Chuyên đề Sinh học 11 Bài 1 (Kết nối tri thức): Nguyên tắc và các biện pháp kĩ thuật sử dụng dinh dưỡng khoáng trong nền nông nghiệp sạch

Với giải bài tập Chuyên đề Sinh học 11 Bài 1: Nguyên tắc và các biện pháp kĩ thuật sử dụng dinh dưỡng khoáng trong nền nông nghiệp sạch sách Kết nối tri thức hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Sinh học 11 Bài 1.

1 3,639 09/08/2023


Giải Chuyên đề Sinh học 11 Bài 1: Nguyên tắc và các biện pháp kĩ thuật sử dụng dinh dưỡng khoáng trong nền nông nghiệp sạch

Mở đầu trang 5 Chuyên đề Sinh học 11Làm thế nào để sản xuất ra lương thực, thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khoẻ con người mà không làm ô nhiễm và tổn hại đến môi trường?

Lời giải:

Để sản xuất ra lương thực, thực phẩm giàu dinh dưỡng, có lợi cho sức khoẻ con người mà không làm ô nhiễm và tổn hại đến môi trường cần áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp sạch:

- Sản xuất các sản phẩm hữu cơ: là các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện không dùng phân bón hoá học, không sử dụng kích thích sinh trưởng, không dùng thuốc bảo vệ thực vật (trừ một số trường hợp ngoại lệ), không sử dụng nước thải và các chất độc hại.

- Sản xuất các sản phẩm an toàn: là các sản phẩm được sản xuất trong điều kiện sử dụng phân bón hợp lí, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như chất kích thích sinh trưởng, nước tưới cho cây không bị ô nhiễm hoá chất và các loại sinh vật gây hại, tránh để lại dư lượng hoá chất và vi sinh vật hại trong nông sản, gây ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ con người và môi trường.

I. Khái niệm nông nghiệp sạch

Dừng lại và suy ngẫm 1 trang 6 Chuyên đề Sinh học 11: Nông nghiệp sạch là gì? Sản phẩm nông nghiệp sạch cần đáp ứng những tiêu chuẩn nào?

Lời giải:

- Nông nghiệp sạch là nền nông nghiệp tạo ra sản phẩm không chứa dư lượng các chất độc hại hoặc sinh vật gây hại cho sức khoẻ con người và vật nuôi, đồng thời không ảnh hưởng xấu đến môi trường đất, nước và không khí.

- Các sản phẩm nông nghiệp sạch phải đáp ứng được các tiêu chuẩn về sản xuất, thu hoạch, tuân thủ các quy tắc bảo quản, sơ chế nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, đảm bảo an toàn sức khoẻ cho người sản xuất và sử dụng, bảo vệ môi trường và truy xuất được nguồn gốc sản phẩm. Ở Việt Nam, các sản phẩm sạch được đánh giá theo bộ tiêu chuẩn VietGAP hoặc GlobalGAP.

Dừng lại và suy ngẫm 2 trang 6 Chuyên đề Sinh học 11: Hãy kể tên một số sản phẩm nông nghiệp sạch mà em biết.

Lời giải:

Một số sản phẩm nông nghiệp sạch: gạo, cá tra, nhãn, vải, tôm, sữa,...

II. Các nguyên tắc sử dụng dinh dưỡng khoáng để tăng năng suất cây trồng trong nông nghiệp sạch

Dừng lại và suy ngẫm 1 trang 9 Chuyên đề Sinh học 11: Giải thích cơ sở khoa học của nguyên tắc bón phân cho cây trồng: bón đúng loại, đúng liều lượng và đúng thời điểm.

Lời giải:

Cơ sở khoa học của nguyên tắc bón phân cho cây trồng: bón đúng loại, đúng liều lượng và đúng thời điểm:

- Mỗi loài cây trồng có nhu cầu về các nguyên tố khoáng khác nhau, với liều lượng khác nhau. Khi được cung cấp đúng loại nguyên tố khoáng cây cần với liều lượng thích hợp, cây sẽ sinh trưởng, phát triển tốt, tăng khả năng chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất lợi, từ đó cho năng suất, chất lượng sản phẩm cao. Ngược lại, nếu bón không đúng loại phân cây cần, với liều lượng quá cao hoặc quá thấp so với nhu cầu của cây sẽ kìm hãm quá trình sinh trưởng, phát triển của cây, làm giảm khả năng chống chịu khiến cây dễ mắc sâu bệnh, từ đó làm giảm năng suất và chất lượng của cây trồng. Vì vậy, trong trồng trọt, cần lựa chọn loại phân bón cũng như liều lượng bón phù hợp với từng đối tượng cây trồng.

- Mỗi giai đoạn sinh trưởng và phát triển của cây đòi hỏi một chế độ dinh dưỡng khoáng khác nhau. Vì vậy, cần có chế độ bón phân phù hợp với đặc điểm sinh lí của cây trồng ở từng thời kì cụ thể.

Dừng lại và suy ngẫm 2 trang 9 Chuyên đề Sinh học 11: Cây trồng bị thiếu nitrogen thường có biểu hiện gì?

Lời giải:

Biểu hiện của cây trồng thiếu nitrogen: Cây còi cọc, sinh trưởng chậm, lá già chuyển sang màu vàng và sớm rụng.

III. Một số biện pháp kĩ thuật sử dụng dinh dưỡng khoáng tạo nền nông nghiệp sạch

Dừng lại và suy ngẫm 1 trang 10 Chuyên đề Sinh học 11: Biện pháp canh tác nào vừa giúp cây phát triển tối ưu, vừa đảm bảo không tồn dư khoáng chất trong nông sản cũng như không gây ô nhiễm môi trường? Giải thích.

Lời giải:

- Biện pháp canh tác vừa giúp cây phát triển tối ưu, vừa đảm bảo không tồn dư khoáng chất trong nông sản cũng như không gây ô nhiễm môi trường là biện pháp thuỷ canh.

- Giải thích: Biện pháp thuỷ canh có thể giúp con người chủ động điều khiển được thành phần, nồng độ các chất khoáng cần thiết cho từng loại cây trồng. Biện pháp này rất hữu ích trong nền nông nghiệp sạch do khống chế được lượng chất dinh dưỡng ở mức tối ưu, không gây ô nhiễm môi trường, ít tồn dư các chất độc như nitrate trong sản phẩm nông nghiệp. Ngoài ra, thuỷ canh được tiến hành trong nhà lưới, nhà kính, hạn chế được côn trùng gây hại nên sản phẩm từ cây trồng không bị nhiễm các hoá chất trừ sâu bệnh.

Dừng lại và suy ngẫm 2 trang 10 Chuyên đề Sinh học 11: Nền nông nghiệp sạch cần đầu tư kinh phí lớn nên không phải ở đâu cũng có thể áp dụng được. Em hãy nêu một số biện pháp canh tác truyền thống để giảm thiểu việc bón phân hoá học.

Lời giải:

Một số biện pháp truyền thống để giảm thiểu việc bón phân hoá học là biện pháp trồng xen canh, luân canh:

- Xen canh là biện pháp trồng nhiều loại cây đan xen nhau trên cùng một diện tích, còn luân canh là trồng luân phiên nhiều loại cây trên một diện tích vào các vụ mùa khác nhau trong năm. Đây là biện pháp canh tác truyền thống nhưng rất hiệu quả để duy trì nền nông nghiệp sạch bền vững. Biện pháp này giúp bổ sung dinh dưỡng khoáng tự nhiên đúng loại, đúng liều lượng cây cần.

- Ví dụ: Một số cây họ Đậu có khả năng cố định nitrogen từ không khí nhờ có vi sinh vật cộng sinh, do vậy có thể cung cấp nitrogen cho đất. Trồng luân canh, xen canh cây họ Đậu với cây trồng khác sẽ hạn chế sử dụng phân hoá học mà năng suất cây trồng không bị giảm nhiều.

Luyện tập và vận dụng 1 trang 11 Chuyên đề Sinh học 11: Bà con nông dân trồng khoai lang thường nói: “khoai đất lạ”, ý nói không nên trồng khoai liên tục trên cùng một thửa ruộng. Cơ sở khoa học của lời khuyên này là gì? Nếu muốn trồng khoai liên tục trên một thửa ruộng mà vẫn cho năng suất cao thì cần phải làm gì?

Lời giải:

- Cơ sở khoa học của lời khuyên này chính là: Khoai là một loài thực vật lấy củ, rất nhạy cảm với lượng potasium (K) ở trong đất. Do đó, trồng khoai liên tiếp nhiều vụ trên cùng một thửa ruộng sẽ làm nguồn dinh dưỡng khoáng đặc biệt là K trong đất cạn dần, nếu tiếp tục trồng sẽ làm giảm năng suất của khoai.

- Muốn trồng khoai liên tục trên một thửa ruộng mà vẫn cho năng suất cao cần phải bón đủ và cân đối lượng phân bón cần thiết trong mỗi thời kì phát triển của cây. Ngoài ra, có thể thực hiện xen canh với các cây họ Đậu, luân canh,... để tăng cường năng suất và giảm chi phí phân bón.

Luyện tập và vận dụng 2 trang 11 Chuyên đề Sinh học 11: Ở một số loài thực vật, rễ của chúng có khả năng cộng sinh với nấm. Ví dụ: Một số loài thông, hạt trước khi gieo trồng trên đồi được cho nhiễm nấm để sau này cây có thể tạo hệ rễ nấm. Rễ nấm có vai trò gì đối với thực vật và nấm?

Lời giải:

Rễ nấm là hiện tượng cộng sinh giữa nấm và rễ cây ở thực vật trên cạn (cây thông là một ví dụ). Trong đó, cả hai loài đều có lợi:

- Đối với nấm: Thực vật cung cấp chất hữu cơ cho nấm.

- Đối với thực vật: Nấm giúp thực vật tăng diện tích bề mặt rễ, qua đó tăng cường quá trình hấp thụ khoáng và nước. Ngoài ra, rễ nấm giúp cải thiện một số đặc tính của đất như độ ẩm, độ thoáng khí, hàm lượng dinh dưỡng,... từ đó giúp thực vật có thể sinh trưởng và phát triển tốt hơn.

Luyện tập và vận dụng 3 trang 11 Chuyên đề Sinh học 11: Em hãy đề xuất một số biện pháp làm giá đỗ tại nhà để giá mập và ít rễ. Giải thích cơ sở khoa học của việc cải tiến sao cho giá đỗ mập và ít rễ.

Lời giải:

- Biện pháp: Để giá đỗ mập và ít rễ, cần phải nén, tạo áp lực lên trụ mầm và tưới bằng nước sạch ít khoáng chất.

- Giải thích cơ sở khoa học:

+ Việc nén (bằng lá cây tre hoặc các dụng cụ khác) tạo áp lực lên trụ mầm làm cho trụ mầm sinh trưởng mạnh nên giá sẽ mập. Việc làm này giúp tạo lực cản nhân tạo giống như trong tự nhiên hạt nảy mầm gặp hạt sỏi phía trên, khi đó, trụ mầm sẽ tăng sinh to ra để đẩy hạt sỏi ra khiến cho cây vươn lên khỏi mặt đất.

+ Việc tưới bằng nước sạch, ít khoáng chất là do nước sạch ít vi khuẩn gây thối, ít khoáng chất nên giá ít phát triển rễ.

Xem thêm các bài giải Chuyên đề Sinh học 11 sách Kết nối tri thức hay, chi tiết khác:

Bài 2: Mô hình thủy canh theo hướng phát triển nông nghiệp sạch

Bài 3: Dự án: Điều tra tình hình sử dụng phân bón tại địa phương

Bài 4: Thực hành: Thí nghiệm chứng minh tác dụng của loại phân bón cách bón

Bài 5: Bệnh dịch và tác nhân gây bệnh ở người

Bài 6: Nguyên nhân lây nhiễm bệnh dịch ở người

1 3,639 09/08/2023


Xem thêm các chương trình khác: