Giải Lịch Sử 10 Bài 9 ( Chân trời sáng tạo ): Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Với giải bài tập Lịch Sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đạ sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch Sử 10 Bài 9. 

1 2,366 07/10/2024
Tải về


Giải bài tập Lịch Sử lớp 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

I. Cơ sở hình thành

Câu hỏi trang 53 Lịch Sử 10: Điều kiện tự nhiên của vùng đất Hy Lạp và La Mã ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của nền văn minh?

Trả lời:

- Hy Lạp và La Mã thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

- Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiêu nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, oliu,…

- La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Nghề luyện kim cũng rất phát triển nhờ có nhiều khoáng sản.

Câu hỏi trang 54 Lịch Sử 10: Nêu đặc điểm dân cư của Hy Lạp và La Mã thời cổ đại.

Trả lời:

- Ở Hy Lạp:

+ Cư dân Hy Lạp cổ đại bao gồm bốn tộc người chính là Ê-ô-li-an, I.ô-ni.an, A-kê-an và Đô-ri-an, phân bố ở các vùng khác nhau.

+ Đến khoảng thế kỉ VIII - VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp. Họ có chung ngôn ngữ Hy Lạp cổ và tạo dựng nên nền văn minh Hy Lạp rực rỡ.

- Ở La Mã:

+ Ở Italia thời cổ đại có nhiều tộc người, như: người Li-gua, người I-ta-li-ôt và một nhánh người sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.

+ Về sau, người La-tinh dựng nên thành La Mã bên bờ sông Ti-bơ và gọi là người La Mã.

Câu hỏi 1 trang 54 Lịch Sử 10: Kinh tế Hy Lạp và La Mã thời kỳ cổ đại có những điểm gì nổi bật?

Trả lời:

- Do điều kiện tự nhiên, Hy Lạp và La Mã sớm phát triển nghề đi biển và các ngành khai khoáng, luyện kim, đóng tàu. Các nghề thủ công phát triển giúp sản phẩm làm ra rất đa dạng.

- Tiền tệ được lưu thông rộng rãi để giao thương trong khu vực và với các nước phương Đông. Người Hy Lạp, La Mã bán các loại rượu nho, dầu ô-liu, gốm màu, cẩm thạch, thiết, chì,… mua về lương thực, cá, da súc vật, giấy, thủy tinh,… Nô lệ là hàng hóa đặc biệt.

Câu hỏi 2 trang 54 Lịch Sử 10: Theo em, sự phát triển kinh tế sẽ tạo ra những cơ sở gì để phát triển văn minh Hy Lạp - La Mã?

Trả lời:

- Sự phát triển kinh tế sẽ tạo cơ sở xây dựng cơ sở vật chất và tạo ra đời sống đầy đủ cho cư dân Hy Lạp - La Mã và cũng là tiền đề cho sự phát triển về văn hóa, khoa học, nghệ thuật.

Câu hỏi trang 55 Lịch Sử 10: Vì sao nói xã hội chiếm hữu nô lệ ở Hy Lạp và La Mã cổ đại có tính chất điển hình trong lịch sử cổ đại?

Trả lời:

- Tính chất điển hình của chế độ chiếm hữu nô lệ ở phương Tây cổ đại được thể hiện qua một số điểm sau:

+ Nô lệ chiếm số lượng áp đảo trong xã hội.

+ Nô lệ là lực lượng sản xuất chính trong xã hội, tham gia vào tất cả các ngành kinh tế một cách rộng rãi và phổ biến.

+ Nô lệ là tài sản thuộc quyền sở hữu của chủ nô. Chủ nô có quyền tự ý giết chết, đánh đập, hành hạ, ban tặng hoặc vứt bỏ nô lệ mà pháp luật không can thiệp. Nô lệ còn là một thứ hàng hóa kinh doanh phổ biến giới quý tộc, chủ nô. Giá cả của nô lệ phụ thuộc vào tuổi tác, sức khỏe, giới tính, năng lực lao động.

+ Nô lệ không được xem là con người, mà chỉ được xem là một thứ công cụ biết nói. Nô lệ không được phép có gia đình riêng, trong trường hợp nam - nữ nô lệ chung sống với nhau, thì con cái sinh ra cũng trở thành nô lệ.

+ Bộ máy nhà nước dù được xây dựng theo thể chế dân chủ; song vẫn là công cụ để đàn áp, bóc lột nô lệ, bảo vệ quyền lợi cho chủ nô.

Câu hỏi trang 55 Lịch Sử 10: Văn minh Hy Lạp - La Mã đã tiếp thu những thành tựu gì từ văn minh phương Đông? Nêu ví dụ minh họa.

Trả lời:

- Văn minh Hy Lạp - La Mã đã tiếp thu nhiều thành tựu từ văn minh phương Đông như chữ viết, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội họa, các kỹ thuật chế tác và sản xuất thủ công nghiệp…

- Ví dụ: Người Hy Lạp cổ đại dựa trên bảng chữ cái của người Phê-ni-xi để tạo nên hệ thống 24 chữ cái vào khoảng cuối thế kỉ IV TCN.

II. Thành tựu văn minh tiêu biểu

Câu hỏi trang 56 Lịch Sử 10: Thành tựu về chữ viết của nền văn minh Hy Lạp - La Mã là gì?

Trả lời:

- Người Hy Lạp cổ dựa trên bảng chữ cái của người Phê-ni-xi để tạo nên hệ thống gồm 24 chữ cái vào khoảng cuối thế kỷ IV TCN.

- Về sau, người La Mã tiếp thu chữ cái Hy Lạp tạo thành chữ La-tinh, ban đầu gồm 20 chữ cái, sau hoàn thiện thành hệ thống 26 mẫu tự La-tinh. Họ cũng dùng chữ cái để tạo ra chữ số La Mã, còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Câu hỏi trang 56 Lịch Sử 10: Theo em, các tác phẩm văn học của thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại phản ánh điều gì của đời sống xã hội?

Trả lời:

- Các tác phẩm văn học của thời kỳ Hy Lạp - La Mã cổ đại phản ánh những hiểu biết của con người về thế giới tự nhiên, giải thích sự hình thành vũ trụ, cuộc đấu tranh trong thế giới muôn loài; phản ánh về những cuộc chiến tranh giữa các bộ tộc, thành bang.

Câu hỏi trang 57 Lịch Sử 10: Nghệ thuật kiến trúc và điêu khắc của nền văn minh Hy Lạp - La Mã có những tác phẩm tiêu biểu nào? Theo em, những tác phẩm này nói lên điều gì trong đó?

Trả lời:

- Những tác phẩm tiêu biểu:

+ Về kiến trúc: đền Pác-tê-nông, đền thờ thần Dớt, lăng mộ vua Mô-sô-lớt, đấu trường Cô-li-dê,...

+ Điêu khắc: tượng Thần vệ nữ thành Mi-lô, tượng thần Dớt, tượng lực sĩ ném đĩa,...

- Nhận xét: Các tác phẩm trên đề cao vẻ đẹp của con người, thể hiện sức sáng tạo phi thường của cư dân Hy Lạp - La Mã cổ đại, phản ánh đời sống tinh thần phong phú và đức tin của họ,…

Câu hỏi trang 58 Lịch Sử 10: Những thành tựu về Khoa học - kỹ thuật của nền văn minh Hy Lạp - La Mã đã giải quyết những vấn đề cơ bản nào trong đời sống cư dân cổ đại? Cho ví dụ minh họa.

Trả lời:

- Những thành tựu về khoa học - kỹ thuật của nền văn minh Hy Lạp - La Mã đã giải quyết những vấn đề cơ bản trong đời sống cư dân cổ đại, như:

+ Giảm sức lao động cơ bắp của con người, tăng năng suất lao động

+ Phục vụ việc buôn bán, sản xuất, chữa bệnh…

+ Chế tạo nhiều vật dụng giúp đời sống sinh hoạt và sản xuất của con người trở nên dễ dàng hơn

- Ví dụ: Sáng kiến đòn bẩy được người Hy Lạp ứng dụng hữu ích trong xây dựng nhà ở, đền đài, đấu trường,…

Câu hỏi trang 59 Lịch Sử 10: Em hiểu như thế nào về triết học duy vật và triết học duy tâm.

Trả lời:

- Triết học duy vật xem vật chất là cái có trước, bản chất của thế giới là vật chất, nó quyết định ý thức. Nó có nguồn gốc từ sự phát triển của khoa học và thực tiễn, đồng thời thường gắn với với lợi ích của giai cấp và lực lượng tiến bộ trong lịch sử. Nhiều triết gia duy vật đồng thời cũng là những nhà khoa học tiêu biểu: Ta-let (Thales), Hê-ra-lit, Êm-pê-đô-clet…

- Triết học duy tâm cho rằng bản chất của thế giới là ý thức, ý thức có trước và quyết định vật chất. Nó có nguồn gốc từ nhận thức và nguồn gốc xã hội, thường gắn liền với lợi ích các giai cấp, tầng lớp áp bức bóc lột nhân dân lao động. Chủ nghĩa duy tâm và tôn giáo thường có mối quan hệ mật thiết với nhau. Các đại biểu lớn: Xô-crat (Socrates), Pla-tôn (Platon), A-rit-xtot (Aristoteles),…

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Câu hỏi trang 59 Lịch Sử 10: Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hy Lạp - La Mã cổ đại đã có những ảnh hưởng gì tới đời sống xã hội phương Tây sau này?

Trả lời:

- Tín ngưỡng, tôn giáo của người Hy Lạp - La Mã cổ đại đã có những ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội phương Tây sau này. Ví dụ: Cơ đốc giáo trở thành tôn giáo chủ yếu, có ảnh hưởng rộng khắp châu Âu. Cơ đốc giáo trở thành nền tảng đức tin của người phương Tây.

Câu hỏi trang 59 Lịch Sử 10: Thế vận hội của người Hy Lạp cổ được tổ chức như thế nào?

Trả lời:

- Từ thế kỷ VIII TCN, người Hy Lạp đã tổ chức các cuộc thi đấu thể thao bốn năm một lần tại Ô-lim-pi-a, gọi là Thế vận hội Ô-lim-pic nhằm tôn vinh các vị thần. Các môn thi đấu gồm có đấu vật, thi chạy, đua ngựa, đua xe đạp. Người chiến thắng được vinh danh và nhận vòng nguyệt quế.

Luyện tập và Vận dụng (trang 60)

Luyện tập 1 trang 60 Lịch Sử 10: Em hãy phân tích những cơ sở hình thành nền văn minh Hy Lạp - La Mã thời cổ đại.

Trả lời:

* Cơ sở về điều kiện tự nhiên:

- Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

- Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiều nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, ô liu,...

- La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tài nguyên khoáng sản phong phú, thúc đẩy nghề luyện kim sớm phát triển.

* Cơ sở về dân cư:

- Cư dân Hy Lạp cổ đại gồm bốn tộc người chính: Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an. Đến khoảng thế kỉ VIII - VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp.

- Bán đảo I-ta-li-a thời cổ đại có nhiều tộc người.

+ Những cư dân có mặt sớm nhất là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.

+ Tộc người Ê-tơ-ru-xcơ, Xen-tơ thiên di đến miền Bắc, người Hy Lạp di cư đến phía nam.

+ Về sau, người La-tinh dựng nên thành La Mã bên bờ sông Ti-bơ và gọi là người La Mã.

* Điều kiện kinh tế:

- Sớm phát triển nghề đi biển và các ngành khai khoáng, luyện kim, đóng tàu.

- Các nghề thủ công phát triển giúp sản phẩm làm ra rất đa dạng.

- Tiền tệ được lưu thông rộng rãi để giao thương trong khu vực và với các nước phương Đông.

* Điều kiện chính trị

- Ở Hy Lạp:

+ Vào thời kì nhà nước sơ khai, cư dân cổ ở vùng đất Hy Lạp đã tạo dựng được nền văn minh cổ đầu tiên, gọi là Crét - Mi-xen.

