Lý thuyết Địa lí 11 Bài 4 (Kết nối tri thức): Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Tóm tắt lý thuyết Địa lí lớp 11 Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu hay, chi tiết sách Kết nối tri thức sẽ giúp học sinh nắm vững kiến thức trọng tâm, ôn luyện để học tốt Địa lí 11.

1 5,880 06/11/2023


Lý thuyết Địa lí 11 Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Bài giải Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

A. Lý thuyết Địa lí 11 Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

I. Một số tổ chức quốc tế và khu vực

1. Liên hợp quốc (The United Nations - UN)

- Liên hợp quốc là tổ chức quốc tế được thành lập vào năm 1945 với tôn chỉ hoạt động là bảo đảm một nền hòa bình và trật tự thế giới bền vững.

- Đến năm 2021, Liên hợp quốc có 193 thành viên. Việt Nam là thành viên của Liên hợp quốc từ năm 1977.

- Mục tiêu hoạt động của Liên hợp quốc là:

+ Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

+ Thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc bình đẳng về quyền lợi giữa các dân tộc và nguyên tắc dân tộc tự quyết.

+ Thực hiện hợp tác quốc tế thông qua giải quyết các vấn đề quốc tế trên cơ sở tôn trọng các quyền con người và quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người, không phân biệt chủng tộc, màu da, ngôn ngữ và tôn giáo.

+ Xây dựng Liên hợp quốc là trung tâm điều hoà các nỗ lực quốc tế vì các mục tiêu chung.

Lý thuyết Địa Lí 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

2. Tổ chức Thương mại Thế giới (The World Trade Organization - WTO)

- WTO được thành lập và hoạt động từ năm 1995 với tôn chỉ hoạt động là thiết lập và duy trì một nền thương mại toàn cầu tự do, thuận lợi và minh bạch.

- Đến năm 2021, WTO có 164 thành viên. Việt Nam là thành viên thứ 150 của tổ chức này từ năm 2007.

- Mục tiêu hoạt động của WTO là:

+ Thúc đẩy tăng trưởng thương mại hàng hóa và dịch vụ trên thế giới phục vụ cho sự phát triển, ổn định, bền vững và bảo vệ môi trường.

+ Thúc đẩy sự phát triển các thể chế thị trường, giải quyết các bất đồng và tranh chấp thương mại giữa các nước thành viên trong khuôn khổ của hệ thống thương mại đa phương, phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của Công pháp quốc tế.

+ Nâng cao mức sống, tạo công ăn, việc làm cho người dân các nước thành viên, bảo đảm các quyền và tiêu chuẩn lao động tối thiểu.

Lý thuyết Địa Lí 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

3. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF)

- IMF được thành lập năm 1944 với tôn chỉ hoạt động là thúc đẩy hợp tác tiền tệ toàn cầu, bảo đảm sự ổn định tài chính, tạo thuận lợi cho thương mại quốc tế, thúc đẩy việc làm, tăng trưởng kinh tế bền vững và giảm nghèo trên toàn thế giới.

- Đến năm 2021, IMF có 190 thành viên. Việt Nam là thành viên của tổ chức này từ năm 1976.

- Mục tiêu hoạt động của IMF là:

+ Thúc đẩy hợp tác tiền tệ quốc tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và hỗ trợ tài chính tạm thời cho các nước thành viên khi các nước này gặp khó khăn.

+ Bảo đảm sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế - hệ thống tỉ giá và hệ thống thanh toán toàn cầu để các quốc gia và mọi người dân giao dịch được với nhau và với công dân của nước khác.

4. Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC)

- APEC được thành lập năm 1989 với tôn chỉ là thúc đẩy tự do thương mại, đầu tư và mở cửa trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

- APEC gồm có 21 nền kinh tế thành viên. Việt Nam là thành viên của tổ chức này từ năm 1998.

- Mục tiêu hoạt động của APEC là:

+ Giữ vững sự tăng trưởng và phát triển trong khu vực.

+ Tăng cường hệ thống đa phương mở vì lợi ích của châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế khác.

+ Phát huy những tác động tích cực của sự phụ thuộc kinh tế lẫn nhau ngày càng tăng của kinh tế khu vực và thế giới, bằng cách đẩy mạnh sự giao lưu hàng hóa - dịch vụ, vốn và công nghệ.

II. An ninh toàn cầu và bảo vệ hòa bình trên thế giới

1. Một số vấn đề an ninh toàn cầu

- An ninh toàn cầu chính là trạng thái bình yên, ổn định và hòa bình của toàn thế giới.

- Nhân tố quan trọng để bảo đảm an ninh toàn cầu chính là đảm bảo an ninh con người.

- An ninh toàn cầu có thể chia thành hai loại là an ninh truyền thống và an ninh phi truyền thống.

+ An ninh truyền thống: là khái niệm đã có từ lâu, liên quan chủ yếu đến an ninh chính trị và quân sự như khủng bố, xung đột vũ trang, chiến tranh cục bộ,...

+ An ninh phi truyền thống: là khái niệm mới xuất hiện trong vài thập niên gần đây, liên quan đến các vấn đề như an ninh kinh tế, lương thực, năng lượng, nguồn nước,.... Cùng với quá trình toàn cầu hóa và khu vực hóa, an ninh phi truyền thống trở thành vấn đề toàn cầu đòi hỏi các nước cần chung tay giải quyết.

a) An ninh lương thực

- An ninh lương thực là việc đảm bảo mọi người có quyền tiếp cận các nguồn lương thực một cách đầy đủ, an toàn để duy trì cuộc sống khỏe mạnh.

- An ninh lương thực luôn là vấn đề trọng yếu của tất cả các quốc gia trên thế giới trong nhiều thập kỉ qua. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất an ninh lương thực như xung đột vũ trang, chiến tranh, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh,... làm gián đoạn nguồn sản xuất và cung ứng lương thực, thực phẩm.

- Đảm bảo được an ninh lương thực sẽ đáp ứng nhu cầu tồn tại của con người và giảm tỉ lệ đói nghèo trên thế giới, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và làm tiền để để ổn định chính trị - xã hội.

- Các giải pháp để đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu:

+ Cung cấp lương thực và cứu trợ nhân đạo cho các khu vực mất an ninh lương thực nghiêm trọng.

+ Đẩy mạnh sản xuất lương thực bằng cách cơ cấu lại sản xuất, nâng cấp cơ sở vật chất - kĩ thuật nông nghiệp..., đầu tư vào phát triển nông nghiệp bền vững.

+ Nâng cao vai trò của các tổ chức quốc tế, như: Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WEP), Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG)... để giải quyết vấn đề an ninh lương thực toàn cầu.

Lý thuyết Địa Lí 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

b) An ninh năng lượng

- An ninh năng lượng là sự đảm bảo đầy đủ năng lượng, dưới nhiều hình thức khác nhau để phục vụ cho nhu cầu của con người và cho các hoạt động kinh tế - xã hội.

- Những thay đổi trong thị trường dầu mỏ và các năng lượng khác, cùng sự xuất hiện nhiều nguy cơ như: xung đột vũ trang, biến đổi khí hậu,... đã khiến an ninh năng lượng không được bảo đảm. Do đó, vấn đề đảm bảo an ninh năng lượng là hết sức cấp thiết, đồng thời là tiền để quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

- Các giải pháp để đảm bảo an ninh năng lượng

+ Đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng và phát triển năng lượng tái tạo.

+ Khai thác hợp lí các nguồn tài nguyên và tìm kiếm các nguồn năng lượng mới.

+ Các quốc gia phối hợp với nhau để giải quyết các vấn đề năng lượng.

+ Tăng cường vai trò của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC), Liên hợp quốc.... trong việc đàm phán, hợp tác, phân phối năng lượng.

Lý thuyết Địa Lí 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

c) An ninh nguồn nước

- An ninh nguồn nước là việc đảm bảo số lượng, chất lượng nước phục sinh trong mọi tình huống; đáp ứng nhu cầu sử dụng nước cho các hoạt động kinh tế; đảm bảo mọi người dân, mọi đối tượng được tiếp cận, sử dụng nước công bằng, hợp lí.

- An ninh nguồn nước cũng có nghĩa là đảm bảo được khả năng ứng phó hiệu quả với các thảm họa, thiên tai liên quan đến nước, thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường, khắc phục tình trạng suy thoái, cạn kiệt, ô nhiễm nguồn nước.

- An ninh nguồn nước là vấn đề nổi lên hiện nay do việc sử dụng nước còn kém hiệu quả, lãng phí, ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu,...

- Giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước:

+ Các quốc gia cần thường xuyên phối hợp, nghiên cứu, thảo luận các giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước.

+ Mỗi nước cũng cần chủ động bảo vệ nguồn nước, tránh tình trạng ô nhiễm nước, phát triển hệ thống thuỷ lợi và nâng cao công nghệ xử lí nước thải,...

+ Các nước có chung nguồn tài nguyên nước cần chia sẻ, hợp tác và phối hợp kiểm soát nguồn nước.

d) An ninh mạng

- An ninh mạng là sự đảm bảo hoạt động trên không gian mạng không gây hại đến an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin và tính liên thông trong không gian mạng, an ninh mạng trở thành một thách thức đối với tất cả các quốc gia trên thế giới. Các hoạt động mất an ninh mạng diễn biến nhanh, ngày càng phức tạp và có tác động lớn đến mọi mặt đời sống kinh tế, chính trị, an ninh, quốc phòng của mỗi quốc gia và trên toàn thế giới.

- Các giải pháp bảo vệ an ninh mạng:

+ Nhiều quốc gia, tổ chức, liên minh quốc tế ban hành chiến lược an ninh mạng, luật an ninh mạng; thành lập các lực lượng chuyên trách về an ninh mạng, chiến tranh mạng, phòng chống khủng bố mạng...

+ Các quốc gia, các cơ quan, tổ chức quốc tế, các hãng công nghệ cần hợp tác chặt chẽ trong phòng, chống tấn công mạng và tội phạm mạng; cùng chung tay xây dựng không gian mạng an toàn, lành mạnh.

2. Sự cần thiết phải bảo vệ hòa bình trên thế giới

- Hòa bình chính là sự bình yên, tự do, hạnh phúc giữa con người và các quốc gia với nhau.

- Hiện nay, trên thế giới vẫn tồn tại nhiều vấn đề đe dọa hòa bình thế giới, như: chiến tranh, xung đột vũ trang, nội chiến, tranh chấp biên giới lãnh thổ, đói nghèo, biến đổi khí hậu,...

- Bảo vệ hòa bình giúp các nước giải quyết các vấn đề an ninh toàn cầu. Bảo vệ hòa bình cũng là bảo vệ cho đất nước ngày càng thịnh vượng. Mỗi quốc gia cần có trách nhiệm duy trì và bảo vệ hòa bình tại quốc gia, khu vực và trên toàn cầu.

- Một số giải pháp để bảo vệ hoà bình:

+ Các nước cần tăng cường đối thoại và hợp tác để giải quyết mâu thuẫn và xung đột trên cơ sở bảo đảm các nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, quyền tự chủ và trách nhiệm chủ đạo của mỗi quốc gia.

+ Các tổ chức quốc tế cũng cần gia tăng vai trò trong việc thúc đẩy và gìn giữ hòa bình trên thế giới.

Lý thuyết Địa Lí 11 Kết nối tri thức Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

B. Bài tập Địa lí 11 Bài 4: Một số tổ chức quốc tế và khu vực, an ninh toàn cầu

Đang cập nhật ...

Xem thêm tóm tắt lý thuyết Địa lí 11 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Lý thuyết Bài 5: Thực hành viết báo cáo về đặc điểm và biểu hiện của nền kinh tế tri thức

Lý thuyết Bài 6: Vị trí địa lí, điều kiện tự nhiên, dân cư và xã hội khu vực Mỹ La tinh

Lý thuyết Bài 7: Kinh tế khu vực Mỹ La tinh

Lý thuyết Bài 8: Thực hành viết báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội ở Cộng hoà liên bang Bra-xin

Lý thuyết Bài 9: Liên minh Châu u một liên kết kinh tế khu vực lớn

1 5,880 06/11/2023


Xem thêm các chương trình khác: