Số: 115/2017/NĐ-CP [NGHỊ ĐỊNH] Quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp; Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 115/2017/NĐ-CP |
Hà Hội, ngày 16 tháng 10 năm 2017 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH CHI TIẾT TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, MỨC TIỀN PHÁP NHÂN THƯƠNG MẠI PHẢI NỘP ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN; VIỆC TẠM GIỮ, HOÀN TRẢ, NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC SỐ TIỀN ĐÃ NỘP
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14;
Căn cứ Nghị quyết số 41/2017/QH14 của Quốc hội về việc thi hành Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 12/2017/QH14 và về hiệu lực thi hành của Bộ luật tố tụng hình sự số 101/2015/QH13, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự số 99/2015/QH13, Luật thi hành tạm giữ, tạm giam số 94/2015/QH13;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tư pháp;
Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.
Chương I: QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về trình tự, thủ tục, mức tiền mà pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử phải nộp để bảo đảm thi hành án (bao gồm thi hành hình phạt tiền và thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại); việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng đối với pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp cưỡng chế buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án, các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng, cơ quan thi hành án dân sự và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc thực hiện việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp
1. Việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp chỉ được thực hiện trên cơ sở quyết định của cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.
2. Việc nộp tiền, tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do Nghị định này quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Chương II: MỨC TIỀN NỘP, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC NỘP TIỀN ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN
Điều 4. Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án
1. Tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử.
Tiền nộp để bảo đảm thi hành án gồm có tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền và tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường.
2. Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.
3. Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy định như sau:
a) Nếu điều khoản được áp dụng, để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó;
b) Nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường. Mức tiền nộp được quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.
Điều 5. Trình tự, thủ tục nộp tiền để bảo đảm thi hành án
1. Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc áp dụng biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án, pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp này phải hoàn thành việc nộp tiền.
Trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc do trở ngại khách quan mà không thể hoàn thành nghĩa vụ nộp tiền để bảo đảm thi hành án đúng hạn thì thời hạn này được tính lại kể từ khi lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan khác không còn nữa.
2. Việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án có thể được thực hiện bằng hình thức chuyển khoản hoặc nộp tiền mặt vào tài khoản tạm giữ của cơ quan điều tra hoặc cơ quan thi hành án dân sự mở tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan tài chính trong quân đội.
Trường hợp pháp nhân thương mại nộp tiền bằng ngoại tệ thì khi nộp tiền phải căn cứ vào tỷ giá hối đoái của liên ngân hàng tại thời điểm nộp tiền giữa Việt Nam đồng và ngoại tệ đó để nộp một khoản ngoại tệ tương ứng với mức tiền phải nộp để bảo đảm thi hành án theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
3. Thủ tục nộp tiền để bảo đảm thi hành án tại ngân hàng được quy định như sau:
a) Ngay sau khi nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc áp dụng biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án, pháp nhân thương mại thực hiện việc nộp tiền bằng chuyên khoản hoặc nộp tiền mặt để bảo đảm thi hành án qua các kênh giao dịch của ngân hàng.
Ngân hàng nơi pháp nhân thương mại thực hiện nộp tiền để bảo đảm thi hành án cấp chứng từ nộp tiền hoặc chứng từ chuyển tiền theo yêu cầu của pháp nhân thương mại để pháp nhân thương mại nộp cho cơ quan tiến hành tố tụng đã ra quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án;
b) Ngay sau khi nhận được khoản tiền nộp đảm bảo thi hành án, Kho bạc Nhà nước phải gửi chứng từ báo có cho cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ.
4. Thủ tục nộp tiền để bảo đảm thi hành án tại Kho bạc Nhà nước được quy định như sau:
a) Người đại diện hợp pháp hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại lập 04 liên giấy nộp tiền vào tài khoản trong trường hợp nộp tiền mặt hoặc 04 liên ủy nhiệm chi trong trường hợp trích tài khoản tại Kho bạc Nhà nước theo quy định gửi Kho bạc Nhà nước làm căn cứ hạch toán vào tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra hoặc của Cơ quan thi hành án dân sự;
b) Sau khi hoàn tất thủ tục nộp tiền, Kho bạc Nhà nước lưu 01 liên giấy nộp tiền vào tài khoản hoặc ủy nhiệm chi, giao cho người nộp tiền 02 liên, đồng thời gửi cho cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ 01 liên. Người đại diện hợp pháp hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại có trách nhiệm nộp 01 liên cho cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
5. Đối với trường hợp nộp tiền mặt tại cơ quan tài chính trong Quân đội thì cơ quan nhận tiền có trách nhiệm lập biên bản giao nhận tiền nộp, có chữ ký xác nhận của bên nộp tiền, bên nhận tiền và đại diện của cơ quan đã ra quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án.
Biên bản được lập thành 03 bản, 01 bản giao cho đại diện cơ quan ra Quyết định áp dụng biện pháp buộc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, 01 bản giao cho người nộp tiền, 01 bản lưu tại cơ quan tài chính đã lập biên bản.
Cơ quan tài chính trong Quân đội có trách nhiệm nộp số tiền mà pháp nhân thương mại đã nộp để đảm bảo thi hành án vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước.
Chương III: TẠM GIỮ, HOÀN TRẢ, NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC SỐ TIỀN ĐÃ NỘP ĐỂ BẢO ĐẢM THI HÀNH ÁN
Điều 6. Tạm giữ số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án
1. Việc tạm giữ số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án được thực hiện như sau:
a) Số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn điều tra, truy tố được tạm giữ trong tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước của Cơ quan điều tra tiến hành tố tụng đối với vụ án;
b) Số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án trong giai đoạn xét xử được tạm giữ trong tài khoản tạm giữ mở tại Kho bạc Nhà nước của Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp nơi Tòa án xét xử sơ thẩm có trụ sở;
c) Số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án theo quyết định của Cơ quan điều tra trong quân đội, Viện kiểm sát quân sự, Tòa án quân sự được tạm giữ trong tài khoản tạm giữ của cơ quan tài chính tương ứng trong Quân đội mở tại Kho bạc Nhà nước.
2. Sau khi Tòa án có quyết định đưa vụ án ra xét xử, số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án đang được tạm giữ trong tài khoản tạm giữ của Cơ quan điều tra phải được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp với Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án theo quy định của pháp luật. Việc chuyển tiền này phải được thông báo cho Tòa án xét xử sơ thẩm vụ án biết.
Điều 7. Hoàn trả số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án
1. Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính trong quân đội thực hiện việc hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền mà pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền.
Việc hoàn trả số ngoại tệ mà pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án được thực hiện theo nguyên tắc hoàn trả lại đúng loại ngoại tệ và số nguyên tệ đã nộp; trường hợp hoàn trả một phần, thì sau khi trích thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật, phần ngoại tệ còn lại phải trả cho pháp nhân thương mại.
2. Việc hoàn trả số tiền pháp nhân đã nộp để bảo đảm thi hành án mà Kho bạc Nhà nước đang quản lý được thực hiện theo quy định sau:
a) Sau khi nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án, pháp nhân thương mại gửi văn bản đề nghị hoàn trả tiền cho chủ tài khoản tạm giữ nơi đang tạm giữ số tiền nộp để bảo đảm thi hành án. Kèm theo văn bản đề nghị có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về hoàn trả tiền. Trong văn bản đề nghị phải nêu rõ tiền được hoàn trả bằng chuyển khoản hay bằng tiền mặt. Trường hợp hoàn trả bằng chuyển khoản thì ghi rõ tên tài khoản được chuyển đến; nếu hoàn trả bằng tiền mặt thì ghi rõ họ, tên, số chứng minh nhân dân của người nhận tiền;
b) Trong thời hạn 03 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị hoàn trả tiền của pháp nhân thương mại, cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm lập chứng từ hoàn trả tiền gửi Kho bạc Nhà nước để hoàn trả cho pháp nhân thương mại số tiền theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về hoàn trả tiền, gồm 03 liên Giấy rút tiền mặt (đối với trường hợp hoàn trả bằng tiền mặt) hoặc 03 liên ủy nhiệm chi (đối với trường hợp hoàn trả bằng chuyển khoản vào tài khoản của pháp nhân thương mại mở tại ngân hàng); trường hợp hoàn trả bằng chuyển khoản vào tài khoản của pháp nhân thương mại mở tại Kho bạc Nhà nước thì lập 04 liên ủy nhiệm chi;
c) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được chứng từ hoàn trả tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án, Kho bạc Nhà nước thực hiện hoàn trả số tiền theo chứng từ hoàn trả tiền của chủ tài khoản tạm giữ về tài khoản của pháp nhân thương mại hoặc chi trả bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Sau khi hoàn trả tiền, Kho bạc Nhà nước giao 01 liên chứng từ cho pháp nhân thương mại được hoàn trả tiền (đối với trường hợp pháp nhân thương mại mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước); 02 liên chứng từ cho chủ tài khoản tạm giữ. Chủ tài khoản tạm giữ có trách nhiệm gửi 01 liên chứng từ cho cơ quan đã quyết định việc hoàn trả số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án, còn 01 liên chứng từ lưu tại Kho bạc Nhà nước.
3. Việc hoàn trả số tiền pháp nhân đã nộp để bảo đảm thi hành án mà Cơ quan tài chính có thẩm quyền trong Quân đội đang quản lý được thực hiện theo quy định sau:
a) Sau khi nhận được quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án, pháp nhân thương mại gửi văn bản đề nghị hoàn trả tiền cho cơ quan tiến hành tố tụng đối với vụ án hoặc cơ quan thi hành án dân sự. Kèm theo văn bản đề nghị có quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về hoàn trả tiền. Trong văn bản đề nghị phải nêu rõ tiền được hoàn trả bằng chuyển khoản hay bằng tiền mặt. Trường hợp hoàn trả bằng chuyển khoản thì ghi rõ tên tài khoản được chuyển đến; nếu hoàn trả bằng tiền mặt thì ghi rõ họ, tên, số chứng minh nhân dân của người nhận tiền;
b) Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày nhận được đề nghị hoàn trả tiền của pháp nhân thương mại, cơ quan tiếp nhận đề nghị phải lập hồ sơ đề nghị hoàn trả số tiền theo quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về hoàn trả tiền và gửi cho cơ quan tài chính trong Quân đội.
Hồ sơ đề nghị gồm có: Văn bản đề nghị cơ quan tài chính trong Quân đội hoàn trả số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án, trong đó nêu rõ tiền được hoàn trả bằng chuyển khoản hay bằng tiền mặt; quyết định của cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền về việc hoàn trả một phần hoặc toàn bộ số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án và Biên bản giao nhận tiền nộp để bảo đảm thi hành án;
c) Căn cứ vào hồ sơ đề nghị, cơ quan tài chính trong Quân đội làm thủ tục hoàn trả tiền về tài khoản của pháp nhân thương mại hoặc chi trả bằng tiền mặt theo quy định của pháp luật hiện hành.
Trường hợp thực hiện hoàn trả bằng tiền mặt phải lập biên bản có chữ ký của bên hoàn trả (đại diện cơ quan tài chính trong Quân đội) và bên nhận tiền (người đại diện hợp pháp hoặc đại diện theo ủy quyền của pháp nhân thương mại). Biên bản được lập thành 03 bản, bên hoàn trả tiền giữ 01 bản, bên nhận tiền giữ 01 bản và 01 bản được gửi cho cơ quan đã quyết định việc hoàn trả số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án để lưu vào hồ sơ vụ án.
Điều 8. Nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án
1. Số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án được nộp vào ngân sách nhà nước trong trường hợp quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền ghi rõ số tiền này được nộp ngân sách nhà nước để thi hành hình phạt tiền hoặc để thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho Nhà nước theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
2. Trong thời hạn 03 ngày, kể từ ngày quyết định thi hành án có hiệu lực thi hành, Cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ nơi đang tạm giữ số tiền nộp để bảo đảm thi hành án có trách nhiệm gửi 03 liên ủy nhiệm chi trích từ tài khoản tạm giữ để nộp ngân sách nhà nước kèm theo quyết định thi hành án này cho Kho bạc Nhà nước.
3. Ngay sau khi nhận được ủy nhiệm chi kèm theo quyết định thi hành án quy định tại khoản 2 Điều này, Kho bạc Nhà nước thực hiện hạch toán ghi thu ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.
Sau khi hạch toán ghi thu ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước lưu 01 liên chứng từ và giao cho chủ tài khoản tạm giữ 02 liên chứng từ. Chủ tài khoản tạm giữ lưu 01 liên chứng từ và gửi 01 liên chứng từ cho cơ quan đã ra quyết định về việc hoàn trả số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án.
Điều 9. Trách nhiệm của Kho bạc Nhà nước, cơ quan tài chính trong Quân đội trong việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp để bảo đảm thi hành án
1. Tiếp nhận và tạm giữ số tiền nộp để bảo đảm thi hành án theo quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
2. Nộp ngân sách nhà nước hoặc hoàn trả số tiền mà pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án theo quy định của Nghị định này.
3. Phối hợp chặt chẽ với cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền, cơ quan là chủ tài khoản tạm giữ trong việc thực hiện biện pháp buộc nộp một khoản tiền để bảo đảm thi hành án; tạo điều kiện thuận lợi cho việc hoàn trả tiền được nộp để bảo đảm.
Chương IV: ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2018.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các đối tượng áp dụng của Nghị định chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ |
Xem thêm các chương trình khác: