Khi cá nhân làm việc tại một cơ quan, tổ chức theo hợp đồng lao động, thỏa thuận làm việc thì sẽ xác lập mối quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Mối quan hệ lao động được pháp luật về lao động quy định cụ thể, đảm bảo quyền và lợi ích của các bên trong mối quan hệ lao động. Khi xảy ra tranh chấp, người lao động có quyền khiếu nại về lao động không? Thủ tục người lao động khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty như thế nào? Bạn hãy cùng chúng tôi tìm câu trả lời qua bài viết dưới đây nhé.

Khiếu nại về lao động là gì? Thủ tục người lao động khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty như thế nào?

1. Khiếu nại về lao động là gì?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì khiếu nại về lao động là việc người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động, người thử việc theo thủ tục quy định tại Nghị định 24/2018/NĐ-CP yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về lao động xem xét lại quyết định, hành vi về lao động của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Theo đó, pháp luật cho phép người lao động, người học nghề, tập nghề để làm việc, người thử việc có quyền khiếu nại hành vi, quyết định của người sử dụng lao động khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định đó là vi phạm pháp luật lao động, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Việc khiếu nại về lao động sẽ được các cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định.

2. Hình thức khiếu nại về lao động

Căn cứ vào Khoản 1, Khoản 2 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì hình thức khiếu nại về lao động được thực hiện bằng hình thức gửi đơn khiếu nại hoặc khiếu nại trực tiếp, được quy định như sau:

+ Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn khiếu nại ghi rõ nội dung sau đây: ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người khiếu nại; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức, cá nhân bị khiếu nại; nội dung, lý do khiếu nại, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại do người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ;

+ Khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại hướng dẫn người khiếu nại viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản này và yêu cầu người khiếu nại ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Ngoài ra, trường hợp nhiều người cùng khiếu nại về một nội dung thì thực hiện cụ thể như sau:

- Khiếu nại bằng hình thức gửi đơn thì trong đơn ghi đầy đủ nội dung quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP, có chữ ký của những người khiếu nại và cử người đại diện để trình bày khi có yêu cầu của người giải quyết khiếu nại;

- Khiếu nại trực tiếp thì cơ quan có thẩm quyền tổ chức tiếp và đề nghị cử người đại diện để trình bày nội dung khiếu nại; người tiếp nhận khiếu nại ghi lại đầy đủ nội dung khiếu nại theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP và yêu cầu người đại diện ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản.

Khiếu nại về lao động là gì? Thủ tục người lao động khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty như thế nào?

3. Thủ tục người lao động khiếu nại hành vi vi phạm pháp luật của công ty như thế nào?

Căn cứ quy định tại Điều 5 Nghị định 24/2018/NĐ-CP về thủ tục người lao động khiếu nại về lao động như sau:

3.1. Thực hiện khiếu nại lần đầu:

Căn cứ khoản 1 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì thủ tục thực hiện khiếu nại lần đầu được quy định như sau:

- Khi người lao động có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người bị xâm phạm thực hiện khiếu nại đến người giải quyết khiếu nại lần đầu.

- Người giải quyết khiếu nại lần đầu: là người sử dụng lao động.

3.2. Thực hiện khiếu nại lần hai:

Căn cứ khoản 2 Điều 15 Nghị định 24/2018/NĐ-CP thì thủ tục thực hiện khiếu nại lần hai trong trường hợp nhau:

- Không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu

- Quá thời hạn quy định về giải quyết khiếu nại lần đầu mà khiếu nại không được giải quyết

- Người giải quyết khiếu nại lần hai: Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi người sử dụng lao động đặt trụ sở chính.

3.3. Khởi kiện tại Tòa án

Bên cạnh việc khiếu nại thì pháp luật cũng cho phép người lao động có quyền khởi kiện tại Tòa án khi:

- Ngay từ đầu người lao động có thể chọn khởi kiện tại Tòa án khi có đủ căn cứ cho rằng quyết định, hành vi của người sử dụng lao động là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động;

- Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần đầu;

- Quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu mà người lao động chưa được giải quyết;

- Không đồng ý với kết quả giải quyết khiếu nại lần hai;

- Quá thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà người lao động chưa được giải quyết.