Soạn bài Tràng giang (trang 59) Kết nối tri thức

Với soạn bài Tràng giang trang 59 Ngữ văn lớp 11 Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh trả lời câu hỏi từ đó dễ dàng soạn văn 11.

1 3,937 05/11/2023


Soạn bài Tràng giang

* Trước khi đọc

Câu hỏi 1 (trang 59 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Theo bạn, vì sao người đọc lại có thể rung động trước bài thơ được viết bởi một người xa lạ, có những trải nghiệm khác biệt với mình?

Trả lời:

Người đọc có thể rung động trước bài thơ được viết bởi một người xa lạ, có những trải nghiệm khác biệt với mình bởi bài thơ ấy thể hiện cảm xúc chân thật của người viết, người đọc hiểu và đồng cảm với tình cảm, cảm xúc ấy.

Câu hỏi 2 (trang 59 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bạn có cho rằng cảnh trời đất mênh mông trong buổi chiều tà thường có một ý nghĩa đặc biệt đối với tâm hồn của mỗi người? Hãy đọc một số câu thơ mà bạn biết nói về cảnh ấy, thời điểm ấy.

Trả lời:

- Cảnh trời đất mênh mông trong buổi chiều tà thường có một ý nghĩa đặc biệt đối với tâm hồn của mỗi người.

- Một số câu thơ về buổi chiều tà:

+ Bước tới đèo Ngang bóng xế tà

Cỏ cây chen đá, lá chen hoa

(Bà Huyện Thanh Quan – Qua Đèo Ngang)

+ Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn

Đâu tiếng làng xa vãn chợ chiều

(Bà Huyện Thanh Quan, Chiều hôm nhớ nhà)

* Đọc văn bản

1. Chú ý điều được gợi mở từ câu thơ đề từ.

Lời đề từ “bâng khuâng trời rộng nhớ sông dài

- Bâng khuâng: thể hiện được nỗi lòng của nhà thơ, thấy mênh mông, vô định, khó tả nổi cảm xúc trước không gian rộng lớn

- Trời rộng, được nhân hóa “nhớ sông dài” cũng chính là ẩn dụ nỗi nhớ của nhà thơ

- Tràng Giang thể hiện, triển khai tập trung cảm hứng ở câu đề từ

2. Hình ảnh xuất hiện ở câu cuối khổ thơ có thể gợi lên những cảm nhận gì?

Hình ảnh “Củi một cành khô lạc mấy dòng” gợi lên nỗi cô đơn, lạc lõng gần như “khô héo” và thiếu sức sống. Đây cũng là tâm trạng của tác giả, nhiều người bịn rịn vì mất nước.

3. Thế nào là “sâu chót vót”?

“Sâu chót vót” là không gian được mở rộng đến hai lần: có cả chiều cao (từ mặt nước lên bầu trời) và cả chiều sâu (bầu trời dưới đáy sông sâu).

4. Chú ý đặc điểm chính tả và ngữ âm của từ láy “dợn dợn”.

Từ “dợn” chuyển động uốn lên uốn xuống rất nhẹ khi bị xao động; gợn. Mặt hồ dợn sóng. Sóng dợn. Trong Tiếng Việt không có từ “dợn dợn”, đây là một chữ mới do nhà thơ chế tác.

* Sau khi đọc

Nội dung chính Tràng giang: Bài thơ bộc lộ nỗi sầu của một cái tôi cô đơn trước thiên nhiên rộng lớn, trong đó thấm đượm tình người, tình đời, lòng yêu nước thầm kín mà thiết tha.

Soạn bài Tràng giang | Hay nhất Soạn văn 11 Kết nối tri thức

Câu 1 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bạn cảm nhận gì về nhan đề Tràng giang? Nhan đề và lời đề từ liên quan thế nào với nội dung cảm xúc của bài thơ?

Trả lời:

- Nhan đề “Tràng giang”: Nhan đề Tràng giang được điệp âm ang, một âm mở nên bên cạnh gợi ý nghĩa về một con sông dài thì Tràng giang mở rộng chiều kích cảm nhận cho người đọc cả về chiều rộng, nhờ vậy mà con sông xuất hiện trong bài thơ trở lên dài, rộng, mênh mông hơn. Tràng giang còn gợi ra một nỗi buồn mênh mang của con người khi đứng trước dòng sông.

- Nhan đề và lời đề góp phần nêu lên chủ đề và thể hiện nội dung chính của bài thơ:

Câu 2 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Có thể dùng từ ngữ nào để chỉ tính chất của khung cảnh được “vẽ” ra trong bài thơ?

Trả lời:

Các từ ngữ dùng để chỉ tính chất của khung cảnh được “vẽ” ra trong bài thơ: Không gian hoang vắng, đìu hiu. Buồn da diết, cô đơn, trống vắng.

Câu 3 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bài thơ đã được cấu tứ như thế nào? Bạn dựa vào đâu để xác định như vậy?

Trả lời:

- Cấu tứ bài thơ và lí do xác định:

Tràng giang được cấu tứ trên nền cảm hứng không gian sóng đôi: Có dòng “tràng giang” thuộc về thiên nhiên trong tư cách một không gian hữu hình và dòng “tràng giang” tâm hồn như một không gian vô hình trong tâm tưởng. Đây vốn là cấu tứ quen thuộc của Đường thi.

+ Tiếp cận “tràng giang” trong tư cách dòng sông thiên nhiên có thể thấy một điều đặc biệt: khổ thơ nào cũng có thông điệp về nước. Thông điệp trực tiếp là các từ : “nước”, “con nước”, “dòng”... Thông điệp gián tiếp là các từ: “sóng gợi’ “cồn nhỏ”, “bèo dạt”, “bờ xanh” “bãi vàng”...

+ Tiếp cận Tràng giang với tư cách dòng sông cảm xúc trong tâm hồn lại phát hiện thêm một điều thú vị nữa: Cảnh nào cũng gợi buồn. Sóng buồn vô hạn (buồn điệp điệp); gió đầy tử khí: “đìu hiu”; bến sông cô đơn vắng vẻ: “bến cô liêu”; nước với nỗi buồn trải khắp không gian: “sầu trăm ngả”.

Câu 4 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Chỉ ra sự tương phản giữa các hình ảnh trong khổ thơ thứ hai. Sự tương phản đó có ý nghĩa gì và tiếp tục được triển khai ở các khổ thơ tiếp như thế nào?

Trả lời:

- Sự tương phản giữa các hình ảnh trong khổ thơ thứ hai: Vũ trụ thì bao la, vô tận còn con người thì quá nhỏ bé, đơn độc, lẻ loi.

=> Sự tương phản cho ta thấy được tâm trạng buồn bã, băn khoăn, ngơ ngác trước những ngã rẽ của cuộc đời. Thi nhân cảm nhận rõ sự nhỏ bé, lẻ loi, cô độc của một kiếp người giữa dòng đời rộng lớn. Đây không phải là nỗi buồn của cá nhân ông mà là cảm xúc chung của cả một thế hệ, đặc biệt là giới văn nghệ sĩ đầu thế kỉ XX.

- Sự tương phản này tiếp tục được triển khai ở các khổ thơ tiếp theo:

+ Khổ thơ thứ ba gợi ảnh vật cô liêu nhưng không có sự gắn kết với nhau, thiếu đi dấu vết của sự sống, của bóng hình con người.

+ Khổ thơ thứ tư gợi cảnh thiên nhiên hùng vĩ nhưng lòng người thì buồn vời vợi bởi nỗi nhớ quê hương.

Câu 5 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bài thơ có những điểm khác lạ nào trong cách sử dụng ngôn ngữ? Hãy làm rõ hiện tượng này qua phân tích một ví dụ bạn cho là tiêu biểu.

Trả lời:

Bài thơ có những điểm khác lạ trong cách sử dụng ngôn ngữ là:

- Sử dụng hệ thống từ láy gợi âm hưởng cổ kính (10 lần/16 dòng thơ, cách ngắt nhịp truyền thống: 3/4).

- Cách dùng và sử dụng những hình ảnh đối lập: củi một cành>< mấy dòng. Nắng xuống >< trời lên, sông dài, trời rộng bến cô liêu, không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà.

- Biện pháp nghệ thuật tượng trưng: củi một cành khô lạc mấy dòng, bến cô liêu, chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa.

- Những hình ảnh màu sắc đẹp như: bờ xanh tiếp bãi vàng, mây cao đùn núi bạc, chim nghiêng cánh, sóng gợn.

Phân tích ví dụ:

Hệ thống từ láy trải khắp bài thơ: “Tràng giang”, “điệp điệp”, “song song”, “lơ thơ”, “đìu hiu”, “chót vót”, “mênh mông”, “lặng lẽ”, “lớp lớp”, “dợn dợn”. Những từ láy giàu tính tạo hình, giúp cho lời thơ mềm mại, giàu cảm xúc.

Câu 6 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Nêu một số thi liệu truyền thống xuất hiện trong văn bản. Việc tác giả sử dụng những thi liệu ấy cho biết thêm điều gì về cấu tứ của bài thơ?

Trả lời:

Một số thi liệu truyền thống trong văn bản:

- Nhan đề “Tràng giang”.

- Mây cao, núi bạc

- Khói sóng hoàng hôn…

=> Sử dụng thi liệu này ta thấy được cấu tứ của Tràng Giang vốn là cấu tứ quen thuộc của Đường thi.

Câu 7 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Tràng giang thường được nhìn nhận là bài thơ giàu yếu tố tượng trưng, Bạn suy nghĩ về vấn đề đó như thế nào?

Trả lời:

Bài thơ tràng giang giàu yếu tố tượng trưng: củi một cành khô lạc mấy dòng, bến cô liêu, chim nghiêng cánh nhỏ, bóng chiều sa.

=> Các yếu tố này đều tượng trưng cho nỗi sầu nhân thế của Huy Cận. Nhà thơ mượn thiên nhiên, cảnh vật để bày tỏ nỗi lòng của mình.

Câu 8 (trang 60 sgk Ngữ văn 11 Tập 1): Bài thơ đã giúp bạn có thêm được cảm nhận gì về đời sống, về mối quan hệ giữa con người cá nhân với vũ trụ vô biên?

Trả lời:

Bài thơ đã giúp ta có những cảm nhận mới về đời sống, về mối quan hệ giữa con người cá nhân với vũ trụ vô biên. Đó là một vũ trụ vô cùng vô tận và sự nhỏ nhoi của kiếp người với nỗi sầu thiên cổ. Khi đứng trước không gian vô tận như vậy, con người càng cảm thấy bâng khuâng, cô đơn vì nhớ quê hương da diết.

* Kết nối đọc – viết

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) bày tỏ sự tâm đắc của bạn về một phương diện nổi bật của bài thơ Tràng Giang.

Đoạn văn tham khảo

Trong bài thơ Tràng Giang, yếu tố cổ điển đã được Huy Cận sử dụng kết hợp với nhau để khẳng định cái tôi buồn bã, cô đơn trước cuộc đời qua một nguồn cảm hứng bất tận với không gian của vũ trụ bao la. Trước hết, yếu tố cổ điển được thể hiện ở đề tài, đề tài sông nước đã xuất hiện phổ biến trong thi ca cổ. Người đọc còn cảm nhận được yếu tố ấy qua nhan đề “Tràng giang”. Tràng giang là từ Hán Việt mang sắc thái trang trọng, cổ kính phảng phất phong vị Đường thi. Nhưng độc đáo nhất có lẽ phải kể đến yếu tố cổ điển trong tứ thơ. Mượn không gian hùng vĩ, đượm buồn khi chiều xuống, nhà thơ gửi gắm tâm sự của mình. Không gian càng mênh mông, rợn ngợp, con người càng nhỏ bé, cô đơn, kiếp người lênh đênh giữa dòng đời không biết đi đâu về đâu. Đây là tứ thơ quen thuộc trong thơ cổ. Đọc bài thơ, ta bắt gặp nhiều hình ảnh quen thuộc trở đi trở lại trong áng văn thơ cổ điển. Dòng sông dài mênh mông vắt ngang bầu trời cao rộng; bến vắng cô liêu; con thuyền lênh đênh xuôi ngược; cánh chim nhỏ chao nghiêng dưới ánh hoàng hôn... Hình ảnh thơ chia thành hai hệ thống đối lập: một bên là thiên nhiên rộng lớn cao rộng, một bên là kiếp người bé nhỏ, cô đơn. Cuối cùng nhà thơ sử dụng bút pháp “họa vân hiển nguyệt” của Đường thi để bày tỏ nỗi lòng của mình trước cảnh thiên nhiên dợn ngợp.

Bài giảng Ngữ văn 11 Tràng giang - Kết nối tri thức

Xem thêm các bài soạn văn lớp 11 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Nhớ đồng

Con đường mùa đông

Thực hành tiếng Việt trang 65

Viết văn bản nghị luận về một tác phẩm thơ

Giới thiệu một tác phẩm nghệ thuật

Củng cố, mở rộng trang 73

Thực hành đọc: Thời gian trang 74

1 3,937 05/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: