Chương II Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020: Doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp, tổ chức, cá nhân việt nam đưa người lao động việt nam đi làm việc ở nước ngoài
Số hiệu: | 69/2020/QH14 | Loại văn bản: | Luật |
Nơi ban hành: | Quốc hội | Người ký: | Nguyễn Thị Kim Ngân |
Ngày ban hành: | 13/11/2020 | Ngày hiệu lực: | 01/01/2022 |
Ngày công báo: | 24/12/2020 | Số công báo: | Từ số 1183 đến số 1184 |
Lĩnh vực: | Lao động - Tiền lương | Tình trạng: | Còn hiệu lực |
TÓM TẮT VĂN BẢN
Các hình thức người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo HĐ
Đây là nội dung được nêu tại Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020.
Theo đó, người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được thông qua các hình thức cụ thể như sau:
- Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với đơn vị sự nghiệp để thực hiện thỏa thuận quốc tế;
- Hợp đồng hoặc thỏa thuận bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài ký với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sau đây:
+ Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
+ Doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài;
+ Doanh nghiệp Việt Nam đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ kỹ năng nghề ở nước ngoài;
+ Tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài.
- Hợp đồng lao động do người lao động Việt Nam trực tiếp giao kết với người sử dụng lao động ở nước ngoài.
(So với quy định tại Điều 6 Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng năm 2006 thì Luật mới chấp nhận việc các bên thỏa thuận bằng văn bản thay vì hợp đồng ở một số trường hợp).
Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2022.
Văn bản tiếng việt
Văn bản tiếng anh
1. Hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp Việt Nam có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp.
2. Doanh nghiệp Việt Nam hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là doanh nghiệp dịch vụ) phải duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này và đáp ứng các điều kiện của từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo quy định của Chính phủ trong suốt quá trình hoạt động.
1. Ký kết và thực hiện hợp đồng, thỏa thuận liên quan đến việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Tìm kiếm, phát triển thị trường lao động ở nước ngoài; cung cấp thông tin, quảng cáo, tư vấn về cơ hội việc làm ở nước ngoài.
3. Chuẩn bị nguồn lao động và tuyển chọn người lao động.
4. Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.
5. Quản lý người lao động; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
6. Thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
7. Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
8. Hỗ trợ giới thiệu việc làm cho người lao động sau khi về nước.
1. Doanh nghiệp được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Có vốn điều lệ từ 05 tỷ đồng trở lên; có chủ sở hữu, tất cả thành viên, cổ đông là nhà đầu tư trong nước theo quy định của Luật Đầu tư;
b) Đã ký quỹ theo quy định tại Điều 24 của Luật này;
c) Có người đại diện theo pháp luật là công dân Việt Nam, trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 05 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoặc dịch vụ việc làm; không thuộc diện đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; không có án tích về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia, các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, tội quảng cáo gian dối, tội lừa dối khách hàng, tội tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép, tội tổ chức, môi giới cho người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép, tội cưỡng ép người khác trốn đi nước ngoài hoặc ở lại nước ngoài trái phép;
d) Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật này;
đ) Có cơ sở vật chất của doanh nghiệp hoặc được doanh nghiệp thuê ổn định để đáp ứng yêu cầu giáo dục định hướng cho người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Có trang thông tin điện tử.
2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.
1. Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sau đây gọi là Giấy phép) có các nội dung chính sau đây:
a) Số Giấy phép và ngày cấp Giấy phép;
b) Tên doanh nghiệp;
c) Mã số doanh nghiệp;
d) Địa chỉ trụ sở chính;
đ) Số điện thoại;
e) Địa chỉ trang thông tin điện tử.
2. Giấy phép được điều chỉnh thông tin, cấp lại theo quy định tại Điều 13 và Điều 14 của Luật này.
1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm:
a) Văn bản đề nghị cấp Giấy phép của doanh nghiệp;
b) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
c) Giấy tờ chứng minh đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này.
2. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xem xét và cấp Giấy phép cho doanh nghiệp; trường hợp không cấp Giây phép phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
3. Lệ phí cấp phép thực hiện theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.
4. Chính phủ quy định về mẫu Giấy phép; mẫu văn bản, giấy tờ quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này; sự phối hợp liên thông giữa các cơ quan trong cấp Giấy phép qua mạng thông tin điện tử.
1. Khi có sự thay đổi thông tin so với nội dung ghi trong Giấy phép đã được cấp, doanh nghiệp dịch vụ có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
3. Doanh nghiệp dịch vụ được miễn phí khi điều chỉnh thông tin trên Giấy phép.
1. Khi Giấy phép bị mất hoặc hư hỏng, doanh nghiệp dịch vụ có văn bản đề nghị Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại Giấy phép.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của doanh nghiệp dịch vụ, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cấp lại Giấy phép.
3. Doanh nghiệp dịch vụ được miễn phí khi cấp lại Giấy phép.
1. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đăng tải Giấy phép trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ đặt trụ sở chính.
2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày Giấy phép được cấp, cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin, doanh nghiệp dịch vụ phải niêm yết công khai bản sao Giấy phép tại trụ sở chính và đăng tải Giấy phép trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp.
1. Doanh nghiệp dịch vụ phải nộp lại Giấy phép cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong trường hợp sau đây:
a) Chấm dứt tồn tại theo quy định của pháp luật;
b) Chấm dứt hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Doanh nghiệp dịch vụ bị thu hồi Giấy phép trong trường hợp sau đây:
a) Nội dung kê khai trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép là giả mạo;
b) Không duy trì các điều kiện quy định tại Điều 10 của Luật này;
c) Không đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong thời gian 24 tháng liên tục, trừ trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế hoặc vì lý do bất khả kháng khác mà bên nước ngoài không thể tiếp nhận người lao động;
d) Vi phạm quy định tại khoản 1, 2, 5, 6, 7, 8, 11, 12 hoặc 13 Điều 7 của Luật này;
đ) Thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ quy định tại các điểm c, e, g, h và i khoản 2 Điều 26 của Luật này dẫn đến thiệt hại nghiêm trọng về vật chất, tinh thần đối với người lao động.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quyết định thu hồi Giấy phép; công bố việc thu hồi Giấy phép trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi; công bố việc nộp lại Giấy phép trên cổng thông tin điện tử của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, thông báo đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ đặt trụ sở chính.
4. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 2 Điều này.
1. Doanh nghiệp dịch vụ được giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp để thực hiện một số hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và chịu trách nhiệm về hoạt động của chi nhánh. Chi nhánh được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.
2. Chi nhánh được hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Được doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ;
b) Người đứng đầu chi nhánh đáp ứng điều kiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 của Luật này;
c) Có đủ số lượng nhân viên nghiệp vụ thực hiện nhiệm vụ được giao;
d) Có cơ sở vật chất của chi nhánh hoặc được chi nhánh thuê để thực hiện nhiệm vụ giáo dục định hướng được giao.
3. Chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng không được thực hiện hoạt động sau đây:
a) Ký kết, thanh lý hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng môi giới, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
b) Thu tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động.
4. Doanh nghiệp dịch vụ có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và cập nhật thông tin về chi nhánh trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày giao nhiệm vụ cho chi nhánh, chấm dứt giao nhiệm vụ cho chi nhánh hoặc chi nhánh chấm dứt hoạt động.
5. Chi nhánh được giao nhiệm vụ hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải niêm yết công khai quyết định của doanh nghiệp dịch vụ giao nhiệm vụ cho chi nhánh và bản sao Giấy phép của doanh nghiệp dịch vụ tại trụ sở của chi nhánh.
6. Chính phủ quy định chi tiết điểm c và điểm d khoản 2 Điều này.
1. Doanh nghiệp dịch vụ chuẩn bị nguồn lao động trước khi đăng ký hợp đồng cung ứng lao động khi có yêu cầu của bên nước ngoài tiếp nhận lao động hoặc theo thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và chỉ được thực hiện sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận.
2. Hồ sơ chuẩn bị nguồn lao động bao gồm:
a) Văn bản về việc chuẩn bị nguồn lao động;
b) Bản sao văn bản đề nghị hoặc thỏa thuận hợp tác với bên nước ngoài tiếp nhận lao động kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực; đối với bên nước ngoài lần đầu hợp tác với doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam thì gửi kèm tài liệu chứng minh được cơ quan chức năng nước sở tại cho phép tuyển dụng lao động nước ngoài;
c) Phương án chuẩn bị nguồn lao động, trong đó nêu rõ số lượng người lao động, thời gian và phương thức chuẩn bị nguồn lao động;
d) Cam kết ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn lao động.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp dịch vụ, thông báo bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp dịch vụ có hoạt động chuẩn bị nguồn lao động và cập nhật trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
4. Doanh nghiệp dịch vụ thực hiện chuẩn bị nguồn lao động như sau:
a) Tổ chức sơ tuyển người lao động;
b) Trực tiếp hoặc hợp tác, liên kết với cơ sở giáo dục nghề nghiệp, tổ chức dịch vụ việc làm để bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ cho người lao động trong trường hợp cần thiết và chỉ được thu phí đào tạo theo quy định của pháp luật.
5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 2 Điều này.
1. Hợp đồng cung ứng lao động là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ Việt Nam với bên nước ngoài tiếp nhận lao động về điều kiện, quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc cung ứng và tiếp nhận người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2. Hợp đồng cung ứng lao động phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động và có những nội dung sau đây:
b) Số lượng người lao động; ngành, nghề, công việc phải làm; độ tuổi của người lao động;
d) Địa điểm làm việc nếu hợp đồng ký với người sử dụng lao động ở nước ngoài;
đ) Điều kiện, môi trường làm việc;
e) Thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi;
g) An toàn, vệ sinh lao động;
h) Tiền lương, tiền công, chế độ khác và tiền thưởng (nếu có); tiền làm thêm giờ; các khoản khấu trừ từ lương theo quy định của nước tiếp nhận lao động;
i) Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại;
k) Chế độ khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản;
l) Chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;
m) Điều kiện chấm dứt hợp đồng của người lao động trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
n) Tiền dịch vụ được bên nước ngoài tiếp nhận lao động chi trả (nếu có);
o) Trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi làm việc và ngược lại;
p) Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
q) Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
r) Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
s) Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 2 Điều này phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể.
1. Doanh nghiệp dịch vụ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động và chỉ được thực hiện sau khi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có văn bản chấp thuận.
2. Hồ sơ đăng ký hợp đồng cung ứng lao động bao gồm:
a) Văn bản đăng ký hợp đồng cung ứng lao động;
b) Bản sao của hợp đồng cung ứng lao động kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực;
c) Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp dịch vụ, trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do; trường hợp cần phải thẩm định ở nước ngoài thì phải thông báo cho doanh nghiệp dịch vụ trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả thẩm định.
4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu văn bản, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 2 Điều này.
1. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với người lao động về quyền, nghĩa vụ của mỗi bên trong việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải thỏa thuận rõ quyền, nghĩa vụ của mỗi bên và phù hợp với nội dung của hợp đồng cung ứng lao động; ghi rõ thỏa thuận về tiền dịch vụ và chi phí khác của người lao động (nếu có).
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
1. Hợp đồng môi giới là văn bản thỏa thuận giữa doanh nghiệp dịch vụ với tổ chức, cá nhân trung gian về việc giới thiệu bên nước ngoài tiếp nhận lao động Việt Nam để giao kết hợp đồng cung ứng lao động theo quy định của Luật này.
2. Thù lao theo hợp đồng môi giới do hai bên thỏa thuận và được ghi rõ trong hợp đồng nhưng không vượt quá mức trần theo quy định tại khoản 3 Điều này.
3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần thù lao theo hợp đồng môi giới phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể theo từng thời kỳ có người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
1. Tiền dịch vụ là khoản thu của doanh nghiệp dịch vụ nhận được từ bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động để bù đắp chi phí, tìm kiếm, phát triển thị trường, đàm phán, ký kết hợp đồng cung ứng lao động, quản lý người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này.
2. Tiền dịch vụ mà doanh nghiệp dịch vụ thu từ người lao động phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:
a) Theo thỏa thuận giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ;
b) Không vượt quá mức trần quy định tại khoản 4 Điều này;
c) Chỉ được thu sau khi hợp đồng cung ứng lao động đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận và hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã được ký kết;
d) Trong trường hợp bên nước ngoài tiếp nhận lao động đã trả tiền dịch vụ thì chỉ được thu từ người lao động số tiền còn thiếu so với mức tiền dịch vụ đã thỏa thuận.
3. Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ đã thu tiền dịch vụ từ người lao động cho toàn bộ thời gian làm việc thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài mà người lao động phải về nước trước thời hạn và không do lỗi của người lao động thì doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả cho người lao động số tiền dịch vụ và tiền lãi theo tỷ lệ tương ứng với thời gian còn lại của hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Tiền lãi được tính theo lãi suất đối với tiền gửi không kỳ hạn bằng đồng Việt Nam của tổ chức tín dụng do các bên thỏa thuận tại thời điểm doanh nghiệp hoàn trả cho người lao động.
4. Mức trần tiền dịch vụ thu từ người lao động được quy định như sau:
a) Không quá 01 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 tháng làm việc; đối với sĩ quan và thuyền viên làm việc trên tàu vận tải biển không quá 1,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng cho mỗi 12 thang làm việc. Trường hợp thỏa thuận trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài từ 36 tháng trở lên thì tiền dịch vụ không được quá 03 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;
b) Trường hợp có thỏa thuận về việc thu tiền dịch vụ cho thời gian gia hạn hợp đồng lao động trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài thì mức tiền dịch vụ tối đa cho mỗi 12 tháng gia hạn làm việc không quá 0,5 tháng tiền lương của người lao động theo hợp đồng;
c) Đối với một số thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, Bổ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết mức trần tiền dịch vụ thấp hơn quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
1. Tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được gửi tại ngân hàng và chỉ được sử dụng trong trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ trong hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tiền ký quỹ được sử dụng, doanh nghiệp dịch vụ phải hoàn trả số tiền đã sử dụng và bảo đảm mức ký quỹ theo quy định.
2. Trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều 29 của Luật này, tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sử dụng để thanh toán các nghĩa vụ phát sinh đối với người lao động chưa thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài tại thời điểm chuyển giao; sau khi trừ phí dịch vụ ngân hàng, nếu tiền ký quỹ còn thừa thì doanh nghiệp dịch vụ được sử dụng để thanh toán các khoản nợ khác theo quy định của pháp luật về phá sản.
3. Chính phủ quy định chi tiết mức ký quỹ, việc quản lý, sử dụng tiền ký quỹ và trường hợp doanh nghiệp dịch vụ giải thể, bị thu hồi hoặc nộp lại Giấy phép.
1. Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với người lao động về việc ký quỹ để bảo đảm người lao động thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc theo thỏa thuận với bên nước ngoài tiếp nhận lao động.
2. Người lao động thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ về việc gửi tiền ký quỹ vào tài khoản phong tỏa của người lao động tại ngân hàng.
3. Người lao động được nhận lại cả gốc và lãi tiền ký quỹ khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Trưòng hợp người lao động vi phạm nghĩa vụ theo hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động được doanh nghiệp dịch vụ sử dụng để bù đắp thiệt hại phát sinh do lỗi của người lao động gây ra; nếu tiền ký quỹ còn thừa thì phải trả lại cho người lao động, nếu không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.
4. Trường hợp có tranh chấp phát sinh về việc doanh nghiệp dịch vụ không trả tiền ký quỹ, người lao động có quyền kiến nghị đến Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.
5. Chính phủ quy định mức trần tiền ký quỹ của người lao động phù hợp với từng thị trường, ngành, nghề, công việc cụ thể, việc quản lý, sử dụng và hoàn trả tiền ký quỹ.
1. Doanh nghiệp dịch vụ có các quyền sau đây:
a) Thực hiện các nội dung quy định tại Điều 9 của Luật này;
b) Thỏa thuận với người lao động về tiền dịch vụ, tiền ký quỹ, bảo lãnh để thực hiện hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này;
c) Đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp dịch vụ đã 03 lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời gian 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động, người được ủy quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý hợp đồng hoặc kể từ ngày người lao động gia hạn hợp đồng lao động mà không thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
d) Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật tong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Doanh nghiệp dịch vụ có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện các quy định tại khoản 2 Điều 15, khoản 1 Điều 16, các điều 17, 18, 19, 20, 27, 28 và 29 của Luật này;
b) Đăng tải trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp dịch vụ thông tin về người đại diện theo pháp luật; danh sách nhân viên nghiệp vụ; địa chỉ trụ sở chính, địa điểm kinh doanh, cơ sở vật chất phục vụ hoạt động giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài; quyết định giao nhiệm vụ cho chi nhánh và cập nhật khi có sự thay đổi về những nội dung này; văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận về việc chuẩn bị nguồn lao động; thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; danh sách người lao động tham gia chuẩn bị nguồn và được tuyển chọn;
c) Cam kết bằng văn bản việc ưu tiên tuyển chọn người lao động đã tham gia hoạt động chuẩn bị nguồn của doanh nghiệp; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết ưu tiên tuyển chọn người lao động sau khi đã tham gia chuẩn bị nguồn do doanh nghiệp tổ chức thì phải bồi thường theo thỏa thuận; quảng cáo, tư vấn, thông báo tuyển chọn, cung cấp thông tin chính xác với người lao động và chính quyền địa phương tại nơi tuyển chọn về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động theo nội dung hợp đồng cung ứng lao động; trực tiếp tuyển chọn và không được thu tiền của người lao động về việc tuyển chọn; thực hiện đúng các nội dung đăng ký hợp đồng cung ứng lao động đã được chấp thuận;
d) Tổ chức và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Luật này; hướng dẫn người lao động, tham gia bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội;
đ) Cam kết bằng văn bản về thời gian chờ xuất cảnh sau khi người lao động trúng tuyển đi làm việc ở nước ngoài với thời hạn không quá 180 ngày kể từ ngày người lao động trúng tuyển; trường hợp doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết về thời gian chờ xuất cảnh thì phải bồi thường theo thỏa thuận và hoàn trả các chi phí mà người lao động đã chi trả trừ trường hợp bất khả kháng;
e) Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài; có nhân viên nghiệp vụ đủ năng lực quản lý và hỗ trợ người lao động ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần đến hỗ trợ pháp lý khi bị lạm dụng, bạo lực hoặc phân biệt đối xử trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
g) Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước tiếp nhận lao động giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị hoặc tình trạng khẩn cấp;
h) Bồi thường cho người lao động về những thiệt hại do doanh nghiệp, chi nhánh của doanh nghiệp gây ra theo quy định của pháp luật;
i) Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động;
k) Tư vấn, hỗ trợ cho người lao động các thủ tục liên quan đến chấm dứt hợp đồng lao động, quyền lợi, chế độ và thủ tục về nước;
l) Đóng góp vào Quỹ Hỗ trợ việc làm ngoài nước theo quy định của Luật này;
m) Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo về tình hình hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
n) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh và hằng tháng phải cập nhật thông tin về người lao động do doanh nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho đến khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
1. Trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép theo quy định tại Điều 16 của Luật này, doanh nghiệp dịch vụ không được thực hiện hoạt động, dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Luật này và có trách nhiệm sau đây:
a) Tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ theo hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đối với người lao động đã xuất cảnh;
b) Giải quyết các vấn đề liên quan đến người lao động do doanh nghiệp tuyển chọn, đang tham gia bồi dưỡng kỹ năng nghề, ngoại ngữ, giáo dục định hướng.
2. Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của doanh nghiệp dịch vụ trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 24 của Luật này.
3. Việc quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động trong trường hợp nộp lại Giấy phép hoặc bị thu hồi Giấy phép được thực hiện theo quy định tại Điều 25 của Luật này.
1. Doanh nghiệp dịch vụ chỉ được giải thể trong trường hợp sau đây:
a) Đã hoàn thành mọi nghĩa vụ trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực và thanh toán hết các khoản nợ, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật;
b) Đã hoàn thành việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ có liên quan đến hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cho doanh nghiệp dịch vụ khác có Giấy phép sau khi đã thống nhất với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể, doanh nghiệp dịch vụ phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình của người lao động do doanh nghiệp đưa đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực và văn bản thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ tiếp nhận quyền, nghĩa vụ trong trường hợp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.
3. Việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Khi chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển giao cho doanh nghiệp dịch vụ tiếp nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, người lao động.
1. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp dịch vụ phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về tình hình hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài và phương án thực hiện các nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực.
2. Kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản, doanh nghiệp dịch vụ không được thực hiện hoạt động dịch vụ quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 9 của Luật này.
3. Trong trường hợp Tòa án ra quyết định tuyên bố doanh nghiệp phá sản, việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ thực hiện hợp đồng cung ứng lao động, hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài còn hiệu lực được quy định như sau:
a) Doanh nghiệp dịch vụ thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ khác có Giấy phép để chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp sau khi đã thống nhất với bên nước ngoài tiếp nhận lao động và được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chấp thuận phương án chuyển giao. Việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp dịch vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác không làm thay đổi quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
Khi chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh được chuyển giao cho doanh nghiệp dịch vụ tiếp nhận. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày hoàn thành việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ, doanh nghiệp dịch vụ phải thông báo cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động;
b) Trường hợp doanh nghiệp dịch vụ không thỏa thuận được việc chuyển giao quyền, nghĩa vụ cho doanh nghiệp dịch vụ khác thì bàn giao toàn bộ hồ sơ của người lao động đang làm việc ở nước ngoài, tiền ký quỹ của người lao động, tài sản dùng để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh, tiền dịch vụ thu trước của người lao động cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội để giải quyết quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động do doanh nghiệp đưa đi theo quy định của Luật này.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận bàn giao, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cho bên nước ngoài tiếp nhận lao động và người lao động theo hồ sơ đã tiếp nhận.
1. Có hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài.
2. Có phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 31 của Luật này.
3. Chỉ đưa người lao động Việt Nam đang làm việc cho chính doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đi làm việc tại công trình, dự án ở nước ngoài theo hợp đồng trúng thầu, nhận thầu.
1. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài kèm theo bản sao hợp đồng trúng thầu, nhận thầu công trình, dự án ở nước ngoài.
2. Nội dung phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
a) Việc quản lý, sử dụng người lao động ở nước ngoài, trong đó nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, giới tính, ngành, nghề, công việc cụ thể, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh; xử lý rủi ro, giải quyết quyền lợi, chế độ đối với người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và quyền lợi, chế độ khác có liên quan đến người lao động;
b) Việc đưa người lao động về nước trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
1. Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, quyền lợi, chế độ của người lao động làm việc tại công trình, dự án của doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài.
2. Tổ chức để người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
3. Trực tiếp tổ chức đưa đi, quản lý và sử dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng lao động với người lao động nội dung bổ sung về thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác phù hợp với phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 31 của Luật này và quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
5. Bảo đảm để người lao động được kiểm tra sức khỏe định kỳ bao gồm cả sức khỏe sinh sản và khám bệnh, chữa bệnh trong trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn. Trường hợp người lao động bị ốm đau, tai nạn đến mức không còn khả năng tiếp tục làm việc ở nước ngoài, doanh nghiệp có trách nhiệm đưa người lao động về nước và chịu chi phí liên quan.
6. Tổ chức đưa di hài hoặc thi hài người lao động chết trong thời gian làm việc ở nước ngoài về nước và chịu mọi chi phí liên quan; thực hiện chế độ bồi thường, trợ cấp khác theo quy định của pháp luật Việt Nam.
7. Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện việt Nam ở nước ngoài để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
8. Báo cáo sau khi hoàn thành hợp đồng trúng thầu, nhận thầu ở nước ngoài và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
9. Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc để giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động làm việc ở nước ngoài; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
1. Có Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
2. Có phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc và báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội theo quy định tại Điều 34 của Luật này.
3. Chỉ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
1. Chậm nhất là 20 ngày trước ngày đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài kèm theo bản sao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài.
2. Nội dung phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài bao gồm:
a) Việc quản lý, sử dụng người lao động ở nước ngoài, trong đó nêu rõ số lượng người lao động đưa đi, giới tính, ngành, nghề, công việc cụ thể, thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh; xử lý rủi ro, giải quyết quyền lợi, chế độ đối với người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chế độ khác có liên quan đến người lao động;
b) Việc đưa người lao động về nước trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
4. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động xuất cảnh, tổ chức, cá nhân Việt Nam đầu tư ra nước ngoài phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
1. Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, quyền lợi, chế độ của người lao động làm việc tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, công trình do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.
2. Tổ chức để người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng.
3. Trực tiếp tổ chức đưa đi, quản lý và sử dụng người lao động đi làm việc ở nước ngoài.
4. Thỏa thuận bằng phụ lục hợp đồng lao động với người lao động nội dung bổ sung về thời hạn làm việc, thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi, làm thêm giờ, tiền lương, điều kiện làm việc, điều kiện sinh hoạt, chế độ khám bệnh, chữa bệnh và quyền lợi, chế độ khác phù hợp với phương án đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 34 của Luật này và quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước mà người lao động đến làm việc.
Trường hợp tuyển dụng lao động mới thì phải ký kết hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo nội dung, mẫu hợp đồng do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định và không được thu tiền dịch vụ của người lao động.
5. Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động.
6. Bảo đảm quyền lợi của người lao động, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động do doanh nghiệp đưa đi.
7. Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài.
8. Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo về tình hình thực hiện đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
9. Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước mà người lao động đến làm việc để giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động làm việc ở nước ngoài; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
1. Có hợp đồng nhận lao động thực tập với cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài để đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với quy định tại Điều 37 của Luật này và đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 39 của Luật này chấp thuận.
2. Có tiền ký quỹ thực hiện hợp đồng nhận lao động thực tập theo quy định của Chính phủ.
3. Chỉ được đưa người lao động có hợp đồng lao động và hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề tại cơ sở tiếp nhận thực tập ở nước ngoài theo hợp đồng nhận lao động thực tập.
4. Ngành, nghề, công việc cụ thể người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phải phù hợp với lĩnh vực hoạt động của doanh nghiệp.
1. Hợp đồng nhận lao động thực tập là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam với cơ sở tiếp nhận lao động thực tập ở nước ngoài về quyền, nghĩa vụ của các bên trong việc đưa đi và tiếp nhận người lao động của doanh nghiệp đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
2. Hợp đồng nhận lao động thực tập phải phù hợp với pháp luật Việt Nam, pháp luật của nước tiếp nhận lao động thực tập và có những nội dung sau đây:
a) Thời hạn thực tập;
b) Số lượng người lao động; ngành, nghề thực tập; độ tuổi của người lao động;
c) Địa điểm thực tập;
d) Điều kiện, môi trường thực tập;
đ) Thời giờ thực tập, thời giờ nghỉ ngơi;
e) An toàn, vệ sinh lao động;
g) Tiền lương, tiền công;
h) Điều kiện ăn, ở, sinh hoạt, đi lại;
i) Chế độ khám bệnh, chữa bệnh;
k) Chế độ hảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, bảo hiểm khác (nếu có);
l) Điều kiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và trách nhiệm bồi thường thiệt hại;
m) Trách nhiệm trả chi phí đi lại từ Việt Nam đến nơi thực tập và ngược lại;
n) Trách nhiệm của các bên khi người lao động gặp rủi ro trong thời gian thực tập ở nước ngoài;
o) Trách nhiệm của các bên trong việc giải quyết vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian thực tập ở nước ngoài;
p) Cơ chế, thủ tục và pháp luật áp dụng để giải quyết tranh chấp;
q) Thỏa thuận khác không trái pháp luật và đạo đức xã hội.
1. Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài là thỏa thuận bằng văn bản giữa doanh nghiệp Việt Nam với người lao động của mình về việc đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài.
2. Hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài phải bảo đảm quy định của Bộ luật Lao động và phù hợp với nội dung của hợp đồng nhận lao động thực tập.
1. Hợp đồng nhận lao động thực tập phải đăng ký theo quy định sau đây:
a) Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời gian dưới 90 ngày phải đăng ký tại cơ quan chuyên môn về lao động thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính;
b) Doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài có thời gian từ 90 ngày trở lên phải đăng ký tại Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Điều 40 của Luật này, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều này phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp; trường hợp không chấp thuận phải nêu rõ lý do.
1. Hồ sơ đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập bao gồm:
a) Văn bản đăng ký hợp đồng nhận lao động thực tập;
b) Bản sao hợp đồng nhận lao động thực tập kèm theo bản dịch tiếng Việt được chứng thực;
c) Tài liệu chứng minh việc đưa người lao động Việt Nam đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài phù hợp với pháp luật của nước tiếp nhận lao động;
d) Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và giấy tờ chứng minh việc ký quỹ của doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 36 của Luật này.
2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định mẫu văn bản, tài liệu quy định tại điểm a và điểm c khoản 1 Điều này.
1. Doanh nghiệp có các quyền sau đây:
a) Yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại do người lao động gây ra theo hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài;
b) Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi lạm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
2. Doanh nghiệp có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thông tin đầy đủ, chính xác, rõ ràng về các nội dung quy định tại khoản 2 Điều 37 của Luật này;
b) Ký kết hợp đồng đào tạo nghề trước khi người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
c) Tổ chức để người lao động trước khi đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài được tham gia khóa học giáo dục định hướng và được cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng;
d) Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày người lao động xuất cảnh, doanh nghiệp phải cập nhật thông tin về người lao động trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
đ) Tổ chức quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động do doanh nghiệp đưa đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
e) Báo cáo và phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động;
g) Thanh lý hợp đồng đào tạo nghề ở nước ngoài với người lao động;
h) Bồi thường cho người lao động theo hợp đồng đã ký kết và quy định của pháp luật về những thiệt hại do doanh nghiệp, gây ra;
i) Tiếp nhận và bố trí việc làm cho người lao động phù hợp sau thời gian đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài;
k) Giải quyết quyền lợi cho người lao động trong trường hợp doanh nghiệp giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật;
l) Báo cáo về tình hình thực hiện đưa người lao động đi đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề ở nước ngoài với cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại khoản 1 Điều 39 của Luật này theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
m) Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước mà người lao động đến đào tạo, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác.
1. Đơn vị sự nghiệp quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật này được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ giao nhiệm vụ bằng văn bản về việc đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để thực hiện thỏa thuận quốc tế.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chỉ được giao nhiệm vụ cho 01 đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sau khi có ý kiến đồng ý bằng văn bản của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
2. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng phải có trình độ từ đại học trở lên và có ít nhất 03 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, hợp tác quốc tế hoặc dịch vụ việc làm.
3. Đơn vị sự nghiệp đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng hoạt động phi lợi nhuận và không được thu tiền dịch vụ của người lao động.
1. Đơn vị sự nghiệp có các quyền sau đây:
a) Ký kết hợp đồng cung ứng lao động với bên nước ngoài tiếp nhận lao động trong trường hợp thỏa thuận quốc tế có yêu cầu;
b) Tuyển chọn, đảo tạo và ký hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
c) Thỏa thuận với người lao động về biện pháp ký quỹ, bảo lãnh để thực hiện nghĩa vụ của hợp đồng theo quy định của Chính phủ;
d) Yêu cầu người lao động bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài;
đ) Khiếu nại, khởi kiện về quyết định hoặc hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
e) Đơn phương thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài sau khi doanh nghiệp dịch vụ đã 03 lần thông báo bằng thư bảo đảm trong thời gian 180 ngày kể từ ngày người lao động chấm dứt hợp đồng lao động mà người lao động, người được ủy quyền hợp pháp của người lao động không đến thanh lý hợp đồng hoặc kể từ ngày người lao động gia hạn hợp đồng lao động mà không thực hiện quyền, nghĩa vụ trong hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài.
2. Đơn vị sự nghiệp có các nghĩa vụ sau đây:
a) Báo cáo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, cơ quan chủ quản của đơn vị sự nghiệp việc tổ chức đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng kèm theo bản sao hợp đồng cung ứng lao động (nếu có) và hợp đồng mẫu đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài chậm nhất là 15 ngày trước khi đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài;
b) Thông tin đầy đủ, chính xác về số lượng, tiêu chuẩn tuyển chọn, tiền lương, điều kiện làm việc, quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động đi làm việc ở nước ngoài và đăng tải trên trang thông tin điện tử của đơn vị sự nghiệp;
c) Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày người lao động xuất cảnh và hằng tháng phải cập nhật thông tin về người lao động do đơn vị sự nghiệp đưa đi trên Hệ thống cơ sở dữ liệu về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;
d) Tổ chức giáo dục định hướng và cấp giấy chứng nhận hoàn thành khóa học giáo dục định hướng cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài;
đ) Phối hợp với cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài quản lý, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, giải quyết các vấn đề phát sinh đối với người lao động trong thời gian làm việc ở nước ngoài;
e) Thanh lý hợp đồng đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài với người lao động trong thời hạn 180 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động;
g) Định kỳ hằng năm hoặc đột xuất báo cáo về tình hình hoại động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
h) Thực hiện yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền và phối hợp với cơ quan, tổ chức có liên quan của nước tiếp nhận lao động giải quyết tranh chấp liên quan đến người lao động; giải quyết vấn đề phát sinh trong trường hợp người lao động chết, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hoặc bị xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản hoặc trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh, chiến tranh, bất ổn chính trị, suy thoái kinh tế, tình trạng khẩn cấp hoặc vì lý do bất khả kháng khác;
i) Bồi thường cho người lao động theo hợp đồng và quy định của pháp luật về những thiệt hại do đơn vị sự nghiệp gây ra.
ENTERPRISES, SERVICE PROVIDERS, VIETNAMESE ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS PROVIDING VIETNAMESE GUEST WORKER SERVICE
Section 1. VIETNAMESE ENTERPRISES PROVIDING VIETNAMESE GUEST WORKER SERVICE
Article 8. Provision of Vietnamese guest worker service
1. Provision of Vietnamese guest worker service is a conditional line of business and shall only be provided by Vietnamese enterprises having license for providing Vietnamese guest worker service issued by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs.
2. Vietnamese enterprises providing Vietnamese guest worker service (hereinafter referred to as “service enterprises”) must maintain requirements specified under Article 10 of this Law and satisfy demands of each specific market, profession and sector during operation
Article 9. Details of Vietnamese guest worker service
1. Signing and executing contracts and agreements related to provision of Vietnamese guest workers.
2. Searching and developing overseas labor market; providing information, advertisement and advice regarding overseas employment opportunity.
3. Preparing workforce and recruiting workers.
4. Organizing craft improvement, foreign languages and orientation education for workers before working abroad.
5. Managing workers; protecting rights and legal benefits of guest workers.
6. Executing policies for guest workers.
7. Liquidating contracts for Vietnamese guest worker service provision.
8. Providing employment for repatriating workers.
Article 10. Eligibility for issuance of license for provision of Vietnamese guest worker service
1. An enterprise shall be issued with license for provision of Vietnamese guest worker service if the enterprise:
a) has at least VND 5 billion of charter capital; has owners, members and shareholders who are domestic investors according to Law on Investment; and
b) has made deposit payments according to Article 24 of this Law; and
c) has Vietnamese nationals as legal representatives with at least higher education level and at least 5 years of experience in providing Vietnamese guest worker service or employment services; is not criminally prosecuted; has no criminal records regarding violation to national security, charges that violate life, health, self-esteem or dignity of human beings, fraudulence for appropriation, credibility abuse for appropriation, false advertisement, manipulating customers, organizing or allowing other individuals to migrate or stay in Vietnam illegally, organizing or allowing other individuals to travel abroad or stay abroad illegally, forcing other individuals to travel abroad or stay abroad illegally;
d) has adequate number of professional employees to implement provisions of Article 9 of this Law;
dd) has adequate facilities of enterprises or is continuously hired by enterprises to satisfy orientation education for Vietnamese guest workers;
e) has a web page.
2. Government shall elaborate this Article.
Article 11. License for provision of Vietnamese guest worker service
1. License for provision of Vietnamese guest workers (hereinafter referred to as “license”) shall have following details:
a) License No. and date of issue;
b) Enterprise name;
c) Enterprise ID number;
d) Head office address;
dd) Phone number;
e) Web page address.
2. The license shall be revised and reissued as specified under Article 13 and Article 14 of this Law.
Article 12. Application, procedures and fees for license issuance
1. Application for license issuance consists of:
a) Written application for license issuance of enterprise;
b) Copies of enterprise registration certificate;
c) Documents proving satisfaction of eligibility under Article 10 of this Law.
2. Within 20 days from the date on which adequate application is received, Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall consider and issue license for the enterprise; in case of rejection, respond in writing and specify reasons.
3. Fees for issuance shall conform to regulations and law on fees and charges.
4. The Government shall prescribe form of license; form for documents specified under Point a and Point c Clause 1 of this Article; cooperation between agencies in issuing license via electronic network.
Article 13. Revision of license
1. In case of changes to contents of an issued license, a service enterprise shall request Minister of Labor - War Invalids and Social Affairs to revise the license.
2. Within 5 working days from the date on which written request of service enterprise is received, Minister of Labor - War Invalids and Social Affairs shall revise the license.
3. The service enterprise shall not pay fee for revision of license.
Article 14. Reissuance of license
1. When an issued license is lost or damaged, service enterprise shall request Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs in writing to reissue the license.
2. Within 5 working days from the date on which written request of service enterprise is received, Minister of Labor - War Invalids and Social Affairs shall reissue the license.
3. The service enterprise shall not pay fee for reissuance of license.
Article 15. Issuance and post of license
1. Within 10 days from the date on which a license is issued, reissued or revised, Minister of Labor - War Invalids and Social Affairs shall upload the license on their website and inform People’s Committee of province where head office of the service enterprise is based in.
2. Within 30 days from the date on which a license is issued, reissued or revised, the service enterprise must openly post copies of license at their head office and upload the license on website of the enterprise.
Article 16. Suspension and revocation of license
1. A service enterprise shall have their issued license suspended and submitted to Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs when they:
a) cease to exist as per the law; or
b) cease to provide Vietnamese guest worker service.
2. A service enterprise shall have their license revoked when:
a) Information declared under application for license issuance is fabricated;
b) Eligibility specified under Article 10 of this Law is not properly maintained;
c) The enterprise fails to bring Vietnamese workers abroad for 24 months consecutively for reasons other than natural disasters, conflict, political unrest, economic depression or force majeure which causes foreign countries to be unable to receive foreign workers;
d) The enterprise violates Clauses 1, 2, 5, 6, 7, 8, 11, 12, or 13 Article 7 of this Law;
dd) The enterprise fails to fully satisfy obligations specified under Points c, e, g, h, and i Clause 2 Article 26 of this Law thereby causing severe physical and metal damage to workers.
3. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall decide to revoke license; publicize revocation of license within 5 working days from the date on which revocation decision is issued; publicize submission of license on website of the Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs and inform People's Committee of province where head office of the service enterprise is based in.
4. The Government shall elaborate Clause 1 and Clause 2 of this Article.
Article 17. Assigned branches in provision of Vietnamese guest worker service
1. A service enterprise may assign their branches to implement several activities regarding provision of Vietnamese guest workers and be responsible for branches’ operation. Branches are established and functional according to Law on Enterprises.
2. A branch may provide Vietnamese guest worker service if:
a) The branch is assigned by a service enterprise;
b) Head of the branch meets eligibility specified under Point c Clause 1 Article 10 of this Law;
c) The branch has adequate number of professional staff to implement specific tasks;
d) The branch has adequate facilities or is hired to implement specific orientation education tasks.
3. A branch assigned to provide Vietnamese guest worker service must not:
a) sign or liquidate labor supply contracts, broker agreements and Vietnamese guest worker agreements;
b) collect service fee and deposit payments of workers.
4. Service enterprises are responsible for reporting to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs in writing and updating information on their branches on database system on Vietnamese guest workers within 5 working days from the date on which they assign branches, cease to assign branches or branches cease to operate.
5. Branches assigned to provide Vietnamese guest worker service must openly post decision of service enterprises on assigning the branches and copies of license of the service enterprises at head offices of the branches.
6. The Government shall elaborate Point c and Point d Clause 2 of this Article.
Article 18. Preparation of labor sources
1. Service enterprises shall prepare labor sources prior to registration of labor supply agreements at request of foreign employment receivers or according to cooperation agreements with foreign employment receivers and only after receiving written consensus of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.
2. File for preparation of labor sources consist of:
a) Document on preparing labor sources;
b) Copies of written request or cooperation agreements with foreign employment receivers together with certified Vietnamese translation; for foreign parties that cooperate with Vietnamese service enterprises for the first time, attach documents proving permission to employ foreign workers issued by competent authorities of host countries;
c) Labor source preparation schemes which specify number of workers, duration and methods of preparing labor sources;
d) Prioritize selecting workers who have participated in labor source preparation phase.
3. Within 5 working days from the date on which adequate files are received, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall respond to service enterprises in writing and inform People’s Committees of provinces where service enterprises operate in writing to prepare labor sources and update on database system on Vietnamese guest workers; provide reasons in case of rejection.
4. Service enterprises shall prepare labor sources as follows:
a) Prepare shortlists of workers;
b) Provide vocational and foreign language training for workers if necessary and only collect training fees as per the law directly or via cooperation with vocational training facilities and/or employment service organizations.
5. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall elaborate Clause 2 of this Article.
Article 19. Labor supply agreements
1. Labor supply agreements are written agreements between Vietnamese service enterprises with foreign employment receivers on conditions, rights and obligations of parties in providing and receiving Vietnamese guest workers.
2. Labor supply agreements must conform to regulations and law of Vietnam and host countries and contain following details:
a) Duration of contracts;
b) Number of workers; field of operation; age of workers;
c) Host countries;
d) Working location if contracts are signed with foreign employers;
dd) Working conditions and environment;
e) Working hours and break time;
g) Occupational safety and hygiene;
h) Salary, wages, other benefits and bonuses (if any); overtime payments; payments taken from salary according to regulations and law of host countries;
i) Living, working and commuting conditions;
k) Medical examination, treatment and reproductive health policies;
l) Social insurance, health insurance, occupational accident and disease insurance;
m) Conditions for premature contract termination by workers and responsibilities for paying damages;
n) Service fee paid by foreign employment receivers (if any);
o) Responsibilities to pay travel cost from Vietnam to work place and vice versa;
p) Responsibilities of parties when workers face risks while working abroad;
q) Responsibilities of parties in dealing with arising issues for workers while working abroad;
r) Mechanisms, procedures and regulations and law on solving conflicts;
s) Other agreements that do not contradict regulations and law and social moral.
3. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall elaborate Clause 2 of this Article depending on market, field of operation and specific jobs.
Article 20. Registration of labor supply agreements
1. Service enterprises shall only register labor supply agreements after receiving written consensus of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.
2. Application for registering labor supply agreements consists of:
a) Written registration for labor supply agreements;
b) Copies of labor supply contracts together with certified Vietnamese translation;
c) Documents proving compliance with regulations and law of host countries of provision of Vietnamese guest workers.
3. Within 5 working days from the date on which adequate applications are received, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall respond service enterprises in writing or provide reasons in case of rejection; in case overseas appraisal is required, inform service enterprises within 3 working days from the date of receiving appraisal results.
4. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall prescribe forms of documents specified under Point a and Point c Clause 2 of this Article.
Article 21. Contracts for provision of Vietnamese guest worker service
1. Contract for provision of Vietnamese guest worker service is an agreement between a service enterprise with worker(s) in terms of rights and obligations of parties in provision of Vietnamese guest worker service.
2. Contract for provision of Vietnamese guest worker service must agree on rights and obligations of each party conforming to contract for labor supply; specify agreed amount of service fee and other charges to be incurred by workers (if any).
3. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall prescribe form of contract for provision of Vietnamese guest worker service.
Article 22. Broker agreement and wage according to broker agreements
1. Broker agreement is an agreement between a service enterprise with broker organization(s) and/or individual(s) on finding foreign employment receivers of Vietnamese workers to conclude labor supply contracts according to this Law.
2. Wages under a broker agreement shall be agreed upon by parties and specified under the agreement without exceeding the top limit specified under Clause 3 of this Article.
3. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall elaborate top limit of wages under broker agreement for each market, field of operation and profession from time to time that include Vietnamese guest workers.
1. Service fee is an amount of money received by a service enterprise from a foreign employment receiver and workers to compensate for cost, market research, negotiation, signing of labor supply agreement and management of workers while they are working abroad according to this Law.
2. Service fees collected from workers by service enterprises must:
a) be agreed upon by worker(s) and service enterprises; and
b) not exceed the top limit specified under Clause 4 of this Article; and
c) only be collected once labor supply agreements have been approved by Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and once contracts for provision of Vietnamese guest worker have been signed; and
d) be collected from workers only in form of the remainder of the service fee which have been partially paid for by foreign employment receivers.
3. In case service enterprises have collected service fees submitted by workers for the entirety of working period agreed upon under contracts for provision of Vietnamese guest worker service and workers must prematurely repatriate due to reasons other than the workers’ faults, service enterprises must return the service fees and interest rates corresponding to the remaining period of contracts for provision of Vietnamese guest worker service.
Interest shall be calculated based on interest rates of demand deposit payments in VND of credit institutions agreed upon by the parties at the time service enterprises repay workers.
4. Top limit of service fees collected from workers shall be prescribed as follows:
a) The top limit of service fee must not exceed 1 month’s worth of salary of workers and shall be collected once every 12 months of working; not exceed 1.5 month’s worth of salary of officers and crew members working on cargo ships and shall be collected once every 12 months of working; In case of contracts for provision of Vietnamese guest service last for at least 36 months, the service fee under such contracts must not exceed 3 months’ worth of salary of workers;
b) In case service fees for extended period of contracts for provision of Vietnamese guest service is agreed upon, the top limit of the service fees for every 12 extended months of working must not exceed 0.5 month’s worth of salary of workers;
c) For specific markets, fields of operation and professions, Minister of Labor - War Invalids and Social Affairs shall elaborate the top limit of service fee below the amounts specified under Point a and Point b of this Clause.
Article 24. Deposit payments of service enterprises
1. Deposit payments of service enterprises shall be deposited in banks and shall be used in case service enterprises fail to adequately execute obligations in provision of Vietnamese guest worker service at request of competent authorities.
Within 30 days from the date on which deposit payments are used, service enterprises must return used amount and ensure the prescribed deposit payment.
2. In the case prescribed under Point b Clause 3 of Article 29 of this Law, deposit payments of service enterprises shall be used by Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs to pay for additional obligations for workers who have not liquidated contracts for provision of Vietnamese guest worker service at the time of transfer; after subtracting banking service fee, any of remaining deposit payments shall be used by service enterprises to pay for other debts according to regulations and law on bankruptcy.
3. The Government shall elaborate deposit payments and management, use thereof and cases in which enterprises are dissolved, having their license revoked or suspended.
Article 25. Deposit payments of workers
1. Service enterprises shall agree with workers on deposit payments to ensure execution of obligations according to contracts for provision of Vietnamese guest worker service according to Vietnamese regulations or agreement with foreign employment receivers.
2. Workers shall agree with service enterprises on depositing deposit payments in escrow accounts of workers at banks.
3. Workers shall receive both the principle and interest of deposit payments when liquidating contracts for provision of Vietnamese guest worker service.
In case workers violate obligations under contracts for provision of Vietnamese guest worker service, deposit payments of workers shall be utilized by service enterprises to pay for damages arising due to workers’ faults; the remaining deposit payments shall be returned to workers; in case of insufficient deposit payments, workers must submit additional deposit payments.
4. In case of conflicts over service enterprises not paying deposit payments, workers have the rights to request Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs or file lawsuits as per the law.
5. The Government shall prescribe the top limit of deposit payments of workers in each market, field of operations and profession, and management, use and return of deposit payments.
Article 26. Rights and obligations of service enterprises
1. Service enterprises have the rights to:
a) execute provisions under Article 9 of this Law;
b) agree with workers on service fees, deposit payments and guarantee for execution of contracts for provision of Vietnamese guest worker according to this Law;
c) unilaterally liquidate contracts for provision of Vietnamese guest worker service after informing in form of registered mails 3 times within 180 days from the date on which workers terminate employment contracts without liquidating or legally authorizing other individuals to liquidate contracts, or within 180 days from the date on which workers extend employment contracts without executing rights and obligations under contracts for provision of Vietnamese guest worker service;
dd) complain and/or file lawsuits against decisions or violations to regulations and law in provision of Vietnamese guest worker service.
2. Service enterprises have the obligations to:
a) execute provisions under Clause 2 Article 15, Clause 1 Article 16, Articles 17, 18, 19, 20, 27, 28, and 29 of this Law;
b) upload on website of service enterprises information on legal representatives; list of professional employees; address of head offices, business locations, and facilities serving orientation education for workers prior to working abroad; decisions on assigning branches and update any change to these contents; documents of Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs approving preparation of labor sources; adequate information on quantity and standard of recruitment, working conditions, rights and obligations of workers according to labor supply contracts; list of workers participating in preparation of labor sources and selected;
c) make written commitment regarding prioritizing workers who have participated in preparation of labor sources of enterprises; in case enterprises fail to comply with the commitment, compensate as per the law; advertise, advise, announce recruitment, provide workers and local governments with accurate information on quantity and standards for recruitment, working conditions, rights and obligations of workers according to labor supply agreements; directly recruit and refrain from charging workers for recruitment; comply with details under approved labor supply agreements;
d) organize and issue certificate for completion of orientation education for workers prior to working abroad according to this Law; instruct workers on participating in social insurance according to regulations and law on social insurance;
dd) make written commitment regarding the period in which workers must wait until migration after being recruited for overseas employment without exceeding 180 days from the date on which workers are recruited; in case of failure to comply with commitment on waiting period due to reasons other than force majeure, compensate as agreed upon and return all expenses paid by workers;
e) manage and protect legal rights and benefits of workers brought abroad for employment by enterprises; employ professional employees capable of managing and assisting overseas workers as prescribed by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs; provide legal assistance in case workers are abused, exploited or discriminated while working abroad;
g) Implement request of competent authorities and cooperate with relevant agencies and organizations of host countries in settling conflicts relating to workers; deal with deriving issues in case workers decease or face occupational accidents, occupational diseases, life-threatening risks, health, self-esteem, dignity, or property risks, natural disasters, diseases, combats, political unrests or emergencies;
h) pay workers for damages caused by enterprises or branches of enterprises as per the law;
i) liquidate contracts for provision of Vietnamese guest worker service within 180 days from the date on which workers terminate employment contracts;
k) consult and assist workers in terms of procedures related to termination of employment contracts, and rights, policies, procedures for repatriating;
l) contribute to fund for overseas employment according to this Law;
m) on an annual basis or irregular basis, report on provision of Vietnamese guest worker service as prescribed by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs;
n) within 5 days from the date on which workers migrate, update information on workers brought abroad by enterprises on database system on Vietnamese guest workers as prescribed by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs until contracts for provision of Vietnamese guest worker service are liquidated.
Article 27. Responsibilities of service enterprises in case of license suspension or revocation
1. In case of license suspension or revocation according to Article 16 of this Law, service enterprises, in addition to not conduct activities and services specified under Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 9 of this Law, is responsible for:
a) performing obligations under labor supply contracts and contracts for provision of Vietnamese guest worker service for migrated workers;
b) dealing with issues related to workers who are recruited by enterprises and participating in vocational training, foreign language training or orientation education.
2. Management and use of deposit payments of service enterprises in case of license suspension or revocation shall conform to Article 24 of this Law.
3. Management and use of deposit payments of workers in case of license suspension or revocation shall conform to Article 25 of this Law.
Article 28. Responsibilities of service enterprises in case of dissolution
1. Service enterprises may dissolve only when:
a) they have fulfilled all obligations under valid labor supply agreements and contracts for provision of Vietnamese guest workers service and settle all debts and other obligations as per the law; and
b) they have fully transferred rights and obligations related to provision of Vietnamese guest worker service to other licensed enterprises after reaching a consensus with foreign employment receivers and receiving approval of Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs.
2. Within 5 working days from the date on which dissolution decisions are approved, service enterprises must report to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs on situations of workers brought abroad for employment by the enterprises and measures for implementing obligations of the enterprises under valid labor supply contracts and contracts for provision of Vietnamese guest worker service and written agreements with receiving service enterprises on rights and obligations for cases specified under Point b Clause 1 of this Article.
3. Transfer of rights and obligations of service enterprises to other service enterprises does not alter rights and obligations under contracts for provision of Vietnamese guest worker service.
When transferring rights and obligations to other service enterprises, service fees and deposit payments of workers and property to enforce execution of guarantee obligations shall also be transferred to receiving service enterprises. Within 5 working days from the date on which rights and obligations are fully transferred, service enterprises must inform Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and workers.
Article 29. Responsibilities of service enterprises in case of bankruptcy
1. Within 5 working days from the date on which courts issue decisions on initiation of bankruptcy procedures, service enterprises must report to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs on provision of Vietnamese guest worker service and measures for implementing obligations of the enterprises under valid labor supply contracts and contracts for provision of Vietnamese guest worker service.
2. From the date on which courts issue decisions on initiation of bankruptcy procedures, service enterprises must not provide services specified under Clauses 1, 2, 3, and 4 Article 9 of this Law.
3. In case courts issue decision on declaring bankruptcy of enterprises, transfer of rights and obligations on execution of valid labor supply agreements and contracts for provision of Vietnamese guest worker service shall be prescribed as follows:
a) Service enterprises shall negotiate with other licensed service enterprises in order to transfer rights and obligations after agreeing with foreign employment receivers and receiving approval of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs regarding transfer measures. Transfer of rights and obligations of service enterprises to other service enterprises does not alter rights and obligations under contracts for provision of Vietnamese guest worker service.
When transferring rights and obligations to other service enterprises, service fees and deposit payments of workers and property to enforce execution of guarantee obligations shall also be transferred to receiving service enterprises. Within 5 working days from the date on which rights and obligations are fully transferred, service enterprises must inform Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs, foreign employment receivers and workers;
b) In case service enterprises fail to agree on transfer of rights and obligations to other service enterprises, transfer all dossiers of current guest workers, worker deposit payments, assets for enforcing execution of guarantee obligations and collected service fee of workers to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs to deal with rights and obligations of workers brought abroad by the enterprises according to this Law.
Within 5 working days from the day of receiving transfer, Ministry of Labor - War Invalids and Social Affairs shall inform foreign employment receivers and workers according to received dossiers.
Section 2. VIETNAMESE ENTERPRISES AWARDED WITH CONTRACTS OR RECEIVING CONTRACTS FOR OVERSEAS CONSTRUCTION AND PROJECTS BRINGING VIETNAMESE WORKERS ABROAD FOR EMPLOYMENT
Article 30. Eligibility of Vietnamese enterprises awarded with contracts or receiving contracts for overseas construction and projects bringing Vietnamese workers abroad for employment
1. Having agreements on award or receipt of contracts for overseas constructions and projects.
2. Developing measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment conforming to regulations and law of Vietnam and of host countries and reporting to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs according to Article 31 of this Law.
3. Bringing only Vietnamese workers who are working for the enterprises which are awarded or receive contracts to work in overseas constructions and projects according to agreements on contract award or receipt.
Article 31. Reports on bringing Vietnamese workers abroad for employment of Vietnamese enterprises awarded with contracts or receiving contracts for overseas construction and projects
1. Within 20 days before bringing Vietnamese workers abroad for employment, Vietnamese enterprises awarded with contracts or receive contracts for contracts and projects must report to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs on measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment and copies of agreements on award or receipt of contracts for overseas constructions and projects,
2. Measures for bringing Vietnamese workers abroad shall include:
a) Management and use of overseas workers, which clarifies number of workers brought abroad, gender, profession, line of business, working period, working hours, break time, overtime hour, salary, working conditions, living conditions, medical examination and treatment; risk management and implementation of benefits and policies for workers who suffer from occupational accidents, occupational diseases and other rights, benefits related to workers;
b) Repatriating workers in case of natural disasters, diseases, combats, political unrests, economic depression, emergencies or other force majeure.
3. Within 5 working days from the day of receiving measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall respond to enterprises in writing or provide reasons in case of rejection.
4. Within 5 working days from the date on which workers travel abroad, enterprises awarded with contracts or receiving contracts must update worker information on database system on Vietnamese guest workers.
Article 32. Rights and obligations of enterprises awarded with contracts or receiving contracts for overseas construction and projects bringing Vietnamese workers abroad for employment
1. Provide adequate and specific information on working conditions, living conditions, rights and benefits of workers working in overseas constructions and projects of enterprises awarded with contracts or receiving contracts.
2. Enable workers to participate in orientation education and receive certificate for completion of orientation education.
3. Directly organize migration, management and utilization of guest workers.
4. Reach an agreement with workers under annex(es) of employment contracts on additional details regarding working period, working hours, break time, overtime hours, salary, working conditions, living conditions, medical examination and treatment and other benefits, policies conforming with measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment specified under Clause 2 Article 31 of this Law and regulations and law of Vietnam and host countries.
5. Ensure periodic health check-ups for workers, including reproductive health and medical examination in case workers suffer from illnesses and/or accidents. If workers suffer from illnesses and/or accidents to such an extent that they can no longer work abroad, enterprises are responsible for repatriating workers and incurring relevant costs.
6. Organize transportation of dead body of the deceased workers who work abroad to Vietnam and incur all relevant costs; perform other compensation and benefit policies according to regulations and law of Vietnam.
7. Report and cooperate with overseas Vietnamese diplomatic missions in managing and protecting legal rights and interests of workers who are working abroad.
8. Report after completing contracts overseas and report irregularly at request of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.
9. Implement request of competent authorities and cooperate with relevant agencies and organizations of host countries in settling conflicts relating to workers; deal with deriving issues in case workers decease or face occupational accidents, occupational diseases, life-threatening risks, health, self-esteem, dignity, or property risks, natural disasters, diseases, combats, political unrests, economic depressions, emergencies or other force majeure.
Section 3. VIETNAMESE ORGANIZATIONS AND INDIVIDUALS MAKING OUTWARD INVESTMENT AND BRINGING VIETNAMESE WORKERS ABROAD
Section 33. Eligibility of Vietnamese organizations and individuals making outward investment and bringing Vietnamese workers abroad
1. Having outward investment registration certificate.
2. Developing measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment conforming to regulations and law of Vietnam and of host countries and reporting to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs according to Article 34 of this Law.
3. Only bringing Vietnamese workers to work in business facilities and constructions formed by overseas investment of organizations and individuals.
Section 34. Report on bringing Vietnamese workers abroad for employment of Vietnamese organizations and individuals making outward investment
1. Within 20 days before bringing workers abroad for employment, Vietnamese organizations and individuals making outward investment must report to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs on measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment and attach outward investment registration certificate.
2. Measures for bringing Vietnamese workers abroad shall include:
a) Management and use of overseas workers, which clarifies number of workers brought abroad, gender, profession, line of business, working period, working hours, break time, overtime hour, salary, working conditions, living conditions, medical examination and treatment; risk management and implementation of benefits and policies for workers who suffer from occupational accidents, occupational diseases and other rights, benefits related to workers;
b) Repatriating workers in case of natural disasters, diseases, combats, political unrests, economic depression, emergencies or other force majeure.
3. Within 5 working days from the day of receiving measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment, Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs shall respond to Vietnamese organizations and individuals making outward investment in writing or provide reasons in case of rejection.
4. Within 5 working days from the date on which workers travel abroad, Vietnamese organizations and individuals making outward investment must update worker information on database system on Vietnamese guest workers.
Section 35. Rights and obligations of Vietnamese organizations and individuals making outward investment and bringing Vietnamese workers abroad for employment
1. Provide adequate and specific information on working conditions, living conditions, rights and benefits of workers working in business facilities and constructions formed by overseas investment of organizations and individuals.
2. Enable workers to participate in orientation education and receive certificate for completion of orientation education.
3. Directly organize migration, management and utilization of guest workers.
4. Reach an agreement with workers under annex(es) of employment contracts on additional details regarding working period, working hours, break time, overtime hours, salary, working conditions, living conditions, medical examination and treatment and other benefits, policies conforming with measures for bringing Vietnamese workers abroad for employment specified under Clause 2 Article 34 of this Law and regulations and law of Vietnam and host countries.
In case of recruiting new workers, sign contracts for provision of Vietnamese guest worker service according to form of contract prescribed by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs and refrain from charging workers with service fees.
5. Liquidate contracts for provision of Vietnamese guest worker service within 180 days from the date on which workers terminate employment contracts.
6. Ensure rights of workers and deal with issues met by workers who are brought abroad by the enterprises.
7. Report and cooperate with overseas Vietnamese diplomatic missions in managing and protecting legal rights and interests of workers who are working abroad.
8. On an annual basis or irregular basis, report on provision of Vietnamese guest worker service as prescribed by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs.
9. Implement request of competent authorities and cooperate with relevant agencies and organizations of host countries in settling conflicts relating to workers; deal with deriving issues in case workers decease or face occupational accidents, occupational diseases, life-threatening risks, health, self-esteem, dignity, or property risks, natural disasters, diseases, combats, political unrests, economic depressions, emergencies or other force majeure.
Section 4. VIETNAMESE ENTERPRISES BRINGING VIETNAMESE WORKERS ABROAD FOR TRAINING, IMPROVEMENT AND ENHANCEMENT
Article 36. Eligibility of Vietnamese enterprises bringing Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement
1. Having contracts for receiving intern workers with overseas intern receivers to bring Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement conforming to Article 37 of this Law and approved by competent authorities specified under Article 39 of this Law.
2. Having deposit payments for execution of contracts for receiving intern workers as prescribed by the Government.
3. Bringing only workers who are under overseas employment contracts and vocational training contracts for training, improvement and enhancement at overseas intern receivers according to contracts for receiving intern workers.
4. Professions and careers for which Vietnamese workers are sent to for training, improvement and enhancement must conform to fields of operation of enterprises.
Article 37. Contracts for receiving intern workers
1. Contracts for receiving intern workers are written agreements between Vietnamese enterprises with overseas intern receivers on rights and obligations of parties in providing, receiving workers of enterprises for overseas training, improvement and enhancement.
2. Contracts for receiving intern workers must conform to regulations and law of Vietnam and host countries and contain following details:
a) Intern period;
b) Number of workers; field of operation; age of workers;
c) Intern locations;
d) Intern conditions and environment;
dd) Working hours, break time;
e) Occupational safety and hygiene;
g) Salary, wages;
h) Living conditions, travel conditions;
i) Medical examination and treatment;
k) Social insurance, health insurance, occupational accident and disease insurance, other insurances (if any);
l) Conditions for premature contract termination and responsibilities for paying damages;
m) Responsibilities to pay travel cost from Vietnam to work place and vice versa;
n) Responsibilities of parties when workers face risks during internship period;
o) Responsibilities of parties in dealing with arising issues for workers during internship period;
p) Mechanisms, procedures and regulations and law on solving conflicts;
q) Other agreements that do not contradict regulations and law and social moral.
Article 38. Contracts for overseas vocational training
1. Contracts for overseas vocational training are written agreements between Vietnamese enterprises and their workers regarding craft training, improvement and enhancement.
2. Contracts for overseas vocational training must satisfy the Labor Code and conform to contracts for receiving intern workers.
Article 39. Registration for contracts for receiving intern workers
1. Contracts for receiving intern workers must be registered as follows:
a) Enterprises bringing Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement under 90 days must register at specialized labor authorities affiliated to People’s Committees of provinces where head offices of the enterprises are based;
b) Enterprises bringing Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement for at least 90 days must register at Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.
2. Within 5 working days from the date on which adequate applications specified under Article 40 of this Law are received, competent authorities specified under Clause 1 of this Article must respond to enterprises in writing or provide reasons in case of rejection.
Article 40. Application for contracts for receiving intern workers
1. Application for contracts for receiving intern workers consists of:
a) Written registration for contracts for receiving intern workers;
b) Copies of contracts for receiving intern workers together with certified Vietnamese translation;
c) Documents proving compliance with regulations and law of host countries in bringing Vietnamese workers abroad for training, improvement;
d) Copies of enterprise registration certificates and written proof of enterprise deposit payments according to Clause 2 Article 36 of this Law.
2. Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs shall prescribe forms of documents specified under Point a and Point c Clause 1 of this Article.
Article 41. Rights and obligations of Vietnamese enterprises bringing Vietnamese workers abroad for training, improvement and enhancement
1. Enterprises have the rights to:
a) request workers to compensate for damage caused by the workers according to contracts for overseas vocational training;
b) complain and/or file lawsuits against decisions or violations to regulations and law in provision of Vietnamese guest worker service.
2. Enterprises have the obligations to:
a) provide adequate and accurate information on provisions under Clause 2 Article 37 of this Law;
b) sign contracts for overseas vocational training before workers are brought abroad for training, improvement and enhancement;
c) enable workers to participate in orientation education and receive certificate for completion of orientation education;
d) within 5 working days from the date on which workers travel abroad, enterprises must update worker information on database system on Vietnamese guest workers.
dd) manage and protect legal rights and benefits of workers brought abroad from training, improvement and enhancement by the enterprises;
e) report and cooperate with overseas Vietnamese diplomatic missions in managing and protecting legal rights and interests of workers;
g) liquidate contracts for overseas vocational training with workers;
h) compensate workers according to signed contracts and regulations and law on for damage caused by the enterprises;
i) receive and allocate suitable employment for workers who have attended overseas improvement, training and enhancement;
k) deal with worker benefits in case the enterprises dissolve or go bankrupt as per the law;
l) report on provision of overseas training, improvement and enhancement for workers to competent authorities specified under Clause 1 Article 39 of this Law according to Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs;
m) implement request of competent authorities and cooperate with relevant agencies and organizations of host countries in settling conflicts relating to workers; deal with deriving issues in case workers decease or face occupational accidents, occupational diseases, life-threatening risks, health, self-esteem, dignity, or property risks, natural disasters, diseases, combats, political unrests, economic depressions, emergencies or other force majeure.
Section 5. SERVICE PROVIDERS PROVIDING VIETNAMESE GUEST WORKER SERVICE
Article 42. Eligibility of service providers providing Vietnamese guest worker service
1. Service providers specified under Clause 3 Article 2 of this Law must be assigned by ministers, heads of Governmental agencies and heads of ministerial agencies in writing to provide Vietnamese guest worker service in implementation of international agreements.
Ministers, heads of Governmental agencies and heads of ministerial agencies shall only assign 1 service provider to provide Vietnamese guest worker service after receiving written consensus of Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs.
2. Heads of providers of Vietnamese guest worker service must have at least university-level education and at least 3 years of experience in provision of Vietnamese guest worker service, international cooperation and employment service.
3. Providers of Vietnamese guest worker service shall operate on a non-profit basis and must not charge workers for service fee.
Article 43. Rights and obligations of service providers of Vietnamese guest worker service
1. Service providers have the rights to:
a) sign labor supply contracts with foreign employment receivers if required by international agreements;
b) recruit, train and sign contracts for providing Vietnamese guest worker service according to regulations of Minister of Labor - War Invalids and Social Affairs;
c) negotiate with workers about deposit payment and guarantee for execution of contract obligations as prescribed by the Government;
d) request workers to compensate for damage caused by infringement of contracts for provision of Vietnamese guest worker service;
dd) complain and/or file lawsuits against decisions or violations to regulations and law in provision of Vietnamese guest worker service;
e) unilaterally liquidate contracts for provision of Vietnamese guest worker service after informing in form of registered mails 3 times within 180 days from the date on which workers terminate employment contracts without liquidating or legally authorizing other individuals to liquidate contracts, or within 180 days from the date on which workers extend employment contracts without executing rights and obligations under contracts for provision of Vietnamese guest worker service.
2. Service providers have the obligations to:
a) report to Ministry of Labor – War Invalids and Social Affairs and supervisory authorities of service providers on provision of Vietnamese guest worker service together with copies of labor supply contracts (if any) and form-based contract for provision of guest worker service at least 15 days before providing Vietnamese guest worker service;
b) provide accurate and adequate information on quantity, recruitment quality, salary, working conditions, rights and obligations of guest workers and upload on website of the service providers;
c) within 5 working days from the date on which workers travel abroad, service providers must update information of workers brought abroad by the service providers on database system on Vietnamese guest workers on a monthly basis.
d) organize orientation education and issue certificate for completion of orientation education for workers;
dd) cooperate with overseas Vietnamese diplomatic missions in managing, protecting legal rights and interests of workers and dealing with arising issues of workers who are working abroad;
e) liquidate contracts for provision of Vietnamese guest worker service within 180 days from the date on which workers terminate employment contracts;
g) on an annual basis or irregular basis, report on provision of Vietnamese guest worker service as prescribed by Minister of Labor – War Invalids and Social Affairs;
h) implement request of competent authorities and cooperate with relevant agencies and organizations of host countries in settling conflicts relating to workers; deal with deriving issues in case workers decease or face occupational accidents, occupational diseases, life-threatening risks, health, self-esteem, dignity, or property risks, natural disasters, diseases, combats, political unrests or emergencies or other force majeure;
i) compensate workers according to signed contracts and regulations and law on for damage caused by the service providers.
Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực