Giải Kinh tế pháp luật 12 Bài 11 (Kết nối tri thức): Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập

Với giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Kinh tế pháp luật 12.

1 188 05/08/2024


Giải bài tập Kinh tế pháp luật 12 Bài 11: Quyền và nghĩa vụ của công dân trong học tập

Mở đầu trang 84 KTPL 12: Em hãy kể một số quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong học tập.

Lời giải:

- Công dân có quyền bình đẳng về cơ hội học tập:

+ Được học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với bản thân, được học không hạn chế, học thường xuyên, học suốt đời, được tạo điều kiện để phát triển tài năng;

+ Được bảo vệ và được tôn trọng trong học tập;

+ Được cung cấp đầy đủ các thông tin về việc học tập, rèn luyện được học tập trong môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh,...

- Công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

- Trong học tập, công dân có nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật về học tập; tôn trọng quyền học tập của người khác; thực hiện đúng nội quy của các cơ sở giáo dục, đào tạo; tôn trọng nhà giáo, cán bộ và người lao động của cơ sở giáo dục;...

1. Quyền của công dân trong học tập

Câu hỏi 1 trang 86 KTPL 12: Em hãy xác định quyền học tập của công dân được đề cập đến trong trường hợp 1 và 2.

Trường hợp 1. Học xong lớp 12, P tham dự kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và đạt số điểm rất cao khối A00, tuy nhiên, gia đình khó khăn không có điều kiện cho em thực hiện ước mơ học đại học. Khi biết tin, chính quyền địa phương cùng các cá nhân, cơ quan, tổ chức đã đến động viên, thăm hỏi, tặng quà và trao học bổng để giúp P tiếp tục đi học. Nhận được sự hỗ trợ kịp thời, P rất xúc động, em quyết định đăng kí học ngành công nghệ thông tin yêu thích ở trường đại học gần nhà để thực hiện ước mơ của mình.

Trường hợp 2. Năm 70 tuổi, ông Đ quyết định theo học chương trình đào tạo cử nhân hệ vừa làm vừa học. Dù tuổi cao, sức yếu, nhưng trong suốt quá trình học ông đều rất cần cù, chăm chỉ, chịu khó tìm tòi để tiếp thu những kiến thức mới. Nhờ sự nỗ lực không ngừng nghỉ, ông Đ đã tốt nghiệp loại giỏi và trở thành tấm gương sáng cho nhiều người noi theo.

Lời giải:

- Trường hợp 1, đề cập đến quyền bình đẳng về cơ hội học tập (P được các cá nhân, cơ quan, tổ chức động viên, trao học bổng để tiếp tục đi học); quyền được học từ thấp đến cao, có quyền học không hạn chế (P học từ tiểu học đến đại học); quyền lựa chọn học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình (P quyết định đăng kí học ngành công nghệ thông tin yêu thích ở trường đại học gần nhà).

- Trường hợp 2, đề cập đến quyền học thường xuyên, học suốt đời (ông Đ theo học chương trình đào tạo cử nhân hệ vừa học vừa làm dù tuổi cao sức yếu).

Câu hỏi 2 trang 86 KTPL 12: Em có nhận xét gì về việc thực hiện quyền học tập của công dân trong trường hợp 3? Nếu là N, em sẽ làm gì để thực hiện quyền học tập của mình?

Trường hợp 3. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, N bị bố mẹ bắt ép theo học chuyên ngành tài chính ở trường đại học gần nhà để sau này dễ xin việc và có thu nhập tốt. N không thích vì tự thấy năng lực học tập của mình không phù hợp để theo học ngành này nhưng vì không thuyết phục được bố mẹ nên N đã miễn cưỡng làm theo.

Lời giải:

- Trong trường hợp 3, việc bố mẹ bắt ép N học chuyên ngành tài chính dù N không thích và không phù hợp với năng lực là vi phạm quy định của pháp luật về quyền được lựa chọn ngành, nghề học tập của công dân.

- Nếu là N, trong trường hợp này, em nên giải thích để bố mẹ hiểu lí do vì sao mình không muốn lựa chọn học ngành tài chính và chia sẻ nguyện vọng, mong muốn của bản thân để nhờ bố mẹ góp ý, sau đó xem xét lựa chọn một ngành học phù hợp với năng lực bản thân và phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động.

Câu hỏi 3 trang 86 KTPL 12: Theo em, những hành vi xâm phạm quyền học tập của công dân có thể dẫn tới hậu quả gì?

Lời giải:

- Hành vi vi phạm quyền học tập của công dân có thể dẫn tới hậu quả như:

+ Xâm phạm quyền học tập của công dân;

+ Khiến công dân khó khăn, mất cơ hội được tiếp cận với những tri thức tiến bộ của xã hội;

+ Làm gián đoạn quá trình học tập của công dân;

+ Làm giảm cơ hội phát triển nghề nghiệp của công dân;

+ Gây bất bình đẳng trong giáo dục; ảnh hưởng xấu đến sự phát triển kinh tế - xã hội đất nước;

+ Người vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật;...

2. Nghĩa vụ của công dân trong học tập

Câu hỏi 1 trang 87 KTPL 12: Trong các trường hợp trên, chủ thể nào đã vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập? Vì sao?

Trường hợp 1. Mặc dù gia đình khá giả, được bố mẹ tạo điều kiện tốt nhưng S rất thờ ơ với việc học tập. Thấy thành tích của S không tốt, giáo viên chủ nhiệm đã phân công hai bạn H và B giúp đỡ S trong học tập. Tuy nhiên, mỗi khi làm bài tập nhóm, S thường tỏ thái độ không hợp tác, thỉnh thoảng lại có hành vi trêu đùa, cản trở H và B học bài. Các bạn nhắc nhở, góp ý thì S lại có những lời nói và thái độ tôn trọng với bạn.

Trường hợp 2. Học xong lớp 9, hai chị em sinh đôi và O có nguyện vọng muốn học ếp lên cấp Trung học phổ thông để tương lai tốt đẹp hơn. Tuy nhiên, nguyện vọng của hai chị em bị gia đình phản đối, ngăn cản vì cho rằng hoàn cảnh gia đình hiện tại rất khó khăn, D và O lại là con gái nên việc tiếp tục đi học là không cần thiết và lãng phí. Hai chị em nên đi tìm việc làm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình.

Lời giải:

- Trong trường hợp 1, S đã vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập vì S không học tập theo đúng chương trình, kế hoạch giáo dục của nhà trường; không thực hiện nội quy của trường học khi đùa giỡn, cản trở bạn bè học bài và có thái độ thiếu tôn trọng với bạn học dù các bạn đang giúp đỡ mình.

- Trong trường hợp 2, người thân trong gia đình của D và O đã vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập vì không tôn trọng quyền học tập của D và O, lấy lí do giới tính để ngăn cản các bạn thực hiện quyền học tập của mình.

Câu hỏi 2 trang 87 KTPL 12: Theo em, hành vi vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập có thể dẫn đến những hậu quả gì?

- Hành vi vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập có thể dẫn tới các hậu quả như:

+ Xâm phạm quyền học tập của công dân, khiến công dân gặp khó khăn, mất cơ hội học tập;

+ Gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của cơ sở giáo dục và việc học tập của công dân;

+ Ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng học tập và tương lai của bản thân người vi phạm;...

Lời giải:

- Hành vi vi phạm nghĩa vụ của công dân trong học tập có thể dẫn tới các hậu quả như:

+ Xâm phạm quyền học tập của công dân, khiến công dân gặp khó khăn, mất cơ hội học tập;

+ Gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động bình thường của cơ sở giáo dục và việc học tập của công dân;

+ Ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng học tập và tương lai của bản thân người vi phạm;...

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 88 KTPL 12: Những nhận định dưới đây về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân là đúng hay sai? Vì sao?

a. Công dân có quyền được tuỳ ý học ở bất cứ trường đại học nào theo sở thích của mình.

b. Học sinh người dân tộc thiểu số được ưu tiên cộng điểm trong các kì xét tuyển đại học là thể thiện quyền bình đẳng trong học tập.

c. Công dân có quyền học ở các bậc học theo quy định của pháp luật là thể hiện quyền học tập thường xuyên.

d. Học sinh chỉ có nghĩa vụ tôn trọng quyền học tập của bản thân.

Lời giải:

- Nhận định a. Sai, vì: Theo quy định của pháp luật, công dân có quyền học không hạn chế, học bất cứ ngành nghề nào nhưng phải phù hợp với khả năng, điều kiện riêng của mỗi người.

+ Việc công dân vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hay các cơ sở đào tạo sau đại học được tiến hành theo quy định của pháp luật về giáo dục, thông qua các kì thi tuyển sinh hoặc xét tuyển theo các tiêu chí công khai.

+ Nếu công dân không vượt qua được kì thi hoặc không đáp ứng đủ các tiêu chí xét tuyển thì sẽ không được vào học ở các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học hay các cơ sở đào tạo sau đại học.

- Nhận định b. Đúng, vì: HS là người dân tộc thiểu số có điều kiện học tập kém thuận lợi hơn HS ở khu vực khác nên cần được cộng điểm ưu tiên để đảm bảo quyền bình đẳng giữa các vùng miền.

- Nhận định c. Sai, vì:

+ Công dân có quyền học ở các bậc học theo quy định của pháp luật là thể hiện quyền học từ thấp đến cao, quyền học không hạn chế.

+ Còn quyền học thường xuyên, học suốt đời của công dân được thể hiện ở việc công dân có thể học tập bằng nhiều hình thức khác nhau và ở các loại hình trường, lớp khác nhau, có thể học ở hệ chính quy hoặc giáo dục thường xuyên, học tập trung hoặc không tập trung, học ban ngày hoặc học buổi tối, tuỳ thuộc vào điều kiện riêng của mỗi người.

- Nhận định d. Sai, vì: Theo quy định của pháp luật, công dân nói chung (trong đó có HS) phải tôn trọng quyền học tập của người khác, không được cản trở, ngăn cấm người khác thực hiện quyền học tập của mình. Nếu cố tình vi phạm có thể phải chịu trách nhiệm pháp lí theo quy định của pháp luật.

Luyện tập 2 trang 88 KTPL 12: Các chủ thể trong mỗi trường hợp dưới đây đã thực hiện quyền và nghĩa vụ nào của công dân trong học tập? Giải thích vì sao.

a. Năm lớp 12, T đoạt giải Nhất môn Toán trong kì thi Học sinh Giỏi cấp Quốc gia nên sau khi tốt nghiệp Trung học phổ thông, T được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B.

b. Dù đã có hai bằng đại học nhưng cô giáo Y vẫn quyết tâm theo đuổi việc học để lấy thêm một bằng đại học ngoại ngữ.

c. Chị K (là nhân viên hành chính của một công ty luật) đã đăng kí tham gia xét tuyển hệ đào tạo vừa làm vừa học của Trường Đại học N để nâng cao trình độ chuyên môn.

d. Suốt 12 năm học, A luôn chăm chỉ học tập, nghiêm túc tuân thủ nội quy của trường học và các quy định của pháp luật, tôn trọng giáo viên, hoà đồng với bạn bè.

Lời giải:

- Trường hợp a.

+ Quyền, nghĩa vụ: T thực hiện quyền lựa chọn học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

+ Giải thích: Với năng lực, thành tích học tập của mình, T có đủ điều kiện để theo học ở rất nhiều trường đại học nhưng bạn lựa chọn đăng kí xét tuyển và được tuyển thẳng vào ngành Công nghệ thông tin của Trường Đại học B.

- Trường hợp b.

+ Quyền, nghĩa vụ: Cô giáo Y thực hiện quyền học thường xuyên, học suốt đời và quyền lựa chọn học bất cứ ngành, nghề nào phù hợp với sở thích, năng khiếu, khả năng và điều kiện của mình.

+ Giải thích:

▪ Quyền học thường xuyên, học suốt đời: cô Y quyết định đi học để lấy thêm một bằng đại học dù cô đã có hai bằng đại học và không bị ai ép buộc phải đi học.

▪ Quyền lựa chọn học ngành, nghề nào phù hợp: có rất nhiều ngành học nhưng cô Y lựa chọn học ngoại ngữ.

- Trường hợp c.

+ Quyền, nghĩa vụ: Chị K thực hiện quyền học thường xuyên, học suốt đời.

+ Giải thích: Chị K tự nguyện lựa chọn theo học hệ vừa học vừa làm để nâng cao trình độ chuyên môn cho bản thân.

- Trường hợp d.

+ Quyền, nghĩa vụ: A thực hiện nghĩa vụ học tập theo chương trình, kế hoạch giáo dục; tôn trọng nhà giáo; đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, rèn luyện; thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục; chấp hành quy định của pháp luật.

+ Giải thích: Việc A luôn chăm chỉ học tập, nghiêm túc tuân thủ nội quy của trường học và các quy định của pháp luật, tôn trọng GV, hoà đồng với bạn bè chứng tỏ A đã có thái độ rất tích cực trong việc học tập, rèn luyện theo chương trình kế hoạch giáo dục của nhà trường; có thái độ tích cực trong cách cư xử với GV, bạn bè; có thái độ tích cực trong việc thực hiện nội quy, điều lệ, quy chế của cơ sở giáo dục và quy định của pháp luật.

Luyện tập 3 trang 88 KTPL 12: Em hãy đọc các tình huống sau và trả lời câu hỏi:

Tình huống a. Gần đây, Trường Đại học C tổ chức kì thi kết thúc học phần nhưng do không nắm vững kiến thức các môn học nên M (sinh viên Trường Đại học C) quyết định tìm người thi hộ. Thông qua mạng xã hội, M thuê B (sinh viên một trường đại học khác trên địa bàn) thi hộ hai môn chuyên ngành với giá 600.000 đồng/môn. Tuy nhiên, khi B đang sử dụng giấy tờ giả để tham dự kì thi hộ M thì đã bị giám thị phát hiện.

1/ Em có nhận xét gì về việc làm của M và B?

2/ Theo em, hành vi của B và M sẽ dẫn tới hậu quả gì?

3/ Nếu là bạn của M và B, em sẽ khuyên hai bạn như thế nào để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ học tập của công dân?

Tình huống b. Trước đây, điều kiện gia đình khó khăn nên ông Đ phải nghỉ học giữa chừng để kiếm tiền phụ giúp bố mẹ. Mỗi khi nhìn bạn bè theo đuổi con đường học tập, ông luôn cảm thấy tiếc nuối. Khi lập gia đình và có con, ông Đ đặt hết mọi kì vọng của bản thân lên các con của mình. Vì vậy, ông luôn cố gắng tạo điều kiện về kinh tế để các con yên tâm học tập nhưng lại luôn so sánh, tạo sức ép, bắt các con phải tập trung học tập, ngăn cấm các con tham gia những hoạt động văn hoá, văn nghệ, thể dục thể thao và những hoạt động xã hội khác. Gần đây, khi nhận tin con trai cả không thi đỗ vào trường chuyên của tỉnh, ông Đ vô cùng tức giận. Ông dùng nhiều lời lẽ tiêu cực để so sánh con với các bạn học khác và tuyên bố không cho con đi học.

1/ Em có nhận xét gì về suy nghĩ và việc làm của ông Đ trong tình huống trên?

2/ Nếu là con trai cả trong gia đình ông Đ, em sẽ làm gì?

Lời giải:

♦ Tình huống a.

1/ Hành vi thuê người thi hộ của M và đi thi hộ người khác của B là hành vi sai trái, đáng bị lên án, phê phán. Những hành vi này đã vi phạm quy định của pháp luật về nghĩa vụ của công dân trong học tập và thể hiện thái độ thiếu nghiêm túc trong học tập của M và B.

2/ Hành vi của M và B gây nên sự thiếu công bằng trong học tập; khiến hai bạn bị kỉ luật trong học tập (cảnh cáo, đình chỉ học có thời hạn, buộc thôi học, ... ) và ảnh hưởng tiêu cực đến tương lai của các bạn.

3/ Nếu là bạn của M và B, em nên khuyên các bạn chăm chỉ học tập. Nếu không nắm vững kiến thức, có thể nhờ bạn bè, thầy cô giảng giải giúp đỡ thêm; nghiêm túc thực hiện các quy tắc, quy định của trường học, tuyệt đối không thực hiện những hành vi sai trái để tránh những hậu quả đáng tiếc.

♦ Tình huống b.

1/ Suy nghĩ và việc làm của ông Đ là áp đặt, tiêu cực và đáng bị phê phán. Hành vi của ông Đ tạo gánh nặng, cản trở sự phát triển toàn diện và khiến các con luôn cảm thấy áp lực, mệt mỏi. Đồng thời, hành vi của ông Đ cũng vi phạm quy định của pháp luật về quyền, nghĩa vụ của công dân trong học tập và có thể dẫn đến nhiều hậu quả tiêu cực.

2/ Nếu là con trai cả trong gia đình ông Đ, em nên nhẹ nhàng giải thích để bố hiểu những nỗ lực, cố gắng của mình trong học tập; chia sẻ suy nghĩ, cảm giác của bản thân đối với thái độ, hành vi tiêu cực của bố; phân tích để bố nhận ra những điều sai trong cách dạy con của mình và đề nghị bố thay đổi để có thái độ và hành vi tích cực hơn. Hoặc em có thể chia sẻ lại sự việc với thầy cô, cán bộ địa phương hoặc những người lớn đáng tin cậy, có sức ảnh hưởng đối với bố và đề nghị họ giúp đỡ để bố thay đổi tích cực hơn.

Vận dụng

Vận dụng trang 89 KTPL 12: Em đã làm gì để thực hiện quyền và nghĩa vụ trong học tập của công dân trong cuộc sống hằng ngày? Thời gian tới, em dự định sẽ làm gì để tiếp tục thực hiện tốt các quyền, nghĩa vụ đó?

Lời giải:

(*) Tham khảo:

- Đã thực hiện:

+ Tham gia đầy đủ các lớp học và hoàn thành các bài tập được giao.

+ Tôn trọng quyền học tập của bạn bè bằng cách không làm phiền họ trong giờ học.

+ Tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển toàn diện.

+ Tuân thủ các quy định của trường học và pháp luật về học tập.

- Dự định thực hiện:

+ Tiếp tục tham gia đầy đủ các lớp học và hoàn thành các bài tập được giao.

+ Tìm hiểu về các ngành học mà bản thân quan tâm để chuẩn bị cho việc chọn trường đại học.

+ Tham gia các hoạt động ngoại khóa để phát triển kỹ năng mềm.

+ Tôn trọng quyền học tập của bạn bè và giúp đỡ họ nếu có thể.

+ Tuân thủ các quy định của trường học và pháp luật về học tập.

1 188 05/08/2024


Xem thêm các chương trình khác: