Chuyên đề Lịch sử 11 (Cánh diều) Chiến tranh và hòa bình từ sau năm 1945 đến nay

Với giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 11 Chiến tranh và hòa bình từ sau năm 1945 đến nay sách Cánh diều hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Lịch sử 11.

1 4,502 10/07/2023


Giải Chuyên đề Lịch sử 11 Chiến tranh và hòa bình từ sau năm 1945 đến nay

1. Chiến tranh lạnh (1947 - 1989)

Câu hỏi trang 38 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin tư liệu và quan sát các hình 8, 9, nêu những nét chính về nguyên nhân và đặc điểm của Chiến tranh lạnh.

Đọc thông tin tư liệu và quan sát các hình 8, 9, nêu những nét chính về nguyên nhân

Lời giải:

♦ Nguyên nhân dẫn đến Chiến tranh lạnh

- Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, quan hệ đồng minh giữa Liên Xô và Mỹ đã nhanh chóng chuyển sang thế đối đầu, dẫn tới cuộc Chiến tranh lạnh.

- Nguyên nhân đưa đến Chiến tranh lạnh là mâu thuẫn về mục tiêu và lợi ích chiến lược giữa hai siêu cường.

+ Liên Xô chủ trương thúc đẩy hòa bình, hợp tác và duy trì an ninh trên thế giới.

+ Mỹ, Anh và các nước tư bản: coi sự lớn mạnh của Liên Xô và việc mở rộng của hệ thống chủ nghĩa xã hội là mối đe doạ, nên đã để ra một loạt chiến lược về kinh tế, chính trị, quân sự nhằm bao vây, cô lập Liên Xô và phong trào cách mạng thế giới.

♦ Các sự kiện dẫn đến Chiến tranh lạnh:

- Tổng thống Mỹ Truman đã phát động cuộc Chiến tranh lạnh chống Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa. Để triển khai chiến lược này, Mỹ đã:

+ Công bố kế hoạch Mácsan (tháng 6/1947);

+ Thành lập các liên minh quân sự như: Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO, 1949), Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á (SEATO, 1954),...

- Đáp trả chính sách của các nước tư bản phương Tây, Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu thành lập Hội đồng tương trợ kinh tế (SEV, tháng 1/1949) và liên minh quân sự mang tên Tổ chức Hiệp ước Vácxava (tháng 5/1955).

- Với sự ra đời của Học thuyết Truman (Mỹ), Học thuyết Đanốp (Liên Xô); cùng với sự thành lập của các khối quân sự và kinh tế đối lập ở cả hai phía Mỹ và Liên Xô, cuộc đối đầu giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa đã kéo dài từ năm 1947 đến năm 1989.

♦ Đặc điểm của Chiến tranh lạnh

- Chiến tranh lạnh chi phối quan hệ quốc tế toàn cầu, lôi kéo phần lớn các nước trên thế giới tham gia.

- Cuộc đối đầu giữa hai hệ tư tưởng: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do Mỹ và Liên Xô đứng đầu.

- Cuộc đối đầu diễn ra trên hầu hết các lĩnh vực như chính trị, quân sự, kinh tế, ngoại giao, văn hoá.

- Dù không có đối đầu quân sự trực tiếp giữa Mỹ và Liên Xô nhưng quan hệ quốc tế luôn trong tình trạng căng thẳng bởi các cuộc chiến tranh cục bộ và chạy đua vũ trang quy mô toàn cầu.

- Trong Chiến tranh lạnh, Liên Xô và Mỹ vẫn có những cuộc thương lượng để tìm cách hòa hoãn, thỏa hiệp với nhau.

Câu hỏi trang 39 Chuyên đề Lịch Sử 11: Đọc thông tin, đánh giá những hậu quả của Chiến tranh lạnh đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Lời giải:

- Hậu quả của Chiến tranh lạnh đối với thế giới:

+ Đưa đến việc phân chia thế giới thành hai hệ thống đối lập về ý thức hệ và chính trị, quân sự: tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa, làm cho quan hệ quốc tế trong giai đoạn 1947 - 1989 trở nên căng thẳng bởi các cuộc xung đột quân sự cục bộ, chạy đua vũ trang toàn cầu.

+ Nhiều quốc gia, dân tộc bị lôi cuốn vào vòng xoáy của Chiến tranh lạnh, gây ra các cuộc chiến tranh cục bộ, nội chiến đã bùng nổ, như: chiến tranh Triều Tiên, chiến tranh Đông Dương, chiến tranh Áp-ga-nix-tan,... Chiến tranh lạnh gây ra tình trạng chia cắt lãnh thổ tại nhiều quốc gia, tạo ra các khối quân sự đối lập và tình trạng đối đầu căng thẳng ở hầu khắp các khu vực trên thế giới.

+ Dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang trong nhiều năm giữa Liên Xô và Mỹ, làm suy yếu tiềm lực của các siêu cường, gây thiệt hại lớn về sức người, sức của. Các quốc gia bị lôi kéo vào vòng xoáy chiến tranh và các liên minh quân sự cũng chịu thiệt hại to lớn.

- Hậu quả của chiến tranh lạnh đối với Việt Nam:

+ Tác động trực tiếp đến công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam trong thế kỉ XX. Chiến tranh lạnh thúc đẩy việc quốc tế hoá các cuộc xung đột ở Đông Dương và Việt Nam, làm cho quy mô chiến tranh mở rộng, thời gian kéo dài và tính chất phức tạp.

+ Gây ra tình trạng chia cắt lãnh thổ tại Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1975. Nhân dân hai miền Nam, Bắc đã phải hi sinh nhiều sức người, sức của để chiến đấu bảo vệ độc lập dân tộc và thống nhất đất nước.

+ Sau năm 1975, Chiến tranh lạnh cũng gây ra nhiều khó khăn cho Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là hậu quả từ chính sách bao vây, cấm vận của Mỹ.

Câu hỏi trang 40 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 10, 11, phân tích nguyên nhân kết thúc Chiến tranh lạnh và tác động đối với thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 10, 11, phân tích nguyên nhân kết thúc

Lời giải:

♦ Nguyên nhân kết thúc Chiến tranh lạnh

- Những tổn thất của Mỹ và Liên Xô do tham gia vào cuộc chạy đua vũ trang kéo dài hơn bốn thập kỉ đã làm suy yếu sức mạnh của hai nước. Từ cuối những năm 80 của thế kỉ XX, Liên Xô lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng và phải tiến hành cải tổ.

- Trong bối cảnh cạnh tranh Xô - Mỹ, Nhật Bản, Tây Âu và nhóm nước mới công nghiệp hoá (NICs) đã tận dụng thời cơ vươn lên về kinh tế, khoa học kĩ thuật. Sự cạnh tranh của các nền kinh tế mới nổi đặt ra yêu cầu cần kết thúc Chiến tranh lạnh với cả Liên Xô và Mỹ.

- Tác động của cuộc cách mạng khoa học kĩ thuật, xu thế toàn cầu hoá và hoà hoãn trên thế giới cũng đặt ra yêu cầu hợp tác của Mỹ và Liên Xô để cùng giải quyết, điều này góp phần thúc đẩy hai nước tuyên bố chấm dứt Chiến tranh lạnh.

♦ Tác động từ sự kết thúc chiến tranh lạnh đối với thế giới và Việt Nam

Đối với thế giới:

+ Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh có tác động lớn tới quan hệ quốc tế và tương quan lực lượng giữa các cường quốc cuối thế kỉ XX, đầu thế kỉ XXI.

+ Sự kết thúc của Chiến tranh lạnh và suy yếu của hệ thống xã hội chủ nghĩa đã thúc đẩy sự chuyển dịch của quan hệ quốc tế, từ trật tự thế giới hai cực chuyển dần sang trật tự thế giới đa cực với vai trò chi phối của Mỹ và các cường quốc phương Tây.

+ Chiến tranh lạnh kết thúc đã tác động tới quá trình hợp tác quốc tế và khu vực trên thế giới. Các nước trên thế giới, đã có điều chỉnh trong chính sách đối ngoại theo hướng chuyển từ đối đầu sang đối thoại, hợp tác; từ đó mở ra cơ sở giải quyết hòa bình nhiều cuộc xung đột quốc tế. Nhiều tổ chức quốc tế và tổ chức khu vực đã ra đời, thúc đẩy quá trình hội nhập của nhiều quốc gia.

♦ Tác động đối với Việt Nam

+ Tạo ra xu thế hòa bình, hoà hoãn trong quan hệ quốc tế, giúp Việt Nam giải quyết nhiều vấn đề đối ngoại quan trọng, như: vấn đề Campuchia; bình thường hoá quan hệ ngoại giao Việt - Trung, Việt - Mỹ,…

+ Tạo ra bối cảnh quốc tế mới cho sự hội nhập và phát triển của Việt Nam (gia nhập ASEAN, WTO....).

+ Tạo điều kiện để Việt Nam phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là thúc đẩy công cuộc đổi mới.

2. Chiến tranh, xung đột quân sự sau Chiến tranh lạnh

Câu hỏi trang 41 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin và quan sát Hình 12, nêu nét chính về các cuộc nội chiến và xung đột quân sự khu vực sau Chiến tranh lạnh.

Đọc thông tin và quan sát Hình 12, nêu nét chính về các cuộc nội chiến

Lời giải:

- Sau Chiến tranh lạnh, các cường quốc tìm cách xác lập trật tự quốc tế mới bằng cách củng cố lợi ích chiến lược tại nhiều khu vực trên thế giới, đặc biệt là ở châu Á - Thái Bình Dương, Ân Độ Dương, Trung Đông, châu Phi. Điều này gây ra những xung đột mới trong quan hệ quốc tế.

- Các cuộc nội chiến và xung đột quân sự khu vực tiêu biểu trong thời hậu Chiến tranh lạnh là: Chiến tranh vùng Vịnh, Chiến tranh Bốt-xni-a, Chiến tranh Kô-sô-vô…

* Chiến tranh vùng Vịnh (1990 - 1991):

+ Khởi nguồn từ mâu thuẫn giữa I-rắc và Cô-oét.

+ Tháng 8-1990, I-rắc xâm lược Cô-oét.

+ Liên hợp quốc ngay lập tức áp đặt trừng phạt kinh tế đối với chính quyền của Tổng thống I-rắc Sát-đam Hút-xen. Mỹ và đồng minh sau đó đã mở chiến dịch Bão táp sa mạc, buộc I-rắc phải ngừng chiến và rút quân về nước.

Chiến tranh Bốt-xni-a (1992 - 1995) và Chiến tranh Kô-sô-vô (1998 - 1999):

+ Là hệ quả từ sự sụp đổ của nước Cộng hoà Liên bang xã hội chủ nghĩa Nam Tư, vốn bao gồm sáu nước cộng hoà và hai tỉnh tự trị.

+ Chiến tranh Bốt-xni-a diễn ra khi nước cộng hoà đa sắc tộc Bốt-xni-a và Héc-ra-gô-vi-na tuyên bố độc lập. Người Xéc-bi theo Chính thống giáo đã tiến hành cuộc chiến tranh đẫm máu chống lại người Bốt-xni-a theo Hồi giáo, gây ra cái chết của khoảng 20.000 người.

+ Chiến tranh Kô-sô-vô diễn ra tại nước Cộng hoà Xéc-bi-a và Môn-te-nơ-grô khi người Xéc-bi tiến hành cuộc chiến đàn áp người An-ba-ni theo Hồi giáo ở Kô-sô-vô. Lo ngại về một cuộc diệt chủng như đã diễn ra ở Bốt-xni-a, Khối hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên hợp quốc đã can thiệp, buộc người Xéc-bi phải ngừng chiến và đặt Kô-sô-vô dưới sự bảo trợ quốc tế.

Câu hỏi trang 43 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin và quan sát các hình 13, 14, trình bày những nét chính về cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001 và cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ.

Đọc thông tin và quan sát các hình 13, 14, trình bày những nét chính về cuộc tấn công

Lời giải:

♦ Cuộc tấn công khủng bố ngày 11/9/2001

- Ngày 11/9/2001, 19 thành viên An Kê-đa (một tổ chức đa quốc gia của chiến binh Hồi giáo dòng Sănni) đã cướp bốn máy bay và tấn công tự sát vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc của Mỹ. Riêng tại Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới, gần 3000 người đã bị thiệt mạng.

- Cuộc tấn công ngày 11/9/2001 đánh dấu một trong những sự kiện khủng bố đẫm máu nhất từ khi Chiến tranh lạnh kết thúc.

♦ Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ

- Sau sự kiện ngày 11/9, Mỹ phát động cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, mục tiêu ban đầu là nhắm vào Ô-sa-ma bin La-đen và tổ chức khủng bố An Kê-đa, sau đó mở rộng quy mô tới nhiều khu vực, trong đó có cuộc chiến tại Áp-ga-nix-tan, I-rắc, Li-bi, Yê-men, Pa-ki-xtan....

+ Chiến tranh Áp-ga-nix-tan (2001 - 2021) do Mỹ và đồng minh phát động nhằm lật đổ chính quyền Ta-li-ban và thiết lập nhà nước Cộng hoà Hồi giáo Áp-ga-nix-tan. Tuy nhiên, lực lượng Ta-li-ban đã tiến hành chiến tranh du kích trong nhiều năm, gây thiệt hại lớn cho quân Mỹ và chính quyền thân phương Tây. Tháng 8/2021, Mỹ rút quân khỏi Áp-ga-nix-tan, lực lượng Ta-li-ban quay trở lại nắm quyền.

+ Chiến tranh I-rắc (2003 - 2011) do Mỹ và đồng minh phát động nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Sát-đam Hút-xen. Tuy nhiên, chính quyền mới do phương Tây hỗ trợ đã hoạt động kém hiệu quả, mất ảnh hưởng trên nhiều vùng lãnh thổ, dẫn tới sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS).

3. Đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới

Câu hỏi trang 44 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin tư liệu và quan sát Hình 15, trình bày nét chính về cuộc đấu tranh chống chạy đua vũ trang, vì hòa bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh lạnh.

Đọc thông tin tư liệu và quan sát Hình 15, trình bày nét chính về cuộc đấu tranh

Lời giải:

- Phong trào đấu tranh chống chạy đua vũ trang, vì hòa bình của nhân dân thế giới trong Chiến tranh lạnh bắt đầu từ những năm 50 của thế kỉ XX với cuộc vận động chống phổ biến vũ khí nguyên tử diễn ra ở Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ,...

- Ngày 25/4/1949, Đại hội Hòa bình thế giới được tổ chức tại thành phố Pari (Pháp) với sự tham dự của hơn 2.000 đại biểu đến từ 75 quốc gia. Từ sự kiện này, Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) đã ra đời năm 1950.

- Hội đồng Hòa bình Thế giới (WPC) đóng vai trò tích cực trong việc: thúc đẩy giải trừ quân bị, ủng hộ độc lập, chủ quyền của các quốc gia, chống chiến tranh hạt nhân và bất bình đẳng trên thế giới:

+ Năm 1950, WPC ra tuyên bố lên án vũ khí nguyên tử và cuộc chiến tranh Triều Tiên.

+ Những năm 1960, WPC tổ chức cuộc vận động chống chiến tranh Việt Nam, tăng cường hợp tác với phong trào Không liên kết.

+ WPC cũng ủng hộ xu thế hoà hoãn giữa Liên Xô và Mỹ trong những năm 80 của thế kỉ XX, góp phần đưa tới sự kết thúc của Chiến tranh lạnh.

Câu hỏi trang 45 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 16, 17, nêu nét chính về phong trào quốc tế ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, ủng hộ cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam.

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát các hình 16, 17, nêu nét chính về phong trào

Lời giải:

Trên phạm vi quốc tế: từ đầu những năm 60 của thế kỉ XX, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã từng bước thu hút được sự chú ý của dư luận thế giới.

+ Năm 1965, biểu tình được đã nổ ra tại nhiều quốc gia nhằm lên án Mỹ leo thang chiến tranh ở Việt Nam.

+ Đại hội Hòa bình thế giới tại Hen-xin-ki (Phần Lan, 1965) đã kêu gọi Mỹ rút hết quân khỏi Việt Nam.

+ Phong trào phản đối cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam cũng diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới từ cuối những năm 60 của thế kỉ XX, đặc biệt là ở các nước châu Âu như Hà Lan, Đức, Pháp, Thụy Điển,...

Tại Mỹ, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam (1964 - 1973) đã trở thành một cuộc vận động xã hội rộng lớn thu hút nhiều thành phần xã hội tham gia, đặc biệt là thanh niên, sinh viên, cựu chiến binh, học giả, người da màu....

+ Theo thống kê, đã có hơn 200 tổ chức chống chiến tranh xâm lược Việt Nam được thành lập ở khắp các bang của Mỹ. Nhiều hoạt động chống chiến tranh đã diễn ra, như: đốt thẻ quân dịch, trả lại huân chương chiến tranh, chống lệnh nhập ngũ,…

Từ mùa thu năm 1965, Uỷ ban phối hợp toàn quốc được thành lập tại Mỹ và tổ chức 2 đợt đấu tranh có quy mô toàn quốc trong tháng 10/1965 và tháng 1/1966, mỗi đợt lôi cuốn hơn nửa triệu người tham gia từ hơn 100 thành phố.

Giải Chuyên đề Lịch sử 11 trang 46

Câu hỏi trang 46 Chuyên đề Lịch Sử 11Giải thích vì sao cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới vẫn tiếp diễn sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc?

Lời giải:

- Cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới vẫn tiếp diễn sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, vì:

+ Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, mặc dù nền hòa bình thế giới được củng cố, song tại nhiều khu vực vẫn diễn ra các cuộc nội chiến; xung đột tôn giáo, sắc tộc; xung đột quân sự; hoặc tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên đất liền và trên biển…

+ Khi Mỹ và đồng minh mở rộng cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu, an ninh và chủ quyền của nhiều quốc gia bị đe doạ.

+ Hiện nay, nền hòa bình và an ninh thế giới vẫn bị đe dọa bởi nhiều vấn đề, như: đói nghèo, biến đổi khí hậu; dịch bệnh,…

Luyện tập và Vận dụng (trang 46)

Luyện tập 1 trang 46 Chuyên đề Lịch Sử 11So sánh nguyên nhân và tác động của hai cuộc chiến tranh thế giới. Theo em, vì sao có sự khác nhau đó?

Lời giải:

♦ So sánh nguyên nhân và tác động của hai cuộc Chiến tranh thế giới:

 

Chiến tranh thế giới thứ nhất

Chiến tranh thế giới thứ hai

Nguyên nhân

Giống nhau

- Sự phát triển không đều về kinh tế và chính trị giữa các nước tư bản trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, khiến cho so sánh lực lượng giữa các nước có sự thay đổi căn bản.

- Mâu thuẫn sâu sắc giữa các nước đế quốc về vấn đề thị trường và thuộc địa.

Khác nhau

- Mâu thuẫn về thị trường, thuộc địa đã dẫn đến sự hình thành của hai phe đế quốc đối lập nhau: phe Liên minh và phe Hiệp ước.

- Tác động từ khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933.

- Chính sách thỏa hiệp, nhượng bộ của các nước đế quốc với lực lượng phát xít.

Tác động

Giống nhau

- Chiến tranh kết thúc đã tác động sâu sắc tới tình hình thế giới:

+ Làm thay đổi bản đồ chính trị thế giới.

+ Tương quan lực lượng giữa các cường quốc có sự thay đổi.

+ Một trật tự thế giới mới được xác lập sau chiến tranh.

+ Đưa đến sự ra đời của các tổ chức quốc tế nhằm duy trì hòa bình và an ninh quốc tế.

+ Thúc đẩy phong trào cách mạng và đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân thế giới.

Khác nhau

- Xác lập trật tự thế giới theo hệ thống Vécxai - Oasinhtơn.

- Phong trào công nhân và phong trào giải phóng dân tộc phát triển, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế.

- Sự thay đổi tương quan lực lượng giữa các cường quốc diễn ra chủ yếu trong thế giới tư bản.

- Xác lập trật tự hai cực Ianta, do Mĩ và Liên Xô đứng đầu.

- Phong trào giải phóng dân tộc phát triển mạnh, đưa đến sự ra đời của nhiều quốc gia độc lập.

- Có sự thay đổi tương quan lực lượng giữa Mỹ và Liên Xô, giữa hệ thống tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa.

♦ Giải thích: Sự khác nhau về nguyên nhân và tác động của hai cuộc chiến tranh thế giới xuất phát từ những khác biệt về: bối cảnh lịch sử; thành phần các nước tham chiến; quy mô, mức độ ác liệt của chiến tranh, tính chất của cuộc chiến tranh,…

Luyện tập 2 trang 46 Chuyên đề Lịch Sử 11Đọc thông tin, tư liệu và quan sát kênh hình trong bài, hoàn thành bảng sau về cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới:

Đọc thông tin, tư liệu và quan sát kênh hình trong bài, hoàn thành bảng sau về cuộc đấu tranh

Lời giải:

(*) Lưu ý: Học sinh điền các thông tin sau vào bảng

♦ Giai đoạn 1918 - 1945:

- Các nguy cơ chiến tranh và xung đột:

+ Mâu thuẫn giữa các nước đế quốc về thị trường, thuộc địa

+ Sự xuất hiện và bành trướng ảnh hưởng của chủ nghĩa phát xít.

+ Chính sách chống cộng sản, đàn áp phong trào cách mạng thế giới của các nước phương Tây.

- Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình:

+ Chính quyền Nga Xô viết thông qua Sắc lệnh Hòa bình.

+ Liên Xô thi hành chính sách ngoại giao tích cực: bảo vệ hòa bình, ủng hộ phong trào cách mạng thế giới.

+ Các cường quốc phương Tây nỗ lực thiết lập hệ thống an ninh tập thể ở châu Âu.

+ Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít và nguy cơ chiến tranh diễn ra sôi nổi ở nhiều nước.

- Kết quả của cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới:

+ Tổ chức Hội quốc liên ra đời, nhiều hội nghị quốc tế về hòa bình được triệu tập; nhiều hiệp ước, hòa ước được kí kết (trong khuôn khổ của Hệ thống Véc xai - Oasinhtơn);

+ Phong trào Mặt trận nhân dân chống phát xít đã góp phần làm thất bại hoặc làm chậm quá trình phát xít hóa bộ máy nhà nước ở nhiều quốc gia.

♦ Giai đoạn 1947 - 1991:

- Các nguy cơ chiến tranh và xung đột: cuộc đối đầu giữa hai phe tư bản chủ nghĩa và xã hội chủ nghĩa do Mĩ và Liên Xô đứng đầu mỗi phe (tình trạng Chiến tranh lạnh)

- Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình:

+ Nhiều cuộc vận động chống phổ biến vũ khí nguyên tử đã diễn ra ở Nhật Bản, châu Âu, Bắc Mỹ,…

+ Hội đồng Hòa bình Thế giới ra đời và có nhiều hoạt động tích cực trong việc: thúc đẩy giải trừ quân bị, ủng hộ độc lập, chủ quyền của các quốc gia, chống chiến tranh hạt nhân và bất bình đẳng trên thế giới.

- Kết quả của cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới:

+ Góp phần đưa tới sự kết thúc Chiến tranh lạnh.

+ Ngăn ngừa Chiến tranh thế giới thứ ba, buộc các cường quốc hạt nhân phải kí một số thỏa thuận về kiểm soát vũ trang hạt nhân.

+ Ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.

♦ Giai đoạn 1991 - nay:

- Các nguy cơ chiến tranh và xung đột:

+ Nội chiến; xung đột tôn giáo, sắc tộc; xung đột quân sự; hoặc tranh chấp biên giới, lãnh thổ trên đất liền và trên biển… vẫn diễn ra ở nhiều quốc gia, khu vực.

+ Cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu của Mỹ và đồng minh đã đe dọa đến an ninh và chủ quyền của nhiều quốc gia.

+ Nhân loại đang phải đối mặt với nhiều thách thức an ninh phi truyền thống, như: đói nghèo, biến đổi khí hậu; dịch bệnh,…

- Cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình:

+ Phong trào vì hòa bình của nhân dân thế giới tập trung vào nhiệm vụ đấu tranh vì một thế giới không có vũ khí hạt nhân.

+ Những mục tiêu quan trọng của phong trào hòa bình thế giới là: đấu tranh đòi xóa nợ cho các nước nghèo; đòi cắt giảm lượng phát thải khí nhà kính,…

- Kết quả của cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới:

+ Tổ chức Không hạt nhân toàn cầu ra đời (gồm trên 300 nhà lãnh đạo thế giới, chuyên gia về giải trừ hạt nhân), đã có những hoạt động tích cực trong cuộc đấu tranh vì mục tiêu loại bỏ vũ khí hạt nhân.

+ Các hoạt động đấu tranh để xóa đói, giảm nghèo, bảo vệ môi trường,… cũng thu được nhiều kết quả tích cực.

Vận dụng 3 trang 46 Chuyên đề Lịch Sử 11: Theo em, cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới trong thế kỉ XX đã có những đóng góp gì đối với lịch sử nhân loại?

Lời giải:

(*) Tham khảo: Cuộc đấu tranh vì hòa bình của nhân dân thế giới trong thế kỉ XX đã có nhiều đóng góp trong việc:

+ Thúc đẩy sự kết thúc của Chiến tranh thế giới thứ hai; Chiến tranh lạnh và các cuộc chiến tranh cục bộ ở nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới.

+ Ngăn ngừa Chiến tranh thế giới thứ ba, buộc các cường quốc hạt nhân phải kí một số thỏa thuận về kiểm soát vũ trang hạt nhân.

+ Ủng hộ cuộc đấu tranh của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ.

Xem thêm giải bài tập Chuyên đề Lịch sử 11 hay Cánh diều, chi tiết khác:

I. Khái quát về danh nhân trong lịch sử dân tộc

II. Một số nhà chính trị nổi tiếng của Việt Nam thời kì trung đại

III. Một số danh nhân quân sự Việt Nam

IV. Một số danh nhân văn hóa Việt Nam

V. Một số danh nhân Việt Nam trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo và khoa học - công nghệ

1 4,502 10/07/2023


Xem thêm các chương trình khác: