Cố hương - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9

VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 9 về Tác giả tác phẩm Cố hương gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Cố hương như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:

1 3,176 13/07/2022
Tải về


Tác giả tác phẩm: Cố hương - Ngữ văn 9

I. Tác giả văn bản Cố hương

- Lỗ Tấn (1881- 1936) lúc nhỏ tên là Chu Chương Thọ, tên chữ là Dự Tài, sau đổi tên là Chu Thụ Nhân, ông sinh ra trong một gia đình quan lại sa sút

- Quê quán: phủ Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc

- Sự ngiệp văn chương:

+ Ông chuyển hướng từ nghề y sang nghề văn vì ông tin rằng văn chương có thể trở thành vũ khí lợi hại để biến đổi tinh thàn dân chúng

+ Lỗ Tấn là nhà văn chiến đấu. Ông cống hiến cả cuộc đời cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

+ Tác phẩm của Lỗ Tấn rất đa dạng: 17 tạp văn, hai tập truyện ngắn xuất sắc là Gào thét (1923) và Bàng hoàng (1926)

+ Truyện của Lỗ Tấn chủ yếu phanh phui các căn bệnh tinh thần của quốc dân, lưu ý mọi người tìm phương thuốc chạy chữa cho nhân dân lao động dưới ách áp bức của chế độ phong kiến

+ Năm 1981, thế giới đã kỉ niệm 100 năm ngày sinh của Lỗ Tấn với tư cách là danh nhân văn hóa Thế giới

- Phong cách tác giả: Coi văn chương như một vũ khí chiến đấu, đưa nhân dân thoát khỏi tình trạng “ngu muội”

Bài giảng Ngữ văn lớp 9 Cố hương

II. Nội dung văn bản Cố hương

Tôi không quản trời lạnh giá, về thăm làng cũ, xa những hai ngàn dặm mà tôi đã từ biệt hơn hai mươi năm nay.

Đang độ giữa đông. Gần về đến làng, trời lại càng u ám. Gió lạnh lùa vào khoang thuyền, vi vu. Nhìn qua các khe hở mui thuyền, thấy xa gần thấp thoáng mấy thôn xóm tiêu điều, hoang vắng, nằm im lìm dưới vòm trời màu vàng úa. Không nén được, lòng tôi se lại.

A, đây có thật là làng cũ mà hai mươi năm trời nay tôi hằng ghi lấy hình ảnh trong kí ức không?

Hình ảnh làng cũ trong kí ức tôi không giống hẳn như thế này. Làng cũ tôi đẹp hơn kia! Nhưng nếu phải nhớ rõ đẹp như thế nào, nói rõ đẹp ở chỗ nào thì thật không có hình ảnh ngôn ngữ nào diễn tả ra cho được. Phảng phất thì cũng có hơi giống đấy. Tôi nghĩ bụng: Hẳn làng cũ mình vốn cũng chỉ như thế kia thôi, tuy chưa tiến bộ hơn xưa, nhưng cũng vị tất đến nỗi thê lương như mình tưởng. Chẳng qua là tâm tình mình đã đổi khác, bởi vì về thăm chuyến này, lòng mình vốn đã không vui.

Về thăm quê chuyến này, ý định là để từ giã nó lần cuối cùng. Ngôi nhà cũ nơi cả đại gia đình chúng tôi đời đời ở chung với nhau, mà chúng tôi đã phải đồng tình bán cho người ta rồi, nội năm nay phải giao cho họ. Vì thế tôi cần phải về trước Tết, vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân yêu, đem gia đình đến nơi đất khách tôi đang làm ăn, sinh sống.

Tinh mơ sáng hôm sau, tôi về tới cổng nhà. Trên mái ngói, mấy cọng tranh khô phất phơ trước gió, đủ rõ nhà không đổi chủ không được. Những gia đình khác có lẽ đã dọn đi rồi, cho nên cảnh tượng càng hiu quạnh.

Tôi vừa bước vào gian nhà chúng tôi ở thì mẹ tôi đã chạy ra đón. Hoàng, đứa cháu vừa mới lên tám tuổi, cũng chạy theo.

Mẹ tôi rất mừng rỡ, nhưng nét mặt vẫn ẩn một nỗi buồn thầm kín. Mẹ tôi bảo tôi ngồi xuống, nghỉ ngơi, uống trà, không đả động gì đến chuyện dọn nhà cả. Cháu Hoàng chưa gặp tôi bao giờ chỉ dám đứng đằng xa nhìn tôi chòng chọc.

Nhưng rồi chúng tôi cũng bàn đến chuyện dọn nhà. Tôi nói nhà trên kia đã thuê xong, cũng đã sắm được ít đồ đạc, giờ hãy đem các thứ đồ gỗ ở nhà này bán đi hết lấy tiền mua thêm sau. Mẹ tôi cho cũng phải và bảo hành lí đã thu xếp gọn gàng đâu vào đấy cả rồi, đồ gỗ không tiện chuyên chở cũng bán được một ít rồi, nhưng tiền chưa thu vén được đủ.

Mẹ tôi nói:

- Con hãy nghỉ ngơi vài hôm, đi thăm các nhà bà con một chút rồi mẹ con mình lên đường.

- Vâng.

- Có anh Nhuận Thổ lần nào đến chơi cũng nhắc đến con và rất mong có ngày được gặp con. Mẹ đã nhắn tin cho anh ấy biết chừng ngày nào con về. Có lẽ anh ấy cũng sắp đến thôi.

Lúc bấy giờ, trong kí ức tôi bỗng hiện ra một cảnh tượng thần tiên, kỳ dị: Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lửng lơ trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Giữa ruộng dưa, một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay lăm lăm cầm chiếc đinh ba, đang cố sức đâm theo một con tra. Con vật bỗng quay lại, luồn qua háng đứa bé, chạy mất.

Đứa bé ấy chính là Nhuận Thổ. Khi tôi quen Nhuận Thổ cách đây khoảng chừng hai mươi năm, Nhuận Thổ chỉ độ lên mười. Lúc đó thầy tôi hãy còn, cảnh nhà sung túc, tôi đàng hoàng là một cậu ấm. Năm ấy là năm đến lượt nhà tôi lo giỗ tổ. Nghe nói thì cứ hơn ba mươi năm mới đến lượt lo giỗ này một lần, cho nên rất linh đình. Giỗ vào tháng giêng, lễ vật rất nhiều, các đồ tế rất sang, người đến lễ cũng rất đông, vì thế phải đề phòng mất cắp. Nhà tôi chỉ nuôi một người ở tháng (địa phương tôi, người đi làm thuê chia làm ba hạng, ở năm gọi là “trường niên”, làm thuê từng ngày gọi là “đoản công”, nhà mình cũng có cày, chỉ giỗ tết, hay vụ thu tô, đến làm mướn cho người ta thì gọi là “ở tháng”). Người ở bận quá, làm không hết việc, liền xin thầy tôi cho gọi thằng con là Nhuận Thổ đến để nó trông coi các thứ đồ tế cho.

Thầy tôi bằng lòng. Tôi cũng rất thích vì đã có nghe nói đến Nhuận Thổ, lại biết Nhuận Thổ với tôi cũng suýt soát bằng nhau. Hắn sinh tháng nhuận, ngũ hành khuyết thổ nên bố hắn đặt tên là Nhuận Thổ. Hắn bẫy chim sẻ thì tài lắm.

Thế là ngày nào tôi cũng mong cho mau đến năm mới. Năm mới đến thì Nhuận Thổ cũng đến mà! Chờ mãi mới hết năm. Một hôm, mẹ tôi bảo: “Thằng Nhuận Thổ đến rồi đấy!”. Tôi liền chạy ra xem. Hắn đang đứng trong bếp, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng. Đủ biết bố hắn quý hắn như thế nào: Sợ hắn khó nuôi, bố hắn đã nguyện trước thần phật làm vòng xích, xích lại. Hắn thấy ai là bẽn lẽn, chỉ không bẽn lẽn với một mình tôi thôi. Khi vắng người, hắn mới nói chuyện với tôi. Thế là chưa đầy nửa ngày, chúng tôi đã thân nhau. Không biết bấy giờ chúng tôi nói với nhau những gì, chỉ nhớ rằng Nhuận Thổ thích chí lắm. Hắn bảo lên tỉnh hắn mới được trông thấy những điều hắn chưa bao giờ trông thấy cả.

