Giải Lịch sử 9 Bài 19 (Chân trời sáng tạo): Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1991

Với giải bài tập Lịch sử 9 Bài 19:  Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1991 sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 9.

1 258 11/08/2024


Giải bài tập Lịch sử 9 Bài 19: Việt Nam từ năm 1976 đến năm 1991

Mở đầu trang 104 Bài 19 Lịch Sử 9: Từ năm 1975 đến năm 1991, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân cả nước đã chung tay xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như thế nào?

Trả lời:

- Trong những năm 1975-1976, nhân dân Việt Nam thực hiện nhiệm vụ thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

- Trong những năm 1975 – 1991, nhân dân Việt Nam luôn kiên quyết đấu tranh để bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, ví dụ như:

+ Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam (1975-1979)

+ Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc (1979)

+ Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

- Từ 1986 đến nay, Việt Nam thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Câu hỏi trang 104 Lịch Sử 9: Dựa các tư liệu 19.1, 19.2 và thông tin trong bài, hãy nêu những sự kiện liên đến việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước. Tại sao việc thống nhất đất nước về mặt Nhà nước lại có ý nghĩa quan trọng?

Dựa các tư liệu 19.1, 19.2, hãy nêu những sự kiện liên đến việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt Nhà nước

Trả lời:

♦ Những sự kiện liên quan đến quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước

- Tháng 9/1975, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần 24 đề ra nhiệm vụ thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

- Từ ngày 15 đến ngày 20/ 9/1975, Hội nghị Hiệp thương chính trị thống nhất đất nước họp tại Sài Gòn đã nhất trí hoàn toàn các vấn đề về chủ trương, biện pháp nhằm thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

- Ngày 25/4/1976, Tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung trong cả nước.

- Từ ngày 24/6 đến ngày 3/7/1976, Quốc hội khóa VI của nước Việt Nam thống nhất họp kì đầu tiên tại Hà Nội. Thành công của kì họp thứ nhất Quốc hội khóa VI đã hoàn thành quá trình thống nhất đất nước về mặt nhà nước.

♦ Ý nghĩa của việc hoàn thành thống nhất đất nước về mặt nhà nước

- Đáp ứng nguyện vọng của nhân dân cả nước: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”.

- Tạo điều kiện pháp lí để hoàn thành thống nhất trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, tư tưởng...

- Phát huy sức mạnh toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

- Nâng cao vị thế của Việt Nam, mở ra thời kì mở rộng quan hệ, hợp tác quốc tế.

Câu hỏi trang 105 Lịch Sử 9: Hãy lập bảng tóm tắt cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc ở vùng biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc theo các nội dung sau: Thời gian, địa điểm, nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa.

Trả lời:

Bảo vệ biên giới phía Tây Nam

Bảo vệ biên giới phía Bắc

Thời gian

1975-1979

1979

Địa điểm

Dọc tuyến biên giới phía Tây Nam của Việt Nam

Dọc tuyến biên giới phía Bắc của Việt Nam

Nguyên nhân

Quân Pôn Pốt ở Cam-pu-chia dùng vũ lực khiêu khích, xâm phạm nhiều vùng lãnh thổ Việt Nam

Từ năm 1978, Trung Quốc đơn phương chấm dứt các viện trợ kinh tế, kĩ thuật và có nhiều hành động khiêu khích, xâm phạm ở khu vực biên giới phía Bắc của Việt Nam.

Diễn biến

- 1975, chính quyền Pôn Pốt đã có nhiều hoạt động khiêu khích, xâm phạm chủ quyền của Việt Nam

- Tháng 12-1978, chính quyền Pôn Pốt huy động 19 sư đoàn bộ binh cùng nhiều đơn vị pháo binh, xe tăng đơn phương tấn công Tây Ninh để mở đường tiến sâu vào lãnh thổ Việt Nam

- Thực hiện quyền tự vệ chính đáng, từ ngày 23-12-1978, quân đội Việt Nam mở cuộc tổng phản công.

+ Ngày 17-2-1979, khoảng 60 vạn quân Trung Quốc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc.

+ Quân dân các tình biên giới phía Bắc đã kiên cường chiến đấu bảo vệ Tổ quốc.

Kết quả

- Tháng 12/1978, quân Pôn Pốt bị quét sạch khỏi bờ cõi Việt Nam.

- 5-3-1979, Trung Quốc phải tuyên bố rút quân.

Ý nghĩa

- Giữ vững chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc.

- Tạo thời cơ lớn cho cách mạng Cam-pu-chia giành thắng lợi.

- Khẳng định ý chí, quyết tâm của nhân dân Việt Nam trong bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Câu hỏi trang 105 Lịch Sử 9: Hãy trình bày những sự kiện chủ yếu đã diễn ra trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam vào năm 1988.

Hãy trình bày những sự kiện chủ yếu đã diễn ra trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam vào năm 1988

Trả lời:

Để đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, Việt Nam đã:

- Tiếp tục quản lí, thực thi và bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp ở Biển Đông, trong đó có quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa. Cụ thể:

+ Các đơn vị hành chính được thành lập như: huyện Bạch Long Vĩ (Hải Phòng, huyện Hoàng Sa (Đà Nẵng), huyện Trường Sa (Khánh Hoà)...

+ Nhiều văn bản pháp lí liên quan đến các vùng biển và thềm lục địa của Việt Nam được ban hành. Nhiều tuyên bố về chủ quyền biển, đảo của Nhà nước Việt Nam cũng được công khai tại các diễn dàn quốc tế.

- Kiên quyết đấu tranh chống lại các hành động xâm phạm chủ quyền biển đảo Việt Nam ở Biển Đông. Cụ thể:

+ Tháng 3-1988, quân đội Trung Quốc huy động lực lượng lớn tấn công một số đảo chìm và bãi ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam (Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao).

+ Trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền tại đảo Gạc Ma, chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hi sinh. Ngay lúc đó, Chính phủ Việt Nam đã thông báo cho Liên hợp quốc về vấn đề này, đồng thời gửi nhiều công hàm phản đối và đề nghị bên Việt Nam-Trung Quốc thương lượng để giải quyết vấn đề tranh chấp bằng biện pháp hoà bình,....

Câu hỏi trang 108 Lịch Sử 9: Hãy cho biết những nét chính về tình hình Việt Nam trong những năm 1976-1985. Đọc tư liệu 19.12, theo em, Đảng đã chỉ ra những khó khăn cơ bản nào trong đời sống xã hội của nhân dân?

Hãy cho biết những nét chính về tình hình Việt Nam trong những năm 1976-1985

Trả lời:

Về chính trị

- Sau khi thống nhất đất nước về mặt Nhà nước, cách mạng Việt Nam chuyển sang giai đoạn mới: đất nước độc lập, thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội.

+ Các đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976), lần thứ V (1982) đã đề ra và phát triển đường lối xây dựng chủ nghĩa xã hội trong phạm vi cả nước.

+ Hiến pháp mới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được thông qua (12-1980);

+ Bộ máy chính quyền trung ương và địa phương tiếp tục được củng cố và kiện toàn,..

- Việt Nam phát triển quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác toàn diện, thân thiện với các nước xã hội chủ nghĩa; từng bước thiết lập quan hệ với các nước ASEAN, gia nhập tổ chức Liên hợp quốc (1977)..

Về kinh tế

- Thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm phát triển kinh tế-xã hội (1976-1980 và 1981-1985), nhân dân Việt Nam đã:

+ Từng bước khắc phục những hậu quả nặng nề của chiến tranh;

+ Khôi phục phần lớn cơ sở công nghiệp, nông nghiệp, giao thông ở miền Bắc và xây dựng lại các vùng nông thôn ở miền Nam;

+ Khai thông giao lưu hàng hoá giữa hai miền Bắc-Nam.

- Các ngành sản xuất trong cả nước được tổ chức theo hướng sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa dựa trên nguyên tắc tập trung. Thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể dược tăng cường. Nhiều công trình hạ tầng lớn cũng được xây dựng,

- Tuy nhiên, trong giai đoạn này, sản xuất không đủ cung ứng, đặc biệt là sản xuất lương thực, lạm phát tăng cao và kéo dài.

♦ Về xã hội

- Hoạt động giáo dục, văn hoá được đẩy mạnh để xây dựng nền văn hoá mới và con người mới xã hội chủ nghĩa.

- Mặc dù thu nhập của người dân được cải thiện song đời sống còn gặp nhiều khó khăn, Nhà ở, điều kiện vệ sinh, sinh hoạt văn hoá ở nhiều nơi còn thiếu thốn, nghèo nàn.

Câu hỏi trang 109 Lịch Sử 9: Việt Nam thực hiện đường lối đổi mới trong hoàn cảnh nào?

Trả lời:

- Tình hình thế giới:

+ Cuộc khủng hoảng toàn diện, trầm trọng ở Liên Xô và các nước Đông Âu.

+ Công cuộc cải cách, mở cửa ở Trung Quốc bước đầu đạt được nhiều thành tựu.

+ Tác động của cuộc cách mạng khoa học-kĩ thuật và xu thế toàn cầu hóa.

+ Từ những năm 70 của thế kỉ XX, xu thế hòa hoãn Đông-Tây đã diễn ra → tạo điều kiện cho các nước mở rộng quan hệ quốc tế.

- Tình hình Việt Nam:

+ Những sai lầm về chủ trương, chính sách trong việc thực hiện hai kế hoạch Nhà nước 5 năm (1976-1985) → Việt Nam lâm vào khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và xã hội.

+ Việt Nam đang có những bất lợi trong quan hệ quốc tế (với Mĩ, Trung Quốc, ASEAN,...) → cần phải điều chỉnh chính sách đối ngoại.

→ Đổi mới là quy luật tất yếu của thời đại, là vấn đề sống còn của chế độ chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.

Câu hỏi trang 109 Lịch Sử 9: Hãy nêu nội dung đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước. Trình bày kết quả, ý nghĩa và hạn chế trong bước đầu thực hiện đường lối đổi mới từ năm 1986 đến năm 1991.

Trả lời:

* Nội dung cụ thể của Đường lối đổi mới đất nước:

- Kinh tế:

+ Xoá bỏ mô hình quân li kinh tế tập trung quan liêu bao cấp.

+ Xây dựng nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước.

+ Kêu gọi đầu tư nước ngoài và mở rộng kinh tế đối ngoại.

- Chính trị

+ Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

+ Mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ điều kiện quốc tế thuận lợi cho công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc.

* Kết quả:

- Kinh tế:

+ Nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lí của Nhà nước bắt đầu hình thành.

+ Việc thực hiện tốt Ba chương trình kinh tế (Lương thực, thực phẩm, Hàng tiêu dùng và Hàng xuất khẩu) đã giúp phục hồi sản xuất, tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát,...

- Chính trị:

+ Hoạt động của các tổ chức chính trị được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ: tăng cường quyền làm chủ của nhân dân, quyền lực của các cơ quan dân cử,...

+ Quan hệ đối ngoại từng bước được mở rộng, từ đó tạo môi trường thuận lợi hơn cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

* Hạn chế:

- Đất nước lúc này chưa ra khỏi khủng hoảng về kinh tế-xã hội.

- Nền kinh tế phát triển vẫn mất cân đối, chỉ số lạm phát còn ở mức cao.

- Nhiều vấn đề xã hội chưa được giải quyết như: sự bất hợp lí của chế độ tiền lương có dấu hiệu gia tăng, phân hoá giàu-nghèo giữa các vùng, giữa thành thị và nông thôn...

* Ý nghĩa: Những thành tựu bước đầu của công cuộc Đổi mới đã khẳng định sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng trong việc để ra và thực hiện đường lối đổi mới, từ đó, đem lại niềm tin và tạo ra sức mạnh cho nhân dân trong giai đoạn tiếp theo.

Luyện tập 1 trang 110 Lịch Sử 9: Hãy lập bảng thống kê về các sự kiện chính trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo của Việt Nam giai đoạn 1975-1989.

Trả lời:

Tên cuộc đấu tranh

Thời gian

Sự kiện tiêu biểu

Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Bắc

17-2-1979

Khoảng 60 vạn quân Trung Quốc tấn công dọc tuyến biên giới phía Bắc Việt Nam.

5-3-1979

Trung Quốc phải tuyên bố rút quân, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam kết thúc thắng lợi.

Đấu tranh bảo vệ biên giới phía Tây Nam

22-12-1978

19 sư đoàn của lực lượng Pôn Pốt mở cuộc tấn công vào Tây Ninh, sau đó mở rộng ra dọc tuyến biên giới Tây Nam Việt Nam.

23-12-1978

Quân đội nhân dân Việt Nam mở cuộc phản công tự vệ, quét sạch quân xâm lược ra khỏi bờ cõi

Đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo

14-3-1988

Quân đội Trung Quốc đưa tàu chiến tấn công đảo Gạc Ma. 64 chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam dã anh dũng hi sinh khi bảo vệ dảo.

Luyện tập 2 trang 110 Lịch Sử 9: Theo em, thành tựu nổi bật nhất trong công cuộc đổi mới đất nước (1986-1991) là gì? Thành tựu ấy có ý nghĩa và giá trị như thế nào trong bối cảnh đất nước lúc bấy giờ?

Trả lời:

- Thành tựu nổi bật nhất trong công cuộc đổi mới đất nước (1986-1991) là những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế.

- Những thành tựu đạt được trên lĩnh vực kinh tế đã giúp Việt Nam cơ bản thoát khỏi tình trạng khủng hoảng; nâng cao đời sống vật chất – tinh thần của ngườ dân, qua đó, góp phần quan trọng vào việc ổn định đời sống chính trị - xã hội của đất nước.

Vận dụng trang 110 Lịch Sử 9: Hãy sưu tầm tư liệu về các cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền biên giới và biển đảo Việt Nam, viết một đoạn văn ngắn về nhân vật hoặc sự kiện lịch sử mà em ấn tượng nhất.

Trả lời:

(*) Tham khảo đoạn văn: “Máu các anh hòa cùng biển cả”

“Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng” - câu nói của Anh hùng liệt sĩ, thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma lúc ấy không chỉ thể hiện khí phách anh hùng, mà còn là tư thế của người làm chủ thực sự biển đảo dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng, bất khả xâm phạm. Các thế hệ người Việt Nam đã đổ biết bao công sức, máu xương để xác lập chủ quyền, giữ gìn lãnh thổ, các vùng biển và hải đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Cách đây hàng trăm năm, những người con ưu tú của nước Việt Nam đã vượt muôn vàn khó khăn, gian khổ, xả thân giữa biển khơi mênh mông vì chủ quyền đất nước. Những câu ca lưu truyền trong dân gian còn tới hôm nay, như: "Hoàng Sa đi có về không - Lệnh vua sai phái quyết lòng ra đi" là minh chứng cụ thể nhất cho sự quả cảm, các kỳ tích mà họ đã lập nên.

Tinh thần quả cảm của thế hệ ông cha lại được thế hệ sau nối tiếp. Ngày 14/3/1988, 64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma, trong cuộc chiến không cân sức, đã vĩnh viễn nằm xuống dưới làn mưa đạn.

Nơi đầu sóng, ngọn gió, phương tiện vũ khí hạn chế, không có bờ đất, công sự che thân, nhưng với tình yêu đất nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng trên 3 con tàu HQ 604, HQ 605 và HQ 505 và lực lượng bảo vệ đảo Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao đã nêu cao ý chí kiên cường, tinh thần dũng cảm, quyết tâm đến cùng để bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Sau khi uy hiếp nhưng không làm lay chuyển được tinh thần cán bộ chiến sĩ của ta, các tàu chiến của địch đã dùng súng, pháo bắn thẳng vào tàu của chúng ta, làm tàu HQ 604 bốc cháy và chìm rất nhanh. Tại đảo Gạc Ma, các cán bộ chiến sĩ đã nắm chặt tay nhau tạo thành vòng tròn bảo vệ lá cờ Tổ quốc, lấy thân mình quyết tâm giữ đảo.

Sự kiện 64 liệt sĩ nắm chặt tay nhau tạo thành “Vòng tròn bất tử” bảo vệ đảo Gạc Ma vào ngày 14/3/1988, mặc cho pháo đạn kẻ thù dội vào đã trở thành biểu tượng bất khuất của lòng yêu nước.

64 người lính bảo vệ đảo Gạc Ma đã gác lại bao ước mơ hoài bão và dâng hiến tuổi thanh xuân của mình để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu. Máu của các anh lẫn vào biển xanh, xương của các anh đã thấm vào lòng đảo, tên các anh được đời đời thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ.

Xem thêm Lời giải bài tập Lịch sử 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 20: Trật tự thế giới mới từ năm 1991 đến nay

Bài 21: Liên bang Nga và nước Mỹ từ năm 1991 đến nay

Bài 22: Châu Á từ năm 1991 đến nay

Bài 23: Công cuộc Đổi mới từ năm 1991 đến nay

Bài 24: Cách mạng khoa học, kĩ thuật và xu thế toàn cầu hoá

1 258 11/08/2024