+ Từ thế kỉ VIII TCN, ở Hy Lạp đã hình thành quốc gia thành bang phát triển chế độ dân chủ chủ nô.

+ Đến thế kỉ IV TCN, Ma-xê-đô-ni-a xâm chiếm và thống trị Hy Lạp;

+ Đến năm 146 TCN, Hy Lạp bị sáp nhập vào đế quốc La Mã.

- Nhà nước La Mã cổ đại ra đời muộn hơn, không ngừng mở rộng lãnh thổ, phát triển thành để chế vào thế kỉ I TCN và tồn tại đến thế kỉ V.

* Điều kiện xã hội: Tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, trong đó hai giai cấp đối kháng cơ bản là chủ nô và nô lệ.

* Sự kế thừa thành tựu văn minh phương Đông

- Địa hình Hy Lạp và La Mã mang tính “mở” nên có điều kiện giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn minh phương Đông cổ đại.

- Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh phương Đông như chữ viết, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ cũng như các kĩ thuật chế tác và sản xuất thủ công nghiệp.

Luyện tập 2 trang 60 Lịch Sử 10: Những thành tựu tiêu biểu về chữ viết, văn hóa, nghệ thuật của người Hy Lạp và La Mã cổ đại có ý nghĩa như thế nào?

Trả lời:

- Ý nghĩa của thành tựu chữ viết:

+ Chữ viết Hy Lạp và La Mã đơn giản, ngắn gọn, linh hoạt, mang tính khái quát hóa. Đó là nền tảng chữ viết theo hệ chữ La-tinh hiện nay.

+ Hệ chữ số La Mã mà ngày nay chúng ta vẫn đang sử dụng là một cống hiến lớn của người La Mã cổ đại.

- Ý nghĩa của thành tựu văn hóa, nghệ thuật:

+ Những thành tựu văn hóa, nghệ thuật của Hy Lạp và La Mã đạt tới trình độ cao, mang tính thực tế, tinh tế và tính dân tộc sâu sắc.

+ Đó là hình mẫu cho những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật của châu Âu trong giai đoạn sau như thời Phục hưng, cận đại, hiện đại,…

Vận dụng 1 trang 60 Lịch Sử 10: Tại sao nói văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại là cơ sở của nền văn hóa châu Âu hiện đại.

Trả lời:

Văn minh Hy Lạp và La Mã cổ đại là cơ sở của nền văn hóa châu Âu hiện đại bởi vì:

+ Cư dân Hi Lạp và La Mã cổ đại đã tạo ra nhiều thành tựu trên hầu khắp lĩnh vực (chữ viết, văn học, nghệ thuật, khoa học - kỹ thuật, tôn giáo - tín ngưỡng,…) có tính hiện thực cao, có giá trị to lớn đối với đời sống xã hội, mang tính nhân văn, nhân bản.

+ Những thành tựu ấy vẫn còn hiện diện ở châu Âu và nhiều nơi khác trên thế giới đến tận ngày nay.

Lưu ý: Học sinh trình bày quan điểm cá nhân. Bài làm trên chỉ mang tính tham khảo

Vận dụng 2 trang 60 Lịch Sử 10: Đỉnh Ô-lim-pớt và vòng nguyệt quế thường tượng trưng cho điều gì? Tại sao các kỳ Thế vận hội Ô-lim-pic lại có tục rước đuốc từ ngọn núi Ô-lim-pớt? .

Trả lời:

- Đỉnh Ô-lim-pớt và vòng nguyệt quế thường tượng trưng cho sự thành công và chiến thắng (vòng nguyệt quế thường được dùng làm phần thưởng trong các cuộc thi lớn, đặc biệt là những cuộc thi về tri thức)

- Các kỳ Thế vận hội Ô-lim-pic lại có tục rước đuốc từ ngọn núi Ô-lim-pớt bởi vì:

+ Theo truyền thuyết, ngọn đuốc Olympic tượng trưng cho ngọn lửa mà thần Prô-mê-thơ-ớt đã đánh cắp lửa từ thần Dớt để trao lại cho con người. Để đón nhận lửa từ thần Prô-mê-thơ-ớt, người Hy Lạp tổ chức các cuộc đua tiếp sức. Vận động viên cần vượt qua một quãng đường dài cùng ngọn đuốc thắp sáng với nhau cho đến khi người chiến thắng cán đích. Khi ngọn đuốc được thắp lên cũng đánh sự khởi đầu của một kì thế vận hội mới đồng thời đánh dầu thời kì hòa bình đối với người Hy Lạp (vì các thành bang ở Hy Lạp đã có một thỏa ước ngừng bắn, không tiến hành chiến tranh trong suốt thời gian của Ô-lim-píc). Như vậy, ngọn đuốc bùng cháy suốt kì Olympic là biểu trưng của sự tinh khiết, lý trí, và hòa bình.

+ Việc duy trì nghi lễ rước đuốc trong các kì thế vận hội Ô-lim-píc mang ý nghĩa: tiếp nối khát vọng hòa bình của con người; đồng thời cũng thể hiện sự kết nốt lịch sử với hiện tại và những nỗ lực gìn giữ truyền thống của con người.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

I. Cơ sở hình thành

1. Điều kiện tự nhiên

- Hy Lạp và La Mã cổ đại là các quốc gia thuộc khu vực Địa Trung Hải, lãnh thổ ba mặt giáp biển, với nhiều đảo lớn nhỏ. Đường bờ biển có nhiều vũng, vịnh, tạo thành nhiều hải cảng thuận tiện cho tàu bè đi lại, kết nối giao thương.

- Địa hình Hy Lạp bị chia cắt thành những đồng bằng nhỏ hẹp, đất đai không phì nhiều nhưng bù lại có nhiều khoáng sản và loại đất sét trắng để làm gốm. Khí hậu và đất đai Hy Lạp phù hợp trồng các loại cây như nho, ô liu,...

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Cảng biển ở Hy Lạp cổ đại

- La Mã có nhiều đồng bằng rộng lớn hơn, khí hậu ấm áp, mưa nhiều, thuận lợi cho việc phát triển các ngành trồng trọt và chăn nuôi. Tài nguyên khoáng sản phong phú, thúc đẩy nghề luyện kim sớm phát triển.

2. Dân cư

- Cư dân Hy Lạp cổ đại:

+ Gồm bốn tộc người chính: Ê-ô-li-an, I-ô-ni-an, A-kê-an và Đô-ri-an.

+ Đến khoảng thế kỉ VIII - VII TCN, cư dân Hy Lạp mới gọi mình là Hê-len và gọi đất nước mình là Hy Lạp.

- Bán đảo I-ta-li-a thời cổ đại có nhiều tộc người.

+ Những cư dân có mặt sớm nhất là người Li-gua, sau đó là người I-ta-li-ốt và một nhánh sống ở đồng bằng La-ti-um được gọi là người La-tinh.

+ Tộc người Ê-tơ-ru-xcơ, Xen-tơ thiên di đến miền Bắc, người Hy Lạp di cư đến phía nam.

+ Về sau, người La-tinh dựng nên thành La Mã và gọi là người La Mã.

3. Điều kiện kinh tế

- Hy Lạp và La Mã sớm phát triển nghề đi biển và các ngành khai khoảng, luyện kim, đóng tàu.

- Các nghề thủ công phát triển giúp sản phẩm làm ra rất đa dạng.

- Tiền tệ được lưu thông rộng rãi để giao thương trong khu vực và với các nước phương Đông. Họ bán các loại rượu nho, dầu ô liu, gốm màu, cẩm thạch, thiếc, chì,...; mua về lương thực, cá, da súc vật, giấy, thuỷ tinh,... Nô lệ là hàng hoá đặc biệt.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

3. Tình hình chính trị - xã hội

a. Chính trị

- Vào thời kì nhà nước sơ khai, cư dân cổ ở vùng đất Hy Lạp đã tạo dựng được nền văn minh cổ đầu tiên, gọi là Crét - Mi-xen.

- Từ thế kỉ VIII TCN, ở Hy Lạp đã hình thành quốc gia thành bang (còn gọi là thị quốc) phát triển chế độ dân chủ chủ nô.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Chế độ dân chủ ở Hy Lạp cổ đại (minh họa)

- Đến thế kỉ IV TCN, Ma-xê-đô-ni-a xâm chiếm và thống trị Hy Lạp; văn minh Hy Lạp được truyền bá rộng rãi sang phương Đông qua các cuộc chiến tranh.

- Đến năm 146 TCN, Hy Lạp bị sáp nhập vào đế quốc La Mã. Nhà nước La Mã cổ đại ra đời muộn hơn, không ngừng mở rộng lãnh thổ, phát triển thành để chế vào thế kỉ I TCN và tồn tại đến thế kỉ V.

b. Xã hội

- Tồn tại nhiều giai cấp, tầng lớp, trong đó hai giai cấp đối kháng cơ bản là chủ nô và nô lệ.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Chủ nô và nô lệ ở Hy Lạp cổ đại (tranh minh họa)

4. Sự kế thừa thành tựu văn minh phương Đông

- Địa hình Hy Lạp và La Mã mang tính “mở” nên có điều kiện giao lưu, tiếp thu ảnh hưởng của các nền văn minh phương Đông cổ đại cũng như lan toả giá trị của mình đến nhiều vùng quanh Địa Trung Hải.

- Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại đã tiếp thu nhiều thành tựu của văn minh phương Đông như chữ viết, văn học, tín ngưỡng, tôn giáo, kiến trúc, điêu khắc, hội hoạ cũng như các kĩ thuật chế tác và sản xuất thủ công nghiệp.

II. Thành tựu văn minh tiêu biểu

1. Chữ viết

- Người Hy Lạp cổ đại dựa trên chữ cái của người Phê-ni-xi để tạo nên hệ thống 24 chữ cái vào khoảng cuối thế kỉ IV TCN.

- Về sau, người La Mã tiếp thu chữ cái Hy Lạp tạo thành chữ La-tinh, ban đầu gồm 20 chữ cái, sau hoàn thiện thành hệ thống 26 mẫu tự La-tinh.

- Họ cũng dùng chữ cái để tạo ra chữ số La Mã, còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Bảng chữ số La Mã

2. Văn học

a. Thần thoại

- Thần thoại là một kho tàng phong phú các câu chuyện về các vị thần, giải thích sự hình thành của vũ trụ, cuộc đấu tranh trong thế giới muôn loài. Các thần đều có gia phả, mang hình hài và có đời sống tình cảm như con người.

b. Thơ ca và văn xuôi

- Thơ ca và văn xuôi lấy kho tàng thần thoại làm chất liệu.

- Hai tập sử thi ra đời sớm nhất là I-li-át và Ô-đi-xê của Hô-me. Nhà văn Ê-dốp nổi tiếng về truyện ngụ ngôn.

c. Kịch

- Kịch phát triển mạnh trên cả hai thể loại bi kịch (triết lí về số phận con người) và hài kịch (châm biếm, phê phán trong đời sống), thường biểu diễn tại các nhà hát ngoài trời.

3. Nghệ thuật

a. Kiến trúc

- Hy Lạp: đền Pác-tê-nông, đền thờ thần Dớt, lăng mộ vua Mô-sô-lớt,…

- La Mã: đấu trường Cô-li-dê, đền Pan-tê-ông, Khải hoàn môn Công-xtan-ti-nút,...

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Đấu trường Cô-li-dê (La Mã)

b. Điêu khắc

- Tác phẩm tiêu biểu: tượng thần Vệ nữ thành Mi-lô, tượng Lực sĩ ném đĩa, tượng Thần Dớt, các bức phù điều,…

- Thể hiện khát vọng vươn tới sự hoàn hảo trong vẻ đẹp hình thể của con người, đạt được tính chuẩn xác trong tạo hình.

4. Khoa học, kĩ thuật

a. Khoa học tự nhiên

- Toán học và Vật lí: Ta-lét, Pi-ta-go, Ơ-clít, Ác-si-mét,..

- Y học: Hi-pô-crát được mệnh danh là “cha đẻ của y học phương Tây” đã đề ra phương pháp chữa bệnh bằng thuốc và giải phẫu.

b. Thiên văn học

- Từ thế kỉ III TCN, A-ri-xtác đã nêu lên thuyết Nhật tâm.

- Ê-ra-tô-xten đã tính được chu vi của Trái Đất với sai số rất nhỏ.

- Người Hy Lạp biết làm ra lịch, sau đó người La Mã kế thừa, phát triển thành bộ lịch Giu-li-an. Đến thời trung đại, bộ lịch này được hoàn chỉnh thành Công lịch (Tây lịch), sử dụng cho đến ngày nay.

c. Sử học

- Hy Lạp: Lịch sử cuộc chiến tranh Hy Lạp - Ba Tư (Hê-rô-đốt), Lịch sử cuộc chiến tranh Pê-lô-pô-nê-dơ (Tuy-xi-đít),…

- La Mã: Pô-li-bi-út, Ti-tut Li-vi-út,…

d. Kĩ thuật

- Người Hy Lạp và La Mã cổ đại có nhiều ứng dụng kĩ thuật vào thực tiễn cuộc sống như sử dụng đòn bẩy, máy bắn đá, máy bơm nước, chế tạo bê tông,..

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Mô hình máy bắn đá của người Hy Lạp cổ

5. Triết học

- Hy Lạp là “quê hương của triết học phương Tây” với nhiều quan điểm, học thuyết khác nhau nhưng chủ yếu xoay quanh hai trường phái duy vật và duy tâm.

- Các triết gia duy vật đồng thời là những nhà khoa học: Ta-lét, Hê-ra-clit, Êm-pê-đô-clét,…

- Các triết gia Lê-cíp-pớt, Đê-mô-crít, Ê-pi-kiu-rớt đã hình thành thuyết Nguyên tử.

-Trường phái duy tâm với các đại diện tiêu biểu: Xô-crát, Pla-tôn, A-rít-xtốt,…

6. Tín ngưỡng, tôn giáo

- Tín ngưỡng đa thần, thờ cúng các vị thần.

- Thế kỉ I, Cơ đốc giáo ra đời ở Pa-le-xtin, một thuộc địa của La Mã. Đến thế kỉ IV, các hoàng đế La Mã công nhận Cơ đốc giáo là quốc giáo của đế quốc La Mã, đưa đời sống tín ngưỡng của người La Mã bước sang thời kì mới.

7. Thể thao

- Từ thế kỉ VIII TCN, người Hy Lạp đã tổ chức các cuộc thi đấu thể thao bốn năm một lần tại Ô-lim-pi-a, gọi là Thế vận hội Ô-lim-pic nhằm tôn vinh các vị thần.

- Các môn thi đấu gồm: đấu vật, thi chạy, đua ngựa và đua xe ngựa,…

- Người chiến thắng được vinh danh và nhận vòng nguyệt quế.

Lý thuyết Lịch Sử 10 Chân trời sáng tạo Bài 9: Văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại

Biểu tượng của Thế vận hội Ô-lim-pic

III. Ý nghĩa của văn minh Hy Lạp – La Mã

- Nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại được tạo dựng từ sức sáng tạo phi thường của cư dân Địa Trung Hải trên cơ sở tiếp biến những giá trị tiêu biểu của văn minh phương Đông.

- Những thành tựu văn minh Hy Lạp - La Mã có tính hiện thực cao, mang tính nhân bản, là cơ sở của văn hoá châu Âu về sau. Nhiều di sản của nền văn minh Hy Lạp - La Mã cổ đại vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay.

Xem thêm lời giải bài tập Lịch Sử lớp 10 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 5: Khái quát lịch sử văn minh thế giới cổ - trung đại

Bài 6: Văn minh Ai Cập cổ đại

Bài 7: Văn minh Trung Hoa cổ - trung đại

Bài 8: Văn minh Ấn Độ cổ - trung đại

Bài 10: Văn minh Tây Âu thời phục hưng

1 2,366 07/10/2024
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: