Luật Ngân sách Nhà nước 2002 số 01/2002/QH11
Số hiệu: | 01/2002/QH11 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Văn An |
Ngày ban hành: | 16/12/2002 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2004 |
Ngày công báo: | 25/01/2003 | Số công báo: | Số 5 |
Lĩnh vực: | Tài chính nhà nước | Tình trạng: |
Hết hiệu lực
01/01/2017 |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản thu, chi của Nhà nước đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và được thực hiện trong một năm để bảo đảm thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước.
1. Thu ngân sách nhà nước bao gồm các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các khoản đóng góp của các tổ chức và cá nhân; các khoản viện trợ; các khoản thu khác theo quy định của pháp luật.
2. Chi ngân sách nhà nước bao gồm các khoản chi phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo đảm hoạt động của bộ máy nhà nước; chi trả nợ của Nhà nước; chi viện trợ và các khoản chi khác theo quy định của pháp luật.
Ngân sách nhà nước được quản lý thống nhất theo nguyên tắc tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp quản lý, gắn quyền hạn với trách nhiệm.
Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước.
1. Ngân sách nhà nước gồm ngân sách trung ương và ngân sách địa phương. Ngân sách địa phương bao gồm ngân sách của đơn vị hành chính các cấp có Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân.
2. Phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và quan hệ giữa ngân sách các cấp được thực hiện theo các nguyên tắc sau đây:
a) Ngân sách trung ương và ngân sách mỗi cấp chính quyền địa phương được phân cấp nguồn thu và nhiệm vụ chi cụ thể;
b) Ngân sách trung ương giữ vai trò chủ đạo, bảo đảm thực hiện các nhiệm vụ chiến lược, quan trọng của quốc gia và hỗ trợ những địa phương chưa cân đối được thu, chi ngân sách;
c) Ngân sách địa phương được phân cấp nguồn thu bảo đảm chủ động trong thực hiện những nhiệm vụ được giao; tăng cường nguồn lực cho ngân sách xã. Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (gọi chung là cấp tỉnh) quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương phù hợp với phân cấp quản lý kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và trình độ quản lý của mỗi cấp trên địa bàn;
d) Nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp nào do ngân sách cấp đó bảo đảm; việc ban hành và thực hiện chính sách, chế độ mới làm tăng chi ngân sách phải có giải pháp bảo đảm nguồn tài chính phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách từng cấp;
đ) Trường hợp cơ quan quản lý nhà nước cấp trên uỷ quyền cho cơ quan quản lý nhà nước cấp dưới thực hiện nhiệm vụ chi của mình, thì phải chuyển kinh phí từ ngân sách cấp trên cho cấp dưới để thực hiện nhiệm vụ đó;
e) Thực hiện phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách các cấp và bổ sung từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới để bảo đảm công bằng, phát triển cân đối giữa các vùng, các địa phương. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới được ổn định từ 3 đến 5 năm. Số bổ sung từ ngân sách cấp trên là khoản thu của ngân sách cấp dưới;
g) Trong thời kỳ ổn định ngân sách, các địa phương được sử dụng nguồn tăng thu hàng năm mà ngân sách địa phương được hưởng để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách, phải tăng khả năng tự cân đối, phát triển ngân sách địa phương, thực hiện giảm dần số bổ sung từ ngân sách cấp trên hoặc tăng tỷ lệ phần trăm (%) điều tiết số thu nộp về ngân sách cấp trên;
h) Ngoài việc uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ chi và bổ sung nguồn thu quy định tại điểm đ và điểm e khoản 2 Điều này, không được dùng ngân sách của cấp này để chi cho nhiệm vụ của cấp khác, trừ trường hợp đặc biệt theo quy định của Chính phủ.
1. Thu ngân sách nhà nước phải được thực hiện theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật.
2. Chi ngân sách nhà nước chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 52 và Điều 59 của Luật này;
b) Đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định;
c) Đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách hoặc người được uỷ quyền quyết định chi.
Ngoài các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều này, đối với những khoản chi cho công việc cần phải đấu thầu thì còn phải tổ chức đấu thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
3. Các ngành, các cấp, các đơn vị không được đặt ra các khoản thu, chi trái với quy định của pháp luật.
4. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước có trách nhiệm tổ chức thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng.
Các khoản thu, chi của ngân sách nhà nước phải được hạch toán kế toán, quyết toán đầy đủ, kịp thời, đúng chế độ.
1. Quỹ ngân sách nhà nước là toàn bộ các khoản tiền của Nhà nước, kể cả tiền vay, có trên tài khoản của ngân sách nhà nước các cấp.
2. Quỹ ngân sách nhà nước được quản lý tại Kho bạc Nhà nước.
1. Ngân sách nhà nước được cân đối theo nguyên tắc tổng số thu từ thuế, phí, lệ phí phải lớn hơn tổng số chi thường xuyên và góp phần tích luỹ ngày càng cao vào chi đầu tư phát triển; trường hợp còn bội chi, thì số bội chi phải nhỏ hơn số chi đầu tư phát triển, tiến tới cân bằng thu, chi ngân sách.
2. Bội chi ngân sách nhà nước được bù đắp bằng nguồn vay trong nước và ngoài nước. Vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước phải bảo đảm nguyên tắc không sử dụng cho tiêu dùng, chỉ được sử dụng cho mục đích phát triển và bảo đảm bố trí ngân sách để chủ động trả hết nợ khi đến hạn.
3. Về nguyên tắc, ngân sách địa phương được cân đối với tổng số chi không vượt quá tổng số thu; trường hợp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có nhu cầu đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng thuộc phạm vi ngân sách cấp tỉnh bảo đảm, thuộc danh mục đầu tư trong kế hoạch 5 năm đã được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định, nhưng vượt quá khả năng cân đối của ngân sách cấp tỉnh năm dự toán, thì được phép huy động vốn trong nước và phải cân đối ngân sách cấp tỉnh hàng năm để chủ động trả hết nợ khi đến hạn. Mức dư nợ từ nguồn vốn huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong nước hàng năm của ngân sách cấp tỉnh.
4. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Uỷ ban nhân dân các cấp, các tổ chức và đơn vị chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự toán ngân sách trong phạm vi được giao; nghiêm cấm các trường hợp vay, cho vay và sử dụng ngân sách nhà nước trái với quy định của pháp luật.
1. Dự toán chi ngân sách trung ương và ngân sách các cấp chính quyền địa phương được bố trí khoản dự phòng từ 2% đến 5% tổng số chi để chi phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, nhiệm vụ quan trọng về quốc phòng, an ninh và nhiệm vụ cấp bách khác phát sinh ngoài dự toán; Chính phủ quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương, định kỳ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất; Uỷ ban nhân dân quyết định sử dụng dự phòng ngân sách địa phương, định kỳ báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất; đối với cấp xã, Uỷ ban nhân dân quyết định sử dụng dự phòng ngân sách xã, định kỳ báo cáo Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, báo cáo Hội đồng nhân dân tại kỳ họp gần nhất.
Chính phủ quy định phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng dự phòng ngân sách trung ương và dự phòng ngân sách địa phương.
2. Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh được lập quỹ dự trữ tài chính từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách, bố trí trong dự toán chi ngân sách hàng năm và các nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật. Quỹ dự trữ tài chính được sử dụng để đáp ứng các nhu cầu chi khi nguồn thu chưa tập trung kịp và phải hoàn trả ngay trong năm ngân sách; trường hợp đã sử dụng hết dự phòng ngân sách thì được sử dụng quỹ dự trữ tài chính để chi theo quy định của Chính phủ nhưng tối đa không quá 30% số dư của quỹ.
Mức khống chế tối đa của quỹ dự trữ tài chính ở mỗi cấp do Chính phủ quy định.
Ngân sách nhà nước bảo đảm cân đối kinh phí hoạt động của Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Kinh phí hoạt động của các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự bảo đảm, ngân sách nhà nước hỗ trợ trong một số trường hợp cụ thể theo quy định của Chính phủ.
Mọi tài sản được đầu tư, mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước và tài sản khác của Nhà nước phải được quản lý chặt chẽ theo đúng chế độ quy định.
1. Thu, chi ngân sách nhà nước được hạch toán bằng đồng Việt Nam.
2. Kế toán và quyết toán ngân sách nhà nước được thực hiện thống nhất theo chế độ kế toán của Nhà nước và Mục lục ngân sách nhà nước.
3. Chứng từ thu, chi ngân sách nhà nước được phát hành, sử dụng và quản lý theo quy định của Bộ Tài chính.
1. Dự toán, quyết toán, kết quả kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước, ngân sách các cấp, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ phải công bố công khai.
2. Quy trình, thủ tục thu, nộp, miễn, giảm, hoàn lại các khoản thu, cấp phát và thanh toán ngân sách phải được niêm yết rõ ràng tại nơi giao dịch.
3. Chính phủ quy định cụ thể việc công khai ngân sách.
Năm ngân sách bắt đầu từ ngày 01 tháng 01 và kết thúc vào ngày 31 tháng 12 năm dương lịch.
1. Làm luật và sửa đổi luật trong lĩnh vực tài chính - ngân sách;
2. Quyết định chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm cân đối thu, chi ngân sách nhà nước;
3. Quyết định dự toán ngân sách nhà nước:
a) Tổng số thu ngân sách nhà nước, bao gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại;
b) Tổng số chi ngân sách nhà nước, bao gồm chi ngân sách trung ương và chi ngân sách địa phương, chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ và viện trợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ;
c) Mức bội chi ngân sách nhà nước và nguồn bù đắp;
4. Quyết định phân bổ ngân sách trung ương:
a) Tổng số và mức chi từng lĩnh vực;
b) Dự toán chi của từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương theo từng lĩnh vực;
c) Mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng địa phương, bao gồm bổ sung cân đối ngân sách và bổ sung có mục tiêu;
5. Quyết định các dự án, các công trình quan trọng quốc gia được đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước;
6. Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết;
7. Giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước, chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nghị quyết của Quốc hội về ngân sách nhà nước, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác;
8. Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;
9. Bãi bỏ văn bản của Chủ tịch nước, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về lĩnh vực tài chính - ngân sách trái với Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội.
1. Ban hành văn bản pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách được Quốc hội giao;
2. Cho ý kiến về các dự án luật, các báo cáo và các dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách do Chính phủ trình Quốc hội;
3. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách, quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương đối với các khoản thu quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này;
4. Ban hành Quy chế lập, thẩm tra, trình Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước;
5. Giám sát việc thi hành pháp luật về ngân sách, chính sách tài chính, nghị quyết của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách; đình chỉ việc thi hành các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực tài chính - ngân sách trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội và trình Quốc hội quyết định việc huỷ bỏ các văn bản đó; huỷ bỏ các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lĩnh vực tài chính - ngân sách trái với pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; bãi bỏ các nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về lĩnh vực tài chính - ngân sách trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh và nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
1. Thẩm tra dự án luật, dự án pháp lệnh và các dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao;
2. Chủ trì thẩm tra dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, các báo cáo về thực hiện ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách nhà nước do Chính phủ trình Quốc hội;
3. Giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách; giám sát việc thực hiện ngân sách nhà nước và chính sách tài chính;
4. Giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan nhà nước có thẩm quyền ở trung ương hoặc giữa cơ quan nhà nước có thẩm quyền với cơ quan trung ương của tổ chức chính trị - xã hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách;
5. Kiến nghị các vấn đề về quản lý lĩnh vực tài chính - ngân sách.
1. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, phối hợp với Uỷ ban kinh tế và ngân sách của Quốc hội thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương và các dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách do Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội;
2. Giám sát việc thực hiện pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách và việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tài chính - ngân sách trong lĩnh vực phụ trách;
3. Kiến nghị các vấn đề về tài chính - ngân sách trong lĩnh vực phụ trách.
1. Công bố luật, pháp lệnh về lĩnh vực tài chính - ngân sách;
2. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do Hiến pháp và pháp luật quy định trong việc tiến hành đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam với người đứng đầu Nhà nước khác; trình Quốc hội phê chuẩn điều ước quốc tế đã trực tiếp ký; quyết định phê chuẩn hoặc gia nhập điều ước quốc tế, trừ trường hợp cần trình Quốc hội quyết định về lĩnh vực tài chính - ngân sách;
3. Yêu cầu Chính phủ báo cáo về công tác tài chính - ngân sách khi cần thiết.
1. Trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội các dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách theo thẩm quyền;
2. Lập và trình Quốc hội dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương hàng năm; dự toán điều chỉnh ngân sách nhà nước trong trường hợp cần thiết;
3. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và cơ quan khác ở trung ương theo quy định tại điểm b khoản 4 Điều 15 của Luật này; nhiệm vụ thu, chi và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định tại các điểm a, b khoản 3 và điểm c khoản 4 Điều 15 của Luật này; căn cứ vào nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, giao tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách từng địa phương đối với các khoản thu phân chia theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Luật này; quy định nguyên tắc bố trí và chỉ đạo thực hiện dự toán ngân sách địa phương đối với một số lĩnh vực chi được Quốc hội quyết định;
4. Thống nhất quản lý ngân sách nhà nước, bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý ngành và địa phương trong việc thực hiện ngân sách nhà nước;
5. Tổ chức và điều hành thực hiện ngân sách nhà nước được Quốc hội quyết định, kiểm tra việc thực hiện ngân sách nhà nước, báo cáo Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước, các dự án và công trình quan trọng quốc gia, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, các dự án và công trình xây dựng cơ bản quan trọng khác;
6. Quyết định việc sử dụng dự phòng ngân sách; quy định việc sử dụng quỹ dự trữ tài chính và các nguồn dự trữ tài chính khác của Nhà nước theo quy định của Luật này;
7. Quy định hoặc phân cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định các định mức phân bổ và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước để làm căn cứ xây dựng, phân bổ và quản lý ngân sách nhà nước thực hiện thống nhất trong cả nước; đối với những định mức phân bổ và chế độ chi ngân sách quan trọng, phạm vi ảnh hưởng rộng, liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của cả nước, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến bằng văn bản trước khi ban hành;
8. Kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh về dự toán ngân sách, quyết toán ngân sách và các vấn đề khác thuộc lĩnh vực tài chính - ngân sách; trường hợp nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh trái với quy định của Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên thì Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thực hiện và đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội bãi bỏ;
9. Lập và trình Quốc hội quyết toán ngân sách nhà nước, quyết toán các dự án và công trình quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định;
