Giải Lịch sử 9 Bài 19 (Cánh diều): Châu Á từ năm 1991 đến nay

Với giải bài tập Lịch sử 9 Bài 19: Châu Á từ năm 1991 đến nay sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Lịch sử 9.

1 8 11/08/2024


Giải bài tập Lịch sử 9 Bài 19: Châu Á từ năm 1991 đến nay

Mở đầu trang 94 Bài 19 Lịch Sử 9: Vậy kinh tế - xã hội của các nước Đông Bắc Á từ năm 1991 đến nay phát triển như thế nào? Quá trình phát triển của ASEAN từ năm 1991 đến nay ra sao? Những nét chính về Cộng đồng ASEAN là gì?

Trả lời:

- Từ 1991 đến nay, mặc dù tỉ trọng kinh tế của Nhật Bản suy giảm, song Nhật Bản vẫn là một trong những trung tâm kinh tế - tài chính lớn trên thế giới.

- Từ 1991 đến nay, Trung Quốc tiếp tục đạt được nhiều thành tựu lớn trong công cuộc cải cách, mở cửa. Từ 2010 đến nay, Trung Quốc vươn lên trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới (sau Mĩ)

- Từ năm 1991, Hàn Quốc đã trở thành một nước công nghiệp mới (NIC) và là một trong bốn “con rồng” châu Á, nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại.

- Từ năm 1991 đến nay, tổ chức ASEAN đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong quá trình hợp tác, liên kết giữa các quốc gia trong khu vực.

Câu hỏi trang 95 Lịch Sử 9: Kinh tế - xã hội của Trung Quốc từ năm 1991 đến nay phát triển như thế nào?

Trả lời:

♦ Từ sau năm 1991, Trung Quốc đẩy mạnh công cuộc cải cách, mở cửa một cách toàn diện và sâu rộng, làm thay đổi toàn bộ đời sống kinh tế - xã hội của đất nước.

Một số thành tựu nổi bật của Trung Quốc:

- Về kinh tế, khoa học - kĩ thuật:

+ Tốc độ tăng trưởng GDP liên tục tăng. Tỉ trọng đóng góp trong GDP toàn cầu tăng từ 8,1 % (năm 2002) lên 18,8 % (năm 2022).

+ Vượt qua Nhật Bản, trở thành nền kinh tế thứ hai thế giới (từ năm 2010).

+ Vươn lên trở thành cường quốc về khoa học - công nghệ, đạt nhiều thành tựu trên lĩnh vực chinh phục vũ trụ, giao thông vận tải, công nghệ sinh học,...

- Về xã hội:

+ Đời sống nhân dân được cải thiện và nâng cao, thu nhập bình quân đầu người tăng.

+ Công cuộc xoá đói giảm nghèo được đẩy mạnh và đạt được thành tựu lớn.

+ Hệ thống bảo hiểm y tế được thực hiện đối với hơn 1,4 tỉ người (2021),...

Câu hỏi trang 95 Lịch Sử 9: Giới thiệu về tình hình kinh tế - xã hội của Nhật Bản từ năm 1991 đến nay.

Trả lời:

- Về kinh tế:

+ Nhật Bản duy trì vị thế thứ hai thế giới về kinh tế từ cuối thế kỉ XX đến năm 2010. Nhật Bản vẫn dẫn đầu thế giới trên một số lĩnh vực, như: sản xuất ô tô, tàu thuỷ, rô-bốt,…

+ Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế Nhật Bản chậm lại, không ổn định, phục hồi chậm sau các cuộc khủng hoảng năm 1997 và năm 2008 - 2009.

- Về xã hội: Nhật Bản phải đối phó với nhiều vấn đề xã hội như tình trạng già hoá dân số, thiếu lao động, dân số tăng trưởng âm, tỉ lệ tự tử và tội phạm gia tăng,...

Câu hỏi trang 96 Lịch Sử 9: Giới thiệu sự phát triển kinh tế - xã hội của Hàn Quốc từ năm 1991 đến nay.

Trả lời:

- Sau năm 1991, Hàn Quốc tiếp tục phát triển mạnh, vươn lên trở thành quốc gia phát triển ở châu Á và trên thế giới.

- Về kinh tế:

+ Tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, quy mô kinh tế đứng thứ 10 thế giới, thứ 4 châu Á (2020). GDP tăng gấp 3 lần, từ 504,6 tỉ đô-la (2001) lên 1 910 tỉ đô-la (2022).

+ Là một trong những nước dẫn đầu thế giới về đóng tàu, sản xuất hàng điện tử, ô tô, khai khoáng, thời trang, mĩ phẩm, ...

- Về xã hội:

+ Đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện, Hàn Quốc thuộc nhóm nước có chỉ số phát triển con người (HDI) cao.

+ Âm nhạc, điện ảnh, thời trang, ẩm thực,.. có sức lan toả mạnh mẽ trên thế giới, từ đó gia tăng sức mạnh mềm của Hàn Quốc.

Câu hỏi trang 97 Lịch Sử 9: Mô tả quá trình phát triển của ASEAN từ năm 1991 đến nay.

Trả lời:

- Tháng 10-1991, Hiệp định Hoà bình Pa-ri được kí kết, vấn đề Cam-pu-chia được giải quyết. Quan hệ giữa Việt Nam với nhóm nước sáng lập ASEAN từ đối đầu chuyển sang giai đoạn hoà bình, hợp tác.

- Từ thập niên cuối thế kỉ XX đến nay, ASEAN không ngừng phát triển, trở thành một tổ chức liên kết khu vực chặt chẽ, toàn diện trên nhiều lĩnh vực.

- Các sự kiện chính trong quá trình phát triển của ASEAN từ sau năm 1991:

+ 1992, Kí thoả thuận về Khu vực Mậu dịch Tự do ASEAN (AFTA).

+ 1995, Việt Nam trở thành thành viên thứ 7 của ASEAN.

+ 1997, Thông qua Tầm nhìn ASEAN năm 2020; Lào, Mi-an-ma gia nhập ASEAN

+ 1999, Cam-pu-chia gia nhập ASEAN, hoàn thành mục tiêu trở thành tổ chức khu vực với 10 quốc gia thành viên.

+ 2003, Ra Tuyên bố Ba-li II, xác định mục tiêu thành lập Cộng đồng ASEAN.

+ 2007, Công bố Hiến chương ASEAN.

+ 2015, Chính thức thành lập Cộng đồng ASEAN.

+ 2016, thông qua Kế hoạch tổng thể về Kết nối ASEAN 2025.

Câu hỏi trang 97 Lịch Sử 9: Mô tả những nét chính về Cộng đồng ASEAN

Trả lời:

- Năm 2003, các nhà lãnh đạo của ASEAN quyết định thành lập Cộng đồng ASEAN vào năm 2020.

- Ngày 31-12-2015, Cộng đồng ASEAN chính thức được thành lập với 3 trụ cột là: cộng đồng chính trị - an ninh; cộng đồng kinh tế; cộng đồng văn hóa - xã hội

- Ý nghĩa sự hình thành của Cộng đồng ASEAN:

+ Tạo ra một dấu mốc quan trọng trong tiến trình liên kết, bảo đảm hoà bình, an ninh và tự cường lâu dài trong một khu vực hướng ra bên ngoài, với các nền kinh tế năng động, cạnh tranh và liên kết sâu rộng.

+ Là bước chuẩn bị nền tảng, định hướng và khuôn khổ cho ASEAN bước vào giai đoạn mới với những mục tiêu liên kết cao hơn.

Luyện tập 1 trang 97 Lịch Sử 9: Lập bảng thống kê về sự phát triển kinh tế - xã hội của Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc theo mẫu sau vào vở ghi.

Quốc gia

Lĩnh vực

Trung Quốc

Nhật Bản

Hàn Quốc

Kinh tế

Xã hội

Trả lời:

Kinh tế

Xã hội

Nhật Bản

- Phát triển xen kẽ với các đợt khủng hoảng, suy thoái.

- Vẫn là một trong những tâm kinh tế-tài chính lớn thế giới

- Là quốc gia có chất cuộc sống cao.

- Thu nhập bình quân đầu người và chỉ số HDI ở mức cao.

Hàn Quốc

- Từ năm 1991, trở thành một nước công nghiệp mới (NIC) và là một trong bốn “con rồng” châu Á.

- Đầu thế kỉ XXI, kinh tế Hàn Quốc duy trì được mức tăng trưởng ổn định

- Mức sống, tuổi thọ của người dân không ngừng được nâng cao.

Trung Quốc

- Tốc độ tăng trưởng GDP luôn ở mức cao nhất thế giới và trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

- Chất lượng tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc vẫn còn thấp, mất cân bằng, không hợp lí và thiếu bền vững

Vận dụng 2 trang 97 Lịch Sử 9: Tìm hiểu đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN.

Trả lời:

(*) Tham khảo: Việt Nam đã có những đóng góp rất quan trọng cho ASEAN.

Thứ nhất, là một nước tầm trung trong khu vực, với dân số đứng thứ 3, diện tích đứng thứ 4 ở Đông Nam Á, việc Việt Nam tham gia ASEAN đã giúp cho tổ chức này lớn mạnh về tiềm lực, phạm vi cũng như vững mạnh về tổ chức, giúp ASEAN trở thành một tổ chức vững mạnh, chấm dứt những nghi kỵ, chia rẽ, đối đầu, mở ra một thời kỳ phát triển mới của hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

Thứ hai, Việt Nam đã tích cực tham gia và đóng góp vào xây dựng định hướng phát triển và các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó có thể kể đến Hiến chương ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các Kế hoạch Tổng thể kèm theo, Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN (MPAC), Sáng kiến Hội nhập ASEAN (IAI)…

Thứ ba, Việt Nam đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc triển khai thực hiện các quyết định chung của ASEAN. Chúng ta tham gia triển khai đầy đủ và sâu rộng các hoạt động hợp tác trong các lĩnh vực chính trị- an ninh, văn hóa- xã hội và kinh tế cũng như chủ trì tổ chức các sự kiện có liên quan theo nghĩa vụ thành viên. Việt Nam là một trong số những nước đạt tỷ lệ thực thi cao các chương trình, biện pháp liên kết kinh tế của ASEAN.

Vượt qua những bỡ ngỡ ban đầu, chỉ 3 năm sau khi gia nhập ASEAN, Việt Nam đã tổ chức thành công Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 6 tại Hà Nội (12/1998); tiếp đó, đã hoàn thành xuất sắc vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2010, tạo tiền đề quan trọng cho nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN năm 2020.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng đã đóng góp vào việc hình thành, củng cố, phát triển các thể chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt. Có thể kể đến quyết định mở rộng Cấp cao Đông Á (EAS) để kết nạp thêm Mỹ và Nga, lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN mở rộng (ADMM ), vận động để đại diện cho ASEAN dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hàn Quốc và Canada...

Xem thêm Lời giải bài tập Lịch sử 9 Cánh diều hay, chi tiết khác:

Bài 20: Việt Nam từ năm 1991 đến nay

Bài 21: Cách mạng khoa học - kĩ thuật và xu thế toàn cầu hóa

Chủ đề 1: Đô thị: Lịch sử và hiện tại

Chủ đề 2: Văn minh châu thổ sông Hồng và sông Cửu Long

Chủ đề 3: Bảo vệ chủ quyền, các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông

1 8 11/08/2024