TOP 10 mẫu Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (2025) SIÊU HAY

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ lớp 7 Chân trời sáng tạo gồm dàn ý và 10 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 7 hay hơn.

1 23,216 13/01/2025
Tải về


Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ

Chiến dịch Điện Biên Phủ – Wikipedia tiếng Việt

Đề bài: Viết bài văn kể lại sự kiện lịch sử: chiến dịch Điện Biên Phủ.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 1)

Chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954 của quân và dân ta.

Toàn bộ chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong năm mươi sáu ngày đêm. Diễn biến được chia làm ba đợt tiến công. Từ ngày 13 đến 17 tháng 3 năm 1954, ta tiêu diệt hai cứ điểm được tổ chức phòng ngự tốt nhất là Him Lam và Độc Lập, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc cho quân ta chiếm xuống lòng chảo và khu trung tâm. Đợt 2 từ ngày 30 tháng 3 đến ngày 30 tháng 4 năm 1954, ta kiểm soát các điểm cao, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại súng của ta. Quân địch rơi vào thế bị động, mất tinh thần cao độ. Đợi 3 từ ngày 1 đến 7 tháng 5 năm 1954, quân ta tổng công kích tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ hoàn toàn thắng lợi. Quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm “mạnh nhất Đông Dương” - “pháo đài bất khả xâm phạm” của thực dân Pháp.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với dân tộc Việt Nam. Trước hết, thắng lợi này đã chấm dứt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ nhưng cũng đầy anh dũng của quân và dân ta. Đồng thời, chiến thắng lịch này đã đánh dấu một mốc son chói lọi vào lịch sử dân tộc và thời đại, trở thành biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng và sức mạnh thời đại. Với thất bại này, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Đồng thời chấm dứt ách thống trị của thực dân Pháp kéo dài hàng thế kỷ, mở ra bước phát triển mới cho cách mạng Việt Nam, Lào, Campuchia. Từ đó khẳng định đường lối lãnh đạo đúng đắn của Đảng cộng sản Việt Nam. Đồng thời đã mở ra giai đoạn cách mạng mới để tiếp tục công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng hoàn toàn miền Nam và thống nhất đất nước. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 2)

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, để lại nhiều bài học có ý nghĩa lịch sử và thời đại; trong đó, bài học về ý chí, quyết tâm giành độc lập dân tộc của Đảng và dân tộc ta còn nguyên giá trị.

Sau gần 08 năm trở lại xâm lược Việt Nam (1945 - 1953), thực dân Pháp không những không thực hiện được mục tiêu của chúng, mà còn bị sa lầy trước ý chí đấu tranh quật khởi của quân và dân ta. Trước tình thế bất lợi, chính phủ Pháp phải điều tướng Na-va (giỏi nhất nước Pháp lúc bấy giờ) sang Đông Dương với hy vọng giành lại thế chủ động trên chiến trường; từ đó, buộc chính phủ Việt Nam phải đàm phán theo những điều kiện có lợi cho Pháp. Khi sang Việt Nam, dựa vào kinh nghiệm trận mạc “dạn dày”, Na-va vạch ra kế hoạch tác chiến được gọi là “Kế hoạch Na-va”. Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở Đồng bằng Bắc Bộ nhằm giành lại sự chủ động chiến lược (lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn) xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện. Được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Trước tình hình đó, Đảng ta đã tập trung lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục cho quân và dân ta nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp; tiến hành tổng động viên mọi lực lượng để phá tan Kế hoạch Na-va của chúng. Sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị Chiến dịch và trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ngày 07-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng Đờ Ca-xtơ-ri. Toàn bộ Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta đánh bại. Thắng lợi đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố; trong đó, ý chí và quyết tâm giành độc lập dân tộc, tự do cho Tổ quốc đã được Đảng và nhân dân ta nhân lên gấp bội, tạo thành sức mạnh có ý nghĩa quyết định.

Trước hết, đó là sự lãnh đạo kháng chiến đúng đắn, bản lĩnh và trí tuệ sáng tạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh, trực tiếp là Đảng ủy, Bộ Chỉ huy Chiến dịch. Ngay từ những ngày đầu phát động cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đề ra đường lối kháng chiến, đường lối quân sự độc lập, tự chủ, đúng đắn, sáng tạo.

Trong trận quyết chiến chiến lược này, lòng yêu nước, khát vọng được sống trong độc lập, tự do, hòa bình của nhân dân ta đã tạo nên tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Thắng lợi này có ý nghĩa lịch sử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Chiến dịch này là một chiến dịch lịch sử của quân đội ta, ta đánh thắng chiến dịch này có ý nghĩa quân sự và chính trị quan trọng”

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã khẳng định sức mạnh của ý chí quyết tâm “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ” của quân và dân ta. Với vũ khí thô sơ và tinh thần “Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, nhân dân cả nước đã nhất tề đứng lên kháng chiến, phát huy cao độ tinh thần yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ra sức thi đua xây dựng hậu phương vững chắc, đóng góp sức người, sức của, bảo đảm mọi điều kiện cần thiết cho chiến trường.

Tinh thần dũng cảm chiến đấu hy sinh của quân và dân ta là nhân tố trực tiếp làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Tiến công Điện Biên Phủ, chúng ta gặp nhiều khó khăn, cả tiềm lực quân sự, kinh tế, địa hình hiểm trở, xa hậu phương,… Nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã huy động được tối đa sức người, sức của, bao gồm thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, với số lượng cao điểm có lúc lên đến hàng chục vạn người; được tổ chức, biên chế khá chặt chẽ, cùng với bộ đội đào giao thông hào, làm đường dã chiến trong điều kiện rất khó khăn, gian khổ của vùng rừng núi Tây Bắc, lại luôn bị máy bay địch oanh tạc,… Với ý chí quyết chiến, quyết thắng; bằng trí thông minh, lòng quả cảm và niềm tin mãnh liệt vào chiến thắng, trong khoảng thời gian hơn một tháng, bộ đội và thanh niên xung phong đã hoàn thành một khối lượng công việc vô cùng đồ sộ; mở hàng trăm tuyến hào, sửa đường từ Tuần Giáo tới Điện Biên Phủ (dài 82 km), tạo điều kiện thuận lợi cho các lực lượng và xe kéo pháo, đặc biệt là pháo hạng nặng (105mm) có thể triển khai vào trận địa an toàn và bí mật. Chính điều đó đã gây bất ngờ lớn cho Quân đội Pháp. Về lực lượng, Quân đội ta tuy quân số có đông hơn đối phương, nhưng kinh nghiệm đánh công kiên chưa nhiều, vũ khí kém hiện đại hơn địch,…

Thắng lợi của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ không chỉ là chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, mà còn là bài học sâu sắc về ý chí quyết tâm giành độc lập dân tộc của Đảng và dân tộc ta. Hiện nay, dù cho sự nghiệp cách mạng của nhân ta còn nhiều khó khăn, thách thức; nhưng tin tưởng rằng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, với tinh thần và ý chí của quân và dân ta được hun đúc từ Điện Biên Phủ, công cuộc đổi mới của đất nước sẽ tiếp tục đạt được những thành tựu to lớn trong thời kỳ mới.

Đây là bài thuyết minh về chiến thắng Điện Biên Phủ có mục đích lý giải nguyên nhân tạo nên chiến thắng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ 1954 - Sự kiện mang giá trị và tầm vóc thời đại -  Báo Quảng Bình điện tử

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 3)

Em đã được xem một trận chiến oanh liệt của quân và dân ta nhằm tiêu diệt sinh lực địch, giải phóng đất nước. Để chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ (mật danh chiến dịch là "Trận Đình"), quân và dân ta gồm cả công binh, bộ binh và thanh niên xung phong mở đường thắng lợi đi vào chiến dịch. Với kế hoạch tác chiến Đông Xuân 53 54, quân và dân ta ra sức sửa đường, làm đường. Tại các bến đò, các đèo cao địch ném bom, bắn phá ác liệt, song công tác mở đường, thông tuyến vận chuyển vẫn bảo đảm tiến độ. Ở đường thuỷ, nhiều thanh niên, bộ đội nhiều ngày ngâm mình dưới nước lạnh buốt phá thác, phá ghềnh khai thông dòng chảy để các đoàn thuyền độc mộc, các bè mang đưa gạo thóc từ các nơi ra chiến dịch. Đặc biệt, là đường bộ, biết bao thanh niên nam nữ phá núi, phá đèo để bộ đội đưa pháo vào trận địa. Hình ảnh hàng dãy người kéo pháo lên núi thật gian khổ và dũng cảm biết bao. Bên cạnh đó là hình ảnh tấp nập của đông đảo dân công hỏa tuyến bằng quang gánh, bằng xe đạp thồ đưa lương thực, đạn dược ra tuyến đầu bất chấp mưa bom bão đạn của giặc.

Mở màn chiến dịch vào lúc 17 giờ ngày 13/03/54, pháo ta từ trên núi bắn cấp tập vào đồi Him Lam, phân khu Trung tâm, sân bay Mường Thanh. Quân địch khiếp sợ trốn chui trốn nhủi vào các hầm hào. Sau đó chúng phản công nhưng bị bộ dội ta đánh trả quyết liệt...

Ngày 30/3, chúng ta bước qua giai đoạn 2 với cuộc đánh chiếm các đồi phía đông , F, D, đặc biệt là trên đồi A1, cuộc chiến đã diễn ra hết sức gay go trên từng tấc đất. Nơi đây, địch cố thủ trong các hầm ngầm, địa đạo kiên cố. Quân ta ngày đêm đào biết bao giao thông hào, đặc biệt là đào hầm vào tận căn cứ của địch...

Đợt cuối cùng của chiến dịch là vào ngày 3/5 khi quân ta tiến sâu vào trung tâm, chỉ cách sở chỉ huy địch khoảng 300 mét. Giặc thả tiểu đoàn dù cuối cùng hòng giúp phá vòng vây chạy qua Lào. Nhưng toàn bộ pháo binh và đặc biệt đại đội hỏa tiễn 6 nòng bắn dồn dập đã phá tan âm mưu này. Lúc 21 giờ ngày 6/5, khối bột phá gần 1 tấn, đặt giữa đồi bằng đường ngầm đã nổ tung vang trời, và đó là lệnh tổng tiến công. Lúc 17g30 ngày 7/5, tướng Đờ Cát-tơ-ri cùng toàn bộ tham mưu đầu hàng. Ngọn cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Hồ Chủ tịch phất cao trên nóc hầm của tên tướng này.

Xem xong các trận đánh ác liệt trong bộ phim, em rất cảm phục tinh thần dũng cảm của bộ đội ta đã tạo nên một chiến thắng chấn động địa cầu như nhà thơ Tố Hữu đã viết:

Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 4)

Trận Điện Biên Phủ, còn gọi là Chiến dịch Trần Đình là trận đánh lớn nhất trong Chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất diễn ra tại lòng chảo Mường Thanh, châu Điện Biên, tỉnh Lai Châu (nay thuộc thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên) giữa Quân đội Nhân dân Việt Nam và Quân đội Liên hiệp Pháp (gồm Lực lượng Viễn chinh Pháp, Binh đoàn Lê dương Pháp, quân phụ lực bản xứ và Quân đội Quốc gia Việt Nam).

Đây là chiến thắng quân sự lớn nhất trong cuộc Chiến tranh Đông Dương (1945 – 1954) của Việt Nam. Với thắng lợi quyết định này, lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam do Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ huy đã buộc quân Pháp tại Điện Biên Phủ phải đầu hàng vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau suốt 2 tháng cầm cự. Giữa trận này, quân Pháp đã gia tăng lên đến 16.200 người nhưng vẫn không thể cầm cự được trước các đợt tấn công như vũ bão của Quân đội Nhân dân Việt Nam.Thực dân Pháp đã không thể bình định Việt Nam bất chấp nhiều năm chiến đấu và với sự hỗ trợ và can dự ngày càng sâu của Hoa Kỳ. Pháp đã không còn bất kì khả năng nào để tiếp tục chiến đấu tại Việt Nam sau thảm bại này.

Trên phương diện quốc tế, chiến dịch này có một ý nghĩa rất lớn và đã đi vào lịch sử nhân loại, bởi đây là lần đầu tiên quân đội của một nước từng là thuộc địa ở châu Á đánh bại đội quân hiện đại và tối tân của một cường quốc châu Âu, được hỗ trợ bởi đồng minh là Hoa Kỳ trong một chiến dịch quân sự lớn. Được xem là một thảm họa bất ngờ đối với Thực dân Pháp và cũng là một đòn giáng mạnh với thế giới phương Tây, đã đánh bại ý chí duy trì thuộc địa Đông Dương của Pháp và buộc nước này phải hòa đàm và rút quân ra khỏi Đông Dương. Với niềm tin được cổ vũ mạnh mẽ bởi chiến thắng này, các thuộc địa của Pháp ở châu Phi cũng đồng loạt nổi dậy đòi độc lập. Chỉ riêng trong năm 1960, 17 nước châu Phi đã giành được độc lập và đến năm 1967, Pháp đã buộc phải trao trả độc lập cho hầu hết các nước từng là thuộc địa của họ.

Qua đó, thắng lợi của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong Chiến dịch Điện Biên Phủ còn được xem là một cột mốc đánh dấu thất bại hoàn toàn của Pháp trong nỗ lực tái gây dựng thuộc địa Đông Dương nói riêng và đế quốc thực dân của họ nói chung sau Chiến tranh thế giới thứ hai,qua đó chấm dứt hơn 400 năm tồn tại của chủ nghĩa thực dân cũ trên thế giới này.

Tóm tắt văn bản Diễn biến Chiến dịch Điện Biên Phủ - Văn 6 (6 mẫu)

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 5)

Năm 1954, trên đại ngàn Tây Bắc đất nước, quân và dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đạp bằng mọi khó khăn thử thách, đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp và can thiệp của đế quốc Mỹ,

dựng lên mốc son chói lọi trong dòng chảy lịch sử dân tộc, đồng thời làm “chấn động địa cầu”, tác động mạnh đến phong trào đầu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

Sau Cách mạng Tháng 8 năm 1945, thực dân Pháp dã tâm dùng vũ lực hòng đặt lại ách thống trị trên đất nước ta một lần nữa. Thực hiện lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến ngày 19/12/1946 của Hồ Chủ tịch và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, lâu dài, dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và ý chí "Thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ", toàn thể nhân dân Việt Nam đã tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ với niềm tin tất thắng.

Bằng tinh thần "Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh" quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Vùng giải phóng không ngừng được mở rộng, chính quyền nhân dân được củng cố. Sau hơn 7 năm kháng chiến, ta càng đánh càng mạnh, còn thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động.
Từ năm 1953, tình hình chiến trường Đông Dương có nhiều thay đổi bất lợi cho thực dân Pháp. Lợi dụng lúc thực dân Pháp gặp khó khăn, Mỹ đã tìm cách nhảy vào Việt Nam, tăng cường viện trợ.

Tháng 7/1953 “Kế hoạch Nava” được Hội đồng Quốc phòng Pháp thông qua hòng “tìm cách thoát ra khỏi cuộc chiến tranh ở Đông Dương trong danh dự” trong vòng 18 tháng. Điểm mấu chốt của kế hoạch là tập trung lực lượng cơ động chiến lược ở đồng bằng Bắc Bộ, lúc cao điểm lên đến 44 tiểu đoàn, nhằm giành lại sự chủ động chiến lược xoay chuyển tình thế trên chiến trường Đông Dương, thực hiện đòn tiến công mang tính quyết định khi có điều kiện. Được sự hỗ trợ của đế quốc Mỹ, thực dân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một cứ điểm mạnh nhất Đông Dương.

Nhận thức rõ âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp, đầu tháng 12 năm 1953, Bộ Chính trị quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến “Đánh nhanh thắng nhanh”. Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh, đây là một chiến dịch lịch sử có ý nghĩa quân sự, chính trị, ngoại giao rất quan trọng. Người căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Bí thư Đảng ủy, kiêm Tư lệnh Mặt trận: “Trận này chắc thắng thì đánh, không chắc thắng không đánh”.

Với tầm nhìn chiến lược, Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận thấy phương án "Đánh nhanh thắng nhanh" mang nhiều yếu tố chủ quan, không đánh giá đúng tình hình thực lực của hai bên, không thể đảm bảo chắc thắng. Cuối cùng, Đại tướng quyết định dừng trận đánh, kéo pháo ra, chuyển phương án từ “đánh nhanh, thắng nhanh sang đánh chắc, tiến chắc”.

Ngày 17/3/1954, chiến dịch Điện Biên Phủ chính thức mở màn, quân ta tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; diệt và bắt sống hơn 2.000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ một trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh. Piroth, Tư lệnh pháo binh Pháp ở Điện Biên Phủ đã dùng lựu đạn tự sát vì bất lực trước pháo binh của ta.

Ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tiến công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ hai, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại súng của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Vào hồi 17 giờ 30 phút ngày 7/5/1954, ta chiếm Sở chỉ huy của địch, tướng De Castries cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải ra hàng. Lá cờ "Quyết chiến, quyết thắng" của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tấn công, phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào. Đến 24 giờ cùng ngày, toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Như vậy, sau nhiều tháng nỗ lực chuẩn bị Chiến dịch và trải qua 55 ngày đêm chiến đấu kiên cường, dũng cảm, sáng tạo, ngày 7/5/1954, quân và dân ta đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lẫy lừng năm châu, chấn động địa cầu”. Toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được xem là “bất khả chiến bại” đã bị quân và dân ta đánh bại.

Đánh giá về ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đó “là một cái mốc chói lọi bằng vàng của lịch sử”; là bản anh hùng ca bất tử của cuộc chiến tranh nhân dân, “được ghi vào lịch sử dân tộc như một Bạch Đằng, một Chi Lăng hay một Đống Đa trong thế kỷ XX, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công chói lọi đột phá thành trì của hệ thống nô dịch thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc”.

Người chỉ rõ: Lần đầu tiên trong lịch sử, một nước thuộc địa nhỏ yếu đã đánh thắng một một nước thực dân hùng mạnh. Đó là, một thắng lợi vẻ vang của nhân dân Việt Nam, đồng thời cũng là một thắng lợi vẻ vang của các lực lượng hòa bình, dân chủ và xã hội chủ nghĩa trên thế giới.

Chiến thắng Điện Biên Phủ là chiến thắng lớn nhất của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn dân, toàn diện chống thực dân Pháp xâm lược và can thiệp Mỹ. Thắng lợi này đã trực tiếp đưa đến việc ký Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương; tạo cơ sở và điều kiện để nhân dân ta tiến lên giành thắng lợi vĩ đại trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc vào năm 1975. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đã làm tăng thêm niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân một lòng, một dạ chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

67 năm đã trôi qua kể từ ngày lá cờ "Quyết chiến - Quyết thắng" của Quân đội ta tung bay trên nóc hầm tướng De Castries. Kể từ chiến thắng “chấn động địa cầu, lẫy lừng năm châu”, đất nước qua bao biến cố lịch sử, vỹ tuyến 17 đã không còn là giới tuyến chia đôi bờ Nam, đất Bắc. Và sau gần 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử: giữ vững ổn định chính trị - xã hội, thoát khỏi tình trạng nước nghèo, kém phát triển; đời sống nhân dân được cải thiện; thế và lực, sức mạnh tổng hợp của đất nước được nâng lên; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, biển, đảo của Tổ quốc và chế độ Xã hội chủ nghĩa. Vị thế và uy tín của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới được nâng cao.

Dân tộc Việt Nam đang tiếp tục đi lên trên những hành trình mới. Nhưng chiến thắng Điện Biên Phủ, đặc biệt là tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc trong chiến dịch lịch sử này sẽ mãi là một biểu hiện sinh động của chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Mốc son đó trở thành bài học kinh nghiệm mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa lý luận và thực tiễn sâu sắc, đang được chắt lọc và vận dụng sáng tạo trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay, tiến lên thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 6)

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Ngay sau khi Cách mạng tháng Tám thắng lợi, thực dân Pháp được sự hỗ trợ của các thế lực đế quốc đã quay trở lại xâm lược nước ta. Ngày 19/12/1946, đáp lời Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã anh dũng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ chống kẻ thù xâm lược.

Dựa vào sức mình là chính, với vũ khí thô sơ và tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, quân và dân ta đã lần lượt đánh bại các chiến lược quân sự của thực dân Pháp. Đến năm 1953, chúng ta đã làm chủ trên các chiến trường, tạo ra sự so sánh lực lượng có lợi cho ta. Để cứu vãn tình thế, thu – đông năm 1953, thực dân Pháp và can thiệp Mỹ đã triển khai Kế hoạch Nava tăng cường binh lực và phương tiện chiến tranh, mưu toan trong vòng 18 tháng sẽ tiêu diệt phần lớn bộ đội chủ lực của ta, kiểm soát lãnh thổ Việt Nam, giành lại thế chủ động trên chiến trường, làm cơ sở cho một giải pháp chính trị hòng tiếp tục sự chiếm đóng lâu dài. Khi phát hiện hướng tiến công chiến lược của ta vào Tây Bắc, Lai Châu và Thượng Lào, Bộ chỉ huy quân viễn chinh Pháp đã cho quân nhảy dù chiếm Điện Biên Phủ, xây dựng nơi đây thành căn cứ quân sự kiên cố.

Về phía ta, tháng 9/1953, Bộ Chính trị họp bàn và quyết định mở cuộc tiến công chiến lược đông - xuân với phương châm: tích cực, chủ động, cơ động, linh hoạt, tiêu diệt sinh lực địch, bồi dưỡng lực lượng ta, chọn nơi sơ hở và nơi xung yếu của địch mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động, buộc địch phải phân tán lực lượng. Quân và dân ta đã phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia liên tiếp mở chiến dịch và giành thắng lợi ở Lai Châu, Tây Nguyên, Trung Lào, Hạ Lào, Thượng Lào và Đông Campuchia, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, mở rộng vùng giải phóng buộc quân Pháp lâm vào tình thế bị động chiến lược, phải phân tán lực lượng để đối phó trên khắp các chiến trường.

Điện Biên Phủ là cứ điểm có ý nghĩa chiến lược khống chế cả một vùng rộng lớn của Tây Bắc và Thượng Lào. Tuy nằm ngoài dự kiến ban đầu của Kế hoạch Nava, nhưng các tướng lĩnh Pháp và Mỹ đã tăng cường lực lượng, xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh. Ở đây tập trung 16.200 quân gồm 21 tiểu đoàn trong đó có 17 tiểu đoàn bộ binh, 3 tiểu đoàn pháo binh, 1 tiểu đoàn công binh, 1 đại đội xe tăng, 1 phi đội không quân, 1 đại đội vận tải cơ giới. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ được bố trí thành 3 phân khu Bắc, Trung, Nam với 49 cứ điểm, huy động toàn bộ lính dù và 40% lực lượng cơ động tinh nhuệ nhất của Pháp ở Đông Dương; hai sân bay Mường Thanh và Hồng Cúm mỗi ngày có thể vận chuyển khoảng 200 đến 300 tấn hàng và thả dù từ 100 đến 150 quân, đảm bảo nguồn tiếp viện trong quá trình tác chiến. Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm phòng ngự mạnh nhất của Pháp ở Đông Dương lúc bấy giờ, như “một pháo đài không thể công phá”, là nơi thu hút để tiêu diệt bộ đội chủ lực của ta và là quyết chiến điểm của Kế hoạch Nava.

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp và nhận định, đánh Điện Biên Phủ là một trận công kiên lớn nhất của quân đội ta từ trước tới nay và có ý nghĩa quân sự, chính trị và ngoại giao rất quan trọng. Trên tinh thần đó, Bộ Chính trị đã quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ, thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng uỷ mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm Tư lệnh kiêm Bí thư Đảng uỷ chiến dịch. Chính phủ quyết định thành lập Hội đồng cung cấp mặt trận do đồng chí Phạm Văn Đồng làm Chủ tịch. Mọi công việc chuẩn bị cho chiến dịch được tiến hành khẩn trương với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, các đơn vị bộ đội chủ lực nhanh chóng tập kết, bạt rừng, xẻ núi mở đường kéo pháo, xây dựng trận địa, sẵn sàng tiến công địch; dân công, thanh niên xung phong bất chấp bom đạn bảo đảm hậu cần phục vụ chiến dịch.

Ngày 25/1/1954, các đơn vị bộ đội ta ở vị trí tập kết sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh”. Nhưng nhận thấy địch đã tăng cường lực lượng phòng ngự vững chắc, Bộ Chỉ huy và Đảng uỷ chiến dịch đã đưa ra quyết định mới: giữ vững quyết tâm tiêu diệt tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, thay đổi phương châm tác chiến sang “đánh chắc, tiến chắc”. Thực hiện phương châm mới, trận quyết chiến Điện Biên Phủ đã diễn ra trong 3 đợt:

Từ ngày 13 đến 17/3/1954, quân ta đã dũng cảm tiêu diệt gọn cứ điểm Him Lam và đồi Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía bắc của tập đoàn cứ điểm, diệt và bắt sống trên 2000 tên địch, phá hủy 25 máy bay, xóa sổ 1 trung đoàn, uy hiếp sân bay Mường Thanh.

Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954, quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía đông phân khu trung tâm, thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho tập đoàn cứ điểm. Đây là đợt tấn công dai dẳng, dài ngày nhất, quyết liệt nhất, gay go nhất, ta và địch giành giật nhau từng tấc đất, từng đoạn giao thông hào. Đặc biệt tại đồi C1 ta và địch giằng co nhau tới 20 ngày, đồi A1 giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2 khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn các loại pháo của ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động, mất tinh thần cao độ.

Từ ngày 1/5 đến ngày 7/5/1954, quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía đông và mở đợt tổng công kích. Đêm ngày 6/5, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa ta và địch diễn ra quyết liệt, quân ta xông lên tiêu diệt từng lô cốt, nổ phá từng hầm ngầm. Tên quan tư chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã ra đầu hàng. 17 giờ 30 phút ngày 7/5, ta chiếm sở chỉ huy trung tâm, tướng Đờ Caxtơri cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ kéo cờ trắng ra hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Ngay trong đêm đó quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ toàn bộ quân địch đã bị bắt làm tù binh.

Sau 55 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo quân và dân ta đã đập tan toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng của địch. Ngày 7/5/1954 trở thành ngày kỷ niệm kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, chiến thắng Điện Biên Phủ là một trong những đỉnh cao chói lọi, một kỳ tích vẻ vang. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là chiến thắng vĩ đại nhất, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt làm thay đổi cục diện chiến tranh trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Giơnevơ chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ; chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên bán đảo Đông Dương; bảo vệ và phát triển thành quả Cách mạng tháng Tám; giải phóng miền Bắc, tạo cơ sở vững chắc để tiến lên giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Chiến thắng Điện Biên Phủ đã củng cố niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Chiến thắng Điện Biên Phủ mang tầm vóc thời đại, góp phần to lớn vào phong trào đấu tranh vì hoà bình, tiến bộ của nhân loại, đây là là chiến thắng chung của các nước trên bán đảo Đông Dương, của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào đấu tranh vì hòa bình, tiến bộ xã hội trên toàn thế giới. Chứng minh một chân lý của thời đại: các dân tộc bị áp bức, bị xâm lược nếu có ý chí kiên cường và đường lối đúng đắn, sáng tạo, biết đoàn kết đấu tranh vì độc lập tự do thì dân tộc đó nhất định giành thắng lợi.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 7)

Một trong những sự kiện lịch sử có ý nghĩa vô cùng quan trọng với dân tộc Việt Nam là Chiến thắng Điện Biên Phủ. Với sự kiện này, cuộc kháng chiến chống thực dân pháp đã chính thức giành thắng lợi.

Nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

“Chín năm làm một Điện Biên
Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”

Từ đó, chúng ta mới thấy được ý nghĩa của chiến dịch này. Trước hết, chiến dịch Điện Biên Phủ là đỉnh cao của cuộc tiến công chiến lược Đông Xuân 1953 - 1954. Ba đợt tiến công diễn ra trong năm mươi sáu ngày đêm. Đợt 1 (từ 13 đến 17 tháng 3), chúng ta tiêu diệt được hai cứ điểm quan trọng là Him Lam và Độc Lập, mở toang cánh cửa phía Bắc và Đông Bắc cho quân ta tiến xuống lòng chảo và khu trung tâm. Đợt 2 (từ 30 tháng 3 đến 30 tháng 4), ta đã kiểm soát các điểm cao, khu trung tâm Điện Biên Phủ nằm trong tầm bắn các loại sống của ta. Còn quân địch rơi vào thể bị động mất tinh thần cao độ. Đợt 3 (từ 1 đến 7 tháng 5), quân ta tổng công kích tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, chiến dịch toàn thắng.

Thắng lợi của chiến dịch Điện Biên Phủ đã chấm dứt chín năm kháng chiến chống Pháp trường kỳ, gian khổ của nhân dân Việt Nam. Từ đó, thực dân Pháp buộc phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ (7/1954) về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình tại các nước Đông Dương. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ thể hiện niềm tự hào dân tộc, niềm tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và cổ vũ toàn Đảng, toàn dân một lòng chiến đấu dưới lá cờ vẻ vang của Đảng vì nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Đồng thời, chiến thắng này cũng cổ vũ mạnh mẽ phong trào giải phóng dân tộc trên thế giới, đặc biệt là các nước ở châu Á, châu Phi và Mĩ La-tinh.

Có thể khẳng định rằng, Điện Biên Phủ là một trong những chiến dịch vô cùng quan trọng, góp phần đánh bại kẻ thù xâm lược - thực dân Pháp.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 8)

Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là một mốc son chói lọi của nhân dân ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ngày 06/12/1953, Bộ Chính trị đã họp và ra quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ và thông qua phương án tác chiến, thành lập Bộ Chỉ huy chiến dịch, Đảng ủy mặt trận do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu.

Ngày 25/01/1954, các đơn vị bộ đội của ta đã ở vị trí tập kết và sẵn sàng nổ súng theo phương châm tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh”.

Chiến dịch Điện Biên Phủ chia thành 3 đợt:

Đợt 1: Từ ngày 13 đến 17/3/1954: Quân ta đã dũng cảm, mưu trí tiêu diệt gọn cụm cứ điểm Him Lam và Độc Lập, bức hàng cứ điểm Bản Kéo, phá vỡ cửa ngõ phía Bắc của tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ; tiêu diệt và bắt sống trên 2.000 quân địch, xóa sổ 01 trung đoàn, phá hủy 25 máy bay, uy hiếp sân bay Mường Thanh; tư lệnh pháo binh Pháp bất lực trước pháo binh của ta nên đã dùng lựu đạn để tự sát.

Đợt 2: Từ ngày 30/3 đến ngày 30/4/1954: Quân ta đồng loạt tiến công các cứ điểm phía Đông phân khu trung tâm thắt chặt vòng vây, chia cắt và liên tục tiến công, kiểm soát sân bay Mường Thanh, hạn chế tiếp viện của địch cho các tập đoàn cứ điểm. Để muốn kéo dài thời gian nên quân địch hết sức ngoan cố. Tướng Nava hy vọng đến mùa mưa ta phải cởi vòng vây. Tại đồi C1 quân ta và quân Pháp đã giằng co nhau tới 20 ngày, tại đồi A1 đã giằng co tới 30 ngày. Sau đợt tấn công thứ 2, khu trung tâm Điện Biên Phủ đã nằm trong tầm bắn của các nình súng bên quân ta, quân địch rơi vào tình trạng bị động.

Đợt 3: Từ ngày 01/5 đến ngày 07/5/1954: Quân ta đánh chiếm các cứ điểm phía Đông và mở đợt tổng tiến công tiêu diệt toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ. Đêm ngày 06/5/1954, tại đồi A1 trận chiến đấu giữa quân ta và quân địch diễn ra rất quyết liệt, quân ta ào ạt xông lên đã tiêu diệt các lô cốt và dùng thuốc nổ để phá các hầm ngầm. Tên chỉ huy đồi A1 và khoảng 400 tên địch còn sống sót đã phải xin đầu hàng. Vào lúc 17 giờ 30 phút ngày 07/5/1954, quân ta đã chiếm sở chỉ huy của địch, tướng Đờ Cát cùng toàn bộ Bộ Tham mưu và binh lính tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải xin đầu hàng. Lá cờ “quyết chiến, quyết thắng” của quân ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của quân địch. Và ngay trong đêm đó, quân ta tiếp tục tiến công phân khu Nam, đánh cho địch tháo chạy về Thượng Lào, đến 24 giờ thì tất cả quân địch đã bị ta vây bắt.

Trải qua 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, quân ta đã bắt sống tướng De Castries, tiêu diệt và bắt sống 16.200 tên địch, bắn rơi 62 máy bay, thu 64 ô tô và tịch thu toàn bộ vũ khí, đạn dược, quân trang quân dụng của địch. Giải phóng được nhiều vùng rộng lớn. Đã giáng một đòn mạnh, quyết định, đập tan hoàn toàn kế hoạch Nava của thực dân Pháp.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 9)

Chiến dịch Điện Biên Phủ là một trong những sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử Việt Nam, đánh dấu bước ngoặt quyết định dẫn đến sự kết thúc của cuộc chiến tranh Đông Dương giữa Việt Nam và Pháp. Cuộc chiến bắt đầu vào ngày 13 tháng 3 và kết thúc vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau 55 ngày giao tranh ác liệt. Quân đội Nhân dân Việt Nam dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện một chiến dịch quân sự táo bạo và chiến lược với mục tiêu là tiêu diệt tập đoàn cứ điểm mạnh của Pháp tại Điện Biên Phủ. Đây là một thung lũng nằm ở Tây Bắc Việt Nam, có vị trí chiến lược quan trọng, kiểm soát các tuyến giao thông và có thể ảnh hưởng đến cả khu vực Thượng Lào.

Dưới sự chỉ huy của Tướng Christian de Castries, quân Pháp đã xây dựng Điện Biên Phủ thành một pháo đài kiên cố với hy vọng sẽ ngăn chặn và tiêu diệt lực lượng Việt Minh. Tuy nhiên, quân đội Việt Nam đã không ngần ngại thực hiện những chiến thuật độc đáo như kéo pháo lên núi để có thể bắn trực tiếp vào các cứ điểm của Pháp, một hành động mà Pháp không hề lường trước được. Sự kiên cường và sáng tạo trong chiến thuật của quân đội Việt Nam cùng với sự hỗ trợ của dân công trong việc vận chuyển vũ khí và lương thực đã tạo nên một lợi thế lớn.

Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt với mưa lớn và địa hình phức tạp, nhưng điều này không hề làm giảm tinh thần chiến đấu mạnh mẽ của quân và dân Việt Nam. Quân và dân ta đã chiến đấu không mệt mỏi, vượt qua mọi khó khăn và thách thức để tiến hành các cuộc tấn công liên tiếp vào các cứ điểm của Pháp. Cuối cùng, sau nhiều ngày giao tranh, quân Pháp đã không thể chịu đựng được sức ép và phải đầu hàng vào ngày 7 tháng 5. Đây có thể coi là thất bại nặng nề cho Pháp và là chiến thắng vang dội cho Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ có ý nghĩa quân sự mà còn có tầm quan trọng lớn về mặt chính trị và tinh thần. Chiến thắng Điện Biên Phủ đã chứng minh rằng một quốc gia nhỏ bé với quân đội ít trang bị và vũ khí thô sơ có thể đánh bại một cường quốc có quân đội hiện đại và trang bị tốt hơn. Chiến thắng này cũng đã truyền cảm hứng cho các phong trào giải phóng dân tộc khác trên khắp thế giới và là một minh chứng cho sức mạnh của ý chí và quyết tâm.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Hiệp định Genève được ký kết vào tháng 7 năm 1954, chấm dứt chiến tranh và khôi phục hòa bình ở Đông Dương. Hiệp định công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, Lào và Campuchia, mở ra một kỷ nguyên mới cho khu vực và đặt nền móng cho sự phát triển và tiến bộ của các quốc gia này trong tương lai.

Kể lại sự kiện chiến dịch Điện Biên Phủ (mẫu 10)

Cuộc chiến Điện Biên Phủ diễn ra từ ngày 13 tháng 3 đến ngày 7 tháng 5 năm 1954, là một trong những trận đánh quyết định của Chiến tranh Đông Dương, khi mà Quân đội Nhân dân Việt Nam (QĐNDVN) dưới sự chỉ huy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đánh bại quân đội Liên hiệp Pháp, buộc họ phải đầu hàng và ký kết Hiệp định Genève, chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Đông Dương. Đây là một chiến thắng vang dội không chỉ về mặt quân sự mà còn về mặt chính trị và tinh thần, khẳng định ý chí độc lập và tự do của dân tộc Việt Nam.

Trước khi chiến dịch bắt đầu, Pháp đã cho xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh với 16.200 quân, bao gồm 21 tiểu đoàn và nhiều đơn vị hỗ trợ khác. Tuy nhiên, QĐNDVN đã không ngần ngại đối mặt với thách thức này. Quân ta đã vận chuyển vũ khí và trang bị bằng đường bộ qua những con đường khó khăn, thậm chí là phải “khoét núi ngủ hầm” để tiếp cận và bao vây Điện Biên Phủ từ nhiều hướng.

Cuộc vây hãm và tấn công Điện Biên Phủ đã diễn ra qua nhiều giai đoạn với các trận đánh ác liệt như trận Him Lam, trận đồi Độc lập và trận Bản Kéo. Trong suốt 56 ngày đêm, quân và dân Việt Nam đã chiến đấu kiên cường với môtj tinh thần “cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh”, cuối cùng đã loại khỏi vòng chiến đấu 16.200 sinh lực địch và thu giữ toàn bộ vũ khí, trang bị quân sự của họ.

Kết quả của chiến dịch là sự đầu hàng của quân Pháp tại Điện Biên Phủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, sau khi không thể chống đỡ được trước các đợt tấn công mạnh mẽ của QĐNDVN. Thắng lợi này đã buộc Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán và cuối cùng là ký kết Hiệp định Genève, theo đó Pháp trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương, bao gồm Việt Nam.

Chiến dịch Điện Biên Phủ là minh chứng cho sức mạnh của sự đoàn kết quốc tế, khi quân và dân Việt Nam phối hợp với quân và dân Lào, Campuchia mở rộng vùng giải phóng và buộc quân Pháp phải phân tán lực lượng trên nhiều chiến trường. Điều này đã góp phần làm suy yếu đáng kể sức mạnh quân sự của Pháp ở Đông Dương và tạo điều kiện cho việc giải phóng các vùng lãnh thổ khác.

Có thể nói rằng, chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ là một thắng lợi quân sự mà còn là một biểu tượng của ý chí và nghị lực của dân tộc Việt Nam trong việc đấu tranh cho độc lập và tự do. Chiến dịch vĩ đại này đã cho thấy sự sáng tạo và linh hoạt trong chiến thuật của QĐNDVN khi chọn nơi sơ hở và nơi xung yếu của địch mà đánh, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giữ vững thế chủ động trong suốt cuộc chiến.

1 23,216 13/01/2025
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: