Giải Lịch sử 9 Bài 6 (Cánh diều): Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Với giải bài tập Lịch sử 9 Bài 6: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945 sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 9.

1 505 11/08/2024


Giải bài tập Lịch sử 9 Bài 6: Việt Nam từ năm 1930 đến năm 1945

Mở đầu trang 26 Bài 6 Lịch Sử 9: Vậy từ năm 1930 đến năm 1945, phong trào cách mạng Việt Nam diễn ra như thế nào? Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 xuất phát từ những nguyên nhân nào và có ý nghĩa gì? Đảng Cộng sản Đông Dương có vai trò gì trong Cách mạng tháng Tám?

Vậy từ năm 1930 đến năm 1945, phong trào cách mạng Việt Nam diễn ra như thế nào

Trả lời:

- Trong những năm 1930 - 1945, ở Việt Nam đã diễn ra 3 phong trào cách mạng là:

+ Phong trào cách mạng 1930 - 1931

+ Phong trào dân chủ 1936 - 1939.

+ Cuộc vận động giải phóng dân tộc 1939 - 1945

- Có nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến thắng lợi của Cách mạng tháng Tám (1945) ở Việt Nam. Thắng lợi của cuộc cách mạng này không chỉ có ý nghĩa trọng đại đối với dân tộc ta, mà còn có những ý nghĩa quốc tế lớn lao.

- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương là nguyên nhân quyết định đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám (1945).

Câu hỏi trang 28 Lịch Sử 9: Mô tả những nét chủ yếu về hoàn cảnh, diễn biển, kết quả, ý nghĩa của phong trào cách mạng 1930 - 1931.

Mô tả những nét chủ yếu về hoàn cảnh, diễn biển, kết quả, ý nghĩa của phong trào

Trả lời:

♦ Hoàn cảnh lịch sử

- Cuộc đại suy thoái kinh tế thế giới (1929 - 1933) đã tác động và gây ra những hậu quả nặng nề đối với Việt Nam.

+ Về Kinh tế: sản xuất nông nghiệp, công nghiệp đều sa sút; giá nhiều mặt hàng xuất khẩu giảm mạnh, đặc biệt là cao su và thóc, gạo.

+ Về xã hội: Đời sống của đại bộ phận người dân Việt Nam bần cùng, cực khổ. Mâu thuẫn giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp, giữa nông dân với địa chủ phong kiến ngày càng sâu sắc.

- Sau khởi nghĩa Yên Bái, thực dân Pháp tăng cường đàn áp phong trào yêu nước.

- Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã kịp thời tập hợp, lãnh đạo nhân dân đấu tranh.

♦ Diễn biến chính

- Từ đầu năm 1930, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, phong trào cách mạng bùng lên mạnh mẽ ở nhiều nơi trên cả nước, đặc biệt là ở Nghệ An và Hà Tĩnh.

+ Tháng 2/1930: mở đầu là các cuộc đấu tranh của công nhân ở một số địa phương, tiêu biểu là bãi công của 3000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng (Bình Phước), 4000 công nhân nhà máy dệt Nam Định,...

+ Tháng 5/1930: phong trào đấu tranh nhân ngày Quốc tế lao động (1-5) phát triển rộng khắp cả nước, tiêu biểu là đấu tranh của công nhân nhà máy điện Chợ Quán (Sài Gòn), mỏ than Hòn Gai (Quảng Ninh),...

+ Tháng 9/1930: phong trào tiếp tục phát triển trên cả nước, đạt đỉnh cao ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh với sự ra đời của chính quyền cách mạng, gọi là “Xô viết".

- Trước sự phát triển của phong trào cách mạng, thực dân Pháp đã huy động quân đội, máy bay khủng bố, đàn áp dã man các cuộc đấu tranh của nhân dân.

- Từ cuối năm 1930 đến đầu năm 1931, phong trào cách mạng chịu nhiều tổn thất và bước vào giai đoạn thoái trào.

♦ Kết quả, ý nghĩa lịch sử:

- Khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam;

- Thể hiện tinh thần yêu nước, khả năng cách mạng của nhân dân Việt Nam;

- Qua phong trào, khối liên minh công nông được hình thành, đồng thời, là cuộc diễn tập đầu tiên chuẩn bị cho sự thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945.

- Phong trào để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng ở giai đoạn sau.

Câu hỏi trang 30 Lịch Sử 9: Mô tả những nét chủ yếu về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của phong trào dân chủ 1936 - 1939.

Mô tả những nét chủ yếu về hoàn cảnh lịch sử, diễn biến, kết quả, ý nghĩa của phong trào dân chủ

Trả lời:

♦ Hoàn cảnh lịch sử:

- Tình hình thế giới:

+ Từ những năm 30 của thế kỉ XX, các thế lực phát xít lên cầm quyền ở Đức, I-ta-li-a và Nhật Bản, đe doạ hoà bình thế giới.

+ Năm 1935, Quốc tế Cộng sản tiến hành đại hội và chủ trương thành lập Mặt trận Nhân dân ở các nước để tập hợp lực lượng chống phát xít.

+ Năm 1936, Mặt trận Nhân dân lên cầm quyền ở Pháp, chủ trương nới lỏng các quyền tự do dân chủ ở trong nước và ở các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam.

- Tình hình trong nước:

+ Chính quyền thuộc địa Pháp ở Việt Nam không thực hiện chủ trương của Mặt trận nhân dân Pháp, tiếp tục thi hành chính sách bóc lột, đàn áp nhân dân Việt Nam.

+ Năm 1936, Đảng Cộng sản Đông Dương đề ra chủ trương:

▪ Chống phát xít và chiến tranh để bảo vệ hoà bình, chống chính quyền thuộc địa để đòi tự do, dân chủ, cơm áo;

▪ Thành lập Mặt trận Thống nhất nhân dân phản đế Đông Dương (năm 1938 đổi thành Mặt trận Dân chủ Thống nhất Đông Dương).

=> Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương, phong trào đấu tranh của nhân dân Việt Nam diễn ra sôi nổi trên cả nước với nhiều hình thức.

♦ Diễn biến chính:

- Phong trào Đông Dương đại hội: Năm 1936, được tin Chính phủ Pháp cử phải đoàn sang điều tra tình hình Đông Dương và Toàn quyền mới sang nhậm chức, Đảng Cộng sản Đông Dương phát động phong trào Đông Dương đại hội: thu thập chữ kí, đưa dân nguyện đòi quyền tự do, dân chủ.

- Phong trào mít tinh, biểu tình bãi công: từ năm 1936, nhiều cuộc mít tinh, biểu tình, bãi công đã nổ ra trên cả nước, tiêu biêu là: cuộc tổng bãi công của hơn 2 vạn công nhân mỏ than ở Quảng Ninh (2311-1936); cuộc mít tinh của 2,5 người diễn ra tại khu Đấu Xảo Hà Nội nhân ngày Quốc tế Lao động 1-5-1938.

- Đấu tranh trên lĩnh vực báo chí: Đảng cộng sản Đông Dương và các tổ chức chính trị yêu nước đã xuất bản sách, báo để tuyên truyền và đấu tranh, tiêu biểu như báo: Tiền phong, Dân chúng, Nhành lúa, Bạn dân, Tin tức,…

- Đấu tranh nghị trường: Đảng cộng sản Đông Dương và Mặt trận Dân chủ Thống nhất Đông Dương cử người tranh cử vào Viện Dân biểu Bắc Kì, Trung Kì nhằm gây áp lực buộc chính quyền Pháp thực hiện các quyền tự do, dân chủ.

♦ Kết quả:

- Buộc chính quyền thuộc địa Pháp thực hiện một số cải cách dân chủ.

- Từ khi Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ, thực dân Pháp tăng cường đàn áp, phong trào đấu tranh dân chủ chấm dứt.

♦ Ý nghĩa:

- Thể hiện vai trò và sự lãnh đạo linh hoạt của Đảng Cộng sản Đông Dương, tinh thần yêu nước, đoàn kết và ý chí đấu tranh của nhân dân Việt Nam.

- Lực lượng cách mạng được tập hợp thành đội quân hùng hậu, quần chúng được giác ngộ về chính trị, khối đoàn kết dân tộc được củng cố.

- Để lại nhiều bài học quý báu cho cách mạng Việt Nam về sự lãnh đạo của Đảng, xây dựng mặt trận thống nhất, tổ chức lãnh đạo đấu tranh công khai, hợp pháp,...

Câu hỏi trang 30 Lịch Sử 9: Nêu tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của Pháp - Nhật.

Nêu tình hình Việt Nam dưới ách thống trị của Pháp - Nhật

Trả lời:

- Tình hình thế giới: Năm 1939, thế giới có nhiều thay đổi, đặc biệt là sự sụp đổ của Chính phủ Mặt trận nhân dân Pháp và Chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ đã tác động tới tình hình Việt Nam.

- Tình hình Việt Nam:

+ Chính trị: Năm 1940, Nhật Bản tiến vào Đông Dương, Pháp - Nhật câu kết cai trị Việt Nam. Nhân dân Việt Nam rơi vào cảnh "một cổ hai tròng".

+ Xã hội: Pháp - Nhật xoá bỏ các quyền tự do dân chủ, tăng cường bắt lính, đàn áp nhân dân Việt Nam. Nạn đói xảy ra khiến hơn 2 triệu người chết.

+ Kinh tế: Pháp - Nhật cho tăng thuế, vơ vét tài nguyên, thóc, gạo để phục vụ chiến tranh khiến lương thực khan hiếm, giá cả tăng vọt.

+ Văn hóa - tư tưởng: Pháp - Nhật cấm tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản, cấm in ấn, tàng trữ các tài liệu cách mạng, đóng cửa các toà soạn báo yêu nước, tiến bộ.

Câu hỏi trang 32 Lịch Sử 9: Trình bày sự chuẩn bị của nhân dân Việt Nam tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.

Trả lời:

Chuyển hướng chiến lược của Đảng Cộng sản Đông Dương: chủ trương chuyển hướng chiến lược cách mạng của Đảng bắt đầu được đề ra trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939), được bổ sung trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 7 (tháng 11-1940), hoàn chỉnh trong Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941).

- Nội dung chủ yếu của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 6 (tháng 11-1939):

+ Xác định kẻ thù: Đế quốc Pháp và tay sai.

+ Mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng: Chuyển từ đấu tranh đòi tự do, cách mạng dân chủ sang đánh đổ đế quốc Pháp và tay sai, giải phóng các dân tộc Đông Dương, làm cho Đông Dương hoàn toàn độc lập.

+ Hình thức, phương pháp cách mạng: Chuyển từ đấu tranh hợp pháp, nửa hợp pháp sang hoạt động bí mật, bất hợp pháp.

+ Tập hợp lực lượng cách mạng: Thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phân đế Đông Dương thay cho Mặt trận Dân chủ Thống nhất Đông Dương.

- Nội dung chủ yếu của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (tháng 5-1941):

+ Xác định kẻ thù: Đế quốc Pháp, quân phiệt Nhật.

+ Mục tiêu, nhiệm vụ cách mạng: Tiếp tục khẳng định đặt vấn đề giai phóng dân tộc lên hàng đầu: đánh đuổi Pháp, Nhật, giành độc lập dân tộc, thành lập chính phủ nhân dân của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà

+ Hình thức, phương pháp cách mạng: Tiến hành khởi nghĩa vũ trang, khởi nghĩa từng phần, tiến lên tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

+ Tập hợp lực lượng cách mạng: Nhấn mạnh công tác chuẩn bị lực lượng, thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh).

♦ Sự ra đời của Mặt trận Việt Minh:

- Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 8 (5-1941), Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Việt Nam Độc lập Đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh).

- Sau khi ra đời, Mặt trận Việt Minh công bố Tuyên ngôn, Chương trình và Điều lệ, xác định rõ mục đích là tập hợp, đoàn kết toàn thể nhân dân Việt Nam cùng nhau đánh đuổi Nhật - Pháp, giành độc lập dân tộc. Chương trình cứu nước của Mặt trận Việt Minh được đông đảo các tầng lớp nhân dân Việt Nam hưởng ứng.

Cao trào kháng Nhật cứu nước:

- Hoàn cảnh:

+ Đêm 9-3-1945, quân Nhật bất ngờ tấn công quân Pháp và độc chiếm cai trị Đông Dương.

+ Ngày 12-3-1945, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra Chỉ thị “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Chỉ thị xác định kẻ thù chính của nhân dân Đông Dương là quân Nhật và pthát động cao trào kháng Nhật cứu nước làm tiền đề cho tổng khởi nghĩa.

- Diễn biến chính: cao trào kháng Nhật cứu nước diễn ra sôi sục trên cả nước với nhiều hình thức và biện pháp như:

+ Bất hợp tác với Nhật và chính quyền thân Nhật;

+ Mít tinh, biểu tình, phá kho thóc của Nhật giải quyết nạn đói;

+ Đấu tranh vũ trang và khởi nghĩa từng phần giành chính quyền bộ phận.

- Ý nghĩa: Cao trào kháng Nhật là cuộc tập dượt đấu tranh của quần chúng chuẩn bị tiến tới tổng khởi nghĩa.

Câu hỏi trang 33 Lịch Sử 9: Trình bày diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám năm 1945 và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Trình bày diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Trả lời:

♦ Diễn biến chính của Cách mạng tháng Tám (1945):

- Từ ngày 14/8/1945, tại nhiều nơi, cấp bộ Đảng, Việt Minh đã căn cứ tình hình cụ thể của địa phương và vận dụng chỉ thị: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, để phát động nhân dân khởi nghĩa.

- Chiều 16/8/1945, theo lệnh của Ủy ban khởi nghĩa, một đơn vị giải phóng quân do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, từ Tân Trào về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cuộc Tổng khởi nghĩa.

- Ngày 18/8/ 1945, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh, Quảng Nam giành chính quyền sớm nhất.

- Tối 19/8/1945 khởi nghĩa thắng lợi ở Hà Nội.

- Ngày 23/8/1945, nhân dân Huế giành được chính quyền.

- Ngày 25/8/1945, khởi nghĩa giành thắng lợi tại Sài Gòn.

- Ngày 28/8/1945, Đồng Nai Thượng, Hà Tiên là hai tỉnh cuối cùng giành được chính quyền.

- Ngày 30/8/1945, vua Bảo Đại tuyên bố thoái vị. Chế độ phong kiến Việt Nam hoàn toàn sụp đổ.

Sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa: Ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Câu hỏi trang 34 Lịch Sử 9: Nêu nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Nêu nguyên nhân thắng lợi và ý nghĩa lịch sử của Cách mạng tháng Tám năm 1945

Trả lời:

* Nguyên nhân thắng lợi

- Nguyên nhân khách quan: Chiến thắng của Hồng quân Liên Xô và quân Đồng minh trong cuộc chiến tranh chống phát xit, nhất là chiến thắng quân phiệt Nhật Bản đã cổ vũ tinh thần, củng cố niềm tin và tạo thời cơ để nhân dân ta đứng lên tổng khởi nghĩa.

- Nguyên nhân chủ quan:

+ Truyền thống yêu nước, đấu tranh chống ngoại xâm của nhân dân Việt Nam.

+ Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, đứng đầu là chủ tịch Hồ Chí Minh.

+ Quá trình chuẩn bị chu đáo cho Cách mạng tháng Tám trong suốt 15 năm

+ Sự đồng lòng của toàn dân; chỉ đạo linh hoạt của các cấp bộ Đảng, Việt Minh để chớp thời cơ giành chính quyền.

* Ý nghĩa lịch sử

- Đối với dân tộc Việt Nam

+ Phá tan xiềng xích nô lệ của Pháp-Nhật, lật nhào ngai vàng phong kiến, lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

+ Mở ra kỷ nguyên mới của dân tộc-kỉ nguyên độc lập, tự do; giải phóng dân tộc gắn liền với giải phóng xã hội.

+ Đảng Cộng sản Đông Dương trở thành một Đảng cầm quyền, chuẩn bị điều kiện cho những thắng lợi tiếp theo.

- Đối với thế giới:

+ Góp phần vào chiến thắng chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

+ Cổ vũ mạnh mẽ tinh thần đấu tranh của các dân tộc thuộc địa và phụ thuộc trên thế giới, đặc biệt là nhân dân hai nước Cam-pu-chia và Lào.

Câu hỏi trang 34 Lịch Sử 9: Đánh giá vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương trong Cách mạng tháng Tám năm 1945

Trả lời:

Vai trò của Đảng Cộng sản Đông Dương

- Sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương là một trong những nguyên nhân quyết định đến thắng lợi của cách mạng tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam.

- Vai trò quan trọng của Đảng Cộng sản Đông Dương đối với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám được thể hiện qua một số nội dung sau:

+ Giải quyết khéo léo mối quan hệ giữa nhiệm vụ dân tộc và nhiệm vụ dân chủ;

+ Có sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt (đường lối đấu tranh; lực lượng chính trị; lực lượng vũ trang; căn cứ địa…)

+ Lãnh đạo nhân dân tập dượt đấu tranh (qua các phong trào cách mạng: 1930 - 1931; 1936-1939 và 1939-1945)

+ Đánh giá tình hình, xác định đúng thời cơ, chớp thời cơ phát động tổng khởi nghĩa;

+ Trực tiếp lãnh đạo cách mạng giành thắng lợi nhanh chóng và ít đổ máu.

Luyện tập 1 trang 34 Lịch Sử 9: Lập bảng tóm tắt những sự kiện chính của phong trào cách mạng Việt Nam trong giai đoạn 1930 - 1945 theo mẫu sau vào vở ghi.

Lập bảng tóm tắt những sự kiện chính của phong trào cách mạng Việt Nam

Trả lời:

1930-1931

1936-1939

1939-1945

Hoàn cảnh lịch sử

- Tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới

- Thực dân Pháp đàn áp cách mạng Việt Nam

- Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, kịp thời lãnh đạo nhân dân đấu tranh

- Thế giới:

+ Chủ nghĩa phát xít xuất hiện.

+ Đại hội VII của Quốc tế cộng sản

+ Mặt trận nhân dân Pháp lên cầm quyền

- Trong nước:

+ Nhân dân cực khổ.

+ Hội nghị BCH Trung ương Đảng tháng 7/1936

- Thế giới: chiến tranh thế giới thứ hai diễn ra

- Trong nước:

+ Nhân dân Việt Nam chịu ách áp bức của Pháp - Nhật

+ Tháng 3/1945, Nhật đảo chính, lật đổ Pháp

Nhiệm vụ, mục tiêu

Chống đế quốc, chống phong kiến

- Chiến lược: chống đế quốc, chống phong kiến.

- Trước mắt: Chống phát xít, chống chiến tranh đế quốc, chống phản động thuộc địa và tay sai, đòi tự do, cơm áo, hòa bình

- Giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu.

Diễn biến chính

- Diễn ra trên cả nước nhưng phát triển đến đỉnh cao với sự ra đời của chính quyền Xô viết ở Nghệ An và Hà Tĩnh

- Phong trào Đônmg Dương đại hội.

- Đấu tranh đòi các quyền tự do, dân chủ

- Đấu tranh trên lĩnh vực báo chí, ngị trường

- Đảng chuyển hướng chỉ đạo

- Đảng vận động nhân dân xây dựng: lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, căn cứ địa

- Cao trào kháng Nhật, cứu nước

- Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945

Kết quả

- Bị Pháp đàn áp

- Chính quyền thuộc địa phải nhượng bộ một số yêu sách

- Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời

Ý nghĩa

- Là cuộc tập dượt đầu triên của Đảng và quần chúng cho Cách mạng tháng Tám

- Là cuộc tập dượt thứ hai của Đảng và quần chúng cho Cách mạng tháng Tám

- Có ý nghĩa to lớn đối với dân tộc Việt Nam và ảnh hưởng lớn đến tình hình thế giới.

Vận dụng 2 trang 34 Lịch Sử 9: Sưu tầm tư liệu về tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám năm 1945. Giới thiệu tư liệu đó với thầy cô và bạn học.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3/1945), không khí cách mạng ở Hà Nội càng thêm sôi sục. Xứ ủy Bắc kỳ, Thành ủy Hà Nội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng lực lượng chính trị, lực lượng quân sự chuẩn bị khởi nghĩa; đồng thời tổ chức phát động nhiều phong trào đấu tranh để rèn luyện, tập dượt quần chúng.

Đêm 13/8/1945, Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc ra Quân lệnh số 1, phát lệnh Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi cả nước.

Trước tình hình chuyển biến mau lẹ, Xứ ủy Bắc Kỳ họp (tối 14 và ngày 15/8/1945) tại làng Vạn Phúc (Hà Đông), quyết định tiến hành khởi nghĩa trong 10 tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Riêng vấn đề khởi nghĩa ở Hà Nội cần được cân nhắc kỹ do còn hơn 1 vạn quân Nhật chiếm đóng trong thành phố. Xứ ủy Bắc Kỳ quyết định thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban Khởi nghĩa) để tích cực chuẩn bị khởi nghĩa.

Thực hiện chỉ đạo của Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy Hà Nội triệu tập Hội nghị quân sự bất thường ngay tối 15/8/1945 tại Chùa Hà (Dịch Vọng) bàn về kế hoạch chuẩn bị khởi nghĩa. Hội nghị nhận định: Tuy Chính phủ Nhật đã đầu hàng quân Đồng minh nhưng quân Nhật ở Hà Nội còn đông (hơn 1 vạn tên), lại được trang bị các loại vũ khí hiện đại. Chúng sẽ sẵn sàng nổ súng chống lại cách mạng khi bị đẩy vào tình thế nguy cấp.

Trong khi đó, về phía ta, tuy lực lượng quần chúng cách mạng đông đảo nhưng lực lượng vũ trang tập trung còn mỏng (hơn 700 người), trang bị phần lớn là vũ khí thô sơ (chỉ có hơn 40 khẩu súng trường và một số súng ngắn), mới qua một vài lớp huấn luyện quân sự cấp tốc. Từ nhận định trên, Hội nghị chủ trương tiếp tục tìm giải pháp phù hợp, cố gắng tránh xung đột vũ trang với quân đội Nhật; dự kiến phương pháp khởi nghĩa: lấy lực lượng vũ trang làm lực lượng xung kích đi đầu, huy động đông đảo lực lượng quần chúng cách mạng có vũ trang tham gia khởi nghĩa giành chính quyền; tiếp tục tăng cường tập hợp phát triển lực lượng vũ trang và nửa vũ trang, trang bị thêm vũ khí, sẵn sàng đối phó với quân Nhật khi cần thiết.

Trong thời gian này, các đội xung kích của ta vẫn tích cực hoạt động. Tối 15/8/1945, đội tuyên truyền xung phong của Việt Minh tổ chức diễn thuyết công khai ở những rạp hát lớn trong thành phố. Ngày 16/8/1945, truyền đơn, biểu ngữ kêu gọi khởi nghĩa xuất hiện khắp nơi. Chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim thân Nhật lung lay tận gốc rễ.

Nhưng chiều 17/8/1945, Tổng hội Viên chức tổ chức một cuộc mít tinh lớn tại Nhà hát lớn với mục đích ủng hộ chính phủ thân Nhật. Nắm bắt kế hoạch từ trước, Đảng bộ Hà Nội của Đảng Cộng sản Đông Dương đã bí mật huy động quần chúng trong các tổ chức cứu quốc ở nội, ngoại thành đến tham dự, biến cuộc mít tinh thân Nhật thành cuộc mít tinh ủng hộ ủng hộ Việt Minh, sau đó biến nó thành một cuộc biểu tình tuần hành qua các phố, có cờ đỏ sao vàng dẫn đầu, vừa hô vang các khẩu hiệu “Ủng hộ Việt Minh”, “Đả đảo bù nhìn”, “Việt Nam hoàn toàn độc lập”. Cuộc biểu tình tuần hành diễn ra sôi động, lôi kéo thêm hàng vạn quần chúng xuống đường với khí thế cách mạng chưa từng thấy. Quân đội Nhật “án binh bất động”.

Nhận thấy thời cơ cách mạng đã chín muồi, ngay tối 17/8/1945, Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội quyết định phát động khởi nghĩa bằng phương thức huy động sức mạnh của quần chúng, lấy lực lượng chính trị quần chúng làm cơ bản, với lực lượng vũ trang làm nòng cốt, tổ chức mít tinh ở quảng trường Nhà hát lớn, sau đó chuyển thành tuần hành thị uy chiếm những cơ quan trọng yếu của chính phủ bù nhìn.

Các đội vũ trang là lực lượng xung kích của khởi nghĩa, đi đầu chiếm các mục tiêu, đồng thời bố trí ở những vị trí cơ động để sẵn sàng chi viện cho nhau. Để bảo đảm cuộc khởi nghĩa giành thắng lợi, không đổ máu, Thường vụ Xứ ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chủ trương tiếp tục giữ quân đội Nhật trong trạng thái “án binh bất động”; do đó không đặt ra vấn đề tước vũ khí của quân Nhật, cũng không đánh chiếm những nơi có quân Nhật đang đóng giữ (Phủ Toàn quyền, Bộ Tổng tham mưu, thành Cửa Bắc, Ngân hàng Đông Dương...). Trong trường hợp quân Nhật nổ súng, ta kiên quyết chống cự, chờ Giải phóng quân từ Việt Bắc về phối hợp chiến đấu. Thời gian khởi nghĩa được ấn định chính thức là ngày 19/8/1945.

Thực hiện mệnh lệnh phát ra, trong ngày 18/8/1945, không khí sửa soạn khởi nghĩa bao trùm khắp Hà Nội. Đến sáng 19/8/1945, cả Thủ đô tràn ngập khí thế cách mạng. Đồng bào tập trung kéo đến quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh lớn do Mặt trận Việt Minh tổ chức. Đại biểu Việt Minh đọc tuyên ngôn, chương trình của Việt Minh và kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền. Cuộc mít tinh nhanh chóng chuyển thành biểu tình, chia ra nhiều đoàn đi chiếm các công sở của chính quyền bù nhìn. Trước khí thế quần chúng khởi nghĩa, quân Nhật không dám chống lại.

Tối 19/8/1945, các cơ quan quan trọng của chính quyền bù nhìn tay sai tại Hà Nội đã về tay cách mạng, Việt Minh hoàn toàn làm chủ thành phố. Cuộc khởi nghĩa đã thắng lợi hoàn toàn. Sự kiện này có tác dụng cổ vũ lớn đối với phong trào cả nước, đặc biệt là ở Huế, Sài Gòn.

Như vậy, quán triệt đường lối, chủ trương của Trung ương Đảng, Xứ ủy Bắc Kỳ, Thành ủy và Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội giành thắng lợi triệt để; đặc biệt là tránh cho lực lượng khởi nghĩa không phải đối đầu trực tiếp với quân Nhật và loại trừ được các lực lượng chính trị phản động khác nuôi mưu đồ đảo ngược tình thế.

Những ngày cuối tháng 8/1945, nhân dân Hà Nội nhiệt liệt chào đón Giải phóng quân cùng các cơ quan đầu não Trung ương Đảng, Chính phủ cách mạng lâm thời từ căn cứ Việt Bắc về, mở ra một cột mốc lịch sử mới của thời đại.

Ngày 2/9/1945, tại quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước hàng chục vạn đồng bào tham dự mít tinh, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa-nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á. Cũng từ đây, Hà Nội chính thức trở thành Thủ đô của nước Việt Nam mới, trở thành thành trì đấu tranh bảo vệ nền độc lập, tự do và chính quyền non trẻ vừa giành được.

Nhìn lại chặng đường đấu tranh giải phóng dân tộc từ khi có Đảng lãnh đạo (1930), trực tiếp là cuộc Cách mạng tháng Tám 1945, có thể khẳng định: Khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội (19/8/1945) thực sự là một sự kiện rất đặc biệt. Bởi đây là thắng lợi “mẫu mực, tiêu biểu” của nghệ thuật lãnh đạo phát hiện, chớp đúng thời cơ, với phương pháp cách mạng rất sáng tạo. Quan trọng hơn, cuộc khởi nghĩa thắng lợi ấy đã có sức cổ vũ to lớn thúc đẩy phong trào cách mạng của cả nước phát triển; đồng thời cũng dựng lên một thành trì vững chắc để nhân dân ta tiếp tục đấu tranh bảo vệ những thành quả cách mạng vừa giành được trong giai đoạn về sau./.

Xem thêm Lời giải bài tập Lịch sử 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 7: Chiến tranh lạnh (1947 - 1989)

Bài 8: Liên Xô và các nước Đông Âu từ năm 1945 đến năm 1991

Bài 9: Nước Mỹ và các nước Tây Âu từ năm 1945 đến năm 1991

Bài 10: Châu Á từ năm 1945 đến năm 1991

Bài 11: Khu vực Mỹ La-tinh từ năm 1945 đến năm 1991

1 505 11/08/2024