SBT Ngữ Văn 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 40, 41, 42, 43 - Cánh diều

Với giải SBT Ngữ Văn lớp 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 40, 41, 42, 43 sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 284 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Bài tập viết và nói - nghe trang 40, 41, 42, 43 - Cánh diều

Câu 1 trang 40 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Dưới đây là bài viết triển khai cho đề bài: Từ hình ảnh đồng tiền trong “Truyện Kiều” (Nguyễn Du), em hãy bàn về đồng tiền trong cuộc sống hiện nay. Em hãy đọc bài viết ở cột bên trái và thực hiện các yêu cầu nêu ở cột bên phải:

(1) Nguyễn Du là tác gia lớn của nền văn học dân tộc. Và Truyện Kiểu là tác phẩm tiêu biểu nhất của ông. Có thể nói nó đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật dưới ngòi bút của một nghệ sĩ thiên tài. Bên cạnh những thành công trong xây dựng hình tượng, thể hiện tư tưởng, Nguyễn Du đã phản ánh một cách chân thực và sống động thế lực đồng tiền bẩn thỉu, làm điêu đứng, đảo lộn cả xã hội như một cách lí giải cho những tồn tại trong xã hội xưa.

Câu nào trong phần (1) nêu vấn đề của bài viết?

(2a) Trước hết, đồng tiền là mục đích sống, mục đích hành động của rất nhiều hạng người trong xã hội. Vì tiền, con người sẵn sàng chà đạp lên công lí, luật pháp, đạo nghĩa, thậm chí chà đạp lên cả hạnh phúc và cuộc sống của người khác.

Một ngày lạ thói sai nha

Làm cho khốc hại chẳng qua vì tiền.

“Chẳng quá” như một lí giải lạnh lùng và quá đỗi vô tình. “Tiền” trở thành một lí do chính đáng, như là đương nhiên nó phải thế, không trái lại được. Cả xã hội chạy theo đồng tiền, đảo điên vì tiền. Đồng tiền làm mưa làm gió, đồng tiền đứng trên kỉ cương, có thể biến những con người đức hạnh như Kiều trở thành hàng hoá. Đồng tiền cũng biến con người thành ác quỷ. Xã hội đầy rẫy những quân vô loài, những kẻ tàn ác và bị đồng tiền làm cho mất hết cả nhân tính. Bọn chúng đều không có mối quan hệ gì với nhau nhưng lại tồn tại như một hệ thống những mắt xích để tạo ra một thứ thiên la địa võng, vây bủa chà đạp lên tất cả những gì thanh sạch, đức hạnh, lương thiện,... Vì vậy, tài năng, đức hạnh như Thuý Kiều dù có vùng vẫy thế nào cũng không thoát khỏi thân phận gái thanh lâu. Người anh hùng như Từ Hải thì lại bị coi là giặc cỏ. Ngược lại, ác độc, thủ đoạn như Hồ Tôn Hiến lại làm tới chức quan Tổng đốc trọng thần. Vì cái lợi của mình, vì đồng tiền, tất cả bọn lang sói vô loài không cho con người quyền sống yên ổn. Con người muốn tự do yêu đương chân chính thì giữa đường đứt gánh, gương vỡ bình tan. Cha mẹ, anh em, con cái muốn sum họp lại gặp sấm sét bất kì, tai bay vạ gió, phút chốc gây nên cảnh sinh li tử biệt.

Đem thân ngọc mình vàng an phận thủ thường thì ngọc nát vàng phai, cam phận tôi đòi thì lại “Một phen mưa gió tan tành một phen”. Mong nương nhờ cửa Phật, hứng giọt nước cảnh dương thì cửa từ bi nào giấu được cảnh trầm luân khổ ải... Tất cả khổ đau đó do ai đã gây ra? Chẳng phải do đồng tiền mà nên sao?

Hơn nữa, đóng tiền còn là phương tiện giải quyết mọi vấn đề, vướng mắc trong cuộc sống:

Có ba trăm lạng việc này mới xong

Để cứu được cha và em, gia đình Thuý Kiều phải bỏ ra ba trăm lạng để nộp cho bọn lính lệ. Như vậy, ở đây tiền giải quyết cả việc xử kiện, tiền đứng trên cán cân công lí, thay thế pháp luật. Không chỉ có thế, tiền còn là sức mạnh đảo lộn, đổi thay mọi giá trị trong cuộc sống:

Trong tay đã sẵn đồng tiền.

Mặc lòng đổi trắng thay đen khó gì?

“Trắng – đen” không phân định được, đúng sai không rõ ràng bởi đứng giữa hai thái cực ấy là thế lực đồng tiền. Tiền nghiêng về phía nào thì bên đó sẽ giành được phần thắng. Hơn thế, đồng tiền còn làm lu mờ, thậm chí cướp đi tất cả những giá trị của con người. Tài sắc, phẩm hạnh của Thuý Kiều không được coi trọng, nó chỉ đáng giá là những món hàng để người ta mặc sức trao đổi, mua bán, “Cò kè bớt một thêm hai”. Đau xót làm sao... Qua tất cả những điều đó, bản chất, bộ mặt của xã hội phong kiến đã dần dần hiện lên. Đó là xã hội phong kiến cuối thế kỉ XVIII thối nát, mục ruỗng với thể chế chính trị rối loạn, tham tàn, tầm văn hoá của con người thì thấp kém. Bởi thế, con người mới bị đồng tiền mê hoặc, quyến rũ, trở nên tha hoá, biến chất, xấu xa, nhẫn tâm và thậm chí không còn mang trái tim loài người. Cuối cùng thì vẫn là người dân yếu đuối, cô độc trong xã hội ấy gánh chịu tất cả những nỗi xót xa, thống khổ của kiếp người.

Đọc lướt phần (2a), (2b) và cho biết: Bài văn có mấy luận điểm?

Ở phần (2a), người viết nêu những lí lẽ nào? Xác định các câu lí lẽ.

Dẫn chứng ở phần (2a) được lấy từ đâu?

(2b) Nhưng không chỉ trong xã hội phong kiến. Đồng tiền trong đời sống luôn là một vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người. Từ thời xa xưa cho đến bây giờ, đồng tiền vẫn luôn phát huy vai trò quan trọng của nó. Tiền là tài sản vật chất có giá trị ngang với các thứ tài sản vật chất khác. Trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, rõ ràng đồng tiền đã bộc lộ tất cả những mặt xấu xa, thối nát của nó. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nếu đồng tiền thực sự chỉ có mặt xấu xa thì sao nó có thể tồn tại đến ngày nay? Hãy tưởng tượng xem một thế giới không có đồng tiền sẽ tối tệ thế nào? Lúc ấy, khi đi ra ngoài, giả dụ bạn muốn mua một thứ gì đó, bạn phải quay trở về nhà để mang một thứ khác ra trao đổi. Mà có khi sẽ chẳng còn những dịch vụ mua bán đó nữa, con người sẽ lùi về hàng vạn năm trước sống cuộc sống tự cung, tự cấp. Khi đó mỗi người sẽ là một “lãnh chúa” trong “lãnh địa” của chính mình, không liên quan, giao thiệp với thế giới bên ngoài mình. Ngày đó biết đâu Bill Gate (Bin Ghết) sẽ tới cầu xin sự giúp đỡ của bạn!... Vậy bạn đã thấy cuộc sống cần có đồng tiền như thế nào chưa? Rõ ràng, tiền là một phương tiện có ích để thoả mãn những nhu cầu chính đáng của con người. Hơn nữa, nó còn là phép thử để bộc lộ bản chất, tầm văn hoá của con người. Trong thực tế, có những người sử dụng đồng tiền như một phương tiện để thực hiện lí tưởng, khát vọng, tạo lập sự nghiệp. Điều đó là hoàn toàn chính đáng. Song cũng có người sử dụng đồng tiền để mua chuộc, khống chế người khác, hoặc coi tiền là mục đích sống. Họ lại giống các nhân vật phản diện trong Truyện Kiều, có thể trở nên tàn bạo, hèn kém, xấu xa. Cách sử dụng đồng tiền như thế sẽ mở đầu cho một lối sống không đẹp, sống ích kỉ, sống tầm thường,... Không ít kẻ vì tiền mà bán rẻ anh em, bạn bè, cha mẹ, bán rẻ chính tâm hồn mình, lương tâm mình cho quỷ dữ. Họ sẵn sàng ra tay trộm cắp, cướp của, giết người,... Đây cũng là vấn đề nan giải của cuộc sống hiện nay.

Tuy nhiên, nếu đồng tiền đó là kết quả của mồ hôi, công sức lao động, là thành quả của những cống hiến, thì ta cần biết quý trọng, biết sử dụng đúng mức để giá trị của nó được phát huy.

Tôi đã từng nghe kể một câu chuyện. Một ông bố, khi đến cuối đời, muốn dạy cho con giá trị đích thực của đồng tiền, biết quý trọng đồng tiền chân chính tự mình làm ra, nên bắt con trai rời nhà đi làm ăn, mang tiền về. Người mẹ thương con, trong phút chia tay đã đưa cho con tiền. Thế là anh ta cầm số tiền đó đi, tiêu gần hết rồi mang số còn lại về đưa cho bố. Nhưng không ngờ ông đã thẳng tay ném số tiền đó xuống nước. Thấy thái độ thản nhiên của người con, ông đã khẳng định đó không phải là những đồng tiền do anh làm ra và đuổi anh đi. Trong lần ra đi này, anh ta lỡ tiêu hết số tiền mẹ đưa. Vì vậy, anh ta phải làm việc rất vất vả, chật vật để có tiền mang về cho bố. Nhưng lần này cũng vậy, ông bố ném ngay số tiền đó vào lửa. Không ngại nóng, bỏng, anh ta thò ngay tay vào móc số tiền đó ra.

Qua câu chuyện trên, có thể thấy rõ rằng, chỉ khi đóng tiền là do chính bàn tay ta tạo nên thì nó mới được đặt đúng vị trí và nhìn nhận đúng giá trị của nó. Mặt khác, cũng không nên vì thấy đồng tiền quý giá mà ta phải quỵ lụy, phụ thuộc và quá mê muội trước giá trị của nó. Điều đó sẽ làm ta đánh mất đi bản thân, mất đi tự do, nhầm lẫn về những giá trị thực của cuộc sống.

(3) Tóm lại, chúng ta hãy cố gắng hết mức có thể để trả lại cho đồng tiền giá trị thực của nó, đừng đổ oan cho nó. Để làm được điều ấy, chúng ta cần rèn luyện bản lĩnh, tích luỹ hiểu biết, tích cực sống, tích cực làm việc để bằng nội lực của chính mình đứng cao hơn đồng tiền.

(Bài viết của Đỗ Thu Hà, in trong Dạy và học nghị luận xã hội, Đỗ Ngọc Thống (Chủ biên), NXB Giáo dục Việt Nam)

Phần (2b) nêu những lí lẽ nào? Những câu nào nêu lí lẽ ở phần này?

Dẫn chứng ở phần (2b) được lấy từ đâu?

Người viết kể câu chuyện này nhằm mục đích gì?

Mục đích của phần (3) là gì?

Trả lời:

- Câu văn: Bên cạnh những thành công trong xây dựng hình tượng, thể hiện tư tưởng, Nguyễn Du đã phản ánh một cách chân thực và sống động thế lực đồng tiền bẩn thỉu, làm điêu đứng, đảo lộn cả xã hội như một cách lí giải cho những tồn tại trong xã hội xưa.

- Bài văn có 2 luận điểm.

- Ở phần (2a), nêu lí lẽ: Đồng tiền là mục đích sống, mục đích hành động của rất nhiều người trong xã hội. Cả xã hội chạy theo đồng tiền, đảo điên vì tiền,….

- Dẫn chứng ở phần (2a) được lấy trong “Truyện Kiều”.

- Phần (2b) nêu lí lẽ: Đồng tiền trong đời sống luôn là 1 vấn đề nóng hổi, thu hút sự chú ý của tất cả mọi người,…

- Dẫn chứng ở phần (2b) được lấy trong “Truyện Kiều”.

- Người viết kể câu chuyện này nhằm mục đích là dẫn chứng để chứng minh cho ý kiến nếu đồng tiền là mồ hôi, công sức lao động, là thành quả của những cống hiến thì ta cần biết quý trọng, biết sử dụng đúng mức để giá trị của nó được phát huy.

- Mục đích của phần (3): Tổng kết vấn đề, nêu lên bài học bản thân.

Câu 2 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Để viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, em cần chú ý những gì?

Trả lời:

Để viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, các em cần chú ý:

- Phân tích đề bài và xác định vấn đề có ý nghĩa đặt ra trong văn bản.

- Đọc kĩ văn bản văn học được nêu trong đề.

- Tìm ý và lập dàn ý cho bài viết. Cần nêu được ít nhất hai ý lớn:

(1) Giới thiệu và phân tích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học.

(2) Bàn luận về vấn đề xã hội đó trong đời sống.

Trong hai ý trên, ý (2) là trọng tâm của bài viết. Vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học ở ý (1) chỉ là đề tài để người viết bàn bạc, trao đổi, mở rộng, nâng cao ở ý (2).

- Thể hiện rõ thái độ, tình cảm khi bàn luận về vấn đề đã nêu. Vận dụng được kiến thức và những trải nghiệm của cá nhân người viết.

Câu 3 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Cho đề bài sau:

Từ truyện “Hương cuội” (Nguyễn Tuân), em hãy bàn về một (hoặc một số) thái độ cần có của chúng ta đối với những giá trị văn hoá của dân tộc.

a) Dựa vào mục 2. Thực hành trong SGK (trang 94), em hãy tìm ý và lập dàn ý cho đề bài trên.

b) Chọn một ý trong dàn ý đã lập được để viết thành một đoạn văn, xác định người em “đóng vai” để viết, người đọc giả định, sử dụng cách xưng hô và giọng điệu cho phù hợp.

Trả lời:

a) Tìm ý và lập dàn ý

Để tìm ý và lập dàn ý cho đề bài “Từ truyện Hương cuội (Nguyễn Tuân), em hãy bàn về một (hoặc một số) thái độ cần có của chúng ta đối với những giá trị văn hoá của dân tộc”, HS cần đọc kĩ lại văn bản, hướng dẫn trong SGK về cách viết bài nghị luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học cũng như các tài liệu tham khảo nếu có.

– Tìm ý: HS đặt ra các câu hỏi sau đây để tìm ý:

+ Giá trị văn hoá của dân tộc là gì?

+ Truyện Hương cuội của Nguyễn Tuân đề cập những giá trị văn hoá nào? Những giá trị ấy có ý nghĩa gì? Nhà văn đã thể hiện thái độ gì đối với những giá trị đó?

+ Chúng ta có những giá trị văn hoá nào? Những giá trị đó có ý nghĩa như thế nào?

+ Chúng ta cần có những thái độ như thế nào để giữ gìn và phát huy ý nghĩa của những giá trị đó trong cuộc sống hôm nay?

– Lập dàn ý: HS tham khảo cách sắp xếp ý của bài viết như sau:

Mở bài: Giới thiệu truyện Hương cuội (Nguyễn Tuân) và nêu thái độ cần có của em đối với những giá trị văn hoá của dân tộc.

Thân bài:

+ Giải thích: giá trị văn hoá của dân tộc.

+ Những giá trị văn hoá của dân tộc được đề cập trong truyện Hương cuối của Nguyễn Tuân; ý nghĩa của những giá trị đó; thái độ của nhà văn đối với những giá trị đó.

+ Một số giá trị văn hoá nổi bật của dân tộc ta và ý nghĩa của chúng.

+ Thái độ cần có của chúng ta để giữ gìn và phát huy ý nghĩa của những giá trị đó trong cuộc sống hôm nay.

Kết bài: Khẳng định lại thái độ tích cực của nhà văn Nguyễn Tuân đối với những giá trị văn hoá của dân tộc và nhấn mạnh thái độ cần có của chúng ta ngày nay về vấn đề này.

b) HS chọn một ý trong dàn ý đã lập được để viết thành một đoạn văn, xác định rõ người mình “đóng vai” để viết, người đọc giả định, sử dụng cách xưng hô và giọng điệu cho phù hợp.

Câu 4 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Đọc lại văn bản Giăng Van-giăng (trích Những người khốn khổ – Huy-gô), xác định một vấn đề xã hội đặt ra trong văn bản đó và viết bài văn bàn về vấn đề ấy.

Trả lời:

Gợi ý một số vấn đề xã hội trong văn bản Giăng Van-giăng (trích Những người khốn khổ – V. Huy-gô): tình yêu thương giữa con người với con người; số phận của người nghèo; công bằng xã hội, sự vô cảm của con người...

Câu 5 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Để thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học được hiệu quả, em cần chú ý những gì?

Trả lời:

Khi thảo luận về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học, các em cần chú ý:

- Lựa chọn vấn đề thảo luận như đã gợi ý trong phần Viết ở trên.

- Tìm hiểu kĩ nội dung vấn đề cần thảo luận.

- Xác định rõ những người thảo luận với mình là ai để có cách trình bày phù hợp (có thể có người nghe giả định).

- Xác định thời lượng trình bày ý kiến của bản thân.

- Chuẩn bị dàn ý cho phần trình bày ý kiến của bản thân, tránh viết thành văn để đọc.

- Chuẩn bị các phương tiện như tranh, ảnh, video,…và máy chiếu, màn hình (nếu có).

- Các ý kiến nêu ra trong cuộc thảo luận có thể trái ngược nhau. Người nghe cần nắm được ý kiến và quan điểm của người nói; nêu được nhận xét, đánh giá về nội dung và cách thức nói; đặt câu hỏi về những điểm cần làm rõ. Người nói và người nghe cần tranh luận một cách hiệu quả và có văn hóa.

Câu 6 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 1: Trong số những văn bản truyện mà em đã đọc hoặc đã học, em thấy văn bản nào đặt ra một vấn đề xã hội mà em cho là sâu sắc? Hãy tìm ý và lập dàn ý cho bài nói của em để thảo luận về vấn đề đó.

Trả lời:

a) Chuẩn bị

- Đọc kĩ đề bài, xác định vấn đề cần bàn luận, các thao tác lập luận cần sử dụng, phạm vi dẫn chứng.

- Đọc lại truyện Chí Phèo (Nam Cao), tìm hiểu mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện, đặc biệt là mối quan hệ giữa Chí Phèo và thị Nở, thấy được vai trò của thị Nở đối với quá trình thức tỉnh của Chí Phèo.

- Đọc thêm sách, báo và các nguồn tư liệu khác, kết hợp với quan sát và trải nghiệm để thấy được những biểu hiện và sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người; ghi chép lại những thông tin cần thiết.

b) Tìm ý và lập dàn ý

- Tìm ý: Dựa vào những gợi ý đã nêu ở ý 1.2, mục 1. Định hướng và kết quả chuẩn bị trên đây, tiến hành tìm ý cho bài viết theo suy luận từ khái quát đến cụ thể bằng những gợi dẫn như sơ đồ sau:

Trong số những văn bản truyện mà em đã đọc hoặc đã học, em thấy văn bản nào

- Lập dàn ý cho bài viết bằng cách lựa chọn, sắp xếp các ý đã tìm được theo bố cục ba phần:

Mở bài: Dẫn dắt và giới thiệu vấn đề.

Thân bài: Lần lượt nêu các luận điểm làm sáng tỏ cho sức mạnh của tình yêu thương giữa con người với con người theo sơ đồ trên.

Kết bài: Khẳng định tình yêu thương là một phẩm chất cần có của con người trong cuộc đời.

c) Viết

- Viết bài văn theo dàn ý đã lập.

- Trong khi viết, các em cần chú ý một số điểm đã nêu trong mục 1. Định hươngs.

- Chú ý diễn đạt chặt chẽ, có cảm xúc; dùng từ ngữ chính xác và viết đúng chính tả, ngữ pháp;…

* Bài viết mẫu tham khảo

Tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao từ xưa và nay vẫn được xem là một truyện ngắn tiêu biểu, xuất sắc của văn học sáng tác theo khuynh hướng hiện thực phê phán, thể hiện tài năng nghệ thuật của Nam Cao. Cũng từ sáng tác này, chúng ta còn được chứng kiến một điều kì diệu trong cuộc sống, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người.

Đọc những đoạn đầu tiên của tác phẩm, người đọc khó có thể hình dung được sẽ có kế nhân vật chính của truyện – một con người bao nhiêu năm đắm mình trong men rượu, một con quỷ dữ của làng Vũ Đại lại có thể thức tỉnh cả phần và linh hồn nhờ vào tình yêu chớm nở. Khó hình dung hơn nữa khi Chí lại được đánh thức bởi mụ đàn bà xấu ma chê qủy hờn, một người ba mươi tuổi mà chưa trót đời. Và không thể tin nổi khi chính người đàn bà xấu xí ấy lại mang trong mình lòng tốt bình thường mà cả làng Vũ Đại không ai khác có được. Bát cháo hành nóng hổi với những cử chỉ của thị Nở đã đánh thức trong Chí phần “người” lương thiện bị vùi lấp lâu nay. Con người ấy mới hôm qua còn đi uống rượu say, chửi cả làng, chửi cả đứa sinh ra, rạch mặt ăn vạ, la làng khắp xòm mà lại có thể tỉnh táo nhận ra được những điều đơn giản, nhịp sống thường ngày, có thể khóc, có thể sống dậy những cảm xúc tê dại bấy lâu nay, có thể yêu và khao khát, mong muốn được trở lại cuộc sống lương thiện, mơ về một gia đình hạnh phúc. Điều đáng nói hơn, đánh thức Chí không phải là sức mạnh của quyền lực từ bá Kiến, cũng không phải là sức mạnh được mang đến từ những người dân làng Vũ Đại mà là lòng yêu thương ngây thơ, thuần phác trong con người thị Nở.

Từ câu chuyện thức tỉnh của Chí Phèo, có thể thấy tình yêu thương giữa người với người là sức mạnh có khả năng cảm hoá, giáo dục con người một cách nhanh chóng, mạnh mẽ. Trong thực tế cuộc sống, nhiều lần chúng ta đã bắt gặp sức mạnh đó, ở người thầy hết lòng yêu thương học trò, dù đó là đứa học trò ngỗ ngược, ở người cảnh sát trại giam luôn cảm thông và sẵn sàng giúp đỡ các phạm nhân cải tạo. Tình cảm yêu thương chân thành đã lay động và kêu gọi thức tỉnh phần lương tri bị vùi khuất phía sau bao tội lỗi, cứu vớt bao con người khỏi sa xuống vực thẳm đau thương. Tình yêu thương đưa thế giới này thoát khỏi bao thảm họa diệt chủng, ươm lại trong con người niềm tin vào tương lai tươi sáng. . . .

Có nhiều cách để giành lại hạnh phúc, công bằng cho con người nhưng nếu yêu thương có thể hàn gắn mọi đau thương, xoá mờ mọi tội lỗi thì tại sao chúng ta không nhân nó lên trong mọi trái tim, không phát huy sức mạnh của nó? Cũng như nhà thơ Tố Hữu đã từng viết rằng:

Có gì đẹp trên đời hơn thế?

Người yêu người, sống để yêu nhau

Tồn tại và ngày càng phát triển – đó là quy luật của sự sống. Để phát triển, trong cuộc chiến giữa chính và tà, những thế lực phi nghĩa sẽ phải đầu hàng trước sức mạnh chính nghĩa. Nhấn con người chìm đắm trong khổ đau là bóng tối, cái ác. Vậy thì kéo con người lên khỏi bờ vực, đưa con người ra ánh sáng, lương thiện phải là tình yêu thương. Như vậy, sự tồn tại của tình yêu thương, sức mạnh của tình yêu giữa con người với con người là tất yếu, là vô địch. Chúng ta có quyền tin vào sự trường tồn mãi mãi của sức mạnh này.

Có thể thấy tác phẩm Chí Phèo của Nam Cao không lý tưởng hóa tình yêu bằng sự lãng mạn, thơ mộng và thi vị mà ông tập trung ngòi bút vào miêu tả tình yêu rất đỗi chân thực. Cũng chính nhờ ngòi bút ấy, mà ta thấy được sức mạnh của tình yêu được thể hiện theo một cách khác, một tình yêu lên một bậc cao mới ý nghĩa hơn, cao thượng hơn và có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ hơn. Tình yêu ấy không những làm cho Chí Phèo – Thị Nở bừng tỉnh giữa cuộc đời đầy mê muội mà còn làm cho người đọc có cái nhìn mới tình yêu. Rằng tình yêu rất cao đẹp nhưng luôn đi liền với thực tế hiện tại. Tình yêu và cuộc sống phải hài hòa với nhau mới có thể tạo thành một tình yêu viên mãn và trọn vẹn.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ văn 11 bộ sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

I. Bài tập đọc hiểu trang 21

II. Bài tập tiếng Việt trang 37, 38, 39

1 284 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: