Sách bài tập Ngữ Văn 11 Bài 8: Bi kịch - Cánh diều

Với giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 Bài 8: Bi kịch sách Cánh diều hay nhất, ngắn gọn sẽ giúp học sinh dễ dàng làm bài tập trong SBT Ngữ Văn 11.

1 465 30/11/2023


Giải SBT Ngữ Văn 11 Bài 8: Bi kịch - Cánh diều

I. Bài tập đọc hiểu

Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài (Nguyễn Huy Tưởng)

Câu 1 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Căn cứ vào phần tóm tắt và đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài, hãy cho biết có những mâu thuẫn nào trong tác phẩm? Mâu thuẫn nào là mâu thuẫn chính trong đoạn trích?

Trả lời:

- Những mâu thuẫn trong tác phẩm:

+ Mâu thuẫn giữa tài năng, khát vọng của Vũ Như Tô với toàn bộ tồn tại xã hội (không cho phép tài năng và khát vọng đó được nảy nở, được thực hiện).

+ Mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và Lê Tương Dực. Vũ Như Tô muốn xây Cửu Trùng Đài để tỏ tài năng, để tôn vinh vị thế của dân tộc. Điều này hoàn toàn trái ngược với mục tiêu hưởng lạc của Lê Tương Dực.

+ Mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô với những người thợ và rộng hơn là với nhân dân: tuy yêu quý trân trọng những người thợ nhưng vì để thi công Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô phải trở nên lạnh lùng, phải cho chém những người bỏ trốn. Việc xây dựng Cửu Trùng Đài tốn kém cũng làm tăng gánh nặng sưu thuế cho nhân dân, khiến họ oán hận Vũ Như Tô chẳng kém gì oán hận Lê Tương Dực.

+ Sự xung đột nội bộ của giai cấp thống trị giữa một bên là Lê Tương Dực và một bên là quận công Trịnh Duy Sản. Mâu thuẫn này cũng đồng thời làm xuất hiện mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô với phe cánh khởi loạn của Trịnh Duy Sản. Vũ Như Tô bị kết án không phải chỉ bởi nhân dân mà còn bởi chính phe đối lập với Lê Tương Dực.

+ Đoạn kết là sự kết hợp cả hai mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô với nhân dân và phe khởi loạn.

Câu 2 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 1, SGK) Tìm những ví dụ tiêu biểu cho thấy các chỉ dẫn sân khấu của tác giả có vai trò quan trọng trong việc làm sáng tỏ bối cảnh, hành động, tâm trạng nhân vật, xung đột trong lời thoại của nhân vật.

Trả lời:

Ở kịch bản văn học, các chỉ dẫn sân khấu của tác giả có vai trò quan trọng đối với việc làm sáng tỏ bối cảnh, hành động, tâm trạng nhân vật, xung đột trong lời thoại của nhân vật. Nên chú ý đến vai trò của các chỉ dẫn sân khấu ở những đoạn cao trào của vở kịch hoặc những đoạn khắc hoạ xung đột, những đoạn khắc hoạ nội tâm của nhân vật.

Ví dụ trong đoạn kịch sau:

“VŨ NHƯ TÔ (nhìn ra, rú lên) — Đốt thực rồi! Đốt thực rồi! Ối đảng ác! Ối muôn phân căm giận! Trời ơi! Phú cho ta cái tài làm gì? Ôi mộng lớn! Ôi Đan Thiềm! Ôi Cửu Trùng Đài! (có tiếng hộ vui vẻ: “Cửu Trùng Đài đã cháy!”)”.

Các chỉ dẫn sân khấu về lời của Vũ Như Tô (rú lên): khắc hoạ sự đau đớn cùng cực của nhân vật là hoàn toàn đối lập với tiếng hô vui vẻ của những người đốt phá Cửu Trùng Đài. Từ đó, cho thấy xung đột giữa người nghệ sĩ với đám đông khởi loạn (bởi đói khổ, bởi việc theo đuổi một công việc mà họ thấy hoàn toàn xa lạ với cuộc sống nhục nhằn của mình). Lời chỉ dẫn ở đây tạo ra những bè điệu đối nghịch, từ đó góp phần tạo ra kịch tính cho cao trào của vở kịch.

Câu 3 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Phân tích diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô trong đoạn trích. Từ đây, em hiểu gì về bi kịch của Vũ Như Tô?

Trả lời:

Về cơ bản tâm trạng của Vũ Như Tô được thể hiện qua bốn chặng:

Phân tích diễn biến tâm trạng của Vũ Như Tô trong đoạn trích. Từ đây, em hiểu gì về bi kịch của Vũ Như Tô?

Có thể thấy diễn biến tâm trạng trên tiếp tục khắc sâu vẻ đẹp của tài năng và khát vọng phi thường của Vũ Như Tô: dù trong cảnh ngộ nào cũng không thay đổi, không màng sống chết nhưng cũng cho thấy bi kịch của nhân vật: sự lạc lối của Vũ Như Tô trong khát vọng sáng tạo của mình (hầu như đánh mất mọi cảm nhân về hiện thực để chỉ sống chết với Cửu Trùng Đài, chỉ tìm cách thực hiện Cửu Trùng Đài tử quyền lực). Đây cũng chính là điểm nhấn làm nên tính bi kịch của đoạn trích này.

Câu 4 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Trong lời đề tựa cho vở kịch Vũ Như Tô, Nguyễn Huy Tưởng viết: “Than ôi! Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải?”. Suy nghĩ của em về hành động đốt phá Cửu Trùng Đài và giết Vũ Như Tô của phe khởi loạn trong tác phẩm?

Trả lời:

Suy nghĩ của Nguyễn Huy Tưởng “Như Tô phải hay những kẻ giết Như Tô phải? Ta chẳng biết!” có lẽ chính là suy nghĩ về mâu thuẫn giữa Vũ Như Tô và nhân dân, giữa khát vọng sáng tạo vẻ đẹp siêu việt, vĩnh cửu, bất tử cho muôn đời với những lợi ích thiết thực, ngay trong hiện tại. Cả hai bên đều đúng và cả hai bên đều sai vì đều mù quáng, chỉ nhìn thấy lợi ích của riêng mình và khiến mâu thuẫn trở nên xung đột trong bạo lực và huỷ diệt. Đó là sự băn khoăn và cũng là sự tiếc thương cho cả nhân dân và Vũ Như Tô.

Câu 5 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Phân tích vai trò của nhân vật Đan Thiềm trong vở kịch Vũ Như Tô và đoạn trích?

Trả lời:

Đan Thiềm là nhân vật bổ trợ nhằm tôn vinh vẻ đẹp của nhân vật trung tâm Vũ Như Tô nhưng bên cạnh đó nhân vật này cũng có những giá trị độc lập.

Trong tác phẩm, chỉ có duy nhất Đan Thiềm là người không chỉ nhận thấy (điều này Lê Tương Dực cũng có được) mà còn trân trọng không chỉ tài năng khát vọng sáng tạo của Vũ Như Tô. Người phụ nữ này đã giúp Vũ Như Tô tìm thấy con đường để thực thi khát vọng và tài năng của mình khi khuyên Vũ Như Tô lợi dụng quyền lực của Lê Tương Dực xây Cửu Trùng Đài.

Với nhân vật Đan Thiềm, Nguyễn Huy Tưởng đã bày tỏ niềm tiếc thương cũng như trân trọng sâu sắc trước tài năng cũng như số phận của nhân vật. Đồng thời qua nhân vật này ông cũng làm sâu sắc thêm quan điểm nghệ thuật của mình, nghệ thuật phải gắn với cuộc sống mới có thể tồn tại lâu bền.

Câu 6 trang 41 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo em, có thể nói tới những chủ đề nào trong văn bản kịch Vũ Như Tô và đoạn trích Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài?

Trả lời:

Các chủ đề có thể nhận thấy trong văn bản kịch:

- Chủ đề về mối quan hệ giữa nghệ sĩ và uy quyền; giữa nghệ thuật và quyền lực (Vũ Như Tô với Lê Tương Dực).

- Chủ đề về sứ mệnh của nghệ thuật: tô điểm cho đất nước hay phụng sự quyền lợi của nhân dân; phụng sự cho cường quyền hay nhân dân.

- Chủ đề về sự cảm thông, liên tài giữa những người có tâm hồn nghệ sĩ, có khát vọng cao đẹp (Đan Thiềm và Vũ Như Tô).

- Chủ đề về cái nhất thời và cái vĩnh cửu.

- Chủ đề về sức mạnh của nhân dân (tích cực và tiêu cực).

Thề nguyền và vĩnh biệt (Sếch - Xpia)

Câu 1 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dựa vào phần tóm tắt, hãy cho biết khoảng thời gian diễn ra từ khi hai nhân vật thề nguyền cho đến khi họ phải chia tay là bao lâu? Điều này có ý nghĩa gì?

Trả lời:

Theo phần tóm tắt: Rô-mê-ô và Giu-li-ét cùng nhau thề nguyền dưới ánh trăng và chiều hôm sau tại nhà thờ, dưới sự chứng kiến của Lâu-rân, họ đã đính hôn. Cũng trong chiều hôm đó, Ti-bân trong lúc xô xát đã sát hại Mơ-kiu-ti-ô (bạn tâm giao của Rô-mê-ô). Để trả thù, Rô-mê-ô đã đâm từ thương Ti-bân và sau đó, anh bị gia chủ đày đi xứ tại Man-tua.

=> Khoảng thời gian diễn ra từ khi hai nhân vật thề nguyền cho đến khi họ phải chia tay là một ngày. Điều này khiến diễn biến câu chuyện trở nên nhanh hơn, đồng thời trở thành một bước ngoặt, một khó khăn, thử thách mới trong tình yêu của Rô-mê-ô và Giu-li-ét.

Câu 2 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 2, SGK) Cảnh gặp gỡ, tình tự của Rô-mê-ô và Giu-li-ét luôn phải diễn ra trong khoảng thời gian và không gian như thế nào? Vì sao?

Trả lời:

Cảnh gặp gỡ, tình tự của Rô-mê-ô và Giu-li-ét luôn phải diễn ra vào ban đêm và trong một không gian vắng vẻ chỉ có hai người họ vì dòng họ của hai người là kẻ thù truyền kiếp của nhau, tình yêu của họ không nhận được sự ủng hộ của gia đình hai bên. Nếu chuyện của hai người bị phát hiện chắc chắn sẽ bị ngăn cấm, họ sẽ khó gặp được nhau.

Câu 3 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lời thoại nào thể hiện rõ nhất tình yêu của Rô-mê-ô dành cho Giu-li-ét trong Hồi hai, cảnh II?

Trả lời:

Những hình ảnh mà Rô-mê-ô dùng để so sánh với Giu-li-ét

- Mặt Trời

- …..

Những hình dung của Rô-mê-ô về bản thân trong sự so sánh với Giu-li-ét

- Ước gì ta là chiếc bao tay nhỉ để mơn trớn má đào

- …..

Những nguy hiểm mà Rô-mê-ô phải đối mặt để đến gặp được Giu-li-ét

- Bức tường đá cao

- …..

Những thổ lộ, ao ước mà Rô-mê-ô bày tỏ với Giu-li-ét

- Tôi chẳng là tay thuỷ thủ, nhưng giá nàng có ở nơi bờ biển xa nhất, thì tôi cũng sẵn sàng liều mình vì báu vật.

- …..

Câu 4 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 4, SGK) Hãy chỉ ra sự thay đổi trong âm hưởng chính của tình yêu từ Hồi hai, cảnh II sang Hồi ba, cảnh V. Sự thay đổi này góp phần thể hiện chủ đề của văn bản như thế nào?

Trả lời:

Sự thay đổi trong âm hưởng chính của tình yêu từ Cảnh II, Hồi hai sang Cảnh V, Hồi ba được thể hiện:

+ Tiếng sét ái tình nảy sinh trong lòng hai con người khi tham dự buổi dự tiệc. Thay vì về nhà ngay sau khi buổi tiệc kết thúc, Rô-mê-ô quay lại, trèo qua tường để vào vườn nhà nàng Giu-li-ét để bày tỏ tình cảm của mình. Sự xinh đẹp của Giu-li-ét làm cho Rô-mê-ô mê mệt.

+ Hai chữ "tình yêu" được Rô-mê-ô nhắc lại nhiều lần càng làm cho Giu-li-ét càng tin tưởng vào tình yêu này. Họ sẵn sàng thay tên đổi họ vì tình yêu của cuộc đời mình.

=> Sự thay đổi này góp phần thể hiện rất rõ tình yêu chân thành của hai nhân vật chính trong tác phẩm.

Câu 5 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Suy nghĩ của em về hai câu kết của đoạn trích?

Trả lời:

Hai câu "sầu thương đã uống hết máu chúng ta. Thôi Vĩnh biệt" chứa đựng những cảm xúc sâu lắng và đau đớn của Romeo. Câu "sầu thương đã uống hết máu chúng ta" bày tỏ sự đau đớn trong tâm hồn Romeo. Giờ đây, trong lòng chàng chất chứa những nỗi đau vì mất đi người mình yêu, vì tình yêu của họ không có cái kết trọn vẹn. Trong khi đó, câu "Thôi Vĩnh biệt" được hiểu là một lời tạm biệt cuối cùng, một cách khép lại mọi hy vọng và kết thúc một cách xa cách và đau đớn.

Câu 6 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét (Hồi hai, cảnh II) gợi em liên tưởng đến tác phẩm nào trong văn học Việt Nam? Sự liên tưởng đó đem đến cho em những cảm xúc và suy nghĩ gì?

Trả lời:

- Cảnh thề nguyền của Rô-mê-ô và Giu-li-ét trong "Romeo and Juliet" (Hồi hai, cảnh II) có thể gợi cho em liên tưởng đến tác phẩm "Truyện Kiều" của Nguyễn Du trong văn học Việt Nam. Trong "Truyện Kiều", câu chuyện tình yêu của Kim Kiều cũng đối mặt với nhiều khó khăn và trở ngại. Họ cũng có những lời thề nguyền tương tự như Romeo và Juliet. Tuy nhiên họ lại không thể bên nhau.

- Liên tưởng này mang lại cho em những cảm xúc về tình yêu đầy hy vọng và đau thương, đồng thời nhắc nhở về sự đấu tranh và khó khăn của tình yêu trong cuộc sống thực. Cả "Romeo and Juliet" và "Truyện Kiều" đều tạo ra một khung cảnh lãng mạn và đau buồn, đồng thời khám phá sâu sắc về tình yêu và tình cảm con người.

- Sự liên tưởng này như một lời nhắc nhở về sự trân trọng đối với tình yêu. Cả hai tác phẩm đề cao tình yêu, nhưng cũng đưa ra những câu hỏi về giới hạn và định mệnh. Tuy nhiên, dù cuộc sống có thử thách chúng ta bằng những khó khăn, tình yêu vẫn có thể là nguồn động lực mạnh mẽ để vượt qua những trở ngại và tìm kiếm hạnh phúc của chính mình.

Tôi muốn được là tôi toàn vẹn (Lưu Quang Vũ)

Câu 1 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 1, SGK) Cuộc đối thoại giữa Hồn Trương Ba và Xác Hàng Thịt cho thấy xung đột nào trong Hồn Trương Ba? Em có nhận xét gì về sự thay đổi thái độ của Hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại với Xác Hàng Thịt? Ý nghĩa của sự thay đổi này là gì?

Trả lời:

Đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt cho thấy những xung đột:

- Bi kịch bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo (linh hồn thanh cao của Trương Ba chán ghét, đau khổ bên trong thân xác phàm tục của anh hàng thịt): "tôi đã chán cái chỗ ở không phải của tôi… ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát".

- Không chỉ linh hồn mới có tiếng nói và sức mạnh, thể xác cũng có sức mạnh bản năng ghê gớm của nó: bất chấp thái độ phủ nhận yếu ớt của Trương Ba, xác hàng thịt đưa ra nhiều minh chứng cho thấy hồn Trương Ba cũng tha hóa theo nhu cầu của hắn.

- Cuộc đấu tranh giữa cái thanh cao và cái tầm thường (hồn Trương Ba cố gắng giữ quan điểm của mình trước những lý lẽ ti tiện của xác hàng thịt nhưng vì vẫn phải chung đụng, sống nhờ vào xác hàng thịt nên không thoát khỏi tuyệt vọng.

=> Ý nghĩa của sự thay đổi: Sự thay đổi thái độ của Hồn Trương Ba trong cuộc đối thoại với Xác Hàng Thịt từ hùng hồn, kiên quyết đã trở nên yếu ớt hơn sau khi nghe phần xác đưa ra minh chứng.

Câu 2 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đế Thích đã dùng những lập luận nào để thuyết phục Hồn Trương Ba sống tiếp? Vì sao Lưu Quang Vũ đã để cho một nhân vật của Thiên Đình đưa ra những lập luận trên?

Trả lời:

- Những lập luận của Đế Thích:

+ Tất cả mọi người đều không thể là mình toàn vẹn, kể cả Ngọc Hoàng.

+ Đề nghị Hồn Trương Ba nhập vào xác cu Tị.

+ Việc Hồn Trương Ba chết là một nhầm lẫn của Thiên Đình, vì thế cần phải sửa sai, ông phải sống, dù với bất cứ giá nào.

=> Lập luận có sức thuyết phục cần có lô gích, cần có điểm tựa từ thực tế, cần dựa trên những tiền đề có hiệu lực phổ quát. Đối chiếu với lập luận của Đế Thích, có thể thấy, những lập luận này của Đế Thích có thuyết phục.

- Để cho một nhân vật của Thiên Đình đưa ra những lập luận trên, Lưu Quang Vũ cho thấy sự thoả hiệp với những thói tật và suy thoái đã được cho phép bởi ngay cả những người cầm cân nảy mực; thậm chí ngay cả những bậc thần thánh mà con người ngưỡng mộ cũng đã trở nên tha hoá và giả dối.

Câu 3 trang 42 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Suy nghĩ của em về những lập luận sau của Xác Hàng Thịt:

“Sao ông có vẻ khinh thường tôi thế nhỉ? Tôi cũng đáng được quý trọng chứ! Tôi là cái bình để chứa đựng linh hồn. Nhờ tôi mà ông có thể làm lụng, cuốc xới. Ông nhìn ngắm trời đất, cây cối, những người thân,... Nhờ có đôi mắt của tôi, ông cảm nhận thế giới này qua những giác quan của tôi... Khi muốn hành hạ tâm hồn con người, người ta xúc phạm thể xác... Những vị lắm chữ nhiều sách như các ông là hay vin vào cớ tâm hồn là quỷ, khuyên con người ta sống vì phần hồn, để rồi bỏ bê cho thân xác họ mãi khổ sở, nhếch nhác... Mỗi bữa tôi đòi ăn tám, chín bát cơm, tôi thèm ăn thịt, hỏi có gì là tội lỗi nào? Lỗi là ở chỗ không có đủ tám, chín bát cơm cho tôi ăn chứ!”.

Trả lời:

Trước đó, Hồn Trương Ba rất coi thường Xác Hàng Thịt, xem đó chỉ là một tồn tại âm u, đui mù chỉ là bề ngoài, chỉ có những cảm xúc thấp kém, thú tính.

Lập luận của Xác Hàng Thịt vì thế muốn chứng minh với Hồn Trương Ba

- Xác thịt cũng có công dụng, nhờ nó mà con người có cảm giác, có cảm nhận về thế giới.

- Chất vấn về việc con người bỏ bê thân xác, từ đó cho thấy những nhu cầu của thân xác có quyền được tôn trọng, được lắng nghe, được chăm sóc.

=> Những lập luận này cho thấy sự phân chia khinh trọng giữa xác và hồn không còn đứng vững. Nếu không quan tâm đến xác thì chính hồn cũng mất đi chỗ tồn tại, mất đi sự tôn nghiêm, cao cả mà người ta vẫn gán cho linh hồn.

Câu 4 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Vì sao Hồn Trương Ba lại cho rằng: Hồn Trương Ba – da hàng thịt là một “vật quái gở”?

Trả lời:

Đây là lời kết án của Hồn Trương Ba về trạng thái tồn tại của mình.

Hồn Trương Ba – da hàng thịt là một “vật quái gở” vì nó là một tồn tại giá đối, không toàn vẹn, nó chỉ là sự chung sống của những thực thể trái ngược không thể dụng hoà. Cái tồn tại này khiến cho cả Hồn Trương Ba và Xác Hàng Thịt đều không thể là chính mình và vì thế không có ai là tồn tại đích thực.

Tồn tại này khiến người ta phải giả dối, phải đóng kịch để có thể tồn tại hợp pháp. Hơn nữa, một tồn tại như thế càng khiến cho những kẻ như lí trưởng lên mặt, có thêm cơ hội để kiếm chác; càng khiến cho con trai của Hồn Trương Ba thêm sa ngã và nó khiến cho tất cả những bạn bè, người thân xung quanh Hồn Trương Ba thêm đau khổ, xa lánh ông; nó cũng khiến người vợ của anh hàng thịt phải âm thầm chịu đựng bi kịch.

Câu 5 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Câu hỏi 5, SGK) Trong truyện cổ tích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, Đế Thích cho hồn Trương Ba nhập vào anh hàng thịt để sống lại. Vợ anh hàng thịt kiện lên quan, quan xử cho vợ Trương Ba thắng kiện vì người mới sống dậy rất giỏi đánh cờ, không biết mổ lợn. Theo em, vì sao Lưu Quang Vũ đã không lựa chọn cách kết thúc như truyện cổ tích cho vở kịch của mình?

Trả lời:

- Cách kết thúc của truyện cổ tích là cách kết thúc có hậu. Nó dựa trên một giả định phổ biến của dân gian: giữa thân (môi trường tồn tại của linh hồn) và linh hồn là hoàn toàn biệt lập. Thân thể chỉ là vật chứa, là cái bên ngoài vì thế linh hồn có thể trú ngụ ở bất kì thân xác của ai mà vẫn luôn là chính mình. Hơn thế, linh hồn có thể sai khiến thân xác: Hồn Trương Ba vẫn đánh cờ nhưng không biết mổ lợn.

- Trong vở kịch của Lưu Quang Vũ, mọi chuyện đã khác: Trong thân xác của anh hàng thịt, Hồn Trương Ba không còn thể làm vườn như xưa, nước cờ cũng khác trước, trong khi đó lại mổ lợn rất thành thạo, thích những món ăn quen thuộc trước đây của anh hàng thịt.

Cách kết thúc của Lưu Quang Vũ trong vở kịch của mình, vì thế là sự chất vấn với cách hiểu về mối quan hệ giữa hồn - xác trong truyền thống. Nó cho thấy linh hồn cũng cần một thân xác cụ thể để tồn tại. Thân xác nào linh hồn ấy. Muốn có một linh hồn tốt đẹp, cần một thân xác phù hợp với nó, chia sẻ với nó những giá trị chung. Mặt khác, thân xác cũng có sự tồn tại độc lập của nó; nó không chỉ tuân theo linh hồn.

Câu 6 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Em tâm đắc nhất với triết lí nhân sinh nào trong đoạn trích Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. Triết lí ấy còn có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc sống hôm nay?

Trả lời:

- Triết lí chủ đạo trong đoạn trích được thể hiện ngay trong nhan đề mà SGK đặt: Tôi muốn được là tôi toàn vẹn. “Tôi toàn vẹn” (sự thống nhất giữa hồn và xác; giữa bên ngoài và bên trong) tưởng như là một tất yếu, là cái tự nhiên nhưng trên thực tế những tác động của ngoại cảnh lại khiến người ta phải sống một thực tế bên trong và bên ngoài không tương hợp với nhau. Đây là bi kịch của xã hội thời Lưu Quang Vũ sáng tác vở kịch nhưng cũng là bi kịch mà con người hiện nay đang đối mặt: cái mặt nạ bên ngoài của con người nhiều khi hoàn toàn trái ngược với con người bên trong. Chỉ có điều, người ta dường như không còn nhiều khảo khát để được sống với “cái tôi toàn vẹn” của mình nữa.

- Triết lí trong tác phẩm của Lưu Quang Vũ có ý nghĩa với chúng ta hôm nay vì nó đặt vấn đề: khát vọng được là “tôi toàn vẹn” phải chăng đang không còn hiện diện, không còn là điều mà con người ngày hôm nay khao khát?

Câu 7 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Theo em, nhan đề Tôi muốn được là tôi toàn vẹn của người soạn SGK đặt ra có phản ánh đúng được vấn đề trung tâm của đoạn trích không? Nếu không, em hãy thử đưa ra nhan đề của mình cho đoạn trích.

Trả lời:

Em hoàn toàn tán thành cách đặt nhan đề của người soạn SGK vì nhan đề này vừa phản ánh được tình trạng bi kịch của nhân vật (hồn của mình phải ở nhờ trong thân xác người khác). Đây cũng là mâu thuẫn chính của đoạn trích. Mặt khác, nhan đề này cũng cho thấy khát vọng được sống thực là chính mình của Trương Ba, không chấp nhận một cuộc sống giả tạo, che đậy.

II. Bài tập tiếng Việt

Bài tập tiếng Việt trang 43, 44

Câu 1 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Bài tập 1, SGK) Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ nói được thể hiện trong một đoạn kịch Tôi muốn được là tôi toàn vẹn (từ “Hồn Trương Ba: Ta... ta... đã bảo mày im đi!” đến “Hồn Trương Ba: (như tuyệt vọng) Trời!” ở các trang 104-105).

Trả lời:

Đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích thể hiện qua các khía cạnh sau:

– Sử dụng nhiều ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ (bịt tai lại, lắc đầu,...).

– Ngôn ngữ đối thoại, có người nói, người nghe.

– Sử dụng nhiều từ ngữ dễ hiểu, biểu cảm.

– Sử dụng nhiều câu rút gọn (Không!, Nực cười thật!; Chiều chuộng?; Chứ sao? Trời!).

Câu 2 trang 43 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Nhận xét về những đặc điểm của ngôn ngữ viết trong các đoạn văn sau:

a) Trong vở kịch xuất sắc của mình, Lưu Quang Vũ không đi đến chủ nghĩa bị quan cực đoan – hình ảnh Trương Ba, người làm vườn, người vun trồng sự sống đẹp tươi, vẫn sống trong tâm tưởng của vợ ông, con dâu ông, cháu gái ông. Nhưng họ yếu đuối làm sao và bất lực làm sao trước xã hội, nơi những chủ nhân thật sự là anh đồ tể sống lại trong thân xác phù hợp với hắn, là anh con trai của Trương Ba thấm nhuần phép tồn tại ở đời này, là lũ quan chức tham nhũng vô liêm sỉ, Những con người ấy sẽ bất hạnh trong những thành đạt của họ, họ sẽ giận dữ đập tan những giá trị hôm qua họ mới dựng lên, để chạy theo những giá trị mới mà không bao giờ mãn nguyện. Vở kịch của Lưu Quang Vũ sở dĩ thu phục được nhiều khán giả nước ngoài, có lẽ bởi vì nó ứng hợp với tâm trạng phổ biến trong xã hội hiện đại – xã hội đã đánh mất niềm tin cũ vào những giá trị siêu nhân loại và chưa tìm được cái gì thay thế nó. (Phạm Vĩnh Cư)

b) Những nhà văn có phong cách đều tạo ra cho mình một thế giới nhân vật riêng. Thế giới nhân vật của Nguyễn Tuân, nói chung, gồm hai loại người đối lập nhau: loại người tài hoa nghệ sĩ, có nhân cách, có “thiên lương”, tự đặt mình lên trên hạng người thứ hai gồm những kẻ tiểu nhân phàm tục, bằng thái độ ngạo đời, khinh bạc. Loại người thứ nhất, theo Nguyễn Tuân, thường là những linh hồn đẹp còn sót lại của một thời đã qua, nay chỉ còn “vang bóng”. Loại người ấy cố nhiên là hiếm hoi. Còn kẻ tiểu nhân phàm tục thì đầy rẫy trong thiên hạ. (Nguyễn Đăng Mạnh)

Trả lời:

a)

Đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích thể hiện qua các khía cạnh sau:

- Sử dụng phương tiện ngôn ngữ viết (chữ viết).

- Ngôn ngữ độc thoại chỉ có người nói / người viết; người nghe / đọc vắng mặt trên văn bản.

- Không sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ (các yếu tố kèm ngôn ngữ).

- Không sử dụng câu rút gọn, câu đặc biệt, câu cảm thán.

- Sử dụng nhiều từ ngữ trau chuốt, giàu hình tượng mang phong cách ngôn ngữ khoa học văn chương.

b) Đặc điểm của ngôn ngữ nói trong đoạn trích thể hiện qua các khía cạnh sau:

- Sử dụng phương tiện ngôn ngữ viết (chữ viết).

- Ngôn ngữ độc thoại chỉ có người nói / người viết; người nghe / đọc vắng mặt trên văn bản.

- Không sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, điệu bộ (các yếu tố kèm ngôn ngữ).

- Không sử dụng câu rút gọn, câu đặc biệt, câu cảm thán.

- Sử dụng nhiều từ ngữ trau chuốt, giàu hình tượng mang phong cách ngôn ngữ khoa học văn chương.

Câu 3 trang 44 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: (Bài tập 3, SGK) Phân tích đặc điểm của ngôn ngữ viết hoặc ngôn ngữ nói thể hiện ở lời của người kể và của các nhân vật trong đoạn văn sau.

Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng cũng chẳng là ai. Tức mình, hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại. Nhưng cả làng Vũ Đại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ờ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất! Đã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phi rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hẳn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chi Phèo. Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết... (Nam Cao)

Trả lời:

Trong ngôn ngữ viết thể hiện ở lời người kể, Nam Cao ở trong câu chuyện đó với vai trò là người quan sát cả làng Vũ Đại và rồi thi thoảng như vào sâu trong nội tâm nhân vật Chí Phèo như trong đoạn trích trên. Vì vậy, ở đây, nhiều đoạn có sự lồng ghép giữa ngôn ngữ người kể chuyện và ngôn ngữ nhân vật. Giọng điệu trần thuật hài hòa có sự kết hợp giữa ngôn ngữ viết với các lời độc thoại, giữa trực tiếp và lời nửa trực tiếp.

Ví dụ:

Mẹ kiếp! Thế thì có phi rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hẳn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chi Phèo. Có mà trời biết! Hắn không biết, cả làng Vũ Đại cũng không ai biết...

Câu 4 trang 44 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Dựa vào nội dung một truyện ngắn mà em yêu thích được học trong sách Ngữ văn 11, tập hai, hãy viết một vở kịch ngắn có sự đối thoại giữa các nhân vật thể hiện rõ đặc điểm ngôn ngữ nói.

Trả lời:

Vở kịch ngắn trích đoạn “Một người Hà Nội” - Nguyễn Khải

Cảnh 1: Nhân vật Khải đến trước cửa nhà cô chú, gõ cửa

Em họ: Ai đấy ạ?

Khải: Anh Khải đây, mở cửa cho anh với.

Em họ (chạy từ trong nhà ra, mở cửa): Mẹ ơi! Đồng chí Khải đến!

Cô của Khải (cau mặt, gắt): Nào, con phải gọi là anh Khải, hiểu chưa?

Chú của Khải (bước ra cửa, nắm tay Khải, hồ hởi nói): Chào đồng chí, sao Chủ nhật trước đồng chí không ra chơi, làm cả nhà nhà cơm mãi.

Cô của Khải (thở dài, quay đi): Đấy anh cứ vậy bảo sau thằng con anh nó học theo gọi anh nó là đồng chí Khải.

Khải (cười xòa, vui vẻ nói): Đất nước mình độc lập rồi, vui quá cô nhỉ?

Cô của Khải: Vui hơi nhiều, nói cũng hơi nhiều, phải nghĩ đến làm ăn chứ? Chính phủ mình cứ can thiệp vào nhiều việc của dân quá, nào phải tập thể dục mỗi sáng, phải sinh hoạt văn nghệ mỗi tối, vợ chồng phải sống ra sao, trai gái phải yêu nhau như thế nào, thậm chí cả tiền công sá cho kẻ ăn người ở. Về sau, tổ dân phố lại vận động nhau không nên nuôi người ở. Nhà này trước đây có hai người ở, một anh bếp và một chị vú. Chị vú là vợ anh bếp, đẻ được đứa con nào lại đưa về quê cho bà ngoại nuôi. Sau ngày giải phóng, cô phải cho anh bếp về quê làm ruộng, còn chị vú vẫn ở lại, vì chủ tớ còn cần dựa vào nhau.

(Nghỉ một lúc, cô Khải nói tiếp): Mỗi ngày chị đi chợ, đều có cán bộ bám theo, dò hỏi: "Chị có bị nhà chủ hành hạ không? Tiền công có được trả đều đặn không? Thái độ chính trị của họ là như thế nào?”. Chị vú bực mình gắt ầm lên: “Nếu họ không tử tế thì tôi đã xéo đi từ lâu rồi không khiến anh phải xui.". Chị ta kể lại chuyện đó cho cả nhà nghe, bình luận: “Cách mạng gì toàn để ý đến những chuyện

lặt vặt!”. Bây giờ thì chị vú đã mất rồi, về quê được bốn năm thì mất. Chị trông con cho bà cô của cô từ năm mười chín tuổi, đến năm bốn lăm tuổi mới về quê, tình nghĩa như người trong họ. Anh chồng không lấy vợ khác vì các con đã trưởng thành, anh làm chủ nhiệm một cửa hàng mua bán của xã, ngày giỗ ông chú và ngày Tết đều đem gạo, đậu xanh, miến và rượu, toàn của nhà làm cả, lên biếu cô và các em.

III. Bài tập viết

Bài tập viết và nói - nghe trang 44, 45, 46

Câu 1 trang 44 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Bên cạnh những điểm chung của nghị luận văn học, nghị luận về một tác phẩm kịch cần đáp ứng những yêu cầu riêng nào?

Trả lời:

Bên cạnh những điểm chung của nghị luận văn học, nghị luận về một tác phẩm kịch cần đáp ứng những yêu cầu riêng:

- Phải xác định được tiểu loại kịch: bi kịch, hài kịch hay chính kịch.

- Phải thấy được việc phân chia hồi kịch thành các lớp (cảnh) nhỏ hơn, sự xuất hiện và tương tác của các nhân vật trong từng lớp (cảnh).

- Nhận diện và phân tích được sự vận động của hành động kịch và xung đột kịch cũng như lời thoại của các nhân vật.

Câu 2 trang 44 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Đối chiếu với những yêu cầu riêng khi phân tích một tác phẩm kịch, hãy cho biết đoạn văn sau tập trung phân tích đặc điểm nào của tác phẩm kịch?

“Đoạn trích ở Hồi 5, hồi cuối cùng vở kịch. Hồi này gồm chín lớp trong đó lớp 5 là lớp quan trọng nhất. Lớp này và lớp 1 chỉ có hai nhân vật trung tâm – Vũ Như Tô và Đan Thiềm – như là những trụ đỡ cho toàn bộ hồi kịch. Cũng có thể xem chúng như những lớp kịch được tạo ra với tư cách một thủ pháp nhằm mang đến cho các nhân vật trung tâm cơ hội bộc lộ “bản ngã” cũng như khát vọng của họ đúng vào thời điểm cao trào của vở kịch.

Hai lớp kịch tâm tình này do thế giống như một khoảng lặng giữa lúc sôi động ồn ào nhất, là thời điểm nén lại những khoảnh khắc riêng tư nhất của hai người trước khi bùng nổ những mâu thuẫn của vở kịch. Từ lớp 1 đến lớp 4 là sự gia tăng các nhân vật thuộc về một phía ủng hộ xây dựng Cửu Trùng Đài: Nguyễn Vũ, Lê Trung Mại, các quan nội giám. Rồi đột nhiên vở kịch rút bớt hết tất cả các nhân vật đó, chỉ để lại hai nhân vật trung tâm vở kịch: Vũ Như Tô và Đan Thiềm.

Số lượng các nhân vật tăng lên trong bốn lớp đầu có tác dụng làm sân khấu thêm náo nhiệt, hỗn độn thích hợp với thời điểm kết cận kề. Trong nửa đầu hồi kịch, nhóm này có hai cách ứng xử trước sự thế: bỏ trốn và tuẫn tiết. Nửa sau của hồi kịch, bắt đầu từ lớp 5, những nhân vật còn lại của triều đình như cung nữ chấp nhận đi theo quân khởi loạn. Lớp này đánh dấu sự chuyển giao quyền lực của triều đình, làm xoay ngược tình thế trong vở kịch.”.

(Phùng Kiên, Kết cấu kịch trong trích đoạn “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài”, Văn nghệ Quân đội, ngày 19-5-2021)

Trả lời:

Đối chiếu với những yêu cầu riêng khi phân tích một tác phẩm kịch, có thể thấy đoạn văn tập trung phân tích việc: phân chia hồi kịch thành các lớp (cảnh) nhỏ, sự xuất hiện và tương tác của các nhân vật trong từng lớp (cảnh).

Câu 3 trang 45 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập bảng thống kê các từ lập luận trong văn bản nghị luận và các cách đem lại tính biểu cảm cho lập luận.

Trả lời:

Các từ lập luận

Cách thức biểu cảm

- Đọc và hiểu văn bản nghị luận

- Sử dụng câu chuyện hoặc ví dụ

- Xác định các từ lập luận

- Trích dẫn từ nhân vật nổi tiếng hoặc chuyên gia

- Ghi lại các từ lập luận

- Sử dụng ngôn ngữ mạnh mẽ

- Đánh dấu số lần xuất hiện

- Sử dụng các từ và cụm từ biểu cảm

- Tổng hợp và phân tích kết quả

- Sử dụng cấu trúc câu phức tạp

Câu 4 trang 45 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Xác định hệ thống các từ lập luận và các cách thức đem lại tính biểu cảm trong đoạn trích sau:

“Cuộc tình duyên Rô-mê-ô và Giu-li-ét đã gặp đủ mọi trở ngại. Họ sinh ra trong hai gia đình oán thù nhau lâu đời, đó đã là một trở ngại lớn. Nhưng còn biết bao trở ngại khác nữa, những sự việc ngẫu nhiên, bất ngờ, chẳng may. Vì không hiểu mối tình của bạn, nên Mơ-kiu-xi-ô tưởng Rô-mê-ô hèn nhát cúi mình trước Ti-bân, và gây lộn với Ti-bân. Vì muốn can hai bên mà Rô-mê-ô khiến bạn chết oan. Và vì thương bạn chết oan mà Rô-mê-ô giết Ti-bàn và phải đi đày... Giải pháp của tu sĩ Lâu-rân bày cho Giu-li-ét tưởng chừng sẽ giải quyết mọi việc. Nhưng tu sĩ Lâu-rân lại gặp sự trắc trở giữa đường. Và khi tu sĩ Lâu-rân lật đật chạy tới hầm mộ thì Rô-mê-ô đã tới đó trước mất rồi. Nhưng Rô-mê-ô và Giu-li-ét có cúi đầu khuất phục trước những trở ngại không? Không, họ luôn luôn chiến đấu để bảo vệ tình yêu của họ. Mối hằn thù lâu đời giữa hai nhà đã không ngăn được họ yêu nhau. Lễ giáo phong kiến đã không ngăn được họ gặp nhau. Cái chết của Ti-bân, án đi đày của Rô-mê-ô cũng không chia lìa được họ. Tài mạo, danh vọng, của cải của Pa-rít không thể làm Giu-li-ét thay dạ đổi lòng. Những sự việc kinh khủng nhất (nằm một ngày một đêm giữa những thây chết) cũng không làm cô gái ngây thơ kia chùn bước...

Cái chết của họ không cho ta một cảm tưởng khuất phục đầu hàng. Họ đã thắng. [...]. Họ đã làm được một việc mà uy quyền của một vương chủ đã không làm nổi: chấm dứt một mối thù truyền kiếp.”.

(Đặng Thế Bính, Tiểu dẫn về “Rô-mê-ô và Giu-li-ét”, trong sách: William Shakespeare Tuyển tập tác phẩm, NXB Sân khấu – Trung tâm Văn hoá Ngôn ngữ Đông Tây, Hà Nội, 2006)

Trả lời:

- Hệ thống cách từ lập luận:

+ Trở ngại: "đủ mọi trở ngại", "trở ngại lớn”

+ Sự việc ngẫu nhiên, bất ngờ, chẳng may: "những sự việc ngẫu nhiên, bất ngờ, chẳng may", "biết bao trở ngại khác nữa”

+ Muốn cạn hai bên: "muốn cạn hai bên”

+ Giải pháp: "giải pháp của tu sĩ Lâu-rân”

+ Chiến đấu: "họ luôn luôn chiến đấu”

+ Hằn thù: "mối hằn thù lâu đời", "hằn thù không ngăn được họ yêu nhau”

+ Lễ giáo phong kiến: "lễ giáo phong kiến đã không ngăn được họ gặp nhau”

+ Tài mạo, danh vọng, của cải: "tài mạo, danh vọng, của cải của Pa-rit”

- Cách thức đem lại tính biểu cảm”

+ Luôn luôn chiến đấu để bảo vệ tình yêu.

+ Mối hằn thù lâu đời không thể ngăn được tình yêu.

+ Cái chết của họ không khiến họ khuất phục đầu hàng.

+ Thẳng thắn tiếp tục theo đuổi tình yêu.

+ Chấm dứt một mối thù truyền kiếp.

Những từ lập luận được sử dụng để diễn tả các trở ngại, giải pháp, và hành động của nhân vật. Các cách thức đem lại tính biểu cảm như chiến đấu, không khuất phục, và chấm dứt mối thù truyền kiếp cũng mang lại sự mạnh mẽ và sự quyết tâm trong lập luận.

Câu 5 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập dàn ý cho đề văn: Phân tích đoạn trích “Vĩnh biệt Cửu Trùng Đài” của Nguyễn Huy Tưởng.

Trả lời:

I. Mở bài

- Giới thiệu những nét chính về tác giả Nguyễn Huy Tưởng: Ông là một tác giả có thiên hướng khai thác những đề tài lịch sử khi sáng tác và có những đóng góp to lớn cho thể loại tiểu thuyết và kịch

- Giới thiệu đoạn trích Vĩnh biệt Cửu trùng đài: Đoạn trích được trích trong hồi V của một vở kịch 5 hồi thành công của Nguyễn Huy Tưởng – Vũ Như Tô

II. Thân bài

1. Những mâu thuẫn xung đột cơ bản của vở kịch

a. Mâu thuẫn thứ nhất:

- Mâu thuẫn: nhân dân lao động khốn khổ lầm than >< bọn hôn quân bạo chúa và phe cánh của chúng sống xa hoa truỵ lạc.

⇒ Mâu thuẫn vốn có từ trước, đến khi Lê Tương Dực bắt Vũ Như Tô xây Cửu trùng đài thì nó biến thành xung đột căng thẳng, gay gắt.

b. Mâu thuẫn thứ hai

+ Vũ Như Tô - Kiến trúc sư - nghệ sĩ: Tâm huyết, hoài bão, muốn đem lại cái đẹp cho muôn đời.

+ Mượn uy quyền, tiền bạc của vua để thực hiện hoài bão lớn lao ⇒ mục đích chân chính >< con đường thực hiện mục đích sai lầm ⇒ Mâu thuẫn giữa quan niện nghệ thuật cao siêu, thuần túy muôn đời và lợi ích thiết thực của nhân dân

⇒ Đẩy Vũ Như Tô vào bi kịch không lối thoát

2. Nhân vật Vũ Như Tô

- Vũ Như Tô là một kiến trúc sư thiên tài khát khao say mê sáng tạo cái đẹp:

+ Ông là người “ngàn năm chưa dễ có một”

+ Tài năng của ông được thể hiện: “chỉ vẩy bút là chim hoa đã hiện lên”, “sai khiến gạch đá như viên tướng cầm quân, có thể xây dựng lâu đài cao cả, nóc vờn mây mà không hề tính sai một viên gạch nhỏ”

- Là một nghệ sĩ có nhân cách lớn, hoài bão lớn, có lí tưởng nghệ thuật cao cả.

+ Ban đầu, dù Lê Tương Dực doạ giết, Vũ như Tô vẫn kiên quyết từ chối xây Cửu trùng đài.

+ Mong muốn và hòa bão của ông chính là xây dựng cho đát nước một tòa lâu đài vĩ đại và bền vững ⇒ khát khao cống hiến tài năng cho đất nước

+ Khi đã xây Cửu Trùng Đài, Vũ Như Tô dồn hết tâm sức

- Vũ Như Tô là người không hám lợi: vua ban thưởng ông đã đem chia hết cho thợ

- Tuy nhiên, lí tưởng, ước mơ của ông hoàn toàn thoát li khỏi hoàn cảnh lịch sử xã hội của đất nước, xa rời đời sống nhân dân

⇒ Tâm trạng bi kịch đầy căng thẳng: xây Cửu Trùng Đài là đúng hay sai?

⇒ Vũ Như Tô là một nhân vật bi kịch bởi đã mang trong mình không chỉ những say mê khát vọng lớn lao mà còn cả nhưng lại lầm lạc trong suy nghĩ và hành động.

⇒ Sự thức tỉnh của ông chỉ diễn ra vào phút cuối khi mà ông và Đan Thiềm bị bắt, Cửu Trùng Đài bị đập phá

3. Nhân vật Đan Thiềm

- Vũ Như Tô mê cái đẹp, Đan Thiềm mê cái tài ⇒ Đan Thiềm là tri kỉ, tri âm duy nhất ở triều đình của Vũ Như Tô

- Luôn động viên, khích lệ, giúp đỡ Vũ Như Tô xây đài, bảo vệ đài.

- Là con người luôn tỉnh táo: Biết chắc Đài không thành, tìm cách bảo vệ an toàn tính mạng cho Vũ Như Tô, khuyên Vũ bỏ trốn.

- Sẵn sàng đổi mạng sống của mình cứu Vũ Như Tô, đau đớn khi không thể cứu được người tài.

⇒ Đan Thiềm là nhân vật sống chết hết mình vì cái tài, cái đẹp.

4. Sự giải quyết mâu thuẫn, xung đột

- Mâu thuẫn 1 : giải quyết dứt khoát bằng cảnh quân nổi loạn đốt Cửu Trùng Đài, giết vua …

- Mâu thuẫn giữa quan niệm nghệ thuật cao siêu và lợi ích thiết thực của nhân dân: chưa được giải quyết .

⇒ Vũ Như Tô có tội hay công, chúng ta không trả lời được, tác giả mới chỉ nêu vấn đề

5. Nghệ thuật

- Ngôn ngữ tập trung phát triển cao, hành động dồn dập đầy kịch tính.

- Ngôn ngữ cao đẹp có sự tổng kết cao, nhịp điệu lời thoại nhanh.

- Tính cách tâm trạng nhân vật bộc lộ rõ nét qua ngôn ngữ hành động.

- Các lớp kịch được chuyển tự nhiên, linh hoạt liền mạch.

III. Kết bài

- Khái quát lại những nét tiêu biểu về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích

- Đoạn trích đặt ra vấn đề có ý nghĩa muôn thưở về cái đẹp, và mối quan hệ giữa nghệ sĩ và nhân dân, đồng thời tác giả bày tỏ niềm cảm thông, trân trọng đối với nghệ sĩ tài năng, giàu khát vọng nhưng lại rơi vào bi kịch.

Câu 6 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Chọn một ý mà em thấy tâm đắc nhất trong dàn ý đã lập ở câu hỏi số 5 để viết thành đoạn văn theo mô hình diễn dịch có độ dài từ 7 – 10 câu, trong đó có sử dụng ít nhất hai từ lập luận và một cách biểu đạt cảm xúc.

Trả lời:

Vũ Như Tô là một nhà kiến trúc sư tài giỏi bị Lê Tương Dực ép xây dựng Cửu trùng đài để làm nơi hưởng lạc vui chơi với cung nữ. Ông vốn là người nghệ sĩ chân chính lại gắn bó gần gũi với nhân dân nên đã từ chối, quyết không nhận lời và ngang nhiên mắng chửi tên hôn quân bạo ngược. Về sau khi được Đan Thiềm - người cung nữ say mê cái đẹp và biết quý trọng người tài thuyết phục là lợi dụng tiền bạc và quyền lực của vua để xây dựng một tòa lâu đài cho đất nước “Bền như sao trăng”, có thể “tranh tinh xảo với hóa công” và để cho “dân ta nghìn thu còn hãnh diện”. Kể từ đó ông thay đổi thái độ chấp nhận mệnh lệnh, dồn tất cả tài năng và trí tuệ sáng suốt để hoàn thành hoài bão, lí tưởng muốn điểm tô cho đất nước. Chính việc làm ấy của Vũ Như Tô đã vô tình đẩy dân đen vào cảnh lầm than cực khổ khi sưu thuế ngày càng tăng cao, triều đình bắt thêm thợ giỏi, thẳng tay hạ chém những kẻ bỏ trốn, biết bao nhiêu người chết vì tai nạn. Nhân dân căm phẫn nhà vua, oán giân Vũ Như Tô. Để rồi Trịnh Duy Sản kẻ cầm đầu phe phái đối lập với triều đình lôi kéo dân chúng đứng lên làm phản giết vua và bắt giết Vũ Như Tô cùng Đan Thiềm.

Câu 7 trang 46 SBT Ngữ Văn 11 Tập 2: Lập dàn ý cho bài giới thiệu tác phẩm Hồn Trương Ba, da hàng thịt của Lưu Quang Vũ.

Trả lời:

I. Mở bài

Giới thiệu về Lưu Quang Vũ, tác phẩm Hồn Trương Ba da hàng thịt: Lưu Quang Vũ là một hiện tượng của sân khấu kịch trường những năm tám mươi của thế kỉ XX, là một trong những nhà soạn kịch tài năng nhất của nền văn học Việt Nam. Một trong những tác phẩm xuất sắc của ông là vở Hồn Trương Ba, da hàng thịt.

II. Thân bài

1. Cuộc đối thoại giữa hồn và xác

* Hồn Trương Ba:

- Cho rằng mình vẫn có một đời sống nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Xem xác anh hàng thịt chỉ là cái vỏ bên ngoài: âm u, đui mù, không có tư tưởng, không có cảm xúc, nếu có thì chỉ là những thứ thấp kém.

=> Hồn Trương Ba phủ nhận vai trò của xác anh hàng thịt.

- Thái độ: từ chối quả quyết, mạnh mẽ sang ấp úng, bịt tai lại, tuyệt vọng.

* Xác anh hàng thịt:

- Cho rằng hồn Trương Ba không thể tách khỏi xác anh hàng thịt, mọi việc làm, hành động của hồn Trương Ba đều chịu sự chi phối của xác anh hàng thịt.

- Thái độ: từ giễu cợt sang quả quyết, mạnh mẽ, lấn át và cuối cùng thắng thế.

=> Cuộc đấu tranh giữa phần con và phần người, giữa đạo đức và tội lỗi, giữa khát vọng và dục vọng.

2. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và mọi người trong gia đình

* Hồn Trương Ba: cho rằng mình vẫn có một đời sống riêng, nguyên vẹn, trong sạch và thẳng thắn

* Những người thân trong gia đình:

- Vợ Trương Ba: đau đớn trước sự thay đổi của Trương Ba: “ông đâu còn là ông”, một mực muốn rời khỏi gia đình “đi cày thuê làm mướn ở đâu cũng được… đi biệt”.

- Cháu gái: không chịu nhận ông, cho rằng ông nội của mình đã chết mà thay vào đó là một Trương Ba vô cùng vụng về, thô lỗ “Từ nay ông không được động vào cây cối trong vườn của ông tôi nữa!... chân ông to bè như cái xẻng, giẫm nát lên cả cây sâm quý mới ươm”.

- Con dâu: cảm thông, chia sẻ và yêu thương với Trương Ba hơn trước nhưng vẫn không nhận ra Trương Ba của trước đây nữa.

=> Mỗi người trong gia đình ở một vị trí, một thái độ khác nhau nhưng đều có điểm chung là thấy Trương Ba đã thay đổi, không còn nguyên vẹn, trong sạch, thẳng thắn.

- Kết quả: Trương Ba vỡ lẽ, nhận ra sự thay đổi của bản thân và sự lấn át của phần xác đối với phần hồn trong ông.

3. Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích; quyết định của Trương Ba

* Trương Ba đã tự nhận ra: Con người sống cần có sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn, cần được sống là chính mình và cần phải sống có ý nghĩa.

* Quan điểm khác biệt giữa Trương Ba và Đế Thích:

- Đế Thích: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết”.

- Trương Ba:

+ Không được bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được: “Tôi muốn được là tôi toàn vẹn”.

+ “Không thể sống với bất cứ giá nào được. Có những cái giá quá đắt, không thể trả được tâm hồn tôi lại trở lại thanh thản, trong sáng như xưa”.

- Hành động mang tính bước ngoặt của Trương Ba: Trả lại xác cho anh hàng thịt còn Trương Ba sẽ chết.

- Phép thử của Đế Thích: Trương Ba sẽ nhập vào xác cu Tị.

- Kết quả: Trương Ba đã yêu cầu Đế Thích để cho cu Tị sống còn mình thì chết.

4. Nghệ thuật

Xây dựng tình huống xung đột kịch độc đáo, ngôn ngữ đối thoại đậm chất triết lí, độc thoại nội tâm giúp bộc lộ tính cách nhân vật…

III. Kết bài

Khẳng định giá trị của Hồn Trương Ba da hàng thịt, cảm nhận chung về tác phẩm: Qua đoạn trích Hồn Trương Ba, da hàng thịt, tác giả muốn gửi gắm thông điệp được sống là người quý giá thật nhưng được sống đúng là mình, sống trọn vẹn với những giá trị mình vốn cố và theo đuổi còn quý giá hơn. Sự sống chỉ thực sự có ý nghĩa khi con người được sống tự nhiên với sự hài hòa giữa thể xác và tâm hồn.

Xem thêm lời giải sách bài tập Ngữ Văn lớp 11 bộ sách Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 5: Truyện ngắn

Bài 6: Thơ

Bài 7: Tùy bút, tản văn, truyện kí

Bài 9: Văn bản nghị luận

Ôn tập và tự đánh giá cuối học kì 2

1 465 30/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: