Giải Kinh tế pháp luật 12 Bài 15 (Kết nối tri thức): Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia

Với giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 15: Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Kinh tế pháp luật 12.

1 154 05/08/2024


Giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 15: Công pháp quốc tế về dân cư, lãnh thổ và chủ quyền quốc gia

Mở đầu trang 111 KTPL 12: Em hãy nêu tên và chia sẻ những hiểu biết của mình về công ước quốc tế quan trọng nhất thường được các quốc gia viện dẫn khi có tranh chấp với nhau về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.

Lời giải:

- Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là công ước quốc tế quan trọng nhất thường được các quốc gia viện dẫn khi có tranh chấp với nhau về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo và biên giới quốc gia.

- Chia sẻ hiểu biết:

+ Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) được mở kí chính thức ngày 10/12/1982.

+ Công ước đã được 167 quốc gia và Liên minh châu Âu (EU) phê chuẩn và có hiệu lực từ năm 1994.

+ Từ khi được thông qua cho tới nay, UNCLOS luôn được coi là một trong những điều ước quốc tế phổ quát, mang tính nền tảng nhất trong quan hệ giữa các quốc gia. UNCLOS đã đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc duy trì hoà bình, ổn định, hợp tác quốc tế và sự phát triển bền vững của các quốc gia về các vấn đề biển, đại dương vốn chiếm tới 70% diện tích toàn cầu, cùng rất nhiều nguồn lợi, tài nguyên lớn.

1. Công pháp quốc tế về dân cư

Câu hỏi 1 trang 113 KTPL 12: Em hãy nêu các quy định của công pháp quốc tế về dân cư và lấy ví dụ minh hoạ.

Lời giải:

- Dân cư của quốc gia là tổng hợp những người cư trú và sinh sống trên lãnh thổ quốc gia, cùng chịu sự quản lí của Nhà nước, sự tác động điều chỉnh của pháp luật quốc gia và bao gồm ba bộ phận là:

+ Công dân (người mang quốc tịch của quốc gia);

+ Công dân nước ngoài (người mang quốc tịch của quốc gia khác);

+ Người không quốc tịch (người không mang quốc tịch của quốc gia nào).

- Chế độ pháp lí của công dân một quốc gia thường được quy định trong Hiến pháp hoặc luật cơ bản của quốc gia dựa trên điều kiện kinh tế – xã hội cụ thể của quốc gia và phù hợp với các quy định của pháp luật quốc tế đã được quốc gia đó kí kết hoặc công nhận.

- Chế độ pháp lí của công dân khác với các bộ phận khác của dân cư trong quốc gia ở chỗ: Có nhiều quyền và nghĩa vụ pháp lí mà chỉ công dân mới có, người nước ngoài, người không có quốc tịch không có. Ví dụ: công dân Việt Nam có quyền bầu cử và ứng cử vào Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp, có nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc nhưng công dân nước ngoài, người không quốc tịch cư trú và sinh sống ở nước ta không có các quyền và nghĩa vụ này.

- Các chế độ pháp lí dành cho người nước ngoài gồm:

+ Chế độ đãi ngộ quốc gia áp dụng trong các lĩnh vực chính trị, dân sự, kinh tế, văn hoá;

+ Chế độ đãi ngộ tối huệ quốc chủ yếu được áp dụng trong lĩnh vực thương mại và hàng hải;

+ Chế độ đãi ngộ đặc biệt được áp dụng đối với các cơ quan và nhân viên ngoại giao và lãnh sự ở nước ngoài.

- Chế độ pháp lí của người không quốc tịch cư trú và sinh sống ở một quốc gia về cơ bản tương tự như của người nước ngoài cư trú và sinh sống tại quốc gia đó.

Câu hỏi 2 trang 113 KTPL 12: Theo em, khi sinh sống và cư trú hợp pháp ở nước M, ông A có thể có những quyền và nghĩa vụ gì?

Lời giải:

- Khi sinh sống và cư trú hợp pháp ở nước M, ông A có thể có những quyền con người được nước M công nhận, có thể có những quyền và nghĩa vụ theo chế độ đãi ngộ quốc gia của nước M; nếu là doanh nhân, ông có thể được hưởng chế độ đãi ngộ tối huệ quốc theo hiệp định thương mại giữa Việt Nam và nước M.

- Bên cạnh đó, ông A có những nghĩa vụ như: phải tôn trọng và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật nước sở tại, phải thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật nước này, ...

Câu hỏi 3 trang 113 KTPL 12: Hành vi của những người quá khích được nêu trong tình huống trên có vi phạm pháp luật quốc tế không? Vì sao?

Trường hợp: Ông A là công dân Việt Nam, sinh sống và cư trú hợp pháp tại nước M. Một buổi tối, một nhóm người quá khích ở địa phương kéo đến đập phá của hàng của gia đình ông và chửi bởi, lăng mạ ông với lí do ông là người gốc Á mà kinh doanh ngành nghề giống với họ.

Lời giải:

- Hành vi của những người quá khích được nêu trong trường hợp này là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi xâm phạm quyền con người và phân biệt đối xử về nguồn gốc dân tộc đã bị pháp luật quốc tế cấm.

Câu hỏi 1 trang 115 KTPL 12: Trong trường hợp 1, việc nước V chấp nhận cho ông T cư trú chính trị là phủ hợp hay trái với quy định của pháp luật quốc tế? Vì sao?

Trường hợp 1. Ông T là công dân nước M, người tham gia đấu tranh rất tích cực để bảo vệ quyền lợi của những người lao động và giải phóng dân tộc khỏi ách thống trị của nước ngoài nên đã bị chính quyền nước M trục xuất ra khỏi đất nước. Ông đến nước V xin cư trú chính trị và được nước này chấp thuận.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, việc nước V chấp nhận cho ông T cư trú chính trị là phù hợp với quy định của pháp luật quốc tế, bởi vì, Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 quy định:

+ Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân.

+ Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã.

Câu hỏi 2 trang 115 KTPL 12: Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định trục xuất một số đối tượng là người nước ngoài được nêu trong trường hợp 2 có trái với quy định của pháp luật quốc tế không? Vì sao?

Trường hợp 2. Trong quá trình kiểm tra việc cư trú của người nước ngoài ở thành phố H của nước ta, các cơ quan có thẩm quyền đã phát hiện và quyết định trục xuất khỏi Việt Nam một số người nước ngoài là đối tượng thuộc diện truy nã quốc tế đang lẩn trốn ở địa phương.

Lời giải:

- Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam quyết định trục xuất một số đối tượng là người nước ngoài được nêu trong trường hợp 2 không trái với quy định của pháp luật quốc tế, bởi vì, theo quy định của Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 thì:

+ Các nước không được trao quyền cư trú cho những kẻ phạm tội ác quốc tế, trước hết là tội ác chống hoà bình và tội ác chiến tranh.

+ Những người bị truy nã quốc tế là những người phạm tội, nguy hiểm cho xã hội nên không thể cho cư trú chính trị mà phải bị trục xuất khỏi Việt Nam.

Câu hỏi trang 116 KTPL 12: Theo em, việc các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp để đưa công dân Việt Nam từ Myanmar về nước có phải là bảo hộ công dân không? Vì sao? Hãy lấy ví dụ cụ thể về một trường hợp bảo hộ công dân khác của Việt Nam.

Lời giải:

- Việc các cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp để đưa công dân Việt Nam từ Myanmar về nước là bảo hộ công dân, bởi vì, đây là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở Myanmar cũng như đại diện cho Nhà nước thực hiện sự giúp đỡ về mọi mặt cho công dân Việt Nam đang ở Myanmar.

- Ví dụ về một trường hợp bảo hộ công dân khác của Việt Nam: Vào tháng 9 năm 2023, khi xảy ra cháy nổ nhà máy ở Đài Loan - nơi có nhiều lao động là công dân Việt Nam, làm một số người thương vong, Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao đã công bố số điện thoại đường dây nóng của Tổng đài bảo hộ công dân và Văn phòng Kinh tế - Văn hoá Việt Nam ở Đài Bắc để lao động Việt Nam ở đây có thể liên hệ nếu cần giúp đỡ.

2. Công pháp quốc tế về lãnh thổ và biên giới quốc gia

Câu hỏi trang 117 KTPL 12: Theo em, ở thông tin trên, chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ của Việt Nam được thể hiện như thế nào? Việc các nước đế quốc, thực dân xâm chiếm và đô hộ nước ta trước đây có phải là vi phạm pháp luật quốc tế không? Vì sao?

Thông tin. Lịch sử Việt Nam là lịch sử của những cuộc đấu tranh dựng nước và giữ nước. Lãnh thổ của nước ta đã từng bị các tập đoàn phong kiến phương Bắc và các nước đế quốc, thực dân xâm chiếm và đô hộ trong một thời gian dài. Vì thế, nhân dân ta đã phải trải qua nhiều năm chiến đấu vô cùng gian khổ, anh dũng và chiến thắng vẻ vang để giành độc lập dân tộc, bảo vệ chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia.

Lời giải:

- Việt Nam có chủ quyền hoàn toàn, đầy đủ và tuyệt đối với lãnh thổ của mình. Chủ quyền quốc gia của Việt Nam bao gồm nhiều nội dung, trong đó có các quyền cơ bản là: quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ, quyền tự quyết định những công việc của quốc gia, quyền độc lập trong quan hệ đối ngoại. Quyền tối cao của Việt Nam đối với lãnh thổ, được thể hiện ở hai phương diện cơ bản là phương diện quyền lực và phương diện vật chất.

- Về phương diện quyền lực:

+ Quyền lực của Việt Nam được thực hiện bởi bộ máy nhà nước, là tối cao đối với mọi tổ chức, cá nhân sống trong phạm vi lãnh thổ Việt Nam và có tác động bao trùm tới tất cả các vùng lãnh thổ của Việt Nam, các lĩnh vực của đời sống xã hội.

+ Quyền lực này mang tính hoàn toàn, riêng biệt, không chia sẻ với bất kì quốc gia nào khác và là chủ quyền thiêng liêng của Việt Nam.

+ Với quyền lực này, Việt Nam có thể tiến hành mọi hoạt động trong phạm vi lãnh thổ của mình với điều kiện các hành vi đó không vi phạm các quy định pháp luật quốc tế mà nước ta đã kí kết hoặc công nhận. Cùng với việc thực hiện chủ quyền lãnh thổ, Việt Nam có nghĩa vụ tôn trọng và bảo đảm quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của quốc gia khác.

- Về phương diện vật chất: Chủ quyền của Việt Nam đối với lãnh thổ thể hiện qua việc Việt Nam có toàn quyền sở hữu đối với các yếu tố thuộc môi trường tự nhiên của quốc gia mình như: đất đai, nước, không gian, rừng, khoáng sản, tài nguyên vùng lòng đất ;...

- Việc các nước đế quốc, thực dân xâm chiếm và đô hộ nước ta trước đây là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi vi phạm quyền độc lập tự quyết và quyền bất khả xâm phạm lãnh thổ của Việt Nam.

Câu hỏi trang 118 KTPL 12: Em hãy cho biết việc Việt Nam ban hành Luật Biên giới quốc gia và tham gia kí kết các văn bản pháp luật được nêu trong thông tin trên với các nước láng giềng là nhằm mục đích gì?

Lời giải:

- Việc Việt Nam ban hành Luật Biên giới quốc gia và tham gia kí kết các văn bản pháp luật với các nước láng giềng là nhằm mục đích xác định biên giới quốc gia trên đất liền, biên giới quốc gia trên biển, biên giới quốc gia trên không và biên giới quốc gia trong lòng đất của Việt Nam, qua đó, phân định ranh giới lãnh thổ của nước ta với các nước láng giềng và xác định phạm vi lãnh thổ thuộc chủ quyền quốc gia của Việt Nam.

3. Công pháp quốc tế về các vùng biển thuộc chủ quyền và quyền chủ quyền quốc gia

Câu hỏi 1 trang 120 KTPL 12: Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nội thuỷ và vùng lãnh hải được thể hiện như thế nào?

Lời giải:

- Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nội thuỷ thể hiện:

+ Quốc gia ven biển có chủ quyền hoàn toàn, tuyệt đối và đầy đủ đối với vùng nội thuỷ giống như trên đất liền.

+ Chủ quyền này bao trùm cả vùng trời bên trên, vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển,

bên dưới vùng nước nội thuỷ.

+ Tất cả các tàu thuyền và các phương tiện bay của nước ngoài muốn ra vào hoặc bay trên vùng trời nội thuỷ của quốc gia ven biển đều phải xin phép và chỉ có thể lưu thông khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia này cho phép.

- Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng lãnh hải được thể hiện:

+ Chủ quyền của quốc gia ven biển đối với vùng nước lãnh hải không tuyệt đối như đối với vùng nước nội thuỷ, bởi vì tàu thuyền nước ngoài vẫn có quyền đi qua không gây hại trong vùng nước này và nghĩa vụ của quốc gia ven biển là không được cản trở quyền này.

+ Quốc gia ven biển có chủ quyền toàn vẹn và đầy đủ đối với tài nguyên sinh vật biển cũng như đối với mọi loại hiện vật khảo cổ, lịch sử trong lãnh hải. Đối với vùng trời trên lãnh hải, đáy và lòng đất của vùng biển này thì quốc gia ven biển có chủ quyền toàn vẹn và đầy đủ. Các phương tiện bay nước ngoài muốn vào vùng trời ở trên lãnh hải của quốc gia ven biển thì phải xin phép.

Câu hỏi 2 trang 120 KTPL 12: Trong trường hợp trên, sự di chuyển của phương tiện nào là phù hợp với pháp luật quốc tế và phương tiện nào vi phạm pháp luật quốc tế? Vì sao?

