TOP 5 mẫu Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch (2024) SIÊU HAY

Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch lớp 10 Chân trời sáng tạo gồm dàn ý và 5 bài văn mẫu hay nhất, chọn lọc giúp học sinh viết bài tập làm văn lớp 10 hay hơn.

1 3,323 07/10/2024
Tải về


Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch

Đề bài: Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề và những nét đặc sắc về hình thức nghệ thuật của một màn kịch mà bạn đã học hoặc đã đọc.

Những điều cần biết về nghệ thuật tuồng - Redsvn.net

Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch (mẫu 1)

Nghêu, Sò, Ốc, Hến là vở Tuồng Hài (còn gọi là Tuồng Đồ) thuộc vào hàng mẫu mực của nghệ thuật sân khấu Tuồng.

Nếu như người ta thường nói sân khấu Tuồng bây giờ không còn khán giả, SK Tuồng là nghệ thuật của chế độ Phong kiến đã lỗi thời, nên đưa SK Tuồng vào Bảo tàng, v.v…là nói về thể loại Tuồng Pho, còn gọi là Tuồng Thầy, Tuồng Cung đình : do các quan lại biên soạn, đề tài được “đặt hàng” là ca ngợi sự vững mạnh, trường tồn của chế độ Phong kiến cùng hệ tư tưởng của nó, nội dung là vua anh minh, quan lại, tướng sĩ trung thành, dũng cảm , liều chết trong những trận chiến chống ngoại xâm, khởi nghĩa (thường được coi là nổi loạn), và bọn gian thần phản nghịch… Các nhân vật trong Tuồng thường là những người một lòng trung quân (tận trung báo quốc), những gương anh hùng, liệt nữ, một vài tên gian thần, phản nghịch… chủ yếu diễn trong cung cho vua chúa và tầng lớp quan lại lớp trên xem, trong một “Nhà hát Tuồng” khá lớn ở trong khu vực Hoàng Cung. Còn thể loại Tuồng Hài như Nghêu, Sò, Ốc, Hến (số lượng không nhiều như Tuồng Pho) là do các nhà Nho sống trong dân gian sáng tác, lấy đề tài trong cuộc sống đời thường và để diễn cho dân chúng xem. Chính vì thế, vở Tuồng Nghêu, Sò, Ốc, Hến lúc nào cũng làm say lòng công chúng và sống mãi với thời gian… Nhân vật Hến có phần đặc biệt hơn cả. Tất cả những người lấy tên Hến của Làng Đào Kép đều là con nhà khá giả nhưng sau khi trải qua vài lần gia đình đổ vỡ, vài cuộc tình ngang trái, éo le thì đều bỏ nhà ra ở riêng và sống độc thân với nghề Cầm đồ. Thời nào cũng vậy, lúc thịnh cũng như lúc suy, nghề Cầm đồ tuy có lên bổng xuống trầm nhưng không bao giờ mất đi mà luôn tồn tại dai dẳng, thiên hình vạn trạng. Nhân vật Hến trong Truyện ngắn này còn có một điểm đặc biệt là một cô gái xinh đẹp, quyến rũ vào loại “Chuẩn”, tức không chê vào đâu được. Ngoài nhan sắc Trời cho, Hến còn được thừa hưởng của người mẹ năng khiếu diễn Tuồng, nhất là khi vào vai Đào Lẳng thì người xem bị cuốn hút tuyệt đối! Tuy Làng Đào Kép không còn hành nghề diễn Tuồng nhưng thỉnh thoảng Hến vẫn cùng với vài người tập hợp lại thành một Đoàn, diễn vài trích đoạn Tuồng nếu như đâu đó yêu cầu!...

Tiếng cười ở đoạn trích Mắc mưu Thị Hến còn có ý nghĩa với cuộc sống hôm nay bởi đây là vở tuồng hài dân gian, tiếng cười trong vở kịch đem lại ý nghĩa to lớn, giúp chúng ta thêm vui, giải trí và cũng đề lại cho chúng ta những bài học đáng suy ngẫm trong cuộc sống.

Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch (mẫu 2)

Trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùa là một trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật chèo nói riêng và của nghệ thuật kịch hát Việt Nam nói chung. Sự đặc sắc của Thị Mầu lên chùa là sự đặc sắc đến từ chủ đề, nội dung và hình thức nghệ thuật biểu hiện.

Cái hay trong chủ đề của trích đoạn Thị Mầu lên chùa nằm ở chỗ, Thị Mầu đã say mê và tìm cách ve vãn tiểu Kính Tâm. Nghĩa là, giữa lề lỗi, lễ giáo phong kiến đè nặng lên người con gái, lại có một Thị Mầu dám khát vọng và thể hiện tình yêu của mình ra bên ngoài. Thị Mầu chính là một sự đặc sắc, sự đối lập với Thị Kính. Cái hay nữa ở đây là, Thị Mầu lại đi thích tiểu Kính Tâm! Thật ngược đời, tréo ngoe. Nhưng dù tréo ngoe như vậy thì trích đoạn này cũng tràn đầy sự vui vẻ, đặc sắc so với những màn khác trong vở chèo Quan âm Thị Kính. Quan điểm của tác giả dân gian, như một cách để cởi trói cho người phụ nữ trong lễ giáo phong kiến, khỏi những lề lối của vòng cương tỏa, đã được gửi gắm qua những câu nói của Thị Mầu: "Bỏ mô Phật đi!", "Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn/ Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ!".

Nét đặc sắc trong hình thức nghệ thuật của trích đoạn này được thể hiện rõ nhất chính là ở sự biểu hiện. Nói cách khác là nghệ thuật sân khấu. Nếu chỉ soi xét về kịch bản của Thị Mầu lên chùa, ta sẽ thấy được những điểm đáng chú ý. So với nghệ thuật Tuồng, ngôn ngữ trong Chèo dễ hiểu hơn, gần gũi với tiếng nói của nhân dân. Đó là những lời nói, điệu hát mà có thể sử dụng, chèn thêm được cả lục bát, mang nặng tâm tình người Việt:

"Muốn rằng cây cải cho xanh

Thài lài, rau dệu tám thành bờ tre

Lắng tai tôi nói cho mà nghe

Tri âm chẳng tỏ tri âm

Để tôi thương vụng nhớ thầm sầu riêng!"

- "Lẳng lơ đây cũng chẳng mòn

Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ!"

Cái hay của chèo còn khác biệt với kịch nói ở chỗ đó là có những tiếng đế. Tiếng đế này là sự tương tác của khán giả, là một sự cộng hưởng, cùng tác giả. Giới hạn giữa sân khấu và khán giả ở đây bị thu hẹp. Trong khi đó, ở kịch nói mà cụ thể là ảnh hưởng từ phương Tây, khán giả không được quyền lên tiếng, đồng sáng tạo với vở kịch diễn. Điều này cũng đã được thể hiện trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa.

Có thể thấy, những nét đặc sắc trong nghệ thuật chèo đã được thể hiện khá rõ trong trích đoạn Thị Mầu lên chùa. Những sự đặc sắc ấy đến từ chủ đề nghe có phần trái ngược (một cô gái đi ve vãn chú tiểu), đến từ sự biểu hiện của loại hình kịch hát. Kịch nói là sự ảnh hưởng, du nhập của phương Tây trong quá trình hiện đại hóa văn học, nghệ thuật ở Việt Nam. Thế nhưng, kịch hát vẫn có những hấp dẫn riêng, không chỉ vì đó là cái truyền thống, mà còn ở chính nghệ thuật của nó.

Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch (mẫu 3)

Xã trưởng - Mẹ Đốp là đoạn trích được trích từ vở chèo Quan Âm Thị Kính, bằng ngôn ngữ đực trưng của chèo và các vai nhân vật, người đọc thấy được cuộc trao đổi giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, thông báo cho cả làng biết tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng. Qua đó thấy sự phê phán đối với những tầng lớp chức dịch như xã trưởng nhưng lại có tính trêu ghẹo, đùa cợt người khác, ham sắc và khinh người, tự cao và không có đạo đức.

Mở đầu đoạn trích là thông tin Thị Mầu mang thai khi chưa có chồng, bị rêu rao khắp làng xóm và bị phạt. Thông tin hết sức ngắn gọn được xã trưởng nêu lên để triệu tập bố Đốp ra làm việc. Thông tin ấy phần nào thể hiện xã hội cổ hủ, lạc hậu xưa với những giáo điều, quy định khắt khe.

Soạn bài Xã Trưởng – Mẹ Đốp | Hay nhất Soạn văn 10 Chân trời sáng tạo

Tiếp theo là màn đối đáp giữa xã trưởng (người quản lí xã) với mẹ Đốp (vợ của người mõ làng) về việc đi rao mõ, các màn kịch lần lượt được hiện lên. Đầu tiên là màn kịch phơi bày bộ mặt gian trá, dốt nát, kém hiểu biết của xã trưởng, sự tinh lanh, nhanh nhẹn hoạt ngôn của mẹ Đốp: “Một mình tôi cả xã ngóng trông/ Điều phải trái tôi nay trước bảo”. Rồi khi mẹ Đốp đọc thơ, xã trưởng cũng lấy làm hay thì mẹ Đốp bảo thầy chép về mà treo…

Tiếp đó là màn kịch của một tên háo sắc, nhũng nhiễu dân lành. Đường đường là người đứng đầu một làng một xã, lẽ ra phải là người ăn nói chỉn chu, lịch sự nhã nhặn với dân. Nhưng không, xã trưởng ở đây ngang nhiên gạ gẫm dân lành “nhà Đốp lớp này coi ra bảnh gái dễ coi lắm nhỉ… hôm nào mát trời tao sang gửi một đứa nhỉ”. Những ngôn ngữ “bảnh gái, gửi đứa” chỉ phù hợp với lứa trẻ đang tán tỉnh, trêu đùa nhau, không hề phù hợp với người cán bộ, người đứng đầu.

Và màn kịch cuối là màn kịch sử dụng ngôn ngữ đối thoại của hài kịch để khắc hoạ nổi bật tính cách của các nhân vật, cùng với sự dẫn dắt mâu thuẫn khéo léo, bất ngờ, hành động giàu kịch tính. Yếu tố hài hước được tạo nên từ những thủ pháp như sử dụng từ đồng âm ''bằng'' (Bố cháu trẩy tỉnh lĩnh bằng rồi ạ/ Làm cái thứ mõ thì bằng với sắc cái gì/ Bố cháu cắp tráp theo hầu cụ Bá lên tỉnh lĩnh bằng rồi”); sử dụng âm vận “ôi” (Thánh đế lên ngôi/Chẳng giấu gì mẹ đốp là tôi; giấy quan về là phải báo với tôi/ tôi chưa ra là làng chửa được ngồi)… cùng những từ ngữ dân dã, xưng hô xuồng xã: con mẹ Đốp, con này, bảnh gái, mộc đạc… Qua đó nhân vật hiện lên rõ nét: mẹ Đốp là nhân vật nhân vật hài hước, gây cười, là người nhanh nhẹn, hoạt bát, mồm năm miệng mười. Còn xã trưởng là người tự hào khi mình được chọn làm lí trưởng, ra oai với dân làng, khinh bỉ, coi thường những người có địa vị thấp kém hơn mình. Sự xuất hiện hai nhân vật đối lập trong kịch bản chèo: giúp thể hiện rõ tư tưởng, triết lí dân gian bởi lời nói cử chỉ của nhân vật vừa gây cười nhưng rất thâm thúy, sâu sa, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật chèo truyền thống. Xây dựng xung đột kịch lôi cuốn, hấp dẫn. Xây dựng nhân vật tiêu biểu, đại diện cho giai cấp tầng lớp trong xã hội (xã trưởng- quan lại kém hiểu biết, lố lăng háo sắc; mẹ Đốp- nông dân khéo ăn khéo nói). Những làn điệu chèo phù hợp, giúp diễn tả tâm trạng, tính cách nhân vật. Nhân vật mang tính quy ước, thiện – ác phân chia làm hai tuyến rõ ràng. Qua việc xây dựng nhân vật và xung đột kịch hấp dẫn góp phần thể hiện văn hóa dân gian, thể hiện rõ tư tưởng của tác giả dân gian.

Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch (mẫu 4)

Các loại hình nghệ thuật truyền thống luôn mang sức hút rất riêng đối với nhiều thế hệ. Có thể kể đến chèo, tuồng, hát xẩm,... Chúng là phương tiện hiệu quả để đưa con người đến gần hơn với văn học. Rất nhiều bài học đạo đức giá trị cũng từ đó được truyền tải một cách sống động và hiệu quả hơn. Một trong số những vở chèo nổi tiếng nhất phải kể đến là "Thị Mầu lên chùa" (trích "Quan Âm Thị Kính"). Kịch bản chèo kinh điển này đã đem đến cho người đọc cái nhìn, sự đánh giá về người phụ nữ trong xã hội phong kiến xưa.

Đầu tiên, có thể thấy tác phẩm đã hướng đến đề cao sự trong sạch, chuẩn mực của người phụ nữ, đồng thời phê phán thói lẳng lơ, phóng túng, đi ngược lại những giá trị đạo đức tốt đẹp xã hội đề ra. Có thể thấy rất rõ tư tưởng đó qua hình tượng hai nhân vật Kính Tâm và Thị Mầu.

Thị Mầu vốn là con gái phú ông - một xuất thân có thể gọi là cao quý thời đó. Thế nhưng, nàng ta lại đại diện cho sự nổi loạn, đi ngược với giá trị đạo đức tốt đẹp mà xã hội đề ra. Ở nơi đình, chùa thiêng liêng, Mầu vẫn buông được lời chọc ghẹo, ve vãn, tán tỉnh chú tiểu. Thậm chí, thị còn xông ra nắm tay để bộc lộ tình cảm với Kính Tâm, khiến Kính Tâm phải chạy. Ta cũng dễ nhận ra được quan niệm tình yêu rất "lệch chuẩn", phóng khoáng của Mầu qua câu hát trêu ghẹo: "Thầy như táo rụng sân đình/Em như gái rở, đi rình của chùa", "Ấy mấy thầy tiểu ơi!/Song đứng trước cửa chùa/...Trúc xinh trúc mọc sân đình/Em xinh em đứng một mình chẳng xinh!". Những chi tiết ấy đã vẽ nên một hình tượng nhân vật nữ mới lạ, nổi loạn trong xã hội phong kiến khắt khe lúc bấy giờ.

Trái lại, Kính Tâm vốn là con gái của một nông dân nghèo, được giả vào gia đình khá giả. Tuy nhiên biến cố xảy ra khiến nàng Thị Kính phải giả trai, xin vào chùa tu hành. Với vẻ đẹp thanh tú, điềm đạm, "đẹp như sao băng", nàng đã thu hút được sự chú ý của con gái phú ông. Trước những lời ong bướm cùng hành động sỗ sàng của Thị Mầu, Kính Tâm vẫn một mực giữ phép tắc. Lời nói của nàng chuẩn chỉnh, hành động thì đường hoàng, ngay thẳng. Tất cả đã tạo nên hình tượng một con người nề nếp, gia giáo, đại diện cho những người phụ nữ đức hạnh.

Qua sự đối lập trong tính cách, hành động đó, ta thấy được rõ ràng thái độ khen - chê mà tác giả hướng tới nhân vật. Sự trái ngược trong cái nhìn về đào thương và đào lẳng cũng góp phần đẩy câu chuyện phía sau lên cao trào. Thị Mầu chính là đại diện cho người phụ nữ nổi loạn còn Thị Kính đại diện cho người phụ nữ đức hạnh, thanh cao. Càng phê phán, chê trách Thị Mầu bao nhiêu, ta lại càng thêm đồng cảm và trân quý Kính Tâm bấy nhiêu.

Tác phẩm thành công không chỉ về nội dung chủ đề mà còn về cả mặt nghệ thuật. Với những kịch bản chèo, nhân vật chủ yếu sẽ được khắc họa qua lời thoại và hành động. Ở đoạn trích "Thị Mầu lên chùa", ta thấy chủ yếu là lời thoại của Thị Mầu. Nó thể hiện sự sỗ sàng, không kiêng nể của người phụ nữ phóng túng, lẳng lơ. Trong khi lời của Kính Tâm xuất hiện rất ít, thưa thớt, mang đến cảm giác điềm tĩnh, mực thước, thậm chí có chút né tránh. Cùng với tiếng đế được chèn xen kẽ, người đọc dễ dàng cảm nhận rõ hơn về những điều phải - trái, đúng - sai đang diễn ra. Tác phẩm đã sử dụng chất liệu ca dao thân thuộc, kết hợp cùng những biện pháp tu từ so sánh, điệp ngữ. Nhờ đó, nó lại càng dễ dàng đi vào trong trí nhớ của người đọc.

Với những yếu tố nghệ thuật đặc sắc như vậy, đoạn trích đã làm nổi bật lên mâu thuẫn hay chính là sự khác biệt giữa hai nhân vật nữ. Cái nhìn, sự đánh giá của tác giả cũng như của chính người đọc được thể hiện hết sức rõ ràng qua rất nhiều tiếng đế. Nhờ vậy mà tác phẩm kịch trở nên thu hút, gây tò mò hơn cho độc giả ở mọi thế hệ. Và đến khi vở chèo được diễn xướng, đưa lên sân khấu, nó sẽ càng trở nên hấp dẫn hơn đối với người xem. Tất cả đã góp phần giúp nâng cao giá trị tác phẩm, làm giàu và làm đẹp cho kho tàng nghệ thuật truyền thống của dân tộc.

Đoạn trích "Thị Mầu lên chùa" tuy chỉ là một phần của tác phẩm gốc "Quan Âm Thị Kính" nhưng đã thể hiện rất rõ quan điểm, thái độ của dân gian về người phụ nữ. Ngày nay, xã hội đã phát triển và hội nhập với thế giới. Quan niệm về tình yêu của con người cũng đã thay đổi, không còn quá khắt khe như trong thời phong kiến. Tuy vậy ta vẫn cần giữ cho bản thân những đức tính tốt đẹp, nghiêm chỉnh, chuẩn mực của người phụ nữ phương Đông. Ta có thể thoải mái thể hiện mình, bày tỏ tình yêu, sự thích thú, chỉ cần nó không đi ngược lại các quy chuẩn đạo đức chung mà cộng đồng đề ra.

Phân tích, đánh giá chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của một màn kịch (mẫu 5)

Chèo là một trong những hình thức nghệ thuật truyền thống vô cùng nổi tiếng của dân gian Việt Nam ta. Sự sâu sắc mà không kém phần giản dị của nó đã mang đến cho người đọc, người nghe vô số bài học sâu sắc. Trong số đó, em rất ấn tượng với kịch bản chèo "Huyện Trìa xử án". Tác phẩm đã bày tỏ rõ ràng thái độ phê phán với những tên tham quan trong xã hội phong kiến xưa.

Trước hết, phải xét đến những nguyên nhân làm nảy sinh mâu thuẫn giữa các nhân vật. Nếu nói về lí do trực tiếp của vụ kiện cáo thì đó là do Thị Hến mua tài sản mà Ốc và Ngao trộm cắp được từ nhà phú hộ Trùm Sò. Vợ chồng Trùm Sò biết được, có cả tang chứng vật chứng nên đã kiện cáo lên quan trên, mong đòi lại được công bằng. Tuy vậy, ẩn đằng sau vụ xét xử xằng bậy kia là sự mâu thuẫn trong chính những người thực thi công lí. Huyện Trìa là quan tri huyện - một người quyền cao chức trọng với sự đầy đủ, dư dả về tiền tài, của cải. Thế nhưng lão lại có đời sống gia đình không hạnh phúc với mụ vợ nóng nảy, hay ghen tuông. Hay cả ngay trong chính mối quan hệ của lão với thân tín Đề Hầu cũng là sự "bằng mặt không bằng lòng".

Đến với diễn biến của cuộc xét xử, khi Đề Hầu bẩm báo về vụ việc, Huyện Trìa đã nhận xét Đề Hầu là tên hay nói xằng nói bậy: "Đã biết mặt lão Đề hay nói bậy". Hắn miêu tả Đề Hầu với ý châm biếm, chê bai: "Lưng cù chầy hình khéo bơ sờ/Mồm xà cáng vinh râu ngoe ngoét". Chi tiết này khiến cho mối quan hệ tôi - tớ bất ổn được bộc lộ ra một cách vô cùng rõ ràng.

Đến khi nghe lời Thị Hến kêu oan và thấy cách xử án của Huyện Trìa, độc giả lại càng thấy rõ hơn sự thối nát của bộ máy quan lại cũng như những bất công mà nhân dân phải chịu đựng. Thị Hến vốn là kẻ có tội nhưng trước mặt quan thì lại đi kêu oan. Dù tang chứng vật chứng rành rành nhưng mụ vẫn ăn không nói có, thậm chí còn lấy hoàn cảnh của bản thân ra để lấy sự thương hại. Khi biết quan có ý với mình, mụ ta lợi dụng luôn điều đó, hùa theo thói đê tiện của Huyện Trìa để trục lợi cho bản thân. Nhưng một người thực thi công lí như quan tri huyện mới là kẻ thực sự vô lại. Thấy Thị Hến góa chồng, hắn lập tức nổi thói trăng hoa. Miệng hắn thì bảo sẽ "xử phân thuận lí" nhưng thực chất lại đưa ra phán quyết xằng bậy. Thấy Thị Hến đồng thuận với mình, Huyện Trìa lập tức đổi trắng thay đen, buộc tội vợ chồng Trùm Sò "Ỷ phú gia hống hách/Hiếp quả phụ thân cô". Từ đó, kẻ có tội thì thoát, người kêu oan đành chịu. Đến thân tín của hắn là Đề Hầu cũng nhận thấy cách xử án này là vô lí: "Mụ đà nên tệ/Ông Huyện cũng xằng" nhưng ngoài mặt thì vẫn xu nịnh, đồng tình, định bụng về mách với mụ huyện. Tất cả đã vẽ ra bức tranh chân thực và trần trụi nhất về một xã hội phong kiến ngập tràn bất công với những tên tham quan ô lại.

Tác phẩm cũng thể hiện sự xót thương, đồng cảm với vô số con người thấp cổ bé họng khi xưa, được đại diện bởi vợ chồng Trùm Sò. Kết thúc phiên xét xử, Thị Hến thắng kiện. Vợ chồng Trùm Sò không chỉ không lấy lại được của mà còn bị vu oan, giáng tội, phải ngậm ngùi chấp nhận phán quyết bất công: "Trời cao kêu chẳng thấu/Quan lớn dạy phải vâng/Cúi đầu tạ dưới sân/Xin lui về bổn quán". Sự bất lực, nhịn nhục của họ được thể hiện vô cùng rõ ràng, khiến người đọc càng xót xa hơn cho những con người nhỏ bé, "thân cô thế cô" trong một xã hội đầy rẫy bất công.

Thành công về nội dung của tác phẩm còn đến từ nghệ thuật xây dựng cốt truyện chặt chẽ và đầy ý nghĩa. Các nhân vật được khắc họa chủ yếu qua lời nói và hành động, giúp người đọc tự cảm nhận và đánh giá được về tính cách, con người của họ. Bức chân dung những tên tham quan ô lại hiện lên càng chi tiết, rõ ràng, mang đến cái nhìn rõ nét hơn cho người đọc. Ở đây, ta dễ dàng thấy được nghệ thuật châm biếm sâu cay: một ông tri huyện quyền cao chức trọng nhưng lại hèn nhát, sợ vợ; người thực thi công lí nhưng không làm theo luật, chỉ luận tội bằng cảm tính; tình huống xử án tréo ngoe; kết quả xét xử bất công;... Vị thế đối lập của những tên quan lại, người đàn bà góa bụa tâm cơ gian xảo với hai vợ chồng Trùm Sò không quyền không thế cũng được khắc họa rõ nét qua những lời thưa gửi, phán xử. Nhờ đó, sự mục rỗng của xã hội phong kiến hiện lên hết sức chân thực. Không chỉ có vậy, ngôn ngữ giản dị, gần gũi cũng là một yếu tố quan trọng làm nên thành công của tác phẩm. Một câu chuyện hay với cách truyền đạt uyển chuyển, dân dã rất dễ dàng đi sâu vào lòng độc giả. Nó khơi gợi sự đồng cảm mạnh mẽ, đồng thời khiến cho trải nghiệm đọc của ta thêm mới mẻ, ý nghĩa hơn.

Với những đặc sắc về cả nội dung và nghệ thuật, "Huyện Trìa xử án" đã thành công mang lại cái nhìn chân thực nhất cho người đọc về thực trạng của xã hội phong kiến xưa. Ngày nay, trong xu hướng hội nhập với nhiều văn hóa mới từ nước ngoài, những loại hình nghệ thuật dân gian vẫn giữ nguyên được vị thế của mình. Bằng vô số bài học đạo đức quý giá, chèo đã và đang được bảo tồn, phát triển để phù hợp hơn với xu thế chung, đem lại giá trị tốt đẹp cho con người.

1 3,323 07/10/2024
Tải về


Xem thêm các chương trình khác: