (an accounting unit) may only apply one of two accounting methods for inventory: perpetual inventory system, periodic inventory system. The accounting method for inventory shall be selected at the enterprise according to characteristics, quantity, types of materials or goods and management requirements and in the accounting period.
Accounting methods for inventory.
a) Perpetual inventory system: Periodic inventory system is a method monitoring and keeps up-to-date inventory records to account for additions to, subtractions from or balance of inventory on the accounting records. When applying perpetual inventory system, inventory accounts shall be used to record current amounts, increase or decrease in materials or goods. Therefore, value of inventory on accounting record may be determined at any time in the accounting period.
At the end of accounting period, the physical inventory count shall be compared with inventory data in ledger. In principle, the actual inventory data must conform to inventory data in ledger. If there is any difference, it is required to uncover reasons and provide solutions. The perpetual inventory system is usually applied to manufacturing enterprise (industry, construction, etc) And commercial enterprises dealing in high value items such as machinery, equipment, engineering goods, high quality , etc.
b) Periodic inventory system:
- The periodic inventory system shall be used to update the ending inventory balance in the general ledger according to the physical inventory count and calculate cost of goods or materials sold following the formulary below:
Cost of goods sold |
= |
Beginning inventory |
+ |
Purchases |
- |
Ending inventory |
- According to periodic inventory system, any changes in materials or goods (additions to or subtractions from inventory) shall not be recorded to inventory accounts. Value of materials or goods purchased and added to inventory in the period shall be recorded to a separate account (account 611 “Purchases”).
- The physical inventory count and determination of cost of goods or materials sold (for production or for sale) shall be conducted at the end of accounting period and used as the basis for accounting of account 611 “Purchases”. When applying periodic inventory system, inventory accounts shall only used at the beginning of the accounting period (for transfer of opening balance) and at the ending of the accounting period (for recording actual ending inventory).
- This method is usually applied to enterprises trading in multiple types of goods or materials with different specification or models, low value, and those goods or materials are regularly sold for use or sale (retail outlets, etc). This method is simple and easy for accounting. But the accuracy of materials or goods sold is affected by the management of warehouses, depot.
Article 24. Account 151 – Goods in transit
1. Rules for accounting
a) This account is used to record value of goods, materials (raw materials, materials, tools; goods) purchased under ownership of the enterprise which are on the way of delivery, in ports, depot, bonded warehouses or have arrived at the enterprise but they are pending storing
b) Goods or materials under ownership of the enterprise, but not been stocked, including:
- Goods or materials purchased payment or acceptance of payment, but still in warehouses of seller, in ports, depot or on the way of delivery;
- Goods or materials arrived at the enterprise but still are verification for stock.
c) Goods in transit shall be recorded to account 151 according to original prices as prescribed in VAS “Inventory"
d) Every day, when receiving purchase invoices, but the goods are not stocked, the accountant shall not keep records but compare them with economic contract and store invoices in a separate dossier “Goods in transit”.
Within a month, if the goods are stocked, they shall be recorded to account 152 “Raw materials, materials”, account 153 “Tools", account 156 “Goods” or account 158 “tax-suspension warehouse goods” according to warehouse receipt and purchase invoices.
dd) If the goods are not arrived at the end of the month, they shall be recorded to account 152 "Goods purchased in transit” according to purchase invoices. The accountant must keep specific records of goods in transit according to every type of goods, materials, consignment or economic contracts.
2. Structure and contents of account 151 – Goods in transit
Debit:
- Value of goods or materials purchased in transit;
- Transfer of actual value of goods or materials purchased in transit at the end of the accounting period (if the enterprise accounts for inventories using periodic inventory system)
Credit:
- Value of goods or materials purchased in transit which are stored or delivered to customers;
- Transfer of actual value of goods or materials purchased in transit at the begin of the accounting period (if the enterprise accounts for inventories using periodic inventory system)
Debit balance: Value of goods or materials purchased in transit (not stored in the enterprise's warehouse).
3. Accounting methods for several major transactions:
a) The enterprise accounts for inventories using perpetual inventory system.
- At the end of accounting period, according to purchase invoices of goods purchased which are not stored in warehouse, if the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 151 - Goods in transit (prices without VAT)
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 331 – Trade payables; or
Cr 111, 112, 141, etc.
- If the input VAT is not deductible, value of goods purchased shall include VAT
- Next month, when goods are stored in warehouse, according to invoices and warehouse receipts, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials, materials
Dr 153 - Tools
Dr 156 - Goods
Cr 151 - Goods in transit.
- Next month, if the goods or materials purchased in transit which are not stored in warehouses but delivered to customers under economic contract at the seller's vehicle or warehouses, at ports, depot or delivered directly to customers, deposited at the agencies, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold; or
Dr 157 – Goods dispatched for sale
Cr 151 - Goods in transit.
- In case the goods purchased in transit are in shortage detected immediately or at the ending inventory, according to report on shortage, the value of deficiency or losses of inventories shall be recorded as follows:
Cr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution.
Cr 151 - Goods in transit.
b) If the enterprise accounts for inventories using periodic inventory system.
- At the ending inventory, according to actual value of goods or material in transit which is transferred at the ending inventory before transferred actual value of goods or materials in transit at the beginning inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Purchase of goods
Cr 151 - Goods in transit.
- At the beginning inventory, according to result of inventory to determine actual value of goods or materials purchased but have not stored in warehouses (ending goods in transit), the following accounts shall be recorded:
Dr 151 - Goods in transit.
Cr 611 – Purchase of goods.
Article 25. Account 152 – Raw materials inventory
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current cost or increase or decrease in cost of all component parts currently in enterprise’s stock. Raw materials of the enterprise are labor materials purchased outside or home-made processed for business. Raw materials or materials recorded to this account shall be classified as follows:
- Direct materials: These are materials incorporated into the final products. Hence, direct materials term shall accompany with a specific manufacturer. There is not direct or indirect materials term in the enterprises engaged in commerce or services. Direct materials also include semi-finished goods purchased for incorporation into the finished goods.
- Indirect materials: These are materials not incorporated into the final product, but which are combined with direct materials during the production process to change colors, tastes, shapes or increase in quality of the final product or facilitate production process, technology, packaging or preservation; or serve the operation.
- Fuels: These are any materials providing heat energy during the production process and facilitate the process of making usual product. Fuels can exist in liquid, solid and gas.
- Replaced supplies: These are any materials used for replacement or repair of machinery, equipment, vehicle, manufacturing tools or supplies, etc.
- Materials and equipment for capital investment: These are materials and equipment used for capital investment. The construction equipment items for capital investment include equipment required installation, equipment required non-installation, tools, instruments and materials used to install in the capital investment projects.
b) The received, dispatched or inventoried raw materials recorded to account 152 shall be accounted according to historical costs as prescribed accounting standard “Inventory”. Historical costs of raw materials shall be determined according to every source.
- Historical costs of raw materials include: Buying costs stated in invoices, import duty, Special excise duty, import VAT, environmental protection tax payable (if any), cost of delivery, material handling, preservation, classification, insurance, etc; of raw materials from the supplier to the enterprise’s stock, expenses incurred from employees in charge of purchase, expenses incurred from independent department of purchase, other costs directly related to purchase of raw materials and natural deficiency within the quotas (if any):
+ If the VAT on imported goods is deductible, cost of raw materials purchased shall not include VAT. If the input VAT is not deductible, cost of raw materials purchased shall include VAT.
+ Accounting for raw materials purchased in foreign currencies shall comply with regulations of Article 69 – Guidelines for accounting method for exchange rate differences.
- Historical cost of raw materials home-made processed includes: actual cost of materials for processing and cost of processing.
- Historical cost of raw materials processed under outsourcing agreement includes: actual cost of materials for outsourcing processing, cost of delivery from the enterprise to processing facility and vice versa, cost of outsourcing processing.
- Historical cost of raw materials contributed to joint venture or joint-stock companies is the cost which all parties involved in joint venture approve.
c) The cost of raw materials inventory shall be calculated according to one of following methods:
- Specific costing method;
- Weighted average method after receiving raw materials or at ending inventory;
- First in, first out method.
The enterprise must apply the chosen method throughout the accounting period.
d) The raw materials shall be specifically accounted according to every inventory, type, group, materials item. In case the enterprise uses the accounting cost in the recording of received or dispatched raw materials, at the end of the period, the difference coefficient between actual cost and accounting cost of the raw materials shall be determined according to following formula:
Difference coefficient between actual cost and accounting cost of raw materials |
= |
Beginning inventory cost |
+ |
Cost of raw materials purchased |
Beginning inventory accounting cost |
+ |
Accounting cost of raw materials purchased |
Cost of raw materials sold |
= |
Accounting cost of raw materials sold |
x |
Difference coefficient between actual cost and accounting cost of raw materials |
dd) Raw materials not under ownership of the enterprise (raw materials kept or materials received for processing or materials received from the export-import trustor, etc) shall not be recorded to this account.
2. Structure and contents of account 152 – Raw materials
Debit:
- Actual cost of raw materials purchased, hand-made processed, outsourced, processed, received as contribution or received from other sources;
- Cost of raw materials excess detected when conducting physical inventory count;
- Transfer of actual cost of ending raw materials inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Credit:
- Actual cost of raw materials sold for production, business, sale, outsourcing, or contribution as capital;
- Cost of raw materials returned to sellers or sales rebates
- Trade discount on raw materials purchased;
- Cost of raw materials detected lost when conducting physical inventory count;
- Transfer of actual cost of beginning raw materials inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Debit balance:
Actual cost of ending raw materials inventory.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. Enterprise using perpetual inventory system.
a) When buying raw materials to add to inventory, according to invoices, warehouse receipt and relevant documents recording received raw materials cost:
- If input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials (cost without VAT)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111, 112, 141, 331, etc. (total payment)
- If the input VAT is not deductible, cost of raw materials shall include VAT.
b) Raw materials returned to sellers, trade discount or sales discount received when buying raw materials shall be accounted as follows:
- When returning raw materials to sellers, the following accounts shall be recorded:
Cr 331 – Trade payables
Cr 152 – Raw materials
Cr 133 – Deductible VAT
- In case the trade discount or sales discount is discounted after buying raw materials (including fines for violations against economic contracts leading a decrease in payment made by the purchaser), the trade discount or sales discount shall be allocated according to the increase or decrease in raw materials, inventoried raw materials, dispatched raw materials for production or construction investment or consumed during a period:
Dr 111, 112, 331, etc.
Cr 152 – Raw materials (if raw materials are still inventoried)
Cr 621, 623, 627, 154 (if raw materials are dispatched for production)
Cr 241 – Works-in-progress (if raw materials are dispatched for construction investment)
Cr 632 – Cost price of goods (if the product in which those raw materials are incorporated is determined as consumed during a period)
Cr 641, 642 (raw materials used for sale or management)
Cr 133 – Deductible VAT (1331) (if any).
c) In case the enterprise has received sales invoices but raw materials have not received in the enterprise’s stock, the sales invoices shall be archived in a separate dossier “Goods in transit”.
- Within a month, if the raw materials have been received in the enterprise’s stock, they shall be recorded to account 152 “Raw materials” according to sales invoices and warehouse receipt.
- At the end of the month, if the raw materials have not been received, they shall be accounted for temporary cost according to sales invoices:
Dr 151 – Goods in transit
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 331 – Trade payables; or
Cr 111, 112, 141, etc.
- Next month, if the raw materials have been received in the enterprise’s stock, the following accounts shall be recorded according to sales invoices and warehouse receipt:
Dr 152 – Raw materials
Cr 151 – Goods in transit
d) When make payments to sellers, if the enterprise qualifies for payment discounts, those payment discounts shall be recorded to financial income as follows:
Cr 331 – Trade payables
Cr 515 – Financial income (payment discounts).
dd) Imported raw materials:
- When importing raw materials, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials
Cr 331 – Trade payables
Cr 3331 – Deductible VAT (33312) (if input VAT on imported goods are not deductible)
Cr 3332 – Special excise duty (if any).
Cr 3333 – Import/export duty (detail).
Cr 33381 – Environmental protection tax.
- If input VAT on imported goods is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 3331 – Deductible VAT (33312).
- When buying raw materials, if the seller is receive an advance in foreign currencies, the cost of raw materials equivalent to the advance shall be recorded according to actual exchange rates at the time in which the advance is paid. The cost of raw materials not yet paid in foreign currencies shall be recorded according to actual exchange rates at the time in which the raw materials are purchased.
e) The expenditures on purchase, material handling, and transport of raw materials to the enterprise’s stock shall be recorded as follows:
Dr 152 – Raw materials
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 111, 112, 141, 331, etc.
g) Regarding raw materials processed under outsourcing agreement which is received in the enterprise’s stock:
- When dispatching raw materials to process, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Cr 152 – Raw materials.
- When incurring cost of outsourcing, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT (1331) (if any).
Cr 111, 112, 131, 141, etc.
- When re-receiving the out-sourced raw materials, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials
Cr 154 - Work in progress
h) Hand-made raw materials which are received in stock:
- When dispatching raw materials for self-processing, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Cr 152 – Raw materials.
- When receiving handmade raw materials, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials
Cr 154 - Work in progress.
i) With regard to excess of raw materials detected under physical inventory count, if the reasons for excess are uncovered, it shall be the basis for accounting, if not, the cost of raw materials in excess shall be the basis for accounting:
Dr 152 – Raw materials
Cr 338 – Other payable or receivables (3381).
- When there is a decision on settlement of raw materials in excess detected under physical inventory count, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payable or receivables (3381)
Cr, relevant accounts.
- If the raw materials in surplus belong to other enterprises and an increase in account 152 is not recorded, they shall not be recorded to account 338 (3381) but the enterprise shall actively keep records and state in the presentation of financial statements.
k) When dispatching raw materials for business, the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 623, 627, 641, 642, etc.
Cr 152 – Raw materials.
l) When dispatching raw materials for capital investment or major repair of fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress
Cr 152 – Raw materials.
m) When contributing raw materials to subsidiaries, joint-venture companies, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 22 (according to re-evaluated value)
Dr 811 – Other costs (re-evaluated value is smaller than book value)
Cr 152 – Raw materials (according to book value)
Cr 711 – Other costs (re-evaluated value is greater than book value)
n) When dispatching raw materials to sell capital holding in subsidiaries, joint-venture companies, the following accounts shall be recorded:
- The revenues from sale of raw materials and investment in subsidiaries, joint-venture companies, and the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222 (according to fair value)
Cr 511 – Revenues from sale of merchandises and services rendered
Cr 3331 – Output VAT payable.
- Cost prices of raw materials used for purchase of capital contribution in subsidiaries, joint-venture companies shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 152 – Raw materials.
o) Raw materials in excess detected when conducting physical inventory count:
Every case in which the shortage of raw materials in stock or preservation is detected when conducting physical inventory count must be make reports and uncover the reasons and offenders. According to reports on physical inventory count and decision of competent agency, the accounting shall be recorded as follow:
- If figures on ledger are error or are not updated, they are required to be additionally provided or adjusted;
- If the cost of raw materials in deficiency is under deficiency quotas, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 152 – Raw materials.
- If the reasons for the deficiency or losses are uncovered pending settlement, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other payable (1381—Assets in shortage awaiting resolution)
Cr 152 – Raw materials.
- When there is a decision on settlement, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (compensation of offenders)
Dr 138 – Other receivables (1388) (compensation of offenders)
Dr 334 – Payables to employees (deducting salaries of offenders)
Dr 632 – Costs of goods sold (remaining value of shortage of raw materials which is included in the costs of goods sold)
Cr 138 – Other payable (1381—Assets in shortage awaiting resolution)
p) Unused raw materials or waste:
- When liquidating or selling raw materials or waste, cost prices shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 152 – Raw materials.
- Revenues from sale of raw materials or waste shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131.
Cr 511 – Revenues from sale of merchandises and services rendered (5118)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.2. Enterprises using periodic inventory system.
a) At the beginning of accounting period, when transferring cost of beginning raw materials inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Purchases
Cr 152 – Raw materials.
b) At the ending of accounting period, according to physical inventory count for ending raw materials inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials
Dr 611 – Purchases
Article 26. Account 153 – Tools and supplies
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and fluctuation of tools and supplies of the enterprise. Tools and supplies are labor materials not satisfying requirements pertaining to value and use time prescribed in regulations of fixed assets. Thus, tools and supplies shall be managed and recorded similarly to raw materials or materials. According to regulations in force, the following labor materials shall be recorded tools and supplies if they fail to satisfy requirements for fixed assets:
- The scaffolding, formwork, tools, jigs used for construction manufacturing;
- Types of packaging enclosed with goods charged separately, but their value is depreciated during preservation of goods in transit and storage in the warehouses;
- Tools or supplies made of glass, porcelain, ceramic;
- Management facilities, office supplies;
- Clothing, footwear designed exclusively for work, etc.
b) Received dispatched or inventoried tools or supplies recorded to account 153 shall apply original prices. Rules for determination of original prices of received tools or supplies shall comply with regulations on raw materials or materials (refer to account 152).
c) The value of inventoried tools or supplies shall be calculated according to one of following three methods:
- First in – First out;
- Specific identification;
- Weight average.
d) Tools or supplies shall be accounted for according to every inventory, type, and group, type of tools or supplies. Dispatched tools or supplies for business or lease must be kept records of items and value according to using place, lease entities and persons in charge of compensation. The precious and worth tools or supplies must be preserved specially.
dd) With regard to tools and supplies holding low value used for business, they shall be recorded once to production cost.
e) In case the tools and supplies, reusable packaging materials or instruments for renting related to business in several accounting periods, they shall be recorded to account 242 “Prepaid expenses" and allocated to production cost.
g) Accounting for tools and supplies related to transactions in foreign currencies shall comply with regulations of Article 69 – Guidelines for accounting method for exchange rate differences.
2. Structure and contents of account 153 – Tools and supplies
Debit:
- Actual cost of received tools and supplies purchase, handmade, outsourced, or contributed as capital;
- Cost of received tools and supplies for lease;
- Actual cost of tools and supplies in excess detected when conducting physical inventory count;
- Transfer of actual cost of ending tools and supplies inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Credit:
- Actual cost of dispatched tools and supplies for business, lease or contribution as capital;
- Trade discounts on tools and supplies purchased;
- Cost of tools and supplies returned to sellers or tools and supplies eligible for discounts;
- Cost of tools and supplies in deficiency detected when conducting physical inventory count;
- Transfer of actual cost of beginning tools and supplies inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Debit balance: Actual cost of tools and supplies inventory.
Account 153 – Tools and supplies, comprises 4 sub-accounts:
- Account 1531 – Tools and supplies: recording current cost and decrease or increase in tools and supplies.
- Account 1532 – Reusable packaging materials: recording current cost and decrease or increase in circulated packages used for business Reusable packaging materials is packaging designed for multiple reusability in business cycle. The cost of dispatched reusable packaging materials shall be allocated to production cost of multiple accounting periods.
- Account 1533 – Instruments for renting: recording current cost and decrease or increase in tools and supplies for renting. Only tools and supplies purchased for renting are recorded to this account, if not, they shall be recorded to account 1531. If those are used for enterprise’ operation, they shall be both recorded to an account and a sub-account.
- Account 1534 – Equipment and spare parts for replacement: recording current cost and decrease and increase in equipment and spare parts for replacement not meeting requirements pertaining to fixed assets for enterprise’s operation. Costs of equipment and spare parts for replacement dispatched entirely shall be recorded to operating costs or wholly allocated to operating costs if they are used as tools and supplies.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. Enterprise using perpetual inventory system.
a) When buying tools and supplies to add to stock, if the input VAT is deductible, the cost of tools and supplies shall be recorded according to the VAT-exclusive prices, the following accounts shall be recorded according to invoices, warehouse receipts and relevant documents:
Dr 153 – Tools and supplies (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (input VAT) (1331)
Cr 111, 112, 141, 331, etc. (total payment).
If the input VAT is not deductible, cost of input tools and supplies shall include VAT.
b) In case the trade discounts or sales rebates are received after buying tools and supplies (including fines for violations against economic contracts leading decrease in payment made by the purchaser), those discounts shall be allocated according to decrease or increase in tools and supplies (inventoried or dispatched tools and supplies for operation):
Dr 111, 112, 331, etc.
Cr 153 – Tools and supplies (if those tools and supplies are still inventoried)
Cr 154 - Work in progress (if those tools and supplies are dispatched for operation)
Cr 641, 642 (if those tools and supplies are dispatched for sale or enterprise management)
Cr 242 – Prepaid expenses (if they are gradually allocated)
Cr 632 – Costs of goods sold (if the product in which those raw materials are incorporated is determined in an accounting period)
Cr 133 – Deductible VAT (1331) (if any).
c) When returning tools and supplies sold to sellers, the following accounts shall be recorded:
Cr 331 – Trade payables
Cr 153 – Tools and supplies (cost of returned tools and supplies)
Cr 133 – Deductible VAT (if any) (input VAT on tools and supplies returned to sellers).
d) When accounting for payment discounts (if any), the following accounts shall be recorded:
Cr 331 – Trade payables
Cr 515 - Financial income.
dd) When dispatching tools and supplies for operation:
- If costs of tools and supplies, reusable packaging materials, instruments for renting relate to an accounting period, they shall be wholly recorded to operating expenses as follows:
Dr 623, 627, 641, 642
Cr 153 - Tools and supplies (1531, 1532).
- If costs of tools and supplies, reusable packaging materials, instruments for renting relate to more than one accounting period, they shall be gradually recorded to operating expenses as follows:
When dispatching tools and supplies, reusable packaging materials or instruments for renting, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses
Cr 153 - Tools and supplies.
+ When distributing to costs of operation for every accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641,642, etc.
Cr 242 – Prepaid expenses.
- Revenues from tools and supplies for renting shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511 – Revenues from sale of merchandises and services rendered (5113)
Cr 3331 – Deductible VAT (33311).
- When receiving tools and supplies for renting, the following accounts shall be recorded:
Dr 153 - Tools and supplies (1533)
Cr 242 – Prepaid expenses (residual value not recorded to expenses)
g) Imported tools and supplies:
- When importing tools and supplies, the following accounts shall be recorded:
Dr 153 - Tools and supplies
Cr 331 – Trade payables
Cr 3331 – Deductible VAT (33312) (if input VAT on imported goods are not deductible)
Cr 3332 – Special excise duty (if any).
Cr 3333 – Import/export duty (detail on import duty).
Cr 33381 – Environmental protection tax.
- If input VAT on imported goods is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 3331 – Deductible VAT (33312).
- When buying tools and supplies, if the seller is received an advance in foreign currencies, the cost of tools and supplies equivalent to the advance shall be recorded according to actual exchange rates at the time in which the advance is paid. The remaining cost of tools and supplies shall be recorded according to actual exchange rates at the time in which the tools and supplies are purchased.
h) When conducting physical inventory count, if it is detected that the tools and supplies are excess, deficient, lost or damaged, they shall be settled similarly to raw materials (refer to account 152).
i) Unused tools and supplies:
- When liquidating or selling tools and supplies, their costs shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 153 - Tools and supplies.
- Revenues from sale of tools and supplies shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131.
Cr 511 – Revenues from sale of merchandises and services rendered (5118)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.2. Enterprises using periodic inventory system.
a) At the beginning of accounting period, when transferring actual costs of beginning tools and supplies inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Purchases
Cr 153 - Tools and supplies.
b) At the ending of accounting period, according to physical inventory count for ending tools and supplies inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 153 - Tools and supplies
Cr 611 – Purchases.
Article 27. Account 154 - Work in progress
1. Rules for accounting
a) This account is used to record general operating costs to calculate prime costs of products or services in enterprises applying perpetual inventory system. In the enterprises applying perpetual inventory system, the account 154 is used to record actual costs of ending work in progress.
b) Account 154 “Work in progress” records operating costs incurred in an accounting period; operating costs of finished goods in an accounting period; beginning or ending work in progress of the main or secondary operation and outsourcing processing provided by manufacturers or service providers. This account also records operating costs of processing operation, or services rendered by commercial enterprises (if any).
c) The operating costs recorded to 154 shall be clarified according to places in which the costs incurred (workshops, production divisions, production groups, construction sites, etc); types, groups of products, or product parts; types of services or service stages.
d) Operating costs recorded to account 154 shall include following costs:
- Direct raw materials cost;
- Direct labor cost;
- Costs of construction machinery (construction contracts);
- Factory overhead.
dd) The raw materials or labor costs exceed the normal rate and non-allocated fixed operating cost shall not be recorded to inventory cost but recorded to costs of goods sold of an accounting period.
e) At the end of the accounting period, it is required to distribute and transfer fixed factory overhead to processing cost for each product unit under common capacity (Cr 627, Dr 154). If actual capacity is smaller than common capacity, the fixed factory overhead shall be allocated to processing costs for each product unit under common capacity. The non-allocated fixed factory overhead (not included in prime cost) shall be recorded to costs of goods sold in an accounting period (Cr 627, Dr 632). All variable factories overhead shall be allocated to processing costs for each product unit according to actual costs incurred.
g) The following costs shall not be recorded to account 154:
- Selling expenses;
- General administration expenses;
- Financial expenses;
- Other expenses;
- Corporate income tax;
- Non-business expenses, project expenses;
- Capital expenditure;
- Other expenses covered by other sources
2. Method for applying account 154 in industry
a) Account 154 - “Work in progress” applying to industry is used to collect production costs and calculate prime cost of workshops, production divisions. Regarding manufacturers using outsourcing for processing, labor, services or manufacturing, those costs are also recorded to account 154.
b) Only following costs shall be recorded to account 154:
- Direct raw materials cost for manufacture of products;
- Direct labor cost for manufacture of products;
- Factory overhead for direct manufacture of products.
c) In industrial enterprises, the account 154 shall be specifically recorded according to places in which the costs incurred (workshops, the production divisions), types or groups of products, products, or product parts.
d) Regarding manufacturers using outsourcing for processing, labor, services or manufacturing, those costs shall be recorded to account 154.
3. Method for applying account 154 in agriculture
a) Account 154 - “Work in progress” applying to industry is used to collect total production costs and calculate prime cost of cultivation, processing of agricultural products or services. This account shall be specifically recorded according to agricultural lines of business (cultivation, animal husbandry, processing, etc), places in which costs incurred (workshops, production divisions, etc), kinds of sapling and products or services.
b) Actual prime cost of agricultural products shall be determined at the end of the crop year or at the end of the year. The prime cost shall be calculated in the year when the products are harvested. Hence, if the costs incur in this year, but products are harvested in the succeeding year, the prime cost shall be calculated in the latter year.
c) In cultivation, the costs shall be recorded according to 3 following plants:
- Short-day crops (rice, potatoes, cassava, etc);
- Multi-harvesting single plant (pineapples, bananas, etc);
- Perennial plants (teas, coffees, rubbers, peppers, fruit plants, etc).
For crops harvested two or three times in a year, or harvested one time in two years, or crops having both new planting and plant care in the same year,...the costs between two continuous crops, two areas, two continuous years,…shall be recorded according to actual condition,...
d) The expenses incurred from land reclamation, planting and caring of perennial plants under capital investment, selling expenses, administrative expenses, financial activities or other expenses.
dd) In principle, production costs of agriculture shall be recorded to Dr 154 “Work in progress” according to every expense object. Regarding the costs related to multiple recording entities, multiple crops or multiple periods, it shall be recorded to separate accounts, then recorded to prime cost of relevant products: cost of irrigation water, the cost of land preparation and planting of crops harvested several times (this cost does not belong to capital expenditure), etc.
e) On the same acreage, if two or more short-term crops are intercropped, the costs incurred directly related to (such as seeds, cost of planting, harvesting, ...), costs incurred for several crops (cost plowing, irrigation, ...) shall be separately collected and allocated to every kind of plant according to their planting area or appropriate criteria.
d) Regarding perennial plants, the progress from tillage, sowing, plant care to the onset of production (harvesting or bearing) shall be recorded to account 241 “Construction in progress” similarly to capital investment in requisition of fixed asset. Expenses incurred from perennial gardens during the operation shall include expenses incurred from plant care or harvesting process.
h) When recording expenses of animal husbandry on the account 154, the following notes must be taken:
- The expenses incurred from animal husbandry must be kept records in details for every type of husbandry (cattle farming, pig farming, etc), for every group or every type of livestock and poultry;
- Young animals of basic livestock herd after maternal separation shall be kept records in details according to actual price; - Basic animals which are eliminated to be converted into large livestock, fattening animal shall be recorded to account 154 according to the remaining value of basic livestock;
- Cost prices in the animal husbandry are: 1 kg of milk, 1 standard calf, 1 kg of meat prices, the price of 1 kg of meat, the price of 1 day/ animal husbandry, etc.
i) The direct material costs, labor costs in excess of normal rate, and fixed factory overheads which are unallocated, shall not be charged to product cost, but be charged to cost of goods sold of the accounting period.
4. Method for applying account 154 in services
a) Account 154 “Work in progress” shall apply to service providers, such as: transport, post office, tourism, services, etc. This account is used to record total cost (direct raw materials, direct labor, and factory overheads) and prime cost of the service rendered.
b) Regarding transport industry, this account is used to record cost related to road transport (motorcars, trams, other non-motorized vehicle, etc. rail transport, waterway, aerial transport, pipeline transport, etc. Account 154 applying to transport sector must be kept records in details for every operation (passenger transport, freight transport, etc) Regarding every enterprise or service division.
c) During transport progress, the tires shall be replaced several times because they are worn out more quickly than the depreciation of the car, however, the value of the tires shall be depreciated steadily in every month instead of including in the cost of transport at once. Therefore, the vehicular transport enterprise may appropriate cost of tires to transport cost (payables) as prescribed in financial regime in force every month.
d) The direct material costs, labor costs in excess of normal rate, and fixed factory overheads which are unallocated, shall not be charged to product cost, but be charged to cost of goods sold of the accounting period.
dd) Regarding tourism industry, this account is used to record every activity, such as: guided tours, hotel, tourism transport, etc.
e) In the hotel business, the account 154 is used to record every type of service, such as: eating, drinking, accommodation, entertainment, other services (laundry, haircuts, telegram, sports, etc).
5. Method for applying account 154 in construction industry
a) Because the construction business only applies perpetual inventory system, not periodic inventory system, so that the account 154 is only used to record operating expenses used for determination of products or services of the construction enterprise.
b) The direct material costs, labor costs in excess of normal rate, and fixed factory overheads which are unallocated, shall not be charged to cost of building work, but be charged to cost of goods sold of the accounting period.
c) This account (in the construction industry) comprises 4 sub-accounts:
- Account 1541 – Construction: records costs, prime cost of construction products and value of construction in progress at the end of the period;
- Account 1542 – Other products: records costs, prime cost of other products and record value of other products in progress at the end of the period (finished goods, structural elements, etc);
- Account 1543 – Services: records costs, prime cost of services and record cost of service in progress at the end of the period;
- Account 1544 – Construction warranty costs: records expenses incurred from construction warranty and actual installation arising in the period and the value of construction in progress under warranty at the end of the period.
d) The production cost, prime cost of the installation product must be recorded according to every building work, work item and cost item specified in the estimated construction price, including:
- Materials cost;
- Labor cost;
- Costs of construction machinery;
- Overheads.
The factory overheads shall be recorded to Dr 1541 “Construction”: only include general costs incurred from the construction contractor or construction site. And the general administration cost of construction enterprise (as a part of overheads) shall be recorded to Dr 642 "General administration expenses ". Those expenses shall be transferred to Dr 911 “Income statement” and included in the prime cost of the construction product and sold during a period.
dd) The investor of the property construction shall use this account to record expenses incurred from construction of finished property. If the property is constructed for multiple purposes (office, lease or sale, for example mix-used buildings), it is required to follow rules below:
- If there are sufficient evidence for separate accounting or the portion of expenses incurred from property construction for sale (finished property) and expenses incurred from property construction for lease or office (fixed assets or investment property), the expenses incurred from construction of finished property shall be separately recorded to the account 154. The expenses incurred from construction of fixed assets or investment property shall be separately recorded to account 241 – Construction in progress.
- If the account is not recorded separately or the proportion of construction costs for components of finished property, fixed assets or property investments are determined, the costs incurred directly related to the investment construction shall be recorded to account 241. When the project is completed and put into use, the costs of construction investment shall be transferred in conformity with the nature of each asset according to the method of use of the asset.
6. Structure and contents of account 154 - Work in progress
Debit:
- Direct raw materials costs, direct labor costs, costs of construction machinery, factory overheads incurred in an accounting period which is related to manufacture of products and costs of services rendered;
- Direct raw materials costs, direct labor costs, costs of construction machinery, factory overheads incurred in an accounting period which is related to prime cost of internal fixed price;
- Transfer of ending work in progress (if the enterprise uses periodic inventory system).
Credit:
- Actual costs of manufactured products which are stocked transferred for sale, internal use or immediate use in capital investment;
- Cost prices of construction products finished and partially or completely transferred which are consumed during a period, or transferred to main construction contract unit (superior or internal contract unit), or cost price of finished construction products to be consumed.
- Actual expenses of services finished and provided for customers;
- Value of returned scraps, value of damaged products which are not repairable;
- Value of raw materials, materials, goods which are completely processed and returned to warehouse;
- Recording direct material costs, labor costs in excess of normal rate, and fixed factory overheads which are unallocated, will not be charged to inventory value, but must be charged to cost of goods sold of the accounting period. For enterprises manufacturing according to orders, or enterprises having long production cycle, fixed factory overheads are transferred to account 154 every accounting period. When products are finished then fixed factory overheads will be identified and not charged to value of inventory, but to costs of goods sold (Cr 154, Dr 632);
- Transferring work in process at beginning of period (in case business applies periodical inventory).
Debit balance: Ending work in progress.
7. Method of accounting for several major transactions in Industry sector
7.1. Accounting for inventory using perpetual inventory system
a) At the end of period, when transferring direct raw material expenses according to every expense object, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 - Costs of goods sold (portion of direct material costs in excess of normal rate)
Cr 621 – Direct raw materials.
b) At the end of period, when transferring direct labor costs according to every expense object, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 - Costs of goods sold (portion of direct labor costs in excess of normal rate)
Cr 622 – Direct labor costs.
c) In case actual product capacity is higher than or equal to normal capacity, at end of accounting period, computed, total factory overheads (including variable factory overheads and fixed factory overheads) shall be calculated, allocated and transferred according to every expense object, and the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Cr 627 – Factory overheads.
d) In case actual product capacity is lower than normal capacity, fixed factory overheads shall be calculated and allocated to processing cost per unit of product at the normal capacity. Unallocated factory overheads (positive deference between actual fixed factory overheads and fixed factory overheads charged to prime cost of product shall not be charged to prime cost of product) shall be recorded to costs of goods sold during a period as follows:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 – Costs of goods sold (portion of fixed factory overheads unallocated to prime cost of product)
Cr 627- – Factory overheads.
dd) Value of raw materials, materials outsourced for processing and returned to warehouse, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials
Cr 154 – Work in progress
e) Value of unrepairable damaged products which was compensated by offender, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Dr 334 – Payables to employees.
Cr 154 – Work in progress
g) In an enterprise having long production and trade cycle, and direct material costs, direct labor costs, and factory overheads were transferred to Account 154 during an accounting period, then, the portion of direct material costs of direct labor costs in excess of normal rates, and portion of fixed factory overheads not charged to prime cost of product (not charged to value of inventory) shall be determined and recorded to costs of goods sold in the accounting period as follows:
Dr 632 - Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress (when expenses are transferred from accounts 621, 622, 627 to account 154).
h) When delivering goods to inventory during a period, the prime costs of goods shall be recorded as follows:
Dr 155 – Finished goods
Cr 154 – Work in progress
i) In case finished goods are not stored but delivered for internal use or capital investment, the following accounts shall be recorded:
Dr 641, 642, 241
Cr 154 – Work in progress
k) After dispatching raw materials to production, if any trade discount or sales rebate (including fines for violations against business contracts leading a decrease in payment of the purchaser) on such raw materials is received, a decrease in work in progress pertaining to trade discount or sales rebate corresponding to dispatched raw materials shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 331, etc.
Cr 154 – Work in progress (trade discounts or sales obtained equivalently to dispatched raw materials)
Cr 133 – Deductible VAT (1331) (if any).
l) Accounting for experimental products:
- Production cost of experimental products shall be recorded to account 154 similarly to other products. When recovering (sale or liquidation) experimental products, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131
Cr 154 – Work in progress
Cr 3331 – VAT payables (if any).
- Transferring difference between experimental production cost and amounts collected from sale or liquidation of experimental products:
+ If the experimental production cost is greater than the amounts collected from sale or liquidation of experimental products, an increase in value of construction asset shall be recorded as follows:
Dr 241 – Construction in progress
Cr 154 – Work in progress
+ If the experimental production cost is smaller than the amounts collected from sale or liquidation of experimental products, a decrease in value of construction asset shall be recorded as follows:
Dr 154 – Work in progress
Cr 241 – Construction in progress
m) In case finished goods are not stored but delivered directly to purchaser (water, electricity products), the following accounts shall be recorded:
Dr 632 - Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress
7.2. Accounting for inventory using periodic inventory system:
a) At the end of the accounting period, according to the actual physical inventory count, the actual value of work in progress shall be determined and transferred as follows:
Dr 154 – Work in progress
Cr 631 – Production costs
b) At the beginning of accounting period, when transferring actual work in progress, the following accounts shall be recorded:
Dr 631 – Production costs
Cr 154 – Work in progress
8. Method of accounting for several major transactions in Agriculture sector
8.1. Accounting for inventory using perpetual inventory system
a) At the end of accounting period, direct material costs shall be calculated and transferred according to operating expense object as follows:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 - Costs of goods sold (portion of direct material costs in excess of normal rate)
Cr 621 – Direct raw materials.
b) At the end of accounting period, direct labor costs shall be calculated and transferred according to expense object as follows:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 - Costs of goods sold (portion of direct labor costs in excess of normal rate)
Cr 622 – Direct labor costs.
c) At the end of accounting period, factory overheads shall be calculated and transferred according to expense object as follows:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 – Costs of goods sold (portion of fixed factory overheads unallocated to prime cost of product)
Cr 627 – Factory overheads.
d) Value of returned subsidiary products shall be recorded as follows:
Dr 152 – Raw materials
Cr 154 – Work in progress
dd) Value of returned scraps, of raw materials and trade expenses outsourcing, and have been completely processed, returned to storehouse shall be recorded as follows:
Dr 152 – Raw materials
Cr 154 – Work in progress
e) Value of young domestic animals and raised domestic animals transferred to working animals or reproductive animals shall be recorded as follows:
Dr 211 – Tangible fixed asset (2116)
Cr 154 – Work in progress
g) Actual production cost of output products, stored or immediately consumed shall be recorded as follows:
Dr 155 – Finished goods
Dr 632 - Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress
h) Output products which are internally consumed without inventory shall be recorded as follows:
Dr 641, 642, 241
Cr 154 – Work in progress
8.2. Accounting for inventory using periodic inventory system:
Accounting method for severed major trade activities at Account 154 in Agriculture is similar to that of Industry.
9. Method of accounting for several major transactions in Services sector
Accounting method for severed major trade activities at Account 154 in Services is similar to that of Industry. Notes:
a) Actual cost of service which is completed, transferred to purchased and determined as sale during a period shall be transferred as follows:
Dr 632 - Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress
b) When using internal consumes service, the following accounts shall be recorded:
Dr 641, 642.
Cr 154 – Work in progress
10. Method of accounting for several major transactions in Construction sector
10.1. Accounting method for collecting construction expenses (Dr 1541 “Construction”):
a) Accounting for items of direct raw materials:
- Items of direct raw materials consist of: Actual value of main materials, subsidiary materials, component parts on dismantled parts, circulating materials participating in formation of construction product substances, or support for implementation and performance of construction volume (not including subsidiary materials for machinery and operation facilities, and main materials expenses included in factory overheads).
- Accounting rules for items of direct raw materials: Raw materials or materials used for some work items must be charged directly to those work items according to original documents with actual volume of used materials, and with actual delivery price (weighted average price, FIFO price, and specific identification).
- At the end of accounting period or when construction is completed, residual materials inventory at production site (if any) shall be undergone physical inventory count to record as a decrease in costs of direct materials delivered for use in construction.
- If direct material costs for each building work or work item is not feasible to calculate in actual conditions, then the enterprise may apply material allocation method for consumed objects with reasonable criteria for (in proportion to consume quota on raw materials, etc).
- According to Table of materials allocated for each building work or work item, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress (material costs)
Dr 632 - Costs of goods sold (direct material costs in excess of normal rate)
Cr 621 – Direct raw materials.
b) Accounting for direct labor costs: similar to Industry sector
c) Accounting for costs of construction machinery
- Costs of construction machinery shall include: Expenses incurred from machinery operation to perform construction volume by machine. Operating machinery is a kind of machine served directly for construction. Such as, machinery operated by hydro steam engine, diesel, and petrol and by electricity, etc. (including kinds of machine served for construction and assembly).
- Expenses of machinery operation consist of permanent expenses and temporary expenses. Permanent expenses for operation of machinery consist of: Expenses of labor handling machine, serving machine, etc; expenses of materials, of instruments and tools; depreciation expenses of fixed assets, expenses of outsourced services (small repairs, electricity and water expenses, trucks and machine expenses, etc); other expenses in cash.
- Temporary expenses for operation of machinery consist of: Expenses for great repairs of operating machine (maintenance overhaul, repairs of medium importance, etc) which are not eligible for recording as an increase in historical cost of operating machine; expenses for temporary works for operating machine (huts, sheds, platform, railway for machines). Temporary expenses of machine may incur in advance (debited Account 142 or Account 242), and they will be deferred to Account 623 “Operating machine expenses”, or incurred later, but they must be charged in advance to construction expenses during a period (because they relate to actual use of operating machines during the period). In this case it is necessary to accrue expenses, Cr 332 “Provisions”, Dr 623 “Costs of construction machinery”.
- Expenses summary and calculation of costs of construction machinery must be separately recorded for each operating machine (see guidance on Account 623 “Costs of construction machinery”).
- According to Table of costs of construction machinery (actual expenses of machine shift) for every building work or work item, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 - Costs of goods sold (costs in excess of normal rate)
Cr 623 – Costs of construction machinery.
d) Accounting for factory overheads:
- Factory overheads record production costs of construction team or work sites, including: salaries of factory management staff, of construction teams and groups, social insurance and health insurance appropriation and trade union fees appropriation will be computed with regulated proportion on salaries payables for construction direct workers, operating machine operators, and management staffs of factories, teams and groups; fixed assets depreciation used for total activities of teams, and other related expenses of team activities, etc.
When these expenses incur during a period, the following accounts shall be recorded:
Dr 627 – Factory overheads.
Dr 133 – Deductible VAT (if any).
Cr 111, 112, 152, 153, 214, 242, 334, 338, etc.
- When determining provisions for construction warranty, the following accounts shall be recorded:
Dr 627 – Factory overheads.
Cr 352 – Provisions.
- When incurring expenses incurred from repair and warranty of the construction, such as expenses incurred from direct raw materials, direct labor costs, costs of construction machinery, factory overheads, these expenses shall be recorded to relevant accounts, the following accounts shall be recorded:
Dr 621 – Direct raw materials.
Dr 622 – Direct labor costs.
Dr 623 – Costs of construction machinery.
Dr 627 – Factory overheads.
Dr 133 – Deductible VAT (if any).
Cr 111, 112, 152, 153, 214, 242, 334, 338, etc.
- At the end of the period, actual expenses incurred from direct raw materials, direct labor costs, costs of construction machinery, factory overheads related to repair and warranty of construction to record expenses incurred from repair and warranty and calculate prime cost of warranty, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Cr 621 – Direct raw materials.
Cr 622 – Direct labor costs.
Cr 623 – Costs of construction machinery.
Cr 627 – Factory overheads.
- When finishing repair or warranty of the construction and transferring them to customers, the following accounts shall be recorded:
Dr 352 – Provisions.
Cr 154 – Work in progress
- When warranty on construction works expires, if the works are not warranted or the provisions for construction work warranty are greater than the actual costs incurred, the difference must be reverted, and then the following accounts shall be recorded:
Dr 352 – Provisions.
Cr 711 – Other income.
- At the end of the accounting period, according to the Table of factory overheads allocation, the factory overheads shall be allocated and transferred to relevant building works or work items (equivalent to labor costs); the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Dr 632 – Costs of goods sold (portion of fixed factory overheads unallocated to prime cost of construction)
Cr 627 – Factory overheads.
10.2. Method of accounting for and transferring construction expenses (Cr 1541 “Construction”):
a) Unrecoverable cost of the contract cannot be recovered (e.g., not enough legal enforcement such as there is doubts about its validity, or the contract that the customers cannot fulfill their obligations ...) must be recorded to expenses during the period as follows:
Dr 632 - Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress
b) Expenses directly related to every contract may be eligible for deduction if other receipts not including in the revenue of the contract. For example: receipts from sale of raw materials in surplus and disposal of machinery or equipment when terminating the construction contract:
- When delivering raw materials in surplus to inventory at the expiration of the construction contract, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Direct raw materials (according to original cost)
Cr 154 – Work in progress.
- When recovering scrap then delivering them to inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Direct raw materials (according to recoverable cost)
Cr 154 – Work in progress.
- If the materials in surplus and recovered scrap which are sold without delivered to inventory, receipts from materials in surplus and scrap and a decrease in expenses shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc. (total payment)
Cr 3331 – VAT payable (33311)
Cr 154 – Work in progress.
- Accounting for disposal of machinery or equipment specially used for construction contract and these fixed assets are depreciated fully on the expiry date of the construction contract:
+ The receipts from disposal of machinery or equipment shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 3331 – VAT payable (33311)
Cr 154 – Work in progress.
+ The expenses incurred from disposal of machinery or equipment (if any) shall be recorded as follows:
Dr 154 – Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT (1331).
Cr 111, 112, etc.
+ A decrease in fully depreciated fixed assets which are special machinery or equipment shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Cr 211 – Tangible fixed asset.
c) At the end of the accounting period, according to cost price of construction product actually finished and identified to be sold (partly transfer or completely transfer to project management board - Party A), or transferred to internal main contract business:
- In case transferring to Party A (including transfer of finished construction volume according to internal contract, if contract unit has separate account division), the following accounts shall be recorded:
Dr 632 - Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress (1541).
- In case construction product is finished to be sold (constructing houses for sales,...), or construction products finished but are not yet transferred, according to cost price of finished construction product to be sold, the following accounts shall be recorded:
Dr 155 – Finished goods
Cr 154 – Work in progress (1541).
- In case transferring finished construction product to main construction contract unit (superior, or internal unit - when implementing internal construction contract, contract unit has separate account division but only adjust account up to costs of construction production), the following accounts shall be recorded:
Dr 352 – Intra-company receivables (3368)
Cr 154 – Work in progress (1541).
Article 28. Account 155 – Finished goods inventory
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current cost and decrease or increase in finished goods of the enterprise. Finished goods inventory are products which have been completely processed through manufacturing process of manufactured business, or products completely outsourced and verified as compliance with technical standards and stored.
In the transactions in export entrustment, this account is only used by trustor, not by trustee
b) The finished goods manufactured by direct production divisions and indirect production divisions of the enterprise must be evaluated according to prime cost, including: direct raw materials cost, direct labor cost, factory overhead and direct relevant costs related to manufacture of products.
- Variable factory overhead shall be wholly allocated to processing cost of each product unit according to actual cost incurred within an accounting period.
- Fixed factory overhead shall be allocated to processing cost of each product unit according to common capacity of manufacturing machinery and equipment. Common capacity means common volume of products manufactured in the normal manufacturing condition.
- If the actual capacity is greater than common capacity, the fixed factory overhead shall be allocated to each unit according to actual costs incurred.
- If the actual capacity is lower than common capacity, the fixed factory overhead shall only be allocated to processing cost for each unit according to the common capacity. The non-allocated factory overhead shall be recorded to the cost for income output (recorded to costs of goods sold) within an accounting period.
c) The following costs shall not be recorded to prime costs of finished goods:
- Costs of raw materials, labor and other operating costs incurred exceeding normal rates;
- Cost of preservation of inventory deducted from cost of preservation of inventory for next manufacturing process and preservation cost as prescribed in Accounting standard “Inventory”;
- Selling expenses;
- General administration expenses;
d) Finished goods processed under outsourcing agreement shall be evaluated according to actual prime cost of processing, including: direct raw materials cost, outsourcing cost and other costs related to outsourcing process.
dd) The cost of finished goods inventory shall be calculated according to one of following method: specific identification; weight average; or first in – first out.
e) In case the enterprise uses the periodic inventory system, the finished goods which are received and dispatched inventory shall be recorded daily according to accounting cost (may be planned prime cost or regulated inventory cost). At the end of the month, the actual prime cost of inventoried finished goods must be calculated and difference between actual prime cost and accounting cost of finished goods (including the difference of beginning finished goods) which is the basis for calculation of actual prime cost of received or dispatched finished goods within an accounting period (using the formula prescribed in account 152 “Raw materials”).
g) The finished goods shall be specifically accounted according to every inventory, type, group, finished good items.
2. Structure and contents of account 155 – Finished goods
Debit:
- Cost of inventoried finished goods;
- Cost of finished goods in surplus under physical inventory count;
- Transfer of cost of ending finished goods inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Credit:
- Actual cost of dispatched finished goods;
- Cost of finished goods in shortage under physical inventory count;
- Transfer of actual cost of beginning finished goods inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Debit balance: Actual cost of ending finished goods inventory.
Account 155 – Finished products, comprises 2 sub-accounts:
- Account 1551 – Inventoried finished goods: recording current cost and decrease or increase in inventoried finished goods (other than finished goods which are real estate);
- Account 1557 – Finished goods – property: recording current cost and decrease or increase in Finished goods – property of the enterprise. Finished goods – property include: land use rights; housing; or housing and land use rights; infrastructure invested for the ordinary course of business
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. Enterprise using perpetual inventory system.
3.1.1. When receiving finished goods manufactured by the enterprise or under outsourcing agreement, the following accounts shall be recorded:
Dr 155 – Finished goods
Cr 154 - Work in progress.
3.1.2. When dispatching finished goods for sale to customers, the costs of finished goods sold shall be recorded as follows:
a) Finished goods – non-real estate
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
b) Finished goods – property (for building work invested by the enterprise)
b1) Original prices of Finished goods – property shall include total costs directly related to investment in construction of real estate (including costs of construction of infrastructure associated with the real estate) making the real estate available for sale.
b2) Costs related to investment in construction of real estate must be incurred costs which obtain acceptance report.
b3) In case the enterprise has not compiled documents on costs related to investment of construction of real estate, but the revenues from sale of the real estate generated, the enterprise may extract a portion of the cost to provisionally calculate costs of goods sold. When the documents are sufficiently compiled or the real estate is constructed wholly, the enterprise must settle total costs which are accrued from costs of goods sold The positive difference between accrued cost in advance and actually incurred cost shall be recorded as a decrease in costs of goods sold during the accounting period subject to settlement.
b4) The advanced costs deducted for provisional costs of Finished goods – property must follow the rules below:
- The enterprise may only accrue an advance of costs stated in the estimates for investment in construction, but there are not enough documents for acceptance and specific presentation of reasons, accrued expenses incurred from every work item within an accounting period.
-The enterprise may only accrue costs to calculate provisionally costs of goods sold for finished real estate, which is sold within an accounting period and qualify for recording revenues as prescribed in this Circular.
- Provisional accrued expenses and actual cost incurred shall be recorded to costs of goods sold provided that they are equivalent to quota of cost according to total estimate cost of the portion of real estate which is sold (defined by area).
b5) Accounting method for costs of Finished goods – property sold.
- When selling the portion of finished goods, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
- When extracting costs to provisionally calculate costs of Finished goods – property sold within an accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 335 – Expenses payable.
- The actual cost of investment in construction incurred which have sufficient and accepted documents shall be compiled to calculate cost of investment in construction of real estate, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT
Cr, relevant accounts.
- When there are sufficient documents proved prepaid expenses incurred actually, decreases in prepaid expenses and work in progress shall be recorded as follows:
Dr 335 – Expenses payable.
Cr 154 - Work in progress.
- When the whole project for real estate finishes, the final settlement must be made and a decrease in remaining prepaid expenses (if any) shall be recorded as follows:
Dr 335 – Expenses payable.
Cr 154 - Work in progress.
Cr 632 – Costs of goods sold (the remaining prepaid expenses must be greater than actual expenses incurred).
3.1.3. When dispatching finished goods for sale or agencies, the following accounts shall be recorded:
Dr 157 – Consignment goods (through agencies)
Cr 155 – Finished goods
3.1.4. When a buyer returns finished goods sold: If the returned goods subject to VAT using credit-invoice method, revenues from goods returned (VAT-exclusive prices), and the following accounts shall be recorded:
Dr 521 – Revenue deductions (5213)
Dr 3331 – VAT payable (33311).
Cr 111, 112, 131, etc. (total cost of goods returned).
And the costs of finished goods sold which are delivered to inventory shall be recorded as follows:
Dr 155 – Finished goods
Cr 632 – Costs of goods sold.
3.1.5. Internal consumer goods shall be recorded as follows:
Dr 641, 642, 241, 211
Cr 155 – Finished goods
3.1.6. Dispatching finished goods and transferring to dependent accounting units of the enterprise:
- In case the dependent accounting units are in charge of recording revenues, costs of goods, the costs of finished goods sold shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
- In case the dependent accounting unit is not in charge of recording revenues, costs of goods, the costs of products circulated intra-company shall be intra-company receivables and be recorded as follows:
Dr 136 - Intra-company receivables
Cr 155 – Finished goods
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (in detail).
3.1.7 When contributing finished goods to subsidiaries, joint-venture companies as capital, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 22 (according to re-evaluated value)
Dr 811 – Other expenses (re-evaluated value is smaller than book value of finished goods)
Cr 155 – Finished goods
Cr 711 – Other incomes (re-evaluated value is greater than book value of finished goods)
3.1.8 When dispatching finished goods to sell capital holding in subsidiaries, joint-venture companies, the following accounts shall be recorded:
- The revenues from sale of raw materials and investment in subsidiaries, joint-venture companies, and the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222 (according to fair value)
Cr 511- – Revenues
Cr 3331 – Output VAT payable.
- The costs of finished goods to sell capital holding in subsidiaries, joint-venture companies shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155- – Finished goods
3.1.9 Whenever the surplus or shortage of finished goods is detected under physical inventory count, it is required to make report and uncover reasons and look for offender(s). According to reports on physical inventory count and decision of competent agency, the accounting shall be recorded as follow:
- If the surplus or shortage of finished goods caused by errors or are not updated, they are required to be additionally provided or adjusted on the accounting records;
- In case it fails to uncover reasons for surplus or shortage, it shall be pending for settlement:
+ If the finished goods are surplus, the following accounts shall be recorded:
Dr 155 – Finished goods (according to fair value)
Cr 338 – Other payables or receivables (3381).
When there is a decision of settlement made by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables or receivables.
Cr, relevant accounts.
+ If the finished goods are deficient, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other payables (1381 – Assets in shortage awaiting resolution)
Cr 155 – Finished goods
- When there is a decision on settlement made by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc. (if the offender pays compensation in cash)
Dr 334 – Payables to employees (deducting salaries of offenders)
Dr 138 – Other receivables (1388) (compensation of offenders)
Dr 632 – Costs of goods sold (remaining shortage after offsetting against compensation)
Cr 138 - Other receivables (1381).
3.1.10 When the enterprise uses products for giving, promotion or advertisement (under law on commerce):
a) If the products are manufactured for giving, promotion or advertisement without collecting money or any additional conditions (compulsory purchase of goods, etc), the costs of products shall be recorded to selling expenses as follows (goods for promotion or advertisement for detail):
Dr 641 – Selling expenses
Cr 155 – Finished goods (production cost of products).
b) If the products are manufactured for promotion or advertisement with additional conditions that the customers are required to buy goods (e.g. buy two, get one free, etc) The collected amounts of moneys shall be recorded to revenues (including promotion goods), costs of promotion goods shall be recorded to costs of goods sold (nature of transaction is a decrease in good costs).
- When dispatching promotion goods, the costs of promotion goods shall be recorded to costs of goods sold as follows:
Dr 632 – Cost prices of goods sold (prime cost)
Cr 155 – Finished goods
- When receiving revenues from promotion goods shall be recorded to goods sold and promotion goods as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511 – Revenues
Cr 3331 – Deductible VAT (33311) (if any).
c) If products manufactured for giving staff using welfare fund, the revenues and costs of goods shall be recorded similarly to ordinary selling transactions as follows:
- The products for giving to staff and employees shall be recorded to costs of goods sold:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
- Products for giving using welfare fund shall be recorded to revenues as follows:
Cr 353 - Welfare fund (total payment)
Cr 511 – Revenues
Cr 3331 – Deductible VAT (33311) (if any).
3.1.11. Paying salaries to employees by products
- The revenues from products for paying salaries to employees shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (total costs)
Cr 511 – Revenues
Cr 3331 – VAT payable (33311).
Cr 3335 – Deductible VAT (if any).
- The cost of products for paying salaries to employees shall be recorded to costs of goods sold as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
3.1.12. When liquidating or selling unused finished goods, their costs shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
3.2. Enterprises using periodic inventory system.
a) At the beginning inventory, according to the physical inventory count of finished goods which are transferred from previous ending inventory, the beginning finished goods inventory shall be recorded to account 632 “Costs of goods sold” as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155 – Finished goods
b) At the ending of accounting period, according to physical inventory count for finished goods inventory, the ending finished goods inventory shall be transferred as follows:
Dr 155 – Finished goods
Cr 632 – Costs of goods sold.
Article 29. Account 156 – Goods
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and increase or decrease in merchandise inventory of an enterprise, including merchandise in inventories, properties held for sale. Merchandise inventory is goods that have been purchased by an enterprise, with the intent of selling the goods to third parties (wholesale or retail). If the merchandise purchased for both sale and operation, it shall still be recorded to account 156 “Merchandise inventory”
In the import-export entrustment transaction, this account is only used by the trustor not by the trustee. Trading in merchandise inventory related to transactions in foreign currencies shall comply with regulations of Article 69 – Guidelines for accounting method for exchange rate differences.
b) The following merchandise shall not be recorded to account 156 “Merchandise inventory”:
- Consignment goods sold or kept on behalf of other enterprises;
- Merchandise purchased for operation (recorded to account 152 “Raw materials", or account 153 “Tools and supplies", etc).
c) The received, dispatched or inventoried merchandise inventory recorded to account 156 shall be accounted according to original prices as prescribed accounting standard “Inventory”. Historical cost of merchandise inventory purchased includes: Purchasing prices or incidental purchase costs (transport, material handling, preservation of merchandise from suppliers to the enterprise’s warehouse, insurance cost, etc), import duty, special excise tax, environmental protection tax (if any), VAT on imported goods (if they are not deductible). If the enterprise purchases merchandise for resale, but they must be processed, semi-processed, refurbished, classified for additional value and quick sale of merchandise, the merchandise cost shall include processing or semi-processing cost.
- The historical cost of merchandise purchased shall be calculated according to every input source and the purchasing price and incidental purchase cost shall be recorded separately.
- When determining cost of merchandise inventory, the enterprise may apply one of following methods:
+ First in - first out;
+ Specific identification;
+ Weight average;
- Some particular units (supermarkets or similar) may determine cost of ending inventory balances using retail inventory method. This method may be used in the retail to calculate cost of inventory in bulk of merchandise which vary promptly and have similar margin unable to use other method calculating original prices. The original cost of merchandise inventory shall equal selling price of merchandise inventory minus (-) margin (reasonable rate). That is used with due account taken of merchandise pieces which has fallen to less than its original price Each retailer usually uses separate average rate of percent.
- The incidental purchase cost in an accounting period shall be charged to consume merchandise during the period and ending merchandise inventory. The incidental purchase cost shall be allocated according to specific condition of every enterprise, but it is required to be consistent.
d) When buying merchandise, if goods, equipment or accessories for replacement are attached (provision for breakdown), the goods, equipment or accessories for replacement shall be recorded with proper cost. Cost of imported goods is the price subtracted from cost of goods, equipment or accessories for replacement.
dd) The merchandise inventory shall be specifically accounted according to every inventory, type, group of merchandise items.
2. Structure and contents of account 156 – Merchandise inventory
Debit:
- Cost of merchandise purchased stated in the sale invoice (including non-refundable taxes);
- Incidental purchase cost;
- Cost of merchandise under outsourcing agreement (including input prices and processing cost);
- Cost of goods returned;
- Cost of merchandise inventory in surplus detected under physical inventory count;
- Transfer of ending merchandise inventory balances (if the enterprises use periodic inventory system);
- Cost of properties held to sale purchased or converted from investment property.
Credit:
- Cost of dispatched merchandise for sale or sending to agents, affiliated enterprises; performance of outsourcing agreement, or for operation;
- Incidental purchase cost allocated to merchandise sold during the period;
- Trade discount on merchandise purchased;
- Sale discount on merchandise purchased;
- Cost of goods returned;
- Cost of merchandise inventory in shortage detected under physical inventory count;
- Transfer of beginning merchandise inventory balances (if the enterprises use periodic inventory system);
- Cost of properties held to sale sold or converted into investment property, property used by the owner or fixed assets.
Debit balance:
- Cost of merchandise inventory purchases;
- Incidental purchase cost of merchandise inventory.
Account 156 – Merchandise inventory, comprises 2 sub-accounts:
- Account 1561 – Purchase costs: recording current cost and decrease or increase in merchandise purchased and inventoried (according to purchase costs);
- Account 1562 – Incidental purchase costs: recording incidental purchase costs incurred relating to amounts of received merchandise during a period and the distribution of current incidental purchase costs in the period to amounts of merchandise purchased during a period and ending merchandise inventory balances (including inventoried merchandise and merchandise on consignment, unsold goods on consignment). The incidental purchase costs recorded in this account only include the costs directly related to the processing of purchasing merchandise, such as: insurance cost of merchandise, depot rents, etc, costs of transport, material handling, preservation of merchandise from supplier to the enterprise’s stock; normal losses incurred during processing of purchasing merchandise.
- Account 1567 – Properties held for sale: recording current cost and decrease or increase in properties held for sale of the enterprise. Properties held for sale include: land use rights; housing; or housing and land use rights; infrastructure purchased for sale in the ordinary course of business; investment properties shall be recorded to inventory when the owner put them for sale.
a) Structure and contents of account 1561 – Purchase costs
Debit:
- Purchased merchandise cost according to sales invoice (inventoried);
- Import duty or special excise tax on imported goods or VAT on imported goods, input VAT – if they are not deductible, imposed on inventoried merchandise purchased;
- Cost of inventoried merchandise subject to processing agreement, including: purchase costs and costs of processing;
- Cost of merchandise allocated as capital;
- Cost of inventoried goods returned;
- Cost of merchandise inventory in surplus detected under physical inventory count;
- Transfer of cost of ending merchandise inventory (if the enterprise uses periodic inventory system)
Credit:
- Actual cost of merchandise dispatched during a period (dispatch for sale, exchange, giving to agencies or dependent accounting units, internal use, capital contribution in joint-venture);
- Trade discount on merchandise purchased;
- Sale discount on merchandise purchased;
- Cost of goods returned;
- Costs of merchandise in shortage or losses;
- Transfer of beginning merchandise inventory balances (if the enterprises use periodic inventory system);
Debit balance: Actual cost of ending merchandise inventory.
b) Structure and contents of account 1562 – Incidental purchase costs
Debit: Actual incidental purchase costs incurred relating to amounts of merchandise purchased and received in a period.
Credit: Incidental purchase costs of amounts of merchandise consumed during a period.
Debit balance: Ending incidental purchase cost balances.
c) Structure and contents of account 1567 – Properties held for sale
Debit:
- Actual cost of properties held to sale;
- Residual value of investment properties converted into property inventory;
- Cost of repair, renovation, upgrade of property for sale which is recorded as an increase in original cost of properties held for sale
Credit:
- Actual cost of properties held to sale during a period;
- Cost of properties held to sale converted into investment properties or fixed assets.
Debit balance: Actual cost of ending properties held for sale balances.
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. Enterprise using perpetual inventory system.
3.1.1. Merchandise purchased and delivered to the enterprise’s warehouse, according to sales invoices, warehouse receipts and relevant documentary evidence:
a) When purchasing merchandise, if input VAT on merchandise is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory (1561) (detail in merchandise purchased and merchandise used as substitute provisional for damage)
Dr 1534 – Equipment and spare parts for replacement (fair value)
Dr 133 – Deductible VAT (1331) (input VAT)
Cr 111, 112, 141, 331, etc. (total payment).
If the input VAT is not deductible, value of merchandise purchased shall include VAT
b) Importing merchandise:
- When importing merchandise, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory
Cr 331 – Trade payables
Cr 3331 – Deductible VAT (33312) (if input VAT on imported goods are not deductible)
Cr 3332 – Special excise duty (if any).
Cr 3333 – Import/export duty (detail on import duty).
Cr 33381 – Environmental protection tax.
- If input VAT on imported goods is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 3331 – Deductible VAT (33312).
- When buying merchandise and prepaying the seller an advance in foreign currency, the cost of merchandise equivalent to the advance shall be recorded according to actual exchange rates at the time in which the prepayment is made The remaining cost of merchandise purchased in foreign currency shall be recorded according to actual exchange rates at the purchasing time.
- The merchandise purchase under import entrustment shall comply with regulations on account 331 – Trade payables
3.1.2. At the end of the accounting period, if the sales invoice sent by the seller is received but the merchandise has not been received, the following accounts shall be recorded:
Cr 151 – Goods in transit
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331, etc.
- Next accounting period, when the merchandise purchase in transit, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory (1561)
Cr 151 – Goods in transit
3.1.3 In case the trade discounts or sales rebates are received after buying merchandise (including fines for violations against economic contracts leading decrease in payment made by the purchaser), those discounts shall be allocated according to decrease or increase in tools and supplies (inventoried or dispatched merchandise during a period):
Dr 111, 112, 331, etc.
Cr 156 – Merchandise inventory (if merchandise are still inventoried)
Cr 632 – Costs of goods sold (if they are consumed during a period)
Cr 133 – Deductible VAT (1331) (if any).
3.1.4 Cost of merchandise purchased which is returned to sellers due to failure of specifications under economic contract, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc.
Cr 331 – Trade payables
Cr 156 – Merchandise inventory (1561)
Cr 133 – Deductible VAT (1331) (if any).
3.1.5 Purchase costs of merchandise inventory shall be recorded as follows:
Dr 156 – Merchandise inventory (1562)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 141, 331, etc.
3.1.6 When purchasing merchandise making deferred payment, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory (cash prices)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Dr 242 – Prepaid expenses {interest on deferred payment is difference between total payment minus (-) cash prices deducted from VAT (if it is deductible)}
Cr 331 – Trade payables (total costs)
The interests on deferred payment shall be periodically recorded to financial expenses as follows:
Dr 635 - Financial expenses
Cr 242 – Prepaid expenses.
3.1.7. When purchasing properties held for sale, the purchase costs and incidental purchase costs of properties held for sale shall be recorded as follows:
Dr 1567 – Properties held for sale (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112, 331, etc.
3.1.8. If the investment properties convert into inventory when the owner repairs, innovates or upgrades them for sale:
- When the owner repairs, innovates or upgrades investment properties for sale, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory (1567) (residual value of investment properties)
Dr 214 - Depreciation of fixed assets (2147 – accrued depreciation)
Cr 217 – Investment properties (cost prices).
- When incurring costs of repair, renovation, upgrade of investment properties for sale, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 111, 112, 152, 334, 331, etc.
- When finishing the repair, innovation or upgrade of investment properties for sale, total cost shall be transferred and an increase in properties held for sale shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory (1567)
Cr 154 - Work in progress.
3.1.9 Value of goods for sale which are consumed shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory (1561)
Concurrently, sales revenues shall be recorded as follows:
- If indirect taxes are separable, the revenues shall be recorded follows:
Dr 111, 112, 131, etc. (total payment).
Cr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
- If indirect taxes are not separable, the revenues including taxes shall be recorded. Tax liabilities and the decrease in revenues shall be periodically recorded as follows:
Dr 511 – Revenues (total payment)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.1.10. Outsourcing agreement
- When dispatching merchandise inventory to process, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Cr 156 – Merchandise inventory (1561)
- When costs of processing incurred, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 - Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331, etc.
- When the processing is finished, the merchandise shall be received in inventory and the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory (1561)
Cr 154 - Work in progress.
3.1.11. When dispatching merchandise to customers or agencies consigning companies, etc, the following accounts shall be recorded:
Dr 157 – Goods on consignment
Cr 156 – Merchandise inventory (1561)
3.1.12. Dispatching merchandise inventory to dependent accounting units of the enterprise for sale:
- In case the dependent accounting units are in charge of recording revenues, costs of goods, the costs of merchandise sold shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory.
Concurrently, sales revenues shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc. (total payment).
Cr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
- In case the dependent accounting unit is not in charge of recording revenues, costs of goods, the costs of products circulated intra-company shall be intra-company receivables, the following accounts shall be recorded:
Dr 136 - Intra-company receivables
Cr 156 – Merchandise inventory.
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
3.1.13. When dispatching merchandise for internal use, the following accounts shall be recorded:
Dr 641, 642, 241, 211
Cr 156 – Merchandise inventory.
3.1.14. When the enterprise uses products for giving, promotion or advertisement (under law on commerce):
a) If the merchandise inventory is released for promotion or advertisement without collecting money, not providing additional conditions (compulsory purchase of goods, etc), the cost of merchandise inventory shall be recorded to selling expenses (detail in promotion or advertisement);
Dr 641- – Selling expenses
Cr 156 – Merchandise inventory (cost prices).
b) If the merchandise is released for promotion or advertisement with additional conditions that the customers are required to buy goods (e.g. buy two, get one free, etc) The collected amounts of moneys shall be recorded to revenues (including promotion goods), costs of promotion goods shall be recorded to costs of goods sold (nature of transaction is a decrease in good costs).
- When dispatching merchandise for promotion, the costs of promotion merchandise shall be recorded to costs of goods sold as follows:
Dr 632 – Cost prices of goods sold (prime cost)
Cr 156 – Merchandise inventory.
- When receiving revenues from promotion merchandise, the collected amounts shall be recorded to goods sold and promotion goods as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511 – Revenues
Cr 3331 – Deductible VAT (33311) (if any).
c) If merchandise purchased for giving staff using welfare fund, the revenues and costs of goods shall be recorded similarly to ordinary selling transactions as follows:
- The cost of merchandise for giving to staff and employees shall be recorded to costs of goods sold:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory.
- Merchandise for giving using welfare fund shall be recorded to revenues as follows:
Cr 353 - Welfare fund (total payment)
Cr 511 – Revenues
Cr 3331 – Deductible VAT (33311) (if any).
d) In case the enterprise is a commercial distributor receiving merchandise (non-payment) from manufacturers for promotion or advertisement given to customers of the manufacturer or distributor
- When receiving merchandise from manufacturer (non-payment) for promotion or advertisement given to customers, the distributor must keep track of amounts of merchandise items in their internal management system and present received merchandise items and merchandise items used for promotion on financial statement.
- When the promotion program closes, if the amounts of unused merchandise items for promotion are not returned to the manufacturer, the non-returned remaining unused merchandise items shall be recorded to other incomes as follows:
Dr 156 – Merchandise inventory (according to fair value)
Cr 711 - Other income.
3.1.15. Paying salaries to employees by merchandise
- Revenues shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (total costs)
Cr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
Cr 3335 – Personal income tax.
- The cost of merchandise for paying salaries to employees shall be recorded to costs of goods sold as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory.
3.1.16 When contributing merchandise to subsidiaries, joint-venture companies as capital, and the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 22 (according to re-evaluated value)
Dr 811 – Other expenses (re-evaluated value is smaller than book value of merchandise)
Cr 156 – Merchandise inventory.
Cr 711 – Other incomes (re-evaluated value is greater than book value of merchandise).
3.1.17. At the end of accounting period, when distributing incidental purchase costs of merchandise sold during a period, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory (1562)
3.1.18. When the surplus of merchandise is detected in any process of business, it is required to make a report and uncover reasons. According to the reasons uncovered, the surplus of merchandise shall be settled and accounted for as follows:
- If the reasons are mistakes in measuring or counting, failure to keep records, etc, the accounting record shall be adjusted.
- If the merchandise in surplus belong to other enterprises, the value of merchandise in surplus in the presentation of financial statements.
- In case it fails to uncover reasons for surplus, it shall be pending for settlement:
Dr 156 – Merchandise inventory
Cr 338 – Other payables or receivables (3381).
- When there is a decision of settlement made by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payable or receivables (3381)
Cr, relevant accounts.
3.1.19. When the shortage of merchandise is detected in any process of business, it is required to make a report and uncover reasons. According to decision of competent agency, the shortage of merchandise shall be settled and accounted for as follows:
- In case it fails to uncover reasons for surplus, it shall be pending for settlement:
Dr 138 – Other payables (1381- – Assets in shortage awaiting resolution)
Cr 156 – Merchandise inventory.
- When there is a decision of settlement made by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Cr 111, 112, etc. (the compensation is required if the offender is an individual)
Dr 334 – Payables to employees (the deducting in salaries is required if the offender is an individual)
Dr 138 – Other receivables (1388) (compensation of offenders)
Dr 632 – Costs of goods sold (residual value)
Cr 138 - Other receivables (1381).
3.1.20. If the properties held for sale are sold in a period, according to VAT invoice or sales invoice, transfer note of properties held for sale, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory (1567 – Properties held for sale)
Concurrently, revenues from sale of properties held for sale shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511 – Revenues from sale of merchandises and services rendered (5117)
Cr 3331 – Deductible VAT (33311) (if any).
3.1.21. When liquidating or selling unused merchandise, their costs shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 156 – Merchandise inventory.
3.2. Enterprises using periodic inventory system.
a) At the beginning of accounting period, according to the value of ending inventory of previous accounting period which is transferred to value of beginning inventory of current accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Purchases
Cr 156 – Merchandise inventory.
b) At the ending of accounting period:
- Conducting physical inventory count on quantity and cost of ending merchandise inventory. According to total cost of ending merchandise inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory
Cr 611 – Purchases.
- According to total cost of merchandise sold, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 611 – Purchases.
Article 30. Account 157 – Goods on consignment
1. Rules for accounting
a) Goods on consignment which are recorded to account 157 shall be accounted according to original prices as prescribed accounting standard “Inventory”. The account 157 “Goods on consignment” only records costs of goods or finished goods sent to customers or agents (consignees), services rendered transferred to customers under business contracts or orders by the enterprise (consignor), those goods are not determined as 'sold' (the goods or services on consignment are not recorded to sales revenues during a period).
b) The goods or finished goods recorded to this account are still under ownership of the consignor, they must be recorded in the accounting record in every consignment until they are sold.
c) The cost of transport, material handling, payment on behalf of customers, etc shall not be recorded to this account. The account 157 may record every type of goods, finished goods or services rendered on consignment to every customer or consignee.
2. Structure and contents of account 157 – Goods on consignment
Debit:
- Cost of goods or finished goods on consignment sent to customers, consignees; or dependent accounting units;
- Cost of services rendered to customers, but they are not sold;
- Ending cost of goods or finished goods on consignment but they are not sold (if the consignor uses periodic inventory system).
Credit:
- Cost of goods, finished goods, services rendered on consignment which are sold;
- Cost of goods, finished goods or services on consignment which are returned;
- At the beginning of accounting period, cost of goods, finished goods, services rendered which are not sold and transferred (if the consignor uses periodic inventory system).
Debit balance:
Cost of goods, finished goods, services rendered on consignment which are sold during a period;
3. Accounting methods for several major transactions:
3.1. Enterprise using perpetual inventory system.
a) When consigning goods or finished goods to customers, consignees under economic contracts, according to delivery order, the following accounts shall be recorded:
Dr 157 – Goods on consignment
Cr 156 – Merchandise inventory.
Cr 155 – Finished goods
b) Cost of services rendered to customers, but they are not sold during a period, the following accounts shall be recorded:
Dr 157 – Goods on consignment
Cr 154 - Work in progress.
c) When consigning goods or services to customers and they are sold during a period:
- If the indirect taxes are not separable at the time in which the revenues are recorded, the revenues from sale of goods, finished goods or services (tax-exclusive prices) shall be recorded:
Cr 131 – Trade receivables
Cr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
- If indirect taxes are not separable, the revenues including taxes shall be recorded. When paying indirect taxes, a decrease in revenues shall be periodically recorded as follows:
Dr 511 – Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State.
- And the costs of finished goods sold which are delivered to inventory shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 157 – Goods on consignment.
d) If goods or finished goods are consigned for sale but they are returned;
- If those goods or finished goods are still merchantable or repairable, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Merchandise inventory; or
Dr 155 – Finished goods
Cr 157 – Goods on consignment.
- If those goods or finished goods are not merchantable or repairable, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 157 – Goods on consignment.
3.2. Enterprises using periodic inventory system.
a) At the beginning of accounting period, if cost of goods or finished goods sent to customers are transferred but they are not sold during a period, or cost of goods or services consigned to customer but they are not sold during a period, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Purchases (for goods)
Dr 632 – Costs of goods sold (for finished goods or services)
Cr 157 – Goods on consignment.
b) At the end of accounting period, according to the physical inventory count, the cost of goods, products (finished goods or semi-finished goods) or services rendered to customers; or consigned to consignees which are not sold at the ending accounting period:
- Cost of goods sent to customers but the payment is not accepted; goods consigned to consignees; or dependent accounting units shall not determined as sale at ending accounting period shall be recorded as follows:
Dr 157 – Goods on consignment
Cr 611 – Purchases.
- At the end of accounting period, cost of finished goods provided for customers or goods on consignment; cost of services rendered to customers who are not sold shall be transferred as follows:
Dr 157 – Goods on consignment
Cr 632 – Costs of goods sold.
Article 31. Account 158 – Goods in bonded warehouse
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and increase or decrease in goods delivered to bonded warehouse. Bonded warehouses are only applied to foreign-invested companies to serve the production of imported goods, subject to special customs supervision, in which the raw materials imported to serve the production shall be stored in the bonded warehouses and released from assessment and payment of import duties and other taxes.
b) Imported raw materials stored in bonded warehouse include raw materials provided for production and products of that enterprise.
c) The enterprise must keep records of quantity and value of every raw material and good whenever they are received or dispatched.
2. Structure and contents of account 158 – Goods in bonded warehouses
Debit: Costs of raw materials, finished goods or goods delivered to bonded warehouse during a period.
Credit: Costs of raw materials, finished goods or goods dispatched from bonded warehouse during a period.
Debit balance: Costs of ending raw materials, finished goods or goods inventory balances in the bonded warehouse.
3. Accounting methods for several major transactions:
a) When importing raw materials for production of exported products, or processing of exported goods, if they are stored in a bonded warehouse, they shall be released from payment of import duty and VAT on imported goods and the following accounts shall be recorded:
Dr 158 – Goods in bonded warehouses
Cr 331 – Trade payables.
b) When dispatching raw materials in bonded warehouse for production or processing of exported goods, the following accounts shall be recorded:
Dr 621 – Direct material costs
Cr 158 – Goods in bonded warehouses.
c) When delivering finished goods, exported goods or outward processing goods into bonded warehouse (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 158 – Goods in bonded warehouses
Cr 156, 155, etc.
d) When exporting goods in bonded warehouses (if any):
- The costs of exported goods in bonded warehouse shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 158 – Goods in bonded warehouses.
- The revenues from sale of exported goods in bonded warehouse shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511 – Revenues.
dd) If export rate is lower than deferred tax rate of the enterprise subject to import duty and VAT on imported goods (if any) pertaining to difference between amounts of to-be-exported products and amounts of actually-exported products, the enterprise must pay import duty and VAT on imported goods (if any):
- When determining import duty payables (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 333 – Taxes and amounts payable to the State (3333).
- When determining VAT on imported goods payables (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 333 – Taxes and amounts payable to the State (33312).
- When paying import duty and VAT on imported goods payables (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 333 – Taxes and amounts payable to the State (3333, 33312).
Cr 111, 112, etc.
e) In case the enterprise is permitted to sell goods in bonded warehouses on Vietnam market by the competent agency, the enterprise must pay import duty and other taxes as prescribed.
- When the enterprise is permitted to use goods in bonded warehouses, it is required to follow procedures for dispatch of goods from bonded warehouse, receipt of goods or products to the enterprise's warehouse and pay taxes on those goods, and then the following accounts shall be recorded:
Dr 155, 156
Cr 158 – Goods in bonded warehouses.
- When determining import duty payables (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 155, 156
Cr 333 – Taxes and amounts payable to the State (3333).
- When determining VAT on imported goods payables (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 155, 156 (if they are not deductible)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 333 – Taxes and amounts payable to the State (33312).
- When paying import duty and VAT on imported goods, the following accounts shall be recorded:
Dr 333 – Taxes and amounts payable to the State (33312, 3333).
Cr 111, 112, etc.
g) When selling goods in bonded warehouses on domestic market:
- The costs of goods in bonded warehouse sold shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 158 – Goods in bonded warehouses.
Concurrently, the import duty and VAT on imported goods pertaining to those products, goods or raw materials must be recorded.
- The revenues from sale of exported goods in bonded warehouse on domestic market shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511 – Revenues from sale of goods and services
Cr 333 – Taxes and amounts payable to the State (33311).
h) In case the raw materials or goods delivered to bonded warehouse are damaged or degraded and failed to meet export requirements, they must be re-imported or destroyed:
- In case of re-import, the following accounts shall be recorded:
Dr 155, 156, etc.
Cr 158 – Goods in bonded warehouses.
- Concurrently, paying the import duty and VAT on imported goods payables pertaining to those products, goods or raw materials, the taxes payable shall be recorded in entry (e); when paying taxes, the following accounts shall be recorded:
Dr 333 – Taxes and amounts payable to the State (33312, 3333).
Cr 111, 112, etc.
- In case of re-export (returns to sellers), the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 158 – Goods in bonded warehouses
- In case of destruction of goods or raw materials in bonded warehouses, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 - Costs of goods sold (destroyed goods or raw materials)
Cr 158 – Goods in bonded warehouses
Article 32. Account 161 – Non-business expenditures
1. Rules for accounting
a) This account is recorded to expenditures for non-business activities or projects (hereinafter referred to as non-business expenditures to perform economical, political or social tasks assigned by the State or superior enterprise other than business activities and for non-profit purposes. The non-business expenditures shall be covered by non-business or project funding granted by government budget or superior enterprise, or non-refundable grants. This account is used in enterprises having non-business activities or project activities (hereinafter referred to as non-business activities) which are covered by government budget or superior enterprises or received non-refundable grants, or the enterprises are permitted to collect non-business receipts to cover those expenses.
b) It is required to keep records of non-business expenditures according to every source of funding, fiscal year and governmental budgetary classification.
c) The non-business expenditures must be recorded in conformity with budget estimates and between accounting records and documents and financial statements.
d) This account shall record annual non-business expenditures of the enterprise, including both regular and irregular non-business expenditures as prescribed in financial regime in force.
dd) At the end of fiscal year, if the balance sheet is not approved, total non-business expenditures within the year shall be transferred from Cr 1612 "Current non-business expenditures” to Dr 1611 “Brought forward non-business expenditures” for observation until the balance sheet is approved.
2. Structure and contents of account 161 – Non-business expenditures
Debit: Actual non-business expenditures incurred.
Credit:
- Non-business expenditures which are not recorded and required to be recovered;
- Non-business expenditures which are recorded and covered by non-business funds.
Debit balance: Non-business expenditures which are not recorded.
Account 161 – Non-business expenditures comprise 2 sub-accounts:
- Account 1611 – Brought forward non-business expenditures: recording non-business expenditures which are covered by non-business funds of the preceding year and not recorded.
- Account 1612 – Current non-business expenditures: recording non-business expenditures of current year.
3. Method of accounting for several major transactions:
a) When providing non-business expenditures uncovered by non-business funds, the following accounts shall be recorded:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 111, 112, etc.
b) Salaries and other payables to employees of the enterprise, sellers or service providers shall be recorded as follows:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 334 – Payables to employees
Cr 331 – Trade payables.
c) When dispatching raw materials, tools or supplies inventory for non-business activities, the following accounts shall be recorded:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 152 – Raw materials
Cr 153 – Tools and supplies
d) When receiving funding from superior enterprises or withdrawing non-business expenditure estimates to pay for non-business activities, the following accounts shall be recorded:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 461 – Non-business funds source.
If the non-business expenditure estimates are withdrawn, the enterprise must keep track of those expenditures in conformity with characteristics of the enterprise, etc.
dd) When transferring major repairs of fixed assets for non-business activities, the following accounts shall be recorded:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 241 – Construction in progress (2413 – Major repairs of fixed assets).
e) When purchasing fixed assets or investing in capital investment for non-business activities covered by non-business funds:
- In case of purchasing fixed assets or finishing construction put into operation, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 111, 112, 331, 241, 461, etc.
- And the following accounts shall be recorded:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 466 – Non-business funds used for fixed assets acquisitions.
When withdrawing non-business expenditure estimates for purchases of fixed assets, the enterprise must keep appropriate records.
g) When deducting social insurance, health insurance, unemployment insurance or union funds for non-business activities of the enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 161 – Non-business expenditures (1612)
Cr 338 – Other payables or receivables (3382, 3383, 3384, 3386).
h) At the end of fiscal year, if the financial report is not approved, the debit balances 1612 "Current non-business expenditures” shall be transferred to “Brought forward non-business expenditures”; the following accounts shall be recorded:
Dr 1611 – Brought forward non-business expenditures
Cr 1612 – Current non-business expenditures.
i) When the financial report is approved, non-business expenditures covered by non-business funds shall be recorded as follows:
Dr 461 – Non-business funds source (4611 – Brought forward non-business funds source)
Cr 161 – Non-business expenditures (1611 – Brought forward non-business expenditures).
k) Non-business expenditures paid in contrary to regulations which are not approved by the competent agency and required to be recovered shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 161 – Non-business expenditures (1611 – Brought forward non-business expenditures).
Article 33. Account 171 – Government bonds purchased for resale
1. Rules for accounting
a) This account is used to record transactions in government bonds purchased for resale incurred during a period. This account only records value of agreement on resale of Government bonds, not records coupons received by buyer on the behalf or seller in conformity with times specified in the agreement.
b) The enterprise must comply with regulations on types of transactions, deadlines for transactions and revenues from Government bonds in the resale transactions prescribed in financial regime in force on resale of Government bonds.
c) The buyer of bonds under resale agreement shall not record ‘coupon payment’ received from the seller to revenues account at the times during the term of repurchase agreement but record to other payables or receivables account.
2. Structure and contents of account 171 – Government bond repos (Repurchase agreements on Government bonds)
Debit:
- Value of government bonds repurchased by seller at the maturity date of the agreement;
- Value of government bonds purchased by the purchaser when the government bond repo takes effect;
- Difference between the resale price and the original purchase price of Government bonds under the government bonds received by purchaser.
Credit:
- Value of Government bonds resold by the purchaser at the maturity date of the agreement;
- Value of government bonds sold by the seller when the government bond repo takes effect;
- Difference between the original sale price and the repurchase price of Government bonds under the government bonds paid by the seller.
Debit balance: Value of government bonds held by the purchaser to the maturity.
Credit balance: Value of government bonds held by the seller to the maturity.
3. Method of accounting for several major transactions:
3.1. Accounting for government bonds’ sellers under repo
a) When the government bond repo takes effect, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112 (sale price)
Cr 171 – Government bond repos.
b) Periodically, the seller shall distribute the difference between original sale prices and repurchase price of government bonds to expenses as follows:
Dr 635 – Financial expenses (other than securities company)
Cr 171 – Government bond repos (distributing time in conformity with time of agreement)
c) On the maturity date of the government bond repo, the seller shall make payment specified in the government bond repo and receive those securities, and then the following accounts shall be recorded:
Dr 171 – Government bond repos
Cr 111, 112 (repurchase price specified in the repo).
d) When the purchaser pays for coupons which the purchaser keeps on behalf of the seller at the times during the term of the repo, the seller shall record as follows:
Dr 111, 112, 138
Cr 515 – Financial incomes (other than securities company) (numbers of coupon payments of bonds).
3.2. Accounting for government bonds’ purchasers under repo
a) When the agreement takes effect, according documents on cash disbursement and other documents, the following accounts shall be recorded:
Dr 171 – Government bond repo
Cr 111, 112 (purchase price)
b) Periodically, the purchaser shall distribute the difference between original purchase price and resale price of government bonds to revenues as follows:
Dr 171 – Government bond repo
Cr 515 – Financial incomes (other than securities company) (allocated according to duration of agreement).
c) When receiving coupon payments of bonds from the seller at the times during the term of the repo, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 338 – Other payables or receivables (3388).
d) When the agreement expires, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 138
Cr 171 – Government bond repo.
Concurrently, when repaying coupons of bonds which the purchaser keeps on behalf of the seller at the times during the term of repo, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables or receivables.
Cr 111, 112, etc.
Article 34. Rules for accounting for fixed assets, investment properties and construction in progress
1. Fixed assets, investment properties and construction in progress must be kept track, recorded, managed and used in accordance with regulations of law in force.
2. The source acquiring fixed assets shall be kept track to distribute depreciation costs following the rules below:
- If the fixed assets are acquired from loan capital or equity for operation, their depreciation costs shall be allocated to operating costs;
- If the fixed assets are acquired from welfare funds, science and technology development funds or funding source, their depreciation costs shall be recorded as decreases in such funds or funding source.
3. Fixed assets and investment properties shall be classified according to their use purposes. If there is an asset used for multiple purposes, e.g. a mixed-use building for offices, lease and sale, their fair value (every part) shall be estimated in conformity with their use purposes.
- If a major part of the asset is used for a specific purpose other than purposes of remaining parts, the total asset shall be classified according to that major part;
- If there is any change in function of parts of the asset, the asset shall be re-classified according to use purposes prescribed in relevant VAS.
4. When buying fixed assets, if they are bundled with equipment or spare parts for replacement (provision for break down), the equipment or spare parts for replacement shall be recorded separately with fair value. If equipment or spare parts for replacement meet requirements for fixed assets, they shall be recorded to fixed assets account, if not, they shall be recorded to inventory account. Historical cost of a fixed asset purchased shall equal total cost of the fixed asset minus (-) cost of equipment or spare parts for replacement.
5. Fixed assets, investment properties and construction in progress related to foreign currencies shall be accounted for in accordance with Article 69 – Guidance on accounting method for exchange rate differences.
Article 35. Account 211 – Tangible fixed assets
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current cost and decrease and increase in total tangible fixed assets of an enterprise according to their historical costs.
b) Tangible fixed assets mean assets in physical forms which are possessed by an enterprise for operation in conformity with the recognition criteria of tangible fixed assets.
c) Tangible fixed assets having independent structure, or separate parts associated in a system for performance of one or several functions, the system shall not be operated in case of lack of any part. An asset meeting all four recognition criteria below shall be treated as a fixed asset:
- Future economic benefits will surely be obtained;
- Their historical cost has been determined reliably;
- Their useful life is at least 1 year;
- It meets all value criteria as prescribed in regulations in force.
In a system associated by separate parts, in which every part has different useful life and the system still operate normally regardless of lack of any part, if every part is managed and used separately and meets all four recognition criteria, they shall be treated as independent tangible fixed assets.
With regard to working animals or producing animals for production of commodities, if each animal species meets all four recognition criteria for fixed assets, they shall be treated as tangible fixed assets.
With regard to perennial gardens, if every garden or plant meets all four recognition criteria for fixed assets, they shall be treated as tangible fixed assets.
d) The costs of tangible fixed assets shall be recorded to account 211 according to their historical costs. The historical costs of each fixed asset must be keep records specifically. Depending on acquisition sources, the historical cost of a tangible fixed asset shall be determined as follows:
d1) Historical costs of purchased tangible fixed assets include: purchase prices (deducted from trade discounts or rebates), taxes (excluding refundable taxes) and any directly-attributable expenses of putting such assets into ready-for-use state, such as site preparation, initial delivery and material handling, installation or testing costs (deducted (-) from any recoverable values on products or scraps from testing), professional fees and any other directly-attributable expenses. The interest cost from loans for purchase of completed fixed assets (fixed assets available for immediate use without construction investment) shall not be capitalized on historical costs of fixed assets.
- When purchasing fixed assets, if they are bundled with equipment or spare parts for replacement, such equipment or spare parts shall be determined and recorded separately according to their fair value. Historical cost of a fixed asset purchased shall equal total costs of putting the fixed asset into ready-for-use state minus (-) cost of equipment or spare parts for replacement.
- Historical costs of tangible fixed assets purchased in instalment: equal purchase price (lump sum payment) plus (+) directly related costs of putting such assets into ready-for-use state (excluding refundable taxes). The difference between the instalment price and lump sum price shall be recorded to operating costs according to the payment schedule.
- Historical costs of fixed assets-properties: When buying properties, the value of land use right and properties on land shall be separated as prescribed. The properties on land shall be recorded to tangible fixed assets; land use rights shall be recorded to intangible fixed assets or prepaid expenses incurred from a case-by-case basis as prescribed.
d2) Historical costs of tangible fixed assets acquired from capital investment
- Historical costs of fixed assets under contract awarding: equal settled costs of building works as prescribed in Regulations on investment and construction management in force plus (+) directly-attributable expenses and property transfer taxes (if any). With regard to fixed assets which are working animals or producing animals, perennial gardens, their historical costs shall equal total actual costs covered their development up to putting them into use plus (+) directly related costs.
- Self-constructed or self-made tangible fixed assets:
The historical cost of self-constructed tangible fixed assets is the settled cost of the building work which is put into use. If the fixed asset is put into used but it is not settled, their historical cost shall be recorded to provisional cost and it shall be adjusted after settlement of the finished building work.
The historical cost of a self-made tangible fixed asset is the actual cost of tangible fixed assets plus (+) directly-attributable expenses of putting such fixed asset into ready-for-use state.
- In above both cases, the historical cost of the fixed asset includes installation and testing costs (deducted from any recoverable values on products or scraps from testing) Internal profits and unreasonable expenses (wasted raw materials, labor or other costs in excess of the normal levels arising in the self-constructed or self-made process) shall not be included in the historical cost of tangible fixed assets.
d3) The historical cost of a tangible fixed asset purchased in the form of exchange for a dissimilar tangible fixed asset or other assets shall be determined according to their fair value of the received tangible fixed assets, or the fair value of the exchanged ones, after adjusting the cash amounts or cash equivalents which are additionally paid or received plus (+) directly-attributable expenses of putting such asset into ready-for-use state (excluding refundable taxes).
The historical cost of a tangible fixed asset purchased in the form of exchange for similar one, or possibly formed through its sale in exchange for ownership of similar ones (similar assets are those with similar utilities, in the same business field and having equivalent value). In both cases, no gain or loss is recorded during the exchange. The historical cost of the received fixed asset shall be the residual value of the exchanged one.
d4) The historical cost of a tangible fixed asset which is granted or transferred shall equal: residual value shall be recorded to fixed assets account in the accounting records of the donating or presenting enterprise or the value assessed by the Board of exchange or a professional appraisal organization as prescribed plus (+) directly-attributable expenses (transport, material handling, upgrade, installation, testing or registration property transfer taxes (if any), etc paid by the asset receiver up to time in which the fixed asset is put into ready-for-use state.
The historical cost of a tangible fixed asset transferred between dependent accounting units having no legal status of an enterprise shall be their historical cost recorded in the transferor in conformity with dossier on such fixed asset. The received unit shall record the fixed assets to their accounting records according to the historical cost, accumulated depreciation, residual value stated in the accounting records and dossier on such fixed asset. The costs related to donations of fixed assets between dependent accounting units having no legal status shall not be recorded an increase in historical cost of fixed assets but they shall be recorded to operating cost during a period.
d5) The historical cost of a tangible fixed asset contributed as capital or return of capital is the value assessed by founding members or shareholders or agreed by the enterprise and contributors or assessed by a professional appraisal organization as prescribed and approved by the founding members or shareholders.
d6) The historical cost of a tangible fixed asset which is donated or presented shall equal: actual value assessed by the Board of exchange or a professional appraisal organization plus (+) directly-attributable expenses (transport, material handling, installation, testing or property transfer taxes (if any), etc paid by the asset receiver up to time in which the fixed asset is put into ready-for-use state.
d7) The historical cost of a fixed asset purchased in foreign currencies shall comply with regulations in Article 69 – Guidance on accounting method for exchange rate differences.
dd) The historical cost of a tangible fixed asset shall only be modified in following cases:
- The fixed asset is undergone a re-evaluation as prescribed in regulations of the State;
- The fixed asset is constructed or equipped with additional parts;
- Parts of the tangible fixed asset are modified to extend their useful life or to increase their capacity;
- Parts of the tangible fixed asset are upgraded to substantially increase product quality;
- New technology process is adopted to reduce operating expenses;
- One or several parts of the tangible fixed asset shall be dismantled.
Any case of increase or decrease in tangible fixed assets must be prepared exchange reports, liquidation reports on fixed assets and following procedures as prescribed. The accountant is responsible for preparation and completion of accounting records of fixed assets.
e) The repair and maintenance costs of a fixed asset shall not be recorded to fixed assets account but they are shall be recorded to expenses incurred during a period. With regard to those fixed assets subject to periodical repair or maintenance (power plants’ turbines, aircraft engines, etc), a provision payable shall be made and recorded to operating costs in a given period for the repair or maintenance.
g) Operating lease tangible fixed assets still are depreciated in accordance with VAS and financial policies in force.
h) The tangible fixed assets must be kept in details by every item of fixed assets, every type of fixed assets and every place in which they are used, managed or preserved.
2. Structure and contents of account 211 –Tangible fixed assets
Debit:
- An increase in historical cost of the tangible fixed asset due to completed constructions, purchase, receipt of capital contribution, grant, donation, present, or surplus;
- An increase in historical cost of the fixed assets after adjustment due to additional construction or equipment, or upgrade;
- An increase in historical cost of the fixed assets due to re-evaluation.
Credit:
- An decrease in historical cost of the tangible fixed assets due to transfer to other enterprises, liquidation or contribution into joint venture, etc.
- A decrease in historical cost of the fixed asset due to dismantlement of one or several parts;
- A decrease in historical cost of the fixed asset due to re-evaluation.
Debit balance: Current historical costs of the fixed assets of the enterprise.
Account 211 –Tangible fixed assets comprises 6 sub-accounts:
- Account 2111 – Buildings and structures: records the cost of construction works, such as buildings, structures, hedges, basins, water towers, ground; or infrastructures, such as roads, bridges, railroads, peers, wharfs, etc.
- Account 2112 – Machinery and equipment: records costs of machinery or equipment used in operation of an enterprise, including special-use machines; work machinery or equipment, technological lines and individual machines.
- Account 2113 – Means of transportation and transmitters: records costs of means of transport, including roads, rail, waterborne, waterway, air, pipes and transmitters.
- Account 2114 – Office equipment and furniture: records costs of equipment and furniture used in management, business and administrative management.
- Account 2115 – Perennial plants, working and producing animals: records costs of fixed assets such as perennial plants, working and producing animals.
- Account 2118 – Other fixed assets: records costs of other fixed assets not recorded to above sub-accounts.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Accounting for increases in tangible fixed assets
a) When receiving equity or capital in form of tangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (negotiable prices)
Cr 411 – Owner’s invested equity.
b) Purchased fixed assets:
- When purchasing a tangible fixed asset whose input VAT is deductible, according to documents on purchase of such fixed asset, the historical cost of the fixed asset shall be determined, accounting records and receipt slip of fixed asset shall be prepared and the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112, etc.
Cr 331 – Trade payables
Cr 341 – Borrowings and finance lease liabilities (3411).
- When purchasing tangible fixed assets bundled with equipment or spare parts for replacement, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (fixed asset purchased and equipment or spare parts for replacement treated as fixed assets in details)
Dr 153 – Tools and supplies (1534) (equipment or spare parts for replacement)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112, etc.
Cr 331 – Trade payables
Cr 341 – Borrowings and finance lease liabilities (3411).
- If the input VAT is not deductible, the historical cost of the fixed asset includes VAT.
- If the fixed asset is purchased by capital expenditure used for operation, if the financial report is approved by the competent agency, an increase in operation capital and a decrease in capital shall be recorded as follows:
Dr 441 – Capital expenditure funds
Cr 411 – Owner’s invested equity.
c) When purchasing tangible fixed assets in deferred payment or instalment:
- When purchasing tangible fixed assets in deferred payment or instalment and put them into use, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (historical cost – cash prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1332) (if any)
Dr 242 – Prepaid expenses (deferred interest equals (=) total payment minus (-) cash price and VAT (if any).
Cr 111, 112, 331.
- When make periodical payment to sellers, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 111, 112 (periodical payables, including periodical principal and interest in deferred payment or instalment payables).
- The interest in deferred payment or instalment payables shall be periodically recorded as follows:
Dr 635 – Financial expenses
Cr 242 – Prepaid expenses.
d) When the enterprise receives donated or presented tangible fixed assets for put in use, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 711 - Other income.
Other directly-attributable expenses incurred from donated or presented tangible fixed assets shall be recorded to historical cost as follows:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 111, 112, 331, etc.
dd) Self-made tangible fixed assets:
When converting self-made products of the enterprise to tangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 155 – Finished goods (dispatched from inventories)
Cr 154 – Work in progress (put into use).
e) When purchasing tangible fixed assets in the form of exchange:
- Exchange between two similar tangible fixed assets: When receiving similar tangible fixed assets in exchange and put into use, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (historical cost of the received tangible fixed asset shall be recorded according to residual value of the exchanged fixed asset)
Dr 214 – Depreciation of fixed asset (depreciation of exchanged fixed asset)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost of exchanged fixed asset)
- Exchange between two dissimilar tangible fixed assets:
+ When transferring the tangible fixed asset to exchanging entity, the following accounts shall be recorded:
Dr 811 – Other expenses (residual value of exchanged fixed asset)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
+ And an increase in income shall be recorded due to exchange of fixed assets:
Dr 131 – Trade receivables (total payment)
Cr 711 – Other expenses (residual value of exchanged fixed asset)
Cr 3331 – VAT payables (33311) (if any)
+ When receiving the fixed asset in exchange, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (residual value of received fixed asset)
Dr 133 – Deductible VAT (1332) (if any)
Cr 131 – Trade receivables (total payment)
+ If it is required to collect additional payment because the cost of exchanged fixed asset is greater than the received fixed asset, the following accounts shall be recorded when the additional payment is received:
Dr 111, 112 (additional payment)
Cr 131 – Trade receivables.
+ If it is required to collect additional payment because the residual value of exchanged fixed asset is smaller than the received fixed asset, the following accounts shall be recorded when the additional payment is received:
Dr 131 – Trade receivables.
Cr 111, 112, etc.
g) When purchasing fixed assets which are buildings, structures associated with land use rights put into use, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (historical cost – buildings, structures in details).
Dr 213 – Intangible fixed assets (historical cost – land use rights).
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331, etc.
h) Increase in tangible fixed assets due to completion of capital investment: In case the construction work or work items have been completed and put into use, but their capital expenditure has not been approved, the historical cost shall be provisionally determined according to actual capital expenditure in order to record the increase or decrease in fixed assets (for calculating and depreciating the fixed asset put into use). Once the settlement of capital expenditure is approved, if there is any difference with provisional value of the fixed asset, the increase or decrease in the difference shall be adjusted.
- In case the capital investment progress is recorded in the same accounting book system of the enterprise:
+ Upon the completion of the construction and putting assets into use, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Intangible fixed assets (historical cost).
Cr 241 – Construction in progress.
+ If the self-constructed assets documents not meet all recognition criteria for tangible fixed assets as prescribed in the accounting standard on tangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153 (if they are materials, inventoried tools and supplies)
Cr 241 – Construction in progress.
- In case the capital investment progress is not recorded in the same accounting book system of the enterprise (investor has a project management board having its own accounting system to keep track of the capital investment progress): When receiving construction, the investor shall record as follows:
Dr 111, 112, 152, 153, 211, 213
Cr 136 – Intra-company receivables
Cr 331, 333, etc (accept receivables, if any)
- If the fixed asset is invested by capital expenditure, when the settlement is approved by the competent agency, an increase in owner's invested equity shall be recorded as follows:
Dr 441 – Capital expenditure funds
Cr 411 – Owner’s invested equity.
- Once the settlement is approved, if there is any difference between settled price and provisional price, the historical cost of the fixed asset shall be adjusted as follows:
+ A decrease in historical cost shall be recorded as follows:
Dr 138 – Trade receivables (amounts of recovery shall not be settled)
Cr 211 – Tangible fixed assets.
+ An increase in historical cost shall be recorded as follows:
Dr 211, 213, 217, 1557
Cr, relevant accounts.
i) When receiving fixed assets from internal General company (without payment), the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 336, 411 (residual value).
k) When putting fixed assets purchased by non-business funds into use in non-business activities, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 111, 112
Cr 241 – Construction in progress.
Cr 331 – Trade payables
Cr 461 – Non-business funds (4612).
An increase in non-business funds used for acquisition of the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 161 – Non-business expenditure (1612).
Cr 466 – Non-business funds used for fixed asset acquisitions.
When withdrawing estimates to purchase fixed assets, the enterprise shall keep records of them in the presentation of financial statements.
l) When putting fixed assets purchased by welfare funds into use in cultural and welfare fund, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets (total payment)
Cr 111, 112, 331, 3411, etc.
- And, the following accounts shall be recorded:
Dr 3532 – Welfare fund
Cr 3533 – Welfare funds used for fixed asset acquisitions.
m) Costs incurred after initial recognition of tangible fixed assets (repair, innovation or upgrade):
- When incurring costs of repair, innovation or upgrade after initial recognition of tangible fixed assets:
Dr 241 – Construction in progress.
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 112, 152, 331, 334, etc.
- Completion of repair, innovation or upgrade of fixed assets put into use:
+ If there is an increase in historical cost of tangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 241 – Construction in progress.
+ If there is not an increase in historical cost of tangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642 (if their value is small)
Cr 242 – Prepaid expenses. (if their value is great, they must be allocated gradually)
Cr 241 – Construction in progress.
3.2. Accounting for decreases in tangible fixed assets
An decrease in historical cost of the tangible fixed assets due to sale, liquidation, losses, shortage detected under physical inventory count, contribution into joint venture or transfer to other enterprises, dismantlement of one or several parts, etc. Any case of decrease in tangible fixed assets shall be followed procedures and exactly determined the losses and income (if any). According to relevant documents, every specific case shall be keep records as follows:
3.2.1. In case of sale of fixed assets used for business or non-business activities: the purchased fixed asset is unnecessary or deems ineffective. The fixed asset must be purchase following procedures prescribed in regulations of law. According to receipt slip of the fixed asset and documents on sale of the fixed asset:
a) When selling fixed assets used for business, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 711 – Other income (VAT-exclusive prices)
Cr 3331 – VAT payables (33311).
If the VAT is not separable, the other income shall include VAT. A decrease in VAT payables shall be recorded to other income.
- A decrease in purchased fixed asset shall be recorded according to receipt slip of fixed asset:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2141) (depreciated value)
Dr 811 – Other expenses (residual value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
- Costs related to sale of fixed assets shall be recorded to Dr 811 “Other expenses”.
b) In case of selling fixed assets used for non-business activities:
- A decrease in sold fixed asset shall be recorded according to receipt slip of fixed asset as follows:
Dr 466 – Funds used for fixed asset acquisitions (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
-Revenues and expenses related to sale of the fixed asset shall be recorded to relevant accounts as prescribed in regulations of competent agency.
c) In case of selling fixed assets used for culture or activities welfare:
- A decrease in sold fixed asset shall be recorded according to receipt slip of fixed asset as follows:
Dr 353 – Welfare fund (3533) (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
- Receipts from sale of the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, etc.
Cr 353 – Welfare fund (3532)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3331) (if any)
- Expenditures on sale of the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 353 – Welfare fund (3532)
Cr 111, 112, etc.
3.2.2. Liquidation of fixed assets: Liquidated fixed assets are damaged fixed assets impossible for use, obsolete fixed assets or not appropriate to operating activities. Once there is any fixed asset subject to liquidation, the enterprise must issue a decision on liquidation and establish a Liquidation board of fixed assets. The Liquidation board of fixed assets is responsible for carrying out liquidation of fixed assets following procedures as prescribed in financial management regime and make “Report on liquidation of fixed assets” as prescribed. The report shall be prepared into two copies, one copy shall be transferred to accounting department to record, and one copy shall be transferred to the department in charge of management and use of the fixed asset.
According to the report on liquidation of fixed asset and other documents on revenues and expenses incurred from liquidation of fixed assets, etc the liquidation of fixed asset shall be recorded similarly to sale of fixed assets.
3.2.3. When contributing tangible fixed assets as capital to subsidiaries, joint-venture companies, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222 (re-evaluated value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Dr 811 – Other expenses (re-evaluated value is smaller than residual value of the fixed asset)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
Cr 711 – Other expenses (re-evaluated value is greater than residual value of the fixed asset)
3.2.4. Shortage or surplus of tangible fixed assets: The reason for any shortage or surplus of fixed assets must be uncovered. The shortage or surplus must be accurately and promptly recorded according to “Report on physical inventory count of fixed assets” and Conclusion issued by the Inventory board according to specific reasons:
a) Surplus of fixed assets:
- If the surplus of fixed assets is detected due to unrecording, an increase in fixed assets shall be recorded according to dossier on fixed assets as follows:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 241, 331, 338, 411, etc.
- If the fixed assets in surplus are being used, apart from recording the increase in tangible fixed assets, the depreciation value used for calculation and deduction of additional depreciation of fixed asset used for welfare, non-business or project purpose, the following accounts shall be recorded:
Dr, operating costs (fixed assets used for business)
Dr 3533 – Welfare funds used for fixed asset acquisitions (used for welfare)
Dr 466 – Non-business funds used for fixed asset acquisitions.
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (2141).
- If the fixed assets in surplus are fixed assets of other enterprises, the owner of such fixed assets must be notified. If it fails to determine the owner of such fixed assets, the superior agency and finance agency must be notified for handling (regarding state-owned enterprises) During handling period; those fixed assets shall be provisionally kept and monitored according to documents on physical inventory count.
b) Shortage of fixed assets: it is required to uncover reasons, offenders and handled as prescribed in financial regime in force.
- In case there is a decision on handling of shortage: the historical cost and depreciated value of such asset must be accurately determined according to approved “Report on handling of shortage of fixed assets” and dossier on fixed assets, then record an decrease in fixed assets and handle the residual value of the fixed assets. According to the decision on handling of shortage, the following accounts shall be recorded:
+ The shortage of fixed assets used for business shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Dr 111, 112, 334, 138 (1388) (if the offender is required to make compensation)
Dr 411 – Owner’s invested equity (if the decrease in equity is permitted to be recorded)
Dr 811 – Other expenses (if the enterprise suffers losses)
Cr 211 – Tangible fixed assets.
+ The shortage of fixed assets used for non-business activities shall be recorded as follows:
A decrease in the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Dr 466 – Funds used for fixed asset acquisitions (residual value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
The residual value of the shortage of fixed assets must be recovered according to the decision on handling of shortage and the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112 (if collecting money)
Dr 334 – Payables to employees (deducted from salaries of employees)
Cr, relevant accounts (according to report on handling).
+ The shortage of fixed assets used for culture or activities welfare shall be recorded as follows:
A decrease in the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Dr 3533 – Funds used for fixed asset acquisitions (residual value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
The residual value of the shortage of fixed assets must be recovered according to the decision on handling of shortage and the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112 (if collecting money)
Dr 334 – Payables to employees (deducted from salaries of employees)
Cr 3532 – Welfare fund
- If the reasons for shortage of fixed assets are not uncovered and awaiting solutions:
+ The shortage of fixed assets used for business shall be recorded as follows:
A decrease in fixed assets shall be recorded for residual value of the shortage of fixed assets:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2141) (depreciated value)
Dr 811 – Other expenses (residual value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
If there is a decision on handling of residual value of shortage of fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112 (compensation)
Dr 138 – Other receivables (1388) (if the offender is required to make compensation)
Dr 334 – Payables to employees (deducted from salaries of employees)
Dr 411 – Owner’s invested equity (if the decrease in equity is permitted to be recorded)
Dr 811 – Other expenses (if the enterprise suffers losses)
Cr 138 - Other income (1381).
+ The shortage of fixed assets used for non-business activities shall be recorded as follows:
A decrease in the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Dr 466 – Funds used for fixed asset acquisitions (residual value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
The residual value of the shortage of fixed assets shall be recorded to account 1381 “Assets in shortage awaiting resolution” as follows:
Dr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution
Cr 138 - Other payables or receivables.
When there is a decision on compensation for residual value of the shortage of fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 334, etc.
Cr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution
Concurrently, the compensation for residual value of the shortage of fixed assets shall be recorded to relevant accounts according to the decision issued by the competent agency as follows:
Dr 138 - Other payables or receivables.
Cr, relevant accounts (333, 461, etc).
+ The shortage in fixed assets used for culture or activities welfare shall be recorded as follows:
A decrease in the fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Dr 3533 – Funds used for fixed asset acquisitions (residual value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
The residual value of the shortage of fixed assets shall be recorded to account 1381 “Assets in shortage awaiting resolution” as follows:
Dr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution
Cr 3532 – Welfare fund
When there is a decision on compensation for residual value of the shortage of fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 334, etc.
Cr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution
3.2.5. With regard to tools and supplies not meeting all recognition criteria of tangible fixed assets used for business, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642 (if their residual value is small)
Dr 242 – Prepaid expenses. (if their value is great, they must be allocated gradually)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost of fixed asset).
3.2.6. Accounting for sale and leaseback of tangible fixed assets which is operating lease (refer to account 811 or 711).
3.3. Accounting for tangible fixed assets under physical inventory count under evaluation of enterprises for equitization of wholly-state-owned enterprises
a) Reports on physical inventory count: When receiving notification or decision on equitization of the competent agency, the equitized enterprise must conduct physical inventory count and classify tangible fixed assets under management and use of the enterprise at the time in which the enterprise is undergone evaluation.
- In case of shortage of tangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (cumulatively-depreciated value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
- In case of surplus of fixed assets: the enterprise shall keep records of surplus of fixed assets in the presentation of the financial statement Once the reasons for surplus are uncovered and the decision on resolution to surplus is issued by the competent agency, they shall be recorded to relevant accounts in the balance sheet.
b) Accounting for surplus or shortage of tangible fixed assets under physical inventory count: the enterprise must uncover the reasons for the surplus or shortage and determine material responsibility for compensation taken by organizations or individuals as prescribed. The value of shortage of tangible fixed assets (deducted from compensation) shall be recorded to other expenses.
- With regard to shortage of assets detected under physical inventory count, according to “Report on resolution to shortage or surplus of assets under physical inventory count”, the following accounts shall be recorded:
Dr 111 – Cash (individual or organization paying compensation)
Dr 1388 - Other receivables (individual or organization paying compensation)
Dr 334 – Payables to employees (deducted from salaries of employees)
Dr 811 – Other expenses (residual value of shortage of fixed assets detected under physical inventory count shall be recorded to losses of the enterprise)
Cr 1381 – Assets in shortage awaiting resolution.
- With regard to surplus of assets detected under physical inventory count, according to “Report on resolution to shortage or surplus of assets under physical inventory count”, the following accounts shall be recorded:
Dr 3381 – Surplus of assets awaiting resolution.
Cr 331 – Trade payables (if the assets in surplus belong to sellers)
Cr 138 - Other payables or receivables (3388)
Cr 411 – Owner's invested equity (regarding tangible fixed assets impossible to uncover reasons and determine the owner).
c) Accounting for sale or liquidation of unnecessary assets or unsold assets pending liquidation: after receiving approval issued by agency deciding the equitization, the enterprise shall sell or liquidate assets as prescribed. The revenues, expenses and decreases in assets shall be recorded as follows:
- Revenues from sale or liquidation of unnecessary fixed assets or fixed assets pending liquidation shall be recorded as follows:
Dr 111,112,131
Cr 711 - Other income.
Cr 3331 – VAT payables (if any).
- Expenditures on sale or liquidation of unnecessary fixed assets or fixed assets pending liquidation shall be recorded as follows:
Dr 811 – Other expenses
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331.
- Decreases in fixed assets which are sold or liquidated shall be recorded as follows:
Dr 811 – Other expenses (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Cr 211 – Tangible fixed assets.
d) When the enterprise transfers tangible fixed assets which are unnecessary or pending liquidation as prescribed, the following accounts shall be recorded:
Dr 411 – Owner’s invested equity.
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Cr 211 – Tangible fixed assets.
dd) Accounting for transfer assets which are welfare constructions
- When transferring housing of officials or employees of the enterprise invested by the welfare funds to real estate authority of the local government to manage, the following accounts shall be recorded:
Dr 3533 – Funds used for fixed asset acquisitions (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
- If the equitized enterprise uses the welfare constructions invested by state capital for business, the following accounts shall be recorded:
Dr 466 – Non-business funds used for fixed asset acquisitions.
Cr 411 – Owner’s invested equity.
e) Accounting for value of tangible fixed assets which are undergone re-valuation.
According to dossier on revaluation of the enterprise, the value of the tangible fixed assets shall equal: Increase in residual value of fixed asset which is recorded to Cr 412 - Differences upon asset revaluation; Decrease in residual value of fixed asset which is recorded to Dr 412 - Differences upon asset revaluation and such differences must be in details according to every fixed asset. In particular:
- In case the value of re-evaluated fixed asset is greater than book value and historical cost of the fixed asset or re-evaluated cumulative depreciation is greater than book value, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Historical costs of fixed assets (increase evaluation).
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (increase evaluation).
Cr 412 - Differences upon asset revaluation (value of fixed asset in increase).
- In case the value of re-evaluated fixed asset is smaller than book value and historical cost of the fixed asset or re-evaluated cumulative depreciation is smaller than book value, the following accounts shall be recorded:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (decrease evaluation).
Dr 412 - Differences upon asset revaluation (value of fixed asset in decrease).
Cr 211 – Historical costs of fixed assets (decrease evaluation).
The enterprise depreciates the fixed asset according to new historical cost determined after re-evaluation.
g) Transferring fixed assets to joint-stock companies
- Equitization of independent enterprises
With regard to equitization of independent enterprises, it is required to comply with regulations on transfer of assets, accounts payables and capital funds of joint-stock companies. All accounting documents, accounting records and financial statements of the equalized enterprise required archive shall be transferred to the joint-stock company for keep archiving.
- With equitization of dependent accounting enterprises of state-owned companies, groups, general companies, parent companies, or independent accounting companies of the general companies.
When transferring assets, accounts payables and capital funds to joint-stock companies, the value of tangible fixed assets transferred to the joint-stock company shall be recorded as follows according to receipt slip of assets, appendixes, relevant accounting records or documents.
Dr 411 – Owner’s invested equity.
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value).
Cr 211 – Tangible fixed assets.
Article 36. Account 212 – Financial lease fixed assets
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and increase and decrease in total financial lease fixed assets of an enterprise. This account is used to record historical costs of financial lease fixed assets of the lessee (such fixed assets are not under ownership of the enterprise, but the enterprise has legal liability to manage and use them similarly to their assets).
b) Financial lease: a lease that transfers substantially all the risks and rewards incidental to ownership of an asset to the lessee. Ownership of the asset may be transferred at the end of the lease term.
c) Recognition of financial lease: a financial lease must satisfy at least one of five criteria below:
- Ownership of the asset is transferred to the lessee at the end of the lease term;
- At the inception of the lease, the lessee has an option to purchase the asset at a price which is expected to be sufficiently lower than the value at the end of the lease term;
- The lease term is for the major part of the economic life of the asset even if title is not transferred;
- At the inception of the lease, the present value of the minimum lease payments amounts to at least substantially all of the fair value of the leased asset;
- The leased assets are of a specialized nature such that only the lessee can use them without major modifications being made.
d) An asset lease shall be considered a financial lease if it meets at least one of three criteria below:
- If the lessee cancels the lease and compensates the losses caused by the cancellation of the lease to the lessor;
- Gains or losses from variation in the fair value of the residual value of the leased asset shall be borne by the lessee;
- The lessee has ability to continue the lease after the termination of the lease at a rent which is lower than the market rent. Leases of assets which are land use rights shall be classified as operating lease.
dd) Historical cost of a financial lease fixed asset shall equal fair value of the lease or present value of minimum lease payments amounts (in case the fair value is greater than present value of minimum lease payments amounts) plus (+) initial direct costs incurred in connection with financial leasing activities.
If the input VAT is deductible, present value of minimum lease payments amounts shall not include VAT payables to the lessor.
When calculating the present value of minimum lease payments amounts, the enterprise may use the implicit interest rate, interest rate stated in the lease or the incremental borrowing interest rate of the lessee.
e) The non-deductible input VAT on the leased asset which is paid by the lessee on behalf of the lessor shall be recorded as follows:
- If the non-deductible input VAT is made a lump sum payment when recording the leased asset, the historical cost of the leased asset shall include VAT;
- If the non-deductible input VAT is paid instalment, it shall be recorded to operating cost during a period in conformity with depreciation costs of financial lease assets.
g) Operating lease fixed assets shall not be recorded to this account.
h) The lessee shall calculate, depreciate the fixed asset and charge to operating costs periodically in conformity with the depreciation policy applied to its owned-fixed assets in kind. If it not sure that the lessee shall acquire the ownership of the asset at the end of the lease term, the leased asset shall be depreciated according to the lease term if the lease term is shorter than the useful life of the leased asset.
i) Account 212 shall be detailed to keep track of every type of leased fixed asset.
2. Structure and contents of account 212 – Financial lease fixed assets
Debit: Increases in historical costs of the financial lease fixed assets.
Credit: Decreases in historical costs of financial lease fixed assets due to returning to the lessor at the end of the lease term or buying and converting into the fixed assets of the enterprise.
Debit balance: Historical cost of existing financial lease fixed assets.
Account 212 – Financial lease fixed assets comprises 2 sub-accounts
- Account 2121 – Financial lease tangible fixed assets: records current value and increases and decreases in total financial lease tangible fixed assets of the enterprise;
- Account 2122 – Financial lease intangible fixed assets: records current value and increases and decreases in total financial lease intangible fixed assets of the enterprise.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. When incurring initial direct cost in connection with the financial lease asset before receiving the leased asset, such as: commission fees, legal fees, etc, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses
Cr 111, 112, etc.
3.2. When paying an advance of the financial lease rent or deposit to secure the lease, the following accounts shall be recorded:
Dr 341 – Borrowings and finance lease liabilities (3412) (prepaid lease payments)
Dr 244 – Mortgage, collaterals and deposits
Cr 111, 112, etc.
3.3. When receiving a financial lease fixed asset, the value of the financial lease fixed assets (input VAT-exclusive prices) shall be recorded according to the lease and related documents, the following accounts shall be recorded:
Dr 212 – Financial lease fixed assets (VAT-exclusive prices)
Cr 341 – Borrowings and finance lease liabilities (3412) (present value of minimum lease payments amounts or fair value of the leased asset, excluding refundable taxes).
Initial direct costs in connection with financial lease activities shall be recorded to the historical cost of the financial lease fixed assets as follows:
Dr 212 – Financial lease fixed assets
Cr 242 – Prepaid expenses, or
Cr 111, 112, etc. (Direct costs in connection with financial lease activities incurred when receiving the financial lease asset).
3.4. Periodically, upon the receipt of the financial lease invoices:
When paying the principal and lease interest to the lessor, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses (lease interest of current period)
Dr 341 – Borrowings and finance lease liabilities (3412) (lease principal of current period)
Cr 111, 112, etc.
3.5. When receiving an invoice for input VAT sent by the lessor who is paid by the lessee:
a) If the VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 112 – Cash in bank (lump sum payment)
Cr 338 - Other payables (input VAT payables to the lessor).
b) If the VAT is not deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 212 – Financial lease fixed assets (if the input VAT is not deductible and the VAT is paid lump sum when recording the financial lease fixed assets)
Dr 627, 641, 642 (if the non-deductible input VAT is paid whenever the invoice is received)
Cr 112 – Cash in bank (lump sum payment)
Cr 338 - Other payables (input VAT payables to the lessor).
3.6. When paying the commitment fees to the lessor, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses.
Cr 111, 112, etc.
3.7. When returning the financial lease fixed assets as mentioned in the lease to the lessor, a decrease in the value of the financial lease fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2142)
Cr 212 – Financial lease fixed assets.
3.8. If the lease prescribes that the lessee only rent a part of the value of the asset and buy it then, when the lessee receives the transfer of the ownership of the asset, a decrease in financial lease fixed assets and an increase in tangible fixed assets under ownership of the enterprise shall be recorded. When converting the financial lease asset to the asset under ownership of the enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 212 – Financial lease fixed assets (residual value of the financial lease fixed asset)
Cr 111, 112, etc. (additional payables).
And, when transferring depreciated value, the following accounts shall be recorded:
Dr 2142 – Depreciation of financial lease fixed assets
Cr 2141 – Depreciation of tangible fixed assets
3.9. Accounting for sale and leaseback of financial lease fixed assets:
a) If the sale and leaseback gives the price which is greater than the residual value of the fixed asset:
- Accounting for the sale transaction (refer to account 711)
- Those entries recording leased assets and accounts payables in connection with finance lease shall comply with regulations from Point 3.1 to 3.6 of this Article.
- Periodically, the depreciation of the financial lease fixed asset shall be calculated, deducted and recorded to operating costs as follows:
Dr 623, 627, 641, 642, etc.
Cr 2142 – Depreciation of financial lease fixed assets
- Periodically, when transferring the difference between the price and residual value of the leased back fixed asset (profit) to operating costs of the period over then lease term, the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 - Unearned revenue
Cr 623, 627, 641, 642, etc.
b) If the sale and leaseback gives the price which is smaller than the residual value of the fixed asset:
- Accounting for the sale transaction (refer to account 711)
- Those entries recording leased assets and accounts payables in connection with finance lease, periodical rents shall comply with regulations from Point 3.1 to 3.6 of this Article.
- Periodically, when transferring the difference between the price and residual value of the leased back fixed asset (loss) to operating costs of the period over then lease term, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642, etc.
Dr 242 – Prepaid expenses
Article 37. Account 213 – Intangible fixed assets
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and increases and decreases in intangible fixed assets of the enterprise; Intangible fixed assets mean assets which have no physical form but the value of which can be determined and which are held and used by the enterprises in their business or leased to other entities in conformity with the recognition criteria of intangible fixed assets.
b) Historical costs of intangible fixed assets means all costs incurred by the enterprises to acquire intangible fixed assets up to the time of putting these assets into use as expected.
- The historical cost of an intangible fixed asset purchased separately shall equal its purchase price (minus (-) any trade discounts and rebates), taxes (excluding refundable taxes) and directly-attributable expenses incurred from putting the asset into use as expected;
- If the intangible fixed asset is purchased in instalment or deferred payment, their historical cost shall be recorded to the cash price. The difference between the deferred price and the cash price shall be recorded to operating costs according to the payment period, unless such difference is recorded to the historical cost of the intangible fixed assets (capitalization) as prescribed in VAS “Borrowing costs";
- If an intangible fixed asset is purchased in the form of exchange with another dissimilar intangible fixed asset, their value shall equal the fair value of the received asset or the fair value of the exchanged asset after adjustment. If the exchange and payment against documents is related to the capital ownership of the enterprise, the historical cost shall equal the fair value stated in such documents.
- The historical cost of an intangible fixed asset which is land use rights means an amount of money paid to acquire lawful land use rights (including expenses paid to the transferor or expenses incurred from compensation for land clearance, leveling of premises, property transfer taxes, etc) or an amount agreed by contracting parties when contributing capital. The land use rights shall be considered whether or not intangible fixed assets in accordance with regulations of relevant law provisions.
- The historical cost of an intangible fixed asset granted by the State or presented shall equal the initial fair value plus (+) directly-attributable expenses incurred from putting the asset into use as expected.
- The historical cost of the intangible fixed assets transferred shall be the historical cost recorded in the accounting records of the receiver.
c) All actual expenses incurring during the development stage which fails to be recognized as intangible fixed asset shall be recorded to operating costs in the period. If the development stage of the asset meets recognition criteria of intangible fixed assets as prescribed in VAS “Intangible fixed assets”, expenses of the development stage shall be recorded to account 241 “Construction in progress” (2412). At the end of the development stage, those expenses incurred from historical cost of intangible fixed assets acquisitions during the development stage must be transferred to the Dr 213 "Intangible fixed assets".
d) During the operation process, it is required to depreciate and record the intangible fixed asset to the operating costs as prescribed in VAS for intangible fixed assets. With regard to fixed assets which are land use rights, only intangible fixed assets which are termed land use rights are depreciated.
dd) Costs related to intangible fixed assets, which are incurred after initial recognition, must be recognized as operating costs in the period; if they meet all two following criteria, an increase in the historical costs of the intangible fixed asset shall be recorded:
- These costs can help intangible fixed assets generate more future economic benefits than the original operation evaluation;
- These costs are appraised in a certain way and associated with a specific intangible asset.
e) The costs incurred to generate future economic benefits for the enterprises include enterprise establishment cost, personnel-training cost and advertising cost incurred before the newly-set up enterprises start to operate, costs for the research stage, relocation cost, shall be recorded to operating costs in the period or gradually allocated into operating costs in the maximum period of three years.
g) Costs related to intangible assets, which have been recorded by the enterprises to costs of determining the business operation results in the previous period, shall not be re-recorded to the historical cost of intangible fixed assets.
h) Trademarks, brand names, distribution right, customers’ name list and similar items which are internally established in the enterprise shall not be recognized as intangible fixed assets.
i) Intangible fixed assets shall be kept records in details according to every item in the “Fixed assets register”.
2. Structure and contents of account 213 – Intangible fixed assets
Debit: Increases in historical costs of intangible fixed assets.
Credit: Decreases in historical costs of intangible fixed assets.
Debit balance: Historical costs of existing intangible fixed assets of the enterprise.
Account 213 – Intangible fixed assets comprise 7 sub-accounts:
- Account 2131 – Land use rights: records land use rights which are recognized as intangible fixed assets as prescribed.
Value of intangible fixed assets which are land use rights shall equal actual expenses directly related to land use rights, such as: money paid for the land use rights, expenses incurred from compensation, land clearance, leveling of premises (if the land use rights are acquired separately from any investment in buildings and structures on land), property transfer taxes (if any), etc. This account shall not record any expenses incurred from constructions on land.
- Account 2132 – Copy rights: records value of intangible fixed assets which are total actual expenses paid to acquire copyrights.
- Account 2133 – Patents and inventions: records value of intangible fixed assets which are total actual expenses paid to acquire patents and inventions.
- Account 2134 – Trademarks and trade names: records value of intangible fixed assets which are total actual expenses paid for trademarks of goods.
- Account 2135 – Computer software: records value of intangible fixed assets which are total actual expenses paid for computer software.
- Account 2136 - Licenses and franchises: records value of intangible fixed assets which are expenses incurred from licenses and franchises, such as: development permits, permits for production of new products, etc.
- Account 2138 – Other intangible fixed assets: records value of other intangible fixed assets which are not recorded to above accounts.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Purchase of intangible fixed assets:
- When purchasing intangible fixed assets used for business which are subject to VAT using credit-invoice method, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 112 – Cash in bank
Cr 141 - Advances
Cr 331 – Trade payables
- When purchasing intangible fixed assets used for business which are not subject to VAT, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets (total payments)
Cr 112, 331, etc (total payments)
3.2. Purchase of intangible fixed assets in instalment or deferred payment:
- When purchasing intangible fixed assets used for business which are subject to VAT using credit-invoice method, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets (VAT-exclusive cash prices)
Dr 242 – Prepaid expenses
(deferred interest shall equal (=) difference between total payment minus (-) cash price and input VAT (if any))
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112
Cr 331 – Trade payables
- When purchasing intangible fixed assets used for business which are not subject to or subject to VAT using subtraction method, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets (VAT-exclusive cash prices)
Dr 242 – Prepaid expenses (deferred interest shall equal (=) difference between total payment minus (-) cash price)
Cr 331 – Trade payables (total payments).
- When paying the interest for purchase of intangible fixed assets in instalment or deferred payment periodically, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses.
Dr 242 – Prepaid expenses
- When making payment to the seller, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 111, 112, etc.
3.3. Purchase of intangible fixed assets in the form of exchange
a) Exchange of two similar intangible fixed assets: When receiving an intangible fixed asset in exchange of a similar intangible fixed asset and putting into operation, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets (the historical cost of the received intangible fixed asset shall be recorded according to the residual value of the exchanged intangible fixed asset)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2143) (depreciation of exchanged fixed asset)
Cr 213 – Intangible fixed assets (2143) (historical cost of exchanged fixed asset)
b) Exchange of two dissimilar intangible fixed assets:
- A decrease in the exchanged intangible fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Dr 811 – Other expenses (residual value of the exchanged fixed asset)
Cr 213 – Intangible fixed assets (historical cost)
- And the revenue from exchange of fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 131- – Trade receivables (total payments)
Cr 711 – Other income (fair value of exchanged fixed asset)
Cr 3331 –VAT payables (33311) (if any).
- An increase in the exchanged intangible fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 213 – Intangible fixed assets (fair value of the received fixed asset)
Dr 133 – Deductible VAT (1332) (if any)
Cr 131 – Trade receivables (total payments).
3.4. Value of intangible fixed assets acquired intra-company in the development stage:
a) When incurring expenses in the development stage, if the results do not satisfy recognition criteria of intangible fixed assets, such expenses shall be recorded to operating costs within a period or prepaid expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses (for great value) or
Dr 642 – General administration expenses
Cr 111, 112, 152, 153, 331, etc.
b) If the result of development stage satisfies recognition criteria of intangible fixed assets:
- When collecting actual expenses incurring in the development stage to add to the historical cost of the intangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress
Dr 133 – Deductible VAT (1332 - if any)
Cr 111, 112, 152, 153, 331, etc.
- When completing development stage, total actual expenses incurring which shall be recorded to the historical cost of the intangible fixed asset, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets
Cr 241 – Construction in progress
3.5. When purchasing intangible fixed assets which are land use rights associated with buildings or structures on land, the intangible fixed assets which are land use rights and tangible fixed assets which are buildings or structures must be separately recorded as follows:
Dr 211 – Tangible fixed assets (historical costs of buildings or structures)
Dr 213 – Intangible fixed assets (historical costs of land use rights)
Dr 133 – Deductible VAT (1332 - if any)
Cr 111, 112, 331, etc.
3.6. When an intangible fixed asset acquired by exchange of documents on capital ownership of joint-stock companies, the historical cost of such intangible fixed asset shall be the fair value stated in those documents, and the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets
Cr 411 – Owner's invested equity.
3.7. Granted, donated or presented intangible fixed assets which are put into operation:
- When receiving a granted, donated or presented intangible fixed asset, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets
Cr 711 – Other income
- When incurring expenses related to donated or presented intangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets
Cr 111, 112, etc.
3.8. When receiving land use rights as capital, the following accounts shall be recorded according to dossiers on transfer of land use rights:
Dr 213 – Intangible fixed assets
Cr 411 – Owner's invested equity.
3.9. When converting use purposes of the investment properties which are land use rights to intangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 213 – Intangible fixed assets (2131)
Cr 217 – Investment properties.
And when transferring cumulative depreciation of the investment properties to cumulative depreciation of the intangible fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 2147 – Depreciation of investment properties
Cr 2143 – Depreciation of tangible fixed assets
3.10. When investing in subsidiaries or joint-venture companies in the form of contribution of intangible fixed assets, according to re-evaluated value of intangible fixed assets:
a) In case the re-evaluated value is smaller than the residual value of the contributed intangible fixed asset, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222 (according to re-evaluated value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2143) (depreciation value)
Dr 811 – Other expenses (the negative difference between the re-evaluated and the residual value of the intangible fixed asset)
Cr 213 – Intangible fixed assets (historical cost).
b) In case the re-evaluated value is greater than the residual value of the contributed intangible fixed asset, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222 (according to re-evaluated value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2143) (depreciation value)
Cr 213 – Intangible fixed assets (historical cost).
Cr 711 – Other expenses (the positive difference between re-evaluated value and the residual value of the intangible fixed asset).
3.11. The sale or liquidation of intangible fixed assets shall be recorded similarly to the sale or liquidation of tangible fixed assets (refer to account 211).
Article 38. Account 214 – Depreciation of fixed assets
1. Rules for accounting
a) This account is used to record increases or decreases in depreciation value and accumulated depreciation of fixed assets and investment properties due to deduction from depreciation of fixed assets, investment properties and other increases or decreases of depreciation of fixed assets or investment properties.
b) In principle, all fixed assets or investment properties of the enterprise for lease related to operation (including unused, unnecessary or liquidation-pending assets) must be depreciated as prescribed in regulations in force. The depreciation of fixed assets used for operation and depreciation of investment properties shall be recorded to operating costs within a period; depreciation of unused, unnecessary, or liquidation-pending fixed assets shall be recorded to other expenses. With regard to special cases not subject to depreciation (such as fixed assets for reservation or common use in society, etc), the enterprise must comply with regulations of law in force. It is not required to depreciate fixed assets used for non-business activities or welfare, only depreciation of such fixed asset are calculated and decreases in funds for those fixed assets acquisition are recorded.
c) Pursuant to regulations of law and management requests of the enterprise, one of methods of calculation or deduction of depreciation as prescribed in conformity with every fixed asset or investment property in order to develop business and ensure the recovery of payback promptly, sufficiently and in conformity with financial ability of the enterprise.
The depreciation method applying to every fixed asset or investment property must be conducted consistently and may be changed when there is any change in method of recovering economic benefits of the fixed asset or investment property.
d) The useful life and depreciation method must be re-considered at least at the end of every fiscal year.
If the estimated useful life of the asset is different significantly from previous estimated useful life, the useful life must be changed equivalently. The method of depreciation of fixed assets shall be changed once there is a significant change in payback of economic benefits of the fixed assets. In this case, the depreciation costs of the current year and succeeding years shall be adjusted and they shall be presented in the financial statements.
dd) If a fixed asset is fully depreciated (the capital is fully paid back), but it is still be used in operation, it shall not be kept depreciating. If a fixed asset is not fully depreciated (the capital is not fully paid back), but it is damaged or pending liquidation, it is required to uncover reasons, responsibility of groups or individuals for compensation; and the residual value of the fixed asset which is not paid back or compensated shall be compensated by the amounts collected from the liquidation of such fixed asset, the amounts of compensation shall be decided by the leaders of the enterprise. If the amounts collected from liquidation or compensation is not enough to compensate the residual value of the fixed asset which is not paid back or the value of the lost fixed asset, the remaining difference shall be considered loss from liquidation and recorded to other expenses. With regard to state-owned enterprises, they shall be handled according to current financial policies of the Government.
e) Regarding intangible fixed assets, depending on the effective period of time of such assets for depreciating from they are put into use (according to the contract, commitment or decision of the competent agency) Regarding intangible fixed assets which are land use rights, only term land use rights are depreciated. If it fails to determine useful life, they shall be not depreciated.
g) Regarding financial lease fixed assets, during the period in which the assets are used; the lessee must depreciate over the lease term and charge to operating costs in order to recover all capital.
h) Regarding investment properties for operating lease, they shall be depreciated and recorded to operating costs within a period. The enterprise may estimate the useful life and determine the appropriate depreciation method according to owner-occupied property in kind. If an investment property is held for capital appreciation, the enterprise shall not depreciate but determine the loss due to depreciation.
2. Structure and contents of account 214 – Depreciation of fixed assets
Debit: Decreases in depreciation of fixed assets, investment properties because the fixed assets or investment properties are liquidated, sold, or transferred to other enterprises or contributed to other enterprises as capital.
Credit: Increases in depreciation of fixed assets or investment properties because the fixed assets or investment properties are depreciated.
Debit balance: Accumulated depreciation of existing fixed assets or investment properties of the enterprise.
Account 214 – Depreciation of fixed assets, comprise 4 sub-accounts:
- Account 2141 – Depreciation of tangible fixed assets: records the depreciation value of tangible fixed asset during the using period and other increases or decreases of tangible fixed assets.
- Account 2142 – Depreciation of financial lease fixed assets: records the depreciation value of tangible fixed asset during the using period and other increases or decreases of financial lease fixed assets.
- Account 2143 – Depreciation of intangible fixed assets: records the depreciation value of intangible fixed asset during the using period and other increases or decreases of intangible fixed assets.
- Account 2147 – Depreciation of investment properties: records depreciation value of investment properties used for operating lease of the enterprise.
3. Method of accounting for several major transactions
a) Periodically, when calculating, deducting and recording fixed assets to operating costs, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642, 811
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (appropriate sub-account)
b) When receiving used fixed assets which are transferred intra-company between dependent accounting units having no legal status, the following accounts shall be recorded:
Cr 211 – Tangible fixed assets (historical cost).
Cr 336, 411 (residual value)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (2141) (depreciation value)
c) Periodically, when deducting depreciation of investment properties for operating lease, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold (investment property operating expenses)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (2147)
d) If there is any decrease in fixed assets or investment properties, decreases in both historical costs of the fixed assets and depreciated value of the fixed assets or investment properties shall be recorded (refer to accounts 211, 213, and 217).
dd) When calculating depreciation value of fixed assets for non-business activities at the end of the fiscal year, the following accounts shall be recorded:
Dr 466 – Non-business funds used for fixed asset acquisitions
Cr 214 – Depreciation of fixed assets
e) When calculating depreciation value of fixed assets for cultural activities or welfare at the end of the fiscal year, the following accounts shall be recorded:
Dr 3533 – Welfare funds used for fixed asset acquisitions
Cr 214 – Depreciation of fixed assets.
g) At the end of the fiscal year, the enterprise shall review the useful life and the depreciation methods for fixed assets, if there is any change in the depreciation rate, the depreciation recorded in the accounting records shall be adjusted as follows:
- If the depreciation rate rises against the depreciated amounts in the year leading an increase in the depreciation difference due to the adjustment of the depreciation methods or period, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642 (increase in depreciation difference)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (appropriate sub-account)
- If the depreciation rate falls against the depreciated amounts in the year leading a decrease in the depreciation difference due to the adjustment of the depreciation methods or period, the following accounts shall be recorded:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (appropriate sub-account)
Cr 623, 627, 641, 642 (decrease in depreciation difference)
h) Accounting for value of tangible fixed assets which are undergone re-valuation: According to dossier on revaluation of the enterprise, the value of the tangible fixed assets shall equal: Increase in residual value of fixed asset which is recorded to Cr 412 - Differences upon asset revaluation; Decrease in residual value of fixed asset which is recorded to Dr 412 - Differences upon asset revaluation and such differences must be recorded in details according to every fixed asset In particular:
- In case the value of re-evaluated fixed asset is greater than book value and historical cost of the fixed asset or re-evaluated accumulated depreciation is greater than book value, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 - Historical costs of fixed assets (the increase value)
Cr 412 - Differences upon asset revaluation (value of additional assets)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (the increase value)
- In case the value of re-evaluated fixed asset is smaller than book value and historical cost of the fixed asset or re-evaluated accumulated depreciation is smaller than book value, the following accounts shall be recorded:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (the decrease value)
Dr 412 - Differences upon asset revaluation (value of additional assets)
Cr 211 - Historical costs of fixed assets (the decrease value)
The enterprise shall deduct depreciation of fixed assets according to new historical cost after re-evaluation. Time for re-evaluation of depreciation of fixed assets when evaluating a joint-stock company is the date on which the equitized enterprise is granted Certificate of Business registration of a joint-stock company.
i) Equitization of dependent accounting units of independent state-owned companies, groups, general companies, parent companies, independent accounting units of the general companies:
When transferring a fixed asset to the joint-stock company, an increase in asset transferred to joint-stock company shall be recorded, according to receipt slip of assets, special appendixes on transfer of assets to joint-stock company and relevant documents or accounting records:
Dr 411 – Owner's invested equity (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciated value)
Cr 211,213 (historical cost).
Article 39. Account 217 – Investment properties
1. Rules for accounting
1.1 This account is used to record current value and increases or decreases in investment properties of an enterprise according to their historical costs, which is kept records similarly to fixed assets. Investment property includes land-use rights, a building or part of a building or both, infrastructure held by the owner or by the lessee under a finance lease to earn rentals or for capital appreciation, rather than for:
- Use in the production or supply of goods or services or for administrative purposes; or
- Sale in the ordinary course of business.
1.2. This account is used to record value of investment properties meeting recognition criteria of investment properties. Property held for sale in the ordinary course of business or in the process of construction or development for such sale, owner-occupied property, or property that is being constructed or developed for future use as investment property shall not be recorded to this account.
Investment property shall be recognized as an asset when the following conditions are met:
- It is probable that the future economic benefits associated with the investment property will flow to the enterprise; and
- The cost of the investment property can be measured reliably.
1.3. An investment property shall be recorded in this account according to their cost. Cost of an investment property means the amount of cash or cash equivalents paid or the fair value of other consideration given to acquire an investment property at the time of its acquisition or construction.
- Depending on cases, cost of an investment property shall be determined as follows:
The cost of a purchased investment property comprises its purchase price, and any directly-attributable expenses, such as: professional fees for legal services, property transfer taxes and other transaction costs, etc.
+ If payment for an investment property is deferred, its cost is the cash price equivalent. The difference between this amount and the total payments is recognized as interest expense over the period of credit, except when the difference is charged to cost of investment property in accordance with VAS “Borrowing Costs”;
+ The cost of a self-constructed investment property is its actual cost and directly-attributable expense on the date when the construction or development is completed;
+ If a finance lease property for operating lease meets recognition criteria of an investment property, the cost of such investment property at the initial lease shall comply with VAS “Leases”.
- The cost of an investment property is not increased by:
+ Start-up costs (unless they are necessary to bring the property to its working condition);
+ Initial operating losses incurred before the investment property achieves the planned level of occupancy;
+ Abnormal amounts of wasted material, labor or other resources incurred in constructing or developing the property.
1.4. Subsequent expenditure relating to an investment property that has already been recognized should be added to the net-book value of the investment property when it is probable that future economic benefits, in excess of the originally assessed standard of performance of the existing investment property, will flow to the enterprise and an increase in the cost of the investment property shall be recorded.
1.5. During the operating lease period, the investment property must be depreciated and recorded to business costs (including postponement period). The enterprise may estimate the useful life and determine the appropriate depreciation method according to owner-occupied property in kind.
- In case the enterprise records revenue from total advances from investment property lease, total estimated cost equivalent to the revenue shall be recorded (including calculated depreciation in advance).
- The cost of an investment property includes: investment property depreciation expenses and directly-attributable expenses, such as: outsourcing expense, salaries of employees in charge of management of the leased property, depreciation expense on auxiliary construction serving the investment property lease.
1.6. Property held for capital appreciation shall not be depreciated. In case it is evident that the investment property falls against market fair value and the decrease is determined reliably, the decrease in cost of the investment property and the loss shall be recorded to costs of goods sold (similarly to provision for properties held for sale).
1.7. With regard to purchased investment properties which must be constructed, innovated or upgraded before being used for investment purpose, the value of the property, purchasing costs and constructing, innovating or upgrading costs shall be recorded to account 241 “Construction in progress”. Upon the construction, innovation or upgrading completes, the cost of the investment property must be determined and transferred to account 217 “Investment property".
1.8. The transfer from owner-occupied property to investment property or from investment property to owner-occupied property or inventory shall be made only if there is any change in use purpose as following cases:
- Investment property shall be converted into owner-occupied property when the owner begins to use this property;
- Investment property shall be converted into inventory when the owner begins to sell it;
- Owner-occupied property shall be converted into investment property when the owner finishes using that property and leasing it to other party for operation;
- Inventory shall be converted into investment property when the owner begins to lease it to other party for operation;
- Construction property shall be converted into investment property at the end of the construction period and put into investment period (during the construction period, it shall be recorded to VAS "Tangible fixed assets").
The transfer of use purpose between investment property and owner-occupied property or inventory does not change the book value of the transferred asset and the cost of the property for their evaluation or for preparation of financial statements.
1.9. When the enterprise decides to sell an investment property without repair, innovation or upgrading period, the investment property still be recorded to account 217 “Investment property” until it is sold (not converted into inventory).
1.10. The whole purchase price of an investment property shall be recorded to revenues (VAT-exclusive prices regarding enterprises subject to VAT using credit-invoice method). If payment for an investment property is deferred, the consideration received is recognized initially at the cash price equivalent (VAT-exclusive prices regarding enterprises subject to VAT using credit-invoice method). The difference between the nominal amount of the consideration and the cash price equivalent is recognized as interest revenue.
1.11. A decrease in investment property shall be recorded in following cases:
- Converting use purposes from investment property to inventory or owner-occupied property;
- Selling or disposing investment property;
- Returning investment property to the lessor at the end of the financial lease.
2. Structure and contents of account 217 – Investment property
Debit: Increases in costs of investment property in the period.
Credit: Decreases in costs of investment property in the period.
Debit balance: Costs of existing investment property.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Purchase of investment properties:
a) If the instalment payment is made and the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 217 – Investment property
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112.
If the VAT is not deductible, the historical cost of the investment property shall include VAT.
b) If the deferred payment is made:
- And the input VAT is deductible; the following accounts shall be recorded:
Dr 217 – Investment property (VAT-exclusive cash prices)
Dr 242 – Prepaid expenses (deferred interest shall equal (=) total payment minus (-) cash price minus (-) input VAT)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 331 – Trade payables
If the VAT is not deductible, the historical cost of the investment property shall include VAT.
- Periodically, when calculating and allocating the interest payable of the purchased investment property in deferred payment, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses.
Dr 242 – Prepaid expenses
- When making payment to seller, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 515 – Financial income (discount obtained due to early payment, if any)
Cr 111, 112, etc.
3.2. Acquisition of investment property due to completion of:
- When incurring construction expenses of investment property, they shall be recorded to Dr 241 “Construction in progress” according to relevant documents and materials (similarly to construction of tangible fixed assets, refer to account 211 “Tangible fixed asset”).
- When the construction in progress is completed and the investment asset is converted into investment property, the following accounts shall be recorded according to the transferred documents:
Dr 217 – Investment property
Cr 241 – Construction in progress.
3.3. When converting owner-occupied property or inventory to investment property, the following accounts shall be recorded according to documents on convert of use purposes:
a) When converting a fixed asset into an investment property:
Dr 217 – Investment property
Cr 211 – Tangible fixed asset, or
Cr 213 – Intangible fixed assets.
And, when transferring accumulated depreciation, the following accounts shall be recorded:
Dr 2141, 2143.
Cr 2147 – Depreciation of investment property (property for lease)
Cr 217 – Investment property (property held for capital appreciation).
b) When converting from inventory into investment property, the following accounts shall be recorded according to the documents on convert of use purposes:
Dr 217 – Investment property
Cr 1557, 1567.
If the investment property is used for lease, it shall be depreciated as prescribed. If the investment property is held for capital appreciation, it shall not be depreciated, but the decrease in the investment property shall be determined If the loss due to depreciation is determined reliably, the loss shall be recorded to costs of goods sold and the decrease in cost of the investment property shall be recorded.
3.4. When renting an asset under finance lease in order to lease them under one or multiple operating leases, if such asset meets recognition criteria of investment property:
a) According to financial lease and relevant documents, the following accounts shall be recorded:
Dr 217 – Investment property
Cr 111, 112, 3412.
(Lease payments shall be made upon the receipt of financial lease invoice as prescribed in account 212 “Financial lease fixed assets”).
b) When the finance lease expires
- When returning financial lease investment property which is classified as investment property, the following accounts shall be recorded:
Dr 2147 – Depreciation of investment properties
Dr 632- Costs of goods sold (difference between cost of the leased investment property and accumulated depreciation)
Cr 217 – Investment property (cost).
- When purchasing a financial lease investment property which is classified as an investment property, an increase in investment property (additional payables) shall be recorded as follows:
Dr 217 – Investment property
Cr 111, 112, etc
- When purchasing a financial lease property which is classified as an investment property used for operation or management of the enterprise, it shall be classified as an owner-occupied property and the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed asset, or
Dr 213 – Intangible fixed assets
Cr 217 – Investment property
Cr 111, 112, (additional payables).
And, when transferring accumulated depreciation, the following accounts shall be recorded:
Dr 2147 – Depreciation of investment properties
Cr 2141, 2143.
3.5. When subsequent expenses relating to an investment property occur after initial recognition of investment property, if they satisfy the criteria to be capitalized or they are necessary to make the investment property to be ready for use, an increase in the cost of the investment property shall be recorded:
- When subsequent expenses (upgrading or innovating) relating to an investment property actually occurring after initial recognition of investment property shall be recorded as follows:
Dr 241 – Construction in progress.
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112, 152, 331, etc.
- When completing upgrading, innovation, etc of investment property, an increase in the cost of the investment property shall be recorded as follows:
Dr 217 – Investment property
Cr 241 – Construction in progress.
3.6. Accounting for sale or disposal of investment property;
a) Recognition of revenue from sale or disposal of investment property:
- If the output VAT payable is separable when the investment property is sold or disposed, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131 (total payment)
Cr 511 – Revenues (5117) (VAT-exclusive disposal prices)
Cr 3331 – VAT payables (33311).
- If the output VAT payable is inseparable when the investment property is sold or disposed, the revenue shall include output VAT payable. Periodically, the VAT payables shall be determined and decreases in revenues shall be recorded as follows:
Dr 511 - Revenues
Cr 3331 – VAT payables.
b) Decreases in the cost and residual value of sold or disposed investment property shall be recorded as follows:
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2147 – Depreciation of investment property - if any)
Dr 632 – Costs of goods sold (residual value of investment property)
Cr 217 – Investment property (cost of investment property).
3.7. Accounting for investment property lease
a) Revenues from investment property lease shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131
Cr 511 – Revenues (5117).
b) Recognition of the cost of investment property lease
- When collecting total cost of investment property, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 214 – Accumulated depreciation (2147)
Cr 111, 112, 331, etc.
- If the total cost of investment property is not collected because a part of the project is not completed (leasing out the completed part), the cost shall be estimated similarly to estimating method applying to sale of property.
3.7. Converting investment property into inventory or owner-occupied property:
a) If the investment property is converted into inventory when the owner decides to repair, innovate or upgrade it for sale:
- When there is a decision on repair, innovation or upgrade of investment property for sale, the residual value of the investment property shall be transferred to account 156 “Goods”, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Goods (Account 1567 – Residual value of investment property)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2147 – accumulated depreciation - if any)
Cr 217 – Investment property (cost).
- When incurring expenses incurred from repair, innovation or upgrade for sale, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 152, 334, 331, etc.
- When the repairing, innovation and upgrading are completed for sale, all the expenses shall be added to the cost of the property for sale, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Goods (1567)
Cr 154 – Work in progress.
b) When converting investment property into owner-occupied property, the following accounts shall be recorded:
Dr 211, 213.
Cr 217 – Investment property.
And, the following accounts shall be recorded:
Dr 2147 – Depreciation of investment properties (if any)
Cr 2141, 2143.
3.8. If the investment property is held for capital appreciation, it shall not be depreciated, but the loss due to depreciation shall be determined (similarly to determination of provision for decline in value of properties held for sale). If the loss is determined reliably, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 217 – Investment property.
Article 40. Rules for accounting for investments in associates
1. Investments in associates include investments in subsidiaries, joint ventures and other investments for long-term held. The investment may be conducted in the following forms:
a) Investments in the form of capital contribution in associates (capital mobilized by the investee): in this form, the assets contributed by the contributor shall be recorded to balance sheet of the investee;
b) Investments in the form of purchase of capital contribution of other associates (purchase of equity): in this form, the assets of the buyer (the investor or transferee) shall be transferred to the seller (the transferor); they shall not be recorded to balance sheet of the unit issuing equity instruments (investee)
2. When investing by non-monetary assets, the investor must apply appropriate accounting method according to type of investment, in particular:
a) If a non-monetary asset is used for capital contribution, the investor must re-evaluate such asset under agreement. The difference between book value or residual value and re-evaluate price of the asset for capital contribution shall be recorded to other income or other expenses;
b) Sale of capital holding of other associates and payment of non-monetary asset to the transferor:
- If the non-monetary asset for payment is an inventory, the ethnic minorities shall account for them similarly to sale of inventories in the form of barter agreement (the revenue and cost of the inventory used for exchange with purchased capital holding shall be recorded);
- If the non-monetary asset for payment is a fixed asset or an investment property, the investor shall account for them similarly to sale of fixed assets or investment properties (revenue, other income or other expenses shall be recorded, etc);
- If the non-monetary asset for payment is an equity instrument (shares) or a debt instrument (bonds, receivables, etc), the investor shall account for them similarly to sale of investments (gains or losses shall be recorded to financial income or financial expenses).
3. The cost of an investment shall be recorded according to their original cost, including purchase price plus (+) directly-attributable expenses (if any), such as: transactions, brokerage, consultancy, auditing, fees, taxes and bank’s fees, etc. In case a non-monetary asset is invested, the cost of the investment shall be recorded according to the fair value of the non-monetary asset at the incurring time.
4. Every investment spread over each subsidiary, joint-venture company or other associate shall be kept records in details. A long-term financial investment shall be recorded when the ownership is acquired, in particular:
- Listed securities are recorded at the time of matching (T+0);
- Unlisted securities, other investments shall be recorded at the time in which the ownership is required as prescribed.
5. All dividends and profits allocated to the financial statement of the parent company must be kept records sufficiently and promptly. The dividends and profits shall be recorded as follows:
a) Dividends and profits allocated in money or non-monetary asset after investment date shall be recorded to financial income according to the fair value on the date in which the dividends and profits are received;
b) Dividends and profits allocated in money or non-monetary asset before investment date shall not be recorded to financial income according to the fair value but they shall be recorded as a decrease in value of investment.
c) When determining value of the enterprise for equitization, if investments in other units are recorded as an increase equivalent to the portion of ownership of the equitized enterprise in the undistributed post-tax profits of the subsidiary, joint venture or associate, the equitized enterprise must record the increase in state capital as prescribed. When the equitized enterprise receives the dividends or profits which are used for evaluation of state capital, it shall not record financial income but record a decrease in value of investment.
d) If the dividends are received in the form of shares, it is required to follow rules below:
- Non-wholly-state-owned companies shall only keep track of number of shares stated in the financial statement, but not record an increase in value of investment and financial income.
- Wholly-state-owned companies shall comply with regulations of law on wholly-state-owned companies.
6. When liquidating or selling financial investments, their costs shall be determined according to mobile weighted average.
7. The enterprise is not required to classify investments in subsidiary, joint venture or associate into trade securities, unless it liquidated or sold those investments, leading losing control of subsidiary, losing jointly control over joint venture and no longer having significant influence on the associate.
8. The control, jointly control, significant influence shall be temporarily determined when the investments are initially recorded. In this case, those investments shall be recorded to investments in other units or trade securities, but not recorded to investments in subsidiary or joint venture or associate.
9. When preparing the financial statement, the enterprise must determine value of investment loss to create allocation for investment loss.
Article 41. Account 221 – Investments in subsidiaries
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and increases or decreases in capital directly invested in subsidiaries. Subsidiary is an entity which has legal status, does independent accounting, and is controlled by another enterprise (parent company), (including associate companies of general company and other units having legal status and doing independent accounting).
b) The account 221 “Investments in subsidiaries” is only recorded if the investor holds over 50% voting shares in the subsidiary (except for the case prescribed in below Point c) and has significant influence on financial and operating activities to gain economic benefits from such activities. When the parent company has no longer influence on the subsidiary, a decrease in investment in the subsidiary shall be recorded. In case the investor temporarily holds over 50% voting shares in the subsidiary, but the investor does not intend to exercise that voting shares because their investment purpose is trading in equity instruments for profit (investment held for commercial purpose and the control right is temporary), such investment shall not be recorded to this account but to short-term investments.
c) When a parent company holds under 50% voting shares in a subsidiary, the following investments are still recorded to account 221 “Investments in subsidiaries” if there are other agreements:
- Other investors agree to give the parent company over 50% voting shares;
- The parent company has influence on financial or operating policies under agreed regulations;
- The parent company has right to assign or dismiss most of board of directors’ members or equivalent;
- The parent company has right to vote a majority of ballots at Board of Directors’ meetings or at equivalent management level’s meetings;
d) When buying an investment in a subsidiary in the business combination transaction, the buyer must determine the acquisition date, the cost of the business combination and follow accounting procedures as prescribed in VAS “Business combination”.
dd) Accounting for investments in subsidiaries must comply with rules prescribed in Article 40 of this Circular.
e) In case the parent company dissolves the subsidiary and merge all assets and liabilities of the subsidiary into the parent company (the parent company inherits all interests and liabilities of the subsidiary), the accounting shall be done according to rules below:
- A decrease in book value of investments in subsidiaries of the parent company shall be recorded,
- All assets or liabilities of the dissolved subsidiary shall be recorded to balance sheet of the parent company according to fair value on the date on which the subsidiary is merged into the parent company;
- The difference between the cost of investment in subsidiary and the fair value of assets and liabilities shall be recorded to financial income or financial expenses.
g) The profits shall be allocated to owners of the parent company according to non-allocated post-tax profits under ownership of the parent company on the consolidated financial statements. When allocating profits in cash, the enterprise must consider following issues:
- There is enough cash flow to allocate;
- The profits from negative goodwill shall not be allocated until disposal of the subsidiary;
- The profits from transactions related to revaluation (differences upon re-valuation of asset contributed as capital or financial instruments) shall not be allocated until disposal or sale of investments;
- The profits from applying equity capital method shall not allocate until such profits are received in cash or other assets from joint-venture companies.
d) The enterprise may not convert investments in subsidiaries into trade securities or other investments unless such investments are disposed leading out of control. The control right to the subsidiary shall not consider temporary even if the enterprise has intention of disposing the subsidiary in the future.
2. Structure and contents of account 221 – Investments in subsidiaries
Debit: Increases in actual value of investments in subsidiaries.
Credit: Decreases in actual value of investments in subsidiaries.
Debit balance: Actual value of existing investments in subsidiaries of the parent company.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Capital contribution
a) When a parent company invests money in subsidiaries, the following accounts shall be recorded according to amounts of investments and directly-attributable expenses:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Cr 111, 112, 3411, etc.
And every type of shares at face value shall be kept records in details (investments in subsidiaries in the form of purchase of shares).
b) Capital contribution in non-monetary assets:
When the parent company contributes capital to the subsidiary by inventory or a fixed asset (other than business combination transactions), the parent company must record the difference between book value (for materials or goods) or residual value (for fixed assets) and re-evaluated value of the contributed asset to other income or other expenses; when receiving the contributed asset, the subsidiary must record the increase in the owner's invested equity and received asset according to contractual price.
- In case the book value or the residual value of the contributed asset is smaller than re-evaluated value, the increase in asset shall be recorded to other income as follows:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Cr 211, 213, 217 (contributing fixed assets or investment properties)
Cr 211, 213, 217 (contributing inventories)
Cr 711 – Other income (increase in difference of evaluation).
- In case the book value or the residual value of the contributed asset is greater than re-evaluated value, the decrease in asset shall be recorded to other expenses as follows:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Dr 811 – Other expenses (decrease in difference of evaluation).
Cr 211, 213, 217 (contributing fixed assets or investment properties)
Cr 152, 153, 155, 156 (contributing inventories)
3.2. Purchase of capital contribution:
In this case, the cost of investment shall be determined in accordance with VAS “Business combination”. On acquisition date, the acquirer shall measure the cost of a business combination as the aggregate of the fair values, on the exchange date, of assets given, liabilities incurred or assumed, and equity instruments issued by the acquirer, in exchange for control rights of the acquiree plus (+) any costs directly attributable to the business combination. Concurrently, the acquirer, which is the parent company, shall record the acquirer’s interest in the subsidiary similarly to an investment in subsidiary.
a) If the trading in business combination is paid in cash or cash equivalent by the acquirer, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Cr 111, 112, 121, etc.
b) If the trading in business combination is carried out by the acquirer ‘share issuance:
- And issue price (according to fair value) of the share on the exchange date is greater than face value of the share; the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries (according to fair value)
Cr 4111 – Contributed capital (according to face value)
Cr 4112 – Capital surplus (positive difference between the fair value and the face value of the share).
- And issue price (according to fair value) of the shares on the exchange date are smaller than face value of the share, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries (according to fair value)
Dr 4112 – Capital surplus (negative difference between the fair value and the face value of the share).
Cr 4111 – Contributed capital (according to face value)
- Stock floatation cost actually induced will be recorded as follows:
Dr 4112 – Capital surplus
Cr 111, 112, etc.
c) If the trading in business combination is carried out by exchange of assets between the acquirer and the acquiree:
- When exchanging fixed assets, a decrease in fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 811 – Other expenses (residual value of the exchanged fixed assets)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211 – Tangible fixed asset (cost).
And, an increase in other income and investments in subsidiaries due to exchange of fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 221 – Investments in subsidiaries (total payment)
Cr 711 – Other income (residual value of the exchanged fixed assets)
Cr 3331 – VAT payables (account 33311) (if any).
- When dispatching goods for exchange, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155, 156, etc.
And, an increase in investments in subsidiaries and revenues shall be recorded as follows:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Cr 511 - Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (33311).
d) If the trading in business combination is carried out by the acquirer’s bond issuance:
- When paying by bonds at par value, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries (according to fair value)
Cr 34311 - Par value of bonds.
- When paying by discount bonds, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries (according to fair value)
Dr 34312 – Bond discounts (discount amount)
Cr 34311 - Par value of bonds
- When paying by premium bonds, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries (according to fair value)
Cr 34311 - Par value of bonds.
Cr 34313 – Bond premiums (premium amount).
dd) Directly-attributable expenses to business combination such as legal services, price appraisal, etc, the following accounts shall be recorded by the acquirer:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Cr 111, 112, 331, etc.
3.3. Accounting for dividends or profits which are divided in cash or non-monetary assets (excluding receipt of dividends in shares):
a) When receiving notification of dividends or profits divided issued by the subsidiary after investment date, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 515 – Financial income.
When receiving dividends or profits divided, the following accounts shall be recorded:
Dr, relevant accounts (according to fair value)
Cr 138 – Other receivables (1388)
b) When receiving notification of dividends or profits divided before the date on which investments in subsidiaries are made, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 221 – Investments in subsidiaries
c) When receiving the dividends or profits which are used for re-evaluation of cost of investments in subsidiaries in case of evaluation of the parent company for equitization, an increase in state capital shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 221 – Investments in subsidiaries
3.4. When providing additional investment in order to convert investments in joint-venture companies or financial instruments into investments in subsidiaries, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Cr 121, 128, 222, 228
Cr, relevant accounts (fair value of additional investment amounts)
3.5. When disposing a part or total investments in subsidiaries, the following accounts shall be recorded:
Dr, relevant accounts (fair value of collected amounts from disposal)
Dr 222 - Investments in joint ventures or associates (the subsidiary becomes a joint venture or an associate)
Dr 228 – Other investments (the subsidiary becomes ordinary investment)
Dr 635 – Financial expenses (for losses)
Cr 221 – Investments in subsidiaries (book value)
Cr 515 – Financial income (for gains).
3.6. When dissolving a subsidiary to merge all their assets and liabilities to their parent company, a decrease in investments in subsidiaries and assets or liabilities of the subsidiary according to the fair value on the merging date, the following accounts shall be recorded:
Dr, accounts recording assets (according to fair value on the merging date)
Dr 635 – Financial expenses (positive difference between book value of the investment and the fair value of merged assets or liabilities)
Cr, accounts recording liabilities (according to fair value on the merging date)
Cr 221 – Investments in subsidiaries (book value)
Cr 515 – Financial expenses (negative difference between book value of the investment and the fair value of merged assets or liabilities)
Article 42. Account 222 – Investments in joint ventures or associates
1. Rules for accounting
a) This account is used to record all equity contributed into a joint venture and an associate; recovery of invested equity in joint ventures or associates; gains or losses from investments in the joint venture or associate. This account shall not record transactions in the form of business cooperation contract (BCC) which does not require a legal entity.
- A joint venture is established by joint venturers who have joint control over financial and operating policies and it is an independent accounting unit having legal status. The joint venture must do accounting separately as prescribed in regulations of law on accounting in force, take responsibility for control of assets, liabilities, revenues, other income and expenses incurred. Each joint venturer shall receive a portion of operating outcome of the associate according to the joint venture agreement.
- An investment shall be classified as an investment in the associate when investors directly or indirectly hold from 20% to under 50% voting shares of the investee without any other agreement.
b) Accounting for investments in a joint venture must comply with rules prescribed in Article 40 of this Circular.
c) When the investor no longer has joint control, a decrease in investments in joint ventures shall be recorded; when the investor no longer has significant influence over associates, a decrease in investments in associates shall be recorded.
d) Directly-attributable expenses to investments in joint ventures or associates shall be recorded to financial expenses within a period.
dd) When disposing, selling or recovering contributed capital in joint ventures or associates, a decrease in contributed capital shall be recorded according to recovered asset value. The difference between the fair value of recovered amounts and the book value of investments shall be recorded to financial income (gains) or financial expenses (losses).
e) Every investment spread over each joint venture or associate shall be kept records in details in every investment, disposal or sale.
2. Structure and contents of account 222 – Investments in joint ventures or associates
Debit: Increases in investments in joint ventures or associates
Credit: Decreases in investments in joint ventures or associates due to disposal, sale or recovery.
Debit balance: Ending balance of investments in joint ventures or associates.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. When contributing joint venture capital in cash to joint ventures or associates, the following accounts shall be recorded:
Dr 222 - Investments in joint ventures or associates Cr 111, 112.
3.2. When incurring directly-attributable expenses to investments in joint ventures or associates (information, brokerage, transactions investment progress), the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Cr 111, 112.
3.3. In case the joint venturer contributes non-monetary assets to a joint venture or an associate:
When investing inventory or fixed assets in a joint venture or an associate, it is required to record the difference between book value (for materials or goods) or residual value (for fixed assets) and re-evaluated value of the contributed assets to other income or other expenses; when receiving the contributed assets, the joint venture or associate must record an increase in the owner's invested equity and received asset according to contractual price.
- In case the book value or the residual value of the contributed asset is smaller than re-evaluated value, an increase in asset shall be recorded to other income as follows:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Cr 211, 213, 217 (contributing fixed assets or investment properties)
Cr 152, 153, 155, 156 (contributing inventories)
Cr 711 – Other income (increase in difference of evaluation).
- In case the book value or the residual value of the contributed asset is greater than re-evaluated value, a decrease in asset shall be recorded to other expenses as follows:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Dr 214 – Depreciation of fixed assets
Dr 811 – Other expenses (decrease in difference of evaluation).
Cr 211, 213, 217 (contributing fixed assets or investment properties)
Cr 152, 153, 155, 156 (contributing inventories)
3.4. Purchase of capital contribution in joint ventures or associates:
On acquisition date, the acquirer shall measure the cost of investments in the joint venture or associate as the aggregate of the fair values, on the exchange date, of assets given, liabilities incurred or assumed, and equity instruments issued by the acquirer, in exchange for control rights of the acquiree plus (+) any costs directly attributable to the purchase of capital contribution in the joint venture or associate.
- If the investments in the joint venture or associate are paid in cash or cash equivalent by the acquirer, the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Cr 111, 112, 121, etc.
- If the investments in the joint venture or associate are carried out by the acquirer ‘share issuance:
+ And issue price (according to fair value) of the share on the exchange date is greater than face value of the share; the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates (according to fair value)
Cr 4111 – Contributed capital (according to face value)
Cr 4112 – Capital surplus (positive difference between the fair value and the face value of the shares).
+ And issue price (according to fair value) of the share on the exchange date is smaller than face value of the share; the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates (according to fair value)
Dr 4112 – Capital surplus (negative difference between the fair value and the face value of the share).
Cr 4111 – Contributed capital (according to face value)
+ Stock floatation cost actually induced will be recorded as follows:
Dr 4112 – Capital surplus
Cr 111, 112, etc.
- If the investments in the joint venture or associate are paid by non-monetary assets:
+ When exchanging fixed assets, a decrease in fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 811 – Other expenses (residual value of the exchanged fixed assets)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211 – Tangible fixed asset (cost).
And, an increase in other income and investments in joint ventures or associates due to exchange of fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates (total payment)
Cr 711 – Other income (residual value of the exchanged fixed assets)
Cr 3331 – VAT payables (account 33311) (if any).
+ When dispatching goods for exchange, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155, 156, etc.
And, an increase in investments in joint ventures or associates and revenues shall be recorded as follows:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Cr 511 - Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (33311).
- If the investments in joint ventures or associates are carried out by the acquirer ‘share issuance:
+ When paying by bonds at face value, the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates (according to fair value)
Cr 34311 - Face value of bonds.
+ When paying by discount bonds, the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates (according to fair value)
Dr 34312 – Bond discounts (discount amount)
Cr 34311 - Face value of bonds.
+ When paying by premium bonds, the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates (according to fair value)
Cr 34311 - Par value of bonds.
Cr 34313 – Bond premiums (premium amount).
+ Directly-attributable expenses to investments in joint ventures or associates such as legal services, price appraisal, etc, the following accounts shall be recorded by the acquirer:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Cr 111, 112, 331, etc.
3.5. When incurring attributable expenses to joint ventures or associates within a period, such as loan interests for capital contribution or other expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Dr 133 – Deductible VAT (if any).
Cr 111, 112, 152, etc.
3.6. Accounting for dividends or profits:
- When receiving notification of dividends or profits divided in cash from the joint venture or associate after the investment date, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 515 – Financial income.
- When receiving dividends or profits before the investment date or the dividends or profits (divided in cash) are used for re-evaluation of value of investments in joint ventures or associates in case of evaluation of the enterprise for equitization, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 138.
Cr 222 – Investments in joint ventures or associates
3.7. Accounting for disposal or sale of investments in joint ventures or associates:
Dr 111, 112, 131, 152, 153, 156, 211, 213, etc.
Dr 228 – Other investment (significant influence no longer exists)
Dr 635 – Financial expenses (for losses)
Cr 222 – Investments in joint ventures or associates
Cr 515 – Financial income (for gains).
3.8. When incurring expenses incurred from disposal or sale of investments in joint ventures or associates, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 111, 112, 331, etc.
3.9. When providing additional investment in order to the joint venture or associate becoming a subsidiary and hold control rights, the following accounts shall be recorded:
Dr 221 – Investments in subsidiaries
Cr 111, 112, etc.
Cr 222 – Investments in joint ventures or associates
3.10. Accounting for joint venture capital in form of land use rights allocated by the State:
- When a Vietnamese enterprise is allocated land by the State to participate in joint venture with foreign enterprises in form of land use rights, water surface use rights, sea surface use rights, after receiving decision on allocation of land issued by the State and procedures for joint venture, the following accounts shall be recorded:
Dr 222 – Investments in joint ventures or associates
Cr 411 – Owner’s invested equity (state capital in details).
- In case the Vietnamese enterprise is allocated land by the State to participate in joint venture, when transferring contributed capital:
+ When transferring joint venture capital to foreign parties and returning land use rights to the State, the following accounts shall be recorded:
Dr 411 – Owner's invested equity
Cr 222 – Investments in joint ventures or associates.
+ If the party pays an asset other than land use rights to Vietnamese party (the joint venture changes to land lease), the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 515 – Financial income.
- If the Vietnamese party transfers joint venture capital to the foreign party and returns land use rights and changes to land lease. The joint venture must record a decrease in land use rights and decrease in operating capital equivalent to land use rights. The capital shall be preserved or recorded increases depending on the following investments of the owner. Land rents paid by that enterprise shall not include in the equity but they shall be recorded to operating costs in the equivalent periods.
3.11. Accounting for trading between joint venturers and joint venture: similarly to accounting for trading with ordinary customers (unless the equity method is applied).
Article 43. Account 228 – Other investments
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value and increases or decreases in other investments (other than investments in subsidiaries, investments in joint ventures or associates), such as:
- Investments in equity of other entities but not control or joint control, or significant influence on the investee;
- Precious metals or gemstones which are not used as raw materials for production or trading; value paintings, photographs or documents which are not put into normal operation.
- Other investments.
The investments or capital contribution related to BBC which does not require a legal entity shall not be recorded to this account.
b) Other investments shall be kept records in details according to invested quantity or entities.
b) Accounting for other investments shall comply with rules prescribed in Article 40 of this Circular.
2. Structure and contents of account 228 – Other investments
Debit: Increases in other investments.
Credit: Decreases in other investments.
Debit balance: Value of other existing investments at the reporting time.
Account 228 – “Other investments” comprises 2 sub-accounts:
- Account 2281 – Investments in equity of other entities: records investments in equity instruments which the enterprise has no right to hold control or joint control or significant influence on the investee.
- Account 2288 – Other investments: records investments in non-financial assets other than investment properties and others related to investment activities recorded in other accounts. Other investments may include precious metals or gemstones (not used as inventories), value paintings, photographs or documents (other than items classified as fixed assets), etc, which are not put into normal operation but they are purchased to held for capital appreciation.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. When the enterprise buys shares or contributes long-term capital but it has no right to hold control or joint control or significant influence on the investee:
a) In case of investment in cash
Dr 228 – Other investments (2281) (the original cost of investment + directly-attributable expenses incurred from investment activities, such as brokerage expenses, etc)
Cr 111, 112.
b) In case of investment by non-monetary assets:
- When contributing a non-monetary asset as capital, the following accounts shall be recorded according to re-evaluated value of materials, goods or fixed assets:
Dr 228 – Other investments (2281)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Dr 811 – Other expenses (negative difference between re-evaluated value and the book value of materials or goods or residual value of fixed assets)
Cr 152, 153, 156, 211, 213, etc.
Cr 711 – Other income (positive difference between re-evaluated value and the book value of materials or goods or residual value of fixed assets)
- In case of sale of capital contribution by non-monetary assets:
+ When exchanging fixed assets:
Dr 811 – Other expenses (residual value of the exchanged fixed assets)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211, 213 (cost).
And, an increase in other income and long-term investments due to exchange of fixed assets shall be recorded as follows:
Dr 22 – Other investments (2281) (total payment)
Cr 711 – Other income (residual value of received investment)
Cr 3331 – VAT payables (account 33311) (if any).
+ When dispatching goods for exchange, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 155, 156, etc.
And, an increase in other investments and revenues shall be recorded as follows:
Dr 22 – Other investments (2281) (total payment)
Cr 511 – Revenues (fair value of received investment)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (33311).
3.2. Accounting for dividends or profits which are divided in cash or non-monetary assets (excluding receipt of dividends in shares):
- When receiving notification of dividends or profits divided after the investment date, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 515 – Financial income.
- When receiving notification of dividends or profits divided before the investment date, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 228 – Other investments (2281)
- When receiving the dividends or profits which are used for re-evaluation of cost of investments in case of evaluation of the company for equitization, an increase in state capital shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 228 – Other investments (2281)
3.3. When the investor no longer has control or joint control and significant influence over associates because it sells a part of investment to subsidiary, joint venture or associate, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131, etc.
Dr 228 – Other investments (2281)
Dr 635 – Financial expenses (for losses)
Cr 221, 222
Cr 515 – Financial income (for gains).
3.4. Disposal or sale of other investments:
- When earning profits from sale or disposal, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112,131, etc.
Cr 228 – Other investments (book value)
Cr 515 – Financial income (sale price is greater than book value).
- When incurring losses from sale or disposal, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112,131, etc.
Dr 635 – Financial expenses (sale price is smaller than book value)
Cr 228 – Other investments (book value).
3.5. When the investor contributes additional capital and becomes parent company which has joint control or significant influence, the following accounts shall be recorded:
Dr 221, 222.
Cr 111, 112 (additional investment)
Cr 228 – Other investments
Article 44. Accounting for BCC
1. Rules for accounting
A BCC means a cooperation contract between two or more venturers in order to carry out specific business activities, but it does not require establishment of a new legal entity. Those activities may be jointly controlled by venturers under BCC (hereinafter referred to as venturers) or controlled by one of them.
1.2. BCC may be conducted under form of jointly controlled assets or jointly controlled operations. Contracting parties of BCC may agree to divide revenues, products or post-tax profits.
1.3. In any cases, when receiving money or assets from other entities in the BCC, they should be recorded to liabilities, not be recorded to equity.
1.4. BCC in the form of jointly controlled assets
a) Jointly controlled asset under BCC mean any asset which is purchased or constructed by BCC venturers the purposes of the joint ventures. Venturers shall record their portions in the jointly controlled assets to their assets account on their financial statements.
b) Each venturer may take a share of the output from the jointly controlled assets and each bears an agreed share of the expenses incurred.
c) A venturer must keep records in the same system of accounting records and record in its financial statements:
- Its share of the jointly controlled assets, classified according to the nature of the assets;
- Any liabilities that it has incurred;
- Its share of any liabilities incurred jointly with the other venturers in the relation to the joint venture;
- Any income from the sale or use of its share of the output of the venture, together with its share of any expenses incurred by the joint venture;
- Any expenses that is has incurred in respect of its interest in the joint venture.
With regard to fixed asset or investment property which is contributed to BCC and the ownership of the contributor is not transferred to the joint ownership of BCC venturers, the receiver shall keep records of assets without recording any increase in assets or business funds; the contributor shall not include a decrease in assets in the accounting records but keep records of the places of assets.
With regard to fixed asset or investment property which is contributed to BCC and the ownership of the contributor is transferred to the joint ownership; during construction of jointly controlled assets, the contributor shall include a decrease in assets in the accounting records and the value of assets shall be recorded to construction in progress. After putting jointly controlled assets into operation, the venturers shall record their increases in assets in conformity with their use purposes according to value of their assets' shares.
1.5. BCC in the form of jointly controlled operations
a) BCC in the form of jointly controlled operations is a joint venture which does not require establishment of a new business entity. Venturers shall fulfill obligations and exercise rights according to the BCC. The joint venture activities may be carried out alongside other ordinary activities of each venture.
b) Each venture shall bear its own expenses incurred from its share in jointly controlled operations. The joint expenses (if any) shall be divided to venturers according to the BCC
c) A BCC venturer must include in accounting records and record in its financial statements:
- The assets of joint venture that it controls;
- The liabilities that it incurs;
- Its share of the income that it earns from the sale of goods or services by the joint venture;
- The expenses that it incurs.
d) When any joint expenses incur, they shall be kept records. If the BCC regulates joint expense allocation, a Table of joint expense allocation shall be made, certified and held by every venturer (original copy). Each venture shall account for joint expenses allocated from BCC according to the table of joint expense allocation together with lawful original documents.
e) In the BCC regulates shares of products, a Table of shares of products shall be made, certified quantity or specifications of shares of products from BCC and held by every venturer (original copy). When receiving products, the venturer must make two copies of receipt slips of products (or delivery order); one venturer shall hold one copy. The receipt slip of product shall be the basis for accounting records and disposal of contracts.
d) In case any joint expenses or income borne or earned by venturers under BCC, the venturers must comply with regulations on accounting similarly to jointly controlled operations.
1.6. BCC in the form of shares of post-tax profits
a) BCC in the form of shares of post-tax profits is usually in the form of jointly controlled operations or individually controlled operations. When giving shares of post-tax profits under BCC, all venturers shall appoint a venture to account for all transactions in BCC, record revenues, expenses, separately keep records of income statement of BCC and make tax declaration. When the venturers decide to enter into BCC in above form, they must consider the risks possibly take due to:
- Any expenses which is not included in the taxable expense due to failure in transfer of assets among venturers, for example:
+ Depreciation expenses incurred from several fixed assets are not accepted by the tax authority because the venturer fails to transfer ownership of the fixed assets to the venture in charge of accounting and tax declaration for BCC;
+ Several expenses of the venturers shall not be accepted by the tax authority because the input invoices do not state the name of the venture in charge of accounting and tax declaration for BCC;
+ Several expenses of the venturers which are unable to transfer to the venture in charge of accounting and tax declaration due barrier of law, for example, the venturer has an invoice of payment of land levies, but the law does not allow that venturer re-lease their land to the venture in charge of accounting and tax declaration, so that the land lease expense shall not be included in the expenses of BCC.
- Risks of policies:
+ The venturer in charge of accounting and tax declaration for BCC may incur accumulated losses, but the output of BCC activities must generate profits. In this case, the enterprise still be required to pay corporate income tax on BCC instead of offsetting BCC profits against other activities’ losses; if the BCC incurs losses but other activities generate profits, the enterprise may only offset a portion of the loss in proportion to its share of the BCC;
+ If other venturers put their fixed assets into operation of BCC, their depreciation expenses incurred from the fixed assets shall not be considered deductible expenses in the enterprise because they are not used in the enterprise’s operation (not conformity with revenues from other operations).
b) If the BCC regulates shares of post-tax profits, the venture in charge of accounting and tax declaration must do accounting following the rules below:
- If the BCC regulates that other venturers shall earn an amount of fixed profit regardless of output of BCC activities, in this case, the legal form of the contract is BCC, but it is a lease in the nature. In this case, the venturer in charge of accounting and tax declaration shall has right to administrate and govern the BCC activities, apply accounting method for lease to the contract, and include payables to other venturers in expenses incurred from determination of output of business within a period, in particular:
+ All revenues, expenses and post-tax profits of BCC shall be included in their income statements; earnings per share and financial standards shall be calculated according to total income, expenses and post-tax profits of BCC;
+ Total post-tax profits of BCC shall be included in the item “Undistributed post-tax profits” of the balance sheet, financial standards related to post-tax profit ratio which is calculated including total output of BCC.
+ Other venturers shall record their shares of BCC to revenues from lease.
- If the BCC regulates that other venturers of BCC may only be divided profits if the BCC activities generate profits and they must suffer losses, in this case, even though the legal form of BCC is post-tax profit division but the nature of BCC is division of revenues and expenses, they usually have rights, condition and ability to jointly control operation and cash flow of BCC. The venturer in charge of accounting and tax declaration must apply accounting method for shares of income under BCC to record revenues, expenses and business output within a period, and provide evidence for tax declaration to other venturers, in particular:
+ All revenues, expenses and shares of profits under BCC shall be included in their income statements; earnings per share and financial indicator shall only be calculated according to the revenues, expenses and profits stated in the income statements; the venturer in charge of tax declaration shall provide copies of documents on fulfillment in obligations of BCC to government budget in order to serve the tax declaration of other venturers of BCC;
+ Undistributed post-tax profits of the balance sheet only include shares of post-tax profit of each venturer.
+ Other venturers shall send reports on their shares of revenues and expenses whose tax liabilities are covered stated in the income statements to the tax authority in order to adjust their corporate income tax payables.
2. Method of accounting for BCC in the form of jointly controlled assets
2.1. In case venturers jointly buy jointly controlled assets, the following accounts shall be recorded according to actual amounts of money of each venturer:
Dr 211, 213, 217
Dr 133 – VAT payables (if any).
Cr 111, 112, 331, 341.
2.2. In case venturers construct jointly controlled assets themselves or cooperate with other entities to construct the jointly controlled assets, the following accounts shall be recorded according to actual expenses paid by each venturer:
Dr 241 – Construction in progress (jointly controlled assets in details)
Dr 133 – VAT payables (if any).
Cr 111, 112, 152, 153, 155, 156, 211, 213, etc.
Cr 331, 3411, etc.
2.3. When the construction works are completed and put into operation, the venturers must make declaration and divide the value of the jointly controlled assets. According to the report on shares of jointly controlled asset, venturers shall determine the fair value of each asset to keep records in accordance with regulations of law as follows:
Dr 211, 213, 217 (fair value of shares of jointly controlled assets in details)
Dr 138 – Other receivables (un-approved and recoverable expenses)
Dr 811 – Other expenses (if the fair value of the share of asset is smaller than the construction expense)
Cr 241 – Construction in progress
Cr 711 – Other expenses (if the fair value of the share of asset is greater than the construction expense)
2.4. The method of accounting for expenses or incomes borne or earned by the venturers under BCC in the form of jointly controlled assets and BCC which is converted into the form of jointly controlled operations shall be applied similarly to BCC in the form of jointly controlled operations.
3. Method of accounting for BCC in the form of jointly controlled operations.
3.1. Accounting for contributed capital of jointly controlled operations
a) For the capital contributee
- According to the report on capital contribution of the venturer of jointly controlled BCC, the contributee shall record as follows:
Dr 111, 112, 152, 155, 156, etc.
Cr 138 – Other payables, receivables.
When returning contributed capital to venturers, reverse the above entry. If there is any difference between the fair value of returned asset and the value of contributed capital of venturers, such difference shall be recorded to other income or other expenses.
- If a fixed asset is received without any transfer of ownership, the contributee shall keep records of that asset in their administration system and record to asset held under a trust.
b) For the capital contributor
- According to the report on capital contribution of the venturer of jointly controlled BCC, the contributor shall record as follows:
Dr 138 – Other receivables
Cr 111, 112, 152, 155, 156, etc.
When receiving contributed capital by the contributee, reverse the above entry. If there is any difference between the fair value of received asset and the value of contributed capital of venturers, such difference shall be recorded to other income or other expenses.
- If a fixed asset is received without any transfer of ownership, the contributor shall not record a decrease in fixed assets but keep records of that asset in their administration system and present the place where the asset is located.
3.2. Accounting for own expenses of each venturer
- According to relevant invoices or documents on own expenses borne by each venture in the jointly controlled operations, the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 622, 627, 641, 642 (BCC in details)
Dr 133 – VAT payables (if any).
Cr 111, 112, 331, etc.
- When transferring separate expenses to add to operating expense of BCC at the end of the accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress (BCC in details)
Cr 621, 622, 627, (BCC in details)
3.3. Accounting for joint expenses borne by every venture:
a) In the venturer bearing joint expenses:
- When incurring joint expenses borne by every venture, the following accounts shall be recorded according to relevant invoices or documents:
Dr 621, 622, 627, 641, 642 (BCC in details)
Dr 133 – VAT payables (if any).
Cr 111, 112, 331, etc.
- If the BCC regulates shares of joint expenses, a Table of shares of joint expenses shall be made and certified by all venturers, then the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (in details for every venturer)
Cr 133 – Deductible VAT (for input VAT).
Cr 3331 – VAT payables (if all amounts of input VAT on joint expenses are deductible, an increase in output VAT payable shall be recorded).
Cr 621, 622, 627, 641, 642.
b) In the venturer whose joint expenses incurred from BCC are not accounted:
According to the Table of shares of joint expenses approved by the venturers (notified by a venturer bearing joint expenses), the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 622, 623, 641, 642 (BCC in details)
Dr 133 – VAT payables (if any).
Cr 338 – Other payables (in details for the venturer bearing joint expenses).
3.4. Accounting for products sharing agreement:
- When receiving shares of products from BCC and delivering them to inventory, the following accounts shall be recorded according to receipt slip, delivery order and relevant documents:
Dr 152 – Raw materials (if the shares of products are not finished goods)
Dr 155 – Finished goods (if the shares of products are finished goods)
Dr 157 – Goods on consignment (if the shares of products are sold without delivering to inventories)
Cr 154 – Work in progress (including separate expenses and joint expenses borne by every venturers) (BCC in details)
- When receiving shares of products from BCC and putting them into production of other products, the following accounts shall be recorded according to receipt slip and relevant documents:
Dr 621 – Direct raw materials costs
Cr 154 – Work in progress (including separate expenses and joint expenses borne by every venturers) (BCC in details)
- If the BCC regulates assigning a venturer to sell products instead of sharing products, after issuing invoices to the seller, transferring separate expenses and joint expenses borne by every venturers to costs of goods sold, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 154 – Work in progress (including separate expenses and joint expenses borne by every venturers) (BCC in details)
3.5. Accounting for revenues from sale of products in case a venturer sells products under a trust and share revenues to other venturers:
a) For the seller:
- When selling products under the BCC, the sell must issue invoices for all sold products and total amounts of sale of products shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 338 – Other payables or receivables (BCC in details)
Cr 3331 – VAT payables (if any).
- According to provisions of the BCC and the table of revenue allocation, the shares of revenues received by each venture shall be recorded as follows:
Dr 338 – Other payables or receivables (BCC in details)
Cr 511 – Revenues (interests earned by the seller under BCC).
- After comparing joint expenses borne by each venture and shares of revenues earned by each venture, the other receivables and the other payables shall be offset (in details for each venturer), then the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other payables, receivables.
Cr 138 – Other receivables
- When giving shares of products sold to other venturers (other than the seller), the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables or receivables (every venturers)
Cr 111, 112, etc.
b) For other venturers (other than the seller):
- According to the table of revenue allocation certified by all venturers and documents provided by the seller, other venturers shall issue invoices of their shares of revenues and give them to the seller and the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (including VAT if output VAT is shared, in details for the sellers)
Cr 511 – Revenues (BCC in details and amounts of shares).
Cr 3331 – VAT payables (in case of sharing output VAT).
- When the venturers repay for sale of products, the following accounts shall be recorded according to the actual received amounts:
Dr 111, 112, etc. (amounts repaid by venturers)
Cr 138 – Other receivables (in details for every seller).
4. Method of accounting for BCC in the form of post-tax profits
4.1. In case venturers receive fixed shares regardless of business output of BCC (the venturer in charge of accounting and tax declaration shall control the BCC):
a) For the venturer in charge of accounting and tax declaration for BCC
- When receiving money, materials or goods from capital contributors, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 152, 156, etc.
Cr 138 – Other payables, receivables.
- When incurring revenues or expenses incurred from BCC, the venturer in charge shall record total income or expenses similarly to their transactions as prescribed.
- When determining amounts payable to other venturers periodically under BCC, the following accounts shall be recorded:
Dr 627, 641, 642
Cr 138 – Other payables, receivables.
- When returning amounts of money or materials contributed as capital, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other payables, receivables.
Cr 112, 152, 156, etc.
If there is any difference between the fair value of returned asset and the value of contributed capital of venturers, such difference shall be recorded to other income or other expenses.
b) For the venturer not in charge of accounting and tax declaration for BCC
- When contributing capital to BCC, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables
Cr 112, 152, 156, etc.
- When receiving notification of shares of profits earned from BCC, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables
Cr 511 – Revenues (5113)
- When receiving contributed capital, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 152, 156, etc.
Cr 138 – Other receivables
If there is any difference between the fair value of received asset and the value of contributed capital of venturers, such difference shall be recorded to other income or other expenses.
4.2. In case the venturers receive shares of profits depending on the business output of BCC (they have rights to jointly control BCC):
a) For the venturer in charge of accounting and tax declaration
a1) The recording of contributed capital and returning of contributed capital to venturers shall comply with Point 4.1.
a2) When recording revenues of BCC, total revenues included in accounting records in account 511 shall be the basis for comparison, explanation and determination of taxable revenues for BCC:
- Revenues for BCC shall be recorded as follows:
Dr 112, 131.
Cr 511 - Revenues
Cr 3331 – VAT payables.
On the income statement, only shares of revenues are included in the item “Revenues”
- Periodically, a decrease in shares of revenues for BCC, the following accounts shall be recorded:
Dr 511 - Revenues
Dr 3331 – VAT payables (if VAT is shared).
Cr 138 – Other payables, receivables.
a3) Total expenses incurred from accounting records shall be the basis for comparison and determination of taxable expenses of BCC:
- When incurring expenses of BCC, the following accounts shall be recorded:
Dr 632, 641, 642, etc.
Cr 112, 331, 154, 155, etc.
On the income statement, only shares of revenues are included in the item “Expenses”
- Periodically, a decrease in expenses incurred from BCC borne by venturers, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables
Cr 632, 641, 642.
- After determining the corporate income tax payables for BCC, the venturer in charge shall notify other venturers of amounts payable and the following accounts shall be recorded:
Dr 8211 – Expenses incurred from corporate income tax (tax payables of the venturer in charge)
Dr 138 – Other receivables (tax payables of other venturers in the BCC)
Cr 3334 – Corporate income tax (total corporate income taxes payable)
- After comparing joint expenses borne by each venture and shares of revenues earned by each venture, the other receivables and the other payables shall be offset (in details for each venturer), then the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other payables, receivables.
Cr 138 – Other receivables
b) For the venturer not in charge of accounting and tax declaration
- When contributing capital to BCC, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables
Cr 112, 152, 156, etc.
- According to the Table of shares of joint expenses approved by the venturers (notified by a venturer bearing joint expenses), the following accounts shall be recorded:
Dr 621, 622, 623, 641, 642 (BCC in details)
Dr 133 – VAT payables (if any).
Cr 138 – Other payables, receivables.
- According to the amounts of corporate income tax payable notified by the venturer in charge, the following accounts shall be recorded:
Dr 821 – Expenses incurred from corporate income tax in force
Cr 138 – Other payables, receivables.
- According to the table of shares of revenues certified by all venturers and documents provided by the seller, other venturers shall issue invoices of their shares of revenues and give them to the seller and the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (including VAT if output VAT is shared, in details for the seller)
Cr 511 – Revenues (BCC in details and amounts of shares).
Cr 3331 – VAT payables (if sharing output VAT).
- After comparing joint expenses borne by each venture and shares of revenues earned by each venture, the other receivables and the other payables shall be offset (in details for each venturer), then the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other payables, receivables.
Cr 138 – Other receivables
- When the venturers repay for sale of products, the following accounts shall be recorded according to the actual received amounts:
Dr 111, 112, etc. (amounts repaid by venturers)
Cr 138 – Other receivables (in details for every seller).
- When receiving contributed capital, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 152, 156, etc.
Cr 138 – Other receivables
If there is any difference between the fair value of received asset and the value of contributed capital of venturers, such difference shall be recorded to other income or other expenses.
Article 45. Account 229 – Allowances for impairment of assets
1. Rules for accounting
This account is used to record current value and increases or decreases in allowance for impairment of assets, including:
a) Allowance for decline in value of trading securities: means an allowance for impairment caused by decline in value of trading securities of an enterprise;
b) Allowance for impairment of investments in other entities: means an allowance for impairment because the contributee (subsidiaries, joint ventures or associates) suffers losses leading the irrecoverability of the investor or allowance due to decline in investments in subsidiaries, joint ventures or associates.
- With regard to investments in a joint venture or an associate, the investor only create allowance due to the losses of the joint venture or the associate if the financial statement is not applied the equity method for investments in joint ventures or associates.
- With regard to long-term investments (other than trade securities) not influencing significantly on the investee, the allowances shall be carried out as follows:
+ If an investment in listed shares or the fair value of the investment is determined reliably, the allowance shall be made according to the market value of the shares (similarly to allowance for decline in value of trading securities);
+ With regard to an investment whose fair value is not identifiable at the reporting time, the allowance shall be made according to the loss of the investee (allowance for impairment of investments in other entities)
c) Allowance for doubtful debts: means an allowance for receivables and other held for maturity investments which are similar to doubtful debts.
d) Allowance for decline in inventories: means an allowance for decline in inventories due to increases in net realizable value against original value of inventories.
1.2. Method of accounting for allowance for decline in value of trading securities
a) The enterprise may create allowance for the probable impairment loss if it is evident that the market value of held for sale securities of the enterprise decline against the book value.
b) Requirements bases and allowance which is created or reverted shall comply with regulations of law.
c) The creating or reverting of allowance for decline in value of trading securities shall be carried out at the time in which the financial statement is prepared:
- If the allowance for current year is higher than the allowance in the accounting records, the enterprise shall create the additional difference of allowance and record it to financial expenses within a period.
- If the allowance for current year is lower than the unused allowance for previous year, the enterprise shall revert such difference and record a decrease in financial expenses.
1.3. Method of accounting for allowance for impairments in other entities
a) If the investee is a parent company, the investor shall create an allowance for impairments in other entities according to the consolidated financial statement of such parent company. If the investee is an independent company having no subsidiary, the investor shall create an allowance for impairments in other entities according to the consolidated financial statement of such investee.
b) The creating or reverting of allowance for impairments in other entities shall be carried out at the time in which the financial statement for every investment is prepared:
- If the allowance for current year is higher than the allowance in the accounting records, the enterprise shall create the additional difference of allowance and record it to financial expenses within a period.
- If the allowance for current year is lower than the unused allowance for previous year, the enterprise shall revert such difference and record a decrease in financial expenses.
1.4. Method of accounting for allowance for doubtful debts
a) When preparing financial statement, the enterprise shall determine doubtful debts and held to maturity investments whose nature is similar to doubtful debts to create or revert the allowance for doubtful debts.
b) The enterprise shall make an allowance for doubtful debts when:
- An overdue debt under an economic contract, a loan agreement, a contractual commitment or a promissory note has been demanded for several times, but it is unrecoverable. The time overdue of the doubtful debt requiring creation of the allowance shall be determined according to time in which the principal is repaid according to the sale contract, exclusive of the debt rescheduling between contracting parties;
- The debts are not due but the debtor is close to bankruptcy or undergone procedures for dissolution, or the debtor is missing or makes a getaway;
c) Requirements or bases for allowance for doubtful debts
- Original documents or promissory note of the debtor about the outstanding debts, including: economic contracts, loan agreements, liquidation of contract, promissory note, etc.
- The amounts of allowance for doubtful debts shall be created as prescribed in regulations in force.
- Other requirements as prescribed in regulations of law.
d) The establishing or reverting of allowance for doubtful debts shall be carried out at the time in which the financial statement is prepared:
- If the amount of allowance for doubtful debts at the end of current accounting period is greater than the allowance recorded in the accounting records, the positive difference shall be recorded to an increase in allowance and an increase in administrative expenses of the enterprise.
- If the amount of allowance for doubtful debts at the end of current accounting period is greater than the allowance recorded in the accounting records, the positive difference shall be recorded to an increase in allowance and an increase in administrative expenses of the enterprise.
e) With regard to doubtful debts for several years, if the enterprise fails to collect payment of debts regardless of all measures taken and they are bad debts, the enterprise shall sell that debts to Vietnam Asset Management Company (VAMC) or eliminate doubtful debts account on the accounting records. The elimination of doubtful debts account must be complied with regulations of law and the charter of the enterprise. These doubtful debts shall be monitored in the administration system of the enterprise and presented in the financial statement. After elimination, if the enterprise may collect payment of these doubtful debts, they shall be recorded to the account 711 "Other income".
1.5. Method of accounting for allowance for decline in inventories
a) The enterprise shall create an allowance for decline in inventories if it is evident that there is a decrease in net realizable value against the original cost of inventories. Allowance for decline in inventories means an estimated amount of decline in value of inventories against book value of inventories which is included in the operating cost in order to compensating actual damage caused by the decline.
b) The allowance for decline in inventories shall be created at the time in which the financial statement is prepared. The creation of allowance for decline in inventories must be complied in accordance with VAS “Inventories” and financial regime in force.
c) The allowance for decline in inventories shall be created according to every inventoried material or good. With regard to services in progress, the allowance for decline in inventories shall be created according to every service having their own prices.
d) Net realizable value (NRV) means the estimated selling price in the ordinary course of business minus (-) any cost to complete and to sell the goods.
dd) When preparing financial statement, the creation of allowance for decline in inventories shall be determined according to quantity, original cost and NRV of every material, good or service in progress:
- If the amount of allowance for decline in inventories at the end of current accounting period is greater than the allowance for decline in inventories recorded in the accounting records, the positive difference shall be recorded to an increase in allowance and an increase in costs of goods sold.
- If the amount of allowance for decline in inventories at the end of current accounting period is smaller than the allowance for decline in inventories recorded in the accounting records, the negative difference shall be recorded to a decrease in allowance and a decrease in costs of goods sold.
2. Structure and contents of account 229 – Allowance for impairment of assets
Debit:
- Reverting negative difference between the allowance of this period and the unused allowance of previous period;
- Compensating for investments in other entities when the created allowance is compensated for the impairment loss.
- Compensating for the value of allowance for doubtful debts which is eliminated due to unrecoverability.
Credit:
Creating allowances for impairment of assets at the time in which the financial statement is prepared.
Credit balance: Ending allowance for impairment of assets.
Account 229 – Allowance for impairment of assets comprises 4 sub-accounts
Account 2291 – Allowance for decline in value of trading securities: this account is used to record creating or reverting of allowance for decline in value of trading securities.
Account 2292 – Allowance for impairments in other entities: this account is used to record creating or reverting of allowance for impairments suffered by an investor due the loss of the investee.
Account 2293 – Allowance for doubtful debts: This account is used to record creating or reverting of allowance for doubtful receivables and held to maturity investments.
Account 2294 – Allowance for decline in inventories: this account is used to record creating or reverting of allowance for decline in inventories.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Method of accounting for allowance for decline in value of trading securities
a) When preparing a financial statement, if the allowance created in this period is greater than the allowance created in the previous period, the difference between them shall be additionally created according to the variation in market value of trading securities and the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Cr 229 – Allowance for impairment of assets (2291).
a) When preparing a financial statement, if the allowance created in this period is smaller than the allowance created in the previous period, the difference between them shall be reverted according to the variation in market value of trading securities and the following accounts shall be recorded:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2291).
Cr 635 – Financial expenses
c) Accounting for allowance for decline in value of trading securities of an wholly-state-owned enterprise before it is converted into a joint-stock company: The remaining allowance for decline in value of trading securities after compensating for the impairment loss shall be recorded to an increase in state capital as follows:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2291).
Dr 635 – Financial expenses (amounts not covered by the allowance)
Cr 121 – Trading securities (amounts recorded to the decrease in the enterprise’s value)
Cr 411 – Owner's invested equity (created allowance is greater than the impairment loss).
3.2. Method of accounting for allowance for impairments in other entities
a) When preparing a financial statement, if the allowance created in this period is smaller than the allowance created in the previous period, the difference between them shall be created and the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Cr 229 – Allowance for impairment of assets (2292).
b) When preparing a financial statement, if the allowance created in this period is smaller than the allowance created in the previous period, the difference between them shall be reverted and the following accounts shall be recorded:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2292).
Cr 635 – Financial expenses
c) When the impairment loss incurs, the investments are unrecoverable or recoverable with the cost which are lower than the original cost, if the enterprise use the allowance for decline in value of long-term investments to compensate for impairment losses of the long-term investment, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc. (if any)
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2292) (created allowance)
Dr 635 – Financial expenses (amount not covered by the allowance)
Cr 221, 222, 228 (the original cost of investments suffering losses)
d) The remaining allowance for decline in value of long-term investments after compensating for the impairment loss shall be recorded to an increase in state capital as follows when a wholly-state-owned enterprise is converted into a joint-stock company:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2292).
Cr 411 – Owner's invested equity.
3.3. Method of accounting for allowance for doubtful debts
a) When preparing a financial statement, if the allowance for doubtful debts created in this period is greater than the unused allowance for doubtful debts created in the previous period, the difference between them shall be additionally created and the following accounts shall be recorded:
Dr 642 – General administration expenses
Cr 229 – Allowance for impairment of assets (2293).
b) When preparing a financial statement, if the allowance for doubtful debts created in this period is smaller than the unused allowance for doubtful debts created in the previous period, the difference between them shall be reverted and the following accounts shall be recorded:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2293).
Cr 642 – General administration expenses.
c) With regard to doubtful debts which are considered bad debts, the elimination of debts shall be carried out in accordance with regulations of law in force According to the decision on elimination of debts; the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 331, 334, etc (organization or individual subject to compensation)
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2293) (created allowance)
Dr 642 – General administration expenses (amounts recorded to expenses)
Cr 131, 138, 128, 244, etc.
d) With regard to doubtful debts which are eliminated, if they are recovered, the following accounts shall be recorded according to the actual value of the recovered debts:
Dr 111, 112, etc.
Cr 711 – Other income.
dd) With regard to overdue debts sold at contractual prices, the following accounts shall be recorded:
- If there is not any allowance for overdue debts, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112 (according to contractual prices)
Dr 642 – General administration expenses (impairment loss from sale of debts)
Cr 131, 138,128, 244, etc.
- If there is an allowance for overdue debts, but such allowance is not enough for compensating for impairment loss from sale of debts, the remaining loss shall be recorded to the general administration expenses as follows:
Dr 111, 112 (according to contractual prices)
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2293) (created allowance)
Dr 642 – General administration expenses (impairment loss from sale of debts)
Cr 131, 138,128, 244, etc.
e) Accounting for allowance for doubtful debts of a wholly-state-owned enterprise before it is converted into a joint-stock company: The remaining allowance for doubtful debts after compensating for the impairment loss shall be recorded to an increase in state capital as follows:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2293).
Cr 411 – Owner's invested equity.
3.4. Method of accounting for allowance for decline in inventories
a) When preparing a financial statement, if the allowance for decline in inventories created in this period is greater than the allowance created in the previous period, the difference between them shall be additionally created and the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 229 – Allowance for impairment of assets (2294).
b) When preparing a financial statement, if the allowance for decline in inventories created in this period is smaller than the allowance created in the previous period, the difference between them shall be converted and the following accounts shall be recorded:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2294).
Cr 632 – Costs of goods sold.
c) Accounting for allowance for decline in inventories regarding materials or goods which are destroyed after expiry date, degraded, deteriorates, or useless, the following accounts shall be recorded:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2292) (compensation covered by the allowance)
Dr 229 – Costs of goods sold (if the impairment loss is greater than the allowance)
Cr 152, 153, 155, 156.
d) Accounting for allowance for decline in inventories before the wholly-state-owned enterprise is converted into a joint-stock company: The remaining allowance for decline in inventories after compensating for the impairment loss shall be recorded to an increase in state capital as follows:
Dr 229 – Allowance for impairment of assets (2294).
Cr 411 – Owner's invested equity.
Article 46. Account 241 – Construction in progress
1. Rules for accounting
a) This account is only used in a non-project management board unit to record expenses of capital investment projects (including new acquisition of fixed assets, new construction, repairs, improvement, extension or refurbishment of construction), and settlement condition of capital investment projects in those enterprises having fixed assets acquisitions, capital investment, or major repairs of fixed assets.
Capital investment and major repairs of fixed assets of the enterprise may be carried out under contract awarding method and or self-constructed method. If the enterprise carries out capital investment under self-constructed method, this account must also record expenses incurred during construction or repair process.
Those units establishing project management board and accounting structure shall comply with regulations in the Circular No. 195/2012/TT-BTC on guidelines for Accounting standards for investors.
b) Expenses of capital investment projects are total necessary expenses of new construction, repairs, improvement, extension or technical refurbishment of construction. Expenses of capital investment are determined according to work volume, economic and technical indicators or quotas and state policies, and in conformity with objective factors of the market in every period and carried out with regulations in capital investment management. Capital investment expenses include:
- Construction expenses;
- Equipment expenses.
- Compensation, support and resettlement expenses;
- General administration expenses;
- Construction consultancy expenses;
- Other expenses.
The account 241 is kept recorded in details for each building work, work item. Each work item must be specifically recorded every capital investment expenses and is observed on accrual basis from the commencement date until the date on which the building works or work items are finished and put into operation.
c) In capital investment, construction and equipment expenses are usually charged directly to every building work, general administration expenses and other expenses are usually common expenses. Investors must calculate and allocate general administration expenses and other expenses incurred from every building work according to following rules:
- General administration expenses and other expenses related directly to each building work shall be charged directly to that building work.
- General administration expenses and other common expenses generally related to many building works but not charged directly to every building work shall be allocated to every building work which is most appropriate.
d) In case the project is finished and put into operation, but project settlement report is not approved, the enterprise shall record an increase in fixed assets historical cost at provisional price (provisional price will be based on actual expenses disbursed to acquire the fixed assets) for depreciation, but then the provisional price shall be adjusted by the approved settlement price.
dd) Repair or maintenance expenses incurred from the fixed assets shall be directly recorded to operating costs within a period. If the repair or maintenance expenses incur periodically, an allowance payable may be created then the allowance shall be included in operating costs.
e) The investor of property construction shall use this account to record fixed asset construction expenses and investment property construction expenses. In case the property is used for multiple purposes (office, lease or sale, i.e. mixed-used building), the construction-directly attributable expenses still be recorded to the account 241. When the building work is completed and put into operation, the construction expenses shall be transferred in conformity with the nature of every asset according to method of use of asset.
g) Exchange rate differences arising from capital investment progress shall following rules below:
Exchange rate differences before operation:
+ Regarding wholly-state-owned enterprises performing tasks of security, national defense or macroeconomic stability, exchange rate differences arising before the operation shall be accumulatively recorded to the account 413 – Exchange rate differences. When the building work is put into operation, the exchange rate differences shall be gradually allocated from account 413 to account 515 – Financial income (in case of profits) or account 635 – Financial expenses (in case of losses). If the allocation may not expire the regulated duration, if the exchange rate loss is recorded to Dr 413, the income statement shall state zero profit (the enterprise may not both record exchange rate loss to the item – Exchange differences in the balance sheet and record post-tax profit in the income statement).
+ Regarding other enterprises, the exchange rate differences before the operation shall be recorded to financial income (in case of profits) or financial expenses (in case of losses), but not stated in the exchange rate difference on the account 413.
- Regarding exchange rate differences relating to capital investment when the enterprise put into operation (including new investment and extension investment):
All types of enterprises, including wholly-state-owned enterprises performing tasks of security, national defense or macroeconomic stability, exchange rate differences arising from capital investment (including new investment or extension investment) shall be recorded to financial income (in case of profits) or financial expenses (in case of losses), not recorded to exchange rate differences on the account 413.
h) If the project of investment is cancelled, the enterprise must dispose and recover the expenses incurred from the project. The difference between actual investment expenses and amounts collected from disposal shall be recorded to other expenses or the compensation of the organization or individual.
Account 241 – Construction in progress, comprise 3 sub-accounts:
- Account 2411: Fixed assets acquisition: records expenses of fixed assets acquisition and settlement of fixed assets expenses in case fixed assets must be assembled and operated for testing before put into use (including both new fixed assets acquisition or used fixed assets). If acquired fixed assets need additional investment or furnishment before being use, then total expenses of additional investment or furnishment must be recorded to this account.
- Account 2412: Capital construction: records capital investment expenses and settlement of capital expenditure. This account is kept records in details for each building work or work item (for each asset acquired though investment) and every capital investment expense incurred in each asset must be kept records in details.
- Account 2413: Major repairs of fixed assets: records major repairs expenses of fixed assets and settlement of major repairs expenses of fixed assets. The expenses incurred in regular repairs of fixed assets shall not be recorded to this account, but be charged directly to operating costs within a period.
2. Structure and contents of account 241 – Construction in progress
Debit:
- Expenses incurred from capital construction, purchase or major repairs of fixed assets (tangible fixed assets and intangible fixed assets);
- Expenses incurred from renovation or upgrading of fixed assets;
- Expenses incurred from sale of investment properties (in case construction investment stage is necessary);
- Expenses incurred from capital investment properties:
- Expenses incurred after initial recording of fixed assets or investment properties.
Credit:
- Value of fixed assets acquired from capital construction investment or sale which is put into operation.
- Value of rejected works and other expenses which were approved to be rejected and transferred when settlement report is approved.
- Value of major repairs of fixed assets which is completed and transferred when the settlement report is approved.
- Value of investment property acquired from capital construction which is finished.
- Transferring expenses incurred after initial recording of fixed assets or investment properties to related accounts.
Debit balance:
- Expenses incurred from construction investment project and major repairs of fixed assets in progress.
- Value of construction and major repairs of fixed assets which are finished, but have not been yet put into operation or settlement report is not yet approved.
- Value of construction of investment property in progress.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Accounting for capital investment expenses
3.1.1. Advances paid to contractors
a) Advances in VND:
- When paying an advance in VND to a contractor, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 112 – Cash in bank (1122) (weighted average book rates).
- When accepting completed the capital investment, the construction in progress expenses for advance amounts shall be recorded as follows:
Dr 241 – Construction in progress
Cr 331 – Trade payables.
b) Advances paid in foreign currencies:
- When paying an advance in foreign currency to a contractor according to the actual exchange rate at the payment time, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables (actual exchange rates)
Dr 635 – Financial expenses (if losses of exchange rates incur)
Cr 112 – Cash in bank (1122) (weighted average book rates).
Cr 515 – Financial expenses (if profits of exchange rates incur)
- When accepting completed the capital investment, the construction in progress expenses for advance amounts in foreign currency shall be recorded as follows according to the book exchange rates (actual exchange rates at the payment time):
Dr 241 – Construction in progress
Cr 331 – Trade payables.
3.1.2 When receiving the completed capital investment or repaired fixed assets from the contractor, if the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded according to awarding contract, acceptance report or sale invoice:
Dr 241 – Construction in progress (2412, 2413)
Dr 133 – Deductible VAT (1332) (if any)
Cr 331 – Trade payables.
- If the input VAT is not deductible, the value of capital investment expenses in progress shall include VAT.
- If the awarding contract regulates that the contract is paid in foreign currencies, the amounts payable (after deducting from advance amounts) shall be recorded according to the actual exchange rates at the accepting time (selling exchange rates of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions).
3.1.3. When buying capital investment equipment, if the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded according to invoices or warehouse receipt:
Dr 152 – Raw materials (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 331 – Trade payables (total payment)
When transferring directly non-assembly equipments to working site for the contractor, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 331 – Trade payables.
Cr 151 – Goods in transit
3.1.4. When paying to the contractor, or material, good or service suppliers related to capital construction, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 111, 112, etc.
3.1.5. Delivering capital investment equipment to the contractor:
a) For non-assembly equipment, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress
Cr 152 – Raw materials.
b) For assembly equipment:
- When delivering capital investment equipment to the contractor, only the assembly equipment is kept records in details.
- When receiving finished assembly volume transferred by party B, which is accepted for payment, then value of equipment delivered for new assembly will be charged to capital investment expenses and the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress (2412)
Cr 152 – Raw materials.
3.1.6. When incurring other expenses, such as interest expenses, expenses incurred from capitalized bond issuance, tender expenses, (after offsetting against amounts of money collected from sale of tender dossiers), expenses incurred from dismantling for premises returning (after offsetting against recoverable wastes), etc, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress (2412)
Dr 133 – Deductible VAT (1332) (if any)
Cr 111, 112, 331, 335, 3411, 343, etc.
The remaining amounts of money collected from sale of tender dossiers (after offsetting against tender expenses) shall be recorded to a decrease in construction expenses (recorded to Cr 241).
3.1.7. When the contractor collects fines leading a decrease in amounts payable to the contractor, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 331
Cr 241 – Construction in progress
3.1.8. Any exchange rate difference incurring from capital investment (including before-operation stage) shall be recorded financial income (in case of profits) or financial expenses (in case of losses) at the incurring time (other than enterprises prescribed in Point 3.1.9 below):
- When incurring exchange rate profits, the following accounts shall be recorded:
Dr, relevant accounts
Cr 515 – Financial income
- When incurring exchange rate losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Cr, relevant accounts
3.1.9. Regarding wholly-state-owned enterprises performing tasks of security, national defense or macroeconomic stability, if exchange rate differences arise before the operation (not engaged in the operation):
- When incurring exchange rate profits, the following accounts shall be recorded:
Dr, relevant accounts
Cr 413 – Exchange rate differences
- When incurring exchange rate losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences
Cr, relevant accounts
- When the building work is put into operation, the exchange rate differences shall be transferred to financial income or financial expenses, and the following accounts shall be recorded:
+ When transferring exchange rate profits, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences
Cr 515 – Financial income
+ When transferring exchange rate losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Cr 413 – Exchange rate differences
3.1.10. With regard to testing expenses and amounts of money collected from sale of experimental products:
a) Regarding testing expenses without production of experimental products, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress
Cr, relevant accounts
b) With regard to testing expenses and amounts of money collected from sale of experimental products:
- When incurring testing expenses with production of experimental products, total expenses shall be recorded as follows:
Dr 154 – Work in progress
Cr, relevant accounts
- When delivering experimental products to inventory, the following accounts shall be recorded:
Dr 1551 – Finished goods inventory
Cr 154 – Work in progress.
- When selling experimental products, the following accounts shall be recorded:
Dr 112, 131
Cr 1551 – Finished goods inventory
Cr 154 – Work in progress (sale without inventory)
Cr 3331 – VAT payable (if any)
- The differences between testing expenses and amounts of money collected from sale of experimental products shall be transferred as follows:
+ In case the testing expenses are greater than the amounts of money collected from sale of experimental products, the positive difference between them shall be recorded to an increase in construction in progress; the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress
Cr 154 – Work in progress.
+ In case the testing expenses are smaller than the amounts of money collected from sale of experimental products, the negative difference between them shall be recorded to a decrease in construction in progress; the following accounts shall be recorded:
Dr 154 – Work in progress.
Cr 241 – Construction in progress
3.1.11. When the building work is completed and totally accepted and put into operation: If the financial report is approved instantly, the accounting records shall be kept according to the value of assets acquired through investments. If the financial report is not approved, an increase in value of the assets acquired through investment shall be recorded according to provisional prices (provisional prices are actual expenses paid to acquire the assets according to account 241). The following accounts shall be recorded in above both cases:
Dr 211, 213, 217
Dr 1557 - Finished goods – property (a part of property shall be used for sale which is not recorded to account 154)
Cr 241 – Construction in progress (approved prices or provisional prices)
In case the building work is finished, but it is not transferred for use, awaiting preparation or approval for report, it shall be kept records to account 241 “Construction in progress” in details.
3.1.12. When the financial report on capital investment is approved, the provisional prices shall be adjusted according to the approved value of assets:
- If the approved value of asset acquired though capital investment is smaller than the provisional price, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (rejected expenses subject to recovery)
Cr 211, 213, 217, 1557.
- If the approved value of asset acquired though capital investment is greater than the provisional price, the following accounts shall be recorded:
Dr 211, 213, 217, 1557
Cr, relevant accounts
- If the fixed asset invested by capital expenditure funds and the competent agency permit to increase operating capital and the following accounts shall be recorded:
Dr 441 – Capital expenditure funds
Cr 241 – Construction in progress (damages approved to be rejected)
Cr 411 – Owner's invested equity (approved value of asset)
- If the fixed asset is acquired by welfare funds and used for welfare purpose, when the investor approves the settlement of investment capital, an increase in the welfare fund used for fixed asset acquisitions:
Dr 3632 – Welfare fund
Cr 3533 – Welfare fund used for fixed asset acquisitions.
3.1.13. If the enterprise is an investor having project management board to do accounting for capital investment:
a) Accounting for investor:
- When receiving the settled building work, the investor shall record the value of building work to settled value as follows:
Dr 211, 213, 217, 1557
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Dr 111, 112, 152, 153
Cr 136 – Intra-company receivables
Cr 331, 333, etc (receiving liabilities, if any).
- When receiving the non-settled building work, the investor shall record the value of building work to provisional value. When carry out the settlement, the value of building work shall be adjusted according to the approved price:
+ If the approved price is greater than the provisional price, the following accounts shall be recorded:
Dr 211, 213, 217, 1557
Cr, relevant accounts
+ If the approved price is smaller than the provisional price, the following accounts shall be recorded:
Dr, relevant accounts
Cr 211, 213, 217, 1557.
b) Accounting for project management board: comply with regulations of the Circular No. 195/2012/TT-BTC dated November 15, 2012 of the Ministry of Finance on guidelines for Accounting standards for investors and amended documents (if any).
3.1.14. If the project of investment is canceled or revoked, the liquidation of project and revocation of investment expenses shall be accounted. The difference between investment expenses and amounts of money collected from the liquidation shall be recorded to other expenses or covered by the compensation of organization or individual, and the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, - Amounts of money collected from liquidation of project
Dr 138 – Other receivables (compensation paid by organization or individual)
Dr 811 – Other expenses (charged to expenses)
Cr 241 – Construction in progress
3.2. Accounting for repair of fixed assets
Repairs of fixed assets of the enterprise may be carried out under contract awarding method and or self-constructed method.
a) When repair expenses are incurred, they shall be recorded to Dr 241 “Construction in progress” (2413) and be kept records in details for every building work or each fixed asset repair. According to documents on expenses:
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress (2413) (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1332)
Cr 111, 112, 152, 214, etc. (total payment).
- If the input VAT is not deductible, the expenses incurred from repairs of fixed assets shall include VAT and the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress (2413) (total payment)
Cr 111, 112, 152, 214, 334, etc. (total payment).
b) When the repair is completed, if an increase in historical cost of fixed asset may not be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642
Dr 242 – Financial expenses (if the expenses are great, they shall be gradually allocated)
Dr 352 – Provisions (if the periodical repair expenses are prepaid)
Cr 241 – Construction in progress (2413).
- In case upgrading of fixed assets is eligible to record an increase in historical cost of fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 211 – Tangible fixed asset
Cr 241 – Construction in progress (2413).
Article 47. Account 242 – Prepaid expenses
1. Rules for accounting
a) This account is used to record expenses actually incurred but they are related to operation output of many accounting period and the transfer of these expenses to operating expenses of subsequent accounting periods.
b) Types of prepaid expenses include:
- Prepaid expenses of infrastructure lease or fixed assets operating lease (land use rights, factories, warehouses, offices, shops and other fixed assets) to serve operation in several accounting periods.
- Enterprise foundation expenses or advertising expenses incurred in before-operation stage shall be is allocated for within 3 years;
- Expenses incurred from insurance purchase (conflagration and explosive insurance, owner’s transport facilities civil liability insurance, car body insurance, assets insurance), and charges which the enterprise buys and pays lump sum for many accounting periods.
- Tools and supplies, reusable packaging materials or instruments for renting relating to operation activities in many accounting periods;
- Prepaid loan’s expenses, such as loan’s prepaid interests or prepaid bond’s interest at issuance time;
- Fixed assets major repairs expenses incurring one time which are not prepaid but allocated gradually for within 3 years;
- Negative difference between selling price and residual value of leased back fixed assets which is financial lease;
- Negative difference between selling price and residual value of leased back fixed assets which operating lease;
- In case business combination does not lead to parent company – subsidiaries relationship which creates goodwill or equitization of state-owned enterprise creates goodwill;
- Other prepaid expenses serving the operation of many accounting periods.
Research expenses and expenses incurred from development stage which is not recorded to intangible fixed asset or prepaid expenses shall be recorded to operating expenses.
c) The calculation and allocation of prepaid expenses to operating expenses for each accounting period must be based on nature and extent of each type of expenses to select appropriate method and criteria.
d) Each prepaid expense incurred shall be kept records in details, and allocated to objects subject to expenses of each accounting period and residual expenses, which have not been allocated to expenses.
dd) With regard to prepaid expenses in foreign currencies, at the report-preparing time, if it is evident that the seller is unable to provide goods or services and the enterprise shall definitely receive prepaid expenses in foreign currencies, they shall be considered accounts derived from foreign currencies and subject to re-evaluation according to the actual exchange rates at the reporting time (buying rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions).
2. Structure and contents of account 242 – Prepaid expenses
Debit: Prepaid expenses incurred during a period.
Credit: Prepaid expenses included in operating expenses during a period.
Debit balance: Prepaid expenses not included in operating expenses during a period.
3. Method of accounting for several major transactions
a) When incurring prepaid expenses, which must be allocated gradually to operating expenses for many accounting periods, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 153, 331, 334, 338, etc.
When allocating prepaid expenses to operating expenses periodically, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 635, 641, 642
Cr 242 – Prepaid expenses.
b) When prepaying fixed assets rent and infrastructure rent under operating lease, which used for operation for many accounting periods, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, etc.
- If the input VAT is not deductible, the prepaid expenses shall include VAT.
c) With regard to tools and supplies, reusable packaging materials or instruments for renting related to operation in many accounting periods, when dispatching them for use or lease, the following accounts shall be recorded:
- When dispatching them for use or lease, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses
Cr 153—Tools and supplies.
- Periodically, the value of tools and supplies, reusable packaging materials or instruments for renting shall be dispatched from inventory according to appropriate criteria. The expenses are allocated for every accounting period according to useful life or volume of tools and supplies, reusable packaging materials or instruments for renting put into operation in every accounting period. When allocating, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642, etc.
Cr 242 – Prepaid expenses.
d) Purchase of fixed assets and investment property under deferred or installment payment:
- When buying tangible or intangible fixed assets or investment property under deferred payment or installment payment, and putting them into operation, or held to capital appreciation or for operating lease, the following accounts shall be recorded:
Dr 211, 213, 217 (historical cost – according to cash price)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Dr 242 - Prepaid expenses (deferred interests shall equal (=) total payment minus (-) cash price minus (-) VAT (if any))
Cr 331 – Trade payables (total payment)
- Periodically, when paying to the seller, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 111, 112 (periodical payables include principal and interests paid under deferred or instalment payment).
- Periodically, deferred interests or installment interests payables are charged to expenses as follows:
Dr 635 – Financial expenses
Cr 242 – Prepaid expenses.
dd) In case expenses incur from major repairs of fixed assets and the enterprise does not prepay such expenses, they shall be allocated gradually for many accounting periods when the major repairs are completed:
- When transferring expenses incurred from repair of fixed asset to prepaid expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses.
Cr 241 – Construction in progress (2413).
- Periodically, when allocating expenses incurred from repair of fixed asset to operating expenses during a period, the following accounts shall be recorded:
Dr 623, 627, 641, 642, etc.
Cr 242 – Prepaid expenses.
e) The enterprise prepays interests to the lender:
- When prepaying interests, the following accounts shall be recorded:
Dr 242 – Prepaid expenses
Cr 111, 112.
- Periodically, when allocating interests under schedule to financial expenses or capitalizing such interests to the value of assets in progress, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses (if borrowings expenses are recorded to operating expenses during a period).
Dr 241 – Construction in progress (if borrowings expenses are capitalized to the value of assets in progress)
Dr 627 – Construction in progress (if borrowings expenses are capitalized to the value of assets in progress)
Cr 242 – Prepaid expenses.
g) When the enterprise issues bond at par value to mobilize loan capital, if business prepays bond’s interests on issue date, the borrowing expenses shall be recorded to Dr 242 (prepaid bond interests in details), and allocated to expenses accounts.
- On the bond issue date, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112 (total amounts of money collected)
Dr 242 – Prepaid expenses (prepaid bond interests in details)
Cr 34311 – Par value of bonds.
- Periodically, when allocating prepaid bond interests to borrowings expenses of each accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses (if borrowings expenses are recorded to financial expenses during a period).
Dr 241 – Construction in progress (if borrowings expenses are recorded to value of construction in progress)
Dr 627 – Factory overheads (if borrowings expenses are capitalized to assets in progress)
Cr 242 – Prepaid expenses (prepaid bond interests in details) (bond interests allocated during a period).
h) With regard to business combination does not lead to parent company – subsidiaries relationship (buying net asset) and their goodwill is created on the purchase date:
- If the trading in business combination is paid in cash by or cash equivalents, the following accounts shall be recorded:
Dr 131, 138, 152, 153, 155, 156, 211, 213, 217, etc (according to fair value of purchased assets)
Dr 242 – Prepaid expenses (goodwill in details)
Cr 331, 3411, etc (according to fair value of liabilities and potential debts)
Cr 111, 112, 121 (amounts of cash or cash equivalents paid by the purchaser).
- If the trading in business combination is carried out by the bond issuance of the buyer, the following accounts shall be recorded:
Dr 131, 138, 152, 153, 155, 156, 211, 213, 217, etc (according to fair value of purchased assets)
Dr 242 – Prepaid expenses (goodwill in details)
Dr 4112 – Capital surplus (the issue price is smaller than face price)
Cr 4111 – Owner's invested equity (according to face value)
Cr 331, 3411…, etc (according to fair value of liabilities and potential debts)
Cr 4112 – Capital surplus (the issue price is greater than the face price).
i) If the exchange difference losses are not fully allocated in the before-operation stage, the total accumulated losses shall be transferred from account 242 to account 635 – Financial expenses to determine the operation output during a period and the following accounts shall be recorded:
Dr 635 – Financial expenses
Cr 242 – Prepaid expenses.
k) When the assets are undergone physical inventory count at the time in which the enterprise is evaluated for equitization of wholly-state-owned enterprise, if the prepaid land rents not meet recognition of intangible fixed asset criteria, an increase in state capital shall be recorded as follows:
Dr 242 – Prepaid expenses
Cr 411 – Owner's invested equity.
l) When the assets are undergone physical inventory count at the time in which the enterprise is evaluated for equitization of wholly-state-owned enterprise, if the actual value of state capital is greater than their book value, the difference between them shall be recorded to goodwill as follows:
Dr 242 – Prepaid expenses
Cr 411 – Owner's invested equity.
m) The goodwill creating when equitization of state-owned enterprise is carried out shall be recorded to account 242 and allocated for within 3 years and the following accounts shall be recorded:
Dr 642 – General administration expenses
Cr 242 – Prepaid expenses.
Article 48. Account 243 – Deferred tax assets
1. Rules for accounting
a) This account is used to record current value, and increases or decreases of deferred tax assets.
Deferred tax asset |
= |
Deductible temporary difference |
+ |
Deductible value transferred to subsequent year of unused taxable losses or preferred taxes |
x |
Enterprise income tax rate (%) |
When recording a deferred tax asset, if the change in enterprise income tax rates in the future has been known and the deferred tax asset is reverted when the new tax rates have been taken effect, the new tax rates shall be applied to the deferred tax assets.
b) Tax basis of an asset or a liability and temporary difference:
- The tax basis of assets is the value deducting from taxable income when recovering the book value of the assets. If the income is not subject to taxes, the tax basis of the asset shall equal book value of such asset. The tax basis of a liability equals (=) its book value minus (-) value to-be deducted from taxable income when the liability is paid in future periods. The tax basis of an unearned revenue shall equal (=) its book value minus (-) value of non-taxable revenue in the future periods.
- Temporary difference equals (=) book value of the asset or liability in the balance sheet minus (-) the tax basis of such asset or liability. Temporary differences include: deductible temporary difference and taxable temporary difference. Deductible temporary difference means an temporary difference arising deductible amounts when determining taxable income in future when the book value of asset items are recovered or liabilities are paid.
+ Temporary difference in time is a type of temporary difference, for example: if the book profits recorded in this accounting period but the taxable income is recorded in another accounting period.
+ A temporary difference between book value of an asset or a liability and the tax basis of such asset or liability cannot be a temporary difference in time, for example: When an asset is re-evaluated, the book value of that asset changes but its tax basis does not change, a temporary difference shall arise. However, the recovering time of the book value and the tax basis does not change, so that such temporary difference is not a temporary difference in time.
+ Because the time in which the asset or the liability must be recovered or such asset or liability is offset against taxable income is limited, when determining deferred tax, the term “Permanent difference” shall not be used to distinguish temporary difference.
c) If the enterprise estimates that it is definite to earn taxable future profits to use the deductible temporary difference, taxable losses and unused preferential tariff treatment, deferred tax assets shall be recorded relating to:
- Deductible temporary differences (other than temporary difference arising from initial recognition of the asset or liability paid for a transaction other than business combination transactions; and do not affect to accounting profits and taxable income (or taxable losses) at the transaction time).
- The remaining taxable losses and unused preferential tariff treatment after deduction shall be transferred to subsequent year.
d) At year-end, the enterprise must prepare “Statement of deductible temporary difference determination”, “Statement of deductible unused temporary difference observation”, the deductible value transferred to subsequent year of unused taxable losses and preferred taxes shall be the basis to prepare “Statement of deferred tax asset determination”, to determine value of deferred tax assets recognized or reverted during a year.
dd) The recognition of deferred tax asset in a year shall be carried out by offsetting deferred income tax assets arisen this year against business income tax assets recognized in previous years, but they are reverted in this year according to the following rules:
- If the deferred tax assets arisen during a year are greater than deferred tax assets reverted during the year, the difference between them shall be recognized as deferred tax assets and a decrease in deferred tax expenses shall be recorded.
- If the deferred tax assets arisen during a year are smaller than deferred tax assets reverted during the year, the difference between them shall be recognized as a decrease in deferred tax assets and an increase in deferred tax expenses shall be recorded.
e) When the taxable losses or preferential tariff treatment are used and deductible temporary difference no longer have influence on taxable profits (when assets are recovered or liabilities are paid partly or totally), the deferred tax assets must be reverted.
g) When preparing financial statements, if the enterprise estimates that it is definite to earn taxable future profits, the deferred tax assets not recognized in the previous years shall be recorded to a decrease in deferred tax expense.
h) The offsetting between deferred tax assets and deferred tax payables shall be carried out only if the balance sheet is prepared, not when the deferred tax assets are recorded on the accounting records.
2. Structure and contents of account 243 – Deferred tax assets
Debit: Increases in value of deferred tax assets.
Credit: Decreases in value of deferred tax assets.
Debit balance: Balance of value of deferred tax assets at the end of period.
3. Method of accounting for several major transactions
a) If the deferred tax asset arisen during a year is greater than the deferred tax asset reverted during the year, the positive difference between the deferred tax asset arisen and the deferred tax asset reverted during a year shall be recorded to value of deferred tax assets as follows:
Dr 243 - Deferred tax assets
Cr 8212 – Deferred tax expenses.
b) If the deferred tax asset arisen during a year is smaller than the deferred tax asset reverted during the year, the negative difference between the deferred tax asset arisen and the deferred tax asset reverted during a year shall be recorded to a decrease in deferred tax assets as follows:
Dr 8212 – Deferred tax expenses.
Cr 243 - Deferred tax assets
Article 49. Account 244 – Pledges, mortgages or deposits
1. Rules for accounting
a) This account is used to record a sum of money or something valuable that the enterprise uses for pledge, mortgage or deposit purpose in other enterprises or organizations in economic relation as prescribed.
b) The amounts of money or assets which are used for pledge, mortgage and deposit purpose shall be observed and promptly recovered after the agreement on pledge, mortgage or deposit expires. In case deposits which the enterprise is paid back are overdue to recover, the enterprise may create allowance for them similarly to doubtful debts.
c) The enterprise must keep track of pledges, mortgages or deposits according to each type, entity, term or currency. When preparing a financial statement, the amounts whose remaining term is less than 12 months shall be classified as short-term assets; These amounts whose remaining term is above 12 months shall be classified as long-term assets.
d) The assets used for pledge, mortgage or deposit purpose shall be recorded to the book value of the enterprise. The same price of a non-monetary asset used for pledge, mortgage or deposit purpose shall be recorded when it is dispatched from or delivered to inventory. If there are deposits in cash or cash equivalents which are paid back in foreign currencies, they shall be re-evaluated according to actual exchange rates on the date on which the financial statement is prepared (buying rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions). Collaterals in the form of Certificates of ownership (i.e. property) shall not be recorded to a decrease in assets but they shall be kept records in the accounting records in details (collaterals in details) and presented in the financial statement.
2. Structure and contents of account 244 – Pledges, mortgages and deposits
Debit:
- Value of collaterals or cash deposits.
- Exchange rate differences due to re-evaluation of balance of deposits which are paid back in foreign currency at the reporting time (if the foreign currency rate rises against VND).
Credit:
- Value of collaterals or cash deposits which are paid back or paid;
- Deducted (fined) from cash deposits shall be charged to other expenses;
- Exchange rate differences due to re-evaluation of balance of deposits which paid back in foreign currency at the reporting time (if the foreign currency rate falls against VND).
Debit balance: Value of collaterals or cash deposits which are still under pledge, mortgage or deposit agreement.
3. Method of accounting for several major transactions
a) When using cash or cash in bank for deposit purpose, the following accounts shall be recorded:
Dr 244 – Pledge, mortgages and deposits
Cr 111, 112.
b) When using a fixed asset for pledge purpose, the following accounts shall be recorded:
Dr 244 – Pledge, mortgages and deposits (residual value)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211, 213 (historical cost).
If documents (certificate of ownership of land or property) are used for mortgage, they shall not be recorded to this account but they are not kept records in details.
c) When using other assets for pledge or mortgage purpose, the following accounts shall be recorded:
Dr 244 – Pledge, mortgages and deposits (in details)
Cr 152, 155, 156, etc.
d) Receiving collaterals or cash deposits:
- When receiving cash deposits, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112.
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits.
- When receiving collaterals which are fixed assets, the following accounts shall be recorded:
Dr 211, 213 (historical cost of the fixed assets used for pledge purpose).
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits (residual value)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value)
- When receiving other assets used for pledge or mortgage purpose, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 155, 156, etc.
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits (in details)
dd) If the enterprise fails to fulfill their commitment and faces fines for violations against the contract which are deducted from their cash deposits, the following accounts shall be recorded:
Dr 811 – Other expenses (deducted amount)
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits.
e) When using cash deposits to pay for the seller, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits.
g) When preparing a financial statement, if the deposits which are paid back derived from foreign currencies, they shall be evaluated according to actual exchange rates on the date on which the financial statement is prepared:
- If the foreign currency rate rises against VND, the following accounts shall be recorded:
Dr 244 – Pledge, mortgages and deposits
Cr 413 – Exchange rate differences (4131).
- If the foreign currency rate falls against VND, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences (4131).
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits.
Article 50. Accounting rules for liabilities
1. Liabilities of an enterprise must be kept records in details according to payment schedule, creditor, type of currency and other factors according to requirements of the enterprise.
2. Liabilities shall be classified into trade payables, intra-company payables and other payables according to following rules:
a) Trade payables include commercial amounts payable arisen from purchase of goods, services or asset and the seller is independent with the buyer, including amounts payables between parent company and subsidiaries, joint ventures or associates). Amounts payable include amounts payable when importing through the trustee (in the import trust transaction);
b) Intra-company payables include amounts payable between parent company and dependent accounting subsidiaries having no legal status;
c) Other payables include non-commercial amounts payable, or amounts payable relating to trading in goods or services:
- Payables relating to financial expenses, such as: interests payable, dividends payable and profits payable, financial investment expenses payable;
- Payables paid by another party; payables which the trustor receives from relevant entities to pay for import-export trust transactions;
- Non-commercial payables, such as: borrowings payable, fines payable, compensation payable, assets in surplus awaiting resolution, payables related to social insurance, health insurance, unemployment insurance, or union funds, etc.
3. When preparing a financial statement, the amounts payable shall be classified into long-term payables or short-term payables according to their remaining terms.
4. If it is evident that there is an unavoidable loss, an amount payable shall be recorded according to cautious rules.
5. When preparing the financial statement, these amounts payable meeting definition of accounts derived from foreign currencies (refer to account 413 – Exchange rate differences) for re-valuation at the ending of accounting period.
Article 51. Account 331 - Trade payables
1. Rules for accounting
a) This account is used to record payment of liabilities of an enterprise to the sellers of materials, goods or suppliers of services, sellers of fixed assets, investment properties or financial investment under concluded business contracts. This account is used to record the payment of liabilities to main contractors or sub contractors. The buy in cash shall not be recorded to this account.
b) Liabilities to sellers, providers or contractors shall be kept records in details for every entity. This account also records prepayment to the sellers, providers or contractors but the goods, services or constructions have not been received.
c) The enterprise must keep records of trade payables in details for each type of currency. With regard to trade payables in foreign currencies, the rules below shall be followed:
- When incurring trade payables (Cr 331) in foreign currencies, those payables shall be converted into VND according to actual exchange rates at the incurring time (selling exchange rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions). With regard to prepayment to contractors or sellers, when it is qualified to record assets or expenses, the Cr 331 shall apply specific identification bookkeeping rate for the amounts of prepayment.
- When paying trade payables (Cr 331) in foreign currencies, those payables shall be converted into VND according to specific identification bookkeeping rates for every creditor (if the creditor has multiple transactions the specific identification bookkeeping rate shall be determined according to mobile weight average of such transactions). When entering into a transaction in prepayment to contractors or sellers, the Dr 331 shall be applied actual exchange rates (selling rates of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions) at the time in which the prepayment given;
- The enterprise must re-evaluate trade payables derived from foreign currencies on the dates on which the financial statements are prepared as prescribed. Actual exchange rates determined when the trade payables are re-evaluated is selling rates of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions on the date on which the financial statement is prepared. Units in a group shall apply a common rate defined by the parent company (provided that it closes to the actual exchange rates) to re-evaluate trade receivables derived from foreign currencies arising from transactions of internal group.
d) The import trustor shall record the trade payables for imported goods to the import trustee to this account similarly to ordinary trade payables.
dd) At the end of a month, if there has not been invoices of received materials, goods or services, provisional prices may be used for bookkeeping, when those invoices are received, the prices must be adjusted and the seller shall be notified the official prices.
e) When those accounts are accounted in details, if the payment discounts, trade discounts or sales rebates of the seller or the supplier are not recorded in the sales invoices, they must be kept records in details.
2. Structure and contents of account 331 – Trade payables
Debit:
- Amounts paid to sellers, suppliers or contractors;
- Prepayment to sellers, suppliers, contractors but materials, goods, services and constructions are not received;
- Amounts of sales approved by sellers;
- Payment discounts and trade discounts which the sellers approve for enterprises to deduct from trade payables;
- Value of materials or goods in shortage or inferior quality which are received back by the sellers.
- Re-evaluation of trade payables in foreign currencies (if the foreign currency rate falls against VND).
Credit:
- Amounts payable to sellers, suppliers or contractors;
- Adjustment of negative difference between provisional price and actual price of amount of materials, goods and services when the invoice or notification of official price is received.
- Re-evaluation of trade payables in foreign currencies (if the foreign currency rate rises against VND).
Credit balance: Outstanding balance payable to sellers, suppliers or contractors.
This account may have a Debit balance. Debit balance (if any) records prepayment to sellers or payment in excess of payables to sellers, according to every specific subject. When preparing the balance sheet, detailed balance of every subject reflected in this account will be taken to record to “Assets” and “Capital” account.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. When purchasing materials or goods without payment for inventory using perpetual inventory method or purchasing fixed assets:
a) Domestic purchase:
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156, 157, 211, 213 (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 331 – Trade payables (total payment).
- If the input VAT is not deductible, the value of materials, goods or fixed assets shall include VAT (total payment).
b) Import:
- Value of imported goods, including special excise tax, export duty or environmental protection tax (if any) shall be recorded as follows:
Dr 152, 153, 156, 157, 211, 213
Cr 331 – Trade payables
Cr 3332 – Special excise tax (if any)
Cr 3333 – Import – export duty (in details, if any)
Cr 33381 - Environmental protection tax
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 3331 – VAT payables (33312).
3.2. When purchasing materials or goods without payment for inventory using periodical inventory method:
a) Domestic purchase:
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 611 – Purchase (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 331 – Trade payables (total payment).
- If the input VAT is not deductible, the value of materials or goods shall include VAT (total payment)
b. Import:
- Value of imported goods, including special excise tax, export duty or environmental protection tax (if any) shall be recorded as follows:
Dr 611 - Purchase
Cr 331 – Trade payables
Cr 3332 – Special excise tax (if any)
Cr 3333 – Import – export duty (in details, if any)
Cr 33381 - Environmental protection tax
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 3331 – VAT payables (33312).
3.3. If the enterprise carries out capital investment under contract awarding and receives completed construction from the contractor, according to awarding contract and transfer note of completed construction:
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 241 – Construction in progress (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 331 – Trade payables (total payment).
- If the input VAT is not deductible, the value of capital investment shall include VAT (total payment)
3.4. When paying advance or paying trade payables to sellers, providers or contractors, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 111, 112, 341, etc.
- When paying to the contractor in foreign currencies, those payables shall be converted into VND according to actual exchange rates at the incurring time (selling exchange rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions).
- When paying an advance to the contractor in foreign currency, the value of capital investment shall be recorded corresponding to the amount of advance according to actual exchange rates at the time in which the advance is given. The outstanding balance payable of capital investment (after deducted from the advance) shall be recorded to actual exchange rates at the incurring time.
Dr 331 – Trade payables (actual exchange rates)
Dr 635 – Financial expenses (if the actual exchange rate is smaller than bookkeeping rate of the cash account)
Cr 111, 112, etc. (bookkeeping rate)
Cr 515 – Financial income (if the actual exchange rate is greater than bookkeeping rate of the cash account)
3.5. When receiving back the advance from the seller because the seller fails to sell goods or provide services, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 331 – Trade payables.
3.6. When receiving services rendered (expenses incurred from goods transportation, electricity, water, telephone, auditing, consultancy, advertisement and other services) from suppliers:
- If the input VAT is deductible, the following accounts shall be recorded:
Dr 156 – Goods (1562)
Dr 241 – Construction in progress
Dr 242 – Prepaid expenses
Dr 623, 627, 641, 642, 635, 811
Dr 133 – Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 331 – Trade payables (total payment).
- If the input VAT is not deductible, the value of services shall include VAT (total payment)
3.7. When receiving payment discounts on sale of materials or goods due to prepayment and deducting trade payables, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 515 – Financial income.
3.8. When purchased materials and goods are returned or eligible for sales rebates because they do not meet specification and quality, they shall be deducted from trade payables and the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 133 – Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 152, 153, 156, 611, etc.
3.9. In case liabilities paid to sellers (creditors) who were not found out or they did not call loans, the debts shall be recorded as an increase in enterprises’ income as follows:
Dr 331 – Trade payables
Cr 711 – Other income.
3.10. When determining value of construction volume payables to subcontractors, according to the contract signed between main contractor and sub contractor, invoices, voucher of project price, acceptance report of completed construction volume and sub bidding contract, the following accounts shall be recorded:
Dr 632 – Costs of goods sold (VAT-exclusive prices)
Dr 133 – Deductible VAT (1331)
Cr 331 – Trade payables (total payables to the subcontractor, including input VAT).
3.11. Enterprises which are commission agents for sale at fixed prices.
- When receiving goods for wholesale, the enterprise shall report them in the financial statement.
- When receiving wholesale goods, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 131, etc. (total payment)
Cr 331 – Trade payables (agency prices + taxes).
And the enterprise shall report sold goods for wholesale in the financial statement.
- When determining commission earned by the agent who is charged to commission revenue for wholesale, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 511 – Revenues
Cr 3331 – VAT payables (if any).
- When paying to consignor, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables (selling prices - taxes).
Cr 111, 112, etc.
3.12. Accounting for trade payables at the import trustor:
- When prepaying an amount for import entrustment contract to the import trustee to open L/C, etc, the following accounts shall be recorded according to relevant documents:
Dr 331 – Trade payables (every trustee in details)
Cr 111, 112, etc.
- When receiving import entrustment goods delivered by the trustee, it shall follow procedures for ordinary imported goods.
- When paying for imported goods and directly-attributable expenses incurred from imported goods to the trustee, the following accounts shall be recorded according to relevant documents:
Dr 331 – Trade payables (every trustee in details)
Cr 111, 112, etc.
- Import entrustment fees paid to the trustee shall be recorded to value of imported goods; the following accounts shall be recorded according to relevant documents:
Dr 151, 152, 156, 211, etc.
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 331- – Trade payables (every trustee in details)
- The payment of tax liability for imported goods shall comply with regulations of account 333 – Taxes and other payables to the State.
- The trustee may not use this account to record payment of entrustment but record to account 138 and 338.
3.13. When preparing a financial statement, the outstanding trade payables in foreign currency shall be evaluated according to actual exchange rates on the date on which the financial statement is prepared:
- If the foreign currency rate falls against VND, the following accounts shall be recorded:
Dr 331 – Trade payables
Cr 413 – Exchange rate differences (4131).
- If the foreign currency rate rises against VND, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences (4131).
Cr 331 – Trade payables.
Article 52. Account 333 – Taxes and other payables to the State
1. Rules for accounting
a) This account is used to record relation between enterprises and State about taxes, fees, charges and other payables, payment and outstanding payables to State budget in the fiscal year.
b) The enterprise shall actively calculate and determine taxes, fees, charges and other payables to State in compliance with law, and promptly reflect taxes payable, paid taxes, deductible taxes or tax refund, etc in accounting book.
c) The nature of indirect taxes including VAT (including using credit-invoice method or subtraction method), special excise tax, export duty, environmental protection tax and other indirect taxes is receipts on behalf of a third party. Therefore, these indirect taxes are eliminated from revenues stated in the financial statement or other statements.
The enterprise may record revenues and indirect taxes payable in the accounting records following one in two methods below:
- The indirect taxes payable (including VAT payable using subtraction method) shall be separately recorded at the time in which the revenues are recorded. In this method, the revenues included in accounting records shall not include indirect taxes payable, in conformity with figures of revenues stated in the financial statement and reflected the nature of the transaction.
- The indirect taxes payable shall be recorded as a decrease in revenues in the accounting records. In this method, a decrease in revenues for indirect taxes payable shall be recorded periodically, the figures of revenues stated in the accounting record are different from the revenues stated in the financial statement.
In any cases, the item “Revenues” and "Revenue deductions” of the income statement shall not include indirect taxes payable.
d) Regarding taxes eligible for refund or deduction, it is required to distinguish these taxes are paid in purchase process or sale process and follow rules below:
- Regarding those taxes paid into purchase process eligible for refund (i.e. temporary import transaction: special excise tax, import duty, environmental protection tax which are paid shall be refunded the goods are re-exported, etc), a decrease in value of goods purchased or a decrease in costs of goods sold or other expenses. If the input VAT is eligible for refund, a decrease in deductible VAT shall be recorded;
- Regarding taxes paid in import process but imported goods are not under ownership of the enterprise, if they are eligible for refund, a decrease in other receivables shall be recorded (i.e. paid import duty on processed goods which is refunded when the goods are re-exported, etc);
- Regarding taxes payable for sale of goods or services which are eligible for deduction or refund, they shall be recorded to other income (i.e. refund of export duty, deduction in special excise tax, VAT, environmental protection tax payable for sale of goods or services).
dd) Liability for government budget in export-import entrustment transactions:
- In export-import entrustment transactions (other similar transactions), the trustor shall take over liability for government budget
- The trustor shall provide services including document preparation, declaration, and payment to government budget (taxpayer on behalf of the trustor).
- Account 333 is only used by the trustor not the trustee. The trustee shall record taxes payable to government budget as expenses on behalf of a third party in the account 3388 and receive the amounts paid on behalf of the trustor to account 138. The liability of the trustor for government budget shall be reflected according to:
+ When receiving notification of taxes payable, the trustee shall transfer all documents, materials or notification of taxes payable issued by the competent agency to the trustor to record the taxes payable to account 333.
+ According to payment slip to government budget of the trustee, the trustor shall record a decrease in payables to the government budget.
e) Each tax, fee, charge and other amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable shall be keep records in details.
2. Structure and contents of account 333 – Taxes and other payables to the State
Debit:
- Deductible VAT during a period;
- Taxes, fees, charges and other amounts payable or paid amount to the government budget;
- Taxes deducted from taxes payables;
- VAT of sales returns and sales rebates.
Credit:
- Output VAT and VAT on import goods payable;
- Taxes, fees, charges and other payables to the government budget;
Credit balance:
Taxes, fees, charges and other payables to the government budget;
In particular case, Account 333 may have the debit balance. Debit balance (if any) of Account 333 reflects tax payments and other payments greater than taxes and payables to State, or may reflect the paid taxes eligible for exemption, deduction or refund, but the refund has not been made.
Account 333 - Taxes and other payables to the State, comprises 9 sub-accounts:
- Account 3331 – VAT payable: Recording input VAT, VAT payable of import goods, deductible VAT, paid VAT and outstanding VAT payable to government budget.
Account 3331 comprises 2 sub-accounts:
+ Account 33311 – output VAT: Recording amount of output VAT, output deductible VAT, VAT on sales return or sales rebates, VAT payable, paid VAT and outstanding VAT payable of products, goods or services rendered during a period.
+ Account 33312 – VAT on imported goods: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of VAT on imported goods to government budget.
- Account 3332 – Special excise tax: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of special excise tax to government budget.
- Account 3333 – Export-import duty: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of export-import duty to government budget.
- Account 3334 – Enterprise income tax: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of enterprise income tax to government budget.
- Account 3335 – Personal income tax: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of personal income tax to government budget.
- Account 3336 – Natural resource tax: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of natural resource tax government budget.
- Account 337 – Land tax and land rent: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of land tax and land rent to government budget.
- Account 338 – Environmental protection tax and other taxes: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of environmental protection tax and other taxes, such as: Business rates, tax payable on behalf of oversea organizations and individuals having business activities in Vietnam, etc.
+ Account 33381: environmental protection tax: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of environmental protection tax;
+ Account 33382: Other taxes: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of other taxes. Every tax shall be kept records in sub-accounts in details.
- Account 3339 – Fees, charges and other payables: Recording amounts payable, paid amounts and outstanding amounts payable of fees, charges and other payables to State other than amounts recorded to accounts 3331 through 3338. This account also reflects government grants (if any).
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. VAT payable (3331)
3.1.1. Accounting for output VAT (Account 33311)
a) Accounting for output VAT payable using credit-invoice method:
When issuing a VAT invoice and paying VAT using credit-invoice method, the income shall be recorded according to VAT-exclusive prices (VAT payable shall be recorded separately at the issuing time) as follows:
Dr 111, 112, 131 (total payment)
Cr 511, 515, 711 (VAT-exclusive prices)
Cr 3331 - VAT payable (33311).
b) Accounting for output VAT payable using subtraction method:
One of two methods below shall be chosen:
- Method 1: VAT payable is recorded separately when issuing invoices in accordance with above Point a;
- Method 2: Recording income including VAT payable using subtraction, when determining VAT payable periodically, a decrease in income shall be recorded:
Dr 511, 515, 711
Cr 3331 - VAT payable (33311).
c) When paying VAT to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3331 - VAT payable
Cr 111, 112.
3.1.2. Accounting for VAT on imported goods (33312)
a) When importing materials, goods, tangible fixed assets, import VAT payable, total payment and value of materials, goods, tangible fixed assets imported (excluding VAT of import goods) shall be recorded as follows:
Dr 152, 153, 156, 211, 611, etc.
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3333)
Cr 111, 112, 331, etc.
b) Recording VAT payable on imported goods:
- When deducting VAT payable on imported goods, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 3331 - VAT payable (33312).
- If the VAT payable on the imported good is not deductible, it shall be included in the value of materials, goods or import fixed asset as follows:
Dr 152, 153, 156, 211, 611, etc.
Cr 3331 - VAT payable (33312).
c) When paying VAT to the government budget actually, the following accounts shall be recorded as follows:
Cr 3331 - VAT payable (33312).
Cr 111, 112, etc.
d) Import entrustment (applying for the trustor)
- When receiving notification of VAT payable on imported goods from the trustee, the trustor shall record deductible VAT payable on imported goods as follows:
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 3331 - VAT payable (33312).
- When receiving tax payment slip from the trustee, the trustor shall record a decrease in the liability with government budget on VAT on import goods as follows:
Cr 3331 - VAT payable (33312).
Cr 111, 112 (if the trustee receives cash instantly)
Cr 3388 – Other payables (if the VAT on imported goods is not paid instantly to the trustee)
Cr 138 – Other payables (a decrease in the advance paid to the trustee for payment of VAT on imported goods)
- The trustee does not record the VAT payable on import goods similarly to the trustor, that VAT shall be recorded as VAT paid on behalf of the trustor and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other payables (collecting the VAT paid on behalf of the trustor)
Dr 3388 – Other payables (deducting from received amounts from the trustor)
Cr 111, 112.
3.1.3. Accounting for deductible VAT
- Periodically, deductible VAT from output VAT payable during a period shall be determined and recorded as follows:
Cr 3331 - VAT payable (33311).
Cr 133 – Deductible VAT.
- When a transaction takes place, if it fails to determine that the input VAT on goods or services is whether or not deductible, all input VAT shall be recorded to account 133. Periodically, when determining the VAT not deductible from output VAT, it shall be recorded relevant expenses as follows:
Dr 632 - Costs of goods sold (non-deductible input VAT of inventory sold)
Dr 641, 642 (non-deductible VAT of sales expenses or enterprise administration expenses)
Cr 133 – Deductible VAT.
3.1.4. Accounting for deduction in VAT payable
If the enterprise is eligible for deduction in VAT payable, such VAT shall be recorded to other income as follows:
Dr 33311 – VAT payable (if deduction in VAT payable)
Dr 111, 112 - If the deduction is received in cash.
Cr 711 – Other income.
3.1.5. Accounting for refund of input VAT
If the enterprise is eligible for VAT refund as prescribed in regulations of law because the input VAT is greater than the output VAT, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 111, 112.
Cr 133 – Deductible VAT.
3.2. Special excise tax (3332)
3.2.1. Rules for accounting
- This account is used by the special excise taxpayer as prescribed. In the export-import entrustment, this account is used by the trustor, not by the trustee.
- Enterprises selling goods subject to special excise tax shall record their revenues excluding special excise tax. At the time recording income, if it fails to separate the special excise tax payable, the revenue shall be recorded including such tax, but the special excise tax payable shall be recorded as a decrease in revenue periodically. In any cases, the item “Revenues” and “Revenue deductions” in the income statement shall not include special excise tax payable when selling goods or providing services.
- Enterprises importing or selling domestic goods or fixed assets subject to special excise tax, their special excise tax payable shall be recorded to original cost of inventories. If the enterprise imports goods on behalf of a third party without ownership of such goods, for example, temporary import on behalf of a third party, the import duty payable shall not be recorded to value of goods but be recorded to other receivables.
- Accounting for special excise tax eligible for refund or deduction:
+ If the special excise tax paid for import of goods or services is eligible for refund, a decrease in costs of goods sold (goods dispatched for sale) or a decrease in value of goods (goods dispatched for loans or borrowings, etc) shall be recorded;
+ If the special excise tax paid for import of fixed assets is eligible for refund, a decrease in other expenses (sale of fixed assets) or a decrease in historical costs of fixed assets (fixed assets for return) shall be recorded;
+ If the special excise tax paid for import of goods or fixed assets is eligible for refund by the entity having no ownership, a decrease in other receivables shall be recorded.
+ If the special excise tax paid for sale of goods or services is eligible for refund or deduction, such tax shall be recorded to other income.
3.2.2. Accounting for special excise tax
a) Accounting for special excise tax payable for sale of goods or services:
- When a transaction takes place, if it fails to separate the special excise tax payable, the revenues shall be recorded excluding special excise tax as follows:
Dr 111, 112, 131 (total payment)
Cr 511 - Revenues
Cr 3332 - Special excise tax.
- When a transaction takes place, if it fails to separate the special excise tax payable, the revenues shall be recorded including special excise tax as follows: When determining special excise tax payable, a decrease in revenues shall be recorded as follows:
Cr 511 - Revenues
Cr 3332 - Special excise tax.
b) When importing goods subject to special excise tax, according to sale invoices of imported goods and tax notification issued by the competent agency, the special excise tax payable on imported goods shall be determined and recorded as follows:
Dr 152, 156, 211, 611, etc.
Cr 3332 - Special excise tax.
Regarding to temporary goods not under ownership of the enterprise, i.e. transit goods which are re-exported at the bonded warehouse, when paying special excise tax on imported goods, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other receivables
Cr 3332 - Special excise tax.
c) When paying special excise tax to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3332 - Special excise tax.
Cr 111, 112.
d) Accounting for refund of special excise tax in the import process:
- When re-exporting goods whose special excise tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3332 – Special excise tax
Cr 632 – Costs of goods sold (goods dispatched for sale)
Cr 152, 153, 156 (goods dispatched for return).
- When re-exporting fixed assets whose special excise tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3332 – Special excise tax
Cr 211 – Tangible fixed assets (fixed assets dispatched for return)
Cr 811 – Other receivables (sale of fixed assets).
- When re-exporting goods not under ownership of the enterprise whose special excise tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3332 – Special excise tax
Cr 138 – Other receivables.
dd) Accounting for special excise tax payable for sale of goods or services which is eligible for refund or deduction: When receiving notification of special excise tax eligible for refund or deduction in the sale process issued by the competent agency, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3332 – Special excise tax
Cr 711 – Other income.
e) When dispatching goods or services subject to special excise tax for internal consumption, giving, promotion or advertisement without collecting money, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 641, 642.
Cr 154, 155.
Cr 3332 – Special excise tax
g) Import entrustment (applying for the trustor)
- When receiving the special excise tax notification from the trustee, the trustor shall record the special excise tax payable as follows:
Dr 152, 156, 211, 611, etc.
Cr 3332 - Special excise tax.
- When receiving tax payment slip from the trustee, the trustor shall record a decrease in the liability with government budget on special excise tax as follows:
Dr 3332 - Special excise tax.
Cr 111, 112 (if the trustee receives cash instantly)
Cr 3388 – Other payables (if the special excise tax is not paid instantly to the trustee)
Cr 138 – Other payables (a decrease in the advance paid to the trustee for payment of special excise tax).
- The trustee does not record the special excise tax payable similarly to the trustor, that tax shall be recorded as special excise tax paid on behalf of the trustor and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other payables (collecting the VAT paid on behalf of the trustor)
Dr 3388 – Other payables (deducting from received amounts from the trustor)
Cr 111, 112.
3.3. Export duty (3333)
3.3.1. Rules for accounting
- This account is used by the export se taxpayer as prescribed. In the export-import entrustment, this account is used by the trustor, not by the trustee.
- Export duty is an indirect tax and not included in the revenue structure of the enterprise. When exporting goods, the export duty payable shall be separated from revenues. At the time recording revenues, if it fails to separate the export duty payable, the revenue shall be recorded including such tax, but the export duty payable shall be recorded as a decrease in revenue periodically. In any cases, the item “Revenues” and “Revenue deductions” in the income statement shall not include export duty payable when selling goods or providing services.
- If the export duty paid for export is eligible for refund or deduction, it shall be recorded to other income
3.3.2. Method of accounting
a) Accounting for export duty payable for sale of goods or services:
- When a transaction takes place, if it fails to separate the export duty payable, the revenues shall be recorded excluding export duty as follows:
Dr 111, 112, 131 (total payment)
Cr 511 - Revenues
Cr 3333 – Export-import duty (export duty in details).
- When a transaction takes place, if it fails to separate the export duty payable, the revenues shall be recorded including export duty as follows: When determining export duty payable, a decrease in revenues shall be recorded as follows
Dr 511 - Revenues
Cr 3333 – Export-import duty (export duty in details).
b) When paying export duty to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (export duty in details).
Cr 111, 112, etc.
c) Export duty eligible for refund or deduction (if any), the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, 3333
Cr 711 – Other income.
d) Import entrustment (applying for the trustor)
- When buying goods or services subject to export duty, the revenues and export duty payable shall be recorded similarly to ordinary export as prescribed in Point a of this section.
- When receiving tax payment slip from the trustee, the trustor shall record a decrease in the liability with government budget on export duty as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (export duty in details).
Cr 111, 112 (if the trustee receives cash instantly)
Cr 3388 – Other payables (if the export duty is not paid instantly to the trustee)
Cr 138 – Other payables (a decrease in the advance paid to the trustee for payment of export duty).
- The trustee does not record the export duty similarly to the trustor, that export duty shall be recorded as export duty paid on behalf of the trustor and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other payables (collecting the VAT paid on behalf of the trustor)
Dr 3388 – Other payables (deducting from received amounts from the trustor)
Cr 111, 112.
3.4. Export duty (3333)
3.4.1. Rules for accounting
- This account is used by the export taxpayer as prescribed. In the export-import entrustment, this account is used by the trustor, not by the trustee.
- Enterprises importing goods or fixed assets shall record import duty payable to the original cost of goods or fixed assets. If the enterprise imports goods on behalf of a third party without ownership of such goods, for example, temporary import on behalf of a third party, the import duty payable shall not be recorded to value of goods but be recorded to other receivables.
- Accounting for import duty eligible for refund or deduction:
+ If the import duty paid for import of goods or services is eligible for refund, a decrease in costs of goods sold (goods dispatched for sale) or a decrease in value of goods (goods dispatched for loans or borrowings, etc);
+ If the import duty paid for import of fixed assets is eligible for refund, a decrease in other expenses (sale of fixed assets) or a decrease in historical costs of fixed assets (fixed assets for return);
+ If the import duty paid for import of goods or fixed assets is eligible for refund by the entity having no ownership, a decrease in other receivables shall be recorded (i.e. temporary imported goods for processing, etc)
3.4.2. Method of accounting for import duty
a) When importing materials, goods or fixed assets, import duty payable, total payment or paid amounts to the seller and value of imported materials, goods or fixed assets (import duty-inclusive prices) shall be recorded as follows:
Dr 152, 156, 211, 611, etc. (import duty-inclusive prices)
Cr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
Cr 111, 112, 331, etc.
Regarding to temporary imported goods not under ownership of the enterprise, i.e. transit goods which are re-exported at the bonded warehouse, when paying import duty; the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other receivables
Cr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
b) When paying import duty to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
Cr 111, 112, etc.
c) Accounting for refund of import duty in the import process
- When re-exporting goods whose import duty is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
Cr 632 – Costs of goods sold (goods dispatched for sale)
Cr 152, 153, 156 – Goods (goods dispatched for return).
- When re-exporting fixed assets whose special excise tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
Cr 211 – Tangible fixed assets (fixed assets dispatched for return)
Cr 811 – Other receivables (sale of fixed assets).
- Regarding import duty paid in import process but imported goods are not under ownership of the enterprise, if they are eligible for refund (i.e. paid import duty on processed goods), the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
Cr 138 – Other receivables.
- When receiving money from the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
d) Import entrustment (applying for the trustor)
- When receiving notification of import duty from the trustee, the trustor shall record import duty payable as follows:
Dr 152, 156, 211, 611, etc. (import duty-inclusive prices)
Cr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
- When receiving tax payment slip from the trustee, the trustor shall record a decrease in the liability with government budget on import duty as follows:
Dr 3333 – Export-import duty (import duty in details).
Cr 111, 112 (if the trustee receives cash instantly)
Cr 3388 – Other payables (if the import duty is not paid instantly to the trustee)
Cr 138 – Other receivables (a decrease in the advance paid to the trustee for payment of import duty).
- The trustee does not record the import duty similarly to the trustor, that import duty shall be recorded as import duty paid on behalf of the trustor and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other payables (collecting the VAT paid on behalf of the trustor)
Dr 3388 – Other receivables (deducting from received amounts from the trustor)
Cr 111, 112.
3.5. Enterprise income tax (3334)
a) According to enterprise income tax payable to the government budget quarterly, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 821 - Enterprise income tax expenses (8211)
Cr 3334 - Enterprise income tax.
b) When paying enterprise income tax to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3334 - Enterprise income tax.
Cr 111, 112.
c) Determination of enterprise income tax payable at the end of the fiscal year:
- If the enterprise income tax payable is smaller than the provisional enterprise income tax every quarter, the difference between them shall be recorded as follows:
Dr 3334 - Enterprise income tax.
Cr 821 - Enterprise income tax expenses (8211).
- If the enterprise income tax payable is greater than the provisional enterprise income tax every quarter, the difference between them shall be recorded as follows:
Dr 821 - Enterprise income tax expenses (8211)
Cr 3334 - Enterprise income tax.
3.6. Personal income tax (3335)
When determining personal income tax payable which is deducted from taxable income of staff and other employees, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3335)
- When paying salaries to outsourcing people, the enterprise must determine personal income tax payable subject to irregular upon each generation of income, the following accounts shall be recorded as follows:
+ When paying remuneration, fees for outsourcing, etc instantly to outsourcing people, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 623, 627, 641, 642, 635 (total payment); or
Dr 161 – Non-business expenses (total payment); or
Dr 353 – Welfare funds (total payment) (3531)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3333) (deductible personal income tax)
Cr 111, 112 (actual payment).
+ When paying liabilities to outsourcing people having income, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 331 – Trade payables (total payables)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (deductible personal income tax)
Cr 111, 112 (actual payment).
- When paying personal income tax to the government budget on behalf of the people having income, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 333 – Taxes and other payables to the State (3335)
Cr 111, 112, etc.
3.7. Natural resource tax (3336)
- When determining natural resource tax payable which is included in the factory overheads, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 627 – Factory overheads (6278)
Cr 3336 – Natural resource tax.
- When paying natural resource tax to the government budget actually, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3336 – Natural resource tax.
Cr 111, 112, etc.
3.8. Land tax and land rent (3337)
- When determining land tax and land rent payable which is included in the general administration expenses, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 642 - Enterprise income tax expenses (6425)
Cr 3337 - Land tax and land rent.
- When paying land tax and land rent to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 3337 - Land tax and land rent.
Cr 111, 112, etc.
3.9. Environmental protection tax
3.9.1. Rules for accounting
- This account is used by the environment protection taxpayer as prescribed. In the import entrustment, this account is used by the trustor, not by the trustee.
- Enterprises selling goods subject to environmental protection tax shall record their revenues excluding environmental protection tax payable. At the time recording revenues, if it fails to separate the environmental protection tax payable, the revenue shall be recorded including such tax, but the environmental protection tax payable shall be recorded as a decrease in revenue periodically.
- Enterprises importing or selling domestic goods or fixed assets subject to environmental protection tax shall record their environmental protection tax payable to original cost of inventories.
- Accounting for environmental protection tax eligible for refund or deduction:
+ If the environmental protection tax paid for import of goods or services is eligible for refund, a decrease in costs of goods sold (goods dispatched for sale) or a decrease in value of goods (goods dispatched for loans or borrowings, etc);
+ If the environmental protection tax paid for import of fixed assets is eligible for refund, a decrease in other expenses (sale of fixed assets) or a decrease in historical costs of fixed assets (fixed assets for return);
+ If the environmental protection tax paid for import of goods or fixed assets is eligible for refund by the entity having no ownership, a decrease in other receivables shall be recorded.
+ If the environmental protection tax paid for sale of goods or services is eligible for refund or deduction, such tax shall be recorded to other income.
3.9.2. Method of accounting for environmental protection tax
a) When selling goods or providing services subject to environmental protection tax and VAT, the revenues shall be recorded excluding environmental protection tax and VAT as follows:
Dr 111, 112, 131 (total payment)
Cr 511 – Revenues (Environment protection and VAT-exclusive prices)
Cr 3331 - VAT payable (33311).
Cr account 33381 - Environmental protection tax
When a transaction takes place, if it fails to determine the environmental protection tax payable, the revenue shall be recorded including such tax, but the environmental protection tax payable shall be recorded as a decrease in revenue periodically.
Dr 511 - Revenues
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (in details).
b) When importing goods subject to environmental protection tax, according to sale invoices of imported goods and tax notification issued by the competent agency, environmental protection tax payable on imported goods shall be determined and recorded as follows:
Dr 152, 156, 211, 611, etc.
Cr account 33381 - Environmental protection tax:
- When dispatching goods or services subject to environmental protection tax for internal consumption, giving, promotion or advertisement without collecting money, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 641, 642.
Cr 152, 154, 155, etc.
Cr account 33381 - Environmental protection tax:
c) In case the enterprise is an import trustee who pays environmental protection tax on behalf of the import trustor, when determining the environmental protection tax payable, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 138 – Other receivables
Cr account 33381 - Environmental protection tax:
- When paying environmental protection tax to the government budget, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 33381 - Environmental protection tax
Cr 111, 112, etc.
d) Accounting for refund of environmental protection tax in the import process
- When re-exporting goods whose environmental protection tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 33381 - Environmental protection tax
Cr 632 – Costs of goods sold (goods dispatched for sale)
Cr 152, 153, 156 (goods dispatched for return).
- When re-exporting fixed assets whose special excise tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 33381 - Environmental protection tax
Cr 211 – Tangible fixed assets (fixed assets dispatched for return)
Cr 811 – Other receivables (sale of fixed assets).
- When re-exporting goods not under ownership of the enterprise whose environmental protection tax is eligible for refund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 33381 - Environmental protection tax
Cr 138 – Other receivables.
dd) Accounting for environmental protection tax payable for sale of goods or services which is eligible for refund or deduction: When receiving notification of special excise tax eligible for refund or deduction in the sale process issued by the competent agency, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 33381 - Environmental protection tax
Cr 711 – Other income.
3.10. Other taxes (33382), fees, charges and other payables (3339)
- When determining property transfer taxes subject to value of purchased asset (registration of ownership or rights to use), the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 211 – Tangible fixed assets
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3339)
- When paying other taxes (i.e. foreign contractor tax), fees, charges and other payables actually, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 333 – Taxes and other payables to the State (33382, 3339)
Cr 111, 112.
3.11. Accounting government grants for enterprises
- When receiving decisions on government grants for enterprises providing goods or services at the request of the state; the government grants shall be recorded to revenues as follows:
Dr 333 – Taxes and other payables to the State (3339)
Cr 511 – Revenues (5114).
- When receiving government grants, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 111, 112.
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3339)
Article 53. Account 334 – Payables to employees
1. Rules for accounting
This account is used to record payables and payment of payables to employees of enterprises, including salaries, wages, bonuses, social insurance and other payables included in employees’ incomes.
2. Structure and contents of account 334 – Payables to employees
Debit:
- Salaries, wages and bonuses, social insurance and other items which are paid or paid in advance to employees;
- Amounts deducted from salaries or wages of employees
Credit: Salaries, wages and bonuses, social insurance and other items which are paid to employees;
Credit balance: Outstanding salaries, wages and bonuses, social insurance and other items payable to employees;
Account 334 may have debit balance. Debit balance of account 334 is particular – recording negative difference between paid amounts and salaries, wages or other payables to employees (if any).
Account 334 shall be recorded according to: Salary payment and other payments.
Account 334 – Payables to employees, comprises 2 sub-accounts:
- Account 3341 – Payables to staff: This account is used to record payables and payment of payables to staff of enterprises, including salaries, wages, bonuses, social insurance and other payables included in staff’ incomes.
- Account 3348 – Payables to other employees: This account is used to record payables and payment of payables to other employees of enterprises, including salaries, wages, bonuses, social insurance and other payables included in employees’ incomes.
3. Method of accounting for several major transactions
a) When determining salaries or allowances payable to employees as prescribed, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 241 – Construction in progress
Dr 622, 623, 627, 641, 642.
Cr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
b) Bonuses paid to staff:
- When determining bonuses paid to staff from welfare fund, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 353 – Welfare funds (3531)
Cr 334 – Payables to employees (3341).
- When paying bonuses, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341).
Cr 111, 112, etc.
c) When determining social insurance (illness, pregnancy, work-related accidents, etc) payable to staff, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 338 – Other payables or receivables (3383)
Cr 334 – Payables to employees (3341).
d) When determining actual annual leave salary to staff, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 623, 627, 641, 642.
Dr 335 - Expenses payable (Enterprises accrue salary of annual leave)
Cr 334 – Payables to employees (3341).
dd) Items must be deducted from salary and income of staff and other employees of enterprises, such as unspent advances, medical insurance, social insurance, collected compensation of assets in shortage awaiting resolution, etc, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
Cr 141 - Advances
Cr 338 – Other payables or receivables
Cr 138 – Other receivables.
e) When determining personal income tax of staff and other employees of the enterprise payable to the state, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3335)
g) When giving advance or paying salaries or wages to staff and other employees of enterprises actually, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
Cr 111, 112, etc.
h) When making payables to staff and other employees of the enterprise, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
Cr 111, 112, etc.
i) In case of paying salary or bonus to staff or other employees of the enterprise by products, goods, the sale revenues excluding VAT shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
Cr 511 - Revenues
Cr 3331 - VAT payable (33311).
k) Determination and payment of other payables to staff and employees of the enterprise such as shift-meal, rents, phone bills, school fees, membership cards, etc:
- When determining payables to staff and employees of the enterprise, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 622, 623, 627, 641, 642.
Cr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
- When making payables to staff and employees of the enterprise, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 334 – Payables to employees (3341, 3348).
Cr 111, 112, etc.
Article 54. Account 335 – Accrued expenses payable
1. Rules for accounting
a) This account is used to record payables to goods or services received from the seller or provided for the seller during a reporting period, but payments of such goods or services have not been made due to lack of invoices or documents on accounting, which are recorded to operating expenses of the reporting period.
This account is also recorded payables to employees during a period, such as annual leave salary and operating expenses during the reporting period which are deducted in advance, for example:
- Expenses in seasonal cessation of production period, in case production cessation plan can be set up. The expenses payables in cessation period shall be calculated and recorded to operating expenses during the period.
- Accruing interest expenses incurred from loans payable in case of deferred loans interests, deferred bonds interests (at maturity of bonds).
- Accruing expenses to provisionally calculate cost of property finished products sold.
b) It is required to differentiate accrued expenses and provisions recorded to the account 352 and report in the financial statement in conformity with each item, in particular:
- Provisions are current liabilities without specific payment schedule; accrued expenses are current liabilities with specific payment schedule;
- Provisions are amounts payable which are not identified (i.e. provisions for warranty on goods or building works); accrued expenses are amounts payable which is identified.
- In the financial statement, provisions are separated with trade payables and other payables but accrued expenses are a part of trade payables or other payables.
- The recording of accrued expenses to operating expenses during a period shall be carried out in conformity with revenues and expenses incurring during a period. The payables not incurring because the goods or services are not received which are recorded to operating expenses in advance in this period to avoid suddenness in the operating expenses shall be recorded to provisions.
c) The accrued amounts not recorded to account 335 but to provisions account, such as:
- Expenses incurred from major repairs of specific tangible fixed assets due to cyclical large production, enterprises are allowed to accrue repair expenses for planning-year or several years later;
- Provisions for warranty on goods, building works or restructure;
- Other provisions (refer to account 352).
d) Accruement and recording of expenses which have not yet incurred into operating expenses during a period, must be calculated strictly (preparing an estimate for expenses approved by the competent agency) and have reasonable and reliable evidences on expenses which have to accrue in the period, to ensure amount of expenses payable recorded in this account in conformity with actual expenses incurred. Strictly forbid accruement in expenses contents which are not allowed to be charged to operating expenses.
dd) In principle, accrued expenses payable must be settled with actual expenses incurred. The difference between accruement and actual expenses must be reverted.
e) The accruement of expenses to provisionally determine the costs of property goods shall also meet following rules:
- The enterprise may only accrue expenses stated in the investment estimates without sufficient documents for acceptance to the costs of goods sold and reasons and contents of accruement for every work item must be presented.
- The enterprise may only accrue expenses to provisionally determine the costs of goods sold for completed property held for sale, which is sold during a period and meet recognition criteria of revenues.
- The accrued expenses which are temporarily determined and actual expenses incurred which are recorded to the costs of goods sold must be equivalent to the quota on cost according to total estimated expenses for sold property held for sale (according to the area).
g) The capitalized interest expenses shall be determined according to VAS “Borrowings costs”. The interest expenses shall be capitalized in following cases:
- Regarding loans serving the construction of fixed assets, investment properties, and the interests shall be capitalized even if the construction duration is under 12 months;
- The contract may not capitalize loan interests to serve the construction of building works or assets for their clients, including separate loans, for example: A contractor applies for loans for construction of building works for their clients; a shipbuilder builds ships to ship-owner, etc.
h) Accruement expenses which are unused until the end of the fiscal year must be presented in the financial statement.
2. Structure and contents of account 335 – Accrued expenses
Debit:
- Actually incurred payments charged to accrued expenses;
- Positive difference between accrued expenses and actual expenses shall be recorded as a decrease in expenses.
Credit: Accrued expenses which are recorded to operating expenses.
Credit balance: Accrued expenses charged to operating expenses, but have not yet incurred actually.
3. Method of accounting for several major transactions
a) When accruing into expenses incurred from annual leave salary of workers, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 622 - Direct labor costs
Cr 335 – Accrued expenses.
b) When calculating actual annual leave salaries payable, if the accrued amount is greater than the actual expenses incurred, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 – Accrued expenses (accrued amount)
Cr 622- - Direct labor costs.
c) When accruing expenses incurred from repair of fixed assets without acceptance during a period to operating expenses and issuing invoices, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 241, 623, 627, 641, 642.
Cr 335 – Accrued expenses.
d) When the repair of fixed assets is completed and put into operation, if the accrued amount is greater than the actual expense incurred, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 – Accrued expenses (accrued amount is greater than expense incurred)
Cr 241, 623, 627, 641, 642.
dd) When accruing estimated expenses payable during seasonal or planned production cessation period into operating expenses, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 623 – Costs of construction machinery
Dr 627 – Factory overheads
Cr 335 – Accrued expenses.
e) Actual expenses incurring from accrued expenses, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 623, 627 (if the expense incurred is greater than the accrued amount)
Dr 335 – Accrued expenses (accrued amount)
Dr 133 – Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 152, 153, 331, 334
Cr 623, 627 (if the expense incurred is smaller than the accrued amount)
g) When determining deferred interest payable in period at end of period, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 635 – Financial expenses (loans interests for business capital)
Dr 627, 241 (capitalized interests)
Cr 335 – Accrued expenses.
h) In case the enterprise issues bonds at par value, if interests are deferred (at maturity of bonds), periodically, the enterprise must accrue loan interests expenses payable in period into operating expenses, or capitalization of interests, and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 627, 241 (capitalized interests)
Dr 635 – Financial expenses (if the interest is included in financial expenses)
Cr 335 – Accrued expenses (bond interest payables in the period).
At the maturity of the bond, when the enterprise pays principal and interest of the bond to the bondholder, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 - Accrued expenses (total bond interests)
Dr 34311 – Bond par value
Cr 111, 112, etc.
i) In case the enterprise issues bonds at discount, if interests are deferred (at maturity of bonds), periodically, enterprises must accrue loan interests expenses payable in period into operating expenses or capitalization of interests, and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 627, 241 (capitalized interests)
Dr 635 – Financial expenses (if the interest is included in financial expenses)
Cr 335 – Accrued expenses (bond interest payables in the period).
Cr 34312 – Bond discounts (bond discount allocated in period).
At the maturity of the bond, when the enterprise pays principal and interest of the bond to the bondholder, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 - Accrued expenses (total bond interests)
Dr 34311 – Bond par value
Cr 111, 112, etc.
k) In case the enterprise issues bonds at premium, if interests are deferred (at maturity of bonds), periodically, enterprises must accrue loan interests expenses payable in period into operating expenses or capitalization of interests, and the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 627, 241 (capitalized interests)
Dr 635 – Financial expenses (if the interest is included in financial expenses)
Cr 335 – Accrued expenses (bond interest payables in the period).
At the maturity of the bond, when the enterprise pays principal and interest of the bond to the bondholder, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 - Accrued expenses (total bond interests)
Dr 34311 – Bond par value
Cr 111, 112, etc.
l) Regarding wholly-state-owned enterprises converted into joint-stock companies:
- Regarding overdue loans given by JSC Bank for Foreign Trade of Vietnam and the Vietnam Development Bank because the enterprise suffers losses, has no state capital and close to insolvency, the equitized enterprise must apply for freezing, rescheduling or cancelling debts of bank interests as prescribed in regulations of law in force. When receiving the decision of cancellation of outstanding interests, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 – Accrued expenses (cancelled interests)
Cr 421 – Undistributed profit after tax (the loan interests recorded to expenses of previous periods which are cancelled)
Cr 635 - Financial expenses (the loan interests recorded to financial expenses in this period).
- If the period from maturity date for payment of share purchase made by investors to the date on which the enterprise receives Certificate of Business registration is longer than 3 months, the enterprise may determine interests paid to investors:
+ Interests payable shall be recorded as follows:
Dr 635 - Financial expenses
Cr 335 – Accrued expenses.
+ When paying to investors, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 335 – Accrued expenses.
Cr 111, 112.
m) Accounting for accrued expenses for provisional determination of costs of sold property held for sale.
- When accruing expenses for provisional determination of costs of sold property held for sale, the following accounts shall be recorded as follows:
Dr 632 – Costs of goods sold
Cr 335 – Accrued expenses.
- The expenses incurred from accepted construction with sufficient documents shall be recorded to expenses incurred from property construction as follows:
Dr 154 – Work in progress
Dr 133 – Deductible VAT
Cr, relevant.
- When there are sufficient documents proving that accrued expenses actually incurs, a decrease in accrued expenses and work in progress shall be recorded as follows:
Dr 335- – Accrued expenses.
Cr 154- – Work in progress.
- When all property projects are completed, a decrease in the remaining accrued expenses shall be recorded as follows:
Dr 335- – Accrued expenses.
Cr 154- – Work in progress.
Cr 632 – Costs of goods sold (positive difference between remaining accrued expenses and actual expenses incurred).
Article 55. Account 336 – Intra-company receivables
1. Rules for accounting
a) This account is used to record payment of payables between an enterprise and dependent accounting affiliated units having no legal status (hereinafter referred to as dependent accounting units); between dependent accounting units in the same company.
In the enterprise, the classification of affiliates for accounting purpose shall base on nature of the units (independent accounting or dependent accounting, whether or not having legal status or having legal representative), but not base on the names of those units (members, branches, plants, groups, etc).
b) The account 336 shall not record payment between parent company and subsidiaries and between subsidiaries (between independent accounting units having legal status).
c) Intra-company receivables recorded to account 336 “Intra-company receivables” include working capital payables and other payables which the dependent accounting unit pays to the enterprise or other dependent accounting units; amounts which the enterprise grants to dependent accounting units. Amounts payable may relate to asset receipt, capital, funds, current payment, payment on behalf of a third party, interests, exchange differences, etc;
d) According to the decentralization and operating feature, the enterprise shall decide that the dependent accounting units shall record working capital granted by the enterprise to account 3361 – Operating capital provided for affiliated units or account 411 – Owner's invested equity.
dd) Account 336 “Intra-company receivables” is recorded in details for every unit which has mutual payment relationship, and accounts payable will be observed in details.
e) At end of period, accountants shall check and collate Account 136 and Account 336 between units according to every internal payment content, to prepare offsetting reports for every unit, as basis for offsetting adjustment in these two accounts. When collating, if having differences, the reasons for them must be uncovered and adjusted promptly.
2. Structure and contents of account 336 – Intra–company receivables
Debit:
- Amounts paid for dependent accounting units;
- Amounts paid to the enterprise by dependent accounting units;
- Amounts paid for items which internal units pay or receive on behalf of other internal units;
- Offsetting receivables against payables of the same unit having payment relationships.
Credit:
- Amounts of operating capital granted to dependent accounting units by the enterprise
- Amounts payable to the enterprise by dependent accounting units;
- Amounts payable to dependent accounting units;
- Amounts payable for other internal units on items paid or received on behalf of other units.
Credit balance: Outstanding amounts payable to the enterprise and internal units in the enterprise.
Account 336 – Intra-company receivables, comprises 4 sub-accounts:
- Account 3361 – Operating capital intra-company payables: This account is opened in dependent accounting units having no legal status to record operating capital granted by the enterprise.
This account does not record capital contributed to subsidiaries or units similar to subsidiaries (independent accounting units having no legal status) by the parent company.
- Account 3362 – Exchange differences intra-company payables: This account is only opened in project management board affiliated to the enterprise which is an investor to record the exchange differences payable to the enterprise.
- Account 3363 – Intra-company payables for borrowing costs entitled to be capitalized: This account is only opened in project management board affiliated to the enterprise which is an investor to record borrowings costs entitled to be capitalized transferred to the enterprise.
- Account 3368 – Other intra-company payables: records other payables between internal units in the same enterprise.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Accounting for dependent accounting units;
a) When a dependent accounting unit (branch, shop, project management board, etc) receives capital from the superior unit, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 152, 155, 156, 211, 213, 217, etc.
Cr 336 – Intra-company payables (3361).
b) When repaying amounts which are paid by other internal units or receiving goods or services from other internal units, the following accounts shall be recorded:
Dr 152, 153, 156
Dr 331 – Trade payables
Dr 641 – Selling expenses
Dr 642 – General administration expenses
Dr 133 – Deductible VAT
Cr 336 – Intra-company payables.
c) When collecting amounts on behalf of a third party or applying for loans from other internal units, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 336 – Intra-company payables.
d) When paying amounts payables or repaying amounts paid on behalf of the dependent accounting unit to the enterprise or other internal units, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables.
Cr 111, 112, etc.
dd) When receiving decisions on transfer of assets to other internal units and decline in operating capital, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables (3361)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (for transfer of fixed assets or investment properties)
Cr 152, 155, 156, 211, 213, 217, etc.
e) When offsetting receivables against payables incurring from transactions between the dependent accounting unit and other internal units, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables.
Cr 136 – Intra-company payables.
g) If the dependent accounting unit is not assigned to account for undistributed profit after tax (TK 421), periodically the dependent accounting unit shall transfer revenues, income, expenses directly through account 336 – Intra-company payables or account 911 – Income summary, the following accounts shall be recorded:
- When transferring revenues or income, the following accounts shall be recorded:
Dr 511, 711.
Cr 911 – Income summary (if the dependent accounting unit observes the income summary during a period)
Cr 336 – Intra-company receivables (if the dependent accounting unit does not observe the income summary during a period)
Periodically, when the dependent accounting unit in charge of observation of the income summary during a period transfers the income summary (profits) to the superior unit, the following accounts shall be recorded:
Dr 911 – Income summary
Cr 336 – Intra-company payables.
- When transferring expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company receivables (if the dependent accounting unit is not assigned to observe the income summary)
Dr 911 – Income summary (if the dependent accounting unit is assigned to observe the income summary separately)
Cr 632, 635, 641, 642.
Periodically, when the dependent accounting unit in charge of observation of the income summary during a period transfers the income summary (losses) to the superior unit, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables.
Cr 911 – Income summary.
h) If the dependent accounting unit is not assigned to account for undistributed profit after tax (TK 421), periodically, the dependent accounting unit shall transfer undistributed profit after tax to the superior unit, the following accounts shall be recorded:
- When transferring profits, the following accounts shall be recorded:
Dr 421 - Undistributed profits after tax
Cr 336 – Intra-company payables.
- When transferring losses, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables.
Cr 421 - Undistributed profits after tax.
3.2. Accounting for enterprises having dependent accounting units (superior units)
a) When granting welfare fund to dependent accounting units, the following accounts shall be recorded:
Dr 353 - Welfare fund
Cr 336 – Intra-company payables.
b) When paying amounts payable to dependent accounting units, the following accounts shall be recorded:
Dr 152 – Raw materials
Dr 153—Tools and supplies
Dr 211 – Tangible fixed asset
Dr 331 – Trade payables
Dr 623 – Costs of construction machinery
Dr 627 – Factory overheads
Dr 641- – Selling expenses
Dr 642 – General administration expenses
Cr 336 – Intra-company payables.
c) When paying amounts payable to dependent accounting units, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables.
Cr 111, 112, etc.
d) When offsetting intra-company receivables against intra-company payables, the following accounts shall be recorded:
Dr 336 – Intra-company payables.
Cr 136 – Intra-company payables.
Article 56. Account 337 – Progress billings
1. Rules for accounting
a) This account is used to record payables under schedule made by clients and receivables under revenues for the percentage of work that has been completed which is determined by the contractor in the contract of construction in progress.
c) Account 337 "Progress billings" only applies to construction contracts regulate that contractors are permit to make payments under schedule. This account shall not apply to construction contracts regulate that contractors are permit to make payments equivalently to the percentage of work certified by clients.
c) Documents on revenues equivalent to percentage of work that has been completed during a period (other than invoices) which are issued by the contractor and not certified by clients shall be the basis for recording to Dr 337. The contractor must choose methods for determination of percentage of work completed, and assign related departments to determine value of completed works, and prepare documents on revenues earned from construction contracts during a period.
Invoices prepared under billing schedule as specified in the construction contract shall be the basis for recording to Cr 337. Amounts stated in these invoices shall be the basis for recording trade receivables by contractor, but not recording revenues in accounting period.
d) Account 337 must be kept records in details for every construction contract.
2. Structure and contents of account 337 – Progress billings
Debit: recording receivables according to revenues equivalent to percentage of completed works under contract of construction in progress.
Credit: recording trade payables under schedule of the contract of construction in progress.
Debit balance: recording positive difference between revenues under the contract and trade payables under schedule of the contract of construction in progress.
Credit balance: recording negative difference between revenues under the contract and trade payables under schedule of the contract of construction in progress.
3. Method of accounting for several major transactions
a) In case a construction contract specifies that the contractor is entitled to make payment under schedule, when performance of construction contract is estimated reliably, the following accounts shall be recorded according to documents on revenues equivalent to completed work (other than invoices) determined by the contractor:
Dr 337 – Progress billings
Cr 511 – Revenues.
b) According to invoices prepared under billing schedule to record receivables under schedule under the contract, the following accounts shall be recorded:
Dr 131 – Trade receivables
Cr 337 – Progress billings
Cr 3331 – VAT payables.
c) When the contractor receives payment from clients, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112.
Cr 131 – Trade receivables.
Article 57. Account 338 – Other payables
1. Rules for accounting
a) This account is used to record payment of accounts payable other than accounts in group of Account 33 (from Account 331 to Account 337). This account is also used for accounting for unearned revenues from services provided for customers and differences in prices incurring in transactions of purchase and leaseback of assets under finance lease or operating lease.
b) Structure and contents of account 338:
- Value of assets in surplus whose reasons are not uncovered awaiting resolution of competent agency; Value of assets in surplus to be returned to individuals, groups (inside and outside units) as prescribed in the decision of competent agency written in resolution report, if the reasons were determined.
- Appropriated amount and payment for social insurance, health insurance, and unemployment insurance and trade union fees;
- Amounts deducted from salaries of employees according to the judgment of the Court;
- Amount of profits or dividends payable to owners;
- Temporary loans or borrowing of materials or goods, capital contributed to BCC which does not require a new legal entity.
- Amounts received on behalf of a third party payable or amounts received from the trustor to pay import duty, export duty or VAT on imported goods and pay on behalf of the trustor;
- Pre-payment for financial lease, infrastructure, interests of capital loans or purchase of debt instruments collected from clients during several accounting periods.
- The difference between selling prices under deferred or installment payment as committed and cash price.
- Amount payables for sale of shares of state capital when equitizating a wholly-state-owned enterprise.
- The positive difference between selling price and residual value of leased back fixed assets is financial lease; the positive difference between selling price and fair value of leased back fixed assets is operating lease;
- Other payables, such as payables for sale of voluntary pension insurance, life insurance and other grants (other salaries) for employees, etc.
c) Other payables in foreign currencies or payment of other payables must be kept records in details and the converting from foreign currencies into accounting currencies according to following rules:
- When incurring payables in foreign currencies, those payables shall be converted into VND according to actual exchange rates at the incurring time (selling exchange rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions);
- When paying other payables in foreign currencies, they must be converted into specific identification bookkeeping rate;
- At the end of the accounting period, the balance of other payables shall be re-evaluated according to actual exchange rates at the incurring time (selling exchange rate of the commercial bank where the enterprise regularly enters into transactions) and recorded to financial expenses, or financial income. Unearned revenues in foreign currencies shall not be re-evaluated if it is not evident that the enterprise is required to return those re-payments to clients in foreign currencies.
2. Structure and contents of account 338 – Other payables
Debit:
- Transferring value of assets in surplus into relevant accounts according to decision written in resolution report;
- Trade union fees disbursed at units;
- Amounts of social insurance, health insurance, unemployment insurance, trade union fees paid to manage fund agencies of social insurance, health insurance, unemployment insurance and trade union fees.
- Unearned revenues calculated for every accounting period; pre-payment returned to clients if the enterprise does not keep leasing assets;
- Difference between selling price under deferred or installment payment as committed and cash price (deferred interests) allocated to financial expenses;
- Transferring positive difference between the selling price and residual value of leased back fixed assets which is financial lease to record as a decrease in operating expenses;
- Transferring positive difference between the selling price and fair value of leased back fixed assets which is operating lease to record as a decrease in operating expenses;
- Paying amounts collected from equitization of wholly-state-owned enterprises to enterprise arrangement fund;
- Transferring difference between equitization expenses (-) amounts collected from equitization of state companies;
- Other payables.
Credit:
- Value of assets in surplus awaiting for resolution (without reasons); Value of assets in surplus payable to individuals or groups (inside and outside units) according to the decision written in resolution report because the reasons are uncovered instantly;
- Appropriating social Insurance, health Insurance, unemployment insurance and trade union fees into operating expenses or salaries of employees;
- Payment with employees on collective housing rents, electricity and water expenses;
- Overspending trade union fees which are granted additionally;
- Amounts of social insurance given by social insurance agencies which are paid to employees
- Unearned revenues incurred during a period;
- The difference between selling prices under deferred or installment payment as committed and cash price.
- The positive difference between selling price and residual value of leased back fixed assets which is financial lease;
- The positive difference between selling price and fair value of leased back fixed assets which is operating lease;
- Total amounts collected from sale of shares of state capital; positive difference between actual values of state capital determined when the wholly-state-owned enterprise converts into joint-stock company and actual value of state capital when the enterprise's value is determined;
- Temporary loans or borrowings of materials or goods, or capital contributed to BCC which does not require a new legal entity;
- Return of receipts on behalf of other units;
- Other payables.
Credit balance:
- Accrued social insurance, health insurance and trade union fees which have not been paid to management agency or unspent trade union fees;
- Value of assets in surplus awaiting resolution;
- Unearned revenues incurred at the end of accounting period;
- Positive difference between selling price and residual value of leased back fixed asset without transferring;
- Total amounts collected from sale of shares of state capital; positive difference between actual value of state capital determined when the wholly-state-owned enterprise converts into joint-stock company and actual value of state capital when the value to-be-paid of the enterprise at the end of the accounting period is determined;
- Other payables.
This account may have debit balance: Debit balance shall reflect payment in excess of accounts payable, or sums of social insurance paid to employees who have not yet been settled, and overspending trade union fees not being granted additionally.
Account 338 – Other payables, comprises 8 sub-accounts:
- Account 3381 – Assets in surplus awaiting resolution: records value of assets in surplus without reasons awaiting resolution of the competent agency. In case the reasons for surplus are uncovered and there is resolution report, the assets in surplus shall be recorded to relevant accounts, not to account 338 (3381).
- Account 3382 – Trade union fees: records accruement and payment of trade union fees at units.
- Account 3383 – Social insurance: records accruement and payment of social insurance at units.
- Account 3384 – Health insurance: records accruement and payment of health insurance at units.
- Account 3385 – Payables on equitization: records amounts collected from sale of shares of state capital payables, positive difference between actual value of state capital when the wholly-state-owned enterprise converts into joint-stock company and actual value of state capital when the enterprise’s value is determined;
- Account 3386 – Unemployment insurance: records accruement and payment of unemployment insurance at units.
- Account 3387 – Unearned revenues: records current amounts and increases and decreases in unearned revenues of the enterprise during a period. Unearned revenues include: amounts of customers paid in advance for one or many accounting periods for asset lease; interests received in advance when lending or buying debt instruments; or the difference between selling prices under deferred and from installment payment as committed and cash price; revenues corresponding to the value of goods, services or discounts to clients in the traditional client programs, etc. The following amounts shall be not recorded to this account:
+ Amounts received in advance from buyers that enterprise has not provided goods or services;
+ Revenue has not earned from asset lease or services provided for several accounting periods (unearned revenue is only recorded when the revenue is actually collected, not recorded corresponding to TK 131 – Trade receivables).
- Account 338 – Other payables: records other payables of the unit other than payables recorded to accounts from 3381 to 3387.
3. Method of accounting for several major transactions
3.1. Assets in surplus without reasons awaiting resolution:
a) When discovering assets in surplus, their value shall be recorded according to the fair value as follows:
Dr 111, 152, 153, 156, 211 (according to fair value)
Cr 338 – Other payables (3381).
b) When there is the resolution report on surplus in assets issued by the competent agency, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables (3381).
Cr 411 – Owner's invested equity; or
Cr 441 – Capital expenditure funds;
Cr 338 – Other payables (3388);
Cr 642 – General administration expenses
Cr 711 – Other income.
3.2. Accounting for surplus of assets in case of equitization of wholly-state-owned enterprise
- When receiving notification or decision on equitization issued by the competent agency, the equitized enterprise must conduct physical inventory count and classify assets under management and use of the enterprise when the enterprise’s value is determined. According to the report on money inventory when determining the enterprise’s value, the value of money in surplus shall be recorded as follows:
Dr 111, 112.
Cr 3381 – Assets in surplus awaiting resolution
Surplus of assets: the enterprise shall keep records of surplus of assets discovered under physical inventory count in the financial statement.
- Accounting for assets in surplus or shortage: with regard to assets in surplus, according to “Report on resolution to shortage or surplus of assets under physical inventory count”, the following accounts shall be recorded:
Dr 3381 – Assets in surplus awaiting resolution
Cr 331 – Trade payables (if the assets in surplus belong to the seller)
Cr 338 – Other payables (3388);
Cr 411 – Owner's invested equity (regarding assets in surplus unable to uncover reasons or owners).
3.3. Accounting for social insurance, health insurance, unemployment insurance, or trade union fees
- When appreciating social insurance, health insurance, unemployment insurance, or trade union fees, the following accounts shall be recorded:
Dr 622, 623, 627, 641, 642 (amounts included in operating expenses)
Dr 334 – Payables to employees (amounts deducted from salaries of employees)
Cr 338 – Other payables (3382, 3383, 3384, 3386).
- When paying social insurance, health insurance, unemployment insurance, or trade union fees, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables (3382, 3383, 3384, 3386).
Cr 111, 112, etc.
- When paying social insurance to employees in case of sick leave or maternity leave, etc, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables (3383).
Cr 334 – Payables to employees.
- When spending trade union fees at units, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables (3382).
Cr 111, 112, etc.
- When receiving compensation for overspending trade union fees, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112.
Cr 338 – Other payables (3382).
3.4. When applying for loans or borrowings of materials or goods, or capital contributed to BCC which does not required a new legal entity, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, 152, 153, 156, etc.
Cr 338 – Other payables.
3.5. Accounting for unearned revenues on operating lease of fixed assets, investment properties, unearned revenues of accounting period are determined by total of money collected from operating lease of fixed assets, property investment dividing for number of periods having amount received in advance from operating lease of fixed assets, property investment (if the total advance is recorded to revenues one time):
- When receiving rents for lease of fixed assets or property lease for many years which are prepaid by customers, unearned revenues at VAT-exclusive prices shall be recorded as follows:
Dr 111, 112, etc. (total advances)
Cr 3387 – Unearned revenues (VAT-exclusive prices)
Cr 3331 – VAT payables (33311).
- When calculating and recording revenue of every accounting period, the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 – Unearned revenues
Cr 511 – Revenues (5113, 5117).
- If the asset-leasing contract fails to be performed, when returning money to clients, the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 – Unearned revenues (VAT-exclusive prices)
Dr 3331 – VAT payable (amounts returned to the lessee for VAT on non-performance of asset-leasing contract)
Cr 111, 112, etc (returned amounts).
3.6. Accounting for sale using deferred or instalment payment:
- When selling goods using deferred or instalment payment, the revenues of the accounting period shall be recorded according to cash prices, the difference between deferred price and cash price shall be recorded to account 3387 “Unearned revenues” as follows:
Dr 111, 112, 131, etc.
Cr 511- – Revenues (according to VAT-exclusive cash prices)
Cr 3387 – Unearned revenues (difference between deferred price and VAT-exclusive cash price)
Cr 333 – Taxes and other payables to the State (3331).
- Periodically, when calculating and transferring profits from sale using deferred or instalment payment during a period, the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 – Unearned revenues
Cr 515 – Financial income.
- When actually collecting amounts of sale using deferred or instalment payment, including difference between selling price under deferred or installment payment as committed and cash price, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112, etc.
Cr 131 – Trade receivables.
- And the costs of goods sold shall be recorded as follows:
+ When selling goods, the following accounts shall be recorded:
Dr 632- Costs of goods sold
Cr 154 (631), 155, 156, 157, etc.
+ When liquidating or selling an investment property, the following accounts shall be recorded:
Dr 632- Costs of goods sold (residual value of the investment property)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (2147) (accumulated depreciation - if any)
Cr 217 – Investment property.
3.7. If the selling price of the leased back fixed asset which is financial lease is greater than their residual value:
- When completing procedures for sale of assets, the following accounts shall be recorded according to relevant invoices and documents:
Dr 111, 112, etc. (total payment)
Cr 711- Other income (residual value of leased back fixed asset)
Cr 3387 – Unearned revenues (positive difference between selling price and residual value of fixed asset)
Cr 3331 – VAT payables.
And a decrease in fixed asset shall be recorded as follows:
Dr 811 - Other income (residual value of leased back fixed asset)
Dr 214 – Depreciation of fixed assets (depreciation value) (if any)
Cr 211 – Tangible fixed asset (historical cost).
- Periodically, when transferring positive difference (profit) between the selling price and residual value of financial leased back fixed assets which are financial lease to record as a decrease in operating expenses in conformity with lease term; the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 – Unearned revenues
Cr 623, 627, 641, 642, etc.
3.8. Enterprises which have not allocated all profits on exchange differences in the before-operation stage (recorded to account 3387 – Unearned revenues) must transfer total profits on exchange differences to financial income to determine income summary during a period, and the following accounts shall be recorded:
Dr 3387 – Unearned revenues
Cr 515 – Financial income.
3.9. Accounting for payables on equitization of wholly-state-owned enterprise.
- When collecting amounts from sale of shares of state capital in the enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112.
Cr 3385 – Payables on equitization.
- Accounting for policies for employees in excess of the enterprise: According to the decision on determination of amounts collected from sale of shares to support policies for employees in excess of the enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Payables on equitization.
Cr 334 – Payables to employees.
When paying money to employees actually, the following accounts shall be recorded:
Dr 334 – Payables to employees.
Cr 111, 112.
- Settlement of equitization expenses: at the end of the equitization progress, the enterprise must send a report and make settlement of equitization expenses with the agency deciding the equitization. The equitization expenses shall be offset against amounts collected from equitization of enterprise, the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Payables on equitization.
Cr 1385 – Payables on equitization (equitization expenses in details).
When paying amounts collected from equitization (after offsetting equitization expenses) to enterprise arrangement fund in the parent company of the economic group, general state-owned company, parent company in the parent company—subsidiary relationship or Enterprise Arrangement and Development Fund held by State Capital and Investment Corporation, the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Payables on equitization.
Cr 111, 112.
- If the enterprise is not permit to use amounts collected from sale of shares, the interest payable shall be deducted from amounts payable on equitization but not recorded to financial expenses, the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Payables on equitization.
Cr 335 – Accrued expenses.
When paying money to investors, the following accounts shall be recorded:
Dr 335 – Accrued expenses.
Cr 111, 112.
- Accounting for difference between the actual value of state capital when the state-owned enterprise converts into joint-stock company and the actual value of state capital when the enterprise’s value is determined.
+ If the actual value of state capital when the state-owned enterprise converts into joint-stock company is greater than the actual value of state capital when the enterprise’s value is determined, when paying positive difference between them (profits) to enterprise arrangement fund in the parent company of the economic group, general state-owned company, parent company in the parent company – subsidiary relationship or Enterprise Arrangement and Development Fund held by State Capital and Investment Corporation, the following accounts shall be recorded:
Dr 421 - Undistributed profits after tax
Cr 3385 – Payables on equitization.
When paying amounts collected from equitization (after offsetting equitization expenses) to enterprise arrangement fund in the parent company of the economic group, general state-owned company, parent company in the parent company—subsidiary relationship or Enterprise Arrangement and Development Fund held by State Capital and Investment Corporation, the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Payables on equitization.
Cr 111, 112.
+ If the actual value of state capital determined when the wholly-state-owned enterprise converts into joint-stock company is smaller than the actual value of state capital when the enterprise's value is determined; the negative difference between them (losses) shall be recorded as follows:
If the group or individual is subject to compensation, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 421 - Undistributed profits after tax.
When receiving compensation from the group or individual, the following accounts shall be recorded:
Dr 111, 112.
Cr 138 – Other receivables (1388).
If the negative difference is caused by objective reasons, or subjective reasons due to force majeure event but the offender fails to make compensation and the competent agency considers and decides to use the amounts collected from sale of shares to compensate the losses after deducting insured compensation (if any), the following accounts shall be recorded:
Dr 3385 – Payables on equitization.
Cr 421 - Undistributed profits after tax.
3.10. Accounting for the import trustee
a) When receiving money from the import trustor to buy imported goods, the following accounts shall be recorded according to relevant documents:
Dr 111, 112, etc.
Cr 338 – Other payables (3388).
b) When transferring money to make deposit to open LC (for payment using Letter of Credit), the following accounts shall be recorded according to relevant documents:
Dr 244 – Pledge, mortgages and deposits
Cr 111, 112.
c) When importing materials, equipment or goods for the trustor, the quantity, class, quality of the entrusted imported goods, import duration, payment entity, etc, shall be recorded to the trustee's administration system and financial statement; the value of entrusted import goods shall not be recorded to balance sheet.
d) Accounting for the import entrustment payment:
- When transferring deposit for L/C to overseas sellers as a portion of the import entrustment payment, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables
Cr 244 – Pledge, mortgages and deposits.
- When making payment of entrusted imported goods to overseas seller, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (if the trustor has not given advance for purchase of imported goods)
Dr 3388 - Other payables (deducted from the amounts received from the trustor)
Cr 111, 112, 3388, etc.
- Import duty, VAT on imported goods, special excise tax paid on behalf of the import trustor: in the export – import entrustment transaction (export-import entrustment contract is required), the trustee shall be the representative of the trustor to fulfill obligation with the government budget (taxpayer on behalf of the trustor), or tax liability taken over by the trustor. In this case, the trustee only records amounts of money paid to government budget as amount paid on behalf of the trustor. When paying to government budget, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (return of amounts paid on behalf of the trustor)
Dr 3388 - Other payables (deducted from the amounts received from the trustor)
Cr 111, 112.
dd) Regarding import entrustment expenses and VAT on import entrustment expenses, the revenues from import entrustment expenses shall be recorded as follows according to VAT invoices and relevant documents:
Dr 131, 111, 112, etc. (total payment)
Cr 511 – Revenues (5113)
Cr 3331 – VAT payables.
e) When make payment related to import entrustment (banking fees, customs inspection fees, warehouse rents, depot rents, material handling expenses, delivery expenses, etc) on behalf of the import trustor, the following accounts shall be recorded according to relevant documents:
Dr 138 – Trade receivables (every import trustor in details)
Cr 111, 112, etc.
g) When offsetting receivables against payables at the end of the transaction, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables
Cr 138 – Other receivables,
3.11. Accounting for the export trustee
a) When exporting materials, equipment or goods for the trustor, the quantity, class, quality of the entrusted exported goods, export duration, payment entity, etc, shall be recorded to the trustee's administration system and financial statement; the value of entrusted export goods shall not be recorded to balance sheet. The payment of export duty (if any) shall comply with regulations of account 333 – Taxes and other payables to the State.
b) When paying on behalf of the export trustor, the following accounts shall be recorded:
Dr 138 – Other receivables (1388)
Cr 111, 112.
c) When receiving amount of money from the overseas purchaser, such amount shall be recorded to payables to trustor as follows:
Dr 112 – Cash in bank
Cr 338 – Other payables (3388).
d) When offsetting receivables against payables, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables
Cr 138 – Other receivables,
3.12. When determining profits or dividends payable to owners, the following accounts shall be recorded:
- When determining amounts payable, the following accounts shall be recorded:
Dr 421 - Undistributed profits after tax
Cr 338 – Other payables (3388).
- When paying profits or dividends to owners, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables (3388).
Cr 111, 112 (amount of profits or dividends payable to owners)
Cr 3335 – Personal income tax (if the personal income tax of the owner is deducted at source).
3.13. When preparing financial statement, balance of other payables in foreign currencies according shall be re-evaluated according to actual exchange rates:
- If incurring losses of exchange rates, the following accounts shall be recorded:
Dr 413 – Exchange rate differences
Cr 338 – Other payables.
- If incurring profits of exchange rates, the following accounts shall be recorded:
Dr 338 – Other payables
Cr 413 – Exchange rate differences.
Article 58. Account 341 - Loans and finance lease liabilities
1. Accounting Principles
a) This account shall be used to record loans, finance lease liabilities and payment of the loans, finance lease liabilities of the enterprises. Loans under the forms of issuance of bonds or preference shares with provisions requiring the issuer to repurchase at a certain time in the future shall not be recorded in this account.
b) Enterprises must monitor in detail the payable term of loans, finance lease liabilities. The loans, finance lease liabilities with payment period of more than 12 months from the date of the financial statements, accountants shall present as long-term loans and finance lease liabilities. Loans and finance lease liabilities fall due for settlement within the next 12 months from the date of the financial statements, accountants shall present as short-term loans and finance lease liabilities for the payment plan.
c) Borrowing expenses directly related to the loans (other than payable interest), such as expenses for verification, audit, making application... shall be accounted for in financial expenses. Where these expenses arise from loans for purposes of investment, construction or production of assets in progress, they shall be capitalized.
d) For the financial lease liabilities, total liabilities recorded in the Credit side of Account 341 shall be the total payable amount calculated on the present value of minimum lease payments or the fair value of leased assets.
e) Enterprises must account for in details and monitor each object of the loan or liability, loan agreement and type of loan asset. In case of loans or liabilities in foreign currency, accountants must monitor in detail the currency and comply with the following principles:
- Loans, liabilities in foreign currency must be converted into accounting monetary units in accordance with the actual exchange rate at the arising time;
- When paying loans, liabilities in foreign currency , the Debit side of Account 341 shall be entitled to convert according to exchange rates recorded in accounting books in actually specific identification for each object;
- When establishing financial statement, the balance of the loan, finance lease liabilities in foreign currency must be revalued at actual exchange rates at the date of the financial statements.
- The exchange rate differences arising from the payment and the revaluation at the end of the period of loans, finance lease liabilities in foreign currencies shall be accounted for in revenues or expenses of financial activities.
2. Structure and contents of the account 341 - Loans and finance lease liabilities
Debit side:
- Sums paid for loans, finance lease liabilities;
- Sum of loans, liabilities reduced due to agreement of the lenders, creditors;
- Exchange differences due to revaluation of the balance of loan, finance lease liabilities by foreign currency at the end of period (in case exchange rate of foreign currency falls against the Vietnam dong).
Credit side:
- Sum of loans, finance lease liabilities incurred during the period;
- Exchange differences due to revaluation of the balance of loan, finance lease liabilities by foreign currency at the end of period (in case exchange rate of foreign currency rises against the Vietnam dong).
Credit balance: Balance of remaining loans, finance lease liabilities.
Account 341 - Loans and finance lease liabilities comprise 2 sub-accounts
Account 3411 - Loans: This account records the value of the loans and the payment of the loans of enterprises (this account does not record loans under the form of bond issuance).
Account 3412 - Finance lease liabilities This account records the value of finance lease liabilities and the payment of finance lease liabilities of enterprises.
3. Method of accounting for several major transactions
Loans by cash
- Loans by Vietnam dong (put into cash fund or deposited into bank), record:
Dr 111- Cash (1111)
Dr 112- Cash in bank (1121)
Cr 341 - Loans and finance lease liabilities (3411)
- Loans by foreign currency converted into Vietnam dong according to actual transaction exchange rates, record:
Dr 111-Cash (1112) (loan put into cash fund)
Dr 112- Cash in bank (1122) (loan deposited into bank)
Dr 221, 222- (loan invested into subsidiaries, associated companies, joint-ventures)
Dr 331- Supplier payable (loan paid straightly for sellers)
Dr 221-Tangible fixed assets (loan for purchase of fixed assets)
Dr 133- Deductible value-added tax (if any)
Cr 341 - Loans and finance lease liabilities (3411)
- Loan expenses directly related to the loan (other than accrued interest) such as expenses for audit, application for verification... record:
Dr 241, 635
Cr 111, 112, 331
b) Loans transferred straightly to sellers for purchase of inventory, fixed assets, to pay for capital investment, if input VAT is deductible, record:
Dr 152, 153, 156, 211, 213, 241 (purchase price excluding VAT)
Dr 213 - Intangible fixed assets (purchase price excluding VAT)
Dr 133- Deductible value-added tax (1332)
Cr 341 - Loans and finance lease liabilities (3411)
- If the input VAT is not deductible, the value of purchase and construction of fixed assets shall be recorded including VAT. Borrowing expenses directly related to the loans (other than accrued interest) as expenses for audit, application for accounting verification shall be similar to entries in point a.
c) Loans for payment or capital advance (prepaid) to sellers, contractors of construction, to pay the expenses, record:
Dr 331, 641, 642, 811
Cr 341 - Loans and finance lease (3411)
d) Loans for investments in subsidiaries, associated companies and joint ventures, shares, bonds, record:
Dr 221, 222, 228
Cr 341 - Loans and finance lease liabilities (3411)
dd) The accrued interest are added to the principal, record:
Dr 635- Financial expense
Dr 154, 241 (if the interest is capitalized)
Cr 341 - Loans and finance lease liabilities (3411)
e) Payment loans by Vietnam dong or by sums received from debts of the customer, record:
Dr 341 - Loans and finance lease liabilities (3411)
Cr 111, 112, 131
g) Payment of loan in foreign currency:
Dr 341 – Loans and finance lease liabilities (under exchange rates of account 3411)
Dr 635 - Financial expense (loss on forex)
Cr 111, 112 (at the exchange rate in accounting books of Accounts 111, 112)
Cr 515 - Financial income (gain on forex).
h) Accounting of transactions involving financial lease shall comply with the provisions of accounts 212 - Finance lease fixed assets.
When establishing financial statement, the balances of the loan, finance lease liabilities in foreign currency must be revalued at real exchange rates at the end of period:
- If loss on forex is incurred, record:
Dr 413 - Exchange differences
Cr 341 - Loans and finance lease liabilities
- If gain on forex is incurred, record:
Dr 341 - Loans and finance lease liabilities
Cr 413 - Exchange differences
Article 59. Account 343 - Bonds released
1. Accounting Principles
Account 343 is only applied to enterprises borrowing capital by the mode of releasing bond. This account is used to record situation of releasing bond, including convertible bond and payment situation for bond of enterprises. This account is also used for recording bonds discounts, premium when issuing bond, and allocation situation of discounts, premiums when determining borrowing costs charged to business and production costs or capitalized for every period.
Real interest rate (also called effective interest rate) is defined as follows:
It is interest rates for loans of commercial banks commonly applied in the market at the time of the transaction;
b) Where the interest rate cannot be determined in accordance with point a above, the real interest rate is the interest rate that enterprises may borrow under the form of issued debt instruments which must not be convertible into shares (bond issuance must not commonly converted or borrowed by conventional contract) in conditions of production, business which is going on normally.
Principles of common bonds (unconvertible bonds)
When enterprises borrow capital by releasing bond, three cases may occur:
- Releasing bond at par (released price equal to Bond par value): means releasing bond with the price complied with bond par value. This case often occurs when the market interest rate is equal to the nominal interest rate of bond released;
- Releasing bond at discount (released price less than Bond par value): means releasing bond with the price lower than bond par value, called discounts of bond. This case often occurs when market interest rate is higher than nominal interest rate of bond released;
- Releasing bond at premium (released price higher than Bond par value): means releasing bond with the price higher than bond par value. The difference between released Bond par values higher than price of bond called premium of bond. This case often occurs when market interest rate is lower than nominal interest rate of bond released;
b) Bond discount and premium are only incurred when enterprises borrow by the mode of releasing bond, and at the releasing time, there is a difference between market interest rate and nominal interest rate approved by the investors who buy bond. Bond discount and premium are determined and recorded immediately at the time of releasing bond. The difference between market interest rate and nominal interest rate after the time of leasing bond shall not influence on value of premiums or discounts recorded.
c) Enterprises using Account 3431 - Bonds often used to record the details of contents related to the bond released, including:
- Bond par value;
- Bond discount;
- Bond premium
Also monitor in detail according to issuance duration of bond.
d) Enterprises must monitor discounts and premiums for every type of bond released, and allocation situation of every discount and premium when determining borrowing costs charged to business and production costs or capitalized for every period, namely:
- Bond discount is allocated gradually to be charged into borrowing costs for every period during bond life;
- Bond premium is allocated gradually to reduce borrowing costs for every period during the bond life;
- In case of bonds’ interest costs are qualified for capitalization, borrowing interests and the allocation of discounts or premiums capitalized in every period must not exceed actual borrowing interests incurred and the allocation of discounts or premiums in that period;
- The allocation of discounts or premiums may use the actual interest rate method or the straight line method:
According to the real interest rate method: Discounts or premiums allocated into each term calculated by the difference between borrowing interest costs payable for every term of interest payment (calculated by beginning book value of bond multiply (x) with rate of actual interest in the market) with amounts payable every term.
According to the straight line method: Discounts or premiums allocated equally during bond life.
e) In case of paying interest at maturity, periodically, enterprises must calculate bond interest’s payable every term, to record it into business and production costs or capitalize it into value of unfinished assets
g) When making financial statement, in the liabilities of the balance sheet, the item of bond released shall be recorded on net basis (determining by bond value at par minus (-) bond discount are plus (+) Bond premium)
h) Cost of issuing bonds is gradually allocated in accordance with bond life under the straight line method or real interest rate method and recorded in the financial expense or capitalized. At the time of initial record, the cost of issuing bonds is recorded a decrease in par value of the bond. Periodically, accountants allocate cost for bond issuance by recording an increase in the par value and recording in financial expense or capitalization in accordance with the recording accrued interest of the bond.
Accounting principles of convertible bonds
Convertible bonds are bonds that may be converted into common shares of the same issuer under the conditions identified in the released plan. Enterprises issuing convertible bonds must carry out procedures and meet the conditions of the convertible bonds issuance under the provisions of law.
b) Enterprise (the issuer of convertible bonds) uses account 3432 - Convertible bonds to record the value of the principal of convertible bonds at the time of reporting. Enterprises must open detailed accounting books to keep track of each type of convertible bonds according to term, interest rate and par value.
c) Convertible bonds recorded on account 3432 are bonds that can be converted into a number of determined shares defined in the issuance plan. Bonds that may be converted into a number of undetermined shares at maturity (depending on the market value of the shares at maturity) are accounted for as common bonds.
d) Cost of issuing convertible bonds is gradually allocated in accordance with bond life under the straight line method or real interest rate method and recorded in the financial expense or capitalized. At the time of initial record, the cost of issuing convertible bonds is recorded reducing par value of the bond. Periodically, accountings allocate cost for bond issuance by recording increasing the par value recorded in financial expense or capitalized in accordance with the recording accrued interest of the bond.
e) At the time of initial record, when issuing convertible bonds, enterprises must calculate and determine separately value of the debt component (principal debt) and capital component of convertible bonds. Principal debt of convertible bonds is recorded a liabilities; component of capital (stock options) of convertible bonds is recorded an equity. The valuation of the components of the convertible bond is carried out as follows:
- Valuation of the principal of convertible bonds at the time of release
At the time of initial record, the value of the principal of convertible bonds is determined by discounting the nominal value of future payments (including principal and interest of bonds) about the present value under interest rate of similar bonds in the market without the right to convert into shares and subtracting the cost of issuing convertible bonds. In case of failure to determine the interest rate of similar bonds, enterprises use common loan interest rates in the market at the time of the issuance of bonds to determine the present value of future payments.
Common loan interest rate in the market is loan interest rate used in the majority of transactions in the market.
Enterprises shall actively determine common loan interest rates in the market in the most accordance with characteristics of the production and trading of the enterprises in consistence with the provisions of the State Bank.
Example of valuation of the principal of convertible bonds at the time of release: On January 1, 2012, Thang Long joint-stock company issues 1 million of convertible bonds with par value of VND 10,000 in 3-year period, nominal interest rate is 10% / year, payment of interest is every year at the end of the year. Interest rate of unconvertible similar bonds is 15% / year. At maturity, each bond is convertible into one share. Knowing that the convertible bonds are issued to mobilize capital for normal production, business (interest is included in financial expense). Valuation of the principal of convertible bonds at the time of initial record is carried out (ignoring the cost of issuing bonds) as follows:
Unit: dong
|
nominal value of future liabilities |
|
discount rate |
|
Present value of future liabilities |
First year: |
1,000,000,000
(accrued interest) |
x
|
[1/1.15] |
= |
869,565,000 |
Second year: |
1,000,000,000
(accrued interest) |
x |
[1/1.15^2] |
= |
756.144.000 |
Third year: |
1,000,000,000
(accrued interest) |
x |
[1/1.15^3] |
= |
657,516,000 |
Third year: |
10,000,000,000 (accrued principal) |
x |
[1/1.15^3] |
= |
6,575,160,000 |
Total |
|
|
|
|
8,858,385,000 |
According to this example, total amount collected from the bond issuance is 10,000,000,000d, in which the total present value of future payments including principal and interest of bonds is 8,858,385,000d. This value is defined as the value of the principal of convertible bonds at the time of initial recording and is recorded as liabilities from the issuance of convertible bonds.
- Valuation of capital component of convertible bonds (bond conversion option)
The value of the capital component of convertible bonds is defined as the difference between the total amounts collected from issuance of convertible bonds and the value of the debt component of the convertible bond at the time of release.
According to the above example, the value of the capital component of convertible bonds is defined as: 10,000,000,000 - 8,858,385,000 = 1,141,615 billion dong. The value of capital component of convertible bonds is recorded as stock options under the equity.
g) After initial recording, accountants must adjust the value of the principal of converted bond as follows:
- Record an increase in the value of the principal of the bonds for issuance costs allocated periodically;
- Record an increase in the value of the principal of bonds for the difference between the payable bond interests calculated on the interest of the unconvertible similar bond or real interest rates higher than the payable interest calculated on nominal interest rate.
Example: Following the above example, the determination of financial expenses in the period and adjustment of the value of the principal of convertible bonds at the end of the period shall be as follows:
Unit Thousand dong
|
Value of the principal of convertible bonds at the beginning of period |
Financial expense recorded in the period (Interest 15%/year) |
Accrued interest calculated on the nominal interest rate of 10% / year |
Value adjusted to increase the principal of convertible bonds during the period |
Value of the principal of convertible bonds at the end of period |
First year: |
8,858,385 |
1,328,760 [8,858,385 x 15%] |
1,000,000 |
328,760 |
9,187,150 |
Second year: |
9,187,150 |
1,378,070 [9,187,150 x 15%] |
1,000,000 |
378,070 |
9,565,220 |
Third year: |
9,565,220 |
1,434,780 [9,565,220 x 15%] |
1,000,000 |
434,780 |
10,000,000 |
h) Upon maturity of convertible bonds:
- The value of stock options of convertible bonds recorded in equity is transferred to be recorded as premium of share capital which does not depend on the bondholders who can exercise the option to convert into stock or not.
- If the bondholders do not exercise the option to convert bonds into stocks, enterprises must record a decrease in the principal of convertible bonds in proportion to the repaid amount of the bond.
- If the bondholders exercise the option to convert bonds into stocks, accountants must record a decrease in the principal of convertible bonds and record an increase in owner’s capital in proportion to par value of stocks released additionally. The difference between the values of the principal of the convertible bonds which is higher than the value of stocks released additionally is recorded as share premium.
2. Structure and contents of account 343 - Bond released
a) Account 343 - “Bond released”, comprises 2 sub-accounts:
- Account 3431 - “Common bond. This account comprises 3 sub-accounts:
Account 34311 - Bond par value
Account 34312 - Bond discount
Account 34313 - Bond premium
- Account 3423 “Convertible bond”
b) Structure and contents of account 3431 “Common bond”
Debit side:
- Payment at bond maturity;
- Bond discount incurred in period;
- Allocation of bond premium in period;
Credit side:
- Value of bond issued at par during period;
- Allocation of bond discount in period;
- Bond premium incurred in period.
Credit balance: Value of borrowing debt due to releasing bond at end of term.
c) Structure and contents of account 3432 “Convertible bond”
Debit side:
- Payment of principal at bond maturity if bondholders do not exercise the option to convert into stocks;
- Transfer of principal of bonds to record an increase in equity if bondholders exercise the option to convert into stocks.
Credit side:
- Value of the principal of bonds recorded at the time of release
- Value adjusted to increase the principal of bonds during the period
Credit balance: Value of the principal of bonds at the time of report.
3. Method of accounting for several major transactions
Accounting for issuing common bond
a) Accounting for issuing bond at par value
- Recording sums received from bond released, record:
Dr 111, 112, etc. (Sums received from buying bond)
Cr 34311 - Bond par value
- If paying bond interests periodically, when interests payments are calculated into business and production costs or capitalized, record:
Dr 635 - Financial expenses (if calculated into financial expenses in period)
Dr 627, 241 (if capitalized)
Cr 111, 112... (Sums paid for bond interests in period)
- If bond interests payment are deferred (when bonds mature), every term, enterprises must calculate in advance borrowing interest costs payable in period in business and production costs, or capitalize, record:
Dr 635 - Financial expenses (if be calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
Cr 335 - Accrued expenses (accrued bond interest in period)
At the end of bond life, enterprises pay principal and interest bond for people buying bond, recorded:
Dr 335 - Accrued expenses payable (Total sums of bond interests)
Dr 3431 - Bond par value (principal)
Cr 111, 112...
- In case of prepaying bond interests at bond releasing, borrowing interest costs shall be recorded in Debit side of Account 242 (details of prepaid bond interests), after that, allocated gradually to cost objects:
When releasing bond, recorded:
Dr 111, 112, etc. (Total sums actually received)
Dr 242 - Prepaid expenses (details of prepaid bond interests)
Cr 34311 - Bond par value
Periodically, allocate borrowing interests costs in period, record:
Dr 635 - Financial expenses (if be calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
Cr 242 - Prepaid expenses (details of prepaid bond interests)) (sums of bond interests allocated in period)
- Expenses for bond releasing:
Expenses for bond releasing incurred, record:
Dr 34311 - Bond par value
Cr 111, 112...
Periodically, allocation of expense on bond issuance under the straight-line method or the real interest rate method, record:
Dr 635, 241, 627 (allocation of amount of expenses of issuing bonds in the period)
Cr 34311 - Bond par value
- Payment at bond maturity, record:
Dr 34311 - Bond par value
Cr 111, 112...
b) Accounting for issuing discount bond
- Recording sums actually received from bond releasing, record:
Dr 111, 112, etc (sum received from selling bond)
Dr 3432 - Bond discount (the difference between sums received from selling bond at price lower than par value)
Cr 34311 - Bond par value
- In case of periodical paying interests, when borrowing interest’s payments are calculated into business and production costs or capitalize, record:
Dr 635 - Financial expenses (if calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
C r 111, 112... ... (sums paid for bond interests in period)
Cr 3432 - Bond discount (Allocation amount of bond discount every term)
- In case bond interest’s payments are deferred (when bond mature):
Every term, enterprises must calculate payable borrowing interest costs in period, record:
Dr 635 - Financial expenses (if calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
Cr 335 - Accrued expenses (bond interests payable in period)
Cr 3432 - Bond discount (Allocation amount in period)
At end of bond life, enterprises must pay bonds’ principal and interest for buyers of bonds, record:
Dr 335 - Accrued expenses (Total sums of bond interests)
Dr 34311 - Bond par value
Cr 111, 112...
- In case of prepaying bond interests at bond releasing, borrowing interest costs shall be recorded in Debit side of acc 242 (details of prepaid bond interests), after that, allocated gradually to cost objects:
When releasing bond, record:
Dr 111, 112, etc. (Total sums actually received)
Dr 3432 - Bond discount
Dr 242 - Prepaid expenses (sums of prepaid bond interests)
Cr 34311 - Bond par value
Periodically, allocating borrowing interests costs into business and production costs in period or capitalizing, record:
Dr 635 - Financial expenses (if calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
Cr 242 - prepaid expenses (sums of bond interests allocated in period)
Cr 3432 - Bond discount (Allocation amount of bond discount every term)
Paying bond at maturity, record:
Dr 34311 - Bond par value
Cr 111, 112...
c) Accounting for releasing bonds at premium
- Recording sums actually received from bond released:
Dr 111, 112...(sum received from selling bond)
Dr 3433 - Bond premium (the difference between sums received from selling bond at price higher than par value)
Cr 34311 - Bond par value
- In case of periodical paying interests:
When interest payments are calculated into business and production costs or capitalized, record:
Dr 635 - Financial expenses (if calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
C r 111, 112... ... (sums paid for bond interests in period)
Concurrently, allocating gradually bond premium to record a decrease in borrowing costs every term, record:
Dr 34313 - Bond premium (Gradual allocation amount of every term)
Cr 635, 241, 627
- In case of interests payments are deferred (at bond maturity), every term, and enterprises must record in advance borrowing interest costs payable in period.
When calculating borrowing interest costs for cost objects in period, record:
Dr 625, 241, 627
Cr 335 - Accrued expenses (bond interests payable in period)
Concurrently, allocating gradually bond premium to record a decrease in borrowing costs every term, recorded:
Dr 34313 - Bond premium
Cr 635, 241, 627
At end of bond life, enterprises must pay bonds’ principal and interest for people having bonds, record:
Dr 335 - Accrued expenses (Total sums of bond interests)
Dr 34311 - Bond par value (principal)
Cr 111, 112...
- In case of prepaying bond interests at bond releasing, borrowing interest costs shall be recorded in the Debit side of acc 242 (details of prepaid bond interests), after that, allocated gradually to cost objects:
When releasing bond, record:
Dr 111, 112, ..(Total sums actually received)
Dr 242 - prepaid expenses (sums of prepaid bond interests)
Cr 34313 - Bond premium
Cr 34311 - Bond par value
Periodically, allocating borrowing interests costs for cost objects in period, record:
Dr 635 - Financial expenses (if calculated into financial expenses in period)
Dr 241, 627 (if capitalized into value of unfinished asset)
Cr 242 - Prepaid expenses (sums of bond interests allocated in period)
Concurrently, allocating gradually bond premium to record a decrease in borrowing costs every term, record:
Dr 34313 - Bond premium (allocation amount of bond premium of every term)
Cr 635, 241, 627
Accounting for issuing convertible bond
a) At the time of issuance, accountants determine the value of principal and stock options of convertible bonds by discounting the nominal value of future payments to present value, record:
Dr 111, 112 (total sum received from issuance of convertible bonds)
Cr 3432 - Convertible bonds (origin debt)
Cr 4113 - Bond conversion option (the difference between sum received and principal of convertible bonds).
b) Costs to issue bonds incurred gradually are allocated in accordance with bond terms:
- Expenses for bond releasing incurred, record:
Dr 3432- Convertible bond
Cr 111, 112, 338…
- Periodic allocation of cost to issue bonds into financial expense, record:
Dr 625, 241, 627
Cr 3432- Convertible bond
c) Periodically, accountants record financial expenses or capitalize for the bond interest payable under interest of a similar bond without conversion rights or under common loan interest rates in the market simultaneously adjust the value of the principal of convertible bonds, record:
Dr 635- Financial expense
Dr 241, 627 (if capitalized)
Cr 335 - Accrued expenses (interest of bonds payable in period under nominal interest rate)
Cr 3432 - Convertible bonds (the difference between the bond interest calculated according to real interest or equivalent bond interest without right to convert higher than the bond interest payable in the period under nominal interest)
d) At bond maturity, in case the bondholders do not exercise the option to convert bonds into stocks, enterprises must repay principal of bonds, record:
Dr 3432- Convertible bond
Cr 111, 112.
Concurrently, transfer value of stock options of convertible bonds to share premium, record:
Dr 4113 - Bond conversion option
Cr 4112- Share premium
e) At bond maturity, if bondholders exercise the option to convert bonds into stocks, accountants record a decrease in the principal of convertible bonds and record an increase owner’s capital, record:
Dr 3432- Convertible bond
Cr 4111 - Capital contributed by owners (under par value)
Cr 4112 - Share premium (the difference between the value of additional shares issued at their par value and the value of the principal of convertible bonds).
Concurrently, transfer value of stock options of convertible bonds to share premium, record:
Dr 4113 - Bond conversion option
Cr 4112- Share premium
Article 60. Account 344- Deposit received
1. Accounting Principles
This account used for recording amounts enterprises received deposits of outside units and individuals to ensure for services related to business and production to be performed in compliance with the signed economic contract/ such as receiving deposits to ensure the performance of economic contracts, agency contracts, etc
Accountants received long-term deposits must monitor in detail each deposit received from every customer under each term and each type of currency. Deposits received payable with remaining term within 12 months are presented as short-term liabilities, accounts with a term of 12 months or more are presented as long-term liabilities.
c) Cases of receiving mortgaging and pledging in kind shall not be recorded in this account but monitored in notes to financial Statements.
c) If receiving deposits in foreign currency, accountants must monitor in detail the separate denomination of foreign currencies and convert into accounting monetary unit under the principles:
- At the time of receipt of deposit in foreign currency, accountants convert into accounting monetary units in accordance with the real exchange rate at the incurring time;
- When repaying deposit sum in foreign currency, accountants must convert at the real exchange rate of recording by name;
- When preparing the financial statements, accountants shall revaluate the sum received from deposit payable at real exchange rates at the time of reporting. The incurred exchange rate differences shall be recorded immediately in financial expenses or financial income.
2. Structure and contents of account 344 - Deposit received
Debit side: Refunding money of deposit received
Credit side: Deposit received by cash
Credit Balance: Sums of deposit received unpaid
3. Method of accounting for several major transactions
a) Upon receipt of the deposit of units or individuals outside, record:
Dr 111, 112
Cr 344 - Deposit received (details for every customer)
b) When refunding money of deposit to customers, record:
Dr 344 - Deposit received
Cr 111, 112.
In case of refunding money of deposit in foreign currency, record:
Dr 344 – Deposit received (in real exchange rates of recording by name of each object)
Dr 635 - Financial expense (loss on forex)
Cr 111, 112 (at exchange rate of recording weighted average of account)
Cr 515 - Financial income (gain on forex)
c) In cases deposit units are fined according to the agreement in economic contracts for their breach of economic contracts already signed with the enterprises:
- a) When receiving fine for breach of signed economic contracts: If it is deducted from money of deposit, record:
Dr 344 - Deposit received
Cr 711 - Other income
- When actual paying remaining deposits, record:
Dr 344 - Deposit received (deducted from fines)
Cr 111, 112.
d) When preparing financial statements, accountants shall revaluate the sum received from deposit payable in foreign currency at real exchange rates at the time of the report:
- If gain on forex is incurred, record:
Dr 344 - Deposit received
Cr 413 - Exchange differences
- If loss on forex is incurred, record:
Dr 413 - Exchange differences
Cr 344 - Deposit received
Article 61. Account 347- Deferred income tax payable
1. Accounting Principles
This account is used for recoding current value and variation situation of increase and decrease in deferred income tax payable. Deferred income tax payable is determined on the basic of taxable temporary difference amounts tax incurred in year and tax rate of current income tax according to following formula:
Deferred income tax payable |
= |
Taxable temporary difference amount |
x
|
Current enterprise income tax rate (%) |
In case at the time of recording the deferred income tax payable, there is a change in enterprise income tax rate in the future is known, if refunding deferred income tax payable is in the new tax period which takes effect, tax rate applied to record deferred income tax payable is calculated according to the new tax.
b) Basis of assessment of assets or payable liabilities and temporary differences:
- Basis of assessment of assets shall be deducted from taxable income when recovered the recording value of assets. If the income is not taxable, the basis of charging tax of assets shall be in the book value of such assets. Basis of charging tax of income of liabilities is its recording value which minuses (-) value which shall be deducted from taxable income upon payments of liabilities in future periods. For income received in advance, basis of assessment is its recording value, which minuses the value of non-taxable income in future.
- Temporary differences are the differences between the recording value of assets or liabilities in the Balance Sheet and the basis of charging tax of such assets or liabilities. Temporary differences include two categories: deductible temporary differences and taxable temporary differences. Taxable temporary differences are temporary differences arising income tax payable upon determination of taxable income in the future when the recording value of the assets are recovered or liabilities are paid.
Temporary difference in time is only one of the cases of temporary differences, for example: If accounting profits are recorded in this period but taxable income is calculated in another period.
Temporary differences between book value of assets or liabilities compared to basis of charging tax of such assets or liabilities may not be temporary differences in term of time, for example: When revaluing assets, the book value of the property changes, but if the basis of charging tax does not change, the temporary difference shall arise. However, recovery time of book value and basis of charging tax shall not change; the temporary differences shall not be temporary differences in term of time.
Accountants shall not continue to use the term "permanent differences" to distinguish it from temporary differences when determining the deferred income tax due to asset recovery time or paying liabilities as well as time to deduct assets and liabilities from the taxable income is limited.
c) Deferred income tax payable must be recorded for all taxable temporary differences, unless the deferred income tax payable is raised from the initial record of assets or liabilities of the a transaction which does not affect the accounting profit or income taxable profit (or taxable loss) at the time of transaction incurred.
d) When preparing financial statements, accountants must determine the taxable temporary differences arising in the current year as a basis for determining the deferred income tax payable recorded in current year.
dd) The recording deferred income taxes payable in the year shall comply with under the principle of balancing the deferred income tax payable incurred in current year with deferred income tax payable recorded from previous years but in current year is recorded a decrease (refund), under the following principles:
- If the deferred income tax payable arising during the year is higher than the deferred income tax payable refunded in the year, accountants only record that the addition of deferred income tax payable is the difference between deferred income tax payable arising higher than the deferred income tax payable refunded in the year;
- If deferred income taxes payable incurred in year are less than deferred income taxes refunded in year, accountants only record a decrease (refund) of deferred income taxes being the difference between deferred income taxes payable incurred and deferred income taxes refunded in year;
e) Deferred income taxes payable incurred in year are not related to items recorded directly into owner’s capital must be recorded as deferred income taxes expenses incurred in year.
g) Accountants must record a decrease in deferred income taxes when temporary taxable differences do not affect to taxable profits (when assets are recovered or liabilities are paid)
h) The offsetting deferred income tax payable and deferred income tax assets shall be only performed during establishment of Balance Sheet, not during recording deferred income tax payable in the accounting books.
2. Structure and contents of account 347 - Deferred income tax payable
Debit side: Deferred income tax payable decreased (refunded) in period
Credit side: Deferred income tax payable recorded in period.
Credit Balance: Deferred income tax payable remained at term-end.
3. Method of accounting for several major transactions
At year-end, accountants shall base on “Assessment statement of deferred income tax payable”, to record deferred income tax payable incurred from transactions in year into deferred income tax expenses:
If deferred income taxes payable incurred in year are higher than deferred income taxes payable refunded in year, accountants only record a supplementation of deferred income taxes payable; being the positive difference between deferred income taxes incurred deferred income taxes refunded in year, record:
Dr 8212 - Deferred enterprise income tax expenses
Cr 347 - Deferred income tax payable.
b) If deferred income taxes payables incurred in year are less than deferred income taxes refunded in year, accountants only record a decrease (refund) in deferred income taxes payables being the negative difference between deferred income taxes payable incurred and deferred income taxes refunded in year, record:
Dr 347 - Deferred income tax payable.
Cr 8212 - Deferred enterprise income tax expenses.
Article 62. Account 352 - Provision for payables
1. Accounting Principles
a) This account is used to record of current provision for payables, situation of appropriation and use of provision for payables of enterprises.
b) A provision for payable only record when meet all following conditions:
- Enterprises have current debt obligation (legal obligation or jointly liable obligation) due to result from a fact happened;
- Decrease in economic benefits may happen leading to the requirement for payment of debt obligation, and;
- Giving a confident estimation on value of such debt obligation
c) Value recorded of a provision payable is the most reasonably estimated the amount which will be paid for current debt obligation at of accounting year-end at the end of the interim period.
d) The provision payable shall be set up at the time of financial Statement. In case the amount of provision for payable needs to be set up in this accounting term is higher than unspent amount of provision for payable formed in the previous accounting term, the difference is recorded in business and production costs of that accounting term. In case the amount of provision for payable needs to be set up in this accounting term is less than the unspent amount of provision for payable set up in the previous accounting term, the refunded difference is recorded a decrease in business and production costs of that accounting term.
If provision for payable on construction warranty is set up for every construction and is set up at the end of accounting year or at the end of interim accounting period. In case amount of provision for payable on construction warranty set up is higher than real expenses incurred, the difference refunded shall be recorded in Account 711 “Other income”
dd) Only expenses related to the provision for payable set up initially shall be offset by that provision for payable
e) Not record the provision for losses on operation in future; except they are related to a great risk contract and meet conditions for recording provision for payable. If enterprises have high risk contract, current debt obligation due to contract must be recorded and evaluated as a provision for payable, and this provision will be set up separately for every large risk contract.
g) A provision for expenses of enterprise restructuring are only recorded when having enough conditions for recording as provisions according to regulation at section “Provisions, assets, latent debts” of accounting standard. When conducting the enterprise restructuring, jointly liable obligation only incurred when enterprises:
- Have official and specific plan to determine clearly the enterprise restructure, which include at least 5 following contents:
All or a part of business related;
Important positions influenced;
Positions, tasks and estimated quantity of employees who will receive compensation when they are obliged to cease job;
Expenses shall be paid, and
Time the plan is performed
- Give a reliable estimation on affected subjects and conduct restructure process by start of implementating that plan, or notice important issues of restructure to affected subjects.
h) A provision for restructuring is only estimated for expenses directly incurred from restructuring activities; those are expenses that meet both two conditions:
- Need to have for restructure activities;
- Not be related to regular activities of enterprises.
Provision for restructure excluding expenses as follows:
- Retraining or transferring existing employees;
- Marketing;
- Investing in new systems and distribution networks
Provision for payables often includes:
- Payable provisions for enterprise restructure;
- Payable provisions for product warranty;
- Payable provisions for construction warranty;
- Other payable provisions, including provision for severance allowance in accordance with provisions of the law, provision for the periodical repair and maintenance of fixed assets (under technical requirement), payable provisions for contracts with major risk in which the payable costs for the obligations relating to the contract exceed the economic benefits expected to be obtained from such contracts;
k) When setting up provision for payables, enterprises are allowed to record that provision in management expenses, payable provisions for warranty of products or goods shall be recorded in selling expense, payable provisions for warranty expenses of construction shall be recorded in manufacturing overhead expenses.
2. Structure and contents of account 352 - Provision for payables
Debit side:
- To record a decrease in provision for payables when incurring expenses related to the provision set up initially;
- To record a decrease in (refund) provision for payables when enterprises are certainly not suffer decrease on economic, due to not paying debt obligation;
- To record a decrease in provision for payables on the difference from provision for payables set up this year, less than unspent provision for payables established for previous year.
Credit side: To record provision for payables appropriated and charged to expenses
Credit Balance: To record current provision for payables at term-end.
Account 352 comprises 4 sub-accounts
- Account 3521- Provision for product warranty: This account is used to record the provision for product warranty for number of products, goods defined to consume in period;
- Account 3522 - Provision for construction warranty: This account is used to record the provision for construction warranty for works, work items completed, handed over in period;
- Account 3523 - Provision for enterprise restructuring: This account records the payable provision for restructuring enterprise such as the cost of relocation of business, business support costs to employees.;
- Account 3524 – Other payable provision: This account records the payable provisions under the provisions of the law in addition to the provision has been recorded above, such as environmental restoration costs, cleanup costs, recovery and return of premises, provision for severance allowance under the provisions of the Labor Code, cost of periodic repair, maintenance of fixed asset ...
3. Method of accounting for several major transactions
a) Method of accounting of provision for product, goods warranty
- In case enterprises sell goods for customers including warranty for repairing fails due to production fault, discovered in the warranty period of products, goods, enterprises must estimate warranty costs based on the number of products, goods determined to be consumed in period. When making provision for the cost of repairing and maintenance of products, goods sold, record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 352 - Provision for payables (3521)
- When incurring expenses related to payable provision for warranty of products, goods established initially, such as material costs, direct labor costs, fixed-asset depreciation expenses, outsourced services expenses...:
In case of not having the independent section on warranty of products, goods:
When incurring expenses related to payable provision for warranty of products, goods, record:
Dr 621, 622, 627, ..
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338, ...
At term-end, transferring warranty expenses of products, goods actually incurred in period, record:
Dr 154 - Work in progress
Cr 621, 622, 627, ...
In repair or warranty of products, goods, accomplished and transferred to customers, record:
Dr 352 - Provision for payables (3521)
Dr 641 - Selling expenses (Insufficient payable provision for warranty of products, goods)
Cr 154 - Work in progress
In case of having the independent section on warranty of products, goods, and sums payable for warranty section on warranty expenses of products, goods, accomplished and transferred to customers, record:
Dr 352 - Provision for payables (3521)
Dr 641 - Selling expenses (negative difference between payable provision for warranty of products, goods and real warranty expenses)
Cr 336 - Internal Payables
- When preparing the financial statements, enterprises must determine the provision for warranty for products, goods:
In case provision for payables needs to be set up at this accounting term is higher than unspent provision for payables set up in previous accounting term, the difference is accounted for into expenses, record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 352 - Provision for payables (3521)
In case provision for payables needs to be set up in this accounting term is less than unspent provision for payables set up in previous accounting term, the refunded difference shall be recorded a decrease in expenses, record:
Dr 352 - Provision for payables (3521)
Cr 641 - Selling expenses
b) Method of accounting of provision for construction warranty
- The provision for construction warranty is made for each work, work item completed, transferred in period. When determining the provision payable for the cost of construction warranty, record:
Dr 627- General production costs
Cr 352 - Provision for payables (3522)
- When incurring expenses related to payable provision for construction warranty established initially, such as material costs, direct labor costs, fixed-asset depreciation expenses, outsourced services expenses...:
In case enterprises carry out the construction warranty:
When incurring expenses related to payable provision for warranty, record:
Dr 621, 622, 627, ..
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 152, 214, 331, 334, 338, ...
At term-end, transferring warranty expenses actually incurred in period, record:
Dr 154 - Work in progress
Cr 621, 622, 627, ...
Upon repair or warranty of construction accomplished and transferred to customers, record:
Dr 352 - Provision for payables (3522)
Dr 632 - Cost price of goods sold (the difference between the provision appropriated less than real warranty expenses)
Cr 154 - Work in progress
In case of assignment of affiliated units or outsourcing to perform warranty, record:
Dr 352 - Provision for payables (3522)
Dr 632 - Cost price of goods (the difference between the provisions appropriated less than real warranty expenses)
Cr 331, 336...
- Out of the warranty period of constructions, if constructions have no warranty, or payable provision for warranty of construction is higher than real expenses incurred, the difference must be refunded, record:
Dr 352 - Provision for payables (3522)
Cr 711 - Other income
c) Method of accounting of provisions for enterprise restructuring and other payable provisions
- When setting up provision for restructuring costs of enterprise, other payable provisions for contracts with major risk in which the costs required to pay for the obligations relating to contract exceed the economic benefits expected to be obtained from the contract (such as indemnity or compensation for failure to perform the contract, legal cases ...), record:
Dr 642 - Enterprise administrative expense (6426)
Cr 352 - Provision for payables (3523, 3524)
- When setting up provision for environmental restoration costs, cleanup costs, recovery and return of premises, provision for severance allowance under the provisions of the Labor Code...record:
Dr 627, 641, 642
Cr 352 - Provision for payables
- For fixed assets according to the technical requirements periodically prepared, accountants must advance repair costs of the fixed assets, record:
Dr 627, 641, 642
Cr 352 - Provision for payables
- When incurring expenses related to the payable provision made, record:
Dr 352 - Provision for payables (3523, 3524)
Cr 111, 112, 241, 331, ...
- When preparing financial statements, enterprises must determine payable provisions needed setting up:
In case provision for payables necessary to establish for at this accounting term is higher than unspent provision for payables established for previous accounting term, the difference is accounted for into expenses, record:
Dr 642 - Enterprise administrative expense (6426)
Cr 352 - Provision for payables (3523, 3524)
In case provision for payables necessary to establish for this accounting term is less than unspent provision for payables established at previous accounting term, the refunded difference shall be recorded a decrease in expenses, record:
Dr 352 - Provision for payables (3523, 3524)
Cr 642 - Enterprise administrative expense (6426)
d) In some cases, enterprises may seek for a third party for payment of a part or total expenses for provision (for example, through insurance contracts, compensations or warranty of suppliers), the third party may refund for all what enterprises paid. When enterprises receive the compensation of a third party to pay a part or total expenses for provision, accountants record:
Dr 111, 112...
Cr 711- Other income
dd) Accountants settle payable provisions before transforming 100%-state-owned enterprises into joint-stock companies.
Provisions payable after offsetting losses, at the time of being officially transformed into a joint stock company, if they are remaining, they shall be accounted for in the state capital increase at the time of transfer, record:
Dr 352 - Provision for payables
Cr 411- owner’s capital
Article 63. Account 353- Bonus and welfare fund
1. Accounting Principles
a) This account is used to record the current amounts, increase, decrease situation of bonus and welfare fund and reward fund of the executive management board of enterprises. Bonus and welfare funds are deducted from post-corporate income tax profits of enterprises to use for reward and encouragement of physical benefits, serving the needs of public welfare, improvement and enhancement of the standard of physical and spirit life of workers.
b) The setting up and using the bonus and welfare fund and reward fund of executive management board of company must comply with current financial policies.
c) Bonus and welfare fund and reward fund of executive management board of company must be accounted for detailed according to each type of fund.
d) For fixed asset invested, purchased by welfare fund completed and used in manufacturing, trading, accountants record an increase in fixed assets as well as an increase in owner’s capital and a decrease in welfare fund.
dd) For fixed asset invested, purchased by welfare fund completed and used for needs of cultural and welfare of enterprises, accountants record an increase in fixed assets and simultaneously transfer from the welfare fund (Account 3532) to welfare funds that form fixed assets (account 3533). The fixed assets shall not be deducted depreciation of fixed assets from expense monthly, at the end of the accounting year, depreciation of fixed assets shall be calculated once / year to record a decrease in welfare funds that form fixed assets.
2. Structure and contents of account 353- Bonus and welfare fund
Debit side:
- Expenses of bonus and welfare fund and reward fund of executive management board of company;
- Decrease of welfare fund that forms fixed assets when calculating the depreciation of fixed assets or the sale or liquidation, insuffient detection during inventory of fixed assets;
- Investment and purchase of fixed assets by welfare fund completed and used for needs of cultural and welfare;
- Allocation of bonus and welfare fund to subordinates.
Credit side
- Setting up bonus and welfare fund and reward fund of executive management board of company from post-corporate income tax profits;
- Bonus and welfare fund allocated by superiors;
- Welfare fund that forms fixed assets increased due to investment, purchase of fixed assets by welfare fund completed and put into use in production, trading or cultural and welfare activities.
Credit balance: The remaining bonus and welfare funds of enterprises.
Account 353- Bonus and welfare fund comprises 4 sub-accounts:
- Account 3531 –Bonus fund: Records the current situation, setting up and use of bonus fund of enterprises.
- Account 3532 – Welfare fund: Records the current situation, setting up and use of welfare fund of enterprises.
- Account 3533 - Welfare fund that forms fixed assets: Records the current amounts, increase or decrease situation of welfare fund that forms fixed assets of enterprises.
- Account 3534 – Reward fund of executive management board of company: Records the current amounts, setting up and use of reward funds of executive management board of company.
3. Method of accounting for several major transactions
a) In year, when deducting from bonus and welfare fund, record:
Dr 421 - Undistributed post-tax profits
Cr 353 - Bonus and welfare fund (3531, 3531, and 3534)
b) At the end of the year, determining bonus and welfare fund deducted additionally, record:
Dr 421- Undistributed post-tax profits
Cr 353 - Bonus and welfare fund (3531, 3532, and 3534)
c) Calculating the bonuses paid to employees and other workers in enterprises, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3531)
Cr 334 - Payable to employees.
d) Using welfare fund for subsidizing difficulties and expenditures for employees and workers on vacation, expenditures for culture public culture and performance movement, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3532)
Cr 111, 112.
dd) When selling products, goods covered by bonus and welfare fund, accountants must record revenues excluding VAT payable, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (total payment)
Cr 511 - Revenue from goods sale and service provisions
Cr 3331 - VAT payable (33311).
e) When superiors allocate bonus and welfare fund for subordinate units, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3531, 3532, and 3534)
Cr 111, 112.
g) Bonus and welfare fund allocated by superior units, record:
Dr 111, 112...
Cr 353 - Bonus and welfare fund (3531, 3532).
h) Using welfare fund to support for disaster, fire, charity expenses ... record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3532)
Cr 111, 112.
i) When investing, purchasing fixed assets completed by welfare funds and put into use for the purpose of culture, welfare of enterprises, record:
Dr 211 - Tangible fixed assets (cost)
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 241, 331,…
If the input VAT is not deducted, historical costs of fixed assets include VAT
Also are recorded:
Dr 3532 - Welfare fund
Cr 3533 - Welfare fund that forms fixed assets.
k) Periodically, calculating the depreciation of fixed assets invested, purchased by welfare fund, used for needs of culture and welfare of enterprises, record:
Dr 3533 - Welfare fund that forms fixed assets.
Cr 214 - Depreciation of fixed assets.
l) When selling or liquidating fixed assets invested, purchased by welfare fund, used in cultural and welfare activities:
- Recording a decrease in asset sold or liquidated:
Dr 3533 - Welfare fund that forms fixed assets (remaining value)
Cr 214 - Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost)
- Recording the revenues and expenditures of sale or liquidation of fixed assets:
For expenditures, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3532)
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 334,…
For revenues, record:
Dr 111, 112
Cr 353 - Bonus and welfare fund (3532).
Cr 3331 - VAT payable (if any ).
m) Accountants transfer assets which are the welfare projects: In case of transfer of housing of officers, employees invested with corporate bonus and welfare funds for local housing agencies to manage, record:
Dr 3533 - Welfare fund that forms fixed assets (remaining value)
Cr 214 - Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost)
n) In case enterprise owners decide to reward Board of directors from reward fund of executive management board of company, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3354)
Cr 111, 112...
o) In case of a joint stock company which is entitled to issue bonus shares from the reward fund to increase owner’s capital, record:
Dr 3531 – Reward fund
Dr 4112 - Share premium (selling price lower than par value)
Cr 4111- Contributions from owners
Dr 4112 - Share premium (selling price higher than par value)
p) Accountants settle the balance of reward fund and bonus and welfare fund before valuating enterprises in equitization of 100%-state-owned enterprises.
- When transferring the balance of bonus and welfare fund paid for employee’s specific identification in the list of enterprises at the time of equitization, record:
Dr 353 - Bonus and welfare fund (3531, 3532)
Cr 334 - Payable to employees.
- When paying for workers from bonus and welfare fund for workers, record:
Dr 334 - Payable to employees.
Cr 111, 112.
- If enterprises have overspent of bonus and welfare fund (account 353 with debit balance), settlement shall be as follows:
Sum paid directly to employees named in the regular list at the time of the decision on equitization must be recovered before selling preference shares, record:
Dr 138 - Other receivables
Cr 353 - Bonus and welfare fund (3531, 3532).
Sum paid out, spent on donations or retired workers lost their jobs before the decision on equitization of enterprises and settled like unrecoverable receivables by enterprise value decision agency, record:
Dr 111, 112, 334 (indemnity by organizations and individuals)
Dr 642 - Enterprise administrative expense
Cr 353 - Bonus and welfare fund
Article 64. Account 356 - Science and technology development fund
1. Accounting Principles
a) This account is used to record the current amount, increase and decrease of science and technology development fund of enterprises. Science and technology development fund shall only be used for investment in science and technology in Vietnam.
b) Science and technology development fund is accounted for in administrative expense of enterprise management to determine income statement in period. Setting up and using science and technology development fund must comply with the provisions of law.
c) Where enterprises use science and technology development fund for research, production, testing, and sum received from the sale of testing products shall be offset against testing production cost under the following principles:
- The difference between sum received from the sale of testing products higher than testing production cost shall be recorded increase of science and technology development fund;
- The difference between sum received from the sale of testing products lower than testing production cost shall be recorded decrease of science and technology development fund;
d) Periodically, enterprises make reports on setting up, use, settlement of science and technology development and submit to competent authorities in accordance with provisions of the law.
Structure and content of account 356 - Science and technology development fund
Debit side:
- Expenditures from science and technology development fund;
- Decrease of science and technology development fund that forms fixed assets when calculating the depreciation of fixed assets; The remaining value of fixed assets in sale or liquidation; costs of liquidation or sale of fixed assets formed by science and technology development fund.
- Decrease of science and technology development fund forming fixed assets when fixed assets created by science and technology development fund are changed to serve the purpose of manufacturing and trading.
Credit side:
- Setting up science and technology development fund into enterprise administrative expense.
- Sum received from liquidation, turnovers of fixed assets formed by science and technology development fund.
Credit balance: The remaining scientific and technology development funds of enterprises.
Account 356 - Science and technology development fund comprises 2 sub-accounts:
- Account 3561 - Science and technology development fund: Records the current amounts and setting up, use of science and technology development funds;
- Account 3562 - Science and technology development fund that forms fixed assets: Records the current amount, increase, decrease of science and technology development funds that form fixed assets (science and technology development fund that forms fixed assets).
3. The method of accounting for several major transactions
a) During the year, when setting up scientific and technological development fund, record:
Dr 642 - Enterprise administrative expense
Cr 356 - Science and technology development fund
b) When using science and technology development fund for purpose of research, development of scientific and technological of enterprises, record:
Dr 356 - Science and technology development fund
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331 ...
c) When using science and technology development fund for testing production of products:
- Accountants summarize testing production cost, record:
Dr 154 - Work in progress
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 111, 112, 152, 331...
- When selling testing products, record:
Dr 111, 112, 131
Cr 154 - Work in progress
Cr 333 - Taxes and amounts payable to the State (if any)
- The difference between testing production cost and sum received from the sale of testing products adjusted to increase, decrease the Fund, record:
In case sum received from the sale of testing products is higher than test trial production cost, accountants record an increase in science and technology development fund, record:
Dr 154 - Work in progress
Cr 356 - Science and technology development fund
In case sum received from the sale of testing products is lower than test trial production cost, accountants record on the reverse.
d) When investing, purchasing fixed assets by scientific and technological development fund used for purposes of research, development of science and technology:
- When investing, purchasing fixed assets, record:
Dr 211, 213 (Costs)
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331 ...
Also record:
Dr 3561 - Science and technology development fund
Cr 3562 – Science and technology development fund that forms fixed assets.
- At the end of accounting term, calculating the depreciation of fixed assets invested, purchased by scientific and technological development fund used for purposes of research, development of science and technology, record:
Cr 3562 – Science and technology development fund that forms fixed assets
Cr 214 - Depreciation of fixed assets.
- When liquidating, selling fixed assets invested, purchased by scientific and technological development fund:
Recording a decrease of fixed assets sold or liquidated:
Dr 3562 – Science and technology development fund that forms fixed assets (remaining value)
Cr 214 - Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211, 213.
Recording sum received from liquidation or sale of fixed assets:
Dr 111, 112, 131
Cr 3561 - Science and technology development fund
Cr 3331 - VAT payable (33311).
Recording expenses incurred directly related to the liquidation or sale of fixed assets:
Dr 3561 - Science and technology development fund
Dr 133 - Deductible VAT (if any)
Cr 111, 112, 331
- At the end of the research, development of science and technology, fixed assets created from scientific and technological development fund are transferred to serve the purpose of manufacturing and trading, accountant’s record:
Dr 3562 – Science and technology development fund that forms fixed assets (non-deductible remaining value)
Cr 711 - Other income
From time fixed assets are switched to serve the purpose of manufacturing, turnovers, depreciation of fixed assets are included in cost of production, trading under current accounting policy.
Article 65. Account 357 - Price stabilization fund
1. Accounting Principles
a) This account is used to record changes and value of price stabilization fund value at the time of the report of the enterprises which are entitled to set up the price stabilization fund from the cost of production and business in accordance with law. Depending on the industry, business sector, enterprises are entitled to actively add to the name of this Fund in accordance with their industry, business areas, such as the petrol price stabilization fund.
b) Enterprises must set up, use and settle the price stabilization fund in accordance with the law. Enterprises only use this account if required by law to set up price stabilization fund from the cost of production, turnovers in period.
c) Price stabilization fund when set up is included in cost price of goods sold, when used for the purpose of stabilizing prices, enterprises record a decrease in cost price of goods sold.
2. Structure and contents of account 357 - Price stabilization fund
Debit side: Used price stabilization fund
Credit side: Price stabilization fund set up from production and business costs in the period.
Credit balance: The current price stabilization fund of enterprises at the end of the period.
3. Methods of accounting for price stabilization Fund
- When setting up Price stabilization fund, record:
632 - Cost price of goods sold
Cr 357- Price stabilization fund
- When using price stabilization Fund, record:
Dr 357- Price stabilization fund
Cr 632 - Cost price of goods sold
Article 66. Accounting principles of equity
1. Equity is the remaining net assets of enterprises owned by shareholders, contributing members (owners). Equity is recorded by each form source such as:
- Capital contributed by the owners;
- Profit from operations;
- Differences upon asset revaluation.
2. Accountants do not record contributed capital under charter capital on business registration certificate. The equity mobilized, received from owners shall always be recorded at the amount actually contributed, absolutely shall be not recorded at the amount pledged contribution of owners. In case of receiving contributed capital by non-monetary assets, accountants must record according to the fair value of non-monetary assets at the date of contribution.
3. Receiving contributed capital by the kind of intangible assets, such as copyright, right to develop and use property, trademarks, brands ... shall only be carried out under provisions of law or permission of competent bodies. When the law does not have specific regulations on this issue, the capital contribution by trademarks, brand shall be accounted as asset lease or franchising, in which:
- For the side contributing capital by brand, trademark, trade name: Record sum received from using the trademark, trade name of the other side as revenue from lease of intangible asset, franchising, do not record an increase in the value of investments into other units and income of equity corresponding to the investment value;
- For the side receiving capital contribution by brand, trademark, trade name: Do not record the value of brand, trademark, trade name and record an increase of equity corresponding to the value of the brand, trademark, trade name received the contributed capital. Payments for the use of brand, trademark, trade name are recorded the asset rental costs, the franchise cost.
4. The use of owner’s capital, differences upon asset revaluation, development investment funds to subsidize business shall comply with the decision of the owners; enterprises must fully carry out procedures as prescribed by law.
5. The distribution of profit is only made when the enterprises have undistributed post-tax profits. All cases of payment of dividends, profits for the owners exceeding the undistributed post-tax profits shall be essentially decrease of contributed capital, enterprises must fully comply with the procedures prescribed by law and adjust the Business registration certificate.
Article 67. Account 411- Owner’s capital
1. Accounting Principles
a) This account is used to record the current capital invested by owners and increase or decrease of owner’s capital. Subsidiary companies, units who have legal status in dependent cost-accounting, recorded the capital invested in this account by parent company.
Depending on the operating characteristics of each unit, this account may be used in the unit without legal status in dependent cost-accounting to record the working capital allocated by superior units (in case of not recorded in account 3361 – Internal payable to working capital).
b) Owner’s capital shall include:
- Initially and additionally contributed capital of owners;
- Sum added from funds under equity, post-tax profits of the business;
- The capital component of the convertible bond (options of conversion of bonds into shares);
- Non-refundable aids, other sums received allowed recording an increase of owner’s capital by competent agencies.
c) Enterprises shall only account for in account 411 - "owner’s capital" according to the actual amount of capital contributed by owners, not record in accordance with committed, receivable sum of owners.
d) Enterprises must detailed account for owner’s capital according to each form source of capital (such as contributed capital of owners, capital stock premium, and other capital) and monitor detailed each organization, individual to participate in contribution of capital.
dd) Enterprises only record a decrease of owner’s capital in case:
- Enterprises repay the capital for the State budget or are mobilized capital for other enterprises under decision of competent agencies;
- Enterprises repay capital for owners, cancel stock fund in accordance with the law;
- Enterprises dissolve; terminate their operations in accordance with law;
- Enterprises are under other cases stipulated by law.
e) Capital holding of investors is determined in foreign currency
- When the investment license defining the charter capital of the enterprise is determined in foreign currency equivalent to an Vietnam dong amount, determining the contributed capital by investors in foreign currencies (surplus or deficit, enough compared with charter capital) is based on the amount of foreign currency actually contributed, is not taken into account the conversion of foreign currencies into Vietnam Dong according to investment license.
- Where enterprises record in accounting books, prepare and present financial statements in Vietnam Dong, when investors contribute capital in foreign currency according to progress, accountants must apply the actual exchange rates at the time of actual contribution to convert into Vietnam Dong and record in owner’s capital, capital stock premium (if any).
- During operation, the balance of Account 411 “owner’s capital” derived from foreign currencies shall not be revalued.
g) In case of receipt of contributed capital in asset, owner’s capital must be recorded an increase according to revaluated prices of assets accepted by capital contributors. Intangible assets such as brands, trademarks, trade names, rights of development of projects ... shall only be recorded an increase the contributed capital if relevant law provisions allow.
h) For joint-stock company, contributed capital of the shareholders is recorded according to actual price of stock issuance, but is recorded in detail in two separate criterions: Contributions from owners of capital stock premium:
- Contributions from owners are recorded according to par value of shares and are monitored in details for common shares with voting rights and preference shares. Enterprises must record in detail separately 2 types of preference shares:
Preference shares are classified as equity if the issuer has no obligation to repurchase such preferred shares.
Preference shares are classified as liabilities if issuers are required to repurchase such preference shares at a determined time in the future and obligation in repurchase of shares must be specified in issuance records at the time of the issuance of shares.
- Share premium shall record the difference between the par value and issue price of shares (including the case of re-issuing stock fund) and can be a positive premium (if the issue price is higher than par value) or negative premium (if the issue price is lower than par value).
i) Principles for determining and recording options of conversion of bonds into shares (the capital component of the convertible bond):
Option of conversion of bonds into shares arising when enterprises issue bonds that can be converted into a certain number of shares shall be prescribed in issuance plan.
- The value of the capital component of the convertible bond is defined as the difference between the total sums received from the issuance of convertible bonds and the value of the debt component of convertible bonds (see the provisions of the account 343 - Bonds issued).
- At the time of initial recording, the value of stock options of convertible bonds is recorded separately in owner’s capital. At the bond maturity, accountants shall record this option as capital stock premium.
2. Structure and content of account 411 - Owner’s capital
Debit side: Owner’s capital decreases due to:
- Repayment of capital for the owners of capital;
- Transfer of funds to another unit;
- Issuance of shares with price lower than par value;
- Dissolution, termination of business operations;
- Compensating for business losses under decision of the competent authority;
- Cancellation of treasury stocks (for joint stock companies)
Credit side: Owner’s capital increases due to:
- Capital contribution of the owners;
- Capital addition from business profits, from the funds of equity;
- Issuance of shares with price higher than par value;
- Arising the option of conversion of bonds into shares;
- The value of gifts, donations and financing (after deduction of taxes payable) recorded an increase of owner’s capital in accordance with the decision of the competent authority.
Credit balance: Current owner’s capital of enterprises
Account 411- Owner’s capital comprises 4 sub-accounts:
- Account 4111- Contributions from owners: This account shall record actual capital invested by the owner according to companies’ regulations of owners’ capital. For joint-stock companies, capital contributed from issuing shares will be recorded in this account upon face value.
For joint-stock company, account 4111- Contributions of owners comprises 2 sub-sub accounts:
Account 41111 - Common shares with voting rights: This account records the total par value of common shares with voting rights;
Account 41112 - preference shares; This account records the total par value of preference shares. Enterprises must record in detail in 2 main groups: One group is classified and presented as equity (at item 411a of the Balance sheet); One groups is classified and presented as liabilities (at item 342 of the balance sheet)
- Account 4112- Share premium: This account records the difference between the issue price and the par value of shares; The difference between price of repurchasing of treasury stocks and the re-issue price of treasury stocks (for joint stock companies). This account may have credit balances or debt balances
- Account 4113- option of bond conversion: This account is only used in the side issuing convertible bonds, used to record the structure of the capital (stock options) of convertible bonds at the time of reporting.
Structure and contents of accounts 4113 - "Option of bond conversion”
Debit side: Transfer of value of stock options to record an increase share premium at the time of bond maturity.
Credit side: Value of stock options of convertible bonds recorded at the time of issuance.
Credit balance: Value of stock options of convertible bonds recorded at the time of report.
- Account 4118 - Other capital: this account shall record operating capital set up additionally from the result of business activities or given as gifts, presents, financing and asset revaluation (if these items are allowed to record a decrease or increase in investment capital)
3. Method of accounting for several major transactions
When actually receiving contribution capital of the owners, record:
Dr 111, 112 (if receiving capital contribution in cash)
Dr 121, 128, 228 (if receiving capital contribution in shares, bonds, investments in other enterprises)
Dr 152, 155, 156 (if receiving capital contribution in inventory)
Dr 211, 213, 217, 241 (if receiving capital contribution in fixed assets, invested real estate)
Dr 331, 338, 341 (if transferring loans, liabilities into contributed capital)
Dr 4112, 4118 (the difference between the values of assets, liabilities transferred into capital lower than the value of capital counted as capital contribution of owners)
Cr 4111- Contributions from owners
Cr 4112, 4118 (the difference between the values of assets, liabilities transferred into capital higher than the value of capital counted as capital contribution of owners).
In case joint stock companies issue shares to mobilize capital from shareholders
When receiving money for buying shares from shareholders with price issued at face value of shares, record:
Dr 111, 112, ...(Face value)
Cr 4111 - Contributions from owners (face value)
Joint-stock company shall record in detail face value of common shares with voting rights on account 41111; The face value of preference shares on account 41112
b) When receiving money for buying shares from shareholders with difference between the issuance price and face value of shares, record:
Dr 111.112 (issue price)
Dr 4112 - Share premium (issue price less than face value)
Cr 4111 - Contributions from owners (face value)
Cr 4112 - Share premium (issue price higher than face value)
c) Costs directly related to the issuance of shares, record:
Dr 4112- Share premium
Cr 111, 112.
In case joint stock companies issue shares from source of equity:
a) In case a joint stock company is entitled to issue additional shares from share premium, accountants shall base on records, accounting records related, record:
Dr 4112- Share premium
Cr 4111- Contributions from owners
b) In case a joint stock company is entitled to issue additional shares from the development investment funds, record:
Dr 414 - development investment funds
Cr 4111- Contributions from owners
Cr 4112 - Share premium (if any)
c) In case a joint stock company is entitled to issue additional shares from the undistributed post-tax profits (stock dividend), record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 4111- Contributions from owners;
Cr 4112 - Share premium (if any)
In case a joint stock company issues shares to invest in other enterprises (including the case of a business consolidation under the form of share issuance)
a) In case of issuing shares with price higher than the face value, record:
Dr 221 – Investment in subsidiary companies
Cr 4111- Contributions from owners;
Cr 4112 - Share premium (if any)
b) In case of issuing shares with price less than the face value, record:
Dr 221 – Investment in subsidiary companies
Dr 4112 - Share premium (if any)
Cr 4111- Contributions from owners
In case a joint stock company is entitled to issue bonus shares from the reward fund to increase owner’s capital, record:
Dr 3531 – Reward fund
Dr 4112 - Share premium (issue price less than face value)
Cr 4111- Contributions from owners
Cr 4112 - Share premium (issue price higher than face value).
treasury stocks accounting shall be as follows
a) When purchasing treasury stocks, accountants must record according to the actual purchase price, record:
Dr 419 - treasury stocks
Cr 111, 112.
b) When re-issuing treasury stocks, record:
Dr 111,112 (issue price)
Dr 4112 - Share premium (issue price less than book value)
Cr 419 - treasury stocks (book value)
Cr 4112 - Share premium (issue price higher than book value of treasury stocks)
c) When joint-stock company cancel treasury stocks:
Dr 4111 - Contributions from owners (face value)
Dr 4112 - Share premium (re-purchase price higher than face value)
Cr 419 - treasury stocks (book value)
Cr 4112 - Share premium (re-purchase price less than face value)
When enterprises supplement charter capital from other legitimate sources, enterprises must transfer to the invested capital of owners, record:
Dr 412, 414, 418, 421, 441
Cr 411 - owner’s capital (4111).
When construction set up by investment capital for construction accomplished, or procurement of fixed assets are finished and used for operating activities, settlement of approved investment capital, accountants shall record an increase in historical costs of fixed assets, concurrently; record an increase in invested capital:
Dr 441 - Capital for capital investment
Cr 4111- Contributions from owners
When receiving gifts, presents, financing and competent agencies request to record an increase in state capital, record:
Dr 111, 112, 153, 211…
Cr 411 - owner’s capital (4118).
Other cases where the competent authorities do not request to record an increase in state capital, gifts presents, financing shall be recorded in other income.
When refunding contributed capital for owners, record:
Dr 411 - owner’s capital (4111, 4112).
Cr 111, 112.
When returning contributed capital for owners, record:
- Returning contributed capital in cash, inventory, asset, record:
Dr 4111- Contributions from owners
Cr 111, 112, 152, 155, 156 ... (book value).
- Return contributed capital in fixed assets, record:
Dr 411 - Owner’s capital
Dr 214 - Depreciation of fixed assets
Cr 211, 213.
- The difference between book value of the assets returned to capital owners and contributed capital of owners recorded make increase or decrease of the other capital of owners.
Accounting of bond conversion option
- At the time of the issuance of bonds entitled to convert into shares, accountants shall determine the value of principal and stock options of convertible bonds by discounting the nominal value of future payments to current value, record:
Dr 111, 112 (total sum received from the issuance of convertible bonds)
Cr 3432 - convertible bond (principal)
Cr 4113 - bond conversion option (the difference between received sum and the principal of convertible bonds).
- At bond maturity, if bondholders exercise the option to convert bonds into shares, accountants record a decrease in principal of converted bonds and record increase in owner’s capital, record:
Dr 3432 - convertible bond
Cr 4111 - Contributions from owners (face value)
Cr 4112 - Share premium (the difference between the value of additional issued shares at their par value and the value of the principal of convertible bonds).
- At bond maturity, accountants transfer the value of stock options of bonds convertible to share premium (including cases where bondholders do not exercise the option), record:
Dr 4113 - Bond conversion option
Cr 4112- Share premium
Guiding accountanting for increase, decrease the state capital in 100%-state-owned enterprises before changing into joint-stock companies
a) For assets detected through inventory, based on the "record settlement of surplus, shortage assets through inventory ", record:
Dr 3381 - Surplus of assets awaiting resolution
Cr 331 - Payable to sellers (if the surplus assets are sellers’)
Cr 338 – Other payables (3388)
Cr 411 - Owner’s capital (for surplus assets undetermined the cause and unfound their owners).
b) Accounting for unneeded materials, assets, accumulated assets, and assets awaiting liquidation which have not settled to corporations, state-owned general companies, the parent company, and other independent state-owned companies, record:
- If enterprises transfer materials and goods unneeded, accumulated and awaiting liquidation which have not settled to corporations, state-owned general companies, the parent company, and other independent state-owned companies, record:
Dr 411 - owner’s capital
Cr 152, 153, 155.
- If enterprises transfer fixed assets unneeded and awaiting liquidation to corporations, state-owned general companies, the parent company, other independent state-owned companies, record:
Dr 411 - owner’s capital
Dr 214 - Depreciation of fixed assets
Cr 211 - Tangible fixed assets.
c) Accounting for transfer of assets being the welfare projects
For assets being welfare projects invested by the State capital, if equitization enterprises continue to use them for business purposes, accountants shall record a follows:
Dr 466 - Funds setting up fixed assets
Cr 411 - owner’s capital.
d) Accounting for settlement of loan liabilities before changing into joint stock companies: Before changing into joint stock companies, equitization enterprises must settle loan payable, depending on the loan and settlement decision:
- For liabilities which is not paid but is accounted as increase in state capital, recorded:
Dr 331, 338…
Cr 4111- Contributions from owners
- For liabilities which must be paid in cash, assets, recorded:
Dr 331, 338…
Dr 214 - Depreciation of fixed assets (part of accumulated depreciation of fixed assets used to pay debt)
Cr 111, 112, 152, 153, 155, 156, 211, 213 ...
The difference between the book value and the remaining value of the assets used to pay debt and the book value of the liabilities settled under decision of the competent authority.
dd) Accounting for settlement of provisions before enterprises changed into joint-stock companies: Provisions after being used to offset losses, their remaining shall be accounted as increase in state capital, record:
Dr 229, 352
Cr 411 - owner’s capital.
e) Accounting for settlement of balance of exchange differences (if any)
- If gain on forex is recorded an increase in state capital, record:
Dr 413 - exchange differences
Cr 411 - owner’s capital .
- If loss on forex is recorded a decrease in state capital, record:
Dr 411 - owner’s capital
Cr 413 - exchange differences
Where the competent authority has another decision, the profits and losses of exchange differences which are recorded in account 413 shall be settled in accordance with the decision of the competent authority.
g) Accounting for settlement of long-term investment capital in other enterprises
- In case equitized enterprises inherited long-term investment capital in other enterprises, they must revalue long-term investment capital at the time of transfer in accordance with the law.
- In case equitizated enterprises do not inherit the long-term investments in other enterprises and transfer to other state enterprises as partners, based on transfer note, record:
Dr 411 - Owner’s capital
Cr 222, 228…
h) Accounting for difference between the actual value and the book value of the State capital: the difference of state capital between the actual value and value recorded on accounting books shall be accounted for as business advantage of enterprises, recorded a follows:
Dr 242 - Prepaid expenses
Cr 411 - owner’s capital.
i) Accounting for the difference of prepaid land rents: If the unit has paid land rents in lump-sum for the entire lease term or pay in advance the land rent for many years before July 07, 2004 (the date the Law on Land takes effect), there is a difference in increase due to re-determining the unit price of land rent at the time of valuation for the remaining period of the lease contract or the remaining time which is paid to rent land, accountants record a follows:
- In case prepaid land rent is qualified for being recorded an intangible fixed assets, the difference in increase shall be recorded:
Dr 213 - intangible fixed assets
Cr 411 - owner’s capital.
- In case prepaid land rent is not qualified for being recorded an intangible fixed assets, the difference in increase shall be recorded:
Dr 242 - Prepaid expenses
Cr 411 - owner’s capital.
k) Accounting for transfer of funds, fund of equity to state capital in enterprises at the time of official change into joint-stock companies:
At the time enterprises are officially transformed into joint stock companies, accountants shall transfer the entire credit balance in development investment funds, other funds under the equity, undistributed post-tax profits, fundamental capital investment capital, differences upon asset revaluation and exchange differences to owner’s capital, record:
Dr 412, 413, 414, 418, 421, 441
Cr 411- owner’s capital.
l) Accounting for sum received from equitization
- When receiving money from the sale of shares of state capital in enterprises, record:
Dr 111, 112…
Cr 3385 - Payable on equitization.
- When receiving money from the issuance of additional shares to increase operating capital, record:
Dr 111,112 (issue price)
Dr 4112 - Share premium (the difference between the issue prices less than face value of shares)
Cr 4111 - Contributions from owners (face value)
Cr 4112 - Share premium (the difference between the issue prices higher than face value of shares)
m) Handing over of assets, capital to joint-stock company
- In case of equitization of independent enterprises: In case of equitization of independent enterprises, accountants carry out handover procedures in accordance with the current regulations on transfer of assets, liabilities and capital of joint-stock company. All accounting records, accounting books and financial statements of equitized enterprises under storage shall be transferred to the joint stock company to continue storage.
- In case of equitization of dependent cost-accounting units of independent state-owned companies, corporations, general companies, parent companies, member companies: When transferring assets, liabilities and capital of joint-stock companies, based on asset transfer note, detailed appendices in transferring asset to the joint-stock companies and related documents, accounting books, accountants shall record as decrease in value of assets transferred to joint-stock companies, record;
Dr 336, 411
Dr 214 - depreciation of fixed assets (depreciated parts)
Dr 331, 335, 336, 338, 341 ...
Cr 111,112,121,131,152,153,154,155,156,211,213,221,222 , ...
n) Accounting in joint-stock company transformed from 100%-state-owned enterprises.
- Establishing new accounting books: Upon receipt of assets, liabilities, capital and enclosed documents, joint-stock companies must establish new accounting books (including general accounting books and detailed accounting books) to record the value of assets and capital transferred.
- Accounting for receipt of transfer of assets, liabilities and capital, in joint-stock companies: Upon receipt of the transfer of assets, liabilities and capital, based on the records, transfer note, accountants record:
Dr 111,112,121,131,138,141,152,153,154,155,156,157,211,221 ...
Cr 331, 333, 334, 335, 338, 341, ...
Cr 411 - owner’s capital .
- Accounting in enterprises having privatized subordinate units
Accounting at the parent company of corporation having equitized subsidiary companies: When a member of corporation is equitized, the parent company shall base on the value of the state capital sold outside to record a decrease in value of investments and decrease in owner’s capital, record:
Dr 411 - owner’s capital
Cr 221 – Investment in subsidiary companies
Accounting in enterprises having subordinate units without legal status to be privatized: When subordinate units of Corporation, company are equitized, the Corporation, the company shall base on the value of state capital sold outside to record a decrease in operating capital subordinate units, record:
Dr 411 - owner’s capital
Cr 1361 – Operating capital in subordinate units.
Article 68. Account 412 - Difference due to asset revaluation
1. Accounting principles
Ta) This account used for recording of differences due to revaluation of existing assets and situation of settlement of such differences at enterprises. Revaluated assets are revaluated primarily fixed assets, property investment. In some cases it is possible and necessary to revaluate materials, equipments, tools, finished goods Inventory, goods, unfinished goods Inventory, etc.
b) Differences due to asset revaluation shall be recorded in this account in following cases:
- When having the decision of State on asset revaluation;
- When carrying out the equitization of State enterprises;
- Other cases under provisions of the law.
c) This account shall not revaluated differences when taking assets for capital contribution in other units, changing ownership form, differences of revaluation in such cases shall be recorded in Account 711 - Other income (if being interests) or Account 811 - Other expenses (if being losses)
d) Asset value shall be re-determined on the basis of price list stipulated by the State or determined by asset pricing committee or professional price verificating agency.
dd) Differences due to asset evaluation shall be treated and settled according to the current financial policy.
Structure and contents of account 412 - Difference due to asset revaluation
Debit side:
- The negative difference due to asset revaluation;
- Settlement of the positive difference due to asset revaluation
Credit side:
- The positive difference due to asset revaluation;
- Settlement of the negative difference due to asset revaluation.
Account 412 - Differences due to asset revaluation may have balance in Debit or in Credit.
Debit balance: The negative difference due to revaluating assets which has not yet settled.
Credit balance: The positive difference due upon revaluating assets which has not yet settled.
3. Method of accounting for several major transactions
When having the State’s decisions on revaluation of fixed-asset, real estate Investment, materials, goods, etc or valuation when conducting equitization of State enterprises, enterprises shall carry out inventory, revaluate assets and record differences due to asset evaluation in the accounting book.
- Revaluation of materials, goods:
If revaluation price are higher than price recorded in the accounting book, the positive price difference will be recorded:
Dr 152, 153, 155, 156
Cr 412 - Difference due to asset revaluation.
If revaluation price are lower than price recorded in the accounting book, the negative price difference will be recorded:
Dr 412 - Difference due to asset revaluation.
Cr 152, 153, 155, 156.
- Revaluation of fixed assets and real estate investment: Based on the written summary of inventory and revaluation results of fixed assets, real estate investment:
Historical cost, book value, depreciation value is adjusted as an increase, record:
Dr 211, 213, 217 (adjusted increase in cost)
Cr 214 - Depreciation of fixed asset (adjusted increase in depreciation value)
Cr 412 - Difference due to asset revaluation. (adjusted increase in book value)
Historical costs, book value, depreciation value is adjusted as a decrease, record:
Cr 412 - Difference due to asset revaluation. (adjusted decrease in book value)
Dr 214 - Depreciation of fixed asset (adjusted decrease in depreciation value)
Cr 211, 213, 217 (adjusted decrease in cost)
b) At fiscal year-end, settlement of differences due to asset revaluation shall comply with the decision of or authorized agencies:
- If Account 412 has the balance in Credit, and business has the decision on owner’s capital, record:
Dr 412 - Difference due to asset revaluation.
Cr 411 - owner’s capital.
- If Account 412 has the balance in Debit, and business has the decision on decreasing owner’s capital, record:
Dr 411 - owner’s capital
Cr 412 - Difference due to asset revaluation.
Article 69. Account 413 - exchange differences
1. General provisions on exchange rates and exchange differences
Exchange differences means differences incurred from real exchange or the conversion of the same amounts of foreign currency into accounting currency unit according to different foreign exchange rates. Exchange differences primarily incurred in the following cases:
- Actual purchase, sale, transfer, exchange, payment of economic operations which incurred in foreign currency in period;
- Revaluating accounts derived from foreign currencies at the time of financial statement;
- Convert financial statements prepared in foreign currencies into Vietnam dong.
Exchange rate types (hereinafter referred to as exchange rates) used in accounting
Enterprises have economic transactions incurred in foreign currency must record in accounting books and make financial statements in accordance with a unified currency that is Vietnam dong, or official currency used in accounting. The conversion of foreign currencies into Vietnam dong shall be based on:
- Actual transaction exchange rates;
- Exchange rates recorded in accounting books.
When determining tax obligations (declaration, settlement and payment), enterprises must comply with the provisions of the laws on taxation.
The principles for determining the actual real exchange rates:
a) Real exchange rates for foreign currency transactions in period:
- Real exchange rate when buying or selling foreign currency (spot contracts of foreign exchange sale, forward contracts, futures contracts, options contracts, swap contracts) : is exchange rates concluded in contracts of foreign exchange sale between enterprises and commercial banks;
- If the contract does not specify the exchange rate of payment, enterprises shall record in accounting books in accordance with the following principles:
Real exchange rate upon capital contribution or receipt of contributed capital: is exchange rate of purchase of foreign currency of the bank where enterprises open the account to receive capital from investors at the date of the contribution of capital;
Real exchange rate upon recording receivables is the buying rate of the commercial bank where the customer makes the payment at the request of the enterprise at the time the transaction is made;
Real exchange rate upon recording liabilities is the selling rate of the commercial bank where the enterprise intends to make transaction at the time the transaction is made;
For purchases of assets or expenses paid immediately in foreign currency (not through the accounts payable), the real exchange rate is the rate of purchase of commercial banks where enterprises make payments.
b) Real exchange rate upon re-determining accounts derived from foreign currencies at the date of the financial statements: is exchange rate announced by commercial banks where enterprises regularly conduct transactions (chosen by the enterprises) under the following principles:
- Real exchange rate upon re-determining accounts derived from foreign currencies classifies as asset: is exchange rates of purchase of commercial banks where enterprises regularly conduct transaction at the time of the financial statements. For foreign currency deposited in bank, the real exchange rate upon revaluation is exchange rate of purchase of the bank where enterprises open foreign currency accounts.
- Real exchange rate upon revaluation of accounts derived from foreign currencies classified as liabilities: Is exchange rates of selling foreign currency of commercial banks at the time of financial statements;
- Units of a Group may apply the same exchange rate prescribed by the parent company (ensure closeness to the real exchange rates) to revalue accounts derived from foreign currencies arising from the insider trading.
Principles for determining accounting book exchange rates: Accounting book exchange rates include : specific identification real accounting book exchange rate or mobile weighted mean accounting book exchange rate ( weighted mean exchange rates after entry)
- Specific identification real accounting book exchange rate: is exchange rate upon recovery of receivable, deposit or settlement of debts payable in foreign currencies, determined according to the exchange rate at the time of incurred transactions or at the time of reevaluation at the end of term of each object.
- mobile weighted mean accounting book exchange rate is exchange rate used in credit side upon payment in foreign currency, determined on the basis in which the total value recorded in Debit side is divided by the actual amount of foreign currency at the time of payment.
The principle for application of exchange rates in the accounting rate
a) When incurring transactions in foreign currency, the real exchange rate at the time of incurred transactions shall be used to convert into the currency recorded in accounting book for:
- These accounts record other revenues, income. Particularly for the sale of goods or provision of services or income related to revenue received in advance or transactions received cash in advance of buyers, revenue, income corresponding to the sum received in advance shall be applied the real exchange rate at the time of receipt in advance of buyers (not applicable under real exchange rate at the time of receipt of revenues, income).
- These accounts record the cost of production, business and other expenses. Particularly for the allocation of prepaid expenses to cost of production, business in period, expenses shall be recorded at real exchange rates at the time of prepayment (not applicable under real exchange rates at the time of receipt of expenses).
- These accounts record assets. Particularly for the asset purchased related to prepaid transaction to sellers, the value of assets corresponding to prepaid sum shall be applied real exchange rate at the time of prepaying to the seller (not applicable under real exchange rate at the time of recording assets).
- Equity account;
- Debit side of accounts Receivable; Debit side of cash capital accounts; Debit side of accounts payable when incurring transactions prepaid to the seller.
- Credit side of accounts payable; Credit side of accounts receivable when incurring transactions of which sum of buyers is received in advance;
b) When incurring transactions in foreign currency, specific identification real accounting book exchange rates shall be used to convert into the currency of accounting book for the following account types:
- The credit side of accounts receivable (except for the transaction of which money is received in advance); the Debit side of accounts receivable at the time of final settlement of the sum received in advance due to the transfer of products, commodities, fixed assets, provision of service, volume accepted; the credit side of deposited accounts, prepaid expenses;
- The Debit side of accounts payable (excluding transaction prepaid to the seller); The Credit side of account payable at the time of final settlement for cash advanced to sellers due to receipt of products, commodities, fixed assets, services, volume acceptance
- In case if in the period incurring many sums receivable or payable in foreign currency with the same object, the specific identification real accounting book exchange rate for each object is determined on the basis of mobile weighted mean for transactions with such object.
c) When making a payment in foreign currency, the mobile weighted mean accounting book exchange rate shall be used to convert into the currency recorded in accounting books in the Credit side of the cash accounts.
Principles for determining accounts derived from foreign currencies : are assets recovered in foreign currency or debts payable in foreign currencies. Accounts derived from foreign currencies may include:
Cash, cash equivalents, term deposits in foreign currencies
b) Debts receivable, payable derived from foreign currencies, except:
- Prepayments to sellers and prepaid expenses in foreign currencies. If at the time of report, there is firm proof that sellers cannot provide goods, services and enterprises must take back the prepayments in foreign currencies, these sums are considered currency derived from foreign currencies.
- Sums prepaid by buyers and sums received in advance in foreign currencies. If at the time of report, there is firm proof that enterprises cannot provide goods, services and must pay back sums received in advance in foreign currencies for buyers, these sums are considered currency derived from foreign currencies.
c) The borrowings, loans of any kind are entitled to be recovered or be obliged to be repaid in foreign currency.
d) The deposit entitled may be received back in foreign currencies; Sum received from deposit must be repaid in foreign currency.
2. Accounting Principles for exchange differences
Concurrently, enterprises must monitor original currency in detailed accounting book of accounts: Cash, cash in bank, cash in transit, receivables, payables.
b) All sums of exchange differences are recorded immediately in financial income (if gain) or financial expense (if loss) at the time of incurring.
Particularly exchange differences in the stage prior to operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, WORKS OF NATIONAL IMPORTANCE associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense are gathered, recorded on account 413 and is gradually allocate into financial income or financial expense as enterprises operate under the following principles:
- Accumulated exchange rate losses in the period before operation are allocated directly from account 413 to financial expense, are not transferred through account 242 - prepaid expenses;
- Accumulated exchange rate gains in the period before operation are allocated directly from account 413 to financial income, are not transferred through account 3387 – Unearned Revenues;
- Allocation time shall comply with the provisions of law for enterprises of which 100% charter capital is held by the State. Particularly allocation of minimum loss on forex in each period must ensure that it is not less than the pre-tax profit before allocation of loss on forex (after allocation of loss on forex, pre-tax profit of income statement shall be zero).
c) Enterprises must revalue accounts derived from foreign currencies according to real exchange rates at all time of financial statement in accordance with law. Enterprises which have used financial instruments to provision for foreign exchange risk shall be not revalued loans, liabilities derived from foreign currencies which have been used financial instruments for provision for foreign exchange risk
d) Enterprises are not capitalized sums of exchange differences in the value of unfinished assets.
3. Structure and contents of account 413 - Exchange differences
Debit side:
- Loss on forex due to revaluation of accounts derived from foreign currencies;
- Loss on forex in the stage prior to operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, works of national importance associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense
- Transfer of gain on forex to financial income;
Credit side:
- Gain on forex due to revaluation of accounts derived from foreign currencies;
- Loss on forex in stage prior to operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, works of national importance associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense.
- Transfer of loss on forex to financial expense;
Account 413 may have Debit balance or Credit balance.
Debit balance: Loss on forex in the period before the operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, works of national importance associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense
Credit balance: Loss on forex in stage prior to operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, works of national importance associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense.
Account 413 - exchange differences comprises 2 sub - accounts:
- Account 4131- Exchange differences due to revaluation of accounts derived from foreign currencies; Recording foreign exchange rate differences due to revaluation of accounts derived from foreign currencies (gain or loss on forex), at the end of the fiscal year of business activities, including activities of capital investment (business and production enterprises which have also activities of capital investment)
- Account 4132 - exchange differences in stage prior to operation: Recording exchange rate differences incurred and exchange rate differences due to revaluation of accounts derived from foreign currencies in stage prior to operation. This account shall only be applied to enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, works of national importance associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense.
4. Method of accounting for several major transactions
Accounting for foreign exchange rate differences incurred in period (including exchange differences in stage prior to operation of enterprises of which of which 100% charter capital is not held by the State.
When purchasing materials, goods, fixed assets, services paid in foreign currency:
Dr 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (exchange rate at the transaction date)
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 111 (1112), 112 (1122) (according to exchange rate recorded in the accounting book)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
b) When buying materials, goods, fixed assets, services from suppliers for whom payment has not yet paid, when having loans or receiving internal debts, etc in foreign currency, forex at the transaction date will be based to record:
Dr 111, 112, 152, 153, 156, 211, 627, 641, 642 ...
Cr 331, 341, 336 ...
c) When advancing money for the seller in foreign currency for the purchase of materials, goods, fixed assets and services:
- Accountants record the advance amount to the seller in accordance with the real exchange rate at the time of the advance, record:
Dr 331 - Payable to suppliers (real exchange rate at the date of the advance)
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 111 (1112), 112 (1122) (according to exchange rate recorded in the accounting book)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
- Upon receipt of materials, goods, fixed assets and services from the seller, accountants record under the following principles:
For the value of materials, goods, fixed assets, services corresponding to the amount in foreign currency advanced to the sale, accountants record in accordance with the real exchange rate at the time of the advance, record:
Dr 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642
Cr 331 - Payable to sellers (real exchange rate at the date of the advance)
For the value of unpaid materials, goods, fixed assets and services, accountants record in accordance with the real exchange rate at the time of incurring (transaction date), record:
Dr 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642 (exchange rate at the transaction date)
Cr 331 - Payable to sellers (real exchange rate at the date of transaction)
d) When paying debts payable in foreign currencies (payables to sellers, loans, finance lease liabilities, or internal debts, etc), record:
Dr 331, 336, 341,… (exchange rates recorded in accounting books)
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 111 (1112), 112 (1122) (exchange rate recorded in the accounting book)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
e) When incurring revenue, other income in foreign currency, based on the real exchange rate at the date of the transaction, record:
Dr 111 (1112), 112 ( 1122), 131...(real exchange rate at the transaction date)
Cr 511, 711 (real exchange rate at the transaction date)
g) When receiving money in advance from the buyer in foreign currency for provisions of materials, goods, fixed assets and services:
- Accountants record sum received in advance of buyers in accordance with the real exchange rate at the time of receipt, record:
Dr 111 (1112), 112 (1122)
Cr 131 - Receivables from customers.
- Upon transfer of materials, goods, fixed assets and services to buyers, accountants record under the following principles:
For revenue, income corresponding to the sum in foreign currency received in advance of the purchasers, accountants record at the real exchange rates at the time of receipt in advance, record:
Dr 131 - Receivables from customers (the real exchange rate at the time of receipt in advance)
Cr 511, 711.
For unpaid revenue, income, accountants record in accordance with the real exchange rate at the time of incurring, record:
Dr 131 - Receivables from customers.
Cr 511, 711.
h) When receiving accounts receivable in foreign currency, record:
Dr 111 (1112), 112 (1122) (real exchange rate at the transaction date)
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 131, 136, 138 (exchange rate recorded in the accounting book)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
i) When lending, investing in foreign currencies, record:
Dr 121, 128, 221, 222, 228 (real exchange rate at the transaction date)
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 111 (1112), 112 (1122) (exchange rate recorded in the accounting book)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
k) Deposits in foreign currency
- When foreign currencies are deposited, record :
Dr 244 - Pledge, mortgage, deposit
Cr 111 (1112), 112 (1122) (exchange rate recorded in the accounting book)
- Upon receipt of deposit, record :
Dr 111 (1112), 112 ( 1122) (real exchange rate upon receipt)
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 244 - Pledge, mortgage, deposit (exchange rates recorded)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
Accounting for foreign exchange rate differences incurred due to revaluation of accounts derived from foreign currencies
a) When preparing financial statements, accountants revaluate accounts derived from foreign currencies at real exchange rate at the time of the report:
- If incurring gain on forex, record:
Dr 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341...
If incurring loss on forex, record:
Dr 413 - exchange differences (4131)
Cr 1112, 1122, 128, 228, 131, 136, 138, 331, 341...
b) Accounting for handing of foreign exchange rate differences incurred due to revaluation of accounts derived from foreign currencies: Transferring total foreign exchange rate differences revaluated (According to net amount after offsetting incurring amount in Debit and Credit of Account 4131) into financial expenses (if loss on forex), or financial income (if gain on forex) to determine result of business activities:
- Transferring gain on forex revaluated at the fiscal year-end to financial income, recorded:
Dr 413 - exchange differences (4131)
Cr 515 - financial income ( gain on forex)
- Transferring loss on forex revaluated at the fiscal year-end to financial income, recorded:
Dr 635 - financial expense (loss on forex)
Cr 413 - exchange differences (4131)
c) Accounting for exchange differences incurred in stage prior to operation of enterprises of which 100% charter capital is held by the State carrying out projects, works of national importance associated with tasks of macroeconomic stability, security and national defense:
Units apply all the provisions of the exchange rate and accounting principles like other enterprises, except:
- Recording gain on forex upon incurring is recorded in Credit side of Account 413 - Exchange rate differences;
- Recording loss on forex upon incurring is recorded in Debit side of Account 413 - Exchange rate differences;
When enterprises operate, accountants transfer exchange differences to financial income or financial expense.
d) Handling of remaining exchange rate differences on account 242 - Prepaid expenses and account 3387 - unearned revenue:
- Enterprises which have not allocated loss on forex of stage prior to operation (recording on account 242 before this Circular take effects) must transfer the entire loss on forex to financial expense to determine income statement in period, record:
Dr 635 - financial expense
Cr 242 - Prepaid expenses
- Enterprises which have not allocated gain on forex of stage prior to operation (recording on account 3387 before this Circular take effects) must transfer the entire gain on forex to financial income to determine income statement in period, record:
Dr 3387 – Unearned revenue
Cr 515 - financial income.
Article 70. Account 414 - Development investment funds
1. Accounting principles
This account is used to record existing amount, and the situation of increase and decrease of development investment fund of enterprises.
b) Development investment fund is set up from post- income tax profits of enterprises and used for expansion investment of business and production scale, or for intensive investment of enterprises.
c) Setting up and use of development investment fund must comply with the current financial policy for every type of enterprise or decision of owners.
d) If enterprises do not continue to set up financial reserve funds. Owners of enterprises shall make decision to transfer the balance of financial reserve fund to development investment funds.
2. Structure and content of account 414 - Development investment funds
Debit side: Situation of expenditure and using the development investment fund of enterprises
Credit side: Development investment fund increases due to appropriation from income after tax
Credit balance: Existing development investment fund
3. Method of accounting for several major transactions
In period, when temporarily appropriate the development investment fund from income after tax, recorded:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 414 - development investment funds
b) At year-end, determining development investment fund appropriated, accountants will calculate amount appropriated additionally, recorded:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 414 - development investment funds
c) In case a joint stock company issue additional shares from the development investment funds, record:
Dr 414 - development investment funds
Cr 4111 - Contributions from owners (face value)
Cr 4112 - Share premium (the difference between the issue price higher than face value, if any)
d) Transfer of the balance of fund financial reserve fund: The balance of existing financial reserve funds in enterprises is transferred to development investment funds, record:
Dr 415 - financial reserve funds
Cr 414 - development investment funds
dd) When enterprises supplement charter capital from development investment funds, enterprises must transfer to owner’s capital, record:
Dr 414 - development investment funds
Cr 4111- Contributions from owners
Article 71. Account 417 - Fund for support of arrangement of enterprises
1. Accounting principles
a) This account is used to record the appropriation and use of " fund for support of arrangement of enterprises " in one member limited liability companies of which 100% charter capital is held by the State as prescribed by law.
b) Management and use of funds; Report, settlement; Storage of records and documents must comply with the provisions of current law. Fund management unit must open a separate account to monitor revenues and expenses of the Fund; Open accounting books to account clearly, fully and promptly incurred transactions.
c) Revenues of the Fund may include:
- Revenues from equitization; Revenues from forms of reorganization and transformation of enterprises;
- Supportive budget under decision of the competent authority;
- Interest on deposits in banks of the Fund;
- Penalty for late payment;
- Other revenues under provisions of the law.
d) Expenditures of Fund shall include :
- Support for enterprises in reorganization and transformation of ownership and settlement of policies for redundant workers and handling of financial matters in accordance with law;
- Supplement charter capital for units in accordance with the law;
- Transfer, investments in enterprises under the decision of the competent authority;
- Other expenditures under provisions of the law.
2. Structure and content of account 417 - Fund for support of arrangement of enterprises
Debit side: Other expenditures from Fund under provisions of the law.
Credit side: Revenues of the Fund
Credit balance: The existing balance of fund for support of arrangement of enterprises at the end of period.
3. Method of accounting for several major transactions
a) Accounting for revenues for equitization:
Dr 1385 - receivables for equitization
Cr 417 - Fund for support of arrangement of enterprises.
b) Accounting for recording of Fund's revenues under decision of the competent authority, record:
Dr 111, 112, 138
Cr 417 - Fund for support of arrangement of enterprises.
c) Based on the settlement report on expenditures on implementation of policies for employees in the equitized enterprise and equitization cost made by the equitized enterprise, accountants in parent Companies, Corporation, state-owned general companies record the difference between revenue and expenditure of equitization of enterprises and record sum paid for employees, cost of equitization, record:
Dr 111, 112
Dr 417 - Fund for support of arrangement of enterprises.
Cr 1385 - receivables for equitization
d) When transferring Fund or spending money from Fund under decision of competent agencies, record :
Dr 417 - Fund for support of arrangement of enterprises.
Cr 111, 112.
dd) Upon approval of the Prime Minister on supplementing charter capital for Groups, state-owned general companies, parent companies, accountants record:
Dr 417 - Fund for support of arrangement of enterprises.
Cr 411 - owner’s capital .
Article 72. Account 418 - Other fund under equity
1. Accounting principles
This accounts is used to record existing amount and the situation of increase decrease of other fund under equity, such as reward fund for management boards of companies, etc. Other fund under equity are formed from post-tax profits. Appropriation and use of other fund under equity must comply with the current financial policy towards for every type of enterprise or decision of owners
2. Structure and content of account 418 - Other funds under equity
Debit side: The situation of expenditure and using other fund under equity of enterprises.
Credit side: Other fund under equity increased due to appropriation from post-tax profits.
Credit balance: Other fund under existing equity.
3. Method of accounting for several major transactions
Appropriating other fund under equity from enterprise income tax, record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 418 - Other fund under existing equity.
b) When using the funds, record:
Dr 418 - Other fund under existing equity.
Cr 111, 112.
c) When enterprises supplement charter capital from Other funds under equity, enterprises must transfer to owner’s capital, record:
Dr 418 - Other fund under existing equity.
Cr 411 - owner’s capital (4111).
Article 73. Account 419 - Treasury shares
1. Accounting principles
This account is used to record existing value and increases decreases of shares bought back from joint-stock companies among stocks issued to public by such companies to re-issue afterwards (called as Treasury shares)
Treasury shares are shares issued by companies and bought-back by the companies which issued shares, but they are not cancelled and shall be re-issued in the period which complies with law on securities. Treasury shares are hold by companies which do not received dividend, have no right for election or join to share assets when companies are dissolved. When distributing dividend for shares, Treasury shares hold by companies shall be considered as not yet sold.
b) Value of Treasury shares is recorded in this account under to prices actually bought-back, including back-buying prices and expenses directly related to back-buying of shares, such as expenses of transaction and information...
c) At the end of accounting period, when making financial report, actual value of Treasury shares shall be recorded a decrease in owner’s capital on the balance sheet by negative entry (…).
d) This account will not record the value of shares which companies bought from other joint-stock companies for investment purposes.
dd) Cost of Treasury shares when re-issuing or using to pay dividend, bonus, etc shall be calculated according to weighted average method.
2. Structure and contents of account 419 – Treasury shares
Debit side: Actual values of Treasury shares when buying
Credit side: Actual values of Treasury shares re-issued, distributed as dividend, or cancelled
Debit balance: Actual values of Treasury shares being held by companies
3. Method of accounting for several major transactions
Accounting for buying back shares which are issued by companies themselves:
- When companies finished procedures for buying back shares issued by companies themselves in accordance with law provisions, accountants will implement the payment procedure for shareholders, according to agreement prices for buying, selling and receiving shares, record:
Dr 419 - Treasury shares (repurchase price of shares)
Cr 111, 112.
- During the process of buying back shares, when incurring expenses directly related to buying-back of shares, record:
Dr 419 - treasury stocks
Cr 111, 112.
Re-issuing of Treasury shares :
- When re-issuing Treasury shares with price higher than actually bought back price, record:
Dr 111, 112 (Total payment price of re-issuing shares)
Cr 419 - Treasury shares (repurchase real price of shares)
Cr 411 - Owner’s capital (4112) (differences from re-issued price higher than real price for buying back of shares)
- When re-issuing Treasury shares to market with price lower than real price for buying-back of shares, recorded:
Dr 111, 112 (Total payment price of re-issuing shares)
Dr 4112- - Share premium (re-issue price less than repurchase price)
Cr 419 - Treasury shares (repurchase real price of shares).
c) When canceling treasury shares, record:
Dr 4111 – contributed capital of owners (Face value of cancelled shares);
Dr 4112 - Share premium (re-purchase price higher than face value)
Cr 419 - Treasury shares (repurchase real price of shares).
d) When having the decision of managing board (approved by shareholders’ meeting) distributing dividend in Treasury shares:
- In case issued price of treasury shares at the date paying dividend in shares is higher than real price of buying back treasury shares, record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits (issue price of shares)
Cr 419 - Treasury shares (repurchase real price of treasury shares).
Cr 4112 - Share premium ( differences from repurchase price of treasury shares lower than issue price at the date of payment of dividends)
- In case issued price of treasury shares at the date paying dividend in shares is lower than real price of buying back treasury shares, record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits (issue price of shares)
Dr 4112 - Share premium ( differences from repurchase price of treasury shares higher than issue price at the date of payment of dividends)
Cr 419 - Treasury shares (purchase real price of treasury shares).
Article 74. Account 421 - Undistributed post-tax profits
1. Accounting principles
This account is used to record business results (profit, loss) after enterprise income tax and situation of income distribution or loss handling of enterprise.
b) Profit distribution on business activities of enterprises must be clear, explicit and comply with the current financial policy.
c) Detailed accounting of result from business activities for every fiscal year must be implemented (previous year, current year), concurrently monitor in details for every content of profit distribution of enterprises (appropriation of fund, supplementation of operating capital, distribution of dividends, profits for shareholders and investors).
d) When applying retroaction due to the accounting policy changes and adjusting retroaction of essential shortcomings of previous years, but discovered in current year which lead to adjustment of year-beginning balance of undistributed earnings, accountants must adjust a decrease or an increase in year-beginning balance of Account 4211 “retained earnings of previous year” on the accounting book, and adjust a decrease or an increase in indicator “retained earnings” on the balance sheet, in accordance with regulations at accounting standard “Accounting policy change, accounting estimation and shortcomings”, and accounting standard “Enterprise income tax”.
dd) Parent companies are entitled to distribute profits to the owners which shall not exceed the undistributed post-tax profits on consolidated Financial statements after eliminating the impact of profits recorded from cheap purchase (negative goodwill). Where the undistributed post-tax profits on consolidated financial statements is higher than the undistributed post-tax profits on financial statement of the parent companies and if the profits decided to distribute exceed the undistributed post-tax profits on separate financial statement, the parent companies make distribution after transferring profits from subsidiary companies to the parent companies.
All enterprises, when distributing profits, must consider non-monetary items in undistributed post-tax profits that may affect cash flow and ability to pay dividends, profits of enterprises, such as:
- Interest due to revaluation of assets contributed as capital; revaluation of monetary items; revaluation of financial instruments;
- Other non-monetary items ...
e) In the operation of business cooperation contract (BCC) of division of post-tax profits, enterprises must monitor separately results of BCC as a basis for the distribution of profits or sharing losses for the parties. Enterprises which are the make payment and final declaration of tax for parties in BCC record the profits in proportion to the profits they receive, do not record all results of BCC on this account unless gaining the control right for BCC.
g) For the preferred dividends payable: Enterprise must eliminate preferred dividends payable under the nature of the preference shares and principles:
- If the preference shares classified are liabilities, accountants do not record dividends payable from undistributed post-tax profit ;
- If preference shares classified are equity, preferential dividends payable are accounted for similar to the dividend payment of common shares.
h) Enterprises must monitor the internal management system of taxable losses and non-taxable losses, in which:
- Taxable losses are the losses set up by deductible expenses in determining taxable income;
- Non - taxable losses are the losses set up by non-deductible expenses in determining taxable income;
When transferring losses in accordance with the law, enterprises shall only transfer taxable losses as a basis of deduction of tax payable in the future.
2. Structure and contents of account 421 - Undistributed post-tax profits
Debit side:
- Loss amount on business activities of enterprises;
- Appropriation of fund of enterprises;
- Distributing dividends, profits for owners;
- Supplementing owner’s capital;
Credit side:
- Real income amount on business activities of enterprises in period;
- Loss amount from subordinates granted additionally by seniors;
- Handling losses on business activities.
Account 421 may have Debit balance or Credit balance.
Debit balance: Loss amount on business activities which have not yet been settled
Credit balance: Undistributed or unused undistributed post-tax profits
Account 421 - Undistributed post-tax profits comprises 2 sub-accounts:
- Account 4211- Undistributed post-tax profits of previous year : Recording the result of business activities, situation of profit distribution or loss handling from previous years. Account 4211 is still used for recording of adjustment amount of increase or decrease in year beginning balance of Account 4211, when applying retroaction due to accounting policy change and retroactive adjustment of essential shortcomings in previous year, but have just been discovered in the current year.
Next year-beginning, accountants shall transfer year-beginning balance from Account 4212 “undistributed post-tax profits of current year” to Account 4211 “undistributed post-tax profits of previous year”
- Account 4212- Undistributed post-tax profits of current year : Recording the result of business activities, situation of profit distribution or loss handling in current year.
3. Method of accounting for several major transactions
At end of account period, transferring the result of business activities:
- In case of profit, record:
Dr 911 – income summary
Cr 421 - undistributed post-tax profits (4212).
- In case of loss, record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits (4212)
Cr 911 – income summary
b) When having the decision or notice for payment of dividend and profits distributed to owners, record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 338 – Other payables (3388).
When paying dividends and profits, record:
Dr 338 – Other payables (3388).
Cr 111,112,... (real payment amount)
c) In case a joint stock company pay dividends in shares (additional stock issue from undistributed post-tax profits), record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 4111- Contributions from owners (face value)
Cr 4112 - Share premium (differences between issue price higher than face value, if any)
d) Enterprises which are not joint stock companies when deciding to supplement owner’s capital from business profits (retained profits of enterprises), record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 4111 - Contributions from owners.
dd) When setting up funds from the results of operations (retained profits of enterprises), record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 414 - development investment funds
Cr 418 - Other funds under equity.
Cr 353 - bonus and welfare fund (3531, 3532, 3534).
e) At fiscal year-beginning, transferring undistributed post-tax profits of current year to undistributed post-tax profits of previous year, record:
- In case Account 4212 has Credit Balance (profit), record:
Dr 4212 - undistributed post-tax profits of current year
Dr 4211 - undistributed post-tax profits of current year of previous year.
- In case Account 4212 has Debit Balance (loss), record:
Dr 4211 - undistributed post-tax profits of current year of previous year
Dr 4212 - undistributed post-tax profits of current year
g) Accounting for handling of undistributed post-tax profits before transforming 100%-state-owned enterprises into joint-stock companies
- Accounting for handing of liabilities before transforming into joint-stock companies
For loans of state-owned commercial banks and the Vietnam Development Bank overdue but unable to be paid due to the loss of enterprises which have no state capital, enterprises must carry out procedures, application for rescheduling, freezing and remission of loans under the provisions of current law. When having decision on remission of loan, record:
Dr 335 - Expenses payable (interest from remitted loans)
Cr 421 - Undistributed post-tax profits (interest of loans recorded in expenses in previous terms remitted)
Cr 635 - financial expense (interest of loans recorded in expenses in current terms)
- Accounting for the difference between the actual value of the State capital at the time 100%-state-owned enterprises are transferred into joint-stock companies and the actual value of the State capital at the time of the valuation of enterprises.
In case the actual value of the State capital at the time enterprises are transformed into joint-stock companies is greater than the actual value of the State capital at the time of valuation of the enterprises, the increase difference (interest) must submitted to fund for support of arrangement of enterprises as prescribed by law (as in corporations, general companies, parent companies or fund for support of arrangement of enterprises in state capital and investment corporation ), record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 3385 - Payable for equitization.
If the actual value of the State capital at the time 100%-state-owned enterprises are transferred into joint-stock companies is lower than the State capital at the time of the valuation of enterprises, the decrease differences (loss) are recorded, record:
Dr 138 - Other receivables (1388)
Cr 421 - Undistributed post-tax profits.
If the difference decreases due to objective or subjective reasons, but due to force majeure or which persons in charge of compensation have no ability to perform the compensation and competent authorities consider and decide to use sum received from the sale of shares to offset losses after deducting the covered compensation (if any), record:
Dr 3385 - Payable for equitization.
Cr 421 - Undistributed post-tax profits.
- Accounting for changing undistributed post-tax profits into state capital in enterprises at the time enterprises are officially transformed into joint-stock companies: At the time enterprises are officially transformed into joint stock companies, accountants transfer the whole credit balance of undistributed post-tax profits to owner’s capital, record:
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 411 - owner’s capital
Article 75. Account 441- Capital for capital investment
1. Accounting Principles
This account used for recording of existing amount and the situation of increase or decrease of capital for capital investment of enterprises. Capital for capital investment of enterprises granted by State budget or by seniors. Capital investment capital of units used for new capital investment, improvement, extension business and production premise, and procurement of fixed assets for renovation of technology. Capital investment in enterprises shall must execute and respect regulations on current capital investment management.
b) Every time construction and procurement of fixed assets accomplished, assets are transferred for use in business and production, accountants must conduct procedures for settlement of investment capital of every construction sections. When investment construction report is approved, accountants must record a decrease in capital investment capital source, record an increase in owner’s capital.
2. Structure and contents of account 441 - Capital for capital investment
Debit side: Amount of capital for capital investment decreases due to:
- New construction and procurement of fixed assets accomplished, transferred for use and investment capital settlement report is approved.
- Refund of unspent capital investment capital to senior units, to State
Credit side: Amount of capital for capital investment increases due to:
- State budget or seniors grant capital for capital investment;
- Receipt of capital for capital investment due from aid, financing;
- Supplementation from development investment fund
Credit Balance: Existing amount of capital for capital investment of enterprises which have not yet been used or used, but construction have not yet been accomplished or accomplished but balance-sheet have not yet been approved.
3. Method of accounting for several major transactions
Receiving capital for capital investment by cash, cash in bank, record:
Dr 111, 112
Cr 441 - Capital for capital investment
b) In case of receiving capital for capital investment granted by State budget, according to allocated estimate:
- When be transferred of estimate for expenditure of capital investment, enterprises actively monitor and record information about items in the notes to financial statements.
- When withdrawal of estimate for expenditure of capital investment for use, based on the situation of using estimate for expenditure of capital investment to treat in accounts related, record:
Dr 111 - Cash on hand
Dr 152, 153, 331,…
Dr 133 - Deductible value-added tax
Dr 241 - Construction in progress (withdrawal of estimate for direct expenditure)
Cr 441 - Capital for capital investment
c) When have not yet been transferred estimate for capital investment, units shall be advanced investment capital by the treasury, when receiving advanced capital from the treasury, record:
Dr 111, 112
Cr 338 - Other payables (3388)
d) When the estimate for expenditure of capital investment transferred, units must conduct payment procedures to refund the treasury advanced amount of capital. When the treasury accepts payment vouchers, recorded:
Dr 338 - Other payables (3388)
Cr 441 - Capital for capital investment
dd) Receiving capital for capital investment to pay loans, liabilities, recorded :
Dr 336, 338, 341…
Cr 441 - Capital for capital investment
e) Supplementing capital for capital investment by development investment fund, recorded:
Cr 414 - Development investment funds
Cr 441 - Capital for capital investment
g) When construction and procurement of fixed assets by capital for capital investment accomplished, transferred for use in business and production : Accountants shall record an increase in fixed assets due to capital investment, procurement of fixed assets accomplished, recorded:
Dr 211 - Tangible fixed assets
Dr 213 - Intangible fixed assets
Cr 241 - Construction in progress
h) When refunding capital for capital investment for State budget, for senior units, recorded:
Dr 441 - Capital for capital investment
Cr 111, 112.
i) When enterprises supplement charter capital from capital for capital investment, enterprises must transfer to invested capital of owners, record:
Dr 441- Capital for capital investment
Cr 4111 - Contributions from owners (4111).
Article 76. Account 461- Non-business expenses source
1. Accounting Principles
This account is used to record of the situation of receiving, using and settlement of non- business and project expenses of units. This account is only used in emits which are granted with non-business and project expenses by State or senior unit.
Expenses source for non-business and projects are expenditures granted by State budget or senior units or direct aids received from Government, domestic and foreign organizations or individuals for implementation of item programs, approved projects, to perform economic, politic and social tasks assigned by the State or seniors for non - profit purposes. Use of expenditure source for non-business and projects must comply with approved estimate and must settle with agencies which grant expenditures. Non-business expenditure source may also be established from non-business receipts incurred at units, such as collecting hospital fees of unit’s employee who are under treatment and in convalescence at unit’s hospital, collecting school fees, customary dues, etc
b) Expenditure source for non-business and projects must be treated in details of every established source: granted by State budget or senior units, received financing and aids from organizations or individuals, collected from non-business activities of units. Concurrently, non-business expenses source of current year and non-business expenses source of previous year must be recorded in details and separately.
c) Expenses source for non-business and projects must be used in compliance with purposes, operating contents, standards and norms of State and senior units and in approved estimate range
d) In case expenses are granted by State budget, grant method of State budget for non-business expenditure source will be based to record in accounting book:
- If State budget grant expenses by payment order, when receive Credit note, the amount is transferred into account of the unit, accountants concurrently record an increase in cash in banks and non-business expenditure source;
- If State budget grant expenses by allocation of estimate for non-business, projects expenditures, when receiving the notice, or withdrawing estimates for non-business, projects for expenditure, units must explain on financial statement , and record Cr 461 “Non-business expenses source” corresponding with related accounts.
dd) At fiscal year-end, units must make settlement procedures for striking balance of situation of receiving and using non-business expenses source with financial agencies, governing bodies and with every agency or organization granting expenditures according to current financial policy. Unspent expenditure allowed to transfer will be settled according to the decision of authorized agencies. Units only transfer amount of unspent expenses of non-business and projects to next year when approved by authorized agencies.
e) At fiscal year-end, if settlement of operating expenditures by non-business expenses source are not yet approved, accountants shall transfer non-business expenses source of current year to non-business expenditure source of previous year.
2. Structure and contents of account 461- Non-business expenses source
Debit side:
- Expenditures from non-business and projects source;
- Unspent expenditure source for non-business and projects refunded to State budget or paid for seniors
Credit side:
- Amount of expenses source for non-business and projects actually received from Slate budget or seniors;
- Amount of non-business receipts incurred at units supplemented for non-business expenses source
Credit Balance: Amount of expenses source for non-business and projects received from State budget or seniors, but have not yet used or used but have not yet settled.
Account 461- Non-business expenses source, comprises 2 sub-accounts:
- Account 4611- Non-business expenses source of previous year: Recording expenses for non- business, projects in the previous year used but the settlement report of previous year has not been approved, and the amount of unused non-business funding of previous year. When the settlement report of previous year is approved, expenditure by source of non-business funding, project funding of previous year shall be deducted from account 461 "Non-business funds" (4611- Non-business Funding of previous year). The unused non-business funding of previous year, depending on decision of financial agencies or the competent authorities, must be submitted into the budget or transferred to the funding of current year.
- Account 461- Non-business expenses source of current year : Recording non- business funding, project funding allocated in current year by the Budget or seniors, including unused non- business funding of previous year until approval of all settlement reports transferred into current year's funding. At the end of the accounting year, at the beginning of next year, the funding of current year, if has not been settled shall be transferred from account 4612 "Non-business funding of current year" to account 4611 " Non-business funding of previous year" for monitoring until the settlement report of previous year is approved.
3. Method of accounting for several major transactions
Receiving expenses source for non-business and projects granted by State budget with payment order, or non-business expenses source granted in cash by superior, record:
Cr 111, 112
Cr 461 - Non business expenses source (4612)
b) When drawing estimate for activities or projects to encash, or to purchase materials, tools, or pay directly to sellers or disburse directly, record:
Dr 111 - Cash on hand
Dr 331 - Supplier Payable
Dr 161 - Expenses of non-business and projects (1612)
Dr 152, 153,…
Cr 461 - Non business expenses source (4612)
c) Non - business receipts incurred at units (if any), record:
Dr 111, 112,…
Cr 461 - Non business expenses source (4612)
d) Receiving non-business expenses in fixed assets granted by State budget or seniors, or receive grant in fixed assets used for non-business and projects activities, record:
Dr 211 - Tangible fixed assets
Dr 213 - Intangible fixed assets
Cr 461 - Non business expenses source.
Concurrently, record:
Dr 161 - Expenses of non-business and projects
Cr 466 - Fixed asset expenses
dd) At fiscal year-end, business still have cash and cash in bank which belong to expenditure source for non-business and projects, if this unspent non - business expenditure must be returned to State budget or seniors, record:
Dr 461 – Non-business expenses source.
Cr 111, 112.
If unspent amount of expenses source for non-business and projects is retained to transfer into next year’s expenditure, the above entry will not be implemented.
e) When settlement report of expenses for non-business and projects activities approved in the current year, record:
Dr 461 – Non-business expenses source (4612)
Cr 161 - Expense for non-business activities (1612) (approved expenditure amount)
g) If until year-end, the settlement report of expense for non-business and projects has not yet approved:
- Transferring expense for non-business and projects of current year into expense on non-business and projects of previous year, record:
Dr 161 - Expense for non-business (1611 - Expense for non-business activities of previous year)
Cr 161 - Expense for non-business (1612 - Expense for non-business activities of current year)
- Concurrently, transferring expenses source for non-business activities and projects of current year, into expenses source for non-business and projects prior year, record:
Dr 461- Non-business expenses source (4612)
Cr 461 - Non business expenses source (4611)
h) When settlement report of expenses for non-business and projects activities approved in previous year, record:
Dr 461 – Non-business expenses source (4611)
Cr 161 - Expenses of non-business (1611)
Non business expenses source of previous year determined as redundancy when annual settlement report is considered, shall be transferred into non business expenses source current year, record:
Dr 461- Non-business expenses source (4611)
Cr 461- Non business expenses source (4612)
Article 77. Account 466 - Fixed asset expenses source
1. Accounting Principles
This account is used to record existing amount and increases or decreases in fixed asset expenses source. Only recorded an increase in fixed asset expenditure source when units purchase fixed assets, invest in new construction, upgrade, improve, extend existing fixed assets, these operations will be recorded an increase in historical price of fixed assets by expenses source for non-business and projects, granted by State budget or received from grant, financing, delivered for use in non-business activities and projects
b) fixed asset expenditure source is recorded a decrease when calculating depreciation of fixed assets, or selling, liquidation, discovering fixed assets deficit when carrying out inventory, refunding for State, or transferring fixed assets to other units according to orders of seniors, of State
2. Structure and contents of account 466 - Fixed asset expenses source
Debit side: Fixed asset expenses source decreases, including:
- Refunding to State or transferring fixed assets, used for non-business and projects activities according to the decision of State bodies or authorized agencies;
- Calculating fixed assets depreciation used for non-business and projects activities;
- Selling, liquidating fixed assets or discovering deficiency of fixed assets used for non-business and projects activities
- Net book value of fixed assets decreases due to revaluation.
Credit side: Fixed asset expenses source increases, including:
- Investing, purchasing accomplished fixed assets used for non-business and projects activities;
- Being granted non-business expenses, projects expenses, receiving grant in fixed assets;
- Net book value of fixed assets increases due to revaluation.
Credit Balance: Existing fixed asset expenses source at units.
3. Method of accounting for several major transactions
In case expenses are granted from State budget, senior units in fixed assets or using expenses for non-business or projects, non-refund aid to purchase fixed assets to invest in capital investment, when procurement of fixed assets, capital investment accomplished, assets taken in use for non-business and projects activities, record:
Dr 211 - Tangible fixed assets
Dr 213 - Intangible fixed assets
Cr 111, 112, 241, 331, 461,...
Concurrently, record:
Dr 161 - Expenses of non-business and projects
Cr 466 - Fixed asset expenses
b) At end of fiscal year period, calculating fixed assets depreciation, invested or purchased by expenses sources for non-business and projects, used for non-business and projects activities, record:
Dr 466 - Fixed asset expenses
Cr 214 - Accumulated depreciation of fixed assets.
c) When selling or liquidating fixed assets used for non-business and projects activities, record:
- Recording a decrease in fixed assets sold or liquidated:
Dr 466 - Fixed asset expenses source (net book value)
Dr 214 - Accumulated Depreciation of fixed assets (depreciation value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost)
Cr 213 - Intangible fixed assets (cost)
- Receipts and expenditures, and difference between receipts and expenditures on sale and liquidation of fixed assets invested by expenses source for non-business and projects, will be settled and treated according to the decision on sale and liquidation of fixed assets of authorized agencies
d) Accounting for transfer of assets being the welfare projects: For assets being welfare projects funded by the state budget, if enterprises equitized from 100%-state-owned enterprises continue to use for business purposes, accountants record:
Dr 466 - Fixed asset expenses
Cr 411 - owner’s capital
Article 78. Accounting Principles for turnovers
1. Turnovers from the economic benefits gained increase equity of enterprises except for the additional contribution of the shareholders. Turnovers is recorded at the time the transaction arises when the economic benefits are firmly gained, determined under the fair value of sum entitled to be received, regardless of having earned money or being going to earn money.
2. Turnovers and cost setting up such turnovers must be recorded simultaneously under the principle of conformity. However, in some cases, conformity principles may conflict with the precautionary principle in accounting, accountants must base on the nature and accounting standards to record transactions honestly and reasonably.
- An economic contract may include multiple transactions. Accountants must identify transactions to apply conditions to record turnovers in accordance with the provisions of accounting Standards of "Turnovers".
- Turnovers must be recorded in accordance with nature rather than the form or the name of the transaction and must be allocated under obligations of providing goods or services.
For example, customers may only receive promotional goods when buying goods of units (buying two products, getting one free), the nature of the transaction is discount, free gift products in the form are known as promotion but in nature are sale because customers will not qualify if they do not buy the product. In this case, the value of free gift products is recorded in cost price and turnovers corresponding to the fair value of such products must be recorded.
Example: In case of selling products and goods with replacement products, goods, equipment (in case of malfunction prevention), turnovers for shall products, goods sold and replacement products, goods, equipment must be allocated. The value of the replacement products, goods, equipment is recorded in cost of goods sold.
- For transactions from which obligations of the seller arising at the current time and in the future, turnovers must be allocated according to the fair value of each obligation and are recorded when the obligations are fulfilled .
3. Turnovers, profit or loss are only considered not to be earned if enterprises must be responsible for obligations in the future (except for normal warranty obligation) and are uncertain of economic benefit; The classification of gains and losses into earned or unearned does not depend on the cash flow is incurred or not.
Gains and losses arising from revaluation of assets and liabilities are not considered not to be earned because at the time of revaluation, units have the right to the property and has obligation with liabilities, for example: Gains and losses arising from revaluation of assets contributed as capital investment in other units, revaluation of financial assets at fair value, exchange differences due to revaluation of monetary items derived from foreign currencies ... are considered to have earned.
4. Turnovers do not include sums collected on third party, for example:
- Indirect taxes (VAT, export duties, excise taxes, environmental protection tax) payable;
- Amount which the turnovers agent collects on goods owners due to turnovers agency ;
- Surcharges and fees collected in addition to the unit price are not entitled;
- Other cases.
In case of indirect taxes payable that are not separated immediately at the time transactions are incurred, to facilitate accountants, turnovers in the accounting books including indirect taxes may be recorded but periodically, accountants must record a decrease for indirect taxes payable. However, when preparing financial statements, accountants are required to identify and remove all of the indirect taxes payable out of standards of recording turnovers payable.
5. Time, basis for recording accounting turnovers and taxable turnovers may vary depending on the specific situation. The taxable turnovers are only used to determine tax payable as prescribed by law; Turnovers recorded in the accounting books for the financial statements must comply with the accounting principles and, depending on cases, are not necessarily equal to the amount stated on the bill of sale.
6. When rotating products, goods and services among dependent cost-accounting units within the enterprises, depending on the operating characteristics, decentralization of each unit, enterprises may decide on recording turnovers in the units if there is an increase in the value of products and goods between the stages that do not depend on any accompanying documents (invoices or internal vouchers). When preparing general financial statements, all turnovers among units within the enterprises must be excluded.
7. Turnovers recorded shall only include turnovers of the reporting period. For accounts that record turnovers without balance, at the end of period, accountants must transfer turnovers to determine income statement.
Article 79. Account 511- Turnovers from selling goods and provisions of service
1. Accounting Principles
This account is used to record turnovers of enterprises in an accounting period, including turnovers of selling goods, products and provisions of services for the parent company, subsidiary company in the same group.
This account records turnovers of production and trading activities from the following transactions and operations:
a) Sales: Selling products manufactured by business, selling of goods purchased and real estates invested.
b) Providing services: carrying out services agreed in contract for one or more accounting periods, such as providing transportation or travel services, leasing of Fixed Assets in ways of operating lease, turnovers from construction contract...
c) Other turnovers.
Conditions of recording turnovers
a) An enterprise shall only record turnovers from selling goods if simultaneously satisfies the following conditions:
- Enterprises have transferred most of risks and benefits associated with ownership of products, goods to the buyer;
- Enterprises no longer hold the right to manage goods as owners or the right to control goods;
- Turnovers are determined reliably. When contracts define that buyers are entitled to return products, goods purchased under specific conditions, enterprises shall only record turnovers if such specific conditions no longer exist and buyers are not entitled to return products, goods (unless the customer is entitled to return the goods under the form of exchange for other goods or services);
- Enterprises have received or will receive economic benefits from the sale transaction;
- Costs related to sale transactions may be determined.
b) An enterprise shall only record turnovers from providing services if simultaneously satisfies the following conditions:
- Turnovers are determined reliably. When contracts define that buyers are entitled to return services purchased under specific conditions, enterprises shall only record turnovers if such specific conditions no longer exist and buyers are not entitled to return provided services ;
- Enterprises have received or will receive economic benefits from the transaction of providing such services ;
- The completed work may be determined at the time of the report;
- Incurred costs for the transaction and the costs to complete the transaction of providing such services may be determined.
Where economic contracts including many transactions, enterprises must identify transactions to record turnovers in accordance with accounting Standards, for example:
- Where the economic contracts define sales and provisions of after-sales service (in addition to the normal warranty), enterprises must record sale turnovers and service provision turnovers separately ;
- Where the contracts define that the seller is responsible for installing the products, goods for the buyer, turnover is only recorded after the installation is done.
- If enterprises are obliged to provide goods or services free for the buyer or discount transactions for traditional customers, accountants shall only record turnovers for such goods, services provided until obligations for the buyer are fulfilled.
Net turnovers that are realized by the business in the accounting period can be lower than the Revenues originally recorded, because of business’ trade discounts, sales allowances or sales returns from customers (because goods sold didn’t meet specifications and quality conditions written in economic contract);
Where products, goods or services sold from the previous period, discounted for sales in the next previous or goods are returned, enterprises record a decrease in turnovers according to the principle:
- If products, goods or services sold from the previous period, discounted for sales, returned in the next period, but incurred prior to the issuance of financial statements, accountants must consider them as an adjustment event incurred after the dated of balance sheet and record decrease turnovers in financial statement of the reporting period.
- Where products, goods and services must be discounted for sales, returned after the release of financial statements, enterprises must record decrease turnovers of the incurred period.
Turnovers in some cases are determined as follows:
Turnovers from selling goods, providing services do not include indirect taxes payable such as VAT (including paying VAT under subtraction method), excise tax, export duties, environmental protection taxes .
In case of no immediate separate of indirect taxes payable at the time of recording turnovers, accountants shall record turnovers including the tax payable and record periodically as decrease in turnovers for indirect taxes payable. When preparing reports on income statement, standards of "Sales of goods, provisions of services" and standards of "Turnover deductions" do not include indirect taxes payable in the period due to naturally indirect taxes are not considered as a part of the turnovers.
In case in period enterprises have written invoices and received money from sales but at the end of period, have not yet delivered to the buyer, the value of the goods is not considered to have been sold in the period and not recorded in account 511 "Turnovers from selling goods and providing services" but only accounted for in Credit side of accounts 131 "Receivables from customer " the sum received from customers. When making deliveries to the buyer, the value of goods delivered, received money in advanced in accordance with the conditions for recording turnovers shall be accounted for in account 511 " Turnovers from selling goods and providing services ".
In case of dispatching goods for promotion, advertising, but customers only receive promotional, advertising goods together with other conditions, such as buying products, goods (eg, buy 2 get 1 free....), accountants must allocate the received sum to calculate the turnovers for promotional items, the value of promotional goods is calculated on the cost of goods sold (in this case the nature of the transaction is discount of goods sold ).
In case the enterprise has turnovers from sales and services provision in foreign currency, then the turnovers must be converted into accounting currency unit under exchange rates of real transactions at the time of economic transactions. In case of receipt of advance payments of customers in foreign currency, turnovers corresponding to the advance sum shall be converted into accounting currency unit under the exchange rate of real transactions at the time of receipt of advance.
Turnovers from sales of real estates of enterprises being investors must comply with the following principles:
a) For works, work items of which enterprises being investors (including works, work items of which enterprises being both investors and constructors), enterprises shall not record the turnovers of selling real estate under the accounting standard of construction contract and shall not record for the turnovers received in advance from the customers according to progress. Recording turnovers from sales of real estate must satisfy five following conditions:
- The real estate has completed and transferred to the buyers, enterprises have transferred risks and benefits associated with ownership of the real estate to the buyers;
- Enterprises no longer hold the right to manage the real estate as real estate’s owners or the right to control the real estate ;
- The turnover is determined reliably;
- Enterprises have received or will receive economic benefits from the sales of the real estate;
- Costs related to sales of the real estate may be determined.
b) For works, work items of which enterprises being investors (including works, work items of which enterprises being both investors and constructors), where the customer is entitled to finish interior of real estate and enterprises finish interior of the real estate in accordance with designs and requirements of customers, enterprises record the turnovers upon completion and transfer of raw building to customers. In this case, enterprises must have a separate completed contract of interior of the real estate with the customer, which specifies the requirements of customers in the design, engineering, interior finishing forms of the real estate and a transfer note of the raw building parts to customers.
c) For real estate divided into plots for sale, if transferring the plot to customers (regardless legal procedures for land use right certificate is done or not) and the irrevocable contract, investors record the turnovers for the plot sold if satisfy the following conditions:
- Risks and benefits associated with the land use rights are transferred to the buyer;
- The turnover is determined reliably;
- Costs related to sale of plots may be determined.
- Enterprises have received or will receive economic benefits from sales of the plots;
In case goods are consigned to agencies for sales at exact prices and receiving commission, the turnovers shall be sales commission earned by the enterprises.
For operations of authorization service of export, the turnovers are authorization fees of units earned.
In case units only process materials, goods, then turnovers are actual amount of money earned, not including values of materials, goods processed.
In case sales on credit, sales on installments, then turnovers are determined according to cash price ;
Principle on recording the turnovers for the sale of goods and provisions of services under the programs for traditional customers:
Characteristics of the sale of goods and provisions of services under the programs for traditional customers: Transactions under the program for traditional customers must simultaneously satisfy all of the following conditions:
- When purchasing goods and services, customers built enough points to reach the prescribed points shall receive an amount of goods and services for free or discounted price;
- The seller shall determine the fair value of goods and services provided free or discounted amount for the buyer when the buyer meets the conditions of the program (built enough points);
- The program must be limited to a specific and clear time, if the prescribed time limit is over, the customers have not met the conditions set out, the seller shall no longer be obliged to supply goods services for free or discount for buyers (number of points accumulated by buyers is invalid);
- Upon receipt of the goods or services for free or discounted prices, buyers are subtracted the cumulative points as prescribed by the program (exchange cumulative points for goods, services or discount upon purchase).
- The provision of goods or services for free or discount for buyers when they reach enough bonus points may be made by the seller or a third party under the provisions of the program.
b) Accounting Principles
- At the time of sale of goods or provisions of service, the seller shall determine separately the fair value of goods and services provided free or discounted amount for the buyer when the buyer meets the conditions of the program.
- The turnovers recorded the total amount that needs to be received or has been received minus the fair value of goods and services provided free or discounts to buyers. The value of goods and services provided free or discounts for buyers are recorded an unearned turnover. If at the expiry of the program, the buyer does not qualify under the prescribed conditions and is not entitled to free goods, services or discounts, the unearned turnover is transferred to the turnover of sales, provisions of services.
- When buyers meet the conditions as stipulated by the program, handling of unearned turnovers shall be done as follows:
Where sellers directly provide goods or services for free or discount for buyers: The unearned turnovers corresponding to the fair value of some goods and services provided free or discount for buyers are recorded a turnovers from selling goods, providing services when buyers have received goods or services for free or been discounted as prescribed by the program .
Where the third party is obliged to provide goods or services free or discount for the buyer: If the contract between the seller and such third party is not an agency contract, when the third party provides goods, services or discounts, the unearned turnover is transferred to the turnover from selling goods, providing services. If the contact is an agent contract, only the difference between the unearned turnover and the amount payable to the third party is recorded a turnover. The amount paid to the third party is considered as the payment of liabilities.
Principle for recording and determination of turnovers from construction contracts
Turnovers from construction contracts include:
- The original turnovers written in contract;
- Amounts increased, decreased when implementing the contract, bonus and other payments, if these items may change turnovers, and can be determined reliably:
Turnovers from contract can increase or decrease in each period, for example: Contractors and consumers can agree upon changes and requirements, that increase or decrease turnovers of contract in the next period, in compassion with originally accepted contract. Turnovers agreed in the contract is based on fixed prices, so it can increase because of price increase. Turnovers written in contract can decrease because the contractor did not meet schedules of activities, or did not guarantee construction agreed in the contract. In case the contract written with fixed prices, that regulate a fixed price level for a finished unit of product, then turnovers calculated in contract will increase or decrease when product volume increases or decreases.
Bonuses are extras paid for contractors if they perform fairly or well contract requirements. Bonuses are charged to contract revenues if having both two conditions.
(i) Bonuses are determined reliably.
(ii) Bonuses are determined reliably
- Another payment that contractor receives from customer or another party to compensate for expenses not included in contract prices. For example, delays caused by customers; errors in technical or design indicators, and disputes on changes in carrying out the contract. Determination of turnover increase from these payments also depend on many uncertain factors, and usually depend on results of many negotiations. Thus, other payments are charged to turnover only if:
Negotiation obtained the solution that the customer accept to compensate;
Other payments are accepted by customers and can be determined reliably.
b) Recording turnovers of construction contract will comply with one of two conditions:
- In case the construction contract defines that the contractor shall be entitled to payment basing on the progress, when achieved results of construction contract are estimated reliably, then turnover from the construction contract is recorded proportionally to part of works finished, determined by contractors on the date of financial statement without depending on the bills under the progress made or not and the amount on the bills.
- In case the construction contract defines that the contractor shall be entitled to payment basing on value of volume achieved, when achieved results of construction contract are estimated reliably and confirmed by customers, then revenues and expenditures related to the contract recorded in proportion to the completed work confirmed by the customer in period are recorded in the bills set up.
c) In case achieved results of construction contract can’t be estimated reliably, then:
- Turnover is only recorded proportionally to with incurred costs of contract that the repayment is relatively certain.
- Costs of contract is only recorded a period costs when these costs had been incurred.
In case of assets lease, lessors received rent in advance for many periods, then recording turnovers shall be made under the principle of allocating the rent received in advance in accordance with the lease period.
Where the rental period is 90% of the useful life of the assets, enterprises may choose method of recording turnovers once for the entire rental amount received in advance if the following conditions are met simultaneously:
The lessee is not entitled to cancel the lease contract and the lessor has no obligation to repay the amount received in advance in all cases and in all forms;
The amount received in advance from the lease is not less than 90% of the total lease amount expected to get under the contract during the lease term and the lessee must pay the entire amount of lease within 12 months from the beginning of the lease;
Almost all the risks and benefits associated with ownership of the leased asset are transferred to the lessee;
The lessor must estimate relatively the full cost of the lease.
Enterprises recorded turnover in the total amount received in advance in this case shall be explain in the financial statements on :
The difference in turnovers and profits, if being recorded in the method of gradual allocation under lease time;
The effect of recording turnovers in the period on the ability to create money, risks of declining turnover, profits of future periods.
In case enterprises perform the tasks of supplying products, goods, services as required by government, and are subsidized, price supported as regulated by government, then the subsidized or price supported turnovers are amounts officially announced, or actually subsidized or price supported.
In case of sale of products and goods with replacement products, goods, equipment (prevention in case products, goods malfunction) turnovers must be allocated for products, goods sold and goods, equipment must be delivered to the customer to replace and prevent damage. The value of the replacement products, goods, equipment is recorded in cost of sales.
For capital investment management fee :
- For enterprises assigned to manage construction, investment projects using state budget funds or Government bonds, municipal bonds, in case of making estimate of administrative expense of projects under the provisions of the State on investment and construction using state budget funds, the funds for the project manager reimbursed by the state budget are not accounted for as turnover but recorded a decrease in administrative expense of projects.
- Where enterprises fulfill the task of project management under consultancy contract, the sum received under the contract is recorded a turnover from provision of services.
Turnover from sales, provisions of service shall not be recorded to:
- Value of goods, materials, semi-finished products outsourced by outsiders; Value of goods consigned to agents for sales, consignment (not yet identified to be sold);
- Sum received from the sale of testing products ;
- Financial income;
- Other income.
2. Structure and contents of account 511 – Turnovers from sales and provisions of services
Debit side:
- Payable indirect taxes (VAT, excise, export, environmental protection);
- Turnover from returned goods transferred at the end of period;
- Discounts transferred at the end of period;
- Trade discounts transferred at the end of period;
- Transfer of net turnover to account 911 “Income Summary”.
Credit side: Revenues from sales of products, goods, real estates invested and service provision of enterprises performed in accounting period.
Account 511 does not have ending balance
Account 511 – Turnover from sales and service provisions comprises 6 sub - accounts:
- Account 5111 – Turnover from sales: This account is used to record turnover and net turnover of goods identified to be sold in an accounting period of enterprises. This account is mainly used in trading industries such as : goods, materials, food...
- Account 5112 – Turnovers from finished goods: This account is used to record turnover and net turnover of products (Finished goods Inventory, semi-finished products) identified to be sold in an accounting period of business. This account is essentially used in physical industries, such as: industry, agriculture, Construction, Fishering, Forestry,...
- Account 5113 - Turnovers from service provision: This account is used to record turnover and net turnover of services provision completed, provided for customers and identified as being sold in an account period. This account is essentially used in service business, such as: Traffic and transportation, post office, travel, public services, science and technical services, accounting and auditing services.
- Account 5114 - subsidized or price supported turnovers: This account is used to record turnover from subsidization and price support of government, when business provides products, goods and services as required by government.
- Account 5117 – Turnovers from investment property: this account used to record turnover from leasing investment property and turnover from selling, liquidating investment property.
- Account 5118 - Other turnovers: This account is used to record turnovers besides turnover from goods sales, sales of semi-finished products, service provision, subsidized turnover and turnover from real estate business such as: Turnover from sales of materials, scrap, sale of tools, instruments and other turnovers.
3. Method of accounting for several major transactions
Sales of product volume (Finished product, work-in-process), goods, services identified to be sold in accounting period:
a) For the products, goods, services, invested real estate subject to VAT, excise tax, export tax, taxes, environment protection tax, accountants record turnover from sales and service provision according to selling price without VAT, indirect taxes payable (details of each type of tax) separated as soon as receipt of turnover (including VAT payable under the direct method), record:
Dr 111, 112, 131, ... (total payment)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision (price net of tax)
Cr 3331 - VAT payable to State
b) Where no immediate separation of tax payable, accountants record turnover including taxes payable. Periodically accountants determine tax obligations payable and record a decrease in turnover sales, record :
Dr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable to State
In case turnover from sales and service provision incurred in foreign currency:
- In addition to record in details amount of foreign currency collected or receivable, accountants must base on actual transactional exchange rate at the time economic operation is incurred, to convert into accounting currency unit to account for in account 511 “ turnover from sale and service provisions"
- In case of receipt of advance payments of customers in foreign currency, turnover corresponding to the advanced amount shall be converted into the accounting currency unit in accordance with the actual exchange rate at the time of receipt of such advance.
For transactions of different barter:
When dispatching products or goods in exchange for different materials, goods, fixed assets, accountants record turnovers in exchange for other materials, goods and fixed assets at fair value of received assets after adjustment of amount received or paid additionally. In case of undetermining the fair value of received assets, turnovers are determined under the fair value of the exchanged assets after adjustment of amount received or paid additionally
- When turnover is recorded, record:
Dr 131 - Customer receivable (Total Settlement price)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision (price net of tax)
Cr 3331 - VAT payable to State
Concurrently, recording the cost of exchanged goods, record:
Dr 632 Cost of goods sold
Cr 155, 156
- When receiving materials, goods, fixed assets from exchange, accountants records value of exchanged materials, goods, fixed assets, record:
Dr 152, 153, 156, 211,... (buying price without VAT)
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 131 - Customer receivable (Total Settlement price)
- In case the money is collected additionally because the fair value of the products, goods sent for exchange is higher than the fair value of materials, goods, fixed assets received by the exchange, when receiving money from the side which has materials and goods, fixed for exchange, record :
Dr 111, 112 ( sum received additionally)
Cr 131 – receivable from customers
- In case the money is paid additionally because the fair value of the products, goods sent for exchange is lower than the fair value of materials, goods, fixed assets received by the exchange, when paying for the side which has materials and goods, fixed for exchange, record :
Dr 131 – receivable from customers
Cr 111, 112,...
When goods are sold on credit, sold on installments:
- When goods are sold on credit, sold on installments. Accountants record turnovers from sales under the prices in cash without tax, record:
Dr 131 – receivable from customers
Cr 511- Turnover from sale and service provision (price in cash without tax)
Cr 3331 – Tax and payable to State (3331, 3332)
Cr 3387 - Unearned turnovers (Difference between total amount of credit sales, of installment sales and amount under price in cash)
Periodically recording turnovers from interests of credit sales, installment sales in the period, record:
Dr 3387 - Unearned Revenues
Cr 515 - Revenues from financial activities (Interests of credit sales, installment sales)
In case of sale of products and goods with replacement products, goods, equipment:
a) Accountants record the cost of goods sold including the value of products, goods sold and the value of replacement products, goods, equipment and parts, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 153, 155, 156.
b) Recording turnover from sales (sales of both products, goods, and replacement products, goods, equipment and parts), record :
Dr 111, 112, 131.
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable to State
Turnover arising from the program for traditional customers
a) When selling goods or providing services in programs for traditional customers, accountants record turnovers on the basis that the total amount received minuses unearned turnover being the fair value of the goods and services provided free or discounted amount for customers:
Dr 112, 131.
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3387 - Unearned revenues
Cr 3331 - VAT payable to State
b) Upon the expiry of the program, if the customer does not meet the conditions to enjoy the preferential treatment such as free goods and services or discounted prices, the seller is not supposed to arise payments to customers, accountants transfer unearned turnover into turnover from sales and service provision, record :
Dr 3387 - Unearned Revenues
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
c) When the customer meets all the conditions of the program to enjoy the preferential treatment, the unearned turnover shall be handled as follows:
- If the seller directly provides goods or services for free or discount for the buyer, the unearned turnover is transferred into turnover from sales and service provision at the time the obligations with customers are fulfilled (delivered goods or services for free or discounted or customers):
Dr 3387 - Unearned Revenues
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
- In case the third party is provider of goods, services or discounts for customers, it shall be as follows:
In case enterprises act as the agent of a third party, the difference between the unearned turnover and the amount payable for such third parties is recorded a turnover from sales and service provision when incurring payment obligations with the third party, record :
Dr 3387 - Unearned Revenues
Cr 511 - Turnover from sales and service provisions (the difference between unearned turnover and the amount paid for the third party is considered as turnover from commissions)
Cr 111, 112 (amount paid for the third party).
In case enterprises do not act as the agent of a third party (Definitive purchase and definitive sale) the total unearned turnover shall be recorded a turnover from sales and service provision when incurring payment obligations with the third party, the amount paid for the third party is recorded into the cost of goods sold, record :
Dr 3387 - Unearned Turnovers
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
At the same time record the amount payable for the third party as the cost of goods or services offered to customers, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 112, 331.
When leasing fixed assets and real estate investment, accountants record the turnover in consistence with leasing service of fixed assets and investment real property completed in each period. When issuing invoices for payments for lease of fix assets and investment real property, record:
Dr 131 - Receivable from customers (if the money is not paid immediately)
Dr 111, 112 (if the money is paid immediately)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable
In case collecting advance payment from operating lease of fixed assets and investment real property: for many periods:
- When receiving advance payment from operating lease of fixed assets and investment real property for many periods, record:
Dr 111, 112 (Total advance payment)
Cr 3387 - Unearned turnovers (Without VAT)
Cr 3331- VAT payable
- Periodical calculating and transferring turnovers of the accounting period, record:
Dr 3387 - Unearned Turnovers
Cr 511 – Turnover from sale and service provision ( 5113, 5117).
- Payment must be refunded for customers because operating lease contract of fixed assets, of investment real property is not implemented continuously, or implementing period is shorter than period of advance payment (if any), record:
Dr 3387 - Unearned turnover (Without VAT)
Dr 3331 - VAT payable (Amount refunded for lease about VAT of unrealized assets lease)
Cr 111, 112,... (Total repayment).
- In case of satisfying the conditions prescribed in points1.6.12 of this Article, accountants shall record turnover for the full amount received in advance.
In case sales through commission agent at exact price
Accounting at consigner:
- When delivering products, goods to agents, consigner must make delivery order for products consigned to agents. Based on this delivery order, accountants record:
Dr 157 - Goods consigned for sales
Cr 155, 156.
- When goods consigned to agents are sold, based on the list of invoices outward of goods sold received from commission agents prepared, accountants record the turnover from sales according to price excluding VAT, record :
Dr 111, 112, 131, ... (total payment)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable (33311).
Also recording cost price of goods sold, record
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 157 - Goods consigned for sales.
- Commission payable for commission agents, record:
Dr 641 - Selling expenses (commission net of VAT)
Dr 133 – Deductible VAT ( 1331)
Cr 111, 112, 131,...
b) Accounting in commission agents:
- Upon receipt of goods from agents for commission, enterprises actively monitor and record information on the total value of goods received in the notes of financial statements.
- When the goods sold, based on the VAT invoice or sales invoices and related documents, accountants record the amount that agents must pay for the deliverer, record:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 331 - Supplier payable (Total settlement price)
- Periodically, when determining revenues from commission agent, record:
Dr 331 - Supplier payable
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable ( if any).
- When paying agent sales for the deliverers, record :
Dr 331 - Supplier payable
Cr 111, 112.
When goods, products, services delivered for sales at dependent cost-accounting units in enterprises:
In case of not recording turnovers among stages within enterprises, only turnovers when goods are actually sold to external customers are recorded:
a) Accounting in sellers
- When delivering goods to dependent cost-accounting units within enterprises, accountants make delivery order and internal way or VAT bill, record:
Dr 136 – Internal payable (cost price)
Cr 155, 156
Cr 3331 - VAT payable to State
- Upon receipt of notice from the purchaser which states that products, goods have been sold to outside, the seller records turnover, cost price :
Recording cost price of goods sold, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 136 – Internal payable.
Recording turnover, record:
Dr 136 – Internal payable.
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
b) Accounting in buyers
- When receiving goods, products, services sent from dependent cost-accounting units within enterprises, accountants base on related documents, record :
Dr 155, 156 (cost price )
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 336 – Internal payable.
- When selling products, goods or services outside, accountants record turnover, cost price as usual.
- If dependent cost-accounting units are not decentralized accounting to income statement after tax, accountants must transfer turnover, cost price to higher-level units:
Transferring cost price, record :
Dr 336 – Internal payable.
Cr 632 - Cost of goods sold
Transferring turnovers, record:
Dr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 336 – Internal payable.
In case enterprises record turnover from sales for units within the enterprises, record :
Dr 136 – Internal payable.
Cr 511 – Turnover from sale and service provision (details of internal sales)
Cr 3331 - VAT payable to State
- Recording cost price of goods sold as ordinary sales.
For goods processing:
Accounting at unit delivering goods for processing:
- When delivering goods for processing, record:
Dr 154 - Work in process
Cr 152, 156.
- Recording costs of processing goods and deductible VAT:
Dr 154 - Work in process
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 111, 112, 331,...
- When receiving finished goods from processing to warehousing, record :
Dr 152, 156.
Dr 154 - Work in process
b) Accounting at unit receiving goods for processing:
- Upon receipt of goods for processing, enterprises actively monitor and record information on the total value of materials, goods received for processing in the notes of financial Statements.
- When determining revenues from actual processing charges:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 511-Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable (33311).
Accounting for turnover of construction contracts:
- In case the construction contract specifies that the contractor is paid according to planned schedules, when performance of construction contract is estimated reliably, accountants base on documents recording objects corresponding to part of works finished (not base on invoices), identified by contractors themselves at the time preparing financial statement, record:
Dr 337 - Payment correspondent with the progress of construction contract
Cr 511 – Turnover from sale and service provision ( 5111).
- Basing on VAT invoices made out according to planned schedule, to record the amount customer must pay complying with planned schedule written in contract, record:
Dr 131 – Receivable from customers
Cr 337 - Payment correspondent with the progress of construction contract
Cr 3331 - VAT payable
- When receiving payment from customer (or advance payment), record :
Dr 111, 112,...
Cr 131 – Receivable from customers
- In case the construction contract specifies the contractor is paid according to value of performing volume, when performing, results of construction contract is determined reliably and verified by customers, then accountants must make out VAT invoice based on part of works finished and verified by customers. Basing on VAT invoice to record:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 511 – Turnover from sale and service provision ( 5111).
Cr 3331 - VAT payable
- Bonus that contractor receives from customer for achievement or performing excess of some specifications written in contract, record:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 511 – Turnover from sale and service provision ( 5111).
Cr 3331 - VAT payable
- Compensation received from customers or other parties to compensate for charges not included in contract value (for example: delays caused by customers, errors in technical specifications or in design, and disputes of changes in implementing the contract), record:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 511 – Turnover from sale and service provision ( 5111).
Cr 3331 - VAT payable ( if any).
- When receiving payment for finished volume of construction or receiving advance payment, record:
Dr 111, 112,...
Cr 131 – Receivable from customers
Accounting of turnovers from subsidized, price support amounts of Government for enterprises:
- When receiving announcements of Government about subsidization, price support, record:
Dr 333 - Tax and Other payables for government (3339)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision ( 5114).
- When receiving payment from Government Budget, record:
Dr 111, 112,...
Cr 333 - Tax and Other payables for government (3339).
Accounting of selling, liquidating investment real property :
- Recording turnovers from selling investment real property
Dr 111, 112, 131,...(total payment)
Cr 5117 – Turnover from trading investment real property .
Cr 3331 - VAT (33311 - Output VAT)
- Recording cost price of investment real property, record :
Dr 632 - Cost price of goods sold (net book value)
Dr 214 - Accumulated depreciation (2147) (if any)
Cr 217 – Investment real property ( Cost)
In case employees and other workers are paid in products, goods: Accountants must record turnovers for products, goods as for normal sales, record :
Dr 334 - Employee payable (Total settlement price)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable (33311).
In case of using products and goods as gifts to staff and employees which are covered by bonus and welfare fund: Accountants must record turnovers for products, goods as for normal sales, record :
Dr 353 - Bonus and welfare fund (total settlement price)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable (33311).
At the end of account period, transferring turnover from sale returns, sale allowances, and trade discounts incurred in the period subtracted from actual turnover in the period, to determine net turnover, record:
Dr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 521 – Deductible turnovers.
At the end of accounting period, transferring net sales to account 911 “Income Summary”
Dr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 911 - “Income Summary”.
Article 80. Account 515 - Revenues from financial activities
1. Accounting Principles
This account is used to record revenues from interests, copyrights, dividends, distributed income, and other income from financial activities of enterprises, including :
- Interests: interests on loans, interests on cash in banks, on credit sales, installment sales, earnings from investment bond, notes, discounts earned from purchasing goods, services
- Distributed dividends and earnings in stage after the date of investment;
- Revenues from buying or selling activities of short or long-term securities; Interest of transfer of capital when liquidating contributed capital in joint venture, capital invested in associate companies, in subsidiary companies and other capital investments;
- Revenues from other investment activities;
- Gains on exchange rates, including gains from selling foreign currencies;
- Revenues from other financial activities.
b) For sale of investments in subsidiary companies, joint ventures, associated companies, buying and selling trading securities, revenue is recorded a the difference between the sale price higher than cost price, in which the cost price is the book value determined by the method of weighted average, selling price is calculated according to the fair value of amounts received. In case of buying or selling securities under the form of share swap (investors swap share A for share B), accountants determine the value of shares received under the fair value at the date of exchange as follows:
- For shares received being the listed shares, the fair value of the shares is the closing price listed on securities market at the date of exchange. If at the date of exchange, securities market does not work, the fair value of the shares is the closing price of the previous session preceding the date of exchange.
- For shares received being the unlisted shares traded on UPCOM, the fair value of the shares is the closing price announced on UPCOM at the date of exchange. If at the date of exchange, UPCOM does not work, the fair value of the shares is the closing price of the previous session preceding the date of exchange.
- For shares received being other unlisted shares, the fair value of the shares is the agreed price by the parties or the book value at the time of exchange or book value at the end of the previous quarter preceding the exchange date. The determination of the book value of the shares is carried out according to the formula:
The book value of shares |
= |
Total equity |
Number of available shares at the time of exchange |
c) For revenues from buying and selling foreign currency, revenue is recorded as the interest difference between the price of exchange rate sold and the price of foreign bought.
d) For deposit interest: Revenue does not include interest of deposit arising from the temporary investment of loans used for unfinished asset construction purposes as prescribed by accounting Standard on borrowing costs .
dd) For interest received from loans, credit or installment sale: Revenue is only recorded when it is definitely earned and original loans, principals receivables are not classified as overdue that need provision.
e) For gains on investments received from investments in stocks, bonds, then only part of interest in the periods which business use to redeem these investments shall be recorded a revenue incurred in the period, and gains on investments from accrued investment before enterprises buy such investment are recorded a cost price of such bonds and stocks investments.
g) For distributed dividends, profit used to revaluate investments when determining the value of the enterprise for equitization: When determining the value of the enterprise for equitization, if the financial investments are evaluated as increase in proportion to ownership of equitized enterprises in undistributed post-tax profits of invested party, equitized enterprises must record an increase in state capital as prescribed by the law. Then, upon receipt of dividends, profits used to evaluate the increase of state capital, equitized enterprises do not record revenue from financial activities but record a decrease in the value of financial investments.
h) When investors receive dividends in shares, investors only monitor the number of shares increased in the note of financial statements, do not record the value of shares received, do not record revenue from financial activities, do not record an increase in the value of the investment into company.
For enterprises of which 100% charter capital is held by the State, accounting for dividends received by shares shall be complied with the provisions of law on the types of enterprises owned by the State (if any).
2. Structure and contents of account 515 - Revenues from financial activities
Debit side :
- VAT payable under direct method (if any)
- Transferring net revenues from financial activities into account 911 “Income Summary”.
Credit side : Revenues from financial activities incurred in the period .
Account 515 does not have ending balances.
3. Method of accounting for several major transactions
Recording revenues from distributed dividends and earnings by money incurring in the period from contributed capital investment activity, record:
- Upon receiving notice of the right to receive dividends, profits from investment activities, record :
Dr 138 - Other receivables
Cr 515 - Revenues from financial activities
- In case distributed dividends, profits include accrued investment gains before enterprises repurchase such investment, then enterprises must allocate this gains, only part of gains in period that enterprises purchase such investment shall be recorded a revenue from financial activities, and accumulated earnings before enterprises repurchase the investment shall be recorded a decrease in value of the bonds and stocks investment, record:
Dr 138 - Other receivables (total received dividends, profits)
Cr 121, 221, 222, 228 (dividends, profits accrued before enterprises repurchase the investments)
Cr 515 - Revenues from financial activities (dividends, profits of periods after enterprises repurchase the investment).
- For distributed dividends, profit used to revaluate investments when determining the value of the enterprise for equitization: When determining the value of the enterprise for equitization, if the financial investments are evaluated as increase in proportion to ownership of equitized enterprises in undistributed post-tax profits of invested party, equitized enterprises must record an increase in state capital as prescribed by the law. Then, upon receipt of dividends, profits used to evaluate the increase of state capital, equitized enterprises do not record revenue from financial activities but record a decrease in the value of financial investments:
Dr 138 - Other receivables (total received dividends, profits)
Cr 121, 221, 222, 228 (accrued investment profits before enterprises repurchase the investments)
b) Periodically, when there is strong evidence of receipt of loan interests (including bond interest), interest on deposits, interest on credit, installment, record :
Dr 138 - Other receivables
Dr 121, 128 (if periodical loan interest is added to the principal)
Cr 515 - Revenues from financial activities
Solid evidences for receipt of receivables include:
- Principal receivables not considered bad debts being subject to the provision or irrecoverable debts, not being subject to debt freezing or rescheduling;
- Debt certification and debt payment commitment of debt party;
- Additional evidence (if any).
c) When selling or withdrawal of financial investments, record :
Dr 111, 112, 131…
Dr 635 - Financial expenses (if selling is a loss)
Cr 121, 221, 222, 228
Cr 515 - Revenues from financial activities ( if selling gets profit)
d) In case the shares are swapped, accountants base on the fair value of the shares received and the book value of the shares exchanged, record
Dr 121, 228 (details of shares received under fair value)
Cr 635 - Financial expenses (the difference between the fair value of the shares received less than the book value of the shares exchanged)
Cr 121, 228 (shares exchanged under book value)
Cr 515 - Financial revenues (the difference between the fair value of the shares received higher than the book value of the shares exchanged)
dd) Accounting for selling foreign currency, record :
Cr 111 (1111), 112 (1121) (actual selling exchange rates )
Dr 635 - Financial expenses (the difference between the real selling exchange rate lower than the exchange rates in accounting books).
Cr 111 (1112), 112 (1122) (at the exchange rate on the accounting books)
Cr 515 - Revenues from financial activities (the difference between the real selling exchange rate higher than the exchange rates in accounting books).
e) When purchasing materials, goods, fixed assets, services paid in foreign currency, if the actual exchange rate at the time of incurring is higher than the exchange rate in the accounting books of Accounts 111, 112, record :
Dr related accounts (according to the actual exchange rate)
Cr 111 (1112), 112 (1122) (at the exchange rate on the accounting books accounts 111,112)
Cr 515 - Revenues from financial activities (gains on forex)
g) When making payment of debts payable in foreign currencies, if the exchange rate on the accounting books of Accounts 111, 112 is less than the exchange rate on the accounting books of debt payable accounts, record :
Dr 331, 341... (the exchange rate on the accounting books)
Cr 515 - Revenues from financial activities (gains on forex)
Cr 111 (1112), 112 (1122) (the exchange rate on the accounting books accounts 111,112)
h) When receiving money from debts payable in foreign currency, if the actual exchange rate at the time of receipt of money is higher than the exchange rate recorded in accounting books of the account receivable, record :
Dr 111 (1112), 112 (1122) (actual exchange rates )
Cr 515 - Revenues from financial activities (gains on forex)
Cr 331, 136, 138... (the exchange rate on the accounting books)
i) When selling products, goods under payment on deferred term, paying by installments, then accountants shall record revenues from and services provisions of account period in cash price, the difference between deferred price, installments price and cash price shall be recorded in account 3387 “Unearned revenues”, record:
Dr 111, 112, 131,…
Cr 511 – Revenues from sales and service provisions (cash price net of VAT)
Cr 3387 - Unearned revenues (Difference between deferred price, installments price with cash price net of VAT)
Cr 3331 - Payable VAT
- Periodical determining and transferring revenues from interest on credit sales or installments sales in the period, record:
Dr 3387 - Unearned revenues
Cr 515 - Revenues from financial activities
k) Periodical determining and transferring revenues from interests on loans or on advance interest payment bonds, record:
Dr 3387 - Unearned revenues
Cr 515 - Revenues from financial activities
l) In case of buying Government bonds under repurchase order contract:
- When the purchaser pay to the seller the numbers of coupons that the purchaser receives on seller’s behalf at (the) time within the term of the contract, the seller records :
Dr 111, 112, 138
Cr 515 - Revenues from financial activities
- When allocating the difference between the resale price and the buying price of Government bonds under the contract of repurchase of Government bonds into periodical revenue in accordance with the duration of the contract, the buyer records:
Dr 171 – Resale of government bonds
Cr 515 - Revenues from financial activities
m) Settlement discount received from payment of purchase money before the deadline accepted by sellers, record:
Dr 331 - Supplier payables
Cr 515 - Revenues from financial activities
n) In case of revaluating currency gold arising interest (domestic gold price is higher than the book value), accountants record financial expense, record :
Dr 1113, 1123
Cr 515 - Revenues from financial activities
o) When handling exchange differences due to revaluation of the balance of accounts derived from foreign currencies, accountants transfer all interest of revaluated exchange differences, record :
Dr 413 - Exchange differences (4131)
Cr 515 - Revenues from financial activities
p) At the end of accounting period, transferring revenues from financial activities to determine income statement, record:
Dr 515 - Revenues from financial activities
Cr 911 - “Income Summary”.
Article 81. Account 521 - Revenue deductions
1. Accounting Principles
a) This account is used to record the deducted adjusted amounts in revenue from sales and service provisions incurred in the period, including: trade discounts, sales returns and allowances. This account does not record the taxes deducted in revenue such as output VAT payable under subtraction method.
b) The decrease adjustment of revenue shall be as follows:
- Trade discounts, sales returns and allowances incurred in the same period of consumption of products, goods and services are adjusted a decrease in revenue in the incurring period ;
- In case products, goods and services are sold from the previous periods, until the next period are incurred trade discounts, sales returns and allowances, enterprises record a decrease in revenue under the principles:
If the products, goods or services are sold from the previous period, until the next period must be discounted, discounted to trade, returned but are incurred prior to the issuance of financial statements, accountants consider this as an adjustment event occurring after the date of balance sheet and record a decrease in revenue, on the financial statements of the reporting period (the previous period).
In case products, goods and services must be discounted to trade, returned after the release of financial statements, enterprises record a decrease in revenue of incurring period (the next period).
c) Trade discount payable means enterprises sell goods with price lower than the listed price with a large volume. The seller performs accounting for trade discount according to the following principles:
- In case the VAT invoice or bill of sale shows trade discounts to buyers that are the deduction from the amount payable by the buyer (the selling price recorded in the invoice is the price deducted trade discount), enterprises (sellers) do not use this account, revenue from sales price is recorded according to the price deducted trade discount (net revenue).
- Accountants must monitor separately the trade discounts that enterprises pay to the buyer but have not yet been recorded as the deduction from the amount payable on the bill. In this case, the seller records the initial revenue at cost excluding trade discount (gross revenue). Trade discounts that must be monitored separately on this account often arise in cases :
The trade discount that buyers enjoy is higher than the amount of sales recorded in invoice at the last time. This case may arise because buyers must buy goods many times to be entitled to discounted goods volume and the trade discounts shall only be determined in the final purchase;
Manufacturers at the end of period may determine the goods volume consumed by distributors (such as supermarkets) which is a basis to determine the trade discounts payable on sales or the number of products sold.
d) Sales allowance is the deduction to the buyer because products, goods are bad, degraded or improper as prescribed in economic contracts. The seller performs accounting for sale allowance according to the following principles:
- In case the VAT invoice or bill of sale shows sales allowances to buyers that are the deduction from the amount payable by the buyer (the selling price recorded in the invoice is the discounted price), enterprises (sellers) do not use this account, revenue from sales is recorded according to the discounted price (net revenue).
- Only deductions due to approval of discount after sales( recorded revenue) and issuing invoices (discounts outside invoice) due to bad and degraded goods are recorded in this account...
dd) For sales returns, this account is used to record the value of products, goods returned due to : Violation of commitment, violations of economic contracts, bad, degraded , wrong category or improper goods.
e) Accountants must monitor in detail trade discounts, sales returns and allowances for each customer and each type of goods sold, such as: sales (products, goods), service provisions. At the end of period, transferring all to account 511 - "Revenues from sales and service provisions" to determine the net revenue of products, goods and services actually earned in the reporting period.
2. Structure and contents of account 521 – Revenue deductions
Debit side :
- Trade discount accepted to settle for customers.
- Sales allowances agreed for buyers;
- Revenues sales returns of which buyers are refunded or which are deducted from accounts receivable of customers about sold products, goods volume
Credit side : At the end of account period, transferring the total trade discount, sales allowance, revenues of sales returns to account 511 - “Revenue from sales and service provisions” to determine net sales of the reported period.
Account 521 - Revenue deductions do not have ending balance.
Account 521 comprises 3 sub-accounts
- Account 5211 – Trade discount: This account is used to record the trade discounts for buyers who buy merchandises in great volume which have not been recorded on the invoice when selling goods or providing service during the period.
- Account 5212 - Sales returns: This account is used to record the revenue of products, goods and services returned by the buyers during the period.
- Account 5213 - sales allowances: This account is used to record the sales allowances for the purchaser because products, goods, services provided have poor quality which have not been recorded in the invoice when selling products, goods and providing services during the period.
3. Method of accounting for several major transactions
Recording trade discounts, sales allowances actually incurred in the period, record:
- In case sales allowances, trade discounts are subject to VAT under credit-invoice method, and enterprises pay VAT under credit-invoice method, record :
Dr 521 – Revenue deductions (5211, 5213)
3331 - Payable VAT (reduced output VAT)
Cr 111,112,131,...
- In case sales allowances, trade discounts are not subject to VAT or subject to VAT under subtraction method, then sales allowances for buyers are recorded :
Dr 521 – Revenue deductions (5211, 5213)
Cr 111, 112, 131,...
b) Accounting for sales returns
- When enterprises receive products, goods returned, accountants record costs price of sales returns
In case enterprises apply perpetual inventory method, record:
Dr 154 – Unfinished production, business cost
Dr 155 - Finished goods
Dr 156 - Merchandises
Cr 632 - Cost of goods sold
In case enterprises apply periodical inventory method, record:
Dr 611 - Purchases (for goods)
Dr 631 - Cost of production (for products)
Cr 632 - Cost of goods sold
- Settlement for buyers of amounts of sales returns:
If products, goods are subject to VAT under credit-invoice method and enterprises pay VAT under credit-invoice method, record:
Dr 531 - Sales returns (price net of VAT)
Dr 3331 - VAT payable (33311) (VAT of sales returns)
Cr 111, 112, 131,...
If product, goods are not subject to VAT or are subject to VAT under subtraction method, amounts paid for buyer of sales returns shall be recorded a:
Dr 5212 - Sales returns
Cr 111, 112, 131,...
- Expenses incurred in relation to sales returns (if any), record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 111, 112, 141, 334,...
c) At the end of the accounting period, transferring the total revenue deductions in the period to account 511 - "Revenues from sales and service provisions", record :
Dr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 521 – Deductible turnovers.
Article 82. Accounting principles of costs
1. Costs are amounts reducing economic benefits, recorded at the time the transaction arises or shall be likely to arise in the future regardless of spending money or not.
2. Recording costs even which have not been at maturity but shall be likely to arise to ensure the principle of precaution and capital preservation. Costs and revenues set up by it must be recorded simultaneously on the principle of conformity. However, in some cases, conformity principles may conflict with the precautionary principle in accounting, accountants must be based on the nature and the accounting Standards to record transactions honestly and reasonably.
3. Each business can only apply one of two methods of inventory accounting: Perpetual inventory method or periodical inventory method. When a business selects an accounting method, then this method must be consistently applied at least in a financial year. In case business applies periodical inventory method: At end of accounting period, business must carry out inventory to determine value of goods stored at end of period.
4. Accountants must monitor details of expenses incurred in accordance with factors, wages, raw materials, purchase cost, depreciation of fixed assets...
5. Costs that are not considered as business income tax expense under the provisions of the tax Law but have full invoices and have been accounted in accordance with accounting policy shall not be recorded a decrease in accounting costs but shall only be adjusted in final business income tax declaration to increase the business income tax payable.
6. For accounts recording the cost without balance, at the end of the accounting period, accountants must transfer all expenses incurred during the period to determine income.
Article 83. Account 611- Purchases
1. Accounting Principles
This account is used to record values of raw materials, materials, instruments tools and goods which are purchased and used during the period. Account 611 “Purchases” is only applied to businesses which apply periodical inventory method.
b) Values of purchased row materials, instruments, tools, and merchandises shall be recorded on Account 611 “Purchases” and carried out by original price principle.
c) In case of accounting for stock under periodical inventory method; Enterprises must carry out inventory at the end of accounting period, to determine quantities and values of each kind of raw materials, materials, goods, products, instruments and tools in store at end of accounting period, to determine value of stock delivered for use and sold in period.
d) Method of accounting for stock under periodical inventory method: When purchasing raw materials, materials, instruments, tools, merchandises, accountants shall base on purchase invoices, transportation bills, store order, import tax notice (or import duty receipt,...) to record original price of goods purchased at Account 611 “Purchases”. When delivering for use, or delivering for sales, goods are recorded just one time at end of account period based on inventory results.
dd) Accountants must open detailed book to account original prices of purchased stock in periods of raw materials, materials, instruments, tools, merchandises.
2. Structure and contents of account 611 - Purchases
Debit side :
- Transferring original price of merchandises, raw materials, materials, instruments and tools in store at beginning period (According to inventory results).
- Original price of merchandises, raw materials, materials, instruments, tools purchased during the period;
Credit side :
- Transferring original price of merchandises, raw materials, materials, instruments and tools in store at the end of period. (According to inventory results).
- Original price of merchandises, raw materials, materials, instruments, tools dispatched for used during the period or original price of goods delivered for sale (selling in period has not yet been determined);
- Original price of merchandises, raw materials, materials, instruments, tools purchased returned to the seller or discounted.
Account 611 does not have ending balances.
Account 611 comprises 2 sub-accounts
- Account 6111 - Purchases of raw materials, materials: This account is used to record values of raw materials, materials, instruments and tools purchased and delivered for usage during account period and to transfer values of raw materials, materials, instruments and tools which are in store at beginning and at the end of account period.
- - Account 6112. Purchase of merchandises: This account is used to record values of merchandises purchased and delivered for sales during account period, and to transfer values of merchandises in store at beginning and at end of account period.
3. Method of accounting for several major transactions
For manufacturing business in industry, agriculture, forestry, construction branches
- At beginning of account period, transferring values of raw materials, materials, instrument and tools in store at beginning of period. (According to physical inventory result at end of last period).
Dr 611 - Purchases (6111 - purchases of raw materials, materials)
Cr 152 - Raw materials, materials
Cr 153 - Instruments, tools.
- When purchasing raw materials, materials, instruments and tools, if input VAT is deducted, then original prices of raw materials, materials, instruments, tools purchased will be recorded in Account 611 (net of VAT), record:
Dr 611 - Purchases (price net of VAT)
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 331 - Supplier payables (3311)
- When settling purchase money, if settlement discount is earned, record
Dr 331 - Supplier payables
Cr 111,112,...
Cr 515 - Revenues from financial activities (settlement discount)
- In case business purchases raw materials, materials, instruments and tools which do not meet specifications, categories or quality written in economic contract, or committed to return to sellers, or deducted in price:
Basing on values of purchases returns to seller, record
Dr 111, 112 (If collecting cash)
Dr 331 - Supplier payables (Deducted from suppliers payables)
Cr 611 - Purchases (6111) (values of raw materials, instruments and tools returned to seller)
Cr 133 - Deductible VAT (1331) (if any)
If business accept allowances for lot of goods purchased, allowances will be recorded a:
Dr 111, 112 (If collecting cash)
Dr 331 - Supplier payables (Deducted from suppliers payables)
Cr 611 - Purchases (6111) (Accepted Allowance)
Cr 133 - Deductible VAT (if any)
- At end of account period, basing on physical inventory result, accountants must determine real values of raw materials and materials in store at end of period, and real values of raw materials, materials and tools delivered for usage or for sales.
Transferring actual values of raw materials, materials in store at end of period (According to inventory results), record :
Dr 152 - Raw materials, materials
Dr 153 - Instruments, tools.
Cr 611 - Purchases (611)
Actual values of raw materials, materials, instruments and tools delivered for usage in production and trade in the period, record
Dr 621, 623, 627, 641, 642, 241,...
Cr 611 - Purchases (611)
Actual values of raw materials, materials, instruments and tools wasted or lost, accountants will base on shortage and loss report to record:
Dr 138 - Other receivables (1381)
Cr 611 - Purchases (611)
b) For business trading goods:
- At beginning of account period, transferring beginning inventory, record:
Dr 611 - Purchases (6112)
Cr 156 - Merchandises
- During the period, when purchasing goods which is eligible for input VAT deduction, base on purchase invoices and documents :
Actual vale of purchases, record:
Dr 611 - Purchases (6112)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 111, 112, 141; or
Cr 331 - Supplier payable (Total settlement price)
Expenses purchases actually incurred, record :
Dr 611 - Purchases (6112)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 111, 112, 141, 331,...
When settlement made before deadline, if business receives settlement discount on lot of goods purchased, record:
Dr 331 - Supplier payables ((Deducted from Account payable for sellers)
Cr 111,112,...
Cr 515 - Revenues from financial activities
Value of goods paid for sellers, record:
Dr 111, 112 (If collecting cash)
Dr 331 - Supplier payables ((Deducted from Account payable for sellers)
Cr 611 - Purchases (6112) (Purchase returns to sellers)
Cr 133 - Deductible VAT (1331) (if any)
Sales allowances accepted by sellers because goods did not meet proper quality, specifications written in contract, record:
Dr 111, 112 (If collecting cash)
Dr 331 - Supplier payables ((Deducted from Account payable for sellers)
Cr 611 - Purchases (6112)
Cr 133 - Deductible VAT (1331) (if any)
- At end of account period, accountants base on physical inventory results to determine value of inventory, value of goods consigned for sales (but are not conclusively yet sold), value of goods determined to be sold:
Transferring value of inventory and value of goods consumed for sales at end of period, record
Dr 156 - Merchandises
Dr 157 - Goods consigned for sales
Cr 611 – Purchases.
Transferring cost of goods sold,
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 611 - Purchases (6112)
Article 84. Account 621- Direct materials costs
1. Accounting Principles
This account is used to record costs of raw materials, materials used directly for producing goods, rendering services in branches, such as industry, construction, agriculture, forestry and fishery, traffic and transportation, post and telecommunications, travel, and other services.
b) Only accounting in Account 621 costs of raw materials, materials (include both raw materials, main materials and subsidiary materials) used directly to manufacture products, render services during the production and trade cycle. Costs of raw materials, materials must be computed in actual delivered price for usage.
c) During account period, accountants carry out recording, collecting costs of raw materials, direct materials in Dr 621 “Direct material costs” classified as various users, result from direct usage of these raw materials, materials (If raw materials, materials used for process producing products, rendering services can be determined specifically for each user), or as summarized costs for process manufacturing products and rendering services. (If raw materials, materials, used for process producing goods and rendering services, can’t be specified for each user).
d) At end of account period, transferring (if raw materials, materials can be grouped specifically for each separate objects), or carrying out allocating and transferring costs of raw materials, materials (If can’t be grouped specifically for each separate objects) into Account 154, served for calculation of actual costs of products, services during account period. When allocating value of raw materials, materials to costs of products, business must use reasonable grouping characteristics such as usage rate,...
dd) When purchasing raw materials, if the input VAT is deducted, the value of raw materials shall not include VAT. If the input VAT is not deducted, the value of raw materials shall include VAT.
e) The cost of raw materials, direct materials beyond normal levels is not included in the cost of products and services but must be transferred immediately to account 632 "Cost of goods sold".
2. Structure and contents of account 621 - Direct materials cost
Debit side : Actual value of raw materials, materials delivered for directly usage in manufacturing activity of products, or rendering services during account period.
Credit side :
- Transferring value of raw materials, materials actually used for production and trade during the period to Account 154 “work in process” or to Account 631 “costs of production”, and transferring in details to separate objects to compute cost of products, services.
- Transferring cost of direct materials in excess over normal level to Account 632 - "Cost of goods sold".
- Value of direct materials which is redundant will be restored to warehouse.
Account 621 does not have ending balances.
3. Method of accounting for several major transactions
When delivering raw materials, materials used for manufacturing products or rendering services during the period, record :
Dr 621 - Direct materials costs
Cr 152 - Raw materials, materials
b) In case raw materials, materials are used directly (not stored) for manufacturing products or rendering services and VAT is deductible, record:
Dr 621 - Direct materials costs
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 331, 141, 111, 112,...
c) In case value of raw materials, materials delivered for use is redundant from manufacturing products or rendering final services, and these redundant materials are restored, record:
Dr 152 - Raw materials, materials
Cr 621 - Direct materials costs
d) In case the cost of direct materials is beyond normal levels or losses are included immediately in cost price of goods sold, record :
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 621 - Direct materials costs
e) For the cost of materials used generally for business cooperation contract
- - When incurring costs of materials generally used for business cooperation contracts, based on invoices and related documents, record:
Dr 621 - Direct materials costs ( details of each contract)
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 111, 112, 331…
- Periodically, accountants establish general cost allocation Statement (with the confirmation of the parties) and deliver VAT invoices to allocate the cost of materials used generally for business cooperation contract for the parties, record :
Dr 138 - Other receivables (details for each partner)
Cr 621 - Direct materials costs
Cr 3331 - payable VAT
In case of distribution of costs without VAT invoices, accountant record a decrease of input VAT by recording Cr 133 - deductible VAT.
g) At end of account period, accountants base on table of material allocation computed for every object using raw materials, materials (Factories, types of products, projects, construction sections of construction activity, types of services,...) under direct method or allocating methods, record :
Dr 154 – unfinished production, business cost
Dr 631 - Costs of production (periodical inventory method)
Dr 631 - Cost of goods sold (part in excess over normal level)
Cr 621 - Direct materials costs
Article 85. Account 622 - Direct labor cost
1. Accounting Principles
This account is used to record costs of direct labor participating in activities of manufacturing and trading in industry, construction, agriculture, forestry and fishery, services (traffic and transportation, posts and telecommunications, hotel, travel, consulting...)
Costs of direct labor consists of accounts payables for laborers who belong to business employees list, directly manufacturing products, supply services and cost of out soured laborers in various type of works, such as: salary, wage, subsidiaries, appropriation from salary (social insurance, medical insurance, labor union fees, unemployment insurance).
b) Salaries and wages payables and subsidiaries for factory employees, managerial employees, of business, management, sales employees shall not accounted to this account.
c) Construction activity, salary, wage, supplement of salaries payables for workers who directly manage trucks, machinery, serve, machinery operation, appropriation of social insurance, medical insurance, fees of labor union computed on salary fund payables to direct workers of construction activity, handling of machinery, serving machinery, factory employees shall not be accounted to this account.
d) Account 622 must be opened in details for costs objects of manufacturing and trading.
dd) Part of costs: of direct labors in excess of normal level is not added to costs of products, services, but must be posted directly to Account 632 “Cost of goods sold”
2. Structure and contents of account 622 - Direct materials cost
Debit side : Costs of direct labors participating in process of manufacturing products, and rendering services, in clued: salaries, wages and appropriation of salaries, wages as regulated in the period.
Credit side :
- Closing out costs of direct labor to Debit of Account 154 “Work in process” or to Account 631 “Cost of production”.
- Transferring costs of direct labor in excess of normal level to Account 632.
Account 622 does not have ending balances.
3. Method of accounting for several major transactions
Basing on payroll to record amounts of salaries, wages and other payables for direct labors that produce products, render services
Dr 622 - Direct labor cost
Cr 334 - Wages payable
b) Computing, extracting social insurance, medical insurance, budget of labor union, unemployment insurance, support (such as life insurance, voluntary pension insurance…) of workers directly manufacturing products, render services (Amounts added to business expenses payables) computed on salaries, wages payables as regulated, record:
Dr 622 - Direct labor cost.
Cr 338 - Other payables (3382, 3383, 3384, 3386).
c) When advancing vacation salaries of production workers, record
Dr 622 - Direct labor cost
Cr 335 - Accrued expenses
d) When production workers are actually in leave, accountants record amounts payables leave salary of production workers, record:
Dr 335 - Accrued expenses
Cr 334 - Wages payable
dd) For the cost of labor used generally for business cooperation contract
- When incurring labor costs generally used for business cooperation contracts, based on invoices and related documents, record :
Dr 622 - direct labor cost (detail for each contract)
Cr 111, 112, 334…
- Periodically, accountants establish general cost allocation Statement (with the confirmation of the parties) and deliver VAT invoices to allocate the cost of labor used generally for business cooperation contract for the parties, record :
Dr 138 - Other receivables (details for each partner)
Cr 622 - Direct labor cost
Cr 3331 - payable VAT
In case of distribution of costs without VAT invoices, accountant record a decrease of input VAT by recording Cr 133 - deductible VAT.
e) At the end of accounting period, allocating and transferring costs of direct labors to Debit of Account 154, to Debit of Account 631, according to costs objects, record:
Dr 154 –Work in process, or
Dr 631 - Costs of production (periodical inventory method)
Dr 631 - Cost of goods sold (part in excess over normal level)
Cr 622 - Direct labor cost.
Article 86. Account 623 - Costs of operating machinery
1. Accounting Principles
This account is used to record the collecting and allocating costs of trucks and machinery operations directly for construction activity. In case business carry out construction of works by mixed method of which include manual and machinery operations.
b) In case business carries out construction of works completely by machinery, then Account 623 “ costs of operating machinery” shall not be used, but total direct costs of construction shall be posted to Accounts 621, 622, 627.
c) Not accounting to Account 623 appropriation of social insurance, medical insurance, labor union fees, unemployment insurance computed on salary payables for workers handling trucks and machinery in operation. Part of machinery costs in excess of normal level is not added to costs of construction, but posted directly Account 632.
2. Structure and contents of account 623 - Costs of operating machinery
Debit side : Costs related to machinery operations (costs of materials for machinery operations, costs of salary and supplement to salary, wages of workers who handle machinery, costs of maintenance or repairing trucks and machinery in operations...). Costs of materials, costs of other services for operating trucks, machinery.
Credit side :
- Transferring costs of operating truck and machinery to Dr 154 “Work in process”.
- Transferring cost of operating truck and machinery in excess over normal level to Account 632.
Account 623 does not have ending balances.
Account 623 - Costs of operating machinery comprises 6 sub - accounts:
- Account 6231 - Costs of labor: Used to record main salaries and extra wages, supplement of wages payables for direct workers handling truck, machinery, serving machinery operation, such as: transportation, supplying fuel, materials, ... for truck and machinery operation.
This account do not record appropriation of social insurance, medical insurance, labor union fees according to current regulations, which computed on salaries of workers handling truck and machinery. These appropriations are recorded on Account 627 “ general production costs”.
- Account 6232 - Costs of materials: Used to record fuels (petrol, oil,...), other materials used for operating truck and machinery.
- - Account 6233 - Costs of production tools: Used to record instruments, tools relating to operations of truck and machinery.
- Account 6234 - Costs of depreciating machinery in operation: Used to record depreciation of truck and machinery in constructing works.
- Account 6237 - Costs of outsourced services: Used to record outsourced services such as repairing truck and machinery, insurance fees of truck and machinery; water and electricity, fixed asset rent, charges for subcontractors...
- Account 6238 - Other cash expenses: Used to record explicit costs serving the operation of truck and machinery.
3. Method of accounting for several major transactions
Accounting truck and machinery operation costs which depend on types of machinery operation machinery fleet specialized in performing work volumes by machinery or assigning operation machinery for construction team or enterprise:
If organizing separate operating truck and machinery fleet that is account gearing and has separate accounting unit then accounting will be carried out as follows.
- Accounting charges related to operation of truck and machinery, record :
Dr 621, 622, 627
Cr 111, 112, 152, 331, 334, 214,...
- Accounting costs of operating truck and machinery and calculating the price of cases of truck and machinery at Account 154 “Work in process” based on mortgage costs of machinery cases (Actual cost price or internal contract price) supplied for construction objects (construction, construction section); according to organizing manner of accounting work and relation between fleet of operating truck and machinery and construction unit.
If business perform work by manner of supplying truck and machinery among internal departments, record:
Dr 623 - Costs of operating machinery (6238 - other cash expenses)
Cr 154 - Work in process.
If business perform work by manner of selling truck and machinery services among internal departments, record:
Dr 623 - Costs of operating machinery (6238 - other cash expenses)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (if any)
Cr 333 - Taxes and payables for state (33311) ( VAT payable computed on internal selling price of cases of truck and machinery services)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision (details provided in the internal services).
b) If business has not separate truck and machinery fleet or has the fleet, but has not account team for the fleet, then total costs of operating truck and machinery (including permanent costs and temporary costs, such as supplement of salary, mobile supplement of operating truck and machinery) will be handled by accounting as follows:
- Basing on salaries, wages and other payables for workers operating and serving truck and machinery operation, record:
Dr 623 - Costs of operating machinery (6231 - Costs of labor)
Cr 334 - Wages payable
- When delivering materials, instruments, tools used for truck and machinery contract in the period, record:
Dr 623 - Costs of operating machinery (6232 - Costs of materials)
Cr 152,153.
- In case purchasing materials, instruments for direct use (not stored) for truck and machinery operation in the period, record :
Dr 623 - Costs of operating machinery (6232)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (of any)
Cr 331, 111, 112,...
- Depreciating truck and machinery operated by truck and machinery fleet, record:
Dr 623 - Costs of operating machinery (6234 - Depreciation cost of operating machinery)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets
- Incurred costs of outsourced services (Repairing truck and machinery, water and electricity, fixed assets rent, charges for subs contractors,...), record :
Dr 623 - Costs of operating machinery (6237)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (of any)
Cr 111, 112, 331,...
- Incurred cash expenses, record :
Dr 623 - Costs of operating machinery (6238 - other cash expenses)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (if eligible for VAT deduction)
Cr 111,112,...
- Basing on allocating table of using truck and machinery (actual cost of truck or machinery shift computed for each construction, construction section, record:
Dr 154 - Work in process (cost item of machinery operation)
Dr 632 - Cost of goods sold (part in excess over normal level)
Cr 623 - Costs of operating machinery.
Article 87. Account 627 – Manufacturing overhead costs
1. Accounting Principles
This account is used to record costs for production, and trading incurred in factories, departments, teams, constructions, served manufacturing productions, rendering services, including: Salaries of managerial employees in factories, departments, and teams, depreciation of fixed assets used directly to produce, appropriation of social insurance, medical insurance, labor union fees, unemployment insurance calculated as percentage of salaries payables for employees in factories, departments, production teams, costs directly related to other factories ;
b) Activities of construction business, appropriation of social insurance, medical insurance, labor union fees are also calculated on wages of direct workers in construction, employees operating machinery and managerial employees of teams (belong to labor list of business), depreciation of fixed assets in factory, production departments; can be capitalized it will be added to value of assets which are in process of production; costs of repairing and warranty of construction, and other costs related to activities of factories, departments, production teams and groups.
c) Account 627 is only used in manufacturing business of industry, agriculture, forestry and fishery sections, capital construction, traffic and transportation, post, tourism and services industries.
d) Account 627 is recorded by detailed accounting for every factory, department, team and group of production
dd) manufacturing overhead costs recorded on account 627 must be accounted for in detail under two categories: Fixed overhead and variable overhead, in which:
- Fixed manufacturing overhead expenses are indirect production costs, usually do not depend on volume of products, such as costs of maintenance machinery and equipment, plants..., and General administration expenses in factories, departments, production teams and groups.
Fixed manufacturing overhead expenses are allocated in manufacturing costs of each unit of production, it is based on normal capacity of machinery normal capacity is volume of products achieved averagely in normal conditions of production.
In case actual volume of products is higher than that of normal capacity, then fixed overhead will be allocated for each unit of product with actual costs incurred.
In case actual volume of products is lower than that of normal capacity, then fixed overhead will be allocated to manufacturing costs for each unit of product in normal capacity. Unallocated part of costs will be recorded in cost of goods sold in the period.
- Variable manufacturing overhead cost is indirect production costs usually directly or almost directly volume of product units, such as costs of raw materials, indirect materials, indirect labor costs. Variable manufacturing overhead are allocated to tally to manufacturing costs of each product unit according to actually incurred costs.
e) In case a production process induce many types of costs during the same period, and manufacturing overhead cost of each type of product can’t be recorded separately, then overhead will be allocated to these types of costs under grouping characteristics appropriately and consistently among account periods.
g) At end of period, accountants calculate and allocate, transfer manufacturing overhead cost to Dr 154 “Work in process” or at Dr 631 “Cost of production”.
h) Account 627 is not used for commercial business activities.
2. Structure and contents of account 627 – Manufacturing overhead cost
Debit side : Manufacturing overhead costs incurred in the period
Credit side :
- Decreases in factory overhead cost;
- Fixed overhead costs unallocated are recorded in cost of goods sold in the period, because actual level of production is lower than normal level of capacity;
- Transferring manufacturing overhead cost to Dr 154 “Work in process” or Dr 631 “Cost of production”.
Account 627 does not have ending balances.
Account 627 – Manufacturing overhead cost, comprises 6 sub - accounts:
- Account 6271 - Costs of factory employees: Record salaries, allowances to salary payables for managerial employees in factories, production department, expenses of intershift meals of factory managerial employees, production department, appropriation of social insurance, medical insurance, labor union fees, unemployment insurance calculated with current stipulations on salary payables for employees in factory, department, team and group of production.
- Account 6272 - Cost of materials: Record cost of materials delivered for factories, such as materials used for repair, maintenance fixed assets, instruments, tools managed and used by factories, costs of temporary goods shed.
- Account 6273 - Cost of production tools: Record cost of instrument, tools delivered for use in management activity of factory, department, team and group of production,...
- Account 6274 - Depreciation costs of fixed assets: Record depreciation expenses of fixed assets used for manufacturing products and rendering services, and fixed assets used in common for activities of factory, department, team and group of production.
- - Account 6277 - Costs of outsourced services: record costs of outsourced services for activities in production factory, such as: cost of repair, outsourcing, water and electricity, telephone, fixed asset rent, charges paid for subcontractors (for construction business).
- Account 6278 - Other cash expenses: Record other cash expenses beside costs listed above, serving activities of factories) department, team and group of production.
3. Method of accounting for several major transactions
When calculating salaries, wages, subsidiaries payables for employees in factory, inter shift meal costs of managerial employees in factory, department, team and group of production.
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6271)
Cr 334 - Wages payable
b) When appropriations of social insurance, medical insurance, labor union fees, unemployment insurance, support for workers (life insurance, voluntary pension insurance) which are calculated with stipulated rate on salary payables for employees in factory, production department.
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6271)
Cr 338 - Other payables (3382, 3383, 3384, 3386).
c) Cost Accounting of raw materials, materials delivered for use in factory (in case business implements perpetual inventory method).
- When delivering materials used in common for factories, such as repairing, maintenance of fixed assets used in administrating activities of factory, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6272)
Cr 152 - Raw materials, materials
- When delivering instruments, tools for production with small total value used for factory, departments, team and group of production, accountants will base on delivery order, record :
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6273)
Cr 153 - Instruments, tools.
- When delivering instruments, tools for production with great total value used for factory, departments, team and group of production, this value must be allocated, record :
Dr 242 - Prepaid expenses
Cr 153 - Instruments, tools.
- When allocating value of instrument, tools to overhead costs, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6273)
Cr 242 - Prepaid expenses
d) Depreciation of machinery, equipment, plant belonging to factory, department, team and group of production, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6274)
Cr 214 – Depreciation of fixed assets
dd) Water and electricity, telephone expenses belong to factory, department, team and group of production, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6278)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (if eligible for VAT deduction)
Cr 111, 112, 331,...
e) In case applying advance charge method or deferred expenses method or deferred expenses method for amounts paid for great repair of fixed assets in factory, which are charged overhead cost:
- When great repair expenses of fixed assets are actually incurred, record:
Dr 2413 - Great repair of fixed assets
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 331, 111, 112,...
- When great repair of fixed assets is finished, record:
Dr 242, 352
Cr 2413 - Great repair of fixed assets
- When great advance appropriation or deferred expenses of fixed assets repair is made, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost (6273)
Cr 352,242.
g) In case business having fixed assed for operating lease, when costs incurred relating to fixed assets which are operating leased:
- When initial direct costs incurred relating to operating lease, record :
Dr 627 – Manufacturing overhead cost
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 111, 112, 331,...
- Periodic calculation and depreciating of fixed asset which is operating leased to operating cost, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost
Cr 214 - Depreciation of fixed assets (Depreciation of fixed assets for lease).
h) In construction business, when determining provision for payables of warranty of construction works, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead cost
Cr 352 - Provision for payables
- When incurring costs of repair and warranty of construction works, record:
Dr 621, 622, 623, 627
Cr 111, 112, 152, 214, 334,...
- At end of period, close out costs of repair and warranty of construction works, record:
Dr 154 – unfinished production, business cost
Cr 621, 622, 623, 627.
- When repair and warranty of construction works are finished, record :
Dr 352 - Provision for payables
Cr 154 - Work in process.
i) At end of accounting period, determining interests payables or interests already paid capitalized into unfinished manufacturing assets when paying interests, record :
Cr 627 – Manufacturing overhead cost (unfinished manufacturing assets)
Cr 111, 112
Cr 242- Prepaid expenses ( if interest is prepaid)
Cr 335 – Expenses payable ( interest payable)
Cr 343 - Bonds issued (cost of issuing bonds and the difference between the interest of bonds payable calculated at a real interest rate higher than the interest payable calculated at nominal rates recorded an increase in the original bond ).
k) If incurring decreases in manufacturing overhead cost, record :
Dr 111, 112, 138,…
Cr 627 – Manufacturing overhead cost
l) For manufacturing overhead cost used generally for business cooperation contract
- When incurring manufacturing overhead costs generally used for business cooperation contracts, based on invoices and related documents, record:
Dr 627 – Manufacturing overhead costs ( details for each contract)
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 111, 112, 331…
- Periodically, accountants establish general cost allocation Statement (with the confirmation of the parties) and deliver VAT invoices to allocate the manufacturing overhead cost used generally for business cooperation contract for the parties, record :
Dr 138 - Other receivables (details for each partner)
Cr 627 – Manufacturing overhead cost
Cr 3331 - payable VAT
In case of distribution of costs without VAT invoices, accountant record a decrease of input VAT by recording Cr 133 - deductible VAT.
m) At end of account period, table of manufacturing overhead cost allocation will be based to transfer or allocate overhead cost to related accounts for each products, group of products, services with proper grouping characteristic:
- In case business applies perpetual inventory method when closing out overhead cost at end of period, record:
Dr 154 – unfinished production, business cost
Dr 632 - Cost of goods sold (fixed manufacturing overhead cost not unallocated)
Cr 627 – Manufacturing overhead cost
- In case business applies perpetual inventory method when closing out overhead cost at end of period, record:
Dr 631 - Cost of production
Dr 632 - Cost of goods sold (fixed manufacturing overhead cost not unallocated)
Cr 627 – Manufacturing overhead cost
Article 88. Account 631- Cost of production
1. Accounting Principles
This account is used to record costs summary of production and calculating cost price of products, services of production units in industry agriculture, forestry sectors, and business units of transportation, posts, tourism and hotel services..., in case business applies periodical inventory method
b) This account is not used in businesses applying perpetual inventory method
c) Only accounting at Account 631 types of operating costs as follows:
- Costs of raw materials, direct materials;
- Direct labor cost;
- Costs of operating machinery (in case of contraction business)
- Manufacturing overhead cost
d) Not accounting at Account 631 these types of expenses:
- Selling expenses ;
- General administration expenses;
- Financial costs ;
- Other expenses;
- Non –business expenses
dd) Costs of Department of production and trade supporting for production and business, costs price of goods, raw materials, materials and costs of outsourcing and manufacturing (outsourcing, or self processing and manufacturing) will also be recorded in Account 631.
e) Account 631 “Cost of production” must be applied of detail accounting in periods of cost drivers (factory, term or group of production...), in periods of types, groups of products, services.
g) In Agriculture industry, actual cost price of product will be determined at end of season or at year-end cost price of product harvested in a year will be determined in that year, that is, if costs incurred in this year but products will be harvested in next year, then cost price will be determined in the next year.
- In plantation sector, costs must be applied of detailed accounting for three types of trees:
Short - term tree ;
One - time crops with many-time harvests ;
Perennial tree.
Trees which are cultivated 2, 3 crops during a year, or cultivated in this year but will be harvested in next year, or crops having both new planting area, and cultivated area in the same year, then accountants must base on actual situation to record, record clearly and separately costs of each crops, of each area, costs of last year, current year and the next year. Not recorded at Account 631 “Cost of production items such as costs of new cultivation and cultivating long-term tree during period of capital construction.
Type of costs relating to many accounting objects, or relating to many crops, many periods, then these costs must be observed in details, and then allocating to cost price of each related product, such as: Costs of irrigation and draining, costs of preparing farmland and cultivation in the first year of one-time cultivated, many-time harvest trees (this cost is not belong to capital construction).
In the same cultivation area, if two or more kinds of short-term trees are planted, then costs incurred in relation directly to a specific kind of trees will be collected separately for that kind of tree (such as seeds, costs of planting, harvesting), overhead costs incurred for all kinds of trees (such as plough, rake, irrigating and draining water) will be collected separately and then allocated for each kind of tree according to panting area.
Perennial trees: Works from preparing land, planting, cultivating to the time harvesting products - will be considered as capital investment process to form fixed assets, and costs of these works are collected at Account 241 “Construction in progress”.
- Detailed accounting must be implemented for each breeding branches (cattle, pigs...), for each group or each type of domestic animals, poultry. And reproduce animal which transferred to big domestic animals will be applied accounting of salvage vale at Account 631 “Cost of production”.
h) Account 631 “Cost of production” applying to transportation industry must be applied costs accounting in periods of activities (Transporting passengers, goods,...). In process of transportation, tyres are depreciated with faster rate than that of car, so tyres must be replaced many times, but value of replaced tyres are not computed to transportation costs immediately when replacing, but this values will be advance appropriated or deferred in costs of production and trade in the period.
In hotel industry, accounting of account 631 must be observed in details in periods of activities, such as: meals services, room services, entertainment services, other services (washing and ironing, hair cut, telegraph, massage...).
2. Structure and content of account 631 - Cost of production
Debit side :
- Beginning costs of work in process;
- Manufacturing costs actually generated during period
Credit side :
- Cost price of products stored in warehouse, finished services transferred to Account 631 “Cost of goods sold”.
- Costs of ending work in process transferred to Account 154 “Work in process”.
Account 631 does not have ending balances.
3. Method of accounting for several major transactions:
Transferring costs of production, trading, costs of unfinished services at beginning of period at Dr 631 “Costs of production”, record:
Dr 631 - Cost of production
Cr 154 - Work in process.
b) At end of account period, posting costs of raw materials, direct materials to account “costs of production, record :
Dr 631 - Cost of production
Cr 621 - Direct materials costs
c) At end of account period, posting costs of direct labor to Acc 631 - “costs of production”, record:
Dr 631 - Cost of production
Cr 622 - Direct labor cost.
d) At end of period, calculating and posting overhead cost to Acc “Costs of production” in periods of type of productions, labors, services, record:
Dr 631 - Cost of production
Dr 632 - Cost of goods sold (fixed manufacturing overhead cost is not unallocated)
Cr 627 – Manufacturing overhead cost
dd) At end of accounting period, carrying out inventory and determining value of unfinished goods Inventory and services at end of period, record:
Dr 154 – unfinished production, business cost
Cr 631 - Cost of production
e) Cost price of stored goods, finished service, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 631 - Cost of production
Article 89. Account 632 - Cost of goods sold
1. Accounting Principles
This account is used to record cost of goods, products, services, investment property, costs of production of construction products (for construction business which are sold during the period. Furthermore, this account is also used to record costs relating to business of investment property, such as: depreciation expenses, costs of production, costs of investment property operation under operating lease method (in case costs cure is not great), costs of transfer, liquidating investment property.
b) If the enterprise is the owner of real estate business investment, when not summarizing complete records, documents of expenses directly related to the real estate investment, construction, which have been incurred in turnover of sale of real estate, enterprise may advance a part of the cost to calculate cost price of goods sold. When the full set of records, documents is summarized or when real estate is totally completed, the enterprise must settle the costs advanced from the cost price of goods sold. The difference between the cost advanced higher than actual costs incurred is adjusted as decrease the cost price of goods sold of the settlement period. Advancing cost to calculate the price cost of real estate must comply with the following principles:
- Enterprise shall only advance from the cost price of goods sold for costs which have been in estimates of investment, construction, but have not had enough dossiers and documents for volume acceptance and shall explain in detail the reasons, contents of accrued expense for each work item during the period.
- Enterprise shall only advance cost to calculate the cost price of goods sold for real estate that is completed, determined to be sold in period and meet all revenue recording criteria.
- The accrued expenses temporarily calculated and actual expenses incurred recorded in cost price of goods sold corresponding to the norm of cost price calculated on total cost estimate of the real estate determined to be sold (determined by area).
c) The provision against devaluation of goods in stock is included in cost price of goods sold on the basis of the inventory and the difference between the net realizable value lower than the cost price of inventories. In determining the amount of discounted inventory that needs setting up provisions, accountants must eliminate the inventory volume that has been signed consumption contracts (net value that may be earned is not less than book value), but not yet delivered to the customer if there is certainty evidence that customers shall not abandon the contract performance.
d) When selling products, goods associated with equipment, spare parts, the value of equipment and spare parts is recorded in the cost price of goods sold .
dd) For the value of inventory lost, accountants must account immediately into the cost price of goods sold (after deducting compensation, if any).
e) For the cost of direct materials consumed in excess of normal level, labor costs, fixed manufacturing overhead costs not allocated to the value of products in stock, accountants must account into the cost price of goods sold (after deducting compensation, if any) even if products, goods have not been determined to be consumed.
g) The import tax, special excise tax, environmental protection tax calculated to the value of goods purchased when delivering goods for sale but such taxes are refunded shall be recorded a decrease of the cost price of goods sold.
h) Costs that are not considered as business income tax expense under the provisions of the tax Law but have full invoices and have accounted in accordance with accounting policy shall not be recorded a decrease in accounting costs but only adjusted in final business income tax declaration to increase the business income tax payable.
2. Structure and contents of account 632 - Cost of goods sold
In case business applies perpetual inventory method.
Debit side :
- For activities of production and trade, this account records:
Costs price of products, goods, services sold during period.
Costs of raw materials, materials, part of labor costs in excess of normal level, and fixed overhead cost unallocated and added to costs of goods during the period.
Waste, loss of inventory after excluding compensation received from responsible individuals.
Costs of building, of business’ own made fixed assets in excess of normal level, which are not added to prime cost of firm’s own made tangible fixed assets.
Provision for devaluation in inventory value (difference between allowances for decrease in inventory value planned for this year and redundancies of allowances planned for last year)
- For activities of invested business real estate, this account records:
Depreciation of investment real property for lease in the period;
Costs of upgrading, improving investment property which is not eligible to be charged to prime cost of investment property.
Costs incurred from operation of investment property lease in period;
Net book values of investment property liquidated in period;
Costs of selling, liquidating transactions of investment property, incurred in the period.
accrued expense for real estate determined to be sold
Credit side :
- Transferring cost price of products, goods, services sold during period to account 911 “Income Summary’’
- Transferring total costs of investment property business incurred in period to determine trading results.
- Remission of provision for devaluation in inventory value at fiscal year-end (negative difference between provision planned for this year and that of last year)
- Sales returns to be stored
- Remission of accrued expense for real estate determined to be sold (the difference between the accrued expenses higher than actual costs incurred).
- Trade discounts, sales allowance received after purchasing consumed goods.
- The import tax, special excise tax, environmental protection tax calculated to the value of goods purchased when delivering goods for sale but such taxes are refunded.
Account 632 does not have ending balances.
In case business applying periodical inventory method.
For commercial business:
Debit side :
- Cost of goods sold in period
- Provision for decrease in inventory value (positive difference between provision planned for this year and that of last year).
Credit side :
- Transferring costs price of goods consigned for sales but not yet sold definitely.
- Remission of provision for inventory decrease at fiscal year-end (negative difference between provision for this year and that of last year);
- Closing out cost price of goods delivered to Dr 911 “Income Summary.”
For operating business.
Debit side :
- Costs price of beginning inventory of finished goods Inventory;
- Provision for inventory devaluation (positive difference between provision planned for this year and the provision planned for last year).
- Costs price of finished goods inventory have been stored and services have been implemented.
Credit side:
- Transferring costs price of ending inventory of finished goods to Dr 155 “Finished goods”;
- Remission of provision for inventory devaluation at fiscal year-end (negative difference between provision for this year and that of last year);
- Transferring costs price of finished goods delivered for sales, services determined to be sold in period to Dr 911 “Income Summary”.
Account 632 does not have ending balances.
3. Method of accounting for several major transactions
For business applying perpetual inventory method
When delivering products, goods for sales (including products used for equipment, spare parts associated products, goods) and implementing of services that have been determined to be sold in period, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 154, 155, 156, 157,…
b) Recording costs items applied direct accounting to cost of goods sold:
- In case actual product capacity is lower than normal capacity, then accountants must calculate to determine fixed overhead cost, to allocate to processing cost for each unit of product at normal capacity. Unallocated part of fixed overhead cost (positive difference between total actual fixed overhead cost and fixed overhead cost changed to costs price) will be recorded to cost of goods sold in period, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 154 - Work in process, or
Cr 627 – Manufacturing overhead cost
- Recording wastes, losses of inventory after excluding compensation received from responsible individual, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 152, 153, 156, 138 (1381),…
- Recording costs of own made fixed assets in excess of normal cost level, which is not charged to prime cost of finished tangible fixed assets, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 241 - Construction in progress
c) Appropriation accounting, or remission of provision for inventory devaluation
- In case provision for inventory devaluation in this period is bigger than that of last period, the difference will be appropriated additionally, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 229 - Provision for asset losses (2294).
- In case provision for inventory devaluation in this period is smaller than that of last period, the difference will be returned, record:
Dr 229 - Provision for asset losses (2294).
Cr 632 - Cost of goods sold
d) Economic transactions relating to investment real property business:
- Periodic calculation and depreciation of investment property being operating leased, record :
Dr 632 - Cost of goods sold (detailed costs of investment real property business)
Cr 2147 - Accumulated depreciation of investment real property.
- When having incurred costs relating to investment real property which initially recorded, but is not eligible for record an increase in value of investment real property, record:
Dr 632 - Cost of goods sold (detailed costs of investment real property business) Dr 242 - Prepaid expenses (if it is deferred expenses)
Cr 1111, 112, 152, 153, 334,…
- Costs relating to operating lease of investment real property, record:
Dr 632 - Cost of goods sold (detailed costs of investment property business)
Cr 111, 112, 331, 334,...
- - Accounting for decrease in costs, depreciation value of investment real property (if any) resulting from liquidation, record:
Dr 214 - Accumulated depreciation (2147 - depreciation of investment real property)
Dr 632 - Cost of goods sold (Net book value of investment real property)
Cr 217 – Investment real property ( Cost)
- Incurred expenses of selling, liquidating investment real property, record:
Dr 632 - Cost of goods sold (detailed costs of investment property business)
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 111, 112, 331,...
dd) Accounting method of accrued expense to calculate the cost price of real estate determined to be sold to enterprises being investors :
- When advancing costs to temporarily calculate the cost price of sold real estate in the period, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 335 - Accrued expenses
- The incurred actual capital investment costs that have enough documents and accepted to calculate the cost of capital investment of real estate, record :
Dr 154 – unfinished production, business cost
Dr 133 - Deductible VAT
Cr related accounts.
- When the accrued expense have enough records, documents proving to be actually occurred, accountants record a decrease of accrued expense and record a decrease of cost of work in progress, record :
Dr 335 - Accrued expenses
Cr 154 - Work in process.
- When the entire project of real estate completes, accountants must settle and record a decrease the balance of the remaining accrued expense, record :
Dr 335 - Accrued expenses
Cr 154 - Work in process.
Cr 632 - Cost price of goods sold (the difference between the remaining accrued expense higher than actual costs incurred).
e) If the product produced is transferred to fixed assets for use, record :
Dr 211 - Tangible fixed assets
Cr 154 - Work in process.
g) Sales returns to be stored, record :
Dr 155,156
Cr 632 - Cost of goods sold
h) In case of receiving trade discounts or sales allowances after purchasing goods, accountants must base on changes of the inventory for the allocation of trade discounts, sales allowances enjoyed based on unsold inventory, the delivered goods for the capital investment or goods determined to be consumed in the period:
Dr 111, 112, 331…
Cr 152, 153, 154, 155, 156 (value of trade discounts, sales allowances of unsold inventory in the period)
Cr 241 - Fundamental construction in progress (the value of trade discounts, sales allowances of inventory delivered for capital investment )
Cr 632 - cost price of goods sold (value of trade discounts, sales allowances of sold inventory in the period)
k) Transferring cost price of goods sold of products, goods, investment real property, services determined to be sold during period at Dr 911 “Income summary”, record:
Dr 911 - “Income Summary”.
Cr 632 - Cost of goods sold
For business applying periodic inventory method:
For commercial business:
- At end of period, determining and closing out costs price of goods delivered for sales and identified as being sold, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 611 – Purchases.
- At end of period, transferring costs price of goods delivered for sales and identified as being sold, at Dr 911 - “Income summary”, record
Dr 911 - “Income Summary”.
Cr 632 - Cost of goods sold
b) For operating business :
- At beginning of period, transferring costs price of beginning inventory Finished goods Inventory to account 632 “Cost of goods sold”, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 155 - Finished goods
- At beginning of period, closing out costs price of Finished goods Inventory services delivered for sales but not yet identified to be sold at account 632 “Cost of goods sold”, record:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 157 - Goods consigned for sales.
- Costs price of finished goods Inventory stored, of accomplished services, shall be recorded a:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 631 - Cost of product.
- At the end of period, transferring cost of ending inventory products at Dr 155 “Finished goods Inventory”, record:
Dr 155 - Finished goods
Cr 632 - Cost of goods sold
- At the end of period, determining values of Finished goods Inventory, of accomplished services consigned for sales but not yet identified to be sold, record:
Dr 157 - Goods consigned for sales
Cr 632 - Cost of goods sold
- At the end of period, closing out costs of Finished goods Inventory, of services identified to be sold during period at Dr 911 “Income summary”, record :
Dr 911 - “Income Summary”.
Cr 632 - Cost of goods sold
Article 90. Account 635 - Financial costs
1. Accounting Principles
This account is used to record financial operating cost including expenses or losses relating to financial investment activity, expenses of lending and borrowing, costs of capital contributed to joint venture, to associates, losses from short-term security transfer, expenses of security selling transaction; provision for business security decrease, provision for losses from investment in other units, losses incurred when selling foreign currency, losses from exchange rate...
b) Account 635 must be applied of detail accounting for each item of expenses. Not accounting on account 635 these types of expenses:
- Costs of manufacturing products, rendering services
- Selling expenses ;
- General administration expenses;
- Operating costs of real estate;
- Capital investment expenses;
- Expenses covered by other source of fund;
- Other financial expenses.
c) Cost of issuing bonds is gradually allocated in accordance with the bond maturity and is recorded in the financial cost if the bonds are issued for purposes of ordinary production, business.
d) Interests payable of the convertible bonds included in finance costs in the period are determined by the value of the principal at the beginning period of convertible bonds multiplied (x) with interest rates of similar bonds in market which are ineligible to be converted into shares or common loan interest rates in the market at the time of issue of convertible bonds (see the detailed provisions in guidance section of account 343 - Bonds issued).
dd) If the preference shares are classified as liabilities, such preference dividends are essential loan interest and must be recorded in the financial expenses.
2. Structure and contents of account 635 - Financial costs
Debit side :
- Interests expenses of loan, of credit purchases, of financial lease;
- Losses from selling foreign currency;
- Discounts for buyers;
- Losses from liquidating, transferring investments;
- Loss on exchange rates incurred in period; Losses on exchange rates revaluated at fiscal year-end of accounts derived from foreign currencies;
- Provision for decreases in business security price, provision for loss from investment in other units;
- Expenses of other financial investment activities.
Credit side :
- Return of provision for business security price decrease, provision for loss from investment in other units (difference between provision planned for this period and that of last year);
- Items recorded a decrease of financing costs;
- At end of account period, closing out total costs incurred in period to determine trading results.
Account 635 does not have ending balances.
3. Method of accounting for several major transactions
When incurring costs relating to selling security activity, lending capital, foreign currency sales, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 111, 112, 141,...
When selling business securities, liquidating and selling investment in subsidiary companies, joint venture or allied companies which incur losses, record :
Dr 111, 112,... (selling price calculated on the fair value of assets received)
Dr 635 - Financial costs( loss)
Cr 121, 221, 222, 228 ( net value).
When receiving back contributed capital from subsidiaries, associates of which fair value of assets subdivided in parts is smaller than value of contributed capital, record:
Dr 111, 112, 152, 156, 211, ... (fair value of assets divided)
Dr 635 - Financial costs( loss)
Cr 221,222.
In case enterprises sell investments in shares of other enterprises under the form of share swap, enterprises must determine the fair value of the shares received at the time of exchange. The difference ( if any) between the fair value of the shares received less than the book value of the shares exchanged shall be recorded a financial expense, record:
Dr 121, 221, 222, 228 (book value of the shares received)
635 - Financial expenses (the difference between the fair value of the shares received less than the book value of the shares)
Cr 121, 221, 222, 228 (fair value of shares exchanged).
Accounting for provision for decreases in business security price, provision for loss from investment in other units when financial statement is established ;
- In case provision in this period is bigger than that of last period, the difference shall be appropriated additionally, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 229 - Provision for asset losses (2291, 2292).
- In case provision in this period is smaller than that of last period, the difference shall be returned, record:
Dr 229 - Provision for asset losses (2291, 2292).
Cr 635 - Financial costs
Discounts for buyers of goods, services which result from settlement before deadline agreed in business contract, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 131, 111, 112,...
Costs directly related to the loan (other than loan payable), such as cost of the audit, verification and applications for borrowing capitals..., if they are included in finance costs:
- For loans under the form of bond issue, record :
Dr 635 - Financial costs
Cr 343 - Bonds issued (3431, 3432)
- For loans under the form of ordinary contract, agreement, record :
Dr 635 - Financial costs
Cr 111, 112
In case business must pay periodical loan interests, bond interests for lenders, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 111,112,...
In case business prepay loan interests, bond interests for lenders, record:
Dr 242- Prepaid expenses ( if interest is prepaid)
Cr 111,112,...
Periodically, when allocating loan interests, bond interests payable for each period to financial costs, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 242 - Prepaid expenses
In case interests payments are deferred:
- When periodical calculating interests payables for each period, if payables can be changed to financial costs, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 341 – Loans and finance lease liabilities (3411) (if the interest added to principal)
Cr 335 - Accrued expenses
- When borrowing period is expired, business pay back long-term principal and interests, record:
Dr 341 – Loans and finance lease liabilities (principal payables)
Dr 34311 - Face value of bonds
Dr 335 – Expenses payable ( if interest of previous periods)
Dr 635 - Financial costs (loan interests of maturity period)
Cr 111,112,...
In case business issue discount bond or premium bond to mobilize debts used for production and trade, periodical computing interest expenses to charge to costs of production and trade in period, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 111,112,... (if interest payments are made periodically)
Cr 242 - Prepaid expenses (cost of borrowing payable in the period)
Cr 335 – Expenses payable (Appropriation in advance debt expenses payables in period - if debt expenses are deferred).
- If issuing discount bonds, when periodical allocating bond discount in borrowing expenses, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 34312 - Bond discount (in period)
- If issuing premium bonds, when periodical allocating bond premium by recording or decrease in borrowing expenses, record:
Dr 3433 - Bond premium ( allocated in each period)
Cr 635 - Financial costs
Periodically, accountants record financial costs or capitalization for the interest of bonds payable calculated on interests of similar bonds without conversion rights or on common loan interest rates in the market and adjust the value of the principal of convertible bonds, record:
Dr 635 - Financial costs
Dr 241 - Construction in progress (if capitalized)
Cr 335 - Accrued expenses (interest of bonds payable in period calculated on nominal interest rate)
Cr 3432 - Convertible bonds (the difference between the bond interest recorded in financial expenses (or capitalized) and the interest of bond payable in the period under nominal interest rate).
In case business pay periodically interests from fixed assets financial lease, when the lessee receives payment invoices from the lessor, record:
Dr 635 - Financial costs (periodical lease interest payment)
Cr 111, 112 (if it is cash price)
Cr 341 – Loans and finance lease liabilities (3412) (if receiving debt)
When purchasing fixed assets under deferred payment, installment payment for production and trade activities, record:
Dr 152, 153, 156, 211, 213 (cash price)
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Dr 242 - Prepaid expenses (Deferred payment interests is difference between total payments which minus purchase cash price and minus Deductible VAT (if any)
Cr 331 - Supplier payable (Total settlement price)
Periodically calculating interests from deferred or installment payment financial costs, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 242 - Prepaid expenses
Accounting for exchange rate losses
a) In case of purchasing goods, services, assets, payment of costs paid in foreign currencies, if real transactional rate is smaller than account book exchange rate of accounts 111, 112, record:
Dr 151, 152, 153, 156, 157, 211, 213, 217, 241, 623, 627, 641, 642, (actual exchange rates )
Dr 635 - Financial costs( loss on forex)
Cr 1112, 1122 (at the exchange rate in the accounting books)
b) When settling liabilities in foreign currencies, if accounting book exchange rate of liabilities is smaller than accounting book exchange rate of accounts 111, 112, record:
Dr 331, 336, 341,... (the exchange rate in the accounting books)
Dr 635 - Financial costs( loss on forex)
Cr 1112, 1122 (at the exchange rate on the accounting books)
c) When collecting amounts receivables in foreign currencies, if accounting book exchange rate of accounts receivables is bigger than actual transactional rate, record :
Cr 111 (1112), 112 (1122) (actual exchange rates )
Dr 635 - Financial costs( loss on forex)
Cr 331, 136, 138 (the exchange rate in the accounting books)
d) Losses arising from selling foreign currency of trading activities, record:
Dr 111 (1111), 112 (1121) (under selling exchange rates )
Dr 635 - Financial expenses (losses-if any))
Cr 111 (1112), 112 (1122) (at the exchange rate in the accounting books)
e) Transferring loss on forex due to reevaluation of accounts derived from foreign currencies to financial expense, record :
Dr 635 - Financial costs( loss on forex)
Cr 413 - exchange differences (4131).
g) Other cases of loss on forex shall comply with the provisions of the relevant accounts.
Enterprises which have not allocated the loss from exchange differences of stage prior to operation (recorded on account 242 - Prepaid expenses), must transfer the entire losses from exchange differences to financial costs to determine income statement in the period, record:
Dr 635 - Financial costs( loss on forex)
Cr 242 - Prepaid expenses
In case of reevaluation of currency gold arising loss (domestic gold price is lower than the book value), accountants record financial cost, record :
Dr 635 - Financial costs
Cr 1113,1123.
For the sale of government bonds under repurchase order (repo), when allocating the difference between the sale price and the repurchase price of government bonds of the repurchase order contract of government bonds into periodic costs under the time of the contract, record :
Dr 635 - Financial costs
Cr 171 – Resale of government bonds
In case state-owned enterprises before being transformed into joint stock companies must handle liabilities payable :
- For loans of state-owned commercial banks and the Vietnam Development Bank overdue but unable to be paid due to the loss of enterprises which have no state capital, enterprises must carry out procedures, application for rescheduling, freezing and remission of loans under the provisions of current law. When having decision on remission of loan, record:
Dr 335 - Expenses payable (interest from remitted loans)
Cr 421 - Undistributed post-tax profits (interest of loans recorded in expenses in previous terms remitted)
Cr 635 - financial expense (interest of loans recorded in expenses in current terms)
- For expenses for interest payable for investors buying shares: In case of the time from investors buy shares to the time the company is granted the Certificate of Business is over 3 months, enterprises are counted the borrowing interest paid for investors. In case if sums received from sale of shares to mobilize additional capital are under accounts of the units and used by the units, record:
Dr 635 - Financial costs
Cr 335 - Accrued expenses
In case preference shares are classified as liabilities payable, enterprises must pay dividends according to a certain percentage without depending on income statement in the period which is profit or loss, such preference dividends by nature is the loans and must be recorded in the financial cost, record :
Dr 635 - Financial costs
Cr 338 - Other payables
At end of period, closing out total financial cost incurred in period to account 911 “Income Summary”, record:
Dr 911 - “Income Summary”.
Cr 635 - Financial costs
Article 91. Account 641 - Selling expenses
1. Accounting Principles
This account is used to record expenses actually incurred in process of selling products, goods, providing services, including publicity expenses, demonstration expenses, advertising expenses, sale commission, warranty charges of goods and products (excluding construction activity), maintenance charges, cost of packing, transportation.
b) Costs that are not considered as business income tax expense under the provisions of the tax Law but have full invoices and have accounted in accordance with accounting policy shall not be recorded a decrease in accounting costs but only adjusted in final business income tax declaration to increase the business income tax payable.
c) Account 641 is opened in details suitable to contents of expenses, such as pay roll expenses, costs of materials, package, tools, supplies, fixed assets depreciation, characteristic, management demand of every industry, every business that account 641 can have additional items of expenses. At end of period, transferring selling expenses to Dr 911 “Income Summary”
2. Structure and contents of account 641 - Selling expenses
Debit side : Costs incurred relating to process of selling products, goods, rendering services incurred in period.
Credit side :
- Items reduced selling expense in the period;
- Transferring selling expenses to Dr 911 “Income Summary” to calculate operating results in the period.
Account 641 does not have ending balances.
Account 641 comprises 7 sub-accounts:
- Account 6411 - payroll expenses: recording accounts payables to sales personnel, package personnel, transportation and maintenance personnel of products, goods, including salaries, intershift meal expenses, wages and appropriation of social insurance, medical insurance and labor union fees, unemployment insurance...
- Account 6412 - Costs of materials, package: recording costs of materials and package delivered for protection, consumption of products, goods, services, such as costs of package materials of products, goods, costs of materials, fuels used for protecting, loading, transporting products, goods used for repairing, maintenance of fixed assets, ... used for sales department
- Account 6413 - Costs of tools, supplies: recording instruments, tools served for consumption process of products, goods, such as measurement tools, computing devices, working facilities...
- Account 6414 - Depreciation cost of Fixed assets: recording depreciation expenses of fixed assets in maintenance department, sales department, such as warehouse, stores, quays, loading and transportation facilities, computing and measurement tools, quality verification,...
- Account 6415 - Costs of warranty: used to record cost of product and goods warranty. Especially, repairing and warranty expenses of construction work are recorded at account 627 “Factory Overhead Expenses”, and not recorded at this account.
- Account 6417 - Costs of outsourcing services: recording costs of outsourcing services for selling products, such as outsourcing costs for repairing fixed assets used directly for selling department, warehouse rent, quay rent, loading and transportation expenses for sales, commission for sales agency, for exporting consignee...
- Account 6418 - Other cash expenses: recording other cash expenses incurred is sales operation in addition to above mentioned expenses, such as expenses of entertainment in sales department, demonstration expenses of products and goods, offering expenses, expenses of customer conference.
3. Method of accounting for several major transactions
Computing salary, salary supplement, inter-shift meal expenses, computing and appropriating social insurance, medical insurance, labor union fees, unemployment insurance, other support ( life insurance, voluntary pension insurance) for employees directly served for process of selling products, goods, and rendering services, record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 334,338,...
b) Value of materials, tools served for process of selling goods, record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 152, 153, 242.
c) Deducting depreciation of fixed assets of sale department, record :
Dr 641 - Selling expenses
Cr 214 – Depreciation of fixed assets
d) Outsource water and electricity expenses, information expenses (telephone, fax,...), outsourced expenses for repairing fixed assets with inconsiderable values will be charged directly to selling expenses, record:
Dr 641 - Selling expenses
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 111, 112, 141, 331,...
dd) For cost of repairing fixed assets serving for sale
- In case method of anticipated expenses for great repair of fixed assets is used:
When anticipating expenses for great repair of fixed assets in selling expense, record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 335 - Accrued expenses (if repairs are carried out in the period but have not yet accepted or had invoice).
Cr 352 – Provision payable (If units advance repair costs for fixed assets as required for technical maintenance, periodic maintenance)
When great repair expenses of fixed assets are actually incurred, record:
Dr 335, 352
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 331, 241, 111, 112, 152,...
- In case expenses for great repairs of fixed assets are incurred just one time with great value and related to selling products, goods, services in many periods, periodically accountants include each part of great repairing costs incurred in selling expense, record :
Dr 641 - Selling expenses
Cr 242 - Prepaid expenses
a) Accounting of warranty expenses of products, goods (not including warranty of construction works):
- In case business sell goods for customers attached with warranty certificate for breakages from production errors, detected during warranty period of products, goods, business must determine every repair expenses level in warranty obligation. When determining payables provision for repair and warranty expenses of products, goods, record:
Dr 641 - Selling expenses
Cr 352 - Provision for payables
- At end of the next accounting period, business has to compute and transfer payables provision for repairs and maintenances of products, goods:
In case, provision for payables in this account period is bigger than unspent provision for payables in warranty of products, goods in last account period, then the difference between them is appropriated additionally to record in expenses, record:
Dr 641 - Selling expenses (6415)
Cr 352 - Provision for payables
In case, provision for payables in this account period is smaller than unspent provision for payables in warranty of products, goods in last account period, then the difference between them is returned to decrease expenses, record:
Dr 352 - Provision for payables
Cr 641 - Selling expenses (6415)
g) For products and goods used for promotions, advertising
- For goods purchased by businesses or products produced for promotional, advertising:
In case of delivering products, goods for promotion, advertising without charge or other conditions, such as buying products, goods, record :
Dr 641- selling expenses (cost of production, cost price of goods)
Cr 155,156.
In case of dispatching goods for promotion, advertising, but customers only receive promotional, advertising goods together with other conditions, such as buying products, goods (eg, buy 2 get 1 free....), accountants must record the value of goods for promotion, advertising, the cost price of goods sold (in this case the nature of the transaction is discount of goods sold ).
- If the enterprise trading received goods (without payment) from manufacturers, distributors for advertising, promotion for customers buying from manufacturers, distributors:
When receiving goods by the manufacturer (without payment) used for promotion, advertising for customers, distributors must monitor in detail the number of goods in their internal administrative system and explain in the note of financial statements for goods received and the number of goods used for promotion for buyers (such as goods kept).
At the end of the promotion program, if the number of unused promotional goods is not returned to the manufacturer, accountants record a value of unreturned promotional goods in other income, record:
Dr 156 - Goods (fair value)
Cr 711 - Other income.
h) For products, goods consumed internally for sales activities, based on relevant documents, accounts record :
Dr 641 - Selling expenses (6412, 6413, 6417, 6418)
Cr 155, 156 (cost of production, cost price of goods)
If declaring VAT for products, goods for internal consumption (the value of declaration shall comply with regulations of law on taxation), record :
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 3331 - payable VAT
i) In case the products, goods are used as gifts
- In case products, goods used as gifts for customers outside the enterprise are included in the cost of production and trading:
Dr 641- selling expenses (cost of production, cost price of goods)
Cr 152, 153, 155, 156.
In case of declaring output VAT, record :
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 3331 - payable VAT
- In case of products, goods used as gifts for staff and employees are covered by bonus and welfare fund :
Dr 353 - bonus and welfare fund (total settlement price)
Cr 511 – Turnover from sale and service provision
Cr 3331 - VAT payable (33311).
At the same time, recording the cost price of goods sold for the value of the products, goods, raw material used as gifts for staff and employees:
Dr 632 - Cost of goods sold
Cr 152, 153, 155, 156.
k) Payables for export consignee’s disbursement relating to export consignment products and export consignment charges, accountants will base on relating documents, record:
Dr 641 - Selling expenses
Dr 133 – Deductible VAT ( if any)
Cr 338 - Other payables (3388).
l) Sales commission which consignor must pay for consignee, record:
Dr 641 - Selling expenses
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 131 – receivable from customers
m) When decreases in selling expenses incurred, record:
Dr 111, 112,...
Cr 641 - Selling expenses.
n) At end of period, closing out selling expenses incurred to period account 911 “Income Summary”, record:
Dr 911 - “Income Summary”.
Cr 641 - Selling expenses.
Article 92. Account 642 - General administration expenses
1. Accounting Principles
This account used to record overhead costs of business including salary expenses of business’ administrative staffs (salary, wages, subsidies,...); social insurance, medical insurance, labor union expenses, unemployment insurance of administrative staff, expenses of office materials, labor instruments, depreciation of fixed assets used for administration, lease rent, licence tax, provision for bad debts, outsourced services (electricity, water, telephone, fax, assets warranty, fire and explosive accidents,...) other cash expenses (expenses of entertainment, customer conference...) .
b) General administration expenses that are not considered as business income tax expense under the provisions of the tax Law but have full invoices and have accounted in accordance with accounting policy shall not be recorded a decrease in accounting costs but only adjusted in final business income tax declaration to increase the business income tax payable.
c) Account 642 is opened in details according to specific items of expenses as regulated. Depending on management requirement of industry, account 642 can be opened additionally several sub accounts to record expenses items of business General administration expenses. At end of period, accountants closes out General administration expenses to Dr 911 “Income Summary”.
2. Structure and contents of account 642 - General administration expenses
Debit side :
- General administration expenses actually incurred in period;
- Provision for bad debts, provisions for payables (positive difference between provision for this period and unspent provision for last period);
Credit side :
- Items reduced general administration expenses;
- Returning provision for bad debts, provisions for payables (negative difference between provision for this period and unspent provision for last period);
- Transferring general administration expenses to account 911 “Income Summary”.
Account 642 does not have ending balance.
Account 642 - General administration expenses, comprises 8 sub - accounts:
- Account 6421 - Expenses of administrative staffs: Recording payables for administrative staffs, such as: salaries, subsidies, social insurance, medical insurance, labor union expenses, unemployment insurance of board of directors, administrative staffs in business departments.
- Account 6422 - expenses of administrative materials: Recording expenses of materials delivered for use in business management, such as stationery products,... materials use for repairing fixed assets), instruments, tools,... (price is plus VAT or net of VAT).
- Account 6423 - Expenses of office requisites: Used for management works (price are plus VAT or net of VAT)
- Account 6424 - Depreciation expenses of fixed assets: Recording depreciation expenses of fixed assets collectively used for business, such as: offices of departments, warehouses, architectures, means of transportation and transmittance, machinery and equipment used for management in office...
- Account 6425 - Tax, duties, fees: Recording expenses of tax, duties and fees, such as: license tax, lease rent,... and other duties and fees.
- Account 6426 - Provisions: Recording provision for bad debts, provision for payables which are charged to costs of production and trade of business.
- Account 6427 - Expenses of outsourced services: Recording expenses of outsourced services served for firm management works; purchases and use of technical documents, patents, (having not enough requisition to be recorded a fixed assets) computed by amortizing method to General administration expenses, fixed assets lease, charges paid for subs contractors.
- Account 6428 - Other explicit expenses: Recording other expenses belong to business overhead cost, in addition to above mentioned expenses, such as: expenses of conference, expenses of entertainment, traveling expenses, expenses for finale laborers...
3. Method of accounting for several major transactions
Salaries, wages, subsidies and other payables for administrative staff, appropriation of social insurance, medical insurance, labor union expenses, unemployment insurance, other support (life insurance, voluntary pension insurance…) of administrative staff, record:
Dr 642 - General administration expenses (6421)
Cr 334, 338.
Value of materials delivered for use or purchased for immediately used in business administrative, such as: gasoline, oil, grease for cars and trucks, materials used to repair common fixed assets of business, record:
Dr 642 - General administration expenses (6422)
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (If any)
Cr 152 - Raw materials, materials
Cr 111, 112, 242, 331,...
Value of tools, supplies in offices delivered for used or purchased for immediately used (not stored) for administrative staffs, are charged directly to business General administration expenses, record:
Dr 642 - General administration expenses (6423)
Dr 133 - Deductible VAT (If any)
Cr 153 - Instruments, tools
Cr 111, 112, 331,...
Fixed asset depreciation used for general administration of business, such as: Housing, Architecture works, warehouses, transmission devices,... record:
Dr 642 - General administration expenses (6424)
Cr 214 - Accumulated Depreciation
License Tax, land rent..payable for government, record :
Dr 642 - General administration expenses (6425)
Cr 333 - Tax and payables for government
Traffic fees, fees of bridge, ferry passing:
Dr 642 - General administration expenses (6425)
Cr 111, 112,….
Accounting for provision for uncollectible receivables when making financial statement :
- If the provision for uncollectible receivables set up this period is bigger than that of previous period, accountants additionally set up the difference, record :
Dr 642 - General administration expenses (6426)
Cr 229 - Provision for asset losses (2293).
- If the provision for uncollectible receivables set up this period is lower than that of previous period, accountants return the difference, record :
Dr 229 - Provision for asset losses (2293).
Cr 642 - General administration expenses (6426)
- Determining the overdue time of debts receivable determined to be uncollectible for which provisions must be set up shall be based on the time of principal repayment under the original sale contract, not be taken into account the debt rescheduling between the parties.
- Enterprises setting up provision for loan, deposit, advances ... are entitled to receive the same as for the receivables in accordance with the law.
When creating payables provision for expenses of restructuring business, payables provision, for high risk contracts and other payables provision (Excluding payables provision for warranty of products, goods, constructions), record:
Dr 642 - General administration expenses
Cr 352 - Provision for payables.
In case provisions for payables in this period is smaller than unspent payable provision for last period, then the difference will be returned to decrease expenses, record:
Dr 352 - Provision for payables.
Cr 642 - General administration expenses.
Expenses of telephone, electricity and water outsourced, one-time repair expenses of fixed assets with small value, record:
Dr 642 - General administration expenses (6427)
Dr 133 - Deductible VAT (If any)
Cr 111, 112, 331, 335,...
For costs of repairing fixed assets serving management
a) In case of using method of previously deducting great costs of repairs of fixed assets:
- When previously deducting great repair costs of fixed assets from selling expense, record :
Dr 642 - General administration expenses
Cr 335 - Accrued expenses (if the repairs are carried out in the period but have not yet accepted or had invoice).
Cr 352 - Provisions payable (If units previously deduct repair cost of fixed assets according to technical or period maintenance requirements)
- When repair cost is higher than actually incurred fixed assets, record :
Dr 335, 352.
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 331, 241, 111, 112, 152,...
b) If the repair costs of fixed assets arising once have great value and are related to management department in many periods, periodically accountants include in general administrative each part of great repair costs incurred, record:
Dr 642 - General administration expenses
Cr 242 - Prepaid expenses.
Expenses incurred from conference, entertainment, expenses for female laborers, for research, training, fees of participating associations and other expenses, record:
Dr 642 - General administration expenses (6428)
Dr 133 - Deductible VAT(If any)
Cr 111, 112, 331,...
Input VAT which not deducted must be charged to General administration expenses, record:
Dr 642 - General administration expenses
Cr 133 - Deductible VAT (1331, 1332).
In case products, goods for internal consumption are used for management purpose, record :
Dr 642 - General administration expenses
Cr 155, 156 (production cost or cost price of goods).
If declaring VAT for products, goods for internal consumption (the value declared shall comply with regulations of law on taxation), record :
Dr 133 - Deductible VAT
Cr 3331 - VAT payable.
When incurring decreases in General administration expenses, record:
Dr 111, 112,...
Cr 642 - General administration expenses.
For 100%-state-owned enterprises transferred to joint-stock companies, accountants handle uncollectible debts receivable when determining the value of the enterprises as follows:
a) For the debts receivable which have sufficient proof as prescribed of uncollection, accountants base on relevant documents such as debt remission decisions, decisions on indemnity for organizations and individuals, record:
Dr 111, 112, 331, 334 (indemnity of organizations and individuals)
Dr 229 - Provision for asset losses (2293) (provision set up)
Dr 642 – General administration expense (included in the cost)
Cr 131, 138,...
b) For the overdue receivables sold to the debt and asset trading corporate of enterprises under agreed price, depending on actual cases, accountants record a follows:
In case overdue receivables are not set up provisions for bad debts, record :
Dr 111, 112 (according to the agreed price)
Dr 642 – General administration expense (the remaining losses part)
Cr 131, 138,...
In case uncollectible receivables are set up provision but it is not enough to offset the losses, when selling debt receivables, the remaining losses are accounted for in general administration expense, record :
Dr 111, 112 (according to the agreed price)
Dr 229 - Provision for asset losses (2293) (parts set up provisioning for such overdue loans)
Dr 642 – General management expense (the remaining losses part)
Cr 131, 138...
- For amounts paid out, spent on donations and on workers who lost their jobs before the decision on equitization of enterprises and handled as uncollectible receivables by enterprise value decision agencies, record :
Dr 111, 112, 334 (indemnity of organizations and individuals)
Dr 642 - General administration expenses
Cr 353 – bonus and welfare fund
Accounting for allocation of business advantages arising from the equitization
The business advantage arising from the equitization of state-owned enterprises is recorded in account 242 - Prepaid expenses and gradually allocated within 3 years, record:
Dr 642 - General administration expenses
Cr 242 - Prepaid expenses.
At end of account period, posting General administration expenses to account 911 to determine operating results in the period, record:
Dr 911 - Income Summary
Cr 642 - General administration expenses.
Article 93. Account 711- Other income
1. Accounting principles
a) This account is used to record other income, revenues not from operating activity of business, including:
- Revenues from transferring, liquidating fixed assets;
- Difference between the fair value of assets divided from Business cooperation contract is higher than the cost of capital investment in assets under joint control;
- Different interest from revaluation of material, good, fixed assets contributed in Joint venture Capital, interest in allied companies, other long - term investments;
- Revenues from asset sales and lease operations;
- Taxes payable when selling goods or providing services, but later reduced or returned (export tax is returned, VAT, special excise tax, environmental protection tax payable is reduced later);
- Collecting contractual fine from customer;
- Collecting compensation of third parties in order to make up lost assets (eg the collection of compensated insurance, compensation for displacing business establishments and similar amounts);
- Collecting doubtful debts which have been written off;
- Collecting liabilities which creditors are not determined;
- Bonus from customers relating to consumption of good, products services which are not included in sales (if any);
- Revenues in cash or in kind from gifts donated by organization individuals;
- The value of unreturned promotional goods;
- Other Income besides above mentioned.
b) When there is a certain possibility of fines collected from breach of contract, accountants must consider the nature of fines to account in accordance with each specific case, under the following principles:
- For sellers: All fines for breach of contract collected from buyers outside the contract value are recorded in other income.
- For buyers:
Fines are essential purchase discounts, reducing payments for suppliers are accounted for as decrease in value of assets or payments (not accounted for in other income) unless the relevant assets are liquidated or sold.
For example, when the contractor delays the progress, investors are entitled to fine the contractor which allows to recover a portion of amounts paid to the contractor, such amounts are recorded a decrease the value of construction assets. However, if fines collected after the assets have been liquidated, sold, the fines are recorded in other income.
Other fines are recorded a other income in the incurred period, eg; the buyer is entitled to reject the goods and fine the seller if goods are not timely delivered as specified in the contract, fines receivables are recorded a other income when they are surely received. In case the buyer receives the goods and fines are deducted from the amount payable, the value of the goods purchased is recorded at the amount actually payable, accountants do not record fines in other income.
2. Structure and contents of account 711 - Other income
Debit side:
- VAT payable (if any) computed under direct method on Other Income of business which pay VAT under direct method.
- At end of account period, posting Other Income generated during period to Account 911 “Income Summary”
Credit side: Other income incurred during period.
Account 711 “other Income” does not have ending balance.
3. Method of accounting for several major transactions
Accounting of “other Income” generated from transferring liquidating of fixed assets:
- Recording revenues from liquidating, transferring fixed assets :
Dr 111,112,131 (total settlement price)
Cr 711 - Other Income (revenues net of VAT)
Cr 3331 - VAT payable (33311)(if any).
- Expenses incurred for transferring liquidating operations of fixed assets, record:
Dr 881 - Other expenses.
Dr 133 - Deductible VAT (If any)
Cr 111, 112, 141, 331,...(Total settlement price).
- Record: decrease cost of fixed assets liquidating or transferred
Dr 214 - Accumulated Depreciation (value of depreciation)
Dr 811 - Other expenses (Net book value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost)
Cr 213 - Intangible fixed assets (cost)
b) Accounting of “Other income generated from revaluating material, good and fixed assets which have been invested in subsidiary companies, associate companies, contributed in other long-term investments:
- When investing in subsidiary companies , joint venture, associate companies , other long-term investment under form of contributing materials, goods, which are revaluated in joint agreement between parent companies and subsidiary companies, investors and associate companies. In case this revaluation of materials goods is greater than book value of materials or good, record:
Dr 221, 222, 228 (price of revaluation)
Cr 152, 153, 155, 156 (book value)
Cr 711 - Other income (the difference between the reevaluated prices higher than the book price of materials and goods).
- When investing in subsidiary companies , joint venture, associate companies , other long-term investment under form of contributing fixed assets, which are revaluated in joint agreement between parent companies and subsidiary companies, investors and associate companies. In case this revaluation of fixed assets is greater than the net book value of fixed assets, record:
Dr 221, 222, 228 (price of revaluation)
Dr 214 - Accumulated Depreciation (value of accumulative depreciation)
Cr 211, 213 (Costs)
C<}0{>Cr 711 - Other Income (the difference between revaluation value of fixed assets higher than the net book value of fixed assets)
c) Accounting “Other Income” generated from selling and leasing fixed assets in financial lease:
- In case transactions of selling and leasing back fixed assets with price higher than net book value of fixed assets, when procedure of selling fixed assets is finished, accountants will base on invoices and relating documents, record:
Dr 111,112,131 (total settlement price)
Cr 711 - Other Income (the net book value of fixed assets sold and leased back)
Cr 3387 - Unearned revenues (Positive difference between price and net book value of fixed assets)
Cr 3331 - VAT payable.
Simultaneously, recording decrease in fixed assets:
Dr 711 - Other Income (the net book value of fixed assets sold and leased back)
Dr 214 - Accumulated Depreciation ( if any)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost of fixed assets)
- In case selling and easing back with price lower than net book value of fixed assets. When finishing procedure of selling fixed assets, account will base on invoices and other related documents, record:
Dr 111,112,131 (total settlement price)
Cr 711 - Other Income (selling price of fixed assets)
Cr 3331 - VAT payable if any).
Simultaneously, recording decrease in fixed assets:
Dr 811 - Other expenses (selling price of fixed assets)
Dr 242 - Prepaid expenses (Negative difference between selling price and net book value of fixed assets)
Dr 214 - Accumulated Depreciation ( if any)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost of fixed assets)
Entry recording leased property and liabilities of financial lease, periodical lease payments, complying with regulation at Account 212 - Financial lease fixed assets.
d) Accounting “other Income” generated from selling and lease - back transactions of operating leased fixed assets: When selling and leasing back of fixed assets, accountants will base on VAT invoices and related documents of selling fixed assets, to record selling transactions in following cases:
- If selling price is agreed on a reasonable level, then loses or profits must be recorded immediately during the period. To record revenues from fixed assets sales, record:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 711 - Other Income (selling price of fixed assets)
Cr 3331 - VAT payable if any).
Simultaneously, recording a decrease in fixed assets (as in above point c)
- If price of selling and lease - back of assets is lower than the reasonable price, but the leasing price is lower than the leasing price in market, then this loss shall not be recorded immediately, but shall be allocated gradually in accordance with lease payments during leasing assets. Base on the VAT invoices and documents related to fixed assets sales, the income from selling fixed assets, record:
Dr 111, 112,...
Cr 711 - Other Income (selling price of fixed assets)
Cr 3331 - VAT payable.
- Simultaneously, recording decrease in fixed assets as follows :
Dr 881 - Other expenses.
Dr 242 - Prepaid expenses.
Dr 214 - Accumulated Depreciation ( if any)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost of fixed assets)
- Periodically, when allocating the loss of selling and subleasing operating leased fixed assets (the difference between the selling price less than fair value) in the cost of production and trading in period in accordance with payments of lease in the time when such asset is expected to use, record :
Dr 623, 627, 641, 642
Cr 242 - Prepaid expenses.
- If price of selling and lease - back of assets is higher them reasonable price, then amount in excess of reasonable price shall not be recorded immediately as a profits during period, but shall be allocated during the entire expected useful time of that assets, and difference between reasonable value and net book value shall be recorded immediately as a profits during period.
Base on VAT invoices of fixed assets sales, record:
Dr 111, 112, 131,...
Cr 711 - Other Income (computed with reasonable value of fixed assets)
Cr 3387 - Unearned revenues(Positive difference between selling price and reasonable value of fixed assets)
Cr 3331 - VAT payable if any).
Simultaneously, recording a decrease in fixed assets sold and subleased (as in above point c)
Periodically, when allocating positive difference between selling price and fair value of fixed assets sold and subleased recorded a decrease in the cost of production and trading in period in accordance with payments of lease in the time when such asset is expected to use, record :
Dr 3387 - Unearned revenues
Cr 623, 627, 641, 642.
dd) When warranty period of construction work is over, if construction work is not guaranteed or payables provision for construction work warranty is greater than expenses actually incurred, then unspent payables provision for warranty of construction work must be returned, record:
Dr 352 - Provision for payables.
Cr 711 - Other Income
e) Recording sums received from fines
- If the fines are recorded a decrease in value of assets, record :
Dr related accounts
Cr 151, 153, 154, 156, 241, 211…
- If the fines are recorded in other income, record:
Dr related accounts
Cr 711 - Other Income
g) Recording amounts compensated by a third party (such as cash compensation insurance, compensation for displacing business establishments ...), record :
Dr 111, 112,...
Cr 711 - Other Income
- Expenses relating to handle damages in cases business has bought insurance, record:
Dr 881 - Other expenses.
Dr 133 - Deductible VAT (If any)
Cr 111, 112, 152,...
h) Accounting for uncollectible receivables which had been written off, but now have been collected:
- If having actually uncollectible receivables and must be written off, accountants will base on social insurance to write off debt, record:
Dr 229 - Provision for asset losses (2293) (provision set up)
Dr 642 - General administration expenses (If provision has not been budgeted)
Cr 131 - Customer receivable
- When collecting doubtful debts that have been written off, record :
Dr 111, 112,...
Cr 711 - Other Income
If creditor of liabilities was not identified, the debt was written off and charged to Other Income, record:
Dr 331 - Suppliers payables
Dr 338 - Other payables
Cr 711 - Other Income
k) Accounting for taxes payable when selling goods or providing services which are later returned or reduced:
- Upon receipt of the decision of the competent authority of the amount refunded or reduced, record :
Dr 3331, 3332, 3333, 33381
Cr 711 - Other Income
- When state budget returns in cash, record :
Dr 111, 112.
Cr 3331, 3332, 3333, 33381.
l) In case business is financed, donated with materials, goods, fixed assets, ..., record:
Dr 152, 156, 211,...
Cr 711 - Other Income
m) In case of transformation of business ownership (except transformation of enterprises with 100% state capital into joint-stock companies), if allowed to revaluate of enterprises at the time of transformation, for assets assessed increase, record :
Dr related accounts
Cr 711 - Other Income
n) If enterprises trading receive goods (without payment) from manufacturers, distributors for advertising, promotion for customers buying goods from manufacturers, distributors. At the end of the promotion program, if the unused promotional goods are not returned manufacturers, accountants record the value of unreturned promotional goods as other income, record :
Dr 156- Goods (equivalent value of the same type)
Cr 711 - Other Income
o) At end of account period, computing and recording VAT payable under direct method of Other Income, record:
Dr 711- Other Income
Cr 3331- VAT payable.
p) At end of period, accountants post Other Income generated during period to Account 911 “Income Summary”
Dr 711- Other Income
Cr 911 - Income Summary
Article 94. Account 811- Other expenses
1. Accounting principles
This account is used to record expenses incurred from events or operations separated from normal operation of business. Other expenses may include:
- Expenses of liquidating, transferring of fixed assets (including the bidding cost of liquidation). The sum received from the sale of bids of liquidation or sale of fixed assets is recorded a decrease in the cost of liquidation or sale of fixed assets;
- Negative difference between the fair value of assets divided from Business cooperation contract and the cost of capital investment in assets under joint control;
- Net book value of dismantled fixed assets;
- Net book value of disposals of fixed assets (if any);
- Losses from differential in revaluating materials, goods, fixed assets contributed in subsidiary companies, joint ventures, invested in associates, in other long - term investments;
- Fine payable from economic contract breach, administrative violations;
- Other expenses
b) Expenses that are not considered as expense of corporate income tax under the provisions of the law on tax but have full invoices and are accounted for in accordance with accounting policy are not recorded a decrease in accounting costs but only adjusted in final corporate income tax declaration to increase the corporate income tax payable.
2. Structure and content of account 811 - Other expenses
Debit side: Other expenses incurred.
Credit side: At end of account period, posting total other expenses incurred during period to Acc 911 “Income Summary”
Account 811 does not have ending balance.
3. Method of accounting for several major transactions
Accounting for operations of selling, liquidating of fixed assets:
- Recording other income from transferring liquidating fixed assets, record :
Dr 111, 112, 131,...
Cr 711 - Other Income
Cr 3331 - VAT payable (33311)(if any).
- Recording a decrease in fixed assets used for production and business, now are transferred, liquidated, record:
Dr 214 - Accumulated Depreciation (value of depreciation)
Dr 811 - Other expenses (Net book value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost)
Cr 213 - Intangible fixed assets (cost)
- Recording expenses incurred during period for transfer and liquidating operations of fixed assets, records :
Dr 881 - Other expenses.
Dr 133 - Deductible VAT (1331) (If any)
Cr 111, 112, 141,...
- Recording sums received from the sale bids relating to the liquidation or sale of fixed assets, record :
Dr 111, 112, 138...
Cr 881 - Other expenses.
b) When dismantling fixed assets, record :
Dr 214 - Accumulated Depreciation (value of depreciation)
Dr 811 - Other expenses (Net book value)
Cr 211 - Tangible fixed assets (cost)
Cr 213 - Intangible fixed assets (cost)
c) Accounting for other expenses incurred when revaluating materials, goods, fixed assets invested in subsidiary companies, joint-venture, associates: Comply with the provisions of accounts 221, 222, 228.
d) In case of transformation of business ownership (except transformation of 100%-state-owned enterprises into joint-stock companies), if allowed to revaluate of enterprises at the time of transformation, for assets assessed increase, record :
Dr 881 - Other expenses.
Cr related accounts
dd) Accounting for fines from economic contract breach, administrative violations, record:
Dr 881 - Other expenses.
Cr 111, 112.
Cr 333 - Tax and payables for government (3339)
Cr 338 - Other payables
e) At end of account period, transferring total other expenses incurred during period to determine operating results, record:
Dr 911 - Income Summary
Cr 881 - Other expenses.
Article 95. Account 821 - Business income tax expenses
1. Accounting principles
a) General principles
- This account is used to record income tax expenses of business, including current income tax and deferred income tax expenses incurred during year, these expenses will be based to determine operating results after tax of business in current financial year.
- Current business income tax expenses are business income taxes payables computed on taxable income during year, and current business income tax rate.
- Deferred business income tax expenses are business income taxes payables in the future, incurred from:
Recording deferred income tax payables in year;
Returning deferred business income tax expenses which were recorded in previous years.
- Revenues from deferred income tax are decrease recording deferred business income tax incurred from:
Recording deferred income tax expenses during year;
Returning of deferred income tax payables recorded in previous years.
b) Accounting principles of current business income tax expense
- Quarterly, accountants base on the business income tax form to record the income tax that enterprises temporarily pay in current business income tax expense. At the end of the fiscal year, based on the final tax declaration, if the business income tax in current year temporarily payable is less than the amount payable for that year, accountants record the business income tax payable additionally in current business income tax expense. In case the business income tax temporarily payable in current year is bigger than the amount payable for that year, accountants must record a decrease current business income tax expense which is the difference between the temporary business income tax payable in current year is bigger than the amount payable.
- In case of detection of insignificant errors related to business income taxes payable of the previous years, enterprises shall account for as increase (or decrease) of the business income tax payable of the previous years in current business income tax expenses of the year in which errors are detected.
- For significant errors, accountants make retroactive adjustment as prescribed by the Accounting Standards - "Changes in accounting policies, accounting estimates and errors".
- When preparing the financial statements, accountants must transfer the current business income tax expenses incurred to account 911 - " Income summary" to determine the post-tax profits profit in accounting period.
b) Accounting principles of deferred business income tax expense
- When preparing the financial statements, accountants must determine the deferred income tax expense under the provisions of Accounting Standards "business income tax".
- Accountants must not record in this account the deferred income tax assets or deferred income tax payable arising from the transaction recorded directly in equity.
- At the end of the period, accountants must transfer the difference between the sum incurred in debit side and that of credit side of Account 8212 - " Deferred business income tax expense " to account 911 - "Income summary".
2. Structure and content of account 821 - Business income tax expenses
General structure and content
Debit side:
- Business income tax expenses currently incurred during year;
- Current business income tax of previous years payable additionally due to detecting insignificant errors of the previous year recorded an increase in current business income tax expense of the current year;
- Deferred income taxes expenses incurred during year from recording deferred income tax payables (positive differential between deferred income tax incurred in year, and deferred income tax payables which were returned during the year).
- Recording deferred income tax expenses (positive differential between deferred business income tax which were returned in year, and deferred income tax incurred during the year).
- Posting differential between amount of Cr 8212 “Deferred income tax expenses”, which is greater than amount of Dr 8212 “Deferred income tax expenses” incurred in period, to Cr 911 “Income Summary”.
Credit side:
- Current business income tax actually paid in year which is smaller than income tax expenses temporarily payables, will be deducted from current business income tax expenses recorded during year;
- business income tax payable recorded a decrease due to detecting insignificant errors of the previous year recorded an increase in current business income tax expense of the current year;
- Decrease record of deferred business income tax expenses and recording deferred income tax asset (positive difference between deferred income tax incurred in year and deferred income tax assets returned during year).
- Decrease record of deferred income tax expenses (positive differential between deferred income tax payables which has been returned during year and deferred income tax payables induced during year);
- Transferring positive difference between current income tax induced in year, and decreasingly recorded amount income tax expenses in year, to Account 911 “Income Summary”.
- Transferring positive differential between amount at Dr 8212, and amount at Cr 8212 “Deferred business income expenses” induced in period, to Dr 911 “Income Summary”.
Account 821 “Business income tax expenses” has no ending balance
Account 821 – Business income tax expenses, comprises 2 sub - accounts:
- Account 8211 - Current business income tax expenses ;
- Account 8212 - Deferred business tax expenses
b) Structure and content of account 8211 - Current business income tax expenses
Debit side:
- Business income tax payables charged to current income tax expenses induced during year;
- Business income tax of previous years payables additionally because of detecting important errors of previous years, will be increasingly recorded in current business income expenses of present year.
Credit side:
- Current business income tax actually paid during year which is smaller than current income tax temporarily paid, will be deducted from current income tax expenses recorded in year;
- business income tax payable recorded a decrease due to detecting insignificant errors of the previous year recorded an increase in current business income tax expense of the current year;
- Transferring current business income tax expenses to Dr 911 “Income Summary”.
Account 8211 “Current business income tax expenses” has no ending balance.
c) Structure and content of account 8211 - Deferred business income tax expenses
Debit side:
- Deferred income taxes expenses incurred during year from recording deferred income tax payables (positive differential between deferred income tax incurred in year, and deferred income tax payables which were returned during the year).
- Returned amount of deferred income tax assets in previous year (which is positive differential between deferred income tax fiscal assets which was returned during year, and deferred income tax assets induced during year).
- Posting differential between amount of Cr 8212 “Deferred income tax expenses”, which is greater than amount of Dr 8212 “Deferred income tax expenses” incurred in period, to Cr 911 “Income Summary”.
Credit side:
- Decreasingly record deferred income tax expenses (positive differential between deferred income tax fiscal assets which was returned during year).
- Decrease record of deferred income tax expenses (positive differential between deferred income tax payables which has been returned during year and deferred income tax payables induced during year);
- Transferring difference between amount at Cr 8212 “Deferred business income tax expenses, which is smaller than amount at Dr 8212 “Deferred business income tax expenses” induced during period, to Dr 911 “Income Summary”.
Account 8212 “Deferred business income tax expenses” has no ending balance.
3. Method of accounting for several major transactions
a) Accounting principles of current business income tax expense
- Quarterly, when determining income tax temporarily paid complying with business income tax law, accountants record cement income tax temporarily paid for state Budget to business income tax expenses, record:
Account 8211- Current business income tax expenses;
Cr 3334 - Business income tax
When paying business income tax to state Budget, record :
Dr 3334 - Business income tax
Cr 111, 112,…
- At end of fiscal year, accountants base on business income tax actually payables under final tax declaration or the sum payable notified by tax authorities:
If income tax expenses actually payables during year are higher than temporarily paid income tax, accountants record current business income tax that business must pay additionally, record:
Account 8211- Current business income tax expenses;
Cr 3334 - Business income tax
If income tax expenses actually payables during year are lower than temporarily paid income tax, accountants record a decrease current business income tax expenses, record:
Dr 3334 - Business income tax
Cr 8211- Current business income tax expenses.
- In case detecting unimportant errors of previous years relating to income tax payables of previous years, business is allowed to adjust account an increase (or decrease) in income tax payables of previous years, to income tax expenses of year detecting errors.
In case current income tax of previous years must be paid additionally, because of unimportant error detected of previous years, and this additional tax payment is recorded an increase in current income tax expenses of present year, record:
Dr 8211- Current business income tax expenses
Cr 3334 - Business income tax
In case income tax payables is decreased because of unimportant errors in previous years, this will be recorded a decrease in current income tax expenses of present year, record:
Dr 3334 - Business income tax
Cr 8211- Current business income tax expenses.
- At end of accounting period, transferring current income tax expenses, record:
If Account 8211 has Debit amount greater than Credit amount, then the differential will be recorded a:
Dr 911 - Income Summary
Cr 8211- Current business income tax expenses.
If Account 8211 has Debit amount smaller than Credit amount, then the differential will be recorded a:
Account 8211- Current business income tax expenses;
Cr 911 - Income Summary
b) Accounting principles of deferred business income tax expense
- Deferred income taxes expenses incurred during year from recording deferred income tax payables (positive differential between deferred income tax incurred in year, and deferred income tax payables which are returned during the year).
Dr 8212 - Deferred business tax expenses
Cr 347 – deferred income tax payable.
- Deferred income tax expenses incurred during year, which results from recording deferred income tax fiscal assets recorded from previous years (which is positive differential between deferred income tax assets which returned in year and deferred income tax assets incurred during year), record:
Dr 8212 - Deferred business tax expenses
Cr 243 - Deferred business income tax assets.
- Decrease recording of deferred income tax expenses (positive differential between deferred income tax assets induced during year and deferred income tax assets).
Dr 243 - Deferred business income tax assets.
Cr 8212 - Deferred business tax expenses
- Decrease recording of deferred income tax expenses (positive differential between deferred income tax payables induced during year), record:
Dr 347 - Deferred business tax expenses payable
Cr 8212 - Deferred business tax expenses
- At end of account period, posting differential between Debit and Cr 8212 - Deferred business income tax expenses :
If Account 8212 has Debit amount greater than Credit amount, than the differential will be recorded a:
Dr 911 - Income Summary
Cr 8212 - Deferred business tax expenses
If Account 8212 has Debit amount smaller than Credit amount, then the differential will be recorded a:
Dr 8212 - Deferred business tax expenses
Cr 911 - Income Summary
Article 96. Account 911- Income summary
1. Accounting principles
This account is used to identify and record results of operating activity and other activities during an account year. Results of operating activities of business include: Results of operating activities, results of financial activities and of other activities.
- Results of operating activities is differential between net sales and cost of goods sold (including products, goods, investment properties and services, costs of construction products, costs relating to investment property business activities, such as: depreciation expenses, costs of repairs and upgrading, operating lease expenses, expenses of liquidating and liquidating investment property), selling expenses and General administration expenses.
- Results of financial activities is differential between revenues and expenses from financial activities
- Results of other activities are differential between Other Income and other expenses, and income tax expenses.
b) This account must record completely and exactly results of business activities in account period. Results of business activities must be applied of detailed accounting corresponding to every kind of activity (activities of production, processing, trade and commerce, services, finance...). In each type of business activity, detailed accounting for every kind of products, industries, services can be necessarily applied.
c) Sales and income items which are posted in this account are net sales and net income
2. Structure and contents of account 911 - Income summary
Debit side:
- Costs of products, goods, investment perpetration and services which were sold.
- Costs of financial activities, income tax expenses and other expenses;
- Selling expenses and General administration expenses;
- Profits transferred
Credit side:
- Net revenues from products, goods, investment properties and service sold in period;
- Revenues from financial activities, Other Income, and decrease record in business income tax expenses;
- Losses transferred.
Account 911 does not have ending balance.
3. Method of accounting for several major transactions
At end of account period, transferring net sales to Account “Determination of business activity”, record:
Dr 511 - Revenues from sales and rendering services
Cr 911 - Income Summary
b) Transferring costs of products, goods, services consumed in period, expenses related to investment property business activity, such as: Depreciation expenses, repair and upgrading expenses, operating lease expenses, expenses of liquidating and transferring investment property, record:
Dr 911 - Income Summary
Cr 631 - Cost of goods sold
c) At end of account period, posting revenues from financial activities and Other Income, record:
Dr 515 - Revenues from financial activities
Dr 711- Other Income
Cr 911 - Income Summary
d) At end of account period, transferring expenses of financial activities and other expenses, record:
Dr 911 - Income Summary
Cr 635 - Financial expenses
Cr 881 - Other expenses.
dd) At end of account period, posting current income tax expenses, record:
Dr 911 - Income Summary
Cr 8211- Current business income tax expenses.
e) At end of account period, posting differential between Debit amount and Credit amount of Account 8212 “Deferred business income tax expenses”
- If Account 8212 has: Debit amount greater than Credit amount, then the differential will be recorded a follows:
Dr 911 - Income Summary
Cr 8212 - Deferred business income tax expenses
- If Debit amount of 8212 is smaller than Credit amount of Account 8212, then posting the differential will be recorded a follows:
Dr 8212 - Deferred business tax expenses
Cr 911 - Income Summary
g) At end of account period, posting selling expenses incurred during period as follows:
Dr 911 - Income Summary
Cr 641 - Selling expenses
h) At end of account period, transferring General administration expenses induced during period as follows:
Dr 911 - Income Summary
Cr 642 - General administration expenses.
i) Transferring income in the period to undistributed post-tax profits:
- Transferring profits, record:
Dr 911 - Income Summary
Cr 421 - undistributed post-tax profits
- Transferring losses, record :
Dr 421 - undistributed post-tax profits
Cr 911 - Income Summary
k) Periodically, dependent cost-accounting units assigned to monitor income in the period, but not to monitor undistributed post-tax profits transfer income in the period to the superior units:
- Transferring losses, record:
Dr 911- - Income Summary
Cr 336 – Inter-company payables
- Transferring losses, record :
Dr 336 – Inter-company payables
Cr 911 - Income Summary