Giải KHTN 9 Bài 40 (Chân trời sáng tạo): Từ gene đến tính trạng

Với giải bài tập Khoa học tự nhiên 9 Bài 40: Từ gene đến tính trạng sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập KHTN 9 Bài 40.

1 490 25/06/2024


Giải KHTN 9 Bài 40: Từ gene đến tính trạng

Giải KHTN 9 trang 168

Mở đầu trang 168 Bài 40 KHTN 9: Tại sao một số loài sinh vật (nấm sợi, vi khuẩn) có thể tổng hợp được enzyme cellulase để phân giải cellulose trong khi đa số các loài động vật lại không thể tổng hợp được loại enzyme này?

Trả lời:

Một số loài sinh vật (nấm sợi, vi khuẩn) có thể tổng hợp được enzyme cellulase để phân giải cellulose trong khi đa số các loài động vật lại không thể tổng hợp được loại enzyme này là do một số sinh vật (nấm sợi, vi khuẩn) có gene quy định tổng hợp enzyme cellulase còn các loài khác thì không có gene này.

1. Mối quan hệ giữa dna – rna – protein – tính trạng

Hình thành kiến thức mới 1 trang 168 KHTN 9: Quan sát Hình 40.1, hãy:

a) Cho biết chú thích (1) và (2) là quá trình gì.

b) Nêu mối quan hệ giữa gene và protein trong việc biểu hiện các tính trạng ở sinh vật. Viết sơ đồ minh họa dạng chữ.

Quan sát Hình 40.1, hãy  trang 168 KHTN 9

Trả lời:

a) Chú thích (1) là quá trình phiên mã; chú thích (2) là quá trình dịch mã.

b)

- Mối quan hệ giữa gene và protein trong việc biểu hiện các tính trạng ở sinh vật: Trình tự các nucleotide trên mạch đơn của gene (DNA) quy định trình tự các nucleotide trên mRNA thông qua quá trình phiên mã, trình tự các nucleotide trên mRNA quy định trình tự amino acid trên chuỗi polypeptide (protein) thông qua quá trình dịch mã, protein biểu hiện thành tính trạng của cơ thể. Như vậy, trong tế bào, gene không trực tiếp hình thành tính trạng mà phải thông qua sự tương tác giữa các phân tử mRNA, protein và có thể chịu tác động của các nhân tố môi trường.

- Sơ đồ minh họa dạng chữ mối quan hệ giữa gene và protein trong việc biểu hiện các tính trạng ở sinh vật:

Quan sát Hình 40.1, hãy  trang 168 KHTN 9

Luyện tập trang 168 KHTN 9: Tại sao gene bị đột biến có thể làm thay đổi tính trạng của cơ thể sinh vật?

Trả lời:

Gene bị đột biến có thể làm thay đổi tính trạng của cơ thể sinh vật vì:

- Trình tự các nucleotide trên gene quy định trình tự các nucleotide trên phân tử mRNA thông qua quá trình phiên mã. Trình tự nucleotide trên phân tử mRNA được dịch mã thành trình tự các amino acid trên phân tử protein. Protein biểu hiện thành tính trạng của cơ thể.

- Khi gene bị đột biến, trình tự các nucleotide trên gene bị thay đổi dẫn đến thay đổi trình tự các nucleotide trên mRNA, từ đó có thể dẫn đến thay đổi trình tự amino acid trên phân tử protein. Phân tử protein bị biến đổi cấu trúc khiến chức năng sinh học của phân tử protein bị biến đổi hay nói cách khác là làm thay đổi tính trạng của cơ thể sinh vật.

2. Cơ sở sự đa dạng về tính trạng của các loài

Giải KHTN 9 trang 169

Hình thành kiến thức mới 2 trang 169 KHTN 9: Đọc đoạn thông tin và quan sát Hình 40.2, hãy cho biết cơ sở nào dẫn đến sự khác nhau về kiểu hình ở các cá thể ruồi giấm.

Đọc đoạn thông tin và quan sát Hình 40.2, hãy cho biết cơ sở nào dẫn đến sự khác nhau

Trả lời:

Cơ sở dẫn đến sự khác nhau về kiểu hình ở các cá thể ruồi giấm là:

- Mỗi loài sinh vật có hệ gene đặc trưng.

- Các cá thể cùng loài có thể mang các allele khác nhau của cùng một gene.

- Các gene khác nhau quy định các protein khác nhau, từ đó, biểu hiện thành các tính trạng khác nhau.

Hình thành kiến thức mới 3 trang 169 KHTN 9: Lấy thêm ví dụ về sự đa dạng tính trạng của một loài sinh vật.

Trả lời:

Ví dụ về sự đa dạng tính trạng ở người: Ở người có sự đa dạng về tính trạng màu da với nhiều kiểu hình khác nhau như người da vàng, người da trắng, người da đen,…; về tính trạng nhóm máu với nhiều kiểu hình khác nhau như nhóm máu A, nhóm máu B, nhóm máu O, nhóm máu AB; về tính trạng màu mắt với nhiều kiểu hình khác nhau như mắt đen, mắt xanh,…; về tính trạng hình dạng mũi với nhiều kiểu hình khác nhau như mũi cao, mũi thấp;…

Vận dụng trang 169 KHTN 9: Nấm mốc Neurospora crassa kiểu dại có khả năng sống được trong môi trường chứa các chất dinh dưỡng cơ bản (gồm muối vô cơ, glucose và biotin) do chúng có các enzyme để chuyển hóa các chất này thành những chất cần thiết cho sự sinh trưởng. Trong khi đó, các chủng nấm mốc đột biến (bị thiếu hụt enzyme) chỉ có thể sống khi được nuôi trong môi trường gồm các chất dinh dưỡng cơ bản được bổ sung thêm một số chất dinh dưỡng khác. Dựa vào mối quan hệ giữa gene và tính trạng, hãy cho biết tại sao có sự khác nhau về khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở chủng nấm mốc kiểu dại và các chủng đột biến.

Trả lời:

Sự khác nhau về khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng ở chủng nấm mốc kiểu dại và các chủng đột biến là do mỗi chủng nấm mang một kiểu gene khác nhau về gene quy định enzyme chuyển hóa các chất dinh dưỡng cơ bản thành các chất cần thiết cho sinh trưởng. Trong đó, nấm mốc Neurospora crassa kiểu dại có kiểu gene mã hóa enzyme chuyển hóa các chất dinh dưỡng cơ bản thành các chất cần thiết cho sinh trưởng nên có khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng cơ bản thành các chất cần thiết cho sinh trưởng; nấm mốc Neurospora crassa đột biến có kiểu gene không mã hóa được enzyme này nên không có khả năng chuyển hóa các chất dinh dưỡng cơ bản thành các chất cần thiết cho sinh trưởng.

Xem thêm lời giải bài tập Khoa học tự nhiên lớp 9 Chân trời sáng tạo hay, chi tiết khác:

Bài 41: Cấu trúc nhiễm sắc thể và đột biến nhiễm sắc thể

Bài 42: Thực hành: Quan sát tiêu bản nhiễm sắc thể

Bài 43: Di truyền nhiễm sắc thể

Bài 44: Di truyền học với con người

Bài 45: Ứng dụng công nghệ di truyền vào đời sống

1 490 25/06/2024