Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh - Tác giả tác phẩm Ngữ văn 8 - Cánh diều

Tóm tắt kiến thức trọng tâm tác phẩm Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh Ngữ văn lớp 8 sách Cánh diều đầy đủ bố cục, tóm tắt, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật, nội dung chính, ... giúp học sinh học tốt môn Ngữ văn 8. Mời các bạn đón xem:

1 1,238 12/12/2023


Tác giả tác phẩm: Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh - Ngữ văn 8

I. Tác giả Lê Quang Hưng

Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Cánh diều

- Lê Quang Hưng sinh ngày 10 tháng 4 năm 1956.

- Quê ở huyện Vũ Quang thuộc tỉnh Hà Tĩnh.

- Ông là Phó giáo sư Tiến sĩ chuyên ngành nhân văn.

- Tác phẩm tiêu biểu: cuốn sách “ Những quan niệm, những thế giới nghệ thuật văn chương” được xuất bản năm 2019, qua đây sẽ cung cấp cho các bạn những kiến thức hữu ích, quang trọng về văn chương Việt Nam hiện đại ở nhiều góc nhìn và khía cạnh khác nhau.

- Ông đã được trao tặng giải thưởng và huân huy chương: Kỉ niệm chương Vì thế hệ Trẻ; được nhận tặng thưởng “Các tác phẩm lí luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất bản năm 2018”.

II. Tìm hiểu tác phẩm Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh

1. Thể loại

Văn bản Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh (Về bài thơ “Nắng mới” của Lưu Trọng Lư) thuộc thể loại nghị luận văn học.

2. Xuất xứ và hoàn cảnh sáng tác

- Xuất xứ: Trích từ “Đến với tác phẩm văn chương”, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2007.

3. Phương thức biểu đạt

Văn bản có phương thức biểu đạt là nghị luận.

4. Bố cục văn bản Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh

- Phần 1: Hồn thơ trong bài thơ Nắng mới.

- Phần 2: Chi tiết "Nắng mới" và cái "áo đỏ" trong bài thơ Nắng mới.

- Phần 3: Nét cười trong bài thơ Nắng mới.

- Phần 4: Khái quát lại nội dung toàn bài.

5. Giá trị nội dung

- Nắng mới đã hội tụ được những vẻ đẹp nơi tâm hồn thơ Lưu Trọng Lư: thành thực phiêu lưu trong cõi mộng, cứ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy.

- Nhớ mẹ luôn là tình cảm thiêng liêng mà gần gũi ở những người con hiếu nghĩa, đa cảm.

- Nắng mới là một bài thơ hết sức thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng

6. Giá trị nghệ thuật

- Các bằng chứng đa dạng, cụ thể, sinh động, phong phú.

- Hệ thống lí lẽ, ý kiến rất thuyết phục, xác thực và được trình bày theo một trình tự hợp lí.

III. Tìm hiểu chi tiết tác phẩm Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh

1. Vấn đề trọng tâm

- Vấn đề trọng tâm mà bài viết này nêu lên là làm rõ chi tiết nắng mới, áo đỏ và nét cười đen nhánh trong bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư.

- Nhan đề là yếu tố giúp người đọc có thể xác định nhanh vấn đề ấy.

Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh - Tác giả tác phẩm (mới 2023) | Ngữ văn lớp 8 Cánh diều

2. Các luận điểm, lí lẽ và dẫn chứng trong bài

Luận điểm

Lí lẽ

Bằng chứng

Nắng mới đã hội tụ được những vẻ đẹp nơi tâm hồn thơ Lưu Trọng Lư: thành thực phiêu lưu trong cõi mộng, cứ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy.

Nắng mới đã rọi vào cái tình cảm muôn thuở mà bao giờ cũng mới mẻ.

- Mô típ bài thơ.

- Chủ thể trong bài thơ.

Hai chữ "nắng mới" vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian.

Thời điểm ấy.....mung lung đến thế.

Phân tích khổ thơ hai khổ thơ: "Mỗi lần nắng mới hắt bên song... những ngày không."; "Tôi nhớ mẹ tôi...trước giậu phơi."

Mẹ là tâm điểm của nỗi nhớ về tuổi thơ trong nắng mới, là nét son trong "những ngày không" đi suốt cuộc đời với nhà thơ.

Dáng vào ra của mẹ...đa cảm.

- Phân tích khổ thơ "Hình dáng mẹ...giậu thưa.

- So sánh với bài thơ của Hoàng Cầm.

- Văn bản giúp HS hiểu sâu hơn về bài thơ Nắng mới của tác giả Lưu Trọng Lư

=> cảm nhận rõ hơn nỗi nhớ và tình yêu mẹ vô bờ được tác giả thể hiện. Nhờ đó, em tự nhận thấy trách nhiệm phải hiếu thảo của mình đối với mẹ và càng yêu thương mẹ của mình nhiều hơn.

IV. Đọc tác phẩm Nắng mới, áo đỏ và nụ cười đen nhánh

NẮNG MỚI, ÁO ĐỎ VÀ NÉT CƯỜI ĐEN NHÁNH

(Về bài thơ Nắng mới của Lưu Trọng Lư – Lê Quang Hưng)

[…] Đối với mỗi con người, tình mẫu tử có lẽ là một trong những tình cảm thiêng liêng mà gần gũi nhất. Bao kỉ niệm tươi vui hoặc đau buồn của tình cảm ấy không ít khi làm cho ta thổn thức. Nắng mới đã rọi vào cái tình cảm muôn thuở mà bao giờ cũng mới mẻ. Bài thơ có chất mộng của hoài niệm, của tâm trạng “chập chờn sống lại” nhưng rất thành thực, thành thực đến mức kì lạ. Nắng mới đã hội tụ được những vẻ đẹp nơi tâm hồn thơ Lưu Trọng Lư: thành thực phiêu lưu trong cõi mộng, cứ để lòng mình tràn lan trên mặt giấy.

Bài thơ được cấu tứ theo một mô típ khá “cổ điển”: từ hiện tại nhớ về dĩ vãng xa xưa, từ một hình ảnh hiện hữu liên tưởng đến hình ảnh tương đồng trong quá khứ. Kể cũng lạ: một tay tranh luận nhiệt thành, một nhà diễn thuyết hùng hồn từng hăng hái cổ vũ cho Thơ mới lại khá chừng mực. Chàng thanh niên có khi dõng dạc, to tiếng (đến hơi quá đáng) ấy lại hay mơ màng trong bao vần thơ êm ái ru ta về quá khứ xa xưa với những không gian huyền diệu.

Hai chữ “nắng mới” vừa ghi nhận một thời điểm đặc biệt trên dòng chảy thời gian vừa diễn tả không gian. Cái nắng đầu mùa, mỗi năm chỉ có một lần, báo hiệu đã hết những tháng ngày lạnh ẩm. Thời điểm ấy, trong cuộc đời mỗi con người, cuộc sống một gia đình, dễ nhớ kĩ, nhớ sâu lắm. Bởi nó gắn với sự bừng nở, sự rộng rãi, phơi phóng. Nỗi nhớ của Lưu Trọng Lư cũng được gợi lên từ đó. Song có một điều lạ: Nắng mới lúc này sao mà buồn, mà mung lung đến thế. Nói khác đi, ngay khi đặt bút viết Nắng mới, thi sĩ đã chập chờn sống trong cõi mộng:

Mỗi lần nắng mới hắt bên song,

Xao xác, gà trưa gáy não nùng,

Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng,

Chập chờn sống lại những ngày không.

Ai từng ở làng quê mới thấy những trưa hè tĩnh lặng, trống vắng đến dường nào. Cái động của tiếng gà trưa xao xác chỉ thêm rõ cái tĩnh, vẻ mung lung mà thôi. Các từ láy “xao xác”, “não nùng”, “chập chờn” gợi một nỗi buồn nhẹ mà thấm, một tâm trạng quạnh hiu, xa vắng. “Lòng rượi buồn theo thời dĩ vãng” – nhịp điệu thơ trôi nhẹ như ru hồn về một thời xa xăm. Chữ “ngày không” đầy sức gợi. Nó tương tự như “chiều thưa” trong “Hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần” ở bài Thơ duyên của Xuân Diệu. Phải chăng đó là những ngày vắng lặng, đơn điệu, chẳng có sự kiện gì đáng nhớ? Mà chính vì thế, hình dáng, việc làm của người mẹ ở những “ngày không” càng ám ảnh đứa con đa cảm. “Mỗi lần” lại nhắc nhớ “mỗi lần”. Nói là “chập chờn sống lại” nhưng người con nhớ rõ lắm. Nhớ tiếng reo của nắng mới tưng bừng ngoài nội. Nhớ màu áo mẹ từng đưa phơi trước giậu:

Tôi nhớ me tôi, thuở thiếu thời

Lúc người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ người đưa trước giậu phơi.

Cái nắng mới của hoài niệm này nao nức, tươi vui bởi gắn với một cậu bé lên mười, với một người mẹ chăm chút, hiền dịu. Màu đỏ của chiếc áo trong tiếng nắng reo làm cho câu thơ sáng hơn, ấm nóng hơn. Có lẽ cũng nhờ màu đỏ ấy mà việc phơi áo của mẹ trở thành một điểm son trong nỗi nhớ về tuổi thơ.

Từ “nắng mới hắt bên song” nhớ “nắng mới reo ngoài nội”, nhớ người mẹ phơi áo trước giậu. Cứ thế, nỗi nhớ ngày một thành hình, ngày một rõ hơn.

Sang khổ thơ cuối, cảnh và tình mới thật quấn quyện, mới thật là “thi trung hữu họa”:

Hình dáng me tôi chửa xóa mờ

Vẫn còn mường tượng lúc vào ra:

Nét cười đen nhánh sau tay áo

Trong ánh trưa hè trước giậu thưa.

Dáng vào ra của người mẹ như đang hiện lên rõ rệt trong tâm tưởng đứa con đa cảm. Chi tiết gây ấn tượng nhất trong Nắng mới là “nét cười đen nhánh” của người mẹ. Không phải “miệng” cười hay “nụ” cười mà là “nét”. Lại “đen nhánh”! Hình ảnh thơ bỗng sắc, bỗng lấp lánh hơn. Nét cười ấy lại thêm sáng, thêm duyên khi thấp thoáng “sau tay áo”. Chính vì thấp thoáng thế nào mà nó càng đáng nhớ, càng được nhớ lâu, nhớ mãi. Sau này, tâm hồn thi sĩ, ngòi bút tài hoa của Hoàng Cầm cũng khiến ta chẳng thể nào quên nụ cười của những cô gái miền quê Kinh Bắc:

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng

(Bên kia sông Đuống, 1948)

Với Lưu Trọng Lư, khuôn mặt, nét cười đáng kính, đáng yêu của người mẹ cứ thấp thoáng trong một không giân áy thôi: “Trong ánh trưa hè trước giậu thưa”. “Nắng mới” và “giậu thưa” quả là đã thành một thời gian – không gian nghệ thuật ám ảnh không tách rời hình ảnh người mẹ… Có thể nói, mẹ là tâm điểm của nỗi nhớ về tuổi thơ trong nắng mới, là nét son trong “những ngày không” đi suốt cuộc đời với nhà thơ.

Nhớ mẹ luôn là tình cảm thiêng liêng mà gần gũi ở những người con hiếu nghĩa, đa cảm. Đọc Nắng mới, tôi lại nghĩ về nỗi nhớ người mẹ trong bài thơ Chiếc rổ may của Tế Hanh. Khi xa quê nhà, xa mẹ, tác giả nhớ về: “… chiếc rổ mùi thơm cũ/ Như tấm lòng thơm của mẹ toi” mà khiến lòng cảm thương không nguôi; nhớ bàn tay tảo tần của mẹ: “Lặng lẽ bàn tay lặng lẽ đưa/ Đắp từng miếng vá ấm con thơ”.

Một đằng nhớ mẹ trong tình cảnh cách xa, một đằng nhớ mẹ nay không còn nữa nhưng đều là người mẹ hiền dịu, tươi tắn tình thương, đều là những người con tình nghĩa đa sầu, đa cảm.

Nắng mới là một bài thơ hết sức thành thực của một tâm hồn giàu mơ mộng. Lưu Trọng Lư đã thả hồn mộng đi tận hết cõi lòng để trở về với những hồi ức thấm thía. Bài thơ có cấu tứ đơn giản với không nhiều hình ảnh nhưng hình ảnh nào cũng sinh động, cũng rất có hồn. Chính vì thế, Nắng mới gợi niềm đồng vọng sâu xa ở nhiều tâm hồn bạn đọc. Nó đã chạm tới một trong những tình cảm thiêng liêng, ấm cúng nhất trong mỗi con người.

Xem thêm các tác giả - tác phẩm Ngữ Văn 8 sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Tác giả tác phẩm: Vẻ đẹp của bài thơ Cảnh khuya

Tác giả tác phẩm: Chiều sâu của truyện Lão Hạc

Tác giả tác phẩm: Lá cờ thêu sáu chữ vàng – tác phẩm không bao giờ cũ dành cho thiếu nhi

Tác giả tác phẩm: Bộ phim Người cha và con gái

Tác giả tác phẩm: Cuốn sách Chìa khóa vũ trụ của Gioóc-giơ

1 1,238 12/12/2023