Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã do ai bổ nhiệm?
Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã do ai bổ nhiệm?

1. Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã do ai bổ nhiệm?

Theo Điểm b Khoản 1 Điều 23 Luật Dân quân tự vệ 2019 quy định về thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ như sau:

“Bổ nhiệm, miễn nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ

1. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy Dân quân tự vệ, trừ chức vụ chỉ huy tự vệ trong doanh nghiệp quân đội được quy định như sau:

đ) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm các chức vụ chỉ huy của Ban chỉ huy quân sự cấp xã”.

Như vậy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã.

Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã do ai bổ nhiệm?
Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự xã do ai bổ nhiệm?

2. Ban Chỉ huy quân sự xã gồm những ai? Nhiệm vụ Ban chỉ huy quân sự xã

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ 2019, Ban chỉ huy quân sự cấp xã là cơ quan thường trực công tác quốc phòng ở cấp xã. Thành phần Ban chỉ huy quân sự cấp xã bao gồm:

  • Chỉ huy trưởng là Ủy viên Ủy ban nhân dân cấp xã, sĩ quan dự bị; trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng, tình trạng chiến tranh được gọi vào phục vụ tại ngũ theo quy định của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã;
  • Chính trị viên do Bí thư cấp ủy cấp xã đảm nhiệm;
  • Chính trị viên phó do Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cấp xã đảm nhiệm;
  • Phó Chỉ huy trưởng là người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.

Ban chỉ huy quân sự cấp xã có chức năng, nhiệm vụ theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Luật Dân quân tự vệ 2019:

"3. Ban chỉ huy quân sự cấp xã có chức năng, nhiệm vụ sau đây:

a) Tham mưu cho cấp ủy Đảng, chính quyền cấp xã lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, điều hành thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với ban, ngành, đoàn thể xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch công tác quốc phòng và kế hoạch khác có liên quan đến nhiệm vụ quốc phòng, quân sự ở cấp xã;

c) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, ban, ngành, đoàn thể ở cấp xã tuyên truyền đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thực hiện giáo dục quốc phòng và an ninh; tham gia xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện; thực hiện chính sách hậu phương quân đội, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng;

d) Tổ chức huấn luyện quân sự, giáo dục chính trị, pháp luật, hội thi, hội thao, diễn tập cho dân quân; chỉ huy dân quân thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật này, quy định khác của pháp luật có liên quan và quyết định của cấp có thẩm quyền;

đ) Đăng ký, quản lý, bảo quản và sử dụng vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật của đơn vị dân quân thuộc quyền theo quy định của pháp luật và quyết định của cấp có thẩm quyền;

e) Tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân cấp xã kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo, sơ kết, tổng kết, thi đua, khen thưởng về công tác quốc phòng địa phương theo quy định của pháp luật".

3. Tiêu chuẩn làm Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự cấp xã

Căn cứ tại Điều 6 Thông tư liên tịch 01/2013/TTLT-BNV-BQP quy định các tiêu chuẩn quy hoạch Chỉ huy trưởng chỉ huy quân sự cấp xã, bao gồm:

“1. Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến 35 tuổi đối với người chưa qua đào tạo, không quá 45 tuổi đối với người đã có bằng trung cấp chuyên nghiệp ngành quân sự cơ sở trở lên.

2. Lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

3. Là Đảng viên hoặc đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có đủ điều kiện phát triển thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.

4. Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên.

5. Có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao”.

4. Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường, xã có nhiệm vụ gì?

Nhiệm vụ của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường được căn cứ theo Khoản 2 Điều 6 Thông tư 29/2020/TT-BQP như sau:

“Chức trách, nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của phó chỉ huy trưởng

1. Chức trách

Chịu trách nhiệm trước chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã về nhiệm vụ được phân công; thay thế chỉ huy trưởng khi được cấp có thẩm quyền giao.

2. Nhiệm vụ

a) Tham mưu, đề xuất với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã về kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công;

b) Tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định”.

Như vậy, Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường, xã có các nhiệm vụ sau đây:

  • Tham mưu, đề xuất với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã về kế hoạch, nội dung, biện pháp chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ được phân công;
  • Tổng hợp kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, báo cáo với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã theo quy định.

Ngoài ra, căn cứ theo Khoản 3 Điều 6 Thông tư 29/2020/TT-BQP quy định về mối quan hệ công tác của Phó Chỉ huy trưởng Ban chỉ huy quân sự phường như sau:

  • Quan hệ với chỉ huy trưởng, chính trị viên ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ giữa cấp dưới và cấp trên;
  • Quan hệ với chính trị viên phó ban chỉ huy quân sự cấp xã là quan hệ phối hợp công tác;
  • Quan hệ với người chỉ huy đơn vị dân quân thuộc quyền quản lý là quan hệ cấp trên với cấp dưới. Quan hệ với người chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ không thuộc quyền quản lý là quan hệ phối hợp công tác.