Lý thuyết GDCD 12 Bài 1 (mới 2024 + Bài Tập): Pháp luật và đời sống

Tóm tắt lý thuyết Giáo dục công dân lớp 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống ngắn gọn, chi tiết sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm GDCD 12 Bài 1.

1 20,013 21/12/2023
Tải về


Lý thuyết GDCD 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống

I. Nội dung bài học

1. Khái niệm pháp luật

a. Pháp luật là gì?

- Pháp luật là hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành và được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

Lý thuyết Pháp luật và đời sống | GDCD lớp 12 (ảnh 1)

b. Đặc trưng của pháp luật

- Tính quy phạm phổ biến

+ Pháp luật là khuôn mẫu chung, áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi, với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực.

+ Là ranh giới phân biệt pháp luật với các loại quy phạm xã hội khác.

+ Làm nên giá trị công bằng, bình đẳng của pháp luật.

- Tính quyền lực, bắt buộc chung

+ Là quy định bắt buộc đối với tất cả mọi cá nhân và tổ chức.

+ Những người vi phạm pháp luật sẽ bị áp dụng các biện pháp cần thiết để buộc họ phải tuân theo hoặc để khắc phục hậu quả do việc làm trái pháp luật gây nên.

- Tính xác định chặt chẽ về mặt hình thức

+ Được thể hiện qua các văn bản quy phạm pháp luật: diễn đạt chính xác, một nghĩa.

+ Cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền ban hành đều được quy định rõ trong “Hiến pháp” và “Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật”.

+ Văn bản do cơ quan cấp dưới ban hành không được trái với nội dung của văn bản do cơ quan cấp trên ban hành à mọi văn bản pháp luật đều không được trái với Hiến pháp và tạo nên sự thống nhất của hệ thống pháp luật.

2. Bản chất của pháp luật

a. Bản chất giai cấp của pháp luật.

- Pháp luật do nhà nước ban hành phù hợp với ý chí nguyện vọng của giai cấp cầm quyền mà nhà nước là đại diện.

b. Bản chất xã hội của pháp luật.

- Các quy phạm pháp luật bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội, do thực tiễn cuộc sống đòi hỏi.

- Pháp luật không chỉ phản ánh ý chí của giai cấp thống trị mà còn phản ánh nhu cầu, lợi ích của các giai cấp và các tầng lớp dân cư khác nhau trong xã hội.

- Các quy phạm pháp luật được thực hiện trong thực tiễn đời sống xã hội, vì sự phát triển của xã hội

3. Mối quan hệ giữa pháp luật với kinh tế, chính trị, đạo đức

a. Quan hệ giữa pháp luật với kinh tế

- Pháp luật do các quan hệ kinh tế quy định.

- Trong mối quan hệ với kinh tế, pháp luật có tính độc lập tương đối: vừa phụ thuộc vào kinh tế, vừa tác động trở lại đối với kinh tế.

b. Quan hệ giữa pháp luật với chính trị

- Pháp luật vừa là phương tiện để thực hiện đường lối chính trị, vừa là hình thức biểu hiện của chính trị.

- Ở Việt Nam, đường lối của Đảng được Nhà nước thể chế hóa thành pháp luật và pháp luật là công cụ hiệu quả để đảm bảo đường lối của Đảng được thực hiện nghiêm chỉnh trong toàn xã hội.

c. Quan hệ giữa pháp luật với đạo đức

- Quy phạm pháp luật và quy phạm đạo đức có quan hệ chặt chẽ với nhau.

- Nhà nước đưa những quy phạm đạo đức phổ biến, phù hợp vào trong các quy phạm pháp luật.

- Pháp luật là một phương tiện đặc thù để thể hiện và bảo vệ các giá trị đạo đức.

- Những giá trị cơ bản nhất của pháp luật và đạo đức: công bằng, bình đẳng, tự do, lẽ phải.

4. Vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội

a. Pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội

- Pháp luật là phương tiện hữu hiệu nhất để quản lí xã hội: tạo trật tự, ổn định, tồn tại và phát triển.

- Pháp luật giúp nhà nước phát huy quyền lực của mình, kiểm tra, kiểm soát được các hoạt động của mọi cá nhân, tổ chức, cơ quan trong phạm vi lãnh thổ của mình.

- Nhà nước ban hành pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật trên quy mô toàn xã hội: Công bố công khai, kịp thời, thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện thông tin; đưa giáo dục pháp luật vào nhà trường, xây dựng tủ sách pháp luật ở địa phương, cơ quan,...

b. Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình:

- Thông qua các văn bản luật, pháp luật xác lập quyền của công dân, là căn cứ để công dân thực hiện quyền của mình.

- Pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình: Quy định quyền của công dân, cách thức để công dân thực hiện các quyền đó, trình tự, thủ tục pháp lí để yêu cầu Nhà nước bảo vệ khi quyền của mình bị xâm phạm.

Trắc nghiệm GDCD 12 Bài 1: Pháp luật và đời sống

Câu hỏi nhận biết và thông hiểu

Câu 1: Pháp luật do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng

A. quyền lực nhà nước.

B. chủ trương của nhà nước.

C. chính sách của Nhà nước.

D. uy tín của Nhà nước.

Đáp án: A

Giải thích: Khái niệm pháp luật: do Nhà nước ban hành và đảm bảo thực hiện bằng quyền lực nhà nước.

Câu 2: Pháp luật mang bản chất xã hội vì pháp luật

A. bắt nguồn từ thực tiễn đời sống xã hội.

B. phản ánh lợi ích của giai cấp cầm quyền.

C. luôn đứng trên xã hội.

D. luôn luôn tồn tại trong mọi xã hội.

Đáp án: A

Giải thích: Pháp luật bắt nguồn từ đời sống xã hội, phản ánh nhu cầu lợi ích của các giai cấp, các quy phạm được thực hiện trong thực tiễn đời sống.

Câu 3: Luật hôn nhân gia đình quy định điều kiện kết hôn giữa nam và nữ áp dụng cho tất cả mọi người, không có ngoại lệ phản ánh đặc trưng cơ bản nào của pháp luật

A. Tính quyền lực, bắt buộc chung.

B. Tính xác định chặt chẽ về hình thức.

C. Tính xác định chặt chẽ về nội dung.

D. Tính quy phạm phổ biến.

Đáp án: D

Giải thích: Dựa vào đặc trưng của pháp luật “ tính quy phạm phổ biến” là những quy tắc xử sự chung, áp dụng với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội.

Câu 4: Tất cả mọi cá nhân, tổ chức ai cũng phải xử sự theo pháp luật. Điều này thể hiện đặc trưng nào dưới đây của pháp luật?

A. Tính quyền lực, bắt buộc chung.

B. Tính dân chủ.

C. Tính quy phạm phổ biến.

D. Tính nghiêm túc.

Đáp án: C

Giải thích: Căn cứ vào đặc trưng của pháp luật “ tính quy phạm phổ biến” là tính bắt buộc thực hiện mọi quy định của pháp luật hiện hành đối với mọi cá nhân, tổ chức và ý nghĩa: Ai cũng cần tuân thủ và làm theo pháp luật, mọi người đều bình đẳng, công bằng trước pháp luật.

Câu 5: Pháp luật có vai trò như thế nào đối với công dân?

A. Bảo vệ mọi nhu cầu, lợi ích của công dân.

B. Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

C. Bảo vệ quyền, lợi ích cơ bản của công dân.

D. Cưỡng chế mọi quyền và nghĩa vụ của công dân.

Đáp án: B

Giải thích: Căn cứ vào vai trò của pháp luật trong đời sống xã hội:pháp luật là phương tiện để công dân thực hiện và bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của mình.

Câu 6: Pháp luật mang bản chất giai cấp vì pháp luật do

A. các đoàn thể, ban ngành và quần chúng ban hành.

B. nhà nước ban hành.

C. Chính quyền các cấp ban hành.

D. nhân dân ban hành.

Đáp án: B

Giải thích: Căn cứ vào nội dung bản chất giai cấp của pháp luật: pháp luật do nhà nước xây dựng và đại diện cho giai cấp cầm quyền.

Câu 7: Phát biểu nào dưới đây không đúng khi bàn về pháp luật?

A. Pháp luật có tính quy phạm phổ biến trong xã hội.

B. Pháp luật bảo đảm quyền tự do cơ bản của công dân.

C. Pháp luật do Quốc hội thông qua.

D. Pháp luật là phương pháp quản lí cố định duy nhất.

Đáp án: D

Giải thích: Căn cứ vào các nội dung đặc trưng của pháp luật, bản chất giai cấp của pháp luật, vai trò của pháp luật.

Câu 8: Việc làm nào dưới đây thể hiện pháp luật là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội?

A. Phổ biến giáo dục pháp luật thông qua các phương tiện truyền thông.

B. Tố cáo nhằm ngăn chặn hành vi vi phạm pháp luật.

C. Thực hiện các quyền và lợi ích của công dân.

D. Đề nghị xem xét quyết định của cơ quan nhà nước.

Đáp án: A

Giải thích: Căn cứ vào vai trò của pháp luật: là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội (nhà nước quản lí xã hội bằng pháp luật: có hệ thống pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm).

Câu 9: Pháp luật có tính quy phạm phổ biến vì pháp luật được áp dụng

A. trong một số lĩnh vực quan trọng của đời sống.

B. trong mọi lĩnh vực quan trọng của đời sống xã hội.

C. đối với các cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật.

D. đối với người sản xuất kinh doanh.

Đáp án: B

Giải thích: Căn cứ vào đặc trưng của pháp luật “ tính quy phạm phổ biến”

Câu 10: Dấu hiệu nào dưới đây của pháp luật là một trong những đặc điểm để phân biệt pháp luật với đạo đức?

A. Pháp luật bắt buộc với mọi cá nhân, tổ chức.

B. Pháp luật bắt buộc với các cán bộ, cơ quan nhà nước.

C. Pháp luật chỉ bắt buộc với những người phạm tội.

D. Pháp luật không bắt buộc đối với trẻ em dưới 14 tuổi.

Đáp án: A

Giải thích: Pháp luật là những quy tắc xử sự chung, là khuôn mẫu chung được áp dụng nhiều lần, ở nhiều nơi đối với tất cả mọi người, trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Còn đạo đức là những quy tắc ứng xử trong cuộc sống, không bắt buộc với mọi đối tượng hoặc có thực hiện hay không tùy vào thái độ của mỗi người.

Xem thêm các bài tổng hợp lý thuyết GDCD lớp 12 đầy đủ, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 2: Thực hiện pháp luật

Lý thuyết Bài 3: Công dân bình đẳng trước pháp luật

Lý thuyết Bài 4: Quyền bình đẳng của công dân trong một số lĩnh vực đời sống

Lý thuyết Bài 5: Quyền bình đẳng giữa các dân tộc tôn giáo

Lý thuyết Bài 6: Công dân với các quyền tự do cơ bản

1 20,013 21/12/2023
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: