Lệnh truy nã đỏ là gì? Do ai ban hành và quy trình như thế nào?

Ở Việt Nam hiện nay, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đã đạt được những thành tựu nhất định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp với hành vi thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi. Bên cạnh đó, có những đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài. Để truy tìm những tội phạm đó, cần có sự liên kết, hỗ trợ giữa các quốc gia và các tổ chức quốc tế. Trong số đó, truy nã đỏ là một phương thức giúp các quốc gia truy tìm tội phạm. Vậy lệnh truy nã đỏ là gì? Hiệu lực của lệnh truy nã đỏ ở đâu? Quy trình ban hành và quy định dẫn độ như thế nào? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây.

1 473 14/08/2023


Lệnh truy nã đỏ là gì? Do ai ban hành và quy trình như thế nào?

I. Truy nã đỏ là gì?

Truy nã đỏ là quy ước truy nã phổ biến và nổi tiếng nhất trong hệ thống truy nã hiện có của Interpol (là tên gọi chính thức của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế tên tiếng Anh là International Criminal Police Organization) và cũng là loại giấy chứng bắt giữ hình sự mang tính chất tạm thời. Lệnh truy nã đỏ chính thức được ban hành và có hiệu lực sau khi có cả hai chữ ký, một của Trưởng trung tâm Interpol nước xin phát lệnh truy nã và chữ ký của Tổng thư ký tổ chức Interpol quốc tế.

Truy nã đỏ nhằm yêu cầu truy bắt nhằm mục đích dẫn độ tội phạm. Thông báo đỏ còn gọi là lệnh truy nã đỏ, thường được ban hành trên trang mạng của Interpol. Đây là công cụ đấu tranh với tội phạm hoạt động xuyên quốc gia hữu hiệu nhất hiện nay.

Bên cạnh truy nã đỏ, còn các các loại truy nã như:

Truy nã đen - Black Notice

Loại thông báo nhằm xác định tung tích các nạn nhận đã chết ở bên ngoài quốc gia sở tại

Truy nã xanh lá cây - Green Notice

Cảnh báo về các đối tượng phạm tội từ các nước khác nghi đã thâm nhập vào nước sở tại hoặc đối tượng gây án ở nước sở tại rồi trốn ra nước ngoài

Truy nã xanh lam – Blue Notice

Nhằm xác định và cung cấp thông tin, đường di chuyển của các loại tội phạm, đối tượng hoạt động xuyên quốc gia

Truy nã vàng - Yellow Notice

Mục đích truy tìm người mất tích

Truy nã màu da cam - Orange Notice

Nhằm cảnh báo các thông tin liên quan đên tội phảm khủng bố đến các nước thành viên Interpol về những biến động, di chuyển và hoạt động phức tạp của bọn tội phạm khủng bố trên toàn cầu

Truy nã tím – Purple Notice

Nhằm cung cấp các thông tin về phương thức hoạt động, thủ đoạn, thiết bị, công cụ hoặc nơi ấn nấp của tội phạm

Trong các thông báo của Interpol, thì “Thông báo đỏ” được xem là nghiêm trọng nhất.

Interpol không có quyền ra quyết định truy nã, nghi can bị truy nãn bởi một quốc gia hoặc một tòa án quốc tế. Interpol đưa ra một lệnh truy nã đỏ chỉ đơn giản là để thông báo cho các quốc gia thành viên rằng người này bị truy nã dựa trên một lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp tương đương được ban hành bởi một quốc gia hay một tòa án quốc tế. Interpol không ban hành các lệnh bắt giữ.

II. Hiệu lực của lệnh truy nã đỏ

Lệnh truy nã đỏ có hiệu lực trên phạm vi toàn thế giới.

Lện truy nã đỏ là lệnh truy nã rất quan trọng, nó mang lại khả năng hiển thị quốc tế cao. Tất cả các thông tin về tội phạm và nghi phạm đề được gửi tới các cán bộ biên phòng, cửa khẩu, hải quan khiến việc di chuyển của họ trở nên khó khăn. Các quốc gia có thể yêu cầu và chia sẻ thông tin liên quan quan trọng đến một cuộc điều tra.

Trong lệnh truy nã đỏ ngoài ảnh đối tượng truy nã còn có hai phần nội dung chính yếu đó là:

- Phần thứ nhất: là nội dung các thông tin liên quan đến nhân thân đối tượng bao gồm: họ tên, quốc tịch, đặc điểm nhận dạng, vân tay, sổ hộ chiếu, số chứng minh thư,......

- Phần thứ hai là những thông tin tư pháp thông báo quá trình phạm tội và những căn cứ pháp luật để bắt giữ đối tượng (trích yếu vụ án, tòng phạm, tội danh, các điều khoản pháp luật liên quan, lệnh bắt giữ, bản án, thời gian bản án có hiệu lực,.....).

III. Những ai bị truy nã đỏ?

Truy nã đỏ được áp dụng với những người thực hiện hành vi vi phạm pháp luật của một quốc gia nhưng sau đó có căn cứ cho rằng người này đã bỏ trốn khỏi quốc gia đó. Do đó, nước này (nước thành viên của Interpool) yêu cầu Interpool ra lệnh truy nã đỏ để thực hiện việc truy nã trong phạm vi quốc tế.

IV. Quy trình ban hành truy nã đỏ

Hiện nay, để ban hành lệnh truy nã đỏ các quy trình cần thực hiện cụ thể như sau:

Bước 1: Quốc gia thành viên đưa ra yêu cầu. Cụ thể, cảnh sát quốc gia thành viên gửi yêu cầu về một lệnh truy nã đỏ thông qua việc cung cấp thông tin về vụ việc. Yêu cầu được gửi thông qua văn phòng hay trung tâm Interpol ở quốc gia thành viên. Tại Việt Nam, Văn phòng Interpol Việt Nam là đơn vị trực thuộc Văn phòng Cơ quan cành sát điều tra Bộ công an

Bước 2: Sau khi đưa ra yêu cầu, bước tiếp theo cần làm là gửi yêu cầu đến Tổng thư ký Interpol xem xét, quyết định. Yêu cầu về lệnh truy nã đỏ sẽ được Tổng thư ký Interpol xem xét, kiểm tra và chuyển cho các chuyên gia pháp lý của Interpol thẩm định trong thời hạn một tuần.

Bước 3: Ban hành lệnh truy nã đỏ. Trong thời hạn quy định, Tổng thư ký Interpol ký duyệt ban hành, lệnh truy nã đỏ sẽ được thông báo tới các quốc gia thành viên trên hệ thống mạng của Interpol.

Như vậy, quy trình ban hành lệnh truy nã đỏ là sự phối hợp của cơ quan có thẩm quyền quốc gia, Cơ quan đại diện Interpol tại quốc gia đó và Tổng thư ký Interpol, chuyên gia pháp lý của Interpol, cụ thể, quốc gia thành viên Interpol sẽ đưa ra yêu cầu về việc ban hành lệnh truy nã đỏ cho trung tâm Interpol ở quốc gia đó, sau đó sẽ gửi yêu cầu này đến Tổng thư ký Interpol. Trong thời hạn quy định, tổng thư ký Interpol xem xét, kiểm tra và chuyển cho các chuyên gia pháp lý của Interpol thẩm định trong thời hạn 1 tuần sau đó nếu đáp ứng được đầy đủ các yêu cầu, Tổng thư ký Interpol sẽ ký duyệt ban hành, lệnh truy nã đỏ sẽ được thông báo tới các quốc gia thành viên trên hệ thống mạng của Interpol. Việc ban hành lệnh truy nã đỏ trước hết xuất phát từ yêu cầu của quốc gia thành viên sau đó sẽ qua các bước thẩm định và sự ký duyệt của Tổng thư ký .

V. Phân biệt lệnh truy nã với lệnh truy nã đỏ

Truy nã đỏ khác lệnh truy nã bình thường thế nào?

Tiêu chí

Truy nã

Truy nã đỏ

Định nghĩa

việc cơ quan điều tra ra quyết định để truy tìm tung tích của người vi phạm pháp luật hình sự (đã có hoặc chưa có bản án xét xử của tòa án) khi người đó bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

Truy nã đỏ là quy ước truy nã của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Quốc tế (Interpol) thông báo cho các quốc gia thành viên một người bị truy nã dựa trên lệnh bắt giữ hoặc một quyết định tư pháp được ban  hành bởi một quốc gia hay Tòa án Quốc tế.

Thẩm quyền ban hành

Cơ quan Điều tra Việt Nam

Do Tổng thư ký Interpol ban hành theo yêu cầu của quốc gia thành viên hoặc một Tòa án quốc tế dựa trên lệnh bắt giữ hợp lệ

Căn cứ ban hành

– Đối tượng bị áp dụng: Truy nã có thể được áp dụng với một trong các đối tượng: Bị can, bị cáo; người bị kết án trục xuất, người chấp hành án trục xuất; người bị kết án phạt tù; người bị kết án tử hình; người đang chấp hành án phạt tù, người được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù, người được hoãn chấp hành án bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu.

– Có đủ căn cứ xác định đối tượng trên đã bỏ trốn hoặc không biết đang ở đâu và đã tiến hành các biện pháp xác minh, truy bắt nhưng không có kết quả;

– Đã xác định chính xác lý lịch, các đặc điểm để nhận dạng đối tượng bỏ trốn.  

Được ban hành khi có yêu cầu của quốc gia thành viên đề nghị Interpol hỗ trợ truy bắt, đưa vào danh sách truy nã đỏ

Hiệu lực

Là lệnh bắt giữ có hiệu lực trên phạm vi lãnh thổ quốc gia Việt Nam

Không phải là lệnh bắt giữ quốc tế. Các quốc gia thành viên không có nghĩa vụ bắt buộc phải bắt giữ một cá nhân là đối tượng của lệnh truy nã đỏ. Mỗi quốc gia thành viên tự quyết định giá trị pháp lý đối với lệnh truy nã đỏ trong phạm vi quốc gia họ

Ví dụ

Công an TP.HCM phát lệnh truy nã đối với Tuấn “khỉ” - nghi phạm nổ súng bắn chết 5 người ở huyện Củ Chi, TP.HCM

Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định truy nã trong nước và quốc tế, đề nghị Interpol truy nã và được Interpol đưa Bùi Quang Huy – ông chủ Nhật Cường mobile vào truy nã đỏ

VI. Quy định của pháp luật về dẫn độ

Theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định việc một nước chuyển giao cho nước khác người có hành vi phạm tội hoặc người bị kết án hình sự đang có mặt trên lãnh thổ nước mình để nước được chuyển giao truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc thi hành án đối với người đó.

Tại Việt Nam, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài dẫn độ cho Việt Nam người có hành vi phạm tội hoặc bị kết án hình sự mà bản án đã có hiệu lực pháp luật để truy cứu trách nhiệm hình sự, căn cư theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều 32 Luật tương trợ tư pháp 2007.

Về các trường hợp bị dẫn độ, Điều 33 Luật tương trợ tư pháp 2007 quy định, các trường hợp về tương trợ tư pháp có thể kể đến đó là: người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt từ có thời hạn từ một năm trở kên, tù chung thân hoặc tuẻ hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn tù chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng; hành vi phạm tội của những người này không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu; Trường hợp hành vi phạm tội theo quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật tương trợ tư pháp xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ của người phạm tội có thể được thực hiện theo quy định của Bộ luật hình sự VIệt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Truy nã đỏ là một thủ tục rất phức tạp, nó được tiến hành khi có sự yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền của một quốc gia đối với trung tâm Interpol đặt tại quốc gia đó. Sau đó, yêu cầu này sẽ được chuyển đến Tổng thư ký Interpol và trong thời hạn nhất định, đội ngũ pháp chế của Interpol sẽ xem xét yêu cầu và nếu yêu cầu được chấp nhận, Tổng thư ký Interpol sẽ ký lệnh truy nã đỏ và gửi tới các nước thành viên để tiến hành truy nã đối tượng trong truy nã đỏ. Sau đó, nếu như đối tượng này được một quốc gia thành viên của Interpol bắt giữ, quốc gia yêu cầu truy nã đỏ và quốc gia bắt giữ được đối tượng này sẽ tiến hành các biện pháp, thủ tục theo các quy định trong Hiệp định về dẫn độ, các Hiệp định tương trợ tư pháp, các thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên để có thể dẫn độ đối tượng truy nã về nước để xét xử hoặc thi hành án.

VII. Những tội phạm người Việt bị Interpol ra lệnh truy nã đỏ

1. Cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Trước khi trở thành Thứ trưởng bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa (SN 1960) là một nữ doanh nhân có tiếng khi từng giữ chức Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang.

Mặc dù không còn đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo tại Điện Quang nhưng sau khi về làm Thứ trưởng Bộ Công Thương, bà Thoa vẫn là cổ đông lớn tại doanh nghiệp này và nhận cổ tức hàng chục tỷ đồng mỗi năm.

Tháng 7/2020, bộ Công an đã khởi tố bị can, áp dụng biện pháp ngăn chặn "cấm đi khỏi nơi cư trú" đối với bà Hồ Thị Kim Thoa để điều tra về tội "vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".

Sau khi xem xét thấy bà Thoa không có ở nơi cư trú và xác định bà Thoa đã xuất cảnh ngày 22/10/2018 qua cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 4/9, Văn phòng cơ quan CSĐT bộ Công an ra quyết định truy nã.

Văn phòng cơ quan CSĐT có thư đề nghị gia đình người thân động viên để bị can sớm về nước trình diện và thành khẩn khai báo các hành vi phạm tội để được hưởng chính sách khoan hồng.

Ban Bí thư nhận định, trong thời gian giữ cương vị Ủy viên Ban cán sự đảng, Thứ trưởng Bộ Công Thương giai đoạn 2010 - 2017, bà Hồ Thị Kim Thoa đã có những vi phạm, khuyết điểm liên quan đến Dự án khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM trong vụ án "Vi phạm các quy định về quản lý đất đai" và "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" đã được Cơ quan Cảnh sát điều tra, bộ Công an ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự và có kết luận điều tra đề nghị truy tố.

Sau khi có quyết định nghỉ hưu (từ 1/9/2017), bà Hồ Thị Kim Thoa bỏ sinh hoạt Đảng và đã xuất cảnh ra nước ngoài.

Theo Ban Bí thư Trung ương Đảng, vi phạm của bà Hồ Thị Kim Thoa là rất nghiêm trọng, gây hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng, của bộ Công Thương. Căn cứ Quy định số 102 năm 2017 của Bộ Chính trị về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm, Ban Bí thư quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với bà Hồ Thị Kim Thoa.

2. "Ông chủ" Nhật Cường Mobile Bùi Quang Huy

Trước khi bị truy tố và bỏ trốn vào tháng 5/2019, ông Bùi Quang Huy (sinh năm 1974) là Tổng giám đốc của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (công ty Nhật Cường) sở hữu chuỗi bán lẻ điện thoại nổi tiếng Nhật Cường Mobile.

Ngoài các chức vụ tại Công ty Nhật Cường, Bùi Quang Huy còn là người đại diện pháp luật của Công ty TNHH Giải pháp phần mềm Nhật Cường. Công ty này đã liên tục trúng các gói thầu công nghệ có giá trị lớn trên địa bàn TP.Hà Nội.

Ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Quang Huy và 9 thuộc cấp về 2 tội danh "buôn lậu" và "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Mở rộng vụ án, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục khởi tố bổ sung với Bùi Quang Huy về tội "rửa tiền".

Tuy nhiên, Bùi Quang Huy đã bỏ trốn khỏi nơi cư trú từ đó đến nay. Bộ Công an đã ra quyết định truy nã đối với Huy, đồng thời đề nghị Tổ chức cảnh sát hình sự quốc tế (Interpol) phối hợp bắt giữ. Hiện Interpol đã đưa Bùi Quang Huy vào danh sách truy nã đỏ.

3. Cựu Chủ tịch HĐQT PVC Trịnh Xuân Thanh

Ngày 16/9/2016, bộ Công an phát lệnh khởi tố và truy nã quốc tế với ông Trịnh Xuân Thanh, cựu Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, cựu Chủ tịch HĐQT PVC.

Ông Trịnh Xuân Thanh (50 tuổi) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra (C46, bộ Công an) khởi tố tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự. Xác định bị can đã bỏ trốn, bộ Công an phát lệnh truy nã quốc tế với ông này.

C46 đã khởi tố vụ án hình sự "cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng", để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Tại phiên sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trịnh Xuân Thanh 14 năm tù về tội "Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng" và tù chung thân về tội "Tham ô tài sản". Tổng hợp hình phạt chung cho cả hai tội danh là tù chung thân đối với bị cáo Thanh.

Sau đó, Trịnh Xuân Thanh đã có đơn kháng cáo. Tuy nhiên, đến phiên xét xử phúc thẩm, bị cáo này đã rút đơn kháng cáo.

 

1 473 14/08/2023