Điểm chuẩn đại học 2022 phân hóa mạnh

Điểm chuẩn đại học 2022 phân hóa mạnh, mời các bạn đón xem:

1 145 lượt xem


Điểm chuẩn đại học 2022 phân hóa mạnh

Điểm chuẩn đại học 2022 phân hóa mạnh ở nhiều ngành, nhóm ngành, chủ yếu do biến động về phổ điểm và chỉ tiêu.

Nhìn chung, đa số ngành học "hot", được ưa chuộng trong các năm qua có điểm chuẩn tăng, còn những ngành năm ngoái lấy điểm chuẩn thấp thì năm nay giảm.

Học viện Ngân hàng và Đại học Kinh tế quốc dân thể hiện rõ xu hướng này khi cùng tăng 0,3-0,5 điểm chuẩn tại ngành cao nhất, lần lượt lên mức 28,05 và 26,6. Ngược lại, tại các ngành lấy điểm thấp và thấp nhất vào năm ngoái, điểm chuẩn 2022 của hai trường này giảm 0,4-0,7 điểm.

Tương tự, Đại học Bách khoa, Công nghiệp Hà Nội cùng tăng 0,1-0,19 điểm chuẩn ở ngành Kỹ thuật máy tính và Công nghệ thông tin. Ngưỡng 23,03 là thấp nhất của Bách khoa Hà Nội, giảm 0,22 điểm so với năm ngoái. Ngành có điểm chuẩn thấp nhất của Đại học Công nghiệp Hà Nội năm ngoái là Công nghệ kỹ thuật môi trường giảm từ 20,08 xuống 18,65 - cũng là mức thấp nhất năm nay.

TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đánh giá chất lượng đào tạo, Đại học Quốc gia TP HCM, nhận định vì phải đăng ký toàn bộ nguyện vọng lên hệ thống, thí sinh sẽ chọn ngành mình thích nhất làm nguyện vọng 1, khiến điểm chuẩn các ngành hot, cạnh tranh cao vẫn tăng hoặc duy trì vị trí đầu bảng.

Khối ngành Sư phạm tăng mạnh, Kinh tế biến động nhẹ

Tại sáu trường Sư phạm lớn của cả nước, mức điểm chuẩn cao nhất dao động nhẹ, hầu hết giữ nguyên hoặc tăng 0,95-2 điểm. Điểm chuẩn cao nhất Đại học Sư phạm Hà Nội năm ngoái là 28,53 thì năm nay là 28,5, cao nhất năm ngoái của Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế là 24 thì năm nay là 26.

Xét theo ngành, điểm chuẩn ngành Sư phạm Lịch sử ở một số trường "tăng vọt". Tại Đại học Quy Nhơn, ngành này năm ngoái thuộc nhóm có đầu vào thấp nhất trong các ngành đào tạo giáo viên với 19 điểm thì năm nay cao nhất với mức 28,5, tức tăng 9,5. Ở Trường Đại học Sư phạm - Đại học Huế, ngành Sư phạm Lịch sử năm ngoái lấy 19, thì năm nay lấy tới 25.

Thực tế, điểm chuẩn nhiều ngành ở các trường Sư phạm đã tăng trong 3-5 năm qua.

 
Ông Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội, chia sẻ điểm chuẩn các ngành phụ thuộc vào bốn yếu tố, gồm phổ điểm, ngưỡng đảm bảo chất lượng, chỉ tiêu, số nguyện vọng đăng ký. Với ngành Sư phạm năm nay, phổ điểm tác động một phần, ví dụ ngành Sư phạm Lịch sử cao nhờ phổ điểm C00 (Văn, Sử, Địa) cao. Bên cạnh đó, chỉ tiêu tuyển sinh giảm góp phần không nhỏ khiến điểm chuẩn tăng.

Như tại Trường Đại học Giáo dục, chỉ tiêu năm ngoái là 750 thì năm nay giảm xuống còn 436. Trường Đại học Quy Nhơn ban đầu dự kiến tuyển 1.300 chỉ tiêu cho 15 ngành đào tạo giáo viên nhưng sau đó chỉ được giao tuyển 770.

Theo một chuyên gia khác, chỉ tiêu giảm mạnh do các tỉnh không đặt hàng theo Nghị định 116 quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, sinh hoạt phí đối với sinh viên sư phạm ban hành năm 2020. "Dù có nhu cầu, nhiều tỉnh không mặn mà đặt hàng đào tạo giáo viên bởi thực tế còn nhiều bất cập về mặt chính sách", vị này nói.

Trong khi đó, chỉ tiêu các trường Sư phạm do Bộ Giáo dục và Đào tạo giao dựa trên năng lực đào tạo, nhu cầu của các địa phương và cả nước. Các tỉnh không đặt hàng thì chỉ tiêu giảm.

Còn với Kinh tế, năm ngoái, các ngành nhóm này gần như đạt đỉnh khi hàng loạt trường lấy điểm chuẩn 27-28, nên năm nay biến động tăng giảm không lớn, đa số 0,5-1 điểm.

Nếu so sánh ngưỡng điểm chuẩn cao nhất của năm 2021 và 2022, Học viện Ngân hàng, Đại học Kinh tế quốc dân tăng 0,3-0,5, còn Ngoại thương (thang điểm 30) và Thương mại giảm 0,15-0,75. Trong khi đó, Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) tăng 0,7 ở mức điểm thấp nhất nhưng giảm 0,9 tại ngưỡng cao nhất.

Số ít trường có biến động điểm chuẩn mạnh là trường Đại học Kinh tế TP HCM. Hai ngành Kinh doanh nông nghiệp, Kế toán (chương trình tài năng) tại trụ sở chính cùng lấy điểm chuẩn 22 vào năm ngoái thì năm nay tăng lên 25,8 và 27,5, tức chênh tới 5,5 điểm. Kiểm toán - ngành lấy 27,8, cao nhất năm nay - cũng tăng 1,7 điểm so với năm ngoái.

Điểm chuẩn khối Công an không còn "cao vút"

Đây là năm đầu tiên tám trường khối công an tổ chức kỳ thi đánh giá tuyển sinh Công an nhân dân. Điểm bài thi đánh giá chiếm 60% và tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT chiếm 40%, được quy đổi về thang 30. Do cách tính mới, cả 8 trường đều giảm điểm chuẩn, dao động khoảng 3-7 điểm tùy ngành và tổ hợp.

Điểm chuẩn cao nhất được áp dụng với thí sinh nữ phía Bắc, dự thi ngành Xây dựng lực lượng Công an nhân dân (Học viện Chính trị Công an nhân dân) tại tổ hợp C00 với 26,26 điểm. Năm ngoái, ngưỡng điểm cao nhất là 30,34.

Điểm chuẩn áp dụng với nhóm thí sinh nam thì phổ biến mức dưới 20. Trong đó, ngành Y khoa của Học viện An ninh nhân dân, áp dụng với thí sinh nam miền Nam là 15,1 điểm theo tổ hợp B00 (Toán - Hóa - Sinh), miền Bắc 15,64. Năm ngoái, không ngành và trường nào lấy điểm chuẩn dưới 20 với thí sinh nam.

Điểm chuẩn 4 trên 8 trường công an năm 2022.

Điểm chuẩn Y Dược giảm

Dù vẫn thuộc nhóm có điểm chuẩn cao năm nay nhưng điểm trúng tuyển vào nhóm ngành Y Dược giảm so với năm ngoái. Như với Đại học Y Hà Nội, điểm trúng tuyển 23,2-28,85 vào năm ngoái thì năm nay là 19-28,15. Ngành Điều dưỡng Phân hiệu Thanh Hoá giảm 4,2 điểm khiến trường có ngành lấy dưới 20. Ba năm qua, trường không ghi nhận mức điểm thấp đến vậy.

Tại Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch, điểm chuẩn năm ngoái dao động 21,35-27,35, năm nay xuống còn 18,1-26,65. Ngành Dinh dưỡng và Điều dưỡng giảm mạnh nhất, từ 4,25 đến 5,7 tuỳ ngành và đối tượng thí sinh.

Ông Nguyễn Hữu Tú, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, nhận định thực trạng điểm chuẩn khối ngành Y Dược giảm đã được dự báo từ khi biết phổ điểm thi.

Năm nay, điểm môn Sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 thấp, khiến điểm chuẩn tổ hợp B00 giảm. Số bài điểm 10 môn này giảm tới trên 98%, số thí sinh đạt từ 27,5 trở lên tổ hợp B00 là 465, giảm gần hai lần so với năm ngoái và chưa bằng chỉ tiêu ngành Y khoa của một trường trong nhóm Y Dược.

Chưa kể, lượng thí sinh đăng ký nguyện vọng cũng giảm. Như tại Đại học Y Dược Hải Phòng, ngành Điều dưỡng dù lấy điểm chuẩn sát điểm sàn (19,05) nhưng mới tuyển được 140/200 chỉ tiêu.

Nhiều ngành xét tuyển tổ hợp C00 gần "chạm trần"

Điểm chuẩn xét tuyển bằng tổ hợp C00 năm nay tăng cao cũng đã được dự báo từ sớm do phổ điểm Lịch sử và Ngữ văn năm nay cao, đặc biệt ở môn Sử. Đỉnh phổ điểm khối C00 là 19,5-20 trong khi năm ngoái 17,5-18,5, số thí sinh đạt 26-27 điểm năm nay là hơn 9.200, trong khi năm ngoái chỉ gần 5.400.

Điều này khiến nhiều ngành có điểm chuẩn ở mức gần tuyệt đối.

Tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội, ba ngành lấy điểm chuẩn 29,95 tổ hợp C00, gồm Hàn Quốc học, Đông phương học và Quan hệ công chúng. Ngành có điểm chuẩn cao tiếp theo là Báo chí với 29,9, các ngành còn lại xét bằng tổ hợp này dao động 25,5-29.

Thủ khoa khối C00 toàn quốc đạt 29,75 nên không có thí sinh nào có thể trúng tuyển vào các ngành lấy cao nhất trường này nếu không có điểm ưu tiên.

Một số trường hợp khác có điểm chuẩn tổ hợp C00 cao như Luật kinh tế của Đại học Luật Hà Nội - 29,5; Học viện Biên phòng - 28,75, áp dụng với thí sinh nam miền Bắc; Trường Sĩ quan Chính trị - 28,5.

Thí sinh làm thủ tục dự thi tốt nghiệp 2022 tại trường THPT Phú Nhuận, quận Phú Nhuận (TP HCM), ngày 6/7. 

Vẫn nhiều ngành lấy điểm chuẩn 15-16

Phần còn lại của xu hướng phân cực, khi các ngành hot tiếp tục ổn định hoặc tăng điểm, những ngành, trường kém hấp dẫn lấy điểm chuẩn 15-16, gần như bằng mức sàn, cá biệt có ngành Khí tượng và khí hậu học với 19 điểm trên thang 40 ở trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TP HCM. Như vậy, ngay cả không có điểm cộng, thí sinh chỉ cần đạt 5-5,5 điểm mỗi môn để trúng tuyển vào đa số ngành của các trường này.

Tại đại học Nông lâm Huế, Thái Nguyên, Nông lâm TP HCM phân hiệu Gia Lai, Ninh Thuận, điểm chuẩn của đa số ngành là 15. Đây là mức phổ biến trong 3-4 năm trở lại đây với các ngành nông nghiệp, cây trồng, chăn nuôi. Số ít ngành liên quan Kế toán, Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học tại các trường này có điểm chuẩn cao hơn, thường từ 19 đến trên 20 điểm.

Đại học Mỏ-Địa chất cũng có điểm chuẩn 15, dù ngành cao nhất 23,5. Những ngành lấy thấp thường thuộc nhóm địa chất học, dầu khí. Đây vốn là các ngành truyền thống nhưng khó tuyển sinh trong nhiều năm qua khi điểm chuẩn hầu như ở mức sàn. Những ngành lấy điểm chuẩn cao của trường là Quản trị kinh doanh, Công nghệ thông - đều là nhóm đang được ưa chuộng.

Ngoài ra, việc sử dụng thêm các tiêu chí phụ trong tuyển sinh cũng khiến điểm chuẩn các ngành giảm. Chẳng hạn tại Đại học Nha Trang, nhiều ngành lấy điểm chuẩn 15,5-16.

TS Tô Văn Phương, Trưởng phòng Đào tạo đại học của trường nói lý do là trường sử dụng thêm điều kiện về điểm tiếng Anh. Các chương trình tiên tiến, chất lượng cao, Kinh tế, Ngôn ngữ Anh lấy điểm tiếng Anh 4,5 đến 6,5 trong khi phổ điểm tiếng Anh thi tốt nghiệp 2022 thấp với đỉnh ở ngưỡng 3,8.

"Thực tế, hàng trăm thí sinh đạt 20-26 điểm theo tổ hợp ba môn thi tốt nghiệp đăng ký vào Đại học Nha Trang, nhưng vì điểm tiếng Anh thấp hơn mức điều kiện nên không trúng tuyển. Điểm chuẩn của trường giảm nhưng chất lượng thí sinh, đặc biệt tại năng lực ngoại ngữ, sẽ tốt hơn", ông Phương nói.

Năm nay, cả nước có hơn một triệu thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT, trong đó hơn 620.000 đăng ký xét tuyển đại học. Thí sinh trúng tuyển xác nhận nhập học trực tuyến trước 17h ngày 30/9 trên hệ thống tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Nếu có nhu cầu xét tuyển các đợt bổ sung (từ tháng 10 đến tháng 12), thí sinh theo dõi thông tin được đăng tải trên trang tuyển sinh của các trường.

1 145 lượt xem