Giải Kinh tế pháp luật 11 Bài 4 (Kết nối tri thức): Thất nghiệp | KTPL 11

Với giải bài tập Kinh tế pháp luật 11 Bài 4: Thất nghiệp sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KTPL 11 Bài 4.

1 1,920 19/09/2024


Giải KTPL 11 Bài 4: Thất nghiệp

Câu hỏi trang 22 KTPL 11: Em hãy đọc trường hợp sau để trả lời câu hỏi:

Trường hợp. Kinh tế suy thoái, doanh nghiệp X phải thu hẹp quy mô sản xuất khiến ông A và nhiều lao động khác bị mất việc làm, không có thu nhập. Đã gần hai tháng, ông A tìm việc ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa được.

Câu hỏi: Ở trường hợp trên, ông A và người lao động của doanh nghiệp X đang gặp phải vấn đề gì? Hãy chia sẻ suy nghĩ của em về vấn đề đó.

Lời giải:

- Ở trường hợp trên, ông A và người lao động của doanh nghiệp X đang trong tình trạng thất nghiệp.

- Chia sẻ suy nghĩ:

+ Thất nghiệp là tình trạng người lao động mong muốn có việc làm nhưng chưa tìm được việc làm.

+ Tình trạng thất nghiệp xảy ra do nhiều nguyên nhân khách quan và chủ quan.

+ Thất nghiệp để lại những hậu quả nặng nề đối với mỗi cá nhân, với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội.

1. Khái niệm thất nghiệp và các loại hình thất nghiệp

Giải KTPL 11 trang 23

Câu hỏi 1 trang 23 KTPL 11: Trong gia đình anh M, ai là người muốn kiếm việc làm nhưng chưa tìm được? Ai là người tự nguyên thất nghiệp?

Thông tin 1. Anh M là kĩ sư nông nghiệp từng làm việc ở công ty xuất khẩu nông sản tại tỉnh Đ. Do hoàn cảnh gia đình, anh phải chuyển về thành phố để sinh sống và chưa tìm được việc làm. Vợ anh vốn là giáo viên mầm non nhưng khi về thành phố chỉ xin được làm tạp vụ tại một cơ sở sản xuất kinh doanh với mức lương rất thấp nên chưa muốn đi làm. Bố anh năm nay 55 tuổi đã làm cho một công ty sản xuất ô tô gần 30 năm. Khi doanh nghiệp này thay đổi, cơ cấu sử dụng rô-bốt thay thế thợ hàn để lắp ráp ô tô, ông đã bị mất việc. Em trai anh là kĩ sư công nghệ thông tin cho một công ty có vốn đầu tư nước ngoài.

Lời giải:

- Trong gia đình anh M:

+ Anh M và bố của anh là người muốn kiếm việc làm nhưng chưa tìm được việc làm.

+ Vợ anh M là người tự nguyện thất nghiệp (biểu hiện ở việc: vợ anh M đã xin được làm tạp vụ tại một cơ sở sản xuất kinh doanh, nhưng do mức lương thấp và không đúng với chuyên môn của mình, nên vợ anh M không muốn đi làm).

Câu hỏi 2 trang 23 KTPL 11: Tình hình thất nghiệp sẽ thay đổi như thế nào khi nền kinh tế phục hồi hay suy thoái

Thông tin 2. Do tác động của khủng hoảng kinh tế, hàng hóa sản xuất ra không bán được, công ty X phải thu hẹp sản xuất, khiến nhiều lao động bị mất việc làm. Khi Chính phủ đưa ra nhiều chính sách để phục hồi kinh tế, doanh nghiệp được hỗ trợ để khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh, công ty mở rộng sản xuất, thu hút lại nhiều lao động làm cho lượng người thất nghiệp giảm dần.

Lời giải:

- Khi kinh tế suy thoái, các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, khiến nhiều người lao động bị mất việc làm => làm gia tăng tình trạng thất nghiệp trên quy mô của địa phương và cả nước.

- Khi kinh tế được phục hồi, các doanh nghiệp mở rộng sản xuất, thu hút lại nhiều lao động => lượng người thất nghiệp giảm dần.

2. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp

Giải KTPL 11 trang 24

Câu hỏi 1 trang 24 KTPL 11: Chị Y và nhóm bạn thất nghiệp do những nguyên nhân nào?

Trường hợp 1. Chị Y và nhóm bạn của mình đang thất nghiệp. Chị Y đã tốt nghiệp đại học chuyên ngành kế toán doanh nghiệp nhưng làm nhân viên hành chính cho một cơ sở giáo dục. Sau một thời gian làm việc, chị quyết định thôi việc để đi tìm công việc mới phù hợp với sở thích và khả năng của mình. Anh X bị doanh nghiệp cho thôi việc do vi phạm kỉ luật lao động nhiều lần, anh T bị mất việc làm do doanh nghiệp thu hẹp sản xuất kinh doanh.

Lời giải:

- Chị Y thất nghiệp là do: chị không hài lòng với công việc hiện có, vì công việc này không phù hợp với sở thích và chuyên môn.

- Anh T thất nghiệp là do: anh đã vi phạm kỉ luật lao động nhiều lần nên bị công ty sa thải.

- Anh X thất nghiệp là do: doanh nghiệp mà anh đang làm việc có sự điều chỉnh, thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh.

Câu hỏi 2 trang 24 KTPL 11: Em hãy phân tích nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thất nghiệp của một số sinh viên ngành Dược, Điều dưỡng ở tỉnh N.

Trường hợp 2. Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh N, số sinh viên theo học các ngành Dược, Điều dưỡng ở các hệ cao đẳng, trung cấp tốt nghiệp hằng năm rất lớn. Tuy nhiên mỗi năm, tỉnh chỉ bố trí được chỗ làm với số lượng có hạn cho đối tượng này nên nhiều sinh viên ra trường bị thất nghiệp. Trong khi đó, tỉnh rất cần các bác sĩ có chuyên môn cao nhưng lại khó tuyển dụng.

Lời giải:

- Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng thất nghiệp của một số sinh viên ngành Dược, Điều dưỡng ở tỉnh N là do: sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động. Cụ thể:

+ Số sinh viên theo học các ngành Dược, Điều dưỡng ở các hệ cao đẳng, trung cấp tốt nghiệp hằng năm rất lớn, khiến cho nguồn cung lao động (ở 2 ngành này) lớn.

+ Nhu cầu tuyển dụng việc làm ở 2 ngành dược và điều dưỡng tại tỉnh N nhỏ.

=> Điều này dẫn đến việc cung vượt quá cầu, khiến dư thừa lao động. Từ đó dẫn đến tình trạng một bộ phận sinh viên ngành Dược và Điều dưỡng ra trường không có việc làm.

3. Hậu quả của thất nghiệp

Câu hỏi trang 25 KTPL 11: Qua các thông tin trên, em hãy cho biết thất nghiệp đã tác động đến người lao động, doanh nghiệp và nền kinh tế như thế nào. Vì sao?

Qua các thông tin trên, em hãy cho biết thất nghiệp (ảnh 2)

Lời giải:

- Đối với người lao động: thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp.

- Đối với doanh nghiệp: thất nghiệp tăng cao dẫn đến nhu cầu xã hội bị giảm sút, hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.

- Đối với nền kinh tế: thất nghiệp tăng gây lãng phí nguồn lực, làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, ngân sách nhà nước suy giảm,...

4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp

Câu hỏi trang 26 KTPL 11: Qua các thông tin và hình ảnh trên, em hãy cho biết Nhà nước đã thực hiện các giải pháp nào để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.

Qua các thông tin và hình ảnh trên, em hãy cho biết Nhà nước đã thực hiện (ảnh 2)

Lời giải:

- Để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, nhà nước đã thực hiện một số giải pháp, như:

+ Quan tâm đào tạo lao động trình độ cao, đa dạng hoá các loại hình trường lớp, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.

+ Hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thực hiện đúng pháp luật về lao động;

+ Khuyến khích các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng hoạt động sản xuất, chuyển đổi sản xuất để tạo thêm việc làm cho người lao động;

+ Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động.

Luyện tập

Luyện tập 1 trang 27 KTPL 11: Em đồng tình hay không đồng tình với các quan điểm sau đây? Vì sao?

a. Để giải quyết việc làm, Nhà nước phải tạo ra các điều kiện thuận lợi cho người lao động tự tạo việc làm.

b. Chính quyền địa phương phải có trách nhiệm giải quyết việc làm cho người thất nghiệp ở địa phương.

c. Trung tâm dịch vụ việc làm có trách nhiệm môi giới, giới thiệu việc làm cho người lao động.

d. Người lao động giữ vai trò quan trọng nhất trong việc giải quyết thất nghiệp.

Lời giải:

- Ý kiến a. Không đồng tình, vì: người lao động phải có trách nhiệm chính, quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề việc làm của bản thân. Nhà nước có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để người lao động tự tạo việc làm, thông qua những chủ trương, chính sách phù hợp trong từng giai đoạn.

- Ý kiến b. Không đồng tình, vì: người lao động phải có trách nhiệm chính, quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề việc làm của bản thân. Chính quyền địa phương có vai trò hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết việc làm cho người lao động.

- Ý kiến c. Không đồng tình, vì: các trung tâm dịch vụ việc làm chỉ có chức năng hỗ trợ và giới thiệu tới người lao động những công việc phù hợp hoặc những cơ sở sản xuất, kinh doanh đang có nhu cầu tuyển dụng.

- Ý kiến d. Đồng tình, vì: lao động là nghĩa vụ của mỗi công dân. Người lao động phải có trách nhiệm chính, quan trọng nhất trong việc giải quyết vấn đề việc làm của bản thân (ví dụ: học tập, rèn luyện để nâng cao tay nghề, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công việc; lựa chọn những công việc phù hợp với năng lực của bản thân; nghiêm túc tuân thủ nội quy, kĩ luật lao động tại nơi làm việc,…).

Giải KTPL 11 trang 28

Luyện tập 2 trang 28 KTPL 11: Em hãy cho biết những trường hợp sau đây thuộc loại hình thất nghiệp nào:

a. Người không đi làm để tập trung giải quyết việc gia đình.

b. Khi nhà máy chuyển đổi sản xuất từ cơ khí lên tự động hoá, hàng loạt lao động trong nhà máy bị mất việc làm.

c. Người đi du học mới về nước chưa kiếm được việc làm.

Lời giải:

- Trường hợp a. Thất nghiệp tự nguyện.

- Trường hợp b. Thất nghiệp cơ cấu.

- Trường hợp c. Thất nghiệp tạm thời hoặc thất nghiệp tự nguyện.

+ Thất nghiệp tạm thời nếu xét trong trường hợp: người này có sự chuyển dịch từ thị trường lao động nước ngoài về thị trường lao động trong nước.

+ Thất nghiệp tự nguyện nếu xét trong trường hợp: người này chưa tìm được công việc phù hợp với mong muốn của họ về mức lương, chế độ đãi ngộ,….

Luyện tập 3 trang 28 KTPL 11: Em hãy nhận xét việc làm của các tổ chức, cá nhân dưới đây:

a. Xã A sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước tổ chức hai khoá dạy nghề mây tre đan xuất khẩu nhằm giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương. Sau đó, các học viên này vẫn không có việc làm vì không có bất cứ một dự án sản xuất mây tre đan nào được tổ chức tại địa phương.

b. Khi tỉ lệ thất nghiệp tăng cao, chính quyền xã X đã đến từng hộ gia đình thống kê số người thất nghiệp đề tìm giải pháp kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp, nhưng một số gia đình không hợp tác vì cho rằng Nhà nước không thể giải quyết được vấn đề này.

Lời giải:

- Trường hợp a. Việc làm của chính quyền xã X chưa phù hợp, không bám sát với tình hình thực tế tại địa phương. Hành động này đã gây lãng phí ngân sách nhà nước; đồng thời tiêu tốn thời gian, công sức học tập của người lao động tại địa phương.

- Trường hợp b.

+ Hành động của chính quyền xã X là đúng, thể hiện tốt vai trò của chính quyền địa phương trong việc trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.

+ Hành động không hợp tác của một số hộ dân là sai, những hộ dân này chưa hiểu rõ về vai trò của nhà nước trong việc giải quyết tình trạng thất nghiệp => do đó, chính quyền xã X cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền, để người dân trong xã hiểu rõ hơn về các chủ trương, chính sách

Vận dụng

Vận dụng trang 28 KTPL 11: Em hãy viết bài giới thiệu một tấm gương tạo việc làm, giải quyết thất nghiệp cho người lao động tại địa phương.

Lời giải:

(*) Bài viết tham khảo: Tấm gương khởi nghiệp của anh Lương Văn Trường - Chủ tịch HĐQT - Giám đốc HTX Thanh niên Nam Đại Dương (xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định)

Sau khi tốt nghiệp ngành công nghệ sau thu hoạch của trường Đại học Đà Lạt năm 2011, với mong muốn ứng dụng kiến thức của bản thân giúp đỡ bà con nông dân, anh Lương Văn Trường đã tham gia Dự án quốc gia 600 Phó Chủ tịch xã trẻ giai đoạn từ năm 2012 - 2016; được nhận nhiệm vụ phụ trách nông lâm nghiệp tại xã Lử Thẩn, huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai).

Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, năm 2017, anh Trường quyết định trở về quê hương tại xã Nghĩa Trung, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Đinh để lập nghiệp. Nhận thấy ở Nam Định có lợi thế rất nhiều trong thâm canh cây lúa nhưng lại không có sản phẩm, thương hiệu nào thực sự nổi bật; trong khi diện tích đất trồng nông nghiệp bị bỏ hoang nhiều do người dân bỏ đồng ruộng vào nhà máy làm việc để có thu nhập cao hơn,… anh Trường quyết định tập trung sản xuất để đưa ra sản phẩm, nâng cao giá trị thương hiệu gạo Nam Định.

Được sự tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền xã Tân Thịnh (huyện Nam Trực), anh Trường đã thuê lại 7 ha đất nông nghiệp thành lập “Nông trại Cờ Đỏ” để sản xuất cánh đồng mẫu lớn. Trong quá trình sản xuất quy mô lớn, ban đầu anh đã gặp rất nhiều khó khăn. Có thời điểm toàn bộ diện tích lúa bị mất trắng do mưa nhiều, không kịp tiêu thoát nước, gieo giống xong lại mưa, nên giống chết; ngâm hạt giống để gieo tiếp thì nước chưa rút, giống lại thối. Anh Trường mất trắng 4-5 tấn thóc giống, thiệt hại hơn 1 tỷ đồng. Nhưng cũng từ thất bại đó, anh đã tìm cách xử lý kéo dài thời gian bảo quản hạt giống và cho ra đời quy trình sản xuất hạt giống lúa đã nảy mầm sẵn. Quy trình do anh Trường sáng tạo ra đã được Chứng nhận quyền tác giả số 10205/2020/QTG; được chấp nhận đơn đăng ký sáng chế vào tháng 2/2021.

Sản phẩm hạt giống nảy mầm sẵn của anh Trường được các tập đoàn sản xuất lúa giống hàng đầu tại Việt Nam liên hệ hợp tác. Từ công nghệ sản xuất này, anh đã nảy ra ý tưởng sản xuất gạo mầm tươi với giá trị dinh dưỡng cao. Với những lợi ích vượt trội đối với sức khỏe người tiêu dùng, sản phẩm gạo mầm tươi của Nông trại Cờ Đỏ khi đưa ra thị trường đã được đông đảo người tiêu dùng tiếp nhận.

Từ một nông trại đơn lẻ, đến giữa năm 2021, anh Trường đã liên kết, tập hợp những người cùng chí hướng, cùng đam mê thành lập Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Nam Đại Dương với 7 thành viên, đồng thời mở rộng quy mô sản xuất với diện tích lên đến 40 ha tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Mỹ Lộc và Vụ Bản. Năm 2021, doanh thu của HTX Thanh niên Nam Đại Dương lên tới 3 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho 50 - 70 lao động tại địa phương.

Chia sẻ về chặng đường lập nghiệp của bản thân, anh Trường cho biết: “HTX Thanh niên Nam Đại Dương được thành lập từ đầu năm 2021, giữa lúc đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, khó khăn trăm bề. Với tinh thần “Thanh niên Nam Định vươn ra biển lớn” như ý nghĩa trong cái tên HTX, chúng tôi đã cùng nhau vượt qua thách thức, đón các cơ hội từ khó khăn và sẽ đưa công nghệ ra thế giới”.

Những nỗ lực vượt khó khởi nghiệp thành công của anh Trường đã được ghi nhận, năm 2020, anh Trường được Trung ương Đoàn trao tặng Bằng khen “Đoàn viên thanh niên có công trình, giải pháp, sản phẩm sáng tạo tiêu biểu toàn quốc”; năm 2021 được lọt vào top 21 đội thi xuất sắc nhất của cuộc thi “Thanh niên sáng tạo vì biến đổi khí hậu 2021” do Trung ương Đoàn chứng nhận; đạt giải Ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Nam Định do Hội liên hiệp Khoa học Kỹ thuật tỉnh Nam Định tổ chức. Sản phẩm của anh trong năm 2021 tiếp tục lọt top 10 cuộc thi khởi nghiệp quốc gia 2021, trở thành Đại sứ chương trình: Dự án phát triển xã hội bền vững SEF 2021, đạt giải Nhất cuộc thi Khởi nghiệp thanh niên nông thôn với dự án “Nông trại Cờ Đỏ” do Trung ương Đoàn tổ chức và vinh dự đạt giải thưởng Lương Định Của dành cho nhà nông trẻ xuất sắc 2021.

Trong thời gian tới, anh Lương Văn Trường cùng HTX Thanh niên Nam Đại Dương sẽ tiếp tục nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật cải tiến, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, chống thoái hoá đất sản xuất và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, HTX sẽ tiếp tục nghiên cứu, mở rộng sản xuất, phấn đấu xuất khẩu gạo mầm tươi và công nghệ hạt giống nảy mầm sẵn ra thị trường nước ngoài, góp phần khẳng định giá trị nông sản và công nghệ nông nghiệp của Việt Nam trên thế giới.

Lý thuyết KTPL 11 Bài 4: Thất nghiệp

1. Khái niệm thất nghiệp và các loại hình thất nghiệp

a) Khái niệm: Thất nghiệp là tình trạng người lao động mong muốn có việc làm nhưng chưa tìm được việc làm

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp | Kinh tế Pháp luật 11

b) Các loại hình thất nghiệp: Thất nghiệp được phân loại như sau:

- Phân loại theo nguồn gốc thất nghiệp:

+ Thất nghiệp tự nhiên: biểu thị mức thất nghiệp bình thường mà nền kinh tế phải chịu, luôn tồn tại trong xã hội, bao gồm các dạng:

• Thất nghiệp tạm thời: thất nghiệp phát sinh do sự dịch chuyển không ngừng của người lao động giữa các vùng, các loại công việc hoặc giữa các giai đoạn khác nhau trong cuộc sống.

• Thất nghiệp cơ cấu: thất nghiệp gắn liền với sự biến động cơ cấu kinh tế và sự thay đổi của công nghệ dẫn đến yêu cầu lao động có trình độ cao hơn, lao động không đáp ứng yêu cầu sẽ bị đào thải.

+ Thất nghiệp chu kì: thất nghiệp tương ứng với từng giai đoạn trong chu kì kinh tế:

• Thất nghiệp chu kì ở mức cao khi nền kinh tế suy thoái;

• Thất nghiệp chu kì ở mức thấp khi kinh tế phát triển, mở rộng.

- Phân loại theo tính chất:

+ Thất nghiệp tự nguyện: xảy ra do người lao động không muốn làm việc do điều kiện làm việc và mức lương chưa phù hợp với họ.

+ Thất nghiệp không tự nguyện: xảy ra khi người lao động mong muốn đi làm nhưng không thể tìm kiếm được việc làm.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp | Kinh tế Pháp luật 11

2. Nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp

- Trong thực tế có nhiều nguyên nhân dẫn đến thất nghiệp:

+ Nguyên nhân chủ quan: bị đuổi việc do vi phạm kỷ luật, tự thôi việc do không hài lòng với công việc đang có, do thiếu kỹ năng làm việc,...

+ Nguyên nhân khách quan: do cơ sở sản xuất kinh doanh đóng cửa, do sự mất cân đối giữa cung và cầu trên thị trường lao động.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp | Kinh tế Pháp luật 11

3. Hậu quả của thất nghiệp

- Thất nghiệp để lại những hậu quả nặng nề đối với mỗi cá nhân, với nền kinh tế và mọi mặt của đời sống xã hội:

+ Đối với người bị thất nghiệp: thất nghiệp ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động, khiến cho đời sống của họ gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến kiến thức chuyên môn, nghề nghiệp.

+ Đối với doanh nghiệp: thất nghiệp tăng cao dẫn đến nhu cầu xã hội bị giảm sút, hàng hóa và dịch vụ không có người tiêu dùng, cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp giảm, nhiều doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa.

+ Đối với nền kinh tế: thất nghiệp tăng gây lãng phí nguồn lực, làm cho nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái, tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, ngân sách nhà nước suy giảm,...

+ Đối với chính trị - xã hội: thất nghiệp gia tăng làm cho hiện tượng tiêu cực trong xã hội phát sinh nhiều, gây ra những xáo trộn trong xã hội, trật tự xã hội không ổn định, hiện tượng lần công, bãi công, biểu tình,... tăng lên.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp | Kinh tế Pháp luật 11

4. Vai trò của Nhà nước trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp

- Trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp:

+ Thường xuyên thông tin về tình hình thất nghiệp, từ đó dự báo, đồng thời đưa ra các giải pháp để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp.

+ Khi tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, Nhà nước sử dụng nhiều giải pháp để kiểm soát và kiềm chế thất nghiệp như: Hoàn thiện thể chế về thị trường lao động, thực hiện đúng pháp luật về lao động; Khuyến khích các cơ sở hoạt động sản xuất kinh doanh mở rộng hoạt động sản xuất, chuyển đổi sản xuất để tạo thêm việc làm cho người lao động; Thực hiện chính sách an sinh xã hội, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp để giải quyết việc làm cho người lao động.

+ Ngoài ra, Nhà nước còn thường xuyên quan tâm đào tạo lao động trình độ cao, đa dạng hoá các loại hình trường lớp, hỗ trợ người lao động tự tạo việc làm.

Lý thuyết KTPL 11 Kết nối tri thức Bài 4: Thất nghiệp | Kinh tế Pháp luật 11

Xem thêm lời giải bài tập Kinh tế pháp luật lớp 11 Kết nối tri thức với cuộc sống hay, chi tiết khác:

Bài 3: Lạm phát

Bài 5: Thị trường lao động Việt Nam

Bài 6: Ý tưởng, cơ hội kinh doanh và các năng lực cần thiết của người kinh doanh

Bài 7: Đạo đức kinh doanh

Bài 8: Văn hóa tiêu dùng

1 1,920 19/09/2024


Xem thêm các chương trình khác: