Từ sau ngày 1/7/2021 bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân dùng giấy tờ gì thay thế?
Từ sau ngày 1/7/2021 bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân dùng giấy tờ gì thay thế?

1. Từ sau ngày 1/7/2021 bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân dùng giấy tờ gì thay thế?

Theo quy định Luật Cư trú năm 2020, kể từ ngày 01/7/2022, mọi thông tin liên quan đến cư trú đều được cập nhật trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, được kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Do đó, khi bỏ sổ hộ khẩu giấy, công dân chỉ cần xuất trình thẻ CCCD, cơ quan có thẩm quyền sẽ tra cứu được các thông tin cư trú, nhân thân.

Trong trường hợp, người bị thu hồi sổ hộ khẩu khi làm các thủ tục quy định tại Khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA nhưng vẫn cần giấy tờ chứng minh cư trú, công dân có thể sử dụng “Giấy xác nhận thông tin về cư trú”. Nội dung của Giấy xác nhận thông tin về cư trú sẽ bao gồm thông tin về thời gian, địa điểm, hình thức đăng ký cư trú.

2. Trường hợp nào thu hồi Sổ hộ khẩu?

Theo quy định khoản 2 Điều 26 Thông tư 55/2021/TT-BCA, người dân sẽ bị thu Sổ hộ khẩu khi thực hiện một trong các thủ tục sau:

  • Thủ tục đăng ký thường trú
  • Thủ tục điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú
  • Thủ tục tách hộ
  • Thủ tục xóa đăng ký thường trú
  • Thủ tục đăng ký tạm trú
  • Thủ tục gia hạn tạm trú
  • Thủ tục xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin có trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Khi thực hiện một trong các thủ tục trên, song song với việc thu Sổ hộ khẩu - cơ quan đăng ký cư trú sẽ điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu đã thu.

3. Cơ quan nào có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu?

Khi công dân thực hiện các thủ tục đăng ký thường trú, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú, tách hộ, xóa đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú, gia hạn tạm trú, xóa đăng ký tạm trú dẫn đến thay đổi thông tin trong Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú thì cơ quan đăng ký cư trú có trách nhiệm thu hồi Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã cấp, thực hiện điều chỉnh, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu về cư trú theo quy định của Luật Cư trú và không cấp mới, cấp lại Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú.

Theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Cư trú 2020 cơ quan đăng ký cư trú là cơ quan quản lý cư trú trực tiếp thực hiện việc đăng ký cư trú của công dân, bao gồm Công an xã, phường, thị trấn; Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương ở nơi không có đơn vị hành chính cấp xã.

4. Không có Sổ hộ khẩu giấy thì có làm căn cước công dân được không?

Trường hợp sổ hộ khẩu đã bị thu hồi và thông tin đã có sẵn trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì công dân vẫn có thể làm CCCD gắn chip mà không gặp trở ngại gì.

Theo quy định, dù chuyển qua hình thức điện tử nhưng người dân vẫn cần phải làm thủ tục đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú như trước đây. Vì thế, khi đi đăng ký thường trú, tạm trú, người dân sẽ được cập nhật thông tin lên hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu về cư trú thay vì sổ giấy như trước đây.

Khoản 1 Điều 5 Thông tư 60/2021 của Bộ Công an nêu rõ, sau khi tiếp nhận đề nghị cấp CCCD gắn chip của công dân, cán bộ tiếp nhận tiến hành tìm kiếm thông tin công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.

  • Trong trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và không có sự thay đổi, điều chỉnh thì sử dụng thông tin của công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để lập hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
  • Trường hợp thông tin công dân đã có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nhưng có sự thay đổi, điều chỉnh thì đề nghị công dân xuất trình giấy tờ pháp lý chứng minh nội dung thay đổi để cập nhật, bổ sung thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
  • Trường hợp thông tin công dân chưa có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì đề nghị công dân xuất trình một trong các loại giấy tờ hợp pháp chứng minh nội dung thông tin nhân thân để cập nhật thông tin trong hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ CCCD.
Từ sau ngày 1/7/2021 bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân dùng giấy tờ gì thay thế?
Từ sau ngày 1/7/2021 bỏ Sổ hộ khẩu giấy, người dân dùng giấy tờ gì thay thế?

5. Các câu hỏi thường gặp

5.1. Tại sao kể từ ngày 01/01/2023 không thu hồi Sổ hộ khẩu giấy nữa?

Theo đó, Khoản 3 Điều 38 của Luật Cư trú 2020 có quy định kể từ ngày 01/7/2021, Sổ hộ khẩu, Sổ tạm trú đã được cấp vẫn được sử dụng và có giá trị như giấy tờ, tài liệu xác nhận về cư trú theo quy định của Luật này cho đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022.

Vậy nên, kể từ ngày 01/01/2023, Sổ hộ khẩu giấy sẽ hết giá trị, các giao dịch, hợp đồng, thủ tục hành chính… không còn cần sử dụng đến hai loại giấy tờ này, thay vào đó là sử dụng thông tin trên hệ thống dữ liệu điện tử.

Do đó, việc thu hồi Sổ hộ khẩu giấy kể từ ngày 01/01/2023 không còn ảnh hưởng, bởi lẽ từ lúc này Sổ hộ khẩu giấy đã không còn giá trị.

5.2. Sổ hộ khẩu bị thu hồi thì phải làm sao?

Theo thông tư 55/2021 của Bộ Công an, sau khi sổ hộ khẩu bị “khai tử”, người dân có thể yêu cầu cơ quan nhà nước cấp xác nhận thông tin về cư trú cho mình.

5.3. 7 loại giấy tờ thay thế sổ hộ khẩu

  • Sử dụng thẻ Căn cước công dân gắn chíp điện tử là giấy tờ pháp lý chứng minh thông tin về cá nhân, nơi thường trú
  • Sử dụng thiết bị đọc mã QRCode trên thẻ căn cước công dân có gắn chíp
  • Sử dụng thiết bị đọc chíp trên thẻ căn cước công dân
  • Người dân tra cứu, khai thác thông tin cá nhân trực tuyến trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để sử dụng khi thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự
  • Sử dụng ứng dụng VNeID hiển thị các thông tin trên các thiết bị điện tử để phục vụ giải quyết các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự
  • Sử dụng giấy xác nhận thông tin về cư trú
  • Sử dụng Thông báo số định danh cá nhân và thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư