Chương 6
Trách nhiệm của người nhận hàng
Điều 25. Nhận hàng
1. Người nhận hàng phải chuẩn bị đầy đủ điều kiện để nhận hàng khi nhận được thông báo của người vận chuyển về việc hàng đã đến đích.
2. Nếu người nhận hàng không đến nhận hàng hoặc từ chối nhận hàng hoặc trì hoãn việc dỡ hàng quá thời hạn quy định của hợp đồng hoặc quy định của pháp luật, thì người kinh doanh vận tải đa phương thức có quyền dỡ hàng, ký gửi vào nơi an toàn, xử lý và thông báo cho người gửi hàng biết. Đối với hàng hoá mau hỏng, người kinh doanh vận tải đa phương thức có quyền xử lý ngay. Mọi chi phí và tổn thất phát sinh do người nhận hàng chịu trách nhiệm.
3. Sau 90 ngày tính từ ngày phải nhận hàng theo hợp đồng vận tải đa phương thức, nếu không có người đến nhận hàng ký gửi quy định tại khoản 2 Điều này, thì người kinh doanh kho bãi có quyền bán đấu giá hàng hoá. Tiền bán đấu giá hàng hoá sau khi trừ chi phí hợp lý của các bên liên quan, số còn lại nộp vào ngân sách nhà nước.
Điều 26. Thanh toán cước và các chi phí khác
1. Người nhận hàng phải thanh toán đầy đủ cước và các chi phí khác liên quan đến vận tải đa phương thức cho người kinh doanh vận tải đa phương thức theo chứng từ vận tải đa phương thức.
2. Nếu người kinh doanh vận tải đa phương thức không được thanh toán các khoản tiền theo quy định trong hợp đồng vận tải đa phương thức thì có quyền lưu giữ hàng hoá và thông báo bằng văn bản cho người nhận hàng. Sau 60 ngày kể từ ngày thông báo mà người kinh doanh vận tải đa phương thức vẫn không được thanh toán đầy đủ các khoản tiền nói trên thì có quyền ký hợp đồng uỷ quyền bán đấu giá hàng hoá đang lưu giữ. Tiền bán đấu giá hàng hoá đó được xử lý theo quy định hiện hành.
Thời hạn mà hàng hoá thuộc quyền sở hữu của người kinh doanh vận tải đa phương thức do thực hiện quyền lưu giữ hàng hoá nói trên không được gộp lại để tính thời gian giao trả hàng chậm theo các quy định tại Điều 18, Điều 19 Nghị định này.