Bàn về đọc sách - Tác giả tác phẩm Ngữ văn lớp 9

VietJack.me xin giới thiệu với các bạn học sinh lớp 9 về Tác giả tác phẩm Bàn về đọc sách gồm đầy đủ những nội dung chính quan trọng nhất của văn bản Bàn về đọc sách như sơ lược về tác giả, tác phẩm, bố cục, tóm tắt, dàn ý, phân tích .... Mời các bạn theo dõi:

1 2,936 13/07/2022
Tải về


Tác giả tác phẩm: Bàn về đọc sách - Ngữ văn 9

I. Tác giả văn bản Bàn về đọc sách

- Chu Quang Tiềm (1897-1986), tên khai sinh là Tự Mạnh Thực

- Quê quán: Đông Thành- An Huy-Trung Quốc

- Sự nghiệp sáng tác:

+ Ông là nhà mĩ học và lí luận học nổi tiếng của Trung Quốc

+ Ông là danh nhân lớn, học vấn cao, là tác giả của nhiều bài chính luận nổi tiếng

Bài giảng Ngữ văn lớp 9 Bàn về đọc sách

II. Nội dung văn bản Bàn về đọc sách

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Bởi vì học vấn không chỉ là việc cá nhân, mà là việc của toàn nhân loại. Mỗi loại học vấn đến giai đoạn hôm nay đều là thành quả của toàn nhân loại nhờ biết phân công, cố gắng tích luỹ ngày đêm mà có. Các thành quả đó sở dĩ không bị vùi lấp đi, đều là do sách vở ghi chép, lưu truyền lại. Sách là kho tàng quý báu cất giữ di sản tinh thần nhân loại, cũng có thể nói đó là những cột mốc trên con đường tiến hoá học thuật của nhân loại. Nếu chúng ta mong tiến lên từ văn hoá, học thuật của giai đoạn này, thì nhất định phải lấy thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ làm điểm xuất phát. Nếu xoá bỏ hết các thành quả nhân loại đã đạt được trong quá khứ thì chưa biết chừng chúng ta đã lùi điểm xuất phát về đến mấy trăm năm, thậm chí là mấy nghìn năm trước. Lúc đó, dù có tiến lên cũng chỉ là đi giật lùi, làm kẻ lạc hậu.

Đọc sách là muốn trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của nhân loại tích luỹ mấy nghìn năm trong mấy chục năm ngắn ngủi, là một mình hưởng thụ các kiến thức, lời dạy mà biết bao người trong quá khứ đã khổ công tìm kiếm mới thu nhận được. Có được sự chuẩn bị như thế thì một con người mới có thể làm được cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, nhằm phát hiện thế giới mới.

Lịch sử càng tiến lên, di sản tinh thần nhân loại càng phong phú, sách vở tích luỹ càng nhiều, thì việc đọc sách cũng ngày càng không dễ. Sách tất nhiên là đáng quý, nhưng cũng chỉ là một thứ tích luỹ. Nó có thể làm trở ngại cho nghiên cứu học vấn. Ít nhất có hai cái hại thường gặp. Một là, sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu. Các học giả Trung Hoa thời cổ đại do sách khó kiếm, một đời đến bạc đầu mới đọc hết quyển kinh. Sách tuy đọc được ít, nhưng đọc quyển nào ra quyển ấy, miệng đọc, tâm ghi, nghiền ngẫm đến thuộc lòng, thấm vào xương tuỷ, biến thành một nguồn động lực tinh thần, cả đời dùng mãi không cạn. Giờ đây sách dễ kiếm, một học giả trẻ đã có thể khoe khoang từng đọc hàng vạn cuốn sách. “Liếc qua” tuy rất nhiều, nhưng “đọng lại” thì rất ít, giống như ăn uống, các thứ không tiêu hoá được tích càng nhiều, thì càng dễ sinh ra bệnh đau dạ dày, nhiều thói xấu hư danh nông cạn đều do lối ăn tươi nuốt sống đó mà sinh ra cả. Hai là, sách nhiều khiến người đọc lạc hướng. Bất cứ lĩnh vực học vấn nào ngày nay đều đã có sách vở chất đầy thư viện, trong đó, những tác phẩm cơ bản, đích thực, nhất thiết phải đọc chẳng qua cũng mấy nghìn quyển, thậm chí chỉ mấy quyển. Nhiều người mới học tham nhiều mà không vụ thực chất, đã lãng phí thời gian và sức lực trên những cuốn sách vô thưởng vô phạt, nên không tránh khỏi bỏ lỡ mất dịp đọc những cuốn sách quan trọng, cơ bản. Chiếm lĩnh học vấn giống như đánh trận, cần phải đánh vào thành trì kiên cố, đánh bại quân địch tinh nhuệ, chiếm cứ mặt trận xung yếu. Mục tiêu quá nhiều, che lấp mất vị trí kiên cố, chỉ đá bên đông, đấm bên tây, hoá ra thành lối đánh “tự tiêu hao lực lượng”.

Đọc sách không cốt lấy nhiều, quan trọng nhất là phải chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Nếu đọc được 10 quyển sách không quan trọng, không bằng đem thời gian, sức lực đọc 10 quyển ấy mà đọc một quyển thực sự có giá trị. Nếu đọc được 10 quyển sách mà chỉ liếc qua, không bằng chỉ lấy một quyển mà đọc mười lần. “Sách cũ trăm lần xem chẳng chán – Thuộc lòng, ngẫm kĩ một mình hay”, hai câu thơ đó đáng làm lời răn cho mỗi người đọc sách.

Đọc sách vốn có ích riêng cho mình, đọc nhiều không thể coi là vinh dự, đọc ít cũng không phải là xấu hổ. Đọc ít mà đọc kĩ, thì sẽ tập thành nếp suy nghĩ sâu xa, trầm ngâm tích luỹ, tưởng tượng tự do đến mức làm đổi thay khí chất; đọc nhiều mà không chịu nghĩ sâu, như cưỡi ngựa qua chợ, tuy châu báu phơi đầy, chỉ tổ làm cho mắt hoa ý loạn, tay không mà về. Thế gian có biết bao người đọc sách chỉ để trang trí bộ mặt, như kẻ trọc phú khoe của, chỉ biết lấy nhiều làm quý. Đối với việc học tập, cách đó chỉ để lừa mình dối người, đối với việc làm người thì cách đó thể hiện phẩm chất tầm thường, thấp kém.

Sách đọc nên chia làm mấy loại, một loại là sách đọc để có kiến thức phổ thông mà mọi công dân thế giới hiện nay đều phải biết, một loại là sách đọc để trau dồi học vấn chuyên môn. Muốn có kiến thức phổ thông, hiện nay các bài học ở trung học và năm đầu đại học, nếu chăm chỉ học tập thì cũng đủ dùng. Nếu chăm chỉ học tập mà chỉ đọc thuộc giáo trình thì chẳng có ích lợi gì, mỗi môn phải chọn lấy từ 3 đến 5 quyển xem cho kĩ. Môn học kiến thức phổ thông tổng số không quá mười mấy môn, mỗi môn chọn từ 3 đến 5 quyển, tổng cộng số sách cần đọc cũng chẳng qua trên dưới 50 quyển. Đây không thể xem là đòi hỏi quá đáng. Nói chung, số sách mà một người đã đọc, phần lớn không chỉ có thế, nếu họ không thu được lợi ích thật sự là do họ thiếu lựa chọn, khi đọc lẽ ra đọc kĩ thì họ lại đọc qua loa.

Kiến thức phổ thông không chỉ cần cho công dân thế giới hiện tại, mà ngay nhà học giả chuyên môn cũng không thể thiếu được. Khoa học cận đại phân loại chặt chẽ, những người chỉ chuyên một học vấn phần nhiều khép kín trong phạm vi của mình, lấy cớ là chuyên môn, không muốn biết đến các học vấn liên quan. Điều này đối với việc phân công nghiên cứu có thể là cần thiết, nhưng đối với việc đào tạo chuyên sâu thì lại là một sự hi sinh. Vũ trụ vốn là một thể hữu cơ, các quy luật bên trong vốn liên quan mật thiết với nhau, động vào bất cứ chỗ nào đều tất liên quan đến cái khác, do đó, các loại học vấn nghiên cứu quy luật, tuy bề ngoài có phân biệt, mà trên thực tế thì không thể tách rời. Trên đời không có học vấn nào là cô lập, tách rời các học vấn khác. Ví như chính trị học thì phải liên quan đến lịch sử, kinh tế, pháp luật, triết học, tâm lý học, cho đến ngoại giao, quân sự... Nếu một người đối với các học vấn liên quan này mà không biết đến, chỉ có học một mình chính trị học thôi, thì càng tiến lên càng gặp khó khăn, giống như con chuột chui vào sừng trâu, càng chui sâu càng hẹp, không tìm ra lối thoát. Các học vấn khác đại khái cũng như vậy, không biết rộng thì không thể chuyên, không thông thái thì không thể nắm gọn. Trước hãy biết rộng rồi sau mới nắm chắc, đó là trình tự để nắm vững bất cứ học vấn nào. Trong lịch sử học thuật, phàm là người có thành tựu lớn trong bất kì một lĩnh vực nào, đều phải có cơ sở sâu sắc của nhiều môn học vấn khác.

III. Tìm hiểu chung về tác phẩm Bàn về đọc sách

1. Bố cục tác phẩm Bàn về đọc sách

Gồm 3 phần:

- Phần 1: (“Học vấn …Thế giới mới”): Tầm quan trọng của việc đọc sách

- Phần 2: (Tiếp đến “tiêu hao lực lượng”): Những khó khăn, thiên hứng sai lạc dễ mắc phải của việc đọc sách hiện nay

- Phần 3: (còn lại): Bàn về phương pháp đọc sách

2. Tóm tắt tác phẩm Bàn về đọc sách

Tóm tắt Bàn về đọc sách (mẫu 1)

Sách là kho tàng quý báu, cất giữ những di sản tinh thần của nhân loại đã tích lũy qua các thế hệ. Là cột mốc trên con đường tiến hoá của nhân loại. Sách đã ghi chép cô đúc và lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà loài người tìm tòi, tích luỹ được qua từng thời đại.

Tóm tắt Bàn về đọc sách (mẫu 2)

Văn bản Bàn về đọc sách được trích trong cuốn Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui nỗi buồn của việc đọc sách - Bắc Kinh, 1995 do Trần Đình Sử dịch. Bài viết nêu lên tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách. Sách là kho tàng quý báu, cất giữ những di sản tinh thần của nhân loại đã thu lượm, nung nấu mấy ngàn năm qua. Là cột mốc trên con đường tiến hoá của nhân loại. Sách đã ghi chép cô đúc và lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu mà loài người tìm tòi, tích luỹ được qua từng thời đại. Đọc sách là con đường tích luỹ, nâng cao vốn tri thức.Là sự chuẩn bị để có thể làm cuộc trường chinh vạn dặm trên con đường học vấn, phát hiện thế giới mới. Đọc sách chính là lấy thành quả của nhân loại trong quá khứ làm xuất phát điểm để phát hiện cái mới của thời đại này. Trong tình hình hiện nay, sách vở ngày càng nhiều thì việc chọn sách, cách đọc sách cần có hiệu quả.

Tóm tắt Bàn về đọc sách (mẫu 3)

Học vấn không chỉ là chuyện đọc sách, nhưng đọc sách vẫn là một con đường quan trọng của học vấn. Học vẫn là học những tri thức của toàn nhân loại. Không ai sinh ra đã có sẵn tri thức, phải đọc để lấy được những tinh hoa của nghìn năm nhân loại mới xứng đáng với những người đã dày công cho ta bài học quý báu. Đọc sách chính là trả món nợ đối với thành quả nhân loại trong quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm, tư tưởng của thế giới. Nhưng đọc sách không phải một công việc dễ dàng khi ngày nay những giá trị tinh thần đang ngày càng phong phú. Vì sách nhiều nên ta dễ kiếm, người ta mang sách ra để trang trí hay khoe khoang. Hoặc sách nhiều khiến người ta lạc hướng.

3. Phương thức biểu đạt tác phẩm Bàn về đọc sách

Phương thức biểu đạt tác phẩm Bàn về đọc sách là Nghị luận

4. Giá trị nội dung tác phẩm Bàn về đọc sách

- Bài viết đã đưa ra lời khẳng định đọc sách là con đường quan trọng để tích lũy, nâng cao học vấn. Để phát huy được vai trò đó thì chúng ta cần phải biết cách đọc sách hiệu quả, chọn sách phù hợp để không bị sa những điều vô bổ.

5. Giá trị nghệ thuật tác phẩm Bàn về đọc sách

- Luận điểm rõ ràng, thuyết phục.

- Bố cục bài viết hợp lí, chặt chẽ, các ý được dẫn dắt tự nhiên.

- Lối viết giàu hình ảnh, nhiều so sánh thú vị

IV. Dàn ý tác phẩm Bàn về đọc sách

I. Mở bài

- Giới thiệu vài nét cơ bản về Chu Quang Tiềm, một tác giả nổi tiếng của Trung Quốc trên lĩnh vực mĩ học và lí luận văn học

- Bàn về đọc sách là một tác phẩm nghị luận xuất sắc của Chu Quang Tiềm đề cập đến một vấn đề thiết yếu và quan trọng để phát triển con người: Đọc sách.

II. Thân bài

1. Tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đọc sách

- Học vấn là thành quả tích lũy lâu dài của nhân loại => Sách chính là kho tàng lưu giữ những thành quả đã tích lũy đó => Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn

- Mỗi quyển sách có giá trị là một cột mốc trên con đường phát triển học thuật => Sách có ý nghĩa quan trọng trên con đường phát triển của nhân loại

- Đọc sách là trả nợ quá khứ, là ôn lại kinh nghiệm của lòai người, là hưởng thụ kiến thức, lời dạy tâm huyết của quá khứ

- Đọc sách là con đường tích lũy, nâng cao vốn tri thức, là sự chuẩn bị cho con đường chinh phục học vấn kéo dài hàng vạn dặm

⇒ Sử dụng lập luận hợp lý, thấu tình đạt lí, kín kẽ sâu sắc => Đọc sách là để nâng cao nhận thức, bồi bổ trí tuệ, phát triển tâm hồn, tình cảm, rèn giũa hành động.

2. Những khó khăn trong việc đọc sách

- Sách nhiều khiến người ta không chuyên sâu:

+ Ngày trước sách ít, “có người đọc đến bạc đầu mới hết một quyển kinh” nhưng đọc nghiền ngẫm nên đã thấm vào xương tủy

+ Ngày nay, những học giả trẻ đọc nhiều sách nhưng chỉ “lướt qua”, như vậy chỉ là “hư danh nông cạn”

⇒ Sử dụng hình ảnh đối sánh xác đáng => sách nhiều khiến người đọc lướt qua, hời hợt không chuyên sâu, dễ sa vào lối "ăn tươi nuốt sống".

- Sách nhiều khiến người đọc lạc hướng:

+ Trước một số lượng lớn sách sẽ khiến con người “tham nhiều mà không thực chất”, không phân biệt được những “tác phẩm cơ bản đích thực” với “những cuốn sách “vô thưởng vô phạt”

⇒ Nhấn mạnh việc sách nhiều có thể khiến chọn lầm chọn sai lãng phí thời gian và sức lực. Thậm chí chọn phải sách độc hại.

3. Phương pháp đọc sách hiệu quả

- Cách chọn sách:

+ Chọn cho tinh

+ Không xem thường đọc sách thường thức, sách ở lĩnh vực gần gũi, kế cận với chuyên môn của mình

- Cách đọc sách:

+ Đọc cho kĩ

+ Không đọc lướt qua, vừa đọc vừa suy nghĩ.

+ Không đọc tràn lan mà cần đọc có kế hoạch và có hệ thống.

⇒ So sánh, kết hợp phân tích lí lẽ , liên hệ=> Đọc sách: rèn luyện tính cách, học làm người.

III. Kết bài

- Khái quát lại giá trị nghệ thuật và nội dung của Bàn về đọc sách

- Bài viết là một kim chỉ nam cho những người mong muốn đọc sách, muốn tiến xa trên con đường học vấn => mang giá trị thời đại

V. Một số đề văn bài Bàn về đọc sách

Đề bài: Phân tích văn bản “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm.

Phân tích Bàn về đọc sách - mẫu 1

Chu Quang Tiềm là nhà lí luận và nhà mĩ học nổi tiếng của Trung Quốc. Ông đã có một tác phẩm rất hay về vấn đề đọc sách, đó chính là tác phẩm “Bàn về đọc sách”. Tác phẩm này được trích trong “Danh nhân Trung Quốc bàn về niềm vui và nỗi buồn của việc đọc sách”.

Trong bài viết tác giả Chu Quang Tiềm đã đưa ra ba luận điểm rõ ràng đó chính là: Tầm quan trọng của việc đọc sách; những thiên hướng sai lệch, khó khăn dễ mắc phải trong việc đọc sách hiện nay; và luận điểm thứ ba đó chính là bàn về phương pháp đọc sách và chọn sách. Chúng ta sẽ đi tìm hiểu và làm sáng tỏ từng luận điểm của tác giả. Luận điểm đầu tiên mà tác giả Chu Quang Tiềm muốn làm rõ chính là tầm quan trọng của việc đọc sách. Trước khi tìm hiểu sách có tầm quan trọng gì, tác giả đã đưa ra lí giải về khái niệm sách. Sách là một sản phẩm đã cô đúc, ghi chép và lưu truyền mọi tri thức, mọi thành tựu của loài người đã tìm ra, tích lũy qua từng thời đại. Sách chính là kho tàng quý báu, là sản phẩm tinh thần mà con người đã thu lượm lại, suy ngẫm và tìm tòi suốt mấy ngàn năm. Những cuốn sách có giá trị và độc đáo được coi là cột mốc trên con đường phát triển và học tập, tích lũy tri thức của loài người. Tiếp sau đó, tác giả mới nêu ra ý nghĩa của việc đọc sách hay chính là tầm quan trọng của việc đọc sách. Đọc sách là con đường quan trọng của học vấn và tri thức. Là con đường tích lũy và nâng cao tri thức của con người. Đọc sách giúp con người phát hiện một thế giới mới, con người mới. Như vậy, tác giả đã chỉ ra được tầm quan trọng của việc đọc sách.

Tiếp theo đó, Chu Quang Tiềm đã chỉ ra những khó khăn, những thiên hướng sai lệch dễ mắc phải trong việc đọc sách hiện nay. Sách nhiều khiến người đọc không chuyên sâu, chỉ đọc lướt qua nhưng đọng lại chỉ được ít. Sách nhiều dễ khiến cho người đọc lạc hướng. Tác giả đưa ra lời khuyên cho chúng ta về cách chọn sách, chọn những sách có giá trị có lợi cho mình để đọc, không chỉ đọc những sách có chuyên môn sâu mà còn đọc những sách khoa học gần gũi có liên quan đến mình. Tác giả đã chỉ cho người đọc cách chọn sách và phương pháp đọc sách. Đầu tiên là cách chọn sách. Chúng ta phải chọn sách cho tinh, không cốt là lấy nhiều. Đọc nhiều không thể coi là vinh dự nếu nhiều mà bị rối. Đọc ít không phải là điều xấu hổ nếu đọc ít mà kĩ là một điều tốt. Chúng ta nên chọn những cuốn sách có giá trị và thật sự hữu ích cho bản thân, chọn sách phải có định hướng và mục đích rõ ràng. Để đọc sách tốt chúng ta cần có phương pháp, vậy phương pháp đọc sách là gì? Tác giả Chu Quang Tiềm đã đưa ra phương pháp đọc sách, đọc sách cho kĩ, đọc đi đọc lại nhiều lần. Đọc với sự say mê, nghiền ngẫm sâu xa, trầm ngâm tích lũy kiến thức và mục đích của bản thân phải kiên định. Chúng ta không thể đọc sách một cách tràn lan mà phải có kế hoạch đọc mục đích đọc rõ ràng. Đọc sách không chỉ là tích lũy tri thức mà còn rèn luyện tư cách, học cách làm người, rèn luyện sự kiên trì nhẫn nại.

Tác giả Chu Quang Tiềm đã thể hiện bài viết với một bố cục rất hợp lí và logic. Tác giả đã đưa ra cho người đọc những kiến thức cơ bản liên quan đến vấn đề đọc sách.

Đề bài: Phát biểu điều mà em thấm thía nhất khi đọc bài “Bàn về đọc sách” của Chu Quang Tiềm.

Điều em thấm thía nhất sau khi học xong bài Bàn về đọc sách - mẫu 1

Bài "Bàn về đọc sách" của Chu Quang Tiềm cho ta rất nhiều bài học tư tưởng thấm thía, đáng để ta học tập. Đó là bài học làm người, muốn mau trưởng thành thì phải thường xuyên học tập, rèn luyện tu dưỡng. Để có được học vấn thì phải thường xuyên đọc sách, nhưng đọc sách cũng cần phải có cách đọc đúng. Đọc sách cần phải đọc sao để hiểu cho sâu nhớ cho kĩ, tránh cách đọc lướt qua. Đọc sách cần có sự chọn lọc, đọc từ những quyển cơ bản rồi đọc đến nâng cao, đọc nhiều, đọc rộng, đọc bao quát kiến thức rồi tóm lược lại, có như thế mới nắm chắc kiến thức.

Người ta thường nói: " Sách mở ra một chân trời cảm xúc mới". Do vậy, ta càng đọc sách thì sách càng làm cho ta gắn bó với thế giới và cuộc đời trở nên rực rỡ và có ý nghĩa. Làm sao ta biết cuộc đời éo le của những con người cùng khổ trên mọi miền đất nước, phải chăng là do sắp đặt? Chính sách đã an ủi phần nào cho cuộc sống của ta để khi nhìn lên thì cũng chẳng bằng ai, nhìn xuống thì cũng chẳng ai bằng mình. Song, ta cũng thấy rằng, có những người sống một cách vui thú, sung sướng mà không một người nào xung quanh ta biết sống như thế! Sách sẽ làm Trái Đất tràn ngập những nỗi niềm buồn vui và những cái tốt đẹp. Mỗi cuốn sách đều là tâm hồn được ghi lại trên giấy với những dấu hiệu và những từ. Có lúc ta khóc khi ta đọc sách với những việc hay, với những con người tốt bụng, hiền lành. Họ thật gần gũi và đáng mến làm sao! Càng đọc sách thì càng điềm tĩnh hơn, làm việc hợp lí hơn, ít để ý đến những chuyện bực bội trong cuộc sống. Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên ta đã tách ra khỏi con thú để vươn đến con người, đến gần với quan niệm cuộc sống mà mình đang có và đang vươn tới.

Đề bài: Nghị luận về ích lợi của việc đọc sách từ bài “Bàn về đọc sách”.

Nghị luận về ích lợi của việc đọc sách từ bài Bàn về đọc sách - mẫu 1

Sách là kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Đó còn là một tài sản tinh thần vô giá vì nó làm cho tâm hồn ta phong phú thêm trí óc ta mở mang, văn minh hơn và ta thấy đời sẽ ý nghĩa và đáng yêu biết bao!

Trước khi có các phương tiện nghe nhìn, sách là con đường lớn nhất để con người tiếp cận thông tin, văn hóa và tri thức. Đến nay thì ngoài sách, con người còn tiếp thu thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng như Truyền hình, phim ảnh, mạng... Văn hóa đọc vì thế có những bước thay đổi về chất...Các phương tiện nghe nhìn tỏ ra có nhiều ưu thế hơn, hấp dẫn hơn so với sách, và thực tế chúng đang có xu hướng cạnh tranh lấn át văn hóa đọc. Nếu trước đây, đọc sách là một thú vui, một thói quen của rất nhiều người thì ngày nay thói quen ấy đang có nguy cơ bị mất dần đi. Tất nhiên đối với các nhà nghiên cứu khoa học, nhà văn, nhà báo, nhà giáo, sinh viên, học sinh... đọc sách vẫn là một công việc bắt buộc, thường xuyên mà nếu thiếu nó người ta rất khó để có được một chuyên môn tốt, một khối lượng kiến thức đủ rộng để phục vụ công việc, nhưng đông đảo quần chúng đang có xu hướng giải trí bằng phim ảnh, băng đĩa nhiều hơn.

Mặc dù vậy, đọc sách vẫn luôn được khẳng định là một nhu cầu thiết yếu với những thế mạnh riêng của chính nó, một cách thưởng thức văn hoa sang trọng và có chiều sâu; là phương cách tốt nhất để làm giàu có vốn liếng ngôn từ của con người. Những thuộc tính đi liền với việc đọc là suy nghĩ, suy ngẫm, tra cứu, tìm tòi... là cơ sở hữu ích cho việc nâng cao tri thức, hiểu biết, tạo dựng những vỉa tầng sâu sắc trong toàn bộ hệ thống kiến thức, nhận thức của mỗi con người. Không thể hình dung nếu một ai đó trong suốt cuộc đời mình không coi trọng việc đọc mà có thể có được một trữ lượng thông tin, kiến thức lớn. Khối lượng kiến thức thu thập được từ việc đọc chính là một thước đo đánh giá tầm vóc tri thức của mỗi người. Nhiều ông bố bà mẹ mong muốn tạo cho con mình một thói quen tốt là ham mê đọc sách từ thuở ấu thơ. Không chỉ dừng lại ở việc thu nhận thông tin, người ta đến với sách để thưởng thức vẻ đẹp của kiến thức thông qua lăng kính sáng tạo của tác giả. Trong một bài viết mới đây, giáo sư Trần Bạch Đằng nêu một ý kiến rất xác đáng, rằng: "Không thể lấy lăng kính "hàn lâm" để nhìn việc đọc sách của công chúng, mà phải lấy lăng kính của công chúng soi lại việc viết sách của chúng ta...". Rõ ràng, khi nêu ra khái niệm văn hóa đọc có nghĩa là chúng ta đang ngày một đề cao tính nghệ thuật, tính thưởng thức văn hóa đích thực trong việc đọc sách, vượt lên trên khái niệm đọc đơn thuần.

Tóm lại, "Không có sách thì không có tri thức", ngoài việc học ở ngoài đời, thực tế, từ mọi người xung quanh sách là người bạn không thể thiếu của con người. Đó là nguồn tri thức vô giá mà mỗi chúng ta có thể tự tìm tòi trong suốt cuộc đời của mình. Sách là nguồn kiến thức vô tận của nhân loại, khi đọc sách bạn sẽ có cảm giác như mình như đang được dẫn vào Thế Giới trong sách, bạn sẽ thấy hiểu rõ hơn biết thêm nhiều điều hay. M.Gorki từng nói rằng "Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú và đến tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống.Vì vậy, ta rất cần đọc sách nhưng nhất thiết phải chọn cho mình những loại sách có giá trị thật sự làm giàu tri thức và hoàn thiện nhân cách.

Xem thêm các bài tóm tắt tác giả tác phẩm Ngữ văn 9 hay, chi tiết khác:

Tiếng nói của văn nghệ

Chuẩn bị hành trang vào thế kỉ mới

Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông Ten

Con cò

Mùa xuân nho nhỏ

 

1 2,936 13/07/2022
Tải về