Nghị định 43/2014/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai
Số hiệu: | 43/2014/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 15/05/2014 | Ngày hiệu lực: | 01/07/2014 |
Ngày công báo: | 04/06/2014 | Số công báo: | Từ số 561 đến số 562 |
Lĩnh vực: | Bất động sản | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Tiếp tục thu hồi đất dự án trước 01/07/2014
Trung tuần tháng 05 vừa qua, Chính phủ đã ban hành quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai thông qua Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Theo đó, UBND tỉnh có trách nhiệm rà soát và xử lý việc thu hồi đất để thực hiện dự án đầu tư như sau:
Tiếp tục cho phép thực hiện những dự án đã có văn bản chấp thuận đầu tư hoặc thông báo thu hồi gửi đến từng người có đất bị thu hồi hay văn bản cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người có đất bị thu hồi được ban hành trước ngày 01/07/2014.
Riêng đối với những dự án thỏa điểu kiện trên nhưng không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện thì sẽ bị hủy bỏ.
Những dự án thuộc diện được phép thu hồi đất nhưng chủ đầu tư không thể thỏa thuận được với người sử dụng đất thì UBND sẽ trực tiếp thu hồi phần diện tích đó.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/07/2014 và thay thế những nghị định cũ như 181/2004/NĐ-CP, 84/2007/NĐ-CP, 88/2009/NĐ-CP ...
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai số 45/2013/QH13 (sau đây gọi là Luật Đất đai).
2. Việc quy định chi tiết một số điều, khoản của Luật Đất đai về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; giá đất; thu tiền sử dụng đất; thu tiền thuê đất, thuê mặt nước; xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai được thực hiện theo các Nghị định khác của Chính phủ.
Việc xác định loại đất đối với trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 11 của Luật Đất đai được thực hiện theo quy định sau đây:
1. Trường hợp đang sử dụng đất ổn định mà không phải do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì loại đất được xác định theo hiện trạng đang sử dụng.
2. Trường hợp sử dụng đất do lấn, chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép thì căn cứ vào nguồn gốc, quá trình quản lý, sử dụng đất để xác định loại đất.
3. Trường hợp thửa đất đang sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau (không phải là đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất) thì việc xác định loại đất được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trường hợp xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích sử dụng thì tách thửa đất theo từng mục đích và xác định mục đích theo hiện trạng sử dụng của từng thửa đất đó;
b) Trường hợp không xác định được ranh giới sử dụng giữa các mục đích thì mục đích sử dụng đất chính được xác định theo loại đất hiện trạng có mức giá cao nhất trong bảng giá do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) quy định; trường hợp sử dụng đất sau khi có quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt thì căn cứ vào quy hoạch sử dụng đất để xác định mục đích chính.
4. Trường hợp đất có nhà chung cư có mục đích hỗn hợp được xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, trong đó có một phần diện tích sàn nhà chung cư được sử dụng làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ thì mục đích sử dụng chính của phần diện tích đất xây dựng nhà chung cư được xác định là đất ở.
5. Cơ quan xác định loại đất quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp huyện) đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Trường hợp thu hồi đất thì cơ quan có thẩm quyền xác định loại đất là cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai.Bổ sung
1. Cơ quan quản lý đất đai ở địa phương bao gồm:
a) Cơ quan quản lý đất đai ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Cơ quan quản lý đất đai ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh là Phòng Tài nguyên và Môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm xây dựng tổ chức bộ máy quản lý đất đai tại địa phương; Ủy ban nhân dân cấp huyện bố trí công chức địa chính xã, phường, thị trấn bảo đảm thực hiện nhiệm vụ.Bổ sung
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ quy định cụ thể về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của cơ quan quản lý đất đai ở địa phương và nhiệm vụ của công chức địa chính xã, phường, thị trấn.
a) Văn phòng đăng ký đất đai là đơn vị sự nghiệp công trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập hoặc tổ chức lại trên cơ sở hợp nhất Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường và các Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất trực thuộc Phòng Tài nguyên và Môi trường hiện có ở địa phương; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Văn phòng đăng ký đất đai có chức năng thực hiện đăng ký đất đai và tài sản khác gắn liền với đất; xây dựng, quản lý, cập nhật, chỉnh lý thống nhất hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai; thống kê, kiểm kê đất đai; cung cấp thông tin đất đai theo quy định cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu;
b) Văn phòng đăng ký đất đai có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai được thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Văn phòng đăng ký đất đai theo quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
c) Kinh phí hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Tổ chức phát triển quỹ đất:
a) Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp công được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; có tư cách pháp nhân, có trụ sở, con dấu riêng và được mở tài khoản để hoạt động theo quy định của pháp luật; có chi nhánh tại các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh. Đối với địa phương đã có Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện thì tổ chức lại Tổ chức phát triển quỹ đất trên cơ sở hợp nhất Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh và cấp huyện hiện có.
Tổ chức phát triển quỹ đất có chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác.
b) Kinh phí hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện theo quy định của pháp luật về tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Các hoạt động dịch vụ trong lĩnh vực đất đai, bao gồm:
a) Điều tra, đánh giá đất đai; cải tạo đất;
b) Lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, lập hồ sơ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
d) Tư vấn xác định giá đất;
đ) Đấu giá quyền sử dụng đất;
e) Bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
4. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính quy định cụ thể về cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Văn phòng đăng ký đất đai, Tổ chức phát triển quỹ đất.
5. Văn phòng đăng ký đất đai và Tổ chức phát triển quỹ đất phải được thành lập hoặc tổ chức lại trước ngày 31 tháng 12 năm 2015. Trong thời gian chưa thành lập hoặc tổ chức lại các tổ chức theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất, Trung tâm phát triển quỹ đất đã thành lập được tiếp tục hoạt động theo chức năng, nhiệm vụ đã được giao.Bổ sung
1. Quỹ phát triển đất quy định tại Điều 111 của Luật Đất đai được thành lập theo quy định của pháp luật về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập hoặc được ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương trước ngày 01 tháng 01 năm 2015. Quỹ phát triển đất là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, có tư cách pháp nhân, hạch toán độc lập, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.
Đối với Quỹ phát triển đất đã thành lập trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì tiếp tục hoạt động theo quy định của Nghị định này.
2. Nguồn vốn của Quỹ phát triển đất được ngân sách nhà nước phân bổ, bố trí vào dự toán ngân sách địa phương, được cấp khi bắt đầu thành lập, bổ sung định kỳ hàng năm; huy động từ các nguồn vốn khác gồm: Vốn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ hoặc ủy thác quản lý của các tổ chức quốc tế, tổ chức và cá nhân trong nước và ngoài nước theo chương trình hoặc dự án viện trợ, tài trợ, ủy thác theo quy định của pháp luật.
Căn cứ kế hoạch sử dụng đất hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ phát triển đất khi thành lập, mức trích bổ sung cho Quỹ phát triển đất cụ thể hàng năm cho phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.
3. Quỹ phát triển đất được sử dụng để ứng vốn cho Tổ chức phát triển quỹ đất và các tổ chức khác để thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tạo quỹ đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
4. Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất; quy định việc cấp phát, hạch toán, thanh quyết toán kinh phí, huy động, sử dụng các nguồn vốn của Quỹ phát triển đất và cơ chế ủy thác cho Quỹ đầu tư phát triển, quỹ tài chính khác của địa phương đối với trường hợp không thành lập Quỹ phát triển đất theo quy định về quản lý ngân sách và quỹ tài chính của Nhà nước.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, Quy chế mẫu về quản lý, sử dụng Quỹ phát triển đất của Thủ tướng Chính phủ và các quy định khác có liên quan để quyết định thành lập hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của Quỹ phát triển đất đã được thành lập trước đây và quyết định cơ cấu tổ chức, nguồn vốn, cơ chế hoạt động của Quỹ phát triển đất cho phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại địa phương.
1. Trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đất trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia được quy định như sau:
a) Các Bộ, ngành xác định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các dự án của ngành, lĩnh vực phụ trách theo từng đơn vị hành chính cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định nhu cầu sử dụng đất của địa phương;
b) Các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi nhu cầu sử dụng đất về Bộ Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị đăng ký nhu cầu sử dụng đất;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất và dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia đến từng vùng kinh tế - xã hội và đơn vị hành chính cấp tỉnh.
2. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh:
a) Trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đất trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh:
Các sở, ngành xác định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các dự án sử dụng đất thuộc chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh theo từng đơn vị hành chính cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp huyện xác định nhu cầu sử dụng đất của địa phương.
Các sở, ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi nhu cầu sử dụng đất về Sở Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị đăng ký nhu cầu sử dụng đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp quốc gia và xác định danh mục các dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia đến từng đơn vị hành chính cấp huyện; tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất và dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh đến từng đơn vị hành chính cấp huyện.
b) Chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh gồm chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng.
Chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất do quy hoạch sử dụng đất cấp quốc gia phân bổ cho cấp tỉnh và chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất do cấp tỉnh xác định. Chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất do cấp tỉnh xác định gồm đất trồng cây lâu năm; đất trồng cây hàng năm khác; đất ở tại nông thôn; đất ở tại đô thị; đất xây dựng trụ sở cơ quan; đất xây dựng trụ sở của tổ chức sự nghiệp; đất xây dựng cơ sở ngoại giao; đất cụm công nghiệp; đất thương mại, dịch vụ; đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất sử dụng cho hoạt động khoáng sản; đất phát triển hạ tầng cấp tỉnh; đất cơ sở tôn giáo; đất làm nghĩa trang, nghĩa địa, nhà tang lễ, nhà hỏa táng.
Chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng gồm khu sản xuất nông nghiệp; khu lâm nghiệp; khu bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khu phát triển công nghiệp; khu đô thị; khu thương mại - dịch vụ; khu dân cư nông thôn.
c) Trong trường hợp cần thiết mà phải thay đổi về quy mô, địa điểm và số lượng dự án, công trình trong cùng một loại đất nhưng không làm thay đổi về chỉ tiêu và khu vực sử dụng đất theo chức năng sử dụng trong quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm trình Hội đồng nhân dân cùng cấp thông qua, chỉ đạo cập nhật vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện để tổ chức thực hiện.
3. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện:
a) Trách nhiệm xác định nhu cầu sử dụng đất trong việc lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện:
Các phòng, ban cấp huyện xác định nhu cầu sử dụng đất và đề xuất các dự án sử dụng đất thuộc danh mục chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện theo từng đơn vị hành chính cấp xã; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) xác định nhu cầu sử dụng đất của địa phương.
Các phòng, ban cấp huyện và Ủy ban nhân dân cấp xã gửi nhu cầu sử dụng đất về Phòng Tài nguyên và Môi trường trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản của Phòng Tài nguyên và Môi trường về việc đề nghị đăng ký nhu cầu sử dụng đất.
Phòng Tài nguyên và Môi trường xác định các chỉ tiêu sử dụng đất cấp tỉnh và các dự án trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh đã phân bổ cho cấp huyện đến từng đơn vị hành chính cấp xã; tổng hợp, cân đối nhu cầu sử dụng đất và dự kiến phân bổ các chỉ tiêu sử dụng đất cấp huyện đến từng đơn vị hành chính cấp xã.
b) Chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch sử dụng đất cấp huyện gồm chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất và chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng.
Chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất gồm chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất do quy hoạch sử dụng đất cấp tỉnh phân bổ cho cấp huyện và chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất do cấp huyện, cấp xã xác định. Chỉ tiêu sử dụng đất theo loại đất do cấp huyện, cấp xã xác định gồm đất nông nghiệp khác; đất sản xuất vật liệu xây dựng, làm đồ gốm; đất phát triển hạ tầng cấp huyện, cấp xã; đất sinh hoạt cộng đồng, khu vui chơi, giải trí công cộng; đất tín ngưỡng; đất sông, ngòi, kênh, rạch, suối và mặt nước chuyên dùng; đất phi nông nghiệp khác.
Chỉ tiêu sử dụng đất theo khu chức năng gồm khu vực chuyên trồng lúa nước; khu vực chuyên trồng cây công nghiệp lâu năm; khu vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; khu công nghiệp, cụm công nghiệp; khu đô thị - thương mại - dịch vụ; khu du lịch; khu ở, làng nghề, sản xuất phi nông nghiệp nông thôn.
4. Trong quá trình tổ chức lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xác định vị trí, diện tích các loại đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh quy định tại Điều 61 của Luật Đất đai tại địa phương.Bổ sung
5. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về trình tự, nội dung lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.Bổ sung
1. Hồ sơ lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và cấp huyện gồm:
a) Báo cáo tóm tắt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó có các chỉ tiêu sử dụng đất, danh mục dự án, công trình dự kiến thực hiện trong kỳ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
b) Bản đồ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
2. Báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đối với cấp quốc gia; trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh và trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện.
3. Việc lấy ý kiến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đối với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi hồ sơ lấy ý kiến về dự thảo phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm góp ý kiến và gửi về Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
b) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và hoàn thiện phương án quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trước khi trình Chính phủ phê duyệt.
1. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trường hợp cần thiết, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là khu vực chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
đ) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
e) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua; gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình phê duyệt;
g) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh.
2. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện:
a) Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trường hợp cần thiết, trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tổ chức kiểm tra, khảo sát thực địa các khu vực dự kiến chuyển mục đích sử dụng đất, đặc biệt là khu vực chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng;
d) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
đ) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến góp ý, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng để thẩm định quy hoạch sử dụng đất và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp huyện;
e) Ủy ban nhân dân cấp huyện hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch sử dụng đất; trình Hội đồng nhân dân cấp huyện thông qua; gửi hồ sơ quy hoạch sử dụng đất đến Sở Tài nguyên và Môi trường để trình phê duyệt;
g) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt quy hoạch sử dụng đất cấp huyện.
3. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều này; thẩm định, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sử dụng cấp huyện thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.
4. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện:
a) Quý III hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm của năm sau đến Sở Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, các thành viên Hội đồng thẩm định gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Sở Tài nguyên và Môi trường;
d) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày kết thúc thời gian lấy ý kiến, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng để thẩm định kế hoạch sử dụng đất; gửi thông báo kết quả thẩm định kế hoạch sử dụng đất đến Ủy ban nhân dân cấp huyện để hoàn chỉnh hồ sơ;
đ) Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp danh mục dự án cần thu hồi đất quy định tại Khoản 3 Điều 62 của Luật Đất đai để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua đồng thời với quyết định mức vốn ngân sách nhà nước cấp cho việc bồi thường, giải phóng mặt bằng tại kỳ họp cuối năm của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh;
e) Căn cứ vào hồ sơ kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được hoàn thiện và nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để phê duyệt xong trước ngày 31 tháng 12.
5. Trình tự thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an gửi hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổ chức thẩm định;
b) Trong thời hạn không quá 05 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi hồ sơ đến các thành viên của Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất để lấy ý kiến;
c) Trong thời hạn không quá 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, các thành viên Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất gửi ý kiến góp ý bằng văn bản đến Bộ Tài nguyên và Môi trường;
d) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày kết thúc thời hạn lấy ý kiến góp ý, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức họp Hội đồng thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và gửi Thông báo kết quả thẩm định quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an;
đ) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an hoàn chỉnh hồ sơ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và gửi hồ sơ đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để trình phê duyệt;
e) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ Bộ Tài nguyên và Môi trường trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất an ninh.Bổ sung
1. Tổ chức sự nghiệp, doanh nghiệp được hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau:
a) Có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
b) Có ít nhất 05 cá nhân đủ điều kiện quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Cá nhân được hành nghề tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong tổ chức có chức năng tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có năng lực hành vi dân sự;
b) Có một trong các bằng tốt nghiệp đại học, sau đại học chuyên ngành về quản lý đất đai, địa chính và các chuyên ngành khác có liên quan đến quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Có thời gian công tác trong lĩnh vực quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch chuyên ngành khác từ 24 tháng trở lên.
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện có trách nhiệm rà soát quy hoạch, kế hoạch của ngành, lĩnh vực, địa phương có sử dụng đất bảo đảm phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo, kiểm tra Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã xác định cụ thể diện tích, ranh giới đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ ngoài thực địa.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về việc bảo vệ đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ đã được xác định trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc kiểm tra thực hiện các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh và giám sát các địa phương, các Bộ, ngành trong việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
4. Trường hợp đến thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất mà các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa thực hiện hết và phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội cùng cấp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì được tiếp tục thực hiện đến khi quy hoạch sử dụng đất kỳ tiếp theo được phê duyệt nhưng trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ thời điểm kết thúc kỳ quy hoạch sử dụng đất.
1. Đối với địa phương mà quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của cấp huyện, cấp xã đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì được sử dụng để lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cấp huyện; để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất cấp huyện đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.
2. Đối với địa phương mà quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã chưa được phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì không lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã. Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, kế hoạch sử dụng đất 5 năm kỳ đầu (2011 - 2015) của cấp huyện và sản phẩm của dự án lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp xã đối với những xã đang lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được sử dụng để lập kế hoạch sử dụng đất năm 2015 cấp huyện; để điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và lập kế hoạch sử dụng đất hàng năm theo quy định của Luật Đất đai.
1. Đối với dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nhà đầu tư nước ngoài tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới, ven biển không thuộc trường hợp Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư thì trước khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh gửi văn bản xin ý kiến của các Bộ theo quy định sau đây:
a) Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao đối với khu đất sử dụng tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới;
b) Bộ Quốc phòng đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, trừ trường hợp đã xác định khu vực cấm theo quy định;
c) Bộ Công an đối với khu đất sử dụng tại xã, phường, thị trấn ven biển liền kề với khu đất sử dụng vào mục đích an ninh.
2. Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản xin ý kiến, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao có ý kiến bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trường hợp dự án quy định tại Khoản 1 Điều này có sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 58 của Luật Đất đai thì việc xin ý kiến các Bộ được thực hiện trước khi trình Thủ tướng Chính phủ.
1. Dự án có sử dụng đất phải áp dụng điều kiện quy định tại Khoản 3 Điều 58 của Luật Đất đai gồm:
a) Dự án đầu tư xây dựng nhà ở để bán hoặc để cho thuê hoặc để bán kết hợp cho thuê theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Dự án đầu tư kinh doanh bất động sản gắn với quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản;
c) Dự án sản xuất, kinh doanh không sử dụng vốn từ ngân sách nhà nước.
2. Điều kiện về năng lực tài chính để bảo đảm việc sử dụng đất theo tiến độ của dự án đầu tư được quy định như sau:
a) Có vốn thuộc sở hữu của mình để thực hiện dự án không thấp hơn 20% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất dưới 20 héc ta; không thấp hơn 15% tổng mức đầu tư đối với dự án có quy mô sử dụng đất từ 20 héc ta trở lên;
b) Có khả năng huy động vốn để thực hiện dự án từ các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức, cá nhân khác.
3. Việc xác định người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư không vi phạm quy định của pháp luật về đất đai đối với trường hợp đang sử dụng đất do Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư khác xác định theo các căn cứ sau đây:
a) Kết quả xử lý vi phạm pháp luật về đất đai đối với các dự án tại địa phương được lưu trữ tại Sở Tài nguyên và Môi trường;
b) Nội dung công bố về tình trạng vi phạm pháp luật đất đai và kết quả xử lý vi phạm pháp luật đất đai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai đối với các dự án thuộc địa phương khác.
4. Thời điểm thẩm định các điều kiện quy định tại Điều này được thực hiện đồng thời với việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư khi cấp Giấy chứng nhận đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, lập báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc chấp thuận đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất thì thời điểm thẩm định được thực hiện trước khi tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất.Bổ sung
1. Các trường hợp bất khả kháng ảnh hưởng đến tiến độ sử dụng đất của dự án đầu tư đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai, gồm:
a) Do ảnh hưởng trực tiếp của thiên tai, thảm họa môi trường;
b) Do ảnh hưởng trực tiếp của hỏa hoạn, dịch bệnh;
c) Do ảnh hưởng trực tiếp của chiến tranh;
d) Các trường hợp bất khả kháng khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Thời điểm để tính gia hạn 24 tháng đối với trường hợp không đưa đất vào sử dụng hoặc tiến độ sử dụng đất chậm được quy định như sau:
a) Trường hợp dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì cho phép chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng tính từ tháng thứ 13 kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa;
b) Trường hợp dự án đầu tư chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa thì thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng.
Trường hợp dự án được giao đất, cho thuê đất theo tiến độ thì việc gia hạn sử dụng đất 24 tháng được áp dụng đối với từng phần diện tích đất đó; thời điểm để tính gia hạn sử dụng đất 24 tháng được tính từ tháng thứ 25 kể từ thời điểm phải kết thúc việc đầu tư xây dựng trên phần diện tích đất đó.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức rà soát, xử lý và công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các dự án đầu tư không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục hoặc chậm tiến độ sử dụng đất 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; các dự án được gia hạn; các dự án chậm tiến độ sử dụng đất vì lý do bất khả kháng; cung cấp thông tin để công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Tài nguyên và Môi trường và Tổng cục Quản lý đất đai.Bổ sung
Việc sử dụng đất vào mục đích sản xuất, kinh doanh thông qua hình thức mua tài sản gắn liền với đất, nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất phải đảm bảo các nguyên tắc sau đây:
1. Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được phê duyệt và công bố.
2. Trên địa bàn không còn quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng để sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phù hợp, trừ trường hợp các dự án thuộc lĩnh vực, địa bàn khuyến khích đầu tư.
3. Trường hợp chủ đầu tư thực hiện phương thức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà phải chuyển mục đích sử dụng đất thì chỉ được thực hiện sau khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có văn bản cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp với việc sử dụng đất để sản xuất, kinh doanh.
4. Trường hợp diện tích đất thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh có phần diện tích đất mà người đang sử dụng đất không có quyền chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai thì chủ đầu tư được phép thỏa thuận mua tài sản gắn liền với đất của người đang sử dụng đất, Nhà nước thực hiện thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất và cho chủ đầu tư thuê đất để thực hiện dự án. Nội dung hợp đồng mua bán tài sản gắn liền với đất phải thể hiện rõ người bán tài sản tự nguyện trả lại đất để Nhà nước thu hồi đất và cho người mua tài sản thuê đất.Bổ sung
Việc thông báo thu hồi đất, thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất, kinh phí cưỡng chế thu hồi đất, giải quyết khiếu kiện phát sinh từ việc cưỡng chế thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thực hiện theo quy định sau đây:
1. Cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm, gồm các nội dung sau đây:
a) Lý do thu hồi đất;
b) Diện tích, vị trí khu đất thu hồi trên cơ sở hồ sơ địa chính hiện có hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt; trường hợp thu hồi đất theo tiến độ thực hiện dự án thì ghi rõ tiến độ thu hồi đất;
c) Kế hoạch điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;
d) Dự kiến về kế hoạch di chuyển và bố trí tái định cư;
đ) Giao nhiệm vụ lập, thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
2. Thông báo thu hồi đất bao gồm các nội dung quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều này.
3. Thành phần Ban thực hiện cưỡng chế thu hồi đất gồm:
a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là trưởng ban;
b) Các thành viên gồm đại diện các cơ quan tài chính, tài nguyên và môi trường, thanh tra, tư pháp, xây dựng cấp huyện; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã; tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất và một số thành viên khác do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định.
4. Lực lượng Công an căn cứ vào phương án cưỡng chế thu hồi đất để xây dựng kế hoạch bảo vệ trật tự, an toàn trong quá trình tổ chức thi hành quyết định cưỡng chế thu hồi đất.
5. Khi thực hiện cưỡng chế thu hồi đất mà người bị cưỡng chế từ chối nhận tài sản theo quy định tại Điểm c Khoản 4 Điều 71 của Luật Đất đai thì Ban thực hiện cưỡng chế giao tài sản cho Ủy ban nhân dân cấp xã bảo quản tài sản theo quy định của pháp luật.
6. Người có đất thu hồi, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền khiếu nại về việc thu hồi đất theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất, quyết định cưỡng chế thu hồi đất. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết khiếu nại có kết luận việc thu hồi đất là trái pháp luật thì phải dừng cưỡng chế nếu việc cưỡng chế chưa hoàn thành; hủy bỏ quyết định thu hồi đất đã ban hành và bồi thường thiệt hại do quyết định thu hồi đất gây ra (nếu có).
Đối với trường hợp việc thu hồi đất có liên quan đến quyền và lợi ích của tổ chức, cá nhân khác trong việc sử dụng đất theo quy định của pháp luật khác có liên quan thì Nhà nước tiến hành thu hồi đất, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định mà không phải chờ cho đến khi giải quyết xong quyền và nghĩa vụ liên quan đến việc sử dụng đất giữa người có đất thu hồi và tổ chức, cá nhân đó theo quy định của pháp luật có liên quan.Bổ sung
Các giấy tờ khác lập trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 theo quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai có tên người sử dụng đất, bao gồm:
1. Sổ mục kê đất, sổ kiến điền lập trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.
2. Một trong các giấy tờ được lập trong quá trình thực hiện đăng ký ruộng đất theo Chỉ thị số 299-TTg ngày 10 tháng 11 năm 1980 của Thủ tướng Chính phủ về công tác đo đạc, phân hạng và đăng ký thống kê ruộng đất trong cả nước do cơ quan nhà nước đang quản lý, bao gồm:
a) Biên bản xét duyệt của Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã xác định người đang sử dụng đất là hợp pháp;
b) Bản tổng hợp các trường hợp sử dụng đất hợp pháp do Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Hội đồng đăng ký ruộng đất cấp xã hoặc cơ quan quản lý đất đai cấp huyện, cấp tỉnh lập;
c) Đơn xin đăng ký quyền sử dụng ruộng đất đối với trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này.
3. Dự án hoặc danh sách hoặc văn bản về việc di dân đi xây dựng khu kinh tế mới, di dân tái định cư được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có).
5. Giấy tờ có nội dung về quyền sở hữu nhà ở, công trình; về việc xây dựng, sửa chữa nhà ở, công trình được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý nhà nước về nhà ở, xây dựng chứng nhận hoặc cho phép.
6. Giấy tờ tạm giao đất của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh; Đơn đề nghị được sử dụng đất được Ủy ban nhân dân cấp xã, hợp tác xã nông nghiệp phê duyệt, chấp thuận trước ngày 01 tháng 7 năm 1980 hoặc được Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh phê duyệt, chấp thuận.
7. Giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc giao đất cho cơ quan, tổ chức để bố trí đất cho cán bộ, công nhân viên tự làm nhà ở hoặc xây dựng nhà ở để phân (cấp) cho cán bộ, công nhân viên bằng vốn không thuộc ngân sách nhà nước hoặc do cán bộ, công nhân viên tự đóng góp xây dựng. Trường hợp xây dựng nhà ở bằng vốn ngân sách nhà nước thì phải bàn giao quỹ nhà ở đó cho cơ quan quản lý nhà ở của địa phương để quản lý, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
8. Bản sao giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và các giấy tờ quy định tại các Khoản 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp tỉnh hoặc cơ quan quản lý chuyên ngành cấp huyện, cấp tỉnh đối với trường hợp bản gốc giấy tờ này đã bị thất lạc và cơ quan nhà nước không còn lưu giữ hồ sơ quản lý việc cấp loại giấy tờ đó.Bổ sung
1. Tổ chức, cộng đồng dân cư được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai.
2. Người đang quản lý, sử dụng đất nông nghiệp thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn.
3. Người thuê, thuê lại đất của người sử dụng đất, trừ trường hợp thuê, thuê lại đất của nhà đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.
4. Người nhận khoán đất trong các nông trường, lâm trường, doanh nghiệp nông, lâm nghiệp, ban quản lý rừng phòng hộ, ban quản lý rừng đặc dụng.
5. Người đang sử dụng đất không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
6. Người sử dụng đất có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng đã có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
7. Tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp xã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất để sử dụng vào mục đích xây dựng công trình công cộng gồm đường giao thông, công trình dẫn nước, dẫn xăng, dầu, khí; đường dây truyền tải điện, truyền dẫn thông tin; khu vui chơi giải trí ngoài trời; nghĩa trang, nghĩa địa không nhằm mục đích kinh doanh.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (công nhận quyền sử dụng đất) cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai, Điều 18 của Nghị định này và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 101 của Luật Đất đai, Điều 23 của Nghị định này được thực hiện theo quy định như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không có tranh chấp sử dụng đất; việc sử dụng đất tại thời điểm nộp hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn hoặc quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt (sau đây gọi chung là quy hoạch) hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đã sử dụng đất từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức công nhận đất ở quy định tại Khoản 4 Điều 103 của Luật Đất đai (sau đây gọi là hạn mức công nhận đất ở) thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức công nhận đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Đối với thửa đất có công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp, đất thương mại, dịch vụ theo diện tích thực tế đã xây dựng công trình đó; hình thức sử dụng đất được công nhận như hình thức giao đất có thu tiền sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất là ổn định lâu dài;
c) Đối với thửa đất có cả nhà ở và công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Điểm a Khoản này; phần diện tích còn lại đã xây dựng công trình sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì được xác định là đất nông nghiệp và được công nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều này.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất có nhà ở, công trình xây dựng khác trong thời gian từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004; nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là không có tranh chấp sử dụng đất; phù hợp với quy hoạch hoặc không phù hợp với quy hoạch nhưng đất đã sử dụng từ trước thời điểm phê duyệt quy hoạch hoặc sử dụng đất tại nơi chưa có quy hoạch; chưa có thông báo hoặc quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp phải thu hồi thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Đối với thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất nhỏ hơn hoặc bằng hạn mức giao đất ở quy định tại Khoản 2 Điều 143 và Khoản 4 Điều 144 của Luật Đất đai (sau đây gọi là hạn mức giao đất ở) thì toàn bộ diện tích thửa đất được công nhận là đất ở.
Trường hợp thửa đất có nhà ở mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì diện tích đất ở được công nhận bằng hạn mức giao đất ở; trường hợp diện tích đất xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở theo diện tích thực tế đã xây dựng nhà ở và các công trình phục vụ đời sống đó;
b) Đối với thửa đất có công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp thì công nhận đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều này;
c) Đối với thửa đất có cả nhà ở và công trình xây dựng để sản xuất, thương mại, dịch vụ phi nông nghiệp mà diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức giao đất ở thì công nhận diện tích đất ở, đất cơ sở sản xuất phi nông nghiệp; đất thương mại, dịch vụ theo quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này;
d) Đối với phần diện tích đất còn lại sau khi đã được xác định theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì được xác định là đất nông nghiệp và được công nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều này.
3. Trường hợp thửa đất có nhiều hộ gia đình, cá nhân cùng sử dụng chung thì hạn mức đất ở quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này được tính bằng tổng hạn mức đất ở của các hộ gia đình, cá nhân đó.
Trường hợp một hộ gia đình, cá nhân sử dụng nhiều thửa đất có nhà ở có nguồn gốc của ông cha để lại hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất có nguồn gốc của ông cha để lại, được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đã sử dụng đất ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 và không vi phạm pháp luật đất đai thì hạn mức đất ở được xác định theo quy định đối với từng thửa đất đó.
4. Việc áp dụng quy định về hạn mức đất ở của địa phương để xác định diện tích đất ở trong các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này được thực hiện theo quy định tại thời điểm người sử dụng đất nộp hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hợp lệ.
5. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất ổn định vào mục đích thuộc nhóm đất nông nghiệp từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004, nay được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp thì được công nhận quyền sử dụng đất như sau:
a) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với diện tích đất đang sử dụng nhưng không vượt quá hạn mức giao đất nông nghiệp quy định tại Điều 129 của Luật Đất đai; diện tích đất nông nghiệp còn lại (nếu có) phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước;
b) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức thuê đất của Nhà nước đối với diện tích đất đang sử dụng; thời hạn thuê đất được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 126 và Khoản 4 Điều 210 của Luật Đất đai;
c) Đối với đất nông nghiệp trong cùng thửa đất có nhà ở, công trình xây dựng khác mà không được công nhận là đất phi nông nghiệp quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thì hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích hiện trạng đang sử dụng như trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này; nếu người sử dụng đất đề nghị chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
6. Việc thực hiện nghĩa vụ tài chính khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các trường hợp quy định tại Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật.
7. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trong các trường hợp quy định tại các Khoản 1, 2 và 5 Điều này mà không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì được tạm thời sử dụng đất theo hiện trạng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định.
1. Sử dụng đất ổn định là việc sử dụng đất liên tục vào một mục đích chính nhất định kể từ thời điểm bắt đầu sử dụng đất vào mục đích đó đến thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất hoặc đến thời điểm quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với trường hợp chưa cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận).
2. Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định căn cứ vào thời gian và nội dung có liên quan đến mục đích sử dụng đất ghi trên một trong các giấy tờ sau đây:
a) Biên lai nộp thuế sử dụng đất nông nghiệp, thuế nhà đất;
b) Biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc sử dụng đất, biên bản hoặc quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong việc xây dựng công trình gắn liền với đất;
c) Quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân đã có hiệu lực thi hành, quyết định thi hành bản án của cơ quan Thi hành án đã được thi hành về tài sản gắn liền với đất;
d) Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực thi hành; biên bản hòa giải tranh chấp đất đai có chữ ký của các bên và xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
đ) Quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền có liên quan đến việc sử dụng đất;
e) Giấy tờ về đăng ký hộ khẩu thường trú, tạm trú dài hạn tại nhà ở gắn với đất ở; Giấy chứng minh nhân dân hoặc Giấy khai sinh, giấy tờ nộp tiền điện, nước và các khoản nộp khác có ghi địa chỉ nhà ở tại thửa đất đăng ký;
g) Giấy tờ về việc giao, phân, cấp nhà hoặc đất của cơ quan, tổ chức được Nhà nước giao quản lý, sử dụng đất;
h) Giấy tờ về mua bán nhà, tài sản khác gắn liền với đất hoặc giấy tờ về mua bán đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất có chữ ký của các bên liên quan;
i) Bản đồ, sổ mục kê, tài liệu điều tra, đo đạc về đất đai qua các thời kỳ;
k) Bản kê khai đăng ký nhà, đất có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã tại thời điểm kê khai đăng ký.
3. Trường hợp thời điểm sử dụng đất thể hiện trên các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này có sự không thống nhất thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được xác định theo giấy tờ có ghi ngày tháng năm sử dụng đất sớm nhất.
4. Trường hợp không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều này hoặc trên giấy tờ đó không ghi rõ thời điểm xác lập giấy tờ và mục đích sử dụng đất thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất và mục đích sử dụng đất trên cơ sở thu thập ý kiến của những người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất của người có yêu cầu xác nhận trong khu dân cư (thôn, làng, ấp, bản, buôn, phum, sóc, tổ dân phố) nơi có đất.
1. Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng sau khi Nhà nước đã công bố, cắm mốc hành lang bảo vệ hoặc lấn, chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè sau khi Nhà nước đã công bố chỉ giới xây dựng hoặc lấn, chiếm đất sử dụng cho mục đích xây dựng trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp, công trình công cộng khác thì Nhà nước thu hồi đất để trả lại cho công trình mà không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã lấn, chiếm.
Trường hợp đã có điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà nay diện tích đất lấn, chiếm không còn thuộc hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng; không thuộc chỉ giới xây dựng đường giao thông; không có mục đích sử dụng cho trụ sở cơ quan, công trình sự nghiệp và công trình công cộng khác thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp sử dụng đất lấn, chiếm đã được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất cho các nông trường, lâm trường quốc doanh, Ban quản lý rừng, trung tâm, trạm, trại, công ty nông nghiệp, lâm nghiệp thì thực hiện xử lý theo quy định như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao cho Ban quản lý rừng quản lý, sử dụng đất. Người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Ban quản lý rừng xem xét giao khoán bảo vệ, phát triển rừng theo quy định của pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng.
Trường hợp không có Ban quản lý rừng thì người đang sử dụng đất lấn, chiếm được Nhà nước giao đất để sử dụng vào mục đích bảo vệ, phát triển rừng phòng hộ và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Trường hợp đang sử dụng diện tích đất lấn, chiếm thuộc quy hoạch sử dụng đất cho mục đích xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thu hồi đất đã lấn, chiếm để giao đất cho chủ đầu tư khi triển khai xây dựng công trình đó.
Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất nhưng phải giữ nguyên hiện trạng sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;
c) Trường hợp lấn, chiếm đất và nay đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp hoặc làm nhà ở và không thuộc quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, xây dựng công trình hạ tầng công cộng thì người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp lấn, chiếm đất kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp và hiện nay diện tích đất này vẫn được xác định giao cho nông trường, lâm trường quản lý, sử dụng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi đất lấn, chiếm để trả lại cho nông trường, lâm trường.
3. Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng hoặc tự ý chuyển mục đích sử dụng đất thuộc trường hợp phải xin phép theo quy định của pháp luật về đất đai mà chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép thì thực hiện xử lý như sau:
a) Trường hợp đang sử dụng đất thuộc quy hoạch sử dụng đất cho các mục đích quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì Nhà nước thu hồi đất trước khi thực hiện dự án, công trình đó.
Người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất, nhưng phải giữ nguyên hiện trạng đang sử dụng đất và phải kê khai đăng ký đất đai theo quy định;
b) Trường hợp đang sử dụng đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất; người đang sử dụng đất được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
4. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất nông nghiệp do tự khai hoang mà đất đó phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền duyệt, không có tranh chấp thì được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất theo hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; nếu vượt hạn mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định thì diện tích vượt hạn mức phải chuyển sang thuê.
5. Người đang sử dụng đất ổn định trong các trường hợp quy định tại Khoản 1, Điểm a và Điểm c Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này mà không có tranh chấp thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định như sau:
a) Trường hợp thửa đất có nhà ở thì diện tích đất ở được công nhận theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;
b) Trường hợp thửa đất có công trình xây dựng không phải là nhà ở thì được công nhận theo quy định tại Điểm b Khoản 1 và Điểm b Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này;
c) Đối với phần diện tích đất đang sử dụng được xác định là đất nông nghiệp thì được công nhận quyền sử dụng đất theo chế độ như quy định đối với trường hợp tại Khoản 5 Điều 20 của Nghị định này;
d) Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
1. Đất giao không đúng thẩm quyền cho hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều này bao gồm các trường hợp người đứng đầu điểm dân cư giao đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã giao đất không đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai qua các thời kỳ; tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng nhưng đã tự phân phối, bố trí cho cán bộ, công nhân viên, xã viên để sử dụng làm nhà ở và các mục đích khác.
2. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất đã được giao theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 của Nghị định này.
3. Trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền đã được sử dụng ổn định từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này.
Trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở hoặc công trình xây dựng khác thì diện tích còn lại không có nhà ở, công trình xây dựng được xác định là đất nông nghiệp theo hiện trạng đang sử dụng, nếu người sử dụng đất đề nghị được chuyển sang sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp thì phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
4. Người sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
5. Nhà nước không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và thu hồi toàn bộ diện tích đất đã giao, cho thuê không đúng thẩm quyền kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014 trở về sau.Bổ sung
1. Đất vườn, ao quy định tại Điều 103 của Luật Đất đai áp dụng đối với trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở, kể cả thửa đất trong và ngoài khu dân cư thuộc các trường hợp sau:
a) Thửa đất hiện đang có nhà ở và vườn, ao;
b) Thửa đất mà trên giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này có thể hiện nhà ở và vườn, ao nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở.
2. Loại giấy tờ làm căn cứ xác định diện tích đất ở theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai là giấy tờ có thể hiện một hoặc nhiều mục đích nhưng trong đó có mục đích để làm nhà ở, đất ở hoặc thổ cư.
3. Trường hợp thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở được hình thành trước ngày 18 tháng 12 năm 1980, người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong giấy tờ đó chưa xác định rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được công nhận không phải nộp tiền sử dụng đất bằng diện tích thực tế của thửa đất đối với trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn 05 lần hạn mức giao đất ở, bằng 05 lần hạn mức giao đất ở đối với trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn 05 lần hạn mức giao đất ở theo quy định của Luật Đất đai.
4. Phần diện tích đất còn lại sau khi đã xác định diện tích đất ở quy định tại Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều này, hiện đang là vườn, ao mà người sử dụng đất đề nghị được công nhận là đất ở hoặc đất phi nông nghiệp khác thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo mục đích đó và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
5. Diện tích đất ở của hộ gia đình, cá nhân trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 được xác định như sau:
a) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng thửa đất có vườn, ao gắn liền với nhà ở đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì diện tích đất ở được xác định là diện tích ghi trên Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Trường hợp tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận trước đây mà người sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này nhưng diện tích đất ở chưa được xác định theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai, Khoản 3 Điều này và chưa được xác định lại theo quy định tại Điểm b và Điểm c Khoản 1 Điều 45 của Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003, nay người sử dụng đất có đơn đề nghị xác định lại diện tích đất ở hoặc khi Nhà nước thu hồi đất thì diện tích đất ở được xác định lại theo quy định tại các Khoản 2, 3 và 4 Điều 103 của Luật Đất đai và Khoản 3 Điều này; hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất, được bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất đối với diện tích đã được xác định lại là đất ở.Bổ sung
1. Tổ chức trong nước đang sử dụng đất mà chưa được cấp Giấy chứng nhận phải tự rà soát, kê khai hiện trạng sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất.
2. Trên cơ sở báo cáo hiện trạng sử dụng đất của tổ chức, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế sử dụng đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất của tổ chức đang sử dụng đúng mục đích thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định hình thức sử dụng đất theo quy định của pháp luật và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp sử dụng đất không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì thực hiện theo hình thức sử dụng đất quy định tại các Điều 54, 55 và 56 của Luật Đất đai, đất xây dựng trụ sở của tổ chức xã hội - nghề nghiệp thực hiện theo hình thức sử dụng đất quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai;
b) Thời hạn sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điểm a Khoản này đối với trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì được xác định theo giấy tờ đó. Trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà trong giấy tờ không ghi thời hạn sử dụng đất hoặc có ghi thời hạn sử dụng đất nhưng không phù hợp với quy định của pháp luật về đất đai thì thời hạn sử dụng đất được xác định theo quy định tại Điều 126 của Luật Đất đai và được tính từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đối với trường hợp sử dụng đất trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, được tính từ ngày có quyết định giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp sử dụng đất từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 trở về sau;
c) Diện tích đất sử dụng không đúng mục đích, diện tích đất do thiếu trách nhiệm để bị lấn, bị chiếm; diện tích đất đã cho các tổ chức khác, hộ gia đình, cá nhân thuê hoặc mượn sử dụng; diện tích đất đã liên doanh, liên kết trái pháp luật; diện tích đất không được sử dụng đã quá 12 tháng hoặc tiến độ sử dụng chậm đã quá 24 tháng thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định xử lý theo quy định của pháp luật;
d) Diện tích đất của tổ chức đã bố trí cho hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của tổ chức làm nhà ở thì phải bàn giao cho Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất quản lý; trường hợp đất ở đang sử dụng phù hợp với quy hoạch thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người đang sử dụng và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
đ) Diện tích đất đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết dứt điểm để xác định người sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
1. Đất giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư nông thôn mà trong dự án xác định có nhiều hạng mục công trình hoặc nhiều phần diện tích đất có mục đích sử dụng đất khác nhau theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai thì phải xác định rõ vị trí, diện tích theo từng mục đích sử dụng đất và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định như sau:
a) Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện đối với từng thửa đất sử dụng vào mỗi mục đích, phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Đối với phần diện tích đất sử dụng cho mục đích xây dựng công trình công cộng phục vụ cho lợi ích chung của cộng đồng trong và ngoài khu đô thị, khu dân cư nông thôn theo dự án đầu tư và quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì bàn giao cho địa phương quản lý mà không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Đất giao cho chủ đầu tư để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh gồm nhiều phần diện tích đất có mục đích sử dụng khác nhau thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho chủ đầu tư đối với toàn bộ diện tích đất đó, trong đó thể hiện rõ vị trí, diện tích đất của từng mục đích sử dụng đất theo quy định tại Điều 10 của Luật Đất đai. Trường hợp chủ đầu tư có nhu cầu thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng thửa đất sử dụng vào mỗi mục đích theo quy định của pháp luật về đất đai, phù hợp với quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được xếp hạng hoặc được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định bảo vệ thực hiện theo quy định sau đây:
1. Đất có di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh độc lập do cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho cơ quan, tổ chức, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân đó.
2. Trường hợp di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh là một khu vực có nhiều người sử dụng đất, có nhiều loại đất khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho từng người sử dụng, từng loại đất trong khu vực đó. Người sử dụng đất phải tuân theo các quy định về bảo vệ di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh.
1. Cơ sở tôn giáo đang sử dụng đất có chùa, nhà thờ, thánh thất, thánh đường, tu viện, trường đào tạo riêng của tôn giáo, trụ sở của tổ chức tôn giáo và các cơ sở khác của tôn giáo được Nhà nước cho phép hoạt động mà chưa được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải tự rà soát, kê khai việc sử dụng đất và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh theo các nội dung sau đây:
a) Tổng diện tích đất đang sử dụng;
b) Diện tích đất cơ sở tôn giáo phân theo từng nguồn gốc: Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao; nhận chuyển nhượng; nhận tặng cho; mượn của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tự tạo lập; nguồn gốc khác;
c) Diện tích đất mà cơ sở tôn giáo đã cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mượn, ở nhờ, thuê;
d) Diện tích đất đã bị người khác lấn, chiếm.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất kiểm tra thực tế, xác định ranh giới cụ thể của thửa đất và quyết định xử lý theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng ổn định trước ngày 15 tháng 10 năm 1993 thì căn cứ vào nhu cầu sử dụng đất của cơ sở tôn giáo và tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó để giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi về sử dụng đất của các bên phù hợp với thực tế;
b) Diện tích đất mà tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì giải quyết như đối với trường hợp hộ gia đình, cá nhân mượn đất, thuê đất của hộ gia đình, cá nhân khác theo quy định của pháp luật đất đai;
c) Diện tích đất mở rộng cơ sở tôn giáo mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép; bị lấn, bị chiếm; đang có tranh chấp thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giải quyết dứt điểm theo quy định của pháp luật.
3. Diện tích đất của cơ sở tôn giáo sau khi đã xử lý theo quy định tại Khoản 2 Điều này và có đủ điều kiện quy định tại Khoản 4 Điều 102 của Luật Đất đai thì cơ sở tôn giáo được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất với thời hạn sử dụng đất ổn định lâu dài.
Trường hợp đất do cơ sở tôn giáo đang sử dụng vào mục đích sản xuất nông nghiệp, sản xuất lâm nghiệp, sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp, làm cơ sở hoạt động từ thiện (kể cả trường hợp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho trước ngày 01 tháng 7 năm 2004) thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo hình thức và thời hạn sử dụng đất tương ứng với mục đích đó như đối với hộ gia đình, cá nhân.
1. Thửa đất đang sử dụng được hình thành từ trước ngày văn bản quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về diện tích tối thiểu được tách thửa có hiệu lực thi hành mà diện tích thửa đất nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nhưng có đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người đang sử dụng đất được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Không được công chứng, chứng thực, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không được làm thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất đối với trường hợp tự chia tách thửa đất đã đăng ký, đã được cấp Giấy chứng nhận thành hai hoặc nhiều thửa đất mà trong đó có ít nhất một thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Trường hợp người sử dụng đất xin tách thửa đất thành thửa đất có diện tích nhỏ hơn diện tích tối thiểu đồng thời với việc xin được hợp thửa đất đó với thửa đất khác liền kề để tạo thành thửa đất mới có diện tích bằng hoặc lớn hơn diện tích tối thiểu được tách thửa thì được phép tách thửa đồng thời với việc hợp thửa và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho thửa đất mới.
1. Trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn nhưng cùng thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của một cơ quan thì cấp một Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất; trong đó phải xác định từng phần diện tích thuộc phạm vi từng đơn vị hành chính cấp xã.
2. Trường hợp sử dụng đất thuộc phạm vi nhiều xã, phường, thị trấn thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của các cơ quan khác nhau thì cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo từng thửa đất thuộc thẩm quyền của từng cơ quan cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Chủ sở hữu nhà ở thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở theo quy định của pháp luật về nhà ở và có giấy tờ chứng minh việc tạo lập hợp pháp về nhà ở thì được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân trong nước phải có một trong các loại giấy tờ sau:
a) Giấy phép xây dựng nhà ở đối với trường hợp phải xin giấy phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp nhà ở đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước theo quy định tại Nghị định số 61/CP ngày 05 tháng 7 năm 1994 của Chính phủ về mua bán và kinh doanh nhà ở hoặc giấy tờ về thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu nhà nước từ trước ngày 05 tháng 7 năm 1994;
c) Giấy tờ về giao hoặc tặng nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đại đoàn kết;
d) Giấy tờ về sở hữu nhà ở do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ mà nhà đất đó không thuộc diện Nhà nước xác lập sở hữu toàn dân theo quy định tại Nghị quyết số 23/2003/QH11 ngày 26 tháng 11 năm 2003 của Quốc hội khóa XI về nhà đất do Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng trong quá trình thực hiện các chính sách về quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991, Nghị quyết số 755/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02 tháng 4 năm 2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định việc giải quyết đối với một số trường hợp cụ thể về nhà đất trong quá trình thực hiện các chính sách quản lý nhà đất và chính sách cải tạo xã hội chủ nghĩa trước ngày 01 tháng 7 năm 1991;
đ) Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc đổi hoặc nhận thừa kế nhà ở đã có chứng nhận của công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Trường hợp nhà ở do mua của doanh nghiệp đầu tư xây dựng để bán thì phải có hợp đồng mua bán nhà ở do hai bên ký kết;
e) Bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp luật;
g) Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ về mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 có chữ ký của các bên có liên quan và phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận; trường hợp nhà ở do mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế nhà ở đó.
Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu nhà ở có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này mà hiện trạng nhà ở không phù hợp với giấy tờ đó thì phần nhà ở không phù hợp với giấy tờ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận như quy định tại Điểm h Khoản này;
h) Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản này thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006, được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn theo quy định của pháp luật. Trường hợp nhà ở hoàn thành xây dựng kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2006 trở về sau thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về nhà ở không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp nhà ở xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2006; trường hợp nhà ở thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở đó.
2. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam phải có các giấy tờ sau:
a) Giấy tờ về mua bán hoặc nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật về nhà ở;
b) Một trong các giấy tờ của bên chuyển quyền quy định tại Khoản 1 và Khoản 3 Điều này.
3. Tổ chức trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài phải có giấy tờ theo quy định sau:
a) Trường hợp đầu tư xây dựng nhà ở để kinh doanh thì phải có một trong những giấy tờ về dự án phát triển nhà ở để kinh doanh (quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư);
b) Trường hợp mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở hoặc được sở hữu nhà ở thông qua hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có giấy tờ về giao dịch đó theo quy định của pháp luật về nhà ở;
c) Trường hợp nhà ở đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (nếu có).
4. Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là người sử dụng đất ở thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu nhà ở theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này, phải có hợp đồng thuê đất hoặc hợp đồng góp vốn hoặc hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng nhà ở đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định sau đây:
1. Hộ gia đình, cá nhân trong nước, cộng đồng dân cư phải có một trong các loại giấy tờ sau:
a) Giấy phép xây dựng công trình đối với trường hợp phải xin phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng.
Trường hợp công trình đã xây dựng không đúng với giấy phép xây dựng được cấp thì phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy phép không ảnh hưởng đến an toàn công trình và nay phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt;
b) Giấy tờ về sở hữu công trình xây dựng do cơ quan có thẩm quyền cấp qua các thời kỳ, trừ trường hợp Nhà nước đã quản lý, bố trí sử dụng;
c) Giấy tờ mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế công trình xây dựng theo quy định của pháp luật đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;
d) Giấy tờ của Tòa án nhân dân hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu công trình xây dựng đã có hiệu lực pháp luật;
đ) Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này mà trên giấy tờ đó ghi tên người khác thì phải có một trong các giấy tờ mua bán, tặng cho, đổi, thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 có chữ ký của các bên có liên quan và được Ủy ban nhân dân từ cấp xã trở lên xác nhận; trường hợp mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không có giấy tờ về việc đã mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế có chữ ký của các bên có liên quan thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận vào đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất về thời điểm mua, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế công trình xây dựng đó.
Trường hợp người đề nghị chứng nhận quyền sở hữu công trình có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c, và d Khoản này mà hiện trạng công trình không phù hợp với giấy tờ đó thì phần công trình không phù hợp với giấy tờ phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận như quy định tại Điểm e Khoản này;
e) Trường hợp cá nhân trong nước không có một trong những giấy tờ quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản này thì phải được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận công trình đã hoàn thành xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và công trình được xây dựng trước khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng hoặc phải phù hợp quy hoạch đối với trường hợp xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng.
Trường hợp công trình hoàn thành xây dựng từ ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì phải có giấy tờ xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về công trình xây dựng không thuộc trường hợp phải xin giấy phép xây dựng và đáp ứng điều kiện về quy hoạch như trường hợp xây dựng trước ngày 01 tháng 7 năm 2004; trường hợp công trình thuộc đối tượng phải xin phép xây dựng mà không xin phép thì phải có giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại công trình đó.
2. Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải có giấy tờ theo quy định sau:
a) Trường hợp tạo lập công trình xây dựng thông qua đầu tư xây dựng mới theo quy định của pháp luật thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai hoặc hợp đồng thuê đất với người sử dụng đất có mục đích sử dụng đất phù hợp với mục đích xây dựng công trình;
b) Trường hợp tạo lập công trình xây dựng bằng một trong các hình thức mua bán, nhận tặng cho, đổi, nhận thừa kế hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật thì phải có văn bản về giao dịch đó theo quy định của pháp luật;
c) Trường hợp không có một trong những giấy tờ quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì phải được cơ quan quản lý về xây dựng cấp tỉnh xác nhận công trình xây dựng tồn tại trước khi có quy hoạch xây dựng mà nay vẫn phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Trường hợp công trình đã xây dựng không phù hợp với giấy tờ quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì phần diện tích công trình không phù hợp với giấy tờ phải được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng kiểm tra, xác nhận diện tích xây dựng không đúng giấy tờ không ảnh hưởng đến an toàn công trình và phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.
3. Trường hợp chủ sở hữu công trình xây dựng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ chứng minh về quyền sở hữu công trình theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, phải có văn bản chấp thuận của người sử dụng đất đồng ý cho xây dựng công trình đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.Bổ sung
Chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng mà vốn để trồng rừng, tiền đã trả cho việc nhận chuyển nhượng rừng hoặc tiền nộp cho Nhà nước khi được giao rừng có thu tiền không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và có một trong các giấy tờ sau đây thì được chứng nhận quyền sở hữu:
1. Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng rừng sản xuất;
2. Giấy tờ về giao rừng sản xuất là rừng trồng;
3. Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với rừng sản xuất là rừng trồng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật;
4. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng đã có hiệu lực pháp luật;
5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này mà đã trồng rừng sản xuất bằng vốn của mình thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
6. Đối với tổ chức trong nước thực hiện dự án trồng rừng sản xuất bằng nguồn vốn không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
7. Đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án trồng rừng sản xuất thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư để trồng rừng sản xuất theo quy định của pháp luật về đầu tư;
8. Trường hợp chủ sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng rừng đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Chủ sở hữu cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu khi có một trong các giấy tờ sau:
1. Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để trồng cây lâu năm phù hợp với mục đích sử dụng đất ghi trên giấy tờ đó;
2. Hợp đồng hoặc văn bản về việc mua bán hoặc tặng cho hoặc thừa kế đối với cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định;
3. Bản án, quyết định của Tòa án nhân dân hoặc giấy tờ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu cây lâu năm đã có hiệu lực pháp luật;
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai;
5. Đối với tổ chức trong nước thì phải có quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư để trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật về đầu tư;
6. Trường hợp chủ sở hữu cây lâu năm không đồng thời là người sử dụng đất thì ngoài giấy tờ theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này, phải có văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
7. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu.
Tài sản gắn liền với đất không được chứng nhận quyền sở hữu khi thuộc một trong các trường hợp sau:
1. Tài sản gắn liền với đất mà thửa đất có tài sản đó không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị định này;
2. Nhà ở hoặc công trình xây dựng khác được xây dựng tạm thời trong thời gian xây dựng công trình chính hoặc xây dựng bằng vật liệu tranh tre, nứa, lá, đất; công trình phụ trợ nằm ngoài phạm vi công trình chính và để phục vụ cho việc quản lý, sử dụng, vận hành công trình chính;
3. Tài sản gắn liền với đất đã có thông báo hoặc quyết định giải tỏa, phá dỡ hoặc đã có thông báo, quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
4. Nhà ở, công trình được xây dựng sau thời điểm công bố cấm xây dựng; xây dựng lấn, chiếm mốc giới bảo vệ các công trình hạ tầng kỹ thuật, di tích lịch sử văn hóa đã xếp hạng; tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau thời điểm quy hoạch được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mà tài sản được tạo lập đó không phù hợp với quy hoạch được duyệt tại thời điểm cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
5. Tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước, trừ trường hợp tài sản đã được xác định là phần vốn của Nhà nước đóng góp vào doanh nghiệp theo hướng dẫn của Bộ Tài chính;
6. Tài sản gắn liền với đất không thuộc trường hợp được chứng nhận quyền sở hữu theo quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này;
7. Tài sản tạo lập do chuyển mục đích sử dụng đất trái phép.
Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà trước đây cơ quan nhà nước đã có quyết định quản lý đối với đất đai, tài sản đó trong quá trình thực hiện chính sách của Nhà nước nhưng thực tế Nhà nước chưa thực hiện quyết định thì người đang sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất được tiếp tục sử dụng và được xem xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật.
1. Đối với địa phương đã thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đã được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, trong các trường hợp sau:
a) Khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản thực hiện các quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng.
2. Đối với địa phương chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai theo quy định tại Khoản 1 Điều 5 của Nghị định này thì việc cấp Giấy chứng nhận cho các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này thực hiện như sau:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho tổ chức, cơ sở tôn giáo; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư; tổ chức, cá nhân nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài;
b) Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.Bổ sung
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về các trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất khi thực hiện đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất và việc xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp.
1. Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất có nguồn gốc do được Nhà nước giao đất ổn định lâu dài để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng theo quy định của pháp luật đất đai trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 thì được tiếp tục sử dụng đất ổn định lâu dài.
2. Tổ chức kinh tế đang sử dụng đất có nguồn gốc trúng đấu giá quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 mà không xác định thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất ổn định lâu dài.Bổ sung
1. Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được nhận chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất của doanh nghiệp đang sử dụng đất có nguồn gốc được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền một lần cho cả thời gian thuê mà giá trị quyền sử dụng đất đã được vốn hóa vào vốn của doanh nghiệp, trừ trường hợp chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp.
2. Doanh nghiệp, các thành viên là chủ sở hữu doanh nghiệp khi chuyển nhượng vốn đầu tư phải xác định phần vốn là giá trị quyền sử dụng đất trong tổng giá trị vốn chuyển nhượng và phải thực hiện nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.Bổ sung
1. Hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước chỉ được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất sau 10 năm kể từ ngày có quyết định giao đất nếu được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận không còn nhu cầu sử dụng do chuyển khỏi địa bàn xã, phường, thị trấn nơi cư trú để đến nơi khác hoặc do chuyển sang làm nghề khác hoặc không còn khả năng lao động.
2. Tổ chức, cá nhân không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân đồng bào dân tộc thiểu số sử dụng đất do được Nhà nước giao đất theo chính sách hỗ trợ của Nhà nước mà không thuộc trường hợp được chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 1 Điều này.
1. Điều kiện dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền, bao gồm:
a) Phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện;
b) Chủ đầu tư dự án phải hoàn thành việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng gồm các công trình dịch vụ, công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đã được phê duyệt; đảm bảo kết nối với hệ thống hạ tầng chung của khu vực trước khi thực hiện việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho người dân tự xây dựng nhà ở; đảm bảo cung cấp các dịch vụ thiết yếu gồm cấp điện, cấp nước, thoát nước, thu gom rác thải;
c) Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);
d) Dự án thuộc khu vực, loại đô thị được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền quy định tại Khoản 2 Điều này.
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được chuyển nhượng quyền sử dụng đất dưới hình thức phân lô, bán nền tại các khu vực không nằm trong địa bàn các quận nội thành của các đô thị loại đặc biệt; khu vực có yêu cầu cao về kiến trúc cảnh quan, khu vực trung tâm và xung quanh các công trình là điểm nhấn kiến trúc trong đô thị; mặt tiền các tuyến đường cấp khu vực trở lên và các tuyến đường cảnh quan chính trong đô thị.
3. Hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở phải thực hiện việc xây dựng nhà ở theo đúng giấy phép xây dựng, tuân thủ quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị đã được phê duyệt.
4. Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
Việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải bảo đảm các điều kiện sau đây:
1. Có đủ các điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai;
2. Chủ đầu tư phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính liên quan đến đất đai của dự án gồm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; thuế, phí, lệ phí liên quan đến đất đai (nếu có);
3. Người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất gắn với chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ dự án đầu tư xây dựng kinh doanh nhà ở phải có ngành nghề kinh doanh phù hợp, phải đáp ứng các điều kiện theo quy định tại Điều 58 của Luật Đất đai, Điều 13 và Điều 14 của Nghị định này.Bổ sung
1. Doanh nghiệp nhà nước đang sử dụng đất do được Nhà nước giao, cho thuê mà thực hiện cổ phần hóa thì doanh nghiệp cổ phần hóa được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 4 Điều 55 của Luật Đất đai, cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê theo quy định tại Điều 56 của Luật Đất đai.
2. Việc xử lý giá trị quyền sử dụng đất khi cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của Chính phủ về cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước nhưng phải đảm bảo nguyên tắc giá đất để xác định giá trị quyền sử dụng đất là giá đất cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định theo quy định tại Khoản 3 và Điểm d Khoản 4 Điều 114 của Luật Đất đai.
3. Khi cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát lại quỹ đất doanh nghiệp đang sử dụng, xử lý và cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định tại Điều 102 của Luật Đất đai và Điều 25 của Nghị định này.Bổ sung
Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được áp dụng đối với các hình thức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, xử lý nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, cụ thể như sau:
1. Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối:
a) Không quá 30 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long;
b) Không quá 20 héc ta cho mỗi loại đất đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.
2. Đất trồng cây lâu năm:
a) Không quá 100 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;
b) Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
3. Đất rừng sản xuất là rừng trồng:
a) Không quá 150 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;
b) Không quá 300 héc ta đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.
4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) bằng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cao nhất.
5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thủy sản và đất làm muối) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân đó được xác định theo từng loại đất quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này.
6. Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2007 thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền.
7. Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 5 của Điều này mà đã đăng ký chuyển quyền sử dụng đất từ ngày 01 tháng 7 năm 2007 đến trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì hộ gia đình, cá nhân được tiếp tục sử dụng đất và chỉ phải chuyển sang thuê đất của Nhà nước đối với phần diện tích vượt hạn mức nhận chuyển quyền.
1. Người được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp từ đất chuyên trồng lúa nước phải nộp một khoản tiền để thực hiện việc khai hoang, cải tạo đất; đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương.
2. Việc xác định và sử dụng số tiền quy định tại Khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của Chính phủ về quản lý và sử dụng đất trồng lúa.Bổ sung
1. Trong quá trình thực hiện sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động, các công ty nông, lâm nghiệp đang sử dụng đất có trách nhiệm:
a) Rà soát hiện trạng sử dụng đất về vị trí, ranh giới quản lý, sử dụng đất; diện tích đất đang sử dụng đúng mục đích; diện tích đất sử dụng không đúng mục đích; diện tích đất không sử dụng; diện tích đất đang giao khoán, cho thuê, cho mượn, bị lấn, bị chiếm, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và đang có tranh chấp;
b) Căn cứ phương án sắp xếp, đổi mới và phát triển công ty nông, lâm nghiệp đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; quy hoạch sử dụng đất của địa phương và hiện trạng sử dụng đất để đề xuất phương án sử dụng đất.
Nội dung phương án sử dụng đất phải thể hiện vị trí, ranh giới sử dụng đất; diện tích đất đề nghị giữ lại sử dụng theo từng loại đất, hình thức sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất; diện tích đất bàn giao cho địa phương;
c) Báo cáo cơ quan tài nguyên và môi trường thẩm định phương án sử dụng đất trước khi trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;
d) Tổ chức thực hiện phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, phê duyệt phương án sử dụng đất của công ty nông, lâm nghiệp tại địa phương; chỉ đạo thực hiện việc xác định cụ thể ranh giới, cắm mốc giới sử dụng đất theo phương án được duyệt, lập hồ sơ giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho công ty; quyết định thu hồi đất đối với phần diện tích bàn giao cho địa phương theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt.
3. Đối với diện tích đất công ty được giữ lại sử dụng theo phương án sử dụng đất đã được phê duyệt mà đang cho thuê, cho mượn trái pháp luật; bị lấn, chiếm; liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư không đúng quy định thì được xử lý theo quy định sau đây:
a) Đối với diện tích đất công ty đang cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư trái pháp luật thì công ty phải chấm dứt việc cho thuê, cho mượn, liên doanh, liên kết, hợp tác đầu tư và đưa đất vào sử dụng theo đúng mục đích;
b) Đối với diện tích đất đang bị lấn, chiếm sử dụng thì xử lý dứt điểm để đưa đất vào sử dụng.
4. Đối với quỹ đất bàn giao cho địa phương thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh lập phương án sử dụng theo thứ tự ưu tiên sau:
a) Xây dựng các công trình công cộng;
b) Giao đất, cho thuê đất cho hộ gia đình, cá nhân ở địa phương không có đất hoặc thiếu đất sản xuất;
c) Giao đất, cho thuê đất cho người đang sử dụng đất nếu người sử dụng đất có nhu cầu và việc sử dụng đất phù hợp với quy hoạch sử dụng đất của địa phương.Bổ sung
1. Việc sử dụng đất có mặt nước nội địa thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải tuân theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch tài nguyên nước đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện cho thuê đất có mặt nước nội địa đối với tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân để đầu tư nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp hoặc nông nghiệp kết hợp với mục đích phi nông nghiệp theo thẩm quyền quy định tại Điều 59 của Luật Đất đai.
3. Người được cho thuê đất theo quy định tại Khoản 2 Điều này phải bảo vệ môi trường, cảnh quan và không được làm ảnh hưởng đến mục đích chính của công trình sử dụng đất có mặt nước nội địa.
1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm điều tra, khảo sát, theo dõi, đánh giá quỹ đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở để có kế hoạch khai thác, sử dụng.
2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thuê đất bãi bồi ven sông, ven biển thường xuyên được bồi tụ hoặc thường bị sạt lở cho người có nhu cầu.
3. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết việc sử dụng đất bãi bồi ven sông, ven biển.
1. Đất xây dựng nhà chung cư, nhà chung cư có mục đích hỗn hợp để ở và làm văn phòng, cơ sở thương mại, dịch vụ (sau đây gọi chung là nhà chung cư) bao gồm đất xây dựng khối nhà chung cư, đất làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà chung cư, đất xây dựng các công trình hạ tầng.
2. Chủ đầu tư dự án xây dựng nhà chung cư được giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất thuộc dự án theo quy định sau đây:
a) Đối với diện tích đất xây dựng nhà chung cư và đất xây dựng công trình hạ tầng do chủ đầu tư sử dụng để kinh doanh theo dự án đầu tư và quy hoạch xây dựng chi tiết đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất và phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Đối với diện tích đất làm đường giao thông, các công trình hạ tầng khác phục vụ cho người dân ở cả trong và ngoài nhà chung cư mà chủ đầu tư không sử dụng để kinh doanh dịch vụ theo dự án đầu tư thì chủ đầu tư được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để quản lý, xây dựng công trình và không phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất; không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; bàn giao cho địa phương quản lý đối với diện tích đất đó sau khi đã hoàn thành xây dựng theo dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền.
3. Quyền sử dụng đất và việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trong các dự án xây dựng nhà chung cư để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư, văn phòng làm việc, cơ sở thương mại, dịch vụ trong nhà chung cư (sau đây gọi chung là căn hộ) bao gồm diện tích đất xây dựng khối nhà chung cư, làm sân, trồng hoa, cây xanh xung quanh nhà và đất xây dựng các công trình hạ tầng bên ngoài nhà chung cư nhưng để phục vụ trực tiếp cho nhà chung cư được chủ đầu tư bàn giao cho các chủ sở hữu căn hộ tự tổ chức quản lý, sử dụng theo dự án đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định rõ vị trí, ranh giới, diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung trong dự án đầu tư, quy hoạch xây dựng chi tiết và thiết kế mặt bằng công trình để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; trong các hợp đồng mua bán nhà ở và bản vẽ hoàn công công trình để làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên mua;
b) Quyền sử dụng đất quy định tại Điểm a Khoản này là quyền sử dụng chung theo phần không thể phân chia. Tỷ lệ phần quyền sử dụng đất được tính bằng tỷ lệ diện tích căn hộ chia cho tổng diện tích sàn của các căn hộ trong nhà chung cư. Việc sử dụng và định đoạt đối với quyền sử dụng đất khu chung cư do đa số người chiếm tỷ lệ phần quyền sử dụng đất quyết định nhưng phải phục vụ lợi ích chung của cộng đồng và phù hợp với quy định của pháp luật;
c) Chủ sở hữu căn hộ được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với diện tích đất sử dụng chung quy định tại Điểm a Khoản này theo thời hạn ổn định lâu dài; diện tích căn hộ được xác định theo hợp đồng mua bán căn hộ;
d) Khi cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người mua căn hộ thì Giấy chứng nhận đã cấp cho chủ đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều này phải được chỉnh lý biến động để chuyển sang hình thức sử dụng đất chung đối với phần diện tích đất quy định tại Điểm a Khoản này.
Diện tích đất thuộc dự án phát triển nhà ở còn lại ngoài phần diện tích quy định tại Điểm b Khoản 2 và Điểm a Khoản này thuộc quyền sử dụng của chủ đầu tư; chủ đầu tư được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.Bổ sung
1. Người sử dụng đất quốc phòng, an ninh được quy định như sau:
a) Các đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an là người sử dụng đất đối với đất cho các đơn vị đóng quân trừ trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này; đất làm căn cứ quân sự; đất làm các công trình phòng thủ quốc gia, trận địa và các công trình đặc biệt về quốc phòng, an ninh; nhà công vụ của lực lượng vũ trang nhân dân; đất thuộc các khu vực mà Chính phủ giao nhiệm vụ riêng cho Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý, bảo vệ và sử dụng;
b) Các đơn vị trực tiếp sử dụng đất là người sử dụng đất đối với đất làm ga, cảng quân sự; đất làm các công trình công nghiệp, khoa học và công nghệ phục vụ trực tiếp cho quốc phòng, an ninh; đất làm kho tàng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trường bắn, thao trường, bãi thử vũ khí, bãi hủy vũ khí; đất xây dựng nhà trường, bệnh viện, nhà an dưỡng của lực lượng vũ trang nhân dân; đất làm trại giam giữ, cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý;
c) Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Công an phường, thị trấn; đồn biên phòng là người sử dụng đất đối với đất xây dựng trụ sở.
2. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh phải được sử dụng đúng mục đích đã được xác định. Đối với diện tích đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho đơn vị sử dụng đất để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích; sau 12 tháng kể từ ngày được thông báo, nếu đơn vị sử dụng đất không khắc phục để đưa đất vào sử dụng đúng mục đích thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thu hồi để giao cho người khác sử dụng.
3. Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất quốc phòng, an ninh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt thì đơn vị sử dụng đất phải xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên và Môi trường kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an.
4. Đất do các đơn vị vũ trang nhân dân đang quản lý, sử dụng nhưng không thuộc quy hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được phê duyệt thì phải bàn giao cho địa phương quản lý và xử lý như sau:
a) Đối với diện tích đất đã bố trí cho hộ gia đình cán bộ, chiến sỹ thuộc đơn vị vũ trang nhân dân sử dụng làm nhà ở phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt thì người sử dụng đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật;
b) Đối với đất sử dụng vào mục đích sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp do các doanh nghiệp quốc phòng, an ninh đang sử dụng thì phải chuyển sang hình thức thuê đất theo phương án sản xuất, kinh doanh đã được Bộ Quốc phòng hoặc Bộ Công an phê duyệt;
c) Đối với diện tích đất không thuộc trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất để giao, cho thuê sử dụng theo quy định của pháp luật.
5. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết dứt điểm diện tích đất đang có tranh chấp để xác định người sử dụng đất.
1. Thời hạn sử dụng đất trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp theo thời hạn của dự án đầu tư.
Trường hợp thời hạn của dự án đầu tư dài hơn thời hạn sử dụng đất còn lại của khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp thì doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp phải xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép điều chỉnh thời hạn sử dụng đất cho phù hợp nhưng tổng thời hạn sử dụng đất không quá 70 năm và phải nộp tiền sử dụng đất hoặc tiền thuê đất đối với phần diện tích đất được gia hạn sử dụng.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ tài chính được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ xây dựng kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp nếu được Nhà nước cho thuê đất để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp thì được cho thuê lại đất sau khi đã đầu tư kết cấu hạ tầng.
3. Hàng năm, doanh nghiệp đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và công bố công khai diện tích đất chưa cho thuê, cho thuê lại trong khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp và của địa phương.
1. Thời hạn sử dụng đất để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển, ứng dụng công nghệ cao và đào tạo nhân lực công nghệ cao trong khu công nghệ cao được thực hiện theo quy định tại Điều 125 và Điều 126 của Luật Đất đai.
2. Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban Quản lý khu công nghệ cao được quy định như sau:
a) Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tiền thuê đất; mức miễn, giảm tiền thuê đất đối với từng dự án;
c) Thu hồi đất đã cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai; quản lý quỹ đất đã thu hồi tại điểm này;
d) Quyết định giao lại đất không thu tiền sử dụng đất đối với người sử dụng đất trong khu công nghệ cao thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 54 của Luật Đất đai;
đ) Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao;
e) Gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong khu công nghệ cao được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai.
4. Đối với khu công nghệ cao đã được thành lập và đã được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì việc quản lý, sử dụng đất thực hiện theo quy định sau đây:
a) Ban Quản lý khu công nghệ cao có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại các Điểm a, c, d, đ và e Khoản 2 Điều này; được tiếp tục thực hiện quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Ban Quản lý khu công nghệ cao được quyết định mức thu tiền thuê đất nhưng giá đất để tính tiền thuê đất không được thấp hơn giá đất trong Bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; quyết định mức miễn, giảm tiền thuê đất theo từng dự án phù hợp với quy định của Chính phủ.Bổ sung
1. Trách nhiệm quản lý đất đai của Ban Quản lý khu kinh tế được quy định như sau:
a) Phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Quyết định mức thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất nhưng giá đất để tính tiền sử dụng đất, tiền thuê đất không được thấp hơn giá đất trong Bảng giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định; mức miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo từng dự án đối với trường hợp giao lại đất, cho thuê đất phù hợp với quy định của Chính phủ;
c) Thu hồi đất đã giao lại, cho thuê đối với trường hợp người sử dụng đất có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai quy định tại các Điểm a, b, c, d, e, g và i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; người sử dụng đất chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật hoặc tự nguyện trả lại đất theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai; quản lý quỹ đất đã thu hồi tại điểm này;
d) Quy định trình tự, thủ tục hành chính về đất đai tại khu kinh tế;
đ) Gửi quyết định giao lại đất, cho thuê đất, gia hạn sử dụng đất, trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính khu đất đến Văn phòng đăng ký đất đai để đăng ký vào hồ sơ địa chính, cập nhật cơ sở dữ liệu đất đai và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong khu kinh tế được thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai.
3. Việc quản lý, sử dụng đối với đất khác không thuộc các khu chức năng của khu kinh tế và các nhiệm vụ khác về quản lý đất đai trong khu kinh tế do cơ quan hành chính các cấp thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai.
1. Nhà nước giao cho nhà đầu tư quản lý diện tích đất để thực hiện dự án xây dựng - chuyển giao (BT); nhà đầu tư không phải trả tiền sử dụng đất, tiền thuê đất trong thời gian xây dựng công trình theo dự án được phê duyệt và có trách nhiệm bảo toàn diện tích đất được giao quản lý, sử dụng theo đúng mục đích đã ghi trong dự án.
Việc chuyển giao công trình và quỹ đất của dự án phải thực hiện đúng theo thời hạn ghi trong dự án đầu tư đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc thời hạn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép kéo dài thời hạn chuyển giao. Trường hợp quá thời hạn phải chuyển giao mà nhà đầu tư chưa chuyển giao thì phải thuê đất của Nhà nước, thời điểm thuê đất được tính từ thời điểm kết thúc thời gian xây dựng công trình theo dự án đã được phê duyệt.
2. Nhà nước giao đất hoặc cho thuê đất đối với nhà đầu tư để thực hiện dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); nhà đầu tư được miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của Chính phủ.
3. Người nhận chuyển giao công trình để sử dụng và khai thác thì được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc giao để quản lý diện tích đất có công trình đó theo quy định của pháp luật về đất đai.
1. Căn cứ quy hoạch chi tiết cảng hàng không, sân bay đã được phê duyệt, Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Quốc phòng chỉ đạo việc xác định ranh giới khu vực sử dụng riêng cho hoạt động dân dụng và khu vực sử dụng chung cho hoạt động dân dụng và quân sự do dân dụng quản lý.
2. Đất sử dụng vào mục đích quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều 156 của Luật Đất đai được giao sử dụng ổn định lâu dài; đất sử dụng vào mục đích quy định tại Điểm c và Điểm d Khoản 1 Điều 156 của Luật Đất đai được cho thuê với thời hạn không quá 50 năm. Khi hết thời hạn thuê đất, người đang sử dụng đất được xem xét gia hạn cho thuê đất nếu có nhu cầu tiếp tục sử dụng.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đơn giá thuê đất tại cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật về đất đai.
4. Cảng vụ hàng không có trách nhiệm đối với phần diện tích đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao như sau:
a) Quản lý, sử dụng đất đúng mục đích, có hiệu quả;
b) Kiểm tra việc sử dụng đất, việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với tổ chức, cá nhân được Cảng vụ hàng không giao đất, cho thuê đất;
c) Quyết định thu hồi đất đối với trường hợp được Cảng vụ hàng không giao đất mà thuộc các trường hợp quy định tại các Điểm a, b, e, g và i Khoản 1 Điều 64 và các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai. Quyết định chấm dứt hợp đồng thuê đất đối với trường hợp vi phạm hợp đồng cho thuê đất của Cảng vụ.
5. Việc thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trong đất cảng hàng không, sân bay thực hiện theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo và pháp luật về đất đai.
6. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết Điều này.
1. Đất hành lang bảo vệ an toàn công trình công cộng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định mà công trình không sử dụng lớp đất mặt thì chỉ phải thuê đất trong thời gian thi công xây dựng công trình.
2. Căn cứ quy định về phạm vi của hành lang bảo vệ công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân nơi có công trình xây dựng phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn cụ thể và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có công trình phê duyệt; đồng thời thông báo cho Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình biết để phối hợp bảo vệ hành lang an toàn công trình.
3. Trong thời hạn không quá 30 ngày làm việc, kể từ ngày được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt phương án cắm mốc giới xác định hành lang bảo vệ an toàn, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình trong việc công bố công khai mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình và cắm mốc giới trên thực địa, bàn giao mốc giới cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có công trình để quản lý.
4. Tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có công trình rà soát hiện trạng sử dụng đất trong phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình để kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết theo quy định sau:
a) Trường hợp sử dụng đất có ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình hoặc trường hợp hoạt động của công trình có ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người sử dụng đất thì cơ quan có chức năng quản lý nhà nước đối với công trình tiến hành thẩm định mức độ ảnh hưởng, nếu phải thu hồi đất thì đề nghị Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền để quyết định thu hồi đất đó. Người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ đối với đất và tài sản gắn liền với đất đã có từ trước khi hành lang an toàn công trình được công bố, tái định cư theo quy định của pháp luật.
Trường hợp việc sử dụng đất gây ảnh hưởng đến việc bảo vệ an toàn công trình thì chủ công trình và người sử dụng đất phải có biện pháp khắc phục. Chủ công trình phải chịu trách nhiệm đối với việc khắc phục đó; nếu không khắc phục được thì Nhà nước thu hồi đất và người có đất thu hồi được bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo quy định của pháp luật;
b) Trường hợp sử dụng đất không thuộc quy định tại Điểm a Khoản này thì người đang sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn công trình được tiếp tục sử dụng đất theo đúng mục đích đã được xác định và phải tuân theo các quy định về bảo vệ an toàn công trình;
c) Đất trong hành lang an toàn công trình được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật Đất đai, trừ trường hợp đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất.
Người được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất chỉ được sử dụng đất theo quy định tại Điểm b Khoản này.
5. Cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình có hành lang bảo vệ an toàn chịu trách nhiệm chính về việc bảo vệ an toàn công trình. Trường hợp hành lang bảo vệ an toàn công trình bị lấn, bị chiếm, sử dụng trái phép thì phải kịp thời báo cáo và yêu cầu Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có hành lang bảo vệ an toàn công trình xử lý.
6. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp nơi có công trình có hành lang bảo vệ an toàn có trách nhiệm sau:
a) Phát hiện và xử lý kịp thời những trường hợp lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình; ngăn chặn kịp thời các công trình xây dựng trái phép trên đất hành lang bảo vệ an toàn công trình; buộc người có hành vi vi phạm khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm;
b) Phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ an toàn công trình; phối hợp với cơ quan, tổ chức trực tiếp quản lý công trình trong việc công bố mốc giới hành lang bảo vệ an toàn công trình;
c) Trường hợp để xảy ra hiện tượng lấn, chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ an toàn công trình tại địa phương thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp phải liên đới chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
7. Việc sử dụng đất tạm thời để thi công công trình công cộng có hành lang bảo vệ an toàn do đơn vị thi công và người sử dụng đất thỏa thuận theo quy định của pháp luật về dân sự.
Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị và các quy hoạch khác có liên quan được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất để xây dựng công trình ngầm theo quy định sau đây:
1. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hàng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm nhằm mục đích kinh doanh.
2. Tổ chức kinh tế, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm không nhằm mục đích kinh doanh.
3. Trường hợp sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm theo hình thức xây dựng - chuyển giao (BT) và dự án xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT) thì việc sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 54 của Nghị định này.Bổ sung
1. Đất chưa sử dụng gồm đất bằng chưa sử dụng, đất đồi núi chưa sử dụng, núi đá không có rừng cây.
2. Hàng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện về tình hình quản lý, khai thác quỹ đất chưa sử dụng.
1. Nhà nước có chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng đối với vùng biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, vùng nhiều đất nhưng ít dân, vùng có điều kiện tự nhiên khó khăn để thực hiện kế hoạch đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng; có chính sách miễn, giảm tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất chưa sử dụng để đưa vào sử dụng.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh sử dụng nguồn kinh phí thu được từ nguồn thu khi cho phép chuyển mục đích đất chuyên trồng lúa nước sang sử dụng vào mục đích khác và các nguồn kinh phí hợp pháp khác để phục vụ việc khai hoang, cải tạo, đưa đất chưa sử dụng vào sử dụng.
1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 59 của Luật Đất đai;
b) Phòng Tài nguyên và Môi trường tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả đối với trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 59 của Luật Đất đai.
2. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục đăng ký đất đai, tài sản khác gắn liền với đất; cấp, cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận là Văn phòng đăng ký đất đai. Nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất đai thì Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp tỉnh tiếp nhận hồ sơ đối với tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất cấp huyện tiếp nhận hồ sơ đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có nhu cầu nộp hồ sơ tại Ủy ban nhân dân cấp xã thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả. Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Ủy ban nhân dân cấp xã phải chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Địa phương đã tổ chức bộ phận một cửa để thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính theo quy định của Chính phủ thì các cơ quan quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả thông qua bộ phận một cửa theo Quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
4. Ban Quản lý khu công nghệ cao, khu kinh tế; Cảng vụ hàng không là đầu mối nhận hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai tại khu công nghệ cao, khu kinh tế; cảng hàng không, sân bay.
5. Việc trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện như sau:
a) Kết quả giải quyết thủ tục hành chính phải trả cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày có kết quả giải quyết, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính thì việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện sau khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp chứng từ hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định; trường hợp thuê đất trả tiền hàng năm thì trả kết quả sau khi người sử dụng đất đã ký hợp đồng thuê đất; trường hợp được miễn nghĩa vụ tài chính liên quan đến thủ tục hành chính thì trả kết quả sau khi nhận được văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định được miễn nghĩa vụ tài chính;
c) Trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết thì cơ quan nhận hồ sơ có trách nhiệm trả lại hồ sơ và thông báo rõ lý do không đủ điều kiện giải quyết.
1. Thời gian thực hiện thủ tục giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Giao đất, thuê đất là không quá 20 ngày không kể thời gian giải phóng mặt bằng;
b) Chuyển mục đích sử dụng đất là không quá 15 ngày.
2. Thời gian thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; cấp đổi, cấp lại Giấy chứng nhận được quy định như sau:
a) Đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất là không quá 30 ngày;
b) Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất và quyền sở hữu nhà ở, công trình xây dựng của tổ chức đầu tư xây dựng là không quá 30 ngày;
c) Đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất bổ sung đối với tài sản gắn liền với đất là không quá 20 ngày;
d) Đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất trong các trường hợp trúng đấu giá quyền sử dụng đất; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập tổ chức, chuyển đổi công ty; thỏa thuận hợp nhất hoặc phân chia quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình, của vợ và chồng, nhóm người sử dụng đất là không quá 15 ngày;
đ) Tách thửa, hợp thửa đất; thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý là không quá 20 ngày;
e) Gia hạn sử dụng đất là không quá 15 ngày;
g) Xác nhận tiếp tục sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân khi hết hạn sử dụng đất là không quá 10 ngày;
h) Đăng ký xác lập hoặc thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề là không quá 10 ngày;
i) Đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 15 ngày;
k) Chuyển từ hình thức thuê đất trả tiền hàng năm sang thuê đất trả tiền một lần; từ hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất sang hình thức thuê đất; từ thuê đất sang giao đất có thu tiền sử dụng đất là không quá 30 ngày;
l) Chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho, đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 10 ngày;
m) Xóa đăng ký góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là không quá 05 ngày làm việc;
n) Đăng ký, xóa đăng ký thế chấp, cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất là không quá 03 ngày làm việc;
o) Chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng là không quá 10 ngày;
p) Cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng là không quá 10 ngày; trường hợp cấp đổi đồng loạt cho nhiều người sử dụng đất do đo vẽ lại bản đồ là không quá 50 ngày;
q) Cấp lại Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng bị mất là không quá 30 ngày.
3. Thời gian thực hiện thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai:
a) Hòa giải tranh chấp đất đai là không quá 45 ngày;
b) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện là không quá 45 ngày;
c) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là không quá 60 ngày;
d) Giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường là không quá 90 ngày;
đ) Cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, Quyết định công nhận hòa giải thành là không quá 30 ngày.
4. Thời gian quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ. Thời gian này không bao gồm thời gian thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất, thời gian xem xét xử lý đối với trường hợp sử dụng đất có vi phạm pháp luật, thời gian trưng cầu giám định.
Trường hợp nhận hồ sơ chưa đầy đủ, chưa hợp lệ thì trong thời gian tối đa 03 ngày, cơ quan tiếp nhận, xử lý hồ sơ phải thông báo và hướng dẫn người nộp hồ sơ bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ theo quy định.
Đối với các xã miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời gian thực hiện đối với từng loại thủ tục quy định tại Điều này được tăng thêm 15 ngày.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về mẫu hồ sơ, thành phần hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai quy định tại Nghị định này.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể cơ quan tiếp nhận, giải quyết thủ tục; thời gian các bước thực hiện thủ tục của từng cơ quan, đơn vị có liên quan và việc giải quyết liên thông giữa các cơ quan có liên quan theo cơ chế một cửa cho phù hợp với điều kiện cụ thể tại địa phương nhưng không quá tổng thời gian quy định cho từng loại thủ tục quy định tại Nghị định này.
1. Tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, các loại thuế có liên quan đến đất đai và lệ phí trước bạ (sau đây gọi là nghĩa vụ tài chính) do cơ quan thuế xác định. Sở Tài nguyên và Môi trường hoặc Phòng Tài nguyên và Môi trường hoặc Văn phòng đăng ký đất đai cung cấp thông tin địa chính cho cơ quan thuế đối với các trường hợp đủ điều kiện và phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính do Sở Tài nguyên và Môi trường xác định; trường hợp áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định giá đất cụ thể thì do cơ quan thuế xác định.
2. Cơ quan thuế có trách nhiệm thông báo việc thực hiện nghĩa vụ tài chính cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được số liệu địa chính.
Cơ quan có thẩm quyền ký Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không phải nộp, được nợ nghĩa vụ tài chính hoặc đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc có quyết định miễn nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
3. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ xác định phí và lệ phí có liên quan đến quản lý, sử dụng đất đai, trừ lệ phí trước bạ quy định tại Khoản 1 Điều này mà người sử dụng đất phải nộp khi thực hiện thủ tục hành chính về quản lý, sử dụng đất; thông báo và hướng dẫn cho người sử dụng đất nộp theo quy định của pháp luật.Bổ sung
1. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của hộ gia đình phải được người có tên trên Giấy chứng nhận hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự ký tên.
2. Hợp đồng, văn bản giao dịch về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của nhóm người sử dụng đất, nhóm chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được tất cả các thành viên trong nhóm ký tên hoặc có văn bản ủy quyền theo quy định của pháp luật về dân sự, trừ trường hợp các chủ sở hữu căn hộ cùng sử dụng chung thửa đất trong nhà chung cư.
1. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, tự nguyện trả lại đất được quy định như sau:
a) Người sử dụng đất là tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm nay chuyển đi nơi khác, giảm hoặc không còn nhu cầu sử dụng đất; người sử dụng đất tự nguyện trả lại đất thì gửi thông báo hoặc gửi văn bản trả lại đất và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đến cơ quan tài nguyên và môi trường;
b) Cơ quan ban hành quyết định giải thể, phá sản gửi quyết định giải thể, phá sản đến Sở Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của tổ chức được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất, được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất mà tiền sử dụng đất đã nộp có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm bị giải thể, phá sản;
c) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú của cá nhân người sử dụng đất chết mà không có người thừa kế có trách nhiệm gửi Giấy chứng tử hoặc quyết định tuyên bố một người là đã chết theo quy định của pháp luật và văn bản xác nhận không có người thừa kế của Ủy ban nhân dân cấp xã đến Phòng Tài nguyên và Môi trường nơi có đất thu hồi đối với trường hợp thu hồi đất của cá nhân sử dụng đất chết mà không có người thừa kế;
d) Hàng năm, cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức rà soát và có thông báo về những trường hợp không được gia hạn sử dụng đất đối với trường hợp sử dụng đất có thời hạn;
đ) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa trong trường hợp xét thấy cần thiết; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất; tổ chức thu hồi đất trên thực địa và bàn giao cho Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính, thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo hủy Giấy chứng nhận đối với trường hợp không thu hồi được Giấy chứng nhận.
2. Trình tự, thủ tục thu hồi đất ở trong khu vực bị ô nhiễm môi trường có nguy cơ đe dọa tính mạng con người; đất ở có nguy cơ sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người được quy định như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện giao cho cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người;
b) Sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền xác định mức độ ô nhiễm môi trường, sạt lở, sụt lún, bị ảnh hưởng bởi hiện tượng thiên tai khác đe dọa tính mạng con người mà cần phải thu hồi đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thực hiện các công việc quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều này;
c) Cơ quan có thẩm quyền thực hiện việc bố trí nơi ở tạm và thực hiện tái định cư đối với người phải cưỡng chế di dời đối với trường hợp thu hồi đất quy định tại Điểm đ và Điểm e Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai.
3. Tổ chức cưỡng chế thu hồi đất do chấm dứt việc sử dụng đất theo pháp luật, có nguy cơ đe dọa tính mạng con người:
a) Việc cưỡng chế phải tuân thủ các nguyên tắc thực hiện cưỡng chế quy định tại Khoản 1 Điều 70 của Luật Đất đai;
b) Sau khi có quyết định thu hồi đất, cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã vận động, thuyết phục để người có đất thu hồi bàn giao đất;
c) Sau khi vận động, thuyết phục mà người có đất thu hồi không thực hiện quyết định thu hồi đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định thu hồi đất ban hành quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất;
d) Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm xây dựng kế hoạch cưỡng chế trình Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế phê duyệt;
đ) Tổ chức được giao thực hiện cưỡng chế có trách nhiệm vận động, thuyết phục người bị cưỡng chế tự nguyện thực hiện việc bàn giao đất;
e) Ủy ban nhân dân cấp đã ban hành quyết định cưỡng chế có trách nhiệm tổ chức lực lượng thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định cưỡng chế đối với trường hợp đã được vận động, thuyết phục theo quy định tại Điểm đ Khoản này mà cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế không chấp nhận thi hành quyết định cưỡng chế.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý đối với trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại Giấy chứng nhận.
5. Trường hợp người có đất thu hồi mà có khiếu nại quyết định thu hồi đất thì việc giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định của pháp luật về giải quyết khiếu nại.Bổ sung
1. Trường hợp vi phạm pháp luật mà phải thu hồi đất, khi hết thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì người có thẩm quyền xử phạt có trách nhiệm lập biên bản về vi phạm hành chính để làm căn cứ quyết định thu hồi đất.
Trường hợp vi phạm pháp luật về đất đai không thuộc trường hợp bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai thì biên bản xác định hành vi vi phạm phải có đại diện của Ủy ban nhân dân cấp xã làm chứng để làm căn cứ quyết định thu hồi đất và được lập theo quy định sau đây:
a) Cơ quan tài nguyên và môi trường tổ chức kiểm tra để xác định hành vi vi phạm quy định tại các Điểm c, d và g Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; tổ chức thanh tra để xác định hành vi vi phạm quy định tại Điểm h và Điểm i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai;
b) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày lập biên bản, người được giao nhiệm vụ kiểm tra, thanh tra có trách nhiệm gửi biên bản cho cơ quan có thẩm quyền thu hồi đất để chỉ đạo thu hồi đất.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra, xác minh thực địa khi cần thiết, trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định thu hồi đất.
3. Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền có trách nhiệm sau:
a) Thông báo việc thu hồi đất cho người sử dụng đất và đăng trên trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện;
b) Chỉ đạo xử lý phần giá trị còn lại của giá trị đã đầu tư vào đất hoặc tài sản gắn liền với đất (nếu có) theo quy định của pháp luật;
c) Tổ chức cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất theo quy định tại Khoản 3 Điều 65 của Nghị định này;
d) Bố trí kinh phí thực hiện cưỡng chế thu hồi đất.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính; thu hồi Giấy chứng nhận hoặc thông báo Giấy chứng nhận không còn giá trị pháp lý đối với trường hợp người sử dụng đất không chấp hành việc nộp lại Giấy chứng nhận.
1. Quyết định trưng dụng đất, văn bản xác nhận việc trưng dụng đất gồm các nội dung chủ yếu sau đây:
a) Họ tên, chức vụ, đơn vị công tác của người quyết định trưng dụng đất;
b) Tên, địa chỉ của người có đất trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng đất trưng dụng;
c) Tên, địa chỉ của tổ chức, họ tên và địa chỉ của người được giao sử dụng đất trưng dụng;
d) Mục đích, thời hạn trưng dụng đất;
đ) Vị trí, diện tích, loại đất, tài sản gắn liền với đất trưng dụng;
e) Thời gian bàn giao đất trưng dụng.
2. Việc hoàn trả đất trưng dụng cho người sử dụng đất khi hết thời hạn trưng dụng đất được thực hiện theo quy định sau đây:
a) Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng đất ban hành quyết định hoàn trả đất trưng dụng và gửi cho người có đất bị trưng dụng;
b) Trường hợp người có đất trưng dụng tự nguyện tặng cho Nhà nước thì làm thủ tục tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra theo quy định sau đây:
a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất trưng dụng chịu trách nhiệm xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản này;
b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có đất trưng dụng chịu trách nhiệm xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra đối với trường hợp khu đất trưng dụng thuộc địa giới hành chính của nhiều đơn vị hành chính cấp huyện.
4. Thành phần Hội đồng xác định mức bồi thường thiệt hại do thực hiện trưng dụng đất gây ra gồm:
a) Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Trưởng ban;
b) Các thành viên thuộc các cơ quan tài nguyên và môi trường, tài chính và các thành viên khác có liên quan;
c) Đại diện cơ quan của người có thẩm quyền ra quyết định trưng dụng đất;
d) Đại diện Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện nơi có đất;
đ) Các thành viên là đại diện Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã;
e) Đại diện của người có đất trưng dụng.
1. Trình tự, thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất được quy định như sau:
a) Người xin giao đất, thuê đất, xin phép chuyển mục đích sử dụng đất nộp hồ sơ thẩm định tại cơ quan tài nguyên và môi trường.
Đối với dự án đầu tư đã được Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư hoặc Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư thì không phải thực hiện thủ tục thẩm định quy định tại Khoản này;
b) Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan tài nguyên và môi trường có văn bản thẩm định gửi đến chủ đầu tư để lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Thời hạn quy định tại điểm này không bao gồm thời gian làm thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư quy định tại Khoản 2 Điều này;
c) Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về thẩm định nhu cầu sử dụng đất, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
2. Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng để thực hiện dự án đầu tư được quy định như sau:
a) Cơ quan tài nguyên và môi trường chịu trách nhiệm tổng hợp nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng và đất rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư trên địa bàn trình Ủy ban nhân dân cùng cấp để báo cáo Ủy ban nhân dân cấp trên hoặc Bộ Tài nguyên và Môi trường;
b) Trong thời hạn không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chủ trì thẩm định, trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thông qua trước khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất; Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất trước khi Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển mục đích sử dụng đất;
c) Sau khi Thủ tướng Chính phủ có văn bản chấp thuận chuyển mục đích sử dụng đất, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh có Nghị quyết về việc chuyển mục đích sử dụng đất, Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền thực hiện việc thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Cơ quan tài nguyên và môi trường hướng dẫn chủ đầu tư lập hồ sơ xin giao đất, thuê đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định giao đất, cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất;
b) Người được giao đất, cho thuê đất nộp tiền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất có thu tiền sử dụng đất, nộp tiền thuê đất đối với trường hợp cho thuê đất;
c) Cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận cho người được giao đất, cho thuê đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
4. Trường hợp giao đất, cho thuê đất không thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất để thực hiện dự án quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì một số bước công việc chuẩn bị giao đất, cho thuê đất được thực hiện đồng thời với trình tự, thủ tục thu hồi đất theo quy định như sau:
a) Trong thời gian thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm thì chủ đầu tư được tiến hành khảo sát, đo đạc để lập dự án đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về xây dựng; cơ quan có thẩm quyền thực hiện thủ tục thẩm định nhu cầu sử dụng đất của chủ đầu tư, thẩm định điều kiện giao đất, cho thuê đất;
b) Trong thời gian thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt thì chủ đầu tư được nộp hồ sơ xin giao đất, thuê đất mà không phải chờ đến khi hoàn thành việc giải phóng mặt bằng.
5. Trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất đã giải phóng mặt bằng đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất thông qua hình thức đấu giá quyền sử dụng đất được quy định như sau:
a) Căn cứ vào kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan tài nguyên và môi trường chỉ đạo lập phương án đấu giá quyền sử dụng đất trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt;
b) Tổ chức được lựa chọn thực hiện đấu giá theo phương án đấu giá quyền sử dụng đất đã được phê duyệt tổ chức phiên đấu giá quyền sử dụng đất;
c) Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá;
d) Sau khi người trúng đấu giá đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, cơ quan tài nguyên và môi trường trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận, ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; tổ chức giao đất trên thực địa và trao Giấy chứng nhận; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Trường hợp người trúng đấu giá không nộp đủ tiền theo đúng yêu cầu thì cơ quan tài nguyên và môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền hủy quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá.
6. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp quy định việc tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất khi Nhà nước giao đất, cho thuê đất.Bổ sung
1. Người sử dụng đất nộp đơn xin phép chuyển mục đích sử dụng đất kèm theo Giấy chứng nhận đến cơ quan tài nguyên và môi trường.
2. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ; xác minh thực địa, thẩm định nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất; hướng dẫn người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ đạo cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính.
Đối với trường hợp nhà đầu tư nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của người đang sử dụng đất để thực hiện dự án đầu tư thì thực hiện thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất đồng thời với thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.
3. Người sử dụng đất thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.Bổ sung
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ theo quy định để làm thủ tục đăng ký.
2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam đề nghị đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và thực hiện các công việc như sau:
a) Trường hợp đăng ký đất đai thì xác nhận hiện trạng sử dụng đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì xác nhận nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất, tình trạng tranh chấp sử dụng đất, sự phù hợp với quy hoạch.
Trường hợp đăng ký tài sản gắn liền với đất thì xác nhận hiện trạng tài sản gắn liền với đất so với nội dung kê khai đăng ký; trường hợp không có giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này thì xác nhận tình trạng tranh chấp quyền sở hữu tài sản; đối với nhà ở, công trình xây dựng thì xác nhận thời điểm tạo lập tài sản, thuộc hay không thuộc trường hợp phải cấp phép xây dựng, sự phù hợp với quy hoạch được duyệt; xác nhận sơ đồ nhà ở hoặc công trình xây dựng nếu chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng hoặc hoạt động đo đạc bản đồ;
b) Trường hợp chưa có bản đồ địa chính thì trước khi thực hiện các công việc tại Điểm a Khoản này, Ủy ban nhân dân cấp xã phải thông báo cho Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trích đo địa chính thửa đất hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);
c) Niêm yết công khai kết quả kiểm tra hồ sơ, xác nhận hiện trạng, tình trạng tranh chấp, nguồn gốc và thời điểm sử dụng đất tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và khu dân cư nơi có đất, tài sản gắn liền với đất trong thời hạn 15 ngày; xem xét giải quyết các ý kiến phản ánh về nội dung công khai và gửi hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai.
3. Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc như sau:
a) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư nộp hồ sơ tại Văn phòng đăng ký đất đai thì gửi hồ sơ đến Ủy ban nhân dân cấp xã để lấy ý kiến xác nhận và công khai kết quả theo quy định tại Khoản 2 Điều này;
b) Trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất ở nơi chưa có bản đồ địa chính hoặc đã có bản đồ địa chính nhưng hiện trạng ranh giới sử dụng đất đã thay đổi hoặc kiểm tra bản trích đo địa chính thửa đất do người sử dụng đất nộp (nếu có);
c) Kiểm tra, xác nhận sơ đồ tài sản gắn liền với đất đối với tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài thực hiện dự án đầu tư mà sơ đồ đó chưa có xác nhận của tổ chức có tư cách pháp nhân về hoạt động xây dựng hoặc hoạt động đo đạc bản đồ;
d) Kiểm tra hồ sơ đăng ký; xác minh thực địa trong trường hợp cần thiết; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;
đ) Trường hợp chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không có giấy tờ hoặc hiện trạng tài sản có thay đổi so với giấy tờ quy định tại các Điều 31, 32, 33 và 34 của Nghị định này thì gửi phiếu lấy ý kiến cơ quan quản lý nhà nước đối với loại tài sản đó. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước đối với tài sản gắn liền với đất có trách nhiệm trả lời bằng văn bản cho Văn phòng đăng ký đất đai;
e) Cập nhật thông tin thửa đất, tài sản gắn liền với đất, đăng ký vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
g) Trường hợp người sử dụng đất đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính, trừ trường hợp không thuộc đối tượng phải nộp nghĩa vụ tài chính hoặc được ghi nợ theo quy định của pháp luật; chuẩn bị hồ sơ để cơ quan tài nguyên và môi trường trình ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; cập nhật bổ sung việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp, trường hợp hộ gia đình, cá nhân nộp hồ sơ tại cấp xã thì gửi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho Ủy ban nhân dân cấp xã để trao cho người được cấp.
4. Cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra hồ sơ và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
Trường hợp thuê đất thì trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ký quyết định cho thuê đất; ký hợp đồng thuê đất và trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi người sử dụng đất đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.
b) Chuyển hồ sơ đã giải quyết cho Văn phòng đăng ký đất đai.
5. Trường hợp người sử dụng đất đã đăng ký đất đai theo quy định của pháp luật mà nay có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận; Văn phòng đăng ký đất đai, cơ quan tài nguyên và môi trường thực hiện các công việc quy định tại Điểm g Khoản 3 và Khoản 4 Điều này.
1. Người đang được Nhà nước giao đất để quản lý quy định tại Điều 8 của Luật Đất đai mà chưa đăng ký có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký đất đai. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất; cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
2. Trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao đất để quản lý thì Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào quyết định giao đất quản lý để cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
1. Sau khi hoàn thành công trình, chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở có trách nhiệm gửi Sở Tài nguyên và Môi trường các giấy tờ sau đây:
a) Quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư hoặc giấy phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư;
b) Quyết định phê duyệt quy hoạch xây dựng chi tiết tỷ lệ 1/500; giấy phép xây dựng (nếu có);
c) Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất của cơ quan có thẩm quyền; chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính của chủ dự án phát triển nhà ở (trừ trường hợp được miễn hoặc chậm nộp theo quy định của pháp luật);
d) Sơ đồ nhà, đất đã xây dựng là bản vẽ mặt bằng hoàn công hoặc bản vẽ thiết kế mặt bằng có kích thước các cạnh của từng căn hộ đã bán phù hợp với hiện trạng xây dựng và hợp đồng đã ký; danh sách các căn hộ, công trình xây dựng để bán (có các thông tin số hiệu căn hộ, diện tích đất, diện tích xây dựng và diện tích sử dụng chung, riêng của từng căn hộ); trường hợp nhà chung cư thì sơ đồ phải thể hiện phạm vi (kích thước, diện tích) phần đất sử dụng chung của các chủ căn hộ, mặt bằng xây dựng nhà chung cư, mặt bằng của từng tầng, từng căn hộ;
đ) Báo cáo kết quả thực hiện dự án.
2. Trong thời gian không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm kiểm tra hiện trạng sử dụng đất, nhà ở và công trình đã xây dựng và điều kiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bán nhà ở của chủ đầu tư dự án.
Sau khi hoàn thành kiểm tra, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi thông báo cho chủ đầu tư dự án về kết quả kiểm tra; gửi thông báo kèm theo sơ đồ nhà đất đã kiểm tra cho Văn phòng đăng ký đất đai để làm thủ tục đăng ký nhà, đất cho bên mua đối với các trường hợp đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.
3. Chủ đầu tư dự án nhà ở có trách nhiệm nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thay cho người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua nhà ở, công trình xây dựng hoặc cung cấp hồ sơ cho bên mua để tự đi đăng ký. Hồ sơ gồm có:
a) Đơn đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Hợp đồng về chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua bán nhà ở, công trình xây dựng theo quy định của pháp luật;
c) Biên bản bàn giao nhà, đất, công trình xây dựng.
4. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra các giấy tờ pháp lý trong hồ sơ; xác nhận đủ điều kiện hay không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất vào đơn đăng ký;
b) Gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính (nếu có);
c) Cập nhật thông tin vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai (nếu có);
d) Chuẩn bị hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quy định tại Điều 37 của Nghị định này;
đ) Yêu cầu chủ đầu tư dự án nộp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đã được cấp để chỉnh lý vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai;
e) Trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp.
5. Trường hợp chủ đầu tư dự án có vi phạm pháp luật về đất đai, pháp luật về xây dựng, pháp luật về nhà ở thì Sở Tài nguyên và Môi trường báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xử lý theo quy định của pháp luật.Bổ sung
1. Khi phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền sử dụng hạn chế thửa đất liền kề thì một trong các bên nộp đơn, Giấy chứng nhận (nếu có), hợp đồng hoặc bản án, quyết định của Tòa án nhân dân cho Văn phòng đăng ký đất đai.
2. Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thể hiện trên Giấy chứng nhận nếu có yêu cầu.
1. Tổ chức, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ngoài khu công nghệ cao, khu kinh tế và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này có nhu cầu gia hạn sử dụng đất thì thực hiện theo quy định sau đây:
a) Trước khi hết hạn sử dụng đất tối thiểu là 06 tháng, người sử dụng đất có nhu cầu gia hạn sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất.
Trường hợp điều chỉnh dự án đầu tư mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì nộp hồ sơ đề nghị gia hạn sử dụng đất sau khi có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về việc điều chỉnh dự án đầu tư;
b) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm định nhu cầu sử dụng đất; trường hợp đủ điều kiện được gia hạn thì giao Văn phòng đăng ký đất đai gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính; trình Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định gia hạn quyền sử dụng đất; ký hợp đồng thuê đất đối với trường hợp thuê đất; chuyển hồ sơ cho Văn phòng đăng ký đất đai để thực hiện đăng ký.
Đối với trường hợp xin gia hạn sử dụng đất mà phải làm thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư thì việc thẩm định nhu cầu sử dụng đất được thực hiện đồng thời với việc thực hiện thủ tục đăng ký điều chỉnh dự án đầu tư.
Trường hợp dự án đầu tư có điều chỉnh quy mô mà có thay đổi thời hạn hoạt động của dự án thì thời hạn sử dụng đất được điều chỉnh theo thời gian hoạt động của dự án;
c) Người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp, chứng từ đã thực hiện xong nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp được gia hạn sử dụng đất cho cơ quan tài nguyên và môi trường;
d) Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm xác nhận gia hạn sử dụng đất vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã;
đ) Đối với những trường hợp không đủ điều kiện được gia hạn sử dụng đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường thông báo cho người sử dụng đất và làm thủ tục thu hồi đất theo quy định.
2. Hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp đang sử dụng đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận, nhận chuyển quyền sử dụng đất, khi hết thời hạn sử dụng đất thì được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai mà không phải làm thủ tục điều chỉnh thời hạn sử dụng đất.
3. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân quy định tại Khoản 2 Điều này có nhu cầu xác nhận lại thời hạn sử dụng đất trên Giấy chứng nhận thì thực hiện theo trình tự, thủ tục như sau:
a) Người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị xác nhận lại thời hạn sử dụng đất;
b) Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất kiểm tra hồ sơ, xác nhận hộ gia đình, cá nhân đang trực tiếp sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp mà chưa có quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chuyển hồ sơ đến Văn phòng đăng ký đất đai;
c) Văn phòng đăng ký đất đai kiểm tra hồ sơ; xác nhận thời hạn được tiếp tục sử dụng đất theo thời hạn quy định tại Khoản 1 Điều 126 và Khoản 3 Điều 210 của Luật Đất đai vào Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý, cập nhật vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.Bổ sung
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị tách thửa hoặc hợp thửa.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất đối với thửa đất mới tách, hợp thửa;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp tách thửa do chuyển quyền sử dụng một phần thửa đất hoặc do giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo, đấu giá đất hoặc do chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất; do xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn, kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất để thi hành án (sau đây gọi là chuyển quyền) thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc địa chính để chia tách thửa đất;
b) Thực hiện thủ tục đăng ký biến động theo quy định tại Nghị định này đối với phần diện tích chuyển quyền; đồng thời xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với phần diện tích còn lại của thửa đất không chuyển quyền; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp tách thửa do Nhà nước thu hồi một phần thửa đất thì cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm chỉ đạo Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ quyết định thu hồi của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện các công việc sau:
a) Đo đạc chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai;
b) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp và trao cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.Bổ sung
1. Việc cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp được thực hiện trong các trường hợp sau:
a) Người sử dụng đất có nhu cầu đổi Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng hoặc các loại Giấy chứng nhận đã cấp trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 sang loại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
b) Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp bị ố, nhòe, rách, hư hỏng;
c) Do thực hiện dồn điền, đổi thửa, đo đạc xác định lại diện tích, kích thước thửa đất;
d) Trường hợp quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất là tài sản chung của vợ và chồng mà Giấy chứng nhận đã cấp chỉ ghi họ, tên của vợ hoặc của chồng, nay có yêu cầu cấp đổi Giấy chứng nhận để ghi cả họ, tên vợ và họ, tên chồng.
2. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Kiểm tra hồ sơ, xác nhận vào đơn đề nghị về lý do cấp đổi Giấy chứng nhận;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất;
c) Cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
4. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận sau khi dồn điền đổi thửa, đo đạc lập bản đồ địa chính mà Giấy chứng nhận đã cấp đang thế chấp tại tổ chức tín dụng thì người sử dụng đất nộp bản sao hợp đồng thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thay cho Giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục cấp đổi giấy mới.
Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thông báo danh sách các trường hợp làm thủ tục cấp đổi Giấy chứng nhận cho tổ chức tín dụng nơi nhận thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; xác nhận việc đăng ký thế chấp vào Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất sau khi được cơ quan có thẩm quyền ký cấp đổi.
5. Việc trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cấp đổi quy định tại Khoản 4 Điều này được thực hiện đồng thời giữa ba bên gồm Văn phòng đăng ký đất đai, người sử dụng đất và tổ chức tín dụng theo quy định như sau:
a) Người sử dụng đất ký, nhận Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới từ Văn phòng đăng ký đất đai để trao cho tổ chức tín dụng nơi đang nhận thế chấp;
b) Tổ chức tín dụng có trách nhiệm trao Giấy chứng nhận cũ đang thế chấp cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
1. Hộ gia đình và cá nhân, cộng đồng dân cư phải khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc bị mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, trừ trường hợp mất giấy do thiên tai, hỏa hoạn.
Tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài phải đăng tin mất Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương.
2. Sau 30 ngày, kể từ ngày niêm yết thông báo mất Giấy chứng nhận tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã đối với trường hợp của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoặc kể từ ngày đăng tin lần đầu trên phương tiện thông tin đại chúng ở địa phương đối với trường hợp của tổ chức trong nước, cơ sở tôn giáo, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người bị mất Giấy chứng nhận nộp 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy chứng nhận.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ; trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính và chưa trích đo địa chính thửa đất; lập hồ sơ trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 37 của Nghị định này ký quyết định hủy Giấy chứng nhận bị mất, đồng thời ký cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp.
2. Ủy ban nhân dân cấp xã lập phương án chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp chung cho toàn xã, phường, thị trấn (bao gồm cả tiến độ thời gian thực hiện chuyển đổi) và gửi phương án đến Phòng Tài nguyên và Môi trường.
3. Phòng Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm thẩm tra phương án trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức cho các hộ gia đình, cá nhân chuyển đổi ruộng đất theo phương án được duyệt.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo thực hiện việc đo đạc lập, chỉnh lý bản đồ địa chính.
5. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nộp hồ sơ cấp đổi Giấy chứng nhận.
6. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm thực hiện các công việc sau đây:
a) Kiểm tra hồ sơ, xác nhận nội dung thay đổi vào đơn đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận;
b) Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
c) Lập hoặc cập nhật, chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; tổ chức trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất tại xã, phường, thị trấn nơi có đất.
Trường hợp người sử dụng đất đang thế chấp quyền sử dụng đất tại tổ chức tín dụng thì Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện trao Giấy chứng nhận theo quy định tại Khoản 5 Điều 76 của Nghị định này.
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất.
Trường hợp thực hiện quyền của người sử dụng đất đối với một phần thửa đất thì người sử dụng đất đề nghị Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện đo đạc tách thửa đối với phần diện tích cần thực hiện quyền của người sử dụng đất trước khi nộp hồ sơ thực hiện quyền của người sử dụng đất.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu đủ điều kiện thực hiện các quyền theo quy định thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định;
b) Xác nhận nội dung biến động vào Giấy chứng nhận đã cấp theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người sử dụng đất;
c) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho quyền sử dụng đất để xây dựng công trình công cộng thì phải lập văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định.
Sau khi hoàn thành xây dựng công trình công cộng trên đất được tặng cho, Văn phòng đăng ký đất đai căn cứ vào văn bản tặng cho quyền sử dụng đất đã được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận và hiện trạng sử dụng đất để đo đạc, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và thông báo cho người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để xác nhận thay đổi. Trường hợp người sử dụng đất tặng cho toàn bộ diện tích đất đã cấp Giấy chứng nhận thì thu hồi Giấy chứng nhận để quản lý.
4. Trường hợp người đề nghị cấp Giấy chứng nhận đã chết trước khi được trao Giấy chứng nhận thì người được thừa kế quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thừa kế nộp bổ sung giấy tờ về thừa kế theo quy định.
Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận thừa kế vào Giấy chứng nhận đã ký hoặc lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được thừa kế theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Người được thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài chính về quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất trong trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đã chết phải thực hiện theo quy định của pháp luật.
5. Trường hợp người sử dụng đất thuê của Nhà nước theo hình thức thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm mà bán hoặc góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê thì thực hiện trình tự, thủ tục theo quy định sau:
a) Thực hiện mua bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về dân sự;
b) Sau khi nhận hồ sơ bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê, Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để cho bên mua, bên nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tiếp tục thuê đất;
c) Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ trình Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền quyết định việc thu hồi đất của bên bán, bên góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê để cho bên mua, bên nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất tiếp tục thuê đất; ký hợp đồng thuê đất đối với bên mua, nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê; thông báo bằng văn bản cho cơ quan thuế về việc hết hiệu lực của hợp đồng thuê đất đối với người bán, người góp vốn bằng tài sản;
d) Văn phòng đăng ký đất đai gửi hợp đồng thuê đất cho người mua, người nhận góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê; chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp;
đ) Trường hợp mua bán, góp vốn bằng tài sản gắn liền với một phần thửa đất thuê thì phải làm thủ tục tách thửa đất trước khi làm thủ tục thuê đất theo quy định tại Khoản này.Bổ sung
1. Một trong các bên hoặc các bên ký hợp đồng thuê, thuê lại, hợp đồng góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp 01 bộ hồ sơ xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại; góp vốn quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau:
a) Xác nhận việc xóa cho thuê, cho thuê lại, xóa góp vốn vào Giấy chứng nhận theo quy định và trao cho bên cho thuê, cho thuê lại, bên góp vốn. Trường hợp cho thuê, cho thuê lại đất trong khu công nghiệp và trường hợp góp vốn quyền sử dụng đất mà đã cấp Giấy chứng nhận cho bên thuê, thuê lại đất, bên nhận góp vốn thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; bên nhận góp vốn được cấp lại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp thời hạn sử dụng đất kết thúc cùng với thời điểm xóa cho thuê, cho thuê lại đất, xóa góp vốn bằng quyền sử dụng đất mà người sử dụng đất không có nhu cầu tiếp tục sử dụng đất hoặc không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng đất thì thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;
b) Thực hiện việc xóa đăng ký cho thuê, cho thuê lại, xóa góp vốn vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
a) Hết thời hạn góp vốn bằng quyền sử dụng đất;
b) Một bên hoặc các bên đề nghị theo thỏa thuận trong hợp đồng góp vốn;
c) Bị thu hồi đất theo quy định của Luật Đất đai;
d) Bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất trong hợp đồng hợp tác kinh doanh hoặc doanh nghiệp liên doanh bị tuyên bố phá sản, giải thể;
đ) Cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết; bị tuyên bố là đã chết; bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự; bị cấm hoạt động trong lĩnh vực hợp tác kinh doanh mà hợp đồng góp vốn phải do cá nhân đó thực hiện;
e) Pháp nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị chấm dứt hoạt động mà hợp đồng góp vốn phải do pháp nhân đó thực hiện.
4. Việc xử lý quyền sử dụng đất khi chấm dứt việc góp vốn được quy định như sau:
a) Trường hợp hết thời hạn góp vốn hoặc do thỏa thuận của các bên về chấm dứt việc góp vốn thì bên góp vốn quyền sử dụng đất được tiếp tục sử dụng đất đó trong thời hạn còn lại.
Trường hợp thời hạn sử dụng đất đã hết hoặc bên góp vốn quyền sử dụng đất không còn nhu cầu tiếp tục sử dụng thì Nhà nước cho bên nhận góp vốn tiếp tục thuê đất nếu có nhu cầu;
b) Trường hợp chấm dứt việc góp vốn theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền do vi phạm pháp luật về đất đai thì Nhà nước thu hồi đất đó;
c) Trường hợp bên nhận góp vốn hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức bị phá sản thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án nhân dân.
Người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất theo quyết định của Tòa án nhân dân thì được tiếp tục sử dụng đất đúng mục đích đã được xác định trong thời hạn sử dụng đất còn lại và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Trường hợp không có người nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất thì Nhà nước thu hồi đất và tài sản đó;
d) Trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn chết thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được để thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự;
đ) Trường hợp cá nhân tham gia hợp đồng góp vốn bị tuyên bố là đã chết, đã chết hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì được giải quyết theo quy định của pháp luật về dân sự;
e) Trường hợp doanh nghiệp liên doanh giải thể hoặc bên góp vốn bằng quyền sử dụng đất là tổ chức giải thể thì quyền sử dụng đất đã góp vốn được xử lý theo thỏa thuận giữa các bên phù hợp với quy định của Luật Đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
1. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc đăng ký thế chấp quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất.
2. Việc xử lý quyền sử dụng đất đã bảo lãnh theo quy định của Luật Đất đai năm 2003, đã thế chấp để thu hồi nợ được quy định như sau:
a) Quyền sử dụng đất đã thế chấp, đã bảo lãnh được xử lý theo thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp, hợp đồng bảo lãnh. Trường hợp không xử lý được theo thỏa thuận thì bên nhận thế chấp, bên nhận bảo lãnh có quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được thế chấp, đã được bảo lãnh cho người khác để thu hồi nợ hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền bán đấu giá quyền sử dụng đất mà không cần có sự đồng ý của bên thế chấp, bên bảo lãnh hoặc khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật;
b) Người nhận quyền sử dụng đất quy định tại Điểm a Khoản này được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; được sử dụng đất theo mục đích đã xác định và có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của pháp luật về đất đai trong thời hạn sử dụng đất còn lại; đối với đất ở thì người sử dụng đất được sử dụng ổn định lâu đài.Bổ sung
1. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 01 năm 2008 mà đất đó chưa được cấp Giấy chứng nhận và không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này thì người nhận chuyển quyền sử dụng đất thực hiện thủ tục đăng ký đất đai, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất lần đầu theo quy định của Luật Đất đai và quy định tại Nghị định này mà không phải làm thủ tục chuyển quyền sử dụng đất; cơ quan tiếp nhận hồ sơ không được bắt buộc người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp hợp đồng, văn bản chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.
2. Trường hợp người đang sử dụng đất do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà bên nhận chuyển quyền sử dụng đất chỉ có Giấy chứng nhận của bên chuyển quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng, giấy tờ về chuyển quyền sử dụng đất theo quy định thì thực hiện theo quy định như sau:
a) Người nhận chuyển quyền sử dụng đất nộp đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và các giấy tờ về quyền sử dụng đất hiện có;
b) Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho bên chuyển quyền và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người nhận chuyển quyền. Trường hợp không rõ địa chỉ của người chuyển quyền để thông báo thì phải đăng tin trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương ba số liên tiếp (chi phí đăng tin do người đề nghị cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất trả);
c) Sau thời hạn 30 ngày, kể từ ngày thông báo hoặc đăng tin lần đầu tiên trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương mà không có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai lập hồ sơ để trình cơ quan có thẩm quyền quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp đối với trường hợp không nộp Giấy chứng nhận để làm thủ tục đồng thời cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất mới cho bên nhận chuyển quyền.
Trường hợp có đơn đề nghị giải quyết tranh chấp thì Văn phòng đăng ký đất đai hướng dẫn các bên nộp đơn đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định.
1. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân và sử dụng đất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mà không thay đổi mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp tư nhân được tiếp tục sử dụng đất và có trách nhiệm làm thủ tục đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai và Điều 85 của Nghị định này. Trường hợp sử dụng đất được Nhà nước cho thuê thì doanh nghiệp tư nhân phải ký lại Hợp đồng thuê đất với Sở Tài nguyên và Môi trường trước khi được nhận Giấy chứng nhận.
Trường hợp hộ gia đình, cá nhân thành lập doanh nghiệp tư nhân và sử dụng đất vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp thuộc trường hợp phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất thì doanh nghiệp tư nhân phải làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất. Doanh nghiệp tư nhân nộp hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất cùng với hồ sơ đăng ký đổi tên người sử dụng đất; cơ quan có thẩm quyền xem xét quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất đồng thời với việc xem xét xác nhận đổi tên người sử dụng đất.
Khi doanh nghiệp tư nhân chấm dứt hoạt động mà quyền sử dụng đất không bị xử lý theo quy định của pháp luật thì đăng ký biến động thay đổi tên người sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân theo quy định tại Điểm b Khoản 4 Điều 95 của Luật Đất đai và Điều 85 của Nghị định này.
2. Trường hợp chuyển nhượng dự án đầu tư có sử dụng đất theo quy định của pháp luật thì thực hiện theo quy định như sau:
a) Trường hợp chuyển nhượng dự án mà bên chuyển nhượng được Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê hoặc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật mà số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả không có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì các bên liên quan phải làm thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 79 của Nghị định này. Hợp đồng chuyển nhượng dự án phải thể hiện rõ giá trị quyền sử dụng đất trong tổng giá trị chuyển nhượng dự án và có giá trị thay thế cho hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất khi thực hiện thủ tục chuyển quyền sử dụng đất;
b) Trường hợp chuyển nhượng dự án mà bên chuyển nhượng được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất trả tiền thuê đất hàng năm hoặc giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất trả tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà số tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã trả có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước thì các bên liên quan nộp hợp đồng chuyển nhượng dự án và Giấy chứng nhận đã cấp để làm thủ tục như đối với trường hợp bán tài sản gắn liền với đất.
Sở Tài nguyên và Môi trường trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất đối với bên chuyển nhượng dự án và quyết định giao đất, cho thuê đất cho bên nhận chuyển nhượng dự án; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho bên nhận chuyển nhượng dự án theo quy định của pháp luật đất đai.
3. Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về việc đăng ký biến động đất đai đối với trường hợp chuyển đổi công ty; chia, tách, hợp nhất, sáp nhập doanh nghiệp.Bổ sung
1. Người chịu trách nhiệm nộp hồ sơ được quy định như sau:
a) Người nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ đối với trường hợp nhận quyền sử dụng đất theo kết quả giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai; xử lý hợp đồng thế chấp bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo thỏa thuận; quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; kết quả đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; chia tách hộ gia đình, nhóm người sử dụng đất;
b) Tổ chức đã thực hiện việc xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất nộp hồ sơ thay người nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp xử lý hợp đồng thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất không theo thỏa thuận; kê biên bán đấu giá quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất để thi hành án theo quy định của pháp luật.
2. Việc nộp hồ sơ đăng ký nhận quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất thực hiện theo quy định tại Điều 60 và Điều 79 của Nghị định này.
3. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất hoặc nhận quyền sử dụng một phần thửa đất đã cấp Giấy chứng nhận;
b) Gửi thông tin địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính;
c) Xác nhận vào Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định thì lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nếu có nhu cầu;
d) Cập nhật, chỉnh lý biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
1. Người sử dụng đất nộp 01 bộ hồ sơ đăng ký biến động.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ, nếu phù hợp quy định của pháp luật thì thực hiện các công việc sau đây:
a) Trích đo địa chính thửa đất đối với trường hợp có thay đổi về diện tích thửa đất, tài sản gắn liền với đất hoặc trường hợp đã cấp Giấy chứng nhận nhưng chưa có bản đồ địa chính, chưa trích đo địa chính thửa đất;
b) Trường hợp đăng ký thay đổi diện tích xây dựng, diện tích sử dụng, tầng cao, kết cấu, cấp (hạng) nhà hoặc công trình xây dựng mà không phù hợp với giấy phép xây dựng hoặc không có giấy phép xây dựng đối với trường hợp phải xin phép thì gửi phiếu lấy ý kiến của cơ quan quản lý, cấp phép xây dựng theo quy định của pháp luật về xây dựng;
c) Gửi thông tin địa chính cho cơ quan thuế để xác định và thông báo thu nghĩa vụ tài chính đối với trường hợp phải nộp tiền sử dụng đất, tiền thuê đất theo quy định của pháp luật;
d) Xác nhận thay đổi vào Giấy chứng nhận đã cấp hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp phải cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định của Bộ Tài nguyên và Môi trường; thông báo cho người sử dụng đất ký hoặc ký lại hợp đồng thuê đất với cơ quan tài nguyên và môi trường đối với trường hợp phải thuê đất;
đ) Chỉnh lý, cập nhật biến động vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai; trao Giấy chứng nhận cho người được cấp hoặc gửi Ủy ban nhân dân cấp xã để trao đối với trường hợp nộp hồ sơ tại cấp xã.
3. Trường hợp người sử dụng đất có nhu cầu chuyển mục đích sử dụng đất kết hợp với đăng ký biến động về các nội dung theo quy định tại Điều này thì thực hiện thủ tục quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này đồng thời với thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất.
1. Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót cho Văn phòng đăng ký đất đai để đính chính. Trường hợp sai sót do lỗi của người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thì người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất phải có đơn đề nghị để được đính chính.
Trường hợp Văn phòng đăng ký đất đai phát hiện Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót thì thông báo cho người sử dụng đất biết và yêu cầu người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp để thực hiện đính chính.
2. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm kiểm tra; lập biên bản kết luận về nội dung và nguyên nhân sai sót; lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện đính chính vào Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp có sai sót; đồng thời chỉnh lý nội dung sai sót vào hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai.
3. Trường hợp đính chính mà người được cấp Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng có yêu cầu cấp đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì Văn phòng đăng ký đất đai trình cơ quan có thẩm quyền để cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
1. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 61 và Điều 62 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất có nghĩa vụ nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ theo quy định của pháp luật đất đai. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp chuyển cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
2. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 64 và Điều 65 của Luật Đất đai thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước khi bàn giao đất cho Nhà nước, trừ trường hợp quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 65 của Luật Đất đai. Tổ chức được giao nhiệm vụ thực hiện thu hồi đất có trách nhiệm thu Giấy chứng nhận đã cấp và chuyển cho Văn phòng đăng ký đất đai để quản lý.
3. Trường hợp cấp đổi Giấy chứng nhận, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã cấp hoặc đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất thì người sử dụng đất nộp Giấy chứng nhận đã cấp trước đây cùng với hồ sơ đề nghị cấp đổi Giấy chứng nhận, hồ sơ đăng ký biến động.
Văn phòng đăng ký đất đai quản lý Giấy chứng nhận đã nộp sau khi kết thúc thủ tục cấp đổi, thủ tục đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất.
4. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật về đất đai tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai được thực hiện như sau:
a) Trường hợp cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra có văn bản kết luận Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xem xét, nếu kết luận đó là đúng thì quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp; trường hợp xem xét, xác định Giấy chứng nhận đã cấp là đúng quy định của pháp luật thì phải thông báo lại cho cơ quan điều tra, cơ quan thanh tra;
b) Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì thông báo bằng văn bản cho cơ quan thanh tra cùng cấp thẩm tra; nếu kết luận là Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật thì thông báo cho người sử dụng đất biết rõ lý do; sau 30 ngày kể từ ngày gửi thông báo cho người sử dụng đất mà không có đơn khiếu nại thì ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp;
c) Trường hợp người sử dụng đất phát hiện Giấy chứng nhận đã cấp không đúng quy định của pháp luật đất đai thì gửi kiến nghị, phát hiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo quy định tại Điểm b Khoản này;
d) Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện việc thu hồi và quản lý Giấy chứng nhận đã thu hồi theo quyết định thu hồi Giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền;
đ) Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không đồng ý với việc giải quyết của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại các Điểm a, b và c Khoản này thì có quyền khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại.
5. Nhà nước không thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật trong các trường hợp quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai nếu người được cấp Giấy chứng nhận đã thực hiện thủ tục chuyển đổi, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất và đã được giải quyết theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý thiệt hại do việc cấp Giấy chứng nhận pháp luật gây ra thực hiện theo quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân. Người có hành vi vi phạm dẫn đến việc cấp Giấy chứng nhận trái pháp luật bị xử lý theo quy định tại Điều 206 và Điều 207 của Luật Đất đai.
6. Việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp không thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 106 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân đã được thi hành.
7. Trường hợp thu hồi Giấy chứng nhận theo quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4 và 6 Điều này mà người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất không giao nộp Giấy chứng nhận thì Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất quyết định hủy Giấy chứng nhận đã cấp; chỉnh lý hồ sơ địa chính theo quy định; lập danh sách Giấy chứng nhận đã bị hủy gửi Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Quản lý đất đai để thông báo công khai trên trang thông tin điện tử.
8. Văn phòng đăng ký đất đai có trách nhiệm trình cơ quan có thẩm quyền cấp lại Giấy chứng nhận cho người sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật; trường hợp Giấy chứng nhận đã cấp trái pháp luật do lỗi của người sử dụng đất hoặc do cấp không đúng đối tượng thì hướng dẫn cho người sử dụng đất làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận theo quy định.
1. Khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện các công việc sau:
a) Thẩm tra, xác minh tìm hiểu nguyên nhân phát sinh tranh chấp, thu thập giấy tờ, tài liệu có liên quan do các bên cung cấp về nguồn gốc đất, quá trình sử dụng đất và hiện trạng sử dụng đất;
b) Thành lập Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai để thực hiện hòa giải. Thành phần Hội đồng gồm: Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân là Chủ tịch Hội đồng; đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã, phường, thị trấn; tổ trưởng tổ dân phố đối với khu vực đô thị; trưởng thôn, ấp đối với khu vực nông thôn; đại diện của một số hộ dân sinh sống lâu đời tại xã, phường, thị trấn biết rõ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đối với thửa đất đó; cán bộ địa chính, cán bộ tư pháp xã, phường, thị trấn. Tùy từng trường hợp cụ thể, có thể mời đại diện Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
c) Tổ chức cuộc họp hòa giải có sự tham gia của các bên tranh chấp, thành viên Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Việc hòa giải chỉ được tiến hành khi các bên tranh chấp đều có mặt. Trường hợp một trong các bên tranh chấp vắng mặt đến lần thứ hai thì được coi là việc hòa giải không thành.
2. Kết quả hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản, gồm có các nội dung: Thời gian và địa điểm tiến hành hòa giải; thành phần tham dự hòa giải; tóm tắt nội dung tranh chấp thể hiện rõ về nguồn gốc, thời điểm sử dụng đất đang tranh chấp, nguyên nhân phát sinh tranh chấp (theo kết quả xác minh, tìm hiểu); ý kiến của Hội đồng hòa giải tranh chấp đất đai; những nội dung đã được các bên tranh chấp thỏa thuận, không thỏa thuận.
Biên bản hòa giải phải có chữ ký của Chủ tịch Hội đồng, các bên tranh chấp có mặt tại buổi hòa giải, các thành viên tham gia hòa giải và phải đóng dấu của Ủy ban nhân dân cấp xã; đồng thời phải được gửi ngay cho các bên tranh chấp và lưu tại Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Sau thời hạn 10 ngày kể từ ngày lập biên bản hòa giải thành mà các bên tranh chấp có ý kiến bằng văn bản về nội dung khác với nội dung đã thống nhất trong biên bản hòa giải thành thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức lại cuộc họp Hội đồng hòa giải để xem xét giải quyết đối với ý kiến bổ sung và phải lập biên bản hòa giải thành hoặc không thành.
4. Trường hợp hòa giải thành mà có thay đổi hiện trạng về ranh giới sử dụng đất, chủ sử dụng đất thì Ủy ban nhân dân cấp xã gửi biên bản hòa giải thành đến cơ quan có thẩm quyền để giải quyết theo quy định tại Khoản 5 Điều 202 của Luật Đất đai.
Trường hợp hòa giải không thành hoặc sau khi hòa giải thành mà có ít nhất một trong các bên thay đổi ý kiến về kết quả hòa giải thì Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản hòa giải không thành và hướng dẫn các bên tranh chấp gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp tiếp theo.Bổ sung
1. Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai nộp đơn tại Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền.
2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền giao trách nhiệm cơ quan tham mưu giải quyết.
3. Cơ quan tham mưu có nhiệm vụ thẩm tra, xác minh vụ việc, tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp, tổ chức cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai (nếu cần thiết) và hoàn chỉnh hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai. Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai bao gồm:
a) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
b) Biên bản hòa giải tại Ủy ban nhân dân cấp xã; biên bản làm việc với các bên tranh chấp và người có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản cuộc họp các ban, ngành có liên quan để tư vấn giải quyết tranh chấp đất đai đối với trường hợp hòa giải không thành; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
c) Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp và các tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp;
d) Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết tranh chấp hoặc quyết định công nhận hòa giải thành, gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.
1. Người có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi đơn đến Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.
2. Sau khi nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường phân công đơn vị có chức năng tham mưu giải quyết. Đơn vị được phân công giải quyết tiến hành thu thập, nghiên cứu hồ sơ; tổ chức hòa giải giữa các bên tranh chấp; trường hợp cần thiết trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định thành lập đoàn công tác để tiến hành thẩm tra, xác minh vụ việc tại địa phương; hoàn chỉnh hồ sơ trình Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai.
3. Hồ sơ giải quyết tranh chấp đất đai gồm:
a) Đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai;
b) Biên bản làm việc với các bên tranh chấp, với các tổ chức, cá nhân có liên quan; biên bản kiểm tra hiện trạng đất tranh chấp; biên bản hòa giải trong quá trình giải quyết tranh chấp;
c) Trích lục bản đồ, hồ sơ địa chính qua các thời kỳ liên quan đến diện tích đất tranh chấp, hồ sơ, tài liệu làm chứng cứ, chứng minh trong quá trình giải quyết tranh chấp đất đai tại địa phương;
d) Báo cáo đề xuất và dự thảo quyết định giải quyết tranh chấp hoặc dự thảo quyết định công nhận hòa giải thành.
4. Quyết định giải quyết tranh chấp đất đai hoặc quyết định công nhận hòa giải thành được gửi cho các bên tranh chấp, các tổ chức, cá nhân có quyền và nghĩa vụ liên quan.Bổ sung
1. Tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai và Điều 18 của Nghị định này thì việc giải quyết tranh chấp được thực hiện dựa theo các căn cứ sau:
a) Chứng cứ về nguồn gốc và quá trình sử dụng đất do các bên tranh chấp đất đai đưa ra;
b) Thực tế diện tích đất mà các bên tranh chấp đang sử dụng ngoài diện tích đất đang có tranh chấp và bình quân diện tích đất cho một nhân khẩu tại địa phương;
c) Sự phù hợp của hiện trạng sử dụng thửa đất đang có tranh chấp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
d) Chính sách ưu đãi người có công của Nhà nước;
đ) Quy định của pháp luật về giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất.
2. Căn cứ quy định về cưỡng chế thi hành quyết định hành chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định chi tiết việc cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành.Bổ sung
1. Theo dõi, tổng hợp việc thi hành pháp luật về đất đai; phân tích, đánh giá hiệu quả quản lý, sử dụng đất và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai đến kinh tế, xã hội và môi trường.
2. Tiếp nhận các ý kiến của tổ chức, công dân về quản lý, sử dụng đất; chuyển ý kiến đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết.
3. Công khai các thông tin thu nhận được từ quá trình quản lý và sử dụng đất đai; kết quả giải quyết quy định tại Khoản 2 Điều này trên trang thông tin điện tử của hệ thống theo dõi và đánh giá.
4. Đề xuất việc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về đất đai; biện pháp tổ chức thi hành chính sách, pháp luật về đất đai.
1. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai là thành phần của hệ thống thông tin đất đai; được thiết lập thống nhất từ Trung ương tới địa phương và được công khai trên mạng thông tin quốc gia theo quy định của pháp luật.
2. Hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai phải phản ánh quy mô, chất lượng và hiệu quả quản lý, sử dụng đất đai; tác động của chính sách, pháp luật về đất đai; mức độ minh bạch và sự tham gia của nhân dân vào quá trình quản lý và sử dụng đất đai thông qua các chỉ số định lượng và định tính.
Việc cung cấp và phản ánh thông tin về quản lý và sử dụng đất đai theo quy định sau đây:
1. Cơ quan tài nguyên và môi trường có trách nhiệm báo cáo và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai; kết quả thực hiện các đề án, dự án về quản lý đất đai cho Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tài nguyên và môi trường cấp trên để cập nhật vào hệ thống theo dõi và đánh giá.
2. Các Bộ, ngành khác có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm lập báo cáo và cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin có liên quan về quản lý, sử dụng đất đai trong phạm vi nhiệm vụ quản lý của các Bộ, ngành, địa phương cho Bộ Tài nguyên và Môi trường.
3. Các tổ chức, cá nhân phản ánh đầy đủ, chính xác, kịp thời, khách quan các thông tin về quản lý, sử dụng đất đai cho cơ quan quản lý đất đai, Ủy ban nhân dân các cấp để cập nhật vào hệ thống theo dõi và đánh giá.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:
a) Thiết kế, xây dựng hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai; quản lý, tổ chức vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở Trung ương; hướng dẫn việc quản lý và vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá quản lý và sử dụng đất đai ở địa phương;
b) Chỉ đạo, hướng dẫn việc tổ chức thực hiện việc đánh giá hàng năm về quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai;
c) Lập báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất theo chuyên đề về quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai;
d) Ban hành tiêu chí, quy trình đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai và tác động của chính sách, pháp luật về đất đai; biểu, mẫu báo cáo và trách nhiệm báo cáo của hệ thống cơ quan tài nguyên và môi trường.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo việc xây dựng, vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý, sử dụng đất đai ở địa phương.
3. Cơ quan tài nguyên và môi trường địa phương có trách nhiệm quản lý và tổ chức vận hành hệ thống theo dõi và đánh giá đối với quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương; báo cáo Ủy ban nhân dân cùng cấp và cơ quan tài nguyên và môi trường cấp trên về quản lý, sử dụng đất đai, tác động của chính sách pháp luật đất đai theo yêu cầu.
1. Người đứng đầu tổ chức, Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền quyết định về quản lý đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.
2. Cán bộ, công chức thuộc cơ quan quản lý đất đai các cấp và cán bộ địa chính xã, phường, thị trấn có hành vi vi phạm các quy định về trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý đất đai.
3. Người đứng đầu tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức, nhân viên của tổ chức được Nhà nước giao đất để quản lý thuộc các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 8 của Luật Đất đai mà có hành vi vi phạm pháp luật về đất đai đối với đất được giao để quản lý.
1. Vi phạm quy định về hồ sơ và mốc địa giới hành chính bao gồm các hành vi sau:
a) Làm sai lệch sơ đồ vị trí, bảng tọa độ, biên bản bàn giao mốc địa giới hành chính;
b) Cắm mốc địa giới hành chính sai vị trí trên thực địa.
2. Vi phạm quy định về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Không tổ chức lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất kịp thời theo quy định;
b) Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất;
c) Không công bố quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; không công bố việc điều chỉnh hoặc hủy bỏ việc thu hồi hoặc chuyển mục đích đối với phần diện tích đất ghi trong kế hoạch sử dụng đất mà sau 03 năm chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa được phép chuyển mục đích sử dụng đất; không báo cáo thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất.
3. Vi phạm quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất không đúng vị trí và diện tích đất trên thực địa;
b) Giao đất, giao lại đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Giao lại đất, cho thuê đất trong khu công nghệ cao, khu kinh tế, cảng hàng không, sân bay dân dụng không phù hợp với quy hoạch xây dựng đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Vi phạm quy định về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư bao gồm các hành vi sau:
a) Không thông báo trước cho người có đất bị thu hồi theo quy định tại Điều 67 của Luật Đất đai; không công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
b) Không thực hiện đúng quy định về tổ chức lấy ý kiến đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;
c) Thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cho người có đất thu hồi; làm sai lệch hồ sơ thu hồi đất; xác định sai vị trí và diện tích đất bị thu hồi trên thực địa;
d) Thu hồi đất không đúng thẩm quyền; không đúng đối tượng; không đúng với quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
5. Vi phạm quy định về trưng dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Thực hiện bồi thường không đúng đối tượng, diện tích, mức bồi thường, thời hạn bồi thường cho người có đất bị trưng dụng;
b) Trưng dụng đất không đúng các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 72 của Luật Đất đai.
6. Vi phạm quy định về quản lý đất do được Nhà nước giao để quản lý bao gồm các hành vi sau:
a) Để xảy ra tình trạng người được pháp luật cho phép sử dụng đất tạm thời mà sử dụng đất sai mục đích;
b) Sử dụng đất sai mục đích;
c) Để đất bị lấn, bị chiếm, bị thất thoát.
7. Vi phạm quy định về thực hiện trình tự, thủ tục hành chính trong quản lý và sử dụng đất bao gồm các hành vi sau:
a) Không nhận hồ sơ đã hợp lệ, đầy đủ, không hướng dẫn cụ thể khi tiếp nhận hồ sơ, gây phiền hà đối với người nộp hồ sơ, nhận hồ sơ mà không ghi vào sổ theo dõi;
b) Tự đặt ra các thủ tục hành chính ngoài quy định chung, gây phiền hà đối với người xin làm các thủ tục hành chính;
c) Giải quyết thủ tục hành chính không đúng trình tự quy định, trì hoãn việc giao các loại giấy tờ đã được cơ quan có thẩm quyền ký cho người xin làm thủ tục hành chính;
d) Giải quyết thủ tục hành chính chậm so với thời hạn quy định;
đ) Từ chối thực hiện hoặc không thực hiện thủ tục hành chính mà theo quy định của pháp luật về đất đai đã đủ điều kiện để thực hiện;
e) Thực hiện thủ tục hành chính không đúng thẩm quyền;
g) Quyết định, ghi ý kiến hoặc xác nhận vào hồ sơ không đúng quy định gây thiệt hại hoặc tạo điều kiện cho người xin làm thủ tục hành chính gây thiệt hại cho Nhà nước, tổ chức và công dân;
h) Làm mất, làm hư hại, làm sai lệch nội dung hồ sơ.
Các quy định về nguyên tắc xử lý kỷ luật, thời hiệu, thời hạn xử lý kỷ luật, áp dụng hình thức kỷ luật, thẩm quyền xử lý kỷ luật, trình tự, thủ tục xem xét xử lý kỷ luật, các quy định khác liên quan đến xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, viên chức được thực hiện theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm rà soát các trường hợp đang thực hiện thủ tục thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 để xử lý theo quy định sau đây:
1. Trường hợp đã có văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư, giới thiệu địa điểm hoặc thông báo thu hồi đất gửi đến từng người có đất thu hồi hoặc văn bản cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì xử lý như sau:
a) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện dự án và áp dụng hình thức thu hồi đất hoặc chủ đầu tư nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai, nếu phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản chỉ đạo các tổ chức, cá nhân liên quan phải dừng thực hiện dự án nếu không phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm cấp huyện đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
c) Trường hợp thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh thuộc diện Nhà nước thu hồi đất nhưng cho phép chủ đầu tư thỏa thuận với người sử dụng đất thuộc phạm vi dự án mà đến ngày 01 tháng 7 năm 2014 còn diện tích đất không thỏa thuận được thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi phần diện tích đất mà chủ đầu tư và người sử dụng đất không đạt được thỏa thuận để thực hiện dự án đầu tư.
2. Trường hợp đã có quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà chưa tổ chức thực hiện cưỡng chế thì việc cưỡng chế thu hồi đất phải thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.Bổ sung
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các trường hợp đã được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 mà không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai và xử lý theo quy định sau đây:
1. Trường hợp đã có văn bản của cơ quan có thẩm quyền về hành vi vi phạm này trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 của Luật Đất đai; thời gian gia hạn được tính từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.
2. Trường hợp đã có quyết định thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014 thì thực hiện thu hồi đất theo quyết định thu hồi đất đã ban hành và xử lý tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản đã đầu tư trên đất thu hồi theo quy định của Luật Đất đai năm 2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành.Bổ sung
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2014.
2. Nghị định này thay thế các Nghị định sau:
a) Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai;
b) Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai và Nghị định số 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần;
c) Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
d) Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư;
đ) Nghị định số 88/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm rà soát các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành trái với quy định của Luật Đất đai, của Nghị định này để sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ.
1. Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tư pháp, Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành khác, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm hướng dẫn thi hành các Điều, Khoản được giao trong Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp và tổ chức, cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
THE GOVERNMENT |
THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No. 43/2014/ND-CP |
Hanoi, May 15, 2014 |
DETAILING A NUMBER OF ARTICLES OF THE LAND LAW
Pursuant to the December 25, 2001 Law on Organization of the Government;
Pursuant to the November 29, 2013 Land Law;
At the proposal of the Minister of Natural Resources and Environment,
The Government promulgates the Decree detailing a number of articles of Land Law No. 45/2013/ND-CP.
Article 1. Scope of regulation
1. This Decree details a number articles and clauses of Land Law No. 45/2013/QH13 (below referred to as the Land Law).
2. Other decrees of the Government shall detail a number of articles and clauses of the Land Law concerning compensation, support, resettlement; land prices; collection of land use levy; collection of land and water surface rentals; and sanctioning of land-related administrative violations.
Article 2. Subjects of application
1. State agencies that exercise the powers and perform the responsibilities of the representative of the entire-people ownership of land, and perform the task of uniform state management of land.
2. Land users defined in Article 5 of the Land Law.
3. Other subjects involved in land management and use.
Article 3. Determination of land types
The determination of a land type in cases land is used without the papers prescribed in Clauses 1, 2 and 3, Article 11 of the Land Law must comply with the following provisions:
1. In case of current stable use of land which is acquired not through illegal encroachment, occupation or change of land use purpose, the land type shall be determined based on the current land use status.
2. In case of use of land which is acquired through illegal encroachment, occupation or change of land use purpose, the land type shall be determined according to the land origin and the process of land management and use.
3. For a land parcel which is currently used for different purposes (other than residential land with gardens and ponds in the same parcel), the determination of land type must comply with the following provisions:
a/ In case boundaries of land areas used for different purposes can be determined, the land parcel shall be divided into smaller parcels according to their use purposes which shall be determined according to the current use status of such parcels;
b/ In case boundaries of land used for different purposes cannot be determined, the main land use purpose shall be determined according to the current land type with the highest price in the land price table promulgated by the People’s Committee of the province or centrally run city (below collectively referred to as the provincial-level People’s Committee). In case of land use after a land use master plan is approved by a competent agency, the determination of the main use purpose shall be based on such master plan.
4. In case of land on which a condominium for mixed purposes is built before July 1, 2014, with the floor area of the condominium partly used as offices, commercial or service establishments, the main use purpose of the land area for building the condominium shall be determined as residential purpose.
5. Agencies to determine land types specified in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article are provincial-level People’s Committees, for organizations, religious institutions, foreign-invested enterprises, and foreign organizations with the diplomatic function; People’s Committees of districts, towns or provincial cities (below collectively referred to as district-level People’s Committees), for households, individuals, communities and overseas Vietnamese. In case of land recovery, agencies competent to determine land types are those competent to recover land in accordance with the land law.
THE SYSTEM OF LAND ADMINISTRATION ORGANIZATION AND SERVICES IN THE LAND MANAGEMENT AND USE
Article 4. Land administration agencies
1. Local land administration agencies include:
a/ Land administration agencies of provinces and centrally run cities which are provincial- level Natural Resources and Environment Departments;
b/ Land administration agencies of districts, towns and provincial cities which are district-level Natural Resources and Environment Divisions.
2. Provincial-level People’s Committees and district-level People’s Committees shall organize land administration apparatuses in their localities; district-level People’s Committees shall appoint cadastral officers of communes, wards and townships to perform land administration tasks.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Home Affairs in, specifying the functions, tasks and organizational structures of local land administration agencies and tasks of cadastral officers of communes, wards and townships.
Article 5. Provision of land-related services
1. Land registration offices:
a/ Land registration offices are public non-business units of provincial-level Natural Resources and Environment Departments established or reorganized by provincial-level People’s Committees on the basis of consolidating existing land use rights registration offices of provincial-level Natural Resources and Environment Departments and district-level Natural Resources and Environment Divisions in localities; have the legal person status, own working offices and seals and may open accounts for their operation in accordance with law.
Land registration offices have the functions of registering land and other land-attached assets; compiling, managing, updating and uniformly revising cadastral dossier and land databases; making land statistics and inventory; providing land information to organizations and individuals at their request under regulations;
b/ Land registration offices have branches in districts, towns and provincial cities. Branches of land registration offices may perform the functions and tasks and exercise the powers of land registration offices under decisions of provincial-level People’s Committees;
c/ Operation funds of land registration offices must comply with regulations on finance of public non-business units.
2. Land fund development organizations:
a/ Land fund development organizations are public non-business units established in accordance with the law on establishment, reorganization and dissolution of public non-business units; have the legal person status, own working offices and seals and may open accounts for their operation in accordance with law; have branches in districts, towns and provincial cities. For localities that currently have both provincial-level and district-level land fund development organizations, these organizations shall be consolidated.
Land fund development organizations have the functions of creating, developing, managing and exploiting land funds; organizing the payment of compensations, provision of support, and resettlement; receiving land use rights transferred by organizations, households and individuals; organizing the auction of land use rights and providing other services.
b/ Operation funds of land fund development organizations must comply with regulations on finance of public non-business units.
3. Land-related services, including:
a/ Surveying and assessing land; improving land;
b/ Elaborating land use master plans and plans;
c/ Measuring and making cadastral maps and dossier, building land databases, making dossiers for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets;
d/Providing consultancy on determination of land prices;
dd/ Auctioning land use rights;
e/ Paying compensations, providing support and organizing resettlement.
4. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Home Affairs and the Ministry of Finance in. specifying the organizational structures, tasks and operation mechanism of land registration offices and land fund development organizations.
5. Land registration offices and land fund development organizations must be established or reorganized before December 31, 2015. Pending the establishment or reorganization of offices or organizations defined in Clauses 1 and 2 of this Article, previously established land use rights registration offices and land fund development centers may continue operating according to their assigned functions and tasks.
Article 6. Land development fund
1. Land development funds mentioned in Article 111 of the Land Law shall be established in accordance with the law on establishment, reorganization and dissolution of public non-business units or entrusted to the development investment funds or other financial funds of localities before January 1, 2015. Land development funds are state financial institutions attached to provincial-level People’s Committees, have the legal person status, conduct independent accounting, have own seals and may open accounts at the State Treasury and credit institutions for their operation in accordance with law.
Land development funds established before July 1, 2014, may continue operating under this Decree.
2. Financial sources of land development funds shall be incorporated in local budget estimates, allocated from the state budget right upon their establishment and annually supplemented; and may be mobilized from other sources, including aid, financial assistance, support or sources entrusted for management of international organizations, domestic and foreign organizations and individuals under aid, financial assistance or entrustment programs or projects.
Based on annual land use plans, provincial-level People’s Committees shall submit to People's Councils of the same level for decision state budget allocations for land development funds upon their establishment and specific annual additional allocations for the funds suitable to their local conditions.
3. Land development funds shall be used to advance capital for land fund development organizations and other organizations to pay compensations for ground clearance and create land funds under land use master plans and plans approved by competent agencies.
4. The Ministry of Finance shall submit to the Prime Minister for promulgation a model regulation on management and use of land development funds; and prescribe the allocation, accounting, settlement and finalization of land development funds, mobilization and use of financial sources of land development funds, and a mechanism of entrustment to development investment funds and other financial funds of localities in case no land development fund is established under regulations on management of the State’s budget and financial funds.
Provincial-level People’s Committees shall base themselves on Clauses 1, 2 and 3 of this Article, the model regulation on management and use of land development funds promulgated by the Prime Minister and other relevant regulations to decide on establishment or adjustment of the functions and tasks of previously established land development funds and on the organizational structure, financial sources and operation mechanism of land development funds to suit local conditions and situations.
LAND USE MASTER PLANS AND PLANS
Article 7. Elaboration and modification of land use master plans and plans
1. The responsibility to determine the land use demand in the elaboration and modification of national land use master plans and plans is prescribed as follows:
a/ Ministries and sectors shall determine the land use demands and propose projects in the sectors and fields under their management in provincial-level administrative units; provincial- level People’s Committees shall determine the land use demands of their localities;
b/ Ministries, sectors and provincial-level People’s Committees shall send reports on their land use demands to the Ministry of Natural Resources and Environment within 45 days after receiving the latter’s written request for registration of land use demands;
c/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall summarize and balance the land use demands and plan on the allocation of national land use norms to every socioeconomic region and provincial-level administrative unit.
2. Provincial-level land use master plans and plans:
a/ The responsibility to determine the land use demands in the elaboration and modification of provincial-level land use master plans and plans:
Provincial-level departments and sectors shall determine the land use demands and propose land-using projects within provincial-level land use norms for every district-level administrative unit; district-level People’s Committees shall determine the land use demands of their localities.
Provincial-level departments and sectors and district-level People’s Committees shall send reports on their land use demands to provincial-level Natural Resources and Environment Departments within 30 days after receiving the latter’s written requests for registration of land use demands.
Provincial-level Natural Resources and Environment Departments shall plan the allocation of national land use norms and list projects in the national land use master plan and plans for every district-level administrative unit; summarize and balance the land use demands and plan the allocation of provincial-level land use norms to every district-level administrative unit.
b/ Land use norms in provincial-level land use master plans include land use norms by land type and land use norms by functional zone.
Land use norms by land type include those based on land types allocated by the national land use master plan to provincial-level localities and those based on land types determined by provincial-level localities. Land use norms based on land types determined by provincial-level localities include land for cultivation of perennial trees; land for cultivation of other annual crops; rural residential land; urban residential land; land for construction of offices of state agencies; land for construction of offices of non-business organizations; land for construction of diplomatic facilities; land of industrial clusters; land for trading and services; land of non-agricultural production units; land used for mining activities; land for development of provincial-level infrastructure facilities; land of religious institutions; land used for cemeteries, graveyards, funeral service centers and crematories.
Land use norms by functional zone include agricultural production zones; forestry zones; nature and biodiversity conservation zones; industrial development zones; urban centers; trade- service zones; and rural residential zones.
c/ In case of necessity to change the sizes, locations and number of projects and works of the same land type without changing land use norms and areas according to use functions in approved land use master plans, provincial-level People’s Committees shall submit such changes to People’s Councils of the same level for approval and update to district-level land use master plans and plans for implementation.
3. District-level land use master plans and plans:
a/ The responsibility for determining the land use demands in the elaboration and modification of district-level land use master plans and plans:
District-level divisions and sections shall determine the land use demands and propose land-related projects on the list of district-level land use norms for every commune-level administrative unit; People’s Committees of communes, wards or townships (below referred to as commune-level People’s Committees) shall determine the land use demands of their localities.
District-level divisions and sections and commune-level People’s Committees shall send reports on their land use demands to district-level Natural Resources and Environment Divisions within 30 days after receiving the latter’s written requests for registration of land use demands.
District-level Natural Resources and Environment Divisions shall determine provincial- level land use norms and projects in provincial-level land use master plans and plans allocated to districts for every commune-level administrative unit; summarize and balance the land use demands and plan the allocation of district-level land use norms to every commune-level administrative unit.
b/ Land use norms in district-level land use master plans include land use norms by land type and land use norms by functional zone
Land use norms by land type include those based on land types allocated by provincial- level land use master plans to district-level localities and those based on land types determined by district- and commune-level localities. Land use norms based on land types determined by district and commune-level localities include other agricultural land; land for production of building materials and pottery; land for development of district- and commune-level infrastructure facilities; land for communal activities and public entertainment and recreation centers; land for belief activities; land with rivers, streams, canals, springs and special-use water surface; and other non-agricultural land.
Land use norms by functional zone include zones for cultivation of wet rice; zones for production of perennial industrial trees; protection, special-use and production forests; industrial parks and clusters; urban - trade - service centers; tourist resorts; rural residential areas, craft villages and non-agricultural production zones.
4. In the course of elaborating master plans and plans on use of national defense or security land, the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall coordinate with provincial-level People’s Committees in determining locations and areas of land types used for national defense and security purposes specified in Article 61 of the Land Law in their localities.
5. The Ministry of Natural Resources and Environment shall detail the order and contents of elaboration and modification of land use master plans and plans.
Article 8. Consultation on land use master plans and plans
1. A dossier for consultation on national, provincial-level or district-level land use master plan or plan comprises:
a/ A brief report on the land use master plan or plan, covering land use norms, a list of projects and works expected to be built in the period of land use master plan or plan;
b/ A land use master plan or plan map.
2. Reports on summarization, assimilation and explanation of public opinions on national land use master plans and plans shall be publicized on the website of the Ministry of Natural Resources and Environment and the General Department of Land Administration. For provincial- or district-level land use master plans and plans, public opinions shall be publicized on websites of provincial- or district-level People’s Committees.
3. The consultation with provincial-level People’s Committees on masterplans and plans on use of national defense and security land is prescribed as follows:
a/ The Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall send dossiers for consultation on draft master plans and plans on use of national defense or security land to provincial-level People’s Committees. Within 30 days after receiving dossiers, provincial- level People’s Committees shall send their opinions to the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;
b/ The Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall summarize, assimilate and explain opinions of provincial-level People’s Committees and improve draft land use master plans and plans before submitting them to the Government for approval.
Article 9. Order of and procedures for appraisal and approval of land use master plans and plans
1. Order of and procedures for appraisal and approval of provincial-level land use master plans and plans:
a/ A provincial-level People’s Committee shall send the dossier of a land use master plan or plan to the Ministry of Natural Resources and Environment for appraisal;
b/ Within 5 days after receiving a complete and valid dossier of a land use master plan or plan, the Ministry of Natural Resources and Environment shall send such dossier to members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans for opinion;
c/ In case of necessity, within 10 days after receiving a complete and valid dossier, the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans shall conduct the site inspections and surveys in areas in which land use purposes are expected to change, especially areas in which the use purpose of rice cultivation, protection forest or special-use forest land is expected to change;
d/ Within 15 days after receiving a valid dossier, members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans shall send their written opinions to the Ministry of Natural Resources and Environment;
dd/ Within 10 days after the expiration of the time limit for collection of opinions, the Ministry of Natural Resources and Environment shall organize a meeting of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans and send a notice of results of appraisal of the land use master plan or plan to the provincial-level People’s Committee;
e/ The provincial-level People’s Committee shall complete the dossier of the land use master plan or plan; submit it to the provincial-level People’s Council for approval; and then submit it to the Ministry of Natural Resources and Environment for approval;
g/ Within 10 days after receiving a complete and valid dossier, the Ministry of Natural Resources and Environment shall submit the provincial-level land use master plan or plan to the Government for approval.
2. Order of and procedures for appraisal and approval of district-level land use master plans:
a/ A district-level People’s Committee shall send the dossier of a land use master plan to the provincial-level Natural Resources and Environment Department for appraisal;
b/ Within 5 days after receiving a complete and valid dossier of a land use master plan or plan, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall send such dossier to members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans for opinion;
c/ In case of necessity, within 10 days after receiving a complete and valid dossier, the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans shall conduct the site inspections and surveys in areas where land use purposes are expected to change, especially areas where the use purpose of rice cultivation, protection forest or special-use forest land is expected to change;
d/ Within 15 days after receiving a valid dossier, members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans shall send their written opinions to the provincial-level Natural Resources and Environment Department;
dd/ Within 10 days after the expiration of the time limit for collection of opinions, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall organize a meeting of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans and send a notice of results of appraisal of the land use master plan to the district-level People’s Committee;
e/ The district-level People’s Committee shall complete the dossier of the land use master plan; submit it to the district-level People’s Council for approval; and then submit it to the provincial-level Natural Resources and Environment Department for approval;
g/ Within 10 days after receiving a complete and valid dossier, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall submit the district-level land use master plan to the provincial-level People’s Committee for approval.
3. The order of and procedures for appraisal and approval of modifications of provincial- level land use master plans and plans must comply with Clause 1 of this Article; the order of and procedures for appraisal and approval of modifications of district-level land use master plans must comply with Clause 2 of this Article.
4. Order of and procedures for appraisal and approval of annual district-level land use plans:
a/ In the third quarter of every year, a district-level People’s Committee shall send the dossier of an annual land use plan of the subsequent year to the provincial-level Natural Resources and Environment Department for appraisal;
b/ Within 5 days after receiving a complete and valid dossier, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall send such dossier to members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans for opinion;
c/ Within 15 days after receiving a valid dossier, members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans shall send their written opinions to the provincial-level Natural Resources and Environment Department;
d/ Within 5 days after the expiration of the time limit for collection of opinions, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall organize a meeting of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans and send a notice of results of appraisal of the land use plan to the district-level People’s Committee for completion of the dossier;
dd/ The provincial-level Natural Resources and Environment Department shall draw up a list of projects which need land recovery under Clause 3, Article 62 of the Land Law and report it to the provincial-level People’s Committee for submission to the provincial-level People’s Council for approval together with decision on allocation of the state budget for the payment of compensations for ground clearance at the year-end meeting of the provincial- level People’s Council;
e/ Based on the complete dossier of the annual district-level land use plan and the resolution of the provincial-level People’s Council, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall submit the plan to the provincial-level People’s Committee for approval before December 31.
5. Order of and procedures for appraisal and approval of national defense or security land use master plans and plans:
a/ The Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall send the dossier of a land use master plan or plan to the Ministry of Natural Resources and Environment for appraisal;
b/ Within 5 days after receiving a complete and valid dossier, the Ministry of Natural Resources and Environment shall send such dossier to members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans for opinion;
c/ Within 15 days after receiving the dossier, members of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans shall send their written opinions to the Ministry of Natural Resources and Environment;
d/ Within 10 days after the expiration of the time limit for collection of opinions, the Ministry of Natural Resources and Environment Department shall organize a meeting of the Council for Appraisal of Land Use Master Plans and Plans and send a notice of results of appraisal of the land use master plan or plan to the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;
dd/ The Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall complete the dossier of the land use master plan or plan and submit it to the Ministry of Natural Resources and Environment for approval;
e/ Within 10 days after receiving a complete and valid dossier, the Ministry of Natural Resources and Environment shall submit the national defense or security land use master plan or plan to the Government for approval.
Article 10. Conditions on organizations providing consultancy on the elaboration of land use master plans and plans
1. A non-business organization or an enterprise may provide consultancy on the elaboration of land use master plans and plans when fully meeting the following conditions:
a/ Having the function of providing consultancy on the elaboration of land use master plans and plans;
b/ Having at least 5 qualified persons meeting the conditions prescribed in Clause 2 of this Article.
2. A person may practice as a consultant on the elaboration of land use master plans and plans in an organization with the function of providing consultancy when fully meeting the following conditions:
a/ Having the civil act capacity;
b/ Possessing a university or postgraduate degree in land administration, cadastral or other professional fields related to land use planning;
c/ Having worked in the field of land use planning and other specialized planning for at least 24 months.
Article 11. Implementation of land use master plans and plans
1. Provincial- and district-level People’s Committees shall review master plans and plans of land-using sectors, fields and localities to ensure their conformity with land use master plans and plans decided or approved by competent state agencies.
2. Provincial-level People’s Committees shall direct and inspect district- and commune- level People’s Committees in specifically determining the actual areas and boundaries of rice cultivation, special-use forest and protection forest land.
Provincial-level People’s Committees must be answerable to the Prime Minister for protecting rice cultivation, special-use forest and protection forest land determined in land use master plans and plans.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment must be answerable to the Prime Minister for inspecting the realization of land use norms in national and provincial-level land use master plans and plans and supervising localities, ministries and sectors in implementing land use master plans and plans.
4. In case some land use norms in land use master plans and plans, by the end of a land use planning period, remain unrealized but still conform with the same-level general socioeconomic development plan approved by competent state agencies, they may continue to be realized until land use master plans of the subsequent period are approved but within 12 months after the end of the previous land use planning period.
Article 12. Settlement of some matters related to land use master plans and plans arising after July 1, 2014
1. For localities that have land use master plans through 2020, district- and commune- level land use plans for the first 5 years of the period (2011-2015) approved by competent state agencies before July 1, 2014, may be used for the elaboration of district-level land use plans of 2015, modification of district-level land use master plans through 2020, and elaboration of annual land use plans in accordance with the Land Law.
2. For localities that have land use master plans through 2020, district-level land use plans for the first 5 years of the period (2011-2015) approved by competent state agencies and commune-level land use master plans and plans not yet approved before July 1, 2014, no commune-level land use master plans and plans shall be elaborated. Land use master plans through 2020, district-level land use plans for the first 5 years of the period (2011-2015) and products of projects on elaboration of commune-level land use master plans and plans for communes which are elaborating land use master plans and plans may be used for the elaboration of district-level land use plans of 2015, modification of land use master plans through 2020 and elaboration of annual land use plans in accordance with the Land Law.
LAND RECOVERY, ALLOCATION, LEASE AND USE PURPOSE CHANGE
Article 13. Consultations with ministries on land-using projects on islands or in border or coastal communes, wards and townships
1. For projects with foreign direct investment on islands or in border or coastal communes, wards and townships not subject to approval or investment decision of the National Assembly or Prime Minister, before considering and approving the investment policy, provincial-level People’s Committees shall send written requests to the following ministries for opinion:
a/ The Ministry of National Defense, Ministry of Public Security and Ministry of Foreign Affairs, for land parcels on islands or in border communes, wards or townships;
b/ The Ministry of National Defense, for land parcels in coastal communes, wards or townships adjacent to land parcels used for national defense purposes, except the cases in which restricted areas have been determined under regulations;
c/ The Ministry of Public Security, for land parcels in coastal communes, wards or townships adjacent to land parcels used for security purposes.
2. Within 20 days after receiving a written request for opinion, the Ministry of National Defense, Ministry of Public Security and Ministry of Foreign Affairs shall send their written opinions to provincial-level People’s Committees.
3. In case projects specified in Clause 1 of this Article use rice cultivation, protection forest or special-use forest land under Point a, Clause 1, Article 58 of the Land Law, ministries shall be consulted before these projects are submitted to the Prime Minister.
Article 14. Detailed provisions on conditions on persons allocated or leased land by the State or permitted by the State to change land use purpose to implement investment projects
a/ Investment projects to build houses for sale or lease or both sale and lease in accordance with the housing law;
b/ Investment projects to deal in real estate associated with land use rights in accordance with the law on real estate business;
c/ Production or business projects not funded by the state budget.
2. The condition of financial capacity to ensure the land use according to the investment project’s schedule is prescribed as follows:
a/ Having own capital for implementation of the project equal to at least 20% of the total investment, for projects using less than 20 hectares of land; or to at least 15% of the total investment, for projects using 20 hectares of land or more;
b/ Being able to raise capital for implementation of the project from credit institutions, foreign bank branches and other organizations and individuals.
3. The identification of persons to be allocated or leased land by the State or permitted by the State to change the land use purpose to implement investment projects not in violation of the land law in case they are using land allocated or leased by the State for implementation of other investment projects must be based on the following grounds:
a/ Results of the handling of violations of the land law committed by local projects archived at provincial-level Natural Resources and Environment Departments;
b/ Contents of violations of the land law and results of the handling thereof publicized on the websites of the Ministry of Natural Resources and Environment and the General Department of Land Administration, for other local projects.
4. The examination of the conditions specified in this Article shall be conducted at the same time with the appraisal of the land use demands of investors upon the grant of investment certificates, appraisal of investment projects, elaboration of economic-technical reports or investment approval in accordance with the investment law and construction law in case of land allocation or lease not through the auction of land use rights or change of land use purpose. In case land use rights are auctioned, the examination of the above conditions shall be conducted before the auction of land use rights is organized.
Article 15. Force majeure circumstances which affect the land use schedule of investment projects and point of time for counting the land use term extension of 24 months in cases land is not put to use or the land use schedule is late
1. Force majeure circumstances which directly affect the land use schedule of investment projects allocated or leased land by the State under Point i, Clause 1, Article 64 of the Land Law include:
a/ Natural disasters, environmental disasters;
b/ Fires and epidemics;
c/ Wars;
d/ Other Force majeure circumstances as decided by the Prime Minister.
2. The point of time for counting the land use term extension of 24 months in case land is not put to use or the land use schedule is late is prescribed as follows:
a/ In case an investment project fails to put land into use for 12 consecutive months after receiving land handed over in the field, the investor may extend the land use term for 24 months counted from the 13th month since the land handover;
b/ In case the land use schedule of an investment project is 24 months late compared with the schedule stated in the project documents since the land handover in the field, the point of time for counting the land use term extension of 24 months is the 25th month since the planned time of completion of construction investment.
In case the project is allocated or leased land according to schedule, the land use term extension of 24 months shall apply to each land area allocated or leased as scheduled; the point of time for counting the land use term extension of 24 months is the 25th month since the planned time of completion of construction investment in such land area.
3. Provincial-level People’s Committees shall review, handle and publicize on then websites investment projects that have failed to put land into use for 12 consecutive months or have land use schedules 24 months late compared with those stated in project documents; projects that have their land use terms extended; and projects that have late land use schedules due to Force majeure circumstances; and provide information to be publicized on the websites of the Ministry of Natural Resources and Environment and the General Department of Land Administration.
Article 16. Use of land for production and business purposes through purchase of land- attached assets, receipt of transferred or leased land use rights or receipt of land use rights contributed as capital
The use of land for production and business purposes through purchase of land-attached assets, receipt of transferred or leased land use rights or receipt of land use rights contributed as capital must adhere to the following principles:
1. It is conformable with approved and publicized district-level annual land use plans.
2. Localities no longer have clear ground areas for use for proper production and business purposes, except for projects in the sectors or areas eligible for investment incentives.
3. In case investors receive transferred land use rights but have to change the land use purpose, they may do so only after competent People’s Committees permit in writing the land use purpose change and land use term adjustment suitable to the use of land for production and business.
4. In case the land area for implementation of a production or business project has a land parcel on which the current land user has no right to transfer, lease or contribute land use rights as capital in accordance with the land law, the investor may reach agreement to purchase land-attached assets of the current land user and the State shall recover land, change the land use purpose and lease land to the investor for project implementation. The contract on purchase and sale of land-attached assets must clearly state that the asset seller voluntarily returns the land for recovery and lease by the State to the asset purchaser.
Article 17. Notification of land recovery, composition of land recovery enforcement boards, expenses for land recovery enforcement, settlement of complaints about and lawsuits against land recovery enforcement
The notification of land recovery, composition of land recovery enforcement boards, expenses for land recovery enforcement, settlement of complaints about and lawsuits against land recovery enforcement prescribed in Articles 61 and 62 of the Land Law must comply with the following provisions:
1. The natural resources and environment agency shall submit to the same-level People’s Committee for approval a plan on land recovery, investigation, survey, measurement and inventory, covering the following contents:
a/ Reason for land recovery;
b/ Area and location of the land parcel to be recovered as stated in the existing cadastral dossier or detailed construction master plan approved by a competent state agency. In case land is recovered according to the project implementation schedule, the land recovery schedule must be clearly stated;
c/ Plan on investigation, survey, measurement and inventory;
d/ Tentative plan on relocation and resettlement;
dd/ Assignment of the tasks of making and implementing a compensation, support and resettlement plan.
2. A notice of land recovery must have the contents specified at Points a, b, c and d, Clause 1 of this Article.
3. A land recovery enforcement board shall be composed of:
a/ Chairperson or vice chairperson of the district-level People’s Committee as the head;
b/ Members who are representatives of district-level finance, natural resources and environment, inspection, justice and construction agencies; the commune-level Fatherland Front Committee; the organization in charge of payment of compensations and ground clearance and the commune-level People’s Committee of the locality where the land is located, and some other members decided by the chairperson of the district-level People’s Committee.
4. The public security force shall base itself on land recovery enforcement plans to make plans to protect order and safety in the process of implementation of land recovery enforcement plans.
5. When enforcing the land recovery, if coerced persons refuse to receive their assets under Point c, Clause 4, Article 71 of the Land Law, enforcement boards shall hand over their assets to commune-level People’s Committees for preservation in accordance with law.
6. Persons whose land is recovered and related organizations and individuals may file lawsuits about land recovery in accordance with the law on complaints.
Pending the issuance of decisions on settlement of complaints, complainants shall continue to comply with land recovery decisions or land recovery enforcement decisions. In case state agencies competent to settle complaints conclude that the land recovery is unlawful, the uncompleted enforcement shall be stopped, issued land recovery decisions shall be cancelled and compensations for damage (if any) caused by land recovery decisions must be paid.
In case the land recovery is related to rights and interests of other organizations and individuals in the use of land in accordance with other relevant laws, the State shall recover land or enforce land recovery decisions under regulations before the rights and obligations related to the land use are completely settled between persons whose land is recovered and such organizations and individuals in accordance with relevant laws.
LAND REGISTRATION, GRANT OF CERTIFICATES OF LAND USE RIGHTS AND OWNERSHIP OF HOUSES AND OTHER LAND-ATTACHED ASSETS
Article 18. Other documents on land use rights specified at Point g, Clause 1, Article 100 of the Land Law
Other documents made before October 15, 1993, under Point g, Clause 1, Article 100 of the Land Law bearing names of land users include:
1. Land registers and field establishment registers made before December 18, 1980.
2. One of documents made during the process of land and field registration under the Prime Minister’s Directive No. 299-TTg of November 10,1980, on survey, classification and statistical registration of land and fields nationwide under the management of state agencies, including:
a/ Minutes of approval of commune-level land and field registration councils, determining that the current land use is lawful;
b/ Lists of lawful land use cases made by commune-level People’s Committees or commune-level land and field registration councils or district- or provincial-level land administration agencies;
c/ Applications for registration of land and field use rights, for cases in which documents specified at Points a and b of this Clause are unavailable.
3. Projects or lists or documents on emigration of people to build new economic zones or for resettlement approved by district- or provincial-level People’s Committees or competent state agencies.
4. Documents of state-run agricultural and forest farms on allocation of land to workers of these farms for building their houses (if any).
5. Documents having contents on ownership of houses and works; building and repair of houses and works certified or permitted by district- or provincial-level People’s Committees or state management agencies in charge of houses and construction.
6. Documents on temporary allocation of land by district- or provincial-level People’s Committees; written requests for land use approved by commune-level People’s Committees or agricultural cooperatives before July 1, 1980, or approved by district- or provincial-level People’s Committees.
7. Documents issued by competent state agencies on allocation of land to agencies and organizations for arrangement of land parcels to their officials, workers and employees for building houses on their own or for building houses to be distributed to their officials, workers and employees with non-state budget funds or contributions of such officials, workers and employees. In case of building houses with state budget funds, built houses shall be handed over to local housing management agencies for management and trading in accordance with law.
8. Copies of the documents specified in Article 100 of the Land Law and the documents specified in Clauses 2, 3, 4, 5, 6 and 7 of this Article must have certification of district- or provincial-level People’s Committees or specialized management agencies in case the original documents are lost and state agencies no longer preserve dossier of management of the grant of such documents.
Article 19. Entities ineligible for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets
1. Organizations and communities that are allocated land by the State for management in the cases specified in Article 8 of the Land Law.
2. Persons who are managing and using agricultural land belonging to the public-utility land funds of communes, wards or townships.
3. Persons who lease or sub-lease land from land users, except cases of leasing or subleasing land from investors building and dealing in infrastructure facilities in industrial parks, industrial clusters, export processing zones, hi-tech parks or economic zones.
4. Persons who receive land for use on a contractual basis in agricultural or forestry farms, agricultural or forestry enterprises, protection forest management boards or special-use forest management boards.
5. Current land users that fail to fully meet the conditions for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
6. Land users that fully meet the conditions for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets but have received land recovery notices or decisions of competent state agencies.
7. Organizations and commune-level People’s Committees that are allocated land by the State without land use levy for the purpose of construction of public facilities, including roads; water, petrol, oil and gas pipelines; power transmission and information communication lines; outdoor entertainment and recreation centers; cemeteries and graveyards for non-commercial purposes.
Article 20. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to households and individuals currently using land without documents on land use rights and having committed no violation of the land law
The grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets (recognition of land use rights) to households and individuals that have been stably using land since before July 1, 2004, but have none of the documents specified in Article 100 of the Land Law, Article 18 of this Decree, and do not fall into any of the cases specified in Clause 1, Article 101 of the Land Law and Article 23 of this Decree, must comply with the following provisions:
1. For households and individuals that have been using land on which there are houses and other construction works since before October 15, 1993, and are now certified by commune- level People’s Committees of localities where such land is located that they are not involved in any land use dispute; if the land use at the time of submission of dossiers of application for certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is conformable with approved land use master plans, detailed urban construction master plans or master plans on construction of rural residential areas or master plans on construction of new countryside (below collectively referred to as master plans), or is unconformable with these master plans but started before these master plans are approved or takes place in localities having no master plan, their land use rights may be recognized as follows:
a/ For a land parcel with houses which is smaller than or equal to the residential land recognition quota prescribed in Clause 4, Article 103 of the Land Law (below referred to as the residential land recognition quota), the whole area of the land parcel shall be recognized as residential land.
For a land parcel with houses which is larger than the residential land recognition quota, the residential land area to be recognized must be equal to the residential land recognition quota. In case the land area for construction of houses and works for daily life is larger than the residential land recognition quota, the actual construction area shall be recognized as residential land area;
b/ For a land parcel with construction works for production, commercial activities or provision of non-agricultural services, the actual construction area shall be recognized as land of non-agricultural production establishments, commercial or service land. The form of land use shall be recognized as land allocation with land use levy for stable and long-term use;
c/ For a land parcel with both houses and construction works for production, commercial activities or provision of non-agricultural services which is larger than the residential land allocation quota, the residential, non-agricultural production, commercial or service land area shall be recognized under Points a and b of this Clause;
d/ Land areas remaining after the determination is conducted under Points a, b and c of this Clause shall be determined as agricultural land and recognized under Clause 5 of this Article.
2. For households and individuals that have been using land on which there are houses and other construction works since before October 15, 1993, to before July 1, 2004, and are now certified by commune-level People’s Committees of localities where such land is located that they are not involved in any land use dispute; if their land use is conformable with approved land use master plans, or is unconformable with these master plans but started before these master plans are approved or takes place in localities having no master plan; and if there is no land recovery notice or decision of a competent state agency in case of compulsory recovery, their land use rights may be recognized as follows:
a/ For a land parcel with houses which is smaller than or equal to the residential land allocation quota prescribed in Clause 2, Article 143, and Clause 4, Article 144 of the Land Law (below referred to as the residential land allocation quota), the whole area of the land parcel shall be recognized as residential land.
For a land parcel with houses which is larger than the residential land allocation quota, the residential land area to be recognized must be equal to the residential land allocation quota. In case the land area for construction of houses and works for daily life is larger than the residential land allocation quota, the actual construction area shall be recognized as residential land area;
b/ For a land parcel with construction works for production, commercial activities or provision of non-agricultural services, the actual construction area shall be recognized as land of non-agricultural production establishments, commercial or service land under Point b, Clause 1 of this Article;
c/ For a land parcel with both houses and construction works for production, commercial activities or provision of non-agricultural services which is larger than the residential land allocation quota, the residential, non-agricultural production, commercial or service land area shall be recognized under Points a and b of this Clause;
d/ Land areas remaining after the determination is conducted under Points a, b and c of this Clause shall be determined as agricultural land and recognized under Clause 5 of this Article.
3. In case a land parcel is jointly used by many households and individuals, the residential land quota prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article must be equal to the total residential land quota of such households and individuals.
In case a household or an individual uses many land parcels with houses bequeathed by their ancestors or inherits land use rights from their ancestors and is certified by the commune- level People’s Committee that it/he/she has been stably using land since before October 15, 1993, and commits no violation of the land law, the residential land quota shall be determined according to regulations for each of such land parcels.
4. The application of local regulations on residential land quotas to determine residential land areas in the cases specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article must comply with regulations effective at the time when land users submit valid dossiers for registration and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
5. A household or an individual that has been stably using land for the agricultural purpose since before July 1, 2004, which is now certified by the commune-level People’s Committee to be dispute-free, may have its/his/her land use rights recognized as follows:
a/ In case the household or individual is directly engaged in agricultural production, it/he/she shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in the form of land allocation by the State with land use levy for the land area currently in use not exceeding the agricultural land allocation quota specified in Article 129 of the Land Law. The remaining agricultural land area (if any) shall be converted into land leased from the State;
b/ In case the household or individual is not directly engaged in agricultural production, it/he/she shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in the form of land lease by the State for the land area currently in use. The land lease term must comply with Clause 2, Article 126 and Clause 4, Article 210 of the Land Law;
c/ For agricultural land in the same parcel with houses and other construction works which is not recognized as non-agricultural land specified in Clauses 1 and 2 of this Article, the household or individual currently using land shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets according to the current use purpose in the cases specified at Point a of this Clause. Land users that wish to change to a non-agricultural purpose shall carry out procedures for land use purpose change and pay land use levy in accordance with law.
6. The financial obligations for the grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in the cases specified in this Article shall be performed in accordance with law.
7. Houses and individuals that currently use land in the cases specified in Clauses 1, 2 and 5 of this Article but fail to meet the conditions for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets may temporarily use land in its current status until the State recovers land and shall make land declaration and registration under regulations.
Article 21. Bases for determining stable land use
1. Stable land use means consecutive use of land for a certain main purpose from the time of starting the use of land for such purpose to the time of grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets or to the time of issuance of a land recovery decision by a competent state agency in case no certificate of land use rights, certificate of house ownership and residential land use rights or certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets (below collectively referred to as certificate) has been granted.
2. The time of starting the stable land use shall be determined based on the time and contents related to the land use purpose stated in one of the following documents:
a/ Receipt of agricultural land use tax and house and land tax;
b/ Written record or decision on sanctioning of administrative violation in land use, written record or decision on sanctioning of administrative violation in the construction of land-attached facilities;
c/ Decision or judgment of a people’s court which has taken legal effect or judgment enforcement decision of a judgment enforcement agency which has been enforced regarding land-attached assets;
d/ Decision of a competent state agency on settlement of a land dispute which has taken legal effect; minutes of conciliation of a land dispute bearing signatures of disputing parties and certification of the commune-level People’s Committee of the locality where the disputed land is located;
dd/ Decision on settlement of a land use-related complaint or denunciation of a competent state agency;
e/ Document for registration of permanent residence or long-term temporary residence in a residential land-attached house; identity card or birth certificate, and electricity and water charge bills and other receipts bearing the house address at the registered land parcel;
g/ Document on assignment, allocation or distribution of house or land by the agency or organization assigned by the State to manage and use land;
h/ Document on purchase and sale of houses and other land-attached assets or documents on purchase and sale of land and transfer of land use rights bearing signatures of related parties;
i/ Maps, registers and documents on land survey and measurement in different periods;
k/ Declaration of houses and land for registration bearing the certification of the commune-level People’s Committee at the time of declaration and registration.
3. In case the points of time of land use shown in the documents specified in Clause 2 of this Article are inconsistent, the time of starting stable land use shall be determined according to the document showing the earliest date of land use.
4. In case none of the documents specified in Clause 2 of this Article is available or they do not clearly state the time of document establishment and land use purpose, there must be the commune-level People’s Committee’s certification of the time of starting land use and land use purpose based on opinions of persons who have once resided in the land by the time when the certification requester starts the land use in the residential area (village, hamlet or street quarter) where the land is located.
Article 22. Handling and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to land-using households and individuals that commit violations of the land law before July 1, 2014
1. In case of use of encroached or occupied land of public-facility protection corridors after the State announces and puts up boundary landmarks of such corridors, or of encroached or occupied land of roads, roadsides and pavements after the State announces construction red lines, or of encroached or occupied land used for the construction of offices of state agencies, non-business works or other public facilities, the State shall recover land for returning to these works without granting certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets for encroached or occupied land areas.
In case due to adjustment of land use master plans and construction master plans approved by competent state agencies, encroached or occupied land areas no longer belong to public-facility protection corridors, lie within the redlined areas for construction of roads or for construction of offices of state agencies, non-business works or other public facilities, current land users may be considered for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets and shall perform the financial obligations prescribed by law.
2. Cases of use of encroached or occupied land which has been allocated by the State without land use levy to state-run agricultural and forestry farms, forest management boards, agricultural or forestry centers, stations, farms or companies shall be handled as follows:
a/ In case of use of encroached or occupied land areas planned for the protection and development of special-use forests or protection forests, provincial-level People’s Committees shall direct the recovery of such land areas for allocation to forest management boards for management and use. Persons currently using encroached or occupied land may be considered by forest management boards for contractual assignment of forest land for forest protection and development in accordance with the law on forest protection and development.
In case no forest management board exists, persons currently using encroached or occupied land may be allocated land by the State for use for the purpose of protection and development of protection forests and be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
b/ In case of use of encroached or occupied land areas planned for the construction of public infrastructure facilities, provincial-level People’s Committees shall direct the recovery of such land areas for allocation to investors for the construction of such facilities.
Persons currently using encroached or occupied land may continue temporarily using such land until the State recovers the land but shall preserve the current land use status and make land declaration and registration under regulations;
c/ In case of use for agricultural production or construction of houses on encroached or occupied land areas which are not planned for the protection and development of special-use forests or protection forests, or for the construction of public infrastructure facilities, current land users may be considered for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
In case of use for agricultural production of land areas encroached or occupied during the period from July 1, 2004, to July 1, 2014, which are now still planned to be allocated to agricultural or forestry farms for management and use, provincial-level People’s Committees shall recover such land areas for returning to agricultural or forestry farms.
3. Cases of encroachment or occupation of unused land or of land use purpose change without permission of competent state agencies in case such permission is required in accordance with the land law shall be handled as follows:
a/ In case of use of land planned for use for the purposes specified in Articles 61 and 62 of the Land Law, the State shall recover the land before projects or works are implemented or constructed.
Persons currently using encroached or occupied land may continue temporarily using such land until the State recovers it but shall preserve the current land use status and make land declaration and registration under regulations;
b/ In case of use of land not falling into the case specified at Point a of this Clause, provincial-level People’s Committees shall direct the review and modification of land use master plans. Current land users may be considered for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
4. Households and individuals currently using self-reclaimed agricultural land areas which are conformable with land use master plans approved by competent state agencies and dispute-free may have their land use rights recognized by the State according to land quotas set by provincial-level People’s Committees. They shall change to lease land areas that exceed land quotas set by provincial-level People’s Committees.
5. Current land users stably using dispute-free land in the cases specified in Clause 1; Points a and c, Clause 2; and Point b, Clause 3 of this Article may be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets as follows:
a/ For land parcels with houses, their residential land areas may be recognized under Point a, Clause 2, Article 20 of this Decree;
b/ Land parcels with non-residential construction works may be recognized under Point b, Clause 1 and Point b, Clause 2, Article 20 of this Decree;
c/ Land areas currently in use and determined as agricultural land may have land use rights recognized under regulations applicable to the cases specified in Clause 5, Article 20 of this Decree;
d/ Land users that are granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets specified in this Clause shall perform the financial obligations prescribed by law.
Article 23. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to households and individuals that are allocated land ultra vires
1. Cases of allocation of land ultra vires to households and individuals specified in this Article include cases in which heads of residential quarters or commune-level People’s Committees allocated land ultra vires under the land law in different periods; and cases in which organizations that are allocated or leased land by the State for use distributed or arranged such land to their officials, workers, employees or members for use for housing and other purposes.
2. In case land allocated ultra vires has been stably used since before October 15,1993, is dispute-free and conformable with land use master plans, current land users may be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for allocated land areas under Clause 1, Article 20 of this Decree.
3. For land allocated ultra vires and stably used in the period from October 15, 1993, to before July 1, 2014, which is dispute-free and conformable with land use master plans, certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets may be granted under Clause 2, Article 20 of this Decree.
For land parcels with gardens and ponds associated with houses or other construction works, the remaining areas without houses and other construction works shall be determined as agricultural land according to the current use status and land users that wish to change their use to non-agricultural purposes shall carry out procedures for land use purpose change.
4. Land users that are granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets specified in Clauses 2 and 3 of this Article shall perform the financial obligations prescribed by law.
5. The State shall not grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for and shall recover all land areas allocated or leased ultra vires on and after July 1, 2014.
Article 24. Determination of residential land areas upon grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to households and individuals using land with gardens and ponds associated with houses
1. Land with gardens and ponds specified in Article 103 of the Land Law means land parcels with gardens and ponds associated with houses, including land parcels inside and outside residential quarters in the following cases:
a/ Land parcels with houses, gardens and ponds;
b/ Land parcels on which documents on land use rights specified in Clauses 1, 2 and 3, Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree show houses, gardens and ponds which all have been actually used for the housing purpose.
2. Documents serving as bases for determination of residential land areas under Clauses 2, 3 and 4, Article 103 of the Land Law are those showing one or several use purposes, including housing or residential land purpose.
3. For land parcels with gardens and ponds associated with houses formed before December 18, 1980, for which current land users have one of the documents on land use rights specified in Clauses 1, 2 and 3, Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree, which does not clearly indicate the residential land area, the residential land area to be recognized without land use levy is equal to the actual area of the land parcel in case the area of the land parcel is smaller than five times the residential land allocation quota, or equal to five times the residential land allocation quota in case the area of the land parcel is larger than five times the residential land allocation quota in accordance with the Land Law.
4. For land areas remaining after the determination of residential land areas under Article 103 of the Land Law and Clause 3 of this Article, and currently used as gardens and ponds which are requested by land users to be recognized as residential land or other non- agricultural land, land users may be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets according to such use purpose and shall perform the financial obligations prescribed by law.
5. Residential land areas of households and individuals in case of residential land parcels with gardens and ponds for which certificates are granted before July 1, 2014, shall be determined as follows:
a/ If households and individuals using land parcels with gardens and ponds associated with houses are granted certificates before July 1, 2014, residential land areas shall be determined to be areas stated in the granted certificates;
b/ If by the time of grant of previous certificates, land users had one of the documents specified in Clauses 1, 2 and 3, Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree but residential land areas are neither determined under Clauses 2, 3 and 4, Article 103 of the Land Law and Clause 3 of this Article and nor re-determined under Points b and c, Clause 1, Article 45 of the Government’s Decree No. 181/2004/ND-CP of October 29,2004, on implementation of the 2003 Land Law, and now land users file written requests for re-determination of their residential land areas or the State recovers re-determined residential land areas under Clauses 2, 3 and 4, Article 103 of the Land Law and Clause 3 of this Article, households and individuals are not required to pay land use levy and are entitled to compensations when the State recovers land areas re-determined as residential land.
Article 25. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to domestic organizations currently using land not falling into the cases specified in Article 46 of this Decree
1. Domestic organizations currently using land without certificates shall review and declare the current land use status and report such to provincial-level People’s Committees of localities where the used land is located.
2. Based on reports on current land use status of the above organizations, provincial-level People’s Committees of localities where the used land is located shall inspect the current land use status and decide to handle as follows:
a/ For land areas currently used for proper purposes, competent state agencies shall determine the form of land use in accordance with law and grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets. In case of land use without documents specified in Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree, the forms of land use specified in Articles 54, 55 and 56 of the Land Law shall be applied, while the form of land use specified in Article 56 of the Land Law shall be applied to land for construction of offices of socio-professional organizations;
b/ The land use term, for which certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets are granted under Point a of this Clause in case land users have documents on land use rights specified in Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree, shall be determined according to such documents. In case land users have documents on land use rights which do not indicate a land use term or indicate a land use term not conformable with the land law, the land use term shall be determined under Article 126 of the Land Law and counted from October 15,1993, for cases of land use before October 15, 1993, or counted from the date of issuance of land allocation or lease decision, for cases of land use since October 15, 1993;
c/ Land areas used for improper purposes, land areas encroached or occupied due to irresponsibility, land areas leased or lent to other organizations, households and individuals, land areas unlawfully contributed as capital to joint ventures or undertakings, land areas not used for more than 12 months or left unused for more than 24 months behind schedule shall be handled under decisions of provincial-level People’s Committees in accordance with law;
d/ Land areas arranged by organizations to households and individuals being their officials, workers and employees for the housing purpose shall be handed over to district-level
People’s Committees of localities where such land areas are located, for management. For residential land areas currently used in conformity with master plans, certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted to current land users, who shall perform the financial obligations prescribed by law;
dd/ For disputed land areas, provincial-level People’s Committees shall definitely settle such disputes in order to identify land users in accordance with law.
Article 26. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets for land for construction of urban areas, rural residential areas and production and business areas with multiple use purposes
1. For land allocated to investors for implementing projects on construction of urban areas or rural residential areas while these projects have different construction items or different land areas used for different purposes prescribed in Article 10 of the Land Law, the locations and sizes of land areas used for each purpose shall be determined and certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted as follows:
a/ Certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted for each land parcel used for a certain purpose in conformity with the detailed construction plan approved by a competent state agency;
b/ The land areas used for construction of public facilities serving the community’s common interests inside and outside urban areas or rural residential areas under the investment projects and approved detailed construction plan shall be handed over to the localities for management without being granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
2. For land allocated to investors for implementing production and business projects which have different land areas used for different purposes, a single certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted to the investor for the whole area of such land, which clearly indicates the locations and sizes of land areas used for each purpose prescribed in Article 10 of the Land Law. In case the investor so wishes, a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted for each land parcel used for a certain purpose in accordance with the land law and the approved detailed construction plan.
Article 27. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for land having historical-cultural relics or scenic spots
The grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets for land having historical-cultural relics or scenic spots which have been ranked or are protected under decisions of provincial-level People’s Committees is prescribed as follows:
1. For land having independent historical-cultural relics or scenic spots which are currently used by agencies, organizations, communities, households or individuals, certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted to these agencies, organizations, communities, households or individuals.
2. In case historical-cultural relics or scenic spots are areas with different land users and involving different types of land, certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted to every land user and for each type of land in such areas. Land users shall comply with regulations on protection of historical-cultural relics and scenic spots.
Article 28. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses-and other land-attached assets for land currently used by religious institutions
1. Religious institutions that are using land with pagodas, churches, chancels, monasteries, abbeys, religious schools, head offices of religious organizations or other religious institutions licensed by the State to operate but have not yet been granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall review and declare their land use and report to provincial-level People’s Committees on:
a/ The total land area currently used;
b/ Land areas classified by the religious institution by origin: land area allocated by a competent state agency; land area acquired from transfer; land area donated; land area borrowed from organizations, households or individuals; land area created by the religious institution itself; and land areas of other origins;
c/ Land areas lent, lent for residence, or leased by the religious institution to organizations, households or individuals;
d/ Land area encroached upon or occupied by other persons.
2. Provincial-level People’s Committees of localities where the land is located shall conduct field inspection, determine the boundaries of land parcels and make decisions as follows:
a/ For land areas used stably by organizations, households or individuals since before October 15, 1993, they shall base on land use demands of religious institutions and these organizations, households or individuals to make settlement decisions that ensure land use- related interests of the related parties and suit reality;
b/ For land areas used by organizations, households or individuals since between October 15, 1993, and before July 1, 2004, they shall make settlement decisions as in the case in which households or individuals borrow or rent land from other households or individuals in accordance with the land law;
c/ For land areas of religious institutions which have been expanded without permission of a competent state agency; are encroached upon or occupied; or are under dispute, they shall make definite settlement decisions in accordance with law.
3. For land areas of religious institutions which has been handled over under Clause 2 of this Article and meet the conditions prescribed in Clause 4, Article 102 of the Land Law, religious institutions shall be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in the form of land allocation without land use levy for a long and stable use term.
For land areas currently used by religious institutions for the purpose of agricultural production, forestry production or non-agricultural production and business, or used for charitable establishments (including land areas acquired through transfer or donated before July 1, 2004), certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted in a form and with a land use term corresponding to such purpose as for households and individuals.
Article 29. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for land parcels smaller than the prescribed minimum area
1. For a currently used land parcel which was formed before the effective date of the provincial-level People’s Committee’s document on the minimum area of a land parcel eligible for splitting and which is smaller than the minimum area prescribed by the provincial-level People’s Committee but fully satisfies the conditions for grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, the current user shall be granted such certificate.
2. Notarization, certification, grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, and carrying out of procedures to exercise the rights of land users are not allowed in case land users arbitrarily divide the land parcels already registered and granted with the certificates into two or more smaller land parcels at least one of which is smaller than the minimum area prescribed by the provincial-level People’s Committee.
3. In case land users simultaneously apply for splitting of a land parcel smaller than the prescribed minimum area and for consolidation of this land parcel with another adjacent one to form a new land parcel equal to or larger than the minimum area of a land parcel eligible for splitting, they shall be allowed to split and consolidate the land parcels simultaneously and shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets for the new land parcel.
Article 30. Grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in case the land area of a user is located in different administrative units
1. In case a land user has a land area located in different communes, wards and townships but falling within the competence of the same certificate-granting agency, a single certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted to such land user, which must indicate each land area located in each commune-level administrative unit.
2. In case a land user has a land area located in different communes, wards and townships and falling within the competence of different certificate-granting agencies, a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted for each land pared falling within the competence of each certificate-granting agency.
Article 31. House ownership certification
House owners eligible to own houses under the housing law and possessing papers proving the lawful formation of houses may have their house ownership certified according to the following provisions:
1. Domestic households and individuals must possess one of the following papers:
a/ House construction permit, in case construction permit is required under the construction law.
In case a house was built in contravention of the granted construction permit, written opinions of the construction licensing agency certifying that the improperly built area does not affect the safety of the house and is now compliant with the approved construction master plan are required;
b/ Contract on purchase and sale of a state-owned house under the Government’s Decree No. 61/CP of July 5, 1994, on purchase, sale and trading of houses, or paper on liquidation or sale of a state-owned house before July 5, 1994;
c/ Paper on handover or donation of a gratitude or great-unity house;
d/ Paper on house ownership, granted by competent authorities in different periods while such house is not subject to entire-people ownership establishment by the State under the XIth National Assembly’s Resolution No. 23/2003/QH11 of November 26, 2003, on houses and land managed and arranged by the State for use during the implementation of housing and land management policies and socialist reform policies before July 1, 1991, and the National Assembly Standing Committee’s Resolution No. 755/2005/NQ-UBTVQH11 of April 2, 2005, on the settlement of specific house- and land-related cases during the implementation of housing and land management policies and socialist reform policies before July 1, 1991;
dd/ Paper on purchase and sale, donation, exchange or inheritance of the house already notarized or certified by a competent People’s Committee under law.
For a house purchased, donated, exchanged or inherited from July 1, 2006 on, a paper on such transaction is required under the housing law.
For a house purchased from an enterprise building houses for sale, a contract on house purchase and sale signed between the purchaser and the seller is required;
e/ Legally effective judgment or decision of the people’s court or paper of the state agency competent to permit house ownership;
g/ An applicant for house ownership certification that possesses one of the papers specified at Points a, b, c, d, dd and e of this Clause which bears the name of another person is required to possess one of the papers on house purchase and sale, donation, exchange or inheritance before July 1, 2006, signed by the related parties and certified by the commune- level People’s Committee; for a house purchased, donated, exchanged or inherited before July 1, 2006, without a paper on such purchase, donation, exchange or inheritance signed by the related parties, the commune-level People’s Committee’s certification of the time of purchase, donation, exchange or inheritance of such house is required.
In case an applicant for house ownership certification possesses one of the papers specified at Points a, b, c, d, dd and e of this Clause while the current conditions of the house are inconsistent with such paper, the commune-level People’s Committee’s certification is required for the part of the house inconsistent with the paper as in the case prescribed at Point h of this Clause;
h/ A domestic individual who possesses none of the papers specified at Points a. b. c, d, dd and e of this Clause shall obtain the commune-level People’s Committee’s written certification that the house was completely built before July 1, 2006, before the land use master plan or construction plan was promulgated, or complied with the master plan in case the house was built after the land use master plan, the detailed urban construction plan or master plan on construction of rural residential areas was promulgated under law. For a house completely built since July 1, 2006, the commune-level People’s Committee’s written certification that die house is not subject to construction permit and satisfies the planning conditions like houses built before July 1, 2006, is required; for a house which was subject to construction permit but was built without such permit, the district-level construction management agency’s written approval of the existence of such house is required.
2. Overseas Vietnamese owning houses in Vietnam must possess the following papers:
a/ Paper on house purchase and sale, donation, inheritance or ownership in another form under the housing law;
b/ One of the papers of the transferor as prescribed in Clauses 1 and 3 of this Article.
3. Domestic organizations and overseas Vietnamese implementing investment projects and foreign organizations and individuals must possess papers prescribed below:
a/ In case of building houses for commercial purposes, one of the papers on projects on commercial housing development (project approval decision, investment decision, investment license and investment certificate) is required;
b/ In case of purchase, donation, inheritance or ownership of houses in another form as prescribed by law, a paper on such transaction is required in accordance with the housing law;
c/ For houses which were built in contravention of the papers specified at Points a and b of this Clause, written opinions of the construction licensing agency certifying that the improperly built area does not affect the safety of the houses and is now compliant with the approved construction master plan (if any) are required.
4. In case house owners are not land users, in addition to the papers on house ownership as specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, a lawfully notarized or certified land lease contract, capital contribution contract, business cooperation contract or written approval of the land user of house construction and copies of papers on land use rights under the land law are required.
Article 32. Certification of ownership of non-residential construction facilities
Owners of non-residential construction facilities may have their ownership certified according to the following regulations:
1. Domestic households, individuals and communities must possess one of the following papers:
a/ Facility construction permit, in case construction permit is required under the construction law.
For facilities which were built in contravention of the granted construction permits, written opinions of the construction licensing agency certifying that the improperly built area
does not affect the safety of the facilities and is now compliant with the approved construction master plan are required;
b/ Papers on ownership of construction facilities, granted by competent authorities in different periods, unless the facilities have been managed and arranged by the State for use;
c/ Notarized or certified paper on purchase and sale, donation or inheritance of the construction facility as prescribed by law;
d/ Legally effective paper of the people’s court or a competent state agency proving the ownership of the construction facility;
dd/ An applicant for construction facility ownership certification who possesses one of the papers specified at Points a, b, c and d of this Clause which bears the name of another person is required to possess one of the papers on purchase and sale, donation, exchange or inheritance of construction facilities before July 1, 2004, signed by the related parties and certified by the commune- or higher-level People’s Committee; in case of purchase, donation, exchange or inheritance of construction facilities before July 1, 2004, without a paper on such purchase, donation, exchange or inheritance signed by the related parties, the commune-level People’s Committee’s certification of the time of purchase, donation, exchange or inheritance of the construction facility in the application for a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is required.
In case an applicant for construction facility ownership certification possesses one of the papers specified at Points a, b, c and d of this Clause while the current conditions of the facility are inconsistent with such paper, the commune-level People’s Committee’s certification is required for the part of the facility inconsistent with the paper as in the case prescribed at Point e of this Clause;
e/ In case a domestic individual possesses none of the papers specified at Points a, b, c and d of this Clause, the commune-level People’s Committee’s certification that the facility was completely built before July 1, 2004, before the land use master plan or construction plan is promulgated, or is compliant with the master plan, in case the facility was built after the land use master plan or construction plan is promulgated, is required.
For a facility completely built since July 1, 2004, the commune-level People’s Committee’s certification that the facility is not subject to construction permit and satisfies the planning conditions as for facilities built before July 1, 2004, is required; for a facility which was subject to construction permit but was built without such permit, the district-level construction management agency’s written approval of the existence of such facility is required.
2. Domestic organizations, religious institutions, foreign organizations, foreign individuals and overseas Vietnamese must possess papers prescribed below:
a/ In case of construction of new facilities under law, the project approval decision, project investment decision, investment license, investment certificate or construction permit granted by a competent state agency and the paper on land use rights under the land law or the land lease contract with the land user indicating the land use purpose conformable with the facility construction purpose, are required;
b/ In case of purchase and sale, donation, exchange, inheritance or in another form as prescribed by law, a lawful paper on such transaction is required;
c/ In case of unavailability of one of the papers specified at Points a and b of this Clause, the provincial-level construction management agency’s certification that the facility existed before the construction master plan is promulgated and is now compliant with the approved construction master plan is required;
d/ For facilities built in contravention of the papers specified at Points a, b and c of this Clause, the improperly built area shall be inspected by the construction licensing agency and is certified not to affect the safety of the facility and to be compliant with the approved construction master plan.
3. In case construction facility owners are not land users, in addition to the facility ownership papers specified in Clauses 1 and 2 of this Article, the lawfully notarized or certified written approval of the land user of the construction of the facility and copies of papers on land use rights under the land law are required.
Article 33. Certification of ownership of planted production forests
Owners of planted production forests whose capital used for forestation, money paid for acquisition of forests or money paid to the State upon allocation of forests with land use levy does not originate from the state budget and who possess one of the following papers may have their ownership certified:
1. Certificate or one of the papers specified in Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree, which indicates that the State allocates land, leases land or recognizes land use rights for planting production forests;
2. Paper proving the allocation of planted production forests;
3. Lawfully notarized or certified contract or document on purchase and sale, donation or inheritance of planted production forests;
4. Legally effective judgment or decision of the people’s court or paper of a competent state agency on the ownership of planted production forests;
5. In case households, individuals or communities have none of the papers specified in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article but have planted production forests with their own capital, the land registration office’s certification of their full satisfaction of the conditions for having land use rights recognized under the land law is required;
6. For domestic organizations that implement projects on planting production forests with capital not originating from the state budget, the project approval decision, project investment decision, investment license or investment certificate for planting production forests under the investment law is required;
7. For foreign-invested enterprises and overseas Vietnamese that implement projects on planting production forests, the project approval decision, project investment decision, investment decision, investment license or investment certificate for planting production forests under the investment law is required;
8. In case owners of planted production forests are not land users, in addition to the papers specified in Clauses 1 thru 7 of this Article, the legally notarized or certified written agreement of the land user permitting the use of land for forestation and copies of papers on land use rights under the land law are required.
Article 34. Certification of ownership of perennial trees
Owners of perennial trees may have their ownership certified if they possess one of the following papers:
1. Certificate or one of the papers specified in Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree, which indicates that the State allocates land, leases land or recognized the land use rights for planting perennial trees as suitable to the land use purposes indicated in such certificate or paper;
2. Lawfully notarized or certified contract or document on purchase and sale, donation or inheritance of perennial trees;
3. Legally effective judgment or decision of the people’s court or paper of a competent state agency on the ownership of perennial trees;
4. In case households, individuals or communities have none of the papers specified in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, the land registration office’s certification of their full satisfaction of the conditions for having land use rights recognized under the land law is required;
5. For domestic organizations, the project approval decision, project investment decision, investment certificate or investment license for planting perennial trees under the investment law is required;
6. In case owners of perennial trees are not land users, in addition to the papers specified in Clauses 1 thru 5 of this Article, the legally notarized or certified paper of the land user permitting the use of land for planting perennial trees and copies of papers on land use rights prescribed by the land law are required;
7. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in, specifying types of perennial trees eligible for ownership certification.
Article 35. Land-attached assets ineligible for ownership certification upon grant of certificates of land use rights and ownership houses and other land-attached assets
Land-attached assets are ineligible for ownership certification in one of the following cases:
1. Land-attached assets on land parcels which fail to fully satisfy the conditions for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets as prescribed in the Land Law and this Decree;
2. Houses or other construction facilities which are temporarily built during the construction of main facilities or which are built with bamboo, leaf or earth; and auxiliary facilities which are outside the premises of main facilities and serve the management, use and operation of main facilities;
3. Land-attached assets for which competent state agencies have issued clearance or dismantlement notices or decisions or land recovery notices or decisions;
4. Houses or facilities which are built after a construction ban is announced; which encroach or occupy the protection corridors of technical infrastructure facilities or ranked historical-cultural relics; land-attached assets which are formed after the master plan is approved by a competent state agency but do not comply with the master plan approved at the time of grant of certificates of land use rights and ownership houses and other land-attached assets;
5. State-owned assets, except assets already determined as state capital contributions to enterprises under the guidance of the Ministry of Finance;
6. Land-attached assets not falling in the cases eligible for ownership certification as prescribed in Articles 31, 32, 33 and 34 of this Decree;
7. Assets formed as a result of illegal change of land use purpose.
Article 36. Grant of certificates of land use rights and ownership houses and other land- attached assets in case the State’s decisions on management of land and land-attached assets had been issued but have not yet been implemented
Households and individuals that are currently using land and land-attached assets for which state agencies’ decisions on management of such land and assets had been issued during the implementation of state policies but have not yet actually been implemented, may continue using them and may be considered for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in accordance with law.
Article 37. Agencies granting certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets when land users exercise the rights of land users or owners of land-attached assets; renewal or re-grant of certificates
1. For localities in which land registration offices have been established under Clause 1, Article 5 of this Decree, provincial-level Natural Resources and Environment Departments shall grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to land users and owners of land-attached assets who have been granted certificates, certificates of ownership of houses or certificates of ownership of construction facilities in the following cases:
a/ When land users or asset owners exercise the rights of land users or owners of land- attached assets, which requires the grant of new certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
b/ Renewal or re-grant of certificates, certificates of ownership of houses or certificates of ownership of construction facilities.
2. For localities in which land registration offices have not yet been established under Clause 1, Article 5 of this Decree, the grant of certificates to the subjects specified in Clause 1 of this Article is prescribed as follows:
a/ Provincial-level Natural Resources and Environment Departments shall grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to religious organizations or institutions; overseas Vietnamese implementing investment projects; foreign organizations and individuals; and foreign-invested enterprises;
b/ District-level People’s Committees shall grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to households, individuals, communities, and overseas Vietnamese eligible to own houses associated with the rights to use residential land in Vietnam.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall define the subjects that are eligible for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets upon registration of changes in land or land-attached assets, and certify changes in the granted certificates.
REGIME ON USE OF LAND OF DIFFERENT TYPES
Article 38. Use of state-allocated land by economic organizations for creating capital for infrastructure construction under projects or use of land originating from winning at the auction of land use rights before July 1, 2004
1. Economic organizations that are currently using land allocated by the State for a long and stable term for creating capital for infrastructure construction under the land law before July 1, 2004, may continue using such land for a long and stable term.
2. Economic organizations that are currently using land originating from winning at the auction of land use rights before July 1, 2004, for which the use term has not been determined, may continue using such land for a long and stable term.
Article 39. Transfer of investment capital being the value of land use rights
1. Foreign-invested enterprises may acquire investment capital being the value of land use rights transferred from enterprises that are currently using land originating from the allocation by the State with land use levy or lease by the State with full one-off rental payment for the entire lease period while the value of land use rights has been included in the capital of enterprises, except transfer of investment capital being the value of the rights to use agricultural production land or forestland.
2. When transferring investment capital, enterprises or owners of enterprises shall determine the capital amount being the value of land use rights in the total transferred capital amount, and fulfill tax, charge and fee obligations in accordance with law.
Article 40. Conditions for transfer or donation of land use rights of ethnic minority households and individuals that use land allocated by the State under the support policy
1. Ethnic minority households and individuals that use land allocated by the State under the support policy may only transfer or donate land use rights 10 years after land allocation decision is issued if the commune-level People’s Committee of the locality where the land is located certifies that they no longer need to use the land because they move from the commune, ward or township where they reside to other places or they shift to do other trades or they no longer have working capacity.
2. Organizations and individuals may not acquire or be donated land use rights from ethnic minority households or individuals that use land allocated by the State under the support policy if the latter do not fall in the cases eligible for transfer or donation of land use rights as prescribed in Clause 1 of this Article.
Article 41. Conditions for transfer of land use rights under investment projects on construction of houses for sale or for combined sale and lease
1. Conditions for investment projects on construction of houses for sale or for combined sale and lease to transfer land use rights in the form of dividing land parcels for sale include:
a/ The projects comply with district-level annual land use plans;
b/ Project investors shall complete the construction of infrastructure facilities including service, technical and social infrastructure facilities under the approved 1:500 detailed master plans, ensuring the connection with the common infrastructure systems of the areas before transferring land use rights to people for building houses, and ensuring the provision of essential services of electricity and water supply, water drainage and garbage collection;
c/ Projects investors shall fulfill all financial obligations related to the projects’ land, such as land use levy and land rental; and land-related taxes, charges and fees (if any);
d/ The projects are implemented in areas or urban centers of the types eligible for transfer of land use rights in the form of dividing land parcels for sale as prescribed in Clause 2 of this Article.
2. Investors of projects on construction of houses for sale or for combined sale and lease may transfer land use rights in the form of dividing land parcels for sale in the areas outside the inner districts of special urban centers; areas with strict requirements on landscape architecture, central areas, and around buildings that are prominent architectural points in urban centers; the frontages of regional- or higher-level roads and main landscape roads in urban centers.
3. Households and individuals that acquire land use rights for building houses shall build houses strictly according to the construction permits as well as approved detailed master plans and urban designs.
4. The Ministry of Construction shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in, detailing this Article.
Article 42. Conditions for transfer of land use rights associated with the transfer of part or the whole of investment projects on construction and trading of houses
The transfer of land use rights associated with the transfer of part or the whole of investment projects on construction and trading of houses must satisfy the following conditions:
1. All the conditions prescribed in Clause 1, Article 188 of the Land Law;
2. The investors fulfill all financial obligations related to the projects’ land, such as land use levy and land rental; and land-related taxes, charges and fees (if any).
3. Transferees of land use rights associated with part or the whole of investment projects on construction and trading of houses conduct relevant business lines and satisfy the conditions prescribed in Article 58 of the Land Law and Articles 13 and 14 of this Decree.
Article 43. Handling of land use rights of state enterprises upon equitization
1. State enterprises that are currently using land allocated or leased by the State and are equitized may be allocated land by the State with land use levy under Clauses 2 and 4, Article 55 of the Land Law, or leased land with annual land rental payment or with full one-off rental payment for the entire lease period under Article 56 of the Land Law.
2. The value of land use rights upon equitization shall be handled under the Government’s regulations on equitization of state enterprises, ensuring adherence to the principle that the land price used for determining the value of land use rights is the specific land price decided by provincial-level People’s Committee as prescribed in Clause 3 and Point d, Clause 4, Article 114 of the Land Law.
3. Upon equitization of state enterprises, provincial-level People’s Committees shall review land areas currently used by the enterprises, handle such land areas and grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under Article 102 of the Land Law and Article 25 of this Decree.
Article 44. Quotas for acquisition of agricultural land use rights of households and individuals
Quotas for acquisition of land for cultivation of annual crops, land for cultivation of perennial trees, land for planted production forests, land for aquaculture and land for salt production for each household or individual for agricultural purposes are applicable to the cases of transfer or acquisition of land use rights or debt handling as agreed in land use rights mortgage contracts, specifically as follows:
1. Land for cultivation of annual crops, land for aquaculture or land for salt production:
a/ Not exceeding 30 ha for each type of land, for provinces and centrally run cities in the southeastern region and the Mekong delta region;
b/ Not exceeding 20 ha for each type of land, for remaining provinces and centrally run cities.
2. Land for cultivation of perennial trees:
a/ Not exceeding 100 ha, for delta communes, wards and townships;
b/ Not exceeding 300 ha, for midland and mountainous communes, wards and townships.
3. Land for planted production forests:
a/ Not exceeding 150 ha, for delta communes, wards and townships;
b/ Not exceeding 300 ha, for midland and mountainous communes, wards and townships.
4. In case a household or an individual acquires agricultural land use rights in more than one province or centrally run city, the total area eligible for acquisition within quota for each type of land (land for cultivation of annual crops, land for cultivation of perennial trees, land for planted production forests, land for aquaculture or land for salt production) equals the quota eligible for acquisition of land use rights in the province or centrally run city in which the highest quota eligible for acquisition of land use rights is applicable.
5. In case a household or an individual acquires agricultural land use rights of different types of land (land for cultivation of annual crops, land for cultivation of perennial trees, land for planted production forests, land for aquaculture and land for salt production), the quota for acquisition of agricultural land use rights for this household or individual shall be determined for each type of land as prescribed in Clauses 1,2 and 3 of this Article.
6. Households and individuals that have used agricultural land in excess of the quotas for acquisition of land use rights prescribed in Clauses 1 thru 5 of this Article and had registered to transfer land use rights before July 1, 2007, may continue using the over-quota land areas like agricultural land within the quotas eligible for acquisition.
7. Households and individuals that have used agricultural land in excess of the quotas for acquisition of land use rights prescribed in Clauses 1 thru 5 of this Article and had registered to transfer land use rights between July 1, 2007, and before July 1, 2014, may continue using such land and shall shift to lease land from the State only for the over-quota land areas.
Article 45. Land for rice cultivation
1. Persons who are allocated or leased land specialized in wet rice cultivation by the State for use for non-agricultural purposes shall pay a sum of money for land reclamation and rehabilitation and investment in local infrastructure.
2. The determination and use of the sums of money specified in Clause 1 of this Article must comply with the Government’s regulations on management and use of land for rice cultivation.
Article 46. Management and use of land of agricultural and forestry companies after they are reorganized, renovated and developed to raise their operation efficiency
1. In the course of reorganization, renovation and development to raise their operation efficiency, agricultural and forestry companies that currently use land shall:
a/ Review the current land use status in terms of location and boundary for land management and use; land area used properly; land area used improperly; unused land area; land areas which are currently contracted, leased, lent, encroached upon, occupied, used for joint venture or investment cooperation and are under dispute;
b/ Propose land use plans based on the approved plans on reorganization, renovation and development of agricultural and forestry companies; local land use master plans and land use status.
A land use plan must indicate the location and boundary of land use; land area proposed to be retained for use by type of land, form of land use and land use term; and land area to be handed over to the locality.
c/ Report on land use plans to the natural resources and environment agency for appraisal before submitting them to the provincial-level People’s Committee for approval;
d/ Organize the implementation of the approved land use plans.
2. Provincial-level People’s Committees shall consider and approve land use plans of local agricultural and forestry companies; direct the determination of boundaries, placement of land use boundary landmarks under approved plans, making of land allocation and lease dossiers, and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets to the companies; and decide to recover the land areas handed over to localities under the approved land use plans.
3. The land areas retained by the companies for use under the approved land use plans which are illegally leased or lent; are encroached upon or occupied; or unlawfully used for joint venture or investment cooperation shall be handled as follows:
a/ For the land area which is illegally leased or lent or used by the companies for joint venture or investment cooperation, the companies shall terminate such illegal lease or lending or unlawful use and use the land area for proper purposes;
b/ The land area currently encroached upon or occupied shall be definitely handled and put to use.
4. For the land area handed over to localities, provincial-level People’s Committees shall make plans on its use in the following order of priority:
a/ Building public facilities;
b/ Allocating or leasing to local households and individuals that have no land or lack production land;
c/ Allocating or leasing to current land users if they so wish, provided that such use of land complies with local land use master plans.
Article 47. Inland land with water surface located in different provinces and centrally run cities
1. The use of inland land with water surface located in different provinces and centrally run cities must comply with approved land use master plans and plans and water resources master plans as well as the law on water resources.
2. Provincial-level People’s Committees or district-level People’s Committees shall lease inland land with water surface to economic organizations, households or individuals for investment in aquaculture, agricultural production or for combined agricultural and non- agricultural purposes according to their competence defined in Article 59 of the Land Law.
3. Land lessees defined in Clause 2 of this Article shall protect the environment and landscape and ensure that their land use does not affect the main purposes of facilities using inland land with water surface.
Article 48. Riparian and coastal alluvial land
1. District-level People’s Committees shall investigate, survey, monitor and assess the areas of riparian and coastal alluvial land that are regularly deposited or affected by landslide in order to make plans for land exploitation and use.
2. Competent state agencies shall consider and decide on lease of riparian and coastal alluvial land that are regularly deposited or affected by landslides to persons who need such land.
3. The Minister of Natural Resources and Environment shall detail the use of riparian and coastal alluvial land.
Section 3. NON-AGRICULTURAL LAND
Article 49. Use of land for construction of condominiums
1. Land for construction of condominiums or condominiums for combined residence and use as offices or trade and service establishments (below referred to as condominiums) includes land for construction of condominiums, land for use as yards and for planting flowers and trees around condominiums, and land for construction of infrastructure facilities.
2. Investors of condominium construction projects shall be allocated or leased land and granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for the land area under these projects according to the following provisions:
a/ For the area of land for construction of condominiums and land for construction of infrastructure facilities used by investors for commercial purposes under the projects and approved detailed master plans, the investors shall be allocated or leased such land by the State and shall pay land use levy or land rental; they shall also be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
b/ For the area of land used for roads and other infrastructure facilities serving people living in and outside the condominiums which is not used by investors for the provision of services under the investment projects, the investors shall be allocated or leased such land by the State for management and construction of facilities and do not have to pay land use levy or land rental; they shall not be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; the investors shall hand over such land to localities for management after completing the construction under the investment projects, detailed construction master plans and land allocation or lease decisions of competent agencies.
3. Land use rights and the grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under projects on construction of condominiums for sale or for combined sale and lease must comply with the following provisions:
a/ Investors shall hand over the land area under common use rights of owners of apartments, offices and trade and service establishments in the condominiums (below referred to as apartments), covering the area of land for construction of condominiums, land for use as yards and for planting flowers and trees around the condominiums and land for construction of infrastructure facilities outside the condominiums which directly serve the condominiums, to apartment owners for management and use under the investment projects. Investors shall clearly determine the locations, boundaries and land areas under common use rights under the investment projects, detailed construction master plans and layout designs for submission to competent agencies for approval; and in house purchase and sale contracts and as-built drawings for carrying out the procedures for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the purchasers.
b/ Land use rights mentioned at Point a of this Clause are common use rights which cannot be divided. The ratio of land use rights shall be the ratio of the area of an apartment to the total floor area of all apartments in a condominium. The use and disposition of land use rights in a condominium shall be decided by the majority of persons representing the ratio of land use rights but must serve the common interests of the community and comply with law;
c/ Apartment owners shall be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for the land area under common use as prescribed at Point a of this Clause for a long and stable term; the area of apartments shall be determined based on apartment purchase and sale contracts;
d/ Upon grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets to apartment purchasers, the certificates already granted to investors prescribed in Clause 2 of this Article shall be adjusted to the form of common use for the land area specified at Point a of this Clause.
The land area under housing development projects outside the areas specified at Point b of Clause 2 and Point a of this Clause shall come under the use rights of investors, for which investors shall be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
Article 50. Land for national defense or security purposes
1. Users of land for national defense or security purposes are defined as follows:
a/ Units under the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security shall be users of land for military barracks, except the case specified at Point c of this Clause; land for military bases; land for national defense works, battle fields and special works of national defense and security; public-duty houses of people’s armed forces; and land in the areas allocated by the Government exclusively to the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security for management, protection and use;
b/ Units directly using land are land users for land used for military railway stations and ports; land for industrial and science and technology facilities directly serving national defense and security; land for warehouses for people’s armed forces; land for shooting grounds, training grounds, and weapon testing or weapon destroying sites; land for construction of schools, hospitals and sanitaria of the people’s armed forces; land for detention and re-education institutions managed by the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;
c/ Military commands of provinces or centrally run cities; military commands of districts, towns or provincial cities; public security departments of provinces or centrally run cities; public security offices of districts, towns or provincial cities; public security offices of wards or townships; and border guard stations are users of land for construction of their offices.
2. Land for national defense or security purposes shall be properly used. For unused or improperly used land areas, provincial-level People’s Committees shall notify land users to put the land to proper use; 12 months after receiving such notification, if land users fail to put the land to proper use, provincial-level People’s Committees shall recover such land for allocation to others for use.
3. If wishing to change the land use purpose within the national defense or security land areas under approved master plans or plans on use of land for national defense or security purposes, land users shall submit written requests for permission for change of the land use purpose to provincial-level Natural Resources and Environment Departments, enclosed with written opinions of the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security.
4. Land currently managed and used by people’s armed force units but not under approved master plans on use of land for national defense or security purposes shall be handed over to localities for management and handled as follows:
a/ For land areas already allocated for households of officers and soldiers of the people’s armed force units for building houses under approved land use master plans or plans, the land users shall be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land- attached assets and shall fulfill all financial obligations prescribed by law;
b/ For land for non-agricultural production and business purposes which is currently used by national defense or security enterprises, these enterprises shall shift to lease such land under production and business plans approved by the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;
c/ For land areas not specified at Points a and b of this Clause, provincial-level People’s Committees shall decide to recover them for allocation or lease for use in accordance with law.
4. Competent state agencies shall definitely handle disputed land areas for identifying land users.
Article 51. Land for industrial parks, export-processing zones and industrial clusters
1. The use term of land in industrial parks, export-processing zones and industrial clusters must correspond to the term of investment projects.
In case the term of an investment project is longer than the remaining use term of land of the industrial park, export-processing zone or industrial cluster, the enterprise that builds and commercially operates infrastructure of such industrial park, export-processing zone or industrial cluster shall seek permission from a competent state agency for adjustment of the land use term as appropriate, provided that the total land use term must not exceed 70 years, and it shall pay land use levy or land rental for the area eligible for use term extension.
2. Self-financed public non-business units that are assigned by competent agencies to build and commercially operate infrastructure of industrial parks or industrial clusters and are leased land by the State may sublease such land after having invested in infrastructure facilities therein.
3. Annually, enterprises that build and commercially operate infrastructure of industrial parks, export-processing zones or industrial clusters shall report to provincial-level People’s Committees and publicize the land areas not yet leased or subleased in such industrial parks, export-processing zones or industrial clusters on the websites of the enterprises and localities.
Article 52. Land for hi-tech zones
1. The use term of land for implementing projects on production and trading of hi-tech products; hi-tech research, development and application and training of human resources in hi-tech zones must comply with Articles 125 and 126 of the Land Law.
2. Land management responsibilities of hi-tech zone management boards are prescribed as follows:
a/ To coordinate with organizations in charge of compensation and ground clearance in providing compensation, support and resettlement;
b/ To submit to provincial-level People’s Committees for decision land use levy or land rental exemption and reduction for each project;
c/ To recover the leased land from land users that commit violations of the land law as prescribed at Points a, b, c, d, e, g and i, Clause 1, Article 64 of the Land Law; or from land users that terminate land use under law or voluntarily return land as prescribed at Points a, b, c and d, Clause 1, Article 65 of the Land Law; to manage the recovered land areas prescribed at this Point;
d/ To decide to allocate land without land use levy to users of land in hi-tech zones in the cases prescribed in Clauses 2 and 3, Article 54 of the Land Law;
dd/ To establish the order and administrative procedures related to land in hi-tech zones;
e/ To send land allocation, land lease or land use term extension decisions and extracts of cadastral maps or extracts of cadastral measurements of land areas to the land registration office for registration in the cadastral records and updating of the land database, and submit dossiers to competent agencies for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
3. Inspection, and settlement of land-related complaints, denunciations and disputes in hi-tech zones must comply with the laws on complaints, denunciations and land.
4. For hi-tech zones established and allocated land under decisions of provincial-level People’s Committees before July 1, 2014, the land management and use must comply with the following provisions:
a/ Hi-tech zone management boards shall comply with Points a, c, d, dd and e, Clause 2, of this Article; and may continue implementing the approved construction master plans;
b/ Hi-tech zone management boards may decide on land rental rates provided that the land price used for land rental calculation is not lower than the land price in the land price table prescribed by the provincial-level People’s Committee; and decide on land rental exemption and reduction for each project according to the Government’s regulations.
Article 53. Land for economic zones
1. Land management responsibilities of economic zone management boards are prescribed as follows:
a/ To coordinate with organizations in charge of compensation and ground clearance in providing compensation, support and resettlement;
b/ To decide on land use levy and land rental rates provided that the land price used for land use levy or land rental calculation is not lower than the land price in the land price table prescribed by the provincial-level People’s Committee; and on land use levy or land rental exemption and reduction for each project in case of land re-allocation or lease according to the Government’s regulations;
c/ To recover the re-allocated or leased land from land users that commit violations of the land law as prescribed at Points a, b, c, d, e, g and i, Clause 1, Article 64 of the Land Law; or from land users that terminate land use under law or voluntarily return land as prescribed at Points a, b, c and d, Clause 1, Article 65 of the Land Law; to manage the recovered land areas prescribed at this Point;
d/ To establish the order and administrative procedures related to land in economic zones;
e/ To send land allocation, land lease or land use term extension decisions and extracts of cadastral maps or extracts of cadastral measurements of the land area to the land registration office for registration in the cadastral records and updating of the land database, and submit dossiers to competent agencies for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
2. Inspection and settlement of land-related complaints, denunciations and disputes in economic zones must comply with the laws on complaints, denunciations and land.
3. The management and use of other land outside the functional areas of economic zones and other tasks related to the management of land in economic zones shall be performed by administrative agencies at all levels in accordance with the land law.
Article 54. Land for implementation of build-transfer (BT) and build-operate-transfer (BOT) projects
1. The State shall allocate land areas to investors for implementing BT projects; investors are not required to pay land use levy or land rental during the construction of facilities under approved projects and shall preserve the land areas allocated to them for management and use strictly according to the purposes indicated in the projects.
The transfer of facilities and land areas under these projects shall be conducted within the time limit written in approved investment projects or the extended time limit for transfer as permitted by competent state agencies. Past the time limit for transfer, if the investors fail to transfer, they shall lease land from the State, with the time of land lease starting from the end of the time of construction of facilities under the approved projects.
2. The State shall allocate or lease land to investors for implementation of BOT projects; investors are entitled to exemption from or reduction of land use levy or land rental under the Government’s regulations.
3. Persons who are transferred facilities for use and operation shall be allocated or leased land by the State or assigned to manage land areas with such facilities in accordance with the land law.
Article 55. Land for civil airports and airfields
1. Based on approved detailed master plans on airports and airfields, the Ministry of Transport shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of National Defense in, directing the determination of boundaries of areas exclusively used for civil activities and areas commonly used for civil and military activities under civil management.
2. Land used for the purposes specified at Points a and b, Clause 1, Article 156 of the Land Law shall be allocated for a stable and long term; land used for the purposes specified at Points c and d, Clause 1, Article 156 of the Land Law shall be leased for a term not exceeding 50 years. Upon the expiration of the land lease term, the current users may be considered for extension of the land lease term if they wish to continue using land.
3. Provincial-level People’s Committees shall decide on rent rates for land in airports and airfields in accordance with the land law.
4. For land areas allocated by provincial-level People’s Committees, airport authorities shall:
a/ Manage and use land properly and effectively;
b/ Examine the use of land and the fulfillment of land-related financial obligations by organizations and individuals that are allocated or leased land by the airport authorities;
c/ Decide to recover land from those that are allocated land by the airport authorities that fall in the cases specified at Points a, b, e, g and i, Clause 1, Article 64, and Points a, b, c and d, Clause 1, Article 65, of the Land Law. Decide to terminate land lease contracts with those breaching the contracts.
5. Inspection and settlement of complaints, denunciations and disputes related to land of airports and airfields must comply with the laws on complaints, denunciations and land.
6. The Ministry of Transport shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in, detailing this Article.
Article 56. Land for construction of public facilities with safety protection corridors
1. For land for safety protection corridors of public facilities under decisions of competent state agencies while such facilities do not use surface land, land shall be leased only during the construction of the facilities.
2. Pursuant to competent state agencies’ regulations on the scope of safety protection corridors of facilities, organizations directly managing facilities with safety protection corridors shall assume the prime responsibility for, and coordinate with People’s Committees of localities where the facilities are built in, drawing plans on placement of boundary landmarks to specifically determine safety protection corridors and submit such plans to provincial-level People’s Committees of localities where the facilities are built, for approval; and at the same time, to notify People’s Committees at all levels of localities where the facilities are built, for coordination in the protection of their safety corridors.
3. Within 30 working days after having plans on placement of boundary landmarks to specifically determine safety protection corridors approved by provincial-level People’s Committees, organizations directly managing facilities with safety protection corridors shall assume the prime responsibility for, and coordinate with district-level People’s Committees and commune-level People’s Committees of localities where the facilities are built in, publicizing boundary landmarks of facilities protection corridors and place boundary landmarks in the field, then deliver such boundary landmarks to commune-level People’s Committees of localities where the facilities are built, for management.
4. Organizations directly managing facilities with safety protection corridors shall assume the prime responsibility for, and coordinate with commune-level People’s Committees and district-level Natural Resources and Environment Divisions of localities where the facilities are built in, reviewing the land use status within their safety protection corridors in order to propose handling measures to competent state agencies according to the following provisions:
a/ In case the use of land affects the safety protection of facilities or in case the operation of facilities directly affects the life or health of land users, agencies in charge of state management of such facilities shall appraise the level of impacts, and, if land recovery is needed, propose competent People’s Committees to decide on recovery of such land. Persons having land recovered are entitled to compensation and support for land and land-attached assets which already exist before the facilities’ safety corridors are publicized, and to resettlement in accordance with law.
In case the use of land affects the safety protection of facilities, their owners and land users shall take remedies. Facility owners shall take responsibility for such remedy; if they are unable to take remedies, the State shall recover land and persons having land recovered are entitled to compensation, support and resettlement in accordance with law;
b/ In the cases of land use not specified at Point a of this Clause, current users of land within facility safety protection corridors may continue using such land according to the set purposes and shall comply with regulations on facilities safety protection;
c/ Certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall be granted for land within facility safety protection corridors in case the conditions for grant of such certificates are fully met in accordance with the Land Law, unless land recovery notices of decisions have been issued.
Persons who are granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets may only use the land under Point b of this Clause.
5. Agencies and organizations directly managing facilities with safety protection corridors shall take main responsibility for the safety protection of the facilities. In case the safety protection corridors are encroached, occupied or illegally used, they shall promptly report the case to commune-level People’s Committees of localities where exist such corridors, for handling.
6. Chairpersons of People’s Committees at all levels of localities where facilities with safety protection corridors are located shall:
a/ Detect and promptly handle cases of encroaching upon, occupying or illegally using land areas within the safety protection corridors; promptly stop the illegal building of facilities on the land of the safety protection corridors; and force violators to restore the original status of land;
b/ Coordinate with agencies or organizations directly managing the facilities in disseminating regulations on safety protection of facilities and in publicizing boundary landmarks of the facilities’ safety protection corridors;
c/ Chairpersons of People’s Committees at all levels shall take joint responsibility for the cases of encroaching upon, occupying or illegally using land areas within the safety protection corridors of facilities in their localities in accordance with law.
7. The temporary use of land for construction of public facilities with safety protection corridors shall be agreed upon by construction units and land users in accordance with the civil law.
Article 57. Use of land for construction of underground facilities
Based on land use master plans and plans, master plans on space for urban underground construction and other relevant master plans approved by competent state agencies, provincial- level People’s Committees shall decide to allocate or lease land for the construction of underground facilities according to the following provisions:
1. Economic organizations, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises may be leased land by the State with annual land use levy or full one-off rental payment for the entire lease term if they use land to construct underground facilities for commercial purposes.
2. Economic organizations, overseas Vietnamese and foreign-invested enterprises may be allocated land by the State without land use levy if they use land to construct underground facilities not for commercial purposes.
3. The use of land for the construction of underground facilities in the form of BT or BOT projects must comply with Article 54 of this Decree.
Section 4. MANAGEMENT OF UNUSED LAND AND PUTTING OF UNUSED LAND TO USE
Article 58. Management of unused land
1. Unused land includes unused flatland, unused hilly and mountainous land and rocky mountains with no forests.
2. Annually, commune-level People’s Committees shall report on the management and exploitation of unused land areas to district-level People’s Committees.
Article 59. Measures to put unused land to use under approved land use plans
1. The State shall adopt policies on infrastructure investment in border, island, deep- lying, remote and highland areas, areas having much land but sparsely inhabited, and areas with difficult natural conditions in order to put unused land to use; and to exempt or reduce land use levy or land rental for cases of allocation or lease of unused land for use.
2. Provincial-level People’s Committees shall use revenues collected from the change of land under wet rice cultivation into land used for other purposes and other lawful funding sources for the reclamation, rehabilitation and use of unused land.
ORDER AND ADMINISTRATIVE PROCEDURES FOR MANAGEMENT AND USE OF LAND
Article 60. Dossier submission and notification of results of implementation of land- related administrative procedures
1. Agencies receiving dossiers and notifying results of settlement of procedures for land allocation, land lease and change of land use purpose are prescribed as follows:
a/ Provincial-level Natural Resources and Environment Departments shall receive dossiers and notify results for the cases prescribed in Clause 1, Article 59 of the Land Law;
b/ District-level Natural Resources and Environment Divisions shall receive dossiers and notify results for the cases prescribed in Clause 2, Article 59 of the Land Law.
2. Agencies receiving dossiers and notifying results of settlement of procedures for registration of land and other land-attached assets; granting, renewing and re-granting certificates are land registration offices. In localities where land registration offices have not been established, provincial-level land use rights registration offices shall receive dossiers from organizations, religious institutions and overseas Vietnamese implementing investment projects, foreign organizations and individuals and foreign-invested enterprises; district- level land use rights registration offices shall receive dossiers from households, individuals, communities and overseas Vietnamese entitled to own houses associated with residential land use rights in Vietnam.
For households, individuals or communities wishing to submit dossiers to commune- level People’s Committees, commune-level People’s Committees of localities where the land is located shall receive dossiers and notify results. In case of registration of changes in land and land-attached assets; and grant and re-grant of certificates, within 3 working days after receiving a complete dossier, a commune-level People’s Committee shall forward that dossier to the land registration office.
3. Localities that have organized the one-stop-shop section for receiving dossiers and notifying results of implementation of administrative procedures according to the Government’s regulations, the agencies specified in Clauses 1 and 2 of this Article shall receive dossiers and notify results through the one-stop-shop section under decisions of provincial-level People’s Committees.
4. Hi-tech zone and economic zone management boards; and airport authorities are focal points for receiving dossiers and notifying results of implementation of land-related administrative procedures in hi-tech zones, economic zones, airports and airfields.
5. Results of settlement of administrative procedures shall be notified as follows:
a/ Results of settlement of administrative procedures shall be notified to land users and owners of land-attached assets within 3 working days after those results are available, except the case prescribed at Point b of this Clause;
b/ In case financial obligations related to administrative procedures shall be fulfilled, certificates of land use rights and ownership of houses and land-attached assets shall be handed over after land users and owners of land-attached assets submit documents on fulfillment of financial obligations under regulations. In case of land lease with annual rental payment, results shall be notified after land users have signed land lease contracts. In case of exemption from financial obligations related to administrative procedures, results shall be notified after receipt of a competent agency’s written certification of such exemption;
c/ For a dossier ineligible for settlement, the dossier-receiving agency shall return it and clearly notify the reason for its ineligibility.
Article 61. Time limit for implementation of land-related administrative procedures
1. The time limits for implementation of procedures for land allocation, land lease and change of land use purpose are prescribed as follows:
a/ Land allocation or lease: 20 days excluding the time for ground clearance;
b/ Change of land use purpose: 15 days.
2. The time limits for implementation of procedures for registration of land and land- attached assets; and grant and re-grant of certificates are prescribed as follows:
a/ Registration of land and land-attached assets, grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets: 30 days;
b/ Registration and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to acquirers of land use rights and ownership of houses or construction facilities from construction investment organizations: 30 days;
c/ Registration and grant of supplemented certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for land-attached assets: 20 days;
d/ Registration of changes in land and land-attached assets in case of winning auctions of land use rights; settlement of land-related disputes, complaints or denunciations; handling of mortgage or capital contribution contracts; distraint or auction of land use rights and land-attached assets for judgment enforcement; division, split, consolidation or merger of organizations, company transformation; agreement on consolidation or division of land use rights and ownership of land-attached assets of households, husband and wife or groups of land users: 15 days;
dd/ Split or consolidation of land parcels; registration of land allocated by the State for management: 20 days;
e/ Extension of land use term: 15 days;
g/ Certification of continued use of agricultural land by households or individuals upon expiration of land use term: 10 days;
h/ Registration of establishment, change or termination of limited use rights on the adjacent land parcel: 10 days;
i/ Registration of changes as a result of change of names of land users or owners of land- attached assets or change of shape, size, area, number or address of land parcels or change of limitations on land use rights or change in financial obligations or change in land-attached assets compared with registered contents: 15 days;
k/ Shift from land lease with annual rental payment to lease with full one-off rental payment; from allocation of land by the State without land use levy to land lease; from land lease to allocation of land with land use levy: 30 days;
l/ Exchange, transfer, inheritance, donation and registration of contribution of land use rights and ownership of land-attached assets as capital: 10 days;
m/ Deregistration of contribution of land use rights and ownership of land-attached assets as capital: 5 working days;
n/ Registration, deregistration of mortgage, lease or sub-lease of land use rights: 3 working days;
o/ Transformation of land use rights and ownership of land-attached assets of husband or wife into common ownership of both husband and wife: 10 days;
p/ Renewal of certificates, certificates of house ownership or certificates of construction facility ownership: 10 days; in case of renewal of certificates for many land users due to redrawing of maps: 50 days;
q/ Re-grant of certificates, certificates of house ownership or certificates of construction facility ownership due to loss: 30 days.
3. The time limit for implementation of procedures for conciliation and settlement of land-related disputes is prescribed as follows:
a /Conciliation of land-related disputes: 45 days;
b/ Settlement of land-related disputes within the competence of chairpersons of district- level People’s Committees: 45 days;
c/ Settlement of land-related disputes under the competence of chairpersons of provincial- level People’s Committees: 60 days;
d/ Settlement of land-related disputes within the competence of the Minister of Natural Resources and Environment: 90 days;
dd/ Coercive enforcement of decisions on settlement of land-related disputes or decisions on recognition of successful conciliation: 30 days.
4. The time limit prescribed in Clause 1, 2 or 3 of this Article shall be counted from the date of receipt of valid dossiers and exclude the time for fulfillment of financial obligations of land users, for consideration and handling of cases of unlawful land use and for solicitation of expert opinions.
Within 3 days after receiving an incomplete or invalid dossier, the dossier-receiving and -processing agency shall notify and guide the person submitting the dossier to supplement the dossier under regulations.
For communes in mountainous, island, deep-lying and remote areas and areas with difficult socio-economic conditions, the time limit for implementation of each procedure prescribed in this Article shall be extended for 15 days.
Article 62. Responsibilities for prescribing dossiers, implementation time and order and land-related administrative procedures
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall specify the form and components of the dossier for implementation of land-related administrative procedures prescribed in this Decree.
2. Provincial-level People’s Committees shall specify agencies receiving and settling procedures; time and steps for implementation of procedures of each related agency or unit and coordinated settlement between related agencies under the one-stop-shop mechanism suitable to local practical conditions, which, however, must not exceed the total time limit prescribed for each procedure under this Decree.
Article 63. Determination of financial obligations of land users in implementation of administrative procedures for land management and use
1. Land use levy, land rental, land-related taxes and registration fee (below referred to as financial obligations) shall be determined by tax agencies. Provincial-level Natural Resources and Environment Departments, district-level Natural Resources and Environment Divisions or land registration offices shall provide cadastral information for tax agencies in cases of eligibility and subject to financial obligations under regulations.
Land prices for calculation of financial obligations shall be determined by provincial-level Natural Resources and Environment Departments; or by tax agencies, in case of application of the land price adjustment coefficient for determination of specific land prices.
2. Tax agencies shall notify financial obligations to land users or owners of land-attached assets as prescribed by law within 5 working days from the date of receipt of cadastral information.
Competent agencies shall sign certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, for land users and owners of land-attached assets exempted from, or entitled to owe, financial obligations, those subject to financial obligations and having fulfilled these obligations, and those having obtained decisions on exemption from financial obligations in accordance with law.
3. Dossier-receiving agencies shall determine amounts of charges and fees related to land management and use, except the registration fee prescribed in Clause 1 of this Article, to be paid by land users upon implementation of administrative procedures for land management and use; and notify and guide land users to pay them in accordance with law.
Article 64. Contracts and transaction documents on land use rights and ownership of land-attached assets
1. Contracts and transaction documents on land use rights and ownership of land-attached assets of households shall be signed by the persons named in the certificates or authorized in accordance with the civil law.
2. Contracts and transaction documents on land use rights and ownership of land-attached assets of groups of land users or groups of owners of land-attached assets shall be signed by all group members or enclosed with authorization documents in accordance with the civil law, except the case of apartment owners sharing the use of a land parcel in an apartment building.
Section 2. ORDER OF AND PROCEDURES FOR LAND RECOVERY, REQUISITION, ALLOCATION AND LEASE AND CHANGE OF LAND USE PURPOSE
Article 65. Order and procedures for land recovery due to lawful termination of land use, voluntary return of land and the risk of threatening human life
1. The order of and procedures for land recovery due to lawful termination of land use or voluntary return of land are prescribed as follows:
a/ Organizations that are allocated land by the State without land use levy, allocated land by the State with land use levy which is paid from state budget-originated sources, or leased land with annual rental payment and move to other places or have lower demand or no longer have demand for land use; and land users that voluntarily return land shall send land return notices or documents and certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to natural resources and environment agencies;
b/ For recovery of land from dissolved or bankrupt organizations allocated land by the State without land use levy or with land use levy which is paid from state budget-originated sources, or leasing land with annual rental payment, agencies issuing dissolution or bankruptcy decisions shall send these decisions to provincial-level Natural Resources and Environment Departments of localities where land is recovered;
c/ For recovery of land of individual land users who die without heirs, commune-level People’s Committees of places of residence of these individual land users shall send death certificates or decisions declaring the death of such a person in accordance with law and their written certifications of persons who die without heirs to district-level Natural Resources and Environment Divisions of localities where land is recovered;
d/ For cases of definite land use term, natural resources and environment agencies shall annually review and issue notices of those ineligible for extension of land use term;
dd/ Natural resources and environment agencies shall conduct field inspection and verification when necessary; propose People’s Committees of the same level to decide on land recovery; organize land recovery in the field and handover to land fund development organizations or commune-level People’s Committees for management; direct the updating and modification of the land database and cadastral records and revoke certificates or notify the cancellation of certificates in case of failure to revoke certificates.
2. The order and procedures for recovery of land in polluted areas at risk of threatening human life; land at risk of landslide or land subsidence or being affected by other natural disasters threatening human life are prescribed as follows:
a/ District- or provincial-level People’s Committees shall assign competent agencies to examine and determine the level of environmental pollution, landslide, land subsidence or impacts of other natural disasters threatening human life;
b/ After competent agencies issuing documents determining the level of environmental pollution, landslide, land subsidence or impacts of other natural disasters threatening human life, due to which land shall be recovered, natural resources and environment agencies shall perform the jobs prescribed at Point dd, Clause 1 of this Article;
c/ Competent agencies shall arrange temporary residences and provide resettlement for persons subject to coerced relocation, for land recovery cases prescribed at Points dd and e, Clause 1, Article 65 of the Land Law.
3. Coercion of land recovery due to lawful termination of land use or the risk of threatening human life:
a/ Coercion of land recovery must adhere to the principles prescribed in Clause 1, Article 70 of the Land Law;
b/ After land recovery decisions are issued, natural resources and environment agencies shall coordinate with commune-level People’s Committees and commune-level Vietnam Fatherland Front Committees in mobilizing and persuading persons subject to land recovery to hand over land;
c/ When persons subject to land recovery fail to implement land recovery decisions after being mobilized and persuaded, natural resources and environment agencies shall propose People’s Committees that have issued land recovery decisions to issue decisions on coercive enforcement of land recovery decisions;
d/ Assigned coercion organizations shall make coercion plans and submit them to People’s Committees having issued coercion decisions for approval;
dd/ Assigned coercion organizations shall mobilize and persuade coerced persons to voluntarily hand over land;
e/ People’s Committees having issued coercion decisions shall organize forces to coerce coercion decisions for coerced persons or organizations failing to implement coerce decisions after being mobilized and persuaded under Point dd of this Clause.
4. Natural resources and environment agencies shall direct the updating and modification of the land database and cadastral records; revocation of certificates or notification of the invalidity of certificates for land users failing to return certificates.
5. Settlement of complaints about land recovery decisions lodged by persons subject to land recovery must comply with the law on settlement of complaints.
Article 66. Order and procedures for land recovery due to violation of law
1. For land recovery due to violation of law, when the statute of limitations for sanctioning administrative violations expires under the law on handling of administrative violations, competent sanctioning persons shall make records of administrative violations as a basis for land recovery.
When land-related violations of law are not subject to sanctioning of administrative violations under the law on sanctioning of administrative violations in the field of land, records of the violations must be made in the witness of representatives of commune-level People’s Committees as a basis for deciding on land recovery according to the following provisions:
a/ Natural resources and environment agencies shall conduct examination to determine the violations prescribed at Points c, d and g, Clause 1, Article 64 of the Land Law; and conduct inspection to determine the violations prescribed at Points h and i, Clause 1, Article 64 of the Land Law;
b/ Within 7 working days after making a record, the person assigned to conduct examination or inspection shall send this record to the competent land recovery agency for direction for land recovery.
2. Natural resources and environment agencies shall conduct field inspection and verification when necessary and propose People’s Committees of the same level to decide on land recovery.
3. Competent People’s Committees shall:
a/ Notify the land recovery to land users and publish it on the websites of provincial- level and district-level People’s Committees;
b/ Direct the handling of the residual value of the investments on land or land-attached assets (if any) in accordance with law;
c/ Organize the coercive enforcement of land recovery decisions under Clause 3, Article 65 of this Decree;
d/ Arrange funds for the coercion of land recovery.
4. Natural resources and environment agencies shall direct the updating and modification of the land database and cadastral records; and revocation of certificates or notification of invalidity of certificates for land users failing to return certificates.
Article 67. Detailed provisions on order and procedures for land requisition
1. A decision on or written certification of land requisition must have the following major contents:
a/ Full name, position and working place of the person deciding on land requisition;
b/ Name and address and the person subject to land requisition or the person currently managing and using land to be requisitioned;
c/ Name and address of the organization or person to be allocated the requisitioned land;
d/ Purpose and term of land requisition;
dd/ Position, area, type of land and assets attached to land to be requisitioned;
e/ Time for handover of requisitioned land.
2. The return of requisitioned land to land users after the land requisition term must comply with the following provisions:
a/ The person competent to decide on land requisition shall issue a decision on return of requisitioned land and send it to the person having the requisitioned land;
b/ If the person having the requisitioned land voluntarily donates land to the State, procedures for donation of land use rights shall be carried out in accordance with law.
3. Responsibilities for determination of level of compensation for damage caused by land requisition are prescribed as follows:
a/ The chairperson of the district-level People’s Committee of the locality where the requisitioned land is located shall determine the level of compensation for damage caused by land requisition, except the case prescribed at Point b of this Clause;
b/ The chairperson of the provincial-level People’s Committee of the locality where the requisitioned land is located shall determine the level of compensation for damage caused by land requisition in case the requisitioned land is within the administrative boundaries of different district-level administrative units.
4. A council for determination of level of compensation for damage caused by land requisition shall be composed of:
a/ The chairperson or a vice chairperson of the People’s Committee as its head;
b/ Members from the natural resources and environment and finance agencies and other related members;
c/ Representative of the agency of the person competent to issue the land requisition decision;
d/ Representatives of the district-level People’s Court and People’s Procuracy of the locality where the land is located;
dd/ Members being representatives of the commune-level Vietnam Fatherland Front;
e/ Representative of the person having the requisitioned land.
Article 68. Order and procedures for land allocation, land lease and permission for change of use purpose of land for rice cultivation, land for protection forests and land for special-use forests to other purposes
1. The order and procedures for appraisal of land use demand and appraisal of conditions for land allocation, land lease and permission for change of land use purpose are prescribed as follows:
a/ The requester for land allocation, land lease or change of land use purpose shall submit a dossier for appraisal to the natural resources and environment agency.
Investment projects in which investment has been decided by the National Assembly or approved in principle by the Prime Minister are not required to go through appraisal procedures prescribed in this Clause;
b/ Within 30 days after receiving a complete and valid dossier, the natural resources and environment agency shall send an appraisal document to the investor for compilation of a dossier of request for land allocation, land rent or change of land use purpose.
The time limit prescribed at this Point excludes the time for implementation of procedures for permission for change of use purpose of land for rice cultivation, land for protection forest or land for special-use forests for implementation of investment projects prescribed in Clause 2 of this Article;
c/ The Ministry of Natural Resources and Environment shall specify the appraisal of land use demand and conditions for land allocation, land lease or change of land use purpose.
2. The order and procedures for permission for change of use purpose of land for rice cultivation, land for protection forests or special-use forests for implementation of investment projects are prescribed as follows:
a/ Natural resources and environment agencies shall summarize demands for change of use purpose of land for rice cultivation, land for special-use forests or land for protection forests for implementation of investment projects in localities and submit them to People’s Committees of the same level for reporting to superior People’s Committees or the Ministry of Natural Resources and Environment;
b/ Within 10 working days after receiving a complete and valid dossier, the provincial- level People’s Committee shall assume the prime responsibility for appraising the dossier and submit it to the provincial-level People’s Council for approval before a competent People’s Committee decides on the change of land use purpose. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in, conducting the appraisal and shall propose the Prime Minister to approve the change of land use purpose before a competent People’s Committee decides on such change;
c/ After the Prime Minister issues a written approval of change of land use purpose, the provincial-level People’s Council shall adopt a resolution on change of land use purpose and a competent People’s Committee shall organize the land recovery, land allocation, land lease or change of land use purpose.
3. The order and procedures for land allocation and land lease not through auction of land use rights are prescribed as follows:
a/ The natural resources and environment agency shall guide the investor in compiling a dossier of request for land allocation or land lease and fulfilling financial obligations as prescribed by law; and propose a competent People’s Committee to decide on the land allocation or land lease; and sign a land lease contract, in case of land lease;
b/ The person that is allocated or leased land shall pay land use levy in case of land allocation with land use levy, or pay land rental in case of land lease;
c/ The natural resources and environment agency shall propose a competent state agency to grant a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; organize land allocation in the field; hand over the certificate to the person that is allocated or leased land; and direct the updating and modification of the land database and cadastral records.
4. For land allocation and land lease not through auction of land use rights for project implementation prescribed in Articles 61 and 62 of the Land Law, some preparation steps for land allocation or land lease concurrently carried out together with the order and procedures for land recovery are prescribed as follows:
a/ During the implementation of the plan on land recovery, investigation, survey, measurement and inventory, the investor may conduct survey and measurement for elaboration of an investment project in accordance with the investment law and construction law. The competent agency shall carry out procedures for appraisal of the investor’s land use demand and conditions for land allocation or land lease;
b/ During implementation of the approved compensation, support and resettlement plan, the investor may submit a dossier of request for land allocation or land lease without having to wait until the ground clearance is completed.
5. For land allocation and lease through auction of land use rights, the order and procedures for allocation and lease of land with cleared ground are prescribed as follows:
a/ Based on the district-level annual land use plan approved by a competent state agency, the natural resources and environment agency shall direct the elaboration of a land use right auction plan for submission to the People’s Committee of the same level for approval;
b/ The organization selected under the approved land use right auction plan shall organize the auction of land use rights;
c/ The competent People’s Committee shall issue a decision recognizing the auction winning result;
d/ After the auction winner fulfills financial obligations, the natural resources and environment agency shall propose a competent agency to grant a certificate and sign a land lease contract, in case of land lease; organize the handover of land in the field and deliver the certificate; and direct the updating and modification of the land database and cadastral records.
When an auction winner fails to fully pay the required amount, the natural resources and environment agency shall propose the competent People’s Committee to cancel the decision recognizing the auction winning result.
6. The Ministry of Natural Resources and Environment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Justice in, organizing auctions of land use rights upon land allocation or lease by the State.
Article 69. Order and procedures for permission for change of land use purpose
1. A land user shall submit a written request for change of land use purpose together with the certificate to the natural resources and environment agency.
2. The natural resources and environment agency shall appraise the dossier; conduct field verification and appraise the demand for change of land use purpose; guide the land user in fulfilling financial obligations in accordance with law; propose the competent People’s Committee to permit the change of land use purpose; and direct the updating and modification of the land database and cadastral records.
An investor that acquires land use rights from a current land user for implementation of an investment project shall carry out procedures for transfer of land use rights concurrently with procedures for permission for change of land use purpose.
3. The land user shall fulfill financial obligations under regulations.
Section 3. ORDER AND PROCEDURES FOR REGISTRATION OF LAND AND LAND- ATTACHED ASSETS AND GRANT OF CERTIFICATES OF LAND USE RIGHTS AND OWNERSHIP OF HOUSES AND LAND-ATTACHED ASSETS
Article 70. Order and procedures for registration of land and land-attached assets and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and land-attached assets for the first time and additional registration of land-attached assets
1. A land user shall submit a set of dossier under regulations for carrying out registration procedures.
2. When a household, an individual, a community or an overseas Vietnamese entitled to own houses in Vietnam requests registration of land and land-attached assets or grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, the commune-level People’s Committee shall examine the dossier and perform the following jobs:
a/ For land registration, certifying the current land use status as compared with declared registration contents. In case the papers specified in Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree are not available, certifying the origin and the time of land use, state of land use-related dispute and conformity with planning.
For registration of land-attached assets, certifying the current state of land-attached assets as compared with declared registration contents. In case the papers specified in Articles 31, 32, 33 and 34 of this Decree are not available, certifying the status of dispute over the asset ownership; for houses and construction facilities, certifying the time of creation of assets, case subject or not subject to construction licensing and conformity with approved planning; certifying plans of houses or construction facilities in case of unavailability of certification by a legal entity engaged in construction or map survey operations;
b/ In case of unavailability of cadastral maps, before performing the jobs specified at Point a of this Clause, notifying the land registration office to conduct cadastral measurement of the land parcel or examine the cadastral measurement document of the land parcel submitted by the land user (if any);
c/ Publicly posting up for 15 days the results of dossier examination, certification of current land use status and state of dispute, origin and use time of land at its office and in the residential area where the land and land-attached assets are located; considering and settling feedback on the publicized contents, and sending the dossier to the land registration office.
3. The land registration office shall perform the following jobs:
a/ For households, individuals and communities submitting dossiers to the land registration office, sending the dossiers to the commune-level People’s Committee for certification and publication of results under Clause 2 of this Article;
b/ Extracting cadastral maps or conducting cadastral measurement of land parcels without cadastral maps or with cadastral maps but changed land use boundaries or examining cadastral measurement documents of land parcels submitted by land users (if any);
c/ Examining and certifying plans of land-attached assets which have not been certified by legal entities engaged in construction or map survey operations, for domestic organizations, religious institutions, foreign organizations and individuals and overseas Vietnamese implementing investment projects;
d/ Examining registration dossiers; conducting field verification when necessary; certifying in the written requests the eligibility or ineligibility for grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
dd/ In case owners of land-attached assets do not have the papers, or the current status of assets has changed as compared with the papers, specified in Articles 31, 32, 33 and 34 of this Decree, sending written requests for opinions of state management agencies about those assets, which shall issue written replies to the land registration office within 5 working days;
e/ Updating information on land parcels and land-attached assets, registering in the cadastral records and land database (if any);
g / For land users applying for certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, sending cadastral information to the tax agency for determination and notification of financial obligations, except cases not subject to financial obligations or entitled to owe financial obligations as prescribed by law; preparing dossiers for the natural resources and environment agency to submit for signing certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; additionally updating the grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the cadastral records and land database; handing over certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the persons concerned or sending these certificates to the commune-level People’s Committee for handover to the persons concerned, if dossiers are submitted at the commune level.
4. The natural resources and environment agency shall perform the following jobs:
a/ Examining dossiers and proposing a competent agency to grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
In case of land lease, proposing a competent People’s Committee to sign land lease decisions; signing land lease contracts and proposing a competent agency to grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets after land users have fulfilled financial obligations in accordance with law.
b/ Sending processed dossiers to the land registration office.
5. A land user that has registered land in accordance with law and now wishes to obtain a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets shall submit an application for such certificate. The land registration office and natural resources and environment agency shall perform the jobs specified at Point g, Clause 3, and Clause 4 of this Article.
Article 71. Order and procedures for land registration for those that are allocated land by the State for management
1. Person that are currently allocated land by the State for management under Article 8 of the Land Law and have not registered such land shall send 1 set of land registration dossier. The land registration office shall examine the current land use status and update information in the cadastral records and land database.
2. In case competent state agencies allocate land for management, based on decisions on land allocation for management, the land registration office shall update information in the cadastral records and land database.
Article 72. Order and procedures for registration and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to acquirers of land use rights and buyers of houses and construction facilities under housing development projects
1. After completing a work, the housing development project investor shall send to the provincial-level Natural Resources and Environment Department the following documents:
a/ Project approval decision, investment decision, investment license or investment certificate;
b/ Decision approving the detailed construction master plan on a 1:500 scale; construction license (if any);
c/ Certificate or decision on land allocation or lease of a competent agency; documents proving the housing development project investor’s fulfillment of financial obligations (except cases entitled to exemption or owing as prescribed by law);
d/ Plans of built houses and land which are as-built drawings of the ground or design drawings of the ground with sizes of edges of each sold apartment in conformity with the current construction status and signed contract; list of apartments and construction facilities for sale (with information on apartment number, land area, construction area and common use area and area of each apartment); for an apartment building, the plan must show the scope (size and area) of the land for common use of apartment owners, construction ground of the apartment building and grounds of each floor and each apartment;
dd/ Reports on project implementation results.
2. Within 30 days after receiving a dossier, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall examine the current land use status and built houses and construction facilities and conditions for transfer of land use rights and sale of houses of the project investor.
After completing the examination, the provincial-level Natural Resources and Environment Department shall send to the project investor a notice of examination results; send the notice together with the plan of examined houses and land to the land registration office for implementing procedures for registration of houses and land for buyers, for cases eligible as prescribed by law.
3. The housing project investor shall submit 1 set of dossier for registration and grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets on behalf of the acquirer of land use rights and buyers of houses and construction facilities or provide dossiers for buyers to make registration themselves. A dossier must comprise:
a/ Written request for registration of land and land-attached assets and grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
b/ Contract on transfer of land use rights, house and construction facility purchase and sale as prescribed by law;
c/ Record of handover of houses, land and construction facilities.
4. The land registration office shall perform the following jobs:
a/ Examining legal documents in the dossier; certifying the eligibility or ineligibility for grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in the written request for registration;
b/ Sending cadastral information to the tax agency for determination of financial obligations (if any);
c/ Updating information in the cadastral records and land database (if any);
d/ Preparing a dossier for submission to a competent agency for grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets under Article 37 of this Decree;
dd/ Requesting the project investor to submit the granted certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for modification of the cadastral records and land database;
e/ Handing over the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the person concerned.
5. The provincial-level Natural Resources and Environment Department shall report on project investors violating the laws on land, construction and housing to the provincial-level People’s Committee for handling in accordance with law.
Article 73. Order and procedures for registration of establishment, change or termination of limited use rights on adjacent land parcels
1. When arise, change or terminate the limited use rights on the adjacent land parcel, one of the parties shall submit a written request, the certificate (if any), the contract or the judgment or decision of the people’s court to the land registration office.
2. The land registration office shall check and update in the cadastral records and land database and write on the certificate if requested.
Article 74. Order and procedures for extension of land use term; certification of continued use of agricultural land of households and individuals upon expiration of the land use term
1. Organizations, overseas Vietnamese, foreign-invested enterprises, households or individuals that use land outside hi-tech zones or economic zones and do not fall into the cases prescribed in Clauses 2 and 3 of this Article, if wishing to extend their land use term, shall comply with the following provisions:
a/ At least 6 months before the expiration of the land use term, a land user that wishes to extend the land use term shall submit 1 set of dossier of request for extension of land use term.
In case the operation term of an investment project is changed due to the adjustment of such project, the dossier of request for extension of land use term shall be submitted after obtaining a document of a competent agency on the adjustment of the investment project;
b/ The natural resources and environment agency shall appraise the land use demand; if the conditions for extension are fully met, it shall assign the land registration office to send cadastral information to the tax agency for determining financial obligations; submit the dossier to the People’s Committee of the same level for decision on the extension of land use rights; sign a land lease contract, in case of land lease; and transfer the dossier to the land registration office for registration.
In case the land use term extension requires registration of the adjustment of the investment project, the appraisal of the land use demand and the registration of the adjustment of the investment project shall be conducted concurrently.
In case the operation term of an investment project is changed due to the adjustment of its size, the land use term may be adjusted according to the operation term of the project;
c/ If the land use term extension is permitted, the land user shall submit the granted certificate and documents on fulfillment of financial obligations to the natural resources and environment agency;
d/ The land registration office shall certify the extension of the land use term in the granted certificate; adjust and update the change in the cadastral records and land database; hand over the certificate to the requester or send it to the commune-level People’s Committee for handover, in case of submission of dossiers at commune level;
dd/ If the conditions for extension of land use term are not fully met, the natural resources and environment agency shall notify it to the land user concerned and carry out land recovery procedures according to regulations.
2. Households and individuals directly engaged in agricultural production that are using agricultural land allocated, or with land use rights recognized, by the State, or acquired through transfer, may continue to use such land according to the term prescribed in Clause 1, Article 126 and Clause 3, Article 210 of the Land Law upon the expiration of the land use term without having to register the adjustment of the land use term.
3. A household or an individual specified in Clause 2 of this Article that wishes to have the land use term re-certified in the certificate shall comply with the following order and procedures:
a/ The land user shall submit a dossier of request for re-certification of land use term;
b/ The commune-level People’s Committee of the place where the land is located shall check the dossier and give certification that the household or individual is directly using land for agricultural production and there is no land recovery decision of a competent state agency, and send the dossier to the land registration office;
c/ The land registration office shall check the dossier; certify the duration for continued land use according to the term prescribed in Clause 1, Article 126 and Clause 3, Article 210 of the Land Law in the granted certificate; adjust and update the change in the cadastral records and land database, and hand over the certificate to the land user or send it to the commune-level People’s Committee for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
Article 75. Order and procedures for land parcel division or consolidation
1. A land user shall submit a set of dossier of request for land parcel division or consolidation.
2. The land registration office shall:
a/ Conduct cadastral surveys for land parcel division;
b/ Make dossiers and submit them to a competent agency for granting certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the land users with regard to newly divided or consolidated land parcels;
c/ Adjust and update the change in the cadastral records and land database; hand over the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the land users concerned or send them to the commune-level People’s Committees for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
3. In case a land parcel is divided due to the transfer of the use rights on part of the land parcel or due to the settlement of a dispute, complaint, denunciation or land auction, or due to the division of the land-using household or group of land users; due to the handling of a mortgage or capital contribution contract, distraint and auction of land use rights for. enforcement of a judgment (below referred to as transfer of rights), the land registration office shall:
a/ Conduct cadastral surveys for land parcel division;
b/ Carry out the change registration procedures as prescribed by this Decree for the part of land area on which rights are transferred; at the same time certify the change in the granted certificate or submit the case to an agency competent to grant the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets for the remaining area of the land parcel on which rights are not transferred; adjust and update the change in the cadastral records and land database; hand over the certificate to the land user concerned or send it to the commune-level People’s Committee for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
4. In case a land parcel is divided due to the recovery by the State of part of the land parcel, the natural resources and environment agency shall direct the land registration office to perform the following pursuant to the recovery decision of a competent state agency:
a/ Surveying and adjusting the cadastral map, cadastral records and land database;
b/ Certifying the change in the granted certificate and handing it over to the land user concerned or sending it to the commune-level People’s Committee for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
Article 76. Renewal of certificates or certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works
1. The renewal of granted certificates, certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works shall be made in the following cases:
a/ Land users that wish to change certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works or certificates granted before December 10, 2009, into certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
b/ Granted certificates or certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works are smeared, blurry, ragged or damaged;
c/ Consolidation and swap of land parcels, re-survey and re-measurement of areas and sizes of land parcels;
d/ Request for writing of full names of both husband and wife in the certificates, in case land use rights are or ownership of land-attached assets is common assets of husband and wife but the certificates only indicate the full name of either of them.
2. A land user shall submit 1 set of dossier of request for certificate renewal.
3. The land registration office shall:
a/ Check the dossier and certify the reason for certificate renewal in the written request;
b/ Make a dossier and submit it to a competent agency for granting a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets;
c/ Adjust and update the change in the cadastral records and land database; hand over the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the land user concerned or send it to the commune-level People’s Committees for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
4. In case the certificate is renewed after consolidation and swap of land parcels or survey and making of cadastral maps but the granted certificate is currently mortgaged at a credit institution, the land user shall submit a copy of the contract on mortgage of land use rights and land-attached assets in replacement of the granted certificate in carrying out the renewal procedures.
The land registration office shall notify the list of cases of request for renewal of the certificate to the credit institution at which land use rights and land-attached assets are mortgaged; and certify the mortgage registration in the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets after it is signed and granted by a competent agency.
5. The handover of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in the cases of renewal specified in Clause 4 of this Article shall be carried out by triple parties including the land registration office, land user and credit institution under the following provisions:
a/ The land user shall sign and receive the new certificate from the land registration office and hand it over to the credit institution being the mortgagee;
b/ The credit institution shall hand over the mortgaged old certificate to the land registration office for management.
Article 77. Re-grant of certificates, certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works due to loss
1. Households, individuals or communities shall declare to the commune-level People’s Committee of the locality where the land is located the loss of their certificates, certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works. The commune-level People’s Committee shall post up the loss at its office, except the loss due to a natural disaster or fire.
Domestic organizations, religious institutions, foreign organizations, foreigners or overseas Vietnamese shall announce the loss of their certificates, certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works in the local mass media.
2. After 30 days from the date of posting up the loss of the certificate at the office of the commune-level People’s Committee, for households, individuals or communities, or from the date of the first announcement in the local mass media, for domestic organizations, religious institutions, foreign organizations, foreigners or overseas Vietnamese, the person whose certificate is lost shall submit a dossier of request for re-grant of the certificate.
3. The land registration office shall check the dossier; the extract of the cadastral map or the extract of the cadastral survey of the land parcel, in case the cadastral map is unavailable and a cadastral survey of the land parcel has not yet been conducted; make a dossier and submit it to a competent state agency defined in Article 37 of this Decree for signing a decision to cancel the lost certificate and sign and re-grant the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; and adjust and update the change in the cadastral records and land database; hand over the certificate to the land user concerned or send it to the commune-level People’s Committees for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
Article 78. Order and procedures for exchanging agricultural land use rights of households and individuals for consolidation and swap of land parcels
1. Households or individuals using agricultural land themselves shall reach agreement on the documents on exchanging agricultural land use rights.
2. Commune-level People’s Committees shall make plans on exchanging agricultural land use rights for the whole communes, wards or townships (including the exchange schedule), and send them to district-level Natural Resources and Environment Divisions.
3. District-level Natural Resources and Environment Divisions shall verify the plans and submit them to district-level People’s Committees for approval, which shall then direct commune-level People’s Committees to organize the swap of agricultural land among households and individuals according to the approved plans.
4. Provincial-level Natural Resources and Environment Departments shall direct the survey, making and adjustment of cadastral maps.
5. Households and individuals using land shall submit dossiers for renewal of certificates.
6. The land registration office shall:
a/ Check the dossiers and certify the change in the written requests for renewal of certificate;
b/ Make dossiers and submit them to competent agencies for granting certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to land users;
c/ Make or update and adjust the cadastral records and land database; hand over certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to land users in communes, wards or townships where the land is located.
For land users who mortgage land use rights at credit institutions, the land registration office shall hand over the certificates under Clause 5, Article 76 of this Decree.
Article 79. Order and procedures for exchange, transfer, lease, sub-lease, inheritance, donation, contribution as capital of land use rights and ownership of land-attached assets; conversion of land use rights and ownership of land-attached assets of husband or wife into common rights and ownership of husband and wife
1. A land user shall submit 1 dossier set for exercise of rights of land users and owners of land-attached assets.
For exercising the rights of land users on part of a land parcel, before submitting dossiers for exercise of rights of land users, land users shall request the land registration office to measure and divide the land area on which land users need to exercise their rights.
2. The land registration office shall check dossiers. If seeing that all conditions for exercise of rights are fully met under regulations, it shall:
a/ Send cadastral information to the tax agency for determination and notification of financial obligations, in case financial obligations must be fulfilled under regulations;
b/ Certify the change in the granted certificates under regulations of the Ministry of Natural Resources and Environment.
In case a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets must be granted, it shall make a dossier and submit it to a competent agency for granting such certificate to the land user concerned;
c/ Adjust and update changes in the cadastral records and land database; hand over the certificates to land users or to commune-level People’s Committees for handover, in case of submission of dossiers at commune level.
3. In case a land user donates land use rights for the construction of public facilities, a document on donation of land use rights must be made under regulations.
After the construction of public facilities on the donated land is completed, the land registration office shall base itself on the donation document already certified by the commune- level People’s Committee and on the current land use status to survey and update the change in the cadastral records and land database, and notify the land user to submit the granted certificate for change certification. In case the land user donates the whole land area under the granted certificate, the land registration office shall withdraw the certificate for management.
4. In case the applicant for a certificate dies before being handed over the certificate, the person who inherits land use rights in accordance with the inheritance law shall additionally submit a paper on inheritance as prescribed.
The land registration office shall certify the inheritance in the granted certificate or make a dossier and submit it to a competent agency for granting the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the heir under regulations of the Ministry of Natural Resources and Environment. The heir shall perform financial obligations for land use rights and land-attached assets in case the deceased has such financial obligations as prescribed by law.
5. In case the users of land leased from the State with annual rental payment sell or contribute as capital leased land-attached assets, they shall comply with the following order and procedures:
a/ Selling or contributing as capital leased land-attached assets in accordance with the civil law;
b/ After receiving the dossier of the sale or contribution as capital of leased land- attached assets, the land registration office shall make a dossier for the purchaser or recipient of contributed capital being land-attached assets to lease the land;
c/ The natural resources and environment agency shall verify the dossier and submit it to the People’s Committee of a competent level to decide on the recovery of the land from the seller or contributor of land-attached assets as capital to the purchaser or recipient for lease; sign a land lease contract with the purchaser or recipient; and notify the tax agency of the invalidity of the land lease contract signed with the asset seller or contributor;
d/ The land registration office shall send the land lease contract to the purchaser or recipient of assets contributed as capital; adjust and update the change in the cadastral records and land database; and hand over the certificate to the grantee;
dd/ In case of purchase and sale or contribution as capital of assets attached to part of a leased land parcel, the land users shall carry out the procedures for division of the land parcel before carrying out land lease procedures prescribed in this Clause.
Article 80. Order and procedures for deregistration of lease, sub-lease or contribution as capital of land use rights and ownership of land-attached assets
1. One or all of the parties to the contract on lease, sublease or contribution as capital of land use rights and ownership of land-attached assets shall submit a dossier set for deregistration of lease, sub-lease or contribution as capital of land use rights and ownership land-attached assets.
2. The land registration office shall check the dossier; if seeing that the dossier is valid, it shall:
a/ Certify the deregistration of the lease, sub-lease or contribution as capital of land use rights and ownership of land-attached assets in the certificate under regulations and handing over it to the lessor, sub-lessor or contributor. In case of leasing or subleasing land in an industrial park or of contributing as capital land use rights in which the certificates have been granted to the lessees, sub-lessees or recipients, it shall recover the granted certificates; the recipients shall be re-granted the certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
If the land use term expires at the same time with the deregistration of the lease, sublease or contribution as capital of land use rights and ownership of land-attached assets and the land user does not wish to continue using the land or a competent state agency refuses to extend the land use term, the granted certificate shall be withdrawn;
b/ Deregister the lease, sub-lease or contribution as capital of land use rights and ownership of land-attached assets in the cadastral records and land database.
3. The contribution of land use rights as capital shall terminate in the following cases:
a/ Upon expiration of the duration of contribution of land use rights as capital;
b/ At the request of one or all of the parties as agreed upon in the capital contribution contract;
c/ Upon land recovery in accordance with the Land Law;
d/ The party contributing land use rights as capital to the business cooperation contract or joint venture enterprise is declared bankrupt or dissolved;
dd/ The individual participating in the capital contribution contract dies; is declared dead; loses the civil act capacity or has it restricted; is banned from operation in the field of business cooperation while such contract must be performed by such individual;
e/ The legal entity participating in the capital contribution contract terminates operation while such contract must be performed by such legal entity.
4. Upon termination of the capital contribution, land use rights shall be handled as follows:
a/ If the capital contribution duration expires or the parties reach agreement on the termination of the capital contribution, the capital contributor is entitled to further use the land for the remaining duration.
If the land use term expires or the contributor of land use rights as capital no longer needs to use the land, the State may allow the capital recipient to continue leasing the land if the latter so needs;
b/ If the capital contribution terminates under a decision of a competent state agency due to a violation of the land law, the State shall recover such land;
c/ If the recipient or the contributor of land use rights as capital is an organization which falls bankrupt, the contributed land use rights shall be handled under the bankruptcy declaration decision of the court.
The person who receives land use rights and land-attached assets under decisions of people’s courts may continue using the land for the determined purpose for the remaining land use term and shall be granted certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
If there is no person to receive land use rights and land-attached assets, the State shall recover such land and assets;
d/ If the individual entering into the capital contribution contract dies, his/her land use rights already contributed as capital may be bequeathed in accordance with the civil law;
dd/ In case the individual entering into the capital contribution is declared dead or has his/her civil act capacity restricted, his/her contributed land use rights shall be handled in accordance with the civil law;
e/ If the joint-venture enterprise or the institutional party contributing land use rights as capital is dissolved, the contributed land use rights shall be handled as agreed upon between the parties in accordance with the Land Law and other relevant laws.
Article 81. Order and procedures for registration or deregistration of the mortgage of land use rights and handling of mortgaged land use rights, for debt recovery
1. The Ministry of Justice shall assume the prime responsibility for, and coordinate with the Ministry of Natural Resources and Environment in, guiding the registration of the mortgage of land use rights and land-attached assets.
2. The handling of land use rights already guaranteed under the 2003 Land Law or already mortgaged for debt recovery is prescribed as follows:
a/ The mortgaged or guaranteed land use rights shall be handled as agreed in the mortgage or guaranty contracts. If they cannot be handled as agreed, the mortgagee or guarantee may transfer the mortgaged or guaranteed land use rights to another person for debt recovery, or request a competent state agency to auction such land use rights without having to obtain the consent of the mortgagor or guarantor, or file a lawsuit at a people’s court in accordance with law;
b/ The person receiving land use rights under Point a of this Clause shall be granted a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; may use the land for the determined purpose and has the rights and obligations as prescribed in the land, law within the remaining land use term; for residential land, the land user may use it in a stable and permanent manner.
Article 82. Procedures for registration and grant of certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets in case land use rights have been transferred but the procedures for transfer of such rights have not yet been carried out
1. In case the current user of land acquired from transfer or inheritance or donation of land use rights before January 1, 2008, which has not yet been granted a certificate but does not fall into the case specified in Clause 2 of this Article, such person shall carry out the procedures for land registration and grant of a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets as prescribed in the Land Law and this Decree without having to carry out the land use rights transfer procedures; the dossier-receiving agency may not ask him/her to submit the contract or document on land use rights transfer as prescribed by law.
2. In case the current user of land acquired from transfer or inheritance or donation of land use rights before July 1, 2014, and such person has only a certificate of the land use rights transferor or a contract or paper on land use rights transfer as prescribed, the following provisions shall be complied with:
a/ Such person shall submit an application for a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets and available land use rights papers;
b/ The land registration office shall notify writing the rights transferor and post up at the office of the commune-level People’s Committee of the place where the land is located of the carrying out of the procedures to grant a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the rights recipient. If the rights transferor’s address is unknown, an announcement must be published in the local mass media for three consecutive issues (announcement expenses shall be paid by the applicant for the certificate);
c/ After 30 days from the date of notification or first announcement in the local mass media, if there is no written claim for dispute settlement, the land registration office shall make a dossier and submit it to a competent agency for the latter to decide to cancel the granted certificate, in case the certificate is not submitted, and concurrently grant a new certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the rights recipient.
If receiving a written claim for dispute settlement, the land registration office shall instruct the parties to file such claim with a state agency competent to settle disputes according to regulations.
Article 83. Order and procedures for change registration in the case of establishment of private enterprises, transfer of investment projects or transformation of companies; division, splitting, consolidation or merger of enterprises
1. In case a household or an individual sets up a private enterprise and uses land for such enterprise’s production and business activities without changing the land use purpose, the private enterprise may continue using the land and shall carry out the procedures for registration of the change of the name of land user under Point b, Clause 4, Article 95 of the Land Law and Article 85 of this Decree. In case of using land leased by the State, the private enterprise shall re-sign the land lease contract with the provincial-level Natural Resources and Environment Department prior to receipt of a certificate.
In case a household or an individual sets up a private enterprise and uses land for such enterprise’s production and business activities for a new purpose for which permission must be obtained, the private enterprise shall carry out the procedures for land use purpose change. It shall submit a dossier of request for permission to change the land use purpose together with a dossier of registration of the change of the name of land user; competent agencies shall consider and decide to permit the change of the land use purpose and consider and certify the change of the name of land user at the same time.
When the private enterprise terminates operation and its land use rights are not dealt with in accordance with law, registration of the change of the name of land user may be made for the household or individual concerned under Point b, Clause 4, Article 95 of the Land Law and Article 85 of this Decree.
2. In case of transfer of investment projects using land in accordance with law, the following provisions shall be complied with:
a/ In case of transfer of an investment project in which the transferor is allocated land by the State with land use levy, is leased land with full one-off land rental payment for the entire lease term or acquires land use rights in accordance with law and the paid land use levy, land rental or amount for the transfer of land use rights does not originate from the state budget, the related parties shall carry out the procedures for transfer of land use rights under Article 79 of this Decree. The project transfer contract must clearly indicate the value of land use rights in the total value of the transferred project and is valid for substituting the land use rights transfer contract when carrying out the land use rights transfer procedures;
b/ In case of transfer of a project in which the transferor is allocated land by the State without land use levy, is leased land with annual land rental payment or is allocated land with land use levy or is leased land with full one-off land rental payment for the entire lease term or acquires land use rights and the paid land use levy, land rental or amount for the transfer of land use rights originates from the state budget, the related parties shall submit the project transfer contract and the granted certificate for carrying out the procedures as in the case of sale of land-attached assets.
The provincial-level Natural Resources and Environment Department shall submit the dossier to the provincial-level People’s Committee for the latter to decide to recover land from the project transferor and to allocate or lease land to the project transferee; grant a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the project transferee in accordance with the land law.
3. The Ministry of Natural Resources and Environment shall detail the registration of land-related changes in the case of transformation of companies or division, splitting, consolidation and merger of enterprises.
Article 84. Order and procedures for registration of change of land and land-attached assets in the cases of winning auctions of land use rights; settlement of land-related disputes, complaints or denunciations; handling of mortgage and capital contribution contracts; distraint and auction of land use rights and land-attached assets for judgment enforcement; division, splitting, consolidation and merger of organizations or transformation of companies; agreement on consolidation or division of land use rights and ownership of land-attached assets of households, husband and wife or group of land users
1. Persons responsible for submitting dossiers are prescribed as follows:
a/ Recipients of land use rights and land-attached assets shall submit dossiers for the cases of receiving land use rights according to results of settlement of land-related disputes, complaints or denunciations; handling of contracts on mortgage of land use rights and land-attached assets under agreement; decisions or judgments of people’s courts, judgment enforcement decisions of judgment enforcement agencies already enforced; results of auctions of land use rights and land-attached assets; and division or splitting of households or group of land users;
b/ Organizations that have dealt with land use rights and land-attached assets shall submit dossiers on behalf of recipients of land use rights in the cases of handling contracts on mortgage or contribution as capital of land use rights and land-attached assets not under agreement; distraint and auction of land use rights and land-attached assets for judgment enforcement in accordance with law.
2. The submission of dossiers for registration of land use rights and land-attached assets must comply with Articles 60 and 79 of this Decree.
3. The land registration office shall check the dossier. If the dossier is valid, the land registration office shall:
a/ Measure the land parcel, if it has no cadastral map or is not measured yet, or land use rights on part of the land parcel which has a certificate are transferred;
b/ Send cadastral information to the tax agency for determining financial obligations, in case the financial obligations must be fulfilled under regulations, and for notifying such financial obligations;
c/ Give certification in the granted certificate. If a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets is to be granted according to regulations, make a dossier and submit it to an agency competent to grant such certificate, when so requested;
d/ Update the change in the cadastral records and land database; hand over the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the applicant or send it to the commune-level People’s Committee for handing, in case of submission of dossiers at commune level.
Article 85. Order and procedures for registration of change of land and land-attached assets due to change of information on certificate holders; decrease of land parcel area due to natural erosion; change of limitations on land use rights; change of financial obligations; change of land-attached assets compared to registered contents or granted certificates; change from land lease with annual land rental payment to land lease with full one-off land rental payment for the entire lease term or from land allocation without land use levy to land lease or from land lease to land allocation with land use levy
1. A land user shall submit a dossier of change registration.
2. The land registration office shall check the dossier. If the dossier is valid, the land registration office shall:
a/ Measure the land parcel, if there is a change in the land parcel area and land-attached assets or the certificate has been granted but the land parcel has no cadastral map or is not measured yet;
b/ In case of registration of change of construction area, use area, number of stories, structure, grade (class) of house or construction work not in compliance with the construction license or without construction license in case permission is required, send a written request to the construction management and licensing agency for opinion in accordance with the construction law;
c/ Send cadastral information to the tax agency for determining financial obligations, in case land use levy or land rental must be paid according to regulations;
d/ Give certification in the granted certificate. If a certificate is to be re-granted according to regulations of the Ministry of Natural Resources and Environment, make a dossier and submit it to a competent agency for granting a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets; notify the land user to sign or re-sign the land lease contract with the natural resources and environment agency, in case land shall be leased;
dd/ Update the change and adjust the cadastral records and land database; hand over the certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets to the applicant or send it to the commune-level People’s Committee for handing, in case of submission of dossiers at commune level.
3. For land users that wish to change the land use purpose and concurrently register the change of a content specified in this Article, the procedures prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article and the procedures for land use purpose change shall be carried out at the same time.
Article 86. Procedures for correction of granted certificates, certificates of house ownership and certificates of ownership of construction works
1. Land users or owners of land-attached assets shall submit the granted certificates, certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works containing errors to the land registration office for correction. For errors due to the fault of land users or owners of land-attached assets, they shall make a written request for correction.
If the land registration office detect errors in a granted certificate, certificate of house ownership or certificate of ownership of construction works, it shall notify them to the land user or owner of land-attached assets and request the latter to hand over the certificate for correction.
2. The land registration office shall check and make a written record of conclusions on the contents and causes of errors; make a dossier and submit it to a competent agency to make correction in the granted certificate, certificate of house ownership or certificate of ownership of construction works containing errors; and concurrently correct the erroneous contents in the cadastral records and land database.
3. If the holder of the certificate, certificate of house ownership or certificate of ownership of construction works that needs to be corrected requests to change it into a certificate of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, the land registration office shall submit such request to a competent agency for granting such certificate.
Article 87. Procedures for withdrawal of granted certificates, certificates of house ownership and certificates of ownership of construction works
1. In case the State recovers land under Articles 61 and 62 of the Land Law, land users shall return the granted certificates prior to receipt of compensation and support money in accordance with the land law. Organizations in charge of compensation and ground clearance shall withdraw the granted certificates and transfer them to the land registration office for management.
2. In case the State recovers land under Articles 64 and 65 of the Land Law, land users shall return the granted certificates prior to handover of land to the State, except the case prescribed at Point b, Clause 1, Article 65 of the Land Law. Organizations in charge of land recovery shall withdraw the granted certificates and transfer them to the land registration office for management.
3. In case of renewal of granted certificates, certificates of house ownership or certificates of ownership of construction works or registration of changes of land and land-attached assets, land users shall return the previously granted certificated when submitting the dossiers of request for renewal of certificate or dossiers of change registration.
The land registration office shall manage the returned certificates after completing the procedures for renewal of certificates or registration of change of land and land-attached assets.
4. In case of withdrawing certificates granted in violation of the land law under Point d, Clause 2, Article 106 of the Land Law, the following provisions shall be complied with:
a/ In case the investigation or inspection agency makes a written conclusion that the certificate has been granted in violation of the land law, a competent state agency shall consider and decide to withdraw the granted certificate, if such conclusion is coưect, or notify the investigation or inspection agency, if determining that the certificate has been granted lawfully;
b/ In case a state agency competent to grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets detects a certificate that has been granted in violation of the land law, it shall notify it in writing to the inspection agency of the same level for verification; if it is concluded that the certificate has been granted in violation of law, it shall notify the land user concerned of the reason. If there is no written complaint after 30 days since the date of sending a notice to the land user, it shall issue a decision to withdraw the granted certificate;
c/ In case the land user detects a certificate that has been granted in violation of the land law, he/she shall send a report on his/her detection to a state agency competent to grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, which shall consider and settle the case under Point b of this Clause;
d/ The land registration office shall withdraw and manage certificates under competent agencies’ decisions on withdrawal of certificates;
dd/ A land user or owner of land-attached assets that disagrees with the settlement of a competent state agency as prescribed at Points a, b and c of this Clause may lodge a complaint in accordance with the law on complaints.
5. The State shall not withdraw certificates which have been granted in violation of law in the cases prescribed at Point d, Clause 2, Article 106 of the Land Law if the holders of such certificates have carried out the procedures for exchange or transfer of land use rights and ownership of land-attached assets or for change of land use purpose and their cases have been settled in accordance with law.
The handling of damage caused by the grant of certificates in violation of law must comply with decisions or judgments of people’s courts. Those who commit violations leading to the unlawful grant of certificates shall be handled under Articles 206 and 207 of the Land Law.
6. The granted certificates not falling into the case prescribed in Clause 2, Article 106 of the Land Law shall be withdrawn only after the judgments or decisions of the people’s court have been enforced.
7. In case of withdrawing certificates under Clauses 1, 2, 3, 4 and 6 of this Article, if the land user or owner of land-attached assets fails to return the certificate, the land registration office shall report the case to the agency competent to grant certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets, to decide to invalidate such certificate; adjust the cadastral records under regulations; and make a list of invalidated certificates and send it to the provincial-level Natural Resources and Environment Department and the General Department of Land Administration for publicly posting on their websites.
8. The land registration office shall submit dossiers to competent agencies for re-grant of certificates to land users in accordance with law; for certificates that have been granted in violation of law at the fault of land users or that have been granted to wrong 'subjects, the land registration office shall instruct the land users to carry out the procedures for re-grant of certificates according to regulations.
Section 4. ORDER .OF AND PROCEDURES FOR CONCILIATION AND SETTLEMENT OF LAND DISPUTES
Article 88. Procedures for conciliation of land disputes
1. Upon receiving a written request for settlement of a land dispute, a provincial-level People’s Committee shall:
a/ Verify and learn about the cause of the dispute, collect relevant documents about the land origin, land use process and current land use status from the parties;
b/ Form a council for conciliation of land disputes. This council shall be composed of the chairperson or a deputy chairperson of the People’s Committee as its head; a representative of the Fatherland Front Committee of the commune, ward or township; the head of the street quarter, for urban areas; the head of the village, for rural areas; a representative of households that have lived for a long time in the commune, ward or township and know well about the origin and use process of the disputed land parcel; and the cadastral and justice officers of the commune, ward or township. On a case-by-case basis, representatives of the Farmers’ Association, Women’s Union, Veterans’ Association and Ho Chi Minh Communist Youth Union may be invited;
c/ Organize a conciliation meeting with the participation of the disputing parties, members of the council for conciliation of land disputes and persons with related interests and obligations.
The conciliation may take place only when all the disputing parties are present. If any of the disputing parties is absent for the second time, the conciliation shall be regarded as unsuccessful.
2. The result of conciliation of a land dispute must be recorded in a minutes which specifies the time and place of the conciliation; participants in the conciliation; summary of the dispute clearly stating the origin and time of use of the disputed land, cause of the dispute (already verified), opinion of the conciliation council; and contents agreed and disagreed between the disputing parties.
The conciliation minutes must be signed by the head of the conciliation council, the disputing parties present at the conciliation session and participants in the conciliation, and sealed by the commune-level People’s Committee. It must be immediately sent to the disputing parties and preserved at the commune-level People’s Committee.
3. Within 10 days after the date of making a minutes of successful conciliation, if the parties express in writing opinions different from the contents agreed in this minutes, the chairperson of the commune-level People’s Committee shall organize another meeting of the conciliation council to consider and handle supplementary opinions and make a minutes of successful or unsuccessful conciliation.
4. In case of successful conciliation resulting in a change in the current land use boundaries or land user, the commune-level People’s Committee shall send the minutes of successful conciliation to a competent agency for settlement under Clause 5, Article 202 of the Land Law.
In case of unsuccessful conciliation or of successful conciliation but at least one party changes its opinion on the conciliation result, the commune-level People’s Committee shall make a minutes of unsuccessful conciliation and guide the disputing parties to file a petition with a competent agency to further settle the dispute.
Article 89. Procedures for settlement of land disputes falling under the competence of chairpersons of district- or provincial-level People’s Committees
1. A petition for settlement of land disputes shall be filed with the competent-level People’s Committee.
2. The chairperson of the competent-level People’s Committee shall assign its advisory agency to settle.
3. The advisory agency shall verify the case, organize conciliation among the disputing parties, hold a meeting among related departments and sectors to advise on the settlement of the land dispute (if necessary), and complete the dossier of the case and submit it to the People’s Committee of the same level for the latter to issue a decision on settlement of the land dispute. A dossier of settlement of a land dispute must comprise:
a/ The petition for settlement of land dispute;
b/ The minutes of conciliation at the commune-level People’s Committee; minutes of working with the disputing parties and related persons; minutes of the field inspection of the disputed land; minutes of the meeting with related departments and sectors to advise on the settlement of the land dispute, in case of unsuccessful conciliation; and minutes of conciliation during the settlement of the dispute;
c/ Extracts from the cadastral maps and records made in different periods related to the area of the disputed land and documents as evidence and proof in the process of dispute settlement;
d/ The proposal report and draft decision on settlement of the dispute or draft decision on recognition of successful conciliation.
4. The chairperson of the competent-level People’s Committee shall issue the decision on settlement of the dispute or recognition of successful conciliation, and send it to the disputing parties and organizations and individuals with related rights and obligations.
Article 90. Procedures for settlement of land disputes falling under the competence of the Minister of Natural Resources and Environment
1. A petition for settlement of a land dispute shall be filed with the Minister of Natural Resources and Environment.
2. After receiving a petition for settlement of a land dispute, the Minister of Natural Resources and Environment shall assign a relevant unit to advise on the settlement. The assigned unit shall collect and study documents, organize conciliation among the disputing parties. In case of necessity, it may propose the Minister of Natural Resources and Environment to decide to form a working team to verify the case in the locality; and shall complete the dossier and submit it to the Minister of Natural Resources and Environment for issuance of a decision on settlement of the land dispute.
3. A dossier of settlement of a land dispute must comprise:
a/ The petition for settlement of land dispute;
b/ The minutes of working with the disputing parties and related organizations and individuals; minutes of the field inspection of the disputed land; and minutes of conciliation during the settlement of the dispute;
c/ Extracts from the cadastral maps and records made in different periods related to the area of the disputed land and documents as evidence and proof in the process of settlement of the dispute in the locality;
d /The proposal report and draft decision on settlement of the dispute or draft decision on recognition of successful conciliation.
4. The decision on settlement of the land dispute or recognition of successful conciliation shall be sent to the disputing parties and organizations and individuals with related rights and obligations.
Article 91. Grounds for settlement of land disputes in case the disputing parties have no papers on land use rights and decisions on settlement of land disputes or decisions on recognition of successful conciliation are enforced
1. The settlement of land disputes in which the disputing parties have no certificate or any of the papers prescribed in Article 100 of the Land Law and Article 18 of this Decree shall be based on the following grounds:
a/ Evidences on the origin and use process of the land presented by the disputing parties;
b/ Actual land areas currently used by the parties in addition to the disputed land area and the average land area per household member in the locality;
c/ Conformity of the current use status of the disputed land parcel with land use master plans and plans already approved by competent state agencies;
d/ Preferential treatment policies toward persons with meritorious services to the State;
dd/ Regulations on land allocation, land lease and land use rights recognition.
2. Pursuant to regulations on enforcement of administrative decisions, provincial-level People’s Committees shall detail the enforcement of decisions on settlement of land disputes and decisions on recognition of successful conciliation.
MONITORING AND EVALUATION OF LAND MANAGEMENT AND USE
Article 92. Functions of monitoring and evaluation systems
1. To monitor and review the implementation of the land law; to analyze and evaluate the effectiveness of land management and use and impacts of land policies and law on the economy, society and environment.
2. To receive opinions of organizations and citizens on land management and use and forward them to competent agencies for settlement.
3. To make public information collected from the process of land management and use, and results of settlement prescribed in Clause 2 of this Article on the websites of the monitoring and evaluation systems.
4. To propose amendments and supplements to land policies and law; to devise measures to organize the implementation of land policies and law.
Article 93. Principles of designing and operation of monitoring and evaluation systems
1. Monitoring and evaluation systems for land management and use are components of the land information system; are established uniformly from the central to local level and publicized on the national information network in accordance with law.
2. Monitoring and evaluation systems for land management and use must reflect the scale, quality and effectiveness of land management and use; impacts of land policies and law; level of transparency and involvement of the people in the process of land management and use through qualitative and quantitative indicators.
Article 94. Provision and reflection of information on land management and use
The provision and reflection of information on land management and use must comply with the following provisions:
1. Natural resources and environment agencies shall report and provide fully, accurately, timely and objectively information on land management and use; results of implementation of land management projects to the People’s Committees of the same level and higher-level natural resources and environment agencies for updating in the monitoring and evaluation systems.
2. Other related ministries and sectors and provincial-level People’s Committees shall make reports and provide fully, accurately, timely and objectively information relating to land management and use within the scope of their respective management tasks to the Ministry of Natural Resources and Environment.
3. Organizations and individuals shall reflect fully, accurately, timely and objectively information on land management and use to land administration agencies and People’s Committees of all levels for updating in the monitoring and management systems.
Article 95. Responsibility for building and operating monitoring and evaluation systems
1. The Ministry of Natural Resources and Environment shall:
a/ Design and build the monitoring and evaluation systems for land management and use; manage and operate the monitoring and evaluation system for land management and use at the central level; and guide the management and operation of the monitoring and evaluation systems for land management and use in localities;
b/ Direct and guide the annual evaluation of the land management and use and impacts of land policies and law;
c/ Make periodical reports and specialized reports on the land management and use and impacts of land policies and law;
d/ Promulgate evaluation criteria and processes for the land management and use and impacts of land policies and law; report forms and reporting responsibility of natural resources and environment agencies.
2. Provincial-level People’s Committees shall direct the building and operation of the monitoring and evaluation systems for land management and use in their localities.
3. Local natural resources and environment agencies shall manage and operate the monitoring and evaluation systems for land management and use in their localities; report on the land management and use and impacts of land policies and law to the People’s Committees of the same level and higher-level natural resources and environment agencies upon request.
HANDLING OF VIOLATIONS OF THE LAND LAW COMMITTED BY PERSONS ON OFFICIAL DUTY IN THE FIELD OF LAND
Article 96. Subjects to be handled
1. Heads of organizations, heads of agencies competent to decide on land management who commit violations of the land law.
2. Cadres and civil servants of land administration agencies of all levels and cadastral officers of communes, wards and townships who commit violations of regulations on the order and procedures in land administration.
3. Heads of organizations, cadres, civil servants, public employees and staff members of organizations that are allocated land by the State for management falling in the cases prescribed in Clause 1, Article 8 of the Land Law who commit violations of the land law related to their allocated land.
Article 97. Acts in violation of the land law committed by persons on duty in the field of land
1. Violations of regulations on administrative boundary dossiers and markers include the following acts:
a/ Distorting the position plans, coordinates table and written records of handover of administrative boundary markers;
b/ Planting administrative boundary markers at wrong positions in the field.
2. Violations of regulations on land use master plans and plans include the following acts:
a/ Failing to organize the formulation and adjustment of land use master plans and plans in time under regulations;
b/ Failing to strictly comply with regulations on public consultation in the process of land use planning;
c/ Failing to publicize land use master plans and plans; failing to publicize the adjustment or cancellation of the recovery or change of purpose of land areas indicated in land use plans for which no land recovery decision is issued or no permission is obtained for land use purpose change after three years; failing to report on the implementation of land use master plans and plans.
3. Violations of regulations on land allocation, land lease or change of land use purpose include the following acts:
a/ Allocating, re-allocating or leasing land at incorrect positions and with incorrect areas in the field;
b/ Allocating, re-allocating or leasing land or permitting change of land use purpose ultra vires, to or for improper subjects, or not in conformity with annual district-level land use plans approved by competent state agencies;
c/ Re-allocating or leasing land in hi-tech zones, economic zones or civil airports or airfields not in conformity with construction master plans approved by competent state agencies.
4. Violations of regulations on land recovery, compensation, support and resettlement include the following acts:
a/ Failing to give prior notice to persons whose land is recovered under Article 67 of the Land Law; failing to publicize compensation, support and resettlement plans;
b/ Failing to strictly comply with regulations on consultation on compensation, support and resettlement;
c/ Paying compensations to, providing support and organizing resettlement for, improper subjects or for incorrect areas and with incorrect compensation, support and resettlement levels; distorting land recovery dossiers; identifying incorrect positions and areas of recovered land in the field;
d/ Recovering land ultra vires, from improper subjects; not in conformity with land use master plans or plans already approved by competent state agencies;
5. Violations of regulations on land requisition include the following acts:
a/ Paying compensations to improper subjects, for incorrect areas, at incorrect levels, or not according to compensation time limits, to persons whose land is requisitioned;
b/ Requisitioning land not in the cases prescribed in Clause 1, Article 72 of the Land Law.
6. Violations of regulations on management of land allocated by the State for management include the following acts:
a/ Letting persons, who are allowed by law to temporarily use land, use land for improper purposes;
b/ Using land for improper purposes;
c/ Letting land be encroached upon, occupied or appropriated.
7. Violations of regulations on the order and administrative procedures in land management and use include the following acts:
a/ Failing to receive complete and valid dossiers, failing to give specific instructions when receiving dossiers, causing troubles to dossier submitters, receiving dossiers without recording in the monitoring register;
b/ Imposing additional administrative procedures against general regulations, causing troubles to persons requesting performance of administrative procedures;
c/ Settling administrative procedures not according to the prescribed order, delaying the handing of papers already signed by competent agencies to persons requesting performance of administrative procedures;
d/ Settling administrative procedures beyond prescribed time limits;
dd/ Refusing or failing to perform administrative procedures which, under the land law, have all conditions to perform;
e/ Performing administrative procedures ultra vires;
g/ Issuing decisions, writing opinions in or certifying dossiers against regulations, causing, or creating conditions for persons requesting performance of administrative procedures to cause, damage to the State; organizations or citizens;
h/ Causing loss of or damage to, or distorting, dossiers.
Article 98. Application of legal provisions on cadres, civil servants and public employees to handling violations of the land law committed by persons on official duty in the field of law
The principles of disciplining, statutes of limitations and time limits for disciplining, application of disciplinary forms, competence to discipline, order and procedures for consideration of disciplining and other issues related to the disciplining of cadres, civil servants and public employees must comply with the laws on cadres, civil servants and public employees.
Article 99. Handling of cases in which land recovery procedures are being carried out before July 1, 2014
Provincial-level People’s Committees shall scrutinize cases in which land recovery procedures are being carried out before July 1, 2014, and handle as follows:
1. In case there is already a document on on-principle approval of investment, introduction of location or notice of land recovery sent to every person whose land is to be recovered, or a document permitting the investor to reach agreement with land users within the project’s scope before July 7, 2014, but there is not yet a land recovery decision, then:
a/ The provincial-level People’s Committee shall permit the continued implementation of the project and apply the form of land recovery, or the investor shall acquire or lease land use rights, or receive land use rights as contributed capital under the Land Law, if such is conformable with the annual district-level land use plan already approved by a competent state agency;
b/ The provincial-level People’s Committee shall issue a document directing related organizations and individuals to stop the implementation of the project if it is not conformable with the approved annual district-level land use plan;
c/ In case of implementing a production or business project subject to land recovery by the State under which the investor is permitted to reach agreement with land users within the project’s scope, if there remain land areas on which agreement cannot be reached by July 1, 2014, the provincial-level People’s Committee shall decide to recover the remaining land area on which the investor and land users fail to reach agreement, for implementing the investment project.
2. In case there is a decision to enforce the land recovery decision before July 1, 2014, but the enforcement is not organized yet, the land recovery shall be enforced in accordance with the Land Law.
Article 100. Handling of cases in which land allocated or leased by the State before July 1, 2014, is not put to use or is used late
Provincial-level People’s Committees shall scrutinize cases in which the land allocated or leased by the State for implementation of investment projects before July 1, 2014, is not used or is used late under Point i, Clause 1, Article 64 of the Land Law, and handle as follows:
1. If there is already a document of a competent agency on this violation before July 1, 2014, but there is not yet a land recovery decision, the People’s Committee of a competent level shall handle under Point i, Clause 1, Article 64 of the Land Law; the extended duration shall be counted from July 1, 2014.
2. If there is already a land recovery decision before July 1, 2014, the land shall be recovered under this decision and the land use levy, land rental and assets invested on the recovered land shall be handled under the 2003 Land Law and guiding documents.
Article 101. Competence to adjust land allocation or lease decisions with regard to land allocated or leased before the effective date of the Land Law
State agencies competent to allocate or lease land defined in Article 59 of the Land Law are competent to decide on adjustments for cases in which land users obtain land allocation or lease decisions before July 1, 2014.
1. This Decree takes effect on July 1, 2014.
2. This Decree replaces the following decrees:
a/ The Government’s Decree No. 181/2004/ND-CP of October 29, 2004, on the implementation of the Land Law;
b/ The Government’s Decree No. 17/2006/ND-CP of January 27, 2006, amending and supplementing a number of articles of the Decrees guiding the implementation of the Land Law, and Decree No. 187/2004/ND-CP on transformation of state companies into joint-stock companies;
c/ The Government’s Decree No. 84/2007/ND-CP of May 25, 2007, additionally providing the grant of land use right certificates, land recovery, exercise of land use rights, order and procedures for compensation, support and resettlement upon land recovery by the State and settlement of land-related complaints;
d/ The Government’s Decree No. 69/2009/ND-CP of August 13, 2009, additionally providing the land use planning, land price, land recovery, and compensation, support and resettlement;
dd/ The Government’s Decree No. 88/2009/ND-CP of October 19, 2009, on certificates of land use rights and ownership of houses and other land-attached assets.
3. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and provincial- level People’s Committees shall scrutinize legal documents they have promulgated which are contrary to the provision of the Land Law and this Decree, for revision, supplementation or cancellation.
Article 103. Responsibilities of ministries, ministerial-level agencies, government- attached agencies, People’s Committees at all levels, and land users
1. The Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Justice, the Ministry of Construction, the Ministry of Finance, the Ministry of Transport, the Ministry of Home Affairs and other related ministries and sectors, and provincial-level People’s Committees shall guide the articles and clauses assigned in this Decree.
2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of government-attached agencies, chairpersons of People’s Committees at all levels, and other related organizations and individuals shall implement this Decree.-
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 7. Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 9. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai
Điều 33. Chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng
Điều 34. Chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm
Điều 43. Xử lý quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa
Điều 47. Đất có mặt nước nội địa thuộc địa phận nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Điều 52. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao
Điều 53. Đất sử dụng cho khu kinh tế
Điều 55. Đất cảng hàng không, sân bay dân dụng
Điều 60. Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
Điều 66. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật
Điều 71. Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý
Điều 88. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai
Điều 96. Đối tượng bị xử lý vi phạm
Điều 97. Hành vi vi phạm pháp luật về đất đai khi thi hành công vụ trong lĩnh vực đất đai
Mục 1. THỰC HIỆN DÂN CHỦ Ở DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điều 5. Thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai
Điều 7. Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 8. Lấy ý kiến về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 9. Trình tự, thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 10. Điều kiện của tổ chức thực hiện hoạt động tư vấn lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 11. Thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 31. Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
Điều 32. Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở
Điều 55. Đất cảng hàng không, sân bay dân dụng
Điều 60. Nộp hồ sơ và trả kết quả thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
Điều 75. Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất
Điều 61. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị
Điều 62. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị
Điều 63. Trách nhiệm trong việc bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị
Tiểu mục 1. CÔNG KHAI THÔNG TIN Ở DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Điều 4. Cơ quan quản lý đất đai
Điều 5. Thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai
Điều 7. Lập, điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Điều 18. Giấy tờ khác về quyền sử dụng đất quy định tại Điểm g Khoản 1 Điều 100 của Luật Đất đai
Điều 32. Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở
Điều 39. Quy định về chuyển nhượng vốn đầu tư là giá trị quyền sử dụng đất
Điều 43. Xử lý quyền sử dụng đất của doanh nghiệp nhà nước khi cổ phần hóa
Điều 49. Chế độ sử dụng đất xây dựng nhà chung cư
Điều 50. Đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh
Điều 51. Đất khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp
Điều 52. Đất sử dụng cho khu công nghệ cao
Điều 57. Sử dụng đất để xây dựng công trình ngầm
Điều 61. Thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai
Điều 66. Trình tự, thủ tục thu hồi đất do vi phạm pháp luật
Điều 69. Trình tự, thủ tục cho phép chuyển mục đích sử dụng đất
Điều 75. Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất
Mục 4: TRÌNH TỰ THỦ TỤC HÒA GIẢI VÀ GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI
Điều 88. Thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai
Điều 99. Xử lý các trường hợp đang thực hiện thủ tục thu hồi đất trước ngày 01 tháng 7 năm 2014
Điều 5. Thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực đất đai
Điều 31. Chứng nhận quyền sở hữu nhà ở
Điều 32. Chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở
Điều 33. Chứng nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng
Điều 34. Chứng nhận quyền sở hữu cây lâu năm
Điều 62. Trách nhiệm quy định hồ sơ, thời gian thực hiện và trình tự, thủ tục hành chính về đất đai
Điều 71. Trình tự, thủ tục đăng ký đất đai đối với trường hợp được Nhà nước giao đất để quản lý
Điều 75. Trình tự, thủ tục thực hiện tách thửa hoặc hợp thửa đất