Người lao động tự ý nghỉ việc có phải bồi thường hay không?
Người lao động tự ý nghỉ việc có phải bồi thường hay không?

1. Người lao động tự ý nghỉ việc có phải bồi thường hay không?

Các trường hợp người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng không tuân thủ quy định về thời hạn báo trước (trừ các trường hợp không cần báo trước) thì bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, cụ thể như sau:

Điều 40. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc.

2. Phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Theo đó, người lao động tự ý nghỉ việc mà không báo trước theo quy định thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động và một khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước. Đồng thời, người lao động có thể phải bồi thường một số khoản khác liên quan đến thỏa thuận của các bên nếu được ghi nhận hợp đồng lao động. Ngoài ra, nếu bạn đã được người sử dụng lao động đào tạo nghề và có cam kết làm việc trong một thời gian nhất định, bạn còn phải bồi thường cả chi phí đào tạo. Hơn nữa, nếu bạn nghỉ việc không báo trước mà không có lý do chính đáng, bạn có thể bị phạt hành chính. Mức phạt cụ thể sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể và quy định của từng địa phương.

2. Khi nào nghỉ việc không cần báo trước?

Theo quy định thì tùy vào công việc cũng như loại hợp đồng lao động được giao kết mà thời hạn báo trước khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động sẽ khác nhau. Tuy nhiên, pháp luật cho phép người lao động có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động ngay mà không cần báo trước cho người sử dụng lao động trong một số trường hợp. Tại Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 có chỉ ra các trường hợp nghỉ việc không cần báo trước dưới đây:

  • Thứ nhất, không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp được doanh nghiệp chuyển đi làm công việc khác so với hợp đồng lao động theo quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;
  • Thứ hai, không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;
  • Thứ ba, bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;
  • Thứ tư, người lao động bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
  • Thứ năm, lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền và có xác nhận về việc tiếp tục làm việc sẽ ảnh hưởng xấu tới thai nhi;
  • Thứ sáu, người lao động đủ tuổi nghỉ hưu, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;
  • Thứ bảy, người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.
Khi nào nghỉ việc không cần báo trước?
Nghỉ việc

3. Người lao động nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao độngĐiều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

  • Ít nhất 45 ngày: Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
  • Ít nhất 30 ngày: Đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 - 36 tháng;
  • Ít nhất 03 ngày: Đối với người làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;
  • Thời hạn báo trước với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như: Thành viên tổ lái tàu bay; Nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; Nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp; Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài…
    • Ít nhất 120 ngày: Đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;
    • Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động: Đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

4. Các câu hỏi thường gặp

4.1. Nghỉ việc có bắt buộc phải bàn giao công việc không?

Theo quy định tại Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 về trách nhiệm khi chấm dứt hợp đồng lao động thì không bắt buộc người lao động phải thực hiện việc bản giao. Tuy nhiên, theo Khoản 2 Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động có nghĩa vụ thực hiện hợp đồng lao đồng, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác. Như vậy, nếu như trong hợp đồng lao động hoặc giữa doanh nghiệp và người lao động có thỏa thuận về việc bàn giao công việc trước khi nghỉ việc thì người lao động phải có trách nhiệm bàn giao công việc theo quy định trên.

4.2. Tôi có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ việc không báo trước không?

Có, bạn có thể thỏa thuận với người sử dụng lao động về việc nghỉ việc không báo trước. Nếu người sử dụng lao động đồng ý, bạn sẽ không phải bồi thường và không bị phạt.

4.3. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không?

Có, người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải tuân thủ thời gian báo trước theo quy định của pháp luật.