Hôm sau, tôi rủ hắn bẫy chim. Hắn nói:

- Không được đâu! Phải chờ tuyết xuống cho nhiều đã. Làng em toàn đất cát, hễ tuyết xuống là em quyết lấy một khoảng đất trống, dùng một cái que ngắn chống một cái nong lớn, rắc ít lúa lép, thấy chim tước xuống ăn, đứng đằng xa giật mạnh sợi dây buộc vào cái que, thế là chim bị chụp vào nong hết. Thứ nào cũng có: sẻ đồng, chào mào, “bột cô”, sẻ xanh lưng.

Thế là tôi lại càng chờ ngày tuyết xuống.

Nhuận Thổ lại nói:

- Bây giờ trời đang rét lắm. Đến mùa hè, anh xuống nhà em chơi. Ban ngày, chúng mình ra biển nhặt vỏ sò, màu đỏ có, màu xanh có, đủ cả. Có cả sò “mặt quỷ”, sò “tay phật”. Tối đến, em và thầy em đi canh dưa thì anh cũng đi...

- Canh trộm à?

- Không phải. Ở làng em, người đi qua đường khát nước hái một quả dưa ăn, không kể là lấy trộm. Canh là canh lợn rừng, nhím, tra. Này nhé! Sáng trăng. Có tiếng sột soạt. Tra đang ngốn dưa đấy! Thế là cầm đinh ba khe khẽ tiến lên...

Hồi đó và cho cả đến bây giờ nữa, tôi vẫn chưa biết con tra là con gì. Chẳng căn cứ vào đâu, tôi cứ tưởng tượng hình thù nó như con chó con nhưng dữ tợn hơn.

- Nó không cắn à?

- Đã có đinh ba rồi. Tiến lên gần, thấy tra là đâm ngay. Giống ấy tinh khôn lắm. Nó quay lại, đâm thẳng về phía mình rồi luồn qua háng mình biến mất. Lông, da nó trơn như mỡ.

Tôi chưa hề biết trên đời này lại có những chuyện mới lạ như vậy: bên bờ biển có những vỏ sò đủ màu sắc như thế kia, và có được quả dưa hấu ăn cũng phải trải qua bao nhiêu là nguy hiểm. Trước đây tôi chỉ biết quả dưa hấu bán ở hàng hoa quả mà thôi!

- Ở đất cát chúng em, lúc thuỷ triều dâng lên, có nhiều những con “cá nhảy”, cứ nhảy lung tung, hai chân như chân nhái.

Trời! Nhuận Thổ hẳn biết nhiều chuyện lạ lùng lắm, kể không xiết! Những chuyện đó, bạn bè tôi từ trước đến nay, không ai biết cả. Chúng nó không biết là vì trong khi Nhuận Thổ sống bên bờ biển thì chúng nó, cũng như tôi, chỉ nhìn một mảnh trời vuông trên bốn bức tường cao bao bọc lấy cái sân mà thôi!

Nhưng tiếc thay, đã hết tháng giêng. Nhuận Thổ phải về quê hắn. Lòng tôi xốn xang, tôi khóc to lên. Hắn lẩn trong bếp, cũng khóc mà không chịu về. Nhưng rồi bố hắn cũng lôi hắn đi. Sau đó, hắn có nhờ bố hắn mang lên cho tôi một bọc vỏ sò và mấy thứ lông chim rất đẹp. Tôi cũng có vài lần gửi cho hắn ít quà. Nhưng từ đấy chúng tôi không hề gặp mặt nhau nữa.

Bây giờ mẹ tôi nhắc đến Nhuận Thổ, ký ức tôi bỗng như bừng sáng lên trong chốc lát. Tôi cảm thấy tựa hồ tôi đã tìm ra được quê hương tôi đẹp ở chỗ nào rồi. Tôi trả lời mẹ tôi:

- Thế thì hay quá! Anh ta... ra sao?

- Anh ta ấy à? Tình cảnh cũng chẳng ra gì. – Mẹ tôi vừa nói vừa nhìn ra phía ngoài. – Mấy người kia lại đến! Nói mua đồ gỗ nhưng cứ tiện tay mang bừa đi, mẹ phải ra xem sao.

Mẹ tôi đứng dậy, đi ra. Ngoài cửa có tiếng đàn bà đang hỏi chuyện. Tôi gọi cháu Hoàng đến gần, hỏi vớ vẩn: hỏi nó đã biết viết chưa, có thích đi xa không.

- Chúng ta có đi tàu hoả không bác?

- Có, chúng ta đi tàu hoả.

- Thế có đi thuyền không bác?

- Có, đi thuyền trước...

Bỗng có tiếng ai lạ, the thé nói to lên:

- Thế này rồi kia à! Râu mọc dài thế này rồi kia à?

Tôi giật mình, vội ngẩng đầu lên thì trông thấy một người đàn bà, trên dưới năm mươi tuổi, lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng dạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, có hai chân bé tí.

Tôi rất lấy làm ngạc nhiên.

- Không nhận ra à! Ngày bé tôi vẫn bế anh đấy!

Tôi lại càng ngạc nhiên hơn. May mà lúc đó mẹ tôi bước vào, đỡ lời cho:

- Cháu nó đi xa lâu ngày thành ra quên hết cả. Con nhớ nhá!

Rồi ngoảnh về phía tôi nói:

- Đây là thím Hai Dương ở xế cửa nhà ta đây mà! Thím mở hàng bán đậu phụ.

A! Nhớ ra rồi. Hồi tôi còn bé, quả có một chị Hai Dương vẫn ngồi trong quán bán đậu phụ xế cửa nhà tôi, người ta gọi chị là “nàng Tây Thi đậu phụ”. Nhưng hồi đó, chị xoa phấn, lưỡng quyền không cao như thế này, môi cũng không mỏng như bây giờ. Và chị cứ ngồi suốt buổi nên tôi cũng chưa hề được nhìn thấy cái dáng điệu “com-pa” của chị.

Hồi đó người ta nói, sở dĩ hàng đậu phụ bán chạy là vì có chị ta. Song có lẽ vì tôi không cùng lứa tuổi với chị, cũng chưa bao giờ bị chị làm cho đắm đuối, nên mới quên bẵng đi. Nhưng cái “com-pa” kia lấy làm bất bình lắm, tỏ vẻ khinh bỉ, cười kháy tôi như cười kháy một người Pháp không biết đến Nã Phá Luân, một người Mỹ không biết đến Hoa Thịnh Đốn vậy! Rồi nói:

- Quên à! Phải, bây giờ cao sang rồi thì để ý đâu đến bọn chúng tôi nữa!

Tôi hoảng hốt, đứng dậy nói:

- Đâu có phải thế! Tôi...

- Thế thì tôi nói anh nghe nhé! Anh Tấn này! Anh bây giờ sang trọng rồi, còn cần quái gì các thứ đồ gỗ hư hỏng này nữa. Chuyên chở lại lịch kịch lắm. Cho chúng tôi khuân đi thôi. Chúng tôi nhà nghèo dùng được tất.

- Có gì đâu mà sang trọng! Chúng tôi cần phải bán các thứ này đi để...

- Ái chà! Anh bây giờ làm quan rồi mà bảo là không sang trọng? Những ba nàng hầu. Mỗi lần đi đâu là ngồi kiệu lớn tám người khiêng, còn bảo là không sang trọng? Hừ! Chẳng cái gì giấu nổi chúng tôi đâu!

Tôi biết không thể nói làm sao được đành ngậm miệng, đứng trầm ngâm.

- Ôi dào! Thật là càng giàu có càng không dám rời một đồng xu! Càng không dám rời đồng xu lại càng giàu có!

Mụ “com-pa” tức giận, miệng lẩm bẩm, quay gót thong thả đi ra, tiện tay giật luôn đôi bít tất tay của mẹ tôi giắt vào lưng quần, cút thẳng.

Sau đó, lại có mấy người bà con hàng xóm và mấy người thân thuộc đến thăm. Tôi vừa tiếp khách vừa tìm chút thì giờ rảnh sửa soạn hành lý. Như thế mất ba bốn ngày.

Một hôm, trời rét lắm. Quá trưa, tôi vừa ăn cơm xong, đang ngồi uống trà, bỗng nghe như có tiếng ai ở ngoài đi vào. Ngoảnh ra xem tôi ngạc nhiên vô cùng vội vàng đứng dậy ra đón.

Người đi vào là Nhuận Thổ. Tuy tôi nhận ra ngay là Nhuận Thổ, nhưng lại không phải là Nhuận Thổ trong kí ức của tôi. Anh cao gấp hai trước, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật trước kia nay đổi thành vàng sạm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm. Cặp mắt giống hệt cặp mắt bố anh ngày trước, mi mắt viền đỏ húp mọng lên. Tôi không lấy làm lạ, ở miền biển, gió thổi suốt ngày, đại để ai cũng thế cả. Anh đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài.

Bàn tay này không phải là bàn tay tôi còn nhớ, hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn, mà vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông.

Lúc bấy giờ tôi mừng rỡ vô cùng, nhưng chưa biết nói thế nào cho phải, đành chỉ hỏi:

- À anh Nhuận Thổ, anh đã đến đấy à!

Tôi còn có rất nhiều chuyện để nói tiếp, tưởng chừng có thể tuôn ra như nước chảy “nào là chim chào mào, nào là cá nhảy, vỏ sò, tra...” nhưng không biết hình như có cái gì chẹn lại, chỉ loanh quanh trong đầu óc, không thốt ra thành lời được.

Nhuận Thổ đứng dừng lại, nét mặt vừa hớn hở vừa thê lương, môi mấp máy, nhưng cũng nói không ra tiếng. Rồi bỗng anh lấy một dáng điệu cung kính, chào rất rành mạch:

- Bẩm ông!

Tôi như điếng người đi. Thôi đúng rồi! Giữa chúng tôi có một bức tường khá dày ngăn cách. Thật là bi đát. Tôi cũng nói không nên lời.

Anh ta ngoảnh đầu lại gọi:

- Thuỷ Sinh. Con không lạy ông đi kìa!

Anh liền kéo đứa bé nấp sau lưng anh ra. Trông nó giống hệt anh hai mươi năm về trước, chỉ có điều vàng vọt, gầy còm hơn một tí, và cổ không đeo vòng bạc mà thôi.

- Thưa, đây là cháu thứ năm đấy ạ! Chưa đi đâu bao giờ, cứ thấy ai là lẩn tránh...

Mẹ tôi và cháu Hoàng chừng đã nghe thấy tiếng từ trên gác đi xuống.

Anh Nhuận Thổ nói:

- Lạy cụ ạ! Thư cụ con đã nhận được, biết ông có về chơi, thật mừng quá!

Mẹ tôi vui vẻ nói:

- Ấy, sao lại khách tình thế! Chẳng phải là trước kia, vẫn gọi nhau bằng anh em cơ mà? Cứ gọi anh Tấn như trước kia thôi!

- Ái chà! Cụ thật là... Như thế thì còn ra thể thống nào nữa. Hồi đó, còn nhỏ dại, chưa hiểu...

Anh Nhuận Thổ vừa nói vừa gọi Thuỷ Sinh lại chào, nhưng thằng bé bẽn lẽn, bám sát vào lưng bố.

Mẹ tôi nói:

- Cháu Thuỷ Sinh đấy à? Cháu thứ năm phải không nhỉ? Toàn là người lạ, chả trách rụt rè là phải. Hoàng đâu, dẫn em ra chơi đi!

Hoàng nghe nói liền gọi Thuỷ Sinh. Thuỷ Sinh nhẹ nhàng khoan khoái cùng Hoàng đi ra. Mẹ tôi bảo Nhuận Thổ ngồi. Anh ngập ngừng một lát rồi cũng ngồi xuống, để cái tẩu thuốc dựa vào mé bàn, đưa cái giấy ra nói:

- Ngày đông tháng giá, chẳng có gì. Đây chỉ là ít đậu xanh của nhà phơi khô, xin ông...

Tôi hỏi thăm gia đình anh. Anh chỉ lắc đầu:

- Bẩm, vất vả lắm! Cháu thứ sáu cũng đã giúp được việc, nhưng nhà vẫn không đủ ăn, lại có được sống yên ổn đâu!... Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất. Trồng được gì là gánh đi bán tất. Chỉ đóng góp vài lần là cụt vốn rồi. Không đem bán thì lại thối mục hết.

Anh cứ lắc đầu. Những nếp răn khắc sâu trên mặt anh tuyệt nhiên không động đậy. Trông anh phảng phất như một pho tượng đá. Có lẽ anh chỉ cảm thấy khổ nhưng không nói ra được hết, ngồi trầm ngâm một lúc, rồi cầm lấy dọc tẩu, lặng lẽ hút thuốc.

Mẹ tôi hỏi chuyện anh, biết nhà anh bận lắm việc, ngày mai phải về, lại chưa ăn cơm trưa, liền bảo anh xuống bếp rang cơm ăn.

Anh đi ra. Mẹ tôi và tôi đều than thở, buồn cho cảnh nhà anh: con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi! Mẹ tôi bàn với tôi:

- Cái gì không cần chở đi thì cho anh ta hết. Cứ để cho tuỳ ý chọn, cái nào lấy thì lấy.

Đến chiều anh chọn xong mấy thứ: một đôi bàn dài, bốn chiếc ghế dựa, một bộ tam sự và một cái cân. Anh lại xin tất cả các đống tro (ở quê tôi, người ta nấu bằng rơm, rạ, tro có thể dùng bón ruộng), chờ khi nào chúng tôi lên đường là đem thuyền đến chở.

Đêm đến, chúng tôi có nói vài ba câu chuyện phiếm, toàn là những chuyện chẳng quan trọng gì. Sáng hôm sau, Thuỷ Sinh về. Chín ngày sau, chúng tôi lên đường. Sáng sớm, Nhuận Thổ đã đến rồi. Thuỷ Sinh không đi theo. Anh chỉ đem theo một đứa cháu gái năm tuổi để trông thuyền. Chúng tôi bận rộn suốt ngày, không có thì giờ trò chuyện. Khách khứa cũng nhiều. Kẻ đến đưa chân, người đến lấy đồ đạc. Có kẻ vừa đưa chân vừa lấy đồ đạc. Gần tối, chúng tôi xuống thuyền thì tất cả đồ đạc trong ngôi nhà cũ, hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như quét.

Thuyền chúng tôi thẳng tiến. Trong hoàng hôn, những dãy núi xanh hai bên bờ sông đen sẫm lại, nối tiếp nhau chạy lùi về phía sau lái.

Tôi và cháu Hoàng ngồi tựa cửa thuyền, cũng nhìn phong cảnh mờ ảo bên ngoài. Bỗng cháu Hoàng hỏi:

- Bác này! Lúc nào chúng ta lại trở về nhỉ?

- Trở về? Sao cháu chưa đi đã nghĩ đến chuyện trở về?

- Nhưng mà thằng Thuỷ Sinh nó hẹn cháu đến nhà nó chơi cơ mà!

Hoàng giương to đôi mắt đen nháy nhìn tôi, ngây người suy nghĩ.

Tôi và mẹ tôi cũng đều có ý buồn, thế là lại nhắc đến Nhuận Thổ. Mẹ tôi nói:

- Cái chị Hai Dương, nàng “Tây Thi đậu phụ” ấy mà! Từ khi nhà ta bắt đầu sửa soạn hành lý, chẳng ngày nào là chị ta không đến. Hôm trước, chị ta đứng cạnh đống tro, moi ra hơn mười chiếc, cả bát lẫn đĩa, bàn tán một hồi rồi nói quyết rằng Nhuận Thổ vùi vào đấy để khi nào xúc tro là mang đi luôn. Chị ta khám phá ra việc đó, tự cho mình là có công, liền lấy ngay cái “cẩu khí sát” (một dụng cụ ở quê tôi người ta dùng nuôi gà làm bằng một tấm ván, trên có song song, trong đựng thức ăn, gà chỉ việc thò cổ vào mổ còn chó thì đứng nhìn, chịu chết), rồi chạy biến. Tuy chị ta lùn và chân bé tí tẹo thế mà cũng nhanh đáo để!

Ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần, nhưng lòng tôi không chút lưu luyến. Tôi chỉ cảm thấy chung quanh tôi là bốn bức tường vô hình, nhưng rất cao, làm cho tôi vô cùng lẻ loi, ngột ngạt. Hình ảnh đứa trẻ oai hùng, cổ đeo vòng bạc, đứng giữa ruộng dưa hấu, tôi vốn nhớ rõ lắm, nhưng bây giờ bỗng nhiên cũng mờ nhạt đi, khiến tôi lại càng thêm ảo não.

Mẹ tôi và cháu Hoàng đã ngủ rồi.

Tôi nằm xuống, nghe nước róc rách vỗ vào mạn thuyền, biết là tôi đang đi theo con đường của tôi. Tôi nghĩ bụng: tôi và Nhuận Thổ, tuy cách bức đến như thế này, nhưng con cháu chúng tôi vẫn còn thân thiết với nhau. Chẳng phải là cháu Hoàng đang mơ tưởng nhớ đến Thuỷ Sinh đó ư? Tôi mong ước chúng nó sẽ không giống chúng tôi, không bao giờ phải cách bức nhau cả... Nhưng tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết với nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ; cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác. Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới, một cuộc đời mà chúng tôi chưa từng được sống.

Tôi nghĩ đến những niềm hy vọng, bỗng nhiên hoảng sợ. Khi Nhuận Thổ xin chiếc lư hương và đôi đèn nến, tôi cười thầm, cho rằng anh ta lúc nào cũng không quên sùng bái tượng gỗ.

Nhưng bây giờ, điều tôi đang gọi là hy vọng đây, biết đâu không phải là một thứ tượng gỗ tự tay tôi chế tạo ra? Có khác chăng là những điều anh ta mong ước thì gần gũi, còn những điều tôi mong ước thì xa vời đó thôi. Tôi đang mơ màng thì trước mặt tôi hiện ra cảnh tượng một cánh đồng cát, màu xanh biếc, cạnh bờ biển, trên vòm trời xanh đậm, treo lơ lửng một vừng trăng tròn vàng thắm. Tôi nghĩ bụng: Đã gọi là hy vọng thì không thể nói đâu là thực, đâu là hư. Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.

III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Cố hương

1. Bố cục tác phẩm Cố hương

Gồm 3 phần:

- Phần 1( Từ đầu đến “ Làm ăn sinh sống”): Nhân vật Tôi trên đường về quê

- Phần 2(Tiếp đó đến “ Sạch trơn như quét”): Nhân vật Tôi những ngày ở quê.

- Phần 3(Còn lại): Nhân vật Tôi trên đường xa quê.

2. Tóm tắt tác phẩm Cố hương

Tóm tắt Cố hương (mẫu 1)

Trong chuyến về quê cuối cùng, nhân vật tôi thấy làng quê mình bỗng trở nên tiêu điều, hoang vắng khác xưa. Và những con người xưa cũng đã đổi thay. Trong đó có Nhuận Thổ- người bạn niên thiếu nay đã tàn tạ, thụ động chịu đựng những bất công của xã hội Trung Quốc đương thời.Rời quê ra đi, trong tâm trạng buồn, tôi suy nghĩ về con đường đi của nông dân, của toàn xã hội để đưa đất nước Trung Hoa tiến lên.

Tóm tắt Cố hương (mẫu 2)

Truyện ngắn Cố hương thuật lại chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật “tôi”, những rung cảm của nhân vật “tôi” trước sự đổi thay của làng quê.

Tôi” trở về quê sau hơn 20 năm xa cách.

Lúc này thời tiết đang độ giữa đông, trời âm u, gió lạnh lùa vào khoang thuyền, làng xóm giờ đây tiêu điều xơ xác. Hình ảnh làng quê cũ hiện lên trong ký ức làm lòng “tôi” thấy không vui, về thăm làng chuyến này, “tôi” có ý định từ giã quê lần cuối và lo việc chuyển nhà đi nơi khác.

“Tôi” nhớ đến người bạn cũ thủa nhỏ là Nhuận Thổ: một cậu bé nông dân khỏe mạnh, tháo vát, hiểu biết và hồn nhiên. Ngày ấy hai đứa trẻ chơi thân với nhau. Sau 20 năm xa cách gặp lại, nhân vật tôi thấy Nhuận Thổ đã thay đổi nhiều: Anh trở thành một người nông dân nghèo khổ, đần độn, mụ mẫm đi.

“Tôi” buồn bã rời quê với niềm băn khoăn không biết tương lai của cháu Hoàng và Thuỷ Sinh sau này sẽ ra sao. Hình ảnh con đường ở cuối truyện nói lên lòng mong mỏi hy vọng một sự đổi thay.

Tóm tắt Cố hương (mẫu 3)

Truyện kể lại chuyến về quê lần cuối cùng của nhân vật người kể chuyện (tôi) để dọn nhà đi nơi khác làm ăn sinh sống. Nhân vật tôi đau xót nhận ra những thay đổi ghê gớm của làng quê, đặc biệt là sự tàn tạ, đần độn của Nhuận Thổ, người bạn thân thiết của “tôi” thời thơ ấu. Từ đó, người kể chuyện đã lật xới lên những vấn đề bức xúc của xã hội Trung Hoa trì trệ lúc bấy giờ. Từ đó, ông chỉ cho mọi người thấy xã hội phân chia giai cấp là do con người tạo ra. Để không còn thảm cảnh ấy nữa nhất thiết phải xây dựng một xã hội mới, trong đó con người với con người là bình đẳng.

Khi cùng gia đình tạm biệt làng quê cũ, nhân vật tôi hi vọng mọi người sẽ có một tương lai sáng sủa hơn.

3. Phương thức biểu đạt tác phẩm Cố hương

Phương thức biểu đạt tác phẩm Cố hương là Tự sự

4. Thể loại

Tác phẩm Cố hương thuộc thể loại Truyện ngắn

5. Ngôi kể

Tác phẩm Cố hương được kể theo Ngôi thứ 1

6. Giá trị nội dung tác phẩm Cố hương

- Cố hương là bức tranh xơ xác, tiêu điều về xã hội Trung Quốc những năm cuối thế kì XIX đầu thế kỉ XX.Thông qua việc tường thuật chuyến về quê lần cuối của nhân vật Tôi, những rung cảm của “Tôi” trước sự thay đổi của quê hương, đặc biệt là của Nhuận Thổ, tác giả đã phản ánh hiện trạng của xã hội phong kiến Trung Quốc đồng thời đặt ra vấn đề đường đi của người nông dân, của toàn xã hội để mọi người suy ngẫm.

7. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Cố hương

- Truyện Cố hương có bố cuc chặt chẽ, cách sử dụng sinh động những thủ pháp nghệ thuật: hồi ức, hiện tại, đối chiếu, đầu cuối tương ứng.

- Nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật độc đáo, góp phần khắc họa tính cách nhân vật và chủ đề tác phẩm.

IV. Dàn ý tác phẩm Cố hương

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét về tác giả Lỗ Tấn: Một nhà văn tài năng với mong muốn dùng văn chương làm vũ khí tinh thần chống lại sự ngu dốt lạc hậu

- Vài nét cơ bản về tác phẩm Cố hương: Một tác phẩm chứa đựng những trăn trở của nhà văn thông qua hành trình trở về quê của nhân vật “tôi”

II. Thân bài

1. Diễn biến tâm trạng nhân vật “tôi”

a. Trên đường về quê

- Hoàn cảnh: Trời giá lạnh, đang độ giữa đông, nhân vật “tôi” về quê sau hơn 20 năm xa cách

- Mục đích: Ý định là để từ giã lần cuối cùng, đem gia đình đến đất khách tôi đang làm ăn sinh sống.

- Không gian làng quê: Trời u ám, thôn xóm tiêu điều, hoang vắng nằm im lìm dưới trời vàng úa… ⇒ Lòng tôi se lại vì “trong ký ức làng cũ đẹp hơn kia”, thất vọng, hụt hẫng vì làng xóm tiêu điều, hoang vắng quá khác xưa.

⇒ Bức tranh làng quê ảm đạm, héo hon, làm rõ tình cảnh sa sút của XHTQ đầu thế kỉ XX

b. Những ngày “tôi” ở quê

Nhân vật “tôi” cảm nhận mọi thứ trên quê hương mình:

- Khung cảnh:

+ Sáng tinh mơ, trên mái ngói, mấy cọng rơm khô phất phơ

+ Các gia đình đã dọn đi nhiều, càng hiu quạnh.

⇒ không gian hoang vắng, hiu quạnh, gợi cảm giác buồn

- Con người

+ Mẹ: “mừng rỡ, nét mặt ẩn một nỗi buồn”: nỗi buồn của người sắp phaỉ từ giã nơi mình sinh ra và lớn lên mà chưa hẹn ngày gặp lại.

⇒ Tâm trạng lưu luyến, buồn của một người sắp xa quê.

+ Cháu Hoằng: nhìn “tôi” chòng chọc vì nó chưa gặp “tôi” lần nào, thấy tôi khác xa những người ở quê mà hằng ngày nó được gần gũi tiếp xúc.

⇒ nhấn mạnh sự đổi thay của quê hương, của bên trong con người, khiến Hoằng lạ lẫm với tôi so với nhữn người, nếp sống, suy nghĩ quen thuộc ở quê.

+ Chị Hai Dương: 20 năm trước là một người phụ nữ duyên dáng, được mọi người yêu mến, sau 20 năm trở thành người phụ nữ xấu cả bề ngoài lẫn tính tình

+ Nhuận Thổ: Lúc nhỏ còn là cậu bé nông dân khoẻ mạnh, lanh lợi tháo vát, hiểu biết nhiều, hiện tại là người nông dân già nua, nghèo khổ đần độn, mụ mẫm, cam chịu số phận.

⇒ Nguyên nhân: sự thay đổi này do cách sống lạc hậu của người nông dân từ hiện thực đen tối, xã hội phong kiến đang suy tàn .

+ Nhân vật Thủy Sinh: Giống hệt bố ở tính nhút nhát, chỉ núp sau lưng bố, so với Nhuận Thổ 20 năm về trước “gầy còm, vàng vọt cổ không đeo vòng bạc”

⇒ Nghèo khổ, lam lũ hơn, không đẹp đẽ như tuổi thơ Nhuận Thổ xưa. Tác giả cũng ngầm lo lắng về tương lai thế sau như Thủy Sinh liệu có như Nhuận Thổ bây giờ.

⇒ Nhà văn đang nhìn thẳng vào hiện thực xã hội tha hóa con người và dùng văn chương, phơi bày hiện thực để thức tỉnh con người “chữa bệnh tinh thần cho dân tộc”

c. Trên đường rời xa quê

- Hoàn cảnh: Chiều hoàng hôn ⇒ dụng ý nghệ thuật bố cục đầu cuối tương ứn, mặt khác thời gian hoàng hôn còn gợi buồn, suy tư

- Tâm trạng: lòng không chút lưu luyến, cảm thấy vô cùng lẻ loi, ngột ngạt.

- Mơ về một cuộc sống khác: tươi đẹp, hạnh phúc hơn lúc này.

+ Mong ước: Chúng nó (bọn trẻ) không giống chúng tôi không bao giờ phải áp bức nhau ...

+ “Chúng nó cần phải sống một cuộc đời mới” sống giữa làng quê tươi đẹp, con người tử tế thân thiện.

2. Hình ảnh con đường

- Con đường sông, đường thủy (nghĩa đen): đi mãi cũng thành đường thôi. Đó là con đường mà tôi và cả gia đình đang đi.

- Con đường cho cả dân tộc Trung Hoa xây dựng, đổi mới, đó là niềm hy vọng của các nhà văn về một ngày mai tươi sáng đối với cả dân tộc (nghĩa bóng).

⇒ Vấn đề đặt ra: Xây dựng những cuộc đời mới, những con đường mới tốt đẹp hơn cho tương lai. Hi vọng vào thế hệ trẻ làm thay đổi quê hương, đem đến tự do hạnh phúc cho con người

III. Kết bài

- Khái quát lại những giá trị nghệ thuật tiêu biểu làm nên thành công của tác phẩm

- Liên hệ tới con đường đất nước, con đường bản thân

V. Một số đề văn bài Cố hương

Đề bài: Phân tích truyện ngắn Cố hương của Lỗ Tấn.

Phân tích truyện ngắn Cố hương – mẫu 1

          Hình ảnh quê hương đã in dấu lại trong sáng tác của rất nhiều những nghệ sĩ trong đó có Lỗ Tấn. Nhắc đến ông là nhắc đến một nhà văn nổi tiếng, có nhiều đóng góp cho kho tàng văn chương Trung Quốc nói riêng và thế giới nói chung. Các tác phẩm tiêu biểu của Lỗ Tấn phải kể đến: “AQ chính truyện”, “Thuốc”, “Nhật kí của một người điên”,… và sẽ là một thiếu sót lớn nếu chúng ta không nhắc đến truyện ngắn “Cố hương”.

          Truyện ngắn này được Lỗ Tấn sáng tác vào năm 1923, nằm trong tập “Gào thét”. Nhan đề “Cố hương” có nghĩa là quê cũ, nơi mình đã sinh ra và lớn lên nhưng hiện tại mình không ở đó nữa. Truyện kể về việc nhân vật “tôi” trở về quê hương sau hơn hai mươi năm xa quê. Cảnh vật làng quê trở nên tiêu điều, hoang vắng chứ không còn là một làng quê tươi đẹp đến nỗi không có hình ảnh ngôn ngữ nào có thể diễn tả được như trong trí nhớ của nhân vật. “Tôi” về quê lần này với mục đích nhằm đưa gia đình đến nơi đất khách để làm ăn, sinh sống. Mang trong mình nỗi buồn thương, xót xa, nhân vật “tôi” ra đi với mong ước cuộc sống của làng quê mình sẽ tốt đẹp hơn.Mở đầu tác phẩm là hình ảnh cố hương hiện ra với sự u ám, thôn xóm, cảnh vật hoang tàn và thê lương “nằm im lìm dưới bầu trời màu vàng úa”. Chứng kiến khung cảnh đó, nhân vật “tôi” không nén được cảm xúc, “lòng se lại”. Trong trí nhớ của nhân vật, làng cũ vốn đẹp hơn và cũng không xơ xác, ảm đạm như thực tại. Quê hương trong kí ức của nhân vật “tôi” là những ngày “thầy tôi hãy còn, cảnh nhà còn sung túc, tôi đàng hoàng là một cậu ấm” và cả những kỉ niệm của tuổi thơ thật đáng nhớ.Hình ảnh con người ở làng quê dần được hiện lên qua sự khắc họa tài tình của tác giả. Người mẹ thấy con về đã “chạy ra đón” bằng vẻ mặt rất mừng rỡ nhưng “vẫn ẩn một nỗi buồn thầm kín”. Người mẹ ấy đã gắn bó với quê hương bao nhiêu năm, nay phải rời xa nó nên trong lòng cũng lưu luyến, thương nhớ. Những ngày ở quê, nhân vật tôi còn gặp một số người khác như Nhuận Thổ, chị Hai Dương, cháu Hoàng,…

Nghe tin nhân vật “tôi” về quê, Nhuận Thổ đã đến chơi. Trong kí ức của “tôi”, Nhuận Thổ là một đứa bé chạc mười tuổi, “khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng”. Hắn ta là một cậu bé khỏe mạnh, lanh lợi, biết nhiều chuyện lạ lùng không thể kể xiết. Nhân vật “tôi” và NhuậnThổ có mối quan hệ chủ tớ do trước đây bố con Nhuận Thổ đi ở tháng cho nhà “tôi”. Hai người thân nhau và trở thành bạn bè. Đây là mối quan hệ bình đẳng, gắn bó với nhau.Nhưng trong quá khứ Nhuận Thổ khôi ngô, lanh lợi bao nhiêu thì con người anh ta ở hiện tại lại hoàn toàn trái ngược bấy nhiêu. Nhuận Thổ “cao gấp hai trước, nước da màu vàng sạm, lại có thêm những nếp răn sâu hoắm”, “mi mắt viền đỏ húp mọng lên”. Anh ta đội “cái mũ lông rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm, tay cầm một bọc giấy và một tẩu thuốc lá dài”. Bàn tay “hồng hào, lanh lẹn, mập mạp, cứng rắn” trước dây không còn nữa mà thay vào đó là đôi bàn tay “vừa thô kệch vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”.Cuộc sống khốn khó, vất vả đã khiến Nhuận Thổ trở nên như vậy. Khi trông thấy người bạn tuổi thơ năm xưa của mình, Nhuận Thổ “vừa hớn hở, vừa thê lương, môi mấp máy nhưng cũng nói không ra tiếng” rồi anh lấy một dáng điệu “cung kính” chào. Điệu bộ, cử chỉ ấy phần nào bộc lộ mặc cảm về thân phận hèn kém của mình. Hoàn cảnh “con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi”.Sự thay đổi ở con người Nhuận Thổ khiến nhân vật “tôi” rất buồn và xót xa. Nhuận Thổ biến đổi như vậy cũng là vì sự sa sút kinh tế, những hà khắc của xã hội phong kiến Trung Quốc và do lối sống lạc hậu của những người nông dân không biết đứng lên đấu tranh cho chính mình.Làng quê ấy không chỉ có Nhuận Thổ mà còn có chị Hai Dương được mệnh danh là “nàng Tây Thi đậu phụ”. Ngày xưa chị đẹp người, đẹp nết, trẻ trung còn bây giờ chị đã là một người đàn bà trên dưới 50 tuổi, “lưỡng quyền nhô ra, môi mỏng dính, hai tay chống nạnh, không buộc thắt lưng, chân đứng chạng ra, giống hệt cái com-pa trong bộ đồ vẽ, có hai chân bé tí”. Những lời nói ngoa ngoắt của chị đã bộc lộ một tính cách chua ngoa, đanh đá.Bằng biện pháp so sánh tương phản, Lỗ Tấn đã khắc họa rõ nét sự thay đổi về ngoại hình lẫn tính cách của hai nhân vật này. Qua đó, ông cũng tái hiện lại sự sa sút về các mặt của đời sống xã hội, sự suy thoái, những thay đổi tiêu cực trong lối sống của con người lao động.

          Quê hương đẹp đẽ của nhân vật “tôi” chỉ còn đọng lại trong kí ức nên khi rời đi, nhân vật này “không chút lưu luyến”. Nhân vật “tôi” chỉ cảm thấy xung quanh là “bốn bức tường vô hình, nhưng rất cao, làm cho tôi vô cùng lẻ loi, ngột ngạt”. Ngột ngạt bởi cảnh vật làng quê hiu hắt, tiêu điều và sự thay đổi tiêu cực của con người. Họ trở nên tàn tạ, nghèo khổ, đần độn, ngoa ngoắt và vụ lợi. Có người đến để đưa chân, nhưng cũng có người đến để lấy đồ đạc.Họ lấy tất cả những đồ đạc trong ngôi nhà cũ, “hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như tuyết”. Nằm nghe nước vỗ vào mạn thuyền, nhân vật “tôi” mong ước cho Thủy Sinh và Hoàng không bị cách bức nhau như mình và Nhuận Thổ. Đồng thời “tôi cũng không muốn chúng nó vì thân thiết nhau mà phải vất vả, chạy vạy như tôi, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà đần độn như Nhuận Thổ, cũng không muốn chúng nó phải khốn khổ mà tàn nhẫn như bao nhiêu người khác”. Bọn trẻ phải sống một cuộc đời mới tốt đẹp hơn.Tác giả đã khép lại “Cố hương” bằng hình ảnh con đường giàu ý nghĩa biểu tượng. Đây không chỉ là con đường đi thường ngày mà còn là con đường hướng con người đến cuộc sống tươi sáng, hạnh phúc hơn ở tương lai. Nhân vật “tôi” đã khẳng định: “kì thực trên mặt đất vốn làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Con đường không có sẵn trong tự nhiên mà do chính con người tạo nên.“Tôi” luôn có niềm tin vào con đường mới sẽ giúp con người có một cuộc sống tự do, no ấm, đầy đủ hơn. Tình yêu quê hương mãnh liệt của nhân vật “tôi” được thể hiện qua niềm tin vào sự đổi thay của làng quê và con người theo hướng tích cực. Đó cũng là tư tưởng nhân đạo mà Lỗ Tấn kí thác trong tác phẩm của mình.Truyện đã sử dụng linh hoạt những thủ pháp nghệ thuật như hiện tại, hồi ức, đối chiếu và xen kẽ nhau tạo nên một mạch truyện liên kết chặt chẽ. Bằng nghệ thuật miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật tinh tế, nhà văn đã khắc họa được những nhân vật một cách rõ nét, sinh động và chân thực. Việc sử dụng hình ảnh biểu tượng và các phương thức biểu đạt tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận đã góp phần không nhỏ trong việc tạo nên sự thành công của tác phẩm.

Qua truyện ngắn này, bạn đọc có thể thấy được tiếng nói tố cáo, phê phán xã hội phong kiến cũ đồng thời ông cũng đặt ra vấn đề con đường đi của người nông dân lao động và toàn thể xã hội. Ông đã dùng thứ vũ khí lợi hại là ngôn từ để “biến đổi tinh thần” nhân dân đang trong tình trạng “ngu muội” và hèn nhát”.

Đề bài: Phân tích ý nghĩa hình ảnh con đường trong Cố hương của Lỗ Tấn.

Phân tích ý nghĩa hình ảnh con đường trong Cố hương – mẫu 1

“Xa quê hương mấy chục năm xa cách

Mãi trong ta nhớ miền quê yêu dấu

Cánh đồng xanh lưng trâu chim sáo đậu

Nghe quê hương đất mẹ gọi ta về.”

          Đó chính là tâm trạng của một con người sau bao nhiêu năm xa quê, từng hình ảnh, từng kỷ niệm của tuổi thơ có lẽ sẽ không bao giờ quên được. Và cũng cái tâm trạng ấy, con người ấy còn đi vào các tác phẩm văn học. Một trong những tác phẩm văn học có để lại dấu ấn sâu sắc trong tôi là Cố Hương của Lỗ Tấn. Và trong truyện, có lẽ hình ảnh ‘con đường’ được tác giả nhắc đến để lại cho người đọc nhiều cảm xúc nhất, nổi bâng khuâng, suy nghĩ chất chứa trong lòng.Truyện ngắn kể về một chuyến đi về quê cũ của nhân vật “Tôi” sau hơn 20 năm xa cách với không gian và thời gian vô cùng đặc sắc. Có thể đây là lần cuối cùng anh về thăm lại quê. Lần này, nhân vật tôi trở về để đưa gia đình đi nơi khác định cư. Trên con thuyền trong một chiều hoàng hôn, nền trời vàng như lớp mỡ gà. Con đường về quê lần này đã không như mong đợi, những làng xóm thưa thớt, tiêu điều cùng với cái không gian trông im lặng và hoang vu khiến tâm trạng của “tôi” lại càng buồn hơn. Về đến nhà gặp mẹ, gặp lại những người đã từng là một phần tuổi thơ của “tôi”.

          Được mẹ kể về “Nhuận Thổ” người bạn cùng lứa. Trước kia Nhuận Thồ là một đứa trẻ mụ mẫm, lanh lợi, nhưng giờ đây gặp lại, hắn là một người ốm yếu với làn da đen sạm, nhà thì đông con. “Tôi” thấy thật buồn cho cậu ấy. Còn thím Hải Dương trước kia được mệnh danh là nàng Tây Thi đậu phụ, hàng đậu bán đắt vô cùng nhờ có chị ta. Chị ấy bảo “lúc cậu còn nhỏ tôi bế cậu hoài mà cậu không nhớ tôi à?” Có lẽ là vì thím ấy thay đổi quá nhiều, những kí ức đẹp đẽ kia đã bị lấn át ra ngoài hết. Trước kia thùy mị nết na là thế còn bây giờ ngược lại hoàn toàn: chanh chua, đanh đá, thô lỗ, gian xảo,…cứ thấy nhà tôi thấy có cái gì lạ là tìm cách xin cho bằng được.Xã hội phong kiến đã đẩy những người nông dân nghèo khổ vào bước đường cùng. Họ là những con người đáng thương, bị xã hội đẩy xuống đáy, tận cùng, nhưng họ không đủ cam đảm để tìm cho mình một con đường mới để giải thoát, để thay đổi số phận. Giờ đây, “Tôi” phải đưa gia đình của “tôi” đi nơi khác, để cho cháu Hoàng và Thủy Sinh không sống một cuộc sống như “tôi” từng sống ở đây. Cũng trên con thuyền, dòng song và hoàng hồn đã mở đầu cho một hành trình mới, để bắt đầu cho một cuộc sống mới, tốt đẹp hơn. Cháu Hoàng và Thủy Sinh có hỏi về vấn đề quay lại nơi này nhưng không hiểu sao “tôi” không còn một chút lưu luyến gì, muốn rời đi và sẽ không trở lại. Quê hương “tôi” sinh ra, những con người ở đây ai cũng thay đổi, mọi thứ thay đổi theo một chiều hướng tiêu cực. “Tôi” lại suy nghĩ “Kỳ thực trên mặt đất làm gì có đường, người ta đi mãi cũng thành đường đó thôi”.

Có lẽ mong muốn một xã hội phát triển, phải có một người đứng lên, mở đường trước , đi trước mới có thể thay đổi được. Con đường của cách mạng, con đường lí tưởng, con đường của những con đường yêu nước. Nếu là dân tộc Việt Nam khi đọc tác phẩm “Cố Hương” lại càng rút ra được nhiều bài học. Bác Hồ đã mở đường lối mới cho dân tộc, đem tư tưởng Mac-Lê nin đến mọi thế hệ, vậy bây giờ con người Việt phải làm gì? Để tiếp nối với những gì Bác đã làm. Có lẽ từ giờ bản thân phải xác định được con đường riêng cho mình và cố gắng theo mục tiêu ấy. Và con đường mà tác giả nhắc tới cuối bài còn là con đường của niềm tin, hi vọng, không chỉ một người làm nên mà là cả một dân tộc, một thế hệ góp sức cùng xây dựng.Tất cả mọi thứ đến như xuất phát từ sâu thẫm đáy lòng yêu quê hương của anh. Hình ảnh làng quê trẻ thơ sẽ chẳng bao giờ phai nhạt. Một con người luôn mong ước người khác được ấm no- hạnh phúc. Có những con đường xa, đường gần, con đường khổ đau, con đường trắc trở nhưng ta cứ dũng cảm đi thì mọi con đường đều trở nên tốt đẹp và hạnh phúc.

Đề bài: Cảm nhận về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong Cố hương.

Cảm nhận về hình bóng quê nhà và con người nơi quê cha đất tổ trong Cố hương – mẫu 1

          Lỗ Tấn (1881 – 1936) là nhà văn cách mạng nổi tiếng của Trung Quốc.Truyện “Cố hương ” là một truyện ngắn hay và xúc động. Nó man mác một tình quê vơi đầy. Nó ghi lại một cách chân thực và cảm động kí ức tuổi thơ. Nó phản ánh số phận những con người quê hương với bao nỗi buồn thương và hi vọng.Các nhân vật như tôi, mẹ tôi, cháu Hoàng, Nhuận Thổ, Thủy Sinh, chị Hai Dương – là những con người của quê hương, gợi ra bao nỗi buồn vui về nơi chôn nhau cắt rốn sâu nặng nghĩa tình.

          Sau hơn 20 năm xa cách “ tôi ” về thăm quê. Phải vượt qua 2000 dặm giữa một mùa đông lạnh giá. Lòng “tôi” bồi hồi khôn kể xiết. Gió lạnh vi vu thổi vào khoang thuyền. Gần về đến làng, trời càng u ám, xóm thôn xa dần, thấp thoáng tiêu điều, hoang vắng…, lòng buồn se lại. Về quê thì phải vui sao lại buồn? “Tôi ” tự hỏi có phải đây là làng cũ thân yêu trong ki ức nữa không?Chuyến về thăm quê này rất đặc biệt, về để bán nhà, giao nhà lại cho chủ mới. Về để từ giã ngôi nhà cũ nơi cả đại gia đình “chúng tôi ” đời đời ở chung với nhau. Sao không buồn được, vì sau 20 năm đi xa, lần này “tôi ” trở về là để “vĩnh biệt ngôi nhà yêu dấu và từ giã làng cũ thân yêu đem gia đình đến nơi đất khách tôi đang làm ăn sinh sống.Quê hương thường gắn liền với phần mộ tổ tiên ông bà. Trong “Cố hương” không thấy nói đến. Tác giả chỉ xúc động nói đến kí ức tuổi thơ khoảng chừng 30 năm về trước. Một tình bạn đẹp tuổi thơ độ lên mười với Nhuận Thổ, con trai của một người làm thuê cho gia đình “tôi”. Nhờ Nhuận Thổ mà “ tôi” được biết bao chuyện kì lạ: cách bẫy chim trên tuyết, con “tra” lông da trơn như mỡ biết ăn dưa; bên bờ biển quê hương có nhiều vỏ sò đẹp và lạ: sò mặt quỷ, và sò “tay phật”, Nhờ Nhuận Thổ mà tôi cảm nhận được vẻ đẹp quê hương với bao cảnh tượng thần tiên: “Một vầng trăng tròn vàng thắm treo lơ lửng trên nền trời xanh đậm, dưới là một bãi cát bên bờ biển, trồng toàn dưa hấu, bát ngát một màu xanh rờn. Quê hương cũ với bao kỉ niệm thời thơ bé. Đó là những ngày mà thầy tôi vẫn còn, cảnh nhà sung túc… Năm ấy nhà tôi đến lượt lo giỗ tổ. Giỗ vào tháng giêng. Lễ vật rất nhiều, các đồ tế rất sang, người đến lễ cúng rất đông…Quê hương trong kí ức bao giờ cũng cảm động. Lỗ Tấn đã nói về hình ảnh quê hương ông hiện tại và trong quá khứ, lúc trên đường trở về, lúc gặp lại bạn cũ, người xưa. Có niềm vui nỗi buồn, 30 năm đã trôi qua, nhưng không bao giờ có thể quên được quê hương và tuổi thơ.Mẹ đã già. “Tôi” đã trưởng thành, đi làm ăn xa, lưu lạc 20 năm trời nay mới về thăm quê, thăm mẹ. Lâu nay chỉ “gặp mẹ” và hỏi thăm mẹ qua những cánh thư. Con vừa bước vào nhà, mẹ đã chạy ra đón. Mẹ già rất mừng rỡ gặp lại con trai sau những năm dài xa cách, thế nhưng “nét mặt vẫn ẩn nỗi buồn thầm kín .Chắc là mẹ buồn vì thương nhớ người đã khuất, mẹ buồn vì cảnh nhà sa sút, phải bán nhà, theo con trai đến nơi đất khách quê người? Mẹ vẫn hiền hậu, săn sóc tôi như ngày tôi còn thợ bé: “Mẹ bảo tôi ngồi xuống nghỉ ngơi, uống trà”.Mẹ nói với con trai chuyện dọn nhà… Mẹ vẫn hiền từ như xưa: “Con hãy nghỉ ngơi vài hôm, đi thăm các nhà bà con một chút rồi mẹ con mình lên đường. Nhắc đến Nhuận Thổ… “Mẹ tôi cũng động lòng. Gặp hai bố con Nhuận Thổ, mẹ ần cần vồn vã. Mẹ thở than cho cảnh nhà anh ta, mẹ bàn với tôi: “Cái gì không cần chở đi thì cho anh ta hết. Cứ để cho tùy ý chọn, lấy cái nào thì lấy!”. Thương con cháu và thương người, đó là hình ảnh người mẹ trong “Cố hương.”

          Có một nhà thơ Việt Nam đã viết: “Quê hương là cầu tre nhỏ – Mẹ về nón lá nghiêng che”. Đọc “Cố hương” của Lỗ Tấn, nếu ai đó không hiểu được người mẹ thì làm sao cảm nhận được hình ảnh quê hương thân yêu. Bởi lẽ mẹ là quê hương, quê hương là mẹ! Tình yêu quê hương luôn luôn gắn liền thiết tha với người mẹ hiền mà ta yêu quý.Nhuận Thổ là người bạn tuổi thơ. Ba mươi năm trước, “tôi” và Nhuận Thổ đã sống với nhau trong suốt một tháng giêng mà suốt đời không thể nào quên được. Hình ảnh hắn thuở lên 10, lần đầu gặp tôi: ”Khuôn mặt tròn trĩnh, làn da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng… Hắn “bẽn lẽn ” với mọi người, nhưng “không bẽn lẽn” với chỉ riêng tôi. Hắn nói lên tỉnh, hắn được trông thấy những điều hắn chưa bao giờ trông thấy cả. Cũng như “tôi” nghe hắn nói chuyện bẫy chim sẻ, chuyện cầm đinh ba đâm con “ tra ” khi đi canh dưa, chuyện vỏ sò, vỏ ốc, v.v… là những chuyện lí thú, kì lạ. Ba mươi năm rồi, “ tôi” nhớ đến Nhuận Thổ là nhớ đến gói quà hắn gửi cho tôi: một bọc vỏ sò và mấy thứ lông chim rất đẹp.Không có tuổi thơ thì không có quê hương. Tình bạn tuổi thơ làm cho tình yêu quê hương mãi mãi tươi thắm. Đúng như Lỗ Tấn dã viết:“Bây giờ mẹ tôi nhắc đến Nhuận Thổ, kí ức tôi bỗng cũng sáng bừng lên trong chốc lát. Tôi cảm thấy tựa hồ tôi đã tìm ra được quê hương tôi đẹp ở chỗ nào rồi”. Hình ảnh Nhuận Thổ thời ấu thơ là hình ảnh quê hương, là “vành trăng non trên bầu trời xanh miền thơ đó ” Nhuận Thổ là một phần rất nhỏ của “Cố hương ”, là tình yêu quê hương.

          Hình ảnh Nhuận Thổ trong hiện tại là nỗi đau, nỗi buồn về quê hương. Sau những năm dài xa cách nay gặp lại, Nhuận Thổ thay đổi quá nhiều. Nước da “vàng sạm “, có những nếp nhăn trên mặt “sâu hóm”. Cặp mắt, mí mắt “viền húp đỏ mọng lên . Đầu đội một cái mũ lông chiên “rách tươm”, mặc một cái áo bông “mỏng dính” giữa lúc trời rét dữ! Người “ co ro cúm rúm”, đôi bàn ray “vừa thô kệch, vừa nặng nề, nứt nẻ như vỏ cây thông”. Thời gian đã tàn phá một con người về mặt ngoại hình. Sự nghèo khổ và vất vả làm tàn tạ một con người vốn cường tráng và dẻo dai. Gặp lại bạn cũ. Nhuận Thổ “vừa hớn hở vừa thê lương ” mấp máy đôi môi nói không ra tiếng, sau mới “cung kính ” nói được hai tiếng: Bẩm ông! .Lễ giáo và tôn ti trật tự của xã hội phong kiến đã tạo nên giữa đôi bạn “một bức tường khá dầy ngăn cách. “Tôi” như bị “điếng người” khi nghe anh ta nói. Nhìn người và nghe Nhuận Thổ nói , “tôi” nặng trĩu trong lòng “trông anh ta phảng phất như một pho tượng đá ” vô hồn và vô cảm.Hình ảnh Nhuận Thổ trong hiện tại là hình ảnh một xứ sở, một miền quê xơ xác, tiêu điều, người nông dân bị bần cùng hóa, bị áp bức và bóc lột đến tận xương tủy: “mất mùa, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào… ”, “chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả”.Thông qua việc tường thuật chuyến về quê lần cuối cùng của “tôi”, thông qua những rung cảm của “tôi” trước sự thay đổi, tàn tạ ghê gớm của làng quê, đặc biệt là Nhuận Thổ, tác giả đã lên án tội ác của chế độ phong kiến đối với nông dân. Từ đó đặt ra vấn đề quyền sống và hạnh phúc của nhân dân trên con đường đi tới.Nói đến con người quê hương trong “Cố hương” không thể nào quên hình ảnh chị Hai Dương – “Tây Thi đậu phụ”, ngày xưa phấn son nổi danh tài sắc bây giờ đã trở thành “ bí đỏ” trơ tráo, lúc thì ăn cướp đôi tất tay , lúc thì ăn cướp cái “cẩu khí sát” rồi chạy biến.Cũng không thể không nghĩ tới cháu Hoàng và Thủy Sinh, con trai thứ năm của Nhuận Thổ. Trẻ con xưa nay vẫn hồn nhiên và đáng yêu. Nghĩ đến con người quê hương, “tôi” mong muốn những em bé quê sẽ không còn “phải khốn khổ và tàn nhẫn… “, mong mỏi chúng nó được sống đời mà chúng tôi chưa từng được sống.Phần cuối truyện “Cố hương” tác giả viết một câu văn rất lạ mà hay. Sau khi ông nói đến mọi thứ “tượng gỗ” và “sùng bái tượng gỗ”, nói đến mong ước “gần gũi” và “ xa vời ”, nói đến “thực” và “hư” trong hi vọng”, rồi ông hạ bút. Đó là suy ngẫm của “tôi”:

          “Cũng giống như những con đường trên mặt đất; kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi”. Có con đường mưu sinh phải xa quê. Có con đường tình nghĩa, không quản xa xôi, cách trở đã về thăm lại quê. Có con đường khổ ải. Có con đường hạnh phúc. Con đường gần, con đường xa, con đường hi vọng đi lên phía trước. Có con đường mòn… Cũng có chuyện phá lối mở đường. Con đường đến với mỗi người là con đường số phận. Con đường của mỗi dân tộc là con đường cách mạng. Phải chăng đó là ý tưởng sâu sắc về hình tượng con đường trong “Cố hương”.Ca dao có câu:

“Quê hương nghĩa nặng tình sâu,

Bể dâu, biến đổi biết đâu là nhà ”

          Đọc “Cố hương” của Lỗ Tấn, tôi bâng khuâng mãi về tiếng hát ấy từng vang vọng khắp miền Trung thân yêu của quê mẹ…

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:

Những đứa trẻ

Bàn về đọc sách

Tiếng nói của văn nghệ

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông Ten

1 3,176 13/07/2022
Tải về