Trường hợp. Một chiếc tàu thuỷ của nước A đi vào vùng lãnh hải và nội thuỷ của Việt Nam mà chỉ thông báo, không xin phép; một chiếc tàu thuỷ của nước B đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của nước ta và cũng không xin phép.

Lời giải:

- Trong trường hợp được nêu ở SGK KTPL 12-KNTT:

+ Sự di chuyển của tàu thuỷ của nước A vào vùng lãnh hải và nội thuỷ của Việt Nam mà chỉ thông báo, không xin phép là vi phạm pháp luật quốc tế, vì: Theo quy định của luật quốc tế thì tàu thuỷ của nước A chỉ có thể đi vào vùng lãnh hải hay vùng nội thuỷ của nước ta khi đã xin phép và được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ta cho phép.

+ Tàu thuỷ của nước B đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của nước ta mà không xin phép là phù hợp với pháp luật quốc tế, bởi vì, theo quy định của luật quốc tế, tàu thuyền của nước khác có quyền đi qua không gây hại trong vùng lãnh hải của nước ta và Việt Nam không được cản trở việc thực hiện quyền này của tàu thuyền nước ngoài.

Câu hỏi 1 trang 122 KTPL 12: Em hãy cho biết quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình thể hiện như thế nào. Ngoài quyền, Việt Nam có nghĩa vụ quốc tế gì trong các vùng biển này không? Vì sao?

Lời giải:

- Quyền chủ quyền của Việt Nam đối với vùng tiếp giáp lãnh hải thể hiện ở việc Việt Nam có thể thi hành sự kiểm soát cần thiết, nhằm:

+ Ngăn ngừa những vi phạm đối với các luật và quy định hải quan, thuế khoá, y tế hay nhập cư trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình;

+ Trừng trị những vi phạm đối với các luật và quy định nói trên xảy ra trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình.

+ Nhà nước Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền và các quyền khác ở vùng tiếp giáp lãnh hải như trong vùng đặc quyền về kinh tế.

- Trong vùng đặc quyền kinh tế, Việt Nam có các quyền thuộc chủ quyền về việc:

+ Thăm dò khai thác, bảo tồn và quản lí các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật hoặc không sinh vật, của vùng nước bên trên đáy biển, của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như về những hoạt động khác nhằm thăm dò và khai thác vùng này vì mục đích kinh tế, như việc sản xuất năng lượng từ nước, hải lưu và gió;

+ Các quyền và các nghĩa vụ khác do Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982 quy định. Tất cả các quốc gia khác đều được hưởng ba quyền tự do cơ bản là: tự do hàng hải, tự do hàng không, tự do đặt dây cáp ngầm (Điều 58 Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982).

- Quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa của mình thể hiện ở việc:

+ Việt Nam có toàn quyền thăm dò và khai thác tài nguyên thiên nhiên của vùng này, bao gồm các tài nguyên thiên nhiên khoáng sản và các tài nguyên thiên nhiên không sinh vật khác của đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, cũng như các sinh vật thuộc loại định cư, nghĩa là những sinh vật nào, ở thời kì có thể đánh bắt được, hoặc nằm bất động ở đáy, hoặc lòng đất dưới đáy; hoặc là không có khả năng di chuyển nếu không có khả năng tiếp xúc với đáy hay lòng đáy dưới đáy biển. Đây là các đặc quyền riêng của Việt Nam, các quốc gia khác không được xâm phạm.

+ Việt Nam có đặc quyền cho phép và quy định việc khoan ở thềm lục địa vào bất kì mục đích gì. Tất cả các quốc gia khác có thể đặt các dây cáp và ống dẫn ngầm ở thểm lục địa của Việt Nam, riêng với tuyến ống dẫn đặt ở thềm lục địa cần được sự thoả thuận của Việt Nam. Tàu thuyền và phương tiện bay của tất cả các quốc gia khác đều có quyền tự do ra vào vùng nước và vùng trời thềm lục địa của Việt Nam.

+ Ngoài những quyền trên, trong các vùng biển này, Việt Nam có nghĩa vụ quốc tế là không gây thiệt hại đến hàng hải hay các quyền và các tự do khác của các nước khác đã được Công ước thừa nhận, cũng không được cản trở việc thực hiện các quyền này một cách không thể biện bạch được; Việt Nam không được cản trở việc lắp đặt hay bảo quản các ống dẫn và dây cáp của quốc gia khác đặt trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của mình. Bởi vì, đó là các nghĩa vụ quốc tế đã được quy định tại các điều 58, 78 và 79 Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982.

Câu hỏi 2 trang 122 KTPL 12: Trong tình huống trên, hành vi của quốc gia nào là phù hợp với pháp luật quốc tế và hành vi của quốc gia nào là vi phạm pháp luật quốc tế? Vì sao?

Tình huống. Mặc dù nước P đã nhiều lần kịch liệt phản đối nhưng nước T vẫn đặt phương tiện thăm dò và khai thác tài nguyên khoáng sản trong vùng đặc quyền kinh tế của nước P. Nhiều quốc gia trên thế giới đã lên tiếng ủng hộ nước P và lên án nước T, song nước T vẫn không chịu rút phương tiện của mình ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước P. Vì thế, nước P đã kiện nước T ra Toà án quốc tế yêu cầu bảo vệ quyền chủ quyền của mình trong vùng này.

Lời giải:

- Trong tình huống được nêu ở SGK KTPL 12-KNTT:

+ Hành vi của quốc gia P và những nước ủng hộ quốc gia P là phù hợp với pháp luật quốc tế vì đó là hành vi bảo vệ quyền chủ quyền trong vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia ven biển đã được luật quốc tế thừa nhận.

+ Hành vi của quốc gia T là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi xâm phạm quyền chủ quyền đối với vùng đặc quyền kinh tế của quốc gia P.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 123 KTPL 12: Em hãy cho biết mỗi chủ thể trong các trường hợp dưới đây thuộc bộ phận nào của dân cư và xác định chế độ pháp lí có thể được áp dụng đối với mỗi chủ thể đó.

a. Bà E là doanh nhân của Nhật Bản và là nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Doanh nghiệp do bà làm chủ chuyên sản xuất giày da xuất khẩu. Người lao động trong doanh nghiệp của bà có cả công dân Nhật Bản, công dân Việt Nam và người không quốc tịch cư trú và sinh sống ở nước ta.

b. Ông P là nhân viên Đại sứ quán của Hàn Quốc ở Việt Nam và bà Q là nhân viên lãnh sự quán của Pháp tại Việt Nam.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Trong dân cư của Việt Nam, bà E thuộc bộ phận công dân nước ngoài nên có thể được hưởng chế độ đãi ngộ tối huệ quốc nếu trong hiệp định thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản thừa nhận chế độ đó, nếu không thì bà có thể được hưởng chế độ đãi ngộ quốc gia.

+ Những người lao động trong doanh nghiệp của bà E nếu là công dân Việt Nam thì thuộc bộ phận công dân của quốc gia nên được hưởng chế độ pháp lí của công dân, nếu là công dân Nhật Bản thì thuộc bộ phận công dân nước ngoài và được hưởng chế độ đãi ngộ quốc gia, nếu là người không quốc tịch thì thuộc bộ phận người không quốc tịch và được hưởng chế độ pháp lí của người không quốc tịch.

- Trường hợp b. Ông P là nhân viên Đại sứ quán của Hàn Quốc ở Việt Nam và bà Q là nhân viên lãnh sự quán của Pháp tại Việt Nam, do vậy, trong dân cư của Việt Nam, cả ông P và bà Q đều thuộc bộ phận công dân nước ngoài và đều được hưởng chế độ đãi ngộ đặc biệt dành cho người nước ngoài.

Luyện tập 2 trang 123 KTPL 12: Theo em, trong các trường hợp dưới đây, hành vi của chủ thể nào là phù hợp và hành vi của chủ thể nào là vi phạm pháp luật quốc tế? Vì sao?

a. Ông M là công dân của nước N, do tích cực đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc ở nước N nên ông đã xin tị nạn ở Đức và được nước này chấp nhận.

b. Hiệp định về quy chế quản lí biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào quy định: “Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong khu vực biên giới: Kích động hoặc phá hoại an ninh, an toàn xã hội và trật tự công cộng; bắn súng qua biên giới; gây nổ, chặt phá và đốt cây trong vành đai biên giới; xâm canh, xâm cư, khai thác tài nguyên thiên nhiên, lâm thổ sản, thuỷ sản trái phép và các hành vi khác gây nguy hại cho quốc phòng, an ninh và sức khoẻ con người”. Ngày 30 - 11 - 2023, ông A (30 tuổi) là công dân Lào sống ở khu vực biên giới Việt Nam - Lào đã lén lút khai thác lâm thổ sản trong một khu rừng ven biên giới ở phía lãnh thổ của Việt Nam.

Lời giải:

- Trường hợp a. Hành vi của nước Đức chấp nhận cho ông M cư trú chính trị ở nước mình là phù hợp với pháp luật quốc tế, vì theo quy định của Công ước về vị thế của người tị nạn năm 1951 thì:

+ Quyền cư trú chính trị cần được trao cho những người đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân. Các nước cần phải giúp đỡ những người này để họ có thể nhập cảnh, không trục xuất họ hoặc cưỡng bức họ trở về nước mà họ đang bị truy nã.

+ Ông M tích cực đấu tranh chống chế độ phân biệt chủng tộc do chế độ thực dân để lại ở nước N nên ông thuộc trường hợp được phép cư trú chính trị theo quy định của Công ước trên.

- Trường hợp b. Hành vi lén lút khai thác lâm thổ sản trong một khu rừng ven biên giới ở phía lãnh thổ của Việt Nam của ông A là vi phạm pháp luật quốc tế, vì trái với Điều 5 Hiệp định về quy chế quản lí biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào.

Luyện tập 3 trang 124 KTPL 12: Theo em, hoạt động của các cơ quan nhà nước Việt Nam trong trường hợp sau có phải là bảo hộ công dân không? Vì sao?

Khi xảy ra trận động đất mạnh ở Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người thiệt mạng. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ta đã đã công bố đường dây nóng của cơ quan, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng của nước sở tại và bà con cộng đồng người Việt tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp giúp đỡ trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân.

Lời giải:

- Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền của nước ta đã công bố đường dây nóng của cơ quan, đồng thời liên hệ với cơ quan chức năng của Thổ Nhĩ Kỳ và bà con cộng đồng người Việt sinh sống ở đây để tìm hiểu thông tin và sẵn sàng triển khai các biện pháp giúp đỡ trong trường hợp có công dân Việt Nam là nạn nhân là hoạt động bảo hộ công dân.

- Bởi vì, đó là hoạt động nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của công dân Việt Nam ở Thổ Nhĩ Kỳ cũng như đại diện cho Nhà nước Việt Nam thực hiện sự giúp đỡ về mọi mặt cho công dân Việt Nam đang ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Luyện tập 4 trang 124 KTPL 12: Trong số các tàu cá vi phạm pháp luật ở nước ta thời gian qua có tàu vi phạm vì không có giấy phép khai thác nên bị xử phạt vi phạm hành chính, có tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ.

Em hãy cho biết:

1/ Trong số các tàu nêu trên, loại tàu nào vi phạm pháp luật Việt Nam và loại tàu nào vi phạm pháp luật quốc tế? Vì sao?

2/ Trong trường trên, tại sao lực lượng chức năng của nước ngoài có thể bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam? Hành vi đó có bị coi là vi phạm pháp luật quốc tế không? Vì sao?

Lời giải:

♦ Yêu cầu số 1: Trong số các tàu cá vi phạm pháp luật ở nước ta thời gian qua, các tàu vi phạm vì không có giấy phép khai thác nên bị xử phạt vi phạm hành chính là vi phạm pháp luật Việt Nam, bởi vì, hành vi đó bị coi là khai thác thuỷ sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định được quy định tại khoản 6, Điều 7 Luật Thuỷ sản năm 2017 của Việt Nam nên bị các cơ quan chức năng của Việt Nam xử lí. Các tàu vi phạm vùng biển nước ngoài bị lực lượng chức năng của nước ngoài bắt giữ là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, đó là hành vi vi phạm vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia của nước ngoài.

♦ Yêu cầu số 2: Lực lượng chức năng của nước ngoài có thể bắt giữ tàu cá và ngư dân Việt Nam vì những người này đã xâm phạm chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ của nước ngoài. Hành vi đó bị coi là vi phạm pháp luật quốc tế, bởi vì, theo quy định của luật quốc tế thì chủ quyền quốc gia đối với lãnh thổ của bất cứ quốc gia nào cũng là bất khả xâm phạm, không ai được phép xâm phạm.

Vận dụng

Vận dụng trang 124 KTPL 12: Em cùng các bạn trong nhóm xây dựng một bài thuyết trình nhằm tuyên truyền pháp luật về lãnh thổ và biên giới quốc gia Việt Nam hoặc pháp luật về các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc quyền chủ quyền của Việt Nam. Hãy chia sẻ sản phẩm của nhóm em với cả lớp.

Lời giải:

(*) Tham khảo: Các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tàu phán của Việt Nam

Lịch sử phát triển của luật biển quốc tế là cuộc đấu tranh giữa những nhóm lợi ích khác nhau, trong đó, một trong những nhóm lợi ích xung đột nhất là lợi ích giữa quốc gia ven biển và các quốc gia khác. Trong khi xu hướng của các quốc gia ven biển đều muốn mở rộng các vùng biển thuộc lãnh thổ quốc gia hoặc mở rộng các quyền của mình ra bên ngoài lãnh thổ để phục vụ cho các nhu cầu an ninh, kinh tế, thì ngược lại, các quốc gia khác lại muốn giới hạn cảc quyền của quốc gia ven biển để có thể tận dụng tối đa những quyền tự do trong khai thác, sử dụng biển.

Sự ra đời của các vùng biển thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của quốc gia chính là kết quả của cuộc đấu tranh giữa một bên là nhu cầu tiến ra biển của các quốc gia ven biển và một bên là yêu cầu duy trì các quyền tự do vốn có của các quốc gia khác.

1. Vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam

Trong Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam khẳng định: Vùng tiếp giáp lãnh hải của nước CHXHCN Việt Nam là vùng biển tiếp liền phía ngoài lãnh hải Việt Nam có chiều rộng là 12 hải lý hợp với lãnh hải Việt Nam thành vùng biển rộng 24 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. về chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải, Tuyên bố khẳng định: Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình, nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, bảo đảm sự tôn trọng các quy định về y tế, về di cư, nhập cư trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam năm 2012 tiếp tục kế thừa quy định về vùng tiếp giáp lãnh hải của Việt Nam phù hợp với UNCLOS 1982. Theo đó, vùng tiếp giáp lãnh hải là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, có chiều rộng 12 hải lý tính từ ranh giới ngoài của lãnh hải (Điều 13). Chế độ pháp lý của vùng tiếp giáp lãnh hải cũng đã được Luật Biển Việt Nam năm 2012 sửa đổi, bổ sung một số nội dung cho phù hợp với luật pháp và thực tiễn quốc tế cũng như yêu cầu phát triển của đất nước, cụ thể:

- Việt Nam thực hiện sự kiểm soát cần thiết trong vùng tiếp giáp lãnh hải của mình nhằm bảo vệ an ninh, bảo vệ các quyền lợi về hải quan, thuế khóa, bảo đảm sự tôn trọng các quy định về y tế, về xuất, nhập cảnh trên lãnh thổ hoặc trong lãnh hải Việt Nam.1

“ Việt Nam coi vùng tiếp giáp lãnh hải là một bộ phận của vùng đặc quyền kinh tế, có chế độ pháp lý như vùng đặc quyền kinh tế?

Theo Điều 303 UNCLOS 1982, để kiểm soát việc mua bán hiện vật mang tính khảo cổ và lịch sử, quốc gia ven biển có thể coi việc lấy các hiện vật đó từ đáy biển trong vùng tiếp giáp lãnh hải mà không có sự thỏa thuận của mình là sự vi phạm các luật và qui định của quốc gia ven biển ở trên lãnh thổ hay trong lãnh hải của mình. Tuy nhiên, Luật Biển Việt Nam năm 2012 hiện còn thiếu các quy định về quyền chủ quyền đối với các hiện vật mang tính khảo cổ và lịch sử tìm thấy trong vùng tiếp giáp lãnh hải (Điều 14 Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Khoản 1 Điều 14 Luật Biển Việt Nam năm 2012).

2. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam

Trong Tuyên bố ngày 12 tháng 5 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, Chính phủ nước CHXHCN Việt Nam ghi nhận: Vùng đặc quyền kinh tế của nước CHXHCN Việt Nam tiếp liền lãnh hải Việt Nam và họp với lãnh hải Việt Nam thành một vùng biển rộng 200 hải lý kể từ đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam. Việt Nam tuyên bố thực hiện quyền chủ quyền hoàn toàn về thăm dò, khai thác, bảo vệ và quản lý tất cả các tài nguyên thiên nhiên, sinh vật và không sinh vật ở vùng nước, ở đáy biển và trpng lòng đất dưới đáy biển của vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam; có quyền và thẩm quyền riêng biệt về các hoạt động khác phục vụ cho việc thăm dò và khai thác vùng đặc quyền kinh tế nhằm mục đích kinh tế; có thẩm quyền riêng biệt về nghiên cứu khoa học trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nước CHXHCN Việt Nam có thẩm quyền về bảo vệ môi trường, chống ô nhiễm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.

Luật Biển Việt Nam năm 2012 tiếp tục kế thừa các quy định về vùng đặc quyền kinh tế: Vùng đặc quyền kinh tế là vùng biển tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, hợp với lãnh hải thành một vùng biển có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở. Phù hợp với UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 đã tái khẳng định và bổ sung các quy định về chế độ pháp lý vùng đặc quyền kinh tế, theo đó:

- Việt Nam thực hiện quyền chủ quyền về việc thăm dò, khai thác, quản lý và bảo tồn tài nguyên thuộc vùng nước bên trên đáy biển, đáy biển và lòng đất dưới đảy biển; về các hoạt động khác nhằm thăm dò, khai thác vùng này vì mục đích kinh tế; đồng thời thực hiện quyền tài phán về lắp đặt và sử dụng đảo nhân tạo, thiết bị và công trình trên biển; nghiên cứu khoa học biển, bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các quyền khác phù hợp với pháp luật quốc tế;

- Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không; quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp của các quốc gia khác trong vùng đặc quyền kinh tế. Tuy nhiên, việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam (xem: Điều 16 Luật Biển Việt Nam năm 2012). Quy định này xuất phát từ thực tiễn quản lý việc khảo sát, thiết kế, xây dựng tuyến cáp và ống dẫn ngầm thường gắn liền với quy chế pháp lý của thềm lục địa, đồng thời hoạt động lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm có liên quan trực tiếp tới thẩm quyền tài phán về nghiên cứu khoa học biển và bảo vệ môi trường biển của quốc gia ven biển.

3. Thềm lục địa của Việt Nam

Tuyên bố của Chính phủ Việt Nam ngày 12 tháng 5 năm 1977 về lãnh hải, vùng tiếp giáp, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam khẳng định: Thềm lục địa của nước CHXHCN Việt Nam bao gồm đáy biển và lòng đất dưới đáy biển thuộc phần kéo dài tự nhiên của lục địa Việt Nam mở rộng ra ngoài lãnh hải Việt Nam cho đến bờ ngoài của rìa lục địa; nơi nào bờ ngoài của rìa lục địa cách đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải Việt Nam không đến 200 hải lý thì thềm lục địa nơi ấy mở rộng ra 200 hải lý kể từ đường cơ sở đó. Các quy định tại Tuyên bố năm 1977 hoàn toàn phù hợp với các quy định của Luật biển quốc tế. Tuy nhiên, Tuyên bố này chưa xác định ranh giới ngoài của thềm lục địa Việt Nam trong trường hợp thềm lục địa mở rộng trên 200 hải lý do tại thời điểm này Hội nghị của UN về Luật biển lần thứ ba chưa thông qua các điều khoản về vấn đề này.

Nhằm hoàn thiện các quy định về thềm lục địa Việt Nam và phù hợp với UNCLOS 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012 hoàn thiện quy định về cách xác định thềm lục địa như sau:

- Thềm lục địa là vùng đáy biển và lòng đất dưới đáy biển, tiếp liền và nằm ngoài lãnh hải Việt Nam, trên toàn bộ phần kéo dài tự nhiên của lãnh thổ đất liền, các đảo và quần đảo của Việt Nam cho đến mép ngoài của rìa lục địa.

- Trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này cách đường cơ sở chưa đủ 200 hải lý thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài đến 200 hải lý tính từ đường cơ sở.

- Trường hợp mép ngoài của rìa lục địa này vượt quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở thì thềm lục địa nơi đó được kéo dài không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở hoặc không quá 100 hải lý tính từ đường đẳng sâu 2.500 mét (Điều 17 Luật Biển Việt Nam năm 2012 và Năm 2009 Việt Nam đã trình UN 2 báo cáo quốc gia xác định thềm lục địa ngoài 200 hài lý. Báo cáo liên quan đến thềm lục địa phía Bắc, Việt Nam tự khảo sát, xây dựng. Báo cáo khu vực phía Nam Biển Đông, Việt Nam và Malaysia phối họp xây dựng).

Theo Luật Biển Việt Nam năm 2012, Việt Nam thực hiện quyền chù quyền đối với thềm lục địa về thăm dò, khai thác tài nguyên. Quyền chủ quyền này có tính chất đặc quyền, không ai có quyền tiến hành hoạt động thăm dò thềm lục địa hoặc khai thác tài nguyên của thềm lục địa nếu không có sự đồng ý của Chính phủ Việt Nam. Việt Nam có quyền khai thác lòng đất dưới đáy biển, cho phép và quy định việc khoản nhằm bất kì mục đích nào ở thềm lục địa. Việt Nam tôn trọng quyền đặt dây cáp, ống dẫn ngầm và hoạt động sử dụng biển hợp pháp khác của các quốc gia khác ở thềm lục địa Việt Nam theo quy định của Luật biển Việt Nam năm 2012 và các điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, không làm phương hại đến quyền chủ quyền, quyền tài phán và lợi ích quốc gia trên biển của Việt Nam. Việc lắp đặt dây cáp và ống dẫn ngầm phải có sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam. Tổ chức, cá nhân nước ngoài được tham gia thăm dò, sử dụng, khai thác tài nguyên, nghiên cứu khoa học, lắp đặt thiết bị và công trình ở thềm lục địa của Việt Nam trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước CHXHCN Việt Nam là thành viên, họp đồng ký kết theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc được phép của Chính phủ Việt Nam (Điều 18 Luật Biển Việt Nam năm 2012).

1 154 05/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: