Giải GDCD 9 Bài 5 (Kết nối tri thức): Bảo vệ hoà bình

Với lời giải bài tập Giáo dục công dân lớp 9 Bài 5: Bảo vệ hoà bình sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết sẽ giúp học sinh dễ dàng trả lời câu hỏi và làm bài tập GDCD 9 Bài 5.

1 673 16/05/2024


Giải GDCD 9 Bài 5: Bảo vệ hoà bình

Mở đầu

Mở đầu trang 24 Bài 5 GDCD 9: Em hãy đọc đoạn trích lời bài hát “Chúng em cần hoà bình” (sáng tác: Hoàng Long - Hoàng Lân) và chia sẻ suy nghĩ của em về cuộc sống hoà bình.

“Để loài người chung sống trong hòa bình

Để đàn em được vui ca học hành

Để ngăn cây lá hoa vươn mầm xanh

Bạn bè sống với nhau trong tình yêu thương

Chúng em cần bầu trời hòa bình

Chúng em cần bầu trời hoà bình

Trên Trái Đất không còn chiến tranh

Đấu tranh vì một nền hòa bình

Đấu tranh vì một nền hòa bình

Không còn tiếng súng tiếng bom trên hành tinh...”

Trả lời:

Chia sẻ suy nghĩ:

- Trong lịch sử hình thành và phát triển của nhân loại, các quốc gia đã trải qua quá trình đấu tranh gian khổ, phải hi sinh nhiều xương máu, mồ hôi và nước mắt để bảo vệ hòa bình. Do đó, hòa bình là khát vọng chung của mọi quốc gia, dân tộc.

- Hòa bình đem lại nhiều lợi ích lớn lao, thiết thực, như: Giúp con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc; Tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội; Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới vì sự thịnh vượng chung toàn cầu.

1. Hoà bình và các biểu hiện của hoà bình

Giải GDCD 9 trang 25

Khám phá trang 25 GDCD 9: Từ thông tin và các hình ảnh trên, em hãy cho biết cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã gây ra hậu quả gì với Thủ đô Hà Nội? Cuộc sống của người dân và sự phát triển của Hà Nội trong chiến tranh và trong hoà bình có sự khác nhau như thế nào?

Thông tin. Trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, đế quốc Mỹ đã giội hàng triệu tấn bom đạn xuống làng mạc, trường học, bệnh viện,... gây biết bao đau thương tang tóc trên khắp đất nước ta, trong đó có cuộc tập kích chiến lược 12 ngày đêm bằng không quân với quy mô lớn chưa từng có trong lịch sử chiến tranh vào Thủ đô Hà Nội và thành phố cảng Hải Phòng, từ ngày 18 đến 29 tháng 12 năm 1972.

Riêng tại khu vực Hà Nội, Mỹ đã sử dụng 444 lần chiếc máy bay chiến lược B52, hơn 1.000 lần chiếc máy bay chiến thuật chiến đấu với số lượng bom đạn là 4 vạn tấn. Nhờ chuẩn bị tốt cả về tư tưởng và tổ chức, lực lượng và phương tiện, quân dân Hà Nội đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích của đế quốc Mỹ. Ngày 27 - 1 - 1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh lập lại hoà bình ở Việt Nam được kí kết. Sau Hiệp định, nhân dân Hà Nội đã tranh thủ điều kiện hoà bình để hàn gắn vết thương chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hoá, ổn định đời sống, cùng nhân dân miền Bắc làm hậu phương lớn, góp phần chi viện cho tiền tuyến, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Ngày nay, Hà Nội đang từng bước đổi mới, phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Hà Nội thực sự đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của cả nước. Ngày 16 - 7 - 1999, Hà Nội được UNESCO vinh danh là “Thành phố vì hoà bình”. Đây là sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế về những thành tựu trong quá trình đổi mới cũng như khát vọng hoà bình của người dân Việt Nam.

(Theo Lê Mậu Hãn (Chủ biên) (2001), Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, NXB Giáo dục, trang 243, 244, 248)

Từ thông tin và các hình ảnh trên, em hãy cho biết cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ

Trả lời:

- Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ đã gây ra hậu quả nặng nề với Thủ đô Hà Nội, cụ thể là:

+ Phá hủy nhiều làng mạc, nhà máy, bệnh viện, trường học,…

+ Gây thiệt hại sinh mạng cho hàng nghìn người.

- Cuộc sống của người dân và sự phát triển của Hà Nội trong chiến tranh và trong thời kì hoà bình có sự khác nhau:

+ Trong chiến tranh: cơ sở vật chất, hạ tầng của Thủ đô bị hủy hoại nghiêm trọng; mọi sinh hoạt trong đời sống của nhân dân bị đảo lộn, ví dụ: những khu vực đông dân cư phải sơ tán về vùng nông thôn; người dân phải đào hầm trú ẩn, phải cảnh giác và luôn trong tâm thế sẵn sàng ứng phó với các đợt ném bom của Mĩ; thậm chí, hàng ngàn người đã bị thiệt mạng hoặc phải mang thương tật suốt đời,…

+ Sau chiến tranh: Hà Nội đã và đang từng bước đổi mới, phát triển, đạt được nhiều thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực, đời sống của nhân dân ngày càng ấm no, hạnh phúc. Hà Nội thực sự đã trở thành trung tâm kinh tế, chính trị và văn hoá của cả nước.

Khám phá trang 25 GDCD 9: Theo em, hoà bình là gì? Hãy nêu các biểu hiện của hoà bình.

Trả lời:

- Hoà bình là tình trạng không có chiến tranh hay xung đột vũ trang; con người được sống trong một môi trường xã hội an toàn, hạnh phúc.

- Biểu hiện của hoà bình là cuộc sống bình yên, con người được học tập, lao động, phát triển, chung sống hoà thuận cùng nhau; các quốc gia tôn trọng, hợp tác cùng phát triển.

2. Bảo vệ hoà bình và các biện pháp bảo vệ hoà bình

Giải GDCD 9 trang 27

Khám phá trang 27 GDCD 9: Từ các thông tin và hình ảnh trên, em hãy giải thích vì sao cần phải bảo vệ hoà bình và cho biết các biện pháp góp phần thúc đẩy và bảo vệ hoà bình

Thông tin 1. Trong lịch sử nhân loại, đã có nhiều cuộc chiến tranh xâm lược huỷ diệt và tàn phá sự sống của loài người như Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914 - 1918) và Chiến tranh thế giới hai (1939 - 1945). Riêng Chiến tranh thế giới thứ hai, đã khiến cho 76 nước bị đưa vào vòng chiến, khoảng 60 triệu người chết, 90 triệu người bị tàn phế, thiệt hại về vật chất ước tính khoảng 4.000 tỉ đô la (tính theo giá đương thời). Nền văn minh vật chất và tinh thần của nhân loại bị tàn phá nặng nề.

Ngày nay, hoà bình, hợp tác phát triển là xu thế lớn song các điểm nóng cạnh tranh, xung đột vẫn rất phức tạp, đặc biệt là xung đột sắc tộc, tôn giáo trở thành nhân tố gây mất ổn định ở một số vùng, lãnh thổ,... khiến cho dân thường vô tội nơi đây phải sống trong tình trạng căng thẳng, lo âu và sợ hãi.

(Theo Phan Ngọc Liên (Chủ biên) (2016), Lịch sử thế giới cận đại, tập II, NXB Đại học Sư phạm, trang 72)

Thông tin 2. Mọi dân tộc, quốc gia trên thế giới đều có quyền và nghĩa vụ bảo vệ, gìn giữ hoà bình, giải quyết các cuộc xung đột quốc tế bằng biện pháp hoà bình, tránh sử dụng vũ lực, ngăn chặn, xoá bỏ những mối đe doạ chiến tranh.

Là một quốc gia đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh nên hoà bình luôn là mong ước, khát vọng ngàn đời của dân tộc Việt Nam. Bảo vệ Tổ quốc, gìn giữ hoà bình luôn được xác định là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã xác định rõ mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình, ổn định; Xác định nhiệm vụ chủ động ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa; Kiên quyết, kiên trì bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội; Tiếp tục xây dựng quân đội nhân dân - công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân vững chắc là nền tảng cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc.

(Theo Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật, trang 35, 48, 49, 50)

Trả lời:

- Cần phải bảo vệ hòa bình, vì: hòa bình đem lại những lợi ích to lớn, thiết thực, như:

+ Giúp con người có cuộc sống ấm no, hạnh phúc;

+ Tạo điều kiện để phát triển kinh tế xã hội;

+ Thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới vì sự thịnh vượng chung toàn cầu.

- Các biện pháp góp phần thúc đẩy và bảo vệ hoà bình:

+ Chủ động giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình qua thương lượng, đàm phán.

+ Giải quyết mâu thuẫn khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn căn cứ theo pháp luật quốc tế, dựa trên công lí và chính nghĩa, không thoả hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công xã hội.

Khám phá trang 27 GDCD 9: Từ thực tiễn cuộc sống, em hãy lấy ví dụ về xung đột sắc tộc, chiến tranh phi nghĩa trên thế giới và bày tỏ quan điểm của mình về những sự kiện đó

Trả lời:

- Ví dụ về xung đột sắc tộc: cuộc xung đột giữa hai bộ tộc Hutu và Tuxi ở Ruanđa vào năm 1994. Hậu quả của cuộc xung đột này: làm hơn 80 vạn người thiệt mạng; hơn 1.2 triệu người phải tị nạn (trong khi dân số của Ruanđa vào thời điểm này chỉ có 7 triệu người)

- Ví dụ về chiến tranh phi nghĩa: Cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất (1914 – 1918) đã lôi cuốn 70 triệu người ở các nước tham chiến, làm cho 10 triệu người bị chết, 19 triệu người bị thương và 3,5 triệu người bị tàn phế. Những thiệt hại về vật chất do cuộc chiến tranh gây ra rất lớn, rất nhiều làng mạc, thành phố, nhà máy, hệ thống đường sắt, cầu cống bị phá huỷ. Quần chúng lao động ở chính quốc cũng như thuộc địa là những người gánh chịu tất cả gánh nặng của mọi tai hoạ do cuộc chiến tranh gây nên.

Khám phá trang 27 GDCD 9: Theo em, bảo vệ hoà bình là gì? Hãy kể thêm những biện pháp thúc đẩy và bảo vệ hoà bình mà em biết.

Trả lời:

- Bảo vệ hoà bình là giữ gìn cuộc sống bình yên; dùng thương lượng, đàm phán giải quyết mọi mâu thuẫn, xung đột giữa các dân tộc, tôn giáo và quốc gia, không để xảy ra chiến tranh hay xung đột vũ trang.

- Biện pháp bảo vệ hoà bình:

+ Chủ động giải quyết mâu thuẫn bằng biện pháp hoà bình qua thương lượng, đàm phán.

+ Giải quyết mâu thuẫn khi xảy ra xung đột, mâu thuẫn căn cứ theo pháp luật quốc tế, dựa trên công lí và chính nghĩa, không thoả hiệp vô nguyên tắc với tội ác và bất công xã hội.

Luyện tập

Giải GDCD 9 trang 28

Luyện tập 1 trang 28 GDCD 9: Em đồng tình/ không đồng tình với ý kiến nào sau đây? Vì sao?

a) Hoà bình là khát vọng của những nước đang có chiến tranh.

b) Hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển vẫn là xu thế tất yếu của thời đại.

c) Mỗi quốc gia có ý thức xây dựng mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng, thân thiện sẽ góp phần bảo vệ hoà bình.

d) Bảo vệ hoà bình là trách nhiệm của những nước có tiềm năng quân sự.

Trả lời:

- Ý kiến a) Không đồng tình, vì: Hoà bình là khát vọng chung của mọi quốc gia, dân tộc.

- Ý kiến b) Đồng tình, vì: chiến tranh gây ra nhiều mất mát, đau thương, nên hòa bình luôn là khát vọng của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia, dân tộc. Do đó, tất yếu dẫn tới việc: Hoà bình, hợp tác, liên kết và phát triển là xu thế của thời đại.

- Ý kiến c) Đồng tình, vì: để bảo vệ hòa bình, mỗi quốc gia cần có ý thức xây dựng mối quan hệ tôn trọng, bình đẳng, thân thiện.

- Ý kiến d) Không đồng tình, vì: bảo vệ hoà bình là trách nhiệm của toàn nhân loại.

Luyện tập 2 trang 28 GDCD 9: Em hãy quan sát các hình ảnh sau và trả lời câu hỏi: Em có nhận xét gì về hành động góp phần bảo vệ hoà bình của các bạn trong những hình ảnh trên?

Em hãy quan sát các hình ảnh sau và trả lời câu hỏi trang 28 GDCD 9

Trả lời:

Nhận xét: các bạn học sinh trong ảnh đã có những việc làm ý nghĩa, thiết thực và phù hợp để góp phần bảo vệ hòa bình. Cụ thể là:

+ Vẽ tranh/ thiết kế áp phích với nội dung về bảo vệ hòa bình

+ Tích cực tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa giữa các dân tộc

+ Viết thư với nội dung “Nói không với chiến tranh”

+ Tham gia giải chạy vì hòa bình.

Luyện tập 2 trang 28 GDCD 9: Em hãy quan sát các hình ảnh sau và trả lời câu hỏi: Hãy kể về một số việc em đã làm để góp phần bảo vệ hoà bình. Cảm xúc của em khi đó như thế nào?

Hãy kể về một số việc em đã làm để góp phần bảo vệ hoà bình. Cảm xúc của em khi đó như thế nào?

Trả lời:

- Một số việc em đã làm để góp phần bảo vệ hoà bình:

+ Tham gia các cuộc thi viết thư UPU Quốc tế để tuyên truyền về hoà bình và khát vọng hoà bình.

+ Nghiên cứu về lịch sử các cuộc chiến tranh và hậu quả năng nề của chúng để nỗ lực rèn luyện bản thân, sẵn sàng tham gia bảo vệ hoà bình khi đủ điều kiện.

+ Vận động gia đình, người thân, bạn bè sẵn sàng tham gia bảo vệ hoà bình.

+ Lên án, phê phán các cuộc chiến tranh phi nghĩa và xung đột sắc tộc thông qua bài viết, bài thơ và tác phẩm hội hoạ,...

- Cảm xúc của em:

+ Tự hào, hứng khởi vì mình đã đóng góp một phần sức lực nhỏ bé vào công cuộc bảo vệ hòa bình.

+ Trong quá trình tham gia các hoạt động bảo vệ hòa bình, em thường cảm nhận được sự đồng lòng và tình đoàn kết từ cộng đồng. Việc làm này không chỉ là nỗ lực cá nhân mà còn là một phần của một cộng đồng lớn hơn, nơi mọi người cùng nhau hợp tác để chống lại sự bất công và xung đột.

Giải GDCD 9 trang 29

Luyện tập 3 trang 29 GDCD 9: Em hãy kể tên một địa điểm trên thế giới đã từng xảy ra chiến tranh, khủng bố hoặc xung đột vũ trang gần đây và cho biết nguyên nhân, hậu quả của cuộc chiến tranh, khủng bố hoặc xung đột vũ trang đó.

Trả lời:

+ Sự kiện xảy ra: Ngày 11/9/2001, lực lượng khủng bố Hồi giáo cực đoan bất ngờ tiến hành đồng loạt các cuộc tấn công bằng máy bay dân dụng vào các trung tâm quan trọng của nước Mỹ.

+ Địa điểm: Mỹ

+ Nguyên nhân: Vụ tấn công khủng bố xuất phát từ sự bất bình và tâm lí chống Mỹ của các lực lượng Hồi giáo. Chính sách bá quyền của Mỹ, đặc biệt là chính sách thiên vị, ủng hộ Ixraen, phân biệt đối xử với Palextin và các nước Arập ở Trung Đông đã làm gia tăng mâu thuẫn giữa Mỹ với thế giới Hồi giáo, dẫn đến phản ứng mạnh mẽ từ các phần tử Hồi giáo cực đoan,...

+ Hậu quả: Vụ tấn công khủng bố đã tác động trực tiếp và lâu dài đến tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Mỹ, khiến chủ nghĩa khủng bố trở thành mối đe dọa hàng đầu đối với nước Mỹ.

Luyện tập 3 trang 29 GDCD 9: Theo em, mỗi cá nhân, tổ chức cần làm gì để phòng chống chiến tranh, khủng bố và xung đột vũ trang?

Trả lời:

Để phòng chống chiến tranh, khủng bố và xung đột vũ trang, mỗi cá nhân, tổ chức cần:

+ Học điều hay, lẽ phải; học cách sống hài hoà, văn minh;

+ Biết giải quyết các mâu thuẫn bằng hoà giải; chủ động can ngăn các bất đồng;

+ Hưởng ứng các phong trào về hoà bình mà trường, lớp tổ chức;

+ Biết tôn trọng và không phân biệt kì thị văn hoá, dân tộc, sắc tộc;

+ Lên án chiến tranh phi nghĩa.

Luyện tập 4 trang 29 GDCD 9: Em hãy sưu tầm một số câu nói mang tính chất tuyên ngôn về hoà bình và bảo vệ hoà bình của một số nguyên thủ quốc gia và cho biết ý nghĩa của các câu nói đó.

Trả lời:

(*) Tham khảo:

- Câu nói của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”

- Ý nghĩa của câu nói đó: “Không có gì quý hơn độc lập tự do” là sự thể hiện ý chí kiên cường, bất khuất của dân tộc Việt Nam đã được hun đúc qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Đó là một chân lý, một chân lý bất hủ, có ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại sâu sắc. Đó cũng là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh vĩ đại vì độc lập tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc. Đồng thời tư tưởng đó cũng là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với nhân loại tiến bộ, đặc biệt đối với các dân tộc bị áp bức trên thế giới trong cuộc đấu tranh vì hòa bình, tự do, hạnh phúc.

Vận dụng

Vận dụng 1 trang 29 GDCD 9: Em hãy sưu tầm hình ảnh về hoạt động bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh của nhân dân Việt Nam và các nước trên thế giới và viết lời bình cho hoạt động đó.

Trả lời:

- Hình ảnh:

Em hãy sưu tầm hình ảnh về hoạt động bảo vệ hoà bình, chống chiến tranh của nhân dân

- Lời bình: Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Trong thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều đóng góp thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.

Vận dụng 2 trang 29 GDCD 9: Em hãy viết đoạn văn bày tỏ quan điểm về câu nói sau:

Hoà bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác.

(Victor Hugo)

Trả lời:

(*) Đoạn văn tham khảo:

Câu nói "Hoà bình là đức hạnh của nhân loại. Chiến tranh là tội ác" là một tuyên bố đầy ý nghĩa và sâu sắc. Điều này thể hiện sự khao khát của con người trong việc tìm kiếm hòa bình và sự phê phán đối với sự tàn bạo và tàn khốc của chiến tranh.

Trong mọi tình huống, hoà bình luôn là một mục tiêu cao quý và đáng được tôn trọng. Đây không chỉ là sự thiết yếu để duy trì sự sống mà còn là một điều kiện cần để con người phát triển và tiến bộ. Hoà bình mang lại sự ổn định và an ninh cho cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá. Nó là nền tảng để xây dựng một thế giới công bằng và hạnh phúc cho tất cả mọi người.

Trong khi đó, chiến tranh là một bi kịch của nhân loại, mang theo hàng loạt hậu quả đau đớn và tàn phá không chỉ về mặt vật chất mà còn về tinh thần và đạo đức. Chiến tranh gây ra sự mất mát về sinh mạng, tài sản và tự do của con người. Nó là nguồn gốc của sự đau khổ, tàn bạo và thậm chí là diệt vong. Chiến tranh phá hủy những giá trị nhân văn và gây ra sự đau đớn không chỉ cho những bên tham gia mà còn cho những người vô tội bị ảnh hưởng.

Do đó, việc đề cao hoà bình và phê phán chiến tranh là hoàn toàn chính đáng và cần thiết. Chúng ta cần phải làm mọi cố gắng để giải quyết mọi mâu thuẫn và xung đột bằng các phương tiện hòa bình và thương lượng. Chỉ khi chúng ta đặt hoà bình lên hàng đầu và từ chối sự bạo lực, chúng ta mới có thể xây dựng một thế giới mà mỗi người có thể sống trong hòa bình, tự do và hạnh phúc.

Xem thêm lời giải bài tập Giáo dục công dân lớp 9 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 6: Quản lí thời gian hiệu quả

Bài 7: Thích ứng với thay đổi

Bài 8: Tiêu dùng thông minh

Bài 9: Vi phạm pháp luật và trách nhiệm nhân là pháp lí

Bài 10: Quyền tự do kinh doanh và nghĩa vụ nộp thuế

1 673 16/05/2024