- Hành chính
- Thuế - Phí - Lệ Phí
- Thương mại - Đầu tư
- Bất động sản
- Bảo hiểm
- Cán bộ - công chức - viên chức
- Lao động - Tiền lương
- Dân sự
- Hình sự
- Giao thông - Vận tải
- Lĩnh vực khác
- Biểu mẫu
-
Chủ đề nổi bật
- Cư trú (212)
- Hộ chiếu (133)
- Thuế thu nhập cá nhân (113)
- Mã số thuế (107)
- Nghĩa vụ quân sự (104)
- Doanh nghiệp (99)
- Tiền lương (79)
- Tạm trú (78)
- Bảo hiểm xã hội (76)
- Hợp đồng (76)
- Hưu trí (62)
- Lương hưu (61)
- Bảo hiểm thất nghiệp (53)
- Thuế (45)
- Lao động (45)
- Thuế giá trị gia tăng (44)
- Sổ đỏ (42)
- Hình sự (41)
- Đất đai (41)
- Chung cư (40)
- Thuế thu nhập doanh nghiệp (38)
- Nghĩa vụ công an (37)
- Pháp luật (35)
- Hành chính (31)
- Bảo hiểm y tế (30)
- Nhà ở (30)
- Lương cơ bản (30)
- Bộ máy nhà nước (30)
- Đăng ký mã số thuế (30)
- Thai sản (29)
- Dân sự (26)
- Trách nhiệm hình sự (26)
- Hóa đơn (24)
- Bảo hiểm (22)
- Quyết toán thuế TNCN (21)
- Xây dựng (21)
- Tra cứu mã số thuế (21)
- Hưởng BHTN (20)
- Xử phạt hành chính (19)
- Thương mại (19)
- Trợ cấp - phụ cấp (17)
- Nộp thuế (17)
- Hợp đồng lao động (17)
- Hàng hóa (17)
- Kết hôn (16)
- Vốn (16)
- Giáo dục (16)
- Đóng thuế TNCN (15)
- Hôn nhân gia đình (15)
- Văn hóa xã hội (14)
- Kinh doanh (14)
- Đầu tư (14)
- Phụ cấp (13)
- Ly hôn (13)
- Gia hạn, đổi hộ chiếu (13)
- Công ty TNHH (13)
- Thường trú (13)
- Thủ tục tố tụng (12)
- Hộ kinh doanh (12)
- Khiếu nại (12)
Bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử theo pháp luật hiện hành
1. Quy định của pháp luật Việt Nam về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
1.1. Quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả
Quyền tác giả tại Việt Nam đã được quy định chi tiết trong Bộ luật Dân sự năm 2015, Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2009) và Nghị định số 22/2018/NĐ-CP ngày 23/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2009 về quyền tác giả, quyền liên quan (Nghị định số 22/2018/NĐ-CP).
Theo đó, quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu (khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005). Căn cứ vào những quy định của pháp luật về quyền tác giả thì quyền tác giả được hiểu theo hai phương diện: Đối tượng của quyền tác giả là các tác phẩm văn học, nghệ thuật, khoa học; tác phẩm phải do tác giả trực tiếp thực hiện lao động trí tuệ của mình mà không phải sao chép từ tác phẩm của người khác.
Quyền tác giả được xác lập theo cơ chế bảo hộ tự động. Quyền tác giả được xác lập dựa vào chính hành vi tạo ra tác phẩm của tác giả, không phụ thuộc vào thể thức, thủ tục nào. Nó khác với quyền sở hữu công nghiệp, được xác lập dựa trên quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua việc xét và cấp văn bằng bảo hộ cho chủ sở hữu các đối tượng đó.
Theo Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam thì quyền tác giả cũng bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả đối với tác phẩm do mình sáng tạo.
Quyền nhân thân gồm các quyền như:
(i) Đặt tên cho tác phẩm;
(ii) Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm, nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
(iii) Công bố, phổ biến hoặc cho người khác công bố, phổ biến tác phẩm của mình;
(iv) Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho phép người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Quyền tài sản của tác giả bao gồm:
(i) Đối với tác giả đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền như được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được hưởng lợi ích vật chất từ việc cho người khác sử dụng tác phẩm dưới các hình thức như xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê; được nhận giải thuởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả.
(ii) Đối với tác giả không đồng thời là chủ sở hữu tác phẩm có các quyền tài sản đối với tác phẩm mà mình là tác giả thì được hưởng nhuận bút; được hưởng thù lao khi tác phẩm được sử dụng; được nhận giải thưởng đối với tác phẩm mà mình là tác giả. Chủ sở hữu không đồng thời là tác giả được hưởng lợi ích vật chất từ việc sử dụng tác phẩm dưới các hình thức xuất bản, tái bản, trưng bày, triển lãm, biểu diễn, phát thanh, truyền hình, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh; dịch, phóng tác, cải biên, chuyển thể, cho thuê.
Như vậy, về cơ bản, nội dung quyền tác giả quy định trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam phù hợp với thông lệ chung của luật pháp quốc tế. Pháp luật Việt Nam quy định rõ quyền nhân thân bao gồm quyền nhân thân không gắn với tài sản và quyền nhân thân gắn với tài sản.
1.2. Quy định của pháp luật về bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
Báo điện tử là loại hình báo chí được xây dựng dưới hình thức một trang website và phát hành dựa trên nền tảng internet. Báo điện tử được xuất bản bởi tòa soạn điện tử, còn người đọc báo dựa trên máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng... có kết nối internet.
Theo khoản 2 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) thì quyền tác giả nói chung được hiểu như một tập hợp các quyền nhân thân và quyền tài sản của tác giả. Quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Theo khái niệm trên, có thể hiểu, luật thừa nhận hai chủ thể có quyền tác giả là tác giả của tác phẩm và chủ sở hữu quyền tác giả.
Theo quy định này thì cá nhân có thể là chủ sở hữu quyền tác giả hay tác giả của tác phẩm hoặc cả hai tư cách đó.
Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm báo điện tử là tổng hợp các chế định pháp lý nhằm bảo hộ bằng pháp luật quyền, lợi ích hợp pháp của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử. Bảo hộ quyền tác giả đối với các tác phẩm điện tử tạo điều kiện cần thiết các chủ thể quyền tác giả được hưởng đầy đủ quyền và lợi vật chất, đồng thời, còn giúp cho chủ thể tránh khỏi những hành vi xâm phạm có thể xảy ra, tạo động lực để thực hiện sứ mệnh phát triển nền kinh tế tri thức.
Không phải mọi tác phẩm báo điện tử nào cũng đều được bảo hộ mà chỉ có những tác phẩm báo điện tử đáp ứng một số tiêu chí nhất định mới là đối tượng bảo hộ của quyền tác giả. Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ khi nội dung của tác phẩm báo điện tử không vi phạm pháp luật, không vi phạm thuần phong mỹ tục, đạo đức, không có hại cho quốc phòng, an ninh quốc gia.
Điều 9 Nghị định số 22/2018/NĐ-CP quy định, tác phẩm báo chí được bảo hộ là tác phẩm có nội dung độc lập và cấu tạo hoàn chỉnh, bao gồm các thể loại: Phóng sự, ghi nhanh, tường thuật, phỏng vấn, phản ánh, điều tra, bình luận, xã luận, chuyên luận, ký báo chí và các thể loại báo chí khác nhằm đăng, phát trên báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử hoặc các phương tiện khác. Để được công nhận là tác giả đối với tác phẩm báo điện tử cần phải thỏa mãn các tiêu chí cụ thể:
Một là, tiêu chí về tính nguyên thủy (hay còn gọi là tính gốc của sáng tạo thể hiện tác phẩm báo điện tử). Tính nguyên thủy có nghĩa là sự sáng tạo của chính tác giả, không sao chép toàn bộ hoặc một phần cơ bản từ tác phẩm khác, bao gồm: (i) Tính sáng tạo, không phải là cách sắp xếp diễn đạt đơn thuần, bắt chước cách diễn đạt, thể hiện ngôn từ, màu sắc, khuôn mẫu có sẵn trong tác phẩm của người khác; (ii) Tác phẩm báo điện tử được bảo hộ phải là bản gốc (bản đầu tiên của tác phẩm do tác giả sáng tạo ra; (iii) Bảo đảm tính toàn vẹn của tác phẩm báo điện tử.
Hai là, tiêu chí về định hình dưới một dạng vật chất nhất định.
Ba là, tiêu chí về phạm vi chủ thể thông thường được xác định trên cơ sở pháp luật nơi thực hiện hành vi sáng tác hoặc công bố tác phẩm.
Để được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử thì phải đáp ứng các điều kiện sau:
(i) Tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử phải bảo đảm tính nguyên gốc tức là tác giả trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ bất cứ một tác phẩm của người khác;
(ii) Chỉ bảo hộ hình thức thể hiện tác phẩm báo điện tử chứ không bằng nội dung lý tưởng, điều này có nghĩa là tác phẩm báo điện tử về bảo hộ phải được thể hiện dưới một hình thức nhất định, những tác phẩm báo điện tử mới chỉ là ý tưởng chưa được sáng tạo cụ thể thì không được bảo hộ.
Cơ chế bảo hộ tác phẩm báo điện tử được xác lập tự động sau khi tác phẩm được hoàn thành, không cần được đánh giá và công nhận, cũng không cần thông qua thủ tục cấp bằng bảo hộ. Việc nộp đơn để được cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả không phải là thủ tục bắt buộc để hưởng quyền tác giả.
2. Thực trạng vi phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
Tại Việt Nam đã có hệ thống các quy định pháp luật về bảo hộ quyền tác giả, quyền liên quan, tuy nhiên tình trạng vi phạm bản quyền các tác phẩm báo chí vẫn diễn ra khá phổ biến, đặc biệt là đối với các sản phẩm báo chí điện tử. Tốc độ và quy mô vi phạm bản quyền tác phẩm báo chí ngày càng phức tạp và tinh vi. Trên thực tế, chỉ cần một đơn vị đăng tải bài báo về một vấn đề “nóng” bất kỳ, ngay sau đó, không khó để tìm kiếm các bài đăng y hệt về nội dung cũng như hình ảnh trên nhiều trang tin điện tử. Thậm chí, nhiều website, fanpage còn giả thương hiệu các đơn vị báo chí chính thống để đưa những thông tin chưa được xác thực. Tình trạng này được thực hiện dễ dàng trên môi trường internet, bởi việc truy cập thông tin nhanh và dễ dàng trong việc sao chép, chỉ cần một, hai “cú nhấp chuột” là đã sao chép được. Trên thực tế, có thể dễ dàng bắt gặp các bài báo được sao chép sử dụng một phần hay toàn bộ tin, bài, ảnh của các bài báo khác mà không trích dẫn hoặc trích dẫn không đầy đủ nguồn và rất khó để kiểm soát tình trạng các báo lấy bài của nhau có thể ở dạng xin phép hoặc không xin phép, lấy toàn bộ, lấy một phần, hay chỉ lấy hình ảnh hoặc câu trích.
Vi phạm bản quyền có thể đến từ những trang website có địa chỉ rõ ràng đến trang website không rõ nguồn gốc, không rõ cơ quan chủ quản, mạng xã hội. Nhiều sản phẩm vừa được xuất bản đã bị các trang website khác, các tài khoản mạng xã hội… tự ý lấy lại, khai thác, sử dụng trái phép mà không trích dẫn nguồn, dẫn đường link. Khó khăn nhất trong xử lý vấn đề vi phạm bản quyền đến từ những trang website, tài khoản mạng xã hội “ba không”: Không rõ địa chỉ, không rõ người quản lý cũng như cơ quan chủ quản, không có giấy phép. Các trang mạng này tự ý lấy lại sản phẩm báo chí, khai thác sử dụng nhưng cơ quan báo chí cũng “lúng túng” để xử lý vấn đề bản quyền.
Internet đã mang lại rất nhiều lợi ích cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả và người sử dụng. Tuy nhiên, môi trường internet cũng tạo điều kiện cho các hành vi xâm phạm quyền tác giả được thực hiện một cách dễ dàng với mức độ thiệt hại rất cao và đặt ra rất nhiều thách thức đối với việc bảo hộ quyền tác giả, trong đó có nhiều thách thức về mặt pháp lý đối với tác phẩm báo điện tử như tình trạng vi phạm bản quyền vẫn còn rất phổ biến, đa dạng, việc vi phạm ngày càng tinh vi hơn với việc khai thác sự phát triển của công nghệ (Pear to Pear: P2P, Bit Torrent, Cyberlockers…). Nguyên nhân là do sự phát triển mạnh mẽ của internet và các thiết bị cho phép truy cập internet đã giúp việc truyền tải và sao chép các tác phẩm trở nên dễ dàng. Nguyên nhân nữa là trình độ hiểu biết và ý thức của tổ chức, cá nhân về vấn đề này còn hạn chế. Nhiều người có quyền không nhận thức được quyền của mình, không biết cách để bảo vệ quyền khi bị xâm phạm. Ngoài ra, trong nhiều trường hợp, luật pháp chưa thực sự bắt kịp với sự phát triển của công nghệ, vẫn còn “lỗ hổng” trong việc bảo vệ bản quyền tác giả một cách hiệu quả trong môi trường internet của báo điện tử.
3. Các giải pháp tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
3.1. Hoàn thiện pháp luật bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử tại Việt Nam
Thứ nhất, ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
Báo chí điện tử có những đặc thù, việc vi phạm bản quyền xảy ra nhiều, dễ dàng, nhanh chóng hơn các loại hình báo chí khác. Vì vậy, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết về bảo vệ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử là rất cần thiết, cần được xác định là một khâu quan trọng hàng đầu hiện nay, là giải pháp có tính đột phá tạo hành lang pháp lý để quản lý, thực thi có hiệu quả pháp luật bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử.
Thứ hai, hoàn thiện các quy định pháp luật hiện hành về quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
Nên bổ sung vào Điều 25 Luật Sở hữu trí tuệ nội dung: Quyền sao chép không quá 10% hoặc 20% số lượng tác phẩm (theo pháp luật một số nước) mà không phải xin phép, không phải trả thù lao sẽ được thực hiện trong môi trường internet. Hiện nay, cần xây dựng cơ chế để kiểm soát số lượng tác phẩm được sao chép gắn với mục đích giảng dạy, nghiên cứu khoa học của việc sao chép.
Trong trường hợp sao chép tác phẩm để lưu trữ trong thư viện với mục đích nghiên cứu, thư viện không được sao chép quá một bản và không được sao chép, phân phối bản sao tác phẩm tới công chúng, kể cả bản sao kỹ thuật số. Tuy nhiên, trong trường hợp nào thư viện được phép sao chép để lưu trữ hiện nay vẫn còn là vấn đề tranh cãi.
Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện pháp luật về tố tụng đối với việc giải quyết các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ
Nhằm tạo ra cơ chế giải quyết thuận lợi, nhanh chóng và bảo đảm các quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cần nâng cao vai trò của việc giải quyết các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ bằng biện pháp dân sự vì quyền sở hữu trí tuệ là chế định pháp luật dân sự, thuộc quan hệ pháp luật dân sự. Việc áp dụng quá nhiều các biện pháp hành chính hoặc hình sự hóa đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ như hiện nay là chưa thực sự phù hợp.
3.2. Nâng cao năng lực kiểm tra, xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
Một là, tăng cường việc tổ chức các buổi tập huấn, hội nghị trao đổi về những vấn đề giải quyết tranh chấp quyền tác giả và quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử, tạo điều kiện để các cán bộ, thẩm phán trong Ngành Tòa án trao đổi kiến thức, nêu lên những khó khăn, bất cập trong công tác giải quyết án của mình.
Hai là, mỗi Tòa án cần có chế độ tuyển chọn và đào tạo một số lượng nhất định các thẩm phán chuyên về sở hữu trí tuệ để đáp ứng yêu cầu xét xử của mỗi Tòa. Đồng thời, xây dựng mô hình các thẩm phán chuyên xét xử các tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, xã hội ngày càng phát triển, các vụ việc xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ có xu hướng ngày càng nhiều, vì vậy, việc thành lập Tòa án chuyên trách về quyền sở hữu trí tuệ để giải quyết các vụ án về sở hữu trí tuệ cũng rất cần thiết.
Ba là, Tòa án nhân dân tối cao cần thường xuyên thực hiện việc tổng kết công tác thực hiện xét xử các vụ án tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, trên cơ sở đó, tổ chức rút kinh nghiệm về nghiệp vụ giải quyết tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ để phổ biến cho Tòa án nhân dân các cấp.
Bốn là, cần phải nhanh chóng xúc tiến thành lập tổ chức giám định về quyền tác giả, hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết các tranh chấp, xử lý xâm phạm giải quyết khiếu nại, tố cáo.
3.3. Tăng cường hợp tác quốc tế trong bảo hộ và bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử
Một là, tăng cường việc tham gia ký kết điều ước quốc tế về thực thi quyền tác giả, đồng thời, nghiêm chỉnh thực thi các điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Việt Nam đã ký kết và tham gia.
Hai là, tiếp tục tăng cường việc đào tạo đội ngũ chuyên gia về sở hữu trí tuệ tại nước ngoài nhất là ở các nước tiên tiến như Mỹ, Nhật.
Ba là, tạo điều kiện thuận lợi để hợp tác với các quốc gia và tổ chức nước ngoài về sở hữu trí tuệ, trong đó có quyền tác giả đối với tác phẩm báo điện tử, tích cực thực hiện các dự án hợp tác quốc tế liên quan đến việc tăng cường bảo vệ, xử lý vi phạm đối với tác phẩm báo điện tử.
3.4. Sử dụng kết hợp giữa các giải pháp pháp lý và giải pháp công nghệ
Một khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả sẽ là cơ sở quan trọng cho việc bảo vệ quyền tác giả, bên cạnh đó, giải pháp công nghệ đóng vai trò không kém phần quan trọng so với giải pháp pháp lý. Các cơ quan báo chí, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường nghiên cứu, sử dụng công nghệ để ngăn chặn hành vi xâm phạm quyền và bảo vệ quyền của tác giả.
4. Biện pháp hành chính đối với hoạt động bảo hộ quyền tác giả báo điện tử
Đây là việc cơ quan có thẩm quyền xử lý hành chính các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, cá nhân, tổ chức khác bị thiệt hại do hành vi xâm phạm hoặc phát hiện hành vi xâm phạm có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính đối với hành vi xâm phạm. Khi xử lý hành chính, tùy vào hành vi xâm phạm mà cơ quan có thẩm quyền xử phạt cảnh cáo hay phạt tiền và áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung, khắc phục. Cơ chế này được sử dụng nhiều nhất, các tổ chức, cá nhân bị xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan thường chọn cơ chế này do thủ tục đơn giản, nhanh gọn, hiệu quả.
Chế tài hành chính hiện nay quy định tại Nghị định số 131/2013/NĐ- CP ngày 16 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về quyền tác giả, quyền liên quan. Các hành vi có thể bị xử phạt hành chính như: Hành vi xâm phạm quyền đứng tên, đặt tên tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền công bố tác phẩm; Hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm; hành vi xâm phạm quyền truyền đạt tác phẩm đến công chúng; hành vi xâm phạm quyền sao chép tác phẩm...
Như vậy, việc lựa chọn cơ chế áp dụng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình là quyền mà pháp luật trao cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm. Tác giả, chủ sở hữu tác phẩm trước tiên cần nhận biết được hành vi nào là vi phạm quyền tác giả, đồng thời cần có ý thức bảo vệ tác phẩm thuộc sở hữu của mình. Khi tác phẩm báo điện tử bị xâm phạm quyền tác giả thì tác giả, chủ sở hữu cần cân nhắc việc lựa chọn cơ chế bảo vệ phù hợp với hoàn cảnh, thời gian, công sức cũng như danh dự, uy tín... của mình để có sự lựa chọn phù hợp nhất.
Xem thêm các bài viết liên quan:
Thủ tục chuyển nhượng quyền tác giả theo quy định pháp luật hiện hành