Chuyên đề Địa lí 12 Chuyên đề 1 (Chân trời sáng tạo): Thiên tai và biện pháp phòng, chống

Với giải bài tập Chuyên đề Địa lí 12 Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng, chống sách Chân trời sáng tạo hay nhất, chi tiết giúp học sinh dễ dàng làm bài tập Chuyên đề học tập Địa lí 12 Chuyên đề 1.

1 1,895 23/07/2024


Giải Chuyên đề Địa lí 12 Chuyên đề 1: Thiên tai và biện pháp phòng, chống

I. Những vấn đề chung

Mở đầu trang 5 Chuyên đề Địa Lí 12: Hằng năm ở nước ta, thiên tai đã gây ra những thiệt hại to lớn cả về người và tài sản. Vì vậy, việc trang bị kiến thức, kĩ năng, đồng thời xây dựng ý thức phòng, chống thiên tai thực sự cần thiết và hữu ích đối với tất cả mọi người trong xã hội. Nước ta thường xảy ra những thiên tai nào? Chúng ta đã có những biện pháp nào để phòng chống thiên tai?

Lời giải:

- Nước ta thường xảy ra những thiên tai và biện pháp phòng chống:

+ Bão: dự báo tốt, sơ tán khỏi khu vực nguy hiểm, di chuyển phương tiện trên biển khỏi khu vực nguy hiểm, bảo đảm an toàn nhà cửa, chống bão kết hợp chống lụt.

+ Lũ lụt: quy hoạch dân cư, trồng rừng và bảo vệ rừng, thủy lợi thoát lũ, nâng cao khả năng ứng phó.

+ Hạn hán: điều chỉnh cơ cấu cây trồng vật nuôi, vận hành hồ chứa nước, trồng rừng, bảo vệ rừng.

+ Sạt lở đất: quy hoạch dân dư, trồng và bảo vệ rừng, theo dõi bất thường của môi trường, sơ tán dân.

+ Lốc: xây dựng kiên cố, theo dõi thông tin thời tiết, di chuyển tránh trú an toàn.

1. Quan niệm

Câu hỏi trang 5 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình bày những quan niệm có liên quan và đặc điểm của thiên tai.

- Cho biết nguyên nhân chung, cách phân loại thiên tai trên thế giới và ở Việt Nam.

Lời giải:

- Quan niệm về thiên tai:

+ Theo Luật phòng, chống thiên tai Việt Nam năm 2013: thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường, có thể gây ra thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm: bão, áp thấp nhiệt đới, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, rét hại, mưa đá, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.

+ Theo Tổ chức khí tượng thế giới (WMO): thiên tai là một tai biến tự nhiên có thể ảnh hưởng tới môi trường, dẫn đến những thiệt hại về tài chính, môi trường và con người.

- Đặc điểm của thiên tai:

+ Thiên tai có nhiều loại và xuất phát ở nhiều nguồn khác nhau, có thiên tai xuất phát từ vỏ Trái Đất, không trung, biển và đại dương; có thiên tai đến từ tác nhân bên ngoài Trái Đất;… có thiên tai gây ra bởi con người và hoạt động của con người.

+ Rủi ro thiên tai được phân cấp căn cứ vào cường độ, phạm vi ảnh hưởng, khu vực chịu tác động trực tiếp và khả năng gây thiệt hại của thiên tai.

+ Thiên tai xảy ra có tính bất ngờ, vào thời điểm khó xác định, có thể gây tổn thất đáng kể mà con người khó lường hết được. Tuy nhiên, con người vẫn có khả năng dự báo và phòng tránh được thiên tai với hiệu quả ngày càng cao nhờ vào trình độ phát triển của khoa học kĩ thuật.

- Nguyên nhân chung của thiên tai:

+ Nguyên nhân từ tự nhiên:

• Hoạt động kiến tạo của Trái Đất: do nguồn năng lượng trong lòng đất gây nên sự chuyển động của các mảng kiến tạo, dẫn đến động đất, núi lửa, sóng thần.

• Sự thay đổi của khí hậu: các yếu tố của khí hậu có thể thay đổi đột ngột, cực đoan gây nên các hiện tượng như bão, lốc xoáy,…

• Sự biến động của thủy văn: tính thất thường của khí hậu có thể dẫn đến sự bất thường của các yếu tố thủy văn, gây nên các thiên tai như ngập lụt, lũ quét,…

+ Nguyên nhân từ con người: con người cùng các hoạt động sống có thể gián tiếp gây nên thiên tai nếu con người tác động vào tự nhiên không hợp lí.

- Cách phân loại thiên tai:

+ Theo nguồn gốc phát sinh: khí quyển (bão, áp thấp nhiệt đới, dông, lốc, hạn hán,…), thủy quyển (lũ, ngập lụt,…), thạch quyển (động đất, sạt lở đất, sóng thần,…), vũ trụ (thiên thạch, bão từ trường,…).

+ Theo tốc độ diễn ra thiên tai: thiên tai diễn ra đột ngột bao gồm các thiên tai diễn ra với tốc độ nhanh: động đất, bão, lũ lụt, sóng thần,… Thiên tai diễn ra chậm bao gồm các thiên tai diễn ra trong thời gian dài: hạn hán, El Nino, La Nina,…

+ Theo vùng lãnh thổ: vùng đồi núi (lũ quét, sạt lở đất, mưa đá,…), vùng đồng bằng (bão, ngập lụt, hạn hán, sạt lở đất,…), vùng biển và ven biển (bão, gió mạnh, sương mù trên biển, sóng thần, nước dâng, xâm nhập mặn,…).

II. Một số thiên tai phổ biến ở Việt Nam

1. Bão

Câu hỏi trang 7 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình quan niệm về bão ở nước ta.

- Xác định những khu vực thường xảy ra bão ở Việt Nam.

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống bão.

Lời giải:

- Quan niệm về bão: là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.

- Những khu vực thường xảy ra bão: vùng đồng bằng và ven biển, đặc biệt là khu vực miền Trung.

- Nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống bão:

+ Nguyên nhân: hình thành khi có đủ 3 điều kiện: nhiệt, ẩm và động lực để tạo xoáy. Hình thành trên biển trong dải vĩ độ 5 – 20 hai bên xích đạo có nhiệt độ cao (từ 26 – 27C trở lên), đảm bảo có đủ lượng hơi nước bốc lên từ mặt biển để cung cấp năng lượng ngưng kết cho bão và lực Cô-ri-ô-lít đủ lớn để tạo xoáy.

+ Hậu quả: Gây gió mạnh, mưa lớn kèm theo lũ lụt, sóng to và triều cường dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng cho đời sống và sản xuất con người. Gió mạnh làm đổ gãy cây cối, tàn phá các công trình xây dựng như nhà cửa, cột điện,… Mưa lớn và lũ lụt làm ngập lụt trên diện rộng. Sóng to và triều cường làm lật tàu thuyền, làm mực nước biển dâng gây ngập mặn vùng ven biển, ảnh hưởng đến nguồn nước ngọt.

+ Biện pháp:

• Thực hiện tốt công tác dự báo bão cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ.

• Sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân.

• Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; hướng dẫn tàu thuyền thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn.

• Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh quốc phòng.

• Chống bão kết hợp với chống lụt, úng ở đồng bằng và chống lũ, chống xói mòn ở miền núi.

2. Lũ lụt

Câu hỏi trang 9 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình quan niệm về lũ lụt ở nước ta.

- Xác định những khu vực thường xảy ra lũ lụt ở Việt Nam.

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống lũ lụt.

Lời giải:

- Quan niệm về lũ lụt: là hiện tượng mực nước sông dâng cao trong khoảng thời gian nhất định, sau đó hạ xuống. Lũ quét là lũ xảy ra bất ngờ trên sườn dốc và trên các sông suối nhỏ miền núi, dòng chảy xiết, thường kèm theo bùn đá, lũ lên nhanh, xuống nhanh, có sức tàn phá lớn. Ngập lụt là hiện tượng mặt đất bị ngập nước do ảnh hưởng của mưa lớn, lũ, triều cường, nước biển dâng.

- Những khu vực thường xảy ra lũ lụt: diễn ra phổ biến ở nhiều nơi, nhất là các vùng đồng bằng, đối với miền núi cần đề phòng lũ quét.

- Nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống lũ lụt:

+ Nguyên nhân:

• Lượng mưa lớn và thường tập trung vào một khoảng thời gian trong năm, kết hợp với điều kiện lưu vực sông, suối miền núi có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn trong khi lớp phủ thực vật bị mất.

• Mưa bão lớn, lũ tập trung trong các hệ thống sông có thể gây ngập lụt trên diện rộng ở những nơi có địa hình thấp. Triều cường xảy ra cũng làm cho tình trạng ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn.

+ Hậu quả: thiệt hại do lũ lụt ở Việt Nam thuộc vào loại lớn trên thế giới. Gây hậu quả nặng nề về người, nhà ở, công trình giao thông, thủy lợi, sản xuất kinh tế, ô nhiễm nguồn nước,…

+ Biện pháp:

• Quy hoạch các điểm dân cư tránh các vùng có thể xảy ra lũ quét nguy hiểm, quản lí sử dụng đất đai hợp lí.

• Thực hiện tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng, nhất là rừng phòng hộ trên đất dốc.

• Tiến hành các biện pháp kĩ thuật và thủy lợi, xây dựng các công trình thoát lũ và ngăn thủy triều.

• Nâng cao khả năng ứng phó với lũ lụt của người dân, ứng dụng các giải pháp công nghệ - kĩ thuật trong phòng chống lũ lụt.

3. Hạn hán

Câu hỏi trang 10 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình quan niệm về hạn hán ở nước ta.

- Xác định những khu vực thường xảy ra hạn hán ở Việt Nam.

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống hạn hán.

Lời giải:

- Quan niệm về hạn hán: là hiện tượng thiếu nước nghiêm trọng xảy ra trong thời gian dài do không có mưa và cạn kiệt nguồn nước.

- Những khu vực thường xảy ra hạn hán: những thung lũng khuất gió của Sơn La, Bắc Giang; những vùng ít mưa thuộc Tây Nguyên, vùng ven biển cực Nam Trung Bộ

- Nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống hạn hán:

+ Nguyên nhân: không có mưa hoặc ít mưa, thiếu mưa trong một khoảng thời gian dài. Do hoạt động khai thác rừng quá mức làm giảm khả năng điều tiết nước mặt, hạ thấp mực nước ngầm,…

+ Hậu quả:

• Tác động mạnh đến môi trường, có thể dẫn đến cháy rừng, làm ảnh hưởng khả năng sinh sống của nhiều loài sinh vật. Gây nên tình trạng xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng và ven biển.

• Tác động đến các hoạt động sản xuất và đời sống: giảm hiệu quả của ngành nông nghiêp; tăng tiêu thụ năng lượng; thiếu hụt nước sinh hoạt; gây trở ngại cho việc vận hành các nhà máy thủy điện,…

+ Biện pháp:

• Điều chỉnh cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mùa vụ phù hợp với dự báo, cảnh báo về tình hình diễn biến hạn hán.

• Vận hành hợp lí hồ chứa nước, công trình cấp nước, ưu tiên cấp nước sinh hoạt; sử dụng tiết kiệm, chống thất thoát nước.

• Thực hiện tốt công tác trồng rừng, bảo vệ rừng.

4. Sạt lở đất

Câu hỏi trang 11 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình quan niệm về sạt lở đất ở nước ta.

- Xác định những khu vực thường xảy ra sạt lở đất ở Việt Nam.

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống sạt lở đất.

Lời giải:

- Quan niệm về sạt lở đất: hiện tượng đất, đá bị sạt, trượt, lở do tác động của mưa lũ hoặc dòng chảy, hoặc hạn hán.

- Những khu vực thường xảy ra sạt lở đất: những khu vực đồi núi (Trung du và miền núi Bắc Bộ, Trường Sơn Bắc, Trường Sơn Nam) và một số vùng đồng bằng (Đồng bằng sông Cửu Long).

- Nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống sạt lở đất:

+ Nguyên nhân: mưa bão tập trung và kéo dài, kết hợp với độ dốc địa hình, lớp phủ thực vật bị khai thác quá mức và các hoạt động kinh tế - dân sinh không hợp lí. Hạn hán dẫn đến nước trên kênh rạch, sông ngòi khô cạn cũng làm sạt lở đất diễn ra.

+ Hậu quả: sạt lở đất diễn biến nhanh, bất ngờ nên thường gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

+ Biện pháp:

• Quy hoạch khu dân cư hợp lí

• Trồng rừng, tăng lớp phủ bề mặt cho đất, bảo vệ rừng.

• Theo dõi những biến đổi bất thường của môi trường để kịp thời sơ tán dân đến nơi trú tránh an toàn.

5. Lốc

Câu hỏi trang 12 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin bài học, hãy:

- Trình quan niệm về lốc ở nước ta.

- Xác định những khu vực thường xảy ra lốc ở Việt Nam.

- Phân tích nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống lốc.

Lời giải:

- Quan niệm về lốc: là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động hẹp, từ vài km2 đến vài chục km2.

- Những khu vực thường xảy ra lốc: hay xảy ra tại khu vực Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long,…

- Nguyên nhân, hậu quả và biện pháp phòng, chống lốc:

+ Nguyên nhân: phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh, vì vậy ở đâu có dông dữ dội có thể hình thành lốc. Cũng có thể được hình thành từ một dải gió giật mạnh hoặc từ một cơn bão.

+ Hậu quả: có sức tàn phá lớn trên một phạm vi hẹp. Trên đường di chuyển, lốc có thể làm hư hại nhà cửa, ngã đổ cây xanh, gây thiệt hại về tài sản và tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

+ Biện pháp:

• Xây dựng các công trình, nhà ở kiên cố, thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc của công trình.

• Theo dõi thông tin thời tiết để kịp thời di chuyển đến nơi trú tránh an toàn.

III. Tìm hiểu thiên tai ở địa phương

Câu hỏi trang 12 Chuyên đề Địa Lí 12: Dựa vào thông tin trong bài, kiến thức đã học và các nguồn tài liệu thu thập được, hãy viết đoạn văn ngắn để tuyên truyền mọi người trong cộng đồng về thiên tai và các biện pháp phòng, chống.

Lời giải:

Quảng Bình là tỉnh thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai. Hàng năm, các trận bão, áp thấp nhiệt đới và gió mùa đông bắc đã gây nên những trận mưa lớn, hình thành các đợt lũ lớn gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản. Theo thống kê, từ năm 2010 đến nay, Quảng Bình hứng chịu 16 cơn bão, 32 đợt lũ, lụt. Trong đó, các trận lũ lớn, lũ lịch sử xảy ra khi có bão lớn hoặc do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và gió mùa Đông Bắc. Ảnh hưởng của thiên tai đã làm trên 160 người chết, trên 550.000 lượt nhà bị ngập; tổng giá trị thiệt hại trong 10 năm lên đến trên 8.000 tỷ đồng. Trong các trận lũ lớn, hầu hết các địa phương trong toàn tỉnh bị ngập lụt, trong đó, các vùng ngập sâu và kéo dài. Đáng chú ý, năm 2020 là năm điển hình về thiên tai, bão lũ, gây thiệt hại nghiêm trọng tại tỉnh Quảng Bình. Mưa lũ đã gây thiệt hại nặng nề trên địa bàn tỉnh. Ước tính tổng giá trị thiệt hại do thiên tai toàn tỉnh năm 2020 là 3.676 tỷ đồng; 125.881 ngôi nhà bị ngập, trên 100 nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, tốc mái; tài sản trong dân bị hư hỏng, cuốn trôi. Nhiều trường học, trạm y tế bị hư hỏng, hàng trăm nghìn m3 đất đá bê tông bị cuốn trôi, hàng nghìn ha lúa, hoa màu bị hư hỏng, hàng trăm nghìn gia súc, gia cầm bị cuốn trôi,… Nhằm từng bước khắc phục các khó khăn, nâng cao chất lượng công tác ứng phó, phòng, chống thiên tai tại địa phương, cần tập trung đẩy mạnh công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ, nâng cao chất lượng rừng tự nhiên, rừng phòng hộ, nhất là rừng đầu nguồn các sông, suối, rừng ven biển. Rà soát, bổ sung bản đồ phân vùng ngập lụt, đánh giá rủi ro do lũ; bổ sung bản đồ phân vùng nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống. Quy hoạch phòng chống lũ cho vùng đồng bằng các sông trong tỉnh. chủ động kiên cố hóa các nhà tạm bợ, xây dựng các khu tái định cư ở vùng cao nội xã, nội huyện, tỉnh. Xây dựng các công trình đê chống lũ, cống thoát nước. Kiên cố, cao tầng hóa các công trình công cộng làm nơi tránh lũ cho nhân dân, xây dựng các công trình phòng chống thiên tai, nạo vét luồng lạch, nhất là các cửa sông, nâng cấp đê ngăn mặn, kè sông, kè biển hiện có.

Luyện tập và Vận dụng

Luyện tập 1 trang 13 Chuyên đề Địa Lí 12: Hãy lựa chọn một loại thiên tai và hoàn thành thông tin theo bảng gợi ý dưới đây vào vở:

Hãy lựa chọn một loại thiên tai và hoàn thành thông tin theo bảng gợi ý dưới đây vào vở

Lời giải:

Loại thiên tai

Khái niệm

Nguyên nhân

Hậu quả

Lốc

Là luồng gió xoáy có sức gió mạnh tương đương với sức gió của bão nhưng được hình thành và tan trong thời gian ngắn, phạm vi hoạt động hẹp, từ vài km2 đến vài chục km2.

Phát triển từ một cơn dông, thường từ ổ dông rất mạnh, vì vậy ở đâu có dông dữ dội có thể hình thành lốc. Cũng có thể được hình thành từ một dải gió giật mạnh hoặc từ một cơn bão.

Có sức tàn phá lớn trên một phạm vi hẹp. Trên đường di chuyển, lốc có thể làm hư hại nhà cửa, ngã đổ cây xanh, gây thiệt hại về tài sản và tiềm ẩn rủi ro ảnh hưởng đến tính mạng của người dân.

Luyện tập 2 trang 13 Chuyên đề Địa Lí 12: Trong các biện pháp phòng, chống thiên tai, em có thể tham gia hoặc góp phần thực hiện biện pháp nào?

Lời giải:

Các biện pháp phòng, chống thiên tai mà em có thể tham gia hoặc góp phần thực hiện:

- Sử dụng tiết kiệm nguồn nước, chống thất thoát nước.

- Trồng cây gây rừng, bảo vệ rừng.

- Theo dõi những biến đổi bất thường của môi trường để kịp thời sơ tán đến nơi trú tránh an toàn.

- Thường xuyên chằng chống nhà cửa để tăng độ vững chắc của công trình.

- Theo dõi thông tin thời tiết để kịp thời di chuyển đến nơi trú tránh an toàn khi có thiên tai.

Vận dụng trang 13 Chuyên đề Địa Lí 12: Thu thập tranh ảnh, số liệu, video clip,… để trưng bày một số chủ đề về thiên tai ở nước ta.

Lời giải:

Thu thập tranh ảnh, số liệu, video clip để trưng bày một số chủ đề về thiên tai ở nước ta

Thu thập tranh ảnh, số liệu, video clip để trưng bày một số chủ đề về thiên tai ở nước ta

1 1,895 23/07/2024


Xem thêm các chương trình khác: