Đề cương ôn tập Ngữ văn 8 Giữa học kì 2 (Chân trời sáng tạo 2025)

Vietjack.me biên soạn và giới thiệu Đề cương ôn tập Ngữ văn 8 Giữa học kì 2 sách Chân trời sáng tạo giúp bạn ôn luyện và đạt kết quả cao trong bài thi Ngữ văn 8 Giữa kì 2.

1 325 02/10/2024


Đề cương ôn tập Ngữ văn 8 Giữa học kì 2 (Chân trời sáng tạo 2025)

I. Yêu cầu cần đạt

- Ôn tập củng cố và vận dụng kiến thức, kĩ năng đã học về đọc hiểu văn bản truyện, thơ Đường luật

- Ôn tập và nắm chắc kiến thức tiếng Việt trong các bài 6,7

- Củng cố kiến thức về quá trình tạo lập và vận dụng tạo lập hoàn chỉnh bài văn phân tích tác phẩm truyện và phân tích một tác phẩm thơ, viết đoạn văn trình bày ý kiến về một vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học

- Vận dụng kiến thức, kĩ năng đọc hiểu văn bản và tạo lập văn bản đã học để thực hiện các đề minh họa kiểm tra đánh giá giữa học kì II.

- Góp phần phát triển các năng lực: tự học, giải quyết vấn đề.

II. Nội dung ôn tập

1. Phần đọc hiểu

a. Về văn bản truyện:

- Nhận biết được một số yếu tố hình thức (chi tiết tiêu biểu, cốt truyện, ngôn ngữ, nhân vật,…) và phân tích được nội dung (đề tài, chủ đề, thông điệp,…) mà nhà văn muốn gửi đến ngừoi đọc thông qua hình thức nghệ thuật của văn bản.

b. Về văn bản thơ Đường luật

- Xác định được giá trị nội dung, nghệ thuật của thơ trữ tình và thơ trào phúng trung đại làm theo thể Đường luật. Nhận biết, phân tích được giá trị thẩm mĩ của một số yếu tố thi luật (bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối) của thơ thất ngôn bát cú, thơ thất ngôn tứ tuyệt Đường luật và một số thủ pháp nghệ thuật của thơ trào phúng.

2. Phần tiếng Việt

- Nhận biết và hiểu tác dụng của các từ ngữ toàn dân, từ ngữ địa phương, biệt ngữ xã hội trong đời sống và trong tác phẩm văn học

- Hiểu được đặc điểm, tác dụng và biết sử dụng biện pháp tu từ đảo ngữ, câu hỏi tu từ, từ tượng hình, từ tượng thanh

3. Phần viết

a. Viết bài văn phân tích tác phẩm truyện: nêu được chủ đề, dẫn ra và phân tích được tác dụng của một vài nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật được dùng trong tác phẩm

1. Mở bài: Giới thiệu ngắn gọn về tác phẩm (nhan đề, tác giả); nêu ý kiến khái quát về tác phẩm.

2. Thân bài:

+ Nêu nội dung chính của tác phẩm.

+ Nêu chủ đề của tác phẩm.

+ Chỉ ra và phân tích tác dụng của một số nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của tác phẩm.

3. Kết bài: Khẳng định ý nghĩa, giá trị của tác phẩm.

b. Viết bài văn phân tích tác phẩm thơ: chỉ ra và làm rõ những điểm nổi bật (thành công, có thể cả hạn chế) trong nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

1. Mở bài: Giới thiệu khái quát, ngắn gọn về tác giả bài thơ (nhan đề, đề tài, thể thơ…); nêu ý kiến chung về bài thơ.

2. Thân bài

+ Phân tích đặc điểm nội dung:

· Phân tích hình tượng thơ (thiên nhiên, con người…)

· Phân tích cảm xúc, tâm trạng của nhà thơ.

· Khái quát chủ đề của bài thơ.

+ Phân tích một số nét đặc sắc về nghệ thuật:

· Cách sử dụng thể thơ thất ngôn bát cú và tứ tuyệt Đường luật (theo mô hình chuẩn mực hay có sự cách tân).

· Những nét đặc sắc trong nghệ thuật tả cảnh, tả tình.

· Nghệ thuật sử dụng ngôn ngữ (từ ngữ, cấu trúc thơ, biện pháp tu từ…)

3. Kết bài: Khẳng định vị trí và ý nghĩa của bài thơ.

III. ĐỀ LUYỆN THỬ

Đề 1:

PHẦN I. ĐỌC HIỂU VĂN BẢN (6,0 điểm)

Đọc ngữ liệu sau và trả lời các câu hỏi:

Một gia đình nọ mới dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc ăn điểm tâm, đứa con thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi. “Tấm vải bẩn thật!" - Cậu bé thốt lên “- Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một thứ xà bông mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người mẹ nhìn cảnh ấy nhưng vẫn im lặng. Cậu bé vẫn cứ tiếp tục lời bình phẩm ấy mỗi lần bà hàng xóm phơi tấm vải.

Ít lâu sau, vào một buổi sáng, cậu bé ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cậu nói với mẹ “Mẹ nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết giặt tấm vải sạch sẽ, trắng tinh rồi". Người mẹ đáp: “Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

(Phỏng theo “Nhìn qua khung cửa sổ”, www.goctamhon.com)

Thực hiện các yêu cầu

Câu 1: Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản trên là gì?

A. Tự sự
B. Miêu tả
C. Biểu cảm
D. Nghị luận

Câu 2: Hãy cho biết câu văn“Tấm vải bẩn thật!" thuộc kiểu câu nào trong các kiểu câu sau?

A. Câu nghi vấn
B. Câu trần thuật
C. Câu cảm thán
D. Câu cầu khiến

Câu 3: Tại sao nói lời kể trong câu chuyện ở văn bản trên là của người kể chuyện giấu mặt?

A. Vì câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ nhất số ít.
B. Vì câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ nhất số nhiều.
C. Vì câu chuyện sử dụng ngôi kể thứ ba.
D. Vì câu chuyện sử dụng kết hợp ngôi kể thứ nhất và thứ ba.

Câu 4: Chủ đề của văn bản trên là:

A. Lối sống sẻ chia, giàu tình thương yêu
B. Đức tính trung thực
C. Sự thay đổi cách nhìn cuộc sống theo hướng tích cực.
D. Lòng hiếu thảo

Câu 5: Qua lời đáp của người mẹ: "Không, sáng nay mẹ đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”, em thấy mẹ giải đáp, giải thích điều gì cho con?

A. Mẹ nói về công việc sáng nay mẹ làm với con.
B. Mẹ giải đáp, giải thích điều cần thay đổi là khung cửa sổ nhà cậu bé.
C. Mẹ cho con biết mắt con nhìn không rõ.
D. Mẹ nhắc con phải thường xuyên lau kính cửa sổ nhà mình.

Câu 6: Qua những lời bình phẩm của cậu bé, em nhận thấy đâu không phải là tính cách nổi bật của nhân vật?

A. Cậu bé là người tinh ý, biết quan tâm, nhận xét thế giới quanh mình.
B. Cậu bé biết nghĩ tới giải pháp giúp người khác thay đổi
C. Cậu bé có cái nhìn chủ quan, đầy định kiến
D. Cậu bé luôn xét nét và hẹp hòi với người khác

Câu 7: Từ nội dung văn bản phần đọc hiểu em rút ra được bài học gì cho mình? (1 điểm)

Câu 8: Qua văn bản trên, em hãy viết đoạn văn khoảng 8-10 câu nêu ý nghĩa của thái độ sống tích cực. (2 điểm)

PHẦN II. VIẾT (4,0 điểm)

Viết bài văn phân tích câu chuyện “Nhìn qua khung cửa sổ”.

Phần 2: GV hướng dẫn theo dàn ý phân tích một tác phẩm truyện

1 325 02/10/2024


Xem thêm các chương trình khác: