Nghị định 06/2019/NĐ-CP về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp
Số hiệu: | 06/2019/NĐ-CP | Loại văn bản: | Nghị định |
Nơi ban hành: | Chính phủ | Người ký: | Nguyễn Xuân Phúc |
Ngày ban hành: | 22/01/2019 | Ngày hiệu lực: | 10/03/2019 |
Ngày công báo: | 09/02/2019 | Số công báo: | Từ số 163 đến số 164 |
Lĩnh vực: | Tài nguyên - Môi trường | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
Nghị định này quy định Danh mục các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; chế độ quản lý, bảo vệ, trình tự, thủ tục khai thác các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; nuôi động vật rừng thông thường; thực thi Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (sau đây viết tắt là CITES) tại Việt Nam.
Nghị định này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong nước; người Việt Nam định cư ở nước ngoài và tổ chức, cá nhân nước ngoài có hoạt động liên quan đến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; nuôi động vật rừng thông thường trên lãnh thổ Việt Nam.
Trong Nghị định này, các từ ngữ được hiểu như sau:
1. Loài dùng để chỉ một loài, một phân loài hoặc một quần thể động vật, thực vật cách biệt về địa lý.
2. Loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép hai loài hoặc hai phân loài động vật hoặc thực vật với nhau. Trong trường hợp loài lai là kết quả giao phối hay cấy ghép giữa hai loài được quy định trong các Nhóm hoặc Phụ lục khác nhau, loài lai đó được quản lý theo loài thuộc Nhóm hoặc Phụ lục mức độ bảo vệ cao hơn.
3. Giấy phép CITES, chứng chỉ CITES do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp đối với hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, tái nhập khẩu, nhập nội từ biển hợp pháp mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm theo quy định tại Nghị định này và không thuộc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES.
4. Phụ lục CITES bao gồm:
a) Phụ lục I là những loài động vật, thực vật hoang dã bị đe dọa tuyệt chủng, bị cấm xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại;
b) Phụ lục II là những loài động vật, thực vật hoang dã hiện chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có thể sẽ bị tuyệt chủng, nếu hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật những loài này khai thác từ tự nhiên vì mục đích thương mại không được kiểm soát;
c) Phụ lục III là những loài động vật, thực vật hoang dã mà một quốc gia thành viên CITES yêu cầu các quốc gia thành viên khác hợp tác để kiểm soát hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu vì mục đích thương mại.
5. Bộ phận của động vật, thực vật hoang dã nguy cấp là bất kỳ thành phần nào (như da, vỏ, rễ) ở dạng thô hay đã qua sơ chế (như bảo quản, làm bóng...) có khả năng nhận dạng được của loài đó.
6. Dẫn xuất của các loài động vật, thực vật là toàn bộ các dạng vật chất được lấy ra từ động vật, thực vật như: Máu, dịch mật của động vật; nhựa, tinh dầu lấy ra từ thực vật; hoặc là các phần của động vật, thực vật đã được chế biến như là thuốc, nước hoa, đồng hồ, túi xách...
7. Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp bao gồm động vật, thực vật hoang dã còn sống hay đã chết, trứng, ấu trùng, bộ phận, dẫn xuất của các loài đó.
8. Động vật rừng thông thường là các loài động vật rừng thuộc các lớp thú, chim, bò sát, lưỡng cư và không thuộc: Danh mục loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm do Chính phủ ban hành hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục CITES; Danh mục động vật được nuôi, thuần hoá thành vật nuôi theo quy định của pháp luật về chăn nuôi.
9. Khai thác mẫu vật loài động vật, thực vật là hoạt động lấy mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.
10. Vì mục đích thương mại là bất kỳ hoạt động giao dịch nào đối với mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã nhằm mục đích lợi nhuận.
11. Không vì mục đích thương mại là các hoạt động phục vụ ngoại giao; nghiên cứu khoa học; trao đổi giữa các vườn động vật, vườn thực vật, bảo tàng; triển lãm trưng bày giới thiệu sản phẩm; biểu diễn xiếc; trao đổi, trao trả mẫu vật giữa các Cơ quan quản lý CITES.
12. Vườn động vật là nơi sưu tập, nuôi giữ các loài động vật hoang dã nhằm mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
13. Vườn thực vật là nơi sưu tập, chăm sóc các loài thực vật hoang dã phục vụ mục đích trưng bày, nhân giống, giáo dục môi trường và nghiên cứu khoa học.
14. Nhập nội từ biển là hoạt động đưa vào lãnh thổ Việt Nam mẫu vật loài động vật, thực vật hoang dã quy định tại Phụ lục CITES được khai thác từ vùng biển không thuộc quyền tài phán của bất kỳ quốc gia nào.
15. Tái xuất khẩu là xuất khẩu mẫu vật đã nhập khẩu trước đó.
16. Môi trường có kiểm soát là môi trường có sự quản lý của con người nhằm tạo ra những loài thuần chủng hoặc những cây lai, con lai. Môi trường có kiểm soát phải đảm bảo các điều kiện để ngăn ngừa sự xâm nhập hoặc phát tán của động vật, thực vật, trứng, giao tử, hợp tử, hạt, mầm, gen, dịch bệnh ra ngoài hoặc vào trong môi trường đó.
17. Cơ sở nuôi, cơ sở trồng, bao gồm: Cơ sở nuôi sinh trưởng, nuôi sinh sản loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và/hoặc loài động vật rừng thông thường; cơ sở trồng cấy nhân tạo loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và/hoặc loài thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES không vì mục đích thương mại hoặc vì mục đích thương mại.
18. Nuôi sinh trưởng là hình thức nuôi giữ con non, trứng của các loài động vật hoang dã khai thác từ tự nhiên để nuôi lớn, cho ấp nở thành các cá thể con trong môi trường có kiểm soát.
19. Nuôi sinh sản là hình thức nuôi giữ động vật hoang dã để sản sinh ra các thế hệ kế tiếp trong môi trường có kiểm soát.
20. Trồng cấy nhân tạo là hình thức trồng, cấy từ hạt, mầm, hợp tử, ghép cành hoặc các cách nhân giống khác thực vật hoang dã trong môi trường có kiểm soát.
21. Nguồn giống sinh sản là cá thể động vật ban đầu hợp pháp được nuôi trong cơ sở nuôi sinh sản để sản xuất ra các cá thể thế hệ kế tiếp.
22. Thế hệ F1 gồm các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát, trong đó có ít nhất bố hoặc mẹ được khai thác từ tự nhiên.
23. Thế hệ F2 hoặc các thế hệ kế tiếp gồm các cá thể được sinh ra trong môi trường có kiểm soát bởi cặp bố, mẹ thế hệ F1 trở đi.
24. Vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình có nguồn gốc động vật, thực vật hoang dã là mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp của cá nhân, hộ gia đình. Mẫu vật sống không được coi là vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình.
25. Mẫu vật đồ lưu niệm là vật dụng cá nhân, vật dụng hộ gia đình có được ngoài quốc gia thường trú của chủ sở hữu mẫu vật. Động vật sống không được coi là mẫu vật đồ lưu niệm.
26. Mẫu vật săn bắt là mẫu vật có được từ các hoạt động săn bắt hợp pháp.
27. Mẫu vật tiền Công ước là mẫu vật có được trước ngày loài đó được quy định tại các Phụ lục CITES hoặc trước khi quốc gia thành viên gia nhập, trong các trường hợp sau:
a) Mẫu vật được đưa ra khỏi nơi sinh sống tự nhiên của chúng;
b) Mẫu vật được sinh ra trong môi trường có kiểm soát;
c) Chủ sở hữu có quyền sở hữu hợp pháp đối với mẫu vật.
28. Quốc gia thành viên CITES là quốc gia mà ở đó CITES có hiệu lực.Bổ sung
1. Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được ban hành kèm theo Nghị định này, gồm:
a) Nhóm I: Các loài thực vật rừng, động vật rừng đang bị đe dọa tuyệt chủng nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục I CITES phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Nhóm IA: các loài thực vật rừng.
Nhóm IB: các loài động vật rừng.
b) Nhóm II: Các loài thực vật rừng, động vật rừng chưa bị đe dọa tuyệt chủng nhưng có nguy cơ bị đe dọa nếu không được quản lý chặt chẽ, hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại và các loài thuộc Phụ lục II CITES có phân bố tự nhiên tại Việt Nam.
Nhóm IIA: Các loài thực vật rừng.
Nhóm IIB: Các loài động vật rừng.
2. Sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
Định kỳ 05 năm một lần, hoặc trong trường hợp có thay đổi về các loài quy định tại khoản 1 Điều này hoặc Danh mục các loài thuộc Phụ lục I và II CITES thay đổi liên quan tới các loài thực vật rừng, động vật rừng phân bố tự nhiên ở Việt Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm.
1. Hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, chế biến, vận chuyển, buôn bán các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không được ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại, sinh trưởng, phát triển của loài đó trong tự nhiên.
2. Mọi hoạt động săn, bắn, bắt, khai thác, nuôi, nhốt, giết, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán, chế biến, quảng cáo, trưng bày, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải được quản lý, đảm bảo nguồn gốc hợp pháp.
3. Khu vực sinh cảnh sống thường xuyên, tập trung của các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được nghiên cứu làm cơ sở để thành lập các khu rừng đặc dụng.
4. Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, xây dựng công trình, điều tra, thăm dò, nghiên cứu, tham quan, du lịch và các hoạt động khác trong các diện tích rừng có thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm phải thực hiện các quy định tại Nghị định này và quy định pháp luật khác có liên quan.
1. Các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm được điều tra, đánh giá tình trạng cùng với hoạt động điều tra rừng theo quy định của Quy chế quản lý rừng.
2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức điều tra, đánh giá thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trên phạm vi cả nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức điều tra, đánh giá trên diện tích rừng trong phạm vi của tỉnh.
3. Nhà nước khuyến khích chủ rừng thực hiện việc điều tra, đánh giá hiện trạng và diễn biến thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm trong phạm vi diện tích được nhà nước giao, cho thuê.
1. Hoạt động nghiên cứu khoa học về bảo tồn, phát triển bền vững các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm thực hiện theo đúng đề tài, dự án đã được phê duyệt và tuân thủ Quy chế quản lý rừng.
2. Trước khi thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học phải báo cáo bằng văn bản với chủ rừng và cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp tỉnh để giám sát quá trình thực hiện.
1. Trong trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa xâm hại nghiêm trọng tài sản hoặc tính mạng con người; tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp xua đuổi, hạn chế gây tổn thương đến động vật, đồng thời thông tin ngay với cơ quan Kiểm lâm hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cấp huyện nơi gần nhất.
2. Trường hợp động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đe dọa tấn công trực tiếp đến tính mạng con người ở ngoài các khu rừng đặc dụng, phòng hộ, sau khi đã áp dụng các biện pháp xua đuổi nhưng không có hiệu quả, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định và chỉ đạo việc bẫy, bắt, bắn cá thể động vật đó.
3. Xử lý đối với mẫu vật các loài động vật hoang dã sau khi bẫy, bắt, bắn quy định tại khoản 2 Điều này thực hiện theo quy định tại Điều 10 và Điều 32 Nghị định này.
1. Khai thác; nuôi, trồng; chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày; xuất khẩu; vận chuyển, cất giữ mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm các loài Nhóm I thực hiện theo quy định tại Nghị định này đối với các loài thuộc Phụ lục I CITES.
2. Khai thác; nuôi, trồng; chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày; xuất khẩu; vận chuyển, cất giữ mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm các loài Nhóm II thực hiện theo quy định tại Nghị định này đối với các loài thuộc Phụ lục II CITES.
3. Miễn trừ giấy phép CITES nhập khẩu trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm Nhóm I không thuộc Phụ lục I CITES.
1. Xử lý mẫu vật sống:
a) Việc xử lý tịch thu phải chăm sóc mẫu vật, tránh rủi ro để mẫu vật bị chết;
b) Ngay sau xử lý mẫu vật theo quy định của pháp luật phải bàn giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để tổ chức chăm sóc và bảo quản mẫu vật. Đối với mẫu vật sống xử lý theo thứ tự ưu tiên sau: Thả lại môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu mẫu vật khỏe mạnh; hoặc chuyển giao cho cơ sở cứu hộ động vật, vườn động vật hoặc vườn thực vật nếu mẫu vật yếu cần cứu hộ hoặc tiêu hủy.
2. Mẫu thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm không thuộc các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này xử lý như sau:
a) Mẫu vật các loài Nhóm IA, IB thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng tài sản công;
b) Mẫu vật các loài Nhóm IIA, IIB chuyển giao cho tổ chức khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để trưng bày vì mục đích giáo dục bảo tồn; bán đấu giá cho tổ chức, cá nhân nuôi, trồng, chế biến, kinh doanh theo quy định của pháp luật; hoặc tiêu hủy trong trường hợp không thể thực hiện các biện pháp xử lý khác.
Tổ chức, cá nhân nuôi động vật rừng thông thường phải đảm bảo các điều kiện sau:
1. Đảm bảo nguồn gốc động vật rừng nuôi hợp pháp theo quy định của pháp luật;
2. Đảm bảo an toàn cho con người; thực hiện các quy định của pháp luật về môi trường, thú y;
3. Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi vật nuôi quy định theo Mẫu số 16 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; trong thời hạn tối đa 03 ngày làm việc, kể từ ngày đưa động vật rừng thông thường về cơ sở nuôi, tổ chức, cá nhân phải gửi thông báo cho cơ quan Kiểm lâm sở tại để theo dõi, quản lý theo quy định của pháp luật.
1. Khai thác từ tự nhiên mẫu vật thuộc Phụ lục I CITES trong các trường hợp sau:
a) Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
b) Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo;
c) Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
2. Khai thác từ tự nhiên mẫu vật thuộc Phụ lục II CITES trong các trường hợp sau:
a) Phục vụ các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học;
b) Tạo nguồn giống gốc phục vụ nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo;
c) Phục vụ công tác đối ngoại theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;
d) Phục vụ thương mại bền vững theo quy định của pháp luật.
3. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác:
a) Có phương án khai thác theo Mẫu số 01 và Mẫu số 02 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Trước khi thực hiện hoạt động khai thác phải thông báo cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp hoặc thủy sản cấp tỉnh để giám sát thực hiện;
c) Khai thác không ảnh hưởng tiêu cực đến bảo tồn và phát triển bền vững của quần thể;
d) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và CITES về khai thác mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
1. Cơ quan quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, nguồn gốc mẫu vật các loài động vật, thực vật rừng hoang dã thuộc Phụ lục I, II CITES trên địa bàn.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, nguồn gốc mẫu vật các loài thủy sản thuộc Phụ lục I, II CITES trên địa bàn.
1. Có dự án, đề tài nghiên cứu khoa học được phê duyệt và có phương án nuôi, trồng theo Mẫu số 04, Mẫu số 05, Mẫu số 06 và Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Cơ sở nuôi, trồng phù hợp với đặc tính sinh trưởng của loài được nuôi, trồng; đảm bảo an toàn cho người và vật nuôi, trồng, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh.
3. Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi, trồng hợp pháp khác.
4. Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh.
1. Đối với động vật:
a) Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở nuôi hợp pháp khác;
b) Chuồng, trại được xây dựng phù hợp với đặc tính của loài nuôi; bảo đảm các điều kiện an toàn cho người và vật nuôi, vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh;
c) Loài nuôi là loài được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam công bố có khả năng sinh sản liên tiếp qua nhiều thế hệ trong môi trường có kiểm soát; và được Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác nhận bằng văn bản việc nuôi sinh sản, sinh trưởng không làm ảnh hưởng đến sự tồn tại của loài nuôi và các loài có liên quan trong tự nhiên;
d) Có phương án nuôi theo Mẫu số 04, Mẫu số 06 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
2. Đối với thực vật:
a) Đảm bảo nguồn giống hợp pháp: Khai thác hợp pháp; mẫu vật sau xử lý tịch thu theo quy định của pháp luật; nhập khẩu hợp pháp hoặc mẫu vật từ cơ sở trồng hợp pháp khác;
b) Cơ sở trồng phù hợp với đặc tính của loài;
c) Có phương án trồng theo Mẫu số 05, Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trong quá trình nuôi, trồng phải lập sổ theo dõi nuôi, trồng theo Mẫu số 16, Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; định kỳ báo cáo và chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản, về lâm nghiệp cấp tỉnh.
1. Nội dung mã số gồm: tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của cơ sở, thông tin về loài nuôi, trồng theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
a) Hai chữ cái đầu thể hiện Phụ lục và loại mẫu vật: IA là thực vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IB là động vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IIA là thực vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II; IIB là động vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II tại Danh mục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Các chữ cái tiếp theo thể hiện mục đích của cơ sở nuôi, trồng: mã quốc gia VN đối với nuôi, trồng không vì mục đích thương mại; chữ viết tắt của tỉnh nơi đặt cơ sở đối với nuôi, trồng vì mục đích thương mại. Quy ước viết tắt tên tỉnh, thành phố được quy định theo Mẫu số 08 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
c) Các chữ số tiếp theo thể hiện số thứ tự của cơ sở nuôi, trồng cấy nhân tạo trên địa bàn tỉnh.
3. Trong trường hợp cơ sở nuôi, trồng đồng thời mẫu vật của nhiều loài có quy chế, bảo vệ khác nhau thì mã số của cơ sở nuôi, trồng theo loài có quy chế quản lý, bảo vệ cao nhất.
1. Cơ quan cấp mã số
Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục I CITES.
2. Hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng
a) Đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính phương án nuôi theo Mẫu số 04, phương án trồng theo Mẫu số 05 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ, cấp mã số nuôi, trồng
a) Đại diện hợp pháp của chủ cơ sở gửi trực tiếp; qua bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp mã số cho cơ sở. Trường hợp cần kiểm tra thực tế các điều kiện nuôi, trồng quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định này, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam chủ trì, phối hợp với Cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản cho cơ sở biết;
c) Đối với cơ sở nuôi, trồng vì mục đích thương mại loài thuộc Phụ lục I CITES phải đăng ký với Ban Thư ký CITES, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam hoàn thiện hồ sơ trong thời hạn 15 ngày làm việc gửi Ban Thư ký CITES, nhưng thời hạn cấp không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo từ Ban Thư ký;
d) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp mã số cơ sở nuôi, trồng, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam đăng tải mã số đã cấp lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
4. Trường hợp cơ sở nuôi, trồng nhiều Nhóm loài khác nhau, trong đó có loài thuộc Phụ lục I CITES thì sẽ cấp mã số theo quy định tại Điều này.
5. Hủy mã số trong trường hợp: Cơ sở tự đề nghị hủy; cơ sở không đáp ứng các điều kiện nuôi, trồng; cơ sở vi phạm các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
6. Xử lý động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho nhà nước:
a) Đại diện hợp pháp của cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả động vật, thực vật cho nhà nước gửi thông báo tới:
Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh đối với các loài thủy sản;
Chi cục Kiểm lâm đối với các loài động vật, thực vật khác;
b) Xử lý động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả:
Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo của tổ chức, cá nhân, cơ quan quy định tại điểm a khoản này phải hoàn thành xử lý động vật, thực vật do chủ nuôi tự nguyện trao trả theo thứ tự ưu tiên sau:
Thả, trồng lại vào môi trường tự nhiên phù hợp với sinh cảnh và phân bố tự nhiên của loài nếu động vật, thực vật khỏe mạnh và có khả năng tái thả, trồng;
Chuyển giao cho các cơ sở cứu hộ động vật; vườn động vật hoặc vườn thực vật; cơ sở nghiên cứu khoa học, đào tạo, giáo dục môi trường, bảo tàng chuyên ngành để phục vụ nghiên cứu, giáo dục bảo tồn;
Tiêu hủy trong trường hợp động vật, thực vật bị bệnh hoặc không thực hiện được các biện pháp nêu trên;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành xử lý động vật, thực vật do tổ chức, cá nhân tự nguyện trao trả, Cơ quan quy định tại điểm a khoản này báo cáo Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và thông báo cho chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả về kết quả xử lý.
1. Cơ quan cấp mã số
a) Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục II, III CITES không thuộc điểm b khoản này;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thủy sản thuộc Phụ lục II CITES.
2. Hồ sơ đề nghị đăng ký mã số cơ sở nuôi, trồng
a) Đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng theo Mẫu số 03 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản chính phương án nuôi theo Mẫu số 06, phương án trồng theo Mẫu số 07 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ, cấp mã số nuôi, trồng
a) Đại diện hợp pháp của chủ cơ sở gửi trực tiếp; qua bưu điện hoặc qua cổng thông tin điện tử một cửa quốc gia 01 bộ hồ sơ quy định tại khoản 2 tới cơ quan quy định tại khoản 1 của Điều này;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm cấp mã số. Trường hợp cần kiểm tra thực tế các điều kiện nuôi, trồng quy định tại Điều 14, Điều 15 Nghị định này, cơ quan cấp mã số chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày;
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan cấp mã số thông báo bằng văn bản cho cơ sở biết.
c) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp mã số cơ sở nuôi, trồng, cơ quan cấp mã số gửi thông tin về Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam để đăng tải mã số đã cấp lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
4. Hủy mã số trong trường hợp: Cơ sở tự đề nghị hủy; Cơ sở không đáp ứng các điều kiện nuôi, trồng; cơ sở vi phạm các quy định tại Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.
5. Xử lý động vật, thực vật chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho Nhà nước
Động vật, thực vật do chủ cơ sở nuôi, trồng tự nguyện trao trả cho Nhà nước được xử lý như quy định tại điểm a và điểm b khoản 6 Điều 17 Nghị định này.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày hoàn thành xử lý động vật, thực vật do chủ nuôi tự nguyện trao trả, cơ quan xử lý thông báo cho chủ cơ sở nuôi, trồng về kết quả xử lý.
1. Có giấy phép, chứng chỉ CITES theo quy định tại Điều 22 Nghị định này.
2. Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục CITES là vật dụng cá nhân, hộ gia đình được miễn trừ giấy phép, chứng chỉ CITES khi đáp ứng các điều kiện:
a) Không vì mục đích thương mại;
b) Mang theo người hoặc là vật dụng hộ gia đình;
c) Số lượng không vượt quá quy định theo công bố của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
1. Đối với mẫu vật các loài thuộc Phụ lục I CITES:
a) Có giấy phép, chứng chỉ theo quy định của Nghị định này;
b) Mẫu vật động vật từ thế hệ F2 trở về sau được sinh sản tại cơ sở nuôi sinh sản đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này;
c) Mẫu vật thực vật từ cơ sở trồng cấy nhân tạo đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này.
2. Đối với mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II, III CITES:
a) Có giấy phép, chứng chỉ quy định của Nghị định này;
b) Mẫu vật các loài động vật từ thế hệ F1 có nguồn gốc từ cơ sở nuôi sinh sản, mẫu vật nuôi sinh trưởng từ cơ sở nuôi sinh trưởng đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này;
c) Mẫu vật của các loài thực vật thuộc Phụ lục II, III CITES có nguồn gốc từ cơ sở trồng nhân tạo đã được cấp mã số theo quy định tại Điều 17, 18 Nghị định này.
1. Có giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES nước xuất khẩu cấp.
2. Gửi bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam 15 ngày làm việc trước khi làm thủ tục quá cảnh.
3. Trong quá trình vận chuyển phải đảm bảo an toàn cho người, động vật quá cảnh; đảm bảo các điều kiện chăm sóc, đối xử nhân đạo với động vật.
1. Giấy phép CITES quy định theo Mẫu số 09 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm. Giấy phép CITES phải được ghi đầy đủ thông tin, dán tem CITES hoặc mã vạch, ký và đóng dấu của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
2. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm quy định theo Mẫu số 10 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho mẫu vật lưu niệm quy định tại các Phụ lục CITES. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm phải được ghi đầy đủ thông tin, có chữ ký, họ và tên của chủ cơ sở nuôi, trồng.
3. Chứng chỉ mẫu vật tiền Công ước quy định theo Mẫu số 11 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này áp dụng cho các mẫu vật tiền Công ước.
4. Thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép, chứng chỉ xuất khẩu và tái xuất khẩu là 06 tháng; thời hạn hiệu lực tối đa của giấy phép nhập khẩu là 12 tháng, kể từ ngày được cấp.
5. Giấy phép, chứng chỉ CITES chỉ được cấp một bản duy nhất và luôn đi kèm lô hàng/mẫu vật CITES.
6. Cơ quan cấp giấy phép CITES, chứng chỉ mẫu vật tiền công ước là Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
7. Cơ sở chế biến, kinh doanh trực tiếp cấp chứng chỉ CITES mẫu vật lưu niệm.
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES xuất khẩu, tái xuất khẩu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:
a) Đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao tài liệu chứng minh mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp theo quy định của Nghị định này;
c) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật không vì mục đích thương mại phục vụ nghiên cứu khoa học, quan hệ ngoại giao: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nộp thêm bản sao giấy phép nhập khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước nhập khẩu cấp đối với mẫu vật loài thuộc Phụ lục I CITES; bản sao bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp phục vụ nghiên cứu khoa học; văn bản xác nhận quà biếu, tặng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền xác nhận đối với trường hợp phục vụ quan hệ ngoại giao;
d) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật không vì mục đích thương mại phục vụ triển lãm không vì mục đích thương mại, biểu diễn xiếc: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a và điểm b khoản này, nộp thêm bản sao quyết định cử đi tham dự triển lãm, biểu diễn xiếc ở nước ngoài của cơ quan có thẩm quyền hoặc giấy mời tham dự của tổ chức nước ngoài; bản sao giấy phép nhập khẩu do Cơ quan quản lý CITES nước nhập khẩu cấp đối với mẫu vật quy định tại Phụ lục I CITES;
đ) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật săn bắn: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm bản sao hồ sơ nguồn gốc hợp pháp của mẫu vật hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của nước có liên quan cấp;
e) Trường hợp xuất khẩu, tái xuất khẩu mẫu vật tiền Công ước: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước; hoặc bản sao giấy phép CITES nhập khẩu đối với trường hợp tái xuất khẩu mẫu vật.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết;
c) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước nhập khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày làm việc;
d) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc trả giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị, đồng thời đăng tải kết quả giải quyết lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp ấn phẩm chứng chỉ cho chủ cơ sở chế biến, kinh doanh.
2. Điều kiện cơ sở được cấp ấn phẩm chứng chỉ:
a) Mẫu vật lưu niệm từ cơ sở nuôi trồng có mã số;
b) Thực hiện việc ghi chép sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
c) Thanh toán chi phí in ấn phẩm chứng chỉ cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
3. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm:
a) Đề nghị cấp chứng chỉ theo Mẫu số 13 ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
4. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES:
a) Cơ sở chế biến, kinh doanh có nhu cầu được cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 3 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm cho cơ sở yêu cầu.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho cơ sở biết.
5. Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm chỉ cấp cho các sản phẩm hoàn chỉnh tại các cửa hàng bán đồ lưu niệm. Mỗi chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm cấp tối đa 04 mẫu vật cho một khách hàng.
6. Cơ sở chế biến, kinh doanh trực tiếp cấp chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm cho khách hàng.
7. Cơ sở cấp chứng chỉ phải chấp hành sự hướng dẫn, kiểm tra của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cấp tỉnh; báo cáo về tình hình sử dụng chứng chỉ trước ngày 01 tháng 12 hàng năm và nộp lại số chứng chỉ không sử dụng trước ngày 15 tháng 01 năm kế tiếp về Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES nhập khẩu.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:
a) Đề nghị cấp giấy phép theo Mẫu số 12 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao giấy phép CITES xuất khẩu do Cơ quan quản lý CITES của nước xuất khẩu, tái xuất khẩu cấp;
c) Trường hợp nhập khẩu mẫu vật sống của loài động vật, thực vật lần đầu tiên được nhập khẩu và không có phân bố tự nhiên ở Việt Nam: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a, b khoản này, có xác nhận bằng văn bản của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam về cơ sở có đủ điều kiện, năng lực nuôi giữ, chăm sóc mẫu vật;
d) Trường hợp nhập khẩu không vì mục đích thương mại phục vụ nghiên cứu khoa học, ngoại giao và tham gia triển lãm, biểu diễn xiếc: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm một trong các giấy tờ sau: Bản sao văn bản ký kết về chương trình hợp tác nghiên cứu khoa học do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp nghiên cứu khoa học; hoặc văn bản xác nhận quà biếu, tặng ngoại giao do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đối với trường hợp phục vụ ngoại giao; hoặc bản sao giấy mời tham gia triển lãm, biểu diễn xiếc của cơ quan có thẩm quyền đối với trường hợp phục vụ triển lãm không vì mục đích thương mại, biểu diễn xiếc;
đ) Trường hợp nhập khẩu mẫu vật tiền Công ước, mẫu vật săn bắn: Ngoài thành phần hồ sơ quy định tại điểm a khoản này, nộp thêm bản sao hồ sơ chứng minh mẫu vật tiền Công ước hoặc bản sao giấy phép, chứng chỉ của Cơ quan quản lý CITES nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật tiền Công ước; hoặc bản sao giấy phép CITES xuất khẩu, giấy chứng nhận mẫu vật săn bắn do cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu cấp đối với mẫu vật săn bắn.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp giấy phép nhập khẩu gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam hoặc cơ quan có liên quan của nước xuất khẩu thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết;
c) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc trả giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị đồng thời đăng tải kết quả giải quyết lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép CITES nhập nội từ biển.
2. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép:
a) Đề nghị nhập nội từ biển mẫu vật theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao xác nhận của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam theo đề nghị của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam rằng việc nhập nội không làm ảnh hưởng tới sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên;
c) Cung cấp mã số cơ sở hoặc tài liệu chứng minh có đủ điều kiện để nuôi giữ, chăm sóc và đối xử nhân đạo đối với mẫu vật sống đối với cơ sở chưa đăng ký mã số;
d) Hồ sơ chứng minh mẫu vật nhập nội không được sử dụng vì mục đích thương mại đối với loài thuộc Phụ lục I CITES.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp giấy phép nhập nội từ biển gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy phép. Trường hợp cần tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản trung ương và các cơ quan có liên quan, thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết;
c) Trong vòng 01 ngày làm việc, kể từ ngày cấp giấy phép Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thực hiện việc trả giấy phép cho tổ chức, cá nhân đề nghị đồng thời đăng tải kết quả giải quyết lên cổng thông tin điện tử của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp giấy chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước.
2. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ
a) Đề nghị cấp chứng chỉ mẫu vật tiền Công ước theo Mẫu số 15 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này;
b) Bản sao hồ sơ nguồn gốc hợp pháp của mẫu vật.
3. Trình tự tiếp nhận hồ sơ cấp phép:
a) Tổ chức, cá nhân có nhu cầu được cấp chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước gửi trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia 01 hồ sơ quy định tại khoản 2 Điều này tới Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Trong thời hạn 08 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có trách nhiệm cấp chứng chỉ CITES mẫu vật tiền Công ước. Trường hợp cần tham vấn các cơ quan có liên quan, thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổ chức thực hiện, nhưng thời hạn cấp không quá 30 ngày.
Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được hồ sơ, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo cho tổ chức, cá nhân biết.
1. Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia không phải nộp hồ sơ giấy. Thành phần hồ sơ nộp trên hệ thống thực hiện theo các Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Nghị định này. Các chứng từ tải lên trên hệ thống phải được sao chụp từ chứng từ gốc.
2. Kết quả xử lý hồ sơ được trả trực tiếp; qua đường bưu điện hoặc qua Hệ thống thủ tục hành chính một cửa quốc gia.
3. Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lưu giữ bản chính các chứng từ liên quan theo quy định về thành phần hồ sơ tại Điều 23, Điều 24, Điều 25, Điều 26 và Điều 27 Nghị định này trong 05 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ và xuất trình với các cơ quan chức năng khi được yêu cầu.
1. Điều kiện chế biến, kinh doanh:
a) Cơ sở chế biến, kinh doanh và hoạt động chế biến, kinh doanh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thực hiện theo quy định của Nghị định này, pháp luật về bảo vệ môi trường, bảo vệ thực vật, thú y, chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và các quy định hiện hành của nhà nước;
b) Mẫu vật có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Nghị định này;
c) Có sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; chịu sự kiểm tra của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
2. Được chế biến, kinh doanh, quảng cáo, trưng bày vì mục đích thương mại:
a) Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II CITES khai thác hợp pháp từ tự nhiên;
b) Mẫu vật các loài động vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F2 trở về sau; các loài động vật thuộc Phụ lục II CITES có nguồn gốc nuôi sinh sản từ thế hệ F1 trở về sau; mẫu vật các loài thực vật thuộc Phụ lục I CITES có nguồn gốc trồng cấy nhân tạo theo quy định của Nghị định này;
c) Mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II CITES sau xử lý tịch thu.
3. Sản phẩm chế biến từ động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục phải được quản lý truy xuất nguồn gốc:
a) Tổ chức, cá nhân chế biến động vật, thực vật hoang dã nguy cấp phải mở sổ theo dõi hoạt động theo Mẫu số 14 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này, gồm theo dõi nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra của quá trình chế biến phù hợp với loại mẫu vật chế biến;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh kiểm tra nguồn gốc, hoạt động chế biến sản phẩm các loài thủy sản hoang dã nguy cấp trên cơ sở sổ theo dõi hoạt động;
c) Cơ quan Kiểm lâm sở tại kiểm tra nguồn gốc; hoạt động chế biến sản phẩm động vật, thực vật hoang dã thuộc các Phụ lục CITES không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản này trên cơ sở sổ theo dõi hoạt động.
1. Vận chuyển mẫu vật phải đáp ứng những điều kiện sau:
a) Có hồ sơ hợp pháp theo quy định của pháp luật về quản lý lâm sản và thủy sản;
b) Có giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật khi vận chuyển mẫu vật ra địa bàn ngoài tỉnh theo quy định của pháp luật về thú y và bảo vệ thực vật;
c) Đảm bảo an toàn cho mẫu vật sống và người có liên quan trong quá trình vận chuyển và tại cơ sở tiếp nhận mẫu vật.
2. Cất giữ mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES phải có nguồn gốc hợp pháp.
1. Mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES được giám định trong những trường hợp sau:
a) Cần xác định chính xác loài, loài phụ hoặc quần thể động vật, thực vật hoang dã để áp dụng các quy định phù hợp của pháp luật Việt Nam và CITES;
b) Phục vụ công tác điều tra, xử lý vi phạm về động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
c) Các trường hợp khác mà Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và các cơ quan chức năng thấy cần thiết để đảm bảo việc chấp hành pháp luật;
d) Các trường hợp yêu cầu xác định mẫu vật của các quốc gia nhập khẩu.
2. Việc lấy mẫu giám định mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES thực hiện theo quy định của pháp luật Việt Nam và CITES.
3. Chi phí giám định do tổ chức, cá nhân sở hữu hoặc cơ quan trưng cầu giám định chi trả.
4. Cơ quan khoa học CITES Việt Nam là cơ quan giám định mẫu vật CITES.
1. Xử lý mẫu vật động vật sống, thực vật sống bị tịch thu theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định này.
2. Xử lý mẫu vật bị tịch thu và có kết luận của cơ quan kiểm dịch xác nhận là mang dịch bệnh truyền nhiễm thì thực hiện việc tiêu hủy theo quy định của pháp luật.
3. Mẫu vật bị tịch thu có nguồn gốc nước ngoài xử lý như sau:
a) Giám đốc Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam xem xét, quyết định việc trả lại mẫu vật cho nước xuất xứ đối với mẫu vật quy định tại các Phụ lục CITES xác định được nước xuất xứ. Chi phí chăm sóc, bảo quản và trả lại mẫu vật do quốc gia xuất xứ nhận lại chi trả;
Trong vòng 30 ngày làm việc, kể từ ngày Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thông báo bằng văn bản đến Cơ quan quản lý CITES của nước xuất xứ về mẫu vật bị tịch thu mà Cơ quan quản lý CITES nước xuất xứ không có phản hồi hoặc từ chối tiếp nhận lại mẫu vật thì mẫu vật sẽ bị tịch thu và xử lý theo quy định của pháp luật Việt Nam;
b) Đối với các mẫu vật bị tịch thu trong trường hợp không có nơi cất giữ đảm bảo thì cơ quan bắt giữ lập biên bản, chuyển giao cho cơ quan Kiểm lâm sở tại đối với mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng; cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài thủy sản; cơ sở có khả năng cứu hộ đối với mẫu vật sống hoặc cơ quan kiểm dịch động vật, thực vật gần nhất để xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, phù hợp với Công ước CITES.
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định cơ cấu tổ chức của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phù hợp với quy định của CITES và pháp luật Việt Nam để tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện các quy định tại Nghị định này.
2. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng; văn phòng chính đặt tại Hà Nội, có đại diện tại miền Trung và miền Nam.
3. Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam:
a) Đại diện Việt Nam tham gia, đảm bảo thực hiện các quyền và nghĩa vụ của quốc gia thành viên CITES tại các cuộc họp Hội nghị các nước thành viên CITES;
b) Chủ trì, phối hợp với các Cơ quan khoa học CITES Việt Nam và các cơ quan, tổ chức liên quan trong việc thực thi CITES tại Việt Nam;
c) Tổ chức thực hiện các hoạt động quan hệ quốc tế; truyền thông về thực thi CITES và phòng chống buôn bán trái pháp luật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
d) Dịch và công bố danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại các Phụ lục CITES sau khi được Hội nghị các quốc gia thành viên thông qua việc bổ sung, sửa đổi; dịch và công bố hướng dẫn của CITES về việc lấy mẫu giám định động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
đ) Đề xuất sửa đổi, bổ sung danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại các Phụ lục CITES;
e) Cấp, thu hồi giấy phép, chứng chỉ quy định tại Nghị định này và xác nhận theo yêu cầu của quốc gia nhập khẩu;
g) In ấn, phát hành giấy phép, giấy chứng chỉ CITES;
h) Hướng dẫn, cấp, hủy mã số cơ sở nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; đăng ký tới Ban Thư ký CITES các cơ sở nuôi, trồng các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp quy định tại Phụ lục I CITES vì mục đích thương mại đủ điều kiện xuất khẩu;
i) Tổ chức kiểm tra hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES tại khu vực cửa khẩu;
k) Xử lý và hướng dẫn xử lý mẫu vật quy định tại các Phụ lục CITES bị tịch thu theo quy định của pháp luật Việt Nam và CITES;
l) Chủ trì phối hợp với các bên có liên quan tổ chức đào tạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các cơ quan quản lý, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan về việc thực thi CITES;
m) Đại diện Việt Nam trong các hiệp định song phương, đa phương về kiểm soát buôn bán mẫu vật động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;
4. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, khuyến khích các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ cho hoạt động của Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
1. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ định các cơ quan khoa học có chuyên môn và năng lực phù hợp làm Cơ quan khoa học CITES Việt Nam đồng thời thông báo cho Ban Thư ký CITES theo quy định của CITES.
2. Chức năng, nhiệm vụ của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam:
Tư vấn cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, các cơ quan quản lý liên quan khi có yêu cầu về các vấn đề sau:
a) Thực trạng quần thể, vùng phân bố, mức độ nguy cấp, quý, hiếm của các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp trong tự nhiên; xây dựng hạn ngạch khai thác;
b) Cấp giấy phép CITES, chứng chỉ CITES xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES;
c) Tên khoa học các loài động vật, thực vật;
d) Giám định mẫu vật động vật, thực vật hoang dã;
đ) Cứu hộ, chăm sóc mẫu vật sống;
e) Sinh cảnh và vùng phân bố phù hợp để thả động vật hoang dã bị tịch thu;
g) Nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã; thẩm định các dự án về nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã;
h) Công bố danh mục các loài có khả năng gây nuôi sinh sản vì mục đích thương mại.
3. Được Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam ủy quyền bằng văn bản để kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo, các hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển và quá cảnh mẫu vật khi cần thiết.
4. Tham gia đoàn công tác của Việt Nam trong các cuộc họp, hội nghị, hội thảo quốc tế liên quan đến việc thực thi CITES.
5. Soạn thảo tài liệu khoa học, các đề xuất liên quan đến việc thực thi CITES; chuẩn bị các báo cáo kỹ thuật theo yêu cầu của Ban Thư ký CITES; phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam và các cơ quan thực thi pháp luật lấy mẫu giám định đối với các mẫu vật khi có yêu cầu.
6. Nhà nước đảm bảo kinh phí cho các hoạt động của Cơ quan khoa học CITES Việt Nam khi thực hiện việc tư vấn, tham mưu cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực thi công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp.
1. Công bố hạn ngạch xuất khẩu quốc tế:
a) Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam công bố trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ và của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hạn ngạch xuất khẩu do Ban thư ký CITES thông báo đối với những loài có hạn ngạch xuất khẩu quốc tế;
b) Hạn ngạch xuất khẩu quốc tế được sử dụng để xác định số lượng, khối lượng mẫu vật một loài được khai thác.
2. Xây dựng hạn ngạch khai thác
Khi tổ chức, cá nhân đề nghị khai thác mẫu vật một loài mà CITES quy định áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tham vấn Cơ quan khoa học CITES Việt Nam về khả năng khai thác để quyết định việc xây dựng hạn ngạch khai thác.
Trường hợp Cơ quan Khoa học CITES Việt Nam xác nhận rằng việc khai thác ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên thì không xây dựng hạn ngạch khai thác.
Trường hợp Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xác định rằng việc khai thác không ảnh hưởng tiêu cực đến sự tồn tại của loài đó trong tự nhiên thì Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam phối hợp với Cơ quan khoa học CITES Việt Nam xây dựng hạn ngạch khai thác theo hướng dẫn của CITES.
1. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam thu hồi giấy phép, chứng chỉ trong các trường hợp sau đây:
a) Giấy phép, chứng chỉ được cấp không đúng quy định;
b) Giấy phép, chứng chỉ được sử dụng sai mục đích;
c) Tổ chức, cá nhân được cấp giấy phép, chứng chỉ có hành vi vi phạm quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và quy định của CITES.
2. Hoàn trả giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực:
a) Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực mà giấy phép, chứng chỉ không được sử dụng, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đã được cấp giấy phép, chứng chỉ phải gửi trả giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam;
b) Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam có quyền từ chối cấp phép các lần tiếp theo trong trường hợp các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghĩa vụ nộp trả giấy phép, chứng chỉ hết hiệu lực trước đó.
1. Trước ngày 31 tháng 12 hàng năm, Bộ Tài chính có trách nhiệm cung cấp thông tin, số liệu thống kê mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công do cơ quan trực thuộc lưu giữ về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để báo cáo Hội nghị các quốc gia thành viên CITES theo quy định của CITES.
2. Nội dung thông tin cung cấp gồm: Số lượng, khối lượng mẫu vật theo từng loại cụ thể hiện đang lưu giữ, nguồn gốc của mẫu vật.
3. Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam tổng hợp báo cáo về số lượng mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES đang lưu giữ khi có yêu cầu của Ban thư ký CITES.
1. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES không thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.
2. Cơ quan quản lý nhà nước về thủy sản cấp tỉnh có trách nhiệm quản lý, kiểm tra các cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài thủy sản thuộc các Phụ lục CITES.
3. Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh, cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh thực hiện việc quản lý, theo dõi và cập nhật thông tin sau mỗi lần kiểm tra vào sổ theo dõi nuôi động vật theo Mẫu số 16, sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
Hệ thống sổ theo dõi phải được lưu giữ dưới dạng bản cứng và tệp tin điện tử.
Cơ quan cấp mã số và cơ quan kiểm soát cơ sở nuôi, trồng khuyến khích cơ sở báo cáo hoạt động của cơ sở bằng tệp tin điện tử.
4. Cơ quan quản lý quy định tại khoản 1, 2 Điều này cập nhật thông tin sau mỗi lần kiểm tra, gửi kèm báo cáo (theo Mẫu số 18 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này) đến Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam để cập nhật số liệu phục vụ công tác quản lý từng thời kỳ trước ngày 30 tháng 11 hàng năm và phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam, các cơ quan có liên quan kiểm tra cơ sở nuôi, trồng các loài thuộc Phụ lục I, II của CITES. Việc kiểm tra được tiến hành phù hợp theo từng giai đoạn vòng đời của các loài nuôi.
5. Việc kiểm tra phải lập thành báo cáo theo các Mẫu số 19, 20, 21 và 22 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này.
1. Cơ quan Hải quan xác nhận số lượng mẫu vật thực tế xuất khẩu, tái xuất khẩu vào giấy phép, chứng chỉ quy định tại Điều 22 Nghị định này do Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam cấp; trả giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu cho tổ chức, cá nhân xuất khẩu để gửi kèm theo hàng hóa; ghi số hiệu và ngày, tháng, năm của giấy phép, chứng chỉ vào tờ khai Hải quan; gửi bản sao giấy phép, chứng chỉ đã xác nhận trong mỗi quý vào tuần đầu của quý tiếp theo cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
Đối với mẫu vật nhập khẩu, Cơ quan Hải quan xác nhận số lượng thực nhập trên giấy phép nhập khẩu, thu và lưu giấy phép nhập khẩu; ghi số hiệu và ngày, tháng, năm của giấy phép, chứng chỉ vào tờ khai Hải quan; trả giấy phép xuất khẩu, tái xuất khẩu do nước xuất khẩu cấp cho nhà nhập khẩu; gửi bản sao giấy phép, chứng chỉ nhập khẩu đã xác nhận trong mỗi quý vào tuần đầu của quý tiếp theo cho Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam.
2. Các cơ quan: Kiểm lâm, Thủy sản, Hải quan, Công an, Bộ đội Biên phòng, Thuế, Quản lý thị trường, Thú y, Kiểm dịch động vật, Kiểm dịch thực vật, Bảo vệ môi trường, Bảo tồn đa dạng sinh học trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm:
a) Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật đối với các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES; nuôi động vật rừng thông thường;
b) Cung cấp thông tin và phối hợp với Cơ quan thẩm quyền quản lý CITES Việt Nam về việc xử lý các vụ vi phạm liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, quá cảnh, nhập nội từ biển mẫu vật các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES theo nội dung yêu cầu của CITES.
1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 10 tháng 3 năm 2019.
2. Các văn bản sau đây hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành:
a.) Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 30 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về quản lý thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm;
b) Nghị định số 82/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về quản lý hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, tái xuất khẩu, nhập nội từ biển, quá cảnh, nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm;
c) Điều 5 Nghị định số 98/2011/NĐ-CP ngày 26 tháng 10 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về nông nghiệp;
d) Chương IV Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;
đ) Thông tư số 47/2012/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 9 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý khai thác từ tự nhiên và nuôi động vật rừng thông thường;
e) Thông tư số 16/2007/TT-BNN ngày 14 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn quản lý, sử dụng chứng chỉ xuất khẩu mẫu vật lưu niệm thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp;
g) Quyết định số 95/2008/QĐ-BNN ngày 29 tháng 9 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Quy chế quản lý gấu nuôi.
3. Đối với các loài thuộc Danh mục thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm đồng thời thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ thì áp dụng chế độ quản lý theo quy định tại Nghị định này, trừ hoạt động khai thác tạo nguồn giống ban đầu phục vụ nghiên cứu khoa học.
4. Hoạt động xuất khẩu, tái xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, nhập nội từ biển, quá cảnh mẫu vật CITES thực hiện theo quy định của Nghị định này.Bổ sung
1. Các cơ sở nuôi, trồng không vì mục đích thương mại thành lập trước khi Nghị định này có hiệu lực thi hành, trong thời hạn 03 (ba) tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực, chủ cơ sở thực hiện mở sổ, ghi chép và lưu giữ sổ theo dõi đầu vật nuôi theo Mẫu số 16, sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật theo Mẫu số 17 tại Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định này; gửi sổ tới cơ quan có thẩm quyền để cấp mã số cơ sở nuôi, trồng.
2. Các cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cấp giấy chứng nhận cơ sở bảo tồn đa dạng sinh học phải mở sổ theo dõi đầu vật nuôi hoặc sổ theo dõi mẫu vật thực vật trồng cấy nhân tạo gửi về Cơ quan cấp mã số cơ sở nuôi, trồng theo quy định tại Nghị định này.
3. Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ; chấp thuận quá cảnh trước ngày Nghị định này có hiệu lực nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện theo các quy định tại Nghị định này.
4. Tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ đề nghị đăng ký cơ sở nuôi sinh sản, nuôi sinh trưởng, trồng cấy nhân tạo nhưng chưa được cơ quan có thẩm quyền giải quyết thì thực hiện theo quy định tại Nghị định này.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.
|
TM. CHÍNH PHỦ |
THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM
(Kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ)
NHÓM I
I A
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
|
NGÀNH THÔNG |
PINOPHYTA |
|
LỚP THÔNG |
PINOSIDA |
|
Họ Hoàng đàn |
Cupressaceae |
1 |
Bách vàng |
Xanthocyparis vietnamensis |
2 |
Bách đài loan |
Taiwania cryptomerioides |
3 |
Hoàng đàn hữu liên |
Cupressus tonkinensis |
4 |
Sa mộc dầu |
Cunninghamia konishii |
5 |
Thông nước |
Glyptostrobus pensilis |
|
Họ Thông |
Pinaceae |
6 |
Du sam đá vôi |
Keteleeria davidiana |
7 |
Vân sam fan si pang |
Abies delavayi subsp. fansipanensis |
|
Họ Hoàng liên gai |
Berberidaceae |
8 |
Các loài Hoàng liên gai thuộc chi Berberis |
Berberis spp. |
|
Họ Mao lương |
Ranunculaceae |
9 |
Hoàng liên chân gà |
Coptis quinquesecta |
10 |
Hoàng liên bắc |
Coptis chinensis |
|
Họ Ngũ gia bì |
Araliaceae |
11 |
Sâm vũ diệp (Vũ diệp tam thất) |
Panax bipinnatifidus |
12 |
Tam thất hoang |
Panax stipuleanatus |
|
LỚP HÀNH |
LILIOPSIDA |
|
Họ lan |
Orchidaceae |
13 |
Lan kim tuyến |
Anoectochilus setaceus |
14 |
Lan kim tuyến |
Anoectochilus acalcaratus |
15 |
Lan kim tuyến |
Anoectochilus calcareus |
16 |
Lan hài bóng |
Paphiopedilum vietnamense |
17 |
Lan hài vàng |
Paphiopedilum villosum |
18 |
Lan hài đài cuộn |
Paphiopedilum appletonianum |
19 |
Lan hài chai |
Paphiopedilum callosum |
20 |
Lan hài râu |
Paphiopedilum dianthum |
21 |
Lan hài hê len |
Paphiopedilum helenae |
22 |
Lan hài henry |
Paphiopedilum henryanum |
23 |
Lan hài xanh |
Paphiopedilum malipoense |
24 |
Lan hài chân tím |
Paphiopedilum tranlienianum |
25 |
Lan hài lông |
Paphiopedilum hirsutissimum |
26 |
Lan hài hằng |
Paphiopedilum hangianum |
27 |
Lan hài đỏ |
Paphiopedilum delenatii |
28 |
Lan hài trân châu |
Paphiopedilum emersonii |
29 |
Lan hài hồng |
Paphiopedilum micranthum |
30 |
Lan hài xuân cảnh |
Paphiopedilum canhii |
31 |
Lan hài tía |
Paphiopedilum purpuratum |
32 |
Lan hài trần tuấn |
Paphiopedilum trantuanhii |
33 |
Lan hài đốm |
Paphiopedilum concolor |
34 |
Lan hài tam đảo |
Paphiopedilum gratrixianum |
|
NGÀNH NGỌC LAN |
MAGNOLIOPHYTA |
|
LỚP NGỌC LAN |
MAGNOLIOPSIDA |
|
Họ Dầu |
Dipterocarpaceae |
35 |
Chai lá cong |
Shorea falcata |
36 |
Kiền kiền phú quốc |
Hopea pierrei |
37 |
Sao hình tim |
Hopea cordata |
38 |
Sao mạng cà ná |
Hopea reticulata |
|
NGÀNH MỘC LAN |
MAGNOLIOPHYTA |
|
LỚP MỘC LAN |
MAGNOLIOPSIDA |
|
Họ Ngũ gia bì |
Araliaceae |
39 |
Sâm ngọc linh |
Panax vietnamensis |
I B
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
|
LỚP THÚ |
MAMMALIA |
|
BỘ LINH TRƯỞNG |
PRIMATES |
1 |
Cu li lớn |
Nycticebus bengalensis |
2 |
Cu li nhỏ |
Nycticebus pygmaeus |
3 |
Chà vá chân đen |
Pygathrix nigripes |
4 |
Chà vá chân nâu |
Pygathrix nemaeus |
5 |
Chà vá chân xám |
Pygathrix cinerea |
6 |
Voọc bạc đông dương |
Trachypithecus germaini |
7 |
Voọc bạc trường sơn |
Trachypithecus margarita |
8 |
Voọc cát bà |
Trachypithecus poliocephalus |
9 |
Voọc đen má trắng |
Trachypithecus francoisi |
10 |
Voọc hà tĩnh |
Trachypithecus hatinhensis |
11 |
Voọc mông trắng |
Trachypithecus delacouri |
12 |
Voọc mũi hếch |
Rhinopithecus avunculus |
13 |
Voọc xám |
Trachypithecus crepusculus |
14 |
Vượn cao vít |
Nomascus nasutus |
15 |
Vượn đen tuyền |
Nomascus concolor |
16 |
Vượn má hung |
Nomascus gabriellae |
17 |
Vượn má trắng |
Nomascus leucogenys |
18 |
Vượn má vàng trung bộ |
Nomascus annamensis |
19 |
Vượn siki |
Nomascus siki |
|
BỘ THÚ ĂN THỊT |
CARNIVORA |
20 |
Sói đỏ (Chó sói lửa) |
Cuon alpinus |
21 |
Gấu chó |
Helarctos malayanus |
22 |
Gấu ngựa |
Ursus thibetanus |
23 |
Rái cá lông mượt |
Lutrogale perspicillata |
24 |
Rái cá thường |
Lutra lutra |
25 |
Rái cá vuốt bé |
Aonyx cinereus |
26 |
Rái cá lông mũi |
Lutra sumatrana |
27 |
Cầy mực |
Arctictis binturong |
28 |
Cầy gấm |
Prionodon pardicolor |
29 |
Báo gấm |
Neofelis nebulosa |
30 |
Báo hoa mai |
Panthera pardus |
31 |
Beo lửa |
Catopuma temminckii |
32 |
Hổ đông dương |
Panthera tigris corbetti |
33 |
Mèo cá |
Prionailurus viverrinus |
34 |
Mèo gấm |
Pardofelis marmorata |
|
BỘ CÓ VÒI |
PROBOSCIDEA |
35 |
Voi châu á |
Elephas maximus |
|
BỘ MÓNG GUỐC LẺ |
PERISSODACTYLA |
36 |
Tê giác một sừng |
Rhinoceros sondaicus |
|
BỘ MÓNG GUỐC CHẴN |
ARTIODACTYLA |
37 |
Bò rừng |
Bos javanicus |
38 |
Bò tót |
Bos gaurus |
39 |
Hươu vàng |
Axis porcinus annamiticus |
40 |
Hươu xạ |
Moschus berezovskii |
41 |
Mang lớn |
Megamuntiacus vuquangensis |
42 |
Mang trường sơn |
Muntiacus truongsonensis |
43 |
Nai cà tong |
Rucervus eldii |
44 |
Sao la |
Pseudoryx nghetinhensis |
45 |
Sơn dương |
Naemorhedus milneedwardsii |
|
BỘ TÊ TÊ |
PHOLIDOTA |
46 |
Tê tê java |
Manis javanica |
47 |
Tê tê vàng |
Manis pentadactyla |
|
BỘ THỎ RỪNG |
LAGOMORPHA |
48 |
Thỏ vằn |
Nesolagus timminsi |
|
LỚP CHIM |
AVES |
|
BỘ BỒ NÔNG |
PELECANIFORMES |
49 |
Bồ nông chân xám |
Pelecanus philippensis |
50 |
Cò thìa |
Platalea minor |
51 |
Quắm cánh xanh |
Pseudibis davisoni |
52 |
Quắm lớn (Cò quắm lớn) |
Thaumatibis gigantea |
53 |
Vạc hoa |
Gorsachius magnificus |
|
BỘ CỔ RẮN |
SULIFORMES |
54 |
Cổ rắn |
Anhinga melanogaster |
|
BỘ BỒ NÔNG |
PELECANIFORMES |
55 |
Cò trắng trung quốc |
Egretta eulophotes |
|
BỘ HẠC |
CICONIFORMES |
56 |
Già đẫy nhỏ |
Leptoptilos javanicus |
57 |
Hạc cổ trắng |
Ciconia episcopus |
58 |
Hạc xám |
Mycteria cinerea |
|
BỘ ƯNG |
ACCIPITRIFORMES |
59 |
Đại bàng đầu nâu |
Aquila heliaca |
60 |
Kền kền ấn độ |
Gyps indicus |
61 |
Kền kền ben gan |
Gyps bengalensis |
|
BỘ CẮT |
FALCONIFORMES |
62 |
Cắt lớn |
Falco peregrinus |
|
BỘ CHOẮT |
CHARADRIIFORMES |
63 |
Choắt lớn mỏ vàng |
Tringa guttifer |
|
BỘ NGỖNG |
ANSERIFORMES |
64 |
Ngan cánh trắng |
Asarcornis scutulata |
|
BỘ GÀ |
GALLIFORMES |
65 |
Gà lôi lam mào trắng |
Lophura edwardsi |
66 |
Gà lôi tía |
Tragopan temminckii |
67 |
Gà lôi trắng |
Lophura nycthemera |
68 |
Gà so cổ hung |
Arborophila davidi |
69 |
Gà tiền mặt đỏ |
Polyplectron germaini |
70 |
Gà tiền mặt vàng |
Polyplectron bicalcaratum |
71 |
Trĩ sao |
Rheinardia ocellata |
|
BỘ SẾU |
GRUIFORMES |
72 |
Sếu đầu đỏ (Sếu cổ trụi) |
Grus antigone |
|
BỘ Ô TÁC |
OTIDIFORMES |
73 |
Ô tác |
Houbaropsis bengalensis |
|
BỘ BỒ CÂU |
COLUMBIFORMES |
74 |
Bồ câu ni cô ba |
Caloenas nicobarica |
|
BỘ HỒNG HOÀNG |
Bucerotiformes |
75 |
Hồng hoàng |
Buceros bicornis |
76 |
Niệc cổ hung |
Aceros nipalensis |
77 |
Niệc mỏ vằn |
Rhyticeros undulatus |
78 |
Niệc nâu |
Anorrhinus austeni |
|
BỘ SẺ |
PASSERRIFORMES |
79 |
Khướu ngọc linh |
Trochalopteron ngoclinhense |
|
LỚP BÒ SÁT |
REPTILIA |
|
BỘ CÓ VẢY |
SQUAMATA |
80 |
Tắc kè đuôi vàng |
Cnemaspis psychedelica |
81 |
Thằn lằn cá sấu |
Shinisaurus crocodilurus |
82 |
Kỳ đà vân |
Varanus nebulosus (Varanus bengalensis) |
83 |
Rắn hổ chúa |
Ophiophagus hannah |
|
BỘ RÙA |
TESTUDINES |
84 |
Rùa ba-ta-gua miền nam |
Batagur affinis |
85 |
Rùa hộp bua-rê (Rùa hộp trán vàng miền bắc) |
Cuora bourreti |
86 |
Rùa hộp Việt Nam (Rùa hộp trán vàng miền nam) |
Cuora picturata |
87 |
Rùa trung bộ |
Mauremys annamensis |
88 |
Rùa đầu to |
Platysternon megacephalum |
89 |
Giải sin-hoe |
Rafetus swinhoei |
90 |
Giải |
Pelochelys cantorii |
|
BỘ CÁ SẤU |
CROCODILIA |
91 |
Cá sấu nước lợ (Cá sấu hoa cà) |
Crocodylus porosus |
92 |
Cá sấu nước ngọt (Cá sấu xiêm) |
Crocodylus siamensis |
NHÓM II
II A
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
|
NGÀNH DƯƠNG XỈ |
POLYPODIOPHYTA |
|
LỚP DƯƠNG XỈ |
POLYPODIOPSIDA |
|
Họ Dương xỉ |
Polypodiaceae |
1 |
Cốt toái bổ |
Drynaria fortune |
2 |
Tắc kè đá |
Drynaria bonii |
|
Họ lông cu li |
Dicksoniaceae |
3 |
Cẩu tích |
Cibotium barometz |
|
Họ dương xỉ thân gỗ |
Cyatheaceae |
4 |
Các loài Dương xỉ thân gỗ thuộc chi Cyathea |
Cyathea spp. |
|
NGÀNH THÔNG ĐẤT |
LYCOPODIOPHYTA |
|
LỚP THÔNG ĐẤT |
LYCOPODIOPSIDA |
|
Họ Thông đất |
Lycopodiaceae |
5 |
Thạch tùng răng cưa |
Huperzia serrata |
|
NGÀNH THÔNG |
PINOPHYTA |
|
LỚP THÔNG |
PINOPSIDA |
|
Họ Hoàng đàn |
Cupressaceae |
6 |
Bách xanh núi đá |
Calocedrus rupestris |
7 |
Bách xanh |
Calocedrus macrolepis |
8 |
Pơ mu |
Fokienia hodginsii |
|
Họ Thông đỏ |
Taxaceae |
9 |
Thông đỏ lá ngắn |
Taxus chinensis |
10 |
Thông đỏ lá dài |
Taxus wallichiana |
|
Họ Đỉnh tùng |
Cephalotaxaceae |
11 |
Đỉnh tùng (Phỉ ba mũi) |
Cephalotaxus mannii |
|
Họ kim giao |
Podocarpaceae |
12 |
Thông tre lá ngắn |
Podocarpus pilgeri |
|
Họ Thông |
Pinaceae |
13 |
Thông xuân nha (5 lá rủ) |
Pinus cernua |
14 |
Thông Đà Lạt |
Pinus dalatensis |
15 |
Thông lá dẹt |
Pinus krempfii |
16 |
Thông Pà cò |
Pinus kwangtungensis |
17 |
Thông hai lá quả nhỏ (Thông đá vôi quả nhỏ) |
Pinus kwangshanensis |
18 |
Thiết sam giả lá ngắn |
Pseudotsuga brevifolia |
|
NGÀNH MỘC LAN |
MAGNOLIOPHYTA |
|
LỚP MỘC LAN |
MAGNOLIOPSIDA |
|
Họ Ngũ gia bì |
Araliaceae |
19 |
Sâm lai châu |
Panax vietnamensis var. Fuscidiscus |
20 |
Sâm lang bian |
Panax vietnamensis var. Langbianensis |
|
Họ Thị |
Ebenaceae |
21 |
Mun sọc |
Diospyros salletii |
22 |
Mun |
Diospyros mun |
|
Họ Nam mộc hương |
Aristolochiaceae |
23 |
Các loài Tế tân thuộc chi Asarum |
Asarum spp. |
|
Họ Núc nác |
Bignoniaceae |
24 |
Các loài Đinh thuộc chi Fernandoa |
Fernandoa spp. |
|
Họ Vang |
Caesalpiniaceae |
25 |
Gõ đỏ (Cà te) |
Afzelia xylocarpa |
26 |
Gụ mật (Gõ mật) |
Sindora siamensis |
27 |
Gụ lau |
Sindora tonkinensis |
|
Họ Hoa chuông |
Campanulaceae |
28 |
Đẳng sâm |
Codonopsis javanica |
|
Họ Măng cụt |
Clusiaceae |
29 |
Trai lý (Rươi) |
Garcinia fagraeoides |
|
Họ Đậu |
Fabaceae |
30 |
Cẩm lai (Cẩm lai Bà Rịa) |
Dalbergia oliveri |
31 |
Giáng hương quả to |
Pterocarpus macrocarpus |
32 |
Lim xanh |
Erythrophloeum fordii |
33 |
Trắc |
Dalbergia cochinchinensis |
34 |
Trắc dây |
Dalbergia rimosa |
35 |
Sưa |
Dalbergia tonkinensis |
|
Họ Long não |
Lauraceae |
36 |
Gù hương (Quế balansa) |
Cinnamomum balansae |
37 |
Re xanh phấn |
Cinnamomum glaucescens |
38 |
Vù hương (Xá xị, Re hương) |
Cinnamomum parthenoxylon |
|
Họ Tiết dê |
Menispermaceae |
39 |
Các loài Bình vôi thuộc chi Stephania |
Stephania spp. |
40 |
Hoàng đằng |
Fibraurea recisa |
41 |
Nam hoàng liên |
Fibraurea tinctoria (Fibraurea chloroleuca) |
42 |
Vàng đắng |
Coscinium fenestratum |
|
LỚP TUẾ |
CYCADOPSIDA |
|
Họ Tuế |
Cycadaceae |
43 |
Các loài tuế thuộc chi Cycas |
Cycas spp. |
|
Họ Hoàng liên gai |
Berberidaceae |
44 |
Các loài Hoàng liên ô rô (Mã hồ, Mật gấu) thuộc chi Mahonia |
Mahonia spp. |
45 |
Bát giác liên |
Podophyllum tonkinense |
|
Họ Mao lương |
Ranunculaceae |
46 |
Thổ hoàng liên |
Thalictrum foliolosum |
|
Họ Đay |
Tiliaceae |
47 |
Nghiến |
Excentrodendron tonkinense |
|
Họ Ngũ vị tử |
Schizandraceae |
48 |
Các loài na rừng thuộc chi Kadsura |
Kadsura spp. |
|
LỚP HÀNH |
LILIOPSIDA |
|
Họ Tóc tiên |
Convallariaceae |
49 |
Hoàng tinh hoa trắng |
Disporopsis longifolia |
50 |
Hoàng tinh hoa đỏ |
Polygonatum kingianum |
|
Họ Hành |
Liliaceae |
51 |
Bách hợp |
Lilium poilanei |
|
Họ Trọng lâu |
Phormiaceae |
52 |
Các loài Bảy lá một hoa (Trọng lâu) thuộc chi Paris |
Paris spp. |
|
NGÀNH NGỌC LAN |
MAGNOLIOPHYTA |
|
LỚP NGỌC LAN |
MAGNOLIOPSIDA |
|
Họ Lan |
Orchidaceae |
53 |
Các loài Lan thuộc họ Orchidaceae, trừ các loài quy định tại Nhóm IA |
Orchidaceae spp. |
|
Họ Cau |
Arecaceae |
54 |
Song mật |
Calamus platyacanthus |
55 |
Song bột |
Calamus poilanei |
IIB
TT |
Tên Việt Nam |
Tên khoa học |
|
LỚP THÚ |
MAMMALIA |
|
BỘ GẶM NHẤM |
RODENTIA |
1 |
Chuột đá |
Laonastes aenigmamus |
2 |
Sóc đen |
Ratufa bicolor |
3 |
Sóc bay trâu |
Petaurista petaurista |
|
BỘ DƠI |
CHIROPTERA |
4 |
Dơi ngựa lớn |
Pteropus vampyrus |
5 |
Dơi ngựa nhỏ |
Pteropus lylei |
|
BỘ THỎ |
LAGORMORPHA |
6 |
Thỏ rừng |
Lepus sinensis |
|
BỘ KHỈ HẦU |
PRIMATES |
7 |
Khỉ mặt đỏ |
Macaca arctoides |
8 |
Khỉ mốc |
Macaca assamensis |
9 |
Khỉ vàng |
Macaca mulatta |
10 |
Khỉ đuôi dài |
Macaca fascicularis |
11 |
Khỉ đuôi lợn |
Macaca leonina |
|
BỘ THÚ ĂN THỊT |
CARNIVORA |
12 |
Chó rừng |
Canis aureus |
13 |
Cầy giông đốm lớn |
Viverra megaspila |
14 |
Cầy vằn bắc |
Chrotogale owstoni |
15 |
Cáo lửa |
Vulpes vulpes |
16 |
Cầy giông |
Viverra zibetha |
17 |
Cầy hương |
Viverricula indica |
18 |
Cầy tai trắng |
Arctogalidia trivirgata |
19 |
Cầy vòi hương |
Paradoxurus hermaphroditus |
20 |
Cầy vòi mốc |
Paguma larvata |
21 |
Mèo ri |
Felis chaus |
22 |
Mèo rừng |
Prionailurus bengalensis |
23 |
Triết chỉ lưng |
Mustela strigidorsa |
|
BỘ MÓNG GUỐC CHẴN |
ARTIODACTYLA |
24 |
Mang pù hoạt |
Muntiacus puhoatensis (Muntiacus rooseveltorum) |
25 |
Nai |
Rusa unicolor |
26 |
Cheo cheo |
Tragulus javanicus |
|
LỚP CHIM |
AVES |
|
BỘ HẠC |
CICONIIFORMES |
27 |
Già đẫy lớn |
Leptoptilos dubius |
28 |
Hạc đen |
Ciconia nigra |
|
BỘ BỒ NÔNG |
PELECANIFORMES |
29 |
Cò quăm đầu đen |
Threskiornis melanocephalus |
|
BỘ CHOẮT |
CHARADRIIFORMES |
30 |
Rẽ mỏ thìa |
Calidris pygmeus |
|
BỘ NGỖNG |
ANSERIFORMES |
31 |
Vịt đầu đen |
Aythya baeri |
32 |
Vịt mỏ nhọn |
Mergus squamatus |
|
BỘ GÀ |
GALIFORMES |
33 |
Công |
Pavo muticus |
34 |
Các loài Gà so thuộc giống Arborophila |
Arborophila spp. (trừ loài Arborophila davidi đã liệt kê ở nhóm IB) |
|
BỘ SẾU |
GRUIFORMES |
35 |
Chân bơi |
Heliopais personatus |
|
BỘ HỒNG HOÀNG |
BUCEROTIFORMES |
36 |
Các loài trong họ Hồng hoàng |
Bucerotidae spp. (trừ các loài Buceros bicornis, Aceros nipalensis, Rhyticeros undulatus và Anorrhinus austeni thuộc Nhóm IB) |
|
BỘ VẸT |
PSITTAFORMES |
37 |
Các loài Vẹt thuộc giống Psittacula |
Psittacula spp. |
38 |
Vẹt lùn |
Loriculus verlanis |
|
BỘ CÚ |
STRIGIFORMES |
39 |
Các loài trong bộ Cú Strigiformes |
Strigiformes spp. |
|
BỘ ƯNG |
ACCIPITRIFORMES |
40 |
Các loài trong bộ Ưng |
Accipitriformes spp. (trừ các loài Aquila heliaca, Gyps indicus, Gyps bengalensis và Sarcogyps calvus đã liệt kê trong nhóm IB) |
41 |
Ó tai |
Sarcogyps calvus |
|
Bộ CẮT |
FALCONIFORMES |
42 |
Các loài trong bộ Cắt |
Falconiformes spp. (trừ loài Falco peregrinus đã liệt kê trong nhóm IB) |
|
BỘ BỒ CÂU |
COLUMBIFORMES |
43 |
Bồ câu nâu |
Columba punicea |
|
BỘ SẺ |
PASSERRIFORMES |
44 |
Khướu đầu đen má xám |
Trochalopteron yersini |
45 |
Các loài thuộc giống Garrulax |
Garrulax spp. |
46 |
Mi núi bà |
Laniellus langbianis |
47 |
Sẻ đồng ngực vàng |
Emberiza aureola |
48 |
Các loài thuộc giống Pitta |
Pitta spp. |
49 |
Kim oanh mỏ đỏ |
Leiothrix lutea |
50 |
Kim oanh tai bạc |
Leiothrix argentauris |
51 |
Nhồng (Yểng) |
Gracula religiosa |
|
LỚP BÒ SÁT |
REPTILIA |
|
BỘ CÓ VẢY |
SQUAMATA |
52 |
Các loài Thạch sùng mí thuộc giống Goniurosaurus |
Goniurosaurus spp. |
53 |
Kỳ đà hoa |
Varanus salvator |
54 |
Rắn hổ mang một mắt kính |
Naja kaouthia |
55 |
Rắn hổ mang trung quốc |
Naja atra |
56 |
Rắn hổ mang xiêm |
Naja siamensis |
57 |
Rắn ráo trâu |
Ptyas mucosus |
58 |
Trăn cộc |
Python brongersmai (Python curtus) |
59 |
Trăn đất |
Python molurus (Python bivittatus) |
60 |
Trăn gấm |
Python reticulatus (Malayopython reticulatus) |
|
BỘ RÙA |
TESTUDINES |
61 |
Rùa hộp ba vạch, rùa vàng |
Cuora cyclornata (Cuora trifasciata) |
62 |
Rùa hộp trán vàng (Rùa hộp trán vàng miền trung) |
Cuora galbinifrons |
63 |
Rùa hộp lưng đen |
Cuora amboinensis |
64 |
Rùa sa nhân |
Cuora mouhotii |
65 |
Rùa đất pul-kin |
Cyclemys pulchristriata |
66 |
Rùa đất châu Á |
Cyclemys dentata |
67 |
Rùa đất sê-pôn |
Cyclemys oldhami |
68 |
Rùa đất speng-le-ri |
Geomyda spengleri |
69 |
Rùa răng |
Heosemys annandalii |
70 |
Rùa đất lớn |
Heosemys grandis |
71 |
Rùa ba gờ |
Malayemys subtrijuga |
72 |
Rùa bốn mắt |
Sacalia quadriocellata |
73 |
Rùa câm |
Mauremys mutica |
74 |
Rùa cổ bự |
Siebenrockiella crassicollis |
75 |
Rùa đầm cổ đỏ |
Mauremys nigricans |
76 |
Rùa núi vàng |
Indotestudo elongata |
77 |
Rùa núi viền |
Manouria impressa |
78 |
Cua đinh |
Amyda cartilaginea |
79 |
Ba ba gai |
Palea steindachneri |
|
LỚP ẾCH NHÁI |
AMPHIBIA |
|
BỘ CÓ ĐUÔI |
CAUDATA |
80 |
Cá cóc bụng hoa (Cá cóc tam đảo) |
Paramesotriton deloustali |
81 |
Các loài Cá cóc thuộc giống Tylototriton |
Tylototriton spp. |
|
LỚP CÔN TRÙNG |
INSECTA |
|
BỘ CÁNH VẢY |
LEPIDOPTERA |
82 |
Bướm phượng đuôi kiếm răng nhọn |
Teinopalpus aureus aureus |
83 |
Bướm phượng đuôi kiếm răng tù |
Teinopalpus imperialis imperialis |
84 |
Bướm phượng cánh chim chấm liền |
Troides helena cerberus |
85 |
Bướm phượng cánh chim chấm rời |
Troides aeacus aeacus |
|
BỘ CÁNH CỨNG |
COLEOPTERA |
86 |
Cua bay việt nam |
Cheirotonus battareli |
87 |
Cua bay đen |
Cheirotonus jansoni |
(Kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Chính phủ)
Mẫu số 01 |
Phương án khai thác từ tự nhiên mẫu vật thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 02 |
Phương án khai thác từ tự nhiên mẫu vật động vật rừng nguy cấp, quý hiếm; động vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 03 |
Đề nghị cấp mã số cơ sở nuôi, trồng các loài thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 04 |
Phương án nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IB; Động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES |
Mẫu số 05 |
Phương án trồng các loài thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IA; Thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES |
Mẫu số 06 |
Phương án nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIB; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, III CITES |
Mẫu số 07 |
Phương án trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm nhóm IIA; các loài thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục II, III CITES |
Mẫu số 08 |
Mã số cơ sở nuôi |
Mẫu số 09 |
Giấy phép CITES |
Mẫu số 10 |
Chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm |
Mẫu số 11 |
Chứng chỉ mẫu vật tiền Công ước |
Mẫu số 12 |
Đề nghị cấp giấy phép CITES/sample request for cites permit |
Mẫu số 13 |
Đề nghị cấp ấn phẩm chứng chỉ CITES xuất khẩu mẫu vật lưu niệm/sample request for cites souvernir export certificate |
Mẫu số 14 |
Sổ theo dõi hoạt động sản xuất, chế biến mẫu vật thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 15 |
Đề nghị cấp giấy phép CITES nhập nội từ biển/chứng chỉ CITES mẫu vật tiền công ước/sample request for cites certificate |
Mẫu số 16 |
Mẫu sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, động vật rừng thông thường |
Mẫu số 16A |
Sổ theo dõi hoạt động nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, động vật rừng thông thường (không áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng) |
Mẫu số 16B |
Sổ theo dõi nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES, động vật rừng thông thường (áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng) |
Mẫu số 16C |
Sổ theo dõi sinh sản của động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường (áp dụng cho các loài động vật đẻ trứng) |
Mẫu số 16D |
Sổ theo dõi sinh sản của động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm, động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường (áp dụng cho các loài động vật đẻ con) |
Mẫu số 17 |
Mẫu sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 17A |
Sổ theo dõi cơ sở nhân giống nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 17B |
Sổ theo dõi cơ sở trồng thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc Phụ lục CITES |
Mẫu số 18 |
Báo cáo hoạt động nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường |
Mẫu số 19 |
Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu trồng thực vật) |
Mẫu số 20 |
Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh trưởng động vật) |
Mẫu số 21 |
Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài động vật đẻ trứng) |
Mẫu số 22 |
Báo cáo kiểm tra (dành cho cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài đẻ con) |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
------------------
PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN MẪU VẬT THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Tên tổ chức, cá nhân:
- Tổ chức: tên đầy đủ, địa chỉ, điện thoại, số Quyết định thành lập, ngày cấp, nơi cấp.
- Cá nhân: họ và tên, địa chỉ thường trú, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi làm việc.
2. Giới thiệu chung:
Giới thiệu về tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác; mục đích khai thác; tác động của việc khai thác nêu rõ đối với quần thể của loài tại khu vực khai thác; tác động đối với các loài khác trong khu vực…, v.v.
3. Loài đề nghị khai thác:
- Tên loài (bao gồm tên khoa học và tên thông thường):
+ Tên khoa học:.....................................................................................
+ Tên thông thường:..............................................................................
- Số lượng, khối lượng (bằng số và bằng chữ):………………… ; trong đó:.
- Mô tả mẫu vật (cây, hạt, lá, hoa, cành, ngọn...), kích thước mẫu vật:......
4. Mục đích của việc khai thác:
- Nghiên cứu nhân giống........................................................................
- Nghiên cứu phân loại...........................................................................
- Nghiên cứu bệnh học...........................................................................
- Bổ sung/tạo nguồn giống ban đầu.........................................................
- Lưu giữ gen.........................................................................................
- Mục đích khác.....................................................................................
5. Khu vực khai thác
Mô tả hiện trạng của khu vực đề nghị khai thác:
a) Vị trí khu vực khai thác: thuộc lô:..., khoảnh: ..., tiểu khu: …:
b) Bản đồ khu khai thác tỷ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000
c) Diện tích khu vực khai thác:................................................................
d) Tên, địa chỉ chủ rừng: (trường hợp có 2 chủ rừng trở lên thì lập bảng kèm theo).....................................................................................................
đ) Loại rừng/hệ sinh thái khu vực khai thác:.............................................
6. Đánh giá trữ lượng loài đề nghị khai thác
a) Tổng quan tình trạng phân bố của loài trong nước và ngoài nước (nếu có);
b) Kích cỡ và cấu trúc quần thể loài khai thác.
7. Thời gian khai thác: từ ngày ... tháng ... năm ...đến ngày ... tháng ... năm ...
8. Cách khai thác:
- Phương tiện, công cụ khai thác:............................................................
- Phương thức khai thác:........................................................................
9. Nguồn nhân lực:
Danh sách những người thực hiện khai thác:...........................................
10. Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra khi tiến hành khai thác và biện pháp khắc phục.
11. Ý kiến của chủ rừng (nếu tổ chức/cá nhân đề nghị cấp thỏa thuận khai khác không phải là chủ rừng):.................................................................
|
Địa điểm..., ngày.... tháng ... năm ... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
PHƯƠNG ÁN KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN MẪU VẬT ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ HIẾM; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Tên tổ chức, cá nhân:
- Tổ chức: tên đầy đủ, địa chỉ, điện thoại, số Quyết định thành lập, ngày cấp, nơi cấp
- Cá nhân: họ và tên, địa chỉ thường trú, điện thoại, số chứng minh nhân dân/căn cước công dân, ngày cấp, nơi cấp, nơi làm việc.
2. Giới thiệu chung:
Giới thiệu về tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép khai thác; mục đích khai thác; tác động của việc khai thác nêu rõ đối với quần thể của loài tại khu vực khai thác; tác động đối với các loài khác trong khu vực…, v.v.
3. Loài đề nghị khai thác
- Tên loài (bao gồm tên khoa học và tên thông thường):
+ Tên khoa học:.....................................................................................
+ Tên thông thường:..............................................................................
- Số lượng, khối lượng (bằng số và bằng chữ):………………; trong đó:.....
- Mô tả mẫu vật (trứng, con non, con trưởng thành...), kích thước mẫu vật:.............................................................................................................
4. Mục đích của việc khai thác:
- Nghiên cứu nhân giống........................................................................
- Nghiên cứu phân loại...........................................................................
- Nghiên cứu bệnh học...........................................................................
- Bổ sung/tạo nguồn giống ban đầu.........................................................
- Lưu giữ gen.........................................................................................
- Mục đích khác.....................................................................................
5. Khu vực khai thác
Mô tả hiện trạng của khu vực đề nghị khai thác:
a) Vị trí khu vực khai thác: thuộc lô: …, khoảnh: …, tiểu khu: …
b) Ranh giới: Bản đồ khu khai thác tỷ lệ 1:5.000 hoặc 1:10.000
c) Diện tích khu vực khai thác:................................................................
d) Tên, địa chỉ chủ rừng: (trường hợp có 2 chủ rừng trở lên thì lập bảng kèm theo).....................................................................................................
đ) Loại rừng/hệ sinh thái khu vực khai thác:.............................................
6. Đánh giá trữ lượng loài đề nghị khai thác
a) Tổng quan tình tình trạng phân bố của loài trong nước và ngoài nước..
b) Kích cỡ và cấu trúc quần thể loài khai thác..........................................
7. Thời gian khai thác: từ ngày … tháng … năm …đến ngày ... tháng... năm ...
8. Cách khai thác:
- Phương tiện, công cụ khai thác:............................................................
- Phương thức khai thác (con non, con trưởng thành, trứng,...):................
9. Nguồn nhân lực:
- Danh sách những người thực hiện khai thác:.........................................
10. Ý kiến của chủ rừng (nếu tổ chức/ cá nhân đề nghị cấp thỏa thuận khai khác không phải là chủ rừng):.................................................................
|
Địa điểm ... ngày .... tháng ... năm ... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------------
ĐỀ NGHỊ CẤP MÃ SỐ CƠ SỞ NUÔI, TRỒNG CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
Kính gửi: ………………………………………..
1. Tên và địa chỉ:
Tên của tổ chức, cá nhân đề nghị:..........................................................
Địa chỉ:..................................................................................................
Điện thoại: ……………………………… Fax (nếu có):................................
2. Địa chỉ cơ sở nuôi, trồng:....................................................................
3. Nội dung đề nghị cấp đăng ký: Cấp mới □; Cấp bổ sung □
4. Mục đích nuôi, trồng:
Phi thương mại □; Thương mại trong nước □; Xuất khẩu thương mại □
5. Các loài nuôi, trồng:
STT |
Tên loài |
Số lượng (cá thể) |
Nguồn gốc |
Ghi chú |
|
Tên thông thường |
Tên khoa học |
||||
1 |
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
6. Các tài liệu kèm theo:
- Hồ sơ nguồn gốc;
- …
|
Địa điểm ..., ngày .... tháng ... năm ... |
NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IB; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC I CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:....................................................................
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:...............................................
Số CMND/Hộ chiếu/căn cước công dân/:………Ngày cấp:………. Nơi cấp:.............................................................................................................
3. Ngày thành lập cơ sở:........................................................................
4. Loài nuôi (tên khoa học, tên thông thường):.........................................
5. Thông tin chi tiết về số lượng và tuổi của con đực, cái trong đàn giống sinh sản:.......................................................................................................
6. Tài liệu chứng minh các con giống có nguồn gốc hợp pháp theo quy định tại Nghị định, CITES: ………………………………….
7. Hiện trạng tổng đàn gồm: đàn bố mẹ, đàn giống hậu bị đang nuôi và đàn con (số lượng cá thể, giới tính và độ tuổi): ………….
Năm |
Hậu bị |
Bố mẹ |
Giai đoạn trứng (nếu có) và con non dưới 1 tuổi |
Bán |
Con ≥ 1 tuổi |
Tổng đàn (con) |
||||||||
Đực |
Cái |
Đực |
Cái |
Số ổ trứng (nếu có) |
Số ổ trứng bình quân / ổ (nếu có) |
Số trứng (nếu có) |
Tỷ lệ trứng hỏng (%) (nếu có) |
Số trứng nở (nếu có) |
Con dưới 1 tuổi |
Tỷ lệ chết con < 1 tuổi (%) |
||||
Quá khứ |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Hiện tại |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Dự kiến |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
8. Nếu cơ sở mới sản xuất được thế hệ F1 thì cung cấp tài liệu chứng minh cơ sở được quản lý và hoạt động theo phương pháp mà một cơ sở khác đã áp dụng và được công nhận đã sản xuất được thế hệ F2:
9. Thông tin về năng lực sản xuất (sản lượng) hàng năm trước đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới, gồm:
a) Số lượng cá thể con sinh sản hàng năm; và
b) Những biến động bất thường trong sinh sản hàng năm (nếu có), giải thích nguyên nhân những biến động bất thường.
10. Đánh giá nhu cầu dự kiến và nguồn cung cấp con giống bổ sung cho đàn giống sinh sản của cơ sở nhằm tránh sinh sản đồng huyết, cận huyết.
11. Loại sản phẩm chính đối với trường hợp nuôi vì mục đích thương mại (động vật sống, da, xương, huyết thanh, các bộ phận hoặc dẫn xuất khác):
12. Mô tả chi tiết phương pháp đánh dấu mẫu vật (dùng thẻ, chíp điện tử, cắt tai, cắt vẩy) nhằm xác định nguồn giống sinh sản, các thế hệ kế tiếp và các loại sản phẩm xuất khẩu:
13. Mô tả cơ sở hạ tầng của cơ sở nuôi hiện tại và dự kiến trong tương lai: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, điều kiện thú y, vệ sinh môi trường, cách thức lưu trữ thông tin:
14. Mô tả thủ tục kiểm tra và giám sát được sử dụng để nhận dạng động vật nuôi hợp pháp (gồm bố mẹ, đàn hậu bị và các con) và phát hiện các cá thể có nguồn gốc bất hợp pháp được đưa vào cơ sở nuôi.
15. Các thông tin khác theo yêu cầu CITES đối với những loài động vật quy định tại Phụ lục I CITES:
16. Thuyết minh về hoạt động được cơ sở nuôi sử dụng và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài:
- Số lượng cá thể đực, cái thuần chủng, độ tuổi của động vật tái thả lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở nuôi không vì mục đích thương mại.
- Thời điểm tái thả lại môi trường tự nhiên:
- Tần suất tái thả (nếu có):
- Các biện pháp khác:
17. Mô tả các rủi ro và các biện pháp xử lý rủi ro:
- Các rủi ro đối với môi trường tự nhiên (nếu có) và các biện pháp phòng, chống rủi ro;
- Các rủi do đối với an toàn của con người và vật nuôi khác (nếu có) và các biện pháp phòng chống rủi ro;
- Các rủi ro về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh;
- Các rủi do khi động vật thoát khỏi chuồng/cơ sở nuôi hoặc bị đánh cắp; mô tả các biện pháp phòng, chống động vật thoát ra ngoài môi trường tự nhiên đối với loài được nuôi tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài.
18. Mô tả các biện pháp đảm bảo động vật nuôi được đối xử nhân đạo ở mọi khâu (nuôi, giết mổ, vận chuyển....)./.
|
Địa điểm ..., ngày .... tháng ... năm ... |
TRỒNG CÁC LOÀI THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IA; THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC I CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:....................................................................
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:...............................................
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu: …………… Ngày cấp: ………… Nơi cấp:.......................................................................................................
3. Thời điểm thành lập cơ sở trồng:.........................................................
4. Loài hoặc phân loài đăng ký trồng (tên khoa học, tên thông thường):....
5. Số lượng loài thực vật đăng ký trồng:..................................................
6. Mô tả về cơ sở trồng, đặc biệt là mô tả thông tin về loài hoặc nhóm loài thực vật đã được trồng trong quá khứ.....................................................
7. Tài liệu chứng minh nguồn gốc hợp pháp theo quy định của pháp luật hiện hành của nguồn giống của loài đăng ký trồng:.........................................
8. Mô tả phương pháp trồng:..................................................................
9. Mô tả điều kiện hạ tầng cơ sở:............................................................
10. Sản lượng hàng năm trước đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới:
11. Mô tả các biện pháp phòng, chống sự phát tán của thực vật ra môi trường tự nhiên đối với loài được trồng tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài........................................................................................
12. Các thông tin khác theo yêu cầu của CITES đối với những loài thực vật quy định tại Phụ lục I CITES:..................................................................
13. Thuyết minh và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài (chỉ áp dụng cho hoạt động trồng phi thương mại):
- Số lượng thực vật thuần chủng và độ tuổi của thực vật tái trồng lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở trồng không vì mục đích thương mại.
- Thời điểm/tần suất tái trồng lại khu vực phân bố tự nhiên của loài:..........
|
Địa điểm ..., ngày .... tháng ... năm ... |
NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IIB; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC II, III CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:....................................................................
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:...............................................
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu:……….Ngày cấp:…………Nơi cấp:.............................................................................................................
3. Loài đăng ký nuôi sinh sản (tên khoa học và tên thông thường):...........
4. Thông tin chi tiết về số lượng và tuổi của con đực, cái trong đàn giống sinh sản:.......................................................................................................
5. Tài liệu chứng minh các con giống đó được đánh bắt hợp pháp theo quy định tại Nghị định, CITES:.......................................................................
6. Bản đánh giá nhu cầu và nguồn cung cấp mẫu vật để tăng cường nguồn giống sinh sản nhằm phát triển nguồn gen:..............................................
7. Loại sản phẩm đối với các cơ sở nuôi thương mại (động vật sống, da, xương, huyết thanh, các bộ phận hoặc dẫn xuất khác):............................
8. Mô tả cơ sở hạ tầng của cơ sở nuôi: diện tích, công nghệ chăn nuôi, cung cấp thức ăn, khả năng thú y, vệ sinh môi trường và cách thức lưu trữ thông tin:.........................................................................................................
9. Thuyết minh và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài:
- Số lượng cá thể đực, cái thuần chủng, độ tuổi của động vật tái thả lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở nuôi không vì mục đích thương mại.
- Đóng góp khác cho bảo tồn (giáo dục thiên nhiên, tài trợ cho các dự án bảo tồn...)
10. Mô tả các rủi ro và các biện pháp xử lý rủi ro:
- Các rủi ro đối với môi trường tự nhiên (nếu có) và các biện pháp phòng, chống rủi ro này;
- Các rủi ro đối với an toàn của con người và vật nuôi khác và các biện pháp phòng chống rủi ro này;
- Các rủi ro về dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch bệnh;
- Các rủi ro khi động vật thoát khỏi chuồng/cơ sở nuôi hoặc bị đánh cắp; mô tả các biện pháp phòng, chống động vật thoát ra ngoài môi trường tự nhiên đối với loài được nuôi tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài./.
|
Địa điểm ..., ngày .... tháng ... năm ... |
TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM NHÓM IIA; CÁC LOÀI THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC II, III CITES
1. Tên và địa chỉ của cơ sở:....................................................................
2. Họ, tên chủ cơ sở hoặc người đại diện:...............................................
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu:………Ngày cấp:………. Nơi cấp:
3. Loài đăng ký trồng (tên khoa học và tên thông thường):.......................
4. Mô tả số lượng nguồn giống khai thác hợp pháp từ tự nhiên:................
5. Mô tả điều kiện hạ tầng và phương thức trồng:....................................
6. Sản lượng hàng năm trước đây, hiện tại và dự kiến trong các năm tới:.
7. Tài liệu chứng minh nguồn gốc giống hợp pháp theo của loài đăng ký trồng.
8. Thuyết minh và cam kết về những đóng góp cho công tác bảo tồn loài đối với trường hợp trồng không vì mục đích thương mại:
- Số lượng thực vật thuần chủng và độ tuổi của thực vật tái trồng lại khu vực phân bố tự nhiên của loài hoặc trao đổi với các cơ sở trồng không vì mục đích thương mại.
- Đóng góp khác cho bảo tồn (giáo dục thiên nhiên, tài trợ cho các dự án bảo tồn...)
9. Mô tả các biện pháp phòng, chống sự phát tán của thực vật ra môi trường tự nhiên đối với loài được trồng tại khu vực không phải là khu vực phân bố tự nhiên của loài./.
|
Địa điểm……, ngày .... tháng ... năm ... |
1. Quy cách mã số:
Hai chữ cái đầu thể hiện Phụ lục và loại mẫu vật: IA là thực vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IB là động vật thuộc Phụ lục I hoặc Nhóm I; IIA là thực vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II; IIB là động vật thuộc Phụ lục II hoặc Nhóm II.
Các chữ cái tiếp theo thể hiện mục đích của cơ sở nuôi, trồng: VN đối với nuôi, trồng không vì mục đích thương mại; Hai chữ viết tắt của tỉnh nơi đặt cơ sở đối với nuôi, trồng vì mục đích thương mại.
Ví dụ:
IA-VN-008 trong đó:
I: Phụ lục I hoặc Nhóm I
A: loài thực vật
VN: Mã quốc gia với loài nuôi, trồng phi thương mại
008: số của cơ sở trồng
IB-VN-008: trong đó:
I: Phụ lục I hoặc Nhóm I
B: loài động vật
VN: Mã quốc gia với loài nuôi, trồng phi thương mại
008: số của cơ sở nuôi
IIA-HAN-008 trong đó
II: Phụ lục II hoặc Nhóm II
A: loài thực vật
HAN: Mã tỉnh, thành phố với loài trồng thương mại (HAN mã của thành phố Hà Nội)
008: số của cơ sở trồng
IIB-HAN-008 trong đó
II: Phụ lục II hoặc Nhóm II
B: loài động vật
HAN: Mã tỉnh, thành phố với loài trồng thương mại (HAN mã của thành phố Hà Nội)
008: số của cơ sở nuôi
2. Thông tin kèm theo mã số
Các mã số được cấp kèm theo thông tin ví dụ dưới đây:
Tên cơ sở: Cơ sở nuôi cá sấu nước ngọt Suối Tiên
Địa chỉ: Xóm 3, xã Tân Phú - Quận 9, Thành phố Hồ Chí Minh
Ngày thành lập: Ngày 01 tháng 01 năm 1989
Ngày cấp mã số: Ngày 01 tháng 01 năm 2002
Loài nuôi, trồng:
Cá sấu nước ngọt (Crocodylus siamensis)
Nguồn gốc mẫu vật:
Mua từ cơ sở nuôi hợp pháp B
Quy cánh đánh dấu:
Tất cả các cá thể được đánh dấu bằng việc cắt vảy đuôi (khi đạt 3 tháng tuổi)
Ghi chú: Đối với cơ sở nuôi, trồng nhiều Nhóm loài thì mã số áp dụng đối với loài có quy chế quản lý, bảo vệ cao nhất, phần thông tin kèm theo mã số ghi đầy đủ thành phần loài.
QUY ƯỚC VIẾT TẮT TÊN CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ
TT |
Tên tỉnh, thành phố |
Viết tắt |
TT |
Tên tỉnh, thành phố |
Viết tắt |
1 |
An Giang |
AGG |
33 |
Kon Tum |
KTM |
2 |
Bắc Kạn |
BCN |
34 |
Lai Châu |
LCU |
3 |
Bình Dương |
BDG |
35 |
Lâm Đồng |
LDG |
4 |
Bình Định |
BĐH |
36 |
Lạng Sơn |
LSN |
5 |
Bắc Giang |
BGG |
37 |
Lào Cai |
LCI |
6 |
Bạc Liêu |
BLU |
38 |
Long An |
LAN |
7 |
Bắc Ninh |
BNH |
39 |
Nam Định |
NDH |
8 |
Bình Phước |
BPC |
40 |
Nghệ An |
NAN |
9 |
Bến Tre |
BTE |
41 |
Ninh Bình |
NBH |
10 |
Bình Thuận |
BTN |
42 |
Ninh Thuận |
NTN |
11 |
Bà rịa - Vũng tàu |
BTV |
43 |
Phú Thọ |
PTO |
12 |
Cao Bằng |
CBG |
44 |
Phú Yên |
PYN |
13 |
Cà Mau |
CMU |
45 |
Quảng Bình |
QBH |
14 |
Cần Thơ |
CTO |
46 |
Quảng Nam |
QNM |
15 |
Đà Nẵng |
DAN |
47 |
Quảng Ngãi |
QNI |
16 |
Đắk Lắk |
DLC |
48 |
Quảng Ninh |
QNH |
17 |
Đắk Nông |
DNG |
49 |
Quảng Trị |
QTI |
18 |
Điện Biên |
DBN |
50 |
TP. Hồ Chí Minh |
HCM |
19 |
Đồng Nai |
DNI |
51 |
Sơn La |
SLA |
20 |
Đồng Tháp |
DTP |
52 |
Sóc Trăng |
STG |
21 |
Gia Lai |
GLI |
53 |
Tây Ninh |
TNH |
22 |
Hà Giang |
HAG |
54 |
Thái Bình |
TBH |
23 |
Hà Nam |
HNM |
55 |
Thái Nguyên |
TNN |
24 |
Hà Nội |
HAN |
56 |
Thanh Hoá |
THA |
25 |
Hà Tĩnh |
HTH |
57 |
Thừa Thiên Huế |
TTH |
26 |
Hải Dương |
HDG |
58 |
Tiền Giang |
TGG |
27 |
Hải Phòng |
HPG |
59 |
Tuyên Quang |
TQG |
28 |
Hậu Giang |
HGG |
60 |
Trà Vinh |
TVH |
29 |
Hòa Bình |
HBH |
61 |
Vĩnh Long |
VLG |
30 |
Hưng Yên |
HYN |
62 |
Vĩnh Phúc |
VPC |
31 |
Kiên Giang |
KGG |
63 |
Yên Bái |
YBI |
32 |
Khánh Hòa |
KHA |
|
|
|
The code to be used for box no 5a as follows:
(Các ký tự hiển thị trong ô số 5a)
T Commercial/Thương mại
Z Zoos/Trao đổi giữa các vườn thú
G Botanical gardens/Trao đổi giữa các vườn thực vật
Q Circusese and travelling exhibitions/Xiếc hoặc triển lãm lưu động
S Scientific/Khoa học
H Hunting trophies/Săn lấy mẫu
P Personal/Tài sản cá nhân
M Bio-medical research/Nghiên cứu y sinh
E Educational/Giáo dục
N Reintroduction or introduction into the wild/Thả hoặc thả lại vào tự nhiên
B Breeding in captivity or artificial propagation/Gây nuôi sinh sản hoặc trồng cấy nhân tạo
The code to be used for box No. 10 as follows:
(Các ký tự hiển thị trong ô số 10)
W Speciemens taken from the wild/Mẫu vật được đánh bắt từ tự nhiên
R Speciemens originating from a ranching operation/Mẫu vật có nguồn gốc từ các cơ sở chăn nuôi
D Appendix I animals bred in captivity for commercial purpose or Appendix I plants artificially propagated for commercial purposes well as parts and products thereof, exported under the provisions of Article VII, paragraph 4, of the Conventio/Mẫu vật của các loài động, thực vật thuộc Phụ lục I được gây nuôi sinh sản và trồng cấy nhân tạo vì mục đích thương mại, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng, và được xuất khẩu theo quy định ở khoản 4, điều VII Công ước.
A Plants that are aritificially propagated in accordance with Resolution Conf 2.12 as well as parts and products thereof, exported under the provisions of Article VII, paragraph 5 of the Convention (speciemens of species included in Appendix I if they are not reproduced artificially for commercial purposes and speciemens of species included in Appendices II and III)/Các loài thực vật được trồng cấy nhân tạo theo quy định ở khoản a) của Nghị quyết 11.11, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng, được xuất khẩu theo quy định ở khoản 5, điều VII Công ước (mẫu vật các loài Phụ lục I được trồng cấy nhân tạo vì mục đích phi thương mại và mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II và III).
C Animals bred in captivity in accordance with Resolution Conf 2.12 as well as parts and products thereof, exported under the provisions of Article VII, paragraph 5 of the Convention (speciemens of species included in Appendix I if they are not bred in captivity for commercial purpose and speciemens of species included in Appendices II and III)/Các loài động vật được gây nuôi sinh sản theo quy định của Nghị quyết 10.16, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng, được xuất khẩu theo quy định ở khoản 5, điều VII Công ước (mẫu vật các loài thuộc Phụ lục I được gây nuôi sinh sản vì mục đích phi thương mại và mẫu vật các loài thuộc Phụ lục II và III)
F F1 - generation animals born in captivity, but which do not fulfil the definition of bred in captivity in Resolution Conf.2.12, as well as parts and products thereof/Các loài động vật được sinh ra trong các cơ sở gây nuôi sinh sản (F1 hoặc các thế hệ kế tiếp) nhưng chưa đáp ứng được quy định của định nghĩa "gây nuôi sinh sản" của Nghị quyết 10.16, kể cả các bộ phận và dẫn xuất của chúng
U Source unknown (Must be justified)/Nguồn gốc không rõ ràng (cần phải xác định)
I Confiscated or seized speciemens/Mẫu vật bị bắt hoặc thu giữ
CHỨNG CHỈ CITES XUẤT KHẨU MẪU VẬT LƯU NIỆM
SOUVERNIR EXPORT CERTIFICATE
Mã số cơ sở/Operation No: ________ Số chứng chỉ/Certificate _____________
No:
Tên và địa chỉ cửa hàng:/Name and Address of the Shop _____________
Tên khách hàng/Name of Customer: _____________
Quốc tịch/Nationality: _____________
Số hộ chiếu/Passport No: __________________________
TT No. |
Mô tả mẫu vật Description of Specimens |
Tên khoa học Scientific Name: |
Nguồn và Phụ lục Source & Appendice |
Số lượng Quantity |
1 |
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
4 |
|
|
|
|
Chữ ký và họ tên của chủ cơ sở/Signature and full Name of the Operation Owner: __________________________
Ngày/Date: _____________/_____________/20
Lưu ý/Important note:
- Chứng chỉ này chỉ được cấp tối đa cho mỗi khách hàng 4 đơn vị cho mỗi loại mẫu vật /This certificate is only valid for up to 4 items per customer
- Nếu cần thêm thông tin về giấy phép này xin liên hệ với/For further information or clarification on this certificate, please contact:
CITES Mamagement Authority of Vietnam
No. 02 Ngoc Ha Street, Hanoi; Tel: (84 24) 3733 5676
Fax: (84 24) 3734 6742; Email: cites_vn.kl@mard.gov.vn
CHỨNG CHỈ MẪU VẬT TIỀN CÔNG ƯỚC
PRE-CONVENTION CERTIFICATE
Cấp cho/Issuing for:___________________________________________
Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Identity card No:______________
Ngày cấp/Issuing date: _____________ Nơi cấp/Issuing place:_________
Tên loài/Name of species:______________________________________
Tên khoa học/tên thông thường/Scientific name/common name:________
Mô tả mẫu vật/Description of specimen:___________________________
Số đánh dấu/Marking No.:______________________________________
Nguồn và Phụ lục/Source & Appendice:___________________________
Số lượng/Quantity:____________________________________________
Ngày có mẫu vật/Date of accquisition:_____________________________
Giấy tờ hợp pháp/Legal document:_______________________________
Nơi cấp/Place:……………………………… Ngày cấp/Date……………………………………
Chữ ký, dấu của Cơ quan quản lý CITES/Signature and official seal:……………………….
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CITES/ SAMPLE REQUEST FOR CITES PERMIT
Kính gửi: ………………………………………………………………………….
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép/Name of requesting organization, individual:
- Tổ chức: Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có)/Organization: Fullname of the organization in Vietnamese and transaction name in English (if any):...............................................................................
- Cá nhân: Họ, tên ghi trong CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Individual: Fullname as appeared in ID/Passport:.....................................................
- Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/ID/Passport:……..Ngày cấp/date:…..Nơi cấp/place:.....................................................................
2. Địa chỉ, điện thoại/Address, cellphone/telephone number:
- Tổ chức: Địa chỉ trụ sở, số, ngày đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ/Organization: Address of head office, Business registration number, date of issue and cellphone/telephone number:...............................................
- Cá nhân: Địa chỉ thường trú, điện thoại/Individual: Permanent Address, cellphone/telephone number:..................................................................
3. Nội dung đề nghị/Request:..................................................................
4. Tên loài/(Name of species)
- Tên khoa học (tên La tinh)/Scientific name (Latin name):........................
- Tên thông thường (tiếng Anh, tiếng Việt)/Common name (English, Vietnamese):.........................................................................................
- Số lượng (bằng chữ: …)/Quantity (in words: ……):................................
- Đơn vị (con, kg, mảnh, chiếc …)/unit (individual, kg, piece ...):................
- Mục đích của việc đề nghị cấp giấy phép, chứng chỉ CITES:/Purpose of requesting for CITES permit:...................................................................
5. Nguồn gốc mẫu vật/Origin of specimens:.............................................
6. Mô tả chi tiết (kích cỡ, tình trạng, loại sản phẩm...)/Detailed description (size, status, type of products ...):............................................................
7. Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân xuất khẩu, nhập khẩu bằng tiếng Việt và tiếng Anh (nếu có)/Name and address of exporting and importing organization, individual in Vietnamese and in English (if any):...................
8. Thời gian dự kiến xuất, nhập khẩu/Expected exporting, importing time:
9. Cửa khẩu xuất, nhập khẩu (nêu rõ tên cửa khẩu, nước)/Export, import border gate (specify border gate’s name and country):.............................
10. Chứng từ gửi kèm/Attached documents:............................................
|
Địa điểm/place ... Ngày/date ... tháng/month ... năm/year ... |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-------------------
ĐỀ NGHỊ CẤP ẤN PHẨM CHỨNG CHỈ CITES XUẤT KHẨU MẪU VẬT LƯU NIỆM/ SAMPLE REQUEST FOR CITES SOUVERNIR EXPORT CERTIFICATE
Kính gửi/To1: ………………………………………………………………….
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị/Name of requesting organization, individual:
- Tổ chức: Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có)/Organization: Fullname of the organization in Vietnamese and transaction name in English (if any):.........................................................................
- Cá nhân: Họ, tên ghi trong CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Individual: Fullname as appeared in ID/Passport:.....................................................
- Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/ID/Passport:.....Ngày cấp/date:………Nơi cấp/place: …..
2. Địa chỉ, điện thoại/Address, cellphone/telephone number:
- Tổ chức: Địa chỉ trụ sở, số, ngày đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ/Organization: Address of head office, Business registration number, date of issue and cellphone/telephone number:...............................................
- Cá nhân: Địa chỉ thường trú, điện thoại/Individual: Permanent Address, cellphone/telephone number:..................................................................
- Địa chỉ cơ sở nuôi, cơ sở trồng, cơ sở chế biến, kinh doanh/ Operation address:................................................................................................
3. Mã số cơ sở nuôi, cơ sở trồng/Operation code:....................................
4. Tên loài/(Name of species)
- Tên khoa học (tên La tinh)/Scientific name (Latin name):........................
- Tên thông thường (tiếng Anh, tiếng Việt)/ Common name (English, Vietnamese):.........................................................................................
5. Mô tả chi tiết mẫu vật lưu niệm đề nghị cấp chứng chỉ CITES (kích cỡ, tình trạng, loại sản phẩm …)/Detailed description (size, status, type of products ...):........................................................................................................
6. Số lượng chứng chỉ đề nghị cấp:....(bằng chữ:...)/Quantity (in words:……):.............................................................................................................
7. Nguồn gốc mẫu vật/Origin of specimens (nuôi, trồng; khai thác hợp pháp từ tự nhiên; mua của các tổ chức, cá nhân khác, nhập khẩu ....):..............
8. Chứng từ gửi kèm/Attached documents:..............................................
|
Địa điểm/place ... Ngày/date ... tháng/month ... năm/year |
1 Cơ quan quản lý chuyên ngành thủy sản cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài thủy sản; Cơ quan Kiểm lâm cấp tỉnh đối với mẫu vật các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục Công ước CITES, trừ các loài thủy sản.
SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT, CHẾ BIẾN MẪU VẬT THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Tên tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến:.........................................
2. Loài (tên phổ thông và tên khoa học):..............................................
Nguyên liệu đầu vào |
Sản phẩm đầu ra |
Ghi chú |
||||||||
Ngày nhập |
Hồ sơ nguồn gốc |
Loại nguyên liệu (da, lông, ngà...) |
Đơn vị tính (cái/m2/cm3..) |
Lượng nguyên liệu |
Ngày sản xuất |
Sản phẩm (loại sản phẩm) |
Số lượng sản phẩm |
Kích thước SP (cm2/m2/cm3...) |
Nguyên liệu tiêu hao |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
- |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
* Ghi chú: Cột Tổng lượng nguyên liệu đầu vào và lượng nguyên liệu tiêu hao phải có cùng đơn vị tính toán
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------------
ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP CITES NHẬP NỘI TỪ BIỂN/ CHỨNG CHỈ CITES MẪU VẬT TIỀN CÔNG ƯỚC / SAMPLE REQUEST FOR CITES CERTIFICATE
Kính gửi: …………………………………………………………………….
1. Tên tổ chức, cá nhân đề nghị/Name of requesting organization, individual:
- Tổ chức: Tên đầy đủ bằng tiếng Việt và tên giao dịch bằng tiếng Anh (nếu có)/Organization: Fullname of the organization in Vietnamese and transaction name in English (if any):.........................................................................
- Cá nhân: Họ, tên ghi trong CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/Individual: Fullname as appeared in ID/Passport:.....................................................
- Số CMND/căn cước công dân/Hộ chiếu/ID/Passport.....Ngày cấp/date:….. Nơi cấp/place:……..
2. Địa chỉ, điện thoại/Address, cellphone/telephone number:
- Tổ chức: Địa chỉ trụ sở, số, ngày đăng ký kinh doanh, số điện thoại liên hệ/Organization: Address of head office, Business registration number, date of issue and cellphone/telephone number:...............................................
- Cá nhân: Địa chỉ thường trú, điện thoại/Individual: Permanent Address, cellphone/telephone number:..................................................................
3. Tên loài đề nghị/(Name of species)
- Tên khoa học (tên La tinh)/Scientific name (Latin name):........................
- Tên thông thường (tiếng Anh, tiếng Việt)/ Common name (English, Vietnamese):.........................................................................................
4. Mô tả chi tiết mẫu vật (kích cỡ, tình trạng, giới tính, độ tuổi, loại sản phẩm ...)/Detailed description (size, status, type of products ...):
5. Số lượng:…………(bằng chữ: …)/Quantity (in words: ……..):
6. Nguồn gốc mẫu vật/Origin of specimens (khai thác hợp pháp từ tự nhiên; khai thác tại vùng biển (tọa độ); mua của các tổ chức, cá nhân khác ....):..
7. Chứng từ gửi kèm/Attached documents:..............................................
|
Địa điểm/place ... Ngày/date ... tháng/month ... năm/year ... |
MẪU SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
MẪU SỔ THEO DÕI HOẠT ĐỘNG NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG1
(Không áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:...............................
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):.....................................................................................................
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:.......................................................
4. Tên khoa học của loài nuôi:................................................................
5. Hình thức nuôi: □ Nuôi sinh sản □ Nuôi khác
6. Mã số cơ sở nuôi: ..............................................................................
Ngày |
Tổng số cá thể nuôi |
Cá thể bố mẹ |
Đàn giống hậu bị |
Số lượng con dưới 1 tuổi |
Số lượng cá thể trên 1 tuổi |
Nhập cơ sở (mua, sinh sản ..vv) |
Xuất cơ sở (bán, cho tặng, chết…) |
Ghi chú |
Xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm/Cơ quan thủy sản |
|||||||||||
Tổng |
Đực |
Cái |
Không xác định |
Đực |
Cái |
Đực |
Cái |
Đực |
Cái |
Không xác định |
Đực |
Cái |
Không xác định |
Đực |
Cái |
Không xác định |
||||
1 |
2= 3+4+5 |
3= 6+8+11+14-17 |
4= 7+9+12+15-18 |
5= 10+13+16-19 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
21 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng.
2. Cột số 11, 12 và 13 không bao gồm số cá thể ở đàn giống hậu bị, số cá thể bố mẹ.
3. Cột 21, cán bộ Kiểm lâm, cán bộ cơ quan thủy sản ký xác nhận khi kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã.
1 Mỗi loài có 01 sổ theo dõi riêng
SỔ THEO DÕI NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES, ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG2
(Áp dụng cho cơ sở nuôi sinh trưởng)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:...............................
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):.....................................................................................................
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:.......................................................
4. Tên khoa học của loài nuôi:................................................................
5. Hình thức nuôi: Nuôi sinh trưởng
6. Mã số cơ sở nuôi:...............................................................................
Ngày |
Tổng số cá thể nuôi |
Số lượng con dưới 1 tuổi |
Số lượng cá thể trên 1 tuổi |
Nhập cơ sở (mua, sinh sản ..vv) |
Xuất cơ sở (bán, cho tặng, chết..) |
Ghi chú (ví dụ số chíp ...) |
Xác nhận của Cơ quan Kiểm lâm/Cơ quan thủy sản |
|||||||||
Tổng |
Đực |
Cái |
Không xác định |
Đực |
Cái |
Không xác định |
Đực |
Cái |
Không xác định |
Đực |
Cái |
Không xác định |
||||
1 |
2= 3+4+5 |
3= 7+10-13 |
4= 8+11-14 |
5= 6+9+12-15 |
6 |
7 |
8 |
9 |
10 |
11 |
12 |
13 |
14 |
15 |
16 |
17 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng.
2. Cột 17, cán bộ của Cơ quan cấp mã số ký xác nhận khi kiểm tra các cơ sở nuôi động vật hoang dã.
2 Mỗi loài có 01 sổ theo dõi riêng
SỔ THEO DÕI SINH SẢN CỦA ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES VÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
(Áp dụng cho các loài động vật đẻ trứng)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:...............................
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):.....................................................................................................
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:.......................................................
4. Tên khoa học của loài nuôi:................................................................
5. Độ tuổi của các cá thể bố mẹ:.............................................................
6. Hình thức nuôi: □ Nuôi sinh sản □ Nuôi khác
7. Mã số cơ sở nuôi:...............................................................................
TT |
Ngày (lấy trứng khỏi tổ/ ấp trứng/ con non nở, chết ...) |
Số cá thể bố mẹ |
Số lượng trứng |
Số lượng trứng được đưa vào ấp |
Số con non nở |
Số con con bị chết |
Số con non còn sống |
Số con con cộng dồn theo thời gian |
Số con non tách khỏi khu nuôi nhốt (tách đàn) |
Số con non còn lại |
Ghi chú |
Xác nhận của cơ quan Kiểm lâm/ thủy sản |
|
Đực |
Cái |
||||||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5 |
6 |
7 |
8 |
9=7-8 |
10 |
11 |
12=10-11 |
13 |
14 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Sổ theo dõi sinh sản của động vật hoang dã được lập riêng cho từng loài.
2. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng hoặc kết thúc mùa sinh sản của động vật.
3. Số cá thể tách khỏi khu nuôi nhốt con non được hiểu là khi chủ nuôi bán con giống hoặc con non được gia nhập đàn với các cá thể trưởng thành.
SỔ THEO DÕI SINH SẢN CỦA ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM, ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES VÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
(Áp dụng cho các loài động vật đẻ con)
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi:...............................
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở nuôi và địa điểm nuôi):.....................................................................................................
3. Tên tiếng phổ thông của loài nuôi:.......................................................
4. Tên khoa học của loài nuôi:................................................................
5. Độ tuổi của các cá thể bố mẹ:.............................................................
6. Hình thức nuôi: □ Nuôi sinh sản □ Nuôi khác
7. Mã số cơ sở nuôi: ..............................................................................
TT |
Ngày (đẻ, chết...) |
Số cá thể bố mẹ |
Số con non nở |
Số con con bị chết |
Số con non còn sống |
Số con con cộng dồn theo thời gian |
Số con non tách khỏi khu nuôi nhốt (tách đàn) |
Số con non còn lại |
Ghi chú |
Xác nhận của cơ quan Kiểm lâm/ thủy sản |
|
Đực |
Cái |
||||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
7 |
8 |
9=7-8 |
10 |
11 |
12=10-11 |
13 |
14 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Sổ theo dõi sinh sản của động vật hoang dã được lập riêng cho từng loài.
2. Số liệu tại sổ, chủ nuôi phải ghi chép ngay khi có sự thay đổi và chốt định kỳ vào ngày cuối cùng của tháng hoặc kết thúc mùa sinh sản của động vật.
3. Số cá thể tách khỏi khu nuôi nhốt con non được hiểu là khi chủ nuôi bán con giống hoặc con non được gia nhập đàn với các cá thể trưởng thành.
MẪU SỔ THEO DÕI CƠ SỞ TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC CITES
sổ theo dõi cơ sở nhân giống nhân tạo thực vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và thực vật hoang dã thuộc phụ lục cites
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng:..............................
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng và địa điểm trồng):...................................................................................................
3. Tên tiếng phổ thông của loài thực vật:.................................................
4. Tên khoa học của loài thực vật:...........................................................
5. Mã số cơ sở trồng:.............................................................................
Ngày |
Tập đoàn cây giống |
Số lượng cây trong bình vô trùng |
Số lượng cây non |
Số cây trưởng thành |
Bổ sung (mua hoặc các cách khác) |
Chuyển giao (bán hoặc các cách khác) |
Ghi chú |
||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
Tập đoàn cây giống: Ghi rõ số lượng cây giống ban đầu và nguồn gốc số cây giống đó.
Số lượng cây trong bình nghiệm: Ghi chép số lượng cây cấy mô nhân giống trong bình vô trùng.
Cây non: Ghi chép số lượng cây được đưa ra nuôi trồng. Để có được con số này, ta có thể lấy tổng số cây được lấy ra từ bình vô trùng nuôi trồng thành công trong 1 tháng đầu.
Cây trưởng thành: Ghi chép số lượng cây sống được trong 6 tháng đầu và tiếp tục được nuôi lớn cho đến khi ra hoa/quả hoặc sản phẩm xuất bán.
Bổ sung: Cột này được sử dụng để ghi chép số cây có được do mua từ các cơ sở khác, nhập khẩu. Ngày tiến hành bổ sung số cây cũng phải được ghi chép. Cây nhập khẩu phải ghi chú nước xuất xứ và số giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu ở cột ghi chú
Chuyển giao: Cột này được dùng để ghi chép số cây xuất khẩu hay bán đi. Cũng cần ghi chép lại ngày những cây đó được xuất khẩu hoặc bán đi. Khi thực vật xuất khẩu hoặc bán cho các cơ sở nuôi trồng khác thì ghi lại số giấy phép CITES xuất khẩu/giấy phép vận chuyển đặc biệt nếu có ở cột ghi chú.
Ghi chú: Sử dụng cột này để ghi chép những chi tiết về việc khai thác cây giống tự nhiên, bổ sung hoặc chuyển giao (ví dụ số giấy phép khai thác, số giấy phép vận chuyển, điểm đến của lô hàng được bán hay xuất khẩu, nguồn thực vật được bổ sung vào cơ sở,.....)
Phải ghi chép vào sổ khi:
(1) bổ sung thêm thực vật vào vườn ươm
(2) thực vật được trồng tại vườn ươm bị chết hoặc bán đi; và
(3) chuyển thực vật một hạng tuổi sang hạng tuổi khác (ví dụ chuyển cây từ bình vô trùng sang cây non)
Ghi chú: Dành cho chủ cơ sở trồng, Cơ quan cấp mã số cần lưu để theo dõi sau mỗi lần kiểm tra.
SỔ THEO DÕI CƠ SỞ TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC VẬT HOANG DÃ THUỘC PHỤ LỤC CITES
1. Họ và tên của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng:..............................
2. Địa chỉ (gồm địa chỉ của tổ chức, cá nhân là chủ cơ sở trồng và địa điểm trồng):...................................................................................................
3. Tên tiếng phổ thông của loài thực vật:.................................................
4. Tên khoa học của loài thực vật:...........................................................
5. Mã số cơ sở trồng:.............................................................................
Ngày |
Số lượng |
Đơn vị tính |
Diện tích trồng |
Năm trồng |
Bổ sung (mua hoặc các cách khác) |
Chuyển giao (bán hoặc các cách khác) |
Ghi chú |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Bổ sung: Cột này được sử dụng để ghi chép số cây có được do mua từ các cơ sở khác, nhập khẩu. Ngày tiến hành bổ sung số cây cũng phải được ghi chép. Cây nhập khẩu phải ghi chú nước xuất xứ và số giấy phép xuất khẩu/nhập khẩu ở cột ghi chú
Chuyển giao: Cột này được dùng để ghi chép số cây xuất khẩu hay bán đi. Cũng cần ghi chép lại ngày những cây đó được xuất khẩu hoặc bán đi. Khi thực vật xuất khẩu hoặc bán cho các cơ sở nuôi trồng khác thì ghi lại số giấy phép CITES xuất khẩu/giấy phép vận chuyển đặc biệt nếu có ở cột ghi chú.
Ghi chú: Sử dụng cột này để ghi chép những chi tiết về việc khai thác cây giống tự nhiên, bổ sung hoặc chuyển giao (ví dụ số giấy phép khai thác, số giấy phép vận chuyển, điểm đến của lô hàng được bán hay xuất khẩu, nguồn thực vật được bổ sung vào cơ sở, ...)
Phải ghi chép vào sổ khi:
(1) bổ sung thêm thực vật vào vườn ươm.
(2) thực vật được trồng tại vườn ươm bị chết hoặc bán đi;
CƠ QUAN CHỦ QUẢN |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
|
………, ngày tháng …… năm …… |
Hoạt động nuôi, trồng thực vật rừng, động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật, thực vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường
I. HOẠT ĐỘNG NUÔI ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM; ĐỘNG VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES VÀ ĐỘNG VẬT RỪNG THÔNG THƯỜNG
1. Thông tin về các cơ sở nuôi động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc các Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường
TT |
Họ tên và địa chỉ của chủ nuôi |
Tên loài nuôi |
Tổng |
Đàn bố mẹ |
Đàn hậu bị |
Cá thể dưới 1 tuổi |
Số cá thể trên 1 tuổi |
Mã số cơ sở nuôi |
Ngày được cấp mã số |
Mục đích nuôi |
Ghi chú |
||||||||
Tên thông thường |
Tên khoa học |
Tổng |
Đực |
Cái |
Tổng |
Đực |
Cái |
Tổng |
Đực |
Cái |
Không xác định |
||||||||
1 |
2 |
3 |
4 |
5= 6+9+12+13 |
6=7+8 |
7 |
8 |
9= 10+11 |
10 |
11 |
12 |
13= 14+15+16 |
14 |
15 |
16 |
17 |
18 |
19 |
20 |
A |
Quận/huyện.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I. |
Xã/phường.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
II. |
Xã/phường.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
B |
Quận/huyện.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
I. |
Xã/phường.... |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Tổng |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú:
1. Các cơ sở nuôi sinh sản phải điền đầy đủ thông tin, các cơ sở nuôi khác không điền thông tin tại các cột 6,7,8,9,19 và 11.
2. Mục đích nuôi được ghi như sau: (T) Thương mại; (Z) Vườn thú, trưng bày; (Q) Biểu diễn xiếc; (R) Cứu hộ; (S) Nghiên cứu khoa học; (O) Khác
2. Số liệu tổng hợp về các loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm; động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES và động vật rừng thông thường nuôi
TT |
Tên loài nuôi |
Số lượng |
Ghi chú |
|||
Tên thông thường |
Tên khoa học |
Tổng số cá thể |
Tổng số cơ sở nuôi |
Số cơ sở đã đăng ký mã số |
||
1 |
2 |
3 |
4 |
5=6+7 |
6 |
7 |
I |
Động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm và động vật hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục CITES |
|||||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
II |
Động vật rừng thông thường |
|||||
1 |
|
|
|
|
|
|
2 |
|
|
|
|
|
|
3 |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
… |
|
|
|
|
|
|
Tổng |
|
|
|
|
II. TRỒNG THỰC VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
TT |
Họ và tên chủ cơ sở trồng |
Loài thực vật trồng |
Số lượng cây trồng |
Ngày/năm trồng |
Ngày đăng ký |
Ghi chú |
|||
Tên phổ thông |
Tên khoa học |
Số lượng |
Đơn vị tính |
Diện tích (ha) |
|||||
A |
Huyện ……….. |
|
|
|
|
|
|
|
|
I |
Xã …………. |
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
III. KHAI THÁC TỪ TỰ NHIÊN THỰC VẬT RỪNG, ĐỘNG VẬT RỪNG NGUY CẤP, QUÝ, HIẾM VÀ ĐỘNG VẬT, THỰC VẬT HOANG DÃ NGUY CẤP THUỘC PHỤ LỤC CITES
TT |
Tổ chức, cá nhân khai thác |
Loài động vật, thực vật khai thác |
Mẫu vật khai thác |
Địa điểm khai thác (chi tiết đến lô, khoảnh) |
Ghi chú |
||||
Tên |
Địa chỉ |
Tên phổ thông |
Tên khoa học |
Loại mẫu vật KT |
Số lượng |
ĐV tính |
|||
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
NGƯỜI LẬP |
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ |
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu trồng thực vật)
Tên cơ sở:.............................................................................................
Tỉnh: ……………………………………………… Ngày kiểm tra:..................
Ngày kiểm tra lần trước:……………………
|
Kiểm tra lần trước |
Kiểm tra lần này |
Chênh lệch |
Số lượng cây non |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cây trưởng thành |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cây đã chuyển giao |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Nhận xét
.............................................................................................................
.............................................................................................................
.............................................................................................................
.............................................................................................................
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
…………………. Tên cán bộ kiểm tra |
…………………. Chữ ký |
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh trưởng động vật)
Tên cơ sở:.............................................................................................
Tỉnh ………………….………………….………………….Ngày kiểm tra:.......
Ngày kiểm tra lần trước ………………………
|
Kiểm tra lần trước |
Kiểm tra lần này |
Chênh lệch |
Số lượng trứng |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con non |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con một tuổi |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng đàn nuôi lớn |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cá thể đã chuyển giao |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cá thể mới |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Nhận xét
.............................................................................................................
.............................................................................................................
.............................................................................................................
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
…………….. Tên cán bộ kiểm tra
|
…………….. Chữ ký |
Ghi chú: Dành cho Cơ quan cấp mã số
Chú ý: Sau mỗi lần kiểm tra, công chức kiểm tra phải gạch chéo và ký tên vào báo cáo này
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài động vật đẻ trứng)
Tên cơ sở:.............................................................................................
Tỉnh ………………………………. Ngày kiểm tra.......................................
Ngày kiểm tra lần trước ……………………..
|
Kiểm tra lần trước |
Kiểm tra lần này |
Chênh lệch |
Số lượng con đực sinh sản |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con cái sinh sản |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng đàn giống hậu bị |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng trứng |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con non |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con một tuổi |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng đàn nuôi lớn |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cá thể đã chuyển giao |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cá thể mới |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Nhận xét
.............................................................................................................
.............................................................................................................
.............................................................................................................
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
………………. Tên cán bộ kiểm tra |
…………………. Chữ ký |
Ghi chú: Dành cho Cơ quan cấp mã số
Chú ý: Sau mỗi lần kiểm tra, công chức kiểm tra phải gạch chéo và ký tên vào báo cáo này
(Dành cho Cơ sở có hoạt động nghiên cứu nuôi sinh sản loài đẻ con)
Tên cơ sở:.............................................................................................
Tỉnh ……………………………………………… Ngày kiểm tra....................
Ngày kiểm tra lần trước ……………….
|
Kiểm tra lần trước |
Kiểm tra lần này |
Chênh lệch |
Số lượng con đực sinh sản |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con cái sinh sản |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng đàn giống hậu bị |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con non |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng con một tuổi |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng đàn nuôi lớn |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cá thể đã chuyển giao |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Số lượng cá thể mới |
------------------ |
------------------ |
------------------ |
Nhận xét
.............................................................................................................
.............................................................................................................
Kết quả kiểm tra Đạt yêu cầu □ Không đạt yêu cầu □
……………….. Chữ ký Tên cán bộ kiểm tra |
…………………….. Chữ ký Tên chủ cơ sở |
Ghi chú: Dành cho Cơ quan cấp mã số
Chú ý: Sau mỗi lần kiểm tra, công chức kiểm tra phải gạch chéo và ký tên vào báo cáo này.
THE GOVERNMENT |
SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM |
No.06/2019/ND-CP |
Hanoi, January 22, 2019 |
ON MANAGEMENT OF ENDANGERED, PRECIOUS AND RARE SPECIES OF FOREST FAUNA AND FLORA AND OBSERVATION OF CONVENTION ON INTERNATIONL TRADE IN ENDANGERED SPECIES OF WILD FAUNA AND FLORA
Pursuant to the Law on Government of organization dated June 19, 2015;
Pursuant to the Law on Forestry dated November 15, 2017;
Pursuant to the Law on Fisheries dated November 21, 2017;
Pursuant to the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora;
At the request of the Minister of Agriculture and Rural Development;
The Government promulgates a Decree on management of endangered, rare and precious species of forest fauna and flora and observation of the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora.
This Decree provides for a list of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora; management and protection of and procedures for exploitation endangered, precious and rare species of forest fauna and flora; nurture of usual forest fauna; observation of the Convention on International Trade in Endangered Species of Wild Fauna and Flora (hereinafter referred to as "CITES”) in Vietnam.
This Decree applies to regulatory agencies, domestic organizations, family households and individuals; Vietnamese people who permanently resides in foreign countries and foreign organizations and individuals performing activities related to endangered, precious and rare species of forest fauna and flora and endangered species of wild fauna and flora on the CITES Appendices; nurture of usual forest fauna within the territory of Vietnam.
For the purposes of this Decree, the terms below shall be construed as follows:
1. “species” means any species, subspecies or geographically separate population thereof.
2. “hybrid” means the result of cross or transplant between two species or two subspecies of animals or plants. If the hybrid is generated by cross or transplant between two species in different Groups or Appendices, such hybrid shall be managed like the species in the Group or Appendix which is entitled to a level of protection greater than the others.
3. CITES permits and CITES certificates issued by the CITES management authority of Vietnam shall apply to legal export, import, re-export, re-import and introduction from the sea of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora; export of specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora prescribed herein and not on the list of species specified in CITES Appendices.
4. CITES Appendices include:
a) Appendix I listing species threatened with extinction, prohibited from export, import, re-export, introduction from the sea and transit of natural specimens for commercial purposes.
b) Appendix II listing species that, although currently not threatened with extinction, may become so without control of export, import, re-export, introduction from the sea and transit of natural specimens thereof for commercial purposes.
c) Appendix III listing species for which a CITES party has asked other Parties to assist in controlling export, import, re-export for commercial purpose.
5. “organ of endangered wild fauna and flora” means any raw or processed (maintained or polished) component such as skin, husk or root of a species which shows a sign of identification of such species.
6. “derivative of fauna and flora” means any form of substances generated by animals and plants such as blood and bile of animals; resin and essential oil of plants or parts of animals and plants that has been processed such as medicines, perfume, watches, bags and so on.
7. “specimen of endangered species of wild fauna and flora” means any alive or dead wild animal and plant, egg, larva, organ and derivative thereof.
8. “normal forest fauna" include species in the mamma, aves, reptilia and amphinia class and not on the list of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora issued by the Government or CITES-listed species; the list of domesticated animals under provisions of the law on animal husbandry.
9. “exploitation of specimens of fauna and flora " means sampling wild fauna and flora in a natural environment.
10. “for commercial purpose" means any transaction of wild animal and plant specimens for profit.
11. “for non-profit purpose” means any activities serving foreign affairs, scientific research, exchanges among zoos, arboreta and museums; exhibition for product introduction; circus performance; exchange and return of specimens among CITES management authorities.
12. “zoo” means a place used for collection and nurture of wild fauna for the purpose of exhibition, multiplication, environmental education and scientific research.
13. “arboretum” means a place used for collection and nurture of wild flora for the purpose of exhibition, multiplication, environmental education and scientific research.
14. “introduction from the sea” means transportation into the territory of Vietnam of specimens of any species of wild fauna and flora which were taken in the marine environment not under the jurisdiction of any State.
15. “re-export" means export of specimens previously imported.
16. “ controlled environment” means an environment under human management for the purpose of generating purebreds or hybrids. The controlled environment must meet conditions for prevention spread or break-in of fauna, flora, eggs, gametes, zygotes, seeds, germs and epidemics out of or at such environment.
17. "raising facility" means any facility rearing, breeding endangered, precious and rare species of forest fauna and/or CITES-listed endangered species of wild fauna and flora and/or normal forest fauna; facility of artificial production of endangered, precious and rare species of flora and/or CITES-listed wild flora for profit or non-profit purposes.
18. “rearing” means nurturing naturally-generated young wild fauna and eggs of wild fauna for growing and caring purpose until they can give births to their babies in the controlled environment.
19. “breeding" means nurturing wild fauna for reproduction of next generations in the controlled environment.
20. “artificial production” means growing or transplanting flora from seeds, germs, zygotes or other methods for multiplication of wild flora in the controlled environment.
21. “cultivar source" means the legal first animal individual nurtured in a breeding facility for production of individuals of next generations.
22. "F1 hybrid" include individuals generated in the controlled environment whose one of their parents is exploited from nature.
23. “F2 hybrid or the subsequent generations include individuals generated in the controlled environment by couples of F1 hybrids and subsequent generations.
24. “personal belongings and home appliances originated from wild fauna and flora” mean specimens with legal origin of individuals or family households. Alive specimens shall not be considered personal belongings or home appliances.
25. “souvenir specimen” means any personal belonging or home appliance taken from the outside of the State in which the owner thereof is permanently resides. Alive animals shall not be considered souvenir specimens.
26. “hunted specimen” means any specimen collected from legal hunting.
27. “pre-Convention specimen” means any specimen collected prior to the day on which such specimen is included into CITES Appendices or before participation in the CITES of range states if:
a) such specimen is taken out from its natural habitat;
b) such specimen is generated in the controlled environment;
c) the owner thereof holds the legal ownership of such specimen.
28. “CITES party” means any state for which the CITES has entered to force.
LIST AND MANAGEMENT OF ENDANGERED, PRECIOUS AND RARE SPECIES OF FOREST FAUNA AND FLORA; NURTURE OF NORMAL FOREST FAUNA
Article 4. List of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. The list of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora issued thereto includes:
a) Group I including species of forest fauna and flora threatened with extinction and banned from exploitation or use for commercial purpose and species in CITES Appendix I naturally inhabiting Vietnam.
Group IA including forest flora.
Group IB including forest fauna.
b) Group II including species of forest fauna and flora that, although currently not threatened with extinction but may become so without strict control of exploitation and use for commercial purpose and species specified in CITES Appendix II naturally inhabiting Vietnam.
Group IIA including forest flora.
Group IIB including forest fauna.
2. Amendments to the list of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora.
The Ministry of Agriculture and Rural Development shall send a proposal of amendments to the list of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora once every five years or in case there is any change in species specified in Clause 1 this Article or the list of species provided in CITES Appendix I and II related to species of forest fauna and flora naturally inhabiting Vietnam.
Article 5. Protection of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. Hunting, capture exploitation, nurture, slaughter, storage, processing, transportation and sale of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora must not produce harmful effects on the existence, growth and development of such species in nature.
2. Hunting, capture, exploitation, nurture, slaughter, storage, processing, transportation, sale, promotion, exhibition, export, import, temporary import for export, temporary export for import of specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora must be managed to ensure legal origin thereof.
3. Permanent habitat of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora shall be studied as a basis for establishment of special-use forest areas.
4. Organizations, family households and individuals conducting production, construction, investigation, survey, research, sightseeing, travelling or performing other activities within the areas with endangered, species and rare species of forest fauna and flora must comply with regulations hereof and other relevant law provisions.
Article 6. Investigation into and assessment of current state of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. Endangered, precious and rare species of forest fauna and flora shall be investigated and assessed in conjunction with forest investigation under regulations on forest management.
2. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall carry out investigation into and assessment of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora nationwide while provincial-level People’s Committees shall carry out investigation and assessment in provincial forest areas.
3. The State shall encourage forest owners to carry out investigation into and assessment of current state and development of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora in the area allocated or leased out by the State.
Article 7. Scientific research on endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. Scientific research on preservation and sustainable development of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora shall be conducted according to the approved topic and project and shall comply with regulations on forest management.
2. A written report shall be sent to the forest owner and provincial-level forestry state management agency for supervision purpose before such scientific research.
Article 8. Actions taken in case of harm or threat to human life by endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. In case endangered, precious and rare forest fauna cause harm to or pose a threat to human life or assets; organizations and individual shall take measures to drive away such fauna but restrict harm to them and notify the nearest forestry administration or commune-level or provincial People’s Committee.
2. In case endangered, precious and rare forest fauna pose a direct threat to human life outside special-use and protection forests, Chairpersons of provincial People’s Committees shall decide and give guidelines on trapping, hunting or capturing such fauna if obtaining no result after taking measures to drive them away.
3. Handling of hunted, trapped or captured specimens of wild fauna specified in Clause 2 this Article shall comply with regulations in Article 10 and 32 hereof.
Article 9. Exploitation, raising, processing, promotion, transportation and export of and trade in specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. Exploitation, raising, processing, promotion, exhibition, export, transportation, storage of and trade in specimens of Group I endangered, precious and rare species of forest fauna and flora shall comply with regulations hereof for species specified in CITES Appendix I.
2. Exploitation, raising, processing, promotion, exhibition, export, transportation, storage of and trade in specimens of Group II endangered, precious and rare species of forest fauna and flora shall comply with regulations hereof for species specified in CITES Appendix II.
3. The CITES permit for import may be excluded from the application for a license for export of specimens of Group I endangered, precious and rare species of forest fauna and flora not included in CITES Appendix I.
Article 10. Handling of seized endangered, precious and rare species of forest fauna and flora
1. Handling of alive specimens:
a) Post-seizure handling of alive specimens must provide care for such specimens to avoid risks of death thereof.
b) Specimens shall be transferred to the local forestry administration after handling for the purpose of care and maintenance. Alive specimens shall be handled in the following order of priority: reintroduction of specimens into the natural environment suitable for their living conditions and natural distribution if such specimens are found healthy; or transfer to animal rescue agencies, zoos or arboretum in case such specimens are needed to be rescued or eliminated.
2. Specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora not specified in Clause 1 this Article shall be handled as follows:
a) Specimens of Group IA and IB species shall be handled in compliance with provisions of the law on management and use of public assets;
b) Specimens of Group IIA and IIB species shall be transferred to research organizations, environmental education institutions or specialized museums for exhibition purpose for preservation education; or sold, through auction, to organizations or individuals raising, processing or trading such species as per law provisions; or destructed in case it is impossible to implement other measures.
Article 11. Nurture of normal forest fauna
Every facility nurturing normal forest fauna must:
1. ensure their forest fauna has legal origin under law provisions;
2. ensure safety of human and comply with law provisions on environment and veterinary;
3. record development of their animals in to a logbook according to Form No.16 provided in the Appendix issued thereto and notify the local forestry administration of nurture of normal forest fauna within 3 working days from the day on which such fauna is taken to the nurturing facility for monitoring and management purpose.
Article 12. Exploitation of specimens of endangered species of wild fauna and flora specified in CITES Appendix I and II
1. Natural specimens of species specified in CITES Appendix I shall be exploited to:
a) serve scientific research themes and projects;
b) generate the source of original breed for breeding and artificial production purpose;
c) serve foreign affairs under decisions issued by the Prime Minister
2. Natural specimens of species specified in CITES Appendix II shall be exploited to:
a) serve scientific research themes and projects;
b) generate the source of original breed for breeding and artificial planting purpose;
c) serve foreign affairs under decisions issued by the Prime Minister
d) serve the purpose of sustainable trade as per law provisions
3. Entities exploiting the aforesaid specimens are required to:
a) have an exploitation plan according Form No.01 and 02 provided in Appendix issued thereto.
b) notify the exploitation to the provincial-level state management agency in forestry or fisheries before such exploitation;
c) exploit such specimens in such a way that no harmful effect is produced on preservation and sustainable development of the species.
d) comply with Vietnamese law provisions and CITES provisions on exploitation of specimens of endangered, precious and rare species of wild fauna and flora.
Article 13. Inspection and supervision of exploitation of specimens of endangered species of wild fauna and flora specified in CITES Appendix I and II
1. Provincial-level forestry state management agencies shall conduct inspection and supervision of exploitation and origin of specimens of species provided in CITES Appendix I and II in the areas under management.
2. Provincial-level fisheries state management agencies shall conduct inspection and supervision of fisheries and origin of specimens of species provided in CITES Appendix I and II in the areas under management.
Article 14. Conditions for raising of CITES-listed endangered wild fauna and flora for non-profit purpose
1. There must exist the approved scientific research topic and project and raising plan according to Form No.04, 05, 06 and 07 provided in Appendix issued thereto.
2. The raising facility shall be suitable for growing characteristics of the raised species and must ensure safety of human and animals, environmental hygiene and take measures to prevent diseases.
3. The breed and plant varieties shall be sourced in a legal manner; specimens shall be seized as per law provisions after handling and endangered species of wild fauna and flora shall be imported in a legal manner or specimens thereof shall be imported from other legal raising facilities.
4. The raising facility shall keep a logbook of animal raising according to Form No.16 or one of plant raising according to Form No.17 provided in Appendix issued thereto and send periodic reports to the provincial-level state management agency in fisheries and in forestry and stay under their management.
Article 15. Conditions for raising of CITES-listed endangered wild fauna and flora for commercial purpose
1. With regard to fauna:
a) The breed must be legally sourced; specimens shall be seized as per provisions after handling and import of fauna shall be carried out in a legal manner or specimens must be imported from other legal raising facilities;
b) Animal housings shall be constructed suitable for characteristics of the species and meet conditions for safety of human and animals, environmental hygiene and disease prevention.
c) The raised species is the ones declared by the CITES scientific authority of Vietnam to have potential for giving birth to young individuals through generations in the controlled environment; breeding and rearing of such species have been certified not to produce any impact on existence of such species and relevant ones in nature by the CITES scientific authority of Vietnam;
d) There must be a raising plan according to Form No.04 and 06 provided in Appendix issued thereto.
2. With regard to flora:
a) The plant varieties shall be legally sourced; specimens shall be seized as per law provisions after handling and the flora shall be imported in a legal manner or plant specimens shall be imported from other legal raising facilities.
b) The raising facility must be suitable for characteristics of the species;
c) There must be a raising plan according to Form No.05 and 07 provided in Appendix issued thereto.
3. The raising facility shall keep a raising logbook according to Form No.16 and 17 provided in Appendix issued thereto and send periodic reports to the provincial-level state management agency in fisheries and in forestry, and stay under their management.
Article 16. Codes of raising facilities
1. The code shall include name, address and contacting information of the raising facility, information about the raised species according to Form No.08 provided in Appendix issued thereto.
2. Code's meanings:
a) The two first letters of the code represent the Appendix and type of the specimen, to be specific: IA means the plant listed in Appendix I or Group I; IB shows the animal listed in Appendix I or Group I; IIA means the plant included in Appendix II or Group II and IIB shows the animal specified in Appendix II or Group II provided in the list issued thereto;
b) The next letters of the code express the purpose of the raising facility, to be specific: they will be the national code in case of raising for non-profit purpose or abbreviated name of the province in which the facility of animal and plant raising for commercial purpose is located. The convention on abbreviation of city or provincial names shall be specified in Form No.08 provided in Appendix issued thereto.
c) The next numbers of the code shows the order number of the raising facility in the province.
3. In case one facility simultaneously raises specimens of more than one species subject to different protection regulations, the code of such facility shall be given according to the species with the highest level of management and protection.
Article 17. Registration of codes of facilities raising endangered wild fauna and flora specified in CITES Appendix I
1. Code issuer
The CITES management authority of Vietnam shall take charge of issuing codes of facilities raising species included in CITES Appendix I (“hereinafter referred to as “the code”).
2. The application for registration of the code includes:
a) An application form for issuance of the code according to Form No.3 provided in Appendix issued thereto;
b) The original copy of raising plan according to Form No.04 or No.05 provided in Appendix issued thereto.
3. Procedures for receiving applications and issuance of the code
a) The legal representative of the raising facility shall send, directly or by post or via the national single-window system, an application specified in Article 2 this Article to the CITES management authority of Vietnam;
b) The CITES management authority of Vietnam shall grant the code to the facility within 5 working days from the day on which the satisfactory application is received. In case field inspection of raising conditions specified Article 14 and 15 hereof is required, the CITES management authority of Vietnam shall take charge and cooperate with the CITES scientific authority of Vietnam and other organizations in carrying out such inspection and grant the code within 30 days.
In case the application is found unsatisfactory, the CITES management authority of Vietnam shall notify the facility within 3 working days from the day on which such application is received;
c) The facility raising fauna and flora specified in CITES Appendix I for commercial purpose shall make a code registration with the CITES secretariat and the CITES management authority of Vietnam shall prepare a satisfactory application within 15 working days and send it to the CITES secretariat, and grant the code within 3 working days from the day on which the secretariat’s notice is received.
d) The CITES management authority of Vietnam shall post the issued code its website within 1 working day from the day the code is issued.
4. In case the facility raises more than one species, including the one specified in CITES Appendix I, its code shall be issued as prescribed in this Article.
5. The code shall be discarded if requested by the raising facility or if the raising facility fails to meet raising conditions or if it commits violations against regulations specified herein and relevant law provisions.
6. Handling of fauna and flora voluntarily returned to the State by the raising facility owner:
a) The legal representative of the raising facility which voluntarily returns the fauna and flora to the State shall notify such return to:
the provincial-level fisheries state management agency (for aquatic species);
the Forest Protection Department (for other species of fauna and flora);
b) Handling of fauna and flora voluntarily returned by the raising facility owner:
The agencies specified in Point a this Clause shall handle the fauna and flora voluntarily returned by the owner of the raising facility within 15 working days from the day on which the notification from such owner is received in the following order of priority:
Release into the natural environment suitable for the habitat and natural distribution of the returned species if such species is healthy and has the potential for re-production;
Transfer to the animal rescue agency; zoo or arboreta or the scientific research institution, environmental education institution or the specialized museum for preservation research and education purpose;
Destroy in case the returned fauna and flora suffer from a disease or when the actions mentioned above fail to be taken;
c) The agencies specified in Point a this Clause shall send a report on the handling results to the CITES management authority of Vietnam and the owner of the raising facility that voluntarily return the fauna and flora within 3 working days from the day on which the returned fauna and flora is completely handled.
Article 18. Registration of codes of facilities raising endangered wild fauna and flora specified in CITES Appendix II and III
1. Code issuer
a) Provincial forestry administrations shall take charge of granting codes to facilities raising species specified in CITES Appendix II and II not provided in Point b this Clause;
a) Provincial-level fisheries state management agencies shall take charge of granting codes to facilities raising aquatic species specified in CITES Appendix II;
2. The application for registration of codes of raising facilities includes:
a) An application form for issuance of the code according to Form No.3 provided in Appendix issued thereto;
b) The original copy of the raising plan according to Form No.06 or No.07 provided in Appendix issued thereto.
3. Procedures for receiving applications and issuance of the code
a) The legal representative of the raising facility shall send, directly or by post or via the national single-window system, an application specified in Article 2 this Article to the agency specified in Clause 1 this Article;
b) The agency specified in Clause 1 this Article shall grant the code to the facility within 5 working days from the day on which the satisfactory application is received. In case field inspection of raising conditions specified Article 14 and 15 hereof is required, the code issuer shall take charge and cooperate with relevant agencies in carrying out such inspection and shall grant the code within 30 days.
In case the application is found unsatisfactory, code issuer shall notify the facility in writing within 3 working days from the day on which such application is received;
c) The code issuer shall send the code information to the CITES management authority of Vietnam for posting such code on the website of CITES management authority of Vietnam within 1 working day from the day on which the code is issued.
4. The code shall be discarded if requested by the raising facility or if the raising facility fails to meet raising conditions or if it commits violations against regulations specified herein and relevant law provisions.
5. Handling of fauna and flora voluntarily returned to the State by the raising facility owner:
Fauna and flora voluntarily returned to the State by the owner of the raising facility shall be handled as prescribed in Point a and b Clause 6 Article 17 hereof.
The facility handling fauna and flora voluntarily returned by the owner of the raising facility shall notify the handling results to such owner within 3 working days from the day on which such fauna and flora are completely handled.
Section 3: EXPORT, IMPORT, RE-EXPORT, INTRODUCTION FROM THE SEA AND TRANSIT
Article 19. Conditions for export, import, re-export and introduction from the sea of natural specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. A CITES permit or certificate prescribed in Article 22 hereof is required.
2. Specimens of CITES-listed species that are personal belongings or family appliances may be exempt from the CITES permit or certificate if:
a) they are not used for commercial purpose;
b) they are associated to their owner or are family appliances;
c) their number does not exceed the number specified by the CITES management authority of Vietnam.
Article 20. Conditions for export, import, re-export of specimens used for breeding, rearing and artificial production of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. With regard to specimens of species included in CITES Appendix I:
a) A CITES permit or certificate prescribed in this Decree is required;
b) Animal specimens from the F2 hybrid and subsequent generations shall be generated at the breeding facility issued with a code prescribed in Article 17 and 18 hereof;
c) Specimens of flora must be collected from the artificial production facility issued with a code prescribed in Article 17 and 18 hereof.
2. With regard to specimens of species included in CITES Appendix II and III:
a) A CITES permit or certificate prescribed in this Decree is required;
b) Animal specimens from the F1 hybrid and subsequent generations shall be generated at the breeding facility or rearing facility issued with a code prescribed in Article 17 and 18 hereof;
c) Specimens of plant species included in CITES Appendix II and III must be collected from the artificial production facility issued with a code prescribed in Article 17 and 18 hereof.
Article 21. Conditions for transit of alive specimens of CITES-listed endangered wild fauna and flora
1. A CITES permit for export or re-export issued by the CITES management authority of the exporting country is required.
2. A copy of the CITES permit for export or re-export shall be sent to the CITES management authority of Vietnam within 15 working days before the day of transit procedure.
3. Safety of human and animals in transit shall be ensured and conditions for care for and humane treatment of animals shall be satisfied during the transportation.
Article 22. CITES permits and certificates
1. The CITES permit according to Form No.09 provided in the Appendix issued thereto shall apply to export, import, re-export and introduction from the sea of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora and endangered, precious and rare species of forest fauna and flora. The CITES permit must include sufficient information and bear a CITES stamp or bar code, signature and seal of the CITES management authority of Vietnam.
2. The CITES certificate of export of souvenir specimens according to Form 10 provided in the Appendix issue thereto shall apply to souvenir specimens specified in CITES Appendices. The CITES certificate of export of souvenir specimens must include sufficient information and bear signature and full name of the raising facility owner.
3. The pre-Convention specimen certificate according to Form No.11 provided in the Appendix issued thereto shall apply to pre-Convention specimens.
4. The maximum effective period of the export or re-export permit or certificate shall not exceed 6 months and it will be 12 months for the import permit from the day on which such certificate is issued.
5. The CITES permit or certificate shall be granted only once with the CITES specimens.
6. The issuer of CITES permits and pre-Convention specimen certificates is the CITES management authority of Vietnam.
7. The processing or trading facility shall directly issue the CITES certificate applied to souvenir specimens.
Article 23. Procedures for issuing CITES permits for export or re-export of specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. The CITES management authority of Vietnam shall take charge of issuing export or re-export CITES permits.
2. The application for a CITES permit shall include:
a) An application form for a permit according to Form No.12 provided in the Appendix issued thereto;
b) A copy of document proving that the specimen is legally sourced in compliance with regulations hereof;
c) In case of export or re-export of specimens for non-profit but for scientific research and foreign affair, in addition to the application’s components specified in Point a and b this Clause, the applicant is required to submit a copy of the import permit issued by the CITES management authority of the importing country for specimens of species included in CITES Appendix I; or a copy of agreement on the research collaboration program approved by the competent authority for cases in which export/re-export serves the scientific research; or a written document confirming that the specimens are presented to diplomatic missions of other countries issued by the competent authority for cases in which specimens are exported/re-exported for foreign affair purpose.
d) In case of export or re-export of specimens for non-profit purpose but for exhibition or circus performance, in addition to the application's components specified in Point a and b this Clause, the applicant is required to submit a copy of decision on assignment of participation in foreign exhibition or circus performance issued by the competent authority or the invitation letter of the foreign agency; or a copy of import permit issued by the CITES management authority of the importing country for specimens specified in CITES Appendix I;
dd) In case of export or re-export of hunted specimens, in addition to the application’s components specified in Point a and b this Clause, the applicant is required to submit a copy of dossier on legal origin of the specimen or a copy of permit or certificate applied to hunted specimens issued by the competent authority of the relevant country;
e) In case of export or re-export of pre-Convention specimens, in addition to the application’s component specified in Point a this Clause, the applicant is required to submit a copy of pre-Convention specimen dossier; or a copy of CITES permit for import in case of specimen re-export.
3. Procedures for receiving applications for permit:
a) The entity requires an export or re-export permit shall send an application specified in Clause 2 this Article to the CITES management authority of Vietnam directly or by post or via the national single-window system;
b) If the application is found unsatisfactory, the CITES management authority of Vietnam shall notify the applicant within 3 working days from the day on which such application is received;
c) The CITES management authority of Vietnam shall grant the permit within 8 working days from the day on which the satisfactory application is received. In case of request for advice of the CITES scientific authority of Vietnam or relevant authorities of the importing country, the CITES management authority of Vietnam shall ask for such advice and grant the permit within 30 working days;
d) The CITES management authority of Vietnam shall give the permit to the applicant and post the issuance results on its website within 1 working day from the day on which such permit is issued.
Article 24. Procedures for issuing CITES certificates of export of souvenir specimens
1. The CITES management authority shall grant the certificate to owners of processing and trading facilities.
2. Every facility may be granted a certificate if:
a) the souvenir specimen is sourced from the raising facility issued with a code;
b) it keeps a logbook according to Form No.14 provided in the Appendix issued thereto;
c) it pays the cost for printing the certificate to the CITES management authority of Vietnam.
3. The application for CITES certificate of souvenir specimen export shall include:
a) An application form for a certificate according to Form No.13 provided in the Appendix issued thereto;
b) A copy of the logbook according to Form No.14 provided in the Appendix issued thereto.
4. Procedures for receiving applications for CITES certificates:
The processing or trading facility requiring a CITES certificate of export of souvenir specimens shall send an application specified in Clause 3 this Article to the CITES management authority of Vietnam;
b) The CITES management authority of Vietnam shall grant the CITES certificate of export of souvenir specimens to the applicant within 5 working days from the day on which the satisfactory is received.
In case the application is found unsatisfactory, the CITES management authority of Vietnam shall notify the facility within 3 working days from the day on which such application is received;
5. The CITES certificate of souvenir specimen export shall apply only to final products in souvenir stores. Each CITES certificate of souvenir specimen export may allow selling of 4 specimens, at the maximum, to one customer.
6. The processing or trading facility shall directly issue the CITES certificate of souvenir specimen export to its customers.
7. The certificate issuer shall take actions under the guidance and inspection of the CITES management authority of Vietnam and provincial-level state management agency and send a report on certificate use before December 01 of every year and the unused certificates before January 15 of the following year to the CITES management authority of Vietnam.
Article 25. Procedures for issuing CITES permits for import of specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. The CITES management authority of Vietnam shall take charge of issuing import CITES permits.
2. The application for a CITES permit shall include:
a) An application form for a permit according to Form No.12 provided in the Appendix issued thereto;
b) A copy of the export CITES permit issued by the CITES management authority of the exporting country or the re-exporting country;
c) In case of import of alive specimens of fauna or flora that are imported for the first time and are not naturally distributed in Vietnam, in addition to the application’s components specified in Point a and b this Clause, the applicant shall send a written confirmation on eligibility and capacity for nurturing and caring the specimen issued by the CITES management authority of Vietnam;
d) In case of import for non-profit purpose serving the scientific research, foreign affair and participation in exhibition and circus performance, in addition to the application's components specified in Point a this Clause, the applicant is required to submit one of the following documents: a copy of the written agreement on the research collaboration program approved by the competent authority in case of import for scientific research purpose; written confirmation on present given to the diplomatic mission of other countries approved by the competent authority for the case in which the import serves foreign affair purpose; a copy of letter of invitation to the exhibition or circus performance issued by the competent authority for import serving non-profit exhibition or circus performance;
dd) In case of import of pre-Convention specimens or hunted specimens, in addition to the application’s components specified in Point a this Clause, the applicant is required to submit a copy of pre-Convention specimen dossier and a certificate issued by the CITES management authority of the exporting country for pre-Convention specimens; or a copy of the export CITES permit and a certificate of hunted specimens issued by the competent authority of the exporting country for the hunted specimens.
3. Procedures for receiving applications for permit:
a) The entity requires an import permit shall send an application specified in Clause 2 this Article to the CITES management authority of Vietnam directly or by post or via the national single-window system;
b) The CITES management authority of Vietnam shall grant the permit within 8 working days from the day on which the satisfactory application is received. In case of request for advice of the CITES scientific authority of Vietnam or relevant authorities of the exporting country, the CITES management authority of Vietnam shall ask for such advice and grant the permit within 30 working days;
In case the application is found unsatisfactory, the CITES management authority of Vietnam shall notify the applicant within 3 working days from the day on which such application is received;
c) The CITES management authority of Vietnam shall give the permit to the applicant and post the issuance results on its website within 1 working day from the day on which such permit is issued.
Article 26. Procedures for issuing CITES permits for introduction from the sea of specimens of endangered species of wild fauna and flora included in CITES Appendix I and II
1. The CITES management authority of Vietnam shall take charge of issuing CITES permits for introduction from the sea.
2. The application for a CITES permit shall include:
a) An application form for a permit for introduction from the sea according to Form No.15 provided in the Appendix issued thereto;
b) A copy of the confirmation issued by the CITES scientific authority of Vietnam at the request of the CITES management authority of Vietnam which declares that the introduction of species from the sea will not produce any effect on existence of such species in nature;
c) The code of the raising facility or document proving the eligibility for nurture and humane treatment of the alive specimens for the facility not registered a code;
d) A document proving that the introduced specimen is not used for commercial purpose for species specified in CITES Appendix I.
3. Procedures for receiving applications for permit:
a) The entity requiring an import permit shall send an application specified in Clause 2 this Article to the CITES management authority of Vietnam directly or by post or via the national single-window system;
b) The CITES management authority of Vietnam shall grant the permit within 8 working days from the day on which the satisfactory application is received. In case of request for advice of the CITES scientific authority of Vietnam, central fishery management authority and relevant authorities, the CITES management authority of Vietnam shall ask for such advice and grant the permit within 30 working days;
In case the application is found unsatisfactory, the CITES management authority of Vietnam shall notify the applicant within 3 working days from the day on which such application is received;
c) The CITES management authority of Vietnam shall give the permit to the applicant and post the issuance results on its website within 1 working day from the day on which such permit is issued.
Article 27. Procedures for issuing CITES certificates of pre-Convention specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. The CITES management authority of Vietnam shall take charge of issuing CITES certificates of pre-Convention specimens.
2. The application for a CITES certificate shall include:
a) An application form for a certificate of pre-Convention specimen according to Form No.15 provided in the Appendix issued thereto;
b) A copy of the dossier on legal origin of the specimen.
3. Procedures for receiving applications for certificate:
a) The entity requiring a CITES certificate of pre-Convention specimens shall send an application specified in Clause 2 this Article to the CITES management authority of Vietnam directly or by post or via the national single-window system;
b) The CITES management authority of Vietnam shall grant the CITES certificate of pre-Convention specimens within 8 working days from the day on which the satisfactory application is received. In case of request for advice of relevant authorities of the exporting country, the CITES management authority of Vietnam shall ask for such advice and grant the certificate within 30 working days;
In case the application is found unsatisfactory, the CITES management authority of Vietnam shall notify the applicant within 3 working days from the day on which such application is received;
Article 28. Regulations on issuance of CITES permits via the national single-window system for administrative procedure
1. The applicant who has sent an electronic application through the national single-window system for administrative procedure is not required to submit a hard copy of the application. The components of the application submitted via the system shall comply with regulations in Article 23, 24, 25, 26 ad 27 hereof. Documents posted on the system must be copied from the original ones.
2. The results of application processing shall be sent to the applicant directly or by post or via the national single-window system for administrative procedure.
3. The applicant shall retain the original copies of relevant documents under regulations on applicant's components specified in Article 23, 24, 25, 26 and 27 hereof within 5 days from the day on which the application is sent and must represent such documents to the competent authority if required.
Section 4: PROCESSING, TRADE, TRANSPORTATION AND STORAGE
Article 29. Processing, promotion, exhibition of and trade in specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. Conditions for processing and trade:
a) The processing or trading facility and processing of and trade in specimens of endangered species of wild fauna and flora shall comply with provisions provided herein, provisions of the law on environmental protection, animal protection, veterinary, food safety and hygiene and current State’s regulations;
b) Specimens of such species shall be legally sourced as prescribed herein;
c) The processing or trading facility shall keep a logbook of its operation according to Form No.14 issued thereto and shall be subject to inspection of the CITES management authority of Vietnam and competent state management agency as per law provisions.
2. Specimens that are processed, traded, promoted or exhibited for commercial purpose shall be:
a) specimens of species included in CITES Appendix II legally exploited from nature;
b) specimens of F2 hybrid and subsequent generations of fauna included in CITES Appendix I generated by breeding; F1 hybrid and subsequent generation of fauna specified in CITES Appendix II generated by breeding and specimens of species of flora specified in CITES Appendix I artificially planted under provisions hereof;
c) Specimens of species included in CITES Appendix II shall be seized after processing.
3. Products derived from CITES-listed endangered wild fauna and flora shall be managed as follows:
a) The entity processing endangered wild fauna and flora shall keep a logbook of its operation according to Form No.14 provided in the Appendix issued thereto including monitoring of input materials and outputs of the processing consistent with the processed species;
b) The provincial-level fisheries state management agency shall check the origin and processing of aquatic products derived from wild aquatic animals and plants base upon the aforesaid logbook;
c) The local forestry administration shall check the origin and processing of products derived from CITES-listed wild fauna and flora not specified in Point b this Clause according to the logbook.
Article 30. Transportation and storage of specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. Transportation of specimens must meet the following requirements:
s) A legal document as regulated by the law on management of forest products and aquatic products must be provided;
b) A certificate of quarantine of animals or animal products is required in conformity with provisions of the law on veterinary and the law on animal protection if the specimen is taken out of the province;
c) Safety of alive specimens and concerned people is ensured during the transportation and at the receiving facility.
2. Specimens of CITES-listed endangered wild fauna and flora with legal origin must be stored.
Section 5. APPRAISAL AND POST-SEIZURE HANDLING
Article 31. Appraisal of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. Specimens of CITES-listed endangered species of fauna and flora shall be appraised:
a) if necessary for accurately identifying the species, subspecies or a population of wild fauna and flora with the aim of observing regulations consistent with provisions of the Vietnamese law and CITES regulations;
b) to serve investigation and handling of violations in endangered wild fauna and flora;
c) in other cases in which the CITES management authority of Vietnam and competent authorities find that such appraisal is necessary in order to ensure conformity with the law;
d) if there is any request for specimen appraisal from the importing country.
2. Sampling for appraisal of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora shall comply with provisions of the Vietnamese law and CITES regulations.
3. The appraisal cost shall be paid by the specimen owner or the entity requesting such appraisal.
4. The CITES scientific authority of Vietnam shall take charge of appraising CITES specimens.
Article 32. Handling of seized specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. Handling of alive specimens and seized alive specimens shall comply with regulations specified in Clause 1 Article 10 hereof.
2. In case the seized specimens undergoing handling process are declared to be the carrier of an infectious disease, destruction is required as per law provisions.
3. Seized specimens sourced from foreign states shall be handled as follows:
a) Director of the CITES management authority of Vietnam shall consider and decide to return the specimens back to their origin countries for specimens of CITES-listed species of which origin is clearly defined. The cost for caring, maintaining and returning the specimens shall be paid by the origin country.
The specimens shall be seized and handled under provisions of the Vietnamese law if the CITES management authority of the origin country fails to give its response or refuse to receive the specimens within 30 working days from the day on which the written notification from the CITES management authority of Vietnam is received.
b) Seized specimens but not stored in a secured place shall be transferred to the local forestry administration for specimens of forest fauna and flora; the provincial-level fisheries state management agency for specimens of aquatic species; the rescue agency for alive specimens or the nearest animal and plant quarantine agency by the seizure entity to be handled as per current regulations of the Vietnamese law and CITES regulations.
Section 6: METHODS FOR ENSURING CITES OBSERVATION
Article 33. CITES management authority of Vietnam
1. The Ministry of Agriculture and Rural Development shall provide regulations on the organizational structure of the CITES management authority of Vietnam in conformity with CITES regulations and Vietnamese law provisions which is responsible to assist the Ministry of Agriculture and Rural Development in complying with regulations specified herein.
2. The CITES management authority of Vietnam has its own legal status, stamp and account; headquarters in Hanoi and two other representative offices in the Middle and the South of Vietnam.
3. Functions and duties of the CITES management authority of Vietnam:
a) Participate in meetings between CITES parties and exercise rights and obligations of a CITES party on behalf of Vietnam;
b) Take charge and cooperate with the CITES scientific authority of Vietnam and relevant entities in observing the CITES in Vietnam;
c) Perform activities related to international cooperation and disseminate CITES observation and prevention of illegal trade in endangered wild fauna and flora by the media;
d) Translate and publish the list of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora after amendments to such list are approved in the conference of CITES parties and publish the CITES guidance on sampling for appraisal of endangered wild fauna and flora;
dd) Propose amendments to the list of endangered species of wild fauna and flora specified in CITES Appendices;
e) Grant and revoke permits and certificates specified herein and grant confirmation as requested by the importing country;
g) Print and issue CITES permits and certificates;
h) Provide guidelines on, issue and discard the code of facilities raising endangered, precious and rare forest animals and plants and CITES-listed endangered wild fauna and flora; make registration of facilities raising endangered wild fauna and flora specified in CITES Appendix I for commercial purpose that are eligible to export species mentioned above with the CITES secretariat;
i) Carry out inspection of export, import, re-export, introduction from the sea and transit of specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora and CITES-listed endangered species of wild fauna and flora at the border checkpoint;
k) Handle and provide guidelines on handling CITES specimens seized under the Vietnamese law provisions and CITES provisions;
l) Take charge and cooperate with relevant parties in providing professional training for management authorities, organizations, family households and individuals related to CITES observation;
m) Sign bilateral and multilateral agreements on control of trade in specimens of CITES-listed endangered wild fauna and flora on behalf of Vietnam;
4. The State shall provide funding for activities performed by the CITES management authority of Vietnam and encourage domestic and foreign organizations, family households and individuals to support the aforesaid activities.
Article 34. CITES scientific authority of Vietnam
1. The Minister of Agriculture and Rural Development shall appoint scientific authority with appropriate professional skills and capacity as the CITES scientific authority of Vietnam and notify such appointment to the CITES secretariat.
2. Functions and duties of the CITES scientific authority of Vietnam:
Give advice to the CITES management authority of Vietnam and relevant management authorities about the following matters if required:
a) Current state of the population, distribution area and endangered, precious or rare level of endangered wild fauna and flora in nature and establishment of an exploitation quota;
b) Grant of CITES permits and certificates for export, import, re-export and transit of specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora;
c) Scientific names of fauna and flora;
d) Appraisal of specimens of wild fauna and flora;
dd) Rescue of and care for alive specimens;
e) Appropriate habitat and distribution area for the purpose of releasing the seized wild animals;
g) Breeding, rearing and artificial production of wild fauna and flora; appraisal of projects on breeding, rearing or artificial production of wild fauna and flora;
h) Disclosure of the list of species with potential for breeding for commercial purpose.
3. Be authorized in writing by the CITES management authority of Vietnam to check breeding, rearing or artificial production facilities, export, import, re-export, introduction from the sea and transit of specimens if necessary.
4. Participate in international conferences, meetings and seminars related to CITES observation.
5. Compile scientific documents and proposals concerning CITES observation; prepare technical reports as required by the CITES secretariat; cooperate with the CITES management authority of Vietnam and other law enforcement bodies in sampling for appraisal of specimens if required.
6. The State shall provide funding for activities carried out by the CITES scientific authority of Vietnam related to provisions of advice on management of endangered, precious and rare forest fauna and flora and CITES observation for the CITES management authority.
Article 35. Disclosing international export quota and setting up an exploitation quota
1. Disclosing international export quota:
a) The CITES management authority of Vietnam shall post the export quota applied to species under international export quota announced by the CITES secretariat on the website of the Government and the Ministry of Agriculture and Rural Development;
b) The international export quota shall be used for determining the quantity and weight of the specimen of an exploited species.
2. Setting up an exploitation quota
The CITES management authority of Vietnam shall give advice to the CITES scientific authority of Vietnam about the exploitation potential to decide whether to set up an exploitation quota in case of request for exploitation of the specimen of a species subject to the export quota as regulated by CITES.
The exploitation quota shall not be established if such exploitation is declared to produce negative effects on the existence of such species in nature by the CITES scientific authority of Vietnam.
The CITES management authority of Vietnam shall cooperate with the CITES scientific authority of Vietnam in setting up an exploitation quota under the CITES guidance if such exploitation is declared not to produce any negative effect on the existence of such species in nature by the CITES scientific authority of Vietnam.
Article 36. Revocation and return of CITES permits and certificates
1. The CITES management authority of Vietnam shall revoke CITES permits and certificates if:
a) they are granted inconsistent with the regulations;
b) they are used for wrong purposes;
c) the entity issued with the permit or certificate commits violations against provisions of the law on management and protection of endangered, precious and rare forest animals and plant and CITES regulations.
2. Return of expired permits and certificates:
a) The organization, family household and individual issued the with a permit or certificate shall return the expired permit or certificate to the CITES management authority of Vietnam within 10 days from the day on which such permit or certificate is expired and no longer in use.
b) The CITES management authority of Vietnam may refuse to issuance the new permit or certificate if the aforesaid entity fails to return the expired permit or certificate before requests for new issuance.
Article 37. Statistical data and storage of specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora after seizure
1. The Ministry of Finance shall provide information and statistical data on specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora stored by its affiliated entities under regulations of the law on management and use of public assets to the Ministry of Agriculture and Rural Development which are then reported in the Conference of CITES parties under CITES regulations before December 31 of every year.
2. The provided information shall include the quantity and weight of specimens of each specific species currently stored and their origin.
3. The CITES management authority of Vietnam shall send a consolidated report on the quantity of specimens of CITES-listed endangered species of wild fauna and flora currently stored if required by the CITES secretariat.
Article 38. Responsibilities for management of breeding, rearing and artificial production facilities of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora and CITES-listed endangered species of wild fauna and flora
1. Provincial forestry administrations shall manage and check breeding, rearing and artificial production facilities for endangered, precious and rare species of forest fauna and flora and CITES-listed endangered species of wild fauna and flora not specified in Clause 2 this Article.
2. Provincial-level fisheries state management agencies shall manage and check breeding, rearing and artificial production facilities for CITES-listed aquatic species.
3. Provincial forestry administrations and provincial-level fisheries state management agencies shall manage, monitor and record the latest updated information into a logbook of animal raising according to Form No.16 or a logbook of plant raising according to Form No.17 provided in the Appendix issued thereto after each inspection.
The logbook system shall be kept in the form of hardcopy and electronic file.
The code issuer and the agency controlling raising facilities shall encourage such facilities to report their operations in the form of electronic file.
4. Management authorities specified in Clause 1 and 2 this Article shall send the latest updated information after each inspection with a report according to Form No.18 provided in the Appendix issued thereto to the Department of Agriculture and Rural Development and the CITES management authority of Vietnam for data update purpose to serve the management work in each specific period before November 30 of every year and cooperate with the CITES management authority of Vietnam and other relevant agencies in carrying out inspection of raising facilities of species specified in CITES Appendix I and II. Such inspection shall be carried out corresponding to each stage of the life cycle of each species.
5. Inspection shall be reported in writing according to Form No.19, 20, 21 and 22 provided in the Appendix issued thereto.
Article 39. Responsibilities for control of export, import, re-export and introduction from the sea of specimens of endangered, precious and rare forest fauna and flora and CITES-listed endangered species of wild fauna and flora assigned to relevant agencies
1. Customs authorities shall confirm the quantity of specimens exported or re-exported in reality and record such quantity into the permit and certificate specified in Article 22 hereof issued by the CITES management authority of Vietnam; return the export or re-export permit to the exporter which is then sent together with the goods; record the serial number and issuance date of the permit or certificate into the customs declaration; sent the copy of permits and certificates verified in each quarter to the CITES management authority of Vietnam within the first week of the next quarter.
As for exported specimens, the customs authority shall verify the exported quantity in reality provided in the export permit, collect and retain the export permit; record the serial number and issuance date of the permit and certificate into the customs declaration; return the export or re-export permit granted by the exporting country to the exporter; send the copy of permits and certificates verified in each quarter to the CITES management authority of Vietnam within the first week of the next quarter.
2. Forestry administrations, fisheries management authorities, customs authorities, public security forces, Border Defense Force, tax agencies, market management authorities, veterinary authorities, animal quarantine and plant quarantine agencies, environment protection agencies and agencies in charge of biological diversity preservation, as authorized and assigned, shall:
a) carry out inspection and handling of violations in management of export, import, re-export, transit and introduction from the sea, breeding, rearing, artificial production of specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora and CITES-listed endangered species of wild fauna and flora; nurture of usual forest animals as per law provisions;
b) provide information and cooperate with the CITES management authority of Vietnam in handling violations related to export, import, re-export, transist and introduction from the sea of specimens of endangered, precious and rare species of forest fauna and flora and CITES-listed endangered species of wild fauna and flora if required by the CITES.
1. This Decree comes into force from March 19, 2019.
2. The following documents shall expire from the effective date of this Decree:
a) Decree No.32/2006/ND-CP dated March 30, 2006 of the Government on management of endangered, precious and rare forest animals and plants;
b) Decree No.82/2006/ND-CP dated August 10, 2006 of the Government on management of export, import, re-export, introduction from the sea, transit, breeding, rearing and artificial production of endangered, precious and rare forest animals and plants;
c) Article 5 of Decree No.98/2011/ND-CP dated October 26, 2011 of the Government on amendments to a number of Articles of Decrees on agriculture;
d) Chapter IV of Decree No.66/2016/ND-CP dated July 01, 2016 of the Government on conditions for investment in protection and quarantine of plants, plant varieties; nurture of usual forest animals; animal husbandry; fisheries and food products;
dd) Circular No.47/2012/TT-BNNPTNT dated September 25, 2012 of the Minister of Agriculture and Rural Development on management of exploitation from nature and nurture of usual forest animals;
e) Circular No.16/2007/TT-BNN dated February 14, 2007 of the Minister of Agriculture and Rural Development providing guidelines for management and use of sample certificates of export of souvenir specimens specified in CITES Appendices;
g) Decision No.95/2008/QD-BNN dated September 29, 2008 of the Minister of Agriculture and Rural Development on promulgation of regulations on domesticated bear management.
3. Species that are both on the list of endangered, precious and rare forest fauna and flora and the list of endangered species of wild fauna and flora shall be managed under regulations provided herein, except for exploitation for the purpose of generating the first breed/seed serving scientific research.
4. Export, re-export, import, temporary import for re-export, temporary export for re-import, introduction from the sea and transit of CITES specimens shall comply with regulations hereof.
Article 41. Trasnsition clauses
1. Raising facilities for non-profit purpose founded before the effective date of this Decree shall prepare and keep a logbook of animal raising according to Form No.16 or a logbook of plant raising according to Form No.17 provided in the Appendix issued thereto within 3 months from the effective date of this Decree and send such logbook to the competent authority for issuance of the code of the raising facility.
2. Biological diversity preservation facilities issued with a certificate of biological diversity preservation by provincial People’s Committees shall send the logbook for monitoring of input animals or of specimens of plants produced artificially to the code issuer in compliance with regulations herein.
3. Organizations or individuals whose applications for a permit/certificate or permission for specimen transit submitted before the effective date of this Decree not yet processed by the competent authority shall take actions specified herein.
4. Organizations or individuals whose applications for registration of breeding, rearing or artificial production facilities not yet processed by the competent authority shall take actions specified herein.
Article 42. Implementation responsibilities
Ministers, Directors of ministerial agencies and Governmental agencies, Chairpersons of People’s Committees of provinces and centrally-affiliated cities shall take responsibility to implement this Decree./.
|
PP. THE GOVERNMENT |