Bài tập Sinh học lớp 11 Giữa học kì 2 có đáp án

Bài tập Sinh học lớp 11 Giữa học kì 2 có đáp án chi tiết giúp học sinh ôn luyện để đạt điểm cao trong bài thi Sinh học 11 Giữa học kì 2. Mời các bạn cùng đón xem:

1 1,516 28/12/2022
Tải về


Bài tập Sinh học lớp 11 Giữa học kì 2 có đáp án

Đề thi giữa học kì 2 Sinh học 11 có đáp án đề số 1

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2022 - 2023

Bài thi môn: Sinh học lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(không kể thời gian phát đề)

A. Trắc nghiệm (4 điểm)

Câu 1: Loài nào sau đây có hệ thần kinh dạng ống?

A. Gián.                         

B. Ốc sên.

C. Dơi.                         

D. Ve sầu

Câu 2: Sự lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh có bao miêlin theo kiểu “nhảy cóc” là vì

A. sự thay đổi tính thấm của mang chỉ xảy ra tại các eo Ranvie.

B. đảm bảo cho sự tiết kiệm năng lượng.

C. giữa các eo Ranvie, sợi trục bị bao bằng bao miêlin cách điện.

D. tạo cho tốc độ truyền xung nhanh.

Câu 3: Khi cho chó ăn kết hợp với bật đèn nhiều lần. Sau đó chỉ cần bật đèn là chó tiết nước bọt, đây là ví dụ về hình thức học tập nào

A. Quen nhờn.

B. Điều kiện hóa đáp ứng.

C. Điều kiện hóa hành động.

D. Học ngầm.

Câu 4: Đặc điểm có ở hoocmôn thực vật là:

(1) Tính chuyên hóa cao hơn nhiều so với hoocmôn ở động vật bậc cao.

(2) Với nồng độ rất thấp gây ra những biến đổi mạnh trong cơ thể.

(3) Được vận chuyển theo mạch gỗ và mạch rây.

(4) Được tạo ra và gây ra phản ứng ở cùng một nơi trên cơ thể thực vật.

Số nhận định không đúng là

A. 3.           

B. 1.           

C. 2.           

D. 4.

Câu 5: Xuân hóa là hiện tượng ra hoa của cây phụ thuộc vào nhân tố nào sau đây?

A. Nhiệt độ cao.           

B. Nhiệt độ thấp.

C. Ánh sáng yếu.           

D. Ánh sáng mạnh.

Câu 6: Trong sản xuất nông nghiệp, khi sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng cần chú ý nguyên tắc quan trọng nhất là

A. nồng độ sử dụng tối thích.

B. thoả mãn nhu cầu về nước, phân bón và khí hậu.

C. tính đối kháng hỗ trợ giữa các phitôcrôm.

D. các điều kiện sinh thái liên quan đến cây trồng.

Câu 7: Testostêrôn có vai trò

A. kích thích sự sinh trưởng và phát triển các đặc điểm sinh dục phụ ở con đực.

B. kích thích chuyển hoá tế bào và sự sinh trưởng, phát triển bình thường của cơ thể.

C. tăng cường quá trình sinh tổng hợp các tế bào thần kinh.     

D. kích thích sự sinh trưởng và phát triển các đặc điểm sinh dục phụ ở con cái.

Câu 8: Cho các hiện tượng sau:

I. Trứng gà nở ra gà con rồi phát triển thành con gà trưởng thành.

II. Trứng muỗi nở lăng quăng rồi phát triển thành muỗi.

III. Mèo mẹ đẻ mèo con rồi phát triển thành mèo trưởng thành.

IV. Ếch đẻ trứng, nở nòng nọc rồi phát triển thành ếch con.

Hình thức phát triển qua biến thái là

A. I, III.                         

B. II, IV.     

C. I, II, IV.                     

D. I, II, III, IV.

B. Tự luận (6 điểm)

Câu 1 (3 điểm): 

a. Giải thích tại sao khi kích thích một điểm trên cơ thể động vật có hệ thần kinh dạng lưới, động vật này có phản ứng toàn thân và tiêu tốn nhiều năng lượng?

b. Trình bày những diễn biến xảy ra ở chùy xináp khi có kích thích?

Câu 2 (1 điểm): Trên một cây bạch đàn cao 5 m, một người đóng 2 đinh dài theo chiều nằm ngang và đối diện nhau vào thân cây ở độ cao 1,0 m. Sau nhiều năm, cây bạch đàn đã cao tới 10 m. Chiều cao nơi đóng đinh so với mặt đất và khoảng cách của hai đinh có thay đổi không? Giải thích?

Câu 3 (2 điểm): Trình bày ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật? 

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

A. Trắc nghiệm

1 - C

2 - C

3 - B

4 - C

5 - B

6 - A

7 - A

8 - B

Câu 1: 

Đáp án C

- Dơi là động vật có xương sống nên có hệ thần kinh dạng ống.

- Các loài còn lại có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

Câu 2:

Đáp án C 

Sự lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh có bao mielin theo kiểu “nhảy cóc” vì: Các bao miêlin là các bao cách điện. Do đó sự lan truyền xung thần kinh chỉ truyền từ vị trí giữa 2 bao miêlin này tới vị trí giữa 2 bao miêlin sau (từ eo Ranvie này tới eo Ranvie kia).

Câu 3:

Đáp án B

Khi cho chó ăn kết hợp với bật đèn nhiều lần. Sau đó chỉ cần bật đèn là chó tiết nước bọt, đây là ví dụ về hình thức học tập điều kiện hóa đáp ứng.

Câu 4:

Đáp án C

Đặc điểm có ở hoocmôn thực vật là: (2), (3).

Ý (1) sai vì tính chuyên hóa của hoocmôn thực vật thấp hơn nhiều so với hoocmôn ở động vật.

Ý (4) sai vì hoocmôn thực vật được tạo ra ở 1 nơi và gây ra phản ứng ở 1 nơi khác.

Câu 5: 

Đáp án B

Xuân hóa là hiện tượng ra hoa sau khi trải qua mùa đông lạnh giá.

Câu 6:

Đáp án A 

Trong sản xuất nông nghiệp, khi sử dụng các chất điều hoà sinh trưởng cần chú ý nguyên tắc quan trọng nhất là nồng độ sử dụng tối thích, vì chất điều hoà sinh trưởng chỉ có tác dụng ở nồng độ thích hợp, nếu quá cao hay quá thấp sẽ gây ức chế hoặc không có tác dụng. Ví dụ: 2,4D là hoocmôn thuộc nhóm auxin, ở nồng độ thích hợp có tác dụng tạo quả không hạt, ở nồng độ cao có tác dụng diệt cỏ.

Câu 7:

Đáp án A

Testostêrôn có vai trò kích thích sự sinh trưởng và phát triển các đặc điểm sinh dục phụ ở con đực.

Câu 8:

Đáp án B

- Hình thức phát triển qua biến thái là II, IV.

- Hiện tượng I, III là hình thức phát triển không qua biến thái.

B. Tự luận

Câu 1:

a. Khi bị kích thích một điểm trên cơ thể, động vật có hệ thần kinh dạng lưới phản ứng toàn thân và tiêu tốn nhiều năng lượng vì: 

- Ở động vật có hệ thần kinh dạng lưới, các tế bào thần kinh nằm rải rác trong cơ thể và tất cả liên hệ với nhau qua các sợi dây thần kinh đó tạo thành mạng lưới các tế bào thần kinh.

- Khi bị kích thích tại một điểm thì xung thần kinh từ điểm đó theo mạng lưới lan truyền ra khắp cơ thể ⇒ Phản ứng co toàn bộ cơ thể và tiêu tốn nhiều năng lượng.

b. Những diễn biến xảy ra ở chùy xináp khi có kích thích:

- Khi xung thần kinh truyền đến tận cùng của mỗi sợi trục, tới các chùm xináp sẽ làm thay đổi tính thấm đối với Ca2+.

- Ca2+ từ ngoài dịch mô tràn vào dịch tế bào ở chùm xináp làm vỡ các bóng chứa chất trung gian hóa học, giải phóng các chất này vào khe xináp đến màng sau.

- Các phần tử chất trung gian hóa học sẽ gắn với các thực thể nằm trên màng sau xináp và làm thay đổi tính thấm màng sau xináp của nơron tiếp theo, xung thần kinh được hình thành và lại tiếp tục lan truyền dọc sợi trục và cứ như thế cho tới cơ quan đáp ứng.

Câu 2: Chiều cao từ nơi đóng đinh đến mặt đất gần như không tăng lên nhưng khoảng cách giữa hai đinh thì tăng lên vì: 

- Cây bạch đàn là thực vật Hai lá mầm có sinh trưởng thứ cấp; sinh trưởng thứ cấp làm tăng đường kính của thân cây nên làm tăng khoảng cách giữa 2 đinh.

- Cây có sinh trưởng sơ cấp nhưng sinh trưởng sơ cấp của cây chỉ có ở đỉnh thân, đỉnh rễ và đỉnh chồi. Ở phần thân cây đã đóng đinh (vị trí 1 m trong khi cây lúc đó đã có chiều cao 5 m) không có sinh trưởng sơ cấp nên khoảng cách từ vị trí đóng đinh xuống mặt đất gần như không thay đổi.

Câu 3: Ảnh hưởng của các nhân tố bên ngoài ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của động vật: 

- Thức ăn: là nhân tố ảnh hưởng mạnh nhất lên quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật, do đó cần cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

- Nhiệt độ: mỗi loài động vật đều có khoảng nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng và phát triển, nhiệt độ quá cao hoặc quá thấp đều có thể ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của động vật nhất là động vật biến nhiệt.

- Ánh sáng: ánh sáng ảnh hưởng đến sinh trưởng vì ánh sáng cung cấp nhiệt cho cơ thể. Tia tử ngoại trong ánh sáng có tác dụng biến tiền vitamin D thành vitamin D có vai trò trong chuyển hóa canxi thành xương.

- Đối với người, có nhiều nhân tố môi trường ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng và phát triển đặc biệt là giai đoạn phôi thai. Ví dụ trong những tháng đầu mang thai, nếu mẹ bị nhiễm virut cúm thì con sinh ra có thể bị dị tật hở hàm ếch, thiếu ngón chân, ngón tay.

Đề thi giữa học kì 2 Sinh học 11 có đáp án đề số 2

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2022 - 2023

Bài thi môn: Sinh học lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(không kể thời gian phát đề)

A. Trắc nghiệm (4 điểm)

Câu 1: Trong các loài động vật dưới đây, loài có hệ thần kinh dạng ống là

A. ruồi giấm.                 

B. cá chép.  

C. giun đất.                   

D. cua.

Câu 2: Khi nói về tính cảm ứng của động vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?

I. Tất cả các kích thích tác động lên cơ thể đều gây ra tính cảm ứng ở động vật.

II. Tất các các phản ứng của động vật trước các kích thích của môi trường đều được gọi là phản xạ.

III. Ở động vật có não bộ, tất cả các phản xạ đều là phản xạ có điều kiện.

IV. Ở động vật chưa có xương sống, hầu hết các phản xạ đều là phản xạ không điều kiện.

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 3: Trong 1 cung phản xạ, xung thần kinh xuất hiện từ 

A. nơron cảm giác.         

B. cơ quan thụ cảm. 

C. nơron vận động.         

D. cơ quan đáp ứng.

Câu 4: Cho các phát biểu sau:

I. Kiến lính sẵn sàng chiến đấu và hi sinh bản thân để bảo vệ kiến chúa và cả đàn là tập tính vị tha.

II. Hải li đắp đập ngăn sông suối là tập tính bảo vệ lãnh thổ.

III. Tinh tinh đực đánh đuổi các con tinh tinh đực lạ khi vào vùng lãnh thổ của nó là tập tính bảo vệ lãnh thổ.

IV. Cò thay đổi nơi sống theo mùa là tập tính kiếm ăn.

Số phát biểu đúng là

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 5: Mô phân sinh là nhóm các tế bào

A. đã phân hoá.

B. chưa phân hoá, duy trì được khả năng nguyên phân.

C. đã phân chia.

D. chưa phân chia.

Câu 6: Khi nói về sinh trưởng của các loài thực vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?

I. Cây tre là loài chỉ có sinh trưởng sơ cấp.

II. Cây phượng là loài vừa có sinh trưởng sơ cấp vừa có sinh trưởng thứ cấp.

III. Cây cau là loài có mô phân sinh lóng.

IV. Cây lúa là loài có mô phân sinh bên.

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 7: Nhóm gồm những động vật sinh trưởng và phát triển qua biến thái không hoàn toàn là

A. cá chép, gà, thỏ, khỉ. 

B. cánh cam, bọ rùa, bướm, ruồi.

C. bọ ngựa, cào cào, tôm, cua.          

D. châu chấu, ếch, muỗi.

Câu 8: Khi nói về hiện tượng thừa hay thiếu một số loại hoocmôn ở người, phát biểu nào sau đây đúng? 

A. Nếu thiếu hoocmôn tirôxin ở giai đoạn trẻ em thì gây ra bệnh lùn.

B. Nếu thừa GH ở người trưởng thành thì cũng không gây bệnh.

C. Nếu thừa hoocmôn tirôxin thì không gây bệnh.

D. Một người “khổng lồ” có thể là do thừa GH ở giai đoạn trẻ em.

B. Tự luận (6 điểm)

Câu 1 (3 điểm): Phân biệt về tập tính bẩm sinh và tập tính học được ở động vật.

Câu 2 (1 điểm): Tại sao sau khi thu hoạch, người ta thường xếp quả chín cùng với quả xanh?

Câu 3 (2 điểm): 

a. Nêu các giai đoạn chính trong quá trình phát triển của sâu bướm và cho biết kiểu phát triển của sâu bướm.

b. Tại sao sâu non phá hoại mùa màng, bướm không phá hoại mùa màng nhưng người dân vẫn tiêu diệt bướm?

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

A. Trắc nghiệm

1 - B

2 - A

3 - B

4 - B

5 - B

6 - C

7 - C

8 - D

Câu 1:

Đáp án B

Chỉ có động vật có xương sống mới có hệ thần kinh dạng ống. Do đó, trong các loài nói trên, chỉ có cá chép có hệ thần kinh dạng ống.

Câu 2:

Đáp án A 

I. Sai. Những kích thích dưới ngưỡng thì không đủ để gây ra tính cảm ứng cho sinh vật.

II. Sai. Các phản ứng của động vật thông qua hệ thần kinh trả lời lại các kích thích của môi trường được gọi là phản xạ, động vật đơn bào chưa có hệ thần kinh nên chưa có phản xạ.

III. Sai. Ở động vật có não bộ, có 2 loại phản xạ là phản xạ có điều kiện và phản xạ không điều kiện.

IV. Đúng. Phản xạ có điều kiện được hình thành trong quá trình phát triển cá thể, đòi hỏi phải tập luyện, rút kinh nghiệm của cơ thể. Động vật không xương sống có tuổi thọ ngắn và số lượng tế bào thần kinh không nhiều nên có rất ít phản xạ có điều kiện.

Vậy có 1 phát biểu đúng.

Câu 3:

Đáp án B

Trong 1 cung phản xạ, xung thần kinh xuất hiện từ cơ quan thụ cảm. 

Câu 4:

Đáp án B

Có 2 phát biểu đúng là I, III.

II. Sai. Hải li đắp đập ngăn sông suối là tập tính kiếm ăn - săn mồi.

IV. Sai. Cò thay đổi nơi sống theo mùa là tập tính di cư.

Câu 5:

Đáp án B

Mô phân sinh là nhóm các tế bào chưa phân hoá, duy trì được khả năng nguyên phân.

Câu 6:

Đáp án C

I. Đúng. Cây tre là thực vật Một lá mầm, chỉ có mô phân sinh đỉnh và mô phân sinh lóng nên chỉ có sinh trưởng sơ cấp.

II. Đúng. Cây phượng là thực vật Hai lá mầm nên vừa có sinh trưởng sơ cấp, vừa có sinh trưởng thứ cấp.

III. Đúng. Cây cau là thực vật Một lá mầm, có mô phân sinh lóng.

IV. Sai. Lúa là thực vật Một lá mầm mà cây Một lá mầm không có mô phân sinh bên.

Vậy có 3 phát biểu đúng. 

Câu 7:

Đáp án C

- Nhóm gồm những động vật sinh trưởng và phát triển qua biến thái không hoàn toàn là bọ ngựa, cào cào, tôm, cua.          

- Cá chép, gà, thỏ, khỉ là những động vật sinh trưởng và phát triển không qua biến thái.

- Bướm, ếch, muỗi là những động vật sinh trưởng và phát triển qua biến thái hoàn toàn.

Câu 8:

Đáp án D

A. Sai. Hoocmôn tirôxin không gây ra bệnh lùn hay khổng lồ. 

B. Sai. Thừa GH ở giai đoạn trưởng thành thì gây bệnh to đầu các khớp xương.

C. Sai. Thừa tirôxin sẽ gây bệnh liên quan đến rối loạn chuyển hóa như bazơđô.

D. Đúng. Ở giai đoạn trẻ em, thiếu hoocmôn GH gây ra bệnh lùn; thừa hoocmôn GH gây ra bệnh khổng lồ.

B. Tự luận

Câu 1:

Tập tính bẩm sinh

Tập tính học được

- Có được do sự di chuyền từ bố mẹ.

- Có được trong quá trình sống từ sự tập luyện

- Mang tính bản năng, đặc trưng cho loài.

- Có sự rút kinh nghiệm qua hoạt động thực tế và có thể trong loài.

- Không thay đổi và không chịu ảnh hưởng của điều kiện sống.

- Thường thay đổi theo môi trường và hoàn cảnh sống khác nhau.

- Là tập hợp của nhiều phản xạ không điều kiện.

- Là các phản xạ có điều kiện.

- Các tác động và hoạt động cơ thể xảy ra liên tục theo một trình tự nhất định tương ứng với kích thích.

- Các hoạt động xảy ra có thể khác nhau tùy theo điều kiện tập luyện và biểu hiện thay đổi trước cùng một kích thích.

Ví dụ: nhện thực hiện được rất nhiều động tác nối tiếp nhau để kết nối các sợi tơ thành một tấm lưới; tập tính phóng lưỡi bắt mồi của cóc; tập tính sinh sản ở động vật; tập tính di cư; ve sầu kêu vào ngày hè oi ả; ếch đực kêu vào mùa sinh sản.

Ví dụ: một số động vật vốn không sợ người nhưng nếu bị đuổi bắt nhiều lần chúng sẽ học được kinh nghiệm chạy trốn thật nhanh khi nhìn thấy người; chuột nghe tiếng mèo kêu là bỏ chạy.

Câu 2: Người ta xếp quả chín cùng với quả xanh để quả chín giải phóng êtilen kích thích tăng nhanh quá trình chín của các quả xanh được xếp chung với quả chín.

Câu 3:

a. 

- Các giai đoạn chính trong quá trình phát triển của sâu bướm: giai đoạn ấu trùng (sâu), giai đoạn nhộng, giai đoạn con trưởng thành (bướm).

- Kiểu phát triển của sâu bướm là kiểu phát triển qua biến thái hoàn toàn.

b. Bướm mặc dù không phá hại mùa màng nhưng lại sinh ra sâu non. Mỗi con bướm có thể sinh ra rất nhiều sâu non. Vì thế, tiêu diệt bướm là để giảm số lượng sâu nở ở thời gian tiếp theo. Tiêu diệt một con bướm bằng tiêu diệt cả hàng trăm sâu non.

Đề thi giữa học kì 2 Sinh học 11 có đáp án đề số 3

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2022 - 2023

Bài thi môn: Sinh học lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(không kể thời gian phát đề)

A. Trắc nghiệm (4 điểm)

Câu 1: Ở tế bào khổng lồ của mực ống, trị số điện thế nghỉ ghi được là

A. - 7 mV.                     

B. - 70 mV.           

C. 7 mV.                       

D. 70 mV.

Câu 2: Khi nào xuất hiện điện thế hoạt động ở màng sau xináp?

A. Khi chất trung gian hóa học gắn vào xináp.

B. Khi chất trung gian hóa học gắn vào thụ thể ở màng sau xináp.

C. Khi chất trung gian hóa học tiếp xúc màng trước xináp.

D. Khi xung thần kinh ở màng trước xináp lan truyền đến màng sau xináp.

Câu 3: Tập tính quen nhờn là

A. tập tính động vật không trả lời khi kích thích không liên tục mà không gây nguy hiểm gì.

B. tập tính động vật không trả lời khi kích thích ngắn gọn mà không gây nguy hiểm gì.

C. tập tính động vật không trả lời khi kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần mà không gây nguy hiểm gì.

D. tập tính động vật không trả lời khi kích thích giảm dần cường độ mà không gây nguy hiểm gì.

Câu 4: Cho các loại tập tính của động vật sau đây:

I. Tập tính săn đuổi mồi của hổ.

II. Tập tính làm tổ của ong.

III. Tập tính sinh sản của chim.

IV. Tập tính lẩn trốn, tự vệ của hươu nai.

Số loại tập tính bẩm sinh là

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 5: Ở thực vật Hai lá mầm, thân và rễ dài ra là nhờ hoạt động của

A. mô phân sinh lóng.   

B. mô phân sinh đỉnh.

C. mô phân sinh cành.   

D. mô phân sinh bên.

Câu 6: Đối với quá trình sinh trưởng và phát triển của thực vật, hoocmôn axit abxixic (AAB) có bao nhiêu tác dụng sinh lí sau đây?

I. Tác động đến sự rụng lá.                II. Kích thích sự già hoá.

III. Tác động đến sự chín của quả.    IV. Ức chế sự sinh trưởng.

V. Tăng khả năng chịu hạn của cây. 

A. 5.           

B. 4.           

C. 3.           

D. 2.

Câu 7: Khi nói về sự phát triển của động vật, có bao nhiêu phát biểu sau đây đúng?

I. Tất cả các loài động vật có xương sống đều phát triển không qua biến thái.

II. Tất cả các loài động vật không xương sống đều phát triển qua biến thái.

III. Ở các loài động vật phát triển biến thái hoàn toàn, cơ thể trưởng thành có hình dạng khác xa với ấu trùng.

IV. Ở các loài biến thái không hoàn toàn, ấu trùng phải trải qua nhiều lần lột xác thì mới biến đổi thành con trưởng thành.

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 8: Các biện pháp điều khiển sự sinh trưởng và phát triển ở động vật và người là

A. Cải tạo giống, chuyển đổi cơ cấu chăn nuôi, cải thiện chất lượng dân số.

B. Cải tạo giống, cải thiện môi trường sống, cải thiện chất lượng dân số.

C. Cải tạo giống, cải thiện môi trường sống, kế hoạch hóa gia đình.

D. Chống ô nhiễm môi trường, thay đổi thức ăn, cải thiện chất lượng dân số.

B. Tự luận (6 điểm)

Câu 1 (3 điểm):

a. Nêu chiều hướng tiến hoá của các hình thức cảm ứng ở động vật?

b. Phản xạ ”Da bị tím tái khi trời lạnh” thuộc loại phản xạ gì? Hãy mô tả đường đi của xung thần kinh trong phản xạ này.

Câu 2 (2 điểm): 

a. Cây Một lá mầm hay cây Hai lá mầm có sinh trưởng thứ cấp và kết quả của kiểu sinh trưởng đó là gì?

b. Hãy giải thích hiện tượng mọc vống của thực vật trong bóng tối.

Câu 3 (1 điểm): Tại sao trẻ nhỏ tắm nắng vào sáng sớm hoặc chiều tối (khi ánh sáng yếu) sẽ có lợi cho sinh trưởng và phát triển của chúng?

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

A. Trắc nghiệm

1 - B

2 - B

3 - C

4 - B

5 - B

6 - B

7 - B

8 - B

Câu 1:

Đáp án B

Ở tế bào khổng lồ của mực ống, trị số điện thế nghỉ ghi được là - 70 mV.

Câu 2:

Đáp án B

Khi chất trung gian hóa học gắn vào thụ thể ở màng sau xináp thì xuất hiện điện thế hoạt động ở màng sau xináp.

Câu 3:

Đáp án C

Tập tính quen nhờn là tập tính động vật không trả lời khi kích thích lặp đi lặp lại nhiều lần mà không gây nguy hiểm gì.

Câu 4: 

Đáp án B

I, IV là tập tính học được.

II, III là tập tính bẩm sinh.

Câu 5:

Đáp án B

Ở thực vật Hai lá mầm, thân và rễ dài ra là nhờ hoạt động của mô phân sinh đỉnh.

Câu 6:

Đáp án B

Axit abxixic làm ức chế sinh trưởng; gây đóng khí khổng; kích thích sự rụng lá, sự ngủ của hạt (rụng quả), chồi cây; kích thích sự hóa già; tăng cường tính chịu hạn của cây.

Vậy có 4 tác dụng đúng gồm I, II, IV và V.

Câu 7: 

Đáp án B

Có 2 phát biểu đúng là III và IV.

I. Sai. Không phải tất cả các loài động vật có xương sống đều phát triển không qua biến thái, ví dụ ếch nhái trải qua biến thái hoàn toàn.

II. Sai. Không phải tất cả các loài động vật không xương sống đều phát triển qua biến thái, ví dụ giun đất không trải qua biến thái.

Câu 8:

Đáp án B

Các biện pháp điều khiển sự sinh trưởng và phát triển ở động vật và người là cải tạo giống, cải thiện môi trường sống, cải thiện chất lượng dân số.

B. Tự luận

Câu 1:

a. Chiều hướng tiến hóa các hình thức cảm ứng ở động vật:

- Về cơ quan cảm ứng: từ chỗ chưa có cơ quan chuyên trách đến chỗ có cơ quan chuyên trách thu nhận và trả lời kích thích ở động vật có hệ thần kinh, từ dạng thần kinh lưới đến dạng thần kinh chuỗi hạch và cuối cùng là dạng thần kinh ống.

- Về cơ chế cảm ứng (sự tiếp nhận và trả lời kích thích): từ chỗ chỉ là sự biến đổi cấu trúc của các phân tử prôtêin gây nên sự vận động của các chất nguyên sinh (ở các động vật đơn bào) đến sự tiếp nhận, dẫn truyền kích thích và trả lời lại các kích thích (ở các sinh vật đa bào).

+ Ở các động vật có hệ thần kinh từ phản xạ đơn đến phản xạ chuỗi, từ phản xạ không điều kiện đến phản xạ có điều kiện nhờ đó mà cơ thể có thể thích ứng linh hoạt trước mọi sự thay đổi của điều kiện môi trường.

⇒ Sự hoàn thiện của các hình thức cảm ứng ở động vật theo hướng càng ngày càng chính xác và tiết kiệm năng lượng. Sự tiến hóa này là kết quả của quá trình phát triển lịch sử đảm bảo cho cơ thể thích nghi đó tồn tại và phát triển.

b. 

- Phản xạ ”Da bị tím tái khi trời lạnh” thuộc loại phản xạ không điều kiện vì phản xạ này có ở tất cả các cá thể của cùng một loài, khi trẻ mới sinh đã có phản xạ này.

Đường đi của cung phản xạ: kích thích lạnh → cơ quan thụ cảm (da) → nơron cảm giác → tủy sống → nơron trung gian → nơron vận động → hạch thần kinh sinh dưỡng → cơ quan đáp ứng (mạch máu) → mạch máu co lại → da tím tái.

Câu 2: 

a. Cây Hai lá mầm có sinh trưởng thứ cấp. Sinh trưởng thứ cấp làm tăng đường kính của thân và rễ.

b. Giải thích hiện tượng mọc vống của thực vật trong bóng tối:

- Auxin là một chất kích thích sinh trưởng được tổng hợp chủ yếu trong bóng tối. Khi cây sống trong điều kiện thiếu ánh sáng, hàm lượng auxin sẽ dần tăng lên, chiếm tỉ lệ áp đảo so với hàm lượng chất ức chế sinh trưởng và kết quả là cây sinh trưởng mạnh hơn (mọc vống) so với khi sống trong môi trường có đủ ánh sáng. 

- Ngoài ra, hiện tượng mọc vống của thực vật trong bóng tối còn có thể được giải thích theo một khía cạnh khác đó là khi không có ánh sáng, cây ít bị mất nước hơn và đây cũng là điều kiện thuận lợi giúp cây sinh trưởng mạnh hơn so với điều kiện chiếu sáng bình thường.

Câu 3: Trẻ nhỏ tắm nắng vào sáng sớm hoặc chiều tối (khi ánh sáng yếu) sẽ có lợi cho sinh trưởng và phát triển của chúng vì tắm nắng cho trẻ khi ánh sáng yếu giúp đẩy mạnh quá trình hình thành xương của trẻ. Tia tử ngoại trong ánh sáng yếu làm cho tiền vitamin D biến thành vitamin D. Vitamin D có vai trò chuyển hoá canxi để hình thành xương, qua đó ảnh hưởng lên quá trình sinh trưởng và phát triển của trẻ.

Đề thi giữa học kì 2 Sinh học 11 có đáp án đề số 4

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2022 - 2023

Bài thi môn: Sinh học lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(không kể thời gian phát đề)

Câu 1: Động vật có hệ thần kinh dạng lưới là

A. thủy tức.                   

B. đỉa.

C. giun dẹp.                 

 D. cá chép.

Câu 2: Hệ thần kinh dạng ống được cấu tạo từ hai phần lớn là

A. não và tủy sống.

B. thần kinh trung ương và thần kinh ngoại biên.

C. dây thần kinh và hạch thần kinh.

D. thần kinh giao cảm và đối giao cảm.

Câu 3: Động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch phản ứng lại kích thích theo nguyên tắc phản xạ. Hầu hết các phản xạ của chúng là

A. phản xạ không điều kiện.

B. phản xạ có điều kiện.

C. sự co toàn bộ cơ thể.

D. co rút chất nguyên sinh.

Câu 4: Điện thế hoạt động xuất hiện khi tế bào bị kích thích với

A. bất kì cường độ nào.

B. cường độ gấp ba ngưỡng.

C. cường độ đạt ngưỡng.

D. Gần bằng ngưỡng.

Câu 5: Điểm khác biệt của sự lan truyền xung thần kinh trên sợi trục có bao miêlin so với sợi trục không có bao miêlin là

A. dẫn truyền theo lối "nhảy cóc", chậm và ít tiêu tốn năng lượng.

B. dẫn truyền theo lối "nhảy cóc", chậm chạp và tiêu tốn nhiều năng lượng.

C. dẫn truyền theo lối "nhảy cóc", nhanh và ít tiêu tốn năng lượng.

D. dẫn truyền theo lối "nhảy cóc", nhanh và tiêu tốn nhiều năng lượng.

Câu 6: Nghiên cứu hoạt động điện của tế bào thần kinh, các nhà khoa học thường chọn nơron của loài mực ống hoặc cua bể vì

A. chúng không nằm sâu trong khoang cơ thể.

B. chúng có sự chênh lệch điện thế giữa trong và ngoài màng khá lớn.

C. chúng có kích thước lớn.

D. các loài này mới có cấu tạo nơron điển hình.

Câu 7: Quá trình truyền tin qua xináp diễn ra theo trật tự nào?

A. Khe xinap → Màng trước xinap → Chuỳ xinap → Màng sau xinap.

B. Màng trước xinap → Chuỳ xinap → Khe xinap → Màng sau xinap.

C. Màng sau xinap → Khe xinap → Chuỳ xinap → Màng trước xinap.

D. Chuỳ xinap → Màng trước xinap → Khe xinap → Màng sau xinap.

Câu 8: Hình ảnh dưới đây mô tả về tập tính nào?

 [Năm 2022] Đề thi Giữa kì 2 Sinh học lớp 11 có đáp án (6 đề)

A. Tập tính sinh sản – quyến rũ bạn tình.

B. Tập tính kiếm ăn – đánh dấu vị trí kiếm ăn.

C. Tập tính bảo vệ lãnh thổ - đánh dấu lãnh thổ.

D. Tập tính di cư – Đánh dấu đường đi.

Câu 9: Cho các ví dụ về tập tính ở động vật như sau:

I. Nhện giăng tơ.

II. Thú con bú sữa mẹ.

III. Chim sâu thấy bọ nẹt không dám ăn.

IV. Học sinh biết cách phân loại rác.

Các ví dụ về tập tính học được là

A. I, II.                         

B. II, III.

C. I, IV.                         

D. III, IV.

Câu 10: Một người vô tình thuộc được lời của một bài hát đang “hot” vì nhiều nơi đều mở bài hát này. Đây là ví dụ về hình thức học tập nào ở người?

A. Quen nhờn.               

B. Học khôn.

C. Điều kiện hóa.           

D. Học ngầm.

Câu 11: Con tinh tinh biết dùng đá đập vỏ sò để ăn thịt là ví dụ về hình thức học tập

A. học ngầm.

B. quen nhờn.

C. điều kiện hóa hành động.

D. học khôn.

Câu 12: Trạng thái có sự biến đổi lí hoá xảy ra trong tế bào sống khi bị kích thích gọi là

A. trạng thái ức chế.

B. trạng thái tiềm sinh.

C. trạng thái nghỉ.

D. trạng thái hưng phấn.

Câu 13: Điều nào không đúng khi nói về sinh trưởng và phát triển?

A. Sinh trưởng là quá trình tăng lên về số lượng, kích thước tế bào làm cho cây lớn lên trong từng giai đoạn, tạo cơ quan sinh dưỡng như rễ, thân, lá.

B. Phát triển là quá trình biến đổi về chất lượng ( cấu trúc và chức năng sinh lý) các thành phần tế bào, mô, cơ quan làm cho cây ra hoa, kết quả, tạo hạt.

C. Giữa sinh trưởng và phát triển có mối quan hệ mật thiết, liên tiếp và xen kẽ nhau trong đời sống thực vật. Sự biến đổi về số lượng rễ, thân, lá dẫn đến sự thay đổi về chất lượng ở hoa, quả, hạt.

D. Sinh trưởng và phát triển là hai quá trình độc lập không liên quan với nhau, sinh trưởng luôn diễn ra trước phát triển.

Câu 14: Cho các nhận định sau khi nói về sinh trưởng của thực vật:

(1) Sinh trưởng sơ cấp là do hoạt động phân bào của mô phân sinh bên tạo ra.

(2) Sinh trưởng sơ cấp có cả ở cây Một lá mầm và cây Hai lá mầm.

(3) Mô phân sinh bên và mô phân sinh lóng có ở thân cây Hai lá mầm, đều tham gia vào sự sinh trưởng thứ cấp.

(4) Sinh trưởng sơ cấp là sự tăng chiều dài của cơ thể (thân và rễ) do hoạt động phân bào của các mô phân sinh đỉnh.

(5) Đa số cây Một lá mầm có sinh trưởng thứ cấp.

Số nhận định đúng là

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 5.

Câu 15: Loại hoocmôn nào liên quan tới sự đóng mở khí khổng?

A. Auxin.                     

B. Xitôkinin.

C. AAB.                       

D. Gibêrilin.

Câu 16: Vai trò của auxin đối với sự hướng sáng của thân cây là

A. kích thích sự tăng trưởng của các tế bào ở phía tối của thân cây làm cho cây hướng về nguồn sáng.

B. làm cho các tế bào ở phía tối của cây co lại.

C. làm cho các tế bào ở phía sáng của cây ngừng phân chia.

D. kích thích sự tăng trưởng của các tế bào ở phía sáng của cây làm cho cây hướng về nguồn sáng.

Câu 17: Cây ngày ngắn là

A. cây ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 10 giờ.

B. cây ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 8 giờ.

C. cây ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 14 giờ.

D. cây ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 12 giờ.

Câu 18: Cho các ứng dụng sau đây, có bao nhiêu ứng dụng dựa trên kiến thức về sinh trưởng và phát triển của thực vật?

I. Dùng chất kích thích sinh trưởng để thúc đẩy tăng chiều cao ở cây đay.

II. Ngắt lá ở cây mai vào dịp tết để hạn chế sinh trưởng, thúc đẩy phát triển ra hoa.

III. Trồng xen cây bắp (ngô) và cây đậu xanh trong cùng một khu vườn.

IV. Trồng cây cải xanh với mật độ dày để nâng cao năng suất cây trồng.

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 19: Tại sao các cây cau, mía, tre,... có đường kính ngọn và gốc ít chệnh lệch so với các cây thân gỗ?

A. Cây cau, mía, tre,... không có mô phân sinh bên, cây thân gỗ thì có mô phân sinh bên.

B. Mô phân sinh của cây cau, mía, tre,... chi hoạt động đến một giai đoạn nhất định thì dừng lại.

C. Cây thân gỗ có chu kì sống dài nên kích thước gốc càng ngày càng lớn.

D. Cây cau, mía, tre,... có giai đoạn ngừng sinh trưởng còn cây thân gỗ thì không.

Câu 20: Sinh trưởng và phát triển không qua biến thái khác sinh trưởng và phát triển qua biến thái không hoàn toàn ở điểm

A. không phải qua giai đoạn lột xác.

B. con non giống con trưởng thành.

C. phải qua giai đoạn lột xác.

D. con non khác con trưởng thành.

Câu 21: Loại hoocmôn nào sau đây kích thích phân hóa tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục phụ thứ cấp, phát triển cơ bắp ở nam?

A. Hoocmôn sinh trưởng.

B. Hoocmôn testostêrôn.

C. Hoocmôn tirôxin.

D. Hoocmôn ơstrôgen.

Câu 22: Cho các bộ phận sau:

(1) đỉnh rễ                      (2) thân                 

(3) chồi nách                  (4) chồi đỉnh                   

(5) hoa                           (6) lá

Mô phân sinh đỉnh không có ở

 A. (1), (2) và (3).          

B. (2), (3) và (4).             

 C. (3), (4) và (5).          

D. (2), (5) và (6).

Câu 23: Trong các căn cứ sau đây, người ta có thể xác định được tuổi của cây gỗ nhiều năm dựa vào căn cứ nào?

A. Tầng sinh mạch.       

B. Tầng sinh vỏ.

C. Các tia gỗ.                 

D. Vòng năm.

Câu 24: Bạch đàn thường có tốc độ tăng trưởng chiều dài thân nhanh hơn so với lim. Điều này phản ánh vai trò của nhân tố nào đối với sự sinh trưởng của thực vật?

A. Đặc điểm di truyền. 

B. Thời kì sinh trưởng. 

C. Nhiệt độ. 

D. Ánh sáng.

Câu 25: Ở trẻ nhỏ, nhân tố nào sau đây có vai trò biến tiền vitamin D thành vitamin D?

A. Ánh sáng.                 

B. Thức ăn.

C. Nhiệt độ.                   

D. Độ ẩm.

Câu 26: Những động vật nào sau đây phát triển qua biến thái hoàn toàn?

A. Bướm, châu chấu, gián.                

B. Bướm, ruồi, ong, lưỡng cư.

C. Ruồi, ong, châu chấu. 

D. Lưỡng cư, bò sát, châu chấu.

Câu 27: Khi nói về phát triển qua biến thái hoàn toàn ở bướm, có bao nhiêu phát biểu sau đúng?

I. Ấu trùng có đặc điểm hình thái, cấu tạo và sinh lí rất khác với con trưởng thành.

II. Trải qua giai đoạn nhộng, ấu trùng biến đổi thành con trưởng thành.

III. Thức ăn của ấu trùng và con trưởng thành khác nhau. 

IV. Nhộng là giai đoạn tu chỉnh lại toàn bộ cơ thể để biến sâu thành bướm.

A. 4.           

B. 3.           

C. 1.           

D. 2.

Câu 28: Ở trẻ em, nếu tuyến yên sản xuất quá nhiều hoocmôn sinh trưởng sẽ gây hậu quả như thế nào?

A. Người bị to đầu xương chi.

B. Người khổng lồ.

C. Người bị bệnh bướu cổ.

D. Người bị bệnh đần độn.

Câu 29: Cho các phát biểu sau:

(1) Tốc độ sinh trưởng không đều ở các mô và các cơ quan khác nhau.

(2) Tốc độ sinh trưởng ở các giai đoạn khác nhau là khác nhau.

(3) Tốc độ sinh trưởng tỉ lệ thuận với tuổi của động vật.

(4) Sự phát triển của động vật bao gồm: sinh trưởng, phân hóa tế bào và phát sinh hình thái.

(5) Thằn lằn mọc đuôi mới khi bị rụng là biến thái không hoàn toàn.

Có bao nhiêu phát biểu đúng?

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

Câu 30: Trong quy trình canh tác, bà con nông dân chiếu đèn ngắt quãng ban đêm ở ruộng mía vào mùa đông là dựa trên cơ sở khoa học nào? Trong các thông tin dưới đây, có bao nhiêu thông tin chính xác?

(1) Cây mía là cây ngày ngắn vì ra hoa khi độ dài ngày ngắn.

(2) Cây mía ra hoa khi độ dài ngày lớn hơn 12 giờ.

(3) Độ dài đêm mới thực sự chi phối sự ra hoa của cây mía.

(4) Chiếu sáng đèn ban đêm phá vỡ quang chu kì của cây.

(5) Thắp đèn có tác dụng để cây mía không ra hoa đúng thời vụ.

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1 - A

2 - B

3 - A

4 - C

5 - C

6 - C

7 - D

8 - D

9 - D

10 - D

11 - D

12 - D

13 - D

14 - B

15 - C

16 - A

17 - D

18 - C

19 - A

20 - A

21 - B

22 - D

23 - D

24 - A

25 - A

26 - B

27 - A

28 - B

29 - C

30 - A

Câu 1:

Đáp án A

Thủy tức là loài có hệ thần kinh dạng lưới; đỉa, giun dẹp có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch; cá chép có hệ thần kinh dạng ống.

Câu 2: 

Đáp án B

Hệ thần kinh dạng ống được cấu tạo từ hai phần lớn là thần kinh trung ương (não và tủy sống) và thần kinh ngoại biên (dây thần kinh).

Câu 3:

Đáp án A

Các động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch có các phản xạ định khu, tại nơi bị kích thích, hầu hết phản xạ của chúng là phản xạ không điều kiện.

Câu 4:

Đáp án C

Điện thế hoạt động xuất hiện khi tế bào bị kích thích với cường độ đạt ngưỡng.

Câu 5:

Đáp án C

Điểm khác biệt của sự lan truyền xung thần kinh trên sợi trục có bao miêlin so với sợi trục không có bao miêlin là dẫn truyền theo lối nhảy cóc nhanh và ít tiêu tốn năng lượng hơn.

Câu 6:

Đáp án C

Nghiên cứu hoạt động điện của tế bào thần kinh, các nhà khoa học thường chọn nơron của loài mực ống hoặc cua bể vì chúng có kích thước lớn, thuận tiện cho việc đặt các điện cực để đo.

Câu 7:

Đáp án D

Quá trình truyền tin qua xináp diễn ra theo trật tự: Chuỳ xinap → Màng trước xinap → Khe xinap → Màng sau xinap

[Năm 2022] Đề thi Giữa kì 2 Sinh học lớp 11 có đáp án (6 đề)

Câu 8:

Đáp án D

Vào đầu mùa mưa, loài Cua đỏ di cư trên đảo Giáng sinh tranh giành lãnh thổ, tìm bạn tình và sinh sản đẻ trứng.

Câu 9:

Đáp án D

Các ví dụ về tập tính học được là:

III. Chim sâu thấy bọ nẹt không dám ăn vì trải nghiệm trước đó

IV. Học sinh biết cách phân loại rác.

Câu 10:

Đáp án D

Đây là ví dụ về hình thức học ngầm, người này không ý thức về việc học thuộc lời bài hát.

Câu 11:

Đáp án D

Con tinh tinh biết dùng đá đập vỏ sò để ăn thịt là ví dụ về hình thức học khôn, chỉ có ở các động vật thuộc bộ Linh trưởng.

Câu 12:

Đáp án D

Trạng thái có sự biến đổi lí hoá xảy ra trong tế bào sống khi bị kích thích gọi là trạng thái hưng phấn.

Câu 13:

Đáp án D

Sinh trưởng và phát triển có mối quan hệ mật thiết, liên tiếp và xen kẽ nhau trong đời sống thực vật.

Câu 14:

Đáp án B

Các phát biểu đúng là: 2, 4.

1 sai vì sinh trưởng sơ cấp không có sự tham gia của mô phân sinh bên.

3 sai vì mô phân sinh lóng chỉ có ở cây Một lá mầm.

5 sai vì cây Một lá mầm không có sinh trưởng thứ cấp.

Câu 15:

Đáp án C

AAB liên quan tới sự chín và ngủ của hạt, sự đóng mở khí khổng.

Câu 16:

Đáp án A

Auxin kích thích sự tăng trưởng của các tế bào ở phía tối của thân cây làm cho cây hướng về nguồn sáng.

Câu 17:

Đáp án D

Cây ngày ngắn là cây ra hoa trong điều kiện chiếu sáng ít hơn 12 giờ.

Câu 18:

Đáp án C

Các ứng dụng dựa trên kiến thức về sinh trưởng và phát triển của thực vật là: I, II, III.

Ý IV sai vì trồng cây với mật độ dày không làm tăng năng suất cây trồng.

Câu 19:

Đáp án A

Các cây cau, mía, tre,... có đường kính ngọn và gốc ít chệnh lệch so với các cây thân gỗ là do không có mô phân sinh bên, cây thân gỗ thì có mô phân sinh bên.

Câu 20:

Đáp án A

Sinh trưởng và phát triển không qua biến thái khác sinh trưởng và phát triển qua biến thái không hoàn toàn ở điểm không phải qua giai đoạn lột xác.

Câu 21:

Đáp án B

Hoocmôn testostêrôn kích thích phân hóa tế bào để hình thành các đặc điểm sinh dục phụ thứ cấp, phát triển cơ bắp ở nam.

Câu 22:

Đáp án D

Mô phân sinh đỉnh không có ở thân, hoa, lá.

Câu 23:

Đáp án D

Người ta có thể xác định tuổi cây nhờ vào vòng gỗ trong thân. Vòng năm là những vòng tròn đồng tâm với màu sáng và tối khác nhau.

Câu 24:

Đáp án A

Bạch đàn thường có tốc độ tăng trưởng chiều dài thân nhanh hơn so với lim. Điều này phản ánh vai trò của nhân tố đặc điểm di truyền đối với sự sinh trưởng của thực vật. Hoocmôn thực vật điều tiết tốc độ sinh trưởng của cây.

Câu 25:

Đáp án A

Tia tử ngoại trong ánh sáng có vai trò biến đổi tiền vitamin D thành vitamin D.

Câu 26:

Đáp án B

- Phát triển qua biến thái hoàn toàn có ở đa số các loài côn trùng (bướm, ruồi, ong,…) và lưỡng cư,…

- Châu chấu có hình thức phát triển qua biến thái không hoàn toàn.

Câu 27:

Đáp án A

Khi nói về phát triển qua biến thái hoàn toàn ở bướm, cả 4 phát biểu đều đúng.

Câu 28:

Đáp án B

Ở trẻ em, nếu tuyến yên sản xuất quá nhiều hoocmôn sinh trưởng sẽ gây ra “Người khổng lồ” do GH làm cho cơ, xương phát triển mạnh.

Câu 29:

Đáp án C

Các phát biểu đúng là: (1), (2), (4).

(3) sai vì tốc độ sinh trưởng ở mỗi độ tuổi là khác nhau như ở người, giai đoạn dậy thì có tốc độ sinh trưởng nhanh nhưng tốc độ sinh trưởng sẽ chậm lại ở giai đoạn sau.

(5) sai vì thằn lằn mọc đuôi mới là hình thức tái sinh các bộ phận đã bị tổn thương.

Câu 30:

Đáp án A

Các giải thích đúng là:

(1) Cây mía là cây ngày ngắn vì ra hoa khi độ dài ngày ngắn.

(3) Độ dài đêm mới thực sự chi phối sự ra hoa của cây mía.

(4) Chiếu sáng đèn ban đêm phá vỡ quang chu kì của cây.

(5) Thắp đèn có tác dụng để cây mía không ra hoa đúng thời vụ.

Đề thi giữa học kì 2 Sinh học 11 có đáp án đề số 5

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2022 - 2023

Bài thi môn: Sinh học lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(không kể thời gian phát đề)

Câu 1: Hiện tượng nào sau đây không phải là một phản xạ?

A. Phản ứng co của một bắp cơ tách rời cơ thể khi bị kích thích.

B. Người tiết nước bọt khi thấy me.

C. Khi trời rét, chim xù lông.

D. Gà mẹ xù lông ấp con khi nhận thấy có nguy hiểm.

Câu 2: Cho một số đặc điểm sau:

I. Do tủy sống điều khiển.

II. Di truyền được.

III. Sinh ra đã có. 

IV. Đặc trưng cho từng cá thể.

V. Phải học mới có được.

Đặc điểm của phản xạ không điều kiện là

A. I, II, III.                     

B. II, III, IV.

C. III, IV, V.                   

D. I, II, IV.

Câu 3: Động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch có thể trả lời cục bộ khi bị kích thích vì

A. số lượng tế bào thần kinh tăng lên.

B. mỗi hạch là một trung tâm điều khiển một vùng xác định của cơ thể.

C. các tế bào thần kinh trong hạch nằm gần nhau.

D. các hạch thần kinh liên hệ với nhau.

Câu 4: Chiều hướng tiến hóa về tổ chức thần kinh ở động vật theo trình tự là

A. hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng ống.

B. hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng ống → hệ thần kinh dạng lưới.

C. hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng ống → hệ thần kinh dạng chuỗi hạch.

D. hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng ống.

Câu 5: Trong các tập tính sau đây, tập tính nào là tập tính xã hội?

A. Chim công đực nhảy múa và khoe bộ lông.

B. Chó sói đánh dấu lãnh thổ bằng nước tiểu.

C. Chim bồ câu định hướng bay nhờ từ trường trái đất.

D. Kiến lính hi sinh thân mình để bảo vệ tổ.

Câu 6: Khi trời rét, thấy môi tím tái, sởn gai ốc ta vội tìm áo ấm mặc. Phản ứng thuộc phản xạ có điều kiện trong trường hợp này là

A. môi tím tái.

B. sởn gai ốc.

C. mặc áo ấm.

D. môi tím tái và sởn gai ốc.

Câu 7: Điện thế hoạt động được hình thành trải qua các giai đoạn là

A. mất phân cực, đảo cực, tái phân cực.

B. phân cực, mất phân cực, tái phân cực.

C. mất phân cực, tái phân cực, phân cực.

D. phân cực, đảo cực, tái phân cực.

Câu 8: Mỗi xinap có bao nhiêu loại chất trung gian hóa học?

A. 1.            

B. 3.          

C. 4.           

D. 2.

Câu 9: Thụ thể tiếp nhận chất trung gian hóa học nằm ở

A. màng trước xináp.

B. khe xináp.

C. chùy xináp.

D. màng sau xináp.

Câu 10: Bao miêlin có bản chất là

A. prôtêin.                     

B. phosphôlipit.

C. glicôlipit.                   

D. lipôprôtêin.

Câu 11: Khẳng định nào sau đây khi nói về xináp là sai?

A. Xináp là diện tiệp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào xương.

B. Xináp là diện tiêp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào tuyến.

C. Xináp là diện tiếp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào thần kinh.

D. Xináp là diện tiếp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào cơ.

Câu 12: Tốc độ lan truyền xung thần kinh trên sợi thần kinh vận động và sợi thần kinh giao cảm có thể lần lượt là

A. 120m/s và 240m/s.

B. 100m/s và 100m/s.

C. 10m/s và 120m/s.

D. 100m/s và 4m/s.

Câu 13: Một học sinh A đến nhà học sinh B, những lần đầu khi A đến nhà B đều bị con chó nhà B nuôi sủa. Sau nhiều lần đến nhà B, A đều không gây sự nguy hiểm nào cho con chó nên chó không còn sủa nữa khi A đến. Đây là ví dụ về hình thức học tập nào ở động vật?

A. Quen nhờn.               

B. In vết.

C. Điều kiện hóa.           

D. Học ngầm.

Câu 14: Thầy dạy môn Toán yêu cầu bạn giải một bài tập đại số mới. Dựa vào những kiến thức đã có, bạn đã giải được bài tập đó. Đây là ví dụ về hình thức học tập nào sau đây?

A. Điều kiện hóa đáp ứng.

B. Học khôn.

C. Điều kiện hóa hành động.

D. Học ngầm.

Câu 15: Sinh trưởng của thực vật là quá trình tăng về kích thước của cơ thể do

A. tăng kích thước và số lượng của tế bào

B. tăng khối lượng và kích thước của tế bào.

C. tăng tốc độ quá trình tích luỹ dưỡng chất.

D. tăng số lượng và khối lượng của tế bào.

Câu 16: Cho các quá trình sau:

1. Sinh trưởng;

2. Phân bào;

3. Phân hóa;

4. Tích lũy dưỡng chất;

5. Phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể.

Phát triển của cơ thể thực vật là toàn bộ những biến đổi diễn ra theo chu trình sống gồm ba quá trình có liên quan với nhau là

A. 1 ; 4 ; 5.                                       

B. 1 ; 2 ; 4.

C. 1 ; 2 ; 5.                                       

D. 1 ; 3 ; 5.

Câu 17: Sinh trưởng thứ cấp là sự tăng trưởng bề ngang của cây

A. do mô phân sinh lóng của cây Một lá mầm tạo ra.

B. do mô phân sinh lóng của cây tạo ra.

C. do mô phân sinh bên của cây tạo ra.

D. do mô phân sinh đỉnh của cây thân gỗ tạo ra.

Câu 18: Giải phẫu mặt cắt ngang thân sinh trưởng thứ cấp theo thứ tự từ ngoài vào trong thân là

A. Bần → Tầng sinh bần → Mạch rây sơ cấp → Mạch rây thứ cấp → Tầng sinh mạch → Gỗ thứ cấp → Gỗ sơ cấp → Tuỷ.

B. Bần → Tầng sinh bần → Mạch rây thứ cấp → Mạch rây sơ cấp → Tầng sinh mạch → Gỗ thứ cấp → Gỗ sơ cấp → Tuỷ.

C. Bần → Tầng sinh bần → Mạch rây sơ cấp → Mạch rây thứ cấp → Tầng sinh mạch → Gỗ sơ cấp → Gỗ thứ cấp → Tuỷ.

D. Tầng sinh bần → Bần → Mạch rây sơ cấp → Mạch rây thứ cấp → Tầng sinh mạch → Gỗ thứ cấp → Gỗ sơ cấp → Tuỷ.

Câu 19: Tuổi của cây một năm được xác định theo

A. số lóng.                     

B. số chồi nách.

C. số cành.                   

D. số lá.

Câu 20: Loại cây nào sau đây có cả sinh trưởng sơ cấp, sinh trưởng thứ cấp?

A. Cây thân gỗ còn non.

B. Cây thân gỗ trưởng thành.

C. Cây mía.

D. Tất cả đều đúng.

Câu 21: Nhân tố nào sau đây là nhân tố bên trong tác động tới sinh trưởng của thực vật?

A. Hoocmôn.                 

B. Nhiệt độ.

C. Nước.                       

D. Ánh sáng.

Câu 22: Trạng thái thức, ngủ của hạt được điều biết bởi các hoocmôn là

A. axit abxixic và gibêrêlin.

B. xitôkinin và êtilen.

C. auxin và xitôkinin.

D. gibêrêlin và êtilen.

Câu 23: Quá trình phát triển của động vật gồm 2 giai đoạn là

A. giai đoạn con non và giai đoạn trưởng thành

B. giai đoạn sinh trưởng và giai đoạn phát triển.

C. giai đoạn trứng và giai đoạn con non.

D. giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi.

Câu 24: Trong quá trình phát triển của động vật, sự thay đổi đột ngột về hình thái, cấu tạo và sinh lí của cơ thể sau khi sinh ra hoặc nở từ trứng ra được gọi là

A. đột biến.                   

B. biến thái.

C. biến động.               

D. biến đổi.

Câu 25: Thứ tự các giai đoạn phát triển của bướm là

A. Sâu bướm - Hợp tử - Bướm trưởng thành - Nhộng - Bướm chui ra từ nhộng.

B. Hợp tử - Sâu bướm - Nhộng - Bướm chui ra từ nhộng - Bướm trưởng thành.

C. Bướm trưởng thành - Nhộng - Sâu bướm - Bướm chui ra từ nhộng - Hợp tử.

D. Hợp tử - Nhộng - Sâu bướm - Bướm chui ra từ nhộng - Bướm trưởng thành.

Câu 26: Cho các hoocmôn liên quan đến sinh trưởng và phát triển ở động vật:

1. Testostêrôn.

2. Hormone sinh trưởng.

3. Juvenin

4. Ơstrôgen.

5. Ecđixơn.

6. Tirôxin.

Hoocmôn điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật có xương sống gồm

A. 1, 2, 4, 6.                                     

B. 1, 3, 4, 6.

C. 2, 3, 5, 6.                                     

D. 4, 6.

Câu 27: Khi nói về hoocmôn tirôxin, phát biểu nào sau đây sai?

A. Thiếu iốt trong thức ăn và nước dẫn đến thiếu tirôxin.

B. Kích thích chuyển hóa ở tế bào, kích thích quá trình sinh trưởng và phát triển bình thường của cơ thể.

C. Hoocmôn tirôxin do tuyến yên tiết ra.

D. Đối với lưỡng cư, tirôxin gây biến thái từ nòng nọc thành ếch.

Câu 28: Nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật và người chính là

A. nhiệt độ.                   

B. ánh sáng

C. thức ăn.                   

D. hàm lượng ôxi.

Câu 29: Tại sao khi thiếu iốt trẻ em lại chậm lớn, chịu lạnh kém và có trí tuệ chậm phát triển?

(1) Thiếu iốt dẫn đến thiếu tirôxin (vì iôt là thành phần tạo nên tirôxin).

(2) Thiếu tirôxin làm giảm quá trình chuyển hoá và giảm khả năng sinh nhiệt.

(3) Thiếu tirôxin làm giảm quá trình phân chia và lớn lên của tế bào nên số lượng tế bào nói chung và cả tể bào thần kinh nói riêng giảm dẫn đến trí tuệ kém phát triển, cơ thể chậm lớn.

Phương án đúng là

A. (1) và (2).                 

B. (1), (2) và (3).

C. (2) và (3).                 

D. (1) và (3).

Câu 30: Có bao nhiêu phát biểu đúng khi cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm?

(1) Tia tử ngoại có trong thành phần ánh sáng yếu vào sáng sớm, chiều tối làm cho tiền vitamin D biến đổi thành vitamin D.

(2) Vitamin D có vai trò chuyển hoá canxi vào xương giúp trẻ sinh trưởng và phát triển tốt.

(3) Ánh sáng yếu có tác dụng diệt khuẩn tạo điều kiện cho trẻ sinh trưởng tốt.

(4) Tia hồng ngoại có trong thành phần ánh sáng yếu vào sáng sớm, chiều tối làm cho tiền vitamin D biến đổi thành vitamin D.

A. 1.           

B. 2.           

C. 3.           

D. 4.

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

1 - A

2 - A

3 - B

4 - A

5 - D

6 - C

7 - A

8 - A

9 - D

10 - B

11 - A

12 - D

13 - A 

14 - B

15 - A 

16 - D

17 - C

18 - A

19 - D

20 - B

21 - A

22 - A

23 - D

24 - B

25 - B

26 - A

27 - C

28 - C

29 - B 

30 - B

Câu 1:

Đáp án A

Phản xạ là cảm ứng ở động vật thông qua hệ thần kinh. Vậy phản ứng co của một bắp cơ tách rời cơ thể khi bị kích thích không phải phản xạ vì không có đủ các thành phần của 1 cung phản xạ.

Câu 2:

Đáp án A

Đặc điểm của phản xạ không điều kiện là:

I. Do tủy sống điều khiển

II. Di truyền được.

III. Sinh ra đã có.

Câu 3:

Đáp án B

Động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch có thể trả lời cục bộ khi bị kích thích vì mỗi hạch là một trung tâm điều khiển một vùng xác định của cơ thể. Ví dụ, châu chấu có thể co 1 chân khi bị kích thích vào chân đó.

Câu 4:

Đáp án A

Chiều hướng tiến hóa về tổ chức thần kinh ở động vật theo trình tự là hệ thần kinh dạng lưới → hệ thần kinh dạng chuỗi hạch → hệ thần kinh dạng ống.

Câu 5:

Đáp án D

A: tập tính sinh sản.

B: Tập tính bảo vệ lãnh thổ.

C: Tập tính di cư.

D: Tập tính vị tha (tập tính xã hội).

Câu 6:

Đáp án C

Phản ứng thuộc phản xạ có điều kiện trong trường hợp này là mặc áo ấm.

Còn môi tím tái, sởn gai ốc là phản xạ không điều kiện.

Câu 7:

Đáp án A

Điện thế hoạt động được hình thành trải qua các giai đoạn: mất phân cực, đảo cực, tái phân cực.

Câu 8:

Đáp án A

Mỗi xinap chỉ có 1 loại chất trung gian hóa học. Chất trung gian hóa học phổ biến nhất ở thú là axêtincôlin và noradrênalin.

Câu 9:

Đáp án D

Thụ thể tiếp nhận chất trung gian hóa học nằm ở màng sau xinap.

Câu 10:

Đáp án B

Bao miêlin có bản chất là phosphôlipit.

Câu 11:

Đáp án A

Phát biểu sai về xináp là A, xináp là diện tiếp xúc giữa tế bào thần kinh với tế bào cơ, tuyến, thần kinh.

Câu 12:

Đáp án D

Trên sợi thần kinh vận động có bao miêlin nên tốc độ lan truyền nhanh, trên sợi thần kinh giao cảm, không có bao miêlin nên tốc độ lan truyền thấp hơn nhiều.

Câu 13:

Đáp án A

Đây là ví dụ về hình thức học tập quen nhờn: động vật phớt lờ, không trả lời những kích thích lặp lại nhiều lần mà không kèm theo nguy hiểm.

Câu 14:

Đáp án B

Đây là ví dụ về hình thức học khôn, chỉ có ở con người và động vật thuộc bộ Linh trưởng.

Câu 15:

Đáp án A

Sinh trưởng của thực vật là quá trình tăng về kích thước của cơ thể do tăng kích thước và số lượng của tế bào.

Câu 16:

Đáp án D

Phát triển của cơ thề thực vật là toàn bộ những biến đổi diễn ra theo chu trình sống gồm ba quá trình có liên quan với nhau là:

1. Sinh trưởng

3. Phân hóa

5. Phát sinh hình thái tạo nên các cơ quan của cơ thể

Câu 17:

Đáp án C

Sinh trưởng thứ cấp là sự tăng trưởng bề ngang của cây do mô phân sinh bên của cây tạo ra. 

Câu 18:

Đáp án A

Giải phẫu mặt cắt ngang thân sinh trưởng thứ cấp theo thứ tự từ ngoài vào trong thân là: Bần → Tầng sinh bần → Mạch rây sơ cấp → Mạch rây thứ cấp → Tầng sinh mạch → Gỗ thứ cấp → Gỗ sơ cấp → Tuỷ.

 [Năm 2022] Đề thi Giữa kì 2 Sinh học lớp 11 có đáp án (6 đề)

Câu 19:

Đáp án D

Tuổi của cây một năm được xác định theo số lá.

Câu 20:

Đáp án B

Cây gỗ trưởng thành có cả sinh trưởng sơ cấp và thứ cấp.

Câu 21:

Đáp án A

Hoocmôn là nhân tố bên trong tác động tới sinh trưởng của thực vật.

Câu 22:

Đáp án A

Trạng thái thức, ngủ của hạt được điều biết bởi các hoocmôn axit abxixic và gibêrêlin.

Câu 23:

Đáp án D

Quá trình phát triển của động vật gồm 2 giai đoạn là giai đoạn phôi và giai đoạn hậu phôi.

Câu 24:

Đáp án B

Trong quá trình phát triển của động vật, sự thay đổi đột ngột về hình thái, cấu tạo và sinh lí của cơ thể sau khi sinh ra hoặc nở từ trứng ra được gọi là biến thái.

Câu 25:

Đáp án B

Thứ tự các giai đoạn phát triển của bướm là: Hợp tử - Sâu bướm - Nhộng - Bướm chui ra từ nhộng - Bướm trưởng thành.

Câu 26:

Đáp án A

- Hoocmôn điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật có xương sống gồm: 1. Testostêrôn. 2. Hormone sinh trưởng; 4. Ơstrôgen; 6. Tirôxin.

- 3. Juvenin; 5. Ecđixơn là hoocmôn điều khiển sinh trưởng và phát triển ở động vật không xương sống.

Câu 27:

Đáp án C

Phát biểu sai về hoocmôn tirôxin là C, tirôxin do tuyến giáp tiết ra.

Câu 28:

Đáp án C

Thức ăn là nhân tố bên ngoài có ảnh hưởng mạnh nhất đến quá trình sinh trưởng và phát triển của động vật và người.

Câu 29:

Đáp án B

(1) Thiếu iôt dẫn đến thiếu tirôxin (vì iốt là thành phần tạo nên tirôxin).

(2) Thiếu tirôxin làm giảm quá trình chuyển hoá và giảm khả năng sinh nhiệt.

(3) Thiếu tirôxin làm giảm quá trình phân chia và lớn lên của tế bào nên số lượng tế bào nói chung và cả tể bào thần kinh nói riêng giảm dẫn đến trí tuệ kém phát triển, cơ thể chậm lớn.

→ Khi thiếu iôt trẻ em lại chậm lớn, chịu lạnh kém và có trí tuệ chậm phát triển.

Câu 30:

Đáp án B

Khi cho trẻ tắm nắng vào sáng sớm thì:

(1) Tia tử ngoại có trong thành phần ánh sáng yếu vào sáng sớm, chiều tối làm cho tiền vitamin D biến đổi thành vitamin D.

(2) Vitamin D có vai trò chuyển hoá canxi vào xương giúp trẻ sinh trưởng và phát triển tốt.

Ý (3) sai, mục đích của tắm nắng không phải để diệt khuẩn

Ý (4) sai, tia hồng ngoại không có tác dụng làm cho tiền vitamin D → vitamin D.

Đề thi giữa học kì 2 Sinh học 11 có đáp án đề số 6

Phòng Giáo dục và Đào tạo .....

Đề khảo sát chất lượng Giữa kì 2

Năm học 2022 - 2023

Bài thi môn: Sinh học lớp 11

Thời gian làm bài: 45 phút

(không kể thời gian phát đề)

A. Trắc nghiệm (4 điểm)

Câu 1: Sự kiện nào không xảy ra trong quá trình truyền tin qua xináp?

A. Các chất trung gian hóa học gắn vào thụ thể màng sau làm xuất hiện xung thần kinh rồi lan truyền đi tiếp.

B. Các chất trung gian hóa học được giải phóng vào khe xináp.

C. Xung thần kinh lan truyền tiếp từ màng sau đến màng trước.

D. Xung thần kinh lan truyền đến làm Ca2+ đi vào trong chùy xináp.

Câu 2: Tập tính ở động vật được chia thành các loại chính gồm

A. bẩm sinh, hỗn hợp.   

B. bẩm sinh, học được.

C. tự nhiên, học được. 

D. học được, hỗn hợp.

Câu 3: Ngỗng con mới nở chạy theo người chủ trang trại là hình thức học tập

A. quen nhờn.               

B. điều kiện hoá.

C. in vết.                        

D. học ngầm.

Câu 4: Những động vật nào sau đây phát triển qua biến thái hoàn toàn?

A. Bướm, châu chấu, gián. 

B. Bướm, ruồi, ong, lưỡng cư.

C. Ruồi, ong, châu chấu. 

D. Lưỡng cư, bò sát, châu chấu.

Câu 5: Hoocmôn ra hoa được hình thành ở lá là

A. florigen.                    

B. auxin. 

C. phitôcrom.                

D. xitôkinin.

Câu 6: Mối quan hệ giữa sinh trưởng và phát triển thể hiện trong chu trình sống của thực vật là

A. sinh trưởng diễn ra trước, phát triển diễn ra sau.

B. sinh trưởng là cơ sở cho phát triển, phát triển thúc đẩy sinh trưởng.

C. sinh trưởng là kết quả của phát triển, phát triển là cơ sở cho sinh trưởng.

D. sinh trưởng bao hàm cả phát triển, phát triển gắn liển với sinh trưởng.

Câu 7: Quan sát hình ảnh bên cho biết có bao nhiêu thông tin nào sau đây là chính xác?

 [Năm 2022] Đề thi Giữa kì 2 Sinh học lớp 11 có đáp án (6 đề)

(1) Đây là vòng đời của sinh vật có kiểu phát triển qua biến thái hoàn toàn.

(2) Giai đoạn 1, 2 sống trong môi trường nước, giai đoạn 3, 4 sống trên cạn.

(3) Đặc điểm sinh lí của sinh vật ở giai đoạn 2, 4 là tương tự nhau.

(4) Muốn hạn chế tối đa tác hại do sinh vật này phải diệt sinh vật này ở giai đoạn 4.

A. 2.           

B. 3.           

C. 4.           

D. 1.

Câu 8: Vào mùa lạnh, cần cho bê nghé ăn nhiều hơn so với bình thường để

A. tạo điều kiện cho cho bê nghé tiêu hóa nhanh khi nhiệt độ môi trường xuống thấp.

B. bù lại lượng chất hữu cơ bị phân hủy trong cơ thể dùng cho bê nghé chống lạnh.

C. thúc cho bê nghé sinh trưởng nhanh, dự trữ chất dinh dưỡng cho mùa nóng.

D. tăng cường thời gian nhai lại khi bê nghé không được chăn thả ngoài trời.

B. Tự luận (6 điểm)

Câu 1 (2 điểm): Khi bị kích thích, phản ứng của động vật có hệ thần kinh ống có gì khác với động vật có hệ thần kinh dạng lưới và hệ thần kinh dạng chuỗi hạch? Cho ví dụ minh họa.

Câu 2 (1 điểm): Có hai khóm lúa A và B cùng 1 giống. Khi chín, người ta cắt hết bông của khóm A và giữ nguyên bông của khóm B. Sau hai tuần, các lá dưới bông ở khóm A vẫn xanh còn các lá dưới bông ở khóm B đều vàng hết. Hãy giải thích hiện tượng trên?

Câu 3 (2 điểm): 

a. Cho biết các hiện tượng sau đây liên quan đến những hoocmôn nào?

Hiện tượng

Hoocmôn

Các mô và cơ quan cũ của sâu biến mất, các mô và cơ quan mới của nhộng được hình thành.

 

Nòng nọc nhanh chóng biến thành ếch nhái con.

 

Người trưởng thành cao 155 cm, người cân đối.

 

Quá trình biến đổi sâu thành nhộng bị ức chế.

 

Bệnh nhân bị lồi mắt, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng, hồi hộp, lo lắng, khó ngủ.

 

Gà trống không phát triển bình thường: mào nhỏ, cựa không phát triển, không biết gáy, mất bản năng sinh dục. 

 

b. Tại sao một số loài đẻ trứng có tập tính ấp trứng?

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN LÀM BÀI

A. Trắc nghiệm

1 - C

2 - B

3 - C

4 - B

5 - A

6 - B

7 - A

8 - B

Câu 1:

Đáp án C

Trong quá trình truyền tin qua xináp, xung thần kinh chỉ lan truyền từ màng trước đến màng sau mà không có chiều ngược lại.

Câu 2:

Đáp án B

Tập tính ở động vật được chia thành các loại chính gồm tập tính bẩm sinh và tập tính học được.

Câu 3:

Đáp án C

Ngỗng con mới nở chạy theo người chủ trang trại là hình thức học tập in vết. Nhờ có tập tính này mà ngỗng con sẽ được chăm sóc đầy đủ.

Câu 4:

Đáp án B

- Bướm, ruồi, ong, lưỡng cư là những động vật phát triển qua biến thái hoàn toàn.

- Châu chấu là động vật phát triển qua biến thái không hoàn toàn.

- Bò sát là động vật phát triển không qua biến thái.

Câu 5:

Đáp án A

Hoocmôn ra hoa được hình thành ở lá là florigen.

Câu 6:

Đáp án B

- Sinh trưởng là quá trình tăng kích thước của cơ thể do tăng số lượng và kích thước tế bào.

- Phát triển là quá trình biến đổi bao gồm sinh trưởng, phân hóa (biệt hoá) tế bào và phát sinh hình thái các cơ quan và cơ thể.

→ Sinh trưởng là cơ sở cho phát triển, phát triển thúc đẩy sinh trưởng.

Câu 7:

Đáp án A

- Các phát biểu đúng là: (1), (2)

- (3) sai vì đặc điểm sinh lí của sinh vật ở giai đoạn 2, 4 là khác nhau. Giai đoạn 2 (bọ gậy) sống ở nước, ăn các sinh vật phù du trong nước. Giai đoạn 3 (muỗi trưởng thành) sống ở cạn, hút nhựa mủ hoặc máu động vật.

- (4) sai vì muốn hạn chế tối đa tác hại do sinh vật này thì có thể diệt sinh vật này ở giai đoạn (4) kết hợp với giai đoạn (2), (3).

Câu 8:

Đáp án B

Vào mùa lạnh, cần cho bê nghé ăn nhiều hơn so với bình thường để bù lại lượng chất hữu cơ bị phân hủy trong cơ thể dùng cho bê nghé chống lạnh.

B. Tự luận

Câu 1:

- Khi bị kích thích phản ứng của động vật có hệ thần kinh ống khác với động vật có hệ thần kinh dạng chuỗi hạch và dạng lưới vì: động vật có hệ thần kinh dạng ống có hệ thần kinh (đặc biệt là não bộ) phát triển, có khả năng xử lí thông tin ở mức cao (thu thập, phân tích, so sánh, xử lí thông tin) do vậy việc trả lời kích thích cũng nhanh chóng và chính xác hơn nên hiệu quả cao hơn và ít tiêu tốn năng lượng hơn.

- Ví dụ: khi có một vật nhọn chạm vào cơ thể thủy tức (hệ thần kinh dạng lưới) thì toàn bộ cơ thể thủy tức co rụt lại. Khi vật nhọn chạm vào cơ thể giun đốt (hệ thần kinh dạng chuỗi hạch) thì một phần cơ thể co lại, tốc độ nhanh hơn so với thủy tức. Khi vật nhọn bất ngờ chạm vào tay người (hệ thần kinh dạng ống) thì người lập tức rụt tay lại, tốc độ rất nhanh.

Câu 2: 

- Lá có màu vàng là do chlorophyl bị phân hủy và không được tổng hợp nên trong lá hàm lượng carôtenôit chiếm ưu thế.

- Chlorophyl được bảo vệ bởi hoocmôn xitôkinin, hoocmôn xitôkinin này được tổng hợp ở rễ rồi đưa lên ngọn và lá có vai trò trẻ hóa, ngăn chặn sự hóa già.

+ Khi lúa chín xitôkinin được tổng hợp ít → đẩy nhanh quá trình phân giải chlorophyl → cả bông và lá đều vàng.

+ Khi cắt bông, xitôkinin tập trung vào lá mà không phải đưa lên bông → chậm phân giải chlorophyl → lá lúa vẫn xanh.

Câu 3:

a. 

Hiện tượng

Hoocmôn

Các mô và cơ quan cũ của sâu biến mất, các mô và cơ quan mới của nhộng được hình thành.

Ecđixơn

Nòng nọc nhanh chóng biến thành ếch nhái con.

Tirôxin

Người trưởng thành cao 155 cm, người cân đối.

Hoocmôn sinh trưởng

Quá trình biến đổi sâu thành nhộng bị ức chế.

Juvenin

Bệnh nhân bị lồi mắt, tim đập nhanh, thân nhiệt tăng, hồi hộp, lo lắng, khó ngủ. 

Tirôxin

Gà trống không phát triển bình thường: mào nhỏ, cựa không phát triển, không biết gáy, mất bản năng sinh dục. 

Testostêrôn

b. Một số loài đẻ trứng có tập tính ấp trứng vì việc ấp trứng sẽ có tác dụng duy trì nhiệt độ thích hợp cho phôi phát triển.

1 1,516 28/12/2022
Tải về