TOP 12 mẫu Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (2024) SIÊU HAY

Trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống lớp 7 Chân trời sáng tạo gồm dàn ý và 12 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 58158 lượt xem
Tải về


Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống

Đề bài: Hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống

Dàn ý Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống

- Mở bài:

+ Giới thiệu được câu tục ngữ hoặc danh ngôn cần bàn luận

+ Thể hiện rõ ràng ý kiến của người viết về vấn đề ấy.

- Thân bài:

+ Giải thích vấn đề cần bàn luận;

+ Đưa ra hai lí lẽ cụ thể để lí giải cho ý kiến của người viết;

+ Sắp xếp các lí lẽ, bằng chứng theo trình tự hợp lí.

- Kết bài:

+ Khẳng định lại ý kiến

+ Đưa ra bài học nhận thức và phương hướng hành động

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 1)

Trong cuộc sống của chúng ta, mấy ai đạt được thành công mà không trải qua khó khăn gian khổ. Bởi đường đời có lắm chông gai chứ không bằng phẳng như ta tưởng. Nếu ta nản lòng, thiếu ý chí khi bắt tay vào việc nhất là những công việc khó khăn, to lớn thì chắc chắn ta sẽ thất bại mà thôi.

Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo - Gõ Tiếng Việt

Để nhắc nhở chúng ta bài học rèn luyện ý chí và lòng quyết tâm, ông bà ta xưa có dạy: “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Đọc câu tục ngữ, hình ảnh hiện ra trước mắt ta là những cuộn sóng to giữa một dòng sòng rông lớn mênh mông mà trên dòng sông đó một chiếc thuyền bé nhỏ đơn độc đang chơi vơi. Quả nhiên trước “sóng cả” này ai không lo sợ, không ngại cho số phận con thuyền, cho những người trong thuyền ây. Thường thì những làn sóng to này là nguyên nhân gây ra chết chóc, gây ra tai họa cho con người. Nhưng cũng không hẳn là thế. Bởi lẽ con người có thể chinh phục được thiên nhiên thì cũng có thể vượt được “sóng cả” này. Nếu người lái thuyền vẫn vững tay lái, tay chèo, bình tĩnh đối phó với mọi tình hình, qụyết tâm chèo để vượt qua cơn sóng cả ta tin chắc rằng con người sẽ chiến thắng. Ở đây “sóng cả" là muốn đề cập đến những việc lớn lao, khó khăn gian khổ. Đứng trước những trở ngại này ta đìtng vội nản lòng ngã chí, đừng vội “ngã tay chèo” mà phải vũng lòng, quyết tâm thì sẽ vượt qua, đi đến thắng lợi.

Câu tục ngữ là một bài học giáo dục về ý chí, nghị lực của ông cha ta từ ngàn xưa nhằm dạy dỗ lớp con cháu sau này. Lời dạy trên là phương châm cho mọi hành động của chúng ta, nó nhắc nhở ta phải luôn đề cao tinh thăn vượt khó, giữ vững ý chí, quyết tâm của mình – ta không quên “có chí thì nên”.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 2)

Dân tộc Việt Nam vốn có truyền thống đạo lí vô cùng tốt đẹp, được xây dựng và phát triển trên nền tảng của tư tưởng nhân đạo. Một trong những tiêu chuẩn đánh giá phẩm chất đạo đức của con người chính là lòng nhân ái và lối sống vị tha. Từ xưa, ông cha ta đã quan tâm dạy dỗ con cháu những bài học đạo lí qua ca dao, tục ngữ mà câu: Thương người như thể thương thân là một ví dụ điển hình.

Thế nào là thương thân? Thương thân là thương mình xót xa cám cảnh cho mình khi lâm vào cảnh đói không cơm, rét không áo, ốm không thuốc và lúc hoạn nạn không ai giúp đỡ. Thế nào là thương người? Người ở đây là mọi người sống quanh ta; là anh em, cha mẹ, xóm giềng cùng chung quê hương, đất nước. Thương người như thể thương thân có nghĩa là ta yêu quý bản thân ta thế nào thì hãy chia sẻ, cảm thông, thương yêu người khác như thế. Nếu ta từng trải qua đau đớn, bệnh hoạn, ngặt nghèo thí khi thấy người khác lâm vào cảnh ngộ tương tự, ta hãy thương xót, cảm thông, giúp đỡ, quan tâm đến họ như đối với chính ta vậy.

Nhưng để có được một lối sống nhân ái cao cả quả không phải là một chuyện dễ dàng. Phải có một tấm lòng trong sáng, một trái tim nhân hậu và giàu đức hi sinh mà tất cả những điều ấy là kết quả của một quá trình tu tâm, dưỡng tính lâu dài.'

Câu tục ngữ sau khuyên chúng ta điều gì? Chớ thấy sóng cả mà ngã tay c

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 3)

Xã hội ngày nay ngày càng tiến bộ, đòi hỏi con người phải nỗ lực không ngừng để không bị tụt hậu. Vậy nên những khó khăn, thử thách là điều không thể thiếu trong quá trình này và việc chúng ta cần làm là phải vượt qua nó. Điều này thật đúng với câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”.

Trước hết ta có 2 cách hiểu cho câu tục ngữ này. Một là nghĩa đen, chúng ta có thể hiểu rằng câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta khi chèo thuyền, đừng có vì sóng qua to mà ngã tay chèo. Hai là nghĩa bóng, sóng cả có thể hiểu là những khó khăn, thử thách trong cuộc sống thực, ngã tay chèo là ẩn dụ cho sự nạn chí, từ bỏ, phó mặc cho số phận trước những khó khăn. Như vậy, ta có thể hiểu một cách đầy đủ rằng câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta trong cuộc sống khó khăn, thử thách là điều không thể thiếu trong quá trình đi đến thành công của mỗi người, chúng ta không nên dễ dàng bỏ cuộc với những lí do vì nó quá khó, không thể làm được… Mọi nỗ lực đều sẽ nhận được đền đáp xứng đáng, điều quan trọng là chúng ta không bỏ cuộc.

Không như một số câu tục ngữ khác không còn phù hợp với xã hội hiện nay, câu tục ngữ này của ông cha ta vẫn còn nguyên giá trị cho đến ngày nay. Đặc biệt khi con người trong xã hội đều đang không ngừng tiến lên phía trước như đang chạy đua. Đó chính là đường đua đi đến thành công. Có biết bao người đã bỏ cuộc trên con đường đi đến thành công của mình và hối hận. Nhưng có những người không hề bỏ cuộc, họ chính là những tay đua thực sự. Không hề ngã tay chèo, lơ là, mất cảnh giác trước những thử thách. Họ vẫn tiến về phía trước và tin vào thành quả cuối cùng sẽ là xứng đáng.

Mọi thứ trên đời đều có cái giá của nó, câu tục ngữ “Chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” nhắc nhở chúng ta đừng bao giờ bỏ cuộc và bạn sẽ nhận được những thứ thuộc về mình. Vậy nên, mỗi người chúng ta thay vì chạy trốn, từ bỏ khi gặp khó khăn, chúng ta hay đương đầu với nó để tìm ra thành công cho riêng mình.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 4)

Trong cuộc sống, con người ta đều có những thành công đạt được và những ước mơ muốn vươn tới. Và để thực hiện được điều đó thì ta phải có lòng kiên trì, bền bỉ, nỗ lực. Chính vì vậy ông cha ta đã có câu: “Có công mài sắt, có ngày nên kim” để động viên, khích lệ hay nói một cách khác là khuyên răn con cháu, dạy bảo những kinh nghiệm trong đời thường, cuộc sống. Câu tục ngữ được chia làm hai vế, mỗi vế có 4 từ. Hai vế này có hai cặp từ tương ứng với nhau: “Có công – có ngày; mài sắt – nên kim”. Một vế chỉ sự nỗ lực, một vế chỉ thành quả đạt được.

Cây kim tuy nhỏ nhưng nó rất có ích, tròn trịa, trơn bóng, sắc nét. Để mài được một cây kim như vậy thì thật là khó. Câu tục ngữ này mượn hình ảnh cây kim để nói lên được phẩm chất cao quý truyền thống của dân tộc Việt Nam từ hàng nghìn đời nay. Từ những việc nhỏ như quét nhà, nấu cơm đến những việc lớn như xây dựng đất nước, chống giặc ngoại xâm.

Những thành tựu hiện nay mà ông cha ta đạt được đã minh chứng cho điều đó. Những tháp chùa cổ kính có giá trị, một số công trình nghệ thuật nổi tiếng như tháp Chương Sơn, chuông chùa Trùng Quang… với những đường nét hoa văn thanh thoát, mạnh mẽ, thể hiện tinh thần thượng võ, yêu nước. Và một thành tựu lớn nhất của ông cha ta đó chính là xây dựng nên được một quốc gia văn minh, nhân dân đồng lòng, đất nước yên bình. Công cuộc dựng, giữ, phát huy, đổi mới đất nước đó đã thể hiện được sự bền bỉ, chịu thương chịu khó, sự sáng tạo, lao động kiên cường của ông cha ta. Trong lao động sản xuất, nhân dân ta cũng đã có những việc làm và kết quả đạt được để khẳng định ý nghĩa của câu tục ngữ trên là hoàn toàn đúng.

Từ xưa tới giờ, đất nước ta đã gặp phải những khó khăn rất lớn, từ những thảm hoạ thiên nhiên như lụt lội, bão bùng đến những cuộc chiến tranh do con người tạo ra nhưng nhờ sự cố gắng, chịu đựng, vượt khó mà chúng ta đã khắc phục được những trở ngại đó. Và trong học tập thì điều đó lại càng được khẳng định rõ nét hơn. Những em bé chập chững bước vào lớp một, tập toẹ đánh vần, viết chữ đến những năm tháng tiếp theo lên lớp, phải kiên trì cần cù mới mong đạt được kết quả tốt trên con đường học tập của mình.

Trong đường đời cũng vậy, những danh nhân, thương gia, thi sĩ, nhà nho, nhà văn nổi tiếng cũng từng phải vất vả, hi sinh, sử dụng những kiến thức mình có nhưng không thể thiếu đi và phải luôn gắn liền với sự kiên trì, chuyên cần, sáng tạo mới có thể thành đạt.

Những tấm gương chăm học, những tấm gương chịu khó như Bác Hồ là một điển hình rõ nét nhất. Bác đã phải vất vả làm việc, chịu khó học tiếng nước ngoài, đi bôn ba khắp nơi để tìm đường cứu nước. Thật hiếm ai như vậy! Và cũng nhờ những sự nỗ lực đó mà đất nước ta mới được tự hào về một danh nhân, một vị lãnh tụ vĩ đại nổi tiếng mà khắp năm, châu bốn bể đều biết tới.

Câu tục ngữ trên với hình thức ngôn từ dân dã nhưng thật ngắn gọn súc tích, bao hàm những ý nghĩa sâu xa. Đó chính là những đúc kết lâu đời trong quá trình lao động, kinh nghiệm chiến đấu, sản xuất và cả trong đời thường cuộc sống của ông cha ta. Nó như một bài học quý báu, một thông điệp hữu dụng, một lời dạy chân tình rằng: “Hãy biết tu dưỡng, rèn luyện những đức tính, phẩm chất kiên trì, nhẫn nại, chịu khó, cần cù, sáng tạo, kết hợp với khả năng vốn có của bản thân để làm nên một sức mạnh vô địch vượt mọi gian truân, vất vả trong cuộc sống, những trở ngại éo le nhất mà đi tới thành công, thắng lợi”. Nào chúng ta hãy bắt đầu bằng những việc nhỏ nhất như học tập chăm chỉ, lao động cần cù để trở thành con ngoan trò giỏi, trở thành chủ nhân tương lai của đất nước nhé!

Giải thích câu tục ngữ Đi một ngày đàng học một sàng khôn (Dàn ý 15 mẫu)

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 5)

Xã hội loài người phát triển được như ngày nay là nhờ quá trình tìm hiểu nhận thức, tích lũy và không ngừng nâng cao trí thức của tất cả các dân tộc trên thế giới. Trí thức rất cần thiết đối với con người. Muốn có tri thức thì phải học hỏi. Học trong sách vở, học từ thực tế cuộc sống. Ông cha ta xưa kia đã nhận thức rất đúng đắn về sự cần thiết của việc mở rộng phạm vi không gian học tập đối với mỗi người nên đã khuyên nhủ, động viên con cháu: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn.

Xã hội Việt Nam trước đây là xã hội phong kiến còn nhiều bảo thủ, lạc hậu. Người dân quanh năm suốt tháng chỉ quanh quẩn trong lũy tre xanh, ranh giới của cộng đồng làng xã. Có người suốt đời chẳng bước ra khỏi cổng làng. Số người được đi xa để ăn học hoặc làm việc rất hiếm hoi. Vì vậy, trình độ hiểu biết của mọi người nói chung khó mà mở rộng hoặc nâng cao lên được.

Tuy vậy, giữa sự ràng buộc của tư tưởng bảo thủ, lạc hậu vẫn lóe lên những tia sáng nhận thức về sự cần thiết phải học hỏi để nâng cao hiểu biết. Đi một ngày đàng, học một sàng khôn. Chỉ cần đi "một ngày đàng" (ý nói thời gian ít ỏi và quãng đường không xa là bao) thì ta đã học được một sàng khôn. Đây là hình ảnh cụ thể, gần gũi chứa đựng một khái niệm trừu tượng là sự hiểu biết của con người. Nếu chịu khó đi thì ta sẽ tiếp thu được nhiều bài học bổ ích trong cuộc đời, bởi trên khắp các nẻo đường đất nước, nơi nào cũng có vô vàn những điều hay, điều lạ.

Để động viên tinh thần con cháu, dân gian đã có những câu nội dung tương tự như câu tục ngữ trên: Làm trai cho đáng nên trai, Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng; Làm trai đi đó đi đây, Ở nhà với mẹ biết ngày nào khôn. Điều đó chứng tỏ ông cha ta đã nhận thức được việc đi xa, mạnh dạn bước vào trường đời để học hỏi là điều quan trọng, cần thiết và đáng khuyến khích.

Hiểu biết càng nhiều, con người càng có cách xử thế đúng đắn trong quan hệ gia đình và xã hội. Trình độ hiểu biết tạo điều kiện cho ta làm việc tốt hơn, đạt hiệu quả cao hơn, giúp ích cho gia đình và xã hội được nhiều hơn.

Trong giai đoạn đổi mới hiện nay, việc học để mở mang nhận thức và hiểu biết của mỗi người càng trở nên cấp bách. Muốn xóa bỏ tình trạng lạc hậu, muốn rút ngắn khoảng cách giữa nước ta với các nước phát triển trên thế giới , chúng ta chỉ có một con đường là học: Học, học nữa, học mãi như lời Lê-nin đã dạy. Vấn đề đặt ra là học những điều hay, lẽ phải, những điều thiết thực, bổ ích cho sự nghiệm xây dựng đất nước; tránh điều dở, điều xấu có hại đến bản thân, gia đình và xã hội.

Hiện nay, chuyện đi đó đi đây không còn là chuyện hiếm có như ngày xưa. Ai cũng có quyền tự do đi lại, học hành, kể cả ra nước ngoài. Học hỏi bằng con đường tham quan, du lịch; học hỏi bằng con đường du học. Nhưng mục đích cuối cùng vẫn là để tiếp thu những kinh nghiệm, những kiến thức khoa học, tiến bộ của nhân loại nhằm phục vụ công cuộc xây dựng và phát triển Việt Nam thành một đất nước giàu mạnh mà vẫn giữ được bản sắc và truyền thống dân tộc.

Học hỏi không phải là chuyện ngày một, ngày hai mà là chuyện của cả đời người. Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở cuộc sống. Việc nâng cao hiểu biết là rất quan trọng và cần thiết đối với mỗi người. Vì vậy chúng ta phải có mục đích và phương pháp học tập đúng đắn để đạt được hiệu quả cao. Có tri thức chúng ta mới làm chủ được bản thân, mới đóng góp hữu ích cho gia đình, xã hội. Học vấn làm đẹp con người. Đó cũng là điều ông cha gửi gắm đến chúng ta. Câu tục ngữ: Đi một ngày đàng, học một sàng khôn là lời khuyên quý báu của người xưa; đến nay nó vẫn được lưu giữ trong hành trang của tuổi trẻ trên con đường xây dựng sự nghiệp.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 6)

Dân tộc Việt Nam được biết đến từ xưa đến nay với tinh thần tương thân tương ái. Đó là một trong những phẩm chất tốt đẹp của con người Việt Nam. Vì vậy, ông cha ta đã có câu tục ngữ: “Lá lành đùm lá rách” như một lời khuyên nhủ thế hệ sau giữ vững truyền thống tốt đẹp đó.

Đầu tiên, câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” mượn hình ảnh tả thực trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. Những chiếc lá được con người sử dụng trong cuộc sống để gói bánh hoặc gói đồ ăn... Nhưng đó là những vật dễ rách, vì vậy người ta mới dùng nhiều lớp lá bọc lại, lớp lá lành bọc lấy lớp lá rách để không giữ cho đồ ở bên trong nguyên vẹn. Mượn hình ảnh trên để nói về cách ứng xử trong cuộc sống của con người. Những người có cuộc sống tốt đẹp khá giá sẽ giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Sự giúp đỡ này không hề có tính toán thiệt hơn hay vụ lợi cho bản thân. Mà điều đó xuất phát từ chính tấm lòng thương người như thể thương thân sâu thẳm bên trong của con người.

Lời răn dạy mà câu tục ngữ muốn gửi gắm là hoàn toàn đúng đắn. Bởi trong cuộc sống, không phải ai sinh ra cũng đều được sống trong hạnh phúc. Rất nhiều những mảnh đời bất hạnh không có được đầy đủ mà phải vất vả kiếm sống. Hơn nữa, thế giới cũng luôn tồn tại những nguy cơ, hiểm họa đe dọa như thiên tai, dịch bệnh… có thể cướp đi của cải thậm chí là mạng sống của con người. Chính vì điều đó, chúng ta là những người được hưởng cuộc sống ấm no, đầy đủ về vật chất cần biết chia sẻ cho những người khó khăn hơn. Bởi khi biết giúp đỡ những người khó khăn hơn mình, chúng ta sẽ nhận lại tình yêu thương của những người chúng ta giúp đỡ. Bản thân cũng sẽ cảm thấy thanh thản và hạnh phúc. Có vậy, xã hội sẽ ngày một phát triển hơn. Cũng như bản thân cũng cảm thấy hạnh phúc hơn.

Ví dụ như vào năm 2020 vừa qua, khi mà đại dịch Covid-19 đã cướp đi mạng sống của biết bao nhiêu người trên thế giới. Thì ở Việt Nam, chúng ta thật tự hào khi “chiến thắng đại dịch”. Toàn thể nhân dân đã đoàn kết một lòng và đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau. Đầu tiên, đó là những chính sách hỗ trợ đến từ Đảng và Nhà nước dành cho người nghèo, người thất nghiệp… do ảnh hưởng của đại dịch. Tiếp đến là những phát minh đầy sáng tạo và tình người như cây ATM gạo, ATM khẩu trang… - ai cần thì đến lấy, tất cả đều miễn phí. Đó chính là tinh thần “lá lành đùm lá rách” thật đáng quý của con người Việt Nam.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần ý thức được tránh đi thái độ coi thường dè bỉu xa lánh những người mang thân phận “lá rách”, thay vào đó là cảm thông và chia sẻ để cuộc sống của họ và bản thân trở nên tốt đẹp hơn.

Tóm lại, câu tục ngữ trên chứa đựng một bài học sâu sắc cho mỗi chúng ta. Bởi “sống trong đời sống cần có một tấm lòng...” (Để gió cuốn đi) để lan tỏa những yêu thương tốt đẹp cho cuộc đời.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 7)

Đối với nhân loại, sách là một kho tàng tri thức vô cùng quý giá. Bởi vậy mà M. Goóc-ki đã khẳng định rằng: “Sách mở ra trước mắt tôi những chân trời mới”.

Về khái niệm “sách” có thể hiểu đơn giản là một dạng văn bản được in ra thành quyển, chứa đựng một khối lượng thông tin và kiến thức đã được đúc kết qua nghiên cứu, kinh nghiệm của người viết. “Những chân trời mới” là hình ảnh mang tính biểu tượng, ý chỉ những nguồn tri thức mới mẻ chưa được khám phá. Cách nói “sách mở rộng những chân trời mới” có nghĩa là sách giúp mở rộng hiểu biết của con người, khám phá ra những tri thức mới mẻ.

Có thể khẳng định rằng, tri thức của nhân loại giống như một đại dương mênh mông. Còn hiểu biết của con người lại chỉ như một giọt nước nhỏ bé giữa đại đương đó. Nhưng nhờ đọc sách, chúng ta sẽ khám phá, phát hiện thêm được nhiều tri thức mới mẻ. Nhờ có những cuốn sách cũng giúp mỗi người rèn luyện được tư duy, trí tưởng tượng. Bởi vậy việc nói rằng “sách là ngọn đèn trí tuệ” là hoàn toàn phù hợp và đúng đắn.

Thời gian có thể trôi qua hàng nghìn năm, nhưng những sự việc đã xảy ra, kiến thức được phát hiện vẫn được lưu giữ lại trong sách sẽ vẫn còn mãi. Bởi vậy mới nói, sách có thể giúp con người vượt mọi giới hạn về không gian và thời gian. Chúng ta đang sống ở thế kỉ XXI, nhưng vẫn có thể hiểu được con người nguyên thủy sống như thế nào. Cũng như chúng ta là một người Việt Nam nhưng có thể biết được phong tục, tập quán của người dân phương Tây. Không có bất cứ kiến thức nào có thể bị giới hạn, chỉ cần có những cuốn sách.

Tuy nhiên, vẫn có những cuốn sách chứa nội dung độc hại. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải biết cách lựa chọn sách, và phương pháp đọc sách sao cho phù hợp, đúng đắn. Chọn sách phải dựa trên mục đích của người đọc. Đọc sách không nên chú trọng số lượng, mà cần đọc cho tinh, cho kĩ. Có vậy, những cuốn sách mới đem đến hiệu quả tích cực.

Như vậy, lời khẳng định của M. Goóc-ki tuy ngắn gọn nhưng có giá trị lớn. Con người cần trân trọng, giữ gìn sách như một nguồn tài nguyên quý giá của nhân loại.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 8)

Ngày nay, có bao người chỉ vừa mới gặp, dù chỉ là một trở ngại nho nhỏ là đã nản chí. Thế nhưng, bên cạnh đó vẫn có những con người có ý chí, nghị lực, quyết tâm đạt được mục đích chính đáng của mình. Và từ chính những trải nghiệm của bản thân, họ đã nhận ra rằng: Có chí thì nên. Đây cũng chính là một bài học cho cuộc sống được truyền lại từ bao đời nay và trở thành bài học vô cùng quý giá cho biết bao thế hệ. Để hiểu được tại sao câu tục ngữ này lại có giá trị to lớn đến như vậy đối với đời sống của con người, chúng ta hãy cùng tìm hiểu?

Trước hết, chúng ta phải hiểu được ý nghĩa của lời khuyên này. Có chí thì nên mang ý nghĩa rất sâu sắc. Trong câu trên, “chí” được hiểu là ý chí, là hoài bão, lí tưởng tốt đẹp, là nghị lực, sự kiên trì của con người. Còn “nên” là sự thành công, thành đạt trong mọi việc. Từ đó, ta hiểu câu trên nhằm khẳng định vai trò, ý nghĩa to lớn của ý chí trong cuộc sống. Khi ta làm bất cứ một việc gì, nếu chúng ta có ý chí, nghị lực thì nhất định chúng ta sẽ kiên trì vượt qua được mọi khó khăn, chông gai của cuộc sống để đi đến thành công. Còn nếu thiếu ý chí, ta sẽ không làm được gì cả, dần sẽ cảm thấy chán nản, buông xuôi khi gặp khó khăn. Vậy tại sao có “ý chí” thì con người sẽ có tất cả? Chúng ta sẽ cùng đi tìm câu trả lời cho các câu hỏi này. Ý chí là mặt năng động, là nỗ lực khắc phục khó khăn của con người. Xét về tâm lí học, thì ý chí chính là một thuộc tính cá nhân. Nó không được tự sinh ra mà là được hình thành, tôi luyện trong quá trình con người đấu tranh với khó khăn, thiếu thốn, thử thách trong cuộc sống. Do vậy, không phải ai cũng có ý chí. Nhưng trong thực tế, có trường hợp người vốn thiếu quyết tâm, kém ý chí phấn đấu vậy mà do những va vấp, thất bại nên họ trở nên có ý chí cầu tiến, có quyết tâm thực hiện mục tiêu đã định. Những con người như thế ngày càng nhiều trong xã hội. Vậy người có ý chí là người không sợ nguy hiểm, không chùn bước trước khó khăn, kiên trì theo đuổi mục đích, dồn mọi nỗ lực để khắc phục khó khăn. Vậy nên, chúng ta dễ hiểu tại sao người có ý chí là người luôn thành công trong mục đích đề ra của mình. Không chỉ là cơ sở dẫn đến thành công trong cuộc sống, “ý chí” còn giúp chúng ta hình thành những nhân cách tốt đẹp trong mỗi con người.

Trong quá trình gắng hết sức mình thực hiện những mục tiêu đã đề ra, ý chí và những phẩm chất của con người được hình thành. Những phẩm chất này vừa đặc trưng cho cá nhân với tư cách là một nhân cách, vừa có ý nghĩa to lớn cho đời sống và lao động của họ. Những phẩm chất tốt làm cho con người trở nên tích cực hơn. Ý chí được biểu hiện trong hành động, thoảng qua những phẩm chất cơ bản là tính mục đích, tính độc lập, tính quyết đoán, tính kiên trì, tính dũng cảm và tính tự chủ. Vậy tại sao biết có ý chí thì có lợi ích to lớn như vậy mà nhiều người vẫn thiếu sự quyết tâm, thiếu ý chí tinh thần phấn đấu? Dường như, sự tự giác, tự thân vận động của chính bản thân họ đã bị mất đi do cuộc sống quá tiện nghi và đầy đủ. Họ hài lòng với cuộc sống an nhàn nên thiếu sự nỗ lực, ý ý chí cầu tiến. Sẽ tai hại hơn khi chính họ chưa được dạy cách thích ứng với mọi tình huống bất ngờ xảy đến, chưa được rèn luyện.

Những người bi quan không có sự kiên trì, quyết tâm, thấy việc nặng nhọc trước mắt là đùn đẩy, có suy nghĩ là sẽ không làm được, từ bỏ tất cả mọi thứ. Những người ấy chỉ nhìn sự việc một cách phiến diện, bó hẹp trong cái khuôn khổ mà họ tự tạo ra – một cái vỏ bọc đầy bi quan. Họ chỉ thấy cái xấu, cái bất lợi trước mắt nhưng lại quên đi lợi ích lâu dài. Lại có những người vừa mới gặp thử thách là bỏ cuộc. Việc chấp nhận thất bại nhanh chóng ấy là do người đó thiếu sự tự tin, họ sợ thất bại nên không dám nhìn nhận sự thật dù có thể sự thật ấy quá phũ phàng. Và cũng đôi khi có người đã nỗ lực hết sức mình để vượt qua thử thách nhưng lại không đạt được kết quả mong muốn. Điều đó cũng sẽ dẫn đến việc người ấy bị áp lực đè nặng, để rồi nản chí, dừng cuộc đua nửa chừng trong khi bản thân họ mới đi được một phần ba chặng đường. Thật ra, chả có gì lạ cả. Con người từ cổ chí kim vẫn chạy đường trường trên cái lối mòn chông gai này. Cũng chính từ cái giá trị của ý chí nên xã hội luôn tôn trọng những ai vượt qua gian khó để đạt được mục đích của mình và mục đích càng cao lại càng thêm vinh dự, tự hào. Vì vậy, chúng ta đã cố gắng hết sức, hãy sử dụng hết khả năng của mình thì dù có thất bại đi chăng nữa, chúng ta cũng được thông cảm, bản thân cũng không ân hận gì. Thất bại khi đã cố gắng, điều đó đâu đáng để ta buồn, có thất bại mới có thành công, có nghị lực mới đạt kết quả.

Có chí thì nên là một đức tính không thể thiếu được trong cuộc sống. Vì con đường đưa ta đến thành công luôn có rất nhiều chông gai, chướng ngại. Để tiến tới thành công, ý chí và nghị lực là những yếu tố đầu tiên giúp ta vượt qua những thử thách ấy. Có ý chí vững vàng, chúng ta sẽ không ngần ngại vượt qua khó khăn, rèn luyện, hoàn thiện bản thân mình để có thể theo đuổi những ước mơ, hoài bão của mình. Ý chí góp thêm sức mạnh cho ta vững tin trước những tai ương, biến cố của của cuộc sống. Có được ý chí, nghị lực sẽ giúp con người chúng ta năng động, sáng tạo và giúp ta có thể có những giải pháp tốt nhất để ta có thể vượt qua khó khăn, gian khổ và đạt được mục đích của mình.

Nếu không có ý chí, con người chúng ta sẽ không thể nào thành công trong cuộc sống. Chúng ta ngần ngại, rụt rè không dám đối diện với những chướng ngại, thử thách trên đường đời. Thế nhưng trong xã hội hiện nay, vẫn còn rất nhiều người thiếu ý chí, thiếu nghị lực. Họ rất dễ nản chí, yếu đuối ngại công việc, sợ khó sợ khổ hay dễ ngả lòng và bi quan trước khó khăn. Những con người ấy sẽ thiếu tự tin, hay dựa dẫm vào người khác, thiếu bản lĩnh và ít khi đạt được thành công trong cuộc sống.

Trong thực tế cuộc sống, ta đã gặp nhiều tấm gương dùng ý chí nghị lực của mình để vượt qua mọi khó khăn, trở ngại, vượt qua những éo le trong cuộc sống để vươn tới thành công. Thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký, từ nhỏ đã bị liệt cả hai tay, nhưng vì ham học và có ý chí nghị lực vươn lên mà thầy đã tập viết bằng chân. Nhờ sự cố gắng, kiên trì bền bỉ mà thầy đã sống có ích cho xã hội, là tấm gương sáng để học trò noi theo. Còn xưa, Mạc Đĩnh Chi, nhà nghèo, phải lấy ánh sáng của đom đóm làm đèn học. Nhờ sự kiên trì như thế mà ông đã đỗ đạt, làm quan giúp ích cho nhân dân. Nếu lật lại những trang sử hào hùng của dân tộc, có thể thấy cha ông ta đã trải qua rất nhiều chông gai, thử thách trong công cuộc giữ nước và dựng nước. Tưởng chừng như những lúc khó khăn có thể nhấn chìm con người, nhưng không, với ý chí quật cường, lòng quyết tâm cao độ, ông cha ta đã cố gắng và chiến thắng. Nhân dân ta đã đánh đổ được ách đô hộ của thực dân Pháp và đế quốc Mĩ, đưa đất nước trở thành một đất nước hòa bình, độc lập, tự do. Bác Hồ, lãnh tụ vĩ đại – nhân vật tiêu biểu với hai bàn tay trắng, nghị lực bền bỉ và sự quyết tâm đã ra đi tìm đường cứu nước, đưa nước nhà thoát khỏi cảnh đô hộ, lầm than của bọn xâm lược,…

Có ý chí là chìa khóa để đưa ta đến thành công. Tuy nhiên ngoài ý chí ra chúng ta cần phải biết vận dụng óc thông minh sáng tạo của mình để đạt được hiệu quả cao trong công việc. Ngoài ra trong cuộc sống, chúng ta cần phải biết dung hòa giữa lí trí và tình cảm để đạt được kết quả tốt nhất trong công việc.

Ý chí đưa ta đến thành công vì thế ngay từ bây giờ chúng ta cần phải rèn luyện bản thân mình có ý chí và nghị lực. Chúng ta cần phải học tập thật tốt, rèn luyện bản thân mình. Đồng thời chúng ta cần phải đề ra các mục đích cao đẹp và quyết tâm thực hiện. Đồng thời không được nản chí trước khó khăn, tìm ra các phương pháp để thực hiện và giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. Câu tục ngữ “có chí thì nên” bao hàm ý nghĩa sâu xa. Qua đó, ông cha ta đã khuyên nhủ chúng ta phải kiên trì, nhẫn nại để đạt được thành công.

Kiên trì, nhẫn nại là đức tính cần có của mỗi con người. Trong cuộc sống, ai cũng có mơ ước, hoài bão nhưng mơ ước sẽ vẫn là mơ ước nếu ta không kiên trì theo đuổi. Nhẫn nại luôn là động lực, là sức mạnh giúp con người vượt qua mọi khó khăn và tiến lên phía trước.

Có chí thì nên, câu châm ngôn “như đinh đóng cột” ấy đặt chúng ta trước một phương châm, một kim chỉ nam định hướng cho cuộc đời mình. Đó là một chân lí chắc chắn.Nó khẳng định giá trị, ý nghĩ của ý chí và cả sự kiên trì lẫn bên trong. Câu nói giản dị này như một lời khuyên, lời nhắn nhủ quý báu và hơn thế nữa, như một chân lí hiển nhiên của cuộc đời, khiến cho ai đó mỗi khi đọc lên phải tự ngẫm lại mình. Với mỗi tâm hồn thế hệ 8x, 9x thời đại mới, những người đang đứng trước nhiều thử thách về năng lực trí tuệ, trước những đòi hỏi lớn về tiếp nhận tri thức mới mẻ… mà “thiếu chí” và “nhụt chí” thì hẳn là khó có thể đi tới đích mình cần trên con đường lập thân, lập nghiệp. Tôi nghĩ, chắc nhiều bạn học sinh còn mải chơi quên học hoặc học chưa hết sức, chắc hẳn sẽ giật mình khi nghe ai nói tới câu tục ngữ Có chí thì nên. Vậy nên, hãy tu dưỡng đức tính này ngay từ những việc nhỏ nhất đi nhé.

Hiểu rõ ý nghĩa của lời khuyên Có chí thì nên, mọi người chúng ta phải biết rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, ý chí của mình ngay từ nhỏ và ngay trong từng việc nhỏ nhặt nhất. Vì có như vậy nó mới trở thành một nét đẹp trong mỗi con người.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 9)

Bàn về vấn đề trong cuộc sống có rất nhiều câu tục ngữ và danh ngôn hay, có ý nghĩa. Nhưng có lẽ câu tục ngữ mà em tâm đắc nhất chính là câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Câu tục ngữ muốn bàn luận về cách sống và thái độ sống của con người.

Vậy “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” có ý nghĩa như thế nào. Như chúng ta đã biết “mực” là thứ mà người xưa dùng trong viết lách, loại mực tài dùng với bút lông mỗi lần viết phải đổ nước và mài mực. Sau đó, chấm lên bút lông viết nét đậm nét thanh vô cùng tinh tế. Tuy nhiên, loại mực này rất bền nếu chẳng may bị dính vào quần áo hoặc tay chân thì rất khó để rửa sạch. Bên cạnh đó ý nghĩa của từ “mực” trong câu tục ngữ này còn thể hiện sự xấu xa, những điều không tốt. Những thói hư tật xấu trong xã hội. Nếu chúng ta mà bị nó dính vào người, ở gần nó thì sẽ bị dính bẩn bị lây nhiễm những thói xấu, khiến cho thanh danh, và tương lai của chúng ta khó mà rửa sạch được. Còn “đèn” chính là thứ chúng ta dùng để thắp sáng, soi sáng giúp mọi thứ có thể nhìn rõ hơn. Hay “đèn” chính là để chỉ những điều tốt đẹp, môi trường sống sạch và lối sống sạch thì khi sống trong môi trường này ta sẽ học tập được những điều hay lẽ phải, trở thành người có ích.

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” được ông cha ta ngày xưa đúc kết lên từ những kinh nghiệm cuộc sống. Nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh mình. Nếu con người được sống trong một môi trường lành mạnh nhiều điều tích cực thì con người sẽ được học hỏi những điều tốt đẹp, phát huy được sở trường của mình. Còn nếu con người sống trong môi trường toàn những điều xấu con người đó sẽ trì trệ và trở nên xấu tính hơn. Trong mỗi gia đình, cha mẹ người thân chính là một tấm gương để cho các bạn trẻ, những em bé noi gương theo, bắt chước nếu cha mẹ không gương mẫu thì khó lòng dạy dỗ con cháu nên người. Chính vì vậy, muốn hình thành nhân cách tốt cho trẻ thì chính cha mẹ phải là người làm gương cho con cái trước tiên. Một gia đình luôn hòa thuận yêu thương nhau thì con cái nhất định sẽ hiếu thảo, lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới. Trong một tập thể lớp cũng vậy, nếu cả lớp tiên tiến, xuất sắc cùng nhau đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm học tập tốt, cùng giúp đỡ những bạn còn yếu kém vươn lên bằng cả tấm lòng thì nhất định tập thể ấy sẽ vững mạnh. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có nhiều người có bản lĩnh vững vàng không dễ bị lôi kéo vào những điều xấu xa, dù họ sống trong một môi trường bùn lầy hôi tanh nhưng những người đó như những bông hoa sen thơm ngát “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đó chính là những con người vô cùng bản lĩnh. Nhiều người sinh ra trong gia đình không hạnh phúc cha mẹ không hòa thuận, nhưng bản thân những người con trong gia đình đó, lại rất nỗ lực vượt khó để có thể thành công, có một tương lai rộng mở hơn.

Câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” muốn khuyên nhủ chúng ta phải biết lựa chọn môi trường sống, lựa chọn bạn tốt để chơi tránh xa những thói hư tật xấu, những điều không hay trong xã hội để trở thành con người có ích, đóng góp sức mình cho xã hội.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 10)

Cuộc đời mỗi người cũng giống như một bức tranh muôn màu, muôn sắc. Sẽ có màu hồng, nhưng cũng sẽ có những vệt đen, đó chính là những khó khăn thử thách trong cuộc sống mà ta cần rầy công tận sức mà mà vượt qua. Muốn vậy, con người ta cần phải có ý chí, nghị lực, quyết tâm để xoá đi được những vệt đen ấy. Chính vì thế, ông cha ta đã có câu “Có chí thì nên”.

Câu tục ngữ nghe có vẻ ngắn gọn và đơn giản nhưng ẩn chứa một tầng ý nghĩa thật lớn lao. “Chí” có thể hiểu là sự quyết tâm, nghị lực, hoài bão, lý tưởng khi thực hiện một kế hoạch hay làm một điều gì đó. “Có chí thì nên”: “nên” ở đây tức là đạt được thành công, đạt được kết quả như mong muốn, như đã đặt ra. Như vậy, cùng với cách nói “Có… thì”, như một lời khẳng định đanh thép, ông cha ta đã đặt ra vài trò của ý chí, nghị lực trong cuộc sống, cụ thể là trên con đường thành công của mỗi người. Con người ta cần có sự kiên trì, quyết tâm, lý tưởng thì mọi khó khăn, gian nan, thử thách, thất bại đều sẽ có thể vượt qua và đạt được kết quả như mong ước. Đầu tiên, con đường đời của mỗi người không phải lúc nào cũng bằng phẳng, dễ đi, mà sẽ có những khúc cua gập ghềnh, trắc trở. Đứng trước những đoạn đường ấy, chẳng lẽ ta sẽ cứ đứng lại, hoặc quay đầu trở về mà không bước đi nữa? Nếu như vậy, con người ta sẽ chẳng bao giờ có thể đạt được thành công, vĩnh viễn không thể trưởng thành được. Thay vì điều đó, tại sao ta không vững chí, quyết tâm mà leo bước lên, vượt qua những tảng đá cứng nhọn ấy, dù chỉ là mất một khoảng thời gian, dù cho quá trình ấy sẽ có thể đau đớn,cực nhọc làm sao, nhưng cuối cùng ta vẫn sẽ vượt qua và tiếp tục cuộc hành trình. Nếu có ý chí, nghị lực, sự quyết tâm, có lẽ điều gì cũng sẽ trở nên không quá khó khăn với chúng ta. Nhưng nếu chỉ biết nản lòng, nhụt chí trước mỗi gian nan, thử thách ấy thì liệu ta sẽ làm được gì trong cuộc sống? Từ xa xưa, trong thời chiến, ông cha ta đã kiên cường, anh dũng dựng nước, chống trả lại kẻ thù xâm lược, đó đều là nhờ vào ý chí quyết tâm, đồng lòng, căm thù giặc ngoại xâm, “quyết tử cho Tổ Quốc quyết sinh”, không run sợ trước kẻ thù xâm lăng. Ngày nay, trong thời bình, nhân dân ta cũng đã, đang và vẫn nhiệt huyết, xây dựng đất nước, đem vinh quang về cho Tổ Quốc. Có lẽ với mỗi người Việt Nam, không ai có thể quên được kỳ tích U23 Châu Á vừa qua. Những chàng “dũng sĩ” quần đùi áo số ấy đã đem về vinh quang cho dân tộc khi lên đường thi đấu với một ý chí, quyết tâm, vượt qua sự khắc nghiệt của thời tiết, kiên cường thi đấu đến giọt mồ hôi cuối cùng, vĩnh viễn không từ bỏ và cuối cùng họ đã thành công, có thể không phải thành công ở đấu trường ấy, nhưng đã thành công khi lay động bao trái tim hàng triệu người hâm mộ Việt Nam vì ý chí, nghị lực của họ.

Một tấm gương điển hình khác đó là thầy giáo Nguyễn Ngọc Ký. Tuy bị liệt cả hai tay, nhưng bằng nỗ lực, sự phấn đấu vì ham học, trải qua bao đau đớn, thầy đã tập viết bằng chân và bây giờ đã trở thành thầy giáo ưu tú, tài ba. Như vậy, có thể thấy, mọi thất bại, mọi bất hạnh, mọi khó khăn, gian khổ sẽ không phải là điều gì mà chúng ta không thể vượt qua, đánh ngã chúng ta bất cứ lúc nào, chỉ cần ta có quyết tâm. Nếu như có hoài bão, lý tưởng, ta vẫn sẽ đạt được mục tiêu, đạt được khát vọng mà ta mong muốn. Mỗi lần vấp ngã sẽ cho ta kinh nghiệm, mỗi thử thách sẽ cho ta biết cách suy nghĩ để vượt qua thử thách đó, càng khổ cực thì vinh quang sẽ càng lớn lao. Đừng từ bỏ bất cứ một điều gì khi ta vẫn còn chưa tới được đích, đừng nản lòng, run sợ khi gặp khó khăn, vì nếu thế cánh cửa của thành công sẽ đóng lại ngay trước mắt bạn. Tất nhiên ta không thể cứ mãi theo đuổi những điều mà ngoài khả năng của mình, dù bạn có ý chí, nghị lực nhưng nếu không có kỹ năng, trình độ, không có tri thức thì sự kiên trì ấy cũng chẳng thể đi đến được thành công mà chỉ làm tiêu tốn thời gian của ta mà thôi. Muốn vậy, cần phải rèn luyện, tu dưỡng bản thân thật tốt, để có đủ trình độ, tri thức làm hành trang vững trãi vì thành công mà chỉ có ý chí, sự kiên trì là không đủ. Luôn tin tưởng vào bản thân mình, lạc quan, không run sợ, tự ti rồi ta sẽ đạt được thành tựu như ta mong muốn mà thôi.

Chẳng có gì là ngoài tầm với, chỉ là bạn có muốn với lấy nó hay không thôi. Muốn vậy thì cần phải “có chí”, có quyết tâm và sự kiên trì. Câu tục ngữ của ông cha ta mới thật đúng đắn mà giàu ý nghĩa làm sao.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 11)

Cuộc sống của con người luôn chứa đựng vô vàn khó khăn, thử thách. Để đặt chân bước tới thành công, chúng ta cần rèn luyện, nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ và đặc biệt là cần có sự kiên định cùng ý chí vững vàng theo đuổi mục tiêu. Bàn về vấn đề này, ông cha ta từng nói: "Có chí thì nên". Câu tục ngữ đã khẳng định vai trò, ý nghĩa của nghị lực và sự bền bỉ đối với con người.

Để hiểu hết giá trị sâu sắc của câu tục ngữ, chúng ta cần hiểu rõ những khái niệm mà ông cha ta gửi gắm qua những từ ngữ hàm súc như "chí" và "nên". "Chí" là cách nói ngắn gọn thể hiện ý chí, tinh thần tự giác, ý thức tự nguyện và sự kiên định, quyết tâm đạt được mục đích đã đề ra. Còn "nên" là sự diễn đạt hình ảnh của sự thành công, là kết quả mà con người mong muốn đạt được. Như vậy, câu tục ngữ "Có chí thì nên" đã khẳng định vai trò sức mạnh của ý chí đối với cuộc sống của con người: khi có ý chí và sau những nỗ lực, cố gắng kiên trì, bền bỉ, con người nhất định sẽ đạt được những mục tiêu, dự định mà bản thân đã đề ra và vươn tới thành công.

Trong cuộc sống, ý chí kiên cường cùng sự quyết tâm cao độ luôn là yếu tố cần và đủ để đưa con người đặt chân đến với thành công. Bởi khi có ý thức, nghị lực và bản lĩnh vững vàng, con người sẽ có động lực và sức mạnh để vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Để đánh đổ ngoại xâm và bảo vệ đất nước, ông cha ta đã trải qua những cuộc kháng chiến trường kì, gian khổ. Trên chặng đường gian nan đó, đã in dấu biết bao sự hi sinh thấm đẫm máu, nước mắt khi phải đối diện với những cường quốc hùng mạnh về trang thiết bị vũ khí và nhân lực như đế quốc Mĩ, thực dân Pháp, phát xít Nhật,.... Nhưng rồi, với tinh thần yêu nước, tinh thần đoàn kết cùng ý chí bền bỉ, vững vàng, dân tộc ta đã đánh đuổi sạch bóng quân thù và giành được bầu trời của hòa bình và tự do.

Trong cuộc sống của hiện nay, cũng có rất nhiều tấm gương ngời sáng vẻ đẹp của sự kiên cường. Mặc dù sinh ra với hình hài không toàn vẹn, bị liệt hai tay nhưng với ý chí mãnh liệt, Nguyễn Ngọc Kí đã miệt mài kiên nhẫn tập viết bằng hai chân. Đó là một hành trình kiên trì, nhẫn nại để không đầu hàng trước số phận nghiệt ngã, và cuối cùng, anh đã thành công và trở thành một thầy giáo. Hay như những nhà khoa học đang ngày đêm nghiên cứu, kiên định với mục tiêu của mình để đem đến những sáng chế có ích cho đời sống nhân loại,... Tất cả những điều này đã khẳng định sức mạnh to lớn của ý chí và lòng quyết tâm, giống như Bác Hồ đã từng nói:

"Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên"

Như vậy, sự quyết tâm, vững vàng trong ý chí sẽ giúp con người vượt qua mọi khó khăn, thử thách và đạt được rất nhiều thành quả tốt đẹp. Vậy mà, trong cuộc sống hiện nay, vẫn có những con người không kiên trì, nhẫn nại với mục tiêu đã đặt ra mà dễ dàng nhụt chí và từ bỏ lí tưởng. Chỉ cần gặp phải khó khăn, họ sẵn sàng bỏ cuộc và không bao giờ đặt chân đến được với miền đất của sự thành công. Nhận thức được vai trò quan trọng của ý chí của thành công, chúng ta cần đặt ra cho bản thân những mục tiêu, đích đến rõ ràng; đồng thời kiên định với con đường đã vạch sẵn và không đầu hàng trước khó khăn, thử thách. Để làm được điều này, con người luôn phải tự nhắc nhở bản thân đặt ra những kỉ luật riêng và thực hiện mục tiêu một cách nghiêm túc và vững vàng.

Trình bày suy nghĩ về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn đời sống (mẫu 12)

Tục ngữ Việt Nam để lại cho thế hệ mai sau những khó tàng kinh nghiệm quý báu. Mỗi câu tục ngữ đều mang đến lời khuyên bổ ích để con người sống đẹp và sống có ích hơn. Có một câu tục ngữ mà em luôn lấy nó làm "kim chỉ nam" trong cuộc sống mỗi khi thất bại hay cảm thấy mệt mỏi, đó là câu "Có chí thì nên".

Vậy, "chí" ở đây là gì? Chí chính là ý chí, là chí hướng trong mỗi chúng ta. Chí cũng chính là sự quyết tâm, là nghị lực bền bỉ bên trong mỗi con người, nó thuộc phạm trù tinh thần. "Nên" có nghĩa là sự thành công, là những gì mà ta đạt được sau khi nỗ lực hết mình. "Nên" chính là thành quả, cũng là niềm vui mà còn người có được, nó thuộc yếu tố tích cực, vừa thể hiện phạm trù vật chất vừa thể hiện phạm trù tinh thần. Câu tục ngữ "Có chí thì nên" khẳng định sự cần thiết và quan trọng của ý chí, mỗi con người nếu có ý chí, có quyết tâm và hết mình với mục tiêu của mình thì sẽ làm nên thành công.

Thật vậy, ý chí và nghị lực luôn cần thiết trong mọi thời điểm bởi cuộc sống không phải lúc nào cũng đầy màu hồng và bằng phẳng. Trên con đường theo đuổi những mục tiêu và khát vọng ta luôn gặp phải những bất trắc, khó khăn, những đoạn đường gồ ghề mà nếu không có ý chí sẽ không thể vượt qua. Ngược lại, nếu nuôi dưỡng ý chí, kiên trì với mục tiêu, thấy khó khăn không nản, thấy thất bại không lùi vẫn cần mẫn bước tiếp thì chắc chắn một ngày thành quả sẽ đến.

Trong văn học, ta đã được tiếp xúc với nhiều nhân vật có ý chí và nghị lực phi thường. Đó là chàng Thạch Sanh chiến thắng những độc ác, xấu xa để lập nên chiến công hiển hách, tìm thấy hạnh phúc đời mình. Là cô Tấm dẫu năm lần bảy lượt bị mẹ con Cám hại vẫn không ngừng tranh đấu để giành lại sự tự do và cuộc sống bình yên. Là những người lính trẻ trong Đồng chí của Chính Hữu với chí nguyện giết giặc cứu nước, luôn sẵn sàng tay súng, góp phần mình vào công cuộc chiến đấu của đất nước. Là những cô gái mở đường trên đỉnh Trường Sơn đầy bom đạn, dẫu hiểm nguy họ vẫn kiên trì với lý tưởng, chính họ đã góp một phần máu xương mình cho Tổ quốc hôm nay.

Quả ngọt của cây ý chí lúc nào cũng đáng được trân trọng và nâng niu, quả ngọt từ ý chí nuôi dưỡng lúc nào cũng mát lành, đáng ngưỡng mộ. Trong thực tế, ta bắt gặp không ít người có được thành công nhờ sự bền lòng của ý chí. Đó là thầy Nguyễn Ngọc Kí dẫu đôi tay không được lành lặn vẫn giữ ý chí của mình, nuôi quyết tâm cố gắng rèn luyện và đã trở thành một nhà giáo ưu tú, truyền cảm hứng sống cho bao thế hệ hôm nay. Là trạng nguyên Nguyễn Hiền bằng ý chí đã vượt qua những nhọc nhằn của tuổi thơ để trở thành người tài giúp ích cho đất nước. Là Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, nhờ ý chí và kiên định, vượt qua trăm ngàn sự hiểm nguy để soi sáng con đường cách mạng, đưa dân tộc đi đến thắng lợi, thống nhất. Là chàng trai Trần Ngọc Vũ Hoàng, bằng nghị lực phi thường, và quyết tâm vươn tới ước mơ giúp ba mẹ nghèo, anh đã học tập, vượt khó để dành lấy vòng nguyệt quế vinh quang, đi du học để phát triển, mang lại niềm vui cho gia đình, giúp ích cho xã hội. Và gần đây, ta còn thấy được đó là hình ảnh của nữ diễn viên Mai Phương, một người mẹ đơn thân nghị lực, căn bệnh ung thư đã mang đến muôn vàn những cơn đau đớn về thể xác nhưng chẳng thể nào dập tắt ý chí chiến đấu đến giây phút cuối cùng. Mai Phương đã mãi ra đi trong sự tiếc nuối của người hâm mộ nhưng ý chí, nghị lực của người con gái bé nhỏ ấy mãi là tấm gương sáng cho hàng triệu người, đặc biệt là thế hệ trẻ. Đó còn là một đất nước Việt Nam cùng chung ý chí chống dịch Covid, với tinh thần đoàn kết, ý chí quyết thắng, sự đồng lòng của Đảng và nhà nước, chúng ta cũng sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn để hướng đến cuộc sống tốt đẹp.

Ý chí có ý nghĩa như vậy, nhưng trong cuộc sống, ta vẫn thấy nhiều người lại thiếu mất đi yếu tố cần thiết này. Một vài người trẻ dễ nản chí khi lỡ gặp chuyện không hay, dễ bỏ cuộc khi mới bước được bước đầu tiên trong hành trình dài của mình. Một vài người khác lại bị quan, cứ ngập chìm trong than vãn, mệt mỏi mà chẳng thể thoát ra, họ sống dựa vào người khác, phụ thuộc vào người khác. Họ là những người thiếu bản lĩnh, sợ khó, sợ khổ nên chẳng thể tìm thấy chính mình, khẳng định vị trí của mình trong xã hội. Giải một bài toán khó, mới hai lần đã bỏ cuộc, viết một bài văn hay, mới mở bài đã chán nản. Không thi đậu đại học lại vội vàng chọn cái chết để chấm dứt cuộc đời. Đó là sai lầm rất lớn của tuổi trẻ.

Cần có ý chí để có được thành công, cần nuôi dưỡng ý chí để vươn tới những điều tốt đẹp cho mình, cho gia đình và xã hội. Ý chí không phải sẵn có mà phải luyện tập, phải vấp ngã, phải trải qua, phải hành động mới có được. Ngay từ bây giờ, hãy cố gắng nhìn lại mình, xem xét những ưu điểm để phát huy, khắc phục những khuyết điểm đề hoàn thiện, kiên trì mỗi ngày, quyết tâm trong mỗi khoảnh khắc, có như vậy mới thành công.

Chúng ta là những học sinh của thời đại mới, thời đại của hội nhập và phát triển, vì vậy phải càng bản lĩnh càng cố gắng hơn nữa. "Có chí thì nên" , hãy hành động, hành động với tư duy mở, ý chí phi thường để trở thành con người mà bản thân từng mơ ước.

1 58158 lượt xem
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: