SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 36 - Cánh diều

Với giải SBT Ngữ Văn lớp 8 Bài tập viết trang 36 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 8.

1 610 23/09/2023


Giải SBT Ngữ Văn 8 Bài tập viết trang 36 - Cánh diều

Câu 1 trang 36 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1Thế nào là văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên? Để viết bài văn theo kiểu thuyết minh này, em cần chú ý điều gì?

Trả lời:

Văn bản thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên là loại văn bản thông tin nhằm giới thiệu những hiểu biết khoa học cơ bản về hiện tượng đó. Nội dung chính của loại văn bản này thường tập trung vào một số thông tin chính như: Đó là hiện tượng gì? Biểu hiện như thế nào? Vì sao có hiện tượng này? Những tác dụng hoặc tác hại của hiện tượng thiên nhiên ấy là gì?...Tận dụng hoặc phòng chống, khắc phục tác động của hiện tượng đó như thế nào? Các văn bản Sao băng, Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI hoặc Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại trong phần đọc hiểu của bài học này đều là văn bản thông tin giải thích một hiện tượng tự nhiên.

Câu 2 trang 36 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1: Từ các văn bản Sao băng, Nước biển dâng: bài toán khó cần giải trong thế kỉ XXI hoặc Lũ lụt là gì? – Nguyên nhân và tác hại, hãy viết bài thuyết minh giải thích một hiện tượng tự nhiên mà em đã chứng kiến ở địa phương mình sinh sống hoặc đã đọc được trên báo chí, sách vở.

Trả lời:

Núi lửa phun trào vừa là một hiện tượng thiên nhiên kỳ thú vừa là một thảm họa vì gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cuộc sống của con người. Vậy núi lửa là gì? Nguyên nhân gây ra núi lửa như thế nào?

Núi lửa là ngọn núi có miệng ở đỉnh, qua đó, từng thời kỳ, các chất khoáng được nóng chảy với nhiệt độ và áp suất cao bị phun ra ngoài. Núi lửa phun trào là một hiện tượng tự nhiên trên Trái Đất hay các hành tinh khác vẫn còn hoạt động địa chấn, với các vỏ thạch quyển dịch chuyển trên lõi khoáng chất nóng chảy. Khi núi lửa phun trào, một phần năng lượng đã ẩn sâu trong lòng hành tinh sẽ được giải phóng. Một ngọn núi lửa hoàn chỉnh sẽ có cấu tạo gồm các bộ phận như sau: nguồn dung nham, đường dẫn nhanh, ngưỡng, lỗ thoát, ống dẫn,  cổ họng núi lửa, miệng núi lửa. Các sản phẩm núi lửa phun trào ra bên ngoài bao gồm lớp tro bụi, dòng dung nham và khói.

Núi lửa được chia thành nhiều cách phân loại khác nhau, nhưng chủ yếu được chia thành hai cách đó là dựa theo hình dáng bao gồm núi lửa hình chóp và núi lửa hình khiên và dựa vào dạng thức hoạt động chứa ba loại: núi lửa thức, núi lửa ngủ và núi lửa chết.

Khi đá được đun nóng và tan chảy, chúng giãn nở ra, do đó cần nhiều không gian hơn. ở một số khu vực trên Trái Đất, các dãy núi liên tục được nâng cao hơn. Áp suất ở phía dưới nó không lớn nên dòng mắc ma được hình thành. Khi áp lực của các dòng chảy mắc ma cao hơn áp lực tạo bởi lớp đá bên trên, dòng mắc ma phun trào lên trên qua miệng núi và tạo thành núi lửa.

Việc hiểu rõ núi lửa là gì, cách thức hoạt động của núi lửa cho ta thấy được những tác hại nghiêm trọng của núi lửa cũng như hậu quả nguy hại khi núi lửa phun trào lớn đến mức nào. Đầu tiên, nó gây ảnh hưởng đến các hoạt động địa chất, rõ nhất là động đất: Trong quá trình phun trào, trước khi các vật liệu núi lửa phun lên trên mặt, chúng di chuyển theo họng núi lửa từ dưới sâu lên, cọ sát tạo nên các chấn động có khi kèm theo tiếng nổ tạo thành động đất yếu, cục bộ. Từ động đất, liên tiếp gây ra các hiện tượng trượt lở đất, nứt đất, sụt lún. Ngoài ra, núi lửa phun trào làm biến đổi bề mặt địa hình: dung nham núi lửa quánh lại thường tạo thành các dạng địa hình thoải như vòm thoải cao nguyên hoặc lớp phủ dung nham. Không những vậy, nó còn làm ảnh hưởng tới môi trường sống của con người, gây cháy rừng, làm biến đổi môi trường sinh thái và gây nên thảm họa sóng thần:

Bên cạnh đó, núi lửa cũng mang lại những lợi ích đáng kể. Bởi các ngọn núi lửa cũng là nơi đem đến cho con người nhiều tài nguyên khoáng sản, năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Các khoáng sản này bao gồm thiếc, bạc, vàng, đồng và thậm chí kim cương cũng hiện diện trong đá núi lửa. Đây được coi là nơi lý tưởng cho sự phát triển của ngành công nghiệp khai mỏ quy mô lớn và các hoạt động khai mỏ nhỏ lẻ mang tính cá nhân hoặc do một nhóm nhỏ dân địa phương chung tay khai thác.

Hàng năm vào các mùa khác nhau, các ngọn núi lửa cũng là nơi thu hút hàng triệu du khách tham quan. Đa phần du khách chờ đến thời khắc được tận mắt ngắm nhìn những khối tro bụi nóng màu đỏ lửa bắn tung lên bầu trời. Những ngọn núi lửa ít hoạt động thì lại cuốn hút du khách bởi việc chiêm ngưỡng những màn hơi và khói thoát ra từ các lỗ thông khí thiên nhiên trên mặt đất.

Tóm lại, ta thấy được sức ảnh hưởng lớn lao của núi lửa đến đời sống con người, đặc biệt là những người đang sống trong vùng gần núi lửa phun trào. Các tác động tự nhiên này vừa mang tới những hiểm nguy những vẫn tồn tại các mặt lợi ích đáng kể để mang lại nền kinh tế cho con người.

Câu 3 trang 36 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1Từ ý khái quát “Núi lửa khi phun trào mang lại nhiều lợi ích”, em hãy viết đoạn văn theo một trong ba cách: diễn dịch, quy nạp, phối hợp.

Trả lời:

- Đoạn văn diễn dịch:

Núi lửa khi phun trào mang lại nhiều lợi ích. Núi lửa phun trào đem đến cho con người nhiều năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản.

- Đoạn văn quy nạp:

Núi lửa phun trào đem đến cho con người nhiều năng lượng địa nhiệt, đất đai canh tác màu mỡ và cả tiềm năng du lịch. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Như vậy có thể thấy, núi lửa khi phun trào mang lại nhiều lợi ích.

- Đoạn văn phối hợp:

Các ngọn núi lửa là nơi đem đến cho con người nhiều năng lượng địa nhiệt. Dung nham mắc-ma phun trào từ trong lòng quả đất có chứa rất nhiều thành phần khoáng sản. Sau khi núi lửa phun trào, đất đai canh tác trở nên màu mỡ hơn.

Câu 4 trang 36 SBT Ngữ Văn 8 Tập 1Nêu lên một số tình huống trong cuộc sống và học tập cần viết đơn kiến nghị.

Trả lời:

Ví dụ, các tình huống sau đây cần viết văn bản kiến nghị:

- Tập thể lớn đề nghị với cô giáo (thầy giáo) chủ nhiệm về việc tổ chức đi xem một bộ phim liên quan đến các tác phẩm học trong nhà trường.

- Một số gia đình trong khu tập thể (hoặc khu phố, xóm, thôn,…) kiến nghị với Ủy ban nhân dân địa phương giải quyết việc một công trường trong khi xây dựng đã làm tắt hết các đường cống, gây ngập úng và mất về sinh môi trường, ảnh hưởng lớn đến đời sống của khu dân cư,…

Xem thêm các bài giải SBT Ngữ Văn lớp 8 Cánh diều hay, chi tiết khác:

I. Bài tập đọc hiểu

II. Bài tập tiếng Việt trang 35

IV. Bài tập nói và nghe trang 36

1 610 23/09/2023