Biến động điểm thi tốt nghiệp theo từng môn của 63 tỉnh, thành năm 2022

Biến động điểm thi tốt nghiệp theo từng môn của 63 tỉnh, thành năm 2022, mời các bạn đón xem:

1 209 lượt xem


Biến động điểm thi tốt nghiệp theo từng môn của 63 tỉnh, thành năm 2022

Theo đối sánh kết quả thi tốt nghiệp 2022 với 2021, cả nước giảm điểm Ngoại ngữ, Giáo dục công dân và Sinh học; tăng mạnh với Lịch sử và giữ ổn định điểm Ngữ văn.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 diễn ra hôm 7-8/7 với khoảng một triệu thí sinh tham dự. Ngày 24/7, sau khi công bố điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2022 của một triệu thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ phổ điểm 9 môn thi.

Phổ điểm Ngoại ngữ thi tốt nghiệp 2022 thể hiện rõ đây là môn giảm mạnh nhất. Đỉnh của phổ điểm Ngoại ngữ (chỉ xét tiếng Anh) dưới trung bình, ở mức 3,8 (thấp hơn năm ngoái 0,78 điểm) với hơn 38.000 thí sinh. Xoay quanh đỉnh này, số lượng thí sinh đạt 3-5 điểm rất cao, mỗi mức đều khoảng 30.000. Số học sinh đạt 10 điểm là 555, chưa bằng số lẻ của mức 4.582 năm ngoái.

Xét quy mô địa phương, toàn bộ 63 tỉnh, thành đều giảm điểm Ngoại ngữ so với năm 2021. Trong đó, An Giang giảm sâu nhất, từ 6,285 xuống 5,214, tương đương 17,04%. Bình Thuận và Vĩnh Long cũng giảm mạnh, dao động 15-16% điểm. Các thành phố lớn, trực thuộc trung ương với phong trào học Ngoại ngữ mạnh mẽ như Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Hải Phòng và Cần Thơ cũng giảm 9-11% điểm.

Ở chiều ngược lại, Hòa Bình giảm ít nhất, chỉ 2,97% điểm Ngoại ngữ. So với mặt bằng chung, đây là mức giảm rất thấp, cách biệt tới gần 6 lần so với An Giang. Ba tỉnh Cao Bằng, Hà Tĩnh, Tuyên Quang cùng giảm 6-7%, còn lại phổ biến mức giảm 10-20%.

TS Lê Thống Nhất, chuyên gia thuộc lĩnh vực giáo dục, cho rằng kết quả môn tiếng Anh cho thấy Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe dư luận, đề thi cũng phân hóa tốt hơn. "Đối với tôi, đây thực sự là thay đổi đáng mừng", ông Nhất bày tỏ.

 
Ngoài Ngoại ngữ, hai môn cũng khiến toàn bộ 63 tỉnh, thành giảm điểm là Giáo dục công dân, Sinh học, nhưng mức giảm ít hơn.

Tây Ninh có sự biến động điểm Giáo dục công dân lớn nhất. Tỉnh này đạt 8,488 điểm trung bình Giáo dục công dân vào năm 2021, năm nay 7,497 (giảm khoảng 1 điểm, tương đương 6,38%). Một số địa phương khác cũng có ngưỡng giảm 6% là Thái Nguyên, Đăk Lăk, Bình Thuận.

Với môn Sinh, duy nhất Yên Bái giảm dưới 0,34% điểm (từ 5,558 xuống 5,54), Hòa Bình giảm 1,1%, còn lại đều từ 2% trở lên và đa số tỉnh, thành trên 10%. Trong đó, Bình Phước giảm gần 15%, nhiều nhất cả nước.

Thầy Đinh Đức Hiền, giáo viên Toán - Sinh tại Hệ thống giáo dục HOCMAI (Hà Nội), đánh giá sự biến động điểm Sinh có được do sự thay đổi tích cực của đề thi. Giữa đề chính thức 2022 với đề minh họa chính thức 2021, ma trận đề tương đương nhưng nâng dần độ khó lý thuyết, giảm tính toán nặng nề. Do đó, dù không hề khó hơn nhưng đề thi năm nay hay và phân loại tốt hơn. Ngoài ra, theo thầy Hiền, vụ việc xảy ra với đề thi môn Sinh 2021 đang được điều tra cũng có thể là nguyên nhân gây nên sự khác biệt về phổ điểm giữa hai năm.

Với môn Toán, xu hướng giảm điểm cũng thấy rõ khi 58 tỉnh không đạt được mức điểm trung bình năm 2021. Chỉ Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Long An, Sơn La, Bình Dương và Lào Cai cải thiện điểm Toán, nhưng mức tăng không đáng kể. Trừ hai tỉnh đứng đầu lần lượt tăng 2,95% và 1,41%, còn lại tăng không quá 1%.

Dù đa số giảm điểm, nhưng môn Toán không có sự biến động lớn giữa hai năm, bởi mức giảm tối đa chỉ 5,7% điểm, diễn ra tại Bình Phước. Một số tỉnh khác giảm trên 4% là Đăk Lăk, Hà Giang, An Giang, Lai Châu và Gia Lai.

Tương tự Toán, Địa cũng chỉ có số ít tỉnh tăng điểm là Bắc Giang (0,34%) và Bắc Ninh (0,24%), còn lại đều giảm, nhiều nhất là Bình Phước 7,68%. Đây cũng là tỉnh tụt hạng mạnh nhất về điểm trung bình - 19 bậc. Từ vị trí 37 trong năm ngoái, Bình Phước tụt xuống hạng 56 trong năm nay do giảm điểm năm môn, còn lại chỉ tăng nhẹ.

Dẫn đầu xu hướng đối lập, Lịch sử là môn "kéo điểm" cho các tỉnh năm nay. Cả nước đều tăng điểm tại môn Sử, trong đó Bình Định tăng mạnh nhất 39,21% (từ 4,567 lên 6,358), Bắc Ninh 37,73%, Nghệ An và Hòa Bình ở ngưỡng 34%.

An Giang tiếp tục đứng cuối với môn Sử. Dù cải thiện điểm trung bình Lịch sử từ 5,167 lên 6,408, mức tăng của An Giang là 15,88%, thấp nhất cả nước. Bình Phước, Bạc Liêu tăng 19%, Bình Dương và Đăk Lăk 20%.

GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng Ban đào tạo, Đại học Quốc gia Hà Nội, đánh giá kết quả môn Sử được cải thiện cho thấy sự tiếp thu, điều chỉnh của cấp quản lý, và đây là điều đáng ghi nhận. Theo ông Đức, điều này đến từ hai lý do.

Thứ nhất, yêu cầu đổi mới phương pháp dạy và đánh giá môn Sử được đặt ra từ cách đây nhiều năm, và thời gian gần đây đã được triển khai tại nhiều trường THPT. Cùng với đó, ông Đức nhận định đề thi năm nay đã có sự đổi mới. "Hai điều này gặp nhau nên kết quả năm nay được cải thiện rõ rệt, cho thấy các trường, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực đổi mới cách dạy và kiểm tra", ông Đức chia sẻ.

Lý và Hóa có xu hướng tăng điểm. Kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022 so với 2021 cho thấy chỉ 6 tỉnh giảm điểm trung bình môn Lý, nhưng mức giảm cũng khá nhẹ, gồm Đăk Lăk (1,61%), Bắc Kạn (1,6%), Hưng Yên, Bến Tre, An Giang, Thái Nguyên trong khoảng dưới 1%. Các tỉnh, thành còn lại đều tăng nhưng không đột biến, chủ yếu 4-6%, cao nhất là Lào Cai (6,47%).

So với Lý, môn Hóa có số lượng tỉnh, thành giảm điểm nhiều hơn (21). Bình Phước đứng cuối khi giảm 4,34% điểm, Bắc Kạn và Bà Rịa - Vũng Tàu cũng giảm 4%. Trong khi đó, các tỉnh phía Bắc tăng điểm Hóa khá mạnh. Ba vị trí đầu tiên lần lượt là Hòa Bình (tăng 8,42%), Cao Bằng (7,64%), Yên Bái (6,52%). Tuyên Quang và Lào Cai hạng 6 và 7, cùng tăng 5,3%.

Năm nay, Hòa Bình vượt trội khi tăng 29 bậc về điểm trung bình thi tốt nghiệp THPT, từ 62 lên 33. Tỉnh này tăng mạnh điểm ở các môn Lịch sử, Văn, Lý, Hóa và chỉ giảm nhẹ ở các môn còn lại. Do đó, điểm trung bình 9 môn của Hòa Bình tăng từ 5,92 lên 6,289 điểm, tương đương 6,23%. Trong 63 địa phương, đây là mức tăng cao nhất.

 
Ngữ văn là môn có mức điểm ổn định nhất trong hai kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay, 33 địa phương giảm điểm Ngữ văn, 30 tăng. Hải Phòng nhảy vọt khi tăng gần 21% điểm (từ 6,357 lên 7,688), kế đó Hòa Bình 14,45%. Lai Châu, Kon Tum giảm 11% điểm, thấp nhất cả nước. Trừ bốn địa phương này, không tỉnh, thành nào khác có biến động điểm quá 10% tại môn Văn.

Theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thí sinh muốn phúc khảo bài thi có thể nộp đơn phúc khảo đến ngày 3/8. Nếu không, sĩ tử nên tập trung tìm hiểu các ngành, trường đại học để đăng ký xét tuyển trong thời gian này.

1 209 lượt xem