10. Ban hành Quy chế xem xét, quyết định dự toán và phân bổ ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương.
1. Chuẩn bị các dự án luật, pháp lệnh, các dự án khác về lĩnh vực tài chính - ngân sách và xây dựng chiến lược, kế hoạch vay nợ, trả nợ trong nước và ngoài nước trình Chính phủ; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính - ngân sách theo thẩm quyền;
2. Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng các định mức phân bổ và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách nhà nước, chế độ kế toán, quyết toán, chế độ báo cáo, công khai tài chính - ngân sách trình Chính phủ quy định hoặc quy định theo phân cấp của Chính phủ để thi hành thống nhất trong cả nước;
3. Chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương; tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước; thống nhất quản lý và chỉ đạo công tác thu thuế, phí, lệ phí, các khoản thu khác của ngân sách nhà nước, các nguồn viện trợ quốc tế; tổ chức thực hiện chi ngân sách nhà nước theo đúng dự toán được giao; lập quyết toán ngân sách trung ương; tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ; tổ chức quản lý, kiểm tra việc sử dụng tài sản của Nhà nước;
4. Kiểm tra các quy định về tài chính - ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; trường hợp quy định trong các văn bản đó trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên, có quyền kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ đối với những quy định của bộ, cơ quan ngang bộ; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đình chỉ việc thi hành đối với những nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh; đình chỉ việc thi hành hoặc kiến nghị Thủ tướng Chính phủ bãi bỏ đối với những quy định của Uỷ ban nhân dân và Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh;
5. Thống nhất quản lý nhà nước về vay và trả nợ của Chính phủ, vay và trả nợ của quốc gia;
6. Thanh tra, kiểm tra tài chính - ngân sách, xử lý hoặc kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với các vi phạm về chế độ quản lý tài chính - ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các địa phương, các tổ chức kinh tế, đơn vị hành chính, đơn vị sự nghiệp và các đối tượng khác có nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước và sử dụng ngân sách nhà nước;
7. Quản lý quỹ ngân sách nhà nước, quỹ dự trữ nhà nước và các quỹ khác của Nhà nước theo quy định của pháp luật.
1. Trình Chính phủ dự án kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và các cân đối chủ yếu của nền kinh tế quốc dân, trong đó có cân đối tài chính, tiền tệ, vốn đầu tư xây dựng cơ bản làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch tài chính - ngân sách;
2. Phối hợp với Bộ Tài chính lập dự toán ngân sách nhà nước. Lập phương án phân bổ ngân sách trung ương trong lĩnh vực phụ trách theo phân công của Chính phủ;
3. Phối hợp với Bộ Tài chính và các bộ, ngành hữu quan kiểm tra, đánh giá hiệu quả của vốn đầu tư các công trình xây dựng cơ bản.
1. Phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng chiến lược, kế hoạch vay nợ, trả nợ trong nước và ngoài nước, xây dựng và triển khai thực hiện phương án vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước;
2. Tạm ứng cho ngân sách nhà nước để xử lý thiếu hụt tạm thời quỹ ngân sách nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
1. Xây dựng dự toán ngân sách hàng năm của cơ quan mình;
2. Phối hợp với Bộ Tài chính trong quá trình lập dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương, quyết toán ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;
3. Kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;
4. Báo cáo tình hình thực hiện và kết quả sử dụng ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách theo chế độ quy định;
5. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc xây dựng chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách;
6. Quản lý, tổ chức thực hiện và quyết toán đối với ngân sách được giao; bảo đảm sử dụng có hiệu quả tài sản của Nhà nước được giao.
1. Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao và tình hình thực tế tại địa phương, quyết định:
a) Dự toán thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, bao gồm thu nội địa, thu từ hoạt động xuất khẩu và nhập khẩu, thu viện trợ không hoàn lại;
b) Dự toán thu ngân sách địa phương, bao gồm các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%, phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%), thu bổ sung từ ngân sách cấp trên;
c) Dự toán chi ngân sách địa phương, bao gồm chi ngân sách cấp mình và chi ngân sách địa phương cấp dưới, chi tiết theo các lĩnh vực chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên, chi trả nợ, chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính, dự phòng ngân sách. Trong chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên có mức chi cụ thể cho các lĩnh vực giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ;
2. Quyết định phân bổ dự toán ngân sách cấp mình:
a) Tổng số và mức chi từng lĩnh vực;
b) Dự toán chi ngân sách của từng cơ quan, đơn vị thuộc cấp mình theo từng lĩnh vực;
c) Mức bổ sung cho ngân sách từng địa phương cấp dưới, gồm bổ sung cân đối, bổ sung có mục tiêu;
3. Phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương;
4. Quyết định các chủ trương, biện pháp để triển khai thực hiện ngân sách địa phương;
5. Quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết;
6. Giám sát việc thực hiện ngân sách đã được Hội đồng nhân dân quyết định;
7. Bãi bỏ những văn bản quy phạm pháp luật về tài chính - ngân sách của Uỷ ban nhân dân cùng cấp và Hội đồng nhân dân cấp dưới trực tiếp trái với Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các văn bản của các cơ quan nhà nước cấp trên;
8. Đối với Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, còn có nhiệm vụ, quyền hạn:
a) Quyết định việc phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 4 của Luật này;
b) Quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương đối với phần ngân sách địa phương được hưởng từ các khoản thu quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này và các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương;
c) Quyết định thu phí, lệ phí và các khoản đóng góp của nhân dân theo quy định của pháp luật;
d) Quyết định cụ thể một số định mức phân bổ ngân sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi theo quy định của Chính phủ;
đ) Quyết định mức huy động vốn theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật này.
1. Lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình theo các chỉ tiêu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này; dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;
2. Lập quyết toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp;
3. Kiểm tra nghị quyết của Hội đồng nhân dân cấp dưới về tài chính - ngân sách;
4. Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ thu, chi, mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương đối với các khoản thu phân chia; quy định nguyên tắc bố trí và chỉ đạo thực hiện dự toán ngân sách đối với một số lĩnh vực chi được Hội đồng nhân dân quyết định theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 25 của Luật này;
5. Tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện ngân sách địa phương;
6. Phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp trên trong việc quản lý ngân sách nhà nước trên địa bàn;
7. Báo cáo về ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật;
8. Đối với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, ngoài các nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6 và 7 Điều này, còn có nhiệm vụ lập và trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định các vấn đề được quy định tại khoản 8 Điều 25 của Luật này;
9. Chỉ đạo cơ quan tài chính địa phương chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan giúp Uỷ ban nhân dân thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 và 8 Điều này.
1. Tổ chức lập dự toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý, thực hiện phân bổ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao cho các đơn vị trực thuộc và điều chỉnh phân bổ dự toán theo thẩm quyền;
2. Tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách được giao; nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải nộp ngân sách theo quy định của pháp luật; chi đúng chế độ, đúng mục đích, đúng đối tượng và tiết kiệm; quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước đối với các đơn vị trực thuộc theo đúng chế độ quy định;
3. Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện thu, chi ngân sách đối với các đơn vị trực thuộc;
4. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê; báo cáo, quyết toán ngân sách và công khai ngân sách theo quy định của pháp luật; duyệt quyết toán đối với các đơn vị dự toán cấp dưới;
5. Đối với các đơn vị dự toán là đơn vị sự nghiệp, ngoài nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này, được chủ động sử dụng nguồn thu sự nghiệp để phát triển và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động theo quy định của Chính phủ.
1. Nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản thuế, phí, lệ phí và các khoản phải nộp khác vào ngân sách theo quy định của pháp luật;
2. Trường hợp được Nhà nước trợ cấp, hỗ trợ vốn và kinh phí theo dự toán được giao thì phải quản lý, sử dụng các khoản vốn và kinh phí đó đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, có hiệu quả và quyết toán với cơ quan tài chính;
3. Chấp hành đúng quy định của pháp luật về kế toán, thống kê và công khai ngân sách.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong lĩnh vực tài chính - ngân sách và chịu trách nhiệm về những sai phạm thuộc phạm vi quản lý.
1. Các khoản thu ngân sách trung ương hưởng 100%:
a) Thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu;
b) Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu;
c) Thuế tiêu thụ đặc biệt hàng hoá nhập khẩu;
d) Thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành;
đ) Các khoản thuế và thu khác từ dầu, khí theo quy định của Chính phủ;
e) Tiền thu hồi vốn của ngân sách trung ương tại các tổ chức kinh tế, thu hồi tiền cho vay của ngân sách trung ương (cả gốc và lãi), thu từ quỹ dự trữ tài chính của trung ương, thu nhập từ vốn góp của Nhà nước;
g) Viện trợ không hoàn lại của Chính phủ các nước, các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài cho Chính phủ Việt Nam;
h) Các khoản phí, lệ phí nộp vào ngân sách trung ương;
i) Thu kết dư ngân sách trung ương;
k) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;
2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương:
a) Thuế giá trị gia tăng, không kể thuế giá trị gia tăng hàng hoá nhập khẩu quy định tại điểm a khoản 1 Điều này;
b) Thuế thu nhập doanh nghiệp, không kể thuế thu nhập doanh nghiệp của các đơn vị hạch toán toàn ngành quy định tại điểm d khoản 1 Điều này;
c) Thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao;
d) Thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài, không kể thuế chuyển lợi nhuận ra nước ngoài từ lĩnh vực dầu, khí quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này;
đ) Thuế tiêu thụ đặc biệt thu từ hàng hoá, dịch vụ trong nước;
e) Phí xăng, dầu.
1. Chi đầu tư phát triển:
a) Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội không có khả năng thu hồi vốn do trung ương quản lý;
b) Đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước; góp vốn cổ phần, liên doanh vào các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực cần thiết có sự tham gia của Nhà nước;
c) Chi bổ sung dự trữ nhà nước;
d) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật;
2. Chi thường xuyên:
a) Các hoạt động sự nghiệp giáo dục và đào tạo, y tế, xã hội, văn hoá thông tin văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, các hoạt động sự nghiệp khác do các cơ quan trung ương quản lý;
b) Các hoạt động sự nghiệp kinh tế do các cơ quan trung ương quản lý;
c) Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, không kể phần giao cho địa phương;
d) Hoạt động của các cơ quan trung ương của Nhà nước, Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội;
đ) Trợ giá theo chính sách của Nhà nước;
e) Các chương trình quốc gia do trung ương thực hiện;
g) Hỗ trợ quỹ bảo hiểm xã hội theo quy định của Chính phủ;
h) Trợ cấp cho các đối tượng chính sách xã hội do trung ương đảm nhận;
i) Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở trung ương theo quy định của pháp luật;
k) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật;
3. Chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền do Chính phủ vay;
4. Chi viện trợ;
5. Chi cho vay theo quy định của pháp luật;
6. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của trung ương;
7. Chi bổ sung cho ngân sách địa phương.
1. Các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100%:
a) Thuế nhà, đất;
b) Thuế tài nguyên, không kể thuế tài nguyên thu từ dầu, khí;
c) Thuế môn bài;
d) Thuế chuyển quyền sử dụng đất;
đ) Thuế sử dụng đất nông nghiệp;
e) Tiền sử dụng đất;
g) Tiền cho thuê đất;
h) Tiền cho thuê và tiền bán nhà ở thuộc sở hữu nhà nước;
i) Lệ phí trước bạ;
k) Thu từ hoạt động xổ số kiến thiết;
l) Thu hồi vốn của ngân sách địa phương tại các tổ chức kinh tế, thu từ quỹ dự trữ tài chính của địa phương, thu nhập từ vốn góp của địa phương;
m) Viện trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế, các tổ chức khác, các cá nhân ở nước ngoài trực tiếp cho địa phương;
n) Các khoản phí, lệ phí, thu từ các hoạt động sự nghiệp và các khoản thu khác nộp vào ngân sách địa phương theo quy định của pháp luật;
o) Thu từ quỹ đất công ích và thu hoa lợi công sản khác;
p) Huy động từ các tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật;
q) Đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân ở trong nước và ngoài nước;
r) Thu kết dư ngân sách địa phương theo quy định tại Điều 63 của Luật này;
s) Các khoản thu khác theo quy định của pháp luật;
2. Các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) giữa ngân sách trung ương và ngân sách địa phương theo quy định tại khoản 2 Điều 30 của Luật này;
3. Thu bổ sung từ ngân sách trung ương;
4. Thu từ huy động đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng theo quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật này.
1. Chi đầu tư phát triển:
a) Đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội do địa phương quản lý;
b) Đầu tư và hỗ trợ cho các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế, các tổ chức tài chính của Nhà nước theo quy định của pháp luật;
c) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật;
2. Chi thường xuyên:
a) Các hoạt động sự nghiệp kinh tế, giáo dục và đào tạo, y tế, xã hội, văn hoá thông tin văn học nghệ thuật, thể dục thể thao, khoa học và công nghệ, môi trường, các hoạt động sự nghiệp khác do địa phương quản lý;
b) Quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội (phần giao cho địa phương);
c) Hoạt động của các cơ quan nhà nước, cơ quan Đảng cộng sản Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương;
d) Hỗ trợ cho các tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp ở địa phương theo quy định của pháp luật;
đ) Thực hiện các chính sách xã hội đối với các đối tượng do địa phương quản lý;
e) Chương trình quốc gia do Chính phủ giao cho địa phương quản lý;
g) Trợ giá theo chính sách của Nhà nước;
h) Các khoản chi khác theo quy định của pháp luật;
3. Chi trả nợ gốc và lãi các khoản tiền huy động cho đầu tư quy định tại khoản 3 Điều 8 của Luật này;
4. Chi bổ sung quỹ dự trữ tài chính của cấp tỉnh;
5. Chi bổ sung cho ngân sách cấp dưới.
1. Căn cứ vào nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách địa phương quy định tại Điều 32 và Điều 33 của Luật này, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp cụ thể nguồn thu, nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách của chính quyền địa phương theo nguyên tắc:
a) Phù hợp với phân cấp nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh đối với từng lĩnh vực và đặc điểm kinh tế, địa lý, dân cư của từng vùng và trình độ quản lý của địa phương;
b) Trong các nguồn thu của ngân sách xã, thị trấn, ngân sách xã, thị trấn được hưởng tối thiểu 70% các khoản thu thuế chuyển quyền sử dụng đất; thuế nhà, đất; thuế môn bài thu từ cá nhân, hộ kinh doanh; thuế sử dụng đất nông nghiệp thu từ hộ gia đình; lệ phí trước bạ nhà, đất;
c) Trong các nguồn thu của ngân sách thị xã, thành phố thuộc tỉnh, ngân sách thị xã, thành phố thuộc tỉnh được hưởng tối thiểu 50% khoản thu lệ phí trước bạ, không kể lệ phí trước bạ nhà, đất;
d) Trong phân cấp nhiệm vụ chi đối với thị xã, thành phố thuộc tỉnh phải có nhiệm vụ chi đầu tư xây dựng các trường phổ thông quốc lập các cấp, điện chiếu sáng, cấp thoát nước, giao thông đô thị, vệ sinh đô thị và các công trình phúc lợi công cộng khác.
2. Căn cứ vào tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu do Thủ tướng Chính phủ giao và các nguồn thu ngân sách địa phương hưởng 100%, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương.
Ngoài các khoản thu được phân cấp theo quy định tại Điều 34 của Luật này, chính quyền xã, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được huy động sự đóng góp của tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng của xã, thị trấn, thị xã, thành phố thuộc tỉnh theo nguyên tắc tự nguyện. Việc huy động, quản lý, sử dụng khoản đóng góp này phải công khai, có kiểm tra, kiểm soát và bảo đảm đúng mục đích, đúng chế độ theo quy định của pháp luật.
1. Ngân sách địa phương được sử dụng nguồn thu hưởng 100%, số thu được phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên để cân đối thu, chi ngân sách cấp mình, bảo đảm các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh được giao.
2. Tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia và số bổ sung cân đối được xác định trên cơ sở tính toán các nguồn thu, nhiệm vụ chi quy định tại các điều 30, 31, 32 và 33 của Luật này theo các chế độ thu ngân sách, các định mức phân bổ ngân sách và các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách, theo các tiêu chí về dân số, điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội của từng vùng; chú ý tới vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng dân tộc thiểu số và vùng có khó khăn khác.
3. Ngân sách cấp trên bổ sung có mục tiêu để hỗ trợ ngân sách cấp dưới khi phát sinh nhiệm vụ quan trọng cần thiết mà sau khi bố trí lại ngân sách, sử dụng dự phòng ngân sách, dự trữ tài chính vẫn chưa đáp ứng được.
1. Dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được lập căn cứ vào nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh.
2. Các khoản thu trong dự toán ngân sách phải được xác định trên cơ sở tăng trưởng kinh tế, các chỉ tiêu có liên quan và các quy định của pháp luật về thu ngân sách.
3. Các khoản chi trong dự toán ngân sách phải được xác định trên cơ sở mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đối với chi đầu tư phát triển, việc lập dự toán phải căn cứ vào quy hoạch, chương trình, dự án đầu tư đã có quyết định của cấp có thẩm quyền, ưu tiên bố trí đủ vốn phù hợp với tiến độ triển khai thực hiện các chương trình, dự án. Đối với chi thường xuyên, việc lập dự toán phải căn cứ vào nguồn thu từ thuế, phí, lệ phí và tuân theo các chế độ, tiêu chuẩn, định mức do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Đối với chi trả nợ, phải căn cứ vào các nghĩa vụ trả nợ của năm dự toán.
4. Việc quyết định chính sách, chế độ, nhiệm vụ quan trọng, phê duyệt chương trình, dự án do ngân sách nhà nước bảo đảm phải phù hợp với khả năng ngân sách hàng năm và kế hoạch tài chính 5 năm.
5. Dự toán ngân sách nhà nước được tổ chức xây dựng, tổng hợp từ cơ quan thu, đơn vị sử dụng ngân sách, bảo đảm đúng thời gian và biểu mẫu quy định.
1. Hàng năm, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc lập kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm sau.
2. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính hướng dẫn về yêu cầu, nội dung, thời hạn lập dự toán ngân sách nhà nước; thông báo số kiểm tra dự toán về tổng mức và từng lĩnh vực thu, chi ngân sách đối với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và tổng số thu, chi, một số lĩnh vực chi quan trọng đối với từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
3. Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ, hướng dẫn của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc lập dự toán ngân sách các cấp ở địa phương.
1. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm trong việc thu, chi ngân sách phải tổ chức lập dự toán thu, chi ngân sách trong phạm vi nhiệm vụ được giao, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên; cơ quan quản lý cấp trên xem xét, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.
2. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh lập dự toán ngân sách địa phương báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét, cho ý kiến, gửi Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan để tổng hợp, lập dự toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ.
1. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, thẩm định dự toán ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, dự toán ngân sách các địa phương; chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý ngành, lĩnh vực trong việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương theo các chỉ tiêu quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 15 của Luật này trình Chính phủ.
2. Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương có trách nhiệm xem xét dự toán ngân sách của các cơ quan, đơn vị cùng cấp, dự toán ngân sách địa phương cấp dưới; chủ động phối hợp với cơ quan liên quan trong việc tổng hợp, lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình theo các chỉ tiêu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 25 của Luật này để báo cáo Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp.
Trong quá trình tổng hợp, lập dự toán ngân sách, cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm:
1. Làm việc với cơ quan, đơn vị dự toán ngân sách cùng cấp để điều chỉnh các điểm xét thấy cần thiết trong dự toán ngân sách;
2. Làm việc với Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp để điều chỉnh các điểm xét thấy cần thiết trong dự toán ngân sách địa phương đối với năm đầu của thời kỳ ổn định ngân sách; đối với các năm tiếp theo của thời kỳ ổn định ngân sách, cơ quan tài chính tổ chức làm việc với Uỷ ban nhân dân cấp dưới trực tiếp khi Uỷ ban nhân dân cấp đó đề nghị;
3. Trong quá trình làm việc, lập dự toán ngân sách nhà nước, xây dựng phương án phân bổ ngân sách trung ương nếu có ý kiến khác nhau giữa Bộ Tài chính và các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, các địa phương, thì Bộ Tài chính phải trình Chính phủ hoặc Thủ tướng Chính phủ những ý kiến còn khác nhau để quyết định theo thẩm quyền. Nguyên tắc này cũng được áp dụng trong quá trình lập dự toán ngân sách, xây dựng phương án phân bổ ngân sách ở địa phương.
Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương do Chính phủ trình Quốc hội phải kèm theo các tài liệu sau đây:
1. Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm trước, các căn cứ xây dựng dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, những nội dung cơ bản và giải pháp nhằm thực hiện dự toán ngân sách nhà nước;
2. Các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước, trong đó nêu rõ các mục tiêu, chương trình quan trọng của nền kinh tế quốc dân và các chính sách lớn của Đảng và Nhà nước có liên quan đến ngân sách nhà nước;
3. Các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, kèm theo các giải pháp nhằm huy động nguồn thu cho ngân sách nhà nước;
4. Bội chi ngân sách nhà nước và các nguồn bù đắp; tỷ lệ bội chi so với tổng sản phẩm trong nước;
5. Báo cáo các khoản nợ của Nhà nước, trong đó nêu rõ số nợ đến hạn phải trả, số nợ quá hạn phải trả, số lãi phải trả trong năm, số nợ sẽ phát sinh thêm do phải vay để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước, khả năng trả nợ trong năm và số nợ đến cuối năm;
6. Các chính sách và biện pháp cụ thể nhằm ổn định tài chính và ngân sách nhà nước;
7. Danh mục, tiến độ thực hiện và mức dự toán đầu tư năm kế hoạch đối với các dự án, các công trình quan trọng quốc gia thuộc nguồn ngân sách nhà nước đã được Quốc hội quyết định;
8. Dự toán chi của từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương theo từng lĩnh vực; nhiệm vụ thu, chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các khoản thu phân chia và số bổ sung từ ngân sách trung ương cho ngân sách từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
9. Các tài liệu khác nhằm thuyết minh rõ dự toán thu, chi ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương.
Dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm sau phải được gửi đến đại biểu Quốc hội chậm nhất là mười ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội cuối năm trước.
Các tài liệu cần thiết phải kèm theo dự toán ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân do Chính phủ quy định.
1. Quốc hội quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương năm sau trước ngày 15 tháng 11 năm trước.
2. Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước, phân bổ ngân sách trung ương, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các khoản thu phân chia, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ thu, chi cho từng bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương, nhiệm vụ thu, chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia đối với các khoản thu phân chia và mức bổ sung từ ngân sách trung ương cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Căn cứ vào nhiệm vụ thu, chi ngân sách được cấp trên giao, Uỷ ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp.
3. Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách cấp tỉnh năm sau trước ngày 10 tháng 12 năm trước. Hội đồng nhân dân cấp dưới quyết định dự toán ngân sách địa phương, phân bổ ngân sách năm sau của cấp mình chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp quyết định dự toán và phân bổ ngân sách.
4. Trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương chưa được Quốc hội quyết định, Chính phủ lập lại dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương trình Quốc hội vào thời gian do Quốc hội quyết định.
5. Trường hợp dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình chưa được Hội đồng nhân dân quyết định, Uỷ ban nhân dân lập lại dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình, trình Hội đồng nhân dân vào thời gian do Hội đồng nhân dân quyết định, song không được chậm hơn thời hạn Chính phủ quy định.
Trong quá trình thảo luận, quyết định dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách tại Quốc hội, Hội đồng nhân dân, khi quyết định tăng các khoản chi hoặc bổ sung khoản chi mới, Quốc hội, Hội đồng nhân dân đồng thời xem xét và quyết định các giải pháp để bảo đảm cân đối ngân sách.
Thủ tướng Chính phủ có quyền yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh điều chỉnh lại dự toán ngân sách, nếu việc bố trí ngân sách địa phương không phù hợp với quyết định của Quốc hội.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân có quyền yêu cầu Hội đồng nhân dân cấp dưới điều chỉnh lại dự toán ngân sách, nếu việc bố trí ngân sách địa phương không phù hợp với quyết định của Hội đồng nhân dân cấp trên.
Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội, Hội đồng nhân dân về dự toán ngân sách và phân bổ ngân sách, Chính phủ quyết định các giải pháp tổ chức, điều hành ngân sách nhà nước và ngân sách trung ương, Uỷ ban nhân dân quyết định các giải pháp tổ chức, điều hành ngân sách địa phương và ngân sách cấp mình.
Việc điều chỉnh dự toán ngân sách được thực hiện theo quy định sau:
1. Trường hợp có biến động lớn về ngân sách so với dự toán đã phân bổ cần phải điều chỉnh tổng thể, Chính phủ lập dự toán điều chỉnh ngân sách nhà nước trình Quốc hội, Uỷ ban nhân dân lập dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trình Hội đồng nhân dân theo quy trình lập, quyết định ngân sách quy định tại Luật này;
2. Trường hợp có yêu cầu cấp bách về quốc phòng, an ninh hoặc vì lý do khách quan cần phải điều chỉnh nhiệm vụ thu, chi của một số cơ quan, đơn vị, địa phương, song không làm biến động lớn đến tổng thể và cơ cấu ngân sách, Chính phủ trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách nhà nước và báo cáo Quốc hội, Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách địa phương.
1. Sau khi được Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân giao dự toán ngân sách, các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương, các đơn vị dự toán có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách trực thuộc, bảo đảm đúng với dự toán ngân sách được giao cả về tổng mức, chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đồng gửi cơ quan tài chính cùng cấp. Cơ quan tài chính có trách nhiệm kiểm tra, nếu không đúng dự toán ngân sách được giao, không đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức thì yêu cầu điều chỉnh lại.
2. Việc phân bổ và giao dự toán ngân sách cho các đơn vị sử dụng ngân sách phải hoàn thành trước ngày 31 tháng 12 năm trước, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 45 của Luật này.
1. Trong trường hợp cần thiết, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân giao dự toán ngân sách có thể điều chỉnh dự toán ngân sách cho đơn vị trực thuộc trong phạm vi tổng mức và chi tiết theo từng lĩnh vực được giao, sau khi thống nhất với cơ quan tài chính cùng cấp.
2. Ngoài cơ quan có thẩm quyền giao ngân sách, không tổ chức hoặc cá nhân nào được thay đổi nhiệm vụ ngân sách đã được giao.
Trong trường hợp vào đầu năm ngân sách, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 45 của Luật này, cơ quan tài chính các cấp được phép tạm cấp kinh phí cho các nhu cầu không thể trì hoãn được cho tới khi dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách được quyết định.
1. Các cơ quan, tổ chức trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đề ra những biện pháp cần thiết nhằm bảo đảm hoàn thành tốt nhiệm vụ thu, chi ngân sách được giao, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham ô; chấp hành nghiêm chỉnh kỷ luật tài chính.
2. Mọi tổ chức, cá nhân phải chấp hành nghĩa vụ nộp ngân sách theo đúng quy định của pháp luật; sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước đúng mục đích, đúng chế độ, tiết kiệm, có hiệu quả.
1. Chỉ cơ quan tài chính, cơ quan thuế, cơ quan hải quan và cơ quan khác được Nhà nước giao nhiệm vụ thu ngân sách (gọi chung là cơ quan thu) được tổ chức thu ngân sách nhà nước.
2. Cơ quan thu có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
a) Phối hợp với các cơ quan nhà nước hữu quan tổ chức thu đúng pháp luật; chịu sự chỉ đạo, kiểm tra của Uỷ ban nhân dân và sự giám sát của Hội đồng nhân dân về công tác thu ngân sách tại địa phương; phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tuyên truyền, vận động tổ chức, cá nhân thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ nộp ngân sách theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật;
b) Tổ chức quản lý, thực hiện thu thuế và các khoản thu khác phải nộp ngân sách nhà nước do tổ chức, cá nhân nộp;
c) Kiểm tra, kiểm soát các nguồn thu của ngân sách nhà nước; kiểm tra việc chấp hành thu, nộp ngân sách nhà nước và xử lý các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
3. Toàn bộ các khoản thu ngân sách phải được nộp trực tiếp vào Kho bạc Nhà nước. Trong trường hợp đặc biệt, cơ quan thu được phép tổ chức thu trực tiếp, nhưng phải nộp đầy đủ, đúng thời hạn vào Kho bạc Nhà nước theo quy định của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
1. Cơ quan thu các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách phải nộp đầy đủ, đúng hạn các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước.
2. Trường hợp tổ chức, cá nhân vì nguyên nhân khách quan mà không thể nộp đúng hạn các khoản phải nộp vào ngân sách nhà nước thì phải báo cáo cơ quan có thẩm quyền và chỉ được nộp chậm khi cơ quan có thẩm quyền cho phép. Nếu tổ chức, cá nhân nộp chậm mà không được phép, căn cứ vào yêu cầu của cơ quan thu, các ngân hàng và Kho bạc Nhà nước phải trích từ tài khoản tiền gửi của tổ chức, cá nhân nộp chậm để nộp ngân sách nhà nước hoặc áp dụng các biện pháp hành chính khác để thu cho ngân sách.
Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao và yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách quyết định chi gửi Kho bạc Nhà nước. Kho bạc Nhà nước kiểm tra tính hợp pháp của các tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật và thực hiện chi ngân sách khi có đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này theo phương thức thanh toán trực tiếp. Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể phương thức thanh toán này phù hợp với điều kiện thực tế.
1. Các khoản chi thường xuyên theo định kỳ được bố trí kinh phí đều trong năm để chi; các khoản chi có tính chất thời vụ hoặc mua sắm lớn được bố trí trong dự toán chi quý để thực hiện.
2. Chi đầu tư phát triển phải bảo đảm cấp đủ và đúng tiến độ thực hiện trong phạm vi dự toán được giao.
3. Đối với những dự án, nhiệm vụ chi cấp thiết được tạm ứng trước dự toán để thực hiện.
1. Thủ trưởng các đơn vị sử dụng ngân sách chịu trách nhiệm về việc quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước theo đúng chính sách, chế độ, tiêu chuẩn, định mức và dự toán được giao; trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 73 của Luật này. Người phụ trách công tác tài chính, kế toán tại các đơn vị sử dụng ngân sách có trách nhiệm thực hiện chế độ quản lý tài chính - ngân sách, chế độ kế toán nhà nước; thực hiện kiểm tra thường xuyên, định kỳ nhằm phát hiện, ngăn ngừa và kiến nghị thủ trưởng đơn vị, cơ quan tài chính cùng cấp xử lý đối với những trường hợp vi phạm.
2. Thủ trưởng cơ quan Kho bạc Nhà nước có quyền từ chối thanh toán, chi trả các khoản chi không đủ các điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 5 của Luật này và phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
3. Cơ quan tài chính có trách nhiệm bố trí nguồn để thực hiện kịp thời các khoản chi theo dự toán, kiểm tra việc thực hiện chi tiêu và có quyền tạm dừng các khoản chi vượt nguồn cho phép hoặc sai chính sách, chế độ, tiêu chuẩn; có quyền yêu cầu cơ quan giao dự toán điều chỉnh nhiệm vụ, dự toán chi của các đơn vị trực thuộc để bảo đảm thực hiện ngân sách theo đúng mục tiêu, tiến độ quy định.
Trong quá trình chấp hành ngân sách nhà nước, nếu có sự thay đổi về thu, chi thì thực hiện như sau:
1. Số tăng thu và tiết kiệm chi so với dự toán được giao được sử dụng để giảm bội chi, tăng chi trả nợ, tăng chi đầu tư phát triển, bổ sung quỹ dự trữ tài chính, tăng dự phòng ngân sách. Chính phủ dự kiến phương án sử dụng đối với từng nhiệm vụ chi, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện; Uỷ ban nhân dân dự kiến phương án sử dụng đối với từng nhiệm vụ chi, thống nhất ý kiến với Thường trực Hội đồng nhân dân trước khi thực hiện; đối với cấp xã, Uỷ ban nhân dân thống nhất ý kiến với Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân trước khi thực hiện;
2. Trường hợp số thu không đạt dự toán được Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định, Chính phủ báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân, đối với cấp xã, Uỷ ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân điều chỉnh giảm một số khoản chi tương ứng;
3. Trường hợp có nhu cầu chi đột xuất ngoài dự toán nhưng không thể trì hoãn được mà dự phòng ngân sách không đủ đáp ứng, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phải sắp xếp lại các khoản chi trong dự toán được giao hoặc sử dụng các nguồn dự trữ để đáp ứng nhu cầu chi đột xuất đó theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này;
4. Trường hợp số thu, chi có biến động lớn so với dự toán đã được quyết định, cần phải điều chỉnh tổng thể thì Chính phủ trình Quốc hội, Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định điều chỉnh dự toán ngân sách theo quy định tại khoản 1 Điều 49 của Luật này;
5. Hàng năm, trong trường hợp có số tăng thu ngân sách trung ương so với dự toán từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương với ngân sách địa phương, Chính phủ quyết định trích một phần theo tỷ lệ không quá 30% của số tăng thu so với dự toán thưởng cho ngân sách địa phương, nhưng không vượt quá số tăng thu so với mức thực hiện năm trước.
Căn cứ vào mức thưởng do Chính phủ quyết định, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định sử dụng số thưởng vượt thu được hưởng để đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng, thực hiện các nhiệm vụ quan trọng, thưởng cho ngân sách cấp dưới;
6. Định kỳ, Chính phủ báo cáo ủy ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân; đối với cấp xã, Uỷ ban nhân dân báo cáo Hội đồng nhân dân tình hình thực hiện những quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này;
7. Trường hợp quỹ ngân sách nhà nước thiếu hụt tạm thời thì được tạm ứng từ quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác để xử lý; riêng đối với ngân sách trung ương, nếu quỹ dự trữ tài chính và các nguồn tài chính hợp pháp khác không đáp ứng được thì Ngân hàng Nhà nước tạm ứng cho ngân sách trung ương theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Việc tạm ứng từ Ngân hàng Nhà nước phải được hoàn trả trong năm ngân sách, trừ trường hợp đặc biệt do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định.
1. Các tổ chức, cá nhân có nghĩa vụ nộp ngân sách hoặc sử dụng ngân sách nhà nước có nhiệm vụ báo cáo định kỳ tình hình thực hiện thu, chi ngân sách, báo cáo kế toán, quyết toán và báo cáo tài chính khác theo quy định của pháp luật.
2. Cơ quan tài chính cùng cấp có quyền tạm đình chỉ chi ngân sách của các tổ chức, cá nhân không chấp hành đúng chế độ báo cáo kế toán, quyết toán và báo cáo tài chính khác và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.
1. Các tổ chức, cá nhân có nhiệm vụ thu, chi ngân sách nhà nước phải tổ chức hạch toán kế toán, báo cáo và quyết toán theo đúng chế độ kế toán của Nhà nước.
2. Kho bạc Nhà nước tổ chức thực hiện hạch toán kế toán ngân sách nhà nước; định kỳ báo cáo việc thực hiện dự toán thu, chi ngân sách cho cơ quan tài chính cùng cấp và cơ quan nhà nước hữu quan.
Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể chế độ kế toán ngân sách nhà nước và chế độ báo cáo tài chính.
1. Cuối năm ngân sách, Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc khoá sổ kế toán và lập báo cáo quyết toán ngân sách theo đúng các nội dung ghi trong dự toán năm được giao và theo Mục lục ngân sách nhà nước.
2. Toàn bộ các khoản thu thuộc ngân sách các năm trước nộp trong năm sau phải hạch toán vào ngân sách năm sau. Các khoản chi ngân sách đến ngày 31 tháng 12 chưa thực hiện được hoặc chưa chi hết, nếu được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp tục thực hiện trong năm sau thì được chi tiếp trong thời gian chỉnh lý quyết toán và hạch toán quyết toán vào chi ngân sách năm trước, nếu được chuyển nguồn để thực hiện thì hạch toán vào ngân sách năm sau.
Kết dư ngân sách trung ương, ngân sách cấp tỉnh được trích 50% chuyển vào quỹ dự trữ tài chính, 50% chuyển vào ngân sách năm sau, nếu quỹ dự trữ tài chính đã đủ mức giới hạn thì chuyển số còn lại vào thu ngân sách năm sau. Kết dư ngân sách các cấp khác ở địa phương được chuyển vào thu ngân sách năm sau.
1. Căn cứ vào hướng dẫn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, thủ trưởng các đơn vị có nhiệm vụ thu, chi ngân sách lập quyết toán thu, chi ngân sách của đơn vị mình gửi cơ quan quản lý cấp trên.
2. Đối với các dự án đầu tư xây dựng cơ bản, khi kết thúc năm ngân sách, chủ đầu tư phải lập báo cáo quyết toán tình hình sử dụng vốn ngân sách trong năm; khi dự án hoàn thành, phải lập và báo cáo quyết toán công trình theo quy định của pháp luật.
3. Số liệu quyết toán phải được đối chiếu và được Kho bạc Nhà nước nơi giao dịch xác nhận.
4. Thủ trưởng các đơn vị dự toán cấp trên có trách nhiệm:
a) Kiểm tra và duyệt quyết toán thu, chi ngân sách của các đơn vị trực thuộc, chịu trách nhiệm về quyết toán đã duyệt. Lập quyết toán thu, chi ngân sách thuộc phạm vi quản lý gửi cơ quan tài chính cùng cấp;
b) Kiểm tra việc mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản của Nhà nước của các đơn vị trực thuộc;
c) Đối với những dự án, nhiệm vụ quy mô lớn, được đề nghị cơ quan Kiểm toán Nhà nước kiểm toán hoặc sử dụng dịch vụ kiểm toán để có thêm căn cứ xét duyệt quyết toán theo quy định của Chính phủ.
1. Cơ quan tài chính các cấp ở địa phương thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách của các cơ quan cùng cấp và quyết toán ngân sách cấp dưới, tổng hợp, lập quyết toán ngân sách địa phương trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp để Uỷ ban nhân dân xem xét trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phê chuẩn, báo cáo cơ quan hành chính nhà nước và cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp.
2. Bộ Tài chính thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương và quyết toán ngân sách địa phương; tổng hợp, lập quyết toán ngân sách nhà nước trình Chính phủ.
3. Trong quá trình thẩm định quyết toán, nếu phát hiện sai sót, cơ quan tài chính có quyền yêu cầu cơ quan duyệt quyết toán điều chỉnh lại cho đúng, đồng thời xử lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Trường hợp quyết toán ngân sách địa phương có sai sót, cơ quan tài chính cấp trên có quyền yêu cầu Uỷ ban nhân dân trình Hội đồng nhân dân điều chỉnh lại cho đúng, đồng thời xử lý hoặc đề nghị xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.
1. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước thực hiện việc kiểm toán, xác định tính đúng đắn, hợp pháp của báo cáo quyết toán ngân sách nhà nước các cấp, cơ quan, đơn vị có liên quan theo quy định của pháp luật.
2. Khi thực hiện nhiệm vụ, cơ quan Kiểm toán Nhà nước có quyền độc lập và chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết luận kiểm toán của mình; trong trường hợp cần thiết, cơ quan Kiểm toán Nhà nước được đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp công tác để thực hiện nhiệm vụ được giao.
3. Cơ quan Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm toán với Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ và cơ quan khác theo quy định của pháp luật; thực hiện kiểm toán khi Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ có yêu cầu.
4. Việc kiểm toán quyết toán ngân sách được thực hiện trước khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán; trường hợp kiểm toán sau khi Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn quyết toán thì thực hiện theo quy định của pháp luật.
1. Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước chậm nhất 18 tháng, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh phê chuẩn quyết toán ngân sách địa phương chậm nhất 12 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc; Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định thời hạn phê chuẩn quyết toán ngân sách của Hội đồng nhân dân cấp dưới nhưng chậm nhất không quá 6 tháng sau khi năm ngân sách kết thúc.
2. Trong trường hợp quyết toán ngân sách chưa được Quốc hội, Hội đồng nhân dân phê chuẩn thì Chính phủ, Uỷ ban nhân dân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình và cơ quan Kiểm toán Nhà nước đã kiểm toán phải tiếp tục làm rõ những vấn đề Quốc hội, Hội đồng nhân dân yêu cầu để trình Quốc hội, Hội đồng nhân dân vào thời gian do Quốc hội, Hội đồng nhân dân quyết định.
Trong quá trình lập, phê duyệt, thẩm định quyết toán thu, chi ngân sách phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:
1. Những khoản thu không đúng quy định của pháp luật phải được hoàn trả tổ chức, cá nhân đã nộp; những khoản phải thu nhưng chưa thu phải được truy thu đầy đủ cho ngân sách nhà nước;
2. Những khoản chi không đúng với quy định của pháp luật phải được thu hồi đủ cho ngân sách nhà nước.
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan quản lý nhà nước và đơn vị dự toán ngân sách có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện các chế độ thu, chi và quản lý ngân sách, quản lý tài sản của Nhà nước.
1. Thanh tra Tài chính có nhiệm vụ thanh tra việc chấp hành pháp luật về thu, chi và quản lý ngân sách, quản lý tài sản nhà nước của tổ chức, cá nhân.
Khi thực hiện thanh tra, Thanh tra Tài chính có quyền yêu cầu các tổ chức, cá nhân xuất trình các hồ sơ, tài liệu liên quan; nếu phát hiện vi phạm, có quyền kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi vào ngân sách nhà nước những khoản chi sai chế độ, những khoản phải thu theo quy định. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, Thanh tra Tài chính có quyền xử lý hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm.
Thanh tra Tài chính phải chịu trách nhiệm về kết luận thanh tra.
2. Chính phủ quy định cụ thể nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Thanh tra Tài chính trong việc thanh tra quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước.
1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện ngân sách nhà nước thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
2. Việc quản lý ngân sách hiệu quả, tiết kiệm, tăng đầu tư phát triển, tăng thu, tăng điều tiết cho ngân sách cấp trên, giảm bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên là căn cứ để đánh giá, khen thưởng.
Những hành vi sau đây là những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách:
1. Che dấu nguồn thu, trì hoãn hoặc không thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách nhà nước;
2. Cho miễn, giảm, nộp chậm các khoản nộp ngân sách và sử dụng nguồn thu trái quy định hoặc không đúng thẩm quyền;
3. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt, làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách và tài sản của Nhà nước;
4. Thu sai quy định của pháp luật;
5. Chi sai chế độ, không đúng mục đích, không đúng dự toán ngân sách được giao;
6. Duyệt quyết toán sai quy định của pháp luật;
7. Hạch toán sai chế độ kế toán của Nhà nước và Mục lục ngân sách nhà nước;
8. Tổ chức, cá nhân được phép tự kê khai, tự nộp thuế hoặc đề nghị hoàn thuế mà kê khai sai, nộp sai;
9. Quản lý hoá đơn, chứng từ sai chế độ; mua bán, sửa chữa, làm giả hoá đơn, chứng từ; sử dụng hoá đơn, chứng từ không hợp pháp;
10. Trì hoãn việc chi ngân sách, quyết toán ngân sách;
11. Các hành vi khác trái với quy định của Luật này và những văn bản pháp luật có liên quan.
Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, tố cáo, khởi kiện những hành vi vi phạm pháp luật về ngân sách. Việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện và giải quyết khiếu nại, tố cáo, khởi kiện được thực hiện theo quy định của pháp luật.
Căn cứ vào những quy định của Luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản của Nhà nước đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh; quy định một số cơ chế tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện và báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất.
Luật này có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2004. Luật này thay thế Luật ngân sách nhà nước năm 1996 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ngân sách nhà nước năm 1998. Những quy định trước đây trái với Luật này đều bãi bỏ.
Việc thu, chi, quyết toán ngân sách nhà nước và những vấn đề phát sinh từ việc thực hiện ngân sách nhà nước trước khi Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng theo pháp luật hiện hành.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật này.
THE NATIONAL ASSEMBLY |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM |
No. 01/2002/QH11 |
Hanoi, December 16, 2002 |
In order to exercise the unified management of the national finance, to increase the initiative and responsibility of agencies, organizations and individuals in managing and using the State budget, to enhance the financial discipline, to economically and efficiently use the State budget and property, to increase accumulation for national industrialization and modernization along the socialist orientation, to meet the requirements of socio-economic development, to raise the living standard of the people, and to ensure national defense, security and external relations;
Pursuant to the 1992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, which was amended and supplemented under Resolution No.51/2001/QH10 of December 25, 2001 of the Xth National Assembly, the 10th session;
This Law prescribes the estimation, implementation, examination, inspection, auditing and settlement of the State budget, and the tasks as well as powers of the State agencies at various levels in the field of State budget.
Article 1.- The State budget comprises all revenues and expenditures of the State, which have been decided by the competent State agencies and implemented within one year in order to ensure the performance of the functions and tasks of the State.
1. The State budget revenues include revenues from taxes, charges and fees; revenues from economic activities of the State; contributions by organizations and individuals; aids and other revenues as provided for by law.
2. The State budget expenditures include spendings on socio-economic development, on ensuring national defense, security and operations of the State apparatus; on aids and other spendings as stipulated by law.
Article 3.- The State budget is placed under the unified management on the principle of democratic centralism, publicity, transparency, management assignment and decentralization, association of powers with responsibilities.
The National Assembly shall decide the State budget estimates, allocate the central budget and ratify the State budget settlement.
1. The State budget comprises the central budget and the local budgets. The local budgets comprise the budgets of administrative units of various levels including the People’s Councils and the People’s Committees.
2. The decentralization of revenue sources as well as spending tasks and the relationships between budgets of different levels shall be effected on the following principles:
a) The central budget and the budget of each local administration level shall be assigned specific revenue sources and spending tasks;
b) The central budget plays the leading role, ensuring the performance of strategic and important tasks of the country and support localities which have not yet been able to balance their budget revenues and expenditures;
c) The local budgets shall be assigned revenue sources to ensure their initiative in performing the assigned tasks; increase resources for the commune budget. The People’s Councils of the provinces and centrally-run cities (referred collectively to as the provincial-level) shall decide on the decentralization of revenue sources and spending tasks among the budgets of various local administration levels in accordance with the decentralization of socio-economic, defense and security management and the managerial skills of each level in their respective localities;
d) The spending tasks of each budget level shall be ensured by such budget level; the promulgation and implementation of new policies and regimes leading to the increase of budget expenditures require solutions to ensure the financial sources suitable to the balance capability of each budget level;
e) Where the superior State management bodies authorize the subordinate State management bodies to perform their spending tasks, the funding for the performance of such tasks must be transferred from the superior budgets to the subordinate budgets;
f) The revenue sources shall be divided in percentage among the budgets of various levels and the additional allocations from the superior budgets to the subordinate budgets shall be effected in order to ensure fairness and balanced development among regions and localities. The revenue division percentages and the additional allocations from the superior budgets to the subordinate budgets shall be kept stable for 3 to 5 years. The additional allocations from the superior budgets shall constitute revenues of the subordinate budgets.
g) During the period of budget stability, localities are entitled to use the annual revenue increases they have enjoyed for socio-economic development in the localities; after each period of budget stability, they must increase their self-balance capability, develop their local budgets and gradually reduce the additional amounts from the superior budgets or increase the percentage of the amounts remittable to the superior budgets;
h) Besides the authorization for implementation of spending tasks and the addition of revenue sources prescribed at Points e and f, Clause 2 of this Article, the budget of one level must not be used for spending tasks of another level, except for special cases prescribed by the Government.
1. The State budget revenues must be collected according to the provisions of this Law and other law provisions.
2. The State budget expenditures shall be made only when the following conditions are fully met:
a) They have been already included in the assigned budget estimates, except for cases prescribed in Article 52 and Article 59 of this Law;
b) They are made strictly according to the regulations, criteria and norms set by competent State bodies;
c) They have been decided by the heads of the budget-using units or the authorized persons.
In addition to the conditions prescribed in Clause 2 of this Article, for expenditures which require bidding, the bidding must be organized according to the law provisions on bidding.
3. Branches, levels and units must not institute revenues and/or expenditures contrary to the provisions of law.
4. The heads of the State budget-using agencies, organizations and units shall have to organize the practice of thrift and the combat against wastefulness and corruption.
Article 6.- The State budget revenues and expenditures must be accounted and settled fully, in time and strictly according to regimes.
1. The State budget fund comprises all amounts of money of the State, including borrowed money, which have been credited on the accounts of the State budget at all levels.
2. The State budget fund is managed at the State Treasury.
1. The State budget shall be balanced on the principle that the total revenue from taxes, charges and fees must be larger than the total regular expenditure and help accumulate more and more for spending on development investment; in case of over-spending, the over-spent amount must be smaller than the development investment expenditure and eventually to achieve the balance between budget revenue and expenditure.
2. The State budget deficits shall be made up for with sources borrowed at home and abroad. Borrowings to make up for State budget deficits must ensure the principle that they must not be used for consumption, but only for development purposes and that the budget arrangement must be ensured to take initiative in repaying all debts when they turn due.
3. On principle, the local budgets shall be balanced with the total expenditure not exceeding the total revenue; where provinces or centrally-run cities need to invest in the construction of infrastructure projects which come under the scope of the provincial-level budgets and on the list of investment projects in the five-year plans already decided by the provincial-level People’s Councils, but are beyond the balance capability of the provincial-level budgets in the estimation year, they shall be allowed to mobilize domestic capital and must balance the annual provincial-level budgets so as to take initiative in repaying all debts when they become due. The debit balance from the mobilized capital source must not exceed 30% of the provincial-level budget’s annual investment capital for domestic capital construction.
4. The ministries, the ministerial-level agencies, the agencies attached to the Government, other central agencies, the People’s Committees of all levels, organizations and units shall have to organize the implementation of budget estimates within their respective assigned limits; all cases of borrowing, lending and using of State budgets contrary to law provisions are strictly forbidden.
1. The expenditure estimates of the central budget and the budgets of the local administration of all levels shall be entitled to include a reserve of between 2% and 5% of the total expenditure for spending on prevention, combat and overcoming of consequences of natural calamities, fires, on the performance of important defense and security tasks and other urgent tasks, which arise beyond the estimates; the Government shall decide on the use of the central budget reserves and periodically report thereon to the National Assembly Standing Committee, to the National Assembly at its nearest session; the People’s Committees shall decide on the use of local budget reserves and periodically report thereon to the Standing Boards of the People’s Councils and to the People’s Councils at their nearest sessions; for the commune level, the People’s Committees shall decide on the use of commune budget reserves, and periodically report thereon to the chairmen and vice-chairmen of the People’s Councils and to the People’s Councils at their nearest sessions.
The Government shall stipulate the decentralization of the competence to decide on the use of central budget reserves and local budget reserves.
2. The Government and the provincial-level People’s Committees may set up financial reserve funds from sources of revenue increases, budget remainders, include them in annual budget expenditure estimates and other financial sources according to the provisions of law. The financial reserve funds shall be used to satisfy spending demands when the revenue sources are not gathered in time and the repayment must be made right in the budget year; where the budget reserves are used up, the financial reserve funds may be used for expenditure under the regulations of the Government but such expenditure must not exceed 30% of the credit balance of the funds.
The maximum control level of the financial reserve fund at each level shall be prescribed by the Government.
Article 10.- The State budget ensures enough funds for activities of the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations. The funds for activities of political, socio-professional organizations, social organizations as well as socio-professional organizations shall be implemented on the principle of self-procurement, the State budget shall render support in a number of specific cases stipulated by the Government.
Article 11.- All properties invested or procured with the State budget sources and other properties of the State must be strictly managed according to the prescribed regimes.
1. The State budget revenues and expenditures shall be accounted in Vietnam dong.
2. The State budget accounting and settlement shall be uniformly carried out according to the State’s accounting regimes and the State Budget Contents.
3. The State budget revenue and expenditure vouchers shall be issued, used and managed according to the regulations of the Finance Ministry.
1. The estimation, settlement, the result of auditing of the State budget settlement, must be publicized by the budgets of all levels, the budget-estimating units, and organizations enjoying the State budget supports.
2. The order and procedures for collection, payment, exemption, reduction and reimbursement of budget revenues, allocation and settlement must be clearly posted up at transaction places.
3. The Government shall specify the budget publicity.
Article 14.- The budget year commences on January 1 and ends on December 31 of the calendar year.
TASKS AND POWERS OF THE NATIONAL ASSEMBLY, THE STATE PRESIDENT, THE GOVERNMENT AND OTHER STATE AGENCIES, AND THE RESPONSIBILITIES AND OBLIGATIONS OF ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS REGARDING THE STATE BUDGET
Article 15.- The tasks and powers of the National Assembly:
1. To make laws and amend laws in the finance-budget field;
2. To decide on the national financial and monetary policies in order to ensure socio-economic development as well as State budget revenue and expenditure balance;
3. To decide on the State budget estimates:
a) The total State budget revenue, including domestic revenues, revenues from export and import activities, non-refundable aid revenues;
b) The total State budget expenditure, including central budget expenditure and local budget expenditures detailed according to the fields of development investment expenditure, regular expenditure, debt repayment and aid expenditure, expenditure on addition to financial reserve and budget reserve funds. The development investment expenditure and regular expenditure include the specific spending levels for education and training, sciences and technologies;
c) The State budget deficit and offsetting sources.
4. To decide on central budget allocations:
a) The total expenditure and level for each domain;
b) The expenditure estimate of each ministry, ministerial-level agency, Government-attached agency and other central agencies according to each domain;
c) The level of addition from the central budget to each local budget, including the addition for budget balance and the targeted additions.
5. To decide on important national projects and works with investment from the State budget sources;
6. To decide on the adjustment of State budget estimates in case of necessity;
7. To supervise the implementation of the State budget, national financial and monetary policies, the National Assembly’s resolutions on the State budget, the national important projects and works, the socio-economic development programs, and other important capital construction projects and works;
8. To ratify the State budget settlement;
9. To annul documents of the State President, the National Assembly Standing Committee, the Government, the Prime Minister, the Supreme People’s Court, the Supreme People’s Procuracy in the finance-budget field, which are contrary to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly.
Article 16.- The tasks and powers of the National Assembly Standing Committee:
1. To promulgate documents on the finance-budget field as assigned by the National Assembly;
2. To give its opinions on bills, reports and other documents on finance and budget, which are submitted to the National Assembly by the Government;
3. To base itself on the resolutions of the National Assembly on State budget estimates and central budget allocations in the first year of the budget stability period to decide on the percentages of division between the central budget and each local budget regarding the sources of revenue prescribed in Clause 2, Article 30 of this Law;
4. To promulgate the Regulation on making, verifying and submitting to the National Assembly for decision the State budget estimates, plans on central budget allocations and for approval the State budget settlement;
5. To supervise the implementation of the budget legislation, financial policies, the resolutions of the National Assembly and the National Assembly Standing Committee in the finance-budget field; to suspend the implementation of documents of the Government, the Prime Minister in the finance-budget field, which are contrary to the Constitution, laws, resolutions of the National Assembly and submit to the National Assembly for decision the annulment of such documents; to annul documents of the Government and the Prime Minister in the finance-budget field, which are contrary to the ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee; to annul resolutions of the provincial-level People’s Councils in the finance-budget field, which are contrary to the Constitution, laws and resolutions of the National Assembly, ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee.
Article 17.- The tasks and powers of the National Assembly’s Economic and Budgetary Committee:
1. To examine bills, draft ordinances and other drafts on finance and budget as assigned by the National Assembly or the National Assembly Standing Committee;
2. To assume the prime responsibility for examining the State budget estimates, the plans on central budget allocations, the reports on State budget implementation and the State budget settlement, which are submitted to the National Assembly by the Government;
3. To supervise the implementation of laws and resolutions of the National Assembly, ordinances and resolutions of the National Assembly Standing Committee on finance and budget; to supervise the implementation of the State budget and the financial policies;
4. To supervise the legal documents of the Government, the Prime Minister, the ministers, the heads of the ministerial-level agencies, legal documents jointly issued by competent State bodies at the central level or jointly by competent State bodies and the central bodies of socio-political organizations in the finance-budget field;
5. To propose matters regarding the financial and budgetary management.
Article 18.- The tasks and powers of the Nationality Council and Committees of the National Assembly:
1. Within the scope of their respective tasks and powers, to coordinate with the Economic and Budgetary Committee of the National Assembly in examining bills, draft ordinances, State budget estimates, plans on central budget allocations and other documents on finance and budget, which are submitted to the National Assembly or the National Assembly Standing Committee by the Government;
2. To supervise the implementation of the legislation on finance and budget and the implementation of the National Assembly’s resolutions on finance and budget within the domains under their respective management;
3. To propose financial-budgetary matters in the domains under their respective management.
Article 19.- The tasks and powers of the State President:
1. To promulgate laws, ordinances on finance and budget;
2. To perform tasks and exercise powers prescribed by the Constitution and laws in carrying out negotiations on and signing international agreements in the name of the State of the Socialist Republic of Vietnam with other heads of State; to submit to the National Assembly for ratification the international agreement he/she has directly signed; to decide on the ratification or accession to international agreements, except for cases of necessity to submit matters in the finance-budget field to the National Assembly for decision;
3. To request the Government to report on the financial-budgetary work when necessary.
Article 20.- The tasks and powers of the Government:
1. To submit to the National Assembly or the National Assembly Standing Committee bills, draft ordinances and other drafts in the finance-budget field; to promulgate legal documents on financial and budgetary matters according to competence;
2. To make and submit to the National Assembly the State budget estimates and annual plans on central budget allocations; to estimate the State budget readjustment in case of necessity;
3. On the basis of the National Assembly’s resolutions on State budget estimates and central budget allocations, to decide on the assignment of budget revenue and expenditure tasks to each ministry, ministerial-level agency, Government-attached agency and other central agency as provided for at Point b, Clause 4, Article 15 of this Law; the revenue and expenditure tasks and level of addition from the central budget to each province or centrally-run city as provided for at Points a and b of Clause 3 and Point c of Clause 4 of Article 15 of this Law; on the basis of the resolutions of the National Assembly Standing Committee, to assign the percentage of division between the central budget and the budget of each locality regarding the revenues divided according to the provisions in Clause 3, Article 16 of this Law; to define the principles for arrangement and direction of the implementation of local budget estimates regarding a number of expenditure domains decided by the National Assembly;
4. To exercise the unified management of the State budget, ensuring the close coordination between the branch-managing agencies and the localities in the implementation of the State budget;
5. To organize and administer the implementation of the State budget decided by the National Assembly, to inspect the State budget implementation, to report to the National Assembly and the National Assembly Standing Committee on the situation of State budget implementation, key national projects and works, socio-economic development programs, other important capital construction projects and works;
6. To decide on the use of budget reserves; to stipulate the use of the financial reserve fund and other financial reserves of the State according to the provisions of this Law;
7. To set or assign the competent State agencies to set the allocation norms and the regulations, criteria and norms on State budget expenditures for use as bases for unified elaboration, allocation and management of the State budget throughout the country; for important State budget allocation norms and expenditure regimes, which cover a large sphere of influence and relate the socio-economic, defense and security tasks of the whole country, to report them to the National Assembly Standing Committee for its written comments before the promulgation thereof;
8. To examine the resolutions of the provincial-level People’s Councils on budget estimates, budget settlement and other matters in the finance-budget field; where the provincial-level People’s Councils’ resolutions are contrary to the provisions of the Constitution, laws, resolutions of the National Assembly, ordinances and/or resolutions of the National Assembly Standing Committee and legal documents of superior State agencies, the Prime Minister shall suspend the implementation thereof and propose the National Assembly Standing Committee to annul them;
9. To make and submit to the National Assembly the State budget settlement, the settlements of important national projects and works, which are decided by the National Assembly;
10. To promulgate the Regulation on consideration and decision on local budget estimates and allocation, to ratify the local budget settlement.
Article 21.- The tasks and powers of the Finance Ministry:
1. To prepare bills, draft ordinances and other drafts on finance and budget and draw up strategies and plans on borrowings and debt repayment at home and abroad for submission to the Government; to promulgate legal documents on finance and budget according to its competence;
2. To assume the prime responsibility and coordinate with the ministries, the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies, other central agencies and the provincial-level People’s Committees in the elaboration of allocation norms and the State budget expenditure regulations, criteria and norms, the accounting and settlement regime, the financial-budgetary reporting and publicity regimes and submit them to the Government for stipulations or stipulate according to the decentralization by the Government for unified implementation throughout the country;
3. To assume the prime responsibility and coordinate with the ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, other central agencies and the provincial-level People’s Committees in making the State budget estimates and plans on central budget allocation; to organize the State budget implementation; to exercise the unified management and direction over the collection of taxes, charges, fees and other collections of the State budget, international aid sources; to organize the implementation of State budget expenditures strictly according to the assigned estimates; to make the settlement of the central budget; to synthesize and make State budget estimates for submission to the Government; to organize the management and examination of the use of properties of the State;
4. To examine the regulations on finance and budget of the ministries, the ministerial-level agencies, the People’s Councils, the People’s Committees and the presidents of the People’s Committees at the provincial level; where the provisions in such legal documents are contrary to the Constitution, laws, resolutions of the National Assembly, ordinances, resolutions of the National Assembly Standing Committee and documents of superior State management agencies, it is entitled to propose the ministers, the heads of the ministerial-level agencies to suspend the implementation or annul the regulations of ministries or ministerial-level agencies; propose the Prime Minister to suspend the implementation of the resolutions of the provincial-level People’s Councils; to suspend the implementation or propose the Prime Minister to annul the regulations of the People’s Committees and presidents of the People’s Committees at the provincial level;
5. To exercise the unified State management over the Government’s borrowings and debt repayment, the country’s borrowings and debt repayment;
6. To conduct financial and budgetary inspection and examination, to handle or propose the competent authorities to handle according to law provisions the violations of the financial and budgetary management regimes committed by ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, other central agencies, localities, economic organizations, administrative units, non-business units and other subjects, that are obliged to make payment to the State budget and use the State budget;
7. To manage the State budget funds, the State reserve funds and other funds of the State according to law provisions.
Article 22.- The tasks and powers of the Ministry of Planning and Investment:
1. To submit to the Government the draft plans on socio-economic development of the whole country and the major balances of the national economy, including the balances of finance, money, capital construction investment fund, for use as bases for the elaboration of financial and budgetary plans;
2. To coordinate with the Finance Ministry in making the State budget estimates. To draw up plans on allocation of the central budget in the domain under its management according to the Government’s assignment;
3. To coordinate with the Finance Ministry and concerned ministries and branches in examining and evaluating the efficiency of capital invested in capital construction projects.
Article 23.- The tasks and powers of the State Bank of Vietnam:
1. To coordinate with the Finance Ministry in drawing up strategies and plans on domestic and foreign borrowings as well as debt repayment, in elaborating and deploying plans on borrowings to make up for State budget deficits;
2. To make advance payment to the State budget to handle the temporary deficits of the State budget fund under the Prime Minister’s decisions.
Article 24.- The tasks and powers of ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and other central agencies:
1. To elaborate annual budget estimates of their respective agencies;
2. To coordinate with the Finance Ministry in the process of making State budget estimates, plans on central budget allocations and settlement of budgets of their respective branches, domains;
3. To inspect and monitor the budget implementation situation in their respective branches or domains;
4. To report on the situation of implementation and the results of the use of budgets of their respective branches or domains according to the prescribed regimes;
5. To coordinate with the Finance Ministry in working out the regulations, criteria and norms of budget expenditures in their respective branches or domains;
6. To manage, organize the implementation of, and settle their allocated budgets; to ensure the efficient use of the properties assigned by the State.
Article 25.- The tasks and powers of the People’s Councils at all levels:
1. On the basis of the budget revenue and expenditure tasks assigned by the superior authorities and the practical situation in their respective localities, to decide:
a) The estimates of State budget revenues in their respective localities, including domestic revenues, revenues from export and import activities, revenues from non-refundable aids;
b) The estimates of the local budget revenues, including the budget revenues with 100% enjoyed by the localities, the budget amounts enjoyed by the localities from the revenues divided in percentage, revenues from additional allocations from the superior budgets;
c) The estimates of local budget expenditures, including the budget expenditure of their own levels and the local budget expenditures of the subordinate levels, detailed according to various domains of development investment expenditure, regular expenditure, debt repayment expenditure, expenditures on addition to the financial reserve funds and budgetary reserves. The development investment expenditure and regular expenditure include the specific levels of expenditures for the fields of education and training, science and technology;
2. To decide on the allocation of their own-level budget estimates:
a) The total expenditure and level for each field;
b) The budget expenditure estimate of each agency, unit of their levels according to each field;
c) The level of budget addition to each subordinate locality, including the balance addition and targeted addition;
3. To ratify the local budget settlement;
4. To decide on undertakings and measures to deploy the implementation of the local budgets;
5. To decide on the adjustment of local budget estimates in case of necessity;
6. To supervise the implementation of the budgets already decided by the People’s Councils;
7. To annul the legal documents on finance and budget of the People’s Committees of the same level and the People’s Councils of the immediate subordinate level, which are contrary to the Constitution, laws, resolutions of the National Assembly, ordinances, resolutions of the National Assembly Standing Committee and the legal documents of superior State agencies;
8. For the provincial-level People’s Councils, in addition to the tasks and powers prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6 and 7 of this Article, they shall also have the following tasks and powers:
a) To decide on the assignment of revenue sources and expenditure tasks for each budget level in their respective localities according to the provisions at Point c, Clause 2, Article 4 of this Law;
b) To decide on the percentage of budget division among the budgets of various local administration levels regarding the budget portions enjoyed by the localities from the revenue sources prescribed in Clause 2, Article 30 of this Law and the revenues divided among various local budget levels;
c) To decide on charge and fee collection and contributions of people under the provisions of law;
d) To decide on a number of specific budget allocation norms, regimes, criteria and the expenditure norms according to the Government’s regulations;
e) To decide on the levels of capital mobilization according to the regulations in Clause 3, Article 8 of this Law.
Article 26.- The tasks and powers of the People’s Committees of all levels:
1. To make local budget estimates and plans on allocation of the budgets of their respective levels according to norms prescribed in Clauses 1 and 2 of Article 25 of this Law; to estimate the local budget adjustments in case of necessity, submit them to the People’s Councils of the same level for decision and report thereon to the immediate superior State administrative agencies and finance agencies.
2. To make local budget settlements and submit them to the People’s Councils of the same level for ratification and report thereon to the immediate superior State administrative agencies and finance agencies;
3. To examine the financial-budgetary resolutions of the subordinate People’s Councils;
4. On the basis of the resolutions of the People’s Councils of the same level, to decide on the assignment of budget revenue and expenditure tasks to each attached agency, unit; the revenue and expenditure tasks as well as level of addition to the subordinate budgets and the percentage of revenues divided among local budgets of various levels; to prescribe the principles for arrangement and direction of the implementation of budget estimates for a number of expenditure domains decided by the People’s Councils according to the provisions at Point c, Clause 1, Article 25 of this Law;
5. To organize and inspect the implementation of their local budgets;
6. To coordinate with the superior State agencies in managing the State budget in their respective localities;
7. To report on the State budget according to the provisions of law;
8. For the provincial-level People’s Committees, in addition to the tasks and powers prescribed in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6 and 7 of this Article, they shall also have the tasks of elaborating and submitting to the People’s Councils of the same level for decision matters prescribed in Clause 8, Article 25 of this Law;
9. To direct the local finance agencies to assume the prime responsibility and coordinate with concerned agencies in assisting the People’s Committees to perform their tasks speicfied in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 and 8 of this Article.
Article 27.- The tasks and powers of the budget-estimating units:
1. To organize the elaboration of budget revenue and expenditure estimates within their management scope, to allocate budget estimates assigned by competent authorities to their attached units and readjust budget estimate allocation according to competence;
2. To organize the implementation of assigned budget revenue and expenditure estimates; to remit in full and on time amounts payable into the budget as provided for by law; to make expenditures strictly according to regulations, for the right purposes, for the right subjects and economically; to manage and use the State’s properties for attached units strictly according to the prescribed regime;
3. To direct and examine the implementation of budget revenues and expenditures for attached units;
4. To strictly abide by the law provisions on accounting and statistics; to report on, settle and publicize budget according to the provisions of law; to approve the settlements for subordinate estimating units;
5. For estimating units being non-business units, in addition to the tasks and powers prescribed in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article, they may take initiative in using the non-business revenue sources for developing, raising the quality and efficiency of, operation according to the Government’s regulations.
Article 28.- Organizations and individuals shall have the responsibilities and obligations:
1. To pay in full and on time various taxes, charges, fees and other payable amounts into the budget as provided for by law;
2. In cases where they are provided by the state with subsidies, support in capital and funds according to the assigned estimates, they shall have to manage and use those capital and fund amounts for the right purposes, strictly according to regulations, economically and efficiently, and settle them with the finance agencies;
3. To strictly abide by the law provisions on budget accounting, statistics and publicity.
Article 29.- The ministers, the heads of the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies and other central agencies, the presidents of the People’s Committees of all levels shall organize the performance of assigned tasks and the exercise of delegated powers in the finance-budget field and be accountable for errors and violations within their management scope.
REVENUE SOURCES, EXPENDITURE TASKS OF THE BUDGETS OF ALL LEVELS
Article 30.- The central budget’s revenue sources include:
1. The revenues enjoyed 100% by the central budget:
a) The value added tax on import goods;
b) The export tax, import tax;
c) The special consumption tax on import goods;
d) The enterprise income tax of the units applying the entire-branch accounting;
e) Other taxes and revenues from oil and gas under the regulations of the Government;
f) The retrieved money of central budget capital at economic organizations, the retrieved money of central budget loans (both principal and interest), revenue from the central financial reserve fund, income from the State’s contributed capital;
g) Non-refundable aids of the Governments of other countries, international organizations, other organizations and individuals in foreign countries, to the Vietnamese Government;
h) Amounts of charges and fees remittable into the central budget;
i) Central budget remainder;
j) Other revenues as prescribed by law.
2. Revenues divided in percentage between the central budget and the local budgets:
a) The value added tax, excluding the value added tax on import goods as provided for at Point a, Clause 1 of this Article;
b) The enterprise income tax, excluding the enterprise income tax of the units which apply the entire-branch accounting as provided for at Point d, Clause 1 of this Article;
c) The income tax on high-income earners;
d) Tax on transfer of profits abroad, excluding tax on overseas transfer of profits from oil and gas domains as provided for at Point e, Clause 1 of this Article;
e) The special consumption tax on domestic goods and services;
f) The petrol and oil charges.
Article 31.- The central budget’s expenditure tasks shall include:
1. Development investment expenditure:
a) Expenditure on the construction of centrally-managed socio-economic infrastructure projects with capital irrecoverable;
b) Investment in and support for enterprises, economic organizations and financial organizations of the State; contributions of stock or joint-venture capital to enterprises in domains requiring the State’s participation;
c) Expenditure on addition to the State reserves;
d) Other expenditures as provided for by law.
2. Regular expenditures on:
a) Non-business activities in the fields of education and training, health care, social affairs, culture and information, art and literature, physical training and sports, science and technology, environment, and other non-business activities managed by central agencies;
b) Non-business economic activities managed by central agencies;
c) National defense, security and social order and safety, excluding the portion allocated to the locality;
d) Activities of the central agencies of the State, the Communist Party of Vietnam and socio-political organizations;
e) Price subsidies under the State’s policies;
f) National programs executed by the central government;
g) Support for the social insurance fund as provided for by the Government;
h) Subsidies for social policy beneficiaries managed by the central government;
i) Support for political, socio-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations at the central level under the provisions of law;
j) Other expenditures as prescribed by law.
3. Payment of debts, both principal and interest thereon, borrowed by the Government;
4. Expenditures on aid;
5. Loans provided under the provisions of law;
6. Expenditures on addition to the financial reserves of the central government;
7. Expenditures on addition to the local budgets.
Article 32.- The sources of local budget revenues shall include:
1. Revenues enjoyed 100% by the local budgets:
a) Land and house tax;
b) Natural resource tax, excluding natural resource tax collected from oil and gas;
c) The license tax;
d) The land use right transfer tax;
e) The agricultural land use tax;
f) The land use levy;
g) The land rent;
h) Proceeds from the lease and/or sale of State-owned houses;
i) Registration fees;
j) Revenue from construction lottery;
k) Retrieval of local budget capital at economic organizations, revenue from the local financial reserve funds, income from contributed capital of the localities;
l) Non-refundable aid of international organizations, other organizations and individuals in foreign countries, provided directly to the localities;
m) Charges, fees, revenues from non-business activities and other revenues payable into the local budgets under the provisions of law;
n) Revenue from public land funds and other yields from public properties;
o) Money mobilized from organizations and individuals according to the provisions of law;
p) Voluntary contributions of organizations and individuals inside and outside the country;
q) Local budget remainders as provided for in Article 63 of this Law;
r) Other revenues as prescribed by law;
2. Revenues divided in percentage between the central budget and the local budgets under the provisions in Clause 2, Article 30 of this Law;
3. Additional allocations from the central budget;
4. Revenues from investment mobilization for construction of infrastructure projects as provided for in Clause 3, Article 8 of this Law.
Article 33.- The expenditure tasks of the local budgets shall include:
1. Expenditure on development investment:
a) Investment in the construction of socio-economic infrastructure projects managed by the localities;
b) Investment in and support for enterprises, economic organizations and financial organizations of the State according to the provisions of law;
c) Other expenditures as provided for by law.
2. Regular expenditures on:
a) Non-business economic activities in the fields of education and training, health care, social affairs, culture and information, art and literature, physical training and sports, science and technology, environment, and other non-business activities managed by the localities;
b) National defense, security and social order and safety (the portion allocated to the localities);
c) Activities of the State agencies, the agencies of the Communist Party of Vietnam and the socio-political organizations in the localities;
d) Support for political, socio-professional organizations, social organizations, socio-professional organizations in the localities under the provisions of law;
e) The implementation of social policies for subjects managed by the localities;
f) The national programs assigned by the Government to the localities for management;
g) Price subsidies under the State’s policies;
h) Other expenditures as provided for by law.
3. Payment for the money, both principal and interest, mobilized for investment as provided for in Clause 3, Article 8 of this Law;
4. Addition to the provincial-level financial reserve funds;
5. Additional allocations to subordinate budgets.
1. Basing themselves on the revenue sources and expenditure tasks of the local budgets as prescribed in Articles 32 and 33 of this Law, the provincial-level People’s Councils shall decide on the concrete decentralization of the revenue sources and expenditure tasks to the local administration’s budget of each level on the principles:
a) It is in line with the decentralization of the socio-economic, defense and security tasks for each domain and the economic, geographical and population characteristics of each region as well as the managerial level of the localities;
b) Among the revenue sources of the commune or district township budgets, the commune and district township budgets shall enjoy at least 70% of the revenue from tax on land use right transfer; land and house tax; license tax collected from business individuals and households; agricultural land use tax collected from family households; land and house registration fees;
c) Among the revenue sources of the provincial capitals’ and towns’ budgets, the provincial capitals’ and towns’ budgets shall enjoy at least 50% of the registration fees, excluding the house and land registration fees;
d) In the decentralization of expenditure tasks to the provincial capitals and towns, there must be the task of expenditure on the construction of public general education schools at all levels, the public lighting, water supply and drainage, urban traffic, urban sanitation and other public welfare projects.
2. Basing themselves on the percentage of the divided revenues, assigned by the Prime Minister and the revenue sources enjoyed 100% by the local budgets, the provincial-level People’s Councils shall decide on the percentage of revenues divided among the local administration’s budgets of various levels.
Article 35.- Apart from the revenues assigned under the provisions in Article 34 of this Law, the commune, district-township, provincial-capital or town administrations may mobilize contributions from organizations and individuals for investment in the construction of infrastructure projects of the communes, district townships, provincial capitals and towns on the principle of voluntariness. The mobilization, management and use of these contributions must be made public, inspected and controlled and ensure the right purposes and comply with the regimes prescribed by law.
1. The local budgets are entitled to use the sources of revenue they enjoy 100%, the revenue divided in percentage regarding the divided revenues and the additional allocation from the superior budget for their budget revenue and expenditure balance, ensuring the assigned socio-economic, defense and security tasks.
2. The percentage of the divided revenue and the additional allocation for balance shall be determined on the basis of calculating the revenue sources and expenditure tasks prescribed in Articles 30, 31, 32 and 33 of this Law according to the budget revenue regimes, the budget allocation norms and the budget expenditure regimes, criteria and norms according to the criteria on population, natural conditions as well as socio-economic conditions of each region, paying attention to deep-lying and remote areas, former revolutionary bases, ethnic minority people areas and other difficulty-hit regions.
3. The superior budgets shall provide targeted additional allocations to support the subordinate budgets upon the appearance of necessary important tasks which cannot be satisfied even after the rearrangement of budgets, the use of reserve budgets and/or financial reserves.
1. The annual State budget estimates shall be made on the basis of the tasks of socio-economic development and defense as well as security maintenance.
2. The revenues in the budget estimates must be determined on the basis of economic growth, relevant norms and law provisions on budget revenues.
3. The expenditures in the budget estimates must be determined on the basis of the socio-economic development as well as defense and security maintenance objectives. For development investment expenditures, the estimation thereof must be based on the investment planning, programs and projects already decided by competent authorities, prioritizing the adequate supply of capital in line with the tempo of implementation of programs, projects. For the current expenditures, the estimation thereof must be based on the sources of revenues from taxes, charges and fees and comply with the regimes, criteria and norms set by competent State agencies. For debt repayments, it must be based on the debt repayment obligations of the estimating year.
4. The decision on important policies, regimes and/or tasks and the approval of the State budget- financed programs and projects must conform to the annual budget capability and the five-year financial plan.
5. The State budget estimates shall be elaborated and synthesized from the budget-collecting agencies and budget- using units, ensuring the set schedule and prescribed forms and tables.
1. Annually, the Prime Minister shall decide on the elaboration of the socio-economic development plan and State budget estimates for the following year.
2. Basing itself on the Prime Minister’s decision, the Finance Ministry shall guide the requirements, contents and time-limit for making the State budget estimates; notify the inspection number of estimates regarding the total estimate, and estimate for each budget revenue and expenditure domain for the ministries, the ministerial-level agencies, the Government- attached agencies and other central agencies and the total revenue, expenditure, a number of important expenditure domains for each province and centrally-run city.
3. Basing themselves on the decisions of the Prime Minister and the guidance of the Finance Ministry, the provincial-level People’s Committees shall guide the estimation of budgets of various levels in their localities.
1. Agencies and units which have responsibility in the budget revenues and expenditures must organize the estimation of budget revenues and expenditures within the scope of their assigned tasks and report thereon to their superior managing agencies which shall consider and synthesize them for report to the finance agencies of the same level.
2. The provincial-level People’s Committees shall make the local budget estimates and report them to the Standing Boards of the provincial-level People’s Councils for consideration and comments and send to the Finance Ministry and the concerned agencies for synthesizing and making the State budget estimates for submission to the Government.
1. The Finance Ministry has the responsibility to examine and appraise the budget estimates of the ministries, the ministerial-level agencies, the Government-attached agencies and other central agencies, the budget estimates of the localities; to assume the prime responsibility and coordinate with the branch- or field- managing agencies in synthesizing and making the State budget estimates, making plans on central budget allocation according to the norms prescribed in Clauses 3 and 4 of Article 15 of this Law for submission to the Government.
2. The finance agencies of all levels in the localities shall have the responsibility to consider the budget estimates of the agencies and units of the same level, the estimates of the subordinate budget levels; take initiative in coordinating with the concerned agencies in synthesizing and making the local budgets, the plans on allocation of the budgets of their levels according to the norms prescribed in Clauses 1 and 2, Article 25 of this Law for report thereon to the People’s Committees which shall submit them to the People’s Councils of the same level.
Article 41.- In the process of synthesizing and making the budget estimates, the finance agencies of various levels have the responsibility:
1. To work with the budget-estimating agencies or units of the same level in order to adjust points which are deemed necessary in the budget estimates;
2. To work with the immediate subordinate People’s Committees in order to adjust points which are deemed necessary in the local budget estimates for the first year of the budget stability period; for the subsequent years of the budget stability period, the finance agencies shall organize working sessions with the immediate subordinate People’s Committees when so requested by the latter;
3. In the course of working on, making the State budget estimates and elaborating central budget allocation plans, if there appears the divergence of opinions between the Finance Ministry and other ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies, other central agencies or localities, the Finance Ministry must report to the Government or the Prime Minister the divergent opinions for decision according to competence. This principle shall also apply to the process of making budget estimates and elaborating plans on budget allocations in localities.
Article 42.- The State budget estimates and plans on central budget allocations presented to the National Assembly by the Government must be accompanied with documents on the following:
1. The previous year’s State budget implementation situation, the bases for elaboration of State budget estimates as well as the allocation of the central budget and the basic contents as well as solutions aiming to implement the State budget estimates;
2. The State budget expenditure tasks, clearly stating the objectives and important programs of the national economy and the Party’s and the State’s major policies related to the State budget;
3. The State budget revenue tasks, enclosed with solutions aiming to mobilize revenue sources for the State budget;
4. The State budget deficits and sources to make up therefor; the deficit proportion to the gross domestic products;
5. The report on the State’s debts, clearly stating the due debts, overdue debts, the interest amounts to be paid in the year, the debts which will arise due to additional borrowings to offset the State budget deficits, debts which can be repaid in the year and the debt amounts by the end of the year;
6. Concrete policies and measures to stabilize the finance and State budget;
7. The list, and implementation tempo of, and the plan year’s investment estimates for, key national projects or works financed by the State budget and already approved by the National Assembly;
8. The expenditure estimate of each ministry, ministerial-level agency, Government-attached agency or other central agency according to each domain; the revenue and expenditure tasks, the percentage of divided revenues and the additional allocations from the central budget to each provincial/municipal budget;
9. Other documents to clearly explain the State budget revenue and expenditure estimates and plans on allocation of the central budget.
Article 43.- The State budget estimate and the plan on central budget allocation of the following year must be sent to the National Assembly deputies at least ten days before the National Assembly session of the end of the current year opens.
Article 44.- The necessary documents which must be submitted together with the local budget estimates shall be stipulated by the Government.
1. The National Assembly shall decide on the next year’s State budget estimates and plan on central budget allocation before November 15 of the current year.
2. On the basis of the National Assembly’s resolutions on the State budget estimates and the central budget allocations, the National Assembly Standing Committee’s resolutions on the percentage of the divided revenues, the Prime Minister shall assign the revenue and expenditure tasks to each ministry, ministerial-level agency, Government-attached agency, other central agency, the revenue and expenditure tasks as well as the percentage of the divided revenues as well as the additional allocations from the central budget for each province or centrally-run city. Basing themselves on the budget revenue and expenditure tasks assigned by the superiors, the People’s Committees at all levels shall have to make the local budget estimates and plans on allocation of budgets of their respective level and submit them to the People’s Councils of the same level for decision and report them to the immediate superior State administrative agencies and finance bodies.
3. The provincial-level People’s Councils shall decide on the next year’s local budget estimates and allocation of the provincial-level budgets before December 10 of the current year. The subordinate People’s Councils shall decide on the next year’s local budget estimates and allocations of budgets of their levels within ten days at most after the immediate superior People’s Councils decide on the budget estimates and allocations.
4. Where the State budget estimates and central budget allocation plan are not yet decided by the National Assembly, the Government shall remake the State budget estimates as well as the plan on central budget allocation for submission to the National Assembly at the time to be decided by the National Assembly.
5. Where the local budget estimates and plans on local budget allocation are not yet decided by the People’s Councils, the People’s Committees shall remake the local budget estimates and plans on allocation of the budgets of their respective levels for submission to the People’s Councils at the time to be decided by the People’s Councils, which must, however, not be later than the time limit prescribed by the Government.
Article 46.- In the course of discussing and deciding on the State budget estimates and budget allocations in the National Assembly or the People’s Councils, when deciding to increase the expenditures or add new expenditures, the National Assembly or the People’s Councils shall simultaneously consider and decide measures to ensure the budget balance.
Article 47.- The Prime Minister shall have the right to request the provincial-level People’s Councils to readjust budget estimates if the arrangement of the local budgets is not compatible with the National Assembly’s decision.
The presidents of the People’s Committees shall have the right to request the People’s Councils of lower levels to readjust the budget estimates if the arrange-ment of the local budgets is not compatible with decisions of the superior People’s Councils.
Article 48.- On the basis of the resolutions of the National Assembly or the People’s Councils on budget estimates and allocations, the Government shall decide on measures to organize and administer the State budget and central budget, and the People’s Committees shall decide on measures to organize and administer the local budgets and the budgets of their respective levels.
Article 49.- The adjustment of budget estimates shall comply with the following regulations:
1. In case of big budget changes as compared to the allocated estimates, requiring an overall adjustment, the Government shall make the adjusted State budget estimates for submission to the National Assembly and the People’s Committees shall make the adjusted local budget estimates for submission to the People’s Councils according to the budget-elaborating and deciding process prescribed in this Law;
2. In case of urgent defense and/or security requirements due to objective reasons, which require the adjustment of revenue and expenditure tasks of a number of agencies, units and/or localities but do not cause big changes in the overall budget structure, the Government shall submit to the National Assembly Standing Committee for decision the adjustment of State budget estimates and report such to the National Assembly, and the People’s Committees shall submit to the People’s Councils for decision the adjustment of local budget estimates.
IMPLEMENTATION OF STATE BUDGET
1. After being assigned the budget estimates by the Prime Minister or the People’s Committees, the State agencies at the central and local levels and the budget- estimating units shall have the responsibility to allocate and assign budget estimates to their attached budget-using units, ensuring the compliance with the assigned budget estimates in terms of the total and details according to each expenditure domain, and concurrently send the reports thereon to the finance agencies of the same level. The finance agencies shall have to examine them and request the readjustments if finding that the allocations and assignments are not compatible with the assigned budget estimates, not compliant with the policies, regimes, criteria and norms.
2. The allocation and assignment of budget estimates to budget-using units must be completed before December 31 of the preceding year, except for cases prescribed in Clauses 4 and 5 of Article 45 of this Law.
1. In case of necessity, the agencies, organizations and/or units, which are assigned budget estimates by the Prime Minister or the People’s Committees may adjust the budget estimates for their attached units within the total amounts and details according to each assigned field, after reaching agreement with the finance agencies of the same level.
2. Besides the agencies competent to assign budgets, no organizations or individuals are allowed to change the assigned budget tasks.
Article 52.- In cases where at the beginning of the budget year the budget estimates and budget allocation plans have not yet been decided by competent State agencies as provided for in Clauses 4 and 5 of Article 45 of this Law, the finance agencies of all levels are allowed to temporarily allocate funds to satisfy demands which cannot be delayed till the budget estimates and budget allocation plans are decided.
1. The agencies and organizations shall, within the scope of their tasks and powers, have the responsibility to work out necessary measures to ensure the fulfillment of the assigned budget revenue and expenditure tasks, to practice thrift, combat wastefulness, combat corruption; to strictly observe the financial disciplines.
2. All organizations and individuals shall have to fulfill their obligations to make remittances into the budget strictly according to the provisions of law; to use the State budget funds for the right purposes, strictly according to regimes, in an economical and efficient manner.
1 Only the finance agencies, tax agencies, customs agencies and other agencies which are tasked by the State to collect budget (referred collectively to as the collecting agencies) are entitled to organize the State budget collection.
2. The collecting agencies shall have the following tasks and powers:
a) To coordinate with the concerned State agencies in organizing the collection in strict accordance with law; to submit to the direction and inspection by the People’s Committees and the supervision by the People’s Councils regarding the work of local budget collection; to coordinate with Vietnam Fatherland Front and its member organizations in propagating and mobilizing organizations and individuals to strictly fulfill their obligations to make budget remittances according to the provisions of this Law and other law provisions;
b) To manage and effect the collection of taxes and other State budget-payable amounts remitted by organizations and individuals;
c) To examine and control sources of State budget revenues; inspect the observance of State budget collection and remittance and handle acts of violation according to law provisions.
3. All the budget collections must be remitted directly into the State treasuries. For special cases, the collecting agencies are allowed to organize the direct collection, but must remit them in full and on time into the State treasuries according to the regulations of Finance Minister.
1. The collecting agencies at all levels shall, within the scope of their tasks and powers, have to responsibility to urge and inspect organizations and individuals, that are obliged to make budget remittances, to remit in full and on time all amounts payable into the State budget.
2. Where organizations and/or individuals, for objective reasons, cannot remit on time the amounts payable into the State budget, they shall have to report such to the competent agencies and may delay the remittances only when so permitted by the competent agencies. If organizations and/or individuals delay the remittances without permission, on the basis of the requests of the collecting agencies, banks and State treasuries must deduct money from the deposit accounts of such organizations and/or individuals for remittance into the State budget or apply other administrative measures to collect money for the budget.
Article 56.- Basing themselves on the assigned State budget estimates and the task-performance requirements, the heads of the budget-using units shall send decisions on expenditures to the State treasuries. The State treasuries shall examine the legality of necessary documents according to law provisions and effect budget expenditures by mode of direct payment when all the conditions prescribed in Clause 2, Article 5 of this Law are fully met. The Finance Minister shall guide in detail this payment mode in conformity with the practical conditions.
1. The regular expenditures shall be periodically arranged with funds in the year; occasional expenditures or big procurements shall be included in the quarterly expenditure estimates for implementation.
2. The development investment expenditures must be fully supplied in accordance with the implementation tempo within the assigned estimates.
3. For urgent projects or expenditure tasks, advance of estimates shall be made for the implementation thereof.
1. The heads of the budget-using units shall be responsible for the management and use of the State budget and properties strictly according to policies, regimes, criteria, norms and assigned estimates; if they commit violations, they shall be handled according to the provisions in Article 73 of this Law. The persons in charge of the financial and accounting work at the budget-using units shall have the responsibility to observe the financial and budgetary management regime and the accounting regime of the State; to conduct regular and periodical inspection in order to detect, prevent cases of violations and propose the unit heads and finance agencies of the same level to handle such violations.
2. The heads of the State treasuries are entitled to reject the settlement and payment of expenditures which fail to satisfy the conditions prescribed in Clause 2, Article 5 of this Law and take responsibility for their decisions.
3. The finance agencies shall have to arrange sources for timely implementation of estimated expenditures, to inspect the expenditure implementation and have the right to temporarily stop the expenditures in excess of the permitted sources or in contravention of policies, regimes, criteria; have the right to request the estimate-assigning agencies to adjust expenditure tasks and/or estimates of their attached units in order to ensure the budget implementation in accordance with the set objectives and schedules.
Article 59.- In the course of State budget implementation, if there appear any changes in revenues and/or expenditures, they shall be handled as follows:
1. The revenue increases and expenditure savings as compared to the assigned estimates can be used to reduce the overspending, increase debt repayment expenditure, increase development investment expenditure, supplement the financial reserve funds and/or to increase the budget reserves. The Government shall project the use plan for each expenditure task and report it to the National Assembly Standing Committee for comments before the implementation thereof; the People’s Committees shall project the use plan for each expenditure task, reach agreement with the Standing Boards of the People’s Councils before the implementation thereof; for the commune level, the People’s Committees shall reach agreement with the chairmen and vice-chairmen of the People’s Councils before the implementation thereof;
2. Where the revenues fail to reach the estimates decided by the National Assembly or the People’s Councils, the Government shall report thereon to the National Assembly Standing Committee and the People’s Committees shall report thereon to the Standing Boards of the People’s Councils; for the commune level, the People’s Committees shall report thereon to the People’s Councils for adjustment by reducing a number of corresponding expenditures;
3. Where there are demands to make unexpected expenditures beyond the estimates, which cannot be delayed and satisfied by the budget reserves, the Prime Minister or the People’s Committee presidents shall have to rearrange the expenditures within the assigned estimates or use the reserve sources to satisfy such unexpected expenditure demands according to the provisions in Clause 2, Article 9 of this Law;
4. In cases where there are big revenue and/or expenditure changes as compared to the already decided estimates, which require the overall adjust-ment, the Government shall submit to the National Assembly and the People’s Committees shall submit to the People’s Councils of the same level for decision the budget adjustment according to the provisions in Clause 1, Article 49 of this Law;
5. Annually, in cases where there is an increase in the central budget revenue as compared to the estimate from the revenues divided between the central budget and the local budgets, the Government shall decide to deduct a portion not exceeding 30% of the revenue increase over the estimate to reward the local budgets, which, however, shall not exceed the revenue increase over the preceding year’s implemented level.
Basing themselves on the reward level decided by the Government, the provincial-level People’s Committees shall report to the People’s Councils of the same level for decision on the use of over-collection reward amounts they have enjoyed for investment in the construction of infrastructure projects, the performance of important tasks and rewards to the subordinate budgets;
6. Periodically, the Government shall report to the National Assembly Standing Committee, the People’s Committees shall report to the Standing Boards of the People’s Councils, and for the commune-level, the People’s Committees shall report to the People’s Councils, on the situation of implementation of the provisions in Clauses 1,2,3 and 5 of this Article;
7. In cases where the State budget fund suffers from temporary deficit, the advance from the financial reserve fund and other lawful financial sources shall be made in order to handle it; particularly for the central budget, if the financial reserve fund and other lawful financial sources cannot meet the requirement, the State Bank shall make advance for the central budget under the Prime Minister’s decision. The advance from the State Bank must be refunded in the budget year, except for special cases to be decided by the National Assembly Standing Committee.
1. Organizations and individuals, that are obliged to make budget payments or use the State budget, shall have the task of periodically reporting on the situation of budget revenue and expenditure implementation, and making accounting report, settlement and other financial reports as provided for by law.
2. The finance agencies of the same level are entitled to temporarily suspend the budget expenditures of organizations and/or individuals that fail to strictly comply with the regimes on accounting report, settlement and other financial reports and take responsibility for their decisions.
ACCOUNTING, AUDITING AND SETTLEMENT OF STATE BUDGET
1. Organizations and individuals having the State budget revenue and expenditure tasks must organize the accounting, reporting and settlement thereof strictly according to the accounting regimes of the State.
2. The State treasuries shall organize the accounting of the State budget; periodically report on the implementation of the budget revenue and expenditure estimates to the finance agencies of the same level and the concerned State agencies.
The Finance Minister shall specify the regime of State budget accounting and the regime of financial report.
1. At the end of the budget year, the Finance Minister shall guide the closure of the accounting books and the making of budget settlement reports strictly according to the contents inscribed in the assigned annual estimates and the State Budget Contents.
2. All the revenues of the preceding years’ budget remitted in the current year must be accounted into the budgets of the current year. The budget expenditures, which, by December 31, have not yet been implemented or spent out, can be further implemented, if so permitted by the competent agencies, in the subsequent year during the time of adjusting the settlement and accounting the settlement into the current year’s budget expenditures; if sources are transferred for implementation, they shall be accounted into the subsequent year’s budget.
Article 63.- The remainder of the central budget or the provincial-level budget may be deducted with 50% for transfer into the financial reserve fund and 50% for transfer into the subsequent year’s budget; if the financial reserve fund reaches the ceiling, the remainder shall be transferred into the subsequent year’s budget revenue. The remainders of the local budgets of other levels shall be transferred into the subsequent year’s budget revenue.
1. Basing themselves on the Finance Minister’s guidance, the heads of the units with budget revenue and expenditure tasks shall make the settlement of their units’ budget revenues and expenditures and send them to the superior management agencies.
2. For investment projects on capital construction, the investors shall have to make the settlement reports on the situation of using the budget capital in the year when the budget year ends; and to make and report on the settlement of the projects according to the provisions of law when the projects are completed.
3. The settlement figures must be compared and certified by the State treasuries where transactions are conducted.
4. The heads of the superior estimating units shall have the responsibility:
a) To examine and approve the budget revenue and expenditure settlements of their attached units, take responsibility for the approved settlements. To make settlement of budget revenues and expenditures within their respective management scope and submit them to the finance agencies of the same level;
b) To examine the procurement, management and use of the State properties by attached units;
c) For large-scale projects, tasks, to request the State Audit to audit or use the auditing service to acquire more grounds for consideration and approval of settlement according to the regulations of the Government.
1. The finance agencies of various levels in localities shall appraise the budget revenue and expenditure settlements of the agencies of the same levels and budget settlements of the lower levels, sum up and make local budget settlements for submission to the People’s Committees of the same levels so that the latter consider and submit to the People’s Councils of the same level for ratification and report to the State administrative agencies and the immediate superior finance agencies.
2. The Finance Ministry shall appraise the budget revenue and expenditure settlements of the ministries, ministerial-level agencies, Government-attached agencies and other central agencies and the local budget settlements; synthesize and make the State budget settlement for submission to the Government.
3. In the course of appraising the settlements, if detecting errors, the finance agencies are entitled to request the settlement-approving agencies to adjust them properly, and at the same time handle or propose the handling of, violations according to law provisions. Where local budget settlements contain errors, the superior finance agencies are entitled to request the People’s Committees to report to the People’s Council for appropriate adjustments, and at the same time handle, or propose the handling of, violations according to law provisions.
1. The State Audit shall conduct the auditing and determine the truthfulness and legality of State budget settlement reports of various levels, concerned agencies and units as provided for by law.
2. When performing its tasks, the State Audit is entitled to be independent and held responsible before law for its auditing conclusions; in case of necessity, the State Audit may request functional agencies to coordinate activities to perform its assigned tasks.
3. The State Audit shall have to report the auditing results to the National Assembly, the National Assembly Standing Committee, the Government and other agencies according to law provisions; and conduct auditing when the National Assembly, the National Assembly Standing Committee or the Government so requests.
4. The auditing of budget settlements shall be carried out before the National Assembly and the People’s Councils ratify the settlements; in cases where the auditing is carried out after the National Assembly and/or People’s Councils ratify the settlements, the provisions of law shall be complied with.
1. The National Assembly shall ratify the State budget settlement within no more than 18 months and the provincial-level People’s Councils shall ratify the local budget settlements within no more than 12 months after the end of the budget year; the provincial-level People’s Councils shall prescribe the time limits for ratification of the budget settlements of the lower-level People’s Councils within no more than 6 months after the end of the budget year.
2. In cases where the budget settlements are not yet ratified by the National Assembly or the People’s Councils, the Government or the People’s Committees, within the scope of their respective tasks and powers, and the State Audit which has already audited them, shall have to continue to clarify matters requested by the National Assembly or the People’s Councils for submission to the National Assembly or the People’s Councils at the time decided by the National Assembly or the People’s Councils.
Article 68.- In the process of making, approving, appraising the budget revenue and expenditure settlements, the following requirements must be satisfied:
1. Amounts collected in contravention of law must be returned to the paying organizations and/or individuals; the collectible amounts which have not yet been collected must be fully collected for the State budget;
2. Amounts spent in contravention of law must be fully recovered for the State budget.
EXAMINATION, INSPECTION, COMMENDATION AND HANDLING OF VIOLATIONS
Article 69.- Within the scope of their tasks and powers, the State management agencies and budget-estimating units shall have to examine the implementation of the regimes of budget revenue, expenditure and management, State property management.
1. The Finance Inspectorate shall have the tasks to inspect the observance of legislation on budget revenue, expenditure and management and State property management by organizations and individuals.
When conducting the inspection, the Finance Inspectorate is entitled to request organizations and individuals to produce relevant dossiers and documents; if detecting violations, it has the right to propose the competent agencies to recover for the State budget amounts spent not in accordance with the regulations and the collectible amounts as provided for. Depending on the nature and seriousness of the violations, the Finance Inspectorate is entitled to handle or propose the competent State bodies to handle the violating organizations and/or individuals according to the provisions of law.
The Finance Inspectorate must bear responsibility for the inspection results.
2. The Government shall specify the tasks, powers and responsibilities of the Finance Inspectorate in inspecting the management and use of the State budget and property.
1. Organizations and individuals that record achievements in the State budget implementation shall be commended and/or rewarded according to the provisions of law.
2. The efficient management of budget, the economical use of budget, the increase of development investment, the increase of revenues, the increase of remittances for the higher-level budgets, the decrease of balance additions from the higher-level budgets shall constitute bases for evaluation and commendation/reward.
Article 72.- The following acts shall be considered acts of violating the legislation on budget:
1. Concealing revenue sources, delaying or failing to perform the obligation of State budget remittance;
2. Exempting, reducing or delaying the budget remittances and using revenue sources in contravention of regulations or not in accordance with competence;
3. Abusing positions or powers to appropriate or cause damage to State budget revenue sources and/or State property;
4. Effecting collection in contravention of law provisions;
5. Making expenditures not in accordance with regimes, not for the right purposes, not in accordance with the assigned budget estimates;
6. Approving settlements in contravention of law provisions;
7. Accounting in contravention of the State’s accounting regime and the State Budget Contents;
8. Falsely declaring and/or paying taxes by organizations and/or individuals that are allowed to make self-declaration and payment of taxes or that request the reimbursement of taxes;
9. Managing invoices and vouchers in contravention of regimes; buying, selling, modifying or counterfeiting invoices, vouchers; using invoices and vouchers illegally;
10. Delaying the budget expenditure, budget settlement;
11. Other acts contrary to the provisions of this Law and relevant legal documents.
Article 73.- Organizations and individuals that commit acts of violating the legislation on budget may, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability; if causing damage, they must pay compensation therefor according to law provisions.
Article 74.- Organizations and individuals are entitled to complain about, the denounce or take legal actions against acts of violating budget legislation. The complaint, denunciation, lawsuit and the settlement thereof shall comply with the provisions of law.
Article 75.- Based on the provisions of this Law, the Government shall prescribe the management and sue of budget and properties of the State for a number of activities in the fields of defense and security; stipulate a number of particular finance-budget mechanisms for Hanoi capital, Ho Chi Minh City and report them to the National Assembly Standing Committee for comments before the implementation thereof and report thereon to the National Assembly at its nearest session.
Article 76.- This Law takes implementation effect as from the 2004 budget year. It shall replace the 1996 Law on State Budget and the 1998 Law Amending and Supplementing a number of Articles of the State Budget Law. The previous regulations contrary to this Law shall all be annulled.
The State budget revenues, expenditures and settlement and matters arising from the implementation of State budget before this Law takes implementation effect shall comply with the current legislation.
Article 77.- The Government shall detail and guide the implementation of this Law.
|
NATIONAL ASSEMBLY CHAIRMAN |