Giấy bán xe ô tô có cần công chứng, chứng thực không?
Giấy bán xe ô tô có cần công chứng, chứng thực không?

1. Giấy bán xe ô tô có cần công chứng, chứng thực không?

Căn cứ Điều 119 Bộ luật Dân sự 2015 có quy định về hình thức giao dịch dân sự như sau:

Điều 119. Hình thức giao dịch dân sự

1. Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể.

Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản.

2. Trường hợp luật quy định giao dịch dân sự phải được thể hiện bằng văn bản có công chứng, chứng thực, đăng ký thì phải tuân theo quy định đó.

Đồng thời, theo quy định tại Khoản 2 Điều 8 Thông tư 58/2020/TT-BCA khi đi đăng ký xe, giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe gồm một trong các giấy tờ sau:

  • Hoá đơn, chứng từ tài chính (biên lai, phiếu thu) hoặc giấy tờ mua bán, cho, tặng xe (quyết định, hợp đồng, văn bản thừa kế) theo quy định của pháp luật;
  • Giấy bán, cho, tặng xe của cá nhân có xác nhận công chứng hoặc chứng thực hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức, đơn vị đang công tác đối với lực lượng vũ trang và người nước ngoài làm việc trong cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự, cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế mà đăng ký xe theo địa chỉ của cơ quan, tổ chức, đơn vị công tác.

Như vậy, khi mua bán xe ô tô bằng giấy viết tay vẫn cần có xác nhận công chứng của Văn phòng/Phòng công chứng hoặc chứng thực của Ủy ban nhân dân cấp xã….

2. Mua bán xe ô tô cũ sau bao nhiêu ngày phải đăng ký?

Theo quy định tại Điều 6 Thông tư 24/2023/TT-BCA thì khi bán, tặng cho, thừa kế, trao đổi, góp vốn, phân bổ, điều chuyển xe (sau đây gọi chung là chuyển quyền sở hữu xe):

a) Chủ xe phải giữ lại chứng nhận đăng ký xe, biển số xe (không giao cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe) và nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe, biển số xe để làm thủ tục thu hồi; trường hợp chuyển quyền sở hữu xe kèm theo biển số xe trúng đấu giá thì chủ xe nộp cho cơ quan đăng ký xe chứng nhận đăng ký xe để làm thủ tục thu hồi;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe, chủ xe phải làm thủ tục thu hồi; trường hợp quá thời hạn trên mà chủ xe không làm thủ tục thu hồi hoặc giao chứng nhận đăng ký xe, biển số xe cho tổ chức, cá nhân nhận chuyển quyền sở hữu xe làm thủ tục thu hồi thì trước khi giải quyết cơ quan đăng ký xe ra quyết định xử phạt đối với chủ xe về hành vi không làm thủ tục thu hồi theo quy định;

Trường hợp chủ xe không làm thủ tục thu hồi sau khi chuyển quyền sở hữu xe thì phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về các hành vi vi phạm liên quan đến xe đó;

Như vậy, trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu thì chủ xe phải làm thủ tục thu hồi nếu không sẽ bị xử phạt theo quy định. Mặc dù quy định không đề cập cụ thể nhưng thời hạn đăng ký xe cũng sẽ là 30 ngày kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu. Để chắc chắn nhất thì người mua xe nên liên hệ với cơ quan đăng ký xe để được hướng dẫn chi tiết nhất.

Mua bán xe ô tô cũ sau bao nhiêu ngày phải đăng ký?
Mua bán xe ô tô cũ sau bao nhiêu ngày phải đăng ký?

Ngoài ra, theo quy định cũ tại Thông tư 58/2020/TT-BCA thì thời hạn để đăng ký xe khi mua cũng là 30 ngày:

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ chuyển quyền sở hữu xe thì tổ chức, cá nhân mua, được điều chuyển, cho, tặng, được phân bổ, thừa kế xe phải đến cơ quan đăng ký xe làm thủ tục cấp đăng ký, biển số.

3. Các câu hỏi thường gặp

3.1. Giấy tờ cần chuẩn bị khi mua bán xe ô tô cũ là gì?

Khi mua bán xe ô tô cũ, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ quan trọng như giấy chứng nhận đăng ký xe, hóa đơn mua bán, giấy tờ cá nhân của người bán và người mua. Đảm bảo rằng các giấy tờ này đều hợp lệ và đầy đủ để tránh vấn đề phát sinh sau này. Đồng thời, cũng cần lưu ý tình trạng máy móc, nguồn gốc, lịch sử bảo dưỡng và mức độ hao mòn của các bộ phận để đảm bảo quyết định mua xe là sáng suốt và an tâm.

3.2. Mua xe ô tô cũ không sang tên có được không?

Việc không sang tên xe ô tô cũ, bạn sẽ gặp khó khăn trong việc chứng minh quyền sở hữu và có thể phải đối mặt với rủi ro pháp lý như tranh chấp quyền sở hữu, khó khăn trong việc đăng ký bảo hiểm, khó khăn trong việc bán lại xe,.....

3.3. Làm thế nào để kiểm tra lịch sử xe?

Bạn có thể kiểm tra lịch sử xe thông qua các dịch vụ tra cứu trực tuyến hoặc yêu cầu người bán cung cấp thông tin về lịch sử bảo dưỡng và sửa chữa của xe.