Nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
Số hiệu: | 102/2009/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Tấn Dũng |
Ngày ban hành: | 06/11/2009 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2010 |
Ngày công báo: | 22/11/2009 | Số công báo: | Từ số 529 đến số 530 |
Lĩnh vực: | Đầu tư, Công nghệ thông tin, Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2020 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định việc quản lý và thực hiện đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin đối với:
a) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (được xác định trong Luật Ngân sách nhà nước), các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh), các quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là huyện) và cấp xã quản lý;
b) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ do Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập và các tổ chức quản lý Quỹ khác (được xác định trong Luật Ngân sách nhà nước) quản lý;
c) Dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng hỗn hợp nhiều nguồn vốn khác nhau trong đó vốn ngân sách nhà nước chiếm tỷ lệ từ 30% trở lên hoặc lớn nhất trong tổng mức đầu tư của dự án;
d) Phần ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước trong các dự án đầu tư xây dựng công trình và các dự án đầu tư không có xây dựng công trình được quản lý như đối với một dự án ứng dụng công nghệ thông tin độc lập theo quy định tại Nghị định này;
đ) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước thuộc diện bí mật quốc gia không thuộc phạm vi Điều chỉnh của Nghị định này;
e) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải thu hồi vốn, Chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi và hoàn trả vốn đầu tư;
g) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (gọi tắt là ODA), Chủ đầu tư thực hiện theo thỏa thuận tín dụng, cùng các Điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, và các quy định hiện hành về quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA;
h) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước của cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, việc lập dự án thực hiện theo quy định tại Nghị định này; việc thẩm định dự án, quyết định đầu tư và quản lý dự án thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ trên cơ sở đề xuất và kiến nghị của cơ quan có dự án;
i) Đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án, việc sử dụng kinh phí thực hiện theo đề cương và dự toán chi tiết được người có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt.
Việc lập đề cương và dự toán chi tiết được thực hiện theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.
2. Đối tượng áp dụng:
Nghị định này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn ngân sách nhà nước.
Khuyến khích tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn khác áp dụng các quy định tại Nghị định này.
Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. "Dự án ứng dụng công nghệ thông tin" là tập hợp những đề xuất có liên quan đến việc bỏ vốn để thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp cho hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu nhằm đạt được sự cải thiện về tốc độ, hiệu quả vận hành, nâng cao chất lượng dịch vụ trong ít nhất một chu kỳ phát triển của công nghệ thông tin.
2. “Phần mềm thương mại” gồm phần mềm hệ thống, phần mềm ứng dụng, phần mềm tiện ích, phần mềm công cụ, phần mềm nhúng; được phát triển hoàn chỉnh, được đăng ký thương hiệu và nhân bản hàng loạt để cung cấp ra thị trường.
3. “Phần mềm nội bộ” là phần mềm được phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa theo các yêu cầu riêng của tổ chức, hoặc người sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của tổ chức và được sử dụng trong nội bộ tổ chức đó.
4. “Phần mềm mã nguồn mở” là phần mềm được tác giả cung cấp với mã nguồn kèm theo, người sử dụng không phải trả chi phí bản quyền mua mã nguồn.
5. “Phát triển phần mềm” là việc gia công, sản xuất phần mềm theo đơn đặt hàng nhằm đáp ứng yêu cầu sử dụng nội bộ hoặc nhằm Mục đích kinh doanh thương mại trên thị trường.
6. “Chỉnh sửa phần mềm” là việc sửa đổi, làm tăng hiệu năng của phần mềm đã có nhằm tối ưu hóa khả năng xử lý các yêu cầu của người sử dụng.
7. “Nâng cấp phần mềm” là việc chỉnh sửa phần mềm với việc tăng cường chức năng - khả năng xử lý của phần mềm đã có nhằm đáp ứng thêm một số yêu cầu của người sử dụng.
8. “Sự cố” là những sai hỏng, trục trặc (phần cứng và/hoặc phần mềm) khiến hệ thống không còn đáng tin cậy, trục trặc trong vận hành, hay hoạt động bất bình thường.
9. "Người có thẩm quyền quyết định đầu tư" là người đại diện theo pháp Luật của tổ chức, cơ quan nhà nước hoặc tập đoàn kinh tế nhà nước, tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập, được quy định tại các Điều 5, Điều 6 Nghị định này.
10. "Chủ đầu tư” là người được giao quản lý và sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước để đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
11. "Tổng mức đầu tư" là toàn bộ chi phí dự tính để đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư và là cơ sở để Chủ đầu tư lập kế hoạch và quản lý vốn khi thực hiện đầu tư.
12. "Tổng dự toán” là tổng chi phí cần thiết cho việc đầu tư (chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí thực hiện đầu tư, chi phí kết thúc đầu tư, và các chi phí khác của dự án ứng dụng công nghệ thông tin) không vượt tổng mức đầu tư được duyệt.
13. “Thiết kế sơ bộ” bao gồm phần thuyết minh và các sơ đồ bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật, và các nội dung khác bảo đảm thể hiện được phương án thiết kế. Thiết kế sơ bộ có thể gồm một hoặc nhiều hạng Mục ứng dụng công nghệ thông tin. Thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt là căn cứ để lập và xét duyệt thiết kế thi công.
14. “Thiết kế thi công” là các tài liệu thể hiện bằng thuyết minh, bản vẽ, các mô tả nội dung thiết kế, yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng khác; được triển khai trên cơ sở thiết kế sơ bộ cùng nội dung dự án được duyệt.
15. “Giám sát tác giả” là công việc kiểm tra, giải thích hoặc xử lý những vướng mắc, thay đổi, phát sinh nhằm đảm bảo việc thi công lắp đặt, cài đặt, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị công nghệ thông tin, phần mềm thương mại, hoặc phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu theo đúng thiết kế thi công và bảo vệ quyền tác giả của cá nhân, tổ chức tư vấn lập thiết kế thi công.
16. “Giám sát thi công” là hoạt động theo dõi thường xuyên, liên tục, có hệ thống của cá nhân, tổ chức giám sát thi công nhằm quản lý khối lượng, chất lượng, tiến độ các công tác lắp đặt, cài đặt, hiệu chỉnh vật tư, thiết bị công nghệ thông tin và phần mềm thương mại, hoặc phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, cơ sở dữ liệu do nhà thầu thi công thực hiện theo: hợp đồng, thiết kế thi công được duyệt, hệ thống danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin và các yêu cầu đối với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin được áp dụng. Nội dung công tác giám sát thi công thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
17. “Bản vẽ hoàn công” là bản vẽ phản ảnh kết quả thực hiện thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật do nhà thầu trúng thầu lập trên cơ sở thiết kế thi công được duyệt và kết quả đo kiểm các sản phẩm đã thực hiện tại hiện trường thi công được Chủ đầu tư xác nhận.
18. “Chủ trì khảo sát” là người trực tiếp tổ chức và thực hiện nhiệm vụ khảo sát, phương án khảo sát, báo cáo kết quả khảo sát, chịu trách nhiệm cao nhất về kết quả thực hiện nhiệm vụ khảo sát, phương án khảo sát.
19. “Chủ trì thiết kế sơ bộ” là người trực tiếp tổ chức và thực hiện nhiệm vụ thiết kế sơ bộ, chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và chất lượng của thiết kế sơ bộ.
20. “Chủ trì thiết kế thi công” là người trực tiếp tổ chức và thực hiện nhiệm vụ thiết kế thi công và lập dự toán, tổng dự toán, chịu trách nhiệm cao nhất về nội dung và chất lượng của thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán.
21. “Chỉ huy thi công tại hiện trường” là người đại diện cho nhà thầu trúng thầu thực hiện quyền và nghĩa vụ của nhà thầu tại hiện trường thi công, trực tiếp chỉ huy và chịu trách nhiệm về hoạt động thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin.
1. Trình tự đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm 3 giai đoạn:
a) Chuẩn bị đầu tư;
b) Thực hiện đầu tư;
c) Kết thúc đầu tư, đưa vào khai thác sử dụng.
2. Các công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư và kết thúc đầu tư có thể thực hiện tuần tự hoặc gối đầu, xen kẽ tùy theo Điều kiện cụ thể của từng dự án, và do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xác định.
1. Tùy theo tính chất của dự án và quy mô đầu tư, dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân loại thành các nhóm: dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, nhóm B, nhóm C để quản lý. Đặc trưng của mỗi nhóm được quy định trong Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A gồm nhiều dự án thành phần hoặc tiểu dự án, trong đó nếu từng dự án thành phần hoặc tiểu dự án có thể độc lập vận hành, khai thác hoặc thực hiện theo phân kỳ đầu tư được ghi trong văn bản quyết định chủ trương đầu tư của cấp có thẩm quyền thì mỗi dự án thành phần hoặc tiểu dự án đó được thực hiện ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư như một dự án ứng dụng công nghệ thông tin độc lập.
1. Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng quốc gia đã được Quốc hội thông qua chủ trương và cho phép đầu tư.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan quản lý tài chính của Trung ương Đảng, cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức chính trị, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, Tổng công ty nhà nước, Tập đoàn kinh tế nhà nước, công ty nhà nước độc lập (được xác định trong Luật Ngân sách nhà nước), Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin các nhóm A, B, C đã có trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt hoặc đã có quyết định chủ trương đầu tư.
Trường hợp dự án nhóm A chưa nằm trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt, hoặc chưa có quyết định chủ trương đầu tư thì trước khi lập dự án phải được Thủ tướng Chính phủ xem xét, đồng ý về chủ trương đầu tư. Việc xem xét chủ trương đầu tư được thực hiện theo quy chế làm việc của Chính phủ.
Đối với các dự án nhóm B, C chưa nằm trong kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt thì trước khi lập dự án phải có quyết định chủ trương đầu tư của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư.
3. Đối với doanh nghiệp nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Tổng công ty nhà nước, Tập đoàn kinh tế nhà nước), Hội đồng quản trị Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế có thể ủy quyền cho giám đốc các đơn vị thành viên quyết định đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm C.
4. Tùy theo Điều kiện cụ thể của từng Bộ, ngành, địa phương, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư được phép ủy quyền cho các đối tượng quy định tại khoản 5 Điều này quyết định đầu tư các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm B, C. Người ủy quyền phải chịu trách nhiệm trước pháp Luật về sự ủy quyền của mình. Người được ủy quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp Luật và người ủy quyền.
5. Đối tượng được ủy quyền quyết định đầu tư:
a) Đối với cấp Bộ:
Tổng cục trưởng, Cục trưởng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước, Tập đoàn kinh tế nhà nước, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ;
b) Đối với cấp tỉnh:
Giám đốc Sở, Chủ tịch ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc cấp tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện), Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty nhà nước, Giám đốc doanh nghiệp nhà nước trực thuộc, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh;
Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã được quyết định đầu tư các dự án trong phạm vi ngân sách của địa phương mình (bao gồm cả các khoản bổ sung từ ngân sách cấp trên) có mức vốn đầu tư đến 05 tỷ đồng (đối với cấp huyện) và đến 03 tỷ đồng (đối với cấp xã) tùy theo Điều kiện cụ thể của từng địa phương do ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định cụ thể trên cơ sở kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được duyệt của địa phương và năng lực thực hiện của các đối tượng được phân cấp.
6. Nội dung quyết định phê duyệt dự án ứng dụng công nghệ thông tin theo mẫu tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Chủ đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định trước khi lập dự án phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
a) Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư thì Chủ đầu tư là một trong các cơ quan, tổ chức sau: Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp (gọi chung là cơ quan cấp Bộ), Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là cấp tỉnh);
b) Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan cấp Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư thì Người quyết định đầu tư giao cho đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án làm Chủ đầu tư;
Trường hợp đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án không đủ Điều kiện về tổ chức, nhân lực, thời gian và các Điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư hoặc chưa xác định được đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án thì Người có thẩm quyền quyết định đầu tư lựa chọn đơn vị có đủ Điều kiện làm Chủ đầu tư.
2. Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng vốn hỗn hợp thì Chủ đầu tư do các thành viên góp vốn thoả thuận cử ra hoặc là đại diện của bên có tỷ lệ góp vốn cao nhất.
1. Tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là tổ chức nghề nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, có tư cách pháp nhân, có đăng ký kinh doanh (hoặc quyết định thành lập đối với cơ sở không có đăng ký kinh doanh) phù hợp, hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của pháp Luật.
2. Nội dung hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Cung cấp thông tin về văn bản quy phạm pháp Luật, cơ chế chính sách đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; khảo sát, lập, quản lý dự án ứng dụng công nghệ thông tin; thiết kế sơ bộ, thiết kế thi công; soạn thảo hồ sơ mời thầu; giám sát; lựa chọn nhà thầu; tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện các dịch vụ công nghệ thông tin khác có liên quan;
b) Tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin này có thể ký hợp đồng lại với các tổ chức tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin khác để thực hiện một phần nhiệm vụ của công tác tư vấn đầu tư nếu được Chủ đầu tư chấp thuận.
3. Trách nhiệm của các tổ chức hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Khi hoạt động kinh doanh phải đảm bảo các Điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này và quy định tại các văn bản pháp Luật liên quan;
b) Chịu trách nhiệm trước pháp Luật và Chủ đầu tư về các nội dung đã cam kết trong hợp đồng, đặc biệt là các nội dung kinh tế - kỹ thuật được xác định trong sản phẩm tư vấn của mình và phải bồi thường thiệt hại gây ra (nếu có);
c) Trường hợp hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin có yêu cầu phải thuê tư vấn nước ngoài, tổ chức, cá nhân tư vấn trong nước được phép liên danh, liên kết hoặc thuê chuyên gia tư vấn nước ngoài trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
d) Trong các sản phẩm tư vấn, nghiêm cấm chỉ định sử dụng các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật, thiết bị của một nơi sản xuất, cung ứng cụ thể, và không được nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ của nhà sản xuất;
Trường hợp đặc biệt cần thiết phải nêu nhãn hiệu, catalô của một nhà sản xuất nào đó, hoặc vật tư kỹ thuật, thiết bị từ một nước nào đó để tham khảo, minh họa cho yêu cầu kỹ thuật của các loại vật liệu hay vật tư kỹ thuật, thiết bị thì phải ghi kèm theo cụm từ “hoặc tương đương” sau nhãn hiệu, catalô hoặc xuất xứ nêu ra và quy định rõ khái niệm tương đương nghĩa là có đặc tính kỹ thuật tương tự, có tính năng sử dụng tương đương.
1. Hệ thống danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin bao gồm các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin và các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật đối với sản phẩm công nghệ thông tin.
2. Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ công bố danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin làm cơ sở để quản lý hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước.
Các Bộ quản lý ngành căn cứ vào danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, xây dựng và công bố các yêu cầu cần đáp ứng đối với các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin dành cho chuyên ngành mình quản lý.
3. Trong trường hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin Việt Nam chưa có hoặc chưa đầy đủ thì được phép áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật nước ngoài nhưng phải đảm bảo phù hợp với các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật đối với sản phẩm công nghệ thông tin được Bộ Thông tin và Truyền thông định kỳ công bố.
Chủ đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin có trách nhiệm công bố công khai với các tổ chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương và các cơ quan dân cử trên địa bàn về Mục đích, nội dung các hoạt động, quy mô dự án; cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án (hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án) để tranh thủ sự giám sát của cộng đồng trong quá trình thực hiện.
1. Hoạt động giám sát, đánh giá đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin là hoạt động theo dõi, kiểm tra và xác định mức độ đạt được so với yêu cầu của quá trình đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành nhằm thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công nghệ thông tin, đảm bảo đầu tư đạt hiệu quả, phù hợp với Mục tiêu, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của ngành, địa phương và đối với từng dự án.
2. Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải chịu sự giám sát, đánh giá đầu tư định kỳ.
3. Giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Ban quản lý dự án (hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án) có trách nhiệm thường xuyên theo dõi, kiểm tra và xác định mức độ đạt được so với yêu cầu của quá trình đầu tư;
b) Chủ đầu tư dự án có trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ Ban quản lý dự án (hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án) trong việc theo dõi, kiểm tra, đánh giá đối với từng dự án. Trường hợp có khó khăn, vướng mắc mà không tự xử lý được, Chủ đầu tư phải kịp thời đề nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết;
c) Cơ quan chủ quản có trách nhiệm theo dõi tình hình thực hiện các chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý; phản hồi đầy đủ và kịp thời các báo cáo của Chủ đầu tư dự án; tiến hành phân tích danh Mục các chương trình, dự án để xác định mức độ thực hiện;
d) Cơ quan chủ quản có trách nhiệm xem xét kết quả đánh giá đầu tư các dự án do Chủ đầu tư dự án thuộc thẩm quyền quản lý tiến hành. Trong trường hợp cần thiết cơ quan chủ quản phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đánh giá đột xuất các dự án;
đ) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện việc giám sát, đánh giá năng lực quản lý thực hiện các dự án ứng dụng công nghệ thông tin tại cơ quan chủ quản và giám sát, đánh giá đầu tư ở cấp quốc gia về các dự án ứng dụng công nghệ thông tin;
e) Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng và tổng hợp các chỉ tiêu thống kê định kỳ về đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin để phản ánh vào hệ thống số liệu thống kê quốc gia về tình hình phát triển kinh tế - xã hội.
4. Báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư:
a) Trong quá trình triển khai dự án, Ban quản lý dự án (hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án) phải lập và gửi các báo cáo quy định dưới đây cho Chủ đầu tư, để Chủ đầu tư dự án gửi cơ quan chủ quản, và các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có liên quan:
- Báo cáo tháng, chậm nhất 10 ngày sau khi hết tháng (chỉ áp dụng đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ);
- Báo cáo sáu tháng, chậm nhất vào ngày 15 tháng 07 của năm kế hoạch;
- Báo cáo năm, chậm nhất vào ngày 31 tháng 01 năm sau;
- Báo cáo kết thúc, chậm nhất 6 tháng sau khi kết thúc dự án;
b) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các cơ quan liên quan hướng dẫn chế độ báo cáo và mẫu báo cáo giám sát, đánh giá đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin; giám sát việc tuân thủ chế độ báo cáo ở các cấp và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nội dung công việc chuẩn bị đầu tư bao gồm:
1. Nghiên cứu về sự cần thiết phải đầu tư và quy mô đầu tư.
2. Xem xét khả năng về nguồn cung ứng thiết bị, nguồn vốn đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư.
3. Tiến hành Điều tra, khảo sát phục vụ lập dự án và chọn địa điểm đầu tư.
4. Lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin.
5. Gửi hồ sơ dự án và văn bản trình đến Người có thẩm quyền quyết định đầu tư, cơ quan thẩm định dự án.
1. Nhiệm vụ khảo sát do Chủ đầu tư phê duyệt và phải phù hợp với yêu cầu từng loại công việc khảo sát.
2. Nhiệm vụ khảo sát bao gồm các nội dung sau:
a) Mục đích khảo sát;
b) Phạm vi khảo sát;
c) Các loại công tác khảo sát dự kiến;
d) Tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát dự kiến áp dụng;
đ) Thời gian thực hiện khảo sát dự kiến.
3. Trường hợp không đủ Điều kiện năng lực thì Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện khảo sát. Mỗi nhiệm vụ khảo sát phải có người chủ trì khảo sát. Chi phí khảo sát được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư.
1. Nội dung báo cáo kết quả khảo sát bao gồm:
a) Nhiệm vụ khảo sát;
b) Đặc điểm, quy mô đầu tư;
c) Vị trí và hiện trạng mặt bằng của khu vực được khảo sát (đối với lắp đặt thiết bị và phụ kiện liên quan);
d) Mô tả yêu cầu người sử dụng (đối với phần mềm nội bộ);
đ) Tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát được áp dụng;
e) Khối lượng công tác khảo sát thực tế;
g) Quy trình, phương pháp và thiết bị (nếu có) dùng cho khảo sát;
h) Đánh giá về độ tin cậy của kết quả khảo sát thu được;
i) Đề xuất giải pháp kỹ thuật - công nghệ (nếu có) phục vụ cho việc thiết kế sơ bộ, hoặc thiết kế thi công (trong trường hợp khảo sát bổ sung);
k) Kết luận và kiến nghị (nếu có);
l) Nhật ký khảo sát;
m) Các phụ lục có liên quan để minh họa cho kết quả khảo sát thu được (nếu có).
2. Báo cáo kết quả khảo sát trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư phải được Chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu và là cơ sở cho triển khai lập thiết kế sơ bộ của dự án.
3. Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung trong giai đoạn thực hiện đầu tư phải được Chủ đầu tư kiểm tra, nghiệm thu và là cơ sở cho triển khai lập, hoặc thay đổi, bổ sung thiết kế thi công, hoặc thiết kế sơ bộ của dự án.
4. Tổ chức, cá nhân lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện khảo sát, chủ trì khảo sát phải chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp Luật về chất lượng công việc đảm nhận; bồi thường thiệt hại khi thực hiện không đúng nhiệm vụ khảo sát được duyệt và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.
1. Trách nhiệm giám sát công tác khảo sát:
Chủ đầu tư thực hiện giám sát công tác khảo sát thường xuyên, có hệ thống từ khi bắt đầu khảo sát đến khi kết thúc khảo sát. Trường hợp không đủ Điều kiện năng lực thì Chủ đầu tư có thể thuê tư vấn giám sát công tác khảo sát. Chi phí giám sát công tác khảo sát được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư.
2. Nội dung giám sát công tác khảo sát của Chủ đầu tư bao gồm:
a) Kiểm tra Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, chủ trì khảo sát, thiết bị máy móc phục vụ khảo sát (nếu có);
b) Theo dõi, kiểm tra hiện trường khảo sát, khối lượng khảo sát và việc thực hiện theo nhiệm vụ khảo sát đã được phê duyệt. Kết quả theo dõi, kiểm tra phải được ghi chép vào nhật ký khảo sát do tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát lập;
c) Theo dõi và yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, chủ trì khảo sát đảm bảo:
- Bảo vệ môi trường theo các quy định hiện hành của nhà nước về tiếng ồn và chất thải các loại;
- Bảo vệ hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị được lắp đặt trong vùng, địa điểm khảo sát (nếu có). Nếu gây hư hại thì tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, chủ trì khảo sát phải bồi thường thiệt hại;
- Bảo đảm bí mật hệ thống công nghệ thông tin (nếu có).
1. Căn cứ để nghiệm thu kết quả khảo sát bao gồm:
a) Hợp đồng giao nhận thầu khảo sát;
b) Nhiệm vụ khảo sát được duyệt;
c) Tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát được áp dụng;
d) Báo cáo kết quả khảo sát.
2. Nội dung nghiệm thu bao gồm:
a) Đánh giá chất lượng công tác khảo sát so với nhiệm vụ khảo sát và tiêu chuẩn kỹ thuật khảo sát được áp dụng;
b) Kiểm tra hình thức và số lượng của báo cáo kết quả khảo sát;
c) Nghiệm thu khối lượng công việc khảo sát theo hợp đồng đã ký kết. Trường hợp kết quả khảo sát thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.
3. Kết quả nghiệm thu phải được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức lập Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin, Báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc Báo cáo đầu tư và chịu trách nhiệm về các nội dung yêu cầu được đưa ra trong hồ sơ dự án.
Trường hợp cần thiết Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm để lập dự án. Chi phí lập dự án được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư. Trường hợp dự án được lập đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.
2. Thiết kế sơ bộ là một phần của dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Mỗi thiết kế sơ bộ phải có người chủ trì thiết kế sơ bộ (trường hợp công tác lập dự án do cá nhân thực hiện thì cá nhân đó đóng vai trò là chủ trì thiết kế sơ bộ).
3. Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, Chủ đầu tư tổ chức lập Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin.
4. Đối với dự án nhóm B, C, Chủ đầu tư tổ chức lập Báo cáo nghiên cứu khả thi. Dự án nhóm C có mức vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở xuống chỉ phải lập Báo cáo đầu tư.
Thời gian lập dự án nhóm B tối đa là 05 tháng, nhóm C tối đa là 03 tháng kể từ khi có Chủ đầu tư dự án.
Đối với các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm B, C, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phải bảo đảm cân đối vốn đầu tư để thực hiện dự án không quá 2 năm đối với dự án nhóm C, không quá 4 năm đối với dự án nhóm B.
5. Vốn sự nghiệp trong dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp chỉ được sử dụng cho các trường hợp đầu tư nâng cấp, mở rộng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện có (bao gồm cả việc đầu tư mới các hạng Mục ứng dụng công nghệ thông tin thuộc hệ thống đã có của các cơ quan, đơn vị hành chính sự nghiệp).
Khi sử dụng vốn sự nghiệp có mức vốn từ 03 tỷ đồng trở lên để đầu tư nâng cấp, mở rộng khả năng ứng dụng công nghệ thông tin hiện có, phải thực hiện các thủ tục đầu tư theo quy định tại Nghị định này.
1. Sự cần thiết phải đầu tư, các Điều kiện thuận lợi và khó khăn.
2. Xác định Chủ đầu tư, hình thức đầu tư.
3. Dự kiến quy mô đầu tư: các yếu tố công nghệ, kỹ thuật phải đáp ứng; dự kiến về địa điểm đầu tư (bao gồm cả tài liệu về sự lựa chọn địa điểm).
4. Quy mô lắp đặt, cài đặt thiết bị.
5. Phân tích, lựa chọn sơ bộ về công nghệ, kỹ thuật; thiết kế sơ bộ của phương án chọn; Điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, phòng chống cháy nổ và an toàn vận hành, bảo đảm an ninh, quốc phòng.
6. Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư, loại nguồn vốn, thời hạn thực hiện dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án và phân kỳ đầu tư (nếu có). Phương án hoàn trả vốn đầu tư (đối với dự án có yêu cầu thu hồi vốn đầu tư).
7. Xác định tính độc lập khi vận hành, khai thác của các hạng Mục đầu tư hoặc tiểu dự án thành phần (nếu có).
8. Các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư.
9. Kiến nghị áp dụng hình thức quản lý dự án.
Đối với các dự án mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, nội dung Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin chỉ thực hiện theo các khoản 1, 2, 5, 6, 8, 9 của Điều này.
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin tới Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan đầu mối giúp Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, tổng hợp và đề xuất ý kiến trình Thủ tướng Chính phủ.
2. Thời hạn lấy ý kiến:
Trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông gửi văn bản lấy ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
Trong vòng 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị, cơ quan được hỏi ý kiến phải có văn bản trả lời về những nội dung thuộc phạm vi quản lý của mình. Trong vòng 7 ngày sau khi nhận được văn bản trả lời theo thời hạn trên, Bộ Thông tin và Truyền thông lập báo cáo để trình Thủ tướng Chính phủ.
3. Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ bao gồm:
Tóm tắt nội dung Dự án khả thi ứng dụng công nghệ thông tin, tóm tắt ý kiến các Bộ, ngành và đề xuất ý kiến về việc phê duyệt dự án kèm theo văn bản ý kiến của các Bộ, ngành, địa phương có liên quan.
1. Nội dung của Báo cáo nghiên cứu khả thi:
a) Sự cần thiết và Mục tiêu đầu tư;
b) Lựa chọn hình thức đầu tư và xác định Chủ đầu tư;
c) Dự kiến quy mô đầu tư: các yêu cầu kỹ thuật đối với các hạng Mục đầu tư chính và phụ; dự kiến về địa điểm đầu tư (bao gồm cả tài liệu về sự lựa chọn địa điểm);
d) Quy mô lắp đặt, cài đặt thiết bị;
đ) Phân tích lựa chọn phương án kỹ thuật, công nghệ;
e) Thiết kế sơ bộ của phương án chọn;
g) Điều kiện cung cấp vật tư thiết bị, dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, phòng chống cháy nổ và an toàn vận hành, bảo đảm an ninh, quốc phòng;
h) Loại nguồn vốn, khả năng tài chính, tổng mức đầu tư và nhu cầu vốn theo tiến độ. Phương án hoàn trả vốn đầu tư (đối với dự án có yêu cầu thu hồi vốn đầu tư). Chi phí quản lý dự án cho toàn bộ quá trình thực hiện;
i) Phân tích hiệu quả đầu tư;
k) Các mốc thời gian chính thực hiện đầu tư;
l) Kiến nghị áp dụng hình thức quản lý dự án;
m) Mối quan hệ và trách nhiệm của các cơ quan liên quan đến dự án.
Đối với các dự án mua sắm thiết bị không cần lắp đặt, nội dung Báo cáo nghiên cứu khả thi chỉ thực hiện theo các điểm a, b, d, e, g, h, i, k, l Khoản 1 Điều này.
2. Hồ sơ trình duyệt bao gồm:
a) Tờ trình thẩm định, phê duyệt dự án theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo nghiên cứu khả thi nêu tại khoản 1 Điều này;
c) Văn bản của cơ quan đầu mối thẩm định;
d) Ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có).
1. Nội dung của Báo cáo đầu tư:
a) Căn cứ pháp lý và sự cần thiết đầu tư (các căn cứ pháp lý, giải trình tóm tắt lý do cần phải đầu tư);
b) Tên dự án và hình thức đầu tư (cần được ghi rõ là thiết lập mới, nâng cấp, mở rộng hay bảo trì);
c) Chủ đầu tư (tên cơ quan, đơn vị hoặc cá nhân làm Chủ đầu tư);
d) Địa điểm đầu tư: dự kiến về địa điểm đầu tư (bao gồm cả tài liệu về sự lựa chọn địa điểm);
đ) Dự kiến quy mô đầu tư: quy mô lắp đặt, cài đặt thiết bị và các yêu cầu kỹ thuật đối với các hạng Mục đầu tư chính, và phụ;
e) Thiết kế sơ bộ của phương án chọn;
g) Xác định sơ bộ tổng mức đầu tư;
h) Loại nguồn vốn; Chi phí quản lý dự án cho toàn bộ quá trình thực hiện;
i) Phương án hoàn trả vốn đầu tư (đối với dự án có yêu cầu thu hồi vốn đầu tư);
k) Thời gian khởi công và hoàn thành;
l) Biện pháp an toàn vận hành, phòng chống cháy nổ.
2. Hồ sơ trình duyệt bao gồm:
a) Tờ trình thẩm định, phê duyệt dự án theo mẫu tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Báo cáo đầu tư nêu tại khoản 1 Điều này;
c) Văn bản của cơ quan đầu mối thẩm định;
d) Ý kiến của các cơ quan liên quan (nếu có).
1. Yêu cầu thiết kế sơ bộ:
a) Phải tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn được áp dụng;
b) Phải thể hiện được các thông số chủ yếu của hệ thống hạ tầng kỹ thuật;
c) Phải đảm bảo xác định được tổng mức đầu tư.
2. Nội dung thiết kế sơ bộ bao gồm:
a) Phần thuyết minh:
- Giới thiệu tóm tắt nội dung yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế;
- Danh Mục quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
- Yêu cầu đối với hạ tầng kỹ thuật của dự án;
- Phương án kỹ thuật và công nghệ, kết nối ra bên ngoài;
- Khối lượng sơ bộ các công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, thiết bị chủ yếu, phần mềm thương mại; mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ;
- Các vấn đề cần chú ý đối với phương án kỹ thuật, công nghệ;
b) Phần bản vẽ:
- Các tài liệu về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và các Điều kiện khác;
- Bản vẽ lắp đặt đối với hạ tầng kỹ thuật của dự án và kết nối ra bên ngoài.
1. Yêu cầu: Phải đảm bảo đủ Điều kiện để xác định giá trị của phần mềm nội bộ.
2. Mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ:
a) Tên phần mềm;
b) Các thông số chủ yếu:
- Các quy trình nghiệp vụ cần được tin học hóa (tổ chức, vận hành của quy trình, sản phẩm của quá trình nghiệp vụ, các giao tác xử lý của quy trình nghiệp vụ);
- Các tác nhân tham gia vào quy trình nghiệp vụ và mối liên hệ giữa chúng (con người, các nguồn lực, sản phẩm, thiết bị phục vụ cho xử lý nghiệp vụ, các yếu tố đóng vai trò hỗ trợ khác);
- Danh sách các yêu cầu chức năng cần có của phần mềm và các yêu cầu phi chức năng (các ràng buộc đối với hệ thống: ràng buộc môi trường, sự phụ thuộc vào hệ nền);
- Bảng sắp xếp thứ tự ưu tiên các yêu cầu chức năng của phần mềm (chức năng bắt buộc phải có, chức năng mong muốn có, chức năng tùy chọn);
- Biểu đồ về các trường hợp sử dụng lập theo ngôn ngữ Mô hình hóa thống nhất (UML) trên cơ sở nhóm các chức năng từ Bảng sắp xếp thứ tự ưu tiên các yêu cầu chức năng của phần mềm;
c) Các yêu cầu phi chức năng:
- Yêu cầu cần đáp ứng đối với cơ sở dữ liệu (nếu cần có cơ sở dữ liệu);
- Yêu cầu về bảo mật (xác định chuẩn bảo mật được sử dụng, mô hình kiểm tra, xác thực, bảo mật dữ liệu);
- Yêu cầu về mỹ thuật, kỹ thuật cần đạt được của các giao diện chương trình;
- Các yêu cầu cần đáp ứng về thời gian xử lý, độ phức tạp xử lý của các chức năng phần mềm;
- Các yêu cầu về ràng buộc xử lý lôgic đối với việc nhập (hay chuyển đổi) dữ liệu thông qua sử dụng các ô nhập liệu do giao diện chương trình cung cấp;
- Các yêu cầu về cài đặt, hạ tầng, đường truyền, an toàn vận hành, khai thác, sử dụng;
- Các yêu cầu phi chức năng khác;
d) Các yêu cầu về năng lực của cán bộ tham gia phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm;
đ) Yêu cầu về môi trường cho phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm;
e) Yêu cầu về độ phức tạp kỹ thuật-công nghệ của phần mềm.
1. Giá trị của phần mềm nội bộ được xác định trên cơ sở các mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng được quy định tại Điều 22 Nghị định này.
2. Trình tự các bước thực hiện:
a) Đếm điểm các tác nhân;
b) Đếm điểm trường hợp sử dụng;
c) Tính hệ số phức tạp kỹ thuật-công nghệ của phần mềm;
d) Tính hệ số tác động môi trường cho phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm;
đ) Tính nỗ lực phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm;
e) Nội suy đánh giá kinh nghiệm, nội suy năng suất lao động trong phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm;
g) Xác định mức lương lao động bình quân cho nhân sự tham gia phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm;
h) Xác định giá trị phần mềm trên cơ sở các điểm a, b, c, d, đ, e, g khoản 2 Điều này.
3. Nội dung hồ sơ phục vụ xác định giá trị và phương pháp xác định giá trị phần mềm nội bộ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Trường hợp trong danh Mục phần mềm có sẵn (đã được phát triển bằng vốn ngân sách nhà nước) có phần mềm mà chức năng, tính năng kỹ thuật tương đương với phần mềm nội bộ dự định phát triển, đơn vị có nhu cầu phải đề nghị cơ quan, tổ chức được giao quản lý phần mềm có sẵn cung cấp để:
a) Sử dụng ngay nếu xét thấy phần mềm có sẵn có chức năng, tính năng kỹ thuật tương đương, đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đơn vị;
b) Nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm có sẵn cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị nếu xét thấy chi phí nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm có sẵn thấp hơn so với chi phí phát triển mới.
2. Trường hợp phần mềm nội bộ dự định phát triển có chức năng, tính năng kỹ thuật tương đương với phần mềm thương mại đang có trên thị trường, đơn vị có nhu cầu phải mua bản quyền phần mềm thương mại để:
a) Sử dụng ngay nếu xét thấy phần mềm đó có chức năng, tính năng kỹ thuật đáp ứng được nhu cầu sử dụng của đơn vị và chi phí mua bản quyền thấp hơn chi phí phát triển mới;
b) Nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm đó cho phù hợp với nhu cầu sử dụng của đơn vị nếu xét thấy:
- Phần mềm đó có thể nâng cấp, chỉnh sửa mà không cần sự cho phép của tổ chức, cá nhân giữ bản quyền nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm; và
- Tổng chi phí mua bản quyền, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm đó thấp hơn chi phí phát triển mới.
3. Phần nội dung nâng cấp, chỉnh sửa dựa trên phần mềm có sẵn (gồm: phần mềm nội bộ, phần mềm thương mại, phần mềm mã nguồn mở) được mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
4. Việc xác định phần mềm có chức năng, tính năng kỹ thuật tương đương được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Trong quá trình nghiên cứu sự cần thiết phải đầu tư, sau khi đã khảo sát thị trường trong nước và ngoài nước, nếu xét thấy phần mềm nội bộ dự định phát triển cần có giải pháp sáng tạo đặc biệt, hoặc buộc phải sử dụng giải pháp sáng tạo độc quyền được cung cấp duy nhất bởi một nhà thầu, Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép thành lập Hội đồng tư vấn chuyên ngành công nghệ thông tin để xác định các yêu cầu của phần mềm nội bộ đó.
2. Hội đồng tư vấn chuyên ngành công nghệ thông tin gồm ít nhất ba chuyên gia có kinh nghiệm về phát triển phần mềm, và hai chuyên gia am hiểu lĩnh vực ứng dụng đang cần tin học hóa nghiệp vụ bằng phần mềm nội bộ (bao gồm chuyên gia nước ngoài nếu cần thiết).
3. Chi phí hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên ngành công nghệ thông tin được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư của dự án, được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xác định tại thời điểm cho phép thành lập Hội đồng tư vấn chuyên ngành công nghệ thông tin nêu tại khoản 1 Điều này.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về tổ chức và hoạt động của Hội đồng tư vấn chuyên ngành công nghệ thông tin quy định tại Điều này.
1. Người có thẩm quyền quyết định đầu tư có trách nhiệm tổ chức thẩm định dự án ứng dụng công nghệ thông tin trước khi phê duyệt.
a) Cơ quan cấp Bộ tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư. Đầu mối tổ chức thẩm định dự án là đơn vị chuyên môn trực thuộc Người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo phân cấp ủy quyền;
b) Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư. Đầu mối tổ chức thẩm định dự án là đơn vị chuyên môn giúp việc theo phân cấp ủy quyền;
c) Ủy ban nhân dân cấp huyện tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư. Đầu mối thẩm định dự án là đơn vị có chức năng quản lý kế hoạch ngân sách trực thuộc Người có thẩm quyền quyết định đầu tư;
d) Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức thẩm định dự án do mình quyết định đầu tư theo thẩm quyền được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao. Đầu mối thẩm định dự án là đơn vị có chức năng quản lý kế hoạch ngân sách.
2. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ dự án lấy ý kiến thẩm định thiết kế sơ bộ của đơn vị có thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều này (trừ trường hợp đơn vị đầu mối thẩm định dự án cũng chính là đơn vị thẩm định thiết kế sơ bộ) và lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan để thẩm định dự án. Đơn vị đầu mối thẩm định dự án không đồng thời làm Chủ đầu tư dự án mà mình được giao thẩm định.
Trường hợp cần thiết đơn vị đầu mối thẩm định dự án có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để tư vấn thẩm định dự án. Chi phí thuê tư vấn thẩm định được trích từ lệ phí thẩm định dự án.
3. Trong quá trình thẩm định dự án, đơn vị đầu mối thẩm định dự án có quyền yêu cầu Chủ đầu tư giải trình, bổ sung hồ sơ dự án nhằm làm rõ các nội dung cần thẩm định theo quy định của Nghị định này và của pháp Luật có liên quan.
4. Thời gian thẩm định dự án (kể cả thời gian thẩm định thiết kế sơ bộ) không quá: 60 ngày làm việc đối với các dự án nhóm A, 30 ngày làm việc với các dự án B, 20 ngày làm việc với các dự án nhóm C, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ. Trường hợp đặc biệt, thời gian thẩm định dự án có thể dài hơn nhưng phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
5. Thẩm quyền thẩm định thiết kế sơ bộ:
a) Đối với các dự án quan trọng quốc gia và các dự án nhóm A, Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế sơ bộ;
b) Đối với dự án do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định thiết kế sơ bộ;
c) Đối với dự án do cơ quan cấp Bộ, các Tập đoàn kinh tế nhà nước, Tổng công ty nhà nước, công ty nhà nước độc lập quyết định đầu tư, đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Người quyết định đầu tư thẩm định thiết kế sơ bộ;
d) Trường hợp cần thiết, đơn vị thẩm định thiết kế sơ bộ có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để tư vấn thẩm định. Chi phí thuê tư vấn thẩm định được trích từ lệ phí thẩm định dự án.
6. Thời gian thẩm định thiết kế sơ bộ không quá 30 ngày làm việc đối với dự án nhóm A, 15 ngày làm việc đối với dự án nhóm B và 10 ngày làm việc đối với dự án nhóm C, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ.
1. Đơn vị đầu mối tổ chức thẩm định dự án ứng dụng công nghệ thông tin chịu trách nhiệm trước pháp Luật về nội dung Báo cáo kết quả thẩm định của mình và trình Người có thẩm quyền quyết định đầu tư Báo cáo kết quả thẩm định, các hồ sơ có liên quan, kèm theo dự thảo quyết định đầu tư.
2. Nội dung thẩm định dự án gồm:
a) Xem xét các yếu tố đảm bảo tính hiệu quả của dự án, bao gồm: sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào của dự án; quy mô, công nghệ, tổng mức đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện dự án; phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;
b) Xem xét các yếu tố đảm bảo tính khả thi của dự án, bao gồm: kinh nghiệm quản lý của Chủ đầu tư; kết quả thẩm định thiết kế sơ bộ; khả năng hoàn trả vốn đầu tư (nếu có yêu cầu thu hồi vốn đầu tư); các yếu tố ảnh hưởng đến dự án như quốc phòng, an ninh; ý kiến bằng văn bản của các cơ quan liên quan.
3. Nội dung thẩm định thiết kế sơ bộ:
a) Sự phù hợp của thiết kế sơ bộ với với các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin và các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của bộ, ngành, địa phương; việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác;
b) Việc áp dụng các quy chuẩn, tiêu chuẩn công nghệ-kỹ thuật, bảo đảm phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành, bảo mật;
c) Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn, năng lực nghiệp vụ của cá nhân chủ trì thiết kế sơ bộ.
1. Tổng mức đầu tư được tính toán và xác định trong giai đoạn lập dự án phù hợp với nội dung dự án và thiết kế sơ bộ.
2. Tổng mức đầu tư bao gồm:
a) Chi phí xây lắp:
- Chi phí lắp đặt phụ kiện mạng, đi dây cho mạng công nghệ thông tin và các chi phí khác phục vụ cho lắp đặt mạng;
- Các chi phí xây lắp trực tiếp khác có liên quan;
b) Chi phí thiết bị:
- Chi phí mua sắm thiết bị công nghệ thông tin: Thiết bị phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị không phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ, các thiết bị phụ trợ và thiết bị ngoại vi;
- Chi phí mua sắm tài sản vô hình: Phần mềm hệ thống, phần mềm thương mại, tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hoá phục vụ cho nhập dữ liệu, thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu, mua sắm các tài sản vô hình khác;
- Chi phí đào tạo chuyển giao công nghệ;
- Chi phí lắp đặt thiết bị, cài đặt phần mềm, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm;
c) Chi phí quản lý dự án: Gồm các chi phí cần thiết để Chủ đầu tư tổ chức quản lý thực hiện dự án;
d) Chi phí tư vấn đầu tư: Chi phí khảo sát, giám sát công tác khảo sát; lập dự án đầu tư; Điều tra, nghiên cứu phục vụ lập dự án, tuyển chọn giải pháp; thiết kế sơ bộ; thiết kế thi công, Điều chỉnh, bổ sung thiết kế thi công; lập dự toán/tổng dự toán; lập hồ sơ yêu cầu, hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và chi phí phân tích đánh giá hồ sơ đề xuất, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi công, tổng thầu, giám sát thi công; lập định mức, đơn giá; lập dự toán, tổng dự toán; Điều chỉnh dự toán, tổng dự toán; tư vấn quản lý dự án; kiểm tra chất lượng vật liệu, thiết bị; đánh giá chất lượng sản phẩm; giám định công nghệ; quy đổi vốn đầu tư; chi phí tư vấn đầu tư và thực hiện các công việc tư vấn khác;
đ) Chi phí khác: phí và lệ phí; bảo hiểm, di chuyển thiết bị và lực lượng lao động; kiểm toán; thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến dự án; lắp đặt và thuê đường truyền; lệ phí đăng ký và duy trì tên miền; và các chi phí đặc thù khác;
e) Chi phí dự phòng: Cho khối lượng công việc phát sinh chưa lường trước được khi lập dự án và chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.
3. Các chi phí nêu trên nếu chưa có quy định hoặc chưa tính được ngay thì được tạm tính để đưa vào tổng mức đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.
1. Tổng mức đầu tư của dự án được xác định theo một trong các phương pháp sau đây:
a) Tính theo thiết kế sơ bộ của dự án, trong đó chi phí xây lắp được tính theo khối lượng chủ yếu từ thiết kế sơ bộ, các khối lượng khác dự tính và giá vật tư, thiết bị, dịch vụ công nghệ thông tin phù hợp trên thị trường; chi phí thiết bị được tính theo số lượng, chủng loại thiết bị phù hợp với giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, giá thiết bị trên thị trường và các yếu tố khác liên quan khác (nếu có); chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán hoặc tạm tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí dự phòng; chi phí dự phòng được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều này;
b) Tính trên cơ sở số liệu của các dự án ứng dụng công nghệ thông tin có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự đã thực hiện. Khi áp dụng phương pháp này phải tính quy đổi các số liệu của dự án tương tự về thời điểm lập dự án và Điều chỉnh các khoản Mục chi phí chưa xác định trong tổng mức đầu tư cho phù hợp.
2. Dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính trên tổng các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d, đ và e khoản 2 Điều 28 Nghị định này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian triển khai đầu tư của dự án có tính đến các khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.
1. Thẩm định tổng mức đầu tư là một nội dung trong thẩm định dự án ứng dụng công nghệ thông tin. Nội dung thẩm định tổng mức đầu tư bao gồm:
a) Sự phù hợp của phương pháp xác định tổng mức đầu tư với đặc điểm, tính chất kỹ thuật, công nghệ và yêu cầu của dự án;
b) Tính đầy đủ, hợp lý và phù hợp với yêu cầu thực tế của các khoản Mục chi phí trong tổng mức đầu tư;
c) Các tính toán về hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin, các yếu tố rủi ro, phương án tài chính, khả năng hoàn trả vốn đầu tư (nếu có yêu cầu thu hồi vốn đầu tư);
d) Xác định giá trị tổng mức đầu tư bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.
2. Tổng mức đầu tư được ghi trong quyết định đầu tư do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt.
1. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin đã được quyết định đầu tư chỉ được Điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất hiện những yếu tố mới đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;
b) Khi xuất hiện các yếu tố bất khả kháng: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, sóng thần, lở đất; chiến tranh hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh hoặc các sự kiện bất khả kháng khác và có tác động trực tiếp đến dự án;
c) Khi kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin được cấp thẩm quyền Điều chỉnh có ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô, Mục tiêu của dự án.
2. Khi Điều chỉnh dự án không làm thay đổi quy mô, Mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì Chủ đầu tư được phép tự Điều chỉnh dự án. Trường hợp Điều chỉnh dự án làm thay đổi thiết kế sơ bộ về giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quy mô, Mục tiêu đầu tư ban đầu hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì Chủ đầu tư phải trình Người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Những nội dung thay đổi phải được thẩm định trước khi quyết định.
3. Người quyết định Điều chỉnh dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp Luật về quyết định của mình.
1. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin thuộc loại nguồn vốn nào thì kinh phí cho việc lập, thẩm định hoặc Điều chỉnh dự án nằm trong loại nguồn vốn đó.
2. Sau khi thẩm định, nếu dự án không được phê duyệt thì chi phí cho công tác lập, thẩm định hoặc Điều chỉnh dự án được trích từ kinh phí sự nghiệp thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc trích từ vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chủ đầu tư để thanh toán.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất với Bộ Tài chính về mức lệ phí thẩm định trong hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nội dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư gồm:
1. Thực hiện việc khảo sát bổ sung (nếu cần thiết) phục vụ lập thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán.
2. Xin thỏa thuận sử dụng tần số, tài nguyên số quốc gia (nếu yêu cầu phải có thỏa thuận về sử dụng tần số, tài nguyên số theo quy định của Nhà nước).
3. Lập và phê duyệt hồ sơ thiết kế thi công.
4. Lập và phê duyệt hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu.
5. Tổ chức lựa chọn nhà thầu, thương thảo hợp đồng với nhà thầu trúng thầu và ký hợp đồng giao nhận thầu.
6. Thực hiện các hợp đồng.
7. Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện các hợp đồng.
8. Quản lý thực hiện dự án.
Việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện các nội dung quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định trong Quyết định đầu tư dự án, quy định của pháp Luật về đấu thầu và các văn bản pháp Luật có liên quan.
1. Chủ đầu tư có trách nhiệm xem xét, quyết định việc khảo sát bổ sung phục vụ lập thiết kế thi công.
2. Nhiệm vụ khảo sát bổ sung được lập theo các nội dung nêu tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này.
2. Việc giám sát công tác khảo sát bổ sung, báo cáo, nghiệm thu kết quả khảo sát bổ sung được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này.
3. Trường hợp kết quả khảo sát bổ sung thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng. Chi phí khảo sát bổ sung được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.
1. Chủ đầu tư tổ chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán. Việc thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán chỉ thực hiện một bước, không tách riêng thiết kế thi công với tổng dự toán. Riêng các dự án do Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định đầu tư theo thẩm quyền được Ủy ban nhân dân cấp trên giao, Sở Thông tin và Truyền thông thẩm định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán.
Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể ký kết hợp đồng với các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán. Tuỳ theo yêu cầu của Chủ đầu tư, việc tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán có thể thực hiện đối với toàn bộ hoặc một phần các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 37 Nghị định này.
Chi phí lập, tư vấn thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.
Hồ sơ thiết kế thi công được phê duyệt là cơ sở để Chủ đầu tư quản lý chất lượng, tiến độ thi công, biện pháp thi công và quản lý đầu tư dự án.
Trường hợp thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán, hoặc kết quả tư vấn thẩm định thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.
2. Thiết kế thi công phải phù hợp với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt. Trong quá trình thiết kế, có thể sử dụng thiết kế mẫu, thiết kế điển hình do cơ quan nhà nước có thẩm quyền công bố để triển khai lập thiết kế thi công.
Trường hợp Điều chỉnh dự án dẫn tới phải Điều chỉnh thiết kế thi công và tổng dự toán, các nội dung Điều chỉnh phải được phê duyệt lại.
3. Tài liệu làm căn cứ để thiết kế thi công:
a) Tài liệu khảo sát quy trình nghiệp vụ cần tin học hóa, xác định yêu cầu người sử dụng, yêu cầu về lắp đặt, cài đặt thiết bị và các văn bản có liên quan;
b) Quyết định phê duyệt dự án đầu tư và nội dung thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt;
c) Danh Mục tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin được áp dụng;
d) Báo cáo kết quả khảo sát bổ sung phục vụ lắp đặt, cài đặt, đấu nối thiết bị, đi dây cho mạng, các kết quả khảo sát bổ sung về quy trình nghiệp vụ cần tin học hóa, các yêu cầu của người sử dụng, và các yêu cầu khác (nếu cần thiết).
4. Nội dung hồ sơ thiết kế thi công:
a) Đối với xây lắp mạng, lắp đặt thiết bị công nghệ thông tin và các phụ kiện:
- Các chỉ tiêu kỹ thuật áp dụng trong triển khai lắp đặt, cài đặt, kiểm tra và hiệu chỉnh thiết bị;
- Danh Mục thiết bị lắp đặt, cài đặt và các thông số kỹ thuật của thiết bị;
- Thống kê khối lượng công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, thiết bị của các hạng Mục đầu tư chính và phụ;
- Chỉ dẫn biện pháp thi công (đối với trường hợp thi công phức tạp);
- Sơ đồ mặt bằng hiện trạng;
- Sơ đồ và thuyết minh giải pháp thiết kế mạng, bảo mật, an toàn dữ liệu, cấp điện, chống sét;
- Sơ đồ lắp đặt thiết bị: vị trí, khoảng cách, cao độ lắp đặt; các vị trí đấu nối; thống kê vật liệu, vật tư phục vụ lắp đặt, cài đặt thiết bị;
- Sơ đồ xây lắp mạng: đi dây, lắp đặt máng cáp bảo vệ, chống sét lan truyền, sử dụng vật tư, vật liệu trong lắp đặt mạng, liên kết giữa các phân hệ mạng với nhau và kết nối ra hệ thống bên ngoài với các kích thước và vật liệu chủ yếu;
- Đối với mạng xây lắp theo tuyến: thể hiện phương án tuyến, góc đổi hướng tuyến, cao độ và tọa độ lắp đặt, sự giao cắt chính trên tuyến, hành lang bảo vệ tuyến với các kích thước và vật liệu chủ yếu;
b) Đối với thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ:
- Nội dung mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư;
- Bảng mô tả bằng lời của từng trường hợp sử dụng trong Biểu đồ về các trường hợp sử dụng;
- Biểu đồ hoạt động của từng trường hợp sử dụng;
- Yêu cầu về việc đào tạo, chuyển giao công nghệ; yêu cầu về bảo hành, bảo trì (nếu có);
- Yêu cầu về mức độ chịu đựng sai hỏng đối với các lỗi cú pháp lập trình, lỗi xử lôgic trong xử lý dữ liệu, lỗi kiểm soát tính đúng đắn của dữ liệu đầu vào, yêu cầu về bảo mật, an toàn dữ liệu;
c) Tổng dự toán được lập theo quy định tại Điều 36 Nghị định này.
5. Mỗi thiết kế thi công phải có người chủ trì thiết kế thi công (trường hợp công tác thiết kế thi công do cá nhân thực hiện thì cá nhân đó đóng vai trò là chủ trì thiết kế thi công).
Người chủ trì thiết kế thi công chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và trước pháp Luật về chất lượng sản phẩm thiết kế và kết quả tính toán (bao gồm cả tính chính xác của tiên lượng, dự toán) và phải bồi thường thiệt hại khi sử dụng thông tin, tài liệu, quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, giải pháp công nghệ thông tin không phù hợp gây ảnh hưởng đến chất lượng của hạng Mục đầu tư, của cả dự án và các hành vi vi phạm khác gây ra thiệt hại.
6. Tổ chức, cá nhân thiết kế thi công phải thực hiện công tác giám sát tác giả trong suốt quá trình thi công và nghiệm thu sản phẩm của dự án; Đối với thi công thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin, giám sát tác giả được thực hiện tại hiện trường thi công.
Nghiêm cấm tổ chức, cá nhân thiết kế thi công mượn danh nghĩa của các tổ chức, cá nhân thiết kế thi công khác dưới bất kỳ hình thức nào.
7. Tổ chức, cá nhân thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán phải bàn giao cho Chủ đầu tư hồ sơ thiết kế thi công với số lượng đủ đảm bảo phục vụ cho công tác quản lý đầu tư và lưu trữ nhưng không ít hơn 8 bộ hồ sơ.
8. Hồ sơ thiết kế thi công được duyệt phải được lưu trữ theo quy định của pháp Luật về lưu trữ.
1. Tổng dự toán được xác định theo từng dự án cụ thể bằng cách cộng dự toán của các hạng Mục đầu tư thành phần thuộc dự án. Tổng dự toán không được lớn hơn tổng mức đầu tư được duyệt.
Tổng dự toán là một nội dung trong hồ sơ thiết kế thi công; dự toán chi tiết hạng Mục đầu tư được duyệt là cơ sở để xác định giá gói thầu đối với trường hợp chỉ định thầu hoặc tự thực hiện và các công việc thực hiện không thông qua hợp đồng.
2. Nội dung tổng dự toán gồm: chi phí xây lắp, chi phí thiết bị, chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư, chi phí khác và chi phí dự phòng.
a) Chi phí xây lắp:
Chi phí xây lắp được xác định bằng cách lập dự toán trên cơ sở định mức, đơn giá, phương pháp lập định mức, đơn giá do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, và các quy định có liên quan của nhà nước. Chi phí xây lắp bao gồm chi phí trực tiếp, chi phí chung, thu nhập chịu thuế tính trước và thuế giá trị gia tăng;
b) Chi phí thiết bị được xác định trên cơ sở khối lượng, số lượng, chủng loại thiết bị cần mua sắm, phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa và giá mua sắm hoặc chi phí phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa thiết bị theo phương pháp so sánh hoặc bằng cách áp dụng phương pháp tính giá trị. Chi phí đào tạo và chuyển giao công nghệ, chi phí lắp đặt thiết bị, chi phí thí nghiệm, hiệu chỉnh và các chi phí khác có liên quan (nếu có) được xác định bằng cách lập dự toán;
c) Chi phí quản lý dự án và chi phí tư vấn đầu tư được xác định trên cơ sở tham khảo định mức tỷ lệ, hoặc theo phương pháp so sánh hoặc bằng cách lập dự toán;
d) Chi phí khác bao gồm các chi phí chưa quy định tại các điểm a, b, c khoản 2 Điều này và được xác định theo phương pháp so sánh, hoặc lập dự toán;
đ) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d khoản 2 Điều này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được tính trên cơ sở độ dài thời gian đầu tư của dự án.
3. Việc áp dụng các phương pháp: so sánh, lập dự toán, tính giá trị, xác lập định mức, đơn giá trong từng thời kỳ được thực hiện theo các công bố, hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.
1. Nội dung thẩm định thiết kế thi công:
a) Sự phù hợp với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt;
b) Sự tuân thủ các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
c) Đánh giá mức độ bảo mật, an toàn dữ liệu;
d) Sự hợp lý của việc lựa chọn giải pháp, thiết bị, nếu có;
đ) Biện pháp an toàn vận hành, phòng chống cháy nổ.
2. Nội dung thẩm định dự toán, tổng dự toán gồm:
a) Sự phù hợp giữa khối lượng thiết kế thi công và khối lượng dự toán;
b) Tính đúng đắn của việc áp dụng các định mức kinh tế - kỹ thuật, mức chi phí, đơn giá; việc vận dụng định mức, đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản Mục chi phí trong dự toán theo quy định;
c) Xác định giá trị dự toán, tổng dự toán.
3. Nội dung thẩm định thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Thiết kế thi công đã được phê duyệt chỉ được thay đổi trong các trường hợp sau đây:
a) Khi dự án ứng dụng công nghệ thông tin được Điều chỉnh và có yêu cầu phải thay đổi thiết kế;
b) Trong quá trình triển khai thi công phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ thi công, biện pháp thi công và hiệu quả đầu tư của dự án;
2. Trường hợp thay đổi thiết kế thi công trái với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt, Chủ đầu tư phải trình thẩm định lại thiết kế sơ bộ, trước khi phê duyệt thay đổi thiết kế thi công.
3. Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để thay đổi thiết kế thi công, Điều chỉnh thiết kế sơ bộ. Trường hợp kết quả thay đổi thiết kế thi công, Điều chỉnh thiết kế sơ bộ thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.
Chi phí thay đổi thiết kế thi công, Điều chỉnh thiết kế sơ bộ được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.
1. Chủ đầu tư tổ chức lập dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 31 và khoản 1 Điều 38 Nghị định này.
2. Trường hợp thay đổi cơ cấu chi phí trong tổng dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng, Chủ đầu tư tự tổ chức Điều chỉnh dự toán các hạng Mục đầu tư của dự án.
3. Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể thuê các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để lập dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh. Trường hợp dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh thực hiện đúng hợp đồng nhưng không đáp ứng được Mục tiêu đề ra của Chủ đầu tư thì Chủ đầu tư vẫn phải thanh toán phần đã nghiệm thu theo hợp đồng.
4. Nội dung dự toán, tổng dự toán Điều chỉnh được Chủ đầu tư phê duyệt là một phần của hồ sơ thiết kế thi công.
1. Có hợp đồng giao nhận thầu hợp pháp.
2. Bảo đảm có vốn để thanh toán theo tiến độ thực hiện hợp đồng.
3. Có các tài liệu cơ sở của dự án để phục vụ cho công tác quản lý, kiểm soát thanh toán vốn đầu tư.
1. Đối tượng bảo hiểm, mức bảo hiểm, thời gian bảo hiểm và trách nhiệm bảo hiểm của các bên trong quá trình đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải được quy định rõ trong hợp đồng.
2. Nhà thầu phải mua các loại bảo hiểm cần thiết để bảo đảm cho hoạt động của mình.
1. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin trước khi triển khai thực hiện phải được lập tiến độ thực hiện.
2. Đối với dự án có quy mô lớn và thời gian thực hiện kéo dài trên một năm thì tiến độ thực hiện phải được lập cho từng giai đoạn, quý, năm.
3. Nhà thầu có nghĩa vụ lập tiến độ thực hiện đầu tư chi tiết, bố trí xen kẽ kết hợp các công việc cần thực hiện nhưng phải bảo đảm phù hợp với tiến độ đầu tư của dự án đã được phê duyệt.
4. Chủ đầu tư, giám sát thi công, chỉ huy thi công tại hiện trường và các bên liên quan có trách nhiệm theo dõi, giám sát, Điều chỉnh tiến độ trong trường hợp một số giai đoạn của tiến độ đầu tư dự án bị kéo dài. Trường hợp xét thấy tiến độ đầu tư của cả dự án bị kéo dài thì Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư để quyết định việc Điều chỉnh tiến độ thực hiện đầu tư dự án hoặc cho phép chấm dứt dự án.
5. Khuyến khích việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án trên cơ sở đảm bảo chất lượng đầu tư.
1. Trường hợp xảy ra sự cố trong quá trình thực hiện đầu tư, bảo hành, vận hành, Chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng đầu tư (chủ sở hữu hoặc chủ quản lý sử dụng sản phẩm của dự án) có trách nhiệm bảo vệ hiện trường, báo cáo kịp thời với cơ quan quản lý nhà nước về công nghệ thông tin theo phân cấp ủy quyền và tiến hành lập hồ sơ sự cố.
Tùy từng trường hợp, Chủ đầu tư, đơn vị thụ hưởng đầu tư có thể thuê các cá nhân, tổ chức có đủ Điều kiện năng lực theo quy định để thực hiện tư vấn khảo sát, đánh giá và xác định nguyên nhân sự cố, làm rõ trách nhiệm của người gây ra sự cố. Chi phí thuê tư vấn được trích từ kinh phí sự nghiệp thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc trích từ vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chủ đầu tư để thanh toán.
2. Hồ sơ sự cố bao gồm:
a) Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố lập theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Mô tả diễn biến của sự cố;
c) Kết quả khảo sát, đánh giá, xác định mức độ và nguyên nhân sự cố;
d) Các tài liệu về thiết kế và thi công liên quan đến sự cố.
3. Nội dung giải quyết sự cố do Bộ Thông tin và Truyền thông thống nhất với Bộ Tư pháp hướng dẫn.
Việc thanh toán vốn cho các dự án ứng dụng công nghệ thông tin được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Nội dung công việc thực hiện trong giai đoạn này gồm:
1. Chuyển giao sản phẩm, hạng Mục công việc của dự án.
2. Vận hành, khai thác, đào tạo, chuyển giao công nghệ và hướng dẫn sử dụng.
3. Nghiệm thu, bàn giao dự án.
4. Bảo hành sản phẩm của dự án.
5. Thực hiện việc kết thúc dự án.
6. Quyết toán vốn đầu tư và phê duyệt quyết toán.
1. Phần mềm nội bộ vừa được phát triển, hoặc nâng cấp, chỉnh sửa phải được kiểm thử chất lượng hoặc vận hành thử trước khi tiến hành nghiệm thu tại ít nhất một đơn vị thụ hưởng theo kế hoạch kiểm thử do nhà thầu lập dựa trên hồ sơ hoàn công và ý kiến chấp thuận của Chủ đầu tư.
2. Tùy Điều kiện cụ thể của dự án, Chủ đầu tư có thể lựa chọn:
a) Thành lập nhóm kiểm thử với đầu mối là đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý thực hiện dự án trực thuộc Chủ đầu tư để tiến hành kiểm thử, hoặc vận hành thử;
b) Thuê các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để thực hiện kiểm thử, hoặc vận hành thử.
3. Chi phí kiểm thử chất lượng, hoặc vận hành thử được tính vào chi phí phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ.
4. Quá trình kiểm thử, hoặc vận hành thử phải có sự tham gia của đại diện chủ đầu tư, nhà thầu, giám sát thi công, đại diện đơn vị được giao quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án. Kết quả kiểm thử, hoặc vận hành thử và các kiến nghị trong quá trình kiểm thử, hoặc vận hành thử là một phần của hồ sơ hoàn công và phải được các bên tham gia quá trình kiểm thử, hoặc vận hành thử xác nhận.
5. Kết quả kiểm thử, hoặc vận hành thử phần mềm là căn cứ để Chủ đầu tư ra quyết định:
a) Chấp nhận chính thức phần mềm, hoặc
b) Yêu cầu nhà thầu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện phần mềm theo các nội dung kiến nghị của quá trình kiểm thử, hoặc vận hành thử phần mềm.
Phần mềm nội bộ sau khi được nhà thầu bổ sung, hoàn thiện phải được Chủ đầu tư tổ chức kiểm thử, hoặc vận hành thử lại. Quá trình này kết thúc khi phần mềm đạt yêu cầu kiểm thử, hoặc vận hành thử. Nhà thầu có trách nhiệm cài đặt phần mềm theo nội dung và quy mô cài đặt được xác định rõ trong hợp đồng đã ký kết.
1. Sản phẩm, hoặc hạng Mục công việc của dự án chỉ được chuyển giao, bàn giao cho Chủ đầu tư sau khi đã kiểm thử hoặc vận hành thử và nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng. Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu sản phẩm, hoặc hạng Mục công việc của dự án với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tư vấn, thiết kế, nhà thầu và cơ quan quản lý theo phân cấp ủy quyền.
2. Tùy từng dự án, trong quá trình thực hiện đầu tư nhà thầu có thể chuyển giao tạm thời từng sản phẩm, hoặc hạng Mục công việc đã hoàn thành thuộc dự án cho Chủ đầu tư để đưa vào khai thác, sử dụng.
Nhà thầu đồng thời phải chuyển giao kèm theo các tài liệu sau: hồ sơ hoàn công, tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản lý, khai thác, bảo hành, bảo trì đối với sản phẩm, hoặc hạng Mục công việc đã hoàn thành. Các tài liệu này phải được xác định rõ trong hợp đồng và là một phần trong sản phẩm của dự án.
Việc chuyển giao công nghệ và hướng dẫn đơn vị được giao quản lý, sử dụng sản phẩm, hoặc hạng Mục công việc của dự án do nhà thầu thực hiện theo nội dung hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư.
3. Bản vẽ hoàn công:
a) Bản vẽ hoàn công phản ảnh kết quả thực hiện thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị, và do nhà thầu lập trên cơ sở thiết kế thi công đã được phê duyệt và kết quả đo kiểm các sản phẩm đã thực hiện tại hiện trường được Chủ đầu tư xác nhận. Bản vẽ hoàn công là một phần của hồ sơ hoàn công. Mọi sửa đổi so với thiết kế thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị được duyệt phải được thể hiện trên bản vẽ hoàn công;
Trường hợp các kích thước, thông số thực tế phản ảnh kết quả thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị đúng với các kích thước, thông số của bản vẽ thiết kế thi công được duyệt thì bản vẽ thiết kế thi công đó là bản vẽ hoàn công;
b) Trong bản vẽ hoàn công phải ghi rõ họ tên, chữ ký của người lập bản vẽ hoàn công. Người đại diện theo pháp Luật của nhà thầu phải ký tên và đóng dấu. Bản vẽ hoàn công được Chủ đầu tư xác nhận là cơ sở để thực hiện bảo hành và bảo trì phần thi công xây lắp, lắp đặt thiết bị của dự án.
4. Đối với phát triển, hoặc nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm nội bộ, nhà thầu có trách nhiệm chuyển giao:
a) Các tài liệu của từng giai đoạn trong quá trình phát triển, hoặc nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm theo nội dung hợp đồng đã ký kết;
b) Bộ chương trình cài đặt phần mềm;
c) Mã nguồn của chương trình;
d) Các tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản trị, hướng dẫn về kỹ thuật và chuẩn, tài liệu phục vụ đào tạo người sử dụng.
5. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin được bàn giao toàn bộ cho Chủ đầu tư khi đã thực hiện hoàn chỉnh theo thiết kế thi công được duyệt. Các hồ sơ, tài liệu liên quan đến dự án phải được nộp lưu trữ theo quy định của pháp Luật về lưu trữ nhà nước.
Biên bản tổng nghiệm thu bàn giao toàn bộ các sản phẩm của dự án là cơ sở để Chủ đầu tư xác định hoàn thành việc bàn giao toàn bộ sản phẩm của quá trình đầu tư và tiến hành thanh quyết toán vốn đầu tư.
6. Trường hợp dự án ứng dụng công nghệ thông tin không được tiếp tục thực hiện do nguyên nhân bất khả kháng hoặc theo quyết định của Người có thẩm quyền quyết định đầu tư thì Chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu phần công việc đã thực hiện với sự tham gia của các tổ chức, cá nhân tư vấn, thiết kế, chỉ huy thi công tại hiện trường và cơ quan quản lý theo phân cấp ủy quyền. Chi phí cho công tác nghiệm thu trong trường hợp này được trích từ kinh phí sự nghiệp thuộc các cơ quan hành chính sự nghiệp hoặc trích từ vốn ngân sách nhà nước đã bố trí cho Chủ đầu tư để thanh toán.
1. Thời hạn tối thiểu bảo hành sản phẩm của dự án ứng dụng công nghệ thông tin được tính từ ngày Chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu và được quy định như sau:
a) Bảo hành 24 tháng đối với sản phẩm của dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A;
b) Bảo hành 12 tháng đối với sản phẩm của dự án nhóm B, C.
2. Mức tiền bảo hành tối thiểu được tính bằng tỷ lệ phần trăm (%) giá trị sản phẩm của dự án và được quy định như sau:
a) Đối với sản phẩm có thời hạn bảo hành 24 tháng là 3%;
b) Đối với sản phẩm có thời hạn bảo hành 12 tháng là 5%.
3. Nhà thầu có trách nhiệm nộp tiền bảo hành vào tài khoản của Chủ đầu tư trước khi Chủ đầu tư ký biên bản nghiệm thu. Tiền bảo hành sản phẩm được tính lãi suất như tiền gửi ngân hàng. Nhà thầu và Chủ đầu tư có thể thỏa thuận việc thay thế tiền bảo hành bằng thư bảo lãnh của ngân hàng có giá trị tương đương.
Nhà thầu chỉ được hoàn trả tiền bảo hành sau khi kết thúc thời hạn bảo hành và được Chủ đầu tư xác nhận đã hoàn thành công việc bảo hành.
4. Trách nhiệm của các bên về bảo hành:
a) Chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án có trách nhiệm:
- Kiểm tra, phát hiện sai hỏng để yêu cầu nhà thầu sửa chữa, khắc phục, thay thế. Trường hợp nhà thầu không đáp ứng được việc bảo hành thì Chủ đầu tư, cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án có quyền thuê nhà thầu khác thực hiện. Kinh phí thuê được lấy từ tiền bảo hành sản phẩm của dự án;
- Giám sát và nghiệm thu công việc khắc phục, sửa chữa, thay thế của nhà thầu;
- Xác nhận hoàn thành bảo hành sản phẩm của dự án cho nhà thầu;
b) Nhà thầu có trách nhiệm:
- Tổ chức khắc phục, sửa chữa, thay thế ngay sau khi có yêu cầu của Chủ đầu tư, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án và phải chịu mọi phí tổn khắc phục, sửa chữa, thay thế;
- Từ chối bảo hành trong các trường hợp: Hư hỏng không phải do lỗi của nhà thầu gây ra; Chủ đầu tư vi phạm quy định quản lý nhà nước bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền buộc gỡ bỏ; Sử dụng sản phẩm của dự án sai quy trình vận hành;
c) Nhà thầu phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra hư hỏng, sự cố, sai hỏng đối với sản phẩm của dự án kể cả sau thời gian bảo hành, tuỳ theo mức độ vi phạm còn bị xử lý theo quy định của pháp Luật.
Tài sản phục vụ hoạt động của dự án khi dự án kết thúc (bao gồm cả kết thúc từng phần hoặc theo từng giai đoạn thực hiện của dự án) nếu không còn nhu cầu sử dụng được xử lý theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
1. Sản phẩm của dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sau khi hết hạn bảo hành phải được bảo trì để vận hành, khai thác lâu dài.
2. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án trong việc bảo trì:
a) Tổ chức thực hiện bảo trì sản phẩm của dự án theo quy trình bảo trì do nhà thầu thi công lập;
b) Lập dự toán kinh phí bảo trì và tổng hợp chung vào dự toán chi hoạt động hàng năm của đơn vị;
c) Chịu trách nhiệm trước pháp Luật về việc chất lượng sản phẩm của dự án xuống cấp hay trục trặc do không thực hiện quy trình bảo trì theo quy định.
Việc quyết toán vốn theo niên độ ngân sách và quyết toán vốn đầu tư dự án hoàn thành được thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
Đối với dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải thu hồi vốn đầu tư mà Chủ đầu tư có trách nhiệm hoàn trả vốn thì nguồn vốn để thu hồi bao gồm toàn bộ khấu hao cơ bản, một phần lợi nhuận và các nguồn vốn khác (nếu có).
1. Cơ quan, đơn vị được nhà nước giao quản lý, sử dụng các sản phẩm của dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước có trách nhiệm tuân theo các quy định của pháp Luật về sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền tác giả (bản quyền).
2. Tổ chức, cá nhân khi sử dụng sản phẩm nêu tại khoản 1 Điều này phải thực hiện các nghĩa vụ sau:
a) Xin phép sử dụng;
b) Nộp phí sử dụng.
Các cơ quan nhà nước không phải nộp phí sử dụng nhưng phải được cơ quan, đơn vị quản lý các sản phẩm của dự án chấp thuận bằng văn bản.
3. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Tài chính quy định mức thu phí sử dụng sản phẩm quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.
1. Thông tin về sản phẩm của dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước phải được cập nhật vào vào cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ hoạt động quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin nhằm tránh trùng lặp, lãng phí cho ngân sách nhà nước.
2. Cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia:
a) Sau khi dự án được phê duyệt, Chủ đầu tư cập nhật thông tin về thiết kế sơ bộ và tổng mức đầu tư của dự án qua đầu mối là đơn vị đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo phân cấp ủy quyền;
b) Khi sản phẩm của dự án được nghiệm thu, bàn giao, Chủ đầu tư cập nhật toàn bộ thông tin hồ sơ liên quan qua đầu mối là đơn vị chuyên môn về công nghệ thông tin trực thuộc Người có thẩm quyền quyết định đầu tư theo phân cấp ủy quyền.
3. Thông tin trong hồ sơ dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được cung cấp công khai trên Trang thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông để hỗ trợ cho công tác quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, đặc biệt đối với các dự án phát triển, hoặc nâng cấp, chỉnh sửa phần mềm.
Các thông tin thuộc phạm vi bí mật nhà nước được quản lý, cung cấp theo quy định của pháp Luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
4. Việc xác định các thông tin được cung cấp công khai trong từng thời kỳ và cập nhật thông tin vào cơ sở dữ liệu quốc gia thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Căn cứ Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân, yêu cầu của dự án ứng dụng công nghệ thông tin, Người có thẩm quyền quyết định đầu tư quyết định lựa chọn một trong các hình thức quản lý dự án sau:
a) Thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án khi Chủ đầu tư không đủ Điều kiện năng lực;
b) Trực tiếp quản lý dự án khi Chủ đầu tư có đủ Điều kiện năng lực để quản lý dự án.
2. Chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án trong trường hợp trực tiếp quản lý dự án để giúp Chủ đầu tư làm đầu mối quản lý dự án.
Đối với dự án có quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng thì Chủ đầu tư có thể không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy chuyên môn của mình để quản lý, Điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn, kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý dự án.
3. Trường hợp Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án, trách nhiệm, quyền hạn của tư vấn quản lý dự án được thực hiện theo hợp đồng ký kết giữa hai bên. Tổ chức tư vấn quản lý dự án phải có đủ Điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này.
Chủ đầu tư vẫn phải sử dụng các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của mình hoặc chỉ định đầu mối để kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tổ chức tư vấn quản lý dự án.
4. Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cụ thể hình thức quản lý dự án và quy định chi phí quản lý dự án sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
1. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về quản lý thực hiện dự án, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn kể từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cho đến khi kết thúc đầu tư, nghiệm thu bàn giao đưa sản phẩm của dự án vào khai thác sử dụng đảm bảo tính hiệu quả, tính khả thi của dự án và tuân thủ các quy định của pháp Luật, kể cả những công việc giao cho Ban quản lý dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án thực hiện.
2. Trường hợp trực tiếp quản lý dự án, Chủ đầu tư phải phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư và theo dõi, kiểm tra, đôn đốc Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được giao.
3. Trường hợp thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án, Chủ đầu tư phải phân công ít nhất một cán bộ lãnh đạo cơ quan, đơn vị phụ trách việc quản lý thực hiện dự án và giao nhiệm vụ cho các đơn vị chuyên môn thuộc bộ máy của cơ quan, đơn vị mình để tham mưu, giúp việc cho lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ đầu tư và kiểm tra, theo dõi việc thực hiện hợp đồng của tư vấn quản lý dự án nhằm bảo đảm dự án được thực hiện đúng nội dung, tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
1. Chủ đầu tư có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban quản lý dự án theo nguyên tắc: Phù hợp với Điều kiện thực tế của Chủ đầu tư, yêu cầu của dự án; phân định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án; phân cấp mạnh cho Ban quản lý dự án theo tinh thần nhiệm vụ phải đi đôi với quyền hạn để giảm tối đa các thủ tục hành chính giữa Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án;
Việc giao nhiệm vụ và uỷ quyền cho Ban quản lý dự án phải được thể hiện trong quyết định thành lập Ban quản lý dự án, các văn bản giao nhiệm vụ và ủy quyền của Chủ đầu tư.
Chủ đầu tư phải trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn: phê duyệt thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán; Điều chỉnh thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán; trình phê duyệt thiết kế sơ bộ Điều chỉnh; kiểm tra, chấp thuận một số hợp đồng quan trọng trước khi giao cho Ban quản lý dự án ký kết; tổ chức nghiệm thu sản phẩm của dự án để đưa vào khai thác, sử dụng. Trường hợp đặc biệt, cần thiết phải uỷ quyền cho Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên thì Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
b) Trường hợp Chủ đầu tư không phải là đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án thì đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án có trách nhiệm cử người tham gia với Chủ đầu tư để quản lý ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc đầu tư, tiếp nhận quản lý, đưa vào khai thác, sử dụng sản phẩm của dự án;
Người do đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án cử tham gia vào Ban quản lý dự án được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban quản lý dự án và không nhất thiết phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm nêu tại khoản 3 Điều này nhưng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án).
c) Chủ đầu tư có thể giao cho một Ban quản lý dự án quản lý nhiều dự án khi có đủ Điều kiện năng lực và được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư đồng ý.
2. Ban quản lý dự án có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Thực hiện nhiệm vụ do Chủ đầu tư giao và quyền hạn do Chủ đầu tư uỷ quyền. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp Luật theo nhiệm vụ được giao và quyền hạn được uỷ quyền;
b) Thực hiện các thủ tục và các công việc phục vụ triển khai dự án;
c) Tổ chức lập, chuẩn bị hồ sơ thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán, trình Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định;
d) Tổ chức lập hồ sơ yêu cầu (hồ sơ mời thầu), tổ chức lựa chọn nhà thầu;
đ) Đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu theo uỷ quyền của Chủ đầu tư;
e) Thực hiện nhiệm vụ giám sát thi công khi có đủ Điều kiện năng lực;
g) Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo hợp đồng ký kết;
h) Quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí triển khai, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành và vệ sinh công nghiệp tại hiện trường;
i) Nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của dự án;
k) Lập báo cáo giám sát đánh giá đầu tư, báo cáo quyết toán khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng;
l) Ban quản lý dự án không được thành lập các Ban quản lý dự án trực thuộc hoặc thành lập các đơn vị sự nghiệp có thu để thực hiện quản lý dự án;
m) Khi Ban quản lý dự án được giao quản lý nhiều dự án thì từng dự án phải được quản lý, theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời sau khi kết thúc dự án theo đúng quy định;
n) Trường hợp cần thiết, Ban quản lý dự án được phép thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để tham gia quản lý, giám sát một số phần việc Ban quản lý dự án không có đủ Điều kiện, năng lực chuyên môn thực hiện, nhưng phải được Chủ đầu tư chấp thuận. Chi phí thuê các tổ chức, cá nhân trong trường hợp này được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.
o) Ban quản lý dự án được ký hợp đồng thuê cá nhân, tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để quản lý các công việc mà tư vấn trong nước chưa đủ năng lực thực hiện hoặc khi có yêu cầu đặc biệt khác. Việc thuê tư vấn nước ngoài trong trường hợp này phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
3. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án gồm có giám đốc, các phó giám đốc, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ; những người tham gia Ban quản lý dự án có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Giám đốc, các phó giám đốc và những người phụ trách về công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách, có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án). Riêng đối với các dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa thì các chức danh nêu trên có thể giao cho những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thuộc các chuyên ngành phù hợp.
1. Chủ đầu tư có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
a) Giao nhiệm vụ, quyền hạn cho Ban quản lý dự án theo nguyên tắc: Phù hợp với Điều kiện thực tế của Chủ đầu tư, yêu cầu của dự án; phân định rõ trách nhiệm của Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án; phân cấp mạnh cho Ban quản lý dự án theo tinh thần nhiệm vụ phải đi đôi với quyền hạn để giảm tối đa các thủ tục hành chính giữa Chủ đầu tư và Ban quản lý dự án;
Việc giao nhiệm vụ và uỷ quyền cho Ban quản lý dự án phải được thể hiện trong quyết định thành lập Ban quản lý dự án, các văn bản giao nhiệm vụ và ủy quyền của Chủ đầu tư.
Chủ đầu tư phải trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn: phê duyệt thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán; Điều chỉnh thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán; trình phê duyệt thiết kế sơ bộ Điều chỉnh; kiểm tra, chấp thuận một số hợp đồng quan trọng trước khi giao cho Ban quản lý dự án ký kết; tổ chức nghiệm thu sản phẩm của dự án để đưa vào khai thác, sử dụng. Trường hợp đặc biệt, cần thiết phải uỷ quyền cho Ban quản lý dự án thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn nêu trên thì Chủ đầu tư phải báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định.
b) Trường hợp Chủ đầu tư không phải là đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án thì đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án có trách nhiệm cử người tham gia với Chủ đầu tư để quản lý ngay từ giai đoạn chuẩn bị đầu tư đến khi kết thúc đầu tư, tiếp nhận quản lý, đưa vào khai thác, sử dụng sản phẩm của dự án;
Người do đơn vị quản lý, sử dụng sản phẩm của dự án cử tham gia vào Ban quản lý dự án được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Ban quản lý dự án và không nhất thiết phải bảo đảm những yêu cầu về chuyên môn và kinh nghiệm nêu tại khoản 3 Điều này nhưng phải được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án).
c) Chủ đầu tư có thể giao cho một Ban quản lý dự án quản lý nhiều dự án khi có đủ Điều kiện năng lực và được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư đồng ý.
2. Ban quản lý dự án có các nhiệm vụ và quyền hạn sau:
a) Thực hiện nhiệm vụ do Chủ đầu tư giao và quyền hạn do Chủ đầu tư uỷ quyền. Ban quản lý dự án chịu trách nhiệm trước Chủ đầu tư và pháp Luật theo nhiệm vụ được giao và quyền hạn được uỷ quyền;
b) Thực hiện các thủ tục và các công việc phục vụ triển khai dự án;
c) Tổ chức lập, chuẩn bị hồ sơ thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán, trình Chủ đầu tư thẩm định, phê duyệt theo quy định;
d) Tổ chức lập hồ sơ yêu cầu (hồ sơ mời thầu), tổ chức lựa chọn nhà thầu;
đ) Đàm phán, ký kết hợp đồng với các nhà thầu theo uỷ quyền của Chủ đầu tư;
e) Thực hiện nhiệm vụ giám sát thi công khi có đủ Điều kiện năng lực;
g) Nghiệm thu, thanh toán, quyết toán theo hợp đồng ký kết;
h) Quản lý chất lượng, khối lượng, tiến độ, chi phí triển khai, an toàn phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành và vệ sinh công nghiệp tại hiện trường;
i) Nghiệm thu, bàn giao sản phẩm của dự án;
k) Lập báo cáo giám sát đánh giá đầu tư, báo cáo quyết toán khi dự án hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng;
l) Ban quản lý dự án không được thành lập các Ban quản lý dự án trực thuộc hoặc thành lập các đơn vị sự nghiệp có thu để thực hiện quản lý dự án;
m) Khi Ban quản lý dự án được giao quản lý nhiều dự án thì từng dự án phải được quản lý, theo dõi, ghi chép riêng và quyết toán kịp thời sau khi kết thúc dự án theo đúng quy định;
n) Trường hợp cần thiết, Ban quản lý dự án được phép thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để tham gia quản lý, giám sát một số phần việc Ban quản lý dự án không có đủ Điều kiện, năng lực chuyên môn thực hiện, nhưng phải được Chủ đầu tư chấp thuận. Chi phí thuê các tổ chức, cá nhân trong trường hợp này được tính vào chi phí tư vấn đầu tư trong tổng mức đầu tư, tổng dự toán của dự án.
o) Ban quản lý dự án được ký hợp đồng thuê cá nhân, tổ chức tư vấn nước ngoài có kinh nghiệm, năng lực để quản lý các công việc mà tư vấn trong nước chưa đủ năng lực thực hiện hoặc khi có yêu cầu đặc biệt khác. Việc thuê tư vấn nước ngoài trong trường hợp này phải được Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép.
3. Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án gồm có giám đốc, các phó giám đốc, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ; những người tham gia Ban quản lý dự án có thể làm việc theo chế độ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm.
Giám đốc, các phó giám đốc và những người phụ trách về công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học thuộc chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách, có kinh nghiệm làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án). Riêng đối với các dự án nhóm C ở vùng sâu, vùng xa thì các chức danh nêu trên có thể giao cho những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp thuộc các chuyên ngành phù hợp.
1. Các Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ tình hình thực tế về số lượng các dự án ứng dụng công nghệ thông tin do mình đang làm Chủ đầu tư và định hướng, kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin của năm sau để quyết định việc chuyển đổi hoặc tổ chức lại các Ban quản lý dự án theo một trong các phương án sau đây:
a) Trường hợp các bộ, ngành, địa phương có số lượng dự án ít dẫn đến tình trạng có Ban quản lý dự án thiếu việc hoặc hết việc thì cần nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các Ban quản lý dự án cho phù hợp với yêu cầu thực tế; chỉ giữ lại các Ban quản lý dự án đang quản lý các dự án dở dang hoặc các dự án đã được quyết định đầu tư trong trường hợp áp dụng hình thức Chủ đầu tư trực tiếp quản lý dự án, không để tình trạng các Ban quản lý phải chờ dự án;
Việc sắp xếp, tổ chức lại các Ban quản lý dự án thực hiện theo hướng chuyển thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, giúp Chủ đầu tư thực hiện quản lý dự án thông qua hợp đồng ký với Chủ đầu tư. Căn cứ Điều kiện thực tế, các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thành lập các doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án trên cơ sở chuyển đổi từ một Ban quản lý dự án hoặc ghép nhiều Ban quản lý dự án, bảo đảm Điều kiện năng lực để quản lý các dự án theo quy định.
Đối với các Ban quản lý dự án không thể sắp xếp, chuyển đổi theo các phương án nêu trên thì bộ, ngành, địa phương ra quyết định giải thể và có trách nhiệm giải quyết dứt điểm các tồn tại của các dự án cũ và quyền lợi của cán bộ, nhân viên Ban quản lý dự án.
b) Trường hợp các Ban quản lý dự án có nguyện vọng được chuyển đổi thành doanh nghiệp tư vấn nhằm khai thác, phát huy hết năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và kinh nghiệm sẵn có của Ban quản lý dự án thì bộ, ngành, địa phương quyết định và tạo Điều kiện để các Ban quản lý dự án chuyển đổi thành doanh nghiệp tư vấn quản lý dự án chuyên nghiệp, và phải bảo đảm không làm gián đoạn quá trình quản lý thực hiện các dự án.
1. Chủ đầu tư lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức tư vấn quản lý dự án có đủ Điều kiện năng lực để giúp Chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án.
2. Cơ cấu, thành phần của tổ chức tư vấn quản lý dự án gồm có giám đốc tư vấn quản lý dự án, các phó giám đốc và các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn theo hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư.
Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có đủ Điều kiện năng lực theo quy định. Các phó giám đốc và những người phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ phải có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp và có thời gian làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm.
3. Tổ chức tư vấn quản lý dự án được thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện một số phần việc quản lý dự án, nhưng phải được Chủ đầu tư chấp thuận và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn trong hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư.
4. Tổ chức tư vấn quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp Luật và Chủ đầu tư về các nội dung đã cam kết trong hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình quản lý dự án.
1. Chủ đầu tư lựa chọn và ký hợp đồng với tổ chức tư vấn quản lý dự án có đủ Điều kiện năng lực để giúp Chủ đầu tư quản lý thực hiện dự án.
2. Cơ cấu, thành phần của tổ chức tư vấn quản lý dự án gồm có giám đốc tư vấn quản lý dự án, các phó giám đốc và các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn theo hợp đồng đã ký kết với Chủ đầu tư.
Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có đủ Điều kiện năng lực theo quy định. Các phó giám đốc và những người phụ trách chuyên môn, nghiệp vụ phải có trình độ đại học thuộc các chuyên ngành phù hợp và có thời gian làm việc chuyên môn tối thiểu 3 năm.
3. Tổ chức tư vấn quản lý dự án được thuê các tổ chức, cá nhân có đủ Điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện một số phần việc quản lý dự án, nhưng phải được Chủ đầu tư chấp thuận và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn trong hợp đồng đã ký với Chủ đầu tư.
4. Tổ chức tư vấn quản lý dự án phải chịu trách nhiệm trước pháp Luật và Chủ đầu tư về các nội dung đã cam kết trong hợp đồng và phải bồi thường thiệt hại do lỗi của mình gây ra trong quá trình quản lý dự án.
1. Các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải có đủ Điều kiện năng lực và kinh nghiệm theo quy định tại Nghị định này.
2. Cá nhân tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải có văn bằng, chứng chỉ đào tạo phù hợp với công việc đảm nhận do các cơ sở đào tạo hợp pháp cấp và phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông.
3. Cá nhân đảm nhận chức danh giám đốc tổ chức tư vấn quản lý dự án, chỉ huy thi công tại hiện trường, giám sát thi công không được đồng thời đảm nhận quá một công việc theo chức danh trong cùng một thời gian.
Cá nhân đảm nhận các chức danh theo quy định tại khoản 2 và 3 Điều này phải ký hợp đồng với một tổ chức theo quy định của pháp Luật. Thời hạn hợp đồng phải đảm bảo đủ dài để cá nhân đó có thời gian thực hiện hoàn tất nhiệm vụ được giao theo chức danh mình đảm nhận.
4. Năng lực hoạt động tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin của tổ chức được xác định theo cấp độ trên cơ sở Điều kiện năng lực của các cá nhân trong tổ chức, kinh nghiệm hoạt động tư vấn, khả năng tài chính, thiết bị và năng lực quản lý của tổ chức.
5. Các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, tư vấn thiết kế thi công không được ký hợp đồng tư vấn giám sát với Chủ đầu tư để giám sát việc thực hiện thiết kế thi công do mình lập; tư vấn giám sát thi công không được ký hợp đồng với nhà thầu thi công để thực hiện kiểm định chất lượng đầu tư đối với dự án do mình giám sát thi công.
Tư vấn giám sát thi công không được ký hợp đồng thi công đối với dự án hoặc hạng Mục đầu tư thuộc dự án do mình giám sát thi công.
1. Năng lực của Chủ trì thiết kế sơ bộ:
a) Phải có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đã được bồi dưỡng nghiệp vụ lập, quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án) và đáp ứng các Điều kiện tương ứng với mỗi Cấp độ dưới đây:
b) Cấp độ 1:
Đáp ứng đủ Điều kiện của Cấp độ 2 và có thời gian liên tục làm công tác lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu 7 năm, đã từng tham gia lập tối thiểu 5 thiết kế sơ bộ của dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm A, B, C hoặc đã là Chủ trì thiết kế sơ bộ đối với dự án có quy mô đầu tư tương tự thì được công nhận là chủ trì thiết kế sơ bộ Cấp độ 1;
c) Cấp độ 2:
Có thời gian liên tục làm công tác lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu 5 năm, đã từng tham gia lập tối thiểu 3 Báo cáo đầu tư hoặc 2 Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm C;
d) Riêng đối với vùng sâu, vùng xa, những cá nhân có bằng cao đẳng, trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, có thời gian liên tục làm công tác lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin tối thiểu 3 năm, và đã tham gia lập ít nhất 1 Báo cáo đầu tư dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhóm C thì được làm chủ trì thiết kế sơ bộ dự án chỉ lập Báo cáo đầu tư.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được làm Chủ trì thiết kế sơ bộ và được lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin đối với dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được làm Chủ trì thiết kế sơ bộ và được lập dự án ứng dụng công nghệ thông tin đối với dự án nhóm C;
c) Đối với cá nhân chưa đủ Điều kiện để phân cấp độ thì không được làm chủ trì thiết kế sơ bộ nhưng được tham gia lập thiết kế sơ bộ.
1. Năng lực của tổ chức tư vấn lập dự án được phân thành 2 cấp độ như sau:
a) Cấp độ 1:
Có ít nhất 10 người trình độ: đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đại học chuyên ngành kinh tế, tài chính phù hợp với yêu cầu của dự án; trong đó có người có đủ Điều kiện làm Chủ trì thiết kế sơ bộ Cấp độ 1;
b) Cấp độ 2:
Có ít nhất 7 người người trình độ: đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đại học chuyên ngành kinh tế, tài chính phù hợp với yêu cầu của dự án; trong đó có người có đủ Điều kiện làm Chủ trì thiết kế sơ bộ Cấp độ 2.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được lập dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được lập dự án nhóm C;
c) Đối với tổ chức chưa đủ Điều kiện để phân cấp độ thì phải liên kết, liên danh với tổ chức tư vấn có đủ năng lực để lập dự án.
1. Năng lực của cá nhân làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án được phân thành 2 cấp độ. Cá nhân làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án phải có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên, đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án) và đáp ứng các Điều kiện tương ứng với mỗi cấp độ dưới đây:
a) Cá nhân làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án Cấp độ 1:
- Đáp ứng đủ Điều kiện của Cấp độ 2, có thời gian liên tục làm công tác lập, quản lý dự án tối thiểu 7 năm, đã tham gia quản lý dự án của 1 dự án nhóm A hoặc 2 dự án nhóm B, hoặc 5 dự án nhóm C và đã là chỉ huy thi công xây lắp tại hiện trường của dự án nhóm C;
b) Cá nhân làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án Cấp độ 2:
- Có thời gian liên tục làm công tác lập, quản lý dự án tối thiểu 5 năm, đã tham gia quản lý dự án của 1 dự án nhóm B hoặc 2 dự án nhóm C;
c) Đối với vùng sâu, vùng xa, những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, có kinh nghiệm trong công tác quản lý dự án tối thiểu 3 năm được giữ chức danh Giám đốc tư vấn quản lý dự án đối với dự án chỉ lập Báo cáo đầu tư.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được quản lý dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được quản lý dự án nhóm C.
1. Năng lực của tổ chức tư vấn quản lý dự án được phân thành 2 cấp độ như sau:
a) Cấp độ 1:
- Có Giám đốc tư vấn quản lý dự án Cấp độ 1;
- Có ít nhất 10 người trình độ: đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đại học chuyên ngành kinh tế, tài chính phù hợp với yêu cầu của dự án; trong đó có người có đủ Điều kiện làm chủ trì khảo sát; chủ trì thiết kế thi công, chỉ huy thi công xây lắp tại hiện trường và có năng lực giám sát thi công cấp độ 1.
b) Cấp độ 2:
- Có giám đốc tư vấn quản lý dự án Cấp độ 2;
- Có ít nhất 7 người trình độ: đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đại học chuyên ngành kinh tế, tài chính phù hợp với yêu cầu của dự án; trong đó có người có đủ Điều kiện làm chủ trì khảo sát; chủ trì thiết kế thi công, chỉ huy thi công xây lắp tại hiện trường và có năng lực giám sát thi công cấp độ 2.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được quản lý dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được quản lý dự án nhóm C;
c) Đối với tổ chức chưa đủ Điều kiện để phân cấp độ thì phải liên kết, liên danh với tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thực hiện tư vấn quản lý dự án.
Chủ trì khảo sát phải có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án), và được phân nhóm như sau:
a) Đã tham gia ít nhất 2 nhiệm vụ khảo sát đối với dự án nhóm A, hoặc 3 nhiệm vụ khảo sát đối với dự án nhóm B, C thì được thực hiện chủ trì khảo sát dự án nhóm A;
b) Đã tham gia ít nhất 2 nhiệm vụ khảo sát đối với dự án nhóm B, C thì được thực hiện chủ trì khảo sát dự án nhóm B, C.
1. Năng lực của tổ chức tư vấn khảo sát:
a) Có ít nhất 10 người trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát, trong đó có người có đủ Điều kiện làm chủ trì khảo sát nhóm dự án phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát.
b) Có đủ thiết bị phù hợp với từng loại khảo sát.
2. Phạm vi hoạt động: tổ chức tư vấn khảo sát được thực hiện khảo sát phục vụ lập các dự án đầu tư, lập thiết kế thi công các dự án phù hợp với năng lực của Chủ trì khảo sát và yêu cầu của nhiệm vụ khảo sát.
1. Chủ trì thiết kế thi công phải có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên, và được phân thành 2 cấp độ như sau:
a) Cấp độ 1:
- Đáp ứng đủ Điều kiện của Cấp độ 2, đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án, lập dự toán chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin);
- Đã là chủ trì thiết kế thi công ít nhất 01 dự án nhóm A, hoặc 2 dự án nhóm B, hoặc đã tham gia thiết kế thi công của 5 dự án nhóm C, có thời gian liên tục làm công tác thiết kế thi công tối thiểu 7 năm;
b) Cấp độ 2:
- Đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (bộ môn lập và quản lý dự án, lập dự toán chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin);
- Đã là chủ trì thiết kế thi công ít nhất 1 dự án nhóm B, hoặc tham gia thiết kế thi công 2 dự án nhóm C, có thời gian liên tục làm công tác thiết kế thi công tối thiểu 5 năm;
c) Riêng đối với vùng sâu, vùng xa, những cá nhân có trình độ cao đẳng, trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, có thời gian liên tục làm công tác thiết kế thi công tối thiểu 3 năm thì được làm chủ trì thiết kế thi công dự án chỉ lập Báo cáo đầu tư.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được làm chủ trì thiết kế thi công dự án nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được làm chủ trì thiết kế thi công dự án nhóm B, C.
1. Năng lực của tổ chức tư vấn thiết kế thi công được phân thành 2 cấp độ như sau:
a) Cấp độ 1:
- Có ít nhất 10 người trình độ đại học chuyên ngành: công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính;
- Trong đó có người là chủ trì thiết kế thi công cấp độ 1;
- Đã thiết kế thi công ít nhất 01 dự án nhóm A hoặc 2 dự án nhóm B hoặc 5 dự án nhóm C;
b) Cấp độ 2:
- Có ít nhất 7 người trình độ đại học chuyên ngành: công nghệ thông tin, kinh tế, tài chính;
- Trong đó có người là chủ trì thiết kế thi công cấp độ 2;
- Đã thiết kế thi công ít nhất 01 dự án nhóm B, hoặc 2 dự án nhóm C.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được thiết kế thi công dự án quan trọng quốc gia, nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được thiết kế thi công dự án nhóm B, C;
c) Đối với tổ chức chưa đủ Điều kiện để phân cấp độ thì phải liên kết, liên danh với tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thực hiện thiết kế thi công.
1. Năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công được phân thành 2 cấp độ như sau:
a) Cấp độ 1:
- Có ít nhất 10 người trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (thuộc bộ môn giám sát thi công);
- Đã giám sát thi công ít nhất 01 dự án nhóm A, hoặc 2 dự án nhóm B hoặc 3 dự án nhóm C;
b) Cấp độ 2:
- Có ít nhất 7 người trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (thuộc bộ môn giám sát thi công);
- Đã giám sát thi công ít nhất 2 dự án nhóm C.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cấp độ 1: được giám sát thi công dự án nhóm A, B, C;
b) Cấp độ 2: được giám sát thi công dự án nhóm C;
c) Đối với tổ chức chưa đủ Điều kiện để phân cấp độ thì phải liên kết, liên danh với tổ chức tư vấn có đủ năng lực để thực hiện tư vấn giám sát thi công.
1. Chỉ huy thi công tại hiện trường phải có bằng đại học chuyên ngành công nghệ thông tin trở lên và có thời gian liên tục làm công tác thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tối thiểu 5 năm.
Đối với vùng sâu, vùng xa, những người có trình độ cao đẳng hoặc trung cấp chuyên ngành công nghệ thông tin, có kinh nghiệm thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tối thiểu 3 năm cũng được giữ chức danh chỉ huy thi công tại hiện trường.
2. Phạm vi hoạt động: được làm chỉ huy thi công xây lắp, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin tại hiện trường đối với các dự án nhóm A, B, C.
1. Điều kiện của cá nhân hành nghề độc lập thiết kế, khảo sát, giám sát:
a) Có trình độ đại học chuyên ngành công nghệ thông tin, đã được bồi dưỡng về nghiệp vụ quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin (thuộc bộ môn phù hợp);
b) Có đăng ký mã số thuế cá nhân theo quy định của pháp Luật;
c) Có đủ kinh nghiệm theo yêu cầu của từng chức danh đảm nhận.
2. Phạm vi hoạt động:
a) Cá nhân hành nghề độc lập khảo sát được làm chủ trì khảo sát, thực hiện khảo sát, lập nhiệm vụ khảo sát, lập báo cáo kết quả khảo sát nếu đáp ứng đủ Điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Cá nhân hành nghề độc lập thiết kế được làm chủ trì thiết kế sơ bộ, triển khai thiết kế sơ bộ, thiết kế thi công nếu đáp ứng đủ Điều kiện năng lực theo quy định tại Khoản 1 Điều này;
c) Cá nhân hành nghề giám sát khảo sát, giám sát thi công độc lập được giám sát khảo sát, giám sát thi công nếu đáp ứng đủ Điều kiện năng lực theo quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Cá nhân hành nghề độc lập khi hoạt động phải thực hiện theo các quy định của Nghị định này và các quy định của pháp Luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân nước ngoài khi tham gia hoạt động tư vấn, thực hiện hợp đồng trong lĩnh vực đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin tại Việt Nam phải có đủ Điều kiện năng lực theo quy định của Nghị định này, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động và phù hợp với các quy định có liên quan của pháp Luật Việt Nam.
1. Đối tượng:
a) Cá nhân trực tiếp tham gia hoạt động quản lý, tư vấn, triển khai đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải được chứng nhận đã tham gia đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
b) Các cá nhân khác có nhu cầu.
2. Quản lý hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm tổ chức các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin, cụ thể như sau:
a) Quy định nội dung chương trình khung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, mẫu chứng nhận và thời hạn hiệu lực của chứng nhận đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sau khi lấy ý kiến của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
b) Tổng hợp tình hình hoạt động đào tạo, bồi dưỡng của các cơ sở đào tạo thông qua các báo cáo tình hình thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ hàng năm của các cơ sở đào tạo;
c) Xây dựng hệ thống dữ liệu các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin dựa trên thông tin do các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cung cấp.
3. Điều kiện để các cơ sở tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin bao gồm:
a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (hoặc quyết định thành lập đối với cơ sở không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh) theo quy định của pháp Luật;
b) Có đội ngũ giảng viên về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
c) Có tên trong danh sách các cơ sở đủ Điều kiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin trên Trang thông tin điện tử quy định tại Điều 74 Nghị định này.
4. Điều kiện cấp chứng nhận đã qua đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Chứng nhận được cấp cho các học viên tham gia đầy đủ các nội dung đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin theo chương trình tương ứng với từng bộ môn và đạt yêu cầu sau khi kiểm tra, sát hạch;
b) Khóa đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải được tổ chức từ 5 ngày trở lên.
5. Trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin:
a) Chịu trách nhiệm về chất lượng đào tạo; cung cấp thông tin về cơ sở đào tạo của mình cho hệ thống cơ sở dữ liệu theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này;
b) Thực hiện hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và cấp chứng nhận cho học viên theo quy định;
c) Định kỳ hàng năm, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông (qua các Sở Thông tin và Truyền thông) và Bộ, ngành hoặc địa phương liên quan về tình hình đào tạo, bồi dưỡng để theo dõi, tổng hợp.
1. Các thông tin sau đây về năng lực quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải được đăng tải trên Trang thông tin điện tử về năng lực quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý:
a) Thông tin đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
b) Thông tin về các cơ sở đủ Điều kiện tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
c) Thông tin về các tổ chức, cá nhân đủ Điều kiện năng lực tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
d) Thông tin xử lý vi phạm pháp Luật về quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
đ) Văn bản quy phạm pháp Luật về quản lý đầu tư, ứng dụng công nghệ thông tin hiện hành;
e) Các thông tin liên quan khác (riêng thông tin về đấu thầu thực hiện theo quy định của pháp Luật về đấu thầu).
2. Các thông tin quy định tại khoản 1 Điều này sau khi được đăng tải miễn phí trên Trang thông tin điện tử về năng lực quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin có thể trích đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng khác để tạo thuận tiện cho việc tiếp cận của các tổ chức, cá nhân quan tâm.
3. Cung cấp thông tin để đăng tải:
a) Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan khác ở Trung ương và các Sở Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm cung cấp thông tin nêu tại điểm d, đ và e Khoản 1 Điều này;
b) Chủ đầu tư chịu trách nhiệm cung cấp các thông tin nêu từ điểm a đến điểm d và điểm e khoản 1 Điều này.
4. Việc cung cấp thông tin, thời hạn và lộ trình đăng tải thông tin trên Trang thông tin điện tử về năng lực quản lý, đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.
1. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành nhưng chưa triển khai thực hiện hoặc đang thực hiện thì thực hiện theo các quy định của pháp Luật về quản lý đầu tư tại thời điểm phê duyệt dự án.
Trường hợp cần thiết Điều chỉnh dự án, tổng mức đầu tư, thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán theo các quy định tại Nghị định này thì người có thẩm quyền xem xét quyết định Điều chỉnh, bảo đảm không làm gián đoạn các công việc thực hiện dự án.
2. Dự án ứng dụng công nghệ thông tin đã lập, thẩm định nhưng chưa được phê duyệt trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì các bước tiếp theo thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân đang tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin được tiếp tục hoạt động đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2010. Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2011, các tổ chức, cá nhân hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin phải có đủ Điều kiện năng lực theo quy định tại Nghị định này.
4. Các định mức, đơn giá, lương lao động bình quân, giá ca máy và thiết bị thi công, vật liệu tính trực tiếp vào chi phí phục vụ hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ quản lý ngành, các địa phương ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được chuyển thành công bố để các tổ chức, cá nhân tham khảo, quyết định áp dụng hoặc vận dụng làm cơ sở xác định và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2010. Các quy định trước đây của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và địa phương trái với Nghị định này đều bị bãi bỏ./.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
PHỤ LỤC I
PHÂN LOẠI DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN SỬ DỤNG NGUỒN VỐN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
(Ban hành kèm theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)
Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước được phân loại như sau:
Số TT |
Phân loại |
Tổng mức vốn đầu tư |
1 |
Dự án ứng dụng công nghệ thông tin quan trọng quốc gia |
Theo Nghị quyết của Quốc hội |
|
Nhóm A |
|
2 |
Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu có ý nghĩa chính trị - xã hội quan trọng. |
Không kể mức vốn |
3 |
Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển ngành, vùng, lãnh thổ. |
Trên 100 tỷ đồng |
|
Nhóm B |
|
4 |
Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển ngành, vùng, lãnh thổ. |
Trên 20 tỷ đồng đến 100 tỷ đồng |
|
Nhóm C |
|
5 |
Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nhằm thiết lập mới, mở rộng hoặc nâng cấp hạ tầng kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu phục vụ phát triển ngành, vùng, lãnh thổ. |
Từ 20 tỷ đồng trở xuống |
PHỤ LỤC II
MẪU TỜ TRÌNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)
Cơ quan trình |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:. . . . . |
. . . . , ngày. . . tháng. . . .năm. . . . . |
TỜ TRÌNH THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT DỰ ÁN
(Tên dự án). . .
Kính gửi: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Căn cứ Nghị định số …/2009/NĐ-CP ngày …/…/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
Các căn cứ pháp lý khác có liên quan;
Chủ đầu tư trình thẩm định, phê duyệt dự án … (Tên dự án) … với các nội dung chính sau:
1. Tên dự án:
2. Chủ đầu tư:
3. Tổ chức tư vấn lập dự án:
4. Mục tiêu đầu tư:
5. Nội dung và quy mô đầu tư:
6. Địa điểm đầu tư:
7. Thiết kế sơ bộ:
8. Thiết bị chính, phụ:
9. Tổng mức đầu tư của dự án:
Tổng cộng:
Trong đó:
- Chi phí xây lắp:
- Chi phí thiết bị:
- Chi phí quản lý dự án:
- Chi phí tư vấn đầu tư:
- Chi phí khác:
- Chi phí dự phòng:
10. Nguồn vốn đầu tư:
11. Hình thức quản lý dự án:
12. Thời gian thực hiện dự án:
13. Các nội dung khác:
Nơi nhận: |
Chủ đầu tư |
PHỤ LỤC III
MẪU BIÊN BẢN NGHIỆM THU KẾT QUẢ KHẢO SÁT
(Ban hành kèm theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------------
. . . . , ngày. . . .tháng. . . .năm. . . . .
BIÊN BẢN NGHIỆM THU KẾT QUẢ KHẢO SÁT
Dự án:. . . . . .(tên dự án). . . . . .
Số:. . . . . . .
1. Đối tượng nghiệm thu: (ghi tên công việc khảo sát, bước thiết kế)
2. Thành phần trực tiếp nghiệm thu:
a) Chủ đầu tư : (ghi tên tổ chức, cá nhân)
- Họ và tên, chức vụ người đại diện theo pháp Luật:. . . . . . . . . . . . . . . . . .
b) Tổ chức, cá nhân giám sát khảo sát, nếu có: (ghi tên tổ chức, cá nhân)
- Họ và tên, chức vụ người đại diện theo pháp Luật:. . . . . . . . . . . . . . . . . .
c) Tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát: (ghi tên tổ chức, cá nhân)
- Họ và tên, chức vụ người đại diện theo pháp Luật:. . . . . . . . . . . . . . . . .
- Họ và tên, chức vụ chủ trì khảo sát:. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
3. Thời gian nghiệm thu:
Bắt đầu:. . ……. . . ngày. . . …. tháng. . .. .năm. . . . . . .
Kết thúc: . . …... . . ngày. . .... .. tháng. .. . .năm. . . . . . .
Tại: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . ... . . . . . . .
4. Đánh giá báo cáo kết quả khảo sát:
a) Về chất lượng công tác khảo sát (đối chiếu với nhiệm vụ khảo sát);
b) Về quy mô và phạm vi khảo sát (đối chiếu theo hợp đồng giao nhận thầu);
c) Về số lượng, hình thức báo cáo kết quả khảo sát;
d) Các vấn đề khác, nếu có.
5. Kết luận:
- Chấp nhận hay không chấp nhận nghiệm thu kết quả khảo sát.
- Yêu cầu bổ sung, hoàn chỉnh và các kiến nghị khác, nếu có.
ĐẠI DIỆN TỔ CHỨC, CÁ NHÂN THỰC HIỆN KHẢO SÁT |
CHỦ ĐẦU TƯ
|
CHỦ TRÌ KHẢO SÁT |
TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GIÁM SÁT KHẢO SÁT |
Hồ sơ nghiệm thu kết quả khảo sát gồm:
- Biên bản nghiệm thu và các phụ lục kèm theo biên bản, nếu có;
- Các tài liệu làm căn cứ để nghiệm thu.
PHỤ LỤC IV
MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT DỰ ÁN ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
(Ban hành kèm theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)
Cơ quan phê duyệt |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số:. . . . . |
. . . . , ngày. . . tháng. . . .năm. . . . . |
QUYẾT ĐỊNH CỦA . . . .
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN (Tên dự án) . . .
(TÊN CÁ NHÂN/CƠ QUAN PHÊ DUYỆT)
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của. . . . .;
Căn cứ Nghị định số. . . /2009/NĐ-CP ngày …/…/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước;
Các căn cứ pháp lý khác có liên quan;
Xét đề nghị của. . . . . tại tờ trình số. . . . . . .ngày. . . /. . . /. . . . và báo cáo kết quả thẩm định của. . . . .
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt . . . (Tên dự án). . . với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án:
2. Chủ đầu tư:
3. Tổ chức tư vấn lập dự án:
4. Mục tiêu đầu tư:
5. Nội dung và quy mô đầu tư:
6. Địa điểm đầu tư:
7. Thiết kế sơ bộ:
a) Giải pháp thiết kế sơ bộ cần tuân thủ:
b) Giải pháp thiết kế sơ bộ cho phép chủ đầu tư được thay đổi trong bước thiết kế tiếp theo:
8. Thiết bị chính, phụ:
9. Khái toán tổng mức đầu tư của dự án:
Tổng cộng:
Trong đó:
- Chi phí xây lắp:
- Chi phí thiết bị:
- Chi phí quản lý dự án:
- Chi phí tư vấn đầu tư:
- Chi phí khác:
- Chi phí dự phòng:
10. Nguồn vốn đầu tư:
11. Hình thức quản lý dự án:
12. Thời gian thực hiện dự án:
13. Kế hoạch đấu thầu (nếu có):
14. Các nội dung khác:
Điều 2. Tổ chức thực hiện.
Điều 3. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan thi hành quyết định.
Nơi nhận: |
Cơ quan phê duyệt (Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu) |
PHỤ LỤC V
MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA HIỆN TRƯỜNG SỰ CỐ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ)
Chủ đầu tư/Chủ quản lý, sử dụng |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
. . . . , ngày. . . . tháng. . . . năm. . . . |
BIÊN BẢN KIỂM TRA HIỆN TRƯỜNG SỰ CỐ HỆ THỐNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN
Dự án:. . . .(Tên dự án). . . .
1. Hạng Mục xảy ra sự cố:. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
2. Địa điểm đầu tư:. . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
3. Biên bản kiểm tra hiện trường sự cố được lập với các nội dung sau:
a) Thời điểm xảy ra sự cố: . . .giờ. . . ngày. . . .tháng. . . .năm. . . . .
b) Mô tả sơ bộ về sự cố, tình trạng khi xảy ra sự cố. . . . . . . . . . . . . . . . .
c) Sơ bộ về tình hình thiệt hại về người, về vật chất. . . . . . . . . . . . . . . . .
d) Sơ bộ về nguyên nhân sự cố (nếu có). . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
|
NGƯỜI LẬP BIÊN BẢN |
Ghi chú:
a) Chủ đầu tư lập báo cáo sự cố xảy ra tại hiện trường đang triển khai đầu tư;
b) Chủ quản lý, sử dụng lập báo cáo xảy ra tại hiện trường đang sử dụng, vận hành, khai thác.
Các thành phần tham gia lập biên bản, gồm:
- Nhà thầu thi công: (người đại diện theo pháp Luật ký tên, đóng dấu)
- Nhà thầu thiết kế thi công: (người đại diện theo pháp Luật ký tên, đóng dấu)
- Giám sát thi công: (người đại diện theo pháp Luật ký tên, đóng dấu)
- Các thành phần khác, nếu có.
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: 102/2009/ND-CP |
Hanoi, November 06, 2009 |
ON MANAGEMENT OF INVESTMENT IN APPLICATION OF INFORMATION TECHNOLOGY WITH FUNDS FROM STATE BUDGET
THE GOVERNMENT
Pursuant to the Law on organizing the Government dated December 25, 2001;
Pursuant to the Law on state budget dated December 16, 2002;
Pursuant to the Law on information technology dated June 29, 2006;
At the request of the Minister of Information and Communications,
DECREES:
Article 1. Scope and regulated entities
1. Scope of regulation:
This Decree provides for the management and performance of the investment in application of information technology to:
a) Projects on the application of information technology (referred to as IT application) with funds from state budget that are managed by the Ministries, Ministerial-level agencies, Government agencies, political organizations, sociopolitical organizations, social organizations, socio-professional organizations (as regulated in the Law on stage budget), relevant authorities of provinces or central-affiliated cities (referred to as provincial authorities), relevant authorities of districts, towns or provincial cities (referred to as district authorities) and communal authorities;
b) Projects on IT application with funds from stage budget (referred to state-funded projects on IT application) that support state-owned enterprises or funds managed by state-owned economic groups, state-owned corporations, independent state-owned companies and other assets management companies (as regulated in the Law on stage budget);
c) Projects on IT application with the combination of different sources of capital, in which funds from state budget holds 30% or more, or holds the main proportion in total investment of relevant project;
d) Parts of IT application with funds from state budget in construction investment projects and non-construction investment projects which are managed as an independent project on IT application as regulated in this Decree;
dd) State-funded projects on IT application that belong to the national secret shall not apply this Decree;
e) As for state-funded projects on IT application with capital recovery, the main investors shall recover and return the investment capital;
g) As for the projects on IT application with funds from the Official Development Assistance (referred to as ODA), the main investors shall comply with credit agreements and relevant international treaties to which Vietnam is a signatory, and current regulations on management and use of ODA;
h) As for state-funded projects on IT application of Vietnamese agencies in foreign countries, the establishment of relevant project shall comply with this Decree; the appraisal, making decision on investment and management of relevant project shall comply with the Government's specific decision made on the grounds of proposal and suggestion of the project agency;
i) As for state-funded IT application without the establishment of project, funds from state budget shall be used on the grounds of outline and detailed estimate that are appraised and approved by the competent official.
Establishment of the outline and detailed estimate shall comply with regulations of the Ministry of Information and Communications and those of the Ministry of Finance.
2. This Joint Circular applies to:
This Decree is applicable to Entities engaging in investment in IT application with funds from state budget.
Entities engaging in investment in IT application with other sources of capital are encouraged to apply this Decree.
Article 2. Interpretation of terms
In this Circular, these terms are construed as follows:
1. “Project on IT application” refers to the set of proposals concerning investments in new construction, expansion or upgradation of infrastructure, software and database systems for the purpose of improving speed and operational efficiency, and increasing service quality within at least one IT development life-cycle.
2. “Commercial software” includes system software, application software, utility software, software development tool and embedded software. Commercial software is fully developed, trademarked and produced in large quantity for commercialization.
3. “Internal-use software” is developed, upgraded and modified according to specific requirements of an organization or software user for the purpose of meeting peculiar requirements of such organization and used internally in such organization.
4. “Open-source software – OSS" is software with its source code provided by the copyright holder. The users shall not pay for copyright of source code.
5. “Software development” refers to processing and production of software according to orders for the purpose of meeting demand for internal use or for commercialization.
6. “Software modification” is to innovate and increase its existing efficiency for the purpose of optimizing its capacity for processing users’ requirements.
7. “Software upgrading” refers to the modification of software by improving its existing functions and processing capacity for the purpose of meeting certain additional requirements of users.
8. “Problem” refers failures and breakdowns (of hardware and/or software) that cause the system unreliable, operating problems or irregular operation.
9. “Investment decision makers” are legal representatives of state organizations or agencies, or state-owned economic groups, state-owned corporations or independent state-owned companies as regulated in Article 5 and Article 6 of this Decree.
10. “Main investors” are assigned to manage and use the funds from the state budget for making investment in IT application.
11. “Total investment” is the total costs estimated for performing the investment which is specified in the decision on making investment and used by the main investor for making planning and management of capital during the investment performance.
12. “Total cost estimate” is the sum of necessary costs concerning the investment (costs for preparing, performing and finishing the investment, and other related costs of the project on IT application). Total cost estimate shall not exceed total approved investment capital.
13. “Preliminary design” includes notes and diagrams of arranging infrastructure system, and other contents for ensuring sufficient performance of design plan. Preliminary design may include one or many works of IT application. Preliminary design in the approved project is used as the ground for establishment and approval for construction design.
14. “Construction design” is a document shown by notes, drawings, description of designed contents and other technical requirements. Construction design is developed on the grounds of preliminary design and approved contents of project.
15. “Designer's supervision" refers to inspection, explanation or settlement of difficulties, changes and arisen problems for the purpose of ensuring the construction, installation, adjustment of materials, IT equipment and commercial software, or development, upgrading and modification of internal-use software and database in conformity with construction design, and protecting the copyright of the consultants in construction design.
16. “Construction supervision” refers to the regular, consecutive and systematic inspection of construction supervisor for the purpose of managing workload, quality and progress of the construction, installation, adjustment of materials, IT equipment and commercial software, or development, upgrading and modification of internal-use software and database which are performed by the contractor according to contract, approved construction design, List of technical standards in information technology sector and requirements on applied solutions for IT application. Contents of construction supervision shall comply with guidance of the Ministry of Information and Communications.
17. “As-built drawing” is a drawing that reflects results of construction and installation of infrastructure and is made by successful contractor on the grounds of approved construction design and results of measurement and verification of performed products at site with the main investor’s confirmation.
18. “Chief surveyor” is the person who directly organizes and performs the survey tasks and survey plans, prepares survey reports, and assumes the prime responsibility for survey results and survey plans.
19. “Preliminary design chief” is the person who directly organizes and performs the duties of preliminary design and assumes the prime responsibility for contents and quality of preliminary design.
20. “Construction design chief” is the person who directly organizes and performs the duties of construction design, makes cost estimate and total cost estimate, and assumes the prime responsibility for contents and quality of construction design, cost estimate and total cost estimate.
21. “On-site commander” represents the successful contractor to execute rights and obligations of the contractor at the construction site, directly manages and assumes responsibility for the construction and installation of IT infrastructure.
Article 3. Procedures for investment in IT application
1. Procedures for investment in project on IT application include the three following phases:
a) Investment preparation;
b) Investment performance;
c) Finalization of investment and transfer.
2. Works contained in the preparation and finalization of investment may be carried out in order or overlapped, or alternatively performed according to specific conditions of each project, and the determination of the investment decision maker.
Article 4. Classification of projects
1. Based on features of each project and investment scale, the state-funded project on IT application shall be classified into the following groups: national important project, group A, group B or group C for management. Specific characteristics of each group are regulated in Annex I of this Decree.
2. With regard to the national important project or group-A project that has many component projects or sub-projects, in which, if each component project or sub-project can be independently operated, exploited or performed according to the phasing of investment which is specified in decision on investment policies of the competent authorities, such component project or sub-project shall be performed as an independent project on IT application from its phase of investment preparation.
Article 5. Authority to make decision on investment in project on IT application
1. The Prime Minister makes decision on investment in national important projects on IT application whose investment policies have been approved by the National Assembly.
2. Ministers, Heads of ministerial-level agencies, Government agencies, financial agencies of the Central Committee of the Communist Party, central agencies of sociopolitical organizations, political organizations, social organizations, socio-professional organizations, state-owned corporations, state-owned economic groups, independent state-owned companies (as regulated in the Law on stage budget), and Presidents of provincial people’s committees make decisions on investment in group-A, group-B and group-C projects on IT application which have been regulated in the approved plan for IT application or have been granted with decision on investment policies.
If group-A project is not regulated in the approval plan for IT application or decision on investment policy is not yet granted to group-A project, the investment policy for such project must be considered and approved by the Prime Minister before such project is established. Consideration of investment policy shall comply with the Government's working regulations.
If group-B or group-C projects are not regulated in the approval plan for IT application, decision on investment policy for relevant project must be granted by the investment decision maker before such project is established.
3. With regard to state-owned companies whose establishment decisions have been granted by the Prime Minister (state-owned corporations and state-owned economic groups), the Management Board of relevant state-owned corporation or state-owned economic group may authorize directors of its subsidiary companies to make decisions on investment in group-C projects on IT application.
4. The investment decision maker is entitled to authorize the persons regulated in Clause 5 of this Article to make decisions on investment in group-B and group-C projects on IT application depending on specific conditions of each ministry, regulatory body or local government. The investment decision maker shall assume responsibility before the law for his authorization. The authorized person must bear responsibility before the law and the authorizer for his decisions.
5. Persons who are authorized to make decisions on investment:
a) Ministry level:
Directors general of ministry’s general departments, directors of ministry’s departments, Chairpersons of the management boards of state-owned corporations and state-owned economic groups, Directors of ministry-affiliated state-owned enterprises and heads of ministry-affiliated agencies and units;
b) Provincial level:
Directors of services, Presidents of the people’s committees of districts, towns and provincial cities (referred to district people’s committees), Chairpersons of the management boards of state-owned corporations, Directors of province-affiliated state-owned enterprises and heads of provincial people committee-affiliated agencies;
Presidents of the people’s committees of districts or communes can make decisions on investment in projects within their local budgets (including funds supplemented by higher-level budgets) with total investment up to VND 05 billion (as for district-level projects) and VND 03 billion (as for commune-level projects) depending on specific conditions of each district or commune and as decided by provincial people's committee on the grounds of the approved plan for IT application of such province and capacity of authorized persons.
6. Contents of decision on approval for project on IT application shall comply with the form stated in Annex IV of this Decree.
Article 6. Main investor of project on IT application
1. The main investor of state-funded project on IT application is designated by the investment decision maker before such project is established in conformity with the Law on state budget.
a) As for the project on IT application in which the investment is decided by the Prime Minister, the main investor of such project is one of the following authorities: Ministries, Ministerial-level agencies, Government agencies, political organizations, sociopolitical organizations, social organizations, socio-professional organizations (referred to as ministerial-level agencies), the people’s committees of provinces or central-affiliated cities (referred to as provincial authorities);
b) As for the projects on IT application in which the investment is decided by Ministers, heads of Ministerial-level agencies or Presidents of people’s committees at all levels, the person making decision on investment in relevant project shall assign the manager and user of project's products to act as the main investor;
In case the manager and user of project’s products cannot meet requirements on organization, personnel, period and other necessary requirements to perform duties and powers of the main investor or manager and user of project’s products are not yet determined, the investment decision maker shall select a qualified unit to act as the main investor of such project.
2. With regard to the project on IT application with combination of sources of capital, the main investor of such project shall be appointed via the capital contributors’ agreement or the main investor shall be the representative of the holder of highest percentage of contributed capital.
Article 7. Consulting unit in investment in IT application
1. Consulting unit in investment in IT application is a professional organization of business sectors that has legal entity, has obtained a valid business registration certificate (or valid establishment decision if the organization did not apply for business registration certificate) and carries out consulting services in investment in IT application as regulated by the laws.
2. Consulting contents in investment in IT application:
a) Provide information about legislative documents and policies for investment in IT application; survey, preparation and management of project on IT application; preliminary design and construction design; preparation of bidding documents; supervision; selection of qualified contractor; provide consulting services in IT application and performance of other relevant IT services;
b) A consulting unit in investment in IT application can enter into contract with another consulting unit in investment in IT application for performing a part of consulting duties if such cooperation is approved by the main investor.
3. Responsibilities of consulting units in investment in IT application:
a) Requirements on capacity must be satisfied as regulated in this Decree and relevant legislative documents;
b) The consulting unit must bear responsibility before the law and the main investor for all contents stated in the consulting contract, especially economic and technical contents defined in its consulting products. The consulting unit must compensate for damages (if any);
c) In case the investment in IT application needs consultancy of foreign consultants, domestic consulting unit is entitled to set up joint venture, associate or contract foreign consultants to carry out consulting services in investment in IT application;
d) Consulting products specifying selection of usable materials or technical materials and equipment which are provided by a specific producer or supplier and requirements on brands and origin of producer are strictly prohibited;
In certain special cases, if brands or catalogues of a specific producer, or technical materials and equipment originated from a specific country must be specified for reference or illustration of relevant types of materials or technical materials and equipment, the phrase “or equivalent” must be specified after the stated brands, catalogues or origin and the concept of equivalency that refers to products having similar technical specifications and equivalent usable features must be specified.
Article 8. List of technical standards in information technology sector
1. List of technical standards in information technology sector includes Technical standards in information technology sector and basic requirements on functions and technical features of IT products.
2. The Ministry of Information and Communications shall periodically announce the list of technical standards in information technology sector to use as the grounds for management of investment in IT application with funds from state budget.
Concerned ministries shall base on the list of technical standards in information technology sector to establish and announce certain requirements on solutions for IT application in their managing sectors.
3. In case Technical standards in information technology sector of Vietnam are not yet announced or have been inadequately announced, international technical standards shall apply provided that such international technical standards must be in conformity with basic requirements on functions and technical features of IT products which are periodically announced by the Ministry of Information and Communications.
Article 9. Community supervision of investment in IT application
The main investor of project on IT application must publicly announce purposes and contents of activities, project scale and organizational structure of the project management unit (or consulting unit in project management) to political organizations, social organizations, local authorities and local elective bodies for the purpose of courting the community supervision during the investment performance.
Article 10. Supervision and appraisal of investment in IT application
1. Supervision and appraisal of investment in IT application are to monitor, inspect and determine the fulfillment of investment requirements. Such supervision and appraisal of investment in IT application shall be carried out by the competent state authorities to implement state management of information technology and ensure that the efficiency of such investment shall be achieved in consistent with objectives and plans for IT application of regulatory bodies and local government and those of each project.
2. State-funded projects on IT application must be under periodical supervision and appraisal of investment.
3. Supervision and appraisal of investment:
a) The project management board (or consulting unit in project management) shall regularly monitor, inspect and determine the fulfillment of investment requirements;
b) The main investor shall direct, expedite and facilitate the project management board (or consulting unit in project management) in carrying out inspection and appraisal of each project. All difficulties must be promptly reported to the competent authorities for settlement;
c) Managing agencies shall follow the performance of programs and projects within their authorities; response to the main investors in a sufficient and timely manner; analyze list of programs and projects to determine the level of performance;
d) Managing agencies shall consider the appraisal results of investment made by relevant main investors within their authorities. Governing bodies can cooperate with relevant authorities to carry out unscheduled appraisal of projects;
dd) The Ministry of Information and Communications shall take the prime responsibility and cooperate with the Ministry of Planning and Investment to carry out the supervision and appraisal of capability for management and performance of projects on IT application at the managing agencies and carry out national-scale supervision and appraisal of investment in projects on IT application;
e) The Ministry of Planning and Investment shall take the prime responsibility and cooperate with the Ministry of Information and Communications to set up and summarize norms of periodical statistics on investment in IT application for reflecting in the national statistical data system on socio-economic development.
4. Reports on supervision and appraisal of investment:
a) During the project performance, the project management board (or consulting unit in project management) must prepare and send the reports stated in the following parts to the main investor in order that the main investor submits to the managing agencies and relevant authorities:
- Monthly reports must be submitted within 10 days as of the ending day of relevant month (only project on IT application which is approved by the Prime Minister applies this report policy);
- Semi-annual reports must be submitted by July 15th of relevant fiscal year;
- Annual reports must be submitted by January 01st of the following year;
- Reports on investment finalization must be submitted within 6 months as of the finishing date of project;
b) The Ministry of Information and Communications shall take the prime responsibility and cooperate with the Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance and relevant authorities to guide report policies and forms of supervision and appraisal of investment in IT application; supervise the compliance with report policies of relevant authorities and submit periodical reports to the Prime Minister on the performance of supervision and appraisal of investment in IT application.
Article 11. Contents of investment preparation
Contents of investment preparation include:
1. Carry out research on necessity of the investment and investment scale.
2. Consider capacity for resources of equipment, sources of investment capacity and select form of investment.
3. Carry out investment and survey for establishing the project and select investment location.
4. Establish project on IT application.
5. Send project documents and relevant papers to the person who is authorized to make decision on investment and project appraisal unit.
Article 12. Establishment of survey tasks and organization of survey
1. Survey tasks must be approved by the main investor and in conformity with requirements on each type of survey job.
2. Survey tasks include the following main contents:
a) Survey purposes;
b) Survey scope;
c) Expected types of survey job;
d) Survey technical standards to be applied;
dd) Estimated period of survey.
3. If the requirements on capacity for survey are not satisfied, the main investor can contract qualified surveyors to establish the survey tasks and perform the survey. Each survey task is performed by a chief surveyor. Survey costs shall be aggregated in the investment consultancy costs of total investment.
Article 13. Contents of reports on survey results
1. Contents of reports on survey results include:
a) Survey tasks;
b) Investment features and scale;
c) Position and current conditions of surveyed area (as for installation of equipment and related accessories);
d) Description of users’ requirements (as for internal-use software);
dd) Applied survey technical standards;
e) Workload of field survey;
g) Procedures, methods and equipment (if any) used in the survey;
h) Appraisal of reliability of survey results;
i) Proposal for technical – technological solutions (if any) used in preliminary design or construction design (in case of additional survey);
k) Conclusion and recommendations (if any);
l) Survey diaries;
m) Relevant annexes illustrating survey results (if any).
2. Reports on survey results during the investment preparation must be checked and approved by the main investor. Such reports on survey results shall be used as grounds for establishment of project preliminary design.
3. Reports on additional survey results during the investment performance must be checked and approved by the main investor. Such reports on additional survey results shall be used as grounds for establishment or making amendments to construction design or project preliminary design.
4. Organizations and individuals establishing the survey tasks, performing the survey and directing the survey shall bear responsibility before the main investor and the law for quality on their undertaking works; compensate for damages if they did not comply with approved survey tasks or they have acts of violation causing damages.
Article 14. Survey supervision
1. Responsibility for survey supervision:
The Main investor shall supervise construction survey on a regular and systematic basis, from commencement till completion of such survey. If the requirements on capacity for survey are not satisfied, the main investor may contract qualified consultants to supervise such survey. Costs for supervising the survey shall be aggregated in the investment consultancy costs of total investment.
2. Contents of survey supervision carried out by the main investor include:
a) Examine requirements on capacity of organization or individual carrying out the survey, chief surveyors, equipment and machineries used in the survey (if any);
b) Monitor and examine the survey site, survey workload and the performance of survey according to approved survey tasks.
Monitoring and supervising results must be recorded in survey diaries of relevant surveying unit;
c) Monitor and request the surveying unit and chief surveyors to comply with the following requirements:
- Protect environment in accordance with state current regulations on noise and wastes;
- Protect infrastructure and equipment installed in survey area or survey site (if any). In case damage occurs, the surveying unit and chief surveyors must compensate for such damage;
- Keep secret of information technology system (if any).
Article 15. Acceptance of survey results
1. Grounds for acceptance of survey results include:
a) Surveying contract;
b) Approved survey tasks;
c) Applied survey technical standards;
d) Reports on survey results;
2. Contents of acceptance of survey results include:
a) Evaluate the quality of the survey against the survey tasks and the applied survey technical standards;
b) Check the reports on survey results in terms of their presentation and quantity;
c) Carry out the acceptance of the survey workload already performed under the signed surveying contract. Where the survey results are obtained in accordance with the surveying contract but fail to satisfy the investment objectives set by the main investor, the main investor must still pay for the workload already accepted in accordance with the contract.
3. Results of acceptance of survey results must be recorded in writing with the form stated in Annex III of this Decree.
Article 16. Establishment of project on IT application
1. The main investor shall establish feasible project on IT application, feasibility study report or investment report and bear responsibility for contents stated in the project documents.
The main investor may contract qualified organizations and individuals to establish the project. Project establishment costs shall be aggregated in the investment consultancy costs of total investment. Where the project is established in accordance with the signed contract but fail to satisfy the objectives set by the main investor, the main investor must still pay for the workload already accepted in accordance with the contract.
2. Preliminary design is a part of the project on IT application. Each preliminary design must be performed by a qualified preliminary design chief (if the project is established by individual, such individual shall also perform the role of a preliminary design chief).
3. As for national important projects and group-A projects, relevant main investors must establish feasible projects on IT application.
4. As for group-B and group-C projects, relevant main investors shall establish feasibility study reports. Only investment report is established if total investment of group-C project is up to VND 3 billion.
Maximum period for establishment of group-B project is 05 months and that of group-C project is 03 months since the project main investor is defined.
As for group-B and group-C projects on IT application, the investment decision maker must ensure the balance of investment capital for project performance within 2 years if relevant project is classified in group C and 4 years if relevant project is classified in group B.
5. Administrative capital in the budget estimates of administrative agencies is used for making investment in upgrading and expansion of existing capacity of IT application (including investment in new works of IT application of existing system of relevant administrative agency).
If the sum of administrative capital used for making investment in upgrading and expansion of existing capacity of IT application is VND 03 billion or more, investment procedures must be performed as regulated in this Decree.
Article 17. Contents of feasible project on IT application whose investment is decided by the Prime Minister
1. The necessity of investment, advantages and difficulties.
2. Selection of main investor and form of investment.
3. Expected investment scale: requirements on technological and technical factors; Forecast of investment location (including documents concerning the selection of investment location)
4. Scale of equipment installation.
5. Analysis and preliminary selection of technologies and techniques; preliminary design of selected plan; requirements on provision of materials, equipment, services, infrastructure, fire prevention and fighting and operational safety, guarantee of security and national defense.
6. Preliminary determination of total investment, sources of capital, period for project performance, socio-economic efficiency and phasing of investment (if any); and plan for investment capital return (as for project with recovery of investment capital).
7. Determination of the operational independence of investment works or component projects (if any).
8. Primary periods for investment performance.
9. Proposal for applicable methods of project management.
If project is established for acquisition of equipment without installation, contents of feasible project on IT application shall only include clauses 1, 2, 5, 6, 8 and 9 of this Article.
Article 18. Procedures for approval for feasible project on IT application whose investment is decided by the Prime Minister
1. The main investor shall submit the feasible project on IT application to the Ministry of Information and Communications. The Ministry of Information and Communications shall support the Prime Minister to take suggestions from relevant ministries, regulatory bodies and local governments, summarize such suggestions and submit general proposal to the Prime Minister.
2. Period for taking suggestions:
Within 05 working days as of the receiving date of valid feasible project on IT application, the Ministry of Information and Communications sends written requests for taking suggestions to relevant ministries, regulatory bodies and local governments.
Within 15 working days as of the receiving date of written requests for taking suggestions, relevant requested authorities must response via written suggestions about contents within their managing authority. Within 7 working days as of the receiving date of written suggestions according to the aforesaid period, the Ministry of Information and Communications shall prepare and send reports to the Prime Minister.
3. Reports submitted to the Prime Minister include:
Summarize contents of feasible project on IT application, summarize suggestions of relevant ministries and regulatory bodies, and submit general proposal concerning approval for relevant project and written suggestions of relevant ministries, regulatory bodies and local governments.
Article 19. Contents of feasibility study report and application for approval
1. Contents of feasibility study report:
a) The necessity of investment and investment objectives;
b) Selection of main investor and form of investment;
c) Expected investment scale: technical requirements on primary and auxiliary investment works; Forecast of investment location (including documents concerning the selection of investment location);
d) Scale of equipment installation;
dd) Analysis on selection of technical and technological plans;
e) Preliminary design of selected plans;
g) Requirements on provision of materials, equipment, services, infrastructure, fire prevention and fighting and operational safety, guarantee of security and national defense;
h) Sources of capital, financial capacity, total investment and demand for capital according to project progress; Plan for investment capital return (as for project with recovery of investment capital); Project management costs during the project performance;
i) Analysis on investment efficiency;
k) Primary periods for investment performance;
l) Proposal for applicable methods of project management;
m) Relation and responsibilities of project-related authorities.
If project is established for acquisition of equipment without installation, contents of feasibility study report shall only include Points a, b, d, e, g, h, i, k and l, Clause 1 of this Article.
2. The application for approval includes:
a) The application for appraisal and approval for project using the form stated in Annex II of this Decree;
b) The feasibility study report stated in Clause 1 of this Article;
c) Appraisal documents of the units in charge of appraising project;
d) Written suggestions of relevant authorities (if any).
Article 20. Contents of investment report and application for approval
1. Contents of investment report
a) Legal grounds and the necessity of investment (legal grounds and brief explanation about reasons of required investment);
b) Name of project and form of investment (new establishment, upgrading, expansion or maintenance should be specified);
c) The main investor (name of the entity that is selected as the main investor);
d) Investment location: forecast of the investment location (including documents concerning the selection of investment location);
dd) Expected investment scale: scale of equipment installation and technical requirements on primary and auxiliary works;
e) Preliminary design of selected plans;
g) Preliminary determination of total investment;
h) Sources of capital; Project management costs during the project performance;
i) Plan for investment capital return (as for project with recovery of investment capital);
k) Time of starting the construction and period for finishing the project;
l) Methods of operational safety, fire prevention and fighting.
2. The application for approval includes:
a) The application for appraisal and approval for project using the form stated in Annex II of this Decree;
b) The investment report stated in Clause 1 of this Article;
c) Appraisal documents of the units in charges of carrying out the appraisal;
d) Written suggestions of relevant authorities (if any).
Article 21. Contents of preliminary design
1. Requirements on preliminary design:
a) Comply with applied standards and regulations;
b) Include the primary infrastructure parameters;
c) Ensure determination of total investment.
2. Contents of preliminary design include:
a) Notes of preliminary design:
- Brief introduction to the required contents of design tasks;
- List of applied technical regulations and standards;
- Requirements on the project infrastructure;
- Technical and technological plans, and external connection plans;
- Preliminary workload of the construction, and amount of materials, primary equipment and commercial software; description of technical requirements of internal-use software;
- Essential matters of technical and technological plans;
b) Drawings:
- Documents concerning current conditions of the infrastructure and other conditions;
- Installation drawings of the project infrastructure and external connection works.
Article 22. Description of technical requirements of internal-use software
1. Requirements: The requirements on determination of value of the internal-use software must be satisfied.
2. Description of technical requirements of internal-use software:
a) Name of the internal-use software;
b) Primary parameters:
- Computerized specialized procedures (the organization and operation of procedures, products of specialized process and processing protocols of specialized procedures);
- Actors in specialized procedures and their connection (human, human resources, products and equipment for professional processing and other supporting elements);
- List of essential functional requirements of such software and non-functional requirements (constraints on software system: environmental constraints and dependence on base system);
- The arrangement table of order of priority of functional requirements of such software (mandatory functions, desired functions and optional functions);
- Graph of use-cases made by the Unified Modeling Language (UML) on the grounds of the groups of functions stated in the arrangement table of order of priority of software functional requirements;
c) Non-functional requirements:
- Requirements on database (if database is required);
- Requirements on security (specify used security standards, model for inspecting, verifying and keeping secret of data);
- Visual and technical requirements of application program interface;
- Requirements on processing period and complication of software functions;
- Requirements on constraints on logical processing in input (or conversion) of data by means of textareas provided by the application program interface;
- Requirements on installation, infrastructure, transmission line, operating and using safety;
- Other non-functional requirements;
d) Requirements on capacity of technicians who participate in software development, upgrading and modification;
dd) Requirements on environment for software development, upgrading and modification;
e) Requirements on technical complexity factor (TCF) of the software.
Article 23. Determination of the value of internal-use software
1. The value of internal-use software shall be determined on the grounds of technical requirements as regulated in Article 22 of this Decree.
2. Procedures for determination:
a) Determination of actor weights;
b) Determination of use case points;
c) Calculation of technical complexity factor (TCF);
d) Calculation of environment factor (EF) for software development, upgrading and modification;
dd) Estimation of effort for software development, upgrading and modification;
e) Interpolation-based evaluation of experience, and interpolation of working performance in software development, upgrading and modification;
g) Determination of average wages for participants in software development, upgrading and modification;
h) Determination of the value of software on the basis of Points a, b, c, d, dd, e, g Clause 2 of this Article.
3. Contents of documents used for determination of software value and methods for determining the value of internal-use software shall comply with guidance of the Ministry of Information and Communications.
Article 24. Compulsory use or upgrading and modification of available software that has equivalent functions and technical specifications
1. In case there is software in the list of available software (which have been developed with funds from state budget) that has functions and technical specifications equivalent to the expected internal-use software, the entity having demand for the internal-use software must request the agency or organization that is assigned to manage available software to provide such available software to:
a) Use immediately if such available software has equivalent functions and technical specifications, and can meet demand of the user;
b) Upgrade and modify such available software according to the user's needs if the cost for upgrading and modifying such available software is cheaper than that for developing a new software.
2. If the expected internal-use software has functions and technical specifications equivalent to the commercial software traded in the market, the entity having demand for the internal-use software must buy the copyright of such commercial software in order to:
a) Use immediately if such commercial software’s functions and technical specifications can meet demand of the user and the copyright cost is lower than the cost for developing a new software;
b) Upgrade and modify such commercial software according to the user's needs if:
- Such commercial software can be upgraded and modified without asking for the permission of the copyright holder; and
- Total cost for buying the copyright, upgrading and modifying such software is lower than the cost for developing new software.
3. Upgraded and modified contents of available software (including: internal-use software, commercial software and open-source software) must include technical requirements as regulated in Article 22 of this Decree.
4. Determination of software that has equivalent functions and technical specifications shall comply with guidance of the Ministry of Information and Communications.
Article 25. Applying exclusive creation solutions to develop internal-use software
1. While carrying out the research on the necessity of investment, after the survey on domestic and international market has been carried out, if a special creation solution or an exclusive creation solution provided by the only contractor is required for development of expected internal-use software, the main investor must report to the investment decision maker for granting permission to establish the IT advisory board to determine requirements on such internal-use software.
2. The IT advisory board must include at least three specialists with experience in software development and two specialists in the field of IT application requiring computerization by internal-use software (including foreign specialists, if necessary).
3. Operating costs of the IT advisory board shall be aggregated in the investment consultancy costs of total investment and defined by the investment decision maker at the time that permission for establishment of the IT advisory board is granted as stated in Clause 1 of this Article.
4. The Ministry of Information and Communications shall provide guidance on organization and operation of the IT advisory board as regulated in this Article.
Article 26. Authority to make appraisal of projects on IT application
1. The investment decision maker shall organize the appraisal of the project on IT application before such project is approved.
a) Ministerial-level agencies shall organize the appraisal of projects which are established under their decisions. The unit in charge of organizing the project appraisal is a specialized unit under the authority of the investment decision maker;
b) Provincial people's committees shall organize the appraisal of projects whose investments are performed under their decisions. The unit in charge of organizing the project appraisal is an authorized specialized unit;
c) District people's committees shall organize the appraisal of projects which are established under their decisions. The unit in charge of organizing the project appraisal is a budget managing unit under the authority of the investment decision maker;
d) The people's committees of commune shall organize the appraisal of projects which are established under their decisions according to the powers granted by provincial people's committees. The unit in charge of organizing the project appraisal is the unit in charge of managing the budget plans.
2. The unit in charge of organizing the project appraisal shall send the project documents for taking suggestions about the appraisal of preliminary design of the authorized entities stated in Clause 5 of this Article (except for the case the unit in charge of organizing the project appraisal is also the unit in charge of appraising the preliminary design) and take suggestions about the appraisal of project of relevant agencies. The main investor of project is not allowed to act as the unit in charge of organizing the appraisal of such project.
The unit in charge of organizing the project appraisal may contract qualified entities to provide consultancy to the appraisal of project in case of need. Costs for contracting appraisal consultants shall be extracted from the project appraisal charges.
3. During the course of project appraisal, the unit in charge of organizing the project appraisal is entitled to request the main investor to explain, provide additional documents to clearly explain about the contents of project appraisal as regulated in this Decree and relevant laws.
4. Period for carrying out the appraisal of project (including period for carrying out the appraisal of preliminary design) shall not exceed 60 working days if the project is classified in group A, 30 working days if the project is classified in group B, and 20 working days if the project is classified in group C, as of the receiving date of valid documents. In certain special cases, the period for carrying out the appraisal of project may be extended as permitted by the investment decision maker.
5. Authority to carry out the appraisal of preliminary design:
a) As for national important projects and group-A projects, the Ministry of Information and Communications shall carry out the appraisal of preliminary design;
b) As for the projects in which the investment is decided by the people’s committees of provinces, districts or communes, the Services of Information and Communications shall carry out the appraisal of preliminary designs;
c) As for the projects in which the investment is decided by ministerial-level agencies, state-owned economic groups, state-owned corporations or independent state-owned companies, the IT departments under the authority of the investment decision maker shall carry out the appraisal of preliminary designs;
d) The unit in charge of appraising the preliminary design may contract qualified consultants to provide consultancy to the appraisal of preliminary project in case of need. Costs for contracting appraisal consultants shall be extracted from the project appraisal charges.
6. Period for carrying out the appraisal of preliminary design shall not exceed 30 working days if the project is classified in group A, 15 working days if the project is classified in group B and 10 working days if the project is classified in group C, as of the receiving date of valid documents.
Article 27. Contents of appraisal of projects on IT application
1. The unit in charge of organizing the appraisal of project on IT application shall bear responsibility before the law for contents of reports on appraising results, and submit such reports on appraising results, relevant documents and draft of investment decision to the investment decision maker.
2. Contents of the appraisal of project include:
a) Consider factors for ensuring the efficiency of project, including: the necessity of investment; input factors of project; scale, technology, total investment, period and progress of project performance; analysis on finance and socio-economic efficiency of project;
b) Consider factors for ensuring the project feasibility, including: managing experience of the main investor; appraising results of preliminary design; capacity for investment capital return (if project requires capital recovery); other factors influencing on project such as national defense and security; written suggestions of relevant authorities.
3. Contents of the appraisal of preliminary design:
a) The suitability of preliminary design for technical standards in information technology sector and the suitability of basic requirements on functions and technical specifications for the infrastructure system of ministries, regulatory bodies and local governments; connection and sharing of data with other infrastructure systems;
b) Application of technical – technological standards and regulations, plans for fire prevention and fighting, operational safety and data security;
c) Conditions concerning capacity of the consulting unit and professional capacity of preliminary design chief.
1. Total investment shall be calculated and determined during the establishment of project in conformity with the contents of project and preliminary design.
2. Total investment includes:
a) Construction costs:
- Costs for installing network accessories and building IT network line and other network installation costs;
- Other relevant direct construction costs;
b) Equipment costs:
- Costs for buying IT equipment: Equipment with or without installation, special equipment which is internal-use software, auxiliary equipment and peripheral equipment;
- Costs for buying intangible assets, including system software and commercial software, to set up and standardize database for the purpose of inputting data and carrying out data entry for database, and costs for buying other intangible assets;
- Costs for training for technological transfer;
- Costs for installing equipment, setting up software, inspecting and adjusting equipment and software;
c) Project management costs include necessary costs used by the main investor to organize the management of project;
d) Investment consultancy costs: Costs for carrying out the survey and supervising the survey job; preparing the investment project; carrying out investigation and research on preparation of project, selection of solutions; costs for making preliminary design; construction design and making amendments to construction design; costs for making cost estimate/total cost estimate; costs for preparing documents on the requirements, documents on invitation for pre-qualification, bidding documents and costs for analyzing and assessing such documents for selecting consultancy contractor, construction contractor, general contractor, construction supervisor; determining quota and unit price; preparing cost estimate and total cost estimate; adjusting cost estimate and total cost estimate; costs for consultants in project management; costs for checking quality of materials and equipment; appraising quality of products; technology assessment; converting investment capital; costs for carrying out the investment consultancy and performing other consulting job;
dd) Other costs: fees and charges; insurance premium, costs for transporting equipment and workers; auditing costs; costs for verifying and approving investment capital accounting; costs for scientific and technological research relating to the project; installing and leasing transmission line; fees for registration and maintenance of domain name; and other specific costs;
e) Provision costs for unanticipated workload when the project is established and provision costs against inflation during the performance of project.
3. If such costs are not yet determined or calculated, they shall be temporarily calculated to aggregate in total investment as regulated by the Ministry of Information and Communications and the Ministry of Finance.
Article 29. Establishment of total investment of the project on IT application
1. Total investment of the project shall be determined according to one of the following methods:
a) Total investment may be calculated according to preliminary design of project. In which, the construction costs shall be calculated according to primary load defined in the preliminary design, other estimated loads and prices of materials, equipment and technological services in conformity with the market price; equipment costs shall be calculated according to the amount and categories of suitable equipment for the solutions on IT application, the market prices of equipment and other related elements (if any); other costs shall be determined by preparing cost estimate or provisionally calculated according to its percentage (%) of total construction costs, equipment costs and provision costs; provision costs shall be determined as regulated in Clause 2 of this Article;
b) Total investment may be calculated on the grounds of figures of performed projects on IT application which have equivalent economic and technical targets. If this method is used, figures of equivalent project must be converted into those at the establishing time of such project and costs that have been not yet determined in the total investment must be adjusted.
2. Provisions for unanticipated workload shall be determined on the basis of the total costs regulated in Points a, b, c, d, dd and e, Clause 2, Article 28 of this Decree. Provision costs for inflation shall be calculated on the grounds of the duration of investment period, taking into account of domestic and international price fluctuations.
Article 30. Contents of appraisal of total investment of project on IT application
1. Appraisal of total investment is a content of the appraisal of project on IT application Contents of appraisal of total investment include:
a) The suitability of the method for determination of total investment of project for features, technical specifications, technology and requirements of such project;
b) The sufficiency, reasonableness and suitability of cost items of total investment for their actual requirements;
c) Calculations of efficiency of IT application, risk factors, financial plans, capacity for return of investment capital (if recovery of investment capital is required);
d) Determination of value of total investment for ensuring the efficiency of the investment project.
2. Total investment shall be specified in the investment decision which is approved by the investment decision maker.
Article 31. Adjustment of project on IT application
1. The project on IT application to which the investment decision has been granted shall be adjusted in the following cases:
a) New factors occur and these factors may help the project achieve higher efficiency;
b) In case of force majeure: earthquake, storm, flood, whirlwind, tsunami, landslide; war or danger of war or other force majeure that cause direct influence on the project;
c) The plan for IT application that is adjusted by the competent authorities causes direct influence on the project scale and objectives.
2. If the adjustment of project causes no influence on the investment scale and objectives and is performed within approved total investment, the main investor is allowed to self-carry out the adjustment of project. If the adjustment of project causes change on preliminary design for technical solutions, technology, scale and initial investment objectives or exceeds approved total investment, the main investor must submit reports to the investment decision maker for making consideration and decision. Changed contents must be appraised before decision on adjustment of project is granted.
3. The person who makes decision on adjusting the project must bear responsibility before the law for such decision.
Article 32. Funding for establishment, appraisal or adjustment of project on IT application
1. Funding for establishment, appraisal or adjustment of project on IT application shall be provided by the source of capital of such project.
2. After the appraisal is finished, if the project is not approved, the costs for establishing, appraising or adjusting the project shall be extracted from the administrative funding source of administrative agencies or provided by funds from state budget that been allocated to the main investor for making payments.
3. The Ministry of Information and Communications shall cooperate with the Ministry of Finance to work out the stipulated charges for appraising the investment in IT application.
Article 33. Works during the performance of investment in project on IT application
Works during the investment performance includes:
1. Carry out additional survey (if necessary) for establishing the construction design and cost estimate or total cost estimate.
2. Apply for use of national digital resource and frequency (if agreement on use of national digital resource and frequency is required as regulated by the Government).
3. Carry out establishment and approval for construction design.
4. Carry out establishment and approval for bidding documents/documents on requirements.
5. Select contractor, carry out negotiations on contract with successful contractor and enter into bidding contract.
6. Perform contracts.
7. Inspect the performance of contracts.
8. Manage the project performance.
Selection of contractor to perform the contents stated in this Article shall comply with the investment decision, regulations of the law on bidding and other relevant legislative documents.
Article 34. Additional survey used for establishing construction design of project on IT application
1. The main investor shall consider and make decision on carrying out additional survey for establishment of construction design.
2. Additional survey tasks shall be established according to the contents stated in Clause 2 Article 12 of this Decree.
2. Supervision of additional survey, reports, acceptance of additional survey results shall comply with Clause 2 Article 14 and Clause 2 Article 15 of this Decree.
3. Where the additional survey results are obtained in accordance with the surveying contract but fail to satisfy the investment objectives set by the investor, the investor must still pay for the workload already accepted in accordance with the contract. Additional survey expenses shall be aggregated in investment consultancy costs of total investment and total cost estimate of the project.
Article 35. Construction design
1. The main investor shall carry out the establishment, appraisal and approval for the construction design and total cost estimate. The appraisal and approval for the construction design and total cost estimate shall be carried in one single phase. The appraisal and approval for the construction design is not allowed to separate from those for the total cost estimate. With regard to the projects whose investment decisions are made by the people's committees of communes within the authority granted by the people's committees of higher levels, the construction design and total cost estimate shall be appraised and approved by Services of Information and Communications.
The main investor may enter into contracts with qualified entitles to establish or provide consultancy for carrying out the appraisal of the construction design and cost estimate or total cost estimate on the grounds of specific conditions of each project. At the request of the main investor, the consultancy for appraising the construction design and cost estimate or total cost estimate may be carried for all or a part of the contents stated in Clause 1 and Clause 2, Article 37 of this Decree.
The costs for establishing, providing consultancy for appraising the construction design and cost estimate or total cost estimate shall be aggregated in the investment consultancy costs of the total investment and total cost estimate of project.
The main investor shall base on the approved construction design to manage quality, construction progress and construction methods, and manage the investment in project.
Where the construction design and cost estimate or total cost estimate, or consulting results are obtained in accordance with the signed contract but fail to satisfy the objectives set by the investor, the investor must still pay for the workload already accepted in accordance with the signed contract.
2. Construction design must be in conformity with the preliminary design of the approved project. The establishment of the construction design may refer to the sample designs and standard designs which have been announced by the competent authorities.
If the construction design and total cost estimate must be adjusted because of the adjustment of the project, the adjusted contents must be re-approved.
3. Documents used as the basis for establishing the construction design:
a) Survey documents of specialized procedures requiring computerization, documents on determination of user’s requirements, requirements on installation and setting up of equipment and relevant documents;
b) Decision on approval for the investment project and contents of preliminary design in the approved project;
c) List of applied technical standards in information technology sector;
d) Reports on additional survey results which are used for installing, setting up, connecting equipment and network lines, additional survey results on the specialized procedures requiring computerization, user’s requirements and other requirements (if necessary).
4. Contents of construction design documents:
a) Installation of network, IT equipment and accessories:
- Technical criteria applied to installation, setting up, inspection and check-out of equipment;
- List of installed equipment and technical parameters of such equipment;
- Statistics on constructional workload, and amount of materials, equipment of primary and auxiliary investment works;
- Guidance on construction methods (as for complicated construction);
- Site plan;
- Diagram and notes of plans for network design, data security, power supply and lightning arrester;
- Diagram on equipment installation: sites, space and elevation of installation; connection positions; statistics on materials used for equipment installation;
- Network diagram: wiring, installing cable protector, surge protector, materials and equipment used in network installation, connection between network subsystems and connecting to outside systems by main measurements and materials;
- For construction of line-based network: specifying line-based construction plans, turning corner, installation elevation and co-ordinate, main intersection along the line, line protection corridor with common measurements and equipment;
b) As for special equipment that is internal-use software:
- Description of technical requirements of the special equipment that is internal-use software during the investment preparation;
- Written description of each use case in the Graph of use cases;
- Activity diagram of each use case;
- Requirements on training, technological transfer; requirements on warranty and maintenance (if any);
- Requirements on level of error tolerance against programming syntax errors, logic errors occurred during the data processing, input data accuracy control errors, requirements on data safety and security;
c) Total cost estimate shall comply with Article 36 of this Decree.
5. Each construction design must be performed by a qualified construction design chief (if the construction design is carried out by individual, such individual shall also perform the role of a construction design chief).
Construction design chief shall bear responsibility before the main investor and before the law for quality of design products and calculation results (including the accuracy of estimation and cost estimate). The construction design chief must make compensation for damages resulted from use of unqualified information, documents, technical standards and regulations, or IT solutions for carrying out the construction design which make bad influence on quality of investment works, quality of the whole project, and bear responsibility for damages caused by other acts of violation.
6. The entity in charge of carrying out the construction design must perform the designer's supervision during the construction and acceptance of project’s products. The designer's supervision of the construction and installation of IT infrastructure shall be performed at the construction site.
The entity in charge of carrying out the construction design is strictly prohibited from using the name and prestige of another entity in charge of carrying out the construction design under any form.
7. The entity in charge of carrying out the construction design and cost estimate and total cost estimate must transfer construction design-related documents to the main investor for carrying out investment management and archives storage. At least 8 sets of documents must be provided.
8. Construction design-related documents must be retained as regulated by the law on archives.
Article 36. Total cost estimate
1. Total cost estimate is determined for each specific project by calculating the sum of cost estimates of component investment works of the project. Total cost estimate shall not exceed the approved total investment.
Total cost estimate is a part of the construction design documents; approved detailed cost estimates of investment works shall be used as the grounds for determining the contract price in case of no-bid contracts or self-performance of construction design and other works performed without contracts established.
2. Contents of total cost estimate include: construction costs, equipment costs, project management costs, investment consultancy costs, other costs and provision costs.
a) Construction costs:
Construction costs shall be determined by making cost estimate on the grounds of quota, unit price, methods for determining quota and unit price promulgated by the Ministry of Information and Communications, and relevant regulations of the government. Construction costs include direct costs, overhead costs, presumed taxable income and value-added tax;
b) Equipment costs shall be determined on the grounds of amount and categories of equipment that must be purchased, developed, upgraded and modified, and purchasing prices or costs for developing, upgrading and modifying equipment according to comparison method or method for calculating value. Costs for training and technological transfer, costs for installing, testing and adjusting equipment and other relevant costs (if any) shall be estimated;
c) Project management costs and investment consultancy costs shall be determined in percentage, estimated or based on the comparison method;
d) Other costs include those are not regulated in Points a, b, c Clause 2 of this Article and shall be determined according to the comparison method or estimated;
dd) Provision costs for unanticipated workload shall be determined in percentage (%) of the total costs regulated in Points a, b, c, d, Clause 2 of this Article. Provision costs for the inflation shall be determined on the basis of the duration of the investment project.
3. Use of the following methods: comparison method, estimation, value calculation, quota and unit price determination at each specific stage shall comply with the promulgation and guidance of the Ministry of Information and Communications and the Ministry of Finance.
Article 37. Appraisal of construction design, cost estimate and total cost estimate
1. Contents of the appraisal of construction design:
a) The suitability of the construction design for the preliminary design of the approved project;
b) The compliance with applied technical regulations and standards;
c) Assessment of level of data security and safety;
d) The suitability of selected solutions and equipment, if any;
dd) Methods of operational safety, fire prevention and fighting.
2. Contents of appraisal of cost estimate and total cost estimate include:
a) The correlation between designed and estimated workloads;
b) The reasonableness of used economic – technical norms, cost norms and unit price; use of norms, unit price, calculation methods, relevant policies and cost items in the cost estimate as regulated;
c) Determination of the value of cost estimate and total cost estimate.
3. Contents of appraising the construction design, cost estimate and total cost estimate shall comply with guidance of the Ministry of Information and Communications.
Article 38. Change of construction design
1. The approved construction design shall be changed in the following cases:
a) The adjustment of project on IT application requires change of the construction design;
b) Unreasonable factors are discovered during the construction resulting in the construction design must be changed to avoid causing influence on the quality of the investment project, construction progress, construction methods and investment efficiency;
2. If the changes of construction design are contrary to the approved preliminary design of the project, the main investor must ask for re-appraisal of the preliminary design before the changes of construction design are approved.
3. The main investor may contract qualified entities to carry out the change of the construction design and/or adjustment of the preliminary design depending on specific conditions of relevant project. Where the changing and adjusting results of the construction design and preliminary design are obtained in accordance with the relevant signed contracts but fail to satisfy the objectives set by the main investor, the main investor must still pay for the workload already accepted in accordance with the assigned contracts.
The costs for changing the construction design and adjusting preliminary design shall be aggregated in the investment consultancy costs of the total investment and total cost estimate of relevant project.
Article 39. Adjustable cases of cost estimate and total cost estimate
1. The main investment shall carry out the adjustment of the cost estimate and total cost estimate in the cases regulated in Clause 1 Article 31 and Clause 1 Article 38 of this Decree.
2. In case the change of cost structure in the total cost estimate, including provision costs, does not exceed the approved total investment, the main investor shall self-carry out the adjustment of cost estimates of the project’s investment works.
3. The main investor may contract qualified entities to carry out the adjustment of cost estimate and total cost estimate depending on specific conditions of relevant project. Where the adjustment of cost estimate and total cost estimate is performed in accordance with the signed contracts but fail to satisfy the objectives set by the main investor, the main investor must still pay for the workload already accepted in accordance with the signed contracts.
4. Contents of adjusted cost estimate and total cost estimate which have been approved by the main investor shall be established as an integral part of the construction design documents.
Article 40. Requirements on development of the investment in IT application
1. Having lawful contract agreement.
2. Ensuring capacity for making settlements according to the progress of contract performance.
3. Having essential documents concerning the project for managing and monitoring the disbursement of investment capital.
Article 41. Insurance for investment in IT application
1. Subject matters of insurance, insurance coverage, insurance period and insurance liabilities of the parties during the performance of investment in IT application must be specified in the contracts.
2. The contractors must buy essential types of insurance to ensure their operation.
Article 42. Management of performance progress
1. The performance progress must be set up before the project on IT application is performed.
2. As for large-scale project whose period of performance is more than one year, the performance progress must be set up for each phase, quarter and year.
3. The contractors shall set up detailed performance progress with the interlacement of works provided that such performance progress must be in consistent with the approved investment progress of relevant project.
4. The main investor, construction supervisors, on-site commanders and relevant parties shall monitor, supervise and adjust the performance progress in case certain phases of the investment progress are extended. If the investment progress of the whole project is deemed to be extended, the main investor must report to the investment decision maker to make decision on adjustment of the performance progress of the investment project or grant permission to terminate the project.
5. It’s encouraged to speed up the performance progress provided that the investment quality must be ensured.
Article 43. Handling of accidents during performance of investment, warranty and operation
1. If accidents occur during the performance of investment, warranty and operation, the main investor and beneficiary of the investment (owner or manager and user of project’s products) shall protect the accident scene, report to the information technology authorities of such accident and prepare accident documents.
In each specific accident, the main investor and beneficiary may contract qualified entity to provide consultancy for examining, assessing and determining the causes of such accident, and clearly determining liabilities of the persons who caused such accident. Costs for contracting consultants shall be extracted from the administrative funding source of administrative agencies or provided by funds from state budget that been allocated to the main investor for making payments.
2. The accident documents include:
a) Accident scene inspection records made according to the form stated in Annex V of this Decree;
b) Description of accident;
c) Results of examining, assessing and determining grade and causes of accident;
d) Design and construction documents concerning such accident.
3. Such accident shall be handled according to guidance and unanimity of the Ministry of Information and Communications and the Ministry of Justice.
Article 44. Disbursement of investment capital to project on IT application
Disbursement of investment capital to the project on IT application shall comply with guidance of the Ministry of Finance.
FINALIZATION OF INVESTMENT FOR PUTTING PROJECT’S PRODUCTS INTO OPERATION AND USE
Article 45. Finalization of investment for putting project’s products into operation and use
Tasks of this phase include:
1. Transfer of project’s products and works.
2. Operation, training, technological transfer and instructions for use.
3. Checking, acceptance and transfer of project.
4. Warranty on project’s products.
5. Performance of project finalization.
6. Investment capital accounting and approval for such accounting.
Article 46. Testing, trial operation and installation of internal-use software
1. Before the developed or upgraded and modified internal-use software is accepted, it must be tested or undergone a trial operation at least one beneficiary according to the trial operation plan made by the contractor on the basis of as-built dossiers and approval of the main investor.
2. Based on specific conditions of each project, the main investor may choose one of the following plans:
a) Establish a group in charge of carrying out the testing from the project managing unit under the authority of the main investor to carry out the testing or trial operation;
b) Contract a qualified entity to carry out the testing or trial operation.
3. Costs for carrying out the testing or trial operation are aggregated in the costs for developing, upgrading and modifying internal-use software.
4. The testing or trial operation must be performed with the participation of the representatives of the main investor, contractors, construction supervisors, and representative of the unit that is assigned to manage and use project's products. Results of the testing or trial operation and proposals made during the testing or trial operation are set as an integral part of as-built dossiers and must be certified by the participants in such testing or trial operation.
5. The main investor shall base on the results of software testing or trial operation to the following decisions:
a) Officially accept the software, or
b) Request contractors to add functions or perfect relevant software on the grounds of proposals made during the testing or trial operation.
The main investor shall carry out the second testing or trial operation of the internal-use software perfected by contractors. These procedures shall be finalized if requirements on testing or trial operation are satisfied. Contractors shall set up such software according to contents and scale defined in the signed contracts.
Article 47. Acceptance and transfer of project’s products
1. Project's products or works shall be transferred to the main investor only after the testing or trial operation has been carried out and all requirements on quality have been satisfied. The main investor shall carry out the acceptance of project’s products or works with the participation of consultants, designers, contractors and competent supervisory authorities.
2. During the investment performance, the contractors may temporarily transfer each finished product or work of the project to the main investor for putting into operation and use depending on each type of project.
When the project’s product or work is transferred, contractors must transfer the following documents: as-built dossiers, written instructions for use, operation, warranty and maintenance of finished product or work. These types of documents must be specified in contract and set up as a part of project’s products.
Contractors shall carry out technological transfer and give instructions for use to the unit that is assigned to manage and use project's products or works according to contents of the contracts signed with the main investor.
3. As-built drawing:
a) As-built drawing reflects results of construction and installation of equipment and is made by contractor on the grounds of approved construction design and results of measurement and verification of performed products at site with the investor’s confirmation. As-built drawing is a part of as-built dossiers. All approved changes of construction design for construction and installation of equipment must be shown in the as-built drawing;
In case actual measurements and parameters that reflect results of construction and installation of equipment are in conformity with those stated in the approved construction design drawing, such construction design drawing is also the as-built drawing;
b) Name and signature of the as-built drafter must be specified in the as-built drawing. The as-built drawing also requires the signature and seal of contractor’s legal representative. The as-built drawing that has been certified by the main investor shall be used as the basis for carrying out warranty and maintenance of construction and installation of equipment.
4. As for development or upgrading and modification of internal-use software, the contractor shall transfer:
a) Documents established in each phase during the development or upgrading and modification of internal-use software according to contents of signed contracts;
b) Set of software set-up programs;
c) Program source codes;
d) Instructions for use and management, instructions for technical specifications and standards, documents used in training for users.
5. The entire project on IT application shall be transferred to the main investor when all works have been finished according to the approved construction design. Project-related documents and papers must be retained as regulated by the law on state archives.
The main investor shall base on the final acceptance report which records the transfer of all products of relevant project to certify the fulfillment of transfer of all products and carry out accounting of investment capital.
6. In case the project on IT application must be finalized due to the force majeure or as decided by the investment decision maker, the main investor shall carry out the acceptance of finished works with the participation of consultants, designers, on-site commanders and competent supervisory authorities. Costs for carrying out the acceptance in this case shall be extracted from the administrative funding source of administrative agencies or provided by funds from state budget that been allocated to the main investor for making payments.
Article 48. Warranty on project’s products
1. Period of warranty on products of project on IT application shall start from the date on which the acceptance report is signed by the main investor and be regulated as follows:
a) Warranty period is 24 months, applied to products of national important projects and group-A projects;
b) Warranty period is 12 months, applied to products of group-B and group-C projects.
2. Minimum warranty deposit shall be determined in percentage (%) of value of project’s products and regulated as follows:
a) As for products with 24-month warranty period, minimum warranty deposit is 3%;
b) As for products with 12-month warranty period, minimum warranty deposit is 5%.
3. Contractors shall pay warranty deposit to the main investor’s account before the acceptance report is signed. Interest rate of warranty deposit shall apply that of banking deposit. Contractors and the main investor may carry out an agreement on using bank’s letter of guarantee of equivalent value as warranty deposit.
Warranty deposit shall be returned to contractors when period of warranty comes into an end and the warranty job has been completed according to the main investor's certification.
4. Responsibilities of the parties for warranty:
a) The main investor, manger and user of project’s products shall:
- Check and find out errors to request contractor to repair faults or replace equipment. If contractor fails to satisfy warranty job, the main investor and manger and user of project’s products can contract another contractor to repair such faults. Costs for contracting another contractor shall be taken from warranty deposit;
- Supervise and carry out an acceptance of contractor’s repair or replacement;
- Grant certification of completing warranty of project’s products to contractor;
b) Contractor shall:
- Repair or replace equipment in a timely way as requested by the main investor and manger and user of project’s products and pay for costs for carrying out such repair or replacement;
- Refuse to carry out the warranty in the following cases: Errors which are not caused by the contractor’s fault; products must be removed according to decision of the state competent authorities because the main investor violates regulations on state management; Project’s products are not used in conformity with their operating procedures;
c) Contractor must make compensation for damages if errors, accidents or failure of project's products occur by his fault even the warranty period is over. Regulations of the law may apply depending on level of such violation.
Article 49. Handling assets upon project completion
Upon the project completion (including completion of a part of project or completion of each phase of project), assets used for carrying out project operation which shall be not used shall be handed as regulated by the Ministry of Finance.
Article 50. Maintenance of project’s products
1. When warranty period of comes into an end, products of state-funded project on IT application must be undergone maintenance for ensuring their stable and long-term operation.
2. The manager and user of project’s products shall bear responsibility for:
a) Carrying out the maintenance of project’s products according to maintenance procedures set by contractors;
b) Estimate maintenance costs and aggregate such costs into annual operating cost estimate;
c) Assuming liabilities before the law for the deterioration or failure of project's products due to non-performance of regulated maintenance procedures.
Article 51. Financial statement of completed project
Annual financial statement and terminal financial statement of the completed project shall comply with guidance of the Ministry of Finance.
Article 52. Return of investment capital
As for state-funded projects on IT application with capital recovery that the main investor must return investment capital including basic depreciations, a part of profits and other sources of capital (if any).
Article 53. Protection of copyright on project’s products
1. Unit that is assigned to manage and use the products of state-funded project on IT application shall comply with the Law on intellectual property and copyright protection.
2. Users of products stated in Clause 1 of this Article must execute the following obligations:
a) Ask for permission for using products;
b) Pay using charges.
State authorities shall not pay using charges provided that such use must be approved in writing by the manager of project’s products.
3. The Ministry of Information and Communications shall coordinate with the Ministry of Finance to promulgate regulations on charges for using products stated in Point b Clause 2 of this Article.
Article 54. Updating information to national database
1. Information concerning the products of state-funded project on IT application must be updated into the national database for managing investments in IT application for the purpose of avoiding waste of state budget.
2. Updating information to the national database:
a) After the project has been approved, the main investor shall update information on preliminary design and total investment of the project through IT unit which is under the authority of the investment decision maker;
b) After the project’s products have been accepted and transferred, the main investor shall update all related information through IT specialized unit which is under the authority of the investment decision maker.
3. Information included in documents of state-funded project on IT application must be published on the website of the Ministry of Information and Communications for supporting the management of investments in IT application, especially projects for developing, or upgrading and modifying software.
Information that belongs to state secret must be managed and provided as regulated by the Law on protection of state secrets.
4. Determination of information that must be provided and updated into the national database at each phase shall comply with guidance of the Ministry of Information and Communications.
MANAGEMENT AND OPERATION OF PROJECT ON INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION
Article 55. Forms of project management
1. Based on capacity conditions of entities, requirements on project on IT application, the investment decision maker shall choose one of the following forms of project management:
a) Recruit project management and consultancy organization if the main investor cannot meet capacity requirements;
b) The main investor is authorized to directly manage the project if the main investor can meet all capacity requirements.
2. If the main investor directly manages the project, a project management board is established to carry out the project management.
As for simple and small-scale projects whose total investment is under VND 10 billion, the main investor shall not establish the project management board. The main investor shall authorize a specialized unit to manage the project or contract specialist to support the project management.
3. If the main investor recruits a project management and consultancy organization, responsibilities and rights of such organization shall be performed according to the contract signed by and between the two parties. The project management and consultancy organization must meet capacity requirements as regulated in this Decree.
The main investor shall assign its specialized unit to inspect and monitor the performance of the signed contract of the project management and consultancy organization.
4. The Ministry of Information and Communications shall provide detailed guidance on forms of project management and stipulate the project management costs after reaching agreements with the Ministry of Finance.
Article 56. Responsibilities for project management of the main investor
1. The main investor shall bear responsibility for managing and performing the project, executing duties and rights from the investment preparation and investment performance till finalization of investment. The main investor shall bear responsibility for carrying out the acceptance and transfer of project's products for use, ensuring the efficiency and feasibility of project, complying with the laws. The main investor shall also bear responsibility for the works performed by the assigned project management board or project management and consultancy organization according to the signed contract.
2. In case the main investor directly mange the project, the main investor must assign at least one head of the unit in charge of carrying out the project management to perform the project management and specialized units of the main investor to provide advice to the assigned head to carry out duties and rights of the main investor, and monitor, inspect and expedite the project management board to perform assigned duties and rights.
3. In case the main investor enters into the contract with a project management and consultancy organization, the main investor must assign at least one head of the unit in charge of carrying out the project management to perform the project management and specialized units of the main investor to provide advice to the assigned head to carry out duties and rights of the main investor, and monitor and inspect the performance of the contract signed with the project management and consultancy organization for the purpose of ensuring that the project shall be performed according to approved contents, progress with high quality and efficiency.
Article 57. Duties, powers of the main investor and the project management board, if established
1. Duties, powers of the main investor:
a) Assign duties and grant powers to the project management board in the following principles: Suitability for actual conditions of the main investor and project’s requirements; responsibilities of the main investor and the project management board must be clearly determined; give great powers to the project management board to ensure that duties must go together with powers for the purpose of minimizing administrative procedures between the main investor and the project management board;
Assignment of duties and powers to the project management board must be specified in the decision on establishment of the project management board, letters of assignment and authorization of the main investor.
The main investor must directly carry out certain duties and powers as follows: approve construction design, and cost estimate and total cost estimate; adjust construction design, and cost estimate and total cost estimate; submit for approval for adjusted preliminary design; inspect and approve certain important contracts before they are delivered to the project management board; carry out the acceptance of project’s products for putting into use. In special cases, the main investor may authorize the project management board to execute the aforesaid duties and rights provided that such authorization must be reported to the investment decision maker to make consideration and decision.
b) If the main investor is not the manager and user of project’s products, the manager and user of project’s products shall assign an individual to participate in project management together with the main investor from the investment preparation till finalization of investment, including receiving and putting project’s products into use;
The individual who is assigned by the manager and user of project’s products shall participate in the project management board and be appointed to hold the position of Deputy Director of the project management board. Such individual must not meet all requirements on professional skills and experience as regulated in Clause 3 of this article but he must attend the professional training courses for management and investment in IT application (project establishment and project management subjects).
c) The main investor can assign one project management board to manage many projects if all capacity requirements have been satisfied and such assignment has been approved by the investment decision maker.
2. Duties, powers of the project management board:
a) Perform duties and powers assigned and granted by the main investor. The project management board shall bear responsibility before the main investor and legal liabilities within scope of assigned duties and authorized powers;
b) Carry out procedures and perform other works for project performance;
c) Carry out the establishment and preparation of documents concerning construction design, cost estimate and total cost estimate, and then submit them to the main investor for appraisal and approval as regulated;
d) Establish required documents (such as bidding documents) and select contractors;
dd) Negotiate and enter into contracts with qualified contractors according to the main investor’s authorization;
e) Perform the construction supervision job if all capacity requirements have been satisfied;
g) Carry out acceptance, payments and accounting according to signed contracts;
h) Manage quality, workload, progress, performance costs, requirements on fire prevention and fighting, operational safety and industrial cleaning at the construction site;
i) Carry out the acceptance and transfer of project’s products;
k) Prepare reports on investment supervision and assessment and accounting report when the project has been finished and put into operation and use;
l) The project management board shall not establish its affiliated project management boards or income-generating administrative units to be in charge of project management;
m) If the project management board is assigned to manage many projects, each project shall be separately managed, monitored and recorded. Upon the project completion, the project management board must carry out accounting in a timely manner as regulated;
n) In case of need, the project management board may recruit qualified entities to manage and supervise certain works in which the project management board cannot meet capacity requirements for performance provided that such cooperation must be approved by the main investor. The costs for contracting such entities in this case shall be aggregated in the investment consultancy costs of the total investment and total cost estimate of relevant project.
o) The project management board may enter into contracts with qualified foreign consultants to perform the works which cannot be performed by domestic consultants or to meet other special requirements. Entering into contracts with foreign consultants must be approved by the investment decision maker.
3. Organizational structure of the project management board includes director, deputy directors, specialized units; participants in the project management board may perform specialized or concurrent works.
Director, deputy directors and individuals in charge of information technology, economics, and finance must possess university’s qualifications in corresponding majors, have at least 3 years of experience in relevant specialized sectors and attended professional training courses for management and investment in IT application (project establishment and project management subjects). As for group-C projects in remote areas, the aforesaid positions may be assigned to the individuals who possess college or vocational education qualifications in corresponding majors.
Article 58. Transformation or re-organization of redundant project management boards
1. Ministries, ministerial-level agencies and people’s committees at all levels shall base on actual number of projects on IT application in which they are acting as the main investors, and orientations and plans for IT application of the following year to make decisions on transformation or re-organization of the project management boards according to one of the following plans:
a) In case ministries, regulatory bodies and local governments only have some projects resulting in the redundancy of project management boards, such project management boards must be re-arranged or re-organized in conformity with actual requirements; the project management boards that are in charge of managing in-progress projects or shall be in charge of managing projects in which the investment has been decided with the project management directly performed by the main investors shall be kept alive; it is prevented project management boards from waiting for projects;
Idle project management boards may be transformed into professional project management and consultancy enterprises to support the main investors in managing projects through contracts signed with the main investors. Based on actual conditions, ministries, regulatory bodies and local governments direct the establishment of project management and consultancy enterprises on the grounds of transformation of one project management board or consolidation of some project management boards for meeting capacity requirements on project management as regulated.
If the project management boards cannot be re-organized or transformed according to the aforesaid plans, ministries, regulatory bodies and local governments shall make dissolution decisions. Unsolved issues of previous projects as well as rights and benefits of members of relevant project management boards must be settled definitively.
b) In case project management boards want to be transformed into consultancy enterprises to use and promote their every existing professional capacity and experience, ministries, regulatory bodies and local governments shall grant decisions and facilitate such project management boards in transforming into professional project management and consultancy enterprises provided that such transformation shall not interrupt the project management.
Article 59. Duties and powers of main investor and project management and consultancy organization that is contracted by the main investor
1. The main investor shall select and enter into contract with qualified project management and consultancy organization to support the main investor in performing the project management.
2. Organizational structure of a project management and consultancy organization includes a director in charge of project management and consultancy, deputy directors and specialized divisions in conformity with duties and rights defined in the contract signed with the main investor.
Director in charge of project management and consultancy must meet capacity requirements as regulated. Deputy directors and individuals in charge of specialized works must possess university’s qualifications in corresponding majors and have at least 3 years of experience in relevant specialized sectors.
3. Project management and consultancy organization can contract qualified and experienced entities to perform certain works of project management provided that such contract must be approved by the main investor and in conformity with duties and rights defined in the contract signed by the project management and consultancy organization with the main investor.
4. The project management and consultancy organization must bear responsibility before the law and the investor for all contents committed in the signed contract, and must compensate for damages caused by such organization’s faults during the project management.
REQUIREMENTS ON CAPACITY OF ENTITIES ENGAGING IN INVESTMENT IN INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION
Article 60. General provisions on capacity requirements of relevant entities
1. Entities engaging in investment in IT application must satisfy requirements on capacity and experience as regulated in this Decree.
2. Individuals engaging in investment in IT application must possess diplomas or training certificates issued by qualified training facilities in conformity with undertaking works and have obtained certificates of completion of professional training courses in management of investment in IT application as regulated by the Ministry of Information and Communications.
3. Individual acting as director of project management and consultancy organization, or on-site commander, or construction supervisor shall only hold a single position within the same period.
The individual holding positions regulated in Clause 2 and Clause 3 of this Article must enter into contract with concerned organization as regulated by laws. Duration of such contract must be long enough for such individual to fulfill all assigned works according to undertaking position.
4. Organization's capacity for carrying out consultancy and investment in IT application shall be determined according to levels on the grounds of capacity conditions of individuals in such organization, consultancy experience, financial capacity, facilities and management capacity of such organization.
5. As for state-funded projects, the consultant engaging in the establishment of construction design shall not enter into supervision consultancy contract with the main investor to supervise the performance of the established construction design; the construction supervision consultant shall not enter into contract with construction contractors to carry out the inspection of investment quality of project in which the construction is supervised by such construction supervision consultant.
The construction supervision consultant shall also not enter into construction contract for performing project or investment work of the project under his construction supervision.
Article 61. Requirements on capacity of preliminary design chief
1. Capacity of preliminary design chief:
a) Must possess a university’s degree in information technology, has attended professional training courses for establishment and management of investment in IT application (project establishment and project management subjects) and must satisfied capacity requirements in corresponding with each level as follows:
b) Level 1:
An individual is recognized as Level-1 preliminary design chief if he has satisfied all requirements on Level 2, has at least 7 consecutive years of experience in establishment of project on IT application, and has participated in the establishment of at least 5 preliminary designs of group-A, group-B or group-C projects on IT application or has acted as preliminary design chief of a project of equivalent investment scale.
c) Level 2:
An individual is recognized as Level-2 preliminary design chief if he has at least 5 consecutive years of experience in establishment of project on IT application and has participated in the establishment of at least 3 investment reports or 2 feasibility study reports of group-C projects on IT application;
d) As for remote areas, individual who has college or vocational school’s diploma in information technology, has at least 3 consecutive years of experience in establishment of project on IT application and has participated in the establishment of at least 1 investment report of group-C project on IT application shall act as the preliminary design chief of the project that only requires the investment report established.
2. Scope of activities:
a) Level 1: Level-1 preliminary design chief can act as the preliminary design chief and establish national important projects, group-A, group-B and group-C projects on IT application;
b) Level 2: Level-2 preliminary design chief can act as the preliminary design chief and establish group-C projects on IT application;
c) Individuals who are not qualified for the aforesaid levels shall not hold the position of preliminary design chief but can participate in the establishment of preliminary design.
Article 62. Capacity requirements of project establishment consultancy organization
1. Capacity of project establishment consultancy organization is divided into 2 levels as follows:
a) Level 1:
The project establishment consultancy organization of this level must have at least 10 individuals possessing university’s qualifications in information technology, economics or finance in conformity with project’s requirements; among which there is an individual eligible for acting as level-1 preliminary design chief;
b) Level 2:
The project establishment consultancy organization of this level must have at least 7 individuals possessing university’s qualifications in information technology, economics or finance in conformity with project’s requirements; among which there is an individual eligible for acting as level-2 preliminary design chief.
2. Scope of activities:
a) Level 1: Level-1 project establishment consultancy organization can establish national important projects, group-A, group-B and group-C projects;
b) Level 2: Level-2 project establishment consultancy organization can establish group-C projects;
c) Organization that does not meet requirements for being classified into the aforesaid levels must enter into cooperation or joint venture contract with another qualified organization to perform project establishment job.
Article 63. Requirements on capacity of Director in charge of project management and consultancy
1. Capacity of Director in charge of project management and consultancy is divided into 2 levels. Individual who acts as the Director in charge of project management and consultancy must possess a university’s degree in information technology or higher, has attended professional training courses for management and investment in IT application (project establishment and project management subjects) and must satisfy requirements in corresponding with each level as follows:
a) Level-1 Director in charge of project management and consultancy:
- An individual is qualified for Level-1 Director in charge of project management and consultancy if he has qualified all requirements on capacity of Level-2 Director in charge of project management and consultancy, has at least 7 consecutive years of experience in project establishment and management, has participated in the project management job of 1 group-A project or 2 group-B projects or 5 group-C projects, and has acted as on-site commander of group-C project;
b) Level-2 Director in charge of project management and consultancy:
- An individual is qualified for Level-2 Director in charge of project management and consultancy if he has at least 5 consecutive years of experience in project establishment and management and has participated in the project management job of 1 group-B project or 2 group-C projects;
c) As for remote areas, individuals who have college or vocational school’s diplomas in information technology and have at least 3 consecutive years of experience in project management shall be eligible for acting as Directors in charge of project management and consultancy of projects that only require the investment reports established.
2. Scope of activities:
a) Level 1: Level-1 Director in charge of project management and consultancy can manage national important projects, group-A, group-B and group-C projects;
b) Level 2: Level-2 Director in charge of project management and consultancy can manage group-C projects.
Article 64. Requirements on capacity of project management and consultancy organization
1. Capacity of project management and consultancy organization is divided into 2 levels as follows:
a) Level 1:
- Level-1 Director in charge of project management and consultancy is available;
- There are at least 10 individuals who possess university’s qualifications in information technology, economics or finance in conformity with project’s requirements; among which there are individuals eligible for acting as chief surveyor, construction design chief and on-site commander; and requirements on capacity of level-1 construction supervision organization have been satisfied.
b) Level 2:
- Level-2 Director in charge of project management and consultancy is available;
- There are at least 7 individuals who possess university’s qualifications in information technology, economics or finance in conformity with project’s requirements; among which there are individuals eligible for acting as chief surveyor, construction design chief and on-site commander; and requirements on capacity of level-2 construction supervision organization have been satisfied.
2. Scope of activities:
a) Level 1: Level-1 project management and consultancy organization can manage national important projects, group-A, group-B and group-C projects;
b) Level 2: Level-2 project management and consultancy organization can manage group-C projects;
c) Organization that does not meet requirements for being classified into the aforesaid levels must enter into cooperation or joint venture contract with another qualified consultancy organization to perform the project management and consultancy job.
Article 65. Requirements on capacity of chief surveyor
Chief surveyor must possess a university’s degree in information technology and has attended professional training courses for management and investment in IT application (project establishment and project management subjects), and is ranked into the following groups:
a) If the individual has participated in the performance of at least 2 survey tasks of group-A projects or 3 survey tasks of group-B or group-C projects, he shall be eligible for acting as chief surveyor of group-A project;
b) If the individual has participated in the performance of at least 2 survey tasks of group-B or group-C projects, he shall be eligible for acting as chief surveyor of group-B or group-C project.
Article 66. Requirements on capacity of survey consultancy organization
1. Requirements on capacity of survey consultancy organization:
a) There are at least 10 individuals who possess university’s degrees in information technology in conformity with requirements on survey tasks; among which there are individuals eligible for acting as chief surveyors of project groups in conformity with requirements on survey tasks.
b) Equipment for carrying out each survey job is available.
2. Scope of activities: Survey consultancy organization can carry out the survey for establishing investment projects or establishing construction designs in conformity with capacity of chief surveyor and requirements on survey tasks.
Article 67. Requirements on capacity of construction design chief
1. Construction design chief must possess a university’s degree in information technology or higher and is divided into 2 levels as follows:
a) Level 1:
- An individual is eligible for level-1 construction design chief if he has satisfied all requirements on level-2 construction design chief and has attended professional training courses for management and investment in IT application (subjects of project establishment and management, establishment of cost estimate of IT application investment); and
- Has hold the role of construction design chief of at least 01 group-A project, or 02 group-B projects, or has participated in construction design job of 5 group-C projects, and has at least 7 consecutive years of experience in construction design;
b) Level 2:
- An individual is eligible for level-2 construction design chief if he has attended professional training courses for management and investment in IT application (subjects of project establishment and management, establishment of cost estimate of IT application investment); and
- Has hold the role of construction design chief of at least 01 group-B project, or has participated in construction design job of 2 group-C projects, and has at least 5 consecutive years of experience in construction design;
c) As for remote areas, individuals who have college or vocational school’s diplomas in information technology, have at least 3 consecutive years of experience in construction design shall be eligible for acting as the construction design chief of project that only requires investment report established.
2. Scope of activities:
a) Level 1: Level-1 construction design chief can hold the role of construction design chief of group-A, group-B and group-C projects;
b) Level 2: Level-2 construction design chief can hold the role of construction design chief of group-B and group-C projects;
Article 68. Requirements on capacity of construction design and consultancy organization
1. Capacity of construction design and consultancy organization is divided into 2 levels as follows:
a) Level 1:
- There are at least 10 individuals who possess university’s qualifications in information technology, economics or finance;
- Level-1 construction design chief is available;
- Level-1 construction design and consultancy organization has performed the construction design of at least 01 group-A project or 02 group-B projects or 5 group-C projects;
b) Level 2:
- There are at least 7 individuals who possess university’s qualifications in information technology, economics or finance;
- Level-2 construction design chief is available;
- Level-2 construction design and consultancy organization has performed the construction design of at least 01 group-B project or 02 group-C projects.
2. Scope of activities:
a) Level 1: Level-1 construction design and consultancy organization can perform construction design of national important projects, group-A, group-B and group-C projects;
b) Level 2: Level-2 construction design and consultancy organization can perform construction design of group-B and group-C projects;
c) Organization that does not meet requirements for being classified into the aforesaid levels must enter into cooperation or joint venture contract with another qualified organization to perform the construction design job.
Article 69. Requirements on capacity of construction supervision and consultancy organization
1. Capacity of construction supervision and consultancy organization is divided into 2 levels as follows:
a) Level 1:
- There are at least 10 individuals who possess university’s qualifications in information technology and have attended professional training courses for management and investment in IT application (construction supervision subject);
- Such organization has performed the construction supervision of at least 01 group-A project or 02 group-B projects or 03 group-C projects;
b) Level 2:
- There are at least 7 individuals who possess university’s qualifications in information technology and have attended professional training courses for management and investment in IT application (construction supervision subject);
- Such organization has performed the construction supervision of at least 2 group-C projects.
2. Scope of activities:
a) Level-1 construction supervision and consultancy organization can perform the construction supervision of group-A, group-B and group-C projects;
b) Level-2 construction supervision and consultancy organization can perform the construction supervision of group-C projects;
c) Organization that does not meet requirements for being classified into the aforesaid levels must enter into cooperation or joint venture contract with another qualified consultancy organization to perform the construction supervision.
Article 70. Requirements on capacity of on-site commander
1. On-site commander must possess a university’s degree in information technology or higher and has at least 5 consecutive years of experience in construction and installation of IT infrastructure system.
As for remote areas, individuals who have college or vocational school’s diplomas in information technology and have at least 3 years of experience in construction and installation of IT infrastructure system shall be also eligible for holding the position of on-site commander.
2. Scope of activities: On-site commander shall direct the construction and installation of IT infrastructure system of group-A, group-B and group-C projects at construction site.
Article 71. Requirements for freelancers specialized in design, survey and supervision
1. Requirements for freelancers specialized in design, survey and supervision:
a) The freelancer must possess university’s qualification in information technology and has attended professional training courses for management and investment in IT application (with suitable subjects);
b) The freelancer has to register for individual taxpayer identification number as regulated by the laws;
c) The freelancer must satisfy requirements on experience according to each undertaking position.
2. Scope of activities:
a) Freelancer specialized in survey can act as chief surveyor, carry out the survey, establish survey tasks and prepare reports on survey results if all requirements on capacity regulated in Clause 1 of this Article have been satisfied;
b) Freelancer specialized in design can act as preliminary design chief, develop preliminary design and construction design if all requirements on capacity regulated in Clause 1 of this Article have been satisfied;
c) Freelancer specialized in survey or construction supervision can supervise the survey or construction job if all requirements on capacity regulated in Clause 1 of this Article have been satisfied.
3. When freelancers perform relevant works, they must comply with regulations of this Decree and relevant laws.
Article 72. Requirements on capacity of foreign entities providing consultancy or performing contracts in the field of IT application investment in Vietnam
Foreign entities that provide consultancy or perform contracts in the field of IT application investment in Vietnam must satisfy all requirements on capacity as regulated in this Decree, obtain operation licenses from the state competent authorities and comply with relevant laws of Vietnam.
PROFESSIONAL TRAINING IN MANAGEMENT AND INVESTMENT IN INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION
Article 73. Professional training in management and investment in IT application
1. Entities:
a) Individuals who directly participate in management, consultancy and performance of the investment in IT application must obtain certificates of completion of professional training courses in management and investment in IT application;
b) Other individuals who have demands.
2. Management of training in management and investment in IT application:
The Ministry of Information and Communications shall organize the training in management and investment in IT application. To be specific:
a) Provide for frameworks programs of professional training, forms of certificates of completion of training courses in management and investment in IT application and their period of validity after having taken suggestion of the Ministry of Education and Training;
b) Summarize training situation of training facilities through annual reports on performance situation of professional training submitted by such training facilities;
c) Establish database system of training facilities in management and investment in IT application on the grounds of information provided by such training facilities.
3. Requirements for training facilities in management and investment in IT application include:
a) Training facility must have business registration certificate (or establishment decision if such training facility does not have business registration certificate) as regulated by the laws;
b) Lecturers who specialized in management and investment in IT application are available;
c) Training facility must be included in the list of facilities qualified for training in management and investment in IT application which is published on the website as regulated in Article 74 of this Decree.
4. Requirements on issuance of certificate of completion of the training course in management and investment in IT application:
a) Certificate of completion shall be granted to the individual who has fulfilled all courses of management and investment in IT application according to training program in corresponding with each subject and passed required examinations;
b) Period of each course in management and investment in IT application is 5 days or more.
5. Responsibilities and obligations of training facilities in management and investment in IT application:
a) Bear responsibility for training quality; provide the training facility-related information to the database system as regulated in Point b Clause 2 of this Article;
b) Organize the training in management and investment in IT application and issue certificates of completion to qualified students as regulated;
c) Submit annual reports to the Ministry of Information and Communications (via Services of Information and Communications) and relevant ministries, regulatory bodies or local governments on training situation for inspection and summation.
Article 74. Website on capacity for management and investment in IT application
1. The following information on capacity for management and investment in IT application must be published on the website on capacity for management and investment in IT application which is managed by the Ministry of Information and Communications:
a) Information on training in management and investment in IT application;
b) Information about facilities qualified for training in management and investment in IT application;
c) Information concerning entities that have qualified all requirements on capacity for engaging in investment in IT application;
d) Information on taking actions against violations of the law on management and investment in IT application;
dd) Prevailing legislative documents on management and investment in IT application;
e) Other relevant information (publishing of bidding information shall comply with the law on bidding).
2. After information regulated in Clause 1 of this Article has been posted gratis on the website on capacity for management and investment in IT application, such information may be extracted for publishing on other means of mass media to facilitate concerned entities in updating information.
3. Provision of information for publishing:
a) Ministries, Ministerial-level agencies, other central-affiliated agencies and Services of Information and Communications shall provide information regulated in Point d, dd and e, Clause 1 of this Article;
b) The main investors shall provide information regulated in Point a, Point b, Point c, Point d and Point e, Clause 1 of this Article.
4. Provision of information, schedule and plans for publishing information on the website on capacity for management and investment in IT application shall comply with guidelines of the Ministry of Information and Communications.
Article 75. Implementation organization
1. Projects on IT application which have been approved before the effective date of this Decree but have been not performed or have been in progress shall apply the law on investment management promulgated at the approving time of relevant project.
In case the project, total investment capital, construction design, cost estimate or total cost estimate must be adjusted as regulated in this Decree, such adjustment shall be considered and performed by the competent persons provided that such adjustment shall not interrupt the performance of relevant project.
2. If project on IT application has been established and appraised but has been not approved before the effective date of this Decree, the following steps in performing such project shall apply regulations of this Decree.
3. Entities that are engaging in the investment in IT application shall continue their operation up to December 31, 2010, inclusively. As of January 01, 2011, entities that engage in the investment in IT application must satisfy all capacity requirements as regulated in this Decree.
4. Quota, unit price, average wages for workers, costs of machines and equipment for construction and costs of materials directly aggregated in costs for performing state-funded project on IT application which have been promulgated by the Ministry of Information and Communications, regulatory ministries and local governments before the effective date of this Decree shall be announced in order that relevant entities can refer, apply or use such announcement as the basis for determining and managing the costs for investment in IT application.
This Decree shall take effect as of January 01, 2010. Previous regulations promulgated by the Government, Ministries, Ministerial-level agencies and local authorities that are contrary to this Decree shall be abrogated./.
|
ON BEHALF OF THE GOVERNMENT |
CLASSIFICATION OF PROJECTS ON INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION WITH FUNDS FROM STATE BUDGET
(Promulgated under the Government's Decree No. 102/2009/ND-CP dated November 06, 2009)
Projects on information technology application with funds from state budget shall be classified as follows:
No. |
Classification |
Total investment capital |
1 |
National important projects on information technology application |
As regulated by the Resolution of the National Assembly |
|
Group A |
|
2 |
Projects on information technology application concerning new construction, expansion or upgradation of infrastructure, software and database system with great socio-political significance. |
Undefined amount |
3 |
Projects on information technology application concerning new construction, expansion or upgradation of infrastructure, software and database system serving sector, regional or national development. |
Over VND 100 billion |
|
Group B |
|
4 |
Projects on information technology application concerning new construction, expansion or upgradation of infrastructure, software and database system serving sector, regional or national development. |
Over VND 20 billion to VND 100 billion |
|
Group C |
|
5 |
Projects on information technology application concerning new construction, expansion or upgradation of infrastructure, software and database system serving sector, regional or national development. |
Not exceeding VND 20 billion |
FORM OF APPLICATION FOR APPRAISAL AND APPROVAL FOR PROJECT ON INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION
(Promulgated under the Government's Decree No. 102/2009/ND-CP dated November 06, 2009)
Applicant |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: ……… |
…….., day……month……..year…….. |
APPLICATION FOR PROJECT APPRAISAL AND APPROVAL
(Name of project)…………To:……………………………….Pursuant to the Government’s Decree No……/2009/ND-CP dated …./…./2008 on management of investment in application of information technology with funds from state budget;
Other related legal grounds;
The main investor hereby applies for appraisal and approval for project ……. (Name of project)…..with the following main contents:
1. Name of project:
2. The main investor:
3. Name of project establishment and consultancy organization:
4. Investment objectives:
5. Investment contents and scale:
6. Investment location:
7. Preliminary design:
8. Primary and auxiliary equipment:
9. Total investment capital of project:
Total:
In which:
- Construction costs:
- Equipment costs:
- Project management costs:
- Investment consultancy costs:
- Other costs:
- Provision costs:
10. Source of investment capital:
11. Form of project management:
12. Period of project performance:
13. Other contents:
CC: |
The main investor |
FORM OF SURVEY ACCEPTANCE REPORT
(Promulgated under the Government's Decree No. 102/2009/ND-CP dated November 06, 2009)
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
-----------------------
…….., day……month……..year……..
SURVEY ACCEPTANCE REPORT
Project:……………..(name of project)………………. No.: ………
1. Subjects of acceptance: (specify survey tasks, design procedures)
2. Participants in acceptance:
a) The main investor: (specify name of organization or individual)
- Full name and position of legal representative:……………….
b) Survey supervisor, if any: (specify name of organization or individual)
- Full name and position of legal representative:……………….
c) Surveyor: (specify name of organization or individual)
- Full name and position of legal representative:……………….
- Full name and position of chief surveyor:…………………………….
3. Time of survey acceptance:
The survey acceptance starts from:………….day………month………..year………
Ends at:.............. ….day………month………..year…………..
At:………………………………………….
4. Assessment of report on survey results:
a) Survey quality (compared to survey tasks);
b) Scale and scope of survey (compared to those defined in the survey contract);
c) Quantity and presentation of report on survey results;
d) Other issues, if any.
5. Conclusion:
- Accept or not to accept survey results.
- Request relevant entities to make amendments to the report on survey results and other suggestions, if any.
SURVEYOR’S REPRESENTATIVE |
THE MAIN INVESTOR
|
CHIEF SURVEYOR |
SURVEY SUPERVISOR |
Survey acceptance documents include:
- Survey acceptance report and attached annexes, if any;
- Documents used as the basis for carrying out the acceptance of survey results.
FORM OF DECISION ON APPROVAL FOR PROJECT ON INFORMATION TECHNOLOGY APPLICATION
(Promulgated under the Government's Decree No. 102/2009/ND-CP dated November 06, 2009)
Name of approving authority |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.: ……… |
|
DECISION OF ……………..
GIVING APPROVAL FOR PROJECT (Name of project)………….
(NAME OF APPROVING INDIVIDUAL/AUTHORITY)
Basing on functions, duties and organizational structure of…………….;
Pursuant to the Government’s Decree No. …../2009/ND-CP dated…/…/2009 on management of investment in IT application with funds from state budget;
Pursuant to other related legal grounds;
At the request of …….at the Statement No.............dated....../..../...... and appraisal reports of .......
DECIDES:
Article 1. To approve……(Name of project)…..with the main contents as follows:
1. Name of project:
2. The main investor:
3. Name of project establishment and consultancy organization:
4. Investment objectives:
5. Investment contents and scale:
6. Investment location:
7. Preliminary design:
a) Preliminary design solutions required:
b) Preliminary design solutions that may be revised by the main investor in subsequent steps of design:
8. Primary and auxiliary equipment:
9. Estimate of total investment capital of project:
Total:
In which:
- Construction costs:
- Equipment costs:
- Project management costs:
- Investment consultancy costs:
- Other costs:
- Provision costs:
10. Source of investment capital:
11. Form of project management:
12. Period of project performance:
13. Bidding plans (if any):
14. Other contents:
Article 2. Implementation organization.
Article 3. Responsibilities of concerned authorities for the implementation of this decision.
|
Approving authority (Signature, specify full name, position and seal) |
FORM OF ACCIDENT SCENE INSPECTION RECORDS
(Promulgated under the Government's Decree No. 102/2009/ND-CP dated November 06, 2009)
The main investor/Manager or user of project’s products |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
|
|
RECORDS OF INFORMATION TECHNOLOGY SYSTEM ACCIDENT SCENE INSPECTION
Project:……………..(name of project)……………….
1. Works of accident:…………….
2. Investment location: . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
3. Accident scene inspection records are made according to the following contents:
a) Time of accident:………hour(s)…….day….month…..year……
b) Brief description of accident, state of IT system when such accident occurs………………
c) Brief description of human and material losses………………..
d) Brief description of reasons of the accident (if any)…………….
|
RECORDS PREPARER |
Notes:
a) The main investor shall prepare reports on the accident that occurs at the construction site during the investment performance;
b) The manager and user of project’s products shall prepare reports on the accident that occurs during the use and operation of project’s products.
Participants in preparation of accident records include:
- Construction contractor: (legal representative’s signature and seal)
- Contractor in charge of establishing construction design: (legal representative’s signature and seal)
- Construction supervisor: (legal representative’s signature and seal)
- Other participants, if any.
Văn bản liên quan
Cập nhật
Điều 60. Quy định chung về Điều kiện năng lực của tổ chức, cá nhân
Điều 61. Điều kiện năng lực của chủ trì thiết kế sơ bộ
Điều 62. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn lập dự án
Điều 63. Điều kiện năng lực của cá nhân làm Giám đốc tư vấn quản lý dự án
Điều 64. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn quản lý dự án
Điều 65. Điều kiện năng lực của chủ trì khảo sát
Điều 66. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn khảo sát
Điều 67. Điều kiện năng lực của chủ trì thiết kế thi công
Điều 68. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn thiết kế thi công
Điều 69. Điều kiện năng lực của tổ chức tư vấn giám sát thi công
Điều 70. Điều kiện năng lực của chỉ huy thi công tại hiện trường
Điều 71. Điều kiện của cá nhân hành nghề độc lập thiết kế, khảo sát, giám sát