Giải Kinh tế pháp luật 12 Bài 8 (Kết nối tri thức): Quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế

Với giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 8: Quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Kinh tế pháp luật 12.

1 160 05/08/2024


Giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 8: Quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế

Mở đầu trang 59 KTPL 12: Em hãy kể một số quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh mà em biết.

Lời giải:

- Công dân có các quyền về kinh doanh như:

+ Quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm;

+ Quyền bình đẳng về kinh doanh;

+ Có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh;

- Công dân có các nghĩa vụ về kinh doanh như:

+ Tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật về kinh doanh;

+ Tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người khác;

+ Kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật;

1. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về kinh doanh

Câu hỏi 1 trang 61 KTPL 12: Trường hợp trên, vợ chồng ông M đã vi phạm quy định nào của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong kinh doanh? Hành vi vi phạm đó gây nên những hậu quả gì?

Lời giải:

- Vợ chồng ông M đã vi phạm quy định của pháp luật về quyền tự do kinh doanh, quyền bình đẳng trong kinh doanh, nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng, vì hành vi của vợ chồng ông M sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, vi phạm quyền tự do kinh doanh của công dân.

+ Sản xuất, buôn bán hàng giả là một hình thức cạnh tranh không lành mạnh, xâm phạm đến quyền lợi của các doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm thật, vi phạm quyền bình đẳng trong kinh doanh của công dân;

+ Sản xuất, buôn bán hàng giả xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, vi phạm nghĩa vụ tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.

- Hành vi vi phạm của vợ chồng ông M có thể dẫn đến những hậu quả như:

+ Khiến người tiêu dùng bị thiệt hại về tài sản do mua và sử dụng những sản phẩm giả, kém chất lượng;

+ Gây thiệt hại về uy tín, tiền bạc cho các doanh nghiệp chân chính sản xuất dầu nhớt nhãn hiệu K;

+ Gây rối loạn thị trường; vợ chồng ông M phải chịu trách nhiệm pháp lí tương ứng theo quy định của pháp luật;...

Câu hỏi 2 trang 61 KTPL 12: Theo em, công dân có những quyền và nghĩa vụ gì trong kinh doanh? Hãy nêu ví dụ về việc công dân thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ đó trong cuộc sống.

Lời giải:

- Công dân có các quyền về kinh doanh như:

+ Quyền tự do kinh doanh những ngành, nghề mà pháp luật không cấm;

+ Quyền bình đẳng về kinh doanh;

+ Có quyền khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm pháp luật về kinh doanh;

+ Quyền tự do tìm kiếm thị trường, khách hàng và ký kết hợp đồng;

+ Có quyền tuyển dụng, thuê và sử dụng lao động theo quy định của pháp luật về lao động...

- Công dân có các nghĩa vụ về kinh doanh như:

+ Tuân thủ quy định của Hiến pháp và pháp luật về kinh doanh;

+ Tôn trọng quyền tự do kinh doanh của người khác;

+ Kê khai, nộp thuế theo quy định của pháp luật;

+ Bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên;

+ Bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trong doanh nghiệp và người tiêu dùng;

+ Thực hiện các quy định của pháp luật về quốc phòng, đảm bảo an ninh trật tự, an toàn xã hội...

- Ví dụ: Doanh nghiệp thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn cho người lao động trong sản xuất, đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xa hoi đay đủ cho người lao động; doanh nghiệp thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình sản xuất, kinh doanh;...

2. Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân về về nộp thuế

Câu hỏi 1 trang 64 KTPL 12: Trong trường hợp 1, anh D đã thực hiện những quyền và nghĩa vụ gì của công dân về nộp thuế? Ngoài những quyền, nghĩa vụ đã thực hiện thì anh D còn có những quyền và nghĩa vụ nào khác về nộp thuế?

Trường hợp 1. Anh D hoạt động trong lĩnh vực xuất bản phần mềm cho máy tính. Ngay khi nhận được khoản thu nhập đầu tiên từ công việc, anh D đã chủ động tìm hiểu thông tin về việc nộp thuế để thực hiện nghĩa vụ của mình. Anh D trực tiếp đến cơ quan thuế đề nghị hỗ trợ và được cán bộ cơ quan thuế cung cấp đầy đủ các thông tin liên quan đến quyền và nghĩa vụ nộp thuế. Sau khi nắm được thông tin, anh D đăng kí mã số thuế cá nhân, kê khai đầy đủ thông tin về thu nhập của bản thân và nộp đủ số tiền thuế theo quy định của pháp luật. Thời gian sau đó, mỗi khi đến kì nộp thuế, anh D luôn chủ động khai thuế và nộp thuế đầy đủ đúng hạn.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, anh D đã thực hiện quyền được tiếp cận thông tin, được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế. Thực hiện nghĩa vụ đăng kí thuế, sử dụng mã số thuế theo quy định của pháp luật; nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nộp tiền thuế đầy đủ, đúng thời hạn.

- Ngoài các quyền, nghĩa vụ đã thực hiện, anh D còn có các quyền, nghĩa vụ khác về nộp thuế như:

+ Quyền được giữ bí mật thông tin, trừ các thông tin phải cung cấp cho cơ quan thuế;

+ Quyền được hưởng các ưu đãi về thuế, hoàn thuế theo quy định của pháp luật về thuế;

+ Quyền được tố cáo những hành vi vi phạm pháp luật về nộp thuế;

+ Quyền yêu cầu cơ quan quản lí thuế giải thích về việc tính thuế, ấn định thuế;

+ Quyền kí hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, đại lí làm thủ tục hải quan để thực hiện dịch vụ đại lí thuế, đại lí làm thủ tục hải quan;

+ Nghĩa vụ chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế; nghĩa vụ tôn trọng các quyền về nộp thuế của người khác;....

Câu hỏi 2 trang 64 KTPL 12: Trong trường hợp 2, ông A đã vi phạm quy định nào của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân về nộp thuế? Vì sao? Hành vi vi phạm của ông A có thể dẫn tới những hậu quả gì?

Trường hợp 2. Công ty N của ông A hoạt động kinh doanh ngành nghề đóng mới và sửa chữa tàu thuyền. Trong thời gian hoạt động, công ty đã kí kết các hợp đồng đóng mới tàu cho khách hàng cá nhân hoạt động dịch vụ du lịch chở khách trên địa bàn với tổng doanh thu trên 15 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi hạch toán kê khai thuế với mỗi hợp đồng đóng tàu, ông A đã chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng kinh tế, ghi giá trị trên hoá đơn giá trị gia tăng thấp hơn số tiền khách hàng thanh toán thực tế để giảm bớt số tiền thuế phải nộp so với thực tế.

Lời giải:

- Trong trường hợp 2, ông A đã vi phạm nghĩa vụ khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và nghĩa vụ sử dụng hoá đơn theo đúng quy định của pháp luật của người nộp thuế, vì theo quy định của pháp luật, người nộp thuế có trách nhiệm phải khai thuế chính xác, trung thực, đầy đủ và sử dụng hoá đơn, chứng từ theo đúng quy định. Tuy nhiên, ông A đã cố tình chỉ đạo cấp dưới lập khống hợp đồng kinh tế, ghi sai giá trị trên hoá đơn giá trị gia tăng và khai thuế thấp hơn so với thực tế để nhằm mục đích trốn thuế.

- Hành vi của ông A có thể gây ra những hậu quả như: gây thất thoát cho ngân sách nhà nước; khiến ông A phải chịu trách nhiệm pháp lí tương ứng;...

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 64 KTPL 12: Các chủ thể dưới đây đã thực hiện quy định nào của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong kinh doanh? Hãy nêu nội dung cụ thể của quy định đó.

a. Anh K và chị O là bạn thân của nhau. Gần đây, hai người quyết định kinh doanh để tăng thêm thu nhập. Anh K lựa chọn thành lập công ty kinh doanh dịch vụ vận tải, còn chị O muốn tận dụng lợi thế của gia đình nên đã đăng kí thành lập hộ kinh doanh thực phẩm sạch.

b. Công ty C phát hiện xưởng sản xuất của bà Y có hành vi sản xuất các mặt hàng kém chất lượng, giả mạo sản phẩm của mình nên đã làm thủ tục khởi kiện theo quy định của pháp luật.

c. Cơ sở kinh doanh thực phẩm của bà G luôn chú trọng việc đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

d. Khi phát hiện sự cố gây ô nhiễm môi trường, ông T (chủ doanh nghiệp tư nhân) đã tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả, thực hiện đền bù cho những người bị thiệt hại và đầu tư lắp đặt hệ thống xử lí chất thải theo công nghệ tiên tiến.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Anh K và chị O đã thực hiện quy định của pháp luật về quyền tự do kinh doanh của công dân.

+ Nội dung cụ thể: Công dân có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm; được tự do lựa chọn mô hình kinh doanh phù hợp với nhu cầu, điểu kiện, khả năng của bản thân; có quyền tự do lựa chọn loại hình tổ chức kinh tế thích hợp để thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh; có quyền lựa chọn quy mô kinh doanh, chủ động điều chỉnh quy mô và ngành, nghề kinh doanh.

- Trường hợp b.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Công ty C đã thực hiện quy định của pháp luật về quyền khởi kiện của doanh nghiệp trong kinh doanh.

+ Nội dung cụ thể: Doanh nghiệp có quyền khởi kiện vụ án hành chính để yêu cầu Toà án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp c.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Bà G đã thực hiện nghĩa vụ tôn trọng lợi ích của người tiêu dùng trong kinh doanh.

+ Nội dung cụ thể: Trong kinh doanh, công dân phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, không được thực hiện các hành vi xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.

- Trường hợp d.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Ông T đã thực hiện nghĩa vụ bảo vệ môi trường, chịu trách nhiệm pháp lí khi gây ra sự cố môi trường khi sản xuất kinh doanh.

+ Nội dung cụ thể: Trong sản xuất, kinh doanh, công dân phải tuân thủ các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên; phải thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả, đền bù thiệt hại nếu gây ra các sự cố môi trường.

Luyện tập 2 trang 65 KTPL 12: Các chủ thể dưới đây đã thực hiện quy định nào của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân về nộp thuế? Hãy nêu nội dung cụ thể của quy định đó.

a. Khi nộp hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp, chị G (kế toán của Công ty A) có một số thắc mắc về thủ tục nộp hồ sơ khai thuế qua giao dịch điện tử nên đã liên hệ với Chi cục thuế địa phương đề nghị hỗ trợ và được cán bộ tại đây hướng dẫn, cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết.

b. Sau khi nộp đủ các khoản tiền thuế theo quy định của pháp luật, anh T đã gửi văn bản đề nghị cơ quan quản lí thuế địa phương xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước và được cơ quan quản lí thuế gửi thông báo xác nhận hoàn thành nghĩa vụ thuế.

c. Chị B kinh doanh online trên mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. Trong quá trình kinh doanh, chị B luôn ghi chép đầy đủ các hoạt động mua bán của mình để làm căn cứ khai thuế với cơ quan chức năng.

d. Ngay từ khi thành lập doanh nghiệp tư nhân, hộ gia đình C đã kí hợp đồng với Công ty Dịch vụ M để được hỗ trợ các thủ tục về kế toán và thuế.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Chị G đã thực hiện quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; quyền được tiếp cận thông tin về nộp thuế.

+ Nội dung cụ thể: Người nộp thuế có quyền được hỗ trợ, hướng dẫn thực hiện việc nộp thuế; cung cấp thông tin, tài liệu để thực hiện nghĩa vụ, quyền lợi về thuế.

- Trường hợp b.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Anh T đã thực hiện quyền yêu cầu cơ quan quản lí thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.

+ Nội dung cụ thể: Người nộp thuế có quyền yêu cầu cơ quan quản lí thuế xác nhận việc thực hiện nghĩa vụ nộp thuế của mình.

- Trường hợp c.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Chị B thực hiện nghĩa vụ ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế của người nộp thuế.

+ Nội dung cụ thể: Người nộp thuế có nghĩa vụ ghi chép chính xác, trung thực, đầy đủ những hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế, khấu trừ thuế và giao dịch phải kê khai thông tin về thuế.

- Trường hợp d.

+ Quyền và nghĩa vụ chủ thể đã thực hiện: Hộ gia đình C đã thực hiện quyền được kí hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế để thực hiện nghĩa vụ thuế.

+ Nội dung cụ thể: Người nộp thuế có quyền kí hợp đồng với tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế, đại lí làm thủ tục hải quan để thực hiện dịch vụ đại lí thuế, đại lí làm thủ tục hải quan.

Luyện tập 3 trang 65 KTPL 12: Chủ thể nào dưới đây đã vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân trong kinh doanh và nộp thuế? Hành vi vi phạm đó có thể dẫn tới những hậu quả gì?

a. Công ty của chị P kinh doanh dịch vụ nhuộm vải, quần áo. Do muốn giảm chi phí sản xuất nên chị P đã không xây dựng hệ thống xử lí chất thải. Các chất thải của công ty được thải trực tiếp ra sông, gây ô nhiễm trầm trọng.

b. Ông K và ông V đều mở cửa hàng kinh doanh vật tư nông nghiệp. Cửa hàng của hai ông đều bán một số thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cấm sử dụng tại Việt Nam. Tuy nhiên, khi cán bộ cơ quan chức năng kiểm tra thì chỉ xử phạt ông K, còn ông V được bỏ qua vì ông có mối quan hệ với cán bộ kiểm tra.

c. Từ năm 2019 đến năm 2023, ông H đã sử dụng tư cách pháp nhân của Công ty M để kí kết, thực hiện 9 hợp đồng thi công xây dựng ở địa phương và thu về tổng số tiền hơn 6 tỉ đồng. Tuy nhiên, Công ty M không xuất hoá đơn giá trị gia tăng, không thực hiện mở, ghi chép sổ sách, chứng từ kế toán theo quy định, không kê khai thuế giá trị gia tăng phải nộp cho ngân sách nhà nước. Ông H đã làm thủ tục rút toàn bộ số tiền đã được thanh toán ra khỏi tài khoản của Công ty M để sử dụng chi trả chi phí của công trình và chi tiêu cá nhân.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Chủ thể vi phạm: Chị P vi phạm nghĩa vụ bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiêncủa công dân trong kinh doanh.

+ Hậu quả: Gây ô nhiễm nguồn nước, huỷ diệt các loài động vật sống dưới nước; gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, cuộc sống, sản xuất của mọi người; khiến chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm pháp lí;...

- Trường hợp b.

+ Chủ thể vi phạm:

▪ Ông K và ông V vi phạm nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật trong kinh doanh.

▪ Cán bộ cơ quan chức năng vi phạm quyền bình đẳng của công dân trong kinh doanh.

+ Hậu quả: Gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khoẻ, tính mạng mọi người; gây ô nhiễm môi trường; ảnh hưởng tiêu cực đến các loài động, thực vật; ảnh hưởng tiêu cực đến tính nghiêm minh của pháp luật và uy tín của cơ quan chức năng; khiến chủ thể vi phạm phải chịu trách nhiệm hành chính;...

- Trường hợp c.

+ Chủ thể vi phạm: Ông H và Công ty M đã vi phạm quyền và nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế.

+ Hậu quả: Gây thất thoát cho ngân sách nhà nước; khiến ông H và Công ty M phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định.

Luyện tập 4 trang 66 KTPL 12: Em hãy đọc tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống. Sau khi chuẩn bị đủ vốn và các điều kiện cần thiết, anh B quyết định thành lập Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên T để kinh doanh đồ nội thất. Anh nộp hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp ở Phòng Đăng kí kinh doanh địa phương và được cấp Giấy chứng nhận đăng kí doanh nghiệp. Đồng thời, anh B cũng chủ động thực hiện các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp mới thành lập theo đúng quy định của pháp luật. Sau khi được cấp phép kinh doanh, anh B tiến hành tuyển dụng lao động, tìm kiếm nguồn hàng hoá, thực hiện các hoạt động quảng cáo để thu hút khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Trong tình huống trên, anh B đã thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế như thế nào?

Lời giải:

- Anh B đã thực hiện quyền, nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế bằng những việc làm cụ thể như:

+ Thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên T để kinh doanh đồ nội thất;

+ Nộp hồ sơ đăng kí thành lập doanh nghiệp ở phòng Đăng kí kinh doanh địa phương;

+ Chủ động thực hiện các thủ tục về thuế cho doanh nghiệp mới thành lập;

+ Tiến hành tuyển dụng lao động, tìm kiếm nguồn hàng hoá, thực hiện các hoạt động quảng

cáo thu hút khách hàng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Luyện tập 5 trang 66 KTPL 12: Nếu là chủ thể trong các tình huống sau, em sẽ làm gì để thực hiện đúng quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của công dân trong kinh doanh và nộp thuế?

a. Anh D phát hiện nhiều sản phẩm bánh kẹo, nước giải khát đang được bày bán ở cửa hàng của gia đình mình là sản phẩm được làm giả theo mẫu mã của các thương hiệu nổi tiếng.

b. Chị N biết tin người thân trong gia đình có ý định làm giả sổ sách kế toán nhằm mục đích trốn thuế.

c. Bạn Q được bạn bè rủ góp vốn mua pháo nổ về bán kiếm lời.

Lời giải:

- Trường hợp a. Nếu là anh D, em nên trình báo sự việc tới cơ quan chức năng để giải quyết theo quy định của pháp luật.

- Trường hợp b. Nếu là chị N, em nên giải thích để người thân của mình hiểu hành vi làm giả sổ sách kế toán để trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật và sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí tương ứng theo quy định của pháp luật; giải thích để người thân hiểu nghĩa vụ nộp thuế của công dân và khuyên người thân mình nên thực hiện đúng nghĩa vụ nộp thuế để phòng tránh những hậu quả bất lợi trong tương lai.

- Trường hợp c. Nếu là Q, em nên từ chối không làm theo lời bạn; giải thích cho bạn hiểu, pháo nổ gây nguy hiểm cho người sử dụng và là mặt hàng bị cấm kinh doanh. Nếu vi phạm sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật. Khuyên bạn nên từ bỏ ý định để thực hiện đúng quy định của pháp luật và phòng tránh những hậu quả xấu trong tương lai.

Vận dụng

Vận dụng trang 66 KTPL 12: Hãy nêu những việc em dự định sẽ làm để thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế trong cuộc sống hằng ngày.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Em dự định sẽ làm để thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân về kinh doanh và nộp thuế bằng những việc như sau:

+ Tìm hiểu về pháp luật.

+ Thực hiện đúng nghĩa vụ thuế.

+ Tôn trọng quyền của người lao động.

+ Không tham gia vào các hoạt động kinh doanh trái phép, buôn bán/ sử dụng hàng giả

+ Thực hiện trách nhiệm với cộng đồng và môi trường.

1 160 05/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: