1. Những thuật ngữ được sử dụng trong Công ước cần được hiểu như sau:
1. “Vùng” (Zone): là đáy biển và lòng đất dưới đáy biển nằm bên ngoài giới hạn quyền tài phán quốc gia;
2. “Cơ quan quyền lực” (Autorité): là cơ quan quyền lực quốc tế về đáy biển;
3. “Các hoạt động được tiến hành trong Vùng” (activités menées dans la Zone): là mọi hoạt động thăm dò và khai thác các tài nguyên của Vùng;
4. “Ô nhiễm môi trường biển” (Pullution du milieu marin): là việc con người trực tiếp hoặc gián tiếp đưa các chất liệu hoặc năng lượng vào môi trường biển, bao gồm cả các cửa sông, khi việc đó gây ra hoặc có thể gây ra những tác hại như gây tổn hại đến nguồn lợi sinh vật, và đến hệ động vật và hệ thực vật biển, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người, gây trở ngại cho các hoạt động ở biển, kể cả việc đánh bắt hải sản và các việc sử dụng biển một cách hợp pháp khác, làm biến đổi chất lượng nước biển về phương diện sử dụng nó và làm giảm sút các giá trị mỹ cảm của biển;
5. a) “Sự nhận chìm” (immersion) là:
i. mọi sự trút bỏ có ý thức xuống biển các chất thải hoặc các chất khác từ các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc công trình khác được bố trí ở biển.
ii. mọi sự đánh chìm tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí ở biển.
b) Thuật ngữ “nhận chìm” không nhằm vào:
i. việc vứt bỏ các chất thải hoặc các chất khác được sản sinh trực tiếp hoặc gián tiếp trong việc khai thác bình thường của tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác được bố trí trên biển, cũng như các thiết bị của chúng, ngoại trừ các chất thải hoặc các chất khác được chuyên chở hoặc chuyển tài trên các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hoặc các công trình khác bố trí ở biển được dùng để thải bỏ các chất đó, trên các tàu thuyền, phương tiện bay, giàn nổi hay các công trình đó tạo ra;
ii. việc tàng chứa các chất với mục đích không phải chỉ là để thải bỏ chúng với điều kiện là việc tàng chứa này không đi ngược lại những mục đich của Công ước.
2.1 “Các quốc gia thành viên” (Etats Parties) là những quốc gia đã chấp nhận sự ràng buộc của Công ước và Công ước có hiệu lực đối với các quốc gia đó.
2. Công ước được áp dụng mulatis mutandis (với những thay đổi cần thiết về chi tiết) cho những thực thể nói trong Điều 305 khoản 1, điểm b, c, d, e và f đã trở thành thành viên của Công ước, theo đúng với các điều kiện liên quan đến từng thực thể; trong giới hạn đó, thuật ngữ “quốc gia thành viên” cũng dùng để chỉ những thực thể này.