Kiều ở lầu Ngưng Bích - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9
VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 9 về Tác giả tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:
Tác giả tác phẩm: Kiều ở lầu Ngưng Bích - Ngữ văn 9
I. Tác giả văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích
1. Gia đình
- Nguyễn Du ( 1765-1820), tên tự là Tố Như, hiêụ Thanh Hiên.
- Ông sinh ra trong một gia đình quan lại có truyền thống khoa bảng.
- Quê quán :
+ Quê cha: Tiên Điền, Hà Tĩnh ⇒ vùng đất sản sinh nhiều anh kiệt
+ Quê mẹ: Từ Sơn, Bắc Ninh ⇒ cái nôi dân ca Quan họ Đây là hai vùng đất giàu truyền thống văn hóa.
⇒ Giúp Nguyễn Du có điều kiện tiếp xúc với nhiều vùng văn hóa, dùi mài kinh sử, vốn sống, vốn hiểu biết phong phú.
2. Thời đại xã hội
- Nguyễn Du sống vào thời kì loạn lạc, khủng hoảng xã hội, đất nước chia cắt
- Nhiều cuộc khởi nghĩa nông dân nổ ra, tiêu biểu là khởi nghĩa Tây Sơn thay đổi sơn hà, nhà Nguyễn lập lại chế độ chuyên chế
⇒ Ảnh hưởng đến tư tưởng trong sáng tác của ông
3. Cuộc đời trải qua lắm gian truân
- Thời niên thiếu: sống trong sung túc trong gia đình quyền quý ở Thăng Long. Cha ông từng giữ chức Tể tướng, anh trai cùng cha khác mẹ làm tới chức Tham tụng → có điều khiện dùi mài kinh sử, hiểu biết về cuộc sống sa hoa của giới quý tộc phong kiến → dấu ấn trong sáng tác
- Do biến cố năm 1789 (Nguyễn Huệ tiêu diệt tập đoàn PK vua Lê - chúa Trịnh), Nguyễn Du phải trải qua cuộc sông mời năm phiêu bạt (từng mưu đồ chống Tây Sơn nhưng thất bại, lui về ẩn dật)
- 1802, ông ra làm quan cho nhà Nguyễn
- Nguyễn Du ốm, mất ở Huế 1820
⇒ Cuộc đời thăng trầm, đi nhiều đã giúp ông có hiểu biết sâu rộng, am hiểu văn hóa vùng miền, văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.
4. Sự nghiệp văn học
a. Sáng tác bằng chữ Hán
- 249 bài trong 3 tập:
+ Thanh Hiên thi tập: 78 bài, viết trước khi ra làm quan ⇒ ông gửi vào tập thơ này nỗi cô đơn bế tắc của một con người bơ vơ, lạc hướng giữa dâu bể thời đại
+ Nam trung tạp ngâm: 40 bài, viết trong thời gian làm quan ⇒ Biểu hiện tâm trạng buồn đau nhưng đồng thời thể hiện quan sát về cuộc đời, xã hội
+ Bắc hành tạp lục: 131 bài viết trong thời gian đi sứ
⇒ Ca ngợi nhân cách cao cả và phê phán nhân vật phản diện; phê phán xã hội phong kiến và cảm thông với số phận bé nhỏ
b. Sáng tác bằng chữ Nôm
- Đoạn trường tân thanh(TK): Gồm 3254 câu thơ dựa trên cốt truyện Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc) nhưng phần sáng tạo của Nguyễn Du là vô cùng lớn
⇒ Thể hiện niềm cảm thương sâu sắc đối với số phận của con người tài hoa nhưng bạc phận, là một truyện Nôm có giá trị nhân văn sâu sắc.
- Văn chiêu hồn: Viết theo thể song thất lục bát. Ông viết để chiêu hồn cho những sinh linh thuộc nhiều tầng lớp khác nhau nhưng tấm lòng nhân ái của nhà thơ vẫn luôn hướng về những thân phận nhỏ bé, dưới đáy.
Bài giảng Ngữ văn lớp 9 Kiều ở lầu Ngưng Bích
II. Nội dung văn bản Kiều ở lầu Ngưng Bích
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân,
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung.
Bốn bề bát ngát xa trông,
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya,
Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.
Tưởng người dưới nguyệt chén đồng,
Tin sương luống những rày trông mai chờ.
Bên trời góc bể bơ vơ,
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.
Xót người tựa cửa hôm mai,
Quạt nồng ấp lạnh, những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa,
Có khi gốc tử đã vừa người ôm?
Buồn trông cửa bể chiều hôm,
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
Buồn trông ngọn nước mới sa,
Hoa trôi man mác, biết là về đâu?
Buồn trông nội cỏ rầu rầu,
Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.
III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
1. Bố cục tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
Gồm 3 phần:
- 6 câu đầu: Hoàn cảnh cô đơn tội nghiệp của Thúy Kiều
- 8 câu tiếp: Nỗi nhớ thương Kim Trọng và nhớ thương cha mẹ của Kiều
- 8 câu cuối: Tâm trạng đau buồn và dự cảm trước tương lai sóng gió
2. Nội dung chính tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
Đoạn trích đã miêu tả chân thực cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi, đáng thương, nỗi nhớ người thân da diết và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo vị tha của Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích
3. Phương thức biểu đạt tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
Phương thức biểu đạt tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích là Miêu tả, tự sự
4. Thể loại:
Tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích thuộc thể loại Truyện thơ Nôm viết theo thể thơ lục bát.
5. Giá trị nội dung tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Miêu tả cảnh ngộ cô đơn buồn tủi và tấm lòng thuỷ chung, hiếu thảo rất đáng thương, đáng trân trọng của Thuý Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích.
6. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
- Miêu tả nội tâm nhân vật đặc sắc.
- Bút pháp tả cảnh ngụ tình tuyệt bút.
IV. Dàn ý tác phẩm Kiều ở lầu Ngưng Bích
I. Mở bài
- Giới thiệu một vài nét về tác giả Nguyễn Du: đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới, một cây bút xuất sắc của nền văn học
- Truyện Kiều là tác phẩm được coi là hồn dân tộc; đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” được trích từ Truyện Kiều, qua đoạn trích nhà thơ đã vô cùng tinh tế và sâu sắc khi diễn tả được tâm trạng của Thúy Kiều qua cảnh vật.
II. Thân bài
1. 6 câu thơ đầu : Hoàn cảnh cô đơn, tội nghiệp của Thúy Kiều
a. 4 câu thơ đầu: bức họa về hoàn cảnh, không gian nơi Thúy Kiều ở
+ Khung cảnh thiên nhiên được miêu tả là khung cảnh trước lầu Ngưng Bích qua điểm nhìn từ trên cao, từ tâm trạng của Kiều
+ “Khóa xuân”: khóa kín tuổi xuân, ở nơi đây, con người đã chẳng còn mong chờ đến tuổi thanh xuân nữa
+ “Non xa- trăng gần” đối nhau: tạo không gian xa rộng, nơi đây Kiều không có một người thân quen
+ Tác giả sử dụng từ ghép “bốn bề” đứng cạnh từ láy “bát ngát” gợi không gian rộng lớn không một bóng người,
+ Cảnh vật vốn có đường nét, màu sắc nhưng lại không đẹp, đã vậy còn gợi cảm giác cô đơn, rợn ngợp
⇒ Ở đây tác giả sử dụng vô cùng thành công bút pháp tả cảnh ngụ tình.
b. 2 câu thơ sau: Tình của Kiều
+ Từ láy “bẽ bàng”: diễn tả nỗi xấu hổ tủi thẹn của Kiều, trong tâm trí nàng vẫn còn in đậm những sự việc vừa mới xảy ra: bị Mã Giám Sinh làm nhục, bị ép làm gái lầu xanh rồi giờ bị giam lỏng nơi đây
+ Thành ngữ “mây sớm đèn khuya” : chỉ thời gian tuần hoàn khép kín,một mình Kiều nơi đây làm nổi bật nỗi bơ vơ
+ So sánh “Nửa tình nửa cảnh như chia tâm lòng” : nỗi lòng Kiều như bị chia ra làm hai, nửa dành cho cảnh nửa dành cho tình
⇒ Sáu câu thơ đầu được xây dựng bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình, tả cảnh hoang vắng quạnh hiu để khắc họa rõ tâm trạng cô đơn của Kiều
2. 8 câu thơ tiếp : Nỗi nhớ người yêu và cha mẹ của Kiều
a. Nỗi nhớ người yêu (4 câu đầu)
+ “Người dưới nguyệt chén đồng”: chỉ chàng Kim cùng lời thề nguyền đính ước
+ Động từ “tưởng” : Kiều hồi tưởng lại những kỉ niệm đẹp bên Kim Trọng
+ Hai động từ “trông, chờ” được tách ra đi kèm với các danh từ chỉ thời là “rày, mai”: Thúy Kiều lo chàng Kim cũng nhớ Kiều tha thiết
+ Thành ngữ biến thể “bên trời goc bể”: gợi ra không gian quê người xa xôi, cách trở.
+ Ẩn dụ “tấm son” kết hợp với câu hỏi tu từ “gột rửa bao giờ cho phai” tạo ra hai cách hiểu: thứ nhất tấm lòng Kiều không bao giờ quên được chàng Kim và thứ hai là tấm thân của Kiều đã bị làm nhục bao giờ mới gột rửa được.
⇒ Sự thủy chung son sắt của Kiều với người yêu
b. Nỗi nhớ cha mẹ (4 câu tiếp theo)
Kiều nhớ thương cha mẹ:
+ Động từ “xót” lại kết hợp với câu hỏi tư từ : thể hiện sự đau đớn của nàng khi nhớ về cha mẹ
+ “Nắng mưa”: ẩn dụ thời gian trong tâm tưởng của Kiều khi xa gia đình
+ Thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”: làm nổi bật sự lo lắng của Kiều, rồi đây ai sẽ quạt cho cha mẹ ngủ khi oi nóng, ai sẽ ủ chăn ấm cho cha mẹ khi trời giá lạnh
⇒ Trong hoàn cảnh khó khăn như vậy Kiều vẫn lo cho cha mẹ ⇒ một người con có hiếu
3. 8 câu thơ cuối: Tâm trạng đau buồn của Kiều và dự cảm trước tương lai sóng gió
a. 2 câu đầu: Bức tranh cửa bể lúc hoàng hôn
+ “Mênh mông cửa bể chiều hôm”: Giữa không gian bao la mênh mông Kiều cảm thấy nhớ quê hương, một nỗi buồn trào dâng da diết
+ Hình ảnh “con thuyền” gợi sự cô đơn, Kiều đang nhớ gia đình, không biết bao giờ mới được trở về
⇒ Nhìn cánh buồm lẻ loi trôi nỗi giữa sóng nước Kiều nghĩ đến thân phận mình cũng đang bị dòng đời đưa đẩy.
b. 2 câu tiếp: Cảnh hoa trôi mặt nước
+ “Buồn trông”: gợi âm điệu buồn mênh mang, nỗi buồn nhân lên khi nàng nhìn thấy cánh hoa trôi lênh đênh vô định
+ Từ “trôi”: chỉ sự vận động nhưng ở thế bị động, nhũng cánh hoa trôi mặc sóng nước vùi dập như số phận Kiều cũng thế
c. 2 câu tiếp: Cảnh nội cỏ rầu rầu
+ Từ “rầu rầu” được nhân hóa chỉ màu sắc của cỏ ⇒ thiên nhiên như nhuốm màu tâm trạng ⇒ bút pháp tả cảnh ngụ tình
+ Màu xanh nhợt nhạt héo hắt của cảnh vật chính là ẩn dụ cho tương lai mờ mịt vô vọng của Kiều
⇒ Kiều tuyệt vọng, mất phương hướng, đây vừa là tâm trạng vừa là cảnh ngộ của Thúy Kiều
d. 2 câu cuối : Cảnh giông bão sóng gió và niềm dự cảm tương lai
+ Hình ảnh dữ dội xuất hiện: “gió cuốn mặt duyềnh”: ước ệ cho sóng gió cuộc đời đang bủa vây, cuốn lấy Kiều, những tai ương sắp ập đến đời nàng
+ Nhân hóa “sóng kêu”: gợi hình dung Kiều chới với giữa cái bất tận sục sôi trong lòng Kiều và quanh Kiều
+ “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”: Trong lòng Kiều là tiếng sóng của buồn đau sợ hãi, dự cảm sóng gió dường như đang tiến đến rất gần Kiều
⇒ Câu thơ thể hiện dự cảm của Thúy Kiều về cuộc đời mình nhiều gian truân sóng gió
III. Kết bài
- Khẳng định những giá trị nghệ thuật làm nên thành công của đọa trích: thể thơ lục bát cổ truyền, nghệ thuật tả cảnh ngụ tình tinh tế kết hợp các biện pháp tu từ quen thuộc, điệp ngữ “buồn trông”…
- Đoạn trích thể hiện tâm trạng buồn đau, cô dơn hiu quạnh trước khung cảnh thiên nhiên cùng bao nỗi nhớ ùa về trong lòng
V. Một số đề văn bài Kiều ở lầu Ngưng Bích
Đề bài: Phân tích đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” – Trích Truyện Kiều (Nguyễn Du).
Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích – mẫu 1
Truyện Kiều là kiệt tác văn học của thiên tài Nguyễn Du và của nền văn học Việt Nam. Tác phẩm không những thể hiện tài năng văn chương kiệt xuất của thi hào Nguyễn Du mà còn thể hiện tấm lòng yêu thương con người thiết tha của ông. Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” thuộc phần Gia biến và lưu lạc, miêu tả nỗi buồn nhớ người yêu, nhớ cha mẹ, trong cảnh sầu thương, buồn tủi, cô đơn của nhân vật Thúy Kiều khi bị giam lỏng ở lầu ngưng bích. Đây là một trong những đoạn thơ miêu tả tâm lý xuất sắc nhất của Nguyễn Du trong tuyệt tác “Truyện Kiều”. Sau khi bị Mã Giám Sinh lừa gạt, làm nhục, bị Tú Bà mắng nhiếc, Kiều nhất quyết không chịu tiếp khách làng chơi, không chịu chấp nhận cuộc sống lầu xanh. Đau đớn, tủi nhục, phẫn uất, nàng định tự tử. Tú Bà sợ mất vốn bèn lựa lời khuyên giải, dụ dỗ Kiều. Mụ vờ chăm sóc thuốc thang hứa hẹn khi nàng bình phục sẽ gả chồng cho nàng về nơi tử tế. Tú Bà đưa Kiều ra sống riêng ở lầu Ngưng Bích, thực chất là giam lỏng nàng để thực hiện âm mưu mới đê tiện hơn, tàn bạo hơn. Lầu Ngưng Bích là một điểm dừng chân của Kiều trên con đường lưu lạc đầy máu và nước mắt, cay đắng và tủi nhục suốt 15 năm trời.
“Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân
Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia”
Phong cảnh rất hữu tình, thơ mộng.Không gian được mở ra ba chiều, vừa có chiều xa, chiều cao, chiều rộng: “non xa”, “trăng gần”, “cát vàng cồn nọ”, “bụi hồng dặm kia”. Nghệ thuật liệt kê, đối lập tương phản “non xa”/”trăng gần”, đảo ngữ, từ láy “bát ngát” gợi không gian rợn ngợp, vắng lặng không một bóng người.Đối diện với cảnh ấy, Kiều cảm thấy trống trải cô đơn.Cảnh hoang vắng, rợn ngợp, nhuốm màu tâm trạng. Khung cảnh mênh mông “bát ngát xa trông” nhưng lại thiếu vắng hơi ấm của con người. Chỉ có một mình Kiều cô độc, ngày đêm đối diện với chính mình. Bút pháp chấm phá đặc sắc, khung cảnh làm nền cho Kiều thổ lộ tâm tình. Thiên nhiên rộng lớn mà con người nhỏ bé, đơn côi.Nàng đau buồn vì cảnh ngộ bị đày vào chốn lầu xanh, đau buồn vì bị giam giữ cô độc trước lầu Ngưng Bích hoang vắng:
“Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình, nửa cảnh, như chia tấm lòng”
Bẽ bàng: Sự xấu hổ tủi thẹn với đèn khuya, mây sớm, với lòng mình và những người thân yêu, nỗi buồn đau không người chia sẻ. Chia tấm lòng: Sự ngổn ngang của tâm trạng không biết đi đâu về đâu.
“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng
Tin sương luống những rày trông mai chờ
Bên trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai?”
Nàng nhớ về đêm trăng thề hẹn: “Tưởng người dưới nguyệt chén đồng”. Nhớ chàng Kim, nàng còn hình dung cảnh Kim Trọng đợi chờ tin nàng ờ quê nhà mà thấp thỏm không yên: “tin sương luống những rày trông mai chờ”.Tấm son gột rửa bao giờ cho phai? biểu hiện tâm trạng đau đớn, xót xa bởi tấm lòng nhớ thương Kim Trọng không bao giờ nguôi quên, bởi hoàn cảnh bị dập vùi hoen ố, biết bao giờ gột rửa được. Câu thơ là một câu hỏi tu từ thể hiện sự dằn vặt đau khổ của nàng khi phải chia li với Kim Trọng. Dù có li biệt nhưng tình cảm của nàng đối với Kim Trọng vẫn thủy chung son sắt. “Tấm lòng son” ấy bất biến trước không gian và thời gian. Trong bi kịch tình yêu, Thúy Kiều có nỗi đau về nhân phẩm.
“Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa?
Có khi gốc tử đã vừa người ôm”
Xót thương cảnh ngộ cha mẹ ngày ngày tựa cửa ngóng trông. Nàng tưởng tượng cảnh nơi quê nhà tất cả đã đổi thay mà sự đổi thay lớn nhất là “gốc tử đã vừa người ôm”, nghĩa là cha mẹ ngày một thêm già yếu, hiện thời không ai người trông nom, mà mình lại ở xa không làm tròn bổn phận của người con. Tâm hồn cao đẹp của nàng luôn luôn lo nghĩ cho người khác trong lúc bản thân mình đang tan nát và đớn đau..Các từ ngữ chỉ thời gian xa cách: “hôm mai”, “cách mấy nắng mưa”, các thi liệu, điển cố văn học Trung Hoa như “sân lai gốc tử”và thành ngữ “quạt nồng ấp lạnh”đã cực tả nỗi nhớ thương cha mẹ, nỗi đau buồn, tấm lòng hiếu thảo của Kiều, của đứa con gái đầu lòng đã không thể, không được chăm sóc phụng dưỡng cha mẹ, khi song thân đã già yếu. Nguyễn Du đã sử dụng ngôn ngữ độc thoại kết hợp hài hoà giữa phong cách cổ điển và phong cách dân tộc, tạo nên những vần thơ biểu cảm thể hiện một tâm trạng bi kịch, một cảnh ngộ đầy bi kịch của Thúy Kiều. Giọng thơ rưng rưng lệ, nỗi đau của nàng Kiều như thấm vào cảnh vật, thời gian và lòng người…
Trong cảnh ngộ ở lầu Ngưng Bích, Thúy Kiều là người đáng thương nhất, nhưng nàng đã quên cảnh ngộ bản thân để nghĩ về Kim Trọng, nghĩ về cha mẹ. Kiều là người tình thuỷ chung, người con hiếu thảo, người có tấm lòng vị tha đáng trọng.Ở đây, Nguyễn Du đã miêu tả khách quan tâm trạng của Thúy Kiều vượt qua những định kiến của tư tưởng phong kiến: đặt chữ tình trước chữ hiếu. Trong cảnh ngộ khi ở lầu Ngưng Bích, Kiều là người đáng thương nhất nhưng nàng vẫn quên mình để nghĩ đến người yêu, nghĩ đến cha mẹ. Đầu tiên Kiều nhớ Kim Trọng. Điều này phù hợp với quy luật tâm lý, vừa thể hiện sự tinh tế của ngòi bút Nguyễn Du khi thể hiện khách quan tâm cảnh của Kiều.Nguyễn Du là người ngợi ca thiên diễm tình tự do từ khi chớm nở, sau này khi Kiều lâm nạn, ty dang dở, ông cũng là người thông cảm với những đổ vỡ, tan nát của một mối tình mà trái tim Kiều lúc nào cũng như chảy máu, vì đau thương và hối hận. Cho nên khi viết về tâm trạng nhớ thương của Kiều, ông đã đặt tình trước hiếu, đảo ngược trật tự của đạo lí phong kiến để Thúy Kiều trước hết nghĩ đến người yêu.Mặt khác đối với cha mẹ, Thúy Kiều đã bán mình chuộc cha, ơn sinh thành đã có phần được đền đáp, còn đối với người yêu, Kiều vẫn coi mình là kẻ lỗi hẹn, bạc tình, khi Mã Giám Sinh làm nhục, lại bị ép phải tiếp khách làng chơi nên nỗi đau nhất của Kiều lúc này là “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.. Trong tâm cảnh như thế, khi một mình một bóng, Nguyễn Du đã để nàng trước hết nghĩ tới chàng Kim. Cực kì tinh tế khi thể hiện tính biện chứng của tâm hồn nhân vật, Nguyễn Du thật xứng đáng là một thiên tài.
“Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?
...
Buồn trông gió cuốn mặt duềnh
Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.”
Chiều hôm là khoảng thời gian gợi buồn, cửa bể mênh mông lúc ngày tàn chiều hôm càng làm tăng nỗi buồn đau cô đơn của kiếp người lưu lạc, bơ vơ. Cánh buồm thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện nơi cửa bể chiều hôm như một ảo ảnh đầy ám ảnh, gợi lên những hành trình lưu lạc mờ mịt không biết đâu là bến bờ, khát vọng trong lòng người tha hương nhớ về gia đình, quê hương, người yêu….Cánh hoa trôi man mác trên ngọn nước mới sa gợi thân phận nhỏ bé, mỏng manh, lênh đênh trôi dạt trên dòng đời vô định không biết đi đâu về đâu. Kiều nhìn cánh hoa trôi trên mặt nước mà cảm thương cho số phận hoa trôi bèo nổi của mình, vô định không phương hướng, băn khoăn không biết cuộc đời mình sẽ ra sao? Phân người con gái như gió thổi đầu non, như hoa lạc giữa dòng, phận nhỏ mà nạn lớn, không biết bao gì mới đực đoàn viên. Càng nghĩ, Kiều càng đớn đau, vô vọng.Nội cỏ rầu rầu, úa tàn héo hắt một màu xanh nhợt nhạt, trải rộng nơi chân mây mặt đất gợi cuộc sống úa tàn, bi thương, vô vọng kéo dài không biết đến bao giờ. Nhìn màu sắc tê tái thê lương ấy, Kiều đau tê tái khi nghĩ đến tương lai mờ mịt, héo tàn của mình không biết kéo dài đến bao giờ? Sắc cỏ dầu dầu ấy, nàng đã một lần nhìn thấy mới ngày nào trên nấm mồ Đạm Tiên:
“Sè sè nấm đất bên đường
Dầu dầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh”
Nhìn xa rồi nhìn gần, vừa “buồn trông”vừa lắng tai nghe. Nghe tiếng gió gào, gió cuốn mạnh làm cho sóng nước duềnh lên dữ dội, xô đập vào bờ hết lớp nọ đến lớp kia. Không phải sóng reo mà là “sóng kêu”. Gió và sóng đang bủa vây “xung quanh ghế ngồi”. Một tâm trạng cô đơn lẻ loi đang trải qua những giờ phút hãi hùng, ghê sợ, lo âu. Phải chăng âm thanh dữ dội ấy của gió và sóng là biểu tượng cho những tai hoạ khủng khiếp đang bủa vây, sắp giáng xuống số phận người con gái nhỏ bé, đáng thương.Hình ảnh “gió cuốn mặt duềnh” và âm thanh ầm ầm của tiếng sóng “kêu quanh ghế ngồi”gợi tâm trạng lo sợ hãi hùng như báo trước,chỉ ngay sau lúc này, giông bão của số phận sẽ nổi lên, xô đẩy, vùi dập cuộc đời Kiều. Tâm trạng cô đơn, dự cảm hãi hùng về tương lai và số phận chìm nổi của Kiều. Đến đây, nàng gần như bấn loạn tinh thần, hoàn toàn tuyệt vọng trước nghịch cảnh trớ trêu.Điệp ngữ “buồn trông” (buồn mà nhìn ra xa, buồn mà trông ngóng, mong đợi một điều gì đó mơ hồ, xa xôi) tạo một âm hưởng trầm buồn, khiến nỗi buồn bủa vây từ phía bao trùm lên cả không gian. “Buồn trông” đã trở thành điệp khúc của đoạn thơ và cũng là điệp khúc của tâm trạng buồn tê tái, đau thương, cô đơn của nàng Kiều. Các cặp từ láy: xa xa, thấp thoáng, man mác, rầu rầu, xanh xanh, ầm ầm … xô đẩy nhau như những con sóng tâm tư cuộn trào lên trong lòng người. Giọng thơ tha thiết não nùng.Kiều “buồn trông” mà lo âu sợ hãi về một cuộc đời đầy biến động, đầy cạm bẫy, nhiều máu và nước mắt đang rình rập ở chặng đường đời phía trước. Và quả thực ngay sau lúc này, Kiều đã mắc lừa Sở Khanh để rồi phải lâm vào cảnh “thanh lâu hai lượt thanh y hai lần”Hình ảnh tăng tiến càng lúc càng dữ dội. Đặc biệt là 8 câu cuối tiếng sóng ở đây không vỗ, không đập mà kêu, không đến từ một phía mà từ nhiều phía, không một kẻ hở nào. “Kêu quanh” gợi lên sự hãi hùng, sự dự báo về cuộc đời đầy sóng gió đang chờ đợi nàng Kiều ở phía trước.Đây là tâm cảnh chứ không phải là ngoại cảnh, mỗi cảnh có một nét riêng nhưng đều là diễn tả một khía cạnh trong tâm trạng của nàng Kiều, cảnh nhuộm màu tê tái: cánh buồm nhỏ phía trời xa xăm vô định, cánh hoa lìa cành tan tác không biết đi đâu về đâu, những ngọn cỏ phai tàn héo úa và mặt duềnh cuộn sóng hãi hùng.Bằng nghệ thuật ẩn dụ, hệ thống câu hỏi tu từ, các từ láy “thấp thoáng”, “xa xa”, “man mác”,“rầu rầu”,”xanh xanh”,”ầm ầm”… vừa gợi tả màu sắc, hình ảnh, âm thanh lại vừa diễn tả tâm trạng con người.
Điệp từ điệp ngữ liên hoàn nhấn mạnh, khắc sâu trạng thái vô vọng, cô đơn, bế tắc đến vô tận đang chao đảo trong tâm trạng của Kiều.Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình của Nguyễn Du vô cùng điêu luyện. Tác giả lấy ngoại cảnh để bộc lộ tâm cảnh. Cảnh được miêu tả từ xa đến gần; màu sắc từ nhạt đến đậm; âm thanh từ tĩnh đến động; nỗi buồn từ man mác, mông lung đến lo âu, kinh sợ, dồn đến cơn bão táp của nội tâm, cực điểm của cảm xúc trong lòng Kiều. Thiên nhiên thấm đẫm tâm trạng, bộc lộ tâm trạng theo quy luật tâm lí “người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Mỗi câu thơ, mỗi hình ảnh, ngôn ngữ miêu tả thiên nhiên, miêu tả ngoại cảnh mang ý nghĩa và giá trị như một ẩn dụ, một tượng trưng về tâm trạng đau khổ và số phận đen tối của một kiếp người trong bể trầm luân. Có thể nói đoạn thơ “Kiều ở lầu NB”như chứa đầy lệ: lệ của người con gái lưu lạc, đau khổ vì cô đơn lẻ loi, buồn thương chua xót vì mối tình đầu tan vỡ, xót xa vì thương nhớ cha mẹ, lo sợ cho thân phận, số phận mình; lệ của nhà thơ, một trái tim nhân đạo bao la đồng cảm, xót thương, chia sẻ cho nỗi đau của người thiếu nữ tài sắc, hiếu thảo mà bạc mệnh: “Tố Như ơi! Lệ chảy quanh thân Kiều”
Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn miêu tả nội tâm nhân vật thành công nhất của Truyện Kiều, đặc biệt là bằng bút pháp tả cảnh ngụ tình. Đoạn thơ cho thấy cảnh ngộ cô đơn, buồn tủi và tấm lòng thủy chung, hiếu thảo của Thúy Kiều. Với đoạn thơ trên, Nguyễn Du đã đạt đến trình độ biện chứng tâm hồn. Nhà thơ thấu hiểu con người đến tận thẳm sâu tiềm thức, làm lộ rõ sự vận động bên trong tâm hồn đớn đau, khổ nhục của Thúy Kiều trong những ngày đầu lưu lạc phải chịu nhiều khổ nhục, đắng cay. Lời thơ xiết mạnh vào từng giác quan người đọc, khiến người đọc càng thêm cảm thương cho số kiếp bèo dạt mây trôi của thiếu nữ tài sắc vẹn toàn mà bất hạnh, từ đó làm toát lên tấm lòng cảm thương vô hạn của tác giả đối với kiếp người nhỏ bé trong xã hội phong kiến vốn tồn tại nhiều bất công.
Đề bài: Cảm nhận đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích.
Cảm nhận đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích – mẫu 1
Nguyễn Du là đại thi hào của dân tộc, ông đã đóng góp vào nền văn học Việt Nam nhiều tác phẩm văn học đặc sắc, độc đáo bằng cả chữ Nôm và chữ Hán. Nhiều tác phẩm của ông đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng bạn đọc mọi thế hệ và có lẽ để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là tác phẩm viết bằng chữ Nôm - "Truyện Kiều" (Đoạn trường tân thanh). "Truyện Kiều" hấp dẫn người đọc bởi nội dung hấp dẫn, nghệ thuật độc đáo và đoạn trích "Kiều ở lầu Ngưng Bích", trích từ câu 1033 đến 1054 là một trong số những đoạn trích tiêu biểu của tác phẩm.Trước hết, đoạn trích đã thể hiện rõ nét cảnh ngộ và nỗi niềm tâm sự đau thương của Thúy Kiều ở chốn lầu Ngưng Bích.
Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân
Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung
Bốn bề bát ngát xa trông
Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia
Hai chữ "khóa xuân" được tác giả sử dụng thật tài tình, chỉ với hai chữ ấy thôi nhưng đã đủ để khái quát được tình cảnh của Thúy Kiều. "Xuân" chính là tuổi trẻ của con người, của Kiều và để rồi từ đó cho ta thấy "khóa xuân" chính là đang muốn nói đến tình cảnh đang bị giam lỏng, khóa chặt và chôn vùi tuổi trẻ của mình. Đặc biệt, trong những câu thơ tiếp theo đã vẽ nên một không gian, cảnh sắc hoang vắng, lạnh lẽo - dãy núi ở xa, bốn bề không gian mênh mông, rộng lớn, những cồn cát tiếp những bụi hồng trải dài ra xa. Đặc biệt, sự hoang vắng của cảnh vật, không gian còn được thể hiện qua việc tác giả sử dụng nghệ thuật tương phản, đối lập "non xa" - "trăng gần" cùng việc sử dụng từ láy "bát ngát" làm cho không gian như càng thêm mênh mông, rộng lớn. Và để rồi, trước không gian mênh mông, rộng lớn ấy, trong Thúy Kiều ùa về bao nỗi niềm đau thương cho cảnh ngộ, số phận của mình.
Bẽ bàng mây sớm đèn khuya
Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng.
Chỉ với hai câu thơ nhưng tác giả đã lột tả một cách chân thực và rõ nét nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều. Với việc sử dụng cụm từ "mây sớm đèn khuya" gợi sự tuần hoàn, lặp đi lặp lại cùng từ "bẽ bàng" ở đầu câu đã diễn tả sự buồn tủi, tuyệt vọng, cô đơn, chán chường của Kiều. Không dừng lại ở đó, nỗi niềm của Thúy Kiều, sự chua xót, buồn đau càng được thể hiện rõ nét qua câu thơ "nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng". Dường như chỉ có cảnh vật mới có thể chứng kiến, cảm nhận và thấu hiểu hết những nỗi đau của Kiều.Không chỉ diễn tả nỗi đau thương về cảnh ngộ, thân phận của mình, đoạn trích còn thể hiện nỗi nhớ Kim Trọng và nỗi nhớ cha mẹ của Thúy Kiều. Nỗi nhớ thương chàng Kim của Thúy Kiều được thể hiện rõ nét qua những câu thơ tiếp theo.
Chữ "tưởng" đặt ở đầu câu thơ dường như đã làm cho nỗi lòng của Thúy Kiều thêm đau đáu, nàng như đang hồi tưởng, tưởng tượng và nhớ lại những ngày tháng hẹn thề, hạnh phúc cùng chàng Kim. Nàng nhớ tới cảnh nàng cùng Kim Trọng uống rượu thề nguyền dưới ánh trăng và nàng còn nghĩ tới hình ảnh Kim Trọng đang ngày đêm ngóng chờ tin tức của mình. Và để rồi, sau nỗi nhớ người yêu da diết ấy, nàng bỗng giật mình xót thương cho cảnh ngộ của mình ở hiện tại.
Bến trời góc bể bơ vơ
Tấm son gột rửa bao giờ cho phai
Càng nhớ Kim Trọng, Kiều càng thương cho cảnh ngộ "bơ vơ" nơi "bến trời góc bể" và tủi phận cho mình. Động từ "gột rửa" đã cho chúng ta thấy cho thấy nỗi đau đến tột cùng của Thúy Kiều khi danh dự, phẩm giá của nàng đã bị hoen ố. Như vậy, qua những dòng thơ này đã cho chúng ta thấy được tâm trạng buồn nhớ người yêu đến tột cùng và nỗi tủi phận của Kiều.Cùng với đó, đoạn thơ còn thể hiện rõ nét nỗi nhớ thương cha mẹ của Thúy Kiều.
Xót người tựa cửa hôm mai
Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ?
Sân Lai cách mấy nắng mưa
Có khi gốc tử đã vừa người ôm.
Nếu lúc nhớ về Kim Trọng, tác giả dùng từ "tưởng" để diễn tả nỗi niềm của Kiều thì khi diễn tả nỗi lòng của Kiều với cha mẹ tác giả đã thật khéo léo khi dùng động từ "xót". Kiều xót xa biết bao khi cha mẹ đã già mà vẫn phải ngày đêm tựa cửa ngóng chờ tin con. Đặc biệt, với việc sử dụng thành ngữ "quạt nồng ấp lạnh" và điển tích "Sân Lai" tác giả đã cho thấy tấm lòng hiếu thảo của Kiều với cha mẹ và nỗi lo lắng của nàng. Với tấm lòng của một người con hiếu thảo, Thúy Kiều nghĩ tới cảnh cha mẹ ở quê nhà giờ đây đã già mà không có ai chăm sóc. Như vậy, có thể thấy, Thúy Kiều mặc dù đã bán mình chuộc cha và em nhưng trong sâu thẳm tấm lòng mình nàng vẫn luôn nhớ thương, lo lắng và quan tâm cha mẹ. Nỗi nhớ thương người yêu và cha mẹ của Thúy Kiều thêm một lần nữa cho chúng ta thấy Kiều là một người tình thủy chung và là một người con hiếu thảo.Nếu những đoạn thơ trên cho chúng ta thấy nỗi nhớ thương người yêu và cha mẹ của Kiều thì trong những câu thơ còn lại của đoạn trích đã làm bật nổi tâm trạng cô đơn, buồn tủi của Thúy Kiều qua cách nhìn, cách cảm nhận về cảnh vật, thiên nhiên.
Điệp từ "buồn trông" được tác giả nhắc lại bốn lần như khắc sâu và làm bật nổi thêm nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều. "Buồn trông" là buồn nhìn ra xa, để trông ngóng một điều gì đó nhưng xa xôi và vô vọng. Để rồi từ đấy, trong Kiều hiện lên bao nỗi buồn, dường như mỗi câu thơ đã gợi lên một nỗi buồn rất riêng. Đằng sau hai chữ "buồn trông" ấy, tác giả đã sử dụng hàng loạt hình ảnh thiên nhiên gợi lên nỗi niềm thân phận của Thúy Kiều. Đó là hình ảnh "thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa" gợi lên một hành trình lưu lạc nay đây, mai đó không có bến bờ. Là hình ảnh "ngọn nước mới sa", "hoa trôi man mác" gợi lên sự nhỏ bé, vô định giữa dòng đời nổi trôi, tấp nập. Là hình ảnh "nội cỏ rầu rầu" gợi nên cuộc sống vô vọng, buồn tủi kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Và đặc biệt, với hình ảnh "gió cuốn mặt duềnh" cùng âm thanh "ầm ầm" của tiếng sóng dường như đã là một sự dự báo trước cho tương lai, số phận của Thúy Kiều với biết bao khó khăn, sóng gió ở phía trước. Như vậy, với nghệ thuật tả cảnh ngụ tình, tám câu thơ kết thúc đoạn trích đã diễn tả một cách sâu sắc và chính xác nỗi niềm tâm trạng buồn tủi, cô đơn của Thúy Kiều.
Tóm lại, đoạn trích "Kiều ở Lầu Ngưng Bích" với việc sử dụng hàng loạt điệp từ, từ láy, thành ngữ cùng các điển cố điển tích và bút pháp tả cảnh ngụ tình, tác giả đã diễn tả một cách sâu sắc nỗi niềm tâm trạng của Thúy Kiều - nỗi nhớ thương người yêu, cha mẹ và nỗi buồn thương cùng dự đoán về tương lai lênh đênh, nổi trôi, khó khăn của chính mình.
Đề bài: Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều.
Cảm nhận về vẻ đẹp và tài năng của Thúy Kiều – mẫu 1
Kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du hơn 200 năm nay làm say đắm lòng người không chỉ bởi giá trị xã hội sâu sắc, tư tưởng, quan niệm tiến bộ mà còn làm say đắm lòng người bởi những đoạn thơ miêu tả chân dung đạt đến độ uyên bác. Một trong số đó là đoạn trích “Chị em Thúy Kiều” với bức chân dung tuyệt đẹp của Thúy Kiều.Trong bức chân dung Thúy Vân, Nguyễn Du miêu tả chi tiết chân dung nàng với vẻ đẹp đài cát, cao sang, quý phái hơn người. Vẻ đẹp của Thúy Vân đạt chuẩn thước đo thẩm mĩ của chế độ phong kiến. Cô em đã đẹp như thế nhưng cô chị còn đẹp hơn. Vẻ đẹp của Thúy Kiều vượt lên trên khuôn mẫu, ràng buộc trước đó. Cái đẹp đó là cái đẹp của vẻ “sắc sảo” và “mặn mà”:
“Kiều càng sắc sảo mặn mà
So bề tài sắc lại là phần hơn”
Nhà thơ đã cố tình nhấn mạnh các từ “càng”, “phần hơn”. Cô chị không chỉ đẹp hơn em mà còn tài giỏi hơn em. Nhắc đến vẻ đẹp của mỹ nhân xưa, người ta thường nghĩ đến vẻ đẹp liễu yếu đào tơ. Bởi vậy sự sắc sảo, mặn mà của Kiều hẳn là điều đặc biệt.Khi dựng lên bức chân dung Thúy Vân, Nguyễn Du thể hiện nghệ thuật miêu tả toàn diện còn với Thúy Kiều, Nguyễn Du lại thiên về tả khái quát với những nét vẽ nhẹ nhàng, thanh thoát. Ngòi bút chấm phá cùng bút pháp ước lệ cổ điển, Nguyễn Du khiến người đọc chìm đắm vào vẻ đẹp của đôi mắt Kiều. Hội họa cổ điển phương Đông có những bút pháp khá độc đáo: lấy điểm tả diện, họa vân hiển nguyệt. Nguyễn Du cũng sử dụng bút pháp này, chỉ gợi tả “làn”, “nét” mà đã dựng lên bức chân dung của một mỹ nữ tuyệt sắc. Đó là đôi mắt trong sáng, long lanh, thăm thẳm, tình tứ và ăm ắp như hồ nước mùa thu ẩn dưới đôi lông mày thanh tú, kiều diễm như dáng núi mùa xuân. Vẻ đẹp của đôi mắt Kiều kết tinh tinh hoa của trời đất, của núi thẳm, sông dài; của những êm ả, dịu dàng của mùa thu và những trong sáng của mùa xuân. Chọn tả đôi mắt Kiều là một dụng ý của Nguyễn Du bởi đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Đôi mắt biết nói ấy phản ánh một tâm hồn đa cảm, một trí tuệ tinh anh. Nguyễn Gia Thiều đã lấy cảm hứng từ vẻ đẹp đôi mắt người cung nữ:
“Khóe thu ba gợn sóng kinh thành”
Đôi mắt người cung nữ ở đây được miêu tả rất đẹp, gợi ra vẻ sắc sảo, dữ dội chứ không ấm áp như đôi mắt Kiều. Vẻ đẹp nhan sắc của Kiều được đặt trong mối quan hệ với thiên nhiên:
“Hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”
Các từ “hờn”, “ghen” được sử dụng với nghệ thuật nhân hóa để nói lên thái độ ghen ghét, đố kỵ của thiên nhiên trước vẻ đẹp vượt ngưỡng của Kiều. Vẻ đẹp đó còn được đặt trong mối quan hệ với con người. Đại thi hào đã dùng điển tích “nghiêng nước nghiêng thành” để khẳng định vẻ đẹp sắc nước hương trời của Kiều có thể sáng với vẻ đẹp của những mỹ nhân mà lịch sử đã ca tụng.
Xinh đẹp là vậy nhưng sinh ra nàng lại có sẵn trí tuệ thông minh trời phú do đó mà đa tài: đàn, ca, họa, làm thơ, soạn nhạc. Đặc biệt tài đàn của Kiều đã trở thành năng khiếu, sở trường. Kiều giỏi đàn đến mức soạn riêng cho mình một bản đàn bạc mệnh, chính là tiếng lòng, là trái tim đa cảm của Kiều. Tuy nhiên người xưa đã từng nói:
“Một vừa hai phải ai ơi
Tài tình chi lắm cho trời đất ghen”
Hay
“Chữ tài liền với chữ tai một vần”
Điều đó báo trước cho một số phận cay đắng, trầm luân, bất hạnh, gợi ra một nàng Kiều đa sầu, đa cảm, đa đoan.Qua bức chân dung tuyệt sắc giai nhân, Nguyễn Du đã sử dụng bút pháp ước lệ cổ điển, từ ngữ trau chuốt, gợi tả, gợi cảm cùng các thủ pháp nghệ thuật so sánh, nhân hóa, điển cố đẹp hòa cùng với ngòi bút miêu tả chấm phá tài ba để xây dựng vẻ đẹp khuynh thành đảo quốc của Kiều. Dựng lại bức chân dung mang tính cách số phận của Kiều, Nguyễn Du đã thể hiện tấm lòng trân trọng, mến mộ của mình đối với người con gái bạc mệnh.
Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:
Lục Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga
Xem thêm các chương trình khác:
- Giải sgk Hóa học 9 (sách mới) | Giải bài tập Hóa 9
- Giải sbt Hóa học 9
- Giải vở bài tập Hóa học 9
- Lý thuyết Hóa học 9
- Các dạng bài tập Hóa học lớp 9
- Giải sgk Toán 9 (sách mới) | Giải bài tập Toán 9 Tập 1, Tập 2
- Giải sbt Toán 9
- Lý thuyết Toán 9
- Các dạng bài tập Toán lớp 9
- Giáo án Toán lớp 9 mới nhất
- Bài tập Toán lớp 9 mới nhất
- Chuyên đề Toán lớp 9 mới nhất
- Giải sgk Tiếng Anh 9 (thí điểm)
- Giải sgk Tiếng Anh 9 (sách mới) | Để học tốt Tiếng Anh 9
- Giải sbt Tiếng Anh 9
- Giải sbt Tiếng Anh 9 (thí điểm)
- Giải sgk Sinh học 9 (sách mới) | Giải bài tập Sinh học 9
- Giải vở bài tập Sinh học 9
- Lý thuyết Sinh học 9
- Giải sbt Sinh học 9
- Giải sgk Vật Lí 9 (sách mới) | Giải bài tập Vật lí 9
- Giải sbt Vật Lí 9
- Lý thuyết Vật Lí 9
- Các dạng bài tập Vật lí lớp 9
- Giải vở bài tập Vật lí 9
- Giải sgk Địa Lí 9 (sách mới) | Giải bài tập Địa lí 9
- Lý thuyết Địa Lí 9
- Giải Tập bản đồ Địa Lí 9
- Giải sgk Tin học 9 (sách mới) | Giải bài tập Tin học 9
- Lý thuyết Tin học 9
- Lý thuyết Giáo dục công dân 9
- Giải vở bài tập Lịch sử 9
- Giải Tập bản đồ Lịch sử 9
- Lý thuyết Lịch sử 9
- Lý thuyết Công nghệ 9