Thời hạn ra quyết định xử phạt giao thông sau khi lập biên bản?

Sau khi lập biên bản vi phạm đối với người tham gia giao thông thì sau bao lâu cơ quan công an phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính? Theo dõi bài viết dưới đây để có thông tin chính xác về vấn đề này nhé!

1. Thời hạn ra quyết định xử phạt giao thông sau khi lập biên bản?

Điều 66 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định như sau:

“Điều 66. Thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính phải ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp mà không thuộc trường hợp giải trình hoặc đối với vụ việc thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày, kể từ ngày lập biên bản.

Trường hợp vụ việc đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp và thuộc trường hợp giải trình theo quy định tại đoạn 2 khoản 2 và khoản 3 Điều 61 của Luật này mà cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì người có thẩm quyền đang giải quyết vụ việc phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

2. Quá thời hạn quy định tại khoản 1 Điều này hoặc khoản 3 Điều 63 của Luật này, người có thẩm quyền xử phạt không ra quyết định xử phạt nhưng vẫn quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại khoản 1 Điều 28 của Luật này, quyết định tịch thu sung vào ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy tang vật vi phạm hành chính thuộc loại cấm lưu hành.

Người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính nếu có lỗi trong việc để quá thời hạn mà không ra quyết định xử phạt thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.”

Như vậy, thời hạn ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 07 ngày kể từ ngày lập biên bản vi phạm hành chính. Đối với vụ việc có nhiều tình tiết phức tạp thì thời hạn ra quyết định xử phạt tối đa là 30 ngày. Đối với những vụ việc đặc biệt nghiêm trọng thì thời hạn tối đa là 60 ngày. Trong thời hạn này, người có thẩm quyền xử phạt như là cảnh sát giao thông sẽ ra quyết định xử phạt.

2. Có thể đến sớm hơn ngày hẹn trong biên bản vi phạm hành chính để nộp phạt được không?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 về Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính như sau:

“Thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính; trường hợp quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó.

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 15 của Luật này. Việc khiếu nại, khởi kiện được giải quyết theo quy định của pháp luật”.

Theo như quy định trên, về nguyên tắc người vi phạm chỉ có thể nộp phạt khi đã nhận được quyết định xử phạt. Người vi phạm có thể đến sớm hơn ngày ghi trong biên bản để được hỗ trợ giải quyết việc đóng phạt nếu như người có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt sớm. Khi người vi phạm nhận được quyết định xử phạt thì có thể đóng phạt, để nhận lại bằng lái xe.

Mặc khác khi người vi phạm liên hệ sớm, có thể sẽ không được giải quyết vì chưa đến ngày hẹn trong biên bản vi phạm.

3. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính với vụ việc không có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh là bao lâu?

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 74 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi khoản 36 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 như sau:

“Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính

1. Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

2. Trong trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu nói trên được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn”.

Theo đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính là 01 năm, kể từ ngày ra quyết định, quá thời hạn này thì không thi hành quyết định đó nữa, trừ trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng hình thức xử phạt tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn phải tịch thu tang vật, phương tiện, áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả.

4. Biên bản vi phạm hành chính thường có những nội dung cơ bản nào?

Biên bản vi phạm giao thông là văn bản ghi nhận lại diễn biến, thời gian, địa điểm, đối tượng thực hiện, trình tự, nội dung,…. của một hành vi vi phạm pháp luật giao thông đã được diễn ra trên thực tiễn. Đây là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xử phạt ra quyết định xử phạt.

Hiện nay, pháp luật chưa quy định cụ thể về biên bản vi phạm giao thông. Tuy nhiên, giao thông là một trong những lĩnh vực thuộc quản lý hành chính nhà nước nên có thể coi biên bản vi phạm giao thông là một loại của biên bản vi phạm hành chính.

Căn cứ khoản 2 Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, được sửa đổi bởi Khoản 29 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020 có quy định:

“Lập biên bản vi phạm hành chính

3. Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu sau đây:

a) Thời gian, địa điểm lập biên bản;

b) Thông tin về người lập biên bản, cá nhân, tổ chức vi phạm và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

c) Thời gian, địa điểm xảy ra vi phạm; mô tả vụ việc, hành vi vi phạm;

d) Lời khai của người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm, người chứng kiến, người bị thiệt hại hoặc đại diện tổ chức bị thiệt hại;

đ) Biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính;

e) Quyền và thời hạn giải trình.

Biên bản vi phạm hành chính có nội dung chủ yếu như trên.

5. Các trường hợp phải lập biên bản vi phạm giao thông

Người tham gia giao thông thuộc một trong các trường hợp sau sẽ bị lập biên bản vi phạm giao thông:

- Tại thời điểm kiểm tra, xử lý vi phạm giao thông, người điều khiển phương tiện giao thông không có hoặc không xuất trình được một, một số hoặc tất cả các giấy tờ gồm Giấy phép lái xe, Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (theo khoản 3 Điều 82 Nghị định 100/2019/NĐ-CP);

- Vi phạm giao thông không thuộc trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân, 500.000 đồng đối với tổ chức (theo khoản 1 Điều 57 Luật Xử lý vi phạm hành chính);

- Vi phạm giao thông khác được phát hiện nhờ sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật, nghiệp vụ (theo khoản 1 Điều 56 Luật Xử lý vi phạm hành chính).

Lưu ý:

- Biên bản vi phạm giao thông phải được lập thành ít nhất 02 bản và phải được người lập biên bản và người vi phạm hoặc đại diện tổ chức vi phạm ký;

- Biên bản vi phạm hành chính lập xong phải giao cho cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính 01 bản.

6. Không ký biên bản vi phạm giao thông thì có cần phải nộp phạt không?

Theo Điều 58 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 được sửa đổi bổ sung bởi Luật Xử lý vi phạm hành chính 2020 thì:

“Trường hợp người vi phạm, đại diện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã nơi xảy ra vi phạm hoặc của ít nhất 01 người chứng kiến xác nhận việc cá nhân, tổ chức vi phạm không ký vào biên bản; trường hợp không có chữ ký của đại diện chính quyền cấp xã hoặc của người chứng kiến thì phải ghi rõ lý do vào biên bản.”

Như vậy, dù người vi phạm, đại điện tổ chức vi phạm không ký vào biên bản vi phạm giao thông thì vẫn phải nộp phạt vì biên bản đó sẽ được làm chứng bởi đại diện chính quyền cấp xã hoặc người chứng kiến xác nhận. Ngoài ra, theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP không có quy định nào về việc không chịu ký vào biên bản xử phạt sẽ bị xử lý thêm về lỗi khác. Người vi phạm có thể tra cứu và nộp phạt vi phạm giao thông online

Căn cứ tại Điều 57 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 quy định:

“Điều 57. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản, hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính

1. Xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính của cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính không thuộc trường hợp quy định tại đoạn 1 khoản 1 Điều 56 của Luật này.

2. Việc xử phạt vi phạm hành chính có lập biên bản phải được người có thẩm quyền xử phạt lập thành hồ sơ xử phạt vi phạm hành chính. Hồ sơ bao gồm biên bản vi phạm hành chính, quyết định xử phạt hành chính, các tài liệu, giấy tờ có liên quan và phải được đánh bút lục.

Hồ sơ phải được lưu trữ theo quy định của pháp luật về lưu trữ.”

Vì bạn không chịu ký vào biên bản nên bạn cũng không nhận được biên bản xử phạt do cảnh sát giao thông giao cho. Điều này sẽ dẫn đến nhiều khó khăn cho bạn trong quá trình đi nộp phạt để lấy lại giấy tờ đang bị cảnh sát tạm giữ. Tuy nhiên, khi lập biên bản xử phạt thì 1 bản sẽ được cơ quan có thẩm quyền lưu trữ nên trong trường hợp bạn không có biên bản thì vẫn có thể thực hiện nộp phạt được.

Để tiến hành nộp phạt, bạn cần làm một bản tường trình. Trong đó, nêu thông tin về bản thân; thông tin về xe; quá trình vi phạm; xử lý ở đâu; thời gian nào; lý do không ký và không lấy biên bản xử phạt. Bạn mang bản tường trình ra Công an cấp xã nơi cư trú xin xác nhận. Sau đó, bạn đem bản tường trình đã được xác nhận kèm theo các giấy tờ tùy thân và giấy tờ xe đến đơn vị cảnh sát giao thông đang tạm giữ giấy tờ của bạn để làm thủ tục nộp phạt.

7. Không kí vào biên bản có phải là chống người thi hành công vụ?

Điều 330 Bộ luật Hình sự năm 2015 nêu rõ, người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật thì sẽ bị:

- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm;

- Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, khi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác để không ký vào biên bản thì căn cứ vào tính chất, mức độ vi phạm mà người vi phạm giao thông sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự với Tội chống người thi hành công vụ.

Đồng thời, tại Điều 58 Luật Xử phạt vi phạm hành chính, khi người vi phạm cố tình trốn tránh hoặc vì lý do khách quan mà không ký vào biên bản thì biên bản phải có chữ ký của đại diện chính quyền cơ sở nơi xảy ra vi phạm hoặc của hai người chứng kiến.

Do đó, việc ký vào biên bản không phải là điều kiện bắt buộc để xử phạt hành chính hành vi vi phạm giao thông. Và hành vi trốn tránh mà không sử dụng đến vũ lực, đe dọa dùng vũ lực… thì sẽ không bị coi là chống người thi hành công vụ.

Không chỉ vậy, tại Nghị định 100 mới được ban hành và có hiệu lực từ 01/01/2020, không có quy định xử phạt hành vi không ký vào biên bản của người vi phạm giao thông.

Như vậy, căn cứ những phân tích trên, có thể khẳng định, không ký vào biên bản, người vi phạm giao thông vẫn có thể bị xử phạt hành chính và đây cũng không phải hành vi chống người thi hành công vụ nếu người này không sử dụng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực…