Biến động điểm chuẩn đại học năm 2022 không lớn, phổ biến từ 21 – 26 điểm

Biến động điểm chuẩn đại học năm 2022 không lớn, phổ biến từ 21 – 26 điểm, mời các bạn đón xem:

1 156 lượt xem


Biến động điểm chuẩn đại học năm 2022 không lớn, phổ biến từ 21 – 26 điểm

(Dân trí) - Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển vào đại học sẽ nằm trong khoảng 21-26. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái.

Đó là phân tích của GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội về điểm thi tốt nghiệp năm nay ảnh hưởng như thế nào tới điểm xét tuyển đại học khi trao đổi với phóng viên Dân trí ngày 24/7.

Điểm chuẩn đại học 2022 biến động không lớn, phổ biến từ 21 - 26 - 1

GS.TSKH Nguyễn Đình Đức, ĐH Quốc gia Hà Nội.

Điểm thi phân hóa rõ nét

Thưa GS, đêm qua, Bộ GD-ĐT đã công bố kết quả thi THPT năm 2022, GS nhận định và đánh giá như thế nào về kết quả của kỳ thi này?

- Nhìn vào phổ điểm kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2022 mà Bộ GD-ĐT công bố, cho thấy kỳ thi THPT năm nay  về cơ bản ổn định, độ khó dễ không có xáo trộn quá lớn so với năm trước (ngoại trừ môn tiếng Anh và Lịch sử), đảm bảo đúng định hướng  yêu cầu đề ra là một kỳ thi tốt nghiệp THPT.

Chất lượng đề thi tốt nghiệp THPT năm nay cũng có sự phân hóa, đánh giá được thí sinh theo sát với chương trình giáo dục THPT.

Số thí sinh dự thi THPT năm nay cũng không có biến động lớn, như môn Toán năm nay có 982.728 thí sinh, năm ngoái là 980.876.

Số liệu kết quả phân tích của một số môn thi cụ thể năm nay có thể thấy như sau:

Môn Toán:  số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 214717/tổng 982728, đạt 21,8%, trong khi năm ngoái, tỷ lệ này là 25,8%.

Môn Ngữ văn: số bài thi đạt điểm 7 trở lên là 414969/981407, đạt 42,28%, trong khi tỷ lệ này năm ngoái là 41,7%.

Môn Vật lý: số bài thi đạt điểm 8 trở lên là 74045/325525, đạt 22,74%, khá cao hơn so với năm ngoái, tỷ lệ này là 18,3%.

Môn Hóa học: số bài từ 8 điểm trở lên có sự tăng nhẹ, 91246/327370, đạt 27,8%, trong khi năm ngoái là 24,9%.

Trong khi môn sinh học, tỷ lệ điểm 8 trở lên chỉ đạt 4,84% (15599/322200), năm ngoái là 6,52%.

Đáng chú ý là môn lịch sử, năm 2021 chỉ có 266 điểm 10 và số điểm 8 trở lên là 5,44%, thì năm nay có tới 1779 điểm 10 và tỷ lệ thí sinh đạt điểm 8 trở lên là 119601/659.667, đạt 18,1%.

Môn Địa lý, năm nay số bài đạt điểm 8 trở lên đạt 16,72%, năm ngoái là 22%.

Môn Giáo dục Công dân, số bài đạt điểm 8 trở lên đạt 61,85%, năm ngoái là 71,5%.

Môn tiếng Anh năm nay đã có sự điều chỉnh rõ rệt so với năm ngoái. Nếu năm ngoái tỷ lệ bài đạt 8 điểm trở lên là 18,3% thì năm nay, tỷ lệ này là 11,9%.

Tổ hợp xét tuyển môn ngoại ngữ sẽ giảm điểm chuẩn

GS đánh giá thế nào về phổ điểm để xét tuyển vào đại học dựa trên kết quả thi THPT năm nay?

- Với phổ điểm như trên, có thể thấy với nhiều tổ hợp xét tuyển không có biến động quá lớn về điểm trúng tuyến.

Mức phân hóa của đề thi năm nay ổn định cơ bản như 2021. Tổ hợp đạt điểm tối đa 3 môn cũng giảm đi rõ rệt. Nhưng tổ hợp điểm nằm trong khoảng 24-26 điểm sẽ không có biến động lớn.

Các tổ hợp có Ngoại ngữ sẽ giảm rõ rệt; có môn lịch sử, giáo dục công dân sẽ tăng rất rõ rệt.

Phần lớn phổ điểm đủ để xét tuyển sẽ nằm trong khoảng 21-26. Với các ngành có nhu cầu xã hội cao, điểm vẫn cao nhưng khó xảy ra hiện tượng 30 điểm vẫn trượt đại học như năm ngoái.

Tổ hợp có môn Lý và Hóa, Địa lý, Giáo dục Công dân đều có sự tăng nhẹ.

Tuy nhiên năm nay, với chính sách đổi mới xét tuyển của Bộ bằng phần mềm thống nhất trên toàn quốc, để an toàn, để tuyển đủ số lượng, có thể nhiều trường sẽ lấy tăng hơn nhiều so với chỉ tiêu và từ đó lại dẫn đến không có sự chênh quá lớn về điểm sàn để xét tuyển so với năm trước. 

Điểm chuẩn đại học 2022 biến động không lớn, phổ biến từ 21 - 26 - 2

Thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022

Môn văn điểm lệnh giữa Học bạ so với thi tốt nghiệp THPT khá cao

GS đánh giá như thế nào giữa kết quả thi THPT và kết quả theo học bạ?

- Năm nay, cũng như năm ngoái, kết quả thi THPT ở nhiều địa phương đã thể hiện được sự tương quan khá tốt giữa điểm Học bạ và điểm thi tốt nghiệp THPT. Điểm chênh thường chủ yếu trong khoảng 1 điểm, chấp nhận được. Riêng với môn văn điểm lệnh giữa Học bạ so với thi THPT khá cao.

Một số địa phương như Vĩnh phúc, Hà Nam, Nam Định, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh,… có tỷ lệ điểm cao ở nhiều môn hơn hẳn các địa phương khác và cũng sát tốt nhất với học bạ.

Trong khi một số tỉnh miền núi phía Bắc, Tây Nguyên hoặc Đồng bằng Sông Cửu Long điểm thấp hơn, và có chênh khá lớn so với học bạ.

Như vậy điểm lệch giữa Học bạ và THPT cao nhất, nếu xét cả 3 môn, có thể lên tới 3-4,5 điểm. Điểm THPT cùng chung 1 đề thi với học sinh cả nước. Trong khi điểm học bạ còn có nhiều tính cảm tính và còn phụ thuộc và khác nhau ở các trường, các vùng miền khác nhau. Rõ rằng về tổng thể đến nay vẫn cho thấy xét bằng điểm thi THPT có chất lượng tốt hơn so với xét bằng học bạ.

Đây là điều lý giải tại sao tôi không khuyến cáo các trường lớn, các trường có ngành "hot" không nên tuyển sinh đại học theo học bạ.

Năm tới các trường đại học sẽ giảm dần chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp

Từ kết quả thi THPT những năm gần đây, theo GS cần có giải pháp gì để giải quyết căn cốt bài toán tuyển sinh đại học?

 -Từ thực tế tuyển sinh đại học và kết quả điểm của kỳ thi THPT như mấy năm gần đây, cho thấy điểm thi THPT đáp ứng rất tốt mục tiêu xét tốt nghiệp THPT.

Kết quả thi THPT có ý nghĩa giúp chúng ta thấy được chất lượng giáo dục các địa phương, vùng miền.

Tuy nhiên việc sử dụng kết quả điểm thi THPT để xét tuyển vào đại học như hiện nay chỉ là giải pháp tình thế và sẽ phải thay đổi căn bản trong một vài năm tới. Việc đổi mới tuyển sinh đại học, một lần nữa lại gióng lên hồi chuông vô cùng cấp thiết.

Luật Giáo dục đại học đã quy định việc tuyển sinh là của các trường. Nhưng nếu trăm hoa đua nở, trường nào cũng có bài thi riêng của mình thì lại gây áp lực và tốn kém cho thí sinh khi phải thi nhiều kỳ thi khác nhau.

Hơn nữa vệc sử dụng kết quả  một bài thi mức độ khó dễ tương đương nhau, có chất lượng tốt, không chỉ phục vụ tuyển sinh chung cho các trường đại học, mà còn để xử lý học vụ khi người học chuyển trường, chuyển ngành một cách khách quan và công bằng.

Việc thành lập các trung tâm khảo thí đủ năng lực và kinh nghiệm để tổ chức các kỳ thi tuyển sinh vào đại học nhiều lần trong năm là kinh nghiệm nhiều nước đã thực hiện, và Việt Nam cũng đang triển khai (như ở hai ĐHQG và một số trường đại học khác).

Tuy nhiên cần có sự kiểm soát chất lượng và cầm trịch, chuẩn hóa của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để có sự chuyển tương đối phù hợp giữa ma trận và khung năng lực của các bài thi của các trung tâm khảo thí khác nhau.

Trân trọng cảm ơn GS!

1 156 lượt xem